Nội bộ các bộ ngành liên quan đến thương mại và kinh tế ở Việt Nam đang tìm cách đổ vấy trách nhiệm cho nhau sau khi nổ ra vụ Mỹ đánh thuế thép Việt.
Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm việc Mỹ đánh thuế thép Việt ?
Chỉ ít ngày sau sự xuất hiện biệt danh "kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất" của Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại nước này đã thông báo sẽ đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% - một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017.
Trên trang báo một Thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng Bộ Công thương là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc thép Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 456%. Suốt hơn 1 năm qua Bộ Công thương đã không có động thái "phòng vệ thương mại" trước các rủi ro do hàng hóa từ những nước đang bị Mỹ trừng phạt muốn mượn đường Việt Nam để lẩn tránh các mức thuế suất cao.
Ông Bảo cho biết ông đánh giá rất thấp Bộ Công thương khi bộ này không có những động thái nào thể hiện việc chuẩn bị những phương án đối phó chiến tranh thương mại, trong khi đây là một bộ rất quan trọng về lĩnh vực kinh tế.
"Nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc bị đánh thuế này từ cả năm trước nhưng chúng ta vẫn ứng phó không hiệu quả. Khi ngành thép bị trừng phạt thì nó còn vẽ ra một viễn cảnh khác là những ngành hàng khác cũng có thể bị trừng phạt theo, vì phía Mỹ cho rằng nếu chúng ta không có những giải pháp nghiêm túc thì họ sẽ mở rộng việc đánh thuế. Như vậy, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với kinh tế Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bảo, nhiều động thái của Chính phủ và Bộ Công thương bây giờ là phòng vệ thương mại. Lẽ ra vấn đề này phải được đặt ra từ lâu. Bây giờ mới tiến hành thì khác gì "mất bò mới lo làm chuồng".
Một điều nữa, ông Bảo cho rằng rất khôi hài và bất ngờ là sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương thì Bộ Công thương thừa nhận vẫn chưa biết định nghĩa như thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam". Nếu vậy thì dựa trên cơ sở nào để kết tội hàng hóa của người ta là hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt ?
Trong thực tế, nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ không chỉ là việc Việt Nam đứng hàng thứ 5 trong những quốc gia xuất siêu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ, mà còn là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế "thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc" vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Minh Quân
Nguồn : VOA, 13/07/2019
4 năm sau chuyến đi Úc thất bại của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đến lượt một phó thủ tướng hiện thời là Phạm Bình Minh phải mở miệng ‘mong Australia tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam’ khi tiếp Đại sứ Australia Craig Chittick đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 15/03/2018.
Vào đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi Úc để "khuyến mãi" nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) đối với Việt Nam.
Từ đó đến nay đã không có bất kỳ công ty Úc nào quan tâm đến núi nợ xấu lên đến hàng triệu tỷ đồng trong các ngân hàng Việt Nam, trong khi phần ODA của Úc cấp cho Việt Nam hàng năm cứ teo tóp theo thời gian.
Từ trước tới nay, ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế "đúng quy trình" của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.
Mặc dầu nhiều lần quốc tế đã đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án về dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức.
Các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng tài trợ cho chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để "cải cách luật pháp" và "chống tham nhũng", nhưng việc này dường như cũng không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam.
Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có "thiện cảm" với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền "ăn của dân không chừa thứ gì".
Sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công lên đến ít nhất 210% GDP - vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế thì thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể vừa hoan hỉ nhận tín dụng quốc tế vừa thẳng tay đàn áp nhân quyền.
Dù các bộ ngành vẫn cố tuyên truyền là còn đến 22 tỷ đô la mà Việt Nam đã ký với đối tác quốc tế nhưng chưa giải ngân, sự thật là từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh khắt khe hơn hẳn, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.
Sau vài chục năm tận tình đào mỏ ODA, cuối cùng mọi thứ đã đắt gấp đôi. Nếu từ năm 2014, Việt Nam đã gần như trắng tay ODA, thì vào năm 2018 này, có thể xem là không còn ‘ODA ưu đãi’ nữa.
Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh… đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.
Bất chấp vụ Nguyễn Văn Bình đã ‘cố ý làm trái’, tình trạng của 3 ngân hàng 0 đồng vẫn thật tồi tệ, khiến cho Vương Đình Huệ phải mở miệng chào bán các ngân hàng này cho Hàn Quốc.
Vì sao Vương Đình Huệ phải chào bán ngân hàng 0 đồng trong chuyến thăm Hàn Quốc ?
Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 6 năm 2019, Vương Đình Huệ đã tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, công ty tài chính hàng đầu của Hàn Quốc là Tập đoàn Shinhan và Công ty Alliex tại thủ đô Seoul và gợi ý các ngân hàng của Hàn Quốc có thể xem xét mua lại các ngân hàng yếu kém đang được cơ cấu lại hiện nay như OCEAN Bank, GPBank và CBBank, hoặc mua lại một công ty tài chính của Việt Nam khi thị trường này đang diễn ra sôi động ở Việt Nam.
Vì sao phải chào bán những ngân hàng trên ? Thực chất của những ngân hàng trên là thế nào ?
Vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là "tuyệt mật" nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Cả ba ngân hàng này lại đều có quan chức lãnh đạo bị khởi tố và sau đó bị truy tố lẫn án tù rất cao - từ chung thân Hà Văn Thắm đến tử hình Nguyễn Xuân Sơn.
Tại kỳ họp quốc hội tháng Năm năm 2018, một báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nướctrình ra Quốc Hội đã cho biết tỉ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng VNCB, OceanBank và GPBank được Ngân Hàng Nhà Nước mua lại 0 đồng đã lên mức rất cao và bị âm vốn gần cả tỷ đô la. Nợ xấu của VNCB (chưa bao gồm nợ của các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) ở mức 18.073 tỷ đồng, chiếm đến 95% dư nợ. Nợ xấu của Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,3% dư nợ. Còn nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,3% dư nợ.
Cần nhớ lại, tác giả kiêm đạo diễn vụ mua Ngân Hàng Xây Dựng (CBBank hay còn gọi là VNCB), Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) với giá 0 đồng chính là Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước vào thời gian đó.
Phải chăng Thống Đốc Bình làm theo lệnh của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để "đạt thanh tích trước Đại Hội 12," nghĩa là vừa bảo đảm "nợ xấu không vượt quá 3%," vừa "khoanh" những ngân hàng xấu mà không để bị phá sản – một bằng chứng mà nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ bị những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng triệt để để quy trách nhiệm "điều hành yếu kém" đối với ông ?
Hay hành động Ngân Hàng Nhà Nước quyết định mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng là một chiêu thức thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích ngân hàng ?
Hay hành vi mua 3 ngân hàng giá 0 đồng nhắm tới cả hai mục tiêu được che giấu trên ?
Ngân hàng nhà nước lấy tiền ở đâu để mua các ngân hàng trên, dù là tuyên bố mua giá 0 đồng" ?
Từ sau vụ mua bán có vẻ rất ám muội trên, rất nhiều dư luận đã đặt dấu hỏi lớn về ý đồ Ngân Hàng Nhà Nước đã dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để giải cứu những ngân hàng thương mại sắp đổ bể.
Nhưng từ sau Đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân Hàng Nhà Nước lấy đâu ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời thỏa đáng nào từ phía Ngân Hàng Nhà Nước, còn Ủy Viên Bộ Chính Trị – Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình thì "trốn biệt."
Nếu quả đúng là Ngân Hàng Nhà Nước đã lấy 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để mua OceanBank như lời khai của ông Đinh La Thăng trong phiên tòa xử "Đinh La Thăng giai đoạn 2" vào đầu năm 2018, và cái cách lấy tiền ngân sách như vậy đã khiến ba ngân hàng trên đang dấn sâu vào tình trạng nợ xấu và kinh doanh tồi tệ, đây chính là một vụ cố ý làm trái với mức độ ghê gớm, xứng đáng để Nguyễn Văn Bình bị "hồi tố," sau đó bị khởi tố và truy tố, phải nhận một mức án không thua gì Đinh La Thăng.
