Cái tâm lý phân chia định cấp xã hội, sắc tộc cùng liên đới chính trị có thể dẫn một số người đến sự thiên lệch cảm xúc, theo như lý thuyết tâm lý học hoặc những gì người ta có thể dễ dàng quan sát được từ thực tế. Sự thiên lệch cảm xúc này là một tiểu thể của định kiến thiên lệch, xảy ra từ sự sai lệch trong nhận thức, rồi sinh ngược lại nhận định hay quyết định dựa trên những cảm xúc đó của mình.
Người ủng hộ cứ việc ủng hộ, cứ tiếp tục tung hô nhưng hãy thôi hô hào mã thượng, nói lời chỉ trích hay buông lời đạo đức giả dối với người khác.
Khi sự thương cảm, quan tâm chỉ bày tỏ đến người quyền lực hay nổi tiếng nhất, cho người mình thích nhất thay vì là một thái độ mang giá trị cốt lõi và bất biến đến chung cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh và chịu đựng nhiều nhất trong cùng hoàn cảnh tương tự, thì đó là một tình cảm thiên lệch. Hay nói khác hơn, đó là một nền tảng đạo đức thiếu chân thật.
Câu chuyện những người ủng hộ tổng thống Donald Trump hiện nay cũng vậy. Họ cầu nguyện, lo lắng, quan tâm đến sức khỏe của Donald Trump mà họ ủng hộ, nhưng đồng thời lại vô tâm, bất nhẫn với những nạn nhân xã hội đã hay đang bị nhiễm bịnh hoặc qua đời. Hơn nữa, khi họ đòi hỏi hay tấn công, chỉ trích những người không có cùng cảm xúc hay trạng thái thương cảm như mình, họ đã đi quá xa. Bởi không ai có thể cưỡng ép hay có khả năng buộc người khác phải có cùng trạng thái cảm xúc như mình.
Hãy nhớ lại đã vô số lần Donald Trump từng chế giễu những người bịnh tật, bất hạnh thua kém mà họ đồng lõa cười vang và vỗ tay tung hô. Nhiều người đang nhắc lại thước phim mà Donald Trump đã chế giễu bà Hillary bị say nắng, đi không vững sau một cơn bệnh, phải có người dìu vào xe hồi năm 2016. Liệu thái độ này của Donald Trump có xứng đáng trong tư cách một người đàn ông bình thường để đối xử với phụ nữ như vậy hay không, đừng nói rằng ở cương vị đứng đầu quốc gia. Lòng thương cảm và đạo đức của người ủng hộ Trump ở đâu khi được họ cười vang, hả hê, đồng tình với Trump ?
Hãy nhớ lại vô số lần Donald Trump đã cố tình xem nhẹ dịch bịnh để dẫn đến cái chết cho hàng trăm ngàn người hiện nay và họ đã phụ họa, lan truyền rằng, dịch bịnh cùng số người chết là thổi phồng, là không thật.
Trump bảo nguy cơ nơi trẻ em gần như số không, nhưng có nhìn đến rủi ro của những cha mẹ, ông bà mà các em sẽ mang về và lây sang cho họ ?
Vài tuần trước, trong cuộc vận động tại Ohio, tổng thống Trump lại bảo Covid chẳng đáng ngại, chẳng ảnh hưởng đến ai mà chỉ ảnh hưởng đến người già. Bộ sinh mạng người già là không đáng quan tâm trong mắt Trump hay sao ? CDC đưa cảnh báo rằng, nguy cơ tử vong nơi người già cao gấp từ 100 đến 600 lần so với giới trẻ, tùy theo độ tuổi từ 65 trở lên (*). Lòng thương cảm và đạo đức của người ủng hộ Trump ở đâu khi hào hứng vỗ tay cho tuyên bố xem thường sinh mạng người lớn tuổi, có chính họ hoặc cha mẹ, ông bà họ như vậy ?
Trump đang tìm mọi cách đảo ngược bảo hiểm y tế Obamacare giữa khi vô số người đang cần nó nhất trong cơn dịch bịnh hiện nay. Họ là những người đang sử dụng hay buộc phải mua khi bị mất bảo hiểm do bị thất nghiệp từ sự tắc trách của Trump cùng nội các của ông, đưa nước Mỹ đến tình cảnh hiện nay. Người ủng hộ Trump hết lòng ủng hộ điều này, lòng thương cảm và đạo đức của họ ở đâu ?
Khi truyền thông cùng những đối thủ chính trị ngưng chiến dịch chỉ trích và gởi lời chúc lành đến vợ chồng Donald Trump thì ban tranh cử của Trump với sự chấp thuận của ông vẫn tiếp tục tung ra các mẩu quảng cáo tấn công, chỉ trích đối phương với lời lẽ đầy hạ cấp. Liệu điều này vẫn làm người ủng hộ Trump mong đợi lòng thương cảm và tinh thần mã thượng từ người khác đến Donald Trump ?
Có thể kể thêm vô số điều tương tự như vậy để thấy rằng, người dân có lý do để chẳng phải thương cảm, đồng cảm với Donald Trump, nếu như ông quả thật đã nhiễm bịnh. Bởi với những màn trình diễn Trump lên xe rời bệnh viện để chụp hình, màn đang ký vào tờ giấy trắng như vẫn đang "làm việc" giữa lúc bệnh, hoặc tung hàng chục tin nhắn ngay sáng đầu tuần để tiếp tục tấn công vào truyền thông, người ta có quyền nghi ngờ rằng chuyện nhiễm bệnh của ông ta có phải một thủ thuật chính trị đầy tính toán hay không ?
Có thể Trump cần khoảng thời gian "timeout", cần cắt ngang sự chú ý công luận, tạm ngưng mũi dùi của truyền thông và đối thủ chính trị vào các điều ông đang phải đối diện, vô số thông tin bất lợi đã bị tiết lộ nhằm hướng họ vào câu chuyện thời cuộc qua vấn đề sức khỏe của mình. Hoặc giả có thể nó cho ông một lý do chính đáng để né tránh những cuộc tranh luận còn lại, mà ở đó ông có thể tiếp tục phô bày sự bất xứng trong tư cách và khả năng hay bị vạch ra các sai trái khác. Cũng có thể là cách ông mau chóng lành bịnh để chứng minh rằng, dịch bịnh chẳng là điều nguy hiểm và ông cùng nước Mỹ đã "chiến thắng" được nó.
Vô số giả thuyết hay nghi ngờ mà người dân có thể nghĩ ra. Một lịch sử dối trá bịnh lý hay có chủ tâm đầy chuyên nghiệp như Donald Trump đã buộc người ta phải nghi ngờ. Vì với Trump, điều gì cũng có thể xảy ra như nó đã từng xảy ra.
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" (Nguyễn Trãi), chuyện chấp chính không chỉ trị nước mà còn ở việc thu phục nhân tâm. Khi một lãnh đạo quốc gia không nhận được sự kính trọng, thương cảm hay tín nhiệm từ đa số người dân trong bất cứ trường hợp nào, người dân có lý do của họ và người lãnh đạo có bổn phận xem xét lại mình.
Vậy thì có lý do gì để buộc người dân phải lo lắng, quan tâm đến sức khỏe cho cấp lãnh đạo quốc gia mà họ xem là bất xứng, bất nhân ? Người ủng hộ cứ việc ủng hộ, cứ tiếp tục tung hô nhưng hãy thôi hô hào mã thượng, nói lời chỉ trích hay buông lời đạo đức giả dối với người khác. Một khi mang một tiêu chuẩn kép với cảm xúc thiên lệch và ủng hộ Donald Trump, họ đã không còn tư cách để nói về đạo đức.
Với người dân, khi không còn kham nổi bất cứ điều gì về Donald Trump thì họ có quyền bày tỏ sự phẫn nộ và cảm xúc thật sự của mình cho dù bất cứ việc gì đang và sẽ xảy ra với ông ta.
Nhã Duy
(05/10/2020)
Nhiễm Covid, "cỗ máy chiến tranh" Donald Trump có dừng cuộc chơi ?
Rốt cuộc ông Donald Trump cũng đành phải để cho con virus corona trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sẽ đi bầu trong hơn 30 ngày nữa, mà một trong hai ứng cử viên lại bị loại ra khỏi vòng chiến, ít nhất trong vài ngày. Đây chính là "ngạc nhiên của tháng 10" ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên trực thăng đến quân y viện Walter Reed ở Washington sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona, 02/10/2020. AP - Alex Brandon
Hồ sơ của Courrier International nói về "Những tù nhân của Covid". Le Point dành trang bìa cho tài tử điện ảnh kỳ cựu Pháp Gérard Depardieu nhân việc ông cho ra mắt cuốn sách "Ailleurs", với dòng tựa "Nước Pháp đã bị phong tỏa mà không hay". L’Express đề cập đến "văn hóa cancel", có thể hiểu là văn hóa tẩy chay, phủ nhận, xóa sổ… mà những người nổi tiếng thường là nạn nhân chạy tựa "Hãy câm miệng hoặc biến đi". L’Obs đặt vấn đề "5G : Mối đe dọa hay sự tiến bộ ?". Ở các trang trong, bầu cử Mỹ và virus corona rất được quan tâm, bên cạnh các chủ đề công nghệ 5G, mối nguy thánh chiến.
Con virus từ Vũ Hán tấn công vào trung tâm quyền lực Mỹ
Trang web của tuần báo Le Point chơi chữ chính là"Ông Trump dương tính với Covid-19 : Cỗ máy chiến tranh bị cảm cúm" (nhưng cũng có thể hiểu là bị ngưng chạy). Đây "ngạc nhiên của tháng 10", theo Courrier International, trong khi những tuần lễ qua nhiều nhà bình luận chỉ suy đoán xung quanh việc bỏ phiếu qua bưu điện.
Le Point cho rằng chuyện gì phải đến đã đến. Rốt cuộc Donald Trump cũng phải để cho con virus corona trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sẽ đi bầu trong hơn 30 ngày nữa, mà một trong hai ứng cử viên lại bị loại ra khỏi vòng chiến, ít nhất trong vài ngày. Tổng thống Trump cùng với phu nhân Melania đều dương tính, phải cách ly. Chiến dịch vận động trên thực tế coi như đã dừng lại.
Sau khi sát hại hơn 200.000 người và làm cho nền kinh tế xuống dốc, con virus corona tấn công thẳng vào người đứng đầu nước Mỹ. Ở tuổi 74, tổng thống Trump nằm trong số những người có nguy cơ, và giờ đây thế giới theo dõi sát tình hình sức khỏe do bác sĩ riêng của ông công bố. Donald Trump nối dài thêm danh sách các nguyên thủ bị nhiễm bệnh sau khi cho rằng chỉ là virus cúm thông thường, như Jair Bolsonaro ở Brazil, hay Boris Johnson ở Anh. Trong khi đó Vladimir Putin với bản tính ngờ vực, sống tách biệt ngay từ đầu đại dịch.
Dù Nhà Trắng là địa điểm cách ly sang trọng (nay thì đã chuyển sang quân y viện), nhưng Donald Trump là con người của không gian trải rộng. Ông rất mê những cuộc mít-tinh cấp tốc. Những người ủng hộ Trump chờ đợi ông ở sân bay để xem chiếc Air Force One hạ cánh, một khán đài nhanh chóng dựng lên, một bài diễn văn hùng hồn chừng vài mươi phút và chiếc phi cơ 747 lại cất cánh đến một "swing state" khác.
Từ nhiều tuần qua, các cuộc thăm dò cho thấy Donald Trump, chậm mà chắc, đang rút ngắn lại khoảng cách với Joe Biden. Ông trông cậy vào cuộc tranh luận để tạo ấn tượng. Nhưng theo người ủng hộ ông nhiệt tình nhất là cây bút xã luận Rush Limabuagh cũng cho rằng thay vì hạ nốc-ao Biden, Joe chỉ bị trầy xước một ít. Và giờ thì Donald bị nhiễm bệnh…
Ông Trump dương tính với corona, còn Biden thế nào ? Cả hai ứng cử viên đều không bắt tay nhau, và hai chiếc bục của họ cũng cách xa nhau trong cuộc tranh luận. Nhưng họ có tôn trọng đầy đủ những quy định căn bản về dịch tễ hay không ? Ứng viên Dân chủ có thể sẽ phải đi xét nghiệm. Nếu Biden âm tính với virus, đó sẽ là một lợi thế rất lớn trước ông Trump, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến bầu cử.
Ai sẽ lên thay tổng thống ?
Hậu quả sẽ như thế nào đối với chiến dịch tranh cử tổng thống ? Trước hết là lịch trình bị đảo lộn, trong lúc chẳng còn được bao nhiêu thời giờ. Về chương trình ở những bang "chiến địa" (swing state) : cuộc mít-tinh ở Florida đã bị hủy bỏ, Wisconsin và Arizona bị hoãn hoặc tổ chức qua mạng. Cuộc tranh luận thứ hai với Joe Biden dự kiến ngày 15/10 cũng có nguy cơ không diễn ra được. Mọi cái nhìn nay đều hướng về đối thủ Joe Biden đã 77 tuổi.
