Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc đe dọa chiến tranh nếu Đài Loan độc lập

Thanh Hà, RFI, 29/01/2021

Trong cuộc họp báo hàng tháng hôm 28/01/2021, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm (Wu Qian) tuyên bố, Đài Loan "độc lập đồng nghĩa với chiến tranh" và Trung Quốc sẽ đáp trả đích đáng mọi hành động "can thiệp của nước ngoài".

taiwan1

Tàu săn mìn MHC/1301 trong một cuộc diễn tập của hải quân Đài Loan, tại Cao Hùng, Đài Loan, ngày 27/01/2021.  Reuters – Anhà nước Wang

Lời lẽ cứng rắn như trên được đưa ra trong bối cảnh máy bay quân sự Trung Quốc liên tiếp xâm nhập không phận Đài Loan. Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết thêm thông tin :

"Sau cú sốc từ những màn phô trương sức mạnh trong những ngày gần đây, giờ đến lượt sức mạnh ngôn từ và các đe dọa. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Ngô Khiêm, nhấn mạnh, đối với Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, Đài Loan "độc lập có nghĩa là chiến tranh" và cảnh cáo "chơi với lửa sẽ có ngày bị phỏng". Theo đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc, việc điều máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (hồi cuối tuần qua) là cách "đáp trả những hành vi can thiệp của nước ngoài" và nhắm vào một "nhóm người" muốn Đài Loan độc lập.

Lời lẽ hung hăng trên đây của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước hết nhắm vào ban lãnh đạo mới ở Nhà Trắng. Tổng thống Joe Biden vừa khẳng định cam kết "vững như bàn thạch" giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Bắc Kinh cho đây là một sự khiêu khích vì luôn coi vấn đề Đài Loan thuộc phạm vi các các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc.

Sự ra đi của Donald Trump đã làm giảm căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, phe nổi dậy ở Hồng Kông thì hứng chịu một đạo luật an ninh giống như Trung Quốc đã thực thi tại Hoa lục, nhưng vấn đề Đài Loan vẫn cực kỳ nhậy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung, trong khi đó, tổng thống Thái Anh Văn, mà uy tín được gia tăng sau cuộc bầu cử gần đây, chưa bao giờ lên tiếng đòi hỏi độc lập, bởi vì bà vẫn luôn luôn nhắc lại rằng Đài Loan đã độc lập rồi".

Sau tuyên bố cứng rắn với dụng ý gửi thông điệp mạnh đến chính quyền mới ở Washington, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, John Kirby cùng ngày 28/01/2021 đã đáp trả : Washington coi những bình luận của phía Trung Quốc "không thích hợp". Cho dù Lầu Năm Góc thấy "không có lý do để căng thẳng về Đài Loan dẫn đến một sự đối đầu bất kỳ dưới hình dạng nào". Tuy nhiên Washington "có bổn phận hỗ trợ khả năng tự phòng thủ của Đài Bắc và điều này sẽ tiếp tục diễn ra như vậy".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 29/01/2021

*******************

Liệu Biden có hòa hoãn với Trung Quốc

Phạm Quý Vương, RFA, 27/01/2021

Trung Quốc đang chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với chính quyền mới ở Mỹ sau một năm đặc biệt khó khăn cùng một loạt bước lùi ngoại giao vì Covid-19, chiến tranh thương mại và các vấn đề nhân quyền. Một câu hỏi đang được đặt ra là liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ muốn có mối quan hệ tốt với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hơn so với với cựu Tổng thống Donald Trump hay không ?

taiwan2

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 26/1/2021 - Reuters

Người ta đã thấy tín hiệu thể hiện thái độ thực sự của ông Tập cho chuyện đó. Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới đều gửi lời chúc mừng tân tổng thống Mỹ ngay trong ngày 20/1, thì mãi đến ngày hôm sau (21/1), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới lên tiếng, nhưng là để bày tỏ hy vọng quan hệ của Bắc Kinh với chính quyền mới ở Mỹ "sẽ dựa trên lý trí". Mong muốn này sau đó cũng được nhắc lại trong một dòng tweet của một quan chức ngoại giao Trung Quốc ngày 22/1 rằng quan hệ Trung-Mỹ nên "sớm trở lại đúng hướng". Đây có thể coi là một hành vi đầy tính khiêu khích của Bắc Kinh nhắm vào chính quyền mới ở Washington. Theo ghi nhận của kênh truyền thông Mỹ CNBC, trong suốt 36 tiếng sau lễ nhậm chức của Biden, các quan chức và báo chí Trung Quốc gần như chỉ nói về các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh vừa thông báo nhắm vào 28 nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump, gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert OBrien.

"Đánh" Trump, "dọa" Biden

Giới quan sát nhận định hành động của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm trả đũa các quan chức trong chính quyền Trump khi họ không còn giữ những chức vụ chính thức, mà còn là một thủ đoạn nhằm răn đe các quan chức mới trong chính quyền mới của Mỹ. Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), trả lời báo chí ngày 21/1 cho rằng "việc nêu tên của những người bị trừng phạt là một hình thức bêu xấu và sỉ nhục". Theo vị giáo sư cố vấn cho chính phủ Trung Quốc này, đây "là một lời cảnh báo gửi đến các chính trị gia tương lai của Mỹ".

Liệu Biden có đảo ngược chính sách của Trump với Trung Quốc ?

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng ông Biden sẽ không vội vã rút lại nhiều quyết định của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng Biden chắc chắn sẽ chú trọng đến các vấn đề nhân quyền và chiến lược hơn là tìm cách gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo một nhà phân tích Trung Quốc đề nghị giấu tên, có những vấn đề quan trọng khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn được xem là chiều theo ý của Washington trong những hồ sơ mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm và "cốt lõi" như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, nhân quyền. Ông Blinken từng nói các quan chức của đảng Dân chủ chắc chắn sẽ đề cập mạnh mẽ đến những vấn đề vốn gây ra một số rạn nứt với Bắc Kinh. Trước hết, lý do khiến Bắc Kinh phẫn nộ là tuyên bố hôm 19/1 của Ngoại trưởng Pompeo rằng Chính phủ Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Tuy nhiên, theo The Washington Post, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú ý hơn đến những người đồng cấp mới trong chính quyền Biden, họ sẽ nhận ra rằng chiến lược của Trung Quốc nhằm trừng phạt các quan chức thời Trump chắc chắn sẽ thất bại. Ngày 19/1, trong buổi điều trần trước Thượng viện, ông Blinken tuyên bố ông đồng ý với lời buộc tội diệt chủng mà người tiền nhiệm Pompeo đưa ra. Ý kiến này không phải là cá biệt. Theo nhiều nguồn tin, ủy ban tranh cử của Biden đã đưa ra quyết định trên sau một cuộc tranh luận nội bộ hồi tháng 8/2020. Về cá nhân Blinken, xuất thân từ một gia đình thoát được nạn diệt chủng người Do Thái và các cuộc tàn sát ở Nga, khó có khả năng ông sẽ thay đổi cách nhìn và ngừng gọi những gì Trung Quốc làm với người Duy Ngô Nhĩ là diệt chủng. Trên thực tế, thái độ "bắt nạt" của Bắc Kinh đã khiến cho việc thay đổi thêm khó khăn, và đó là tính toán sai lầm lớn đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Sai lầm thứ hai của Bắc Kinh là cho rằng chính quyền Biden không đồng ý với lập trường cơ bản của chính quyền Trump về Trung Quốc. Ông Blinken đã không ngần ngại tuyên bố trong phiên điều trần rằng chính sách chống Trung Quốc của chính quyền Trump "về cơ bản là đúng" và cựu tổng thống đã "đúng khi có một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc", mặc dù ông không đồng ý với cách thức thực hiện của chính quyền Trump. Nói cách khác, chính quyền Biden đang đổi mới "thương hiệu" chứ không phải thay đổi chính sách chống Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm. 

Ngoài ra, bản thân Trung Quốc cũng tự hạ thấp uy tín khi tăng cường truyền bá các thuyết âm mưu về nguồn gốc của Covid-19, kêu gọi mở cuộc điều tra về một căn cứ quân sự ở Mỹ trong khi ngăn cản các nỗ lực điều tra nguồn gốc của virus ở Vũ Hán. Bắc Kinh cũng đang lan truyền những lời nói dối về vaccine của Mỹ để xóa nhòa sự thật về các vấn đề liên quan đến vaccine của chính Trung Quốc. Các lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang gia tăng đe dọa Đài Loan.

Chuyên gia Scott Kennedy, làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói : "Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã thông báo một loạt biện pháp hạn chế và trừng phạt chống Trung Quốc, khiến chính quyền Biden về mặt kỹ thuật và chính trị khó lòng rút lại". Trong khi đó, Zhiqun Zhu - Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Bucknell - nói : "Có sự đồng thuận lưỡng đảng tại Washington về việc phải mạnh tay hơn với Trung Quốc". Antony Blinken, người được Biden đề cử làm ngoại trưởng, cũng xác nhận rằng dù ông không đồng ý với cách Trump thực hiện chính sách đối với Trung Quốc, nhưng ông thấy "cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh của cựu tổng thống là đúng". Còn Avril Haines, người được Biden đề cử làm Giám đốc Tình báo Quốc gia, cho biết bà ủng hộ "lập trường cứng rắn" đối với Bắc Kinh, và "cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Trung Quốc phải đáp ứng về cơ bản thực tế một Trung Quốc đang đặc biệt quyết đoán và hung hăng".

taiwan3

Báo Global Times của Đảng cộng sản Trung Quốc đăng hình ảnh Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris trên trang đầu hôm 21/1/2021. Reuters

Tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 21/1 nêu rõ : "Đúng vào lúc 12 giờ 4 phút (giờ Washington) ngày 20/1, trong khi Tổng thống Biden đang đọc diễn văn nhậm chức, Trung Quốc đã công bố quyết định trừng phạt các quan chức trong chính quyền Mỹ mãn nhiệm". Theo báo Mỹ, khi hành động như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ "đánh" vào nội các Trump đã mãn nhiệm, mà còn tìm cách bắt nạt và đe dọa chính quyền Mỹ sắp tới, ép họ phải thay đổi chính sách. Thủ đoạn này, theo The Washington Post, chắc chắn sẽ thất bại vì nhiều lý do.

Chuyên gia Kennedy cho rằng có một số lĩnh vực mà 2 nước có thể nỗ lực để hàn gắn quan hệ, chẳng hạn như nới lỏng một số hạn chế về thuế quan hay về cách cư xử với báo giới, "nhưng chỉ khi nào Trung Quốc cũng đối xử tương ứng và giải quyết những vấn đề gây ra những rắc rối". Trong khi đó, Zhiqun Zhu liệt kê một số vấn đề "dễ giải quyết nhất" như tái lập chương trình Fulbright tại Trung Quốc và Hong Kong, đưa ra chính sách hoan nghênh hơn với sinh viên và học giả Trung Quốc, và mở cửa trở lại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.

Về phần mình, theo Zhiqun Zhu, Trung Quốc phải nỗ lực tránh đối đầu với Mỹ vì Bắc Kinh đã phải gánh chịu một số phản ứng ngược nghiêm trọng trong lĩnh vực ngoại giao trong năm 2020. Ông nói : "Covid-19 thực sự đã làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc. Nhiều nước vẫn còn quy trách Trung Quốc không minh bạch và không hành động đủ sớm để ngăn chặn virus lây lan".

Chắc chắn, chính quyền mới ở Mỹ sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế Trung Quốc theo mọi hướng, nhưng sẽ không có những hành động bốc đồng như dưới thời Trump. Trong mọi trường hợp, Biden không thể tuyên bố toàn bộ chính sách của Trump là sai. Về nguyên tắc, một tuyên bố như vậy không thể được đưa ra trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Mỹ. Sau 1,5-2 năm mới có thể thấy động lực thực sự trong quan hệ Mỹ-Trung vì nhiệm vụ chính của Biden trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ sẽ là việc giải quyết các vấn đề nội bộ. Ngày nay, do những hành động của Mỹ, sự cạnh tranh chiến lược được đặt lên hàng đầu trong quan hệ Trung-Mỹ. Dưới thời Biden, Trung Quốc sẽ vẫn là đối thủ chính của Mỹ, có nghĩa là chính sách kiềm chế Trung Quốc sẽ tiếp tục được Mỹ thực hiện. 

Ngày 22/1, Trung Quốc thông qua một đạo luật cho phép cảnh sát biển nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp xung quanh Trung Quốc.

Một số báo chí Việt Nam đã lên án Luật Hải cảnh của Trung Quốc, tuy nhiên phía chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức. Việt Nam đang trong thời kỳ Đại hội Đảng - đây cũng là dịp Việt Nam sẽ có dàn lãnh đạo mới.

Thời gian vừa qua, do tập trung vào đại hội, chủ yếu là để thay đổi nhân sự với việc giữ các vị trí quan trọng mà các phản ứng của Việt Nam đối với các hành động của Trung Quốc ở biển Đông rất "im ắng". Mong rằng sau đại hội, "tứ trụ" mới cùng các quan chức mới sẽ có hành động quyết liệt để bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển Đông.

Phạm Quý Vương

Nguồn : RFA, 27/01/2021

Published in Diễn đàn

"Chính quyền Biden : Cứng rắn với Trung Quốc, nhưng liên kết với đồng minh"

Thanh Phương, RFI, 20/01/2021

Chính quyền của tân tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng sẽ liên kết chặt chẽ với các đồng minh, chứ không đi theo chính sách ngoại giao đơn phương của Donald Trump.

hktq1

Ông Antony J. Blinken, điều trần tại Tiểu ban Đối ngoại Thượng Viện, Capitol, Washington, ngày 19/01/2021, trước khi được chính thức thông qua chức ngoại trưởng Hoa Kỳ.  Reuters - Pool

Trong 4 năm dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã lao vào một cuộc đối đầu quyết liệt, "một mất một còn" với Trung Quốc, không khác gì cuộc đối đầu với Liên Xô vào thời chiến tranh lạnh. Trong thời gian ông Trump tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, các thành phần bảo thủ bên đảng Cộng hòa cũng đã liên tục đả kích ứng cử viên Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung là đã tỏ ra quá nhu nhược với Bắc Kinh, gián tiếp tạo điều kiện cho Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ như thế.

