Barack Obama (P) và tổng thống tân cử Donald Trump trước khi chuyển giao quyền lực, Washington, ngày 20/01/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Đây là chủ đề chính được các báo Pháp ngày 20/01/2017 bàn luận nhiều nhất. Libération chạy tít trên trang nhất : "Trump : Bắt đầu một thời kỳ". Bên trong, tờ báo phân tích "Một nước Mỹ không lưới dây an toàn".
Một số người hy vọng là sau khi thắng cử, Donald Trump sẽ thay đổi, trở thành một vị tổng thống khôn khéo hơn. Thế nhưng, trong hai tháng rưỡi qua, ông vẫn duy trì cách hành xử, phương pháp như trước đây, liên tục sử dụng mạng xã hội Twitter để tấn công những người chống đối, đưa ra những tuyên bố dối trá, tỏ thái độ thù ghét báo chí, công khai chỉ trích các cơ quan tình báo.
Ông đã làm cộng đồng quốc tế kinh ngạc qua các tuyên bố thiếu chính xác, thậm chí trái ngược, liên quan đến các hồ sơ ngoại giao quốc tế nhậy cảm như cuộc xung đột Palestine-Israel, lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.
Libération cho rằng Donald Trump đã lập một nội các theo đúng hình ảnh của ông : Da trắng, chủ yếu là đàn ông, giàu có và già nua. Và rất thiếu kinh nghiệm. Tương lai đầy bất trắc bắt đầu từ hôm nay, thứ Sáu 20 tháng Giêng.
Thế nhưng, xã luận của Libération còn đi xa hơn với tựa đề "Ác mộng". Người ta có thể lo sợ, lạnh toát người, mồ hôi chảy ròng ròng ở sống lưng khi hình dung ra cảnh ông Obama trao cho ông Trump chiếc va-ly chứa đựng mã khóa vũ khí nguyên tử. Kể từ hôm nay trở đi, không gì có thể kiểm soát nổi. Vấn đề đối với tân chủ nhân Nhà Trắng là người ta lo sợ điều ông ta có thể làm chứ không phải là những gì mà ông sẽ làm.
Nếu như Donald Trump là một mỏ vàng để giới báo chí khai thác, thì ông ta lại là một ác mộng đối với các nhà phân tích, viết xã luận vì khó có thể tiên đoán được điều ông sẽ làm, giải thích được hành động, cử chỉ của ông ta trong tư cách tổng thống. Đây là điều chắc chắn duy nhất.
Đối với Libération, điều quan trọng không phải là cách thức hành xử của Donald Trump mà là các hậu quả nhãn tiền của thời kỳ bốn năm ông làm tổng thống cho dù nhiệm kỳ mới bắt đầu từ hôm nay. Pháp cũng như Châu Âu cần phải ý thức được là đang bị cô lập trước Hoa Kỳ, Anh, Nga và cả Trung Quốc. Do vậy, cần phải chú ý và dồn sức để khẳng định sự tồn tại của mình trong một trật tự thế giới mới.
Thế giới lưỡng cực của Donald Trump
Báo Le Monde tóm tắt quan điểm về thế giới của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Với hàng tựa "Thế giới lưỡng cực của Donald Trump", tờ báo cho rằng dù chưa nhậm chức, nhưng Donald Trump đã phân chia thế giới thành hai phe.
Một bên là những quốc gia thù nghịch, chống đối nước Mỹ và nền kinh tế Hoa Kỳ, ví dụ Trung Quốc, Mexico, Liên Hiệp Châu Âu, và các quốc gia này phải trả giá. Bên kia là những nước mà Hoa Kỳ cần ủng hộ hết mình.
Sự phân định này vốn đã được trình bày trong chiến dịch tranh cử, nay còn được thể hiện rõ hơn trong tiến trình chuyển giao quyền lực, trong các cuộc trả lời phỏng vấn hoặc qua các thông điệp trên Twitter của ông.
Những nước phải trả giá
Trước tiên là tân tổng thống Mỹ bị ám ảnh về Trung Quốc. Đây là quốc gia bị Donald Trump chỉ trích nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter. Ngoài vấn đề Đài Loan mà Donald Trump làm Trung Quốc khó chịu, nổi đóa, báo Le Monde cho rằng còn một vấn đề nữa mà báo chí chính thức Trung Quốc ít nói đến, đó là mối lo của Bắc Kinh về việc Mỹ và Nga đang xích lại gần nhau.
Một quốc gia khác cũng thường xuyên bị Donald Trump tấn công là Mexico. Ngoài những tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống tệ nạn nhập cư trái phép, ông Trump còn hứa hẹn xây một bức tường trên đường biên giới giữa hai nước và Mexico phải bỏ tiền ra xây, đàm phán lại hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ và đánh thuế tới 35% các sản phẩm của những công ty Mỹ di chuyển ra bên ngoài để sản xuất. Những tuyên bố của Donald Trump làm Mexico lo ngại vì thị trường Mỹ tiếp nhận tới 80% tổng xuất khẩu của nước này.
Đức và Liên Hiệp Châu Âu cũng nằm trong tầm ngắm của Donald Trump. Bên cạnh việc chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn của thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Trump còn tỏ ra nghi ngờ về trao đổi mậu dịch song phương, đồng thời lại tỏ ra hữu hảo với Anh. Tân tổng thống Mỹ còn thẳng thừng chỉ trích Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO là lỗi thời và điều này khiến một số nước Châu Âu lo ngại vì từ trước đến nay vẫn trông cậy vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Bên được Mỹ ủng hộ
Trên đây là những quốc gia mà Donald Trump nhận định là phải trả nợ cho nước Mỹ. Còn phe các nước cần được Washington trấn an, ủng hộ, thì trước tiên là Nga. Tân tổng thống Mỹ không giấu giếm thiện cảm với tổng thống Nga Putin, hứa hẹn cải thiện quan hệ với Moskva và thậm chí bãi bỏ cấm vận Nga.
Israel cũng là quốc gia rất hài lòng với việc nước Mỹ có tổng thống mới. Donald Trump và các cộng sự của ông đã nhiều lần tuyên bố không quan tâm đến vấn đề chiếm đất Palestine xây dựng các khu định cư Do Thái và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, kẻ thù của Israel.
Châu Á lo lắng
Liên quan đến Châu Á, Le Monde nhận thấy chính sách của Donald Trump còn chưa rõ ràng, ngoại trừ việc đòi Nhật Bản và Hàn Quốc phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho việc duy trì lính Mỹ ở hai nước này. Còn Châu Phi thì dường như bị lãng quên. Theo một tài liệu của nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Donald Trump được báo chí công bố, có thể tân chính quyền Mỹ sẽ giảm viện trợ và giảm bớt các cam kết tại Châu Phi. Thậm chí, mối ám ảnh về Trung Quốc cũng thể hiện trong tài liệu này : Liệu Mỹ có thể bị thua Trung Quốc hay không tại Châu Phi ?
