Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ trương hay thói quen ?

Từ mấy chục năm qua, cứ dịp Tết đến Xuân về thì người dân cả nước, từ thôn quê cho đến thành thị đều thấy những băng rôn, khẩu hiệu "Mừng Đảng, mừng Xuân" treo khắp nơi, từ phố phường, cơ quan công quyền, bệnh viện, trường học…

xuan1

Một nông dân trồng hoa đào ở ngoại ô Hà Nội. AFP

Mấy năm gần đây giới trí thức bắt đầu lên tiếng về việc tại sao để Đảng trước Xuân, và năm 2016, trên trang báo điện tử của Đảng cộng sản có bài viết ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’. Khẩu hiệu năm đó được thay bằng ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’.

Người dân có lẽ đã khấp khởi mừng thầm rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe, và từ nay họ không còn phải thấy khẩu hiệu chướng mắt mừng đảng rồi mới tới mừng Xuân nữa. Nhưng chỉ được một năm, đến mùa Xuân 2017 thì mọi việc trở lại như cũ.

Ông Trần Bang, một người dân Sài Gòn cho rằng việc đặt đảng lên trên hết là đã có chủ trương từ mấy chục năm qua :

"Mình không biết trong nội bộ như thế nào nhưng theo cảm nhận của tôi thì từ những năm 1970 đã có bài hát "đảng đã cho ta một mùa Xuân". Rõ ràng họ có chủ trương xuyên suốt từ ngày xưa, từ thời ông Tố Hữu đã cho rằng đảng là đẹp hơn tất cả so với đất trời, so với đất nước. Có lẽ đó là chủ trương tuyên truyền trong bộ máy tuyên giáo của đảng từ ngày xưa tới bây giờ vẫn giữ như vậy".

Giáo sư Hoàng Dũng từ Sài Gòn thì lại nhận định không có chủ trương gì hết mà tất cả là do một chế độ độc đảng toàn trị, nên cái gì cũng có bóng dáng của đảng, kể cả tự nhiên, thiên nhiên. Đó là cái nếp tư duy mà sau này càng lúc người dân càng thoát ra khỏi cái tư duy đó, bởi người ta thấy nó kỳ cục, nhưng với nhà cầm quyền thì khó mà thay đổi được cái tư duy đã ăn quá sâu :

"Thực ra cũng chẳng có một cái chủ trương, một cái quyết định hay một cái văn bản gì bắt phải đặt đảng trước hay Xuân trước đâu. Tôi tin như thế. Chẳng qua là cái nếp nghĩ đảng là toàn diện nó ăn sâu rồi. Nếu có thay đổi thì mấy hôm sau nó lại trở lại. Khó mà thay đổi được. Cái quan trọng là người dân càng lúc họ càng thấy buồn cười. Cái đầu óc nào mà cứ gắn như thế thì chỉ làm cho người ta cười thôi".

Còn với Giáo sư Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội thì cái tư duy đảng trên hết là tư duy mà theo ông là của ‘kẻ cướp’ :

"Đảng luôn luôn giành lợi ích dân tộc đem về cho mình, kể cả giành xương máu của nhân dân, của đồng bào về để tô son vẽ phấn cho đảng. Tức là đảng không phải là người đem lại quyền lợi cho dân tộc, mà bắt dân tộc hy sinh đổ xương đổ máu để tô điểm cho cái gọi là vinh quang hão của đảng".

Xuân phải trên Đảng

xuan2

Công nhân chăm sóc hoa trang trí Tết 2018 cho thành phố Hà Nội. AFP

Kể từ khi ra đời vào năm 1930, đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) là đảng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức được công bố thì Đảng cộng sản Việt Nam là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Tuy ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng Đảng cộng sản Việt Nam được nhà cầm quyền đặt trên cả đất nước, cả thiên nhiên của Đất Trời. Giáo sư Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng từng nhận định với RFA :

"Chuyện này không hợp lý và nhiều người cũng đã nói rồi. Thí dụ như Xuân là Xuân của Đất Trời. Xuân về là vạn vật đâm chồi, nảy lộc. Và con người là một sinh vật rất nhỏ bé được tạo hóa ban ơn. Lẽ ra mỗi buổi sáng mở mắt ra là chúng ta phải cảm tạ Thượng Đế. Như vậy thì đầu năm, chúng ta phải mừng Xuân trước rồi mới mừng đất nước, rồi sau đó là cái gì nữa thì nó mới hợp lý, theo lẽ thường tình".

Có một sự trùng hợp là ngày thành lập đảng lại gần vào dịp Tết nên sinh nhật đảng đôi khi lại trùng vào ngày Tết, thế nên mừng đảng và mừng Xuân hay đi cùng.

Vào năm 2011, ngày thành lập đảng lại rơi đúng vào mùng một Tết Tân Mão. Trong cuộc trò chuyện với VTCNews, nhà báo Hữu Thọ lập luận rằng với những kỳ tích mà Đảng cộng sản Việt Nam đã làm được trong hơn 80 năm lãnh đạo nhân dân thì việc gắn Đảng với mùa xuân không có gì là lạ, nhưng ông thừa nhận khẩu hiệu "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước" là không hợp lý mà nên sắp xếp lại thành "Mừng Xuân, mừng Đất nước, mừng Đảng".

Ông lý luận rằng khi Tết đến Xuân về, theo lẽ tự nhiên, mỗi người sống trong nhân gian phải mừng Xuân mới trước, sau đó, với tư cách là một công dân của một tổ quốc thì phải mừng Đất nước. Cuối cùng mới là mừng Đảng.

Trong một lần trò chuyện với RFA về chuyện đặt Đảng trên Xuân, nhà văn Phạm Đình Trọng cho rằng làm như vậy là lố bịch, không còn biết đến Trời Đất, không còn biết đến lẽ phải, nếu không muốn nói đây là một sự ngang ngược của người cộng sản. Ông kết luận :

"Tất nhiên là không đúng rồi bởi vì thiên nhiên của đất nước. Thiên nhiên thì đã có từ khi khai thiên lập địa rồi ; đất nước thì cũng đã có ngàn tuổi rồi. Còn đảng thì mới có mấy chục năm.

Một thời đảng quá hợm hĩnh, quá ngạo mạn, tự đề cao mình như thế. Đây là cái mà có lẽ đến bây giờ nó vẫn chưa chấm dứt, và kéo dài kể từ khi xuất hiện người cộng sản đến giờ. Việc tự cho mình là cứu đất nước, mang mùa Xuân đến cho "dân tộc, rồi "mừng đảng, mừng Xuân", tức cái gì cũng đều đưa đảng lên trên cả. Đấy là một sự ngang ngược, ngạo mạn của người cộng sản".

Một trong những điều mà mỗi đảng viên Đảng cộng sản phải có trách nhiệm thực hiện là phải tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng. Nhưng với Giáo sư Hoàng Dũng thì những lời tuyên truyền hay các khẩu hiệu ngày càng ít tác dụng, bởi cuộc sống người dân ngày càng khốn khó, từng ngày chứng kiến những chuyện trái tai gai mắt, những hành xử coi thường pháp luật của chính quyền, dù rằng pháp luật cũng không hoàn thiện, khiến tất cả những câu ca ngợi đảng thành ra mỉa mai và những câu khẩu hiệu càng ngày càng ít tác dụng.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 25/01/2019

Published in Diễn đàn

Tinh giản biên chế là cụm từ được truyền thông trong nước nói đến nhiều từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020.

bienche1

Một thành viên của phái đoàn Việt Nam ngủ gật tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 25 tháng 9 năm 2018. AFP

Trọng tâm của chương trình là cải cách thể chế ; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao ; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019 vào sáng 15/1/2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.000 biên chế hưởng lương.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nhận định con số 44.000 thực ra rất khiêm tốn so với con số mà Nhà nước dự định giảm cho đến năm 2020, và còn nhỏ hơn nữa so với con số biên chế hiện nay ở Việt Nam. Ông cho rằng việc giảm biên chế là đúng vì nhân sự quá nhiều, quá tốn ngân sách Nhà nước mà làm việc không hiệu quả :

"Lý do để giảm biên chế, thứ nhất là số lượng công chức viên chức đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần 3 triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội. Hiện tượng bộ máy công chức ngồi chơi xơi nước chiếm một tỷ lệ rất cao. Đã có những con số ước đoán ngay trong nội bộ đưa ra ước đoán khoảng 1/3 số công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về và vẫn lãnh lương.

Lý do thứ hai là tỷ lệ chi lương cho bộ phận công chức viên chức là quá cao, hiện chiếm tới khoảng 74% tổng chi ngân sách, trong khi ở các nước con số này chỉ khoảng 50%. Như vậy đây là tỷ lệ rất cao và gây ra phản ứng phẫn nộ của người dân với việc người dân phải nai lưng ra đóng thuế để nuôi một đội ngũ ăn không ngồi rồi và chẳng được tích sự gì cả".

Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, cũng có cùng nhận định :

"Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được".

Liệu có khả thi ?

Mục đích của mọi cuộc tinh giản biên chế từ bao nhiêu năm nay được cho là nhằm tạo ra được bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả với số lượng nhân sự phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Ngay khi đưa ra chương trình tinh giản biên chế 8 năm trước, Chính phủ cũng xác định đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ mục tiêu này của Chính phủ. Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu lên ý kiến của mình với RFA rằng, việc này không dễ dàng thực hiện vì sẽ thừa ra rất nhiều lãnh đạo :

"Thu gọn lại thì ảnh hưởng đến chức vụ. Thí dụ trước đây có ba, bốn cấp trưởng, năm, sáu cấp phó. Bây giờ chỉ còn một cấp trưởng, hai cấp phó thì không dễ dàng thực hiện được… Lâu nay trên Diễn đàn Quốc hội và trong dư luận cũng ca thán là bộ máy cồng kềnh, thuế lại nuôi bộ máy đó, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ hai, bộ máy cồng kềnh làm cho hiệu quả phục vụ nhân dân giảm sút".

Không có gì cải thiện

Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế đầu năm 2016, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Tổ chức biên chế thuộc Bộ Nội vụ cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm 2016, có trên 9.000 công chức, viên chức bị tinh giản biên chế. Phần lớn số người tinh giản được hưởng chính sách về hưu trước tuyển, một số cho thôi việc ngay.

