Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông thuê phi cơ charter trục xuất 68 người Việt nhập cư lậu (RFI, 01/01/2017)

Cơ quan di trú Hồng Kông mới đây đã thuê bao một chiếc máy bay charter để trục xuất 68 người Việt Nam về nước. Vụ việc xẩy ra hôm 28/12/2017, nhưng hai ngày sau mới được nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post tiết lộ.

hongkong1

Người nhập cư Việt Nam bất hợp pháp vào Hồng Kông bị áp tải lên máy bay về nước. Ảnh chụp màn hình tờ SCMP

Theo nhật báo, chiếc máy bay thuê bao của Vietnam Airlines đã chở 68 người, trong đó có 38 phụ nữ, về Hà Nội. Trong số này, ngoại trừ ba em bé dưới 2 tuổi, những người còn lại ở độ tuổi từ 18 đến 64. Tờ báo cho biết là những người này đã không chứng minh được lý do xin tị nạn và đã đến Hồng Kông một cách bất hợp pháp.

Họ đã ở Hồng Kông khoảng 10 tháng, một nửa trong số này đã nộp đơn xin quy chế tị nạn, nhưng không được chấp thuận. Sở Di Trú Hồng Kông khẳng định rằng tất cả những người này đều tình nguyện hồi hương.

Vẫn theo SCMP, ông William Fung Pak-ho, phụ tá giám đốc Sở Di Trú Hồng Kông, cho biết là chính quyền đặc khu sắp tới đây sẽ xem xét việc thuê bao máy bay để chở di dân bất hợp pháp không tình nguyện rời lãnh thổ này trong tương lai.

Trước đây, Hồng Kông đã từng trục xuất nhiều người, nhưng một cách lẻ tẻ, thường vài người một lần, dùng các chuyến bay thương mại, và trong một số trường hợp có nhân viên di trú đi theo. Phương cách trục xuất dùng phi cơ thuê bao, tức là charter, được coi là sẽ giúp Hồng Kông giải quyết nhanh chóng các trường hợp tồn đọng.

Từ năm 2015, số di dân xin quy chế tị nạn ngày càng nhiều. Vào lúc cao điểm, không kể các sự kiện bên Trung Quốc, mỗi tháng, có 480 người xin quy chế tị nạn, trong nửa đầu năm 2015, so với 120 trường hợp mỗi tháng trong thời gian từ 2010 đến 2013. Trong số này, đông nhất là người Việt Nam.

Từ năm 2014 đến tháng 11/2017, theo số liệu chính thức, trong số 15.268 người xin quy chế tị nạn, có 3913 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 26%. Cũng trong thời điểm này, trong số 8 861 người vào Hồng Kông bất hợp pháp, có 5.104 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 57,6%.

Theo nhân vật này, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận việc bị trực xuất : "Trong năm nay (2017), chúng tôi thực hiện bảy vụ trục xuất. Có một số người cũng chống đối, và phải mất hai hoặc ba lần thực hiện chúng tôi mới trục xuất được họ… Một số người la hét, phản đối dữ dội, làm cho hãng hàng không phải đưa họ ra khỏi máy bay".

Trọng Nghĩa

*****************

Hồng Kông trục xuất 68 người Việt Nam về nước (Người Việt, 30/12/2017)

Cơ quan di trú Hồng Kông vừa thuê một chiếc máy bay chở 68 người Việt Nam về nước hôm Thứ Năm.

vn1

Nhân viên di trú Hồng Kông giám sát 68 người Việt Nam lên máy bay về nước. (Hình : Sở Di Trú Hồng Kông)

Theo nhật báo The South China Morning Post, đây là những người không chứng minh được lý do xin tị nạn và những người đến Hồng Kông một cách bất hợp pháp.

Phương cách trục xuất này được coi là sẽ giúp Hồng Kông giải quyết nhanh chóng các trường hợp còn kẹt ở đây.

Trước đây, chỉ có một vài người bị trục xuất một lần, thường bay trên các chuyến bay bình thường, và có một số trường hợp có nhân viên di trú đi theo.

Hôm Thứ Năm, chiếc máy bay thuê bao của Vietnam Airlines chở 30 người nam giới và 38 người nữ giới, và đã hạ cánh xuống phi trường Nội Bài, Hà Nội, lúc 5 giờ 15 chiều cùng ngày.

Trong số 68 người này, ngoại trừ ba em bé dưới 2 tuổi, 65 người còn lại có tuổi từ 18 đến 64.

Những người này trung bình đã ở Hồng Kông trong 10 tháng.

Một nửa trong số này nộp đơn xin quy chế tị nạn, nhưng không thành công.

Sở Di Trú Hồng Kông nói rằng những di dân bất hợp pháp trong nhóm này tình nguyện trở về Việt Nam.

Hôm Thứ Sáu, ông William Fung Pak-ho, phụ tá giám đốc Sở Di Trú Hồng Kông, nói rằng ý tưởng thuê bao nguyên chuyến bay chở người bị trục xuất đã có từ lâu, nhưng rất khó thực hiện.

"Chúng tôi phải giải quyết vấn đề căn cước cho họ, phối hợp với chính phủ Việt Nam trong việc tiếp nhận lại họ, và giải quyết vấn đề an ninh do các hãng hàng không nêu ra", ông Fung nói.

Ông nói thêm rằng, Hồng Kông cũng sẽ xem xét việc thuê bao máy bay để chở di dân bất hợp pháp không tình nguyện rời lãnh thổ này trong tương lai.

Theo ông Fung, trước đó, kế hoạch thực hiện việc trục xuất hôm Thứ Năm cũng được Bộ Tư Pháp xem xét.

"Trong năm nay, chúng tôi thực hiện bảy vụ trục xuất. Có một số người cũng chống đối, và phải mất hai hoặc ba lần thực hiện chúng tôi mới trục xuất được họ", ông Fung nói. "Một số người la hét, phản đối dữ dội, làm cho hãng hàng không phải đưa họ ra khỏi máy bay".

Bắt đầu từ năm 2015, ngày càng có nhiều di dân xin quy chế tị nạn, theo báo SCMP.

Vào lúc cao điểm, không kể các sự kiện bên Trung Quốc, mỗi tháng, có 480 người xin quy chế tị nạn, trong nửa đầu năm 2015, so với 120 trường hợp mỗi tháng trong thời gian từ 2010 đến 2013.

Trong số này, đông nhất là người Việt Nam, vẫn theo SCMP.

Từ năm 2014 đến Tháng Mười Một năm nay, theo dữ kiện chính thức, trong số 15,268 người xin quy chế tị nạn, có 3,913 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 26%.

Cũng trong thời điểm này, trong số 8,861 người vào Hồng Kông bất hợp pháp, có 5,104 trường hợp là người Việt Nam – tương đương 57.6%. (Đ.D.)

********************

Việt Nam nhập cà phê từ Trung Quốc (Người Việt, 29/12/2017)

Là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil, tuy nhiên lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu lại đang tăng mạnh, phần lớn dưới dạng rang xay, pha sẵn.

vn2

Cây cà phê Tây Nguyên. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, số liệu từ Cục Xúc Tiến Thương Mại – Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam đang tăng nhập cà phê từ các thị trường Mỹ, Brazil và Trung Quốc.

Niên vụ 2016-2017, Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường này khoảng 1 triệu bao, dự báo niên vụ tới (2017-2018) nhập gần 1.06 triệu bao (ước trên 63,600 tấn cà phê nhân).

Nguyên nhân nhập khẩu cà phê này được cơ quan quản lý xuất khẩu và các chuyên gia cà phê giải thích là do nhiều chuỗi cà phê "Tây" du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Đáng lưu ý, cách đây 5-7 năm, khi hàng loạt chuỗi cà phê ngoại du nhập vào, Việt Nam phần lớn nhập khẩu cà phê từ Mỹ và một số nước Châu Âu. Tại thời điểm đó, Trung Quốc đang nhập cà phê thô từ các nước Châu Á, trong đó từ Việt Nam chiếm đến 92%.

Ông Andrew Nguyễn, người đưa thương hiệu cà phê chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf về Việt Nam xác nhận công ty phải nhập toàn bộ nguyên liệu cà phê từ nước ngoài cho dù đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, một quốc gia đang xuất khẩu cà phê vào hàng đầu thế giới.

Lý do được giải thích là do "gu" cà phê Việt không hợp với cà phê Tây vốn nhẹ hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa được nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo từ lâu là Việt Nam không có một nền công nghiệp rang xay phối trộn cà phê chuyên nghiệp hợp "gu" toàn cầu. Còn Trung Quốc từ 5 đến 10 năm trước ngoài việc tăng nhập cà phê thô, phát triển mạnh vùng nguyên liệu ở tỉnh Vân Nam, họ đã đầu tư nhiều cho công nghệ chế biến, rang xay cà phê.

Đến bây giờ, sau thời gian xuất thô miệt mài cho Trung Quốc, Việt Nam nay chính thức tăng nhập cà phê rang xay từ quốc gia này. Hiện Trung Quốc đang là "cái nôi" chế biến, rang xay cà phê cho các chuỗi cà phê lớn trên thế giới.