Le Figaro : Donald Trump "tẩy xóa dấu vết" người tiền nhiệm
Đương nhiên, Le Figaro cũng chạy trên trang nhất "Ngày khởi đầu mọi việc đối với tổng thống Trump". Tờ báo dành nhiều trang để nói về vị tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong đó có bài "Vừa nhậm chức và đã bị các kẻ thù bao vây". Theo tờ báo, trong giới nghệ sĩ, giảng dạy nghiên cứu đại học và đặc biệt là trong giới truyền thông, một bầu không khí thù ghét tân tổng thống đang lan rộng.
Vậy ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Donald Trump sẽ làm gì ? Trong bài "Những quyết định đầu tiên được chờ đợi từ vị tổng thống thứ 45" của nước Mỹ, báo Le Figaro cho biết, thực ra, mọi việc quan trọng sẽ bắt đầu từ thứ Hai 23/01. Sau nhiều lần hứa hẹn sẽ thực hiện các ưu tiên của ông ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, thậm chí còn lập ra cả một ê-kíp thực hiện "Dự án ngày đầu tiên", cuối cùng Donald Trump quyết định dành kỳ nghỉ cuối tuần (21-22/01) cho các hoạt động lễ hội. Trong một cuộc họp báo tại New York, Donald Trump đã nói, thứ Hai là ngày làm việc đầu tiên và sẽ có những lễ ký kết long trọng trong thứ Hai, thứ Ba và các ngày khác trong tuần.
Chắc chắn trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sẽ có nhiều nghị định được ký kết. Theo truyền thống, thì tân tổng thống sẽ ký sắc lệnh hủy bỏ một vài biện pháp mang tính biểu tượng của người tiền nhiệm. Ví dụ Obama đã ký sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo, chấm dứt các biện pháp cưỡng bức hỏi cung các nghi phạm khủng bố… Le Figaro tiên đoán là lĩnh vực mà Donald Trump mong muốn thực hiện chắc sẽ rất rộng và đa dạng.
Obama : Hậu Nhà Trắng ?
Sau khi quan tâm đến tân tổng thống Donald Trump, Le Figaro cũng không quên đề cập đến cuộc sống sau khi mãn nhiệm của vị tổng thống thứ 44 qua bài "Cuộc sống mới của Barack Obama".
Mới có 55 tuổi, ông Obama là cựu tổng thống trẻ nhất kể từ cuối thế kỷ 19. Ông cũng là cựu tổng thống đầu tiên, sau khi rời Nhà Trắng, vẫn ở lại thủ đô Liên bang kể từ thời Woodrow Wilson, năm 1921. Gia đình Obama sẽ sống tại Washington DC cho đến năm 2019, tức là cho đến khi cô con gái út Sasha học xong trung học.
Theo nhận định của tờ báo, do còn trẻ, vẫn được lòng dân, có tài diễn thuyết, ông Obama sẽ có nhiều lựa chọn trong giai đoạn hậu tổng thống. Có một việc chắc chắn và tiếp nối truyền thống các cựu tổng thống, ông Obama sẽ viết hồi ký. Báo chí Mỹ nói đến một hợp đồng 20 triệu đô la. Đó là chưa kể hợp đồng mà cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng có thể sẽ ký.
Về mặt chính trị, dường như Obama đang mơ ước trở thành "người đỡ đầu" cho thế hệ lãnh đạo đảng Dân Chủ trong tương lai.
La Croix : Donald Trump và các ẩn số
Trang nhất La Croix nêu ra "Những ẩn số trong nhiệm kỳ tổng thống" của Donald Trump. Chưa bao giờ, trong lịch sử nước Mỹ, một vị tổng thống khi vào Nhà Trắng lại có lập trường không rõ ràng về các chính sách đối nội, đối ngoại và kinh tế, như ông Donald Trump. "10 câu hỏi trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump" : liệu Donald Trump sẽ thay đổi, không còn như Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử ? Ít có khả năng. Ông đã cho biết là sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội Twitter vì cho rằng giới truyền thông thù ghét ông.
Ngay cả câu hỏi Hoa Kỳ và Nga có thể trở thành đồng minh hay không, tân tổng thống Mỹ cũng trả lời mập mờ. Ví dụ, về việc trừng phạt Nga do sáp nhập Crimea và ủng hộ phe phiến quân ở đông Ukraine, ông Trump lúc đầu tuyên bố là có thể duy trì thêm một thời gian, nhưng sau đó, ông lại nói, tại sao lại trừng phạt một người khi họ đã làm được những việc lớn. Khi trả lời phỏng vấn báo chí Châu Âu gần đây, Donald Trump nêu khả năng có thể đạt được một thỏa thuận với Nga : Bãi bỏ cấm vận đánh đổi lấy việc giảm vũ khí nguyên tử và hợp tác chống khủng bố.
Theresa May : "Brexit sắt đá"
Trang nhất báo Le Monde chạy tựa : "Anh Quốc : Theresa May lựa chọn một Brexit sắt đá". Ngày 17/01, thủ tướng Anh đã tuyên bố là Luân Đôn chủ trương ra khỏi thị trường chung duy nhất, nhưng lại tỏ ra mập mờ về thời kỳ hậu Brexit.
Nhân dịp này, báo Le Monde nêu lên hệ quả các lựa chọn của Anh, như vấn đề tự do đi lại của công dân và di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vấn đề thuế và hàng rào hải quan, vai trò trong tương lai của trung tâm tài chính Luân Đôn.
Davos : Tập Cận Bình, "thầy thuốc" của cả thế giới ?
Về Châu Á, Le Monde có bài nhận định "Tại Davos, Tập Cận Bình trong vai người cầm lái vĩ đại của tự do trao đổi mậu dịch". Nhật báo cho hay nhân dịp chủ tịch Trung Quốc có bài phát biểu khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, báo chí chính thống Trung Quốc đã quảng bá, tuyên truyền rầm rộ về sự kiện này.
Trang nhất Nhân Dân Nhật Báo ngày 18/01 đăng ba ảnh và trang hai bên trong có thêm hai ảnh nữa, ca ngợi hết lời chuyến đi Châu Âu của Tập Cận Bình, cũng như bài diễn văn của lãnh đạo Trung Quốc tại Davos. Tờ báo khẳng định, Tập Cận Bình đã kêu gọi thúc đẩy một cách kiên quyết tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Thậm chí, trong ấn bản quốc tế, tờ báo còn có bài xã luận nhan đề : "Tập Cận Bình kê toa thuốc Trung Quốc cho nền kinh tế thế giới".
Bảng tên loài động vật sẽ không còn loài vượn ?
