Chỉ vài tuần trước và sau Tết mà dòng thời sự Việt Nam đã tiếp tục "chảy siết" với vô số vụ việc khiến không khỏi cười ra nước mắt…
Đất nước có bao giờ diễn như thế này chưa ?
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lì xì cho các nữ công nhân môi trường vào đêm Giao thừa tại đường Thanh Niên © VTC News cung cấp
Đầu tiên là bức ảnh Chủ tịch nước-Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết và lì xì công nhân vệ sinh vào tối 4/2/2019 (30 Tết) tại đường Thanh Niên (Hà Nội). Hành động "đẹp" và "đầy tính nhân văn" này đã nhanh chóng bị nghi ngờ là ngụy dựng, một màn diễn kém chất lượng được dựng tồi bởi đạo diễn dỏm.
Điều khiến dư luận… hể hả là cô "nhân viên môi trường" nhận bao lì xì của ông Trọng lại trông giống như một nhân vật mà chỉ hai ngày trước đó đã đến Đội cảnh sát giao thông số 14 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội nhận lại cái ví bị mất, một hình ảnh thể hiện "nghĩa cử cao đẹp" và "đạo đức liêm khiết" của ngành công an. Mãi đến ngày 12/2, tờ VTC News mới đăng bài "Sự thật về cô gái xuất hiện trong hai bức ảnh dậy sóng dân mạng trước Tết Nguyên đán". Bài báo cho biết cô gái nhận lại ví bị mất tên là Ngô Nhã Phương, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, "một nửa sự thật" còn lại - tức danh tánh, chỗ ở và tông tích thật của cô "nhân viên môi trường" - thì vẫn còn nằm trong diện "bí mật đời tư" "chưa được công bố" !
Hình ảnh chị Phương được trao trả lại đồ đạc, tiền bị rơi vào ngày 2/2 (28 Tết âm lịch) © VTC News
Liên quan chuyện "diễn", vài năm gần đây, ngành công an sử dụng rất mạnh "ảnh hưởng truyền thông" để xây dựng hình ảnh và gầy dựng uy tín sau vô số "mất mát" và "tổn thất" uy tín trước những vụ "nhấc chân va chạm" người dân một cách thô bạo và phản cảm. Những cảnh đưa cụ già qua đường, đỡ cụ già ngã té, đưa cụ già chai nước suối liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông… Vấn đề ở chỗ các "đồng chí" làm tuồng kém quá.
Đi lạc đường, cụ bà 83 tuổi được nữ Cảnh sát giao thông đưa về tận nhà - Ảnh An Ninh Thủ Đô
Các "đồng chí" lý ra nên được đào tạo vài khóa vỡ lòng về kỹ năng diễn xuất lẫn kỹ thuật "xây dựng kịch bản". Hầu như tập phim ngắn nào của các "đồng chí" cũng trở thành "bom tấn" trên mạng và được khán giả nhiệt liệt… chỉ trích. Ngôn ngữ của "hệ thống đảng" thường nhắc đến từ "thực chất", "đi vào thực chất", "hành động thực chất"… nhưng các "đồng chí" thay vì "thực chất" vai trò của mình thì lại biến mình thành kẻ xấu dưới mắt người dân rồi sau đó lại diễn vai người tốt một cách rất không "thực chất". Đất nước này cần công an tốt, công an không hối lộ, công an không làm chết dân trong đồn. Đất nước này không cần công an có "nghiệp vụ đóng phim".
Mà nói cho hết thì không chỉ công an. Diễn đang là "xu hướng". Gần như mọi ngành và mọi nhân vật chính quyền đều diễn cả, từ trồng cây, đến cày ruộng, từ vỗ về thiếu nhi đến chăm lo người nghèo. Tại sao "xu hướng" diễn lại "thịnh hành" ? Vì "thực chất" kém quá nên phải diễn, dù diễn dở, diễn gượng, bất chấp diễn bị "lộ" là... diễn !
Đất nước có bao giờ nhảm như thế này chưa ?
"Bắt đầu mùa lễ hội : Tôi tắm mình trong dòng suối nhân văn" – phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (VOV, 6/2/2019).
Nói đến lễ hội, đất nước không "tắm" nổi trong "dòng suối nhân văn". "Nhân văn" nào ở đây ? Lễ hội bây giờ là dịp buôn thần bán thánh, là dịp phơi bày các hành vi kém văn hóa, là thời điểm để người ta thể hiện bản năng sống còn, và cả "niềm tin". Ngày 3/2/2019, dư luận đã "choáng" với bài báo VietnamNet : "Dân ơn Đảng ! Đảng ơn Dân !". "Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam ?...
Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Được mùa, sắm thêm con trâu cày, "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, "Đảng tốt thật"… Bài báo viết. Tuy nhiên, khi đất nước "hân hoan bước vào mùa lễ hội" thì mới thấy, với dân, chẳng có Đảng nào ở đây.
Tranh cổ động : "Nhờ ơn Đảng ta, có hạnh phúc - ấm no, bản - làng đổi mới". Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc)
Người ta mê ông Thần Tài ; bứt lông lợn để "lấy hên", đập nhau vỡ đầu để giành "phết" ; giật manh chiếu ở sân đình với ước vọng sinh con trai… Phó giáo sư-tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân còn cho biết, "Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…".
Lễ hội còn cho thấy một sự xả tràn ẩn uất xã hội, những ẩn uất dồn nén được dịp "mở van" hết cỡ, tương tự sự "vỡ òa" của chiến thắng bóng đá. Như bóng đá, lễ hội cũng được làm rùm beng, để người dân quên đi những thực trạng đất nước.
Lễ hội là lá bài mị dân. Tuy nhiên, cũng từ lễ hội người ta mới thấy khái niệm niềm tin đang khủng hoảng như thế nào. Người dân đang tin gì ? Điều gì mới thật sự đáng gọi là "niềm tin" và "một bộ phận không nhỏ người dân" đang tin vào lông lợn, vào thần linh, hay tin vào chính quyền, vào "ơn Đảng" ?
Đất nước có bao giờ loạn như thế này không ?
Ngày 10/01/2019, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation - VEC) ra quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV với nội dung cấm hai xe mang biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 được phép chạy trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, với lý do "hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực". Dư luận phản ứng dữ dội trước quyết định này và giới luật sư cũng cho biết đây là một quyết định phạm luật.
Có bao nhiêu điều trái khuấy phạm luật diễn ra hàng ngày ở Việt Nam và có bao nhiêu chuyện phạm luật được diễn dịch bằng những lấp liếm chẳng hạn vụ hai công an An Giang nhậu xỉn đánh dân vào ngày 6/2/2019 (mùng hai Tết) đã được miêu tả là "trên tay có cầm một vật giống gậy sắt" (Đất Việt 12/02/2019) ?
Đất nước có bao giờ loạn đến mức này ? Điều đáng nói là bi kịch loạn trong xã hội Việt Nam sẽ không kết thúc. Điều đáng nói nhất là chẳng ai biết đất nước sẽ tiến đến đâu nhưng mọi người đều có thể hình dung nó lùi như thế nào…
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 13/02/2019
Trong chương trình "Xuân Quê hương 2019" ngày 26/01/2019, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại ngân nga "bài chèo" mùi mẫn rất cũ : "Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của tổ quốc". Không có gì mỉa mai bằng ý nghĩa của hai từ "máu thịt" này, khi có rất nhiều "máu thịt" năm nào cũng nhìn về quê hương từ xa với tâm trạng rũ buồn...
Lồng đèn Tết - Hình minh họa.
Có bao nhiêu người Việt năm nay, như nhiều năm trước, không được về cúi đầu thắp nén nhang cho ông bà trên chính mảnh đất quê hương mình ? Chưa ai thực hiện thống kê này nhưng chắc chắn con số những "Việt kiều máu thịt" nằm trong "danh sách đen" của Bộ Công an không ít. Nhiều "máu thịt" đã bị khước từ nhập cảnh ngay từ sân bay và gần như vĩnh viễn không thể trở về chừng nào chế độ này còn tồn tại. Đó là chưa kể những người bị "trục xuất" bằng cách này hay cách khác : những nhân vật đấu tranh dân chủ bị gán ghép tội "phản động". Họ không thể trở về và không biết chừng nào mới "được phép" trở về. Quê hương, với nhiều người, trở thành nỗi khắc khoải đến đau lòng. Quê hương, nhiều khi nhớ quá, đặc biệt những ngày giáp Tết, trở thành nỗi nhớ cồn cào ruột gan, nỗi nhớ chảy nước mắt, nỗi nhớ ngậm ngùi đau xé, đến mức không chịu nổi buộc phải thốt lên để cho vơi lòng. "Năm đầu tiên sau 28 năm ở Mỹ nhớ nhà quá nên cũng chưng diện tìm một chút tết. Tranh voi Thái Lan, mai Nhật Bản, dưa hấu, mứt Cali, phong lì xì và cúc vàng của Mỹ cộng với nỗi buồn rất Việt Nam, vậy là Tết nhé" – tâm sự của nhà báo Mặc Lâm. "Nhớ nhà", chỉ hai từ thôi, nặng như thiên cân vạn lạng.
Quê hương giờ như thuộc "sở hữu" của chế độ cai trị. Nó trở thành "cái nhà" của những kẻ muốn đuổi ai thì đuổi, cho vào thì mới được vào. Quê hương không còn là mái ngói, sân đình, bụi tre, buồng chuối. Quê hương bây giờ là sự ngạo mạn chiếm hữu của một nhúm người cai trị. Quê hương, mỉa mai đến tột cùng, là hình ảnh mà người ở xa muốn về mà về không được ; và người "ở gần" thì muốn thoát nhưng đi không xong. Quê hương là hình ảnh mà những kẻ tha hương luôn ôm chặt như một thứ "căn cước tính", trong khi người đang sống trên đó thì mang tâm trạng của những người "tạm dung" và "lưu vong". Nước Việt của thế kỷ 21, sau vô vàn biến động lịch sử, sau bao nhiêu năm chiến tranh huynh đệ tương tàn đầu rơi máu chảy, và sau hơn 40 năm "thống nhất", đã trở thành một nước Việt nặng trịch nỗi buồn chất nặng lên hai chữ "quê hương". Có dân tộc nào trên thế giới đang chịu cảnh này, như Việt Nam ?
Quê hương tôi, quê hương bạn, quê hương chúng ta… Quê hương luôn có một. Dân tộc nào cũng có một quê hương và dân tộc nào cũng hãnh diện với quê hương mình. Nhưng quê hương này đang thuộc về ai ? Có chế độ cai trị nào trên thế giới đang tước đoạt cả quê hương của những người cùng một dân tộc ? Làm thế nào có thể xây dựng nên một dân tộc vĩ đại khi chế độ cai trị "chiếm hữu" quê hương như một phần thưởng "chiến thắng" và tự cho mình có quyền định đoạt "ai phải đi" và "ai được về" ?
