Obama : Xóa sổ DACA là ‘tàn nhẫn’ (VOA, 06/09/2017)
Cựu Tổng thống Barack Obama ngày 5/9 tuyên bố quyết định của chính quyền đương kim Tổng thống Donald Trump xóa sổ một chương trình dưới thời Obama nhằm bảo vệ các di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ khỏi bị trục xuất là ‘tàn nhẫn’ và ‘sai trái.’
Tuần hành ủng hộ chương trình DACA ở Los Angeles, ngày 1/9/17
"Nói đúng ra luật pháp không yêu cầu có hành động như ngày hôm nay", ông Obama chia sẻ trên một tin nhắn đăng lên Facebook. "Đây là một quyết định mang tính chính trị và là một câu hỏi về mặt đạo đức", ông Obama nhấn mạnh.
Cựu Tổng thống Obama nói : "Cho dù người Mỹ có quan ngại hay phàn nàn thế nào về di dân nhìn một cách tổng thể, chúng ta cũng không nên đe dọa tương lai của nhóm người trẻ này, những người hiện diện tại đây không phải lỗi của họ, những người không đề ra mối đe dọa nào, không tước đoạt bất kỳ thứ gì từ chúng ta cả".
Chính quyền Mỹ ngày 5/9 tuyên bố chấm dứt chương trình bảo vệ 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ (DACA), và cho Quốc hội 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép thành phần di dân này ở lại Mỹ.
Với tuyên bố ngắn ngủi "DACA đã bị hủy", Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions kết thúc sắc lệnh hành chính của cựu Tổng thống Barack Obama được áp dụng trong 5 năm qua – là sắc lệnh tạo ra Chương trình Hoãn Hành động đối với những người nhập cư lúc còn nhỏ.
Tổng thống Donald Trump hôm 5/9 nói rằng Quốc hội cần phải hành động nếu muốn bảo vệ và không trục xuất 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư.
Chương trình DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals), ngoài bảo vệ những người theo gia đình nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ thời niên thiếu khỏi bị trục xuất, còn cho phép họ được học tập và làm việc, cũng như phục vụ trong quân đội Mỹ.
**********************
Mỹ : Donald Trump hủy chương trình bảo vệ "Dreamers" (RFI, 06/09/2017)
Khoảng 800.000 thanh niên nhập cư bất hợp pháp từ nhỏ, được mệnh danh "Dreamers", có nguy cơ bị Mỹ trục xuất. Bị công kích từ mọi phía, tổng thống Donald Trump quyết định thỏa mãn đòi hỏi của phe cực bảo thủ trong đảng Cộng Hòa, chấm dứt chương trình DACA, bảo vệ những "kẻ mộng mơ" này được ở lại nước Mỹ. Chương trình DACA, do tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đề ra, dựa trên nguyên tắc : không trừng phạt trẻ con vì lỗi của cha mẹ.
Một thanh niên Dreamer dọn nhà sau cơn bão Harvey, thành phố Houston, Texas, Mỹ, ngày 01/09/2017. Reuters/Mica Rosenberg
Tổng thống Donald Trump biện giải như thế nào về quyết định của ông ? Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường thuật :
" Tổng thống Donald Trump nhường cho bộ trưởng Tư Pháp thông báo tin này kèm theo lời biện giải pháp lý. Theo giải thích của bộ trưởng Jeff Sessions, tổng thống Obama không tôn trọng Hiến Pháp khi ban hành chương trình DACA bằng sắc lệnh. Ông Obama đã bất chấp một đạo luật về di dân nhập cư của Quốc Hội cấm một chương trình bảo vệ trẻ con di dân như DACA.
Do vậy, cũng theo lời bộ trưởng Tư Pháp, chính phủ phải tôn trọng quyết định của lập pháp và việc hủy bỏ chương trình DACA là nhằm trao cho Quốc Hội nhiệm vụ tìm một giải pháp mới trong vòng sáu tháng tới đây.
Tuyên bố thông cảm với những người trẻ " ôm giấc mơ nước Mỹ", tổng thống Donald Trump bày tỏ niềm tin : Tôi rất yêu mến những di dân này và hy vọng Quốc Hội có thể giúp họ một cách thích hợp và tôi có thể xác nhận là các vị dân cử muốn làm điều gì đó và sẽ làm thật tốt .
Nếu Quốc Hội Mỹ không đạt được đồng thuận về số phận 800.000 thanh niên này, thì những người trẻ sẽ rút vào bóng tối sống bất hợp pháp một khi giấy cư trú hết hạn. Đa số sẽ ở lại nước Mỹ. Họ được đa số dân Mỹ, những người đồng tình với cựu tổng thống Obama, ủng hộ và giúp đỡ.
Coi quyết định bỏ chương trình DACA là "tàn nhẫn", cựu tổng thống Obama tuyên bố : "Vấn đề là phải biết chúng ta là ai và muốn trở thành những con người như thế nào".
********************
Donald Trump sắp quyết định về số phận của 800 ngàn "dreamer" (RFI, 05/09/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ra quyết định về quy chế định cư của khoảng 800 ngàn người, thường được gọi là dreamer – người mộng mơ, khao khát có được tương lai tốt đẹp hơn. Đó là những người, lúc trước 16 tuổi, đã cùng với cha mẹ, nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ra quyết định về số phận 800.000 dreamer vào ngày 05/09/2017 - Reuters/Joshua Roberts
Năm 2012, tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sắc lệnh cấp cho họ quy chế định cư gần như hợp pháp. Trong lúc vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump chống lại sắc lệnh đó. Thứ Ba, 05/09, nguyên thủ Mỹ sẽ có quyết định về hồ sơ này.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Liệu giấc mơ Mỹ có bỏ rơi những người mộng mơ ? Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau. Hôm thứ Sáu (01/09), ông tuyên bố là Hoa Kỳ yêu quý những người này. Mặc dù vậy, liệu ông có tước đoạt giấc mơ của họ hay không bằng cách hủy bỏ sắc lệnh của Obama ; văn bản đã cho phép 800 ngàn người trẻ tuổi cải thiện số phận của mình vì được quyền làm việc hợp pháp, nếu họ chấp nhận ra khỏi bóng tối và đăng ký định cư.
Việc chống đối lại quyết định bãi bỏ sắc lệnh của Obama rất mạnh mẽ và sự phản đối này không phải chỉ vì đó là những nhân vật tiến bộ, rộng lòng nhân ái. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn, như Amazon, Apple, Facebook, Microsoft, General Motors, ủng hộ những người đó vì lý do tài chính : họ cho rằng việc trục xuất những người mộng mơ sẽ làm cho tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ mất đi 500 tỷ đô la. Chủ tịch Hạ Viện, dân biểu Cộng Hòa Paul Ryan muốn duy trì nguyên trạng và cho rằng hồ sơ này phải do Quốc Hội, chứ không phải tổng thống, quyết định.
Chính trị gia thuộc đảng Cộng Hòa Jeb Bush cũng có cùng quan điểm. Tuy nhiên, một số tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát đã định ra thời hạn cho Nhà Trắng : Nếu đến ngày 05/09, sắc lệnh của Obama không bị hủy bỏ, thì họ sẽ kiện lên các tòa án tính chính đáng của văn bản này".
RFI tiếng Việt
Bài diễn văn gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến lược Afghanistan đã chứng minh một điều rõ ràng : Gần 16 năm sau khi Mỹ dính vào cuộc chiến kéo dài nhất của mình, vẫn không có ý tưởng mới nào cho nó.
Dù ông chủ Nhà Trắng đã gọi kế hoạch của mình là "rất khác biệt" nhưng sự thật không phải thế. So với hướng tiếp cận của 2 người tiền nhiệm, sự thay đổi dễ thấy nhất là giọng điệu leo thang của ông Donald Trump.
Nhà lãnh đạo này lặp đi lặp lại cam kết sẽ "chiến thắng" cuộc xung đột mà chính Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gần đây nhận định với quốc hội Mỹ rằng "chúng ta hiện không thắng". Ông còn chỉ trích mạnh mẽ Pakistan, nước láng giềng của Afghanistan, vì cung cấp "nơi trú ẩn an toàn" cho khủng bố.
Tuy nhiên, ngoài những lời lẽ gay gắt và cam kết "chiến đấu để thắng" được bỏ ngỏ nêu trên, ông Donald Trump không cung cấp nhiều chi tiết về kế hoạch liên quan đến việc gửi thêm vài ngàn binh sĩ đến Afghanistan, theo các nguồn tin chính phủ.
Lầu Năm Góc cho rằng động thái này là cần thiết để tránh sự sụp đổ của chính phủ được Mỹ hậu thuẫn ở Kabul. Tuy nhiên, lực lượng bổ sung sẽ khó thay đổi gì nhiều bởi ngay cả khi số lượng binh sĩ tại Afghanistan tăng lên đến 100.000 người vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama vài năm trước, Mỹ cũng không làm được như thế.
Binh sĩ Mỹ giám sát việc huấn luyện lính Afghanistan tại trại Bastion ở tỉnh Helmand năm ngoái - Ảnh : The New York Times
Tổng thống Donald Trump không nói chiến thắng sẽ đến như thế nào dù ông dường như đã phát đi tối hậu thư yêu cầu Pakistan chấm dứt ủng hộ các tay súng "ngay lập tức". Ông cho rằng không có "thời gian biểu tùy ý" nào cho việc rút quân Mỹ và cam kết không chi thêm đồng nào cho những nỗ lực tái thiết đã thất bại (ở Afghanistan).
Bà Laurel Miller, từng là đặc phái viên Mỹ về Afghanistan - Pakistan từ năm 2013 đến tháng 6-2017, nhận xét : "Tôi nghĩ không có nhà phân tích nghiêm túc nào tin rằng có thể thắng cuộc chiến ở Afghanistan. Điều có thể làm là ngăn chính phủ Afghanistan thất bại và Taliban giành chiến thắng quân sự. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chiến mà chúng ta sẽ giành chiến thắng...".
Ông Donald Trump đã mất nhiều tháng để biết được chính xác điều mà cuộc chiến Afghanistan đã dạy cho nhiều nhà lãnh đạo Mỹ khác kể từ khi Washington can dự vào Kabul : Dính vào một cuộc xung đột ở Afghanistan thì dễ nhưng rời khỏi nó thì khó.
Susan B.Glasser
(phụ trách chuyên mục các vấn đề quốc tế của tạp chí POLITICO)
Nguồn : Người Lao Động, 04/09/2017
Tổng thống Trump thăm nạn nhân bang Texas và Lousiana (RFI, 02/09/2017)
Ngày 02/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đến Houston (Texas) và Lake Charles (Louisiana) thăm các nạn nhân tại những vùng bị lụt do cơn bão Harvey, với thiệt hại được ước tính khoảng từ 30 và 100 tỷ đôla.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, phu nhân cùng phó tổng thống Mike Pence ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng do bão Harvey gây nên. Ảnh ngày 01/09/2017. Reuters
Cơn bão Harvey, đã khiến 42 người chết, hiện đã giảm cường độ để trở thành "áp thấp nhiệt đới" theo thông báo của Trung tâm Quốc gia về bão. Nhưng hiện giờ, theo hãng tin AFP, nước rút đi rất chậm, cho nên hàng chục ngàn người vẫn phải sống trong các trung tâm tiếp đón khẩn cấp.