"Loài khỉ có thể sẽ biến mất từ đây cho đến khoảng 25-50 năm nữa" là hàng tựa báo động trên mục Hành Tinh của nhật báo Le Monde. Đây chính là kết quả nghiên cứu của 31 nhà nghiên cứu linh trưởng trên thế giới được công bố trên tạp chí Sciences Advances hôm thứ Tư 18/01 vừa qua.
Loài vượn khỉ là những loài động vật có họ hàng gần với giống người. Nhưng chúng ta đang tận mất chứng kiến loài động vật này đang chết dần. Tệ hơn nữa là chúng ta đang dẫn chúng đi đến sự biến mất với một nhịp độ và tầm mức lớn chưa từng thấy.
Minh Anh
Donald Trump muốn Liên Hiệp Châu Âu biến mất ?
Tổng thống tân cử Donald Trump lại có những phát biểu gây sốc nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu. REUTERS/Lucas Jackson
Bầu cử sơ bộ trong cánh tả Pháp và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đả kích Châu Âu là hai sự kiện chia nhau tựa đầu trang nhất báo Pháp hôm nay 17/01/2017. Đáng chú ý nhất là nhận định trên báo Libération, không ngần ngại tự hỏi là phải chăng Donald Trump muốn Liên Hiệp Châu Âu tan rã.
Trong mục Thế Giới, Libération đã dành hai trang để phân tích các tuyên bố đả phá Châu Âu của tổng thống tân cử Mỹ, dưới hàng tựa lớn : "Hoa Kỳ - Châu Âu : Donald Trump tiếp tục công việc giải thể". Theo tờ báo cánh tả Pháp, qua hai cuộc phỏng vấn, ông Trump lại loan báo một sự đoạn tuyệt quan trọng với Châu Âu và đường lối chính quyền Obama trên các lãnh vực từ ngoại thương, quốc phòng đến ngoại giao.
Một cơn chấn động, Libération nhận xét. Nhất là đối với những người còn hoài nghi : Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump rõ ràng mong muốn Liên Hiệp Châu Âu biến mất. Và đây là một sự thay đổi về địa chiến lược quan trọng nhất từ sau Thế chiến II.
Châu Âu không còn cách nào khác là phải siết chặt hàng ngũ nếu không muốn bị tan rã. Tuy đòn tấn công của ông Trump vào Đức sẽ khiến Paris và Berlin siết chặt quan hệ, nhưng tờ báo cũng cho rằng có nguy cơ nước khác sẽ không đi theo, nhất là các nước Đông Âu.
Ông Donald Trump tuyên bố sẽ hỗ trợ Anh Quốc trong việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ký thỏa thuận tự do mậu dịch với Luân Đôn, và ông cũng sẽ lợi dụng sự lo sợ của các nước Đông Âu, là Hoa Kỳ của ông Trump sẽ bỏ rơi họ khi xích lại gần với Nga, ví dụ như Ba Lan chẳng hạn, đang ước ao đón tiếp quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Cuối cùng, Libération báo động : Nếu Brexit thành công, thì các đảng dân túy ở các nước sẽ noi theo và thúc đẩy chính quyền đi theo chiều hướng này. Một quan điểm cũng được Les Echos đồng chia sẻ, cho là ông Trump đang thêm lửa thêm củi cho các đảng dân túy ở Châu Âu.
Donald Trump khiêu khích Châu Âu
Về phần mình, Le Figaro trên trang nhất cũng nhận thấy tổng thống tân cử Mỹ "đang khiêu khích Châu Âu". Les Echos tán đồng khi cho là ông Trump "đặt cược trên sự tan rã của Châu Âu".
Dưới tựa đề "Trước ngày nhậm chức, Trump thách thức Châu Âu", Le Figaro nhắc lại : 5 ngày trước khi vào Nhà Trắng, tổng thống tân cử Mỹ lại "tấn công vào quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hoan nghênh Brexit, đánh giá NATO lỗi thời, và chỉ trích chính sách nhập cư của thủ tướng Đức", loạt tấn công được tờ báo gọi là "một trận mưa pháo". Le Figaro tự hỏi liệu là mối liên minh chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương từ Thế Chiến Thứ II có sẽ bị ông Trump "quét đi" ?
Nhật báo thiên hữu Pháp nhìn thấy một tình hình rất lộn xộn, với nhiều cộng tác viên của ông Trump không đồng ý với những phân tích cũng như những phát biểu về đường hướng ngoại giao của ông Trump. Thế nhưng các chuyên gia Châu Âu cũng cảnh báo là Bruxelles nên chuẩn bị những tình huống xấu nhất vì ông Trump dự tính thực hiện những lời nói của ông.
Trong phần nhận định, Le Figaro rất bực mình trước thái độ của ông Trump, nhưng cho rằng Châu Âu cũng có phần lỗi : "Mối đe dọa Trump đối với Châu Âu thật ra chỉ là phản ánh sự bất lực của chính Châu Âu".
Bởi vì, trên chính trường quốc tế, tân tổng thống Mỹ có vẻ chỉ quan tâm đến hai tác nhân : Nga mà ông Trump muốn biến thành đối tác, và Trung Quốc mà ông muốn tấn công. Còn Châu Âu thì rõ ràng bị ông khinh miệt, xem như một đám yếu đuối vô tích sự, "chủ nghĩa lý tưởng và lắm điều".
Để làm cho ông Trump thay đổi ý kiến, Châu Âu không thể chỉ dựa trên những "giá trị" của mình, mà đã đến lúc phải xét đến những "quyền lợi" trên mặt thương mại cũng như ngoại giao. Thay vì la ó, lo sợ, thì Châu Âu phải cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn : nhập cư, an ninh, biên giới… và chỉ khi nào Châu Âu tìm lại được sự tin tưởng của dân chúng, tức của chính mình, thì mới có thể trả lời ông Trump. Nhưng trước mắt, Le Figaro thấy có vẻ hơi khó, vì hai nước đầu tàu Châu Âu là Pháp và Đức đều đang lao vào các cuộc bầu cử.
Bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp : 2 ứng viên nổi trội Valls và Macron
Libération dành cả trang đầu và 5 trang trong cho ứng viên tổng thống Manuel Valls, "con người thực tế". Cựu thủ tướng đã đến tòa soạn gặp ban biên tập của Libération để bảo vệ thành quả của ông và đề cập đến tương lai mà ông dành cho nước Pháp.
Le Monde cũng chọn đề tài này làm tựa chính trang nhất, nhưng lại chú ý đến ứng viên Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, và nói về "Động lực Macron khiến các ứng viên tổng thống khác bối rối".
Bóng đá tại Trung Quốc và karoshi ở Nhật Bản
Về Châu Á, báo Les Echos nhìn lên vùng Đông Bắc Á, chú ý đến một số sự kiện xã hội, thể thao, như việc Trung Quốc đang tìm cách hạn chế việc thuê cầu thủ bóng đá nước ngoài, tiêu tốn những khoản tiền không lồ và bị chỉ trích dữ dội.
