Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thói cậy quyền của quan chức Việt là điều được người dân nói đến từ rất lâu qua cách hành xử cửa quyền, hách dịch cũng như những mối quan hệ "con ông cháu cha" ở khắp các lãnh vực trong xã hội.

cay1

Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005. Ảnh minh họa. Reuters

Lý giải nguyên nhân

Mạng xã hội cũng như báo chí chính thống mấy hôm nay lan truyền video clip một phụ nữ la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay.

Sau đó các báo nêu đích danh tên bà là Lê Thị Hiền (quê ở Thanh Hóa), mang hàm đại úy, là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội.

Về việc này, Blogger - Nhà đấu tranh Nguyễn Thị Bích Ngà đưa ý kiến của mình qua ứng dụng Facebook Messenger với RFA sáng 23/8 :

"Mình nghĩ đó là do bản chất côn đồ. Nói cho công bằng, hiện nay ngày càng nhiều người Việt có bản chất côn đồ như vậy, không riêng ngành công an. Nhưng ngành công an thì côn đồ hung hăng hơn bởi họ có quyền lực, ỷ vào quyền lực. Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân - là những người yếu thế - được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm".

Dư luận xã hội cho rằng những bất công trong xã hội nhan nhản khắp nơi, nhưng hình ảnh phản kháng mạnh mẽ lại không nhiều vì đa số người dân họ đã cam chịu, im lặng "cho xong việc" như lời Nhà nghiên cứu xã hội học, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam nói với RFA là "người dân vẫn muốn được việc nên họ cứ ôn hòa, hạ mình cho xong việc". Bà nói tiếp :

"Những người làm công chức nói chung và ngành công an nói riêng thì họ vẫn còn nặng thói cửa quyền. Họ quen ở trong tư thế người ban phát dịch vụ và người khác phải nhận dịch vụ của mình. Họ luôn luôn ở tư thế của những người quen được người khác ‘cung phụng, nịnh hót, không bao giờ dám làm phật ý".

Bà so sánh thái độ hung hăng của viên đại úy công an ở sân bay với một đứa trẻ được cung phụng, cưng chiều. Bây giờ ở thế bị đối xử không công bằng nên mới phản ứng mạnh, không kiểm soát được như vậy.

Mình nghĩ đó là do bản chất côn đồ... Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân - là những người yếu thế - được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm. - Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo quan sát của RFA, trong mắt người dân Việt Nam hiện nay, hình ảnh những viên công an đủ mọi chức danh là những người hách dịch, tham nhũng, quan liêu, vô văn hóa, vô đạo đức. Họ luôn cho mình ở vị trí ban phát, coi dân là những người phải cần đến họ chứ không phải đó là công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân mà họ nhận lãnh và được quy định trong Luật công an nhân dân. Đây là những điều không phù hợp, cần phải bãi bỏ nhưng không thể một sớm một chiều vì nó đã tồn tại từ mấy chục năm qua.

Luật sư Phạm Công Út cho rằng, dưới chế độ phong kiến thì xã hội Việt Nam có hai giai cấp là Địa chủ và Nông dân; còn ở chế độ hiện nay thì Việt Nam có hai giai cấp phân hóa rõ rệt mà ông gọi là "Giai cấp thống trị" và "Giai cấp bị trị". Đó là cán bộ công chức Nhà nước và Người dân.

Theo ông thì cách hành xử của cán bộ công chức hiện nay khiến người dân "hả hê" chứ không bực tức bởi người ta nhìn thấy được mặt trái của "tầng lớp thống trị":

"Do mạng xã hội phát triển nên chúng ta có dịp nhìn thấy bộ mặt xấu xí của cán bộ công chức Nhà nước. Cán bộ công chức được tuyển chọn, được đào tạo nhưng cách hành xử nhiều lúc rất côn đồ, nhất là những người có điều kiện lạm quyền như công an, cảnh sát giao thông…Họ lạm quyền trước mặt dân hoặc trong những bức vách như các điều tra viên…".

Giải quyết như thế nào ?

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/5/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ và là người phát ngôn của Chính phủ, khi nói về vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) đã phát biểu : "Tinh thần của chúng ta là rất minh bạch, công khai, nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

cay2

Công an đưa tay ra dấu không cho chụp hình tại một sự kiện ở Hà Nội. AFP

Phát biểu đó được người dân cho rằng thể hiện sự bất bình đẳng, coi thường luật pháp trong việc quản lý nhà nước, trái với nguyên tắc, "toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Với trường hợp bà Hiền, báo chí trong nước cho biết bà bị phạt 200 ngàn đồng về hành vi gây mất trật tự ở khu vực cảng hàng không. Báo Pháp luật hôm 23/8 dẫn lời luật sư Thái Văn Minh (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) rằng hành vi của bà Hiền là vi phạm trong lĩnh vực hành không dân dụng (lĩnh vực chuyên ngành) nên phải được xử lý theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng :

"Với diễn biến sự việc như trên, theo tôi, cần xử phạt bà Hiền về ba hành vi: không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không (mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng); lăng mạ nhân viên hàng không (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng) và gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không (mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng)".

Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà nhận xét :

"Sau mỗi lần hành xử ngang ngược bị phát hiện, họ lại được bao che để tiếp tục nên quyền lực bị lạm dụng một cách tối đa. Bản chất của chế độ, bản chất ngành công an hiện nay là như thế: hung hăng với kẻ yếu, sẵn sàng lấp liếm dối trá để che đậy điều xấu, vu vạ để đổ thừa lỗi cho người khác, nhưng lại hèn nhát và khiếp nhược trước kẻ khác có vẻ mạnh hơn. Chính quyền như vậy nên các ngành dọc và người dân cũng vậy thôi. Số người có liêm sỉ không còn nhiều".

Luật sư Phạm Công Út cho rằng mức xử phạt  200 ngàn đồng chỉ khiến người dân cười vì dư luận vẫn cho rằng những người càng "xấu xí" thì càng lên cao ; càng bị kỷ luật thì càng yên ổn và lên vị trí cao hơn. Ông nêu sự khác biệt giữa công an và dân khi có vi phạm :

"Người dân hả hê với bức tranh phơi bày như thế. Hoàn toàn không căm phẫn, bởi nếu là người dân thì có thể bị còng, bị bắt vào đồn công an và cuối cùng là ‘tự tử chết trong đồn công an’".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thì việc xử lý nghiêm các quan chức vi phạm thì cũng có tính răn đe, nhưng về mặt xã hội thì bà không thấy nó có tác dụng mạnh bằng việc một clip như trường hợp bà Hiền được tung ra. Theo bà thì truyền thông có tác dụng rất mạnh trong việc giúp người dân nhận biết các quyền của mình :

"Tôi thấy đây là một dịp rất hay để cả xã hội nhìn lại rằng, bình thường chúng ta vẫn bị đối xử như thế này nhưng chúng ta cam chịu, chấp nhận. Và chuyện đó nó quá bình thường đến nỗi chẳng ai quay lại cảnh chấp nhận hàng ngày. Bây giờ người ta nhìn thấy một cảnh rất thực như vậy thì người dân sẽ nhận ra mình được đối xử thô bạo và không công bằng".

Trong một lần trò chuyện với RFA về cách hành xử của quan chức hiện nay, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu lên rằng, việc chế độ dung dưỡng, không chế tài thích đáng đối với những quan chức cao cấp có hành vi lạm quyền, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chính chế độ.

Diễm Thi

Nguồn : 23/08/2019

Published in Diễn đàn

Cấm công chức nhận quà là một trong những quy định trong Nghị Định 59/2019/NĐ-CP do Thủ tướng Việt Nam ký ban hành ngày 1/7/2019, cũng là một trong các biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng mà chính quyền Việt Nam đang áp dụng. Liệu hình thức này có hiệu quả không khi tham nhũng đã thực sự bén rễ sâu trong đội ngũ quan chức từ cấp cao đến cấp thấp tại Việt Nam ?

qua1

Ảnh minh họa việc tặng quà. AFP

Hôm 1/7/2019, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, chính thức có hiệu lực vào ngày 16/8/2019. Trong đó có quy định chi tiết về việc tặng quà và nhận quà tặng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Ngay khi nghị định 59 được ban hành, nhiều người cho rằng đây là động thái siết chặt kỷ cương của Chính phủ Việt Nam, là vũ khí mới để ngăn chặn tình trạng sân sau, lợi ích nhóm đồng thời là công cụ để dựa vào đó xử lý những vi phạm của các quan chức có những hành vi liên quan đến góp vốn, bố trí vợ, chồng, con cái vào những vị trí do mình trực tiếp quản lý… Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét về nghị định này :

"Thật ra, quy định theo Nghị định số 59 thì cấm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn nhận quà trực tiếp và cả gián tiếp. Điều này được xem là yếu tố tích cực trong "cuộc chiến" chống tham nhũng".

Với Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 59 để chống tham nhũng thực sự là chuyện nực cười, vì theo ông tham những nó muôn hình vạn trạng, đâu chỉ có chuyện nhận quà. Ông nói :

"Hiện giờ cần phải có những nghiên cứu tham nhũng tại Việt Nam để có một bức tranh rõ ràng về những kiểu tham nhũng. Quà biếu chỉ là cái mẫu con con trên chóp tảng băng chìm khổng lồ về tham nhũng".

Trong một lần trò chuyện với RFA về chuyện tham nhũng của các quan chức Việt Nam, nhà báo Đường Văn Thái, người từng làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã nhận định rằng, các quan chức kiếm tiền quá dễ bằng tham nhũng. Ông nêu ví dụ : Khi một dự án được ký thì bên tư vấn họ sẵn sàng đẩy giá lên và người có quyền quyết định phê duyệt dự án sẽ được hưởng phần trăm của dự án. Đó là tham nhũng bằng tiền mặt. Ông phân tích tiếp, khi các dự án bất động sản phát triển ồ ạt thì họ không tham nhũng bằng tiền mặt nữa mà họ tham những bằng những mét vuông đất.