Những người có thể trở về nhà thì đã chứng kiến mức độ tàn phá của trận lụt khiến nhà của họ bị ngập nước tới cửa sổ hoặc cao hơn nữa. Rất nhiều xe hơi bị ngập tới nóc, hoàn toàn không thể sử dụng được nữa, trong khi đây là phương tiện di chuyển thiết yếu đối với dân Mỹ.
Trong khi đó, cuối ngày hôm qua, tại nhà máy hóa chất Arkena lại xảy ra hỏa hoạn, khói đen bốc lên từ nhà máy này được xem là rất nguy hiểm, cho nên cư dân trong khu vực đã được di tản.
Nhưng tại Houston, cuộc sống đang dần dần trở lại bình thường : điện được tái lập, các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại... Tuy vậy, thống đốc (Cộng Hòa) bang Texas Greg Abbot cho rằng phải mất rất nhiều năm để bang này thật sự trở lại cuộc sống bình thường như trước cơn bão.
Nhà Trắng vừa cho biết là sẽ yêu cầu Quốc Hội tháo khoán khẩn cấp 7,9 tỷ đôla để trợ giúp các nạn nhân bão Harvey. Theo chính phủ Mỹ, hơn 100 ngàn hộ gia đình bị thiệt hại do cơn bão này.
Thanh Phương
*********************
Bão Harvey : Tổng thống Trump và biến đổi khí hậu (RFI, 01/09/2017)
Sau bang Texas, đến lượt bang Lousiana phải đối mặt với lụt lội vì mưa lớn từ cơn bão Harvey, hoành hành từ ngày 25/08/2017. Tổng thiệt hại về tài sản được ước tính từ 30 tỉ đến 100 tỉ đô la. Hiện có 33 người thiệt mạng vì bão, con số này ít hơn nhiều so với 1.836 người chết trong cơn bão Katrina, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và liên bang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nghe báo cáo về hoạt động cứu trợ nạn nhân bão Harvey, tại Corpus Christi, Texas, ngày 29/08/2017. Reuters/Carlos Barria
Khác với người tiền nhiệm Cộng Hòa Georges W. Bush, tổng thống Donald Trump đã không đánh giá thấp cơn bão Harvey và nhanh chóng đến vùng bị thiên tai để chia sẻ và động viên người bị nạn và lực lượng cứu trợ. Là người luôn nghi ngờ về biến đổi khí hậu, tổng thống Donald Trump nghĩ gì về cơn bão Harvey, có sức tàn phá hơn do nhiệt độ trên vịnh Mexico cao hơn rất nhiều vì hiện tượng trái đất nóng lên ?
Theo xã luận của nhật báo Le Monde (01/09/2017), dù ông Donald Trump tỏ ra sốt sắng xử lý khủng hoảng và nhanh chóng bình luận trên mạng xã hội Twitter về cơn bão Harvey, song vẫn có nhiều thắc mắc chính đáng xung quanh chính sách xử lý thiên tai của người đứng đầu Nhà Trắng.
Trước hết, chính ông Trump, ngày 15/08/2017, đã hủy một sắc lệnh của người tiền nhiệm Barack Obama, nhằm cấm sử dụng ngân sách liên bang để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng có nguy cơ lụt lội. Vậy tổng thống Mỹ sẽ phải ra các chỉ thị nào để khôi phục các khu vực bị tàn phá ?
Thực vậy, tổng thống Donald Trump vẫn không ngừng tuyên bố muốn giảm bớt ngân sách của cơ quan đặc trách khắc phục thiên tai và các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để ưu tiên đầu tư các dự án khác, như tăng cường ngân sách cho quân sự và xây một bức tường dọc biên giới với Mexico. Liệu sau cơn bão Harvey, tổng thống Mỹ có giảm bớt chi phí cho hai dự án này không ?
Tiếp theo, phải nhắc đến sự im lặng của tổng thống Donald Trump về việc xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu. Dù các chuyên gia tỏ ra thận trọng về sự tương quan chặt chẽ giữa một hiện tượng tự nhiên như bão Harvey với việc trái đất nóng lên, nhưng riêng tổng thống Mỹ không đưa ra bất kỳ ẩn ý nào trong những lời bình luận về cơn bão.
Thái độ im lặng của người đứng đầu Nhà Trắng không khiến ai ngạc nhiên. Ngày 04/08/2017, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris 2015, còn tổng thống Mỹ thì không ngừng ca ngợi "than sạch tuyệt vời". Ông Trump vẫn duy trì thái độ nghi ngờ về hiện tượng biến đổi khi hậu và nín lặng trước những hậu quả thiên tai tại Hoa Kỳ.
Thực ra, quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris của tổng thống Mỹ mang tính chính trị vì ông muốn chứng minh cho những người ủng hộ là đã giữ lời hứa lúc tranh cử. Trong khi đó, khả năng "tái cam kết" không bị tổng thống Donald Trump ngăn chặn, như nội dung bài diễn văn ngày 01/06, trong đó ông vừa gay gắt lên án hiệp định khí hậu vừa đề xuất "đàm phán lại".
Nhà Trắng hiểu được các hạn chế của mình vì phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đã được cựu tổng thống Obama phê chuẩn. Có nghĩa là tổng thống Donald Trump chỉ có thể khởi động tiến trình rút khỏi hiệp định COP 21 sau thời hạn ba năm kể từ ngày văn bản này bắt đầu có hiệu lực. Nói một cách khác, ông không thể rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Khí hậu trước tháng 11/2019.
Có lẽ cơn bão Harvey, hơn bao giờ hết, mang lại một bài học cần thiết cho chính phủ Mỹ để người dân Houston không trở thành những người lưu vong vì khí hậu. Thái độ nghi ngờ về biến đổi khí hậu không thể nào ngăn cản mực nước dâng lên.
Thu Hằng
Có thể nói Donald Trump là một nhà lãnh đạo đầu tiên và có lẽ duy nhất của nước Mỹ, đã lãnh đạo đất nước không cần chính sách, đường lối, chiến lược, chiến thuật, kế hoạch hay các phương pháp khoa học. Ông thường hành động theo những suy nghĩ thô sơ của mình hay, như ông tự nhận, theo "bản năng của tôi" (my instinct), chẳng cần biết luật pháp quốc gia và quốc tế là gì. Ông rất thích làm các chuyện lặt vặt để "biểu dương khí thế".
Nói cách khác, Donald Trump thường nói và làm theo cảm tính, theo ngẫu hứng và có khi theo sự xúi biểu của những "cố vấn" cực đoan như Steve Bannon hay Sebastian Gork (ngưu tầm ngưu, mã tầm mã !), nên trong 8 tháng cầm quyền, ông làm cái gì cũng hỏng.
Sau nhiều thất bại liên tục, có dấu hiệu cho thấy Donald Trump đang chấp nhận từ bỏ lối lãnh đạo theo "bản năng" để theo chính sách và đường lối của các nhà chiến lược Mỹ và đuổi dần các "cố vấn" làm việc theo cảm tính đi. Afghanistan là một vụ điển hình !
Những lời thú nhận
Trên Business Insider, số ra ngày 21/8/2017, dưới đầu đề "Trump : Bản năng của tôi là rút khỏi Afghanistan- đây là lý do tại sao tôi thay đổi ý định" (Trump : My instinct was to pull out of Afghanistan - here's why I changed my mind), phóng viên Maxwell Tani đã tường thuật lại bài phát biểu của Tổng thống Trump vào tối 21/8 về chính sách mới của Mỹ đối với Afghanistan. Bài phát biểu này đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì từ trước ông luôn kêu gọi rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng thống Trump phát biểu tại Fort Myer, Arlington, ngày 21/08/2017
Dĩ nhiên, đây không phải là một bài phát biều do chính ông viết mà do một ban biên tập đã biên soạn với những cân nhắc rất kỷ càng và khéo léo. Nhưng ông chịu đọc là coi như ông đã chấp nhận.
Nói chuyện với các thành viên quân sự ở Fort Myer, Arlington, Trump cho biết ông thông cảm với những người Mỹ "mệt mỏi vì chiến tranh mà không có chiến thắng" và nói ông chia sẻ "sự thất vọng của người dân Mỹ" với "một chính sách đối ngoại tốn quá nhiều thời gian, nghị lực, tiền bạc, và quan trọng nhất là những sinh mạng để cố gắng xây dựng lại những đất nước theo hình ảnh của chúng ta".
Ông cũng thừa nhận sự đảo chiều trong quyết định tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại một quốc gia mà trước đó ông đã kêu gọi Hoa Kỳ hãy đi ra. Ông đọc :
"Theo khuynh hướng bẩm sinh của tôi là phải rút ra, và từ trước đến nay tôi thích làm theo những bản năng của mình, nhưng tôi nghe rằng những quyết định đưa ra sẽ khác khi anh đã ngồi trong Phòng Bầu Dục".
"Tôi đã nghiên cứu tình hình ở Afghanistan một cách chi tiết và từ những góc độ khác nhau. Sau những cuộc họp kéo dài nhiều tháng, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp vào ngày Thứ sáu vừa qua tại Camp David với Nội các của tôi và các tướng lãnh, để hoàn thành chiến lược của chúng ta".
Ông than phiền rằng ông đã phải giải quyết một "lá bài xấu và phức tạp". Ông nói một số nhân tố đã dẫn ông tới việc thực hiện "một sự thay đổi từ phương thức tiếp cận theo thời gian đến cách đánh giá căn cứ vào các điều kiện".
Ông thừa nhận rằng nếu Mỹ rút quân khỏi chiến trường này, các phần tử khủng bố của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ nhanh chóng tràn vào. Ông kêu gọi các đồng minh khác của Mỹ cùng tham gia. Nhưng Trump lại nhấn mạnh rằng chiến lược của Mỹ tại Afghanistan vẫn sẽ được thực hiện dựa trên kế hoạch mà ông đề ra từ khi còn tranh cử tổng thống : Quân đội Mỹ sẽ không tập trung vào việc "xây dựng nhà nước" ở Afghanistan và nước này phải đạt được những mục tiêu quân sự và kinh tế nào đó mới được Mỹ hỗ trợ.
Nội dung kế hoạch mới
CBS News đã tóm lược bài phát biểu của Tổng thống Trump về chính sách mới của Mỹ đối với Afghanistan như sau :
1. Chuyển từ cách tiếp cận phụ thuộc yếu tố thời gian sang một hướng mới dựa trên những điều kiện thực tế. Ông nói : "Từ bây giờ, những điều kiện trên thực địa phải là yếu tố quyết định chiến lược của chúng ta, chứ không phải là những thời biểu bó buộc".
2. Chỉ dựa vào sức mạnh quân sự sẽ không mang lại hòa bình cho Afghanistan. Theo ông, cuộc chiến tại Afghanistan cần phải được giải quyết trên tất cả các mặt trận từ ngoại giao, kinh tế đến quân sự.
3. Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Nam Á, khu vực đang là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực khủng bố. Ông kêu gọi tăng cường mối quan hệ với các nước đối tác. Ông đưa Ấn Độ ra làm thí dụ, ông cho rằng New Delhi có thể hỗ trợ Kabul trong các lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, ông không tiết lộ về số lượng binh sĩ Mỹ hay kế hoạch triển khai thêm quân tại Afghanistan như thế nào.
