Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ân Xá Quốc Tế : Có "bằng chứng không thể chối cãi" về tội ác của Nga ở Ukraine

Thụy My, RFI, 07/05/2022

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) hôm 7/05/2022 khẳng định đang có trong tay những "bằng chứng không thể chối cãi" về tội ác chiến tranh của quân Nga đối với thường dân Ukraine.

uk1

Chuyên viên điều tra pháp y Pháp dang xem xét một hố chôn tập thể ở thị trấn Bucha, vùng Kiev (Ukraine), ngày 12/04/2022. AP - Wladyslaw

Các nhà điều tra của tổ chức phi chính phủ đã thu thập được trên 40 lời chứng từ thân nhân của các nạn nhân. Chẳng hạn lính Nga đã vào nhà của một cặp vợ chồng hưu trí ở một làng nhỏ tây bắc Kiev, nhốt họ dưới hầm và sau đó hỏi xin thuốc lá. Vì ông cụ không có thuốc nên đã lãnh một viên đạn vào đầu. Ân Xá Quốc Tế thu thập được 45 bằng chứng loại này.

Đặc phái viên đài Europe 1 dẫn lời Vladislav, một cư dân Bucha cho biết chính mắt trông thấy một ông già chuẩn bị nổi lửa ngoài sân để nấu nướng vì không còn điện nước. Một kẻ mặc đồ màu đen, có thể là đặc nhiệm hoặc lính Tchetchenya, đã bắn thẳng vào ông. Những kẻ này bắn không thương tiếc vào tất cả những gì động đậy.

Được biết các điều tra viên của Ân Xá Quốc Tế đã đến 8 thành phố bị thiệt hại nhiều nhất vì các cuộc tấn công của quân Nga. Trong vòng 12 ngày, họ thu thập được trên 40 lời khai của các nhân chứng là người thân hay hàng xóm của nạn nhân, chụp ảnh hiện trường và phân tích những mảnh đạn.

Ông Jean-Claude Samouiller, phó chủ tịch Ân Xá Quốc Tế tại Pháp nói rằng cuộc điều tra là cần thiết để đưa ra ánh sáng những vụ sát hại thường dân, vi phạm luật pháp quốc tế. Một cuộc chiến tranh không giới hạn, không theo quy định nào, người dân bị bắt làm con tin tại các thành phố bị chiếm đóng không có những điều kiện sống tối thiểu. Ông cho biết những bằng chứng quý giá về tội ác chiến tranh sẽ được trao cho Tòa án Hình sự Quốc tế để "xét xử các hung thủ" và cả những ai đã để mặc cho tội ác diễn ra.

Thụy My

*********************

Mỹ giải ngân thêm 150 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine

Thanh Hà, RFI, 07/05/2022

Tổng thống Joe Biden hôm 06/05/2022 thông báo giải ngân thêm 150 triệu đô la giúp Ukraine đối phó với cuộc xâm lược của Nga. Đây chủ yếu là viện trợ quân sự trong khuôn khổ gói hỗ trợ Ukraine trên bốn tỷ Washignton đã thông qua.

uk2

Lính Ukraine vận chuyển tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp. Ảnh chụp ngày 11/02/2022 tại phi trường Boryspil, gần Kiev.  AP - Efrem Lukatsky

Đợt giải ngân lần này kèm theo lời báo động : Các khoản viện trợ dự trù để giúp đỡ Ukraine về mặt quân sự "gần cạn". Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washignton Guillaume Naudin giải thích :

"150 triệu đô la, đó là số tiền được tổng thống Joe Biden thông báo trước khi đi nghỉ vào dịp cuối tuần. Số tiền nói trên cho phép cung cấp hàng ngàn đầu đạn cho cho các loại đại bác cỡ 155 ly, rada và một số trang thiết bị làm nhiễu sóng hệ thống thông tin của đối phương.

150 triêu đô la tuy nhiên là một khoản tiền thấp hơn nhiều so với những đợt giải ngân trước đây. Hai kỳ gần đây nhất, Mỹ đã tháo khoán 800 triệu đô la mỗi đợt. Tổng cộng Hoa Kỳ đã cấp cho Ukraine hơn ba tỷ rưỡi đô la kể từ đầu cuộc xung đột.

Nhà Trắng giải thích : Tổng thống Biden đã giải ngân gần hết khoản tín dụng cho Ukraine trong khuôn khổ quyền hạn trực tiếp của ông. Để có thể tiếp tục giúp đỡ Ukraine thêm nữa, chính phủ cần được Quốc hội đồng ý về một ngân sách 33 tỷ đô la như đã yêu cầu, trong đó 20 tỷ là các khoản viện trợ quân sự và đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với sự can thiệp của Hoa Kỳ. Để đạt được mục tiêu đó cần có sự đồng thuận của các dân biểu hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

Thanh Hà

*********************

Mariupol : Ukraine cố tìm kênh ngoại giao để cứu các chiến binh nhà máy Azovstal

Thanh Hà, RFI, 07/05/2022

Phó thủ tướng Ukraine, Iryna Verechtckhok hôm 07/05/2022 cho biết đã đưa được thêm 50 người ra khỏi nhà máy luyện kim Azovstal. Công tác sơ tán phải được duy trì trong ngày. Đây là thành trì cuối cùng của các lực lượng Ukraine tại thành phố cảng Mariupol.

uk3

Khói bốc lên từ khu công nghiệp Azovstal (Mariupol, Ukraine) ngày 05/05/2022. Đây là nơi nhiều thường dân Ukraine vẫn còn bị kẹt lại.  © AP

Kiev duy trì nỗ lực sơ tán những người còn kẹt lại trong nhà máy luyện kim Azovstal và dân cư tại Mariupol. Các chiến dịch di tản thường dân đã được khởi động từ hôm qua nhờ phối hợp chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Ukraine kỳ vọng công tác nhân đạo này có thể được tiếp tục trong ngày hôm nay trong bối cảnh quân đội Nga dỗn dập tấn công. Tổng thống Zelensky báo động Mariupol đã "hoàn toàn bị phá hủy".

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 07/05/2022 cho biết "bên địch không ngừng các đợt oanh kích" mặc dù Nga tuyên bố ba ngày hưu chiến. Nga đánh sập nhiều cây cầu và trục lộ đề phòng Ukraine phản công. Còn tại khu vực từ miền nam đến miền đông Ukraine, trong 24 giờ qua, đã liên tục bị pháo kịch. Odessa trong đêm qua hai lần bị trúng rocket. Trên mạng xã hội Facebook quân đội Ukraine sáng nay xác nhận đã "phá hủy được một tàu đổ bộ của quân đội Nga gần đảo Rắn ở Hắc Hải", đó là tàu đổ bộ Serna. Phía Nga chưa xác nhận thông tin này.

Chiến sự đã lan tới vùng Transnistria – Moldova ?

Hãng tin Pháp AFP cho biết đêm Thứ Sáu 06/05/2022 "bốn vụ nổ đã xảy ra tại vùng Transnistria" trên lãnh thổ Moldova do phe đòi ly khai thân Nga kiểm soát. Bốn vụ nổ nói trên không gây thiệt hại về nhân mạng nhưng đây là điểm nóng gần sát biên giới Ukraine. Một số nhà quan sát lo ngại Moskva bắt đầu thực hiện kế hoạch mở rộng xung đột ra ngoài phạm vi Ukraine theo như tiết lộ hồi tuần trước của một sĩ quan Nga.

Thanh Hà

*********************

Nga không dùng được thiết bị nông nghiệp "ăn cắp" của Ukraine vì bị khóa từ xa

Chi Phương, RFI, 07/05/2022

Hãng tin CNN ngày 02/05/2022 cho biết : Quân đội Nga chiếm đóng thành phố Melitopol, Ukraine, đã lấy đi tất cả các thiết bị dùng trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi vận chuyển tới Chechenya, cách đó 700 dặm, những "tên trộm" Nga không thể sử dụng được bất cứ máy móc thiết bị nào do đã bị khóa từ xa.

uk4

Ảnh minh họa : Máy cắt gặt liên hoàn.  © canva

Từ vài tuần qua, ngày càng có nhiều báo cáo về việc quân đội Nga "ăn cắp" thiết bị nông nghiệp, ngũ cốc, thậm chí cả vật liệu xây dựng, chưa kể đến việc cướp bóc tại các khu dân cư ở các vùng chiếm đóng được. Thế nhưng, theo CNN, việc lấy đi những thiết bị nông nghiệp từ các đại lý cung cấp ở Melitopol là một hoạt động có tổ chức, và huy động vận tải quân sự. Agrotek, một đại lý ở Melitopol, cho biết Nga đã cướp đi nhiều máy móc, trị giá lên đến gần 5 triệu đô la.

Riêng máy gặt đập liên hợp đã có giá gần 300 000 đô la mỗi chiếc. Cửa hàng Agrotek thuật lại rằng ban đầu lực lượng Nga thu giữ hai máy gặt đập liên hợp, một máy kéo và một máy gieo hạt. Vài tuần sau đó, quân Nga đã quay lại và lấy đi tất cả, khoảng 27 máy móc nông nghiệp. Camera ghi lại hình ảnh chiếc xe tải hai tầng, có sơn chữ Z màu trắng, và dường như là một chiếc xe tải quân sự. CNN giấu tên người đưa tin vì lo cho an toàn của họ.

Các máy móc kỹ thuật cao, được trang bị GPS, nên các đại lý cung cấp có thể theo dõi hành trình và điều khiển được từ xa. Người đưa tin cho CNN cho biết các thiết bị được chuyển tới Tchetchenia nhưng không thể khởi động được do đã bị khóa từ xa. Các thiết bị hiện giờ chỉ như đống sắt nằm chờ ở một trang trại gần Grozny, thủ phủ của Chechnya. "Tuy nhiên, có vẻ như Nga đang tìm chuyên gia phá vỡ bức tường bảo mật để có thể sử dụng, nhưng ngay cả khi họ tháo lắp, bán phụ tùng của máy, họ cũng thu lại được một khoản không nhỏ".

Chi Phương

Published in Quốc tế

Tăng mạnh quân viện cho Ukraine : Mỹ quay lại với chủ trương can thiệp

Sau thời gian dài tỏ ra vô cùng thận trọng, nay chính quyền Joe Biden đã thay đổi hẳn thái độ trong cuộc chiến ở Ukraine. Vì sao Hoa Kỳ chấp nhận rủi ro khi gia tăng quân viện cho Ukraine ? Chủ trương can thiệp đã quay lại, chính quyền Biden cho rằng cần phải bảo vệ tự do dân chủ trên khắp thế giới.

my1

   Quân nhân Ukraine nhận các hỏa tiễn chống tăng Javelin hiện đại do Hoa Kỳ viện trợ được chuyển đến phi trường quốc tế Boryspil, ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 10/02/2022. Reuters – Valentyn Ogirenko

Chiến tranh ở Ukraine, đảng Xã hội thỏa thuận với phe cực tả Pháp, nắng nóng khủng khiếp ở Ấn Độ là các chủ đề được báo chí Pháp bàn luận nhiều nhất hôm nay 05/05/2022. Trước hết là cuộc giải cứu lần đầu tiên các thường dân kẹt lại trong địa ngục Mariupol, kết quả cuộc thương lượng giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với Vladimir Putin. Hơn 100 người hôm thứ Ba 03/05 đã đến được thành phố Zaporijia.

Địa ngục Mariupol, nơi Nga sẽ cho diễu hành "mừng giải phóng" ?

Những người sống sót ở nhà máy Azovstal, cứ điểm cuối cùng của kháng chiến quân ở Mariupol, từ hai tháng qua sống dưới lòng đất, hy vọng được trông thấy ánh mặt trời dần tàn lụi với những quả bom làm rung chuyển căn hầm. Dù sao họ cũng phần nào may mắn hơn cư dân trung tâm thành phố hàng ngày hứng chịu đủ loại hỏa tiễn, số người thiệt mạng ước tính lên đến 20.000. Hầu hết những người đến trú ẩn trong những boong-ke Azovstal là cha mẹ của công nhân nhà máy, số khác là thân nhân những chiến binh Mariupol.

Chiến dịch nhân đạo do Liên Hiệp Quốc và Hồng thập tự Quốc tế phối hợp kéo dài đến năm ngày do gặp vô số trắc trở, dù đã có sự đồng ý của chính quyền Moskva và Kiev. Quân Nga dựng lên nhiều hàng rào kiểm soát, thẩm vấn gắt gao những người tị nạn, không cho phép họ đi đến Zaporijia. Các nhà hoạt động nhân đạo đành chịu đứng nhìn một số người bị từ chối cho lên xe buýt. Họ cũng không được đến nhà máy Azovstal, nên không biết được có bao nhiêu người còn bị bỏ lại.

Bà cụ Valentina cho Le Monde biết trong căn hầm của mình có 71 người. Trước đó khi những người lính nói rằng đang thương lượng, có 16 người tự ý ra đi và chỉ 6 người quay lại vài giờ sau, 10 người kia không biết ra sao. Bà xúc động khi nói về những chiến binh ở Azovstal : "Tôi không tự đi được và cầu thang đã sụp đổ, nên nói với họ cứ để tôi ở lại. Các chàng trai trả lời, bà ơi, chúng con sẽ đưa bà ra, và họ bế tôi lên". Những giọt nước mắt rơi trên đôi má nhăn nheo "Tôi hy vọng họ sẽ sống sót, họ cũng có mẹ và vợ đang chờ đợi ở nhà...". Anna, mẹ của một cậu bé một tuổi rưỡi cũng nói : "Giờ đây tôi hy vọng những chiến binh ấy cũng được cứu. Họ bị vây hãm, bị oanh kích liên tục và phải chiến đấu với kẻ địch đông gấp trăm lần".

Nhưng chỉ là hy vọng, vì Putin không muốn chừa cho những chiến binh này một con đường sống. Les Echos dẫn nguồn tin tình báo Ukraine cho biết thêm, những con đường chính ở Mariupol đã được khẩn cấp làm sạch, những đống gạch vụn, đạn chưa nổ và xác người được dọn dẹp. Như vậy khán giả truyền hình Nga có thể được xem những phóng sự về "niềm vui được giải phóng" của cư dân Mariupol.

Moskva ngày càng cô đơn

Trên trường quốc tế, Les Echos  Le Monde nhận thấy "Nga ngày càng bị cô lập". Từ hai tháng qua, Israel giữ im lặng trước luận điệu của Kremlin, rằng gây chiến với Ukraine để chống lại "tập đoàn quốc xã" - một sự lạm dụng lịch sử Đệ nhị Thế chiến. Tel Aviv không muốn Moskva cản trở những vụ không kích vào lợi ích Iran ở Syria. Nhưng từ ngày 01/05, chính phủ nước này buộc lòng phải có phản ứng trước những tuyên bố chống Do Thái của ngoại trưởng Nga. Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhắc nhở "Không có cuộc chiến nào có thể so sánh với Shoah… Việc sử dụng nạn diệt chủng người Do Thái như công cụ cần phải chấm dứt ngay lập tức". Đầu tuần này, Israel loan báo kèm theo viện trợ nhân đạo còn là viện trợ quân sự cho Kiev dù số lượng còn hạn chế.

Sau khi xích mích với đồng minh Israel, thứ Tư 04/05, Moskva tẩy chay cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với Ủy ban Chính trị và An ninh (COPS) của Liên Hiệp Châu Âu. Cũng trong hôm qua, Nga cấm nhập cảnh khoảng 60 viên chức Nhật Bản trong đó có thủ tướng Fumio Kishida, để trả đũa việc Nhật trừng phạt kinh tế. Về phía Luân Đôn đã cấm các công ty tư vấn, pháp luật, kế toán, kiểm toán, quan hệ công chúng làm việc với Nga. Quan hệ giữa Moskva với hai quốc gia Châu Âu chưa phải là thành viên NATO cũng xấu đi : hôm qua một trực thăng quân đội Nga xâm phạm không phận Phần Lan, và một máy bay do thám tuần trước đã đi vào không phận Thụy Điển.

Thượng phụ Kirill, "trẻ giúp lễ" của Putin

Về các biện pháp trả đũa của Liên Hiệp Châu Âu (EU), La Croix  Libération đều chú ý đến sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, một chức sắc tôn giáo cao cấp có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu : đó là Kirill, thượng phụ Moskva. Nhà lãnh đạo tinh thần của 150 triệu tín đồ Chính thống giáo trên thế giới lại bị coi là "Thượng phụ mà Thượng đế chính là Putin" - tựa bài viết của Libération.

Giáo hoàng Francis đã có cuộc đối thoại qua Zoom với thượng phụ Kirill hôm 16/03, ba tuần sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng. Trả lời nhật báo Ý Corriere della Sera, ngài kể lại : "Trong suốt hai mươi phút, ông ấy cầm tờ giấy trên tay, đọc cho tôi nghe mọi lý lẽ biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói, tôi chẳng hiểu gì cả. Người anh em à, chúng ta không phải công chức Nhà nước, không sử dụng ngôn ngữ của chính giới, mà của Chúa Giêsu. Chúng ta phải tìm kiếm hòa bình, làm ngưng tiếng súng". Giáo hoàng kết luận với nhà báo Ý : "Thượng phụ không thể biến thành một trẻ giúp lễ cho Putin được".

Ủy Ban Châu Âu trong đề nghị trừng phạt thứ sáu hôm 04/05 nhấn mạnh thượng phụ Kirill là "đồng minh từ lâu của tổng thống Vladimir Putin, đã trở thành một trong những thế lực chính ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga". Danh sách lần này có 58 người, sẽ bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản. Thượng phụ Kirill từng là gián điệp của KGB với mật danh "Mikhailov" theo báo chí Nga trong thập niên 90, có tài sản nhiều tỉ đô la, sở hữu một nhà nghỉ gần Zurich (Thụy Sĩ), và cũng như nhiều nhà tài phiệt Nga, ông thích được chăm sóc sức khỏe ở phương Tây hơn. Từ nhiều năm qua, vị thượng phụ 75 tuổi không ngần ngại làm phép thánh cho các loại vũ khí, hỏa tiễn, bênh vực việc đàn áp đối lập và báo chí độc lập.

