Trong "Peril", cuốn sách sẽ được xuất bản ngày 22/09/2021, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Bob Woodward và phóng viên Robert Costa tiết lộ việc viên tướng có cấp bậc cao nhất trong quân đội Mỹ hoàn toàn không tin tổng thống Donald Trump là người tỉnh táo vào thời gian cuối nhiệm kỳ tổng thống.
Tướng Mark Milley phát biểu trước báo giới, ngày 21/07/2021, tại Washington, Mỹ. AP - Kevin Wolf
Tướng Mỹ lo ngại tổng thống Trump "tâm thần bất ổn" bất ngờ ra lệnh dùng vũ khí hạt nhân tấn công Trung Quốc. Theo trích đoạn tác phẩm, được công bố trên Washington Post và CNN, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã bí mật chuẩn bị để không thực hiện mệnh lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Trung Quốc, kịch bản được dự đoán có thể xảy ra sau thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2019.
Nhiều nguồn tin tình báo Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc coi khả năng Mỹ tấn công là điều có thể. Tướng Mark Milley đã phải đích thân gọi điện trấn an đồng nhiệm Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng) hai lần, trước và sau cuộc bầu cử.
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
"Mark Milley đơn giản là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Rõ ràng tướng Milley nghi ngờ về sự tỉnh táo của cấp trên, tổng tư lệnh và tổng thống Donald Trump. Sau vụ bạo loạn ngày 06/01/2021 trên đồi Capitol, tướng Mark Milley thậm chí còn đảm bảo với các tướng lĩnh cấp cao khác rằng thủ tục phát động các cuộc tấn công hạt nhân sẽ được tuân thủ - tức là mọi quyết định sẽ phải được thông qua ông.
Chỉ ít tháng trước đó, viên tướng cao cấp nhất trong quân đội Mỹ đã nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc để trấn an và khẳng định không có kế hoạch tấn công Trung Quốc. Một cuộc điện thoại khác với phía Trung Quốc sau vụ tấn công nhà Quốc hội đồi Capitol, để cho phía Trung Quốc biết tình hình đã ổn định.
Cùng ngày hôm đó, 08/01, Mark Milley cũng đã có cuộc nói chuyện với bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện để trấn an lãnh đạo Hạ Viện và giải thích rằng tình hình đang được kiểm soát và quân đội sẽ không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp hoặc điên rồ.
Lãnh đạo Hạ Viện Nancy Pelosi nói : "Ông ta bị điên rồi, ông biết là ông ta điên và ông ta đã bị điên trong một thời gian dài". Người được coi là cố vấn quân sự thân cận nhất của Donald Trump trả lời : "Tôi hoàn toàn đồng ý với bà". Cựu chủ nhân Nhà Trắng đã từ chối trả lời các câu hỏi từ phía các tác giả cuốn sách".
Trong cuốn sách sắp công bố, với khoảng 200 giới chức Hoa Kỳ ẩn danh làm nhân chứng, các tác giả thuật lại tướng Milley đã họp bộ tổng tham mưu, để nhấn mạnh với tất cả các sĩ quan có mặt rằng, nếu tổng thống Trump ra lệnh tấn công hạt nhân Trung Quốc, ông sẽ phải là người được thông báo trước tiên.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cũng yêu cầu lãnh đạo cơ quan tình báo CIA, Gina Haspel, và lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự, tướng Paul Nakasone, theo dõi nhất cử nhất động bất thường của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump.
Theo các tác giả, một số người cho rằng tướng Milley đã "hành động vượt quá thẩm quyền của mình", tuy nhiên, rõ ràng là viên sĩ quan cao cấp nhất của Quân đội Mỹ hiểu rằng cần phải hành động như vậy để "không cho phép xảy ra một đổ vỡ lịch sử trong trật tự quốc tế, không có chiến tranh với Trung Quốc do bất cẩn, hay với bất cứ một quốc gia nào khác, và vũ khí hạt nhân sẽ không được sử dụng".
Trọng Thành
Nước Mỹ có quá nhiều chuyện mà tôi không thể nào hiểu được. Nói theo ngôn ngữ của nhà báo Đinh Quang Anh Thái ở Mỹ: hiểu được chết liền! Như chuyện phòng chống đại dịch Covid-19 : Mỹ hiện đang thừa mứa thuốc chủng ngừa, vậy mà hiện nay trung bình mỗi ngày vẫn có 23.000 người bị lây nhiễm, 13.200 người phải vào bệnh viện để chữa trị và theo cơ quan phòng bệnh quốc gia CDC, 99 phần trăm những người qua đời đều là những người không chịu chích ngừa, vì tin theo các thuyết âm mưu... (1). Hiểu được chết liền !
Đối với những Trumpist, Donald Trump là người được Thiên Chúa tuyển chọn (The Chosen One), ông là người được Thiên Chúa sai đến để "sửa sai"
Nhưng chuyện mà tôi tuyệt đối không thể hiểu được đó là sự ủng hộ mà rất đông người Mỹ vẫn tiếp tục dành cho cựu Tổng thống Donald Trump. Trong 4 năm cầm quyền, ông đã nói dối hơn 30 ngàn lần và nay vẫn ra rả tung ra lời Nói Dối Lớn (Big Lie) rằng chiếc ghế tổng thống của ông đã bị đánh cắp trong một cuộc bầu cử gian lận. Rất đông người Mỹ vẫn tiếp tục tin những lời dối trá của ông. Một lần nữa : "hiểu được chết liền"!
Là một tín hữu Kitô, tôi tin và chấp nhận nhiều tín điều mà trí khôn của tôi không thể nào hiểu được. Tôi mà hiểu được các "mầu nhiệm" trong đạo "chết liền" ! Có lẽ niềm tin mà rất nhiều người đã và đang đặt nơi ông Trump cũng chẳng khác nào niềm tin tôn giáo của tôi. Bất kể ông có nói dối như "Vẹm", bất kể ông có dốt nát và ngu xuẩn đến đâu, bất kể tư cách của ông có đốn mạt cỡ nào... người ta vẫn cứ đặt niềm tin nơi ông và ngay cả sẵn sàng "tử đạo" vì ông.
Mới đây một loạt cuốn sách viết về những ngày tháng cuối cùng của ông Trump trong Tòa bạch ốc đã cho thấy rõ điều đó. Một trong những cuốn sách được chú ý nhiều nhứt có lẽ là cuốn "Frankly, we did win this election : The inside story of how Trump lost" (Thành thật mà nói, chúng tôi đã thắng cuộc bầu cử này : chuyện nội bộ cho thấy tại sao Trump đã thất cử) do ký giả Michael Bender của báo Wall Street Journal biên soạn. Cuốn sách đã ghi lại những cuộc phỏng vấn của ký giả Bender với những "tín đồ" cuồng nhiệt nhứt của ông Trump. Một trong những người đó là ông Randal Thom, thành viên của một nhóm có tên là "Front Row Joes". Cũng như các thành phần khác của nhóm, Thom không bỏ sót bất cứ một cuộc tập trung và vận động nào của "giáo chủ" Trump. Biết mình bị nhiễm Covid-19, nhưng Thom không chịu thử nghiệm hay vào bệnh viện để chữa trị. Thom giải thích với ký giả Bender rằng làm như thế là gia tăng con số người bị nhiễm hay chết vì Covid và như vậy gây phương hại cho uy tín và sự nghiệp chính trị của ông Trump. Thom sẵn sàng hy sinh mạng sống vì "giáo chủ" Trump (4).
Thom là một điển hình của rất nhiều "tín đồ" của ông Trump. Nhưng có lẽ thái độ của đa số tín hữu Tin Lành và ngay cả Công giáo ở Mỹ, kể cả các nhà lãnh đạo Công giáo Mỹ, giúp tôi hiểu được phần nào sự sùng bái của rất nhiều tín hữu Kitô đối với ông Trump : với họ, ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn (The Chosen One), ông là người được Thiên Chúa sai đến để "sửa sai" và chỉ một mình ông mới có thể sửa sai như ông đã từng tuyên bố khi được đảng Cộng hòa chính thức đề cử làm ứng viên tổng thống hồi năm 2016 "Chỉ một mình tôi mới có thể sửa sai" (I alone can fix it) (2). Vì được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến để sửa sai cho nên ông "được phép" làm bất cứ điều gì ông muốn, kể cả dối trá và ngay cả làm điều ác như "đứng giữa đại lộ số 5 ở New York" để bắn người khác mà chẳng hề hấn gì.
Là người có niềm tin tôn giáo, tôi thường nhìn vào lịch sử thế giới dưới nhãn quan tôn giáo. Có một dạo tôi rất tâm đắc với câu nói được gán cho văn hào Nga Fyodor Dostoevsky (1821-1881) trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazov": "Nếu không có Thiên Chúa, mọi sự đều được phép làm". Thật ra, trong một cuộc đối thoại, một nhân vật trong quyển tiểu thuyết này đã chỉ nêu lên câu hỏi : "Nhưng điều gì sẽ xảy ra cho con người... Nếu không có Thiên Chúa và cuộc sống bất tử, thì phải chăng mọi sự đều được phép làm, con người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn ?" (5).
Chủ nghĩa cộng sản là một minh chứng hùng hồn cho câu nói này. Câu nói kinh điển của Karl Marx : "Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng" đã được Lenine, Staline và các môn đệ của họ, đặc biệt tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn... biến thành một tín điều được hung hãn tuyên xưng bằng chủ trương bách hại và sát hại các tín đồ của các tôn giáo cũng như thực hiện bất cứ hành động tội ác nào. Cuốn "Hắc thư của chủ nghĩa cộng sản" (Le livre noir du communisme) do tác giả Stephane Courtois và nhiều tác giả đồng biên soạn và được xuất bản hồi năm 1997 đã lột trần những tội ác khủng khiếp của một chủ nghĩa công khai tuyên xưng là một chủ nghĩa vô thần. Hồ Chí Minh đã công khai tuyên xưng niềm "vô thần" của ông trong di chúc của ông. Trong di chúc được công bố năm 1969, ông viết : "Tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lenin...". Chết với ông là "đi gặp" "các thánh" của chủ nghĩa cộng sản, chớ không phải đi chầu Diêm Vương hay ra trước tòa Chúa để tính sổ như dân gian vẫn tin tưởng.
