Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giữa tháng Giêng năm 2018, sau cuộc họp lần thứ hai của tổ chức Lan Thương Mekong, Trung Quốc và 5 quốc gia dọc sông Mekong bao gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, cùng ký một tuyên bố chung về sự hợp tác Lan Thương Mekong, một sáng kiến do Trung Quốc đưa ra, nhằm hợp tác phát triển toàn bộ sáu quốc gia dọc sông Mekong.

mekong1

Tranh biếm họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các quốc gia trong vấn đề hợp tác sông Mekong -  Tranh của Rebel Pepper

Trong khi đó trong vùng này đã có một tổ chức được thành lập từ rất lâu là Ủy ban Sông Mekong, có cùng một mục đích như Trung Quốc tuyên bố trong sáng kiến của mình. Ủy ban này bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, và Thái Lan.

Trung Quốc không gia nhập Ủy ban sông Mekong

Tại sao Trung Quốc không tham gia Ủy ban sông Mekong mà lại thành lập một tổ chức hợp tác mới, bộ phận báo chí của Ủy ban sông Mekong trả lời chúng tôi qua một email :

"Ủy ban Sông Mekong luôn mong muốn hai đối tác là Myanmar và Trung Quốc gia nhập như là những thành viên của Ủy ban. Chúng tôi đã thông qua nhiều phương cách để có thể làm được điều đó, như là nghiên cứu chung, gặp gỡ đối thoại… Sắp tới đây chúng tôi có một hội nghị thượng đỉnh của Ủy ban với sự tham gia của các nhà lãnh đạo những quốc gia thành viên, để tái khẳng định sự cam kết của những nhà lãnh đạo cũng như vạch hướng tương lai cho Ủy ban Sông Mekong. Chúng tôi mong muốn các vị đại diện cao cấp của Myanmar và Trung Quốc sẽ đến tham gia cùng chúng tôi.

Nhưng điều đó không do chúng tôi quyết định, cũng giống như chuyện tại sao họ không tham gia Ủy ban Sông Mekong, và Trung Quốc lại thành lập tổ chức Hợp tác Lan Thương Mekong".

Theo thông tin từ báo chí, tại cuộc họp lần thứ hai của tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong, Ủy ban Sông Mekong không được mời tham dự. Tuy vậy ông Phạm Tuấn Phan, hiện đứng đầu Ủy ban này nói với báo chí Campuchia là Ủy ban Sông Mekong sẽ mời Myanmar và Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên vào tháng Tư tới đây tại thành phố Siam Reap, Campuchia.

Vấn đề gia nhập Ủy ban sông Mekong của Myanmar và nhất là Trung Quốc đã được nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh từ lâu. Ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, từng phụ trách một chương trình qui hoạch đồng bằng Sông Cửu Long viết cho chúng tôi vào tháng 11 năm 2017 rằng sự tham gia của hai nước này vào Ủy ban Sông Mekong là một sự bức thiết, vì vai trò quan trọng của họ ở thượng nguồn. Ông còn nhấn mạnh rằng cần phải đi xa hơn là 6 quốc gia dọc lưu vực Mekong phải ràng buộc với nhau bằng những qui định mang tính pháp lý.

Nhưng việc ràng buộc pháp lý lại là điều mà Trung Quốc e ngại, theo một nhà nghiên cứu Đông Nam Á là ông Paul Chambers tại Đại học Naresuan, Thái Lan. Ông nói rằng Trung Quốc đã từ chối gia nhập Ủy ban Sông Mekong, nơi có mục đích đảm bảo những vấn đề về an sinh cho dân chúng khu vực vì sợ rằng Ủy ban này sẽ có quyền bắt Trung Quốc phải tuân thủ. Thay vào đó ông Chambers cho rằng Tổ chức Hợp tác Lan Thương Mekong giống như cái túi tiền cấp phát cho các nước Đông Nam Á, để họ ủng hộ Trung Quốc xâm nhập vào Đông Nam Á.

Một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Singapore là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng có quan điểm là Trung Quốc dùng sáng kiến Lan Thương Mekong của mình để phát triển ảnh hưởng tại các quốc gia ASEAN :

"Lan Thương Mekong là một sáng kiến của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á lục địa, các nước dọc hạ lưu sông Mekong. Đây cũng là cách để mà cạnh tranh với Nhật Bản, vì Nhật Bản cũng có một sáng kiến (cho khu vực này) gọi là GMS".

GMS là tên viết tắt theo tiếng Anh, Great Mekong Subregion, có nghĩa là Tiểu vùng Mekong mở rộng. Chương trình này được Nhật Bản với sự trợ giúp của Ngân hàng phát triển Châu Á, bắt đầu những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên trong khu vực từ năm 1992.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Đại học Cần thơ cũng nghi ngờ thiện chí của Bắc Kinh, ông nói với chúng tôi sau Tuyên bố Phnom Penh về khung làm việc của Tổ chức Lan Thương Mekong :

"Hình như là cái cách của chính phủ sáu nước dọc Sông Mekong có vẻ như là thuận theo sáng kiến của Trung Quốc. Chúng tôi cũng đang theo dõi xem là thực tế các sáng kiến đó có đem lại lợi ích gì cho người dân hay không, hay là nó nằm trong một chiến lược lớn hơn của Trung Quốc".

Hai tổ chức sẽ tồn tại song song ?

Vậy trong tương lai sẽ có hai tổ chức tồn tại song song là Ủy ban sông Mekong với bốn quốc gia thành viên bình đẳng, và Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong với Trung Quốc đứng đầu trong tư cách đồng chủ tịch thường trực ?

Ông Lê Anh Tuấn trả lời câu hỏi này :

"Vai trò của Ủy ban Sông Mekong sẽ trở nên lu mờ hơn, bởi vì thực sự bây giờ nguồn tài chính hỗ trợ cho Ủy ban Sông Mekong hoạt động ngày càng thu hẹp hơn. Trong khi đó Trung Quốc có nguồn tiền mạnh hơn, họ tung ra làm những hoạt động bao trùm, làm cho vai trò của Ủy ban Sông Mekong không còn như ngày xưa nữa".

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì cho rằng hai tổ chức này có thể tồn tại song song, làm thành các kênh liên lạc giữa những nước thành viên của mỗi tổ chức.

Ủy ban sông Mekong thì hoan nghênh những sáng kiến của tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong, và đồng thời tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Myanmar tham gia Ủy ban sông Mekong.

Sự xâm nhập của Trung Quốc trên lục địa Đông Nam Á

Trở lại ý kiến cho rằng Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong là một công cụ để Trung Quốc xâm nhập xuống Đông Nam Á lục địa, mới đây trên trang web mang tên Những mối đe dọa toàn cầu tiềm ẩn, chuyên phân tích những nguy cơ được cho là không được báo chí và dư luận nhắc đến nhiều, tác giả Jeremy Luedi cho rằng sự xâm nhập của Trung Quốc dọc theo sông Mekong mang một mối đe dọa tiềm ẩn, có thể so sánh với những xung đột ở Biển Đông.

Nhưng ông Lê Hồng Hiệp không hoàn toàn đồng ý như thế :

"Một bên là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ, có thể gây bùng phát các xung đột, rồi có sự can dự của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề ở Sông Mekong chủ yếu là vấn đề tài nguyên nước, giữa các quốc gia với nhau, cũng có thể gây căng thẳng nhưng khả năng gây xung đột ít hơn nhiều, và hầu như không có sự can dự của các cường quốc bên ngoài".

Một nhà quan sát người Việt khác từ Hawaii, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, có phần đồng ý với ông Luedi, ông cho chúng tôi biết sự so sánh của ông về áp lực của Trung Quốc tại Biển Đông và Sông Mekong, trong đó Biển Đông nặng nề hơn, nhưng áp lực của Trung Quốc dọc theo Sông Mekong cũng là rất lớn.

Kết thúc bài phân tích của mình vào tháng Bảy năm 2017, ông Luedi đưa ra một minh chứng cho nổ lực của Trung Quốc xâm nhập vùng Đông Nam Á lục địa, đó là Bắc Kinh đã thực hiện một bộ phim tốn kém hàng thứ hai tại Trung Quốc trong năm 2016, đó là bộ phim Chiến dịch Mekong với số vốn thực hiện là 173 triệu đô la Mỹ. Bộ phim này mô tả những binh sĩ đặc nhiệm của Trung Quốc xâm nhập vào vùng rừng núi Đông Nam Á dọc theo sông Mekong để tiêu diệt bọn buôn lậu ma túy, bọn cướp có vũ trang, để bảo vệ cho công dân Trung Quốc xuống vùng này làm ăn và sinh sống.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 05/02/2018

Published in Diễn đàn

Thay đổi cục diện chiến tranh

80 ngàn quân của lực lượng cộng sản Việt Nam đồng loạt tấn công hơn 100 địa điểm trên toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam, vào đúng đêm giao thừa Tết Mậu thân, nhằm ngày 29 tháng 1 năm 1968 Tây lịch.

tet1

Binh sĩ Biệt động quân kêu gọi cấp cứu một phụ nữ bị quân cộng sản bắn trọng thương trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Ảnh tuần báo Life, 30/01/1968

Các vị trí bị tấn công bao gồm hầu như toàn bộ các thành thị miền Nam, nơi quân đội miền Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ kiểm soát, bao gồm cả thủ đô Sài Gòn. Tại các thành thị này, trong suốt khoảng thời gian trước đó, ít xảy ra các trận giao tranh giữa lực lượng chính quyền Nam Việt Nam và các du kích quân cộng sản, thường kiểm soát vùng thôn quê và rừng núi.

Cuộc tấn công bất ngờ đúng vào ngày Tết cổ truyền này là một hành động đơn phương xóa bỏ thời điểm hưu chiến mà hai bên mặc định công nhận trong những năm chiến tranh trước đó Đó là một cuộc chiến bắt đầu hầu như ngay sau khi cuộc chiến Đông Dương kết thúc và người Pháp rút ra khỏi Việt Nam vào năm 1954, với sự tồn tại trên thực tế hai quốc gia Việt Nam, miền Bắc theo chế độ cộng sản, và miền Nam thuộc thế giới tự do.

Bắt đầu từ năm 1965, quân đội Mỹ chính thức tham chiến tại Việt Nam bên cạnh đồng minh miền Nam Việt Nam, trong một cuộc chiến chống du kích cộng sản nổi dậy tại chổ, với sự hỗ trợ ngày càng lớn của lực lượng chính qui từ miền Bắc.

Hãng tin Pháp, AFP, trong bài kỷ niệm 50 năm ngày cuộc tấn công xảy ra viết rằng cuộc tấn công Mậu thân là một cuộc tấn công dũng cảm, đã làm thay đổi cuộc chiến Việt Nam.

AFP phân tích rằng khi lực lượng cộng sản tiến hành cuộc tấn công, họ có hai mục đích, một là tiêu diệt lực lượng đối thủ, và hai là kích động lực lượng dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Nam Việt Nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

AFP cũng như nhiều phân tích khác cho thấy rằng cả hai mục đích được các vị lãnh đạo cộng sản đề ra đều thất bại.

Lực lượng Nam Việt Nam không bị tiêu diệt mà ngược lại quân đội cộng sản bị tổn thất rất nặng nề sau khi bị phản công.

Điều thứ hai là không có cuộc nổi dậy nào của dân chúng xảy ra.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng nói rằng hình ảnh các trận đánh của Tết Mậu thân, nhất là cảnh chiến tranh trên đường phố Sài Gòn, nơi quân đội cộng sản đã tấn công vào Tòa Đại sứ Mỹ, đã làm cho nước Mỹ không còn ý chí để tiếp tục cuộc chiến, với phong trào phản chiến lan rộng khắp nơi.

