Chỉ còn một ngày nữa là tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump ra đi, nhường Nhà Trắng lại cho tổng thống tân cử Joe Biden. Sự kiện được cả thế giới theo dõi dĩ nhiên đã làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí Pháp ra ngày 19/01/2021. Nổi trội nhất là báo Le Monde, đã ra một phụ bản đặc biệt 12 trang điểm lại những nét nổi bật về 4 năm cầm quyền của ông Trump.
Mang tựa đề "Thời luận về những năm của Trump" (Chronique des années Trump), phụ trang đăc biệt của Le Monde tập hợp một số bài thời luận (chronique) hàng tuần tiêu biểu mà Gilles Paris, thông tín viên tờ báo tại Washington, đã viết suốt từ năm 2017 đến nay về một nhiệm kỳ tổng thống mà nhật báo uy tín nhất tại Pháp không ngần ngại gọi là "hỗn loạn (chaotique)".
Nhận định của Le Monde không một chút khoan nhượng : "Donald Trump đã kết thúc nhiệm kỳ của mình trong sự cuồng nộ và hủy hoại. Sự kiện những người ủng hộ ông, bị ông kích động đến cực điểm, xông vào chiếm Điện Capitol hôm 06/01/2021, sẽ được lưu lại như biểu tượng của bốn năm đã làm rung chuyển nền dân chủ Mỹ".
Giống như một quyển biên niên sử thu nhỏ, phụ trang của Le Monde bắt đầu bằng Năm I, 2017 với bài viết đầu tiên ngày 29/01/2017 mang tựa đề : "Tuần lễ đầu tiên đầy sôi động của tổng thống Trump", trong đó thông tín viên Pháp đã ghi nhận những yếu tố xuyên suốt trong toàn bộ nhiệm kỳ của vị tổng thống vừa nhậm chức : Chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng các cử tri đã bầu cho mình, chứ không phải là cho toàn dân Mỹ ; nhân lên gấp bội lượng sắc lệnh được ban hành và chỉ trích các phương tiện truyền thông chính thống thường rất phê phán đối với ông.
Phụ trang Le Monde kết thúc với bài viết ngày 10/01/2021 mang tựa đề "Tổng thống Trump, năm IV : Sự sụp đổ cuối cùng" trong đó nhà báo Pháp nhấn mạnh : "Với các sự kiện trên Đồi Capitol, Donald Trump, người từng hứa sẽ khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ, đã tự gây ra cho mình một sự ô nhục tồi tệ nhất".
Đối với Le Monde đọc lại những bài viết về 4 năm cầm quyền của ông Trump, người ta có cảm giác như đã sống qua một thời điểm chính trị dồn dập, dưới sự dẫn dắt của một tổng thống luôn trong tình trạng nóng hừng hực. Sự kiện ông Trump ca ngợi người tiền nhiệm Andrew Jackson (1829-1837), được coi là tổng thống "dân túy đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ", người "đã được một đám đông cuồng nộ đưa vào Nhà Trắng sau khi hầu như đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà", đã có âm hưởng hoàn toàn mới kể từ ngày 6 tháng 1, ngày mà người ủng hộ Trump xông vào làm loạn tại Quốc hội Mỹ.
Theo Le Monde, những bài thời luận đã phác họa ra chân dung của một tổng thống tự coi mình là một "thiên tài rất ổn định", một người "không thể lắng nghe tiếng nói của ai khác ngoài tiếng nói của chính mình hoặc của những kẻ xu nịnh nhất, và đã nhanh chóng tự nhốt mình trong sự phủ nhận thực tế, như để tự bảo vệ minh".
Tuy nhiên, đối với Le Monde, đằng sau bề ngoài đó, thực ra ông Trump có một chiến lược rõ rang : "Biến quyền hành pháp thành một quyền hạn tổng thống được tăng cường vì lợi ích duy nhất của Donald Trump và những người theo ông".
Theo tờ báo, dường như không ai có thể ngăn cản con người luôn cho mình ở bên trên luật pháp. Đảng Dân chủ đã phải khó khăn điều chỉnh hoạt động đối lập của mình dù nắm được Hạ Viện, còn đối với những người đảng Cộng hòa, nếu ban đầu họ tin rằng họ có thể khiến ông Trump ôn hòa hơn khi tiếp xúc với các định chế của Mỹ, thì họ đã nhanh chóng thi nhau tỏ thái độ phục tùng, khiếp sợ trước ý tưởng bị ông loại bỏ bằng một loạt tin nhắn Twitter. Một bài thời luận đã chạy tựa : "Sự im lặng hèn nhát".
Nhận xét chung của Le Monde rất nghiêm khắc : "Năm 2016, ông Trump đã được bầu trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, ngay cả khi đối thủ Hillary Clinton đã thắng ông về số phiếu phổ thông (ông cũng đã từng tố cáo hàng triệu phiếu gian lận...). Chiến thắng đó đã cho phép đảng Cộng hòa của ông nắm tất cả quyền lực với sự kiểm soát Thượng Viện và Hạ Viện (trong hai năm đầu) cũng như củng cố đa số bảo thủ trong Tòa Án Tối Cao. Bốn năm sau, ông đã mất tất cả, ngoại trừ Tòa Án Tối Cao. Và người tự nhận là kẻ chiến thắng ‘the winner" đã kết thúc như một kẻ thua cuộc cay cú, và cuốn theo mình hình ảnh của một nước Mỹ bị ông hy sinh".
Cũng làm tổng kết về 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump, nhật báo Pháp Le Figaro đã thử tìm hiểu về tình trạng "Bức Tường mà ông Trung hằng mơ ước và thực tế đã được xây dựng"
Năm 2016, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump bắt đầu liên tục cổ vũ cho việc xây dựng "bức tường bê tông tuyệt đẹp" để "tách biệt" một cách cụ thể - Mexico khỏi Hoa Kỳ một cách vĩnh viễn, để bảo vệ người Mỹ khỏi "bọn tội phạm bạo lực", khỏi làn sóng ma túy và sự gia tăng của các đoàn lữ hành di cư.
Ông đã đưa ra ba lời hứa: Bức tường sẽ chạy dài dọc theo suốt 3.144 km biên giới, từ Thái Bình Dương đến tận Vịnh Mexico ; chi phí xây dựng sẽ là 8 tỷ đô la (tối đa là 12 tỷ đô la) ; những người đóng thuế Mỹ sẽ không phải gánh vác vì ông nói sẽ buộc Mexico tài trợ cho việc xây dựng.
Bốn năm sau, vài hôm trước ngày Joe Biden nhậm chức bước vào Nhà Trắng, bức tường nổi tiếng có hình thù ra sao?
Trước tiên, đó không phải là tường bê tông, bức tường chủ yếu vẫn là một loại hàng rào làm bằng cột cao, hoặc tấm thép, được gia cố ở những vị trí chiến lược nhất định bằng giàn kẽm, dây thép gai, camera giám sát, thiết bị cảm biến phát hiện sự chuyển động…
Trong số 727 km hàng rào bổ sung mà ông Donald Trump nói rằng đã xây dựng xong, chỉ có 76 km hoàn toàn mới, được dựng lên ở những nơi trước đây không có hàng rào nào, và những đoạn còn lại khác đều là phần củng cố thêm các cấu trúc đã có sẵn, nhưng đã lỗi thời.
Cuối cùng, về chi phí, khoản này đã tăng lên thành 15 tỷ đô la cho đến nay. Và như mọi người chờ đợi, Mexico đã không tài trợ một xu nào.
Dù nói nhiều về nước Mỹ, nhưng các tờ báo lớn tại Pháp hôm nay lại không dành tựa chính trang nhất cho hồ sơ này, mà chủ yếu nói về nước Pháp. Le Monde chạy tựa chính trang nhất về tình hình chính trị, đề cập đến "Các xu hướng ly khai : Một dự luật gây chia rẽ".
Tờ báo ghi nhận sự kiện một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Pháp vào hôm 18/01/2021 đã bắt đầu xem xét bản dự luật về "củng cố việc tôn trọng các nguyên tắc của nền Cộng hòa", với 1.721 đề nghi sửa đổi đã được đệ trình, một con số dự báo những tranh cãi nẩy lửa.
Điều đáng chú ý, theo Le Monde, là một số dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền đã muốn đưa vào văn bản luật một số điều khoản nhằm nghiêm cấm việc trùm khăn choàng Hồi giáo tại những nơi công cộng, những ý kiến đã được cánh hữu và cực hữu ủng hộ.
Bên cạnh đó, tranh luận cũng sẽ rất gay gắt trên điều 21 của dự luật, quy định việc bắt buộc phải cho con em đến trường và hạn chế việc giáo dục tại gia, một điều khoản chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các dân biểu cánh hữu trong đảng Những Người Cộng hòa.
Một vấn đề khác sẽ gây tranh cãi : đó là các biện pháp chống truyền bá tư tưởng thù hận trên mạng, được soạn thảo sau vụ nhà giáo Samuel Paty bị một phần tử Hồi giáo cực đoan hạ sát. Các biện pháp này sẽ làm dấy lên tranh cãi về vấn đề quyền tự do ngôn luận.
Le Figaro dành tít trang nhất cho Covid-19, nhưng lưu ý đến "Nỗi chán nản của sinh viên", nêu bật tình trạng đại dịch đã buộc họ dành cả thời giờ để ngồi sau màn hình máy tính. Bị tước đoạt những gì làm nên điều hứng thú của những năm đại học, giới trẻ cảm thấy mệt mỏi.
Theo Le Figaro, trên mạng xã hội, các sinh viên tự đặt biệt danh cho mình là "những con ma". Một cô gái trẻ tâm sự trong bức thư gửi cho tổng thống Emmanuel Macron "cảm giác đã chết". Từ khi bắt đầu có đại dịch, bị buộc phải sống ẩn dật trong phỏng thuê hoặc ở nhà cha mẹ, không lớp học, không giảng đường, không thư viện, không công việc vặt, không tiệc tùng, không nếp sống văn hóa, các sinh viên không còn có thể chịu đựng sự đơn điệu này nữa.
Trong cuộc họp báo mới nhất của mình, thủ tướng dường như đã cho thấy rằng ông đã đo lường được nỗi hoang mang, thất vọng này. Trong tuần tới, sinh viên năm nhất sẽ có thể tham gia các buổi hướng dẫn, theo nhóm được chia đôi. Và trong khi họ yêu cầu trở lại điều kiện học hành bình thường, họ được hứa hẹn sẽ có thêm nhiều nhà tâm lý học đến với họ.
Riêng nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa chính trang nhất cho Trung Quốc, ghi nhận các hệ quả của sự kiện : "Khi Trung Quốc đào sâu khoảng cách".
Tờ báo Pháp ghi nhận là với 2,3% tăng trưởng trong năm 2020, Trung Quốc là nước lớn duy nhất đã tránh được suy thoái. Và các công ty ngoại quốc vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt vào quốc gia này.
Les Echos ghi nhận là thành công của công ty Mỹ Tesla tại Trung Quốc đã tạo ra phản ứng ganh tỵ của các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Sức hút kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ra sức bảo vệ Thỏa thuận về đầu tư đã ký với Bắc Kinh.
Riêng nhật báo công giáo La Croix thì dành trọn trang nhất cho "Hằng hà sa số giáo phái truyền ba phúc âm tại Pháp". Trong một hồ sơ đặc biệt, tờ báo tìm hiểu tính chất đa dạng của hệ phái Tin Lành này, không được thấy rõ lắm tại Pháp, nhưng đã phát triển đều đặn từ 3 thập niên nay.
Còn Libération thì dành hồ sơ đặc biệt để nói về Jean-Pierre Bacri, nam diễn viên Pháp nổi tiếng, kiêm biên kịch, đã qua đời ngày 18/01/2019 ở tuổi 69.
Trọng Nghĩa
Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc ra thế giới, tổng thống Mỹ Donald Trump trước nhiều khó khăn một khi mãn nhiệm, nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt ngay khi về nước, vac-xin chống Covid là những đề tài chính của các báo Pháp hôm nay 18/01/2021.
Bị Mỹ cô lập, Trung Quốc muốn ký hiệp định thương mại với nhiều nước
Le Mondetrong bài "Trung Quốc mở rộng mang lưới thương mại ở khắp thế giới" nhận định, trong lúc Washington tìm cách cô lập Bắc Kinh, Trung Quốc tìm mọi cách để ký bằng được các hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương tại Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.
Sau khi ký hiệp định RCEP với 14 nước Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11/2020, đến cuối tháng 12 Trung Quốc gút được với Liên Hiệp Châu Âu (EU) hiệp định tự do mậu dịch đã thương lượng từ 2013, đến lượt đảo Maurice ở Châu Phi. Tổng cộng đến nay Bắc Kinh có trong tay 19 hiêp định tự do mậu dịch ký với 26 quốc gia, chiếm 35% ngoại thương.
Trung Quốc tả xung hữu đột để nhân lên các đối tác trước khi chính quyền mới của Mỹ lên thay. Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc phải rời Wall Street vì bị ông Trump cho vào danh sách đen. Gần đây nhất là Xiaomi vì có liên hệ với quân đội Trung Quốc, và tập đoàn dầu khí CNOOC vì quấy nhiễu, đe dọa Việt Nam ở Biển Đông.
Châu Âu vội tin vào lời hứa của Bắc Kinh
Riêng hiệp định đầu tư ký với EU, theo Le Monde, vừa là chiến thắng về ngoại giao, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho Bắc Kinh : đang căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc rất cần thu hút công nghệ và đầu tư. Trong hậu trường, một số nước thành viên (như Hà Lan, Pháp, Ý, Áo, Hung) tỏ ra bất mãn trước sự vội vã ký kết này. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, làm thế nào một Nhà nước tập quyền lại có thể cho mở cửa các lãnh vực chiến lược cho đầu tư nước ngoài ?
Trong 20 năm qua, Trung Quốc ít khi tôn trọng các hiệp ước đã ký. Dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh vẫn trợ giá ồ ạt cho khu vực quốc doanh, vi phạm sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ. Các quy định của Trung Quốc cũng giống như những con búp bê Nga Matrioska, dẹp cái này lại mọc ra cái khác.
Chuyên gia Alicia Garcia Herrero của Natixis nhận xét : "Ngay cả nếu Bắc Kinh không còn đòi liên doanh đối với các dưỡng đường, các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn phải xin giấy phép". Tin cậy vào một chế độ độc tài, hiếu chiến là quá rủi ro, và theo chuyên gia Amrita Narlikar ở Đức, thì EU đã "đặt lợi ích lên trên các giá trị, đặt kinh tế ngắn hạn lên trên độc lập về chiến lược dài hạn".
Sau con đường tơ lụa là bức tường nợ nần
Le Mondecũng đề cập đến "Con đường tơ lụa mới : Các nước nghèo lọt vào bẫy nợ". Những món tiền lớn mà Trung Quốc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến vỡ nợ đối với một số nước.
Đại dịch từ Vũ Hán đã làm giảm hẳn khả năng trả nợ : thuế thu vào ít hơn nhưng lại phải chi ra nhiều cho y tế, xã hội, giá nguyên liệu xuất khẩu lao dốc. Tháng 12/2020, các nhà nghiên cứu trường đại học Boston khẳng định từ 2008 đến 2019, Trung Quốc đã cho vay đến 462 tỉ đô la, ngang với Ngân hàng Thế giới trong cùng thời kỳ. Chính sách này đã khựng lại vào 2016 vì rủi ro cả về tài chính lẫn chính trị.
Tại Pakistan, nơi 50 tỉ đô la đổ vào cơ sở hạ tầng, nhiều công dân Trung Quốc đã bị tấn công. Năm 2020, nhóm nổi dậy Sindhudesh Revolutionary Army tố cáo Bắc Kinh cưỡng chiếm đất, hai lần toan sát hại nhiều người Hoa, còn nhóm Baloch Liberation Army giết chết một số cảnh sát trong vụ tấn công vào thị trường chứng khoán Karachi, nơi Trung Quốc nắm giữ 40%.
Giáo sư Ni Gao của Kedge Business School ghi nhận do dịch Covid và quan hệ căng thẳng trên thế giới, đầu tư của Trung Quốc được đưa về những nước lân cận có văn hóa gần gũi hơn. Đại dịch đã làm hình thành một trật tự kinh tế thế giới mới, tạo điều kiện cho "khu vực hóa". Sau ba thập niên phát triển, mức độ lệ thuộc kỹ nghệ và bổ sung cho nhau giữa các nước Châu Á khá cao, thị trường và tầng lớp trung lưu Châu Á tăng trưởng nhanh.
Quả bom nổ chậm của Donald Trump dành cho Trung Quốc
"Trước tham vọng của Trung Quốc, có một sự đồng thuận ở Mỹ", đó là nhận định của chuyên gia Isabelle Feng ở Bruxelles. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sau thời gian dài lơi lỏng, đã thông qua một luật mà về lâu về dài sẽ loại các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán New York.
Đầu năm nay, thị trường NYSE loan báo hủy niêm yết ba tập đoàn Trung Quốc là China Telecom, China Mobile, China Unicom, theo sắc lệnh 13959 của tổng thống Donald Trump có hiệu lực từ ngày 11/01, cấm 35 công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội lên sàn. Các chỉ số Dow Jones, S&P, FTSE Russell và MCSI rút ba công ty Trung Quốc khỏi danh sách, các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley hủy 500 mã chứng khoán.
