Biểu tình Hong Kong : Twitter và Facebook xóa tài khoản Trung Quốc (BBC, 20/08/2019)
Twitter và Facebook đã thực hiện chặn các tài khoản mà họ cho là thuộc một chiến dịch truyền thông sai lệch do Trung Quốc hậu thuẫn.
Twitter cho biết họ đã xóa 936 tài khoản "đang được sử dụng để gieo rắc bất hòa chính trị ở Hong Kong" (ảnh minh họa)
Twitter nói các tài khoản này có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm làm suy yếu tính hợp pháp và các vị thế chính trị của phong trào biểu tình Hong Kong.
Facebook cho biết đã xóa "bảy trang, ba nhóm và năm tài khoản Facebook".
"Họ thường đăng bài về các tin tức chính trị địa phương và các chủ đề như biểu tình Hong Kong", ông Nathaniel Gle Rich, người phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, cho hay.
"Mặc dù những người đứng sau hoạt động này cố gắng che giấu danh tính, cuộc điều tra của chúng tôi đã tìm thấy các liên kết liên quan đến chính phủ Trung Quốc".
Ngoài 936 tài khoản cụ thể, Twitter cho biết có tới 200.000 tài khoản khác được thiết kế để khuếch đại thông tin sai lệch. Các tài khoản này đã bị chặn trước khi kịp 'hoạt động một cách tích cực'.
"Dựa trên các cuộc điều tra chuyên sâu của chúng tôi", Facebook cho hay trong một thông cáo, "chúng tôi có bằng chứng đáng tin cậy rằng đây là một hoạt động được nhà nước hậu thuẫn".
"Cụ thể, chúng tôi đã xác định số lượng lớn các tài khoản hoạt động theo cách phối hợp để khuếch đại các thông điệp liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong".
Facebook nói thêm : "Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác, nghiên cứu mạng lưới này và chủ động thực thi các chính sách của mình".
Động thái này được đưa ra sau khi Twitter bị chỉ trích dữ dội vào cuối tuần qua vì cho phép hãng tin Xinhua của Trung Quốc mua các bài quảng cáo trên trang này. Twitter cho biết vào thứ Hai 17/8 rằng sẽ không cho phép quảng cáo như vậy nữa.
"Từ nay về sau, chúng tôi sẽ không chấp nhận quảng cáo từ các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát".
Tuy nhiên, Twitter cho biết chính sách mới này không áp dụng "đối với các cơ quan có đóng thuế, bao gồm cả các đài truyền hình độc lập".
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong diễn ra như thế nào ?
Người biểu tình Hong Kong đụng độ với cảnh sát
Hàng ngàn người Hong Kong đã biểu tình kể từ tháng Ba để phản đối một dự luật của chính phủ cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Những người chỉ trích dự luật cho rằng nó sẽ làm suy yếu nền tư pháp độc lập của Hong Kong và có thể được sử dụng để nhắm vào những người lên tiếng chống lại chính phủ Trung Quốc.
Dự luật đã bị đình chỉ vào tháng Sáu sau một loạt các cuộc biểu tình lớn. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và hiện đã biến thành một phong trào lớn hơn đòi hỏi cải cách dân chủ và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.
Tuần trước, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào sân bay Hong Kong, dẫn đến đụng độ với cảnh sát và khiến trăm chuyến bay bị hủy.
Các nhà tổ chức cho biết 1,7 triệu người đã xuống đường biểu tình ôn hòa hôm Chủ nhật 18/8. Nhưng cảnh sát đưa ra con số thấp hơn nhiều ở mức 128.000.
Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng sau tình trạng bất ổn ở sân bay, lên án đó là "hành vi gần như khủng bố".
*****************
Biểu tình Hong Kong : Facebook, Twitter phát hiện sự can dự do nhà nước TQ hậu thuẫn (VOA, 20/08/2019)
Mạng xã hội Twitter và Facebook ngày 19/8 loan báo đã tháo dỡ một chiến dịch thông tin do nhà nước hậu thuẫn bắt nguồn từ Trung Quốc hầu tìm cách gây phương hại các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Biểu tình đòi dân chủ và cải cách chính trị tại Hong Kong ngày 18/8/19.
Twitter cho hay đã đình chỉ 936 tài khoản và rằng chiến dịch này dường nhưlà một nỗ lực có phối hợp được nhà nước hỗ trợ xuất phát từ Trung Quốc.
Facebook cho biết đã hủy các tài khoản và các trang mạng từ một mạng lưới nhỏ mà qua điều tra công ty phát hiện các đường dẫn tới những cá nhân có liên hệ tới chính phủ Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong, một trong những thách thức lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012, khởi sự từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi can sang Trung Quốc xét xử. Từ tháng 6 tới nay, các cuộc xuống đường của người dân Hong Kong đã chuyển thành những lời kêu gọi dân chủ rộng lớn hơn.
Twitter nói các tài khoản bị họ khống chế gây phương hại tới tính chính đáng và quan điểm chính trị của phong trào biểu tình ở Hong Kong.
Trong một thông báo khác, công ty truyền thông xã hội này cho biết họ đang cập nhật chính sách quảng cáo trên trang Twitter và từ nay sẽ không chấp nhận các quảng cáo từ các cơ quan truyền thông nhà nước.
**********************
Trung Quốc lên kế hoạch phát triển Thâm Quyến "vượt xa" Hồng Kông (RFI, 19/08/2019)
Chính quyền Bắc Kinh hôm 18/08/2019, công bố bản kế hoạch phát triển Thâm Quyến vượt tầm Hồng Kông, đồng thời kêu gọi Hồng Kông và Macao sáp nhập, nếu không sẽ "tụt hậu", trong bối cảnh cuộc biểu tình tại Hồng Kông diễn ra liên tục 11 tuần qua.
Container tại cảng Diêm Điền (Yantian), Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 04/07/2019) Reuters/Stringer
Theo AFP, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thành phố Thâm Quyến lên mức hàng đầu thế giới vào năm 2025. Bản kế hoạch, tuy không có chi tiết cụ thể, cũng bao gồm ý định sáp nhập Hồng Kông và Macao vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Tờ Global Times hôm nay, 19/08/2019, trích dẫn giới chuyên gia, nhận định rằng Hồng Kông nếu không chộp lấy cơ hội phát triển cùng Thâm Quyến, sẽ vấp phải nhiều hạn chế trong tương lai và sẽ bị tụt hậu.
Ngoài ra, theo kế hoạch nói trên, những người Hồng Kông và Macao sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến sẽ được cấp quyền cư trú, đồng thời mở rộng các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các thành phố. Bản kế hoạch cũng tiết lộ chính sách "mở cửa", tạo điều kiện cho những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Trung Quốc mở công ty công nghệ cao. Đây được cho là biện pháp giúp Thâm Quyến trực tiếp cạnh tranh với Hồng Kông để trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ chính sách xây dựng một khu "Vịnh Lớn" với tâm điểm là thành phố Thâm Quyến, qua đó thiết lập một khu kinh tế giữa Hồng Kông, Macao, và tỉnh Quảng Đông.
Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa hôm qua, 18/08/2019, cảnh cáo Canada "nên cẩn thận với từ ngữ và hành động" của mình. Trước đó một ngày, chính quyền Ottawa và Liên Hiệp Châu Âu đưa thông cáo chung khẳng định người Hông Kông hoàn toàn có quyền biểu tình một cách ôn hòa.
Bắc Kinh hôm nay, 19/08/2019, cũng lên giọng với Đài Bắc vì chính quyền hòn đảo này đứng về phía người biểu tình ở Hồng Kông. Tuy không có cơ chế luật pháp chính thức để nhận người tị nạn chính trị, tổng thống Đài Loan tháng trước đã đề nghị giúp đỡ những người tị nạn chính trị từ Trung Quốc. Hôm nay, phát ngôn viên của Văn phòng Các Vấn Đề Đài Loan Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) yêu cầu chính quyền Đài Loan dừng can thiệp vào Hồng Kông và không dung túng cho người biểu tình Hồng Kông mà Trung Quốc cho là những kẻ phạm pháp.
Gia Hưng
Mỹ, Canada bàn về Hong Kong, Trung Quốc (VOA, 17/08/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, thảo luận về các cuộc biểu tình ở Hong Kong và vụ hai công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ, văn phòng Thủ tướng Trudeau loan báo ngày 16/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc. Hình chụp hôm 20/6/19.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khởi sự ôn hòa hồi tháng tư phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc xét xử và dần dà chuyển thành các cuộc biểu tình đòi dân chủ, một thách thức trực tiếp đối với sự cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc đối với lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh.
Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada ngay sau khi cảnh sát Canada hồi tháng 12 năm ngoái bắt giám đốc tài chính công ty Huawei của Trung Quốc, Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Mỹ.
"Hai lãnh đạo... bàn về mối quan hệ với Trung Quốc trong đó có vụ giam giữ tùy tiện hai công dân Canada và diễn tiến hiện nay ở Hong Kong", văn phòng Thủ tướng Canada cho biết.
Dự kiến cuối tuần này sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Trung Quốc tố cáo các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo động này là ‘gần như khủng bố’ và cảnh cáo có thể dùng võ lực để đập tan.
Tổng thống Trump đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân gặp trực tiếp người biểu tình Hong Kong để xoa dịu căng thẳng.
Theo Reuters
*****************
Đến lượt hàng ngàn giáo viên Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ (RFI, 17/08/2019)
Các biểu tình cuối tuần này tại Hồng Kông được coi là một phép thử lòng quyết tâm của những người đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông, cũng như của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh. Cuộc tuần hành lớn ngày Chủ Nhật 18/08/2019 được dự báo sẽ quy tụ hàng triệu người. Còn trong ngày hôm nay 17/08, hàng ngàn giáo viên tuần hành dưới mưa để ủng hộ cuộc biểu tình của giới sinh viên ngày mai.
Giáo viên Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ, 17/08/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Cuộc tuần hành của các nhà giáo diễn ra ôn hòa, với sự cho phép của cảnh sát. Tập hợp tại khu thương mại Central, đoàn tuần hành tiến về hướng khu phố tập trung các cơ quan hành chính thiết yếu của Hồng Kông, bắt đầu từ Government House, nơi đặt văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Vào buổi chiều, số người tham gia tuần hành ngày càng đông. Người biểu tình giương cao biểu ngữ : "Cảnh sát Hồng Kông biết luật, cảnh sát Hồng Kông vi phạm pháp luật". Một nhà giáo về hưu tên là Lee phát biểu với hãng tin Anh Reuters : "Nếu bà Carrie Lam dũng cảm đáp ứng các nguyện vọng của chúng tôi ngay từ đầu, thì đã không có ai bị thương".
Tối hôm qua, hàng ngàn người Hồng Kông tập trung tại một công viên kêu gọi chính quyền các nước thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà chức trách Hồng Kông.
Bên cạnh các cuộc tuần hành của phe đòi dân chủ, hàng ngàn người ủng hộ chính quyền cũng tập hợp trong một công viên để phản đối tình trạng bạo lực do những người đấu tranh đòi dân chủ gây ra. Họ ủng hộ cảnh sát, nhiều người phất cờ Trung Quốc. AFP nhận định tình trạng chia rẽ, đối kháng xã hội tại Hồng Kông ngày càng dâng cao.
Thùy Dương
***********************
Hồng Kông : Bắc Kinh gây áp lực buộc các đại tập đoàn phản đối biểu tình (RFI, 17/08/2019)
Để đối phó với làn sóng phản kháng tiếp tục dâng cao ở Hồng Kông vào những ngày cuối tuần, Bắc Kinh nhắm vào giới doanh nhân, thúc ép họ phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt biểu tình, bạo lực. Từ hôm qua, nhiều ông chủ, các công ty lớn đã đăng đàn trên truyền thông chính thống của Trung Quốc để bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền, phản đối biểu tình.
Tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka-shing) kêu gọi người dân Hồng Kông yêu đất nước Trung Hoa. Reuters/Bobby Yip
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Cần phải lên tiếng nhưng tuyên bố công khai thì càng tốt. Vài giờ qua liên tiếp có những tuyên bố của giới doanh nhân Hồng Kông với nội dung giống nhau. Các nhà tài phiệt, các ông chủ tập đoàn lớn đồng thanh kêu gọi chấm dứt bạo lực.
"Cần phải kết thúc" là thông điệp của người giàu nhất đặc khu hành chính. Ông vua bất động sản Lý Gia Thành (Li Ka-Shing), 91 tuổi, đã mua một cột quảng cáo trên báo để đăng lời kêu gọi người dân Hồng Kông hãy yêu mảnh đất của mình và yêu Trung Quốc. Thông điệp này đã được nhiều tập đoàn kiểm toán tầm cỡ thế giới nhắc lại. Bốn văn phòng kế toán lớn nhất Hồng Kông KPMG, Ernst & Young, Deloitte và PriceWaterhouse Cooper đã lần lượt cho đăng những bài riêng trên nhật báo Global Times để nhắc lại quan điểm phản đối mọi hành động gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Sau khi kêu gọi các công ty đưa ra các lời tuyên bố như trên, nhật báo Nhà nước khẳng định các thành viên của ngành công nghiệp và các cư dân mạng Trung Quốc đã hối thúc các cơ quan sa thải nhân viên có hành vi ủng hộ những thành phần bạo động".
