Trước khi rời Bắc Kinh qua Việt Nam, tổng thống Mỹ được chiêu đãi đặc biệt. Ông Tập Cận Bình muốn mở đầu cuộc giao hảo lâu dài giữa hai cường quốc, chiếm cảm tình của ông tổng thống Mỹ một cách tế nhị, như người Trung Hoa đã được huấn luyện thuần thục từ mấy ngàn năm.
Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đã tiếp đãi ông bà tổng thống Mỹ ngay trong Tử Cấm Thành.
Ông Donald Trump và bà Melania được ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viên (Peng Liyuan, 彭丽媛) mời uống trà và ăn tối ngày thứ Tư.
Họ không tiếp vợ chồng khách quý trong tòa Đại Sảnh Nhân Dân, nơi vẫn gặp gỡ các quốc khách quan trọng và tổ chức những dạ yến linh đình nhất. Cũng không mời khách đến dinh thự riêng ở Trung Nam Hải, như Mao Trạch Đông đã tiếp Richard Nixon trong căn phòng đầy sách, mở đầu một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, và cả lịch sử thế giới.
Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đã tiếp đãi ông bà tổng thống Mỹ ngay trong Tử Cấm Thành. Đây là một địa điểm lịch sử, xây cất từ đời Minh (khoảng thời gian ông Minh Thành Tổ sai quân sang đánh nước Đại Việt), hiện được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, vẫn thu hút hàng triệu du khách. Ông Tập muốn ông Trump ôn lại lịch sử.
Trong khi Tập đón tiếp Trump thì khu cung điện nhà Minh đã trở về đúng với tên gọi cũ : Cấm Thành. Nhà nước cộng sản cấm không cho ai được bén mảng tới khu vực, nội bất xuất, ngoại bất nhập ;giống cảnh thời các hoàng đế năm, ba trăm năm trước. Đây là một cách tiếp đón dành cho các bậc vương giả, vào thời các hoàng đế.
Ông Tập Cận Bình vừa được đảng cộng sản đưa lên ngôi vị tôn quý không thua các hoàng đế đời Thanh ; và muốn ông Trump cũng cảm thấy mình đang được đón tiếp huy hoàng như một hoàng đế. Khác hẳn cảnh ông thủ tướng Canada ngồi uống cà phê bên vỉa hè Sài Gòn, hay ông cựu tổng thống Mỹ đi ăn bún chả ở Hà Nội.
Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc ở Washington, hẳn đã nghe tin nói rằng chuyến thăm Anh Quốc chính thức của Tổng thống Trump bị trì hoãn chỉ vì vấn đề nghi lễ. Ông Trump muốn được cùng ngồi xe song mã với nữ hoàng Anh trên đường đi giữa nghị viện và hoàng cung. Chính phủ Anh, hoặc chính nữ hoàng, không đồng ý. Vì vậy chuyến công du chưa thể thực hiện được như ý muốn.
Có lẽ câu chuyện này đã phổ biến trong giới ngoại giao ở thủ đô Mỹ cho nên Tổng thống Trump đã được tiếp đãi long trọng ở rất nhiều nước khác. Ông được mời đứng với tổng thống Pháp trên khán đài duyệt binh ngày Quốc Khánh, 14 tháng Bảy. Ông Trump hào hứng quá, đã tỏ ý nước Mỹ cũng nên tổ chức duyệt binh ngày Lễ Độc Lập. Trong chuyến thăm Nhật vừa rồi, ông Trump được Thủ tướng Shinzo Abe tận tình chiêu đãi, nhưng chưa đủ, vẫn thiếu mục trà đàm với Thiên Hoàng.
Đến nước Trung Hoa thì khác. Ông Tập Cận Bình không phải một hoàng đế nhưng quyền lực cao và mạnh, mạnh hơn Nữ hoàng Elizabeth và Thiên hoàng Akihito. Và hoàng đế đỏ đã biểu dương uy quyền cao tột cho vị tổng thống Mỹ coi.
Khi Tổng thống Trump và phu nhân tới thăm quảng trường Thiên An Môn, không một người dân Trung Hoa hay một du khách nào được lai vãng. Trong Tử Cấm Thành cũng vậy ; hai cặp vợ chồng vương giả ngồi uống trà, với một thông ngôn duy nhất do ông Trump mang theo.
Họ ngồi trong cảnh vắng lặng, trên là trời mây, dưới là mình, chung quanh là cung vàng điện ngọc bỏ hoang. Hai vị nguyên thủ quốc gia có thể bàn chuyện trời đất, gió mưa, hay chuyện đời sống của nhân loại, khắp nơi trên thế giới, chiến tranh, hòa bình, buôn bán, chơi golf hoặc bán máy bay, nói chuyện gì tùy các ngài cao hứng.
Còn đám chúng sinh lau nhau ở tuốt xa xa ngoài kia không, họ đâu biết rằng có hai lãnh tụ phi phàm đang ngồi uống trả, rồi ăn tiệc với nhau, như chư tiên ở trên thiên đình ngồi chấm sổ đám phàm phu hạ giới.
Ông Tập Cận Bình đã chọn một ngôi nhà lịch sử ở góc Tây Nam Tử Cấm Thành để "nhẩm sà" với ông Donald Trump. Ngôi nhà đó, từ thế kỷ trước đã đặt tên là Bảo Uẩn Lâu (Bao Yun Lou, 宝蕴楼), ngôi Lầu chứa của báu. Ông Tập Cận Bình có thể chỉ tay vào các bức tường, cây cột, cửa ra vào, phòng ốc chung quanh mà nói rằng : Đây là một kiến trúc đầu tiên trong hoàng thành chịu ảnh Tây phương và chính phủ Mỹ hồi đó đã "tài trợ" công cuộc xây dựng nên ngôi lầu này.
Ông Tập Cận Bình đã từng gây ấn tượng mạnh trên ông Donald Trump với các bài dạy về lịch sử thế giới. Sau khi nói chuyện lần đầu với ông Tập ở khu nghỉ mát Mar-a-Largo của ông ở Florida, ông Trump đã thốt lên, "Eureka ! Bây giờ mới biết ! Nước Cao Ly ngày xưa thuộc nước Tàu !" (Sau bữa đó, trên nhật báo Người Việt, mục này đã thắc mắc : Không biết Giáo sư Tập có giảng về lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam hay không ?).
Nhưng ngôi nhà Bảo Uẩn Lâu lại là một di tích của tình hữu nghị giữa hai nước Hoa Kỳ và Đại Thanh, hơn 100 năm trước. Trong câu chuyện đó, nước Tàu lại là nước chịu ơn nước Mỹ hào hiệp ! Bảo Uẩn Lâu được xây dựng bằng tiền "viện trợ Mỹ". Khó tưởng tượng một cách tài tình hơn để lấy lòng một vị quốc khách từ Mỹ đến.
Muốn hiểu điều ý nghĩa của ngôi lầu này, nhớ lại những bài học lịch sử thời trung học. Những bạn cùng tuổi tôi, sống ở Việt Nam Cộng Hòa đều phải học lịch sử thế giới, chúng tôi phải biết những biến cố gọi là "Quyền phỉ" và "Bát quốc Liên quân".
"Quyền phỉ" là cuộc nổi dậy của các võ sư, được triều đình nhà Thanh bảo trợ, họ đi tìm giết người ngoại quốc, từ năm 1899 đến 1901. Sau đó, tám cường quốc Tây phương đã kéo liên quân tấn công, đánh thẳng tới Bắc Kinh, tàn phá cung điện và cướp đi không biết bao nhiêu của báu, vua quan nhà Thanh bỏ chạy, khi trở về phải ký hòa ước chịu những khoản "bồi thường" khổng lồ cho tám nước đã đánh mình !
Đó là một đoạn sử nhục nhã đánh thức tự ái dân tộc của người Trung Hoa. Mười năm sau, họ lật đổ nhà Thanh, thành lập Dân quốc.
Trong tám nước liên minh đánh Tàu, chính phủ Mỹ cư xử khác. Tổng thống Theodore Roosevelt đã trả lại số tiền bồi thường cho chính phủ dân quốc. Dùng số tiền bồi hoàn lập ra một quỹ học bổng đưa sinh viên Trung Hoa du học bên Mỹ. Một phần số tiền này, năm 1915, đã được dùng để xây Bảo Uẩn Lâu ; một phần khác dùng để xây dựng Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng nay vẫn hoạt động.
Ông Donald Trump và bà Melania chắc chắn phải thích thú nghe kể chuyện cổ tích về ngôi nhà Uẩn Lâu này, sau khi mời ông bà Tập Cận Bình coi đoạn video cô cháu ngoại hát tiếng Tàu, đọc thuộc lòng Tam Tự Kinh, rồi chúc phúc Grandpa Tập Cận Bình và Grandma Bành Lệ Viên.
Trong khi đưa khách đi thăm các phòng ốc, dừng chân rất lâu ở Điện Thái Hòa, chắc ông Tập Cận Bình phải giải thích cho ông Donald Trump hiểu nghĩa cái tên gọi này : Hòa bình lớn khắp nơi dưới bầu trời – Thiên hạ. Tập có thể tóm tắt cho Trump nghe : Tư tưởng Tập Cận Bình mới ghi trong cương lĩnh đảng cộng sản Trung Quốc cũng nhắm cùng mục đích đó : Thiên hạ Thái hòa !
Nhưng Thiên hạ nghĩa là gì ? Các hoàng đế Trung Hoa từ hai thế kỷ trước công nguyên đã coi họ chịu trách nhiệm với cả nhân lại : "Bình thiên hạ," giữ cho cả thế giới được bình an. "Sử Ký" của Tư Mã Thiên, quyển 6, Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ, viết rằng lãnh thổ của Thủy Hoàng bao gồm bốn phương Tây, Nam, Đông, Bắc, "Đi tới bất cứ nơi nào có dấu người ở ;chẳng có ai không phải là bầy tôi" (Nhân tích sở chí, vô bất thần giả (史記 /秦始皇本紀 : "人迹所至,無不臣者").
Tài kể chuyện của ông Tập Cận Bình chắc điêu luyện lắm. Cho nên, bữa ăn tối, tại điện Kiến Phúc (Jianfu Palace, 建福宫), cũng trong Tử Cấm Thành, đã kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, mà khi mời, ông Tập gọi là "một bữa ăn vội" để khách được về nghỉ ngơi sớm. Đây là bữa tiệc đầu tiên đãi một quốc khách trong Tử Cấm Thành.
Hôm sau, ông Trump kể rằng lúc đầu ông tính sẽ ngồi ăn trong vòng 20, 25 phút ; vì ông chủ rất dễ thương (you are so nice) biết khách đi đường xa mệt nhọc. Nhưng ông Trump kể, hai ông bà thích thú từng phút một suốt bữa ăn (we enjoyed every minute of it). Có thể tưởng tượng cảnh Tam Quốc Chí, khi Lưu Bị ngồi ăn cơm với bà mẹ Tôn Quyền ; sau đó vừa thoát chết, vừa được vợ. Hãy chinh phục cảm tình của một người ! Một người có địa vị then chốt ! Các chuyện khác sẽ đâu vào đó, tính sau !
Người Trung Hoa có mấy ngàn năm lịch sử nghề làm ngoại giao. Người Việt cũng không ngu dại gì mà không biết. Trừ nhóm lãnh tụ Ba Đình !
Trong lúc Bắc Kinh ve vuốt, chiều chuộng Donald Trump đủ cách như trên, thì đám Nguyễn Phú Trọng làm ngược lại. Chính một độc giả Người Việt đã nhìn thấy : Putin và Tập Cận Bình được trải thảm đỏ, viền vàng, từ cửa máy bay xuống mặt đất ; còn Trump bước xuống sân bay trên chiếc cầu thang trống trơn, một mảnh thảm đỏ đặt dưới chân thang.
Donald Trump bước xuống sân bay Việt Nam trên chiếc cầu thang trống trơn, một mảnh thảm đỏ đặt dưới chân thang.