Sắc lệnh 13959 bổ sung cho luật về trách nhiệm các công ty ngoại quốc (HFCAA) được cả Thượng Viện (Cộng hòa) và Hạ Viện (Dân chủ) nhất trí thông qua. Dù tên gọi chung chung, thực ra luật này được đo ni đóng giày để chĩa mũi dùi vào Trung Quốc. Mục 2 quy định phải khai báo có phụ thuộc vào một định chế tư pháp nước ngoài hay không, còn Mục 3 buộc khai tên các nhà lãnh đạo và người điều hành là đảng viên cộng sản Trung Quốc.
Và nếu không tuân thủ các quy chế của cơ quan quản lý chứng khoán Hoa Kỳ ba năm liên tiếp và từ chối cho thanh tra, sẽ bị loại khỏi sàn. Trong khi theo báo cáo của Quốc hội Mỹ tháng 10/2020, trong số 260 công ty ngoại quốc không chấp nhận cho thanh tra, có đến 238 có trụ sở ở Hoa lục và Hồng Kông.
Khác với các sắc lệnh khác của ông Trump đánh vào WeChat, TikTok, Bắc Kinh không thể kiện tụng gì được vì Lầu Năm Góc nêu vấn đề an ninh quốc gia. Đây là quả bom nổ chậm được tổng thống Trump cài lại, và tác động đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ được nhận ra trong vòng bốn năm tới.
Khúc ca khải hoàn mong manh của Tập Cận Bình
Trên lãnh vực y tế, bài điều tra của Les Echos nhận định "Covid : Tại Trung Quốc, khúc khải hoàn mong manh của Tập Cận Bình". Một năm sau khi đại dịch khởi phát, ông Tập ca ngợi chiến thắng trước con virus và kinh tế khởi sắc trở lại. Nhưng thách thức là vô cùng lớn đối với một Trung Quốc mà hình ảnh đã sụp đổ tại phương Tây.
Bắc Kinh đàn áp các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo và các nhà báo công dân, chê bai các nước dân chủ phương Tây chống dịch không tốt. Tuy nhiên dịch corona lại bùng lên lần nữa ở Hà Bắc gần Bắc Kinh, nhắc nhở rằng con virus độc hại vẫn quanh quẩn đâu đó. Về kinh tế, ông Tập khoe rằng đã xóa đói giảm nghèo, nhưng hố sâu bất bình đẳng ngày càng rộng. Về chính trị, việc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh đến an ninh, ổn định, đã tố cáo nỗi lo sợ bị lật đổ của ông ta.
Còn về đối ngoại, lợi dụng tổng thống Donald Trump mãn nhiệm, Hoa Kỳ đang sa sút, Trung Quốc ngỡ rằng sẽ độc chiếm thiên hạ. Nhưng việc đàn áp Tân Cương, Hồng Kông, thái độ hung hăng với Đài Loan, Ấn Độ và trên Biển Đông ; tung những "chiến binh sói" ra thế giới, viết lại lịch sử Vũ Hán để trốn tránh trách nhiệm, cản trở WHO điều tra… khiến thế giới càng ác cảm với Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump đứng trước những khó khăn khi mãn nhiệm
Về tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm,Libérationchạy tựa trang nhất "Donald Trump, sau thất cử lại đến phá sản ?". Gần đến ngày rời Nhà Trắng, các khách sạn của ông vắng khách, các chủ nợ đòi tiền, còn các sân gôn thì thua lỗ.
Việc thị trưởng Dân chủ New York loan báo chấm dứt các hợp đồng thương mại với Trump Organization mang tính biểu tượng, tuy vài triệu đô la không thấm vào đâu so với gia tài của nhà tỉ phú. Không còn được quyền đặc miễn kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ vào thứ Tư tới, Donald Trump có nguy đối mặt với một số vụ kiện. Có thể kể : vụ chi 130.000 đô la cho cô đào Stormy Daniel, chưởng lý Manhattan đòi điều tra thuế, khoảng 10 cáo buộc tấn công tình dục, lại thêm cô cháu gái Mary Trump khiếu nại về thừa kế.
Deutsche Bank, đối tác trung thành từ 20 năm qua cũng chia tay với ông. Signature Bank, nơi Ivanka nằm trong hội đồng quản trị suốt hai năm, đề nghị Donald Trump từ chức chủ tịch và đóng hai tài khoản của ông. Một công ty môi giới địa ốc ngừng hợp tác. Ngay cả khi "lưu vong" dưới bầu trời xanh biếc của Palm Beach, Trump cũng không thể làm ngơ trước những đám mây xám ở New York, nơi đặt trụ sở của tổ chức do hai con trai ông điều hành từ năm 2017.
Có đến 70% tài sản của Donald Trump nằm tại đây, chủ yếu là năm cao ốc trong đó bốn ở Manhattan, nổi tiếng nhất là Trump Tower ở Đại lộ số 5. Do đại dịch và một phần do biểu tình, các căn hộ sang trọng tại đây phải bán lỗ, không ít văn phòng cho thuê phải bỏ trống, nhà hàng, quán bar trong cao ốc đóng cửa.
Thất bại về chính trị, túi tiền Trump còn có thể bị đe dọa – điều tồi tệ nhất đối với ông. Nhưng Donald Trump vẫn là tỉ phú : Bloomberg ước lượng tài sản của với khoảng 500 khách sạn, cao ốc cho thuê, văn phòng, câu lạc bộ gôn…lên đến 3,2 tỉ đô la. Hiện nay các nhà tài trợ vắng bóng, tuy nhiên bài xã luận của tờ báo cho rằng vẫn còn hy vọng vì họ biết là thương hiệu Trump có đến trên 70 triệu "khách hàng" tiềm năng.
Nga : Nhà đối lập Navalny và "cuộc hạ cánh thô bạo"
Nhìn sang nước Nga, sự kiện nhà đối lập Alexei Navalny bị đầu độc suýt chết cách đây năm tháng nay từ Đức bất chấp nguy hiểm trở về Nga và bị bắt ngay lập tức, vụ này cũng rất ly kỳ.
Le Figaro cho biết các hành khách trên chuyến bay 936 Berlin-Moskva của công ty Pobeda đã cười rộ lên khi phi công loan báo sẽ không hạ cánh xuống Vnoukovo như dự kiến, mà là Sheremetyeto, một sân bay khác ở đầu kia của thủ đô Nga. Nhưng phi công không nhầm lẫn như họ tưởng. Trên máy bay có Alexei Navalny, 44 tuổi, kẻ thù số một của điện Kremlin. Libération nói về "một sự hạ cánh thô bạo" lúc 21 giờ đêm qua : Anh thậm chí còn chưa chính thức đặt chân vào lãnh thổ Nga, vì bị bắt dẫn đi ngay khi trình passport, để lại người vợ Ioulia cùng với phát ngôn viên Kira Yarmish, bất chấp sự phản đối kịch liệt của luật sư Olga Mikhailova.
Việc chuyển hướng máy bay vào phút chót rõ ràng là để nhà đối lập không thể gặp được những người ủng hộ ra đón ở phi trường. Vnoukovo hôm Chủ nhật dày đặc các đơn vị cảnh sát chống bạo động, chỉ những ai có vé bay trong ngày mới được cho vào, báo chí bị cấm đưa tin. Nhiều phi đạo ở sân bay này bị đóng, và nhiều chuyến bay bị buộc đổi hướng. Khoảng 60 người bị bắt trong đó có em trai nhà đối lập, Oleg Navalny và luật gia Lioubov Sobol.
Thụy My
Quân đội Mỹ từ chối tổ chức Lễ từ biệt, xác định Trump bất xứng trong cương vị tổng tư lệnh
Thạch Đạt Lang, 18/01/2021
Lễ từ biệt (Farewell Ceremony) là một vinh dự đặc biệt của quân đội Mỹ khi có thay đổi cấp chỉ huy (change of command ceremony), dùng để từ biệt những quân nhân từ cấp đại đội trưởng hoặc đại úy trở lên khi hết hạn phục vụ, về hưu (change of responsibilty ceremony)... Cấp hạ sĩ quan khi thay đổi thượng sĩ nhất thường vụ của đơn vị cũng có lễ này. Lễ từ biệt được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào cấp bậc, chức vụ. Tất nhiên lễ dành cho tổng thống với tư cách tổng tư lệnh quân đội (Commander in Chief) là trọng thể nhất (1).
Bộ quốc phòng Mỹ đã chính thức từ chối yêu cầu của tổng thống Donald Trump – tổ chức Lễ từ biệt (Farewell Ceremony) with Gun Salute 21 phát đại bác cho ông vào ngày 20/01/2021.
Lễ từ biệt trước đây chỉ dành riêng cho quân nhân hiện dịch (active duty). Đến năm 1989, dưới thời tổng thống Ronald Reagan được bộ quốc phòng nâng tiêu chuẩn lên cho tổng thống hết nhiệm kỳ. Lý do tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, dù không phải là quân nhân.
Từ đó đến nay, tất cả các tổng thống Mỹ sau ông Ronald Reagan như Bill Clinton, George H. W. Bush, George Bush, Barack H. Obama đều được nhận vinh dự này. Chỉ có đến lượt Donald Trump, truyền thống này bị gián đoạn.
Việc bộ quốc phòng gián đoạn truyền thống Lễ từ biệt cho thấy ông Donald Trump hoàn toàn không xứng đáng là tổng tư lệnh quân đội. Dù bộ quốc phòng Mỹ không đưa ra lý do nhưng ai cũng hiểu rõ, tại sao?
Là người từng 5 lần trốn nhập ngũ trong chiến tranh Việt Nam với giấy chứng nhận bị bệnh gai xương (2) nhưng ông Trump luôn vơ vào những thứ mình không có.
Trump luôn thích thú cảm giác chào tay - của những quân nhân khi chào cờ, gặp gỡ, trình diện thượng cấp - như Trump đã làm với một viên tướng Bắc Hàn.
Trump hoàn toàn không hiểu biết hay có khái niệm gì về chào kính (hand salute) của quân đội. Động tác đứng nghiêm, hai chân khép lại, bàn tay phải duỗi thẳng 5 ngón, khép chặt, lòng bàn tay úp xuống đưa lên trán, ngón trỏ gần chạm mí mắt, tay trái duỗi thẳng ép vào thân người chỉ dùng cho quân nhân mặc quân phục. Người lính Mỹ sẽ nghĩ như thế nào khi nhìn tấm hình Donald Trump chào kính viên tướng Bắc Hàn và ông này chỉ đưa tay ra bắt. Họ có cảm thấy nhục nhã không (3) ?
Ngoài giờ phục vụ, không mặc quân phục, ở các nơi công cộng như trong rạp hát, trạm đổ xăng, thư viện... quân nhân không được làm động tác chào kính này. Nếu nghe tiếng kèn hay trông thấy lễ chào cờ, người quân nhân không mặc quân phục, bất kể đang làm gì cũng phải ngưng nhưng chỉ đứng nghiêm, tay phải xòe ra áp vào ngực bên trái, đứng hướng về nơi lá quốc kỳ được kéo lên cho đến khi buổi chào cờ chấm dứt. Những đứa trẻ, sinh ra, lớn lên ở Mỹ đều được giáo dục trong trường học kỹ lưỡng về những điều căn bản này.
Đó chính là lý do mà không tổng thống Mỹ nào, từ Ronald Reagan, Bill Clinton, đến George Bush, Barack Obama... có hành động chào kính bằng tay của quân đội. Họ là những người tự trọng và tôn trọng truyền thống quân đội Mỹ, Donald Trump vì dốt, không tự trọng, nhưng thích trình diễn, màu mè một cách lố bịch, nên chỉ để lộ sự hãnh tiến hời hợt, thiếu hiểu biết của mình.
Một lý do khác để bộ quốc phòng từ chối tổ chức lễ từ biệt cho ông Trump là không có tổng tư lệnh quân đội nào trên thế giới nhục mạ quân đội của đất nước mình nặng nề như Donald Trump, hồ đồ phỉ báng quân đội Mỹ khi gọi 1.800 người lính Thủy quân lục chiến Mỹ hy sinh trong thế chiến thứ nhất (1914-1918) ở mặt trận Belleau Wood cách Paris vài chục cây số là Những kẻ thua cuộc, đần độn (4).
Không có tổng tư lệnh quân đội nào trên thế giới nhục mạ quân đội của đất nước mình nặng nề như Donald Trump
Hơn thế nữa, trong cương vị tổng tư lệnh quân đội, khi biết rằng không thể dùng quân đội trong việc hủy bỏ kết quả bầu cử, ngày 06/01/2021 Donald Trump công khai kêu gọi những người ủng hộ mình biểu tình bạo động, lật ngược kết quả bầu cử, xé bỏ hiến pháp, tấn công vào nền cộng hòa của Mỹ. Trump hi vọng là lá bài tẩy cuối cùng có thể giúp ông ngồi thêm 4 năm nữa trong Tòa Bạch Ốc. Không may cho Trump, âm mưu thâm độc, gian ác này bị thất bại. Ít ngày sau, khi bị cả thế giới lên án, Trump quay sang buộc tội những kẻ gây bạo loạn, tấn công Tòa Nhà Lập Pháp là bọn xấu xa, tồi tệ, phản loạn.
Với những lý do vừa nêu trên, dù không nói ra, Bộ quốc phòng Mỹ buộc lòng phải hủy bỏ truyền thống Lễ Chia Tay dành cho tổng thống Donald Trump. Chắc chắn quân nhân Mỹ, những người có danh dự, lòng tự trọng, nhân cách, liêm sĩ sẽ không ai chấp nhận một buổi Lễ từ biệt tổ chức cho một tổng tư lệnh hèn nhát, hãnh tiến, tham quyền, cố vị... chỉ muốn dùng quân đội hậu thuẫn cho các mục tiêu chính trị của mình cũng như dung bạo loạn để tấn công, xóa bỏ Hiến pháp đã tồn tại 245 năm.
Đại tướng James Mattis nhận định thật chính xác khi cho rằng Donald Trump chỉ là tổng thống Mỹ sẽ rời khỏi Tòa Bạch Ốc như một người không có tổ quốc (5).
Thạch Đạt Lang
(18/01/2021)
(5) https://www.foxnews.com/politics/james-mattis-statement-trump-capitol-protests
*******************
Ngày thứ năm 14/01/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo là tổng thống Donald Trump sẽ rời khỏi Tòa Bạch Ốc ngày 20/01/2021 và không có buổi Lễ từ biệt (Farewell Celebration For President). Lễ từ biệt là một vinh dự truyền thống của Mỹ có từ thời ông Ronald Reagan. Lễ này do quân đội tổ chức dành cho lãnh đạo quốc gia khi mãn nhiệm kỳ hoặc từ chức...
Tổng thống Donald Trump sẽ rời khỏi Tòa Bạch Ốc ngày 20/01/2021 và không có buổi Lễ từ biệt
Trường hợp tổng thống Donald Trump ra đi không có buổi lễ này là một sự nhục nhã cho bản thân Trump nhưng không gây ngạc nhiên cho ai.
Căn cứ vào những hành động, phát ngôn của ông Trump trong 4 năm qua, từ việc chê bai cộng đồng tình báo Mỹ (1), nhục mạ quân đội, gọi những người lính Thủy quân lục chiến Mỹ gục ngã trong thế chiến thứ nhất là bọn thua trận, đần độn (2) đến việc lôi kéo quân đội vào những âm mưu chính trị bẩn thỉu trong việc chụp hình trước nhà thờ đầu tháng 06/2020 (3) và gần đây nhất là kích động bạo lực, kêu gọi lật ngược kết quả bầu cử bằng cách tấn công Điện Capitol – Tòa Nhà Lập Pháp của nước Mỹ khi quốc hội đang chứng nhận kết quả bầu cử ngày 03/11/2020, cùng với 2 lần bị luận tội, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định hủy bỏ truyền thống danh dự này đối với ông Donald Trump.
Ngày thứ tư 13/01/2021, Tòa Bạch Ốc cho biết, phó tổng thống Mike Pence sẽ gửi bảng tổng kết, nhận xét về những kết quả trong chính sách đối ngoại lịch sử của nội các ông Donald Trump đến các quân nhân hải quân tại Trạm Hàng Không Hải Quân ở Lemoore, sau đó là sư đoàn 10 ở Fort Drum, New York. Hai viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng đã xác nhận với Defense One – một tờ báo của quân đội – sẽ không có buổi lễ từ biệt vinh dự truyền thống cho vị cựu tổng tư lệnh tối cao Donald Trump.
Đó có lẽ là điều tốt đẹp nhất cho Donald Trump. Ngay từ khi nhậm chức, Trump đã có ý đồ sử dụng quân đội vào những mục đích chính trị của ông. Từ việc ký tặng những chữ MAGA cho những người lính đến những bài phát biểu mang nặng tính đảng phái ngay tại trung tâm Bộ Quốc Phòng (Pentagon). Những người lính Mỹ, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ... đã nghe nhiều đến độ chán ngấy những lời sỉ nhục quân đội Mỹ của Trump. Lần xuất hiện cuối cùng của Trump là trận đấu giao hữu tại trường đào tạo sĩ quan West Point giữa bộ binh và thủy quân lục chiến ngày 12/12/2020, trước đó Trump đã có chuyến viếng thăm ngắn ngủi tại căn cứ Fort Bragg trong chuyến đi vận động tranh cử vào tháng 10/2020.
Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội, các tổng thống tiền nhiệm của Mỹ đã hành động như thế nào cho lần xuất hiện cuối cùng của mình trước quân đội ? Lễ chia tay lần đầu tiên diễn ra năm 1989, do Bộ Quốc phòng và tham mưu trưởng liên quân tổ chức cho tổng thống Ronald Reagan. Ông Reagan đã biến buổi lễ chia tay tại Camp Springs, bang Maryland thành một lễ kỷ niệm với những quân nhân nam, nữ trẻ tuổi mà ông gặp mặt cũng như tuyên dương những thành quả mà nội các của ông đã đạt được, đặc biệt là chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô và khối Đông Âu.