Rồi các nhóm lợi ích lại vẽ ra một viễn cảnh cho dự án đó để những người đầu cơ về bất động sản nhào vào mua. Đây lại là tham nhũng về chính sách.

Vậy việc hưởng phần trăm trên các dự án có được coi là "quà tặng, biếu" của doanh nghiệp cho quan chức ? Quy định mới có hiệu lực này xem ra chỉ là cách để Chính phủ xoa dịu lòng dân khi quá nhiều vụ án tham nhũng bị phanh phui và hàng loạt quan chức bị vào tù.

Có chống được tham nhũng ?

Năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở "đánh chuột đừng để vỡ bình". Điều ông Trọng muốn nói là chống tham nhũng nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian qua đã đưa nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền ra vành móng ngựa, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng…

qua2

Một người đàn ông cầm những thỏi vàng trong tay. Reuters

Nhưng theo Nhà báo Trần Quang Thành, một nhà báo từng bị tạt acid do viết những bài chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam đã từng trả lời RFA trong một phỏng vấn về đề tài tham nhũng, thì lại cho rằng :

"Ông Trọng chỉ cho vào lò những đối tượng ông muốn triệt hạ, chứ những đối tượng mà ông nâng niu thì không. Cho nên việc kiên quyết chống tham nhũng của ông thực chất là triệt những kẻ có thể cản trở ông về quyền lực. Ông Trọng bảo "không có vùng cấm", ai chả nói thế nhưng hành động thì mới quan trọng, nó chứng minh cho lời nói".

Dù nhận xét việc cấm nhận quà trực tiếp và gián tiếp là một trong những biện pháp chống tham nhũng như đã nói ở trên, nhưng Luật sư Đặng Đình Mạnh vẫn e rằng trước bối cảnh khá buồn về tình trạng tham nhũng tràn lan như hiện nay, khi cán bộ, công chức đều "cá mè một lứa" với nhau, sẽ dẫn đến tình trạng nể nang, xuê xoa ... vô hiệu hóa các quy định luật pháp về chống tham nhũng.

Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1, dùng chống tham nhũng để giữ đảng ; Giai đoạn 2, dùng chống tham nhũng để giữ nước. Ông dẫn chứng : Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích của quốc gia dân tộc, của nhân dân, của đảng làm trọng tâm’.

Trong khi đó, giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng hiện nay thể hiện quyết tâm mang lại sự trong sạch cho guồng máy điều hành đất nước.

Tháng 8 năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật về Phòng chống tham nhũng. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian tới.

Rất nhiều cách mà Chính phủ Việt Nam đưa ra để chống tham nhũng trong thời gian qua, nhưng theo Tiến Sĩ nguyễn Quang A, với cách làm như bây giờ thì không thể chống tham nhũng được ở Việt Nam. Ông cho rằng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, bắt buộc phải có một nền tư pháp độc lập, không nhất thiết phải có tam quyền phân lập. Ông nêu ra ba điều cần phải có để chống tham nhũng trong chế độ độc đảng như hiện nay :

"Thứ nhất là tất cả mọi người - không trừ một ai - đều phải tuân thủ luật pháp ; thứ hai là phải có một nền tư pháp thật sự độc lập và mạnh. Chỉ khi có nền tư pháp thật sự độc lập thì lúc đó mới có thể trị tội bất kỳ ai vi phạm. Rule of Law mà không gắn với tư pháp độc lập thì hoàn toàn vô nghĩa ; thứ ba là phải có tự do báo chí".

Ông cho rằng thực sự chống tham nhũng không cần phải đi liền với dân chủ, bởi ba điều trên chưa tạo nên dân chủ nhưng có thể giảm tham nhũng một cách triệt để.

Một số nhà quan sát chính trị tại Việt Nam cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao nhà nước vì lý do tham nhũng thực ra là chuyện thanh trừng nội bộ. Một khi đảng cộng sản còn độc quyền cai trị thì nạn tham nhũng không thể chấm dứt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận :

"Với một cái đảng cộng sản "ngồi xổm" trên pháp luật 80 năm qua đã thành nếp rồi. Bất kể một ai mà "chui" được vào hệ thống này đều chỉ muốn "ngồi xổm" để kiếm tiền mà thôi thì làm sao mà chống tham nhũng được. Không thể !"

Ngày 29/1/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công thì Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, tụt 10 hạng so với năm 2017.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/08/2019

Published in Diễn đàn

Đảng cộng sản Việt Nam phản ứng ngày càng yếu ớt trước những hành động xâm lấn ngày càng hung hăng của Trung Quốc, mà điển hình là vụ Bãi Tư Chính vừa qua. Người dân trong nước nghĩ gì về vai trò của Đảng, họ hồ nghi về việc Đảng của dân và vì dân ?

dang1

Một người đạp xích lô đi qua biểu tượng búa - liềm ở Hà Nội. AFP

Tính "chính danh" của Đảng cộng sản

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam được đảm bảo bằng Điều 4 Hiến pháp năm 1980, khẳng định "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992 sửa đổi trên cơ sở điều 4 Hiến pháp 1980, chỉ bỏ đi từ "duy nhất" sau khi chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ. Việc bỏ đi từ "duy nhất" không làm nhẹ đi sự lãnh đạo độc quyền của Đảng cộng sản ở một nước mà khái niệm đa đảng không được chấp nhận. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đã từ bỏ đảng từng chia sẻ với RFA :

"Sự phát triển của xã hội loài người thì như chúng ta đều biết, nước nào đa nguyên, có đảng đối lập, tam quyền phân lập, thì họ sẽ phát triển nhanh và bền vững, dân trí, nhân quyền, nhân cách con người ngày càng được nâng cao. Ngược lại các nước độc tài toàn trị về hình thức ngắn hạn thì thấy có vẻ ổn định, nhưng về lâu dài thì không bền vững được. Thứ hai là không có tự do thì làm gì có sáng tạo. Không được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt thì xã hội không thể phát triển được".

Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, người tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam năm 2013 - ông Phạm Chí Dũng - ghi nhận về "tính chính danh" của Đảng cộng sản :

"Ghi nhận duy nhất về tính chính danh của chính thể độc tài ở Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Bãi Tư Chính lần 3 chỉ là động thái của Bộ Ngoại giao Việt Nam : trong một lần quá hiếm muộn của lịch sử quan hệ gấu ó Việt - Trung, cơ quan cấp bộ này đã hai lần liên tiếp gửi công hàm phản đối Trung Quốc về vụ tàu Hải Dương 8 xâm nhập Bãi Tư Chính và vụ Trung Quốc tổ chức tập trận ở Hoàng Sa.

Nhưng những đặc trưng còn lại của đảng cộng sản Việt Nam đều thiếu hẳn tính ‘công chính’".

Theo ông Dũng, với những phản ứng yếu ớt như thế thì tính nhân danh bảo vệ quyền lợi cho người dân của chính thể độc đảng ở Việt Nam đã được "tôn vinh trọn vẹn" đến mức nếu không phải là hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ tiến thẳng vào Biển Đông vào ngày 6/8 thì còn lâu, chứ không phải chỉ một ngày sau đó - 7/8, Trung Quốc mới chịu rút tàu Hải Dương 8 ra khỏi Bãi Tư Chính.

Còn với Luật sư Lê Công Định, khi phân tích về vai trò của Đảng cộng sản, ông nói tính chính danh của một chế độ chính trị phải được toàn dân bầu cử một cách tự do và dân chủ. Chế độ cộng sản dù ở đâu trên thế giới cũng không thể có tính chính danh vì toàn dân không ai bầu ra. Ông nói tiếp :

"Do đó nó phải có hai biện pháp có thể cứu vãn tính "chính danh". Thứ nhất nó phải mị dân ; tuyên truyền ; dối trá để nó lừa người dân mặc nhiên công nhận tính "chính danh" của nó.

Chuyện thứ hai là nó phải huy động sức mạnh để làm sao bảo vệ chủ quyền quốc gia và nó chứng minh rằng cái thể chế này tuy không được toàn dân bầu một cách tự do thật nhưng nó vẫn có khả năng duy trì chủ quyền quốc gia".

Đảng cộng sản đã thể hiện đúng vai trò của mình

Kể từ ngày có đảng, 89 năm qua đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành độc lập, và đưa một chủ nghĩa tiến bộ là chủ nghĩa cộng sản, đến với dân tộc Việt Nam.

Thực tế đảng đã làm được gì cho dân ? Nhà báo Phạm Chí Dũng đưa nhận xét của mình :

"Chính thể độc tài Việt Nam vẫn còn vài đặc thù rất ‘chính danh’ khác : sẵn sàng đàn áp bất cứ tiếng nói bất đồng và người dân nào dám lên tiếng và xuống đường biểu thị tinh thần phản kháng ‘đảng anh’ Trung Quốc, như bao lần đàn áp dã man các cuộc biểu tình của người dân chống Trung Cộng kể từ năm 2011 đến tận giờ đây".

Tiến sĩ bác sĩ Đinh Đức Long, nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, người tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam vào năm 2014 nói với RFA :

"Vụ Bãi Tư Chính vừa rồi thì trên thực tế họ có hành động nhưng điều đáng nói là giấu diếm nhân dân. Cái đó không thể được.

Anh (Đảng-pv) phải cho nhân dân biết ngay vì đất nước này đâu phải của mấy triệu đảng viên mà đất này của dân tộc Việt Nam, của người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Đảng phải thông tin cho toàn dân và cho thế giới biết một cách công khai. Cái thứ hai là đảng phải thu xếp kiện Trung Quốc càng sớm càng tốt để khẳng định chủ quyền Việt Nam".