Trả lời chúng tôi từ Hà Nội, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, và hiện là đại biểu quốc hội bình luận về nhận định này của báo chí phương Tây :

"Tôi nghĩ rằng các ý kiến, các cách nhìn từ phương Tây như ông vừa nói, ngày càng gần với nhận thức của một số người trong giới sử học của chúng tôi. Trong một thời gian rất dài người ta chỉ nói đến chiến thắng thôi, tức là sử học Việt Nam đấy. Họ nói giảm nhẹ đi phần nào cái tổn thất, kể cả những sai lầm, và nhấn mạnh đến điều mà phương Tây nói là nó làm cho ý chí của nước Mỹ không còn nữa".

Ông Dan Southerland, vào thời điểm Tết Mậu thân 1968, là phóng viên của hãng tin UPI tại Sài Gòn nói với đài RFA rằng phía Mỹ và Nam Việt Nam cho rằng họ đã thắng các trận đánh, nhưng phái miền Bắc cộng sản cho rằng điều đó không có liên quan vì cuối cùng họ vẫn thắng cuộc chiến tranh. Ông nói tiếp :

"Tướng Westmoreland, Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam báo cáo đã thắng trận Mậu Thân. Tuy nhiên, Tổng thống Johnson lúc bấy giờ bị sốc khi xem được hình ảnh Việt Cộng tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ. Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin cuộc chiến ở Việt Nam bị sa lầy và phong trào kêu gọi rút quân. Tổng thống Johnson đã ra lệnh ngưng bỏ bom ở miền Bắc và kêu gọi Bắc Việt ngồi vào bàn Hội nghị Paris".

Cuộc thảm sát tại Huế

Đó là những đánh giá về vai trò của Mậu thân trong toàn bộ cục diện cuộc chiến Việt Nam nói chung. Ngoài ra còn có một điểm rất đặc biệt của Mậu Thân đối với người Việt Nam, nhất là người miền Nam Việt Nam, đó là vụ thảm sát hàng ngàn dân thường tại Huế của lực lượng cộng sản.

Nhà báo Bob Kaylor, làm việc cho hãng UPI tại Nha Trang vào thời điểm Tết Mậu thân nói với chúng tôi :

"Có những câu chuyện được kể lại quân đội Cộng sản vào trong thành phố, đi đến từng nhà ghi tên từng người và bắt họ đi, rồi họ bị mất tích luôn vào thời điểm đó. Không ai biết việc gì đã xảy ra với những người này. Sau cuộc tấn công nhiều tuần lễ, những hố chôn tập thể được khám phá và các cuộc thảm sát ghê rợn mới được phơi bày".

Câu chuyện này hầu như được kể lại mỗi dịp xuân về tại các cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại, và chưa bao giờ được nhà nước Việt Nam nhắc đến, hay công nhận. Rất hiếm hoi là trường hợp của một nhân vật cộng sản tại Huế là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường được đài phát thanh RFI tiếng Việt của Pháp phỏng vấn năm 1997, cũng như trước đó trả lời phỏng vấn về sự kiện thảm sát Mậu thân với các nhà làm phim Việt Nam thiên sử truyền hình của Mỹ. Ông Tường có đề cập đến những người bị giết oan bởi lực lượng cộng sản mà ông gọi là lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên ông cho rằng đây không phải là chủ trương của quân đội cộng sản.

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi về thảm sát Mậu thân đối với ông Dương Trung Quốc. Ông trả lời như sau :

"Tôi nghĩ là câu chuyện này cũng xuất hiện nơi này nơi kia rất nhiều, trong những hồi ký, trong những công trình ở nước ngoài. Điều đó thực ra phải có một sự thẩm định. Còn đương nhiên chiến tranh là tàn phá, chiến tranh là chuyện mà ở thời điểm đó con người bị cuốn vào chiến tranh, nhân tính có thể bị tổn thương. Điều đó, tôi nghĩ rằng chắc cuộc chiến tranh nào cũng vậy thôi. Còn thực sự nó diễn ra như thế nào, và bản chất nó là cái gì thì chắc phải một thời gian nữa chúng ta mới làm rõ được".

Ông Dương Trung Quốc nói rằng phải cần một thời gian nữa chúng ta mới làm rõ được cuộc chiến Tết Mậu thân diễn ra như thế nào, và bản chất nó là gì. Tức khắc câu hỏi được nêu ra là phải chờ bao lâu nữa, vì đừng quên đã năm mươi năm sau chiến cuộc Mậu Thân, tại Việt Nam người ta vẫn chưa nghe lời giải đáp nào từ phía những người cộng sản đang cầm quyền.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 25/01/2018

Published in Diễn đàn

Khi đưa tin về vụ thăng cấp không đúng cho bà Quỳnh Anh, từ một nhân viên tạp vụ thành trưởng phòng, của ông Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Đảng cộng sản nói rằng đó là một sự nâng đỡ không trong sáng.

VIETNAM-POLITICS-VCP-CONGRESS

Ông Trương Tấn Sang (trái), ông Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và ông Nguyễn Phú Trọng (phải), tại Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016.  AFP

Trong khi đó việc khai trừ đảng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, một giám đốc sở tại Quảng Nam, lại được gọi là xóa tên ra khỏi danh danh sách đảng viên.

Dó chỉ là hai ví dụ trong việc dùng từ ngữ của Đảng cộng sản mà nhiều người cho là lạ tai từ trước đến nay.

Tại sao lại phải dùng thêm những từ rất lạ để chỉ những khái niệm bình thường ?

Nhà báo Võ Văn Tạo hiện sống ở Nha Trang nói với chúng tôi rằng chuyện cơ quan tuyên truyền của Đảng dùng những cụm từ như là nâng đỡ không trong sáng, hay xóa tên khỏi danh sách đảng viên, không phải là mới, mà cách tạo thêm từ ngữ như vậy đã có từ lâu dưới sự cai trị của Đảng cộng sản. Ông Tạo cho rằng nguyên nhân của việc đó là do những người cộng sản có thói quen biến tất cả mọi thứ trở nên mang tính chính trị. Ông kể câu chuyện của chính bản thân ông:

"Những năm 74 đến 79, chúng tôi học Đại học ngoại thương ở Hà Nội, anh chị sinh viên nao làm bài kiểm tra mà lỡ viết đồng tiền của Chính phủ Việt Nam lạm phát thì chắc chắn bị điểm không hoặc một điểm. Cái từ lạm phát chỉ dùng cho các nước tư bản hoặc phe đối địch thôi. Còn nếu muốn nói đến Việt Nam thì phải nói là đồng tiền mất giá, hay giảm sức mua, mà bản chất y như nhau".

Một lý do khác được ông Nguyễn Gia Kiểng, người đứng đầu một tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại, đưa ra là Đảng cộng sản dùng tự lạ tai như vậy để giảm nhẹ lỗi lầm của đảng viên, hay những sai lầm của đảng.

Ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội,  cũng đồng ý với ông Kiểng về điều này, ông nói với chúng tôi :

"Có lúc thì dùng những mỹ từ để chỉ những chuyện ngược lại với cả thế giới, tức là rất dở hơi, rồi có lúc phải nghĩ ra cái từ cho nó nhẹ bớt đi, để cho nó không xấu mặt đảng viên của người ta, không lẽ lại nói là ông đảng ủy của tỉnh này, ông phó chủ tịch của tỉnh này, ông đảng viên một thời oai phong lẫm liệt và gương mẫu, mà bây giờ lại dùng những từ rất là thô tục, thì nó không hay, thành ra phải là… nâng đỡ không trong sáng, thế thôi".

Một ví dụ được đưa ra về những điều mà Đảng cộng sản làm không giống các nước khác là cụm từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giới chỉ trích các chính sách của Đảng cộng sản hay đưa ra cụm từ này làm ví dụ cho một điều rất mâu thuẫn là một mặt Đảng cộng sản muốn có nền kinh tế cạnh tranh của thị trường tự do, mặt khác lại muốn cố gắng giữ các công ty quốc doanh với những ưu đãi không mang tính thị trường.

Ông Nguyễn Gia Kiểng có một cách giải thích khá đặc biệt đối với cụm từ xóa tên ra khỏi danh sách đảng viên, ông nói với chúng tôi :

"Tôi nghĩ là họ có những cái chuyện mà nói ra theo ngôn ngữ thông thường thì nó thô bỉ hoặc là rất xấu, thành ra phải nói một cách khác. Riêng có cái cụm từ xóa tên khỏi danh sách đảng viên, thì họ đã sử dụng mười năm nay rồi, thay cho cái danh từ khai trừ. Chữ khai trừ nó có tác dụng tạo ra cho người đó thành thù địch, thành ra làm như thế thì tạo nhiều thù địch quá, cho nên nói là xóa tên khỏi danh sách".

Câu chuyện dùng từ khác lạ, hoặc ám chỉ, để nói về các quan hệ bạn hay thù trong đảng được bàn đến nhiều nhất sau một lần họp Hội nghị trung ương đảng. Khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng, vẫn còn được một số đông trong đảng ủng hộ, nên dự định kỷ luật ông của các đối thủ chính trị đã không thành công. Kết thúc hội nghị đó, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch nước, đã đề cập đến việc không kỷ luật được đồng chí X, mà nhiều người cho là hàm ý chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Một lý do khác mà ông Nguyễn Quang A đưa ra để giải thích tại sao Đảng cộng sản lại đưa ra nhiều từ lạ tai là bản tính đảng không thành thật trong những hành động của mình. Trong một vụ người dân bị nhân viên công an hành hung, thì hành động tấn công của nhân viên công an được gọi là gạt tay quá mạnh. Trong vụ bắt giữ luật gia bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, thì người ta lại nghe thấy cụm từ bao cao su đã qua sử dụng, để chỉ một tang vật.

Tác động của cách dùng từ của Đảng

Chúng tôi hỏi ý kiến của một cư dân tại Sài Gòn không mấy quan tâm đến những chuyện chính trị về cách dùng từ trong ngôn ngữ báo chí và hành chính của Đảng cộng sản. Chị Đỗ Ngọc cho biết :

"Nó rất rất rất là không bình thường, khi dùng từ chỗ công cộng mà dùng như vậy khiến cho người ta suy nghĩ lệch lạc hẳn một vấn đề, nó nhạy cảm hóa vấn đề, làm cho người ta thấy rất là kỳ cục".

Điều mà chị Đỗ Ngọc cho là kỳ cục cũng chính là điều mà ông Nguyễn Quang A rất lo lắng, ông lo cho sự thay đổi không tốt của ngôn ngữ Việt Nam, và lo cho cả sự suy nghĩ của người Việt Nam :

"Nó làm ô nhiễm ngôn ngữ Việt Nam, và khi người ta quen đi rồi, bởi vì vài chục năm mà liên tục nghe những từ ô nhiễm như thế thì bản thân cái tư duy, cái đầu óc của những con người, của cả 90 triệu người mà hàng ngày phải nghe ra rả những từ ấy, thì họ tưởng đấy là rất bình thường. Điều đó làm nên một sự méo mó về tư duy của người Việt Nam".

Ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng các khái niệm trong suy nghĩ của người Việt Nam sẽ bị biến dạng, và khi phải bàn đến những chuyện đó người Việt Nam sẽ rất là bối rối. Ông lấy ví dụ cụm từ xã hội hóa được đưa ra để chỉ những thay đổi trong lĩnh vực y tế và giáo dục trong những năm gần đây, theo đó người Việt Nam bây giờ phải trả tiền cho những dịch vụ y tế và giáo dục, trong khi đó, theo ông khái niệm xã hội hóa là một chuyện hoàn tòan khác.

