Câu chuyện Hồng Kông
Song Chi, RFA, 21/06/2019
Người Việt học được gì từ những cuộc biểu tình của người Hồng Kông ?
Những ngày vừa qua Hồng Kông đã trở thành mục tiêu chú ý của thế giới khi những cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tiếp đến đòi Đặc khu trưởng Carrie Lam-người được cho là thân Bắc Kinh và không do người dân Hồng Kông bầu, phải từ chức, đã diễn ra với quy mô chưa từng thấy, đỉnh điểm là hơn 2 triệu người xuống đường vào Chủ nhật 16/6/2019. Hơn 2 triệu người trên tổng dân số hơn 7 triệu, một con số quả là đáng nể !
Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hôm 10/62018.
Nhưng chưa cần nói đến số lượng người tham gia, hay tinh thần, ý thức đấu tranh của người Hồng Kông, mối quan tâm của các nước láng giềng và thế giới hướng về Hồng Kông có lẽ xuất phát từ những lý do sau đây : Từ mối quan tâm lo ngại chung : sự lớn mạnh đầy đe dọa từ Trung Quốc. Vị thế giữa hai bên : sự nhỏ bé của Hồng Kông so với Trung Hoa đại lục chẳng khác nào David chống lại người khổng lồ Goliath. Cuộc đấu tranh của dân Hồng Kông là cuộc đấu tranh đòi những quyền hạn cơ bản nhất : quyền của cá nhân không bị đàn áp hoặc dẫn độ đến một chế độ độc tài, quyền tự do biểu tình, được hưởng quyền tự do thông tin…
Và tất nhiên đông đảo người Việt trong và ngoài nước cũng hướng về Hồng Kông. Cùng một "kẻ thù chung" là chế độ độc tài, hung hăng, bành trướng Trung Quốc, dễ hiểu tại sao nhiều người Việt ủng hộ người Hồng Kông đấu tranh. Thật ra từ 5 năm trước, Hồng Kông đã trở thành sự ngưỡng mộ, niềm cảm hứng cho nhiều người Việt khi phong trào Dù vàng do sinh viên, giới trẻ Hồng Kông tổ chức nổ ra trên hòn đảo này và đã chứng tỏ tinh thần kỷ luật, ý thức công dân, tinh thần đoàn kết cũng như phương pháp tổ chức rất tốt của giới trẻ Hồng Kông. Phong trào Dù vàng cuối cùng đã thất bại nhưng những dấu ấn đó vẫn còn lại trong tâm trí nhiều người Việt.
Đã có rất nhiều bài viết của các nhà báo, blogger Việt về những cuộc biểu tình ở Hồng Kông trong những ngày này. Rồi từ sự ngưỡng mộ người Hồng Kông nhìn lại Việt Nam, nhìn lại tinh thần, phong trào đấu tranh ở Việt Nam. Nhưng thực ra chẳng nên so sánh làm gì, khi giữa Hồng Kông và Việt Nam dẫu cùng một mối lo chung là Trung Quốc nhưng lại rất khác nhau. Từ môi trường xã hội, hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp, cách hành xử của cảnh sát/công an, của chính quyền/nhà cầm quyền cho tới hệ thống giáo dục, dân trí, sự trưởng thành về ý thức công dân của người dân.
Hồng Kông dù sao cũng đã có cả trăm năm sống trong một xã hội văn minh, tự do, dân chủ, tôn trọng luật pháp, một nền giáo dục tử tế. Sau hơn 20 năm kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, nền tự do, dân chủ ấy bị thắt chặt lại, nhưng Hồng Kông vẫn còn là Hồng Kông cho tới năm 2047. Còn Việt Nam thì đã trải qua hơn bảy thập niên ở miền Bắc, hơn bốn thập niên trên toàn quốc, phải sống trong một chế độ độc tài toàn trị, mông muội và sắt máu, một nền giáo dục lạc hậu, ngu dân đã tước đoạt đi của con người quyền được tự do suy nghĩ, quyền phản biện cũng như ý thức về quyền công dân, quyền làm người.
Tuổi trẻ Việt Nam đúng là kém so với tuổi trẻ Hồng Kông. Nhưng phụ huynh Việt Nam cũng kém hơn phụ huynh, người lớn Hồng Kông nhiều. Ở Việt Nam, nếu con cái mà đi biểu tình hoặc lên tiếng về chuyện chính trị thỉ bố mẹ sẽ phán ngay : lo học hành đi, chuyện chính trị đã có đảng, nhà nước lo, muốn vào tù hay sao v.v… Cha mẹ ngăn cản. Nhà trường thì theo lệnh của chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp trừng phạt sinh viên nếu đi biểu tình hoặc sử dụng facebook để "nói xấu nhà nước" v.v…
Người Việt đã quen có thái độ né tránh đối với những vấn đề chính trị xã hội và chỉ biết lo cho bản thân mình như thế một thời gian dài, cho dù bây giờ đa số có chán ghét thực trạng chính trị xã hội ở Việt Nam thì con số người dám lên tiếng suốt những năm qua vẫn rất ít, so với 95-96 triệu người.
Khi giới trẻ Hồng Kông lên tiếng và xuống đường, phụ huynh cho tới trí thức, doanh nhân cùng đồng lòng sát cánh vì một mục đích chung. Còn ở Việt Nam, những người lên tiếng luôn luôn cảm thấy cô đơn giữa đám đông thờ ơ chung quanh.
Công an, nhà cầm quyền Việt Nam thì tồi tệ hơn cảnh sát, chính quyền Hồng Kông gấp nhiều lần. Thử so sánh dân Hồng Kông, Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam, sẽ thấy vì sao ở Hồng Kông có thể có đến gần một phần ba dân số xuống đường, ở Việt Nam cao nhất là 10, 000 trên tổng số 95-96 triệu, còn ở Bắc Hàn thì không hề có biểu tình !
Nhà cầm quyền Việt Nam không chỉ ác với dân mà còn đi đầu trong sự hèn hạ đối với Trung Quốc, nên bất cứ một sự phản kháng nào đối với Bắc Kinh còn bị đàn áp mạnh hơn cả đối với chính nhà cầm quyền Việt Nam. Những cuộc biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc của giới trẻ, sinh viên, trí thức Việt Nam từ năm 2008 tới nay là những ví dụ. Đôi khi chúng ta cũng có những cuộc biểu tình bộc phát lên đến 10 000 người hoặc hơn, như cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra vào ngày 10/06/2018 từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An cho tới Sài Gòn, Bình Dương… với tinh thần khi thế mạnh mẽ, những tiếng hô "Đả đảo bọn bán nước", "Đả đảo bọn Việt gian"…khiến nhà cầm quyền nhột nhạt. Nhưng rồi tất cả cũng lại chìm xuống.
Thực tế đã cho thấy, lên tiếng, xuống đường phản đối chính sách này, dự luật kia ở Việt Nam hậu quả sẽ kinh khủng, nặng nề hơn cho người đấu tranh gấp ngàn lần. Chúng ta đã thấy tất cả những ai dám lên tiếng ở Việt Nam phải trả giá ra sao, nhẹ nhất thì mất việc, gia đình ly tán, phải bỏ nước ra đi, nặng hơn nữa là 5, 10, 12, 16, 20 năm tù trong một điều kiện hết sức hà khắc, và còn bị đày đọa về thể xác, khủng bố về tinh thần trong tù. Càng ngày chế độ độc tài do đảng cộng sản nắm quyền ở Việt Nam càng trở nên tàn bạo đối với mọi biểu hiện đối kháng dù nhỏ nhất ở người dân, điều đó xuất phát từ mặc cảm về tính không chính danh, sự bất lực không thể làm cho đất nước khá hơn, người dân được sống nhẹ nhàng hơn và nỗi khiếp sợ bị lật đổ của nhà cầm quyền.
Chính vì vậy, chúng ta nhìn sang Hồng Kông, ngưỡng mộ Hồng Kông nhưng chẳng cần phải trách móc, thở than cho Việt Nam, thay vào đó hãy quan sát, học hỏi từ người Hồng Kông.
Biết nhìn ra những điểm yếu của mình từ "hành trang" đấu tranh là kết quả của cả môi trường xã hội, môi trường chính trị, hoàn cảnh chính trị, nền giáo dục… cho tới tính cách của dân tộc. Không vì ngưỡng mộ Joshua Wong (thậm chí có những bài viết cho rằng Joshua Wong là người có nửa dòng máu Việt hoặc thậm chí là người gốc Việt với cha mẹ là những thuyền nhân chạy sang Hồng Kông năm 1975, không biết nguồn tin từ đâu ra) mà miệt thị người Việt khi đấu tranh ở Việt Nam khó khăn và cô đơn hơn rất nhiều.
Học ở họ tinh thần tự lực, tự mình vươn lên. Giới trẻ Hồng Kông và người Hồng Kông hiểu trách nhiệm của họ. Họ không không trông chờ vào ai, vào bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, không như nhiều người Việt chúng ta hết trông chờ vào Tổng thống Mỹ, vào sự sụp đổ của Trung Quốc kéo theo sự sụp đổ của Việt Cộng, lại hy vọng vào sự tự chuyển đổi của nhà cầm quyền.
Người viết rất ấn tượng với câu nói của Joshua Wong, một trong những lãnh tụ phong trào Dù vàng "Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi".
Học ở họ cách tổ chức, không cần có những hội, nhóm, đảng phái đứng ra tổ chức mà sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội để kêu gọi biểu tình, tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật, kỷ cương, sự kiềm chế, xử sự văn minh của họ ngay cả khi đang biểu tình.
Biểu tình ở Hồng Kông bước đầu đã thành công. Chính phủ Hồng Kông chính thức ngừng luật dẫn độ. Nhưng cho đến hôm nay, ngày 21/6 người Hồng Kông vẫn tiếp tục biểu tình sau khi chính quyền của bà Carrie Lam lờ đi hạn chót phải đáp ứng yêu cầu xóa bỏ dự luật của người biểu tình. Không còn tin vào chính quyền, không tin vào Bắc Kinh, những người biểu tình muốn dự luật bị hủy bỏ hoàn toàn chứ không phải chỉ tạm lùi rồi lại thực hiện một lúc nào đó.
Tạm thời chính quyền Hồng Kông và ngay cả nhà cầm quyền Trung Quốc đều không dám làm căng trước con mắt của hàng tỷ người trên thế giới hướng về Hồng Kông. Nhưng điều mà người Hồng Kông nói riêng và thế giới đều lo ngại là tương lai của Hồng Kông rồi sẽ ra sao, vào năm 2047, nếu lúc đó chế độ độc tài ở Trung Quốc vẫn tồn tại ?
Cuộc đấu tranh chống lại "kẻ khổng lồ" xấu xí
Những cuộc biểu tình của Hồng Kông một lần nữa cho thế giới thấy người Hồng Kông không hề ưa thích chế độ độc tài ở Trung Hoa đại lục, không hề muốn được sáp nhập với "mẫu quốc". Người Đài Loan cũng thế.
Tin từ đài RFA, trong ngày 16/6, gần 10 ngàn người bao gồm người dân Đài Loan, sinh viên Hồng Kông đã tụ họp gần Viện lập pháp thành phố Đài Bắc phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông.
Dân Hồng Kông, dân Đài Loan đều là người Hoa mà còn không chịu nổi mô hình thể chế chính trị của Trung Quốc !
Trong khi đó, báo chí chính thống của Trung Quốc hoặc hoàn toàn lờ đi cuộc biểu tình có lúc lên đến khoảng 2 triệu người này, hoặc đưa ra những câu chuyện khác. Báo TQ nói nhiều bậc phụ huynh Hồng Kông biểu tình để 'chống Mỹ' ("Hongkong parents march against US meddling", Chinadaily.com.cn)
Nhật báo Trung Quốc bằng tiếng Anh, China Daily, có số lượng phát hành ở nước ngoài khoảng 600.000 bản, đã chọn tập trung vào một cuộc phản kháng khác trong một câu chuyện ngày 17 tháng 6. Bài báo nói rằng khoảng 100 người biểu tình từ các nhóm địa phương ở Hồng Kông biểu tình bên ngoài Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Ma Cao vào sáng ngày 16 tháng 6 năm 2019 chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề của Đặc khu hành chính Hồng Kông…Và rằng "Phụ huynh ở Đặc khu hành chính Hồng Kông đã xuống đường vào Chủ nhật để kêu gọi các chính trị gia Hoa Kỳ không can thiệp vào các sửa đổi dẫn độ của SAR và các vấn đề nội bộ của nó".
Đến thời Tập Cận Bình, có lẽ sự phát triển về kinh tế, sức mạnh của đồng tiền cùng vị thế của một cường quốc mới nổi đã khiến Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc nói chung quên đi phương châm, chính sách ngoại giao khiêm tốn, giấu mình đã áp dụng bao nhiêu năm qua từ thời Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc dưới thời Tập tỏ rõ thái độ hung hăng, bành trướng, bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực cũng như không hề che dấu ý đồ muốn vươn lên qua mặt Mỹ lãnh đạo thế giới.
Nhưng họ Tập đã quá chủ quan mà quên đi hai điểm yếu chết người của Trung Quốc do hậu quả từ chính mô hình thể chế chính trị của quốc gia này : Trung Quốc không có được "sức mạnh mềm" (soft power) tạo nên nhờ vào uy tín ngoại giao, những giá trị, chuẩn mực về tự do, dân chủ, nhân quyền, hệ thống pháp luật, đạo đức xã hội, Trung Quốc cũng không có được những quan hệ đồng minh, bạn bè đáng tin cậy trên thế giới. Uy tín như thế nào mà ngay cả người Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan cũng không muốn "sống chung" với Trung Hoa đại lục, đi theo mô hình của Trung Quốc ? Cho tới bây giờ nước nào thực sự là đồng minh, bạn bè của Bắc Kinh hay chỉ là những quan hệ làm ăn kinh tế thương mại, hoặc dựa vào nhau vì một mục đích chính trị trong một giai đoạn nào đó ?
Cũng trong những ngày vừa qua, hình ảnh Trung Quốc càng thêm xấu xí vì chuyện tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hôm 9/6 rồi bỏ đi, bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines, những người này sau đó được tàu cá Việt Nam cứu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc.
Nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (Philippines) lại có những phát biểu đi ngược lại với câu chuyện trên. Họ xác nhận vụ việc tàu Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhưng bào chữa về chuyện không cứu người, cho rằng tàu Trung Quốc muốn cứu nhưng đành phải đứng nhìn, do sợ "7-8 tàu khác của Philippines bao vây". Phía Trung Quốc còn nói tàu đã cứu 22 ngư dân nêu trên là tàu Philippines chứ không phải tàu Việt Nam. Phát biểu về vấn đề này, ông Zata tái khẳng định chính tàu cá Việt Nam đã cứu ngư dân Philippines.
"Trong phát ngôn cứng rắn ngày 15/6, ông Carpio (Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines) nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cần đứng lên chống lại thói hành xử của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
"Người Philippines cần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng bất cứ vụ tấn công ‘vùng xám’ mới nào đối với các tàu Philippines sẽ đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc" - tờ Inquirer dẫn lời ông Carpio. ("Thẩm phán Philippines : Nếu tàu cá Trung Quốc tấn công nữa nên cắt đứt quan hệ ngoại giao", báo Tuổi Trẻ)
Đây là những hành động mà Trung Quốc liên tục làm trong những năm qua với ngư dân Việt Nam, từ việc tấn công, đâm chìm tàu cá, cướp sạch ngư cụ, đánh đập ngư dân, bắt cóc đòi tiền chuộc… nhưng nhà cầm quyền Việt Nam quá hèn hạ để phản ứng mạnh.