Trước những lời chỉ trích này, các bộ trưởng tương lai của tổng thống Joe Biden đã tỏ cho thấy là chính quyền Dân chủ cũng sẽ biết đương đầu với Bắc Kinh.

Hôm 19/01/2020, khi ra điều trần trước Thượng Viện để được chấp nhận làm ngoại trưởng của tổng thống Biden, ông Antony Blinken đã tuyên bố : "Chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc". Cũng giống như chính quyền của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, ông Blinken xem siêu cường quốc đối địch với Hoa Kỳ là "thách đố quan trọng nhất" đối với nước Mỹ. Thậm chí nhân vật được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng còn công nhận là cựu tổng thống Trump "đã có lý khi chọn một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc", tuy ông không đồng tình với cách thức mà ông Trump thể hiện lập trường cứng rắn này.

Tuyên bố nói trên của ông Blinken chắc đã làm nhà tỷ phú "mát ruột", vì trong suốt nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, Donald Trump vẫn luôn đề cao chiến lược của ông đối với Bắc Kinh. Trong bài phát biểu từ giã Nhà Trắng hôm qua, cựu tổng thống Mỹ cũng đã nêu bật : "Chúng ta đã tạo được xung lực mới cho các liên minh của chúng ta và đoàn kết được các quốc gia trên thế giới để đối đầu với Trung Quốc một cách mạnh mẽ chưa từng có".

Trong buổi điều trần trước Thượng Viện, ông Blinken cũng đã đồng tình với cáo buộc Trung Quốc phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, như thông cáo của ngoại trưởng mãn nhiệm Mike Pompeo hôm qua.

Về phần bộ trưởng Tài chính tương lai Janet Yellen, trong cuộc điều trần hôm qua trước Thượng Viện, bà cũng đã cho biết là về thương mại, chính quyền Biden sẽ giữ nguyên chính sách của chính quyền Trump. Bà Yellen coi như đã lập lại đúng những cáo buộc mà tổng thống mãn nhiệm Cộng hòa thường đưa ra : "Chúng ta phải tấn công vào những hành động lạm dụng, bất công và bất hợp pháp của Trung Quốc", cụ thể đó là "ăn cắp sở hữu trí tuệ", "cưỡng ép chuyển giao công nghệ" và "trợ cấp trái phép" cho các doanh nghiệp. Tuy không nêu chi tiết, nhưng bộ trưởng Tài chính tương lai Janet Yellen hôm qua cho biết chính quyền Biden sẽ sử dụng nhiều công cụ để chống những hành động đó của Bắc Kinh.

Chính là nhân danh việc bảo vệ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, mà vào năm 2018 tổng thống Trump đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại chống cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Cuộc thương chiến chỉ tạm ngưng với thỏa thuận mà hai bên ký kết vào/1/2020, theo đó Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ, nhưng hai bên vẫn giữ nguyên phần lớn các thuế quan mang tính trừng phạt.

Nếu như chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc vẫn sẽ cứng rắn giống như dưới thời Donald Trump, tân tổng thống Mỹ sẽ thay đổi phương pháp : Hoa Kỳ kể từ nay sẽ không "đơn thương độc mã" trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, mà sẽ dựa vào các đồng minh. Đây là điều mà cả hai vị bộ trưởng tương lai của ông Biden đều nhấn mạnh hôm qua. Bà Janet Yellen đã tuyên bố Hoa Kỳ "sẽ làm việc với các đồng minh", nhất là với Liên Hiệp Châu Âu, vốn cũng lên án những hành động của Trung Quốc về thương mại. Về phần Anthony Blinken, ông khẳng định phải hợp tác với các đồng minh, "thay vì bài bác họ". Theo ngoại trưởng tương lai của Mỹ, Washington "phải tham gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, thay vì rút ra khỏi các tổ chức đó".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 20/01/2021

**********************

Chuyên gia Trung Quốc nghĩ gì về quan hệ Mỹ-Việt dưới thời Biden

RFI tiếng Việt, 17/01/2021

Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 05/01/2021, có đăng bài "Liệu chính quyền Biden có thể giật dây Việt Nam để chống Trung Quốc ?", tác giả Lý Khải Sinh (Li Kaisheng) : Phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc.

hktq2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh chụp ảnh chung trước cuộc hội đàm tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/10/2020.  AP - Bui Lam Khanh

Nhận định đáng chú ý của chuyên gia Trung Quốc – cũng có thể hiểu như một lời cảnh báo - Đảng cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13 vào cuối tháng Giêng 2021, chính quyền Biden có thể "chiều chuộng" Việt Nam hơn và nếu có một sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo tại Hà Nội thì Mỹ và Việt Nam sẽ nhích lại gần nhau hơn.

*

Joe Biden chuẩn bị vào Nhà Trắng với tư cách tân tổng thống Mỹ vào ngày 20/01/2021. Khi vấn đề Biển Đông đã trở thành điểm nóng trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ và trong các hồ sơ quốc tế, cộng đồng quốc tế đang tự hỏi Biden sẽ có chính sách như thế nào để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng, thuộc tổ chức tư vấn Mỹ RAND Corporation, có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 04/01/2021, đã đăng một bài báo trên tạp chí The Diplomat (*). Grossman lập luận rằng khi chính quyền Biden xây dựng chiến lược Biển Đông, thì "một trong những đối tác khu vực có vị trí quan trọng là Việt Nam". Ông nói rằng chính quyền Biden có thể muốn xem xét, "tái hợp tác với Việt Nam để nâng 'quan hệ đối tác toàn diện' Việt - Mỹ thành 'quan hệ đối tác chiến lược'".

Chính phủ Donald Trump có chiến lược khôn khéo với Việt Nam. Một mặt, Washington dường như lôi kéo Hà Nội bằng cách tỏ thiện chí và nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc gắn bó với Việt Nam. Ví dụ, Washington đã cử các nhà ngoại giao hàng đầu thăm Hà Nội trong hai/10 và 11/2020. Vào/11, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam trong các tranh chấp biển với Trung Quốc. Mặt khác, vào/12, Washington lại gắn nhãn cho Hà Nội là nước thao túng tiền tệ. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại vị kỷ "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay. Washington cố gắng thuyết phục Hà Nội kiềm chế Bắc Kinh bằng cách chấm dứt lập trường trung lập trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Nhưng khi thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam lên cao kỷ lục, chính quyền Trump đã cáo buộc Hà Nội can thiệp không xác đáng vào thị trường ngoại hối. Ngay cả đối với các đồng minh, chính quyền Trump đã có lúc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy Washington có những động thái trái ngược như vậy đối với Hà Nội.

Châu Á có thể là nằm trong số những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Biden. Việt Nam là cường quốc Châu Á mới trỗi dậy, thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, Hoa Kỳ đã lợi dụng Việt Nam như là một công cụ để chống Trung Quốc. Do đó, Việt Nam sẽ là một ưu tiên trong các chính sách Châu Á của chính quyền Biden.

Đối với Biden, có thể dùng Việt Nam để kiểm soát Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể dự đoán là chính quyền Biden sẽ có một chính sách đối với Việt Nam nhất quán hơn và sẽ khoan dung hơn đối với Hà Nội về mặt thương mại.

Chính quyền Biden có thể dự tính tăng cường quan hệ song phương của Hoa Kỳ với Việt Nam. Cho dù từ nhiều năm nay, Mỹ đã can thiệp vào Biển Đông,với tư cách là một thế lực bên ngoài, ảnh hưởng của sự can thiệp này là hạn chế. Trong bối cảnh đó, ve vãn các bên có tranh chấp và đào sâu hố ngăn cách giữa họ và Trung Quốc là một giải pháp tốt cho Mỹ.

Các vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang bước vào thời điểm quan trọng. Việc ban hành một bộ Quy tắc mới (COC) là điều mà Washington không muốn thấy. Washington hiện có thể sử dụng các bên có tranh chấp ở Biển Đông để trì hoãn hoặc phá hoại các cuộc đàm phán. Philippines và Việt Nam là hai nước có tranh chấp chính. Philippines, mặc dù là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng đang duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte. Còn Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng Giêng 2021. Trong bối cảnh đó, chính quyền Biden sẽ chú ý hơn đến việc dụ dỗ Việt Nam.

Theo quan điểm của Hà Nội, Washington có thể sẽ hữu ích cho những nước có lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Một số người dường như nghĩ là có thể lợi dụng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông để kiềm chế các tuyên bố chủ quyền và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng quan hệ Trung Quốc - Việt Nam không chỉ có vấn đề Biển Đông. Ngày càng có nhiều người có xu hướng xem xét quan hệ Trung Quốc-Việt Nam trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Thậm chí, họ còn cảnh giác trước những nỗ lực của Mỹ nhằm kích động các diễn biến hòa bình ở Việt Nam và lo ngại Mỹ can thiệp quá mức vào vấn đề Biển Đông có thể khiến Trung Quốc tức giận và làm tổn hại các lợi ích của chính Việt Nam. Do vậy, những người này giữ thái độ thận trọng trước việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.

Nhưng nhìn chung, Việt Nam ngầm ủng hộ Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Dưới thời tổng thống Biden, Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực phục vụ Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu Hà Nội có những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo, thì có nhiều khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ xích lại gần nhau hơn.

Hồi tháng 08/2020, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Mỹ muốn thấy Việt Nam tham gia bộ Tứ mở rộng, vốn là một nhóm nước hợp tác không chính thức về an ninh, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Rõ ràng đây là một khối nhắm vào việc kiềm giữ Trung Quốc và là một chủ đề nhạy cảm đối với một số nước. Biden có thể hy vọng mở rộng bộ Tứ. Nhưng Việt Nam, gần gũi với Trung Quốc về địa chính trị, thương mại và ý thức hệ, sẽ cảnh giác khi tham gia cơ chế này. Việt Nam có thể mở rộng hợp tác chính trị và an ninh với chính quyền Biden một cách linh hoạt - nhưng sẽ không muốn bị ràng buộc hoàn toàn vào cơ chế này.

Nguồn : RFI, 17/01/2021

Ghi chú :

(*) What does Vietnam want from the US in the South China Sea? - Việt Nam muốn gì ở Mỹ tại Biển Đông - https://thediplomat.com/2021/01/what-does-vietnam-want-from-the-us-in-the-south-china-sea/

Published in Diễn đàn

Hoa Kỳ tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc, Việt Nam được lợi gì ?

Trung Kiên, Thoibao.de, 20/01/2021

Hoa Kỳ vừa ra lệnh hạn chế cấp visa đối với các quan chức thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vì đã tham gia vào hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo, quân sự hoá khu vực Biển Đông.

vietnam1

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 30 tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội.

Theo thông cáo báo chí được Ngoại trưởng Michael Pompeo đưa ra hôm 14 tháng Một năm 2021, lệnh hạn chế này áp dụng cụ thể đối với các cá nhân thuộc quân đội Trung Quốc, các lãnh đạo thuộc các công ty nhà nước, quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc đồng loã với việc xây dựng, mở rộng các đảo, quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông, hoặc gây sức ép lên các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực trong việc cản trở họ trong hoạt động khai thác tài nguyên ở khu vực này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông đang tìm kiếm việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm tên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế của Hoa Kỳ. Lý do vì CNOOC đã giúp chính phủ Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, CNOOC có hành động ép Quân đội Giải phóng Nhân dân đe dọa các nước láng giềng và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự – quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu.

CNOOC cũng nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, hôm 17/12/2020, Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng tàu chiến của quân đội nước này sẽ "quyết liệt" hơn khi phải đáp trả những vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng tại Biển Đông.

Là một trong những nước bị Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông, Việt Nam hưởng lợi gì khi Hoa Kỳ mạnh tay, mạnh miệng với Trung Quốc ?

Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng, Việt Nam có lợi chính là về mặt pháp lý khi Hoa Kỳ đồng quan điểm với Việt Nam và chỉ trích Trung Quốc. Ông nói :

"Nếu Mỹ thách thức Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là các hành động sai trái của Trung Quốc thì điều đó rất có lợi cho Việt Nam.

Bởi vì Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đang tranh chấp trên Biển Đông, mà Trung Quốc thì vẫn phớt lờ những lẽ phải và luật pháp quốc tế để đưa ra những yêu sách theo cách của họ mà Việt Nam không làm gì được vì không đủ tiềm lực.

Đặc biệt khi Mỹ có những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, gọi tắt là FONOP, vào khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa. Những điều Việt Nam không thể làm được.

Tuy nhiên cũng phải đặt ra vấn đề là Việt Nam phải tính toán, là khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng thì Việt Nam cũng trong vòng xoáy đó.

Trong cuộc chiến giữa hai kẻ mạnh thì cũng nguy hiểm cho Việt Nam vì Việt Nam thì yếu, như câu ‘trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết’".

Qua email trao đổi với RFA hôm 16 tháng Một năm 2021, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng, các hành động của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ có tác động hạn chế hoặc ít ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông giải thích:

"Việt Nam gián tiếp hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt này của Hoa Kỳ vì họ lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà Việt Nam đã phản đối từ lâu.

Nhưng các hành động của Hoa Kỳ sẽ không có tác động rõ ràng đến hành vi gây hấn của CNOOC hoặc Trung Quốc ở Biển Đông.

Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đều ra thông cáo báo chí chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao đã chỉ trích Trung Quốc về việc cải tạo, xây dựng, quân sự hóa và cưỡng chế quy mô lớn ở Biển Đông.

Bộ Thương mại đã chỉ ra sự quấy rối và đe dọa của CNOOC đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông của các quốc gia ven biển.

