Kêu gọi đoàn kết sau vụ mưu sát : Donald Trump thực lòng hay tính toán ?
"Thượng Đế, tình yêu và đoàn kết" - đó là thông điệp bất ngờ mà Donald Trump, người thường xuyên gây chia rẽ đưa ra sau vụ ám sát hụt. Le Monde ngày 16/07/2024 nhận xét đây là sự nhạy bén chính trị của cựu tổng thống, còn theo Le Figaro, phía sau sự thay đổi của Donald Trump có lẽ là trực giác hay tính toán chính trị.
Cựu tổng thống Donald Trump được tưng bừng chào đón tại đại hội đảng Cộng Hòa ở Milwaukee, Wisconsin, Hoa Kỳ ngày 15/07/2024. Reuters - Cheney Orr
Sau vụ chết hụt, Trump được chào đón như anh hùng
Vụ ám sát hụt làm xoay chuyển cuộc bầu cử Mỹ, cánh tả Pháp vẫn bất đồng về ứng viên cho chức thủ tướng, chiến tranh ở Ukraine và Gaza, kinh tế Trung Quốc xuống dốc : Thời sự khá phong phú trên mặt báo hôm nay.
Le Figaro ghi nhận "Trump được chào đón như anh hùng trong đại hội đảng Cộng Hòa". Hai ngày sau vụ ám sát hụt, cựu tổng thống được hoan hô vang dội, khi xuất hiện ở Milwaukee với miếng gạc quấn trên tai phải, bên cạnh JD Vance, thượng nghị sĩ bang Ohio được chọn đứng chung liên danh. Donald Trump vốn luôn chú tâm đến ngoại hình, biết rằng miếng băng này nhắc nhở rằng ông suýt chết trong cuộc mít-tinh ở bang Pennsylvania.
Libération dẫn lời cựu tổng thống trên New York Post cho biết đó là nhờ ông vừa xoay nhẹ để nhìn con số di dân bất hợp pháp trên màn hình, đúng lúc viên đạn bay đến. Định mệnh nước Mỹ chỉ mong manh trong một centimet, phát súng đã làm rách tai Trump lẽ ra đã kết liễu đời ông và đưa đất nước vào cuộc nội chiến. Vết thương nhẹ của cựu tổng thống không chỉ là phép lạ, mà ông dường như được ân sủng với một tin vui mới : được miễn tố vụ lưu giữ hồ sơ mật tại nhà. Donald Trump, người từ khi bước vào chính trường luôn gây chia rẽ, bỗng dưng kêu gọi đoàn kết. Trump giải thích : "Chỉ có Thượng Đế mới ngăn được điều bất hạnh xảy ra".
"Từ bi bất ngờ" hay tính toán chính trị ?
"Thượng Đế, tình yêu và đoàn kết" - Le Monde nhận xét ông Trump có sự nhạy bén chính trị cao độ khi đưa ra thông điệp trên. Từ nhiều tháng qua, không khí luôn sôi sục giữa hai phe trong chiến dịch tranh cử. Theo Le Figaro, phía sau sự thay đổi của Donald Trump có lẽ là trực giác hay tính toán chính trị. Sau khi suýt chết, Trump từ chối bạo lực để không nhường cho Biden vai trò "người chữa lành đất nước", và không ai có thể tấn công ông về các giá trị dân chủ.
Tuy nhiên Donald Trump còn phải cố gắng ba tháng rưỡi nữa để không quay lại với bản chất, nhất là tất cả các nhân vật bảo thủ truyền thống đã bị thay bằng những người trung thành với Trump. Ứng cử viên phó tổng thống J.D. Vance theo thuyết âm mưu, cho rằng Biden đứng sau âm mưu ám sát. Và chính ông từng chế giễu khi người chồng của bà Nancy Pelosi bị một người cực đoan tấn công bằng búa.
Trong bài xã luận, Le Monde cho rằng nên hy vọng lời kêu gọi bất thường về đoàn kết đất nước được Donald Trump đưa ra sau vụ nổ súng và được Joe Biden tiếp lời, sẽ được hưởng ứng. Nếu không loại bỏ được chất độc chia rẽ, Hoa Kỳ sẽ làm lợi cho những kẻ thù của mình và gây thất vọng cho các đồng minh.
Cử tri Tin Lành tin vào phép lạ
Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến khía cạnh tín ngưỡng. Việc Donald Trump sống sót sau vụ ám sát, được tín đồ Tin Lành Mỹ coi là "phép lạ" của Thượng Đế. Một ngày sau vụ nổ súng, một bức ảnh ghép lan tràn trên mạng xã hội với quốc kỳ Mỹ phía sau, Thiên Chúa trong vầng hào quang vịn vai cựu tổng thống Hoa Kỳ. Thông điệp rất rõ : ứng cử viên Nhà Trắng được "Thượng Đế bảo vệ".
Nhiều mục sư và tín đồ nhanh chóng kêu gọi cầu nguyện cho Trump và gia đình các nạn nhân. Theo chuyên gia Blandine Chelini-Pont, cho đến giữa thế kỷ 20, đạo Tin Lành vẫn không dính dáng đến chính trị. Nhưng dần dà phong trào tranh đấu để người Thiên Chúa giáo tham chính lan rộng, và đến thời Donald Trump đã trở thành cột trụ của đảng Cộng hòa. Giờ đây sau vụ ám sát hụt, niềm tin Donald Trump là người được Thượng Đế chọn lựa càng được củng cố.
Tác giả Renaud Girard trên Le Figaro cho rằng "Trump là hình ảnh của một nước Mỹ luôn đứng dậy". Khuôn mặt nhuốm máu nhưng vẫn cố đứng lên giơ cao nắm tay, Donald Trump là biểu tượng cho sự bất khuất mà vài chục triệu cử tri vẫn chờ đợi, trong một đất nước công giáo vẫn bám rễ sâu sắc hơn Châu Âu. Ngay cả tổng thống Joe Biden, trước những thúc giục rút khỏi cuộc tranh cử, hôm 06/07 cũng đã tuyên bố trên kênh truyền hình ABC News : "Nếu Thượng Đế toàn năng hiện xuống và nói : "Joe, hãy rút lui", thì tôi sẽ rút".
Nước Mỹ chuộng những người hùng
Tác giả bài viết lưu ý, nước Mỹ không hề là cừu non, mà là một đất nước dùng đại bàng làm biểu tượng và từ khi độc lập năm 1776 đã tham chiến hơn 200 lần. Người Mỹ đã bỏ rơi ông Carter sau vụ bắt con tin ở đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran vì tạo ra hình ảnh một nước Mỹ yếu đuối. Người Mỹ hài lòng khi ông Trump tại Diễn đàn Davos tháng Giêng 2018 là chính khách đầu tiên dám nói thẳng với người Trung Quốc : "Bây giờ các vị hãy ngưng ăn cắp !".
Một nước Mỹ sau khi bị Nhật bất ngờ tấn công ở Trân Châu Cảng cuối năm 1941, đã trả đũa đích đáng với hai trận hải chiến và kiểm soát được Thái Bình Dương. Sau khi bỏ rơi Việt Nam một cách thảm hại tháng 4/1975, Hoa Kỳ giải phóng Kuwait bị Iraq xâm lăng, đứng đầu một liên minh quốc tế trong đó có nhiều nước Ả rập. Tháng 9/2008, chao đảo trước khủng hoảng tín dụng thứ cấp (subprime), Hoa Kỳ hồi phục nhanh gấp bốn lần Châu Âu. Không phải là tình cờ khi các công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán đều là của Mỹ. Ngày nay đồng đô la vẫn thống trị tài chánh thế giới, và nước Mỹ dẫn đầu về kỹ thuật số.
Tháng 8/2021, bị mất uy tín nặng nề với đồng minh Châu Âu sau khi rút lui một cách hỗn loạn khỏi Afghanistan, đến tháng 3/2022, Hoa Kỳ lại đóng vai "đại ca" khi giúp Ukraine đẩy lùi đoàn xe tăng hùng hậu của Nga. Theo Le Figaro, nếu ứng cử viên Donald Trump biết khai thác cơ may, biết từ bỏ những khẩu hiệu bạo lực để tiến đến hòa hợp dân tộc, và đừng quá trớn về phép lạ của Thượng Đế, thì cả một đại lộ mở ra cho ông để quay lại Nhà Trắng vào ngày 20/01/2025.
Ukraine thiếu vũ khí, thiếu quân, Nga vẫn không tiến nổi
La Croix hôm nay dành trang nhất cho bức ảnh một chiến binh Ukraine trong chiến hào ở Donbass với tít lớn "Làm thế nào Ukraine có thể đối phó". Từ nhiều tháng qua, lực lượng Ukraine liên tiếp chịu nhiều thất bại vì thiếu vũ khí và thiếu quân, tuy nhiên quân Nga cũng không tiến thêm được bao nhiêu.
Thông tín viên của tờ báo mô tả mặt trận Pokrovsk : nắng nóng chói chang, bầu trời đầy những tiếng động đáng sợ của drone tự sát đang tìm mồi, tiếng rít của đạn pháo, tiếng hú của những quả bom lượn... Những người lính cho biết bom lượn nguy hiểm nhất vì không thể đoán được mục tiêu của chúng.
Trận đánh ở làng Ocheretyne khởi đầu cho giai đoạn Moskva tận dụng tình thế Kiev đang "đói đạn pháo", lực lượng quá ít, lại bị oanh kích dữ dội cả tiền phương lẫn hậu phương vì phòng không cạn kiệt. Tháng 4, quân Nga tiến gần Chasiv Yar ; đến ngày 10/05 vượt qua biên giới ở bắc Kharkiv mở thêm mặt trận mới. Bộ tham mưu Ukraine phải khẩn cấp điều nhiều đơn vị thiện chiến từ Donbass sang tăng viện.
Ba tháng sau, khác với những dự báo bi quan, các đơn vị tiếp viện đã chặn được quân Nga ở Vovchansk. Ở Chasiv Yar, Nga mất đến ba tháng và số mạng lính khổng lồ mới chiếm được một khu phố duy nhất đã bị biến thành tro bụi. Theo Bộ quốc phòng Anh, trong hai tháng gần đây có đến 70.000 lính Nga chết và bị thương. Một cựu binh Ukraine cho biết đôi khi bị mất vị trí chỉ vì không có người để trấn giữ. Họ hy vọng những tuần lễ sắp tới sẽ khả quan hơn khi động viên được thêm quân, nhận được thêm đạn pháo để củng cố các tuyến phòng ngự dọc theo biên giới trước cuộc bầu cử Mỹ.
Moskva dùng tiền để chiêu mộ lính
Nga bù đắp số quân bị loại khỏi vòng chiến như thế nào ? Câu hỏi này được đặt ra trước con số thiệt hại vô cùng lớn, chứng tỏ sự ác liệt của các trận đánh ở miền đông Ukraine. Trong tháng 5, trung bình mỗi ngày có đến 1.262 lính Nga thương vong. Theo tờ báo độc lập Nga Meduza, hiện mỗi ngày có từ 200 đến 250 lính Nga tử trận, cao gấp đôi so với cuối 2023. Tổng cộng số quân Nga bỏ mạng trên đất Ukraine đến nay đã lên tới 120.000 người.
Moskva đứng trước thách thức bổ sung quân cho những đơn vị đã tan tác. Một báo cáo của Chatham House ngày 09/07 được La Croix dẫn lại cho biết tháng 3/2024 bộ máy tuyển quân cung cấp đủ người. Tình báo Ukraine hồi tháng 12/2023 cũng ước lượng mỗi ngày có 1.000 đến 1.200 người ký hợp đồng với quân đội Nga.
Không muốn tổng động viên để tránh rủi ro chính trị, chính quyền Nga dùng tiền để dụ dỗ. Ngoài lương tháng ít nhất 2.180 €, cao gấp đôi lương trung bình ở Nga, tân binh còn được thưởng một số tiền không ngừng tăng lên, hiện là 13.500 € ; con cái được đi nhà trẻ miễn phí, được ưu tiên trong học hành. Số 250.000 thanh niên đi quân dịch mỗi năm bị thúc giục ký hợp đồng với quân đội.
Tuy được bổ sung, nhưng các đơn vị bị thiệt hại nhiều phải mất thời gian để hội nhập và huấn luyện tân binh. Lính mới ngày càng kém chất lượng, tuổi trung bình đã trên 40. Nhiều sĩ quan đã chết khiến phải rút ngắn thời gian đào tạo sĩ quan mới, dẫn đến việc khó tiến hành các chiến dịch liên quân trên cấp đại đội. Và như vậy Nga khó thể làm được những đột phá quan trọng trong năm 2024.
