Nội các chiến tranh : Đã đến lúc Donald Trump trả thù ?
Le Figaro hôm nay dành cả trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài cho chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ 2. "Vây quanh Trump là một ê-kip gây sốc, làm rung chuyển nước Mỹ" là tựa chính trang nhất báo thiên hữu Le Figaro.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump phát biểu tại dạ tiệc của Viện Chính Sách Nước Mỹ Là Trên Hết, tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida, ngày 14/11/2024. AP - Alex Brandon
Trump lập "nhóm gây sốc" để kiểm soát các định chế quyền lực mà ông không tin tưởng
Tổng thống Mỹ đắc cử đang bổ nhiệm những người trung thành với ông vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền nhiệm kỳ mới, với mục tiêu thực hiện chính sách cắt đứt với đường lối của chính quyền Biden tiền nhiệm. Việc Thượng Viện thông qua lựa chọn của ông Trump sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên.
Theo Le Figaro, nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của Donald Trump hứa hẹn sẽ rất khác so với nhiệm kỳ đầu tiên. Hồi năm 2017, ở Washington ông là một người đơn độc, phải dựa vào một đảng Cộng Hòa khi đó quyết tâm "kiểm soát, hạn chế" ông. Tám năm sau, giờ đây vây quanh tổng thống Donald Trump là những người ủng hộ quyết tâm áp dụng đường lối của ông.
Những cuộc bổ nhiệm đặc biệt nhất, như Matt Gaetz đầy khiêu khích làm bộ trưởng Tư pháp, nhà bình luận trên truyền hình Pete Hegseth làm bộ trưởng Quốc phòng, người chuyên về thuyết âm mưu Tulsi Gabbard làm lãnh đạo Tình báo, là nhằm nắm quyền kiểm soát các định chế quyền lực mà Donald Trump không tin tưởng, gồm 18 cơ quan tình báo, bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang FBI và quân đội, mà ông có ý định sử dụng để chống người nhập cư.
Cách nay không lâu, vấn đề đạo đức hoặc nguy cơ an ninh là lý do khiến việc bổ nhiệm bị bác bỏ. Giờ thì đây chỉ là sự gia tăng thách thức đối với Thượng Viện mà đảng Cộng Hòa đang nắm đa số, một trong những định chế cuối cùng có khả năng hạn chế quyền lực của Donald Trump.
Nội các chiến tranh của Trump
Vẫn liên quan đến việc Trump chỉ định những nhân vật quyền lực trong chính quyền mới, trong bài xã luận "Nội các chiến tranh", Le Figaro liệt kê hàng loạt "thành tích" gây chấn động của các nhân vật được Trump lựa chọn : một người gặp rắc rối với Ủy ban Đạo đức Quốc hội làm bộ trưởng Tư pháp, một người bài vac-xin làm bộ trưởng Y tế, một người ngưỡng mộ tổng thống Nga Putin và tổng thống Syria Al Assad vào người đứng đầu cơ quan Tình báo, một chuyên gia khai thác dầu khí bằng phương pháp bẻ gãy thủy lực gây tổn hại môi trường làm bộ trưởng Năng lượng, những người dẫn chương trình của đài Fox News làm bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông, một vị thống đốc từng giết con chó của ông ta làm bộ trưởng An ninh Nội địa...
Và dĩ nhiên là phải nhắc đến Elon Musk, người giàu nhất thế giới, người thụ hưởng các hợp đồng công trị giá hàng tỷ đô la, lại được chọn làm người cắt giảm ngân sách liên bang.
Đối với Le Figaro, đây là màn trình diễn "quái gở". Việc Trump lập "nội các chiến đấu" không mang tính triết học hoặc pháp lý bởi vì đảo ngược các quy tắc, bỏ qua các quy định, áp dụng chủ nghĩa dân tộc vào mọi vấn đề nhập cư, kinh tế và quốc tế. Đây cũng là cách ông Trump đền đáp những người trung thành hoặc ưu ái bạn hữu : những tín đồ tôn giáo, những người phá vỡ các nền tảng, quy ước, nhiệt thành với chủ trương "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại"…
Tuy nhiên, Le Figaro lấy làm ấn tượng về khả năng của ông Trump thể chế hóa tinh thần cách mạng của phong trào MAGA "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Những nhân vật ủng hộ chủ trương "Nước Mỹ là trên hết" nay trở thành các chính trị gia chuyên nghiệp. Một số nhân vật cực đoan, như Matt Gaetz cho chức bộ trưởng Tư pháp, người dẫn chương trình truyền hình Pete Hegseth cho chức bộ trưởng Quốc phòng… có thể khó được Thượng Viện thông qua, nhưng theo Le Figaro, thử thách này sẽ cho phép Donald Trump trắc nghiệm quyền lực của ông. Bởi vì đã đến lúc Donald Trump trả thù những kẻ thù trong và ngoài nước, cũng như những đồng minh mà ông xem là những kẻ "trục lợi", ở cả Châu Âu và các nơi khác trên thế giới.
Chính sách kinh tế của Trump : Elon Musk tìm cách tác động đến việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt
Nhìn sang Le Monde, tờ báo cho biết sau các cuộc chọn người vào các vị trí chủ chốt về đối ngoại, đối nội, Donald Trump đang chuẩn bị bổ nhiệm bộ trưởng Tài chính và các ê-kip thực hiện chính sách thương mại của ông. Le Monde nhận định cuộc chiến giành chức bộ trưởng Tài chính Mỹ đang diễn ra ác liệt ở hậu trường, trở thành cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các phe phái khác nhau xung quanh tổng thống đắc cử của Mỹ.
Một trong những thách thức lớn là đo lường tầm ảnh hưởng của tỷ phú Elon Musk, 53 tuổi, được chọn làm người chỉ đạo Ủy ban cắt giảm chi tiêu liên bang.
Về lý thuyết, Elon Musk ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng, trái ngược với thái độ hoài nghi về khí hậu của Donald Trump. Tuy nhiên, vì những tính toán cơ hội, Elon Musk tán thành ý tưởng loại bỏ khoản viện trợ 7.500 đô la cho người mua xe điện. Dẫu sao thì Tesla của ông vẫn là công ty duy nhất trong lĩnh vực này có lãi, biện pháp này trên hết sẽ tác hại đến mọi đối thủ cạnh tranh của Tesla.
Điều khiến Elon Musk quan tâm hơn là việc dỡ bỏ các quy định để Tesla có thể cho ra mắt những chiếc xe tự động, không người lái. Trong liên minh giữa Tổng thống Hoa Kỳ và người giàu nhất thế giới này, tất cả đều là những vụ giao dịch. Sau nhiều tháng chê bai xe điện, Donald Trump đã tuyên bố trong một cuộc họp ở Atlanta : "Tôi ủng hộ xe điện (…). Tôi phải làm vậy vì Elon đã rất ủng hộ tôi". Về phần mình, Elon Musk phản đối mạnh mẽ việc áp thuế quan.
Le Monde đặt câu hỏi là với những bất đồng kiểu như vậy, tuần trăng mật của cặp tôi Trump - Musk liệu sẽ báo dài được bao nhiêu lâu ? Theo tiết lộ của báo chí, những người thân cận của Donald Trump, bắt đầu cảm thấy khó chịu trước sự hiện diện khắp nơi của tỷ phú Elon Musk. Thế nhưng, về mặt chính thức, ít nhất là hiện giờ, vị tổng thống đắc cử vẫn ủng hộ Elon Musk.
Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ, cung cấp drone cho Nga oanh kích Ukraine ?
Khác với báo thiên hữu Le Figaro, hồ sơ chính của báo thiên tả Libération hôm nay dành để nói về chiến tranh Ukraine. Ở trang nhất, trên hình nền quầng lửa bùng lên giữa màn đêm, Libération chạy tựa : "Binh sĩ Bắc Triều Tiên, tên lửa tầm xa, Trump đắc cử, Châu Âu bị dồn đến chân tường : Chiến tranh Ukraine đang đến đỉnh điểm".
Ở trang trong, Libération có bài viết đáng chú ý về khả năng Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ, cung cấp drone cho Nga oanh kích Ukraine. Trước những thông tin cho rằng Trung Quốc lập các nhà máy chế tạo drone tấn công tự sát ở Tân Cương để cung cấp cho Nga, các nhà ngoại giao Châu Âu đã dọa trừng phạt Bắc Kinh như đã làm với Iran bởi việc này có liên quan đến lợi ích cơ bản của Châu Âu về an ninh.
Chính quyền Trung Quốc cứng rắn phủ nhận những cáo buộc của Châu Âu, đồng thời nhắc lại Bắc Kinh đã thực hiện "các biện pháp kiểm soát chặt chẽ" về xuất khẩu drone quân sự. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell, đã nhấn mạnh đến vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong chiến tranh Ukraine, bởi Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất về hàng lưỡng dụng và các mặt hàng nhạy cảm để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp-quân sự của Nga.
Theo Libération, drone thực sự là một trong những động lực đằng sau "mối quan hệ đối tác không giới hạn" giữa Moskva và Bắc Kinh. Năm ngoái, Nga đã bắt đầu sản xuất một loại drone tấn công tầm xa mới, Garpiya-A1, sử dụng động cơ và linh kiện của Trung Quốc, theo tiết lộ điều tra chi tiết của Reuters. Theo hãng tin Anh, IEMZ Kupol, một công ty con của hãng vũ khí nhà nước Nga Almaz-Antey, đã sản xuất hơn 2.500 drone Garpiya-A1 từ tháng 07/2023 đến tháng 07/2024. Garpiya-A1 nặng gần 300 kg, có khả năng bay 1.500 km, có nhiều điểm tương đồng với drone Shahed-136 của Iran.
Sự hợp tác này dường như đã được tăng cường. Vào cuối tháng 09/2024, Reuters nêu rõ Nga đã thiết lập một chương trình vũ khí ngay tại Trung Quốc, để phát triển và sản xuất drone tấn công mới : drone Garpiya-3 được phát triển và bay thử nghiệm với sự trợ giúp của các chuyên gia Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không hề biết đến một dự án như vậy.
Libération đặt câu hỏi liệu có thể có chuyện chế độ siêu tập trung, cảnh sát và kiểm soát chặt chẽ của Tập Cận Bình lại không biết gì về hoạt động của các công ty trong các lĩnh vực an ninh và chiến lược tầm cao như vậy ? Liên Âu sẽ phải xác thực thông tin nói trên và buộc Trung Quốc phải gánh trách nhiệm.
Ukraine oanh kích sâu vào lãnh thổ Nga : Thế giới trải qua thời khắc nguy hiểm
Cũng về chiến tranh Ukraine, báo kinh tế Les Echos nói đến vụ Ukraine lần đầu tiên dùng tên lửa tầm xa ATACMS mà Mỹ cấp hồi đầu năm 2024 để oanh kích sâu vào lãnh thổ Nga, ít giờ sau khi báo chí Mỹ hôm Chủ nhật tiết lộ tổng thống Biden bật đèn xanh cho Kiev tiến hành các vụ tấn công kiểu này.
Theo Les Echos, như vậy chính quyền Zelensky đã không chần chừ oanh kích đối phương sau khi được tổng thống Mỹ Biden cho phép. Điều quan trọng là Ukraine không phóng tên lửa sang vùng biên Kursk của Nga và oanh kích một kho đạn dược cách thủ đô Nga chỉ 340km.
Les Echos nhận định nếu thông tin về vụ Kiev dùng tên lửa Mỹ tấn công vào mục tiêu gần Moskva được loan báo cách nay vài năm thì đã làm mọi người sợ cứng người, làm náo loạn báo chí và chính quyền các nước. Thế nhưng, lần này ngoại trưởng Nga chỉ nói là Moskva sẽ đáp trả thích đáng, mà không cho biết thêm chi tiết.
Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya của Trung tâm Canergie Nga - Á Âu lo ngại là vụ oanh tạc của Ukraine "ban tặng" cho tổng thống Nga Vladimir Putin cơ hội quan trọng để gây leo thang xung đột : thế giới đang trải qua thời điểm cực kỳ nguy hiểm.
Thượng đỉnh G20 : Sự ra đời của Liên minh chống nạn đói
Về xã hội, một chủ đề được báo công giáo La Croix quan tâm là Liên minh quốc tế chống nạn đói ra đời nhân thượng đỉnh G20 tại Brazil, dựa trên ý tưởng của tổng thống cánh tả của nước chủ nhà. Ông Luiz Inacio Lula da Silva, vốn xuất thân từ một gia đình công nhân, từng chịu cảnh thiếu thốn thực phẩm. Tham gia liên minh có 82 nước và 66 tổ chức. Mục tiêu là đến năm 2030 hỗ trợ được 500 triệu người đói ăn, trong bối cảnh năm 2023 toàn thế giới có 733 triệu người đói ăn - 9% dân số toàn cầu.
Ngân hàng Phát triển Liên Châu Mỹ hứa đóng góp 25 triệu đô la. Một số nước tập trung vào chống nạn đói ở trẻ em. Liên Minh hy vọng cứu trợ được 150 triệu em từ nay đến năm 2030.
Địa Trung Hải : Khu vực bị tác động mạnh về biến đổi khí hậu
Về hồ sơ môi trường, khí hậu, sinh thái, Le Monde quan tâm đến vùng Địa Trung Hải. Theo hai báo cáo mới nhất của 55 nhà khoa học từ 17 nước, thuộc Mạng lưới Các nhà khoa học Khí hậu và Môi trường Châu Âu – Địa Trung Hải, MedECC, Địa Trung Hải là khu vực khí hậu bị hâm nóng nhanh hơn 20% so với phần còn lại của hành tinh.
Trên tổng số 540 triệu dân, đến năm 2100 sẽ có đến 20 triệu người phải di dời hẳn đến vùng khác sinh sống do tác động của biến đổi khí hậu. Lý do : ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng cao, sự suy thoái của môi trường…
Ngay tình trạng biển Địa Trung Hải cũng rất đáng lo. Không chỉ mực nước biển dâng cao, độ axit của nước cũng gia tăng nhanh chóng, các đợt nóng cao độ trong 2 thập niên qua đã tăng thêm 40% và kéo dài hơn 15%, khiến nhiều sinh vật chết ồ ạt, như san hô, các loài nhuyễn thể, bọt biển…
Môi trường biển cũng bị ô nhiễm nặng do nhựa, nitrat thải ra từ nông nghiệp, nước thải, kim loại nặng và thủy ngân, khí ga xả thải từ các tàu thuyền… Kết hợp với biến đổi khí hậu, các chất gây ô nhiễm nói trên gây hại cho sức khỏe con người, lượng nước và chất lượng nước, năng suất nông nghiệp, ngư nghiệp. Theo ghi nhận của giới nghiên cứu, sản lượng thu hoạch olive, nho, ngũ cốc, rau củ… đã bị ảnh hưởng, đè nặng lên an ninh lương thực thực phẩm của người dân vùng Địa Trung Hải.
Biến đổi khí hậu và hậu quả đối với não bộ con người
Cũng về biến đổi khí hậu, nhưng báo công giáo La Croix hướng sự chú ý đến những nghiên cứu khoa học từ vài năm trở lại đây về hệ quả đối với não bộ con người. Ngoài sức khỏe tâm thần, nắng nóng cao độ còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi của chúng ta, thậm chí còn gây ra một số rối loạn thần kinh.
Theo một nghiên cứu thực nghiệm, trời càng nắng nóng, các vị thẩm phán Mỹ ở biên giới với Mexico càng có xu hướng từ chối đơn xin tị nạn. Cũng tại Hoa Kỳ, đỉnh điểm của thái độ thù hằn trên mạng xã hội trùng với đỉnh điểm về nhiệt độ.
Ngoài khả năng nhận thức, các bệnh thần kinh bùng nổ trong những thập niên gần đây cũng đang được nghiên cứu thử nghiệm, từ bệnh động kinh, Parkinson, bệnh thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, Alzheimer. Sanjay Sisodiya, giáo sư thần kinh học tại Đại học College London, lo ngại rằng với các tác động khác nhau, biến đổi khí hậu có khả năng làm bệnh trở nặng, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở mỗi cá nhân.