Ông Nguyễn Gia Kiểng có suy nghĩ lạc quan hơn :

"Bản thân ngôn ngữ Việt Nam cũng không thay đổi bao nhiêu, bởi vì những chữ đó người Việt Nam hiểu cả, một bộ phận không nhỏ tức là một bộ phận khá lớn, hay là rất lớn, người dân cũng hiểu ngay. Đối với người dân thì nó càng chứng tỏ sự bối rối, khi mình đi kiếm cách chạy tội thì mình lại phơi cái tội của mình ra".

Cụm từ một bộ phận không nhỏ mà ông Kiểng nói tới là cụm từ hay được các cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản đưa ra để chỉ các cán bộ nhà nước, đảng viên cộng sản tham nhũng hay mất đạo đức.

Ông Võ Văn Tạo cũng có quan điểm khá tương đồng với ông Kiểng. Ông nói về cái cách mà Đảng cộng sản muốn người dân nghe thấy những câu chuyện của mình sẽ có tác dụng ngược lại với ý muốn của họ :

"Họ tưởng họ khôn ngoan, nhưng khi mà đưa ra dân chúng thì hầu hết người ta cười. Càng làm như thế là càng mất uy tín, người ta cười, người ta biết ngay là nó có chuyện gì không trong sáng trong chuyện này".

Riêng chị Đỗ Ngọc thì nói rằng một trong những lý do lớn làm cho chị không quan tâm đến những thông tin về chính sách mà Đảng cộng sản đưa ra, là khi đọc những thông tin đó, với những từ ngữ lạ tai, mà chị gọi là kỳ cục, người ta không hiểu người viết muốn diễn tả điều gì, và do đó không hiểu Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn gì.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 20/12/2017

Published in Văn hóa

Trong bài phát biểu bế mạc Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017, vào ngày 13 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đưa ra nhiều điểm nhằm làm cho Việt Nam không bị tụt hậu. Trong những điểm đó có việc cải cách thể chế pháp luật tại Việt Nam.

quyetdinh1

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đảng chính trị duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam. Ảnh chụp tháng Sáu, 2017. AFP

Mâu thuẫn giữa điều lệ đảng và pháp luật

Ngày 7 tháng 12, tức chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về những biện pháp cải cách để Việt Nam không bị tụt hậu, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ký ban hành Quyết định 102, trong đó qui định rằng những đảng viên cộng sản nào đề cập đến những vấn đề như là tam quyền phân lập, hay xã hội dân sự sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.

Trong khi đó không có một đạo luật nào của Nhà nước Việt Nam ngăn cấm xã hội dân sự cả. Thậm chí, đôi khi báo chí của Nhà nước cũng nói rằng xã hội dân sự là cần thiết cho sự phát triển của đất nước, ví du như vào năm 2006, báo mạng Vnexpress dẫn lời Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, lúc đó là Viện trưởng các vấn đề phát triển, nói rằng "xã hội dân sự là cần thiết, và tốt cho công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam".

Như vậy những quan chức Việt Nam, đại đa số là những đảng viên Đảng cộng sản, một mặt phải tuân theo quyết định 102, là không đề cập đến xã hội dân sự, nhưng mặt khác, với tư cách là người điều hành đất nước họ phải thúc đẩy xã hội dân sự phát triển.

Điều mâu thuẫn này phải được giải thích như thế nào ?

Ngay sau khi Quyết định 102 được ban hành, luật sư Trần Quốc Thuận. từng là Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, giải thích với chúng tôi như sau :

"Công dân có quyền khác và người Đảng viên có quyền khác. Họ bị ràng buộc bởi vì khi đã vào Đảng thì phải chấp nhận những quy định, nghị quyết trong điều lệ Đảng.

Nếu ai không tuân theo những quy định đó thì họ kỷ luật, thậm chí là người đó không còn trong Đảng vì họ tự nguyện xin ra. Đó cũng là chuyện bình thường.

Trong tổ chức nào cũng thể, Đảng hay hội, đoàn thể đều có nội quy. Ai vi phạm nội quy đều có hình thức xử lý. Họ có tôn chỉ, mục đích. Cho nên tôi cho rằng quyết định đó mang tính chất rất nội bộ trong Đảng".

Luật sư Thuận nói tiếp rằng những ai có ý tưởng xã hội dân sự hoặc tam quyền phân lập có thể xin ra khỏi Đảng để thực hiện ý định của mình.

Nhưng Luật sư Lê Công Định, hiện sống tại Sài Gòn, nói rằng những mâu thuẫn về luật pháp của nhà nước với những điều luật của Đảng cộng sản đã, đang, và sẽ gây ra những xáo trộn về mặt luật pháp cho đất nước :

"Chỉ có vai trò của đảng trong việc xử lý cán bộ, mà cán bộ ở đây không chỉ là đảng viên mà thôi, mà còn là quan chức nhà nước, những người đang điều hành một bộ máy dựa trên cơ sở luật pháp chứ không phải dựa trên cơ sở cương lĩnh và điều lệ của đảng, thì họ chỉ quan tâm đến vấn đề xử lý trong nội bộ của họ mà thôi, còn trên phương diện pháp lý họ lại không quan tâm. Do đó xáo trộn trong xã hội do cái mầm mống đó không bao giờ được giải quyết một cách dứt khoát".

Ông Định dẫn chứng trường hợp của ông Đinh La Thăng, đảng viên cộng sản cao cấp nhất từ trước đến nay vừa bị bắt giam. Vào tháng Năm năm nay, ông Thăng bị khai trừ ra khỏi Bộ chính trị của Đảng vì những sai phạm của ông trong quản lý nhà nước. Ông Lê Công Định nhận xét rằng lúc đó ông Thăng chỉ lên tiếng hối lỗi trước Tổng bí thư đảng, chứ không nói gì đến các cơ quan luật pháp của nhà nước.

Ngoài vụ ông Đinh La Thăng, trong thời gian hai năm trở lại đây, có nhiều vụ kỷ luật, hoặc bắt giam các cán bộ, viên chức nhà nước bị cáo buộc tham nhũng, người ta thấy nổi bật lên vai trò của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản, một bộ phận chịu trách nhiệm về kỷ luật của Đảng, chứ không phải là tòa án, hay viện kiểm sát, những cơ quan thi hành pháp luật của Nhà nước.

Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn cho biết rằng điều đó không có gì lạ trong hệ thống một đảng duy nhất cai trị như ở Việt Nam :

"Nếu mà anh đứng ở bên trong, trong một xã hội độc đảng thì điều đó không có gì lạ cả. Có nghĩa là Đảng muốn làm gì thì làm. Thậm chí trong năm 2013, ông Trọng còn nói là cương lĩnh đảng còn quan trọng hơn hiến pháp mà. Và qui định 102 đó là tuân theo điều lệ đảng".

Nguyên văn lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước một số cử tri ở Hà Nội vào năm 2013 là : Hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ nhì của đất nước, sau cương lĩnh đảng.

Ý thức về một nhà nước pháp quyền

Ngay sau đó, Đại tá Phạm Đình Trọng, một cựu đảng viên cộng sản nhận xét với đài RFA như sau :

"Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.

Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật".

Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã nói đến vấn đề cải cách nền tư pháp của đất nước từ năm 1987, sau khi đảng cầm quyền quyết định cải cách kinh tế trước đó một năm. Đồng thời khái niệm nhà nước pháp quyền, tức là luật pháp của nhà nước là trên hết, cũng nhiều lần được báo chí của Nhà nước Việt Nam đề cập đến.

Tuy vậy luật sư Lê Công Định, nói với chúng tôi rằng sau 30 năm cải cách tư pháp để hướng đến một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam là không có gì. Lý do được ông đưa ra là ý thức về pháp luật của những người cộng sản rất thấp, đối với họ điều quan trọng nhất là kỷ luật đảng chứ không phải pháp luật của nhà nước.

"Họ coi đó chỉ là hình thức bề ngoài, để họ chứng minh nhà nước này là nhà nước pháp quyền. Nhưng trên thực tế, ăn sâu trong tập quán suy nghĩ của họ, luật pháp không quan trọng bằng những cương lĩnh và điều lệ của Đảng cộng sản".

Và ông nói rằng việc ban hành Quyết định 102 này là do sự lo ngại của Đảng cộng sản rằng nhiều đảng viên của mình đang cho rằng xã hội dân sự là một giải pháp phát triển đất nước thay cho chế độ toàn trị của một đảng duy nhất.

Khi được hỏi rằng tại sao Đảng cộng sản lại không ra lệnh cho bộ máy nhà nước mà mình đang lãnh đạo ra những bộ luật giống như điều lệ đảng, chẳng hạn như cấm xã hội dân sự, nhà báo Phạm Chí Dũng trả lời rằng :

"Nếu Việt Nam tung ra cái đó thì Việt Nam vi phạm ngay những cái Việt Nam đã ký, những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, như là Công ước về các quyền dân sự và chính trị, ký năm 1982. Trái luôn với những hiệp định thương mại mà Việt Nam sắp ký, thì đều có vấn đề xã hội dân sự và nhân quyền ở trong đó".

Trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà ông Dũng đề cập, có điều thứ 22 nói rằng mọi người đều có quyền lập hội và gia nhập công đoàn để bảo vệ lợi ích của bản thân mình, tức là những hoạt động của một xã hội dân sự mà Đảng cộng sản Việt Nam cấm những đảng viên của mình đề cập đến.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 18/12/2017

*******************

Dân chủ cho dân hay cho ai nghe Đảng ? (RFA, 18/12/2017)

Trong phát biểu đọc tại Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 tổ chức tại Hà Nội hôm 13/12 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc có đưa ra 5 giải pháp để tăng năng suất cho Việt Nam. Trong 5 giải pháp được nói đến, có một điểm đáng chú ý mà ông Phúc đưa ra là Chính phủ tiếp tục phát huy dân chủ cho mọi người dân.

quyetdinh2

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc. AFP

Một màu u ám

Trao đổi với RFA, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện đang sống ở Hải Phòng, cũng là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc nói muốn phát huy dân chủ chỉ để lấy lòng người dân và các đối tác nước ngoài, nhằm tạo thuận lợi cho các hợp đồng kinh tế :

Thực tế tình hình ở trong nước Việt Nam từ đầu năm đến nay, chính quyền cộng sản họ thẳng tay đàn áp lực lượng đối lập và bài trừ tôn giáo rất mạnh mẽ. Ngay mấy tháng nay khi họ biết rằng Mỹ đã rút khỏi TPP thì họ lại càng thẳng tay đàn áp hơn. Sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và có nguy cơ quan hệ kinh tế, đối ngoại với khối Liên minh châu Âu xấu đi, nhưng các vụ án họ bắt và đưa ra xét xử vẫn rất nặng. Nặng hơn những năm 2006, 2007 hồi chúng tôi bị bắt.

Những tháng gần đây việc bố ráp anh em dân chủ càng nặng nề hơn. Thậm chí việc hành hung, theo dõi anh chị em dân chủ khi họ ra khỏi nhà, mặc dù họ không làm gì hết mà chỉ ra khỏi nhà thôi cũng đã khó khăn và gắt gao hơn.

Các nhà quan sát và các tổ chức theo dõi nhân quyền đều cho rằng năm 2017 là một trong những năm chính phủ Hà Nội đàn áp mạnh tay nhất đối với giới hoạt động dân chủ. Nhiều thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt chỉ trong vòng mấy tuần lễ. Nhiều nhà hoạt động bị tuyên những bản án nặng nề như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị y án 10 năm tù, bà Trần Thị Nga 9 năm tù và gần đây nhất là nhà hoạt động trẻ tuổi Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam.