Nhưng bất chấp vụ Nguyễn Văn Bình đã ‘cố ý làm trái’, tình trạng của 3 ngân hàng 0 đồng vẫn thật tồi tệ, khiến cho Vương Đình Huệ phải mở miệng chào bán các ngân hàng này cho Hàn Quốc.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 25/06/2019
Phá sản dự án được bảo lãnh lại là một trong những tiền đề dẫn tới phá sản… nợ công.
Nợ công -Tranh biếm họa
Một cuộc họp chuyên đề về nợ công của Bộ Tài chính vào đầu tháng 6 năm 2019 cho thấy số dư của Quỹ tích lũy trả nợ tính đến 31/12/2018 tương đương 82.680 tỷ đồng, thế nhưng trong năm 2018 Quỹ tích lũy trả nợ phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD). Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.
Dự án nhà máy giấy Phương Nam (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam quản lý) là một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương. Dự án này đã đắp chiếu từ lâu và 3 lần bán đấu giá nhưng không ai mua. Trong năm 2017, Chính phủ phải cho dự án này vay để trả nợ 182 tỷ đồng.
Tình hình trên khốn quẫn đến mức một quan chức của Bộ Tài chính là Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, phải cho biết "hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương xử lý, làm các thủ tục phá sản, bán đấu giả để thu hồi vốn, hoàn lại một phần tiền cho Quỹ tích lũy trả nợ".
Vào cuối năm 2017, Bộ Tài chính từng "rên rỉ" : "Hiện nay, quỹ tích lũy trả nợ định kỳ đang phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn. Đơn cử như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với khoản nợ dự kiến phải trả có thể lên đến 63.000 tỉ đồng gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính phủ vay về cho vay lại".
Những năm trước, hiện tượng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan, đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Và thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện "xù nợ" khi làm ăn lỗ lã.
Có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái.
Vào năm 2017, theo phân tích của một chuyên gia độc lập ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Còn người dân nghĩ gì ?
"Cơ chế bảo lãnh Chính phủ sẽ đẩy nợ công tăng cao, người dân phải è lưng gánh những món nợ khổng lồ" – giới chuyên gia và người dân một lần nữa phải gầm gào.
Đã đến nước này, quan chức từng là cấp phó nhiều năm của Nguyễn Tấn Dũng có muốn bảo lãnh cũng không được.
Vào năm 2017, Chính phủ chỉ dám bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp trong năm 2017. Mức bảo lãnh này là giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2,5 tỉ USD và 2016 là 1,5 tỉ USD), và giảm rất mạnh so với mức 6,6 tỷ USD của năm 2014.
Trong khi đó, Chính phủ và Bộ tài chính lại phải cắm đầu trả nợ. Khi đó, Ngân hàng thế giới đã đưa ra một cảnh báo rằng trong 3 năm tới, có đến 50% nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, một số đại biểu quốc hội đã xót xa cho két ngân sách hộc rỗng bằng cách một lần nữa hô hào "phải vay nhiều tỷ USD nhưng lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm !".
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu thì "thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc…". Còn theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng" - ông Hàm than thở.
Cần chú ý là vào năm 2017, Bộ Tài chính và Chính phủ còn chưa nói đến khả năng cho phá sản các dự án được chính phủ bảo lãnh, nhưng đến năm 2019 thì khả năng đó hầu như là hiển nhiên.
Phá sản dự án được bảo lãnh lại là một trong những tiền đề dẫn tới phá sản… nợ công.
Nợ công Việt nam sẽ vỡ tung trong ít năm tới ?
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 17/06/2019
‘Lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm !’, hay lại tìm cách móc túi dân ?
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, một số đại biểu quốc hội đang xót xa cho két ngân sách hộc rỗng bằng cách một lần nữa hô hào "phải vay nhiều tỷ USD nhưng lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm !".
Nguyễn Xuân Phúc cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu thì "thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong khi đó, lượng vàng và ngoại tệ của dân còn rất lớn".