Người đầu tiên phải trả giá cho sách lược gây áp lực của Bắc Kinh là tổng giám đốc của hãng hàng không Cathay Pacific, ông Rupert Hogg, hôm qua đã phải từ chức. Thông cáo của hãng bay lớn nhất Hồng Kông ghi rõ Rupert Hogg từ chức vì "có trách nhiệm trong những sự kiện gần đây". Cùng lúc, một lãnh đạo khác, ông Paul Loo, giám đốc thương mại của Cathay Pacific Airline cũng phải rời khỏi chức vụ vì cùng lý do.
Ông Rupert Hogg rơi vào hoàn cảnh rất khó xử sau khi một số nhân viên của hãng ủng hộ và tham gia vào các cuộc biểu tình phản kháng hiện nay. Bắc Kinh đã rất tức tối cảnh cáo hãng bay. Đồng thời Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc còn ra lệnh cấm các nhân viên ủng hộ biểu tình được bay tới Trung Quốc.
Trước sức ép như vậy, ban lãnh đạo hãng hứa sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Bốn nhân viên trong đó có 2 phi công đã bị sa thải. Cathay Pacific đứng trước sức ép bị tẩy chay ở Trung Quốc, thị trường lớn của hãng. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của hãng bị lao dốc thê thảm trong những ngày qua.
Khủng hoảng : Thiệt hại kinh tế tồi tệ hơn đợt dịch SARS
Trên bình diện kinh tế, sau hai tháng lâm vào khủng hoảng, biểu tình phản kháng, nền kinh tế Hồng Kông đã bị tác động rõ nét.
Chính quyền Hồng Kông vừa phải đưa ra kế hoạch khẩn cấp, bơm thêm hơn 2 tỷ đô la để hỗ trợ sức mua. Khoản ngân sách này chủ yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ, các sinh viên và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Cuộc khủng hoảng chính trị xã hội, cộng thêm với hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế Hồng Kông thêm khó khăn. Nên biết là 45% trao đổi buôn bán của đặc khu hành chính phụ thuộc vào Hoa Lục.
Tình hình bất ổn đã khiến các nhà đầu tư né tránh thị trường tài chính Hồng Kông. Các công ty lớn của Trung Quốc niêm yết chứng khoán tại Hồng Hông từ tháng 6 năm nay đã bị mất một lượng lớn tài sản. Riêng tỷ phú Lý Gia Thành, người giầu nhất Hồng Kông, đã bị mất 3 tỷ đô la.
Các lĩnh vực du lịch, thương mại đều trong tình trạng thua lỗ. Bất động sản thương mại, bán lẻ, tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua giảm sút vì khủng hoảng. Lãnh đạo đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo tác động của đợt khủng hoảng hiện nay còn tồi tệ hơn cả vụ dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003. Tăng trưởng năm nay dự báo sẽ chỉ còn 1% thay vì 3% như tính toán.
Anh Vũ
******************
Giữa lúc Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng tại Hồng Kông, nhiều người tự hỏi liệu Bắc Kinh sẽ làm gì để dập tắt bất đồng của người dân Hồng Kông ?
Những hình ảnh về sự xuất hiện của lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở Thâm Quyến, sát ranh giới Hồng Kông, đang làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng lực lượng này để dập tắt các cuộc biểu tình tại đặc khu.
Nhưng BBC viện dẫn Luật Cơ bản Hồng Kông cho biết can thiệp quân sự trực tiếp chỉ có thể xảy ra khi có yêu cầu từ chính phủ của đặc khu.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post tường thuật rằng Bắc Kinh đang gây áp lực lên lực lượng cảnh sát Hồng Kông, yêu cầu họ phải có biện pháp chấm dứt các cuộc biểu tình.
Trung Quốc cũng có thể can thiệp chính trị vì Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông chỉ có một phần dân chủ, và phần lớn ủng hộ Bắc Kinh, vẫn theo BBC.
Trung Quốc đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách từ chối chấp nhận cho Trưởng Đặc khu Carrie Lam từ chức và từ chối không cho bà chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình.
Một khả năng khác là Bắc Kinh sẽ nhắm vào các nhà hoạt động, vì ngay cả khi không có luật dẫn độ, Trung Quốc vẫn có khả năng giam giữ từng công dân.
South China Morning Post cho biết một số cư dân Hồng Kông đã bị nhân viên nhập cư Trung Quốc tại biên giới kiểm tra ảnh và tin nhắn trên điện thoại của họ.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về sự can thiệp trực tiếp, BBC cho rằng rằng công cụ hiệu quả nhất của Bắc Kinh có thể là kinh tế. Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Hồng Kông bằng cách chuyển hướng đầu tư sang các thành phố khác ở đại lục, khiến cho đầu tư phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Hoa Kỳ quan ngại về tình hình ở Hong Kong (RFA, 15/08/2019)
Vào ngày 14 tháng 8 một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không muốn nêu tên bày tỏ quan ngại về thực tế quyền tự trị của đặc khu hành chánh Hong Kong bị sói mòn. Đồng thời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự do ngôn luận, tự do tập trung ôn hòa.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau bên lề Thượng đỉnh G20 Osaka ngày 29/6/2019 - AFP
AFP còn biết người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc tôn trọng những cam kết trong Tuyên bố Chung Trung- Anh về việc để cho đặc khu hành chánh Hong Kong có mức độ tự trị cao.
Vị này lặp lại quan điểm Hoa Kỳ lên án bạo lực và thúc giục tất cả các bên kiềm chế ; đồng thới bác bỏ cáo buộc mà truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau kích động những cuộc biểu tình tại Hong Kong.
Một số nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ cũng tuyên bố ủng hộ của họ đối với những người biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong và chỉ trích Bắc Kinh để cho chính quyển Hong Kong dùng bạo lực trấn áp người biểu tình.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối cộng hòa đa số tại Thượng Viện, nêu rõ ý kiến qua một đoạn Tweet rằng những hình ảnh lực lượng được Bắc Kinh hậu thuẫn ra tay tàn nhẫn với thường dân tựchúng nói lên tất cả.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói thêm rằng hằng triệu người Hong Kong phản đối hành động xâm phạm của đảng cộng sản Trung Quốc đều biết rất chính xác ai là người phải chịu trách nhiệm kích động tạo nên hỗn loạn ở Hong Kong. Cả thế giới cũng biết như thế.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho rằng sự im lặng của tổng thống Donald Trump về tình hình Hong Kong là nguy hại cho chính nghĩa của những người biểu tình.
Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, cũng kêu gọi đặc khu trưởng Hong Kong và lực lượng cảnh sát tại đó phải ngay lập tức ngưng biện pháp xâm hại đối với chính người dân của đặc khu này.
Bà Nancy Pelosi cho rằng nếu Hoa Kỳ không lên tiếng về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc chỉ vì quyền lợi thương mại thì nước Mỹ mất hết thẩm quyền đạo đức để nói về vấn đề nhân quyền ở những nơi khác trên thế giới.
South China Morning Post vào ngày 15 tháng 8 loan tin cho biết tổng thống Donald Trump của Mỹ đề nghị gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đạt được cái gọi là giải đáp nhân đạo cho những cuộc biểu tình ở Hong Kong.
*******************
Trung Quốc sẽ dẹp biểu tình tại Hồng Kông có dấu hiệu khủng bố (RFA, 15/08/2019)
Đại sứ Trung Quốc tại Anh vào ngày 15 tháng 8 tuyên bố Bắc Kinh sẽ sử dụng sức mạnh để dẹp biểu tình tại Hong Kong nếu như tình hình xấu thêm nữa sau khi một số người biểu tình tỏ dấu khủng bố.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, phát biểu vào dịp tết âm lịch ở London năm 2018 - AFP
Reuters loan tin dẫn phát biểu của đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh nói với phóng viên ở London như vừa nêu. Nguyên văn lời của ông này là "Nếu tình hình xấu thêm nữa thì chính quyền trung ương sẽ sẽ không ngồi quan sát". Ông này nói thêm là Trung Quốc có đủ giải pháp và đủ quyền hạn theo luật cơ bản để trấn dẹp nhanh chóng bất cứ bất ổn nào. Theo đại sứ Trung Quốc ở Anh thì cách hành xử của những người biểu tình tại Hong Kong là nghiêm trọng, là tấn công bạo lực và đã cho thấy dấu hiệu khủng bố.
Ông Lưu nhắc lại Hong Kong là một phần lãnh thổ Trung Quốc, không nước nào được can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong.
Tin cũng cho biết lực lượng bán quân sự của Trung Quốc vào ngày 15 tháng 8 tiến hành diễn tập xuyên đường biên với Hong Kong. Hoạt động này gây quan ngại là Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị để ra tay đối với những cuộc biểu tình đông đảo tại đặc khu hành chánh Hong Kong.
Reuters loan tin là có thể thấy hằng trăm cảnh sát vũ trang tại một sân vận động ở Thâm Quyến. Tại các bãi xe của sân vận động có hơn 100 xe sơn màu sẫm của dân quân.
Hồng Kông : Đàn áp hay không đàn áp, câu hỏi khó cho Bắc Kinh
Một sự can thiệp theo kiểu Thiên An Môn 1989 sẽ là hồi kết cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", với những hậu quả khó lường. Nhưng với sự thiếu vắng một "kế hoạch B", chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như buộc lòng phải chờ đợi cho phong trào suy giảm dần đi.
Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình tại Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po), Hồng Kông ngày 14/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris, ngành sản xuất thịt thích ứng với xu hướng tiêu dùng, tranh luận về công nghệ nhận diện khuôn mặt, đó là những đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Về thời sự quốc tế, tình hình Hồng Kông và Nga, cái chết của nhà tỉ phú Mỹ, giá dầu thế giới tiếp tục được quan tâm.
"Be water"
"Tại Hồng Kông, Bắc Kinh chừng như đành phải tạm thời chờ cho phong trào phản kháng lắng dần", đó là nhận xét của thông tín viên Le Monde. Kể từ cuộc tuần hành ôn hòa một triệu người hôm 9/6, rồi hai triệu người ngày 16/6, Hồng Kông lao vào một cuộc khủng hoảng chính trị vô tiền khoáng hậu, mà hiện nay chưa ai thấy ra được một lối thoát.
Người biểu tình nay chuyển sang phương pháp được Lý Tiểu Long (Bruce Lee) cổ vũ ở một trong những bộ phim của ngôi sao này : "Be water" (Hãy linh hoạt như nước). Những hành động bất tuân dân sự nhẹ nhàng lúc ban đầu (như chận cửa để làm trễ giờ các chuyến tàu điện ngầm), đã nhường chỗ cho các vụ tấn công có mục tiêu (như phong tỏa một đường hầm là giao điểm chính).
Những cuộc tập kích của các nhóm nhỏ tại nhiều địa điểm khác nhau có được sự ủng hộ của một phần lớn cư dân, liên quan đến điều kiện sống chật vật và các quyền tự do bị siết lại, cũng như Nhà nước pháp quyền mà người dân Hồng Kông vốn coi trọng.
Đấu tranh nhân dân : Người bị bắt từ 14 đến 76 tuổi !
Một đặc trưng khác của phong trào là sự chiết trung. Các cuộc biểu tình dần dần lan rộng, vượt qua khỏi đảo Hồng Kông đến tận các thành phố biên giới với Trung Quốc, và huy động được nhiều thành phần ngoài hạt nhân chính là giới trẻ. Tuổi của những người bị cảnh sát bắt là từ 14 đến 76, như vậy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quá vội vã khi nói rằng phong trào phản kháng chỉ là "một nhóm người cực đoan bạo động" ?
Bắc Kinh rõ ràng là bối rối, ban đầu để cho bà Lâm giơ đầu chịu báng, và bà này giao lại việc xử lý khủng hoảng cho cảnh sát Hồng Kông, vốn không có kinh nghiệm gì về những sự kiện tương tự.
Kể từ khi đàn áp quá mức vụ biểu tình trước Nghị Viện hôm 12/6, cảnh sát đã trở thành mục tiêu mới của người biểu tình. Họ đòi hỏi điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, nhưng chính quyền cho rằng chỉ cần điều tra nội bộ.
"Mắt đối mắt"
Hoàn toàn vắng bóng trong cuộc biểu tình hai triệu người hôm 16/6, cảnh sát cũng không hành động gì lúc tổng hành dinh bị bao vây hôm 20/6, và vụ đột nhập Nghị Viện hôm 1/7. Nhưng từ đó đến nay cảnh sát lại thẳng tay đàn áp, vội vã bắn hơi cay và bắt giữ rất nhiều người. Phe "xã hội đen" Hồng Kông bắt đầu tham gia tấn công người biểu tình từ tối 21/7 tại trạm métro Nguyên Lãng (Yuen Long), chúng dùng gậy sắt quất tàn bạo vào bất kỳ ai. Các vụ đối đầu đã trở thành thường xuyên, nhưng, sẽ còn kéo dài bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng nữa ?
Le Figarotrong bài "Leo thang bạo lực tại Hồng Kông" cho biết cuối tuần qua có 40 người phải nhập viện, trong đó có một cô gái bị trúng đạn cao su, mất đi một mắt. "Mắt đối mắt", người biểu tình hôm qua hô vang trên đường đến sân bay. Cảnh sát bây giờ không ngần ngại bắn đạn cao su ở cự ly rất gần, dùng dùi cui đánh đến đổ máu dù người biểu tình đang bỏ chạy, chận bắt một cách thô bạo, và lần đầu tiên bắn hơi cay vào không gian khép kín là một trạm métro.
