Hàng ngàn người Việt ở Mỹ đang có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, trong số này có cả những người đã tới Mỹ trước ngày 12/07/1995, tức ngày Mỹ và Việt Nam chính thức bang giao với nhau.
Chính quyền của Trump đã tự ý thay đổi điều khoản căn bản của hiệp ước ký năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam, theo đó họ có thể bị trục xuất về Việt Nam, không hề được miễn trừ, cho dù đã ở Mỹ vài chục năm, có quốc tịch hay không.
Theo một hiệp ước thỏa thuận giữa chính phủ 2 nước vào năm 2008, Việt Nam sẽ phải đón nhận tất cả những người bị Mỹ giao trả do vi phạm những tội hình sự, bị kết án, ngoại trừ những người đến Mỹ trước ngày 12/07/1995 .
Thỏa thuận này vừa bị nội các của ông Trump đơn phương diễn giải theo ý họ trong một thông báo mới đây. Chính quyền của Trump đã tự ý thay đổi điều khoản căn bản của hiệp ước ký năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam là người Việt Nam nhập cư vào Mỹ trước 12/07/1995 – ngày có bang giao chính thức Mỹ-Việt - không bị chế tài theo luật di dân như các thành phần khác. Điều đó có nghĩa là theo luật mới, họ có thể bị trục xuất về Việt Nam, không hề được miễn trừ, cho dù đã ở Mỹ vài chục năm, có quốc tịch hay không.
Tháng 8 năm nay, nội các của ông Donald Trump đã nêu vấn đề này ra nhưng sau đó rút lại, nay có lẽ theo ý muốn của ông Trump, đã đến lúc họ tìm cách thi hành lệnh trục xuất không cần căn cứ vào sự thỏa thuận vào đầu năm 2017 hoặc hiệp ước năm 2008.
James Thrower, phát ngôn viên của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết, việc trục xuất những người Việt Nam là di dân bất hợp pháp hay phạm tội hình sự ở Mỹ sẽ không có ngoại lệ, ngay cả khi họ đã có quốc tịch.
Như vậy những người đã phạm tội hình sự, nặng hoặc nhẹ, qua Mỹ trước khi hai nước có bang giao chính thức vẫn bị trục xuất như tất cả những người khác, không phân biệt tình trạng cư trú hoặc quốc tịch. Hiệp ước ký kết năm 2008 sẽ không còn bảo vệ cho họ nữa.
Chính sách di dân khắc nghiệt và những sắc luật kỳ thị của Donald Trump đã bị lên án khắp nơi. Tại California, nơi có đông người Việt cư ngụ nhất, nhiều dân biểu, liên bang cũng như tiểu bang đã lên tiếng phản đối kế hoạch đàm phán lại giữa Mỹ và Việt Nam về việc trục xuất có mục đích thay đổi điều khoản căn bản của hiệp ước năm 2008.
Ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014 đến 2017 đã từ chức năm ngoái khi chính quyền Trump gây sức ép, yêu cầu ông phải thúc đẩy chế độ cộng sản Việt Nam nhận lại 8.000 người mà Mỹ muốn trục xuất, đa số trong họ là những thuyền nhân chạy trốn chế độ cộng sản trước ngày 12/07/1995.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, chính sách di dân chỉ có mục đích trục xuất những người phạm tội đại hình như giết người, cướp của, hiếp dâm... hay có biểu hiện nguy hiểm cho an ninh quốc gia thì dưới thời Donald Trump, chính sách này được diễn giải theo chiều hướng cực kỳ bất lợi cho di dân kể cả người Việt Nam. Một tội tiểu hình như lái xe khi say rượu, ấu đã, hành hung người khác... cũng có thể bị ghép tội và trục xuất cho dù đã có giấy phép thường trú (Greencard) hay đã nhập tịch Mỹ.
Trong lúc một số dân biểu liên bang như Lou Correa, Alan Lowenthal, dân biểu tiểu bang Tom Umberg… lên tiếng phản đối dự tính thay đổi hiệp ước trục xuất người Việt được ký vào năm 2.008 thì một số người Việt cuồng Trump lại lôi những bài báo cũ của Lou Dobbs do Fox News phổ biến, phê phán, chỉ trích và vu khống người Mễ nhập cư phát tán rộng rãi trên email và mạng xã hội.
