Một sự trùng hợp rất đáng chú ý và mổ xẻ là chỉ vài ngày sau cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ, vào tháng Mười năm 2018 Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một lần nữa (lần thứ 4) nhắc "Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển".
Cảnh báo nạn móc túi ! Ảnh minh họa
Không chỉ thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng, mà từ sau đại hội 12 đến nay, khá nhiều lần Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã tung ra chính sách "sẽ huy động vàng" trong dân, tái hiện lại chủ trương mà Ngân hàng nhà nước đã có đề án 'lấy mỡ nó rán nó" vào cuối năm 2011 nhưng không thành công vì gây ra nhiều nghi ngờ.
Lần này cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại lo lắng về "quyết tâm thu hồi vàng trong dân" của Ngân hàng nhà nước, nhưng trong thực tế chính quyền vẫn chưa có giải pháp đủ thuyết phục nào để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng.
Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Agribank, ACB, Vietinbank..., cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như..., hoặc hiện tượng "tiền tiết kiệm bốc hơi", đã khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ "không cánh mà bay".
Từ khi Ngân hàng nhà nước dự trù thực hiện đề án huy động vàng vào năm 2011, đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có những giải pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào từ phía Ngân hàng nhà nước để trưng ra sự bảo đảm của họ.
Điều đơn giản là nếu lần này Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 400 tấn vàng trong dân nào tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.
Trong khi đó, vụ chính quyền thành phố Cần Thơ thình lình ‘đánh úp’ công dân Nguyễn Cà Rê khi ông này vào tiệm vàng chỉ để đổi tờ 100 USD do người thân của ông tặng đã khiến bật ra dấu hiệu có thể sắp rơi vào tình trạng cạn kiệt của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Từ tháng Năm - Sáu năm 2018, tình hình vét đô cho Quỹ dự trữ ngoại hối đã chậm hẳn lại, để cho đến nay không còn nghe báo cáo thành tích dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng phi mã. Cũng trong thời gian đó, chính phủ Nguyễn Xuân phúc và hai cơ quan tham mưu là Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa, trong nhiều lần kể từ năm 2011 đến nay - phải tính đến việc gom 500 tấn vàng trong dân, mà rất có thể sẽ được quy đổi sang USD để trả nợ nước ngoài. Cùng lúc, một chuyên gia Ngân hàng thế giới, không biết lấy thông tin từ đâu, đã ‘chỉ điểm’ cho chính phủ Việt Nam rằng trong dân Việt còn tới 60 tỷ USD nhàn rỗi - hàm ý tha hồ mà vét…
Một lần nữa, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và hẳn phải nhận được sự đồng thuận rất cao trong ‘tập thể Bộ Chính trị’ có thể đã phải tính đến kế vét đô bằng cách ép dân phải bán USD cho ngân hàng chứ không được giao dịch trên thị trường tự do, để sau đó các ngân hàng phải bán lại USD cho Ngân hàng nhà nước theo ‘giá nội bộ’.
Cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ có thể là phát súng thăm dò, để nếu thuận lợi mà không bị một xã hội ‘cừu’ phản ứng nhiều thì sẽ mở màn cho chiến dịch ép buộc người dân phải bán đô cho ngân hàng như thế, làm giàu hơn cho Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ cho nước ngoài vào năm 2018 và những năm sau.
Hai động thái ‘vét’ vàng và ngoại tệ trên xảy ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,l5 tỷ USD vào năm 2015…
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 31/10/2018
Tình cảnh đối với ngân sách Việt Nam hiện thời còn hơn cả một vòng luẩn quẩn : nếu không vay thêm nước ngoài thì không thể đảo nợ, mà không đảo nợ được thì lại không thể vay thêm !
Vòng lẩn quẩn của nghèo và dốt
Kỳ họp quốc hội vào tháng 10 - 11 năm 2018 một lần nữa rón rén đề cập tình trạng "số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh" - được phát ra bởi Ủy ban Tài chính ngân sách quốc hội.
Có thể nhận ra thực trạng nào từ đánh giá trên ?
Tình hình đã trở nên khốn quẫn thực sự mà dù không hề muốn nhưng từ nay về sau các cơ quan tài chính của một quốc hội quen não trạng ‘gật’ cũng phải nhảy nhổm lên.