Le Monde nhận xét, phong trào phản kháng nay nhắm vào ba mục tiêu : cảnh sát, chính quyền Hồng Kông, chính quyền trung ương Bắc Kinh. Khẩu hiệu mới trong các cuộc biểu tình là "Trả lại tự do cho Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta", cùng với một số vụ đụng độ với phe thân Bắc Kinh và quăng cờ Trung Quốc xuống biển, bị coi là bằng chứng "ly khai".
Thiếu một kế hoạch B, Bắc Kinh lúng túng
Một cảnh sát bị phỏng nhẹ do bom xăng hôm Chủ nhật, khiến Dương Quang (Yang Guang), phát ngôn viên cơ quan phụ trách về Hồng Kông tuyên bố đó là "một tội phạm nghiêm trọng, cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của khủng bố".
Nhưng theo Le Figaro, định nghĩa "khủng bố" của Bắc Kinh rộng một cách kỳ lạ. Tháng trước, nhà đấu tranh chống tham nhũng Trương Bảo Thành (Zhang Baocheng) bị bắt với cáo buộc "cổ vũ khủng bố", chỉ vì ông đòi hỏi minh bạch về thu nhập của các thành viên chính phủ. "Đấu tranh chống khủng bố" cũng là cái cớ để tống giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo. Nhiều chuyên gia trong đó có nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan tố cáo, có khoảng 2.000 công an từ Hoa lục trà trộn vào 30.000 cảnh sát Hồng Kông.
Trần Hạo Thiên (Andy Chan Ho Tin), người sáng lập đảng HKNP đòi độc lập cho Hồng Kông tuyên bố : "Dù Trung Quốc phản ứng như thế nào đi nữa, Bắc Kinh đã mất Hồng Kông vĩnh viễn". Ông Trần hiện nay đã bị bắt, đảng của ông bị cấm hoạt động. Le Figaro cho rằng để che giấu sự bối rối, Trung Quốc khi thì tố cáo "bàn tay đen đúa" của một nhà ngoại giao Mỹ ở Hồng Kông, khi lại cáo buộc công ty Cathay Pacific "đổ dầu vào lửa" khi để cho các nhân viên được đình công.
Bắc Kinh ngày càng lớn tiếng đe dọa, nhất là khi công bố các video tập trận chống biểu tình. Le Monde kết luận, một sự can thiệp theo kiểu Thiên An Môn 1989 sẽ là hồi kết cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", với những hậu quả khó lường. Nhưng với sự thiếu vắng một "kế hoạch B", chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như buộc lòng phải chờ đợi cho phong trào suy giảm dần đi.
Nga : Chính quyền càng cứng rắn, đối lập càng cực đoan
Nhìn sang một phong trào phản kháng khác nhưng ở nước Nga, chuyên gia Andrei Kolesnikov của Trung tâm Carnegie ở Moskva nhận định trên Les Echos "Trước sự không khoan nhượng của chính quyền, đối lập có nguy cơ trở nên cực đoan hơn".
Với trên 50.000 người xuống đường vào Chủ nhật tuần rồi, đây là một ngạc nhiên cho chính quyền Nga. Có những khuôn mặt trẻ mới xuất hiện, nhưng đây cũng chính là xã hội dân sự trong phong trào phản kháng 2011-2012, gồm đủ mọi lứa tuổi và thành phần, từ doanh nhân cho đến nhân viên các công ty vừa và nhỏ.
Cho đến nay, càng bị siết thì phe phản kháng lại càng quyết tâm hơn. Chính quyền không thể hiểu được vì sao đã bắt hết các nhà lãnh đạo đối lập nhưng vẫn không thể ngăn được phong trào lan rộng. Các nhân vật ôn hòa trong chính quyền Moskva có vẻ kín tiếng, còn đô trưởng đương nhiệm Serguei Sobyanine, một người thân cận của tổng thống Putin thì có chủ trương cứng rắn.
Chính ông ta đã tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ và lễ hội nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân. Nhưng các cuộc biểu tình đông đảo người tham gia đã chứng minh chiến thuật của ông Sobyanine phần nào đã thất bại. Tòa đô chính Moskva được lãnh đạo bởi một giàn kỹ trị, tập trung cho việc hiện đại hóa thủ đô. Tuy nhiên những người biểu tình đã nhắc nhở họ rằng không có hiện đại hóa nếu không có dân chủ.
Công nghệ nhận diện : Bạn hay thù ?
Về một tiến bộ khoa học có nguy cơ bị lạm dụng cho việc đàn áp, La Croix chạy tựa "Công nghệ nhận diện, sự khẩn cấp của việc tranh luận". Các cuộc thử nghiệm công nghệ mới này đang diễn ra ngày càng nhiều tại Pháp, nhưng ở California, có những thành phố cẩm sử dụng ở nơi công cộng.
La Croix mô tả, trong đám đông, những tia sáng laser màu xanh lá cây chiếu về phía cảnh sát. Những người biểu tình mang khẩu trang che mặt, đầu đội nón bảo hộ lao động, và che dù. Đó là những trang bị không thể thiếu của người biểu tình Hồng Kông để chống lại công nghệ nhận diện của Bắc Kinh. Những hình ảnh đáng kinh ngạc, không phải trong truyện khoa học viễn tưởng, mà chính là những gì đang diễn ra từ hai tháng qua : ở cựu thuộc địa Anh cũng như những địa phương khác của Trung Quốc, nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng công nghệ nhận diện để nhận ra những người biểu tình.
Cho đến nay, công nghệ mới này được ủng hộ với lý do đơn giản là đem lại nhiều lợi lộc, và con người thường thích thú với cái mới. Công nghệ nhận diện giúp nhanh chóng nhận ra các tên tội phạm trong đám đông, tuy nhiên lại xâm phạm nặng nề đến cuộc sống riêng tư, và mang lại cho các chế độ độc tài một công cụ hiệu quả để đàn áp. Theo tờ báo, bây giờ là lúc cần xem xét lại.
Phục dựng di sản quý giá Nhà thờ Đức Bà Paris
Trên lãnh vực văn hóa, Libération chơi chữ ở trang nhất "Những người làm việc cật lực ở Nhà thờ Đức Bà". Tờ báo dùng chữ "bosseur", có thể hiểu là "Bossu -Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà", nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo.
Trong bài xã luận mang tên "Kho tàng", tờ báo cánh tả nhấn mạnh giá trị của các di sản không chỉ trên khía cạnh tôn giáo. Không chỉ là một thánh đường bị bốc cháy hôm 15/4, mà còn là cả một quá khứ, đại diện cho nghệ thuật xây dựng và trang trí tuyệt hảo của người xưa. Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris được phối hợp hài hòa giữa các nghệ nhân có tay nghề cao, và công nghệ hiện đại. Trong một thế giới mà cội rễ có nguy cơ đang dần bị quên lãng, hơn bao giờ hết, việc trùng tu di sản này là một thách thức.
Về việc dựng lại hình ảnh 3 chiều của Nhà thờ Đức Bà Paris, ba ngày sau vụ cháy, một ê-kíp của công ty Art Graphique & Patrimoine (AGP) chuyên dựng ma-két kỹ thuật số của các công trình lịch sử, đã đến nơi và gắng sức chạy đua với thời gian. AGP mua ngay sáu siêu máy tính trị giá nhiều trăm triệu euro để chuyển hàng tỉ điểm đo đạc thành hình ảnh. May mắn là một nhà nghiên cứu Mỹ, Andrew Tallon từ năm 2010 đã lưu được khoảng 1 tỉ điểm. Một bất ngờ nữa Nhà thờ Đức Bà đóng vai chính trong trò chơi Assassin’s Creed Unity của nhà sản xuất video game Ubisoft, ngay sau vụ hỏa hoạn công ty đã cho tải về miễn phí.
Người cao niên phạm pháp
Về mặt xã hội tại Pháp, Le Figaro có bài phóng sự "Khi người cao niên vi phạm pháp luật". Tuy hiếm khi được nêu ra và được đánh giá chưa đúng mức, nhưng tội phạm do những người 60 tuổi trở lên là một thực trạng. Trong năm 2018, có trên 17.000 người cao tuổi đã phạm pháp.
Tờ báo kể ra một thí dụ, tháng Năm vừa rồi, một bà cụ trên 100 tuổi được cho là đã sát hại người láng giềng 92 tuổi tại một nhà dưỡng lão, đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Hồi năm 2014, Marcel Guillot, một ông cụ 93 tuổi đã bị kết án 10 năm tù vì giết chết một bà cụ trên 80 do từ chối những lời tán tỉnh của ông… Trên thực tế, các vụ giết người, cướp của, trộm cắp, lừa đảo… do người cao tuổi thực hiện không ít, nhưng các bản án dành cho họ thường nhẹ nhàng hơn, và các con số thống kê thường không nói lên hết tầm vóc của hiện tượng.
Thụy My
Hồng Kông : 5.000 người tọa kháng, phi trường bị tê liệt hoàn toàn (RFI, 12/08/2019)
Phi trường Hồng Kông đã ra quyết định hiếm hoi, hủy bỏ tất cả các chuyến bay trong ngày 12/08/2019, sau khi ít nhất 5.000 người biểu tình chống bạo lực cảnh sát, tràn ngập nhà ga đến, trong khuôn khổ phong trào dân chủ huy động mọi tầng lớp dân chúng đặc khu hành chính.
Sân bay quốc tế Hồng Kông thông bảo hủy các chuyến bay đến và đi từ Hồng Kông, ngày 12/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Chỉ 10 phút sau khi Bắc Kinh đả kích phong trào tranh đấu tại Hồng Kông là "dấu hiệu của khủng bố phá hoại", ban điều hành phi trường Hồng Kông thông báo đóng cửa phi trường quốc tế đứng hàng thứ tám trên thế giới về số hành khách và nổi tiếng về hiệu năng hoạt động.
Trong ngày thứ tư liên tiếp (12/08) của chiến dịch tọa kháng, hơn 5.000 người biểu tình đã tràn ngập ga đến, tiếp xúc trực tiếp với hành khách quốc tế và Hoa lục, kêu gọi họ ủng hộ cuộc tranh đấu.
Toàn bộ các chuyến bay trong ngày bị đình chỉ trừ những chuyến bay đi sắp khởi hành và những chuyến bay đến sắp hạ cánh.
Sau khi yêu cầu Cathay Pacific trừng phạt nhân viên tham gia biểu tình, chính quyền Hoa lục vừa tiến thêm một bước trong chiến thuật áp đảo tinh thần. Dương Quang, phát ngôn viên của văn phòng đại diện chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông và Macao, người mà hồi tuần trước khuyến cáo dân Hồng kông không nên đùa với lửa, sáng 12/08 cho là "một nhóm thiểu số tấn công cảnh sát bằng bom chai xăng và đó là dấu hiệu khủng bố".
Theo AFP, quyết định của phi trường Hồng Kông chỉ vài phút ngắn ngủi sau khi chính quyền Hoa lục lên tiếng hù họa, cho thấy mức độ leo thang của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ cuối tháng Tư.
Tú Anh
******************
Sân bay Hong Kong hủy tất cả các chuyến bay do biểu tình (VOA, 12/08/2019)
Hôm 12/8, sân bay Hong Kong, một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới, đã hủy tất cả các chuyến bay và nhà chức trách đổ lỗi cho người biểu tình đã gây ra sự gián đoạn này, theo Reuters.
Biểu tình ở sân bay Hong Kong ngày 12/8/2019.
Trong khi đó, một quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh cảnh báo rằng các dấu hiệu "khủng bố" đang nổi lên. Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc cũng tập hợp tại thành phố Thâm Quyến gần kề Hong Kong để diễn tập, tờ Global Times cho biết hôm 12/8.
Cả hai động thái khiến tình hình Hong Kong thêm căng thẳng, sau khi xảy ra một cuộc đụng độ vào cuối tuần giữa cảnh sát và các nhà hoạt động phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc để xét xử.
Cảnh sát Hong Kong nói trong một cuộc họp báo rằng nhiều người trong số 5.000 nhà hoạt động, vốn chiếm sảnh đến của sân bay trong ngày thứ tư liên tiếp, đã tràn vào khu vực chờ lên máy bay và gây ra sự gián đoạn cho sân bay. Cảnh sát từ chối không cho biết liệu họ sẽ tiến tới giải tán đám đông biểu tình hay không.
Việc đến và đi từ sân bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Các hoạt động tại sân bay quốc tế Hong Kong đã bị gián đoạn nghiêm trọng ... tất cả các chuyến bay đã bị hủy", cơ quan quản lý sân bay của thành phố cho biết trong một tuyên bố hôm 12/8.
"Tất cả hành khách nên rời khỏi các tòa nhà trong sân bay càng sớm càng tốt".
Đường đến sân bay bị tắc nghẽn và bãi đậu xe thì chật kín, chính quyền cho biết.
Việc sân bay ngưng hoạt động diễn ra khi văn phòng Trung Quốc phụ trách Hong Kong và Macau cho biết, thành phố đang phải đối mặt với một thời điểm đầy gay go và sau khi cảnh sát diễn tập việc sử dụng vòi rồng lớn mà Reuters cho rằng nhằm phát đi cảnh báo đối với người biểu tình.
Tại sân bay, hàng ngàn nhà hoạt động đã chiếm sảnh đến trong nhiều ngày.
Những người biểu tình trong trang phục màu đen, chủ yếu là người trẻ, hô vang khẩu hiệu : "Không có kẻ bạo loạn, chỉ có sự chuyên chế !" và "Giải phóng Hong Kong !" Họ đồng thời cũng trao tờ rơi một cách lịch sự cho các khách du lịch, trong đó họ nêu yêu cầu của mình và giải thích về tình trạng bất ổn.