Thật ra đây chỉ là những chuyện mơ tưởng. Trong lịch sử, chưa cường quốc nào đã làm được những chuyện đó ở Afghanistan. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh như vậy, Mỹ không có nhiều lựa chọn và cũng không dễ dàng thoát khỏi tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi sa lầy quá lâu ở Afghanistan. Trong 16 năm qua, đã có 2.403 quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan và Mỹ cũng đã tiêu tốn gần 2.000 tỉ USD.
Phản ứng của các nước lien hệ
Ấn Độ, Anh và NATO ủng hộ chiến lược mới ở Afghanistan mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố, trong khi Pakistan, Trung Quốc và Nga lại tỏ ra khá lạnh nhạt.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh "cách tiếp cận dựa trên các điều kiện" của Tổng thống Donald Trump và cho biết liên minh do Mỹ cầm đầu này cam kết gia tăng hiện diện tại Afghanistan. Ông Stoltenberg nói : "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo Afghanistan không bao giờ trở thành nơi ẩn náu an toàn cho quân khủng bố, vì chúng sẽ tấn công các nước của chúng tôi".
Nhắc lại, hơn 12.000 binh sĩ NATO và các nước đối tác đã giúp "đào tạo, tư vấn và trợ giúp" Lực lượng An ninh Afghanistan từ tháng 1/2015, sau khi liên minh không trực tiếp tham chiến ở nước này nữa.
Ấn Độ vốn là kẻ thù truyền kiếp của Pakistan, đã hoan nghênh việc Tổng thống Trump yêu cầu Pakistan chấm dứt cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố vũ trang và khẳng định sẽ tham gia chính sách viện trợ tái thiết Afghanistan.
Zabiullah Mujahid, một phát ngôn viên Taliban, cảnh báo rằng Donald Trump chỉ "lãng phí" mạng sống của binh sĩ Mỹ. Ông ta nói : "Nếu Mỹ không chịu rút quân thì Afghanistan sẽ trở thành một nghĩa địa khác cho siêu cường này trong thế kỷ 21".
Trong khi đó, phát ngôn viên của quân đội Pakistan, ông Asif Ghafoor bác bỏ các cáo buộc của Donald Trump và quả quyết rằng Pakistan đã có những hành động và biện pháp ngăn chặn và chống lại các nhóm vũ trang trên lãnh thổ nước này : "Không có nơi ẩn náu nào cho những kẻ khủng bố ở Pakistan". Ngoại trưởng Pakistan đã gặp đại sứ Hoa Kỳ David Hale và nhấn mạnh rằng nước ông muốn tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm loại bỏ mối đe dọa khủng bố.
Sắc tộc Pashtun, nguồn nhân lực chính của quân Taliban, sống một nửa trên lãnh thổ Afghanistan và một nửa trên lãnh thổ Pakistan, nên Taliban chạy qua chạy lại giữa hai nước là chuyện thường. Hiện Mỹ đang sử dụng các căn cứ trên đất liền ở Pakistan để tấn công quân Taliban. Đã nhiều lần Mỹ làm áp lực buộc Pakistan phải ngăn chặn du kích quân Taliban tràn qua Afghanistan, nhưng mỗi lần Pakistan làm theo ý Mỹ, Taliban liền mở các cuộc khủng bố khắp nơi ở Pakistan. Để bào vệ an ninh của nước mình, Pakistan đã bắt tay với Nga và Trung Quốc và từ chối yêu cầu của Mỹ.
Sau khi kế hoạch mới của Trump được công bố, Bắc Kinh tuyên bố Pakistan đang "đứng mũi chịu sào" trong cuộc chiến chống khủng bố và đã "hy sinh to lớn" và "đóng góp quan trọng" trong cuộc chiến này. Trung Quốc đang đứng bên Pakistan thật ra trước hết là vì chính mình. Lâu nay, Islamabad luôn là đối tác quan trọng nhất trong chiến lược mở cửa ra Nam Á của Bắc Kinh. Với sự hợp tác đặc biệt của Pakistan, Trung Quốc nhắm gây dựng ảnh hưởng ở Afghanistan thời hậu chiến, để đối phó và ganh đua với Ấn Độ cũng như thực thi kế hoạch quy mô "Một vành đai và Một con đường".
Hãng Interfax trích dẫn một nguồn tin giấu tên của Bộ Ngoại giao Nga nói Nga không tin rằng chiến lược Afghanistan mới của Donald Trump sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực đáng kể ở Afghanistan.
Taliban, con ngựa bất kham
Afghanistan có diện tích 647.500 cây số vuông, tức chỉ bằng tiểu bang Texas của Hoa Kỳ, nhưng rừng núi chiếm đa số. Khi Mỹ bắt đầu chiếm đóng Afghanistan năm 2001, dân số Afgahnistan là 19.701.940 người, hầu hết theo Hồi giáo : 84% theo giáo phái Sunni và 15% theo giáo phái Shiite, và 1% các tôn giáo khác. Mặc dầu đã trải qua một chuộc chiến tranh kéo dài 16 năm, dân số Afghanistan đã tăng quá nhanh, tới tháng 8/2017 đã lên đến 34.274.000 người. Người gốc Pashtun chiếm 49% dân số, Tajik 18%, Hazara 9%, Uzbek 8%, Aimaq 4%, Turkmen 3% và các sắc tộc khác 9%.
1. Lãnh địa của Taliban
Lực lượng Taliban phát xuất từ sắc tộc Pashtun. Sắc tộc này hiện nay có khoảng 17 triệu người sống ở phía đông và phía nam Afghanistan, và khoảng 10 triệu người trên đất Pakistan nằm sát với biên giới Afghanistan. Tổ chức này áp dụng luật Sharia của Hồi giáo khắt khe giống IS. Họ công nhận chế độ đa thê và trẻ gái từ 12 hay 13 tuổi đã có thể lấy chồng. Với chính sách "đẻ mau, đẻ mạnh, đẻ vững chắc", dân số Afghanistan đã tăng chóng mặt.
Sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, Tổng thống Bush đã đổ quân sang lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan. Ông Hamid Karzai là người Afghanistan mang quốc tịch Mỹ lên cầm quyền. Nhưng Taliban không từ bỏ ý định "giải phóng" Afghanistan khỏi "quân xâm lược nước ngoài".
Theo đánh giá của NATO, chính quyền Afghanistan chỉ còn kiểm soát 57% lãnh thổ và 62% dân số, phần còn lại rơi vào tay Taliban. Trên thực tế, diện tích do Taliban kiểm soát đã lên đến 50%. Đôi lúc Taliban đánh chiếm được một thành phố lớn và kiểm soát một thời gian rồi rút.
2. Chiến thuật mới của Taliban
Nhà chức trách ở tỉnh Helmand phía nam Afghanistan cho biết quân đội đang đối mặt với lực lượng nổi dậy thiện chiến, có tổ chức và nhiều kỹ năng nhất từ trước đến nay. Lực lượng này được gọi là Sara Khitta (Nhóm Đỏ) khởi đầu với khoảng 200 tay súng, nay tăng lên khoảng 300 do Haji Nasar chỉ huy.
Sara Khitta áp dụng nhiều chiến thuật tác chiến tương tự như các quân đội tinh nhuệ nhất trên thế giới. Mỗi đơn vị nhỏ đều có một nhóm lính bắn tỉa trang bị hiện đại, chốt ở các vị trí trọng yếu để tiêu hao sinh lực đối phương và gây rối loạn đội hình. Họ được trang bị thiết bị nhìn đêm giúp nâng cao khả năng tấn công. Những thiết bị này có thể là do chiếm được từ các đơn vị cảnh sát, quân đội Afghanistan. Chỉ 4 tay súng Taliban đã chiếm một đồn cảnh sát và bắt giữ 20 binh sĩ ở đó. Tướng John Nicholson, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan cho biết, lực lượng chính phủ hứng chịu khoảng 20.000 trường hợp thương vong trong năm 2015. Con số nầy năm 2016 cao hơn khoảng 20%. Taliban đang kiểm soát 80% tỉnh Helmand.
Từ 2012, lãnh đạo các tổ chức Taliban ở Pakistan công bố chủ trương mở rộng hoạt động ở nước ngoài, nhắm tấn công các mục tiêu Anh và Mỹ như IS.
3. Nguồn tài trợ cho Taliban
Với Taliban, Helmand là vùng đất trung tâm. Họ chia sẻ sản lượng thuốc phiện, phần lớn từ khu vực người dân sắc tộc Pashtun. Họ hô hào người người trồng cây anh túc, nhà nhà cấy mủ và làng làng chế biến thuốc phiện. Cứ đến "mùa gặt", Taliban cho lái buôn đi thu mua rồi chế biến thành heroin và bán qua Âu Châu. Quân chính phủ thường xuyên đi phá, nhưng phá rồi dân sẽ trồng lại và có nhiều nơi quân đội không thể đến được. Thuốc phiện trở thành vừa là nguồn tài trợ chính cho cuộc chiến chống chính phủ Kabul trong 15 năm qua, vừa là nguồn lợi của người dân, nên dân theo Taliban.
Trái cây anh túc dùng để chế biến thuốc phiện ở Afghanistan
Nguồn tài trợ của Taliban không chỉ từ doanh thu do bán ma túy mà còn lấy từ các loại thuế khác. Taliban tống tiền không chỉ từ người nông dân mà còn cả các tập đoàn viễn thông. Hãng tin Deutsche Welle của Đức cho biết trong một cuộc họp bí mật diễn ra vào tháng 12/2015 gần thành phố Quetta ở Pakistan, lực lượng Taliban đã áp đặt một chính sách "thuế bảo kê" với số tiền kếch xù từ các Công ty viễn thông Afghanistan.
Taliban còn được cho là đã nhận các khoản đóng góp tài chính từ các tổ chức từ thiện Hồi giáo và các tổ chức khác bên ngoài lãnh thổ Afghanistan. Những khoản tiền này đến từ những quốc gia tại khu vực Vịnh Ba Tư và quốc gia láng giềng Pakistan.
IS xâm nhập Afghanistan
Tháng 1/2015, một tác nhân mới xuất hiện trên bàn cờ Afghanistan. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria bắt đầu xâm nhập và mở mặt trận mới tại Afghanistan. IS hoạt động ở miền Đông và Taliban hoạt động ở miền Nam và khu vực nông thôn.
Cả Taliban và IS cùng có chung một mục đích là lật đổ chính quyền Afghanistan. Tuy nhiên, Taliban và IS vẫn là đối thủ của nhau trong hoạt động tranh giành lãnh địa. Chúng vừa đánh chính quyền Afghanistan vừa đánh lẫn nhau. Trang Sputnik của Nga ngày 30/6 cho biết phiến quân IS đã đánh bật Taliban và giành quyền kiểm soát nhiều vùng trong tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan. IS đã phát động chiến dịch chiếm căn cứ ở Afghanistan từ đầu tháng 6. Hiện tại, IS đã kiểm soát ít nhất 6 quận thuộc tỉnh Nangarhar, đồng thời tham chiến ở các quận Khogyani và Pachir Agam
Chuyên gia Olivier Guillard đánh giá ranh giới giữa Taliban và IS rất mờ nhạt. Cả hai bên đều thuộc giáo phái Sunni, chỉ cần bỏ ra vài triệu USD tuyên truyền chiêu dụ, quân bên này có thể rời bỏ hàng ngũ sang bên kia đánh nhau. Nhưng cho dù đứng bên nào, những tay súng này đều là mối đe dọa đối với Mỹ.