Còn theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng", ông Hàm than thở.
Những lời kêu gào ‘vét’ vàng và ngoại tệ trên xảy ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017, 2018 và 2019 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015.
Trong khi đó, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…
Vào tháng Mười năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một lần nữa (lần thứ 4) nhắc "Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển".
Chưa bao giờ kể từ khi nhậm chức thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tâm thế sốt ruột đến thế khi cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân, dù đến nay Ngân hàng nhà nước vẫn chỉ biết cách duy nhất để gom là cho in tiền ồ ạt và tung hàng núi tiền đồng ra thị trường tự do để thu mua ngoại tệ và vàng.
Không chỉ thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng, mà từ sau đại hội 12 đến nay, khá nhiều lần Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã tung ra chính sách "sẽ huy động vàng" trong dân, tái hiện lại chủ trương mà Ngân hàng nhà nước đã có đề án 'lấy mỡ nó rán nó" vào cuối năm 2011 nhưng không thành công vì gây ra nhiều nghi ngờ.
Lần này cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại càng gia tăng nỗi lo lắng và cả sợ hãi về "quyết tâm thu hồi vàng trong dân" của Ngân hàng nhà nước, nhưng trong thực tế nhiều năm qua chính quyền vẫn chưa có giải pháp đủ thuyết phục nào, hoặc chẳng bao giờ có được giải pháp nào đủ thuyết phục, để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng.
500 tấn vàng trong dân, cũng bởi thế, vẫn giống như mỡ treo miệng mèo mà chưa thể ‘hốt’ được’.
Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Đại Dương, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu, cùng nhiều dấu hiệu rủi ro ở Agribank, Vietinbank, Eximbank, DongAbank..., cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như..., hoặc hiện tượng "tiền tiết kiệm bốc hơi" xảy ra trong những năm gần đây đã khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ "không cánh mà bay".
Từ khi Ngân hàng nhà nước dự trù thực hiện đề án huy động vàng vào năm 2011, đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có những giải pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào từ phía Ngân hàng nhà nước để trưng ra sự bảo đảm của họ.
Điều đơn giản là nếu lần này Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng trong dân nào tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 05/06/2019
Ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bới những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất.
Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh
Cũng trong tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Phúc đã vội vã đi Na Uy và Thụy Điển để vận động cho EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).
Trước đó một tháng, Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Cộng hòa Czech và Romania, hai nước thành viên của EU.
Tuy chỉ là một quốc gia nhỏ trong khối EU, nhưng Romania lại đóng vai trò khá quan trọng vì hiện thời đang là chủ tịch luân phiên của EU. Dựa vào ‘mối quan hệ truyền thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em’ trước đây, hẳn chính thể cộng sản ở Việt Nam đang hy vọng có thể thuyết phục được Romania gật đầu cho EVFTA dễ dàng hơn là các nước Tây Âu đang căng thẳng với Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Ngay trước chuyến đi trên của Nguyễn Xuân Phúc là chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA của Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội Việt Nam.
Hai chuyến đi liên tiếp trong một thời gian ngắn của hai nhân vật còn lại trong ‘tam trụ’ đã phản ánh nhu cầu ‘mót’ EVFTA của chế độ độc đảng đến mức nào.
Sau tháng 2 năm 2019 khi EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội, EVFTA vẫn bị treo ở đó mà chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy EVFTA ‘sẽ được ký kết và phê chuẩn vào cuối tháng Sáu’ như một số nguồn tin của đảng và ‘thân đảng’ khấp khởi trước đó.
Vào lúc này, có thể những người Âu Châu đã đã rút ra được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận và vô nghĩa với Việt Nam : chính sách ‘đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại’ của Việt Nam là cực kỳ ‘xuyên suốt’ cho đến khi nào chính thể này còn chưa bị đẩy vào chân tường.