Cấm vận dầu lửa Nga để tước vũ khí Putin

Trên lãnh vực kinh tế, Libération chơi chữ "Châu Âu cho vàng đen vào danh sách đen". Phải mất đến 70 ngày chiến tranh, EU mới quyết định "đánh động tổ kiến", một bước ngoặt cách đây hai tháng không thể hình dung được. Ông Thomas Pellerin-Carlin của Viện Jacques-Delors nêu ra một nghịch lý : viện trợ nhân đạo của EU cho Ukraine khoảng 1,5 tỉ euro, trong khi chi trả cho năng lượng hóa thạch Nga từ tháng Hai đã là 63 tỉ euro. Bài xã luận của Les Echos kêu gọi "Cấm vận dầu lửa Nga : Hãy tước vũ khí của Putin". Châu Âu đã quyết định bảo vệ hòa bình dù với giá đắt, nhất là những nước mà dầu lửa Nga chiếm đến 3/4 lượng tiêu thụ như Phần Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria.

Cấm vận dầu lửa sẽ gây thiệt hại thế nào cho Moskva ? Le Figaro giải thích, dầu bán sang Châu Âu chiếm 20% tổng thu nhập từ xuất khẩu của Nga, và phân nửa tiền bán dầu lửa của Nga thu được từ khách hàng Châu Âu, trên 70 tỉ euro năm 2021 (gấp bốn lần khí đốt). Trong giai đoạn đầu, Moskva không thiệt thòi bao nhiêu vì cấm vận tiệm tiến, và giá dầu lửa sẽ tăng, tiền vào túi vẫn rủng rỉnh. Nhưng nếu việc cấm vận trở thành dứt khoát, Nga sẽ phải quay sang các khách hàng khác, trước hết là con quái vật luôn khát dầu với chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố "tình hữu nghị không giới hạn" với Vladimir Putin.

Tuy nhiên hiện nay các cơ sở hạ tầng Nga đều hướng về phương Tây, đường ống duy nhất nối với Trung Quốc đã hoạt động hết công suất. Bên cạnh đó, không chắc Bắc Kinh mua hết số dầu bị Châu Âu bỏ lại, dù hiện các công ty lọc dầu ở Hoa lục đang mua dầu thô Nga với giá rẻ như bèo. Nhất là theo Peterson Institute for International Economics (PIIE), với việc phong tỏa chống Covid hiện nay, tiêu thụ dầu lửa từ nay đến cuối năm chậm lại, và thị trường tự cân đối, giá dầu sẽ giảm. Chế độ Putin sẽ thiệt hại nặng. Cuối cùng, dù Châu Âu cũng phải trả giá, cấm vận giúp giảm lệ thuộc vào dầu khí Nga và như vậy Moskva mất đi một công cụ gây áp lực.

Hoa Kỳ quay lại với chủ trương can thiệp

Về quân sự, Le Monde trong bài "Chủ nghĩa can thiệp của Mỹ đã quay lại" nhận định, sau nhiều tuần lễ tỏ ra vô cùng thận trọng, nay chính quyền Joe Biden đã thay đổi hẳn thái độ trong cuộc chiến ở Ukraine. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, là nhân vật cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Kiev hôm 30/04, chưa đầy một tuần sau chuyến thăm của hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ. Trước đó, tổng thống Joe Biden loan báo kế hoạch viện trợ quy mô 33 tỉ đô la cho Ukraine, trong đó hai phần ba dành cho vũ khí.

Washington đã hoàn toàn thay đổi. Có nhiều lý do, trước hết là chiến tranh ủy nhiệm thì dễ dàng hơn nhiều, không có một quân nhân Mỹ nào phải hy sinh tính mạng. Thứ hai, lần đầu tiên Hoa Kỳ cảm thấy tin tưởng, và cuối cùng, một sự ủng hộ dứt khoát có thể lấy lại phần nào uy tín sau thất bại ở Afghanistan. Không gì có thể biện minh cho cuộc xâm lăng của Nga, và tính chính danh của cuộc kháng chiến Ukraine là không thể tranh cãi.

Niềm tin của chính quyền cũng là của công luận Mỹ : sự ngờ vực Vladimir Putin lên đến mức kỷ lục là 92%, theo thăm dò của Pew Research Center công bố hôm 30/03. Cuộc chiến ở Ukraine là một trong những chiếc cầu hiếm hoi nối liền đôi bờ Dân Chủ và Cộng Hòa trên chính trường Mỹ. Chỉ có 14% người được tờ Washington Post đặt câu hỏi vào cuối tháng Tư cho rằng Mỹ đã quá trớn, và có đến 55% ủng hộ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin nêu ra sự cần thiết "làm yếu đi" nước Nga, và bà Nancy Pelosi trong chuyến thăm cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Ukraine "cho đến khi chiến thắng". 

Hỗ trợ Ukraine để chống lại các chế độ phi dân chủ

Tác giả Laurence Nardon của IFRI giải thích "Vì sao Hoa Kỳ chấp nhận rủi ro khi gia tăng quân viện cho Ukraine" : chính quyền Biden cho rằng cần phải bảo vệ tự do dân chủ trên khắp thế giới.

Từ đầu cuộc xâm lược của Moskva hôm 24/02, Washington đã có nhiều cách đáp trả, từ trừng phạt các nhà tài phiệt Nga, hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm cho đến gia tăng cung cấp khí hóa lỏng để giúp Châu Âu bớt lệ thuộc vào dầu khí Nga. Đối với Ukraine, ban đầu là viện trợ nhân đạo, rồi đến viện trợ thiết bị quân sự gần 4 tỉ đô la vào cuối tháng Hai, nhưng không phải là vũ khí sát thương. Nay các nhà phân tích Mỹ thấy rằng một chiến thắng của Ukraine là khả thi, và việc chuyển giao vũ khí có thể tạo nên sự khác biệt. Nhưng tiến triển này còn là sự quay lại với ý tưởng can thiệp để bảo vệ nền dân chủ Ukraine chống lại độc tài Nga. Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã làm dấy lên trở lại tranh luận về vai trò của nước Mỹ trên thế giới.

Những năm gần đây, sự mệt mỏi đã được biểu lộ dưới thời Barack Obama (từ chối ra tay dù Assad vượt lằn ranh đỏ ở Syria năm 2013), hay "Nước Mỹ trước hết !" của người kế nhiệm. Chủ trương không can thiệp có ở cánh hữu nơi Donald Trump lẫn cánh tả như Bernie Sanders. Với cuộc chiến Ukraine, xu hướng thực tiễn, mà đứng đầu là giáo sư John Mearsheimer, cho rằng các nước chỉ nên tự lo lấy thân. Ngược lại, khuynh hướng tự do nhấn mạnh đến việc bảo vệ các giá trị dân chủ, bắt đầu bằng nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết của Ukraine. Chủ trương này của phe Dân Chủ được phe tân bảo thủ của Cộng Hòa ủng hộ.

Nhìn rộng hơn, chính quyền Biden cho rằng chiến tranh Ukraine chỉ là một giai đoạn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa dân túy. Thế nên Ukraine được coi là lợi ích sống còn đối với Hoa Kỳ, dù nước này không phải là thành viên NATO. Cụ thể, việc can thiệp của Mỹ tại Châu Âu trước hết là lời cảnh cáo cho Trung Quốc nếu muốn xâm lăng Đài Loan ; đồng thời cho thấy ý định chận bước tiến của các chế độ phi dân chủ.

Thụy My

Published in Quốc tế

Ukraine : Tư pháp tăng tốc điều tra tội ác chiến tranh của Nga

Từ hơn hai tuần qua, đội quân của Vladimir Putin cố gắng đặt Donbass vào thế gọng kềm để tìm kiếm một chiến thắng. Về cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine, tư pháp quốc tế chưa bao giờ vào cuộc nhanh chóng đến thế. Dù không một phiên tòa nào có thể giúp người chết sống lại được, nhưng việc sát hại người dân vô tội không thể không bị trừng trị.

toiac1

Các chuyên gia pháp y của Pháp đến giúp điều tra đang lắng nghe phát biểu của chưởng lý Ukraine tại Bucha ngày 12/04/2022.  Reuters – Valentyn Ogirenko

Không hẹn mà nên, tình hình Ukraine và đặc biệt trận đánh Donbass là trung tâm chú ý của nhiều báo Pháp hôm nay 02/05/2022. Libérationchạy tựa trang nhất "Donbass ở trung tâm gọng kềm Nga". Ảnh bìa củaLe Figarocho thấy thành phố hoang tàn với dòng tít lớn "Ở giữa Donbass đổ nát". La Croixđăng hình một linh mục bên cạnh hai chiếc quan tài và những huyệt mộ mới đào, nhấn mạnh "Ukraine, điều tra không chậm trễ", Le Monde chú ý đến "Ukraine, cam kết quy mô của Mỹ".

Putin tuyệt vọng tìm kiếm một chiến thắng

Bài xã luận củaLibération bắt đầu bằng một câu theo kiểu lời rao "tìm bạn bốn phương": "Lứa tuổi 60, tuyệt vọng tìm kiếm một hình ảnh chiến thắng cho ngày lễ 9 tháng Năm". Từ hơn hai tuần qua, đội quân của Vladimir Putin cố gắng đặt Donbass vào thế gọng kềm, trên một chiến tuyến dài 400 kilomet.

Một phần vùng này đã bị quân ly khai kiểm soát và Kremlin muốn lá cờ Nga phấp phới trên phần đất còn lại, để có thể trình "chiến thắng" trước nhân dân. Đặc phái viênLibération nhận thấy sự ác liệt của những trận đánh và sự kiên cường của quân kháng chiến Ukraine, dù bị hết trận oanh kích này đến trận oanh kích khác, hết người này đến người kia ngã xuống. Một tình nguyện viên đi thu nhặt xác quân nhân Ukraine tử trận ở Barvinkova giải thích với nhà báo Pháp, khó khăn nhất không phải là trên trận địa, mà là khi mang tử sĩ về với gia đình. Thực tế giản đơn và đau buồn này nhắc nhở, chính người Ukraine mới có thể quyết định buông súng hay tiếp tục bảo vệ Donbass.

Quá nhiều chính khách phương Tây cho rằng tổng thống Volodymyr Zelensky nên nhường vùng Donbass để tránh Putin có những hành động khó lường. Nhưng ngược lại, áp lực từ tâm trạng sợ hãi có thể thúc đẩy Putin tiếp tục tác phẩm tử thần của ông ta. Điện đàm với đồng nhiệm Ukraine vào cuối tuần vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron đã tái khẳng định sẽ "hành động tích cực trong nhiệm kỳ hai để tái lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Chữ "tích cực" khiến người dân Ukraine càng thêm trông đợi, khi họ đang thất vọng trước một sự cam kết quân sự quá dè dặt từ Pháp, và 9 tháng 5 có thể là giới hạn đối với nhiều người.

"Diệt chủng" người Nga ? Ngay trong chiến hào Ukraine cũng nghe tiếng Nga

Những chiếc xe tăng được rờ-moọc kéo, xe tải và xe chở học sinh chất đầy quân nhân, những khẩu pháo, xe bọc thép, xe bồn chở xăng… Đó là cảnh tượng được đặc phái viên Libération chứng kiến từ cuối tuần qua trên con đường nối phía bắc Donbass với phần còn lại, cho thấy quân Ukraine được tăng viện khá nhiều.

Đặc phái viên Le Monde tại Donbass ghi nhận, những người dân chạy loạn thường có cùng một câu hỏi : "Putin muốn giải phóng tôi khỏi điều gì ? Khỏi căn nhà, người thân, công việc, cuộc sống của tôi hay sao ?". Dân Donbass đã ồ ạt dồn phiếu cho một tổng thống gốc Do Thái là Volodymyr Zelensky, trong khi dân Nga chỉ được mỗi một lần bầu cử tự do từ 20 năm qua. Cực hữu chỉ chiếm được 1% trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine, tiếng Nga được nghe trên đường phố, tại các cửa hàng, ngay cả trong các chiến hào Donbass : đa số dân đều nói được hai thứ tiếng.

Về cuộc di tản vất vả của những người sống sót ở Mariupol, phóng sự của Le Mondetừ Narva (Estonia) ghi lại lời kể của nhiều nhân chứng cho biết họ đã bị quân Nga khám xét kỹ lưỡng. Có những người phải cởi quần áo để xem có dấu vết xăm mình hay không, sim điện thoại dù đã xóa dữ liệu cũng được phục hồi để truy tìm mối liên hệ với lực lượng dân phòng Ukraine. Một số bị đưa thẳng sang Nga và làm việc tại các nông trại như một kiểu cưỡng bức lao động.

Bước ngoặt cuộc chiến

Le Mondenhận định "Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã thay đổi tính chất". Hơn hai tháng sau khi Vladimir Putin tung quân vào Ukraine, một đất nước có chủ quyền, bản thân cuộc chiến đã có những diễn biến không như ý đồ của ông ta. Bằng chứng là loan báo của tổng thống Mỹ hôm 28/04 viện trợ quân sự ồ ạt 20 tỉ đô la cho Ukraine, một sự leo thang ngoạn mục sau khi các trừng phạt ban đầu cho thấy những hạn chế. 

Ngày 24/02, người ta sửng sốt và nghĩ rằng quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng tan rã. Sau đó lại ngạc nhiên trước sự chiến đấu kiên cường và hiệu quả của Ukraine, những sai lầm của một kẻ thù vượt trội về quân số và vũ khí. Thất bại của cuộc tấn công thủ đô Kiev, cuộc rút lui thảm hại về Donbass tiếp theo đó đã tiết lộ tầm mức nạn giết người bừa bãi của một quân đội Nga đã bình thường hóa tội ác chiến tranh.

Hy vọng ngưng bắn thậm chí đình chiến trở thành ảo tưởng. Đối với Ukraine, cái giá khổng lồ mà các chiến binh và thường dân đã phải trả khiến giờ đây không phải là lúc nhượng bộ để tránh điều tệ hại nhất, mà là một chiến thắng vốn không thể nghĩ đến cách đó vài tuần, và vũ khí hạng nặng của phương Tây là cấp thiết. Với Nga, thất bại nhục nhã mà hình ảnh soái hạm Moskva chìm xuống đáy Hắc Hải là biểu tượng, khiến Vladimir Putin không thể hạ thấp mục tiêu. Không có chiến thắng nào đáng kể cho phép ông ta khoe khoang thắng lợi để kết thúc "chiến dịch đặc biệt".

Phương Tây ngày càng hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine

Những nước phương Tây ủng hộ Ukraine bị cuốn vào vòng xoáy này, mà trường hợp ngoạn mục nhất là Đức, kẻ nhút nhát số một. Cuối tháng Giêng, Berlin chỉ gởi cho... 5.000 nón sắt. Đến 26/04, Berlin chấp nhận cung cấp chiến xa Gepard, và hai ngày sau Quốc hội Đức nhất trí bật đèn xanh cho việc viện trợ vũ khí nặng. Hoa Kỳ vốn từ hơn một thập niên cố gắng rút chân khỏi Châu Âu để tập trung đối phó với Trung Quốc, nay đã thay đổi. Washington ủng hộ mạnh mẽ Kiev, tin rằng nay đi theo chiều hướng lịch sử, sau những thất bại ở Afghanistan và Iraq.

Dù vậy, khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói thẳng mục đích "làm cho Nga yếu đi", các nước Châu Âu vẫn thận trọng. Căng thẳng về khí đốt, rồi những vụ nổ đáng ngờ ở Transnistria, vùng đất ly khai thân Nga của Moldova gây lo ngại, và Nga lại còn pháo kích vào thủ đô Kiev trong lúc tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đang ghé thăm hôm 28/04.

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Derek Chollet, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, dẫn lời thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal khi thăm Washington : "Nếu Nga ngưng chiến đấu, sẽ là hồi kết của chiến tranh. Nếu Ukraine ngưng chiến đấu, sẽ là hồi kết của Ukraine". Ông khẳng định sự hỗ trợ của Washington là lâu dài. Theo ông, Nga đã thất bại trên tất cả mục tiêu chiến lược : lật đổ chính quyền Kiev, kiểm soát toàn bộ Ukraine, gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ với Châu Âu, làm NATO yếu đi…

Nguyên tử : Putin đùa với lửa

Les Echoslo âu trước việc "Nga đùa với ngọn lửa nguyên tử" : Vladimir Putin sẽ còn đi xa đến đâu trong cuộc xâm lăng Ukraine ? Hơn 60 ngày sau khi khởi đầu cuộc chiến, ít ai dám đưa ra lời đáp cho câu hỏi trên. Nhưng có một điều chắc chắn là tổng thống Nga chừng như sẵn sàng làm mọi thứ. Sau khi khóa van khí đốt với Ba Lan và Bulgaria, hai thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) và NATO, nay Putin đe dọa các nước phương Tây chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kiev là sẽ dùng đến hỏa tiễn thế hệ mới nhất, mà theo ông ta là "bất khả chiến bại".

Nga là cường quốc nguyên tử đầu tiên phát triển vũ khí siêu thanh tự đổi hướng khi đang bay nên khó thể đánh chặn. Hỏa tiễn này có thể được sử dụng để bắn đi các đầu đạn quy ước với tốc độ siêu nhanh và cụ thể hơn, nhưng cả các đầu đạn nguyên tử. Moskva sở hữu nhiều loại hỏa tiễn thế hệ mới có sức tàn phá khủng khiếp. Trong số đó có Kinjal (Dao găm) đạt tốc độ Mach 10, tức 12.000 km/h, đánh được các mục tiêu cách xa 2.000 km, đã được trang bị cho Mig-31 và được dùng đến lần đầu tiên hôm 18/03 tại Ukraine. Hỏa tiễn Avangard đạt Mach 27 (33.000 km/h) và nhất là có thể đổi hướng và độ cao lúc đang bay rất nhanh. Loại Zircon có vận tốc nhanh gấp 8 lần âm thanh năm nay được trang bị cho chiến hạm và tàu ngầm Nga.