"Trong khi Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ trong phát triển công nghệ rang xay để tăng giá trị gia tăng hạt cà phê, thì Trung Quốc đã tiến một bước tiến lớn. Có thể trong tương lai gần, quốc gia này tiến lên vị trí ‘top’ xuất khẩu cà phê của thế giới", một chuyên gia cảnh báo, đồng thời làm phép tính so sánh : giá cà phê thô chỉ 3 USD/kg, nhưng nếu qua khâu chế biến, bán ra khoảng 50 USD đến 70 USD/kg là chuyện bình thường. (TS)

Published in Việt Nam

Đó là hình ảnh trái ngược giữa "thảm cảnh" nhà máy Gang Thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, và tư dinh của ông bí thư đảng ủy của nhà máy.

gang1

Biệt phủ của ông Trần Văn Khâm. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) mở rộng giai đoạn 2 bắt đầu từ 2005 mặc dù đã "ngốn" hơn 4.500 tỷ đồng (hơn 198,3 triệu USD) nhưng hiện vẫn chỉ là "đống sắt gỉ ngàn tỷ đồng khổng lồ, um tùm cỏ mọc" phơi mưa nắng. Vì hệ lụy phát sinh từ dự án này quá khủng khiếp nên mọi kế hoạch "giải cứu" đều bất thành.

Giữa năm 2016, tại một hội nghị của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng, khẳng định không tiếp tục đầu tư tài chính vào nhà máy Tisco, là một trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương.

Trước đó, báo Thanh Niên đã loan tin, Thanh Tra Chính Phủ đã chuyển hồ sơ bốn sự việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến dự án nhà máy sang Bộ công an để tiếp tục điều tra làm rõ, vì số nợ chỉ riêng với dự án nhà máy mở rộng giai đoạn 2 đã gấp 1,5 lần số vốn điều lệ 2.840 tỷ đồng (hơn 125,1 triệu USD) của công ty.

Trong quá trình xây dựng nhà máy, ông Trần Văn Khâm, nắm giữ các cương vị quan trọng nhất từ chủ tịch, tổng giám đốc, bí thư đảng ủy Tisco.

Theo kết luận của Kiểm Toán Nhà Nước, Tisco vào thời điểm đó đã có nhiều "ưu ái khủng" thật sự khó hiểu cho nhà thầu là Tập Đoàn Xây Lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC) và những ưu ái đó đã "đẩy" nhà máy vào bờ vực sụp đổ. Cụ thể là lãnh đạo Tisco vẽ ra "kịch bản tăng vốn" hòng "mặc cả" với các cơ quan quản lý nhà nước.

gang2

Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 đang là "đống sắt gỉ ngàn tỷ đồng khổng lồ". (Hình : Thanh Niên)

Để có vốn đầu tư xây dựng nhà máy, Tisco vay hàng loạt ngân hàng số tiền rất lớn. Hàng ngàn tỷ đồng đổ ra nhưng nhà máy vẫn bị "đứng bánh" khiến chi phí ngân hàng phát sinh lên đến hơn 1.200 tỷ đồng (hơn 52,8 triệu USD), và bình quân mỗi ngày Tisco phải trả thêm khoảng hơn 1 tỷ đồng (hơn 44.068 USD) tiền lãi.

Trái ngược với "thảm cảnh" của nhà máy, tư dinh của ông Trần Văn Khâm nức tiếng ở thành phố Thái Nguyên. Cho đến bây giờ, dư luận vẫn chưa thể nào rõ được, vì sao biệt phủ của của ông Khâm vẫn tồn tại dù xây dựng sai phép. Cụ thể, tư dinh này lấn chiếm lộ giới đường giao thông đã quy hoạch 22 mét.

Trên cơ sở giấy phép chỉ được cấp hai tầng, cao chỉ 7 mét từ năm 2013, nhưng ông Khâm đã xây cao hơn 10 mét, buộc Ủy Ban Nhân Dân phường Trung Thành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng ngay việc thi công trong vòng 24 giờ, tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

Thế nhưng, cho đến nay, bốn năm đã trôi qua, những quyết định của chính quyền cơ sở ở Thái Nguyên xem như bị vô hiệu hóa và thực tế là biệt phủ của ông Khâm vẫn tiếp tục tồn tại ngang nhiên, thách thức tính công minh của pháp luật. (Tr.N)

Published in Việt Nam

Dân Đồng Nai mất tiền tại hàng loạt quỹ tín dụng (Người Việt, 28/11/2017)

Sau khi Quỹ tín dụng Thái Bình bị đóng cửa, giám đốc bỏ trốn ra nước ngoài với hơn 2,2 triệu USD, thì nay thêm Quỹ tín dụng Dầu Giây và Quỹ tín dụng Tân Tiến "mất khả năng thanh khoản" cho khách hàng, bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt".

nv1

Người dân tụ tập trước Phòng giao dịch của Quỹ tín dụng Thái Bình để đòi tiền. Trong hình, ông Hoàng Văn Lục (trái) nói ông gửi vào quỹ này gần 8 tỷ đồng (khoảng 352.283 USD). (Hình : Thanh Niên)

Trong hai ngày qua, nhiều người dân có gửi tiền tại quỹ Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã đến trụ sở quỹ này để rút tiền nhưng không được do quỹ hết tiền chi trả.

Ngày 28 tháng Mười Một, ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, xác nhận với báo Dân Trí, đã đưa quỹ Tân Tiến vào diện "kiểm soát đặc biệt do quỹ mất khả năng thanh khoản cho khách hàng".

"Đến cuối tháng Mười, 2017, huy động vốn của quỹ đạt hơn 600 tỷ đồng (hơn 26,4 triệu USD). Thời gian gần đây, khách hàng đến rút tiền đông khiến quỹ mất khả năng thanh khoản, nên Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa Quỹ tín dụng Tân Tiến vào diện kiểm soát đặc biệt trong thời gian sáu tháng để kiểm tra, xem xét sổ sách, thống kê và đối chiếu các khoản tiền vay, các khoản tiền gửi", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, quỹ tín dụng này sử dụng vốn sai quy định và ông đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra vụ việc.

Quỹ Tân Tiến là đơn vị thứ ba sau quỹ Thái Bình và quỹ Dầu Giây ở huyện Thống Nhất bị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, do có thể "sập tiệm".

Trước đó, ngày 20 tháng Mười Một, hàng chục người dân đã cầm theo băng rôn đến bao vây phòng giao dịch quỹ Thái Bình, thành phố Biên Hòa, liên tục lên tiếng đòi giám đốc quỹ tín dụng trả tiền khiến khu vực trở nên nhốn nháo. Nguyên nhân từ đầu năm 2017, khách hàng của qũy này không nhận được tiền lời như thường lệ. Khi người dân yêu cầu quỹ trả tiền gốc thì giám đốc tìm cách né tránh.

Sau sự việc, công an điều tra thì được biết ông Vũ Công Liêm, giám đốc quỹ, đã cùng người thân bỏ trốn ra nước ngoài "ôm" theo khoản nợ 50 tỷ đồng (hơn $2.2 triệu) của nhiều người tin tưởng gửi vào. (Tr.N)

**********************

Cháy đình cổ hơn 300 năm ở Thái Bình (Người Việt, 28/11/2017)

Đình cổ Lưu Xá hơn 300 tuổi ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, nay chỉ còn là tàn tích sau đám cháy lớn.

nv2

Ngôi đình làng hơn 300 tuổi bị thiêu rụi trong sáng 27 tháng Mười Một. (Hình : VietNamNet)

Nói với báo VnExpress, ông Phạm Xuân Cảnh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Đông Phương, cho biết khoảng 10 giờ sáng 27 tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Khanh, nhân viên trạm y tế xã, ra đình thắp hương thì thấy khói đen bốc lên và báo cho chính quyền địa phương.

Nhận được tin, nhiều người dân cùng chính quyền đã tổ chức dập lửa. Khi ngọn lửa bùng phát mạnh thì tất cả mọi người hoảng hốt bỏ chạy do không thể tiếp cận. Khoảng 30 phút sau, Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy, Công An tỉnh Thái Bình, điều hai xe chuyện dụng cùng 30 lính cứu hỏa đến chữa lửa.

Theo báo VietnamNet, sau gần bốn tiếng dập lửa, đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi đình cổ hơn 300 tuổi này. Rất may không có thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được tài sản thiệt hại.

Khi xảy ra vụ hỏa hoạn, đình đang được xây dựng hậu cung.