Không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vào thời gian này vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Sát ngày 3 tháng Tư năm 2019 kỷ niệm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, công an Việt Nam lại bắt bớ hàng loạt người dân và quy cho họ ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Chưa kể nhiều người bất đồng chính kiến đã bị công an bắt cóc từ ngày quốc kháng 2/9 năm 2018 mà cho tới nay vẫn chưa được trả tự do.
Cũng sát ngày 30/4 năm 2019, Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - đã công khai ‘hứa với Bộ Chính trị sẽ không để xảy ra biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh’ - một loại cam kết mà cho thấy não trạng và hành xử của đảng cầm quyền trước sau như một vẫn chỉ là tiếp tục ém nhẹm quyền biểu tình của người dân - đã được hiến định trong hiến pháp 1992, và câu giờ càng lâu càng tốt việc ban hành Luật Biểu tình - cũng là một trong những đòi hỏi về pháp luật nhân quyền của Nghị viện Châu Âu trong bản nghị quyết nhân quyền được cơ quan này nêu ra vào giữa tháng 11 năm 2018.
Nhiều khả năng phía Na Uy và Thụy Điển đã chỉ hứa hẹn chung chung ‘ủng hộ Việt Nam tham gia vào EVFTA’, nhưng không có bất kỳ văn bản cam kết nào về việc này, cũng không khẳng định bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào để ‘tiến tới ký kết EVFTA’.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 03/06/2019
Bộ Công an lại phải chịu một vết đen nhơ nhớp bởi cách thông tin cái sau đá cái trước của bộ này về vụ Bùi Quang Huy.
Vụ khám xét cơ sở Nhật Cường có phải là động tác đánh động cho Bùi Quang Huy bỏ trốn ?
Ngày 31/5/2019, bộ này tổ chức một cuộc họp báo vào để thông tin về "ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án".
Theo Lương Tam Quang - Chánh văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam, do trong thời gian khám xét, Bộ Công an chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
"Riêng Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vụ án, đã không đến trình diện, mặc dù đã vận động gia đình, và cũng không có mặt ở nơi cư trú. Do vậy, ngày 18/5, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy" - tướng Quang giải thích thêm trong cuộc họp báo ngày 31/5.
Vở kịch chỉ được tái công diễn nhưng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử ‘và giá trị ‘nghệ thuật’ của nó. Cả Dương Chí Dũng vào năm 2012, Trịnh Xuân Thanh năm 2016, Vũ Đình Duy và Vũ ‘Nhôm’ trong năm 2017 đều đã được mật báo bởi những người ‘trong ngành’ và đều có thời gian để cao bay xa chạy.
Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội "Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" - được hiểu rõ ràng là Huy đã phải tra tay vào còng. Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.
Có nghĩa là Bùi Quang Huy đã có đến 5 ngày để dư dả thời gian chuẩn bị mọi thứ và đào tẩu trước khi lệnh bắt có hiệu lực.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã lập tức phản bác cách đưa tin lấp liếm của Bộ Công an : "Sao bắt hàng được mà bắt người thì không ? Nhẽ ra lúc đó anh có thể khởi tố vụ án và bị can cùng lúc".
Trước đó khi kỳ họp quốc hội mới khai mạc, một đại biểu quốc hội là ông Lê Thanh vân đã liên tiếp xuất hiện trên mặt một số tờ báo nhà nước với những câu hỏi và nhận định ‘chết người’ dành cho Chung ‘con’ và Bộ Công an : "Khả năng thứ nhất là lộ lọt, qua quá trình triển khai nghiệp vụ để lộ lọt thông tin và bị can biết được nên trốn thoát. Khả năng thứ hai là quy trình không chặt chẽ, quá trình làm việc xác minh chưa chặt chẽ. Khả năng thứ ba là có người nào đó báo tin cho bị can Bùi Quang Huy".
Rốt cuộc, kẻ nào đã mật báo cho Bùi Quang Huy để ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn ngay trước mũi Bộ Công an, Nguyễn Xuân Phúc và cả ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng mới ốm dậy ?