Những lời bào chữa ngụy biện, dối trá của phía Trung Quốc hay những bài báo đưa ra một câu chuyện khác hẳn về những cuộc biểu tình ở Hồng Kông phần nào cho thế giới thấy bộ mặt thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Phía sau "thành tích" tăng trưởng về kinh tế, quốc phòng, phía sau sự thay đổi của những thành phố, đô thị và sự giàu lên thấy rõ của một tầng lớp người dân Trung Hoa là những góc khuất về sự tàn bạo của Bắc Kinh. Trung Quốc từ lâu đã "nổi tiếng" bởi những "thành tích" chà đạp nhân quyền, những chính sách khắc nghiệt với các dân tộc Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương…
Đài BBC có đưa tin và video phóng sự về một trại 'cải tạo tư tưởng' của Trung Quốc ở Tân Cương. ("Tìm kiếm sự thật trong các trại 'cải tạo' người Duy Ngô Nhĩ"). Chúng ta có thể thấy sự thật, dù được che giấu kỹ, phía sau bề mặt của những trại "cải tạo tư tưởng" này. Những người bị giữ ở đây là người Hồi giáo ở Tân Cương và những nhóm thiểu số khác, họ không phải là tội phạm, nhà cầm quyền nói rằng họ nhìn thấy ở những người này khả năng có thể trở thành "tội phạm", tạo phản, nên ngăn chặn trước, còn bản thân người đó thì nói rằng mình có tư tưởng cực đoan nên tự nguyện đến trại để cải tạo tư tưởng. Các nhân viên chính phủ theo dõi sát sao mọi cuộc phỏng vấn. Phóng viên chỉ được đưa đi những nơi nào được phép. Có nhân chứng nói rằng đã bị đưa vào trại, bị tra tấn, đối xử tồi tệ chỉ vì sử dụng Whatsapp.
Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng bị lên án về những vụ cấy ghép nội tạng từ tù nhân, đặc biệt là từ những người theo Pháp Luân Công từ khoảng hai chục năm nay.
"Mới đây, một tòa án độc lập ở London đã kết luận rằng việc giết hại những người bị giam giữ ở Trung Quốc để cấy ghép nội tạng vẫn đang tiếp diễn, và nạn nhân bao gồm những tù nhân của phong trào Pháp Luân Công. Toà án Trung Quốc, do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tịch, một công tố viên tại tòa án hình sự quốc tế cho Nam Tư cũ, nói trong một quyết định nhất trí vào cuối phiên điều trần, "chắc chắn rằng Pháp Luân Công là một nguồn - có lẽ là nguồn chính - của các cơ quan để thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
...Tòa án đã lấy bằng chứng từ các chuyên gia y tế, điều tra viên nhân quyền và những người khác.
...Có tới 90.000 ca phẫu thuật cấy ghép mỗi năm đang được thực hiện tại Trung Quốc, tòa án ước tính, một con số cao hơn nhiều so với các nguồn tin chính thức của chính phủ.
("China is harvesting organs from detainees, tribunal concludes") Hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới như The Guardian, NBC News, Independent… hôm 17/6 đã đưa tin này.
Đã có những lời kêu gọi quốc hội Anh cấm bệnh nhân đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép. Hơn 40 thành viên quốc hội từ tất cả các đảng đã ủng hộ. Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan đã thi hành các hạn chế đó. Ở Na Uy cũng vậy.
Bắc Kinh đang nuôi mộng trở thành lãnh đạo thế giới nhưng với một hệ thống chính trị độc tài sắt máu như vậy, làm sao họ có thể thuyết phục ngay chính người Hồng Kông, người Đài Loan và các nước láng giềng theo họ, chứ đừng nói tới thế giới ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 21/06/2019 (songchi's blog)
*******************
Hồng Kông, cuộc tranh đấu cho tương lai
Đinh Yên Thảo, BBC, 21/06/2019
Có lẽ Hồng Kông là một quốc gia gắn bó và ảnh hưởng nhiều với người dân Việt Nam về nhiều mặt, trong đó phải kể đến văn hóa, xã hội. Từ trước năm 75, tất nhiên còn nhiều điều khác hơn để nhắc đến, nhưng với giới trẻ miền Nam Việt Nam thì khi nhắc đến Hồng Kông, người ta khó lòng quên được Kim Dung cùng các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của ông hay các bộ phim võ thuật Hồng Kông với những minh tinh nổi tiếng như Lý Tiểu Long, Trần Tinh, Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ... mà nhiều người đã từng say mê một thời. Sau 75, những năm thập niên 80 khi phim bộ Hồng Kông trở thành một hiện tượng tại Châu Á thì hệ thống an ninh dày đặc của công an Việt Nam cũng không ngăn được người dân thuê mướn chui, chuyền tay lén lút xem những bộ phim Hồng Kông hấp dẫn, cuốn hút cho đến khi chúng được chính thức cho phép công chiếu rộng rãi về sau. Từ trong nước ra đến hải ngoại, phim bộ Hồng Kông đã lấy đi bao nhiêu giấc ngủ cùng nước mắt của nhiều người khi thức sáng đêm xem các bộ phim tình cảm xã hội hay xã hội đen của Hồng Kông. Giới trẻ rành và hâm mộ Lưu Đức Hòa, Trương Mạn Ngọc hơn cả những lãnh tụ cách mạng luôn được nhà cầm quyền tô vẽ và ra sức tuyên truyền.
Người biểu tình Hồng Kông ngoài Trụ sở Cảnh sát ngày 21/6/2019 - AFP
Hương Cảng, tên gọi của Hồng Kông được đặt tên với ý nghĩa là một "cảng thơm hương" bởi tương truyền nó từng là bến cảng vận chuyển những mộc dược, thảo hương của thế giới. Là một thương cảng và quân cảng có vị trí chiến lược, Hồng Kông được phương Tây chú ý khi sang giao thương với đại lục từ vài thế kỷ trước. Về mặt địa lý, Hồng Kông là một đảo duyên hải vùng Đông Nam của Trung Hoa Lục Địa, từ Hải Phòng đến Hồng Kông chỉ hơn 600 hải lý nên Hồng Kông cũng từng là một điểm đến của làn sóng thuyền nhân Việt Nam từ những năm cuối thập niên 70, trong đó có không ít thuyền nhân miền Bắc đã tìm đường vượt thoát chế độ để đến với Hồng Kông. Với diện tích chỉ hơn một ngàn cây số vuông và khoảng hơn bảy triệu dân , Hồng Kông có thể xem như tương đương với Sài Gòn về diện tích và dân số, hay chính xác hơn là rộng hơn khoảng phần tư và ít dân hơn cả Sài Gòn hiện nay nhưng lại là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu tại Châu Á và thế giới, cũng như là một quốc gia phát triển cao, thuộc hàng giàu có của thế giới khi GDP bình quân đầu người cao hơn cả Hoa Kỳ, theo số liệu từ World Bank và IMF.
Để hiểu lý do tại sao Hồng Kông từng là nhượng địa của Anh rồi được trao trả lại Trung Quốc năm 1997, để rồi cùng với Macau đã trở thành một đặc khu hành chính (SAR - Special Administrative Region) của Trung Quốc, có lẽ cần nhắc lại đôi điều lịch sử. Dù theo sau các quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong việc thám hiểm, tìm kiếm thuộc địa và giao thương, Anh nhanh chóng bắt kịp các nước này để trở thành một cường quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình khắp thế giới. Từ Châu Mỹ, Châu Phi sang đến Châu Á-Thái Bình Dương, rồi Úc Châu, Tân Tây Lan, nơi đâu cũng có thuộc địa và lãnh thổ của Anh. Giai đoạn cực thịnh kéo dài hàng thế kỷ từ đầu thế kỷ 19, Đế Chế Anh xem như kiểm soát khoảng một phần tư dân số và diện tích thế giới. Từ Ấn Độ, người Anh đến với Trung Hoa trong mục đích giao thương hơn là tìm kiếm thuộc địa vì xứ sở này quá rộng lớn. Trong khi hàng hóa từ Trung Hoa được bán sang Châu Âu như tơ lụa, trà, gốm sứ... khá nhiều thì ngược lại hàng hóa của Anh và Châu Âu bán lại cho vùng đất này không bao nhiêu, nên các hãng Anh tại Ấn Độ đã tuồn bán nha phiến sang Trung Hoa để bù đắp và đó là một nguồn lợi lớn lao. Triều đình Mãn Thanh từng nghiêm cấm và tịch thu nha phiến lậu trong nhiều năm cho đến khi một số lượng nha phiến khá lớn của Anh bị tịch thu, cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ nhất đã xảy ra vào năm 1839. Đông quân nhưng vũ khí thô sơ, triều đình nhà Thanh nhanh chóng thất trận và đầu hàng, buộc phải ký Thỏa Ước Nam Kinh vào năm 1942, nhường lại Hồng Kông cho Anh và để cho phương Tây tràn vào lục địa. Những bất đồng và tranh chấp giữa hai nước lại tiếp tục gia tăng nên đến năm 1856, Chiến Tranh Nha Phiến lần hai lại diễn ra giữa liên quân Anh-Pháp với sự kết quả đương nhiên là nhà Thanh lại thất trận, nhường thêm bán đảo Cửu Long (Kowloon) phía Bắc Hồng Kông, hợp pháp hóa việc giao thương nha phiến và cho phép tự do tôn giáo qua Thỏa Ước Bắc Kinh năm 1860.
Đến cuối thế kỷ 19, từ sự suy yếu và thất bại của nhà Thanh sau cuộc chiến Thanh-Nhật trong việc tranh giành ảnh hưởng với Triều Tiên, Nga cùng các nước phương Tây một lần nữa chiếm đất Trung Hoa qua các điều ước mang danh nghĩa thuê nhượng. Năm 1898, theo sau các khế ước thuê đất của Nga và Pháp, Anh đã mở rộng thêm Hồng Kông thành vùng Tân Giới (New Territories) để ký Thỏa Ước Bắc Kinh lần hai, buộc nhà Thanh cho thuê Hồng Kông miễn phí trong vòng 99 năm, thời hạn mà người Anh nghĩ rằng sẽ là vĩnh viễn và không bao giờ trao trả. Trong tay người Anh, Hồng Kông đã thật sự trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm thương mại và tài chính hùng mạnh nối liền giữa Đông-Tây, không chịu nhiều ảnh hưởng theo các biến động tại Châu Á và thế giới trong suốt thế kỷ 20.
Nhưng một thế kỷ trôi qua nhanh hơn người Anh của thế kỷ trước đã từng suy nghĩ, sau nhiều năm thương thuyết, đến năm 1984 chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Maragret Thatcher và Trung Quốc dưới quyền Tổng bí thư Hồ Diệu Bang đã đi đến thỏa thuận là Anh đồng ý giao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc khi hết thời hạn thuê mướn vì không muốn những biến động xảy ra với Hồng Kông. Cuộc bàn giao đã xảy ra vào giữa năm 1997, bất kể sự phản đối của người dân Hồng Kông cũng như làn sóng rời bỏ Hồng Kông sang Canada cùng nhiều quốc gia khác trước cuộc trao trả. Theo như thoả thuận này, Hồng Kông trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc theo chính sách một quốc gia, hai thể chế như hiện nay. Hồng Kông được toàn quyền tự trị như một quốc gia dân chủ có chủ quyền, có hệ thống kinh tế, hành chính, pháp luật tiếp tục như xưa nay, ngoại trừ vấn đề ngoại giao và quốc phòng trong vòng 50 năm, tức cho đến năm 2047. Đồng thời Hồng Kông có quyền đa đảng và người dân có quyền tự do ngôn luận như vốn dĩ. Nhưng điều này xem ra đang bị lung lay trong các năm qua, khi Trung Quốc đã không tuân thủ theo cam kết sẽ không can dự vào nền dân chủ và tự trị của Hồng Kông. Bởi Trung Quốc không phải là các quốc gia dân chủ Tây Phương.
Chỉ hơn bảy triệu dân nhưng các nguồn tin cho biết đã có đến hai triệu dân xuống đường phản đối dự luật dẫn độ của Trung Quốc và đòi giới chấp pháp thân Trung Quốc của Hồng Kông phải từ chức, quốc gia dân chủ lâu đời như Hồng Kông không thể dễ dàng khuất phục trước "mẫu quốc". Joshua Wong, tức chàng thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong 22 tuổi từng phát biểu đầy khẳng khái rằng, "Tôi hy vọng rằng, ngay cả khi tôi phải vào tù thì việc này cũng thôi thúc ngày càng nhiều người Hồng Kông dự phần quyền tự quyết cho tương lai của mình thay vì trông vào giới cầm quyền đã đang chi phối đến tương lai chúng ta". Xin gởi lời ủng hộ và lòng ngưỡng mộ đến cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông hiện nay.
Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas
Nguồn : RFA, 21/06/2019
Hồng Kông : "Tập Cận Bình lui là phải !"
Hai chữ "Hồng Kông" vẫn được các báo Pháp hôm nay 18/06/2019 tiếp tục nhắc đến.
Biển người Hồng Kông biểu tình đòi rút dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 16/06/2019. Reuters/Jorge Silva
Le Monde trên trang nhất, đăng ảnh một dòng người đen nghịt chạy tít "Hồng Kông : Làn sóng thủy triều người vì dân chủ". Les Echos cho rằng "Bắc Kinh đang cố cứu vãn sĩ diện trước Hồng Kông".
Trước sự phản đối mạnh mẽ của hơn hai triệu dân Hồng Kông, lãnh đạo đặc khu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải thông báo hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, đồng thời phải lên tiếng "xin lỗi" người dân đặc khu.
Trung Quốc, thông qua lời ngoại trưởng đã có phản ứng, khẳng định : "Chính quyền trung ương sẽ tiếp tục ủng hộ lãnh đạo đặc khu hành chính". Tuy nhiên, Les Echos nhắc đến chi tiết, ngay từ tuần rồi, Bắc Kinh đã bắt đầu giữ khoảng cách với dự luật khi giải thích rằng đó là sáng kiến của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Nhà nghiên cứu chính trị Victoria Hui, trường Đại học Notre Dame ở Mỹ cho là khó có thể tin rằng bà Lâm có thể đưa ra một quyết định như thế mà không có sự chấp thuận từ trước của Bắc Kinh. Việc rút bỏ dự luật là "một thất bại đối với ông Tập Cận Bình" như nhận xét của Le Monde.
Và thất bại này đang làm sứt mẻ hình ảnh của vị lãnh đạo đầy quyền lực Tập Cận Bình như nhận xét của nhà chính trị học Willy Lam với AFP được Les Echos trích dẫn : "Lãnh đạo của 1,4 tỉ dân Trung Quốc không thể nào kiểm soát được một vùng lãnh thổ chỉ có 7 triệu dân".
Bước lùi "chiến thuật" ?
Nhưng ông Hua Po, một chuyên gia khác cảnh báo "Tập Cận Bình cần tỏ vẻ cứng rắn. Ông sẽ không lùi bước một cách dễ dàng". Ba mươi năm sau vụ trấn áp đẫm máu Thiên An Môn, ông Tập Cận Bình đã chọn "một bước lùi chiến thuật" theo như phân tích của ông Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-Tít tại Hồng Kông.
Về điểm này, nhà báo Renaud Girard trên tờ Le Figaro cho rằng "Tập Cận Bình lùi là phải". Ông chẳng có lợi gì khi người phủ đầy máu đến dự thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/06/2019 tại Osaka Nhật Bản.
Các cường quốc Châu Á đã cảm thấy bất an trước sự chuyển hướng độc tài của chế độ Bắc Kinh kể từ năm 2012. Thêm vào đó là chính sách bành trướng hải quân tại vùng Biển Đông, tính chất hung hăng của chính sách "Con đường Tơ Lụa" nhằm có được những nhượng bộ béo bở từ các nước nhỏ "ngập đầu trong nợ nần". Tập Cận Bình không muốn làm cho hình ảnh của mình trở nên thêm tồi tệ.
Đây là giai đoạn tế nhị đối với chủ tịch Trung Quốc. Từ tháng Giêng năm 2018, tổng thống Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại. Một năm sau, chính quyền Trump lại mở tiếp một cuộc chiến công nghệ chống lại Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp kỹ nghệ. Trong vị thế chống Trung Quốc, tổng thống Trump vẫn còn chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phe Dân Chủ. Do vậy, một biển máu Hồng Kông có lẽ sẽ đẩy tất cả các dân biểu và thượng nghị sĩ đồng loạt đứng về phía Trump.