Nếu cuộc đàm phán nhằm thay đổi điều lệ căn bản của hiệp ước năm 2008 giữa chính quyền Trump với chế độ cộng sản Việt Nam thành công, tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ đều có nguy cơ có thể bị trục xuất nếu đã từng vi phạm một lỗi lầm nhỏ trong quá khứ như khai man tuổi tác khi đến Mỹ, lái xe khi say rượu (dù chưa gây ra tai nạn)…
Một chiến dịch thu thập chữ ký đã được phát độngđể phản đối việc xóa bỏ điều lệ căn bản - nhằm bảo vệ những người Việt Nam đến Mỹ trước 12/07/1995 - của hiệp ước về trục xuất người Việt Nam được ký kết năm 2008.
Thạch Đạt Lang
(15/12/2018)
Bà Mạch Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chánh (CFO) của công ty Huawei Trung Quốc bị bắt ở Vancouver, Canada vào ngày 01/12/2018, cùng ngày với cuộc gặp gỡ bên lề của ông Donald Trump và Tập Cận Bình ở hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires. Tin tức được giữ kín đến mấy ngày sau, báo chí và truyền thông mới loan tin.
Bà Mạch Vãn Châu, giám đốc tài chánh của công ty Huawei Trung Quốc bị bắt ở Vancouver, Canada vào ngày 01/12/2018 - Ảnh Huawei (AsiaTimes)
Huawei là một trong những công ty viễn thông, sản xuất điện thoại thông minh, các link kiện điện tử lớn nhất thế giới. Mạch Vãn Châu bị bắt vì bị nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, công ty Huawei mà bà là giám đốc tài chánh đã bán những linh kiện điện tử và nhiều món hàng khác cho Iran. Việc bắt giữ Meng Wanzhou khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, chỉ số Dow Jones mất 550 điểm hay 2,21% vào cuối ngày 07/12/2018.
Huawei là một công ty phát triển, sản xuất điện thoại, xây dựng hạ tầng, máy móc viễn thông lớn nhất của Trung Quốc nhưng không có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điều này đặt ra câu hỏi về nguồn vốn tài trợ của Huawei, từ đâu mà có, nếu không phải từ chính phủ Trung Quốc ?
Từ nhiều năm qua, Huawei đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh, tình báo, phản gián quốc tế giống như ZTE. Nhiều nước đã hủy bỏ những hợp đồng xây dựng hạ tầng viễn thông với Huawei như Anh, Ấn Độ, Mỹ, Canada... và một số nước Phi Châu.
Hoa Vi bị nghi ngờ cài đặt bộ phận gián điệp để theo dõi và sao chép những dữ kiện cá nhân của người sử dụng cho Trung Quốc
Mỹ đang yêu cầu Canada cho dẫn độ Mạch Vãn Châu về Mỹ để xét xử trong lúc tòa đại sứ Trung Quốc mạnh mẽ lên án chính phủ Canada và Mỹ việc bắt giữ bà Mạch, đồng thời yêu cầu Canada trả tự do cho bà Mạch ngay tức khắc vì bà không làm gì sai trái.
Bản tuyên bố của tòa đại sứ Trung Quốc cũng nói thêm rằng họ sẽ áp dụng mọi biện pháp để kiên quyết bảo vệ quyền hạn và lợi ích công dân của họ.
Nhiều nhà bình luận của truyền thông, báo chí Mỹ cho rằng việc bắt giữ bà Mạch sẽ làm căng thẳng trở lại cuộc chiến thương mại vừa được Donald Trump và Tập Cận Bình thỏa thuận hạ nhiệt, ngưng chiến 90 ngày trong buổi họp bên lề của G-20 vào tối ngày 01/12/2018.
Bắt giữ Mạch Vãn Châu không phải là chuyện tình cờ mà là việc có chuẩn bị, dự tính từ trước, Mạch không là một tội phạm bị truy nã quốc tế hoặc có tiền án. Việc bắt giữ Mạch phải có sự thỏa thuận giữa Mỹ và Canada, nói cho rõ hơn, Mỹ phải thuyết phục được Canada với những bằng chứng vững chắc có thể kết tội Mạch Vãn Châu cũng như công ty Huawei.
Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng đứng hàng thứ ba của Canada sau Mỹ và Mexico. Chính phủ Canada phải cân nhắc kỹ lưỡng lợi hại trước khi hành động bởi nếu không có bằng chứng rõ ràng sẽ gây căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc, hậu quả là những thiệt hại kinh tế không lường trước được.
Không ít người đặt câu hỏi là tại sao ông Donald Trump lại hoàn toàn im lặng trước việc bắt giữ một nhân vật quan trọng như bà Mạch Vãn Châu – việc có thể làm căng thẳng trở lại những gì Trump và Tập vừa mới cố gắng xoa dịu vào ngày 01/12/2018 ?