Sau khi phân tích 332 nghiên cứu khoa học, một nhóm nghiên cứu hồi tháng 5 đã xuất bản một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet Neurology, kết luận : sự gia tăng nhiệt độ khắc nghiệt có thể làm nghiêm trọng thêm 19 bệnh thần kinh được nghiên cứu, trong đó có đột quỵ, đau nửa đầu, bệnh Alzheimer, viêm não, động kinh, bệnh thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương…
Thùy Dương
Đứng trên bục phát biểu trong một trung tâm hội nghị ở Florida vào đêm bầu cử, sau lưng là hàng quốc kỳ Mỹ và trước mặt là đám đông cuồng nhiệt, Donald Trump tuyên bố : "Nhiều người đã nói với tôi rằng Chúa trời để cho tôi tiếp tục sống là có lý do, và lý do đó là để cứu lấy đất nước của chúng ta và khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ".
Ông Trump có bài phát biểu trước đám đông cuồng nhiệt - EPA
Đây là một trong những chủ đề nổi bật nhất trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump - rằng ông đã được Chúa trời chọn.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi vụ ám sát hụt ngày 13/7 ở thành phố Butler (Pennsylvania) diễn ra, hàng triệu người Mỹ cảm thấy rằng đức tin đã dẫn lối khiến họ ủng hộ cựu tổng thống, và bây giờ là tổng thống tương lai.
Một số người mô tả cuộc bầu cử mang một ánh sáng mặc khải và coi ông Trump như một nhân vật trong Kinh Thánh.
Năm ngoái, trong chương trình truyền hình Kitô giáo FlashPoint, nhà truyền giáo qua truyền hình Hank Kunneman gọi cuộc bầu cử là "trận chiến giữa thiện và ác", đồng thời nhấn mạnh : "Có một điều ở Tổng thống Trump mà kẻ thù khiếp sợ : đó là việc ông ấy được xức dầu".
Trong Kitô giáo, được xức dầu tượng trưng cho việc được Chúa trời ban phước.
Với giọng bông đùa, Jim Caviezel, diễn viên thủ vai Chúa Giê-su trong bộ phim Cuộc Khổ nạn của Chúa (The Passion of the Christ) của Mel Gibson, đã tuyên bố rằng ông Trump là "Moses mới".
Sau đó, vài tháng trước của buộc cử, nhiều người ủng hộ đã gọi ông Trump là một "đấng cứu thế".
Câu hỏi là vì sao. Điều gì đã khiến nhiều người coi ông Trump, vốn không được biết đến là có đức tin mạnh mẽ, là người được Chúa trời cử xuống ?
Và điều này cho thấy điều gì về Kitô giáo ở Mỹ, nơi số lượng người đi nhà thờ đang sụt giảm nhanh chóng ?
‘Tất cả chúng ta đều có tội’
Ông Franklin Graham là một trong những nhà truyền giáo nổi tiếng nhất ở Mỹ và là con trai của Billy Graham, người được coi là nhà thuyết giáo lừng danh nhất của quốc gia này.
Ông là một trong số tín đồ của ông Trump, mang theo mình niềm tin tuyệt đối rằng tổng thống đắc cử đã được Chúa trời chọn để thực hiện sứ mệnh này.
"Viên đạn bay xuyên qua tai chỉ cách não của ông ấy vài milimét và ông ấy quay đầu vào giây cuối cùng ngay khi khẩu súng khai hỏa", ông nói.
"Tôi tin rằng Chúa trời đã làm cho đầu ông ấy quay và cứu mạng ông ấy".
Những câu hỏi liên quan đến nhân cách của ông Trump – bao gồm những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái và mối quan hệ ông Trump được cho là đã có với ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels – không tác động tới quan điểm của ông Graham.
"Hãy nhớ tới lúc chúa Giê-su nói với đám đông là ‘Hãy để kẻ không có tội ném viên đá đầu tiên’ và dần dần, cả đám đông bắt đầu biến mất ? Tất cả chúng ta đều đã phạm tội".
Ông Franklin Graham đã phát biểu cùng ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024
Một phần lý do vì sao một số tín đồ Kitô giáo cảm thấy có thể làm ngơ những hoài nghi về nhân cách của Trump là vì ông đã hiện thực hóa lời hứa của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên : bổ nhiệm các thẩm phán phản đối phá thai vào Tòa án Tối cao Mỹ.
Ông Graham viện dẫn việc đó như một minh chứng cho thấy tổng thống đắc cử là một người chính trực.
"Đây là một chiến thắng lớn cho tín đồ Kitô giáo", ông nói.
"Chúng tôi tin rằng tổng thống sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo mà Đảng Dân chủ không làm".
Việc ông Trump lựa chọn ông Mike Huckabee làm đại sứ tại Israel phần nào cho thấy đức tin có thể định hình chính sách ngoại giao.
Các tín đồ Phúc âm ở Mỹ, bao gồm ông Huckabee, nằm trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho Israel.
Rất nhiều người trong số họ tin rằng người Do Thái nên được sinh sống trên toàn bộ vùng đất thuộc Israel theo như trong Kinh Thánh, bao gồm những khu vực hiện nay là Bờ Tây đang bị chiếm đóng và Gaza, nhằm thúc đẩy những sự kiện dẫn tới Sự Tái lâm của Chúa Giê-su.
Một tôn giáo suy thoái nhanh chóng
Trong quá khứ, ông Donald Trump từng kể rằng mình được nuôi dạy theo truyền thống Đạo Tin lành Trưởng lão.
Mặc dù có được sử ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri Kitô giáo trong cuộc bầu cử vừa rồi, nhưng nếu xét tới những buổi vận động gần đây, ông Trump không hề cố thuyết phục ông là một người thuộc cộng đồng của họ.
"Tôi nghĩ ông ấy hiểu được rằng sẽ là hơi gượng ép để tự nhận mình là một người ngoan đạo, nhưng thay vào đó, ông ấy chọn cách tiếp cận có qua có lại", ông Robert Jones đánh giá.
Ông Jones là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng (PRRI) - một tổ chức có thâm niên theo dõi xu hướng tôn giáo ở Mỹ.
Cách tiếp cận đó tập trung vào sự thay đổi nhân khẩu học và số lượng người đi nhà thờ ngày càng giảm.
Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump tại Thành phố Vatican năm 2017
Vào đầu thập niên 90, khoảng 90% người trưởng thành ở Mỹ nhận mình là tín đồ Kitô giáo. Tới đầu thập kỷ này, tỉ lệ này giảm xuống còn 64%, trong khi tỷ lệ người không theo đạo tăng mạnh, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Theo Tiến sĩ Jones, ông Trump đã thành công tận dụng điều này.
"Thông điệp của ông Trump là : ‘Tôi biết [cộng đồng của] các bạn đang thu nhỏ lại, tôi biết số lượng tín đồ đang ít dần đi. Tôi biết con cái và cháu chắt của các bạn không còn gắn bó với Giáo hội nữa, nhưng nếu các bạn bầu cho tôi, tôi sẽ khôi phục lại sức mạnh của Giáo hội Kitô giáo’".
Tuy nhiên, không phải tất cả tín đồ Kitô giáo ở Mỹ đều bị thuyết phục. Đối với một vài người, đức tin khiến họ có một cái nhìn hoàn toàn trái ngược về ông Trump.
‘Trump hạ thấp và làm nhục’
Trong những tháng vừa qua, đứng trên bục thuyết giảng của tổ chức Những Con đường Kinh Thánh ở thành phố Atlanta (Georgia), Đức Monte Norwood đưa ra những thông điệp rất khác so với ông Frankin Graham.
Đơn cử, ông rất thất vọng với kết quả bầu cử hôm 5/11.
"Trump đã hạ thấp và làm nhục gần như tất cả những ai ông ấy có thể, từ những người nhập cư, các nhóm thiểu số, phụ nữ cho đến những người khuyết tật", ông nói.
"Những tín đồ Kitô giáo da trắng bảo thủ theo Đảng Cộng hòa ngó lơ nhân cách [của ông Trump] là những người đạo đức giả".
Từ lâu, ông Norwood đã phản đối viễn cảnh ông Trump tái đắc cử, thể hiện quan điểm này trên mạng xã hội và qua các hoạt động vận động bầu cử - ví dụ như giúp cử tri da đen đăng ký bỏ phiếu và đưa đón miễn phí cử tri tới các điểm bỏ phiếu.
"Tôi là tín đồ Kitô giáo theo tinh thần Matthew chương 25 – đoạn Chúa Giê-su nói : ‘Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống.’"
Thói quen bỏ phiếu của cử tri Kitô giáo trong quá khứ
Nghiên cứu của PRRI đã phân tích hồ sơ bỏ phiếu trong lịch sử, phân loại không chỉ theo tín ngưỡng và tôn giáo mà còn theo chủng tộc, đã tìm ra rằng, khi đụng đến quan điểm chính trị, có một xu hướng rõ rệt đã kéo dài hàng thập kỷ.
"Gần như không có ngoại lệ, tín đồ Kitô giáo da trắng thường có xu hướng bầu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa", Tiến sĩ Jones nói.
"Những tín đồ Kitô giáo chủng tộc khác, những tín đồ tôn giáo khác và những người không theo đạo thường bầu cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ".
Kiểu mẫu này đã bắt đầu từ những năm 1960, ông nói thêm, khi hình ảnh của Đảng Dân chủ gắn liền với những phong trào đấu tranh cho quyền dân sự và khi những nhóm tín đồ Kitô giáo da trắng bắt đầu chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Những cuộc khảo sát trước bầu cử về ý định bỏ phiếu của cử tri cho thấy phần lớn kiểu mẫu nói trên vẫn vậy.
"Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy 70% số người ủng hộ Đảng Cộng hòa là da trắng và là tín đồ Kitô giáo. Tỷ lệ này ở Đảng Dân chủ là 25%".
Theo cuộc khảo sát 5.027 người trưởng thành của PRRI, những cử tri Tin lành Phúc âm da trắng là những người ủng hộ ông Trump hơn hẳn bà Harris, 72% so với 13%.
Cử tri Công giáo da trắng cũng ủng hộ ông Trump hơn, với 55% ủng hộ ông Trump so với 34% ủng hộ bà Harris.
Cử tri da trắng theo Tin lành "chính thống" không Phúc âm có xu hướng tương tự.
Ngược lại, 78% cử tri Tin lành da đen ủng hộ bà Harris, chỉ 9% ủng hộ ông Trump, theo cuộc khảo sát.
Những người ủng hộ bà Harris cũng bao gồm người Mỹ gốc Do Thái, những người không theo đạo và những tín đồ theo tôn giáo khác, theo PRRI.
Ông Franklin Graham phát biểu trong một cuộc mít tinh ở Bắc Carolina
Tuy nhiên, kết quả bầu cử thực tế lại cho thấy một số thay đổi đáng chú ý.
Kết quả ở bang Michigan cho thấy có sự dịch chuyển rõ rệt về phía Đảng Cộng hòa của cộng đồng cử tri người Hồi giáo, có thể là do vai trò của chính quyền Biden trong việc hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tại Gaza.
Phân tích cũng chỉ ra rằng có nhiều cử tri Công giáo Mỹ Latinh bỏ phiếu cho ông Trump hơn dự đoán, trái ngược với xu hướng trong quá khứ khi mà họ thường nghiêng về Đảng Dân chủ.
Khó khăn kinh tế do lạm phát gia tăng và các yếu tố khác có thể là lý do khiến các cử tri "phi truyền thống" của Đảng Cộng hòa quyết định bầu cho ông Trump.
Về sức hút của ông Trump đối với các tín đồ Kitô giáo truyền thống, Tiến sĩ Jones lập luận có yếu tố đức tin trong khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", qua lời hứa khôi phục lại bản sắc Kitô giáo của đất nước.
"Chiến dịch của ông ấy thể hiện sự bất mãn, những mất mát và nỗi hoài niệm", Tiến sĩ Jones nhận xét, "và điều này bao gồm nỗi hoài niệm tôn giáo".
Tương lai của tín ngưỡng ở Mỹ
Dù có quyền lực chính trị to lớn, ông Trump sẽ không thể đảo ngược dòng chảy thay đổi của nhân khẩu học ở Mỹ - bao gồm cả xu hướng rời xa tôn giáo.
Mặc dù số người tự nhận là "vô thần" ở Mỹ vẫn thấp hơn so với hầu hết các nước phương Tây, nhưng số người tuyên bố mình "không theo đạo" đang ngày càng gia tăng.
Sự thay đổi này một phần đến từ yếu tố thế hệ, cùng với những xu hướng quen thuộc của tài chính cá nhân đã cung cấp nhiều quyền tự chủ hơn cho phép mọi người tách rời khỏi những chuẩn mực chung mà cộng đồng của họ chấp nhận.
Nhưng vẫn còn những nguyên nhân khác.
Một phần ba số người Mỹ theo chủ nghĩa vô thần hoặc bất khả tri cho biết họ đã rời bỏ tôn giáo thời thơ ấu của mình vì các vụ bê bối lạm dụng nổi cộm trong giáo hội, theo một nghiên cứu PRRI.
Năm 2020, Giáo hội Công giáo công bố một danh sách những giáo sĩ ở Mỹ và còn sống bị cáo buộc có hành vi lạm dụng, bao gồm cả những cáo buộc liên quan tới khiêu dâm trẻ em và hiếp dâm.
Danh sách này có khoảng 2.000 cái tên.
Hai năm sau, liên hội Baptist miền Nam gồm các giáo hội Tin Lành ở Mỹ công bố một danh sách gồm hàng trăm lãnh đạo giáo hội bị cáo buộc lạm dụng trẻ em trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019.
Điều này cho thấy quy mô to lớn của vấn đề mà ông Trump phải đối mặt.
Dù vậy, ông Franklin Graham vẫn lạc quan.
"Việc ông Trump được bầu làm tổng thống không đồng nghĩa với việc số lượng người đi nhà thờ sẽ tăng ngay trong tuần tới - nhưng tôi nghĩ điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không còn phải đối mặt với những đạo luật tương lai có thể gây khó dễ cho những người theo đạo", ông nói, ám chỉ đến các đạo luật tự do hơn, ví dụ như quyền phá thai, quyền của người đồng tính và người chuyển giới.
"Ông ấy sẽ bảo vệ những người có đức tin, ông ấy sẽ bảo vệ tự do tôn giáo ở đất nước này. Tôi không chỉ nói về quyền tự do tôn giáo của tín đồ Kitô giáo... mà là quyền tự do của tất cả những người có đức tin".
Liệu ông Graham có đúng hay không, người Mỹ chỉ có thể quan sát và chờ đợi.
Trong khi một số người phấn khởi với lời hứa về điều hành đất nước dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, không ít người lại đang cảm thấy lo lắng.
Aleem Maqbool
Nguồn : BBC, 18/11/2024
Mỹ : Donald Trump có quyền lực vô hạn ?
Donald Trump trở lại Nhà Trắng, binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt ở Nga vẫn là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay 15/11/2024.
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trên đồi Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2024. © Brian Snyder / Reuters
Tại Hoa Kỳ, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Monde chú ý đến việc quyền lực của tổng thống tân cử Donald Trump dường như vô hạn khi đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Quốc Hội lưỡng viện sau cuộc bầu cử ngày 05/11. Sau khi nhận kết quả, Donald Trump đã kêu gọi được miễn thủ tục phê chuẩn của Thượng Viện đối với việc bổ nhiệm những người sẽ nắm giữ các vị trí then chốt trong chính quyền tương lai. Đề xuất này thực sự gây tranh cãi vì nó làm lu mờ nguyên tắc phân chia quyền lực.
Điển hình là việc lựa chọn Tulsi Gabbard, cựu dân biểu thuộc đảng Dân Chủ, từng làm việc tại Fox News, làm Giám đốc Tình báo Quốc gia, bao gồm 18 cơ quan tình báo (CIA, FBI, NSA…), thực sự gây hoang mang. Việc bà thiếu trình độ chuyên môn cho một lĩnh vực nhạy cảm như vậy, cùng với những phát ngôn kỳ lạ trong quá khứ về các thuyết âm mưu, hay sự thiện cảm mà bà dành cho Nga và các đồng minh của nước này là những điều gây lo ngại.
Đề xuất bổ nhiệm dân biểu bang Florida, Matt Gaetz, làm bộ trưởng Tư Pháp cũng gây sửng sốt, khi ông đang bị điều tra về những sai phạm cá nhân. Ông cũng là nhân vật gây ra những mối bất hòa trong nội bộ của Hạ Viện.