Một hiện tượng khác được tờ báo nêu bật và tìm hiểu là hiện tượng gọi là "Karoshi" ở Nhật Bản, với việc người dân làm việc quá độ, đến nỗi làm nhiều người tự tử. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở tất cả các công ty lớn nhỏ. Về mặt chính thức, trong năm 2015, có 93 vụ tự tử được các thanh tra lao động xác nhận là do Karoshi, nhưng cảnh sát thì cho biết là có đến 2 159 ca tự tử do stress nghề nghiệp.
Hàn Quốc : Quan hệ mờ ám giữa Samsung với bà Choi và tổng thống Park ?
Dĩ nhiên là Les Echos trở lại vụ tai tiếng ở Hàn Quốc với sự kiện mới nhất là người thừa kế của Samsung bị đề nghị bắt giam. Theo nhật báo, chẳng có gì đáng ngạc nhiên về thông tin người thừa kế và cũng là phó chủ tịch của Samsung Lee Jae-yong bị viện kiểm sát đề nghị bắt giam, đã rơi như một quả bom xuống Hàn Quốc vào hôm qua.
Cuộc điều tra cho thấy là từ 3 năm qua tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc có quan hệ "mờ ám" với bà Choi Soon-sil và tổng thống Park Geun-hye. Mọi việc bắt đầu từ tháng 9/2014, tổng thống Park đã gặp riêng phó chủ tịch Samsung và yêu cầu hỗ trợ cho "các triển vọng trong môn thể thao đua ngựa" Hàn Quốc. Cuộc trao đổi có lẽ đã thành công vì một tháng sau đó giám đốc Samsung trở thành phó chủ tịch Liên Đoàn Đua Ngựa Hàn Quốc KEF.
Thế nhưng lúc bấy giờ không ai chú ý là con gái bà Choi, Chung Yoo-ra, là thành viên của đội kỵ sĩ Hàn Quốc và được chính tổng thống yêu cầu bộ trưởng Thể Thao nâng đỡ. Cô Chung Yoo-ra đã không làm thất vọng và giành huy chương vàng ở Á Vận Hội. Nhưng từ năm 2015, yêu cầu tài trợ đối với Samsung tăng tốc : tổng thống Park lại gặp riêng Lee Jae-yong, yêu cầu hỗ trợ Liên Đoàn KEF và đóng góp vào việc thành lập hai hiệp hội mới Mir et K-Sports.
Và liên tục từ 2015 sang 2016, Samsung tài trợ cho thể thao Hàn Quốc nhất là cho hiệp hội Core Sport, rót hơn 15 triệu euro. Ngoài ra còn trung tâm thể thao mùa đông - Korea Winter Sports Elite Center, do một cô cháu của bà Choi Soon-sil điều hành, nhận được một khoản tiền lớn tương đương 1,2 triệu euro. Và tổng thống Park đã gặp phó chủ tịch Samsung lần thứ 3 cho việc tài trợ này.
Riêng đối với hai hiệp hội Mir và K-Sports nói trên thì Samsung đã tặng mỗi hiệp hội 10 triệu euro cho việc thành lập. Những sự kiện này đã được phanh phui trong cuộc điều tra từ tháng 10 về bà Choi Soon-sil, bị tố cáo lạm quyền, tham nhũng, can thiệp vào công việc Nhà nước.
Số phận người thừa kế Samsung được định đoạt vào ngày 18/01
Dưới tựa đề "Người thừa kế tập đoàn Samsung bị đe dọa bắt giữ", nhật báo Pháp Le Monde cũng theo dõi sự kiện người thừa kế của đế chế Samsung có khả năng phải vào tù kể từ thứ Tư 18/01/2017. Theo tờ báo Pháp, với vụ tai tiếng mới này, quả là đệ nhất chaebol Hàn Quốc đã rơi vào cảnh họa vô đơn chí trong vỏn vẹn vài tháng.
Le Monde trước hết ghi nhận : Hôm qua, 16 tháng Giêng, công tố viên phụ trách điều tra về vụ bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền thế đã dẫn đến việc nữ tổng thống Park Geun-hye bị Quốc Hội truất phế vào tháng Mười Hai vừa qua, đã đề nghị bắt giam ông Lee Jae-yong, 48 tuổi người thừa kế của đại tập đoàn Samsung. Tòa án Seoul vào ngày mai (18/01) sẽ phán quyết về việc ban hành hay không lệnh bắt giữ.
Đối với Le Monde, đề nghị bắt giữ đã xác nhận quy mô vang dội của vụ bê bối tham nhũng và lạm quyền dính líu đến cấp cao nhất của Nhà Nước và giới quyền thế trong nền kinh tế Hàn Quốc, mà nhân vật đầu tiên bị sờ gáy lại chính là lãnh đạo của Samsung, đệ nhất chaebol tại xứ Kim Chi.
Cho đến nay, đã có cả chục người bị bắt trong vụ này. Ngoài nhân vật chính là bà quân sư Choi Soon-sil, cả chục người khác đã bị bắt trong đó có hai bộ trưởng (Văn hóa và Xã hội) và một cựu chánh văn phòng phủ tổng thống. Nếu lệnh bắt giữ ông Lee Jae-yong được ban hành, thì đây sẽ là doanh nhân đầu tiên phải vào tù trong vụ án.
Thứ Sáu tuần trước, nhân vật này đã bị thẩm vấn trong suốt 20 tiếng đồng hồ trong tư cách là nghi phạm, một điều hiếm thấy đối với con trai của đương kim chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, đồng thời là cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn là Lee Byung-chul. Dù chỉ có chức phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics, nhưng trong thực tế, Lee Jae-yong là người lãnh đạo chính của Samsung từ khi người cha bị bệnh tim vào năm 2014.
Samsung hào phóng
Theo ghi nhận của Le Monde, Samsung không phải là tập đoàn duy nhất đã hối lộ bà Choi Soon-sil để giành được những lợi ích quan trọng. Tất cả các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc, từ Hyundai SK, cho đến LG hay Lotte đều đã góp tiền vào các hiệp hội do chính bà cố vấn tổng thống thành lập. Bà Choi hiện đang bị xét xử về tội đòi những khoản hối lộ lớn từ các tập đoàn đó để đổi lấy các ưu đãi.
Ai cũng hối lộ, nhưng tại sao Samsung lại bị truy cứu đầu tiên ? Theo Le Monde, đó là vì tập đoàn này bị cho là hào phóng nhất. Lee Jae-yong đã góp đến 17 triệu đô la vào các hiệp hội của bà Choi, thậm chí còn ngấm ngầm chi ra hàng triệu đô la khác để cử các kỵ sĩ Hàn Quốc qua Đức tập huấn, trong số này có... con gái của bà Choi.