Không có Thiên Chúa hay đúng hơn không tin có Thiên Chúa, nhiều người có thể tự cho phép mình làm bất cứ điều gì mình muốn. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Và đã có một thời tôi tin như thế. Nhưng ngày nay, khi nhìn lại lịch sử, nhứt là lịch sử của Kitô giáo, tôi lại cảm thấy bối rối khi nhận ra rằng "Ngay cả có Thiên Chúa, mọi sự cũng đều được phép làm". Kể từ khi Hoàng đế Constantino (306-337) biến Kitô giáo thành quốc giáo trong Đế quốc La Mã, lịch sử của tôn giáo này đã được viết bằng vô số tội ác. Không khác gì các tổ chức khủng bố Hồi giáo hiện nay, Kitô giáo cũng đã từng nhân danh Thiên Chúa để bách hại, tiêu diệt các tôn giáo khác và các nền văn hóa khác. Từ các cuộc thập tự viễn chinh đến Tòa Điều Tra, rồi các cuộc huynh đệ tương tàn giữa các giáo hội đến các cuộc chinh phục chiếm đất, sát hại người vô tội và tiêu diệt văn hóa của các dân tộc bản địa... tất cả những tội ác này đều được thực hiện "nhân danh Thiên Chúa". Có người đã nói đến cuộc song hành của Thập giá và Lưỡi gươm ! Đây là tội ác của Giáo hội mà để đánh dấu 2000 năm lịch sử, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng xin lỗi và xin tha thứ (3).
Đã có những chế độ nhân danh chủ nghĩa vô thần để phạm tội ác và cũng có những tôn giáo có tổ chức nhân danh Thiên Chúa để làm điều gian ác và phi nghĩa. Thật ra, Thiên Chúa mà con người chối bỏ hay nhân danh để làm điều ác thường chỉ là một sáng tạo của con người. Trong những trang đầu tiên, Kinh Thánh của Do Thái và Kitô giáo viết rằng : "Thiên Chúa đã tạo dựng con người", nhưng lịch sử nhân loại dường như lại viết ngược lại thành : "Và con người đã tạo dựng Thiên Chúa". Kinh Thánh cũng viết rằng : "Thiên Chúa tạo con người theo hình ảnh của Ngài" nhưng thực tế, nhân loại lại tạo Thiên Chúa theo hình ảnh của họ. Con người phát minh ra một Thiên Chúa như một hung thần hay một ảo ảnh để chối bỏ. Con người tạo Thiên Chúa theo "hình ảnh" của mình, nghĩa là phù hợp với những đam mê và ngay cả những bản năng thấp hèn của chính mình.
Có lẽ đây là cơn cám dỗ triền miên của người có niềm tin tôn giáo. Kinh Thánh thuật lại rằng khi ông Môi Sen, người đã lãnh đạo dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, đang ở trên núi để chuẩn bị ký giao ước với Thiên Chúa, thì bên dưới dân chúng đã gom góp tất cả vàng vòng lại để đúc thành một con bò và thờ lạy nó như vị thần đã giải phóng họ ra khỏi Ai Cập (Sách Xuất Hành 32,1-6). Những con bò vàng như thế rất thường xuyên xuất hiện trong các tôn giáo có tổ chức. Một tên lưu manh, dối trá không biết ngượng miệng, dửng dưng trước nỗi khổ đau của người đồng loại... lại được sùng bái như một người được Thiên Chúa "tuyển chọn" và sai đến để chấn chỉnh và sửa sai mọi sự. Nói như ký giả Ký Gà trên tờ Thời Báo cách đây không lâu, một Thiên Chúa như thế hẳn phải "xỉn" mất rồi ! Còn không thì có lẽ một Thiên Chúa như thế chỉ là một thứ bò vàng được chính còn người đúc ra mà thôi !
Chúa Giêsu đã không ngừng kêu gọi các môn đệ của Ngài "hãy tỉnh thức". Trong thế giới ngày nay, có lẽ không gì khẩn thiết hơn là "hãy tỉnh thức" trước những con bò vàng của thời đại.
Cuộc biểu tình quy mô mới đây của người dân Cuba đã được thế giới quan tâm theo dõi. Đây là lần đầu tiên từ 60 năm nay, người dân trong một chế độ cộng sản xuống đường biểu tình. Họ biểu tình vì chính sách chống đại dịch Covid 19 tồi tệ của chính quyền. Họ biểu tình vì tình trạng đói khổ triền miên trong nước. Nhưng tựu trung, tức nước vỡ bờ, họ không còn chịu đựng nổi sự dối trá của chế độ cộng sản.
Theo dõi những cuộc biểu tình của người dân Cuba, tôi không thể không nhớ lại câu nói của ông Hồ Chí Minh được cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết lập lại trong chuyến viếng thăm Cuba dạo tháng Chín năm 2009 : "Cuba thức thì Việt Nam ngủ". Cuba đã thức, không biết chừng nào người dân Việt Nam mới thức sau giấc ngủ dài trong bóng tối của dối trá mà chế độ cộng sản đã phủ trùm lên đất nước.
Dù sao, tôi vẫn có thể hiểu và thông cảm được tại sao người dân Việt Nam, vốn đang sống trong khủng bố triền miên, không dám thức dậy khỏi giấc ngủ trong dối trá. Nhưng nhìn vào một đất nước văn minh, tân tiến nhứt thế giới là Hoa Kỳ, thấy rất đông dân chúng, trong đó có vô số người Việt Nam, đang tự ru ngủ bằng những lời dối trá của một tên lưu manh bậc thầy thiên hạ, tôi mà "hiểu được chết liền" !
Chu Văn
(19/07/2020)
Chú thích :
1. Ngô Nhân Dụng, Các "thuyết âm mưu" nguy hiểm, thongluan-rdp.org, 14/07/2021
2. Yoni Appelbaum, ‘I Alone Can Fix It’, The Atlantic, 22/07/2021
3. Alessandra Stanley, "Pope asks for forgiveness for Errors of the Church over 2000 years", New York Times, 13/03/2020
4. Sam Glench, ‘Saddest thing I’ve ever seen’: What the latest tell-all book reveals about Donald Trump, News.com.au, 18/07/2021
5. Slavoj Zizek, "If there is a God, then anything is permitted", ABC Religions&Ethics, 17/04/2012
Thu Hằng, RFI, 02/03/2021
Hội nghị Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Orlando, bang Florida, Mỹ, là cơ hội để những người ủng hộ nhiệt thành được gặp lại "thần tượng" Donald Trump và là dịp để cựu tổng thống Mỹ đo lường mức độ tín nhiệm sau khi rời Nhà Trắng.
Vẫn khẳng định đã bị "cướp" chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, ông Donald Trump để ngỏ khả năng "chiến đấu với (phe Dân chủ) lần thứ ba". Nhưng liệu ông Trump còn giữ được hào quang từ giờ cho đến bốn năm tới không ?
Hiện tại, ông Donald Trump vẫn giữ được ảnh hưởng trong lòng những người hâm mộ và trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Theo một cuộc thăm dò của đại học Suffolk và báo USA Today, được trang The Guardian trích dẫn ngày 22/02, 46% cử tri của ông Donald Trump sẵn sàng theo ông nếu cựu tổng thống Mỹ lập đảng mới, còn 42% cho rằng vụ xử truất phế càng khiến họ ủng hộ ông Trump hơn.
Tuy nhiên, cựu tổng thống sẽ vẫn là "một người Cộng Hòa", là "tương lai của đảng Cộng Hòa", theo bài diễn văn ngày 28/02 của ông tại CPAC với khẳng định "phong trào yêu nước bền bỉ và tự hào của chúng ta mới chỉ bắt đầu và cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng". Ông Trump tự tin rằng "với sự hỗ trợ của các bạn, chúng ta sẽ chiếm lại Hạ Viện, rồi Thượng Viện và sau đó là một tổng thống Cộng Hòa sẽ hân hoan trở lại Nhà Trắng".
Tuy nhiên, "cần phải trụ được suốt bốn năm tới". Đây là chuyện không dễ dàng, theo nhận định của Sylvain Cypel, nhà báo Pháp chuyên về Hoa Kỳ của tạp chí Le 1, khi trả lời France Info tối 28/02.
Truyền thông là lý do thứ nhất. Theo nhà báo Cypel, ông Trump "không còn là tổng thống nữa. Khi ông không còn làm tổng thống, ông không còn được tất cả các đài báo đưa tin, ông không còn quan trọng nữa". Twitter, Facebook cũng "cấm cửa" cựu tổng thống Mỹ, trong khi Twitter được coi như cơ quan ngôn luận của ông Trump trong suốt 4 năm nhiệm kỳ.
Bài trắc nghiệm đầu tiên về mức độ ảnh hưởng đối với ông Trump là cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Thế nhưng, đảng Cộng Hòa đang bị chia rẽ vì ông Trump. Vẫn theo nhà báo Pháp, "phe Cộng Hòa bị kẹt giữa một bên là đa số ủng hộ Donald Trump và bên kia là thành phần nòng cốt của đảng" đã bỏ phiếu phế truất hoặc quay lưng lại với tổng thống thứ 45 của Mỹ. Những nhân vật này đã không được mời hoặc khước từ lời mời dự CPAC.
Việc thay thế những chính trị gia gạo cội này là nằm trong kế hoạch của nhà tỉ phú địa ốc. Ông Trump thẳng thừng chỉ đích danh những "kẻ phản bội" và khẳng định ủng hộ những ngôi sao đang lên hoặc những người trung thành mà ông vẫn tiếp đón tại dinh thự Mar-a-Lago, theo nguồn tin ẩn danh của trang thông tin Axios, được The Guardian trích dẫn.
Điều tra về thuế là một rắc rối khác mà ông Trump phải đối mặt trong thời gian tới : từ nghi án Trump Organization gian lận trong khai báo thuế, đến việc không khai báo thuế thu nhập cá nhân của ông hay các khoản "tiền mua im lặng" được trả cho một số phụ nữ. Ngoài ra, cũng cần tính đến khả năng xảy ra vụ kiện về việc tổng thống Trump yêu cầu bang Georgia tìm cho được 12.000 phiếu bầu.
Cuối cùng, kết quả trong những ngày đầu cầm quyền của tổng thống Joe Biden, vẫn bị ông Trump đặt biệt danh là "Joe ngủ gật", không "thảm hại" như người tiền nhiệm chỉ trích. Ông Trump sẽ phải tìm ra những chiêu mới để tấn công chính quyền đương nhiệm. Thái độ cứng rắn của Mỹ trong nhiều hồ sơ quan trọng như Trung Quốc, Biển Đông, thương mại, hạt nhân Iran… được chính quyền Biden duy trì. Việc phòng chống dịch Covid-19 cũng bắt đầu có dấu hiệu khả quan, đặc biệt với chiến dịch tiêm chủng được thúc đẩy và tổ chức một cách bài bản hơn.
Trong diễn văn, ông Trump miêu tả một Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đang bị chia rẽ : "An ninh của chúng ta, sự thịnh vượng của chúng ta và bản sắc của chính người dân Mỹ đang bị thách thức". Điều đáng nói là chính ông Trump cũng góp phần đào sâu thêm sự chia rẽ này trong bốn năm nhiệm kỳ. Liệu ông có đủ sức thuyết phục một đảng Cộng Hòa bị chia rẽ, thuyết phục những cử tri từ bỏ đảng sau cuộc tấn công đồi Capitol trở lại ủng hộ ông vào năm 2024, nếu ông tái tranh cử tổng thống hay không ?