Bốn năm sau đó, tổng thống George H. W. Bush (ông Bush cha) được nói lời chia tay từ biệt của mình với quân đội tại Fort Myer, nhìn ra nghĩa trang Arlinton, bang Virginia. Cùng với những người lãnh đạo cuộc chiến Iraq - tướng Colin Powell, bộ trưởng quốc phòng Dick Chenney.
Tổng thống Bill Clinton trong dịp từ biệt của mình đã nói lên những lời cám ơn quân đội trên con đường xây dựng một Âu Châu tiến gần đến hòa bình hơn bao giờ hết, trở nên dân chủ, không còn bị chia cắt Đông-Tây. Cùng với sự hiện diện của Bill Cohen, bộ trưởng quốc phòng thuộc đảng Cộng hòa, tướng Henry Shelton, ông Clinton nói : "Nhờ các bạn, với sự liên minh của các nước trong NATO, chúng ta đã chấm dứt được sự thanh trừng sắc tộc ở Nam Tư cũ. Những người phải bỏ chạy tị nạn đã quay trở về nhà, tự do đã nở hoa từ những đổ vỡ ở các quốc gia nhỏ bé".
Cựu tổng thống George W Bush (ông Bush con) cũng như Barack H. Obama cũng có những vinh dự tương tự như thế, chỉ riêng ông Donald Trump thì không.
Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã để lại cho nước Mỹ những hậu quả vô cùng tệ hại. Từ bức tường ở biên giới Mỹ-Mễ được Trump hô hào, moi móc ngân sách đầu này, đít nọ rốt cuộc chỉ là những đoạn chắp vá không mang lại tác dụng, kết quả nào, thương chiến với Trung Quốc thì ai đổ ruột, ai gẫy tay, ai năn nỉ kẻ thù ngồi vào bàn đàm phán mọi người đều thấy, đến đại dịch Sars-CoviD 2 với gần 400.000 người chết, 24 triệu người lây nhiễm... Ông Trump chỉ có thành công duy nhất là giảm thuế từ 35% xuống 21%, tiết kiệm cho doanh nghiệp 15.000 tỉ USD thuế trong 10 năm.
Tuy nhiên, hành động kêu gọi, kích động người ủng hộ gây bạo loạn với mục đích xóa bỏ kết quả bầu cử, xé nát Hiến pháp vào ngày 06/01/2021 mới là giọt nước làm tràn ly. Không còn ai muốn giao du, liên hệ gì với ông, kể cả những thành viên trong đảng Cộng hòa, trong nội các, đối tác kinh doanh… ngoại trừ một số dân biểu, nghị sĩ đảng Cộng hòa suy thoái đạo đức, cố đấm ăn xôi, sợ mất phiếu nơi số cử tri ủng hộ ông triệt để, còn bám theo ông với hi vọng giữ ghế trong kỳ bầu cử năm 2022.
Cựu đại tướng James Mattis, cựu bộ trưởng quốc phòng do ông Trump bổ nhiệm, sau 2 năm đã từ chức, có nhận xét về ông rằng : "Ông Trump sẽ rời khỏi Tòa Bạch Ốc như một người vô tổ quốc" (4). Thật đúng vậy ! Chẳng những vô tổ quốc mà cũng không vinh dự.
Tuy vậy, dù sao đi nữa ông vẫn có một điều an ủi. Nếu biết tiếng Việt, ông sẽ rất vui mừng, hãnh diện và cảm thấy ấm lòng khi biết rằng có khoảng 80% dân số ở một nước cách xa Mỹ 12.000 cây số với khoảng 95 triệu dân vẫn tiếp tục ca ngợi, quý trọng ông, nhưng bao lâu nữa thì không ai biết, bởi đây là một dân tộc ăn xổi, ở thì, rất hoang tưởng, hơn 4.000 năm vẫn không chịu lớn.
Thạch Đạt Lang
(16/01/2021)
-------------------
(3) https://www.wbur.org/onpoint/2020/06/05/protests-trump-chauvin-george-floyd-police
(4) https://www.foxnews.com/politics/james-mattis-statement-trump-capitol-protests (
Thời sự Mỹ với âm vang cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 đánh vào trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ dĩ nhiên là đề tài được các tạp chí ra vào giữa tháng Giêng này hết sức quan tâm, được ba tờ nêu bật ngay trên trang bìa. Tuần báo Anh The Economist chạy tựa : "Làm thế nào để buộc Donald Trump phải chịu trách nhiệm", trong lúc tạp chí Pháp Courrier International thì nhấn mạnh nhu cầu "Sửa chữa nước Mỹ". Riêng L’Express thì đã giải thích việc "Nền dân chủ Mỹ bị tấn công" bằng sự kiện nước Mỹ đã trở thành "Phòng thí nghiệm của các thuyết âm mưu".
Phải nói trước tiên là tuần báo Anh The Economist đã có một hồ sơ rất độc đáo về về tình hình chính trị nóng bỏng tại Mỹ, với trang bìa ấn bản phát hành tại Anh Quốc và Hoa Kỳ đăng một chân dung đen trắng bị nứt nẻ của tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng tựa lớn "Ngày trả giá – The reckoning".
Theo The Economist, sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua bản luận tội lần thứ hai ngày 13/01 nhắm vào tổng thống Donald Trump với tội danh "kích động nổi dậy", câu hỏi cần đặt ra là những bước tiếp theo sẽ ra sao ? Tuần báo Anh đã ghi nhận trách nhiêm của tổng thống Mỹ trong quá trình dẫn đến cuộc bạo loạn trên đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ.
Trước hết : "Với tư cách là tổng thống, ông đã cố gắng bám lấy quyền lực khi tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử mà rõ ràng ông đã thua. Ông đã phát tán những điều dối trá to lớn để thuyết phục các cử tri của ông rằng cuộc bầu cử của họ đã bị đánh cắp".
Sau đó : "Khi thất bại trong việc buộc các quan chức tại các bang xóa bỏ kết quả bầu phiếu (bất lợi cho ông), Donald Trump đã kích thích một đám đông đầy cuồng nộ và thúc đẩy họ đến đe dọa Quốc hội để các nghị sĩ cho ông những gì ông muốn".
Và rồi : "Khi những người ủng hộ ông hoành hành trong Điện Capitol và đe dọa treo cổ phó tổng thống của ông, ông Trump chỉ quan sát, phớt lờ những lời kêu gọi của các nhà lập pháp muốn ông ra tay giúp đỡ họ".
Đối với The Economist : "Trong một nền dân chủ, không tội nào nặng hơn thế, và không một hành vi sai trái nào mang tính chất phản quốc hơn". Do vậy, đối với tuần báo Anh, Thượng Viện Hoa Kỳ nên biến ông Trump thành "tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị kết án".
Hạ Viện đã luận tội, bước kế tiếp là gì ?
Trong bài viết mang tựa đề ngắn gọn "Chương cuối", sau khi nhắc lại rằng "Hạ Viện Mỹ đã luận tội Donald Trump vì đã kích động một đám đông tấn công Điện Capitol", The Economist đã nêu bật câu hỏi "Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?".
Đối với The Economist, trong tất cả các chuẩn mực dân chủ mà tổng thống Donald Trump đã phá vỡ trong suốt 4 năm ở Nhà Trắng, không điều gì quan trọng bằng tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác : Các bức ảnh, video và lời chứng ngày càng nhiều về vụ đánh phá tại Điện Capitol ngày 06/01 đã bao gồm cả cảnh những kẻ bạo loạn dùng cán cờ đánh một nhân viên cảnh sát và một đám đông vừa hô vang "USA", vừa liên tục đè bẹp một cảnh sát viên khác vào một cánh cửa.
Theo The Economist, bạo lực đã làm cho 5 người chết gần như là có thể tệ hại hơn nhiều nếu không có các nhân viên cảnh sát biết suy nghĩ nhanh nhẹn đánh lạc hướng đám đông tránh xa các phòng họp, để kịp thời đưa các nhà lập pháp đến nơi trú ẩn an toàn.
Một số kẻ bạo loạn, hô vang những câu như "Hãy treo cổ Mike Pence - Hang Mike Pence" và "Nancy ở đâu ? - Where’s Nancy ?", đã cho thấy rõ ràng mục tiêu có hành động bạo lực nhắm vào cả phó tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và chủ tịch Hạ Viện thuộc đảng Dân chủ, người đầu tiên và thứ hai có thẩm quyền kế nhiệm tổng thống.
Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump, Hạ Viện Mỹ trong tay đảng Dân chủ, đã nhanh chóng thông qua bản luận tội cáo buộc tổng thống "kích động nổi dậy" vào ngày 13/01, đúng một tuần lễ sau cuộc tấn công vào Điện Capitol. Một số dân biểu Cộng hòa, sau khi khuyến khích hoặc im lặng khi tổng thống Trump tấn công tiến trình dân chủ trong nhiều tháng, đã thấy lương tâm cắn rứt. Mười người trong số họ đã cùng với toàn bộ 222 dân biểu dân chủ, bỏ phiếu tán đồng bản luận tội.
Liz Cheney, nhân vật số 3 trong nhóm dân biểu Cộng hòa tại Hạ Viện, là một trong số người bỏ phiếu thuận, đã khẳng định trước rằng : "Chưa từng có một hành vi phản bội nào lớn hơn đến từ một tổng thống Mỹ đối với chức vụ và lời tuyên thệ của ông ta trước Hiến pháp".
Ngay cả ông Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ Viện, người đã phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden, kể cả sau cuộc tấn công vào Điện Capitol, cũng đã không vận động chống lại việc luận tội.
Một số dân biểu đảng Dân chủ tiết lộ rằng một số đồng nghiệp của họ thuộc đảng Cộng hòa đã thú nhận riêng rằng họ bỏ phiếu chống luận tội vì lo sợ cho tính mạng của mình.
Đối với The Economist, là người vốn đã cam kết chấm dứt "cuộc tàn sát nhắm vào nước Mỹ" khi nhậm chức, Donald Trump sẽ ra đi trong ô nhục. Ông là tổng thống duy nhất đã bị luận tội hai lần. Hình ảnh không thể xóa nhòa về chính quyền của ông sẽ là một đám đông phá hoại Quốc hội Hoa Kỳ trong nỗ lực lật ngược kết quả một cuộc bầu cử công bằng.
Cần phải buộc ông Trump chịu trách nhiệm để làm gương
Tuần báo Anh tuy nhiên đã nhận định : Hoàn toàn không thể biết một cách chắc chắn là điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới đây. Sau bước luận tội, các cáo buộc tổng thống sẽ được xét tại Thượng Viện, nơi cần có đa số 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý kết tội và cách chức.
Vấn đề là ông Trump sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/01 khi ông Biden nhậm chức, trong lúc trên nguyên tắc, Thượng Viện sẽ chỉ họp lại từ ngày 19/01. Một phiên họp trước đó có thể được triệu tập nếu được các thượng nghị sĩ nhất trí, nhưng ông Mitch McConnell, hiện vẫn còn là lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện, đã không tìm được sự nhất trí này. Và ngay cả khi Thượng Viện có thể họp lại sớm hơn, tiến trình kết thúc phiên tòa trong lúc ông Trump đương nhiệm sẽ đòi hỏi một tốc độ kỷ lục và không cho tổng thống nhiều thời gian để tự bào chữa.
Điều này đặt ra một trường hợp gai góc về mặt Hiến pháp vì chưa có tiền lệ : Liệu một tổng thống có thể bị kết án vì những tội danh không thể xử lý sau khi ông ta rời nhiệm sở ? Mặc dù luật lệ không cấm, nhưng điều này chưa hề xẩy ra. Quốc hội Hoa Kỳ đã đình chỉ cuộc điều tra luận tội tổng thống Richard Nixon trong vụ Watergate ngay sau khi ông từ chức vào năm 1974, vì cảm thấy mục tiêu đã trở đầy tranh cãi. Một số luật sư cho rằng việc tiếp tục phiên tòa sau khi ông Trump rời nhiệm sở có thể là một hành động vi hiến.
Tuy vậy, đối với The Economist, có nhiều lý do đầy sức thuyết phục để tiếp tục tiến trình luận tội và để cho Tòa Án Tối Cao giải quyết.
Trước hết phiên tòa sẽ cho phép xác định rằng các tổng thống không thể phạm những tội đáng truất phế mà không bị hề hấn gì trong suốt thời kỳ chuyển giao quyền hành.
Điều thứ hai là sẽ cấm ông Trump nắm giữ các chức vụ liên bang một lần nữa, ngăn chặn khả năng ông tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Điều này sẽ cho đảng Cộng hòa cơ hội loại bỏ đảng "theo chủ nghĩa Trump", với hy vọng ngăn chặn chiều hướng độc tài chủ nghĩa và không cho đảng này trở thành một đảng đối lập bảo thủ hợp hiến.
Chris Coons, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ ở bang Delaware đã cho rằng : "Đối với các đồng nghiệp của tôi thuộc đảng Cộng hòa vốn từng nói rằng chúng ta cần đến với nhau, chúng ta cần hàn gắn, chúng ta cần hòa giải sau ngày thứ Tư tuần trước (06/01), tôi nhắc nhở họ điều này : Có một lời dạy thiêng liêng rằng không thể có hòa giải nếu không có sự ăn năn".
Chủ đề nổi bật trên trang bìa tạp chí Courrier International tuần này cũng liên quan đến Hoa Kỳ với hàng tựa ngắn : "Sửa chữa nước Mỹ" bên cạnh hình vẽ tòa nhà Quốc hội, các cơ sở liên bang nứt nẻ, tượng Nữ Thần Tự Do ngả nghiêng dưới đất. Trong dòng ghi chú bên dưới hàng tựa, tạp chí nhận định là "Joe Biden phải hòa giải một đất nước chia rẽ hơn bao giờ hết".
Courrier International trước hết đã nêu bật phản ứng đầy phẫn nộ của công luận Mỹ và quốc tế trước sự kiện các thành phần ủng hộ tổng thống Trump xông vào Điện Capitole, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 06/01.
Tại Mỹ, tuần báo Time đã nói đến sự kiện "Nền dân chủ bị tấn công", nhật báo The New York Times nêu bật "Trump kích động đám đông, trong lúc tờ Washington Examiner lại thấy đó là dấu hiệu về "Ngày tàn của Trump", còn tuần san Bloomberg Businessweek thì đánh giá là "Lại còn tồi tệ hơn nữa". Nhìn từ Anh Quốc, tuần báo The Economist nhận định "Di sản của Trump: Một sự thất sủng và một cơ hội cần tranh thủ", trong lúc tờ The Independent ghi nhận một "Tình trạng vô chính phủ ở Hoa Kỳ".
Theo Courrier International, báo chí Mỹ và quốc tế nhìn chung đều phản ứng mạnh mẽ trước vụ người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm tràn vào Điện Capitol, với những từ ngữ như "nổi dậy", "đảo chính", "hỗn loạn"… Thái độ sửng sốt ban đầu trước các sự kiện ở Washington đã dần dần nhường chỗ cho các nhận định dứt khoát: cuộc nổi loạn mang "chữ ký" của Donald Trump và có thể dự đoán được.
Đối với tờ New York Times, huyền thoại về sự ngây thơ của người Mỹ đã qua rồi và "cơn bão ở Điện Capitol là hậu quả của những gì xảy ra trước đó". Theo tờ báo Mỹ : "Sự cố đã nổ ra sau một chiến dịch cực kỳ phân biệt chủng tộc do một tổng thống dẫn đầu, người đã mô tả một cách sai lạc rằng các thành phố của người Mỹ gốc Châu Phi là những ổ gian lận bầu cử, qua đó tỏ sự đồng tình với những người theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng".
Nhật báo Anh The Guardian cho biết thêm là từ nhiều tháng qua, "kịch bản về cuộc tấn công tràn ngập Điện Capitol của những người muốn 'làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' đã được triển khai trước mắt mọi người, trong các cuộc biểu tình của cánh cực hữu ở Charlottesville, Berkeley, Portland, sau đó, vào năm ngoái, trước trụ sở Nghị Viện một số tiểu bang, khi những người biểu tình da trắng vũ trang đầy đủ xông vào buộc tội các chính khách là chuyên chế và phản quốc".
L’Express cũng trở lại các sự kiện thứ Tư 06/01 vừa qua tại Washington, nhưng tìm hiểu về các thuyết âm mưu đang nở rộ ở Mỹ, với ảnh chụp "người đội mũ sừng" người được mệnh danh là "Pháp sư phong trào QAnon" trên trang bìa, bên trên ảnh một người vác trên vai lá cờ của Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ được thấy khi các phần tử ủng hộ tổng thống Trump xông vào Quốc hội Mỹ. Tạp chí đặc biệt dành 6 trang điểm qua những mối hiểm nguy đang rình rập tổng thống tương lai Joe Biden.
Trích lời nhà chính trị học Larry Sabato, giám đốc Trung Tâm Chính Trị tại Đại Học Virginia, L’Express tỏ ra không mấy lạc quan : "Mối lo ngại rất lớn. Không ai biết mang lại câu trả lời thế nào, nhưng ý muốn nổi dậy đã bám sâu trong các khu vực trung thành nhất với đảng Cộng hòa trên đất nước".