Với kế hoạch giảm 44.000 biên chế trong năm 2019 được Nhà nước đưa ra, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tỏ ra không tin việc này sẽ thành hiện thực. Ông lấy "thành tích" đạt được trong giai đoạn giảm biên chế từ 2011 đến 2015 để dẫn chứng :

"Năm 2016 khoe khoang thành tích giảm ba ngàn công chức trong tổng số ba triệu công chức. Nhưng thực tế giảm được ba ngàn công chức thì lại tăng 123 ngàn viên chức, cũng là biên chế nhà nước.

Công chức thì thuộc khối quản lý nhà nước và viên chức thì thuộc khối sự nghiệp có thu, tức là những đơn vị thuộc các bộ ngành trung ương mà có hoạt động công ích hoặc hoạt động kinh doanh nhưng không phải là đơn vị doanh nghiệp độc lập. Nhìn vào thành tích như vậy để thấy là không có gì cải thiện. Đó là giai đoạn từ 2011 đến 2016".

Ông cho rằng ở Việt Nam, chuyện ‘nước chảy chỗ trũng’ hay ‘đánh bùn sang ao’ là cực kỳ phổ biến, và mối quan hệ chằng chịt giữa các quan chức với nhau và người nhà quan chức đã sinh ra tình trạng chạy ghế quan chức, và khi giảm biên chế thì xin chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Cuối cùng là chẳng giảm được ai cả.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo ban này, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ban hành ngày 17/4/2015, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra kết luận về việc Nhà nước tiếp tục đưa ra kế hoạch tinh giản biên chế cho năm 2019 :

"Tất cả những điều đó chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy hành là chính".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 17/01/2019

Published in Diễn đàn

Tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Mốc thời gian này không còn bao xa và một thành phần quan trọng trong lĩnh vực tư pháp là người luật sư đến nay được nhìn nhận thế nào ?

luat1

Một phiên tòa xử người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. AFP

Cải cách chậm và chưa thực chất

Nhận xét về việc cải cách tư pháp khi chỉ còn một năm nữa là cán mốc theo nghị quyết năm 2005, nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng diễn tiến của cải cách tư pháp so với diễn tiến của xã hội là quá chậm. Ông dẫn lời ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từng nói là ‘bây giờ người dân không tin vô quyết định gì của chính quyền hết’, vậy thì quyết định của tòa án người dân cũng không tin.

Luật sư Phạm Công Út, người từng lên tiếng tố cáo thẩm phán và chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bị xóa tên khỏi danh sách luật sư đồng thời thu hồi thẻ luật sư vào năm ngoái nhận định về việc cải cách tư pháp :

"Theo tôi thì cải cách tư pháp là do Việt Nam phải ký kết với các quốc gia khác cho luật pháp phải tương đồng để các quốc gia khác có thể bảo vệ công dân của họ ở Việt Nam, cũng như Việt Nam có thể bảo vệ công dân mình ở nước khác.

Ngày xưa tôi là thẩm phán, và khi tập huấn thì thẩm phán Hoa Kỳ có nói với các thẩm phán Việt Nam qua phiên dịch rằng, Việt Nam muốn hội nhập với thế giới thì phải hội nhập luôn cả luật pháp".

Với luật sư Minh Thọ ở Sài Gòn thì vai trò của luật sư trong nền tư pháp hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1/1/2018, có một số thay đổi tiến bộ. Ông dẫn chứng cụ thể Điều 74 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng như sau :

"Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra".

Như vậy, kể cả khi chưa có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra, thì người bào chữa là luật sư được quyền tham gia tố tụng từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra. Luật sư Minh Thọ nêu thêm ý kiến :

"Trên văn bản pháp lý là vậy, nhưng hình như trên thực tế thì hẳn nhiên không phải đơn giản như vậy. Hơn nữa, trình độ kiến thức hiểu biết về pháp luật của người dân chưa cao, họ chưa hiểu được các quyền của mình theo luật định. Vì thế, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân "khi đi trai tráng, khi về bằng cáng (băng ca), thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân "tự tử" ở trụ sở công an vẫn diễn ra".

Liên đoàn luật sư : Cánh tay nối dài của Đảng

Quy định đầu tiên tại Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi năm 2012 thì nhiệm vụ của Đoàn luật sư là ‘Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.’

Vậy thực chất các luật sư được bảo vệ ra sao sau khi nhập đoàn luật sư và đóng phí thành viên để hành nghề ?

Luật sư Võ An Đôn, người bị tước thẻ hành nghề vào năm 2017 vì lên tiếng cho nhân quyền cho RFA biết :

"Theo tôi biết thì đoàn luật sư là một tổ chức độc lập với cơ quan nhà nước nhưng thực tế thì nó cánh tay nối dài của đảng và chính quyền, chịu sự lãnh đạo của hai nơi này cho nên người đứng đầu của các đoàn luật sư là đảng viên. Trên lý thuyết thì liên đoàn luật sư và đoàn luật sư phải bảo vệ các luật sư thành viên của mình trong quá trình hành nghề, nhưng thực tế thì họ chẳng làm được gì hết.

Nếu luật sư nào mà đụng chạm tới các cơ quan tiến hành tố tụng như tòa án, cơ quan điều tra hay viện kiểm sát thì đoàn luật sư không can thiệp bởi vì họ sợ đụng chạm đến chính quyền".

Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh ở Việt Nam không có luật sư độc lập :

"Gia nhập đoàn luật sư là thủ tục bắt buộc đối với bất kỳ luật sư nào, dù hoạt động theo mô hình công ty luật, văn phòng luật sư hay hành nghề theo tư cách cá nhân. Hoạt động theo tư cách cá nhân không đồng nghĩa với việc không phải gia nhập đoàn luật sư nào đó. Nói cách khác, sau khi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, luật sư đó không đương nhiên được hoạt động hành nghề".

Luật sư Minh Thọ cũng cùng ý kiến khi ông cho rằng trong một thể chế không tam quyền phân lập, thì đương nhiên là luật sư khó có thể có vai trò độc lập trong lĩnh vực tố tụng.

Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng điều cần thiết là phải có một tòa án bảo hiến độc lập vì khi sự xét xử vi phạm bộ luật và hiến pháp và có tòa án bảo hiến một cách độc lập, thì lúc đó vai trò của bất kỳ bên nào tham gia tố tụng như chánh án, viện kiểm sát lẫn luật sư đều được bảo vệ. Ở đây không phải chỉ nâng cao vai trò của luật sư mà là nâng cao vai trò của luật và tính hiệu quả của việc thực thi pháp luật.

Vai trò mờ nhạt của luật sư trong các vụ án chính trị

Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định "Vai trò của luật sư trong các vụ án dân sự nhỏ còn có hiệu quả, nhưng những vụ án quy mô càng lớn, ảnh hưởng chính trị của vụ án càng lớn thì vai trò của người luật sư càng nhỏ lại".

luat2

Phiên xử nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh hôm 5/10/2018. AFP

Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước mà RFA ghi nhận được thì những vụ án chính trị, mà trong pháp luật hình sự gọi đó là các tội về ‘xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá nhà nước’…, thì dường như bản án đã có sẵn, nên tiếng nói của luật sư tại tòa chỉ nhằm mục tiêu chứng tỏ dân chủ và minh bạch.

Luật sư Phạm Công Út nhận định trước đây, tất cả diễn ra trong bốn bức tường, nếu thẩm phán không tôn trọng luật sư, mạt sát luật sư không ai biết. Bây giờ thì mọi sự đã khác nhờ có công nghệ thông tin. Ông nói :

"Bây giờ khi luật sư bị xúc phạm mà báo chí lên tiếng là mệt rồi, bởi quy chế của bên ngành tòa án rất khắc nghiệt với những thẩm phán xét xử mà tạo dư luận, tạo điểm nóng. Chính vì những áp lực đó mà họ buộc phải nén lòng, nhưng bản án tuyên thì ngược lại. Khi họ thỏa mãn các yêu cầu của luật sư như triệu tập thêm người làm chứng, triệu tập giám định viên hay thậm chí cả điều tra viên thì họ cũng đồng ý để lộ ra sự thật khách quan diễn ra tại tòa".

Ông nói thêm rằng tòa án tỏ ra tôn trọng luật sư bởi họ sợ dư luận lên án. Họ thỏa mãn tất cả các yêu cầu của luật sư nhưng bản án đưa ra là án bỏ túi, theo nghi vấn của ông.

Còn với Luật sư Võ An Đôn, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án  về tôn giáo, sắc tộc thì cho rằng vai trò của luật sư chỉ là cầu nối thông tin giữa bị can, bị cáo và gia đình cũng như bị can, bị cáo và dư luận thôi :

"Thực tế mà nói thì luật sư Việt Nam chỉ đóng vai trò hình thức để thể hiện tính dân chủ trong các phiên tòa thôi chứ tiếng nói luật sư không ảnh hưởng gì đến việc xét xử hết bởi vì khi xét xử các vụ án chính trị thì các cơ quan nội chính gồm công an, viện kiểm sát và tòa án đã họp và ra một mức án cụ thể. Luật sư có cũng như không mà thôi, trừ khi luật sư chạy án thì có tác dụng".

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong số ít các luật sư tham gia bảo vệ pháp lý cho các nhà bất đồng chính kiến thì khẳng định việc luật sư bị "gạt ra ngoài" trong các vụ án nêu trên thường diễn ra ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên khi luật sư tham gia tố tụng tại tòa thì phần này được giảm xuống :

"Luật sư được hỏi, tranh luận, đối đáp bình thường - việc hạn chế ở đây đó là có (đặc biệt là tỉnh lẻ) nhưng không nhiều - tuy nhiên, những ý kiến của luật sư được lắng nghe tới mức độ nào thì cho tới giờ chưa có số liệu thống kê. Theo quan điểm của riêng tôi là không đáng kể".