Vụ khám xét cơ sở Nhật Cường có phải là động tác đánh động cho Bùi Quang Huy bỏ trốn ? Các cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra và quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an đã ‘làm ăn’ đến nông nỗi nào mà khiến lại phát sinh thêm một Bùi Quang Huy đến mức phải ‘truy nã quốc tế’, sau những tiền lệ sắc máu như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, Phan Văn Anh Vũ ?
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 02/06/2019
Rốt cuộc, phép thử 29/5 trình Công ước 98 đã không mang lại may mắn cho Nguyễn Phú Trọng. Việc ông ta phải ủy quyền cho Đặng Thị Ngọc Thịnh, dù trước đó Trọng đã cho báo đảng loan báo rộng rãi và chắc chắn về sự xuất hiện của ông ta vào thời điểm đó, cho thấy đã xảy ra một sự cố nào đó khiến ông ta phải cam chịu một lần nữa ‘biến mất’, bất chấp vô số phản ứng dư luận thật sự bất lợi.
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước khi bị đột quỵ hôm 14/04/2019 tại Kiên Giang - Tranh minh họa
"Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế" - như báo đảng đưa tin đúng vào ngày 29/5.
Ít hôm trước lần ‘tái xuất’ đầu tiên vào ngày 14/5 kể từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh quật đổ ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, báo đảng đã vội vã thông tin về việc ‘Chủ tịch nước sẽ trình Công ước 98 ra Quốc hội vào ngày 29/5’, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của ông ta.
Sau đó, Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp xuất hiện tại vài sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên ; đặc biệt là ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ - là hai cuộc họp mà về nguyên tắc là tuyệt đối bảo mật, nhưng trong thực tế lại được Đài truyền hình Việt Nam dẫn thẳng lên sóng về phát hình và phát âm, khiến dậy lên dư luận về việc Trọng và Bộ Chính trị đảng đã nặng về ‘trình diễn’ trong những cuộc họp đó.
Nhưng đến phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào ngày 20/05/2019 thì Nguyễn Phú Trọng lại… biến mất. Dấu ấn của phiên khai mạc này là đã không có bất cứ hình ảnh nào về Trọng, và trong lời giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp cũng không có thể loại ‘kính thưa đồng chí…’ như thường thấy trong những kỳ họp trước. Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.
Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.
Trước đó, đã ba lần đảng tìm cách định hướng cho dư luận về ‘sức khỏe đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đang phục hồi nhanh chóng’ qua các kênh Bộ Ngoại giao và hai ủy viên bộ chính trị là Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân.
Khi đó Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời cử tri quận 3 : "Sức khỏe Tổng bí thư đang ngày càng tốt lên. Về sức khỏe thì mỗi người có một mức độ khác nhau, chúng ta không thể tự đưa ra một thời hạn nhất định nào được. Nhưng tôi tin rằng cử tri sẽ sớm thấy Tổng bí thư xuất hiện làm việc".
Cách nói mập mờ của Nhân không chỉ thêm một lần nữa xác nhận Nguyễn Phú Trọng bị bệnh thật, mà còn gián tiếp khiến cho người ta hiểu rằng không biết đến khi nào Trọng mới hồi phục.
Cho đến lúc này, việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 29/05/2019
*******************
Phó chủ tịch nước thay ông Trọng trình Quốc hội về Công ước số 98 (RFA, 29/05/2019)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sáng 29/05/2019. Báo trong nước đưa tin cùng ngày.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Courtesy of VnExpress
Như vậy thực tế không như truyền thông Việt Nam loan tin hồi ngày 11/5 là ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, sẽ ra trước Quốc hội trình bày tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của ILO.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Kiên Giang làm việc trong hai ngày 13 và 14/4, có tin ông bị bệnh nặng phải đưa về Sài Gòn rồi ra Hà Nội chữa trị.
Mãi đến cả tháng sau ông này mới xuất hiện trở lại trong cuộc họp với 4 lãnh đạo cấp cao của đảng và chính phủ, và tiếp đến là cuộc họp Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Trở lại với Công ước số 98 với 3 nội dung cơ bản : người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm ; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, cơ bản quy định pháp luật Việt Nam tương thích với quy định của Công ước. Tuy nhiên nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98 thì cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012.