Bất luận thế nào, có một điều chắc chắn rằng, người Việt, trong nước hay lang bạt tha hương bất kỳ đâu trên thế giới, cũng có duy nhất một hướng nhìn khi ngắm quê hương : quê hương chúng ta còn đó. Nó luôn ở đó. Nó tồn tại. Vĩnh hằng. Chẳng gì có thể xóa được định tính quê hương trong lòng người Việt. Chế độ cai trị là nhất thời. Quê hương là vĩnh cửu.
"Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò
Khoai nước thơm hương tình ruộng đồng/
Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần
Việt Nam là Việt Nam kiêu hùng"
- lời ca khúc Anh vẫn mơ một ngày về của ca sĩ Nguyệt Ánh nhắc rằng hai chữ "Việt Nam" nó gần gũi và thiêng liêng thế nào. Nó gắn liền với "hồn thiêng sông núi" và tâm thức Việt, chứ không phải với chế độ cai trị. Nó cho thấy chế độ cai trị có làm gì đi nữa khiến người Việt phải ly tán xa rời quê hương thì hai chữ "Việt Nam" ngạo nghễ kiêu hùng vẫn khắc sâu trong tâm khảm, đủ để nuôi dưỡng niềm tin cho một ngày mai tươi sáng hơn…
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 31/01/2019
Một trong những "tội" lớn nhất của người dân Lộc Hưng (Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) là nghèo ! Quá nghèo ! "Nghèo thấy thảm !" – như người ta thường nói. Khu đất của họ sẽ được tránh xa nếu họ là thành phần "cán bộ" hoặc những kẻ đủ giàu để "chạy thuốc" nhằm biến những căn biệt thự xây trái phép thành hợp pháp. Người nghèo là vấn đề xã hội không quốc gia nào không đối diện nhưng người nghèo Việt Nam không chỉ là những thân phận thiếu ăn thiếu mặc. Họ còn là tấm thảm để những bàn chân xã hội chủ nghĩa chùi xuống không thương tiếc cùng với vẻ mặt dối trá ma mãnh hất lên : "Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo" !
Người nghèo vẫn miệt mài trong giá rét những ngày giáp Tết.
Chưa bao giờ người dân bị lừa bịp công khai bằng những "thống kê" cho thấy xã hội ngày càng ít người nghèo bằng lúc này. Tại phiên họp thứ 27 ngày 17/09/2018, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện "mục tiêu giảm nghèo bền vững" đến năm 2020 đã được công bố, như một bằng chứng xác nhận thành tích của nhà cầm quyền : tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%. Cụ thể, từ 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm. Thời điểm hiện tại, theo Tạp chí Đảng Cộng sản (14/11/2018), hiện cả nước có hơn 1,9 triệu hộ nghèo (chiếm 8,23% tổng hộ dân toàn quốc) và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo (5,41%)…
Những con số tỷ lệ "thoát nghèo" không nói lên hết thực trạng. Các báo cáo, trung thực hay không, không cho thấy thực tế rằng, khái niệm "nghèo" ở đây đã vượt qua những định nghĩa thông thường về nghèo. Nó không chỉ liên quan cái ăn cái mặc hay những điều kiện cần có để được cơm no áo ấm. Chẳng "hội thảo" về "chiến lược" xóa nghèo "bền vững" nào đề cập đến tình trạng người nghèo đang bị tống dạt tàn nhẫn ra bên lề phát triển, và đặc biệt, người nghèo đang trở thành nhóm đối tượng được nhắm đến để hy sinh cho cái gọi là phát triển.
Chính quyền khoan vội tự hào thành tích xóa đói giảm nghèo, vì chính quyền, trong không ít trường hợp, là thủ phạm tạo ra nghèo đói. Một ví dụ : nhân danh "phát triển", người ta đã giải tỏa vô số đất đai và cho rằng đó là điều không thể tránh đối với bất kỳ quốc gia nào trên con đường xây dựng đất nước. Điều này được thực hiện không chỉ từ "chủ trương chính sách" mà còn từ sự tùy tiện cùng sự ăn chia của các chính quyền địa phương với lớp nhà giàu mới nổi được hình thành thông qua các quan hệ. Điều đáng ghi nhận là người ta luôn "né" các khu đất nằm dưới "sở hữu" "cán bộ" hoặc thành phần lắm tiền nhiều của, dù "phạm luật" lấn chiếm trái phép hay không. Chẳng cần đi đâu xa, thử đến khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ai cũng có thể thấy điều sờ sờ này. Hơn ai hết, những gia đình nạn nhân bị giải tỏa oan ở Thủ Thiêm có thể kể ra tại sao và từ đâu mà họ trở thành nghèo khổ vô gia cư.
Người nghèo Việt Nam ngày nay không chỉ là những gương mặt khổ cực lam lũ. Hình ảnh đó có thể thấy ở tất cả bức tranh xã hội thế giới. Ở bất kỳ giai đoạn nào Việt Nam cũng có những "chị Dậu", tuy nhiên, "kiếp nghèo" của "chị Dậu" ngày xưa khác với thân phận của "chị Dậu xã hội chủ nghĩa" trong thời đại "rực rỡ". Nếu cảnh nghèo trước khi "cách mạng về" và "đời ta có Đảng" là hình ảnh một xã hội chưa phát triển thì cảnh nghèo ngày nay còn được chồng lên ngổn ngang những dối trá ngụy biện để che đậy và lấp liếm các khiếm khuyết của vô số chính sách bất công biến người nghèo thành nạn nhân trực tiếp và hứng chịu thê thảm nhất trong tất cả các nhóm đối tượng-tầng lớp xã hội. "Trẻ nguy kịch, vẫn phải đóng tiền mới được cấp cứu" (Tuổi Trẻ 29-7-2016) – đó là tựa một bài báo nói lên sự bi đát cùng cực của thân phận người nghèo thời nay.
Chết-không-có-hòm-chôn là một hình ảnh nghèo khổ khốn khó tận cùng. Nhưng sống-không-có-nhà-ở không chỉ là bức tranh của những mảnh đời rách rưới. Nó tố cáo rất rõ những "sai lầm" được thực thi một cách cố tình của các "chính sách phát triển" nói chung. Phát triển gần như luôn đi đôi với sự xuất hiện những nghịch lý nhưng nghịch lý nào mỉa mai cho bằng hình ảnh : từ "tâm thế" những kẻ không có "miếng đất cắm dùi", như thời "tiền cách mạng", những ông chủ xã hội chủ nghĩa ngày nay hăm hở lao vào giành đất "cắm dùi" của những người nghèo "tận cùng bằng số", và liền ngay sau đó dựng lên tấm băngrôn đỏ chói : "Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo" !
Những con số thống kê, những phát biểu "xúc động" và những chiến dịch "nhắn tin ủng hộ người nghèo", ngoài việc để mị dân, sẽ không mang lại giải pháp nào để xóa bỏ nghịch lý và bất công, nếu không đề cập và không giải đáp được những câu hỏi mà người nghèo nào cũng thấy : nhờ đâu mà "đám chính quyền" trở nên giàu có khủng khiếp đến vậy ! Rất khó có thể thuyết phục được rằng chính quyền đang thành công trong các chính sách xóa đói giảm nghèo, một khi quan chức địa phương vẫn đua nhau ăn chặn ngân sách dành cho người nghèo. Càng khó có thể tin "Đảng và Nhà nước" chia sẻ khó khăn với người nghèo trong khi "người" của "Đảng và Nhà nước" là những trường hợp "mẫu mực" của việc làm giàu bằng "buôn chổi đót".
Người nghèo không chỉ túng thiếu khổ cực. Họ là nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của tất cả "cặn bã" lắng xuống của những hào nhoáng giả tạo sinh ra từ một mô hình phát triển, mỉa mai thay, dựa trên lý thuyết "xóa bỏ bất bình đẳng". "Bắt cả trẻ đang bú đóng tiền xây dựng nông thôn mới" (Zing 1-7-2018) – đây không phải là câu chuyện giới hạn trong phạm vi đói nghèo. Nó là vấn đề liên quan đến thể chế và các chính sách tạo ra những người nghèo theo cách chưa từng có trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam. Người nghèo đang "lãnh đủ" mọi thứ tệ hại nhất và họ hoàn toàn không có "quyền" để chọn lựa. Ai đó có thể chọn siêu thị mua thực phẩm an toàn, chọn trường học tốt cho con, chọn bệnh viện "xịn" thậm chí ở nước ngoài... Trong khi đó, người nghèo chỉ có thể uống ly trà đá mà họ đủ tiền mua ; chỉ có thể gửi trẻ vào trường mẫu giáo nơi có thể có cô giáo trấn nước con họ ; chỉ có thể vào bệnh viện công nhếch nhác nằm vật vờ trên những hành lang bẩn thỉu. Cầm chén cơm, họ đủ "kiến thức tổng quát" để nói với nhau về nguồn thức ăn nhiễm độc. Họ sợ lắm. Họ không muốn chết sớm vì ung thư trước khi lo cho con vào đại học hoặc trước khi gửi tiền về quê cho bố mẹ sửa nhà. Tuy nhiên, họ vẫn phải nuốt. Họ không có chọn lựa nào khác.
Những quan xã hội chủ nghĩa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết chương trình hợp tác ngày 14/03/2017 - Ảnh minh họa
Khoảng cách giàu-nghèo ngày càng giãn rộng đang trở thành vấn đề rất lớn. Dù vậy, những đứa trẻ nằm co quắp ở mái hiên các cao ốc lộng lẫy chưa đủ để nói hết thảm cảnh của khoảng cách giàu nghèo. Bằng thế nào một chữ ký nhoáy trong vài giây có thể mang lại những khoản tiền kếch sù, mà người ta làm cả đời không tích cóp nổi, mới là "nghịch lý giàu nghèo" đang diễn ra trên khắp đất nước này. Người ta đang tung hô những tỷ phú như Phạm Nhật Vượng. Người nghèo không thể so với tỷ phú. Tất nhiên. Người nghèo thậm chí cũng không thể so nổi với tầng lớp thấp hơn "đẳng cấp tỷ phú" nhiều lần. Thật không bình thường khi có những viên chức tép riêu vẫn dư tiền cho con đi du học Mỹ (như một tay Phó Công an phường ở một quận ở Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi biết). Có chính sách "xóa đói giảm nghèo" nào có thể giúp người nghèo có nhiều chọn lựa hơn, như tay công an kia ?