Chính quyền Hà Nội nhận được trợ giúp khá nhiều từ các nước khác, nhất là các nước theo hệ thống tam quyền phân lập như Hoa Kỳ. Đảng cộng sản ra nghị quyết về cải cách tư pháp và lãnh đạo Việt Nam luôn tuyên bố đang đi theo chiều hướng dân chủ, tôn trọng Hiến Pháp cũng như qui trình tố tụng để bảo đảm công bằng cho mọi thành phần dân chúng khi phải ‘đáo tụng đình’. Thế nhưng như những trình bày vừa nêu thì khoảng cách giữa tuyên bố cải cách tư pháp và thực tiễn thi hành vẫn còn khá xa.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 04/01/2019

Published in Diễn đàn

Hoàn cảnh ra đời

Bản "Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam" do 100 tổ chức và cá nhân khởi xướng, ra đời đúng 100 năm sau bản "Yêu sách của dân tộc An Nam", do một nhóm người Việt Nam yêu nước soạn thảo và ký bằng cái tên chung là Nguyễn Ái Quấc (Quốc), được gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles ngày 18/6/1919.

yeu1

Công an theo dõi người biểu tình ở Hà Nội vào ngày 10 tháng 6 năm 2018. AFP

Bản Yêu sách của một thế kỷ trước gồm 8 điểm :

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị ;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu ; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam ;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận ;

4. Tự do lập hội và hội họp ;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương ;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật ;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

yeu2

Bản "Yêu sách của dân tộc An Nam " năm 1919 Hình tư liệu

bản Yêu sách 2019 cũng gồm 8 điểm :

1. Trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người thực hiện quyền tự do biểu đạt đã bị Toà án Việt Nam tuỳ tiện quy kết là "gây rối trật tự", "tuyên truyền chống nhà nước", "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân"… ;

2. Cải cách căn bản nền pháp lý để mọi người dân được hưởng các đảm bảo pháp lý như nhau, xoá bỏ những luật và điều luật đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân (như những người biểu tình ôn hoà đòi quyền lợi chính đáng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền đất nước…, những người phản biện chính sách, những người đối lập chính trị…) ;

3. Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, chấm dứt chế độ kiểm duyệt dưới mọi hình thức (bao gồm các quy định kiểm soát thông tin trên mạng) ;

4. Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp ;

5. Đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về ;

6. Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hoá trường học ;

7. Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với hiến pháp. Thực hiện trưng cầu ý dân đối với những luật có tác động lớn đến đời sống của đông đảo người dân và an nguy của quốc gia. Lấy pháp trị thay cho đảng trị (của Đảng Cộng sản), tiến tới phân lập ba quyền : lập pháp, hành pháp, tư pháp.

8. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế "đảng cử dân bầu".

yeu0

 

Bản Yêu sách 2019 được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội và được gửi tới ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam.

Vậy làm sao có sự thống nhất của 100 tổ chức và cá nhân trong việc soạn thảo để ra đời một bản yêu sách như thế, RFA liên lạc với một số cá nhân và tổ chức trong danh sách thì được biết không phải tất cả những tổ chức và cá nhân có tên trên yêu sách đều tham gia soạn thảo, mà do một nhóm người đứng ra soạn thảo qua sự đóng góp ý kiến của một số cá nhân và tổ chức, nhưng tất cả họ đều ký tên vì đồng lòng với bản thảo sau cùng được các nhà trí thức lớn tuổi hoàn thiện.

Nhà báo Võ Văn Tạo, một người trong ban soạn thảo cho biết lý do vì sao chỉ có 100 cá nhân và tổ chức khởi xướng :

"Đáng lẽ hôm nay con số phải hơn 100 nhưng vì kỷ niệm 100 năm nên chọn con số 100 tổ chức và cá nhân. Có những người muốn kéo dài đến 18/6/2019 mới công bố giống như bản yêu sách năm 1919".

Ông nói thêm rằng thực tế thì bản yêu sách năm 1919 không được đưa đến hội nghị Versailles, mà Nguyễn Ái Quốc có đến nhà Ngoại trưởng Pháp, gửi lại cho người vợ. Người Pháp lịch sự nên công bố bản yêu sách tại Hội nghị Versailles là người dân An Nam có một bản yêu sách như thế chứ họ không ỉm đi.

Phó Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng, một người trong ban soạn thảo cho biết không gặp khó khăn gì đáng nói trong việc soạn thảo, và bây giờ vẫn còn những chỉnh sửa nho nhỏ :

"Không có khó khăn gì vì mọi người đều thấy là đáng làm, được sự nhất trí rất cao. Dĩ nhiên là có người chủ trì soạn thảo nhưng đây là công trình tập thể. Chúng tôi trao đổi qua internet nên rất là nhanh. Chúng tôi gửi đến một nhóm anh em góp ý, một người phụ trách tổng kết rồi có người sửa sang văn bản cuối cùng".

Đẩy nhà nước vào thế kẹt

Bản yêu sách nêu rõ việc Nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu sách 8 điểm 2019 về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang ; để từng bước phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

yeu3

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật an ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018. AFP

Liệu bản yêu sách này có đến tay các vị lãnh đạo Nhà nước hay không, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nhận định rằng chắc chắn ban lãnh đạo Nhà nước có bản yêu sách trên bàn làm việc trước khi bưu điện đưa đến, bởi cái này công khai trên mạng, rất nhiều người sao chép, đặc biệt là phía an ninh.

Nhà báo Võ Văn Tạo có cùng nhận định rằng những bản như thế này sẽ đến tay những vị chóp bu của Đcộng sản Việt Nam. Còn việc họ có suy nghĩ, phản ứng như thế nào là một việc khác, nhưng ông nhấn mạnh đó không phải là mục tiêu chính.

"Cái chúng tôi hướng tới là nhà nước Việt Nam, những quan chức cao cấp của ĐCS tiếp thu, dù ít nhưng đây là dịp để nhắc lại cho quần chúng nhân dân Việt Nam biết cái quyền của họ là gì, nhân quyền 100 năm qua đi lên hay đi xuống. Rồi bạn bè quốc tế biết tình trạng nhân quyền Việt Nam là như thế".

Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan nhận định :

"Tôi nghĩ 8 điểm trong bản yêu sách này rất là tiến bộ, nhưng có thực hiện được ở Việt Nam hay không, hay nó chỉ dừng lại ở bản yêu sách thì đó là chuyện mà thời gian sẽ trả lời. Nhưng theo tôi nghĩ thì chắc khó có thể thực hiện được nếu như cộng sản còn nắm chính quyền, bởi vì tất cả những yêu sách ở đây là những điều bao nhiêu năm nay cộng sản không muốn thực thi".

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội thì quả quyết :

"Chắc chắn họ sẽ không thực hiện đâu, nhưng khi những quyền của người dân đang bị xâm phạm, đang bị cướp đi thì yêu sách này là một bản tuyên bố đanh thép đòi hỏi quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, hội họp, đảng phái".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng tất cả mọi người không ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng nhà nước động lòng thay đổi sau khi đọc bản yêu sách. Ông dẫn chứng rằng 100 năm trước, khi Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho một nhóm người đưa ra yêu sách của dân tộc An Nam thì ông cũng không nghĩ rằng các quốc gia sẽ động lòng giúp Việt nam. Nhưng bản thân yêu sách đó ghi một cái mốc trong lịch sử Việt Nam. Người ta viết lịch sử Việt Nam thì thế nào họ cũng phải nhắc đến. Ông cho rằng "những người trong nhóm đó cũng nghĩ đến đồng bào của mình hơn là nghĩ những người cầm quyền. Chúng tôi cũng nghĩ như thế thôi".

Ông nhận định cái yêu sách này nó đẩy Nhà nước vào cái thế kẹt. Cái tính chính danh của Nhà nước bị thử thách. Ông nói :

"Làm thế nào mà lãnh tụ của họ cách đây 100 năm đã đưa ra cái bản yêu sách như vậy và bây giờ bản yêu sách mới bám khá sát với yêu cầu của lãnh tụ Hồ Chí Minh ngày xưa mà lại không đáp ứng. Sau 100 năm đổ xương đổ máu mà kết quả là zero. Mà thà zero ở thời kỳ mà chúng ta nói là chúng ta bị nô lệ do bọn thực dân cầm quyền thì là một lẽ. Bây giờ vẫn còn nguyên zero tám cái yêu sách đó. Chúng ta còn phải đi đòi, mà ta đòi ta. Thành ra chúng ta cai trị chúng ta mà không hơn gì thực dân Pháp cai trị ta cả. Đó là thử thách rất lớn đối với tính chính danh của chính quyền. Tôi nghĩ điều đó là hết sức quan trọng".

Ngoài lãnh đạo Việt Nam hiện nay, những người khởi xướng Bản Yêu sách 2019 còn có đề nghị Liên Hiệp Quốc và các quốc gia đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/12/2018

Published in Diễn đàn

Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên nói gì về tranh chấp đất đai giữa Giáo hội và chính quyền Hà Nội ?

Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên được Tòa thánh La Mã bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng Giám mục Giáo Phận Hà Nội, thay thế Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, người được Giáo hoàng Phan Xi Cô chấp nhận đơn từ chức và cho nghỉ hưu. Quyết định của Vatican được công bố lúc 12 giờ trưa hôm thứ Bảy 17/11/2018, giờ Rome, tức 6 giờ chiều Việt Nam.

Nhân dịp này, Diễm Thi của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn ngắn với tân Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên, về một số vấn đề liên quan Giáo hội Công giáo Việt Nam và mối quan hệ giữa Hà Nội với Vatican.

tgm1

Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa Courtesy of baoconggiao.net

Diễm Thi : Trước hết Diễm Thi xin chúc mừng Giám mục trong vị trí mới là Tổng Giám mục Hà Nội. Thưa Giám mục, thời quan qua thì Giáo hội Việt Nam có những đóng góp gì cho sự phát triển chung của đất nước ạ ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Trước hết tôi xin chào chị và kính chào quý vị thính giả. Trong suốt bề dày lịch sử truyền giáo tại Việt Nam 400 năm thì đóng góp rất là nhiều cho xã hội Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam.

Trước hết phải nói đến chữ viết mà chúng ta có hôm nay là nhờ sự cộng tác của các giáo sĩ người Châu Âu mà các Ngài muốn đem cho chúng ta nền văn minh mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng.