Điều gì sẽ diễn ra nếu tổng thống Trump không thể làm nhiệm vụ ? Theo tu chính án 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, phó tổng thống Mike Pence - hiện giờ vẫn âm tính với con virus - sẽ đảm đương. Cho đến nay, tu chính án này mới vận dụng được ba lần. Lần đầu vào năm 1985, khi Ronald Reagan bị phẫu thuật, phó tổng thống George H. W. Bush trở thành tổng thống trong 8 tiếng đồng hồ. Đến năm 2007, hai lần George W. Bush chịu gây mê, quyền lực được chuyển giao cho Dick Cheney trong 2 giờ.
Trong trường hợp sức khỏe bị giảm sút trầm trọng cho đến cuối nhiệm kỳ, tất nhiên là phó tổng thống lên thay. Theo điều 2 Hiến Pháp và luật 1947, có đến 18 nhân vật có thể kế nhiệm. Sau phó tổng thống là chủ tịch Hạ Viện (hiện nay là bà Nancy Pelosi, nhân vật Dân chủ duy nhất trong danh sách). Tiếp đến là chủ tịch Thượng Viện, rồi ngoại trưởng…
Nhưng nếu xảy ra một thảm kịch tại Washington khiến tất cả những người kế nhiệm không còn nữa ? Hệ thống Mỹ vẫn còn một "chiêu" cuối : "người kế nhiệm được chỉ định". Trong những dịp chính thức như lễ nhậm chức hay diễn văn về liên bang, tổng thống chọn trước một người thay thế, được bảo vệ ở một nơi an toàn. Hồi năm 2018 khi tổng thống Trump đọc bài diễn văn, bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đã được đưa đến một địa điểm an ninh tuyệt đối.
Chuyến đi hụt Florida có thể đáng tiếc cho ông Trump
Việc ông Trump không thể đến Florida vận động có thể là điều đáng tiếc, vì theo The Economist, Donald Trump có nhiều hy vọng tại tiểu bang hay nghiêng ngả này.
Đại diện đảng Cộng hòa tại đây cho biết "đã gõ trên 1,7 triệu cánh cửa, còn Dân chủ chỉ ngồi tại trụ sở nhưng lại cố giành chiến thắng". Tuy nhiên Joe Biden bắt đầu đến Florida từ 15/09, và càng cận ngày càng tung thêm tiền vào bang này, lấy trong số 100 triệu đô la do Michael Bloomberg tài trợ. Ứng cử viên nào thắng được ở Florida có nhiều hy vọng trở thành tổng thống Mỹ : trong 12 cuộc bầu cử vừa qua, chỉ có mỗi một lần dân Florida bầu cho người thua cuộc. Nếu thất bại ở bang này, Donald Trump hầu như không còn cơ hội.
Hai nhóm cử tri nắm giữ chiếc chìa khóa là người Mỹ la-tinh và người lớn tuổi, ông Trump có lợi thế ở nhóm đầu và bất lợi ở nhóm sau. Có đến 1/3 người Mỹ la-tinh tại Florida gốc Cuba, có truyền thống bầu cho Cộng hòa ; những người gốc Venezuela, Columbia và Nicaragua cũng vậy, chỉ có cộng đồng Mêhicô thường bầu cho Dân chủ.
Dân chủ quyết giành cử tri da đen ở Detroit
Còn tại Detroit, thuộc bang Michigan, cuộc chiến được quyết định bởi lá phiếu của người Mỹ da đen. Phóng sự của L’Express cho thấy phe Dân chủ cần đến lớp cử tri này hơn bao giờ hết. Ê-kíp của ông Joe Biden cố gắng vận động tầng lớp cử tri từng cảm thấy bị bỏ rơi hồi năm 2016.
Cách đây bốn năm, Michigan đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới. Là chiếc nôi của kỹ nghệ xe hơi, thành trì của các nghiệp đoàn và công nhân cánh tả, tiểu bang này là "bức tường xanh" Dân chủ. Được cho là luôn nằm ngoài tầm tay với của Cộng hòa, nhưng Donald Trump đã giành được chiến thắng khít khao : vượt 11.000 phiếu trên tổng số 5 triệu. Đến nỗi tờ báo lớn nhất ở địa phương là The Detroit Free Press đã loan báo bà Hillary Clinton thắng cuộc, và sau đó phải đính chính.
Tại Detroit, nơi 8/10 cử tri là người da đen, có đến 14% không đi bầu năm 2016, bỏ trống trận địa cho cử tri nông thôn da trắng theo Cộng hòa. Phía ông Joe Biden quyết giành lại lực lượng này. Ngay lối vào thành phố, một pa-nô khổng lồ chiếu số người chết vì virus corona được cập nhật, bên cạnh con số 200.000 là chân dung Donald Trump. Trên những đài phát nhạc rap, liên tục xen vào những câu quảng cáo kết án ông Trump đã giết hại hàng mấy chục ngàn người da đen.
Tuy nhiên con virus cũng gây khó khăn cho phía Dân chủ, vì hầu hết vận động gián tiếp qua mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại… Giờ đây phải sáng tạo thêm, như phân phát thực phẩm cho người nghèo và đề nghị họ đăng ký đi bầu. Nhưng phía ông Donald Trump cũng xông ra thực địa : lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa mở văn phòng ở Detroit vào đầu năm nay, và các tình nguyện viên gõ cửa từng nhà vận động.
Báo chí bảo thủ vẫn bênh Donald Trump
Nếu đa số báo chí Mỹ tỏ ra bức xúc trước cuộc tranh luận đầu tiên hôm 29/09 được cho là rất lộn xộn, thì không ít nhà quan sát bảo thủ lại đánh giá Donald Trump đã thành công. Courrier International trích dịch một số tờ báo bảo thủ cho rằng ông Trump tiếp tục thu hút cử tri khi bỏ qua những quy luật truyền thống.
Theo họ, Donald Trump là một "pitbull đã bảo vệ nước Mỹ" và tấn công Biden tơi tả. New York Post viết : "Trong một thế giới loạn ly, dưới sự đe dọa của những kẻ hiếu chiến như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bạn có thể trông cậy vào ai để bảo vệ đất nước ? Một con pitbull hung hăng sẵn sàng làm mọi thứ để chiến thắng, hay một người yếu đuối tươi cười ?".
Tương tự đối với tạp chí Anh The Circle, ông Trump là một "chiến binh đường phố" đối mặt với địch thủ mang tính truyền thống. Wall Street Journal ví von Donald Trump như một con voi cần thiết "trong cửa hàng đồ sứ phủ đầy bụi của chính trường Mỹ", tuy nhiên tỏ ý tiếc về sự hỗn độn của cuộc tranh luận. Ngược lại The Circle bênh vực : "Ông ấy quyết liệt, dí dỏm, ông đã cao giọng về những điều mà một số người không dám nói ra".
Trung Quốc bóp méo sự thật về cuộc chiến Triều Tiên
Nhìn sang Châu Á về mặt lịch sử, The Economist chú ý đến việc Tuần báo Anh tỏ ra ngạc nhiên khi"Trung Quốc kỷ niệm 70 tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên". những luận điệu dối trá từ thời Mao Trạch Đông cho đến nay vẫn được lặp lại, Bắc Kinh bóp méo lịch sử một cách trắng trợn.
Khu đài tưởng niệm nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống thành phố biên giới Đan Đông vừa mở cửa lại vào cuối tháng Chín, trước ngày kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia cuộc chiến 1950-1953, mà Bắc Kinh gọi là "Chiến tranh chống Mỹ và giúp đỡ Triều Tiên". Tại đây trưng bày một số "hiện vật" sơ sài nhằm tố cáo "chiến đấu cơ Mỹ thả bom vi trùng" xuống Triều Tiên và miền bắc Trung Quốc năm 1952. Tuy nhiên sự thật đã được làm sáng tỏ từ rất lâu, chủ yếu từ tài liệu của Liên Xô cũ giải mật nhiều thập niên sau cuộc chiến, khẳng định cái gọi là chiến tranh vi trùng đã được sáng tác ra.
Dù vậy, học sinh Hoa lục được dạy rằng Trung Quốc phải nhập cuộc để chống Mỹ, những tình nguyện quân giày vải đơn sơ chiến đấu với xe tăng, máy bay Mỹ… Thực tế đây là một cuộc chiến đẫm máu với 400.000 lính Trung Quốc tử trận (khu lưu niệm ghi con số không đầy phân nửa), và làm đất nước Triều Tiên bị chia đôi ở vĩ tuyến 38.
Bắc Kinh hy vọng xuất khẩu lò phản ứng nguyên tử
Trên lãnh vực kinh tế, L’Express cảnh báo nguy cơ "Con rồng nguyên tử Trung Quốc tấn công thế giới". Trong những tuần lễ sắp tới, Bắc Kinh sẽ đưa vào hoạt động các lò phản ứng thế hệ thứ ba đầu tiên hoàn toàn Made in China, hy vọng có thể xuất khẩu được.
Lò phản ứng Phúc Thanh (Fuqing) số 5 dùng công nghệ HPR-1000, là loại lò áp lực được đặt tên là Hoa Long (Hualong), do hai tập đoàn China General Nuclear Power Corporation (CGN) và CNNC thiết kế, sản xuất, mở ra một kỷ nguyên mới cho Trung Quốc. Trước đó Bắc Kinh lệ thuộc vào công nghệ của Areva và EDF (Pháp), Westinghouse (Mỹ), vì lò phản ứng thế hệ thứ ba cần mức độ an toàn rất cao.
Với 48 lò phản ứng nguyên tử, Trung Quốc đang theo sát nút Pháp (56 lò), và đây là mặt hàng xuất khẩu mới. Tại Pakistan, hai lò Hoa Long đang được Trung Quốc xây dựng và sẽ có thêm ba lò nữa, Argentina cũng là khách hàng sắp tới. Với giá thành rất cạnh tranh, Bắc Kinh đang dòm ngó Châu Âu, nhưng nguyên tử là lãnh vực nhạy cảm nên địa chính trị đóng vai trò quan trọng, có nguy cơ chịu chung số phận với 5G của Hoa Vi.
Vì sao Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nguyệt san Le Monde Diplomatique phân tích "Vì sao Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu trên nóc nhà thế giới".
Trong đêm 15 rạng 16/06/2020, trên rặng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) thuộc vùng biên giới Ấn-Trung, quân lính hai bên đã xáp lá cà như thời Trung Cổ. Suốt 7 tiếng đồng hồ trong đêm đen như mực, ở độ cao 4.200 mét, họ đánh nhau bằng chùy bọc kẽm gai, gậy sắt, đá tảng và cả tay không. Đến sáng, phía Ấn Độ đếm được 78 binh sĩ bị thương và 20 tử thương – đa số bị chết đuối trong dòng sông lạnh giá Galwan. Bắc Kinh từ chối công bố thiệt hại, nhưng các nguồn tin phía Ấn nói rằng có hơn 40 lính Trung Quốc chết. Lần đầu tiên kể từ 45 năm qua đôi bên có thiệt hại nhân mạng.
Tờ báo Pháp tiết lộ những yếu tố cho thấy đúng ra đây là một trận phục kích được phía Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều con suối nhỏ đã bị chuyển dòng trước đó để nhấn chìm đối thủ phía dưới. Một ngạc nhiên khác cho Ấn Độ là vụ tấn công diễn ra trên phần lãnh thổ mà chưa bao giờ Trung Quốc đòi chủ quyền. Đây là lần đầu Bắc Kinh tuyên bố chiếm toàn bộ thung lũng Galwan với cớ "xưa nay vẫn thuộc về Trung Quốc".
Hồi năm 1988, Ấn-Trung đã chọn lựa hòa dịu thay vì đối đầu, lúc đó GDP hai bên xấp xỉ nhau và có cùng ngân sách quốc phòng 20 tỉ đô la. Hai mươi năm sau, GDP Trung Quốc lớn gấp 5 Ấn Độ, quân đội có ngân sách cao gấp 3,6 lần ; thế quân bình không còn nữa.
Với "ngoại giao chiến lang", Tập Cận Bình coi Biển Đông là mặt trận chiến lược – khiến Việt Nam và Đài Loan phải tỏ ra cứng rắn hơn – còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ chỉ ở hàng thứ hai. Phải chăng Bắc Kinh muốn New Delhi phải ở trong thế bất ổn thường xuyên ?
Le Monde Diplomatique cho rằng có nguyên nhân đối nội lẫn đối ngoại. Kinh tế sa sút, chính quyền Trung Quốc còn bị cả thế giới chỉ trích vì đại dịch corona, bên cạnh đó Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa khi Ấn Độ xích gần với Hoa Kỳ trong lúc quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc. Thông qua các vụ tấn công ở biên giới, Trung Quốc muốn bóp nghẹt từ trong trứng nước tham vọng khu vực của nước láng giềng Ấn Độ.
Thụy My
Ai sẽ thay thế ông Trump, cuộc bầu cử có bị hoãn không, việc bỏ phiếu qua thư đang diễn ra thì sao... là hàng loạt câu hỏi được đặt ra.
Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence chính thức được Đảng Cộng hòa đề cử vào tháng Tám
Chỉ vài tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tổng thống sẽ bỏ lỡ những sự kiện chiến dịch nào ?
Ông Trump được yêu cầu phải tự cách ly 10 ngày kể từ khi nhận được kết quả dương tính vào 1/10, vì vậy ông vẫn có thể tham gia cuộc tranh luận tổng thống tiếp theo, dự kiến 15/10.
Một cuộc vận động dự kiến diễn ra ở Florida vào thứ Sáu đã bị hủy. Cuộc gọi hội nghị video với những người cao niên dễ bị tổn thương cũng vậy.
Ông Trump có các cuộc vận động khác được lên kế hoạch trong thời gian này, giờ sẽ phải hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn trong những trường hợp nào ?
Ông Trump mang khẩu trang đến cuộc tranh luận đầu tiên với Biden nhưng lại không đeo
Khoảng thời gian tự cách ly của Tổng thống Trump rõ ràng có ảnh hưởng đến khả năng tranh cử của ông.
Vì vậy, câu hỏi đã được đặt ra là liệu cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn hay không, và điều này có thể xảy ra như thế nào.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được tổ chức theo luật vào thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, bốn năm một lần - vì vậy năm nay là vào ngày 3/11.
Việc thay đổi ngày sẽ phụ thuộc vào các nhà lập pháp Hoa Kỳ chứ không phải tổng thống.
Việc này sẽ yêu cầu đa số ở cả hai viện của Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ bất kỳ sự thay đổi ngày nào. Điều đó khó có thể xảy ra, vì sẽ phải thông qua Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Ngay cả khi được thay đổi, hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng một chính quyền tổng thống chỉ tồn tại trong bốn năm. Vì vậy, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ tự động hết hạn vào trưa ngày 20/1/2021.
Thay đổi ngày này sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Điều này sẽ phải được sự chấp thuận của 2/3 trong số các nhà lập pháp Hoa Kỳ hoặc các cơ quan lập pháp cấp bang, sau đó là 3/4 các bang của Hoa Kỳ - điều này một lần nữa khó xảy ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Trump mất sức lao động ?
Hiện tại, Tổng thống Trump được cho là có "các triệu chứng nhẹ", nhưng nếu ông ấy bị ốm quá nặng để thực hiện nhiệm vụ của mình, thì đây là điều mà hiến pháp Mỹ quy định :
Tu chính án thứ 25 cho phép tổng thống chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống, có nghĩa là Mike Pence sẽ trở thành quyền tổng thống. Khi khỏi ốm, ông Trump có thể giành lại vị trí của mình.
Nếu tổng thống quá ốm để giao quyền, nội các và phó tổng thống có thể tuyên bố ông không thể tiếp tục và ông Pence sẽ đảm nhận vai trò này.
Nếu ông Pence cũng trở nên mất khả năng lao động, theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện - một đảng viên Dân chủ - sẽ là người tiếp theo, mặc dù các chuyên gia hiến pháp cho rằng việc chuyển giao quyền lực như vậy sẽ thúc đẩy các cuộc chiến pháp lý.
Nếu bà Nancy Pelosi không muốn hoặc không thể đảm nhận vai trò này, nó sẽ được giao cho một Thượng nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa, hiện là Charles E Grassley 87 tuổi. Điều này cũng gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý.
Ông Donald Trump hiện sức khỏe ra sao ?
Bác sĩ của ông Trump, Sean Conley, cho biết tổng thống "không cần phải tiếp oxy, nhưng tham khảo ý kiến của các chuyên gia mà chúng tôi đã chọn để bắt đầu liệu pháp Remdesivir. Ông ấy đã hoàn thành liều đầu tiên và đang nghỉ ngơi thoải mái".
Các thử nghiệm cho thấy Remdesivir, ban đầu được phát triển như một phương pháp điều trị Ebola, phá vỡ khả năng nhân đôi của virus và có thể cắt thời gian của các triệu chứng.
Trước đó, vào thứ Sáu, bác sỹ Conley cho biết tổng thống đã "được dùng một liều 8g cocktail kháng thể Regeneron như một biện pháp phòng ngừa" tại Nhà Trắng.
Các kháng thể bám vào virus corona, bảo vệ các tế bào của cơ thể và làm cho virus dễ nhìn thấy hơn đối với hệ thống miễn dịch.
Thông báo của bác sĩ riêng cho Tổng thống Trump do Nhà Trắng công bố
Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc này vẫn còn đang thử nghiệm và chưa được các cơ quan quản lý chấp thuận. Mặc dù có rất nhiều hy vọng vào phương pháp điều trị này, một số bác sĩ đã bày tỏ lo ngại về việc sử dụng Regeneron cho tổng thống ở giai đoạn này.
Bác sỹ Conley nói rằng ông Trump cũng đang dùng kẽm, vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin.
Nếu Trump không thể ứng cử thì sao ?
Phó Tổng thống Pence sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng thống nhưng sẽ không tự động trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa
Nếu vì bất kỳ lý do gì, một ứng cử viên được một đảng chọn làm ứng cử viên tổng thống không thể hoàn thành vai trò đó, thì một số thủ tục sẽ có hiệu lực.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence ban đầu sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng thống, nhưng ông không nhất thiết phải trở thành ứng cử viên tranh cử của đảng Cộng hòa - vì họ đã chính thức đề cử ông Trump.
Theo quy định của đảng này, 168 thành viên của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC) sẽ bỏ phiếu để bầu ra một ứng cử viên tổng thống mới, với Mike Pence là một trong những ứng cử viên có khả năng.
Nếu ông Pence được chọn, một người đồng hành mới sẽ phải được chọn.
Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều chưa từng thay thế ứng cử viên tổng thống của họ sau khi chính thức chọn họ.
Còn bỏ phiếu sớm thì sao ?
Theo các chuyên gia, điều này sẽ gây ra nhiều bất ổn vì hàng triệu phiếu bầu qua bưu điện đã được gửi đi với tên của các ứng cử viên do đảng của họ đề cử.
Bỏ phiếu trực tiếp sớm cũng đã bắt đầu ở một số tiểu bang.
Việc bỏ phiếu có thể sẽ tiếp tục với tên của ứng cử viên mất khả năng vẫn còn trên lá phiếu, Rick Hasen, giáo sư luật tại Đại học California, Irvine, viết.
Nhưng sẽ có câu hỏi về việc liệu luật tiểu bang có cho phép những người được đề cử bỏ phiếu trong cử tri đoàn Hoa Kỳ - được gọi là đại cử tri tổng thống - bỏ phiếu cho ứng cử viên thay thế hay không.
Còn việc đổi tên ứng cử viên, nếu một người xin rút thì sao ?
"Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ vẫn có tên trong lá phiếu, bất kể điều gì xảy ra", Richard Pildes, một giáo sư luật có chuyên môn về bầu cử, viết.
Ông chỉ ra về lý thuyết, Đảng Cộng hòa có thể xin lệnh tòa để thay đổi tên của một ứng cử viên, nhưng trên thực tế sẽ không có đủ thời gian.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 03/10/2020
********************
Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khỏe ông Trump?
James Gallagher, BBC, 03/10/2020
Tổng thống Donald Trump rõ ràng có nhiều yếu tố nguy cơ cao - bao gồm tuổi tác, cân nặng và giới tính nam - tất cả đều làm tăng khả năng ông bị nhiễm virus corona nặng.
AP và New York Times đưa tin ông Trump có 'triệu chứng nhẹ'
Ông Trump năm nay 74 tuổi, nặng 110 kg và cao 1m90. Chỉ số Khối Cơ thể (BMI) của ông là trên 30, như vậy theo định nghĩa y khoa là béo phì.
Giờ đây ông thử dương tính với virus corona, điều đó có ý nghĩa thế nào?
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng liên quan đến việc bị nhiễm nặng, dẫn tới nằm viện và tử vong trong một số trường hợp.
"Nhưng hầu hết những người bị nhiễm đã khá lên", BS Bharat Pankhania, từ trường y thuộc Đại học Exeter nói với BBC.
Một phân tích của hơn 100 nghiên cứu với dữ liệu từ khắp thế giới cho thấy nguy cơ bị bệnh cho trẻ em và người trẻ là rất thấp.
Tuy nhiên, ở tuổi 75, ước tính 25 người nhiễm virus thì có một người tử vong. Tỷ lệ này là một trong bảy đối với người trên 85 và một trong bốn với người trên 90 tuổi.
Biểu đồ về tỷ lệ tử vong theo độ tuổi. Nguồn : Levin et al. Dartmouth Colleage
Một mô hình tương tự được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC của Mỹ làm.
Theo đó tám trên 10 ca tử vong ở Mỹ là người ở độ tuổi trên 65. Và những người trong độ tuổi ông Trump có nguy cơ phải cần chăm sóc ở bệnh viện lớn gấp 5 lần những người ở độ tuổi 20.
Nguy cơ tử vong của độ tuổi ông Trump lớn gấp 90 lần người ở độ tuổi 20.
Hiện chưa rõ lý do của điều này chủ yếu do ở người già, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn, hay nói chung là người già có sức khỏe kém hơn
"Tuổi cao cũng thường gắn với bệnh tim mạch, bệnh về phổi, tiểu đường type 2, nên thật khó mà biết rõ liệu tuổi tác hay các bệnh đi kèm [gây ra điều này]", Giáo sư Ravindra Gupta từ Đại học Cambridge nói.
Bị béo phì cũng thường dẫn tới nhiều bệnh nặng khác.
Một nghiên cứu của Cơ quan y tế Công xứ Anh kết luận rằng thừa cân làm tăng khả năng người nhiễm Covid phải vào khu hồi sức cấp cứu và khả năng tử vong.
Mỡ trong cơ thế có thể ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu của hệ miến dịch, làm tăng độ viêm nhiễm trong cơ thể. Viêm nhiễm quá nhiều là lý do bệnh có thể làm chết người.
Trong làn sóng dịch đầu tiên, nhiều nam giới hơn phụ nữ cần nằm viện, và số ca tử vong ở nam chiếm 60%.
"Có sự khác biệt về miễn dịch giữa nam giới và phụ nữ", Giáo sư Ravindra Gupta.
Nhưng nam giới thường có sức khỏe kém hơn.
Giáo sư Pankhania nói thêm: "chúng ta biết rằng hai yêu tố là nam giới và tuổi cao thường dẫn đến bệnh nặng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả đàn ông lớn tuổi đều bị bệnh nặng".
Vậy điều này có ý nghĩa gì cho Tổng thống Trump ?
Rất nguy hiểm khi đồn đoán về việc virus sẽ ảnh hưởng tới từng cá nhân ra sao.
Tất cả những điều bạn đọc là bức tranh tổng thể - một mô hình cho người dân khắp thế giới - chứ không phải là dự đoán đây sẽ là điều xảy ra cho vị tổng thống Mỹ.
Sức khỏe của mỗi người 74 tuổi một khác và các bệnh khác có ảnh hưởng rất lớn tới nguy cơ bị bệnh nặng hay nhẹ do virus.
"Chỉ vì ông ấy có các yếu tố nguy cơ cao không có nghĩa là ông sẽ có triệu chứng, đổ bệnh nặng hay phải đầu hàng trước virus", BS Nathalie McDermott từ Đại học King's College London nói.
Bà nói thêm : "Ông ấy cũng là tổng thống của Hoa Kỳ, nên ông ấy sẽ được điều trị tốt nhất thế giới nếu ông ấy bị ốm".
James Gallagher
Phóng viên Y tế và Khoa học
Nguồn : BBC, 03/10/2020
Donald Trump, một công dân lương thiện hay một tỉ phú nghèo ?
Nhã Duy, 29/09/2020
Câu nói phổ biến với dân Mỹ được trích từ ý của Benjamin Franklin thường được nhiều người nhắc là, "thế giới này chẳng có gì chắc chắn, ngoại trừ cái chết và thuế". Dù nói thật hay đùa thì quả là vậy. Từ một học sinh trung học đi làm thêm kiếm dăm đồng, người nhân công hãng xưởng cho đến thương gia hay tổng thống, thuế là điều chẳng tránh khỏi với dân Mỹ. Ngoại trừ Tổng thống Donald Trump, vị Tổng thống Hoa Kỳ kiêm một tỉ phú thành công.
Phóng sự điều tra của tờ New York Times tung ra hồi cuối tuần qua đã làm dân Mỹ cùng thế giới phải sửng sốt về hồ sơ thuế má của Donald Trump trong hàng chục năm được trưng ra. Người ta không ngạc nhiên vì vấn đề minh bạch thuế má của Trump đã xuất hiện từ nhiều năm qua, rộ lên lúc ông ra tranh cử Tổng thống năm 2016 và kéo dài cho đến nay. Nhưng họ bất ngờ vì những số liệu, chi tiết được đưa ra đến mức khó tin : là một tỉ phú có thu nhập hàng trăm triệu đô la nhưng Trump không đóng thuế hàng chục năm và hai năm đầu làm Tổng thống chỉ đóng 750 đô la cho mỗi năm. Quả một cú "bombshell" !