Nhà sử học Françoise Coste, giáo sư tại Đại học Toulouse II-Jean-Jaurès, cho biết thêm "Joe Biden sẽ phải đối mặt với một sự nổi dậy liên tục, ở Washington hay ở các tiểu bang".
Đối với chuyên gia Pháp, mong muốn thống nhất đất nước của ông Biden "dường như không thể thực hiện được, nhất là khi lãnh đạo thuộc đảng Dân chủ, với đa số mong manh trong Quốc hội, sẽ phải đối mặt với một đảng Cộng hòa có một phần đông nghị sĩ có vẻ nghe theo các thuyết âm mưu: Hơn một trăm người trong số họ đã bỏ phiếu chống lại việc xác nhận kết quả bầu cử tổng thống".
Le Point ngược lại với các đồng nghiệp không dành tít trang bìa cho nước Mỹ, mà nêu bật tình hình nước Pháp, với vẻ "trông người lại nghĩ đến ta" khi chạy tựa lớn trên trang bìa : "Những kẻ cuồng tín mới".
Trong một hồ sơ 12 trang, Le Point liệt kê : Những người theo chủ nghĩa bản địa, những người phá hoại tượng đài, những người theo chủ nghĩa tách biệt chủng tộc, những người chủ trương cách viết gộp… Tạp chí Pháp đã điều tra cơn sốt "trở về bản sắc" đang bao trùm nước Pháp và đăng bản tuyên ngôn của 76 học giả kêu gọi kháng cự lại điều được gọi là chủ nghĩa phi thuộc địa ("décolonialisme").
Theo Le Point, ở một số trường đại học, lập luận mang tính đấu tranh chính trị rõ ràng chiếm ưu thế trên kiến thức hàn lâm. Vào năm 2019, sinh viên cử nhân ngành khoa học chính trị tại Đại học Lumière-Lyon-2 chẳng hạn, đã có thể theo dõi cả một buổi học về "chủ nghĩa nữ quyền Hồi giáo".
Bernard Rougier, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Phương Đông của Đại học Paris-3 và là tác giả tập biên khảo "Những vùng lãnh thổ đã bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chinh phục" tiết lộ : "Từ đầu những năm 2000, đã có đến 1.100 luận án tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu hậu thuộc địa hoặc phi thuộc địa, đã được bảo vệ hoặc đang chuẩn bị".
L’Obs cũng dành trang bìa cho nước Pháp, đúng hơn cho một học giả, Bruno Latour, mà theo tờ báo, đã "gợi cảm hứng cho cả hành tinh".
Tạp chí Pháp ghi nhận : "Dù không được giới truyền thông hay chính trị chú ý, Bruno Latour vẫn là nhà triết học Pháp nổi tiếng nhất trên thế giới. Ở đất nước chúng ta, đầu óc tò mò về mọi thứ cuối cùng đã được lắng nghe nhờ những phân tích của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu." L'Obs đã dành một hồ sơ 12 trang cho nhà tư tưởng công giáo này nhân dịp ông cho ra mắt quyển sách "Tôi đang ở đâu ?".
Trọng Nghĩa
Giáo sư Dominique Boulier nhận định việc tất cả các tài khoản mạng xã hội của tổng thống Mỹ đều bị khóa, đã làm dấy lên trở lại những tranh cãi về trách nhiệm của các nền tảng kỹ thuật số liên quan đến nội dung. Việc đóng tài khoản tổng thống Mỹ có thể coi là án lệ, vì đã bước vào lãnh vực pháp lý.
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook, Twitter… khóa tài khoản được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay. Le Mondecho rằng "Trump, tổng thống bị xa lánh", Les Echosnhận định "Còn 10 ngày nữa Joe Biden nhậm chức, Donald Trump vẫn luôn là trung tâm chú ý". Trang bìa Libération đăng ảnh tổng thống Trump màu đỏ trên nền đen, miệng bị khóa, chơi chữ "Trump, im lặng trên mạng". Chỉ còn không mấy ngày nữa là chấm dứt nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ bị bỏ rơi.
Ông Trump còn có thể làm gì khác ? Từ sau vụ người ủng hộ tràn vào tòa nhà Quốc hội thứ Tư tuần trước, hậu quả là 5 người chết và khoảng 15 người bị bắt, phe Dân chủ muốn vô hiệu hóa tổng thống để ông Biden nhậm chức êm thấm ngày 20/01. Không chỉ thảo luận về tiến trình truất phế, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi còn đòi tổng thống Donald Trump từ chức ngay lập tức, và yêu cầu phó tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án 25 để thay thế một tổng thống "không có năng lực".
Vài thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ phía Dân chủ, nhưng thứ Sáu rồi bà Ronna McDaniel, một người thân cận với ông Trump đã tái đắc cử chủ tịch đảng với nhiệm kỳ hai năm. Việc truất phế khó thể được Thượng Viện thông qua vì cần đến 2/3 số phiếu và không thể diễn ra trước ngày 09/01 – như người đứng đầu phe đa số Mitch McConnell cho biết. Còn thủ lãnh phe thiểu số Cộng hòa ở Hạ Viện Kevin McCathy cảnh báo, tung ra một tiến trình như vậy vào lúc chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ, có nguy cơ chia rẽ trầm trọng đất nước.
Theo Les Echos, chủ yếu là để ông Donald Trump không thể tái tranh cử năm 2024, vì nếu bị truất phế ông sẽ không thể ứng cử ở cấp liên bang.
Nhưng cú đòn nặng nề nhất đến từ thung lũng Silicon. Cuối tuần vừa qua, các tài khoản Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và Twitch của ông đều bị đóng. Kết quả là mạng Parler được những người ủng hộ ông Trump ưa thích, hôm thứ Bảy 09/01 đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple Store, còn Gap cũng có thêm nhiều người sử dụng mới.
Mạng Parler sau đó bị Amazon loại và bị Apple, Google xóa khỏi kho ứng dụng. Các tỉ phú Zuckerberg, Bezos, Dorsey… đã thực sự phế truất tổng thống Mỹ trên mạng.
Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả Libération cho rằng việc cấm đoán này là quá trễ, tuy nhiên cần có một cái khung luật lệ xuyên quốc gia để tránh những con quái vật kỹ thuật số trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn của Libération, giáo sư xã hội học và chuyên gia về kỹ thuật số Dominique Boulier nhận định việc tất cả các tài khoản mạng xã hội của tổng thống Mỹ đều bị khóa đã làm dấy lên trở lại những tranh cãi về trách nhiệm của các nền tảng.
Donald Trump không còn được dùng Twitter với 88 triệu người theo dõi, cũng giống như một thế giới bị sụp đổ, Facebook cũng cản trở ông trao đổi với 35 triệu người "follow". Vấn đề đặt ra là từ khi nào các nền tảng này được coi như phương tiện truyền thông, và như vậy phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà họ phổ biến ? Trong suốt một thời gian dài, Facebook, Twitter, YouTube… nhấn mạnh họ chỉ là sân chơi, như vậy không có trách nhiệm gì về nội dung mà người sử dụng đăng lên.
Twitter đã từng khóa hàng ngàn tài khoản vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chỉ do vi phạm điều lệ sử dụng. Việc đóng tài khoản tổng thống Mỹ có thể coi là án lệ, vì không phải vấn đề là nội dung, mà là người viết tweet. Như vậy theo giáo sư Boulier, chúng ta đã bước vào lãnh vực pháp lý, cần phải có sự tham gia của thẩm phán hoặc trách nhiệm biên tập nghiêm túc. Nay Twitter đã vượt qua ngưỡng với một nhân vật nổi tiếng như vậy, thì đương nhiên phải chịu chỉ trích là thiên lệch của những người ủng hộ ông Trump.
Vị giáo sư trường Science-Po Paris nhấn mạnh, các tập đoàn kỹ thuật số phải ra khỏi "Điều 230" đã giúp họ tránh được trách nhiệm về nội dung. Ông hy vọng vụ này sẽ khiến các chính khách rời Twitter.
Cũng giống như với truyền thông : nếu không thích quan điểm của một tờ báo thì ta có thể đọc tờ khác, vì điều quan trọng là sự đa dạng. Các fan của ông Trump vẫn có thể thảo luận với nhau, nhưng đừng làm rối loạn các tranh luận chung. Nếu họ muốn hoạt động tại các không gian khác, phải tuân thủ các quy định về tranh luận như mọi người, và như vậy tự do ngôn luận không bị đe dọa.
Trên cùng một mạng như Facebook, có thể có nhiều nhóm quan điểm khác biệt và mỗi nhóm phải chịu trách nhiệm về nội dung. Hơn nữa thuật toán của Facebook đã được chỉnh sửa cách đây hai năm để các nhóm xuất hiện nhiều hơn trên dòng thời gian của các thành viên.
Các mạng xã hội giúp phổ biến rộng rãi thông tin vì có nhiều tỉ người kết nối. Cũng vì vậy mà Donald Trump sử dụng Twitter, đã được lập trình để mỗi khi một người như ông đăng một tweet, sẽ được chia sẻ lại hàng trăm ngàn lần.
Mạng xã hội nói rằng đó không phải trách nhiệm của họ, nhưng không đúng : họ đã cố ý đưa vào những chức năng khuyến khích chia sẻ thông tin, từ nút retweet, các hashtag hay "xu hướng" để những nội dung đang được chú ý đập vào mắt chúng ta. Họ có lợi khi bán cho người quảng cáo một công chúng năng động hơn là thụ động, và những sự kiện như chiếm điện Capitol khiến người sử dụng chủ động tìm kiếm những nội dung liên quan. Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thống lại có khuynh hướng đổ dầu vào lửa, lan truyền và hợp pháp hóa các thông tin từ mạng xã hội.
Tại Pháp, nơi chính giới không hề dễ dãi với các nền tảng kỹ thuật số, việc ông Donald Trump bị cấm đoán khiến rất nhiều người cho rằng các đại gia internet đã lạm dụng quyền lực.
Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) nhận định : "Thái độ của ông Trump không thể là cái cớ để GAFA tự cho mình quyền kiểm soát việc tranh luận của công chúng". Dân biểu François Ruffin đặt vấn đề "Có nên giao phó tự do ngôn luận của chúng ta cho các tập đoàn ở thung lũng Silicon ? Mai đây việc tư nhân kiểm duyệt internet sẽ liên quan đến tất cả mọi người".
Phe cực hữu Pháp cũng nói đến bóng ma kiểm duyệt. Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) chất vấn : "Việc kiểm soát tất cả các quan điểm trái chiều sẽ còn đi đến đâu nữa ? Ai ngày mai sẽ bị xóa sổ trên mạng mà không thể tự biện hộ ?". Florian Philippot cũng thuộc đảng RN cảnh báo "Chúng ta đang ngả sang một thế giới u ám của kiểm duyệt, giám sát, thù hận - kẻ thù của tự do và nhân loại".
Về phía chính phủ và đảng cầm quyền phản ứng ít dữ dội hơn nhưng không kém phần quan ngại. Ông Cédric O, quốc vụ khanh phụ trách kỹ thuật số cho rằng câu hỏi đặt ra trong vụ xóa tài khoản của Donald Trump : đây "không phải là trường hợp cá biệt mà Twitter ra tay không có sự giám sát dân chủ". Le Figarotrích dẫn câu nói của ông Cédric O, nhấn mạnh "các mạng xã hội lớn kiểm duyệt chỉ dựa trên điều lệ sử dụng, trong khi đã trở thành không gian công cộng thực sự, tập hợp nhiều tỉ công dân", và như vậy quá giản đơn về mặt dân chủ.
Libération nhắc nhở rằng tại Pháp đã có luật Avia buộc các mạng xã hội rút các nội dung "bất hợp pháp" trong vòng 24 giờ sau khi được báo cáo, nếu không sẽ bị trừng phạt. Luật này bị chỉ trích vì nguy cơ kiểm duyệt quá đáng trên mạng, và Tòa Bảo hiến buộc bỏ đi những điều khoản có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận. Le Figaro nêu câu hỏi của nhiều người : Tại sao Twitter không hành động gì với những tweet của các nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới ? Có nên trao quyền kiểm duyệt vào tay những công ty tư nhân ?
Nhà bình luận Dominique Moisi trên Les Echoscho rằng "Vụ chiếm Capitol là triệu chứng của các nền dân chủ đang đau ốm của chúng ta". So sánh với hiện tượng Áo Vàng (Gillets Jaunes) ở Pháp, tác giả bài viết nói về một vấn đề đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ : thất bại của các chế độ dân chủ trong việc làm hài lòng tất cả công dân.
Khi tràn vào tòa nhà Quốc hội, người biểu tình không coi "Ngôi nhà của nhân dân" là của họ, mà thuộc về giới tinh hoa và lớp người giàu có. Đây là lần thứ hai trong lịch sử điện Capitol bị chiếm, lần đầu vào năm 1814 khi Anh và Mỹ đang chiến tranh. Sự kiện này cho thấy khi xã hội phân cực, chia rẽ trầm trọng trong bối cảnh cách mạng công nghệ như Facebook, Twitter, tạo thành một hỗn hợp dễ gây tổn thương cho mô hình dân chủ.
Những người nhìn một cách lạc quan thì cho đó là trận chiến danh dự cuối cùng của Donald Trump, còn người bi quan cho là việc thử nghiệm một cuộc đảo chính. Theo tác giả Moisi, nếu khẩu hiệu "Tất cả chúng ta đều là người Mỹ" nở rộ sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, thì giờ đây sau các sự kiện ngày 06/01/2021 "Tất cả chúng ta rất có thể cũng là người Mỹ".
Trên trang Ý kiến của Le Figaro và cả trên tờ Politico của Mỹ, ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa EU và kỹ thuật số, ông Thierry Breton rút ra "Những bài học cho Châu Âu về cuộc khủng hoảng giữa GAFAM và Trump".
Cũng như sự kiện ngày 11 tháng Chín đánh dấu sự thay đổi mô hình của Hoa Kỳ và có thể của thế giới, đối với các mạng xã hội, sự kiện ngày 08/01/2021 là một bước ngoặt trong việc trách nhiệm quản lý nội dung, một "ngày 11 tháng Chín" về thông tin. Khi khóa tài khoản tổng thống Mỹ với lý do kích động hận thù và bạo lực, phải chăng các nền tảng này đã mặc nhiên nhìn nhận trách nhiệm và nghĩa vụ của họ ? Như vậy "tín điều" dựa vào Điều 230 Luật viễn thông Hoa Kỳ đã sụp đổ.
Tại sao các mạng này không ngăn chặn các "fake news" và lời kêu gọi trước đó dẫn đến vụ xâm nhập điện Capitol ? Dù đúng hay sai, liệu quyết định khóa miệng một tổng thống đương nhiệm có thể được đưa ra bởi một công ty mà không có sự kiểm soát theo luật pháp và một cách dân chủ ? Một tổng giám đốc có thể gỡ bỏ loa phóng thanh của người đứng đầu nước Mỹ, mà không có một dạng đối trọng nào, khiến người ta hết sức lo ngại.
Châu Âu là châu lục đầu tiên đưa Quy định về dịch vụ số (DSA) và Quy định về thị trường số (DMA) vào tháng 12 vừa qua, dựa trên nguyên tắc đơn giản : những gì bất hợp pháp ở ngoài đời cũng phải được đánh giá tương tự trên mạng. Nhưng thách thức kỹ thuật số là toàn cầu. Theo ủy viên Châu Âu, cần phải đưa ra các quy định và tổ chức không gian thông tin với các quyền lợi, nghĩa vụ và cam kết cụ thể. Đó là vấn đề chủ chốt của các nền dân chủ trong thế kỷ 21.
Thụy My
Anh Vũ, RFI, 11/01/2021
Nhiệm kỳ của Donald Trump sẽ chính thức chấm dứt khi ngày 20 tháng Giêng, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Chỉ còn 9 ngày nữa nhưng đảng Dân chủ liên tiếp các nỗ lực truất quyền và luận tội tổng thống của Donald Trump vì trách nhiệm trong vụ bạo loạn ở nhà Quốc hội đồi Capitol hôm 06/01 vừa qua nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Hôm 10/01, bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ Viện do phe Dân chủ chiếm đa số cho biết sẵn sàng trong những ngày tới tiến hành những hành động buộc tổng thống mãn nhiệm phải rời khỏi quyền lực trước khi kết thúc nhiệm kỳ, trong đó gồm cả thủ tục luận tội tổng thống sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol.
Bà Nancy Pelosi, thông báo cụ thể, hôm nay 11/01 Hạ Viện sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu phó tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép cách chức tổng thống khi bị đa số thành viên chính phủ đánh giá không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ. Nếu ông Mike Pence không đáp ứng đòi hỏi trên, lãnh đạo Hạ Viện cho biết phe Dân chủ đã sẵn sàng trình văn kiện luận tội Donald Trump theo thủ tục phế truất tổng thống. Theo văn bản luận tội đã được các dân biểu Dân chủ soạn thảo, tổng thống Trump bị cáo buộc "có những tuyên bố cố ý khuyến khích những người ủng hộ tràn vào chiếm nhà Quốc hội". Dân biểu Ted Lieu của đảng Dân chủ cho biết thêm, văn kiện đã được ít nhất 180 nghị sĩ ký, đồng thời ông khẳng định Donald Trump đã "gây nguy hiểm nghiêm trong cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ và các định chế chính quyền".
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố : "Để bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ, chúng ta phải hành động khẩn cấp, bởi vì vị tổng thống này là mối đe dọa tức khắc với cả Hiến pháp và nền dân chủ" của nước Mỹ .