Đó là một hành động cố tình hạ nhục. Để làm gì ? Chắc chỉ để làm vui lòng các "đồng chí anh em" Trung Quốc ! Trong lúc đó ai cũng biết rằng muốn ngăn chặn chương trình bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông nước ta không thể nào không nhờ thế lực cân bằng của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và các nước Tây phương.
Ai sẽ lãnh hậu quả của thái độ và hành vi đối xử phân biệt này ? Dân Việt Nam ! Cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research gần đây cho biết 84% dân Việt nhìn nước Mỹ với thiện cảm, cao hơn tỷ số 76% vào năm 2014. Dân Việt yêu thích những lý tưởng của nước Mỹ như tự do dân chủ, với tỷ số 69%, ở Á Châu chỉ sau dân Nam Hàn (78%). Có 31.000 sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, đứng hàng thứ năm so với các nước khác.
Người dân bình thường đã phản ứng, để chứng tỏ đảng cộng sản sai lầm làm ngược lại ý dân. Người Đà Nẵng, Hà Nội kéo nhau ra đường coi ông tổng thống Mỹ. Họ chỉ muốn gửi một thông điệp : Chúng tôi không đi đón Tập Cận Bình hoặc Putin như vậy !
Người Việt nào cũng biết nước mình cần kết thân với Mỹ để tự vệ. Đám "lãnh tụ Mặt Dày" biết nhưng không dám lộ điều đó ra. Vì sợ hãi. Bọn "Mặt Dày" phải bám chân Trung Quốc để hy vọng nắm quyền và trục lợi càng lâu càng tốt. Việt Nam là một trong mười nước ngoài có dân mua nhà ở tại Mỹ nhiều nhất. Các đại gia Việt Nam xin visa EB-5, với số đầu tư tối thiểu 500 000 USD, đứng hàng thứ hai, chỉ thua tư bản đỏ nước Tàu.
Trong khi đó lợi tức bình quân mỗi người Việt trong nước chỉ có 2.200 USD một năm. Những người dân không đủ tiền mua gạo sẽ tự hỏi : Tại sao chúng ta phải sống mãi trong cảnh bất công này, với một nhóm lãnh đạo quỳ gối khom lưng trước kẻ thù truyền kiếp ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 11/11/2017
Mỹ : Donald Trump làm được gì sau một năm ở Nhà Trắng
Cách nay một năm, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nhân dịp này, xã luận báo Le Monde có bài "Trump một năm sau". Theo tờ báo, việc Donald Trump trúng cử là một trong những sự kiện mà người dân Mỹ ghi nhớ rõ, giống như thông tin lần đầu tiên, con người đặt chân lên mặt trăng, hay vụ ám sát tổng thống Mỹ JF. Kennedy.
Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 13/10/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Một năm sau cơn chấn động chính trị, phần lớn dân chúng Mỹ vẫn còn bị choáng váng bởi nhiệm kỳ tổng thống không bình thường này. Nỗi bàng hoàng xen lẫn sự khó hiểu về một thắng lợi mà rất ít người dự báo được.
Trong khi đó, đông đảo cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ thì vẫn bị dày vò bởi những lời giải thích ít nhiều thuyết phục vì sao phe của họ lại thua. Một số người chỉ trích việc lựa chọn Hillary Clinton làm ứng viên. Thế nhưng, Le Monde cho rằng làm như vậy là đi không đúng hướng, bỏ qua vấn đề cơ bản cho phép hiểu được vì sao Trump thắng cử.
Nếu Donald Trump thắng cử, trước tiên là vì ông đã biết tập trung hướng vận động tranh cử vào một bộ phận cử trị có cảm giác bị bỏ quên. Ngoài các vùng trù phú ở miền duyên hải và các thành phố lớn, phần còn lại của nước Mỹ đã âm thầm chịu đựng sự thiệt thời trước sự thờ ơ của giới tinh hoa chính trị và một bộ phận truyền thông. Các số liệu vĩ mô kinh tế đáng phấn khởi mà Barack Obama để lại đã che dấu những rạn nứt, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 và tiến trình toàn cầu hóa, trong khi đó chính quyền lại không có những biện pháp để hỗ trợ các nạn nhân này.
Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với tỷ lệ được lòng dân rất thấp. Một năm sau, tỷ lệ này không thay đổi. Với 38% tỷ lệ ủng hộ, dường như tổng thống Mỹ vẫn duy trì được một bộ phận cử tri trung thành với ông, ít quan tâm đến những cáo buộc về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hiện đang gây "ô nhiễm" bầu không khí của nhiệm kỳ tổng thống. Những cử tri trung thành này cũng không thay đổi ý kiến cho dù bản tổng kết thành tích một năm cầm quyền của Donald Trump khá sơ sài so với những gì ông đã hứa lúc vận động tranh cử : chương trình cải cách hệ thống y tế, xóa bỏ Obamacare không được Quốc Hội thông qua, dự án xây tường biên giới với Mêhicô vẫn chưa có nguồn tài chính, trong lúc đó, tư pháp liên tục bác bỏ những sắc lệnh của ông về nhập cư.
Tuy vậy, theo Le Monde, Donald Trump vẫn thành công trong việc lừa gạt cử tri của ông bằng cách liên tục tấn công vào những quyết định mà người tiền nhiệm đã đưa ra, như trong lĩnh vực môi trường, đối ngoại. Về điểm này, Le Monde nhấn mạnh, nhiều người đã đánh giá thấp mức độ phản đối của một bộ phận cử tri trước các quyết định của Obama. Những người này đã im lặng bất bình trong suốt 8 năm qua.
Khai thác tư tưởng dân tộc chủ nghĩa là một chuyện, áp dụng chính sách mà các cử tri đang mong đợi lại là một chuyện khác. Và tình hình có nguy cơ trở nên phức tạp đối với Donald Trump. Trong lúc tranh cử, ông đã hứa làm khô cạn vùng lầy Washington, tức là xóa bỏ các nhóm vận động hành lang vì tiền, làm tê liệt nền dân chủ Mỹ để phục vụ các lợi ích riêng tư.
Thế nhưng, thay vì gạt bỏ các hoạt động này, ông trùm địa ốc lại thiết lập một chế độ đầu sỏ tài chính mà các mục tiêu của chế độ này trái ngược hoàn toàn với những mong đợi của những người đã bỏ phiếu cho ông, những người vốn bị hệ thống chính trị hiện hữu không đoái hoài tới. Các kế hoạch nới lỏng quản lý hệ thống tài chính, cải cách thuế có lợi cho những người giàu có, cắt giảm ngân sách giáo dục và các chuơng trình xã hội, Le Monde cho rằng, khó mà tưởng tượng được là về lâu dài, những người đã bỏ phiếu cho Donald Trump vào Nhà Trắng lại có thể tiếp tục ủng hộ một chính sách có nguy cơ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực đối ngoại, các báo Pháp rất quan tâm đến chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Hoa Kỳ. Le Monde cho biết "Tập Cận Bình dành cho Donald Trump một sự đón tiếp như hoàng đế". Dường như biết tính cách của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh nhấn mạnh đây là chuyến công du cao hơn cấp Nhà nước. Rất hài lòng về sự đón tiếp này, Donald Trump đã đáp lại với những câu ca ngợi hết lời, như hội đàm giữa hai nguyên thủ là một "cuộc gặp rất ấn tượng", "không có chủ đề nào quan trọng hơn là quan hệ Trung-Mỹ". Sáng hôm qua, tổng thống Mỹ hứa hẹn là cùng làm việc với Trung Quốc để không chỉ giải quyết các vấn đề giữa hai nước mà cả những vấn đề của thế giới. Gợi ý này dường như đáp ứng mong đợi của Trung Quốc vì trước đây, Bắc Kinh muốn lập một dạng cơ chế thượng đỉnh G2 Trung-Mỹ nhưng đã bị Obama bác bỏ.
Theo nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptist Hồng Kông, điều mà Trung Quốc đạt được ở bề ngoài, đó là có được quy chế một cường quốc lớn, ngang hàng để cùng quản lý vấn đề an ninh tại Châu Á. Thế nhưng, đây chỉ là sự ngang hàng giả tạo bởi vì Hoa Kỳ vẫn thống trị với các liên minh quân sự vững chắc, trong khi Trung Quốc chỉ có những quốc gia bạn bè, đi theo Bắc Kinh tùy theo tình hình.
Cùng chủ đề, Le Figaro chạy tựa "Tập Cận Bình thể hiện sự hoành tráng của Trung Hoa khi gặp Donald Trump".
Trong lĩnh vực kinh tế, chuyến công du Trung Quốc của Donald Trump là một "Vụ thu hoạch các hợp đồng", tựa của Le Monde. Theo hướng này, Les Echos cho biết "Vụ thu hoạch các hợp đồng biểu tượng của Trump tại Trung Quốc", còn theo Le Figaro, đó là "Vụ mùa kỳ diệu các hợp đồng".
Chủ đề thời sự khác được nhiều báo Pháp quan tâm, đó là vụ lách luật tránh thuế "paradise papers". Le Monde có nhiều bài về hồ sơ này. Theo tờ báo "Gửi tiền ở thiên đường thuế khóa, một phản xạ đối với các đầu sỏ tài chính Nga". Vụ "paradise papers" cho thấy, tổng số tiền mà các cá nhân, doanh nghiệp Nga đặt ở nước ngoài có thể lên tới khoảng 1000 tỷ đô la. Những người thân cận của Vladimir Putin đều làm như vậy. Một doanh nhân ngoại quốc giải thích : Càng gần gũi với chính quyền, thì tài sản của giới tài phiệt càng mong manh. Dường như có một sự hiểu ngầm giữa chính quyền và giới đầu sỏ tài chính là những khoản tiền khổng lồ của họ chỉ là sở hữu ủy quyền. Chính quyền có thể lấy lại bất kỳ lúc nào. Chính vì thế mà một số người trong số này đã tìm cách cất giấu một phần tài sản của họ.
Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos chạy trên trang nhất thông tin đáng mừng là "Tăng trưởng của Châu Âu đạt mức cao nhất kể từ 10 năm qua". Theo dự báo của Bruxelles, khu vực đồng euro sẽ có mức tăng trưởng là 2,2-2,3%, thâm hụt ngân sách của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều giảm. Do vậy, tờ báo kêu gọi, đây là lúc tiến hành các cải cách sâu rộng.
Le Monde nói tới "Tăng trưởng có thể đạt mức 2,3% trong Liên Hiệp Châu Âu năm 2017" và khẳng định, khu vực đồng euro thoát ra khỏi khủng hoảng và thậm chí tăng trưởng còn tăng tốc trong những tháng gần đây. Theo ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế, ông Pierre Moscovici, thì khu vực đồng euro phải tiến hành cải cách : đồng nhất về cơ cấu và củng cố khu vực đồng tiền chung, đó là hai điều kiện để tăng trưởng có thể kháng cự được những cú sốc mạnh trong tương lai và trở thành một động lực bền vững cho sự thịnh vượng chung.
Về xã hội, báo La Croix quan tâm đến "Cội nguồn của hiện tượng quấy rối tình dục" và đây cũng là chủ đề trên trang nhất của tờ báo. Kể từ khi vụ quấy rối tình dục của nhà sản xuất điện ảnh Hollywood Weinstein bị phát giác, ngày càng nhiều vụ tố cáo về quấy rối tình dục hoặc những hành vi không phù hợp của nam giới đối với phụ nữ. Đến mức là người ta phải đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của hiện tượng quấy rối tình dục : hành vi này của một số người đàn ông phải chăng có cội nguồn từ bản chất nam giới hay đó là hệ quả của một dạng văn hóa được tạo dựng qua hàng thế kỷ lịch sử.
Trong khi đó, Le Monde và Le Figaro chú ý tới thời sự Pháp. "Macron chỉ đạo các ê-kíp của mình như thế nào". Đó là tít một của Le Monde. Trong cuộc họp chính phủ vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc nhở các bộ trưởng : Không dãi bày tâm tư ở bên ngoài. Ông không ưa gì các kiểu nói kháy, chỉ trích giữa các bộ trưởng. Thậm chí, có lần, ông trao đổi, gửi tin nhắn SMS cho các bộ trưởng và cộng sự đến tận 3 giờ sáng, để yêu cầu họ đẩy mạnh nhịp độ làm việc và tỏ thái độ hoàn toàn trung thành với tổng thống. Theo ông Christophe Castaner, phát ngôn viên của tổng thống, thì khi nói một điều gì, ông Macron nói rõ và mạnh mẽ và điều này đủ để mọi người phải hiểu và lắng nghe.