Truyền thông trong nước dẫn trình bày của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộiLao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trước Quốc hội rằng việc gia nhập Công ước 98 là để thực hiện cam kết của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA).
Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019) yêu cầu các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.
*****************
Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vắng mặt khi phải trình "Công ước 98" (Người Việt, 29/05/2019)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Hình : VietnamNet)
Hôm 29/05/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại Quốc hội và ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình "Công ước 98".
Đây là sự kiện quan trọng mà việc "tái xuất" của ông đã được các báo công bố từ vài tuần trước.
Báo Thanh Niên hôm 10/5 đã khẳng định ông Trọng sẽ đảm nhận việc này vì "việc gia nhập Công ước 98 và các công ước còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)".
Nay thì các báo nhà nước đồng loạt đăng tin ông Trọng ủy nhiệm cho bà Thịnh trình Công ước 98 mà không nói rõ lý do. Hành động này càng củng cố suy đoán rằng sức khỏe của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam chưa thật sự hồi phục sau khi ông này bị đột quỵ hồi Tháng Tư.
Thậm chí, có tin lan truyền trên mạng xã hội rằng ông Trọng "vẫn đang phải ngồi xe lăn", và hai lần xuất hiện "họp hội nghị cán bộ chủ chốt" và phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (hôm 16/5) là ông được bố trí ngồi sẵn trên ghế trước khi những người khác được vào khán phòng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10. (Hình : Zing)
Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc trình Công ước 98 là người trình phải đứng đọc văn bản, trong lúc hai lần xuất hiện gần nhất, ông Trọng được thấy ngồi trên ghế, thậm chí có dây đeo an toàn (seatbelt) như đang ngồi trên phi cơ.
VietnamNet hôm 29/5 tường thuật : "Người hưởng lợi chủ yếu của Công ước 98 là người lao động vì giới này sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả".
Tờ báo trích lời bà Thịnh : "Việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ dử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Việc này cũng sẽ trợ giúp việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản".
Tuy vậy, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bình luận trên Đài VOA Việt Ngữ hôm 29/5 : "Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn".
"Công ước 98 mà phía Việt Nam dự kiến sẽ ký và phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội được xem là công ước ‘nhẹ’ nhất về những điều kiện cải thiện nhân quyền, trong lúc hai công ước quốc tế còn lại về lao động vẫn kiên định mất tích. Một trong hai cái là Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động", ông Dũng viết.
Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn dẫn link bài về Công ước 98 và bình luận trên trang cá nhân : "Vấn đề thành lập các công đoàn độc lập của người lao động sao không thấy nhắc đến ? Công đoàn độc lập là yêu cầu then chốt của các hiệp định thương mại quốc tế".
Đến nay, vẫn chưa rõ thời điểm ký kết EVFTA, trong lúc báo Lao Động hôm 10/5 úp mở : "Việt Nam và EU thúc đẩy ký chính thức EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) trong những tuần tới". (T.K.)
Có thể tin được Thanh tra chính phủ sẽ công tâm trong ‘kiểm tra tăng giá điện’ hay không ?
EVN đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm 2019, nhưng đến khi tính giá điện cụ thể với các hộ gia đình thì lại xảy ra quá nhiều trường hợp người dân ngã ngửa khi mức thu hàng tháng vọt đến 50 - 70% so với tháng trước.
EVN đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm 2019
Chỉ sau khi dư luận, mạng xã hội, báo chí quốc doanh và có thể cả ‘một bộ phận không nhỏ’ trong số giới đồng chí trong nội bộ đảng cầm quyền phản ứng dữ dội về thảm họa tăng giá điện vô tội vạ của Bộ Công thương và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), giới chóp bu của chính phủ ‘kiến tạo thuế’ mới vội vàng chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ tiến hành ‘kiểm tra việc tăng giá điện’ như một động tác chữa cháy.