*******************
Kinh tế Hồng Kông bị ảnh hưởng nặng nề vì biểu tình (RFI, 12/08/2019)
Khách sạn trống phòng, thương mại đình trệ, ngay cả công viên Disneyland cũng vắng khách : nền kinh tế Hồng Kông với đầu tàu là ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc biểu tình đòi dân chủ, kéo dài 2 tháng nay mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Cảnh sát chống bạo động được huy động giải tán người biểu tình Hồng Kông tại Sham Shui Po, ngày 11/08/2019. Reuters/Tyrone Siu
AFP ngày 11/08/2019 nhận định Hồng Kông đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997. Các cuộc biểu tình liên tiếp trong những ngày qua đã kéo theo những hệ lụy kinh tế.
Ngành du lịch bị thiệt hại nhiều nhất trong 2 tháng căng thẳng chính trị vừa qua. Trong tháng 07/2019, số phòng khách du lịch đặt đã giảm 50%. Lượng khách đặt phòng trước cho tháng 8 và tháng 9 cũng giảm đáng kể trong bối cảnh nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc, Nhật Bản, cảnh báo công dân nước này hạn chế đến Hồng Kông.
Ngay cả công viên giải trí nổi tiếng Disneyland cũng bị ảnh hưởng. Giám đốc điều hành Disneyland, Bob Iger, hôm 06/08 cũng đã phải thừa nhận "các cuộc biểu tình làm giảm lượng khách đến công viên".
Ông Edward Yau, quan chức đặc trách thương mại và phát triển kinh tế của Hồng Kông, cảnh báo : "Tình hình Hồng Kông trong những tháng gần đây đang đặt nền kinh tế và người dân địa phương vào tình trạng đáng lo ngại, thậm chí là nguy hiểm".
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị, nền kinh tế Hồng Kông cũng chịu nhiều tác động không nhỏ từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế của đặc khu hành chính bị đình trệ kể từ quý I năm 2019 : mức tăng trưởng chỉ đạt 0,6% so với 4,6% cùng kỳ năm 2018. Theo dự báo, kinh tế của Hồng Kông quý II năm 2019 cũng sẽ khó đạt kết quả tốt.
RFI tiếng Việt
******************
Hồng Kông : Cathay Pacific đe dọa nhân viên ủng hộ biểu tình (RFI, 12/08/2019)
Nhân viên của Cathay Pacific "có thể bị sa thải nếu tiếp tục ủng hộ hoặc tham gia biểu tình bất hợp pháp". Đó là thông cáo của tổng giám đốc công ty hàng không Hồng Kông hôm 12/08/2019, trong bối cảnh Cathay Pacific bị Bắc Kinh gây áp lực buộc hãng hàng không này phải trừng phạt những nhân viên ủng hộ phong trào dân chủ đang lên cao tại Hồng Kông.
Người biểu tình Hồng Kông tọa kháng ở sân bay quốc tế Hồng Kông, ngày 12/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Thứ Sáu tuần trước, 09/08, cơ quan hành không dân dụng Trung Quốc ra lệnh cho Cathay Pacific phải cung cấp danh sách nhân viên phi hành đoàn trên các chuyến bay sang hay bay ngang Hoa lục. Bắc Kinh cho biết là những nhân viên ủng hộ phong trào dân chủ sẽ bị cấm phục vụ trên các chuyến bay đó. Cathay Pacific tuyên bố tuân lệnh của Bắc Kinh.
Thế nhưng, thông cáo của tổng giám đốc Rupert Hogg công bố ngày 12/08 còn đi xa hơn vơi lời lẽ đe dọa : tuyệt đối không dung thứ nhân viên ủng hộ biểu tình, những người này nguy cơ bị kỷ luật thậm chí bị hủy hợp đồng.
Lãnh đạo Cathay Pacific còn cảnh cáo những nhân viên tham gia phát truyền đơn cho du khách quốc tế, nhất là hành khách Hoa lục, giải thích về mục tiêu, yêu sách của phong trào dân chủ chống lại thái độ nuốt lời hứa của Bắc Kinh.
Theo AFP, công đoàn của Cathay Pacific ủng hộ nhân viên tranh đấu bãi công. Thông cáo của nghiệp đoàn lên án chính quyền "làm ngơ trước các yêu sách của người dân và đã sử dụng lực lượng cảnh sát để tìm cách bóp nghẹt tiếng nói phản kháng đưa dân chúng vào tình trạng tuyệt vọng".
Các biện pháp trả thù, đàn áp bằng lựu đạn cay và đạn cao su dường như không hiệu quả. Sáng 12/08, cảnh sát Hồng Kông, mà theo phe đối lập có an ninh Hoa lục trà trộn vào, đã phô trương vũ khí mới : ba chiếc xe vòi rồng trị giá gần 3,4 triệu đô la mỗi chiếc.
Những người biểu tình áp dụng chiến thuật mới "mèo vờn chuột", khá hiệu quả, suốt hai ngày cuối tuần qua để tránh bị bạo lực trấn áp trực diện. Vì sao ?
Từ Hồng Kông, đặc phái viên Christophe Paget phân tích :
"Căn nguyên nguồn cội là do quyết định của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hồi tháng 02/2019, thay đổi đạo luật dẫn độ. Đối lập tố cáo bàn tay của Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Hồng Kông. Biểu tình nổ ra vào cuối tháng 04.
Đến ngày 09/06, một triệu người đã xuống đường, một kỷ lục tính từ khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc năm 1997. Đàn áp diễn ra làm 79 người biểu tình bị thương và một thanh niên tử vong do rơi từ một mái lầu xuống đất.
Thái độ của chính quyền Trung Quốc là "lên án bạo loạn", ủng hộ chính quyền Hồng Kông và đe dọa đưa quân can thiệp.
Ngày 15/06, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đình hoãn dự luật gây tranh cãi nhưng ngày hôm sau, biểu tình phản kháng vẫn tiếp tục và lần này với hơn 2 triệu người tham gia.
Những hành động phong tỏa đường phố tiếp diễn, đến ngày 01/07, Nghị Viện bị người biểu tình xâm nhập, đập phá, đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát.
Tình hình xấu thêm khi nhiều người biểu tình bị một toán côn đồ xã hội đen đánh đập thô bạo, cảnh sát bị tố cáo làm ngơ. Phía chính quyền lại chọn thái độ cứng rắn, bắt giam và truy tố hàng chục người biểu tình. Ngày 05/08, một cuộc tổng đình công gây xáo trộn sinh hoạt trên toàn bán đảo .
Để đối phó, cảnh sát cấm biểu tình mỗi cuối tuần, nhưng người dân vẫn xuống đường, đa số là xuống đường khi chiều xuống. Từng nhóm nhỏ chia nhau phong tỏa đường phố và đối đầu với cảnh sát theo chiến thuật mèo vờn chuột".
Tú Anh
******************
Người dân Hồng Kông lại rầm rộ xuống đường ở nhiều địa điểm (RFI, 11/08/2019)
Hôm 11/08/2019 hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ lại tuần hành tại Hồng Kông. Đây là lần thứ 10 họ xuống đường trong hai ngày cuối tuần, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.
Hồng Kông : Cảnh đám đông biểu tình ở Victoria Park. Ảnh ngày 11/08/2019.RFI / Christophe Paget
Vào đầu giờ chiều, người biểu tình tập hợp tại công viên Victoria. Hàng ngàn người khác xuống đường ở khu phố công nhân Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po) ở Cửu Long (Kowloon), bị cảnh sát tấn công bằng hơi cay. Song song đó khoảng vài trăm người tiếp tục biểu tình ngồi tại sân bay quốc tế, ngày thứ ba liên tiếp, với hy vọng du khách sẽ ủng hộ chính nghĩa của dân Hồng Kông.
Đặc phái viên RFI tại Hồng Kông, Christophe Paget gặp Djeco, một nhà đấu tranh của phong trào Hành động Xã hội. Anh cho rằng Hồng Kông đang bị thiết quân luật trên thực tế, vì cảnh sát cấm mọi cuộc biểu tình kể từ tuần trước :
"Chính quyền không nói là thiết quân luật, vì biết rằng sẽ làm người dân tức giận, thế nên họ tiến hành từ từ. Với việc cấm tất cả các cuộc biểu tình, họ muốn làm cho người dân sợ hãi. Nhưng ý đồ của họ sẽ thất bại, như ông thấy đó, hôm nay có rất nhiều người xuống đường, tôi nghĩ rằng khoảng 1.500 người.
Về phía phong trào xã hội của chúng tôi mở chiến dịch vận động cho một cuộc tổng đình công mới. Sự kiện hôm thứ Hai vừa rồi đã có tác động, đã làm tê liệt một trong hai tuyến đường hàng không, 3.000 nhân viên sân bay đã đình công. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vũ khí quan trọng để chiến thắng cảnh sát và chính quyền.
Hôm thứ Năm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã gặp gỡ các nhà tư bản, chủ các doanh nghiệp lớn ở Hồng Kông, và tổ chức họp báo vì bà ấy sợ rằng họ sẽ bất mãn trong trường hợp có đình công. Đó chính là điều mà chúng tôi muồn tiến hành : tiếp tục làm cho chính quyền phải bối rối".
Đặc phái viên RFI đã trò chuyện với một người cao tuổi đứng sau hàng rào chắn, có vẻ rất xúc động khi đoàn biểu tình hàng ngàn người trẻ đi qua. Ông tâm sự :
"Tôi đã 68 tuổi, quá già để đi biểu tình, nhưng tôi sống ở khu phố này nên ra quan sát lớp trẻ đang cố gắng bảo vệ quyền tự trị và tự do của Hồng Kông. Tôi còn thấy rất nhiều người trẻ là sinh viên biểu tình ở khu Kim Chung (Admiralty).
Tôi xúc động đến nỗi bật khóc : đó là thế hệ mới, chính các cháu ấy cần được bảo vệ. Nhưng ngược lại bọn trẻ đã xuống đường chiến đấu, với hy vọng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, buộc chính quyền phải nghe những đòi hỏi của người dân. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu cần lắng nghe những tiếng nói của người dân Hồng Kông, và thương lượng với Bắc Kinh.
Việc trao trả cho Trung Quốc năm 1997 khiến tôi thất vọng. Trước kia tôi hài lòng về việc quản lý của chính phủ Anh, nhưng từ khi Luân Đôn trao lại Hồng Kông cho Trung Quốc, ngày càng có nhiều người từ Hoa lục sang cư trú để trở thành công dân Hồng Kông. Họ làm giá nhà đất tăng lên, thế nên những người trẻ rất khó mua nổi một căn hộ. Tôi cho rằng Bắc Kinh muốn làm như vậy để Hồng Kông giống Trung Quốc hơn."
Trong khi đó Bắc Kinh hôm nay yêu cầu Luân Đôn ngưng "can thiệp" vào Hồng Kông, sau khi ngoại trưởng Anh Dominique Raab gọi điện cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga để bày tỏ mối quan ngại. Ông Raab đòi hỏi mở "một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập về các sự kiện gần đây", tức việc cảnh sát đàn áp người biểu tình.
Thụy My
Dân Hồng Kông lên kế hoạch biểu tình nhiều hơn, Mỹ tăng mức cảnh báo (VOA, 08/08/2019)
Hoa Kỳ vừa nâng mức cảnh báo, kêu gọi công dân thận trọng hơn nữa khi đi du lịch đến Hồng Kông do tình trạng mà họ mô tả là "bất ổn dân sự sau nhiều tháng có biểu tình bạo lực trên đường phố", theo Reuters.
Hoa Kỳ vừa nâng mức cảnh báo, kêu gọi công dân thận trọng hơn nữa khi đi du lịch đến Hồng Kông.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một lãnh thổ của Trung Quốc, ban đầu nổ ra vì người dân phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc xét xử, sau đó đã trở thành một thách thức trực tiếp đối với chính quyền thành phố khi người biểu tình kêu gọi dân chủ hoàn toàn.
"Các cuộc biểu tình và các cuộc đối đầu đã lan sang các khu phố chứ không chỉ còn gói gọn trong những nơi mà cảnh sát cho phép tuần hành hoặc biểu tình", cảnh báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 7/8.
"Những cuộc biểu tình này, có thể diễn ra không hề có hoặc gần như không có thông báo trước, có khả năng sẽ tiếp tục", lời cảnh báo nói thêm. Cảnh báo này được nâng lên cấp hai trong thang cảnh báo có tất cả bốn cấp độ dành cho công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra cảnh báo công dân khi du lịch đến Hồng Kông hôm 7/8/2019. Photo Website State.gov
Tương tự, Úc cũng ra cảnh báo đối với công dân đi du lịch đến Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng "giao thiệp nghiêm khắc" với Hoa Kỳ, kêu gọi các quan chức Mỹ chớ gửi tín hiệu sai lệch đến "phe ly khai bạo lực" ở Hồng Kông.
Người đứng đầu văn phòng Trung Quốc phụ trách Hồng Kông và Macau hôm 7/8 nói các cuộc biểu tình đã khiến Hồng Kông phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi hòn đảo này được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Reuters loan tin nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch ở một số quận trên toàn thành phố vào cuối tuần này, bắt đầu từ ngày 9/8, trong đó có kế hoạch về một cuộc biểu tình kéo dài ba ngày tại sân bay quốc tế của Hồng Kông.