Trong quá trình hoạt động, Taliban và IS tấn công bất kể địa bàn nào. Từ một năm nay, tại thủ đô Kabul thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom tự sát gây thương vong nặng nề. Taliban tố cáo các vụ đánh bom làm chết dân thường là do IS chủ mưu nhưng thật ra Taliban cũng không tha gì thường dân vô tội.
Trump khó đụng đến Afghanistan được
Chuyên gia Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings của Mỹ, là người từng ủng hộ việc đưa thêm quân Mỹ đến Afghanistan, cho rằng viễn cảnh tốt nhất cũng chỉ giúp quân đội Afghanistan áp đảo hơn trên chiến trường. Ông nói : "Tôi không nghĩ sẽ có nhiều người tin vào một chiến thắng".
Khi chính quyền Donald Trump bị bắt buộc phải gia tăng áp lực đối với Nga và Trung Quốc về kinh tế và chính trị, hai cường quốc này đã bí mật yểm trợ võ khí và kỹ thuật cho Taliban để Taliban đặt Mỹ vào cái thế đứng ngồi không yên. Sự đối phó của Mỹ trở nên phức tạp hơn.
Ngoài việc bảo vệ Afghanistan để nước này không trở thành trung tâm lãnh đạo các tổ chức khủng bố của Taliban và IS tấn công vào Mỹ và trên toàn thế giới, Afghanistan còn là thị trường tiêu thụ vũ khí còn tồn động từ sau cuộc chiến Iraq đến nay của các công ty tài phiệt quốc phòng Mỹ, để sáng chế các vũ khí mới. Donald Trump không đụng vào chiến lược của Mỹ ở Afghanistan được.
Ngày 31/8/2017
Lữ Giang
Chiến lược Afghanistan : sự miễn cưỡng của TT Mỹ Donald Trump
Kế hoạch mới về Afghanistan của tổng thống Mỹ Donald Trump là một đề tài được nhiều báo Pháp như Le Figaro, Libération, Les Echos, La Croix… phân tích. Đáng chú ý là bài "Afghanistan : Trump miễn cưỡng gửi quân" đăng trên báo Les Echos.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về chiến lược Afghanistan trước binh lính ở căn cứ quân sự Fort Myer, Virginia, ngày 21/08/2017. REUTERS/Joshua Roberts
Rốt cuộc thì tổng thống Donald Trump đã phải thay đổi ý kiến. Muốn rút lính Mỹ khỏi Afghanistan từ lâu nay, nhưng cuối cùng ông Trump đã bị các tướng lĩnh thuyết phục điều thêm quân sang quốc gia Trung Đông. Les Echos cho biết trong những tuần qua, rút quân hay điều thêm quân là một chủ đề gây tranh cãi ở Nhà Trắng, nhất là giữa cố vấn chiến lược Steve Bannon và cố vấn an ninh quốc gia Mc Master. Với sự ra đi của ông Steve Bannon, kết quả cuộc tranh cãi đã rõ ràng.
Tối thứ Hai, 21/08/2017, trong một bài diễn văn đọc tại căn cứ quân sự Fort Myer, bang Virginia và được phát trực tiếp trên truyền hình, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo có "chiến lược mới" về Afghanistan. Tổng thống Mỹ giải thích quyết định của ông xuất phát từ "những mối nguy hiểm lớn trong khu vực, Afghanistan và Pakistan hiện là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới". Theo ông Trump, Mỹ đưa quân đến Afghanistan không phải để tái thiết đất nước này mà là để tiêu diệt khủng bố.
Thông báo của tổng thống Mỹ được Afghanistan hoan nghênh. Tổng thống Afghanistan phát biểu : "Quan hệ đối tác với Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Sức mạnh các lực lượng an ninh của chúng tôi là để quân Taliban và các nhóm khủng bố khác hiểu rằng họ không thể có chiến thắng quân sự".
Tuy nhiên, theo Les Echos, các nhà phân tích vẫn dè dặt và hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch mới của tổng thống Donald Trump. Trước tiên, bởi vì, ông Trump đã không thực sự giải thích về chiến lược mới, thậm chí từ chối đưa ra thông tin cụ thể về lịch trình và số quân tăng cường tại Afghanistan. Trong khi đó, báo chí Mỹ tiết lộ số với thêm 4.000 quân, tổng số lính Mỹ tại Afghanistan chỉ là hơn 12.000 người, một son số rất nhỏ so với 100.000 quân hồi năm 2010-2011.
Đối với thượng nghĩ sĩ cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng Viện Mỹ, "chiến lược này có được sau quá nhiều thời gian chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, quân thánh chiến taliban đã có những bước tiến nguy hiểm".
Còn giáo sư về quan hệ quốc tế David Tothkopf, thuộc đại học Columbia, nhận xét là ông Donald Trump nói về chiến lược, nhưng bài diễn văn của ông ấy không có thông tin về chiến lược, ông Trump nói tới việc cam kết, nhưng ông ấy cũng chẳng cam kết gì cả. Đó chỉ là "ảo tưởng rằng có hành động" mà thôi. Theo chuyên gia David Tothkopf, bài diễn văn của tổng thống Donald Trump chỉ nhằm "che khuất" các cuộc tranh cãi gần đây.
Về số phận của chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghaniastan, tướng John Nicholson, đã từng nhiều lần bị tổng thống Donald Trump chỉ trích, thậm chí ông Trump còn kêu gọi tướng John Nicholson từ chức. Giờ thì tướng John Nicholson có thể yên tâm ở lại.
Liên quan đến NATO, hiện có 4.600 binh lính của NATO đóng quân tại Afghanistan. Washington sẽ phải trao đổi với các đồng minh NATO để các quốc gia này đồng hành cùng Mỹ và đóng góp thêm vào chiến lược mới của ông Donald Trump. Về phần Anh Quốc, Bộ trưởng quốc phòng Micheal Fallon bình luận "kế hoạch của Mỹ được hoan nghênh". Còn Pháp, quốc gia đã từng đứng thứ 4 trong việc điều quan sang Afghanistan, thì đã rút hết quân về nước vào năm 2014.
Ẩn số về bước nhảy vọt công nghệ của Bình Nhưỡng
Hôm 23/08/2017, chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt trên báo Pháp. Tờ Le Monde chạy tít : "Tên lửa : Làm thế nào Bắc Triều Tiên thành công trong bước đại nhảy vọt về công nghệ ?". Le Monde cho biết chỉ trong một năm, các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc về tên lửa đạo, mặc dù trong suốt năm 2016, Bắc Triều Tiên liên tiếp thất bại trong các vụ thử nghiệm tên lửa. Trong số 8 vụ thử nghiệm, chỉ có 1 vụ thành công.
Theo Le Monde, những thất bại trên có thể do Bắc Triều Tiên còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ công nghệ, nhưng cũng có thể do Mỹ ngầm phá hoại. Trên thực tế, hồi tháng 03/2017, New York Times tiết lộ vào năm 2014, tổng thống Mỹ Barack Obama đã "bật đèn xanh" cho các chiến dịch "cản trở" chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhất là thông qua mạng điện tử.
Bắc Triều Tiên có thể còn gặp những khó khăn về công nghệ để phóng tên lửa trúng đích, nhưng từ giờ Hoa Kỳ đã nằm trong tầm phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Nhưng làm thế nào mà chỉ sau có 1 năm, từ hàng loạt thất bại với các tên lửa chỉ với tầm bắn 3.000 km mà Bình Nhưỡng lại 2 lần thành công với tên lửa có tầm phóng xa gấp hơn 3 lần ? Làm thế nào mà đất nước từng mất 20 năm để cải tiến công nghệ Scud cho một tên lửa lớn hơn, nhưng lại chỉ mất có vài tháng để chế tạo thành công tên lửa liên lục địa ? Các chuyên gia hiện vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.
Khi quan sát các bức ảnh về tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhà phân tích người Đức, Norbert Brügge, phát hiện ra là động cơ tên lửa của Bắc Triều Tiên rất giống động cơ đẩy RD-250 của tên lửa liên lục địa của Liên Xô vào những năm 1970.
Những câu hỏi mới lại được đặt ra. Bình Nhưỡng chỉ có được sơ đồ động cơ đẩy RD-250 hay có được cả động cơ RD-250 ? Từ khi nào ? Chỉ mới đây ? Hay vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, các kỹ sư Nga hoặc Liên Xô đã bán lại công nghệ cho Bắc Triều Tiên ?
Le Monde trích dẫn nhiều ý kiến trái chiều của các nhà phân tích, kỹ sư, quan chức tình báo của Mỹ… Nhiều quan chức tình báo của Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng có khả năng tự chế tạo tên lửa mà không phải nhập động cơ của nước ngoài. Nhưng có chuyên gia thì lại cho rằng Bình Nhưỡng có động cơ tên lửa của Liên Xô và chỉ điều chỉnh lại mà thôi. Một kỹ sư khác lại nhận định Bình Nhưỡng chỉ mới có động cơ tên lửa từ Ukraine.
Nhưng theo Le Monde, tất cả chỉ đều là phỏng đoán. Bước nhảy vọt trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn còn là một ẩn số.
Na Uy : cuộc chiến vàng đen trên nhiều mặt trận
"Cuộc chiến vàng đen đang diễn ra trên nhiều mặt trận tại Na Uy" với nhiều cuộc biểu tình là nhận định của báo Le Figaro. Một cuộc thăm dò ý kiến mới được công bố cho thấy lần đầu tiên, 44% số người được hỏi ủng hộ việc chính quyền hạn chế khai thác dầu lửa để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Le Figaro, tại một quốc gia dường như chỉ sống nhờ vào khai thác dầu lửa và khí ga từ những năm 1970, thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Chuyên gia Erlend Tellnes, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, giải thích : Một mặt, giá dầu lửa sụt giảm đã khiến hàng trăm ngàn người Na Uy mất việc làm. Mặt khác, nhiều người bắt đầu hiểu rằng cần tìm các nguồn thu nhập khác. Nhiều tổ chức cũng đã hoạt động tích cực để người dân hiểu rằng Na Uy có thể kiếm tiền bằng nhiều cách.
Mục tiêu của các phong trào đấu tranh và nhiều chính đảng nhỏ hiện nay ở Na Uy là buộc chính phủ ngưng triển khai các dự án mới khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Le Monde nhấn mạnh không thể phủ nhận là Na Uy đã có nhiều nố lực chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Na Uy là nước sử dụng nhiều xe hơi điện nhất thế giới, nhà nước cũng đóng góp nhiều trăm triệu euro cho quỹ bảo vệ rừng Amazon… "Điều trái khoáy" là Na Uy chủ trương khai thác khí đốt với lượng lớn nhất có thể và nhanh nhất có thể. Na Uy hiện là quốc gia sản xuất dầu lửa và khí đốt lớn thứ 8 trên thế giới.
Lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy xuất khẩu ra thế giới năm 2016 cao gấp 10 lần lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy sử dụng trong nước. Nói cách khác, Na Uy đứng thứ 7 về xuất khẩu khí phát thải độc hại ra thế giới. Le Monde kết luận : Na Uy là một đất nước nhỏ bé, nhưng lại gây tác động rất lớn tới biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chống buôn lậu động vật quý hiếm : cuộc chiến chết chóc
Trong lĩnh vực sinh thái, báo Le Figaro có bài "Cuộc chiến chết chóc chống những kẻ buôn lậu". Vụ sát hại ông Wayne Lotter, nhà bảo tồn loài voi, ở Tanzania, nhắc cho mọi người nhớ rằng các nhà hoạt động bảo vệ động vật quý hiếm phải trả giá cho cuộc chiến chống buôn lậu động vật bằng sinh mạng của bản thân. Le Figaro cho biết buôn bán động vật quý hiếm nằm trong số 5 hoạt động buôn bán mang lại nhiều lợi nhất, cùng với buôn bán vũ khí, buôn người, buôn bán hàng giả và buôn ma túy.
Hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ đe dọa cuộc sống của các loài động vật mà còn đẩy các nhà bảo tồn động vật vào vòng nguy hiểm. Theo tổ chức International Ranger Federation, từ năm 2009 đến năm 2016, 565 nhà hoạt động đã thiệt mạng vì bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đa số bị những kẻ săn bắn trộm sát hại, không chỉ ở Châu Phi mà cả ở Châu Á.
Samsung cho ra mắt Galaxy Note 8
Chuyển sang lĩnh vực công nghệ, báo kinh Tế Les Echos cho biết tập đoàn Samsung của Hàn Quốc hôm nay cho ra mắt điện thoại thông minh Galaxy Note 8 để bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh với iPhone 8 của hãng Apple.
Một năm sau thất bại lịch sử của Galaxy Note 7 khiến danh tiếng của Samsung bị ảnh hưởng, tập đoàn Hàn Quốc đang hy vọng lật sang một trang sử mới với Note 8.
Thùy Dương
Cuối cùng tổng thống Donald Trump cũng phải chia tay với cố vấn chiến lược thân cận nhất của mình. Hôm 18/08/2017, ông Steve Bannon nhân vật gây nhiều tranh cãi, đã chính thức bị Nhà Trắng sa thải. Nổi tiếng là một người ăn nói bạo miệng, tiêu biểu cho phe hữu cứng rắn, ông Bannon còn là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong số phụ tá thân cận của tổng thống.
Ông Steve Bannon. Ảnh chụp ngày 20/08/216. REUTERS/Carlo Allegri/File Photo
Rời khỏi chính quyền, Steve Bannon trở lại với cương vị lãnh đạo trang mạng thông tin nổi tiếng xu hướng cực hữu Breitbart News, nơi ông có thể tiếp tục các hoạt động để tính chuyện phục thù.
Thông tín viên Grégoire Pourtier tại New York :
Steve Bannon sẽ không còn phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày ở Nhà Trắng nữa, nhưng ông nói vẫn "tiếp tục bảo vệ Donald Trump trước các đối thủ ở Quốc Hội, trên truyền thông hay trong giới tinh hoa".
Ông có thể thêm vào đó cuộc chiến đấu chống lại những thành phần cánh trung và chủ trương toàn cầu hóa như theo cách gọi của ông ta. Đó là những người đã đẩy ông ra để trở thành thân cận với tổng thống.
Dầu sao thì cũng là nghịch lý khi thấy Bannon rút lui vào đúng thời điểm mà hơn bao giờ hết ông Trump công khai bày tỏ cảm tình với phe hữu cứng rắn.
Tổng thống Mỹ liệu có dịu bớt giọng hay không ? Ông vẫn là người khó lường và không kiểm soát được. Nếu như Bannon bị cho ra rìa, đó là bởi vì ông ta đã lấn sân quá nhiều, thậm chí ông còn bị nghi ngờ trong nhiều vụ rò rỉ tin ra ngoài.
Những bài viết "chết người" đã được đăng trên Breitbart News, một trang thông tin cực hữu ở Mỹ. Trước khi về làm việc cho ông Trump, Bannon đã lãnh đạo trang mạng này suốt 4 năm. Ngay ngày hôm qua ông đã trở lại với cương vị đó.
Vậy là kẻ khích động và là nhà tư tưởng này vẫn còn lâu mới chịu dừng lại ở đây.
Trên trang chủ của Breitbart, sự trở lại của ông đã được đón chào dưới hàng tựa lớn "người hùng dân túy" và một bài viết nói rằng ông đã gặp một nhà tài trợ tỷ phú để chuẩn bị cho "cuộc chiến".
Anh Vũ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, gồm các chuyên gia kinh tế được hy vọng sẽ giúp Thủ tướng đưa ra các quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn cho đất nước.
Donald Trump - Ảnh minh họa
Đây là điều đáng mừng và tôi với tư cách là một luật sư cũng đưa ra khuyến nghị chính sách cho Thủ tướng như sau.
Bài học của Tổng thống Trump
Trong cuốn sách 'Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ' được phát hành trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã trình bày một ý đó là :
'Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh'.
Ông Trump nêu bí quyết này với hy vọng sẽ trở thành Tổng thống và khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ.
Đây có lẽ cũng là lời khuyên thích hợp dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay, trong bối cảnh mà Thủ tướng Phúc cũng đang tìm cách phát triển nền kinh tế đất nước qua việc tìm kiếm lời tư vấn từ các chuyên gia.
Vậy thì ở Việt Nam hiện nay có vấn đề gì 'ẩn tàng' cần được nhìn ra, để có thể giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ? Tôi xin gợi ý như sau.
Một hộ gia đình ở tỉnh Nam Định nhờ tôi tư vấn một việc, đó là gia đình ông từ vài năm trước xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi gia cầm và xưởng ép nhựa trên đất nông nghiệp. Nhưng mới đây chính quyền xã, huyện đã cưỡng chế phá dỡ với lý do xây dựng trái phép, mà không chỉ nhà ông còn có sáu hộ gia đình khác cũng bị phá dỡ vì lý do tương tự.
Canh tác nông nghiệp - Ảnh minh họa
Một dịp khác làm việc tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một địa phương thuần nông nghiệp, trong lúc làm việc, tài liệu của ông chủ tịch xã cho tôi biết danh sách của mấy chục hộ dân nằm trong diện thanh tra xử lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.
Một lần về làm việc tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, tôi được người dân cho biết, khắp vùng xung quanh đó trước kia là đất lúa hoặc hoang hóa, nay được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Song mới đây chính quyền huyện Phù Cừ cũng lại tiến hành xử lý cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, từng đàn lợn gà mất đi nơi nuôi nhốt, hoặc phải bán tống bán tháo với giá rẻ.
Tàn dư của kinh tế kế hoạch
Tôi thấy thật vô lý, vì đất của nhà người ta, họ sử dụng vào sản xuất chăn nuôi không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến hàng xóm, không ảnh hưởng đến cộng đồng, vậy tại sao lại cấm ?
Lý do cấm thường cho rằng vì không xin phép hoặc vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, đây là vấn đề rất sai trái bất cập.
Chúng ta biết rằng đất đai là phương tiện sản xuất quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam khoảng 60% đến 70% dân số sống ở nông thôn dựa vào nông nghiệp. Việc giải phóng sức lao động sản xuất để tăng hiệu quả canh tác, qua việc cho phép người dân được tự lựa chọn hình thức mục đích sử dụng đất theo cách hiệu quả nhất, là rất quan trọng.
Cấm đoán người dân chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế quyền của người dân với các lý do quy hoạch, kế hoạch trong khi chất lượng và tính khoa học của các vấn đề quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì thế nào ?
Có thể hình dung là sự lười nhác quan liêu xa rời thực tiễn khiến cho các chính sách quy hoạch và kế hoạch kém chất lượng khoa học, thay vì tạo động lực thì lại là rào cản trói buộc người dân.
Không đặt ra những tiêu chí khoa học nghiêm ngặt cho việc lập quy hoạch, kế hoạch nhưng Luật đất đai phản ánh ý chí của các ban ngành lại rất coi trọng hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch, thể hiện uy quyền của nhà nước đối với đất đai. Bằng chứng là luật đất đai năm 2013 tuy chỉ có 212 điều luật nhưng đã sử dụng đến 208 lần từ 'kế hoạch sử dụng đất' và 71 lần từ 'quy hoạch sử dụng đất'.
Đây là hệ quả còn rơi rớt lại từ quan niệm nhận thức về nền kinh tế kế hoạch hóa và công hữu hóa tư liệu sản xuất theo kiểu nhà nước phân vùng và chỉ đạo ai sản xuất cái gì, gò ép các nguồn lực kinh tế trong đó có đất đai là phương tiện sản xuất chủ yếu, vào khuôn khổ theo kế hoạch chung.
Mặc dù kiểu làm kinh tế theo kế hoạch hóa đã được thực tế chứng minh là thất bại trong việc tạo ra hiệu quả nhưng tàn dư của nó vẫn còn, nhất là trong vấn đề sử dụng đất.
Điều này thể hiện ở việc nhà nước đã cho phép tiến hành tư nhân hóa mọi thứ, trừ đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu nên về nguyên tắc việc sử dụng vẫn theo những kế hoạch.
Sinh hoạt kinh tế Việt Nam - Ảnh minh họa
Những vấn đề quy hoạch, kế hoạch được thiết lập bởi nhiều cơ quan từ trung ương xuống địa phương mỗi năm, được thực hiện với tư duy dễ dãi giản đơn, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, nên đang là rào cản trói buộc người dân.
Đây là vấn đề đang nổi cộm rộng khắp hiện nay khi người dân do những thôi thúc về kinh tế gia đình đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi trói buộc của pháp luật bất cập, để rồi lại bị quy cho là làm sai và bị cưỡng chế phá bỏ.
Nỗi chán chường Việt Nam
Việc quản trị quốc gia chẳng hề đơn giản như Tổng thống Trump đã phát biểu rằng vấn đề chỉ đơn giản là nhìn ra được những điều ẩn tàng. Ở Việt Nam nhiều vấn đề bất cập đã lộ rõ tác hại nhưng lại không được nắm bắt giải quyết.
Trước đây tôi đã viết bài "Việt Nam : Chính sách đất đai khiến dân phải sống nghèo ?" để phản ánh những bất cập trong quản lý sử dụng đất, và mới đây báo chí lại đưa tin sự việc xảy ra ở Quảng Nam, quê nhà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính quyền thành phố Tam Kỳ đã cưỡng chế phá dỡ khu chuồng trại xây dựng trái phép của một gia đình và tạm giữ 10 con heo.
Không biết khi báo chí đưa tin những sự việc này có giúp Thủ tướng và bộ tham mưu của ông nhận ra được vấn đề 'ẩn tàng' trong chính sách phát triển quốc gia hay không.
Vấn đề tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất hiện nay nếu được tháo gỡ sẽ là điểm khởi phát cho phát triển kinh tế nông thôn và phát triển kinh tế đất nước.