Gần đây nhất là hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ năm RS-28 Sarmat, được mệnh danh là "Satan 2" có thể phá hủy một lãnh thổ rộng bằng Texas hay nước Pháp, mà theo Vladimir Putin hồi năm 2019 là tấn công được những mục tiêu "từ Bắc cực đến Nam cực". Giám đốc CIA William Burns nhận định, Putin đang thất vọng trước những thất bại quân sự, không thể coi nhẹ mối đe dọa nguyên tử. Pavel Baev, giáo sư Viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo từ 2019 đã cho rằng, ngoài Ukraine, "đầu tư ồ ạt và liên tục của Nga cho việc hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử đặt ra vấn đề về ổn định chiến lược", là "mối đe dọa lớn cho các láng giềng Châu Âu".

Tội ác chiến tranh : Tư pháp quốc tế chưa bao giờ nhanh chóng đến thế

Trước mắt, về các tội ác chiến tranh tại Ukraine, một tháng sau khi phát hiện những xác thường dân đầu tiên ở Bucha, khoảng vài trăm nhà điều tra đang nỗ lực thu thập các bằng chứng. Một tháng sau khi Bucha được giải phóng khỏi quân Nga, những túi đựng xác màu trắng ngày nào cũng được cảnh sát chuyển đến nhà vĩnh biệt của địa phương bằng xe lạnh.

Những nạn nhân này được phát hiện khi người dân Bucha chạy loạn trở về. Tại nhà hay trong vườn, họ tìm thấy những đầu đạn chưa nổ và đôi khi là những xác chết. Số khác được khai quật từ sân chung của các khu nhà ở hay công viên, do người dân còn ở lại trong thời kỳ chiếm đóng chôn tạm. Giám đốc cảnh sát Kiev và vùng phụ cận Andrii Nebyto cho biết chỉ riêng trong vùng đã có 1.150 thi thể. Cuộc điều tra tập trung vào ba khu vực Bucha, Vychgorod và Brovary, trong 50 đến 75% trường hợp, các nạn nhân bị bắn chết. Ukraine cần giúp đỡ từ nhân lực (điều tra viên, cảnh sát hình sự, cố vấn) cho đến kỹ thuật (lưu trữ an toàn các bằng chứng, bảo mật đường dây liên lạc).

La Croix nhận định tư pháp quốc tế chưa bao giờ huy động nhanh chóng đến thế, chỉ hai tháng sau khi cuộc chiến được khởi động, để một ngày nào đó trừng trị được những thủ phạm. Chính phủ Kiev, Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) và nhiều tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc. Tổng cộng mấy trăm điều tra viên làm việc tại Kiev và 8.000 trên cả nước. Mỗi thi thể được tìm thấy, họ tìm hiểu nguyên nhân cái chết, thủ phạm là ai, với sự giúp đỡ của pháp y và các chuyên gia đạn đạo, video giám sát và có khi là cả các nhân chứng. Riêng Paris đã điều đến Bucha 18 chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu tội phạm của Hiến binh Pháp (IRCGN), với những thiết bị chuyên nghiệp.

Người chết không thể sống lại, nhưng công lý phải được thực thi

Dù không một phiên tòa nào, ngay cả phiên xử Vladimir Putin có thể làm cho người chết sống lại, nhưng việc sát hại người dân vô tội không thể không bị trừng trị, đó là điều quan trọng cho người thân của các nạn nhân và cho đất nước họ.

Hồi năm 1942, có ai tin được nghị quyết về tội ác chiến tranh Đức, do tướng De Gaulle đưa ra, đã dẫn đến việc thành lập tòa án quân sự quốc tế Nuremberg ? Cũng không ai nghĩ rằng khi Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ được lập ra năm 1993, tổng thống Slobodan Milosevic, đang ở đỉnh cao quyền lực, sẽ bị xét xử ở La Haye và rốt cuộc chết trong tù. La Croix bày tỏ mong muốn nỗ lực của các nhà điều tra ở Ukraine sẽ khiến những tên tội phạm phải trả lời trước công lý, và công luận gây áp lực tại những nước vẫn còn chưa công nhận thẩm quyền của CPI.

Về phía EU đã hỗ trợ bằng các phương tiện của Eurojust, như chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã long trọng hứa tại Kiev hôm 08/04, sau khi tận mắt chứng kiến hiện trường thảm sát ở Bucha. Cơ quan hợp tác tư pháp đóng ở La Haye có vai trò điều phối và bảo quản các bằng chứng, phối hợp với 11 quốc gia thành viên EU đã khởi kiện và CPI. Eurojust có thể xử lý các hình ảnh, video, âm thanh và cả ảnh vệ tinh, chia sẻ những chứng cứ này với chính quyền các nước và tư pháp quốc tế.

Theo Bruxelles, việc tập trung bằng chứng vào Eurojust có nhiều lợi điểm : các nhà điều tra có thể tham khảo dữ liệu từ những nước khác và tránh trùng lặp, người tị nạn không phải kể đi kể lại những câu chuyện đau lòng. Cơ quan này cũng truy cập được nguồn bằng chứng, tang vật thông qua cổng điện tử "Russia war crime" do Viện Công tố Ukraine thành lập, với sự góp sức của dân chúng. Số dữ liệu phải xử lý là khổng lồ. Trên 8.000 ca được cho là tội ác chiến tranh do phía Nga tiến hành đã được nhận ra kể từ đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02.

Thụy My

Published in Quốc tế

Hậu quả toàn cầu của một cuộc xung đột kéo dài sẽ như thế nào ?

dieugi1

Đám tang tại một nghĩa trang ở Bucha, Ukraine, tháng 4 năm 2022 - Zohra Bensemra / Reuters

Chiến tranh rồi sẽ kết thúc, và những khoảnh khắc kết thúc ấy thường rất sống động và đáng nhớ. Ví dụ như quyết định đầu hàng của Tướng Hợp bang Robert E. Lee trước Tướng Liên minh Ulysses S. Grant vào tháng 04/1865 đã đưa Nội chiến Mỹ đến hồi kết. Hay hiệp định đình chiến chấm dứt Thế chiến 1, được Đức và Đồng minh Hiệp ước ký kết trên một toa tàu gần Paris vào tháng 11/1918. Hoặc sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, với biểu tượng là sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11/1989 và sau đó là việc hạ lá cờ Liên Xô tại Điện Kremlin vào Lễ Giáng sinh năm 1991. Những sự kiện này xuất hiện trong văn hóa của chúng ta như những khoảnh khắc quyết định, mang lại cảm giác về một kết thúc rõ ràng.

Nhưng bối cảnh xung quanh kết thúc của một cuộc chiến có thể gây hiểu lầm. Việc Hợp bang miền Nam đầu hàng tại Tòa án Appomattox đã không giải quyết được căng thẳng chính trị hoặc căng thẳng văn hóa giữa hai miền Bắc và Nam, cũng không giải quyết được những định kiến về chủng tộc và khác biệt chính trị có liên quan, vốn đã tiếp tục tồn tại rất lâu sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, những năm 1920 và 1930, ở châu Âu ngập tràn lo lắng và căng thẳng, dần dồn nén thành một cuộc đại chiến khác. Hồi kết của Thế chiến 2 chính là bình minh của Chiến tranh Lạnh. Và, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô, Chiến tranh Lạnh có lẽ chưa kết thúc – nó có thể vẫn đang tiếp diễn, như nhà sử học Stephen Kotkin gần đây đã lập luận.

Trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, có thể sẽ không có một khoảnh khắc riêng rẽ nào đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh – chí ít là trong một thời gian nữa. Cuộc chiến đã kéo dài được tám tuần – dài hơn nhiều so với dự đoán của hai bên – và thực sự có khả năng hai quốc gia sẽ không đạt được những gì họ mong muốn. Ukraine có lẽ sẽ không thể trục xuất được hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ mà họ đã chiếm được kể từ khi Moscow tiến hành xâm lược vào tháng 2. Còn Nga có vẻ sẽ không thể đạt được mục tiêu chính trị chính của mình : kiểm soát Ukraine. Thay vì đi đến một giải pháp dứt điểm, cuộc chiến có thể mở ra một kỷ nguyên xung đột mới, đặc trưng bởi một chu kỳ chiến tranh của Nga ở Ukraine. Nếu chiến tranh không sớm kết thúc, thì câu hỏi quan trọng là : Thời gian sẽ đứng về phía ai ?

Chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn

Thời gian có thể nghiêng về phía Nga. Một cuộc chiến kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm có thể là kết quả có thể chấp nhận được, thậm chí có lợi cho Moscow. Nó chắc chắn sẽ là một kết cục tồi tệ đối với Ukraine, quốc gia sẽ bị tàn phá nặng nề, và đối với phương Tây, nơi sẽ phải đối mặt với nhiều năm bất ổn ở châu Âu và thường xuyên bị đe dọa về chiến tranh lan rộng. Một cuộc chiến dài hạn cũng có thể được cảm nhận trên toàn cầu, với khả năng gây ra những làn sóng đói kém và bất ổn kinh tế. Một cuộc chiến vô tận ở Ukraine cũng có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ đối với Kyiv tại các xã hội phương Tây, vốn không được chuẩn bị kỹ càng để chịu đựng các xung đột quân sự kéo dài, dù rằng xung đột xảy ra ở nơi khác. Các xã hội phương Tây theo định hướng thương mại, hậu hiện đại đã quen với những tiện nghi của một thế giới thời bình toàn cầu hóa có thể mất hứng thú với chiến tranh Ukraine – khác với dân thường Nga, mà bộ máy tuyên truyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kích động và huy động trở thành một xã hội thời chiến.

Dù Mỹ và các đồng minh có lý do chính đáng khi hy vọng và nỗ lực hướng tới một chiến thắng nhanh chóng cho Ukraine, các nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn phải sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài. Các công cụ chính sách mà họ sử dụng – chẳng hạn như viện trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt – sẽ không thay đổi nhiều trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh. Hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine là điều cần thiết, bất kể quỹ đạo của cuộc chiến có thế nào. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, về mặt lý thuyết sẽ dẫn đến những thay đổi trong tính toán của Nga, và sẽ phù hợp với mục đích dài hạn là làm suy yếu cỗ máy chiến tranh Nga.

Thách thức chính không nằm ở việc hỗ trợ Ukraine. Nó nằm ở việc ủng hộ chiến tranh trong nội bộ các quốc gia đang hậu thuẫn cho Ukraine. Trong thời đại của mạng xã hội và của những cảm xúc được định hướng bằng hình ảnh, dư luận có thể thay đổi thất thường. Để Ukraine có thể thành công, dư luận toàn cầu phải rất kiên định, và điều đó phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo chính trị lão luyện và kiên nhẫn hơn bất cứ thứ gì khác.

Cuộc chơi còn dài

Putin có nhiều lý do để không kết thúc cuộc chiến mà ông đã bắt đầu. Ông còn ở rất xa so với các mục tiêu chính của mình. Cho đến nay, quân đội của ông đã không đủ hiệu quả để có thể buộc người Ukraine đầu hàng, và Nga còn một chặng đường dài trước khi lật đổ được chính phủ Ukraine. Những thất bại của ông đã bị công khai một cách nhục nhã. Sau khi đột ngột rút lui khỏi các khu vực xung quanh Kyiv, quân đội Nga đã phải chứng kiến cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp đón những vị khách nước ngoài đến thăm thủ đô và các đại sứ quán mở cửa trở lại. Vụ chìm soái hạm Moskva của Nga, nhiều khả năng do tên lửa Ukraine, là một ví dụ rõ ràng khác cho thấy sự mất mặt của quân đội Nga trước lực lượng Ukraine. Putin đã phải trả một cái giá đắt cho cuộc xâm lược của mình. Theo quan điểm của Tổng thống Nga, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai, nếu không giành được sự nhượng bộ lớn từ Ukraine, thì sẽ không tương xứng với thiệt hại về người, về của, và sự cô lập quốc tế mà nước Nga đã phải chịu đựng. Sau khi huy động người Nga tham gia chiến tranh – và trong quá trình đó, khơi gợi lại những xung đột mang tính biểu tượng, như Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống lại Đức Quốc xã – Putin có thể sẽ không chấp nhận một nền hòa bình nhục nhã.

Dù cuộc chiến này là một sai lầm chiến lược đối với Nga, nhưng Putin có thể sẽ tự gây thiệt hại về mặt chính trị cho bản thân, nếu ông thừa nhận sai lầm của mình. Trước khi xâm lược Ukraine, Nga vẫn duy trì quan hệ với châu Âu và Mỹ, và có một nền kinh tế vẫn hoạt động tốt. Ukraine, về mặt chính thức, là một quốc gia không liên kết với nhiều chia rẽ nội bộ và nhiều lỗ hổng. Cũng không có kế hoạch mở rộng NATO theo bất kỳ hướng nào trong tương lai gần. Vậy mà chỉ vài tuần sau, cuộc chiến ở Ukraine đã phá hủy mối quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ. Nó sẽ dần dần tàn phá nền kinh tế Nga, đồng thời đẩy Ukraine đi xa hơn về phía phương Tây. Phần Lan và Thụy Điển có thể sẽ gia nhập NATO vào mùa hè này. Tham chiến với mục đích ban đầu là ngăn chặn việc bị bao vây, thay vào đó, Nga lại giúp củng cố NATO và thắt chặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều đó sẽ khiến việc cắt giảm tổn thất của Putin ở Ukraine trở nên khó khăn hơn – chứ không phải dễ dàng hơn.

Putin có thể dùng đến phương án chiến tranh tiêu hao, vốn mang lại cho ông một số lợi thế. Nếu bị đánh bại, ông có thể trì hoãn thất bại đó bằng một cuộc chiến kéo dài, và thậm chí có thể trao lại cuộc xung đột cho người kế nhiệm. Một cuộc chiến dài hạn cũng sẽ tận dụng một số điểm mạnh bẩm sinh của Nga. Nó sẽ cho phép Nga có thời gian để huy động lính nhập ngũ và đào tạo hàng trăm nghìn lính mới, theo đó làm thay đổi chiến cục. Nếu chiến tranh kéo dài nhiều năm, quân đội Nga có thể xây dựng lại lực lượng đã bị suy kiệt, đặc biệt nếu ngân sách nhà nước của Nga vẫn ổn định – nghĩa là nếu các khoản thanh toán năng lượng từ châu Âu và các nơi khác vẫn được tiếp tục. Nga cũng không nhất thiết phải giành chiến thắng trên chiến trường để có thể gây áp lực lên Kyiv, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài thêm nữa. Ngân hàng Thế giới đánh giá thiệt hại GDP của Ukraine vào năm 2022 là 45%. Sự tàn phá kinh tế Ukraine là một trong những kết quả quan trọng, dù ít thấy hơn, của cuộc chiến.

Một cuộc chiến tiêu hao có thể giúp Putin gây áp lực lên liên minh xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt nếu sự ủng hộ dành cho Ukraine bắt đầu suy yếu ở phương Tây. Putin coi các nền dân chủ phương Tây là không ổn định và kém hiệu quả, và có thể ông đang đặt cược vào các chuyển đổi chính trị ở châu Âu hoặc Mỹ trong lúc căng thẳng chiến tranh ngày một lớn. Nếu Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông có thể cố gắng đạt được thỏa thuận với Nga một lần nữa, với cái giá phải trả là NATO. Chiến thắng dành cho Marine Le Pen trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 24/04 cũng sẽ mở ra cơ hội cho Putin. Ông là một nhà độc tài. Bị thuyết phục rằng quyền lực của họ là vĩnh cửu, các nhà độc tài thường có thể chấp nhận một cuộc chơi lâu dài. Hoặc ít nhất họ nghĩ rằng họ có thể làm như vậy.

Đừng nóng vội

Ukraine cũng có nhiều lý do để không kết thúc chiến tranh bằng một thỏa thuận ngừng bắn vội vã theo điều kiện của Nga. Quân đội của nước này đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Đối mặt với cuộc tấn công vô cớ từ một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới, lực lượng Ukraine đã thành công trong việc đẩy lùi kẻ thù ở miền bắc và đông bắc đất nước. Người Nga đã thua trong trận chiến giành Kyiv, và họ đã không thể vượt qua thành phố miền nam Mykolaiv, về phía Odessa. Ukraine đã chứng minh rằng tính kiên cường và tinh thần chiến đấu, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái và vũ khí chống tăng hiện đại, có thể củng cố năng lực phòng thủ của quân đội. Nga vẫn có khả năng sẽ thua trong cuộc chiến này, và vì vậy, Ukraine có lợi thế để kết thúc chiến tranh cùng những thỏa thuận tốt hơn so với những nhượng bộ lớn, không thể chấp nhận được mà Moscow hiện đang muốn từ Kyiv.

Chính phủ Kyiv sẽ muốn cố gắng đạt được những điều khoản tốt hơn, thông qua các bước tiến trên chiến trường, và việc đẩy lùi thành công cuộc tấn công của Nga ở miền đông Ukraine. Cách thức tiến hành chiến tranh tàn bạo của Nga đã làm phức tạp thêm cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra trong tương lai. Lính Nga nhắm mục tiêu vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự trên khắp Ukraine. Họ đã phạm tội ác chiến tranh và đã có nhiều hành động tàn bạo, gồm cả bạo lực tình dục trên diện rộng và trục xuất công dân Ukraine sang Nga. Đây là một cuộc chiến nhắm vào người dân Ukraine. Người ta buộc phải giả định rằng bất kỳ lãnh thổ nào mà Nga giành được đều sẽ đối mặt với những hành động chiếm đóng xấu xa. Chính phủ Ukraine không thể chấp nhận những hành động tàn bạo như vậy chống lại chính người dân trong lãnh thổ của mình. Một lệnh ngừng bắn sớm, tuân theo các điều khoản của Nga sẽ yêu cầu Ukraine giao một số lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02. Nó sẽ liên quan đến việc Nga chiếm được một khu vực lớn hơn ở Donbas, lớn hơn so với những gì họ đã chiếm được vào năm 2014, và cũng có thể gồm các thành phố Kharkiv và Mariupol. Nga cũng sẽ tìm kiếm những nhượng bộ lớn hơn về tình trạng quân sự của Ukraine. Zelensky đã đồng ý không gia nhập NATO. Nhưng việc giải giáp và phi quân sự hóa lực lượng Ukraine sẽ hạn chế chủ quyền của Ukraine, cả về lý thuyết lẫn thực tế. Sau khi ‘bỏ túi’ những nhượng bộ này, Nga hoàn toàn có thể tái khởi động cuộc chiến chống lại quân đội Ukraine "phi quân sự hóa" để kết thúc những gì họ đã bắt đầu.