Thứ hai nữa là rất nhiều công việc bác ái và hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực từ thiện và lĩnh vực giáo dục. Trải qua nhiều giai đoạn và bây giờ Giáo hội cũng đang cố gắng để tiếp tục truyền thống ấy. Tuy rằng ở Việt nam thì các nhà dòng và Giáo hội nói chung chỉ có thể có trường mẫu giáo mầm non thôi còn các cấp học cao hơn thì chúng tôi vẫn đang đề nghị với nhà nước và hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể có những trường học để có những hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục.

Diễm Thi : Hoạt động của Giáo hội có gặp sự trở ngại nào từ chính phủ Hà Nội không, thưa Giám mục ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Như tôi vừa nói thì ngành giáo dục chỉ có thể mở lớp mẫu giáo mầm non thôi. Về bệnh viện công giáo thì chúng tôi cũng chưa thể thành lập dù Giáo hội rất là mong muốn. Trong một vài hoạt động tôn giáo thì chúng tôi vẫn còn những hạn chế. Ví dụ Giáo hội với tư cách là Giáo hội thì không được phép mua đất đai để xây dựng nhà thờ hoặc cơ sở tôn giáo. Đó là một trong những hạn chế rất là lớn.

Và nhìn chung thì những hoạt động tôn giáo như tổ chức lễ hay sửa nhà thờ, xây nhà thờ tại những nơi đã có sẵn thì không gặp khó khăn, nhưng những khu đô thị mới mà muốn xây nhà thờ thì chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn. Và một vấn đề lớn khó khăn hiện nay là đất đai của Giáo hội, của các dòng tu mà nhà nước đã công hữu hóa ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975.

tgm2

Tổng giám mục Giuse cùng Đức Hồng Y Phêrô tiến vào Nhà Thờ Chính Tòa. Courtesy of baoconggiao.net

Diễm Thi : Tháng trước, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có gửi một đơn kiến nghị khẩn cấp đến chính quyền Hà Nội phản đối việc xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, là trường Dũng Lạc. Theo Giám Mục thì hướng giải quyết như thế nào ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Ngay hôm nay tôi mới nhận chức tại Hà Nội cho nên tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ vấn đề, nhưng nhìn chung thì với tư cách là một người lãnh đạo Giáo hội thì chúng tôi cũng mong muốn là Nhà nước giải quyết cho chúng tôi những phần đất đai thuộc về Giáo hội.

Và chúng tôi, đương nhiên với tư cách là người lãnh đạo Giáo hội thì chúng tôi cố gắng để bảo vệ tài sản của Giáo hội, bởi vì đó cũng là yêu cầu rất cấp thiết.

Về vụ việc thì tôi chưa nắm rõ bởi hôm nay tôi mới nhận địa phận một cách chính thức, nên tôi chưa thể nói điều gì rõ hơn hay sâu hơn được.

Diễm Thi : Ở Việt Nam có những trường hợp Nhà nước mượn nhà của bên Giáo Hội nhưng lại không trả khi Giáo hội cần. Vậy Giáo hội sẽ phải làm gì, thưa Giám mục ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Trong những lần gặp gỡ các vị đại diện trong chính quyền thì chúng tôi cũng vẫn nói cái điều mà chị vừa nói. Chúng tôi cũng mong muốn làm sao để thể hiện được sự công bằng, bởi vì khi Giáo hội có nhu cầu thì chúng tôi cũng vẫn nhiều lần đề nghị, và chúng tôi hy vọng có sự cảm thông hơn giữa Nhà nước và chính quyền với nhu cầu chính đáng của Giáo hội.

Diễm Thi : Thưa Giám mục, hồi tháng 5, Vatican có cử một tân đại diện không thường trú cho Việt Nam và vị này cũng đã đến Việt Nam. Qua gặp gỡ thì Giám Mục thấy có dấu hiệu tích cực nào giữa Vatican và Việt Nam ạ ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Vị đại diện không thường trú bây giờ là vị đại diện thứ hai, kế nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli. Tôi đã gặp Ngài rồi và tôi thấy đường hướng của Ngài rất cởi mở, rất là gần gũi, và trong các cuộc trao đổi thì đương nhiên những vấn đề nội bộ chúng tôi cũng không được biết rõ nhưng Ngài cũng cho biết có những tín hiệu lạc quan và chúng tôi cũng hy vọng như vậy.

Diễm Thi : Cám ơn Giám mục đã dành thời gian cho RFA. Kính chúc Giám mục và Giáo hội Việt Nam một mùa Giáng Sinh an lành và một năm mới hạnh phúc.

Giuse Vũ Văn Thiên : Tôi cám ơn chị. Tôi xin gửi đến chị và thính giả những lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Một mùa Giáng sinh tràn đầy hồng ân của Chúa, thanh bình và một năm mới hạnh phúc với những điều may mắn tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi xin trân trọng kính chào.

****************

Theo AsiaNews, ngày 19/12/2018, cuộc họp vòng VII Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican sẽ diễn ra tại Hà Nội. Vatican không cho biết những vấn đề sẽ được bàn thảo tại vòng làm việc lần này là gì nhưng một vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm giữa Tòa thánh và Việt Nam là việc tiến cử các giám mục.

Bên cạnh đó là vấn đề tài sản giáo hội mà chính phủ Hà Nội mượn hay trưng thu trước đây và nay không trao trả với lý do đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý.

Tại Việt Nam, có khoảng 6 triệu giáo dân Công giáo trung thành với Giáo hội Hoàn Vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo Hoàng Francis. Giáo hội Công giáo Việt Nam có khác với Trung Quốc là không có hai thành phần gồm giáo hội tuyệt đối trung thành với Vatican, thường được gọi là ‘giáo hội thầm lặng’ và giáo hội do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội cũng luôn muốn can thiệp vào hoạt động của giáo hội thông qua tổ chức có tên ‘Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước’.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 18/12/2018

Published in Diễn đàn

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam mới đây đưa ra Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó có đề xuất "công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác".

tenthat1

Ảnh minh họa một người đang sử dụng facebook. AFP

Tăng cường kiểm soát tư tưởng cán bộ, công chức

Truyền thông trong nước trích lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo rằng nội dung cốt lõi để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay.

Trước giải thích đó, cô Tuyền hiện sống ở TP. HCM có ý kiến :

"Theo em nghĩ thì điều đó không đúng luật vì nó vi phạm quyền riêng tư của người dân. Em nghĩ đây là họ muốn tăng cường kiểm soát người dân. Khi người dân đưa tin gì đó bất lợi cho phía chính quyền thì họ có thể có hành động để người dân chùn bước không dám đưa sự thật lên mạng xã hội nữa.

Từ khi mạng xã hội facebook ra đời thì nhiều sự thật được phanh phui và lan truyền rất nhanh và chính quyền gặp nhiều bất lợi. Trước đây nhiều sự thật được giấu kín".

Với nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên báo Pháp Luật thì điều này được đưa ra nhằm hạn chế tối đa quyền bày tỏ của người dân và cũng là cách để che đậy sự thật, và đây là một hình thức nô lệ tư duy :

"Khi họ đưa ra Bộ quy tắc đó thì rõ ràng mục đích là để kiểm soát những công chức trong cơ quan nhà nước. Là một hình thức để những công chức không có tiếng nói, không có sự phản biện, không có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân từ cuộc sống, gia đình cho tới quan điểm về đất nước. Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội".

Luật sư Nguyễn Duy Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với RFA về vấn đề này thì ông cho rằng quy định dùng ảnh thật, tên thật là quy định hợp lý, tránh hiện tượng mạo danh, giấu mặt. Quy định này nên áp dụng cho tất cả những ai tham gia các trang mạng không riêng gì cán bộ, công chức. Tuy nhiên, khi Việt Nam đưa ra quy định này đối với cán bộ, công chức họ lại có mục đích sâu hơn, đó là nhằm hạn chế một số cán bộ, công chức tham gia, hạn chế một số cán bộ, công chức có tư tưởng phản biện xã hội và kiểm soát được hành vi của họ nhằm quán triệt tư tưởng, đường lối, chính sách của đảng và Nhà nước. Phía cơ quan chức năng họ có đủ công cụ kiểm tra và giám sát nên tính khả thi khá cao.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những luật sư nhân quyền thì cho rằng nếu Bộ quy tắc ứng xử này được thông qua thì sẽ hạn chế hết các quyền bày tỏ chính kiến của các cán bộ công chức vì lâu nay facebook là sân chơi của họ để họ có thể nói lên quan điểm nhưng không bằng tên thật. Ông nói thêm :

"Nếu dự thảo này được thông qua sẽ có tác động thực sự đến cán bộ, công chức. Có nghĩa là họ sẽ hạn chế những thông tin mà tạm gọi là "thông tin xấu". Khi luật an ninh mạng có hiệu lực nữa thì các thông tin đưa ra họ sẽ dễ dàng kiểm soát. Tôi nghĩ đây là cách để họ kiểm duyệt thông tin một cách gắt gao. Tôi nói thực là các quy định như thế này thì mục đích là để ngăn chặn cái sự mà bên đảng gọi là "tự chuyển hóa" của cán bộ công chức. Họ sợ cán bộ, công chức đưa những thông tin nội bộ, những thông tin không theo ý của họ lên mạng xã hội".

Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử cũng đề xuất cán bộ, công chức không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội. Về điều này, Luật sư Nguyễn Duy Bình đưa ra ý kiến của mình :

"Quy định không được ứng xử thuận chiều với "thông tin xấu" có nội dung, nội hàm không rõ ràng, thế nào là "thông tin xấu" chưa được quy định rõ. Mặt khác, theo thông lệ, những thông tin mà nhà nước không thích thì bị cho là xấu. Nếu vậy, quy định này sẽ hạn chế nếu không nói là bóp nghẹt tư tưởng của cán bộ, công chức khi họ muốn "ứng xử thuận chiều" - đồng tình với những thông tin được nhân dân, nhân loại tiến bộ cho là tốt, là tích cực".

Liệu có khả thi ?

Mạng xã hội hiện nay thực tế vẫn là mạng ảo dù Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu "mạng xã hội không phải là ảo nữa, mà thật rồi…", do đó không kiểm soát việc người dùng có sử dụng tên thật hay ảnh thật hay không. Một người muốn có bao nhiêu tài khoản facebook thì cứ việc tạo, facebook không quản lý. Vậy nếu Nhà nước ra luật mà muốn khả thi thì phải có sự hợp tác từ các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả facebook.

tenthat2

Người dân sử dụng laptop tại một quán cà phê ở Hà Nội hôm 7/12/2017. AFP

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết hiện tại luật không bắt buộc vì facebook là mạng xã hội ảo. Thực tế facebook chưa đưa vào luật ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh :

"Luật pháp Việt Nam làm sao can thiệp vào chính việc kinh doanh của người khác được. Nếu pháp luật mà quy định như thế thì nó vượt quá thẩm quyền.