Vào năm 2011, EVN từng bị thanh tra và bị phát hiện đã hạch toán cả các công trình hồ bơi và sân tennis vào giá thành điện và bắt người tiêu dùng phải lãnh đủ. Nhưng bất chấp báo chí và dư luận kêu gào, từ đó đến nay Thanh tra chính phủ có bất kỳ xử lý nào. Khi đó, đã dậy lên rất nhiêu dư luận về biệc các thành viên trong đoàn thanh tra của Thanh tra chính phủ đã được ‘lót tay’ hậu hĩ.
Vụ việc cho chìm xuồng đó là quá lộ liễu và trơ trẽn, đến mức danh sách ‘tội đồ ngành điện’ ngoài Bộ Công thương, EVN còn được bổ sung thêm cái trên Thanh tra chính phủ.
Dưới thời Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, còn nhiều vụ bê bối khác đã nhanh chóng bị chìm xuồng.
Vào năm 2015, EVN bị phát hiện trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng – theo một kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Thành phố Hồ Chí Minh mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỉ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này…
Trước đó, vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến nay, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN giải quyết xong.
Cho tới nay, cấp trên trực tiếp của EVN vẫn là Bộ Công thương - một ‘cá mập’ lớn mà suốt từ thời cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến bộ trưởng đương nhiệm là Trần Tuấn Anh, con trai của Trần Đức Lương cựu chủ tịch nước và thuộc diện cán bộ ‘hót hay nhảy giỏi’, đều trắng trợn bao che cả tập đoàn tài phiệt trên không chỉ cho những âm mưu tăng giá điện, mà còn về hàng loạt cú xả lũ thủy điện bất nhân của EVN từ năm 2013 đến nay ở các tỉnh miền Trung mà đã trở thành tác nhân chính giết sống ít nhất hàng trăm mạng dân nghèo nơi rốn lũ.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 28/05/2019
Nguồn cơn ẩn giấu nào khiến ‘nợ công Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015’ ?
Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Nợ công Việt Nam - Tranh biếm họa (Nhốp)
Trong Báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính dự kiến Nợ công Việt Nam năm 2018 sẽ đạt mức 58,4%, thấp hơn các năm từ 2015 – 2017 (nợ công giai đoạn này lần lượt là 61,3% – 63,7% – 61,3%).
Theo đó, "các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 -2020 và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và báo cáo Quốc hội số 46/BC-CP ngày 19/10/2018 của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2018 và dự kiến năm 2019".
Trước đó tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, Nguyễn Xuân Phúc - quan chức thủ tướng bị dư luận đánh giá là còn ‘nổ’ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, đã khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP - tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn trên là 65% GDP.
Nhưng có thực như vậy không ?
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp "vỡ" và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Đó là nguồn cơn vì sao Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017 - lại cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, dù loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.
Điều trớ trêu là vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ : "Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần".
Đó là lần đầu tiên ông Phúc tỏ ra cám cảnh thật sự trước tình cảnh ‘đổ vỏ’ của mình cho đời thủ tướng trước là Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí sau đó ít lâu, ông Phúc còn thốt ra một tán thán khác ấn tượng không kém : ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’.
Tuy nhiên từ đó đến nay, Thủ tướng Phúc đã im bặt mà không còn bất kỳ lời thú nhận thực nào về cảnh nạn khốn khó của ngân sách và nợ công nữa. Thay vào đó, quan chức này đi nhiều địa phương mà gần như ở đâu cũng được ban tặng là ‘đầu tàu kinh tế của cả nước’ - một thủ thuật chính trị mà dư luận chẳng khó gì để nhìn ra ngay động cơ của ông Phúc muốn vận động sớm cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021.
Ngày càng dày đặc dấu hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Trước khi bị "rớt đài" tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bị các đối thủ chính trị đả kích mạnh về thói huênh hoang thành tích nhưng rất thiếu cơ sở khoa bọc. Còn giờ đây, Thủ tướng Phúc cũng có thể phải đối mặt với những đối thủ chính trị không ưa gì ông và luôn biết cách khai thác điểm yếu của ông, nhất là căn bệnh "giả số liệu".
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 24/05/2019