Việc thực hiện sẽ được thuận lợi vì hiện tại cả nước đã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập cơ cấu đồng đất lớn tập trung, giúp thuận lợi cho việc gia tăng hiệu quả canh tác. Cho nên để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh theo lời khuyên của Tổng thống Trump - chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên nhìn ra và tháo gỡ vấn đề đã không còn gì là 'ẩn tàng' này.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 07/08/2017
Hôm 11/7/2107, bỗng nhiên bà Luật sư người Nga là Natalia Veselnitskaya lại xuất hiện trên chương trình “Today” của đài NBC của Mỹ và cho biết bà được “triệu tập” đến Trump Tower ở New York vào tháng 6 năm 2016 để gặp con trai trưởng của Donald Trump. Bà được hỏi liệu bà có tin tức gì bất lợi cho bà Hillary Clinton hay không… Từ đó, câu chuyện được mở rộng dần và làm phát hiện nhiều bí mật chung quanh chuyện quan hệ giữa Trump và Nga, đưa Trump lên ngồi trên đóng lửa.
Luật sư Nga Natalia Veselnitskaya và Trump Jr.
Tại sao lại có những sự tiết lộ từ Nga bất lợi cho Trump như thế này ? Putin đang muốn gì ?
Putin đang dùng Vòng Kim Cô ?
Putin biết Trump là một con buôn có nhiều mánh mung, đã đạt được một số thành quả đáng kể trên thương trường, nhưng về phương diện chính trị, ông ta lại là một người thiếu kiến thức và kinh nghiêm nhưng lại rất tự phụ và háo thắng, nên đã dùng Vòng Kim Cô để lái Trump đi theo con đường mà mình muốn.
Như chúng ta đã biết, trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không đã nhận được 3 chiếc lá dương liễu thần từ Quan Âm Bồ Tát và một món "quà" khác mà Tôn Ngộ Không chẳng hề muốn là chiếc Vòng Kim Cô. Tôn Ngộ Không vốn coi mình là Tề Thiên Đại Thánh, có thể hô phong hoán vũ, tự tung tự tác theo cái bản năng khỉ của mình, coi trời bằng vung. Mỗi khi Tôn Ngộ Không tự tung tự tác, Đường Tam Tạng chỉ đọc niệm chú, cái Vòng Kim Cô liền siết chặt vào đầu gây đau đớn khủng khiếp, khiến Tôn Ngộ không không làm theo ý mình được.
Khi đi vào chính trường, Donald Trump cũng tưởng mình là Tề Thiên Đại Thánh, tự tung tự tác như Tôn Ngộ Không, nên Putin đã tìm cách đặt Vòng Kim Cô để sai khiến. Những lời tiết lộ của Luật sư Natalia Veselnitskaya cho thấy Putin bắt đầu đọc “niệm chú”…
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu tại sao Donald Trump lại tôn sùng Putin và sau đó sẽ nói về cái Vòng Kim Cô của Putin.
Tại sao Donald Trump dín vào Putin ?
Báo chí Mỹ phát hiện trong cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 2016, Trump đã ca tụng Putin rất nhiều lần, tôn vinh Putin lên hàng "đinh cao của trí tuệ loài người".
Hôm 7/9/2016 Trump nói rằng Putin kiểm soát mạnh mẽ đất nước và “trong hệ thống đó, ông ấy là một nhà lãnh đạo thực sự, vượt xa tổng thống của chúng ta”... Đối lại, Putin là nhà lãnh đạo quốc tế duy nhất đưa Trump lên mây, gọi Trump là một người "tài năng và đa sắc". Trump nói : "Người ta gọi tôi là một thiên tài và tôi phải khước từ họ ư ? Không, tôi sẽ không làm như vậy". Trump không biết đó chỉ là thổi ống đu đủ !
Tờ Guardian hỏi rằng “Trump muốn gì ở ông Putin ?”, rồi tờ này trả lời : “Đây là điều khó đoán”. Nhà sử học Francis Fukuyama từng viết trên tờ Financial Times : Không ai có thể biết rõ các tỷ phú Nga có liên quan đến bất động sản của Donald Trump hay không, càng không ai có thể rõ liệu ông Putin có trong tay "vũ khí bí mật" gì mà khiến tỷ phú bạo miệng Mỹ "chưa bao giờ buông một từ chỉ trích Putin". Ông cho biết lần gần nhất Trump tới Mạc tư khoa là tháng 11/2013, khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại đây. Nhưng nay đột nhiên Putin để cho các nhân vật liên hệ của Nga bật mí.
Ngày 12/7/2017, ông Aras Agalarov, một nhà tài phiệt Nga thân cận với Tổng thống Putin và là người giữ vai trò liên lạc giữa Trump và Putin, đã tiết lộ rằng vào tháng 11/2013, khi Mạc tư khoa chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Mạc tư khoa, Donald Trump đã ký một hợp đồng kinh doanh chính thức với ông ta để xây Trump Tower tại thủ đô Mạc tư khoa. Sau đó, Donald Trump đã giao cho con trai trưởng (Donald Trump Jr) giám sát dự án này.
Nhà tài phiệt Nga Aras Agalarov và Donald Trump
Ông Robert Goldstone, một cựu ký giả và một nhà phát hành âm nhạc, rất quen thân với gia đình Donald Trump, cho biết Ivanka Trump đã bay đến Mạc tư khoa vào năm 2014 để gặp Emin Agalarov, con trai nhà tài phiệt Aras Agalarov, một ca sĩ nhạc pop và phó chủ tịch tập đoàn Crocus Group, để xác định địa điểm cho dự án.
Thế nhưng vào tháng 10/2016, khi đang tranh cử, Donald Trump đã phủ nhận việc ông có giao dịch kinh doanh ở Nga. Ông nói : "Tôi không liên quan gì đến Nga" !
Thât ra từ năm 2007 Trump đã mô tả "Nga là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới" đồng thời hứa hẹn đế chế của ông "một lúc nào đó sẽ có măt tại Mạc tư khoa".
Theo ông Goldstone, dự án xây Trump Tower ở Mạc tư khoa chỉ bị đình chỉ sau khi các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và Liên Âu (EU) được áp đặt vì Nga can thiệp ở Ukraine.
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, khi làm ăn ở Nga, Trump đã đi đôi với tập đoàn tài phiệt dầu mỏ lớn nhất thế giới là ExxonMobil, vì thế khi lên làm tổng thống, Trump đã chọn ông Rex Tillerson, một cựu Giám đốc điều hành của ExxonMobil làm Bộ trưởng ngoại giao, mặc dầu ông này chẳng có một chút kinh nghiệm gì về chính trị và ngoại giao. Tập đoàn dầu khí ExxonMobil đã ký dự án đầu tư khai thác dầu mỏ với công ty Rosneft của Nga. Nhưng khi đang tiến hành khoan thăm dò tại giàn khoan West Alpha trên biển Kara của Nga và lập ống dẫn dầu khí từ Nga đến Âu Châu qua ngả Ukraine, Tổng thống Obama đã tạo ra biến cố Ukraine rồi ban hành lệnh cấm vận Nga, khiến việc đầu tư bất động sản của Trump và khai thác dầu mỏ của ExxonMobil bị đình chỉ. Nga và ExxonMobil liền tìm cách vận động đưa Trump lên làm tổng thống để lật lại thế cờ.
Nhưng Trump là một tên hữu dõng vô mưu nên đang làm hỏng cuộc. Thay vì vận động một con đường để khai thông, Trump chủ trương phá sập “di sản” của Obama bằng mọi giá để trả thù, gây nên những mâu thuẫn và đối kháng nghiêm trọng. Hiện nay, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đang hợp tác với nhau để ngăn chặn việc hủy bỏ cấm vận cho Nga và tách Trump dần ra khỏi Nga. Ngày 18/6/2017, Thượng Viện Mỹ đã thông qua nghị quyết tiếp tục cấm vận Nga với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Như vậy, Cộng Hòa và Dân Chủ đang hợp tác với nhau trong kế hoạch chận Trump làm ăn với Nga.
Putin tìm cách khai thông bế tắc
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tiết lộ một số chi tiết thú vị liên quan tới cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20 tại Hamburg ở Đức ngày 7/7/2017. Đây là một cuộc họp bí mật gồm 6 người : Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Ngoại trưởng của hai bên và hai thông dịch viên.
Theo lịch trình ban đầu, cuộc hội đàm sẽ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 30 phút. Giới chức Mỹ bắt đầu tỏ ra “sốt ruột” khi thấy Tổng thống Putin và Tổng thống Trump không hề có ý định dừng cuộc hội đàm mặc dù hơn một tiếng đã trôi qua. Ông đã vài lần nhắc Tổng Thống về thời lượng của cuộc hội đàm, song mọi việc vẫn không chuyển biến như mong muốn. Trong tình huống đó, phía Mỹ đã “cầu viện” tới Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, nhưng cách đó cũng không hiệu quả. Cuộc hội đàm đã kết thúc sau 2 giờ 16 phút.
Theo hãng tin Sputnik của Nga, hôm 7/7/2017 sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã thông báo kết quả cho báo chí biết. Ông Tillerson chỉ nói về sự “sốt ruột” của cuộc họp, còn ông Lavrov đọc bản kết quả cuộc họp. Theo ông, hai bên đã đạt được 4 điểm đồng thuận trong hàng loạt vấn đề được đem ra thảo luận. Đó là những điểm sau đây :
1. Một lệnh ngừng bắn ở phía Tây-Nam Syria sẽ có hiệu lực vào giữa trưa ngày 9/7/2017 (giờ Damascus).
2. Lập kênh truyền thông song phương giữa các đại diện của Nga và Mỹ nhằm thúc đẩy giải quyết xung đột ở Ukraine trong hòa bình dựa trên cơ sở thỏa thuận Minsk.
3. Hợp tác thành lập “Đơn vị Quản trị An Ninh Mạng” (Cyber Security Unit) (theo đề nghị của Tổng thống Trump).
4. Thực hiện các thủ tục cần thiết về việc bổ nhiệm tân đại sứ Mỹ tại Nga và tân đại sứ Nga tại Mỹ.
Theo các chuyên gia, trong 4 điểm “đồng thuận” nói trên chỉ có điểm 4 là thực hiện không có gì khó khăn. Các điểm 1 và 2 chỉ là chuyện cũ lặp lại. Điểm 3 về an ninh mạng, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Tổng thống Trump đã chấp nhận các tuyên bố mà Tổng thống Putin đưa ra rằng Nga không hề can thiệp bầu cử Mỹ.
Được tin này, Quốc hội Mỹ, các cơ quan tình báo Mỹ và các cơ quan truyền thông đã phản đối mạnh mẽ vì cho rằng chính Nga đã dùng không gian mạng để phá hoại cuộc bầu cử Mỹ nên không thể hợp tác với Nga về lãnh vực này được. Một ngày sau đó, Donald Trump tuyên bố rút lui điểm đồng thuận này.
Trên đây chỉ là “diện”. Điểm chủ yếu trong cuộc họp mật nói trên là Putin muốn Trump phải thi hành những cam kết về việc bỏ cấm vận cho Nga mà Tướng Flynn đã đưa ra trong 5 lần diện đàm với Đại sứ Sergey Kislyak hôm 29/12/2017 : "Chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giúp hồi sinh mối quan hệ Nga-Mỹ dựa trên các chính sách mà chính quyền của Trump sẽ theo đuổi”. Nhưng Trump thấy khó thực hiện được vì sẽ bị Quốc Hội ngăn chặn.