Như vậy quyết tâm của bên thắng cuộc rõ ràng là đối thủ phải bị hạ đo ván trước khi màn đấu khép lại. Tuy nhiên giới phân tích chính trị Mỹ đều nhận thấy các nỗ lực của đảng Dân chủ không thể có kết quả tức thì như mong muốn. Nếu vận dụng Tu chính án 25 thì phó tổng thống Mike Pence phải có được sự ủng hộ của đa số thành phần nội các hiện nay. Trong khi đó, những người còn lại trong chính quyền Trump lúc này đều là những người được coi là trung thành nhất. Những người bất đồng với tổng thống từ sau vụ đồi Capitol thì đã từ chức. Cho đến giờ Mike Pence dù không còn gần gũi với tổng thống Trump nhưng chưa tỏ dấu hiệu nào mặn mà với đề xuất mà đúng hơn là sức ép từ phía Dân chủ, vì lo ngại đến hệ hụy cho đảng Cộng hòa.
Còn thủ tục luận tội phế truất tổng thống, thì đòi hỏi nhiều thời gian cho dù đã cắt ngắn, không qua khâu điều tra. Lãnh đạo đa số của phe Cộng hòa hiện tại ở Thượng Viện Mitch McConnell đã cho biết các thủ tục này chỉ có thể được xem xét sau ngày Joe Biden tuyện thệ nhậm chức 20 tháng Giêng.
Những nỗ lực muốn phế truất ngay lập tức Donald Trump hầu như đều không có cơ hội đạt được. Vậy phải chăng những động thái của đảng Dân chủ chỉ mang tính biểu tượng, để khẳng định thể chế dân chủ Mỹ vẫn còn vững mạnh ?
Cũng không hẳn là như vậy. Theo tính toán của phe Dân chủ, sau ngày Joe Biden chính thức bước Nhà Trắng thì cũng là lúc đảng Dân chủ nắm đa số tại lưỡng viện Quốc hội, các thủ tục luận tội Doanld Trump có nhiều khả năng được thông qua, khác với lần luận tội đầu tiên bị Thượng Viện, khi đó phe Cộng hòa chiếm đa số, bác bỏ hồi tháng 2/2020. Nếu phe Dân chủ đi đến đích thì Donald Trump, dù không còn là tổng thống, cũng có "tiền án". Điều này ngăn chặn Donald Trump quay trở lại chính trường, như ông đã không giấu ý đồ cách đây ít lâu.
Đó là về lâu dài, trước mắt động thái của phe Dân chủ được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như là đòn áp lực với các nghị sĩ Cộng hòa, buộc họ phải tỏ lập trường. Vô hình chung phe Cộng hòa sẽ bị phân hóa giữa ủng hộ và chống Trump làm rạn nứt thêm đảng. Donald Trump có thể sẽ bị cô lập hơn, không còn có thể làm thêm điều "khó lường" nào nữa, ít nhất từ nay đến ngày chuyển giao quyền lực.
Tuy nhiên, nhiều người thuộc đảng Dân chủ lo ngại những nỗ lực vô hiệu hóa Donald Trump sẽ càng khoét sâu thêm rạn nứt đoàn kết quốc gia, gây khó khăn cho Joe Biden lãnh đạo đất nước tới đây.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đang dần khép lại, giống như khi bắt đầu, một cách không bình thường. Nước Mỹ lại một lần nữa đếm ngược từng ngày dài cho đến 20 tháng Giêng với hy vọng không có điều tồi tệ nào xảy ra thêm sau vụ bạo lực ở đồi Capitol. Nhưng những rạn vỡ chính trị, xã hội và nền dân chủ Mỹ vẫn còn tồn tại lâu dài như một thách thức cho nhiệm kỳ của Joe Biden.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 11/01/2021
********************
Phạm Trần, Minh Anh, RFI, 11/01/2021
Sau những ngày hỗn loạn tại Điện Capitol, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 08/01/2021 cam kết sẽ chuyển giao quyền lực "êm thắm và có trật tự", đồng thời tuyên bố không dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm Joe Biden. Cùng lúc, phe Dân chủ muốn tổ chức một cuộc luận tội tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày thứ Hai 11/01/2021.
Thái độ này của ông Donald Trump được diễn giải như thế nào ? Đảng Dân chủ muốn gì khi mở một cuộc luận tội trong khi chỉ còn có mươi ngày nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ ? Nhà báo Phạm Trần từ Washington giải thích.
RFI : Trình tự nghi thức của ngày chuyển giao quyền lực là gì ? Tuyên bố của ông Trump không đến dự lễ nhậm chức người kế nhiệm Joe Biden được diễn giải như thế nào ?
Phạm Trần : Theo tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ, mỗi một khi chuyển quyền, tổng thống đương nhiệm mời vị tổng thống đắc cử vào trong Nhà Trắng, để mạn đàm, uống nước trà buổi sáng. Sau đó hai người ngồi cùng chiếc xe đi đến điện Capitol để vị tổng thống đắc cử nhậm chức. Đây là tiến trình bình thường trong lịch sử.
Nhưng năm nay, do những biến cố chính trị xung quanh việc phủ nhận ông Joe Biden thắng cử nên gây ra những rắc rối. Cuối cùng, sau khi thấy Quốc hội đồng ý với quyết định của cử tri đoàn, tổng thống Donald Trump buộc lòng phải lên đài truyền hình thông báo với toàn quốc là ông hứa chuyển quyền một cách ôn hòa, trật tự.
Nhưng ông Donald Trump lại thòng thêm một câu, "để trả lời cho tất cả những người đã hỏi tôi, thì hôm nay tôi nói cho mọi người biết là tôi sẽ không dự buổi lễ nhậm chức ngày 20/01". Câu nói này của Donald Trump đã bộc lộ bản tính của ông là không muốn có sự hòa giải có sự chuyển quyền một cách êm thắm.
Mặc dù là bề mặt là có sự chuyển quyền nhưng trong thâm tâm Donald Trump vẫn cho là ông thắng cử. Điều này sẽ tạo ra những trở ngại cho tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng. Bởi vì điều này sẽ tạo ra một làn sóng tiếp tục phản đối của những người ủng hộ ông Donald Trump.
RFI : Phe Dân chủ muốn tổ chức luận tội tổng thống Donald Trump. Tại sao đảng Dân chủ muốn thực hiện việc này trong khi chỉ còn vài ngày nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ ?
Phạm Trần : Điều đầu tiên là họ muốn truất phế ông Donald Trump ngay lập tức căn cứ vào điều 25 Tu chính án của Hiến pháp Mỹ. Điều khoản này cho phép phó tổng thống Mỹ và thành viên nội các họp với nhau và quyết định rằng tổng thống không còn khả năng hay là không còn uy tín để lãnh đạo đất nước nữa.
Sau đó, nếu điều này không xảy ra thì phải đem ra Quốc hội. Nhưng mà thủ tục đi lên Quốc hội để truất phế một tổng thống đương nhiệm hết sức là dài dòng, phải thảo luận rồi phải biểu quyết,… trong khi đó ông Trump chỉ còn có mươi ngày nữa là hết nhiệm kỳ.
Vì vậy, bà chủ tịch Hạ Viện, tức lãnh đạo đa số của đảng Dân chủ thấy rằng con đường hay nhất là giờ không buộc ông Donald Trump từ chức, trừ phi ông ấy tự nguyện nhượng quyền lại cho ông phó tổng thống, mà bà tiến hành thủ tục luận tội sẽ dễ dàng hơn bởi vì chỉ cần có một đa số ở Hạ Viện là có thể biểu quyết luận tội ông Donald Trump.
RFI : Cụ thể là phe Dân chủ muốn luận ông Trump về những tội gì ?
Phạm Trần : Theo bản dự thảo nghị quyết, đảng Dân chủ đưa ra một điều tuy ngắn nhưng bao gồm nhiều ý nghĩa chính tại sao họ lại luận tội ông Trump. Theo đó, ông Trump đã đưa ra những phát biểu kích động xúi bẩy những thành phần ủng hộ ông ấy để mà tiến vào tòa nhà Quốc hội và đã gây ra thiệt hại cho quốc gia, tức là buộc tội ông Trump chống quốc gia chống đất nước. Đấy là một tội được coi như tội phản quốc.
Căn cứ vào việc làm đó họ sẽ tiến hành luận tội ông Donald Trump vào ngày thứ Hai 11/01, và một nghị quyết sẽ được thông qua, dự trù vào khoảng giữa tuần thứ Tư 13 hay là thứ Năm 14/01.
Nhưng mà chuyện nước Mỹ luận tội một tổng thống ở Hạ Viện với một đảng đang chiếm đa số thì rất dễ dàng. Nhưng phiên tòa xử vị tổng thống bị luận tội là ở Thượng Viện chứ không phải ở Hạ Viện, như cuộc luận tội đầu tiên năm 2019 liên quan đến cuộc bầu cử được cho là có sự can dự của Nga.
Vào thời điểm đó, ông Donald Trump và những người trong ban vận động tranh cử của ông đã bị cáo buộc có quan hệ với Nga, tức là nước ngoài, để tìm cách lũng đoạn cuộc bầu cử. Nhưng khi lên đến Thượng Viện, thì không có đủ số phiếu để có thể đưa ra các hình phạt đối với ông Donald Trump.
Kỳ này cũng sẽ diễn ra như thế. Do vậy, đối với đảng Dân chủ, đây là một hành động chính trị, và nhằm chứng minh quyền lực của Quốc hội đối với ông tổng thống đã có những hành động bị coi như là chống lại quốc gia.
Chuyện này rồi trước sau cũng qua đi vì thời gian ông Trump cầm quyền chỉ còn có 10 ngày, và nhất là số nghị sĩ của đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng Viện, thế nên, nghị quyết này cũng rơi vào tình trạng là sẽ không đi tới đâu.
RFI : Giả như bản nghị quyết này được thông qua, phải chăng là ông Trump sẽ không được ra tái tranh cử vào năm 2024 ?
Phạm Trần : Đúng vậy. Ông Trump sẽ bị ngăn cấm tuyệt đối giữ bất cứ một chức vụ dân cử hay một chức vụ nào trong chính quyền. Đặc biệt là ông sẽ không được ra ứng cử nữa. Điều này sẽ xảy ra nếu quyết nghị của Hạ Viện được bên Thượng Viện chấp thuận.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, chuyện này rồi cũng sẽ qua đi, không có gì ngăn cấm ông Trump ra tranh cử năm 2024, vì ông đã chuẩn bị rồi. Ông ấy nói rõ ràng là ông rời Nhà Trắng nhưng tiến trình chính trị của ông là mới bắt đầu. Do vậy ai cũng biết rằng ông ấy sẽ ra tranh cử năm 2024.
RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần tại Washington.
Minh Anh thực hiện
Nguồn : RFI, 11/01/2021
********************
Thanh Hà, RFI, 11/01/2021
Phải chăng Donald Trump sẽ là người đầu tiên hai lần đối mặt với thủ tục luận tội truất phế tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ ? Năm ngày sau vụ bạo loạn tại Quốc hội, hôm 11/01/2020 Hạ Viện Mỹ bắt đầu "hành động" để cách chức tổng thống Trump. Ngày càng có nhiều chính khách ngay trong hàng ngũ đảng Cộng hòa kêu gọi Donald Trump ra đi trước khi mãn nhiệm.
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi bên đảng Dân chủ hôm 10/01/2021 thông báo sẽ có một loạt "hành động" để buộc Donald Trump từ bỏ chức vụ tổng thống trước ngày chuyển giao quyền lực 20/01/2021. Bởi vì đương kim chủ nhân Nhà Trắng là một "mối đe dọa tiềm tàng" đối với nền dân chủ Mỹ và Hiến pháp Hoa Kỳ. Trước tiên, phe Dân chủ sẽ đề nghị phó tổng thống Mike Pence kích hoạt điều khoản 25 tu chính án trong bản Hiến pháp để truất phế tổng thống với lý do ông này mất khả năng điều hành đất nước. Một số nghị sĩ của bên đảng Cộng hòa thiên về giải pháp này và muốn tránh để Donald Trump thêm một lần nữa phải đối mặt với thủ tục luận tội truất phế tổng thống trong bối cảnh Hoa Kỳ đang trải qua khủng hoảng cả về mặt chính trị, y tế lẫn kinh tế.
Thông tín viên đài RFI Loubna Anaki từ New York nhấn mạnh đến một tuần lễ đầy căng thẳng đang mở ra với ông Donald Trump :
"Các điều khoản luận tội nhắm vào Donald Trump có thể phải được hoàn tất trong ngày hôm nay. Xúi giục nổi dậy sau vụ tấn công tòa nhà Quốc hội đã đành nhưng có thể kèm theo đó là tội danh gây áp lực với các quan chức để làm thay đổi kết quả bầu cử. Bên đảng Dân chủ đang tính đến khả năng đưa ra thêm tội danh thứ nhì này sau khi ông Trump gọi điện thoại cho tổng thư ký đặc tránh về bầu cử của bang Georgia. Trong cuộc điện đàm này, nhà tỷ phú Mỹ rõ ràng đã đòi kiểm lại phiếu để đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Một khi các điều khoản luận tội được hoàn tất, các dân biểu ở Hạ Viện có thể bỏ phiếu vào thứ Ba hoặc thứ Tư. Tuy mục đích đề ra là truất phế tổng thống Trump sớm chừng nào tốt chừng nấy, nhưng đảng Dân chủ có thể sẽ không chuyển ngay lên Thượng Viện bản luận tội. Theo lời ông James Clyburn, một trong những phụ tá của bà Nancy Pelosi ở Hạ Viện, đảng Dân chủ không muốn để phiên xử phế truất Donald Trump làm lu mờ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Bởi vì cần ưu tiên nhanh chóng phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên nội các của tân tổng thống, cũng như các biện pháp cần thiết nhằm đối phó với khủng hoảng y tế và kinh tế. Phiên xử vụ truất phế Donald Trump có thể diễn ra nhiều tuần lễ sau khi ông đã rời Nhà Trắng".
Theo thăm dò của đài truyền hình ABC News/Ipsos được công bố ngày Chủ Nhật 10/01/2021 56 % những người được hỏi cho rằng tổng thống Donald Trump nên từ chức trước khi mãn nhiệm.
Thanh Hà
*********************
Minh Anh, RFI, 10/01/2021
Thứ Sáu, 08/01/2021, chủ tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi cho biết đã có cuộc trao đổi với tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ để biết chắc rằng ông Donald Trump, một vị "tổng thống bất ổn", không thể sử dụng mã khóa các loại vũ khí hạt nhân.
Cuộc điện đàm diễn ra hai ngày sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol, do những người biểu tình ủng hộ Donald Trump gây ra. Đâu là quyền hạn của tổng thống Mỹ trong việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân theo như quy định của Hiến pháp ?
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần giải thích :
"Ưu tiên số một là chỉ có tổng thống mới có quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, bộ Quốc Phòng của Mỹ, là đối tượng thứ hai có thể chấp thuận theo lệnh của tổng thống nếu xét thấy quyết định của tổng thống là chính đáng và cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước Mỹ. Nhưng mà, bộ Quốc Phòng có thể bác nếu thấy lệnh của tổng thống là không phù hợp, chưa đến mức độ phải sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong trường hợp này, bà chủ tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi của đảng Dân chủ điện thoại nói chuyện với đại tướng Mark Milley và đã yêu cầu canh chừng chìa khóa sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi vì bà nhận thấy tình trạng là ông Donald Trump có thể gây ra bất cứ một việc gì bất thường mà nước Mỹ hay mọi người không thể ngờ tới được.
Do vậy, bà Pelosi đề phòng chuyện đó, bởi vì những con số cho phép dùng vũ khí hạt nhân nhắm vào một mục tiêu nào đó thì chỉ có tổng thống mới được quyền sử dụng, không phải một người nào khác theo như quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trường hợp này, bà Nancy Pelosi, chỉ đưa ra một dự đoán phòng hờ. Thực tế chưa cho thấy có dấu hiệu gì tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có mưu tính làm những chuyện như vậy.
Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra chuyện như vậy cho một ông tổng thống khi chỉ còn có ít ngày nữa là mãn nhiệm, đã bị đề phòng đến mức tối đa như thế. Lần đầu tiên một chuyện như vậy xảy ra ở nước Mỹ".
Minh Anh
***********************
Donald Trump – Không ăn được phá cho hôi
Thạch Đạt Lang, quyenduocbiet, 07/01/2021
Buổi họp của quốc hội chính thức xác nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn ngày 06/01/2021 đã bị gián đoạn nhiều lần. Nguyên nhân đầu tiên là có một số nghị sĩ, dân biểu của đảng Cộng hòa phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri. Nguyên nhân thứ hai là cuộc biểu tình chống đối kết quả bầu cử do ông Donald Trump kích động, kêu gọi đã thực sự diễn ra đúng theo sự mong muốn của ông là "Sẽ Rất Hỗn Loạn" – "It will be wild" (1).
Hình Wall Street Journal
Trước giờ quốc hội nhóm họp, xuất hiện trước đám đông biểu tình, được bảo vệ bằng những tấm kính chắn đạn ở ngoài khuôn viên tòa Bạch Ốc, công viên Ellipse, Trump lên án, chỉ trích, chửi rủa đảng Dân Chủ bằng những lời lẽ nặng nề, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ phải có hành động quyết liệt lấy lại cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Ông tuyên bố sẽ dẫn đầu đoàn biểu tình tiến về Điện Capitol – tòa nhà quốc hội – tuy nhiên sau đó, trong lúc hỗn loạn, Trump lại chui vào xe bọc thép trốn đi mất, hiện giờ không ai biết Trump ở đâu.