******************
Trung Quốc : ‘Hong Kong đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được trao trả’ (VOA, 07/08/2019)
Hôm 7/8, lãnh đạo Trung Quốc phụ trách văn phòng về Hồng Kông và Macau nói Hồng Kông đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi vùng lãnh thổ này được chuyển giao từ Anh trở lại cho Trung Quốc vào năm 1997, theo Reuters.
Ông Zhang Xiaoming, một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát các vấn đề Hồng Kông.
"Cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông ... cho đến nay đã diễn ra tới 60 ngày và ngày càng tồi tệ hơn", ông Zhang Xiaoming, một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát các vấn đề Hồng Kông, phát biểu trong một cuộc họp tại thành phố Thâm Quyến hôm 7/8.
"Các hoạt động bạo lực đang gia tăng và ngày càng tác động rộng đến xã hội. Có thể nói rằng Hồng Kông hiện đang phải đối mặt với tình hình nghiêm trọng nhất kể từ khi được bàn giao", ông Zhang nói.
Hãng tin AP dẫn lời ông Zhang cho biết thêm rằng các quan chức ở Bắc Kinh "rất quan ngại" và đang nghiên cứu tình hình để quyết định các biện pháp cần thực hiện.
Hãng tin AP trích lời Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam phát biểu hôm 7/8 khi dự lễ khai mạc một cuộc triển lãm đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Cộng sản Trung Quốc :
"Trong những tháng gần đây, điều kiện trong xã hội Hồng Kông cực kỳ không ổn định. Chính quyền đặc khu chắc chắn sẽ cùng với tất cả quý vị giải quyết vấn đề này một cách bình tĩnh, khôi phục trật tự xã hội, bảo vệ luật pháp, với tôn chỉ tôn trọng chính sách ‘một quốc gia, hai hệ thống’".
*******************
Người Hong Kong dự định tiếp tục biểu tình cuối tuần này, Mỹ cảnh báo người dân đến Hong Kong (RFA, 08/08/2019)
Hoa Kỳ hôm 7/8 vừa nâng mức cảnh báo người dân đến du lịch Hong Kong lên bậc 2 trong 4 bậc vào giữa lúc người Hong Kong đang có kế hoạch thực hiện nhưng cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài 3 ngày tại sân bay thành phố vào cuối tuần này.
Người biểu tình ở Hong Kong chiếu laser vào một tờ báo và đốt tờ báo trong một cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ người của cảnh sát hôm 7/8/2019 AP
Những cuộc biểu tình của người dân Hong Kong bắt đầu từ ngày 9 tháng 6 thút hút hơn 1 triệu người vào lúc đỉnh điểm đã kéo dài đến tận nay. Những cuộc biểu tình ban đầu phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đến giờ đã bao gồm cả những phản đối chính phủ và đòi dân chủ toàn bộ cho Hong Kong.
Trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 7 tháng 8 có thông báo cho biết những cuộc biểu tình phản đối đã lan ra bên ngoài những khu vốn đã được cảnh sát cho phép biểu tình. Theo thông báo những cuộc biểu tình sẽ có nhiều khả năng tiếp diễn dù có hay không có thông báo.
Australia mới đây cũng đã cảnh báo người dân đến Hong Kong.
Trong khi đó, cảnh sát Hong Kong cũng đã cảnh báo những nhà hoạt động biểu tình ôn hòa và cho biết họ đã bắt giữ thêm ba người nữa, nâng con số người bị bắt giữ lên gần 600 người. Người trẻ nhất trong số này mới 13 tuổi.
Hôm 8/8, ba nhà hoạt động không nêu danh tính và đeo mặt nạ đã họp báo được phát trên truyền hình, trong đó họ chỉ trích việc cảnh sát đã bắt người trái phép và sử dụng lựu đạn cay để đàn áp người biểu tình.
Những nhà hoạt động cho biết việc chính quyền tiếp tục gieo rắc sợ hãi và đàn áp tự do báo chí cuối cùng sẽ là phản tác dụng đối với chính quyền.
********************
Hồng Kông : Sau tổng đình công, Bắc Kinh đe dọa "đừng đùa với lửa" (RFI, 06/08/2019)
Ngay sau cuộc tổng đình công khiến Hồng Kông tê liệt, hôm 06/08/2019, Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại đặc khu ra thông điệp cứng rắn chưa từng có : "Kẻ nào đùa với lửa sẽ có ngày mất mạng". Theo AFP, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh phụ trách Hồng Kông và Macao, đe dọa : "Đừng bao giờ đánh giá thấp "thái độ cương quyết và sức mạnh vô biên" của chính quyền trung ương".
Người biểu tình bị cảnh sát bắn hơi cay tại khu phố Hardcourt Road, Admiralty, Hồng Kông ngày 05/08/2019. Reuters/Eloisa Lopez
Đại diện chính quyền Trung Quốc khẳng định thủ phạm gây nên phong trào phản kháng chưa từng có hiện nay là "một nhóm rất nhỏ những kẻ tội phạm ưa bạo lực và vô liêm sỉ, cùng những thế lực ghê tởm đứng sau lưng".
Theo giới quan sát, đây là phản ứng cứng rắn nhất của Trung Quốc kể từ khi phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Hoa Lục bùng phát cách nay hai tháng. Trước áp lực của dân chúng Hồng Kông, dự luật đã bị rút lại, nhưng những người phản kháng đòi hủy bỏ hoàn toàn dự luật và yêu cầu lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, phát ngôn viên Trung Quốc tái khẳng định sự ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông và lực lượng cảnh sát.
Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố không can thiệp trực tiếp, mà để cho chính quyền đặc khu Hồng Kông tự đối phó với tình hình. Tuy nhiên, trước áp lực của phong trào không có chiều hướng suy giảm, hồi tuần trước, chỉ huy đơn vị Quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông cảnh báo luật pháp nước này cho phép quân đội can thiệp để tái lập trật tự, nếu chính quyền địa phương yêu cầu.
Lời đe dọa nói trên khiến công chúng nhớ lại vụ thảm sát năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, khiến ít nhất một nghìn người chết, khi quân đội Trung Quốc được điều đến đàn áp các sinh viên đòi dân chủ.
Cuộc tổng đình công lịch sử
Về cuộc tổng đình công lịch sử hôm qua, đặc phái viên Liu Zhifan tường trình từ Hồng Kông :
"Đây là một ngày đặc biệt. Lần đầu tiên, dân chúng Hồng Kông được kêu gọi tham gia tổng đình công để buộc chính quyền lùi bước. Đây là điều chưa từng có tại nơi mà văn hóa làm việc vốn là nền tảng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngay từ buổi sáng, lãnh đạo Hồng Kông đã dập tắt hy vọng của những người biểu tình khi một lần nữa lên án bạo lực khiến đặc khu lâm nguy.
Hàng chục nghìn công dân Hồng Kông đã tập hợp ở khắp nơi trong thành phố, trong lúc phần lớn phương tiện giao thông công cộng bị tê liệt do tình trạng rối loạn. Hơn 200 chuyến bay quốc tế bị hủy.
Như thường lệ, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát là các diễn biến nổi bật trong ngày. Cảnh sát bắt đầu tấn công người biểu tình bằng hơi cay ngay từ tại khu vực phía bắc thành phố, cùng lúc nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra. Các đơn vị cảnh sát được triển khai tại 5 trên 18 quận của Hồng Kông, không để cho người biểu tình có thời gian xả hơi.
Nhiều cuộc chạm trán cũng diễn ra tại phía đông đảo Hồng Kông vào buổi tối. Một số phần tử thân Bắc Kinh, có quan hệ với hội kín Tam Hoàng, tấn công người biểu tình bằng gậy gỗ và thanh kim loại.
Nếu như chính quyền dứt khoát không thay đổi lập trường, thì người biểu tình Hồng Kông vẫn cương quyết tranh đấu cho tự do, bất chấp hai tháng đấu tranh khổ nhọc".
Hôm nay, cảnh sát Hồng Kông thông báo 146 người bị câu lưu bên lề các cuộc biểu tình vì dân chủ hôm qua.
Hơn 10.000 công an Quảng Đông diễn tập đàn áp biểu tình
12.000 công an Trung Quốc tại khu Thâm Quyến (Quảng Đông), giáp giới với Hồng Kông, diễn tập đàn áp biểu tình hôm nay, 06/08/2019, theo trang mạng Hoàn Cầu Thời Báo. Chính quyền Trung Quốc quảng bá rầm rộ các hình ảnh về cuộc diễn tập này trên các phương tiện truyền thông. Diễn tập được thông báo là để đối p2019)hó với các tình huống được cho là tương tự như các hoạt động phản kháng đang diễn ra ở Hồng Kông.
Trọng Thành
Hồng Kông : Khi xã hội đen được huy động trấn áp biểu tình
Thời sự được các báo Pháp nhất loạt quan tâm chú ý là Hồng Kông với vụ tấn công bạo lực vào người biểu tình đòi dân chủ tối Chủ Nhật 21/07. Lần này tác giả vụ tấn công người biểu tình không phải cảnh sát mà là những kẻ côn đồ, xã hội đen.
Một số người mặc áo trắng, đeo khẩu trang tấn công người biểu tình ở một nhà ga Hồng Kồng, ngày 21/07/2019.Courtesy of Stand News/Social Media via Reuters
Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều có bài viết về sự kiện này. Le Monde khẳng định "những kẻ phá phách của hội Tam Hoàng tấn công người biểu tình". Le Figaro nói cụ thể hơn : "các nhà hoạt động dân chủ tố cáo cảnh sát thông đồng với mafia được Bắc Kinh hậu thuẫn". Libération chạy tựa bài viết : "Tại Hồng Kông, bóng hội Tam hoàng bao phủ trên các cuộc trấn áp". Ngay cả nhật báo kinh tế Les Echos cũng không thờ ơ, đồng thanh lên tiếng với bài viết : "Tại Hồng Kông, cảnh sát để cho các băng đảng vũ trang đánh người biểu tình".
Sự kiện diễn ra trong cuộc biểu tình của người Hồng Kông tối Chủ Nhật (21/07), theo ghi nhận của Libération, "nhiều người đàn ông mặc áo trắng đã tấn công dã man người biểu tình trong một trạm tàu điện ngầm. Những người này thuộc các tổ chức tội phạm ở Hồng Kông".
Phóng viên của tờ báo đã thu thập nhiều nhân chứng đều cho biết hàng trăm kẻ côn đồ trang bị gậy gỗ và sắt, bịt mặt, bất ngờ tràn vào nhà ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng, vô cớ tấn công dã man những người biểu tình. Cảnh sát có mặt tại chỗ đã làm ngơ, để mặc cho nhóm gangster hành động. Nhiều hình ảnh được tung lên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng bạo lực hỗn loạn, người biểu tình tay không chỉ biết la hét, hoảng loạn bỏ chạy trước những kẻ tấn công : 45 người đã phải nhập viện, trong đó 5 người bị thương nặng.
Những kẻ côn đồ còn ngăn chặn xe cứu thương tới. Thế nhưng, chính quyền không hề thông báo có vụ bắt giữ hay điều tra nào về những thủ phạm tấn công người. Tuy nhiên, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng "lên án gay gắt" và cảm thấy "sốc" với vụ tấn công bạo lực này.
Theo Libération, 24 dân biểu ủng hộ dân chủ vùng đất bán tự trị của Trung Quốc đã ra thông cáo lên án "cảnh sát Hồng Kông đồng phạm với hội Tam Hoàng".
Tờ báo nhắc lại : Các tổ chức bí mật đã được lập ra ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 17, ban đầu nhằm lật đổ triều nhà Thanh, nhưng không thành. Cơ cấu của các tổ chức đó có thể phục vụ nhiều mục tiêu : Có những tổ chức hỗ trợ hoặc nghiên cứu triết học, hoặc hoạt động tội phạm. Các tổ chức đó dần dần tạo được ảnh hưởng lớn trong xã hội. Khi chính quyền cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, nhiều tổ chức bí mật như vậy co về Hồng Kông, Macao và Đài Loan... Đảng cộng sản Trung Quốc đã hiểu được lợi ích sử dụng các tổ chức bí mật như vậy. Năm 1994, tức là 3 năm trước khi thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung Quốc, một lãnh đạo Văn phòng Liên lạc với Bắc Kinh tại Hồng Kông khẳng định "chừng nào những người đó yêu nước thì ta phải quy tụ họ".
Trong phong trào đòi dân chủ Dù Vàng năm 2014, những người biểu tình ôn hòa cũng đã bị những kẻ côn đồ không xác định được là ai tấn công.
Lần này cũng vậy. Libération cho biết : nhiều hình ảnh cho thấy những kẻ côn đồ đã trao đổi với cảnh sát hay những nghị sĩ thân Bắc Kinh. Tuy nhiên, không thể biết ai đứng đằng sau vụ tấn công.
Một luật sư tại Hồng Kông nhận định : "Có thể họ hành động theo lệnh thượng cấp của họ để chứng tỏ lòng trung thành với Bắc Kinh, hoặc họ đã được một cơ chế nào đó của Đảng cộng sản Trung Quốc huy động để "dạy cho người biểu tình một bài học"... Với cơ cấu tổ chức của hội Tam Hoàng, rất khó, thậm chí không thể tìm được đầu não chỉ huy vụ việc".
Rõ ràng là hành động theo kiểu xã hội đen này là nhằm răn đe dân chúng xuống đường biểu tình. Nhưng theo nhiều nhà quan sát ở Hồng Kông, làm như vậy chỉ phản tác dụng, càng làm phong trào chống chính quyền thêm mạnh mẽ.
Hoa Vi giúp Bắc Triều Tiên làm mạng 3G ?