Với một người tính khí bất thường như Donald Trump, lẽ ra việc Canada bắt giữ Mạch Vãn Châu - có thể bị dẫn độ qua Mỹ - chắc chắn phải làm cho Trump "phấn khởi, hồ hởi" vì có được một chìa khóa quan trọng trong tay, có thể dùng làm áp lực lên Tập Cận Bình trong những thảo luận chi tiết sắp tới giữa 2 nước về cuộc chiến thương mại.
Trái hẳn với sự chờ đợi của giới truyền thông, báo chí, Trump làm như không biết đến việc Canada bắt giữ Mạch Vãn Châu. Tại sao Trump không có một động thái, tweet nào để khoe khoang thành tích là Mỹ đã bắt được kẻ nắm giữ tài chánh của công ty Huawei, công ty bị nghi ngờ là chuyên ăn cắp công nghệ cao cấp của Mỹ ? Chẳng lẽ không ai trong tòa Bạch Ốc nói cho Trump biết chuyện này ?
Theo thông cáo của Phòng Báo Chí tòa Bạch Ốc, thỏa thuận giữa Trump và Tập có những điều khoản nói đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, xâm nhập không gian mạng và ăn cắp trên mạng. Bắt giữ Mạch Vãn Châu vì bà vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ chỉ là lý do của mặt nổi. Nguyên nhân sâu xa khác là khi có Mạch trong tay, Mỹ có được đầu dây mối nhợ để điều tra Huawei đã làm gì trong quá khứ để ăn cắp hoặc sao chép những kỹ thuật, công nghệ của Mỹ, đồng thời điều tra, tìm kiếm những cá nhân, công ty của Mỹ đã làm gián điệp cho Trung Quốc.
Việc bắt giữ Mạch có lẽ nằm ngoài dự tính của Trump. Không ai biết rõ giữa Trump và Tập đã bàn luận, thỏa thuận những điều khoản gì ? Mọi người chỉ biết những điều tòa Bạch Ốc nói đến trong thông cáo mà văn phòng thư ký báo chí đưa ra. Do đó có thể Trump biết chuyện nhưng buộc lòng phải giữ im lặng.
Canada cho biết, phiên tòa xét xử bà Mạch vào ngày thứ sáu 07/12/2018 kéo dài 5 tiếng, sau đó đã hoãn lại đến ngày thứ hai 10/12/2018. Hiện tòa chưa có quyết định Mạch Vãn Châu có được tại ngoại hầu tra hay bị dẫn độ qua Mỹ để tiếp tục điều tra, xét xử không.
Phải chăng đang có một cuộc đàm phán bí mật sau hậu trường giữa Mỹ-Trung-Canada ? Nếu nội vụ chìm xuồng, Canada thả bà Mạch ra, không kết án, cũng chẳng chuyển giao qua Mỹ, ai sẽ là kẻ có lợi, ai là người bị thiệt hại nhiều nhất trong vụ bắt giữ này ?
Canada không thể đơn giản thả Mạch Vãn Châu ra, nói vài lời xin lỗi đã bắt lầm. Cuộc đấu trí có dấu hiệu trượt khỏi sự kiểm soát của các tay chơi cờ.
Thạch Đạt Lang
(11/12/2018)
Sau cuộc gặp mặt bên lề vào tối 01/12/2018 tại Buenos Aires giữa Donald Trump và Tập Cận Bình, Mỹ và Trung đạt được một thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump khởi xướng từ đầu năm 2018. Thương chiến Mỹ – Trung sẽ tạm ngưng trong 90 ngày để hai nước tiến hành những đàm phán về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ…
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng đại biểu hai nước, tham dự cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, Mỹ sẽ không tăng thuế trên gói hàng trị giá 200 tỉ USD nhập khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25% kể từ ngày 1/1/2019 như Trump tuyên bố trước đây. Hai nước sẽ tiếp tục gặp nhau tại Washington D.C trong thời gian sắp tới để bàn thêm chi tiết. Nếu mọi thỏa thuận được thi hành nghiêm chỉnh, thương chiến sẽ chấm dứt. Có nghĩa là, cuộc chiến thương mại đã tạm ngưng tiếng súng để đàm phán tiếp tục, nhưng mỗi bên đã có những nhượng bộ rõ ràng.
Mọi người thở ra nhẹ nhõm, phòng ăn tối vang lên những tiếng vỗ tay rộn ràng khi cuộc gặp kéo dài hơn 2 tiếng rưỡi, kết thúc với những tuyên bố thành công từ cả hai phía. Chưa biết những thỏa thuận này có giống như thỏa thuận giữa Donald Trump và Kim Jong-un ở Singapore trong tháng 6 năm nay không, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi.