Theo thủ nhang của đình, ông Lưu Hoàng Văn Nậng, ngôi đình được xây dựng bằng gỗ lim từ năm 1670 có kiến trúc, điêu khắc độc đáo với ba gian hai chái, chiều dài 18 mét, chiều rộng 9 mét, diện tích 170 mét vuông. Năm 1990, ngôi đình cổ này đã được công nhận là "Di tích lịch sử cấp quốc gia". (Tr.N)

**********************

Gần 90% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục (Người Việt, 28/11/2017)

Hãng tin Mỹ CNN nêu kết quả của một cuộc nghiên cứu nói khoảng 87% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục tại các nơi công cộng.

nv3

Một nữ nhân viên làm nghề tiếp thị thuốc lá trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Những cô gái làm việc trong nghề này thường phải đối mặt với nạn "quấy rối tình dục". (Hình : Văn Lang/Người Việt)

Hôm Thứ Hai, 27 tháng Mười Một, CNN có bài viết về tình trạng phụ nữ bị sách nhiễu tình dục trên thế giới dựa vào tài liệu của một số tổ chức và phỏng vấn.

Sách nhiễu tình dục từ nhẹ tới nặng cả bằng lời nói và hành động. Nhẹ thì một vài lời ong bướm như "Sao em sexy thế", "Anh chỉ muốn"… đến những cử chỉ chân tay thô bạo, và xa hơn nữa có thể xúc phạm thân thể dù người ta phản đối.

Các nghiên cứu được CNN nêu ra với những nơi có tỉ lệ quấy rối tình dục nơi công cộng nặng nhất trên thê giới như Ai Cập tới 99%, đảo quốc Papua New Guinea hơn 90%. Việt Nam cũng có tỉ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục cũng chẳng thua kém bao nhiêu, tới 87% hay cứ 10 phụ nữ thì có đến gần 9 người là nạn nhân của các sự quấy rối. Ấn Độ là 79%, Cambodia là 77%, Bangladesh là 57%.

Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề tình hình có vẻ nhẹ hơn, nhưng vẫn là các con số lớn đáng kể. Ở Mỹ, tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng lên đến 65%, trong khi ở Anh là 64%. Nhiều quốc gia Châu Âu cũng nằm trong "danh sách đen" như 52% đối với Đan Mạch, ở Phần Lan là 47%, Thụy Điển 46%, Pháp là 44%.

nv4

Đồ họa tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối tại một số quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam. (Hình : Ðồ họa CNN)

Hiện nước Mỹ thì đang nóng lên với các lời tố cáo của nhiều phụ nữ bị sách nhiễu ngay tại trụ sở Quốc hội, một số ứng viên dân biểu, nghị sĩ cũng bị cáo buộc sách nhiễu tình dục, ảnh hưởng tới khả năng trúng cử.

Thật ra, các cuộc khảo sát và nghiên cứu về tệ nạn sách nhiễu tình dục nơi công cộng được CNN dẫn lại để viết trong bài viết ngày 27 tháng Mười Một căn cứ vào cuộc nghiên cứu của tổ chức ActionAid hồi cuối năm 2014 và được công bố và các báo tại Việt Nam khai thác trong năm 2015. Họ đã phỏng vấn hơn 2,000 người dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Actionaid là một tổ chức quốc tế chống bất công và đói nghèo hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Quấy rối tình dục nơi công cộng tại Việt Nam vốn là một căn bệnh xã hội đã tồn tại từ lâu và đến nay không thấy có những nghiên cứu mới được đưa ra ngoài một vài vụ án nghiêm trọng, kể cả giết người chỉ vì chòng ghẹo phụ nữ.

Đầu tháng Sáu vừa qua, tòa án thành phố Hà Nội kết án Đặng Xuân Quý tù chung thân, Quách Ngọc Hải 16 năm tù, cùng về tội "Giết người". Nguyên nhân chỉ là chọc ghẹo một phụ nữ trong quán nhậu. tháng Tư trước đó, tờ Phụ Nữ Việt Nam kể câu chuyện một ông anh rể bị đánh suýt què chân vì chọc ghẹo cô em vợ.

Luật pháp cộng sản Việt Nam trừng phạt tội "ghẹo gái" đến 300,000 đồng (khoảng $13), theo Nghị Định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28 tháng Mười Hai, 2013, về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" gồm "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Không thấy có thống kê nào cho thấy từ khi cái nghị định vừa kể được thi hành thì đã có bao nhiêu người bị phạt trong khi tỉ lệ người bị quấy rối thì rất cao.(TN)

*********************

Dân Huế, Quảng Trị thấp thỏm sống trong vùng sạt lở (Người Việt, 28/11/2017)

Bão tan, lũ rút cũng là lúc bờ sông, đê biển sạt lở nghiêm trọng dọc theo các tỉnh, thành miền Trung, khiến hàng ngàn nhà dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ, trong khi chính quyền bất lực vì không có kinh phí khắc phục.

nv5

Một điểm sạt lở sông Hương ăn sát vào cổng trường Tiểu Học Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. (Hình : SGGP)

Sau những đợt lũ chồng lũ từ đầu tháng Mười Một đến nay, dòng chảy ở thượng nguồn sông Hương thay đổi mạnh, xoáy sâu vào xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chiều 23 tháng Mười Một, khi phụ huynh vừa chở con em đến trường Tiểu Học Hương Thọ đối diện sông Hương, bất ngờ nhiều cây xanh ven sông và một phần đường bê tông dẫn vào cổng trường học ầm ầm sạt lở, đổ ập xuống sông. Rất may, mọi người kịp thời chạy thoát.

Ngày 27 tháng Mười Một, nói với báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tồn, hiệu trưởng trường, cho biết sông Hương "ngoạm" cả trăm khối đất ven bờ hơn 400 mét, ăn sâu vào bờ 4 mét, khiến cổng chính vào trường trở thành bờ sông.

Cách trường không xa, một điểm sạt lở mới đã hất văng nhà cửa của nhiều người dân nằm gần bờ sông ở thôn La Khe Trẹm, cuốn trôi một phần căn nhà của bà Nguyễn Thị Chạy (51 tuổi). Căn nhà của gia đình anh Lê Ngà cạnh đó cũng bị cuốn từng mảng ra giữa dòng sông Hương. Tại hiện trường, cả hai ngôi nhà chỉ còn sót lại những trụ bê tông và vài tấm lợp rách nát nằm dưới đống đất đá.

Tương tự, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hàng chục gia đình nơi đây đang sống trên bờ sông Hiếu di dời chưa được, mà ở cũng không yên. Bởi vì chỉ sau một đêm mưa lớn, bờ sông Hiếu sạt lở vào sát con đường bê tông, với chiều dài hơn 20 mét.

Ngoài ra, ở Quảng Trị nhiều tuyến sông khác như sông Nhùng, sông Thạch Hãn cũng bị xói lở nghiêm trọng do mưa lũ. Nhiều đoạn sạt 5 mét, ăn sâu vào đường giao thông, gần hiên nhà của hàng chục nhà dân.

Không chỉ có sông bị sạt lở, triều cường và sóng lớn tiếp tục xói lở bờ biển rất nặng, với chiều dài gần 10 cây số, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 mét. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở bờ biển ở xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, y như mở thêm cửa biển mới rộng 50 mét, uy hiếp tài sản và tính mạng của khoảng 3,500 nhà dân trong vùng.

Xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư, vùng sản xuất được cho là kế hoạch tối ưu. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng các dự án xây dựng bờ kè ven biển đang gặp khó vì phải có nguồn kinh phí đến cả ngàn tỷ đồng, cần phải có sự trợ giúp từ trung ương và các bộ, ngành. (Tr.N)

Published in Việt Nam

Đá lót vỉa hè Hà Nội ‘bền vững 70 năm’ mới vài tháng đã nát (Người Việt, 23/11/2017)

Chỉ sau thời gian ngắn, đá tự nhiên "có tuổi thọ 70 năm" lót trên các vỉa hè ở thành phố Hà Nội bị vỡ nát, bong tróc. Tuy nhiên, chính quyền thành phố vẫn tiếp tục thay lớp gạch cũ bằng loại đá "thọ 70 năm" này với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.

vn1

Vỉa hè trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn bong tróc, nhiều viên gạch dường như bị mất từ lâu. (Hình : VietnamNet)

Theo báo VietnamNet, chiều 22 tháng Mười Một, các nhóm công nhân vẫn đang tiếp tục cạy lớp gạch cũ trên đường Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội để thay bằng lớp đá tự nhiên, mặc dù đang bị người dân và báo chí phản ứng dữ dội.

Mới đây, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội, nói về việc lót đá tự nhiên tại hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành, ông Trần Việt Trung, phó giám đốc Sở Xây Dựng, cho biết : "Hà Nội vẫn chủ trương lót đá vỉa hè trên các tuyến phố. Từ nay đến năm 2020, sẽ có hơn 900 tuyến phố của 12 quận của thành phố được lót đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng (khoảng 22 USD)/mét vuông. Hiện một số quận, huyện vẫn đang triển khai thực hiện".

Trước đó, truyền thông Việt Nam đồng loạt phản ứng, nhiều vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội như tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn ; đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân ; đường Trần Phú, quận Hà Đông ; phố Trung Kính, Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy… được lót lại bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây.

Loại đá tự nhiên này được chính quyền Hà Nội nhận định là có độ bền từ 50 đến 70 năm, nhưng mới sử dụng vài tháng thì hầu hết các tuyến phố được lót đá tự nhiên đều xuất hiện những vết nứt, vỡ gạch, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm, thậm chí ở nhiều nơi đá còn bị bật khỏi nền.