Việc đề bạt nhân vật giàu nhất thế giới, Elon Musk, vào nội các cũng là điều gây xôn xao. Le Monde nhận định phải là một kẻ ngốc nghếch hay thiếu hiểu biết (hoặc cả hai) mới có thể vui mừng trước việc bổ nhiệm vào chính phủ một người gắn bó sự nghiệp với một mạng xã hội đã trở thành công cụ mạnh mẽ của việc phát tán thông tin sai lệch, một loại độc tố đối với các nền dân chủ. Cũng phải ngốc nghếch và thiếu hiểu biết không kém mới không nhận thấy rằng những lựa chọn này là sự cám dỗ của Donald Trump trong việc giải quyết các mối bất đồng cá nhân với những người mà nhà tỷ phú đã có xung đột trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Tuy nhiên, giải quyết ân oán không thể là chiến lược của một vị tổng thống và các thượng nghị sĩ Cộng Hòa cần phải nhắc nhở tân chủ nhân Nhà Trắng về điều này.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt tại Nga có phải là "bước ngoặt" trong cuộc chiến tranh Ukraine ?
Nhìn sang Châu Âu, tờ Le Figaro dành trang nhất quan tâm đến hồ sơ Bắc Triều Tiên cử binh sĩ sang Nga để tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine. Nhật báo thiên hữu nhận định hoạt động này không đơn giản chỉ khiến "căng thẳng leo thang tột độ", mà còn có thể coi là "bước ngoặt" gây ra "mối lo ngại rất lớn" trong cuộc chiến.
Báo New York Times, ngày 12/11, dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine, cho biết quân đội Nga đã tập trung 50.000 binh sĩ sẵn sàng tham chiến ở khu vực Kursk. Trong số những người này, theo tờ báo Mỹ, có sự góp mặt của 10.000 cho đến 12.000 binh sĩ do Bình Nhưỡng cử đến. Vẫn theo New York Times, lực lượng này có thể phát động các cuộc tấn công "trong những ngày tới" để tái chiếm khu vực mà Ukraine chiếm đóng một phần từ ngày 06/08 vừa qua.
Việc binh lính Bắc Triều Tiên xuất hiện trên chiến trường khiến phương Tây vô cùng lo lắng, đặc biệt trong bối cảnh Donald Trump tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Các đồng minh của Kiev lo ngại Washington sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mark Rutte, trong tuần qua đã nhấn mạnh phương Tây cần phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine "chừng nào Kiev còn cần".
Quan hệ Bắc Triều Tiên-Nga khiến Trung Quốc "khó chịu"
Việc Bắc Triều Tiên gần gũi với Nga cũng khiến Trung Quốc của Tập Cận Bình "khó chịu". Le Figaro nhận định việc hai nước xích lại gần nhau có thể gia tăng sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, sát cạnh Trung Quốc, đi kèm với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng không phải là tín hiệu tốt đối với Bắc Kinh. Khả năng xảy ra một vụ xung đột ở biên giới giữa hai miền Triều Tiên có thể khiến Washington phải quan tâm trở lại tới thùng thuốc súng hạt nhân ở Đông Bắc Á.
Trung Quốc, vốn tỏ ra rất kín đáo, vẫn không phủ nhận "mối quan hệ đối tác không giới hạn" với Nga và đồng minh "bất ổn" Bắc Triều Tiên, được liên kết với nhau thông qua các lợi ích chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, điệu tango giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Moskva xua quân xâm lược nước láng giềng đánh dấu một sự thay đổi theo chiều hướng căng thẳng trong mối quan hệ của tam giác Bắc Kinh-Moskva-Bình Nhưỡng, mang đậm mùi chiến tranh lạnh. Trong khi hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên-Nga đã gặp nhau hai lần trong chưa đầy 1 năm, tại Vladivostok vào tháng 09/2023 và tại Bình Nhưỡng vào tháng 6 vừa qua, thì chủ tịch Trung Quốc đã không gặp Kim Jong-un trong suốt 5 năm qua.
Tình báo Azerbaijan "khử" những nhà đối lập sống ở Pháp
Vào lúc hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Azerbaijan, bài xã luận của tờ Libération thuật lại hiện tượng những người chống đối chế độ Baku sống lưu vong ở Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung bị truy lùng ráo riết.
Như những luật sư của họ đã tóm tắt mọi chuyện, "bắt đầu có rất nhiều thi thể xuất hiện". Những đối thủ dũng cảm của chế độ khát máu Ilham Aliyev, nhà lãnh đạo chuyên quyền, kế thừa toàn bộ quyền kiểm soát đất nước từ cha ông, không được an toàn ngay cả khi sống lưu vong. Tại Pháp, một số nhà đối lập đã bị hạ sát một cách bí ẩn. Nhưng Azerbaijan không phải là một quốc gia tầm thường, bởi từ khi Nga quyết định xua quân xâm lược Ukraine, khiến phương Tây buộc phải ban hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt Kremlin, Azerbaijan đã trở thành một kho dự trữ dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ mà Châu Âu rất cần. Vì vậy, tất cả những tội ác của Baku về mặt chính thức chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của Libération, dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn và các tài liệu pháp lý mà tờ báo thiên tả đã tham khảo, chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Libération ghi nhận về sự tồn tại của một "tổ chức mafia" do chế độ Aliyev cử đến để thẳng tay loại bỏ những ai dám tố cáo chế độ Baku từ Pháp. Libération đặc biệt chú ý đến một nhân vật, có tên Ramazan Y., thừa nhận đã được cơ quan mật vụ của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tuyển mộ để ám sát các nhà đối lập Azerbaijan sống ở Pháp. Hiện đang bị giam ở nhà tù Fresnes, người này đang tìm mọi cách để không bị dẫn độ về Moskva.
Ngoài ra, hồ sơ Panama còn tiết lộ ông Aliyev và đồng bọn kiểm soát khối tài sản ngầm lên tới 490 triệu đô la để ở trong các tài khoản ở nước ngoài. Số tiền này có thể giúp nhà độc tài loại bỏ rất nhiều đối thủ, đặc biệt khi những người này đang ngày càng ít dần, đồng nghĩa với việc "số lượng xác chết gia tăng".
Pháp : Người tiêu thụ ma túy có phải là tội phạm ?
Về lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất lo ngại về nạn buôn bán ma túy hoành hành ở Pháp. Vào mùa thu vừa qua, đã xảy ra hàng loạt các vụ án hình sự, dường như đều do vấn nạn này gây ra. Tại Poitiers, một thiếu niên 15 tuổi đã thiệt mạng trong một vụ xả súng. Tại Grenoble, một thiếu niên khác cũng trúng đạn và tử vong. Gần Rennes, một đứa trẻ 5 tuổi bị thương do đạn lạc… Các thẩm phán chỉ ra mối liên hệ giữa những vụ việc này, dường như đều liên quan đến chất cấm.
Lập luận của họ rất đơn giản : không có người mua thuốc phiện, sẽ không có người bán, và không ai phạm tội. Hai công tố viên đặc biệt quan tâm đến những vụ án này, ở Marseille và Grenoble, đã mở các phiên tòa xét xử những người tiêu thụ chất cấm. Thậm chí, đối với công tố viên Eric Vaillant ở Grenoble, ông coi những người dùng ma túy như là "đồng phạm của các tay buôn".
Thomas là một trong 5 triệu người Pháp hút cần sa. Như bao người khác, anh bắt đầu hút từ thời trung học và ý thức được về mối liên hệ nhân quả giữa việc tài trợ cho các đường dây này và những thảm kịch mà chính các mạng lưới này gây ra. Để tránh tài trợ cho đường dây buôn bán ma túy do những thiếu niên trong khu phố của anh kiểm soát, cư dân Paris này có nguồn cung thuốc phiện từ vùng Ardèche. Tuy nhiên, Thomas từ chối đánh đồng những người tiêu thụ chất cấm với những kẻ buôn bán ma túy.
Arthur, một nhân viên phục vụ trong một nhà hàng ở Paris, lần đầu tiên hút cần sa khi mới 11 tuổi. Bây giờ đã 24 tuổi, anh tự nhận đã "nghiện hoàn toàn" và từ chối nhận bất kỳ trách nhiệm nào về bạo lực gây ra từ nạn buôn bán ma túy. Theo anh, các thông điệp chống lại người tiêu thụ ma túy là "sự giả dối hoàn toàn". Chàng trai này không giấu giếm việc hút cần sa trên các con phố Paris và khẳng định đã bị cảnh sát kiểm tra nhiều lần, nhưng vẫn "không hề hấn gì".
Trên thực tế, luật pháp của Pháp đã hình sự hóa việc sử dụng ma túy từ hơn 50 năm qua. Chỉ cần có cần sa trong túi cũng có thể bị phạt tiền, và Pháp vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tiêu thụ ma túy cao nhất ở Châu Âu. Gần một nửa số người trưởng thành đã từng thử cần sa ít nhất một lần trong đời, theo thống kê của đài Quan sát Ma túy và Xu hướng Nghiện ngập của Pháp (OFDT).
Khủng hoảng dân số "đáng lo ngại" ở Pháp
Khủng hoảng dân số gia tăng ở Pháp là chủ đề trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Trong chín tháng đầu năm, tỷ lệ sinh giảm 2,7% so với năm 2023, theo số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Insee). Vào năm ngoái, chỉ có 677.800 trẻ em chào đời, giảm 6,6% so với năm 2022, "một sự giảm sút chưa từng có kể từ khi kết thúc thời kỳ bùng nổ dân số".
Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt, bởi lần đầu tiên sau 13 năm, phụ nữ đã sinh ít con hơn ở mọi độ tuổi. Trước đây, tỷ lệ sinh ở phụ nữ trên 35 tuổi vẫn tăng, nhờ vào xu hướng mang thai muộn, nhưng xu hướng này giờ đã đảo ngược. Năm ngoái, số ca sinh đã giảm 4,2% ở phụ nữ từ 35 đến 39 tuổi và giảm 5% ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, chính ở nhóm phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi, chiếm tỷ lệ sinh con cao nhất mỗi năm, sự sụt giảm số ca sinh lại rõ rệt nhất, với mức giảm 7,4% ở nhóm 25-29 tuổi và 8,6% ở nhóm 30-34 tuổi.
Phan Minh
Nội các Trump II : Israel vui mừng, Ukraine âu lo
Những cái tên trong nội các của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump dần được tiết lộ, có vẻ như thuận lợi cho Israel và khó khăn cho Ukraine. Nhà thờ Đức Bà Paris chuẩn bị mở cửa trở lại, Hiệp định Mercosur gây phản ứng nơi nông dân Pháp, là một số vấn đề thời sự đáng chú ý hôm nay 14/11/2024.
Một thành viên lực lượng cảnh sát đặc biệt Hyzhak của Ukraine khai hỏa một Howitzer D30 về phía quân Nga gần tiền tuyến Toretsk, ngày 25/10/2024. Reuters - Stringer
Tiêu chí chọn người "hồng hơn là chuyên"
Liên quan đến việc ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Libération cho rằng cần phải ghi nhận nơi ông Trump một điều, là khả năng làm bão hòa không gian truyền thông với rất ít chi phí. Cách đây 8 năm, sau chiến thắng bất ngờ, thành phần nội các của ông được báo chí soi rất kỹ, và lần này những cái tên liên tục được công bố chưa đầy một tuần sau khi đắc cử. Donald Trump chỉ định từ tỉ phú, diều hâu các loại cho đến người dẫn chương trình truyền hình. Đại gia địa ốc Steven Witkoff trở thành đặc phái viên về Trung Đông, cựu thống đốc Arkansas, Mike Huckabee, làm đại sứ Mỹ ở Israël… Hai con "diều hâu" Mike Waltz và Marco Rubio trở thành cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng.
Thống đốc Nam Dakota, Kristi Noem, có thời gian được cho rằng sẽ là người đứng chung liên danh nhưng gây tranh cãi dữ dội sau vụ cô ta bắn chết con chó của mình, sẽ là bộ trưởng nội vụ. Tên tuổi một số nhân vật khác được cho là thành viên nội các mới của Donald Trump cũng được các báo tập trung mổ xẻ. Le Figaro lưu ý, những nhân vật ủng hộ Donald Trump được chọn lựa nhờ lòng trung thành là chính. Chẳng hạn trong số những ngạc nhiên là Witkoff, bạn đánh gôn của ông Trump, người được chọn làm đặc phái viên Trung Đông, trong lý lịch không có gì cho thấy doanh nhân này hiểu biết về khu vực cả.
Elon Musk trong chính quyền Trump : Xung đột lợi ích ?
Được chú ý nhiều nhất là tỉ phú Elon Musk, được Donald Trump giao phụ trách cắt giảm ngân sách liên bang hiện lên đến 6.500 tỉ đô la, theo tổng thống tân cử. Musk chia sẻ nhiệm vụ này với Vivek Ramaswamy, một doanh nhân, ứng cử viên trong bầu cử sơ bộ sau khi thua cuộc đã đứng về phe ông Trump. Bộ Hiệu quả Chính phủ, viết tắt là DOGE, giống như tên loại tiền kỹ thuật số của Elon Musk, khiến giá trị vốn hóa của đồng tiền mang hình giống chó Shiba Inu vượt quá 34 tỉ đô la cuối tuần qua.
Theo Les Echos việc bổ nhiệm Elon Musk rõ ràng là xung đột lợi ích. Người giàu nhất thế giới điều hành một loạt công ty trong đó có Tesla và SpaceX, mạng xã hội X, The Boring Company (sản xuất máy khoan đường hầm), xAI, Neuralink ; đa số đang bị điều tra. Chẳng hạn Tesla là trung tâm cuộc điều tra của cơ quan an toàn giao thông (NHTSA) vì bán phần mềm tự hành "Full Self Driving" điều khiển xe ; SpaceX được cho là kỳ thị hoặc không tôn trọng quy định môi trường. Ngoài ra với mục đích đưa người lên Hỏa tinh, SpaceX lệ thuộc vào các hợp đồng công chủ yếu với NASA. Trong vai trò mới, Elon Musk có thể dẹp hẳn các cơ quan hành chánh gây phương hại cho các công ty của mình. Bên cạnh đó còn có khả năng gây ảnh hưởng lên các bộ có quyền giao hợp đồng nhiều tỉ đô la.
Ê-kíp trong mơ đối với Israel
Les Echos nhận thấy các nhân vật được Donald Trump bổ nhiệm là một "ê-kíp trong mơ" đối với Nhà nước Do Thái. Đội ngũ mới không chỉ ủng hộ Israel, mà còn thân với cánh hữu nước này. Đó là lời bình luận của một nhà báo đài phát thanh quân đội Nhà nước Do Thái. Hiện thời tất cả các thành viên được chỉ định cho tân nội các, trong quá khứ đều có những tuyên bố thuận lợi cho Israel, một số còn cổ vũ cho việc Nhà nước Do Thái sáp nhập West Bank (Cisjordanie), đồng thời cứng rắn trước Iran. Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, thành phần ê-kíp mới là thông điệp mạnh mẽ.
Libération coi đây là những bảo đảm đầu tiên cho Nhà nước Do Thái, nhưng lưu ý rằng cả Mike Huckabee và Steven Witkoff, ngoài tuổi tác tương đương và tình bạn với ông Donald Trump, hoàn toàn không có kinh nghiệm về chính trường quốc tế, chưa nói đến ngoại giao.
Liều thuốc mạnh của EU cho hồ sơ Ukraine ?
Ngược lại, Kiev tỏ ra lo âu. Cựu đại sứ Pháp Michel Duclos trên trang Ý kiến của Le Monde nhấn mạnh, Châu Âu cần đề ra một kế hoạch về Ukraine trong thời gian sớm nhất. Không nên để cho Hoa Kỳ và Nga bàn tính riêng với nhau, trong một hồ sơ tác động đến toàn bộ Châu Âu.
Điều gì khác biệt giữa việc thương lượng về hiệp định nguyên tử Iran hồi cuối năm 2013 và Ukraine năm 2024 ? Trước đây Liên Hiệp Châu Âu (EU) là một bên tham gia, còn nay nếu mở ra đàm phán về Ukraine - mà người ta biết rằng Donald Trump rất muốn giải quyết trước khi chính thức nhậm chức vào tháng Giêng 2025 - EU có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề. Tác giả tỏ ý tiếc rằng tình hình Ukraine lẽ ra đã khác đi, nếu từ tháng Giêng hoặc tháng Hai, các nước lớn Châu Âu dám quyết định mạnh mẽ về chuyển giao vũ khí. Chẳng hạn Pháp và Anh cùng đặt mua một lượng lớn hỏa tiễn của MBDA, Đức giao hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Ukraine. Nhưng điều này đã không diễn ra, rồi lịch sử sẽ phán xét.