Cho dù toàn bộ ‘tập thể Bộ Chính trị’, chính phủ và quốc hội đã ‘nhất trí cao’ để vào cuối năm 2017 thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) mà không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, trong khi loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc, một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Tức cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP- gấp hơn 3 lần con số 61,4% GDP trong báo cáo mới nhất của Thủ tướng Phúc vào trước quốc hội vào tháng Mười năm 2018.
Cho đến nay, nợ công quốc gia vẫn còn y nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Trong thực tế, cứ mỗi năm ngân sách Việt Nam lại phải xuất ra khoảng 5 tỷ USD để trả tiền lãi cho các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), Nhật Bản… Còn nếu tính cả khoản trả nợ gốc, ngân sách Việt Nam có thể phải chi ra đến 10 – 12 tỷ USD/năm để trả nợ nước ngoài.
"Hiện, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, mà nguồn trả nợ sử dụng là từ vay mới" – đây là một sự thừa nhận hiếm có trong báo cáo của các ngành chức năng Việt Nam tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017.
Sau một thời gian dài cố gắng bưng bít thông tin và chỉ đạo báo chí nhà nước né tránh tối đa cụm từ "vay đảo nợ" với lý do "hết sức nhạy cảm", từ cuối năm 2015 đến nay và cùng với hình ảnh thăng hoa tung tóe của ngân sách cạn kiệt, "vay đảo nợ" đã dần được công khai hóa trên báo chí và cuối cùng đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận như một cách nói không còn trốn đi đâu được.
Có khả năng là ngân sách Việt Nam đã phải "vay đảo nợ" từ năm 2011 – thời điểm mà Chính phủ phải ra nghị quyết về thắt chặt đầu tư công và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khan tiền mặt trong hệ thống ngân hàng, khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng vọt đến 20 – 30% /năm.
Chỉ có điều, chính vào lúc giới quan chức cao cấp Việt Nam buộc phải dần chấp nhận những cụm từ "nhạy cảm chính trị", cơ chế cho vay đảo nợ từ quốc tế lại không còn "thoáng" như xưa. Nếu trong suốt vài chục năm trước, Việt Nam được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn để trả nợ lên đến 30 – 40 năm, thì từ tháng Bảy năm 2017, các chủ nợ quốc tế đã chấm dứt chế độ ưu ái đó, thay vào đó là mức lãi suất cho vay tăng gấp ba lần "thời xa vắng" – từ 2,5 đến 2,7%/năm, còn thời gian ân hạn giảm xuống chỉ còn 15 – 20 năm.
Trong tình cảnh quỹ dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng 60 tỷ USD mà trong đó có đến 12 tỷ USD thuộc về trái phiếu chính phủ Mỹ, phần còn lại phải lo chống đỡ con bão nhập siêu từ Trung Quốc lẫn chi tiêu "ngoài kế hoạch" của chính phủ lẫn khối đảng, đồng thời ngân sách không còn bất kỳ khoản kết dư nào để trả nợ nước ngoài, Việt Nam chỉ còn biết cách cắm đầu vay mượn quốc tế, dù với lãi suất cao hơn nhiều so với trước, để đảo nợ.
Tình cảnh đối với ngân sách Việt Nam hiện thời còn hơn cả một vòng luẩn quẩn : nếu không vay thêm nước ngoài thì không thể đảo nợ, mà không đảo nợ được thì lại không thể vay thêm !
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 29/10/2018
Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.
Hội nghị trung ương 8 ra nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’
Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà ‘tân chủ tịch nước’ Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cho Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền - diễn ra vào đầu tháng Mười năm 2018 - ban hành một nghị quyết đáng chú ý : "chiến lược lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển".
Nhưng vì sao phải ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ ?
Về thực chất, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã hầu như cạn kiệt, bao gồm cảnh nạn khai thác khoáng sản vô thiên lủng từ nhiều năm qua, trong khi độ che phủ rừng thực tế đã giảm xuống dưới 20% và khiến Việt Nam, thay vì xuất khẩu gỗ như cách đây ba chục năm, đã và đang phải nhập khẩu gỗ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ còn biển và trữ lượng dầu khí dưới biển là còn tiềm năng để mang lại ngoại tệ cứu đảng trong một thời gian có hạn, có thể chỉ đến năm 2022.