Thu Hằng
*********************
Trump phát biểu tại hội nghị của phong trào bảo thủ
VOA, 01/03/2021
Chưa đầy sáu tuần sau khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Donald Trump chiều ngày 28/2 sẽ có bài phát biểu bế mạc tại hội nghị của phong trào bảo thủ ở Mỹ.
Ông Trump phát biểu tại CPAC năm 2020.
Các trợ lý cho biết ông Trump sẽ sử dụng bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) để chỉ trích người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden.
Nhân dịp này, ông Trump cũng được cho là tìm cách củng cố vị thế lãnh đạo của mình trong Đảng Cộng hòa trong tương lai, dù thất cử hồi tháng 11 năm ngoái.
"Hôm nay, tôi đứng trước quý vị để tuyên bố rằng hành trình tuyệt vời mà chúng ta đã cùng nhau bắt đầu cách đây 4 năm vẫn chưa kết thúc", ông Trump nói, theo trích đoạn bài phát biểu được công bố trước.
"Chúng ta tập hợp chiều nay để nói về tương lai - tương lai của phong trào của chúng ta, tương lai của đảng chúng ta, và tương lai của đất nước thân yêu của chúng ta".
Sự kiện diễn ra tại khách sạn Hyatt ở Orlando, Florida, được coi là nhằm tôn vinh ông Trump. Một bức tượng vàng giống ông Trump đã được dựng lên.
Các diễn giả, trong đó có nhiều ứng viên tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa vào năm 2024, phát biểu rằng đảng này phải dang rộng vòng tay đối với ông Trump cũng như các ủng hộ viên của ông, kể cả sau khi xảy ra vụ nổi dậy gây chết người tại Điện Capitol hôm 6/1.
Họ phản đối quan điểm cho rằng Đảng Cộng hòa phải có hướng đi mới, ít gây chia rẽ hơn, sau khi phe Cộng hòa không những để mất Tòa Bạch Ốc mà còn cả hai viện Quốc hội Mỹ.
Về người kế nhiệm Biden, ông Trump dự kiến sẽ chỉ trích mạnh mẽ điều ông coi là các thất bại về chính sách trong tháng nắm quyền đầu tiên của chính quyền Biden liên quan tới vấn đề di dân, chính sách đối ngoại và kinh tế.
Ông dự kiến sẽ phát biểu : "Joe Biden đã có tháng [nắm quyền] đầu tiên thảm hại nhất so với bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử hiện đại".
Về khả năng ông Trump chỉ trích chính quyền Biden, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 26/2 : "Chúng tôi sẽ chờ xem ông ấy nói gì, nhưng mối quan tâm của chúng tôi chắc chắn không phải là những gì Tổng thống Trump nói tại CPAC".
Theo AP
******************
Trump là thần tượng thống lĩnh hội nghị của những người bảo thủ
VOA, 28/02/2021
Một hội nghị chuyên bàn luận về tương lai của phong trào bảo thủ ở Mỹ trở thành một diễn đàn ca tụng Donald Trump khi các diễn giả bảy tỏ lòng trung thành của họ đối với vị cựu tổng thống và những người tham dự chụp ảnh selfie với một bức tượng vàng giống ông.
Người tham dự hội nghị chụp hình với bức tượng vàng cựu Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), ngày 27 tháng 2, 2021, Orlando, Florida, ngày 27 tháng 2, 2021.
Trong khi Đảng Cộng hòa đối mặt với những chia rẽ sâu sắc về việc họ nên dang rộng vòng tay đón nhận ông Trump tới mức nào sau khi để mất Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội, những người đến dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hàng năm ngày thứ Sáu nói rõ rằng họ chưa sẵn sàng rời bỏ vị cựu tổng thống — hoặc những cáo buộc vô căn cứ của ông rằng cuộc bầu cử tháng 11 bị gian lận khiến ông thất bại.
"Donald J. Trump sẽ không đi đâu cả", Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, một trong số những ứng cử viên tổng thống tiềm năng năm 2024, tuyên bố tại sự kiện được tổ chức năm nay ở thành phố Orlando để tránh các hạn chế tụ tập vì Covid-19.
Ông Trump vào Chủ nhật sẽ xuất hiện lần đầu tiên sau khi rời chức tổng thống tại hội nghị, và các phụ tá cho biết ông sẽ sử dụng bài diễn văn để tái khẳng định uy quyền của mình, AP đưa tin.
Chương trình hội nghị làm nổi bật sự chia rẽ gay gắt trong Đảng Cộng hòa, trong khi nhiều người thuộc giới chính thống đương quyền lập luận rằng đảng này phải rời bỏ ông Trump để giành lại những cử tri vùng ngoại thành, vốn là khối cử tri truyền thống của Đảng Cộng hòa nhưng đã từ bỏ đảng này để đưa Tổng thống Joe Biden vào Nhà Trắng. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và những người khác lo lắng ông Trump sẽ làm suy yếu tương lai chính trị của đảng nếu ông và các thuyết âm mưu của ông tiếp tục thống trị nền chính trị Đảng Cộng hòa.
Nhưng tại hội nghị, các diễn giả tiếp tục tung ra những thông tin sai lạc và thuyết âm mưu về cuộc bầu cử năm 2020, với các ban hội luận truyền bá những tuyên bố sai trái về gian lận cử tri tràn lan vốn đã bị các tòa án, quan chức bầu cử cấp bang và chính quyền Trump bác bỏ.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri, người có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2024, khơi lên tràng pháo tay lớn nhất và được khán giả đứng dậy hoan hô khi ông nói về chuyện ông thách thức chứng nhận bầu cử vào ngày 6 tháng 1 bất chấp vụ những người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol để làm gián đoạn thủ tục này.
"Tôi nghĩ đó là một lập trường quan trọng cần thể hiện", ông nói.
Những người khác cho rằng đảng sẽ thua nếu quay lưng lại với ông Trump và làm mất cảm tình của những cử tri thuộc tầng lớp lao động bị thu hút bởi thông điệp dân túy của ông.
"Chúng ta không thể — chúng ta sẽ không - quay lại cái thời của giới chính thống Cộng hòa thất bại năm xưa", Thống đốc bang Florida Ron DeSantis nói. Ông cũng vạch ra chủ trương mới của Đảng Cộng hòa tập trung vào các chính sách hạn chế nhập cư, chống đối Trung Quốc và hạn chế sự can dự quân sự.
"Chúng ta sẽ không chiến thắng trong tương lai bằng cách cố gắng quay trở lại vị thế ngày xưa của Đảng Cộng hòa", Thượng nghị sĩ Rick Scott của Florida, người lãnh đạo ủy ban gây quỹ có nhiệm vụ trợ giúp các ứng cử viên Cộng hòa đắc cử vào Thượng viện, nói. "Nếu chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ đánh mất cơ sở ủng hộ là tầng lớp lao động mà Tổng thống Trump đã thổi lửa nhiệt tình. Chúng ta sẽ thất bại trong các cuộc bầu cử trên khắp cả nước và cuối cùng chúng ta sẽ đánh mất đất nước của mình".
Trong các bài phát biểu suốt cả ngày, sự rối ren trong nội bộ Đảng Cộng hòa hiện rõ, theo APhường Con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., đả kích Dân biểu Liz Cheney từ bang Wyoming, lãnh đạo Đảng Cộng hòa cao cấp thứ ba tại Hạ viện, người đã đối mặt với phản ứng dữ dội vì bà biểu quyết luận tội ông Trump về việc kích động bạo loạn ở Điện Capitol.
Ông Trump Jr. gọi hội nghị này là "TPAC" để tôn vinh cha ông và quảng bá rầm rộ cho sự trở lại của vị cựu tổng thống và cương lĩnh "Làm Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại".
"Tôi hình dung đó sẽ không phải là thứ mà chúng ta gọi là bài diễn văn ‘ỉu xìu,’" ông nói. "Và tôi bảo đảm với quý vị rằng nó sẽ củng cố vị thế của Donald Trump và mọi tình cảm của quý vị về phong trào MAGA như là tương lai của Đảng Cộng hòa".
Hoàng Bách nói chuyện với Nguyễn Gia Kiểng và Đinh Xuân Quân
+ Theo bác sĩ Anthony Fauci, Trump lãnh đạo thiếu trách nhiệm, không có phương pháp để chống đại dịch, không khuyến khích dân chúng đeo khẩu trang, đã chính trị hóa khi chống dịch
+ Trump không tin vào chuyên gia.
Nguồn : Hoangbach Channel, 25/02/2021
Tổng thống Donald Trump đã rời Bạch Ốc, nhưng tên và ảnh hưởng của ông chưa phai mờ trong dư luận ngay, so với với các đời tổng thống trước.
Donald Trump được trắng án trong vụ đàn hặc liên quan đến vụ bạo loạn 6/1/21 tại Quốc Hội (Ảnh : Screenshot Yahoo News)
Vì Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đã bị Quốc hội đàn hặc hai lần. Lần đầu vào đầu năm 2020 với hai tội là "lạm dụng quyền lực" và "ngăn cản quốc hội" điều tra liên quan đến việc nước ngoài tạo ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Lần đàn hặc thứ hai liên quan đến vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc Hội hôm 6/1/2021 mà Trump bị cáo buộc "kích động bạo lực". Hàng trăm người ủng hộ Trump đã tràn vào bên trong quốc hội trong lúc các thượng nghị sĩ đang họp để chuẩn thuận kết quả bầu cử tổng thống 3/11 với Joe Biden được 306 phiếu cử tri đoàn, Donald Trump được 232. Một kết quả Trump cho là gian lận.
Vụ việc gây thiệt mạng cho 5 người, trong đó có một cảnh sát quốc hội. Hàng trăm người khác bị thương, hầu hết cũng là cảnh sát.
Một tuần trước khi hết nhiệm kỳ, ngày 13/1 Hạ viện đã biểu quyết tiến hành đàn hặc Tổng thống Donald Trump với tội kích động bạo lực. Tuần qua Thượng viện họp để kết tội.
Kết quả biểu quyết hôm 13/2 có 57 thượng nghị sĩ đồng ý kết tội, 43 không đồng ý. Như thế Donald Trump được trắng án, vì muốn kết tội cần ít nhất 67 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận.
Đảng Dân chủ muốn ngăn ngừa Trump trở lại chính trường, không cho ông ra tranh cử trong tương lai, nên đã tiến hành thủ tục đàn hặc như Hiến pháp cho phép, dù Trump đã rời chức và dù đảng Dân chủ biết sẽ không thể nào đạt số 67 nghị sĩ, khi thượng viện có 50 nghị sĩ dân chủ và 50 nghị sĩ cộng hòa.
Đây là một vụ án chính trị có ảnh hưởng nhiều đến đảng Cộng hòa. Với kết quả 57-43, trong đó có 7 đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu theo phe Dân chủ. Con số này cũng phản ánh những bất mãn trong nội bộ đảng Cộng hòa với Trump về sự kiện 6/1.