Những hành động này phần lớn mang tính biểu tượng vì CNOOC không có sự hiện diện thương mại lớn ở Hoa Kỳ.

Các hoạt động toàn cầu của CNOOC sẽ không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào vì lệnh cấm của Hoa Kỳ không áp dụng đối với hoạt động buôn bán hoặc liên doanh bên ngoài khu vực Biển Đông".

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vào tháng Bảy năm 2016, bác bỏ yêu sách đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.

Trước đó, hồi tháng Bảy năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo đã ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền hoàn toàn phi pháp của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Theo Washington, chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên tại Biển Đông cũng phi pháp. Hoa Kỳ khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình.

Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Giới chuyên gia cho rằng, dù hoa Kỳ có mạnh miệng hay mạnh tay với Trung Quốc đến đâu chăng nữa thì nội lực của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từng nhiều lần khẳng định với RFA rằng, từ năm 2007, việc quốc tế hóa, công khai hóa, phi nhạy cảm hóa hồ sơ biển Đông đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện để đấu tranh trong vấn đề Biển Đông.

Nhưng vấn đề minh bạch hóa tư liệu Biển Đông thì hiện nay giới nghiên cứu trong và ngoài nước phải trông chờ.

Phải minh bạch thì các nhà nghiên cứu mới có đủ cơ sở dữ liệu để tranh biện lại tất cả những ai nói ngược lại lịch sử, nói ngược lại với công pháp quốc tế, nói ngược lại những vấn đề mà Luật biển LHQ 1982 đã quy định nghĩa vụ và quyền lợi của những nước có biển, có đảo cũng như các quốc gia không có đảo.

Trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 15 tháng Một vừa qua, phía Mỹ khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, thịnh vượng", đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Giáo sư Carl Thayer đánh giá hình Biển Đông năm 2021 rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng.

Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp.

Quan chức Trung Quốc nói ‘thời Bắc Kinh trỗi dậy đã đến’

Quan chức an ninh hàng đầu Trung Quốc Trần Nhất Tân bình luận sự trỗi dậy của phương Đông và sự xuống dốc của phương Tây là xu thế. Ông cho rằng môi trường quốc tế đang có lợi cho Bắc Kinh.

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 15/1 cho biết ông Trần Nhất Tân (Chen Yi Xin), một quan chức an ninh hàng đầu của Trung Quốc, mới đây nói với các quan chức thi hành pháp luật nước này rằng thời kỳ dành cho sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đến.

Ông Trần Nhất Tân hiện là tổng thư ký Ủy ban Chính trị pháp luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan giám sát toàn bộ các cơ quan thực thi pháp luật, gồm cả lực lượng cảnh sát nước này.

Bình luận trên được đưa ra đầu tuần này khi ông chủ trì một cuộc họp nghiên cứu bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước liên quan tới những thay đổi địa chính trị trên toàn cầu.

Ông Trần Nhất Tân cho rằng trong lúc thế giới đã bước vào thời kỳ rối ren, môi trường quốc tế có lợi cho Trung Quốc.

"Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một đại lượng biến thiên lớn (của thế giới hiện nay)… ‘Đông lên Tây xuống’ là xu thế. Những thay đổi của môi trường quốc tế có lợi cho chúng ta (Trung Quốc)" – ông Trần Nhất Tân phát biểu.

Quan chức Trung Quốc này nói thêm : "Việc nước Mỹ kiềm chế, gây sức ép với Trung Quốc là một sự uy hiếp lớn. Nhưng cuộc đối đầu của chúng ta với Mỹ vừa là một cuộc chạm trán ngắn, vừa là một cuộc chiến kéo dài".

Ông Trần Nhất Tân nói rằng Trung Quốc vẫn là "quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới" và hiện nay đã bước vào một "giai đoạn phát triển mới" mà sẽ đòi hỏi nước này phải ưu tiên "phát triển chất lượng cao".

Tuy nhiên, ông nói với các quan chức thi hành pháp luật rằng để đạt mục tiêu đó, họ không được lơ là trong vấn đề giữ an ninh. "An ninh là tiền đề của phát triển. Không có an ninh, chúng ta không thể đạt được bất kỳ thứ gì" – ông nhấn mạnh.

Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), bình luận bài phát biểu của ông Trần Nhất Tân giúp biết được Bắc Kinh tự tin ra sao về tình hình hiện nay cùng những lo ngại của họ và cách nhìn về phương Tây.

"Các lãnh đạo Trung Quốc thật sự tin rằng Trung Quốc có thể trở thành ‘đèn chiếu ánh sáng dẫn hướng’ cho thế giới" – ông Alfred Wu nói.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 20/01/2021

*********************

Hoa Kỳ tiếp tục mạnh miệng với Trung Quốc, Việt Nam lợi gì ?

Diễm Thi, RFA, 16/01/2021

Hoa Kỳ vừa ra lệnh hạn chế cấp visa đối với các quan chức thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vì đã tham gia vào hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo, quân sự hoá khu vực Biển Đông.

hk1

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 30 tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội. AFP

Theo thông cáo báo chí được Ngoại trưởng Michael Pompeo đưa ra hôm 14 tháng Một năm 2021, lệnh hạn chế này áp dụng cụ thể đối với các cá nhân thuộc quân đội Trung Quốc, các lãnh đạo thuộc các công ty nhà nước, quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc đồng loã với việc xây dựng, mở rộng các đảo, quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông, hoặc gây sức ép lên các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực trong việc cản trở họ trong hoạt động khai thác tài nguyên ở khu vực này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông đang tìm kiếm việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm tên Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế của Hoa Kỳ. Lý do vì CNOOC đã giúp chính phủ Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, CNOOC có hành động ép Quân đội Giải phóng Nhân dân đe dọa các nước láng giềng và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự - quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu. CNOOC cũng nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, hôm 17/12/2020, Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng tàu chiến của quân đội nước này sẽ "quyết liệt" hơn khi phải đáp trả những vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng tại Biển Đông.

Là một trong những nước bị Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông, Việt Nam hưởng lợi gì khi Hoa Kỳ mạnh tay, mạnh miệng với Trung Quốc ? Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng, Việt Nam có lợi chính là về mặt pháp lý khi Hoa Kỳ đồng quan điểm với Việt Nam và chỉ trích Trung Quốc. Ông nói :

"Nếu Mỹ thách thức Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là các hành động sai trái của Trung Quốc thì điều đó rất có lợi cho Việt Nam. Bởi vì Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đang tranh chấp trên Biển Đông, mà Trung Quốc thì vẫn phớt lờ những lẽ phải và luật pháp quốc tế để đưa ra những yêu sách theo cách của họ mà Việt Nam không làm gì được vì không đủ tiềm lực.

Đặc biệt khi Mỹ có những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, gọi tắt là FONOP, vào khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa. Những điều Việt Nam không thể làm được.

Tuy nhiên cũng phải đặt ra vấn đề là Việt Nam phải tính toán, là khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng thì Việt Nam cũng trong vòng xoáy đó. Trong cuộc chiến giữa hai kẻ mạnh thì cũng nguy hiểm cho Việt Nam vì Việt Nam thì yếu, như câu ‘trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết’".

hk2

Tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông hôm 16/10/2019. AFP

Qua email trao đổi với RFA hôm 16 tháng Một năm 2021, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng, các hành động của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ có tác động hạn chế hoặc ít ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông giải thích :

"Các hành động của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ có tác động hạn chế hoặc ít ảnh hưởng đến Việt Nam. Việt Nam chỉ gián tiếp hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt này của Hoa Kỳ vì họ lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà Việt Nam đã phản đối từ lâu. Nhưng các hành động của Hoa Kỳ sẽ không có tác động rõ ràng đến hành vi gây hấn của CNOOC hoặc Trung Quốc ở Biển Đông.

Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đều ra thông cáo báo chí chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao đã chỉ trích Trung Quốc về việc cải tạo, xây dựng, quân sự hóa và cưỡng chế quy mô lớn ở Biển Đông. Bộ Thương mại đã chỉ ra sự quấy rối và đe dọa của CNOOC đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông của các quốc gia ven biển.

Những hành động này phần lớn mang tính biểu tượng vì CNOOC không có sự hiện diện thương mại lớn ở Hoa Kỳ. Các hoạt động toàn cầu của CNOOC sẽ không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào vì lệnh cấm của Hoa Kỳ không áp dụng đối với hoạt động buôn bán hoặc liên doanh bên ngoài khu vực Biển Đông."

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vào tháng Bảy năm 2016, bác bỏ yêu sách đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. Trước đó, hồi tháng Bảy năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo đã ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền hoàn toàn phi pháp của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Theo Washington, chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên tại Biển Đông cũng phi pháp. Hoa Kỳ khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Giới chuyên gia cho rằng, dù hoa Kỳ có mạnh miệng hay mạnh tay với Trung Quốc đến đâu chăng nữa thì nội lực của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từng nhiều lần khẳng định với RFA rằng, từ năm 2007, việc quốc tế hóa, công khai hóa, phi nhạy cảm hóa hồ sơ biển Đông đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện để đấu tranh trong vấn đề Biển Đông. Nhưng vấn đề minh bạch hóa tư liệu Biển Đông thì hiện nay giới nghiên cứu trong và ngoài nước phải trông chờ. Phải minh bạch thì các nhà nghiên cứu mới có đủ cơ sở dữ liệu để tranh biện lại tất cả những ai nói ngược lại lịch sử, nói ngược lại với công pháp quốc tế, nói ngược lại những vấn đề mà Luật biển LHQ 1982 đã quy định nghĩa vụ và quyền lợi của những nước có biển, có đảo cũng như các quốc gia không có đảo. 

Trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 15 tháng Một vừa qua, phía Mỹ khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, thịnh vượng", đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Giáo sư Carl Thayer đánh giá hình Biển Đông năm 2021 rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng. Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 16/01/2021

Published in Diễn đàn

Hoa Kỳ hạn chế cấp visa cho các quan chức Trung Quốc tham gia quân sự hóa Biển Đông

RFA, 14/01/2021

Hoa Kỳ hôm 14/1 vừa ra lệnh hạn chế cấp visa đối với các quan chức thuộc quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa vì đã tham gia vào hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo, quân sự hóa khu vực Biển Đông.

phat1

Tàu nạo vét của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa ở Biển Đông. Hình chụp từ máy bay tuần tra của Mỹ hôm 21/5/2015 - Reuters

Thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết lệnh hạn chế này áp dụng cụ thể đối với các cá nhân thuộc quân đội Trung Quốc, các lãnh đạo thuộc các công ty nhà nước, quan chức thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc đồng loã với việc xây dựng, mở rộng các đảo, quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, hoặc gây sức ép lên các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực trong việc cản trở họ trong hoạt động khai thác tài nguyên ở khu vực này.

Thông cáo viết : "Bắc Kinh tiếp tục gửi các hạm đội tàu cá, các tàu khảo sát được tàu của quân đội hộ tống đến hoạt động ở các vùng nước do các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền, quấy nhiễu hoạt động dầu khí của các quốc gia này trong khu vực, nơi Trung Quốc đã thất bạ trong việc đưa ra đòi hỏi về chủ quyền trên biển một cách hợp pháp và thống nhất".

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) vào tháng 7/2016, bác bỏ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.

Vào/07/ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần đầu tiên chính thức đưa ra lập trường của mình về đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Hoa Kỳ đã bác bỏ đòi hỏi này và ủng hộ phán quyết của tòa PCA.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông đang tìm kiếm việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật quốc tế.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy là Bắc Kinh dừng hành động lấn lướt ở Biển Đông", thông cáo viết.

*********************

Bộ Thương mại Mỹ đưa CNOOC vào danh sách đen kinh tế

RFA, 14/01/2021

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho biết họ đã thêm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế của Hoa Kỳ. Lý do vì CNOOC đã giúp Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông. Reuters đưa tin hôm 14/1/2021.

phat2

Trụ sở của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở Bắc Kinh ngày 29/7/2016 - AFP

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố sẽ thêm CNOOC vào danh sách trừng phạt, nhằm phong tỏa tài sản của tập đoàn này và cấm họ làm ăn với các công ty Mỹ.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross rằng : "Các hành động liều lĩnh và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và việc họ hung hăng thúc đẩy việc giành lấy tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm cho các nỗ lực quân sự hóa của mình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế".

Theo ông Wilbur Ross, CNOOC có hành động ép Quân đội Giải phóng Nhân dân đe dọa các nước láng giềng và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự - quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu. CNOOC cũng nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng lên tiếng về việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, tạo điều kiện cho Đảng cộng sản Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông để làm suy yếu quyền chủ quyền của các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực.

Bộ Thương Mại Mỹ cũng đưa một công ty Trung Quốc khác là Skyrizon vào danh sách người dùng quân sự đầu cuối (MEU) do có khả năng phát triển, sản xuất, bảo trì các thiết bị quân sự như động cơ máy bay quân sự.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng, đây là một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, nỗ lực mua lại và tập trung hóa các công nghệ quân sự nước ngoài gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 35 công ty của Trung Quốc bị Mỹ xác định là công ty của quân đội hoặc có liên quan quân đội Trung Quốc.

CNOOC và đại diện pháp lý của Skyrizon chưa bình luận gì về việc này.

Published in Châu Á

Báo mạng Asia Times vào ngày 4 tháng 12 đăng bài viết của tác giả David Hutt nói về tình thế của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay với tựa đề "Mỹ, Trung cạnh tranh đặt Việt Nam vào thế khó xử". Trong bài viết này, ông David Hutt đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay được khẳng định là ‘duy trì hiện trạng’.

chonlua1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà nội hôm 12/11/2017

Điều đó khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải cạnh tranh để giành được ảnh hưởng với Việt Nam, và để các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có lợi cho cả đôi bên.