Hơn nữa, liên minh các nước lớn theo nền dân chủ tại Châu Á (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ) là một khái niệm không ngừng tiến triển. Tập Cận Bình cho đến lúc này quả thật đã duy trì được cấp độ trao đổi thương mại mà ông ta có được với bốn cường quốc hàng đầu Châu Á mà không để cho cuộc tranh chấp thương mại của ông với Washington xen lẫn vào.
Do vậy, Tập Cận Bình chẳng có lợi gì khiêu khích các nước đó bằng một hành động bạo lực chính trị cho dù là điều này diễn ra tại Hồng Kông đặc khu hành chính của Trung Quốc. Hành động cũng có nghĩa là sẽ làm cho các nhà đầu tư quốc tế rời xa lãnh thổ. Đó là những người đã mang lại sự phồn thịnh cho hòn đảo tự trị và nhiều vùng lãnh thổ mới của Trung Quốc từ những năm 1950.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga lao dốc !
Cũng liên quan đến Hồng Kông, Le Figaro có bài viết quan tâm đến số phận của nữ lãnh đạo đặc khu sau thất bại của dự luật dẫn độ. Bài viết đề tựa "Đường xuống địa ngục của Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhân vật đầy tham vọng".
Bà Lâm đang lao dốc. Kể từ giờ, lãnh đạo đặc khu là mục tiêu tấn công của làn sóng bất bình. "Bà ấy phải ra đi. Bà ấy đã dám tát vào mặt một triệu người dân", cựu dân biểu ủng hộ dân chủ, Margaret Ng khẳng định. Le Figaro thuật sơ hành trình thăng tiến sự nghiệp của cựu sinh viên ngành chứng khoán tại Cambridge nhờ vào sự bền bỉ. Nhưng giờ đây niềm tự hào đó đang bị tàn phá.
Le Figaro tự hỏi : Làm thế nào một chính khách, vốn từng biết cách thương lượng với các lãnh đạo phong trào Dù Vàng năm 2014, lại có thể tự dẫn vào ngõ cụt ? Bà Margaret Ng cho rằng "Bà ấy có vấn đề về nhân cách. Đó là một người luôn lo sợ có biểu hiện yếu kém".
Năm 2007, Lâm Trịnh Nguyệt Nga được biết đến như là một chiếc "máy ủi" khi còn bộ trưởng Bộ Phát triển. Bà đã cho thúc đẩy nhanh dự án lấn biển, phá hủy không chút nương tay khu bờ kè huyền thoại Star Ferries, chạy dọc theo bờ vịnh uy nghi và phớt lờ mọi chỉ trích của các tổ chức phi chính phủ địa phương.
Bà Lâm đã gánh lấy toàn bộ trách nhiệm về dự luật dẫn độ gây tranh cãi như để giải oan cho Bắc Kinh, vốn đã bổ nhiệm bà vào ghế lãnh đạo đặc khu năm 2017. Theo những nguồn tin được cho là đáng tin cậy từ phe đối lập, bà Lâm dường như đã đi trước mong muốn của Tập Cận Bình để có thể tiến nhanh hơn sự nghiệp chính trị của bà : Nắm thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.
Một hành động mà người dân Hồng Kông không thể nào tha thứ cho rằng "bà ấy đã bán đứng Hồng Kông chỉ vì những lợi ích cá nhân !". Vì ham muốn quyền lực, Lâm Trịnh Nguyệt Nga quên lời dặn dò của thầy "Người ta không kiểm soát, người ta chỉ lấy cảm hứng" khi bà muốn có lời khuyên làm thế nào khẳng định uy quyền.
Trung Quốc bị tố chơi trò tự do thương mại "giả hiệu"
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 18/06/2019 cho biết "Trung Quốc là quốc gia bảo hộ mậu dịch nhiều nhất đối với Châu Âu". Ngoài Trung Quốc, còn có cả Nga và Ấn Độ là những nước được cho là bảo hộ mậu dịch nhiều nhất theo như kết luận của một báo cáo thuộc Ủy Ban Châu Âu.
Trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc luôn hô hào ủng hộ tự do lưu thông hàng hóa và cơ chế đa phương. Thế nhưng, báo cáo về "những rào cản thương mại và đầu tư" công bố ngày thứ Hai 17/06 lại cho thấy một hình ảnh trái ngược : Trung Quốc đứng đầu bảng với vô số các rào cản thương mại đối với hàng hóa Châu Âu.
Báo cáo của Liên Hiệp Châu Âu nêu con số cụ thể : Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có tổng cộng 37 biện pháp cản trở, Nga xếp hạng nhì với 34 rào cản, đứng trước Ấn Độ và Indonesia (25), tiếp đến là Hoa Kỳ (24), Thổ Nhĩ Kỳ (20), Brazil (18) và Hàn Quốc (17).
Vẫn theo Bruxelles, chính quyền Bắc Kinh liên tục tăng số rào cản đối với hàng hóa Châu Âu. Sau khi thiết lập thêm 10 quy định mới năm 2017, Trung Quốc đã áp dụng thêm 4 quy định mới khác trong năm 2018, ảnh hưởng nặng đến hơn 25 tỉ euro hàng xuất khẩu của Châu Âu, trong đó các mặt hàng công nghệ cao là bị tác động nhiều nhất do cải cách luật về an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp Châu Âu đã bị gạt ra khỏi thị trường công nghệ và viễn thông Trung Quốc.
Facebook : Big Bank
Libération trên trang nhất chơi chữ đồng âm : "Facebook, Big Bank", chứ không phải là big bang vũ trụ. Tập đoàn mạng xã hội của Mỹ hôm nay thông báo cho ra đời đồng tiền ảo của chính hãng.
Đồng libra này cho phép 2,1 tỉ người sử dụng mạng Facebook ngay từ năm 2020 có thể tiến hành các giao dịch tài chính thông qua các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo nhận định của Gilles Babinet, chuyên gia về kỹ thuật số viện Montaigne, đồng libra của Facebook ẩn chứa nhiều rủi ro thật sự và nhất là đe dọa đến chủ quyền quốc gia.
Triển lãm hàng không Bourget : Airbus tạm qua mặt Boeing
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến hội chợ hàng không quốc tế ở Bourget, ngoại ô phía bắc Paris và ghi nhận "Airbus qua mặt Boeing". Hãng lắp ráp máy bay dân dụng Châu Âu đã thu được 114 đơn đặt hàng với tổng trị giá 15 tỉ đô la, trong khi hãng GE xác nhận loại sự chậm trễ của loại máy bay chiếc Boeing 777X do lỗi thiết kế một linh kiện nhỏ của động cơ GE9X.
Cũng liên quan đến hội chợ hàng không Bourget, Le Figaro thông báo : "Chiến đấu cơ tương lai của Châu Âu là sự kiện chính của Hội chợ Bourget".
Mô hình mẫu chiếc tiêm kích Scaf đã được trình làng trước sự chứng kiến của tổng thống Pháp Macron. Một thỏa thuận khung hợp tác giữa ba nước Pháp, Tây Ban Nha và Đức về dự án phòng thủ chung Châu Âu đầy tham vọng cũng đã được ký kết.
Chlorpyrifos : Chất độc được "cho phép"
Trong lĩnh vực sức khỏe và an toàn thực phẩm, Le Monde trên trang nhất chạy hàng tựa lớn báo động "Chất Chlorpyrifos, tai tiếng an toàn thực phẩm nghiêm trọng". Họ thuốc trừ sâu bọ này bị cho là "thủ phạm" làm giảm trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Thế nhưng theo nhật báo, điều đáng lên án là dù đã có nhiều nghiên cứu báo động về "tính chất độc hại" không thể khắc phục được của loại thuốc trừ sâu này do hãng Down của Mỹ chế tạo đối với sự phát triển của bộ não trẻ nhỏ, nhưng các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn nhắm mắt làm ngơ.
Minh Anh
"Vận mệnh Châu Á" đang được quyết định tại Hồng Kông
Báo chí Pháp hôm nay tràn ngập bài viết về Hồng Kông sau ngày xuống đường phản kháng quy mô khổng lồ chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, bất chấp việc chính quyền đình hoãn dự luật.
Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ mang hình lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Hồng Kông, 16/04/2019. Reuters/Jorge Silva
Trang nhất Le Figaro đăng hình dòng người kín đặc con đường trung tâm thành phố, với tiêu đề : "Tại Hồng Kông, 2 triệu người xuống đường thách thức Bắc Kinh, bất chấp chính quyền lùi bước". Les Echos có bài của Dominique Moisi, với tựa đề "Khi vận mệnh Châu Á được quyết định tại Hồng Kông".
Theo nhà địa chính trị học Pháp, các cuộc biểu tình phản kháng khổng lồ tại Hồng Kông cho thấy một "không khí căng thẳng chung của toàn khu vực", trong bối cảnh đặc biệt : 30 năm thảm sát Thiên An Môn và cũng là 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, kết liễu sự phân liệt của Châu Âu thành hai khối, Đông và Tây.
Công dân nhiều quốc gia Châu Á hiện tại đang đứng trước lựa chọn : Có chấp nhận theo đuổi tăng trưởng kinh tế và tình trạng được gọi là "ổn định" xã hội hay không, nếu các quyền căn bản của họ bị xâm phạm. Theo tác giả, mâu thuẫn chủ yếu hiện nay tập trung vào thế đối đầu giữa các chế độ, như Trung Quốc, lấy việc tập trung quyền lực tuyệt đối làm điều kiện căn bản cho thành công kinh tế, và bên kia là các xã hội "trưởng thành", nơi người dân không chấp nhận vận mệnh của mình bị các chế độ độc tài quyết định.
Đối với ông Tập Cận Bình, việc tập trung quyền lực tuyệt đối - với bàn tay sắt không cần bọc nhung - là điều kiện cho sự ổn định chính trị, và tăng trưởng kinh tế. Đối với Bắc Kinh, thảm sát Thiên An Môn mở đầu cho một thời kỳ tăng trưởng kéo dài (đây là điều hoàn toàn đi ngược lại với sự thực lịch sử, vì tăng trưởng đã bắt đầu tại Trung Quốc trước Thiên An Môn - theo tác giả), còn việc bức tường Berlin sụp đổ đã dẫn đến "sự lộn xộn, nếu không phải là sự hỗn loạn".
Tuy nhiên, những cuộc phản kháng tại Hồng Kông vừa qua cho thấy sự tập trung quyền lực ngày càng lớn của ông Tập Cận Bình đã không dẫn đến ổn định. Tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã đi quá xa. Nhà chính trị học Dominique Moisi nhận xét : Các chế độ độc tài tưởng rằng họ đi đúng hướng khi kích động tình cảm dân tộc của dân chúng, với quan điểm "Hãy tự hào về tổ quốc, về nền văn hóa của mình ! Hãy phát triển kinh tế ! Còn các quyền tự do không phải là điều quá quan trọng". Nhân danh vinh quang Trung Hoa, Bắc Kinh thúc đẩy người Hoa thần phục chế độ cộng sản.
Hồng Kông : Tuyến đầu của thế giới dân chủ tại Châu Á
Tuy nhiên, hiện thực là phức tạp hơn nhiều. Nhiều công dân Hồng Kông - cho dù cảm thấy mình là người Trung Quốc, cũng như nhiều người Singapore gốc Hoa - vẫn hiểu rằng có một sự khác biệt không hề nhỏ giữa họ và dân cư Hoa lục. Đó là họ được sống trong một Nhà nước pháp quyền như Singapore, hoặc nếu không cũng là trong một nền dân chủ hiện thực, cho dù bị khống chế về nhiều mặt, như trường hợp Hồng Kông.
Nhà địa chính trị học Pháp nhấn mạnh là toàn bộ lục địa Châu Á hiện nay đang trong tình trạng đối đầu gia tăng, giữa các chế độ tập quyền và các quốc gia gắn bó với nền dân chủ. Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau để đối trọng lại với Trung Quốc, và các quốc gia Châu Á nói trên làm điều này trong khuôn khổ một Liên minh các nền dân chủ đang hình thành tại "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Sự độc đoán và tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh càng gia tăng, thì liên minh các nền dân chủ Châu Á ngày càng siết chặt. Chính theo nghĩa đó, có thể nói tương lai Châu Á hiện đang được quyết định tại Hồng Kông, vùng đất nằm trên tuyến đầu của các nền dân chủ Châu Á.
Chiến lược của Tập Cận Bình đã bị ngăn chặn
"Chiến lược của ông Tập Cận Bình bị ngăn chặn" là một phân tích khác trên Le Figaro. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền năm 2012, "Hoàng đế đỏ" đã phải lùi bước trước áp lực đường phố.Tình hình là khác hẳn so với hồi năm 2014, khi "cuộc cách mạng dù vàng" làm tê liệt trung tâm Hồng Kông trong hơn 2 tháng cũng không buộc Bắc Kinh đổi ý.
Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít Hồng Kông, Bắc Kinh yêu cầu lãnh đạo đặc khu "từ bỏ" dự luật này, cho dù bà Lâm đã tuyên bố đình hoãn. Le Figaro điểm lại bước ngoặt thứ Năm tuần trước, sau ngày đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát, lãnh đạo Hồng Kông đã phải bí mật gặp đại diện của Bắc Kinh tại Thâm Quyến. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh xem việc lãnh đạo Hồng Kông cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực quá đà là "phản tác dụng".
Theo nhà bình luận chính trị Hồng Kông Lâm Lập Hòa (Willy Lam), phong trào phản kháng dữ dội tại Hồng Kông đã khiến ông Tập "mất mặt".
Tình hình Hồng Kông trở nên bốc lửa đúng vào lúc ông Tập đang đứng trước áp lực rất lớn từ Mỹ, trong chiến thương mại song phương, mà hai bên đều tuyên bố muốn sớm ký thỏa thuận hưu chiến. Có một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu bỏ rơi bà Lâm, đó là tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Anh : Dự luật dẫn độ sang Hoa Lục chỉ là "sáng kiến riêng" của lãnh đạo Hồng Kông, chứ không phải của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách biến bà Lâm thành "hình nhân thế mạng", để tránh nỗi giận Hồng Kông trực tiếp hướng vào Đảng Cộng Sản và chính quyền trung ương.
Thế hệ Dù vàng trưởng thành : "Năng lượng của nỗi tuyệt vọng"
Le Figaro cũng có một bài viết khác về Hồng Kông mang tựa đề "Thế hệ "Dù vàng" hết ngây thơ". Phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ gắn liền với sự trưởng thành của giới trẻ Hồng Kông, từng đứng lên chống lại các quyết định độc đoán của chính quyền, với phong trào 2014.
Theo Le Figaro, chính lớp trẻ với tâm lý đầy "lo hãi" (do nền dân chủ đặc khu ngày càng bị bóp nghẹt) nhưng cũng khát khao lý tưởng đã làm nên "chiến thắng đầu tiên" cho lực lượng dân chủ Hồng Kông. Poly, một thiếu nữ, thành viên trụ cột của phong trào, cho biết họ đã rút ra được nhiều bài học từ các sai lầm trong quá khứ và kiên định hơn. Cựu nghị sĩ ủng hộ dân chủ, bà Margaret Ng, nhận xét là "sự quả cảm của giới trẻ khiến tôi nhớ đến các sinh viên tranh đấu năm xưa trên quảng trường Thiên An Môn. Họ sẵn sàng hy sinh vì thành phố của mình".
Theo Hoi Yi, một người biểu tình 24 tuổi, thì cuộc chiến chống lại dự luật dẫn độ là vấn đề "sống chết" của Hồng Kông. Chính nỗi tuyệt vọng đã làm dấy lên một năng lượng mới trong giới trẻ, cho dù tất cả các lãnh đạo năm 2014 đều đang ngồi sau song sắt. Một trong các điểm mới của phong trào hiện nay là giới trẻ không còn đối lập phe chủ trương cứng rắn với phe chủ trương ôn hòa. Vẫn theo cô Poly, giờ đây tất cả đoàn kết lại, mọi người quyết định không chỉ trích lẫn nhau. Mỗi khi phải đối đầu với cảnh sát những người thuộc nhóm cứng rắn lên tuyến đầu, trong lúc nhóm ôn hòa tiến hành các hoạt động tranh thủ dư luận.