Cáo trạng đàn hặc Tổng thống Donald Trump (Ảnh : Screenshot Yahoo News)
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa, dù đã bỏ phiếu không kết tội, nhưng cảnh báo là Trump có thể phải đối mặt với những vụ kiện trước tòa dân sự lẫn hình sự về hậu quả của vụ bạo loạn tại Quốc hội vừa qua.
Như thế cho đến lúc này coi như Trump trắng án, được tha bổng hay vô tội thì tùy cách diễn giải ngôn ngữ luật. Thực tế là chưa có một bản án nào kết tội Trump – You are innocent until proven guilty, dù dư luận có nhiều người qui tội cho ông.
Sự kiện Trump không bị kết tội cho thấy đảng Dân chủ đã thất bại trong việc ngăn cản sự trở lại chính trường của Trump. Hai lần bị Hạ viện, với đa số Dân chủ biểu quyết đàn hặc, nhưng hai lần Trump trắng án khi lên Thượng viện vì không đủ túc số hai phần ba nghị sĩ đồng lòng kết tội.
Đảng Dân chủ giờ đây đang đưa ra ý kiến, dựa vào Tu Chính án 14, để không cho Trump nắm các chức vụ dân cử trong tương lai.
Hai lần đàn hặc, hai lần Trump thoát. Trump vẫn tin tưởng vào chủ trương "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" còn có cơ hội trong tương lai.
Donald Trump là tổng thống một nhiệm kỳ, như các Tổng thống Jimmy Carter và George H.W. Bush (cha) trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ. Nhưng không như hai vị tiền nhiệm, sau khi rời Bạch Ốc ảnh hưởng của Trump còn lan tỏa trong nội bộ đảng của mình, trong chính trường Mỹ, vì thế cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ rất lo ngại sự trở lại của Trump.
Dù thua, nhưng Donald Trump cũng đạt 74 triệu phiếu bầu, so với Tổng thống Joe Biden được 80 triệu.
Thành phần lãnh đạo đảng Cộng hòa không dám loại bỏ Trump vì ông có thể làm cho đảng này tan nát và mất cơ hội chiến thắng trong bầu cử sắp tới, vì có những dân cử trung thành với Trump như các thượng nghị sĩ Josh Hawley, Lindsey Graham, dân biểu Marjorie Taylor Greene.
Hơn một chục dân cử đã bỏ phiếu đàn hặc hay kết tội Trump đang bị nhiều áp lực từ nội bộ đảng Cộng hòa tại địa phương.
Cả hai đảng đang chuẩn bị cho tương lai hai năm, khi bầu lại Quốc hội, và bốn năm tới với bầu tổng thống.
Trong vòng 100 ngày đầu của chính quyền Biden, ưu tiên là dự luật 1 nghìn 900 tỉ đôla cứu nguy kinh tế suy trầm do dịch Covid, dự luật cho khoảng 10 triệu di dân bất hợp pháp cơ hội trở thành công dân, dự luật về kiểm soát mua súng.
Tổng thống Joe Biden đã ký 50 sắc lệnh hành pháp đảo ngược nhiều chính sách của Tổng thống Donald Trump về di dân, về biến đổi khí hậu hay liên quan đến WHO, đến phòng chống Covid-19.
Trong nội bộ đảng Dân chủ tiếng nói của phe cực tả như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez có ảnh hưởng và đang thúc đẩy tăng lương tối thiểu toàn quốc lên 15 đôla một giờ, xóa tiền vay nợ cho sinh viên, chính sách di dân mở rộng, khai thác năng lượng xanh, biến đổi khí hậu.
Bạn ủng hộ Trump hết lòng, yêu Trump nhất trên đời và hy vọng đến ngày 20/1/2025 Trump sẽ trở lại nắm quyền. Không ai có thể ngăn cản mơ ước đó của bạn và điều đó có thể xảy ra.
Chứ bạn mong chờ tháng tới Trump sẽ trở lại Bạch Ốc thì bạn không hiểu về tổ chức chính quyền và sinh hoạt chính trị Mỹ, hay bạn chẳng coi luật pháp Mỹ ra gì vì bạn đã vất vào thùng rác 60 vụ kiện từ ban vận động của Trump mà không làm thay đổi được kết quả bầu cử 3/11/2020.
Hoa Kỳ có một nền dân chủ pháp trị, tuy không lâu đời nhưng với cách vận hành của nó thì không ai có thể đứng trên hiến pháp và luật pháp.
Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức vì vụ nghe lén Watergate. Các tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha) bị điều tra liên quan đến mua bán vũ khí Iran-Contra. Tổng thống Bill Clinton đã bị đàn hặc vì bội thệ, tuy không bị kết tội trong vụ lăng nhăng ái tình với nữ tập sự viên Monica Lewinsky.
Nếu bạn còn đặt niềm tin vào tương lai chính trị của Trump và hy vọng đầu tháng 11/2024 Trump sẽ có tên trên phiếu bầu tổng thống và có thể thắng thì là điều hợp lý. Dù đến lúc đó ứng viên Donald Trump ra tranh cử dưới danh nghĩa người của đảng Cộng hòa hay một đảng nào khác, chẳng hạn như "Đảng Người Yêu nước", "Đảng Trump" thì cũng là cơ hội cho Trump trở lại làm lãnh đạo Hoa Kỳ.
Hôm nay là 16/2 tây, Mồng năm Tết Tân Sửu, theo lịch của người Việt là Tết Đống Đa ghi nhớ sự kiện lịch sử vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
Bạn còn nghĩ "30 chưa phải là Tết" thì cần bừng tỉnh dậy, lo đi cày như trâu đi. Đừng mơ Donald Trump vẫn còn đang làm tổng thống xứ Cờ Hoa nữa.
Bùi Văn Phú
© 2021 Buivanphu, 16/02/2021
Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ California.
Tôi học được nhiều bài "học làm người" từ súc vật và trẻ con.
Về súc vật thì dĩ nhiên tôi không thể không nói đến cậu chó nhà tôi. Ở trong nhà cậu hiền như Bụt. Ai đến nhà chơi, cậu cũng lân la gạ gẫm để làm quen. Với những con thú khác, ngoại trừ khi được lệnh phải săn đuổi, lúc nào cậu cũng cư xử như một con cừu non. Hai con gà ri mà tôi nuôi như thú kiểng thỉnh thoảng cũng xâm nhập vào gia cư của cậu. Cậu vẫn để yên cho chúng tự do leo lên đầu lên cổ của cậu. Ngay cả khi cậu được thưởng cho một miếng ăn ngon, hai chú gà cũng xáp tới giành giựt. Vậy mà cậu cũng chẳng buồn xua đuổi chúng. Hiền lành và "tử tế" như thế, nhưng mỗi buổi chiều khi được dắt đi làm một vòng để hòa nhập với thế giới bên ngoài thì cậu chó nhà tôi lại để lộ một bộ mặt khác hẳn. Nhỏ con, nhưng gặp bất cứ đối thủ nào, nhứt là những tay anh chị to con hơn cậu, cậu cũng đều xáp vô gây hấn và tấn công tới tấp. Nhà tôi đã vấn kiến các nhà "khuyển học" về tính khí bất thường này. Tất cả đều giải thích rằng cậu chó nhà tôi mắc phải chứng "bất an" và "lo lắng". Cậu phải đánh phủ đầu bởi vì cậu nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Cậu tỏ ra hung hãn bởi vì cậu lo sợ.
Ngay cả khi cậu được thưởng cho một miếng ăn ngon, các chú gà cũng xáp tới giành giựt. Vậy mà cậu cũng chẳng buồn xua đuổi chúng.
Thì ra thế. Suy bụng ta ra bụng người là điều có thể hiểu được. Nhưng từ cách ứng xử của thú vật mà suy diễn ra tâm lý của con người thì quả là xúc phạm. Tuy nhiên, trong sự quan sát thường ngày của tôi, tôi nhận thấy những kẻ to mồm bạo miệng có khi chỉ là những kẻ yếu nhược.
Không biết người Tây phương có ám chỉ đến những hạng người như thế không khi họ nói "chó sủa là chó không cắn" (chien qui aboie ne mord pas). Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù là tâm lý chung của những nhà độc tài và các chế độ độc tài. Sở dĩ họ có đôi mắt "có hình viên đạn" như thế là bởi họ sợ hãi. Thỉnh thoảng cậu Kim Jong-un của Bắc Hàn có la toáng lên về những âm mưu đánh phá nào đó từ các thế lực thù địch bên ngoài là bởi cậu luôn sống trong lo sợ, không biết ngai vàng cậu đang bám vào sẽ sụp đổ vào lúc nào. Tôi cũng thường có một cái nhìn như thế về cựu Tổng thống Donald Trump. Càng dao to búa lớn, càng tấn công mạt sát người khác bao nhiêu, ông càng để lộ nỗi bất an và sợ hãi bấy nhiều. Sự thất bại của ông trong kỳ bầu cử vừa qua cho thấy sức mạnh đích thực không thuộc về những kẻ hùng biện nói suông nữa.
"Giờ đây, người ta không còn khen ai biết vung tay múa cẳng. Họ cần những người biết hòa giải xung đột. Người ta không còn tung hô những ai to mồm bạo miệng. Họ tán thưởng những người biết ôn tồn dùng lý lẽ để thuyết phục. Người ta cũng không còn ngưỡng mộ những ai "mày sai và tao lúc nào cũng đúng". Họ trân trọng những người dám thừa nhận "tôi đã sai" và biết nhìn vấn đề từ góc độ khác" (1).
Dám thừa nhận "tôi đã sai", tức thừa nhận "tôi đã thua" : đây là bài "học làm người" mà tôi đã học được từ đứa cháu ngoại của bà chị tôi. Cháu vừa tròn 7 tuổi và vừa bước vào năm thứ hai của bậc tiểu học. Kể từ khi biết đi và biết nói, cháu đã trở thành người bạn chơi của tôi. Bất cứ giờ phút nào tôi được ở bên cạnh cháu cũng đều trở thành những cuộc chơi, từ đánh tù tì, cút bắt, đá banh, chơi domino và ngay cả đua nhau ăn uống...