Nhiều nhà hoạt động khác bị hành hung nhằm trả đũa cho tiếng nói kêu gọi dân chủ của họ. Mới ngày 17/12 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, ông Phạm Chí Dũng đã bị xe tông khiến ông bị thương nặng. Nhiều người cho rằng đây không phải là một tai nạn bình thường mà là một kế hoạch trả thù ông đã được lập sẵn.

Về tôn giáo, báo cáo tự do tôn giáo 2016 của Hoa Kỳ đưa ra nêu rõ là chính quyền chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được công nhận và những người từ các dân tộc thiểu số vẫn bị chính quyền sách nhiễu bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tấn công hành hung, tạm giam ngắn hạn, truy tố và hạn chế đi lại.

Cách đây vài ngày, giáo dân tại giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết họ bị chính quyền cùng Hội Cờ Đỏ tấn công và đánh đập khi đang đào một con mương để ngăn nước tràn vào ruộng.

Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân ở Sài Gòn cho rằng khi Việt Nam nói phát huy dân chủ là dân chủ trong khuôn phép của Đảng, chứ không phải là dân chủ thực sự :

"Không có một dấu hiệu nào cho thấy sự cởi mở hơn từ phía chính quyền đối với vấn đề dân chủ nhân quyền. Do đó các phát biểu của quan chức mang ý nghĩa định hướng của chế độ. Tức là dân chủ đó theo quan điểm của chế độ chứ không phải là dân chủ thực sự. Đôi lúc họ nói dân chủ được hiểu là dân chủ trong Đảng chứ không phải là dân chủ trong dân.

Khi họ nói dân chủ đến mọi người dân là những người dân do họ lựa chọn. Những người này có tiếng nói thuận với chính quyền và không trái ý với chính quyền. Còn người dân nào nói trái ý chính quyền tức là những người bất đồng chính kiến thì chính quyền không bao giờ lắng nghe. Đặc biệt họ không bao giờ dám trưng cầu dân ý những vấn đề quan trọng của quốc gia. Điều đó cho thấy họ không có một thiện chí nào để thực hiện tinh thần dân chủ".

RFA cũng trao đổi với một số người dân về khái niệm phát huy dân chủ tới mọi người. Nhiều người kêu than rằng quyền lợi chính đáng của họ ngày càng mất đi. Chị Thanh, một người dân tỉnh Bình Phước nói với chúng tôi :

"Em thấy trật lấc, nói thì nói vậy thôi nhưng nó đâu có đúng. Người ta nói quyền dân chủ tự do nhưng tụi em bây giờ thấy mất quyền dữ lắm ạ".

Một người dân khác là chị Ngọc ở Hà Nội lại nói rằng chị yêu dân chủ, và muốn được tìm hiểu dân chủ nhưng lại bị chặn truy cập những trang web về dân chủ. Vì vậy chị phân vân không hiểu Nhà nước muốn phát huy dân chủ đến với mọi người dân bằng cách nào :

"Tôi vẫn nghe thấy nhiều, theo tôi dân chủ là người dân làm chủ một cách thực sự. Từ trước đến nay tôi thỉnh thoảng vẫn lên internet, đài thì không có. Nhưng trên internet thì cũng khó lắm vì những trang mạng có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài rất là khó tiếp cập vì thường bị họ chặn".

Con đường dân chủ

Từ bức tranh hiện thực xã hội ở Việt Nam, nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng nếu Nhà nước muốn phát huy dân chủ theo đúng ý Thủ tướng nói thì bước đầu tiên cần cải cách luật pháp :

"Trước tiên phải ban hành những luật đã quy định trong Hiến pháp về quyền cơ bản của người dân và đặc biệt là những quyền quan trọng ví dụ như lập hội, biểu tình, tự do ngôn luận, tự do báo chí,…

Đến bây giờ những quyền cơ bản của người dân vẫn không được luật hóa và thực hiện thì không thể nói đến vấn đề dân chủ.

Những sự kiện vấn đề lớn của đất nước phải được trưng cầu dân ý hay lấy ý kiến rộng rãi trên các tờ báo lớn để thấy lòng dân như thế nào".

Hiện tại các quyền cơ bản của người dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình,… đều được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Tuy nhiên riêng quyền lập hội và biểu tình có trong Hiến pháp nhưng chưa được quy định trong luật pháp của Việt Nam. Nhiều năm nay, người dân luôn thúc giục Chính phủ phải ban hành luật biểu tình và lập hội để họ được thực hiện quyền của mình một cách hợp pháp nhưng Việt Nam luôn trì hoãn hết lần này đến lần khác. Đầu năm nay, trong một phiên họp Quốc hội, Chính phủ lại một lần nữa "khất" việc ban hành luật biểu tình.

Vì chưa có luật nên nhiều người dân bị bắt thậm chí kết án tù khi tham gia vào các cuộc biểu tình, chẳng hạn như biểu tình chống Trung Quốc hay chống nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh. Nhiều hội nhóm độc lập bị đàn áp, trả thù.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đồng ý với quan điểm của nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân, nhưng ông bổ sung thêm rằng Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ những điều luật trái với nền dân chủ được Thế giới công nhận :

"Phải bãi bỏ điều luật 79, 88 và 258 và một vài điều luật trái hẳn với quy định của Liên Hiệp Quốc và thậm chí trái với Hiến pháp của Việt Nam.

Thứ hai, là công nhận lực lượng đối lập, các nhà bất đồng chính kiến, phải gặp gỡ và đối thoại dân chủ ở trong nước cũng như lực lượng dân chủ của Việt Nam đang hoạt động ở hải ngoại để tìm ra con đường thực sự ôn hòa cho cả hai bên để đất nước có dân chủ thật sự và xây dựng một đất nước phồn vinh".

Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, điều 88 là tuyên truyền chống Nhà nước và điều 258 quy định tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia. Đây là những điều luật Việt Nam thường xuyên áp dụng để quy chụp tội danh cho giới bất đồng chính kiến. Các tổ chức quốc tế đã rất nhiều lần lên tiếng yêu cầu Việt Nam bãi bỏ những điều luật này vì cho rằng chúng quá mơ hồ và vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người.

RFA tiếng Việt

Published in Diễn đàn
jeudi, 14 décembre 2017 19:23

Phải đấu thầu các dự án BOT

Theo Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 12, 2017, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói với cử tri ở Cần Thơ rằng chủ trương dùng mô hình BOT để thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một chủ trương đúng đắn.

bot1

Cảnh sát cơ động được điều đến trạm BOT Cai Lậy, ngày 30/11. Courtesy of Facebook Bạn hữu đường xa.

Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội đồng tình với quan điểm này :

"Vấn đề là nhà nước không có tiền để làm những chương trình cơ sở hạ tầng lớn. Vì vậy phải có sự tham gia của khu vực tư nhân vào. BOT về nguyên tắt không có vấn đề tốt xấu gì cả, nó là bình thường để mình kêu gọi vốn thôi, chuyện quản lý nó mới là vấn đề".

Thu tiền bất hợp lý và tham nhũng

BOT là tên viết tắt trong tiếng Anh có nghĩa là xây dựng, vận hành, và chuyển giao, có nghĩa là một doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn để xây dựng một công trình, sau đó họ sẽ thu tiền dân chúng sử dụng công trình này trong một thời gian, sau đó sẽ chuyển giao cho nhà nước như là một công trình công cộng.

Tuy vậy việc thực hiện mô hình BOT ở Việt Nam cũng bị một số người phản đối. Một trong những người đó là kỹ sư Nguyễn Văn Đực, người làm chủ một số công ty xây dựng tại Sài Gòn. Ông Đực nói với chúng tôi :

"Những doanh nghiệp mà đầu tư vào BOT có thể gọi là một vốn bốn lời. Thậm chí có khi không cần vốn, họ chỉ cần 15% trong tài khoảng ngân hàng, còn 85% là vốn vay. Mà có khi họ không thi công hết mà chỉ 30, 40, 50% thôi, tức là khi họ nhận xây dựng BOT là họ đã lãi 50% rồi".

Ông lấy ví dụ trạm thu phí BOT ở Cai Lậy. Tại đây con đường quốc lộ 1 không cần phải xây dựng mới, chỉ sửa chữa rồi thu tiền. Việc này dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của người dân vừa qua. Ông Đực cho là sự bực tức của dân chúng nằm ở chổ công ty tư nhân đã không làm gì cả trên con đường quốc lộ cũ mà lại đứng thu tiền.

Khi được hỏi rằng chuyện một doanh nghiệp vay vốn để xây dựng BOT sau khi lấy được thầu có gì sai hay không ? Ông trả lời là không có gì sai, nhưng mức độ vốn quá thấp của người đầu tư một phần nào chứng minh rằng họ không có năng lực. Ông Bùi Kiến Thành cũng đồng ý với nhận xét này :

"Cái đó nó cũng có cơ sở thôi. Nếu mình muốn đầu tư thì mình phải có thực lực. Nếu mình không có mà phải đi vay ngân hàng đến 80-90% thì đó là vấn đề khả năng tài chính của mình kém. Trong trường hợp đó nếu dự án không có kết quả tốt, nguồn tiền vào không đủ để trả nợ ngân hàng thì nó biến thành nợ xấu".

Vấn đề nợ xấu, tức là nợ mà ngân hàng không có khả năng đòi lại được gây ra sự lo ngại cho các chuyên gia kinh tế Việt Nam bấy lâu nay. Vào tháng Sáu năm nay, tại một diễn đàn kinh tế tại Hà Nội, thông tin về tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam hiện nay được đưa ra, là 3,44%, cao nhất Đông Nam Á.

Con số 85% vốn của các dự án BOT giao thông là đi vay mà ông Nguyễn Văn Đực đề cập, cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa nói đến tại Đà Nẵng vào ngày 12 tháng 12, 2017. Theo ông Nghĩa, con số 85% tiền đầu tư BOT là của ngân hàng cho vay là một rủi ro rất lớn, nếu như mà các dự án BOT được đầu tư bằng nguồn vốn vay này không hoạt động tốt.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy các trạm BOT từ Bắc đến Nam đã bị phản đối mạnh, thường xuyên không thu được tiền vì ùn tắc giao thông. Riêng tại Cai Lậy, sau phản kháng mạnh mẽ của giới tài xế, trạm BOT phải ngưng hoạt động từ 1 đến 2 tháng để chờ quyết định mới. Trong thời gian đó toàn bộ nhân viên của trạm đã bị cho nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Đực là người không đồng ý thực hiện mô hình BOT ở Việt Nam, ngoài lý do chủ đầu tư không bỏ vốn mà thu lời quá nhiều, mà số tiền lời này theo ông là một gánh nặng lên người dân, một điều vô lý, ông còn phê bình cơ chế không minh bạch khi thực hiện các dự án BOT :

"Không có một người nào mà không có một mối quan hệ, mà trúng thầu, từ đó người ta mới thấy rằng tại sao mà không có (công ty) nước ngoài nào trúng thầu BOT".

Nhận định của ông trùng với những thông tin được báo mạng Nhà đầu tư đưa ra vào ngày 11 tháng 12, theo đó cho tới nay chỉ có duy nhất một công ty Nhật Bản mua lại một dự án BOT mà thôi. Ngoài ra báo này còn dẫn lời người đứng đầu Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam rằng các dự án BOT có quá nhiều tham nhũng nên các công ty Hoa Kỳ không quan tâm đến.