Chẳng phải tự nhiên mà trong một kỳ họp quốc hội vào năm 2017 - trùng thời gian với ‘nỗi nhục bãi Tư Chính’ lần đầu tiên, một số ‘nghị gật’ đã đề nghị tăng sản lượng khai thác dầu khí hàng năm từ 1,5 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn hoặc thậm chí hơn thế.
Những thông tin mới nhất về tình hình thu thuế của năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đều cho biết ‘cơ cấu thu không bền vững’ vì phần lớn nguồn tăng thu đến từ khai thác dầu thô và thuế đất, trong khi khối sản xuất bao gồm các thành phần kinh tế quốc doanh, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài thì lại ì ạch đến khó tả và gây giảm thu khá lớn cho cái thùng ngân sách không đáy.
Hiện nay, Việt Nam có 3 dự án khai thác dầu khí lớn ở các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và Cá Voi Xanh.
Sau khi công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, còn Rosneft của Nga dù chưa thoái lui nhưng cũng chẳng thể nhúc nhích ở mỏ Lan Đỏ - đều trong cơn cám cảnh bởi nạn ‘khủng bố Trung Quốc’, chỉ còn mỏ Cá Voi Xanh với đối tác Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ hiện là niềm an ủi duy nhất cho chính thể Việt Nam thuộc loại văn dốt võ dát và một ngân sách Việt Nam đang sắp lao xuống vực thẳm.
Chi tiết đáng chú ý là chỉ ít ngày sau nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ của Hội nghị trung ương 8, Việt Nam đã đón tiếp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, cùng lúc với tin tức Mỹ chính thức công nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không" - một phát ngôn cứng rắn chưa từng có của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton.
Hẳn là người Mỹ cũng biết khá rõ là trong túi Việt Nam còn được bao nhiêu tiền, và làm thế nào để có được ngoại tệ trả nợ nước ngoài.
Không thể khác hơn và thật ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Để Việt Nam có thể ‘can đảm bám Mỹ’, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.
Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.
Chỉ có điều là trong mọi tính toán dựa dẫm vào Mỹ để khai thác dầu khí, tập đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng đã chẳng hề quan tâm đến tình cảnh dở sống dở chết của ngư dân Việt Nam trước cảnh nạn đâm phá và bắn giết của tàu Trung Quốc, càng không thèm quan tâm đến thảm họa xả thả chưa hề dừng lại của Formosa mà đã khiến nửa triệu dân miền Trung phải treo thuyền treo niêu và ly phương phiêu bạt.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 20/10/2018
Sau đám tang của Trần Đại Quang và sau khi ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ chính thức ngồi vào cái ghế chủ tịch nước do người vừa chết để lại, điều gì sẽ xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ?
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng vào năm 2015 và đã trở thành thủ tướng vào đầu năm 2016.
Một trong những cơ sở mang tính tham khảo cho khuynh hướng trên có thể đến từ bài ‘Nhất thể hóa’ ngày 30/09/2018 của blogger ‘lề đảng’ Huy Đức.
Bài viết trên, sau khi định hướng "Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam" và "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người" mà được rất nhiều người cho rằng đó là một thủ pháp PR gián tiếp cho Nguyễn Phú Trọng, đã có một đoạn đáng chú ý :
"Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với nội các".
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về "ai sắp bị bắt" hay "ai sắp chết"… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm.
Với bài ‘Nhất thể hóa’, có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Huy Đức công khai ‘dằn mặt’ thủ tướng, tuy không nói rõ ra cái tên Nguyễn Xuân Phúc, cũng như đã không nêu tên Nguyễn Phú Trọng trong bài viết này.
Đó là một dấu hiệu hơi đáng ngạc nhiên và mới mẻ.
Bởi sau đại hội 12, có tin cho biết Huy Đức không chỉ là ‘người của Trọng’ mà còn ‘đầu quân’ cho một phe cánh chính trị và lợi ích mới là Trương Hòa Bình (được cho phía sau là Trương Tấn Sang) và có thể cả Nguyễn Xuân Phúc.
Cho đến nay, điều chắc chắn hơn cả là blogger Huy Đức vẫn kiên trì giữ vai trò thầm lặng ‘người của Trọng’, từ sau bài ‘Bộ Tứ’ ngay trước đại hội 12 năm 2015 để định hướng dư luận ủng hộ Nguyễn Phú Trọng, cho tới bài ‘Nhất thể hóa’ gián tiếp đề cập Trọng và tiếp tục định hướng dư luận ủng hộ Trọng làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư.