Cơn sốt bảo hộ trước hàng Trung Quốc gia tăng
Ở Châu Á, kinh tế Trung Quốc tiếp tục được các báo chú ý. Les Echos đưa tít trang nhất "Tiêu thụ tại Trung Quốc chựng hẳn lại". Và do sản xuất quá thừa, phải chú trọng vào xuất khẩu, chính sách bảo hộ trước Bắc Kinh chỉ có thể tăng lên. Tháng 6, thặng dư thương mại của Trung Quốc lên đến 99,1 tỉ đô la, cao kỷ lục kể từ 1992. Các nước trên thế giới tìm cách tự vệ trước làn sóng hàng Trung Quốc tràn vào.
Chính sách xuất hàng ồ ạt của Bắc Kinh sẽ còn gây khó lâu dài cho toàn thế giới. Trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 3,2% trong khi nhập khẩu chỉ tăng 2%. Một con số biết nói khác : sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6% nhưng tiêu thụ chỉ tăng 3,7%. Do khủng hoảng địa ốc, các ngân hàng quay sang phía kỹ nghệ, tín dụng trong lãnh vực này hiện chiếm 1/3 những món vay mới. Song song đó, người dân mất lòng tin nên hạn chế chi tiêu, để dành tiền, nên tiêu thụ nội địa cũng như nhập khẩu đều giảm. Tóm lại, Trung Quốc dựa vào nhu cầu các nước khác để bảo đảm tăng trưởng của mình, còn người dân chủ yếu mua hàng nội địa.
Kết quả là các nước mới nổi ngày càng khó thể chấp nhận sự thống trị của kỹ nghệ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh mua hàng của họ ít hơn. Nhật báo kinh tế gọi đây là "nạn dịch bảo hộ" ở phần còn lại của thế giới. Hoa Kỳ và Châu Âu tăng thuế hải quan từ 25 đến 33% trên thép Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 40% thuế trên xe hơi điện, và Indonesia vừa loan báo đánh thuế từ 100 đến 200% vào một số mặt hàng Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh thương mại mới !
Thụy My
Donald Trump bị ám sát hụt : "Ngạc nhiên tháng Bảy" ?
Trả lời Libération ngày 15/07/2024, nhà sử học Romain Huret nhận định, Donald Trump "đã nhanh chóng hiểu được có thể thủ lợi từ vụ tấn công". Người ta thường nói về "ngạc nhiên tháng Mười" có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử, và đây có thể là ngạc nhiên của tháng Bảy.
Ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump được các nhân viên mật vụ bao quanh bảo vệ sau vụ nổ súng ở Butler, Pennsylvania ngày 13/07/2024. Tuy khuôn mặt nhuốm máu vì bị thương ở vành tai phải, ông Trump vẫn giơ nắm đấm, một hình ảnh sẽ đi vào lịch sử. Reuters - Brendan McDermid
Ngoại trừ Le Monde ra từ cuối tuần trước, sự kiện ứng cử viên tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt chiếm trang nhất tất cả các nhật báo hôm nay. Libération đăng cận cảnh khuôn mặt loang máu của ông Trump với dòng tít "Donald Trump, một lịch sử bạo lực ", coi đây là một trận động đất chính trị. Trang nhất La Croix là ảnh ông Trump giữa các vệ sĩ sau vụ nổ súng, nhấn mạnh đến "Nạn dịch bạo lực chính trị". Le Figaro nói về "Vụ tấn công có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử tổng thống" với hình ảnh Donald Trump đang giơ cao nắm đấm. Cũng với tấm ảnh này, Les Echos đưa tít "Bầu cử Mỹ, vụ tấn công đã xào lại ván bài".
Súng đạn, bạo lực : Căn bệnh của nền dân chủ Mỹ
Trong bài xã luận "Nền dân chủ bị thương", La Croix ghi nhận, cái tin Donald Trump bị bắn trong chớp mắt đã được loan truyền trên khắp thế giới. Đang diễn thuyết trong cuộc mít-tinh để vận động tranh cử, cựu tổng thống bị một tay súng nhắm vào, tuy ông chỉ bị thương ở tai nhưng một người tham dự đã thiệt mạng, hai người khác bị thương, hung thủ bị bắn hạ. Vụ ám sát hụt này cho thấy nền dân chủ Mỹ bệnh hoạn như thế nào.
Cả nước có gần 400 triệu khẩu súng, kể từ 2020 đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thiếu niên, cứ năm người Mỹ thì một người có thân nhân chết vì súng đạn. Một căn bệnh khác là bạo lực về thể xác và ngôn từ chống lại các chính khách. Hiện tượng này không có gì mới : bốn tổng thống Mỹ đã bị ám sát trong nhiệm kỳ như Abraham Lincoln hay John Fitzgerald Kennedy. Số khác phải chịu đựng hàng loạt vụ mưu sát như Richard Nixon hay Barack Obama.
Nhưng lần này, việc Donald Trump lại chạy đua vào Nhà Trắng, tính dân túy, thói quen cường điệu và những tấn công vào các định chế làm tổn thương sâu sắc đất nước. Nền dân chủ và cử tri Mỹ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn. Hôm qua, sau khi được sơ tán, Donald Trump đã kêu gọi đoàn kết, trong khi ông Joe Biden cổ vũ mỗi người nên lên án bạo lực.
Trump, võ sĩ giác đấu
Le Figaro nhấn mạnh đến hình ảnh Donald Trump, một bên tai chảy máu, vừa thoát khỏi âm mưu ám sát, đã giơ cao nắm đấm về phía đám đông ủng hộ đang hô vang "USA, USA !". Khoảnh khắc khó tin này sẽ là điểm xoay chuyển cuộc bầu cử hay chăng ? Hãy còn quá sớm để nhận định, nhưng điều chắc chắn duy nhất là người đưa ra khẩu hiệu "America first" xuất hiện trong đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee như "một võ sĩ giác đấu trên đấu trường", với khán giả hừng hực khí thế. Những người còn do dự cuối cùng trong đảng sẽ đứng về phía Trump. Cảm xúc sẽ chiến thắng lý trí chăng ? Các đối thủ của ông chỉ có thể tố cáo bạo lực mà thôi.
Nghịch lý là ở đó. Từ khi lên ngôi một cách ồn ào năm 2016, Donald Trump gây căng thẳng trong một nước Mỹ chia làm hai phe thù nghịch. Không chịu công nhận thất bại năm 2020, người được cho là bảo đảm Hiến pháp Mỹ lại cổ vũ cho vụ tấn công đồi Capitol. Joe Biden hứa hẹn "hàn gắn" đất nước, nhưng rõ ràng ông không đạt được. Nung nấu phục thù, Donald Trump vẫn tự coi là nạn nhân của một hệ thống chính trị, vụ ám sát hụt này có thể củng cố lý lẽ của ông theo một cách nào đó.
Tòa án Tối cao hôm 01/07 còn đưa ra phán quyết có lợi cho Trump, gây lo ngại về một nhiệm kỳ thứ hai của ông. Đối mặt với Donald Trump, Joe Biden dù kết quả về kinh tế rất khả quan, đối nội và đối ngoại ổn thỏa, nhưng sức khỏe giảm sút. Phe Dân chủ nghi ngờ ông khó thể đi đến cùng nhiệm kỳ thứ hai. Sau cú sốc cuối tuần qua, sự tương phản càng cao : người thì xuống dốc, người kia ngẩng đầu dậy.
Hình ảnh sẽ đi vào lịch sử
Tương tự, Libération cho rằng "Một nắm đấm giơ cao nói lên rất nhiều về tương lai". Một hình ảnh lịch sử đánh dấu khởi đầu một kỷ nguyên bạo lực và chống lại bạo lực ở Hoa Kỳ. Bị thương ở tai, bị mật vụ đè xuống đất, một giòng máu chảy trên mặt, bị hối thúc rời khỏi khán đài, lẩm bẩm những câu về đôi giày... rồi Donald Trump bỗng được bản năng thúc giục : đứng dậy, giơ nắm đấm lên nhiều lần hướng về một kẻ thù vô hình trước camera, với những tiếng hoan hô của người ủng hộ.
Một động thái thách thức tối hậu, sẽ lưu lại trong lịch sử, bởi vì những cuộc mít-tinh của Donald Trump thường hằn dấu bạo lực, nhưng theo chiều ngược lại, mà điển hình là vụ xông vào tòa nhà Quốc hội. Một số người biểu tình còn dựng lên giá treo cổ đòi hỏi tội chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi, hay phó tổng thống Mike Pence.
Tỉ phú Elon Musk, người đã mua lại mạng xã hội Twitter chưa đầy 1 giờ sau vụ mưu sát, đã lên tiếng ủng hộ Donald Trump, theo nhật báo thiên tả không phải là tình cờ. Dưới sự cổ vũ liên tục của ứng cử viên Cộng hòa, Hoa Kỳ trong những năm gần đây, một dạng nội chiến đang chậm chạp diễn ra, được nuôi dưỡng bằng thù hận trên mạng xã hội. Những nhà lãnh đạo có lương tri cần chận đứng leo thang bạo lực kẻo hậu quả còn nặng nề hơn nữa.
"Ngạc nhiên tháng Bảy" : Vụ ám sát hụt làm tăng cơ may đắc cử cho Trump
Trả lời Libération, nhà sử học Romain Huret nhận định, Donald Trump "đã nhanh chóng hiểu được có thể thủ lợi từ vụ tấn công". Người ta thường nói về "ngạc nhiên tháng Mười" có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử, và đây có thể là ngạc nhiên của tháng Bảy. Những cáo buộc phát-xít và bạo lực nay có thể dùng để quay ngược lại vào các đối thủ, còn Trump là nạn nhân.
Trong "phép lạ" này, những người theo Tin Lành có thể cho rằng Donald Trump được Thượng Đế che chở. Dù bị thương nhưng vẫn hô "Chiến đấu", ngược hẳn với những khó khăn khi phát biểu của Joe Biden. Trong quá khứ, vụ ám sát hụt tổng thống Ronald Reagan khiến ông càng được mến chuộng, và ở Brazil ứng cử viên dân túy Jair Bolsonaro sau khi bị tấn công bằng dao, cũng giành được thắng lợi.
Les Echos cũng cho rằng vụ ám sát hụt làm gia tăng cơ may đắc cử của Donald Trump, với hình ảnh bị thương nhưng vẫn giơ cao nắm tay, với lá cờ Mỹ phía sau, thách thức số phận. Ông Trump đã được dự báo sẽ thắng cử trước Joe Biden sau vụ tranh luận trên truyền hình cách đây hai tuần. Nhưng nay ông còn được một bộ phận dân Mỹ coi là người tử đạo, hơn nữa, là người hùng.
Định mệnh như đã mỉm cười với Donald Trump. Cựu ứng cử viên Nikki Haley rốt cuộc cũng ủng hộ ông, tỉ phú công nghệ Elon Musk chính thức đứng về phía Trump. Wall Street hoan nghênh một nhà lãnh đạo muốn giảm thuế và tăng sản lượng dầu khí, giá bitcoin vượt ngưỡng 60.000 sau vụ ám sát. Các cuộc thăm dò chưa đưa ra kết quả gì mới, nhưng ván cờ đã thay đổi. Đảng Dân chủ cần phải nỗ lực rất lớn trước ứng cử viên của Cộng hòa.
Lợi dụng lúc giao thời, Orban đi gặp các kẻ thù của NATO và EU
Tại Châu Âu, Le Monde nói về "Những động thái đáng ngại của Viktor Orban". Vừa nhậm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU), thủ tướng Hungary đã vội vã đi gặp Vladimir Putin, Tập Cận Bình và Donald Trump. Những chuyến đi này hoàn toàn tự ý, không được EU giao nhiệm vụ, và có thể gây thiệt hại cho Châu Âu. Với cái cớ thực hiện "sứ mệnh hòa bình" tự giao phó, Viktor Orban tạo ra hai vấn đề cho các đối tác Châu Âu : vừa không phải là sứ vụ, vừa vượt quá những giới hạn mà phương Tây đặt ra trong quan hệ với Vladimir Putin - người đã xâm lăng Ukraine và đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã vì tội ác chiến tranh.
Sau khi gặp ông chủ điện Kremlin, Orban đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và sang Florida gặp Donald Trump đến lần thứ hai. Trong thời gian kỷ lục, thủ tướng Hungary đã lập được chiến tích là tiếp xúc với tất cả kẻ thù của NATO và EU. Trong khi đó hiệp ước Amsterdam quy định các quốc gia thành viên phải "tránh tất cả mọi hành động đi ngược lại lợi ích của Liên hiệp".