Trong một hội nghị đại đoàn kết dân tộc, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố mỗi Đảng viên phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân để hoàn thành tốt nghiệm vụ. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng từng nhấn mạnh rằng : "Chúng ta phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"…

Có thể thấy, lãnh đạo đất nước này luôn thể hiện tinh thần "vì dân" trong các khẩu hiệu trên các diễn đàn, hội nghị. Nhưng trên thực tế, Luật sư Lê Công Định cho RFA biết :

"Họ cũng bày ra những trò hội thảo để nghe giới nhân sĩ trí thức góp ý, nhưng họ chỉ nghe lời nào mà nó thuận tai, còn lời nào nghịch tai thì họ sẽ lên án, họ dùng truyền thông họ trù dập người đó. Họ bêu rếu là thế lực thù địch…

Đảng cộng sản Việt Nam họ chỉ quan tâm đến lợi ích của họ và người trong đảng cũng chỉ quan tâm đến phe phái, nhóm và cá nhân của họ có lợi ích gì trong một hành động chính trị nào đó. Họ hoàn toàn không cần lắng nghe những ý kiến đóng góp cũng như là phản biện một cách ngay thẳng, trung thực".

Ông kết luận trong vụ Bãi Tư Chính vừa rồi nói riêng và trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung thì chế độ này hoàn toàn đánh mất tính "Đảng của dân và vì dân". Nó không thể hiện cái khả năng nào có thể tự bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự khiêu khích và xâm lấn ngày càng nhiều của Trung Quốc.

Cũng liên quan đến căng thẳng tại Bãi Tư Chính, trong thời gian Trung Quốc điều hàng chục tàu hải cảnh cùng dân binh vào vùng nước chủ quyền Việt Nam, ngư dân ở nhiều nơi đã nhận được những lá cờ tổ quốc khuyến khích họ bám biển. Ông Phạm Chí Dũng nói về việc này :

"Trong bầu không khí rũ rượi của câu vè ‘ngư dân bám biển, hải quân bám bờ’ vẫn dồn nén châm chích đến buốt tim, giới quan chức mặt lầy mỡ tổ chức phát hàng chục ngàn lá cờ đỏ sao vàng cho những ngư dân xơ xác và thiểu não vì mất biển, mất kế mưu sinh và mất cả lòng tin vào lực lượng ‘quân với dân như cá với nước’, mưu biến những ngư dân này trở thành lá chắn sống lao ra biển đối đầu với tàu vũ trang của địch".

Trong một lần trò chuyện với RFA về mối liên quan giữa phát triển đất nước và sự tồn tại của đảng cộng sản, Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra lời khuyên, nếu muốn phát triển phải thay đổi từ một đảng cách mạng thành một đảng chính trị thì mới tồn tại được, chứ như hiện nay không những đảng sẽ đem tai họa cho đất nước mà sự tồn tại của đảng cũng khó bền vững.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 12/08/2019

Published in Diễn đàn

Bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tử vong bất ngờ hôm 18/7/2019 với nguyên nhân được báo chí trong nước loan là tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo về gan. Sau đó trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết cho rằng ông Trần Bắc Hà chết do tuyệt thực và đơn tố cáo Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc là một tác nhân gây ra cái chết cho ông Trần Bắc Hà.

RFA phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, người từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.

tocao1

Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 - Bộ Công an. Photo : Sputnik

Diễm Thi : Thưa ông Phạm Chí Dũng, đây là lần đầu tiên có một bức thư tố cáo có tên tuổi rõ ràng được gửi tới các cấp lãnh đạo tố cáo một thiếu tướng công an. Theo ông thì vì sao lại có chuyện này ? Bao nhiêu phần trăm ông tin vụ tố cáo này là đúng ? Ông có nghĩ rằng "tố cáo" do tư thù cá nhân hoặc phe –nhóm "đánh" nhau vì quyền lợi ?

Phạm Chí Dũng : Nói một cách chính xác thì có thể nói đây là một trong những lần hiếm hoi có đơn thư tố cáo mà có địa chỉ, tên tuổi và số điện thoại di động rõ ràng và được công khai lên mạng xã hội. Điều nầy nhắc chúng ta trở lại thời tiền Đại hội XII vào năm 2015 để chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam thì lúc đó cũng có khá nhiều đơn thư tố cáo. Và trong đó có một ít đơn thư tố cáo trong nội bộ đã đưa lên mạng xã hội. Vấn đề hiện nay, thư tố cáo này tố cáo trực tiếp Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục 3 của Bộ Công an về vấn đề để cho Trần Bắc Hà chết trong trại giam.

Tôi thấy vấn đề nầy rất không bình thường. Thứ nhất, Trần Bắc Hà chết trong trại giam 771 là của quân đội nhưng thư tố cáo lại tố cáo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc của Bộ Công an. Theo một bài viết đưa lên mạng xã hội về sự thật cái chết của Trần Bắc Hà thì cho là ông nầy đã được di chuyển từ trại T16 của Bộ Công an sang trại 771 của quân đội. Như vậy, nếu như Trần Bắc Hà chết trong trại giam nào thì cơ quan quản lý trại giam đó phải chịu trách nhiệm chứ tại sao lại tố cáo Nguyễn Duy Ngọc ? Như vậy Bộ Công an có vai trò gì trong cái chết của Trần Bắc Hà ? Trong khi đó, lại không tố cáo Bộ Quốc phòng hay một quan chức nào đó thuộc Bộ nầy vì trại giam 771 là của Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là một ẩn số lớn.

Theo tôi, nó có vẻ liên quan đến nội bộ của công an. Bên cạnh đó, cũng cần ráp nối với một thông tin nữa là sau Đại hội Trung ương X vào tháng 5/2019 thì bắt đầu sắp xếp cơ bản phần nhân sự các cấp Ủy viên Trung ương để sau đó tiến tới sắp xếp phần nhân sự của cấp Ủy viên Bộ Chính trị vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Tôi nghe nói, trong danh sách Ủy viên Trung ương có Nguyễn Duy Ngọc, Thiếu tướng của Bộ Công an. Còn có thông tin nữa là Nguyễn Duy Ngọc là một trong những ứng cử viên cho chức Thứ trưởng Bộ Công an tại Đại hội XIII.

Như vậy, phải chăng đây là đòn đánh trong nội bộ nhân cái chết của Trần Bắc Hà rồi tung ra những vụ giống như "scandal" liên quan đến các nhân vật lãnh đạo và đơn thư tố cáo những nhân vật đó ?

Vấn đề thứ hai, tôi đang tự tìm hiểu thì ngoài bài viết "Sự thật về cái chết của Trần Bắc Hà" thì đã có một đơn thư tố cáo ký tên là Nguyễn Tất Thắng, cán bộ trại giam 771. Trại giam 771 là của Bộ Quốc phòng. Do vậy, cán bộ trại giam 771 cũng là quân nhân Bộ Quốc phòng chứ không phải là sĩ quan công an. Như vậy, trường hợp xảy ra là người bên quân đội tố cáo người bên công an. Có cái gì đó không hợp lý lắm vì lẽ ra phải tố cáo Cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý trại giam. Thêm nữa, lá thư tố cáo này được gởi đến nhiều cấp lãnh đạo nhưng chưa làm rõ được Trần Bắc Hà chết vì cái gì.

Tóm lại, theo tôi nhận xét, có một số điểm rất tương đồng với nhau giữa bài viết "Sự thật về cái chết của Trần Bắc Hà" ở trên mạng xã hội và trong đơn tố cáo mà người ký tên là Nguyễn Tất Thắng, cán bộ trại giam 771. Tôi cho rằng nó xuất phát từ một người hoặc một nhóm người, thậm chí là một thế lực chính trị. Nó logic luôn cả chuyện đưa thông tin từ trong nội bộ ra và cũng chính nhóm người đó hoặc tác giả đó đã chuyển thông tin từ trong nội bộ về cái chết của Trần Bắc Hà vào ngày 18 tháng 7 thì báo chí nhà nước mới có tin để đăng. Nguồn tin này phải từ trong nội bộ, còn độ chính xác như thế nào thì tất nhiên chúng ta không thể kiểm chứng được vì chúng ta cũng chỉ là những người bên ngoài. Kinh nghiệm trước nay cho thấy chỉ vì mục đích tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ thì tin tức nội bộ được tuồn ra.

Diễm Thi : Ngày 1/8, trả lời báo chí về quá trình làm rõ vụ việc bị can Trần Bắc Hà, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang phối hợp với Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà. Theo ông thì điều này có bình thường không khi ông Hà chết từ ngày 18/7 ?

Phạm Chí Dũng : Chúng ta cần chú ý là Trung tướng Lương Tam Quang cho biết hôm 1/8 là đang khám nghiệm tử thi, tức là sự việc đang diễn ra và theo ông Quang thì cơ quan khám nghiệm tử thi không phải là Bộ Công an mà là Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì. Như vậy rõ ràng đây có một sự không bình thường, tức là Trần Bắc Hà được thông báo chết vào ngày 18/7 và sau đó đưa về gia đình chôn cất, có thông tin là đã chôn cất mà đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 mới khám nghiệm tử thi. Có nghĩa là lôi xác Trần Bắc Hà lên và khám nghiệm tử thi. Tại sao cơ quan pháp y lại không khám nghiệm tử thi ngay lúc Trần Bắc Hà chết tại bệnh viện 105 của quân đội, đơn giản và dễ dàng hơn nhiều ?

Việc khám nghiệm tử thi như vậy phải chăng cho thấy một số quan chức nào đó hay một cơ quan nào đó không tin Trần Bắc Hà chết một cách bình thường ?

Diễm Thi : Theo báo chí nhà nước thì ông Trần Bắc Hà chết do bệnh. Theo những bài viết trên mạng xã hội thì ông Hà chết do tuyệt thực, bây giờ lại đang khám nghiệm tử thi. Ông có cho rằng sẽ ra một kết quả khác với hai kết quả trên không ạ ?