Câu hỏi được đặt ra là liệu việc duy trì hiện trạng như vậy có lợi cho Việt Nam hay không trong khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn trong việc ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí ở các khu vực tranh chấp.

Hồi tháng 3 năm 2018, PetroVietnam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam.

Trước đó gần một năm, tháng 7 năm 2017, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03, khi Repsol xác nhận đã tìm thấy một mỏ khí đốt quan trọng.

Cả hai lô dầu khí này được cho là nằm gần hoặc trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông để đòi chủ quyền dù năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho rằng Việt Nam hiện đang ở một thế vừa có cơ hội vừa có thách thức vì cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần Việt Nam.

Nếu chính quyền Việt Nam giỏi điều hành thì sẽ biến nó thành cơ hội, còn không thì cơ hội sẽ thành thách thức. Ông giải thích :

"Trung Quốc luôn luôn muốn Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc (theo nghĩa hiện đại). Việt Nam có đường biên giới trên bộ sát với Trung Quốc, và Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc xuống ASEAN.

Còn về Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hiện đang thực hiện chính sách đặt Trung Quốc là một nhân vậy nguy hiểm.

Chính vì vậy Hoa Kỳ cần có các đối tác khác và Việt Nam là một đối tác mà Hoa Kỳ đang nhắm tới, bởi vì thứ nhất là Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc.

Nếu Việt Nam độc lập được sẽ giúp rất nhiều trong việc chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực dưới ; thứ hai là Việt Nam, một nước ASEAN có lịch sử, truyền thống hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Chính vì vậy nên Hoa Kỳ rất muốn tranh thủ Việt Nam".

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, thì Trung Quốc là một cường quốc đang lên và chắc chắn Trung Quốc sẽ khẳng định vị thế của mình không những trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, còn Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang xuống mà Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1 thế giới từ sau chiến tranh lạnh.

chonlua2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội hình trong lễ duyệt binh năm 2017

Tuy nhiên từ thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã nhận thấy Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh chiến lược ‘một mất một còn’, cho nên dưới thời Tổng thống Obama đã có chiến lược ‘Chuyển trục về Châu Á’ để tái cấu trúc mô hình hợp tác và phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.

Vì thế Việt Nam là một nước quan trọng và cần thiết trong chiến lược của Mỹ.

Với quan hệ Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi bằng cách phải liên kết với Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông nói :

"Việt Nam không thể di dời khỏi đường biên giới với Trung Quốc nên Việt Nam phải có chính sách hòa hoãn với Trung Quốc nhưng phải liên kết với thế giới bên ngoài, quan trọng là Hoa Kỳ.

Muốn vậy thì Việt Nam phải xây dựng được nội lực. Muốn vậy Việt Nam phải có sự đoàn kết, mà muốn có đoàn kết thì Việt Nam phải có tự do, dân chủ.

Tôi tin chắc rằng Đảng cộng sản đang có những bước chuẩn bị cho tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam".

Việt Nam chọn Mỹ hay Trung Quốc ?

Bài viết của tác giả David Hutt cũng đề cập đến một câu nói ở Việt Nam lâu nay về việc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam : "Đi với Trung Quốc thì mất nước ; đi với Mỹ thì mất đảng".

Luật sư Vũ Đức Khanh phân tích :

"Việt Nam đi với Trung Quốc thì không mất đảng nhưng chắc chắn là sẽ mất nước. Việt Nam đi với Mỹ không nhất thiết sẽ mất đảng nhưng lại có cái lợi là Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như tính độc lập của mình".

Từ nhiều năm qua, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam là "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, liệu chính sách đó có còn phù hợp ?

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định chuyện ‘đu dây’ là bình thường vì quốc gia nào cũng phải tìm cách cân bằng quyền lợi hết. Ông nói rõ hơn về trường hợp Việt Nam :

"Thực ra thì quốc gia nào cũng ‘đu dây’ chứ không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ cũng vậy. Hoa Kỳ một mặt chống Trung Quốc nhưng một mặt vẫn hợp tác chứ không đặt vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Quan điểm của Hoa Kỳ cũng đưa ra và hiểu được Việt Nam chỗ đó. Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không cần phải chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà là chọn như thế nào để tất cả cùng hài hòa để mà phát triển".

Hôm 24 tháng 11 năm 2019, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng một bài viết tố cáo Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc, với tựa đề "US can’t use energy cooperation with Vietnam to further its regional interests" (Tạm dịch : Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để tăng cường các lợi ích trong khu vực).

Bài viết cho rằng, Hoa Kỳ đã sử dụng việc tăng cường hợp tác với Hà Nội về năng lượng như một vỏ bọc để thúc đẩy Hà Nội tiến những bước lớn hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển, trong khi Việt Nam trông chờ Hoa Kỳ một sự đảm bảo cho những lợi ích kinh tế to lớn.

Bài báo dẫn lời đe dọa của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán cho các dự án chung với các nước khác nhưng sẽ không tha thứ cho bất kỳ tổn hại nào đối với chủ quyền của Trung Quốc.

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2 năm 2019, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.

Lúc đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng, "Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam".

Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021

chonlua3

Bản công hàm ngày 1/6/2020 phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong năm qua, một vài quốc gia ASEAN và một số quốc gia phương Tây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này được cho là giúp Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình dù sau mỗi đệ trình hay công hàm được gửi đi thì Trung Quốc lại ra công hàm phản đối.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng, việc hàng loạt các nước mở ra cuộc chiến công hàm phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và tố cáo những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm cho Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình.

Nhưng ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh rằng, cuộc chiến công hàm không giải quyết được vấn đề Biển Đông mà đây là vấn đề chiến lược toàn cầu. Chỉ khi nào mà Trung Quốc không còn đủ sức để cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây nữa thì lúc đó tình hình Biển Đông với có thể yên ắng. Ông đánh giá tình hình Biển Đông trong năm qua :

"Xét về tổng thể tình hình Biển Đông năm 2020 thì Trung Quốc vẫn kiên quyết phủ nhận phán quyết của tòa trọng tài và họ ngày càng hung hãn hơn ở Biển Đông. Họ tập trận rồi đưa tàu khảo sát, kể cả tàu cảnh sát biển, tàu tuần duyên…đi sâu vào các khu khai thác dầu khí của Việt Nam, ví dụ như lô 06.1.

Phải nói rằng ai cũng nghĩ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ vừa qua đã gây sức ép cho Trung Quốc góp phần làm cho Trung Quốc từ bỏ tham vọng trên Biển Đông. Nhận định như thế là sai.

Bản thân tôi nhận thấy việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Bashi rồi vào Biển Đông rồi diễn tập …thì cũng chỉ là thực hiện điều 17 của UNCLOS. Tức là thực hiện quyền tự do hàng hải chứ chưa bao giờ các lực lượng vũ trang của hải quân Mỹ áp sát vào khu 12 hải lý hoặc 500 mét của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng".

Hôm 1/6/2020 Mỹ gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982.

Mỹ cũng cho rằng các yêu sách về quyền lợi rộng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm cản trở quyền và tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác.

Úc hôm 23/7/2020 cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.

Gần đây nhất là hôm 16/9/2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một công hàm chung bác bỏ "các quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Công hàm chung này cũng đề cập đến hàng loạt công hàm Trung Quốc đã gửi cho Liên Hiệp Quốc trước đó.

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Duterte khẳng định "cam kết của Philippines ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016". Duterte tuyên bố phán quyết của tòa là một phần của luật pháp quốc tế và Phillipines kiên quyết từ chối những nỗ lực nhằm phá bỏ việc tuân thủ phán quyết này.

Tóm lại, khi Tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2016 thì hầu hết các quốc gia trong vùng tranh chấp đều công nhận hoặc giữ im lặng. Nhưng vào năm 2020, do hành vi của Trung Quốc trong bốn năm qua đã tạo cho các quốc gia khác đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm rõ rệt ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Trung Quốc đã bị cô lập về mặt ngoại giao".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì gọi việc các quốc gia phương Tây lên tiếng là một bước ngoặc, bởi trước đây họ không nói gì cả, họ chỉ nói là phải tôn trọng luật pháp.

Dù tất cả những công hàm cũng chỉ dựa trên công ước quốc tế về luật biển chứ không dựa trên một cái gì khác, nhưng điều này rất có lợi cho các nước Đông Nam Á.

chonlua4

Vào lúc 11 giờ trưa ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông do Philippines đứng đơn kiện

Tháng 7 năm 2016 Philippines được tòa quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò. Năm nay Mỹ và các nước tái khẳng định điều đó. Ông Hà Hoàng Hợp phân tích thêm :

"Nói đến ASEAN là mình chỉ nói đến ba nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia) chứ những nước khác họ sợ Trung Quốc. Họ có quyền lợi về kinh tế, văn hóa, lịch sử hoặc sắc tộc liên quan đến Trung Quốc. Họ sợ Trung Quốc nên họ đưa ra cái luận điểm là không theo bên nào, không đứng về phía bên nào cả. Vừa chiều lòng được Trung Quốc vừa chiều lòng Mỹ.

Hơn nữa, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump có những hành động và chính sách rất rõ ràng với Trung Quốc thì có những nước nể sợ Trung Quốc bắt đầu có những hành động phê phán chính quyền của Donald Trump. Đấy là sự thật !".

Theo ông Đinh Kim Phúc, một số nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhấn mạnh Việt Nam không từ bỏ vấn đề pháp lý, tức là sẽ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tòa án quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam chọn bước đi nào trong vấn đề đấu tranh với Trung Quốc trên thực địa khi nguyên thủ Việt Nam vẫn khẳng định tình hữu nghị Việt Trung là dòng chảy chính trong mối quan hệ hai nước ?

Nếu năm tới Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam sẽ chọn nội dung gì, kiện tòa nào và có chắc thắng hay không vì tất cả những vấn đề trong mối quan hệ Việt Trung chưa được giải mã.

"Hồ sơ Biển Đông đã được Quốc tế hóa ; Công khai hóa ; Phi nhạy cảm hóa. Bây giờ phải Minh bạch hóa nữa thì mới đánh giá được trận chiến này sẽ tiếp diễn như thế nào" – ông Đinh Kim Phúc kết luận.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 22/12/2020

Published in Diễn đàn

Lãnh đạo tình báo Mỹ : Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ"

Thu Hằng, RFI, 04/12/2020

Mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ còn tiếp tục căng thẳng. Người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ và tự do trên thế giới kể từ Thế Chiến II". Trong khi đó, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc cho rằng sẽ "không thể khôi phục được" nhiều thiệt hại trong mối quan hệ Trung-Mỹ.

kethu1

John Ratcliffe, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, cảnh báo Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ".  Reuters - POOL New

Trong mục Ý kiến trên báo The Wall Street Journal ngày 03/12, ông John Ratcliffe, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ lên án việc Bắc Kinh đánh cắp bí mật kinh doanh và công nghệ quốc phòng của Mỹ. Ông cho rằng Trung Quốc hiện là mối đe dọa lớn nhất cho Hoa Kỳ. Để minh họa cho điều đó, ông thuật lại các hoạt động thường xuyên của điệp viên Trung Quốc sử dụng sức ép kinh tế để gây ảnh hưởng hoặc thỏa hiệp với các nhà lập pháp Hoa Kỳ.

Theo AFP, trong buổi họp báo ngày 04/12, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã bác bỏ những cáo buộc mà bà xem là "gian dối và tin đồn nhằm hạ uy tín Trung Quốc"Ngoài ra, vẫn theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc "hy vọng các nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng sẽ tôn trọng thực tế và ngừng tuyên truyền virus chính trị và những lời giả dối được dàn dựng".

Cáo buộc của người đứng đầu ngành tình báo Mỹ được đưa ra vào lúc Washington gia tăng sức ép với Bắc Kinh, với biện pháp gần đây nhất là trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc và hạn chế việc cấp thị thực đối với đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc.

Trước loạt biện pháp cứng rắn của Mỹ, China Daily, cơ quan ngôn luận tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc, được Reuters trích dẫn ngày 04/12, cảnh báo nhiều thiệt hại trong mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ "không thể khôi phục được", cho dù tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden tỏ thiện chí giảm bớt căng thẳng, bởi vì, theo tờ báo này, mối quan hệ song phương hiện đang trên "đà nguy hiểm".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 04/12/2020

***********************

Ngăn chặn Bắc Kinh : Mỹ cần triển khai quân tại nhiều nước ven Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 04/12/2020

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ khẳng định Hoa Kỳ cần gia tăng gấp bội lực lượng Hải Quân tại Tây Thái Bình Dương, từ đây đến năm 2045, để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc kiểm soát vùng biển này. Quân đội Mỹ cũng cần triển khai một số lực lượng "trên bộ" tại Philippines, Việt Nam và Úc.

kethu2

Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Ảnh 11/09/2020.  Reuters – Erin Scott

Trên một diễn đàn về quân sự hôm qua, 03/12/2020, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley cho biết, Lầu Năm Góc sẽ phải nâng số tàu chiến hiện nay, từ 300 lên 500, trước năm 2045, và một phần tư trong số tàu chiến đó sẽ được tự động hóa. Quân đội Mỹ cũng phải được trang bị thêm 90 tàu ngầm. Danh sách các phương tiện cần bổ sung sẽ không bao gồm các hàng không mẫu hạm, mục tiêu dễ tấn công của các tên lửa tầm xa Trung Quốc.

Trong số các đề xuất của tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, có dự kiến bố trí nhiều đơn vị tại các quốc gia đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, như Philippines, Việt Nam và Úc. Các đơn vị trên bộ tại các quốc gia này sẽ được trang bị các bệ phóng hỏa tiễn tầm xa, để đối phó với tàu chiến Trung Quốc.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ khẳng định : việc gia tăng lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương không nhằm gây chiến tranh với Trung Quốc, mà là để bảo đảm Bắc Kinh không dám phát động chiến tranh. Theo tướng Mark Milley, một hạm đội hiện đại như trên là "phương tiện răn đe hiệu quả nhất".