Cuộc chiến còn kéo dài …
Tuy nhiên, ông Jimmy Lai, người sáng lập nhật báo Apple Daily, nhật báo số một của thành phố, cảnh báo là tương lai dân chủ tại Hồng Kông là bất định, cuộc chiến sẽ còn kéo dài đến năm 2047, cho đến khi đặc khu này hoàn toàn mất quy chế bán tự trị, theo dự kiến.
Trả lời phỏng vấn báo Les Echos, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan cũng lưu ý là phong trào phản kháng mới chỉ chiến thắng một trận đầu, Bắc Kinh sớm hay muộn cũng sẽ trở lại. Và yêu sách của người biểu tình hiện nay chỉ là giữ chế độ chính trị tại Hồng Kông ở nguyên trạng, so với thời điểm 1997, chứ không phải đòi hỏi thêm quyền dân chủ như hồi 2014.
Hồng Kông vẫn là "nguồn lợi lớn"
Theo báo chí Pháp, việc Bắc Kinh phải lùi bước một phần chủ yếu là do lo ngại thị trường phản ứng tiêu cực. Libération nhấn mạnh đến việc tập đoàn bất động sản Goldin từ bỏ một dự án lớn tại Hồng Kông trong bối cảnh khủng hoảng là một dấu hiệu cho thấy dự thảo luật dẫn độ đe dọa ổn định kinh tế của đặc khu và sự an toàn pháp lý mà Hồng Kông được hưởng cho đến nay.
Les Echos nhấn mạnh là, đối với Bắc Kinh, với tư cách thị trường tài chính hàng đầu Châu Á, nơi các doanh nhân được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt, khác hẳn với Hoa lục, Hồng Kông vẫn còn là một nguồn tài chính quan trọng cho các hoạt động doanh nghiệp tại Trung Quốc, một "lá chủ bài kinh tế" của Bắc Kinh.
Vịnh Ba Tư : Leo thang nguy hiểm
Cùng với Hồng Kông, hầu hết các báo Pháp hôm nay đều tiếp tục nói đến tình hình căng thẳng vùng Vịnh. Libération ghi nhận bốn ngày sau vụ hai tầu dầu bị tấn công hình thành hai phe. Một bên là Hoa Kỳ, cùng một số đồng minh vùng Vịnh, và cả nước Anh, lên án Iran đứng sau hai vụ này. Bên kia là một số quốc gia như Đức, Nga, đòi hỏi thận trọng. Matxcơva hy vọng có một cuộc "điều tra quốc tế không thiên vị" về vụ này.
La Croix, với bài xã luận "Những kẻ mộng du", lo ngại là tình hình đang ngày càng trở nên "nguy hiểm" hơn tại Vùng Vịnh, hết sức đáng lo ngại, khi các bên đều cố gắng khẳng định lẽ phải về phần mình. Hệ quả sẽ rất lớn, bởi nếu xung đột bùng phát, việc vận tải dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Xã luận Le Monde, "Leo thang nguy hiểm tại vùng biển Oman", lo ngại cùng với các vụ tấn công tầu dầu, hiện chưa rõ thủ phạm, áp lực trừng phạt tối đa của Mỹ hiện nay với Tehran, có thể khiến Iran rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, kể từ ngày 07/07 tới, nếu các thành viên khác của thỏa thuận không tìm được giải pháp.
Les Echos với bài "Cả Mỹ và Iran đều không muốn một xung đột thực sự" nhấn mạnh là mục tiêu của Washington không phải là gây chiến với Iran, mà dùng áp lực để buộc Tehran phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, cũng như giảm bớt các can dự trong khu vực.
Triển lãm Bourget : Airbus thượng phong, nhưng hàng không bị lên án
Triển lãm hàng không số thế giới khai mạc hôm nay tại Trung tâm triển lãm Bourget, ngoại ô Paris. Les Echos chạy tựa trang nhất : "Công ty hàng không Châu Âu Airbus trong thế thượng phong với Boeing". Máy bay mới của Airbus A321 XLR, với khả năng bay liên tục 9 giờ đồng hồ, với 220 hành khách tối đa, là tiêu điểm của cuộc triển lãm năm nay. Theo một số nguồn tin không chính thức, các khách hàng đã đặt mua khoảng 200 phi cơ A321 XLR.
Tuy nhiên, theo Les Echos, nhìn về toàn cảnh, Triển lãm Bourget lần thứ 53 mở ra trong không khí không mấy lạc quan, trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử, cả Airbus và Boeing kể từ đầu năm đến nay đều phải chịu cảnh đơn đặt hàng bị hủy nhiều hơn số lượng đơn đặt hàng mới. Chưa kể Boeing còn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng 737 Max. Toàn bộ ngành hàng không cũng đang phải hứng chịu các chỉ trích ngày càng nặng nề do vai trò của vận chuyển hàng không đối với việc Trái đất bị hâm nóng.
G20 muốn thế dầu mỏ bằng Hydrogene
Cuộc chạy đua tìm kiếm các năng lượng thay thế cho các nguồn hóa thạch đang gia tăng. Vẫn theo Les Echos, hội nghị các bộ trưởng Môi Trường khối G20, họp tại Nhật Bản, cuối tuần qua, đã quyết định gia tăng hợp tác sản xuất khí Hydrogene. Các bộ trưởng khối 20 cường quốc kinh tế, chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu, đồng thanh ủng hộ quyết định coi Hydrogene là nguồn năng lượng hàng đầu thay thế cho dầu mỏ. Nhật Bản là đầu tầu trong nỗ lực này. Trong dịp hội nghị nói trên, Tokyo đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác về Hydrogene với Liên Âu và Mỹ.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế, Hydrogene có thể là lá chủ bài của cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh, nếu được đầu tư kịp thời. Hiện tại, việc sản xuất khí này vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn hóa thạch. Giải pháp tương lai là sản xuất Hydrogene từ năng lượng tái tạo.
Trọng Thành
Hồng Kông : Dự luật dẫn độ bị chỉ trích ngay trong chính quyền (RFI, 14/06/2019)
Trưởng đặc khu thân Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 14/06/2019 phải đối mặt với những chỉ trích ngay trong chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ đã khiến hơn 1 triệu người xuống đường phản đối. Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ hôm qua đã đưa ra một dự luật tái khẳng định sự ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông. Về phía phong trào phản kháng, họ chuẩn bị cho cuộc biểu tình Chủ nhật tới và tổng đình công vào thứ Hai.
Người biểu tình trên cây cầu cho bộ hành dẫn đến Nghị Viện Hồng Kông nhưng đã bị cảnh sát phong tỏa. Ảnh chụp ngày 13/06/2019. Reuters/Thomas Peter
Dân biểu thân Bắc Kinh Đoàn Bắc Thìn (Michael Tien) công khai kêu gọi chính quyền từ bỏ dự luật dẫn độ. Theo ông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ có lợi khi thay đổi quan điểm, bây giờ chưa phải đã muộn. Ngay chính cố vấn cao cấp của bà Lâm, ông Trần Bách Lý (Bernard Chan) cũng cho rằng việc vội vã thông qua dự luật dẫn độ là "bất khả", trong tình hình bị phản đối từ mọi phía.
Phong trào phản kháng ở Hồng Kông có được sự ủng hộ của mọi giới : luật sư, các tổ chức tư pháp uy tín, giới kỹ nghệ, kinh doanh, nhà báo, các nhà ngoại giao phương Tây… Đặc biệt tại Hoa Kỳ, hôm qua các đại biểu cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã trình ra lưỡng viện Quốc hội một dự luật về "nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông".
Tại đặc khu này, sau khi các cuộc biểu tình hôm thứ Tư 12/6 bị đàn áp khiến 70 người bị thương, người dân vẫn chuẩn bị tiếp tục xuống đường. Đặc phái viên Stéphane Lagarde tường trình từ Hồng Kông :
"Những cuộn băng keo, bút lông, giấy…Những "xưởng sản xuất áp-phích" xuất hiện trên các ngả đường dẫn vào LegCo tức Nghị Viện Hồng Kông, nơi diễn ra các vụ đụng độ trong những ngày gần đây. Những bức tường và cột bê-tông được dán kín các truyền đơn, khẩu hiệu bằng tiếng quan thoại và tiếng Anh như "Phản đối bạo lực", "Hủy bỏ luật dẫn độ". Bên cạnh đó là các hình vẽ, ảnh chụp, như ngón tay chĩa về phía cảnh sát và chính quyền, nói lên sự phẫn nộ tột cùng của đa số tuổi trẻ Hồng Kông.
Thụy My
***********************
Hồng Kông : Chính sách khủng bố tinh thần của Bắc Kinh bị phá sản (RFI, 14/06/2019)
Vì sao một dự luật dẫn độ hình sự có thể tạo ra bầu không khí "tổng nổi dậy" ở Hồng Kông, một nhượng địa sắp trở về Hoa Lục vào năm 2047 ? Gọng kềm của Bắc Kinh, từ kiểm soát không gian chính trị, trừng phạt tù đày, hay bắt cóc hù dọa tinh thần đều không bịt miệng được người dân Hồng Kông. Sức mạnh của tinh thần yêu chuộng tự do bắt đầu thắng thế.
Một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông ngày 13/06/2019 : "Không chấp nhận việc dẫn độ qua Trung Quốc". Reuters/Jorge Silva
Theo AFP, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thân Bắc Kinh, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đang bị công kích từ bên trong nội bộ. Sau những cuộc biểu tình khổng lồ phản kháng trong tuần qua, đến lượt các đại biểu thân Trung Quốc như Michael Tien và cả cố vấn "tối cao" Bernard Chan của chủ tịch hành pháp kêu gọi từ bỏ dự luật dẫn độ.
Dự luật này bị đối lập xem là bẫy lừa của Bắc Kinh, can thiệp vào thẩm quyền của tư pháp Hồng Kông, để truy bắt những người bất đồng chính kiến, đối lập chính trị hoặc đảng viên ly khai. Nói cách khác là tước đoạt quyền tự do và quy chế tự trị của Hồng Kông, chà đạp lời hứa "một quốc gia, hai chế độ" mà Đặng Tiểu Bình cam kết với Anh Quốc và người dân địa phương trong khi đàm phán thỏa thuận 1997.
Từ 2014 đến nay, chính quyền Tập Cận Bình dứt khoát không cho tổ chức bầu trưởng đặc khu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, mà phải do 1200 đại cử tri được chỉ định và phải được Bắc Kinh cho phép. Phong trào Dù Vàng bùng lên vào thời điểm đó, nhưng sau hai tháng làm tê liệt thành phố, đối lập không đòi được đáp ứng nguyện vọng "bầu cử tự do".
Phong trào dân chủ tưởng đâu chìm xuống. Những cuộc kỷ niệm ngày ký hiệp định 01/07/1997, hàng năm, hay tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn 04/06 chỉ huy động từ vài ngàn đến hai chục ngàn là nhiều. Một loạt các lãnh tụ sinh viên và đối lập bị bắt, bị kết án tù.
Thế nhưng, tình hình có vẻ đổi khác. Đêm tưởng niệm Thiên An Môn đông người tham dự hơn. Tiếp theo là phong trào chống luật dẫn độ đã huy động mọi tầng lớp xã hội, từ luật gia cho đến thương gia, sinh viên học sinh, thu hút hơn một triệu người.
Sự kiện này cho thấy một thế hệ đấu tranh này chưa gục xuống, một thế hệ khác đã vùng lên cũng vì tự do.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gửi về bài phóng sự :
"Tuổi trẻ Hồng Kông đã áp dụng bài học chính trị đặc biệt là bài "bất phục tùng dân sự", bằng cách tham gia vào phong trào Dù Vàng năm 2014. Nhưng lần đấu tranh này, với cuộc xuống đường ngày thứ Tư vừa qua, có một động cơ nghiêm trọng hơn thúc đẩy họ.
Một nhóm sinh viên giải thích : "Phong trào Dù Vàng lúc trước chỉ đòi quyền tự do bầu chọn người lãnh đạo hành pháp Hồng Kông. Bây giờ, chúng tôi chỉ đòi không bị rủi ro dẫn độ sang Trung Quốc". Một sinh viên khác nói : "Chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật phải được duy trì tại Hồng Kông. Chúng tôi có pháp luật riêng, chúng tôi không muốn người ta đụng đến". "Chúng tôi đều là sinh viên học sinh, là thanh thiếu niên, họ có gì cho tương lai chúng tôi". "Tương lai chúng tôi là quyền lợi của chúng tôi, vì nó mà chúng tôi tranh đấu".
Giới trẻ Hồng Kông ý thức giá trị của tự do, nhất là giá trị đó tương phản với Hoa Lục láng giềng mà trên nguyên tắc Hồng Kông phải hội nhập vào năm 2047. Một sinh viên khẳng định sự khác biệt này : "Chúng tôi muốn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình. Các quyền này đâu được công nhận tại Trung Quốc".
Nhiều người cho là cuộc tranh đấu sẽ thất bại, nhưng giới trẻ Hồng Kông, vì bổn phận của người công dân, cương quyết lên tiếng vất bỏ thứ tương lai áp đặt".
Chưa biết là lãnh đạo hành pháp sẽ phản ứng ra sao trước những ý kiến trong nội bộ thiên về giải pháp nhượng bộ dân chúng. Nhưng rõ ràng là phong trào đường phố chống dự luật đã tác động đến "cung đình".
Nhà nghiên cứu Eric Sautedé, quan sát viên tại chổ, thẩm định : một triệu người xuống đường cho dù các lãnh tụ phong trào 2014, kể cả các giáo sư đại học đáng kính, đang ngồi tù, chứng tỏ chính sách khủng bố tinh thần của Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh bị phá sản.
Tú Anh
***********************
Nhìn Hồng Kông, Đài Loan càng lo ngại tham vọng thôn tính của Bắc Kinh (RFI, 13/06/2019)
Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, người cực lực bảo vệ sự độc lập của hòn đảo này trước tham vọng của Bắc Kinh, hôm nay đã dễ dàng được đảng Dân Tiến chỉ định ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Thắng lợi của vị nữ tổng thống Đài Loan này một phần chính là nhờ các cuộc xuống đường liên tiếp tại Hồng Kông.
Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận ở Chương Hóa ngày 28/05/2019 tại Đài Loan, mô phỏng một cuộc xâm lăng của Trung Quốc.Reuters
Ngoài chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ở Hồng Kông, ngoài chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, có lẽ Đài Loan quan tâm hơn ai hết về cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ về Hoa Lục. Hình ảnh người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát đàn áp thô bạo từ nhiều ngày qua khiến mô hình "một quốc gia hai chế độ" trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết trong mắt hơn 23 triệu dân Đài Loan.
Chủ Nhật vừa qua, khi hơn 1 triệu dân Hồng Kông tuần hành chống dự luật dẫn độ, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Thái Anh Văn đứng về phía người biểu tình Hồng Kông. Bà viết : "Ngày nào mà tôi còn là tổng thống thì đừng bàn đến chuyện "một quốc gia hai chế độ"".
"Một quốc gia, hai chế độ" là lá bùa hộ mạng, bảo đảm cho hơn 7 triệu dân cư tại "đặc khu hành chính" này từ nay đến năm 2047 độc lập với Bắc Kinh về mặt chính trị, tư pháp... Cũng chính nhờ quy chế đặc biệt đó mà các nhà dân chủ Hồng Kông mỗi năm vẫn được tổ chức"đêm canh thức" tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn. Có điều, các cuộc xuống đường của dân Hồng Kông, từ phong trào dù vàng năm 2014, cho đến cuộc đọ sức với cảnh sát trên đường phố Hồng Kông lần này để phản đối luật dẫn độ, cho thấy các quyền tự do mà chế độ Đặng Tiểu Bình đã chấp nhận với Anh Quốc trước khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông lại cho Bắc Kinh năm 1997 đang bị thu hẹp dần.