Phản ứng trước những tweet kích thích, xúi dục đám người biểu tình bạo động, tấn công tòa nhà quốc hội, ban điều hành mạng xã hội Twitter đã tạm thời đóng tài khoản của ông Trump trong 12 tiếng, yêu cầu Trump tự xóa bỏ những tweet cổ xúy bạo lực, nếu không sẽ tiếp tục bị đóng băng. Twitter trước đây cũng đã thông báo cho Trump biết, tài khoản này sau ngày 20/01/2021 sẽ được xóa sạch nội dung và chuyển giao cho ông Joe Biden, tất cả các tweet của ông Trump sẽ được lưu trữ trong thư khố (Archive). Các mạng xã hội khác như Instagram, Facebook, Snapchat, Youtube cũng theo chân Twitter, khóa tài khoản của Donald Trump (2).
Tuy nhiên đã quá trễ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Donald Trump, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào Điện Capitol đập phá các cửa kính, lục lọi các bàn làm việc, la hét cuồng loạn khiến cuộc chứng nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri phải tạm ngưng, những dân biểu, nghị sĩ vì lý do an ninh được đến các nơi an toàn. Tuy nhiên sau đó, cuộc kiểm phiếu chứng nhận đã tiếp tục diễn ra khi tình hình an ninh được vãn hồi. Đến 4 giờ sáng buổi xác nhận phiếu đại cử tri kết thúc, không có gì thay đổi với 306 phiếu đại cử tri cho ông Joe Biden.
Thật rõ ràng, Donald Trump đã phơi bày dã tâm, âm mưu, hành động phá hoại nước Mỹ, xé bỏ hiến pháp khi công khai kêu gọi sử dụng bạo lực của đám đông cuồng nộ để ngăn cản cuộc chứng nhận kết quả bầu cử của cử tri đoàn trong Điện Capitol. Hậu quả tai hại nhất của Donald Trump để lại sau 4 năm cầm quyền là hủy diệt niềm tin của người dân Mỹ vào thể chế dân chủ, hệ thống bầu cử, các định chế của hiến pháp. Bomb, súng ngắn, bom lửa (Molotov cocktail) được tìm thấy trong Điện Capitol, tòa nhà của quốc hội, dưới các ghế ngồi của các dân biểu, nghị sĩ (3). Tin mới nhất cho biết có 4 người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Điện Capitol, 52 người bị bắt, 14 cảnh sát bị thương.
Trump biết việc mình phải rời khỏi tòa Bạch Ốc ngày 20/01/2021 là điều không thể tránh được nhưng với bản chất gian manh, tham lam cùng cực, hèn hạ, tiểu nhân, thù vặt - được bà Mary L. Trump mô tả trong cuốn Too Much And Never Enough – Trump không thể chấp nhận việc ra đi trong yên bình, lịch sự, chững chạc trong tư cách một người quân tử. Trump phải quậy phá cho tan nát thì mới phù hợp với con người, tính chất ngạo mạn vô liêm sỉ, không có lòng tự trọng của Trump.
Biến động ngày 06/01/2021 ở Điện Capitol khiến cả thế giới bàng hoàng, hầu hết lãnh đạo các nước dân chủ, tự do trên thế giới lên án, truyền thông, báo chí chế diễu, nhạo báng. Cho dù nền Cộng hòa của Mỹ vẫn đứng vững trong giông bão, biểu tượng tự do, dân chủ của Mỹ ít nhiều đã bị Trump biến thành trò cười cho lãnh đạo các nước độc tài như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong-un, Mohammed bin-Salman, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc.... Chắc chắn họ đã quan sát, theo dõi cuộc tấn công vào Điện Capitol của đám người ủng hộ Trump một cách thích thú, vui mừng, hả hê.
Bên cạnh hậu quả do Trump và một số đảng viên Cộng hòa gây ra cho nước Mỹ ngày 06/01/2021 là những ảnh hưởng, tác động tích cực đến cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như trong nước. Nó làm bộc lộ hết căn tính nô lệ, hèn nhát, a dua, lười biếng, không chịu học hỏi, tìm hiểu của đa số người Việt Nam qua đại diện của họ là những khuôn mặt trí thức, luật sư, nhà văn, nhà báo, cựu tù nhân lương tâm, tu sĩ, linh mục… như Lê Luân, Trần Đình Thu, Hồ Hải, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Ngọc Già, Lê Dũng Vova, Huỳnh Thục Vy, Hoàng Hải Vân, Lê Hoài Anh, Huỳnh Quốc Bình, Nguyễn Vũ Bình... và rất nhiều người khác nữa, những người có số fan theo dõi hàng chục ngàn hoặc hơn.
Trên những status của những nhân vật kể trên, cùng với hàng ngàn bình luận "thích" (like) còn có những ý kiến háo hức, cổ vũ, kêu gọi người Việt ở Mỹ hưởng ứng cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 tại Điện Capitol. Tất nhiên, những kẻ kêu gọi này chỉ a dua cho sướng miệng chứ nếu ở Mỹ có cho tiền họ cũng chẳng dám gia nhập, đi theo đám Proud Boys, KKK, Hell’ s Angels...
Đảng cộng sản Việt Nam bất chiến tự nhiên thành. Chẳng còn nhà dân chủ, đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền nào ở Việt Nam quan tâm đến tình hình bầu cử của đảng cộng sản, xã hội, kinh tế, vật giá, chuyện hải quân của Trung Quốc, tầu đánh cá ngang nhiên hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa, trong thềm lục địa của Việt Nam... Tất cả đã và đang dồn hết tâm trí, thời gian theo dõi, ủng hộ chiến lược, chiến thuật tát cạn đầm lầy, sự an nguy của một lãnh đạo Mỹ cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số…
Donald Trump đã thất bại ê chề trong mưu đồ xóa bỏ hiến pháp Mỹ bằng những chiêu trò bẩn thỉu, đê hèn sau ngày 03/11/2020 và cuộc đảo chánh không có quân đội ngày 06/01/2021 nhưng lại thành công trong việc giúp chế độ cộng sản VN dập tắt mầm mống, ý thức dân chủ, tự do, nhân quyền của dân tộc.
Thạch Đạt Lang
Nguồn : quyenduocbiet, 07/01/2021
-----------------------
(1) https://www.dailymail.co.uk/.../Washington-DC-hotel-Proud...
(2) https://www.thesun.co.uk/.../us-capitol-protest-donald.../
https://www.businessinsider.com/woman-shot-in-capitol...
(3) https://www.thesun.co.uk/.../us-capitol-protest-donald.../
Một ngày sau khi tạm đóng danh khoản của tổng thống Donald Trump trong 12 tiếng, Twitter đã ra thông báo chính thức đóng vĩnh viễn danh khoản này vì đã tiếp tục tái phạm các quy định và chính sách sử dụng của Twitter sau khi được phép hoạt động lại. Twitter viện dẫn lý do là các tin nhắn ẩn chứa "nguy cơ tiếp tục xách động bạo lực" (risk of further incitement of violence) và "những tái phạm nghiêm trọng" (repeated and severe violations).
Twitter đã ra thông báo chính thức đóng vĩnh viễn danh khoản của Tổng thống Donald Trump vì đã tiếp tục tái phạm các quy định và chính sách sử dụng của Twitter sau khi được phép hoạt động lại.
Việc làm này đã gặp phải sự phản đối của những người ủng hộ tổng thống và riêng với một số người Việt, những người bị lẫn lộn về khái niệm "tự do ngôn luận" khi chỉ trích hành động của Twitter.
Như bất cứ người sử dụng nào khác, Donald Trump là một người sử dụng dịch vụ thông thường như hàng trăm triệu thành viên của Twitter trên khắp thế giới. Trên thực tế, danh khoản cá nhân @realDonaldTrump đã được mở ra khi Donald Trump là một công dân thường. Nó hoạt động cho đến khi ông trở thành tổng thống nhưng điều này cũng không mang lại cho ông ta những đặc quyền nào khác trong tư cách người sử dụng cần tuân thủ theo các điều luật và chính sách của Twitter.
Là một hãng tư nhân, mối quan hệ giữa Twitter và người sử dụng là mối quan hệ dân sự và tự nguyện, không liên quan đến quyền tự do ngôn luận được tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ đề ra, mang mục đích bảo vệ các quyền tự do tôn giáo, báo chí, tụ tập cùng quyền tự do ngôn luận nói riêng của người dân mà không bị chính phủ cấm cản hay đàn áp. Twitter, Facebook hay các mạng xã hội khác không có thẩm quyền và khả năng trên, mà đơn giản chỉ ngưng cung cấp dịch vụ nếu người sử dụng vi phạm đến các tiêu chuẩn cộng đồng chung đã được đề ra và được người sử dụng tự nguyện đồng ý khi tham gia.
Trên trang mạng của mình, Twitter đã mở đầu một danh sách chi tiết về các quy định và chính sách của mình bằng câu, "Mục đích của Twitter là phục vụ cuộc đàm luận đại chúng. Bạo lực, sách nhiễu và các hành vi tương tự khác sẽ ngăn cản sự diễn đạt của người khác và làm giảm giá trị cuộc đàm luận đại chúng toàn cầu. Các quy tắc của chúng tôi nhằm bảo đảm tất cả mọi người có thể tham gia vào cuộc đàm luận đại chúng này một cách tự do và an toàn" (theo Twitter Rules and Policies).
Người sử dụng có thể có những định nghĩa và cách hiểu của riêng mình và họ cũng hoàn toàn tự do để chọn lựa việc tìm kiếm các phương tiện xã hội khác để bày tỏ ý kiến của mình, nếu không đồng ý với Twitter. Đó là lý do không thể bảo Twitter đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận của tổng thống Donald Trump hay của chính mình.
Khái niệm tự do ngôn luận được nhắc nhiều nhưng lại thường được diễn dịch hay hiểu thiếu chính xác như đã trình bày bên trên. Thậm chí một số người ủng hộ tổng thống Donald Trump và được xem là hoạt động trong phong trào dân chủ quốc nội, bao gồm một vài luật sư, nhà báo đã từng có dăm bài viết về dân chủ, cũng đã hiểu sai như vậy khi bày tỏ sự thất vọng hay chỉ trích nặng nề hành động của Twitter cùng những người ủng hộ Twitter.
Đây là một quyết định can đảm và không dễ dàng của Twitter, đặc biệt với Donald Trump, là tổng thống đương nhiệm và quyền lực của Hoa Kỳ với hơn 88 triệu người theo, con số cho đến khi bị đóng vào cuối tuần qua. Donald Trump đã nhiều lần hăm dọa Twitter cũng như đòi đóng cửa Twitter hồi tháng Năm năm trước, khi Twitter lần đầu tiên gắn nhãn cảnh báo thông tin sai trái mà ông đã gởi ra. Đó mới chính là manh nha tấn công vào quyền tự do ngôn luận mà Donald Trump đã muốn làm nhưng không thể. Nhưng những áp lực như vậy cũng chẳng khuất phục được Twitter. Cổ phiếu của Twitter đã sụt giảm khoảng 4% sau khi tin đóng danh khoản của Donald Trump được công bố, vì người đầu tư e ngại nó sẽ ảnh hưởng đến số người sử dụng cùng quảng cáo. Đó là điều Twitter có thể đã tiên liệu nhưng vẫn quyết định thực hiện.
Logo tối giản của Twitter về chú chim xanh vươn cổ hót, không chỉ là tiếng chim hót theo ý nghĩa ngôn ngữ của từ "twitter" mà còn hàm chứa giấc mơ tự do, sự vượt thoát và khả năng vô hạn của mỗi cá nhân và của chính Twitter. Việc làm của Twitter đã một lần nữa chứng tỏ những giá trị Mỹ rằng, bất chấp những rủi ro khi đối đầu với quyền lực hay thiệt hại quyền lợi cá nhân, người dân Mỹ luôn sẳn sàng lên tiếng bảo vệ những giá trị mà họ tin tưởng.
Đó là bài học về dân chủ và tự do thật sự mà những ai yêu mến và tranh đấu cho nó cần nhìn đến và học hỏi.
Nhã Duy
(09/01/2021)
Nước Mỹ bạo loạn trước ngày chuyển giao quyền lực
Bùi Văn Phú, 08/01/2021
Còn hai tuần nữa là đến ngày 20/1/2021. Theo Hiến Pháp qui định, đúng 12 giờ trưa đông bộ Hoa Kỳ hôm đó, quyền hành tổng thống sẽ được chuyển giao từ Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump sang Tổng thống tân cử Joe Biden trong lễ tuyên thệ nhận chức trước tiền đình quốc hội.
Ngày Tổng thống tuyên thệ nhậm chức là một sự kiện lớn của nước Mỹ, diễn ra 4 năm một lần trước ggiện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh minh họa.
Ông Biden đã được xem như thắng trong cuộc bầu cử 3/11, dù ban vận động của ông Trump đã có 60 vụ kiện từ tiểu bang lên đến Tối cao Pháp viện và kết quả không thay đổi, với Biden được 306 phiếu cử tri đoàn và 81 triệu phiếu phổ thông, trong khi Trump được 232 phiếu cử tri đoàn và 74 triệu phiếu phổ thông.
Cho tới nay ông Trump chưa thừa nhận kết quả. Trưa ngày 6/1 là thời điểm Quốc hội kiểm phiếu cử tri đoàn để chính thức chuẩn thuận và công bố kết quả thì ông Trump đã phát biểu trước một đám đông nhiều nghìn người ủng hộ tụ họp trước Bạch Ốc rằng ông sẽ không bao giờ công nhận kết quả, vì cuộc bầu cử vừa qua có nhiều gian lận.
Sau những lời phát biểu của Tổng thống Trump, đoàn biểu tình kéo đến điện Capitol, là trụ sở Quốc hội Mỹ, tràn vào chiếm đóng phòng họp khi lập pháp đang có thủ tục đếm phiếu cử tri đoàn.
Người biểu tình đối đầu với cảnh sát bên trong trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1/21 (Ảnh : Business Insider)
Quốc hội đã phải ngưng họp khi người biểu tình vượt rào cản, qua mặt cảnh sát an ninh, đập cửa sổ và tràn vào và hơi cay được bắn ra, nhiều nhân viên an ninh đã rút súng để ngăn cản người biểu tình lấn tới để di tản và bảo vệ tính mạng cho các vị dân cử.
Một phụ nữ trong số người biểu tình đã bị bắn chết. Mấy người bị thương và hơn năm chục người bị bắt.
Hình ảnh trụ sở Quốc hội Mỹ bị bạo loạn đã được truyền đi trên toàn nước Mỹ. Thế giới đã chứng kiến những giờ phút xấu nhất của Hoa Kỳ khi nền dân chủ đang bị thử thách bởi Tổng thống Trump, một lãnh đạo quốc gia thường nói điều sai khuấy và chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân, gia đình hơn là quyền lợi quốc gia.
Lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng đã được ban ra trong khu vực Thủ đô Washington. Hàng nghìn Vệ binh Quốc gia đã được đưa vào thủ đô và các lực lượng an ninh cảnh sát của tiểu bang Virginia cũng được đặt trong tình trang ứng chiến.
Đến 7 giờ tối, Quốc hội tái họp để tiếp tục kiểm phiếu cử tri đoàn, nghe những cáo buộc gian lận bầu cử từ một số dân cử, trước khi chính thức chuẩn thuận kết quả, có thể là trong ngày mai.
Tôi đã quan sát hơn chục lần bầu tổng thống Mỹ, từ chiến thắng vang dội của Ronald Reagan vào năm 1980 cho đến cuộc đếm phiếu căng thẳng năm 2000 giữa George W. Bush (con) và Al Gore.
Chưa bao giờ tình hình tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ lại căng thẳng và kéo dài như sau bầu cử 3/11/2020 vừa qua.
Mỗi bốn năm, sau ngày bầu chọn tổng thống hai tháng thì việc kiểm phiếu cử tri đoàn và chính thức công bố kết quả chỉ là việc làm mang tính thủ tục của Quốc hội cho đúng hiến pháp. Chẳng có nhiều điều phải chú ý.
Năm nay, người thua cuộc là Tổng thống Trump nhất quyết không chịu chấp nhận kết quả. Với cách hành xử bất bình thường, khó có thể tiên đoán chuyện gì nữa sẽ xảy ra cho nước Mỹ trong hai tuần cuối nhiệm kỳ của ông.
Xem truyền hình, trong đoàn người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump có nhiều cờ vàng ba sọc đỏ tung bay.
Cờ vàng trong đoàn người biểu tình ở Thủ đô Washington hôm 6/1/21 (Screenshot từ CNN)
Cũng là người gốc Việt tôi hiểu đồng hương ủng hộ ông Trump vì những chính sách của Đảng Cộng hòa, vì ông chủ trương đối đầu với Trung Quốc, thay vì tiếp tục buôn bán trao đổi thương mại một cách bình thường như từ trước đến nay với một nước độc tài, đang lãnh đạo thế giới cộng sản còn lại trên thế giới.
Tâm lí chống Tầu trong lòng người Việt đã có từ nghìn năm. Nhưng nếu tin chỉ có Trump chống Tầu và hy vọng ông sẽ cứu dân Việt khỏi tham vọng bành trướng của Bắc Kinh là một niềm tin sai lầm.
Dân tộc Việt có thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc hay không thì tùy vào lãnh đạo và người dân Việt. Nếu người dân nổi lên đòi lãnh đạo Hà Nội đương thời thực hiện dân chủ tại Việt Nam, đó là cách hữu hiệu nhất để thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc, vì ý dân là ý trời.