Có quá nhiều đường nét không bình thường trên bức tranh giàu nghèo hiện nay. Tỷ lệ nghèo đói, được công bố, "đang giảm" nhưng người nghèo có thể thấy mọi nơi, ngày càng nhiều. Người nghèo ở mọi miền, mọi đô thị, mọi tỉnh thành… nhưng họ "ở đâu" trên bản đồ phát triển của đất nước ? Họ đang bị hất dạt ra bên lề. Họ là cái bóng đen lặng lẽ bên cạnh những tòa nhà sáng rực. Họ là viên đá lót đường cho những chiếc xe siêu sang của đại gia tư bản Đỏ. Họ là nạn nhân của những chữ ký nguệch ngoạc "chứng nhận" họ bị mất đất và mất nhà. Họ là tấm thảm chùi chân của những ông chủ xã hội chủ nghĩa, trong lịch sử, vốn xuất thân từ nghèo khổ bần cùng. Trong tất cả những điều không bình thường khi nói về bức tranh giàu nghèo của xã hội ngày nay thì đây là điều không bình thường và mỉa mai bậc nhất !
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 19/01/2019
Không như giai đoạn sau 1975 kéo dài đến tận đầu thập niên 1990, khi những người chạy trốn cộng sản lén lút thu vén tiền bạc, vàng vòng để vượt biên, những chuyến "vượt biên" ngày nay công khai và rất rầm rộ. Ly hương chưa bao giờ là câu chuyện vui. Rời bỏ quê hương và gia đình không bao giờ là một chọn lựa dễ dàng. Thế nhưng người ta vẫn đi, nhất quyết phải đi, bằng mọi giá phải đi, khó cách mấy cũng đi, "chết" cũng đi, nuốt nước mắt mà đi !
"Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam !"
Thử search nhanh trên mạng về dịch vụ visa Hoa Kỳ, visa Úc, visa Canada…, sẽ thấy vô số quảng cáo "cam đoan bảo đảm đậu". Một công ty dịch vụ visa thậm chí "treo" slogan : "Đi Mỹ không suy nghĩ !". Làm thế nào không thể không suy nghĩ khi quyết định phải đi, một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời, một quyết định có thể biến mình từ một người có của ăn của để thành một người tay trắng lạc lõng nơi xứ người. Tuy nhiên, vô số người vẫn chấp nhận lấy số phận đặt cược cho ván bài lớn nhất đời người : bằng mọi giá phải đi, sẵn sàng đón chờ tất cả may rủi để đi. Có người thậm chí nói, đi đâu cũng được, nước nào cũng được, miễn thoát khỏi Việt Nam ! Nghe đau không ?
Những câu chuyện "làm thế nào để đi" đang được chia sẻ công khai hàng ngày. Dịch vụ du học mọc như nấm. Dịch vụ ngân hàng "hỗ trợ vốn" du học quảng cáo nhan nhản. Các chương trình EB1, EB3, EB5 giờ được nhiều người thuộc nằm lòng. Đó là những tấm vé vượt biên hợp pháp. Những tấm vé thay đổi số phận. Những "lá phiếu cử tri" minh chứng cho sự thất bại "toàn tập" của một chế độ. Những bằng chứng rõ ràng và cụ thể cho thấy chính sách cai trị của chế độ có kết quả ê hề và thảm hại như thế nào.
Có quá nhiều lý do để đi. Có người nói họ đi (hoặc muốn đi) vì đất nước không còn thuộc về dân tộc nữa. Có người nói thẳng rằng "Việt Nam bán nước cho Tàu rồi, ở lại làm gì !". Có người nói, họ đi vì ngày càng "căm thù chế độ cộng sản". Dù cảm tính hay không thì đó vẫn là những lý do có thực. Tuy nhiên, lý do lớn nhất và phổ biến nhất vẫn là vì tương lai con cái. Chẳng ai muốn con cái họ lớn lên trong môi trường giáo dục-y tế tồi tệ như vậy. Chẳng ai muốn tương lai con mình u ám và đen tối như số phận quốc gia. Không ai muốn để con mình trôi trên chiếc tàu vô vọng và vô định. Chẳng ai muốn con cái phải gánh chịu những hậu quả mà chính những kẻ có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất cũng đang phủi tay tháo chạy.
Một người bạn nói với tôi rằng, tôi có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, tôi có thể sắm gần như bất kỳ chiếc xe nào, tôi có thể tậu gần như bất kỳ căn nhà nào, tôi có thể ăn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào… nhưng có những thứ mà tôi không bao giờ có thể mua : tôi không thể mua được môi trường trong sạch, tôi không mua được ngôi trường có những giáo viên tử tế, tôi không mua được bệnh viện nơi tôi và con tôi không phải nằm vật vờ ở hành lang, tôi không mua được những con đường không bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt, tôi không mua được hệ thống công quyền tận tụy vì dân ; và trên hết, tôi không thể mua được sự tự do – tự do cho cá nhân cũng như tự do cho tương lai con cái tôi.
"Chúc mừng bạn và gia đình đã lấy được visa định cư Hoa Kỳ !" – không có lời chúc nào nghe mỉa mai hơn vậy. Vì sao mà sau hơn bốn thập niên người ta vẫn mừng khi rời bỏ quê hương lên đường tha phương ? Vì sao mà gần nửa thế kỷ trôi qua người ta vẫn phải "vượt biên" tỵ nạn cộng sản và "tỵ nạn" những hậu quả mà cộng sản gây ra ? Vì sao mà sau những tuyên bố khẳng định chế độ đạt được hết thành tựu này đến thành công khác mà "cán bộ" cộng sản và đảng viên cộng sản vẫn bằng mọi giá đưa con cái họ ra nước ngoài ?
"Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam !" – không có lời chúc nào buồn và đau hơn. Một cách chính xác, lời chúc này không dành để nâng ly cho sự rời bỏ đất nước. Nó dành cho sự thoát được khỏi chế độ cai trị trên đất nước đó. Lời chúc đó là một cáo trạng cho chế độ. Chẳng ai vui (trừ "cán bộ" cộng sản) khi rời bỏ quê hương. Chẳng ai thoải mái khi bỏ hết tài sản lẫn thân nhân mà gạt nước mắt ra đi. Sự chọn lựa của họ quá khắc nghiệt : hoặc là một quê hương đang bị chế độ cộng sản tàn phá tan nát, hoặc là xứ lạ quê người nơi họ có thể dùng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời để gieo những mầm hạt hy vọng cho tương lai con em mình.
Khi tôi viết những dòng này, ngoài kia, trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc lãnh sự quán nào đó, hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn đang xếp hàng chờ phỏng vấn visa. Trời nắng chang chang hoặc mưa mịt mù, họ vẫn kiên nhẫn. Họ nắm chặt sấp hồ sơ trong tay. Họ đang cố nắm chặt số phận mình. Con đường phía trước dù mờ mịt như thế nào thì ít nhất nó cũng dẫn đến một lối thoát cho tương lai con em họ…
Một năm trôi qua với rất ít sự kiện lạc quan nhưng ngập đầy tin tức tiêu cực. "Đất nước có bao giờ được như thế này không" – câu nói của Nguyễn Phú Trọng hồi năm 2016 đã được nhắc đi nhắc lại với mức độ mỉa mai tận cùng…
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ kiêm nhậm chức Chủ tịch nước.
1. "Đốt lò"
Cuộc chiến "chống tham nhũng " tăng nhiệt. Hai thượng tướng và nhiều tướng quân đội-công an đã trở thành "củi" của người đốt lò Nguyễn Phú Trọng :thiếu tướng Trần Quốc Cường (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục V, Bộ Công an) ; trung tướng Lê Văn Minh (Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục IV) ; trung tướng Bùi Xuân Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công an) ; trung tướng Bùi Văn Thành (Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục IV) ; thượng tướng Trần Việt Tân (nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Công an) ; trung tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra) ; thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy Tổng cục cảnh sát, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng C50)…
Ngày 4/1, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm" - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 ; nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79) bị bắt.
Ngày 29/11, Bộ Công an xác nhận bắt Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.
Ngày 19/11, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 8/12, Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015, bị bắt.
Tại kỳ họp 32 (từ ngày 3 đến 6/12), Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh…
Những cái tên đã và sắp được nêu ra cho thấy "quyết tâm" làm "trong sạch" Đảng. Tuy nhiên, tham nhũng Việt Nam không phải là vấn đề cá nhân hủ hóa mà nó liên quan tình trạng hủ bại của bộ máy cơ chế lẫn mô hình thể chế. Sẽ chẳng bao giờ thanh trừng được tham nhũng nếu thể chế không cải cách và thậm chí thay đổi toàn diện. Bộ máy quản lý không bao giờ có thể trong sạch một khi nó còn được "soi đường" bằng sự "dẫn dắt" của "ngọn đuốc" độc đảng. Tham nhũng là quốc nạn. Duy trì thể chế là một quốc nạn lớn hơn.
Báo chí không có bất kỳ điều tra độc lập nào trong cuộc chiến "chống tham nhũng" này. Tất cả thông tin được đăng đều xuất phát từ một nguồn (Bộ Công an), từ hình ảnh đến nội dung bản tin. Yếu tố minh bạch và độc lập trong báo chí không có thì không thể giúp mang ra ánh sáng những "bộ não bé nhưng ước mơ lớn, dẫn đến vi phạm pháp luật" (lời của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trong phiên xử ngày 23/11). Chẳng hạn, tại "mặt trận" Sài Gòn "không yên tĩnh", các động thái cho thấy cuộc chiến đang đánh vào vây cánh Lê Thanh Hải nhưng báo chí không thể tự ý viết bất kỳ chi tiết nào liên quan tay cựu bí thư một thời hét ra lửa này, dù "tư liệu" về "anh Hai Nhựt" chất ngập đầy ngăn kéo phóng viên.
Cuộc chiến của ông Trọng không thể dừng lại nhưng dù kết cục như thế nào thì cũng có thể thấy Đảng không thể mạnh hơn và Đảng cũng không thể vớt vát lại được niềm tin từ nhân dân.
2. Đảng suy thoái
Ngày 21/09, "đom đóm" Trần Đại Quang tắt ; ngày 3/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng "thống nhất rất cao" với 100% ý kiến đồng ý giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước ; ngày 23/10, Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch với tâm trạng "vừa mừng, vừa lo" vì nghĩ mình "phận mỏng cánh chuồn" ; một tuần sau, Ủy ban kiểm tra Trung ương đột ngột thông báo "kết luận về vi phạm của đồng chí Chu Hảo". Các sự kiện dường như rời rạc nhưng liên quan nhau và có chủ đích lẫn tính toán, cho thấy tham vọng và quyết tâm của ông Trọng : bằng mọi giá phải nắm quyền hành tuyệt đối và bằng mọi giá phải "làm sạch " Đảng. "Suy thoái về mặt chính trị còn nguy hiểm hơn cả kinh tế" – lời ông Trọng. Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn sự tồn vong của Đảng hơn là phát triển đất nước.