Thách thức qua sự quay lại của ông Donald Trump, là làm thế nào tác động lên Washington để tránh một thỏa thuận Munich mới ? Đó là thỏa thuận năm 1938 giữa nước Đức quốc xã, nước Ý phát-xít với Anh và Pháp để tránh chiến tranh, nhưng rồi vài tháng sau cuộc chiến đã nổ ra. Châu Âu sẽ thiệt thòi với kịch bản này. Ông Michel Duclos cho rằng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan... nên nhanh chóng cùng đưa ra đề nghị với Hoa Kỳ, có thể gồm ba vế.
Thứ nhất, tăng cao viện trợ quân sự cho Ukraine. Vì ngân sách trống rỗng, nên dùng biện pháp mạnh là tịch thu tài sản Nga thay vì chỉ sử dụng tiền lời, để mua vũ khí. Thứ hai, bảo đảm vững chắc về an ninh cho Ukraine thời hậu chiến. Một số gợi ý là hội nhập Ukraine vào quốc phòng Châu Âu dù chưa vào được NATO, triển khai quân đội Châu Âu với sự hỗ trợ của Mỹ. Cuối cùng, cần thuyết phục Donald Trump nên tăng cường sức mạnh cho Ukraine trước khi thương lượng, và Châu Âu sẵn sàng đóng góp, để tránh một sự đầu hàng trước Moskva.
Một khi xác định xong kế hoạch, ai sẽ là đặc sứ hiệu quả của Châu Âu trước tổng thống tân cử Mỹ ? Bởi vì Donald Trump không nắm hồ sơ, quan hệ cá nhân mới là quan trọng. Đức sẽ còn tê liệt nhiều tháng cho đến khi lập được liên minh mới, Pháp và Anh chính trường cũng không yên ổn. Nhưng theo tác giả, đây là cơ hội cho Emmanuel Macron đóng vai nhà hòa giải trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai này.
Các đồng minh cần đi đến cùng với Kiev
Về phía nhà chính trị học người Ukraine, bà Anastasia Fomitchova, phân tích trên Le Monde : "Ukraine cần các đồng minh đi đến tận cùng cam kết". Từ đầu cuộc xâm lăng đại quy mô, chủ trương của phương Tây luôn là cung cấp phương tiện cho Ukraine để sống sót nhưng không giao cho những vũ khí cần thiết để chiến thắng. Vào lúc Nga tránh né được cấm vận kinh tế và siết chặt quan hệ với các đồng minh, phương Tây vẫn mang ảo tưởng một cuộc hòa đàm giữa kẻ xâm lăng và nạn nhân bị xâm lược. Hiệp ước Minsk trước đây chỉ giúp Moskva có thời gian củng cố lực lượng để tiến hành một cuộc tấn công mới mạnh hơn nhiều.
Ngược với Châu Âu, Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến để chiến đấu lâu dài, sản xuất thêm nhiều chiến đấu cơ, hỏa tiễn, đạn pháo và drone ; hợp tác thương mại với Iran, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay thông qua các nước không áp dụng cấm vận như Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Phương Tây chỉ viện trợ quân sự nhỏ giọt vì lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của Putin, tuy nhiên săng-ta này không còn giá trị từ khi quân đội Ukraine tiến vào Kursk.
Trong khi Ukraine đã mất đi rất nhiều người ở tiền phương lẫn hậu phương, mỗi ngày đều có người thiệt mạng. Không được quân đội nước ngoài hỗ trợ, Kiev chỉ có thể trông cậy vào nguồn nhân lực ít ỏi hơn rất nhiều so với Nga. Sống ở Ukraine hiện nay là sống với nhịp độ các hồi còi báo động và những vụ oanh tạc, với sự tang thương. Lính Bắc Triều Tiên đã có mặt trên chiến trường, Nga đã đưa cuộc chiến lên tầm quốc tế, nhưng các đối tác vẫn từ chối cho Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công các phi trường quân sự nơi oanh tạc cơ Nga cất cánh. Điều mỉa mai là các căn cứ quân sự Nga được NATO bảo vệ tốt hơn là thường dân ở Ukraine.
Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa, 5 năm sau vụ hỏa hoạn
Hồi năm 2019 sau trận hỏa hoạn tàn phá di sản ngàn năm tuổi quý giá của nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã hứa sẽ xây dựng lại "trong vòng 5 năm". Một thách thức ngỡ rằng khó vượt qua, nhưng rốt cuộc đã thành công, và ông Macron sẽ có phát biểu ngắn trong lễ khai mạc dự kiến vào chiều 07/12/2024. Đây là niềm tự hào mới của Pháp, sau thành công rực rỡ của Thế vận hội Paris vừa qua. Tổng thống Pháp đích thân đôn đốc, hồ sơ được giao "đúng người đúng việc" : tướng Jean-Louis Georgelin, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội.
Vấn đề nhạy cảm cho Élysée hiện nay là khách mời dự lễ khai mạc. Cần có chỗ cho các nguyên thủ nước ngoài, đại diện chính quyền và tôn giáo, các nghệ nhân tham gia dựng lại tuyệt tác này, những người lính cứu hỏa đã cứu vãn được công trình lịch sử. Cũng không thể quên rất nhiều nhà hảo tâm, như các gia đình tỉ phú Arnault, Pinault, Bettencourt. Ước tính số khách mời được vào bên trong Nhà thờ Đức Bà khoảng 1.500 đến 2.000 người.
100 năm trường Mỹ thuật Đông Dương : Triển lãm về ba họa sĩ Việt tại Paris
Le Monde giới thiệu cuộc triển lãm tại bảo tàng Cernuschi về sự ra đời của nghệ thuật Đông Dương ở Hà Nội, với các tác phẩm của ba danh họa Lê Phổ, Mai Thứ (Mai Trung Thứ) và Vũ Cao Đàm. Ngày 27/10/1924, Nhà nước bảo hộ Pháp khánh thành trường Mỹ thuật Đông Dương ở Việt Nam. Người sáng lập, họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937) muốn đào tạo một thế hệ nghệ sĩ và là giảng viên tương lai tại một đất nước vẫn chưa có khái niệm về hội họa đương đại, sáng tạo được coi là thủ công.
Cuộc gặp gỡ với một thanh niên Việt là Nguyễn Vạn Thọ tức Nam Sơn (1890-1973), một nghệ sĩ tự học khao khát tìm hiểu nghệ thuật phương Tây, khiến Tardieu quyết định mở một trường dạy cả kỹ thuật và văn hóa, tương đương với trường Mỹ thuật Paris. Sinh viên được học bài bản về hội họa phương Tây, kết hợp với nghệ thuật truyền thống như sơn mài, tranh lụa... Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Charlotte Aguttes-Reynier, giám đốc nhà bán đấu giá Aguttes, xuất bản tập sách Nghệ thuật đương đại Đông Dương với các tác phẩm tiêu biểu.
Trong đó ba họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), Mai Thứ (1906-1980) và Vũ Cao Đàm (1908-2000) xuất thân từ trường này và thành danh tại Pháp, được bảo tàng Cernuschi dành riêng một cuộc triển lãm. Từ mười mấy năm nay, tác phẩm của ba họa sĩ rất được ưa chuộng, nhiều nơi tổ chức những cuộc bán đấu giá riêng. Tác phẩm Le Balcon (1945) của Mai Thứ, Thiếu phụ (1940) của Lê Phổ được các nhà Artcurial và Millon gần đây bán ra với giá hàng trăm ngàn euro, bức tranh Mẹ và các con (1975) của Mai Thứ được nhà Ivoire-Nantes bán giá 1.091.200 euro, con số kỷ lục tại Pháp.
Trong suốt 30 năm, trường Mỹ thuật Đông Dương là nơi gặp gỡ và trao đổi giữa hai nền văn hóa phương Tây và Việt Nam. Sau khi ông Victor Tardieu năm 1937, nhà trường thay đổi hiệu trưởng và mất đi một số người ủng hộ. Đến năm 1954 với hiệp định Genève, Đông Dương không còn là thuộc địa Pháp. Trường Mỹ thuật vẫn tồn tại ở Hà Nội, nhưng xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa đã thay thế cho sự hòa hợp Đông-Tây mà Victor Tardieu mong muốn
Thụy My
Thiệt hại gây ra cho các thể chế và nền kinh tế Hoa Kỳ và cả thế giới sẽ rất lớn
Trong chiến dịch vận động tranh cử, Donald Trump đưa ra hàng loạt cam kết khiến ai nấy đều giật mình. Trump sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp ; phóng tên lửa nhằm vào các băng nhóm buôn ma túy Mexico ; sử dụng quân đội đàn áp "những kẻ điên cuồng cực tả" đang điều hành Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, dù tốt hay xấu, không có những biến động mà nhiều đảng viên Dân chủ đã dự đoán. Nền kinh tế vẫn phát triển ổn định cho đến khi đại dịch nổ ra. Không có khủng hoảng nào lớn trong chính sách đối ngoại. Và mặc dù Trump cố đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông vẫn không làm được điều đó.
Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump sẽ như thế nào ? Nhiều cử tri sẽ coi những lời lẽ khoa trương của Trump chỉ là lời nói suông. Họ có thể xem cuộc bầu cử là quyết định được cân nhắc một cách kỹ lưỡng giữa việc ứng cử viên nào sẽ quản lý nền kinh tế tốt hơn, hoặc là sự lựa chọn giữa những lập trường khác nhau liên quan các vấn đề về phá thai và nhập cư. Nhưng Trump dường như không chỉ dừng lại ở việc theo đuổi một số tuyên bố táo bạo hơn nếu trúng cử, mà còn ở vị thế tốt hơn để thực hiện những tuyên bố này so với nhiệm kỳ trước. Điều này cho thấy cần có một cách nhìn khác về sự lựa chọn của Hoa Kỳ : Mọi thứ có thể tệ đến mức nào ?
Kamala Harris, phó tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, chạy đua với tư cách là ứng viên ủng hộ giữ nguyên hiện trạng. Khẩu hiệu không chính thức của bà là "Chúng ta sẽ không quay trở lại". Ngược lại, ông Trump lại hàm ý rằng Hoa Kỳ cần sự thay đổi triệt để, và ông sẽ là người làm điều đó. Nhiều khả năng, nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông sẽ gặp khó khăn khi thực hiện nhiều ý tưởng điên rồ nhất của mình, như trong nhiệm kỳ đầu. Ông Trump có thể bị Quốc hội, tòa án và bộ máy nhà nước ngăn cản hoặc bị phân tâm bởi hàng loạt sự kiện hoặc bị chính đội ngũ trợ lý khuyên ngăn hay gặp thất bại do không có chuyên môn. Nhưng vẫn có khả năng – mặc dù không phải là lớn – ông có thể đạt được một số điều như ông tuyên bố, nhưng với hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế, các thể chế cũng như toàn thế giới. Nỗi lo sợ rằng ông sẽ phá hoại vĩnh viễn nền dân chủ và pháp quyền của Hoa Kỳ không phải là không có cơ sở.
Dày dạn chiến trường
Sau 8 năm thể chế hóa, chủ nghĩa Trump được tổ chức chặt chẽ hơn so với thời điểm Trump tiếp quản Phòng Bầu dục vào năm 2017. Thời điểm đó, chương trình nghị sự của Trump bị chậm trễ do đội ngũ giúp việc thiếu kinh nghiệm, không hiểu rõ luật hành chính cũng như cơ chế hoạt động công vụ để thực hiện mọi việc. Hơn nữa, ông Trump muốn chính quyền của mình trông có vẻ ưu tú, đã chỉ định những nhân vật chóp bu trong đảng giữ những vị trí cấp cao mặc dù họ thường không đồng tình với các ý tưởng của Trump. Ngược lại, lãnh đạo chính phủ nhiệm kỳ thứ 2 của Trump sẽ là những cá nhân kỳ cựu trung thành. Nhiều người trong số họ sẽ tiếp quản công việc với những kế hoạch đã có sẵn trong đầu. Những nhà thiết kế Dự án 2025 – một chương trình nghị sự chính sách dài 900 trang dành cho chính quyền Trump nhiệm kỳ tiếp theo, được Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một tổ chức nghiên cứu chiến lược ủng hộ Trump xây dựng nên – đã có mâu thuẫn với Trump sau khi phe Dân chủ bắt đầu sử dụng nó để tấn công ông. Nhưng Trump vẫn chấp nhận ý tưởng cơ bản rằng ông nên tiếp quản công việc với những kế hoạch chi tiết và nhân sự được kiểm tra kỹ lưỡng. Tòa án Tối cao gần đây ra phán quyết mở rộng quyền miễn trừ đối với các tổng thống Hoa Kỳ, có thể khiến Trump mạnh dạn hơn.
Kế hoạch kinh tế của Trump chắc chắn rất táo bạo – nhưng không theo hướng tích cực. Chính sách kinh tế của Trump trong nhiệm kỳ đầu may mắn được triển khai trong giai đoạn tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Nhưng phiên bản tiếp theo không những được thực hiện trong các điều kiện ít thuận lợi hơn, mà còn có thể gây nhiều gián đoạn hơn. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đề xuất đợt tăng thuế quan thứ hai, lớn hơn nhiều so với trước, giảm thuế mạnh tay, gây cú sốc đối với nguồn lao động dưới hình thức trục xuất hàng loạt, và công kích tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang.
Đây đều là những ý tưởng tồi tệ. "Thông thường, nếu bạn cắt giảm lao động nhập cư, bạn phải nhập hàng từ bên ngoài. Và nếu bạn cắt giảm nguồn hàng từ bên ngoài, bạn phải tiếp nhận lao động nhập cư. Nếu bạn cắt giảm cả hai thứ, lạm phát chắc chắn sẽ tăng, nếu không nói là kèm thêm suy thoái", theo lời Adam Posen thuộc Viện Peterson về các vấn đề kinh tế quốc tế. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính chỉ cần một nửa mức thuế quan mà ông Trump đề xuất sẽ làm giảm một phần ba điểm phần trăm GDP trong năm đầu tiên và làm tăng lạm phát từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm.
Liệu Trump có thể thực hiện tất cả kế hoạch của mình hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Tổng thống có quyền nâng mức thuế quan với lý do an ninh quốc gia hoặc để trả đũa những hành vi thương mại không công bằng. Việc ông Trump cam kết sẽ áp dụng mức thuế quan đồng loạt 20% lên tất cả hàng nhập khẩu và mức 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dường như không phù hợp với các lý do này. Nhưng trong khi tòa án tranh luận về sự phù hợp của các biện pháp này thì các doanh nghiệp phải gánh chịu sự gián đoạn nghiêm trọng, có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều hậu quả do mức thuế quan mà các quốc gia khác đáp trả gây ra. Một số cố vấn nghĩ rằng Trump sẽ nâng từ từ mức thuế quan, lấy đó làm công cụ để đòi các đối tác thương mại phải nhượng bộ. Nhưng điều này chỉ kéo dài sự khổ sở mà không giảm bớt nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại.
Việc cắt giảm thuế cá nhân được Trump ký thành luật năm 2017 sẽ hết hạn vào năm sau và Trump sẽ phải thương lượng với Quốc hội để gia hạn những điều luật này. Trump muốn gia hạn tất cả các điều khoản này cũng như chấm dứt việc đánh thuế lên tiền boa, các khoản làm thêm giờ và an sinh xã hội. Nếu Trump thắng cử, mô hình bầu cử sẽ mang lại cho Đảng Dân chủ 34% cơ hội kiểm soát Hạ viện. Phe Dân chủ có các kế hoạch khác, ít hoang phí hơn. Ngoài ra, Trump có thể chèo lái Hoa Kỳ theo một lộ trình tài khóa thậm chí vô trách nhiệm hơn so với hiện tại, thị trường trái phiếu có thể cuối cùng sẽ phản ứng mạnh mẽ, thúc giục việc đánh giá lại chính sách.
Việc trục xuất người nhập cư hàng loạt với quy mô mà Trump đề xuất khó có thể thực hiện. Chính phủ liên bang đơn giản là không có khả năng truy lùng và trục xuất hàng triệu người trừ khi Trump huy động các lực lượng vũ trang hoặc ủy quyền cho các tiểu bang và lực lượng thực thi pháp luật địa phương. Người dân sẽ phản đối, các tiểu bang và thành phố do đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ phản kháng, cũng như sẽ có hàng loạt thách thức về pháp lý. Mike Johnston, Thị trưởng Denver thuộc đảng Dân chủ, bình luận : "Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ thế giới nào, ngay cả trong tưởng tượng của Donald Trump, nơi bạn sẽ cố cử các đặc vụ thuộc Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ đến gõ cửa từng nhà, bắt giữ 12 triệu người ở quốc gia này và trục xuất họ". "Đơn giản là không có năng lực hạ tầng để thực hiện việc đó và Denver sẽ không bao giờ tham gia vào kế hoạch này". Sự thiếu hụt lao động trong các ngành vốn dựa vào dân nhập cư như nông nghiệp, xây dựng và lò mổ thịt cũng sẽ gây ra lạm phát.