Nhưng nếu nội dung đề cập của Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ về thủ tướng (Nguyễn Xuân Phúc) là mang chủ ý rõ rệt, đây là lần đầu tiên ‘cây bút tín hiệu’ này tiết lộ về một khoảng cách đang lớn dần, thậm chí có thể biến thành một cái hố phân cách giữa hai nhân vật trong ‘Tam trụ’ : Trọng và Phúc.
Lối viết răn đe của Huy Đức dành cho thủ tướng (Phúc) trong bài ‘Nhất thể hóa’ là không thể lầm lẫn. Hẳn đã phải xảy ra một số mâu thuẫn đủ trầm trọng nào đó trong thời gian qua, có thể từ giữa năm 2017 đến nay giữa Trọng và Phúc mà sẽ khiến tương lai của mối quan hệ này, sau khi Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành chủ tịch nước, sẽ khó bề êm dịu như giai đoạn từ năm 2015 - khi xuất hiện hiện tượng Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng, cho đến giữa năm 2017 là khoảng thời gian mà vẫn còn những biểu hiện cho thấy ‘cơm tương đối lành tương đối canh ngọt’ giữa hai quan chức này.
Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị ‘bệnh lạ’ mà đã ‘biến mất’ lần đầu tiên trong gần hết tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021. Ngoài thành tích ‘GDP tăng trưởng vượt bậc’, ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là ‘đầu tàu’, cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này ‘tự sướng’ đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 13’ và kể cả tại đại hội 13…
Cùng lúc, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến ‘nhóm sân sau’ của Thủ tướng Phúc - một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm thủ tướng. Tuy chưa đến mức thao túng chính phủ và ‘đớp hốt’ ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ tướng Phúc lại được cho là ‘rất nhiều triển vọng’ để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chính phủ và cả đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.
Vượt trên các ứng cử viên khác, Thủ tướng Phúc là người bộc lộ tham vọng chính trị rõ hơn hết trong vài năm qua.
Trong khi đó, khác hẳn với vẻ xởi lởi có vẻ dễ chịu khi còn làm chủ tịch quốc hội, Nguyễn Phú Trọng ngày càng giống với một lãnh đạo quyền biến và không hề ‘lú’. Tính cách gia trưởng, khe khắt, ‘làm nhân sự’ đến khó tin và đa nghi đang là những đặc tính nổi trội của ông Trọng để khiến ông ta chẳng ưa gì thói tráo trở chính trị và những kẻ mượn danh nghĩa ‘đốt lò’ của ông ta để trục lợi cá nhân.
Vào tháng Tám năm 2018, hiện tượng đơn thư tố cáo nội bộ lại xuất hiện trên mạng xã hội. Một lần nữa sau hai lần nửa cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại được những tác giả vừa khuyết danh vừa nặc danh nhắc tới với vụ việc cũ ‘Sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gây thất thu thuế hàng nghìn tỉ ở dự án Ciputra như thế nào ?’, nhưng tô điểm thêm bằng một vụ việc có vẻ mới hơn : ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp tập đoàn Vinaconex cướp hàng nghìn tỉ đồng như thế nào ?’, với một số đánh giá chưa rõ cơ sở. Có dư luận cho rằng chính thủ tướng Phúc đã ‘ra tay’ trong vụ tố cáo nặc danh này, tuy chưa có cơ sở nào để kiểm chứng về tính đúng sai của nội dung thư tố cáo lẫn đối với luồng dư luận đó.
Ở một động thái trái ngược, cú khai hỏa mới nhất và độc đáo nhất được mạng xã hội đề cập là một bức thư của một người được cho là nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tố cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là chuyện ông Phúc để cho một số cấp dưới, đại gia và người thân trong gia đình ông Phúc thao túng chính trường và trục lợi cá nhân, đồng thời đang tổ chức một chiến dịch vừa chạy đua vừa tranh giành chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, với ‘liên danh’ Nguyễn Xuân Phúc - Trương Hòa Bình - Nguyễn Văn Bình để đối chọi với một ‘trục’ khác là Trần Quốc Vượng - Vương Đình Huệ…
Cho tới nay người ta vẫn chưa thấy ông Nguyễn Cảnh Bình lên tiếng phản bác về bức thư trên hay tố cáo kẻ nào đó đã mạo danh ông. Sự im lặng như thể công nhận ấy càng khiến dư luận tin rằng bức thư trên, tuy chưa biết những nội dung của nó đáng tin cậy đến đâu, nhưng có vẻ xuất phát từ ‘người thực việc thực’.