Nhìn cảnh tượng này, nhiều người dân không khỏi ngán ngẩm. Ông Lê Văn Thọ, ở phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, bất bình nói : "Trước, tôi thấy vỉa hè lót gạch vẫn còn tốt, không đến mức độ phải cạy lên để thay. Giờ lót đá tự nhiên mới chỉ được 4-5 tháng đã nát bét, nham nhở vết nứt thế này rồi, vài năm nữa không biết sẽ thế nào".

Còn ông Lê Hùng, ở khu vực Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thắc mắc : "Đổ cả trăm tỷ đồng, áo rách vỉa hè có thành áo mới ?" (Tr.N)

****************

Ninh Bình bắt 4 xe tải chở cả tấn thịt bò thối đi tiêu thụ (Người Việt, 23/11/2017)

Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An tỉnh Ninh Bình vừa bắt giữ bốn chiếc xe tải chở gần 1 tấn thịt bò bốc mùi hôi thối từ Hà Nội, Thanh Hóa về Ninh Bình để tiêu thụ.

vn2

Công an kiểm tra xe và thu giữ tang vật. (Hình : Lao Động)

Theo báo Lao Động, khoảng 3 giờ sáng 22 tháng Mười Một, Công an tỉnh Ninh Bình bắt bốn xe tải do các ông Lê Thọ Hải, Trần Đức Nghĩa (cùng ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), và hai ông Nguyễn Văn Sỹ (trú huyện Kim Sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Dũng (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội), chở theo 965 kg thịt bò và 20 kg xương bò không có giấy kiểm dịch thực phẩm, hóa đơn và đã bốc mùi hôi thối.

Bước đầu, các lái xe khai họ chính là chủ số thịt bò hôi thối trên và cho biết đã thu gom rồi chở từ Hà Nội, Thanh Hóa đưa về Ninh Bình để tiêu thụ. (Tr.N)

**************

Bắt quả tang doanh nghiệp Trung Quốc xả trộm chất thải ra sông (Người Việt, 23/11/2017)

Một doanh nghiệp tái chế nhựa của Trung Quốc vừa bị bắt quả tang xả thải trộm tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của người dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

vn3

Doanh nghiệp xả thải thẳng ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. (Hình : Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ cho hay, sáng 23 tháng Mười Một, tổ công tác của Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường, Bộ Công An, bắt quả tang một doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong khu đất thuộc công ty Bao Bì Thái Hà Hưng xả nước thải trộm trực tiếp ra sông.

Điều đáng nói, toàn bộ cơ sở sản xuất này không có hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải được đấu nối ra cống lộ thiên. Đường ống này dẫn thẳng ra hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, dùng để phục vụ tưới tiêu cho hơn 20,000 hécta đất nông nghiệp của bốn tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Không chỉ có một, toàn bộ khu đất của công ty Bao Bì Thái Hà Hưng đã cho nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc thuê đất để tái chế phế liệu.

Ông Lê Xuân Kiều, giám đốc công ty, cho biết công ty có cho ba doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng tái chế phế liệu nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm nhiều quá nên Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh đã yêu cầu không được cho thuê tiếp.

"Vụ xả thải này là thuộc những doanh nghiệp trong nước thuê nhà xưởng. Ngay chiều nay tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp thuê nhà xưởng dừng hoạt động, dừng việc xả thải", ông nói.

Thế nhưng, tối cùng ngày, nói với báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công An tỉnh Hưng Yên cho biết "Vẫn chưa nắm bắt được sự việc". (Tr.N)

*******************

Gạo hỗ trợ lũ lụt bị chảy nhũn, kết mảng khi cháy (Người Việt, 23/11/2017)

Người dân xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, phát giác gạo hỗ trợ lũ lụt phân phát cho dân "có biểu hiện bất thường" vì khi đốt gạo bắt lửa nhanh và kết dính thành mảng lớn.

vn4

Sau khi cháy hết, phần tro gạo kết dính lại thành từng mảng. (Hình : Dân Trí)

Nói với báo Dân Trí, bà Hồ Thị Thúy Liễu (ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết chiều 19 tháng Mười Một, gia đình bà nhận được một bao gạo 10 kg "hỗ trợ bão lụt".

Sau khi khui bao gạo ra nấu cơm, bà Liễu nhận thấy gạo không giống như bình thường nên thử gạo bằng cách rang rồi đem đốt.

"Hạt gạo bắt lửa rất nhanh rồi bốc cháy bất thường, khi cháy hết thì phần tro kết dính thành mảng lớn nên tôi rất lo lắng", bà nói.

Nhận được thông tin phản ánh, trưa 23 tháng Mười Một, ông Trần Văn Thạch, phó bí thư đảng ủy xã Tịnh Hà, cùng cán bộ xã đã thực hiện kiểm chứng. Trước sự chứng kiến của nhiều người, người dân thôn Thọ Lộc Bắc đã lấy một bao gạo hỗ trợ khác mang ra thử nghiệm cùng với gạo lúa mùa mà người dân đang ăn.

Kết quả cho thấy, cùng một lượng gạo, cùng thời gian rang nhưng khi đốt cho kết quả khác. Đối với gạo "hỗ trợ lũ lụt", hạt gạo bắt lửa bốc cháy và lan ra rất nhanh. Khi cháy hết, phần tro kết lại thành mảng lớn. Trong khi đó, gạo lúa mùa vẫn bốc cháy nhưng chỉ cháy một phần rất yếu rồi tắt.

Chứng kiến sự việc, ông Thạch cho rằng, số gạo này do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc huyện Sơn Tịnh "kêu gọi một đơn vị hỗ trợ và cấp phát cho 50 nhà dân. Đối tượng được nhận gạo là hộ nghèo, neo đơn bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua".

"Đúng là số gạo hỗ trợ bốc cháy một cách bất thường khiến người dân lo lắng. Trước mắt huyện chỉ đạo các thôn tiến hành thu gom số gạo đã cấp phát, đồng thời báo cáo lên cơ quan chức năng để kiểm tra, giám định chất lượng gạo tránh gây hoang mang", ông Thạch nói. (Tr.N)

Published in Việt Nam
samedi, 21 octobre 2017 21:18

Tham vọng của ông Tập

Cái sự bất thường ở một quốc gia như Trung Quốc với tầm vóc và sức mạnh kinh tế là lãnh tụ Tập Cận Bình không có bài diễn văn thường niên "về tình trạng quốc gia" cho toàn dân. Công việc đó nằm trong báo cáo thường niên của Thủ tướng Lý Khắc Cường, người mà mỗi tháng Ba đọc bài diễn văn báo cáo về tình hình trong khóa họp thường niên của quốc hội bù nhìn.

tcb1

Những con đường tơ lụa của Tập Cận Bình trên đất liền và trên biển

Thành ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng hôm thứ Tư, 18 tháng Mười, vừa qua trong một dịp hiếm có ở đại hội đảng cộng sản, được tổ chức mỗi năm năm một lần, nó chắc chắc là bài diễn văn quan trọng nhất đầu tiên về chính sách đối nội và đối ngoại kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng Mười Một, 2012. Ông đã lợi dụng tối đa cơ hội, gây ngạc nhiên cho cử tọa của khoảng 2.300 đại biểu bằng cách đọc một bài diễn văn gần bốn tiếng đồng hồ.

Ông Giang Trach Dân, vị cựu lãnh tụ 91 tuổi, tuổi hạc đã cao, tuy rằng không cần phải dìu đi nhưng cũng phải có người đỡ mới đi đến ghế ngồi được, nhiều lần nhìn đồng hồ trong suốt bài diễn văn tràng giang đại hải này. Tờ South China Morning Post (mà hồi xưa còn được gọi là Bưu Điện Hoa Nam) đếm được 10 lần cụ xem đồng hồ vì sốt ruột quá. Nhưng trên Internet, những địa chỉ liên lạc xã hội chia sẻ hình ảnh từ các em học sinh đến các nhà sư ngồi nghiêm chỉnh khi họ xem chương trình duy nhất trên truyền hình nhà nước phát chỉ có bài diễn văn này.

Một post viết : "Nó làm tôi nhớ lại Big Brother trong 1984", nhắc lại đến những chương trình tuyên truyền được phát ra không nghỉ trong cuốn tiểu thuyết về một thế giới nghịch ảo tưởng của nhà văn George Orwell. Cũng xin nói thêm cuốn tiểu thuyết về một xã hội độc tài toàn trị kinh hồn này bán rất chạy ở Trung Quốc và có đến hai ba bản dịch mới. Cách đây năm năm, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đọc bài diễn văn trước đại hội đảng, bài diễn văn của ông coi ra khá ngắn chỉ có 90 phút.