Viktor Orban lợi dụng lúc giao thời ở thượng tầng EU. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel sắp trao quyền cho Antonio Costa, còn chủ tịch mãn nhiệm của Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Estonia Kaja Kallas phải đợi Nghị viện Châu Âu thông qua để chính thức nhận nhiệm vụ. Thủ tướng Hungary muốn chứng tỏ không bị cô lập, và việc cùng với cực hữu Pháp lập ra nhóm "Ái Quốc" tại Nghị viện Châu Âu, "Make Europe Great Again", câu khẩu hiệu copy từ Donald Trump tỏ ra phản nghĩa.
Kinh tế xuống dốc, Tập Cận Bình thanh trừng
Nhìn sang Châu Á, Le Monde, Le Figaro và Les Echos đều quan tâm đến tình trạng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, vào lúc Hội nghị trung ương Đảng cộng sản khai mạc hôm nay, trong không khí nặng nề của thanh trừng. Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), hai cựu bộ trưởng quốc phòng đã bị Bộ Chính trị khai trừ đảng hôm 27/06 – một động thái chưa từng thấy kể cả dưới thời Mao. Một số nhà quan sát cho rằng loan báo trên là lời cảnh cáo của ông Tập cho các quan lại đỏ, vào lúc nền kinh tế đang chồng chất khó khăn.
Hội nghị trung ương lần này, được tổ chức trễ mất 9 tháng, diễn ra bốn ngày với trên 300 cán bộ đảng cao cấp, nhằm hoạch định chiến lược kinh tế cho thập niên tới. Nhà nghiên cứu Trần Cương (Chen Gang) của đại học quốc gia Singapore (NUS) nhận định : "Đó là sự kiện chính trị quan trọng, vì trong nội bộ vẫn có những chống đối về các chọn lựa kinh tế và đối ngoại. Tập Cận Bình muốn chứng tỏ có thể áp đặt đường hướng". Nhiều nhà Trung Quốc học cho rằng việc hoãn hội nghị mà không giải thích cho thấy có những bất đồng, người lãnh đạo chần chừ, trong khi những con số tệ hại dồn dập đến. Đối với một chuyên gia khác, đó là do ông Tập coi trọng an ninh hơn kinh tế.
Theo truyền thống, Hội nghị trung ương lần thứ ba trong nhiệm kỳ được dành cho các vấn đề kinh tế, và đôi khi dẫn đến những bước ngoặt quan trọng. Chẳng hạn năm 1978, Đặng Tiểu Bình mở cửa cho tư bản, năm 1993 Trung Quốc hội nhập toàn cầu hóa. Năm 2013 khi vừa lên ngôi, Tập Cận Bình nói rằng sẽ dành vai trò "trung tâm" cho thị trường, nhưng nay ông ta quay lui, muốn Nhà nước tăng cường kiểm soát, ưu tiên cho quốc doanh. Đã có 68 tỉ đô la vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc năm 2023, cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Ông Jörge Wuttke, chủ tịch danh dự Phòng thương mại EU ở Bắc Kinh, giải thích với Le Figaro : "Vấn đề là lãnh đạo không muốn nhìn nhận đang có khủng hoảng. Đa số cán bộ cao cấp lo lắng vì họ hiểu chuyện, nhưng Bộ Chính trị nhìn theo cách khác, và cấp dưới phải tuân theo". Ông Trần Cương dự báo : "Hội nghị trung ương sẽ loan báo những cải cách, nhưng không phải là những gì mà khối tư nhân chờ đợi. Nhà nước sẽ kiểm soát nhiều hơn".
Thụy My
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thoát hiểm trong một vụ ám sát hụt
Thanh Hà, RFI, 14/07/2024
Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ FBI trong cuộc họp báo tối qua,13/07/2024 khẳng định "cựu tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt" vào lúc ông đang vận động tranh cử tại Butler, bang Pennsylvania, đông bắc nước Mỹ. Ông Trump bị thương nhẹ. Hung thủ đã bị hạ sát. Chính giới Mỹ và thế giới đồng loạt lên án vụ ám sát hụt nói trên.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu tổng thống Donald Trump được các nhân viên Mật vụ Hoa Kỳ giúp rời khỏi sân khấu sau vụ tấn công hụt trong sự kiện tranh cử ở Butler vào ngày 13/07/2024. AP - Gene J. Puskar
Butler là một chặng dừng trước khi đảng Cộng hòa họp đại hội vào thứ Hai tới, tại Milwaukee, bang Wisconsin. Nhưng đây cũng là một bước ngoặt trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, sau vụ nổ súng, ngày hôm qua, hung thủ trực tiếp nhắm vào ứng cử viên của bên đảng Cộng hòa. Cựu tổng thống Trump bị thương ở tai nhưng tính mạng không bị đe dọa. Trong số các cổ động viên đến dự meeting, một người chết và hai người bị thương nặng.
Theo các thông tin mới nhất được AFP trích dẫn, vào lúc 18 giờ 8 phút giờ địa phương, trên khán đài, cựu tổng thống Trump đang đề cập đến vấn đề nhập cư thì một loạt 4 phát súng đã vang lên, ông lập tức lấy tay bịt lên tai bên phải. Chưa đầy 2 phút sau ông được nhân viên bảo vệ đưa ra khỏi khán đài, mặt dính máu.
Thông tín viên RFI Loubna Anaki từ New York tường thuật về vụ ám sát hụt làm chấn động công luận Mỹ :
"Donald Trump phát biểu được chừng mười phút trước khi có tiếng súng nổ. Ngay lập tức, nhân viên an ninh xô ông xuống đất. Cử tọa la ó trong tình trạng hoảng loạn. Loa phóng thanh và trên khán đài nhân viên bảo vệ lặp đi lặp lại là ‘hung thủ đã bị bắn hạ. Tình hình đã an toàn’. Ông Donald Trump đứng lên, và ông vẫn được nhân viên bảo vệ bao kín chung quanh. Máu chảy ở phía tai bên phải. Ông giương nắm tay lên trời, hướng về phía các cổ động viên trước khi được đưa ra khỏi khán đài trong những tiếng hô vang của các cổ động viên ‘USA’.
Theo các giới chức Hoa Kỳ, Donald Trump vừa bị ám sát hụt. Cựu tổng thống Mỹ đã được các dân biểu của cả bên Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ và ông cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ phía đương kim tổng thống Joe Biden.
Ông Biden nói ‘ở Mỹ, không có chỗ cho những vụ bạo hành điên cuồng như vậy. Chính vì vậy mà đất nước chúng ta cần đoàn kết. Chúng ta không thể dung thứ cho những hành động như vậy. Ý tưởng bạo lực về chính trị diễn ra ngay trên đất Mỹ là chưa từng thấy và không thể chấp nhận được. Tất cả mọi người đều phải lên án những hành vi bạo lực đó’.
Tối nay Donald Trump cho biết ông được bình an và nói thêm ông bị thương ở tai vì trúng đạn nhưng đã được an toàn".
Chính giới Mỹ và quốc tế đồng loạt lên án vụ mưu sát nhắm vào Donald Trump
Như vừa nói, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lập tức lên án vụ mưu sát nhắm vào ông Trump và đã gấp rút trở lại Nhà Trắng sớm hơn dự kiến trong dịp nghỉ cuối tuần. Các cựu tổng thống Mỹ từ Barack Obama đến George W Bush hay Bill Clinton đồng loạt lên án hành động nói trên. Các dân biểu Mỹ cả bên đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều gọi đây là một hành vi "khủng khiếp", "không có chỗ đứng trong một nền dân chủ", một hành động "đáng khinh bỉ" nhắm vào một chính khách Hoa Kỳ và đòi cho mở điều tra "thấu đáo".
Riêng thượng nghị sĩ bên Cộng hòa J.D Vance thuộc bang Ohio, một trong những nhân vật có triển vọng đứng liên danh với ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, thì lập tức quy trách nhiệm cho bên ứng cử viên tổng thống Joe Biden. Theo ông chính lập luận của bên đảng Dân chủ xem Trump là một nhà "phát xít độc đoán" làm dấy lên hận thù và "đã dẫn đến vụ mưu sát vừa qua". Một số khác, như thống đốc bang Texas, Greg Abbott thì cho rằng bên đảng Dân chủ đã tìm cách "tống ông Trump vào tù, tìm cách giết hại ông ấy, nhưng đã không thành. Trump là người bất diệt".
Trên trường quốc tế, từ tổng thống Nga đến chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo Châu Âu đồng loạt lên án vụ mưu sát nhắm vào ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chúc ông Trump chóng bình phục và nói thêm là nước Pháp "chia sẻ sự bàng hoàng và phẫn nộ cùng với người dân Mỹ" trước sự kiện ngày hôm qua. Tân thủ tướng Anh, Keir Starmer nhấn mạnh "bạo hành không có chỗ đứng trong các nền dân chủ". Đây cũng là những gì mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cũng như tổng thống Ukraine đã khẳng định. Về phía Nga, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao nước này gắn vụ mưu sát cựu tổng thống Trump với việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí ủng hộ Ukraine. Moskva kêu gọi Washington "kiểm điểm lại chủ trương khơi dậy hận thù nhắm vào các nhà đối lập chính trị, nhắm vào một số quốc gia, một số dân tộc". Tại Bắc Kinh, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang theo dõi sát tình hình.
Thanh Hà
***************************
Mỹ : Cảnh sát đã xác định được danh tính của hung thủ âm mưu ám sát cựu Tổng thống Trump
Trọng Thành, RFI, 14/07/2024
Ngay sau khi vụ ám sát cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xảy ra hôm 13/07/2024 tại Butler, bang Pennsylvania, cảnh sát đã xác định được danh tính của hung thủ.
Chân dung Thomas Matthew Crooks, hung thủ mưu sát cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Reuters - Aaron Josefczyk
Thông tín viên Guillaum Naudin tường trình từ Butler :
"Anh ta tên là Thomas Matthew Crooks, người gốc vùng Bethel, phía nam Pittsburgh bang Pennsylvania. Người thanh niên trạc 20 tuổi, dân vùng này, ngay lập tức đã bị bắn hạ bởi lực lượng an ninh chuyên bảo vệ các cựu tổng thống, tổng thống và các yếu nhân. Hiện tại, cơ quan điều tra chưa cho biết động cơ nào đã khiến thủ phạm hành động như vậy, và thủ phạm hành động một mình hay có cộng sự.
Thomas Matthew Crooks dường như đã bắn từ mái một ngôi nhà, cách không xa nơi Donald Trump phát biểu, với một khẩu súng trường R-15, loại súng rất phổ biến tại Hoa Kỳ, quốc gia đã xảy ra rất nhiều cuộc bạo lực bằng súng, đặc biệt là ở giới trẻ.
Điều tra vẫn đang được tiến hành. Tại sở cảnh sát ở Butler, nơi tôi đang có mặt tại đây, các nhà điều tra không loại trừ khả năng có thêm người khác can dự vào vụ ám sát này. Hiện tại không còn nguy hiểm nào đối với dân cư tại chỗ".
Theo dữ liệu của chính quyền Mỹ, người thanh niên này đã từng ghi danh với tư cách cử tri đảng Cộng Hòa. Cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024 có thể là lần đầu tiên mà Thomas Matthew Crooks đi bỏ phiếu. Theo một tài liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang, phụ trách giám sát việc thực thi luật về tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, năm 17 tuổi Crooks từng đóng góp 15 đô la cho ActBlue, một tổ chức chuyên quyên góp tiền cho phe Dân Chủ.
Hãng tin Reuters cho hay, trên CNN, người cha của thủ phạm vụ ám sát, 53 tuổi, cho biết ông đã cố gắng tìm hiểu về những gì xảy ra và sẽ trao đổi với cảnh sát trước khi phát biểu trước công chúng về con trai mình.
Trọng Thành
***************************
Ông Donald Trump bị bắn : 'Đạn sượt qua da tôi'
BBC, 14/07/2024
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị bắn tại một sự kiện vận động ở thành phố Butler, bang Pennsylvania. Hình chụp cho thấy ông Trump bị chảy máu ở tai, nhưng đại diện của ông nói rằng ông ổn.
Ông Donald Trump bị chảy máu ở tai
Người tấn công ông là nam giới, đã bị đặc vụ bắn chết trong sự kiện vận động tranh cử của ông Trump tại thành phố Butler, bang Pennsylvania vào lúc khoảng hơn 18 giờ ngày thứ Bảy 13/7 theo giờ địa phương (tức buổi sáng Chủ nhật 14/7 theo giờ Việt Nam).