Luật chơi mà tôi cũng như mọi người xung quanh phải triệt để tuân thủ là bằng mọi giá phải thua, bởi vì trong mớ tự vựng còn nghèo nàn của cháu chưa có từ "thua". Trong bất cứ trò chơi nào, mọi người đều phải thua. Nếu không, theo kiểu ví von của luật sư kiêm nhà báo Nguyễn Hoàng Duyên, cháu của bà chị tôi lúc nào cũng bắt chước mấy tay "kéo bài ba lá" ở Chợ Cầu Ông Lãnh để đạp bàn và quơ tiền bỏ chạy bằng cách xụ mặt xuống và nghỉ chơi. Tuy nhiên, cách đây vài tuần, sau khi cháu lên lớp hai, tôi nhận thấy có một biến chuyển tâm lý tích cực đáng kể. Trong hai lần chơi cá ngựa, tôi đã cố tình không tỏ ra là người chịu nhường nhịn (nice guy) nữa. Quả đúng như tôi dự đoán, trong cả hai lần thua, cháu của bà chị tôi không còn phụng phịu, "đạp bàn" bỏ chạy nữa. Kẻ thắng cuộc dĩ nhiên không phải là tôi mà chính là cháu, bởi vì đây là lần đầu tiên cháu biết chấp nhận "thua cuộc". Chị tôi cho biết : kể từ hôm đó, biến chuyển tâm lý nơi đứa cháu gái của chị đã diễn ra một cách tích cực : nó đã hiểu rằng "thua cuộc" là một phần trong cuộc sống, nếu không muốn nói đó là phần quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sự trưởng thành nhân cách của "người bạn chơi" của tôi sẽ gia tăng theo tỷ lệ thuận của sự lớn mạnh trong ý thức về sự "thua cuộc" trong cuộc sống. Biết chập nhận thua cuộc là một bước quan trọng trong sự trưởng thành nhân cách.
Qua ý thức về thua cuộc nơi đứa cháu của bà chị tôi, tôi học được bài học mà tôi cho là quan trọng nhứt trong cuộc sống : đó là biết thừa nhận thua cuộc ! Quan trọng nhứt bởi vì nếu không học biết thua cuộc, con người không những làm hỏng cuộc sống của mình, mà cũng có thể gây ra bao nhiêu tai hại cho người khác. Đây là điều đã xảy ra cho ông Trump và cả nước Mỹ.
4 năm tổng thống của ông Donald Trump đã được tính sổ và tính sổ dưới rất nhiều góc cạnh. Riêng tôi, vốn xem trọng chuyện học làm người và tư cách con người, tôi nhận thấy nét nổi bật nhứt trong dung mạo của ông chính là không bao giờ biết chấp nhận thua cuộc và mọi tai họa xảy ra cho nước Mỹ đều bắt nguồn từ thái độ ấy. Cho tới giờ phút này, không biết trong nội tâm sâu kín của ông, ông có biết rằng mình đã thất cử không. Nhưng qua những lời tuyên bố cũng như hành xử của ông, ông vẫn khăng khẳng quả quyết rằng ông đã đắc cử với một cuộc chiến thắng "long trời lở đất". Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến bao nhiêu thảm họa cho nước Mỹ.
Khi đại dịch xảy ra, ông đã đối phó một cách vụng về, nếu không muốn nói là chẳng làm gì để chận đứng nó. Đây là thất bại nặng nề nhứt do ông tự tạo ra, nhưng lúc nào ông cũng huênh hoang tự cho điểm mười trên mười ! Và cũng bằng giọng điệu của mấy ông bà Việt cộng, hễ "mất mùa là tại thiên tai", "được mùa là bởi thiên tài đảng ta", lúc nào ông cũng giành chiến thắng cho mình, mặc cho đại dịch có cướp đi bao nhiêu mạng sống con người và kinh tế có suy sụp đến đâu. Với ông, chính phủ do ông lãnh đạo không bao giờ thất bại. Thất bại là do đảng Dân chủ và bọn truyền thông thổ tả hay một "nhà nước ngầm" nào đó tạo ra để hạ uy tín của ông mà thôi !
Cựu tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là người không bao giờ biết chấp nhận mình thất bại hay thua cuộc. Tony Schwartz, nhà văn "ma" (ghostwriter) đã từng chấp bút cho cuốn sách nổi tiếng của ông Trump "Nghệ thuật mặc cả" (The Art of the Deal) xuất bản hổi năm 1987, cho biết từ đó cho đến nay ông đã "theo dõi" từng đường đi nước bước của ông Trump. Ông nói rằng ngoài việc ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử nồi năm 2016, chẳng có bất cứ điều gì ông cựu tổng thống này làm, khiến ông phải ngạc nhiên cả. Trong một bài đăng trên báo The Washington Post ngày 12 tháng 11 năm vừa qua, tác giả khẳng định : "Ông ta (Trump) lúc nào cũng thế và sẽ mãi mãi như thế. Ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận mình thất bại, bởi vì ông không thể" (2).
Ông Trump sẽ không bao giờ chấp nhận mình thất bại, bởi vì ông không thể
Theo tác giả Schwartz, ông Trump tự giam hãm trong một thế giới huyễn hoặc do chính ông đã tự tạo ra. Ông không thể thoát ra khỏi nhà tù ấy để nhìn nhận kết quả bầu cử bởi vì nếu ông nhìn nhận, ông bị buộc phải đối diện với sự trống rỗng mà ông đã phải suốt đời hậm hực cố gắng để lấp đầy. Trốn trong "nơi ẩn trú" của mình, ông gào thét : "Chớ có hối tiếc cho tôi. Tôi không phải là một kẻ thua cuộc".
Cũng dõi bước theo ông "trên từng cây số", bà Mary Trump, người cháu gái gọi ông bằng chú, không ngừng nói về ông chú của mình như một người không thể và không bao giờ chấp nhận mình thất bại hay thua cuộc. Là một chuyên gia tâm lý, bà Mary Trump nói rằng ông chú của bà không được phép phô bày sự yếu nhược của mình. Chính vì vậy mà ông không thể chấp nhận thất bại, cụ thể là thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Vice News dạo đầu tháng Mười Hai vừa qua, bà nói : "Ông ta là người duy nhứt có thể tự ru ngủ mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Có lẽ phần nổi bật nhứt trong tâm lý của Donald là nhu cầu phải chối bỏ bất cứ thực tế nào tô vẽ ông như một kẻ thua cuộc hay như một người yếu đuối" (3).
Suốt đời không chấp nhận thực tế, cụ thể là thực tế của sự thất bại hay thua cuộc, cho nên ông Trump cứ phải ngậm đắng nuốt cay và đổ lỗi cho người khác, tấn công người khác và nhứt là không nhìn nhận bất cứ một trách nhiệm nào về những sai trái mình đã làm hay những thiệt hại mình đã gây ra cho người khác. Dù có lui về một nơi "nghỉ mát" như Mar a Lago, tôi không tin rằng ông sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, bởi lẽ học biết thua cuộc là chìa khóa để có được an bình.
Mỗi một năm mới, dương lịch hay âm lịch, với tôi luôn là một lời mời gọi làm lại và làm lại từ những thất bại hay thua cuộc của mình. Làm lại với ý thức về giá trị và tầm quan trọng của mỗi một người xung quanh tôi. Chẳng có ai là "nhứt" trong cuộc đời này cả. Không có dân tộc nào "thượng đẳng" hơn dân tộc nào cả. Mỗi người là một nhân vị độc nhứt vô nhị cho nên bất cứ ai, dù nghèo nàn, xấu xí, bệnh tật hay đần độn đến đâu, cũng đều có một điều gì đó để trao tặng cho tôi hay dạy tôi. Ý thức về thất bại hay thua cuộc của tôi do đó cũng là một lời mời gọi tôn trọng và cảm thông đối với người khác. Có như thế thì lời cầu chúc "thân tâm an lạc" trong năm mới may ra mới trở thành hiện thực trong tôi.
Chu Văn
(14/02/2021)
Chú thích :
(1) https://www.luatkhoa.org/2021/02/tet-nam-tinh-va-dan-ong-viet-nam/
(2) https://www.washingtonpost.com/outlook/2020/11/11/trump-losing-concede-election/
Donald Trump trắng án, đảng Cộng hòa bị chia rẽ
Thu Hằng, RFI, 14/02/2021
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được trắng án trong phiên tòa xét xử truất phế ngày 13/02/2021. Đa số 2/3 cần thiết đã không hội đủ ở Thượng Viện: 57 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ và 43 phiếu chống phế truất. Tổng thống thứ 45 của Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ "uy thế của Hoa Kỳ", còn tổng thống đương nhiệm Joe Biden cho rằng "nền Dân chủ bị suy yếu" sau vụ xử trắng án người tiền nhiệm.
Donald Trump được trắng án : Thượng Viện loan báo kết quả bỏ phiếu : 57 phiếu có tội và 43 không tội. Không đủ 2/3 cần thiết để buộc tội. Ảnh ngày 13/02/2021. U.S. Senate TV via Reuters - U.S. Senate TV
Đảng Cộng hòa cũng bị chia rẽ vì phiên xử phế truất : 7 thượng nghị sĩ của đảng này đã bỏ phiếu theo phe Dân chủ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa đầy thế lực Mitch McConnell, dù bỏ phiếu chống, nhưng cho rằng tổng thống Trump "về mặt đạo đức, phải chịu trách nhiệm đã gây ra những sự kiện trong ngày 06/01/2021".
Đây cũng là ý kiến của khoảng 71% người dân Mỹ, trong đó có gần 1 nửa theo đảng Cộng hòa, trong cuộc thăm dò của Ipsos ngày 12/02 cho hãng tin Anh Reuters. 30% trong số này cho rằng ông Donald Trump "hoàn toàn" phải chịu trách nhiệm về cuộc đối đầu bạo lực giữa người ủng hộ ông và cảnh sát điện Capitol ngày 06/01.
Đối với ông Donald Trump, đây mới chỉ là khởi điểm cho một "phong trào yêu nước tuyệt vời" và ông "nóng lòng tiếp tục cuộc phiêu lưu không tưởng vì uy thế của Hoa Kỳ", theo tường thuật của thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington :
"Ông Donald Trump hoan nghênh việc cuộc "săn bắt phù thủy" đã kết thúc và ám chỉ rằng ông sẽ tiếp tục có ảnh hưởng trên chính trường. Ông tuyên bố trong bản thông cáo rằng "Phong trào tuyệt vời của chúng ta mới chỉ bắt đầu".
Được trắng án sau phiên xử chóng vánh, ông Donald Trump đã tranh thủ được trọng lượng đội cử tri của ông : 74 triệu cử tri mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã không dám thách thức cho dù hồ sơ được các công tố viên Dân chủ chuẩn bị rất tốt.
Suốt tuần qua, những vị công tố này đã tập trung vào hướng ông Donald Trump thao túng đám đông ủng hộ ông, dùng bạo lực của những kẻ cực đoan để phục vụ lợi ích của cựu chủ nhân Nhà Trắng. Họ cũng đã thuyết phục được 7 nghị sĩ của đảng Cộng hòa, một con số kỉ lục trong một phiên xử phế truất, nhưng vẫn chưa đủ để cựu tổng thống Mỹ bị kết án".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 14/02/2021
*********************
Phiên xét xử luận tội đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc sau khi Thượng viện bỏ phiếu với kết quả giúp ông vô tội.
Cựu Tổng thống Trump được trắng án sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện - Reuters
Thep AP, Thượng viện Mỹ ngày 13/2 đã bỏ phiếu với tỷ lệ 57 phiếu thuận và 43 phiếu chống tuyên bố cựu Tổng thống Trump có tội trong vụ bạo loạn tại quốc hội Mỹ ngày 6/1, trong đó 5 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, số phiếu này là chưa đủ để buộc tội cựu Tổng thống Trump vì phải cần ít nhất 67 phiếu thuận. Như vậy, ông Trump đã chính thức "trắng án" trong cuộc luận tội lần thứ 2, điều chưa từng xảy ra với các tổng thống Mỹ.