Không dè dặt
Nếu Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với áp lực lạm phát bởi mức thuế quan cao, lực lượng lao động thu hẹp hoặc chi tiêu lãng phí, ông Trump sẽ sẵn sàng công kích cơ quan này. Một số người trong lĩnh vực cho rằng chính quyền Trump sẽ làm suy yếu Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, người có nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2026 (nhưng ông vẫn tiếp tục làm thành viên Hội đồng Thống đốc), bằng cách bổ nhiệm một chủ tịch "vô hình" nhằm đưa ra các đề xuất ít mang tính diều hâu hơn về lãi suất. Tuy nhiên, một cuộc công kích vào Fed sẽ khiến thị trường chao đảo. "Thị trường chứng khoán là một cơ chế phản hồi rất hiệu quả và tức thời đối với các chính sách kinh tế, kiềm chế những mức thuế quan điên rồ, kiềm chế những thứ điên rồ từ Fed, nhưng có lẽ không có nhiều ràng buộc đối với các chính sách tài khóa không bền vững", theo lời Jason Furman, người từng tham gia hoạch định chính sách của Đảng Dân chủ và hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard.
Thậm chí giả sử Trump cuối cùng cũng nới lỏng và giảm bớt hoặc từ bỏ một số chính sách của mình, Trump vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn trong quá trình này. Nhiều kịch bản mang tính lạc quan hơn lại dựa vào tình trạng thị trường lao dốc, lạm phát phi mã hoặc giảm tăng trưởng để giảm bớt sự mạnh tay của Trump. Hơn nữa, việc trục xuất người nhập cư, tăng thuế quan hoặc chỉ trích Fed dù nhiều hay ít đều sẽ không tốt đối với nền kinh tế ; câu hỏi duy nhất là mức thiệt hại Trump sẽ gây ra là bao nhiêu. Nếu Trump thực sự kiên trì với các chính sách mà mình đưa ra, thì lạm phát, lãi suất tăng, và dấu hiệu suy thoái sẽ xuất hiện.
Chính sách đối ngoại cũng bộc lộ những rủi ro đáng báo động. Mặc dù các cố vấn của Trump cố gắng phác họa những học thuyết rõ ràng theo tinh thần "Nước Mỹ trên hết", nhưng ông chủ của họ lại cho rằng chính sách đối ngoại thành công hay thất bại phụ thuộc vào sức mạnh phẩm chất cá nhân, chứ không phải do bản thân chính sách. Phong cách tùy hứng của Trump lại thiếu nhất quán và khó đoán. "Nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử, chúng ta phải trả một chi phí khổng lồ bởi xáo trộn" vì các đồng minh phải vật lộn để hiểu được các chính sách của Trump sẽ là gì, theo lời Kori Schake thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, thế giới tương đối êm đềm, nhưng lần này Trump sẽ quay trở lại khi nước Mỹ vật lộn với các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine.
Trump nói rằng sự xuất hiện của ông với vai trò chỉ huy cũng đủ để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau cuộc bầu cử – trước khi ông nhậm chức. Ý nghĩa của tuyên bố này, nếu có, cũng khó có thể đo đếm được. Những ứng cử viên hàng đầu cho các vị trí an ninh quốc gia trong chính quyền của Trump nhiệm kỳ 2 có những quan điểm rất khác nhau về vấn đề Ukraine. Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng và có khả năng là Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới, cho rằng nên cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí khổng lồ trị giá 600 tỷ USD để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phát. J.D Vance, người có thể trở thành Phó Tổng thống, lại cho rằng bất kỳ đồng USD nào chi cho Ukraine đều là một sự lãng phí tiền bạc. Cuối cùng Trump nghe theo ai là điều không thể đoán được – thường thì quan điểm của Trump sẽ được quyết định bởi người cuối cùng nói chuyện với ông.
Dù ai trở thành tổng thống Hoa Kỳ, thì ngày càng có khả năng Ukraine sẽ phải từ bỏ hoặc ít nhất là gác lại tham vọng đòi lại phần lớn lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng. Nếu các đảng viên Cộng hòa đã phản đối gay gắt các gói viện trợ quân sự cho Ukraine do chính quyền ông Biden đề xuất, thì không có lý gì Hạ viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ chấp thuận một gói viện trợ khác – và khó để tưởng tượng việc Trump phản đối rất gay gắt. Nhưng việc Hoa Kỳ đột ngột, tùy tiện bỏ mặc Ukraine sẽ cỗ vũ cho nhà độc tài Nga Vladimir Putin, và làm tăng mối nguy hiểm mà Putin gây ra cho các nước láng giềng.
Có rất nhiều kịch bản ác mộng khác. Liệu ông Trump, khi cầm quyền, có thể hủy bỏ cam kết an ninh tập thể, vốn là trọng tâm của liên minh NATO, bằng cách từ chối đối đầu trước sự gây hấn ngày càng tăng của Nga hay không ? Ông Trump có từ chối cử quân đội Hoa Kỳ đến giúp Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc bao vây hoặc xâm lược hòn đảo này hay không ? Liệu Israel có được trao toàn quyền để làm bất cứ điều gì mà nước này muốn ở Trung Đông, bao gồm việc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ và vũ khí hạt nhân của Iran, hay không ? Tất cả đều có thể. Ông Trump có ác cảm với chiến tranh, nhưng cũng có mong muốn mãnh liệt về việc không tỏ ra yếu đuối.
Một số xu hướng mơ hồ nhưng đáng lo ngại là có thể đoán được. "Bạn có thể đoán rằng phản ứng của Hoa Kỳ ngày càng leo thang chính vì thuyết hòa bình thông qua sức mạnh", theo lời Jon Lieber thuộc Eurasia Group – một công ty tư vấn địa chính trị. Cả Trump và đảng của ông đều không thích tham gia bất cứ sáng kiến quốc tế có ý nghĩa nào về chống biến đổi khí hậu. Nhưng quan trọng nhất là các khả năng không thể bị loại trừ : đó là sự đầu hàng không điều kiện của Ukraine, sự sụp đổ của NATO, và chiến tranh mở rộng ở Trung Đông…
Có lẽ nghiêm trọng nhất vẫn là những nguy cơ mà Trump gây ra đối với nền pháp quyền và dân chủ Hoa Kỳ. Xu hướng chuyên quyền của Trump là điều không ai chối cãi. Để duy trì quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã cố mua chuộc các quan chức, kích động một đám đông quá khích, sau cùng dẫn đến cuộc bạo loạn của nhóm phần tử ủng hộ Trump xông vào Điện Capitol ngày 06/01/2021. Kể từ đó, Trump chưa hề rút lại lời nói của mình. Trump vẫn khăng khăng cuộc bầu cử bị đánh cắp ; ông gọi những người bị buộc tội trong sự kiện ngày 06/01 là "tù nhân chính trị" và cam kết sẽ ân xá cho số này ; ông còn nghĩ đến việc tước giấy phép của các đài phát thanh chỉ trích sự kiện ; ông gọi những đối thủ chính trị của mình là "kẻ thù bên trong" có thể cần phải được xử lý bằng sức mạnh quân sự. Nhiều người thân cận với Trump vô cùng bàng hoàng. John Kelly, cựu Chánh văn phòng, trở thành người gần đây nhất gọi Trump là "kẻ phát xít".
Thay vào đó, câu hỏi thực tế là liệu các thể chế của Hoa Kỳ có đủ khả năng kiềm chế Trump hay không. Hiến pháp và các tòa án Hoa Kỳ sẽ là sự kiểm soát hiệu quả nhất đối với các hành vi bốc đồng độc đoán của Trump. Sau cùng, nhiều vụ kiện của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 đều không đi đến đâu. Trump sẽ không thể khiến Quốc hội thay đổi về hiến pháp, ví dụ như cho phép Trump ứng cử nhiệm kỳ ba. Ông cũng không có nhiều ảnh hưởng đối với các chính quyền tiểu bang nơi đảng Dân chủ lãnh đạo. Mặc dù Trump đã ra sức củng cố quyền kiểm soát đối với đảng Cộng hòa, khiến việc luận tội ông hầu như không thể xảy ra, nhưng vẫn có một số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội sẽ phản đối những bản năng tồi tệ nhất của Trump.
Vì những lý do trên, một số nhà khoa học chính trị nghĩ rằng các thể chế Hoa Kỳ sẽ dễ dàng hấp thụ cú sốc từ nhiệm kỳ hai của Trump. Trong số 40 chính phủ dân túy trên toàn thế giới từ năm 1985 – 2020 do Kurt Weyland thuộc Đại học Texas xác định, chỉ có 7 chính phủ rơi vào chế độ độc tài. Và các quốc gia kém may mắn này lại có các thể chế yếu kém và phải chịu nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp. "Tôi không nghĩ rằng Trump có thể gây ra tổn thất nhiều hơn trong nhiệm kỳ hai so với nhiệm kỳ đầu tiên", Weyland khẳng định. Đảng Dân chủ có thể kiểm soát Hạ viện, đảm bảo chia rẽ chính phủ ngay từ đầu. Nhưng ngay cả khi đảng Cộng hòa bắt đầu nhiệm kỳ hai của Trump bằng cách kiểm soát toàn bộ Quốc hội, thì đảng Dân chủ có khả năng đạt kết quả tốt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2026, qua đó kiềm chế Trump trong suốt thời gian đương nhiệm còn lại.
Ngay cả khi nguy cơ nền dân chủ Hoa Kỳ sụp đổ thê thảm là thấp, nhiệm kỳ hai của Trump có thể làm xói mòn các thể chế dân chủ nước này. Benjamin Wittes, Tổng Biên tập Tạp chí Lawfare, một ấn phẩm về an ninh quốc gia, cảnh báo rằng Trump có thể là một mối nguy hiểm đối với nền pháp quyền vì ba lý do : đầu tiên, "những người lớn sẽ không còn ở trong phòng", không giống như trong nhiệm kỳ đầu ; thứ hai, "trong lời nói, Trump có vẻ ám ảnh với việc trả thù" sau khi phải trải qua bốn phiên tòa hình sự riêng biệt ; và thứ ba, Trump được khích lệ bởi chiến thắng của mình "về mặt pháp lý lẫn về mặt bầu cử trước các thế lực cố kiềm chế ông".
Trump gần như sẽ bác bỏ tất cả các cáo buộc liên bang chống lại mình. Ông cũng có thể ân xá cho các phần tử bạo loạn ngày 06/01. Trump đã hứa sẽ chấm dứt sự độc lập của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, một chuẩn mực kể từ sau vụ Bê bối Watergate. Điều đó sẽ cho phép Trump khởi xướng các cuộc điều tra nhằm vào các kẻ thù chính trị của ông, điều nhiều khả năng xảy ra hơn là không. Brendan Nyhan đến từ Đại học Dartmouth cho rằng "Có một loạt hệ quả thứ cấp phát sinh từ điều này. Một khi bạn biết rằng những hình thức truy tố có chọn lọc như vậy có thể xảy ra, bạn sẽ điều chỉnh hành vi theo một cách rất khác".
Đe dọa
Ý kiến cho rằng Trump có thể sử dụng các thể chế nhà nước để đe dọa các cá nhân chỉ trích mình được nêu ra tuần này khi tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu tờ báo Washington Post, ngăn báo này đăng bài viết ủng hộ bà Harris. Ông Bezos cho biết đang cố gắng củng cố danh tiếng của tờ báo về tính độc lập, không phải để lấy lòng Trump, nhưng khoảng 1 phần 10 số người đăng ký thuê bao tờ báo đã kết luận không phải như vậy và đã hủy đăng ký. Ngoài ra, cũng có nguy cơ số phần tử cực hữu, chẳng hạn lực lượng dân quân Proud Boys, có thể cảm thấy được tiếp sức để quấy rối các đối thủ chính trị của Trump.
Trump cũng có thể cố để lại dấu ấn của mình lên bộ máy hành chính liên bang. Ông có thể sử dụng thẩm quyền, được gọi là Schedule F (một loại sắc lệnh hành pháp), cho phép Trump sa thải nhiều công chức cấp thấp. Ông cũng từng nhắc đến việc sa thải các tướng lĩnh cấp cao của Hoa Kỳ, những người mà ông cho là quá "thiên tả". Có khả năng Trump sẽ tìm cách thúc ép ông Powell từ chức hoặc đòi quyền hạn (chưa được kiểm tra về pháp lý) để sa thải Powell. Tất cả điều này sẽ chính trị hóa bộ máy chính phủ vốn tương đối độc lập, không bị can thiệp về chính trị cho đến nay.
Những kịch bản trên nghe có vẻ tầm thường so với một cuộc bầu cử bị đánh cắp hoặc một thể chế độc tài, nhưng chúng đều mang đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Lực lượng thực thi pháp luật có chọn lọc, có động cơ chính trị sẽ không những bất công mà còn trở thành mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ, khiến các doanh nghiệp lo sợ và cản trở đầu tư. Hơn nữa, những hành vi lạm dụng như vậy khó có thể dừng lại khi Trump rời nhiệm sở. Do sự phân cực về chính trị trong các thập kỷ gần đây, một khi một trong số các đảng ở Hoa Kỳ phá vỡ chuẩn mực, đảng còn lại có khả năng sẽ làm theo như vậy, để đảm bảo sức cạnh tranh. Lòng tin vào nền pháp quyền sẽ rất khó để khôi phục.
Nhiều người Hoa Kỳ thấy những lời chỉ trích của đảng Dân chủ về những nguy cơ mà một nhiệm kỳ khác của Trump mang đến là đạo đức giả. Họ nghĩ rằng đảng Dân chủ đã sử dụng hệ thống tư pháp như làm vũ khí để chống lại Trump, chứ không phải là ngược lại. Họ thấy nhiệm kỳ của Biden là một loạt thất bại về chính sách đối ngoại tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ điều gì xảy ra dưới thời Trump. Trong mắt người dân, lạm phát phi mã dưới thời Biden là bằng chứng cho thấy Trump là nhà quản lý kinh tế giỏi hơn. Tất cả những luận điểm này đều có cơ sở của nó – và nhiệm kỳ hai của Trump có thể không thê thảm hơn nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng bỏ phiếu cho Trump mà chỉ dựa trên những giả định như vậy sẽ cực kỳ rủi ro đối với nước Mỹ và toàn bộ thế giới.
The Economist
Nguyên tác : "How bad could a second Trump presidency get ?", The Economist, 31/10/2024.
Lê Mạnh Cường biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 12/11/2024
Dưới đây là phân tích sơ bộ về nội dung và hậu quả của chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Trump thứ hai.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump chào những người ủng hộ ở West Palm Beach, Florida, tháng 11/2024 - Brian Snyder / Reuters
"Một con tê giác xám" – thuật ngữ dùng để một sự gián đoạn có thể dự đoán và đã được dự đoán từ lâu nhưng vẫn gây sốc khi nó xảy ra – đã đâm sầm vào chính sách đối ngoại Mỹ : Donald Trump vừa mới giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Dù các cuộc thăm dò dự đoán bầu cử sẽ rất căng thẳng, nhưng kết quả cuối cùng lại quá rõ ràng, và dù chúng ta không biết chính xác trật tự mới sẽ như thế nào, chúng ta biết Trump sẽ đứng đầu trật tự đó.
Chiến thắng của Trump năm 2016 là một bất ngờ lớn hơn nhiều, và phần lớn cuộc tranh luận trong những tuần sau Ngày Bầu cử năm ấy đã xoay quanh các câu hỏi như ông sẽ điều hành đất nước như thế nào và liệu ông sẽ thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới nhiều đến đâu. Do tính cách khó đoán, phong cách thất thường, và tư duy thiếu mạch lạc của Trump, một số câu hỏi tương tự vẫn còn bỏ ngỏ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có nhiều thông tin hơn sau bốn năm theo dõi ông ở vị trí lãnh đạo, thêm bốn năm nữa để phân tích thời gian tại nhiệm của ông, và một năm chứng kiến chiến dịch tranh cử thứ ba của ông vào Nhà Trắng. Với các dữ liệu đó, có thể đưa ra một số dự đoán về những gì Trump sẽ cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều chưa biết là phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng như thế nào và kết quả cuối cùng sẽ ra sao.