Đối với Le Monde, người thừa kế của Samsung không phải là trùm kinh doanh Hàn Quốc đầu tiên bị bỏ tù. Cung cách quản lý thiếu minh bạch của các chaebol và quan hệ chặt chẽ của các tập đoàn này với giới có chức có quyền trong chính quyền đôi khi gây nên những vụ bê bối. Một số lãnh đạo tập đoàn từng bị bắt vì gian lận thuế và tham nhũng, nhưng hầu như lúc nào họ cũng được hưởng chế độ giảm án.
Dẫu sao thì theo Le Monde, ngoài ông Lee Jae-yong, một loạt những người thân cận của ông sẽ bị tư pháp bắt giữ, và đây sẽ là một vố đau thứ hai đánh vào uy tín của tập đoàn số một của Hàn Quốc. Uy tín này đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vào cuối mùa hè vừa qua với vụ dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 của Samsung bị bốc cháy hoặc phát nổ, buộc tập đoàn phải ồ ạt thu hồi sản phẩm chủ lực của mình và đình chỉ công việc sản xuất.
Mai Vân
Thanh Hà
Khẩu hiệu của Donald Trump khi ra tranh cử là "Make America Great Again" (Hãy làm cho Mỹ vĩ đại trở lại), nhưng các nhà quan sát nhận thấy rằng Donald Trump đang thu nhỏ nước Mỹ lại ở bên trong cũng như bên ngoài. Ở trong nước, ông đang lập "Câu lạc bộ tỷ phú" (Billionaires’ Clup), còn ở bên ngoài ông chỉ chơi trò "thọc gậy bánh xe" hay làm "kỳ đà cản mũi", chứ chẳng có sách lược gì.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump
Trên ABC News, dưới đầu đề "Liên bang Nga, Trung Quốc, ISIS : Trump sẽ phải đối phó với những thách thức đối ngoại", bình luận gia Bill Neely đã nói với Donald Trump rằng "Nước Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự quan trọng nhất thế giới", tức không cần làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại ; vấn đề là "một Trung Quốc trỗi dậy và Nga đang quyết tâm điều chỉnh lại các quyền lực đã chỉ đạo thế giới từ 1945". Nhưng ngoài những trò thọc gậy bánh xe vớ vẩn, Trump chưa cho thấy chính phủ ông đã có một kế hoạch nào có hiệu quả để đối phó. Và Bill Neely đã đặt câu hỏi : "Nước Mỹ còn có trách nhiệm toàn cầu không ?" (Does the U.S. still have global responsibilities ?).
Câu lạc bộ tỷ phú, triệu phú
Ký giả Ryan của CNN loan báo Tổng thống đắc cử Donald Trump đang căng đầy nội các của ông với các triệu phú và tỷ phú, còn William D. Cohan báo động : "Vấn đề lớn đối với Nội các của Trump căng đầy tỷ phú : Quả thật, điều hành một đất nước chắc chắn không giống như điều hành một doanh nghiệp" (Actually, running a country isn’t exactly like running a business).
1. Câu lạc bộ tỷ phú
Số lượng tỷ phú trong chính quyền mới của Trump sắp tới nhiều chưa từng có trong lịch sử chính trị của nước Mỹ. Vì thế, Nội các của Trump được báo chí Mỹ coi như là "Câu lạc bộ tỷ phú" (Billionaires’ Club).
Ông Harold Hamm được đặt ở vị trí Bộ trưởng Năng lượng là giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Continental, sở hữu khối tài sản khoảng 15 tỷ USD. Bà Betsy DeVos, người đồng thừa kế cùng chồng khối tài sản lên đến 5,4 tỷ USD, làm Bộ trưởng Giáo dục. Wilbur Ross, 78 tuổi, doanh nhân được mệnh danh "vua phá sản" của phố Wall, đang nắm trong tay số tài sản trị giá 2,9 tỷ USD, được chọn làm Bộ trưởng Thương mại. Ông Todd Ricketts, người đứng đầu chuỗi câu lạc bộ Chicago Clubs, có số tài sản khoảng 1,7 tỷ USD, được chọn làm Thứ trưởng Thương mại.
Bà Betsy DeVos, người có tài sản lên đến 5,4 tỷ USD, làm Bộ trưởng Giáo dục.
Ông Steven Mnuchin, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Goldman Sachs, có tài sản khoảng 46 triệu USD, làm Bộ trưởng Tài chính. Bác sĩ giải phẫu thần kinh nghỉ hưu Ben Carson, cũng có 26 triệu USD trong tài khoản ngân hàng, làm Bộ trưởng Gia cư và Phát triển đô thị.
Bà Ivana, vợ cũ của Donald Trump
Bà Ivana, vợ cũ của Donald Trump, một cựu người mẫu, lại muốn đi làm đại sứ Cộng hòa Czech. Bà nói với New York Post hôm 13/11/2016: "Tôi sẽ đề nghị ông ấy cho tôi làm đại sứ Cộng hòa Czech. Lý do bởi đó là nơi tôi sinh ra, tôi thông thạo ngôn ngữ ở đây và được mọi người biết đến. Tôi nổi tiếng khắp thế giới…". Bà ca tụng Trump : "Ông ấy có vẻ bề ngoài như một tổng thống, nói chuyện như một tổng thống và sẽ làm được những thay đổi như ông đã hứa".
Trong khi đó, báo chí Mỹ đã tập hợp những lời tuyên bố ngây ngô và hớ hên của Donald Trump trong thời kỳ tranh cử và hiện nay để giúp đọc giả mua vui ! Nhật báo Le Monde của Pháp dưới tiêu đề "Trump và ngoại giao Twitter", đã đặt câu hỏi : Tới đây "liệu nước Mỹ có cần phải làm quen với một cách thức lãnh đạo mới, lãnh đạo bằng Twitter ?".
2. Chỉ là tỷ phú cắc ké !
Tạp chí Politico làm một bài tính rất thú vị, nếu tất cả những tên tuổi này đều được chọn vào nội các mới, tổng trị giá tài sản của họ và Trump gộp lại sẽ ước vào khoảng 35 tỷ USD.
Giáo sư chính trị học Larry Sabato thuộc Đại học Virginia nhận định : "Bất chấp đường lối tranh cử hướng tới tầng lớp trung lưu da trắng và chống lại giới tinh hoa Mỹ, ông Trump vẫn muốn lựa chọn nhiều người giàu có vào nội các sắp tới. Bởi một tỷ phú luôn có xu hướng thích cộng tác với những tỷ phú".