Cuộc họp riêng giữa Trump và Putin kéo dài trong 2 giờ vào tối 7/7/2017 đã làm nhiều viên chức Mỹ lo ngại vì không biết Trump đã cam kết những gì với Putin. Hôm 20/7/2017, Donald Trump đã ra lệnh cho cơ quan CIA ngưng hổ trở cho quân nổi dậy chống Chính phủ Assad vốn đã được thực hiện kể từ năm 2013. Toàn bộ quân đội Mỹ ở Syria sẽ rút khỏi tỉnh Al-Tanf và triển khai về vùng người Kurd ở tỉnh Hasakak. Một viên chức Mỹ nói rằng quyết định mới là "tín hiệu gởi tới ông Putin rằng chính quyền muốn cải thiện quan hệ với Nga".
Theo báo Izvestia của Nga, chính quyền Nga đã “thất vọng” về cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin với Tổng thống Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, vì không thể giải quyết được mâu thuẫn trong câu chuyện ngoại giao nói trên.
Vụ Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria cho thấy việc sử dụng Vòng Kim Cô của Trump bắt đầu có hiệu quả. Nếu Trump không thi hành được các cam kết căn bản, Putin đành phải sử dụng Vòng Kim Cô để dồn Trump vào cái thế phải có giải pháp có lợi cho Nga.
Vòng Kim Cô oái oăm của Putin
Bà luật sư Natalia Veselnitskaya cho biết trong cuôc họp vào tháng 6/2016 còn có mặt của hai người khác là con rể của Trump là Jared Kushner và cố vấn hàng đầu Paul Manafort, nhưng Kushner rời phòng chỉ sau vài phút, còn ông Manafort chỉ nói điện thoại (giả vờ). Con trai trưởng của Trump cũng khai tương tự như thế và nói không có tài liệu nào được cung cấp cả. Nhưng các tài liệu được phổ biến sau đó cho thấy đó chỉ là một phần của sự thật !
Rob Goldstone cho biết ông đã gởi email cho con trai trưởng của ông Trump vào tháng 6/2016 và đề nghị chuyển giao những thông tin bất lợi về bà Hillary Clinton cho anh ta. Email viết : “Các tài liệu này rất hữu ích cho cha của ông. Nó chứng tỏ sự ủng hộ của chính phủ Nga đối với ông Donald Trump”. Vài phút sau đó, Donald Trump Jr trả lời : “Nếu những gì ông nói là sự thật thì tôi rất thích”. Trong một email vào ngày 3 tháng 6, Goldstone nói với Trump Jr : “Công tố viên hàng đầu của Nga... đề nghị cung cấp cho chiến dịch Trump một số tài liệu và thông tin chính thức có thể cho thấy hành vi sai trái của Hillary và những giao dịch của bà ta với Nga và sẽ rất có ích cho cha của ông”.
Vài ngày sau đó, Goldstone cho biết bà Veselnitskaya là “luật sư chính phủ Nga” đang bay từ Mạc tư khoa qua Mỹ để gặp gỡ Trump Jr. Cuộc gặp đã diễn ra ngày 9/6/2017 tại Trump Tower. Có tất cả 8 người tham dự cuộc họp. Người sau cùng mới được phát hiện là Ike Kaveladze, Phó Chủ tịch Tập doàn Crocus, một công ty bất động sản.
Điệp viên Nga Rinat Akhmetshin
Rinat Akhmetshin, một cựu sĩ quan tình báo Nga cũng lên tiếng xác nhận ông có tham dự cuộc gặp đó. Ông nói với Washington Post rằng ông đi cùng bà Veselnitskaya tới cuộc gặp ở Trump Tower sau khi gặp nữ luật sư này trong một bữa ăn trưa. Ông đã di cư sang Mỹ từ 2009 và hiện mang hai quốc tịch vừa Nga vừa Mỹ. Ông đăng ký hoạt động vận động hành lang tại Mỹ. Ông nói với hãng tin AP rằng ông từng phục vụ trong một đơn vị quân đội Liên Xô thuộc cơ quan phản gián, nhưng ông chưa từng chính thức được đào tạo làm điệp viên.
Sau đi đọc “niệm chú” Vòng Kim Cô nói trên, Putin đã gởi đến Donald Trump một thông điệp nói rõ yêu cầu trước tiên của Nga. Hôm 11/7/2017, Ngoại trưởng Lavrov của Nga tuyên bố Nga đang cân nhắc các biện pháp trả đũa việc Mỹ tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại Mỹ và thu giữ tài sản của Nga tại Mỹ năm 2016, và cho rằng đó là một việc làm “xúc phạm”. Ông yêu cầu Trump trả lại các các trụ sở ngoại giao của Nga đã bị Mỹ tịch thu. Ông nói : “Nếu điều này không xảy ra, dĩ nhiên chúng tôi sẽ có hành động đáp trả”.
Những chuyện gì sẽ đến tiếp ?
Trên đây mới chỉ là Vòng Kim Cô số 1 được Putin đưa ra để thúc ép Trump thi hành những cam kết ngày 29/12/2016. Putin thừa biết Trump khó làm được chuyện đó vì Quốc Hội Mỹ sẽ không để cho Trump làm. Trong trường họp đó, Putin có thể sẽ đưa ra những Vòng Kim Cô tiếp theo để thúc đẩy Quốc Hội Mỹ có biện pháp hạ Trump xuống và sử dụng một người có hiểu biết về chính trị và ngoại giao để ổn định chính sách của Mỹ và thế giới. Putin có thể tin rằng thương lượng với một người có hiểu biết dễ dàng hơn nói chuyện với một tên ù ù cạc cạc, tính khi bất thường và đang bị chống đối từ mọi phía như Donald Trump.
Lá bài Trump hết xài được rồi và Putin đang tính lá bài khác ?
Ngày 20/7/2017
Lữ Giang
Bí quyết thành công đã khiến Mỹ vượt hẳn phần còn lại của thế giới là tự do và dân chủ nhưng ngày nay hầu hết các dân tộc đã có tự do và dân chủ, trong nhiều trường hợp còn có nền dân chủ lành mạnh hơn vì không vướng mắc vào những tật bệnh của chế độ tổng thống. Hoa Kỳ không còn là một ngoại lệ nữa.
Cuộc thăm viếng Paris vừa qua cho thấy là Trump đang tìm cách hòa giải với thế giới.
Donald Trump đã tới Pháp theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron để tham dự ngày quốc khánh Pháp 14/7/2017. Trong hai ngày ở Paris, 13 và 14/7, tổng thống Trump đã không hề có một cử chỉ hay lời nói gây phản cảm nào. Điều bất thường này - lần đầu tiên trong một chuyến công du của Donald Trump - đã khiến người ta quên đi những điều bất thường khác.
Trước hết tại sao Donald Trump vẫn vui vẻ đến Paris ? Ngày hôm trước Macron đã viết một bài báo trên tờ Ouest France, một tờ báo tỉnh nhưng lại là tờ báo có số lượng độc giả cao nhất nước Pháp, giải thích lý do tại sao ông đã mời Donald Trump. Theo Macron, đó là vì đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày quân đội Mỹ can thiệp vào Thế Chiến I giúp Pháp chiến thắng ; đó là vì Mỹ từ ngày lập quốc luôn luôn là đồng minh khăng khít của Pháp ; hai dân tộc là anh em và cùng chia sẻ tất cả những giá trị nền tảng chung do đó không ai có thể chia rẽ. Nhưng "ai" là ai nếu không phải là Trump với chủ trương America First và những tuyên bố hung hăng chống tự do mậu dịch và toàn cầu hóa, chống Châu Âu, chống NATO, chống Thỏa Ước Paris về khí hậu ? Macron còn nhấn mạnh rằng ông đã mời tổng thống Mỹ như là người đại diện của nhân dân Mỹ, một cách để nói không mời cá nhân Donald Trump. Bất cứ một tổng thống Mỹ nào cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm và có phản ứng, thậm chí có thể hủy bỏ cuộc thăm viếng. Nhưng Donald Trump đã bỏ qua, coi như không biết.
Sự kiện không bình thường khác là trong ngày 13/7 bà thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có mặt tại Paris nhưng không gặp Donald Trump dù chỉ là để chào. Bà Merkel không hề giấu sự khinh thường đối với Donald Trump.
Hai sự kiện khác còn có ý nghĩa hơn dù ít được lưu ý.
Một là, trong cuộc họp báo chung ngày 13/7 cả hai tổng thống Mỹ và Pháp đều không nhắc gì tới Lưu Hiểu Ba, một người đấu tranh cho dân chủ Trung Quốc vừa qua đời cùng ngày và đang gây xúc động lớn. Ông Lưu Hiểu Ba được giải Nobel về hòa bình năm 2010 trong lúc bị đang giam cầm và cả thế giới đã liên tục kêu gọi trả tự do cho ông nhưng cả Hồ Cẩm Đào lẫn Tập Cận Bình đều bất chấp. Lưu Hiểu Ba chỉ được đưa về nhà vào lúc đã sắp chết vì bệnh ung thư. Không những không nhắc tới tội ác ghê tởm này, cả hai ông Trump và Macron còn hết lời ca tụng Tập Cận Bình. Người ta không ngạc nhiên đối với Donald Trump, ông chỉ xác nhận một bản chất đã quen thuộc đối với dư luận. Nhưng Macron thì khác, ông đã bộc lộ con người thực của mình. Phải nói thẳng là quá tệ.
Hai là, dù đến Pháp nhân kỷ niệm 100 năm một sự kiện rất quan trong lịch sử thế giới và quan hệ Mỹ - Pháp nhưng Trump đã hoàn toàn không có một tuyên bố nào nhắc lại thảm kịch Thế Chiến I và sự gắn bó lịch sử giữa hai nước cả. Lịch sử không nằm trong kiến thức của ông.
Trump và Macron có rất nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều là những người bất ngờ được bầu làm tổng thống dù chưa bao giờ giữ một chức vụ dân cử nào. Cả hai đều tự coi là và được coi là những người chống lại hệ thống chính trị sẵn có, nhưng thực ra cả hai đều là sản phẩm điển hình của hệ thống sẵn có, sản phẩm của sự xuống cấp của sinh hoạt chính trị sau nhiều năm dưới chế độ tổng thống với hậu quả tất yếu là sự suy sụp của các chính đảng và của ý thức chính trị. Cả hai đều là những báo động về sự khẩn cấp phải từ bỏ chế độ tổng thống nếu muốn nâng cao dân trí và gắn bó người dân với đất nước. Không ngạc nhiên nếu trong tất cả các lãnh tụ của các nước dân chủ Macron đã là người ít dị ứng nhất với Trump.
Lý do khiến dư luận Mỹ và Pháp, cũng như phần lớn dư luận Châu Âu và thế giới, không lưu ý tới những sự kiện không bình thường là vì cuộc viếng thăm nước Pháp của tổng thống Donald Trump đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng theo chiều hướng tốt. Donald Trump đã nhã nhặn hơn, đã tỏ ra thân thiện và hợp tác hơn hẳn so với thường lệ. Ông đã tỏ ra cởi mở hơn với Thỏa Ước Paris về khí hậu, trái hẳn với thái độ hung hăng khiếm nhã khi tuyên bố rút lui. Ông cũng đã bày tỏ sự kính trọng hơn hẳn trước đây đối Châu Âu nói riêng và nhìn nhận tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước dân chủ. Trump đã hòa giải với thế giới sau khi nhận ra là Hoa Kỳ không thể tự cô lập.