Bất kỳ nhượng bộ nào của Kyiv cũng cần được người dân Ukraine tán thành. Ukraine đang phải trả giá bằng máu cho cuộc chiến khủng khiếp này. Một thỏa thuận với quỷ có thể bị xem là tệ hơn cả khi không có thỏa thuận nào. Zelensky đã thành công trong việc thống nhất nhân dân Ukraine và thu hút sự ủng hộ trên toàn thế giới cho Ukraine – cờ Ukraine hiện đã xuất hiện khắp nơi bên ngoài nước này. Chính phủ và người dân đã xích lại gần nhau hơn, đất nước đã gắn kết hơn so với trước chiến tranh. Người duy nhất có thể thuyết phục dân chúng Ukraine chấp nhận một thỏa thuận chính là Zelensky lôi cuốn và nổi tiếng. Nhưng ông cần phải đưa ra một thỏa thuận với các điều khoản mà người dân có thể chấp nhận. Những điều khoản đó – cho phép Ukraine bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và an ninh của mình càng nhiều càng tốt – có thể phụ thuộc vào những tiến bộ hơn nữa của binh sĩ Ukraine trên chiến trường. Cái giá để người Ukraine nhanh chóng kết thúc chiến tranh sẽ cao hơn nhiều so với cái giá của Nga. Đối với Nga, kết thúc cuộc chiến theo các điều khoản của Ukraine có thể làm tổn hại đến niềm tự hào của một nhà độc tài. Đối với Ukraine, việc vội vàng chấp nhận các điều khoản của Nga sẽ gây nguy hiểm cho đời sống của người dân và sự tồn tại của đất nước với tư cách một quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, một cuộc chiến dài hạn cũng đặt ra những thách thức chính trị cho Ukraine. Nếu chiến tranh kéo dài nhiều năm, Ukraine sẽ phải tìm cách giữ cho hệ thống chính trị của mình được nguyên vẹn và nền dân chủ của mình tiếp tục tồn tại. Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2024 – chính vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Nga tiếp theo sẽ được tổ chức. Nhưng cuộc bầu cử của Nga sẽ là giả, còn cuộc bầu cử của Ukraine sẽ là thật. Như nhà triết học chính trị Alexis de Tocqueville đã cảnh báo, "Không có cuộc chiến tranh kéo dài nào lại không gây nguy hiểm cho tự do của một quốc gia dân chủ". Ukraine sẽ phải chứng minh ông đã sai.

Tác động đối với thế giới

Chiến tranh kéo dài ở Ukraine sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc cho lục địa già. Châu Âu sẽ không còn toàn vẹn, tự do, và hòa bình. Nó sẽ mang trong mình một vùng chiến sự với nguy cơ leo thang. Quân đội Nga hiện chưa có lý do nào để tiến vào Ba Lan hoặc các nước cộng hòa Baltic, nhưng một ‘ranh giới hiểm nguy’ sẽ chạy dọc từ bắc xuống nam, và bất ổn hơn nhiều so với Bức màn Sắt của thời Chiến tranh Lạnh, đòi hỏi NATO phải có những phương pháp phòng thủ mới. Cuộc di cư của những người tị nạn Ukraine sẽ tiếp tục, và theo thời gian, nhóm người này có thể quyết định định cư lâu dài ở những vùng khác của châu Âu.

Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine cũng sẽ gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu. Nếu chiến sự rơi vào bế tắc, nó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu, vì Ukraine và Nga là nhà sản xuất lớn các loại lương thực như lúa mì. Nạn đói lại là nguyên nhân gây bất ổn toàn cầu. Ở châu Phi và Trung Đông, những nơi tưởng chừng ở rất xa Ukraine có thể rơi vào khủng hoảng chính trị do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Thực tế này sẽ phá hủy giấc mơ về một lối thoát nhẹ nhàng khỏi đại dịch Covid-19. Sự khác biệt trong phản ứng quốc tế đối với xung đột đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều quốc gia đã nhận ra tiêu chuẩn kép, vì phương Tây nhiệt tình tiếp nhận người tị nạn Ukraine và mạnh mẽ trừng phạt Nga vì đã gây chiến, trong khi, như một số nhà quan sát đã cáo buộc, Mỹ cũng tham gia một số cuộc chiến như vậy trong những năm gần đây. Chỉ có 37 quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng có tới 141 quốc gia lên án cuộc xâm lược tại Liên Hiệp Quốc, một sự khác biệt cho thấy không phải tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế đều để mắt đến cuộc chiến ở Ukraine.

Khi chiến tranh kéo dài và hồ sơ về sự tàn bạo của người Nga ngày một dày thêm, các lệnh trừng phạt sẽ chồng chất và giá các mặt hàng như dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng cao. Các tác động kinh tế sẽ được cảm nhận trên toàn châu Âu và cái giá của nó chủ yếu cũng là người châu Âu phải trả. Do đó, sự ủng hộ dành cho Ukraine có thể suy yếu dần nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài. Những tiếng nói yêu cầu Ukraine phải chấp nhận ngừng bắn bằng bất cứ giá nào có thể trở nên lớn hơn. Các cuộc xung đột khác, chẳng hạn như cuộc chiến ở Syria từ lâu đã không còn được chú ý, chứng tỏ rằng một cuộc chiến không hồi kết có thể trở thành đơn giản là một sự phiền toái đối với các xã hội ưa thoải mái và dễ bị phân tâm, và dần dà mọi thứ sẽ lại trôi vào quên lãng. Các chính trị gia phương Tây nên chủ động đón nhận thách thức này và giải thích tại sao sự ủng hộ đối với Ukraine không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là điều thực sự cần thiết cho an ninh châu Âu và tương lai của các xã hội tự do. Chiến dịch ủng hộ Ukraine này không phải là miễn phí. Nhưng nếu Putin chiến thắng ở Ukraine, ông ta sẽ được khích lệ để mở rộng phạm vi xâm lược của Nga.

Mục tiêu cuối cùng của Ukraine rất rõ ràng. Đó là bảo tồn nền độc lập và chủ quyền của mình. Đó là những gì họ xứng đáng được nhận – và là những gì Châu Âu cần cho an ninh của chính mình. Nếu người Ukraine thắng thế, chủ quyền của nước này sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho việc thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do, ổn định. Mỹ và châu Âu không nên thúc ép Kyiv tiến tới một thỏa thuận thương lượng. Họ cũng không nên tìm cách ngăn chặn nếu Zelensky có thể tìm thấy một thỏa thuận mà cả ông và người dân Ukraine đều chấp nhận được. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ chỉ xảy ra sau nhiều năm chiến đấu. Trước mắt, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu phải giải thích cho công chúng của họ rằng điều gì đang bị đe dọa – đối với người Ukraine và đối với thế giới – trong cuộc chiến này.

Quan trọng nhất, họ cần phải nói rõ giá trị của một chiến thắng của Ukraine. Tám tuần đầu tiên của cuộc chiến đôi khi gợi nhớ đến những mô típ và khuôn mẫu của một bộ phim Hollywood. Có một nhân vật phản diện độc ác – Putin – xa cách và cô độc trên chiếc bàn dài ở Điện Kremlin. Có một nhân vật anh hùng – Zelensky – liều chết để giải cứu đất nước của mình. Và điều bất ngờ trong câu chuyện là sự kém cỏi của quân đội Nga và sự thành công trên chiến trường của lực lượng Ukraine. Câu chuyện đạo đức và tự sự này gợi ý rằng sẽ có một kết thúc có hậu . Nhưng nó sẽ không đến sớm. Hiểu được khả năng tập trung chú ý ngắn hạn của các cử tri, khi soạn thảo thông điệp của mình, các nhà lãnh đạo chính trị ở các quốc gia ủng hộ Ukraine nên ít dựa vào các kịch bản phim Hollywood, vốn hướng đến sự hài lòng ngay lập tức. Thay vào đó, họ nên dựa nhiều hơn vào các bài phát biểu thời chiến của Thủ tướng Anh Winston Churchill, trong đó khuyên chúng ta nên kiên trì và đừng bao giờ hứa hẹn về một chiến thắng nhanh chóng. Kyiv sẽ phải trải qua nhiều khó khăn trong một cuộc chiến vốn sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng về mặt chiến lược, chính trị, và nhân đạo. Mỹ và các đồng minh phải chuẩn bị để hỗ trợ Ukraine trong suốt hành trình dài đó.

Liana Fix Michael Kimmage

Nguyên tác : "What If the War in Ukraine Doesn’t End ?", Foreign Affairs, 20/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/04/2022

Liana Fix là Giám đốc tại Quỹ Körber và là cựu nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông phụ trách khu vực Nga/Ukraine.

Published in Diễn đàn
jeudi, 28 avril 2022 23:06

TV ở Ta & TV ở Nga

Nước Việt không thiếu những thằng rách việc, và nhiều đứa đã bị vạch mặt chỉ tên : thằng đánh máy thằng cơ chế thằng sứ quán  …. Nước Nga, xem ra, cũng không khác mấy. Một trong những thằng rách việc ở xứ sở này vừa bị lộ diện, và bị ném đá tơi bời hoa lá :

tv1

- VQuang Boabo : "Tuy mạnh yếu khác nhau xong phụ bếp thời nào cũng nguy hiểm".

- Huynh Nguyen : "Rất chán...tụi kg có chiên môn mà đu lên tàu làm phụ bếp !"

- Phương Trần : "Mấy thằng phụ bếp là mấy thằng ăn hại - làm khổ người khác đặc biệt là anh em". 

- Nguyễn Lân Thắng : "Những thằng phụ bếp trên tàu là bọn có thể gây họa lớn, đừng coi thường".

- Vương Gia Văn : "Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh có những thằng phụ bếp không chỉ gây họa cho 1 con tàu mà còn gây họa cho cả một dân tộc !

Chớ thằng chả làm gì mà "rách việc" dữ vậy – hả Trời ? Hỏi thăm lòng vòng một hồi mới được nghe FB Minh Thoại giải thích, bằng … thơ :

"Thằng phụ bếp bất cẩn

Để hỏa hoạn xảy ra

Làm soái hạm bốc cháy

Rúng động toàn nước Nga".

Thiệt là cái đồ hậu đậu. Làm hư bột hư đường hết trơn hết trọi. Chỉ vì "bất cẩn" chút xíu mà khiến cho nguyên cả một siêu cường, cùng với một siêu nhân, bị mất mặt (bầu cua) và mất bộn tiền. Từ đây, mụ nội thằng nào/con nào mà còn dám mua những vũ khí (thổ tả) của Nga nữa đây ?

Tuy thế, cảnh tượng soái hạm Moskva bốc cháy đen thui lui rồi chìm dần xuống lòng Hắc Hải (vẫn) chưa thảm hại bằng cảnh hôi của ở Ukraine. Trang Hindustan News Hub vừa cho phổ biến hình ảnh lính Nga đang khệ nệ khiêng những cái TV (bự tổ trảng) cùng với lời bình luận :

"…units of Putin’s troops remain cut off from supplies indefinitely and have been instructed to move to ‘self-sufficiency’ until further orders. That is, to take everything necessary from the local population…".

(những đơn vị của quân Putin vẫn còn bị cắt đứt nguồn tiếp liệu vô thời hạn và được chỉ thị ‘tự túc’ cho đến khi có lệnh mới. Nói cách khác là tha hồ trộm cướp tất cả những gì cần thiết từ dân chúng địa phương…").

tv2

No ra bụt đói ra ma. Bần cùng sinh đạo tặc ! Cướp bóc, trộm cắp, hôi của nào có phải là chuyện lạ lùng hay mới mẻ chi trong lịch sử nhưng tới bây giờ mà còn hí hửng ôm một cái TV (to đùng) thì quả là chuyện rất khó coi và cũng vô cùng khó hiểu.

FB Nguyễn Duy  ta thán : "Những món đồ cổ lỗ sỹ như vầy mà lính Nga vẫn còn đem về xài, chứng tỏ KT Nga không khá như vẫn tưởng, ở VN nó đã bị quăng đi từ 10 năm trước rồi".

Sao "mười năm" được, cha nội ? Phải lâu hơn nhiều chớ, nếu là TV đen trắng :

Tôi nhớ khi cha có ý định mua tivi thì gặp ngay cái lắc đầu của mẹ", để tiền đó mua thêm con nghé mà nuôi hòng sinh lãi chứ xem tivi đâu ích lợi gì ?" Không hiểu cha thuyết phục sao mà mẹ đồng ý để rồi vài tháng sau khi điện lưới về làng, cha lặn lội lên thị xã mua về chiếc tivi đen trắng mới toanh trước sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm.

Chiếc tivi đầu tiên đó làm rộn rã chốn thôn quê mỗi khi đêm đến… Đời sống đi lên, công nghệ tiên tiến len lỏi và bủa vây lấy từng góc phố đến làng quê. Nhiều thế hệ tivi thông minh với những phương thức giải trí khác nhau ra đời thay thế cho cái cũ nặng nề, đơn điệu. Thế nhưng cái tivi đen trắng ngày xưa là mảng hoài niệm trong trẻo, là điểm hẹn xưa xa sinh động mà ký ức tôi vẫn hay chiếu đi, tua lại". (Nguyễn Tiến Dũng, "Cái Tivi Đen Trắng Ngày Ấy ", Quảng Nam Online - 14/03/2015).

Thiệt tình ! Có ai mà dè cái Tivi trắng đen (ngày ấy) nay vẫn còn là niềm ước mơ của mấy chú lính Putin.

Nước Nga nghèo dữ vậy sao ?

Hổng dám nghèo đâu !

Phải nghe bạn Trần Trung Đạo xuýt xoa mới biết xứ sở này bảnh bao tới cỡ nào lận : "Các bạn đọc chữ oligarch (đại tài phiệt) rất nhiều trong thời gian qua, nhất là trong hai tháng qua khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Cộng Hòa Ukraine… và khi nhắc đến Oligarch người ta sẽ nghĩ ngay đến tài phiệt Nga chứ không phải tài phiệt của quốc gia nào khác ?"

Thiệt là quá đã và quá đáng !

Vấn đề là dân giầu hoàn toàn, và tuyệt đối, không có dính dáng chi đến chuyện chiến tranh cả – trừ việc họ kinh doanh vũ khí thì không kể. Từ Paris, phóng viên Jean-Marc Four (franceinfo – Radio France) tường thuật :

"Un chercheur indépendant russe a étudié les listes de conscrits morts ou faits prisonniers ces dernières semaines. Et leur profil saute aux yeux. Inutile de chercher des fils d’oligarques russes dans les listes : vous n’en trouverez pas. Les conscrits envoyés au front viennent de familles pauvres et surtout de minorités ethniques ou religieuses.

(Một nhà nghiên cứu độc lập đã xem xét kỹ các danh sách lính nghĩa vụ tử trận hoặc bị bắt thành tù binh trong vài tuần qua và thấy ngay một điểm chung rõ rệt : vô ích nếu đi tìm tên con trai của các tay tài phiệt Nga trong các danh sách này. Những lính Nga bị điều ra mặt trận toàn là con cái của các gia đình nghèo đói và chủ yếu thuộc các sắc dân thiểu số hoặc tôn giáo thiểu số". Translated by P.H.S).

Họ "nghèo đói" tới cỡ nào mà phải đi quơ đại một cái TV (vứt đi, không có người nhặt) làm chiến lợi phẩm như vậy chớ ?

Xin xem qua đôi ba con số, theo một nguồn tin tương đối cập nhật (Christopher McLean, "Child Poverty In Russia", The Borgen Project – 02/25/2021) và khả tín :

"Russia is one of the world’s largest exporters of oil. As such, those that control the oil industry generate great wealth. However, this leaves many others to suffer in poverty. The nation has a high unemployment rate, but people who have obtained employment often suffer as well. The minimum wage in Russia is among the lowest of all developed countries. The monthly minimum wage in Russia is 12,310 rubles, which is the equivalent of $196.

(Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Trong những nước đó, những người nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp dầu khí tạo ra được rất nhiều của cải. Tuy nhiên, nó cũng làm cho nhiều người lâm vào cảnh nghèo khó. Tỷ lệ thất nghiệp cao, nhưng những người có việc làm cũng thường xuyên gặp khó khăn. Lương tối thiểu ở Nga thuộc loại thấp nhất trong các nước đã phát triển. Lương tối thiểu ở Nga là 12.310 rúp, tương đương với 196 đôla" - Translated by Phạm Nguyên Trường).

tv3

Với đồng lương tối thiểu gần 200 USD một tháng thì tuy chỉ bằng nửa mức lương trung bình của người dân Thái Lan nhưng cũng tương đương với công nhân Việt Nam/ Cao Miên (và nhỉnh hơn Miến Điện với Lào chút xíu) chớ nước Nga cũng không "khá" gì cho lắm. Điều kỳ diệu là ở tất cả những quốc gia vừa kể thì không vị lãnh tụ nào nắm được trọn quyền hành, và được tới 71 phần trăm  dân chúng ủng hộ như trường hợp ở Nga.

Vladimir Putin thiệt là may mắn. Vấn đề là thằng em lại tưởng là mình hay (chớ không phải hên) nên còn ôm mộng "bá quyền" khiến cho lắm người giận dữ. Dù đã tu tại gia, và tu rất kỹ, cư sĩ Phạm Nguyên Trường vẫn nổi nóng như thường : "Nước Nga của Pushkin, Lev Tolstoy, Trekhov... sao lại sinh ra quái thai Putinler này ?"