Một phần không nhỏ những thành viên trong Nội các của Donald Trump là tỷ phú
Tuy nhiên, dù lập được một Câu lạc bộ tỷ phú, các thành viên của câu lạc bộ này, kể cả Donald Trump, với tổng số tài sản 35 tỷ USD cũng chỉ là những tỷ phú cắc ké so với các đại tỷ phú của nước Mỹ. Thí dụ : Steady Bill Gates 81,7 tỷ USD, Jeff Bezos 72 tỷ USD (Amazon.com), Warren Buffett 66,4 tỷ USD (Berkshire Hathaway), Mark Zuckerberg 55,3 tỷ USD (Facebook), v.v. Còn nếu so tài sản tập đoàn Trump Organization với những công ty khác thì phải nói tài sản của tập đoàn Trump (chưa tới 10 tỷ USD) quá nhỏ, chẳng hạn như Apple 581,8 tỷ USD, Alphabet 536,4 tỷ USD, Microsoft 468,2 tỷ USD, Berkshire Hathaway 395,2 tỷ USD, Exxon Mobil 362,8 tỷ USD, Amazon.com 360,8 tỷ USD, Facebook 338,5 tỷ USD, v.v.
Các đại tỷ phú đang ngồi nhìn bọn tỷ phú cắc ké múa rối.
Cả thế giới đang chờ xem
Hiện nay, Donald Trump đã gọi điện thoại cho một số nhà lãnh đạo trên thế giới để giải thích đường lối của ông, nhưng chẳng ai quan tâm vì hai lý do :
Lý do thứ nhất, những điều ông nói chỉ là những chuyện lặt vặt không đầu không đuôi, không phải là chính sách của một chính phủ đã được hệ thống hóa.
Lý do thứ hai, Donald Trump là người bất nhất, sáng khác chiều khác, nên chẳng ai quan tâm làm gì. Tất cả đang chờ xem và ai cũng tính đường tiến thoái riêng của mình.
1. Angela Merkel "lãnh đạo thế giới tự do"
Hôm 30/11/2016, Ủy ban Châu Âu công bố kế hoạch hành động trong lĩnh vực quốc phòng trong đó có việc thành lập một quỹ chung nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về quốc phòng và cùng sử dụng các thiết bị quân sự. Ủy ban kêu gọi các nước thành viên hãy phối hợp, cùng nhau mua các thiết bị quân sự, qua đó giúp phát triển các ngành công nghiệp quy mô. Mục tiêu của Châu Âu là có được sự tự chủ chiến lược về an ninh và quốc phòng, vào lúc nước Nga ngày càng trở nên đáng gờm hơn, và cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ Châu Âu dường như không còn chắc chắn rõ ràng như trước nữa.
Như vậy Châu Âu phải có biện pháp dự phòng khi Donald Trump nói ngược nói xuôi.
Tờ New York Times nhận định rằng với việc Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bà Angela Merkel trở thành "người cuối cùng bảo vệ các giá trị nhân bản của phương Tây". Từ nay bà sẽ thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo "Thế Giới Tự Do". Còn nhật báo cánh tả của Đức Die Tageszeitung cho rằng vai trò của Thủ tướng Đức sẽ ngày càng quan trọng, vì bà phải làm sao duy trì sự gắn kết của khối Liên Hiệp Châu Âu, vừa đối phó với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, vừa phải kềm chế Donald Trump. Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã cảnh cáo tổng thống đắc cử Trump rằng đơn độc không phải là phương án cho Châu Âu và Mỹ.
Sự kiện Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ rõ ràng không nằm trong kịch bản đối ngoại của nhiều nước. Vì vậy, ngay sau khi Trump đắc cử, nhiều nước đã phải họp khẩn cấp để đưa ra chính sách đối với tình hình mới của thế giới, kể cả Mỹ. Chẳng nước nào coi Trump ra gì.
2. APEC sắp tan rã ?
Ngày 18/11/2016, lãnh đạo 21 quốc gia thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) họp ở Lima, Peru, đã chia tay Tổng thống Obama. APEC với 21 quốc gia bao gồm 40% dân số toàn cầu và bảo đảm 60% tổng số trao đổi mậu dịch của thế giới sẽ đi về đâu khi Donald Trump lên làm tổng thống ?
Bắc Kinh bị gạt ra ngoài hiệp định tự do mậu dịch TPP, giờ đây là thời điểm thuận lợi để Bắc Kinh lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình. Trung Quốc đề nghị đẩy mạnh dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) trong đó không có Hoa Kỳ. Bộ trưởng Thương Mại Úc là Steven Ciobo tuyên bố coi "đề nghị của Bắc Kinh là một ý kiến thú vị" !
Trung Quốc lưu ý rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski của Peru nói đến một TPP mới với Nga và Trung Quốc là đầu tàu sẽ thay thế TPP của Hoa Kỳ đang chết yểu.
Việt Nam và Cuba là hai nước đang đu dây giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Nếu Donald Trump có trở mặt hay bắt nạt, hai nước này vẫn còn có Nga và Trung Quốc đứng đàng sau. Cuba có thể trả đũa bằng cách tuyên bố cho Trung Quốc đặt căn cứ tàu ngầm ở Cuba chẳng hạn.
Nga và Trung Quốc đều vui khi Donald Trump lên làm tổng thống, vì chiến tranh lạnh mà ông Obama đã phát động trong 4 năm qua bằng cách bắt NATO phải đối đầu với Nga, còn Nhật, Úc, Phi và Việt Nam phải đối đầu với Trung Quốc để Mỹ bán vũ khí, nay sẽ không còn. Nga và Trung Quốc sẽ dễ dàng mở rộng quan hệ về quân sự cũng như mậu dịch trong vùng.
Bloomberg News nhận định : "Donald Trump tạo ra lỗ hổng lớn trong thương mại toàn cầu, Nga - Trung - Nhật sẽ là người đi vá lỗ hổng ấy !" và "Donald Trump mở cánh cửa rước Trung Quốc vào ‘sân sau’?
3. Bỏ rơi những đứa con ở Trung Đông
Đầu tháng 9 năm 2016, với sự yểm trợ của Nga, quân của chính phủ Assad đã mở cuộc tấn công vào phía đông Aleppo, nơi các đứa con của Mỹ đang chiếm giữ, để cắt đứt thông lộ tiếp tế cho phiến quân từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria, đi dọc theo phía đông sông Euphrates. Mỹ đã làm mọi cách nhưng không chận đứng được. Khi thấy Aleppo sắp mất, Mỹ yểm trợ quân Iraq đánh vào Mosul để khai thông con đường thứ hai đi từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo con sông Tigris. Khi việc khai thông chưa thành thì Donald Trump thắng cử. Vì biết Donald Trump có thể sẽ không tiếp tục kế hoạch "Một Trung Đông Mới" của Mỹ, Obama đành bỏ rơi các đứa con của mình với một kế hoạch đang dang dở.
Trong khi người Việt đấu tranh đang phấn khởi ngồi chở Donald Trump đánh Trung Quốc thì hôm 6/12/2016, Donald Trump tuyên bố "sẽ ngưng tìm cách lật đổ các chế độ nước ngoài mà Mỹ không biết gì về họ cũng như không có liên can gì với họ", và hứa sẽ tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Như vậy nước Mỹ đang bị thu nhỏ lại.