Sau đó, động thái ‘Quang chết’ - Trọng thế’ thình lình xảy ra vào hai tháng Chín và Mười năm 2018 có thể khiến một số ứng cử viên cho chức tổng bí thư, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc, rơi vào tình trạng ‘đụng trần’, bị triệt tiêu động lực chạy đua làm tổng bí thư tại đại hội 13.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019 : không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Chính vào lúc này, trong dân gian đương đại đang dậy lên một lời sấm được cho là tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm 500 năm về trước "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt ; trọng ngân bạc phúc, sản tất vong", như một cái gì đó đang ứng nghiệm với thời nay, dù có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Vế đầu tiên của lời sấm trên, thật kinh khủng, đã ứng nghiệm vào năm 2018. Còn vế sau thì thế nào ?
‘Trọng bạc Phúc’ chăng ?
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 08/10/2018
‘Người đốt lò vĩ đại’ vẫn đang đánh đố dư luận bằng một vài động tác nếu không phải giơ cao đánh khẽ và đầu voi đuiôi chuột thì cũng mang nặng tư duy ‘đập chuột sợ vỡ bình’. Ví dụ mới nhất là cách hành xử của Nguyễn Phú Trọng đối với cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Nguyễn Bắc Son (trái) đang ‘ăn theo’ Trương Minh Tuấn ?
Trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 28/9/2018 để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra vào tuần tới’, cái cách thông báo của quan chức Lê Quang Vĩnh - Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - về ‘theo quy định sẽ cho ý kiến về kỷ luật nguyên ủy viên Trung ương Đảng liên quan đến vụ việc MobiFone mua AVG’ đã khiến dư luận phản ứng : đã sai phạm như núi mà sao không xử nghiêm theo pháp luật, lại còn họp đảng cho ý kiến gì nữa ?
Kể từ thời điểm Thanh tra chính phủ lần đầu tiên công bố kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, đến nay đã nửa năm trôi qua, nhưng hai ‘đạo diễn kiêm diễn viên’ chính trong vụ này là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn ung ung tự tại với tư cách ‘người nhà phe đảng’.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.
Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về khả năng cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son sắp bị đưa vào ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng, mà cụ thể là triển vọng ông Son có thể bị khởi tố trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ và thậm chí có thể bị tra tay vào còng như cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã từng.
Nhưng nếu Nguyễn Bắc Son bị đưa ra ‘trảm’, làm thế nào để Trương Minh Tuấn được ‘tách’ khỏi vụ án ‘MobiFone mua AVG’ và ‘khuôn’ ở một phạm vi xử lý hành chính mà không phải ra tòa hình sự ?
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chẳng quá ngạc nhiên khi khác hẳn ‘củi rừng’ Đinh La Thăng mà đã bị Nguyễn Phú Trọng sẵn lòng xử án tù giam đến 31 năm, Trương Minh Tuấn lại là một dạng ‘củi nhà’ và không sao cả, thậm chí còn trở thành Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương để tiếp tục răn dạy báo chí nhà nước về ‘đạo đức cách mạng sáng ngời’.
Nhưng để Tuấn không bị sao, Nguyễn Bắc Son phải được tự do, hoặc cùng lắm cũng chỉ ‘tại ngoại hầu tra’.
Bởi thế, một khả năng vẫn luôn hiện hữu là tại Hội nghị trung ương 8, Nguyễn Bắc Son sẽ chỉ bị ‘cách mọi chức vụ’ như trường hợp cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng vào năm 2017, nhưng không bị bắt và càng không bị truy tố lẫn nhận án, kéo theo sự an toàn của Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn.
Tức Nguyễn Bắc Son đang ‘ăn theo’ Trương Minh Tuấn.
Nếu khả năng trên xảy ra, cuộc chiến được xem là ‘chống tham nhũng’ của Tổng bí thư Trọng chỉ là hình ảnh thiên vị quá lộ liễu và thô thiển cho ‘phe ta’, trong khi chỉ đốt ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’ và những phe nhóm khác không thuộc ‘người mình’.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 01/10/2018
Hay vào một ngày đẹp trời nào đó, ông ta sẽ phải nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’ mà còn phải thốt lên như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".