Nhìn chung, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tổng tham mưu trưởng Mỹ nhấn mạnh đến cuộc cạnh tranh về công nghệ đỉnh cao để giữ ưu thế. Vũ khí tự động hóa sẽ trở thành phổ biến trong từ10 đến 15 năm tới và Trung Quốc hiện đang nhanh chóng phát triển lĩnh vực này. Theo ông Mark Milley, với các công nghệ cao, quân đội Mỹ có thể triển khai ở nước ngoài, với số lượng ít hơn, nhưng được trang bị tốt hơn. Trí tuệ nhân tạo, người máy, các vũ khí chính sách, vũ khí siêu thanh… sẽ là những nhân tố tạo ra "thay đổi triệt để" trên chiến trường.

Theo AFP, tướng Mark Milley được dự báo là sẽ tiếp tục tại vị, cho dù ông Donald Trump rời Nhà Trắng. Quan điểm của tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ là cần giảm số lượng quân nhân Mỹ đồn trú thường trực tại một số quốc gia. Tướng Mark Milley khẳng định "các đơn vị nhỏ hơn, cơ động hơn, rất khó định vị, sẽ là yếu tố quyết định trong lĩnh vực quân sự tương lai".

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 04/11/2020

Published in Diễn đàn

Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho thấy 54% người Mỹ xem Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ (Nga đứng thứ hai với tỷ lệ 22%).

kethu1

Ảnh chụp màn hình phần giới thiệu về khảo sát với công chúng Mỹ trong báo cáo "Định hình tương lai chính sách của Mỹ với Trung Quốc" của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)

Đây là kết quả cuộc khảo sát của CSIS có trụ sở ở thủ đô Washington được công bố ngày 13/10 trong bản báo cáo có tựa đề "Định hình tương lai chính sách của Mỹ với Trung Quốc".

Cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 08 với 1.000 người thuộc công chúng Mỹ và 440 chuyên gia về an ninh quốc gia và các lĩnh vực khác từ các doanh nghiệp, cộng đồng học thuật, nhân quyền và an ninh tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ.

Khảo sát cho biết 84% tức khoảng 4/5 các chuyên gia về an ninh quốc gia và các lĩnh vực khác ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ tin rằng hiện tại Mỹ có thể chiến thắng một cuộc chiến với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khi được hỏi ai sẽ dẫn đầu trong một thập niên nữa thì chỉ còn 56% các chuyên gia về an ninh quốc gia và các lĩnh vực khác ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ tin rằng Hoa Kỳ thắng thế trong mười năm nữa. Bởi Trung Quốc đã và đang mở rộng nhanh chóng quy mô của lực lượng vũ trang, mặc dù Mỹ vẫn vượt xa hầu hết ở nhiều lĩnh vực.

Khảo sát cũng cho biết người nhiều người Châu Á tin vào sự chiến thắng của quân đội Hoa Kỳ trước Trung Quốc nếu có bất kỳ cuộc xung đột nào hơn người Châu Âu nhưng hầu hết đều nhìn nhận cho rằng ít có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang.

Về chính sách kinh tế của Mỹ với Trung Quốc, nhiều người khuyến nghị nên giao thương có chọn lọc với Trung Quốc và không nên theo chiến lược "tách rời" kinh tế của chính quyền Trump.

Hơn 2/3 chuyên gia ở Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu ủng hộ việc cấm Huawei và các công ty Trung Quốc khác khỏi thị trường 5G, nhưng cũng có một số quan tâm việc tiếp tục buôn bán các linh kiện viễn thông với Trung Quốc

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 71% các chuyên gia Mỹ và 42% công dân Mỹ tin rằng việc chính quyền Trump dựa vào các việc đưa ra các đe dọa, thuế quan và các công cụ khác để đáp trả các chính sách kinh tế của Trung Quốc đã làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của Mỹ, mà không đem đến thay đổi tích cực ở Trung Quốc.

Khi được hỏi cách tốt nhất để chống lại Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh quốc gia, 4/5 các chuyên gia Mỹ, 3/4 chuyên gia nước ngoài và 45% công chúng Mỹ cho biết, họ tin rằng hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng là cách tiếp cận tốt nhất.

Điều này trái ngược với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương và ưu tiên các chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Cũng theo khảo sát này, 61% các chuyên gia, các nhà lãnh đạo tư tưởng ở Châu Á và Châu Âu nói rằng Joe Biden sẽ có vị thế tốt hơn trong việc đối phó với Trung Quốc.

Đặc biệt, cuộc khảo sát cũng cho thấy sự ủng hộ tương đối mạnh mẽ của công chúng Mỹ đối với việc bảo vệ các đối tác của Washington trong khu vực, gồm Đài Loan, trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và gần đây tăng cường các hoạt động quân sự gần hòn đảo này.

Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, cho biết "ngày càng có nhiều lo ngại tại Mỹ về Trung Quốc và những thách thức từ Trung Quốc", trong khi sự ủng hộ của công chúng Mỹ dành cho Đài Loan ngày càng tăng.

kethu2

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại CSIS

Giới chức Hoa Kỳ đã từng nhiều lần tố cáo Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của siêu cường thế giới này.

Mới đây, nhân dịp công bố bản báo cáo của Bộ An ninh Nội địa, quyền Bộ trưởng Mỹ Chad Wolf có cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS News hôm 05/10/2020. Ông nhấn mạnh là đối với an ninh nội địa của người Mỹ, Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược quan trọng nhất về dài hạn", "lối sống Mỹ thực sự bị Trung Quốc đe dọa".

Trong hiện tại, gián điệp mạng và tấn công tin học là các hiểm họa đáng lo nhất, cùng với nạn hàng y tế giả mạo. Riêng trong đợt dịch Covid-19, đã có hơn 1 triệu bộ xét nghiệm Covid do Trung Quốc sản xuất bị cơ quan chức năng Hoa Kỳ cấm sử dụng, 75.000 khẩu trang giả bị tịch thu. Nhưng điều nghiêm trọng hơn, theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, là Bắc Kinh lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng y tế để gây áp lực buộc chính phủ Mỹ phải đưa ra các chính sách có lợi cho Trung Quốc.

Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ, hồi tháng 9 cáo buộc Trung Quốc tìm cách làm suy yếu trật tự quốc tế và coi Bắc Kinh là "mối đe dọa chiến lược".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng trong 09 vừa qua đã tuyên bố không phải Nga mà Trung Quốc mới là thế lực nước ngoài gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. Ông Pompeo cho biết ưu tiên lớn nhất của chính quyền Trump là giúp người Mỹ hiểu mối đe dọa Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.

Ông Pompeo nhấn mạnh : "Trung Quốc đang xây dựng quân đội của họ, xâm nhập vào Mỹ theo những cách mà Nga không làm trước đây. Sức mạnh kinh tế của họ đã được sử dụng thông qua các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp cho các công ty để phá hủy hàng chục nghìn việc làm trên khắp nước Mỹ, đó là hành vi không thể chấp nhận được".

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm : "Tổng thống Trump sẽ không cho phép điều này tiếp tục xảy ra… Chúng ta hiện đang hứng chịu hậu quả nặng nề từ virus Vũ Hán, thứ mà lẽ ra Trung Quốc đã có cơ hội làm chậm lại, ngăn chặn nó hoặc cho thế giới biết điều gì đang diễn ra… Thay vì tiết lộ đầy đủ thông tin cho chúng ta, họ lại che đậy. Điều này khiến hàng nghìn người thiệt mạng cùng việc tổn thất hàng tỷ USD tại Mỹ và trên toàn thế giới. Tổng thống Trump vẫn đang nỗ lực đảm bảo chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại tại Mỹ".

kethu3

Quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf

Hồi tháng 7, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray gọi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách vượt Mỹ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới bằng một chiến dịch "đánh cắp và gây ảnh hưởng".

Tổng thống Trump, tại lễ tiếp đón Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Nhà Trắng hôm 20/09/2019 từng cáo buộc Trung Quốc là mối đe dọa với thế giới vì nước này đang phát triển lực lượng quân sự với tốc độ nhanh chóng.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley năm 2019 cũng cảnh báo Trung Quốc là mối đe dọa chính với Washington trong 50-100 năm nữa sau khi Bắc Kinh học được nhiều bài học từ các cuộc chiến của quân đội Mỹ.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ ngày 11/07/2019, tham mưu trưởng lục quân Mỹ Mark Milley nhấn mạnh Trung Quốc sẽ là mối đe dọa chính cho quân đội Mỹ trong khoảng 100 năm tới.

Lý do ông Milley đưa ra tuyên bố nêu trên là vì Trung Quốc đã nghiên cứu và thu thập cách chiến đấu chống Mỹ hiệu quả qua việc quan sát các cuộc chiến mà Washington tham gia tại Trung Đông trong những năm qua.

Tướng Milley nói : "Trung Quốc học hỏi từ chúng ta. Họ theo dõi chúng ta rất kỹ từ Chiến tranh vùng Vịnh lần một (1990-1991) đến Chiến tranh vùng Vịnh lần hai (Chiến tranh Iraq năm 2003). Họ quan sát năng lực của chúng ta và đã bắt chước theo bằng nhiều cách. Họ đã áp dụng nhiều học thuyết và cách tổ chức của chúng ta",.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ JCS của Mỹ nhận định Trung Quốc đang cải thiện năng lực quân đội rất nhanh từ các khu vực tác chiến truyền thống như trên bộ, trên không và trên biển cho đến các lĩnh vực như không gian vũ trụ, không gian mạng.

Khảo sát của CSIS không phải khảo sát duy nhất cho thấy, thế giới ngày càng mất dần thiện cảm với Trung Quốc.

Trước đó, theo một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Hoa Kỳ thực hiện, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua tại 9 trên 14 quốc gia được khảo sát.

Trong số 9 nước này, Thụy Điển có tỷ lệ phần trăm quan điểm bất lợi cho Trung Quốc cao nhất với tỷ lệ là 85%, tiếp theo là Úc (81%), Hàn Quốc (75%), Vương quốc Anh (74%), Hoa Kỳ (73%), Canada (73%), Hà Lan (73%), Đức (71%) và Tây Ban Nha (63%).

Pew đã thăm dò ý kiến ​​ca 14.276 người trưởng thành ở 14 quốc gia từ ngày 10/06 đến ngày 03/08 năm nay, và công bố phát hiện của mình vào ngày 06/10 vừa qua.

Trong số tất cả các quốc gia được khảo sát, Nhật Bản có tỷ lệ người được hỏi có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc cao nhất, ở mức 86%, mặc dù đó không phải là mức cao lịch sử đối với quốc gia Châu Á này.

Trong khi đó, quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc tại Úc đã có bước nhảy vọt lớn, tăng 24% so với một năm trước.

Cùng với đó, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng 13% so với năm ngoái. Và tỷ lệ này đã tăng 20% kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào năm 2017.

Pew cũng khảo sát quan điểm của người dân về cách Trung Quốc đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), do virus Corona Vũ Hán gây ra. Loại virus này có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc, đã lây nhiễm cho hơn 7,5 triệu người và gây ra cái chết cho hơn 211.900 người ở Hoa Kỳ.

Theo cuộc khảo sát của Pew, trung bình 61% số người được hỏi cho biết, Trung Quốc đã làm rất tệ trong việc xử lý ổ dịch. Ba quốc gia có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với phản ứng đại dịch của Trung Quốc đều ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đó là : Nhật Bản và Hàn Quốc (đều ở mức 79%) và Úc (73%).

Trong khi đó, 64% số người được hỏi ở Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đã phản ứng tệ trong đại dịch, cao hơn 3% so với tỷ lệ ở Canada. Đan Mạch dẫn đầu các quốc gia Châu Âu có đánh giá tiêu cực nhất về phản ứng đại dịch của Trung Quốc với mức 72%.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 16/10/2020

Published in Diễn đàn

Donald Trump kịch liệt lên án Trung Quốc tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc

Trong bài phát biểu đặc biệt dữ dội, tổng thống Mỹ nhấn mạnh : "Ngay khi đại dịch vừa xuất hiện, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay nội địa nhưng lại cho phép con virus lan tràn ra các nước bên ngoài". Một lần nữa ông gọi Covid-19 là "virus Trung Quốc".

lhq1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước kỳ họp thứ 75 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09/2020 qua video thu hình sẵn.  Reuters – Mike Segar

Le Figaro  Libération hôm nay dành tựa chính cho vấn đề di dân tại Châu Âu. Le Monde tỏ ra lo lắng khi tốc độ tan băng ở Bắc cực tăng nhanh. La Croix quan tâm đến quy định dùng thuốc trừ sâu đối với nhà nông, còn Les Echos nói về việc sáp nhập các tập đoàn Veolia và Suez. 

Về quan hệ quốc tế, Les Echoscho biết "Donald Trump tấn công mãnh liệt Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc". Dù tổng thư ký António Guterres bày tỏ lo ngại thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, sự đối địch Mỹ-Trung chiếm lĩnh ngày khai mạc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 75, lần đầu tiên được tổ chức qua video do đại dịch. 

Tổng thống Donald Trump lại tố cáo "virus Trung Quốc"

Trong bài phát biểu đặc biệt dữ dội, tổng thống Mỹ kêu gọi Liên Hiệp Quốc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, và nếu cần, phải trừng phạt Bắc Kinh. Tổng thống Trump nhấn mạnh : "Ngay khi đại dịch vừa xuất hiện, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay nội địa nhưng lại cho phép con virus lan tràn ra các nước bên ngoài". Một lần nữa ông gọi Covid-19 là "virus Trung Quốc".

Nhân dịp này Donald Trump cũng lên án việc Bắc Kinh đổ "hàng triệu tấn plastic vào các đại dương", càn quét nguồn lợi hải sản, phát thải khí carbone nhiều hơn Hoa Kỳ ít nhất hai lần… Tổng thống Mỹ cứng rắn trước Trung Quốc và Iran, đồng thời chứng tỏ là người xúc tiến hòa bình. Ông nói : "Tôi chưa bao giờ lạc quan về tương lai của Trung Đông đến thế. Chúng tôi sử dụng phương pháp khác và đã mang lại các kết quả tốt đẹp hơn", ý nói thỏa thuận mới đây giữa Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrein. 