Giữa những niềm vui, những tiếng vỗ tay đầy "hồ hởi, phấn khởi", không ít những tiếng thở dài, buồn bã vì chiến tranh Mỹ-Trung chấm dứt mà Trung Quốc vẫn vững vàng, không chịu sụp đổ theo kỳ vọng "bất chiến tự nhiên thành" của họ.
Không ai rõ những gì đã được thảo luận trong cuộc gặp mặt giữa hai lãnh đạo Trump-Tập, nhưng theo tuyên bố của Thư ký Báo chí tòa Bạch Ốc, cuộc họp thành công tốt đẹp, cho dù hai bên chưa ký kết bằng "mực đen trên giấy trắng". Thế thì ai là người thắng, kẻ bại trong cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump khởi xướng ?
Thật khó để có thể tổng kết chính xác thiệt hại của hai bên trong cuộc chiến vừa qua vì chắc chắn dưới chế độ độc tài của Tập Cận Bình, mọi dữ kiện, số liệu báo cáo đều bị che giấu hay giảm thiểu đến mức thấp nhất. Người ta chỉ có thể tạm sơ kết, thống kê những thiệt hại mà phí Mỹ phải gánh chịu.
Cho đến giớ phút này, chưa có con số chính xác nào được đưa ra, nhưng ai cũng có thể thấy hậu quả của cuộc chiến là 2 công ty sản xuất xe hơi lớn nhất của Mỹ là GM và Ford đã phải sa thải hàng chục ngàn nhân viên. Ngoài ra tổ hợp Tesla cũng mua đất xây dựng nhà máy Gigafactory 3 ở Thượng Hải.
Bên cạnh đó, giá nông sản ở Mỹ, đặc biệt là đậu nành xuống thấp kỷ lục trong vòng 10 năm nay, khiến nông dân ở các tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ khốn đốn trong mấy tháng qua. Hiện số lượng đậu nành bán sang Trung Quốc theo số liệu giữa tháng 10/2018, giảm 94%, nên nông dân các tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ như North Dakota, Wyoming, Missouri… chưa biết phải giải quyết số lượng đậu nành tồn kho này như thế nào. Cái cổng xuất cảng đậu nành lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc đã bị đóng kín, theo thỏa thuận mới sẽ được mở ra, ngay lập tức, cổ phiếu đậu nành cho tháng tới, tăng 1,7%.
Theo ước tính của Agri Pulse, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến cho nông dân Mỹ thiệt hại khoảng 13 tỉ đô la. Con số này phù hợp với số tiền chính phủ Mỹ chi ra để trợ giúp nông dân 12 tỉ của ông Donald Trump trong cuộc chiến.
Các giả thuyết cho rằng, khi thương chiến xảy ra, số lượng hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ giảm. Do thuế suất tăng, nên giá sẽ tăng theo, người tiêu thụ sẽ mua sắm ít đi. Nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2018, thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc hơn 301 tỉ Mỹ kim.
Như vậy, ngoài những hậu quả trực tiếp do cuộc chiến thương mại gây ra cho các ngành công nghiệp xe ô tô, kỹ nghệ sắt thép, nông dân…, ngay cả người tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng gián tiếp, là điều mà nhiều người không nhận ra.
Khi một món hàng bị tăng thuế suất, ai là người lãnh hậu quả cuối cùng ? Nhà sản xuất, công ty buôn bán sỉ và lẻ, hay là người tiêu thụ ? Chắc chắn là người tiêu thụ bởi người ta có thể tạm thời, trì hoãn, không mua một chiếc xe giá vài chục ngàn đô la, nhưng chắc chắn vẫn phải ăn, mặc, dùng smart phone, microwave, laptop… hàng ngày.
Khi thuế suất tăng lên, những người kinh doanh không thể bán giá cũ, họ bắt buộc phải nâng giá để lấy thêm khoản thuế nộp cho chính phủ, bởi nếu giữ giá cũ họ sẽ không có lời. Rõ ràng là giới tiêu thụ hay người dân Mỹ chính là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến thương mại do ông Trump gây ra.
Nhiều chuyên gia, giáo sư kinh tế ở các đại học nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Cornell… những người từng được giải Nobel kinh tế đã khuyến cáo Trump không nên gây ra cuộc chiến thương mại vì sẽ không có kẻ thắng, người thua mà chỉ có bị thiệt hại nhiều hay ít hơn đối thủ mà thôi. Tuy nhiên, ông Trump không nghe theo dù ông không lường trước những tác hại của việc ông đang làm.