Ông Tập cũng phải thêm, có nhiều tham vọng hơn ông Hồ và ông Giang. Trong khi hai vị tiền nhiệm của ông được đích thân lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chọn và do đó có liên hệ chặt chẽ với cố lãnh tụ đầy ảnh hưởng đó, ông Tập đã nói rõ là ông chờ đợi triều đại của ông đánh dấu sử khởi đầu của một thời đại mạnh tiến mới của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới này.

Ông Tập khẳng định : "Trung Quốc nay đứng thẳng và vững chãi ở phương Đông". Lời nói đó mang âm hưởng của tuyên bố vào tháng Chín, 1949 của ông Mao Trạch Đông, người anh hùng lãnh đạo cuộc cách mạng đưa đảng cộng sản lên nắm quyền, vốn tuyên bố : "Nhân dân Trung Hoa, gồm một phần tư nhân loại, nay đã đứng dậy".

Thông điệp đó được các đại biểu học nhập tâm và sau đó lập lại như những con vẹt trong các cuộc họp tổ. Ông Lưu Cần Kiệm, bí thư tỉnh ủy Sơn Tây, chẳng hạn đã nói : "Đảng chúng ta đang bước vào thời đại mới dưới sự lãnh đạo nòng cốt của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình".

Ông Tập thêm "chúng ta đã giải quyết nhiều vấn đề khó khăn vốn lâu nay nằm trong nghị trình như chưa bao giờ được giải quyết", hẳn là muốn nói đến 10 năm ông Hồ nắm quyền cho đến năm 2012. Nhiều viên chức Trung Quốc coi giai đoạn đó là "thập niên bỏ mất", có tham nhũng lan tràn, đã chào đón quyết tâm được tuyên bố của ông Tập để "thực hiện ước mơ của người Trung Quốc cho sự hồi sinh của quốc gia".

"Đại hội này là về chính trị và kiểm soát chính trị", nhà phân tích Jude Blanchette, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu The Conference Board, hiện đang sống ở Bắc Kinh, giải thích.

Lễ khai mạc của đại hội lần thứ 19 đảng cộng sản Trung Quốc hôm Thứ Tư thực sự là một sự mở đầu thiếu kịch tính cho một cuộc họp chính trị tối quan trọng. Khóa họp kết thúc vào ngày 24 tháng Mười tới đây sẽ công bố tân Ban Thường Vụ Quốc Hội của ông Tập, vốn là cơ quan quyền lực tối thượng của đảng và của đất nước.

Những hàng lãnh đạo mới sẽ cho chúng ta thấy quyền lực của chủ tịch nước đến mức nào trong những cuộc điều đình chính trị gay go, và sẽ cho biết những chỉ dấu là liệu ông sẽ có tiếp tục bám lấy quyền lực ngoài thời gian 10 năm mà nay đã thành thông lệ từ thời ông Đặng Tiểu Bình đến nay. Một trong những cố vấn của các lãnh tụ Trung Quốc khác bảo : "Ông Tập không có toàn quyền lựa chọn toán thứ nhì của ông. Nhưng ông có lẽ sẽ có đến mức tự do tối đa mà ông có thể có".

Ông Tập cũng được chờ đợi sẽ tìm cách sửa đổi điều lệ đảng để bao gồm "Tư tưởng Tập Cận Bình" hay là "chủ thuyết", một vinh dự mà cho đến nay mới chỉ dành cho ông Đặng Tiểu Bình và ông Mao Trạch Dân. Tiến sĩ Christopher Johnson của trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies ở Washington, DC thì nhận xét : "Nếu ông Tập đưa được tên ông vào điều lệ đảng thì có thể lúc đó không quan trọng lắm là ai vào được Thường vụ Bộ chính trị, bởi vì lúc đó, chống lại ông sẽ có nhiều nguy hiểm hơn".

Cũng như vào năm 2013, khi đảng đưa một khuôn mẫu cải tổ ngược đời, hôm thứ Tư, ông Tập nhấn mạnh đến sự quan trọng của các cơ chế thị trường và một khu vực quốc doanh hùng mạnh trong khi hứa hẹn với các công ty ngoại quốc một bầu không khí ngày càng mở cửa hơn và công bằng hơn.

Nhưng sự thất bại của chính quyền ông Tập trong việc thực hiện nhiều những cải tổ khó khăn về kinh tế và tài chánh hứa hẹn cách đây bốn năm, cùng với những việc ông liên tiếp nhắc nhở đảng là "nòng cốt của quốc gia", cho thấy những đòi hỏi chính trị thắng cải tổ kinh tế.

Giáo sư Tony Saich, chuyên gia về Trung Quốc của đại học Harvard University, giải thích : "Tôi không chờ đợi thay đổi kịch tính ở đại hội này. Có một cái đà giới hạn về những cải tổ quan yếu được đề ra năm 2013, mà phần lớn thất bại vì sự chống cự của những nhóm đặc quyền trong đảng".

Nhưng Giáo sư Saich cũng nhắc là những cuộc điều đình về mọi sự từ một hàng lãnh đạo mới đến thay đổi điều lệ đảng có lẽ đang còn tiếp tục. Và "mặc dầu có những chuẩn bị tỉ mỉ, nhiều chuyện có thể quyết định vào giây phút chót".

Lê Phan

Published in Châu Á

Sài Gòn phạt hàng loạt phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (Người Việt, 20/10/2017)

Sở Y Tế ở Sài Gòn vừa công bố 28 phòng khám bị xử phạt hàng trăm triệu đồng do "vi phạm hoạt động", trong đó nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề.

vn1

Phòng khám Đa Khoa Nguyễn Trãi - một trong các cơ sở khám chữa bệnh bị xử phạt. (Hình : Báo Lao Động)

Trong đó, năm phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc và một phòng khám có bác sĩ người Nam Hàn hoạt động với tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng (khoảng 13.205 USD). Phòng khám bị phạt nhiều nhất là công ty Đầu Tư Y Tế Quốc Tế Đông Á, ở quận 10, bị phạt 128 triệu đồng (khoảng 5.634 USD) và thấp nhất là công ty Dịch Vụ Y Tế Nguyễn Trãi, quận 1 bị phạt 700.000 đồng (khoảng 31 USD).

Theo báo Người Lao Động, các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc vi phạm các lỗi : "Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn ; thu giá dịch vụ cao hơn giá đã niêm yết ; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực…".

Riêng phòng khám có bác sĩ Nam Hàn là Phòng Khám Đa Khoa Lians MMC, ở quận 7, bị phạt gần 60 triệu đồng (khoảng 2.641 USD) với năm tội : "Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực ; không lập sổ khám bệnh ; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ ; không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng cơ số thuốc cấp cứu ; người nước ngoài trực tiếp khám, chữa bệnh bằng ngôn ngữ Nam Hàn không phải là tiếng Việt mà chưa được phép. Nhà thuốc tại phòng khám này bị phạt do mua thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ…".

Việc xử phạt trên bắt nguồn từ những đơn thư tố cáo về tình trạng nhiều bệnh nhân vào các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc khám, chữa bệnh và sau đó "bỏ của chạy lấy người" vì bị làm tiền vẫn diễn ra âm ỉ từ lâu. Chưa kể, người bệnh bị các phòng khám Trung Quốc vẽ bệnh "giam lỏng" yêu cầu người nhà mang tới đóng cả vài chục triệu đồng mới "thả người".

Do bị các bệnh nhạy cảm ở bộ phận sinh dục nên nhiều người bệnh cả nam và nữ đa số là giới trẻ, ngại ngùng âm thầm vào khám. Nhưng đến khi biết bị thu giá "cắt cổ" khác xa với giá niêm yết… thì không biết kêu ai can thiệp.

Ngoài ra, có hai phòng khám nằm trong danh sách bị thành phố này phạt nặng là phòng khám của ông Trịnh Công Phi Huấn, quận Tân Bình, bị phạt 95 triệu đồng (khoảng 4.182 USD) vì tội "khám, chữa bệnh không có giấy phép ; hành nghề không có bằng chuyên môn".

Tương tự, phòng khám Nha Khoa Ánh Linh, quận Tân Bình, bị phạt 85 triệu đồng (khoảng 3.741 USD) do "khám, chữa bệnh không có giấy phép ; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề…" (Tr.N)

******************

Nhiều tấn cá đông lạnh hôi thối nhập lậu bị bắt ở Quảng Ninh (Người Việt, 20/10/2017)

Chỉ trong ba ngày, công an huyện Tiên Yên bắt hơn ba tấn cá đông lạnh hôi thối nghi nhập lậu từ Trung Quốc đang được đưa đi tiêu thụ.

vn2

Ba tấn cá đông lạnh bốc mùi bị Công An huyện Tiên Yên bắt giữ khi đang được vận chuyển về các chợ đầu mối tiêu thụ. (Hình : Báo Lao Động)

Theo báo Lao Động, khuya 19 tháng Mười, trên tuyến quốc lộ 18A, đoạn qua xã Đông Ngũ, Công An huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, bắt giữ một xe tải mang bảng số tỉnh Hải Dương do ông Lê Văn Khải (41 tuổi, ở thành phố Hạ Long) lái chạy từ hướng Móng Cái về Hạ Long.