Với Đài Loan, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đưa quốc đảo này trở về với "đất mẹ" bằng cách này hay cách khác. Khi hòa hoãn, Bắc Kinh hứa hẹn dành cho Đài Loan quy chế tự trị. Lúc cứng rắn, chính quyền của ông Tập Cận Bình đe dọa dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa Lục.
Đại đa số dân Đài Loan muốn giữ nguyên trạng trong quan hệ với Trung Quốc. Có nghĩa là về thực chất Đài Loan là một vùng đất độc lập, là một nền dân chủ thực thụ, mà ở đó hai đảng truyền thống là Quốc Dân Đảng và Dân Tiến thay phiên nhau cầm quyền. Về đối ngoại, chính quyền Đài Bắc chỉ được rất ít các quốc gia trên thế giới công nhận. Ngay cả Hoa Kỳ, vốn là điểm tựa quân sự của Đài Loan, cũng phải tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc duy nhất". Bản thân các chính quyền ở Đài Loan từ năm 1949 đến giờ - bên Quốc Dân Đảng cũng như Dân Tiến - đều ý thức được rằng, công khai tuyên bố độc lập là lằn ranh đỏ không thể vượt qua, bởi đấy sẽ là cái cớ để Bắc Kinh dùng vũ lực thôn tính hòn đảo.
Từ khi lên cầm quyền năm 2016, bà Thái Anh Văn luôn chống đối viễn cảnh để Bắc Kinh thôn tính Đài Loan. Vị nữ tổng thống này liên tục tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo, tăng ngân sách quốc phòng ...
Trong bảy tháng nữa, cử tri Đài Loan sẽ bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ bốn năm, việc bà Thái Anh Văn công khai đứng về phía dân Hồng Kông không phải là một chuyện tình cờ, mà đó là một thông điệp gửi đến cử tri xứ Đài. Bà trực tiếp cảnh báo công luận về nguy cơ để Đài Loan trở về với "đất mẹ" và kêu gọi mọi người chớ nuôi ảo vọng về cái mà Bắc Kinh gọi là "quy chế tự trị".
Theo giới quan sát, khi lên tiếng về Hồng Kông, mục tiêu mà bà Thái Anh Văn muốn nhắm tới là Quốc Dân Đảng, vốn có đường lối thân thiện hơn với Bắc Kinh. Thông điệp này càng quan trọng hơn nữa, khi biết rằng đảng Dân Tiến đã thua đậm trong những cuộc bầu cử địa phương gần đây. Tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Đài Loan, ông Lại Thanh Đức đã phải từ chức.
Cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông để bảo vệ tự do, cưỡng lại gọng kềm của Bắc Kinh, chưa biết sẽ có hồi kết ra sao, nhưng dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục là một công cụ tranh cử rất tốt và đúng thời điểm đối với bà Thái Anh Văn. Với chính quyền của ông Tập Cận Bình, dự luật dẫn độ Hồng Kông đang gây ra hiệu ứng phụ, làm xấu đi hình ảnh của "Một nước Trung Quốc" trong công luận Đài Loan.
Thanh Hà
*********************
Luật dẫn độ Hồng Kông : Trung Quốc lên án Châu Âu can thiệp nội bộ (RFI, 13/06/2019)
Trong khi người biểu tình tại Hồng Kông tiếp tục cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, lần lượt Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc lên tiếng kêu gọi chính quyền Hồng Kông không thông qua dự luật này. Hôm nay, 13/06/2019, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, Bắc Kinh lên án Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông và cũng là công việc nội bộ của Trung Quốc.
Biểu tình tại Hồng Kông ngày 12/06/2019 phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Reuters/Athit Perawongmetha
Trước đó, vào chiều ngày 12/06, trong một thông cáo, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi phải "tôn trọng" các quyền biểu tình và bày tỏ chính kiến của người Hồng Kông. Bruxelles cũng tỏ ý dồng tình với nhiều điểm trong số những lo ngại của người biểu tình Hồng Kông về dự luật dẫn độ.
Trong thông cáo, phát ngôn viên ngoại giao Châu Âu, bà Maja Kocijancic, bày tỏ quan điểm về dự luật dẫn độ : "Đây là vấn đề nhạy cảm, có hậu quả tiềm ẩn đáng kể cho Hồng Kông và người dân, cho các công dân Châu Âu và các nước, cũng như cho lòng tin của các công ty tại Hồng Kông".
Riêng Anh Quốc, nước có thuộc địa cũ là Hồng Kông, cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngừng thông qua dự luật đang bị đông đảo người dân phản đối.
Trước Nghị Viện, thủ tướng Theresa May hôm qua tuyên bố : "Chúng tôi lo ngại về hệ quả tiềm ẩn của dự luật ( dẫn độ), nhất là khi rất đông công dân Anh đang sống tại Hồng Kông". Bà May nhấn mạnh, "điều cốt lõi là dự luật dẫn độ được áp dụng tại Hồng Kông phải phù hợp với luật pháp và các quyền tự do ghi trong "Tuyên bố chung Anh-Trung", văn kiện ký giữa Luân Đôn và Bắc Kinh khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997 dưới quy chế Đặc khu hành chính.
Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra khá chừng mực khi tuyên bố rằng ông hy vọng người biểu tình Hồng Kông sẽ tìm được "một giải pháp" với Trung Quốc về dự luật này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc : Biểu tình tại Hồng Kông là "bất hợp pháp"
Một số tờ báo nhà nước Trung Quốc trong số ra ngày hôm qua, 12/06/2019, cho rằng biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông là "bất hợp pháp".
Tờ nhật báo Anh ngữ China Daily cho rằng các điều trong dự luật về dẫn độ của Hồng Kông hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế nhưng "phe đối lập và các ông chủ ngoại quốc phản đối dự luật đó nhằm những mục đích cá nhân bất chấp nhà nước pháp quyền, sự an toàn của người dân, và công lý". Tờ báo viết thêm : "Chính là sự bất hợp pháp sẽ gây nguy hại cho Hồng Kông, chứ không phải dự luật về dẫn độ».
Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo đổ lỗi cho "các thế lực đối lập cực đoan" và "các thế lực phương Tây đứng đằng sau" chính trị hóa và thổi phồng dự luật dẫn độ. Tờ báo viết : "Đùa giỡn với chính trị đường phố không kiểm soát sẽ khiến Hồng Kông trở nên lạc hậu và bất ổn", và "đây không phải hướng đi khôn ngoan cho Hồng Kông".
Hồng Kông tiếp tục tạm hoãn thảo luận luật dẫn độ vô thời hạn
Hôm nay, 13/06/2019, Nghị Viện Hồng Kông tiếp tục hoãn thảo luận dự luật cho phép dẫn độ về Trung Quốc, nguyên nhân của các cuộc biểu tình lớn trong những ngày qua. Không khí căng thẳng xung quanh tòa nhà Nghị Viện cũng giảm bớt. Tại khu vực này hôm qua đã xảy ra các cuộc xô xát dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình.
Thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình :
"Trạm tàu điện ngầm Kim Chung (Admyralty) hôm qua làm nơi tạm lánh của hàng ngàn người biểu tình, bị đóng cửa theo lệnh của cảnh sát, giờ đã mở cửa trở lại.
Có một số thanh niên quay lại hiện trường, gần tòa nhà Nghị Viện hôm nay. Họ không còn đội mũ bảo hiểm và khẩu trang, mà mang theo các túi đựng rác để dọn dẹp những thứ hỗn độn hôm qua. Mưa lớn cùng với việc dự luật được hoãn thảo luận vô thời hạn ở Nghị Viện đã làm người biểu tình nản chí.
Chủ đề tranh luận bao trùm ngày hôm nay là thống kê kết quả cuộc biểu tình và vũ lực cảnh sát, cũng như khái niệm "bạo loạn" mà lãnh đạo đặc khu hành chính, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) sử dụng.
Theo số liệu thống kê về biểu tình, có 70 người bị thương, trong đó một phụ nữ bị hỏng một mắt. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, việc cảnh sát đã sử dụng quá đáng đạn cao su và các công cụ trấn áp khác để giải tán người biểu tình, chủ yếu gồm các sinh viên.
Ngoài ra, việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một lãnh đạo đặc khu hành chính rất mất lòng dân, dùng từ "bạo loạn" để chỉ các cuộc biểu tình đã gây sốc dư luận. Theo luật Hồng Kông, tham gia vào các vụ bạo động có thể bị án tù 10 năm. Theo nhiều tổ chức nhân quyền, đa số người biểu tình là bất bạo động".
Anh Vũ, Gia Hưng
Pháp muốn duy trì quyền tự do hàng hải ở biển Đông (RFA, 24/09/2018)
Pháp sẽ thảo luận với Úc nhằm tìm cách phối hợp các hoạt động tại biển Đông để duy trì quyền tự do hàng hải ở khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trong một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 8 năm 2018 tại Helsinki, Phần Lan. AFP
Truyền thông trong nước dẫn tin của mạng News.com.au cho biết bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nói như vậy trong chuyến thăm thành phố Adelaide của Úc để dự một buổi hội thảo quốc phòng vào hôm 24/9.
Bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhận định Pháp ‘không đứng về phía nào’ nhưng Paris ý thức được rằng Trung Quốc ngày càng trở nên lấn lướt tại Biển Đông.
Tin cho biết bà Florence khẳng định lập trường của Pháp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh đang vướng mắc các quy tắc quốc tế nhưng Paris vẫn đối thoại cởi mở. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp còn cho biết Pháp sẽ vẫn tiếp tục cho tàu hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Pháp đã cho tàu đổ bộ tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ đi qua Biển Đông, gần một số bãi đá nhân đạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong khu vực Trường Sa.
Biển Đông là khu vực hiện đang tranh chấp giữa các nước gồm Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đòi 90% diện tích với đường đứt khúc chín đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016.
*****************
Đài Loan mở rộng điều kiện nhập tịch đối phó "chảy máu chất xám" (RFA, 24/09/2018)
Đài Loan vừa đề xuất Dự luật di trú kinh tế nhằm phản ứng lại những nỗ lực của Bắc Kinh đang thu hút nhiều nhân tài khỏi hòn đảo tự trị.
Quốc kỳ Đài Loan - AFP
Đây là nội dung được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan đi vào ngày 24 tháng 9, và cho biết thêm các nhà lập pháp của Đài Loan dự kiến sẽ quyết định vào tháng tới về việc liệu có cung cấp quyền công dân cho sinh viên và công nhân lành nghề từ Đông Nam Á để giúp đối phó với việc chảy máu chất xám sang Đại Lục.
Theo dự luật được đưa ra thì những người có kỹ năng đặc biệt sẽ có thể nộp đơn xin thường trú sau khi làm việc tại Đài Loan trong 3 năm ; các chuyên gia nước ngoài sẽ có thể làm tương tự sau khi làm việc trên đảo trong 5 năm, và các kỹ thuật viên trung cấp hoặc công nhân lành nghề sau 7 năm.
Ngoài ra, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp và làm việc tại Đài Loan từ 5 đến 7 năm sẽ hội đủ điều kiện để nộp đơn. Luật mới cũng sẽ áp dụng cho các công nhân nước ngoài có tay nghề đã làm việc tại Đài Loan trong 7 năm.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ ưu tiên mở cửa cho các chuyên gia từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, luật cũng áp dụng cho các chuyên gia và sinh viên từ các nước ngoài khối.
Các quan chức và nhà phân tích cho biết, bên cạnh việc giải quyết vấn đề mất đi nguồn nhân lực lành nghề, dự luật này là một cách để Đài Loan giải quyết vấn đề lực lượng trong tuổi lao động đang bị giảm đi đáng kể.
Những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hài lòng đón nhận dự luật này. Tuy nhiên các nhà phê bình chỉ ra rằng các công dân Đài Loan tiềm năng mới sẽ không đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay doanh nghiệp vì lợi nhuận để thúc đẩy tạo việc làm tại địa phương.
Do đó, Tsai Lien-sheng, tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia cho rằng các nhà lãnh đạo Đài Loan cần phải học hỏi từ Singapore và Hoa Kỳ, cho phép các nhà đầu tư có được quốc tịch nếu họ đáp ứng các yêu cầu nhập cư đầu tư của họ.
*********************
Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một đảng đòi độc lập (RFI, 24/09/2018)
Lần đầu tiên từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, một tổ chức tranh đấu cho Hồng Kông độc lập với Hoa lục đã bị cấm hoạt động. Đảng Dân Tộc là nạn nhân mới trong bàn tay can thiệp của Bắc Kinh, theo nhận định của giới nhân quyền.
Trần Hạo Thiên, lãnh đạo Đảng Dân Tộc Hồng Kông phát biểu tại Hồng Kông, ngày 14/08/2018.Paul Yeung/Pool via Reuters
Trong một thông cáo công bố hôm thứ Hai 24/09/2018, bộ trưởng An Ninh Hồng Kông John Lee cho biết đã "ra lệnh cấm mọi hoạt động của Đảng Dân Tộc Hồng Kông tại Hồng Kông", theo một đề xuất của cảnh sát hồi tháng 07. Tuy thừa nhận Đảng Dân Tộc chưa bao giờ sử dụng bạo động, nhưng bộ trưởng John Lee viện lẽ tổ chức này có mục tiêu "thành lập một chế độ Cộng Hòa tại Hồng Kông", do vậy trái với "hiến pháp". Chính quyền thân Trung Quốc lo ngại là Đảng Dân Tộc có một số hoạt động "tuyên truyền trong giới học sinh, kích động bài người đại lục đang sống ở Hồng Kông".
Theo AFP, Đảng Dân Tộc Hồng Kông chỉ có vài chục thành viên ở tuổi đôi mươi, nhưng gây được nhiều tiếng vang qua các đòi hỏi chính trị triệt để. Lãnh đạo Trần Hạo Thiên (Andy Chan) ngay tức khắc từ chối bình luận về quyết định cấm này. Đồng sáng lập viên Lương Thiên Kỳ thì đang lãnh án 6 năm tù từ tháng 06/2018.
Phản ứng về quyết định này, chính phủ Anh và các tổ chức nhân quyền kêu gọi Hồng Kông tôn trọng quyền tự do ngôn luận, theo đúng tinh thần bản tuyên bố chung Luân Đôn - Bắc Kinh năm 1997.
Tổ chức Human Rights Watch xem lệnh cấm Đảng Dân Tộc là "một quyết định lịch sử, một tiền lệ nguy hiểm" trong nỗ lực của Bắc Kinh và chính quyền đặc khu nhằm bóp nghẹt các quyền tự do của người dân Hồng Kông. HRW lo ngại các đảng khác cũng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.
Tú Anh
*****************
Vatican và Bắc Kinh đạt đồng thuận lịch sử, tín đồ vẫn cảm thấy bất an (RFI, 24/09/2018)
Tòa thánh Vatican ngày 22/09/2018 thông báo đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc. Tuy nhiên, bước đi xích lại gần đầu tiên này chưa đủ để giải tỏa mối lo âu của hàng chục triệu tín đồ công giáo "thầm lặng" tại Trung Quốc.
Bên trong một nhà thờ ở thành phố Đại Lí (Dali) tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/12/2015by Zhang Peng/LightRocket via Getty Images
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, sự xích lại gần mang tính lịch sử này là một phúc lành dành cho chế độ cộng sản. Như vậy, Trung Quốc sẽ có một vai trò trong việc bổ nhiệm các giám mục. Trước mắt, đức giáo hoàng đồng ý công nhận 7 giám mục đã được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm mà không cần ý kiến của ngài.
Thỏa thuận này dấy lên hy vọng nối lại bang giao giữa Tòa Thánh và chính quyền Bắc Kinh, bị đoạn tuyệt từ năm 1951.
Trên đài RFI , sử gia về tôn giáo, ông Odon Vallet, cho rằng, thỏa thuận này cho phép giải quyết các mối xung khắc giữa Vatican và Trung Quốc lâu từ gần 70 năm qua :
"Vatican và Trung Quốc bất hòa với nhau từ năm 1949. Trung Quốc thời Mao Trạch Đông muốn kiểm soát tuyệt đối việc bổ nhiệm các giám mục. Điểm mới ở đây, chính là việc hai bên đã có một sự thỏa hiệp, theo đó, các giám mục sẽ được bổ nhiệm theo sự đồng thuận giữa chính phủ Trung Quốc và Tòa Thánh.