Giáo sư Chu Hảo.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 24/11, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã giải thích lý do "kỷ luật" ông Chu Hảo : "Nhân đây báo cáo các bác vì sao xử lý kỷ luật ông Chu Hảo. Đây có phải tham nhũng đâu. Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi con người biến mình thành người khác lúc nào không biết, nó lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp. Nói trái Điều lệ, nói trái Cương lĩnh, thế ông có còn đảng viên nữa không ? Vừa rồi phải khai trừ khỏi Đảng một vài trường hợp. Lúc đầu cũng kêu thế nọ thế kia, giờ có kêu gì được nữa không ? Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục chứ, phải uốn nắn chứ, kỷ luật một vài người để cứu muôn người cơ mà…".
Cách thức "cứu muôn người" đã tạo ra một hiệu ứng "thoái Đảng" rúng động. Trong tuyên bố bỏ Đảng, nhà văn Nguyên Ngọc viết : "Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, "tự diễn biến" thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy". Sự kiện Chu Hảo – dẫn đến sự bất bình của giới trí thức (với lá thư cùng ký ngày 11/11, trong đó có hàng loạt giáo sư Mỹ, Pháp cũng như giới trí thức trong và ngoài nước) – càng cho thấy, khi chọn giới nhân sĩ trí thức làm mục tiêu cho sự răn đe dằn mặt, Đảng đã "nhất thể hóa" thêm một bậc trên con đường cai trị độc tài, rằng hàng ngũ Đảng chỉ còn lại những người trung thành tuyệt đối với Đảng hơn là có ai khác giúp "giáo dục" và "uốn nắn" lại những sai lầm của Đảng.
3. Giáo dục : loạn, loạn nữa, loạn mãi !
Một nền giáo dục rất "nhạ" ! Tên của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ thậm chí được cộng đồng mạng biến thành "tính từ " để chỉ những gì nhếch nhách, xấu xa, bê bối… diễn ra hàng ngày trong ngành giáo dục... Khó có thể đếm bao nhiêu vụ tai tiếng và ồn ào xảy ra trong hệ thống giáo dục từ đầu năm đến nay - từ vụ chương trình Công nghệ Giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại ; vụ gian lận điểm sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Hậu Giang… ; vụ cô Nguyễn Thị Phương Thủy (Quảng Ninh) bắt 23 học sinh lớp mình tát một bạn học 230 cái ; đến vụ hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) - Đinh Bằng My - có "hành vi lạm dụng tình dục" đối với học sinh nam của trường… Những sự kiện tồi tệ xảy ra trong ngành giáo dục, chưa kể những chương trình "cải tổ" tốn kém chỉ làm tan nát thêm một hệ thống giáo dục tưởng chừng không thể rối ren hơn, đã bục vỡ ra như cơn lũ và làm xã hội mỗi lúc mỗi băng hoại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Nhạ không có lỗi cá nhân đối với toàn bộ sự suy đồi giáo dục. Những gì đang thấy là hậu quả tất yếu của chính sách giáo dục sai lầm đằng đẵng từ nhiều thập niên. Cá nhân Nhạ không tạo ra tất cả "diễn biến suy thoái" trong giáo dục. Cá nhân Nhạ không thể giải quyết được tất cả hậu quả tồn đọng của một nền giáo dục bệ rạc đến tận cùng. Điều đáng nói là Nhạ vẫn trơ trơ không dám rời khỏi cái ghế bộ trưởng như hành xử cần có của một người được mặc định có giáo dục và có ý thức về lòng tự trọng và liêm sỉ, bất luận bị chỉ trích và thậm chí bị nguyền rủa gay gắt như thế nào, bất luận ông ta có số phiếu "tín nhiệm thấp nhiều nhất với 137 phiếu, theo kết quả của Ban kiểm phiếu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV công bố ngày 25/10.
4. Nước mắt Thủ Thiêm
Một chiếc giày phẫn nộ được ném ra ; nhiều giọt nước mắt lăn dài ; những tiếng than oán kêu vang thấu trời… Tất cả là hậu quả của một chính sách đất đai bất minh kéo dài cùng lỗ hổng cơ chế của một thể chế cai trị ngày càng lộ rõ khiếm khuyết. Các cuộc "tiếp dân" nhằm xử lý vấn đề Thủ Thiêm, nằm trong một kịch bản mà đạo diễn của nó nhắm đến việc thanh trừng băng nhóm lợi ích hơn là giải quyết rốt ráo sai lầm cơ chế, chỉ có chức năng như một giải pháp tháo ngòi nổ.
Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q2 ngày 22/11/2018
Tính đến cuối năm, đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ba cuộc tiếp dân với những hứa hẹn "ủy mị" mơ hồ. "Thành phố không gạt bà con đâu" - bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói như vậy trong cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 20/6. Dù vậy, những nạn nhân của 321 hộ bị giải tỏa oan (trong khu đất 4,3 hecta nằm ngoài ranh giới quy hoạch) vẫn phấp phổng hoang mang chưa biết được giải quyết như thế nào, dù chính quyền từng cam kết "xử lý dứt điểm" vào cuối tháng 11 để "bà con có thể ăn Tết". Trong khi đó, dự án xây nhà hát 1.500 tỷ "xứng tầm biểu tượng văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh" gần như chắc chắn sẽ được thực hiện, như được nhắc lại tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/12. Vấn đề ở chỗ không phải nhà hát giao hưởng có cần hay không mà là tại sao lại cần vào thời điểm này và tại sao cần được xây ở nơi mà nước mắt và "oan khí" vẫn còn váng đọng trên những gò má heo hắt ngày đêm mòm mỏi trông chờ được lau khô khỏi những uất ức hằn sâu hàng chục năm... Nước mắt oan nghiệt Thủ Thiêm chừng nào mới có thể ngừng chảy ? Nước mắt oan ức của vô số người dân bị chính quyền cướp đất trên khắp đất nước này chừng nào mới có thể lau sạch ?
5. Ngày Sài Gòn xuống đường
Không có sự kiện chính trị nào trong năm có thể so với cuộc biểu tình chống luật Đặc khu và luật An ninh mạng ngày 10/6. Sài Gòn, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Phan Rí, Vũng Tàu… đồng loạt cất vang "Không Trung Quốc, Không đặc khu !", "An ninh mạng, Bịt miệng dân !". Đây mới thật sự là ngày mà miền Nam thật sự được "giải phóng" bằng sự giải phóng chính mình khỏi nỗi sợ hãi chế ngự bám chặt trong trí não hàng chục năm. Đây cũng là ngày mà chế độ phải sửng sốt trước những hô vang "Đả đảo bọn bán nước", "Đả đảo cộng sản bán nước". Cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở Sài Gòn nhưng cuộc "trả thù" của chính quyền ở Sài Gòn là kinh khủng nhất.
Nguyên nhân cuộc biểu tình – luật Đặc khu và luật An ninh mạng – sẽ tiếp tục phân định chiến tuyến giữa nhà cầm quyền với nhân dân
Bất luận cuộc biểu tình bị dập tắt tàn bạo thế nào, tuyên ngôn "Đả đảo cộng sản bán nước" vẫn sẽ in sâu trong tim óc nhà cầm quyền. Lần đầu tiên, nhà cầm quyền mới nhận ra một sự thật mà trong tâm khảm họ có lẽ luôn biết nhưng không muốn tin và không bao giờ muốn nghe từ người dân : chính quyền này đã không còn được xem là đại diện cho người dân và thậm chí họ bị nhân dân xem như những kẻ phản bội đất nước. Bất luận "dư chấn" lịch sử của cuộc biểu tình ngày 10-6 như thế nào, một ranh giới giữa chính quyền và nhân dân đã được vạch ra. Nguyên nhân cuộc biểu tình – luật Đặc khu và luật An ninh mạng – sẽ tiếp tục phân định chiến tuyến giữa nhà cầm quyền với nhân dân, và tiềm ẩn những ngòi nổ khó lường trong năm 2019.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 19/12/2018
Trong số tổng kết thường niên, tờTime đã chọn nhà báo là "nhân vật trong năm", với những ghi nhận về vô số vụ đàn áp báo chí trong năm 2018. Trong báo cáo đặc biệt ngày 13/12/2018, Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) cũng cho biết có ít nhất 251 nhà báo đã bị cầm tù khắp thế giới trong năm 2018. Đàn áp báo chí thật ra không phải là vấn đề nảy sinh trong năm nay. Nó là một hiện tượng toàn cầu, bùng nổ ngay trong thời mà rào cản đối với tự do thông tin tưởng chừng đã được tẩy xóa mờ đi trước sự phát triển của mạng xã hội…
Khashoggi chết không toàn thây : ông bị chặt từng mảnh ! Tự do báo chí cũng đang bị chặt vụn từng khúc.
Một trong những vụ chấn động làng báo thế giới là vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi (Saudi Arabia), cây bút bình luận của Washington Post và là tổng biên tập Al-Arab News Channel. Bị giết ngày 2/10/2018, Khashoggi chết không toàn thây : ông bị chặt từng mảnh ! Tự do báo chí cũng đang bị chặt vụn từng khúc. Báo chí đang bị trấn áp. Thông tin minh bạch đang bị khủng bố, tại nhiều nơi thế giới. Tại Philippines, nhà báo Maria Ressa, vì điều tra cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực của Tổng thống Rodrigo Duterte, đã bị buộc tội "gian lận thuế" vào tháng 11/2018 và đối mặt nguy cơ ngồi tù 10 năm. Tại Myanmar, hai phóng viên Reuters, Kyaw Soe Oo và Wa Lone, vì thực hiện phóng sự điều tra vụ thảm sát cộng đồng người Hồi giáo Rohingya, đã bị xử 7 năm tù.
Tại Bangladesh, phóng viên ảnh Shahidul Alam bị nhốt hơn 100 ngày tội đăng "tin giả" sau khi chỉ trích Thủ tướng Sheikh Hasina. Tại Sudan, nhà báo tự do Amal Habani bị bắt sau khi tường thuật các vụ biểu tình liên quan tình hình kinh tế. Cô bị giam 34 ngày và bị tra tấn bằng roi điện. Amal Habani từng bị bắt 15 lần và bị cấm viết cho một tờ báo lớn. Tại Brazil, ký giả Patricia Campos Mello trở thành mục tiêu bị đe dọa sau khi tường thuật rằng những người ủng hộ Tổng thống tân cử Jair Bolsonaro đã tài trợ cho một chiến dịch tung tin giả trên WhatsApp. Trong khi đó, Victor Mallet, biên tập tin tức Châu Á của Financial Times, đã bị Trung Quốc trục xuất khỏi Hong Kong sau khi mời một nhà hoạt động xã hội đến nói chuyện tại câu lạc bộ báo chí. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ký giả Can Dundar, cựu tổng biên tập tờCumhuriyet, đã thoát chết từ các âm mưu ám sát. Dundar từng điều tra và tiết lộ các thương vụ bí mật bán vũ khí cho phiến quân Syria mà chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thực hiện. Năm 2016, Dundar bị xử 5 năm tù nhưng được tại ngoại và ông trốn sang Đức. Mới đây, ngày 5/12/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh truy nã Dundar.