Trong bài Người Việt dễ dụ đăng trên Thông Luận ngày 27/10/2018, người viết đã từng tiên đoán là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ ngưng khi 2 bên đạt được một thỏa thuận. Điều này đã trở thành hiện thực sau khi Trump và Tập gặp nhau buổi tối 01/12/2018, bên lề cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước G-20.
Vậy ai thắng, ai bại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vừa qua ? Bại thì chắc chắn là dân Mỹ và Tàu. Thế còn ai thắng ? Dạ thưa, gia đình Donald Trump ! Ngoài giấy phép cấp thêm 16 mặt hàng nhãn hiệu Ivanka được phép sản xuất ở Trung Quốc, cấp ngày 06/11/2018, đúng ngày bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, qua đầu năm sau, gia đình Trump sẽ còn được lại quả nhiều món khác nữa.
Thế thì, bao giờ Trung Quốc mới sụp đổ để Việt Nam chết theo ?
Thạch Đạt Lang
(03/12/2018)
Ngày 12/11/2018, quốc hội chế độ cộng sản Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam như vậy là nước thứ 7 sau New Zealand, Canada, Mexico, Singapore, Nhật bản, Australia đồng ý tham gia hiệp định theo những điều khoản đã được quy định.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện - Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng - Ảnh BTV
Điều này đồng nghĩa chế độ cộng sản Việt Nam phải chấp thuận cho người lao động được phép thành lập công đoàn độc lập, không bị bắt buộc tham gia các công đoàn do chính phủ thành lập hay tài trợ.
Tuy nhiên, cho dù có cam kết tôn trọng các điều khoản của hiệp định CPTPP, việc thành lập công đoàn độc lập cho các ngành, nghề chắc chắn còn rất nhiều trở ngại, khó khăn, phần vì cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tôn trọng các hiệp định, hiệp ước đã ký với quốc tế, phần vì những người lãnh đạo các phong trào thành lập công đoàn sẽ bỡ ngỡ, chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động, tổ chức, vận động...
Bài viết do đó có mục đích giới thiệu với các bạn trẻ trong phong trào Lao Động Việt, những người quan tâm đến cuộc sống cơ cực của người lao động nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, về lịch sử hình thành của IG Metall, quá trình tranh đấu gay go cho quyền lợi công nhân viên của một công đoàn độc lập trong nhiều thập niên, để từ đó các bạn có thêm dữ kiện học hỏi, tranh đấu.
Người viết hoàn toàn không có tham vọng dậy dỗ, khuyên nhủ, hướng dẫn bất cứ ai về bất cứ điều gì với bài viết này.
Quá trình sinh hoạt công đoàn ở Đức
IG Metall (Industriegewerkschaft Metall) Công đoàn Sắt Thép là công đoàn độc lập lớn nhất ở nước Cộng hòa liên bang Đức, đồng thời cũng là tổ chức đại diện người lao động (Employee) lớn nhất trên thế giới với tổng số gần 2,7 triệu đoàn viên (năm 2011).
Liên Hiệp Công Nhân Đức được thành lập đầu tiên năm 1878, đặt nền tảng cho việc thành một công đoàn, đại diện cho công nhân. Tổ chức này bị Otto von Bismarck (Thủ tướng đầu tiên của đế chế Đức) tìm cách cấm đoán qua đạo luật xã hội.
Khi điều cấm đoán được rút lại, năm 1890 Tổng công đoàn Đức hình thành, một năm sau đó Liên hiệp Công nhân Kim loại Đức (DMV - Deutsche Metallarbeiter Verband), tổ chức tiền thân quan trọng nhất của IG ra đời.
DMV phát triển nhanh chống, trở thành công đoàn độc lập lớn nhất trong Đế chế Đức và Cộng hòa Weimar. Ngay trong năm 1892 đã có một đại hội với sự góp mặt nhiều công đoàn khác. Thời gian sau đó cho đến khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu (1914) đã xẩy ra liên tiếp nhiều cuộc đình công của công nhân hầm mỏ, sắt thép, đóng tàu...
Thế chiến thứ nhất chấm dứt năm 1918, tháng 11/1918 Đức thành lập Cộng hòa Weimar, một năm sau (1919) Tổng Liên Đoàn Lao Động Đức ra đời dựa vào nền tảng đạo luật Tự do liên hiệp (Koalitionsfreiheit = Coalition freedom) theo đó giới lao động cũng như giới chủ nhân được quyền liên minh với nhau, căn cứ vào Hiến pháp Cộng hòa Weimar.