Tại Trung Quốc có hai Giáo hội. Một Giáo hội chính thức được chính phủ công nhận, nhưng các giám mục lại không được Vatican công nhận. Rồi có một Giáo hội thầm lặng, thường xuyên bị sách nhiễu, bởi vì các giám mục của Giáo hội này lại không được chính quyền Bắc Kinh chấp nhận, và đôi khi những vị này được Vatican bí mật bổ nhiệm".
Tuy nhiên, nhiều tín đồ Giáo hội thầm lặng vẫn chưa thật sự an tâm vì thỏa thuận Vatican – Trung Quốc không đề cập đến một sự bảo đảm nào về tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Minh Anh
Lãnh đạo Hồng Kông nói sẽ không mù quáng tuân lệnh Bắc Kinh (RFA, 22/12/2017)
Nhà lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) khẳng định rằng sẽ không mù quáng tuân theo mệnh lệnh của các nhà lãnh đạo trung ương ở Bắc Kinh.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu trong một sự kiện hôm 16/11/2017 ở Hồng Kông. AFP
Khẳng định này được người đang lãnh đạo Hồng Kông đưa ra sau một cuộc khảo sát gần đây ở Hồng Kông cho thấy bà Nguyệt Nga nổi tiếng hơn những người tiền nhiệm trước đây, tuy nhiên có nhiều người cáo buộc bà là con rối cho chính quyền Bắc Kinh giật dây.
Đặc biệt một số người chỉ trích bà vì đã để lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc áp dụng luật của Bắc Kinh trong quá trình xây dựng một nhà ga xe lửa ở Hồng Kông.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn đài truyền hình RTHK hôm 22 tháng 12, bà Nguyệt Nga khẳng định rằng bà có trách nhiệm đối với cả hai chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông nhưng bà sẽ không mù quáng tuân theo bất cứ mệnh lệnh nào của Trung Quốc. Bởi vì theo bà, có trách nhiệm không đồng nghĩa với việc làm bất cứ điều gì được sai khiến.
Bà Nguyệt Nga còn phân trần thêm rằng nếu chính quyền Hoa Lục đòi hỏi điều gì quá đáng hay đi ngược lại lợi ích của Hồng Kông thì bà có trách nhiệm đàm phán với Hoa Lục hoặc đấu tranh cho điều gì có lợi với Hồng Kông.
Đề cập đến cơn sốt bất động sản ở Hồng Kông, bà Nguyệt Nga thừa nhận là chính phủ không thể kiềm chế giá cả đất đai và thú nhận là chính quyền đã đưa ra một số giải pháp nhưng chẳng những không hiệu quả mà nhiều người còn phản ánh là phản tác dụng.
Giá cả thị trường bất động sản ở Hồng Kông trong năm vừa qua đã tăng 12% và dự tính còn tăng tiếp 10% vào năm tới, 2018.
**************************
Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ đừng trở thành một ‘thẩm phán nhân quyền’ (RFA, 22/12/2017)
Hôm thứ Sáu 22 tháng 12, Trung Quốc lên tiếng thúc giục Hoa Kỳ đừng nên tự cho mình là một "thẩm phán nhân quyền" và đồng thời tố cáo Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt một quan chức an ninh Trung Quốc do lạm dụng quyền hạn.
Người dân biểu tình tưởng nhiệm khôi nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba và vợ của ông bên ngoài văn phòng liên lạc của Trung Quốc ở Hong Kog hôm 30/8/2017- AFP
Tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra tại cuộc họp thường kỳ ở Bắc Kinh, nói rõ Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công dân của các quốc gia khác dựa trên luật pháp của họ.
Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, Washington nên có cái nhìn khách quan và chính xác về vấn đề phát triển nhân quyền của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh chính phủ Hoa Kỳ nên chấm dứt những quyết định được xem như một thẩm phán nhân quyền. Bà cũng nói thêm rằng cảnh sát Trung Quốc sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ duy trì an ninh công cộng theo luật pháp của quốc gia này.
Thứ Tư vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra lệnh trừng phạt hành chính bằng biện pháp đóng băng tài sản của những người nước ngoài tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền, và tin từ Reuters cho biết ông Gao Yan, là một trong những người phải chịu trừng phạt này
Ông Gao Yan là người từng làm việc ở trại tạm giam Chaoyang, Bắc Kinh, nơi giam giữ nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, Cao Shunli. Các nhóm nhân quyền nói bà Cao đã bị tra tấn và từ chối những vấn đề chăm sóc y tế trong thời gian giam trong tù, dẫn đến cái chết của bà vào tháng 3 năm 2014.
Bấy lâu nay, Bắc Kinh vẫn thường bác bỏ những lời chỉ trích của nước ngoài liên quan vấn đề nhân quyền của nước này và nói rằng người dân của họ được đánh giá cao nhất về tình hình nhân quyền và Trung Quốc là rằng quốc gia được điều hành bởi luật pháp.
Hàng nghìn người biểu tình phản đối án tù với ba nhà đối lập (RFI, 20/08/2017)
Hôm 20/08/2017, hàng ngàn người Hồng Kông xuống đường để phản đối các bản án tù giam mà Tòa Phúc Thẩm Hồng Kông tuyên phạt ba nhà đối lập, từng tham gia phong trào phản kháng Ô Vàng năm 2014.
Đoàn biểu tình phản đối án tù cho ba nhà đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông ngày 20/08/2017 - REUTERS/Tyrone Siu
Theo báo chí Hồng Kông, cuộc tuần hành xuất phát từ tổ hợp thể thao giải trí Southorn Playground, quận Wan Chai, một quận trung tâm của đặc khu Hồng Kông. Vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều, những người tuần hành tập hợp trước trụ sở Tòa Phúc Thẩm Hồng Kông. Mặt Trận Nhân Quyền Dân Sự Hồng Kông là tổ chức đứng ra huy động biểu tình.
Ông Khu Nặc Hiên (Au Nok-hin), người đứng đầu cuộc tuần hành, cho biết bản án tù đối với ba nhà đối lập trẻ tuổi, các ông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 20 tuổi), La Quán Thông (Nathan Law, 24 tuổi) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow, 26 tuổi), bị rất nhiều người trong xã hội Hồng Kông phản đối. Ông tuyên bố những người tham gia hôm nay muốn "gửi một thông điệp" đến lãnh đạo đặc khu Hồng Kông là "chính quyền chịu trách nhiệm về việc đã yêu cầu tòa án đưa ra các phán quyết nặng nề hơn" đối với các bị cáo. Tuy nhiên, người lãnh đạo cuộc tuần hành cũng hy vọng là trong tương lai, bản án không làm nhụt chí những người phản kháng bằng con đường "hợp pháp".
Trong phiên xử sơ thẩm trước đó, tư pháp Hồng Kông chỉ phạt lao động công ích hoặc tù treo với các bị cáo. Tòa Phúc Thẩm, theo đề nghị của chính quyền Hồng Kông, đã chuyển án thành 6 đến 8 tháng tù giam. Do bị án tù, cả ba thủ lĩnh sinh viên đều bị cấm ra tranh cử chính trị trong vòng 5 năm.
Nhà chính trị học Ivan Choy, Đại Học Chính Trị và Pháp Lý Hồng Kông, cũng thừa nhận rằng phán quyết nói trên khiến xã hội Hồng Kông càng phân hóa mạnh, "bản án có thể dọa nạt được một số người bên ngoài phong trào dân chủ", nhưng chỉ "càng khiến các lãnh tụ sinh viên bị cầm tù và các đồng chí của họ thêm mất lòng tin vào chính quyền".
Trọng Thành
*********************
Chính quyền Hồng Kông trấn áp mạnh giới dân chủ theo lệnh Bắc Kinh ? (RFI, 18/08/2017)
Như vậy là ngày 17/08/2017, tư pháp Hồng Kông đã kết án tù giam đối với ba thủ lĩnh sinh viên biểu tình có vai trò lớn trong các cuộc biểu tình cổ vũ cho dân chủ ở vùng đặc khu này vào năm 2014. Nếu chính quyền Hồng Kông xác định rằng họ chỉ phán xử theo đúng luật pháp, thì giới đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông tố cáo bàn tay của Bắc Kinh trong các quyết định bóp nghẹt ý hướng đòi dân chủ đang vươn lên trở lại tại nơi mà trên nguyên tắc vẫn còn được hưởng một chế độ tự do hơn phần còn lại của Trung Quốc.
Biểu tình ủng hộ 3 sinh viên lãnh tụ phong trào Dù Vàng bị giam giữ. Ảnh ngày 18/08/2017, trước nhà giam Hồng Kông. Reuters
Giới quan sát đều ghi nhận xu hướng càng lúc càng mạnh tay hơn của chính quyền Hồng Kông đối với những thành phần đòi dân chủ cho vùng lãnh thổ này, không chấp nhận sự áp đặt của Bắc Kinh thông qua các tầng lớp thân cận mình.
Trong vụ xử ba lãnh tụ phong trù Dù Vàng còn rất trẻ - Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 20 tuổi), La Quán Thông (Nathan Law, 24 tuổi) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow, 26 tuổi) - đặc biệt là Hoàng Chi Phong vẫn còn vị thành niên lúc xẩy ra vụ việc - bản án tù giam đã được tòa phúc thẩm tuyên bố cho dù một tòa cấp dưới trước đó đã cho phép ba bị cáo không phải ngồi tù.
Chính đại diện chính quyền Hồng Kông, tức là bên công tố, đã cho rằng án phạt lúc ban đầu là quá nhẹ, cho nên đã kháng cáo để đòi có được bản án nặng nề hơn, mang tính chất răn đe nhiều hơn.
Theo bản án ban đầu, Hoàng Chi Phong và La Quán Thông chỉ phải làm lao động công ích, còn Chu Vĩnh Khang thì bị án 3 tuần tù giam nhưng được án treo. Thế nhưng bản án phúc thẩm đã trở thành tù giam, với hệ quả chính trị rõ nét : Do bị án tù, cả ba thủ lĩnh sinh viên này đều bị cấm ra tranh cử chính trị trong vòng 5 năm, bớt đi một mối lo cho giới thân Bắc Kinh trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo hãng tin Pháp AFP, đối với các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những bản án này mang tính chất truy bức chính trị, việc tống giam những sinh viên đấu tranh này là một ngón đòn mới, đánh vào những lực lượng đang thúc đẩy cải tổ chính trị tại đặc khu Hồng Kông, điều mà chính quyền trung ương tại Bắc Kinh không thể chấp nhận.
Việc dùng đến bàn tay tư pháp là một vố mới đánh vào quy chế bán tự trị của đặc khu hành chính này, làm sói mòn thêm chế độ tương đối tự do mà dân Hồng Kông đang được hưởng.
Dưới mắt những người ủng hộ ba bị cáo, án tù được tuyên hôm qua là thêm một bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh đang xiết chặt thêm gọng kềm quanh Hồng Kông. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã tố cáo một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận và phản đối ôn hòa.
Dĩ nhiên là Bắc Kinh đã lên tiếng bênh vực cho chính quyền Hồng Kông. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng : "Người dân Hồng Kông được hưởng đầy đủ các quyền và tự do. Nhưng không ai có thể viện cớ dân chủ và tự do để tiến hành các hoạt động bạo lực và phi pháp.
Theo bà Hoa Xuân Oánh, Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc cho nên Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông và sự độc lập của ngành tư pháp Hồng Kông".
Trọng Nghĩa
Phong trào dân chủ Hồng-Kông tuyên bố "tiếp tục tranh đấu" (RFI, 02/07/2017)
Từ 1997 đến nay, tại Hồng Kông,mỗi năm đều có biểu tình nhân ngày nhượng địa trở về Trung Quốc. Hôm qua, 01/07/2017, khoảng 60.000 người, "vũ trang" dù và biểu ngữ đòi "dân chủ, nhân phẩm và tự do", đã tham gia tuần hành trong sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa "không được vượt làn ranh đỏ" thách thức quyền lực Bắc Kinh.
Biểu tình ở Hồng Kông ngày 01/07/2017 đòi trả tự do cho giải Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) Reuters
Từ Hồng Kông đặc phái viên RFI, Heike Schmidt, tường thuật :
"Đấu tranh cho Hồng Kông", đây là dòng chữ viết trên áo phong của Michelle, một người biểu tình rất lo ngại cho thành phố này : "Hồng Kông mà chúng tôi biết đang biến mất dưới mắt của tôi. Nguyên tắc ‘Một nước hai chế độ’ chưa bao giờ mang lại những điều được hứa hẹn. Cho nên điều rất quan trọng đối với chúng tôi là đấu tranh vì dân chủ để lấy lại thành phố của chúng tôi".
Phải bảo vệ quyền tự do ở Hông Kông, nhưng cũng không quên các quyền tự do của Trung Quốc. Một thanh niên hoạt động công đoàn, phất một lá cờ xanh, giải thích : "Từ ‘dân chủ’ được viết bằng Hoa Ngữ trên đấy. Chúng tôi không có quyền đến Trung Quốc để giúp đỡ công nhân, nhưng chúng tôi biết là công đoàn ở đấy bị đàn áp vì họ đấu tranh bảo vệ quyền của người lao động."
Không được vượt làn ranh đỏ : Chủ tịch Trung Quốc đã cảnh báo ngay buổi sáng ngày 01/07 ở Hồng Kông : "Tất cả những nỗ lực gây hiểm nguy cho chủ quyền quốc gia để thách thức chính quyền trung ương và luật cơ bản của Hồng Kông" sẽ "dứt khoát không được chấp nhận."
Trước phát biểu mạnh mẽ này, Hà Tuấn Nhân (Albert Ho), chủ tịch Liên Minh Hồng Kông vì Dân Chủ, đáp trả khôn ngoan : "Chúng tôi là những kẻ yếu. Chúng tôi cảm nhận là mình bị đàn áp, nhưng không đủ sức đáp trả mạnh mẽ. Chúng tôi là những người bình thường. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là nói lên sự bất bình của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói lên sự thật với giới có quyền hành."
Vào buổi sáng, một cuộc biểu tình khác cũng diễn ra nhưng nhỏ hơn, và cũng gặp nhiều khó khăn.
Thông tín viên RFI Florence de Changy cho biết thêm là người biểu tình gần như không quan tâm đến tuyên bố và sinh hoạt của chủ tịch Trung Quốc trong hai ngày tại Hồng Kông cho dù đoàn xe của ông Tập Cận Bình được tiền hô hậu ủng với trực thăng yểm trợ trên không rất ồn ào.
Cyd Ho, nhân vật số hai của đảng Lao Động nhận định : "Chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc là chuyến viếng thăm của một người tìm cách nấp phía sau hàng rào sắt và giả vờ như đang ở trong một thành phố tuyệt vời. Nhưng nếu quan sát kỹ những gì đang diễn ra trên đường phố, bên kia hàng rào sắt với cảnh sát lạm dụng chức năng thì sẽ thấy quyền công dân và tự do bị thu hẹp. Nếu muốn Hồng Kông chói sáng trở lại, chúng ta phải đòi hỏi một nền dân chủ và Nhà nước thượng tôn pháp luật".
Theo Reuters, để biểu dương uy lực của Trung Quốc , hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ đón tiếp công chúng Hồng Kông lên thăm khi cập bến cảng vào tuần tới.
Tú Anh
********************
Tập Cận Bình vạch "lằn ranh đỏ" cho Hồng Kông (RFI, 01/07/2017)
Hôm 01/07/2017 ông Tập Cận Bình khẳng định Hồng Kông được tự do hơn bao giờ hết, đồng thời cảnh báo các thách thức "không thể chấp nhận được" đối với chính quyền Bắc Kinh, và ấn định một "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua, 20 năm sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Hồng Kông, ngày 01/07/2017. REUTERS/Bobby Yip
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố : "Mọi nỗ lực nhằm làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật căn bản của Hồng Kông đều bị coi là đã vượt qua một lằn ranh đỏ, hoàn toàn không thể chấp nhận được". Ông cũng răn đe những ai "muốn dùng Hồng Kông làm bàn đạp để xâm nhập vào Hoa lục và tiến hành các hoạt động phá hoại".