Bức tranh u ám phủ đen lên tự do báo chí không chỉ ở các nước đang phát triển. Từ đầu năm 2017 đến nay, bốn nhà báo đã bị giết tại Liên minh Châu Âu. Tháng 2-2018, cảnh sát đã tìm thấy xác nhà báo Ján Kuciak, một cây bút nổi tiếng chuyên viết về tham nhũng tại Slovakia. Ján Kuciak bị bắn chết cùng hôn thê ngay tại nhà riêng của họ. Tại Nga, Tatiana Felgengauer, phó tổng biên tập đài phát thanh độc lập Echo of Moscow, bị một gã lạ mặt xông vào tận đài và bị đâm vào cổ hồi tháng 10-2017. Vụ tấn công xảy ra sau khi Đài truyền hình nhà nước Nga cáo buộc Echo of Moscow và Tatiana Felgengauer tội "làm việc cho Mỹ". Với Nga, các vụ khủng bố tinh thần hoặc ám sát nhà báo xảy ra gần như cơm bữa. Năm 2017, cựu phóng viên tờNovaya Gazeta (Moscow), Arkady Babchenko, phải trốn sang Kiev (Ukraine), vì không muốn trở thành người tiếp theo trong ít nhất 5 nhà báo kể từ năm 2000 đến nay bị giết. Nhưng rồi "kẻ thù" của Babchenko vẫn không tha. Đối mặt "án tử hình" từ những đe dọa ám sát, Babchenko đã ngụy tạo cái chết giả (nằm trên vũng máu heo) để có cơ hội tìm ra những kẻ đứng sau âm mưu khử mình…
Thậm chí những bàn tay nhân danh pháp luật và công lý cũng thò ra để bịt miệng báo chí. Trong vài trường hợp, nhà báo đã bị gài bẫy để được dẫn thẳng vào tù. Vụ bắt hai phóng viên Reuters, Kyaw Soe Oo và Wa Lone, là điển hình. Ngày 12/12/2017, Kyaw Soe Oo và Wa Lone được một viên chức cảnh sát mời đến nhà hàng ăn tối. Tại đây, tay cảnh sát đưa hai phóng viên một số tài liệu giấu trong một tờ báo. Thế là hai phóng viên bị "bắt quả tang" sở hữu "tài liệu mật của nhà nước". Sự kiện xảy ra tại một nơi mà một trong những đại diện nhà nước bây giờ là Aung San Suu Kyi, người từng là nhà đấu tranh dân chủ lừng lẫy một thời và trở thành người hùng Myanmar nhờ công sức của truyền thông báo chí nói chung.
Tại sao tự do thông tin ngày càng bị "cưỡng bức" thô bạo ? Bởi vì sự thật trong tự do thông tin (cần nhấn mạnh yếu tố "sự thật", ở thời mà tự do thông tin bị hoen ố bởi làn sóng tin giả) là công cụ có thể giúp lật mặt được chủ nghĩa dân chủ giả hiệu đang bùng nổ và phát triển khắp nơi, dù nó được lập luận ngụy biện bởi những kẻ đang ôm giữ mọi thứ quyền hành và muốn kiểm soát tuyệt đối cả tự do tư duy lẫn tự do biểu đạt. Sự thật, tại nhiều nơi, đã bị nhốt vào lồng và thậm chí bị chôn. Chẳng nơi nào có thể "minh họa" cho điều này bằng Trung Quốc. Báo cáo CPJ (13/12/2018) cho biết có 47 người đang đứng sau song sắt vì can tội viết về cuộc thanh trừng sắc tộc cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Một trong những trường hợp gần đây nhất là phóng viên ảnh tự do Lu Guang, người từng giành vô số giải thưởng lớn, từ World Press Photo đến National Geographic, bị bắt mất tích từ ngày 3/11/2018 khi đến Tân Cương. Mãi đến nay, ngày 13/12/2018, nhà cầm quyền Trung Quốc mới chính thức thừa nhận họ bắt Lu Guang.
Đứng kế Trung Quốc về "năng lực" bóp họng báo chí là Việt Nam. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5/04/2018, khi trả lời việc một số tổ chức nhân quyền lên án phiên tòa cùng ngày xét xử sơ thẩm sáu bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời : "Về thông tin do một số tổ chức nhân quyền đưa ra, tôi bác bỏ những thông tin sai sự thực, thiếu khách quan. Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ". Danh sách những người bị bắt vì tội tự do "tuyên truyền chống phá nhà nước" thật ra không chỉ có sáu người bị xử ngày 5/04/2018 (Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Lê Thu Hà). Trái với lời bà Lê Thị Thu Hằng, gần 100 người khác cũng đang ngồi tù – tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận vào tháng 4-2018. Cũng trong tháng 4/2018, báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã xếp Việt Nam thứ 175 trong 180 quốc gia về tự do báo chí.
Điều đáng nói nhất đối với làng báo Việt Nam là nó đã trở nên "khác biệt" so với hầu hết các nước chứng kiến tình trạng báo chí bị ngược đãi, bởi "đặc điểm" rằng : không có nhà báo "chính thống" nào bị tù vì "tự do bày tỏ chính kiến", ngay trong thời điểm có vô số người bị xử những bản án nghiệt ngã bởi bày tỏ chính kiến một cách tự do dù họ không là nhà báo. Cũng thật trớ trêu khi không có nhà báo chính thức nào dám lên tiếng trước các vụ bắt bớ những người nói thay cho mình hoặc nói thay người dân về những vấn đề dân chủ và thậm chí những vấn đề liên quan trực tiếp đến tự do thông tin. Ký giả miền Nam trước 1975 từng "đi ăn mày" để phản đối sự kiểm soát báo chí. Giới báo chí ngày nay có những chọn lựa khác hơn "đi ăn mày", dù họ biết thái độ đó mang lại kết cuộc như thế nào cho xã hội lẫn quốc gia.
Trên Washington Post ngày 21/05/2018, (cố) ký giả Jamal Khashoggi viết : "Liệu có cách nào khác cho chúng ta hay không ? Liệu chúng ta có phải chọn giữa rạp chiếu bóng và quyền công dân để có thể cất tiếng nói, dù là ủng hộ hay chỉ trích những hành động của chính quyền ? Chúng ta có nên chỉ ton hót những lời bóng bẩy trước các quyết định của lãnh đạo, cái nhìn của ông ấy về tương lai chúng ta, nhằm đổi lại quyền sống và sự đi lại tự do cho bản thân và gia đình mình ?"… Tự do báo chí đôi khi không hẳn là "không gian" được phép thể hiện. Tự do báo chí có khi là "khoảng cách" giữa "rạp chiếu phim" và "quyền công dân" cùng với sự chọn lựa một trong hai này. Khó có thể có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo luôn chọn "rạp chiếu phim". Không thể đòi hỏi có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo cúi đầu chấp nhận khước từ quyền tự do ngôn luận của chính mình. Báo chí sẽ chẳng bao giờ có được sự độc lập và trung thực thông tin, nếu nhà báo không dám "tự do" "đi ăn mày" nhưng sẵn sàng "tự do" "mài bút" xu nịnh vuốt ve "các cụ", để được thụ hưởng lợi ích kinh tế hoặc được "bảo kê" trong các cuộc đấu đá phe nhóm chính trị.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 14/12/2018
Như mọi lần, báo chí lại "vỡ òa" với chiến thắng bóng đá và người dân cũng "vỡ òa cảm xúc" với màn "đi bão" náo loạn đường phố. "Vỡ òa" cứ "òa" ra như một quán tính – một quán tính ở tầm… quốc gia. "Tự hào quá, Việt Nam ơi !" - niềm vui bóng đá đã được "đồng hóa" với tinh thần dân tộc. Dĩ nhiên chiến thắng bóng đá gần như luôn gắn liền với tinh thần dân tộc (như có thể thấy ở các giải đấu quốc tế) nhưng sức mạnh dân tộc chẳng bao giờ đi cùng với sức mạnh bóng đá…
"Tự hào quá, Việt Nam ơi !" - niềm vui bóng đá đã được "đồng hóa" với tinh thần dân tộc.
Sau khoảnh khắc "niềm vui vỡ òa", Việt Nam tiếp tục "khóc òa" với khủng hoảng môi trường, khủng hoảng giáo dục, khủng hoảng y tế, khủng hoảng ngân sách…, chưa kể khủng hoảng nhân quyền và thậm chí khủng hoảng chính trị. Mọi thứ diễn ra sờ sờ nhưng chưa bao giờ có thể mang đến một cuộc "khủng hoảng nhận thức" đủ mạnh như một dấu chỉ tích cực để dẫn đến thay đổi. Đất nước vẫn triền miên rơi tự do vào hố sâu đổ nát. Trên bờ vực hố thẳm, người ta nhảy múa vỡ òa khi có cơ hội dù niềm vui chưa bao giờ đích thực là niềm tự hào đủ mạnh để lấn át những hỗn độn đang nhấn chìm tương lai và che khuất những lôi thôi đang làm nhục quốc thể. Sau một đêm "đi bão", rồi lại đưa con đi học trên con đường nếu không ngập nước thì cũng ngập bụi ; sau cảm xúc "vỡ òa", rồi lại dùng thức ăn nhiễm độc, lại bị chặn đường mãi lộ, lại bị cô giáo tát con sưng mặt, lại bị uống thuốc giả, lại bị ăn hối lộ khi ra cửa công quyền, lại bị siêu thị các nước khu vực dò xét túi xách vì nghi trộm cắp, lại bị công an ném dùi cui ngã sấp mặt, thậm chí bị cướp mất đất mất nhà… Thực tế là như thế. Có rất ít niềm vui nhưng nhiều nước mắt trên đất nước này. Vỡ òa trong khoảnh khắc. Khóc òa thì bất tận.