Không thể khác. Khẩu hiệu Make America great again (làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông chỉ phơi bày một sự thiếu hiểu biết về nước Mỹ và thế giới. Thực ra nước Mỹ chưa bao giờ vĩ đại bằng lúc này, đứng đầu thế giới không chỉ về kinh tế mà cả về khoa học và kỹ thuật, ngày càng hiểu biết thế giới hơn và được kính trọng hơn. Trump đã rất sai khi nghĩ rằng nước Mỹ đã suy thoái, có lẽ vì ông không chịu bỏ thời giờ tìm hiểu các vấn đề lịch sử, xã hội và văn hóa. Quả thực trọng lượng kinh tế tương đối của Mỹ trên thế giới đã sút giảm. Sau Thế Chiến II kinh tế Mỹ lớn hơn 50% kinh tế thế giới, hiện nay tỷ lệ chỉ còn là 23% và sẽ còn tiếp tục giảm đi vì đó là xu hướng bắt buộc. Bí quyết thành công đã khiến Mỹ vượt hẳn phần còn lại của thế giới là tự do và dân chủ, nhưng ngày nay hầu hết các dân tộc đã có tự do và dân chủ, trong nhiều trường hợp còn có nền dân chủ lành mạnh hơn vì không vướng mắc vào những tật bệnh của chế độ tổng thống. Hoa Kỳ không còn là một ngoại lệ nữa. Các dân tộc khác sẽ tiến lên và bắt kịp dần Mỹ.
Sư chênh lệch giầu nghèo giữa các dân tộc sẽ phải giảm dần đi. Đó là tương lai đáng mơ ước của thế giới. Đó là lý tưởng mà mọi người sáng suốt không chỉ phải chấp nhận mà còn phải đóng góp để đạt tới. Trong một tương lai có lẽ còn khá xa nhưng nhất định sẽ tới nếu Mỹ, với 4% dân số thế giới, vẫn có được một GDP bằng 10% tổng sản lượng của một thế giới hòa bình và phồn vinh thì đã là một điều rất may mắn và rất đáng tự hào. Nhưng ngay trong hiện tại với một GDP sấp sỉ bằng 23% kinh tế thế giới, Mỹ đã cần thế giới hơn thế giới cần Mỹ. Thực ra Mỹ đã cần thế giới ngay từ ngày lập quốc. Nếu Donald Trump suy nghĩ về lịch sử của Mỹ ông sẽ thấy rằng nước Mỹ đã do những người di dân thành lập ra và một tỷ lệ đáng kể các phát minh khoa học kỹ thuật và thành tựu kinh tế đã do những người không sinh ra trên đất Mỹ. Một nước Mỹ không cởi mở, chưa nói triệt thoái về biên giới của mình như một số người Mỹ thủ cựu chậm tiến mong muốn, sẽ không còn đáng mơ uớc cho chính người Mỹ.
Có lẽ Donald Trump đã phần nào tỉnh ngộ nhờ lời khuyên của các cố vấn và sau những thất bại thô vụng liên tục từ ngày nhậm chức làm hình ảnh của ông đã xuống rất thấp dưới mắt mọi người, kể cả đa số người Mỹ. Chủ nghĩa dân tôc hẹp hòi của ông đã bị chính đồng bào ông bác khước, nhất là thành phần tinh hoa.
Cuộc thăm viếng Paris vừa qua cho thấy là Trump đang tìm cách hòa giải với thế giới. Đó là điều đáng mừng không chỉ cho thế giới mà cho cả nước Mỹ. Và một lần nữa, dân chủ chứng tỏ có khả năng giới hạn những thiệt hại của những sai lầm và tự sửa sai.
Nguyễn Gia Kiểng
(20/07/2017)
Những gì tổng thống Donald Trump đang làm trong thế giới ngoại giao hiện đại giữa các siêu cường, chính là đặc trưng tính thực tiễn của chủ nghĩa thực dụng Mỹ. Tính thực tiễn của chủ nghĩa thực dụng đó đã giúp Trump chiếm thế thượng phong áp đảo đối với mọi đối thủ có mặt trong G20 - 7/2017 tại Hambourg.
Nhưng điều đáng nói là việc Trump có thể đã làm thất bại mọi thủ đoạn theo kiểu khôn lỏi, ma mãnh vốn vẫn giúp Trung Quốc vượt mọi thứ rào cản, vượt lên mọi đối thủ. Đó là thủ đoạn tạo ra sự đã rồi nhỏ giọt, dừng lại trước khi gây ra khủng hoảng, và mỗi sự đã rồi là một bước nhảy lên phía trước và để đối thủ lại phía sau.
Có vẻ như tổng thống Trump đã bắt được cái tẩy đó của Trung Quốc. Trên hồ sơ Triều Tiên, Trung Quốc biến thủ đoạn đó thành trò chơi “bước nửa bước”. Trước mỗi đe doạ áp lực của Mỹ, Trung Quốc lại xăm xắn hành động, làm như hăng hái hưởng ứng, nhưng chỉ bắt đầu rồi dừng trước khi hành động gây tác dụng thực, đợi môt áp lực mới để lại hăng hái bước nửa bước mới. Mục đích là không để Mỹ phát khùng, nhưng không để cái gì Mỹ muốn thành thật.
Trung Quốc tuyên bố cắt nhập khẩu than của Triều Tiên, và một vài chuyến tầu chở than phải quay đầu, nhưng quý I/2 2017, lượng than nhập khẩu từ Triều Tiên đã tăng 40% so với cùng kỳ. Trung Quốc tuyên bố ngừng toàn bộ hoạt động thương mại, nhưng, theo Reuters, xe ô tô loại sang, xe chở khách, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm quá cảnh biên giới Trung - Triều vẫn không giảm tốc độ. Trung Quốc tuyên bố ngưng mọi liên hệ quân sự với Triều Tiên, nhưng không có gì xảy ra trên thực tế. Mật độ và cường độ các lần thử tên lửa chỉ mỗi ngày một tăng. Người ta không giải thích được bằng cách nào, Triều Tiên đạt được tốc độ phát triển kỹ thuật tên lửa nhanh như vậy. Nhà máy của Triều Tiên có trang bị như thế nào để có thể sản xuất các mẫu mới với những tổ hợp kỹ thuật mới phức tạp trong một thời gian ngắn kỷ lục…
Trung Quốc đang chơi trò ú tim với Mỹ ? Triều Tiên sẽ phải có vũ khí bắn tới mọi nơi trên đất Mỹ và sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ hoặc chịu thiệt hại khi cuộc chiến xảy ra ? Đó chính là mục tiêu của chính Trung Quốc, không phải của Triều Tiên. Chế độ Triều Tiên không thể bị tiêu diệt và có sứ mệnh phải làm vật thiêu thân cho cuộc chiến Trung Mỹ. Trump thừa biết như vậy. Triều Tiên là một phần của Trung Quốc. Những gì trông thấy và nghe thấy chỉ là trò diễn. Nhưng cái thời Trung Quốc thôi miên thiên hạ đã qua rồi.
Đấy là chưa kể cả Nga lẫn Trung Quốc đều chơi con bài Triều Tiên với vai một anh Chí Phèo.
Ông Rex Tillerson nói : “...Trung Quốc đã có hành động đáng kể và sau đó tôi nghĩ, vì nhiều lý do khác nhau họ tạm dừng hành động thêm, sau đó họ làm tiếp một số bước rồi lại tạm dừng”.
Ngôn ngữ ngoại giao là loại ngôn ngữ có thể phải đăng được trên thông tin đại chúng. Còn hiểu được thì phải nhìn được phía sau ngôn ngữ đó.
Trump đã bỏ ngoài tai những gì Trung Quốc tuyên bố miệng và mặc nhiên coi như Trung Quốc luôn ủng hộ các sáng kiến của Mỹ nhằm chấm dứt nguy cơ hạt nhân của Triều Tiên. Trump đang thực thi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và Trung Quốc có bổn phận ủng hộ.
Trump đưa hạm đội và máy bay ném bom tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật bản, Trump ném bom cảnh cáo vào một vị trí giả định trên đất Triều Tiên, Trump trừng phạt các công ty, ngân hàng và các cá nhân làm ăn với Triều Tiên, Trump cho tầu đi xuyên khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, Trump bán cho Đài Loan lượng vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la. Trump sẽ không dừng việc lắp đặt THADD tại Nam Hàn...
Trung Quốc đau hơn hoạn, nhưng Tập vẫn phải nhũn nhặn và “hoà nhã” khi gặp mặt Trump tại G20. Có lẽ trong lịch sử ngoại giao, Trung Quốc chưa bao giờ rơi vào tình huống khó xử như hiện nay. Với lối chơi siêu thủ đoạn, với các nước khác, nhất là các nước nhược tiểu quang vùng Đông Nam Á, Trung Quốc đã quen với sự quy phục và đã quen xử sự theo lối trịch thượng.
Trump đã hành động theo cách thức mà Tôn Tử gọi là “tương kế tựu kế”, dùng chính thủ đoạn “nửa bước” của Trung Quốc để buộc Trung Quốc chấp nhận việc đã rồi do Mỹ hành động. Dù là nửa bước, cũng là đi cùng một chiều, không có lý gì phản đối, và không thể phản đối.
Cùng một lúc, Trump buộc Trung Quốc phải đối phó với cả ba hồ sơ : Đường lưỡi bò, Đài Loan và Triều Tiên. Trên cả ba hồ sơ, Trung Quốc đều bị trói vào mà đánh, đau mà không kêu được.
Có căn cứ để có thể tin được rằng “đường lưỡi bò” đang vuột khỏi tay Trung Quốc, nếu không bằng chiến tranh. Trung Quốc chỉ thích ăn cướp, nhưng sợ chiến tranh, và Trung Quốc chưa bao giờ thắng bất cứ cuộc chiến tranh nào.
Hà Nội hoàn toàn có thể hưởng lợi từ hành động của Mỹ, miễn là đừng có giở trò khôn vặt. Cái khôn vặt theo kiểu ma-cô đã không còn đất sống nữa rồi.
Bởi vì, nếu cái tẩy của Trung Quốc không qua được mắt của Trump, thì cái tẩy của cộng sản Việt Nam không thể có may mắn. Sự lèo lái lươn lẹo nào cũng chỉ thắng ván mà không thể thắng trận.
Cái thời làm bạn với tất cả, luồn lách cóp nhặt những rơi vãi do sơ ý giữa những sự hỗn độn của thế giới qua rồi. Đó là lối tư duy của một thằng ăn mày, khố rách áo ôm, không giúp một người đàng hoàng ngẩng mặt lên được.
Cần phải xác định bạn và thù. Cái khốn nạn sẽ gắn liền thành một khối giữa cái “Hợp tác với kẻ thù” và “Cảnh giác với bạn bè”. Đã chơi với bạn thì “còn cái xà lỏn” cũng chơi. Với kẻ thù thì chỉ có rào giậu cho kín. Vấn đề là tìm được bạn.
Chế độ đến rồi đi, chỉ có đất nước và dân tộc còn lại. Hợp tác với kẻ thù tưởng giữ được chế độ, nhưng khi đất nước không còn, dân tộc không còn thì chế độ bám vào đâu để tồn tại ?
Paris, 11/07/2017
Bùi Quang Vơm