Kiểm tra xe tải, công an thấy nhiều thùng xốp chứa các loại cá vàng ánh, cá đối, cá sủ… tuy được đông lạnh nhưng bốc mùi hôi thối. Tổng số lượng cá được kiểm đếm là trên 2.700 kg. Tất cả số cá trên đều không có giấy tờ kiểm định, chứng minh nguồn gốc xuất xứ nghi được nhập lậu từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Tại trụ sở công an, ông Khải cho biết mình chở thuê số cá trên cho một thương lái không quen biết ở cửa khẩu Móng Cái để về giao bán cho các chợ đầu mối trong tỉnh Quảng Ninh. Công An huyện Tiên Yên đã tiến hành xử phạt và tiêu hủy số cá trên.

Trước đó, ngày 18 tháng Mười, lực lượng Quản Lý Thị Trường tỉnh này cũng bắt giữ 900 kg cá chim nước ngọt nhập lậu từ Trung Quốc bốc mùi hôi thối và cho tiêu hủy ngay sau đó. (Tr.N)

*********************

Dân Hải Phòng bất an với ‘núi’ lưu huỳnh hơn 30.000 tấn (Người Việt, 17/10/2017)

Hơn 30.000 tấn lưu huỳnh đang chất thành "núi" lộ thiên tại cảng Hoàng Diệu, thành phố Hải Phòng, chờ xuất sang Trung Quốc, có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, làm người dân lo sợ.

vn3

Mặc dù có biển cấm qua lại, tuy nhiên do không có lực lượng trông coi nên người dân có thể tự do qua lại khu vực tập kết lưu huỳnh tại cảng Hoàng Diệu. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Gần một tháng nay, người dân gần khu vực cảng Hoàng Diệu rất lo lắng khi hóa chất lưu huỳnh đang được chất thành "núi" ngay giữa cầu cảng. Hằng ngày, bất kể mưa hay nắng, công nhân cảng và những gia đình ở gần khu vực phải hứng chịu mùi hôi thối rất khó chịu phát ra từ đây.

Bà Phạm Thị Hải (53 tuổi, ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) cho biết cả tháng nay, gia đình bà phải sống với mùi hôi thối của "núi" lưu huỳnh này, chịu hết xiết, nên lúc nào nhà cũng phải đóng chặt cửa.

Nói với báo Người Lao Động, ông Trần Lưu Phương, phó giám đốc cảng Hoàng Diệu, cho biết số lưu huỳnh này là của công ty Traco, Hải Phòng, nhập về để xuất sang Trung Quốc bị ứ đọng tại cảng từ tháng Chín, 2017. Trước đây, hàng nhập về được bốc từ tàu biển lên thẳng xe lửa chở đi nên không có tồn đọng tại cảng. Tuy nhiên lần này do phía đối tác Trung Quốc chững lại không nhập cảng nữa.

Ông Phương khẳng định, lưu huỳnh rời là loại hàng nguy hiểm, dễ cháy nổ. Khi cháy, lưu huỳnh phát sinh khí SO2, nếu nhiệt độ đám cháy lên đến 600 độ C sẽ phát sinh cả khí SO3 – đặc biệt nguy hại đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, sáng 16 Tháng Mười, tại khu vực cảng Hoàng Diệu ba "núi" lưu huỳnh khổng lồ có màu vàng chanh, trải rộng và chỉ cách cầu cảng chừng hơn chục mét, bốc mùi hăng nồng nặc, nhưng chỉ được gia cố tạm bợ bằng các tấm bêtông, bao chứa lưu huỳnh sơ sài và không hề có lực lượng canh gác tại khu vực này.

Ông Phương thừa nhận, đơn vị chưa có đánh giá tác động môi trường đối với mặt hàng này. Việc không có kho bãi thông thoáng chứa lưu huỳnh cũng như để phơi ngoài trời là chưa bảo đảm đúng quy định về an toàn.

Chiều 16 tháng Mười, nói với báo Người Lao Động, một lãnh đạo Phòng Cảnh Sát Môi Trường, Công An Hải Phòng cho biết : "Ngay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã yêu cầu cảng Hoàng Diệu có biện pháp an toàn, không để lưu huỳnh tràn ra môi trường và phải di dời số hàng này ra khỏi địa bàn trong thời gian sớm nhất". (Tr.N)

Published in Việt Nam

Các công ty của Trung Quốc đang lặng lẽ thâu tóm các công ty của Việt Nam theo hình thức mua cổ phần. Theo các báo Đất Việt và Dân Trí.

thautom0

Bản đồ hiện diện của Trung Quốc trên khắp lành thổ Việt Nam

Từ mấy năm qua, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có tin tức liên quan đến vấn đề này cũng như chuyện người Trung Quốc đổ tiền ra mua bất động sản tại Việt Nam từ những dự án xây dựng lớn đến những vụ mua đất, mua nhà nhỏ lẻ núp tên người khác.

Các nguồn tin kể trên dựa theo các tài liệu thống kê của Cục Đầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư của chính phủ CSVN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, "Trung Quốc vẫn lọt vào top 4 các nhà đầu tư vào Việt Nam với con số 1,7 tỷ USD. Trung Quốc đã đầu tư vào 195 dự án mới ở Việt Nam với số vốn trung bình mỗi dự án vào khoảng 133 tỷ USD".

Tuy nhiên, nếu xét về các dự án góp vốn, mua cổ phần (phần lớn là đăng ký mua lại, thâu tóm doanh nghiệp Việt) thì Trung Quốc lại đứng ở vị trí thứ 2 với hơn 593 dự án. Còn số vốn mà công ty Trung Quốc đứng ra mua lại các công ty Việt thì rất thấp, chỉ khoảng 280 triệu USD. Tính trung bình, mỗi dự án hay doanh nghiệp Việt do Trung Quốc mua lại, mua cổ phần có giá trị khoảng 472.000 USD, theo tờ Đất Việt thuật lại.

Đó là chỉ tính riêng một mình các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục. Theo tờ Đất Việt, nếu tính cả lãnh thổ Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) thì vốn thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam lên tới 612 triệu USD, vượt qua Hàn Quốc, đứng vị trí số 1 về mua bán, thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam.

"Con số này chiếm 15% tổng số vốn mua bán và sáp nhập ở Việt Nam 9 tháng qua (4,1 tỷ USD). Số dự án mà Trung Quốc mua cổ phần hiện chiếm gần 1/3 tổng số dự án góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam trong 9 tháng qua (hơn 3.700 dự án). Có thể so sánh ngay được rằng, Trung Quốc đang tập trung vào việc mua lại các dự án bị thâu tóm, dự án cổ phần hóa lên sàn, dự án có vốn đầu tư nước ngoài… hơn là đầu tư trực tiếp vào Việt Nam", tờ Đất Việt nhận xét.

Sự khôn ngoan của người Trung Quốc là "số vốn đầu tư mua lại các dự án Việt Nam cũng thấp chứng tỏ các doanh nghiệp được Trung Quốc chú ý nhắm tới là doanh nghiệp nhỏ, việc thâu tóm, mua lại cũng không gây sự chú ý".

Tháng trước, báo điện tử Zing cho hay từ Tháng Tư 2017, hàng loạt các dự án thuộc các tỉnh thành khu vực Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, được các chủ đầu tư chuyển nhượng, hoặc đánh tiếng liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong số đó, đáng chú ý nhất phải kể tới siêu dự án Casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD.

Giữa Tháng Năm 2017, tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư cho hay, một số công ty Trung Quốc ở cả Hồng Kông và Hoa Lục đã đổ tiền thâu tóm một số dự án xây dựng ở Sài Gòn, Biên Hòa và tại một số tỉnh thảnh khác.

Người ta từng thấy báo chí tại Việt Nam đưa tin người Trung Quốc đổ tiền lâp các dự án khu nghỉ dưỡng tại những địa điểm nhạy cảm dòm ngó cảng quân sự hay gần phi trường quân sự ở Đà Nẵng. Cũng không thiếu các vụ người Trung Quốc mua chui những miếng đất nho nhỏ và xây những căn nhà cao tầng tại một số địa phương.

Trước sự xâm lăng không tiếng súng nhưng "cuồn cuộn" diễn ra hàng ngày, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, từng phát biểu sự lo ngại về số lượng người Trung Quốc đang có mặt tại nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh rằng : "Mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi".

Báo chí tại Việt Nam ồn lên vài ngày rồi sau đó lại rơi vào yên lặng về những dấu hiệu không thuận lợi cho Việt Nam đến từ Trung Quốc từ kinh tế đến chủ quyền lãnh thổ. (TN)

Published in Việt Nam

Harvey Weinstein, 65 tuổi, là một "đại gia" ở Beverly Hill Hollywood và Manhattan, New York, nhà sản xuất và giám đốc hãng phim The Weinstein Company, đồng sáng lập viên Miramax. Nhiều phim do hãng này sản xuất rất nổi tiếng như bộ phim "Shakespeare in Love" năm 1998 đã đoạt 7 giải Oscar. Nhưng đàng sau những thành tựu ấy, từ lâu ở Hollywood vẫn tồn tại một thứ văn hóa không đẹp về tiền bạc và phụ nữ.

holly1

Harvey Weinstein, giám đốc hãng phim The Weinstein Company. (Hình : Getty Images)

Tháng Mười năm 2017, tiếp sau một loạt những cáo giác của các phụ nữ về hành động sách nhiễu tình dục qua nhiều thập niên, Weinstein bị hội đồng quản trị The Weinstein Company quyết định loại khỏi công ty hôm 8 tháng Mười 2017.