Còn trang nhất của Le Figaro cho biết "Macron yêu cầu các bộ trưởng bảo vệ tốt hơn chính sách của mình". Theo tờ báo, cuộc thăm dò dư luận do viện nghiên cứu Odoxa thực hiện cho thấy đa số các bộ trưởng trong chính phủ của ông Macron không được mọi người biết đến, ngoại trừ ba nhân vật : bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot, bộ trưởng thể thao Laura Flessel và thủ tướng Edouard Philippe.
RFI tiếng Việt
Các nhà tranh đấu không hy vọng nhiều trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump ? (VOA, 09/11/2017)
Các nhà tranh đấu cho nhân quyền có nhiều phản ứng khác nhau về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Từ Đăk Lăk, Blogger Huỳnh Thục Vy, người phụ trách Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam nói bà không kỳ vọng gì trong chuyến thăm Hà Nội của ông Trump.
"Không phải chỉ lần này ông Donald Trump, một người không quan tâm đến nhân quyền, mà ngay cả như ông Obama, thì tôi cũng không kỳ vọng gì trong những chuyến thăm như vậy. Những chuyến thăm đó chỉ mang tín xã giao thôi. Tôi nghĩ là tình hình địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể là vấn đề Trung Quốc, Bắc Hàn, và thế đối đầu hay hợp tác giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ chuyến thăm này không có gì quan trọng".
Ngược lại, bà Nguyễn Thị Dương Hà, một luật sư tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, và cũng là vợ của nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ ở thành phố Chicago, bang Illinois, nói bà trông chờ chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ mang lại kết quả tích cực liên quan đến hợp tác quốc phòng giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam :
"Như đã thể hiện trong bức thư của tôi gửi cho Tổng thống Donald Trump và Phu nhân Melania Trump. Tôi trong chờ chuyến thăm của Tổng thống Trump mang lại kết quả tích cực liên quan đến hợp tác quốc phòng giữa hai nước và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam, cụ thể là tăng cường quốc phòng theo hướng liên minh quân sự nhằm chống Trung Quốc bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, trong đó có hai phụ nữ có con nhỏ là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga.
Hơn một tuần trước khi ông Donald Trump đặt chân đến Việt Nam, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà có viết thư cho Tòa Bạch Ốc "khẩn thiết đề nghị" Tổng thống Mỹ và Phu nhân kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặt biệt "giải cứu" hai nữ tù nhân có con nhỏ là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga.
Trong bức thư gửi nhà nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, bà Dương Hà viết : " Nếu như việc bỏ tù những công dân chỉ vì họ bày tỏ quan điểm khác biệt với chính quyền dứt khoát là hanh vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng, thì việc bỏ tù những người mẹ nuôi con nhỏ do họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, không nghi ngờ gì nữa, là hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng gấp trăm lần".
Từ Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm 10 năm tù vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" nhưng được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh "Phụ nữ Can đảm Quốc tế," nói với VOA về chuyến thăm Hà Nội của ông Trump :
"Con gái tôi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không phải là tù nhân lương tâm duy nhất mà họ cáo buộc những điều rất vô lý. Những điều con tôi nói là những điều xảy ra thường ngày ở Việt Nam và con tôi gióng lên tiếng nói cảnh báo. Tôi chỉ mong muốn rằng không riêng gì Tổng thống Donald Trump mà tất cả các nhà lãnh đạo quốc tế đến Việt Nam hãy giúp người dân Việt Nam được bảo đảm quyền làm người và trả tự do, vô điều kiện cho tất cả những người bất đồng chính kiến".
Hòa thượng Thích Không Tánh tại thành phố Hồ Chí Minh mong rằng Hoa Kỳ nên lưu tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam và kêu gọi ông Trump đừng quên những tiếng nói bị đàn áp ở vùng thôn quê :
"Hội đồng Liên tôn và các cộng khác mong rằng khi thăm Việt Nam lưu tâm đến tình trạng vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhân quyền. Chúng tôi mong rằng Tổng thống Donald Trump nghĩ đến 90 triệu người dân Việt Nam, chứ đừng vì một đảng Cộng sản hay giới cầm quyền mà bỏ quên đồng bào nghèo khó mà còn bị đàn áp ở quê nhà".
Về khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà rất mong Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật và hủy bỏ những điều luật phản nhân quyền :
"Chừng nào mà Điều 79, Điều 88, và Điều 258 của Bộ Luật Hình sự còn tồn tại thì vẫn còn tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Do đó chính quyền Mỹ và Tổng thống Donald Trump cần kêu gọi chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ các điều luật phản nhân quyền nói trên. Ngoài ra, Mỹ cần tích cực giúp Việt Nam cải cách pháp lý mạnh mẽ để xây dựng nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, vì đó là thể chế bảo vệ nhân quyền hiệu quả nhất".
Vào tháng 9, khi ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước khi nhậm chức đại sứ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink nói vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo là một trong các ưu tiên của ông tại Việt Nam.
Đài truyền hình CNBC trong tuần nhận định rằng Tổng thống Trump dự kiến sẽ không nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Châu Á, trong đó có Việt Nam, thay vào đó, các cuộc gặp song phương chỉ tập trung vào an ninh khu vực, thương mại và đầu tư.
**********************
20 dân biểu yêu cầu Tổng thống Trump gây áp lực với Hà Nội về nhân quyền (VOA, 09/11/2017)
20 dân biểu Hoa Kỳ hôm 8/11 công bố một bức thư yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thúc ép chính quyền Việt Nam cải thiện và tôn trọng nhân quyền.
Phần đầu bức thư gửi Tổng thống Donald Trump, 7/11/2017.
Bức thư ký ngày 7/11 do dân biểu Chris Smith, thuộc đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang New Jersey khởi thảo nói : "việc tiếp tục mối quan hệ kinh tế và hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự tiến bộ thực chất và mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền".
Các dân biểu Hoa Kỳ cho rằng một chính phủ phớt lờ các cam kết quốc tế về nhân quyền thì không thể nào là một đối tác đáng tin cậy cho các vấn đề như Biển Đông hay thương mại.
Bức thư nhấn mạnh vai trò của tự do phát biểu trên mạng Internet, tự do tôn giáo và yêu cầu Tổng thống Trump hối thúc Hà Nội trả tự do cho các tù nhân chính trị như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Trần Thị Nga, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng.
Chữ ký một số dân biểu Mỹ trong bức thư gửi Tổng thống Donald Trump.
Ngoài ra bức thư còn yêu cầu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lưu ý việc chính quyền Đà Nẵng, nơi tổ chức Hội nghị Hợp tác Phát triển Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mà ông Trump tham dự, đã cưỡng chế và tịch thu đất đai của các giáo dân Cồn Dầu vào năm 2010, nhưng nay các giáo dân này đã trở thành công dân Hoa Kỳ.
*********************
Thêm thành viên Hội Anh em Dân chủ bị mời làm việc (RFA, 09/11/2017)
Thêm 2 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ là các ông Lê Anh Hùng và Trương Văn Dũng bị công an Hà Nội gửi giấy đòi triệu tập, ghi rõ nội dung buổi làm việc liên quan đến vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt : Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển (từ trái qua). Photo : RFA
Cả 2 ông Hùng và Dũng nhận được giấy gọi của công an Hà nội ngày 8 tháng 11, đòi phải trình diện để làm việc với công an lúc 8 giờ sáng ngày hôm nay, mùng 9 tháng 11 năm 2017. Hai ông đều quyết định từ chối, không đến đồn công an làm việc.
Trong thư phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, ông Lê Anh Hùng cho biết ông không tham gia vào bất cứ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nào cả, do đó ông không có trách nhiệm phải gặp công an.
Ông Trương Văn Dũng, một trong hai người có giấy mời làm việc, vào chiều ngày 9 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau về trường hợp của ông :
"Ngày hôm qua họ đưa giấy triệu tập, thì quan điểm của tôi rất rõ ràng là tôi từ chối tôi không làm việc với họ, cho đến ngày hôm nay tôi cũng đã thực thi điều đó là tôi không đi gặp. Trường hợp chúng tôi quan hệ với Nguyễn Văn Đài, hay bất kể với một ai, đó là quyền của chúng tôi. Đấy là điều chúng tôi khẳng định luôn. Thế còn trường hợp họ dùng từ mời hoặc triệu tập chúng tôi không bao giờ hợp tác với họ, bởi vì sao, vì họ là một chính thể tà quyền chúng tôi đấu tranh cho tổ quốc vì thế chúng tôi không hợp tác với tà quyền, quan điểm tôi rất rõ ràng. Chúng tôi khẳng định chúng tôi cũng không làm điều gì sai trái với pháp luật cả".
Cũng cần nhắc lại trong một năm qua, Hội Anh Em Dân Chủ là một trong những tổ chức bị đàn áp mạnh tay, nhiều thành viên của Hội đã bị bắt giữ, bị truy tố với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, chiếu theo điều 79 Bộ Luật hình sự, hoặc bị ghép vào tội danh tuyên truyền chống nhà nước, dựa theo điều 88 của Bộ Luật hình sự.
Hội Anh Em Dân Chủ được luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và một số người cùng chí hướng đồng thành lập vào tháng Tư năm 2013, với mục đích cổ võ dân chủ, đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân sự và chính trị như đã được quy định trong hiến pháp cũng như trong các bản công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết.
Luật sư Đài và người cộng sự là cô Lê Thu Hà bị bắt hồi cuối tháng 12 năm 2015, đến giờ vẫn chưa xét xử. Tháng Bảy năm nay, thêm 4 thành viên của Hội là Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn trội và Nguyễn Bắc Truyển bị chính quyền bắt giam.
Đến ngày 17 tháng Mười vừa qua, công an Hà Tĩnh cũng bắt khẩn cấp một thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ là cô Trần Thị Xuân.
Những vụ đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động cho dân chủ và quyền con người tại Việt Nam đã khiến những tổ chức bảo vệ, tranh đấu cho quyền làm người liên tục lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo của thế giới khi đến Đà Nẵng dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC phải thúc đẩy Hà Nội tôn trọng nhân quyền.
Một trong những lời kêu gọi được đưa ra ngày 9 tháng 11 là thư ngỏ của Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam gửi các lãnh đạo APEC.
Trong thư ngỏ, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban, nhấn mạnh rằng khi có mặt tại Việt Nam để dự APEC, các nhà lãnh đạo nên dùng cơ hội này để gây áp lực, buộc Việt Nam phải ngưng ngay chính sách đàn áp nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng.
Thư ngỏ cũng nhắc đến những nhà hoạt động xã hội đang bị cầm tù hay bị giam giữ, như bà Trần Thị Nga, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, hoặc như nhà tu hành đang bị quản thúc như trường hợp của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
**********************
Nhiều tổ chức lên tiếng về dân chủ ở Việt Nam trước APEC (BBC, 08/11/2017)
Có 17 tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế vừa viết thư chung gửi tới các lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, yêu cầu gây áp lực để chính phủ Việt Nam ngừng các cuộc đàn áp dân chủ.
17 tổ chức trong nước và quốc tế ký tên trong lá thư yêu cầu các lãnh đạo quốc tế tham gia APEC gây áp lực lên Việt Nam về tình trạng vi phạm nhân quyền
Thư được ký hôm 7/11, chỉ ít hôm sau khi 40 học giả quốc tế lên tiếng yêu cầu trả tự do cho hai nhà hoạt động nữ.
Lá thư viết rằng chính phủ Việt Nam đã tiến hành một cuộc "đàn áp chính trị to lớn đối với quyền biểu đạt ôn hòa" trong năm qua và điều này đi ngược lại với mục tiêu "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" của Hội nghị APEC năm nay.