Phạm Chí Dũng : Tôi nghĩ sẽ khó hoặc không bao giờ cơ quan điều tra công bố kết quả khám nghiệm tử thi ông Trần Bắc Hà, vì đó là việc họ không mong muốn. Thứ nhất kết quả khám nghiệm tử thi được xem là một trong những nội dung được bảo mật của bên công an và quân đội. Thứ hai là khó có thông tin Trần Bắc Hà chết được tung lên trên báo chí nhà nước, tôi nghĩ rằng có một số quan chức trong Bộ công an hoặc trong Bộ quốc phòng hoặc cả hai bộ này không hài lòng, vì họ hoàn toàn không muốn lộ ra thông tin về cái chết của Trần Bắc Hà.

Diễm Thi : Ông đánh giá phe cánh của ông Trần Bắc Hà (hay còn nói là phe của 3X – Ba Dũng) hiện nay ra sao sau cái chết của ông Trần Bắc Hà ?

Phạm Chí Dũng : Có nhiều dư luận về thực lực của phe cánh này. Có dư luận cho rằng họ tan tác từ năm 2016 tức sau Đại hội XII, nhưng cũng có dư luận cho rằng phe này cũng đang ngấm ngầm có sự vận động hậu thuẫn và tập hợp ở khu vực miền Nam để chống lại chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng.

Có điều tôi biết rõ là có một "vướng cản" đủ lớn mà chiến dịch đốt lò từ năm 2016 tới giờ chưa rớ được tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí chưa đến được cửa nhà Lê Thanh Hải.

Phe nhóm này đến nay chắc chắn còn tồn tại nhưng thực lực của nó có đủ mạnh để chống chiến dịch đốt lò lâu dài hay không thì lại là vấn đề khác, vì thực ra trước Trần Bắc Hà đã có một đại gia ngân hàng trong nhóm Nguyễn Tấn Dũng là Trầm Bê bị bắt vào tháng 8/2017.

Phải nói đây là vụ đình đám. Là đòn giáng khá mạnh vào phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Dũng. Có thể nói đến khi Trần Bắc Hà bị bắt thì phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản là tan rã.

Diễm Thi : Trong thư tố cáo Thiếu tướng Trần Duy Ngọc có đề cập tin con trai ông Trần Bắc Hà đang trốn ở Lào, ông nghĩ gì về điều này ?

Phạm Chí Dũng :Vụ này làm chúng ta nhớ lại vụ Bùi Quang Huy – Giám đốc công ty Nhật Cường cũng được Bộ Công an cho biết đã bắt, nhưng tới nay vẫn không bắt được và Bùi Quang Huy đã trốn biệt.

Như vậy trong thời gian gần đây đã có ít nhất hai hiện tượng xáo xào trong nội bộ của Bộ Công an.

Hiện tượng thứ nhất liên quan tới Nguyễn Đức Chung bị đánh vì có thông tin Nguyễn Đức Chung có thể trở lại Bộ Công an và làm Bộ trưởng, ngồi ghế Ủy viên Bộ chính trị cho nên bị đánh. Vụ thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc với đồn đoán có thể nhận ghế Thứ trưởng Bộ công an tại Đại hội XIII. Cho nên tổng hợp vụ Nhật Cường, Chung con và vụ Trần Bắc Hà thì thấy trong nội bộ Bộ Công an một lần nữa xáo xào trước Đại hội XII.

Diễm Thi : Là một nhà báo, ông dự đoán truyền thông chính thống sẽ đối phó như thế nào với những bài viết về cái chết Trần Bắc Hà lan truyền trên mạng xã hội như vừa qua ?

Phạm Chí Dũng : Nói về truyền thông nhà nước thì thực ra nó là một thể hỗn tương đầy mâu thuẫn không thống nhất, vì từ khi phát sinh những nhóm lợi ích và những nhóm quyền lực, sau đó là những nhóm quyền lực - lợi ích xen cài với nhau, thì truyền thông nhà nước trở nên cát cứ và phân hóa dữ dội.

Một số ủng hộ phe phái này, một số ủng hộ phe phái kia. Các phe phái không chỉ mượn mạng xã hội mà còn mượn luôn truyền thông nhà nước để tấn công nhau, đấu đá, tranh giành lẫn nhau.

Liên quan đến cái chết của Trần Bắc Hà thì tôi không nghĩ rằng sẽ có những bài viết thống nhất của nhà nước át vụ này đi hoặc mở tung vụ này ra, mà sẽ có một số tờ báo chủ yếu bên công an, quân đội, lực lượng vũ trang sẽ lên tiếng và cho rằng cái chết của ông Hà là do bệnh tật, trong khi đó sẽ có những tờ báo khác muốn khui vụ này ra.

Diễm Thi : Cảm ơn ông Phạm Chí Dũng đã dành thời gian cho RFA.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 07/08/2019

Published in Diễn đàn

Thể chế là rào cản của giáo dục

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có đợt tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giảng viên các trường sư phạm chủ chốt nhằm bồi dưỡng nhân sự tham gia phát triển tài liệu và bồi dưỡng giáo viên phổ thông, nâng cao năng lực thực hiện giáo dục phổ thông mới.

giao1

Học sinh trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, Hà Nội trong ngày khai trường. Reuters

Đây là một trong các nỗ lực của ngành giáo dục nhằm giúp thay đổi chương trình học ngày một mới hơn, hiện đại hơn, nhưng nhiều người đang hoang mang về những loại hình mang tính chất "đổi mới" của ngành giáo dục Việt Nam. Bộ Giáo dục và đào tạo đã từng thừa nhận những thiếu sót về lộ trình và bước triển khai chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo và còn có một bộ phận ngại đổi mới… trong Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam được triển khai từ năm 2013.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng giáo dục Việt Nam hiện tồn tại rất nhiều vấn đề. Nếu không thay đổi cái chính là tư duy về nhân sự, đặt con người lên trên hết thì không giải quyết được gì cả. Ông nêu ra mấu chốt của vấn đề :

"Mấu chốt là vấn đề chính trị vì nền giáo dục của Việt Nam không dựa trên những tiêu chuẩn như nhân bản ; khoa học ; đại chúng ; sáng tạo…mà dựa trên luật giáo dục là phải đào tạo ra con người XHCN. Nghĩa là giáo dục Việt Nam phải tuân thủ và đi theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Quy định không để nhân bản ; không để vai trò của giáo viên, học sinh lên trên hết mà để vấn đề chính trị, tư tưởng lên trên hết. Một khi họ sai từ cơ bản thì họ sai hết tất cả. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì Bộ GD có sửa cách nào cũng vậy thôi".

Từ sau năm 1975, giáo dục ở Việt Nam đã nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học... khi Chính phủ ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009) ; chưa kể những thay đổi ở các bậc học khiến ngành giáo dục càng ngày càng mất cân đối.

Mọi cải cách cho đến nay vẫn chỉ loay hoay trong "cải cách của cải cách" mà không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục rõ ràng nào.

Giảng viên đại học Chế Quốc Long từ Sài Gòn khẳng định, thể chế độc tài muốn kiểm soát tất cả nên không thể có sự thay đổi. Một khi con người trong ngành giáo dục được tư duy một cách tự do thì cải cách mới phát triển được. Ông nói thêm :

"Những cải tiến của Bộ Giáo dục và đào tạo qua các thời kỳ bộ trưởng luôn có tính tình thế. Từ việc giảm tải chương trình, kết hợp các môn học khoa học tự nhiên hay xã hội, thay đổi phương thức thi cử... Điều cần cải tiến thì bộ lại không làm được.

Chương trình giáo dục phổ thông quá giáo điều, hình thức, nặng nề, kìm hãm tư duy sáng tạo của người học. Việc duy trì một bộ sách giáo khoa độc quyền đã giết chết tính sáng tạo của cả người học và người dạy".

Với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì tình hình giáo dục ở Việt Nam rất trầm trọng trong khi ông Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lại có tư duy rất kém cỏi. Bây giờ muốn thay đổi thì phải thay đổi từ tư duy của người lãnh đạo về giáo dục và tuyên truyền. Phải thay đổi tư duy của Ban tuyên giáo, bởi Bộ Giáo dục và đào tạo làm gì cũng phải có những điểm căn bản, phải nghe theo chỉ tiêu của Ban tuyên giáo. Ông dẫn chứng :

"Họ vẫn còn cái tư duy coi trường học không phải chỗ để mà trao đổi, để mà phổ biến cái hiểu biết của con người, hiểu biết của nền văn minh, hiểu biết của nhân loại. Mà họ coi trường học là phương tiện để tuyên truyền chính trị, cho nên họ đặt nặng những giáo trình không ăn nhập gì đến việc học hành mà họ bắt sinh viên phải thấu triệt, nếu không thì họ không cho đậu. Họ dùng nhà trường để tuyên truyền chính trị thì không bao giờ có nền giáo dục tốt được !"

giao2

Học sinh trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, Hà Nội trong ngày khai trường. Reuters

Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều thay đổi so với hiện tại, nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực.

Tại buổi công bố, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận xét phần lớn những giáo chức ở Việt Nam không được đào tạo bài bản. Nếu được đào tạo bài bản thì chỉ bài bản về chuyên môn mà thôi, chứ cái triết lý giáo dục, cái nhân văn của giáo dục, cái tinh thần giáo dục họ không thấu triệt, cho nên họ không thực thi được những gì cần thiết cho nền giáo dục nước nhà.