Thuế vụ là điều phức tạp và cần chuyên môn sâu, bên cạnh những tổ hợp kế toán lớn còn có những luật sư chuyên môn về thuế vụ. Do đó việc một tỉ phú như Trump không đóng thuế nhờ khai thác hợp pháp những lỗ hổng của hệ thống thuế, hay bởi việc trốn thuế phi pháp là trách nhiệm kiểm toán và kết luận từ IRS và luật pháp. Tuy nhiên, từ hồ sơ của New York Times, người dân cũng có đôi khái niệm về việc làm ăn của Donald Trump là thế nào và có những điều gì đáng chú ý khi điểm qua một vài trong hàng ngàn số liệu mà New York Times đã đưa ra.
Vậy thì tại sao một tỉ phú như Donald Trump có thể không đóng thuế ?
Nguyên tắc chung về thuế trong thương mại là dựa trên lợi nhuận hay sự thua lỗ của một doanh nghiệp, được tính theo mức tổng thu trừ đi các chi phí. Nói đơn giản là khi có lợi nhuận sẽ phải đóng thuế và thua lỗ thì không. Trump và tập đoàn của ông đã sử dụng nguyên tắc này, khai thua lỗ để không phải chịu trách nhiệm thuế.
Không cần đến những luật sư am tường cách lách luật để né thuế, những tiểu thương bắt đầu chuyện làm ăn cũng có thể học được bài học cùng luật pháp căn bản từ những chuyên viên khai thuế cố vấn cho họ : IRS cho phép khai lỗ trong ba năm đầu tiên hoặc ba trong năm năm hoạt động.
Tập đoàn do Donald Trump làm chủ cũng vậy. Trump Organization sở hữu khoảng 500 công ty con và thực thể kinh doanh khác nhau, sử dụng chúng như cách khai thua lỗ để khấu trừ vào lợi nhuận của tập đoàn mẹ. Việc thành lập hàng trăm công ty như vậy, khai thua lỗ hay phá sản rồi tiếp tục tạo ra hàng trăm công ty con thay thế khác không phải điều tinh vi, khó khăn cho các tập đoàn hay cá nhân quyền lực nào đó muốn tránh né thuế. Các công ty con này có là công ty bình phong hay công ty ma hay không thì xem ra khó lòng cho IRS kiểm soát và kiểm toán được hết khi chúng được tạo ra ở khắp nơi trên thế giới.
Trump và tập đoàn của mình cũng sử dụng các khoản khấu trừ để giảm thuế. Theo New York Times thì nhiều khoản khấu trừ đã không được giải thích rõ ràng và nằm trong nghi vấn của IRS. Ví dụ như phí tư vấn chiếm tỉ lệ khá cao, đến gần 20% khoảng thu nhập. Có những lệ phí tư vấn được trả cho chính con gái của ông là Ivanka Trump, người đồng thời cũng là một cấp quản trị của tập đoàn Trump. Hay nhỏ hơn là như việc khấu trừ cả chi phí hớt tóc, trang điểm tóc cho Trump được khai khấu trừ 70 ngàn đô la và công ty Trump khấu trừ 95.464 đô la. Bên cạnh đó, việc mua nhà nghỉ mát, sử dụng các phương tiện di chuyển, giải trí xa hoa gia đình cũng được kê vào để giảm trách nhiệm thuế.
Nói chung, bằng các cách khấu trừ, miễn giảm hay tín thuế khác nhau như vậy, trong năm 2018, thu nhập của Trump là 434,9 triệu đô la nhưng rốt cuộc hồ sơ cho thấy ông ta đã lỗ 47,4 triệu.
Tuy nhiên cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 10 năm qua giữa Trump cùng IRS không đến từ việc ông khai lỗ và không đóng thuế mà đến từ việc Trump còn muốn lấy lại tiền của chính phủ, tức của người dân. Năm 2011, ông khai để lấy về tổng cộng 72,9 triệu đô la qua những khoản thua lỗ mới mà ông khai thêm. Đó là lý do mà IRS đã phải mở cuộc điều tra và tranh tụng cho đến nay.
Ở đây có một điểm quan trọng cần ghi nhận riêng thêm nhân hồ sơ thuế vụ của Donald Trump. Đó là việc xung đột lợi ích của một nhân vật chính trị được dân cử, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu quốc gia như Tổng thống Trump, vẫn tiếp tục sở hữu và chỉ đạo tập đoàn kinh doanh tư nhân lúc đương quyền.
Được những người ủng hộ ca ngợi về việc làm Tổng thống không lương, tuy nhiên các nguồn lợi từ chính các cụm kinh doanh của Trump làm chủ cho đến các mặt hàng mang thương hiệu Trump đã gia tăng bội phần nhờ vào cương vị Tổng thống. Như lệ phí hội viên sân golf Mar-a-Lago tại Palm Beach của ông đã được nâng giá gấp đôi, từ 100 ngàn đô lên 200 ngàn đô ngay sau khi Trump đắc cử làm một ví dụ. Hay như cao ốc Trump Tower tại New York đã tăng giá cho thuê rất cao trong vài năm qua.
Việc tăng giá này không ngăn cản giới tài phiệt, các tập đoàn thương mại cho đến các tổ chức liên đới chính trị, phái đoàn nước ngoài đã sử dụng chúng như phương tiện tiếp cận đến Tổng thống Trump cùng gia đình và giới thân cận của ông. Hay chính chính phủ cũng phải trả thêm rất nhiều tiền cho các cận vệ cùng nhân viên tùy tùng tháp tùng ông và gia đình trong hàng trăm chuyến đánh golf hay nghỉ mát tại những nơi thuộc quyền sở hữu của ông và gia đình.
Thứ nhì là các hồ sơ thuế cho thấy tổng thống Trump vẫn tiếp tục làm ăn và thu lợi từ nước ngoài trong khi đương nhiệm. Theo giới phân tích, đây là điều dễ dàng bị các quốc gia sở tại sử dụng như phương tiện tạo ra áp lực hay ưu đãi để đánh đổi các lợi ích ngoại giao hay gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Và trên thực tế, dù cuộc chiến tranh thương mại được nội các Trump thường xuyên sử dụng trước đại chúng thì điều này vẫn không ngăn cản tập đoàn Trump làm ăn với Trung Quốc hay nhập cảng hàng hóa từ quốc gia này. Theo hồ sơ xuất nhập cảng mà đài CNN đã có được, các khách sạn và sân golf của tập đoàn Trump vẫn đặt mua bàn ghế, kệ tủ từ Hoa lục.
Công bố rằng đã có trong tay hồ sơ thuế của Donald Trump một cách hợp pháp, phóng sự công phu từ một tờ báo uy tín và tầm cỡ với hàng trăm năm hoạt động như New York Times sẽ còn được đăng làm nhiều kỳ với hàng ngàn số liệu, chi tiết trong thời gian đến. Đây là cơ hội cho Donald Trump cùng tập đoàn của ông dễ dàng chứng minh đó có là nguồn tin chính xác hay không, một khi ông bạch hóa hồ sơ thuế của mình ra đối chất.
Còn ở đây, trong cuốn sách "Đã đến lúc cứng rắn" (Time to get tough) của Donald Trump được xuất bản vào năm 2011, ông kèn cựa cùng người dân nghèo rằng, "một nửa nước Mỹ không trả một xu thuế thu nhập nào. Đó là một trong những lý do nếu chi tiêu liên bang gia tăng là đầy nguy hiểm...". Rồi cũng chính Trump từng nói với ký giả Sean Hannity trên Fox News rằng, "ngay cả những người Mỹ không kiếm được nhiều tiền cũng phải đóng thuế như là một phần của cuộc chơi".
Vâng ! Có những người dân nghèo khó hay đang thất nghiệp không kiếm đủ tiền để phải đóng thuế. Còn hầu hết những người dân đang nhọc nhằn kiếm sống và đối diện những khó khăn kinh tế do cung cách điều hành và đối phó dịch bịnh của chính phủ gây ra vẫn đang đóng thuế, trích từ những đồng tiền mồ hôi của họ.
Còn Tổng thống Donald Trump, ông đang ở đâu ? Ông thuộc nhóm những người dân lương thiện có trách nhiệm đóng thuế cho quốc gia hay là một tỉ phú nghèo không đủ tiền đóng thuế ? Ông ở trong số một nửa nào và có là một phần của cuộc chơi không mấy gì thú vị với lắm nỗi gian nan vất vả mà người dân đang phải đối diện ?
Nhã Duy
(29/09/2020)
********************
Mỹ : Donald Trump không đóng thuế trong 10 năm ?
Tú Anh, RFI, 28/09/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng thuế có đầy đủ hay không là nghi vấn được nói đi nói lại trong suốt 4 năm qua. New York Times, khắc tinh của chủ nhân Nhà Trắng, trong một cuộc điều tra đặc biệt tiết lộ tin chấn động : Donald Trump chỉ nộp cho sở thuế có 750 đôla, năm ông đắc cử. Trước đó 10 năm, ông không đóng một xu. Thực hư ra sao ?
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :
"Một doanh nhân tỷ phú, nhiều xí nghiệp thành công… Đối với New York Times, hình ảnh mà tổng thống Donald Trump phô trương về cá nhân mình hoàn toàn xa với thực tế.
Nhật báo Mỹ cho biết được xem các tờ giấy khai thuế của nhân vật từng là trùm đầu tư địa ốc trong 20 năm và khẳng định là nhiều công ty của tổng thống Donald Trump gặp khó khăn, trong số khoảng một trăm công ty của ông .
Mỗi năm, Donald Trump khai thua lỗ nhiều hơn là có lãi. Do vậy mà ông chỉ đóng thuế có 750 đôla trong năm 2016 và cũng 750 đôla trong năm 2017.
Và trước khi vào Nhà Trắng, Donald Trump không nộp một đô la nào cho liên bang trong suốt 10 năm.
Tin của New York Times bị tổng thống phủ nhận toàn bộ : "Tôi đóng thuế rất nhiều, tôi trả thuế thu nhập rất nhiều kể cả ở cấp bang nữa . Bang New York đánh thuế rất nhiều. Những cáo buộc đó là tin giả. New York Times tìm cách dựng chuyện… tờ báo này thử mọi cách".
Từ khi đắc cử , khác với các tổng thống tiền nhiệm từ 1970, Donald Trump không chịu công bố hồ sơ khai thuế của ông.
Vụ việc này cũng là trọng tâm của một trận đấu pháp lý từ ba năm nay. New York Times hứa là sẽ tiết lộ thêm các chi tiết khác về tài chính của tổng thống Donald Trump trong những ngày tới".
Tú Anh
Nguồn : RFI, 28/09/2020
Năm 1961, chỉ năm ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tổng thống John F. Kennedy mở cuộc họp báo truyền hình trực tiếp đầu tiên, tạo ra một thông lệ chưa hề có xảy ra với các đời tổng thống Hoa Kỳ.
Cuộc họp báo truyền hình trực tiếp đầu tiên của Tổng thống J.F. Kennedy ngày 21/04/1961 - Ảnh Jean-Denis Beucher
Nhóm cố vấn của ông can ngăn vì e rằng các thước phim chưa qua hiệu chỉnh, biên tập sẽ gây ra điều bất lợi nếu tổng thống có sai sót hay lỡ lời. Nhưng trẻ trung, có tài hùng biện và đầy sức thuyết phục, tổng thống Kennedy cương quyết tổ chức họp báo được phát sóng trực tiếp. Theo hồ sơ lưu trữ từ thư viện tổng thống Kenneny, cuộc họp báo này được xem là một sự thành công to lớn với khoảng 65 triệu người xem. Đây là con số đáng kể vì đầu thập niên 60, nước Mỹ chỉ có khoảng 180 triệu dân.
Các cuộc họp báo của tổng thống Kennedy đã tạo ra một tiền lệ cho các đời tổng thống kế nhiệm. Chúng quan trọng khi không chỉ cho người dân thấy được khả năng, tri thức, bản lĩnh cùng ứng xử của người đứng đầu quốc gia mà còn biết được các chính sách, nghị trình, vấn đề đối ngoại của tổng thống cùng nội các ra sao.
Đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng hay tình trạng khẩn cấp quốc gia như chiến tranh, suy thoái kinh tế, thiên tai, đại dịch. Chúng tạo cơ hội cho giới truyền thông thay mặt người dân để đối thoại, phản biện hay cật vấn tổng thống về các vấn đề quốc gia được thấu đáo, rõ ràng hơn ở nhiều cấp độ khác nhau.
Khi được ký giả Sander Vanocur của đài NBC hỏi quan điểm của ông về truyền thông, Tổng thống Kennedy đã trả lời rằng :
"Tôi nghĩ là vô giá, dù chẳng bao giờ là điều dễ chịu khi đọc những tin tức không hợp ý mình. Nhưng tôi có thể nói rằng đó là một trợ thủ vô giá cho công việc tổng thống. Nó như một sự kiểm tra về những gì đang thực sự diễn ra trong nội các, mang đến nhiều điều khiến tôi chú ý hơn khi gây sự quan tâm hay được cung cấp thêm thông tin.