Ơ hay ! Cái "quái thai Putinler" nào có phải là sản phẩm lạ lùng hay mới mẻ gì ? Nước Nga cận đại đâu có thiếu chi cái loại của nợ này (Lenin, Stalin, Khruschev, Brezhnev…) và tất cả đều đã gây ra vô vàn tội ác !

Sao chúng lại có thể tác yêu tác quái như thế suốt từ thập niên này, sang thập niên khác được nhỉ ?

Sao ư ?

Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối

Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương nên mới ra cớ sự thôi.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lý giải như thế đấy !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 28/04/2022 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa

Khăng khăng giành "chiến thắng", Putin "dồn" Ukraine hợp lực quân sự với phương Tây

Thu Hằng, RFI, 26/04/2022

Mỹ và khoảng 40 nước đồng minh họp tại căn cứ Ramstein, Đức, để trang bị vũ khí cho Ukraine. Từ tấn công phủ đầu cảnh cáo Kiev xích lại gần với phương Tây, giờ đây chiến lược của tổng thống Vladimir Putin không mang lại những kết quả mong đợi, thậm chí nguyên thủ Nga đang trong tình cảnh "gậy ông đập lưng ông".

duyetbinh1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Kiev, Ukraine ngày 25/04/2022.  AP

Không những Kiev kiên cường chống lại xâm lược Nga mà còn "có thể giành chiến thắng" nếu "có vũ khí tốt và được hậu thuẫn tốt", theo nhận định của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 26/04/2022.

Theo ông Vincent Desportes, cựu giám đốc Trường Chiến tranh tại Paris, khi trả lời RFI ngày 25/04, "chúng ta vẫn biết rằng Mỹ chỉ cam kết khi có ít rủi ro, khi họ chắc chắn về hành động của mình". Việc cả hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ đến Kiev ngày 24/04, sau đó là họp tại Đức để bàn về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine ngày 26/04 là "dấu hiệu khởi đầu bước ngoặt trong cuộc chiến"

Giảm năng lực quân sự Nga 

Từ không tin vào khả năng phòng thủ của Ukraine trong những ngày đầu ông Putin đưa quân xâm lược, Washington và các đồng minh giờ muốn trang bị thêm vũ khí hạng nặng cho Kiev để không chỉ đẩy lùi quân Nga mà còn muốn "Nga suy yếu đến mức không thể tiến hành kiểu hành động như xâm lược Ukraine nữa". Để đạt được mục tiêu này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cam kết cùng với các đồng minh "sẽ xúc tiến tối đa, nhanh nhất có thể, để Ukraine nhận được những gì họ cần". Ukraine trở thành chiến trường "ủy nhiệm" giữa phương Tây và Nga. 

Mỹ là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev, với tổng số tiền lên đến 3,2 tỉ đô la từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine và sẵn sàng "cung cấp mọi vũ khí hiệu quả cho cuộc chiến của Ukraine vào thời điểm này", nhằm nói đến cuộc chiến ở vùng Donbass, nơi tổng thống Putin đang tìm cách giành được bất kỳ chiến thắng nào để ca ngợi "chiến dịch quân sự đặc biệt" với người dân Nga vào ngày Chiến thắng Phát xít 09/05. 

Nga đang kiểm soát phần lớn vùng đồng bằng rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraine. Chưa dừng ở đó, quân Nga muốn ngược lên miền trung, đẩy lùi các lực lượng Ukraine bằng các trận oanh kích từ xa, sau đó điều quân và xe tăng chiếm thực địa. Mỹ, Pháp, Canada, Cộng Hòa Séc, Ba Lan và gần đây nhất là Đức cùng với nhiều nước đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng, hiệu quả theo yêu cầu của chính quyền Kiev. Nhờ đó, theo ông Mike Jacobson, chuyên gia dân sự về pháo binh khi trả lời AFP, Ukraine có thể "giảm hỏa lực của Nga", cũng như "giảm khả năng của quân Nga theo đuổi cuộc đối đầu này"

Nói một cách khác, giáo sư nghiên cứu chiến lược Phillips O’Brien cho rằng năng lực quân sự của Ukraine không ngừng được cải tiến "dù ít hơn (về số lượng) nhưng đang được trang bị tốt hơn", trong khi "lực lượng Nga bị giảm đi đáng kể và chịu nhiều tổn thất về thiết bị"

Dù không ai dám khẳng định là liệu những các đợt giao vũ khí có thể giúp Ukraine đánh đuổi hoàn toàn quân Nga khỏi lãnh thổ hay không, nhưng theo chuyên gia Mike Jacobson nếu Kiev giành thắng lợi về pháo binh, "điều đó sẽ buộc Nga hoặc phải gia tăng xung đột, hoặc phải đàm phán một cách thực tế"

Phương Tây muốn Ukraine có quân đội hiệu quả trong tương lai 

Ngoài chủ đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, cuộc họp ngày 26/04 ở căn cứ Ramstein do Mỹ chủ trì, còn bàn về việc bảo đảm an ninh cho Ukraine trong tương lai khi kết thúc chiến tranh. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, trong buổi họp báo ngày 24/04, đã không giấu mục tiêu là "hiện đại hóa và làm cách nào đó để quân đội Ukraine luôn vững mạnh và có khả năng hoạt động trong tương lai", với "lực lượng quân sự thực thụ"

Cuộc họp không diễn ra trong khuôn khổ của NATO, dù tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng tham dự vì NATO, cũng như Mỹ, không muốn bị coi là bên tham chiến. Do đó, có thể thấy trong số 40 nước tham gia họp tại Đức, có Úc, Nhật Bản, hai quốc gia lo Trung Quốc có thể viện vào tiền lệ Nga để củng cố tham vọng bành trướng, cũng như hai nước trung lập Phần Lan và Thụy Điển. 

Khi phát động tấn công, tổng thống Nga viện cớ phi phát xít hóa và giải trừ vũ khí Ukraine, nhưng "ông Putin nhận lại chính xác những gì ông ấy không muốn". Theo ông Philip Breedlove, một tướng Mỹ nghỉ hưu, từng điều hành NATO tại Châu Âu từ 2013 đến 2016, được AP trích dẫn, tổng thống Putin "càng đẩy quân thì lại càng làm NATO tiến lên phía trước và khiến Mỹ tăng cường hiện diện ở Châu Âu". Ít có khả năng Ukraine gia nhập NATO nhưng cuộc chiến do Nga phát động lại khiến NATO và Kiev xích lại gần nhau.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 26/04/2022

***********************

Tổng thống Nga Putin muốn chiếm Donbass Ukraine bằng mọi giá trước 09/05

Phan Minh, RFI, 26/04/2022

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ ba, và dường như hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng. Trang mạng đài truyền hình Mỹ CNN có bài phân tích về việc tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang tìm mọi cách để chiếm được vùng Donbass ở phía đông Ukraine trước ngày 09/05 tới. RFI xin trích dịch.

duyetbinh2

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, Nga ngày 18/04/2022  via Reuters - Sputnik

Khi lực lượng Ukraine đẩy lùi quân Nga đang trong quá trình tiến vào chiếm thủ đô Kiev, họ cho biết đã tìm thấy một số hành lý thú vị trong đống hoang tàn do quân đội Nga để lại sau khi rút lui, đạn dược, áo giáp và bên trong các xe quân sự là quân phục duyệt binh của Nga. Ông Oleksandr Hruzevych, phó tổng tham mưu trưởng lục quân Ukraine cho biết : "Nga đã dự kiến chiếm được Kiev trong hai ngày và sau đó sẽ tổ chức lễ duyệt binh ở đây".

Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể có một cuộc duyệt binh ở thủ đô Ukraine, nhưng một cuộc duyệt binh sắp diễn ra ở Moskva và cho dù tình hình trên chiến trường có thế nào đi chăng nữa thì tổng thống Nga có thể sẽ tuyên bố chiến thắng tại ngày lễ đó sẽ diễn ra vào đầu tháng Năm tới.

09/05 là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Nga, ngày Chiến thắng - ngày Đức đầu hàng ở Thế chiến thứ 2. Điện Kremlin đã sử dụng ngày kỷ niệm này trong hơn 70 năm qua để tôn vinh chủ nghĩa anh hùng đã thành công chống lại Đức Quốc xã, nhưng quan trọng hơn cả là để tuyên bố với người dân Nga, với các quốc gia bằng hữu cũng như kẻ thù của đất nước rằng các nhà lãnh đạo Nga đang cai trị một cường quốc vĩ đại và hùng mạnh.

Ngày Chiến thắng đi kèm với việc phô trương sức mạnh quân sự, và khi ngày này được kỷ niệm ở giữa một cuộc chiến, mặc dù ở Nga cuộc chiến này bị cấm gọi là "chiến tranh" và một cuộc chiến mà Moskva tuyên truyền một cách dối trá rằng đang diễn ra hoàn hảo đúng theo kế hoạch, dường như Nga không có phương án nào khác ngoài việc điện Kremlin sẽ phải sử dụng sự kiện 09/05 để tuyên bố trước công chúng rằng mình đã chiến thắng.

Theo đánh giá của tình báo Mỹ, các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga và nhận thức chung đều chỉ ra rằng Putin sẽ sử dụng ngày 09/05 như "thời hạn chót" của chiến dịch ở Ukraine. Đó không phải là thời hạn cuối cùng để giành chiến thắng bởi điều đó có thể sẽ không xảy ra trong những tuần tới, nhưng đây là cách để Nga làm như đã ít nhiều giành được một chiến thắng nào đó, và là một chiến thắng quan trọng.

Chiến dịch trong những ngày sắp tới sẽ tập trung mạnh vào phía đông Ukraine, khu vực Donbass cạnh biên giới Nga, nơi có sự tập trung đông đảo của người dân tộc Nga và những người nói tiếng Nga, và là nơi những người ly khai do Nga hậu thuẫn đã tiến hành cuộc chiến chống lại Nhà nước Ukraine trong 8 năm qua.

Đó là nơi mà Putin sẽ tìm kiếm một thành công nhằm cứu vãn thể diện, một chiến thắng cụ thể mà ông có thể mang lại cho người dân Nga để nói với họ rằng ông vẫn là nhà lãnh đạo vĩ đại với "chiến dịch quân sự đặc biệt", với tất cả những khó khăn mà cuộc chiến đang gây ra cho người dân Nga, và chưa kể đến những tai họa mà Ukraine đã và đang phải hứng chịu – rằng sau cùng thì cuộc chiến này là một quyết định đứng đắn. Tuy nhiên, sự tuyệt vọng đối với việc giành chiến thắng của ông ta sẽ đồng nghĩa với việc trong những tuần tới cuộc chiến chắc chắn sẽ cướp đi rất nhiều sinh mạng và gây ra sự hủy diệt thậm chí còn tồi tệ hơn cho Ukraine.

Cho đến nay, cuộc chiến của Putin đã mang lại kết quả gần như hoàn toàn trái ngược với mong muốn của ông, cuộc chiến này đã củng cố ý thức quốc gia của Ukraine, củng cố và thống nhất Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây, đã làm hoen ố hình ảnh của các lực lượng quân sự và chiến lược gia của Nga, v.v. Tuy nhiên, Putin hầu như đã thành công trong việc che giấu những sự thật đó với người dân Nga bằng cách đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập và khiến các nhà báo chân chính của Nga phải bỏ trốn khỏi đất nước. Điều đó đã khiến hầu hết người dân Nga chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát.

Nhưng ngay cả các nhà độc tài cũng phải lo lắng về vị thế trong nước của họ. Nếu người dân Nga coi cuộc phiêu lưu ở Ukraine của ông Putin là một thảm họa, thì khả năng nắm giữ quyền lực của ông có thể sẽ bị suy yếu.

Mặc dù Nhà nước kiểm soát thông tin, nhưng có khả năng Moskva sẽ không thể che giấu được một số sự kiện. Những người lính sẽ trở về nhà và kể lại câu chuyện của họ cho bạn bè và người thân. Hàng ngàn người sẽ không trở lại. Và một bộ phận dân số nhỏ vẫn có thể nhận được tin tức từ nước ngoài. Trong khi đó, người dân Nga, đang phải chịu đựng những khó khăn nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự ra đi của nhiều công ty nước ngoài có thể sẽ sớm khiến nền kinh tế Nga sụp đổ. Dù thế nào đi nữa, sự thật sẽ dần dần lộ ra.

Đó là lý do tại sao ông Putin cần khẩn trương phô trương chiến dịch của mình như một chiến thắng.

Vào ngày 09/05, tổng thống Putin gần như chắc chắn sẽ đứng ở Quảng trường Đỏ, trên một sân khấu được xây dựng trước lăng mộ, nơi quàn thi hài của nhà lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin từ hơn 90 năm qua, và nói rằng mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ ở mặt trận phía Tây.

Chúng ta sẽ xem liệu bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu có xuất hiện hay không. Cho đến năm ngoái, ông ta đã đóng một vai trò quan trọng, ngực của ông gắn đầy huy chương rực rỡ sau những chiến thắng đẫm máu ở Syria và Chechnya. Nhưng giờ đây, ông ta đang dẫn đầu một quân đội bị sỉ nhục và ông phải đối mặt với những tin đồn dai dẳng về việc ông bị bệnh nặng.

Vào ngày 09/05, ông Putin có thể thông báo một tin nào đó về Donbass. Có thể ông ta sẽ tuyên bố rằng Donbass đã được "giải phóng" khỏi "Quốc xã", thế lực đang cai trị Ukraine theo ông Putin. Có thể Nga sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu trá hình như đã từng làm sau khi Moskva chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Nếu như Nga công bố một cuộc trưng cầu cho thấy hầu hết người dân ở Donbass háo hức muốn Nga sáp nhập khu vực này, hãy nhớ rằng kết quả một cuộc khảo sát độc lập gần đây đã không đi theo hướng ủng hộ đó.

Không lâu sau lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2021, ông Putin đã tung một bài báo cho rằng người Nga và người Ukraine là cùng một dân tộc. Đó là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy tổng thống Putin sẽ cố gắng xóa bỏ bản sắc, quốc gia và chính biên giới của Ukraine ngay sau đó. Hầu hết mọi người ở Donbass, khu vực của Ukraine nơi đa phần người dân đồng cảm với phân tích lịch sử của ông Putin, cũng hoàn toàn bác bỏ quan điểm đó. Trong một cuộc thăm dò của riêng CNN, chưa đến 1/5 người đồng ý rằng người Nga và người Ukraine là "một dân tộc". Tuy nhiên, đó vẫn là yếu tố hoặc lý do chính khiến ông Putin phát động chiến tranh.

Ông Putin có thể giành được một chiến thắng về mặt chiến lược nếu thành phố cảng Mariupol thất thủ, khi các lực lượng Nga cố gắng thiết lập một hành lang trên bộ giữa các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở Donbass và Crimea. Điều đó sẽ củng cố quyền kiểm soát của Nga đối với một khu vực rộng lớn của Ukraine, và đó sẽ không đơn giản chỉ là một chiến thắng mang tính biểu tượng. Đó sẽ là một vố đau về tinh thần, chiến lược và kinh tế đối với chủ quyền của Ukraine.

Để giành được một chiến thắng như vậy từ giờ cho đến 09/05, tổng thống Putin gần như chắc chắn sẽ có những hành động tàn bạo hơn nữa đối với miền đông Ukraine. Điều đó sẽ gặp phải sự kháng cự dữ dội và không khoan nhượng từ phía Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với CNN rằng Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ ở phía đông để ngăn chặn chiến tranh. Nguyên thủ Ukraine tin rằng nếu Donbass thất thủ, ông Putin sẽ tiếp tục nhắm vào Kiev.

Để chống lại cuộc tấn công mới đang được Nga thực hiện, Ukraine cần sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ phương Tây. Và Ukraine cần sự giúp đỡ này sớm nhất có thể. Mong muốn tuyên bố chiến thắng vào đầu tháng Năm của tổng thống Putin sẽ mang lại nhiều đau đớn. Nhưng việc này cũng khiến ông chủ điện Kremlin lâm vào thế nguy hiểm, bởi những điều mà ông ấy muốn tuyên bố trước công chúng vào 09/05 phải thực sự đáng tin cậy. Nếu không, ông Putin biết mình sẽ mất uy tín một cách trầm trọng.

Suy cho cùng, cuộc duyệt binh ngày 09/05 sẽ diễn ra ở Moskva chứ không phải ở Kiev.

Phan Minh

Nguồn : RFI, 26/04/2022

*************************

Mỹ và đồng minh họp tại Đức bàn cung cấp vũ khí cho Ukraine

Thu Hằng, RFI, 26/04/2022

Ngày 26/04/2022, Hoa Kỳ và khoảng 40 đồng minh họp tại căn cứ quân sự Ramstein, phía tây nước Đức, để bàn về việc trang bị vũ khí thêm cho Ukraine chống xâm lược Nga.

duyetbinh3

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (G) tại Washington, Hoa Kỳ ngày 22/04/2022.  Reuters - Pool

Theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người chủ trì cuộc họp, được AFP trích dẫn, "Ukraine có thể chiến thắng nếu họ có vũ khí tốt, được hậu thuẫn tốt". Còn tổng thống Zelensky cho rằng chiến thắng của Ukraine chỉ còn là vấn đề về thời gian.

Bộ quốc phòng Mỹ nêu mục đích của cuộc họp là "tạo thêm khả năng cho các lực lượng Ukraine". Ông Lloyd Austin muốn "thấy Nga suy yếu đến mức không thể gây thêm kiểu hành động như xâm lược Ukraine nữa". Ngoài thông báo tài trợ thêm 731 triệu đô la, từ nay Washington cung cấp vũ khí hạng nặng để giúp Kiev chống quân Nga, hiện tập trung trên chiến trường ở miền đông và nam Ukraine.

Trước đó, Pháp cũng thông báo gửi cho Ukraine đại bác Caesar có tầm bắn 40 km, phía Anh cũng đã giao nhiều tên lửa phòng không Starstreak và xe bọc thép Stormer.