Giáo dục cần một "nhạc trưởng" tài ba

Ngày 11 tháng 5 năm 2018, trong khi trình bày báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định : "Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao". Ông Nhạ dẫn nguồn thông cáo báo chí của Ngân hàng Thế giới hai tháng trước đó rằng hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng của Trung Quốc và Việt Nam.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng ngôi nhà giáo dục Việt Nam đã mục nát mà cải tổ chỉ bằng cách quét vôi thì nó không thay đổi gì được cả. Vấn đề giáo dục của Việt Nam nó liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, nhiều bộ, nhiều ban ngành khác nhau như Bộ tài chính, Bộ nội vụ…

Do đó muốn sửa đổi những vấn về giáo dục thì phải sửa đổi cả những vấn đề của các ngành liên quan. Ông nêu một trong những điều quan trọng cần phải thay đổi đó là tăng lương cho giáo viên, xứng đáng với công sức họ bỏ ra, nếu không thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như chạy điểm, dạy không chất lượng để mở lớp dạy thêm riêng, dù biết là không dễ dàng vì Bộ Giáo dục không có toàn quyền quyết định. Ông nói :

"Họ cũng có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình giáo dục ở Việt Nam, nhưng giáo dục ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề ở dưới như vấn đề thi cử, vấn đề lương giáo viên, vấn đề sách giáo khoa. Đụng đâu cũng có vấn đề cả. Một vấn đề khá mấu chốt là vấn đề lương giáo viên. Trong các chính sách mới của Bộ Giáo dục và đào tạo, tôi không thấy họ đề cập đến lương giáo viên".

Khi trao đổi với RFA về những cải cách của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn đang làm, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không kỳ vọng có một sự thay đổi nào trừ khi họ có sự thay đổi căn bản là thay đổi triết lý giáo dục, triết lý về nhà trường, triết lý về truyền bá hiểu biết cho người dân, cho sinh viên, cho tuổi trẻ. Ông khẳng định giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường :

"Nền giáo dục của Việt Nam đã lạc hậu trầm trọng cho nên muốn cải tiến thì không thể có những biện pháp hời hợt ngoài da được mà phải cải tạo đến xương đến tủy.

Vấn đề là phải quay đầu lại và đi con đường khác. Mà quan trọng là vấn đề con người, vấn đề nhân sự. Nền giáo dục Việt Nam không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục Việt Nam đang đi vào đường rừng, càng chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi.

Tuy thất vọng về hiện tại nhưng vị giáo sư này vẫn tin vào một "vị cứu tinh". "Vị cứu tinh" mà ông nói đến cũng xuất phát từ trong đảng nhưng họ nhận thức được hiện trạng cấp bách của nền giáo dục Việt Nam đem lại sự khai sáng trong đường hầm tăm tối hiện nay. Đó cũng là cách giúp kinh tế Việt Nam phát triển bởi giáo dục ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của đất nước, nhất là về kinh tế.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 02/08/2019

Published in Diễn đàn

Cách đây đúng một tháng, ngày 1 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định này được cho là "vũ khí" hữu hiệu để dẹp bỏ các doanh nghiệp "sân sau", chống tham nhũng.

sansau0

Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Việt Nam, người bị tố cáo "sân sau" nhiều nhất. Reuters

Doanh nghiệp "sân sau" từ đâu ra ?

Với dư luận trong nước, nhiều năm qua, khái niệm "sân sau" không còn xa lạ gì. Đây thực chất là "loại mô hình" để các quan chức trong bộ máy nhà nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu nhằm ăn chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nói một cách nôm na là "doanh nghiệp dùng tiền nuôi quan chức và quan chức dùng quyền bảo kê cho doanh nghiệp".

Vậy những doanh nghiệp này xuất hiện từ khi nào, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhớ lại :

"Vấn đề "sân sau" của các quan chức bắt đầu nổi lên từ những năm 2009 - 2010. Đến năm 2012 nó chính thức được nêu ra bởi một trang web không hề chính thức tên "Quan làm báo". Trang này có nhiều khả năng do một nhóm trong chính nội bộ đảng lập ra và chĩa vào "sân sau" của các quan chức ; chỉ trích, tố cáo "sân sau" của các quan chức. Thời gian đó quan chức bị tố cáo sân sau nhiều nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".

Ông Phạm Chí Dũng cũng nêu nhận xét của ông rằng càng về sau này chính trường Việt Nam càng lộ ra một đặc điểm rất lớn là các quan chức từ cao cấp xuống đến trung cấp đều có sân sau. Có nghĩa là đã có sự kết hợp một cách hữu cơ giữa các nhóm chính trị, quan chức chính trị, cá thể chính trị với những nhóm lợi ích tài phiệt kinh tế, những cá thể kinh tế để trở thành những mối quan hệ chính trị và lợi ích xen kẽ lẫn nhau.

Trước đây, "sân sau" là một từ ngữ được Đảng cộng sản Việt Nam giấu diếm, nhưng bây giờ nó phổ biến đến nỗi được dùng trong các văn bản của đảng luôn.

Tại buổi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngày 19 tháng 9 năm 2017, Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội, bà Lê Thị Nga phát biểu rằng : "Kết quả kiểm tra gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của cử tri về ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau’ là có căn cứ".

Nhà báo Đường Văn Thái, người từng có thời gian làm việc tại Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết hầu như chính trị gia nào cũng có "sân sau", có những ông còn có "cổ phần hơi", nghĩa là mọi thứ được thỏa thuận bằng lời nói, chỉ cần vài cú điện thoại là giải quyết xong mọi thỏa thuận. Có thể hiểu đại loại là - doanh nghiệp và quan chức sống dựa vào nhau :

"Có tiền sẽ có quyền - có quyền sẽ ra tiền. Thế nên các doanh nghiệp phải chạy theo dùng tiền "nuôi" một chính trị gia, rồi chính trị gia dùng quyền bảo kê cho các doanh nghiệp này".

Quan chức có thể "lách" luật để "sân sau" tồn tại ?

Đa số người đứng đầu những doanh nghiệp "sân sau" là người thân, bà con họ hàng với người đứng đầu địa phương, cơ quan, chính quyền, nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 thì chỉ quy định "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp" chứ chưa có quy định hình thức xử lý.

Nay, Nghị định 59/2019/NĐ-CP vừa mới ban hành quy định rõ tại Điều 83 : "Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo ; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước".

Tuy Nghị định 59 có nêu cụ thể hình thức xử lý nhưng do vừa mới ban hành, chưa biết khi áp dụng vào thực tế có chặn đứng, xử lý nghiêm khắc các quan chức sử dụng sân sau để trục lợi hay không nhưng Nhà báo Đường Văn Thái khẳng định rằng, đây chỉ là hình thức mị dân chứ không thể dẹp được sân sau cho dù có ra bao nhiêu quy định đi nữa, bởi ông nào cũng có "sân sau" :

"Đã gọi là công ty "sân sau" thì ông này dính đến ông kia. Chuyện dẹp sân sau cũng giống như chuyện chống tham nhũng, thật ra chỉ để thanh trừng lẫn nhau mà thôi. Loại bỏ sân sau là chuyện rất khó. Ngày xưa các cụ bảo "12 sứ quân" chứ bây giờ mỗi chính trị gia là một sứ quân. Mỗi ông một nhóm, một phe thì khó loại lắm. Loại ông này lại đạp ông kia".

Trong một lần trò chuyện với RFA, Nhà báo Trần Quang Thành, nạn nhân của việc chống tham nhũng từ 30 năm trước nhận xét rằng, nội bộ đảng cộng sản có thể mâu thuẫn với nhau kịch liệt, có thể thanh trừng lẫn nhau, nhưng đến một lúc nào đó, vì quyền lợi của đảng và quyền lợi của cá nhân họ thì họ sẽ "ngã giá" với nhau để giữ lại thế cân bằng chứ không bao giờ triệt hạ nhau đến cùng. Nhận xét của Nhà báo Trần Quang Thành cũng chỉ ra bức tranh không sáng sủa cho dù chính quyền có đưa ra bao nhiêu giải pháp chống tham nhũng mà trong đó việc dẹp bỏ "sân sau" là một mục đích chính đi nữa.

Với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì việc dẹp tham nhũng hay dẹp "sân sau" đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn với độ trong sạch và minh bạch rất cao từ đảng, nếu như đảng thật sự muốn dẹp. Tuy vậy ông nhận xét :

"Tôi đồ rằng rất khó vì hơn hai năm qua, tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng.

Nếu đảng không diệt được "sân sau" thì chính sân sau sẽ diệt đảng, tức làm tan vỡ đảng".

Ông Phạm Chí Dũng nêu ra hai giải pháp mà theo ông có thể làm giảm chứ không thể loại trừ hoàn toàn "sân sau" của các quan chức : Thứ nhất là khi phát hiện dấu hiệu có "sân sau" của các quan chức thì người đứng đầu nhà nước phải luân chuyển ngay, không chờ hết nhiệm kỳ.

Giải pháp thứ hai là đảng cộng sản cứ để cho các phe phái tiêu diệt lẫn nhau, lúc đó họ tiêu diệt luôn "sân sau" của nhau, với điều kiện Ban tổ chức trung ương, Ban tuyên giáo trung ương đừng can thiệp vào.

Ông cũng đề cập đến vấn đề truyền thông "bẩn" trong chiêu trò triệt hạ "sân sau" của các phe cánh.

Điều đó cho thấy rằng, công cuộc chống tham nhũng trường kỳ nay đã có thêm công cụ mới là Nghị định 59. Thêm công cụ này, ắt hẳn sẽ có không ít quan chức đang tại nhiệm sẽ bị đem ra trước vành móng ngựa ? Tuy vậy, ông Đường Văn Thái vẫn không lạc quan về chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vì theo ông không bao giờ có "ánh sáng cuối đường hầm" :

"Bây giờ báo chí đang rùm beng vụ hàng Việt Nam đội lốt Trung Quốc như vụ Asanzo. Đây cũng là sân sau của một quan chức trong Bộ chính trị, cho nên báo chí lên tiếng cứ lên, dân cứ nói nhưng chắc gì dẹp được !"