Có hai điểm rất rõ ràng.
Thứ nhất, như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (và như trong tất cả các chính quyền tổng thống), nhân sự sẽ định hình chính sách, và các phe phái khác nhau sẽ tranh giành ảnh hưởng – một số phe có ý tưởng cấp tiến về việc chuyển đổi nhà nước hành chính và chính sách đối ngoại của Mỹ, những phe khác có quan điểm truyền thống hơn. Tuy nhiên, lần này, các phe phái cực đoan hơn sẽ chiếm ưu thế và họ sẽ tận dụng lợi thế của mình để làm tê liệt những tiếng nói ôn hòa, làm suy yếu hàng ngũ các chuyên gia dân sự và quân sự mà họ cho là "nhà nước ngầm", và có lẽ sẽ sử dụng đòn bẩy của chính phủ để truy đuổi những người phản đối và chỉ trích Trump.
Thứ hai, bản chất cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trump – chủ nghĩa giao dịch trần trụi – vẫn không thay đổi. Nhưng bối cảnh để ông thực hiện hình thức thỏa thuận kỳ quặc của mình đã thay đổi đáng kể : thế giới ngày nay là một nơi nguy hiểm hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Luận điệu chính trong chiến dịch của Trump đã mô tả thế giới theo kiểu tận thế, đồng thời gọi ông và đội ngũ là những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn, những người hiểu rõ mối nguy hiểm. Nhưng những gì họ đề xuất lại là chủ nghĩa "hiện thực kỳ diệu :" một loạt những lời khoe khoang kỳ quặc và những phương thuốc dân gian hời hợt không phản ánh sự thấu hiểu thực sự về các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt. Việc Trump có bảo vệ được lợi ích của nước Mỹ trong môi trường phức tạp này hay không phụ thuộc vào việc ông và đội ngũ của mình có nhanh chóng loại bỏ bức họa tranh cử phù phiếm đã thuyết phục được hơn một nửa cử tri, và thay vào đó, thực sự đối mặt với thế giới như nó vốn có.
Nhân sự là chính trị
Nhiệm vụ đầu tiên mà Trump phải đối mặt sẽ là quá trình chuyển giao chính thức. Ngay cả trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất, đây cũng là một quá trình nhiêu khê khó thực hiện, và có thể lần này nó sẽ diễn ra không suôn sẻ. Trump đã thể hiện sự xem nhẹ quá trình này, và để tránh phải tuân theo những ràng buộc đạo đức nghiêm ngặt, cho đến nay ông đã từ chối hợp tác với Tổng cục Dịch vụ Hành chính, cơ quan cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép một chính phủ đang chờ đợi kế nhiệm thu thập thông tin cần thiết để sẵn sàng làm việc ngay ngày đầu tiên. Tuy nhiên, việc thiếu vắng quá trình chuyển giao truyền thống có lẽ sẽ không làm chậm tốc độ của chính quyền mới, vì họ đã chuyển giao hầu hết công việc cho Dự án 2025 khét tiếng của Quỹ Heritage và một dự án chuyển giao ít được biết đến hơn của Viện America First. Công việc do những người thực sự tin tưởng MAGA thực hiện trong các dự án đó có hậu quả lớn hơn nhiều và là minh chứng rõ hơn cho những gì chính quyền Trump sắp tới sẽ làm, so với bất kỳ nỗ lực chuyển giao danh nghĩa nào do cựu nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard và Robert F. Kennedy, Jr. đồng lãnh đạo.
Quá trình chuyển đổi sẽ còn ít có ý nghĩa hơn nữa nếu đội ngũ của Trump thực hiện kế hoạch để hủy bỏ việc kiểm tra lý lịch của FBI, và thay vào đó, để tổng thống cấp giấy xác nhận lý lịch an ninh chỉ dựa trên việc thẩm tra trong nội bộ chiến dịch, cho phép Trump đảm bảo rằng các lựa chọn nhân sự ưa thích của mình sẽ không bị cản đường bởi những bí mật trong quá khứ của họ. Một bước đi cực đoan như vậy có thể sẽ hợp pháp, nhưng chỉ là sau khi Trump nhậm chức. Trong khi chờ đợi, chính quyền Biden sắp mãn nhiệm sẽ bị hạn chế khả năng phối hợp với đội ngũ của Trump theo cách truyền thống vì các nhân viên của Trump không có giấy phép an ninh.
Điều này sẽ càng quan trọng nếu Trump quyết định đưa một số nhân vật bên lề hiện đang thống trị vòng tròn thân cận của ông vào các vị trí cấp cao. Ngay cả khi Trump không thực hiện những ý tưởng điên rồ nhất mà ông từng đưa ra khi tranh cử – chẳng hạn, ngôi sao bóng bầu dục đã nghỉ hưu và ứng viên Thượng nghị sĩ thất bại năm 2022 Herschel Walker sẽ không phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa – ông vẫn có thể đưa những cá nhân như vị tướng đã nghỉ hưu Michael Flynn hoặc Steve Bannon vào các vị trí an ninh quốc gia, những người mà hành động vi phạm pháp luật đáng lẽ phải ngăn cản họ phục vụ trong bộ máy an ninh quốc gia. Dù bằng cách nào, ông cũng sẽ xây dựng một đội ngũ quyết tâm thực hiện chính những âm mưu mà các nhân vật ít cấp tiến hơn đã từng thuyết phục Trump không theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ví dụ, sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã muốn ra lệnh rút quân vội vàng khỏi Afghanistan trong những tuần cuối cùng với tư cách là tổng tư lệnh quân đội : cùng loại rút lui thảm khốc mà Tổng thống Joe Biden đã cho phép nửa năm sau đó. Nhưng khi một số người trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông chỉ ra những rủi ro của động thái này, Trump đã nhượng bộ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, những người được ông bổ nhiệm vào các vị trí chính trị an ninh quốc gia có thể được xếp vào một trong ba loại.
Loại đầu tiên và có lẽ là loại lớn nhất bao gồm những người có chuyên môn thực sự, những người vẫn có thể nhận được các vị trí trong một chính quyền Cộng hòa bình thường, dù có thể sẽ thấp hơn một vài cấp so với những vị trí mà họ đã đảm nhiệm trong chính quyền của Trump. Họ đã cố gắng thực hiện chương trình nghị sự của tổng thống tốt nhất có thể bất chấp bối cảnh hỗn loạn, và hầu hết những điều tốt đẹp đã xảy ra đều có thể được ghi nhận là nhờ họ : chẳng hạn, nỗ lực hiện thực hóa luận điệu "xoay trục sang Châu Á" của cựu Tổng thống Barack Obama thành các quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hầu hết đã diễn ra dưới thời Trump và tiếp tục phát triển theo hướng tương tự dưới thời Biden, được thúc đẩy bởi các chiến lược gia có cùng chí hướng.
Loại thứ hai là một nhóm nhỏ hơn nhưng có ảnh hưởng lớn hơn nhiều, bao gồm các quan chức cấp cao kỳ cựu, những người có quan điểm cố định về hướng đi của chính sách an ninh quốc gia và tin rằng họ có thể tạo ra những kết quả đó bất chấp chủ nghĩa giao dịch thái quá của Trump bằng cách nhấn mạnh rằng những chính sách thay thế sẽ báo hiệu sự yếu kém. Nhóm này bao gồm H. R. McMaster và John Bolton, những người từng là cố vấn an ninh quốc gia thứ hai và thứ ba của Trump. Trong hồi ký của mình, họ đã chỉ ra những gì họ cho là thành tựu chính sách thực sự : McMaster đã khiến Trump đồng ý tăng quân đến Afghanistan năm 2017 và Bolton đã khiến Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018. Nhưng McMaster, Bolton, và mọi nhân vật cấp cao khác áp dụng cách tiếp cận đó đều đã rời khỏi chính quyền sau khi nhận ra rằng Trump sẽ luôn tìm cách thoát khỏi dây cương và làm suy yếu bất kỳ chính sách tốt đẹp nào mà họ nghĩ rằng họ có thể đạt được. Ngay cả một số người đã làm việc đến tận ngày nhậm chức của Biden vào năm 2021 cũng nói riêng với tôi những đánh giá vô cùng thẳng thắn, xác nhận rằng Trump là người liều lĩnh và chắc chắn không phải một người thành thạo về an ninh quốc gia, bất kể những gì họ đã nói trước công chúng.
Loại thứ ba là một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm những người thực sự tin tưởng MAGA và các tác nhân gây hỗn loạn đang tìm cách thực hiện ý thích của Trump mà không có bất kỳ lời giải thích hay quan tâm nào đến hậu quả. Họ có quan điểm hạn hẹp về lòng trung thành, tin rằng ông chủ nên nhận được những gì ông ta yêu cầu và không cần phải nghe về những hậu quả không mong muốn của những động thái đó kẻo ông ta thay đổi ý định khi đã nắm rõ sự thật. Ví dụ, những nỗ lực mạo hiểm nhằm rút lui khỏi Afghanistan và các cam kết khác của NATO trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên của Trump chính là do các nhân viên cấp dưới dàn dựng, những người được giao phụ trách nhiệm vụ sau khi nhiều nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã rời đi, hoặc những người tìm cách ngăn cản Trump được tư vấn đầy đủ về những gì các chỉ thị của ông thực sự sẽ mang lại.
Trong chính quyền Trump sắp tới, vẫn sẽ có những đảng viên Cộng hòa truyền thống muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp có một không hai trong đời và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, kể cả hy sinh bản thân, nếu họ vô tình làm trái ý Trump. Không nên chê bai sự phục vụ của họ, vì nếu không có họ, Trump sẽ không thể trở thành tổng thống tốt nhất có thể. Vẫn sẽ có những nhà tư tưởng nghĩ rằng họ biết chiến lược nào là đúng và rằng họ có thể dẫn dắt Trump làm những gì họ cho là đúng – chẳng hạn như bỏ mặc Ukraine dưới bàn tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi củng cố sự răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc, một cách tiếp cận nghe có vẻ thông minh trong một hội thảo học thuật hoặc một bài xã luận trên báo, nhưng nhiều khả năng sẽ không hiệu quả trong đời thực. Và nhờ Quỹ Heritage và Viện America First, rất nhiều tác nhân gây hỗn loạn sẽ khiến việc phá hủy hệ thống hoạch định chính sách an ninh quốc gia hiện tại – vốn đã bảo vệ lợi ích của Mỹ suốt 80 năm qua – trở thành một đặc điểm, chứ không phải là một lỗi của Trump 2.0. Sự khác biệt là lần này, nhóm thứ ba sẽ lớn hơn và có ảnh hưởng hơn lần trước.
Điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với những người giám sát hệ thống hoạch định chính sách an ninh quốc gia hiện tại : quân đội và các viên chức dân sự, vốn chiếm phần lớn trong số những người được giao nhiệm vụ giám sát chương trình nghị sự của bất kỳ tổng thống nào. Trump và đội ngũ của ông đã nói rõ rằng họ ưu tiên lòng trung thành hơn hết thảy. Và họ có thể có những bài kiểm tra lòng trung thành đơn giản nhất : hỏi bất kỳ cá nhân nào ở vị trí có thẩm quyền xem cuộc bầu cử năm 2020 có bị đánh cắp, hay cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 có phải là hành động nổi loạn hay không. Như người bạn đồng hành của Trump là J.D. Vance đã chứng minh, Trump chỉ chấp nhận một cách duy nhất để trả lời những câu hỏi đó.
Một bài kiểm tra như vậy cũng cho phép Trump chính trị hóa các cấp bậc cao hơn trong quân đội và các cơ quan tình báo bằng cách chỉ thăng chức cho những cá nhân mà ông tin là "thuộc về đội của ông". Các thành viên của cơ quan công quyền sẽ có công việc được bảo đảm hơn và tránh được áp lực chính trị, trừ phi nhóm Trump quyết theo đuổi kế hoạch phân loại lại hàng nghìn viên chức chuyên nghiệp thành những người được bổ nhiệm chính trị theo ý muốn của tổng thống, theo đó khiến họ tương đối dễ bị cách chức vì lý do chính trị.
Quân đội và lĩnh vực dân sự khó có thể thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể gây ra một cuộc thanh trừng như vậy, chứ chưa nói đến việc biện minh cho điều đó. Họ hiểu rằng họ không phải là "phe đối lập trung thành" – một vai trò dành riêng cho đảng thiểu số trong Quốc hội và những người giám sát trong giới truyền thông và giới bình luận chính sách. Theo lời tuyên thệ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp của họ, những viên chức chuyên nghiệp trong bộ máy an ninh quốc gia sẽ phải chuẩn bị để giúp Trump hết sức có thể.
Nhưng Trump có thể quyết định rằng ông sẽ đạt được sự hợp tác hoặc khuất phục mà ông muốn chỉ đơn giản bằng cách để mối đe dọa thanh trừng lơ lửng trong không trung – và ông sẽ đúng. Chí ít thì ông có lẽ sẽ sa thải một số nhân vật cấp cao, như lời khuyên của Voltaire là loại bỏ một vài tướng lĩnh Pháp để gieo rắc nỗi sợ hãi vào lòng những người khác. Câu hỏi đặt ra là liệu các quan chức cấp cao có tuân theo các thông lệ tốt nhất về quan hệ dân sự-quân sự và đưa ra lời khuyên thẳng thắn cho Trump và những người được ông bổ nhiệm chính trị cấp cao ngay cả khi lời khuyên đó là không được mong muốn hay không. Nếu họ làm vậy, họ có thể giúp ông trở thành vị tổng tư lệnh giỏi nhất mà ông có khả năng trở thành. Nếu họ không làm vậy, việc họ bị thanh trừng hay giữ nguyên vị trí có thể không quan trọng, vì dù thế nào thì họ cũng không làm việc hiệu quả.
Đồng minh và kẻ thù
Cử tri Mỹ đã đưa ra lựa chọn của họ, và bộ máy chính quyền ở Washington giờ đây sẽ thích nghi với Trump theo cách này hay cách khác. Nhưng còn phần còn lại của thế giới thì sao ? Hầu hết các đồng minh của Mỹ đều lo sợ về chiến thắng của Trump, tin rằng đó sẽ là một chiếc đinh quyết định đóng vào cỗ quan tài của vị thế lãnh đạo toàn cầu truyền thống của Mỹ. Có rất nhiều điều để chỉ trích chính sách đối ngoại Mỹ kể từ Thế chiến II, và các đồng minh của Mỹ chưa bao giờ chán việc đưa ra những lời phàn nàn của họ. Nhưng họ cũng hiểu rằng, đối với họ, thời kỳ hậu chiến tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước đó, thời kỳ mà Washington trốn tránh trách nhiệm của mình – và hàng triệu người đã phải trả cái giá đắt nhất vì điều đó.
Khi cử tri Mỹ chọn Trump lần đầu tiên, các đồng minh của Mỹ đã phản ứng bằng nhiều chiến lược phòng bị nước đôi khác nhau. Lần này, họ đang ở thế yếu hơn nhiều do những thách thức nội bộ của chính họ và những mối đe dọa từ Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Các đồng minh của Mỹ sẽ cố gắng o bế và xoa dịu Trump và, trong phạm vi luật pháp của họ cho phép, sẽ cung cấp cho ông những lời hứa và những khoản bù đắp đã chứng minh là cách tốt nhất để có được các điều khoản có lợi dưới thời Trump 1.0. Cách tiếp cận giao dịch ngắn hạn của Trump có thể sẽ tạo ra một hình ảnh phản chiếu trong số các đồng minh, những người sẽ tìm cách đạt được những gì họ có thể và tránh hứa hẹn bất cứ điều gì để đổi lại – một hình thức ngoại giao mà trong trường hợp tốt nhất sẽ tạo ra sự hợp tác giả tạo, và trong trường hợp tệ nhất, sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ngược lại, đối với các đối thủ của Mỹ, sự trở lại của Trump sẽ mang đến nhiều cơ hội. Trump đã hứa sẽ cố gắng buộc Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga, củng cố lợi ích của Putin từ cuộc xâm lược. Không giống những lời hứa tranh cử khác của ông, lời hứa này có thể tin được, vì Trump đang được vây quanh bởi các cố vấn chống Ukraine và ủng hộ Putin. Kế hoạch của ông cho Ukraine cũng có khả năng được triển khai vì nó hoàn toàn nằm trong phạm vi đặc quyền của tổng thống. Câu hỏi duy nhất là liệu Putin có chấp nhận đầu hàng một phần trong khi ngầm hiểu rằng ông luôn có thể chiếm phần còn lại của lãnh thổ Ukraine sau khi Trump áp đặt thành công "tính trung lập" lên Kyiv, hay liệu Putin sẽ cho rằng Trump chỉ nói dối và yêu cầu đầu hàng hoàn toàn ngay lập tức.