Vì vậy tôi nghĩ Khrushchev có nhiều lợi thế trong việc điều hành một hệ thống độc tài đầy bí mật nhưng tất cả còn lại là một sự bất lợi to lớn khi không có cọ xát với một nền báo chí đầy năng lực luôn chuyên tâm đến anh hàng ngày, chuyên tâm đến nội các. Ngay cả khi chúng ta không bao giờ thích thú, chúng ta mong họ đừng viết ra và chúng ta không tán thành, thì chắc chắn một điều là chúng ta không thể thực hiện công việc gì trong xã hội tự do mà thiếu vắng nền báo chí rất, rất tích cực".
(NBC 12/1962)
Thích hay không, rõ ràng quan điểm về vai trò truyền thông của tổng thống Kennedy đã được nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ đối diện hay đối phó một cách tôn trọng. Bởi đó cũng là một quyền hiến định trong xã hội dân chủ, khi truyền thông đóng vai trò tích cực và cần thiết cho việc vận hành quốc gia. Nó là phương tiện hữu hiệu để thay mặt người dân đối chất với chính phủ, chuyển thông điệp của người dân đến giới lãnh đạo và ngược lại.
Bốn năm qua, như cả thế giới đã chứng kiến, những cuộc họp báo tổng thống luôn tạo ra vô vàn cảm xúc cho người dân khi người đứng đầu nước Mỹ bất chấp mọi lý lẽ hay tư cách lãnh đạo cần có. Chúng dường như chỉ trình bày cho một nửa nước Mỹ - những người ủng hộ Donald Trump. Một nửa luôn vỗ tay, hò reo và ra sức binh vực, bào chữa bất cứ điều gì Donald Trump đưa ra. Và một nửa còn lại luôn phẫn nộ, ngao ngán buồn phiền hay chê cười thất vọng khi theo dõi.
Người ta không chỉ cười ngạo một tổng thống không biết phát âm tên một công viên quốc gia nổi tiếng hay tên một danh nhân quen thuộc trong lịch sử Hoa Kỳ. Người ta không chỉ ngao ngán về những dối trá trơ trẽn được đưa ra trong từng cuộc họp báo. Người ta không chỉ giận dữ, phẫn nộ nghe những lời tấn công, kích động hận thù hay phổ biến thuyết âm mưu bừa bãi.
Mà hơn hết, người ta thấy được một tổng thống vô đạo đức không làm tròn nhiệm vụ của người đứng đầu quốc gia khi che giấu những sự việc liên quan đến an ninh quốc gia, đến sự an toàn của người dân. Điều đã được chính Trump công khai trả lời qua cuốn sách Rage - "Sự Cuồng Nộ" của ký giả Bob Woodward chuẩn bị phát hành.
Cuốn sách Rage - "Sự Cuồng Nộ" của ký giả Bob Woodward chuẩn bị phát hành vào ngày 15/09/2020
Qua Rage, người ta thấy Trump đã biết rõ về sự nguy hiểm, lây lan của Covid-19, biết nó có thể gây chết người gấp nhiều lần bệnh cảm cúm và ảnh hưởng đến cả trẻ em. Nhưng vẫn chọn cách xem nhẹ nó vì không muốn tạo sự hoảng loạn cho người dân, theo như cách giải thích của Trump trong các băng thu âm cùng sự bào chữa của Bạch Ốc hiện nay. Liệu đó là cách giải thích hợp lý và là biện pháp hữu hiệu để đối phó với những cơn khủng hoảng quốc gia ?
Nó tựa như những lý luận đại loại rằng, các nhà dự báo thời tiết không nên cảnh báo mức độ nguy hiểm của các cơn bão dữ để tránh tạo sự lo sợ cho người dân. Hay chính phủ không cần báo động về nguy cơ khủng bố, chiến tranh sắp xảy ra để tránh sự hoảng loạn. Hoặc bác sĩ cần phải che giấu bịnh tình để bịnh nhân khỏi mất tinh thần.
Trump xem nhẹ, buông thả dịch bịnh, cổ súy những điều phản khoa học, tạo cho người dân một cảm giác an toàn giả tạo trong cơn dịch bịnh. Trump bảo không muốn tạo ra sự hoảng loạn nơi dân chúng nên đã tạo ra gần 200 ngàn cái chết không cần thiết cho người dân và một cuộc khủng hoảng kép bất lường về việc làm, kinh tế, xung đột sắc tộc đang diễn ra. Cùng một viễn ảnh ảm đạm trong mùa Đông năm nay khi giới khoa học tin rằng dịch bịnh có nhiều khả năng tái phát nguy hiểm hơn.
Kẻ ủng hộ Trump có thể nhắm mắt binh vực trước bất cứ tiết lộ nào trong các cuốn sách đã phát hành. Cho dù các tác giả là những ký giả nổi tiếng, thâm niên từng viết về nhiều đời tổng thống như Michael Wolff và Bob Woodward, là cố vấn an ninh quốc gia thuộc đảng Cộng hòa trung kiên như John Bolton, là cháu ruột thân cận trong gia đình như Mary Trump, hay là luật sư riêng lâu đời từng có ý định tự tử để bảo vệ Trump như Michael Cohen. Họ chẳng thuộc phe Dân chủ, chẳng theo ngoại bang hay "thế lực ngầm" chống đối nào khác hơn là những người cuối cùng đã tự thấy cần nói ra sự thật khi còn nghĩ đến quốc gia.
Nhưng cuốn sách "Sự Cuồng Nộ" này là cú knock-out cuối cùng cho bất cứ những ai còn mê muội tin vào khả năng và tư cách lãnh đạo của Donald Trump. Bởi qua các cuộn băng thu âm, những gì Trump nói ra đã được viết lại nguyên văn, trọn vẹn. Nó phô bày sự dối trá có chủ đích và đầy ý thức về những điều Trump đưa ra, khác hơn là sự dối trá bịnh lý và thói quen như người ta từng thấy và từng biết qua các cuộc họp báo, qua các tin nhắn cho đến trong các cuộc gặp gỡ người ủng hộ.
Qua nó, dân Mỹ đã thấy rõ bất cứ điều gì Donald Trump nói ra cũng có thể là điều dối trá và sẽ đưa ra những lý do dối trá hơn để bào chữa. Trump đã phản bội lại nước Mỹ. Trump nói dối với ngay nhóm người đang ủng hộ mình.
Đất nước này chưa bao giờ chia rẽ trầm trọng đến như vậy. Những giận dữ giữa những người dân chỉ chực chờ bùng nổ. Sự bất hợp tác trong giới chính khách đang diễn ra trước mỗi vấn đề nghị sự. Sự mất niềm tin vào guồng máy quốc gia dường như đã đến tột cùng. Ai là người chịu trách nhiệm, nếu không phải sự dối trá cùng cung cách điều hành độc tài của Donald Trump đã đưa quốc gia đến tình trạng này.
Nước Mỹ của một thời cuồng nộ và tai ương đã quá hạn từ lâu, đừng để đến khi nó không thể còn cứu vãn nếu tiếp tục kéo dài thêm nữa. Đã đến lúc cần một tân nội các có thể hàn gắn và vực dậy nước Mỹ.
Nhã Duy
(11/09/2020)
*******************
Thanh Phương, RFI, 11/09/2020
Những tiết lộ trong cuốn sách của nhà báo Bob Woodward tiếp tục gây khó khăn cho tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm qua, 10/09/2020, ông Trump đã một lần nữa vất vả giải thích vì sao ông đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nhưng phe Dân chủ một lần nữa chỉ trích cách mà tổng thống Mỹ đối phó với dịch bệnh, đồng thời cáo buộc ông đã gây ra cái chết của hàng ngàn công dân Mỹ cho dù đã ý thức điều đó.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
"Tại sao ông đã nói dối với dân Mỹ ? Một phóng viên của kênh truyền hình ABC đặt câu hỏi. Tìm cách chống đỡ, tổng thống Trump đáp lại : "Câu hỏi của ông, cái cách mà ông đặt câu hỏi thật đáng xấu hổ, đáng sự xấu hổ cho đài ABC, cho chủ của ông".
Nhưng nhà báo này nhất quyết vẫn đặt câu hỏi đó và cuối cùng ông Donald Trump phải trả lời : "Tôi đã muốn chứng tỏ có một mức độ tin tưởng rất cao, tôi muốn tỏ cho thấy tôi là một lãnh đạo mạnh mẽ và đất nước chúng ta, bằng cách này hay cách khác, sẽ ra khỏi khủng hoảng này. Đại dịch lẽ ra đã không xảy ra, đó chính là lỗi của Trung Quốc, chứ không phải của ai khác. Lẽ ra Trung Quốc không được để điều đó xảy ra".
Donald Trump thường hay đỗ lỗi cho người khác, thế nhưng ông chống đỡ ngày càng khó khăn. Những tiết lộ trong cuốn sách của Bob Woodward đang giúp thêm củi lửa cho chiến dịch tranh cử của phe Dân chủ. Ứng cử viên Joe Biden hôm qua cho biết ông thấy ghê tởm thái độ của tổng thống Mỹ và lên án một hành vi gần như mang tính hình sự của lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ .
Tuy là đối thủ của nhau trong cuộc vận động tranh cử, tổng thống Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden hôm nay sẽ thay phiên đến nơi xảy ra các vụ khủng bố 11/09/2001, cụ thể là ở New York và ở Shanksville, bang Pennsylvania, để tưởng niệm các nạn nhân. Hai ông sẽ không chạm mặt nhau và được cho là sẽ cố tránh làm ảnh hưởng ngày kỷ niệm các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 11/9/2020
Không những mạ lỵ quân đội Hoa Kỳ, Trump cũng đã từng mạ lỵ cuộc chiến bảo vệ tự do tại Việt Nam
Lời giới thiệu : Trong những ngày vừa qua báo chí xôn xao tường thuật việc Tổng thống Trump từng miệt thị binh sĩ Hoa Kỳ tử trận là những kẻ thất bại và khờ khạo (Americans who died in war are losers and suckers). Trước đây Trump từng nói John McCain không phải là một anh hùng vì bị bắt làm tù bình. Cách đây hai ngày, trong buổi họp báo tại Tòa Bạch Cung, ông còn khốn kiếp kết tội các tướng lãnh Hoa Kỳ là những kẻ chỉ muốn có chiến tranh để các công ty Hoa Kỳ có cơ hội sản xuất thêm võ khí. Nhân dịp này chúng ta nhắc lại quan điểm về chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump : chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tồi tệ
Trong thời gian thăm viếng Anh Quốc đầu tháng 6 năm vừa qua, khi được Nhà Báo Piers Morgan phỏng vấn trong chương trình World Exclusive được phát hình trên hệ thống truyền hình Good Morning Britain (GMB), Tổng thống Trump tuyên bố ông chống chiến tranh Việt Nam. Ông nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tồi tệ, không phải như cuộc chiến chống Đức Quốc Xã. Ngoài ra ông còn ca ngợi những nhà lãnh đạo và nước Việt Nam hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn Tổng thống Trump nói nguyên văn như sau :
"Quả thực, tôi chưa bao giờ hâm mộ cuộc chiến đó. Tôi sẽ thành thật với anh. Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến tranh tồi tệ. Nó ở rất xa. Anh biết, anh đang nói về Việt Nam và vào lúc đó không ai nghe nói về đất nước này. Ngày nay, họ đang làm việc rất tốt, thật sự, về thương mại họ xông xáo. Ho rất xông xáo".
"Họ là những nhà thương thuyết tuyệt vời và là những doanh nhân vĩ đại nhưng không ai nghe nói về Việt Nam và tôi nói, "Chúng ta đang làm gì ? Rất nhiều người đang chết. Cái gì đang xẩy ra ở đó ? Vì vậy tôi không bao giờ là người hâm mộ. Đây không như tôi đang chiến đấu chống Đức Quốc Xã, tôi đang chiến đấu – Chúng tôi đang chiến đấu chống Hitler. Và tôi giống rất nhiều người.
"Tôi không xuống đường biểu tình. Anh biết, tôi không nói "Tôi sẽ dọn qua Canada" như nhiều người đã làm, nhưng không, tôi không là một người hâm mộ cuộc chiến này. Cuộc chiến này không phải một thứ mà tôi nên tham dự vào" (1).
Đây là một sự phỉ báng thẳng vào mặt các cựu quân nhân VNCH, những người tị nạn cộng sản, các cựu chiến bình Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam và hàng trăm ngàn thanh niên Việt, Mỹ đã hi sinh bảo vệ tự do, chống lại chế độ độc tài, tham nhũng mà chính ông Trump cũng lên án.
Một mặt ông Trump kêu gọi thế giới lật đổ các chế độ cộng sản và xã hội chủ nghĩa, một mặt ông ca ngợi Việt Nam cộng sản là một nước có một cuộc sống rất tốt và có những nhà lãnh đạo tài ba. Đó là một mâu thuẫn hiển nhiên.
Tổng thống Trump chủ trương tiêu diệt Trung Quốc ?