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 01/08/2019

Published in Diễn đàn

Ngày 11/7/2019, tại hội trường Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi họp khoáng đại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam lần thứ 9 do BPSOS tổ chức.

tusi1

Buổi họp khoáng đại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm 11/7/2019. RFA

Hiện tình tự do tôn giáo trong nước

Buổi họp có sự tham gia của nhiều vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang, đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các phái đoàn đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ và từ Canada. Đặc biệt có mặt một số đại diện các tổ chức tôn giáo đang bị bách hại tại Việt Nam. Họ đến đây để nói lên điều gì cũng như hy vọng có sự thay đổi gì ?

Mở đầu phiên khoáng đại, Linh mục Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Luật Tín ngưỡng và tôn giáo đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/11/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất cũng như hiện tình về tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Ông nói :

"Một cách tổng quát, khi luật này được thông qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như chúng tôi rất giật mình, vì xem ra có một bước thụt lùi so với những dự thảo trước đó. Ví dụ Dự thảo 5 mà chính quyền đưa ra để các tôn giáo góp ý kiến thì chúng tôi thấy có những sự tiến bộ rất lớn : Tôn trọng quyền tự do tôn giáo ; nhưng rất tiếc khi Bộ luật được thông qua thì lại là một bước lùi so với những dự thảo được đưa ra trước đó".

Linh mục Lê Quốc Thăng cũng đưa ra một vài nhận định về thực chất việc bảo vệ, tôn trọng quyền tự do tôn giáo hiện nay ở Việt Nam rằng, ẩn sâu bên trong những bất cập là cách nhìn nhận và quan điểm của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Chính vì thế mà chính quyền luôn chính trị hóa các tổ chức tôn giáo. Nếu không chính trị hóa được thì sẽ cố gắng thành lập các Giáo hội dưới quyền lãnh đạo của đảng và Nhà nước. Chẳng hạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam. Đó là những tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng và Nhà nước Việt Nam chứ không phải là những tổ chức thuần túy thuộc về tôn giáo.

Đạo hữu Dương Xuân Lương, tín đồ Cao đài, cựu tù nhân lương tâm đến từ tiểu bang Texas cho RFA biết, ông đến tham dự Ngày vận động cho Việt Nam với ba mục tiêu :

Thứ nhất là vận động các dân biểu và nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ làm việc với chính quyền Việt Nam về những vi phạm của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tôn giáo đạo Cao đài cũng như các tôn giáo khác như Phật giáo, Hòa hảo, Công giáo, Tin lành… ;

Thứ hai là từ chính sách độc tài, nhà cầm quyền Việt Nam bóp nghẹt tiếng nói những người yêu nước, yêu nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, bắt giam họ một cách tùy tiện. Vị này bày tỏ mong muốn nói lên sự thật để các vị thuộc lập pháp, hành pháp Hoa Kỳ tác động lên chính quyền Việt Nam, buộc họ phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm ;

Thứ ba là chế tài những viên chức Việt Nam có liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước.

Mong mỏi một sự thay đổi

tusi2

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Scott Busby, dẫn số liệu tính đến tháng 6/2019 đã có 256 tù nhân lương tâm bị giam giữ và cầm tù tại Việt Nam. RFA

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu, đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên tiếng với RFA rằng ông có lòng tự tôn của dân tộc khi từ một nơi xa xôi như Việt Nam đến Hoa Kỳ trình bày về tự do tôn giáo và nhân quyền, nhưng ông phải làm với mong muốn có những tổ chức tôn giáo độc lập không do Nhà nước quản lý :

"Vì 44 năm qua Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có nhân quyền cho nên mình phải trình bày để xem họ có thể giúp đỡ gì để thay đổi hiện tình đất nước. Hiện nay tôn giáo nằm dưới sự lãnh đạo của Nhà nước cộng sản Việt Nam. Vì thế tôi mong muốn cần phải có những tổ chức tôn giáo độc lập".

Thượng tọa diễn giải rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay do Nhà nước lập nên, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả những lãnh đạo chủ chốt từ cấp trung ương đến địa phương đều là người của đảng. Họ làm theo mệnh lệnh và sự điều khiển của Mặt trận tổ quốc và công an nhiều hơn là của tăng ni và Phật tử.

Đạo hữu Dương Xuân Lương cũng nêu lên mong muốn của mình :

"Nhà cầm quyền Việt Nam đã hứa rất nhiều lần nhưng không thực hiện. Nên tôi mong muốn ngành lập pháp Hoa kỳ tác động lên ngành hành pháp để đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC. Buộc Việt Nam phải tôn trọng những điều mà chính họ đã cam kết".

Mục sư Tin lành Vàng Chí Mình, cựu tù nhân tôn giáo với bản án chín năm tù, cho biết lý do ông có mặt trong buổi hôm nay :

"Tôi muốn trình bày cho quốc hội Hoa Kỳ biết lý do người Hmong bị đàn áp là vì đức tin theo Đức Chúa Trời. Vì đức tin mà chúng tôi trở thành người Hmông vô tổ quốc ngay trong đất nước mình bới họ bị tịch thu hộ tịch, hộ khẩu. Rất nhiều người Hmông rơi vô tình trạng này. Trẻ con khộng được đi học. Tất cả chỉ vì đức tin".

Bà Gayle Manchin, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC - Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Đề nghị của bà nhận được nhiều tiếng vỗ tay từ các cử tọa.

Các quốc gia bị chỉ định như vậy sẽ bị Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp chế tài, bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế.

Theo một chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đây là những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 (HR 2431) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55).

Những nước "đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo" có nghĩa là có hệ thống, liên tục, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo, bao gồm các vi phạm như : tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay đối xử hạ đẳng hay trừng phạt ; kéo dài thời gian bị giam giữ mà không cần khởi tố ; gây ra sự mất tích bằng cách bắt cóc hoặc giam giữ những người này một cách bí mật ; hoặc phủ nhận trắng trợn quyền sống, tự do, hoặc sự an toàn của người dân.

Rất nhiều người lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam bị đàn áp, bắt bớ trong nước. Những người có dịp ra nước ngoài để lên tiếng cũng chấp nhận những rủi ro khi trở về.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước bày tỏ quan điểm của mình với RFA khi dấn thân lên tiếng cho những người dân trong nước :

"Chắc chắn khi tôi bước chân ra đây thì nhà cầm quyền Việt Nam theo dõi từng bước chân của tôi. Trước khi đi tôi cũng đắn đo và chấp nhận tất cả những điều có thể xảy ra như bắt bớ, giam cầm, tù đày…

Tôi sẵn sàng cho những điều đó bởi tôi nghĩ quyền lợi của tổ quốc, của nhân dân lên trên quyền lợi nhỏ bé của cá nhân tôi. Đó là ý nguyện và cách sống của chúng tôi".

Thượng nghị sĩ John Cornyn, tác giả Dự luật Chế tài vì Đàn áp Nhân quyền ở Việt Nam lên tiếng :

"Tôi muốn đưa trở lại luật chế tài các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trong nước. Các biện pháp trừng phạt này sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi chính phủ Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị và ngừng sử dụng bạo lực chống lại các nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa.

Chúng ta tích cực củng cố mối quan hệ song phương. Nhưng sự thành công của mối quan hệ Việt - Mỹ đòi hỏi hồ sơ nhân quyền của Việt Nam phai được cải thiện. Có những bước tiến cũng như thụt lùi về nhân quyền trong những tháng gần đây. Tôi cảm thấy được khuyến khích bởi tổng thống Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo đến Việt Nam vào tháng 2 và tôi tiếp tục thúc giục họ đề cao quyền con người ở Việt Nam".

Theo thống kê được ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn ra tại buổi họp hôm nay, tính đến tháng 6/2019 đã có 256 tù nhân lương tâm bị giam giữ và cầm tù tại Việt Nam.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 11/07/2019

Published in Diễn đàn

Hôm 7/7/2019, mạng xã hội xuất hiện bản Tuyên bố Thủ Thiêm 4 với chữ ký của 3 tổ chức Tổ chức Xã hội và 90 cá nhân trong và ngoài nước, cùng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi bị tước đoạt của nhiều người dân Thủ Thiêm.

danoan0

Dân oan Thủ Thiêm trong một lần nộp đơn khiếu kiện. Courtesy of zing.vn

Nguyên nhân ra đời và nội dung bản tuyên bố

Ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tổ chức xã hội dân sự nhận định bản thông báo khẳng định sai lầm, vi phạm cố ý của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các ban ngành kể cả trung ương đã không thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch của chính phủ, cố ý vi phạm pháp luật và các quy định của thủ tướng chính phủ. Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 26 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên bản thông báo đã không đề cập gì đến việc 15 ngàn hộ dân bị di dời nằm ngoài ranh theo Quyết định 367 ; không đề cập gì đến 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch ; không đề cập gì đến 160 ha tái định cư biến mất ; không đề cập gì đến việc 115 người dân ký tên khiếu kiện tập thể…

Chính vì vậy các tổ chức xã hội dân sự cùng soạn thảo một bản tuyên bố với bốn nội dung :

1. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải khẩn trương giải quyết đơn khiếu nại tập thể do 115 người dân Thủ Thiêm đại diện, trả lại đất hoặc đền bù theo giá thị trường hiện nay cho những hộ nằm ngoài ranh qui hoạch ; bồi thường hỗ trợ cho những hộ dân trong quy hoạch ; trả lại 160 ha đất tái định cư cho dân để dân xây dựng lại nhà cửa ổn định cuộc sống.

2. Phải có luật sư độc lập do dân chọn làm đại diện trong ban bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chính quyền phải thường xuyên đối thoại với dân giải quyết khiếu nại.

3. Phải chuyển ngay thông báo 1041/TB - TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 cho cơ quan điều tra xử lý theo luật pháp. Phải trừng trị những ai đã vi phạm pháp luật gây đau khổ, mất đất mất nhà, thiệt hại về tinh thần và vật chất cho người dân Thủ Thiêm dù những kẻ đó ở bất kỳ cấp nào, còn làm việc hay đã về hưu. Phải trừng trị những tên sử dụng quyền lực và cơ chế vơ vét tài sản làm giàu bất chính cho cá nhân và phe nhóm.