"Nếu chính quyền Việt Nam không tuân thủ theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế - như các điều khoản từ Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị và Công ước Chống tra tấn - thì làm sao quý vị có thể tin rằng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các thỏa thuận ký kết tại APEC ?" trong thư có đoạn.
Lá thư kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "thúc đẩy Việt Nam hãy ngưng ngay cuộc đàn áp" và "tôn trọng các quyền tự do và nhân quyền quốc tế".
"Đồng lòng đoàn kết"
Ông Arthit Suriyawongfuk, thư ký của Hiệp Hội Người dùng mạng Thái Lan (TNN) một trong 17 tổ chức tham gia ký thư, nói với BBC rằng, TNN ký tên vì muốn thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của giữa các tổ chức đối với tình trạng đàn áp tự do ngôn luận ở Việt Nam.
"Những vụ việc [đàn áp tự ngôn luận] như thế này xảy ra khắp nơi trên thế giới, ở ngay Thái Lan cũng vậy. Nó là mối đe dọa đến tự do thông tin mạng. Quốc gia thì có biên giới, nhưng lý tưởng và thông tin thì nên được tự do truyền đạt".
"Thực tế mà nói, tôi không nghĩ lá thư sẽ nhận được phản hồi thực tế gì. Có vẻ như các quốc gia đang liên kết với nhau để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Tuy nhiên đây là một cách nhắc nhở rằng vụ việc như vậy đã diễn ra và các tổ chức hoạt động sẽ tiếp tục lên tiếng," ông Arthit nói.
Trước đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều tổ chức khác cũng đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho các tù nhân chính trị.
Gần như cùng nội dung với lá thư trên, các tổ chức cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế và đối tác thương mại với Việt Nam phải kêu gọi chính phủ cộng sản ngừng các cuộc đàn áp đối với các nhà phê bình ôn hòa và đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tôn giáo.
15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là cần phải được chú ý
"Khi cùng nhau chụp những tấm ảnh kỷ niệm và ký kết các hợp đồng thương mại với lãnh đạo của chính phủ độc đảng Việt Nam, các quan chức quốc tế từ các quốc gia trong APEC không nên nhắm mắt trước hơn 100 tù nhân chính trị mà chính những quan chức này bỏ sau hàng song sắt," Giám đốc Ban Châu Á của HRW, Brad Adams viết trong thông cáo ra hôm 3/11.
"Và ngay trong lúc Việt Nam đang đóng vai trò của một chủ nhà thân thiện để chào đón các đại biểu quốc tế, giới chức lại tăng cường các cuộc đàn áp với bất cứ ai dám dũng cảm lên tiếng về nhân quyền và dân chủ," ông Adams viết.
Thực trạng mà Giám đốc HRW nêu có thể được phản ánh rõ qua trường hợp của một trong những nhà hoạt động dân chủ mạnh mẽ nhất ở Việt Nam.
Nhà báo tự do và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho BBC biết cô vẫn đang phải ẩn trốn trong suốt bốn tháng qua.
"Tôi không thể ở trong căn hộ của tôi ở Hà Nội được nữa, tôi rời khỏi Hà Nội từ đầu tháng Bảy," nhà nữ hoạt động nói.
"Không có chút riêng tư nào, ngay cả trong chính nhà của mình. Tôi cảm thấy có người luôn theo dõi, nghe lén tôi qua điện thoại".
Kể từ đầu năm 2017, 25 nhà hoạt động ôn hòa đã bị truy bắt, giam giữ hoặc trục xuất - một con số kỷ lục.
Tháng 1 :
1. Nguyễn Văn Hóa
2. Nguyễn Văn Oai
3. Trần Thị Nga
Tháng 3 :
4. Vũ Quang Thuận
5. Nguyễn Văn Điền
6. Bùi Hiếu Võ
7. Phan Kim Khánh
Tháng 5 :
8. Bạch Hồng Quyền, bị truy nã
9. Hoàng Đức Bình
10. Thái Văn Dung, bị truy nã
Tháng 6 :
11. Phạm Minh Hoàng, bị tước quốc tịch, trục xuất
12. Bùi Văn Thắm
13. Bùi Văn Trung
Tháng 7 :
14. Trần Văn Hoàng Phúc
15. Lê Đình Lượng
16. Phạm Văn Trội
17. Nguyễn Trung Tôn
18. Trương Minh Đức
19. Nguyễn Bắc Truyển
Tháng 8 :
20. Nguyễn Trung Trực
21. Trần Minh Nhật
Tháng 9 :
22. Nguyễn Văn Túc
23. Nguyễn Viết Dũng
Tháng 10 :
24. Đào Quang Thực
25. Trần Thị Xuân
*********************
Mỹ : Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất ? (BBC, 09/11/2017)
Khoảng 8.500 người Việt tại Hoa Kỳ có thể bị bắt, giam giữ và trục xuất về Việt Nam, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng tại Hoa Kỳ cho biết.
Cộng đồng hoạt động dân quyền ở Hoa Kỳ diễu hành kêu gọi ngừng trục xuất dân nhập cư Châu Á
Các tổ chức bắt đầu lo ngại khi có thông tin trong vài tháng gần đây, nhiều người đột nhiên bị bắt, giam giữ, điều chuyển và bị thẩm vấn để trục xuất về Việt Nam.
Con số người bị bắt giữ đã lên đến mức kỷ lục, NBC News dẫn lời bà Đinh Quyên, Chủ tịch Trung tâm Hành động Hỗ trợ Đông Nam Á (SEARAC).
Các tổ chức hoạt động vì cộng đồng ở Philadelphia, California, New York gần như đồng loạt đưa ra cảnh báo khẩn vào cuối tháng 10.
Gần 9.000 người có thể bị trục xuất
Cảnh báo khẩn của SEARAC hôm 30/10 ghi rằng : "Trong vài tuần gần đây, ICE [Cơ quan Kiểm sát Nhập cư và Hải quan] đã tái bắt giữ một số người Việt đã có lệnh trục xuất mà họ không thể trục xuất trước đây".
Cảnh báo khẩn của SEARAC cho biết tổ chức này phát hiện hồi tháng 9 rằng Hoa Kỳ đã gửi hồ sơ của 95 cá nhân có thể bị trục xuất cho Hà Nội để chính quyền Việt Nam xem xét.
SEARAC cũng ghi nhận các trường hợp lẽ ra không thuộc đối tượng bị trục xuất nhưng vẫn bị bắt giữ trong thời gian vừa qua.
Thông tin cảnh báo cho người Việt tại Hoa Kỳ
"Từ tháng 10 đến tháng 11, một phái đoàn quan chức Việt Nam sẽ đến Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc phỏng vấn ở bang Georgia," cảnh báo ghi thêm.
Cảnh báo kêu gọi cộng đồng chia sẻ rộng rãi và ngay lập tức liên hệ các tổ chức để được nhận hỗ trợ pháp lý.
Đối tượng nào có thể bị trục xuất ?
Theo dữ liệu của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2016, hiện có khoảng 8.560 người Việt có lệnh trục xuất nhưng vẫn sinh sống tại Mỹ. Lí do là vì từ sau chiến tranh, Việt Nam luôn từ chối tiếp nhận những người Việt bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Theo Biên bản Ghi nhớ được hai nước ký hồi 2008, Hà Nội chỉ chính thức đồng ý tiếp nhận các cá nhân gốc Việt đến Hoa Kỳ sau năm 1995 - là năm hai nước bình thường hóa quan hệ.
Không phải lần đầu tiên bị ép trở về : Một người phụ nữ phải bị kéo đi trong khi những người khác thì ngồi lỳ trên thang nối máy bay. Đây là nhóm 100 người Việt bị trục xuất khỏi Hongkong sau khi Anh Quốc và Việt Nam ký thỏa thuận năm 1995.
Từ 1998 đến 2016, đã có khoảng 624 người Việt bị đưa về Việt Nam, theo thông tin chính thức của Bộ Nội An.
"Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ luôn nỗ lực tìm cách trục xuất càng nhiều người càng tốt," ông Huỳnh Ngọc Diệu, người đứng đầu tổ chức VietUnity nói với BBC.
Tuy nhiên, "thường họ chỉ trục xuất người đến Hoa Kỳ sau 1995", ông Diệu giải thích thêm.
Nay, đã có những trường hợp đến Hoa Kỳ từ trước 1995 nhưng vẫn bị bắt và giam giữ.
Trong số 95 hồ sơ bị chuyển cho phía Việt Nam hồi tháng 9, có ít nhất ba người đến Hoa Kỳ trước 1995, không thuộc đối tượng bị trục xuất theo thỏa thuận ký năm 2008, NBC dẫn lại thông tin của SEARAC.
Khoản 2, Điều 2 trong Biên bản Ghi nhớ năm 2008 ghi người Việt đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 không nằm trong diện bị trục xuất
Katrina Dizon Mariategue, nhân viên tư vấn Chính sách Nhập cư của SEARAC cho BBC biết tổ chức này bắt đầu phát hiện ra vụ việc sau khi một luật sư thông báo về việc một người Việt đến Hoa Kỳ trước 1995 bị bắt giữ và điều chuyển đến bang Georgia.
Bà Mariategue cho biết năm ngoái Hoa Kỳ trục xuất 35 người Việt ; năm nay nếu 95 hồ sơ kia được tiếp nhận thì con số bị trục xuất sẽ tăng gấp 3 lần.
Trump sẽ nêu vấn đề với Việt Nam tại APEC ?
Ông Huỳnh Ngọc Diệu, người hiện cũng đang làm việc cho phó thị trưởng thành phố San Jose, California, bình luận rằng chính phủ Trump "đã có một số hành động gây hại đến cộng đồng dân nhập cư".
"Đây không phải là điều ngạc nhiên. Ông Trump muốn giới hạn nhập cư, muốn trục xuất dân nhập cư, và ông ấy ủng hộ dự luật RAISE Act," ông Diệu nói.
"Bây giờ điều chúng tôi lo ngại nhất là chuyến thăm đến Việt Nam của Trump. Với số lượng người bị bắt giữ mang tính kỷ lục, đây là bằng chứng cho thấy chính phủ Trump đang nỗ lực khiến phía Việt Nam tiếp nhận thêm người bị trục xuất".
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều gia đình, con cái phải rời xa cha mẹ. Đây là điều không ai mong muốn," ông Diệu nói thêm.
Dự luật nhập cư RAISE của Hoa Kỳ sẽ 'siết chặt hơn' ?
Cùng mối quan ngại với ông Diệu, bà Mariategue nói rằng việc Hoa Kỳ muốn trục xuất cả những cá nhân tới Mỹ trước 1995 là một tín hiệu xấu.
Bà e rằng Washington đang tìm cách tái thỏa thuận hoặc mở rộng Biên bản Ghi nhớ năm 2008 để có thể trục xuất thêm người. "Nếu như vậy, có khả năng khoảng 9.000 người Việt sẽ bị ảnh hưởng," bà Mariategue nói.
Tháng trước, chính phủ ông Trump đã ra lệnh trừng phạt đối với Campuchia và ba nước Châu Phi khác vì đã không chịu tiếp nhận người bị trục xuất.
Cũng đồng tình với ông Diệu, bà Mariategue nói : "Chúng tôi lo ngại rằng ông ấy sẽ đặt vấn đề này với Việt Nam vì ông đã có những lời bình luận trong quá khứ về việc trừng phạt những nước không tiếp nhận người bị trục xuất".
BBC đã liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để xác nhận thông tin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
APEC 2017 chờ đợi gì từ tổng thống của "nước Mỹ trước tiên" ? (RFI, 09/11/2017)
Ngày 10/11/2017, thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Tâm điểm chú ý của thượng đỉnh APEC lần này là tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo các nước APEC đang đợi vị tổng thống với khẩu hiệu nổi tiếng "nước Mỹ trước tiên" sẽ thể hiện tầm nhìn thế nào trước một diễn đàn tự do thương mại quốc tế.