Việc tham nhũng, móc ngoặc giữa các công ty tư nhân với các giới chức chính quyền trong các dự án BOT cũng được ông Trương Quang Nghĩa ám chỉ khi ông nói chuyện tại Đà Nẵng. Tờ Tuổi trẻ trích dẫn nguyên văn lời ông là "Sắp tới khi kiểm toán, Ủy ban kiểm tra trung ương kiểm tra các dự án BOT, thì dự án ấy của ai, của anh của em lộ ra".

Cần đấu thầu BOT

Khi được vặn hỏi rằng nguyên tắc của BOT là huy động vốn để gánh bớt gánh nặng ngân sách của nhà nước là một điều tốt, nhưng tại sao ông Nguyễn Văn Đực lại phản đối, ông nói rằng một mô hình áp dụng ở nước ngoài là tốt nhưng chưa chắc đã vận hành tốt ở Việt Nam. Tuy vậy ông cũng đề nghị những cải cách nếu tiếp tục thực hiện mô hình BOT ở Việt Nam :

"Chia làm hai phần khác nhau, xây dựng là một đơn vị khác, còn đấu thầu nhận điều hành, là một đơn vị khác, tránh tình trạng chủ đầu tư lại được thi công. Mà chúng ta phải qui định là đấu thầu. Do đó tôi đề nghị chấm dứt BOT (hiện nay) và chuyển sang hình thức đấu thầu".

Hiện nay các dự án BOT giao thông ở Việt Nam không có đấu thầu, và điều này được một quan chức ngành giao thông vận tải giải thích với báo chí trong tháng tám vừa qua là do tính chất cấp bách của các dự án giao thông vận tải. Nhưng điều đó là nguyên nhân, theo nhiều người, đã gây ra nhiều sai phạm. Ông Bùi Kiến Thành hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Văn Đực là phải tổ chức đấu thầu công khai các dự án BOT. Ông nói tiếp :

"Đường sá giao thông hiện bây giờ phải nói là nó không bình thường. Tại sao những người không có năng lực lại được chỉ định. Vì vậy thanh tra của Chính phủ đang vào cuộc để thanh tra, xem là những dự án BOT đấy nó có tiêu cực tham nhũng hay không. Chỉ định những người làm BOT không có năng lực là cả một vấn đề. Hay là những nơi nào tốt thì cho người này, không tốt thì cho người khác. Hành chính của Việt Nam có vấn đề chứ không phải BOT có vấn đề".

Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi ông Bùi Kiến Thành nói rằng mô hình BOT vẫn phải tiếp tục được thực hiện vì hiện nay chi tiêu công cộng của Việt Nam lấy từ ngân sách quốc gia đã quá cao, nhưng cần xem xét lại những qui định, cũng như việc thực hiện những qui định đó trong những dự án BOT.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 13/12/2017

Published in Diễn đàn

Hoạt động nghiệp đoàn nhưng không có nghiệp đoàn

Chỉ trong hai tháng 9 và 10, năm 2017, có đến bốn cuộc đình công của công nhân xảy ra tại nhà máy của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu. Các cuộc đình công này có cùng những đặc điểm là diễn ra ôn hòa, đòi hỏi quyền lợi, và đạt được thỏa thuận với giới chủ.

nghiepdoan1

Lái xe Long Huỳnh trả tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy, tháng 11/2017. Courtesy of Facebook Long Huynh

Đến tháng 12 năm 2017, giới lái xe đã thực hiện một cuộc phản kháng chống việc đặt trạm thu phí BOT sai vị trí ở Cai Lậy, cũng như chi phí quá cao của trạm này. Cuộc phản kháng đã thành công bước đầu khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đình chỉ việc hoạt động của BOT Cai Lậy trong 1 đến 2 tháng để chờ quyết định mới.

Nhận xét về những diễn biến đó, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch tổ chức Liên Đoàn Lao động Việt tự do, từ Úc nói với chúng tôi :

"Sự phản đối này đang lên ở mức độ mới. Nếu chúng ta nhìn thời gian 10 năm qua, có những cuộc biểu tình, những cuộc đình công của công nhân ở hãng xưởng, chưa có được một sự đồng tâm nhất trí, chưa có tổ chức, nhưng qua giai đoạn này tôi thấy giới tài xế đã bước lên được một bước. Bước lên một bước có nghĩa là đồng tâm nhất trí một phương pháp đấu tranh, một phương pháp đấu tranh có hiệu quả".

Nhưng có một câu hỏi được đặt ra là những hoạt động đó có tổ chức hay không ?

Trả lời câu hỏi này, vào tháng 10 năm nay, ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập Liên Đoàn Lao Động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập, nhận xét với chúng tôi về những cuộc đình công trong tháng 9 và tháng 10, rằng có những tổ chức giấu mặt đã hướng dẫn công nhân những phương pháp đấu tranh ôn hòa, và tiến hành những cuộc đình công một cách có bài bản.

Tháng 12 năm 2017, ông lại nhận xét rằng có thể cuộc phản kháng tại Cai Lậy cũng là một cuộc phản kháng có tổ chức.

Nhưng tất cả những người lái xe tham gia cuộc phản kháng nói với chúng tôi rằng họ chỉ làm một cách bộc phát, không có tổ chức nào cả. Một bác tài tên Trần Tiến nói rằng :

"Mình thấy rõ ràng là anh em từ khắp nơi đổ lại không ai quen biết ai, cũng không ai là người tổ chức, mỗi người vì 1 cái bức xúc mà tự động người ta bộc phát thôi. Không có tổ chức nào có thể điều người nổi suốt 24 giờ đồng hồ".

Giải thích về những điều có vẻ mâu thuẫn đó, ông Đoàn Huy Chương nói với chúng tôi :

"Hiện nay các công đoàn độc lập họ đang chuyển một hướng mới là tổ chức mà không tổ chức. Chỉ có một số người tổ chức mới hiểu, còn nhìn vô thì thấy chẳng qua đó là một sự tự phát. Đó là một cách để giới đấu tranh hiện nay tránh sự đàn áp".

Ông Chương là một trong những nhà tổ chức nghiệp đoàn bị đàn áp như thế. Vào tháng 11 năm 2006, ông Chương và một số người khác thành lập Hội Đoàn kết công nông để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và nông dân, nhưng chỉ vài ngày sau là ông bị bắt. Ông ra tù năm 2006, rồi lại bị bắt một lần nữa sau khi tổ chức một cuộc đình công tại Trà Vinh lên đến hơn 10000 công nhân tham gia. Ônh được trả tự do vào đầu năm nay sau khi mãn án tù.

Ông Đoàn Huy Chương nói với đài RFA về cái nhìn của đảng cộng sản đối với những tổ chức mà họ không kiểm soát được như là tổ chức công đoàn độc lập của ông Đoàn Huy Chương :

"Họ rất là ngại, họ rất là sợ những tổ chức liên kết với nhau, đoàn kết lại, cho nên họ tìm mọi cách để đánh phá. Có thể là họ chụp mũ luôn, đó là cách họ dùng hiện nay".

Quan sát diễn biến ở Cai Lậy, ông Chương thấy rằng có những hoạt động rất đáng ngờ từ phía doanh nghiệp đầu tư BOT, với sự trợ giúp của lực lượng chức năng, đang có thể muốn qui tội tổ chức kích động cho những người tham gia phản kháng.

Nhận xét của ông Chương dường như có căn cứ chắc chắn hơn bởi sự việc là vào ngày 7 tháng 12, một chủ quán nước đã giúp đỡ tài xế trong cuộc phản kháng đã bị cơ quan công an mời làm việc, và người ta nghi ngờ rằng cơ quan chức năng muốn tìm một tổ chức đứng đằng sau vụ phản kháng.

Sự lớn mạnh của phong trào dân sự và những hoạt động nghiệp đoàn

Việc trấn áp các tổ chức, những cá nhân hoạt động dân sự đã tăng cao trong thời gian hai năm qua, mà theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói rằng ông có thể cảm nhận sự trấn áp đó ngay trên da thịt mình.

Theo ông sở dĩ có sự trấn áp đó là vì phong trào dân sự tại Việt Nam đã phát triển mạnh mà sự trấn áp có thể là một sự phản ứng tự nhiên của nhà cầm quyền. Ông nói với chúng tôi sau vụ Cai Lậy :

"Nếu họ ngẫm nghĩ kỹ thì cái cách phản xạ của họ là cách phản tác dụng. Có thể thấy các phong trào xã hội của Việt Nam trong vài ba năm qua đã có mức tiến triễn mạnh về qui mô, có thay đổi về chất rất là quan trọng".

Trong các phong trào dân sự đó có những hoạt động mang tính chất nghiệp đoàn. Trong cuộc phản kháng của giới lái xe tại Cai Lậy người ta thấy có một trang Facebook mang tên Bạn hữu đường xa, với hơn 90 ngàn thành viên. Nơi đây là nơi mà các lái xe chia sẻ nhau những kinh nghiệm nghề nghiệp, cũng như những sự việc xảy ra trong vụ phản kháng tại Cai Lậy vừa qua.

Ông Nguyễn Đình Hùng nói với chúng tôi rằng thực chất những hoạt động đó chính là những hoạt động nghiệp đoàn :

"Định nghĩa nghiệp đoàn là gì, đó là một số, một tập thể những anh em cùng một nghề, công nhân cùng một ngành với nhau, họp lại để tương trọ lẫn nhau. Dùng bất cứ tên gì cũng vậy, Nhóm anh em đường xa, Hội thân hữu, hay là Tương tế, … Bất cứ danh xưng nào thì đó cũng là nghiệp đoàn mà thôi".

Và theo nhiều nhà quan sát thì chính mạng lưới internet với số người Việt Nam tham gia ngày càng gia tăng đã thúc đẩy những hoạt động nghiệp đoàn này. Ông Đoàn Huy Chương nói tiếp :

"Cách đây 10 năm về trước, muốn làm một cuộc như BOT vừa rồi, không thể làm được, bởi vì không thể kết nối lẹ như vậy, không có những chương trình live stream, tạo nhóm, để có thể có chuyện là họ kéo nhau đến để hỗ trợ. Internet đóng vai trò quan trọng để thay đổi thế giới và cũng là tương lai để thay đổi Việt Nam".

Tuy vậy ông Chương cũng nói là vẫn có những khó khăn từ phía người công nhân đối với những vấn đề liên quan đến nghiệp đoàn có tính tổ chức, họ vẫn còn sợ hãi sự đàn áp của nhà cầm quyền.

Cho đến cuối năm 2017 Việt Nam vẫn không có một tổ chức nghiệp đoàn độc lập nào được cho phép hoạt động, dù rằng theo những người mà chúng tôi tiếp chuyện như ông Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Đình Hùng, việc tạo điều kiện cho giới công nhân có tiếng nói là rất hữu ích cho việc ổn định kinh tế và xã hội của đất nước.

Giáo sư Lê Đăng Doanh, một chuyên viên kinh tế ở Hà Nội cho chúng tôi biết rằng Việt Nam đã có thỏa thuận với các đối tác thương mại quốc tế cho phép công nhân được thành lập nghiệp đoàn ở cơ sở, nhưng đạo luật về nghiệp đoàn vẫn chưa được bàn thảo để thông qua ở Quốc hội Việt Nam.