4.- Phải sửa lại luật đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu về đất đai bao gồm sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể, và sở hữu nhà nước. Xóa bỏ vĩnh viễn nguyên tắc "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý".

Kiên trì lên tiếng

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh Triết cho biết mục đích mà bản tuyên bố nhắm tới, thứ nhất là thúc đẩy thanh tra chính phủ và Ủy ban Kiểm soát Trung ương phải thực hiện kết luận thanh tra cho đến nơi đến chốn ; thứ hai là trong bản kết luận của thanh tra chưa nói được đầy đủ về những oan khuất, mất mát, đau đớn của người dân Thủ Thiêm 20 năm nay và những đền bù xứng đáng ; thứ ba là phải nói cho rõ nguyên nhân sâu xa, gốc rễ để đưa tới những thảm họa xã hội như thế này là do luật đất đai không chính xác và phải công nhận đa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân của người dân. Ông nói thêm :

"Nếu một chính phủ, một đảng đang thấy rằng cần phải dựa vào dân và muốn thể hiện là vì dân, do dân….như nó vẫn tuyên bố thì nó phải làm đến nơi đến chốn về vấn đề Thủ Thiêm".

Nhà báo, dịch giả Hoàng Hưng nêu mục đích của việc tham gia soạn thảo cũng như ký bản tuyên bố lần này :

"Khi chúng tôi ký hay làm những việc liên quan đến tuyên bố này thì chúng tôi không bao giờ tin rằng Đảng cộng sản hay Nhà nước sẽ nghe. Nhưng chúng tôi vẫn làm với mục đích đầu tiên là phải gây sức ép thường xuyên với Nhà nước, chỉ ra những gì họ sai. Có thể họ không nghe nhưng mình vẫn phải làm vì mình làm đúng, làm điều chính nghĩa thì trước sau gì cũng phải có tác dụng".

danoan2

Dân oan Thủ Thiêm (Thanh Niên). Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, các nhóm Xã hội Dân sự Độc lập được hình thành bởi các dân oan, trí thức, tù nhân lương tâm hay những nhà bất đồng chính kiến… trong những năm gần đây. Tuy nhà nước không công nhận các nhóm Xã hội Dân sự Độc lập nhưng thực tế tiếng nói của họ ngày càng có tác động trên mạng xã hội.

Nhà báo Sương Quỳnh cho rằng đảng và chính phủ Việt Nam lâu nay không hề trả lời bằng văn bản những kiến nghị được gửi đến hay có phản hồi chính thức đối với những tuyên bố như vừa nêu nhưng bà vẫn tham gia ký tên :

"Nhưng chúng ta vẫn phải ra tuyên bố để cho họ biết rằng vẫn có những người phải lên tiếng để nói lên những sai trái và đòi hỏi quyền công dân của mình cho người dân Thủ Thiêm nói riêng và dân oan cả nước nói chung".

Nhà báo Hoàng Hưng cho biết tuyên bố Thủ Thiêm lần này là tuyên bố thứ tư, và ông tin rằng nó sẽ góp một phần nào đó thúc đẩy Nhà nước giải quyết vụ Thủ Thiêm cho thấu đáo, bù đắp những thiệt thòi của người dân. Và một điều mà với ông rất ý nghĩa, đó là phải lên tiếng để người dân bớt sợ hãi :

"Muốn đất nước có tự do dân chủ thì điều đầu tiên là mỗi người phải vượt qua nỗi sợ của chính mình. Hàng bao nhiêu năm nay quần chúng Việt Nam bị lối tuyên truyền một chiều, nhồi sọ, họ không biết sự thật. Cho nên việc của những người biết chuyện, những người được coi là trí thức, có lương tâm thì phải lên tiếng để thức tỉnh những người tiêu cực hay những người biết chuyện nhưng còn sợ hãi".

Sửa luật đất đai

Một trong những điều bản tuyên bố đề cập đến là phải sửa đổi luật đất đai. Cho đến bây giờ Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước cho dù người dân mong muốn cải cách.

Nhà báo Sương Quỳnh cho biết cách đây nhiều năm, một loạt nhân sĩ trí thức - trong đó có bà - đã ký tên yêu cầu sửa đổi luật đất đai và Điều 4 Hiến pháp vì đó là nguyên cớ dẫn đến bao oan khiên mà người dân phải chịu lâu nay.

"Tất cả những oan khiên, oan khuất của dân oan trên đất nước này đều do luật đất đai bây giờ mà ra, cho nên tuyên bố lần này là vẫn nhắc lại.Trong tất cả các bản tuyên bố, kiến nghị xưa nay đều nhắc nhưng họ vẫn lời đi".

Nhà báo Hoàng Hưng cho rằng luật đất đai hiện hành vô lý, người dân lên tiếng từ lâu nhưng nhà nước chưa dám thay đổi vì nó động chạm đến cốt tủy của Chủ nghĩa Xã hội.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai thì dù khó cũng phải làm vì đã đến lúc phải thay đổi. Nếu không giải quyết vấn đề luật đất đai thì nó luôn luôn là một cơ sở để cho những xáo trộn xã hội xảy ra :

"Đã đến lúc đảng Cộng sản phải tỉnh táo về vấn đề nầy. Khi mà họ công nhận kinh tế tư nhân thí tất yếu họ phải giải quyết vấn đề này. Và đấy là một đòi hỏi rất hợp tình hợp lý. Đây là vấn đề thử thách : họ có tồn tại hay không là phải giải quyết những vấn đề này".

Theo số liệu Tổng Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường thì năm 2016 có hơn 2.000 vụ khiếu kiện đất đai ; năm 2017 có trên 3.500 đơn khiếu nại về đất đai. Hiện nay số đơn khiếu kiện về đất đai cũng được cho biết chiếm đến ba phần tư các loại đơn thư.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 09/07/2019

Published in Diễn đàn

Việc ông Triệu Tài Vinh nhận quyết định thuyên chuyển về làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, thôi chức bí thư Hà Giang, khiến dư luận nhớ lại một số nhân vật từng ‘nhúng chàm’ và bị chuyển về cơ quan này.

vinh0

Ông Triệu Tài Vinh, nguyên bí thư tỉnh Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Courtesy of nguoiduatin

Ý kiến khác biệt về việc thuyên chuyển ông Triệu Tài Vinh

Ông Triệu Tài Vinh là người liên quan đến hai vụ tai tiếng đình đám ở Hà Giang. Thứ nhất gia đình ông có đến gần chục người giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các cơ quan công quyền ở tỉnh Hà Giang ; thứ hai là vụ gian lận thi tốt nghiệp Trung học Phổ Thông năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, trong đó con gái ông Vinh là một thí sinh được nâng điểm.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ và công bố quyết định bổ nhiệm ông Triệu Tài Vinh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang - giữ chức phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận xét về biện pháp thuyên chuyển này :

"Thứ nhất, động thái đảng đưa ông ta từ Bí thư tỉnh ủy Hà Giang về Ban kinh tế trung ương cho thấy đáng lẽ ra Triệu Tài Vinh đã phải bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng tôi cho rằng ông ta có thể đã chạy chọt các ban đảng và được bố trí về trung ương, dù về một chỗ gọi là ‘ngồi chơi xơi nước’. Thứ hai, có thể đó là ý đồ của Nguyễn Phú Trọng ‘nhốt quyền lực vào lồng’, nơi từng nhốt Đinh La Thăng".

Trong khi đó nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp nhận định rằng việc thuyên chuyển ông Triệu Tài Vinh là việc cần làm vì đến đại hội đảng thì người ta phải thay bí thư. Việc thuyên chuyển này không liên quan gì đến việc ông Vinh sẽ bị kỷ luật, chỉ có điều đưa ông Vinh về Ban Kinh tế Trung ương vì không có chỗ nào cho ông ấy về cả. Ông nói :

"Ông Vinh làm đến khóa thứ hai rồi, mà trước đó còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bây giờ đến lúc phải chuyển ông ấy đi chỗ khác để người khác lên làm bí thư. Đấy là cái chính trong sự sắp xếp của họ. Người ta sẽ đưa ông Cường là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh về làm Bí thư để rồi ông Cường sẽ vào Ban chấp hành trung ương khóa 13".

Theo ông Hà Hoàng Hợp thì tỉnh Hà Giang là một tỉnh quan trọng của Việt Nam vì có đường biên giới dài với Trung Quốc, cần phải có người lãnh đạo giữ được chủ quyền trong mối quan hệ hòa hảoBây giờ là lúc thích hợp để chuyển ông Vinh về và chuyển ông Cường lên thay thế. Đó là điều quan trọng.

Một người có nhận định tương đối khác ông Phạm Chí Dũng và ông Hà Hoàng Hợp, là nhà báo Nguyễn An Dân. Theo nhà báo này thì việc thuyên chuyển này là bước đầu của việc kỷ luật ông Triệu Tài Vinh :

"Việc gia tộc họ Triệu bao thầu gần hết các cơ quan chính quyền ở Hà Giang khiến người dân chỉ trích, lên án. Đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng rất ghét chủ nghĩa thân hữu trong đảng, nên tôi nghĩ ông Vinh sẽ bị xử lý. Tuy nhiên để tránh biến động ở địa phương thì bước đầu họ chuyển ông Vinh về Trung ương là hợp lý".

Ban Kinh tế Trung ương : Nơi tạm dung ?