Cùng trong năm, lần đầu tiên các hợp đồng làm việc với mức lương rõ ràng được hợp thức hóa bằng luật lệ. Những năm tiếp theo, nhiều đạo luật về lao động như quyền thành lập Hội đồng Cố vấn xí nghiệp (Betriebsrätegesetz : Works Councils act) năm 1920 hay Luật bảo hiểm thất nghiệp đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các công đoàn độc lập cũng như của tiền thân IG Metall.
Năm 1928 DMV cho xây dựng nhà truyền thống ở Berlin, đường Kreuzberger-Linden, người vẽ họa đồ là kiến trúc sư nổi tiếng Erich Mendelsohn.
Năm 1933 DMV bị xóa sổ khi Hitler lên nắm chính quyền. Chế độ Faschist cấm tất cả các công đoàn tự do hoạt động. Nhiều đoàn viên DMV bị bắt giam, không ít người bị tử hình hoặc chết trong tù.
Chiến tranh thế giới lần thứ II chấm dứt, nước Đức chia đôi, phía Tây do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng, phía Đông là Liên Xô.
Ở Tây Đức xuất hiện nhiều công đoàn độc lập theo nguyên tắc riêng, lẻ. IG Metall ra đời năm 1949. Cùng trong năm đó đã có một buổi họp thành lập Tổng Công Đoàn Đức (DGB : Deutsche Gewerkschaft Bund) IG Metall trở thành một thành viên trong Tổng Công Đoàn DGB. Đạo luật về thang lương cũng được thông qua (Tarifvertragsgesetz : Collective Agreement Act)
Quyền tự do liên hiệp (Coalition freedom) trong hiến pháp Cộng hòa Weimar trước đó đã được sử dụng lại, trở thành một điều khoản căn bản trong nền tảng luật pháp của Cộng hòa liên bang Đức.
Cuộc tranh đấu cho quyền lợi người lao động của IG Metall tiến triển qua nhiều giai đoạn.
- Năm 1951 một đạo luật về quyền tham gia quyết định chính sách, đường lối của xí nghiệp được ban hành (Mitbestimmungsgesetz : Co-determination Act).
Theo đó, những xí nghiệp, hãng xưởng hình thành bởi các cổ phiếu (Aktiengesellschaft : Jointstock company) hay cổ đông (Share Holder) trách nhiêm hữu hạn (Kommanditgesellschaft : Limited Partnership with Stock) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (Gesellschaft mit beschränter Haftung : Limited Partnership) có 2.000 lao động trở lên thì đại diện người lao động có quyền tham gia vào Hội đồng Giám sát (Aufsichtsrat : Supervisory Board) với số người tương đương phía chủ nhân.
Trong trường hợp (thí dụ) như bỏ phiếu để thay đổi chính sách tiền lương, một kế hoạch sản xuất,... nếu số phiếu hai bên ngang nhau thì chủ tịch Hội Đồng Giám Sát (Aufsichtrat Vorsitzender : Supervisory Board Chairman) được phép có 2 phiếu (double match right). Trường hợp Board Chairman có 2 phiếu là để tránh trường hợp không thể đạt được thỏa thuận giữa phía chủ nhân và đại diện người lao động.
Chủ tịch Hội đồng Giám sát luôn do cổ đông bầu ra, phó chủ tịch là đại diện người lao động.
Cán cân quyết định mọi việc luôn nghiêng về phía chủ nhân nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận. Điều này phù hợp với luật sở hữu và hiến pháp.
- Năm 1952 bộ luật hiến định về xí nghiệp (Betriebverfassungsgesetz : Company Constitution Act) ra đời đặt nền tảng căn bản cho sự phối hợp làm việc vì ích lợi của cả hai bên, giới chủ nhân cũng như người lao động.
- Năm 1954 lần đầu tiên người lao động ở Cộng hòa liên bang Đức được hưởng tiền lễ Giáng sinh (Weihnachtsgeld : Christmas bonus) do chủ nhân chi trả.
Số tiền này thay đổi tùy theo nhiều yếu tố như :- xí nghiệp, hãng, xưởng lớn hay nhỏ, thời gian làm việc, mức lương của từng người... và thường được trả vào tháng 11. Mục đích nguyên thủy là để người lao động có tiền mua quà, tổ chức party, họp mặt gia đình vào những ngày Giáng sinh, cuối năm.
- Tháng 10 năm 1956, một cuộc đình công dài nhất trong lịch sử nước Đức kể từ năm 1905, khởi đi từ Schleswig-Holstein bùng lên, nhanh chóng lan sang các tiểu bang khác, kéo dài 114 ngày với khoảng 37.000 người, đòi hỏi giới chủ nhân phải tiếp tục trả lương trong trường hợp người lao động không thể làm việc do bệnh hoạn.