Ông Đoàn Huy Chương cho rằng cần phải có sức ép từ bên ngoài để có thể cho phép ra đời những tổ chức nghiệp đoàn độc lập. Nhưng ông Nguyễn Đình Hùng, dù chia sẻ quan điểm cần có một tổ chức công đoàn độc lập, cho rằng để có việc đó thì điều quan trọng hơn là chính nhà nước Việt Nam phải ý thức được rằng hoạt động nghiệp đoàn độc lập là có lợi cho chính họ.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 12/12/2017

Published in Diễn đàn

Thất bại

Ủy ban Sông Mekong được thành lập từ năm 1995, nhưng những nguyên tắc hợp tác để cùng nhau khai thác con sông Mekong đã hình thành từ năm 1957, khi bốn nước là Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Cộng hòa, miền Nam Việt Nam) cùng ba Vương quốc láng giềng là Thái Lan, Lào và Campuchia, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã cùng nhau thỏa thuận là sẽ hợp tác để khai thác chung con sông này.

mekong1

Cảnh chiều xuống trên sông Mekong, Thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh chụp tháng 8/2014.  AFP

Trên trang web hiện nay của Ủy ban Sông Mekong, có ghi rằng sứ mạng của Ủy ban sông Mekong là thúc đẩy và hợp tác nhằm phát triển bền vững nguồn nước và những nguồn lợi liên quan tới nước, cho lợi ích chung của các quốc gia thành viên. Cũng trên trang web này ghi rằng bổn phận của Ủy ban Sông Mekong là một tổ chức liên chính phủ đóng vai trò trong việc giải quyết những tác động môi trường xuyên biên giới.

Tuy nhiên theo Liên minh cứu Sông Mekong, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống việc xây đập thủy điện trên dòng Mekong, Ủy ban Sông Mekong đã thất bại trong những nhiệm vụ do chính họ đề ra.

Nói về nhận định của Liên minh cứu Sông Mekong rằng Ủy ban Sông Mekong đã thất bại trong việc phát triển bền vững con sông này, Tiến sĩ Dương Văn Ni, một chuyên gia về sông Mekong, từ Cần thơ cho chúng tôi biết :

"Bắt đầu khoản một thập niên trở lại đây, khi các quốc gia này phát triển với một cường độ rất nhanh, Ủy ban này bộc lộ điểm yếu, ít nhất là nó không giúp cho các chính phủ của những quốc gia (thành viên) ở hạ nguồn đồng thuận ở những điểm căn bản mà đã được đưa ra trước khi thành lập Ủy ban sông Mekong này".

Ông dẫn chứng ví dụ về đập nước Xayaburi mà nước Lào bắt đầu xây vào năm 2012, khi đó Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Vientiane dời thời gian xây dựng để nghiên cứu thêm tác động của nó nhưng không thành công, và Ủy ban Sông Mekong đã không giúp gì được trong việc điều hòa lợi ích giữa Lào và hai nước ở hạ du là Campuchia và Việt Nam, nơi hứng chịu nhiều tác động xấu của con đập này.

Một chuyên gia khác về sông Mekong là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cần Thơ bình luận về cách lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và cộng đồng dân cư của Ủy ban Sông Mekong :

"Thực ra Ủy ban sông Mekong cũng có tổ chức những hội thảo để nghe những ý kiến khác nhau. Nhưng mà sau khi nghe những ý kiến đó họ không có những sự phản hồi cho rằng những ý kiến đó là thế nào. Việc này làm cho các tổ chức xã hội quan ngại".

Vai trò của Trung Quốc, sự tồn tại của Ủy ban sông Mekong

Trên lãnh thổ của nước Lào hiện nay có ba đập nước khổng lồ đã và đang được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong. Nhưng phía xa hơn về phía thượng nguồn, trên lãnh thổ Trung Quốc, lại có nhiều con đập khổng lồ khác đã hoàn tất, gây nhiều tác động môi trường đến các quốc gia hạ lưu. Tuy nhiên Trung Quốc lại không phải là thành viên của Ủy ban sông Mekong.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết qua một email :

"Sự bất lực của Ủy hội quốc tế sông Mekong (MRC-Mekong River Commission) càng cho thấy sự bức thiết trước tiên phải có một hiệp định mới thay thế văn bản 1995 về MRC mang tính ràng buộc hơn ; thứ hai MRC phải bao gồm tất cả các nước trong lưu vực. Có nghĩa là Trung Quốc và Myanmar phải tham gia như là thành viên. Cần tiến tới một Công ước về sông Mekong, như kiểu Công ước về sông Rhin (Rhine). Dư luận quốc tế cần góp tiếng nói ủng hộ sự ra đời của công ước này, vì nguồn nước sông Mekong là tài sản của nhân loại, chứ không chỉ riêng của 6 nước trong lưu vực, càng không phải của riêng Trung Quốc".

Tuy nhiên việc tiến tới thành lập một tổ chức về Sông Mekong, bao gồm tất cả sáu nước thành viên trong lưu vực của nó không phải là dễ dàng. Trung Quốc cũng đã đưa ra sáng kiến của họ về việc thành lập một tổ chức lấy tên là Lan Thương Mekong, với Lan Thương là tên gọi của đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân viết tiếp :

"Tổ chức Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation) hoạt động phải trên cơ sở xác định sông Lancang-Mekong là một, nguồn nước sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực. Xác định này về phía Trung Quốc sẽ là minh chứng không thể thiếu cho thiện chí của quốc gia này. Việc khai thác nguồn nước sông Lancang-Mekong phải được quy định bằng một điều ước quốc tế, mà Công ước Liên hiệp quốc về dòng chảy các sông năm 1997 là một cơ sở tốt để tham khảo. Hiệp định MRC 1995 cũng là một cở sở khác để tham khảo và rút kinh nghiệm nhằm đi đến những quy định mang tính ràng buộc hơn".

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, muốn cho tổ chức Lan Thương Mekong thành công thì phải nhận thức rằng đây là duy nhất một con sông, chứ không phải Lan Thương là con sông chỉ của riêng Trung Quốc.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết là người Trung Quốc cũng cảm thấy sự bất bình ngày càng tăng của các quốc gia hạ lưu nên cũng có những cố gắng để xoa dịu :

"Họ cố gắng đi theo con đường ngoại giao, họ cố gắng tài trợ những dự án, họ bắt đầu tài trợ những hội thảo khoa học, họ bắt đầu đóng vai trò,… Nếu những chuyện này họ làm mà không có những đập thủy điện mà họ đã xây rồi, thì tôi cho rằng sẽ nâng vị thế của họ, và nhận thức của các cộng đồng ở dưới hạ nguồn này đối với Trung Quốc tốt hơn nhiều lần. Nhưng rất tiếc những đập này đã xây rồi, đã có những tác động rồi, dẫu có những hành động giúp đỡ đó bây giờ cũng là trễ rồi".

Bình luận về ý kiến thành lập tổ chức Lan Thương Mekong của người Trung Quốc, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng những quốc gia hạ lưu rất lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng tổ chức này để kiểm soát hoàn toàn sông Mekong một cách độc đoán, ông cũng rất nghi ngờ về thiện chí giúp đỡ của Trung Quốc cho những quốc gia khác.

Ông nói tiếp về vai trò của Ủy ban Sông Mekong hiện nay :

"Tôi nghĩ rằng nếu những cái đập ở Trung Quốc, Lào, Campuchia hình thành trong tương lai, thì tôi không biết là Ủy ban sông Mekong sẽ làm cái gì trong này. Ngay cả những số liệu mà Ủy ban sông Mekong dày công thu thập từ trước đến nay trở nên vô nghĩa, vì dòng sông nó không chảy theo qui luật mà mình theo dõi hàng chục năm nay".

Chúng tôi cũng đã gửi email đến bộ phận báo chí của Ủy ban Sông Mekong để hỏi về lá thư của Liên minh cứu Sông Mekong và đề nghị bình luận, nhưng không có hồi âm.

Chúng tôi xin đính kèm theo đây toàn bộ nội dung trả lời của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến vấn đề này.

Kính Hòa : Ông bình luận thế nào về nhận định của Liên minh cứu sông Mekong ?

Nguyễn Ngọc Trân : Vấn đề cốt lõi cần nói rõ là sông Mekong bắt đầu từ đâu ? Từ cao nguyên Tây Tạng hay từ ranh giới của hạ lưu vực ? Ai cũng biết lưu vực sông Mekong có Thượng lưu vực (Upper Mekong Basin) trên lãnh thổ Trung Quốc, và Hạ lưu vực (Lower Mekong Basin). Thế nhưng Trung Quốc thì xem sông Mekong bắt nguồn từ ranh giới Trung Quốc-Myanmar-Lào. Phía trên họ xem đó là sông Lancang (Lan Thương) của riêng Trung Quốc. Nếu muốn cứu sông Mekong thì phải nhận thức rõ về nơi nó phát sinh ra.

Liên minh cứu sông Mekong (SMC) đặt nặng vấn đề thủy sản, nhưng chính các đập thủy điện từ thượng nguồn Trung Quốc đã và đang giết sông Mekong vì làm thay đổi hẵn chế độ thủy văn sinh thái và giữ lại trầm tích trong các đập thủy điện, gây thâm hụt trong cán cân trầm tích với hậu quả xói lở ở hạ lưu, và gây khó khăn cho sinh kế, cho cuộc sống nói chung của người dân ở hạ lưu vực.

Từ lâu tôi đã nhấn mạnh các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong không mang lại lợi ích cho người dân và cũng không phải cho Nhà nước Lào và Campuchia, mà chính là cho các nhà đầu tư tư nhân. Không thể chấp nhận sự thao túng dòng nước sông Mekong như vậy được !

Sự bất lực của Ủy hội quốc tế sông Mekong (MRC) càng cho thấy sự bức thiết trước tiên phải có một hiệp định mới thay thế văn bản 1995 về MRC mang tính ràng buộc hơn ; thứ hai MRC phải bao gồm tất cả các nước trong lưu vực. Có nghĩa là Trung Quốc và Myanmar phải tham gia như là thành viên. Cần tiến tới một Công ước về sông Mekong, như kiểu Công ước về sông Rhin (Rhine). Dư luận quốc tế cần góp tiếng nói ủng hộ sự ra đời của công ước này, vì nguồn nước sông Mekong là tài sản của nhân loại, chứ không chỉ riêng của 6 nước trong lưu vực, càng không phải của riêng Trung Quốc.

Kính Hòa : Vai trò của Trung Quốc ngày càng lớn trên lưu vực Mekong, và họ đã đề nghị thành lập tổ chức Lan Thương Mekong. Ông có hy vọng rằng Trung Quốc sẽ có thiện chí hơn trong việc hợp tác với các nước hạ nguồn không ?

Nguyễn Ngọc Trân : Tổ chức Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation) hoạt động phải trên cơ sở xác định sông Lancang-Mekong là một, nguồn nước sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực. Xác định này về phía Trung Quốc sẽ là minh chứng không thể thiếu cho thiện chí của quốc gia này. Việc khai thác nguồn nước sông Lancang-Mekong phải được quy định bằng một điều ước quốc tế, mà Công ước Liên hiệp quốc về dòng chảy các sông năm 1997 là một cơ sở tốt để tham khảo. Hiệp định MRC 1995 cũng là một cở sở khác để tham khảo và rút kinh nghiệm nhằm đi đến những quy định mang tính ràng buộc hơn.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 29/11/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 15 novembre 2017 21:50

Những nhà văn bị cầm tù

Ngày 30 tháng 10, năm 2017, Tổ chức Văn bút quốc tế có trụ sở tại Thụy sĩ gửi một bức thư đến Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm, cũng như những người cầm bút bị bắt giam vì thể hiện quan điểm của mình một cách hòa bình qua ngòi bút.

pen1

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Nhân sự kiện này, chúng tôi xin điểm lại sơ lược câu chuyện những người cầm bút Việt Nam bị bỏ tù từ năm 1956 đến nay.