Cựu cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc Zbigniew Brzezinski đã đưa ra lời khuyên với Trump : Cẩn thận với các tuyên bố công khai và thể hiện rõ ràng hơn những cam kết của Mỹ trên toàn thế giới nên được xếp ở vị trí ưu tiên trong danh sách việc tổng thống tiếp theo cần làm". Nhưng Donald Trump chẳng hiểu gì.
Đặt cái cày trước con trâu
Khi muốn thực hiện một công trình gì, công việc đầu tiên là cho các chuyên gia nghiên cứu xem nếu công trình đó được thực hiện sẽ đem lại những lợi ích thực tế như thế nào, nó sẽ được thực hiện ra sao, những trở ngại sẽ gặp, số chi phí cần có để thực hiện, v.v. Nhưng Donald Trump không biết hay không tôn trọng tiến trình hành động theo khoa học đó. Thích cái gì là tuyên bố sẽ làm, chẳng cần biết có làm được hay không và kết quả sẽ như thế nào. Ngay cả những vấn đề có liên quan đến pháp lý, ông cũng chẳng cần biết luật pháp đã quy định như thế nào. Coi "miệng tao là luật", Trump tuyên bố sẽ truy tố bà Clinton, bắt giam những kẻ đốt cờ Mỹ, v.v.
Đúng như tờ New York Times và tạp chí Business Insider đã tiên đoán, ông ta sẽ coi nước Mỹ này như Trump’s Business Organization của ông, ở đó ông vẫn tiếp tục dùng cảm tính và tiểu xảo để lãnh đạo, không cần quan tâm đến luật pháp và cơ chế chính trị của nước Mỹ. Thế mà có "bình luận gia" đã dám lên truyền hình nói đó là "phương thức đổi mới" của Trump !
Với lối quản trị như vậy trong quá khứ, ông ta đã gây ra 4.095 vụ kiện (lawsuites), trong đó có 150 vụ khai phá sản. Mới đây ông đã phải bồi thường cho các sinh viên Trump University 25 triệu USD về tội lường gạt. Hiện nay công ty của ông đang phải đối phó với khoảng 75 vụ kiện lừa đảo nữa. Liệu ông có thể điều khiển nước Mỹ và thế giới như điều khiển tập đoàn Trump Organization được không ?
Trong cuộc phỏng vấn của đài RFI ngày 10/11/2016, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason ở Virginia đã nói rằng điều làm người ta lo ngại là (1) sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp ; (2) tính nóng nẩy, hiếu thắng, và độc tôn của ông không thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị, và đòi hỏi sự tự chế.
Có lẽ người viết nhiều bài nhất để khuyến cáo Donald Trump về chính sách đối ngoại là Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Hoa Kỳ, Giáo sư tại Đại học Harvard. Từ "Những thách thức đối ngoại của Donald Trump", "Mỹ nắm bá quyền hay chỉ chiếm ưu thế ?", "Mỹ-Trung nên tránh xung đột ở Biển Đông", "Thách thức từ sự suy thoái của Nga"… đến "Nếu để chiến tranh lạnh xảy ra cả Nga lẫn Mỹ không bên nào có lợi cả", ông Nye đã phân tích rất sâu sắc và chính xác những gì đang xảy ra và Mỹ phải đối phó như thế nào. Nhưng Donald Trump chẳng đọc những bài đó và nếu có đọc cũng chẳng hiểu, mặc dầu đây là những chỉ dẫn làm cho nước Mỹ đứng vững và tiến lên trong thế kỷ 21.
Vấn đề bây giờ không phải là diều hâu hay bồ câu. Jonathan Marcus, phóng viên ngoại giao của BBC đã viết : "Cái chúng ta đang tìm kiếm là một sự thông hiểu chiến lược với Moscow về cách đem lại sự ổn định toàn cầu, sự ổn định trên khắp Châu Âu giữa Nga và Mỹ. Và vì vậy, sự ổn định căn bản của thế giới được đặt trên một cơ sở vững chắc hơn so với trước đây".
Jonathan Marcus lưu ý : Thời kỳ đơn cực của nước Mỹ "là rất ngắn ngủi và giờ đã kết thúc".
Giống Nguyễn Văn Thiệu
Khi viện trợ Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa bị cắt giảm, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Đặng Văn Quang hợp với Tướng du kích Ted Seron của Úc soạn thảo kế hoạch rút Quân Đoàn 1 và Quân Đoàn 2 về đóng ở phòng tuyến Tuy Hòa kéo dài đến Tây Ninh. Kế hoạch này khi đem ra thăm dò ý kiến thì không chuyên gia nào tin rằng có thể thi hành được vì hai lý do : Lý do thứ nhất là tại Tuy Hòa không có phòng tuyến tự nhiên kéo dài đến Tây Ninh nên không thể lập phòng tuyến ở đó được. Lý do thứ hai là muốn rút quân phải có một hiệp ước với Bắc Việt như hiệp định Genève 1954. Không có một hiệp ước như vậy không thể rút quân được. Nhưng ông Thiệu vẫn làm và Miền Nam đã mất trong chỉ 40 ngày.
Donald Trump rồi cũng sẽ làm theo ý riêng của mình bấp chấp khuyến cáo của các chuyên gia như cố Tổng thống Thiệu, tức suy nghĩ và hành động theo cảm tính. Nhưng nước Mỹ sẽ không thể sụp đổ được vì nước Mỹ có một đội ngũ chuyên gia đầy đủ kinh nghiệm và có một hệ thống siêu quyền lực đứng đàng sau lãnh đạo. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Donald Trump sẽ ra đi, còn nước Mỹ vẫn đứng vững như bàn thạch.
Biểu tình phản đối Donald Trump không phải Tổng thống của tôi
Trong một email gửi ngày 17/06/2016 cho Emily Miller, phóng viên và cựu trợ lý của ông Trump, tướng 4 sao Colin Luther Colin Powell, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã mô tả Donald Trump như là một "xấu hổ quốc gia" và "hạ đẳng quốc tế" (as a "national shame" and "pariah internationally"). Ông nói rằng "Trump bước vào giai đoạn "tự hủy hoại" (Trump entered the "self-destructive" phase).
Trang bìa tạp chí Time số tháng 12/2016
Donald Trump vừa được tạp chí Time số tháng 12/2016 bầu làm "Nhân vật của Năm" (Person of the Year). Tấm hình ông được in ở trang bìa với lời ghi : "Donald Trump - President of the Divided States of America" (Donald Trump – Tổng thống của nước Mỹ bị chia rẽ).