Việc quy định như thế không khả thi trên thực tế vì một người có thể lập cả chục tài khoản mà không ai biết được cả. Nếu vậy thì phải có điều kiện là facebook Việt Nam phải yêu cầu bắt buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh thư chẳng hạn. Hiện tại thì tôi thấy họ chưa áp dụng".

Nhiều người dùng facebook, trong đó có cả những cán bộ công chức đã sử dụng tài khoản cá nhân với tên thật hoặc tên giả để nói lên những vấn nạn trong xã hội, về những thông tin không có trên báo chí chính thống. Vậy nếu Bộ quy tắc ứng xử được thông qua thì liệu họ có còn dám lên tiếng dưới tên thật của mình hay không, nhà báo Đỗ Cao Cường nhận định số lượng đó cũng sẽ giảm đi rất nhiều vì nó đụng đến miếng cơm manh áo của người ta :

"Bây giờ nhiều công chức nhà nước chỉ dám lập những phây ảo cho an toàn chứ họ không dám dùng tên thật để bày tỏ vì họ còn nặng gánh gia đình. Bây giờ đưa ra quy tắc đó thì facebook cũng như các mạng xã hội khác phải yêu cầu người dùng phải có thông tin cá nhân rõ ràng. Đây là một sự kiểm soát hoàn toàn kể cả người dùng lẫn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Việt Nam".

Cô Tuyền, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng nhà cầm quyền càng cố ngăn cản thì những tiếng nói phản biện sẽ càng mạnh, nhưng họ thể hiện theo cách khác :

"Em nghĩ những người dám làm dám chịu, có gan nói lên sự thật thì họ vẫn nói. Còn những người chưa vượt qua nỗi sợ hãi thì họ sẽ lui về "ở ẩn", sẽ chùn bước nhưng họ sẽ vẫn ngấm ngầm ủng hộ những người nói lên sự thật. Nhà cầm quyền có làm cách nào thì cũng không thể ngăn được tiếng nói phản biện. Càng cố ngăn cản thì tiếng nói sẽ càng mạnh hơn".

Với luật sư Ngô Anh Tuấn thì số người làm việc cho nhà nước mà lên tiếng về các vấn đề tiêu cực trong xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông cho rằng những người dám nói từ đầu thì sau này họ vẫn nói tiếp, nhưng những người bày tỏ bằng tên giả trên facebook thì chắc chắn sau này họ không dám nói nữa, bởi họ sợ :

"Họ sợ, vì ở Việt Nam nhiều người họ quen làm công chức, ra ngoài họ khó sống nên muốn hay không họ vẫn phải bám trụ với nhà nước và buộc lòng họ phải thỏa hiệp. Không biết điều đó là tốt hay xấu với bản thân họ, nhưng đó là điều không tốt với sự phát triển của xã hội, sự phản biện của xã hội".

Mạng xã hội, đặc biệt là facebook đã quá quen thuộc với người Việt Nam những năm qua.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì mức độ thâm nhập Internet của Việt Nam hơn 60% dân số và Việt Nam hiện là nước đứng thứ bảy trên thế giới với số lượng người dùng facebook là 58 triệu.

*******************

‘Lý tưởng cách mạng’ chỉ là cụm từ cửa miệng ! (RFA, 13/12/2018)

Vấn đề không có lý tưởng cách mạng, bị kích động, đi ngược lại đường lối chính sách của đảng lại được ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi đến dự đại hội.

tenthat3

Sinh viên tại trường Đại học Hà Nội. AFP

Do đó, ông yêu cầu sinh viên cần quan tâm rèn luyện chính trị, không để phai nhạt lý tưởng chính trị, sống thực dụng và xa rời truyền thống Việt Nam.

Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với một số bạn sinh viên cũng như giới trẻ tại Việt Nam để tìm hiểu về sự việc và được bạn Cát Linh hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng, lý tưởng chính trị đối với giới trẻ hiện nay là một điều gì đó xa vời không có thực tiễn.

"Em nghĩ giới trẻ Việt Nam nghĩ về lý tưởng cách mạng thì nó đã phai nhạt nhiều và ngay cả bản thân em nó cũng đã phai nhạt dần, không còn cảm giác gì cả. Bời vì mình học toàn những thứ được tuyên truyền và hầu như cái gì cũng tốt, giờ mình nghĩ lại thì nó cũng không hoàn toàn là như thế, được tô vẻ lên rất nhiều cho nên nói về lý tưởng cách mạng trong lòng giới trẻ hiện nay thì CL thấy nó hơi xa vời".

Một bạn trẻ khác tên Ngọc cũng ra trường được vài năm và hiện đang làm việc tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, bạn không quan tâm đến chính trị hay lý tưởng cách mạng, bạn cho rằng nó là môt điều gì đó mơ hồ.

"Em không quan tâm anh ơi, đối với em cách mạng nó là một cái gì nó rất là mơ hồ, nó quá chung chung và nó không liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày của em cả. Và nó là những cái mà người chỉ hô hào thôi, em không thấy nó hiện hữu và nó không có gì liên quan gần gần đến cuộc sống của em cả. Cho nên phải định nghĩa được cách mạng nó được thể hiện qua các điều nào, đối với em từ trước đến nay cái đó vẫn là cái gì chung chung và không có thực tiễn và chỉ mang tính cổ động thôi".

Ngoài ra, bạn Ngọc còn chia sẻ thêm rằng, sự quan tâm chính trị đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay khắc hẳn so với thời còn đi học của bạn này.

"Khi học lớp 11, 12 học về mấy bài liên quan lịch sử về tuyên ngôn…. Thì em thấy như học công thức ấy và em không bao giờ cố gắng hiểu hoặc cắt nghĩa những chuyện ấy như thế nào. Nhưng giới trẻ bây giờ tụi nó có nhiều thắc mắc hơn, có phản biện hơn khi nghe bất cứ cái gì nó đều phân tích chứ nó không nghe như mình hồi xưa nữa và những cái quan tâm đời sống chính trị thì nó không phải là lớn lao đâu".

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, một nhà quan sát chính trị hiện đang sống tại Nha Trang cho chúng tôi biết, phai nhạt lý tưởng cách mạng nó không phải đặc biệt đối với sinh viên mà ngay cả Đảng viên và nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội.

"Theo tôi mọi tầng lớp đều có độ phai nhạt chính trị hết, đúng là sinh viên so với trước đây thì độ phai nhạt nó mạnh hơn rất nhiều so với tầng lớp cựu chiến binh. Lớp trẻ được tiếp cận nhiều thông tin và thứ hai do cuộc sống bây giờ khác hồi xưa về vật chất và giải trí nó đa dạng hơn thì bản chất của giới trẻ thì họ sẽ quan tâm nhiều đến giải trí hơn. Do tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhiều vấn đề khác chi phối cho nên chắc chắn so vơi thế hệ chúng tôi thì phai nhạt lý tưởng mạnh hơn rất nhiều, nói thẳng ra hồi đó chúng tôi còn ngu lắm, bây giờ tụi trẻ bớt ngu rồi mặc dù các ông nhà nước vẫn cố gắng níu kéo đó nhưng cũng không được mấy đâu".

Cũng tại Đại hội Sinh viên Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một bộ phân sinh viên thiếu động cơ học tập, là đối tượng dễ bị kích động, lôi kéo và tham gia vào các hoạt động trái với quy định của pháp luật nên chưa chuẩn bị tốt để khởi nghiệp và lập nghiệp.

tenthat4

Ảnh minh họa. AFP

Cát Linh từ Hà Nội chia sẻ :

"Thứ nhất em nghĩ là mình cũng nhìn nhận lại nền giáo dục Việt Nam bởi vì giáo dục Việt Nam không dạy cho học sinh cách phản biện và cách phản ứng trước những thông tin đa chiều mà hiện nay trong đất nước Việt Nam không có nhiều thông tin đa chiều ngoài mạng xã hội ra. Thứ hai nói về học sinh bị kích động lôi kéo bởi các thế lực thù địch, ông nói như thế cũng là một phần coi thường người dân và giới trẻ. Vì mặc dù ông có thể nói rằng là nền giáo dục kém nhưng mà mỗi người đều có một quan điểm riêng, tư duy riêng chứ không ai giống nhau cả cho nên dứng trước những vấn đề khác nhau thì người ta cũng biết phân biệt đúng sai".

Một thầy giáo hiện đang làm giảng viên tại một trường đại học tại Sài Gòn không muốn nêu tên chia sẻ với chúng tôi rằng, việc sinh viên có thể bị kích động, lôi kéo tham gia hoạt động trái luật thì đối với các sinh viên đang theo học trong môi trường của Việt Nam điều này rất khó xảy ra và hoàn toàn không dễ dàng. Cho nên việc nói như vậy chỉ là câu cửa miệng thôi.

Ngoài ra, vị giảng viên còn cho biết thêm, không phải vì công nghệ phát triển nên việc tiếp cận thông tin dễ dàng mà các bạn trẻ có thể quan tâm đến chính trị mà các bạn chỉ quan tâm vấn đề mang tính giải trí là chính.

"Ngay cả học viện báo chí tuyên truyền khi được hỏi về tình hình chung thì rất là quan tâm chính trị nhưng khi mà hỏi thủ tướng hoăc phó thủ tướng thì họ không phân biệt được là ai mà. Thật ra mối quan tâm của họ là đối với công nghệ 4.0 đang phát triển thì việc tiếp cận thông tin mang tính giải trí nhiều hơn thật sự quan tâm chính trị. Như thế nào là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì đâu có phân biệt được, hay là kinh tế tư bản và kinh tế thị trường như thế nào đâu có phân biệt được đâu chỉ biết lơ mơ vậy thôi".

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nói tại các đại hội, hội nghị toàn quốc. Vào ngày 11/12/2017 tại đại hội đoàn toàn quốc, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rằng các đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh "nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị". Trước đây, ông Trọng cũng từng nhắc đến cụm từ này trong một văn bản về giáo dục tư tưởng từ năm 2009.