Thông báo từ cơ quan đặc vụ Mỹ cho biết tay súng đã "đứng ở vị trí cao bên ngoài khu vực rào chắn", khiến một người đang dự khán thiệt mạng và hai người khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Video cho thấy cảnh ông Trump ngã xuống và đứng lên với máu trên mặt trên sân khấu.
Ban chiến dịch tranh cử của ông Trump nói ông đã 'ổn'.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết "một viên đạn đã bắn qua phần bên trên tai phải của ông".
Một nhân chứng cho BBC biết có người đàn ông cầm súng trường bò trên mái nhà gần địa điểm diễn ra sự kiện tranh cử trước khi tiếng súng nổ ra.
Đài CBS dẫn nguồn tin cho hay tay súng đã đứng ngoài khu vực rào chắn và cách ông Trump hơn 180 mét.
Tổng thống Joe Biden đã lên án vụ tấn công và mong những điều tốt nhất đến với ông Trump.
Donald Trump Jr, con trai ông Trump, cho biết đã nói chuyện với cha mình qua điện thoại và cho biết ông đang trong trạng thái "tinh thần tuyệt vời".
Hình chụp cho thấy ông Trump bị chảy máu nhưng "vẫn ổn"
Bắn hạ 'thích khách'
Đài CBS dẫn hai nguồn tin từ cơ quan hành pháp cho biết vụ bắn súng đang được điều tra theo hướng là ám sát có chủ đích.
Thông cáo của Mật vụ Mỹ nêu :
"Trong sự kiện vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, vào khoảng 18 giờ 15 ngày 13/7, một tay súng tình nghi đã bắn một loạt súng về phía sân khấu từ một vị trí cao bên ngoài địa điểm vận động tranh cử.
"Các nhân viên cơ quan Mật vụ Mỹ đã vô hiệu hóa tay súng này, hiện người này đã chết. Cơ quan Mật vụ Mỹ nhanh chóng đáp trả bằng các biện pháp bảo vệ và cựu Tổng thống Trump đã an toàn. Một người tham dự sự kiện bị thiệt mạng, hai người tham dự khác bị thương nghiêm trọng. Vụ việc đang được điều tra và cơ quan Mật vụ đã thông báo đến Cục Điều tra Liên bang (FBI)".
Cơ quan thực thi pháp luật cho biết danh tính của một tay súng đã "tạm thời xác định được" nhưng không cung cấp tên hoặc bất kỳ chi tiết nhận dạng nào.
Họ cho biết tên của nghi phạm xả súng có thể được công bố trong vài giờ tới.
Cả ba nạn nhân trong cuộc mít tinh - hai người bị thương và một người thiệt mạng - đều là nam giới trưởng thành.
Tình hình ông Trump thế nào ?
Ông Trump được chăm sóc và bảo vệ tại hiện trường
Cựu Tổng thống Donald Trump đã rời bệnh viện địa phương sau khi bị bắn vào tai, đài CBS News dẫn hai nguồn tin cho hay.
Hiện không rõ ông Trump đang đi đâu. Trước đó, theo lịch trình ông Trump sẽ đến khu nghỉ dưỡng của mình tại thị trấn Bedminster, bang New Jersey vào hôm nay sau sự kiện vận động tranh cử.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng có lịch đi đến thành phố Milwaukee, bang Wisconsin cho sự kiện Đại hội Đảng Cộng hòa sẽ kéo dài từ ngày thứ Hai 15/7 đến ngày 18/7.
Trong những bình luận đầu tiên trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã cảm ơn Mật vụ Mỹ vì "phản ứng nhanh chóng trong vụ bắn súng vừa xảy ra".
"Quan trọng nhất, tôi muốn gửi lời chia buồn đến gia đình người tham dự sự kiện bị thiệt mạng và đến gia đình của một người khác bị thương nặng".
"Thật không thể tin nổi là hành động như vậy lại có thể xảy ra ở quốc gia của chúng ta. Chưa có thông tin gì được biết về tay súng vào thời điểm này, người hiện đã chết", ông cho biết thêm.
Tổng thống Joe Biden nói gì ?
Tổng thống Mỹ Biden nói các cơ quan liên bang đang tham gia điều tra vụ việc.
Trả lời một phóng viên về liệu ông có cho rằng đây là một vụ ám sát, ông Biden nói :
"Tôi muốn đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi có đầy đủ căn cứ".
Phát biểu từ bang quê hương Delaware, Tổng thống Biden đã chỉ trích vụ tấn công, gọi hành động này là "bệnh hoạn".
"Loại bạo lực này không có chỗ đứng ở nước Mỹ", ông nói.
Ông Biden bày tỏ hy vọng sẽ nói chuyện với ông Trump trong vài giờ tới.
"Mọi người đều phải lên án vụ việc này", ông kêu gọi.
"Chúng ta không thể cho phép điều này diễn ra. Chúng ta không thể như vậy. Chúng ta không thể dung thứ cho chuyện này", ông nói thêm.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với ông Trump sau khi cựu tổng thống bị thương trong vụ nổ súng tại cuộc mít tinh ở Butler.
Quan chức Nhà Trắng không tiết lộ hai người đã nói những gì.
Nhà Trắng cũng thông tin rằng ông Biden đã nói chuyện với Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro và Thị trưởng thành phố Butler Bob Dandoy.
Ông Obama lên tiếng
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói "hoàn toàn không có chỗ cho bạo lực chính trị trong nền dân chủ của chúng ta" và ông cảm thấy "nhẹ nhõm vì cựu Tổng thống Trump không bị thương nặng".
Cựu Phó Tổng thống Mike Pence cho biết ông và vợ đang cầu nguyện cho đồng minh cũ của mình, đồng thời kêu gọi "mọi người dân Mỹ sát cánh cùng chúng tôi".
Thủ tướng Anh Keir Starmer là một trong những lãnh đạo quốc tề đầu tiên lên án vụ xả súng, nói rằng ông thấy "kinh hãi trước những cảnh tượng chấn động tại cuộc mít tinh của ông Trump".
"Bạo lực chính trị dưới mọi hình thức không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta và tôi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của cuộc tấn công này", ông nói.
Ông Trump được cho là sẽ chính thức trở thành ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa tại kỳ đại hội ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin) sẽ khai mạc vào thứ Hai ngày 15/7.
Một số người cho biết ông Trump đã dự tính sẽ tiết lộ người tranh cử cùng mình (phó tổng thống) tại cuộc mít tinh ở Butler, bang Pennsylvania.
Vụ nổ súng sẽ định hình lại chiến dịch tranh cử
Phân tích của Sarah Smith - biên tập viên Bắc Mỹ của BBC
Những hình ảnh kinh ngạc mô tả ông Donald Trump giơ nắm đấm đầy thách thức lên trời khi máu vẫn đang chảy trên mặt không chỉ ghi dấu vào lịch sử mà còn có thể thay đổi diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Vụ tấn công chấn động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chiến dịch tranh cử.
Eric Trump - con trai vị cựu tổng thống Mỹ - nhanh chóng đăng hình cha mình lên mạng xã hội với chú thích : "Đây là chiến binh mà nước Mỹ cần".
Ban tranh cử của ông Biden đã tạm dừng đưa ra các tuyên bố chính trị và đang nỗ lực gỡ bỏ các quảng cáo trên truyền hình nhanh nhất có thể.
Họ tin rằng việc tấn công ông Trump vào thời điểm này là không phù hợp. Thay vào đó, họ tập trung lên án những gì đã xảy ra.
Các chính trị gia thuộc mọi quan điểm chính trị - những người rất ít khi đồng thuận với nhau - đang cùng nhau nói rằng bạo lực không có chỗ trong một nền dân chủ.
Nhưng một số đồng minh và những người ủng hộ thân cận nhất của ông Trump đã đổ lỗi cho Biden về bạo lực, trong đó dân biểu Cộng hòa cáo buộc tổng thống "kích động một vụ ám sát" trong một bài đăng trên X.
Thượng nghị sĩ JD Vance, người được cho là có tên trong danh sách rút gọn để trở thành ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, cho biết những lời lẽ phóng đại từ chiến dịch tranh cử của ông Biden đã trực tiếp dẫn đến vụ tấn công này.
Các chính trị gia Đảng Cộng hòa khác cũng đang nói những điều tương tự. Điều này gần như chắc chắn sẽ bị đối thủ của họ lên án là gây kích động vào lúc nền chính trị Mỹ đang gặp nguy hiểm.
Người dân có thể thấy rõ các chiến tuyến đang được vạch ra giữa hai bên mà có thể trở thành một cuộc chiến xấu xí với trọng tâm là vụ nổ súng gây chấn động tại Butler. Điều này sẽ định hình lại các chiến dịch tranh cử.
'Từ bỏ bạo lực, thù hận'
Ứng viên tổng thống Mỹ của bên thứ ba là ông Robert F Kennedy Jr, người đang tranh cử với cả ông Donald Trump lẫn ông Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11, kêu gọi người Mỹ "đối xử tôn trọng lẫn nhau" trên chính trường.
"Thông điệp của tôi gửi tới mọi người là tất cả chúng ta cần từ bỏ bạo lực. Không chỉ từ bỏ bạo lực mà còn cả sự thù hận và cay độc", ông Kennedy nói với hãng tin NewsNation của Mỹ.
Cha của ông Kennedy Jr là ông Robert F Kennedy cũng đã bị bắn chết khi còn là ứng cử viên tổng thống năm 1968. Bác của ông là ông John F Kennedy bị ám sát vào năm 1963 khi đang làm tổng thống Mỹ.
Donald Trump bị bắn vào tai trong một cuộc tập hợp vận động tranh cử vào ngày thứ Bảy, gây hoảng loạn trong đám đông và khiến ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đổ máu.
Các nhân viên an ninh của ông lao lên sân khấu quây quanh ông. Sau đó ông vung nắm đấm lên trời và nhép miệng nói "Fight ! Fight ! Fight !" (Chiến đấu ! Chiến đấu ! Chiến đấu !)
Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng người nổ súng đã chết. Một người tham dự cuộc tập hợp thiệt mạng và hai khán giả khác bị thương. Một nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng vụ việc đang được điều tra như một nỗ lực ám sát.
Ông Trump, 78 tuổi, vừa bắt đầu phát biểu thì tiếng súng vang lên. Ông nắm lấy tai bên phải rồi đưa tay xuống nhìn trước khi quỳ xuống đằng sau bục phát biểu. Lúc đó Mật vụ ùa lên sân khấu che chắn cho ông và nhanh chóng hộ tống ông ra xe SUV chờ sẵn.
"Tôi bị bắn bằng một viên đạn xé qua phần trên tai phải của tôi", ông Trump nói sau đó trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình sau vụ nổ súng ở Butler, bang Pennsylvania, cách thành phố Pittsburgh khoảng 50 km về phía bắc. "Chảy máu rất nhiều".
Hiện chưa rõ danh tính và động cơ của kẻ xả súng. Các nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ hàng đầu đã nhanh chóng lên án bạo lực.
Ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết ông "khỏe mạnh".
Vụ nổ súng xảy ra chưa đầy bốn tháng trước cuộc bầu cử ngày 5/11, khi ông Trump đối đầu với Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đang nỗ lực tái đắc cử.
"Tôi đang cầu nguyện cho ông ấy và gia đình ông ấy cũng như cho tất cả những người có mặt tại cuộc tập hợp, trong khi chúng ta chờ đợi thêm thông tin", ông Biden nói trong một thông cáo.
"Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Chúng ta như một quốc gia phải đồng lòng lên án nó".
Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biden đã nói chuyện với ông Trump sau vụ nổ súng.
Vụ nổ súng đã đặt ra những nghi vấn ngay tức thì về những sơ hở an ninh của Mật vụ, cơ quan cung cấp sự bảo vệ trọn đời cho các cựu tổng thống, trong đó có ông Trump.
Đài BBC phỏng vấn một người đàn ông mô tả mình là nhân chứng, nói rằng ông nhìn thấy một người đàn ông cầm súng trường bò lên mái nhà gần sự kiện. Người này, không được BBC nêu tên, cho biết ông và những người đi cùng bắt đầu chỉ tay vào người đàn ông đó, cố gắng báo động cho an ninh.
Mật vụ cho biết các phát súng dường như đến từ bên ngoài khu vực được Mật vụ bảo vệ. Cục Điều tra Liên bang (FBI) nói họ đang dẫn đầu cuộc điều tra vụ tấn công.