"Nước Mỹ thực hiện sứ mệnh kiến tạo hòa bình, nhưng dựa trên sức mạnh. Chúng tôi chưa bao giờ sở hữu những vũ khí mãnh lực cao đến thế, và tôi cầu nguyện Thượng đế là đừng bao giờ phải sử dụng đến". Cũng theo Donald Trump, Liên Hiệp Quốc cần tập trung vào "những vấn đề thực sự" như khủng bố, buôn ma túy, thanh lọc các thiểu số tôn giáo, nữ quyền…

Trước những cáo buộc của ông Donald Trump mà Tập Cận Bình cho là "vô căn cứ", chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh đến đa phương, cho biết "không hề có ý định tiến hành chiến tranh lạnh". Ông Tập nói rằng đã đóng góp 50 triệu đô la cho kế hoạch chống dịch của Liên Hiệp Quốc, khoe khoang nỗ lực của 1,4 tỉ người Trung Quốc để chiến thắng con virus.

Về phía tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "xây dựng lại một trật tự thế giới mới", không thể chỉ là sự đối địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói : "Chúng ta không còn có thể tự hài lòng với chủ nghĩa đa phương trên cửa miệng". 

Trung Quốc, cường quốc chuyên gây chia rẽ

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, chuyên gia Alice Ekman của Viện nghiên cứu An ninh Liên Hiệp Châu Âu nhận xét "Bắc Kinh muốn tránh né những chỉ trích tập thể của nhiều nước". 

Nhà nghiên cứu nhận thấy Tập Cận Bình từ khi xảy ra đại dịch đã tìm cách ca ngợi việc xử lý khủng hoảng của Đảng cộng sản, thông qua một chiến dịch tuyên truyền đại quy mô. Thái độ này khiến rất nhiều nước bực tức, nhất là Châu Âu, vốn đã bất bình về tình hình Hồng Kông và Tân Cương. Tuy nhiên một số nước như Lebanon, Kenya, Pakistan do nhận được các trợ giúp y tế của Bắc Kinh, không có cùng quan điểm. 

Alice Ekman nhấn mạnh, Trung Quốc là một cường quốc chuyên gây chia rẽ. Bắc Kinh cố gắng "mở rộng vòng thân hữu", lập ra danh sách càng dài càng tốt những nước nào ủng hộ "Con đường tơ lụa mới", và các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông. Mục tiêu là chận trước những chỉ trích của các nhóm nước ở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương khác. 

Trong số "thân hữu", Trung Quốc dựa vào Nga, cũng đang muốn chia sẻ chiếc bánh khi Mỹ không còn đóng vai "sen đầm quốc tế". Do thế giới lưỡng cực vẫn chưa rõ rệt và còn đang tiến triển, Bắc Kinh có lợi khi lập quan hệ đối tác càng nhiều càng tốt, kể cả với những nước đồng minh của Hoa Kỳ. Cho dù Donald Trump là kẻ thù đáng sợ nhất của Tập Cận Bình, nhưng dù ông Trump hay Biden đắc cử, Trung Quốc vẫn chuẩn bị cho việc tách biệt giữa hai nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ. 

Trả lời câu hỏi, phải chăng trong nội bộ vị thế của Tập Cận Bình đã yếu đi do kinh tế chậm lại vì đại dịch, nhà nghiên cứu xác nhận điều này, nhưng cho biết khó thể đánh giá mức độ, vì đảng có các phương tiện hùng hậu để kiểm soát về công nghệ và con người. Tập Cận Bình nói muốn "nạo chất độc đến tận xương", đòi hỏi ngoài giám sát bằng công nghệ, còn phải tự kiểm, giám sát lẫn nhau, tố cáo. Alice Ekman cho biết rất ấn tượng trước tâm trạng sợ hãi của các cán bộ đảng, "đôi khi sự im lặng nói được nhiều hơn từ ngữ". 

Nhậm Chí Cường 18 năm tù giam : "Chú hề" đại đế đã trả thù

Về vấn đề thanh trừng, Le Figarocho biết "Trung Quốc kết án nặng nề một nhân vật chỉ trích Tập Cận Bình", Libérationnói về "Nhậm Chí Cường, một tên tuổi lớn bị trừng phạt". Đại gia địa ốc từng đả kích việc xử lý đại dịch của chủ tịch Trung Quốc vừa bị kết án 18 năm tù giam. 

"Đại bác" không còn lên tiếng nữa. Tòa án Trung Quốc hôm 22/09 đã tuyên bản án nặng nề cho Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), có biệt danh là "khẩu đại bác" vì những tuyên bố thẳng thừng, một trong những nhân vật cuối cùng còn dám phản đối sự thâu tóm quyền hành của Tập Cận Bình. Phiên tòa được xử kín, khu phố được công an canh gác cẩn mật. Theo tòa án, bị cáo đã "thú nhận mọi tội lỗi" : "tham nhũng", "biển thủ", "lạm dụng quyền lực".

Nhậm Chí Cường là một trong những khuôn mặt hàng đầu của giới "tinh hoa đỏ" chủ trương mở cửa kinh tế. Ông tố cáo xu hướng độc đoán từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, và khi xảy ra đại dịch, ông mỉa mai : "Chúng ta nhìn thấy một thằng hề trần truồng nhưng luôn quyết tâm đóng vai đại đế". Câu nói này lan tràn trên mạnh nhanh như chớp : Nhậm Chí Cường có đến 37 triệu người theo dõi trên mạng Vi Bác.

Hôm qua, "chú hề" đã trả thù : ngoài 18 năm tù giam, Nhậm Chí Cường còn bị phạt 620.000 đô la sau khi bị khai trừ đảng hồi tháng Bảy vì "thiếu trung thành". Tại Bắc Kinh, nhiều người thấy rõ rằng vụ án mang danh nghĩa kinh tế này thực chất là vụ án chính trị, và 18 năm tù thực ra là bản án chung thân đối với nhà đối lập đã 69 tuổi. 

Thái Hà (Cai Xia), cựu giảng viên Trường Đảng trung ương nay lưu vong ở Mỹ nhận xét, vụ này "đe dọa thẳng thừng 92 triệu đảng viên, khiến họ phải ngoan ngoãn như nô lệ của Tập". Bà khẳng định Nhậm Chí Cường là một người không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền, "được tất cả những người công chính trong và ngoài đảng tôn trọng và tin tưởng". 

Vũ Hán : "Chiến thắng" trước virus đã được đưa vào Bảo tàng Cách mạng

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echoscó bài điều tra "Vũ Hán, tủ kính trưng bày của ‘chiến thắng’ trước con virus". Còn Le Monde trong bài giới thiệu cuốn nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương (Fang Fang), cũng khởi đầu bài viết với cùng nhận định : vào lúc thế giới lao đao do con virus xuất phát từ Vũ Hán và đang lo sợ một đợt bùng phát thứ hai, Bắc Kinh lại không hề tỏ ra khiêm tốn khi tưng bừng mừng "chiến thắng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng".

Nhưng không phải ai cũng hân hoan trước các lễ hội hoành tráng, ở một thành phố chiếm đến 80% tổng số nạn nhân của con virus trên toàn quốc. Một nghệ sĩ trẻ ẩn danh nói : "Chính quyền phong người dân làm anh hùng để chúng tôi quên đi mình là nạn nhân". Một nữ y tá cho biết : "Ngay cả sau khi đã dựng lên các bệnh viện dã chiến, số người xếp hàng vẫn rất đông, tôi có cảm giác cả thành phố đều nhiễm bệnh". Cho đến bây giờ, mỗi đêm cô đều bị những người chết ám ảnh. Nhiều người vẫn chưa quên những dối trá lúc ban đầu và chậm trễ của chính quyền.

Thế nhưng con virus đã được đưa vào viện bảo tàng : tại Bảo tàng Cách mạng, người ta trưng bày những hình ảnh và hiện vật về cuộc chiến chống virus corona. Và thực tế sau khi giải tỏa không mang màu hồng như tuyên truyền : GDP Vũ Hán mất 40%, taxi, nhà hàng… đều than thở mất khách. Từ ngày 16/09 các chuyến bay quốc tế đã mở lại, CCTV chiếu cảnh hành khách người Hoa từ các nước về phải chịu xét nghiệm và cách ly tại các khách sạn được chỉ định. Nguy cơ dịch bệnh giờ đây là từ nước ngoài !

Về cuốn nhật ký xuất bản tại Pháp của Phương Phương mang tên "Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa" với dòng chữ giới thiệu "Để con cháu chúng ta biết được những gì đã xảy ra tại Vũ Hán", Le Monde cho rằng thành công của cuốn sách là nhờ tính chân thực của người trí thức. Tác giả ghi nhận nỗ lực của ủy ban khu phố, tình tương thân tương ái của cư dân, nhưng đặt câu hỏi : Tại sao lại chậm trễ đến 20 ngày mới phong tỏa, để cho con virus mặc sức tung hoành ? Ai chịu trách nhiệm ? Bà đòi thực thi công lý, các nhà báo phải được tự do đưa tin, những ai sai phạm phải bị trừng phạt, và phẫn nộ khi các quan chức vui vẻ giơ cao lá cờ, vào ngày Tập Cận Bình đến Vũ Hán khi đã hết dịch.

Mỹ bắt một điệp viên Trung Quốc len lỏi vào ngành cảnh sát

Le Figaro cho biết về "Một điệp viên Trung Quốc xâm nhập lực lượng cảnh sát Mỹ". Baimadajie Angwang, giả danh người tị nạn chạy trốn sự đàn áp của Bắc Kinh, đã bị bắt hôm thứ Hai 21/09 và có nguy cơ lãnh án đến 55 năm tù. 

Từ cuộc điều tra bí mật của NYPD và FBI, một hồ sơ 24 trang cho thấy các hành vi của bị cáo 33 tuổi. Đến Mỹ bằng visa trao đổi văn hóa, Angwang được gia hạn lưu trú và sau đó xin tị nạn chính trị, nói rằng bị bắt và tra tấn vì gốc gác Tây Tạng. Sau khi được nhập quốc tịch Mỹ, Angwang thi đậu vào ngành cảnh sát New York năm 2016. Tuy nhiên thực ra cha mẹ Angwang đều là đảng viên, người anh (hoặc em trai) là quân nhân dự bị, và "người tị nạn chính trị" này lại thường xuyên đi về Hoa lục mà không có vấn đề gì. 

Các tiếp xúc với lãnh sự quán Trung Quốc ở New York có từ năm 2014, trước khi trở thành cảnh sát. Angwang trao đổi 53 lần bằng điện thoại hoặc tin nhắn với viên chức Trung Quốc đầu tiên, và sau đó 55 lần với người phụ trách anh ta. Các cuộc điện thoại được nghe lén cho thấy Angwang gọi người này là "Boss", và đề nghị thâm nhập vào giới đối lập Tây Tạng lưu vong, trong khi "Boss" làm việc tại lãnh sự quán với danh nghĩa cán bộ của một "hiệp hội Trung Quốc bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Tạng". 

Chỉ trong vòng một tháng vào năm 2016, Angwang chuyển 150.000 đô la cho người anh (em), trong khi lương chỉ có 53.000 đô la/năm. Anh ta bị truy tố bốn tội danh và bị tạm giam, không được tại ngoại hầu tra. Với số tiền lớn trong tài khoản của Angwang, chính quyền liên bang cho rằng "có nguy cơ lớn là bị cáo sẽ đào tẩu".

Thụy My

Published in Quốc tế

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những biện pháp cứng rắn ở Biển Đông

RFA, 04/09/2020

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định những biện pháp cứng rắn gần đây của Hoa Kỳ với Trung Quốc trên Biển Đông là điều tất yếu và sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

bd1

Tàu chiến Mỹ ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng tại đây đang gia tăng - Photo : RFA

Đại sứ Hoa kỳ (HK) tại Việt Nam (VN) Daniel Kritenbrink đã nói điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn với mạng báo Tiền Phong trong nước vào ngày 3/9.

Đại sứ HK cho rằng "Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở Biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó".

Đại sứ Kritenbrink cũng nói rõ việc tại sao HK trừng phạt 24 công ty và các cá nhân TQ tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông là vì để thể hiện lập trường rằng Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Điều đó được minh chứng rất rõ khi trong vòng 3 tháng qua, Hoa Kỳ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên lý về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do về hàng hải đã có từ lâu.

Nói về hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đại sứ Kritenbrink khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển trên hầu hết các lĩnh vực ; hai bên đã phối hợp với nhau trong nhiều vấn đề, từ Triều Tiên, Biển Đông tới xây dựng năng lực cho Việt Nam.

Đại sứ Kritenbrink cho rằng hợp tác an ninh Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển và được củng cố trong thời gian tới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, có thể là thương mại quốc phòng và trao đổi thông tin vì "Một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng rất có lợi cho Hoa Kỳ và toàn bộ khu vực".

*******************

Trung Quốc gọi Mỹ là "kẻ gây rối" ở Biển Đông

RFI, 04/09/2020

Bắc Kinh tiếp tục phản ứng gay gắt với Mỹ về tình hình Biển Đông. Hôm qua, 03/09/2020, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc phụ trách Châu Á gọi Hoa Kỳ là "kẻ gây rối" trong khu vực, và kêu gọi các nước ASEAN không ủng hộ các nỗ lực can dự vào khu vực của Washington.

bd2

Tàu chiến Mỹ và Úc tại Biển Đông, ngày 18/04/2020  via Reuters - Petty Officer 3rd Class Nicholas

Báo Hồng Kông South China Morning Post cho hay, trong một hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hôm qua, qua mạng, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc La Chiếu Huy (Luo Zhaohui) khẳng định Hoa Kỳ là "nguồn gốc" của các vấn đề ở Biển Đông. Ông La Chiếu Huy, cựu đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, cũng đả kích các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã ủng hộ lập trường của Washington về Biển Đông và trong nhiều tranh chấp khác.

Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng cực lực phản đối cơ chế hợp tác Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng cho các đối tác khác tham gia : "Ngoài việc can thiệp vào Biển Đông, Hoa Kỳ còn thiết lập Bộ Tứ, một mặt trận chống Trung Quốc (ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương), được coi là một khối NATO thu nhỏ. Điều này phản ánh tâm lý chiến tranh lạnh của nước Mỹ".

Báo Hồng Kông South China Morning Post ghi nhận, theo nhiều nhà quan sát, các tuyên bố quá cứng rắn nói trên của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc rất có thể "gây phản tác dụng".

Cũng trong cuộc hội thảo nói trên, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc thông báo là các đàm phán giữa Bắc Kinh với khối ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) được khởi sự trở lại từ hôm qua, 03/09, đàm phán bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Mỹ tố cáo Bắc Kinh bức tử sông Mêkông, thách thức ASEAN

Hơn một tuần trước ngày Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), diễn đàn an ninh Châu Á thường niên do khối ASEAN tổ chức (12/09), Trung Quốc và Hoa Kỳ liên tục có các tuyên bố mạnh mẽ về các hồ sơ lớn của khu vực.

Cũng ngày hôm qua, vụ trưởng vụ Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, ông David Stilwell, tố cáo việc Trung Quốc "thao túng" lưu lượng sông Mê kông, khiến mức nước sông xuống thấp kỷ lục là "một thách thức trực tiếp đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN )". Phát biểu của quan chức Mỹ được đưa ra trong một cuộc thảo luận do United States Institute of Peace và trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore tổ chức. Ông David Stilwell cho biết có thể sẽ đưa vấn đề này vào bàn luận trong Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mêkông-Mỹ với năm nước hạ nguồn khai mạc vào tuần tới.

Theo một thẩm định của tổ chức Eyes on Earth, có trụ sở tại Hoa Kỳ, hồi tháng 4/2020, các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mêkông, giữ lại tổng cộng 47 tỉ mét khối nước, làm biến đổi hoàn toàn dòng chảy ở hạ lưu, bức tử dòng sông, nơi sinh sống của 60 triệu cư dân Đông Nam Á.

Trọng Thành

**********************

Đi s Kritenbrink : Chính sách Bin Đông ca M ‘vn tiếp tc’ sau bu c

VOA, 04/09/2020

Đi s Hoa K ti Vit Nam Daniel Kritenbrink phát biu rng nhng bin pháp cng rn hơn vi Trung Quc trên Bin Đông trong thi gian gn đây là s tiếp ni chính sách ca Washington đã có t lâu và "s được tiếp tc trong nhiu năm ti".

bd3

Đ i s Daniel Kritenbrink tr l i ph ng v n báo Ti n phong ngày 3/9/2020. Photo Tien phong.

Trong cuc phng vn vi báo Tin Phong ngày 3/9, Đi s Kritenbrink nói rng Hoa K t lâu đã là mt cường quc khu vc n Đ Dương - Thái Bình Dương, và nhng bước đi gn đây ca M là cách Washington tiếp ni và điu chnh chính sách đã có t lâu ca mình.

Đi s Hoa Kỳ cho biết như trên khi báo Tin Phong đ cp mt s ý kiến cho rng vic M gn đây có nhng bin pháp cng rn hơn vi Trung Quc trên Biển Đông là do yếu t bu c.

Đi s Kritenbrink nói : "Có mt s thay đi ln đã din ra Bin Đông t năm 2013, đó là Trung Quc ngày càng tăng cường các hành vi bt hp pháp, hung hăng và khiêu khích đ cưỡng ép và bt nt các nước láng ging, buc h phi chp nhn nhng yêu sách bành trướng ca Bc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thc hin các bước đi đó".

Trang Facebook ca Đi s quán Hoa K dn li Đi s Krintenbrink phát biu trong cuc phng vn nói : "Hoa K đã có các hành đng nhm th hin rt rõ rng chúng tôi ng h mnh m lut pháp quc tế, đc bit là lut pháp quc tế v hàng hi, c th là ti Bin Đông. Chúng tôi mong mun tt c các quc gia dù ln hay nh đu tuân th lut pháp quc tế, hành x theo lut l và không thc hin các hành vi bt nt hay cưỡng ép".

Ông Kritenbrink nói rng trong ba tháng qua Hoa K đã có mt s bước đi quan trng đ th hin rõ hơn na cam kết ca mình đi vi nhng nguyên tc v lut pháp quc tế, duy trì n đnh và t do hàng hi đã có t lâu đi.

Cui tháng 8, chính quyn ca Tng thng Donald Trump đã công b hn chế th thc nhp cnh đi vi mt s cá nhân Trung Quc có vai trò trong hot đng bi đp và xây đo nhân to, quân s hóa các cu trúc ti Bin Đông và đưa thêm 24 doanh nghip nhà nước ca Trung Quc vào danh sách đen ca B Thương mi M.

Trước đó, ngày 14/7, Ngoi trưởng Mike Pompeo khng đnh các yêu sách ca Trung Quc v tài nguyên ngoài khơi trên Bin Đông là "hoàn toàn bt hp pháp", đng thi Hoa K bác b bt c yêu sách nào ca Trung Quc đi vi các vùng bin nm ngoài lãnh hi 12 hi lý tính t các đo mà Trung Quc đưa ra yêu sách ti Qun đo Trường Sa, và các yêu sách đó không được gây phương hi đến li ích ca các nước khác.

T California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, mt chuyên gia hàng đu v Trung Quc trong cng đng người Vit ti M, nói vi VOA trong mt cuc phng vn rng căng thng Trung M đã tng xy ra trước đây và s tiếp tc trong thi gian ti.

ng Dân ch t thi Tng thng Obama nm quyn có ln Ngoi trưởng Hillary Clinton ti mt cuc hp Hà Ni [năm 2010] t cáo Ngoi trưởng Trung Quc Dương Khiết Trì [v Bin Đông, theo hi ký ca bà Clinton] rt nng n, khiến ông Dương b phòng hp bước ra ngoài".

"Dù Cng hòa hay Dân ch [đc c] thì vn đ cng rn vi Trung Quc sp ti s xy ra", Tiến sĩ Lê Minh Nguyên nói vi VOA.

Trang SCMP hôm 3/9 có bài phng vn các chuyên gia Hoa K nói rng "chính sách ca Hoa K đi vi Trung Quc s không thay đi my" dù dương kim Tng thng Donald Trump ca đng Cng hòa hay cu Phó Tng thng Joe Biden ca đng Dân ch đc c trong cuc bu c 3/11 sp ti.

Bà Elizabeth Freund Larus, trưởng khoa chính tr và quan h quc tế ti Đi hc Mary Washington nói vi vi trang SCMP : "Đã có thay đi thc s v tư duy trong c đng Dân ch và Cng hòa. Tôi không cho rng chúng ta s tr li vi quan h M - Trung ca nhng năm 1990".

**********************

Báo cáo Quốc phòng Mỹ : Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông

RFA, 02/09/2020

Trung Quốc đang tiến tới việc gia tăng hơn nữa sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và các nước láng giềng sẽ sớm thấy Bắc Kinh triển khai các tàu sân bay mới, tên lửa diệt hạm và thủy quân lục chiến tại vùng nước tranh chấp khi quân đội Trung Quốc tập trung vào khả năng viễn chinh và quân sự hóa các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Một báo cáo được công bố hôm 2/9 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá như vậy.

bd4

Thủy thủ đứng gần các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc hôm 23/4/2019 - AFP

Trung Quốc đã hiện đại hóa và tăng cường khả năng của quân đội đến mức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thậm chí đã vượt cả Hoa Kỳ trong một số khu vực, theo báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo báo cáo, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với số tàu chiến bao gồm cả tàu ngầm là 350 chiếc. Con số này của Mỹ là 293 tàu. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá một phần của sự gia tăng tàu chiến của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông.

Đáng chú ý, tàu sân bay tự làm của Trung Quốc mang tên Sơn Đông có nhiều khả năng sẽ đóng hẳn ở căn cứ hải quân Yulin ở đảo Hải Nam, rất gần quần đảo Hoàng Sa và rất gần Việt Nam cũng như Đài Loan.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có 30 khu trục hạm có tên lửa dẫn đường loại 054A và hơn 42 tàu hộ tống loại 056. Cả hai loại tàu này thường xuyên có mặt ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ cho các thiết bị bề mặt không người điều khiển tuần tra ở Biển Đông. Tuy nhiên báo cáo không đưa chi tiết cụ thể về các thiết bị này.

Thủy quân lục chiến thuộc hải quân Trung Quốc cũng đã thực hiện các cuộc diễn tập ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong năm nay, và đã tăng nhanh chóng từ 2 lên 8 lữ đoàn. Tuy nhiên, theo báo cáo, khả năng của thủy quân lục chiến Mỹ được cải thiện chậm hơn so với mong đợi khi chỉ có 2 lữ đoàn được trang bị đầy đủ và sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chiếm các đảo và đá nhỏ khác ở đó.

Nói về các đảo nhân đạo nơi Trung Quốc có các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, báo cáo nhận định : "việc xây dựng các đường băng mới và các nhà chứa máy bay ở các tiền đồn ở Biển Đông đã mở rộng khu vực hoạt động cho các lực lượng không quân của Trung Quốc". "Việc triển khai máy bay chiến đấu của Trung Quốc ra Trường Sa trong tương lai có thể cho thấy phạm vi và thời gian hoạt động mở rộng (của máy bay chiến đấu Trung Quốc) ở Biên Đông và thậm chí vươn tới cả Ấn Độ Dương".

HIện Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ mới nhất là H-6K và H-6J ra căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo báo cáo, các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa bao gồm Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Bãi ngầm Đá Tư Nghĩa, Gạc Ma và Đá Châu Viên có các hệ thống chống tầu và máy bay hiện đại cùng các thiết bị gây nhiễu.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cải thiện khả năng nhắm bắn tên lửa vào các tàu đang di chuyển ở biển từ đất liền của Trung Quốc.

Published in Châu Á

11 quan chức Hong Kong và Trung Quốc nào bị Hoa kỳ trừng phạt ?

Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho biết : "Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hong Kong và sẽ sử dụng các công cụ và chính quyền của mình để trừng phạt những kẻ phá hoại quyền tự chủ của họ".

ushk0

Lâm Trịnh Nguyệt Nga là người chịu trách nhiệm việc áp dụng các chính sách đàn áp tiến trình tự do và dân chủ của Bắc Kinh.

1. Lâm Trịnh Nguyệt Nga – Carrie Lam, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong

Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong chịu trách nhiệm việc áp dụng các chính sách đàn áp tiến trình tự do và dân chủ của Bắc Kinh. Vào năm 2019, Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thúc đẩy các thỏa thuận dẫn độ củaHong Kongđể cho phép dẫn độ về đại lục, gây ra một loạt các cuộc biểu tình phản đối lớn ở Hong Kong. Bà Lâm được chỉ định tham gia vào việc phát triển, thông qua hoặc thực thi Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Luật Bảo vệ An ninh Quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hong Kong (Luật An ninh Quốc gia).

2. Đặng Bỉnh Cường – Chris Tang, Cảnh sát trưởng Hong Kong

Đặng Bỉnh Cường đã nhiệt tình ủng hộ Luật An ninh Quốc gia Hong Kong. Dưới sự lãnh đao của Đặng Bỉnh Cường, Cảnh sát Hong Kong đã bao vây Đại học Bách khoa Hong Kong và bắt giữ hàng trăm người biểu tình. Đặng Bỉnh Cường cũng là thành viên của Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia mới được thành lập. Ông ta có thẩm quyền cưỡng bức, bắt giữ, giam giữ hoặc bỏ tù các cá nhân theo Luật An ninh Quốc gia.

3. Lô Vỹ Thông – Stephen Lo, cựu Cảnh sát trưởng

Lô Vỹ Thông là Cảnh sát trưởng cho đến năm 2019. Dưới sự lãnh đạo của ông, hơn 4.000 người biểu tình đã bị bắt và 1.600 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Lô Vỹ Thông được phân công lãnh đạo hoặc tham gia một tổ chức chính phủ có các thành viên tham gia vào các hoạt động ngăn cấm, hạn chế hoặc trừng phạt việc thực hiện quyền tự do ngôn luận hoặc hội họp ở Hong Kong.

4. Lý Gia Siêu – John Lee Ka-chiu, cục trưởng Bảo an

Lý Gia Siêu là Cục trưởng Bảo an Hong Kong, nơi chịu trách nhiệm về tất cả các chính sách liên quan đến an ninh. Lý Gia Siêu cũng là thành viên của Hội đồng điều hành Đặc khu, cơ quan hỗ trợ Đặc khu trưởng trong việc hoạch định chính sách, và đã thành lập một đơn vị cảnh sát mới chuyên thực thi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong với khả năng thu thập tình báo và điều tra. Lý Gia Siêu được phân công tham gia cưỡng bức, bắt giữ, giam giữ hoặc bỏ tù các cá nhân theo Luật An ninh Quốc gia, cũng như tham gia vào việc phát triển, thông qua hoặc thực hiện Luật An ninh Quốc gia.

5. Trịnh Nhược Hoa – Teresa Cheng, Trưởng ty Tư pháp

Trịnh Nhược Hoa là Ty trưởng Tư pháp Hong Kong. Là người đứng đầu Bộ Tư pháp Hồng Kông, Trịnh Nhược Hoa đã nói rằng trách nhiệm chính của bà là thực hiện và bảo vệ an ninh quốc gia ở Hong Kong. Bà Trịnh chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào việc phát triển, thông qua hoặc thực thi Luật An ninh Quốc gia.