Nguồn : RFA, 13/12/2018

Published in Diễn đàn

Một thông tin mới được công bố hôm 11/12 của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2018, khách hàng Trung Quốc chiếm đến 31% lượng khách mua bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành những nhà đầu tư dẫn đầu thị trường bất động sản ở Việt Nam, trên cả Mỹ, Nam Hàn. Thống kê này của CBRE được cho biết là chỉ tính đến những giao dịch thành công từ CBRE, không phải của toàn thị trường. Tuy nhiên, thông tin này cũng gây những lo ngại cho một số người dân Việt Nam, vốn có tâm lý ngại Trung Quốc.

longai1

Những chung cư đang được xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011. AFP

Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng nhanh chóng từ con số 2% trong năm 2016 lên gấp đôi vào năm 2017 và 31% trong 9 tháng đầu năm nay, theo con số thống kê mới nhất của Công ty nghiên cứu Thị trường CBRE Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Bất động sản - Động lực tăng trưởng mới do Forbes tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/12/2018. Dường như con số này không làm mấy người Việt Nam yên tâm, nhất là khi tính đến yếu tố lịch sử.

Luật sư Minh Thọ ở Sài Gòn nêu ý kiến của mình với tư cách một người dân :

"Hỏi 100 người thì phải trên 90 người cảm giác "nhột nhột", tại vì bản chất Trung cộng thì đã quá rõ từ hàng ngàn năm nay rồi, họ muốn thôn tính mình bằng mọi cách thì mình không thể nào an tâm được".

Những tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc được luật sư Minh Thọ nói đến như là một yếu tố tác động đến tâm lý lo ngại này.

"Bây giờ xét về góc độ luật pháp thì Trung Quốc không tuân thủ, chiếm biển đảo bằng vũ lực như một tên cướp thì làm sao có thể tin được, chưa nói họ vào Việt Nam một cách hợp pháp. Sau thời hạn sử dụng đất mà họ không đi thì mình làm gì họ ?"

Theo bảng thống kê của CBRE được báo chí trong nước trích dẫn thì ngoài Trung Quốc còn có nhiều nước khác cũng mua bất động sản tại Việt Nam những năm gần đây, nhưng những người Việt trong nước mà chúng tôi hỏi chuyện đều cho rằng, họ không ngại nếu nước khác mua bất động sản ở Việt Nam dù để ở hay để đầu tư, nhưng với Trung Quốc thì khác. Cô Trần Thanh Mai, sinh viên Đại học Sản xuất Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng có cùng suy nghĩ :

"Không chỉ người Trung Quốc mà người Hàn Quốc họ mua nhà ở Việt Nam cũng rất nhiều nhưng thật ra người Việt Nam có tâm lý bài Trung.

Cái tư tưởng bành trướng của Trung Quốc từ xưa đến nay khiến em và rất nhiều người Việt Nam tin rằng Trung Quốc đến Việt Nam không chỉ vì kinh tế. Đã có quá nhiều bài học cho Việt Nam rồi. Chính trị và an ninh của Việt Nam không vững mạnh, nếu một mai rơi vào trường hợp như bán đảo Crimea thì Việt Nam có đối phó được hay không, đó là một dấu hỏi của rất nhiều người Việt Nam hiện nay".

Trong những năm qua, ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ biểu tình phản đối Trung Quốc ở các thành phố lớn từ năm 2007 trở lại đây, chủ yếu liên quan đến tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Đỉnh điểm của các vụ biểu tình phải nói đến là vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Các cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo động đốt phá ở một số khu công nghiệp của Việt Nam, nhắm vào các công ty của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc thậm chí đã phải ra thông báo cảnh báo công dân nước này tại Việt Nam.

Mới đây nhất là các vụ biểu tình của hàng ngàn người dân ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam phản đối dự luật Đặc khu vì lo ngại người Trung Quốc sẽ được thuê đất đến 99 năm. Những phản đối dữ dội của người dân và cảnh báo từ phía các chuyên gia độc lập đã khiến Quốc hội Việt Nam phải ngưng việc thông qua dự luật gây tranh cãi này.

Vì sao người Trung Quốc muốn mua đất ở Việt Nam ?

Báo cáo mới của CBRE cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là các căn hộ cao cấp ở khu vực trung tâm thành phố.

lognai2

Người Việt Nam biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất tới 99 năm. Ảnh chụp hôm 10/6/2018. AFP

Nhưng ngoài Sài Gòn, người Trung Quốc cũng mua đất đai ở nhiều địa phương khác tại Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng. Những khu dân cư ven biển ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay người dân không còn lạ với việc người Việt đứng tên để người Trung Quốc mua đất xây nhà sinh sống.

Theo đánh giá của Bộ Tài Chính thì giá bất động sản Việt Nam thu hút người Trung Quốc bởi giá rẻ hơn các nước trong khu vực. Giá bất động sản cao cấp ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 3.000 USD đến 6.000 USD m2, bằng một nửa so với mức 7.000 USD-9.000 USD/m2 bất động sản cùng phân khúc ở Bangkok và chưa đến 10% so với giá nhà ở Hồng Kông.

Còn theo các chuyên gia của CBRE, lý do người Trung Quốc mua bất động sản ở thành phố tăng vọt là vì quy định cho phép người nước ngoài được mua 30% số lượng đơn vị nhà ở trong các dự án bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực kể từ năm 2015.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, việc người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam cũng giống người Hàn Quốc hay người các nước khác muốn sang làm việc ở Việt Nam mà thôi vì chính sách về nhà ở của Việt Nam hiện rất thoáng.

"Chính sách nhà ở của Việt Nam được thay đổi rất mở trong luật 2014, trong đó tạo điều kiện cho tất cả những cá nhân nước ngoài có visa công việc vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở. Thời hạn là 50 năm và nếu hết thời hạn mà còn có nhu cầu thì được gia hạn và nếu không có nhu cầu thì có thể chuyển nhượng trên thị trường".

Người dân Việt luôn có tâm lý lo ngại cũng như cảnh giác người Trung Quốc vào nhiều, chiếm các vị trí quan trọng mang tầm chiến lược ở Việt Nam, nhất là với 3 đặc khu trong dự luật Đặc khu gây tranh cãi là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Blogger Trần Bang, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng từng nói với RFA về dự luật đặc khu rằng 99 năm rất là dài, có thể kéo dài đến 3,4 thế hệ và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh quốc phòng. Khi đấu giá, họ sẵn sàng ra giá cao để thuê được 3 điểm quan trọng nằm tại đầu và giữa của đất nước, kết hợp với Hoàng Sa, Trường Sa, kết hợp với đường lưỡi bò thì Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng tay họ.

Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ có một góc nhìn tích cực hơn trong vấn đề hợp tác quốc tế dù ông biết nhiều người Việt Nam cũng nghĩ theo hướng quan ngại vì từ xưa đến nay cũng có những vấn đề nhất định.

"Về địa chính trị thì Việt Nam ở vị trí khó khăn nhưng về địa kinh tế thì Việt Nam được tiếp cận một thị trường hơn 1,4 tỷ dân, là thị trường rất lớn, thế thì phải nói đấy là lợi thế. Tôi cho rằng tất cả câu chuyện quan ngại hay không là ở chỗ Việt Nam có được nền kinh tế thông minh, xã hội thông minh hay không, chứ tất cả mọi chuyện đều giải quyết được".

Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định hiện nay người nước ngoài chỉ được mua nhà gắn với quyền sử dụng đất ở, và các dự án hay nhà ở được phép bán không thuộc những nơi hiểm yếu về an ninh quốc phòng.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 11/12/2018

********************

Người Trung Quốc mua đất tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến (RFA, 11/12/2018)

Trong 9 tháng đầu năm 2018, khách hàng Trung Quốc đã mua 31% lượng bất động sản bán ra tại thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu do công ty nghiên cứu thị trường CBRE cung cấp hôm 11/12.

lognai3

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa) AFP

Hiện khách hàng Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thị trường người nước ngoài mua nhà tại thành phố này dù trước đó quốc gia này không nằm trong 5 vị trí đầu tiên.

Theo CBRE, từ năm 2016-2017 lượng khách hàng trong nước mua bất động sản đã giảm đi đáng kể từ 47% còn 36%. Trong khi đó, lượng khách hàng nước ngoài đầu tư bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh và đáng kể nhất là lượng khách hàng Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm thành phố

Chuyên gia của CBRE được truyền thông trong nước trích lời cho biết khách hàng từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong tỏ ra ưa chuộng các dự án có quy mô lớn, vị trí trung tâm như Alpha Hill của Alpha King mới mở bán hay Vinhomes Central Park và Vinhomes gold River của Vingroup.

Theo các chuyên gia của CBRE, lý do người Trung Quốc mua bất động sản ở thành phố tăng vọt là vì quy định cho phép người nước ngoài được mua 30% số lượng đơn vị nhà ở trong các dự án bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực kể từ năm 2015.

Published in Diễn đàn

Hôm 7 tháng 12, mạng báo Scroll có bài viết của tác giả Tom Fawthorp dịch ra tiếng Việt đại ý là "Người dân chống đối Trung Quốc gây khó khăn cho chính quyền Việt Nam".

dan1

Người biểu tình Việt Nam phản đối đường lưỡi bò do Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông. Ảnh chụp hôm 14 tháng 8 năm 2011 tại Hà Nội. AFP

Bài viết đề cập đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng hay những dự án có yếu tố Trung Quốc. Một trong những cuộc biểu tình lớn bị chính quyền đàn áp mạnh mẽ là biểu tình chống Dự luật đặc khu mà Quốc hội thảo luận vào tháng 6 năm nay.

Tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vinh và Hà Nội, các cuộc biểu tình nổ ra vào sáng ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2018.

Người dân phẫn nộ vì các đặc khu này nằm ở các vị trí chiến lược mà thời gian cho thuê đất tới 99 năm, và gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ là bên thuê đất. Giáo sư Nguyễn Đình Cống phân tích về làn sóng phản đối Trung Quốc với RFA ngay khi sự việc xảy ra :

"Phản ứng nhiều nhất của dân Việt Nam là ở điểm này, là người ta cho là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là những vị trí có tính chất chiến lược. Những chỗ ấy nếu để cho nước ngoài, mà nước ngoài là nói chung chung chứ người ta rất lo khả năng rất lớn nước ngoài chính là Tàu vào, đưa người của họ vào".