Đức sẽ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Ngày 26/04, chính phủ Đức thay đổi lập trường, thông báo sẽ cho phép giao xe tăng phòng không loại "Guepard" cho Ukraine. Thông tin chi tiết về số lượng và thời hạn bàn giao được bộ trưởng quốc phòng Đức nêu trong cuộc họp ở căn cứ Ramstein. Đây là bước ngoặt mới của chính phủ Đức, vẫn thận trọng trong việc giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, lập trường của Berlin luôn bị các nước Baltic và Trung Âu chỉ trích.

Ngoài ra, theo thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin, nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall cũng đang đề nghị Berlin cho phép xuất sang Ukraine loại xe tăng hạng nhẹ "Marder", cũng như 88 xe tăng hạng nặng "Leopard" đã qua sử dụng.

"Xe chiến đấu bộ binh "Marder" được đưa vào biên chế quân đội Đức (Bundeswehr) cách đây hơn 50 năm. Từ đó, loại xe này đã nhiều lần được hiện đại hóa và vẫn được quân đội Đức sử dụng rộng rãi và sắp được thay thế bằng xe bọc thép "Puma". Nhà sản xuất Rheinmetall hiện có khoảng 100 xe Marder đã qua sử dụng và đã xin phép chính phủ xuất khẩu thiết bị này sang Ukraine. Như vậy, đây có thể là chuyến giao vũ khí hạng nặng đầu tiên của Đức cho Kiev. Ngày 25/04, một người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết quyết định sẽ "sớm" được đưa ra.

Nếu Berlin đồng ý, những chiếc xe này sẽ được tân trang và có thể được giao thành ba lần. Khoảng 20 xe sẽ được giao sau 6 tuần, những chiếc khác sau 6 tháng và nửa còn lại trong thời hạn 1 năm. Tổng chi phí sẽ vào khoảng 150 triệu euro, gồm việc cải tiến thiết bị, đạn dược và huấn luyện sử dụng cho quân đội Ukraine.

Tuần trước, Berlin nêu khả năng trao đổi để giảm bớt thời gian. Các nước Đông Âu sẽ giao vũ khí hạng nặng do Liên Xô sản xuất mà quân đội Ukraine quen sử dụng, đổi lại Đức sẽ cam kết cung cấp cho các nước láng giềng thiết bị hiện đại hơn để thay thế".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 26/04/2022

***********************

Ukraine : Ngoại trưởng Nga cho rằng không nên đánh giá thấp đe dọa chiến tranh hạt nhân

BBC, 26/04/2022

Ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Phương Tây đừng đánh giá thấp các nguy cơ leo thang xảy ra xung đột hạt nhân liên quan đến vấn đề Ukraine. Ông Lavrov đồng thời tuyên bố ông xem Nato "về bản chất" đang can dự vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga thông qua việc cung cấp vũ khí cho Kyiv.

duyetbinh4

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Phát biểu với Kênh 1, kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Lavrov nói Moscow muốn tránh những nguy cơ leo thang xung đột "do con người tạo nên" như vậy.

"Đây là lập trường chính của chúng tôi mà mọi thứ chúng tôi thực hiện đều dựa theo quan điểm này. Những nguy cơ hiện nay là đáng kể".

"Tôi không muốn gia tăng những nguy cơ đó từ yếu tố con người. Nhiều người muốn như vậy. Sự nguy hiểm là nghiêm trọng, có thật, và chúng ta không được đánh giá thấp nó", ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Lavrov cũng cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "giả vờ" đàm phán, gọi ông ấy là "một diễn viên giỏi".

"Nếu bạn chăm chú theo dõi và chăm chú đọc những gì ông ấy nói, bạn sẽ thấy có hàng ngàn điểm mâu thuẫn", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói.

Cũng theo ông Lavrov, tuần trước Moscow cam kết tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hãng tin Reuters cho biết ông Lavrov cũng đã được hỏi về tầm quan trọng của việc tránh xảy ra "Chiến tranh thế giới thứ ba" và liệu tình hình hiện tại có thể tương đồng với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, thời điểm mà mối quan hệ giữa Liên Xô với Mỹ xuống thấp trong thời Chiến tranh Lạnh.

Ngày 25/4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter rằng những bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Lavrov là dấu hiệu cho thấy Nga đã mất "hy vọng cuối cùng để khiến thế giới sợ hãi việc ủng hộ Ukraine".

"Theo đó buổi nói chuyện [của ông Lavrov] về một mối nguy hiểm "thực sự" của Thế chiến lần 3. Điều này chỉ có nghĩa là Moscow cảm nhận được sự thất bại ở Ukraine", ông Kuleba viết trên Twitter.

Ngoại trưởng Lavrov cũng cảnh báo rằng Nga coi số vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Kyiv là "các mục tiêu hợp pháp cho quân đội Nga ở Ukraine trong bối cảnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt".

Ông Lavrov nói liên minh quân sự Nato "về bản chất, đang can dự vào một cuộc chiến tranh chống Nga thông qua một bên ủy nhiệm và đang trang bị vũ khí cho bên ủy nhiệm đó. Chiến tranh là chiến tranh", ông Lavrov nói.

Cuộc xâm lược kéo dài của Nga vào Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ 3 là cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia Châu Âu kể từ năm 1945, khiến hàng nghìn người chết hoặc bị thương, các thị trấn và thành phố trở thành đống đổ nát, và buộc hơn 5 triệu người phải tháo chạy ra nước ngoài.

Vài ngày sau khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra hôm 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng răn đe hạt nhân của quốc gia này được đặt trong tình trạng báo động "đặc biệt".

Mỹ và các đồng minh Nato cho biết họ không muốn can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine, nhằm tránh nguy cơ xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba.

Trong chuyến thăm tới Kyiv ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã hứa sẽ viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Tuy nhiên, Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ đã yêu cầu Washington chấm dứt "đổ vũ khí vào Ukraine", đồng thời cảnh báo vũ khí phương Tây đang khiến tình hình thêm căng thẳng.

Cuối ngày 25/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết : "Rõ ràng là mỗi ngày - và đặc biệt là hôm nay, khi tháng thứ ba của cuộc kháng chiến của chúng tôi bắt đầu - mọi người ở Ukraine đều quan tâm đến hòa bình, về khi tất cả mọi thứ kết thúc".

"Không có câu trả lời đơn giản cho điều đó vào thời điểm này".

Nguồn : BBC, 26/04/2022

**********************

Gi vũ khí tn công cho Ukraine

Ngô Nhân Dụng, VOA, 25/04/2022

Lúc đó các tướng lãnh Nga s phi la chn : H có mun chính mình và gia đình mình hy sinh trong mt cuc đi chiến thế gii, ch vì tham vng ca mt lãnh t điên r hay không ?

duyetbinh5

Chính sách vin tr quân s ca NATO phi thay đi. Mun tiếp tc chiến đu, quân Ukraine phi được trang b đy đ hơn. Phi gi cho h các loi vũ khí dùng đ tn công ch không ch đ t v.

T khi cuc chiến Ukraine bt đu, các nước NATO nhn mnh h ch tng cho chính ph Vlodymyr Zelensky các "vũ khí phòng ng". Nhng máy bay t khin (drones), mũ và áo giáp, súng cao x, tên la nh 20 ký đeo trên vai đ đánh máy bay hoc xe thiết giáp, đã giúp quân đi và dân Ukraine đy lui đoàn quân xâm lược. Các loi tên la trên ch dùng khi quân đch đến gn, ch không th tn công các mc tiêu xa.

Chiến cuc đã bước sang giai đon mi. Không chiếm được th đô Kyiv và c min Tây, quân Nga đang rút v Donbas. T năm 2014 quân đi Ukraine vn c gng chiếm li hai khu vc "ly khai" này. Bây gi quân Nga s tìm cách bao vây và trit h các đi quân Ukraine, đ m rng vùng kim soát cho hai "nước Cng Hòa Nhân Dân" mà ông Vladimir Putin đã công nhn trước khi đánh Ukraine. Ông Putin mun thành công trước ngày 9 tháng Năm, đ mi hai chính ph bù nhìn qua Nga d k nim L Mng Chiến Thng, k nim ngày chm dt Đi chiến Th Hai.

Ti Donbas vũ khí và quân lc Nga vn còn nhiu gp bi quân Ukraine mc dù cp ch huy chưa chng t kh năng điu khin và tinh thn quân sĩ rt thp kém. Quân đi Ukraine vn cương quyết không b khut phc. Khi ông Putin tuyên b chiếm được hi cng Muriupol, my trăm chiến sĩ t th mt nhà máy thép sut hai tháng tri vn chưa chu buông súng. Nhưng quân Nga s áp đo chiến trường vì có các ha tin tm xa, phi cơ chiến đu, các loi vũ khí tn công mà quân đi Ukraine còn thiếu.

Chính sách vin tr quân s ca NATO phi thay đi. Mun tiếp tc chiến đu, quân Ukraine phi được trang b đy đ hơn. Phi gi cho h các loi vũ khí dùng đ tn công ch không ch đ t v.

Sau khi Th tướng Boris Johnson đến thăm Tng thng Zelensky th đô Kyiv, Anh quc đã gi tng Ukraine các trng pháo, xe thiết giáp trang b súng bn máy bay, các đi pháo và ha tin đánh chiến hm. Đó là nhng chiến c không ch dùng đ phòng th. Ông Johnson còn đin thoi cho các nhà lãnh đo Pháp, Đc, Canada và Liên Hiệp Châu Âu, tho lun và điu hp các loi vũ khí s vin tr Ukraine. Canada và Đc đã gi giúp Ukraine các khu đi bác. Quc hi M thúc dc Tng thng Joe Biden phi giúp Ukraine nhiu hơn. Gn 80% dân chúng M ng h.

Tun trước, chính ph M mi công b khon vin tr kinh tế 500 triu m kim, và mt chương trình vin tr quân s mi cho Ukraine. Tng cng 800 triu m kim ; đt chiến c đang gi gp có 18 đi bác 155 ly "howitzers" cùng đn dược ; 200 thiết giáp M113 ; 11 trc thăng Mi-17 và 100 quân xa. Th tướng Ukraine Denys Shmyhal khi qua M đã hp bàn vi b trưởng quc phòng M và gii lãnh đo các công ty sn xut vũ khí. Mt loi máy bay "drone" t khin mi, đt tên là Phoenix Ghost, đang được Không Lc M điu chnh, sau khi đã tham kho ý kiến, cho phù hp vi chiến trường Ukraine. Phoenix Ghost có th phóng lên theo đường thng đng, bay xa 6 gi lin tìm đánh mc tiêu, không k đêm ngày. Mt loi thiết giáp M gi cho Ukraine có trng lượng thp, đi d dàng trên các cánh đng sũng nước vào mùa mưa, mà xe tăng ca Nga nng n có th b sa ly. M có th gi các xe thiết giáp ca Nga mà trước đây đã mua v đ tp trn, đ quân Ukraine quen s dng. Không nhng thế, M s tng cho các nước cng sn cũ Đông Âu mt s máy bay chiến đu và xe thiết giáp, đ đi li các nước như Ba Lan, Tip, Romenia, vân vân, đã chuyn cho Ukraine các phi cơ chiến đu và thiết giáp do Nga chế to t thi còn chế đ cng s n nay còn cha trong kho vũ khí.

Tng s vũ khí M đng ý cung cp cho Ukraine tr giá ti $3.4 t đô la. M s mi binh sĩ Ukraine qua M hun luyn dùng các vũ khí mi, tránh không đ quân M bước vào trong nước Ukraine ; không mun b Nga coi là M đang "tham chiến". Trước đây khi nhn mnh ch giúp Ukraine các vũ khí đ t v, các nước NATO cũng theo cùng mt chính sách, tránh khiêu khích Vladimir Putin. Vì thái đ dè dt đó, khi Ba Lan đ ngh chuyn các máy bay chiến đu MiG-29 ca Nga qua mt phi trường quân s M Đc, ri tng cho Không quân Ukraine, M đã t chi.

Nhưng bây gi các nước NATO đã thay đi, công khai vin tr vũ khí mi cho quân đi Ukraine, loi vũ khí đ tn công.

Thc ra vũ khí nào cũng là vũ khí. Phân bit vũ khí phòng ng vi vũ khí tn công là gi to, mt cách "gi đo đc", như Ngoi trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói vi Liên Hiệp Châu Âu Bruxelles : "Bi vì tt c các vũ khí được quân đi Ukraine s dng trong lãnh t Ukraine, đu dùng đ phòng th".

Cùng vi đt vũ khí vin tr mi, M và Anh quc cũng bt đu m rng chương trình chia s tin tc tình báo. Các hình nh do v tinh nhân to và máy bay thám thính bay quanh Ukraine chp được và các thông tin nghe lén đã được chuyn cho tình báo quân s Ukraine. Nh thế, Ukraine biết quân Nga được điu đng ra sao, ông tướng Nga nào đang nói đin thoi vi ai, đâu, Quân Ukraine đã h sát 8 tướng lãnh Nga ngoài mt trn, mt con s cao k lc trong cuc chiến dài hai tháng.

Khi chuyn giao các tin tc tình báo, người ta càng khó phân bit hành đng đó là phòng ng hay tn công. Cho đến nay, Nga chưa biết phn ng thế nào trước công tác vin tr này. Người Nga có th tin rng M và Anh tng bt c thông tin nào thu lượm được, nhưng không th ly lý do đó đ leo thang tr đũa.

Chính ph M có l còn dè dt không cho Ukraine biết đa đim hay hot đng ca tt c các đơn v quân Nga ngoài Ukraine ; cũng như không tng cho Ukraine các vũ khí có kh năng bn sang nước Nga. Quân Ukraine đã tn công mt s kho xăng du và kho đn trong nước Nga, nhưng không dùng các vũ khí nước khác. Hai ha tin Neptume đánh chìm soái hm Moskva ca Nga Hc Hi đu chế to trong x - mà chính chiếc tàu chiến này cũng được sn xut Mymolaiv, mt thành ph công nghip Ukraine, trong thi còn nm trong Liên bang Xô Viết !

Nhưng quân đi Ukraine đã nhn được các vũ khí mi như đi bác howitzers 155 ly, ha tin bn máy bay t xa, bn chiến hm, đu có th bn qua lãnh th và hi phn Nga. Các nước NATO hy vng rng Vlodymyr Zelensky s không vô tình khiêu khích Nga đến như vy.

Ông Vladimir Putin đã cnh cáo rng nếu khi NATO vin tr các vũ khí mnh hơn cho Ukraine thì s gánh "hu qu không lường trước được". Ông Biden và các nhà lãnh đo NATO có v đang đánh cá rng ông Putin s ch da dm mà không dám phn ng mnh.

Ông Putin có dám đánh bom các phi trường Ba Lan, nơi tiếp nhn các vũ khí trước khi chuyn qua Ukraine hay không ? Sau khi thế gii đã chng kiến chiến dch Ukraine tht bi, không còn ai lo s phi đánh nhau vi quân Nga na. Ông Putin có dám vn dng vũ khí nguyên t, như ông đe da khi nghe Phn Lan mun gia nhp NATO hay không ? Không mt chính ph nào trong khi NATO phn ng trước nhng li đe da đó. Chính ph Phn Lan đã "lt ty", nói rng hin nay Nga đã đt vũ khí nguyên t Kalinigrad, nm sát bên cnh Lithuania, Ba Lan ri. Nếu ông ta đánh liu m kho bom nguyên t thì các v tinh nhân to s trông thy lin. Lúc đó các tướng lãnh Nga s phi la chn : H có mun chính mình và gia đình mình hy sinh trong mt cuc đi chiến thế gii, ch vì tham vng ca mt lãnh t điên r hay không ?

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : VOA, 25/04/2022

Published in Diễn đàn

Ukraine liệu sẽ thắng được Nga ?

Ukraine liệu sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc hay không ? Giả thiết này cách đây hai tháng không ai dám đặt ra, nhưng những thất bại liên tiếp đã đặt ra dấu hỏi lớn về sức mạnh quân sự của Vladimir Putin.

thangnga1

Ảnh tư liệu : Một chiếc Gepard 1A2 trong cuộc tập trận ngày 15/06/2009 tại Bergen (Đức).  Associated Press – Joerg Sarbach

Chuyến thăm quan trọng của hai bộ trưởng Mỹ

Các báo Pháp đều chú ý đến chuyến thăm Kiev hôm qua của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, một chuyến thăm đầy thách thức với Nga. Được tổng thống Volodymyr Zelensky loan báo một cách khá vụng về vào tối thứ Bảy, chuyến đi chỉ được Nhà Trắng xác nhận khi cả hai vị đã rời Ukraine, vì lý do an ninh.

Tuy nhiên Libérationnhận thấy giọng điệu của hai bộ trưởng thì không thận trọng như thế. Ông Austin khẳng định Ukraine có thể chiến thắng nếu có được những thiết bị tốt và được ủng hộ mạnh mẽ. "Chúng tôi muốn Nga bị yếu đi đến mức không còn có thể làm điều tương tự như xâm lăng Ukraine. Nga đã mất nhiều năng lực quân sự và lính tráng, nói thẳng ra, chúng tôi không muốn Nga nhanh chóng củng cố". 

Tuyên bố trên cho thấy tầm vóc biểu tượng từ chuyến thăm đầu tiên của hai bộ trưởng Mỹ quan trọng, đúng hai tháng sau khi Nga khởi động chiến tranh. Mỹ sẽ tặng thêm 700 triệu đô la, trong đó Ukraine được 300 triệu để mua vũ khí, số còn lại cho các đồng minh của Kiev sau khi đã chuyển thiết bị cho Ukraine. Tổng cộng Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden đã viện trợ quân sự trên 4 tỉ đô la cho Ukraine. Một đại sứ được bổ nhiệm, đó là bà Bridget Brink hiện đang là đại sứ Mỹ ở Slovakia. Ê-kíp đang làm việc ở Ba Lan trong tuần này sẽ dọn sang Kiev.

Libération nhận định Mỹ hành động thận trọng nhưng cụ thể, và giọng điệu cứng rắn. Khác hẳn với Châu Âu, sẵn sàng đưa những hình ảnh của chuyến viếng thăm như thủ tướng Anh Boris Johnson hay chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, nhưng nhẹ nhàng hơn trong những tuyên bố đối với Nga.