Phần đông những cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và người Việt tị nạn cộng sản là những người ủng hộ mãnh liệt Tổng thống Trump vì ông theo đuổi chính sách đối đầu với Trung Quốc qua việc áp đặt thuế quan trên hàng của Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ. Ngoài ra Ô. Trump còn áp dụng một số biện pháp phi quan thuế như trừng phạt Huawei và ZTE, cấm các công ty Mỹ bán những bộ phận điện tử cho các công ty này và kêu gọi các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài bỏ Trung Quốc qua dầu tư vào các nước khác.
Khi đến Việt Nam tham dự Hội Nghị APEC vào cuối năm 2017, ông Trump nhắc đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống lại ách cai trị của Trung Quốc để giành lại độc lập. Ông đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Lời tuyên bố này của ông Trump đã làm vui lòng tất cả mọi người Việt và vô tình làm mê hoặc khá nhiều người Việt.
Dưới thời Tổng thống Obama, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội và các sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ cũng từng viếng thăm Đền Thờ Hai Bà và đến quan sát sông Bạch Đằng nơi xẩy ra một cuộc hải chiến giúp quân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tướng Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán. Nhưng những sự kiện này không gây nhiều chú ý.
Ông Trump từng tuyên bố chống lại chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ông nói "Hầu như ở những nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được áp dụng đều đã tạo ra những thống khổ, tham nhũng và ung thối. Sự thèm khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội đã dẫn đến việc bành trướng, xâm lăng và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải chống lại chủ nghĩa xã hội và chống lại sự đau khổ mà nó mang đến cho mọi người" (2).
Nhiều người Việt đã ghi lòng tạc dạ câu nói kinh điển trên đây của ông Trump như thể chưa có ai đưa ra nhận định đó bao giờ. Nhưng khi nói đến chủ nghĩa xã hội, Tổng thống Trump thực sự nhắm tấn công Đảng Dân chủ Mỹ và các nước Châu Âu, đặc biệt các quốc gia Bắc Âu, với chính sách quốc gia xây dựng trên trách nhiệm cộng đồng, ưu tiên về an sinh và công bằng xã hội, ủng hộ hệ thống thuế lũy tiến và giảm ngân sách quốc phòng. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa Mỹ chú trọng về quyền tự do cá nhân, phát triển khu vực tư và xây dựng các công ty lớn dựa trên lý thuyết kinh tế "nước thấm xuôi" (trickle down economics), cắt giảm tối đa những chương trình an sinh xã hội như trong dự án ngân sách 2020-2021, ủng hộ một thuế suất đồng đều bất kể giầu nghèo và tăng ngân sách quốc phòng.
Sự thật là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có cùng một lập trường chống sự bành trướng của Trung Quốc, chống chế độ cộng sản và chủ nghĩa xã hội cộng sản, không riêng gì Tổng thống Trump. Bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ, California) và Lãnh tụ thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ, New York) có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Bà Nancy Pelosi từng trương biểu ngữ "Tưởng niệm những người đã chết cho dân chủ" khi bà biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vào 1991 vài hôm trước ngày tưởng niệm cuộc tàn sát sinh viên vào 1989. Cựu Tổng thống Obama từng cho chiến hạm qua eo biển Đài Loan nhiều lần hơn cả ông Trump, coi đây là việc làm thường xuyên nên không làm ầm ĩ.
Trong hơn ba năm qua, ông Trump chưa làm một việc gì cụ thể và hiệu quả để chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc. Ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) ngay trong tuần lễ đầu nhậm chức tổng thống. TPP do chính quyền Obama xây dựng để đoàn kết các nước ven Thái Bình Dương và cô lập Trung Quốc. Thương chiến với Trung Quốc chỉ nhắm làm giảm cán cân thương mại bất lợi, nhưng làm kinh tế của cả hai nước bị thiệt hại đáng kể.
Ông Trump đe dọa phủ quyết Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ cho Hồng Kông, nhưng thất bại vì Quốc hội có dư phiếu để vô hiệu quyền phủ quyết. Mới đây ông còn tuyên bố Hồng Kông là một phần của Trung Quốc nên ông không can thiệp khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia.
Trong hơn ba năm qua, Tổng thống Trump đã làm giảm uy tín của Hoa Kỳ đáng kể. Những cuộc biểu bột phát ở khắp nơi trên thế giới chống cá nhân ông và những gì xấu xí đang xẩy ra ở Hoa Kỳ. Hệ quà là vị thế của Trung Quốc và Nga ngày càng mạnh hơn. Ông Trump đã cô lập hóa Hoa Kỳ với thế giới và ngay cả với những nước đồng minh truyền thống như Anh, Đức, Pháp, Canada, Ý và Nhật. Cụ thể là Hội nghị Thượng đỉnh G-7 được dự trù tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm nay khó thành hình. Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức từ chối không tham dự lấy cớ đại dịch Covid-19. Dự định mời Tổng thống Vladimir Putin tham dự của Tổng thống Trump không được hưởng ứng. Nếu G-7 xụp, NATO sẽ đổ theo.
Cuốn sách sắp phát hành của ông John Bolton "Căn phòng nơi sự việc xẩy ra : Hồi ký Nhà Trắng" (‘The Room Where It Happened : A White House Memoir’) tố cáo Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Osaka, Nhật Bản của 20 nước vào cuối tháng 6 năm vừa qua, đã xin xỏ Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để giúp ông thắng cử trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Ông Trump đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nông dân trong cuộc bầu cử sắp tới và yêu cầu Trung Quốc gia tăng mua đậu nành và lúa mì.
Ngoài ra, ông Bolton còn tiết lộ rằng Tổng thống Trump đã nói trong buổi họp với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Đảng Dân chủ có thái độ thù nghịch với Trung Quốc. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng Đảng Cộng hòa thì không.
Ông Bolton là một luật sư Hoa Kỳ, theo Đảng Cộng hòa, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng trong 2018-2019. Ông Trump đang kiện để cấm không cho cuốn sách này được phát hành với lý do tiết lộ bí mật quốc gia.
Người Việt thất vọng
Lời tuyên bố của Tổng thống Trump về chiến tranh Việt Nam chắc hẳn làm cho nhóm người Mỹ gốc Việt từng hăng hái ủng hộ ông bằng mọi giá thất vọng. Họ từng bất chấp những sai trái hiển nhiên của ông và tư cách bất xứng với cương vị của một vị tổng thống của một cường quốc và của thế giới tự do. Ít học, thiếu lý luận, nên họ thường chỉ biết văng tục với những ai dám phê bình đến ông Trump mà họ coi như một vị giáo chủ.
Khi đến Việt Nam họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump cũng đã ca ngợi Việt Nam là một mô hình tốt đẹp cho Bắc Hàn noi theo và mời Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ vào năm nay để tiếp tục thảo luận về những biện pháp tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Những tín đồ Việt ủng hộ Trump trong và ngoài nước hẳn đã thất vọng khi Tổng thống Trump phất cờ đỏ sao vàng tại Hà Nội nhưng còn cố gắng bênh vực Trump. Nay một lần nữa bị Tổng thống Trump nhục mạ điều linh thiêng nhất đối với những người tị nạn cộng sản, cuộc chiến bảo vệ tự do. Rất tiếc những người tôn thờ Trump ngậm bồ hòn làm ngọt, mũ ni che tai, không dám có một phản ứng nào cả.
Trong quá khứ và cho đến ngay giờ phút này người Việt, đặc biệt là những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ghét cay ghét đắng những nhân vật nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam như John Kerry, Chuck Hagel, Jane Fonda, Tom Hayden và Joan Baez, ngoại trừ Donald Trump, một người trốn lính năm lần.
Nguyễn Quốc Khải
(09/09/2020)
(1) "Well I was never a fan of that war. I'll be honest with you, I thought it was a terrible war. I thought it was very far away. Nobody ever, you know, you're talking about Vietnam and at that time nobody ever heard of the country. Today they're doing very well, in fact on trade they are brutal. They're very brutal.
"They're great negotiators, they're great business people but nobody heard of Vietnam and I say, "What are we doing ? So many people dying. What is happening over there ?" So I was never a fan. This isn't like I'm fighting against Nazi Germany, I'm fighting -- We're fighting against Hitler. And I was like a lot of people".
"I wasn't out in the streets marching. I wasn't saying, you know, "I'm going to move to Canada"., which a lot of people did, but no I was not a fan of that war. That war was not something I should've been involved".
(2) "Virtually everywhere socialism or communism has been tried it has produced suffering, corruption, and decay. Socialism’s thirst for power leads to expansion, incursion, and oppression. All nations of the world should resist socialism and the misery that it brings to everyone".
Thẩm phán : Ông Trump phải nộp bản khai thuế cho công tố viên New York
VOA, 21/08/2020
Tổng thống Donald Trump không thể ngăn chặn trát đòi của công tố viên yêu cầu giao nộp 8 năm khai thuế, một thẩm phán liên bang phán quyết ngày 20/8. Đây là một đòn giáng cho nỗ lực lâu nay của Tổng thống Trump muốn giữ kín vấn đề tài chánh của mình.
Mẫu bản khai thuế cá nhân của Mỹ
Thẩm phán Liên bang Victor Marrero tại Manhattan bác lập luận của ông Trump rằng trát đòi của đại bồi thẩm đoàn từ công tố viên Cyrus Vance thuộc khu vực Manhattan nhắm vào công ty kế toán Mazars USA của Tổng thống là "quá bao quát" và có ý định xấu.
Trong quyết định dài 103 trang, Thẩm phán Marrero nói để ông Trump ngăn chặn trát đòi, được đưa ra tháng 8 năm ngoái, sẽ là một "sự mở rộng không thoả đáng" quyền đặc miễn dành cho Tổng thống.
"Công lý buộc phải chấm dứt sự tranh cãi này", ông Marrero viết.
Ông Trump lập tức kháng cáo phán quyết này và đệ trình kiến nghị khẩn cấp về việc trì hoãn giao nạp những bản khai thuế, nói rằng thực thi trát đòi sẽ gây tổn hại cho ông khi tiết lộ "thông tin bảo mật và riêng tư của ông".
Với tiến trình kiện tụng và các qui tắc mật của đại bồi thẩm đoàn, có phần chắc hồ sơ tài chánh của ông Trump sẽ không được công khai hóa trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11.
Phát biểu với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói vụ này chắc chắn sẽ trở lại Tối cao Pháp viện. Tối cao Pháp viện hôm 9/7 đã bác lập luận trước đó của ông là ông được đặc miễn đối với các cuộc điều tra hình sự khi còn tại chức.
Tối cao Pháp viện nói Tổng thống Cộng hòa vẫn có thể thách thức trát đòi trên những khía cạnh khác. Tháng 10 năm ngoái, Thẩm phán Marrero từng phán quyết rằng ông Vance, một đảng viên Dân chủ, có thể thi hành trát đòi.
(Theo Reuters)
**********************
Cựu cố vấn của ông Trump bị buộc tội lừa đảo quỹ xây tường biên giới
VOA, 21/08/2020
Cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon vừa bị bắt hôm 20/8 với cáo buộc ông và ba người khác đã gạt các nhà tài trợ cho một kế hoạch gây quỹ trực tuyến mang tên "Chúng ta xây tường" ("We Build The Wall"), theo AP.
Cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon.
Các cáo buộc được đưa ra trong một bản cáo trạng được công bố tại tòa án liên bang Manhattan, cáo buộc ông Bannon đã tự mình nhận hơn 1 triệu đô la và sử dụng một số để bí mật trả cho đồng bị cáo, ông Brian Kolfage, cũng như trang trải hàng trăm nghìn đô la chi phí cá nhân.
Các công tố viên liên bang cáo buộc rằng ông Bannon và 3 người khác đã "dàn dựng một âm mưu lừa đảo hàng trăm nghìn nhà tài trợ" liên quan đến một chiến dịch gây quỹ cộng đồng trực tuyến. Chiến dịch này đã huy động được hơn 25 triệu đô la cho việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới phía Nam của Hoa Kỳ.
Theo cáo trạng, ông Bannon hứa rằng 100% số tiền quyên góp sẽ được sử dụng cho dự án. Nhưng các bị cáo đã sử dụng chung hàng trăm nghìn đô la một cách không nhất quán với các đại diện công khai của tổ chức.
Cáo trạng nói họ đã làm giả hóa đơn và dàn xếp "nhà cung cấp" giả, cùng với những cách khác, để che giấu những gì đang thực sự xảy ra.
Cáo trạng cho biết thêm rằng các bị cáo đã biết vào tháng 10 năm ngoái từ một tổ chức tài chính rằng chiến dịch "Chúng ta xây tường" có thể đang bị điều tra hình sự liên bang nên thực hiện thêm các bước để che giấu hành vi gian lận.
Tội danh bị cáo buộc bao gồm âm mưu lừa đảo qua điện thoại và âm mưu rửa tiền.
Luật sư và người phát ngôn của ông Bannon không trả lời yêu cầu bình luận của AP.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ đại diện cho ông Kolfage trong phiên tòa đầu tiên.