Các bộ trưởng APEC chụp hình chung sau cuộc họp ngày 08/11/2017 tại Đà Nẳng. Reuters
Chặng đầu của chuyến công du Châu Á của ông Trump đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trước khi tới Việt Nam dự APEC, được đánh giá mang nặng tính chất địa chính trị để thể hiện chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á. Thế nhưng, người ta đã thấy bên cạnh những tuyên bố trấn an đồng minh chiến lược Nhật, Hàn về vấn đề an ninh, tổng thống Mỹ không quên lợi ích kinh tế của nước Mỹ.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nhắc lại với hai đồng minh về quan hệ làm ăn phải "tự do, công bằng và có qua có lại" để giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Tại Trung Quốc, ông Trump dường như đã hài lòng hơn với một loạt hợp đồng trị giá hơn 250 tỷ đô la được ký. Vì thế mà ông Doanld Trump đã đổi giọng, không còn chỉ trích Trung Quốc như trước đó không lâu.
APEC quy tụ 21 nước thành viên chiếm 40% dân số toàn cầu nắm giữ 60% của cải thế giới, với những nền kinh tế tiềm năng đa dạng. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là : Vị Tổng thống tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ sẽ thể hiện những gì tại diễn đàn thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại này ?
Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông McMaster đã giải thích trước chuyến công du quan trọng của ông Trump rằng tổng thống Mỹ muốn "bảo đảm các chính phủ không trợ giá một cách không công bằng cho công nghiệp của họ, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc không hạn chế đầu tư nước ngoài".
Giảm thâm hụt thương mại của Mỹ là một trong các cuộc chiến tâm đắc nhất của ông Trump vì ông nhận thấy đó là mối đe dọa cho công ăn việc làm của người Mỹ. Vì thế mà ngay sau khi nhậm chức, ông đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP – hiệp định thương mại tự do Đii tác xuyên Thái Bình Dương ký với 11 nước, cho dù đa số những nước tham ký đều nhận thấy TPP là công cụ hữu hiệu để làm đối trọng với đà bành trướng kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng, ông Donald Trump cho rằng nước Mỹ không được lợi lộc gì và thậm chí còn bị thua thiệt ở hiệp định tự do thương mại TPP mà đa số các nước tham gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Hệ quả là Trung Quốc, nước bị gạt ra ngoài TPP, có thể lợi dụng dịp này vẽ lại bản đồ trao đổi thương mại của họ ở Châu Á bằng cách thúc đẩy ký các thỏa thuận đơn lẻ với các nước.
Ông Trump chưa tới Đà Nẵng, nhưng một ngày trước khi khai mạc APEC, người ta đã thấy hiệu ứng của chủ trương "nước Mỹ trước tiên". Theo AFP có mặt tại Đà Nẵng, các bộ trưởng Thương Mại và Ngoại Giao APEC vẫn chưa thể đạt được đồng thuận cho một bản tuyên bố chung của hội nghị. Thủ tục thông thường này đang vấp phải cản trở bởi khái niệm "tự do buôn bán" và "bảo hộ mậu dịch" theo kiểu "nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Trump.
Kinh tế cũng không choán hết mối quan tâm của ông Donald Trump tại diễn đàn ở Đà Nẵng. "Nước Mỹ trước tiên" và nước Mỹ cũng đang là mục tiêu đe dọa của hạt nhân Bắc Triều Tiên. Hồ sơ Bắc Triều Tiên đã theo ông ông Trump trong suốt ba chặng công du Châu Á những ngày qua với những tuyên bố cảnh cáo chế độ Bình Nhưỡng và kêu gọi hai nước lớn Trung Quốc và Nga phải có trách nhiệm chung tay gây sức ép, "cô lập chế độ tàn bạo Bắc Triều Tiên".
Tại APEC lần này người ta đang mong chờ thấy một tổng thống Trump khôn khéo hơn, ngoại giao hơn, không bốc đồng tuyên bố đe dọa, mạt sát Kim Jong Un và chế độ Bình Nhưỡng như trước đây, để thế giới có thể thở phào vì cuộc chiến thương mại hay chiến tranh với Bắc Triều Tiên chỉ là nguy cơ thoáng qua mà thôi.
Anh Vũ
********************
Mậu dịch và an ninh, hai trọng tâm của Trump ở Việt Nam (RFI, 08/11/017)
Sau khi dự thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng ngày 10/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mở chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam ngày 11/11/2017. Ông sẽ đến Hà Nội để gặp các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Hôm nay, tờ Asia Times đã có bài nhận định về mối quan hệ Việt -Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, Washington ngày 31/05/2017. SAUL LOEB / AFP
Asia Times nhắc lại rằng, trong các lãnh đạo chế độ Hà Nội, riêng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mối quan hệ làm việc với tổng thống Trump, vì ông đã là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á hội kiến ông Trump ở Nhà Trắng vào tháng 5 vừa qua.
Nhân chuyến viếng thăm đó, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký các hợp đồng mới để thúc đẩy trao đổi mậu dịch Việt Nam với Hoa Kỳ, trong đó có hợp đồng mua máy bay Boeing. Hà Nội ký những hợp đồng này để chứng tỏ họ sẳn sàng đáp ứng yêu cầu của tổng thống Trump giảm thặng dư thương mại rất lớn với Hoa Kỳ, vốn đã lên tới 29 tỷ đôla năm 2016, theo các số liệu của phía Việt Nam.
Đổi lại, Hà Nội muốn Hoa Kỳ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong tám tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư của Mỹ chỉ đạt tổng cộng 370 triệu đôla, chỉ bằng 5% của Hàn Quốc, nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Asia Times trích dẫn tờ Vietnam Investment Review cho biết giới doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam hy vọng chuyến viếng thăm của tổng thống Trump sẽ thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa hai nước. Họ cũng tin rằng Hà Nội sẽ cam kết tự do hóa kinh tế hơn nữa để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh mà ngân sách Nhà nước gặp khó khăn và nợ công tăng cao, chính quyền Việt Nam muốn thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với vốn đầu tư tư nhân.
Giới lãnh đạo Hà Nội cũng muốn thảo luận với tổng thống Trump về các vấn đề an ninh. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào tháng Giêng đến nay, Hà Nội vẫn không biết là Washington có sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay không.
Tờ báo trích lời chuyên gia Bill Hayton, tác giả cuốn "Biển Đông : Cuộc tranh giành quyền lực ở Châu Á" viết rằng : "Chính quyền Trump đã tỏ cho thấy hoặc là họ không hiểu hoặc là họ không quan tâm đầy đủ đến các lợi ích của các nước bạn và các nước đối tác tiềm tàng ở Đông Nam Á để bảo vệ họ chống Trung Quốc.
Tuy vậy, các cố vấn của tổng thống Mỹ gần đây đã nói ngày càng nhiều đến mục tiêu xây dựng "một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Tuy không giống như chiến lược "xoay trục sang Châu Á" của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, nhưng dự án này cũng nhằm duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Nhưng theo Asia Times, tổng thống Trump viếng thăm Trung Quốc trước khi đến Việt Nam, với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh mở cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư Mỹ, cũng như yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thêm trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cho nên có một số người lo ngại là vì muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Trump sẽ hy sinh các lợi ích của Việt Nam, cũng hy sinh mục tiêu thiết lập vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các nhà hoạt động dân chủ ở Hà Nội thì cho biết họ không hy vọng tổng thống Mỹ sẽ công khai lên tiếng về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, vốn đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Thật ra thì khi viếng thăm Việt Nam vào năm ngoái, người tiền nhiệm Obama cũng đã không hề đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Chính quyền Trump dường như có cách tiếp cận giống như chính quyền Obama, tức là thay đổi ở Việt Nam sẽ diễn ra từ từ và thông qua các hành động mang tính xây dựng, chứ không phải là qua những hành động trừng phạt.
Vấn đề là do tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP. Hoa Kỳ nay không còn một công cụ hiệu quả để thúc đẩy Hà Nội tự do hóa kinh tế và chính trị vì hiệp định này buộc Việt Nam phải cho phép thành lập các công đoàn độc lập cũng như phải chấp nhận những cải tổ quan trọng khác.
Thanh Phương
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có bài phát biểu được trông đợi tại APEC về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Đây là một thuật ngữ nghe có vẻ mới nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì thuật ngữ này đã được dùng từ lâu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vậy Tổng thống Trump muốn nói đến điều gì khi dùng thuật ngữ này thay vì nói đến chiến lược chuyển trục về Châu Á - Thái Bình Dương như dưới thời của Tổng thống Obama ? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia về vấn đề này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện các lãnh đạo doanh nghiệp cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2017 - AFP
RFA : Thưa Giáo sư, xin ông cho biết thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump nói nhiều gần đây nhân chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Trump có nghĩa là gì ?
Carl Thayer : Đây là thuật ngữ mà Tổng thống Mỹ đã dùng gần đây nhưng trên thực tế nó đã được dùng từ trước đó trong giới quân sự và bây giờ nó đang được sử dụng một cách đặc biệt. Thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương ý muốn nói đến việc kết hợp cả Ấn Độ vào một khu vực rộng lớn hớn mà trên thực tế là đã lớn nếu xét về Bộ Chỉ huy khu vực Thái Bình Dương của Mỹ. Theo đó, Ấn Độ sẽ được bao gồm và khu vực nhưng Pakistan thì không bao gồm trong đó. Công thức của Tổng thống Trump là muốn vượt qua APEC vốn bao gồm cả 3 nước Nam Mỹ là Mexico, Peru và Chile và nhấn mạnh khu vực gốc là Thái Bình Dương. Khu vực mở và tự do là cố gắng của Tổng thống Trump để vượt qua vấn đề thâm hụt thương mại và những trao đổi thương mại không công bằng theo tiêu chuẩn của Mỹ và khiến các nước khác phải theo. Cho nên điều này sẽ không đồng điệu với APEC là đa phương. Nó chỉ là mong muốn của Mỹ dựa vào một ý tưởng đã cũ và được thay đổi theo kiểu của Tổng thống Trump.
RFA : Vậy điều này có khác gì so với những gì chúng ta đã thấy trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương dưới thời của Tổng thống Barack Obama, hay đây chỉ đơn thuần là một tên khác ?
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là một tên gọi khác của chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương, mà mục đích chính là kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và xuống Ấn Độ Dương
Carl Thayer : Nó chỉ là tên khác. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ cuối cùng đã cải thiện trong suốt thời kỳ của Tổng thống Obama và từ khi Thủ tướng Ấn Độ Modi lên nắm quyền thì Ấn Độ đã có những thúc đẩy trong hành động. Họ đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp Việt Nam về mặt an ninh biển và họ cũng quan ngại về hoạt động của Hải quân Trung Quốc qua Ấn Độ Dương. Cho nên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cách thường gọi nhưng người Mỹ thường nói là nước Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương và đó là phần nói về biển mà Châu Á là một vùng đất rộng lớn. Ấn Độ - Thái Bình Dương là để đưa ưu tiên cho vấn đề trên biển kết nối hai vùng biển Ấn Độ và Thái Bình Dương qua biển Đông.
RFA : vậy những thách thức mà Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt là gì khi ông nói đến điều này tại Châu Á ?
Carl Thayer : Mọi người rất lịch sự và họ cũng không muốn đối đầu với Tổng thống, trong khi ASEAN thì làm việc theo nguyên tắc nhất trí chung. Cũng đã có cả trăm những cuộc gặp được tổ chức ở Việt Nam. Các bộ trưởng thương mại đã đưa ra 4 ưu tiên chính chủ yếu là về mặt kỹ thuật và APEC sẽ tiếp tục theo đường hướng đó. Thông tin mà tôi có được từ bên Australia trước APEC là mục tiêu cuối cùng của APEC là có được một thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Tổng thống Trump lại nói Mỹ muốn các thỏa thuận song phương ở tiêu chuẩn cao. Điều đáng chú ý là trong đó có cả những tiêu chuẩn đã được bao gồm trong Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã rút khỏi. Đó là các vấn đề về thương mại điện tử, dịch vụ, và bảo vệ bản quyền trí tuệ đang vượt qua cả thương mại và đầu tư.
RFA : Vậy các nước trong khu vực sẽ có lợi gì từ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Tổng thống Trump đưa ra ?