Theo bài viết thì đảng cộng sản Việt Nam thường đàn áp thẳng tay các lời kêu gọi đa đảng, nhưng xã hội dân sự và một số các tiếng nói cải cách bên trong chính phủ có thể làm trì hoãn hoặc sửa đổi các chính sách không hợp lòng dân liên quan đến Trung Quốc. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương đã từng ký tên vào một bản kiến ​​nghị lên Quốc hội kêu gọi hoãn lại dự luật. Vào tối ngày 27 tháng 8 năm 2018, ông lên tiếng với RFA về thông báo của Quốc hội liên quan Dự luật Đặc khu :

"Tôi hoan nghênh động thái của Quốc hội đã dừng không có xem xét Luật Đặc khu và cũng lại hoãn việc xem xét luật này vào kỳ họp sắp tới đây, để chắc chắn là phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của các cựu chiến binh, của người dân và cần phải có sự đánh giá thật là khách quan, khoa học, dựa trên kinh nghiệm thực tế và những kinh nghiệm trong nước".

Những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông đã xảy ra ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ngoài ra còn có các cuộc biểu tình của người dân chống lại dự án Bauxite năm 2009 và vụ nhà máy thép Formosa xả chất thải độc hại trực tiếp ra biển gây nhiễm độc biển khiến cá chết hàng loạt dọc theo 120 km bờ biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam năm 2016.

Ảnh hưởng Internet

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì mức độ thâm nhập Internet của Việt Nam hơn 60% dân số và Việt Nam hiện là nước đứng thứ bảy trên thế giới với số lượng người dùng facebook là 58 triệu.

dan2

Người dân truy cập internet trong một quán cà phê ở Hà Nội hôm 26/11/2014. AFP

Theo tác giả Tom Fawthorp, các nhà phê bình nghi ngờ rằng Trung Quốc trao đổi việc giám sát internet với Việt Nam, nhưng họ cũng thừa nhận không có bằng chứng cụ thể. Blogger Mạnh Kim từng viết :

"Chúng tôi biết rằng cảnh sát an ninh mạng Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc và không loại trừ việc Trung Quốc đã giúp Việt Nam thiết kế và trang bị cơ sở hạ tầng an ninh mạng".

Bài viết trích dẫn các cuộc phản đối dự luật đặc khu diễn ra sôi nổi trên không gian mạng xã hội. Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, một nhân vật hàng đầu của cộng đồng Công giáo Việt Nam, đã nêu trong một bản kiến ​​nghị với Quốc hội rằng việc thông qua dự luật đặc khu có thể gây hại cho an ninh và chủ quyền quốc gia bởi Trung Quốc có thể thông qua các tập đoàn được ưu đãi để từng bước xâm nhập những vị trí an ninh chiến lược của Việt Nam như một cuộc xâm lược mềm.

Chuyên gia về Việt Nam, ông Carl Thayer giải thích rằng các đặc khu có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng các địa điểm lại rất nhạy cảm : Quảng Ninh nằm gần biên giới với Trung Quốc ; Đảo Phú Quốc nằm gần các dự án và xây dựng cảng của Trung Quốc ở vùng duyên hải Campuchia ; và Bắc Vân Phong là ở tỉnh Khánh Hòa.

Phân tích thêm về vị trí chiến lược của ba khu vực trong dự thảo Luật đặc khu, Giáo sư Tương Lai nhắc đến lịch sử ngàn năm đô hộ giặc Tàu trên đất Việt trong một lần trao đổi với RFA :

"Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc mà xưa kia ông cha ta đã từng ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc theo đường biển kéo vào nước ta : Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt chống quân Tống, Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên".

Trung Quốc có thể sẽ là nhà đầu tư lớn trong ba đặc khu do sự thống trị kinh tế tại Mekong, Đông Nam Á, một phần trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con Đường của Trung Quốc. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc ở Cục thống kê Liên Hiệp Quốc hoài nghi về những lợi ích. Ông cho rằng các đặc khu sẽ không giúp phát triển kinh tế công nghệ cao mà chỉ là khuyến khích phát triển các dự án bất động sản và cờ bạc.

Ngày 9 tháng 6 năm 2018, người dân trong nước nhận được thông báo từ Văn phòng Chính phủ về quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp, tức tháng 10 năm 2018. Sau đó lại được hoãn tiếp đến tháng 5 năm 2019. Đây được cho là một thắng lợi của các tiếng nói phản biện.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng khi trao đổi với RFA về lần hoãn đầu tiên, ông gọi đó chỉ là kế hoãn binh :

"Lùi lại luôn luôn là một kế hoãn binh. Khi mà họ không tiến lên được thì họ chấp nhận lùi. Lùi đó là một cách âm thầm tổ chức lại và sẽ có một số động tác không công bố và sau đó sẽ trình dự luật y như cũ, và thậm chí có thể âm thầm lén lút thông qua. Với Quốc hội như thế này thì tôi chẳng kỳ vọng gì".

Hóc búa Trung Quốc

Cũng theo bài viết trên mạng báo Scroll thì Trung Quốc là một vấn đề hóc búa cho các nhà lãnh đạo Việt Nam với lịch sử xâm lược từ hàng ngàn năm.

dan3

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) và người đồng nhiệm Trung Quốc, Vương Nghị tại Hà Nội ngày 1 tháng 4 năm 2018.AFP

Gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới nổ ra vào sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi hơn 600 ngàn lính Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh dọc biên giới phía bắc Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân.

Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ trong những năm 1990 với thương mại, đầu tư và ngoại giao nhưng vẫn tiếp tục có những xung đột do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên những vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như việc Trung Quốc đánh chìm các tàu cá của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp.

Bắc Kinh là đối tác thương mại không được ưa chuộng tại Việt Nam.

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam những năm gần đây phản ánh tình trạng người dân Việt không còn tin tưởng vào những quyết sách của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc được tổ chức ở Thượng Hải đầu tháng 11 năm 2018 rằng Việt Nam là vùng đất hứa cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Việt Nam cần 25 tỷ USD mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng.

Bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA rằng theo ông thì chính phủ có quyền lực trong tay và họ làm theo ý họ, người dân phản đối không ảnh hưởng lên quyết định của nhà cầm quyền. Luật An ninh mạng chính thức được thi hành vào ngày 1/1/2019 là một ví dụ.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 08/12/2018

Published in Diễn đàn

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 29/11/2018 thì dân số Việt Nam đạt đến con số 96.880.388 người, đưa Việt Nam thành nước đông dân thứ 14 trên toàn cầu. Trước đây vào năm 2012, ước tính đưa ra thì dân số Việt Nam vào năm 2018 là khoảng 91.500.000 người.

gia0

Tỷ lệ người già tăng vọt là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76,6 tuổi hiện nay.

Trang danso.org thống kê chỉ sau 48 năm, độ tuổi trung bình của người dân Việt Nam tăng đáng kể, từ 18 tuổi vào năm 1970 lên 31 tuổi vào năm 2018 với tuổi thọ trung bình hiện nay là 76,6 tuổi.

Điều đó cho thấy dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và dĩ nhiên việc chăm sóc phúc lợi cho người già là một vấn đề khó khăn khi mà Việt Nam vẫn còn trong nhóm những nước đang phát triển.

Dân số già nhanh

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người già tăng vọt như vậy là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76,6 tuổi hiện nay. Bên cạnh đó là tỷ lệ sinh giảm do chính sách hai con được thực hiện tại Việt Nam lần đầu năm 1960 ở miền Bắc là lần hai vào năm 1990 trên cả nước.

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định Việt Nam không tận dụng được kỷ nguyên dân số vàng vì chuyển rất nhanh từ dân số trẻ sang dân số già, và người già Việt Nam hiện vẫn tự bươn chải kiếm sống :

"Người ta thường nói người già là kho trí thức của nhân loại, trí khôn của xã hội, nhưng thực tế hiện nay thì cũng chả tận dụng được mấy đâu. Người già ở Việt Nam, những người có trí thức, có kỹ năng lao động thì hầu hết họ tự bươn chải. Lương chính thức của xã hội Việt Nam thấp nên người già đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn làm".

Theo ông thì không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây hệ thống truyền thông cũng như chủ trương chính sách tầm vĩ mô đang nói rất nhiều đến chuyện nới rộng độ tuổi lao động cũng như tìm cách sử dụng sức lao động của người già.

"Ở đây người ta đang nhắm đến một bài toán giải được rất nhiều việc : Nhà nước bớt được gánh nặng trong khi người già thì đằng nào họ cũng tổ chức sản xuất, lao động với kinh nghiệm của họ. Thứ ba nữa là tính chung trong nỗ lực giảm thiểu lực lượng nằm trong biên chế cứng của nhà nước thì đây là quyết sách hay để trên thực tế đóng góp một phần quan trọng trong an sinh xã hội nói chung".

Trợ cấp cho người già

Hôm 8/11/2018, tuần báo The Economist có bài viết dịch ra tiếng Việt là "Việt Nam đang già trước khi giàu". Bài viết nhận định xu hướng phát triển dân số của một số các quốc gia châu Á cũng diễn ra tương tự, chỉ khác là Việt Nam không phải là quốc gia có thu nhập bình quân cao tương tự.

222222222222222222

Một người già ở miền Bắc Việt Nam. AP

Bài báo nêu ví dụ khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên mức cao nhất ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thì GDP bình quân đầu người của các quốc gia này lần lượt là 32.585 USD, 31.718 USD và 9.526 USD. Còn Việt Nam khi đạt tới đỉnh tương tự vào năm 2013 thì GDP chỉ có 5.024 USD. Vậy chính quyền có thể lo liệu cho hàng triệu người già hay không, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận xét :

"Thực ra ở Việt Nam chưa có mô hình Nhà nước phúc lợi mà cái này vẫn nằm chung với an sinh xã hội có tính chất truyền thống lịch sử, tức là cộng đồng cùng lo.