Vẫn liên quan đến Châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết với hàng tựa thu hút sự tò mò của độc giả : "Những dự án tối mật của Hoa Vi ở Bắc Triều Tiên".
Theo Les Echos, đó chính là các tài liệu mà nhật báo Mỹ Washington Post vừa mới thu thập được. Theo báo Mỹ, tập đoàn viễn thông Hoa Vi trong suốt 8 năm, từ 2008 đã giúp Bắc Triều Tiên xây dựng hạ tầng cơ sở cho mạng 3G. Vụ việc này bị bung ra không đúng thời điểm cho tập đoàn Trung Quốc, khi mà cuối tháng 6/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump vừa hứa giảm nhẹ trừng phạt với Hoa Vi.
Hoa Vi mang các sản phẩm mà họ sản xuất từ linh kiện của Mỹ nhập sang một trong những đất nước bị cấm vận của Mỹ và quốc tế bao vây tứ phía. Vụ việc này có thể khiến tập đoàn Trung Quốc sẽ phải hứng đòn trả đũa mới.
Tuy nhiên, theo nhật báo Mỹ, rất khó có thế xác định chính xác sự can dự của tập đoàn Trung Quốc. Hoa Vi không hành động riêng lẻ, mà có sự trợ giúp của Panda Information Technology. Công ty nhà nước Trung Quốc này đưa thiết bị của Hoa Vi đến thành phố biên giới Đan Đông. Sau khi qua đất Bắc Triều Tiên, thiết bị được vận chuyển bằng đường sắt đến Bình Nhưỡng. Tại chỗ, Hoa Vi và Panda hướng dẫn thực hiện phần còn lại công việc từ một khách sạn rẻ tiền nằm giữa thủ đô Bắc Triều Tiên.
Theo bài báo, hai đối tác Trung Quốc này đã rời khỏi Bắc Triều Tiên năm 2016, khi cộng đồng quốc tế siết chặt vòng vây với Bắc Triều Tiên. Từ đó đến nay, mạng viễn thông Koryolink của Bắc Triều Tiên vẫn luôn hoạt động với thiết bị Hoa Vi. Khi được hỏi, Hoa Vi đã giải thích trong một thông cáo họ "chưa từng có hiện diện thương mại nào" ở Bắc Triều Tiên.
Anh : Boris Johnson, thêm một lãnh đạo ngông nghênh ?
Chuyển sang một thời sự khác chiếm trang nhất của các báo : Ai sẽ là tân thủ tướng Anh ? Mọi sự chú ý đang dồn vào ông Boris Johnson chuẩn bị tiếp quản chính phủ của Theresa May, người đã phải ra đi vì sau gần 2 năm không đưa nổi con tàu Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Đây là sự kiện chính của Libération. Trang nhất của tờ báo đăng toàn bộ bức ảnh ông Boris Johnson, dáng vẻ tự tin, tay đút túi quần, tóc bay trong gió, miệng mở rộng. Người ta không biết ông đang nói hay hét. Một bức ảnh khắc họa phần nào của chính trị gia ăn nói bỗ bã, không biết kiêng nể ai.
Nhật báo thiên tả của Pháp dành những lời nhận xét không mấy thiện cảm cho vị thủ tướng tương lai của Anh trong bài viết mang tựa đề : "Boris Johnson, anh hề tương lai của nữ Hoàng Anh". Libération gọi ông là "kẻ nói dối, dương dương tự đắc, ám ảnh vì tiền... nhưng lại được khen vì tính lập dị". Tờ báo bình luận, Boris Johnson sẽ là "nhân vật điên khùng thứ 3 trên trường quốc tế sau Donald Trump và Jair Bolsonaro (tổng thống Brazil)".
Libération nhắc lại, mới đây khi người ta hỏi ông đã phải hy sinh những gì để vào được ngôi nhà số 10 phố Downing (phủ thủ tướng Anh). Tỏ ra bất ngờ trước câu hỏi, tay đưa lên gãi mái tóc rối bù, ông nói : "Đó là chuyện tế nhị, lẽ ra tôi có thể kiếm được rất, rất nhiều tiền hơn nữa, nếu tôi không làm chính trị". Câu nói này được Libération nhận xét là đã "khái quát khá rõ một nhân vật quan tâm đến thu nhập của mình nhiều hơn là những phẩm chất mà người ta có thể hy vọng vào một lãnh đạo đất nước như Vương Quốc Anh".
Tỏ ra độ lượng hơn Libération, Les Echos nhận xét : "Boris Johnson có thể sẽ lãnh đạo đất nước theo cách như đã làm từ 2008-2016 khi ông còn là đô trưởng Luân Đôn, tức là thả nổi tự do hóa về kinh tế, xã hội". Theo Les Echos, sự khác biệt giữa Boris Johnson và Theresa May là rõ rệt : "Ông ta có tất cả những gì bà May không có... Theresa May tâm huyết với việc xử lý hồ sơ Brexit theo cách tốt nhất, có phương pháp và thực tế... trong khi ông Johnson thì không bao giờ cạn nguồn lạc quan nhưng không có cơ sở nào".
Mùa hè nóng bỏng, nước Pháp hạn hán nghiêm trọng
Thời sự trang nhất của Le Figaro là nước Pháp đang lo đối phó với một đợt hạn hán cực kỳ khắc nghiệt. Mối lo của người Pháp giữa mùa hè nóng bỏng này chiếm 3 trang của Le Figaro.
Theo dự báo của nhà khí tượng, nước Pháp đang bước vào tuần nắng nóng kỷ lục thứ 2 trong mùa hè này. "Nước Pháp nóng, còn đất thì khát", Le Figaro ghi nhận. Theo tờ báo, đến lúc này đã có 73 tỉnh ở trong tình trạng báo động thiếu nước, phải hạn chế sử dụng trong lúc một đợt nắng nóng mới bắt đầu ở Pháp và nhiều nước láng giềng. Nạn hạn hán đang đe dọa nông nghiệp Pháp.
Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hạn hán mà Pháp phải đối mặt. Ngay cả các nhà máy điện hạt nhân cũng phải giảm tốc độ hoạt động. Các nhà máy phát điện hạt nhân vẫn cần rất nhiều nước để làm nguội các lò phản ứng. Với các nhà máy gần kề các con sông đang cạn dần vì nắng hạn thì đây quả là vấn đề lớn. Đừng nghĩ điện hạt nhân không liên quan gì đến nguồn nước.
Tour de France : Le lói giấc mơ người Pháp chiến thắng
Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp bước vào tuần thi đấu cuối cùng. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, người Pháp mới dám mơ đến một chiến thắng chung cuộc cho tay đua nước chủ nhà của vòng đua danh giá nhất thế giới này.
Tờ báo thể thao L’Equipe chạy tựa lớn trang nhất : "Hy vọng điên rồ" trên bức hình 2 tay đua Pháp : Julian Alphilippe, đang giữ Áo Vàng và Thibault Pinot đang xếp thứ 4 bảng xếp hạng tổng thể. Hai tay đua này đang ở vị trí thuận lợi nhất từ trước tới nay để giành chiến thắng chung cuộc. Từ năm 1985 đến nay, người Pháp mới có được một kịch bản khả thi chiến thắng ở cuộc đua của nước Pháp.
Thế nhưng có điều, theo Le Monde, trên vòng đua dài hơi này, các nghi ngờ không mấy khi tách rời chiến thắng, đó là nghi ngờ dùng doping. Các tay đua càng thi đấu với hiệu suất cao, càng gây bất ngờ bao nhiêu thì càng bị soi kỹ và đã không ít lần các tay đua bị tước bỏ vinh quang.
Anh Vũ
Hôm 22/7, cảnh sát Hong Kong bị chỉ trích vì không bảo vệ người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ khỏi bị tấn công tại một nhà ga, trong một vụ việc mà các chính trị gia đối lập nghi ngờ rằng do các thành viên băng đảng gây ra, theo Reuters.
Vụ hành hung xảy ra hôm 21/7 trong một đêm bạo lực leo thang, làm trầm trọng cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong quanh việc dân chúng phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc để xét xử.
Trước đó, người biểu tình đã bao vây văn phòng đại diện chính của Bắc Kinh ở Hong Kong, phá hoại các bức tường, biển báo và đụng độ với cảnh sát.
Bà Carrie Lam, lãnh đạo thành phố được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã lên án vụ tấn công nhằm vào văn phòng chính của Trung Quốc tại thành phố, Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương, và nói rằng đó là một "thách thức" đối với chủ quyền quốc gia.
Bà lên án hành vi bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào và cho biết bà đã bị sốc bởi các vụ đụng độ tại nhà ga. Bà nói thêm rằng cảnh sát sẽ điều tra toàn diện vụ này.
Bà Lam nói : "Bạo lực sẽ chỉ sinh ra thêm nhiều bạo lực hơn".
Vào tối 21/7, nhiều người đàn ông mặc áo thun trắng, một số mang theo gậy, đã tràn vào nhà ga Yuen Long rồi xông vào một đoàn tàu và tấn công hành khách, theo băng ghi hình.
Các nhân chứng, trong có có cả nhà lập pháp Dân chủ Lam Cheuk-ting, cho biết, những người đàn ông này dường như nhắm vào những hành khách mặc áo đen, vốn trước đó đã có mặt trong cuộc tuần hành chống chính phủ.
Chính Dân biểu Lâm cũng bị thương ở mặt và phải nhập viện. Ông cho biết cảnh sát đã phớt lờ lời kêu cứu của ông, cầu xin họ can thiệp để ngăn chặn vụ đổ máu.
Ông nói với Reuters : "Họ cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc tấn công nhằm vào những thường dân". Ông cho biết sàn nhà ga dính đầy máu.
Hãng tin này dẫn lời giới hữu trách bệnh viện nói rằng có 45 người bị thương trong vụ bạo lực tại nhà ga, trong đó có một người đang trong tình trạng nguy kịch.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói : "Một số hành vi phản kháng cực đoan đã vi phạm điểm trọng yếu của chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ.’ Chúng tôi không thể dung thứ điều này".
*****************
Chính quyền cộng sản dùng côn đồ để trấn áp đối lập ! (RFA, 22/07/2019)
Vụ người dân Hong Kong trở về sau cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, bị tấn công tối hôm 22 tháng 7 khiến nhiều người liên tưởng những vụ tấn công xảy ra ở Việt Nam.
Những người mặc áo trắng mang khẩu trang sau khi tấn công người biểu tình dự luật chống dẫn độ, tại một nhà ga ở Hong Kong tối 22/7/2019. Reuters
Nhiều điểm tương đồng
Theo những video clip được mạng xã hội cũng như các hãng thông tấn quốc tế lớn loan tải, người ta thấy hàng chục người mặc áo trắng, đeo khẩu trang bịt mặt, dùng hung khí tấn công những người biểu tình Hong Kong tại một ga tàu điện, khi những người này trở về sau cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trước đó. Vụ tấn công khiến hàng chục người bị thương. Hình ảnh quay lại được cho thấy một số nghi phạm mặc áo trắng rời hiện trường bằng những xe ô tô mang biển số đại lục.
Tại Việt Nam, chỉ trong khoảng 5 năm qua đã có hàng chục vụ những người bất đồng chính kiến bị côn đồ đánh đổ máu.
Báo cáo của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch công bố hồi đầu năm nay, trong phần Việt Nam nêu rõ : "Các nhà hoạt động và bloggers thường xuyên phải đối mặt với các vụ hành hung của nhân viên công quyền hoặc côn đồ có liên quan đến chính quyền, mà những kẻ thủ ác không bị trừng trị về những hành vi này".
Ngày 6/12/2015, sau khi có cuộc nói chuyện về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam tại giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài trở về Hà Nội bằng xe taxi cùng hai nhà hoạt động khác là Lý Quang Sơn và Vũ Văn Minh, thì bị một nhóm khoảng hơn chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang che mặt chặn lại, lôi họ ra khỏi xe đánh đập tàn nhẫn.
Tối 10/7/2016, ông Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, thành viên của câu lạc bộ bóng đá No-U đã bị những kẻ lạ mặt đi theo và tấn công tàn bạo bằng gạch đá vào đầu khi ông đang lưu thông trên đoạn đường Lê Đức Thọ (Hà Nội).
Trao đổi với RFA liên quan đến vụ việc người biểu tình Hong Kong bị hành hung, ông Lã Việt Dũng nhận định nó khá là giống những vụ hành hung xảy ra ở Việt Nam :
"Tôi thấy sự việc được báo chí mô tả và trên facebook thì nó khá là giống nhau theo cùng một cách. Đó là sau khi người biểu tình có đụng độ với cảnh sát thì sẽ bị một đám côn đồ có thể bịt mặt có thể không tấn công sau đó ở chỗ vắng. Việc tấn công này gần như được sự thả lỏng của cảnh sát. Những lần tôi bị tấn công đều là những quãng đường vắng, rất an toàn cho họ. Vụ tấn công người biểu tình ở Hongkong hoàn toàn vắng bóng an ninh, cảnh sát. Đây là hành động được sắp xếp, có sự cài cắm".
Rất nhiều các bloggers và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng từng là nạn nhân bị hành hung bởi lực lượng mà người ta cho rằng do công an thuê hoặc công an giả dạng côn đồ tấn công, như các nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi, Trần Bang, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Ngô Duy Quyền, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Thục Vy… hay các cựu tù nhân chính trị Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Quốc Quân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh…
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Defend the Defenders) lên tiếng với RFA rằng hình ảnh những kẻ mặc áo trắng, bịt mặt đánh đập người biểu tình nó chỉ mới ở Hong Kong chứ nó rất quen thuộc ở Việt Nam và Trung Quốc.