Carl Thayer : Khi Tổng thống Trump rút khỏi TPP thì ông ấy đồng thời cũng rút ra phần quan trọng nhất của một thỏa thuận, đó là 60% của nền kinh tế thế giới. Đây được coi là phần đệm nếu như không muốn nói là phần đối trọng với ảnh hưởng về kinh tế đang lên từ Trung Quốc. Khi Mỹ rút khỏi TPP thì các nước khác trong khu vực đang trông chờ vào một nửa phần còn lại trong cam kết của Mỹ với khu vực. Vào lúc này về mặt quân sự thì cũng tương tự như thời của Tổng thống Obama với chiến lược chuyển trục về Châu Á vì các vũ khí hiện đại nhất đang được đưa về đây. Gần đây nhất là vấn đề căng thẳng với Bắc Hàn cũng gây sự chú ý. Nhưng như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nói và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng nhấn mạnh đó là các phần của sức mạnh quốc gia bao gồm kinh tế, quân sự và ngoại giao. Tất cả những nhân tố này phải được kết hợp với nhau trong một chiến lược. Cho nên khi Tổng thống Trump nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, những nước muốn Mỹ vẫn cam kết với khu vực sẽ muốn biết Mỹ sẽ áp dụng điều mình nói như thế nào, tham gia đóng góp, hợp tác với khu vực thay vì chỉ đạo tạo ảnh hưởng. Cho nên các nước trong khu vực sẽ muốn biết Mỹ sẽ thay TPP của Tổng thống Obama bằng cái gì. Tất nhiên nó sẽ không giống như cũ nhưng liệu có đủ lớn để duy trì sự có mặt của Mỹ trong khu vực không ? Nó cũng phụ thuộc vào quan hệ của từng nước và các nước sẽ đưa ra đánh giá của mình khi Tổng thống Trump phát biểu.
RFA : Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Nguồn : RFA, 09/11/2017
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị APEC
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng, 10/11/2017.
Xem tiếp :
https://www.voatiengviet.com/programs/tv
Nguồn : VOA, 10/11/2017
Donald Trump, năm thứ nhất
Tai tiếng "nhà giàu trốn thuế", chuyến công du Châu Á của chủ nhân Nhà Trắng, một năm Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, dư âm mờ nhạt của 100 năm cách mạng Nga, tiếp tục là những chủ đề của báo chí Pháp ngày thứ Tư 08/11/2017.
Tổng thống Donald Trump phát biểu với giới doanh nghiệp Nhật-Mỹ ngày 06/11/2017 tại Tokyo. /Kiyoshi Ota/Pool
Trong khi La Croix và Libération dành một loạt trang báo để tường thuật ngày khai trương viện bảo tàng Louvre "theo sắc thái Tiểu Vương Quốc Ả Rập" tại Abu Dhabi thì Le Monde cố ý in đậm trên trang nhất : Facebook, Nike, Apple… đại tẩu tán thuế vụ. Cũng trên trang nhất là biếm họa hai cảnh sát đứng nhìn xác người la liệt chung quanh một nhà thờ hỏi nhau lỗi từ đâu : Bán súng ? Không đâu, chỉ do xung khắc gia đình.
Kentucky chưa thất vọng Donald Trump
Tuy nhiên, chủ đề quan trọng thứ hai của nhật báo độc lập là "một năm của Trump nhìn từ Kentucky". Vì sao từ Kentucky ? Đây là địa bàn truyền thống của đảng Dân Chủ, thế nhưng cách nay một năm, đúng vào ngày 08/11, hầu như toàn thể tiểu bang này bầu cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Một năm sau họ không hề hối hận cho dù ít nhiều cảm thấy lo lắng khi nói đến các biện pháp an sinh xã hội của Donald Trump.
Sau khi làm một cuộc "cánh mạng" chiếm được ghế thống đốc và giành được đa số ở hai nghị viện tiểu bang, phe Cộng Hòa liên tục ban hành một loạt biện pháp mang màu sắc bảo thủ của tân chủ nhân Nhà Trắng nhưng phù hợp với tâm lý cư dân địa phương : Chống phá thai, chống di dân, xem hành động tấn công cảnh sát đáng bị nghiêm trị như kỳ thị màu da.
Một phụ nữ cho rằng, lúc đầu bà bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa vì ghét Hillary Clinton nhưng càng ngày bà càng thấy yêu mến Donald Trump hơn vì "ông ấy yêu nước, bảo vệ quyền mang vũ khí, củng cố súc mạnh quân đội, đẩy lùi hôn nhân đồng tính và có chủ trương chống phá thai". Một giáo sư toán khẳng định là tiếp tục bầu cho Trump và mong rằng chính phủ quản trị đất nước như điều hành một công ty.
Ngay một hạt có tiếng nghèo nhất trong tiểu bang trong tiểu bang cũng không hối hận bầu cho Trump. Một nhà giáo dạy tiếng Tây Ban Nha giải thích nghịch lý này : Dân chúng ở đây tuy nghéo không đủ tiền mua áo ấm nhưng họ giúp nhau rất chân tình. Sau khi Trump đắc cử, họ ra đường đầu ngẩng cao như chính họ là người chiến thắng.
Cho đến bây giờ không ít cử tri tiếp tục rộng lượng tha thứ những sai lầm của Donald Trump vì "ông ta cũng là con người" chỉ cần ông "tiếp tục bảo vệ biên giới và bớt tuyên bố vung vít"là được rồi.
Tuy nhiên, điều mà cử tri Kentucky sẽ không tha thứ cho Trump là bắt công chức đóng tiền vào quỹ hưu trí tư nhân. Nhiều cuộc họp được phe Cộng Hòa tổ chức khẩn cấp để chữa cháy nhưng không làm cho giới giáo chức và nhân viên bệnh viện, bớt phẩn nộ.
Nhà giáo dạy toán cùng với cô giáo dạy tiếng Tây Ban Nha được trích dẫn bên trên cảnh báo : nếu Trump đánh lừa chúng tôi bằng các giá trị tinh thần để biến chúng tôi thành nạn nhân của một dự án kinh tế xã hội thì chính phủ phải coi chừng bị phản kháng từ đường phố.
Cũng trong chủ đề tổng kết một năm Donald Trump, nhật báo Libération lấy nhận định của Noam Chomsky (82 tuổi), giáo sư đại học hồi hưu, thiên tả nổi tiếng của Mỹ làm tựa : Cảm tình viên của Trump là những người nhìn về quá khứ. Còn Les Echos thì đưa tựa "phấn khởi"cho phe Cộng Hòa : đảng Dân Chủ Mỹ bị "trầm cảm" nghiêm trọng từ sau thất bại của Hillary Clinton.
Le Figaro phê phán nghiêm khắc : Một năm ồn ào mà ít kết quả. Nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ chiến tranh Việt Nam. Tình trạng này rất đáng lo ngại cho uy thế của tổng thống siêu cường.
Chỉ cần một thành viên trong gia đình của ông bị dính vào vụ "thông đồng với Nga" hay bản thân tổng thống phạm một bước sai lầm trong chính sách đối phó với Bắc Triều Tiên là ông sẽ không còn ai ủng hộ. Trong bối cảnh Trung Quốc vươn lên như một đối thủ, tình thế này nguy hiểm cho cả nước Mỹ lẫn toàn cầu.
Trump lại chơi "nước đôi, tiền và an ninh" với đồng minh Seoul
Tình hình nóng bỏng này là nội dung chính trong chuyến công du của tổng thống Mỹ tại Châu Á. Tập trung vào ngày viếng thăm Hàn Quốc, Les Echos nhận định : Trump xuống thang với Bình Nhưỡng. Le Figaro cùng nhịp điệu : Tại Seoul, tổng thống Mỹ hé cánh cửa đối thoại với Bắc Triều Tiên.
Với ba hàng không mẫu hạm và tàu ngầm trang bị tên lửa Tomahawk áp sát bán đảo Triều Tiên, tổng thống Donald Trump biểu dương lực lượng trong chặng thứ hai trong vòng công du Châu Á : "Tôi nghĩ rằng Bình Nhưỡng đã hiểu". Tuy vậy, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo hay tuyên bố bốc đồng đã biết khoác chiếc áo ngoại giao : "Vâng, tôi thấy chúng ta đã thực hiện nhiều tiến bộ".
Về phần Bình Nhưỡng, Kim Jong-un cũng giữ thái độ khiêm tốn, không khóat lát, cũng không khiêu khích phóng tên lửa- như nhiều người dự đóan-trong lúc Trung Quốc tổ chức đại hội đảng.
Còn theo Les Echos, Hàn Quốc rất bất bình thái độ nước đôi của Trump. Một mặt khuyến khích thành lập "mặt trận chung ở Châu Á" buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân nhưng mặt khác lại ép Seoul, cũng như đã gợi ý với Tokyo, mua thêm vũ khí Mỹ để làm giảm thâm thủng cán cân ngoại thương của Hoa Kỳ.
Liên Âu trả đũa "thiên đường thuế" ?
Paradise papers, vụ tai tiếng né thuế thu nhập quy mô toàn cầu do báo chí phát hiện bước qua hồi thứ hai : phản ứng của chính quyền và các cơ quan tài chính. Le Figaro đưa hai tuyên bố. Phải thay đổi luật để chận làn sóng chuyển tiền qua các thiên đường thuế, phản ứng của Pascal Saint-Amans, giám đốc trung tâm quản lý thuế của OSDE Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế.
Còn đối với bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire : Tẩu tán tài sản là tấn công phá hoại nền dân chủ nơi mà mọi người dân đều phải đóng thuế thu nhập. Chính phủ Đức đòi hiệp hội phóng viên điều tra cung cấp danh sách những kẻ trốn thuế trong khi Ủy Ban Châu Châu thúc giục "55 nước", trong danh sách đen, trong đó có thành viên Malta, cam kết cải cách nếu không sẽ bị "trừng phạt trả đũa".
Trong bài bình luận , nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến yếu tố "đạo đức" : tố cáo không chưa đủ, phải cải cách luật lệ hạn chế những kẻ hở cho phép tránh né thuế.
Bóng ma trên quảng trường Đỏ
100 năm cách mạng tháng 10, nhìn từ Moskva và tòa soạn báo sự thật Pravda, Les Echos mô tả : vào lúc chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là một bóng ma trong viện bảo tàng còn Putin thì từ chối vinh danh một cuộc đảo chính bằng bạo lực thì những lễ hội kỷ niệm cách mạng Bolschevik diễn ra trong thờ ơ và hỗn độn. Từ một vùng cực bắc trên lãnh thổ rộng lớn của Nga, một độc giả cũ của báo Sự Thật gửi về lời ta thán về cuộc bầu cử chính quyền xã "gồm những bộ mặt cũ".
Người phụ nữ 62 tuổi này cho biết đã ngưng mua báo dài hạn vì giá báo quá cao đến 2000 rup mỗi sáu tháng. Bức thư gửi đi từ tháng 9 mà đến tháng 11 mới đến tay tổng biên tập Boris Komostsky, như một cái chay đựng lời kêu cứu của một kẻ bị đắm tàu, từ hoang đảo ném xuống biển cầu may.
Thời Liên Xô, mỗi ngày báo Sự Thật, tiếng nói của đảng Cộng Sản Xô Viết, nhận được hàng chục ngàn thư, nào là ca tụng chế độ, nào là thư tố cáo hay những nội dung do cơ quan tuyên truyền chỉ đạo và tất cả được một cơ quan 45 nhân viên trả lời chu đáo, và báo cáo với KGB. Bấy giờ thời hoàn kim đã hết, báo ra ba số mỗi tuần mà số thứ ba và thứ năm chỉ có hai trang. Cơ sở tòa soạn không còn chiếm trọn 12 tầng mà thu lại còn một tầng.
Giờ đây, tuy xác ướp của Lenin trở thành cồng kềnh, đảng Cộng sản Nga và lãnh đạo Guennadi Ziouganov tiếp tục được điện Kremlin khai thác. Tuy lần bầu cử nào cũng ra tranh với Putin nhưng ông Guennadi Ziouganov là một kẻ ngoan ngoãn, dễ đoán và sẵn lòng thu hút những lá phiếu bất bình chế độ không để lọt vào tay đối lập dân chủ.