Đài CNN dẫn các nguồn tin cho biết FBI đã xác định được nghi phạm xả súng là một thanh niên 20 tuổi ở bang Pennsylvania.
Các chuyên viên điều tra của Cục từ văn phòng chi nhánh FBI tại Pittsburgh, cùng nhóm đặc nhiệm đối phó khủng hoảng và các kỹ thuật viên thu thập bằng chứng, đã lập tức phản ứng với vụ nổ súng, vẫn theo thông báo của FBI.
FBI yêu cầu bất cứ ai có thông tin hữu ích cho cuộc điều tra, gọi vào đường dây nóng 1-800-CALL-FBI.
Chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, và Ủy ban Giám sát và Nội an Hạ viện, cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra vụ nổ súng.
Ông Trump sẽ nhận được đề cử chính thức của đảng mình tại Đại hội Đảng Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, khai mạc ở thành phố Milwaukee vào ngày thứ Hai.
Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa Mike Johnson viết trên mạng xã hội: "Hành động bạo lực chính trị kinh hoàng này tại một cuộc tập hợp vận động tranh cử ôn hòa không có chỗ đứng ở đất nước này và cần phải được nhất trí và mạnh mẽ lên án".
Lãnh đạo đa số Thượng viện thuộc Đảng Dân chủ Chuck Schumer cho biết ông kinh hoàng trước những gì đã xảy ra và cảm thấy nhẹ nhõm vì ông Trump an toàn. "Bạo lực chính trị không có chỗ đứng ở đất nước chúng ta", ông nói.
Một quan chức từ ban vận động tranh cử của ông Biden hôm thứ Bảy nói chiến dịch tranh cử của ông đang tạm dừng các quảng cáo truyền hình và tạm dừng tất cả các hoạt động truyền thông khác hướng ra ngoài công chúng.
Người Mỹ lo sợ bạo lực chính trị gia tăng, theo cuộc khảo sát ý kiến gần đây của Reuters/Ipsos, với hai phần ba số người được hỏi hồi tháng 5 nói rằng họ lo ngại bạo lực có thể xảy ra sau cuộc bầu cử.
Ông Trump giữ chức tổng thống từ năm 2017 đến năm 2021. Ông dễ dàng vượt qua các đối thủ của mình để giành được đề cử của Đảng Cộng hòa từ sớm trong chiến dịch vận động tranh cử và phần lớn đã thống nhất sự ủng hộ trong nội bộ đảng.
Nguồn : VOA, 14/07/2024
******************************
Trump lên tiếng : ‘Tôi cảm nhận được viên đạn xé qua da’
VOA, 14/07/2024
Cựu Tổng thống Donald Trump nói ông bị bắn và cảm nhận được viên đạn xé qua da khi ông phát biểu tại một cuộc tập hợp vận động tranh cử hôm thứ Bảy, trong một vụ nổ súng làm ít nhất hai người tử vong trong đó có tay súng tình nghi và làm một người trong tình trạng nguy kịch.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, được dìu khỏi sân khấu tại một sự kiện tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7/2024.
Ông Trump nhăn mặt và nắm lấy tai trước khi các nhân viên an ninh mau chóng hộ tống ông đi. Cơ quan Mật vụ và ban vận động tranh cử của vị cựu tổng thống Đảng Cộng hòa cho biết ông an toàn sau vụ nổ súng ở Butler ở bang Pennsylvania.
"Tôi bị bắn bởi một viên đạn xé qua phần trên của tai phải", ông kể lại trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình.
"Tôi biết ngay có điều gì đó không bình thường khi tôi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng nổ, và ngay lập tức cảm nhận được viên đạn xé toạc da. Chảy máu rất nhiều nên lúc đó tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra".
Ông cảm ơn cơ quan Mật Vụ Hoa Kỳ và cơ quan chấp pháp vì phản ứng nhanh chóng.
"Quan trọng nhất, tôi muốn gửi lời chia buồn tới gia đình của người thiệt mạng tại cuộc tập hợp và cả gia đình của một người khác bị thương nặng", ông nói tiếp.
"Thật không thể tin được rằng một hành động như vậy lại có thể diễn ra ở nước ta".
Hiện chưa rõ danh tính và động cơ của kẻ nổ súng.
Các nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ hàng đầu đã nhanh chóng lên án bạo lực.
"Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ", Tổng thống Joe Biden nói. "Chúng ta như một quốc gia phải đồng lòng lên án nó".
Vụ nổ súng xảy ra chưa đầy bốn tháng trước cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11, khi ông Trump đối đầu với ông Biden thuộc Đảng Dân chủ hiện đang nỗ lực tái đắc cử.
Nguồn : VOA, 14/07/2024
Phiên tòa giúp ‘giữ được niềm tin vào công lý’
Cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng trước bị tuyên có tội trong toàn bộ 34 trọng tội mà ông bị cáo buộc tại phiên tòa lịch sử xét xử vụ án tiền bịt miệng và những bồi thẩm viên kết án ông Trump là những người dân New York từ đủ mọi ngành ghề và thành phần trong xã hội.
Bản phác thảo phòng xử án cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump (ngoài cùng bên phải) nhìn các bồi thẩm đoàn tương lai đã giơ tay yêu cầu được miễn khỏi bồi thẩm đoàn tại Tòa án Hình sự Manhattan, hôm 18/4/2024, ở New York.
Cũng một bồi thẩm đoàn khác, gồm những công dân sinh sống ở Delaware, đã kết tội con trai của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, ông Hunter Biden, trong vụ án liên bang liên quan đến việc sở hữu súng vừa kết thúc hôm 11/6.
Trong vụ xử diễn ra tại Tòa Hình sự Quận Manhattan ở New York kéo dài 6 tuần và kết thúc hôm 30/5, ông Trump bị phán quyết có tội vì làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York nhằm che đậy thông tin gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mà cuối cùng ông đã giành chiến thắng. Phiên xử tập trung vào khoản tiền được trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels để người phụ nữ này không tiết lộ mối quan hệ của mình với ông Trump ngay trước kỳ bầu cử .
"Mười hai bồi thẩm viên này, 12 người dân bình thường và họ quyết định số phận của một người đã từng là tổng thống", ông Thận Nhiên, một nhà báo tự do ở Texas nói với VOA. "Họ quyết định cái phiên tòa đó xảy ra như thế nào chứ không phải ông quan tòa. Ông quan tòa chỉ là người sẽ đưa ra cái án, sẽ tuyên án. Còn cái quyết định rằng vị cựu tổng thống đó có tội hay không có tội là do 12 người dân".
Tại Mỹ và một số nước theo hệ thống thông luật Anh, bồi thẩm đoàn gồm những công dân được triệu tập đến tòa để nghe bằng chứng, đưa ra kết quả thực tế và tuyên thệ đưa ra phán quyết khách quan do tòa án chính thức đệ trình cho họ hoặc để đưa ra phán quyết.
Mười hai người quyết định số phận của ông Trump, người đang là ứng viên giả định tranh cử tổng thống Mỹ 2024 của Đảng Cộng hòa, là những công dân sống ở khu vực Manhattan được lựa chọn kỹ lưỡng sau 3 ngày phỏng vấn. Họ gồm 5 phụ nữ và 7 đàn ông, làm trong các ngành nghề gồm công nghệ, giáo dục, tài chính, luật, bán hàng, kỹ sư hay chăm sóc y tế.
Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn được xem là rất quan trọng trong bất kỳ phiên tòa xét xử hình sự nào ở Mỹ, đặc biệt trong phiên tòa đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mà người bị xét xử là một cựu tổng thống và đang tranh cử để trở lại Nhà Trắng. Mười hai người này, được chọn ra từ hàng chục người, bị tra hỏi về các bài đăng trên mạng xã hội, đời sống cá nhân và quan điểm chính trị của họ trong khi các luật sư và thẩm phán tìm ra bất cứ thành kiến nào có thể ngăn cản sự công tâm của họ. Các bồi thẩm viên phải cam kết họ sẽ đưa ra quyết định chỉ dựa trên những bằng chứng mà họ thấy và nghe tại phiên tòa và luật lệ mà quan tòa đưa ra.
"Bồi thẩm đoàn là những người dân bình thường và họ không xử về luật, họ chỉ xử về nhân chứng và vật chứng, tức là xử về facts, về sự kiện", Tiến sỹ Lê Minh Nguyên, người sáng lập Cấp Tiến Forum và sinh sống ở California, nói với VOA về vai trò của bồi thẩm đoàn tại phiên tòa. "Họ chỉ xử về sự kiện xem có tội hay không có tội. Còn cái chuyện xử tù hay án treo hay như thế nào là ông [Thẩm phán] sẽ chiếu theo luật [để đưa ra hình phạt]".
Bồi thẩm đoàn trong vụ xử ông Trump nghe lời khai của 22 nhân chứng trong khoảng 4 tuần và cũng cân nhắc các bằng chứng khác – chủ yếu là các tài liệu như hồ sơ điện thoại, hóa đơn và séc cho ông Michael Cohen, luật sư và là "người sửa chữa" trung thành một thời của ông Trump, người đã trả khoản tiền 130.000 USD để bà Daniels giữ im lặng câu chuyện về mối quan hệ được cho là ngoại tình với ông Trump vào năm 2006. Ông Trump luôn phủ nhận từng có quan hệ tình dục với bà Daniels.
Sau hai ngày nghị án, những người dân New York trong bồi thẩm đoàn nhất trí kết tội ông Trump.
Ông Trump đã chỉ trích phán quyết và nói rằng "phán quyết thực sự sẽ được người dân [Mỹ] đưa ra vào ngày 5/11", ý nói đến ngày bầu cử khi mọi người trên khắp đất nước đi bỏ phiếu bầu tổng thống.
Thẩm phán Juan Merchan sẽ quyết định có đưa ông Trump vào tù hay không vào ngày 11/7.
Nói về vai trò và tầm quan trọng của bồi thẩm đoàn tại phiên tòa xử ông Trump, nhà báo Robin Givhan viết trênWashington Post : "Các bồi thẩm viên là lời nhắc nhở sống động rằng trong nền dân chủ đang bị thử thách này, người dân bình thường vẫn có vai trò quan trọng và vẫn có ảnh hưởng đáng kể".
"Nó dẫn tới một kết quả rất công bằng", nhà báo Thận Nhiên nói về phán quyết của bồi thẩm đoàn ở New York đối với ông Trump. "Nó nói công lý cho nước Mỹ".
Nhà báo, đã sinh sống ở Mỹ trong 30 năm qua, cho biết trước phiên tòa xử cựu Tổng thống Trump, ông đã có những "sự ngờ vực" hay "không hài lòng" vào nền tư pháp Mỹ. Nhà báo này nhắc đến việc xét xử cựu ngôi sao bóng bầu dục Mỹ O. J. Simpson vào năm 1995, trong phiên tòa hình sự ở Los Angeles mà sau đó ông Simpson được xử trắng án về tội giết vợ cũ và một người bạn của bà ấy.
Gần đây hơn, Tối cao pháp viện Mỹ – nơi có 9 thẩm phán cao nhất của Hoa Kỳ – đã lật ngược án lệ Roe v Wade tồn tại 50 năm mà theo đó quyền phá thai được quy định trong hiến pháp liên bang bị xóa bỏ và được trao cho nghị viện các tiểu bang quyết định. Phán quyết này đã gây ra sự phân cực lớn trong nước Mỹ và làm nhiều người dân mất niềm tin vào định chế nơi được xem là để bảo vệ luật pháp Hoa Kỳ.
So sánh về sự ảnh hưởng của hai phiên tòa xử OJ Simpson và cựu Tổng thống Trump, nhà báo Thận Nhiên cho rằng trong khi kết quả xét xử cựu ngôi sao bóng bầu dục "phần nào ảnh hưởng tới niềm tin của người Mỹ nhưng nó không lớn, không làm thay đổi đến ý thức dân chủ hay tình trạng xã hội hoặc lịch sử" như phiên tòa xử cựu tổng thống.
"Phiên tòa này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới đây, tức là nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị của cả nước Mỹ và thậm chí của cả thế giới nữa", nhà báo Thận Nhiên nói.
Ông Trump, người đang tranh cử tổng thống Mỹ lần thứ 3, nếu bị phán quyết ngồi tù thì sẽ mất đi một số quyền như bỏ phiếu hay tự do đi lại vận động tranh cử. Tuy nhiên, ông vẫn có thể tiếp tục cuộc đua vào Trắng và vẫn được điều hành đất nước từ sau song sắt nếu ông đắc cử.