Ngay sau khi cựu phó chủ tịch thành phố Nguyễn Hữu Tín bị đưa vào vòng tố tụng hình sự với hai động tác đầu tiên là khởi tố và khám xét nhà - do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành vào ngày 18/9/2018 - vì liên quan vụ Vũ ‘Nhôm’, tờ Giáo Dục Việt Nam đã giật tít : "Ai là cấp trên trực tiếp khi ông Tín làm Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh ?".
Hỏi cũng là trả lời : "Ông Nguyễn Hữu Tín làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tương ứng với thời điểm ông Lê Thanh Hải làm Bí thư Thành ủy" - cũng tờ báo trên vạch ra.
Lê Thanh Hải từng tại vị như một ‘bố già’ ở đất Sài Gòn.
Giáo Dục Việt Nam là một trong những tờ báo xung kích để cổ súy cho chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng bí thư Trọng. Trong vụ khiếu nại tố cáo ở Thủ Thiêm, tờ báo này cũng đã không dưới một lần đề cập vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến một số quan chức chóp bu của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có dính dáng về trách nhiệm như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang…
Kể từ thời làm mưa làm gió pở Sài Gòn nhiều năm trước, số phận cựu bí thư thành ủy - cựu ủy viên bộ chính trị Lê Thanh Hải chưa bao giờ mành chỉ treo chuông như lúc này.
Nếu trong vụ Thủ Thiêm, những tờ báo đảng có vẻ còn e ngại khi nhắc đến tên Lê Thanh Hải mà chỉ chủ yếu quy trách nhiệm cho một số quan chức khối chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, thì đến vụ Nguyễn Hữu Tín, chỉ dấu khá rõ ràng là báo đảng đang muốn móc xích quan chức này với Lê Thanh Hải.
Vì sao thế ?
Phần lớn thời gian công tác của Nguyễn Hữu Tín là trên cương vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có phụ trách về mảng nhà đất - địa chỉ mà đã sinh sôi nảy nở những mối quan hệ đen tối với Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ và công ty bình phong của Vũ mà đã góp công giải tán luôn cả Tổng cục tình báo của Bộ Công an vào năm 2018.
‘Điểm sáng’ rõ nhất của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.
Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Nước cờ mà Nguyễn Phú Trọng đang đi trên bàn cờ ‘mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh’ có vẻ không khác mấy so với cách chơi cờ của ông Trọng vào cuối năm 2017 tại ‘mặt trận Đà Nẵng’ - đánh từ vòng ngoài vào trong và khiến đối phương, đặc biệt những kẻ chưa biết khi nào mình bị bắt, rơi vào tâm trạng khủng hoảng tâm lý. Trước tết nguyên đán năm 2018, đã râm ran tin đồn ‘sẽ bắt hai nguyên chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến’. Sau tết là bắt thật.
Vụ khởi tố đối với Nguyễn Hữu Tín, cựu chức chứ không phải đương chức, có thể xem là ‘đánh vòng ngoài’ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về ‘Bộ Công an đang điều tra Tất Thanh Cang’ và ‘có thể bắt Cang’, bất chấp khi đó có một luồng dư luận ngược lại - có thể do nhóm của ông Cang chủ động tung ra - về việc ‘Tất Thành Cang đã thoát’.
Cũng như Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang cũng được xem là một ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải. Vào thời còn là bí thư quận 2, Cang đã giúp rất nhiều cho Lê Thanh Hải trong nhiều vụ việc mà bị hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm tố cáo là cướp đất. Sau khi được Lê Thanh Hải nâng lên vị trí Phó chủ tịch thành phố và sau đó là Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang vẫn còn làm thêm nhiều việc để giúp ‘Anh Hai’ không những khỏa lấp các vụ khiếu nại tố cáo của dân oan Thủ Thiêm mà còn che chắn cho ‘Anh Hai’ trước búa rìu dư luận và ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng trời đất quả báo. Nếu cựu bí thư thành ủy Đinh La Thăng bị vào tù vì quả báo do tội phá chùa Liên Trì - một cơ sở lâu đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thì tất Thành Cang có thể cũng chẳng thể tránh khỏi luật nhân quả ấy.
Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Tất Thành Cang, Nguyễn hữu Tín… rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn ? Hay vào một ngày đẹp trời nào đó, ông ta sẽ phải nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’ mà còn phải thốt lên như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 25/09/2018
Chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế đang khiến dân phải ôn lại thời Pháp thuộc "chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy".
Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc (1925-1926) - Ảnh minh họa
"Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững về các nguồn thu Chính phủ và bảo đảm rằng các nguồn lực được đầu tư một cách có hiệu lực và được sử dụng có hiệu quả. Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng nguồn thu trong nước từ thuế như là một nguồn thu bền vững hơn và đáng tin cậy hơn" - theo một khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra tại Báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững tại Việt Nam, được công bố vào chiều 11/09/2018 tại Hà Nội.
Báo chí nhà nước cho biết ‘báo cáo này được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đặt hàng và do một nhóm chuyên gia biên soạn, với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030’.
Nguồn cơn nào khiến chế độ cầm quyền ở Việt Nam phải tăng tốc ‘vét, vét nữa, vét mãi’ ?
Nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia - nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018 và những năm sau, Chính phủ sẽ phải tiếp tục đè dân thu thuế để cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.
Vào năm 2017, ‘Bộ bóp cổ’ (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho vô số sắc thuế ‘kiến tạo’ của Bộ Tài chính đè đầu dân) đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Cũng vào năm 2017, mưu đồ tăng thuế VAT xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp, một xã hội bị a xít đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện "bóp cổ bóp họng" và "không có tiền thì chỉ có chết", sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế đang khiến dân phải ôn lại thời Pháp thuộc "chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy".
Hơn bảy chục năm sau khi "đánh đuổi thực dân Pháp", chính quyền "định hướng xã hội chủ nghĩa" đang biến Việt Nam và dân chúng thành một thứ thuộc địa thực dân kiểu mới.
"Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, có vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng 2 đồng tiền ? Phải trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, quy định này chỉ ở khu vực biên mậu, tức là khu vực thương mại ở biên giới thôi, nhưng cũng phải xem lại" - Nguyễn Thị Kim Ngân bất chợt ‘mở miệng’ trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội vào trung tuần tháng Chín năm 2018, để sau đó "Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) và anh Phùng Quốc Hiển (Phó chủ tịch Quốc hội) xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này" .
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang, và giờ đây là Nguyễn Thị Kim Ngân...
Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau khi những phát ngôn của bà Ngân được báo Thanh Niên tường thuật nguyên văn, toàn bộ nội dung phát ngôn đó đã biến mất khỏi bài báo.
Chắc chắn là quan điểm trong phát ngôn của Nguyễn Thị Kim Ngân đã không được lòng ai đó. ‘Ai đó’ là ai ?
Chắc chắn phải là một nhân vật cao cấp hơn bà Ngân, chứ không thể do một Võ Văn Thưởng chỉ là ủy viên bộ chính trị ‘thường’ dám chỉ đạo báo chí gỡ bỏ phát ngôn của một thành viên trong ‘tứ trụ’ là bà Ngân.
Cũng như Thông tư 19 - có thể được hiểu là ‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc’ - là một chính sách lớn không chỉ liên quan đến an ninh tiền tệ mà cả về quốc phòng của Việt Nam, không thể chỉ được quyết định bởi một ủy viên trung ương đảng như Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng, mà phải được chỉ đạo từ những cấp cao hơn hẳn ông Hưng.
Hiện tượng báo Thanh Niên phải ‘xóa thông tin xấu độc’ về phát ngôn của Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra trong bối cảnh hàng trăm nhân sĩ, trí thức gửi một kiến nghị thư cho giới chóp bu Việt Nam, yêu cầu xóa bỏ Thông tư số 19 của Ngân hàng nhà nước về việc cho phép 7 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam được dùng đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc để thanh toán.
Về thực chất, Thông tư 19 đã hợp thức hóa cho thực tế đồng CNY đã được lưu hành và thanh toán tràn lan ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong hàng chục năm qua, bất chấp Pháp lệnh Ngoại hối và các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định rằng trên lãnh thổ Việt Nam.
Về mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế, Thông tư 19 bị xem là một thất bại lớn và càng khiến người dân Việt có cơ sở để mang nỗi tuyệt vọng rằng bản Hiệp ước Thành Đô - được cho là đã được lén lút ký kết giữa các lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để đưa Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 - đang được giới lãnh đạo hậu bối của Việt Nam rắp tâm thi hành bằng thủ đoạn ‘sáp nhập tiền tệ’ trước khi tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’.