Trí thông minh, giấc ngủ và thuốc trừ sâu và diệt cỏ
Cuối cùng, trong các trang khoa học, có hai khám phá mới. Theo nhà sinh học Pháp Barbara Demaneix, trả lời phỏng vấn báo Le Monde, thì nạn ô nhiễm môi trường có tác động đến bộ não con người.
Một công trình nghiên cứu Pháp-Mỹ vừa được công bố cho thấy các loại thuốc trừ sâu và phân hóa học sử dụng trong cánh tác nông nghiệp làm cho trí thông minh giảm xuống. Một trong những dữ liệu không thể phủ nhận được là qua kết quả trắc nghiệm tân binh do quân đội Phần Lan thực hiện từ 1988 đến nay cho thấy trong giai đoạn từ 1996 đến 2009, chỉ số thông minh QI của thanh niên Phần Lan nhập ngũ giảm 3,8 điểm mỗi năm.
Điều đáng ngại là các kết quả khảo sát ở các nước tây phương khác cũng theo chiều hướng này. Nhà nghiên cứu Barbara Demaneix khẳng định : "không thể nào phủ nhận tác động nhân quả giữa các hóa chất gây rối loạn tuyến nội tiết với não bộ".
Khám phá thứ hai , được Le Figaro loan tải, các bậc cha mẹ sắp hoặc vừa có con cần chú ý lời ăn tiếng nói : Trẻ sơ sinh học từ vựng trong giấc ngủ. Theo viện nghiên cứu max Planck ở Leipzig, Đức, nhiều tháng trước khi biết nói, trẻ con ôn tập từng lời , từng hình ảnh chung quanh trong khi ngủ.
Đối với trẻ lớn hơn, giác ngủ ích cần thiết cho việc học từ vựng nhưng lại rất cần cho trí nhớ. Đó là lý do tại sao khi thức giấc ta cảm thấy đầu óc sáng suốt và có nhiều ý mới. Do vậy, để giúp trẻ phát triển "kiến thức", các bậc phụ huynh được khuyên không nên cho con xem truyền hình trước khi đi ngủ.
Tú Anh
Đối với một số người, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là "người đàn ông đầy quyền lực", nhưng đối với người khác, ông lại là nhân vật hay khiêu khích.
Tổng thống Trump vẫy chào từ chuyên cơ Air Force One ở Hawaii trước khi bay đi Nhật Bản hôm 4/11.
Trong khi ông Trump thăm châu Á, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về nhà lãnh đạo Mỹ và ý nghĩa của chuyến đi đối với các nước ông tới thăm.
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Trump tới một khu vực sống động của thế giới kể từ khi lên nhậm chức. Chuyến công cán dự kiến sẽ bao trùm bởi vấn đề Bắc Hàn này sẽ đưa ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Theo phỏng vấn của Reuters đối với những người dân Trung Quốc tại Vạn lý Trường thành, nhiều người cho biết họ chờ đón chuyến thăm của ông Trump tới đất nước đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng của mình.
Trong khi đó, một số người khác cũng bày tỏ hy vọng rằng ông sẽ sử dụng vị thế của mình trên thế giới để duy trì hòa bình.
Luo Min, giáo viên 32 tuổi, nói : "Tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ thấy Trung Quốc hiện nay ra sao, con người cũng như các cảnh đẹp của Trung Quốc. Ông ấy có thể nghĩ rằng ông ấy có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhưng Trung Quốc sẽ trở nên vĩ đại hơn Mỹ trong tương lai. Là một người Trung Quốc, tôi rất tự tin và tự hào về đất nước tôi. Tôi nghĩ rằng ông ấy có thể sẽ hiểu hơn về Trung Quốc hiện nay".
Còn tại Hàn Quốc, theo Reuters, người dân không tin rằng chiến tranh sẽ bùng ra vì chuyến thăm của ông Trump, nhưng lại có cảm xúc trái ngược về khả năng ngoại giao của ông.
Một số hy vọng rằng ông Trump sẽ không đưa ra các phát biểu khiêu khích về Bắc Hàn trong chuyến thăm, trong khi số khác ủng hộ các chính sách cứng rắn của ông và nói thêm rằng Hàn Quốc cần một hệ thống vũ khí mạnh để đương đầu với Bắc Hàn.
Shin Eui-Sup, 63 tuổi, nói với Reuters : "Chúng ta phải dùng vũ khí hạt nhân để đương đầu với vũ khí hạt nhân và điều này không đồng nghĩa với việc chỉ có chính phủ của chúng tôi hành động mạnh mẽ hơn. Thế nên, tôi hoan nghênh chuyến thăm của ông Trump và hy vọng Hàn Quốc và Mỹ sẽ gần gũi hơn nữa để đất nước chúng tôi sẽ có thể đối đầu với hạt nhân bằng hạt nhân và đáp trả sức mạnh với sức mạnh trong tình thế nghiêm trọng này, khi chúng tôi đang bị đe dọa về hạt nhân".
Ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản hôm 5/11.
Còn tại Nhật Bản, một số cư dân Tokyo bày tỏ mong muốn đối thoại về Bắc Hàn, trong khi số khác lại tỏ ra quan ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Okinawa.
Fumihiko Nakamura, một cư dân Tokyo, nói : "Tôi nghĩ tình hình rất khó khăn. Nếu xảy ra chiến tranh, vì Nhật Bản là một quốc gia láng giềng của Bắc Hàn, sẽ có thiệt hại nghiêm trọng. Những dân thường của chúng tôi không cần phải biết các chi tiết, nhưng tôi muốn Tổng thống Trump trao đổi thẳng thắn với Thủ tướng Nhật và cho biết suy nghĩ thật sự của ông về tình hình, để tìm ra cách xử lý đúng đắn".
Một người dân Tokyo khác, Hirotaka Shibata, nói : "Tôi muốn Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump trao đổi về chuyện duy trì hòa bình. Tôi muốn họ nghĩ về các cách thức ngăn chặn chiến tranh".
Tại Manila, người dân Philippines tin rằng đồng minh thực sự của Tổng thống Rodrigo Duterte là Trung Quốc, dù ông tỏ ra nồng ấm với Tổng thống Trump, theo Reuters.
Doanh nhân William Ferrer nói : "Ông ấy thích chính sách của Trung Quốc vì Trung Quốc không can thiệp vào Philippines. Trung Quốc cũng ủng hộ hệ thống tư pháp của chúng tôi và những gì đang xảy ra với cuộc chiến chống ma túy".
Một người dân Philippines khác là Benhur Balasbas nói : "Duterte thích Trung Quốc hơn. Mỹ thậm chí còn không hậu thuẫn chiến dịch ở Marawi, nhưng có tin là Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ".
Ông Duterte tỏ ra thân thiết với Bắc Kinh kể từ khi lên làm tổng thống năm 2016, trái ngược hẳn với những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với đồng minh lâu năm là Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama vì đã lên án chiến dịch chống ma túy ở Philippines.
Tuy nhiên, ông Duterte tỏ ra đánh giá cao ông Trump và gọi ông là "bạn" cũng như chưa từng công khai chỉ trích đương kim tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump sẽ tới Việt Nam ngày 10/11 để dự APEC.
Theo Reuters, những người dân ở nước cựu thù Việt Nam bày tỏ đánh giá tích cực về ông Trump cũng như tán dương ông vì đã dám nói lên suy nghĩ của mình.
Sinh viên ngành y Vũ Thị Hồng Hạnh, 18 tuổi, nói : "Em nghĩ ông ấy là người quyền lực, có tham vọng phát triển nước Mỹ thành cường quốc lớn trên thế giới".
Còn ông Đoàn Đức Long, từng chụp ảnh thời chiến, nói "thích tính cách của ông ấy vì ông ấy dám nói và nói cũng rất thật".
Cùng với đệ nhất phu nhân Melania, ông Trump sẽ tới khu vực từ ngày 5 tới 14/11. Điểm nhấn của ông trong chuyến công du này là việc tham dự hai hội nghị thượng đỉnh lớn là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương ở Việt Nam và của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ở Philippines.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến công du Châu Á (RFI, 04/11/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 04/11/2017 đến Nhật Bản sau khi ghé Hawai và thăm Trân Châu Cảng, khởi đầu chuyến công du năm nước Châu Á kéo dài 12 ngày. Đây là chuyến thăm Châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ kể từ 25 năm qua, với Bắc Triều Tiên, tự do hàng hải và thương mại được cho là các chủ đề chính.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân viếng đài tưởng niệm tử sĩ Trân Trâu Cảng (Pearl Harbor), Hawai, ngày 03/11/2017. Chặng đầu tiên mở đầu chuyến công du Châu Á. Reuters/Jonathan Ernst
Tại Hawai, tổng thống Mỹ và phu nhân được thống đốc David Ige và đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (PACOM) tiếp đón. Sau khi họp kín với bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Camp Smith, ông Trump đến Trân Châu Cảng thăm đài tưởng niệm các thủy thủ Mỹ tử nạn trong vụ tấn công ngày 07/12/1941.
Hôm nay tổng thống Hoa Kỳ bay đến Nhật Bản, trước khi đến Hàn Quốc ngày 7/11 với mục đích tạo ra một mặt trận chung đối phó với Bắc Triều Tiên. Tiếp theo, ông thăm Trung Quốc (8-10/11), tại đây ông Trump sẽ cố gắng thuyết phục ông Tập Cận Bình cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ rất được chờ đợi tại hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 10/11 ở Đà Nẵng. Trả lời Fox News, ông Donald Trump cho biết rất có thể sẽ gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin ở Việt Nam, để bàn về Bắc Triều Tiên, Syria, Ukraine.
Theo tờ Stars and Stripes, tổng thống Trump chuẩn bị hai bài diễn văn quan trọng, sẽ đọc trước Quốc Hội Hàn Quốc và tại thượng đỉnh APEC ở Việt Nam. Nhà Trắng nói rằng chuyến công du này của Donald Trump "sẽ nhấn mạnh cam kết về mối liên minh và đối tác lâu dài, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc xúc tiến một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở".
Các nhà quan sát cho rằng "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", quan niệm mới trong chính sách của ông Trump tại Châu Á, có thể là thành lũy ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.
Chặng cuối chuyến công du của tổng thống Trump là Philippines, ngày 13-14/11.
Chuyến công du Châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ từ trước đến nay là vào thời ông George H.W.Bush, vào cuối năm 1991, đầu 1992.
Thụy My
********************
Trump kéo dài chuyến công du để dự thượng đỉnh Đông Á (RFI, 04/11/2017)
Tuyên bố với báo chí Mỹ hôm qua, 03/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo là trong chuyến công du Châu Á lần này ông sẽ ở lại Philippines thêm một ngày nữa để dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Phát ngôn viên của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders sau đó đã xác nhận có sự thay đổi nói trên trong lịch trình công du của tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hawaii, ngày 03/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Trong chuyến công du đến năm nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, ban đầu ông Trump dự kiến chỉ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh, thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng và thượng đỉnh ASEAN ở Manila, chứ không dự thượng đỉnh Đông Á ở thành phố Angeles, Philippines, trong hai ngày 13 và 14/11.
Theo hãng tin Bloomberg, các chuyên gia về chính sách đối ngoại đã cảnh báo là quyết định của tổng thống Trump không dự thượng đỉnh Đông Á, hội nghị mà người tiền nhiệm Obama thường xuyên có mặt, có thể khiến các đối tác Châu Á thêm lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, do mối đe dọa Bắc Triều Tiên và với việc tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Các quan chức của chính quyền Obama trước đây cũng đã chỉ trích quyết định của ông Trump không dự thượng đỉnh Đông Á, cho rằng làm như vậy sẽ mở đường cho Trung Quốc nắm giữ vai trò lãnh đạo khu vực.