Có 7 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu thuận tuyên bố ông Trump có tội gồm: Richard Burr, Bill Cassidy, Susan Collins, Lisa Murkowski, Mitt Romney, Ben Sasse và Patrick Toomey.
Trước khi bỏ phiếu, các nghị sĩ đã tranh cãi về việc có nên cho mời nhân chứng nhưng sau cùng đi đến quyết định tiếp tục "phiên xét xử" mà không cần nhân chứng.
Sau khi được "trắng án", cựu Tổng thống Trump cảm ơn đội ngũ luật sư và lên án cuộc luận tội như là hành động săn phù thủy nhắm vào ông. Bên cạnh đó, cựu lãnh đạo còn tuyên bố với người ủng hộ rằng phong trào Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại của ông mới chỉ bắt đầu.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng ông Trump "trên thực tế và đạo đức" là người chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông McConnell nói đã bỏ phiếu chống cuộc luận tội là vi hiến và tạo tiền lệ nguy hiểm cho những màn trả thù chính trị sau này.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa "hèn nhát" khi không bỏ phiếu ủng hộ kết tội cựu Tổng thống Trump. Tuy một số nghị sĩ đang có kế hoạch kêu gọi bỏ phiếu khiển trách nhà cựu lãnh đạo nhưng bà Pelosi cho rằng hành động này không tương xứng với hậu quả của cuộc bạo loạn tại quốc hội.
Vi Trân
Nguồn : Thanh Niên Online, 14/02/2021
Cuộc luận tội nhằm phế truất cựu tổng thống Trump tại Thượng Viện Mỹ, Miến Điện sôi sục phản kháng sau cuộc đảo chính là các chủ đề thời sự hàng đầu của các báo Pháp hôm nay 09/02/2021.
Ngày 09/02/2021, Thượng Viện Hoa Kỳ mở phiên tòa "lịch sử", xét xử cựu tổng thống Donald Trump, với cáo buộc "kích động nổi dậy", liên quan đến vụ người biểu tình ủng hộ ông Trump tấn công nhà Quốc hội Mỹ hôm 06/01. Đây là lần thứ hai, ông Trump bị Quốc hội Hoa Kỳ luận tội (impeachment). Le Monde có bài nhận định : "Phế truất Donald Trump : một phiên tòa không gây nguy hiểm cho Trump".
Dự kiến sẽ có hơn 50 thượng nghị sĩ bỏ phiếu kết tội (tức quá bán), nhưng phiên tòa chắc chắn sẽ kết thúc với việc ông Trump được "trắng án". Bởi lẽ, Thượng Viện không hội đủ 67 phiếu trên 100 phiếu, cần thiết để phế truất (khi đa số thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố phản đối tính hợp hiến phiên tòa). Chỉ có 5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ phiên tòa. Hàng loạt chính trị gia Cộng hòa tố cáo phiên tòa "lãng phí thời gian", "một trò hề" hay "một nguy cơ cho đoàn kết quốc gia". Bản thân chính quyền Joe Biden cũng không muốn việc tổ chức phiên tòa này ảnh hưởng đến tiến trình lập chính phủ mới đang diễn ra.
Xã luận La Croix có bài "Ưu tiên là ở chỗ khác", nhấn mạnh đến bất lợi lớn của phiên tòa này là "hướng sự chú ý và năng lượng của nước Mỹ ra khỏi những vấn đề cấp thiết hiện tại", đặc biệt là đại dịch Covid-19, cùng "những hậu quả kinh tế, xã hội". Và "về mặt tinh thần, nước Mỹ đang trong cơn khốn khổ, cần đến sự lắng dịu và hòa giải. Ông Joe Biden đã xác định nhiệm vụ ưu tiên là khôi phục sự đoàn kết dân tộc". Nhật báo công giáo nhấn mạnh là : "một số thành công trên con đường này, cho dù giới hạn, sẽ có ích cho việc sang trang thời kỳ Trump, hơn là một phiên tòa".
Về mặt pháp lý, phiên tòa xét xử cựu tổng thống Donald Trump cũng đặt ra nhiều vấn đề, mà nhật báo Libération tìm cách tóm lược qua bài "Vụ luận tội phế truất thứ hai và nhiều câu hỏi". Một luận điểm chính mà phe phản bác nêu bật là không thể phế truất một tổng thống, sau khi đương sự đã từ nhiệm. Ngược lại, các luật gia ủng hộ khẳng định Hiến pháp Hoa Kỳ để ngỏ cho hình thức trừng phạt này, và trong lịch sử nước Mỹ, đã có một án lệ. Đó là trường hợp một cựu bộ trưởng bị "cách chức" năm 1876, vì tội tham nhũng, cho dù đã rời khỏi chức vụ. Tuy nhiên, Libération kết thúc bài viết bằng cảnh báo của giáo sư luật Đại học Harvard, bà Jeannie Suk Gersen, về một phiên tòa không những vô ích, mà có thể rất nguy hiểm, khi phán quyết trắng án cuối cùng sẽ chỉ khiến bên lên án ông Trump cảm thấy "thất vọng", và một nửa nước Mỹ còn lại "nổi giận".
Tại sao phe Dân chủ kiên quyết tổ chức việc xét xử tổng thống mãn nhiệm tại Thượng Viện, với đầy những bất lợi và nguy cơ như vậy ?
Nhà báo Gilles Biassette, chuyên về chính trị Hoa Kỳ, có bài nhận định trên La Croix "Một phiên tòa cần thiết dù không đúng lúc". La Croix nhấn mạnh quan điểm rõ ràng của đa số Dân chủ tại Hạ Viện và 10 dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội phế truất, cho dù biết rằng họ có thể không đạt được kết quả mong muốn. Bởi không khởi sự thủ tục luận tội phế truất, sau vụ bạo động tại Điện Capitol ngày 06/01/2021 đồng nghĩa với việc thừa nhận thái độ của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump là phù hợp với Hiến pháp. Phe Dân chủ nhấn mạnh là việc trừng phạt là cần thiết, để cảnh báo các tổng thống tương lai, về ý định lợi dụng giai đoạn sắp hết nhiệm kỳ để các hành động phạm tội.
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosy khẳng định, hành động này cho thấy "không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống Hoa Kỳ". Dân biểu đầy thế lực của đảng Cộng hòa, Liz Cheney, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền thông bảo thủ Fox News, hôm 07/02, nhấn mạnh : "Mọi người muốn biết tổng thống Trump đã thực sự làm gì vào ngày 06/01. Họ muốn biết liệu thông điệp Twitter của ông Trump gọi phó tổng thống Pence là kẻ hèn nhát, trong lúc cuộc tấn công (Điện Capitol) đang diễn ra, có phải là có tính toán, với mục tiêu kích động bạo lực".
Theo La Croix, một tháng sau vụ tấn công nhà Quốc hội, khiến 4 người gây bạo động và một cảnh sát thiệt mạng, FBI đã truy tố gần 180 người, trong đó có một số người bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Hiện cảnh sát còn đang truy lùng gần 300 người khác. FBI cũng tìm kiếm thủ phạm vụ đặt bom tự chế trước trụ sở hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington, ngày 05/01.
Vẫn nhà báo Gilles Biassette nhấn mạnh là, đối với phe Cộng hòa, những ngày tới sẽ không hề đơn giản. Phe Cộng hòa sẽ phải tìm cách tỏ thái độ trước những "lời lẽ dối trá" của ông Trump về cuộc bầu cử bị "đánh cắp". Không thể không lên án, nhưng lên án làm sao để không khiến cử tri ủng hộ Trump nổi giận. Nhà báo La Croix dự đoán, với nhiều bất lợi cho cả đôi bên, hai phe Dân chủ và Cộng hòa, ắt hẳn sẽ tìm cách kết thúc càng nhanh càng tốt phiên tòa lịch sử này, có thể là trong vòng hơn một tuần nữa.
Cũng La Croix dành trang nhất cho ông Donald Trump, là "bị cáo" vẫn duy trì nhiều ảnh hưởng trong xã hội Mỹ. La Croix có bài viết đáng chú ý mô tả những mâu thuẫn, giằng xé, hy vọng trong nội bộ đảng Cộng hòa Mỹ, một mặt tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng bao trùm của chính trị gia này, nhưng mặt khác lo sợ bị trả thù. Một trong những hành xử tiêu biểu là lãnh đạo thiểu số Cộng hòa tại Hạ Viện, Kevin McCarthy. Hai tuần sau khi tuyên bố tổng thống Trump phải chịu phần trách nhiệm về vụ tấn công điện Capitol, chính trị gia này đã đến thăm Donald Trump tại Mar-a-Lago, nhằm tìm kiếm sự thống nhất trong nội bộ đảng.
Cuộc đảo chính tại Miến Điện tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế hàng đầu. Le Monde dành hai bài viết cho chủ đề này. Cùng với bài về "Phong trào bất tuân dân sự mở rộng" tại Miến Điện, Le Monde có bài phân tích về "Trò chơi hai mặt của Trung Quốc". Nhật báo Trung Quốc Global Times, kênh phát ngôn của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng Anh ngữ, đã mô tả cú đảo chính chỉ như là "một thay đổi nhân sự quan trọng trong chính phủ". Chính quyền Trung Quốc chỉ coi đây là các bất đồng nội bộ, mà Miến Điện cần giải quyết để duy trì "ổn định xã hội và chính trị".
Trên thực tế, Bắc Kinh ắt hẳn hiểu rõ rằng tại Miến Điện đang diễn ra một biến động lớn, mà chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Le Monde đặt câu hỏi cú đảo chính hiện nay có lợi cho ai ? Trung Quốc có thể thu được nhiều lợi ích, nhờ sự trở lại của quân đội ? Trên thực tế, chính sách của Bắc Kinh là siết chặt quan hệ với thế lực nắm quyền chính ở Miến Điện, bất kể là ai, nhưng cùng lúc duy trì quan hệ với các thế lực khác. Có điều, một đất nước Miến Điện dân chủ hóa có thể là mối đe dọa với Trung Quốc.
Cựu giáo sư chính trị học đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), ông Ngô Cường (Wu Qiang), trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Radio Free Asia, từ Trung Quốc, nhận định : "Nếu Miến Điện tiếp tục trên con đường dân chủ hóa dưới ảnh hưởng của Aung San Suu Kyi, chính sách đối ngoại của Miến Điện sẽ đi theo hướng siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ (thúc đẩy dân chủ hóa tại Miến Điện là chính sách nước Mỹ thúc đẩy từ thời Obama). Hiện tại, Miến Điện và Trung Quốc không có xung đột nào trong lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, một đất nước Miến Điện dân chủ hơn có thể sẽ tạo một xung đột về ý thức hệ với Trung Quốc". Theo nhà chính trị học Trung Quốc, xét theo nghĩa này, cuộc đảo chính có thể có lợi cho Bắc Kinh.