Dù vậy nhà báo Thận Nhiên cho biết ông hài lòng với phán quyết của phiên tòa xét xử ông Trump vì nó làm cho ông cảm thấy rằng "một người dân thường như tôi vẫn có quyền lực thật mà chỉ có những nước với nền dân chủ mới trao cho tôi".
Ông Thận Nhiên so sánh với "những xã hội ở những nước độc tài, như Việt Nam chẳng hạn", nơi mà ông cho rằng có sự khác biệt lớn về tiếng nói của người dân.
Cho biết về sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật của Mỹ và Việt Nam, Luật sư Lê Quốc Quân, người từng bảo vệ các nạn nhân nhân quyền ở Việt Nam và hiện đang sống ở Washington DC, nói với VOA rằng bồi thẩm đoàn tại tòa ở Mỹ là những người dân bình thường nhưng được đưa ra phán quyết dựa trên những "sự thật, diễn biết tại tòa, sự tranh tụng công khai, rõ ràng của các luật sư". Trong khi đó tại Việt Nam, theo LS Quân, bồi thẩm nhân dân là những người "thường được nhà nước lựa chọn" và "hoàn toàn bị chỉ đạo" trong khi các bản án đã được các cơ quan của Đảng cộng sản định ra trước, còn được gọi là "án bỏ túi".
Tuy nhiên đối với nhà báo Thận Nhiên, công lý ở Mỹ sẽ chưa được thực thi hoàn toàn nếu phiên tòa xét xử ông Trump liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, trong đó những người ủng hộ ông tấn công vào tòa nhà Quốc hội ở Đồi Capitol, nơi được xem là hình ảnh dân chủ hàng trăm năm của nước Mỹ, chưa được đưa ra xét xử.
"Nó phải được xảy ra, nó phải được xét xử một cách công minh thì lúc đó tôi mới thật sự hài lòng", nhà báo này nói.
Đó là một trong 3 phiên tòa mà ông Trump còn phải đối mặt, trong đó gồm 1 phiên tòa cấp liên bang khác về việc ông quản lý hồ sơ mật và 1 phiên tòa cấp tiểu bang về việc ông tìm cách can thiệp kết quả bầu cử tổng thống 2020 ở Georgia. Các phiên tòa này chưa ấn định được ngày xét xử vì những rắc rối về pháp lý.
Còn Tiến sĩ Nguyên cho biết ông hy vọng rằng vụ tấn công vào Đồi Capitol "chỉ là một biến cố trong dòng lịch sử của nước Mỹ" và nó "sẽ đi qua".
"Mỹ vẫn là một nền dân chủ pháp trị, vẫn là một cái thành phố trên đỉnh đồi để thế giới ngắm về và Quốc hội vẫn là một thánh đường về dân chủ cho thế giới", Tiến sĩ Nguyên nói.
Theo ông, việc các bồi thẩm đoàn kết án cựu Tổng thống Trump và con trai đương kim Tổng thống Biden cho thấy "không có ai đứng trên luật pháp" và điều đó giúp ông tiếp tục có được hy vọng vào pháp quyền và dân chủ ở Mỹ.
Nguồn : VOA, 17/06/2024
Trump ra tòa liên quan đến vụ án trả tiền bịt miệng
Hôm 15/4, ông Donald Trump đã trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên phải ra tòa hình sự khi công việc lựa chọn bồi thẩm đoàn bắt đầu ở Manhattan trong vụ trả tiền bịt miệng cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels, trong khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 7 tháng nữa mà ông đang là ứng cử viên mặc định của Đảng Cộng hòa.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các luật sư của ông ra tòa hôm 15/4 năm 2024
Ông Trump, 77 tuổi, cũng đối mặt ba phiên tòa hình sự khác vốn đang bị sa lầy trong các cuộc tranh cãi pháp lý và có thể sẽ không diễn ra trước bầu cử.
Trong phiên tòa ở New York, ông bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy số tiền 130.000 đô la mà ông đã dàn xếp cho ông Michael Cohen, luật sư riêng của ông, chi trả cho Daniels trong những ngày cuối cùng trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016 để đổi lấy sự im lặng của cô về lần quan hệ tình dục hồi năm 2006 mà cô cho biết đã xảy ra tại một khách sạn ở Lake Tahoe.
Ông Trump đã phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào như vậy. Ông đã không nhận tội vào năm ngoái trong 34 tội về làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ án do Alvin Bragg, Công tố viên tiểu bang quận Manhattan thuộc đảng Dân chủ, truy tố tại tòa án bang New York. Nếu bị kết tội, ông Trump vẫn có thể ra tranh cử và nhậm chức.
Ông đã gọi tất cả các vụ án hình sự nhằm vào ông là nhằm gây tổn hại cho ông về mặt chính trị mặc dù bản thân ông đã cảnh báo rằng ông sẽ tìm cách dùng Bộ Tư pháp để truy tố các đối thủ chính trị của mình, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, nếu ông giành lại Nhà Trắng.
Một số chuyên gia pháp lý cho biết vụ án này, vốn tập trung vào mối quan hệ ngoài luồng, không nghiêm trọng như các cáo trạng khác nhằm vào Trump.
Ông Bragg đã lập luận rằng vụ án này là xét xử một kế hoạch bất hợp pháp nhằm làm sai lệch cuộc bầu cử năm 2016 bằng cách khỏa lấp tai tiếng có thể gây hại cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Các luật sư của ông Trump nói khoản chi trả cho Daniels không phải là khoản đóng góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hồi tuần trước cho thấy gần 2/3 cử tri cho rằng các cáo trạng trong vụ án ít nhất cũng nghiêm trọng phần nào. Có 1/4 cử tri Cộng hòa và một nửa cử tri độc lập cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho Trump nếu ông bị kết án đã phạm trọng tội.
Việc chọn lựa bồi thẩm đoàn từ khu vực Manhattan có thể mất vài ngày, sau đó là các phát biểu mở đầu và lời khai của nhân chứng trong phiên tòa do Thẩm phán Juan Merchan chủ tọa.
Daniels và Cohen nằm trong số các nhân chứng dự kiến sẽ ra làm chứng. Trump đã cho biết ông định sẽ tự bào chữa, một đề xuất rủi ro vốn sẽ khiến ông bị các công tố viên điều tra chéo.
Các công tố viên cho biết khoản thanh toán cho Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, nằm trong kế hoạch ‘tìm và diệt’ để trả tiền cho những người có thể có thông tin xấu về ông Trump để họ giữ im lặng trước cuộc bầu cử mà khi đó Trump đánh bại ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.
Trump bị cáo buộc ghi sai các khoản tiền hoàn trả cho Cohen thành chi phí pháp lý trả trước hàng tháng trong sổ sách của công ty bất động sản của ông đặt tại New York.
Làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York là một trọng tội có thể bị phạt tới bốn năm tù, mặc dù nhiều bị cáo bị kết án về tội này đó chỉ bị phạt tiền hoặc quản chế.
Các luật sư bào chữa cho ông Trump đã lập luận rằng các khoản thanh toán của Trump cho Cohen vào năm 2017, khi ông còn là tổng thống, là chi trả các dịch vụ pháp lý. Trump đã gọi Cohen là ‘kẻ nói dối hàng loạt’ và các luật sư của ông dự kiến sẽ đả phá uy tín của ông Cohen tại phiên tòa.
Cohen đã nhận tội vào năm 2018 vì vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử và ra làm chứng rằng ông Trump đã chỉ đạo ông trả tiền bịt miệng cho Daniels. Các công tố viên liên bang đưa ra cáo trạng đó đã không truy tố ông Trump.
Ông Trump sẽ được yêu cầu có mặt tại tòa trừ phi ông xin được miễn. Mặc dù điều này có thể khiến ông Trump khó đi vận động tranh cử đến các bang dao động. Tuy nhiên ông đã tận dụng những khó khăn pháp lý của mình để tập hợp người ủng hộ. Sự xuất hiện hàng ngày của ông tại tòa có thể được xem như là hoạt động tranh cử.
Nguồn : VOA, 15/04/2024
*************************
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị xét xử hình sự trong vụ Stormy Daniels
Thanh Hà, RFI, 15/04/2024
Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu tổng thống Mỹ phải ra hầu tòa trong một vụ án hình sự. Kể từ hôm nay 15/04/2024 tòa án hình sự New York bắt đầu xét xử vụ ông Donald Trump bị cáo buộc có quan hệ và dùng tiền đổi lấy sự im lặng của Stormy Daniels, nữ diễn viên phim khiêu dâm, trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Ảnh ghép của Reuters : Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và diễn viên phim khiêu dâm Stephanie Clifford (Stormy Daniels) Reuters - Reuters File Photo
Phiên xử mở ra hôm nay xoáy vào chỗ cựu tổng thống Mỹ đã khai man rằng số tiền 130.000 đô la dành để mua chuộc sự im lặng của bà Stormy Daniels là những " chi phí pháp lý ". Đối với tư pháp bang New York đây là một " tội hình sự ".
Đặc phái viên RFI Guillaume Naudin giải thích thêm về tính phức tạp của một phiên tòa ngoại hạng này vào lúc ông Donald Trump chuẩn bị chính thức đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ vào mùa thu sắp tới :
Trong số tất cả những hồ sơ hình sự nhắm vào Donald Trump, vụ án Stormy Daniels chắc chắn là ít nghiêm trọng hơn cả và cơ sở pháp lý kém vững chắc nhất. Cựu tổng thống Hoa Kỳ đang bị truy tố về 34 tội danh. Thực ra tất cả cùng liên quan đến vụ dùng tiền mua chuộc sự im lặng của một nữ diễn viên. Số tiền 130.000 đô la đã được trả cho bà Stormy Daniels bằng 34 ngân phiếu khác nhau. So với tội danh tìm cách thay đổi kết quả bầu cử thì vụ án Stormy Daniels không thấm vào đâu về mặt hình sự, thế nhưng ông cũng có thể lãnh án đến 4 năm tù, bởi tư pháp của bang New York xem việc khai man sổ sách là một tội hình sự.
Vai trò của công tố viên New York Alvin Bragg là phải thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Nhưng trước đó thì phải thành lập bồi thẩm đoàn và đây là cả một vấn đề trong ngày đầu tiên của phiên tòa và rất có thể là cả trong những ngày sắp tới. Thực vậy, việc lập bồi thẩm đoàn có thể sẽ kéo dài bởi cần chọn 12 thành viên được cho là trung lập. Hơn nữa bị cáo lại là một người quá nổi tiếng và gây phe phái, nên việc lựa chọn có thể sẽ rất lâu.
Các thành viên trong bồi thẩm đoàn sẽ phải nghe các bên trình bày trong vòng sáu tuần lễ diễn ra phiên tòa chưa từng có này. Và đặc biệt là sẽ phải nghe phần trình bày của chính bị cáo Donald Trump. Ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội để biến phiên tòa này thành một diễn đàn chính trị trong mùa vận động tranh cử.
Thanh Hà
Các cáo trạng hình sự ở New York nhắm vào ông Donald Trump trong vụ ông được cho là đã giấu nhẹm việc ông đã trả tiền một ngôi sao khiêu dâm được đa số các cử tri Mỹ xem là nghiêm trọng, theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos trước phiên tòa xét xử cựu tổng thống sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt 4 cáo trạng hình sự
Khoảng 64% cử tri đã đăng ký đi bầu tham gia cuộc khảo sát, kéo dài năm ngày và kết thúc hôm 8/4, cho rằng các cáo trạng này ít nhất là ‘có nghiêm trọng’, trong khi chỉ có 34% nói rằng ‘không nghiêm trọng’. Số còn lại không chắc chắn hoặc không trả lời.
Phiên tòa, dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 15/4, là phiên tòa đầu tiên trong số bốn vụ truy tố hình sự mà ông Trump sẽ đối mặt. Ông Trump đang là ứng cử viên của đảng Cộng hòa đối đầu với Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Các chuyên gia pháp lý đã nhận định rằng ba cáo trạng còn lại – bao gồm cáo buộc ông Trump gian lận bầu cử hay xử lý sai tài liệu mật – nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ trả tiền bịt miệng.
Nhưng cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy việc ông Trump bị kết án trong bất kỳ vụ án hình sự nào cũng có thể gây hậu quả nặng nề cho ông, trong khi ông đang trong thế so kè với ông Biden. Ông Trump là tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự.