Bắt đầu là Nhân văn Giai phẩm….

Việc đàn áp những người cầm bút diễn ra chỉ hai năm sau khi những người cộng sản lên cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1954. Vào năm 1956, một phong trào văn học nghệ thuật bùng lên tại Hà Nội mang tên Nhân văn Giai phẩm, do những văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam thời ấy chủ trương, với hai tờ Giai phẩm và Nhân văn, đòi hỏi tự do chính trị, tự do sáng tác, không phải chịu sự giám sát của Đảng cộng sản cầm quyền.

Chỉ đến cuối năm 1956, hai tờ báo này đã bị đình bản, các văn nghệ sĩ bắt đầu bị đàn áp bằng nhiều hình thức khác nhau, như là phải đi lao động ở vùng rừng núi, bị gạt ra khỏi việc cầm bút, hoặc bị cầm tù.

Theo tìm hiểu của nhà văn Song Nhị, hiện sống ở thành phố San Jose, Hoa Kỳ, thì có bảy người bị cầm tù, đó là các nhà văn, nhà thơ Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Thụy An, và Phùng Cung. Có những người trong nhóm này bị đến 15 năm tù và nhiều năm quản chế sau đó. Tất cả những người vừa nêu đều đã mất.

Lý do được đảng cầm quyền đưa ra để bỏ tù những người này là họ có tư tưởng chính trị thù địch phản động chống lại giai cấp công nông của Đảng cộng sản.

Sang đến những năm 1960, lại xảy ra một vụ án gọi là xét lại chống đảng, trong đó có một số nhà văn bị liên lụy. Một trong số đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị án 5 năm tù giam vào năm 1968.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống ở Hải Phòng, nói về việc này :

 "Nhà văn Bùi Ngọc Tấn là một cây bút có tài, và ông ấy đã trải qua một quảng đời cực kỳ khó khăn, với năm năm tù đày, do cái tư tưởng của ông ấy, trong cái thời điểm mà Liên Xô và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam đang đu giây. Khi tư tưởng thân Trung Quốc chiếm ưu thế ở ban lãnh đạo, thì nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi tù, tù không có án, mà ở Việt Nam gọi là án cao su, hết năm năm".

Trong những năm 1960 này thế giới cộng sản bắt đầu bị phân liệt thành hai nhóm, do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu và cạnh tranh với nhau rất quyết liệt, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh biên giới Trung Xô nổ ra vào năm 1969.

Sau khi ra tù, ông Bùi Ngọc Tấn đã viết tác phẩm Truyện kể năm 2000 vào năm 1990. Ông nói với đài RFA về tác phẩm này trong một lần trao đổi trước khi mất vào năm 2014 :

Câu chuyện nó báo hiệu cái tình trạng mất dân chủ, tình trạng đàn áp, tình trạng bất công với những người lương thiện kiểu như tôi. Quyển đó nó chỉ nói một cái tiền đề về tình trạng mất dân chủ, tình trạng ức hiếp quần chúng hoặc ở dạng này dạng khác.

Quyển sách của ông được nhà xuất bản Thanh Niên trong nước cho in, nhưng sau đó bị thu hồi ngay lập tức.

Năm 1986 Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố cải cách kinh tế, chấp nhận nền kinh tế thị trường. Một số nhà văn bắt đầu cảm thấy được tự do sáng tác hơn với một số tác phẩm mang tính phê bình chế độ chính trị xã hội, không theo định hướng của đảng. Nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là nhà văn Dương Thu Hương với các tác phẩm như Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng,…

Tuy nhiên sự kềm chế các nhà văn lại trở lại ngay sau đó, bà Dương Thu Hương bị cầm tù trong một giai đoạn ngắn vào năm 1991. Sau khi được trả tự do, bà sống như một người tị nạn chính trị tại Pháp.

Trải qua suốt hai thời kỳ vừa nêu, có một nhà thơ bị bỏ tù rất lâu là ông Nguyễn Chí Thiện. Ông bị bỏ tù vào năm 1961 vì tội "phản tuyên truyền". Ông bị giam giữ làm nhiều lần với tổng cộng thời gian ở tù là 27 năm. Ông sang Mỹ định cư vào năm 1995. Ông Nguyễn Chí Thiện có tập thơ nổi tiếng Hoa Địa ngục, mô tả cảnh sống trong xã hội cộng sản.

và hiện nay

Năm 1995 có một nhà văn nữa bị bỏ tù là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu. Ông bị án tù một năm với tội danh làm tiết lộ bí mật nhà nước khi ông trao đổi với một số bạn bè, lá thư của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng theo ông lý do làm ông bị bắt là ông đã viết hai bài tiểu luận trước đó là Dẫn tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường, và Chia tay ý thức hệ, với những chỉ trích phê bình lý thuyết cộng sản.

Ông kể lại với chúng tôi cuộc hỏi cung sau khi ông bị bắt :

"Sau khi hỏi lăng nhăng thì họ xoáy vào chuyện tôi viết bài Chia tay ý thức hệ. Thế chứ, họ quan tâm, và bắt tôi là vì tôi viết bài Chia tay ý thức hệ".

Năm 2008, một nhà văn nữa bị cầm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước, là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hải Phòng. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa có một tiểu thuyết và một truyện ngắn viết trước khi bị bắt, trong đó truyện ngắn nói về cuộc sống cơ cực của những người thợ Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Cả hai tác phẩm này đều không được xuất bản. Ông nói với chúng tôi :

"Tôi không bị cầm tù vì hai tác phẩm, vì họ không xuất bản, nên không ghi tội tôi vào đấy, nhưng họ qui tội tuyên truyền chống nhà nước ở những bài chính luận, những bài thơ, những bài văn xuôi tả cảnh nghèo khổ, bất công của xã hội".

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa được trả tự do vào năm 2014. Đến tháng 10 năm 2017, ông lại bị thẩm vấn về thời gian ngắn ông gia nhập một tổ chức chính trị có tên là Hội Anh Em Dân chủ, chủ trương cạnh tranh chính trị hòa bình với Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong thời gian vài năm trở lại đây, trong số những người cầm bút bị bỏ tù, số lượng những blogger chính trị tăng dần lên như các ông Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồ Hải,… bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Theo tổ chức Phóng viên không biên giới, nội trong năm nay 2017, Việt Nam đã bắt và trục xuất ít nhất 15 blogger, đa số các trường hợp họ bị gán cho tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều luật số 88 của Bộ Luật hình sự Việt Nam, mà các tổ chức nhân quyền cho là có nội dung không rõ ràng nhằm trấn áp những người chỉ nêu lên chính kiến của mình một cách hòa bình.

Bên cạnh đó một số nhà văn lại lên tiếng tách khỏi Hội nhà văn, tổ chức quản lý các nhà văn của Đảng cộng sản, và Nhà nước Việt Nam, và những người này đã thành lập một tổ chức gọi là Văn đoàn độc lập vào tháng Ba năm 2014 với số thành viên ban đầu là 62 người.

Tuy nhiên theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cho đến nay chưa có công trình nào đáng kể do những người thuộc Văn đoàn độc lập này tạo ra, lý do theo ông là sự đe dọa bị bỏ tù vẫn còn treo lơ lửng :

"Khi đã tách ra khỏi sự quản lý của Hội nhà văn Việt Nam, chính quyền cộng sản Việt Nam, thì tác phẩm của họ phải có vấn đề, phải biểu thị sự tách ra đấy, mà nếu biểu thị sự tách ra của mình thì sự an nguy của họ bị ảnh hưởng. Cũng có thể là họ sẽ bị qui tội tuyên truyền chống nhà nước, mà đối với một nhà văn mà bị truy tố tội đó, bị cầm tù, thì là một điều người ta kiêng kỵ".

Công việc xuất bản và phát hành sách hiện nay của Việt Nam vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước do cơ quan tuyên giáo của Đảng chịu trách nhiệm. Việc xuất bản sách trên mạng, hay in không chính thức cũng được tiến hành, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa những người viết sách không có đủ tài lực để theo đuổi chuyện đó dài lâu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có cái nhìn khá bi quan về sáng tác văn học của Việt Nam hiện nay, đó là các nhà văn không còn muốn viết nữa.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 15/11/2017

Published in Diễn đàn

Ngày Chủ nhật, 12 tháng 11, 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông rằng ông có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong các xung đột ở Biển Đông.

VIETNAM-US-DIPLOMACY

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, họp báo tại Hà Nội, 12/11/2017. AFP

Trong giới nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam có sự đón nhận khác nhau về tuyên bố có thể đứng ra làm trung gian hòa giải của Tổng thống Hoa Kỳ.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người có nhiều nghiên cứu về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thấy rằng cách tiếp cận của ông Trump là một sự khôn khéo :

"Đối với Trung Quốc có tham vọng như vậy, thì theo tôi vừa cứng vừa mềm như vậy là phù hợp. Nếu mềm hẳn thì chưa chắc ngăn được tham vọng của Trung Quốc. Ông Trump hồi đầu cứng mà bây giờ thể hiện sự mềm đó thì cũng là sự khôn ngoan của một siêu cường".

Nhưng một nhà nghiên cứu Biển Đông khác là Thạc sĩ Hoàng Việt lại cho rằng nếu thực sự ông Trump và Hoa Kỳ mong muốn như vậy, điều đó chứng tỏ rằng Trung Quốc đang lớn mạnh, và Hòa Kỳ đang rút ra khỏi khu vực Biển Đông :

"Thái độ của Hoa Kỳ, mà cụ thể là Tổng thống Donald Trump có sự thay đổi, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến Biển Đông. Trước đây khi ông mới đắc cử thì ông nói cần phải hạn chế Trung Quốc, cô lập Trung Quốc ra khỏi những cái đảo này, các đảo mà Trung Quốc xây lấn hay chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng mà bây giờ cách tiếp cận của ông Trump về Trung Quốc đã khác, với chính sách Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải, thì điều đó dẫn đến hệ lụy bất lợi rất nhiều cho Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác trên khu vực Biển Đông".

Khi chúng tôi đặt câu hỏi là liệu Chính phủ Việt Nam đón nhận lời đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ như thế nào, những câu trả lời cũng khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng nếu ông Donald Trump được làm trung gian hòa giải thì Việt Nam sẽ hài lòng để giải quyết tốt đẹp những xung đột :

"Theo tôi nếu được như vậy thì Việt Nam hoan nghênh thôi, bởi vì như Bà Nguyễn Thị Bình từng nói là như Trung Quốc là một láng giềng, làm sao mình thay đổi được láng giềng. Nên đối với một nước tham vọng như vậy thì cách đó cũng là một cách giải quyết tốt đẹp".

Bà Nguyễn Thị Bình mà Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập từng là Phó Chủ tịch nước Việt Nam, và trước đó bà có thời gian dài làm trong ngành ngoại giao.

Thạc sĩ Hoàng Việt lại nói rằng Chính phủ Việt Nam thận trọng khi tiếp nhận lời đề nghị của ông Trump :

"Nếu mà chỉ dựa vào những lời phát biểu của ông Donald Trump thì rất là khó đoán, ông ấy hay có phát biểu ngẫu hứng, thay đổi liên tục, không thể nói nhất thời được. Tôi cho là phía Chính phủ Việt Nam đón nhận việc này một cách thận trọng. Ở đây có một thông tin quan trọng nữa là ông Trump có nói Mỹ sẳn sàng bán những vũ khí hạng nặng cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đón tin này một cách tốt đẹp hơn".