Nguyên tắc trước khi quyết định đình công của công đoàn là phải bỏ phiếu thăm dò (Urabstimmung). Chỉ khi nào đạt được ít nhất 75% số phiếu đồng ý của đoàn viên (Trade Union Member) thì công đoàn mới tổ chức đình công.
Để chuẩn bị cho cuộc đình công, IG Metall đưa những cán bộ công đoàn được huấn luyện thành thạo trong công tác đến từng vùng có các xí nghiệp liên hệ giải thích, kêu gọi người lao động tham gia đình công.
Truyền đơn, biểu ngữ được phân phát, các buổi sinh hoạt cuối tuần cho người lao động được tổ chức để giải thích nguyên nhân, mục đích cuộc đình công... IG Metall cũng đồng thời thông báo cho báo chí biết.
Lần đầu tiên môt cuộc đình công lớn, quy mô và dài nhất không đòi tăng lương nhưng nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận định mức (Tarif vertrag) với các điểm chính nói trên.
Sau nhiều cuộc đàm phán gay go, hòa giải mâu thuẫn do phía chủ nhân không muốn việc tiếp tục trả lương cho người bệnh trở thành tiền lệ, hai bên đã đạt được một Thỏa thuận định mức (Tarifvertrag : Collective Agreement), theo đó người lao động được tiếp tục hưởng lương 6 tuần trong trường hợp bệnh hoạn không thể làm việc, được nhiều ngày nghỉ phép hơn và được một số tiền phụ trội khi đi phép.
Đình công chấm dứt ngày 9/02/1957
Đối với IG Metall, cuộc đình công dài nhất trong lịch sử xã hội Đức đã kết thúc tốt đẹp với những kết quả mỹ mãn.
Chỉ ít tháng sau Quốc hội Đức thông qua đạo luật bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong trường hợp bệnh hoạn.
- 1962 : Tiền nghỉ phép (Urlaubsgeld).
Cần phân biệt tiền nghỉ phép (Urlaubsgeld) và tiền lương khi nghỉ phép (Urlaubsentgeld). Tiền nghỉ phép là tiền lương được trả phụ trội khi đi phép ngoài tiền lương hàng tháng. Tiền nghỉ phép thay đổi và tùy thuộc vào thời gian làm việc lâu hay mới.
Tiền nghỉ phép có thể được trả vào một thời điểm nhất định hoặc đúng vào thời gian đi phép, trước hay sau đó.
- 1965 : Tuần làm việc 40 giờ.
Sau thế chiến thứ hai, thời gian làm việc cho người lao động thường 48giờ/tuần (6 ngày/8 giờ mỗi ngày). Qua thập niên 50, kinh tế Đức đã phục hồi nhanh chóng như một phép lạ, Tổng Liên Đoàn Đức (DGB) cảm thấy đã đến lúc cần phải thương lượng với giới chủ nhân, bớt giờ làm việc cho người lao động sau khi đã đạt được thỏa thuận cho việc tăng lương rõ rệt.
Từ năm 1956 DGB đã bắt đầu mở chiến dịch Tuần Làm Việc 40 giờ với phương châm : "Ngày thứ bẩy cha tôi thuộc về tôi" (Samstag gehört Vati mir). Trong năm đó ngành công nghiệp thuốc lá coi như đầu tiên giảm thời gian làm việc xuống 40giờ/tuần. Một số các ngành khác cũng bắt đầu rút ngắn thời gian làm việc trong tuần với mức lương như cũ.
Tuy nhiên mãi đến năm 1965 ngành ấn loát mới áp dụng chế độ 40giờ/tuần, qua đến 1967 đến lượt ngành sắt thép, chế biến gỗ.
Lần lượt các ngành, nghề khác cũng bắt đầu tuần lễ làm việc 40 giờ : 1969 ngành xây dựng, 1970 ngành hóa học, chế biến giấy, vải... 1971 ngành buôn bán lẻ cũng theo chân các ngành khác.
40 giờ/tuần trở thành khuôn mẫu cho tất cả mọi nghề nghiệp trên nước Đức.
Tài sản của IG Metall trong năm 1972 đã lên tới 631.000.000 DM (Deutsche Mark, đơn vị tiền tệ của Đức trước khi hội nhập vào đồng Euro). Tài sản này hình thành do tiền nguyệt liễm của đoàn viên, được kinh doanh, phát triển qua nhiều hình thức như thành lập nhà Bank, xây dựng nhà cửa, cao ốc cho thuê...
- 1978 : Đình công cho Tuần lễ làm việc 35 giờ ở công nghiệp thép.