Chẳng có gì đáng nói khi thể hiện niềm vui bóng đá. Không có niềm vui tập thể nào mang lại cảm giác sung sướng tột cùng cho bằng niềm vui chiến thắng thể thao. Nhưng khi niềm tự hào của một dân tộc chỉ còn dựa vào các cặp chân cầu thủ, hơn là bàn tay và trí não của giới trí thức, thì đất nước đó chẳng "chạy" đi đâu xa được, ngoài phạm vi cái "sân nhà" nhỏ hẹp. Nhìn quanh, không quốc gia nào trong khu vực chỉ chạy quanh chạy quẩn như đất nước này. Một đội bóng mạnh chưa bao giờ đồng nghĩa với một quốc gia hùng cường. Để có tên trên bản đồ bóng đá chưa bao giờ khó ngang bằng việc xây dựng và phát triển quốc gia. Đất nước này đang cần một đội ngũ nhân tài kiến thiết hơn là một đội tuyển có bàn chân vàng. Việt Nam đang cần một đội ngũ lãnh đạo có viễn kiến và biết cách làm cho dân tộc vẻ vang hơn là ngồi trên khán đài "vỡ òa" đến mức thè cả lưỡi.
Làm sao có thể "tự hào quá Việt Nam ơi" khi mà "đội" Thái Lan đang trở thành một trong những nước hàng đầu khu vực về "nông nghiệp chính xác" (sử dụng các thiết bị thông minh để canh nông chính xác, từ bón phân chính xác đến tưới cây chính xác). Làm thế nào có thể "tự hào quá Việt Nam ơi" khi mà Malaysia đang trở thành quốc gia có nền công nghiệp hàng không nhất nhì Đông Nam Á. Làm thế nào Việt Nam có thể tự hào trước một Philippines đang tăng thứ hạng về môi trường đầu tư, công nghệ thông tin và đặc biệt giáo dục (theo báo cáo 2018 của Đại học Cornell phối hợp cùng World Intellectual Property Organization - WIPO). Hãy biết ganh tỵ, tự ái và xấu hổ để tranh tài vươn lên. Hãy tự hào nếu có những tên tuổi khoa học gia tạo ra những nghiên cứu chấn động. Hãy tạo ra một nền giáo dục sinh ra nhân tài. Hãy kiến thiết những giá trị phát triển bền vững hơn là thỏa mãn khoảnh khắc ngắn ngủi trước những cú sút trong cầu trường.
Thế giới đang thay đổi kinh khủng. Từng ngày từng giờ, báo chí thế giới tràn ngập tin tức những thay đổi tích cực. Năng lượng chuyển hóa cho phát triển tuôn ra không ngừng. Năm 1998, khi Kodak có 170.000 công nhân và chiếm 85% thị trường phim nhựa toàn cầu, chẳng ai có thể hình dung rằng, chỉ ba năm sau, phim nhựa sẽ dần biến mất và Kodak sẽ phá sản. Ngày nay, không chỉ phim nhựa chết, máy ảnh gia đình cũng gần như mất tích. Cách đây 10 năm, thế giới đã làm "lễ truy điệu" cho băng VHS. Loại video tape này, ra đời năm 1976, từng tạo ra cuộc cách mạng chấn động công nghiệp giải trí. Thế rồi DVD đánh bại VHS. Đến nay thì cả DVD cũng chết mòn. Cái chết của VHS, hoặc vô số trường hợp tương tự, là cái chết của kỹ thuật lạc hậu. Cái chết của lạc hậu là cái chết của tư duy cũ kỹ.
Thế giới đang lột xác. Tiến trình này chưa bao giờ ngưng. Năm 1999, Bill Gates viết quyển sách mang tựa Business @ the speed of thought. Tốc độ tư duy ở đây là tốc độ của một cái nhấp chuột. Nó đòi hỏi phải tư duy liên tục và phải nắm bắt cơ hội với tốc độ một cái nhấp chuột. Tốc độ tư duy ở đây là tốc độ của cú sút tung lưới đối phương. Đừng để chết tức tưởi trên chấm phạt đền. Đừng để đến mức phải "khóc òa" khi phải "truy điệu" cho cái chết của chính quốc gia mình. Ngoài kia, bên ngoài sân bóng, có những cuộc thi đấu ác liệt không ngừng nghỉ và không bao giờ nhường chỗ cho sự lạc hậu và cũ mòn trong tư duy.
Sự tuột dốc đạo đức không có điểm dừng. Không chỉ những giá trị căn bản nhất của đạo đức đang thoái hóa mà thậm chí tình người cũng cạn kiệt. Sự khủng hoảng đạo đức đang trở nên điên loạn. Chừng nào nguyên nhân sâu xa cuộc khủng hoảng làm tê liệt và tàn phá xã hội này còn chưa dám thừa nhận thì vấn đề "chấn chỉnh" đạo đức không bao giờ có thể khôi phục.
Hình minh họa. Sự tuột dốc đạo đức không có điểm dừng. Không chỉ những giá trị căn bản nhất của đạo đức đang thoái hóa mà thậm chí tình người cũng cạn kiệt.
Đạo đức rơi từng mảng như một bức tường mục nát. Đạo đức đang lao xuống vực như chiếc xe không phanh. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam tan nát đến nhường này. Mọi cái xấu và cái ác tuôn ra ào ạt với mức độ vô phương kiểm soát. Cái xấu này kéo theo cái ác khác. Cái ác đang rất thèm khát thể hiện hung tính của nó. Cái ác trở thành đặc tính nổi trội trong một xã hội hỗn loạn không kỷ cương. Chỉ vì "nhìn đểu", nạn nhân có thể bị chém chết tức thì. Con giết cha, trò đánh thầy, cô giáo "tra tấn" học sinh, bệnh nhân nện bác sĩ, "quan làng" hà hiếp người dân…, tất cả xảy ra như cơm bữa. Một xã hội ngày nào cũng được cung cấp một "thực đơn" như vậy thì con người sẽ biến thành gì ?
Con người sẽ chỉ trở nên ác hơn. Cứ sau một sự việc kinh thiên động địa, chẳng hạn cô giáo cho học trò uống nước giẻ lau bảng hoặc cô giáo phạt "bạt tay hội đồng", phản ứng xã hội luôn kinh khủng. "Giết chết cả họ nhà con mụ ấy đi ! Con này mà rơi vào tay tao thì tao băm từng mảnh !"… – đó là "ý kiến" của đa số dư luận. Tại sao hiện tượng "ác mồm, ác miệng" mỗi lúc mỗi phổ biến ? Tại sao con người lại trở nên hung dữ hơn ? Lý do trong mọi lý do là công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật. Trong một xã hội "vô pháp, vô thiên", người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Trong một xã hội mà công lý thường xuyên đóng vai một tên hề trơ trẽn thì quyền phán xét không còn thuộc về những kẻ ngồi xổm lên đầu nhân dân và đùa bỡn với công lý.
Trong một đất nước mà ngày càng có nhiều trường hợp chết trong đồn công an mà không bao giờ được điều tra và xử tội trong khi công an chẳng khác gì một tổ chức côn đồ khoác áo chính quyền thì tâm lý giận dữ và thù hằn càng thêm dồn nén. Trong một đất nước mà kẻ trộm con vịt bị xử 7 năm tù trong khi vô số kẻ cắp hàng tỷ lại được "phê bình kiểm điểm" thì sự phẫn nộ người dân trút lên đầu bất cứ ai gây ra bất kỳ hành động tàn ác nào là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Đó là sự xả tràn của vô số ức chế thường trực và luôn trong trạng thái chực chờ nổ tung. Dầu dường như chưa bao giờ thiếu để châm vào lửa trên đất nước này. Xã hội và những gì xảy ra hàng ngày luôn "cung cấp" thừa ngòi nổ, từ những tiêu cực trong giáo dục đến những tai ương môi trường, từ những phát biểu nhảm nhí đến thái độ im lặng trong những trường hợp mà người dân cần chính quyền lên tiếng. Còn nữa, trong một đất nước mà chính quyền thường xuyên thể hiện bộ mặt đạo đức giả của nó thì làm sao có thể kỳ vọng xã hội tử tế và đạo đức ?
Vấn đề đạo đức tan hoang đã được báo chí đề cập ít nhiều.
Trên SGGP (15/01/2018), gia đình đã được xem là "thủ phạm" : "Tình trạng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng là do có sự buông lỏng việc giáo dục đạo đức cho học sinh từ ngay trong gia đình đến nhà trường. Ở nhà thì cha mẹ mải mê lo kiếm tiền bỏ mặc con cái, thiếu hẳn việc giáo dục con cái nền tảng đạo đức, giữ gìn đạo hiếu với ông bà cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, biết tôn sư trọng đạo. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh còn nuông chiều con quá mức, dung túng cả những thói hư, tật xấu của con em mình. Họ chưa thực sự là tấm gương sáng cho con mình"…
Trên Nhân Dân (30/10/2018), "tình trạng xuống cấp trong lối sống của một bộ phận giới trẻ" đã được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến đạo đức suy vong. Và trên nghị trường, đạo đức bi thảm là tại… kinh tế !
Sự tan nát đạo đức xã hội thật ra không thể loại trừ yếu tố chính trị. Nếu không dám đề cập đến chính sách giáo dục trong đường lối cai trị – đề cao "con người mới xã hội chủ nghĩa" hơn là văn hóa và đạo đức, đề cao việc trung thành với Đảng hơn là gắn bó với những giá trị đạo đức truyền thống – thì những "mổ xẻ" về việc đạo đức xuống cấp chỉ là hành động tương tự vớt lớp váng trên bề mặt của một cái ao tù nước đọng gây ô nhiễm xã hội từ những cặn bã hôi thối nằm sâu dưới đáy. Đừng tránh né mà phải thừa nhận rằng chính đường lối cai trị cộng sản đã đập nát các giá trị đạo đức truyền thống, ngay từ những ngày đầu của lịch sử cộng sản.
Những trận mưa dầm rỉ rả tuyên truyền cùng chính sách xây dựng "xã hội mới xã hội chủ nghĩa", trong khi phủ nhận và triệt tiêu nhiều giá trị đạo đức căn bản, đã làm trốc gốc và gãy đổ những giá trị đạo đức vốn ngạo nghễ cả ngàn năm. Khi mọi thứ được "Đảng trị" và "Đảng hóa", kể cả tôn giáo, thì vị trí của những giá trị khác, trong đó có giá trị đạo đức, phải lùi lại và thậm chí bị vất đi. Cộng sản và cái gọi là "xã hội chủ nghĩa" của họ chẳng khác gì đám sâu đục khoét và tàn phá những cây cổ thụ đạo đức. Chẳng phải tự nhiên mà sự xuống cấp đạo đức của xã hội Việt Nam hiển hiện y hệt xã hội của "nước anh em" Trung Quốc.