Trong phát biểu sáng nay, đúng 20 năm sau khi trao trả, ông Tập cũng khẳng định Hồng Kông ngày nay "có nhiều quyền dân chủ và tự do hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử". Tuy vậy hôm qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng Tuyên bố Anh-Trung năm 1984 với nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" là "không còn phù hợp".
Hồng Kông trên nguyên tắc được quyền tự do ngôn luận, hệ thống tư pháp độc lập và bầu cử Quốc hội tương đối tự do, những điều không hề có tại Hoa lục. Tuy nhiên bàn tay can thiệp của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu, nhất là vụ năm chủ nhà sách "mất tích" năm 2015 rồi sau đó lên truyền hình "tự thú" tại Hoa lục.
Sau phong trào "Cách mạng Dù vàng" đòi phổ thông đầu phiếu đã gây nhiều tiếng vang năm 2014, xuất hiện một trào lưu chính trị khác đòi quyền tự quyết, thậm chí đòi độc lập cho Hồng Kông.
Chuyến thăm Hồng Kông đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền được bảo vệ an ninh tối đa, vào thời điểm vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là dịp để những người biểu tình tố cáo Bắc Kinh ngày càng muốn bóp nghẹt đặc khu hành chính có 8 triệu dân.
Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên thệ nhậm chức
Vào lúc Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc, tân đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ( Carrie Lam ) hôm nay tuyên thệ nhậm chức trước chủ tịch Tập Cận Bình.
Là một công chức cao cấp 60 tuổi, lãnh đạo hành pháp họ Lâm, cũng giống như những người tiền nhiệm, đã được một ủy ban thân Bắc Kinh bầu lên và chưa gì đã bị lên án là bù nhìn của chính quyền Trung Quốc.
Tân đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên thệ nhậm chức trước chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 01/07/2017. REUTERS/Bobby Yip
Là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan hành pháp Hồng Kông, bà sẽ phải đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là làm dịu các căng thẳng chính trị tại đặc khu hành chính này, nơi mà nhiều người cho rằng Bắc Kinh không còn tôn trọng nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", mà họ đã cam kết khi tiếp nhận lại Hồng Kông vào năm 1997.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên thệ nhậm chức đặc khu trưởng Hồng Kông trước một lá cờ Trung Quốc tại buổi lễ diễn ra tại trung tâm hội nghị, rồi bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhưng trước khi buổi lễ nhậm chức diễn ra, nhiều vụ xô xát xảy ra giữa những người thân Bắc Kinh với những người biểu tình tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn 1989. Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :
Trong khi các buổi lễ chính thức vẫn chưa bắt đầu, hai đảng thuộc phe dân chủ là Demosisto và Liên đoàn Dân chủ Xã hội đã loan báo ý định biểu tình. Họ muốn diễu hành với một quan tài giả, tượng trưng cho tất cả những người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng cuộc biểu tình không kéo dài được bao lâu. Chỉ vài phút sau, một nhóm thân Bắc Kinh đã tấn công vào chiếc quan tài.
Cựu dân biểu Mạch Quốc Phong (Mak Kwok Fung) tham gia đoàn biểu tình, kể lại : "Ngay khi chúng tôi tuần hành, bọn côn đồ thuộc phía chính quyền cầm những lá cờ có năm ngôi sao của Trung Quốc đã đụng độ với những người đi phía trước và phá hủy chiếc quan tài".
Nhưng đây không phải là sự cố đầu tiên loại này, từ khi ông Tập Cận Bình đặt chân đến Hồng Kông. Ông Ngô Văn Viễn (Avery Ng), phó chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội cho biết : "Tôi muốn nói thêm là từ 48 giờ qua, chúng tôi và đảng Demosisto đã bị bọn côn đồ tấn công. Chính bọn chúng còn tự xưng là mafia, chúng vây quanh trụ sở của chúng tôi và như quý vị đã thấy, thêm một lần nữa cảnh sát không can thiệp".
Sau nhiều vụ tấn công bạo lực của những người thân Bắc Kinh vào đoàn tuần hành, cảnh sát đã bắt những người biểu tình ôn hòa, trong những tiếng vỗ tay hoan hô của phe thân chính quyền.
Thụy My, Thanh Phương
***********************
Tập Cận Bình cảnh báo Hong Hong chớ thách thức Trung Quốc (VOA, 01/07/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Bảy đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Hong Kong khi ông chủ trì buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cho tân lãnh đạo của đặc khu hành chính này, nói với cư dân rằng Bắc Kinh sẽ không dung thứ những nỗ lực thách thức thẩm quyền của họ. Lời cảnh báo được đưa ra ngay cả khi ông Tập cố gắng sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn trong bài diễn văn tại sự kiện đánh dấu 20 năm ngày cựu thuộc địa của Anh này được trao trả lại cho Trung Quốc.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (trái), bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi bà tuyên thệ nhậm chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành phố này được trao trả về cho Trung Quốc, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 1 tháng 7, 2017.
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hại cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, thách thức quyền lực của chính quyền trung ương... hoặc sử dụng Hong Kong để thực hiện các hoạt động thâm nhập và phá hoại đại lục là một hành động vượt qua lằn ranh đỏ và hoàn toàn không thể được cho phép", ông Tập nói.
Ông không nói những hành động nào có thể cấu thành một thách thức đối với thẩm quyền của Bắc Kinh, nhưng trong những năm gần đây có nỗi tức giận đang gia tăng đối với điều mà nhiều người xem là Trung Quốc trì hoãn những lời hứa cho phép nhà lãnh đạo của họ được bầu cử trực tiếp. Điều này đã dẫn tới những lời kêu gọi dân chủ và thậm chí độc lập.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói rằng ông trông cậy vào chính quyền mới ở Hong Kong hàn gắn sự chia rẽ trong xã hội, tạo ra những cơ hội mới và giải quyết các vấn đề kinh tế và sinh kế.
Ông thừa nhận rằng việc thực hiện mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đang đối mặt với những thách thức và Hong Kong vẫn chưa tạo dựng được sự đồng thuận về điều mà ông gọi là "một số vấn đề chính trị và pháp lý quan trọng".
Ngăn chặn sự đồng thuận
Đối với những người tập hợp trên đường phố hôm thứ Bảy, không phải Hong Kong thiếu sự đồng thuận mà là Bắc Kinh đang ngăn chặn điều đó xảy ra.
Trong số những người có mặt trong cuộc tập hợp là một học sinh trung học tên Hong. Tuần hành với những người khác, trẻ có già có, và cầm một biểu ngữ to màu đen viết "Tôi muốn tuyển cử phổ thông thật sự", cô nói ông Tập Cận Bình biết người dân Hong Kong muốn gì, nhưng ông giả vờ không hiểu.
"Người dân Hong Kong muốn tự do, chúng tôi muốn một quốc gia, hai chế độ [thật sự], nhưng ông ấy đã không giữ lời hứa", cô nói.
Tại cuộc tập hợp, người biểu tình đưa ra nhiều đòi hỏi, từ bầu cử trực tiếp cho tới quyền của người tàn tật và người nhập cư nước ngoài. Rất nhiều người mang hình ảnh hoặc đeo sticker kêu gọi phóng thích vô điều kiện người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba.
Người biểu tình tuần hành trên đường phố Hong Kong, ngày 1 tháng 7, 2017.
Đầu tuần này, tin cho hay ông Lưu, người đang chịu bản án 11 năm tù vì bày tỏ quan điểm của ông về dân chủ và cải cách chính trị, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được thả ra trước thời hạn vì lý do y tế nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" vốn đóng vai trò then chốt trong việc đàm phán trao trả Hong Kong, thành phố này được bảo đảm sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tự do báo chí, ngôn luận cũng như pháp trị. Những chuẩn mực mà Trung Quốc vẫn còn thua kém.
Chia rẽ gia tăng
Nhưng một số người đã trở nên tức giận với điều mà họ xem là sự can thiệp ngày càng nhiều của Bắc Kinh trong các vấn đề nội bộ của Hong Kong. Dòng vốn và nhân công từ đại lục ồ ạt đổ vào thành phố cảng này đã tác động đến xã hội từ công ăn việc làm và cơ hội cho tới giá nhà tăng vọt.
Kể từ khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nền kinh tế của thành phố cảng đã chứng kiến tăng trưởng hết sức to lớn, nhưng không phải ai cũng hưởng lợi từ sự bùng nổ này. Hong Kong là một trong những nơi có cách biệt giàu nghèo lớn nhất thế giới.
Nhà lãnh đạo mới của Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã được Bắc Kinh chấp thuận từ trước, được giao nhiệm vụ hàn gắn chia rẽ và ngờ vực giữa công chúng và chính phủ, cả ở Trung Quốc lẫn ở nhà. Trong bài phát biểu sau buổi lễ tuyên thệ, bà Lâm nói về việc đẩy mạnh giáo dục, dù bà nhấn mạnh những thành tích mà Hong Kong đã đạt được.
Bà Lâm nói rằng các kế hoạch đang được xúc tiến để ưu tiên gần 700 triệu đôla một năm ngân quỹ bổ sung cho giáo dục. Bà cũng nói Hong Kong sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ canh tân và các ngành công nghiệp sáng tạo, điều mà nhiều người VOA nói chuyện trong tuần này đều nói rằng đang hết sức cần.
Giáo dục về Trung Quốc
Bài diễn văn của ông Tập cũng đề cập đến điều mà ông nói là nhu cầu tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng về lịch sử và văn hoá quốc gia Trung Quốc. Ông cũng nói về nhu cầu giáo dục yêu nước cho những người trẻ tuổi Hong Kong.
Trong số những người mà VOA nói chuyện tại cuộc tập hợp, tất cả họ đều rất hoài nghi về những nỗ lực dạy lịch sử Trung Quốc cho người dân Hong Kong. Một số người cũng băn khoăn làm thế nào mà Trung Quốc có thể gợi ý rằng Hong Kong học thêm về lịch sử, vì nhiều chủ đề vẫn còn là điều cấm bàn luận ở đại lục.
Một người cha, tham gia cuộc tụ tập với vợ và đang đẩy xe em bé, nói rằng những lời kêu gọi về giáo dục của Trung Quốc là mối lo ngại lớn, đặc biệt khi con của anh sắp sửa vào trường tiểu học.
"Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các phương pháp giáo dục. Họ muốn thay đổi tiếng của chúng tôi. Họ muốn chúng tôi nói tiếng Quan Thoại hơn, nhưng chúng tôi sinh ra ở đây và nói tiếng Quảng Đông, và chúng tôi rất khó chịu về chuyện này", anh nói.
***********************
Hong Kong đánh dấu 20 năm chuyển giao (BBC, 01/07/2017)
Chủ tịch Trung Quốc chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của tân đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam vào thời điểm lãnh thổ này đánh dấu 20 năm chuyển giao cho Trung Quốc.
Nghi lễ thượng cờ Trung Quốc và Hong Kong diễn ra sáng 1/7
Ông Tập Cận Bình tham dự một loạt sự kiện hoàng tráng, gồm lễ thượng cờ trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.
Nhưng các cuộc đụng độ vẫn diễn ra giữa những người biểu tình ủng hộ dân chủ và người tuần hành ủng hộ Bắc Kinh.
Một số người bị bắt giữ.
Nhiều khu vực của thành phố bị đóng cửa để bảo đảm an ninh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trong một tiết mục kỷ niệm 20 năm chuyển giao
Đảng ủng hộ Dân chủ Demosisto cho hay cảnh sát bắt giữ 5 thành viên của họ, và 4 thành viên Liên đoàn Dân chủ Xã hội.
Trong số những người bị câu lưu có Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào Dù Vàng.
'Bi quan'
Trả lời BBC hôm 1/7, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, nói : "Theo những gì tôi quan sát được, đa số người Hong Kong, nhất là giới trẻ, bi quan về thời điểm năm 2047, cột mốc Hong Hong hoàn toàn thuộc về Bắc Kinh".
"Họ không biết tương lai thế nào và lo lắng về điều này".
"Nhất là trong bối cảnh tôi nhận thấy khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội Hong Kong ngày càng sâu sắc, giới trẻ có thêm những cuộc xuống đường".
Đề cập đến cộng đồng người Việt tại Hong Kong, cựu giảng viên Đại học Hong Kong Baptist nói : "Phần lớn dân Việt ở lãnh thổ này sống bất hợp pháp, bị đặt bên lề, nên tương lai của họ càng thêm bấp bênh".
"Sự kiện 20 năm chuyển giao cũng là dịp để các quốc gia khác, nhất là Đài Loan phải ngẫm nghĩ, dự báo về tương lai của họ".
Bà Carrie Lam đến dự lễ thượng cờ trước khi tuyên thệ nhậm chức
Juliana Liu, phóng viên BBC ở Hong Kong nói rằng đã xảy ra "nhiều cuộc xô xát" giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Ông Tập chứng kiến lễ tuyên thệ của đặc khu trưởng Carrie Lam và các thành viên của chính quyền. Bà là nữ lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong.
Ông Tập dự kiến sẽ rời Hong Kong ngay sau sự kiện này.
Lễ tuyên thệ diễn ra sau lễ thượng cờ Trung Quốc và Hong Kong để đánh dấu kỷ niệm 20 năm chuyển giao.
Đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ dân chủ
Hôm 30/6, tại khu vực gần trung tâm hội nghị nơi diễn ra tiệc kỷ niệm chính thức, những người biểu tình tụ tập hô vang "chấm dứt độc tài độc đảng".
Đang có mối quan ngại ngày càng tăng về việc chính quyền Trung Quốc làm xói mòn truyền thống tự do chính trị của Hong Kong, dù Bắc Kinh hứa hẹn cho lãnh thổ này mức độ tự chủ cao theo chính sách "một quốc gia, hai chế độ".
Trung Quốc ra oai khi chủ tịch họ Tập thăm Hồng Kông (RFA, 30/06/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/6 duyệt binh tại Hồng Kông nhân chuyến thăm 3 ngày nhân dịp kỷ niệm 20 năm Anh trao trả đặc khu hành chính này cho đại lục. Đây là lực lượng bảo vệ đặc khu hành chính này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc diễu binh tại doanh trại ở Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6 năm 2017. AFP
Trước sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc diễu binh quy mô lớn với hàng ngàn binh sĩ, xe tăng và dàn phóng tên lửa đã diễn ra tại Hồng Kông. Đây được coi là cuộc diễu binh lớn nhất kể từ năm 1997 tới nay ở đặc khu hành chánh này.
Đây cũng là chuyến thăm Hồng Kông đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013. Hoạt động này đã diễn ra chỉ vài tiếng sau khi nhiều người biểu tình bị cảnh sát tạm giữ đã được phóng thích. Hàng ngàn sĩ quan cảnh sát đã được triển khai để ngăn chặn những người xuống đường phản đối Bắc Kinh thắt chặt quyền tự do bầu cử tại Hồng Kông.
******************
Quân đội Trung Quốc diễu binh tại Hồng Kông đón chào Tập Cận Bình (RFI, 30/06/2017)
Trong ngày thứ hai thăm đặc khu hành chính Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 30/06/2017 dự lễ duyệt binh kỷ niệm 20 năm ngày nhượng địa của Anh Quốc được trao trả cho Trung Quốc.
Diễu binh chào đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hồng Kông, ngày 30/06/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Đây là lễ diễu binh lớn nhất được tổ chức tại Hồng Kông từ khi vùng lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Hai mươi năm đã trôi qua, bộ mặt của Kồng Kông đã thay đổi, như tường trình của thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Hồng Kông :
Bắc Kinh đã để lại dấu ấn khắp nơi. Dần dần, thuộc địa cũ của Anh Quốc trở thành một thành phố như những thành phố khác của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Brookings Institute tại Washington, một người am hiểu về Hồng Kông, đánh giá : "Giờ đây, Hồng Kông là một thành phố khác hẳn. Đó là một thành phố của Trung Quốc, chắc chắn là vẫn mang tính quốc tế, nhưng những người nước ngoài sinh sống ở đó cũng rất khác so với trước đây".