Ngày 8/12/2016
Lữ Giang
Phần lớn những thành viên trong Nội các của Donald Trump đều là tỷ phú
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump
Năm 2017 đã đến. Tình hình thế giới mang nhiều yếu tố mới khác thường, đưa đến nhiều lo âu, hồi hộp, dự đoán trái ngược nhau. Nhiều nhà bình luận nói đến "Thế chiến mới đã khởi đầu", bàn đến "Chiến tranh lạnh đợt II giữa phương Tây và nước Nga hậu Cộng sản của Putin", đến "chiến tranh tôn giáo dai dẳng", đến "chiến tranh nguyên tử khó tránh khỏi". Trung Đông, Đông Âu, Ukraine và Crimea, Biển Đông Việt Nam, Biển Đông Trung Hoa, Eo biển Đài Loan là những khu vực có nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang. Trong khi đó mối đe dọa của chiến tranh kinh tế, tài chính – tiền tệ, hối đoái ngày càng nghiêm trọng, khủng hoảng môi trường sinh thái không ngừng lan rộng, thảm họa thuyền nhân – người di tản ở các châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La tinh và châu Úc vẫn kéo dài.
Một nguy cơ nổi bật nhất là sự thay đổi quyền lực tối cao ở Hoa Kỳ, cường quốc số một của thế giới, với một nhà kinh doanh tỷ phú đôla chưa từng nắm giữ một chức vụ dân cử nào sẽ trở thành tổng thống trong 4 hay có thể 8 năm tới, một hiện tượng bất ngờ gần như tuyệt đối không hề được dự đoán trước.
Sự lo lắng của phần lớn loài người là rất dễ hiểu. Ông Donald Trump tính khí thất thường, ăn nói xô bồ, bỗ bã, lại chọn ra một loạt cận thần vừa mị dân, vừa cực đoan, có khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nặng về bảo hộ quyền lợi nước nhà trước hết, nhẹ về nghĩa vụ quốc tế, coi trọng lợi nhuận, coi nhẹ nhân quyền. Nếu được thực hiện, các chính sách của chính quyền mới này sẽ làm cho quan hệ quốc tế thêm hỗn loạn, rối rắm, nội tình nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng ; các chủ trương kinh tế tài chính ngoại giao, quốc phòng, an ninh không nhất quán và thiếu đồng bộ sẽ biến mục tiêu trung tâm của ông Trump "Hãy làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại" thành một khẩu hiệu mỉa mai, viển vông.
Đêm nằm lo nghĩ băn khoăn về những nguy cơ cực lớn sẽ diễn ra trong năm mới 2017 sắp đến cho cả loài người – mà Việt Nam là một thành viên – bỗng bừng lên trong tôi một niềm tin, một hy vọng lạc quan, khi nghĩ rằng con người là một động vật thông minh, có trí tuệ, do đó cuộc sống của loài người đã phát triển không ngừng nghỉ, đạt đến nền văn minh ngày nay. Khi con người luôn vượt qua chính mình để phát minh ra ngọn lửa, các loại kim khí, điện lực, tiếng nói, chữ nghĩa, nền khoa học kỹ thuật, nền văn hóa văn minh hiện tại, thì không có gì tốt đẹp hơn, văn minh hơn là không thể đạt.
Tôi không còn bi quan thất vọng như hồi đầu tháng 12. Chính ông Trump sau khi đắc cử không còn ăn nói hàm hồ, còn biết tỏ lời khen đối thủ của mình là bà Hillary Clinton, cám ơn Tổng thống Barack Obama về những góp ý trong giai đoạn chuyển giao chính quyền. Ông đã hạ thấp con số người nhập cư phi pháp sẽ bị trục xuất từ 15 triệu xuống 1 đến 2 triệu, ông không còn nói đến bức tường kiên cố ngăn đôi biên giới Hoa Kỳ – Mexico rất tốn kém, mà nói đến một kiểu hàng rào đơn giản hơn.
Ngay sau khi đắc cử, ông Donald Trump hứa sẽ là "tổng thống của mỗi công dân Hoa Kỳ", trong số đó có hơn một nửa số đi bầu đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, và cũng có gần một nửa đã không đi bầu. Do đó thật ra ông Trump chỉ được sự tín nhiệm của chưa đến 25% tổng số cử tri Hoa Kỳ. Đây là một vết đen luôn luôn cảnh báo, nhắc nhở ông. Và cũng có thể nói đây là niềm lo âu lớn nhất của ông Trump, của đảng Cộng hòa, của các trợ lý và cố vấn thân tín nhất của ông, cũng như của đa số dân biểu, thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội. Ông không những mắc nợ những cử tri đã bầu cho ông – những công nhân da trắng ít học – mà ông cũng phải tranh thủ những người từng bỏ phiếu chống đối ông – những công dân đủ mọi màu da màu vốn là người nhập cư từ mọi châu lục, đang là lực lượng lao động nền tảng xây dựng nhà cửa, hệ thống giao thông, cầu cống, khai thác khoáng sản, làm dịch vụ đủ loại trên đất Mỹ.
Ông phải ra sức đáp ứng nguyện vọng của tầng lớp trung lưu ở các vùng thành thị và nông thôn – vốn là số đông áp đảo trong lao động và dịch vụ trong cả nước – đồng thời phải biết chăm chú lắng nghe các nhà trí thức, khoa học kỹ thuật, các nhà phát minh, các giáo sư, các nhà ngoại giao trong các think tank của nước nhà. Phần lớn các trí thức hàng đầu đều không đồng tình với cách suy nghĩ theo cảm tính của ông, và họ đã cùng nhau cam kết không để cho cái phần nguy hại trong quan điểm chính trị của ông được mang ra thực hiện, gây tai họa cho đất nước.
Hoa Kỳ là nước dân chủ cao độ, nhưng dân chủ cũng là một quá trình hoàn thiện không ngừng.
Do đó 4 hay 8 năm tới, thời gian cầm quyền của ông Trump là một quá trình phản biện quyết liệt, cọ xát các quan điểm bất đồng, đối lập có khi rất gay gắt, rất căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng hòa, giữa Cộng hòa và Dân chủ, giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa chính quyền và công luận, giữa nhà nước và báo chí truyền thông. Cuộc đấu tranh có thể sẽ rất quyết liệt, và có cả những tiên đoán rằng chức vụ tổng thống của ông Trump có thể bị phủ định, bị phế truất, nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất để cuối cùng Hoa Kỳ tìm lại được "sự vĩ đại" thật sự của mình.
Nhưng Nguy cơ lớn thường dọn đường cho Thời cơ lớn. Hai điều đó thường song hành với nhau. Trong cái họa lớn thường tiềm ẩn cái vận may lớn là thế. Mong rằng Hoa Kỳ sau cơn bàng hoàng sẽ tìm ra được sự đồng thuận quốc gia sáng suốt, dân chủ, bình đẳng, văn minh, nhằm hoàn thiện thể chế dân chủ đa nguyên và tham gia mạnh mẽ vào việc đẩy lùi các thể chế độc đoán tàn bạo, xứng đáng là cường quốc dân chủ văn minh tiêu biểu của loài người trên hành tinh tuyệt vời này.
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 23/12/2016