Về Miến Điện, Les Echos có bài mô tả giới quân sự đối mặt với phong trào phảng kháng chưa từng có, trong lúc La Croix chú ý đến việc giới quân sự chuẩn bị đàn áp. Phong trào bất tuân sự mở rộng với kêu gọi tổng đình công hôm qua, 08/02, cũng hôm qua, giới quân sự đưa ra "cảnh cáo đầu tiên", đe dọa trừng phạt các hành động trái pháp luật. Tại thành phố Mandalay (lớn thứ hai tại Miến Điện), nhiều khu phố bị giới nghiêm. Từ Luân Đôn, một nhà hoạt động sống lưu vong từ nhiều năm nay, dự báo giới quân sự rất lo sợ một cuộc tổng bãi công khiến toàn quốc tê liệt, nhưng chắc chắn chính quyền sẽ "đàn áp đẫm máu, nếu các cuộc biểu tình đe dọa sự tồn tại của chế độ".
Cách không xa Miến Điện, nơi phản kháng chính trị đang sôi sục những ngày gần đây, La Croix cũng chú ý đến tại Ấn Độ, một "trận sóng thần" – do băng hà sụp đổ và và tan chảy – xảy ra trên vùng núi cao tại bang Uttarakhand, khiến ít nhất 18 người chết và khoảng 170 người mất tích. Về nguyên nhân cụ thể khiến phần băng hà nói trên sụp đổ ngay giữa mùa đông, hiện chưa có lời giải thích chính xác. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các chuyên gia cảnh báo về tình trạng khí hậu hâm nóng khiến băng hà tan chảy gây thảm họa. Theo chuyên gia Samrat Sengupta, phụ trách biến đổi khí hậu, Trung tâm khoa học và môi trường ở New Delhi, nền kinh tế miền bắc Ấn Độ phụ thuộc vào những con sông, có nước bắt nguồn từ các băng hà, thảm họa nói trên "mang ý nghĩa toàn cầu hơn là một sự cố đơn lẻ mang tính địa phương". Băng hà tan chảy gây lũ lụt kinh hoàng, nhưng cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước ngọt sụt giảm mạnh. Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal cũng có khoảng hơn 3.200 hồ băng trên cao, và 47 hồ băng có nguy cơ tan vỡ bất cứ lúc nào. Hồ băng tan vỡ (Glof trong tiếng Anh) cũng có thể gây tác hại tương tự với vụ một phần sông băng sụp đổ tại miền bắc Ấn Độ hôm 07/02.
Vẫn về thời sự quốc tế, chuyến công du Nga thất bại của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cũng được báo chí Pháp bình luận nhiều. Le Monde có bài xã luận "Bài học cho Châu Âu tại Moskva", ghi nhận là phản ứng của nước Nga trong chuyến công du "thất bại thê thảm" của ông Joseph Borrell cho thấy Moskva hoàn toàn không có ý định đối thoại với Liên Âu. Trong cuộc họp báo với lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov thậm chí còn lái được ông Borell sang chỉ trích các trừng phạt của Mỹ với Cuba, và đây là "một chiếc bẫy". Không những thế, kết thúc cuộc họp báo, qua mạng xã hội, ông Borelle mới biết ba nhà ngoại giao Liên Âu bị trục xuất cùng ngày. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu yêu cầu ngoại trưởng Nga xét lại quyết định nhưng bị từ chối. Một thái độ rõ ràng là không những mang tính sỉ nhục, mà còn là một thách thức, đối với lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, từ phía chính quyền Nga. Theo Le Monde, rõ ràng sau một thách thức như vậy, Liên Âu phải hành độngmột cách "đoàn kết và cương quyết". Đây chính là những nhược điểm cho đến nay của Liên Âu trong thái độ với Nga.
Vẫn về quan hệ Nga – Liên Âu, Le Figaro cho biết ba quốc gia Châu Âu có nhà ngoại giao bị trục xuất, ngay lập tức đã có hành động trả đũa tối thiểu, là trục xuất ba nhà ngoại giao Nga. Trên Le Monde, thủ tướng Slovakia khẳng định Liên Âu cần khẳng định thái độ cương quyết với Nga, bằng cách ngừng dự án ống dẫn khí đốt North Stream 2.
Hầu hết trang nhất các báo Pháp hôm nay đều có chủ đề về đại dịch Covid. Le Monde dành hồ sơ chính cho chủ đề Thế hệ trẻ mới rời trường phổ thông sống ra sao trong thời gian khủng hoảng này. Về phần mình, Le Figaro dành hồ sơ chính cho việc chỉ trích việc chính phủ Pháp thiếu chuẩn bị trong việc tăng số giường điều trị hồi sức để đối phó với đại dịch Covid. Với khủng hoảng y tế và kinh tế do đại dịch, vấn đề "thu nhập tối thiểu toàn dân" được hầu hết các đảng phái chính trị Pháp nêu lên, kể cả cánh hữu, là hồ sơ lớn của nhật báo thiên tả Libération.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành chủ đề chính cho "Công nghệ Pháp / FrenchTech, những nhà vô địch mới", nhân dịp công bố công bố danh sách Next 40 - French Tech 120, chỉ số về 33 doanh nghiệp khởi nghiệp hứa hẹn nhất của nước Pháp. Bất chấp khủng hoảng, doanh thu của nhóm này tăng 55% trong năm qua, với tổng số gần 9 tỉ đô la, cùng với 10.000 chỗ làm mới.
Trọng Nghĩa
Thùy Dương, RFI, 30/01/2021
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden nói : Hoa Kỳ phải sữa chữa nền dân chủ để chống Trung Quốc tốt hơn và bắt Trung Quốc trả giá cho các hành vi hiếu chiến. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/01/2021 phác họa chiến lược của tân chính quyền Mỹ để đối phó với đối thủ Trung Quốc.
Theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan, đã khẳng định sự cứng rắn của tân chính quyền Mỹ, thậm chí còn nhấn mạnh sẽ "tiếp nối" đường lối của chính quyền Donald Trump trên một số khía cạnh.
Trong cuộc nói chuyện với người tiền nhiệm Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Trump, do Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức, ông Jake Sullivan cho rằng "Trung Quốc đang cố gắng chứng minh rằng mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình Mỹ", dựa trên "những sự vận hành rối loạn và sự chia rẽ ở Hoa Kỳ". Do đó, cột trụ đầu tiên trong bốn cột trụ của chính sách Mỹ phải là "sửa chữa những nền tảng cơ bản của nền dân chủ" của nước Mỹ, ngay chính trong "hệ thống dân chủ", cũng như trong "những bất bình đẳng sắc tộc" và "kinh tế".
Bước thứ hai là phải nhìn nhận ra rằng sẽ hiệu quả hơn nếu hợp tác hành động với các đồng minh dân chủ của Washington. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Biden lưu ý rằng Hoa Kỳ cùng với các đồng minh ở Châu Âu và Châu Á đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế thế giới. Chính điều này mang lại cho họ sức mạnh cần thiết để đạt được các kết quả và bảo vệ một số nguyên tắc trước sự tấn công từ Trung Quốc. Điểm thứ ba là hướng đến giành chiến thắng trong cuộc chạy đua "công nghệ tương lai". Và cuối cùng là sẵn sàng bắt Trung Quốc phải gánh hậu quả từ những hành động ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan.
Về các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, hôm qua cho biết chính quyền Biden sẽ xét lại tất cả các biện pháp mà cựu tổng thống Donald Trump đã đưa ra, bao gồm cả thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết hồi tháng 01/2020. Chad Bown, một thành viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trong tháng Giêng đã đưa ra một phân tích cho thấy lượng hàng hóa Trung Quốc mua của Mỹ vào năm 2020 đã giảm 42% so với cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong thỏa thuận thương mại.
Thùy Dương
*******************
Thụy My, RFI, 29/01/2021
Hôm 28/01, ông Donald Trump đã tiếp thủ lãnh Cộng hòa ở Hạ Viện, Kevin McCarthy (California), tại khu nghỉ dưỡng sang trọng của ông ở Florida. Đây là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng rất lớn của cựu tổng thống trong đảng, dù ông bị chỉ trích gay gắt về vụ xâm nhập điện Capitol. Theo Le Monde ngày 29/01/2021, đông đảo thượng nghị sĩ Cộng hòa vẫn ủng hộ ông Trump.
Từ khi ra đi khỏi Nhà Trắng ngày 20/01, ông Donald Trump không còn thấy xuất hiện trước công chúng. Nhưng cư dân mới của Palm Beach vẫn chơi gôn, môn thể thao ưa thích của ông như lúc còn đương nhiệm. Donald Trump đã mở văn phòng cựu tổng thống từ ngày 25/01.
Trong cuộc bỏ phiếu mới đây, các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã cho thấy khả năng truất phế cựu tổng thống trong phiên luận tội bắt đầu từ ngày 09/02 là khó thể thực hiện được. Hôm thứ Ba 26/01, chỉ có năm thượng nghị sĩ Cộng hòa ngả theo phía Dân chủ. Đại đa số (45/50) phản đối tiến trình này. Thế nên khó có việc có thêm 17 lá phiếu của Cộng hòa để hội đủ 67 phiếu cần thiết, dù một tuần trước đó thủ lãnh đảng bảo thủ ở Thượng Viện, Mitch McConnell (Kentucky) lên án ông Trump về vụ bạo động.
Bị chỉ trích vì thái độ đối với ông Donald Trump nên ông McCarthy đã trở thành người khách đầu tiên đến Florida thăm cựu tổng thống. Đảng Cộng hòa như vậy vẫn mắc kẹt trong cáo buộc gian lận bầu cử mà Donald Trump luôn khẳng định.
Việc thượng nghị sĩ Cộng hòa Rob Portman (Ohio) hôm 25/01 loan báo không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022, đã xác nhận một khuynh hướng có từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Đó là sự ra đi của các nhà lập pháp ôn hòa hoặc có thể thỏa hiệp với các đối thủ Dân chủ, được thay thế bằng các nhân vật cứng rắn thân Trump.
Sáu trong số 17 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại kết quả bầu cử ở Pennsylvania được bầu lên lần đầu vào năm 2018 và 2020. Trong số những nhân vật Cộng hòa có thể kế nhiệm ông Rob Portman, ứng viên có nhiều triển vọng nhất là Jim Jordan, một trong số những người ủng hộ ông Donald Trump nhiệt thành nhất.
Cùng ngày, Sarah Sanders, cựu phát ngôn viên của ông Donald Trump ở Nhà Trắng loan báo ứng cử vào vị trí thống đốc Arkansas. Trong khi chiếc ghế này đang được hai tên tuổi Cộng hòa ở địa phương dòm ngó : Tim Griffin, cánh tay mặt của đương kim thống đốc và Leslie Rutledge, tổng chưởng lý của bang ; việc ông Trump ủng hộ bà Sanders ngay lập tức được coi là thế mạnh quan trọng của bà.