Hành động sai quấy ấy cho đến nay mới ra ánh sáng vì trong một thời gian dài các giới trong kỹ nghệ giải trí và truyền thông đã được hưởng lợi từ Weinstein. Qua hơn 30 năm ông ta có tài năng dựng ra những ngôi sao, tạo nên nghề nghiệp, đem lại tiền bạc cho nhiều người.

Kim Masters, một chủ bút của tạp chí điện ảnh The Hollywood Reporter nói rằng : "Thực tế bất hạnh của Hollywood là nếu những ai đó có tiền thì không khó tìm được người muốn làm việc với họ".

Bà cho biết Weinstein được coi như người có bàn tay vàng tạo nên những bộ phim ăn khách. Bà Masters đã theo dõi những chuyện về ông Weinstein từ nhiều năm và một lần gần tới đích nhưng rồi cuối cùng bị dội lại bởi sự sợ hãi. Bà nói : "Đến phút chót, nguồn tin rút lui".

Bà Masters cho rằng bây giờ thời thế thay đổi, sau khi nhiều phụ nữ đã mạnh dạn lên tiếng để đánh đổ vị trí lâu năm của danh hài Bill Cosby mấy năm trước cũng như bình luận gia chính trị Bill O"Reilly mà Fox News buộc phải loại hồi tháng Tư sau 20 năm cộng tác với hệ thống truyền hình này. Bà cũng hy vọng Weinstein đã đến thời kỳ mạt vận vì không còn khả năng gặt hái thành công như trước nữa.

Biết rằng tờ New York Times cũng như tờ New Yorker sắp đưa ra bài viết về mình, ông Weinstein đã tập hợp một toán chuyên viên giải quyết những tình huống phức tạp và các luật sư thượng thặng để chuẩn bị đối phó. Nhưng như bà Masters đã nhận xét, thời vận của Weinstein đã hết, ông ta không thể đương đầu với hàng loạt cáo buộc cùng lúc. Một sự thật đáng hổ thẹn là sách nhiễu tình dục đã thành truyền thống ở Holywood với những phụ nữ muốn bước vào kỹ nghệ phim ảnh.

Bài báo trên tờ New York Times nói rằng từ nhiều thập niên để ém nhẹm vụ việc Harvey Weinstein vẫn trả tiền cho những kẻ cáo buộc ông sách nhiễu tình dục. Cuộc điều tra của tờ báo căn cứ vào phỏng vấn các nhân viên, cựu nhân viên làm việc cho Miramax và Weinstein Company cũng như theo hồ sơ pháp lý cùng các tài liệu khác.

Hai thập niên trước, nhà sản xuất Harvey Weinstein mời nữ diễn viên Ashley Judd lúc đó chưa đến 30 tuổi tới khách sạn Peninsula Beverly Hills ăn sáng nói chuyện về công việc. Rồi ông ta đưa cô lên phòng và gạ gẫm tình dục. Sau này Judd kể lại rằng lúc đó "chỉ nghĩ đến cách làm sao ra khỏi phòng nhanh nhất mà không làm cho ông ta giận". Đến nay Ashley Judd, 49 tuổi, vẫn còn là một diễn viên điện ảnh nhưng càng ngày càng chú trọng vào các công tác cứu trợ quốc tế và hoạt động chính trị phía đảng Dân Chủ.

holly2

Nữ diễn viên Ashley Judd từng bị Harvey Weinstein "gạ tình" hồi bà ở tuổi 30. (Hình : Getty Images)

Hành động của Harvey Weinstein với Judd diễn lại bằng cùng kiểu cách và địa điểm với Emily Nestor, nữ nhân viên mới tạm được nhận vào Weinstein Company hồi năm 2014. Rất nhiều phụ nữ khác đến tìm việc làm với Weinstein ở Hollywood, TriBeCa hay London cũng đi vào hoàn cảnh tương tự như thế. Lauren O"Connor, một nữ nhân viên, viết thư gởi cho các giám đốc Weinstein Company phàn nàn rằng "Có một môi trường độc hại cho phụ nữ ở công ty này".

Tờ New York Times nói là những tố cáo Weinstein đã kéo dài gần ba thập niên không được tiết lộ. Trong khi đó bằng nhiều phương cách khác nhau, ông Weinstein có thể đánh lạc hướng chú ý của dư luận.

Năm 2015, Weinstein Company phát hành cuốn phim tài liệu "The Hunting Ground" nói về những vụ tấn công tình dục ở các trường đại học. Cũng từ lâu, Harvey Weinstein là một tài phiệt đóng góp tiền bạc cho đảng Dân Chủ và năm ngoái đã tổ chức tại tư gia ở Mahnhattan một buổi tiệc gây quỹ tranh cử cho bà Hillary Clinton. Năm nay Weinstein Company nhận Malia Obama, con gái lớn của cựu Tổng thống Obama vào làm nhân viên tập sự. Trong đại hội điện ảnh Sundane Festival ở Utah hồi tháng Giêng 2017, khi thành phố Park City tổ chức cuộc diễn hành phụ nữ cùng với toàn quốc, ông Weinstein đã tham gia trong cuộc diễn hành.

Mark Gill, cựu chủ tịch Miramax Los Angeles khi công ty này thuộc The Walt Disney Company, nói về đối xử của Winstein với phụ nữ : "Bề ngoài là hoàng kim, với Oscars, thành công và tác động văn hóa, nhưng bên trong hoàn toàn là những chuyện hỗn độn". Hàng chục nhân viên và cựu nhân viên mọi cấp biết những vụ sai trái ấy nhưng chỉ có rất ít người nói ra.

Ông Weinstein đòi hỏi một quy chế im lặng. Các nhân viên phải ký hợp đồng không phê phán cấp lãnh đạo hay người khác có thể làm giảm uy tín kinh doanh của công ty và nhân sự. Hầu hết phụ nữ chấp nhận điều khoản bí mật không được phép tiết lộ tiền bồi thường và nội dung của việc ấy.

Ở Fox News, khi các nhân vật bảo thủ tiêu biểu Roger E. Ailes và Bill O"Reilly bị tố giác sách nhiễu tình dục, các phụ nữ liên hệ được thương lượng bồi thường tới bạc triệu, nhưng ở Weinstein thỏa thuận như thế chỉ trong khoảng $80,000 đến $150,000.

Hầu hết các phụ nữ nạn nhân nói với tờ New York Times rằng họ chưa bao giờ gặp nhau. Những người này trong lứa tuổi 20 đến cuối 40 sống ở những thành phố khác nhau và không kể lại chuyện của mình vì không có ai làm nhân chứng, đồng thời lo ngại sự trả thù của ông Weinstein. Một số khác bằng lòng sự trao đổi lấy danh vọng, lợi ích tiền bạc cùng những ưu đãi và nếu không chấp nhận thì có các luật sư sẵn sàng đề nghị thương lượng.

Ngay cả Lauren O"Connor, nữ nhân viên đã phàn nàn "công ty này là một môi trường độc hại cho phụ nữ" và "ở đây cán cân quyền lực là tôi 0, Weinstein 10", cuối cùng cũng đã đồng ý thương lượng và do đó không thể có việc điều tra nào hơn nữa. Bà này sau đó viết một lá thư gởi Harvey Weinstein bày tỏ lời cảm ơn "đã cho cơ hội để học hỏi về kỹ nghệ giải trí". 

Hà Tường Cát

Published in Quốc tế

Dân Hóc Môn sống chung với mùi của hàng ngàn xác heo đang phân hủy (Người Việt, 07/10/2017)

Cùng với việc tiêu hủy hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần tại nhà máy chế biến rác thải nguy hại ở khu Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, thì người dân sống xung quanh nhà máy này phải mất ăn mất ngủ vì mùi xác heo chết đang phân hủy.

heo1

Nhân viên bãi rác Đông Thạnh phun thuốc khử trùng heo chết. Công nhân phải đeo đồ bảo hộ, mặt nạ để phòng độc trong quá trình vận chuyển heo chết vào lò đốt. (Hình : Báo Người Lao Động)

Sáng 6 Tháng Mười, hàng chục nhà dân ở đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Sài Gòn, bực tức vì mùi hôi nồng nặc từ hướng nhà máy chế biến rác thải nguy hại khu vực bãi rác Đông Thạnh cũ, kể từ khi nơi này tiếp nhận và tiêu hủy 3,750 con heo bị tiêm thuốc an thần.

Mùi hôi cũng theo hướng gió lan qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, khiến người dân mất ăn mất ngủ, theo báo Người Lao Động.