Chính quyền làm gì để chấn chỉnh đạo đức ? "Bộ Văn hóa đã tham mưu Trung ương Đảng ban hành nghị quyết 33 về xây dựng phát triển văn hóa con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bộ cũng trình Chính phủ ban hành nghị định 110 về quản lý tổ chức lễ hội ; nghị định 122 quy định xét tặng danh hiệu gia đình, thôn, bản, ấp văn hóa… Bộ Văn hóa cũng đề ra nhiều giải pháp để phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ ; tăng cường phối hợp liên ngành trong giáo dục đạo đức lối sống"... – phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 30/10/2018). Đó chẳng phải là giải pháp. Những điều đó chưa bao giờ là giải pháp. Mô hình "làng văn hóa", "phường văn hóa"… chưa bao giờ đóng góp cho việc xây dựng đạo đức xã hội. Sự xuống cấp của đạo đức xảy ra cùng thời với sự bùng nổ những mô hình và cách thức "xây dựng văn hóa" này.
Điều mà Bộ Văn hóa cần "tham mưu Trung ương Đảng" là phải thay đổi chính sách giáo dục, phải lột bộ da chính trị ra khỏi cơ thể giáo dục, phải đập nát bộ máy giáo dục để xây lại hệ thống giáo dục từ đầu, lấy triết lý nhân bản làm trung tâm chứ không phải "con người xã hội chủ nghĩa". Bộ Văn hóa cũng cần "tham mưu Trung ương Đảng" việc cần giảm liều lượng sợ hãi trước cái gọi là "suy thoái tư tưởng và đạo đức cách mạng" trong cuộc chấn chỉnh xây dựng Đảng, vì chẳng đảng cai trị nào có thể đứng vững và chẳng đất nước nào có thể đứng lên nếu nền giáo dục của nó bất thành trong việc tạo ra những cái phanh chặn lại sự tuột dốc của đạo đức.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 29/11/2018
Bỏ thời gian và kiên nhẫn đọc hàng chục bài viết trên các trang thuộc hệ thống tuyên truyền Đảng, từ tạp chí Ban tuyên giáo Trung ương (tuyengiao.vn), Ủy ban kiểm tra Trung ương (ubkttw.vn), Tạp chí Cộng Sản (tapchicongsan.org.vn), đến các bài viết trên báo Nhân Dân, mới thấy được sự "khổ tâm" của Đảng như thế nào, trước hiện tượng "diễn biến hòa bình" xảy ra "phức tạp" và "gay gắt" trong hàng ngũ Đảng. Tình trạng Đảng mất "nguồn cán bộ" hay chính xác hơn là có một cuộc "tháo chạy" âm thầm khỏi Đảng thật ra đã diễn ra từ nhiều năm nay…
"Lá bùa Đảng" - tấm thẻ đảng viên - từng một thời uy phong và ẩn chứa đầy quyền lực.
"Gần đây, dư luận trong đảng và nhân dân tại nhiều địa phương băn khoăn, thậm chí bất bình về hiện tượng một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở địa bàn cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh người đảng viên, cũng như uy tín của Đảng và phần nào thể hiện sự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên như Nghị quyết TW4, khóa XII đã chỉ rõ. Đáng lo ngại hơn là hiện tượng này ngày càng phổ biến tại nhiều nơi" – đây là đoạn trích bài viết trên trang tin Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 31/10/2017.
Trước đó, một ghi nhận "đau lòng" cũng đã đăng trong Sổ tay xây dựng Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát hành tháng 2/2014, rằng : "Gần đây, có một số đảng viên tuyên bố "bỏ Đảng", "công khai ra khỏi Đảng"… Điểm chung của họ là công bố việc ra khỏi Đảng trên các trang mạng, tự xem mình không còn là đảng viên trước khi được cấp ủy có thẩm quyền quyết định… Họ không chỉ phủ định mục tiêu, lý tưởng của mình khi đứng vào hàng ngũ của Đảng mà còn phủ định sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một sự phản bội".
Như vậy là "sự phản bội" đã diễn ra từ lâu, âm thầm làm Đảng suy yếu, bởi những đối tượng "suy thoái đạo đức", "biến chất", mang tư tưởng "diễn biến hòa bình" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ đảng viên. Có điều, chỉ thấy Đảng than thở, oán trách, đổ thừa, giận lẫy và thậm chí cay cú nhưng không thấy Đảng "phê và tự phê", cũng như thẳng thắn nhìn nhận và đặt ra câu hỏi rằng tại sao Đảng trở nên mất sức hấp dẫn và không chỉ bị "quần chúng" xa rời mà cả đảng viên cũng ngoảnh mặt thề một đi không trở lại, mà "trong số những đảng viên sau khi nghỉ hưu bỏ sinh hoạt Đảng có cả một số đồng chí nắm giữ cương vị lãnh đạo cấp vụ, cấp sở ở các cơ quan trung ương và địa phương" – theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương (VOV, 31/10/2017).
"Lá bùa Đảng" - tấm thẻ đảng viên - từng một thời uy phong và ẩn chứa đầy quyền lực. Muốn thăng quan tiến chức phải có "bùa Đảng". Điều này vẫn còn đúng nhưng "bùa Đảng" ngày càng mất thiêng, đến mức bây giờ ít đảng viên nào dám khoe mình đang thủ thẻ đảng. Một thời, vào Đảng là niềm tự hào và hãnh diện (người viết bài này từng nghe không ít câu chuyện về nhân vật này hay nhân vật kia trong làng báo đã ôm lá cờ Đảng khóc rưng rức trong buổi lễ kết nạp Đảng). Muốn vào Đảng không dễ : phải bị xét lý lịch gay gắt, được hai đảng viên chính thức giới thiệu, và phải có "đơn tự nguyện xin vào Đảng" – nêu rõ "động cơ đúng đắn" vào Đảng ; có "giác ngộ" chính trị ; phải tán thành quan điểm, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ; không ủng hộ đa nguyên, đa đảng ; không phủ định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; và còn phải là "người ưu tú" và được "nhân dân tín nhiệm"… Sau khi được giới thiệu, đối tượng còn phải trải qua thời kỳ thử thách để "rèn luyện", "tu dưỡng đạo đức cách mạng"…
Những điều này trong thực tế chỉ tồn tại trên lý thuyết. Đảng đang tuyển mộ khá thoải mái cho "đầu vào". Lực lượng nòng cốt của Đảng vẫn là đoàn viên, công an, quân đội, viên chức chính quyền cơ sở nhưng việc phát triển xây dựng Đảng cũng đang nhắm vào số lượng hơn là giới hạn trong thành phần "người ưu tú".
Điều 21 trong chương V ("Tổ chức cơ sở Đảng") trong Điều lệ Đảng ghi : "Tổ chức cơ sở Đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị cơ sở". Nói cách khác, Đảng phải phát triển từ cơ sở đi lên. Cơ sở phải mạnh thì cơ cấu tổ chức Đảng mới cứng. Điều này được thực hiện ở cấp cơ sở bằng các chiến dịch "thi đua". Cơ sở nào tổ chức "tuyển mộ" càng nhiều thì càng được đánh giá "cơ sở chi bộ có chất lượng sinh hoạt Đảng tốt". Đảng viên nào càng giới thiệu được nhiều "nhân tố mới" thì càng được "điểm" cao và có cơ hội thăng tiến.
Riêng Sài Gòn, có lẽ không ít người trong giới báo chí không biết các chiến dịch xây dựng "hạt nhân chính trị cơ sở" bằng việc tuyển nhân viên bảo vệ, nhân viên giữ xe, nhân viên căntin… (tại cơ quan nhà nước) vào Đảng. Xây dựng "đảng bộ vững mạnh" bằng việc tuyển "vét" đã trở nên "khốc liệt" trước cơn sốt đoạn tuyệt rời bỏ Đảng hoặc bỏ sinh hoạt Đảng.
Một trong những thời điểm mà Sài Gòn chứng kiến sự bùng nổ "háo hức" gửi "đơn tình nguyện" vào Đảng nhiều nhất là giai đoạn mà Trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh (sau đổi thành "Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh") nằm dưới sự điều hành của "Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ" Trương Thị Hiền. Cho đến trước khi bà Hiền nghỉ hưu cuối năm 2014, "năm nào trường cũng nhận được cờ thi đua của Chính phủ cũng như UBND Thành phố".
Dưới thời bà Hiền, gần như không cơ quan nhà nước nào ở Sài Gòn, đặc biệt báo chí-truyền hình, dám chống lại yêu cầu đưa cán bộ-nhân viên đến Trường Cán bộ để "tập huấn" về việc "xây dựng phát triển cơ sở Đảng", với việc "đào tạo, bồi dưỡng" đội ngũ đảng viên mới, trong đó có cả nhân viên bảo vệ, nhân viên gửi xe, nhân viên kỹ thuật, nhân viên văn phòng… ! Khó có thể phớt lờ yêu cầu của "đồng chí" Hiền, vì chồng của "đồng chí" ấy là một người "hét ra lửa, xịt ra khói" thời điểm đó : bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.
TờTuyên Giáo (23/10/2018) đã viết về cái gọi là "sự sống còn của Đảng", trước "tình hình mới", "vận hội mới" và "khó khăn mới". Bài báo đã phân tích về nguy cơ suy thoái của không ít đảng viên. Bài báo cũng nhắc lại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Bài báo cũng cho thấy Bộ Chính trị đã… tỉ mỉ "đếm" được 27 biểu hiện suy thoái, "trong đó, có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị ; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống ; 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"… Giải pháp của Đảng là gì ?
Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị ; đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Ba là, gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết 26-NQ/TW khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"…
Bốn là, chủ động phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân...
Năm là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước…
Các giải pháp này liệu có thể cứu Đảng ? Liệu có thể cứu được con tàu trong khi ngày càng có nhiều thủy thủ nhảy ra khỏi, trước khi nó đắm vỡ bục ra bởi va vào chính tảng băng ý thức hệ chính trị khô cằn và lạc hậu ? Bằng vào các bài viết báo động liên tục về nguy cơ suy thoái nội bộ, có thể thấy Đảng đang quan tâm đến sự sống chết của Đảng còn hơn sự sống còn quốc gia. Đảng đang rất cuống cuồng. "Bùa Đảng" đã hết "linh". Niềm tin cho Đảng đã cạn. Không ai còn nghĩ con tàu cũ nát "kiên định đường lối Marx-Lenin" này có thể về được đến cái đích tưởng tượng của nó.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 02/11/2018
Không có câu chữ mượt mà và hình ảnh đậm chất văn học nhưA Bright Shining Lie (1989) của Neil Sheehan ; không làm nhức đầu với khối lượng tư liệu ngồn ngộn nhưDeath of a Generation : How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War (2003) của Howard Jones, và cũng không nhiều chi tiết đến mức thừa thãi nhưHue 1968 (2017) của Mark Bowden, quyển sách dày cộm gần 1.000 trang - "Vietnam : An Epic Tragedy, 1945-1975" - của nhà báo-sử gia người Anh Max Hastings (Nhà xuất bản HarperCollins phát hành ngày 16/10/2018) là những câu chuyện "rất người" và "rất đời", được thuật từ nhiều phía, ở cự ly rất gần…
‘Vietnam : An Epic Tragedy, 1945-1975’ - Hình minh họa.