Theo một số nhà quan sát thì Ban kinh tế Trung ương là ban vô thưởng vô phạt, ban dôi dư và trở thành ban trung chuyển cho những cán bộ sắp về hưu, bị kỷ luật hoặc sắp ‘vô lò’. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đưa ra ví dụ :

"Trước nay có nhiều quan chức bị kỷ luật hoặc không lên chức được nữa thì chuyển về Ban kinh tế Trung ương chờ về hưu. Gần nhất là trường hợp Đinh La Thăng là cựu ủy viên Bộ chính trị, đưa thẳng về làm Phó Ban kinh tế Trung ương rồi vô thẳng nhà đá. Trước đó thì có Trương Tấn Sang, bí thư thành ủy TPHCM từng bị kỷ luật rồi đưa về làm trưởng Ban kinh tế trung ương. Sau đó nhờ vào một ‘may mắn’ nào đó Trương Tấn Sang trở thành thường trực ban bí thư".

Ban Kinh tế Trung ương cũng là một ban có nhiều phó ban nhất, lúc cao điểm có tới 12 phó ban nhờ trào lưu luân chuyển cán bộ trước đại hội 12.

Một trường hợp cũng được dư luận chú ý khi được luân chuyển và giữ luôn chức Trưởng ban tới hôm nay là ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm 2012, Global Finance đưa ông Bình vào danh sách 20 thống đốc ngân hàng có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới. Ông Bình được đồn đoán là cánh tay mặt đắc lực của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Việt Nam.

Tháng 4 năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng "về vườn", ông Bình lọt vào Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tháng 4/2007, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thành Văn phòng Trung ương Đảng.

Ngày 28/12/2012, Ban Kinh tế Trung ương được thành lập trở lại và ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra nhận xét :

"Ban kinh tế trung ương được lập ra với vai trò cố vấn cho đảng, có mục đích phải giữ cái đuôi XHCN trong kinh tế thị trường".

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng trong nhiều năm qua ban này không có một thành quả, một sản phẩm thực chất nào có thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam mà cứ khư khư giữ cái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông giải thích :

"Về mặt thực chất thì các bộ kinh tế chuyên ngành như Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Ngân hàng nhà nước và những bộ chuyên ngành khác đều đã làm những công việc chuyên môn về kinh tế rồi, cho nên Ban kinh tế trung ương chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho đảng về định hướng chiến lược kinh tế".

Ông Hà Hoàng Hợp thì lại đưa ra quan điểm trái ngược khi ông cho rằng Ban Kinh tế Trung ương là quan trọng, nó từng bị bãi bỏ cách đây hai khóa nhưng người ta lại tái lập nó.

"Trong cơ cấu của một đảng cầm quyền xưa nay không có ban đấy nhưng sau này đảng tạo ra ban này vì họ nghĩ đang phải nắm cả đường lối kinh tế, nên ban này làm đường lối chính sách trước rồi mới đến chính phủ. Theo tôi thì đây không phải là ban chỉ để những ai bị kỷ luật rồi về".

Nhận định của ông Hà Hoàng Hợp phù hợp với điều vẫn đang xảy ra tại Việt Nam nơi mà đảng cộng sản nắm toàn quyền. Theo cách nói thông thường thì quyền sinh - sát nằm trong tay đảng và ai được sống thì sống và thăng chức ; còn ai phải chết thì mất tất cả ; dù theo nhận định của giới quan sát có những vị quan chức có những sai phạm nhãn tiền nhưng vẫn chưa hề hấn gì !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/07/2019

Published in Diễn đàn
lundi, 01 juillet 2019 13:21

Luật đặc xá phục vụ cho ai ?

Tội "Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân" sẽ không được đặc xá kể từ ngày 1/7/2019. Điều này là bằng chứng cho thấy chính phủ Hà Nội do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo tiếp tục không dung thứ cho những tiếng nói phản biện ôn hòa.

dacxa1

Blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải đến phi trường Los Angeles hôm 21/10/2014 từ nhà tù Việt Nam. AFP

Thông điệp gì cho tù chính trị ?

Những tội danh không được đề nghị xét đặc xá chiếu theo Luật đặc xá sửa đổi năm 2018, hiệu lực từ 01/07/2019 gồm : Tội phản bội Tổ quốc ; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; Tội gián điệp ; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ ; Tội bạo loạn ; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân ; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một số tội danh khác trong nhóm tội An ninh quốc gia cũng sẽ không được đặc xá gồm : Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Tội phá rối an ninh ; Tội chống phá cơ sở giam giữ ; Tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, vị luật sư thường tham gia bào chữa cho những người bất đồng chính kiến nhận định mục đích của việc sửa đổi luật này chỉ nhằm bảo vệ chế độ :

"Điều đáng nói là có một số tội danh mà những người dấn thân đấu tranh bị khởi tố nhiều trong thời gian qua như Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Tội phá rối an ninh.

Như vậy thông điệp từ những sự thay đổi Luật đặc xá này không thể rõ ràng hơn được : Chế độ không dung thứ cho những hành vi đe dọa đến sự tồn tại của họ, hoặc làm xấu đi hình ảnh của chế độ".

Theo cách giải thích về từ ngữ trong Luật đặc xá thì : Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Chính sách của Nhà nước trong đặc xá được nêu rằng "Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá ; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật".

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng bên cạnh sự thay đổi này, đương nhiên chế độ cũng đành phải hy sinh ý nghĩa khi điển chế Luật đặc xá ghi trong chính văn bản luật của họ.

Ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, người từng bị kết án 12 năm tù với tội danh quy định tại Điều 88 BLHS (Tuyên truyền chống Nhà nước), và bị đưa trực tiếp qua Mỹ từ nhà tù cộng sản vào 2014, thì cho rằng việc điều chỉnh này không có gì mới, mà chỉ nhằm luật hóa những gì chính phủ Việt Nam thực hiện với những văn bản dưới luật từ nhiều năm qua. Ông đưa ví dụ :

"Ở Việt Nam có những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể mỗi năm Hội đồng Đặc xá Trung ương ra một văn bản tư vấn khác nhau. Thực tế thì tù nhân lương tâm hay tù ma túy đều bị phân biệt đối xử. Ví dụ năm 2009 tội ma túy được đặc xá khi còn lại một năm thi hành án, còn tội hình sự như giết người thì chỉ cần thi hành 1/3 án tù là có thể được đặc xá, còn những tội liên quan an ninh quốc gia thì không hề được đặc xá trong văn bản đó".

Những ai được đặc xá ?

dacxa2

Một buổi công bố đặc xá cho một số tù nhân tại một nhà tù ở Hà Nội hôm 30/8/2013. Reuters

Điều 7 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy".

Blogger Điếu Cày cho rằng việc quy định một loạt tội danh không được xét đặc xá là điều trái nguyên tắc với tuyên ngôn nhân quyền mà Việt Nam cam kết với quốc tế cũng như với một chính thể luôn tự nhận là của dân, do dân và vì dân. Ông nói :

"Nó rất bất hợp lý vì mọi người có quyền bình đẳng trước pháp luật, cho nên việc đối xử với tù an ninh hay tù ma túy đều là những điều làm trái với nguyên tắc về hành xử pháp luật. Những đảng viên phạm tội rất nặng nhưng được xử rất nhẹ trong khi những người tù chính trị luôn bị tìm mọi cách tăng nặng hình phạt".

Luật sư Đặng Đình Mạnh có cùng quan điểm :

"Người phạm tội danh nào thì cũng đều có nhu cầu chung là mong muốn được xem xét để hưởng đặc xá, nhất là những người phạm vào các tội danh thuộc nhóm "Xâm phạm an ninh quốc gia" vốn có hình phạt rất nặng nề. Mặt khác, trong chính các quy định xử lý hình sự vẫn vốn đề cao tính nhân đạo của nhà nước XHCN, xử lý người vi phạm nhưng khoan hồng với người biết ăn năn hối cải, thì chính quy định loại bỏ 16 tội danh được hưởng xem xét đặc xá đã phủ nhận hết những ý nghĩa tốt đẹp đó".

Vào dịp Quốc Khánh 2/9/2013, truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó cho biết có bốn người bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam được đặc xá, gồm :

- Dương Đức Phong (sinh năm 1960 tại Hà Giang, thi hành án Trại giam Nam Hà), phạm tội gián điệp, được đặc xá trước thời hạn 3 tháng 20 ngày.

- Hoàng Hưng Quyền (sinh năm 1934 tại Hải Hà, Quảng Ninh, thi hành án Trại giam Nam Hà), phạm tội gián điệp, được đặc xá trước thời hạn 4 tháng 7 ngày.

- Y Kõn Niê và Y Huông Niê (Đắk Lắk) phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết, thi hành án Trại giam Xuân Phước, được đặc xá trước thời hạn (lần lượt) là 1 năm 10 tháng 7 ngày và 1 năm 9 tháng 12 ngày.

Blogger Điếu Cày khẳng định tất cả những người tù chính trị mà chính quyền gọi là đặc xá thì thực tế không phải như vậy. Họ được thả ra là do sức ép của bên ngoài lên chính phủ Việt Nam và Việt Nam buộc phải thả. Ông dẫn chứng cụ thể trường hợp của mình :

"Ví dụ như trường hợp của anh. Một trong những điều kiện để được đặc xá là phải nhận tội mà anh không nhận tội ; thứ hai là anh không viết đơn xin giảm án hay xin đặc xá ; thứ ba là trong suốt thời giam giữ anh bị họ đưa ra rất nhiều những văn bản vi phạm. Như vậy anh đâu có có đủ tiêu chuẩn để được đặc xá. Họ phải tuyên bố ‘Tạm ngưng thi hành án’".

Ông Hải nêu những ví dụ tương tự như trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý, hay thầy giáo Đinh Đăng Định. Do những người này không nhận tội mà tình trạng sức khỏe nguy ngập nên họ đành cho Linh mục Lý tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh.

Còn thầy giáo Đinh Đăng Định thì nhận lệnh đặc xá do Chủ tịch nước ký vào ngày 21/3/2014, khi căn bệnh ung thư dạ dày của ông đã hết phương cứu chữa. Ông mất vào ngày 3/4/2014.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 01/07/2019

Published in Diễn đàn