6. Tăng Quốc Vệ – Erick Tsang, Cục trưởng Hiến pháp và sự vụ nội địa

Vào tháng 4, Tăng Quốc Vệ đảm nhận chức vụ Cục trưởng Hiến pháp và sự vụ nội địa, đây là nơi duy trì quan hệ giữa chính phủ Hong Kong và chính phủ Trung Quốc đại lục. Tăng Quốc Vệ chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào việc phát triển, thông qua hoặc thực hiện Luật An ninh Quốc gia.

7. Hạ Bảo Long – Xia Baolong, Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hong Kong và Ma Cao

Vào tháng 2 năm 2020, Hạ Bảo Long nhận chức Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hong Kong và Ma Cao, một tổ chức thuộc Quốc vụ viện được thành lập để hỗ trợ thủ tướng giải quyết các công việc liên quan đến Hong Kong và Macao. Cơ quan này tuyên bố rằng họ có quyền giám sát các sự vụ ở Hong Kong, bao gồm cả việc thực hiện Luật cơ bản Hong Kong. Hạ Bảo Long là lãnh đạo một tổ chức chính phủ đã tham gia hoặc có các thành viên đã tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định hoặc quyền tự chủ của Hong Kong.

8. Trương Hiểu Minh – Zhang Xiaoming, Phó chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hong Kong và Ma Cao

Cao Trương Hiểu Minh là cựu chủ nhiệm và hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hong Kong và Macao, phụ trách các hoạt động hàng ngày. Khi là Giám đốc, Cao Trương Hiểu Minh đã ủng hộ dự luật dẫn độ Hong Kong năm 2019 gây tranh cãi. Cao Trương Hiểu Minh lãnh đạo tổ chức chính phủ đã tham gia hoặc có các thành viên tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định hoặc quyền tự trị của Hong Kong.

9. Lạc Huệ Ninh – Luo Huining, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Hong Kong

Lạc Huệ Ninh Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Hong Kong là quan chức hàng đầu của Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông. Văn phòng Liên lạc đã tuyên bố rằng họ có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong mặc dù Luật Cơ bản cấm họ can thiệp vào các vấn đề quản lý. Lạc Huệ Ninh cũng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Hong Kong. Lạc Huệ Ninh lãnh đạo tổ chức chính phủ đã tham gia hoặc có các thành viên tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định hoặc quyền tự trị của Hong Kong.

10. Trịnh Nhạn Hùng – Zheng Yanxiong, Chủ nhiệm Văn phòng Bảo vệ an ninh quốc gia của chính phủ nhân dân trung ương ở Hong Kong

Trịnh Nhạn Hùng là Chủ nhiệm đầu tiên của Văn phòng Bảo vệ an ninh quốc gia của chính phủ nhân dân trung ương ở Hong Kong. Văn phòng được thành lập theo Luật An ninh Quốc gia Hong Kong và có quyền hạn rộng rãi trong việc giám sát chính quyền địa phương và trực tiếp điều tra các vụ án lớn. Bà Giám đốc Văn phòng, Trịnh Nhạn Hùng lãnh đạo một tổ chức chính phủ đã tham gia hoặc có các thành viên tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định hoặc quyền tự chủ của Hong Kong.

11. Trần Quốc Cơ – Eric Chan, Tổng thư ký Ủy ban Bảo vệ an ninh quốc gia Hong Kong

Trần Quốc Cơ, được Bắc Kinh bổ nhiệm làm Tổng thư ký Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia theo Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được thành lập gần đây. Công việc của Ủy ban này không được công bố rộng rãi và các quyết định của Ủy ban không phải được xem xét lại. Do đó, Trần Quốc Cơ chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào việc phát triển, thông qua hoặc thực hiện Luật An ninh Quốc gia.

Hoa Kỳ sát cánh với người dân Hong Kong trong quá trình theo đuổi tự do và dân chủ của họ. 11 cá nhân được chỉ định này đã thực thi các chính sách trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận và hội họp cũng như các quy trình dân chủ, và sau đó phải chịu trách nhiệm về sự suy thoái quyền tự trị của Hồng Kông. Hoa Kỳ sẽ sử dụng các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục theo đuổi những người thực hiện các chính sách bất chính này.

Trừng phạt gì

Tất cả tài sản và lợi ích đối với tài sản của các cá nhân có tên ở trên và của bất kỳ thực thể nào có từ 50% trở lên thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của họ, với tư cách cá nhân hoặc với những người bị phong tỏa khác, ở Hoa Kỳ hoặc thuộc sự sở hữu hoặc sự kiểm soát của người Mỹ, sẽ bị phong toả và phải được báo cáo cho OFAC. Trừ khi được ủy quyền với giấy phép chung hoặc giấy phép riêng do OFAC cấp hoặc được miễn trừ, các quy định của OFAC nghiêm cấm tất cả các giao dịch của người Mỹ hoặc bên trong (hoặc quá cảnh) Hoa Kỳ liên quan đến bất kỳ tài sản hoặc lợi ích nào trong tài sản của những người được chỉ định hoặc bị phong tỏa khác. Các điều cấm bao gồm cấm đóng góp hoặc cung cấp quỹ, hàng hóa hoặc dịch vụ cho, đến hoặc vì lợi ích của bất kỳ người nào bị trừng phạt hoặc việc nhận bất kỳ đóng góp hoặc cung cấp quỹ, hàng hóa hoặc dịch vụ nào từ bất kỳ người nào như vậy.

Chính quyền Hồng Kông coi việc trừng phạt này là "đáng xấu hổ ". Ông Lạc Huệ Ninh lên án hành động trừng phạt trên của Hoa Kỳ là "dã man và thô bỉ". Ông Lạc Huệ Ninh khẳng định ông "không có một xu nào để gởi ra nước ngoài". 

Hồi tháng trước bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đã tuyên bố : "Tôi không có bất kỳ tài sản nào ở Hoa Kỳ và tôi cũng khôngcó ý đính chuyển tới sống ở Hoa Kỳ".

Nguồn : VNTB, 09/08/2020

*********************

Mỹ trừng phạt lãnh đạo Hồng Kông : Cố vấn Trung Quốc kêu gọi tránh trả đũa

Thu Hằng, RFI, 09/08/2020

Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và nhiều quan chức Hồng Kông bị bộ Tài Chính Mỹ chính thức trừng phạt từ ngày 07/08/2020. Tuy nhiên, nhiều cố vấn chính phủ Trung Quốc khuyến cáo Bắc Kinh tránh ăn miếng trả miếng do nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Washington trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

ushk1

Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nằm trên danh sách trừng phạt của bộ Tài Chính Mỹ. Ảnh 31/07/2020.  Reuters - LAM YIK

Trang South China Morning Post trích nhận định ngày 08/08 của ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn Cầu Hóa tại Bắc Kinh, kiêm cố vấn cho chính phủ, cho rằng « Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ lệnh trừng phạt ».

Theo ông, biện pháp của Mỹ « chỉ mang tính tượng trưng » vì « không giống như quan chức các nước Trung Đông, quan chức Trung Quốc không có tài sản ở Mỹ ».

Ông Vương Huy Diệu cho rằng trả đũa Mỹ, chỉ đạt được rất ít hiệu quả, nhưng lại càng khiến công luận Mỹ chống Bắc Kinh nhiều hơn và càng khiến cử tri Mỹ ủng hộ tổng thống Trump sắp mãn nhiệm.

Trong khi đó, ông Lạc Huệ Ninh, trưởng Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, một đối tượng bị trừng phạt, tỏ ra chế nhạo biện pháp của Washington khi phát biểu sẽ gửi 100 đô la làm tài sản để Mỹ đóng băng.

Thêm một hồ sơ có thể bị Bắc Kinh đánh giá là Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc. Trong một thông cáo chung gửi đến đài Fox News, và được trang Live Mint đăng ngày 09/08, chủ tịch Robin Cleveland và phó chủ tịch Carolyn Bartholomew của Ủy Ban Nghiên Cứu Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung lên án đảng Cộng Sản Trung Quốc ủng hộ và khuyến khích sử dụng công nghệ giám sát người dân, như camera siêu hiện đại, hệ thống nền tảng hoạt động chung tích hợp (IJOP), sử dụng thuật toán nhận diện khuôn mặt dựa vào hình ảnh được lưu trong dự liệu mật…

Theo Fox News, do đảng Cộng Sản Trung Quốc khuyến khích, ngành kinh doanh công nghệ giám sát bùng nổ ở Trung Quốc. Nhiều công ty khởi nghiệp đã chuyển đến quốc gia đông dân nhất hành tinh này để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 09/08/2020

********************

Quan chc Hong Kong, Trung Quc dè bu các chế tài mi ca M

VOA, 08/08/2020

Nhà lãnh đo Hong Kong và đi din hàng đu ca Trung Quc ti thành ph này ngày th By ch trích M sau khi chính quyn Trump chế tài h và chín quan chc khác v cáo buc trn áp các quyn t do và làm suy yếu quyn t tr đa phương.

ushk00

Trưởng quan Hành chính Carrie Lam viết trên Facebook rng M đã ghi sai đa ch ca bà, thay vào đó lit kê đa ch chính thc ca cp phó ca bà. Bà lưu ý rng bà tng gi chc v này khi bà np đơn xin th thc M vào năm 2016.

Các bin pháp chế tài được áp dng theo mt quyết đnh hành pháp mà tng thng Donald Trump ký ban hành hi tháng ri, trng pht Trung Quc vì các hành đng đi vi người bt đng chính kiến Hong Kong. Đây là bin pháp mi nht ca chính quyn Trump đi vi Bc Kinh trong giai đon đương kim tng thng chun b cho cuc tái c vào tháng 11.

"Nhân tin, th thc nhp cnh M ca tôi còn hiu lc đến năm 2026. Vì tôi không mong mun đến thăm đt nước này nên có v tôi có th ch đng hy b nó", bà Lam nói.

Các chế tài, được B Tài chính M công b ngày th Sáu, phong ta tt c bt đng sn hoc các tài sn khác mà các cá nhân s hu nm trong thm quyn tư pháp ca M.

B Tài Chánh Hoa K nói rng lut an ninh quc gia "tàn bo" mà Bc Kinh áp đt làm suy yếu tính t tr ca Hong Kong và "to tin đ kim soát bt c cá nhân hay t chc nào có v không thân thin vi Trung Quc". "Bà Carrie Lam là người đng đu, chu trách nhim thc hin các chính sách đàn áp t do và tiến trình dân ch do Bc Kinh đưa ra". Vn theo B Tài Chánh Hoa K.

Lc Hu Ninh, ch nhim văn phòng liên lc ca chính ph trung ương ti Hong Kong, nói vic ông b đưa vào danh sách chế tài cho thy ông đã làm nhng gì nên làm cho thành ph và đt nước ca ông.

"Tôi không có mt xu tài sn nào nước ngoài. Áp đt chế tài không phi là vô ích sao ? Tt nhiên, tôi cũng có th gi 100 đôla M đến cho ông Trump phong ta đây", ông nói trong mt phát biu đăng trên website ca văn phòng.

Ti trưởng Ti Thương mi Hong Kong Edward Yau, người không b chế tài, gi các bin pháp trng pht này là "vô lý và man r" và nói rng nó s gây tn hi cho li ích ca M ti thành ph, mt trung tâm tài chính và vn ti ca Châu Á.

Trong mt thông cáo khác, ngoi trưởng Hoa K, Mike Pompeo nói rng đng thái ca Washington "gi mt thông đip rõ ràng rng các hành đng ca chính quyn Hong Kong là không th chp nhn".

"Chúng ta không th dng dưng trong khi người dân Hong Kong b kim soát thô bo trong gng kim ca đng cng sn Trung Quc hay nhng người khiến cho điu này có th din ra". Ông Pompeo viết trong mt tweet trên Twitter.

Hong Kong t lâu được hưởng các quyn t do dân s không có Trung Quc đi lc vì được qun lý theo nguyên tc "nht quc lưỡng chế" k t khi cu thuc đa này ca Anh được trao tr li cho Trung Quc cai tr vào năm 1997.

Tuy nhiên, Bc Kinh áp đt lut an ninh quc gia lên Hong Kong vào cui tháng 6, sau nhiu tháng biu tình chng chính ph vào năm ngoái.

Lut mi nghiêm cm điu mà Bc Kinh coi là nhng hot đng ly khai, lt đ hoc khng b hoc điu mà h coi là s can thip ca nước ngoài vào vic ni b ca Hong Kong. Cnh sát hin có quyn lc soát không cn lnh và có quyn ra lnh cho các nhà cung cp dch v internet và các nn tng xóa các thông đip b xem là vi phm pháp lut.

"Vic áp đt lut an ninh quc gia hà khc gn đây lên Hong Kong không ch làm suy yếu quyn t tr ca Hong Kong mà còn xâm phm quyn ca người dân Hong Kong", B Tài chính M nói.

Theo Reuters, mt ngun tho tin cho biết Hoa K đã đy mnh cân nhc bin pháp chế tài sau khi bà Lam cho hoãn cuc bu c s din ra vào ngày 6 tháng Chín chm đi mt năm vi lý do đi dch. Hoãn bu c được xem là th thut khiến cho gii ng h dân ch mt đi cơ hi có th thng ln trong thi đim hin ti.

Chính ph Hong Kong cáo buc M đang dùng Hong Kong như mt con tt đ gây rc ri trong mi quan h M-Trung, gi các chế tài là "s can thip trng trn và man r" vào vic ni b ca Trung Quc.

Theo Reuters, Peter Harrell, cu quan chc chính ph Hoa K và là mt chuyên gia v chế tài ti Trung Tâm An Ninh Hoa K Mi, nói rng hành đng gn nht, được thc hin thông qua các quyết đnh hành pháp liên quan đến TikTok và WeChat cũng như chế tài Trung Quc do đàn áp người Muslims, cho thy mt "s gia tăng đáng k trong chính sách ca M đi vi Trung Quc".

Nguồn : VOA, 08/08/2020

Published in Diễn đàn