Nội lực của Việt Nam thì cũng chẳng dồi dào nên việc trợ cấp, trợ giúp của nhà nước đối với người già không phải không có nhưng rất khiêm tốn, ít ỏi như đến 80 tuổi thì hàng tháng được một khoản tiền hai, ba trăm nghìn.

Có nghĩa là những khoản trợ giúp có nhưng không đáng kể và không mấy ý nghĩa. Trên thực tế ở Việt Nam sử dụng hình thức kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng nhiều hơn là với tính chất chính thống của chế độ".

Điều này cũng từng được Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định với RFA rằng mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được.

"Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu".

"Trên thực tế, nhu cầu của xã hội đối với vấn đề an sinh xã hội luôn lớn hơn khả năng thực tế mà nhà nước có thể đáp ứng. Nhưng nhà nước cũng đã chấp nhận cung cấp bảo hiểm cho các người nghèo để đảm bảo cho họ khi đau ốm thì cũng có thể đến bệnh viện để chữa trị".

Hiện nay, chỉ có những người rất nghèo và người từ 80 tuổi được nhà nước trợ cấp một khoản tiền nhỏ mỗi tháng. Bên cạnh đó họ cũng có một khoản bảo hiểm y tế. Cô Tuyết hiện ở Sài Gòn có bà mẹ già trên 80 tuổi cho chúng tôi biết mẹ cô không có một khoản tiết kiệm nào, con cái lo mọi chi phí, tiền nhà nước cấp hàng tháng không đủ để ăn sáng :

"Em không mua bảo hiểm gì cho má hết mà được nhà nước cấp cho những người lớn tuổi từ 80 tuổi trở lên mỗi tháng được 270 ngàn. 270 ngàn thì không thể đủ sống vì mỗi sáng ăn tiết kiệm lắm cũng hết 15 ngàn, tức một tháng hết 450 ngàn rồi, chưa tính ba bữa cơm trong ngày. Tết thì họ "lì xì" thêm một tháng. Và khi có bịnh hoạn hay nằm bệnh viện thì nhà nước chi trả 80%, mình chịu 20%".

Tương lai sẽ ra sao ?

Theo The Economist thì ở Việt Nam hiện nay, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.

3333333333333333

Một người già chạy xe ôm kiếm sống. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 16/5/2018. AFP

Với cái nhìn có phần lạc quan, bà Thúy Quỳnh, Giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam cho rằng giới trẻ Việt Nam lâu nay đã biết tích lũy bằng cách mua các sản phẩm bảo hiểm đóng phí từ lúc còn trẻ, đến khi về hưu lấy ra sử dụng, và số khách đó hiện nay rất nhiều.

"Hiện tại ở Việt Nam có 18 công ty bảo hiểm, đa số những người còn trẻ và làm ăn tốt đều mua bảo hiểm để tích lũy để về già họ có khoản tiền đó họ chi tiêu.

Bây giờ nếu mình làm nhà nước hay nước ngoài thì đều có bảo hiểm xã hội. Đó là tiền hưu trí, của nhà nước. Nếu họ muốn lãnh số tiền cao hơn thì họ mua bảo hiểm. Bây giờ người dân họ ý thức được chuyện đó nên số người mua bảo hiểm khá cao".

Bà nói thêm rằng với những người già ở độ tuổi 70, 80 hiện nay thì họ chỉ có những khoản tích lũy riêng chứ không có tiền hưu và bảo hiểm xã hội nếu trước đây họ không làm cho nhà nước, vì mấy chục năm trước đây họ không tích lũy bằng bảo hiểm nhân thọ như sau này. Còn sau này thì người già sẽ có cuộc sống khác bây giờ. Bà nói thêm :

"Còn từ thế hệ 7x trở về sau thì đã tốt hơn vì họ có tiền bảo hiểm xã hội, có hợp đồng bảo hiểm nên em nghĩ không đến 20 năm nữa đâu mà chỉ chừng 5, 10 năm nữa thì tiền khi họ về hưu đảm bảo cho cuộc sống của họ tốt hơn bây giờ nhiều".

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng hiện nay rất khó để biết người già có hài lòng với cuộc sống hay không thì thực tế nhà nước cũng không có một số liệu hay nghiên cứu nào gần đây để chỉ ra chỉ số hạnh phúc của người già, nhưng ông nhận định rằng người Việt Nam là một dân tộc lạc quan nên nếu có những nghiên cứu đó mà hời hợt thì chỉ số lạc quan hạnh phúc cũng không hề thấp.

Ông nói rằng nếu mà nhìn thẳng vào bức tranh xã hội Việt Nam thì xã hội vẫn đang trong sự chuyển đổi và đối diện rất nhiều thách thức cho người già Việt Nam. Nếu tính thu nhập bình quân thì nói chung bức tranh không sáng sủa, lạc quan nhưng cũng không đến nỗi khó khăn lắm.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 30/11/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 21 novembre 2018 14:38

CNC hay C50 là bình phong ?

Một trong những điều khiến công luận xã hội quan tâm và báo chí trong nước đồng loạt đăng tải trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử, là sự bất nhất trong lời khai của hai vị cựu tướng trong ngành công an về vai trò của Công ty đầu tư và phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC).

cnc1

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đang trả lời trước hội đồng xét xử tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc qua mạng. Screen capture from video

Ông Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an thì cho rằng công ty CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), được thành lập năm 2011.

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, lại phủ nhận toàn bộ tài liệu về việc lập công ty bình phong CNC và khẳng định CNC không phải là công ty bình phong.

Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng :

Vấn đề là trước tòa thì người ta có thể từ chối hoặc nói không, nói có tùy theo quyết định là nói thế nào cho có lợi. Cho nên chuyện "ông nói gà bà nói vịt" cũng là điều dễ hiểu. Theo suy nghĩ của tôi thì công ty này chắc chắc là công ty bình phong.

Còn với Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người đã từng có thời gian công tác tại Ban An ninh Nội chính thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tâm lý chung của các tội phạm trước vành móng ngựa là đổ vấy trách nhiệm cho nhau, và bây giờ họ đang đổ luôn cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người từng nắm Bộ Công an khi vụ việc xảy ra.

Vậy công ty bình phong là gì, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nhận định :

Nói về ngữ nghĩa thì công ty bình phong là một công ty do một pháp nhân lập ra để hoạt động nhưng người ngoài không biết rằng chủ là ai, không biết đấy là một công ty của nhà nước. Người dân chỉ nghĩ đó một công ty của tư nhân thôi và tiến hành giao dịch bình thường, nhưng thực tế thì những giao dịch đó là theo chỉ đạo.

Đây là khái niệm mới chỉ có khoảng trên dưới chục năm nay trong hoạt động kinh tế thị trường cũng như các lĩnh vực khác trong xã hội.

Với nhà báo Phạm Chí Dũng thì công ty bình phong hay doanh nghiệp bình phong là một khái niệm, một thuật ngữ đặc biệt được dùng trong ngành tình báo của Việt Nam và cả trên thế giới. Trên thế giới cũng có rất nhiều cơ quan tình báo đã sử dụng những đặc tình của mình cài cắm vào các doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tin tức cho các cơ quan tình báo. Nhà báo Phạm Chí Dũng giải thích sự khác biệt ở Việt Nam :

Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an. Vì vậy mới có vụ công ty bình phong CNC.

Việc các công ty bình phong ở Việt Nam làm ăn bất chính đã từng xảy ra. Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

cnc0

Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị điệu ra tòa- Ảnh : NAM TRẦN

Công ty này nguyên là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt phương án chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) trực thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy. Khi đã là doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Tân Thuận đã được giao thực hiện và chuyển nhượng nhiều khu đất, dự án.

Một trong những vụ nổi cộm là phi vụ mua bán 32 ha đất công tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 4/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo quyết định thi hành kỷ luật đối với 5 cán bộ lãnh đạo Công ty Tân Thuận do những vi phạm về vai trò, trách nhiệm tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè.

Riêng trong vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến CNC, hai cựu tướng công an đang phải hầu tòa bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn và bị đề nghị mức án tù từ 7 đến 8 năm. Hai viên cựu tướng công an này hiện còn bị điều tra tham nhũng lên đến hàng triệu đô la.

Mối liên kết giữa CNC và C50

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng thường các công ty bình phong luôn luôn lợi dụng cái thế của nó để kiếm những khoản lời bất chính, nhưng về mặt pháp lý thì có thể có vẻ là hợp pháp.

Một công ty được thành lập bởi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) lại là nơi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet với gần 43 triệu tài khoản tham gia thì đó là điều khác biệt của Việt Nam so với thế giới, như nhận định của Nhà báo Phạm Chí Dũng. Ông nhận định chính C50 mới là bình phong cho CNC :

Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã bị giải thể), mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi. Tức là không những không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ tình báo, mà các cơ quan quản lý, điều hành tình báo lại đi làm chỗ dựa, làm bình phong cho một doanh nghiệp để làm ăn trục lợi. Đó là sự khác biệt giữa tình báo Việt Nam và tình báo thế giới.

Truyền thông trong nước trích dẫn cáo trạng cho biết theo Quyết định 158 ngày 14/5/2015 do ông Vĩnh ký, Tổng cục Cảnh sát công nhận CNC là công ty bình phong thì C50 góp 20% vốn trong tổng số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đồng thời cử nhân lực tham gia điều hành công ty. Trên thực tế, C50 không đóng góp 20% vốn và nhân lực.

Cáo trạng còn cho biết Tổng giám đốc công ty CNC, bà Dương Thị Hồng đưa 600 triệu đồng tiền tết cho C50 do Võ Tuấn Dũng - trưởng phòng 1, nhận (năm 2015 là 100 triệu, năm 2016 là 500 triệu đồng.)

Một công ty được gọi là bình phong của công an thường có hai chức năng là vừa làm kinh tế, vừa tìm hiểu, thu thập thông tin và cung cấp thông tin ngược lại cho Bộ Công an. Công ty CNC cũng không là ngoại lệ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói thêm về chức năng làm kinh tế của CNC là khái niệm xã hội hóa kinh tế từ ngành công an ra tới bên ngoài. Chức năng làm kinh tế có cơ sở pháp lý đàng hoàng, có tất cả mọi thứ, thậm chí còn vượt hơn những doanh nghiệp bình thường về mức độ ưu đãi và cả mặt pháp lý.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 21/11/2018

Published in Diễn đàn