Dự án "Chúng ta xây tường" ban đầu được quảng bá là để xây dựng 3 dặm hàng rào ở phía Nam Texas. Bức tường cuối cùng được xây dựng và phần lớn được tài trợ bởi công ty Fisher, nơi đã nhận được khoảng 2 tỷ đô la tiền tài trợ cho các hợp đồng xây tường.
Ông Trump gần đây chỉ trích phần tường này sau khi nó có dấu hiệu bị xói mòn. Ông nói nó "chỉ được xây để làm xấu mặt tôi hơn", mặc dù bức tường được xây dựng bởi những người ủng hộ ông.
Ông Bannon điều hành tờ báo bảo thủ Breitbart News trước khi được đề cử giữ chức vụ giám đốc điều hành chiến dịch của ông Trump trong những tháng cuối cùng quan trọng, khi ông thúc đẩy một chiến lược nóng bỏng, trong đó nêu ra câu chuyện của những người tố cáo cựu Tổng thống Bill Clinton.
Sau cuộc bầu cử, ông giữ chức vụ trưởng chiến lược gia trong những tháng đầu đầy biến động của chính quyền Trump.
Ông Bannon cũng có những xung đột với các cố vấn hàng đầu khác và đôi khi khiến Tổng thống Trump khó chịu. Ông bị đẩy ra khỏi chức vụ vào tháng 8 năm 2017.
*************************
RFI, 21/08/2020
Lại có thêm một người từng là cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt giam và điều tra. Đó là ông Steve Bannon. Cựu chiến lược gia của tổng thống Trump bị tư pháp Mỹ cáo buộc biển thủ hàng triệu đô la tiền quyền góp vốn dành để xây bức tường chống nhập cư của ông Trump. Hôm qua 20/08/2020, trước tòa, Steve Bannon không thừa nhận hai tội danh nhắm vào ông : gian lận và rửa tiền.
Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salve tường trình :
Cuối cùng thì Steve Banon cũng được tự do, rời khỏi tòa án Manhattan với nụ cười, cho dù ông đã phải trả khoản tiền bảo lãnh 5 triệu đô la và bị còng tay khi ra trước tòa. Steve Bannon bị cáo buộc lừa đảo lấy tiền, vốn là cơ sở chính trị chủ chốt của Donald Trump … Theo tư pháp liên bang, thủ lĩnh tinh thần nổi tiếng của phe cực hữu Mỹ có thể đã biển thủ 1 triệu đô la tiền quyên góp thông qua một công ty bình phong để phục vụ lối sống xa hoa, các chuyến du lịch, thuê khách sạn, xe hơi hạng sang …
Bị bắt vào sáng sớm, trên một chiếc du thuyền sang trọng của một doanh nhân Trung Quốc, Steve Bannon bị khởi tố cùng với ba nhà tổ chức khác của chiến dịch quyên góp "Chúng ta xây tường - We Build The Wall". Tất cả đều tự nhận là những người yêu nước làm thiện nguyện.
Tổng cộng, trên trang web GoFundMe, họ đã quyên góp được 25 triệu đô la. Khoản tiền này là dành để tài trợ việc xây dựng bức tường chống nhập cư của Donald Trump dọc theo biên giới với Mêhicô khi Quốc Hội Mỹ từ chối giải ngân khoản tiền ông Trump yêu cầu... Khi đó, con trai của tổng thống Donald Trump cũng tham gia và quảng bá rộng rãi cho chiến dịch gây quỹ này.
Tổng thống Mỹ đã có phản ứng. Để giữ khoảng cách với cựu cố vấn của mình, ông chỉ nói, "đó là một chuyện đáng buồn". Steve Bannon là người thứ 9 trong số các cộng sự thân cận của tổng thống Trump bị tư pháp Mỹ buộc tội.
Thùy Dương
*************************
BBC, 21/08/2020
Cựu cố vấn Steve Bannon của Trump bị bắt và bị buộc tội gian lận trong chiến dịch gây quỹ để xây dựng bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Steve Bannon trình diện tại tòa án ở thành phố New York hôm thứ Năm.
Ông Bannon và ba người khác đã lừa tiền hàng trăm nghìn nhà tài trợ liên quan đến chiến dịch "We Build the Wall" (Chúng ta dựng bức tường), vốn gây quỹ được 25 triệu USD, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DoJ) cho biết.
Cáo buộc cho rằng ông Bannon đã nhận được hơn 1 triệu USD, ít nhất ông đã dùng một phần để chi xài cá nhân.
Tại tòa, ông không nhận tội.
Ông Bannon, vừa được tại ngoại, là một kiến trúc sư chủ chốt mang đến chiến thắng quan trọng cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tư tưởng cánh hữu chống nhập cư của ông này đã thúc đẩy cho chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Ông Bannon bị các đặc vụ của Thanh tra Bưu điện Hoa Kỳ, cơ quan chuyên điều tra các vụ gian lận, bắt giữ trên một chiếc du thuyền dài 150 foot (45m) có tên Lady May ở Connecticut. Du thuyền thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Guo Wengui (Quách Văn Quý), báo chí Mỹ đưa tin.
Ông Bannon là cựu trợ lý cấp cao thứ sáu của Donald Trump bị truy tố hình sự, theo sau cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump - Paul Manafort, cố vấn chính trị kỳ cựu - Roger Stone, luật sư cũ của Trump - Michael Cohen, cựu phó giám đốc chiến dịch - Rick Gates và cựu cố vấn an ninh quốc gia - Michael Flynn.
Trả lời về vụ bắt giữ ông Bannon, Tổng thống Trump cho biết ông cảm thấy "rất tệ" về việc này. Ông cũng khẳng định mình không liên quan đến chương trình "We Build the Wall".
"Tôi đã nói, 'Đây là việc của chính phủ ; đây không phải dành cho tư nhân' - và đối với tôi điều này nghe giống như sự khoe mẽ và tôi nghĩ tôi đã nêu quan điểm của mình rất mạnh mẽ vào thời điểm đó", ông nói.
Ông Bannon là cựu trợ lý cấp cao thứ sáu của Donald Trump bị truy tố hình sự, theo sau cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump - Paul Manafort, cố vấn chính trị kỳ cựu - Roger Stone, luật sư cũ của Trump - Michael Cohen, cựu phó giám đốc chiến dịch - Rick Gates và cựu cố vấn an ninh quốc gia - Michael Flynn.
Trả lời về vụ bắt giữ ông Bannon, Tổng thống Trump cho biết ông cảm thấy "rất tệ" về việc này. Ông cũng khẳng định mình không liên quan đến chương trình "We Build the Wall".
"Tôi đã nói, 'Đây là việc của chính phủ ; đây không phải dành cho tư nhân' - và đối với tôi điều này nghe giống như sự khoe mẽ và tôi nghĩ tôi đã nêu quan điểm của mình rất mạnh mẽ vào thời điểm đó", ông nói.
Cáo buộc chống lại Bannon là gì ?
Chiến dịch "We Build the Wall" cam kết sử dụng tiền quyên góp để xây dựng các đoạn hàng rào biên giới trên đất tư nhân - việc xây dựng này là cam kết chính của Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nhưng Audrey Strauss, quyền Chưởng lý Hoa Kỳ của khu vực Nam tiểu bang New York (SDNY), cho biết ông Bannon, Brian Kolfage, Andrew Badolato và Timothy Shea đã "lừa đảo hàng trăm nghìn nhà tài trợ, trục lợi trên lòng tin của họ trong việc tài trợ cho một bức tường biên giới huy động hàng triệu đôla, với sự giả vờ rằng tất cả số tiền đó sẽ được chi cho việc xây dựng".
Ông Bannon nhận được hơn 1 triệu đôla thông qua một tổ chức phi lợi nhuận mà ông kiểm soát, ít nhất một phần trong số đó đã được ông sử dụng để chi trả "hàng trăm nghìn đôla chi phí cá nhân của Bannon", DoJ cho biết.
Trong khi đó, ông Kolfage - người sáng lập "We Build the Wall" - đã lén lút lấy 350.000 USD để sử dụng cho mục đích cá nhân, cáo buộc ghi rõ.
"Trong khi liên tục bảo đảm với các nhà tài trợ rằng Brian Kolfage, người sáng lập và là gương mặt đại diện của We Build the Wall, sẽ không được trả một xu, các bị cáo đã bí mật lên kế hoạch chuyển hàng trăm nghìn đôla cho Kolfage, số tiền mà ông ta dùng để chi cho lối sống xa hoa", bà Strauss nói.
Thanh tra phụ trách SDNY Philip R Bartlett cho biết bốn người này đã tạo "các hóa đơn và tài khoản giả để rửa tiền quyên góp và che đậy tội lỗi của họ, mà không quan tâm đến luật pháp hay sự thật".
Chiến dịch kêu gọi từng cá nhân mua gạch để xây bức tường
Ông nói : "Vụ này sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những kẻ lừa đảo khác rằng không ai đứng trên luật pháp, dù đó có là một hương phế binh hay một chiến lược gia chính trị triệu phú".
Ông Bannon và ba người khác đã khởi động dự án vào tháng 12 năm 2018, DoJ cho biết. Và trong chiến dịch, ông Kolfage nói rằng tất cả số tiền quyên góp sẽ được dành cho việc xây dựng còn ông Bannon đã phát biểu công khai : "Chúng tôi là một tổ chức tình nguyện".
Cả bốn bị cáo đều bị truy tố một tội danh âm mưu lừa đảo qua đường điện tín và một tội danh âm mưu rửa tiền, mỗi tội danh bị phạt tối đa 20 năm tù.
Ông Bannon, 66 tuổi, đã trình diện tại tòa án liên bang qua video vài giờ sau khi bị bắt vào thứ Năm. Ông Kolfage và ông Badolato sẽ trình diện tại các tòa án khác nhau ở Florida và ông Shea sẽ trình diện ở Colorado.
Ông Bannon được tại ngoại với số tiền 5 triệu đôla, với 1,75 triệu đôla đóng trước bằng tiền mặt hoặc tài sản. Ông Bannon sẽ không được phép di chuyển bằng máy bay riêng, tàu thuyền riêng hoặc xuất ngoại trong khi chờ xét xử hình sự.
Phân tích của Anthony Zurcher, Phóng viên Bắc Mỹ
Ranh giới giữa gây quỹ chính trị trực tuyến hợp pháp và lừa đảo đôi khi là rất mong manh. Các công tố viên liên bang hiện đang cáo buộc rằng Steve Bannon, cựu cố vấn chính trị hàng đầu cho Donald Trump, đã vượt qua ranh giới đó.
Ông Bannon là một trong những nhân vật ngoài lề, nhờ vào việc giúp Trump đạt được vị trí tổng thống một cách bất ngờ để trở thành nhân vật có tiếng tăm của Mỹ. Tuy nhiên, thời gian ông tham gia vào guồng máy quyền lực tại Nhà Trắng rất ngắn ngủi.
Donald Trump được cho là đã phẫn nộ khi báo chí tô vẽ hình tượng ông Bannon là "bộ não" phía sau của tổng thống - điều này một phần do ông Bannon luôn sẵn lòng tiếp báo chí để truyền thông cho mình.
Kể từ đó, hoạt động của ông Bannon hầu như chỉ giới hạn trong việc vận động cho tổng thống từ bên lề - và tham gia vào các dự án ngoài rìa mà đôi khi bị nghi ngờ, chẳng hạn dự án bức tường Mexico.
Việc bản cáo trạng này được đưa ra từ khu vực Nam New York, văn phòng công tố liên bang đã xử lý các vụ án cấp cao khác liên quan đến các cộng sự của Trump, sẽ khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến bản cáo trạng. Chính khu vực này là nguồn gốc của cuộc tranh cãi gần đây khi Tổng chưởng lý Bill Barr đột ngột sa thải người đứng đầu Geoffrey Berman.
Sau khi bị chỉ trích, ông Barr buộc phải từ bỏ việc chọn người thay thế tạm thời, và thay vào đó, người phó của ông Berman đã được thuyên chuyển vào vị trí trên.
Chính người phụ nữ này, Audrey Strauss, là người đã công bố bản cáo trạng của ông Bannon.
Cựu giám đốc ngân hàng đầu tư này là một trong những người thúc đẩy trang web cánh hữu Breitbart News trước khi phục vụ tại Nhà Trắng của Trump với tư cách chiến lược gia trưởng. Ảnh hưởng của ông có thể thấy rõ trong các quyết định quan trọng như việc Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris vào giữa năm 2017.
Ông rời chức vụ vào tháng 8 năm 2017 và trở lại Breitbart, nhưng một lần nữa bị buộc phải từ chức sau khi chỉ trích các quyết định của ông Trump, khiến ông Trump nói "Steve Bannon không liên quan gì đến tôi hoặc nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Khi ông ấy bị sa thải, ông ấy không mất việc mà còn bị mất trí".
Ông Bannon là một trong những cố vấn thân tín nhất của Tổng thống Trump.
Kể từ đó, ông Bannon đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng về một siêu nhóm cánh hữu gồm các đảng dân túy ở Châu Âu và sự hiện diện của ông tại các sự kiện đã gây tranh cãi, với việc tạp chí New Yorker loại ông khỏi một lễ hội, Bộ trưởng thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon rút khỏi một sự kiện do BBC đồng tổ chức khi ông này xuất hiện, và một lần xuất hiện khác tại Oxford University Union đã gây ra các cuộc phản đối.