Lợi ích cho Trung Quốc không rõ ràng như vậy, vì một số cố vấn chủ chốt của Trump đã đắm mình trong chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu khi nghĩ rằng Mỹ có thể hy sinh lợi ích ở Châu Âu trong khi bằng cách nào đó có thể củng cố khả năng răn đe chống lại sự săn mồi của Trung Quốc ở Đông Á. Những bước đi ban đầu mà chính quyền Trump mới thực hiện ở Châu Á có lẽ sẽ có phần diều hâu. Ví dụ, nếu Trump có thể áp dụng mức thuế quan cao mà ông đề xuất đánh vào hàng hóa Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phải chịu một số tổn thương, dù tổn thương đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ lớn hơn và ngay lập tức hơn. Và Trump có thể sẽ tìm cách thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ ở Châu Á để báo hiệu sự chấm dứt của những gì ông mô tả là điểm yếu của Biden.
Nhưng vẫn còn nghi ngờ về việc liệu thuế quan có thể thay đổi đáng kể các chính sách của Trung Quốc, hoặc liệu các hành động diều hâu phô trương sẽ chuyển thành sự củng cố quân sự bền vững ở Châu Á hay không. Trước hết, Trump đã áp đặt một số điều kiện nhất định đối với việc bảo vệ Đài Loan, yêu cầu Đài Bắc tăng gấp bốn lần chi tiêu quốc phòng để đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Chiến lược kỳ quặc này có thể sụp đổ vì những mâu thuẫn của chính nó, và có khả năng quan hệ đối tác Trung-Nga sẽ nhận ra triển vọng rút lui của Mỹ ở cả hai đấu trường lớn.
Trong suốt chiến dịch, Trump và Vance tự nhận mình là những người yêu chuộng hòa bình trong khi chế giễu đối thủ của họ, Phó Tổng thống Kamala Harris, và các đồng minh của bà là những kẻ hiếu chiến. Stephen Miller, một trong những cố vấn trung thành nhất của Trump, đã vẽ ra một bức tranh sống động về lựa chọn này. "Điều này không có gì phức tạp", ông đăng trên nền tảng mạng xã hội X. "Nếu bạn bỏ phiếu cho Kamala, Liz Cheney sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng. Chúng ta sẽ xâm lược một chục quốc gia. Những cậu trai ở Michigan sẽ được tuyển dụng để chiến đấu với những cậu trai ở Trung Đông. Hàng triệu người sẽ chết. Chúng ta xâm lược Nga. Chúng ta xâm lược các quốc gia ở Châu Á. Thế chiến thứ III. Mùa đông hạt nhân".
Bức chân dung ngụ ý rằng Trump là một chú chim bồ câu thận trọng này hẳn sẽ gây sốc cho bất kỳ ai nhớ đến những lời đe dọa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là sẽ trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên hay vụ ám sát mạo hiểm một vị tướng hàng đầu của Iran. Chủ nghĩa cô lập nguyên chất trong thông điệp vận động tranh cử của ông có thể trở thành một chiếc áo trói tay làm tê liệt chính sách đối ngoại của chính quyền Trump vào thời điểm quan trọng. Nhưng Trump nổi tiếng là người luôn thoát khỏi xiềng xích và chống lại việc bị kìm kẹp. Như McMaster mô tả trong hồi ký của mình, các trợ lý khôn ngoan của Trump sẽ lợi dụng điều này để làm lợi cho họ, bằng cách nói rằng bất cứ điều gì họ muốn tổng thống làm là điều mà kẻ thù của ông nói rằng ông không thể làm. Mưu đồ đó sẽ có hiệu quả theo những cách hạn chế trong một thời gian ngắn, nhưng đến một lúc nào đó, Trump chắc chắn sẽ chuyển sang một hướng hoàn toàn khác. Lần này, sự bốc đồng đó có thể sẽ cản trở, thay vì trao quyền, cho các phe phái cực đoan hơn trong nhóm của ông.
Trump đã giành được cơ hội quyết định chính sách an ninh quốc gia của Mỹ và sẽ nắm giữ quyền lực ấn tượng được thể hiện ở những người hiện đang chờ đợi để làm việc cho ông. Đội ngũ của Trump có đủ sự tự tin. Thế giới sẽ sớm biết liệu họ có đủ trí tuệ hay không.
Peter D. Feaver
Nguyên tác : "How Trump Will Change the World", Foreign Affairs, 06/11/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/11/2024
Peter D. Feaver là Giáo sư Khoa học Chính trị và Chính sách Công tại Đại học Duke và là tác giả của cuốn sách "Thanks for Your Service : The Causes and Consequences of Public Confidence in the U.S. Military". Từ năm 2005 đến năm 2007, ông giữ chức Cố vấn Đặc biệt về Kế hoạch Chiến lược và Cải cách Thể chế trong đội ngũ nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Donald Trump toàn quyền với thiên hà MAGA sau chiến thắng
Theo La Croix ngày 13/11/2024, cả một "thiên hà" MAGA đã được tổ chức trong mấy năm qua, sẵn sàng phục vụ cho "America First". Nếu ê-kíp Trump I chuyên đạp thắng, thì Trump II năm 2025 sẽ nhấn ga.
Tổng thống tân cử Donald Trump đến phát biểu trong hội nghị của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ngày 13/11/2024. AP - Alex Brandon
Từ "bức tường tuyệt vời" đến "cuộc trục xuất vĩ đại"
Le Monde nhận xét, vừa đắc cử, ông Donald Trump đã nhanh chóng chỉ định các nhân vật trong nội các, liên lạc với lãnh đạo các nước… cứ như là ông Joe Biden không hiện diện. Trọng tâm là vấn đề di dân để thực hiện lời hứa "Cuộc trục xuất quy mô nhất lịch sử", qua việc bổ nhiệm ông Tom Homan phụ trách về biên giới - một chức vụ không cần Thượng Viện phê chuẩn.
Ước tính hiện có 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, đang đóng góp vào nền kinh tế. Ê-kíp của Trump muốn giải quyết theo nhiều cấp độ khác nhau, mục tiêu đầu tiên là những người từng bị kết án hình sự. Trong chiến dịch tranh cử, Trump nói rằng số người này vào đất Mỹ dưới thời Biden. Nhưng thật ra đây là con số cộng dồn từ nhiều thập niên, trong đó có nhiệm kỳ trước của ông Trump.
Le Figaro cũng thấy rằng "Cuộc trục xuất vĩ đại" chuẩn bị thay thế cho "Bức tường tuyệt vời", nhắc đến một nhân vật nữa là Stephen Miller, người chống đối nhập cư bất hợp pháp lẫn hợp pháp. Là tác giả những bài diễn văn nẩy lửa nhất của ông Trump, Miller còn ủng hộ những biện pháp như cấm nhập cảnh người từ các nước Hồi Giáo, tách rời trẻ em với cha mẹ để làm di dân thối chí. Miller là người tư duy, còn Sa hoàng biên giới Homan là người hành động - đã từng được chính quyền Obama khen thưởng vì trục xuất một lượng lớn di dân, cao hơn cả trong nhiệm kỳ Trump sau đó.
Đại thắng, Trump hầu như nắm trọn quyền hành
La Croix lưu ý, ông Donald Trump hầu như nắm trọn quyền lực trong tay. Một loạt ngôi sao may mắn đã chiếu mệnh cho ông : sau khi đắc cử ngày 05/11, cựu tổng thống chiếm được Thượng Viện và chuẩn bị kiểm soát cả Hạ Viện. Tại Hoa Kỳ, người ta gọi đó là "trifecta" - thắng cả ba. Ngoài ra, 6 trong số 9 thẩm phán Tối cao Pháp viện là do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, ít nhất đến 2026, khi bầu cử giữa kỳ.
Trump có thể thoải mái chỉ định nội các, bổ nhiệm những viên chức cao cấp, thẩm phán liên bang, người đứng đầu các cơ quan liên bang... vì Thượng Viện - cơ quan phê chuẩn - hầu hết thuộc Cộng Hòa. Nhà báo Sébastien Natroll chuyên về hệ thống tư pháp Mỹ giải thích : "Nhìn chung, đó là những người thần phục Donald Trump, ít độc lập hơn". Tiến sĩ Alexis Pichard, đại học Paris Nanterre nhắc nhở, hồi năm 2016 Donald Trump đã nắm được Hạ Viện nhưng không có đa số ở Tối cao Pháp viện. Nếu muốn thông qua một dự luật, lá chắn Hiến Pháp chính là định chế này.
Hiện Tối cao Pháp viện có 9 thẩm phán, chỉ có 3 người do phe Dân Chủ bổ nhiệm. Số 6 thẩm phán còn lại, có 4 người sẽ 70 tuổi hoặc hơn vào cuối tháng Giêng 2025, và dường như Clarence Thomas (76 tuổi) cùng với Samuel Alito (74 tuổi), hai thẩm phán "MAGA" nhất có ý định từ chức và Trump có thể chỉ định hai người mới. Phía Dân Chủ, một số kêu gọi nữ thẩm phán Sonia Sotomayor 70 tuổi nên từ nhiệm trước tháng Giêng 2025 để tổng thống Joe Biden tìm người thay thế. Trump có thể bổ nhiệm thêm hai thẩm phán, cộng với số trong nhiệm kỳ trước là năm. Đây là điều chưa từng thấy kể từ thời Eisenhower trong thập niên 50.
Tuy vậy, giữ chức vụ trọn đời ở Tối cao Pháp viện, các thẩm phán này hoàn toàn độc lập, không nhất thiết phải trung thành với ông chủ Nhà Trắng đã bổ nhiệm họ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã có lần than phiền. Sébastien Natroll cho rằng các thẩm phán vốn tôn trọng sâu sắc Hiến Pháp nên không thể có việc để cho tổng thống tùy nghi làm luật. Bên cạnh đó, hệ thống song song giữa Nhà nước liên bang và 50 bang bảo đảm sự độc lập của các bang về những phương diện như y tế, cảnh sát. Trump tuy có quyền hành lớn, nhưng bị giới hạn ở các bang.
Thiên hà MAGA
Tên tuổi một số nhân vật khác được cho là thành viên nội các mới của Donald Trump cũng được các báo tập trung mổ xẻ. Được chú ý nhiều nhất là tỉ phú Elon Musk, được Donald Trump giao phụ trách cắt giảm ngân sách liên bang hiện lên đến 6.500 tỉ đô la, theo tổng thống tân cử.
Le Figaro cho biết Marco Rubio, thượng nghị sĩ bang Florida, được dự báo sẽ là ngoại trưởng, là người nắm rõ vấn đề đối ngoại. Từng là đối thủ của Donald Trump trong bầu cử sơ bộ năm 2016, ông Rubio, có cha là người Cuba nhập cư, đã xích lại gần với ông Trump và thậm chí nằm trong số ứng cử viên phó tổng thống tiềm năng. Rubio, thành viên ủy ban đối ngoại Thượng Viện, ủng hộ nhiệt thành Israel, cứng rắn với Trung Quốc, Iran, Venezuela và Cuba. Tuy không mấy thích Nga, ông không ủng hộ Ukraine, dù không chống đối.
Elise Stefanik, 40 tuổi, sẽ trở thành đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, vị trí thứ nhì trong ngành ngoại giao. Bà từng chống lại nạn bài Do Thái trong các trường đại học. Việc bổ nhiệm Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia là đặc biệt nhất. Cựu đại tá lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ, bốn lần được tặng thưởng huy chương Bronze Star, ông Waltz từng chỉ huy các đơn vị trong chiến dịch Iraq và Afghanistan, giữ vai trò ở Lầu Năm Góc thời ông Bush, cố vấn chống khủng bố cho phó tổng thống Dick Cheney. Và nay trở thành một trong những cố vấn thân cận của Donald Trump – một nhân vật hành động mà Trump đã hoài công tìm kiếm trong nhiệm kỳ trước.
La Croix nhận xét, năm 2017, những trợ tá của nhà tỉ phú vừa bước vào Nhà Trắng không phải là người của Donald Trump, nhưng nay khác hẳn. Cả một "thiên hà" MAGA đã được tổ chức trong mấy năm qua, sẵn sàng phục vụ cho "mặt trời" tóc vàng, gồm nhiều "hành tinh" có tính chất khác biệt nhưng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa, "America First". Nếu ê-kíp Trump I chuyên đạp thắng, thì Trump II năm 2025 sẽ nhấn ga.
Đức : Mô hình kinh tế thời Merkel hoàn toàn lung lay
Tại Châu Âu, Le Figaro cho biết "Mô hình kinh tế Đức có nguy cơ sụp đổ". Sau bốn năm thịnh vượng chưa từng thấy, Đức lại đang trở thành con bệnh của Châu Âu. Sau khi tăng trưởng âm 0,3% năm ngoái, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đức lại giảm tiếp 0,2% năm 2024. Hai năm suy thoái này nhắc lại những kỷ niệm buồn của Berlin với những phí tổn sau khi nước Đức thống nhất, tính cạnh tranh giảm sút. Những liều thuốc đắng nhưng hiệu quả được đưa ra : tự do hóa thị trường lao động, xem xét lại hệ thống bảo hiểm xã hội... Cú sốc nước Đức hôm nay có thể so sánh với thách thức trong những năm 2000.
Tất cả những trụ cột của mô hình thời Merkel đều lung lay. Trước hết là thế ưu việt của kỹ nghệ xe hơi bị Trung Quốc cạnh tranh dữ dội nhờ đi bước trước về công nghệ xe điện. Hãng xe lớn nhất là Volkswagen đã phải đóng cửa nhiều nhà máy và sa thải mấy chục ngàn công nhân, lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua. Tác giả Wolfgang Münchau viết : "Khi kỹ nghệ xe hơi bắt đầu sa sút, cả nước sẽ đi xuống theo". Quyết định được thông báo cách đây vài ngày của tập đoàn Mỹ Wolfspeed, ngưng dự án lập một nhà máy lớn về chất bán dẫn ở vùng Sarre, hợp tác với công ty Đức ZF, làm tình hình càng u ám, lại thêm Donald Trump dọa áp thuế 10% đến 20%.
Ngay sau chiến thắng của tổng thống Mỹ thứ 47, Moritz Schularick, viện trưởng Viện Kinh tế IfW, tuyên bố đó là "khởi đầu cho thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức", vì Berlin chưa chuẩn bị đối phó với khủng hoảng nội tình lẫn thách thức kinh tế, chính trị và an ninh từ bên ngoài. Từ hai chục năm qua vẫn lệ thuộc vào khí đốt Nga, Đức phải vội vã chỉnh đốn lại sau cuộc xâm lăng Ukraine, và nay nhập số lượng lớn khí hóa lỏng của Mỹ, hướng về năng lượng tái tạo. Nước Đức phải trả cái giá vô cùng đắt cho 16 năm không đầu tư dưới thời Angela Merkel.
Cơ sở hạ tầng xuống cấp, kỹ thuật số, trong đó có việc phủ sóng 5G, chậm trễ. Một số công ty dự định dịch chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ. Dù nhiều doanh nghiệp đòi hỏi hỗ trợ tăng trưởng và đa số nhà kinh tế muốn giảm nhẹ các quy định, cánh hữu và phe chủ trương tự do vẫn khăng khăng giữ nguyên kỷ luật ngân sách, gây ra sự sụp đổ liên minh cầm quyền. Hồi tháng 2/2002, thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi Zeitenwende, "thay đổi một kỷ nguyên". Gần 50 biện pháp hỗ trợ nền kinh tế (đơn giản hóa thủ tục, giảm thuế...) được loan báo, nhưng rất ít biện pháp biến thành luật.
COP29 : Nhà độc tài Azerbaijan đánh bóng hình ảnh
Trong hồ sơ khí hậu, Le Monde nhận định "Baku muốn đánh bóng hình ảnh với COP29". Thêm một lần nữa, một quốc gia dầu lửa là Azerbaijan trở thành nước chủ nhà của hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Nhà độc tài Ilham Aliev không tìm kiếm sự chuyển đổi xanh, mà là sự tôn trọng trên trường quốc tế. Bàn bạc về phương cách đấu tranh chống biến đổi khí hậu tại một đất nước mà tổng thống ca ngợi dầu lửa là "quà tặng của Thượng Đế", và 92% xuất khẩu dựa vào năng lượng hóa thạch có vẻ khá ngược ngạo, nhất là Azerbaijan không coi chuyển đổi xanh là ưu tiên.