Chính quyền Việt Nam thường dùng lực lượng mật vụ hoặc côn đồ tấn công người biểu tình hay người bất đồng chính kiến để tránh tiếng đàn áp người dân. Ông nói :
"Sự việc xảy ra ở Hong Kong nó tương tự như những sự việc xảy ra những năm qua ở Việt Nam. Mật vụ đánh đập cá nhân, nhóm người nhỏ hay nhóm hàng chục người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Điển hình là vụ tấn công nhóm hơn 20 người hoạt động xã hội và gia đình tù nhân lương tâm gần trại 6 Nghệ An vừa qua".
Chiều 12/7/2019, một nhóm hơn 20 nhà hoạt động xã hội đồng hành cùng thân nhân tù chính trị đến Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An đã bị khoảng 50 người mặc thường phục dùng gậy và mũ bảo hiểm tấn công đánh đập trước sự chứng kiến của công an, cách cổng trại giam khoảng vài trăm mét. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người bị đánh đập nặng nhất liên tưởng sự việc này với sự việc những người biểu tình Hong Kong bị tấn công hôm 22/7 :
"Vừa rồi ở trại 6 Nghệ An, dù chúng đông hơn tôi vẫn chống trả. Đến cuối cùng khi bị chúng đánh lén sau lưng mới gục. Điều ngạc nhiên là tại sao dân biểu tình Hong Kong đông hơn bọn côn đồ và không bị công an khống chế lại để chúng nó hành hung mà không chống cự lại ?
Có yếu tố Trung Quốc ?
Đối với vụ tấn công tại Hong Kong vào tối ngày 22 tháng 7, video clip được AFP đăng tải cho thấy một vài người bị đánh cho biết họ quá bất ngờ và trong tay không có thứ vũ khí nào, trong khi nhóm tấn công có hung khí nên họ không thể làm được gì.
Một số những người trong giới đấu tranh ở Việt Nam mà RFA tiếp xúc đều cho rằng vụ tấn công có sự chỉ đạo từ Trung Quốc, bởi người Hong Kong biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ về Trung Quốc.
Nếu dự luật này dược thông qua thì bất cứ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh khó tránh và làm nguy hại đến hệ thống luật pháp bán tự trị của Hong Kong.
Hôm 10/6/2019, một ngày sau khi người Hong Kong bắt đầu đổ ra đường phản đối dự luật, tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc có bài xã luận cho rằng các thế lực nước ngoài đã kích động người dân Hong Kong biểu tình. Ông Vũ Quốc Ngữ nêu nhận định của mình :
"Những người Hong Kong họ sống trong một xã hội dân chủ lâu năm nên tôi không nghĩ họ ác độc như thế. Tôi nghi những kẻ tấn công này từ Trung hoa Đại lục sang. Vụ tấn công này họ đã dàn dựng rất kỹ và tôi không nghĩ đây đơn thuần là côn đồ mà đây là mật vụ Trung Quốc tổ chức và trực tiếp thi hành".
Ông Lã Việt Dũng nhận xét, những người biểu tình ở Hong Kong bị tấn công nhưng xung quanh không có bóng dáng cảnh sát, điều này rất giống những gì xảy ra ở Việt Nam trong đa số các vụ tấn công người biểu tình. Ông Dũng phân tích, cảnh sát Hong Kong họ sống trong một xã hội sẵn có nền dân chủ, và quyền lợi của họ gắn chặt với người dân. Còn cảnh sát Việt Nam thì quyền lợi của họ gắn chặt với đảng. Họ sinh ra để bảo vệ đảng chứ không phải bảo vệ dân. Chính khẩu hiệu của họ là "còn đảng còn mình". Mâu thuẫn giữa chính quyền cộng sản với người dân thì cũng chính là mâu thuẫn giữa cảnh sát Việt Nam với người dân. Ông kết luận vụ tấn công có "bàn tay" Trung Quốc :
"Theo tôi tìm hiểu về cảnh sát gốc người Hongkong cũng như văn hóa của người Hong Kong thì tôi tin rằng việc đòi các quyền tự do, tự lập tốt cho mọi người kể cả cảnh sát. Tôi cho rằng những người Hong Kong họ không có động lực làm những chuyện xấu như thế, mà đây có bàn tay của chính quyền Trung Quốc. Nhiều khả năng là những người này được mang từ bên Trung hoa Đại lục sang".
Sau vụ tấn công, những nhà lập pháp Hong Kong tổ chức một cuộc họp báo tố cáo lãnh đạo Hong Kong thân Trung Quốc, làm ngơ để những kẻ thủ ác ra tay tấn công người biểu tình ủng hộ dân chủ, tự do và phản đối chính quyền đặc khu.
*********************
Phẫn nộ dâng lên sau khi xảy ra vụ côn đồ tấn công người biểu tình Hong Kong (RFA, 22/07/2019)
Phẫn nộ trong dân chúng được ghi nhận tại Hong Kong trong ngày thứ hai, 22 tháng 7, sau khi xảy ra vụ những thành phần bị mặt mặc áo trắng sử dụng gậy gộc tấn công những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào tối ngày 21 tháng 7.
Nhân viên y tế giúp một người biểu tình bị hơi cay từ cảnh sát hôm 21/7/2019 - Hình minh họa (AP)
AFP loan tin ngày 22 tháng 7 cho biết những thủ phạm bị nghi là thành viên của những băng nhóm ‘tam hoàng’ khiến hằng chục người biểu tình bị thương.
Đây được cho là một leo thang mới trong đợt biểu tình chống dự luật dẫn độ cũng như đòi hỏi tôn trọng dân chủ, tự do tại đặc khu được Anh trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997.
Những hình ảnh được truyền trực tiếp trên mạng xã hội Facebook cho thấy những nạn nhân kêu gào khi bị đánh. Giới chức bệnh viện xác nhận có 45 người bị thương, một người trong số họ trong tình trạng nguy kịch, 5 người khác bị thương nặng.
Cảnh sát Hong Kong bị lên án vì cả tiếng đồng hồ sau mới đến hiện trường nơi xả ra các vụ tấn công như vừa nêu và không bắt giữ được những kẻ thủ ác. Ngoài ra những kẻ tấn công người biểu tình chống chính phủ vẫn có mặt trên đường quanh nhà ga mà họ ra tay cho đến sáng ngày thứ hai 22 tháng 7.
Hình ảnh quay lại được cho thấy một số nghi phạm mặc áo trắng rời hiện trường bằng những xe ô tô mang biển số đại lục.
Những nhà lập pháp Hong Kong vào ngày thứ hai tổ chức một cuộc họp báo tố cáo lãnh đạo Hong Kong thân Trung Quốc về việc làm ngơ để những kẻ thủ ác ra tay tấn công người biểu tình ủng hộ dân chủ, tự do và phản đối chính quyền đặc khu.
*******************
Hồng Kông lại ồ ạt biểu tình chống dự luật dẫn độ và bạo lực cảnh sát (RFI, 21/07/2019)
Khoảng 430.000 người dân Hồng Kông một lần nữa lại xuống đường ngày Chủ nhật 21/07/2019, và đòi hỏi của họ là phải mở điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Trong khi đó chính quyền cho rằng một cuộc điều tra trong nội bộ ngành cảnh sát là đã đủ. Về phần mình, cảnh sát lo sợ người biểu tình sẽ đi quá trớn, nhất là sau khi phát hiện chất nổ tại một căn hộ nơi những người đấu tranh đòi độc lập trú ngụ.
Người biểu tình tháo gỡ các hàng rào bên ngoài Văn phòng liên lạc Trung Quốc, sau khi tuần hành kêu gọi cải cách dân chủ ở Hồng Kông ngày 21/07/2019. Reuters/Tyrone Siu
Đây là Chủ nhật biểu tình lần thứ bảy tại đặc khu chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Thông tín viên Florence de Changy ở Hồng Kông cho biết thêm chi tiết :
"Tối thứ Sáu 19/7, cảnh sát tìm thấy hai ký lô TATP, một loại chất nổ rất mạnh đã từng được sử dụng trong vụ khủng bố ở Luân Đôn năm 2005. Ngoài ra còn có bom xăng tự tạo, những chai a-xít và một loạt đồ vật có thể dùng làm vũ khí…tất cả những thứ này cho đến nay chưa hề nhìn thấy trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Tại cùng một địa điểm, cảnh sát còn tịch thu được những chiếc loa cầm tay, nón bảo hộ lao động màu vàng – cùng một loại với những chiếc nón mà các thanh niên biểu tình đã đội. Những tài liệu của một đảng chủ trương độc lập là đảng Quốc Gia Hồng Kông cũng được tìm thấy.
Thế nên cảnh sát đã sử dụng một loạt những biện pháp đề phòng, mà trước hết là huy động hàng ngàn nhân viên cùng với lực lượng đặc biệt. Những tòa nhà từng là đích nhắm của người biểu tình như trụ sở cảnh sát, Nghị Viện, trụ sở chính quyền đều được bảo vệ bằng những hàng rào đồ sộ cao hơn hai mét, chứa đầy nước, có nghĩa là không thể xê dịch nổi. Đó cũng là những "tường thành" từng được dựng lên trong chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc cách đây hai năm, được giữ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt.
Những hàng rào bảo vệ người đi bộ dọc theo lề đường đã bị gỡ đi, thay vào đó là những dải băng của cảnh sát. Tương tự đối với những thùng rác và tất cả những vật gì có thể dùng đến trong các vụ đụng độ trước đây. Cảnh sát cũng buộc phải đi theo một lộ trình ngắn nhất, và cuộc biểu tình phải kết thúc sớm hơn. Tuy nhiên không có gì chắc chắn rằng người biểu tình sẽ tuân thủ những hạn chế này".
Ném trứng vào Văn phòng liên lạc Trung Quốc
Đúng như lo ngại, tuy lộ trình ngắn hơn, nhưng sau đó hàng ngàn người biểu tình tiếp tục tuần hành đến tận Văn phòng liên lạc Trung Quốc, đại diện cho chính quyền Bắc Kinh. Tòa nhà hoành tránh được bảo vệ bằng nhiều vòng rào, trở thành mục tiêu bị ném trứng và các vật khác, mặt tiền bị vẽ graffiti.
AFP mô tả, một người đeo khẩu trang đen đọc danh sách các yêu sách trên loa phóng thanh. "Không có người biểu tình bạo động hay kẻ nổi dậy, chỉ có các bạo chúa. Chúng tôi bảo vệ Tổ quốc bằng tất cả mọi phương tiện. Chúng tôi kêu gọi chính quyền chấm dứt đưa Hồng Kông đến chỗ hủy diệt".
Đến tối, cảnh sát chống bạo động xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán người biểu tình. Tại một nhà ga ở quận Nguyên Lãng (Yuen Long) gần biên giới Trung Quốc, xuất hiện những người bịt mặt mặc đồ màu trắng dùng gậy tấn công người biểu tình. Đặc biệt một nhà báo đang truyền hình trực tiếp sự kiện đã bị hành hung.
Theo thông tin của South China Morning Post, Bắc Kinh có vẻ càng ủng hộ trưởng đặc khu và cảnh sát thay vì tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của những người phản kháng. Steve Vickers, chuyên gia về an ninh nhận định tình hình có nguy cơ sẽ xấu đi trong những tuần lễ tới.
Thụy My
Những cảnh biểu tình ở Hồng Kông trong vài tháng qua dường như hỗn loạn với sự đông đảo người hoạt động và ô. Nhưng trong làn sóng nhấp nhô của con người là một hệ thống mang tính tổ chức hoàn hảo để vận chuyển vật tư, cung cấp viện trợ và xây dựng các chướng ngại vật - tất cả đều được điều khiển bởi tín hiệu tay.
Người biểu tình chuyển mũ bảo hiểm ra tiền tuyến vào ngày 1/7/2019. REUTERS / Tyrone Siu
Chuỗi cung ứng ổn định
Không quá xa các cuộc đụng độ, người biểu tình làm việc để có được bất kỳ thiết bị, vật tư cần thiết cho những người ở tuyến đầu đối mặt với cảnh sát. Chuỗi con người đã được quan sát tại nhiều cuộc tuần hành. Một số hình thành và giải tán nhanh chóng, nhưng một số khác đã tồn tại trong một thời gian dài hơn, với việc những người biểu tình hoán đổi vị trí khi cần thiết.
Một hệ thống cung cấp đã hoạt động vào ngày 1/7, kỷ niệm 22 năm bàn giao Hồng Kông từ Anh cho Trung Cộng. Khu vực phía sau trụ sở chính phủ tại Đường Harcourt và Trung tâm Đường Connaught được sử dụng để cung cấp, lưu trữ và cung cấp thiết bị cho những người đối đầu với cảnh sát tại các cửa vào văn phòng chính phủ. Hình ảnh dưới đây cho thấy nó hoạt động như thế nào.
Đường đi của dụng cụ, vật liệu chuyển từ "hậu phương" đến "tiền tuyến"
Video dưới đây cho thấy chuỗi con người đang hoạt động. Hệ thống có trật tự có thể cung cấp mũ bảo hiểm, ô, mặt nạ và kính bảo hộ cho người biểu tình trên tuyến đầu.
https://graphics.reuters.com/HONGKONG-EXTRADITIONS-TACTICS/0100B0790FL/images/loop/chain_loop_v6.mp4
Giao tiếp
Người biểu tình đã thông qua các tín hiệu tay để liên lạc qua một đám đông ồn ào. Khi cần vật tư hoặc thiết bị trong một khu vực cụ thể, các nhóm lớn đã báo hiệu cho những người ở xa hơn để mang hoặc chuyển vật phẩm tới.