Trần Đại Quang Nguyễn Thị Kim Ngân - hai nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang và bà Ngân cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Hơn một tuần sau cuộc tổng biểu tình phản đối hai dự luật khu và An ninh mạng vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, chỉ hai hôm trước khi kỷ niệm ‘Ngày báo chí cách mạng 21 tháng Sáu’ cùng năm, vài phát ngôn chính trị của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này.
Vào tháng Ba năm 2018, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã bị "thu hồi". Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của "kẻ bịt miệng" báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 16/09/2018
Tròn 4 tháng sau khi bị ‘khóa miệng’ đột ngột bởi Ban Tuyên giáo trung ương và một thế lực chính trị kèm lợi ích nào đó, một lần nữa các tờ báo nhà nước lại được cho ‘mở miệng’ để đăng tải kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn.
Người dân kêu gào nhưng báo chí nhà nước luôn bị bịt miệng. Ảnh : Zing.vn
Nhưng xem ra sau lần bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, nhiều tờ báo nhà nước đã cảm thấy nỗi nhục ê chề khi bị biến thành một thứ công cụ - không chỉ công cụ chính trị cho chế độ cầm quyền - mà còn gián tiếp trở thành công cụ ‘tống tiền truyền thông’ cho một nhóm lợi ích cá mập nào đó.
Vào tuần đầu tiên của tháng Năm, 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được "mở miệng" gần như không hạn chế và một vài Facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài "đánh" phe nhóm Lê Thanh Hải.
Khi đó, thậm chí có những tờ báo còn dám chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy.
Lê Thanh Hải là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về "cướp đất vàng" ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là "đệ tử ruột" của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
Nhưng sang tuần tiếp theo của tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ : cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó ‘khóa miệng’.
Sau này mới biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo không cho báo chí đăng tiếp vụ Thủ Thiêm.
Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn "đốt lò" vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí "câm miệng," còn "lò" tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để "đập chuột nhưng không vỡ bình ?".
Và phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là "đi đêm" giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để "chuyển giao lợi ích" và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan ?
Có lẽ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ vụ bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, vào lần này nhiều tờ báo nhà nước không còn quá nhiệt tình khi thông tin về kết uận thanh tra Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, cho dù so với những kết luận thanh tra trước đây thì bản kết luận này là chi tiết hơn nhiều và cũng chỉ ra được một số sai phạm của các cơ quan quản lý, tuy vẫn né tránh nêu đích danh tên họ quan chức.
Báo chí nhà nước đã có quá nhiều bài học bị ‘việt vị’ và bị ‘khóa miệng’ bởi một chế độ ‘Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luật và tự do báo chí’. Thủ Thiêm chỉ là một trong rất nhiều minh họa, bởi còn rất nhiều vấn nạn từ chính trị đến tham nhũng và lỗ hổng kinh tế mà báo chí nêu ra nhưng sau đó đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông cấm cản triệt để và hết sức thô bạo.
Vào năm 2015 khi xuất hiện hiện tượng trang mạng Chân Dung Quyền Lực, một nhà báo nhà nước và chính là đại tá an ninh Nguyễn Như Phong đã thốt lên một triết lý để đời ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy !’.
Trong thực tế, tỷ lệ số tờ báo nhà nước còn mang tính phản biện hoặc có hơi hướng phản biện chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 850 tờ báo mà có thể tuyệt đại đa số ban biên tập của những tờ báo này đã và vẫn mang quan niệm ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy !’.
Ngay cả những giọt nước mắt ‘thương vay khóc mướn’ của một số tờ báo về vụ Thủ Thiêm trong tháng Năm năm 2018 cũng bị đặt nghi ngờ là ‘nhận tiền để khóc’.
Có thể vì lý do quá tế nhị trên, những tờ báo thật sự muốn phản biện cũng không còn quá nặng lòng với vụ Thủ Thiêm bởi mối nghi ngờ nặng nề vào bất kỳ động thái thanh - kiểm tra và điều tra nào của các cơ quan ‘có trách nhiệm’ nhưng rất dễ nặng mùi tiền bạc của các nhóm quyền lực chính trị và lợi ích tư bản đỏ.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 10/09/2018