Khoảng 4 trong số 10 cử tri Cộng hòa tham gia trả lời trong cuộc thăm dò coi cáo trạng trả tiền bịt miệng là nghiêm trọng, và 2/3 cử tri độc lập cũng có ý kiến tương tự.
Các công tố viên ở New York cáo buộc rằng ông Trump đã che đậy khoản tiền 130.000 đô la mà ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, đã chi trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels để đổi lấy sự im lặng của cô trước cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016 về lần quan hệ tình dục mà cô nói đã xảy ra giữa cô với ông Trump một thập kỷ trước đó. Ông Trump phủ nhận rằng không hề có chuyện đó và đã không nhận tội.
Ông Trump đã cố gắng trì hoãn cả bốn phiên tòa. Tuy nhiên, hôm 8/4, một thẩm phán phúc thẩm tiểu bang New York đã bác bỏ yêu cầu trì hoãn phiên tòa vụ trả tiền bịt miệng của ông.
Khoảng 60% cử tri đã đăng ký đi bầu tham gia khảo sát cho biết họ đồng ý rằng các phiên tòa hình sự xử ông Trump nên diễn ra trước cuộc bầu cử vào ngày 5/11.
Các luật sư của ông Trump đang tìm cách bác bỏ các cáo trạng liên bang, trong đó ông bị cáo buộc đã cố gắng lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, với lý do là ông được miễn trừ trong các hành động mà ông thực hiện khi còn là tổng thống. Tòa án Tối cao, trong đó có ba thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm, sẽ lắng nghe giải trình về vụ việc này vào ngày 25/4.
Những người tham gia cuộc thăm dò không hồ hởi với lập luận này, khi chỉ có 27% số người trả lời cho biết họ đồng ý với lập luận của ông Trump rằng các tổng thống được miễn trừ trừ phi họ đã bị Quốc hội luận tội và kết án.
Ông Trump đã không nhận tội trong cả bốn cáo trạng và lập luận rằng các kẻ thù chính trị của ông đã dựng lên chúng. Nhiều cử tri Cộng hòa chia sẻ quan điểm này, với khoảng 4 trong số 5 người được hỏi trong cuộc thăm dò đồng ý rằng các cáo trạng đã ‘đi quá xa và có động cơ chính trị’.
Đồng thời, khoảng 1/4 số cử tri Cộng hòa được hỏi trong cuộc thăm dò cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông bị bồi thẩm đoàn kết luận đã phạm trọng tội. Các rắc rối pháp lý của ông Trump cũng đe dọa tình hình tài chính cá nhân của ông, sau khi một thẩm phán trong một vụ án dân sự hồi tháng Hai đã ra phán quyết buộc ông phải trả 454 triệu đô la sau khi ông bị kết tội trong việc thao túng giá trị tài sản.
Khoảng 3/4 số người tham gia cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos nói rằng sẽ là "rủi ro" khi có một tổng thống tại nhiệm bị đè nặng bởi các gánh nặng pháp lý như vậy.
Nguồn : VOA, 10/04/2024
Hoa Kỳ : Donald Trump được giảm tiền bảo lãnh nhưng sẽ vẫn phải ra tòa vào tháng 04/2024
Anh Vũ, RFI, 26/03/2024
Ngày 25/03/2024, tại New York, Tư pháp Mỹ ra 2 quyết định liên quan đến cựu tổng thống Donald Trump. Liên quan đến trong vụ nâng khống tài sản mà tòa đã kết án : ông Trump được giảm tiền bảo lãnh từ 454 triệu đô la xuống còn 175 triệu đô la, khoản tiền mà nhà tỷ phú khẳng định sẽ thu xếp được trong vòng 10 ngày tới, theo hạn của tòa án.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo sau phiên tòa ở New York, ngày 25/03/2024. AP - Frank Franklin
Tin thứ 2 không được tốt, thẩm phán quyết định mở phiên xử ông trong vụ Stormy Daniels vào giữa tháng 04/2024, bất chấp nỗ lực của ông Trump để lùi phiên xử đến sau cuộc bầu cử tổng thống.
Thông tín viên Guillaume Naudin, từ Washington, cho biết thêm chi tiết :
"Chiến lược không thay đổi của Donald Trump, từ khi ông vướng hàng loạt rắc rối pháp lý, là làm mọi cách để đẩy lùi thời hạn diễn ra các phiên tòa, nếu có thể là đến sau kỳ bầu cử tổng thống tháng 11/2024, mà ông hy vọng sẽ thắng cử, để có quyền tự ân xá cho bản thân. Thế nhưng, tại New York, từ giữa tháng Tư, ông Trump sẽ phải trả lời 34 tội danh bị cáo buộc.
Hôm thứ Hai, thẩm phán của vụ án đã quyết định không chấp nhận lùi lại thêm phiên xử như luật sư của ông đòi hỏi. Donald Trump bị cáo buộc đã ngụy trang các tài khoản các công ty của ông, một tội theo luật của bang New York, để che giấu các khoản thanh toán cho diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels năm 2016, để đổi lấy sự im lặng của bà về quan hệ tình dục với ông. Đây là điều mà ông Trump vẫn phủ nhận.
Số tiền được chuyển là 130 nghìn đô la, được chia ra thành 34 tờ séc nhằm che đậy việc thanh toán. Đấy chính là nguồn gốc của 34 cáo trạng buộc tội. Người ta đã chứng kiến nhiều vi phạm lớn hơn, nhưng ở bang New York, đây là một tội có thể bị phạt tù.
Rõ ràng đây là vụ án hình sự ít nghiêm trọng nhất mà Donald Trump phải đối mặt. Các vụ khác, mang tính chất chính trị nhiều hơn, ở bang Atlanta và Wasington, xử ông về ý đồ lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020 hay như ở Miami trong vụ tài liệu mật. Những vụ án này đều đang trong giai đoạn manh nha cho thủ tục tố tụng cũng như các hoạt động khác nhằm hủy bỏ vụ án".
Anh Vũ
****************************
Hạn chót để Donald Trump nộp gần nửa tỷ đô la bảo lãnh cho tư pháp New York
Thanh Hà, RFI, 25/03/2024
Ngày 25/03/2024 là hạn chót để cựu tổng thống Mỹ, Donald Trump nộp 454 triệu đô la tiền bảo đảm trong một vụ án dân sự. Tháng trước, ông Trump và các con bị tuyên án "gian lận thuế" hồi thập niên 2010. Vụ án liên quan đến thành trì địa ốc của đại gia đình Trump. Nếu như không hội đủ số tiền bảo lãnh, tài sản của cựu tổng thống Mỹ có thể bị tịch biên. Kèm theo đó là nhiều hậu quả tai hại đối với tập đoàn Trump Organization do ông đứng đầu.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại Đại học Coastal Carolina, Hoa Kỳ, ngày 10/02/2024. Reuters- Sam Wolfe
Thông tín viên RFI từ New York, Loubna Anaki giải thích :
"Gần 500 triệu đô la, đó là số tiền ông Donald Trump phải nộp cho một tòa án ở New York trong ngày hôm nay. Tháng trước ông bị tuyên án gian lận thuế. Cựu tổng thống không có nhiều chọn lựa. Từ nhiều tuần qua, các luật sư bào chữa cho ông xác nhận là doanh nhân Mỹ này không có đủ số tiền không lồ nói trên và ông đã bị khoảng 30 cơ quan tài chính ngân hàng từ chối cho mượn tiền. Trừ phi hôm nay, thứ Hai, tư pháp New York cho ông có thêm thời gian để huy động được số tiền vừa nêu hoặc là hạ thấp mức tiền thế chân mà cựu tổng thống Mỹ phải nộp, Donald Trump phải đối mặt với việc tài sản của ông bị tịch thu. Ngay từ ngày mai, thứ Ba, chưởng lý New York có thể ra lệnh phong tỏa tài sản ngân hàng của ông, trước khi tịch thu các tòa nhà cao tầng, khách sạn hay các sân golf của ông … Một số người cho rằng, tình cảnh đó lại càng giúp cho ứng viên tổng thống của bên đảng Cộng Hòa thu hút cảm tình của cử tri. Riêng đối với cá nhân Donald Trump đây thực sự là một cơn ác mộng đang trở thành hiện thực. Ông luôn khẳng định mình là một doanh nhân thành đạt và khoe là có rất nhiều tiền".
Thanh Hà
Ngày 17/02/2024, tại Hội nghị An ninh Munich, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, cho dù thế giới có thay đổi, Trung Quốc vẫn là một "động lực cho sự ổn định". Theo giới quan sát, Bắc Kinh đang tận dụng nỗi lo ngại Trump tái đắc cử nhằm thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu giữ thế trung lập trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/02/2024. AP - Sven Hoppe
Theo trang mạng CNN, tuyên bố của ông Vương Nghị được đưa ra vào lúc Châu Âu thận trọng theo dõi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Hoa Kỳ, với nỗi lo âu Donald Trump có thể trở lại cầm quyền, ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Nỗi lo này càng lớn khi ông Trump gần đây có tuyên bố sẽ không bảo vệ đồng minh nào của NATO không đầu tư đủ cho quốc phòng.
Quan hệ Nga - Trung : Một rào cản lớn !
Trong phát biểu, ngoài việc nhắc lại chính sách "nhất quán", khẳng định vai trò lực lượng "ổn định" trong một thế giới hỗn loạn, ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Trung Quốc và Châu Âu "tránh xa những phiền nhiễu về địa chính trị, ý thức hệ" và cùng nhau hợp tác. Nói một cách khác là "Châu Âu không nên để những khác biệt địa chính trị cản trở hợp tác chặt chẽ" với Trung Quốc, theo như phân tích từ Noah Barkin, một thành viên cao cấp thuộc tổ chức tư vấn Quỹ Marshall Đức của Mỹ (GMF).
Nếu như thông điệp của ông Vương thu hút sự chú ý một số nước Châu Âu, thì Bắc Kinh hiện cũng vấp phải một vấn đề lớn ngăn cản khả năng hàn gắn bang giao song phương : Đó là mối quan hệ kiên định với Nga.
Mối quan hệ Nga - Trung đã được siết chặt hơn từ khi Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine tháng 02/2022. Bắc Kinh không lên án cuộc xâm lược của Nga, mà còn là nguồn hậu thuẫn quan trọng cho nền kinh tế Nga đang bị trừng phạt.
Trong nỗ lực "xoa dịu", "trấn an" về quan hệ Bắc Kinh-Moskva, ngoại trưởng Trung Quốc ra sức giải thích rằng mối bang giao này không phải là một liên minh và "không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào". Theo ông, quan hệ Trung - Nga phát triển ổn định đáp ứng lợi ích chung của hai nước và phục vụ cho sự "ổn định chiến lược của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới".
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng phản bác những chỉ trích, đổ trách nhiệm cho Bắc Kinh không tích cực hơn trong việc kiềm chế Nga nhằm giải quyết "khủng hoảng Ukraine" (theo cách gọi của Trung Quốc). Đồng thời, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã làm việc không ngơi nghỉ để thúc đẩy các đàm phán hòa bình.
Nhưng đối với Châu Âu, những nỗ lực này của Trung Quốc chưa đáp ứng được kỳ vọng của khối là Bắc Kinh sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế và mối quan hệ cấp cao Trung-Nga để chấm dứt xung đột. Theo một số nhà quan sát được CNN trích dẫn, chiến tranh Ukraine càng kéo dài thì càng có nguy cơ thúc đẩy Châu Âu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, nhất là trong việc hạn chế xuất khẩu nhiều ngành công nghệ mũi nhọn mà Liên Âu đánh giá là có thể làm tổn hại đến an ninh kinh tế khối.
Nhân tố Trump !
Trước nguy cơ Liên Âu đang xem xét một loạt biện pháp giúp "giảm rủi ro" cho chuỗi cung ứng từ Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghệ mũi nhọn và thị trường của mình, ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo "những ai tìm cách đóng cửa với Trung Quốc dưới danh nghĩa "giảm rủi ro" sẽ mắc phải một sai lầm lịch sử".
Theo các nhà quan sát, ông Vương rất có thể đạt được nhiều thành công trong việc ổn định quan hệ với từng quốc gia thành viên Liên Âu, quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - và những nước nào có tâm trạng bất an về cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ. Giáo sư Liu Dongshu, đại học Hồng Kông cho rằng ngoại trưởng Vương Nghị có thể "sử dụng nhân tố Trump" để chỉ ra rằng việc hoàn toàn đứng về phía Mỹ là không mang lại lợi ích tốt nhất cho các nước Châu Âu.