Nhưng hôm qua, tổng thống Trump cho biết là vào cuối chuyến công du Châu Á, thay vì quay trở lại Hawai thêm một ngày, ông sẽ ở lại Philippines để dự thượng đỉnh Đông Á và theo tổng thống Mỹ, đây sẽ là "ngày quan trọng nhất".
Thanh Phương
*********************
Tổng thống Trump sẽ dự Thượng Đỉnh Đông Á (BBC, 04/11/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ sẽ lưu lại Philippines thêm một ngày, cho tới ngày 14/11/2107 và sẽ dự Thượng đỉnh Đông Á (EAS), theo truyền thông Mỹ.
Tổng thống Donald Trump khẳng định với báo chí ông sẽ ở lại thêm một ngày tại Philippines trong chuyến thăm Châu Á đang diễn ra.
Kênh truyền hình CNN của Mỹ hôm thứ Bảy, 04/11, đưa tin cho hay ông Donald Trump đã khẳng định thông tin trên khi nói với các phóng viên ở Nhà Trắng hôm thứ Sáu.
"Chúng tôi thực sự sẽ ở thêm một ngày tại Philippines.
"Chúng tôi có một hội nghị lớn, một hội nghị thứ hai và tôi nghĩ chúng tôi sẽ thành công lớn.
"Chúng tôi sẽ bàn về mậu dịch. Chúng tôi rõ ràng sẽ bàn về Bắc Hàn," CNN dẫn lời Tổng thống Trump nói với báo giới hôm 03/11.
Giới chức Philippines hôm thứ Bảy nói Manila hoan nghênh tin này và nói thêm rằng ông Trump sẽ dự thượng đỉnh ASEAN - Đông Á (EAS) hôm 14/11.
Hawaii là điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump
Thượng đỉnh này bao gồm mười quốc gia ASEAN cùng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Trước đó Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila đã thông báo ông Trump sẽ không dự thượng đỉnh.
Hôm thứ Sáu, hãng tin Pháp AFP cũng dẫn lời các quan chức cao cấp của Nhà Trắng "khẳng định" việc ông Trump sẽ ở lại thêm Philippines một ngày.
'Rủi ro lớn cho an ninh Hoa Kỳ'
Kênh CNN hôm thứ Bảy dẫn lời một nhà phân tích an ninh trước đó nói việc vắng mặt của ông Trump sẽ "tạo ra nhiều không gian hơn cho các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc áp đảo cuộc thảo luận ở Thượng Đỉnh", và ý kiến này cho rằng :
"Điều đó có thể là một rủi ro lớn của an ninh quốc gia Hoa Kỳ khi để Trung Quốc và Nga dẫn dắt các thảo luận về an ninh".
Tổng Thống Trump rời Washington DC sáng ngày thứ Sáu để bắt đầu chuyến thăm Châu Á kéo dài 12 ngày, trong đó ông sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Theo trang mạng Firstpost.com, trên phi cơ đi Hawaii, ông Trump đã giải thích rằng ông đã dự định dành một ngày ở Hawaii vào cuối chuyến đi, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch đó.
Thay vào đó, vẫn theo trang mạng này, ông sẽ dành thêm một ngày tại hội nghị ASEAN ở Philippines, tiếp sau hội nghị APEC ở Việt Nam.
"Tôi sẽ dành thêm một ngày tại hội nghị thứ hai, đó là một hội nghị quan trọng," ông Trump được dẫn lời nói.
"Chúc mọi người vui vẻ. Chúng ta sẽ làm một công việc tốt. Với các công dân, chúng tôi sẽ đại diện tốt cho quí vị. Được không ?
"Còn với các phóng viên, tôi không biết. Nhưng với các công dân, thì dứt khoát như vậy. Chúc mọi người vui vẻ. Rất vui gặp gỡ mọi người," Tổng thống Mỹ, người trước đó thường có thái độ chỉ trích với truyền thông nói, vẫn theo Firstpost.com
Trump-APEC : Điểm nhấn và kỳ vọng (VOA, 03/11/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/11 khởi hành chuyến công du 12 ngày tới năm nước Châu Á. Chuyến ra nước ngoài dài ngày nhất của ông Trump kể từ khi dọn vào Tòa Bạch Ốc sẽ đưa ông tới Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines.
Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ túc trực để giúp ông Trump đẩy mạnh chương trình nghị sự đặt trọng tâm vào thương mại và vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Người ta kỳ vọng sẽ hiểu rõ ràng hơn về chính sách của chính quyền Trump đối với khu vực Châu Á đang ngày càng trở nên quan trọng trên trường quốc tế vốn đã khiến người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Barack Obama, phải ‘Xoay trục.’
Một vài trọng tâm đang được giới quan sát hết sức ‘để ý’ :
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên
Triều Tiên sẽ là vấn đề cấp bách nhất đối với ông Trump giữa lúc Bình Nhưỡng đang tiến gần tới thủ đắc võ khí hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa Mỹ. Mục tiêu của ông Trump là kéo được Hàn Quốc và Trung Quốc vào kế hoạch tăng tối đa áp lực Bình Nhưỡng.
Hiểu rõ phương cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in đang tìm ‘khoảng trống’ để đối thoại với Bình Nhưỡng trong khi Trung Quốc phản đối lệnh cấm vận dầu khí đối với Triều Tiên hay một cuộc chiến tranh phủ đầu, viện dẫn lý do sẽ gây bất ổn lớn ở bán đảo Triều Tiên.
Thương lượng mậu dịch
Giảm mất cân bằng thương mại với Châu Á là ưu tiên kinh tế hàng đầu của lãnh đạo Mỹ. Khi rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP có sự tham gia của Việt Nam cùng 10 nước khác, ông Trump từng tuyên bố sẽ thương lượng trực tiếp với từng nước một.
Theo dự kiến, ông Trump sẽ yêu cầu Nhật mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt bò và ô tô của Mỹ và thúc đẩy Hàn Quốc điều chỉnh hiệp ước tự do thương mại song phương đã có 5 năm nay mà ông mô tả là ‘quá lợi cho Hàn Quốc và quá hại cho Hoa Kỳ.’
Đối với Trung Quốc, ông có thể sẽ bảo đảm một số thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đô la.
Quan hệ Mỹ-Trung
Trong các chủ đề ông Trump bàn thảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh lần này không thể thiếu vấn đề Triều Tiên và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á
Một phần sứ mạng của ông Trump là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc cổ súy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và thông thoáng, theo Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump, khi đặt chân tới Châu Á sẽ thể hiện tầm nhìn của Mỹ tại thượng đỉnh APEC tại Việt Nam cũng như sẽ tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump bỏ qua Thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tài trợ ở Philippines vào ngày 14/11 không những khiến người ta thắc mắc về sự nghiêm túc trong cam kết của Trump đối với Châu Á, mà còn tạo điều kiện cho Trung Quốc ‘bành trướng’ ảnh hưởng.
Việt Nam trông đợi gì ?
Chặng dừng của ông Trump tại Việt Nam từ ngày 10 đến 12/11 là một sự kiện đáng chú ý giữa lúc Việt Nam đang tìm cách vực dậy năng lượng cho mối quan hệ song phương sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP.
Giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam muốn có các mối quan hệ kinh tế khắng khít hơn với Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu và giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh chiếm 21% tổng thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2016, gần gấp đôi so với chục năm trước, trong khi Mỹ chiếm khoảng 13%, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Việt Nam có phần chắc sẽ ‘ve vãn’ ông Trump bằng cách giảm bớt những rào cản đầu tư và ký các thỏa thuận kinh doanh lớn để hạ nhiệt những chỉ trích về mức thặng dư mậu dịch với Mỹ tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Tòa Bạch Ốc hồi tháng 6, Việt Nam đã ‘chào hàng’ một số các thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump đang vướng bận ‘nhiều chuyện nội bộ của Mỹ’ với cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Hoa Kỳ đang ngày càng gay cấn và điểm nóng Triều Tiên, Hà Nội ‘khó lòng kỳ vọng gì nhiều ở ông Trump trong chuyến đi này,’ theo nhận định của Luật sư-Giáo sư Vũ Đức Khanh tại Đại học Ottawa (Canada), một chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
Theo nhà quan sát này, hai điểm chính mà Việt Nam trông chờ khi đón tiếp Tổng thống Donald Trump lần này là sự tái cam kết trong chính sách an ninh-tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc không ngừng lấn bước trong các tranh chấp chủ quyền, và một tín hiệu rõ ràng về chính sách thương mại của Washington với Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh TPP tái khởi động không có Mỹ.
Trà Mi
Nguồn tham khảo : Nikkei/ Bloomberg/VOA Interview
*******************
Tổng thống thứ 45 của Mỹ bắt đầu chuyến công du đầu tiên tại Châu Á. Trước khi khởi hành vào thứ sáu 03/11/2017, Washington đưa hai oanh tạc cơ chiến lược B1-B biểu dương lực lượng trên không phận bán đảo Triều Tiên. Hành động này có lẽ không phải là ngẫu nhiên : Donald Trump cần phải trấn an các nước Châu Á, đang mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ.
Công du Châu Á trong hơn 10 ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải rất thận trọng. Ảnh minh họa. miné.JIM WATSON / AFP
Vòng công du đầu tiên của tổng thống Donald Trump ở Châu Á, được giới phân tích xem là rất "tế nhị". Các quốc gia đồng minh cốt lõi trong khu vực chờ xem chủ nhân Nhà Trắng có hành động hay tuyên bố nào xác quyết lập trường truyền thống "cột trụ an ninh" ở Châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Triều Tiên công khai thách thức và Trung Quốc cũng không còn che giấu tham vọng bá quyền.
Trong khi đó thì chiến lược Châu Á của Donald Trump vẫn là một ẩn số. Đâu là mục tiêu sâu xa của Washington ? Những tuyên bố của tổng thống Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới các nước liên hệ, ở Châu Âu cũng như ở Châu Á.
Được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS giải thích : Có một mối ưu tư rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này lo ngại vì những lời tuyên bố của Donald Trump. Trước khi đắc cử, Donald Trump kêu gọi hai nước Châu Á này phải tự lo thân trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này làm công luận và các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc bất an. Lo âu còn nhiều hơn nữa liên quan đến sự giao kết của Mỹ ở Biển Đông. Trên toàn Châu Á, từ khi Donald Trump đắc cử, người ta thấy Mỹ muốn rút chân ra khỏi khu vực nhất là qua quyết định từ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Các nước trong vùng xem quyết định này là dấu hiệu Mỹ bỏ rơi những cam kết liên đới lịch sử với các đồng minh truyền thống.
Do vậy, trong chuyến công du Châu Á lần này, Donald Trump phải tìm cách xóa tan những lo ngại của các đồng minh.
Lời cảnh báo Tokyo và Seoul phải tự lo thân, không nên trông cậy ô dù nguyên tử của Washington đã làm lung lay niềm tin ở các nước đồng minh Châu Á. Thêm vào đó là những phản ứng ngẫu hứng của tổng thống Donald Trump trước mỗi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng càng làm cho tình hình căng thẳng thêm.
Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hồ sơ quan trọng thứ hai trong chuyến công du cũng ẩn chứa nhiều chướng ngại. Quyết định của Donald Trump không tham gia Hiệp Định TPP, cho dù người tiền nhiệm đã ký kết, chỉ làm cho uy tín của Mỹ trong khu vực, bị tác hại.
Mỹ rút chân, Trung Quốc thừa cơ hội thao túng khu vực với dự án đối tác thương mại khu vực gọi tắt là RECEP.
Tuy nhiên, biết rõ Bắc Kinh không thực tâm tôn trọng quyền tự do kinh doanh mà chỉ sử dụng hiệp ước thương mại để phục vụ ý đồ chính trị bành trướng, 11 thành viên còn lại của TPP, đứng đầu là Nhật Bản và Úc tiếp tục con đường đa phương đã định trong khi tổng thống Donald Trump cố tìm những thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ.
Trong vòng 11 ngày của chuyến công du Châu Á từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, chủ nhân Nhà Trắng phải chứng minh là khẩu hiệu "nước Mỹ trước đã" của ông không có tác động ngược, làm hại cho quyền lợi của nước Mỹ.
Tú Anh