Bà Võ Thị Tuyết Hồng, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, cho biết mùi hôi bắt đầu phát sinh từ ngày 4 Tháng Mười. Ban đầu bà tưởng là mùi chuột chết nên tìm trong nhà nhưng không thấy. Khi hỏi các nhà bên cạnh thì mọi người đều cho biết ngửi thấy mùi thối rất khó chịu. Sau đó, mọi người mới biết mùi hôi trên xuất phát từ khu vực bãi rác Đông Thạnh.

"Mỗi lần mùi hôi xuất hiện kéo dài khoảng 2-3 giờ. Không chỉ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, mà ngay cả xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, người dân cũng ngửi thấy mùi khó chịu này. Đặc biệt, khi trời mưa, mùi hôi khiến nhiều người mắc ói, mọi người rất lo sợ để lâu sẽ nguy hiểm đến sức khỏe", bà nói.

Còn bà Trần Thị Mai, ngụ đường Hà Duy Phiên, xã Bình Mỹ, lo lắng nói : "Tôi xem trên báo đài, nhà máy nói phải mất nửa tháng nữa mới tiêu hủy xong số heo tiêm thuốc an thần. Như vậy, chúng tôi phải chịu mùi hôi đến hết thời gian đó hay sao".

Nói với báo Người Lao Động, ông Cao Văn Tuấn, trưởng Phòng Kiểm Tra Chất Lượng, Công Ty Môi Trường Đô Thị Sài Gòn, thừa nhận dù đã xịt hóa chất khử mùi nhưng mùi hôi vẫn xuất hiện khi đưa xác heo vào bao nylon trước lúc khử trùng và cấp đông.

"Những ngày sau đó, lượng heo chuyển về nhà máy đang trong quá trình phân hủy nên mùi hôi nặng hơn", ông nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, do công suất nhà máy chế biến hiện nay chỉ thiêu được 180 đến 250 con heo/ngày nên phải mất 10 đến 12 ngày nữa mới tiêu hủy hết. (Tr.N)

********************

Rừng thông ở Huế ‘biến mất’ giữa ban ngày (Người Việt, 07/10/2017)

Khu rừng thông đặc dụng với hơn 250 cây trên 30 tuổi ở giữa thành phố Huế bị chặt hạ trái phép, tẩu tán trong nhiều ngày liền nhưng hơn 10 ngày sau chính quyền mới phát hiện.

heo2

Những cây thông trên 30 năm tuổi đã bị đốn hạ giữa ban ngày. (Hình : Báo Người Lao Động)

Sáng 7 Tháng Mười, nói với báo Người Lao Động, ông Lê Viết Ngọc Vinh, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết nơi này đang điều tra làm rõ vụ phá rừng thông đặc dụng trái phép với diện tích hơn 2,800 mét vuông xảy ra tại phường An Tây, thành phố Huế.

Trước đó, vào cuối Tháng Tám, qua kiểm tra việc giữ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp ở phường An Tây, đoàn kiểm tra liên ngành Huế "tá hỏa" khi phát hiện rừng thông đặc dụng nêu trên bị chặt hạ đến 254 cây qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có 170 gốc "dấu vết còn khá mới".

Đây là khu rừng thông đặc dụng được trồng khoảng từ năm 1986 đến 1989, có đường kính từ 20 đến 25 cm và do ủy ban phường An Tây quản trị.

Theo đoàn kiểm tra, vào thời điểm phát hiện rừng bị chặt, tại hiện trường chỉ thấy có gốc và nhánh lá cây còn thân cây đã bị di chuyển đi hết. Vì vậy, đoàn kiểm tra nhận định rừng đã bị chặt trước đó từ 10 đến 15 ngày.

Có mặt tại hiện trường vụ phá rừng thông đặc dụng, ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động cho thấy đây là khu vực rừng không nằm xa khu dân cư, xung quanh khu vực này có nhiều nhà dân và chùa chiền.

Tại đây, một diện tích rừng bị phá trụi không còn một cây xanh, chỉ còn nhiều gốc cây thông nằm san sát trên mặt đất. Quanh đó, nhiều cành, lá thông đã khô, khiến khu vực đồi cao này trở nên trống trải hơn.

Một số hộ dân tại đây cho biết, việc chặt hạ khu rừng thông này kéo dài gần một tuần lễ, diễn ra giữa ban ngày, gỗ thông cũng được chở đi công khai nhưng chẳng thấy ai ngăn chận.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Phương Mai, chủ tịch phường An Tây, cho rằng nguyên nhân vụ việc phát hiện chậm là do diện tích đất tự nhiên rộng, lực lượng quản lý đô thị chỉ hai người nhưng lại nhiều việc. Vụ phá rừng diễn ra phức tạp, thực hiện vào ban đêm và các ngày nghỉ, xa khu dân cư, khuất tầm nhìn và ít người qua lại…

"Người dân họ thấy nhưng cứ nghĩ do chính quyền khai thác nên không trình báo. Trong khi cán bộ của chúng tôi lại mỏng nên không thể nắm hết. Chúng tôi cho rằng đây là vụ phá rừng để lấn chiếm đất trồng cây", bà phân trần.

Dù sự việc đã xảy ra gần hai tháng qua, nhiều người chứng kiến nhưng đến nay, theo lãnh đạo phường An Tây thì "vẫn chưa tìm ra thủ phạm". (Tr.N)

Published in Việt Nam

Cùng giữ chức bí thư ở tuổi 39 như ông Nguyễn Xuân Anh – cựu bí thư Thành ủy Đà Nẵng vừa "ngã ngựa", dư luận đang dấy lên những đồn đoán về nhân vật tiếp theo sẽ bị mất chức bí thư là ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của cựu Thủ tTướng Nguyễn Tấn Dũng.

.

Ông Nguyễn Thanh Nghị (Hình : Báo điện tử Zing)

Ông Nghị, 41 tuổi, từng đảm nhiệm các vị trí phó hiệu trưởng trường Đại Học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

Tin gần đây nhất mà báo chí trong nước đăng về ông này là bản tin "Bí Thư Nguyễn Thanh Nghị nói về việc Kiên Giang mượn xe biển xanh" do báo điện tử VietnamNet đăng hồi Tháng Mười Một, 2016.

Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách "Bên Thắng Cuộc" và là người am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam, bình luận : "Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Xuân Anh tạm chấm dứt ở đây. Phần lớn các sai lầm chính trị có bóng dáng đàn bà và trong trường hợp này, không biết 200 phu nhân hiện thời có rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học về ‘thái hậu’ Trần Thị Thủy (mẹ của ông Xuân Anh). Sở dĩ Xuân Anh, Thanh Nghị lọt vào trung ương khóa XI (dự khuyết) cũng có nguyên nhân sâu xa từ… bà Thủy".

"Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng nên làm rõ, những bàn tay nào đã giúp Nghị, một người bị đại hội đại biểu đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh loại ra khỏi danh sách đại biểu đi dự Đại Hội XI, lại có thể được đại hội ấy bầu làm ủy viên dự khuyết", ông viết thêm.

Tháng trước, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, đưa nhận định trên mạng xã hội : "Sau này, lịch sử sẽ bạch hóa những chuyện mờ ám, xấu xa trong đời sống chính trị xứ ta. Khi chỉ có một lực lượng chính trị nắm quyền lãnh đạo thì nó còn giấu, giấu được tới đâu hay tới đó, theo nguyên tắc ‘đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại’. Nhưng dưới gầm trời chả có gì giấu mãi được. Một trong những điều ấy là vụ chia chác, ăn chia, bắt tay với nhau, liên minh ma quỷ, ngã giá thỏa thuận quyền lợi cá nhân, gia đình, dòng họ hồi trước Đại Hội Đảng lần thứ XI hồi năm 2011".

"Nổi rõ nhất là việc phải thu xếp cho các thái tử, công tử vào ghế trung ương, gồm Nông Quốc Tuấn – con ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Thanh Nghị – con ông Nguyễn Tấn Dũng, và ông Nguyễn Xuân Anh – con ông Nguyễn Văn Chi. Liên minh ma quỷ đã công khai sự trắng trợn ăn chia sau khi ngã giá được với nhau. Và trong vụ này, ông Nguyễn Phú Trọng chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm khi ông biết mình sẽ nắm chắc chức tổng bí thư. Bây giờ ông có dọn dẹp, đốt lò mấy đi chăng nữa thì cũng chỉ là dọn những thứ rác mà chính ông đã góp phần tạo ra", theo Facebook của ông.

Nhà văn Trần Quốc Quân từ Ba Lan điểm qua một loạt cuộc đua gieo "hạt giống đỏ" trên chính trường Việt Nam thời gian qua và bình luận : "Qua các vụ lùm sùm ‘con ông cháu cha’ mới thấy, phàm là người nào không nỗ lực tự thân phấn đấu mà được đặt vào vị trí lãnh đạo vênh với khả năng đều gây ra những chuyện nhố nhăng, hại dân hại nước". (T.K)

Published in Việt Nam