Nhìn lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc qua nửa thể kỷ qua chúng ta thấy gì.
Đầu thập niên 1970 Tổng thống Richard Nixon mở cửa quan hệ với Trung Quốc và bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa cho cộng sản.
Các Tổng thống sau đó, từ Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha), Bill Clinton cho đến George W. Bush (con) và Barack Obama đều đặt quan hệ với Trung Quốc làm trọng tâm.
Hoa Kỳ đã chuyển chính sách với Trung Quốc từ "containment" (ngăn chặn) sang "engagement" (giao ước) rồi phát triển trao đổi thương mại, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục toàn diện trong 50 năm qua.
Thời Bush (cha), sau khi xảy ra thảm sát ở Thiên An Môn vào hè năm 1989 thì lãnh đạo Mỹ đã gửi ngay cố vấn an ninh quốc gia sang Bắc Kinh để trấn an Trung Quốc về quan hệ sẽ tiếp tục bền vững, dù Tổng thống Bush lúc đó đã cho phép sinh viên Trung Quốc đang du học nếu muốn ở lại Mỹ sẽ được cấp qui chế thường trú nhân.
Thời Bill Clinton, thập niên 1990 là giai đoạn các công ty Mỹ ào ạt chuyển sang Trung Quốc vì công nhân rẻ, gọi là "outsourcing", để thế giới có nhiều mặt hàng tiêu dùng giá rẻ.
Các nước tư bản đã giúp Trung Quốc mạnh lên về kinh tế và sắp qua mặt Hoa Kỳ. Ngày nay Tập Cận Bình đang bành trướng mô hình kinh tế Trung Quốc ra thế giới và đang đe dọa nền móng dân chủ toàn cầu.
Tổng thống Trump đã đặt lại quan hệ giao thương không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng qua cách lãnh đạo như một nhà độc tài trong bốn năm qua và không có chính sách hiệu nghiệm trong việc phòng chống dịch Covid-19 khiến 350 nghìn người Mỹ tử vong, đa số cử tri Mỹ đã không tín nhiệm ông thêm một nhiệm kỳ nữa.
Cách ông Trump phản ứng về kết quả bầu cử trong mấy ngày qua cho thấy ông là người thua cuộc cay đắng (sore loser), cùng lúc ông đã làm cho biểu tượng về nền dân chủ Hoa Kỳ bị hoen ố.
Còn hai tuần nữa là hết nhiệm kỳ, Tổng thống Trump rồi cũng sẽ phải ra đi, không biết như thế nào. Từ nay đến đó không ai có thể tiên đoán ông sẽ còn khuấy động chính trường Mỹ với những hành động gì nữa.
Ông Trump từ ngày tranh cử luôn đưa ra lập luận là nếu Đảng Dân chủ thắng sẽ có nguy cơ biến nước Mỹ thành xã hội chủ nghĩa, thành một nước với các chính sách cai trị kiểu như cộng sản. Nhiều người tin như thế.
Tôi tin là nước Mỹ sau bốn năm nhiều biến động dưới thời Tổng thống Trump rồi sẽ bình yên trở lại với Tổng thống Joe Biden.
Tôi đã sống qua tám đời tổng thống Mỹ, Cộng hòa cũng như Dân chủ. Những năm dưới sự lãnh đạo của tổng thống Dân chủ từ Jimmy Carter, Bill Clinton cho đến Barack Obama mà không hề thấy nước Mỹ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa với những giới hạn tự do như ở Việt Nam, Cuba hay Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden, với cả hai viện quốc hội cùng đảng, có sẽ thành công trong việc phục hồi lại nước Mỹ hay không ? Người dân chờ đợi những chính sách mới của ông.
Chuyện gì thì bốn năm nữa cử tri sẽ lại quyết định.
Bùi Văn Phú
© 2021 Buivanphu, 08/01/2021
Tác giả Bùi Văn Phú là một giảng viên đại học cộng đồng vùng Vịnh San Francisco, California.
******************
Nước Mỹ sang trang
Nhã Duy, 07/01/2021
Có lẽ rồi sẽ mất khá lâu để thế giới lấy lại hình ảnh cùng vai trò lãnh đạo của một nước Mỹ quyền lực, qua những gì họ đã chứng kiến trong ngày 6 tháng Một vừa qua. Cuộc bạo động, tấn công vào tòa Quốc hội từ những người ủng hộ Donald Trump chỉ là giọt nước tràn ly và cuối cùng sau bốn năm Trump cầm quyền và hủy hoại nền cộng hòa và dân chủ Hoa Kỳ, những tưởng là một trong những khuôn mẫu hàng đầu của thế giới.
Đáng tiếc hơn là sự xuất hiện của những lá cờ vàng đã bị dăm kẻ nào đó vẫy cao trên thềm Quốc hội giữa đám đông bạo loạn hay trong các cuộc biểu tình
Cuộc bạo loạn không phải sự tỏ bày quyền tự do ngôn luận, không phải là những cuộc biểu tình được bảo vệ theo hiến định, mà phải gọi đích danh là cuộc nổi loạn, cuộc tấn công vào định chế dân chủ của nước Mỹ. Nó là cái cớ để những quốc gia khác cười ngạo nước Mỹ khi can dự vào nội tình nước họ trong tương lai.
Đáng tiếc hơn là sự xuất hiện của những lá cờ vàng đã bị dăm kẻ nào đó vẫy cao trên thềm Quốc hội giữa đám đông bạo loạn hay trong các cuộc biểu tình. Nó đại diện cho hành động những kẻ cuồng mê gốc Việt, mạo danh cờ vàng và cộng đồng để tiếp tay cho cái xấu, phản bội lại nước Mỹ đã cưu mang mình và bêu xấu hình ảnh cộng đồng gốc Việt trong bốn năm qua. Có là số đông hay bao nhiêu nhiêu người, sự tệ hại trong tâm hồn và hành động, cái tâm thức nô dịch, cuồng mê lãnh tụ kia rồi cũng sẽ bị lên án, trả giá như chính chủ chăn của họ.
Không có ai đứng trên pháp luật, không có hành động phạm pháp nào sẽ được bỏ qua, những kẻ bạo loạn sẽ bị trừng trị. Và hơn hết, những cấp lãnh đạo âm mưu phản loạn, phản quốc sẽ bị luật pháp công minh nghiêm trị. Chẳng nghi ngờ gì điều này một khi tân nội các chấp chánh và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ được tái lập trong đôi tuần tới.
Bởi cuộc bạo loạn, tấn công vào cơ quan công quyền như Quốc hội - một trong những công viện quyền lực nhất của Hoa Kỳ, là hậu quả đến từ sự kích động, xúi giục của Donald Trump, của những kẻ thuộc hạ, từ một giới truyền thông bịa đặt, tung hô lãnh tụ cho đến những đồng minh chính trị đã bất chấp sự liêm sỉ và tinh thần quốc gia còn sót lại, nếu họ đã từng có, qua danh nghĩa bảo vệ kết quả cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Một ngụy biện thể hiện sự xuẩn dại và vô đạo nhất của những kẻ đã đưa ra hay tin là như vậy.
Việc phản đối cuộc bầu cử minh bạch, công bằng và chính xác theo luật pháp và hiến pháp chỉ là cái cớ thể hiện cơn say quyền lực của Donald Trump cùng sự sùng bái lãnh tụ của những thần dân mình. Khi Donald Trump hay những kẻ này viện dẫn 74 triệu người đã ủng hộ cho Trump nhằm biện minh cho hành động của mình, thì đó là một giả định tìm kiếm đồng minh quá đỗi hào phóng.
Không ! Chỉ có 74 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho Donald Trump.Trong đó có bao nhiêu người đã bỏ lá phiếu của mình chỉ vì một vấn đề đơn lẻ, duy nhất nào đó mà họ quan tâm hay ủng hộ và được Trump đại diện, chứ không phải cho ông ta ? Ngay cả khi có thể là họ đã không hài lòng với cá nhân Trump. Chẳng hạn như chống phá thai, như vấn đề đồng tính, như hạn chế di dân, như ủng hộ việc cắt giảm quyền lợi dân sinh, giáo dục... Hoặc đơn giản là sự ủng hộ bất cứ ứng viên thuộc cảm tình hay liên đới đảng phái chính trị của mình, bất chấp đạo đức, khả năng. Hay chỉ vì không đồng ý những đường lối của dăm dân biểu cấp tiến thuộc đảng đối lập đưa ra.
Cũng vậy, thử nhìn vào 81 triệu cử tri bỏ phiếu truất phế Trump. Không biết có bao nhiêu người đã thật sự ủng hộ Joe Biden nhưng chắc chắn một điều là số phiếu cho ông là sự không chấp nhận, là thái độ phản đối, muốn truất phế Donald Trump. Là khao khát bảo vệ quốc gia, bảo vệ những giá trị và truyền thống lâu đời của một nước Mỹ vĩ đại, không để nó tiếp tục bị rơi vào tay kẻ manh nha muốn đưa nước Mỹ vào sự độc tài, phản dân chủ.
Hãy nhìn lại di sản và chân dung Donald Trump lần cuối, trước khi Trump chấm dứt nhiệm kỳ của mình. Đó là một nền kinh tế bấp bênh, đưa người dân vào nguy cơ thất nghiệp với một khoản thâm thủng và nợ công khổng lồ. Là một thái độ vô trách nhiệm, phản khoa học trước đại dịch để dẫn đến cái chết với hàng trăm ngàn người dân, đã có thể được ngăn ngừa. Là sự bất ổn xã hội, xung đột và chia rẽ nặng nề khó hàn gắn trong người dân. Là việc phá vỡ niềm tin vào những định chế cùng sự vận hành lâu đời của các cơ quan công quyền chính phủ, của giới truyền thông uy tín của nước Mỹ.
Hãy nhìn lại di sản và chân dung Donald Trump lần cuối, trước khi Trump chấm dứt nhiệm kỳ của mình.
Không có bất cứ quốc gia nào, kể cả những quốc gia độc tài hay cộng sản lại có phong trào và số người dân chống đối, ghét bỏ người đứng đầu quốc gia của mình đông đảo đến như vậy. Chưa hề có một lãnh đạo quốc gia nào bị thất cử mà người dân thế giới hò reo, nhảy múa ăn mừng như khi xảy ra với Donald Trump. Và cũng chưa từng có cấp lãnh đạo thế giới nào lại bị chính người dân mình cho đến quốc gia đồng minh khác cấm đoán được lai vãng hay sử dụng dịch vụ khi đương nhiệm hay mãn nhiệm. Bên cạnh trách nhiệm pháp lý sẽ đối diện, đó là di sản đáng sỉ nhục cho Donald Trump.
Đồng thời hiện tượng Trump là một lời cảnh tỉnh về ma lực của chủ nghĩa dân túy, có khả năng biến đám đông trở nên cuồng loạn, thiếu vắng lý trí và la bàn đạo đức. Là lời nhắc nhở rằng những nền tảng dân chủ tưởng như vững chãi nhất vẫn có thể lung lay nếu không có sự bảo vệ, tranh đấu của những người cương trực, những tinh thần ái quốc.
Nước Mỹ đã sang trang. Hiện tượng Trump là một lời cảnh tỉnh về ma lực của chủ nghĩa dân túy, có khả năng biến đám đông trở nên cuồng loạn, thiếu vắng lý trí và la bàn đạo đức.
Cuối cùng rồi, như Quốc hội đã chính thức xác nhận tổng thống tân cử Joe Biden là tổng thống thứ 46 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, như tiếng nói của người dân không chỉ đưa Biden vào vị trí lãnh đạo quốc gia mà còn tập trung được cả lưỡng viện lập pháp vào tay đảng Dân Chủ để hậu thuẫn cho đường hướng nghị sự, chính sách tái dựng Hoa Kỳ của ông trong những năm tới, nước Mỹ sẽ trở lại như nó vốn dĩ.
Nước Mỹ đã sang trang. Những ai đã dự phần vào câu chuyện nước Mỹ, dù chỉ là sự lên tiếng của lương tâm trước cái xấu, là sự ủng hộ tinh thần dân chủ hay bằng chính lá phiếu truất phế Donald Trump trong tư cách công dân, cũng có thể tự hào về một thời đáng nhớ trong cuộc đời mình và trong trang sử nước Mỹ.
Xin chia tay những ngày thử thách và nhìn về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước này.
Nhã Duy
(07/01/2021)
**********************
Máu, hỗn loạn và vô luật pháp
Hoàng Thủy Ngữ, 07/01/2021
Đây là cách mà 4 năm đen tối nhất trong lịch sử nền dân chủ Mỹ kết thúc : máu, hỗn loạn và vô luật pháp, do tổng thống đương nhiệm khởi xướng.
Hoàng Thủy Ngữ
Mitch McConnell (trái) đã lên tiếng chống lại Donald Trump. Mike Pence từ chối làm theo lệnh của Tổng thống. Ảnh minh họa
Giống như phần cuối của một bộ phim truyền hình Shakespeare. Từng người một, những người trung thành nhất, đã quay lưng lại với bạo chúa. Mitch McConnell đã lên tiếng chống lại ông ta. Mike Pence từ chối làm theo lệnh của ông ta.
Ông ta ngồi một mình trong lâu đài và nhìn ra thủ đô đang bị những kẻ mọi rợ, đầu trâu mặt ngựa nổi loạn đập phá. Ông ta đã mở toang cổng thành cho những thứ mà chính mình đã từng hùng hổ lên án kết tội: tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp và man rợ.
Chính ông là người đã kêu gọi họ đến. Chính ông đã dọn đường và để ngỏ cửa. Chính ông đã sử dụng họ như những con cờ trong ván bài chính trị của mình. Đó là những bầy tôi trung thành. Đó là những người bất mãn vì thua trong cuộc bầu cử. Cái đám đông vô tri tin tuyệt đối vào những lời dối trá trắng trợn điên rồ và các thuyết âm mưu của ông về gian lận bầu cử. Hẳn ông đã vô cùng thỏa mãn, cái tôi được vỗ về vì đã cưỡi cổ được 74 triệu tín đồ và tự hào là "King Of Israel", the "Second Coming Of God".
Từ Tòa Bạch Ốc, ông ta có thể nghe thấy tiếng la ó ồn ào. Liệu ông có làm giống như Hoàng đế Nero, trèo lên mái cung điện rồi hát vang bài hát nói về ngọn lửa đốt cháy thành Troy không?
Không! Ông ta chỉ cần tung ra những dòng tweet chà đạp luật pháp và trật tự, rồi ngồi hưởng lợi từ cuộc nổi loạn do mình khích động.
Ông không yêu cầu những kẻ nổi loạn giải tán. Ông ta yêu cầu họ phủ nhận kết quả bầu cử. Ông ta cổ võ bạo lực. Việc bảo vệ nhân mạng và tài sản mà ông ta tỏ ra quan tâm vài tháng trước trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter không còn quan trọng nữa.
Hai tuần lễ nữa, Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, và mọi chuyện sẽ kết thúc. Những hư hại vật chất trong tòa nhà quan trọng nhất của nền dân chủ Mỹ sẽ được sửa chữa. Những kẻ phá hoại có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng Trump đã phá hủy một thứ có giá trị hơn nhiều. Ông ta đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho nền dân chủ Hoa Kỳ, một nền dân chủ đã là hình mẫu cho mọi quốc gia trên thế giới.
Donald Trump đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho nền dân chủ Hoa Kỳ, một nền dân chủ đã là hình mẫu cho mọi quốc gia trên thế giới.
Đó là việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, một nguyên tắc quan trọng nhất của nền dân chủ Mỹ. Một siêu cường quân sự trong đó vị tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang tự nguyện bàn giao chức vụ của mình sau một cuộc bầu cử.
Việc này đã được thực hiện rất nhiều lần trong gần 250 năm, cả trong cuộc nội chiến và hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng nó sắp tan nát dưới tay một ông trùm bất động sản kiêm ngôi sao truyền hình thực tế đến từ New York, kẻ tự nhận mình là "thiên tài ổn định".
Việc sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng nó sẽ xảy ra. Bởi lẽ, ý tưởng dân chủ mạnh hơn một kẻ vĩ cuồng, tham quyền cố vị và ôm mộng độc tài.
Trump sẽ đi vào lịch sử như một tổng thống không chịu thừa nhận thất cử và không quan tâm đến những thiệt hại mà ông đã gây ra cho nền dân chủ Mỹ trên đường rời Tòa Bạch Ốc.
Hoàng Thủy Ngữ
(07/01/2021)
Trump đe dọa, dụ dỗ, năn nỉ Bộ trưởng hành chánh của Georgia để 'kiếm' 11.780 phiếu cho Tổng thống hầu đảo lộ kết quả bầu cử ở Georgia
Nguyễn Quốc Khải, 03/01/2021
Tổng thống Trump kêu gọi Bộ trưởng Hành chánh của Georgia Brad Raffensperger (Cộng hòa), để "kiếm" đủ phiếu để làm cho Trump thắng tại Georgia. Đó là nội dung chính của cuộc điện đàm kéo dài khoảng một giờ vào ngày thứ Bẩy đã được ghi âm. Về phía Nhà Trắng, ngoài Tổng thống Trump còn có Chánh Văn Phòng Mark Meadows, Luật sư Kurt Hilbert và Luật sư Cleta Mitchel. Về phía Georgia, ngoài Brad Raffensperger, còn có cố vấn Ryan Germany.