Ông Aliev biện minh : "Không có năng lượng hóa thạch, thế giới không thể phát triển, ít nhất là trong tương lai gần". Tái đắc cử hồi tháng 2 đến lần thứ năm với 92% số phiếu trong một cuộc bầu cử đầy dấu hiệu gian lận, Ilham Aliev từ 2003 đã nối ngôi cha Gueidar Aliev, người lãnh đạo từ thời còn là nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Vợ ông, Mehriban Alieva, là phó tổng thống từ 2017.
Những nhà báo can đảm tố cáo tham nhũng đã bị tống vào tù. Azerbaijan đứng 164/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới. Tuy vậy tỉ lệ được lòng dân của Aliev tăng lên từ khi chiếm được Thượng Karabakh khiến 100.000 người Armenia phải di tản trong hoảng loạn. Song song với việc "xanh hóa" bất ngờ Baku, nơi những đường dành riêng cho xe đạp xuất hiện vào lúc gần đến hội nghị COP, đàn áp gia tăng những tháng gần đây với việc bắt giữ 30 nhà đối lập, nhà báo, nghiệp đoàn viên. Không còn một tổ chức bảo vệ môi trường độc lập nào tại Azerbaijan.
Tổng thống Emmanuel Macron không đến dự COP29, do quan hệ đôi bên đã xấu đi vì Pháp ủng hộ Armenia, và vụ ám sát một người tị nạn chính trị Azerbaijan mới đây trên đất Pháp. Liên Hiệp Châu Âu dù coi khí hậu là ưu tiên lại hiện diện một cách khiêm tốn : chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vắng mặt ; còn thủ tướng Olaf Scholz hủy chuyến đi vì bầu cử trước hạn ở Đức. Được biết Châu Âu vẫn lệ thuộc vào khí đốt của Azerbaijan và khí hóa lỏng của Nga. Hiện nay Azerbaijan không có cơ chế nào hiệu quả để cảnh báo về các vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm từ kỹ nghệ dầu khí. Đấu tranh chống biến đổi khí hậu không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của xã hội dân sự, đây phải là thông điệp mà các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao họp ở Baku trao cho ông Aliev.
Thụy My
Những lựa chọn nhân sự cho Nhà Trắng thể hiện gì về chính quyền Trump 2.0 ?
Anthony Zurcher, BBC, 13/11/2024
Một tuần sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, những nền móng về nhiệm kỳ tổng thống mới của ông đã bắt đầu hình thành.
Ông Trump đã chọn nữ dân biểu Elise Stefanik, người từng chỉ trích Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc
Tổng thống đắc cử đã công bố gần chục nhân sự được bổ nhiệm, những bước đầu tiên để hoàn thiện đội ngũ nhân viên tại Nhà Trắng và các bộ quan trọng trong chính phủ.
Ông Trump cũng đưa ra bình luận với giới truyền thông và trên mạng xã hội, nêu bật những ưu tiên của mình khi nhậm chức vào tháng 1/2025, đặc biệt tập trung vào chính sách nhập cư và đối ngoại.
Sau một khởi đầu đôi khi hỗn loạn trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đang đặt nền móng cho chính quyền sắp tới với một kế hoạch được xác định rõ ràng hơn – và một đội ngũ nhân sự để sẵn sàng thực hiện kế hoạch đó.
Sau đây là những gì chúng ta đã biết cho đến nay.
Một đội ngũ cứng rắn về nhập cư đã sẵn sàng
Một số cuộc bổ nhiệm mới được ông Trump công bố cho thấy lời hứa của ứng viên Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử về việc trục xuất hàng triệu người di cư đang sống tại Mỹ mà không có giấy tờ không phải chỉ là hô hào.
Stephen Miller, cố vấn thân cận và là người viết diễn văn của ông Trump kể từ năm 2015, là lựa chọn của ông cho vị trí phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách. Ông Miller có thể sẽ định hình các kế hoạch trục xuất hàng loạt - và cắt giảm cả những đối tượng không có giấy tờ lẫn nhập cư hợp pháp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cố vấn Miller đã tham gia vào việc phát triển một số chính sách nhập cư nghiêm ngặt nhất của chính quyền.
Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã ủng hộ chính sách của ông Trump về việc tách các gia đình không có giấy tờ bị giữ tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Giờ đây, ông trở lại với một vai trò thậm chí còn lớn hơn, với tư cách là "sa hoàng nhập cư" của ông Trump.
"Tôi sẽ điều hành lực lượng trục xuất lớn nhất mà đất nước này từng chứng kiến", ông Homan phát biểu tại một hội nghị bảo thủ vào tháng 7/2024.
Những người chỉ trích đã cảnh báo rằng kế hoạch trục xuất hàng loạt của ông Trump có thể tiêu tốn hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News tuần trước, tổng thống đắc cử cho biết chi phí không phải là vấn đề.
"Những kẻ đã giết chóc, những trùm buôn lậu ma túy hủy hoại các quốc gia, và giờ đây chúng sẽ phải quay trở lại những quốc gia đó vì chúng không ở lại đây [nước Mỹ]", ông nói. "Không có cái giá nào cả".
Ông Thomas Homan được ông Trump chọn làm người trấn thủ biên giới Mỹ
Diều hâu' chống Trung Quốc lên ngôi
Nhiều người bảo thủ tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế thống trị toàn cầu liên tục của Mỹ, cả về kinh tế và quân sự. Trong khi ông Trump tỏ ra thận trọng hơn, giới hạn hầu hết các lời chỉ trích của mình về Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, ông đang lấp đầy đội phụ trách chính sách đối ngoại của mình bằng những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ.
Tổng thống đắc cử đã chọn Dân biểu liên bang Mike Waltz của bang Florida, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, làm cố vấn an ninh quốc gia - một vị trí phụ trách chính sách đối ngoại quan trọng trong Nhà Trắng. Ông Waltz đã nói rằng Mỹ đang trong "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc, và là một trong những thành viên đầu tiên trong Quốc hội kêu gọi Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Vào tháng 10/2024, Dân biểu Elise Stefanik, người mới được ông Trump chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã cáo buộc Trung Quốc "can thiệp bầu cử một cách trắng trợn và ác ý" trong bối cảnh có báo cáo rằng tin tặc được Trung Quốc hậu thuẫn đã cố gắng thu thập thông tin từ điện thoại của cựu tổng thống.
Trong khi ông Trump vẫn chưa chính thức nêu tên người được ông chọn làm ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio - một người cứng rắn với Trung Quốc khác - dường như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao. Năm 2020, ông Rubio đã bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt sau khi ông thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh do đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc thường không suôn sẻ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong bối cảnh xảy ra tranh chấp thương mại và đại dịch Covid. Chính quyền Biden, dù giữ nguyên nhiều mức thuế đối với Trung Quốc từ thời ông Trump và áp đặt một số mức thuế mới, chỉ phần nào xoa dịu được tình hình. Có vẻ như chính quyền Trump sắp tới sẽ tiếp tục công việc mà nhiệm kì trước đã bỏ dở.
Ông Trump và ông Rubio tại Bắc Carolina ngày 4/11/2014
Elon Musk và Robert F Kennedy Jr thành lập nội các bóng tối
Trong khi danh sách những người được ông Trump bổ nhiệm vào các vị trí chính trị ngày càng dài, vẫn còn một nhóm khác dù nhỏ nhưng có ảnh hưởng cực kỳ lớn.
Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã thường xuyên hiện diện tại trụ sở chuyển giao quyền lực của ông Trump, dinh thự Mar-a-Lago ở Florida. Theo thông tin trên truyền thông, ông Musk đang tư vấn cho tổng thống đắc cử về những người được đề cử vào nội các và thậm chí đã tham gia cuộc nói chuyện giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước.
Vào đêm bầu cử 5/11, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ giao cho ông Musk làm việc với doanh nhân công nghệ và cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy trong một "Bộ Chính phủ Hiệu quả" có nhiệm vụ xác định các khoản cắt giảm ngân sách mới.
Ông Musk thường xuyên đưa ra quan điểm chính trị của mình trên nền tảng truyền thông xã hội X do ông sở hữu, bao gồm cả việc ủng hộ Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott cho vị trí lãnh đạo phe đa số tiếp theo của Thượng viện.
Ủy ban hành động chính trị của tỷ phú Elon Musk đã chi khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và ông hứa sẽ tiếp tục tài trợ cho các nỗ lực của nhóm này nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của tổng thống đắc cử và hỗ trợ các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Trong khi đó, vẫn chưa biết Robert F. Kennedy Jr, một nhân vật chủ chốt khác, sẽ đóng vai trò gì. Ông Trump đã nói rằng ông có kế hoạch trao cho cựu đảng viên Dân chủ và người hoài nghi về hiệu quả của vắc xin Covid-19 một vai trò trong việc đưa nước Mỹ trở lại "khỏe mạnh". Ông Kennedy Jr là người đã từ bỏ chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ độc lập để chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa.
"Ông ấy [Robert F. Kennedy Jr] muốn làm một số việc và chúng tôi sẽ để ông ấy làm", ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng bầu cử của mình.
Ưu tiên quyền lực của tổng thống hơn Quốc hội
Trong khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức, Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện và vẫn có thể giành được Hạ viện, mặc dù với tỷ lệ sít sao. Tuy nhiên, những hành động đầu tiên của tổng thống đắc cử cho thấy ông quan tâm nhiều hơn đến việc thực thi quyền lực tổng thống của mình hơn là làm việc với nhánh lập pháp.
Tuần trước, ông đã đăng trên mạng xã hội rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều "cuộc bổ nhiệm trong kì nghỉ" hơn - cho phép ông lấp đầy các vị trí hành chính hàng đầu mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện khi Quốc hội không họp. Cách làm này sẽ củng cố quyền lực của tổng thống bằng cách làm suy yếu vai trò hiến định của Thượng viện là "tham vấn và chấp thuận" đối với những người được bổ nhiệm chính trị.
Trong khi đó, tổng thống đắc cử vẫn tiếp tục làm suy yếu thế đa số mỏng đó của quốc hội. Các thượng nghị sĩ chuyển sang các vai trò hành chính có thể nhanh chóng được thay thế bằng cách bổ nhiệm thống đốc từ tiểu bang quê hương của họ. Nhưng bất kỳ vị trí nào còn trống tại Hạ viện - chẳng hạn như những vị trí do các dân biểu Elise Stefanik và Mike Waltz để lại - đều yêu cầu phải tổ chức các cuộc bầu cử đặc biệt có thể mất nhiều tháng để lên lịch.
Một số cố vấn của ông Trump, bao gồm cả tỷ phú Musk, đã cảnh báo rằng tổng thống đắc cử có thể gây nguy hiểm cho chương trình nghị sự lập pháp của mình nếu ông lấy đi quá nhiều đảng viên Cộng hòa từ Quốc hội.
Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, công tác lập pháp tại Quốc hội cũng cần thời gian, nỗ lực và sự thỏa hiệp. Hành động hành pháp, chẳng hạn như tăng cường thực thi luật nhập cư mới, có thể được thực hiện chỉ bằng một chữ ký của tổng thống.
Hành động của ông Trump cho thấy ông tập trung nhiều hơn vào hành pháp, ít nhất là vào thời điểm này.
Ghế của bà Elise Stefanik tại Hạ viện cần được lấp đầy
Ban thưởng những người trung thành
Ông Trump mới chỉ bắt đầu lấp đầy hàng ngàn vị trí sẽ mở ra với chính quyền tổng thống mới, chưa kể các viên chức cấp cao mà ông đã nói sẽ thay thế.
Năm 2016, với tư cách là một người mới bước chân vào chính trị, ông phải dựa vào nhiều đảng viên Cộng hòa cho các vai trò quan trọng. Lần này, ông có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng với thành tích đã được chứng minh trong việc ủng hộ ông, và sau tám năm, những người trung thành với ông Trump là những thành phần chính của Đảng Cộng hòa.
Ngày 12/11, ông Trump đã bổ nhiệm Thống đốc bang Nam Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa, và người dẫn chương trình của Fox News kiêm tác giả bảo thủ Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai đều là những người bảo vệ ông Trump quyết liệt ngay từ đầu.
Những người khác, như ông Rubio và bà Stefanik, ban đầu là những người chỉ trích Trump trong lần đầu tiên ông tranh cử tổng thống, nhưng giờ đây họ đã dành nhiều năm để chứng minh rằng những lời chỉ trích gay gắt đó đã là quá khứ.
Tuy nhiên, Marco Rubio, người từng tranh cử tổng thống đối đầu với ông Trump vào năm 2016, vẫn có thể có tham vọng vào Nhà Trắng. Ông Trump thường không hài lòng với những người được bổ nhiệm có vẻ thu hút sự chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, và ngay cả những mối quan hệ tốt nhất cũng có thể trở nên xấu đi.
Ông Trump có thể đang đặt nặng lòng trung thành với các thông báo ban đầu về nhân sự của mình, nhưng áp lực của việc điều hành cuối cùng sẽ cho thấy liệu bốn năm thứ hai tại nhiệm của ông có khác với lần đầu tiên hay không.
Anthony Zurcher
Nguồn : BBC, 13/11/2024
***************************
Mỹ : Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt cho chính quyền mới
Anh Vũ, RFI, 12/11/2024
Tổng thống đắc cử Donald Trump khẩn trương chọn lựa nhân sự cho chính quyền mới, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/01/2025. Những ngày qua, nhiều nguồn thạo tin đã tiết lộ với báo chí những cái tên được ông Trump nhắm tới cho các vị trí quan trọng, như Ngoại Giao và An Ninh Quốc Gia. Đó là những nhân vật trung thành với ông Trump và có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio vận động cử tri cùng Donald Trump ở Allentown, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 29/10/2024. Reuters - Brendan McDermid
Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết chi tiết :
Giống như trong lĩnh vực nhập cư, Donald Trump tìm trong số những người trung thành để giao các vị trí chủ chốt ở lĩnh vực đối ngoại. Là người từng chạy đua chức phó tổng thống, nhưng ở chặng cuối bị JD Vance vượt lên, thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida có thể được nắm chức ngoại trưởng, nhật báo New York Times dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống đắc cử cho biết.
à con của một gia đình nhập cư từ Cuba, Marco Rubio được biết đến là một người có quan điểm cứng rắn đối với các chế độ độc tài nói chung và nhất là chống Trung Quốc. Là phó chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng Viện, ban đầu ông không đồng quan điểm với tổng thống đắc cử về chiến tranh Ukraine cũng như về việc cần phải gây sức ép với Kiev để chấm dứt chiến tranh, nhưng cuối cùng ông đã thích ứng.
Ông cũng đồng quan điểm với lãnh đạo của mình về vấn đề chi phí quốc phòng của Châu Âu, theo đó Châu Âu phải tự lo cho mình là chính.
Với vị trí cố vấn an ninh quốc gia, Donald Trump có vẻ như đã chọn một nhân vật diều hâu khác, một dân biểu của Florida, Mike Waltz. Nhân vật này cũng nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Mike Waltz là cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, từng nhiều lần được điều đến Afghanistan, Trung Đông và Châu Phi. Ông cũng đã nhiều lần được tặng thưởng huân huy chương cho quân nhân dũng cảm.
Cùng với việc tuyển chọn nhân sự, tổng thống đắc cử Mỹ muốn chính quyền mới được thành lập nhanh chóng, không có sự cản trở. Donald Trump hôm Chủ nhật đã yêu cầu Thượng Viện miễn thủ tục phê chuẩn, việc bổ nhiệm các quan chức cao nhất trong chính quyền tương lai của ông. Một điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống bổ nhiệm mà không cần sự chấp thuận của Thượng Viện khi Thượng Viện không họp. Nhưng quy định hiếm khi được áp dụng, vì các thượng nghị sĩ thường sắp xếp họp vào thời điểm đề cử và do đó thực hiện quyền kiểm soát của họ đối với cơ quan hành pháp.
Anh Vũ
Nội dung chương trình thảo luận với ông Nguyễn Gia Kiểng :
- Chủ trương của bà Harris : Thế hệ lãnh đạo mới trẻ hướng về tương lai t ạo đoàn kết quốc gia, không quay trở lại quá khứ ;
- Người Mỹ chưa chấp nhận một phụ nữ làm tổng thống, hơn nữa lại là một người da màu ; kết quả của bầu cử đã cho thấy điều nầy .
Nguồn : Người Việt Channel, 07/11/2024