Vũ khí cho Ukraine : Mỗi nơi một phách

Les Echos nói thêm, khoảng 40 bộ trưởng quốc phòng họp tại Berlin (Đức) hôm nay để bàn về việc giao vũ khí nặng cho Ukraine – vấn đề ngày càng gay gắt. Trước thái độ do dự của thủ tướng Olaf Scholz, tập đoàn Đức RheinMetall đã chính thức đề nghị chuyển khoảng 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Kiev. Pháp khi gởi đại bác Caesar hiện đại thì đã quyết định viện trợ vũ khí hạng nặng. Để phá rối việc giao vũ khí cho Ukraine, quân đội Nga bắn hỏa tiễn vào các giao lộ đường sắt ở Vinnytsia và ga Krasne gần Lviv.

Tờ Ouest-France thống kê sơ qua : Gepard (Đức), Stormer (Anh), M113, M577 (Mỹ)… những xe bọc thép loại cũ này có lợi điểm là đang có sẵn. Riêng Anh có đến 6 loại xe bọc thép khác nhau. Về pháo, có M777 (Mỹ và Canada), PzH2000 (Hà Lan), M109A4 (Bỉ), giàn phóng rốc kết (Ba Lan)… Tờ báo lo ngại không chỉ về "tuổi tác" những loại vũ khí này, mà còn đặt ra cho quân đội Ukraine vấn đề bảo dưỡng, phụ tùng thay thế, và kêu gọi tránh tinh thần cho theo kiểu "giải phóng kho" - phải là một sự phối hợp nỗ lực để đưa Ukraine đến thắng lợi. Rốt cuộc Hoa Kỳ và các đồng minh thỏa thuận hàng tháng đều họp lại để xem xét hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Mỹ, Châu Âu và Ukraine không có cùng định nghĩa về chiến thắng

Ukraine liệu sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc hay không ? Giả thiết này cách đây hai tháng không ai dám đặt ra. Nhưng những sai lầm chiến lược, thất bại trong việc bao vây Kiev hay soái hạm Moskva bị đánh chìm tại Hắc Hải đã đặt ra dấu hỏi lớn về sức mạnh quân sự của Vladimir Putin.

Hôm qua tại Kiev, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nêu ra vấn đề mà người Ukraine đang mơ đến. Theo Le Figaro, trước hết, phải thắng được vài trận đánh. Ở miền đông, hai bên chiến đấu trên một chiến tuyến rất dài, Ukraine không được không lực yểm trợ. Chiến thắng không chỉ nhờ quyết tâm, mà cần có được phương tiện. Kinh tế Nga yếu đi vì trừng phạt, còn Ukraine dựa vào các đồng minh phương Tây.

Để trụ được, cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể có thể đạt đến. Có nên chỉ chống đỡ những cuộc tấn công của Nga ? Chiếm lại tả ngạn sông Dniepr và Kherson ? Đẩy lùi quân Nga đến biên giới Crimea và Donbass ? Tái chiếm các lãnh thổ đã bị mất năm 2014 ? "Nên để cho người Ukraine quyết định cuộc chiến của họ" - một nhà ngoại giao Châu Âu e ngại phương Tây chia rẽ. Nhưng chiếm lại những lãnh thổ như Crimea sẽ khiến Ukraine rơi vào một loại xung đột khác.

Mỹ, Châu Âu và Ukraine không có cùng một định nghĩa về chiến thắng. Trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, xa rời lợi ích chiến lược của mình, Hoa Kỳ tìm cách làm Vladimir Putin gánh chịu thất bại. Khi làm cho Nga bị yếu đi và thúc đẩy Châu Âu vũ trang, Hoa Kỳ rảnh tay đối đầu với Trung Quốc. Về phía Châu Âu, cái giá của chiến tranh cũng rất cao. Những biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến kinh tế EU và đa số không muốn lăng nhục Nga. Vladimir Putin sẽ lợi dụng những chia rẽ của phương Tây.

Nếu rốt cuộc rơi vào ngõ cụt chiến thuật, tổng thống Nga có ngưng chiến hay không ? Giả thiết Moskva chấp nhận thất bại khó thể xảy ra, và cuộc chiến còn kéo dài. Phương Tây lo ngại trong trường hợp bị thất trận nặng nề, nhà độc tài sẽ cố leo thang. Theo Le Figaro, để có được chiến thắng tại Ukraine, cần phải tìm cách nào khác hơn là một thất bại quân sự cho Putin. Cựu tướng lãnh Olivier Kempf cho rằng "Khái niệm chiến thắng là một khái niệm của thế kỷ đã qua". Những hiệp ước đã kết thúc các cuộc chiến trong thế kỷ 20 liệu có còn phù hợp hay không ? Giờ đây, những cuộc xung đột "đóng băng" thay vì được giải quyết.

Phá hủy các thành phố Ukraine : Tội ác chống nhân loại ?

Kiến trúc sư và là nhà quy hoạch đô thị Albert Levy đặt ra một vấn đề khác của cuộc xâm lăng Ukraine : "Diệt chủng đô thị có phải là tội ác chống nhân loại ?". Sau các vụ thảm sát Bucha và Mariupol, các cáo buộc diệt chủng đã được các tổng thống Zelensky và Biden đưa ra. Nhưng còn phải tính đến "urbicide" (tạm dịch diệt chủng đô thị), nhằm tiêu hủy không gian đã hình thành một bản sắc, một lịch sử và một nền văn hóa. Những thành phố đổ nát nơi quân Nga đi qua cho thấy, phải chăng chúng ta đang chứng kiến một kiểu tiêu diệt hàng loạt và cố tình một sắc dân, phủ định quyền hiện hữu của một nhóm người ?

Khái niệm "urbicide" xuất hiện từ cuộc chiến tranh vùng Balkan gồm hai đặc tính : tiêu hủy không gian công cộng đô thị, và phá hủy di sản đô thị để làm mất đi ký ức lịch sử, khiến con người đánh mất bản sắc. Tác giả Levy nhấn mạnh trênLibération, tại Ukraine các thành phố bị quân Nga mặc nhiên tiêu hủy, không chỉ là chiến lược mà còn mang tính chính trị. Không thắng được các chiến binh Ukraine, lính Nga trút giận vào các thành phố và thường dân để "trừng phạt" xã hội Ukraine vì đã hướng về các chế độ dân chủ phương Tây - với cuộc cách mạng Maidan được đánh giá là ngang tầm với các cuộc cách mạng lớn tại Châu Âu.

Khi hủy hoại một thành phố và các công trình của nó, họ đã làm tan biến điều kiện vật chất cho đời sống xã hội. Khi xóa sổ những dấu mốc không gian và nơi trao đổi, họ tháo dỡ các giềng mối của cộng đồng. Khi san bằng những thiết bị và cơ sở hạ tầng, người dân không còn những dịch vụ công thiết yếu. Khi tiêu hủy nơi làm việc và sản xuất, cư dân bị tước đi phương tiện để tồn tại. Thành phố còn là nơi lưu giữ lịch sử của một xã hội, thế nên hủy diệt nó là hủy diệt quá khứ.

Tỉ phú Elon Musk mua Twitter không vì lợi nhuận

Trên lãnh vực kinh tế, sự kiện được chú ý nhiều nhất là việc tỉ phú Elon Musk mua mạng xã hội Twitter. Ông chủ của Tesla và Space X đã thành công : tối qua hội đồng quản trị Twitter đã nhất trí chấp nhận đề nghị mua lại của ông với cái giá "dứt khoát và tốt nhất" là 54,20 đô la một cổ phiếu, tổng cộng 44 tỉ đô la. Elon Musk trả bằng 21 tỉ đô la tiền túi, số còn lại ngân hàng Morgan Stanley cho vay. Các quỹ đã đầu tư vào Twitter và các nhà đầu tư ngắn hạn đều bị quyến rũ, họ thúc giục các nhà điều hành không nên bỏ qua cơ hội.

Việc Elon Musk kiểm soát Twitter sẽ dẫn đến một sự thay đổi sâu sắc nơi mạng xã hội này. Nhà tỉ phú có 83 triệu người theo dõi trên Twitter đã thông báo ý định tăng cường tự do ngôn luận. Twitter là mạng đầu tiên đã chận các bài viết của ông Donald Trump, và tổng thống Mỹ đã bị đóng tài khoản vĩnh viễn sau vụ điện Capitol. Các nhân viên Twitter chủ yếu thiên tả đã tỏ ra lo lắng, nhưng Musk trấn an. Bên cạnh đó, ý định để cho thuật toán Twitter thành mã nguồn mở là không đơn giản và dễ tổn thương trước tin tặc. Les Echos lưu ý là nhà tỉ phú không mua Twitter để tìm kiếm lợi nhuận : mạng xã hội này luôn lận đận trên thị trường chứng khoán, doanh số năm ngoái là 5 tỉ đô la nhưng bị lỗ lã mất gần nửa triệu đô.

Lỡ khoe thành tích, Tập Cận Bình tiếp tục giam lỏng 1/4 dân số

Liên quan đến Châu Á, Les Echosnhận định "Chứng khoán : Giọt nước Trung Quốc" làm tràn ly. Theo tờ báo, chính sách zero Covid của Bắc Kinh tạo ra nguy cơ kinh tế thế giới chậm hẳn lại, trong lúc thị trường đang bấp bênh vì cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.

Tờ báo tìm cách lý giải "Vì sao Trung Quốc cứ khăng khăng với zero Covid ?". Trong lúc ở Thượng Hải, người dân kêu gào thiếu thực phẩm trong cuộc phong tỏa không biết đến bao giờ mới kết thúc, cách đó 1.000 km Tập Cận Bình đi thăm một cửa hàng miễn thuế và cảng Hải Khẩu của đảo Hải Nam, nơi ông hy vọng sẽ tranh giành được vị thế của Hồng Kông và Singapore. Ông Tập khẳng định đại dịch vẫn rất trầm trọng, không thể lơi lỏng nỗ lực. Và thế là 350 triệu người Trung Quốc tiếp tục bị giam lỏng với những mức độ khác nhau.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lo sợ vì chỉ có phân nửa số người cao tuổi ở Hoa lục được chích ngừa, và vac-xin nội địa kém hiệu quả. Nhưng không thể từ bỏ zero Covid, vì trực tiếp liên quan đến Tập Cận Bình : chủ tịch Trung Quốc từng lớn tiếng khoe khoang "chiến thắng" trước con virus sau khi phong tỏa Vũ Hán. Và phía sau chính sách này là hệ thống chính trị Trung Quốc, vẫn được tuyên truyền là ưu việt hơn các chế độ dân chủ. Cư dân Thượng Hải giận dữ và các doanh nghiệp cảnh báo về tác động kinh tế. Nhưng Tập Cận Bình muốn có được một chiến thắng ở Thượng Hải như ở Vũ Hán, bằng mọi giá !

Bẩu cử tổng thống Pháp : Kẻ bại trận hô to chiến thắng, người đắc cử kín tiếng

Tựa chính các báo Pháp hôm nay đề cập đến những vấn đề còn ngổn ngang sau kỳ bầu cử quan trọng 24/04, với kết quả ông Emmanuel Macron thắng giòn giã ở các thành phố lớn, còn bà Marine Le Pen tại những thành phố nhỏ và lãnh thổ hải ngoại.Le Mondera từ chiều hôm trước ghi nhận "Emmanuel Macron tái đắc cử tổng thống", nhưng "cực hữu (đạt phiếu) ở mức cao lịch sử", Libérationnhận thấy "Macron dưới áp lực", La Croixkêu gọi "Giảm bớt những rạn vỡ". Le Figaronói về những gì mà tổng thống tái đắc cử phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai : thay đổi nội các, sửa soạn cuộc bầu cử Quốc Hội… Riêng nhật báo kinh tế Les Echos lo ngại trước tình trạng thị trường chứng khoán sa sút, chính sách zero Covid của Trung Quốc và chiến tranh ở Ukraine.

Các báo ghi nhận, trong khi kẻ bại trận hô to chiến thắng, thì người đắc cử lại tỏ ra chừng mực trong một lễ mừng chiến thắng khiêm tốn ở Champ-de-Mars tối Chủ nhật. Chiến thắng trước phe cực hữu ngay khi chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, cũng là chiến thắng cho những người ủng hộ ông bên ngoài biên giới - nhiệt thành hơn và ít bạc bẽo hơn cử tri Pháp. 

Le Monde nhận thấy trong số 1.200 nhà báo đăng ký tham dự, phân nửa là các phóng viên ngoại quốc. Và trong khi các đối thủ nói lời gay gắt, thì các nhà lãnh đạo Châu Âu liên tục đưa ra những lời chúc mừng, đặc biệt là tổng thống Volodymyr Zelensky vui mừng khi "một người bạn thực sự của Ukraine" tái đắc cử. Tuy thường có những bài diễn văn dài, tối hôm ấy Emmanuel Macron chỉ phát biểu có 15 phút, và thái độ rất tiết chế.

La Croix nhắc nhở, hình ảnh một tổng thống mới ở lứa tuổi bốn mươi cùng với giới trẻ ở Champ-de-Mars không thể che khuất một thực tế : chính cử tri từ 65 tuổi trở lên mới là những người đã dồn phiếu cho ông (70 đến 75%). Ở số thanh niên 25-34 tuổi, Marine Le Pen vượt lên đôi chút. Secours Catholique kêu gọi ưu tiên cho lớp trẻ, vì từ 18-25 tuổi rất dễ rơi vào cảnh nghèo khó, và họ sẽ nghiêng về phe dân túy.

Thụy My

Published in Quốc tế

Tổn thất bất ngờ của Nga trong cuộc chiến Ukraine : Năm tướng chỉ huy tử trận

Trọng Nghĩa, RFI, 22/03/2022

Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công xâm lược Ukraine ngày 24/02/2022, được chính thức gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", lực lượng Nga đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề, cả về vật chất lẫn nhân mạng, trong số này có đến 5 viên tướng chỉ huy mặt trận và một phó tư lệnh hạm đội.  

tuongnga1

Những cấp chỉ huy quân đội Nga bị tử trận trên chiến trường Ukraine – Ảnh minh họa

Nếu phía Ukraine nói đến 15.000 lính Nga thiệt mạng tính đến ngày 19/03, thì phía Nga chỉ mới chính thức công nhận tổn thất gần 500 người tính đến hôm 02/03, hay 9.861 người theo tiết lộ của tờ báo Nga thân chính quyền Komsomolskaya Pravda ngày 21/03, trích dẫn bộ Quốc Phòng Nga, một thông tin đã bị xóa sau gần 10 tiếng đồng hồ được đăng tải. 

Trong bối cảnh cả Ukraine lẫn Nga đều tung tin với mục đích tuyên truyền, số lượng thương vong thực sự của Nga trước mắt chưa thể biết rõ, nhưng theo báo chí phương Tây, điều đáng lo ngại nhất đối với quân đội Nga vào lúc này không phải là những tổn thất về binh lính, mà là về cấp sĩ quan chỉ huy cao cấp.  

Cho đến nay, phía Điện Kremlin chỉ công nhận hai trường hợp tử trận, liên quan đến thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, phó tư lệnh Tập Đoàn quân số 41, và đại tá Hải Quân Andrei Paliy, phó tư lệnh Hạm Đội Hắc Hải, một người sắp được phong chức đô đốc. Tuy nhiên, Ukraine và các phương tiện truyền thông phương Tây đã nói đến cái chết của không dưới 5 viên tướng Nga, mà người cao cấp nhất mang quân hàm trung tướng, không kể đến một viên tướng người Chechenya. 

Một phần tư số tướng trên chiến trường tử trận

Theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 21/03, các nhà phân tích khác nhau đã ước tính rằng Nga đã huy động khoảng 20 tướng lĩnh vào chiến dịch tấn công Ukraine, vì vậy nếu quả thực là đã có năm viên tướng tử trận, thì Quân đội Nga đã mất đi một phần tư tướng chỉ huy trong không đầy một tháng, một tổn thất cực cao và hết sức bất ngờ. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao mà tỷ lệ tử trận trong giới tướng lĩnh Nga lại cao như vây. Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 20/03, tướng hồi hưu David Petraeus, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq và Afghanistan đã nêu bật là trong 20 năm can thiệp tại Afghanistan, chỉ có một tướng Mỹ bị thiệt mạng. 

Yếu kém trong hệ thống chỉ huy Nga và chiến thuật tìm diệt của Ukraine 

Theo giới phân tích, sự kiện nhiều tướng Nga bị tử trận có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có hai yếu tố chính. 

1. Các viên tướng này bị buộc phải xông lên tuyến đầu trong những cuộc tấn công để có thể trực tiếp chỉ huy vì hệ thống thông tin liên lạc tồi tệ, trong lúc binh sĩ, đa số là lính nghĩa vụ nên thiếu tinh thần chiến đấu và kỷ luật. Sự hiện diện của các cấp chỉ huy này ở tuyến đầu khiến họ dễ bị trúng đạn. 

2. Quân đội Ukraine đã có một chiến thuật cụ thể là tìm diệt các chỉ huy cao cấp của Nga trên chiến trường. Theo ghi nhận của báo Le Figaro, một nhân vật thân cận với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tiết lộ với nhật báo Mỹ Wall Street Journal rằng Ukraine có một đội tình báo quân sự chuyên "truy lùng và tiêu diệt" các sĩ quan Nga trên chiến trường.  

Chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 21/03 đã trích dẫn một nhà ngoại giao Châu Âu thông thạo các đánh giá tình báo phương Tây theo đó thì vụ 5 tướng Nga thiệt mạng chủ yếu xuất phát từ việc thiết bị liên lạc điện tử của họ kém bảo mật khiến cho họ vị trí của họ dễ bị lộ, trong lúc họ lại phải lên tuyến đầu để trực tiếp chỉ đạo một lực lượng lớn với gần 200.000 quân trong đó rất nhiều là lính nghĩa vụ trẻ. 