Không mắc vào "tư duy phản chiến thiên tả" như trong nhiều quyển sách hoặc phim tài liệu về cuộc chiến Việt Nam của giới nghiên cứu Mỹ, Vietnam : An Epic Tragedy ghi lại những câu chuyện sống động nhưng bi thảm với sự biến dạng nhân tính của một cuộc chiến khủng khiếp như vốn dĩ bản chất chiến tranh. Với tư cách phóng viên chiến trường (và là một trong những người nước ngoài cuối cùng rời Sài Gòn trên chiếc trực thăng vào những ngày di tản tháng 4-1975), Max Hastings có cái nhìn nhiều chiều đặt trong tầm quan sát với không gian rộng. Gần như chẳng sự kiện nào được miêu tả một phía. Cái gọi là chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" Điện Biên Phủ, dưới ngòi bút Max Hastings, cũng đầy tổn thất cùng những xói lở tinh thần của lính Bắc Việt. Ghi lại lịch sử một cuộc chiến một cách khá "cân bằng", Max Hastings đã "bắn" vào mọi mục tiêu. Ông cho thấy Pháp bám víu trong thế thua như thế nào ; ông nhắc lại chính sách và chiến lược sai lầm của Mỹ, ông thuật lại tình trạng tham nhũng của Việt Nam Cộng Hòa và ông kể lại sự tàn bạo của du kích Việt Cộng lẫn binh lính Bắc Việt…
"Vietnam : An Epic Tragedy" không đi theo motif "lời nguyền cuộc chiến" mà nhiều quyển sách trước đó mắc phải. Max Hastings không mất thời giờ cho những "tự vấn" quen thuộc : tại sao và như thế nào. Thay vào đó, ông lột tả diện mạo man rợ của chiến tranh. Gần như không kể lại những cảnh gào thét phản chiến chấn động nước Mỹ, Max Hastings đưa ra hình ảnh "một phụ nữ bị chém chết bởi bà có hai con đi lính Việt Nam Cộng Hòa", hoặc "một người đàn ông bị (du kích) chôn sống, mồm gào lên liên tục "Tôi sắp chết ! Tôi sắp chết !", trước khi tiếng la thét của ông chìm mất bên dưới gò đất". Max Hastings cũng miêu tả "một người khác bị (du kích) giết chỉ bởi ông nhậu với một cảnh sát địa phương"…
Cuộc chiến không chỉ có các chiến dịch tìm diệt của lính Mỹ mà còn có những cuộc khủng bố khiếp đảm của Việt Cộng. Từ 1957 đến 1960, có đến 1.700 viên chức Sài Gòn và các tỉnh đã bị giết. Thêm 1.300 người nữa bị giết trong năm 1961. Con số khủng bố ám sát viên chức chính quyền miền Nam tăng vọt lên 2.000 người vào năm 1963 (trang 151)… Và trong khi hàng ngũ lính tráng Việt Nam Cộng Hòa được miêu tả là thiếu tinh thần kỷ luật thì quân lính Việt Cộng cũng xảy ra không ít rối ren. Nam Kinh, một chỉ huy địa phương ở miền Tây Nam bộ, nổi tiếng có tài nhưng nghiêm khắc, đã bị bắn vào lưng bởi một trong những người lính của mình do tức giận khi bị ngăn cản kết hôn với một góa phụ xinh đẹp. Thanh Hải, một chỉ huy khét tiếng của Việt Cộng, cũng "vang danh thiên hạ" với tật nhậu nhẹt và gái gú (có lần mò vào mùng của vợ một người khác) (trang 151)…
Không chỉ thuật lại mâu thuẫn trong giới chính trị Mỹ về chính sách đối với cuộc chiến, Max Hastings còn miêu tả chi tiết bức tranh khốn khó của xã hội miền Bắc, mà như đại tá quân đội Liên Xô Yury Kislitsyn miêu tả : "Người (Bắc) Việt ăn mọi thứ biết di chuyển trừ xe tăng ; mọi thứ biết bơi trừ hàng không mẫu hạm, mọi thứ biết bay trừ B-52" (trang 368). Có nhiều chi tiết liên quan xã hội miền Bắc trước nay ít được kể trong những quyển sách về cuộc chiến Việt Nam. Mùa hè 1961, miền Bắc lâm vào tình trạng đói nghiêm trọng, đến mức xảy ra biểu tình và dẫn đến một vụ đốt kho thóc ; rồi người dân đụng độ với quân đội ; và tháng 8 thì xảy ra vụ đốt một nhà máy sản xuất xe đạp. Thậm chí có một vụ đặt bom ở Đông Anh hoặc một vụ nổi loạn của quân đội địa phương (trang 148)…
"Vietnam : An Epic Tragedy" cũng kể lại chiến dịch viện trợ vũ khí lẫn người của Liên Xô, cũng như chính sách "đu dây" giữa Trung Quốc và Liên Xô của Bắc Việt, khiến Sứ quán Liên Xô phải "cay đắng báo cáo về Moscow vào tháng 3/1967", rằng "chuyên gia quân sự của chúng ta làm việc trong một môi trường cực kỳ khó khăn, thường bị làm tồi tệ hơn bởi các đồng chí Việt Nam…". Trong nhiều trường hợp, Bắc Việt thường cố tình báo cáo chậm các vụ bắn rơi máy bay Mỹ và khi chuyên gia Liên Xô đến hiện trường thì mọi thứ có giá trị đã bị dọn đi mất cùng với các chuyên gia Trung Quốc. Sự trở mặt của Bắc Việt với Liên Xô trở nên công khai hơn vào tháng 3/1968, khi Hà Nội tung ra luật cấm đi lại đối với viên chức ngoại giao Liên Xô cũng như cấm giao tiếp với dân địa phương (trang 370)… Quan hệ nam nữ giữa chuyên gia Liên Xô với các cô gái địa phương bị cấm gần như tuyệt đối. Có lần, khi thấy một nhóm cô gái khuân đá tại một công trường dưới sự canh gác của bảo vệ, trung úy Valery Miroshnichenko đã được phiên dịch giải thích : "Bọn chúng là những kẻ phạm tội quan hệ với người nước ngoài" (trang 368).
Đói là nỗi ám ảnh kinh niên của người dân lẫn lính Bắc Việt. Đại tá Nguyễn Hữu An kể, có lần khi nghe tin săn được một con voi, mọi người chạy ào đến. Tới nơi đã thấy bụng voi được "mổ" bằng thuốc nổ. Một người bò ra khỏi bụng nó, cầm mảng thịt to ; và những người khác thì lao vào xẻ thịt. Phần ngon nhất, cái vòi và bốn chân, đã bị cắt đi mất. Chỉ sau vài giờ, tất cả những gì còn lại là đống xương bầy nhầy (trang 423). Lần khác, khi nghe tin bắn được con tinh tinh, một nhóm lính Bắc Việt cũng vội chạy đến. Tuy nhiên, sau khi lột da, con vật trông hệt như một phụ nữ mập ú với làn da loét lở trong khi cặp mắt nửa trắng nửa xám vẫn còn trợn ngang trợn dọc. Cả nhóm kinh sợ bỏ chạy. Cuối cùng, thay vì ăn con vật, họ chôn nó dưới một tảng đá (trang 424).
Không chỉ chuyện đói, xã hội Bắc Việt còn ngột ngạt bởi không khí chính trị hóa. Phạm Phương đã không thể vào đại học chỉ bởi cha cô là một trí thức đọc thông viết thạo tiếng Anh, Pháp và Nga. Tương tự trường hợp Nguyễn Đình Kiên. Khi Kiên nhận được giấy báo nghĩa vụ quân sự, bố mẹ cậu làm đơn xin hoãn vì cậu là con trai duy nhất, sau khi người anh của cậu tử trận ở Lào. Bố cậu từng làm nhân viên bảo vệ cho Pháp. Thế là thuộc "thành phần không tốt" rồi. Đơn xin vào Đảng của Kiên, dĩ nhiên, bị từ chối. Dù học giỏi nhưng Kiên vẫn không được chọn đi du học. Tình nguyện xin học lái máy bay và thi đậu tất cả các cuộc kiểm tra, Kiên vẫn không được vào quân đội (trang 362)…
"Vietnam : An Epic Tragedy" là một trong quyển sách chiến tranh Việt Nam hiếm hoi đề cập không chỉ những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 mà còn nhắc lại những bi kịch hậu chiến. Câu chuyện nhân vật "Hai Thuan" là một ví dụ. Từng chiến đấu dưới hàng ngũ Việt Minh và sống ở miền Bắc suốt cuộc chiến, Hai Thuan trở về "tiếp quản" Sài Gòn sau 30/4. Dù làm cho Bộ Tư pháp dưới chế độ mới nhưng ông vẫn không "cứu" được người con ruột bị bắt đi "học tập cải tạo" vì là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Sự phản đối và kêu nài của ông bị Bộ chính trị khước từ. Một buổi sáng, ông nhảy lầu tự tử từ nóc một building ở đường Lê Lợi, để lại hai bức thư tuyệt mệnh – một cho Đảng và một cho vợ con, xin tha thứ cho ông (trang 734).
Câu chuyện của bà Lê Thị Thu Vân là một bi kịch kiểu khác. Ngày 23/04/1975, người phụ nữ 45 tuổi Thu Vân, vợ góa của giáo sư Nguyễn Văn Bông, tìm cách di tản. Khi lên chiếc C-130, bà và các con được xếp ngồi trên bốn chiếc ghế. Một người Mỹ trẻ cao to chen đám đông đến, ra hiệu cho bà Thu Vân nhường ghế. Khi bà từ chối, người thanh niên Mỹ giận dữ ném chiếc vali nặng xuống chân bà. "Này bà kia" – người thanh niên Mỹ nói – "bà có biết bà sẽ làm gì ở đất nước chúng tôi không ? Bà làm ở phòng giặt đồ !". Sau này, bà Thu Vân viết : "Tôi đã rời đất nước mình với con tim nặng trĩu và đôi chân bị nghiền nát" (trang 712).
Cuộc chiến đã "kết thúc" bằng những bi kịch như vậy, với những con tim trĩu nặng và bàn chân bị nghiền nát, để lại những di chứng kinh khủng, đến mức không ít người, cho đến nay, sau hơn 40 năm, vẫn chưa một lần trở về quê hương…