Duy trì được ảnh hưởng mạnh mẽ và dai dẳng mặc cho cú sốc ngày 06/01, cựu tổng thống cho biết ông không còn ý định lập ra "đảng Ái Quốc" - theo Wall Street Journal, để không làm Cộng hòa yếu đi trước đối thủ Dân chủ.
Thụy My
Ngày thứ Hai các dân biểu thay mặt Hạ viện đã đưa qua cho Thượng viện quyết định đàn hạch cựu Tổng thống Donald Trump, lấy cớ ông đã khích động vụ bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội ngày 6 tháng Giêng.
Ông Trump ngày rời Washington để về Florida, 20 tháng Giêng. (AP Photo/Manuel Balce Ceneta)
Ngày Thứ Ba, 100 nghị sĩ tuyên thệ để sẽ đóng vai bồi thẩm đoàn. Nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng hòa, Kentucky) ủng hộ Nghị sĩ Rand Paul cùng tiểu bang, đặt vấn đề vụ xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm có đúng với hiến pháp Mỹ hay không. Sau khi biểu quyết, có 45 nghị sĩ nói không, 55 người nói có hợp hiến, trong đó có 5 nghị sĩ Cộng hòa.
Các nghị sĩ thực ra không có thẩm quyền phán đoán điều nào trái ngược hay phù hợp với hiến pháp. Đó là trách nhiệm của ngành Tư pháp.
Hiến pháp Mỹ viết về quyền đàn hạch của quốc hội có thể được hai bên đem ra diễn giải để biện hộ ý kiến của mình.
Những người chủ trương không thể xét xử một vị tổng thống đã mãn nhiệm biện minh rằng bản hiến pháp ấn định quyền đàn hạch nhằm cho Thượng viện có thể kết tội và truất quyền một tổng thống. Khi vị tổng thống đã rời khỏi chức vụ rồi thì không còn lý do nữa. Trưa ngày Thứ Ba, trước khi Nghị sĩ Rand Paul đặt vấn đề tính hợp hiến, các nghị sĩ Cộng hòa đã mời Giáo sư Jonathan Turley, Trường Luật Khoa Đại học George Washington dự bữa ăn trưa. Ông Turley đã biện hộ bênh vực Tổng thống Trump trong phiên xử vụ đàn hạch năm ngoái. Ông giải thích rằng việc xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm là vi hiến. Ông còn nói Tổng thống Trump có quyền khẳng định ông mới là người đắc cử ngày 3 tháng 11 năm ngoái, vì đó là quyền tự do ngôn luận được hiến pháp bảo vệ. Ngoài ra còn một tiền lệ : Quốc hội Mỹ đã bãi bỏ, không đàn hạch Tổng thống Richard Nixon sau khi ông từ chức.
Ngược lại, những người nói việc xét xử là hợp hiến đã nhắc lại rằng "đàn hạch" (impeachment) là một khái niệm được các nhà lập hiến Hoa Kỳ mượn từ luật pháp Anh Quốc. Trong thế kỷ 18 chỉ có hai quan chức người Anh bị đàn hạch, cả hai đều sau khi họ đã rời bỏ chức vụ. Một người là ông Warren Hastings, cựu thống đốc Bengal, Ấn Độ.
Ở nước Mỹ, chỉ có một vụ đàn hạch, vào năm 1876, là ông William W. Belknap, cựu bộ trưởng Quốc phòng. Ông đã thú nhận nhiều hành động trái pháp luật rồi xin từ chức. Nhưng sau đó toàn thể các dân biểu Hạ viện vẫn quyết định đàn hạch ông. Thượng viện đã quyết định việc xét xử ông là hợp hiến, nhưng không đủ túc số để kết tội.
Tổng thống Trump vẫn có thể ra tòa kiện vụ xét xử sắp tới là vi hiến. Nhưng các chuyên gia luật pháp đoán rằng các thẩm phán sẽ không muốn can dự vào một cuộc tranh cãi này. Cho nên, với tỷ số 55/45, Thượng viện Mỹ sẽ đem vụ đàn hạch Tổng thống Donald Trump ra xét xử.
Đây sẽ là lần thứ tư trong lịch sử nước Mỹ có vụ xét xử một tổng thống bị đàn hạch. Nếu bị kết tội, ông Trump có thể bị cấm không được tranh cử nữa.
Phải có hai phần ba nghị sĩ bỏ phiếu thuận mới có thể coi là ông Trump đã phạm tội. Hiện mỗi đảng có 50 nghị sĩ. Ngày Thứ Ba, Phó Tổng thống Kamala Harris là chủ tịch Thượng viện không dự họp, nghị sĩ Pat Leahy, chủ tịch lâm thời (pro tempore, tiếng La Tinh nghĩa là làm tạm thời), đã ngồi ghế chủ tọa, thay cho Chánh án Tối cao pháp viện John Roberts, người chủ tọa vụ xét xử khi ông Trump bị đàn hạch lần thứ nhất, năm ngoái. (Sau khi chủ tọa cuộc bỏ phiếu, ông Leahy, 80 tuổi, mệt quá đã phải vào bệnh viện).
Với 45 nghị sĩ Cộng hòa chống việc xét xử, liệu họ có bỏ phiếu cho ông Trump trắng án hay không ? Nhật báoWall Street Journal, có khuynh hướng Cộng hòa, cho biết Nghị sĩ John Thune, South Dakota báo trước rằng những người bỏ phiếu coi vụ xét xử là vi hiến cũng không chắc họ sẽ bỏ phiếu coi ông Trump không có tội. Nghị sĩ Rob Portman, Ohio, cũng nói rằng ông sẽ chờ coi các chứng cớ kết tội ra sao mới quyết định. Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng nhóm Cộng hòa, từng nói rằng Tổng thống Trump đã khích động người biểu tình tới tấn công quốc hội và đáng bị đàn hạch. nhưng ông cũng coi việc đàn hạch không đúng hiến pháp.
Nhưng người ta không cần phải chờ sau ngày 8 tháng Hai, 2021 mới biết kết quả phiên tòa. Trên căn bản, đàn hạch một vị tổng thống là một quyết định chính trị, không phải pháp lý. Ngày Thứ Hai vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã tiên đoán ông Trump sẽ được trắng án, vì không thể nào có tới 17 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu kết tội ông.
Ông Biden không thể bảo các Nghị sĩ Chuck Schumer, trưởng khối Dân chủ, và Pat Leahy, chủ tịch lâm thời thượng viện, ngưng không đem vụ đàn hạch ra xử, vì biết trước kết quả rồi. Nhưng họ chắc không muốn bỏ qua vụ này. Họ có thể đoán trước vụ xét xử sẽ đưa tới các hậu quả chính trị nào.
Sau khi Thượng viện không đủ phiếu kết tội ông, cựu Tổng thống Trump sẽ tuyên bố "chiến thắng" một lần nữa. Ông sẽ gây tác động rất lớn, khích lệ những người trung thành tiếp tục ủng hộ ông. Ông sẽ tố cáo dảng Dân chủ, lấy bà Nancy Pelosi làm tiêu biểu, đã âm mưu phá ông trong bốn năm qua. Và họ đã ba lần thất bại lớn, trong cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bỏ phiếu năm 2016 và trong hai vụ đàn hạch ! Ông chính là anh hùng vô địch !
ÔngTrump sẽ có cơ hội "vùng lên", tiếp tục đóng vai trò quyết định trong đảng Cộng hòa trong những năm sắp tới. Ông không phải là một người khoan dung đối với những người chống lại mình. Ông sẽ huy động những người ủng hộ ông "trừng phạt" các chính khách Cộng hòa đã chống ông trong vụ đàn hạch.
Hạ viện đã biểu quyết đàn hạch ông Trump ngày 13 tháng Giêng, với tỷ số 232-197, khi ông còn tại chức. Có 10 dân biểu Cộng hòa đã bỏ phiếu đàn hạch ông. Nhưng tất cả đều "an toàn" vì không cần đến ông. Năm ngoái họ đắc cử ở những đơn vị mà ông Trump thua phiếu ông Biden. Nhưng ông Trump dọa sẽ huy động những người trung thành với mình hãy bỏ phiếu chống 10 dân biểu "phản bội" này ngay trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ chọn người ra ứng cử năm 2022. Dân biểu Liz Cheney, Wyoming, đứng hàng thứ ba trong nhóm lãnh đạo Cộng hòa ở Hạ viện, đã kết tội ông Trump trong vụ bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội. Bà đã bị nhiều bạn đồng viện Cộng hòa yêu cầu rời khỏi chức vụ lãnh đạo. Cựu tổng thống vẫn dùng món võ "bỏ phiếu sơ bộ" để dọa các nhà chính trị trong đảng. Ông đã nói sẽ ủng hộ các ứng cử viên Cộng hòa khác, chống lại các vị thống đốc Georgia và Arizona, vì họ đã xác nhận ông Biden thắng cử.
Các nghị sĩ Cộng hòa phải biết hậu quả đối với 10 dân biểu Cộng hòa đã chống cựu tổng thống. Họ không muốn bị ông "trừng phạt". Nhiều người đã bỏ phiếu coi vụ xét xử ở Thượng viện sắp tới là vi hiến cũng vì đến ngày Thượng viện xét xử họ có thể bỏ phiếu "tha bổng" mà không cần bàn về các chứng cớ buộc tội.
Sau kết quả trắng án, cựu Tổng thống Trump sẽ thừa thắng xông lên. Củng cố thêm lòng trung thành của những người ủng hộ, thế lực của ông sẽ mạnh hơn trong đảng Cộng hòa.
Nhưng đó là điều mà những người như Nghị sĩ Mitch McConnell không muốn. Ông McConnell đã thấy nếu ông Trump còn đóng vai lãnh đạo thì đảng Cộng hòa sẽ khó phục hồi lại vai trò chiếm đa số tại hai viện quốc hội, như năm 2016, khi ông Trump nhậm chức. Sau bốn năm ông Trump lãnh đạo, bây giờ cả hành pháp và hai viện lập pháp đều do đảng Dân chủ nắm hết.
Hơn nữa, năm 2024 ông Trump có thể sẽ ra ứng cử tổng thống, cho đảng Cộng hòa nếu ông đủ mạnh, hoặc nhân danh một đảng thứ ba. Đó cũng là điều đáng lo cho đảng Cộng hòa.
Nhưng đảng Dân chủ sẽ thấy đó là một viễn tượng rất tốt cho họ. Cho nên trong hai tuần nữa các ông Pat Leahy, Chuck Schumer sẽ tiến hành việc xét xử ông Trump. Họ biết trước cựu tổng thống sẽ được trắng án. Nhưng đó chính là điều họ mong muốn !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 27/01/2021