Ngoài ra, theo trang mạng quân sự Mỹ Military.com ngày 17/03, ông Jeffrey Edmonds, cựu giám đốc chuyên về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Barack Obama cho rằng "sức ép chính trị Moskva dường như đã buộc nhiều sĩ quan cao cấp của Nga phải xông lên tiền tuyến" để thực hiện bằng được mục tiêu chính trị là đánh chiếm các đô thị Ukraine. 

Và trên tuyến đầu họ đã trở thành con mồi cho các lực lượng đặc biệt Ukraine được trang bị máy bay không người lái điều khiển từ xa và vũ khí đặc biệt như súng bắn tỉa công suất lớn do các đồng minh NATO cung cấp. 

Năm tướng Nga tử trận 

Căn cứ vào các thông tin từ phía Nga, Ukraine và báo chí, nhật báo Pháp Le Figaro đã liệt kê các tường đưa tin về những vị tướng được tuyên bố đã chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. 

Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky 

Đây là viên tướng duy nhất mà Điện Kremlin công nhận là đã tử trân. Là tư lệnh Sư Đoàn Dù số 7 và phó tư lệnh Quân Đoàn 41, sĩ quan này được cho là đã bị trúng đạn của lính bắn tỉa Ukraine tại khu vực gần Kiev ngay trong những ngày đầu của chiến dịch tấn công. Tướng Sukhovetsky đã từng đóng một vai trò quan trọng trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014, cũng như tham gia vào các chiến dịch của Nga ở Georgia và Syria. 

Thiếu tướng Vitaly Gerasimov 

Là một sĩ quan từng thâm gia cuộc Chiến tranh Chechenya lần thứ hai, chiến dịch Syria và sáp nhập Crimea, thiếu tướng Vitaly Gerasimov là tham mưu trưởng Quân Đoàn 41. Theo tình báo Ukraine, viên tướng này đã bị hạ sát ngày 07/03 bên ngoài thành phố Kharkov ở miền đông Ukraine, cùng với nhiều sĩ quan cấp cao khác. Hiện chưa rõ hoàn cảnh về cái chết của vị tướng này và Nga cũng không thông báo về cái chết này. 

Thiếu tướng Andrei Kolesnikov 

Tư lệnh Quân Đoàn 29, thiếu tướng Andrei Kolesnikov được cho là đã thiệt mạng vào ngày 11/03 trong những hoàn cảnh chưa được xác định và tại một địa điểm không xác định. Cái chết của ông đã được các quan chức NATO và Anton Gerashchenko, cố vấn bộ Nội vụ Ukraine, xác nhận trên kênh Telegram, nhưng không hề được Điện Kremlin thông báo. 

Thiếu tướng Oleg Mityaev 

Tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh Cơ Giới số 150 của Nga, một đơn vị được thành lập vào năm 2016, thiếu tướng lục quân Oleg Yuryevich Mityaev được cho là đã bị bắn chết vào khoảng ngày 15/03 khi tham gia cuộc bao vây Mariupol. Trên mạng Telegram, Anton Gerashchenko đã đăng một bức ảnh mà theo ông là thi thể của sĩ quan đã qua đời. Thông tin này vẫn chưa được Điện Kremlin xác nhận. 

Trung tướng Andrei Mordvichev

Tư lệnh Quân Đoàn 8, trung tướng Andrei Mordvichev hiện là sĩ quan cấp cao nhất tử trận ở Ukraine. Theo chính quyền Kiev, viên tướng này bị bắn chết ở vùng Chernobyvka, gần Kherson, một thành phố mà lực lượng Nga đã chiếm đóng. Một lần nữa, Điện Kremlin chưa xác nhận thông tin này. 

Trọng Nghĩa

**************************

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Biden cảnh báo khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học

Minh Anh, RFI, 22/03/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/03/2022 khẳng định Nga đang nhắm đến việc sử dụng vũ khí sinh – hóa học tại Ukraine. Chủ nhân Nhà Trắng cảnh báo phương Tây sẽ "nghiêm khắc" đáp trả nếu điều này xẩy ra.  

tuongnga02

Một thương xá ở Kiev, Ukraine, bị quân Nga pháo kích ngày 21/03/2022. AP - Efrem Lukatsky

Phát biểu tại một cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ ở Washington, tổng thống Joe Biden nhận định, việc Nga khẳng định "Ukraine sở hữu vũ khí hóa học và sinh học tại Ukraine" là một "tín hiệu rõ nét" cho thấy ông Vladimir Putin chuẩn bị sử dụng hai loại vũ khí này.  

Về tình hình chiến sự tại Ukraine, bộ Quốc Phòng Anh hôm nay 22/03 công bố một báo cáo mới của cơ quan tình báo nhận định rằng "các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy lùi ý đồ chiếm đóng phía nam Mariupol của Nga. Tại những nơi khác, đà tiến của quân Nga rất hạn chế, phần lớn các lực lượng này vẫn bị ngăn cản tại chỗ". Tuy nhiên, nước Cộng hòa tự phong Donetsk (RPD) lại tuyên bố là các lực lượng Nga và các đơn vị quân đội của RPD đã "giải phóng" gần một nửa "vùng Mariupol", đồng thời cho biết cả Ukraine lẫn quân Nga cùng đồng minh Donetsk đều bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng.  

Trong khi đó, quân đội Ukraine sáng nay loan báo đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Makariv, cách Kiev 48 km về phía Tây, sau nhiều ngày phải hứng chịu các trận oanh kích dữ dội từ quân Nga làm hơn một chục người chết.  

Liên quan đến số binh sĩ Nga thiệt mạng, AFP cho biết, một tờ báo thân điện Kremlin hôm qua trong một bài đăng dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng dường như cho biết gần 10 ngàn lính Nga đã thiệt mạng và hơn 16.150 người khác bị thương kể từ khi Nga mở cuộc tấn công xâm lược Ukraine ngày 24/02. Theo CNN, bài viết được đăng lúc 00 giờ 09 phút ngày thứ Hai, giờ Moskva, rồi đã được cập nhật và đăng lại lúc 21 giờ 56 phút, nhưng không còn con số lính tử trận.  

AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn TASS hôm nay cho biết Nga và Ukraine đã có cuộc trao đổi tù binh đầu tiên. Chín quân nhân Nga đã được trả tự do để đổi lấy đô trưởng Ivan Fedorov thành phố Melitopol, bị quân Nga bắt cóc ngày 11/03.

Minh Anh

Published in Diễn đàn

Chính thống giáo Ukraine độc lập : Nga lên án một hành vi khiêu khích (RFI, 13/10/2018)

Một ngày sau khi Thượng Hội đồng Chính thống giáo công nhận giáo hội Ukraine độc lập, ngoại trưởng Nga hôm qua 12/10/2018 lên án "hành động khiêu khích", được Washington ủng hộ "công khai và trực tiếp".

ortho1

Người đứng đầu giáo hội Chính thống giáo Ukraine phát biểu trong một buổi lễ tại nhà thờ Volodymysky ở Kiev, Ukraine, ngày 11/10/2018. Reuters/Valentyn Ogirenko

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nhà nước Nga RT và hai báo Pháp, Le FigaroParis Match, ngoại trưởng Serguei Lavrov đã chỉ trích thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew I đã can thiệp vào hoạt động tôn giáo, vi phạm luật pháp Ukraine và Nga. Và ông cho rằng hành động nói trên được Hoa Kỳ ủng hộ.

Quyết định của Thượng Hội đồng Chính thống giáo thừa nhận một giáo hội Chính thống giáo đôc lập tại Ukraine, chấm dứt 332 năm Ukraine nằm dưới quyền quản lý của giáo hội Nga, đặt ra vấn đề tương lai của hàng triệu tín đồ vốn vẫn sinh hoạt trong giáo hội trung thành với Moskva.

Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, trong một phát biểu hôm qua, cũng khẳng định Moskva sẽ "bảo vệ lợi ích của các tín đồ Chính thống giáo" tại Ukraine, trong trường hợp có các rối loạn trong lĩnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, người phát ngôn Nga cũng cho biết cụ thể là các biện pháp mà Moskva dự kiến tiến hành sẽ "chỉ thuần túy mang tính chính trị và ngoại giao".

Sau tuyên bố của Thượng Hội đồng Constantinople, Tòa thượng phụ Nga lên án một cuộc "ly giáo", và cảnh báo "những hậu quả hết sức nghiêm trọng". Một số chức sắc trung thành với Moskva, lo ngại nhà thờ và tu viện bị trưng thu, kêu gọi tín đồ đứng lên bảo vệ các thánh đường.

Kiev tôn trọng quyết định của các xứ đạo

Về phần mình, chính quyền Ukraine bảo đảm sẽ hoàn toàn tôn trọng quyền quyết định của các xứ đạo nào chọn con đường tiếp tục trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, và không để xảy ra một "cuộc chiến tranh tôn giáo".

Quyết định công nhận giáo hội độc lập Ukraine được hàng trăm người đón mừng tại thủ đô Kiev tối hôm qua. Một số người cho đây là một biến cố lịch sử quan trọng nhất kể từ khi Ukraine độc lập với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine tỏ ra thận trọng.

Trả lời AFP, một quan chức cao cấp ngành an ninh Ukraine, xin ẩn danh, thừa nhận đây là "một sự kiện lịch sử", nhưng rất có thể "khuấy lên nhiều vấn đề lớn".

Theo dòng lịch sử, đạo Thiên chúa chia thành nhiều nhánh khác nhau. Trong đó ba nhánh lớn nhất là Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Chính thống giáo là nhánh lớn thứ ba, ước tính có từ 125 triệu đến 250 triệu tín đồ trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu là tại Nga và khu vực Đông Âu.

Cuộc phân liệt năm 1054 : Nguồn gốc ra đời

Sau nhiều thế kỷ tranh luận về thần học và chính trị, cuộc phân liệt giữa giáo hội Tây Phương và giáo hội Đông Phương đã xảy ra vào năm 1054, với sự kiện thượng phụ thành Constantinople, Michel Cerulaire đệ nhất, bị rút phép thông công, vì không thừa nhận uy quyền của giáo hoàng.

Đến lượt mình, thượng phụ Constantinople cũng quyết định rút phép thông công đối với đại diện của Tòa Thánh, hồng y Humbert de Moyenmoutier, người thực thi lệnh của giáo hoàng.

Các cuộc thập tự chinh, do một số lãnh đạo giáo hội Tây Phương hoặc thủ lĩnh quân sự tổ chức, trong hai thế kỷ tiếp theo tại miền đông nam Châu Âu và khu vực Cận Đông khiến sự phân tách giữa hai giáo hội càng trở nên trầm trọng hơn. Quân thập tự chinh đã lập ra nhiều cơ sở của giáo hội Tây Phương ngay bên cạnh các cơ sở Chính thống giáo ở Hy Lạp.

Nỗ lực hòa giải giữa hai nhánh Thiên chúa Giáo nói trên chỉ thực sự có kết quả vào năm 1965, khi hai bên từ bỏ các lệnh rút phép thông, hơn 9 thế kỷ trước.

Đức tin Chính thống giáo

"Chính thống giáo" bắt nguồn từ hai từ gốc Hy Lạp, "ortho" có nghĩa là chính thống và "doxa" là học thuyết. Giáo hội Chính thống giáo tự cho là chỉ có mình mới sở hữu "đức tin thực sự" và tất cả các giáo hội khác, bao gồm cả giáo hội Công giáo, đều phải trở lại với đạo gốc.

Bất đồng chính giữa hai nhánh Công giáo và Chính thống giáo xoay quanh cách lý giải về thuyết Tam vị nhất thể, hay Chúa Ba Ngôi, giáo lý cốt lõi của đạo Thiên chúa. Ngược lại với bên Công giáo, đạo Chính thống chấp nhận thụ phong các chức sắc đã lập gia đình, hoặc chấp nhận việc ly dị, nếu có chuyện ngoại tình.

Nghi thức của Chính thống giáo gần như không thay đổi từ một thiên niên kỷ nay, trong lúc đạo Công giáo biến chuyển nhiều theo thời gian.

Hệ thống tổ chức phức tạp

Chính thống giáo, với Constantinople (thuộc thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay) là trung tâm, bao gồm 10 giáo quyền hay các giáo hội độc lập (autocephaly), trong đó có giáo hội Ukraine, vừa được Thượng Hội đồng Chính thống giáo ở Constantinople công nhận.

Cùng với trung tâm Constantinople được coi là có uy tín nhất hiện nay, đạo Chính thống còn có ba trung tâm khác từng có vai trò rất quan trọng, tại Alexandria (Ai Cập), Antioche (Syria) và Jerusalem. Ba trung tâm này vẫn tồn tại, nhưng tầm ảnh hưởng bị thu hẹp.

Trong số các giáo hội độc lập thừa nhận uy quyền của thượng phụ đại kết thành Constantinople có các giáo hội Moskva, Serbia, Romania, Bulgaria, Gruzia, Hy Lạp, Chyprus, Albania, Ba Lan, giáo hội Czech và Slovakia, và giáo hội Ukraine vừa được công nhận.

Một số giáo hội Chính thống giáo có quyền tự trị, nhưng không độc lập, ví dụ như giáo hội Phần Lan, trực thuộc Tòa thượng phụ đại kết Constantinople (Patriarcat œcuménique de Constantinople), hay giáo hội Nhật Bản trực thuộc Tòa thượng phụ Moskva.

Riêng về Chính thống giáo ở Ukraine, với khoảng 30 triệu tín đồ, chiếm 70% dân cư Ukraine, có hai nhóm chính. Một giáo hội trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, với nhiều xứ đạo nhất (khoảng 12.000). Thứ hai là giáo hội Kiev - tự thành lập năm 1992 (sau khi Liên Xô sụp đổ) và vừa được Thượng Hội đồng thành Constantinople công nhận - có khoảng 5.000 xứ đạo. Tuy nhiên, ngày càng có đông người Ukraine theo giáo hội này (40% hiện nay, so với 15% dân cư cách nay 10 năm).

Uy quyền của Tòa thượng phụ đại kết Constantinople

Người đứng đầu Thượng Hội đồng ở Constantinople là thượng phụ đại kết thành Constantinople, giáo chức cao cấp nhất của Chính thống giáo, thường do tổng giám mục Chính thống giáo thành Constantinople đảm nhiệm. Thượng phụ thành Constantinople hiện nay là Bartholomew I, được coi là người đứng đầu, về mặt tâm linh và nghi thức, của tất cả các giáo quyền trong thế giới Chính thống giáo Phương Đông, nhưng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các giáo hội khác.

Vai trò tôn giáo quan trọng của thành Constantinople bắt nguồn từ thời kỳ hoàng đế Constantin đệ nhất (272-337), cũng là hoàng đế La Mã đầu tiên theo Thiên chúa Giáo. Constantin đệ nhất coi đạo Thiên chúa là tôn giáo chính thức của Đế quốc Đông La Mã, với Constantinople là thủ đô (Constantinople là tên gọi mới mà hoàng đế La Mã đặt cho thành Byzantium của người Hy Lạp cổ).

Tuy nhiên, trong thời kỳ sau này, Tòa thượng phụ Moskva được xem là có ảnh hưởng còn lớn hơn cả Tòa thượng phụ đại kết thành Constantinople, do có được số lượng tín đồ đông đảo hơn. Thượng phụ giáo hội Chính thống giáo Nga Kirill cũng được coi như một đồng minh của tổng thống Nga Putin.

(Theo AFP và La Croix)

Trọng Thành

****************

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Nga sau 332 năm (BBC, 13/10/2018)

Quyền lực của Giáo hội Chính thống Nga với Giáo hội Ukraine chấm dứt sau 332 năm bằng quyết định tại Constantinople, Istanbul tuần này.

ortho2

Lãnh đạo Ukraine trong ngày lễ đánh dấu 1030 năm Rus Kiev gia nhập Thiên chúa giáo' hồi tháng 7/2018 ở Kiev

Quyết định hôm 11/10/2018 của Đại Giáo chủ Bartholomew, Tổng giám mục Constantinople - Tân La Mã và cũng là người đứng đầu Giáo hội Chính thống toàn cầu gây choáng cho nước Nga, theo các báo quốc tế.

Thượng phụ Bartholomew chính thức thừa nhận quyền độc lập (autocephaly), cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine bằng việc huỷ một văn kiện từ năm 1686.

Văn bản đó cho Giáo chủ Moscow quyền bổ nhiệm và kiểm soát các chức vụ của Giáo hội ở Kiev.

Nhưng nay, quyết định mới của Công đồng Thần thánh của Chính thống giáo Đông Phương cho phép phục hồi một loại chức vụ trong Giáo hội Ukraine, gồm cả Thượng phụ Filaret, 89 tuổi.

Ngài Filaret đã bị Moscow rút phép thông công vì lý do chính trị, như ngài Bartholomew nói.

Tuy thế, vấn đề này cũng trở thành một phần của tranh chấp chính trị Kiev-Moscow.

'Chúc mừng quyết định'

ortho3

Ông Putin dự lễ của Giáo hội Chính thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã nhanh chóng chúc mừng quyết định cho Giáo hội Chính thống Ukraine quyền độc lập.

Với nước Nga, sự kiện Giáo hội Ukraine tách hẳn khỏi Moscow gây ra choáng váng cho chính quyền Vladimir Putin và cả người dân.

Kiev nay là thủ đô Ukraine nhưng từng là đất phát tích của Giáo hội Nga và một phần của truyền thuyết dựng nước của dân tộc Nga.

Mới tháng Bảy năm nay, Nga và Ukraine kỷ niệm lễ 1030 năm đạo Ki Tô đến Kiev.

Sự kiện mang tên 'Thiên chúa giáo vùng Kiev Nga' (Kievan Rus Christianization) được cho là bước khởi đầu cho kỷ nguyên Thiên chúa giáo và văn minh Châu Âu ở cả Nga và Ukraine.

Nhưng nay, như một số báo Châu Âu bình luận, chính quyền Vladimir Putin có thể chiếm giữ được Crimea và kiểm soát một phần miền Đông Ukraine, nhưng không thể nào nắm được "linh hồn" của Ukraine nữa.

Published in Văn hóa
Trang 43 đến 43