Tín hiệu cần Mũ bảo hiểm
Mũ bảo hiểm xây dựng có sẵn ở Hồng Kông và những chiếc mũ cứng màu vàng hoặc trắng đã trở thành một cảnh tượng phổ biến trong những người biểu tình, đặc biệt là đối với những người ở tuyến đầu. Video dưới đây cho thấy người biểu tình báo hiệu rằng họ cần mũ bảo hiểm.
Video người biểu tình ra hiệu cần mũ bảo hiểm :
https://graphics.reuters.com/HONGKONG-EXTRADITIONS-TACTICS/0100B0790FL/images/loop/helmet.mp4
Tín hiệu cần Ô dù
Ô là vật nổi bật trong phong trào của người biểu tình vào năm 2014, ô có thể giúp bảo vệ con người khỏi vòi nước phun hoặc chất kích thích hóa học. Chúng cũng đã trở thành một biểu tượng của phong trào dân chủ Hồng Kông.
Video người biểu tình ra hiệu cần ô :
https://graphics.reuters.com/HONGKONG-EXTRADITIONS-TACTICS/0100B0790FL/images/loop/umbrella.mp4
Bảo vệ những người ở tuyến đầu
Người biểu tình sử dụng bất cứ vật dụng nào họ có thể để làm chậm bước tiến của cảnh sát hoặc làm trụ để đứng, bao gồm các hàng rào kim loại, thùng và vật liệu xây dựng. Trong các cuộc biểu tình gần đây, cảnh sát đã bị buộc tội sử dụng vũ lực quá mức. Điều này bao gồm việc sử dụng đạn cao su, dùi cui, hơi cay, bình xịt hơi cay và đạn túi đậu. Ô dù có thể bảo vệ chống lại một số chiến thuật của cảnh sát bằng cách duy trì khoảng cách hoặc hoạt động như một lá chắn.
Ô dù có thể giữ người biểu tình xa tầm tay của dùi cui
Ô dù có thể cản trở tầm nhìn của cảnh sát, gây khó cho việc nhắm mục tiêu vào người biểu tình bằng súng túi đậu và bình xịt hơi.
Chuỗi cung ứng cung cấp một dòng thiết bị. Người chạy đi bước cuối cùng của con đường
Cảnh sát đã thường xuyên bắn đạn hơi cay và xịt hơi cay vào người biểu tình. Người biểu tình thường sử dụng các thiết bị như kính bảo hộ và mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang để tự bảo vệ mình. Màng bám cũng đã được sử dụng để bảo vệ da khỏi cảm giác nóng rát của hơi cay.
Tín hiệu cần mặt nạ
Tín hiệu cần nhựa
Tín hiệu báo cần kính bảo vệ
Không phải tất cả người biểu tình đều được bảo vệ đầy đủ, và đôi khi thiết bị không đủ để chống lại các biện pháp của cảnh sát. Chuyển động tay báo hiệu cần nước, nước muối hoặc thuốc chống hen suyễn có thể được nhìn thấy cho những người cần hỗ trợ.
Người biểu tình đi bộ giữa hơi cay trong một cuộc biểu tình ở Hồng Kông, ngày 12 tháng 6 năm 2019. REUTERS / Athit Perawongmetha
Tín hiệu cần nước hoặc nước muối
Tín hiệu cần thuốc chống hen suyễn
Người biểu tình giúp luật sự dân chủ Lam Cheuk-ting, người bị xịt hơi cay ngày 12/6
Rào chắn cần thiết
Người biểu tình đã sử dụng bất kỳ vật liệu nào họ có thể tìm thấy xung quanh họ để tạo ra những vật cản và rào chắn tạm thời. Chúng có thể là sự chuyển hướng lưu lượng giao thông để tạo không gian hoặc củng cố các vị trí và làm cho hoạt động giải phóng mặt bằng của cảnh sát trở nên khó khăn hơn.
Một khi vật liệu được cung cấp, chúng cần được xây dựng thành các khối cứng hơn. Người biểu tình ra tín hiệu tay để yêu cầu cung cấp một số vật liệu và công cụ phổ biến cần thiết để nhanh chóng dựng lên chướng ngại vật.
Tín hiệu cần cung cấp Dây rút nhựa
Tín hiệu cần cung cấp Cây kéo
Tín hiệu cần cung cấp Cờle vuông
Người biểu tình tạo vật cản bằng cách buộc các vật lại với nhau
Báo hiệu vật liệu, thiết bị đã đủ
Người biểu tình đảm bảo việc cung cấp vừa đủ và có tín hiệu để hiển thị để dừng việc chuyển thêm vật liệu, thiết bị đến địa điểm dự định.
Các cuộc biểu tình năm 2019 không có chỉ huy cấp cao như năm 2014. Nhưng sự phối hợp giữa những các cá nhân biểu tình bây giờ có vẻ tốt hơn và lan rộng hơn - và chiến thuật của họ, được tập hợp vào tháng 6, có thể tiếp tục phát triển.
Marco Hernandez and Simon Scarr
Nguyên tác : Hongkong Protesters- Coordinating chaos The tactics protesters use to fortify the frontlines, Reuters, 12/07/2019
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 22/07/2019
Hôm 9 tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội trong đó cho phép đưa nghi can về Hoa lục đã "chết". Bà Lam chính thức ghi nhận : "Nguyên nhân của những bất bình này là do chính phủ gây ra. Vẫn còn những nghi ngờ kéo dài về việc chính phủ sẽ khởi động lại dự luật hay không. Không hề có kế hoạch như vậy. Dự luật (này) đã chết".
Tuy chính thức công nhận lỗi lầm của mình, những người biểu tình tại Hồng Kông không tin tưởng bà Lam, những gì bà nói hay đại diện, và nhất là thế lực đứng sau lưng bà.
Ngày 9 tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội trong đó cho phép đưa nghi can về Hoa lục đã "chết".
Trước hết, người biểu tình tại Hồng Kông hiểu rằng mặc dầu tuyên bố như thế, quan điểm của bà Lam về vấn đề dẫn độ về Hoa lục vẫn không thay đổi. Bà Lam không sử dụng đúng ngôn ngữ pháp lý, không dám tuyên bố chính thức rút lại dự luật (formally withdraw). Người Hồng Kông quan ngại rằng nếu không rút lại dự luật này toàn diện và lập tức thì các nhà làm luật có thể khởi đầu tranh luận lại nó, và có thể đưa nó ra biểu quyết vào thời điểm thích hợp trong tương lai. Như thế thì nguy cơ dự luật dẫn độ được thông qua vẫn còn đó.
Theo Nhóm Luật sư Cấp tiến thì luật dẫn độ là phương tiện thích hợp nhất để Bắc Kinh xử lý mọi nghi can, bất kể họ thuộc quốc tịch nào, cư ngụ tại Hồng Kông hay đã mới đặt chân lên đây, đưa họ đến Hoa lục để tòa án tại đó xét xử.
Vì người dân Hồng Kông đã sống và hưởng một nền chính trị pháp quyền hơn một trăm năm qua nên họ càng trân quý những gì họ đã và đang được hưởng, nhất là khi các quyền tự do căn bản của họ bị đe dọa. Tuy Hồng Kông được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong 22 năm qua, những người như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) chỉ chưa đầy một tuổi lúc đó, lại là những người đấu tranh mạnh mẽ nhất để bảo vệ văn hóa chính trị mà Hồng Kông có được dưới thời thuộc địa Anh. Hiểu được sâu sắc mối đe dọa của Bắc Kinh đối với quyền tự do và tự trị của người Hồng Kông, Wong đã tham gia vào các hoạt động đấu tranh này rất sớm, từ những lúc chỉ mới 14, 15 tuổi. Và Wong cũng phải trả giá đắc cho nhiều năm tháng tù đầy và bị sách nhiễu vì các hoạt động của mình. Hiểu được thủ tục và tiến trình làm luật tại Hồng Kông, Wong tuyên bố rằng để giết chết một dự luật đúng cách thì cần phải sử dụng điều 64 của Quy định và Tiến trình (của Hội đồng Lập pháp), chính thức rút lại dự luật. Còn nếu nó vẫn chưa được rút lại chính thức, tiến trình làm luật này có thể cho phép dự luật được đọc qua tại Hội đồng Lập pháp lần thứ hai, rồi thứ ba, là điều có thể xảy ra cùng ngày, và có thể được thực hiện cấp tốc, nếu cần, và như thế thì người dân Hồng Kông không có thời gian để vận động, bày tỏ ý kiến hay phản đối.
Đối với Bắc Kinh, cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm ngàn người trong suốt tháng qua, có lúc lên đến cả triệu người, là một mối đe dọa lớn lao cho lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng vì thế nên họ tìm mọi cách để biện minh rằng các cuộc biểu tình trong suốt tháng qua là do các thế lực thù nghịch trong nước cấu kết với các thế lực thù nghịch nước ngoài, một chiêu bài họ bao lần sử dụng, đặc biệt đối với biến cốThiên An Môn, và sau đó. Trong trường hợp Hồng Kông, các nhà hoạt động dân chủ tại đây đã đi vận động khắp nơi, từ Hoa Kỳ đến Âu Châu, gặp từ Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho đến Ngoại Trưởng Mike Pompeo, cho đến người Phát ngôn Hạ viện Nancy Pelosi. Tuy đây là tiến trình vận động bình thường trong một xã hội dân chủ, Bắc Kinh chỉ nhìn thấy nó là mối đe dọa và can thiệp bởi thế lực nước ngoài. Đối với cách nhìn này, họ vẫn cho rằng người dân Hồng Kông nói riêng, người Trung Quốc ở khắp nơi nói chung, phần lớn biểu tình vì bị sách động. Vẫn là "Suy bụng ta ra bụng người". Nói chung họ vẫn phủ nhận rằng người dân của mình đã đủ lớn, đủ trưởng thành, để tự lấy các quyết định quan trọng. Đây chỉ là cách diễn giải tùy tiện để họ biện minh cho các biện pháp khắt khe, kể cả bạo lực, để dập tắt biểu tình, từ trước đến nay.
Các cuộc biểu tình đông đảo của người Hồng Kông hơn một tháng qua trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Là "Chủ tịch mọi thứ", Tập Cận Bình (Xi Jinping) cũng là người chịu áp lực nặng nề nhất từ các cuộc biểu tình này. Họ Tập không thể nào làm ngơ trước biến cố tác động không những lên Hồng Kông, Đài Loan, mà còn các khu tự trị khác. Dù quyền lực đầy mình hiện nay, những gì ông Tập muốn cũng không thật sự dễ làm, bởi vì Trung Quốc đã cam kết tôn trọng nguyên tắc "một quốc gia, hai thể chế" với Anh khi Hồng Kông được trả lại. Ít nhất là cho đến năm 2047, 50 năm kể từ năm 1997, tức vẫn còn 28 năm nữa.
Ông Tập hiện nay đang đứng trước nhiều áp lực và thử thách lớn lao : một nền kinh tế đang suy thoái, và đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ ; một Sáng kiến Vàng đai Con Đường trị giá một ngàn tỷ đô la Mỹ, nhưng các kế hoạch hiện nay đều bấp bênh chẳng đi đến đâu ; các công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, từ ZTE, Huawei, tàu cao tốc v.v… hoặc bị tẩy chay hoặc chưa được các quốc gia phát triển chấp nhận. Nhưng trên hết, cuộc xuống đường của người Hồng Kông, và thêm vào đó là sự ủng hộ công khai và trực tiếp của phần lớn người dân Đài Loan, cho thấy người dân Trung Quốc từ chối Bắc Kinh. Nói cách khác, nếu có cơ hội để bày tỏ hay lựa chọn, rất có thể phần lớn người dân sẽ không ủng hộ con đường hay thể chế chính trị mà Bắc Kinh đã chọn.
Đây là mối đe dọa lớn, nếu không phải là lớn nhất, đối với chế độ, nhất là vị thế cầm quyền của Tập Cận Bình, trong thời gian tới. Ông Tập sẽ làm gì, hay không làm gì cả, đều sẽ được quan sát kỹ lưỡng trong thời gian tới. Thay thế bà Lam, chẳng hạn, dù thỏa mãn người biểu tình Hồng Kông, nhưng sẽ làm cho chính họquan ngại hơn với quyền lực từ Bắc Kinh. Không làm gì cả thì chứng tỏ ông Tập yếu ớt, tuy có quyền lực trong tay nhưng không có khả năng giải quyết tình hình. Thật không dễ dàng qua mặt người dân Hồng Kông hiện nay chút nào. Mọi lời nói hay hành động của bà Lam hay ông Tập dễ dàng đưa họ xuống đường bất cứ lúc nào để bày tỏ quan điểm của mình.
Nhưng đây chỉ là các bước khởi đầu, chưa phải kết thúc, của cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ luôn tìm mọi cách để xiết chặt quyền tự do tại đây, nếu không bây giờ thì cũng tương lai. Nhưng người dân Hồng Kông sẽ bảo vệ được các quyền tự do của mình, và một thể chế pháp quyền (rule of law), nếu họ không tự mãn với các thành tựu qua, và luôn sẵn sàng hành động, như họ đã từng làm khi Bắc Kinh tìm cách đưa sợi dây thòng lọng vào cổ người dân Hồng Kông.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 13/07/2019