Tổng thống Trump lập luận rằng "Người dân Georgia tức giận, người dân trong nước tức giận. Ông biết, không có gì sai khi ông tính toán lại". Ở một đoạn khác Trump nói "Tất cả những gì tôi muốn là tìm ra 11.780 phiếu, một phiếu nhiều hơn chúng ta có. Bởi vì chúng ta thắng tiểu bang".
Trong cuộc nói chuyện Trump đe dọa hai ông Raffensperger và Germany rằng nếu họ không tìm ra hàng ngàn phiếu tại quận Fulton đã bị tiêu hủy để ngăn chặn cuộc điều tra - một tố cáo không có bằng chứng của Trump - họ sẽ chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Kurt Hilbert kết tội Bộ Ngoại Giao Georgia của Raffensperger đã từ chối không chuyển dữ liệu để tìm kiếm bằng chứng gian lận. Ông cũng nhắc tới ít nhất 24.000 phiếu bầu gian lận và nếu không có số phiếu này, Trump đã thắng cử ở Georgia.
Trong suốt cuộc điện đàm, Bộ trưởng Raffensperger và cố vấn luật pháp Germany hoàn toàn bác bỏ lập luận của Tổng thống Trump và nhận định rằng Tổng thống dựa vào những thuyết âm mưu đã bị chứng tỏ là sai lầm và Joe Biden thắng cử với 11.799 phiếu tại Georgia là công bắng và chính xác. Georgia đã ba lần kiểm phiếu. Georgia Bureau of Investigation cũng đã giảo nghiệm chữ ký trên lá phiếu và chứng nhận rằng hệ thống 99,9 % chính xác và không có chứng cớ gian lận.
Tổng thống Trump có khuynh hướng dựa vào các viên chức Cộng hòa địa phương ở một số tiểu bang trong cố gắng lật ngược kết quả bầu cử bằng cách tranh cãi về kết quả, tố giác gian lận bầu cử dù không đưa ra bằng chứng, ngăn chặn việc chứng nhận kết quả bầu cử, đặc biệt tại những tiểu bang chiến địa. Vào cuối tháng 11, ông đã mời những nhà lãnh đạo Cộng hòa của Michigan đến họp tại Nhà Trắng. Tại tiểu bang này, ông đã thua ứng cử viên Joe Biden trên 150.000 phiếu. Trump chú trong đến Michigan vì ông hi vọng có thể thuyết phục các viên chức Cộng hòa ở đây. Nhưng sau cùng ông không đã thành công.
Lãnh tụ thiểu số Thượng Viện Chuck Schumer kêu gọi Đảng Cộng hòa nên điều tra Tổng thống Trump về hành động tìm phiếu ở Georgia trong khi một số nghị sĩ và Cộng hòa muốn tiếp tục điều tra về cuộc gian lận bầu cử. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Hành chánh của Georgia Raffensperger chứng minh rất tõ ràng âm mưu gian lận bầu cử của Tổng thống Trump.
Giáo sư Jonathan London tại Leiden University, Hòa Lan, nhắc đến một điều khoản trong đạo luật liên bang Hoa Kỳ Title 52 U.S. về bầu cử cho thấy Tổng thống Trump đã vi phạm luật này và có thể bị tù. Luật liên bang ghi rõ như sau :
"Một người, bao gồm cả một quan chức bầu cử, trong bất kỳ cuộc bầu cử nào cho chức vụ Liên bang… cố ý và cố ý tước đoạt, gian lận hoặc cố gắng tước đoạt hoặc lừa gạt cư dân của một tiêu bang có quy trình bầu cử được tiến hành công bằng và không thiên vị, bằng cách… mua sắm, đúc , hoặc lập bảng biểu các lá phiếu mà người đó biết là sai nghiêm trọng, hư cấu hoặc gian lận theo luật của tiêu bang nơi tổ chức bầu cử "sẽ bị phạt tù đến năm năm".
Title 52 U.S. Section 20511 states : "A person, including an election official, who in any election for Federal office … knowingly and willfully deprives, defrauds, or attempts to deprive or defraud the residents of a State of a fair and impartially conducted election process, by … the procurement, casting, or tabulation of ballots that are known by the person to be materially false, fictitious, or fraudulent under the laws of the State in which the election is heldis subject to imprisonment of up to five years".
Bà Leigh Ann Webster, một luật sư hình sự ở Atlanta, trả lời cuộc phỏng vấn của báo New York Times, nói rằng "Đối với tôi, ông ta rõ ràng vi phạm luật của Georgia". Theo đó bất cứ ai "nài nỉ, đòi hỏi, ra lệnh, gạ gẫm hay mưu toan làm cho người khác" gian lận bầu cử, đều bất hợp pháp.
DB Jerrold Nadler (Dân chủ, New York), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói rằng cuộc điện đàm tạo ra một số vấn đề pháp lý. Ông nhận định rằng "Tổng thống có thể đã tự gây ra cho chính ông ta một trách nhiệm hình sự khi đe dọa những viên chức [của Georgia] với những hậu quả hình sự mơ hồ và khuyến khích họ ‘tìm’ thêm một số phiếu và mướn một số điều tra viên ‘muốn tìm những câu trả lời’".
Vào cuối ngày Chủ Nhật 3/1, hai bản tin của Alive và Rawstory cho hay Tổng thống Trump đã nộp hai đơn kiện Bộ trưởng Hành chánh Brad Raffensperger tại tiểu bang và liên bang về việc tiết lộ cuộc điện đàm vào ngày hôm qua. Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện này sẽ không đi tới đâu vì luật của Georgia cho phép ghi âm các cuộc nói chuyện chỉ cần một bên đồng ý. Thứ hai là cuộc nói chuyện này không còn bí mật nữa vì chính Tổng thống Trump đã công khai hóa trên Tweeter.
Nguyễn Quốc Khải
(03/01/2021)
Tham khảo :
1. Chandelis Duster, Devan Cole, "In call, Trump demands Georgia officials ‘find’ votes to till election", CNN, January 3, 2021.
2. Stephen Fowler, "This was a scam : in recorded call, Trump pushed official to overturn Georgia vote", NPR. January 3, 2021.
3. Amy Gardner, "I just want to find 11.780 votes : in extraordinary hour-long call, Trump pressures Georgia secretary of state to recalculate the vote in his favor", The Washington Post, January 3, 2021.
4. Tom Hamburger, Kayla Ruble, David A. Fahrenthold, Josh Dawsey, "Trump invites Michigan Republicans leaders to meet him at White House as he escalates attempts to overturn election results", The Washington Post, Novermber 19, 2020.
5. Sarah K. Burris, "Trump to sue Georgia secretary of state for recording a call where he demanded a crime be committed : report", RawStory, January 3, 2021.
6. Eric Lipton, "Trump call to Georgia official might violate state and federal law", The New York Times, January 3, 2021.
7. Jennifer Rubin", It’s impeachable. It’s likely illegal. It’s a coup", The Washington Post, Janurary 3, 2021.
***********************
Thanh Hà, RFI, 04/01/2021
Donald Trump yêu cầu một quan chức bang Georgia tìm cho ra "11.780 lá phiếu" để thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ở bang Georgia. Báo Washington Post hôm Chủ Nhật 03/01/2021 tiết lộ đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nhà Trắng với tổng thư ký đặc trách về bầu cử bang này, ông Brad Raffensperger.
Hơn hai tuần trước ngày chuyển giao quyền lực, tổng thống Trump vẫn tìm mọi cách để trụ lại Nhà Trắng. Cho dù kết quả chính thức được công bố hôm 14/12/2020 cho thấy thắng lợi rõ rệt của ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden nhờ được 306 đại cử tri ủng hộ, Donald Trump vẫn muốn đảo ngược thế cờ.
Trong cuộc điện đàm hôm 02/01/2021, nguyên thủ Mỹ yêu cầu Brad Raffensperger thông báo "cho kiểm lại số phiếu bầu" với kết quả là phần thắng thuộc về ứng viên của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên người đặc trách về bầu cử của bang Georgia đã cưỡng lại sức ép của Donald Trump.
Trước mắt Nhà Trắng từ chối bình luận về đoạn thu âm cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và ông Raffensperger. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bất bình về lối hành xử phi dân chủ của nguyên thủ Mỹ.
Thông tín viên đài RFI Loubna Anaki từ New York tường thuật :
"Cuộc trao đội đã diễn ra trong một giờ đồng hồ. một bên là Donald Trump cùng các luật sư và một số cố vấn thân cận của ông. Bên kia là tổng thư ký bang Georgia và luật sư.
Như từ nhiều tuần qua, nguyên thủ Mỹ tố cáo kết quả bầu cử tổng thống vừa qua. Ông đã nêu lên nhiều thuyết gian lận và kêu gọi chính trị gia của đảng Cộng hòa Raffensperger ủng hộ ông để phản đối kết quả bầu cử. Brad Raffensperger liên tục bác bỏ những cáo buộc của tổng thống Trump nhưng chủ nhân Nhà Trắng vẫn hối thúc và thậm chí ông còn đi xa hơn khi kêu gọi quan chức bang này lật ngược kết quả bầu cử.
Donald Trump không vòng vo : "Điều tôi muốn là tìm ra 11.780 lá phiếu. Không có gì sai trái nếu như giải thích rằng ông đã kiểm lại phiếu và chúng ta đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này".
Tiết lộ này gây chấn động. Nhiều vị dân biểu của đảng Dân chủ ở Hạ Viện choáng váng trước những phát biểu của ông Trump. Thượng nghị sĩ Chuck Shumer kêu gọi những chính khách bên đảng Cộng hòa đòi cho mở điều tra về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ nên "bắt đầu bằng việc điều tra về những hành động của tổng thống" Trump.
Tham dự cuộc vận động tranh cử ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ bang Georgia trong cuộc chạy đua vào Thượng Viện, phó tổng thống Mỹ tân cử, Kamala Harris lên án mưu đồ của Donald Trump. Bà nói : "Đây rõ ràng là tiếng nói của một người đang trong tình huống tuyệt vọng và là một sự lạm dụng quyền lực một cách trắng trợn của tổng thống Hoa Kỳ".
Trên Twitter những người ủng hộ tổng thống thì chĩa mũi dùi tấn công tổng thư ký bang Gerogia. Họ chỉ trích ông này đã ghi âm cuộc điện đàm với Donald Trump và đã trao lại đoạn ghi âm đó cho báo chí.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 04/01/2021
Tổng thống Trump dọa không ký thành luật gói cứu trợ Covid-19, đưa ra đòi hỏi mới
VOA, 24/12/2020
Tổng thống Donald Trump vào cuối ngày thứ Ba đe dọa không ký thành luật gói cứu trợ Covid-19 trị giá gần 900 tỷ của Quốc hội trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành và bất ổn kinh tế sâu rộng. Theo hãng tin AP, ông đột ngột đề nghị những thay đổi mà các thành viên đảng Cộng hòa đã chống đối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ
Ông Trump đả kích gói cứu trợ 900 tỷ đô la của lưỡng đảng trong một video tải lên trang Twitter của ông vào đêm thứ Ba, trong đó ông tỏ ý có thể sẽ không ký thành luật dự luật cứu trợ Covid-19. Ông kêu gọi các nhà lập pháp hãy tăng số tiền gửi trực tiếp cho hầu hết người Mỹ từ 600 USD lên tới 2.000 USD cho mỗi cá nhân, và 4.000 USD cho các cặp vợ chồng.
Chống lại một loạt điều khoản trong dự luật, kể cả các khoản viện trợ nước ngoài, ông hối thúc các nhà lập pháp hãy "loại bỏ những chi tiêu lãng phí và không cần thiết và gửi cho tôi một dự luật phù hợp".
Tổng thống Trump không tuyên bố cụ thể sẽ phủ quyết dự luật, và biện pháp này có thể đạt đủ mức ủng hộ cần thiết để Quốc hội vô hiệu hóa phủ quyết của tổng thống nếu ông làm như vậy. Nhưng nếu Tổng thống Trump làm chìm xuồng gói cứu trợ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, kể cả không có sự trợ giúp của liên bang cho người Mỹ và cho doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn, đồng thời không có nguồn lực để phân phối vắc xin chống Covid. Ngoài ra, vì các nhà lập pháp liên kết dự luật cứu trợ đại dịch với một biện pháp tài trợ tổng thể, chính phủ có thể phải đóng cửa vào ngày 29 tháng 12.
Gói cứu trợ là một phần của dự luật đạt được sau muôn vàn khó khăn, bao gồm 1,4 nghìn tỷ đô la để tài trợ cho hoạt động của các cơ quan chính phủ cho đến hết tháng 9, và các ưu tiên khác như tài trợ cho các hệ thống vận chuyển, tăng trợ cấp tem phiếu thực phẩm và khoảng 4 tỷ USD để giúp các quốc gia khác cung cấp vắc-xin Covid-19 cho người dân của họ.
Các nhà lập pháp rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng về gói cứu trợ chống đại dịch Covid, ngay giữa lúc các ca Covid-19 tăng vọt trên khắp nước. Đảng Dân chủ vận động để tăng ngân khoản cấp cho người Mỹ, nhưng cuối cùng đã nhượng bộ Đảng Cộng hòa để đạt thỏa thuận.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo khối Dân chủ tại Thượng viện, nói "Tổng thống Trump cần ký dự luật để giúp đỡ mọi người và duy trì các hoạt động của chính phủ", và Quốc hội sẽ vận động để tăng các khoản cứu trợ sau đó.
*************************
Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ Covid 892 tỷ USD
VOA, 22/12/2020
Sau nhiều tháng án binh bất động, Quốc hội Hoa Kỳ hôm 21/12 thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 892 tỷ đô la, cứu nguy nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Quốc hội cũng thông qua ngân sách hoạt động cho chính phủ liên bang.
Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington, ngày 23/12/2020, giữa lúc Thượng viện Mỹ đang đàm phán gói cứu trợ để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. (Photo by Saul Loeb / AFP)
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ ký thành luật gói cứu trợ này.
Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, lưỡng viện lập pháp đã làm việc thâu đêm để thông qua dự luật - trị giá khoảng 2,3 nghìn tỷ đô la bao gồm cả chi tiêu cho phần còn lại của năm tài chính. Hạ viện chuẩn thuận gói cứu trợ này và Thượng viện theo chân vài giờ sau đó với đa số 92-6, một cuộc biểu quyết được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Dự luật cứu trợ Covid-19 gồm một ngân khoản 600 đô la cho hầu hết người Mỹ và các khoản chi bổ sung cho hàng triệu người bị mất việc trong đại dịch Covid-19, đạt được ngay vào lúc một đợt trợ cấp còn lớn hơn sắp sửa hết hạn hôm thứ Bảy.
Gói kích thích kinh tế, khoản cứu trợ đầu tiên được Quốc hội thông qua từ tháng Tư, được tung ra trong bối cảnh đại dịch đang tiếp tục lây lan mạnh ở Hoa Kỳ, lây nhiễm cho hơn 214.000 người mỗi ngày và kéo chậm đà phục hồi kinh tế. Cho tới nay, hơn 317.000 người Mỹ đã chết vì dịch Covid-19.
Washington DC ngày 20/12/2020. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (D-CA) phát biểu tại cuộc họp báo ở Điện Capitol.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một thành viên Đảng Dân chủ, nói bà ủng hộ dự luật cứu trợ Covid-19 mặc dù gói cứu trợ này không bao gồm một khoản cứu trợ trực tiếp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương, là điều mà đảng Dân chủ đã vận động. Bà cho biết sẽ thử lại thời vận sau khi Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Bà nói gói cứu trợ "không đi hết đoạn đường nhưng nó đưa chúng ta đi theo đúng hướng".
Đại diện đảng Cộng hòa Hal Rogers cũng ủng hộ gói cứu trợ này, nói rằng "nó phản ánh một sự thỏa hiệp công bằng".
Dài tới 5.593 trang, dự luật cứu trợ Covid sẽ chi 1,4 nghìn tỷ đô la vào một loạt chương trình liên bang cho đến cuối năm tài chính vào tháng 9, có thể là đạo luật quan trọng cuối cùng của Quốc hội thứ 116. Quốc hội cũng bao gồm một biện pháp để tiếp tục duy trì mức chi tiêu hiện tại của chính phủ liên bang trong bảy ngày, để đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động của chính phủ liên bang.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (R-KY), Lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện tới Điện Capitol để đàm phán gói cứu trợ Covid-19 ngày 23,/3/2020. Reuters/Joshua Roberts
Cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa, đều tuyên bố chiến thắng nhưng Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, đảng viên Đảng Cộng hòa, cho rằng dự luật chung cuộc gần giống như những gì mà Đảng Dân chủ đã bác bỏ nhiều tháng trước dây vì cho là không đủ.
Gói cứu trợ này ít hơn nhiều so với gói cứu trợ 3 nghìn tỷ USD đã được kêu gọi trong dự luật được Hạ viện - vốn do đảng Dân chủ kiểm soát, thông qua hồi tháng 5 nhưng bị Thượng viện -do đảng Cộng hòa kiểm soát-. Gạt bỏ.
Cứu trợ giới Tiểu thương
Dự luật còn gia hạn chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay khoảng 284 tỷ đô la và tiếp sức cho các trường học, hãng hàng không, hệ thống vận chuyển và phân phối vắc xin.
Chương trình tài trợ và cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, được gọi là Chương trình Bảo vệ tiền lương, sẽ loại trừ các công ty giao dịch công khai trên sàn chứng khoán.
Nếu được ký thành luật, dự luật này sẽ là gói kích thích kinh tế lớn thứ nhì trong lịch sử Hoa Kỳ, sau dự luật viện trợ khoảng 2 nghìn tỷ USD được thông qua vào tháng Ba.