Sau tuyên bố có thể làm trung gian hòa giải của ông Trump được đưa ra hôm Chủ nhật, 12 tháng 11, trong buổi họp báo chung sau đó, Chủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang nói rằng chính sách của Việt Nam là giải quyết bất đồng bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng những qui trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Quang không trả lời trực tiếp lời đề nghị của ông Trump.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học khoa học xã hội nhân văn tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét :

"Ông ấy đề nghị như vậy nhưng các bên có để ông ấy làm chuyện đó hay không ? Có thể là Việt Nam cũng sẽ hoan nghênh việc ông Trump làm trung gian hòa giải giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như giữa Trung Quốc với ASEAN, nhưng không chắc Trung Quốc sẽ hoan nghênh, bởi vì quan điểm của Trung Quốc là họ ưa chuộng đàm phán song phương các vấn đề Biển Đông, họ không muốn quốc tế hóa các vấn đề ở Biển Đông".

Trả lời hãng tin Reuters vào hôm Chủ nhật, Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc là ông Cảnh Sảng nói rằng nước ông kiên trì việc thảo luận trưc tiếp với các quốc gia có quan hệ trực tiếp tới xung đột để gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Còn Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte thì nói là tốt nhất nên đừng đụng đến vấn đề Biển Đông, vì không có quốc gia nào có thể chịu được chiến tranh cả. Sang đến ngày thứ Hai, 13 tháng 11, khi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á ở Manila, đã nói rằng mặc dù các bên xung đột có những bất đồng nhưng không nên nói đến Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung nói tiếp về lời đề nghị của ông Donald Trump :

"Hiện tại chưa rõ là ông Trump thực sự có một chính sách rõ ràng hay không, hay chỉ là một cơn bộc phát của ông ấy. Tôi chưa thấy cái gì nó nhất quán của ông Trump trong chính sách đối ngoại của ông ấy, chưa có thể đưa ra được một nhận xét mang tính chiến lược cho vấn đề này".

Ông lấy dẫn chứng từ những thái độ bất nhất của ông Trump khi ông đưa ra những tuyên bố rất khác nhau về Bắc Hàn, lúc thì đe dọa sẽ hủy diệt Bình Nhưỡng, khi thì lại nói rằng ông có thể làm bạn với lãnh tụ nhà nước Bắc Hàn là Kim Jong-un.

Một nhà quan sát từ nước ngoài là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Hawaii, Hoa Kỳ, được Báo Bưu Điện Hoa Nam tại Hồng Kong trích lời, lại nhận xét rằng mặc dù trong chuyến công du Châu Á lần này Bắc Kinh đã làm hài lòng ông Trump, nhưng quan hệ Mỹ Trung cũng sẽ không có gì thay đổi, và quan hệ đó, ông Lâm nói tiếp là sẽ được thử thách tại Manila khi Hoa Kỳ gặp các đồng minh chiến lược trong bộ tứ Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, một liên minh của cái gọi là khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Ấn Độ Thái Bình Dương là một khái niệm cũ, gần đây được một số người trong chính giới Mỹ nhắc lại, trong đó có ông Trump, ngầm ý là một liên minh nhắm đến việc bao vây Trung Quốc.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 13/11/2017

Published in Diễn đàn

Nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang và hai tác giả khác không muốn nêu tên vừa cho ra một báo cáo mang tên Đánh giá Luật tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là báo cáo).

tongiao1

Bìa Báo cáo Tự do tín ngưỡng và tôn giáo tại Việt Nam, 2017. Courtesy of Pham Doan Trang

Báo cáo dài 41 trang, được chia làm 82 mục ngắn gọn để độc giả tiện theo dõi. Trọng tâm của báo cáo được chia làm bốn phần, tương đương với bốn biện pháp mà nhà nước cộng sản Việt Nam sử dụng để đối phó với các tôn giáo.

Thứ nhất là sử dụng các điều luật, những qui định, để cho các tổ chức tôn giáo phải xin phép hoạt động, nếu không sẽ bị xem là bất hợp pháp.

Thứ hai là sử dụng bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, để tấn công khích bác các tổ chức tôn giáo.

Thứ ba là chia để trị, tức là dùng những tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát để chống lại các tổ chức tôn giáo được dân chúng tự thành lập.

Thứ tư là đàn áp bằng sức mạnh bạo lực.

Khi thực hiện báo cáo này, các tác giả đã có tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo thuộc các giáo hội tôn giáo độc lập, như các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo truyền thống tại vùng Tây Nam bộ, cô Nguyễn Huyền Trang của Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn, các ông Trần Minh Nhật, Lê Văn Sơn, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, là các tù nhân lương tâm từng bị cầm tù vì lý do tôn giáo, Linh mục Nguyễn Đình Thục tại Nghệ An, để ghi nhận những vụ đàn áp, khích bác mà họ đã và đang hứng chịu.

Các tác giả cho rằng từ khi Đảng Cộng sản bắt đầu nắm quyền từ năm 1945 đến nay, thì đạo luật về tôn giáo của Chính phủ Hồ Chí Minh, vào năm 1945 là cởi mở hơn cả, nhưng sau đó những qui định, những bộ luật tiếp theo đều thể hiện một tinh thần chống lại tôn giáo, theo một nguyên tắc của ý thức hệ cộng sản đó là cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, một điều không tốt.

Ý thức hệ đó không những được các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản thường xuyên loan tải, mà còn được đưa vào các chương trình giáo dục từ cấp phổ thông lên đến đại học.

Một trong những ví dụ mà các tác giả đưa ra để chứng minh việc chính quyền sử dụng luật lệ để cản trở hoạt động tôn giáo là một mặt cho phép các tôn giáo được mở trường dạy học, nhưng lại viện dẫn những tiêu chuẩn trong luật giáo dục để không thực hiện được.

Vấn đề chiếm nhiều thời lượng nhất của báo cáo là vấn đề đàn áp bằng vũ lực, trong đó vai trò quan trọng nhất là những nhân viên an ninh tôn giáo.

Vai trò An ninh tôn giáo

Chúng tôi đặt câu hỏi với cô Phạm Đoan Trang rằng liệu thực sự có tồn tại một lực lượng gọi là an ninh tôn giáo hay không ? Cô Đoan Trang nói rằng chưa bao giờ Đảng Cộng sản công khai rằng họ có những nhân viên an ninh tôn giáo, nhưng họ có công khai những vị sĩ quan công an giữ vai trò cố vấn về tôn giáo trong Bộ Công An, ví dụ như các ông Phạm Dũng, Nguyễn Văn Hưởng, đã từng giữ vai trò này, và nay là ông Vũ Chiến Thắng.

Cô Đoan Trang cho rằng thậm chí có những nhân viên an ninh khác nhau cho từng tổ chức tôn giáo khác nhau :

"Những người đó ai cũng nhẵn mặt, đó là những người đi theo dõi các tôn giáo phương Tây như Tin lành, và Công giáo. Còn bên Phật giáo cũng có, tại các chùa, phần lớn là ở Hà Nội, Sư nhận ra công an, công an nhận ra Sư".

Trong đạo luật mới nhất của Việt Nam là Đạo luật về tôn giáo được Quốc hội phê chuẩn vào năm 2016, không thấy đề cập tới an ninh tôn giáo. Quốc hội Việt Nam do Đảng Cộng sản thống trị hoàn toàn với hơn 90% thành viên là đảng viên Đảng Cộng sản.

Khi được hỏi nhận định tổng quát về đạo luật mới nhất này, cô Đoan Trang nói tiếp :

"Họ luật hóa những gì họ đã làm, nhưng vẫn lờ đi chuyện an ninh tôn giáo, họ cứ lờ đi, làm như trên đời này chưa từng tồn tại những lực lượng đi kiểm soát tôn giáo, an ninh tôn giáo, một lực lượng hoạt động rất mạnh. Rồi gần đây lại xuất hiện dư luận viên, chuyên đi phá tôn giáo. Thế thì lực lượng chống tôn giáo nó rõ ràng như vậy, mạnh như vậy, nhưng chưa bao giờ được nói trong luật cả, họ luật hóa cái gì ấy chứ không luật hóa chuyện ấy. Tức là họ không hề đả động gì đến chuyện có một lực lượng lớn đi đàn áp tôn giáo".

Không có tiến bộ thực sự trong tự do tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam cũng đã cho phép các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc vào đánh giá tình hình tự do tôn giáo, nhưng theo các tác giả của báo cáo này thì những nhận xét của các quan sát viên đó, hoặc không được công bố hoặc chỉ được công bố một phần, là những nhận xét mang tính tích cực về tình hình tôn giáo tại Việt Nam mà thôi.

Nhận xét chung về sự tiến triển của tự do tôn giáo tại Việt Nam trong vài thập kỷ qua, cô Đoan Trang nói với chúng tôi :

"Những năm gần đây, chúng ta thấy dường như vấn đề tự do tôn giáo được quan tâm hơn, quyền của người theo đạo được quan tâm hơn, chẳng hạn chúng ta nghe nói đến chuyện ngày Giáng sinh hay Phật đản, lãnh đạo thành phố hay đến tặng hoa, bắt tay chúc mừng, rồi trong Quốc hội xuất hiện các nhà sư, người ta tưởng là tự do tôn giáo được quan tâm nhiều hơn, được cải thiện hơn, nhưng mà tôi nghĩ là không phải, chưa bao giờ cả".

Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu có đề cập đến ba Ban chỉ đạo là Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, được cho là lập ra để kiểm soát những vấn đề sắc tộc và tôn giáo tại ba vùng đặc biệt nói trên.

Trong kỳ họp của trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ sáu vừa qua, ba Ban chỉ đạo này đã bị giải tán. Chúng tôi hỏi cô Đoan Trang liệu đó có phải là tín hiệu cho thấy việc kiểm soát tôn giáo đã được nới lõng hay không, cô trả lời rằng không có gì thay đổi cả :

"Tôi không nghĩ thế, xóa hay không xóa nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, không phản ánh gì cả. Luật thì họ nói họ bỏ ba cái ban, trong thực tế họ thi hành bằng cách dùng hẳn một lực lượng dư luận viên đông đảo, rồi an ninh tôn giáo hoạt động dữ dội thì họ chả nói gì đến cả".

Câu hỏi tương tự cũng đã được chúng tôi đề cập đến với nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn, ngay sau khi Hội nghị trung ương sáu kết thúc, ông trả lời rằng lý do của việc xóa bỏ ba ban chỉ đạo đó là vấn đề tài chính, không còn ngân sách cho các ban này hoạt động nữa.

Chúng tôi kết thúc cuộc trao đổi với cô Đoan Trang với câu hỏi rằng nhóm nghiên cứu của cô có gửi báo cáo này đến các cơ quan chức trách của Việt Nam hay không, cô trả lời rằng cô và một số bạn bè đã từng gửi một báo cáo về môi trường đến các cơ quan của Quốc hội Việt Nam, nhưng được đón nhận hết sức lạnh nhạt. Lần này, cô tiếp lời là báo cáo sẽ không được gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng sẽ được đưa lên mạng, thì nó cũng có một sức mạnh lan tỏa lớn đến với mọi người.

Chúng tôi đã gửi bản báo cáo này đến ông Dương Ngọc Tấn, Phó Ban Tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, qua đường email, với lời đề nghị bình luận. Chúng tôi nhận được một email trả lời rằng đã nhận được báo cáo, nhưng không có lời bình luận nào.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 08/11/2017

Báo cáo về tự do tín ngưỡng và tôn giáo, Phạm Đoan Trang, 2017.

Published in Diễn đàn