Chúng ta cần nhớ rằng Hồng Kông đã từng là nền thương mại lớn thứ bảy trên thế giới. Trong những năm 80, đó là khu vực phát triển vượt bậc. Ngày nay, là một thành phố hơi đặc biệt của Trung Quốc, Hồng Kông được gọi là đặc khu hành chính, nhưng ngày càng được "hòa tan" vào thành phố ở Châu thổ Châu Giang như Thẩm Quyến, Châu Hải, Macao mà người ta gọi là "vùng Vịnh".
Tất cả các thành phố trên được kết nối với nhau bằng cầu và đường cao tốc. Cầu đường là thế mạnh của Trung Quốc, quốc gia này rất chuộng xây dựng cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng, người dân Hồng Kông thấy họ bị hòa tan vào dân chúng miền Nam Trung Quốc".
Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng cầu, đường và các tuyến đường sắt để nối Hồng Kông với Hoa lục. Nhiều dự án, chẳng hạn dự án xây cầu Hồng Kông - Châu Hải - Macao gây nhiều tranh cãi và bị nêu tên trong một vụ tai tiếng tham nhũng".
Theo hãng tin Pháp AFP, vài giờ trước lễ diễu binh, 26 nhà tranh đấu dân chủ của Hồng Kông bị bắt hôm thứ Tư 28/06 đã tạm thời được trả tự do nhưng họ sẽ phải ra trình diện chính quyền vào cuối tháng 09/2017.
Trong khi đó, trong một thông cáo phát ngày hôm qua, bà Heather Nauert - phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ - tuyên bố là nước này lo ngại về tình trạng thiếu dân chủ, xâm hại tự do công dân và không tôn trọng tự do báo chí ở Hồng Kông.
Thùy Dương
*********************
Hong Kong thả người biểu tình phản đối (BBC, 30/06/2017)
Cảnh sát Hong Kong vừa thả một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ vì lên kế hoạch chuẩn bị một số cuộc biểu tình trước ngày kỉ niệm trao trả Hong Kong.
Lãnh đạo sinh viên Joshua Wong bị kéo đi bởi cảnh sát hôm 28/6
Thành phố này đang diễn ra hàng loạt các sự kiện để đánh dấu 20 năm từ khi được Anh giao lại Hong Kong cho Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở Hong Kong và thăm lính tại một doanh trại sáng 30/6. Ông Tập dự kiến sẽ tham gia vào một bữa yến tiệc sau đó.
An ninh được thắt chặt với dự đoán sẽ có các cuộc biểu tình lớn diễn ra trong tình hình chính trị căng thẳng.
Hôm 28/6, các nhà hoạt động dân chủ bao gồm lãnh đạo sinh viên Joshua Wong và nhà lập pháp Nathan Law đã bao vây và trèo lên một tượng đài hoa Dương tử kinh bằng vàng, biểu tượng của Hong Kong.
Bức tượng này là món quà của Trung Quốc và là một đài tưởng niệm cho sự kiện trao lại Hong Kong.
Thành viên đảng Demosisto và lãnh đạo Joshua Wong tại tượng đài hoa Dương tử kinh hôm 26/6
Cảnh sát sau đó bắt giữ 26 nhà hoạt động, vốn kêu gọi cho tự do chính trị và chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Họ cũng kêu gọi Bắc Kinh thả ngay nhà bất đồng chính kiến đang bị ung thư giai đoạn cuối Lưu Hiểu Ba.
Đảng chính trị Demosisto, thành lập bởi Wong và Law, tuyên bố trên tài khoản Twitter sáng 30/6 rằng tất cả các thành viên bị bắt giữ đã được thả.
Đây là cuộc biểu tình thứ hai trong tuần tại đài tưởng niệm này. Các nhà hoạt động trước đó là giăng một lá cờ màu đen bao phủ tượng đài và đã bị cảnh sát ngăn chặn.
*******************
Hồng Kông, một nền tư pháp dưới áp lực Bắc Kinh (RFI, 30/06/2017)
Hôm 28/06/2017, lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cùng với 25 nhà đấu tranh đã bị câu lưu trong một cuộc biểu tình phản đối Tập Cận Bình đến thăm đặc khu, nhân kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc. Những người biểu tình cũng đòi hỏi trả tự do cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba và tất cả các tù nhân chính trị. Họ được thả ra vào rạng sáng thứ Sáu 30/6, và cho biết sẽ kiện lên Tòa án Tối cao về vụ bắt bớ này.
Lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong bị cảnh sát bắt ngày 28/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Kể từ đầu tháng Năm đến nay, trên những bậc thềm tòa sơ thẩm Khu Đông Hồng Kông (Eastern Magistrates’Court), ngự trị một không khí "phiên tòa chính trị" đã trở thành quen thuộc, vốn diễn ra ngày càng nhiều trong những năm cuối của nhiệm kỳ ông Lương Chấn Anh (C.Y.Leung). Ra trước tòa là những khuôn mặt thường rất trẻ ở tuổi sinh viên, với bạn bè và những người ủng hộ vây quanh, đôi khi thêm vài băng-rôn và vô số camera truyền hình, máy ảnh.
Hôm đặc phái viên Le Monde đến dự, có 9 người bị triệu tập với sáu tội danh khác nhau (tụ tập trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống lại nhân viên công lực…). Tất cả có điểm chung là đã tham gia cuộc biểu tình ngày 06/11/2016 trước Văn phòng liên lạc Trung Quốc.
Nằm ở khu Tây Hoàn (Sai Wan), phía tây khu tài chính Trung Hoàn nổi tiếng, cơ quan này đặt tại một tòa tháp bằng kính và thép hiện đại, phía trên nóc là một quả cầu. Tuy mang cái tên khá khiêm tốn, nhưng Văn phòng liên lạc là một tổ chức hành chính khổng lồ, với mấy chục ban bệ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa các ứng cử viên đề cử vào Quốc Hội Hồng Kông.
Trước khi bước vào phòng xử, cô Chu Đình (Agnès Chow), bí thư đảng đối lập Hương Cảng Chúng Chí (Demosisto) cho biết : "Chúng tôi lo ngại chính quyền lợi dụng phiên tòa này để bỏ tù những người phản kháng trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến vào ngày 1/7". Nhưng thẩm phán hôm đó chấp nhận ngay yêu cầu hoãn xử của luật sư, thậm chí còn cho thời hạn lâu hơn vì lịch xử không thuận tiện.
Phiên tòa như vậy được dời đến ngày 21/7, nhờ đó các bị cáo có thể đi biểu tình chống Tập Cận Bình. Dưới mắt Lâm Thuần Hiên (Derek Lam), thành viên Demosisto và là sinh viên trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, các vụ bắt bớ này nhằm sách nhiễu. Anh nói : "Chúng tôi liên tục bị bắt, với tôi đây đã là lần thứ tư. Thật là rắc rối, nhất là bây giờ đang vào mùa thi".
Hồi cuối tháng Ba, sau hôm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) được bầu làm trưởng đặc khu, một nhóm 9 công dân Hồng Kông khác, trong đó có ba lãnh tụ phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn, cũng đã bị triệu ra tòa.
Tháng Tư, dân biểu, chủ tịch đảng Nhiệt Huyết Công Dân (Civic Passion) là Trịnh Tùng Thái (Cheng Chung Tai), 33 tuổi, bị bắt rồi được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, vì "xúc phạm quốc kỳ". Anh đã cắm ngược những lá cờ đuôi nheo Trung Quốc và Hồng Kông bằng vải ni-lông trên bục các đồng nghiệp thân Bắc Kinh vào tháng 10/2016. Ngày 3/7, khoảng hai chục nhà đấu tranh trong đó có Hoàng Chi Phong bị triệu tập vì "chống lại nhân viên công lực".
Nhưng trường hợp điển hình nhất là hai dân biểu trẻ của đảng Thanh Niên Tân Chính (Youngspiration), Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) và Du Huệ Trinh (Yau Waiching), đắc cử tháng 9/2016 nhưng chưa bao giờ được ngồi vào chỗ của mình vì bị loại ra khỏi Quốc Hội.
Trong khi tư pháp đặc khu chưa đưa ra kết luận về lời tuyên thệ của họ, thì tháng 11/2016 Bắc Kinh đã can thiệp, cho rằng vô giá trị. Đơn kháng cáo của hai dân biểu trẻ sẽ được tòa phúc thẩm xem xét cuối tháng Tám năm nay, họ được một trong những luật sư nổi tiếng nhất Luân Đôn là David Pannick biện hộ.
Hai dân biểu này giải thích : "Ở tòa án cấp cao nhất, chúng tôi vẫn còn tin vào một bản án công bằng". Số phận của sáu dân biểu đối lập khác cũng đang nằm trong tay tư pháp. Họ bị cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, vì một cuộc họp tổ chức ngay trong tòa nhà Quốc Hội.
Gần đây, nhiều phiên xử cho thấy quyết định của tòa không phải lúc nào cũng thuận lợi cho chính quyền. Hồi tháng Hai, cựu trưởng đặc khu Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) bị 20 tháng tù vì sai phạm trong quản lý. Ông Tăng kháng cáo và được cho đóng tiền tại ngoại.
Còn tỉ phú Quách Bình Giang (Thomas Kwok) có liên quan đến một vụ án tham nhũng dính líu đến nhân vật số hai của ông Tăng Âm Quyền là Hứa Sĩ Nhân (Raphael Hui), thì vừa thua kiện ở tòa phúc thẩm. Năm 2014, ông Hứa Sĩ Nhân đã bị kết án bảy năm rưỡi tù giam.
Về phần bảy cảnh sát đã đánh đập một người biểu tình trong đợt "Cách mạng Dù vàng" năm 2014, mỗi người bị lãnh án hai năm tù. Bản án nghiêm khắc này đã gây ra phong trào tương trợ với cảnh sát.
Dù vậy, mặc cho tính khách quan của các thẩm phán và sự vững chải của các định chế Hồng Kông, một luật sư giấu tên cho biết tại đặc khu "các thành viên luật sư đoàn hết sức bảo thủ. Đa số có cùng ý nghĩ là không nên làm cho con tàu tròng trành, cần phải tương đối thôi".
Luật sư này cho rằng khá mỉa mai khi tòa phúc thẩm lại nằm gần hai ngân hàng chính của Hồng Kông là HSBC và Bank of China, tại tòa nhà của tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) và câu lạc bộ sang trọng Hương Cảng Hội (Hong Kong Club).
Thụy My
Ngày 01/07/2017 tới đây là đúng 20 năm Hồng Kông trải nghiệm chính sách "một quốc gia, hai chế độ", theo đề xuất của Đặng Tiểu Bình khi đàm phán với Luân Đôn và sẽ kéo dài đến 50 năm. Thực tế cho thấy hệ thống này đang bị sụp đổ từng mảng lớn. Vì sao Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa ?
Người Hoa lục biểu tình tại Hồng Kông, chống lại một cuộc tập hợp của người Hồng Kông phản đối du khách Trung Quốc, 16/03/2014.Reuters
Theo tinh thần nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ", Hồng Kông phải được hưởng tự do dân chủ cho đến năm 2047. Đây là những quyền chính trị xa lạ đối với người dân tại lục địa. Tuy nhiên, 20 năm sau ngày nhượng địa cũ của Anh Quốc được trao lại cho Trung Quốc, đông đảo người dân Hồng Kông cảm thấy các quyền tự do tại đặc khu hành chính bị thu hẹp dần dần. Hai chế độ đâu không thấy mà chỉ thấy hai bàn tay thép.
Trưng cầu dân ý trước 2047 ?
Trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi Hồng Kông dự lễ kỷ niệm, giáo sư Lâm Lập Hòa (Willy Lam), một nhà phân tích có uy tín nhận định một cách khéo léo : nguyên tắc một quốc gia đang lấn át nguyên tắc hai chế độ.
Trong khi đó, giới tranh đấu dân chủ không giấu lo âu. Đối với Hoàng Chi Phong, 20 tuổi, một trong những khuôn mặt tiên phong của phong trào xuống đường năm 2014 thì vùng lãnh thổ 1000 km2 này đang đứng trước một khúc quanh : Quy chế chính trị của Hồng Kông đang bị đe dọa.
Cho đến nay thì Hồng Kông vẫn còn những đặc quyền so với Hoa lục, như tự do phát biểu, tư pháp độc lập và một chút dân chủ trong việc bầu cơ quan lập pháp. Thế nhưng, nhiều biến cố gần đây làm công luận nghi ngờ ý đồ của Bắc Kinh như là vụ bắc cóc năm nhân viên và chủ nhân một nhà sách, chuyên phát hành các cuốn "thâm cung bí sử" của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bằng mọi giá, Bắc Kinh không để vi-rút dân chủ lan sang Hoa lục.
Từ khi phong trào Dù Vàng làm tê liệt Hồng Kông trong hai tháng của năm 2014, lời kêu gọi Hồng Kông tự trị, thậm chí độc lập, ngày càng xuất hiện nhiều.
Hoàng Chi Phong, nay là lãnh đạo đảng Demosito, lưu ý là trước năm 1997, người dân Hồng Kông chưa bao giờ được Luân Đôn và Bắc Kinh hỏi ý kiến. Phải tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của Hồng Kông, trước khi hiệp ước chuyển tiếp Trung Quốc - Anh Quốc hết hạn vào năm 2047, đó là mục tiêu tranh đấu của đảng đối lập này.
Tuy nhiên, công luận Hồng Kông bị phân hóa. Một phần dân chúng muốn yên phận vì thấy Trung Quốc quá mạnh. Phần khác, nhất là doanh nhân và chính trị gia chuyên nghiệp được Trung Quốc ưu đãi, tiếp tục bảo vệ tư lợi. Cựu lãnh đạo an ninh Hồng Kông Diệp Lưu Thục Nghi (ReginaIp), một người bị phe dân chủ gọi là tay sai của Trung Quốc, cho rằng quy chế "bán tự trị đứng vững" cần gì thay đổi. Tân trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thân Trung Quốc, cam kết "hàn gắn" mối xung khắc giữa hai cộng đồng, nhưng dứt khoát bác bỏ chủ trương độc lập với Hoa lục.
Ngoài yếu tố chính trị, người dân Hồng Kông còn bị chia rẽ vì cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và vì giá nhà đất leo thang, do đầu tư địa ốc của doanh nhân Hoa lục. La Quán Thông (Nathan Law), dân biểu đối lập và cũng là người trẻ nhất trong nghị viện, bi quan : người Hông Kông đã mất hết hy vọng. Đó là vấn đề rất lớn của Hồng Kông.
Xem gương Hồng Kông nhìn lại Biển Đông
Theo Japan News, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là Tập Cận Bình không có ý đồ bóp chết Hồng Kông. Áp lực tại Hồng Kông xuất phát từ cá tính độc đoán của nhân vật được mô tả là "đệ tử hàng đầu của Mao". Nếu quan sát kỹ, chính sách của Tập Cận Bình thi hành tại Hồng Kông diễn ra cùng lúc và cùng chiều tại Hoa Lục và trên biển : đàn áp nhân quyền, kềm kẹp tự do ngôn luận trong nước và ráo riết bành trướng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo lý giải của các quan chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc thì căng thẳng hiện nay không phải do đối chọi ý thức hệ, mà là do "xung đột giá trị toàn diện". Nói cách khác, Bắc Kinh tìm cách trấn áp mọi phong trào chống đảng Cộng Sản và ngược lại để sống còn, Hồng Kông tìm mọi cách bảo vệ các quyền tự do.
Về lâu về dài, xung khắc này có thể xem là hệ quả cuộc đối đầu giữa hai phong trào : một bên là nỗ lực dân chủ hóa Trung Quốc và bên kia là Hán hóa Hồng Kông.
Tú Anh