Năm ngoái, ông nói với BBC rằng "tình trạng hỗn loạn" xuất phát từ Brexit "mới chỉ bắt đầu" và cho rằng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico sẽ giúp ích cho các cộng đồng người da đen và gốc Tây Ban Nha.
Điều gì đang xảy ra với bức tường biên giới ?
Bức tường với Mexico có lẽ là cam kết nổi bật đáng nhớ nhất của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Ông đã nói rằng ông sẽ xây dựng bức tường và Mexico sẽ trả tiền cho việc đó.
Trước khi ông Trump nhậm chức, đã có 654 dặm (hơn 1.000 km) hàng rào dọc theo biên giới phía Nam. Ông hứa sẽ xây một bức tường dọc theo toàn bộ chiều dài biên giới 2.000 dặm. Sau đó, ông nói rằng bức tường sẽ chỉ dài bằng một nửa số đó - và thiên nhiên, chẳng hạn như núi và sông, là hàng rào cho phần còn lại.
Việc mở rộng hàng rào biên giới được bắt đầu vào năm ngoái.
Số tiền này được lấy từ nguồn tài trợ mà Quốc hội đã phê duyệt trước đó, và từ số tiền mặt mà ông Trump được phép sử dụng kể từ khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 2 năm 2019 trong bối cảnh số người di cư vào Mỹ tăng đột biến.
Ông đã có quyền tiếp cận các quỹ quốc phòng, nhưng vẫn còn thiếu so với ước tính ban đầu lên tới 12 tỷ đô la, thiếu rất nhiều so với ước tính trước đó vốn cao hơn nhiều về chi phí thực.
Chính quyền Trump đặt mục tiêu xây xong hàng rào có độ dài khoảng 509 dặm (khoảng 820 km) vào cuối năm 2020.
Vẫn biết người Úc không có quyền bầu tổng thống Mỹ, nhưng chính trị Mỹ ảnh hưởng đến tình hình chính trị thế giới, nhất là đến quan hệ Mỹ-Úc-Trung nên không có gì phải ngạc nhiên khi người Úc rất quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ 2020.
Một người đi ngang qua ảnh Donald Trump dán trên một sạp báo tại Sydney trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 (VOA, 10/11/2016)
Kamala Harris - cô gái da nâu nhỏ bé …
The Australian -tờ báo duy nhất phát hành toàn nước Úc, và có thể nói là tờ báo uy tín nhất nước Úc- ngay khi nghe tin bà Kamala Harris được chọn làm Ứng cử viên Phó Tổng Thống đã đăng một hí họa có hình ông Biden chỉ vào bà Harris mà nói :
"Đã đến lúc hàn gắn một quốc gia bị chia rẽ bởi phân biệt chủng tộc… vì thế tôi giao cho bạn cô gái da nâu nhỏ bé này trong khi tôi đi nghỉ".
Bức hí họa bị tờ The Guardian và một số chính trị gia cánh tả Úc công kích cho là kỳ thị màu da khi dùng các từ ngữ "cô gái da nâu" chỉ đích danh bà Harris.
Chủ bút tờ The Australian trả lời các từ ngữ nói trên là của chính Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đã giới thiệu bà Harris như sau :
"Sáng nay, trên khắp đất nước, các cô gái nhỏ thức dậy - đặc biệt là các cô gái da đen và da nâu, những người thường cảm thấy bị coi thường và đánh giá thấp trong cộng đồng - nhưng hôm nay, hôm nay, chỉ có thể, lần đầu tiên họ nhìn thấy mình theo một cách mới : như đặc thù của tổng thống và phó tổng thống".
Theo tôi bức hí họa mỉa mai phương cách tranh cử chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc và giới tính, nhằm thu hút cử tri của đảng Dân Chủ, đồng thời nói lên sự quan tâm của người Úc về cuộc tranh cử tại Mỹ lần này.
Diều hâu và két…
Còn bản tin tựa đề : "Nước Úc cần Trump thắng cử vì chúng ta không thể đơn phương đối đầu với Trung Quốc" được phổ biến trên Sky News Australia ngày 9/8/2020.
Theo bản tin Thượng nghị sĩ đảng Tự do James McGrath tuyên bố thẳng thừng Tổng Thống Trump cần thắng cử để thế giới đứng lên chống lại Bắc Kinh vì "Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất nhằm duy trì trật tự thế giới hiện nay".
Theo ông McGrath, đối với Bắc Kinh, Tổng thống Trump sẽ phản ứng mạnh hơn ứng cử viên Joe Biden : "khi phải đối phó với những kẻ bắt nạt mình, chúng ta không thể xoa bóp, hòa dịu bọn chúng, chúng ta phải đứng lên chống lại bọn chúng".
Theo Thượng nghị sĩ McGrath về đối ngoại : "Biden không phải là diều hâu, ông ấy giống như một con két".
Ông McGrath cho biết Úc cần bảo đảm có một liên minh sẵn sàng chống lại Trung Quốc, vì thế Úc cần ủng hộ một tổng thống Mỹ mạnh mẽ cứng rắn và người ấy chính là ông Trump.
Người Úc nghĩ gì về Mỹ và Trung…
Theo cuộc khảo sát của Viện Lowy Úc vào tháng 3/2020 phổ biến ngày 26/6/2020 thì chỉ có 51% người Úc tin tưởng Mỹ hành động có trách nhiệm với thế giới.
Nhưng có đến 55% người Úc tin rằng quan hệ với Mỹ quan trọng hơn với Trung Quốc, trong khi chỉ 40% cho rằng quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn với Mỹ.
Lên đến 78% cho biết việc liên minh với Mỹ rất quan trọng hoặc khá quan trọng đối với an ninh của Úc, tăng sáu điểm so với khảo sát năm 2019.
Niềm tin của người Úc vào Bắc Kinh giảm xuống mức thấp kỷ lục từ 52% vào năm 2018 xuống còn 23%, mất 29 điểm.
Lên tới 40% hàng hóa xuất cảng từ Úc đã nhập cảng vào Trung Quốc, nên 94% người Úc muốn chính phủ tìm kiếm các thị trường khác để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Đồng thời có đến 88% ủng hộ cuộc Đối thoại An ninh Tứ giác, đối thoại bốn bên giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, do Tổng thống Trump mở ra từ năm 2017.
Cuộc thăm dò còn cho thấy khi xảy ra xung đột giữa các giá trị dân chủ và lợi ích kinh tế với Trung Quốc, lên đến 60% người Úc nói rằng chính phủ nên coi các giá trị dân chủ của Úc quan trọng hơn thương mãi và 84% tin rằng Úc nên trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Về cá nhân Tổng thống Trump chỉ 30% người Úc bày tỏ tin tưởng ông "sẽ làm điều đúng đắn liên quan đến các vấn đề thế giới", tỷ lệ này đã tăng năm điểm so với chỉ số 25% vào năm 2019.
Cuộc khảo sát thực hiện đã 6 tháng, khi ấy đại dịch coronavirus chưa bùng nổ tại Úc, Bắc Kinh chưa công khai bộ mặt ngoại giao "lang sói" bắt nạn nước nhỏ, quan điểm của người Úc nhìn chung đã xem Trung Quốc như một mối đe dọa đến an ninh nội trị Úc.
Nay đại dịch đánh mạnh vào Úc, từ ngày 5/8/2020 lần đầu tiên trong lịch sử thành phố Melbourne bị giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, người dân chỉ được ra đường mỗi ngày 1 giờ để tập thể thao bằng cách đi hay chạy bộ, mỗi nhà mỗi ngày chỉ được một người đi chợ mua sắm, mọi người phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và không được rời khỏi nhà quá 5 cây số, trường học đóng cửa, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa, mọi quy định được kiểm soát gắt gao với những hình phạt nặng nề cho người vi phạm.
Mọi hoạt động kinh tế của tiểu bang Victoria đều ngừng trệ, Victoria bị cô lập với các tiểu bang khác và với thế giới.
Cộng đồng Việt …
Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc sinh hoạt dựa trên nguyên tắc phi đảng phái chính trị nên sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với chính phủ khi cần, nhưng đồng thời công khai nêu quan điểm khi chính phủ hành xử thiếu minh bạch.
Cộng đồng đã chính thức ngỏ lời cùng Chính Phủ Andrews nếu cần có thể sử dụng Đền Thờ Quốc Tổ tại Victoria như một trung tâm y tế tạm thời chữa trị cho những nạn nhân nhiễm dịch bệnh.
Nhưng đồng thời Cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc biểu tình phản đối Chính Phủ Lao Động Andrews thiếu minh bạch ký kết hợp đồng liên quan đến chiến lược "Vành Đai, Con Đường".
Vừa rồi gia đình tôi nhận được một lá thư viết bằng tiếng Việt từ Dân biểu liên bang Bill Shorten cho biết ông và đảng Lao Động không chủ trương tham gia chiến lược "Vành Đai, Con Đường" vì không có ưu tiên nào lớn hơn nền an ninh quốc gia và chủ quyền nước Úc.
Úc Mỹ đồng minh chiến lược…
Từ năm 2012, Quốc Hội Úc đã chính thức thông qua Đạo Luật cấm Huawei phát triển mạng 5G và nhiều Đạo luật nhằm giới hạn người nước ngoài đầu tư vào Úc.
Năm 2018, Úc thông qua hai Đạo luật chống can thiệp của chính phủ nước ngoài, trọng tâm nhắm vào Bắc Kinh can thiệp nội trị và an ninh nước Úc.
Vào đầu tháng 7/2020, Chính phủ Úc công bố tăng ngân sách quốc phòng trên 40% lên đến $270 tỉ Úc kim trong vòng 10 năm tới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết :
"Chúng ta muốn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được cởi mở tự do, không bị hiếp đáp. Chúng ta muốn một khu vực trong đó các nước lớn nhỏ đều có thể tiếp cận nhau một cách tự do theo luật pháp quốc tế. Không có gì là vô lý hay tham vọng quá đáng, các nước đều theo đuổi quyền lợi riêng và không muốn bị can thiệp từ bên ngoài, Úc cũng muốn theo đuổi những quyền lợi của mình".
Cuối tháng 7/2020, hai bà Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã sang thủ đô Washington họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper để bàn về chiến lược phòng vệ Thái Bình Dương từ những đe dọa quân sự của Bắc Kinh.
Về lại Úc theo luật hiện hành hai bà đã bị cách ly 15 ngày đủ thấy sự quan tâm của Chính phủ Úc trong công cuộc chung bảo vệ thế giới tự do.
Từ sau Đệ nhị thế chiến hai nước Úc và Mỹ đã trở thành hai đồng minh chiến lược luôn sát cánh bên nhau không phân biệt chính trị đảng phái nội bộ quốc gia.
Từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Mỹ và Úc có khá nhiều khác biệt về chính sách, nhưng ông Trump và Chính phủ của ông luôn đối thoại, tìm hiểu và triệt để tôn trọng người Úc, thật khó nghĩ ra điều gì có thể trách cứ ông.
Trung Quốc nay cũng đã là vấn đề nội trị nước Mỹ, theo cuộc khảo sát Pew công bố vào tháng 3/2020, có tới 91% người Mỹ xem sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới là mối "đe dọa" đối với nước Mỹ.
Dự thảo Cương lĩnh của đảng Dân Chủ vừa phổ biến cho biết sẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng vẫn xem Trung Quốc như một yếu tố quốc tế hơn là yếu tố nội trị đang tàn phá nước Mỹ về nhiều mặt.
Cương lĩnh cho biết sẽ thành lập một liên minh quốc tế nhưng không nói rõ liên minh với ai và để làm gì, mọi điều viết trong đấy chỉ nhằm đả kích ông Trump thay vì đưa ra đường lối, chiến lược rõ ràng.
Quyền bầu cử Tổng thống là quyền của công dân Mỹ, nhưng quyền nhận xét và ủng hộ ông Trump, ông Biden hay trung dung là quyền của bạn của tôi và của tất cả mọi người trên toàn thế giới.
Ngày 3/11/2020 sẽ tới và rồi sẽ trôi qua, tôi xin phép trung dung không đả kích ông này ủng hộ ông kia, chỉ mong giải thích một số góc cạnh chính trị một cách trung thực nhất, chỉ có sự thật mới có thể thuyết phục chính mình và bạn đọc.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 19/8/2020
Nguyễn Quang Duy
Lời giới thiệu : Như vậy, Michael Cohen sắp phát hành cuốn sách của mình, "Disloyal" (Bất trung), nói về việc Donald Trump trở thành luật sư, thực hiện đấu thầu, che đậy những vụ bê bối và những lời nói dối. Trump sẽ nói Cohen không biết gì và bịa ra tất cả.
Roger Fried
Nguyên tác : Disloyal, The Foreword: The Real Real Donald Trump, Roger Friedman giới thiệu, showbiz411, 13/08/2020
Tiến C. Nguyễn chuyển ngữ
(16/08/2020)