Theo ngoại trưởng Trung Quốc, nếu Trump đắc cử tổng thống Mỹ thì Châu Âu sẽ có vấn đề nếu khối này không có mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Nói một cách khác, Châu Âu nên chọn thế trung lập. Về điểm này, ông Barkin tại GMF nhìn nhận Châu Âu cũng đang có xu hướng muốn giữ mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột thương mại ở hai mặt trận, với Bắc Kinh và Washington, nếu Trump trở lại Nhà Trắng.
Cũng theo chuyên gia này, "cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc là một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh… Trung Quốc sẽ dùng các phát biểu của Trump để củng cố thông điệp tại các thủ đô Châu Âu rằng Washington không phải là đối tác đáng tin cậy !"
Minh Anh
Nguồn : RFI, 19/02/2024
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Tòa án Tối cao tạm hoãn phán quyết của tòa cấp dưới rằng ông không được hưởng quyền miễn truy tố mà một tổng thống được hưởng.
Ông Donald Trump đang vướng vào các vụ kiện tụng nhưng vẫn là ứng viên sáng giá của Đảng Cộng hòa cho kỳ bầu cử tổng thống sắp tới
Ông Trump đã tuyên bố rằng, trong vụ án can thiệp bầu cử của mình, ông không thể bị xử tội vì những hành vi ông thực hiện với tư cách là tổng thống.
Ba thẩm phán tòa án cấp dưới không đồng ý và đưa ra phán quyết rằng ông Trump có thể bị truy tố như bất kỳ công dân nào khác.
Nhưng các luật sư của ông lập luận rằng ông không nên bị xét xử khi chiến dịch bầu cử đang diễn ra.
"Mở một phiên tòa hình sự kéo dài nhiều tháng trời đối với Tổng thống Trump vào mùa cao điểm bầu cử sẽ đập tan hoàn toàn khả năng vận động tranh cử của Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua với Tổng thống Biden", các luật sư của Trump viết trong hồ sơ.
Tòa án Tối cao sẽ quyết định liệu có tạm hoãn phán quyết để cho phép ông Trump kháng cáo hay không.
Việc tòa án cấp cao với đa số theo phe bảo thủ chấp thuận yêu cầu này sẽ dẫn đến một sự chậm trễ kéo dài, có thể phải đến sau bầu cử tháng 11, trong vụ án hình sự chấn động - cáo buộc ông Trump âm mưu lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, nếu Tòa án Tối cao bác bỏ việc tạm dừng phán quyết, phiên tòa liên bang do Thẩm phán Tanya Chutkan giám sát sẽ được lên lịch, có thể là vào mùa xuân này.
Trong khi đang tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump phải đối mặt với ba phiên tòa hình sự khác ngoài phiên nói trên.
Ông Trump phải đối mặt với cáo buộc ở bang Georgia vì được cho là cố gắng lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở bang này. Vụ thứ hai là bản cáo trạng bảy tội danh ở Florida về chuyện ông xử lý các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Vụ thứ ba, tại New York, liên quan đến cáo buộc che giấu khoản thanh toán cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels. Ông đã không nhận tội trước các cáo buộc trong tất cả các vụ án.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump cũng đã nhiều lần cố gắng trì hoãn các phiên tòa hình sự này cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.
Trong phiên tòa xét xử can thiệp bầu cử liên bang, ông Trump bị cáo buộc bốn tội danh : âm mưu lừa gạt nước Mỹ, âm mưu cản trở thủ tục tố tụng, cản trở thủ tục tố tụng chính thức và âm mưu chống lại quyền của công dân.
Ông đã nhiều lần phủ nhận những sai phạm và các luật sư của ông lập luận rằng tổng thống được miễn truy tố đối với những hành vi phạm tội có thể xảy ra lúc đương chức, ngay cả sau khi họ rời Nhà Trắng.
Tuần trước, lập luận này đã bị một hội đồng gồm ba thẩm phán từ Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực DC bác bỏ, gồm một người được Đảng Cộng hòa bổ nhiệm và hai người do Đảng Dân chủ bổ nhiệm. Họ đã ra phán quyết rằng "bất kỳ quyền miễn trừ pháp lý nào có thể đã bảo vệ ông ta khi đang làm tổng thống đều không còn bảo vệ ông ta trước truy tố này".
Giờ đây, các luật sư của ông Trump đang yêu cầu Tòa án Tối cao cân nhắc việc tạm hoãn phán quyết của tòa cấp dưới để có thời gian cho tất cả các thẩm phán đang phục vụ tại tòa án khu vực DC xem xét lại vụ việc.
Trong hồ sơ của mình, họ cảnh báo rằng việc bác bỏ quyền miễn trừ của cựu tổng thống sẽ tạo tiền lệ dẫn tới việc "các vụ truy tố như vậy sẽ tái diễn và ngày càng trở nên phổ biến".
Các luật sư của ông Trump lập luận : "Nếu không có quyền miễn trừ truy tố hình sự, chức vị Tổng thống như chúng ta biết sẽ không còn tồn tại".
Nếu tòa án cấp dưới từ chối xem xét lại, ông Trump đã yêu cầu tạm ngưng thực thi phán quyết trong khi ông nộp đơn kháng cáo chính thức lên Tòa án Tối cao.
Ông Trump vận động tranh cử tại Conway, South Carolina vào hôm 10/2
Tòa án Tối cao có thể hồi đáp yêu cầu của ông Trump theo một số cách.
Họ có thể từ chối yêu cầu của ông trong việc tạm hoãn phán quyết, dẫn đến phiên tòa liên bang sẽ tiếp tục. Tòa án Tối cao có thể từ chối yêu cầu xem xét lại của ông Trump, điều này sẽ dập tắt một cách triệt để lập luận về quyền miễn trừ của ông.
Tòa án cũng có thể quyết định xử vụ kháng cáo của ông Trump ngay lập tức, bỏ qua sự xem xét lại từ tòa án cấp dưới. Họ có thể làm vậy một cách nhanh chóng, tương tự một vụ việc khác mà Tòa án Tối cao hiện đang cân nhắc là liệu ông Trump có đủ điều kiện để có tên trong lá phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024 hay không.
Tòa án Tối cao cũng có thể quyết định xét xử theo lịch thông thường của tòa, điều này có thể hoãn việc xét xử vụ án cho tới sau ngày bầu cử vào tháng 11.
Vào cuối năm ngoái, Tòa án Tối cao từng từ chối yêu cầu của Công tố viên đặc biệt Jack Smith về việc xem xét nhanh tuyên bố miễn trừ truy tố của ông Trump.
Hiện chưa rõ khi nào Tòa án Tối cao có thể ra phán quyết về yêu cầu của ông Trump.
Chloe Kim & Nadine Yousif
Nguồn : BBC, 13/02/2024
Gần như chắc suất đề cử chính thức của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump vẫn không quên chỉ trích các đối thủ Nikki Haley và Joe Biden.
Ông Donald Trump vận động tranh cử tại Las Vegas, Nevada hôm 27/1
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vào hôm thứ Bảy rằng ông cảm thấy "khỏe mạnh và sắc bén hơn so với 20 năm trước", một phát biểu nhằm đáp trả những chỉ trích mới đây từ ứng viên đối thủ trong Đảng Cộng hòa, bà Nikki Haley, người từng nói rằng ông đã già và hay nói hớ, theo Reuters.
Ông Trump nói rằng các ứng cử viên tổng thống nên thực hiện bài kiểm tra nhận thức, một phản ứng rõ ràng là nhằm đáp lại thách thức từ bà Haley, người cũng ủng hộ việc nên có quy định như vậy, khi phát biểu rằng ông Trump đã 77 tuổi và Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden đã 81 tuổi.
Trump đưa ra phát biểu trên khi đang nói chuyện tại một cuộc mít tinh ở Nevada, trước vòng bỏ phiếu sơ bộ tiếp theo nhằm chọn ra ứng viên tổng thống chính thức của Đảng Cộng hòa, lần này được tiến hành theo hình thức hội nghị kín (caucus) vào ngày 8/2 tại bang này.
Trong những ngày gần đây, bà Haley đã tố cáo cựu Tổng thống Trump hay nhầm lẫn và đã đặt ra câu hỏi rằng liệu ông Trump có thể làm tổng thống khi tuổi đã cao như vậy.
Mới đây, ông Trump lại có vài lần lỡ lời. Trong một lần đăng đàn vào ngày 19/1, ông đã nhầm bà Haley với cựu Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa, bà Nancy Pelosi. Thỉnh thoảng ông bị líu lưỡi và có lần nói rằng cựu Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Barack Obama còn tại nhiệm.
Trump gần như sẽ chắc chắn chiếm được 26 phiếu cử tri đoàn tại Nevada vì bà Haley không tham gia cạnh tranh trong hội nghị kín này.
Ông đã tấn công cả bà Haley lẫn ông Biden, tìm cách loại bà Haley ra khỏi cuộc chiến đề cử của Đảng Cộng hòa khi đang kiếm được những điểm số đầu tiên để hướng tới một cuộc tái đấu có thể xảy ra giữa ông ta và Biden vào tháng 11.
Bà Haley hầu như không có cơ hội thắng ông Trump ở vòng sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Ảnh chụp năm 2018, thời điểm ông Trump còn làm tổng thống còn bà Haley sắp từ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Hai chiến thắng liên tiếp trong các vòng sơ bộ của Đảng Cộng hòa tại Iowa và New Hampshire gần như chắc chắn đảm bảo cho ông Trump giành được tư cách ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng Trump cay cú vì bà Haley, đối thủ Cộng hòa cuối cùng của ông ta, vẫn chưa chịu bỏ cuộc.
Trump và các đồng minh của ông đã bắt đầu một chiến dịch để ép buộc Haley rút lui trước cuộc bầu cử lớn tiếp theo trong cuộc đua sơ bộ, tại quê nhà của bà này ở South Carolina vào ngày 24/2.
Trump đã dọa sẽ đuổi ra khỏi quỹ đạo chính trị của ông ta bất kỳ nhà tài trợ nào tiếp tục góp tiền cho Haley.
Bà Haley thì tuyên bố sẽ tiếp tục chạy đua ở South Carolina và sau đó nữa.
Không lâu sau bài phát biểu của Trump, bà Haley đã xuất hiện tại một cuộc mít tinh ở South Carolina. Một lần nữa bà lại nói rằng Trump gần đây đã "nhầm lẫn" và nếu muốn làm bài kiểm tra nhận thức thì "ông ta không nên gặp khó khăn khi tham gia một cuộc tranh luận với tôi, vì đó là bài kiểm tra tư duy tối hậu cho bất kỳ ai muốn chạy đua vào vị trí Tổng thống".
Ông Trump đã từ chối tham gia vào bất kỳ cuộc tranh luận nào trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa và từ chối tranh luận với bà Haley.
Trong bài phát biểu tại Nevada, Trump một lần nữa đề cập tới một biệt danh mang tính miệt thị đối với bà Haley, gọi bà là "não chim". Ông ta cũng buộc tội Haley - một đảng viên Cộng hòa cánh hữu - rằng bà này "gần như là một đảng viên Dân chủ cánh tả".
Trump tuyên bố : "Đã đến lúc kết thúc điều này rồi," ý nói về cuộc chạy đua giành tư cách ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa.
Ông Trump vượt bà Haley trong các cuộc khảo sát ý kiến tại South Carolina và bà này cũng không có đường hướng rõ ràng để giành đề cử.
Sau chiến thắng của Trump tại vòng sơ bộ ở New Hampshire vào ngày 23/1, ban vận động của Biden đã phát đi thông cáo rằng : "Hiện đã rõ là ông Donald Trump sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa."
Nhiều khả năng ông Trump sẽ tái đấu với Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây
Chuyển sự chú ý về phía Biden, Trump tập trung phần lớn bài phát biểu của mình vào vấn đề biên giới phía nam.
Số người di cư bị bắt giữ khi vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Mỹ-Mexico đã lên mức kỷ lục kể từ khi Biden nhậm chức vào năm 2021, và các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy nhập cư và biên giới là những vấn đề quan trọng hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay.
Trump mô tả tình trạng vượt biên trái phép là "thảm họa", là "cuộc xâm lăng" và biên giới phía nam là một "vết thương hở".
Trong khi đó, Biden và các cố vấn chiến dịch của ông đã đẩy mạnh tấn công Trump trong những ngày gần đây, gọi ông là mối đe dọa đối với nền dân chủ Hoa Kỳ và gán ông với quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022 về việc chấm dứt quyền phá thai liên bang, một vấn đề bị coi là đã làm tổn thương Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Nguồn : BBC, 28/01/2024