Tranh luận về Tuần lễ làm việc 35 giờ đã dẫn đến xung đột khốc liệt giữa giới chủ nhân và người lao động.
Sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào thập niên 70, Roboter, máy móc tự vận hành (Automaten), phân tích, điều hành dữ kiện... bằng những Sensor cực nhỏ, phương pháp Taylor hợp lý hóa dây chuyền sản xuất... đã làm tăng mức sản xuất công nghiệp lên đến độ chóng mặt nhưng đồng thời cũng gây ra một vấn nạn cho nền kinh tế quốc dân.
Đó là tình trạng thất nghiệp hàng loạt khi con người bị thay thế bởi máy móc trong các ngành công nghiệp thép, điện, đóng tàu... dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế của Đức cuối thập niên 70 sang đầu thập niên 80.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1980 đến 1983 số người làm việc trong ngành sắt thép đã giảm 10%.
Sự sa thải hàng hoạt không chỉ xẩy ra trong công nghiệp sắt thép mà cả trong ngành ấn loát. Trong vòng 10 năm 1973-1983 số lao động làm việc trong ngành ấn loát giảm bớt 38.511 người, chỉ còn 164.912. Tỉ lệ mất việc là 20%.
Cộng hòa liên bang Đức rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế với số người thất nghiệp lên đến 1.833.000. Trước đó tình trạng thất nghiệp trong 2 năm 1980-1982 là 890.000. Chỉ trong vòng 1 năm tăng gần 1.000.000, hơn 100%. Một con số thật khủng khiếp.
Lãnh đạo của công đoàn IG Metall đối diện với sự thật bi đát, thấy không còn cách nào hơn là phải tranh đấu để giảm bớt giờ làm việc cho người lao động. Theo quan niệm cũa họ, giảm giờ làm việc sẽ tạo nên chỗ trống trong xí nghiệp, qua đó xì nghiệp phải tuyển thêm người, tình trạng thất nghiệp sẽ giảm.
Giới chủ nhân nghĩ khác. Giảm giờ làm việc sẽ làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến việc mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường. Do đó giới chủ nhân theo truyền thống của Henry Ford, áp dụng tối đa hợp lý hóa và dây chuyền sản xuất, giảm thiểu tối đa phí tổn nhân công. Nếu giảm giờ làm việc thì phí tổn nhân công sẽ tăng lên.
Thật ra cuộc đấu tranh đòi hỏi tuần lễ làm việc 35 tiếng đã khơi mào từ năm 1978 ở ngành thép (Stahlindustrie) tiểu bang Nordrhein-Westfalen.
Cuộc đình công của 38.000 người lao động kéo dài 6 tuần lễ coi như là một thất bại của IG Metall. Họ chỉ nhận được thêm 4% lương, đồng thời được thêm ngày phép, từng bước sẽ tăng đến 6 tuần trong năm, người lao động lớn tuổi hoặc làm đêm được thêm ngày nghỉ. Thỏa thuận này (Tarifvertrag) kéo dài 5 năm.
Mọi cuộc tranh đấu tiếp theo cho quyền lợi người lao động chỉ có thể bắt đầu vào năm 1983 khi thỏa thuận này hết hiệu lực.
Khi thỏa thuận hết hiệu lực, trong thời gian từ 14/05 đến 04/07/1984 công nhân ngành sắt thép ở 2 tiểu bang Baden-Württemberg và Hessen bắt đầu đình công đòi hỏi tuần làm việc 35 giờ, cao điểm lên tới 55.000 người.
Trước đó đã có những cuộc đàm phán kéo dài nhiều ngày cũng như những cuộc nói chuyện giữa các lãnh đạo cao cấp công đoàn IG Metall và giới chủ nhân nhưng không đi đến kết quả nào.
Hiệp hội chủ nhân tất cả ngành kim loại (Unternehmerverband Gesamtmetall) từ chối đòi hỏi Tuần Lễ 35 giờ của IG Metall. Thay vào đó họ đề nghị thời gian làm việc uyển chuyển (Flexible working hours), đồng thời rút ngắn thời gian làm việc cả đời cho người lao động (Lebensarbeitszeit Verkürzung) cùng lúc cho về hưu sớm những người lao động lớn tuổi.
Sau nhiều lần đàm phán thất bại dù IG Metall lẫn hiệp hội chủ nhân đều xuống nước, phía IG Metall giảm bớt dần những đòi hỏi, phía Hiệp Hội Chủ Nhân tăng thêm quyền lợi cho người lao động, hai bên đồng ý hòa giải bởi một hội đồng có 3 trọng tài : cựu bộ trưởng quốc phòng Đức, chủ tịch công đoàn George Leber và Bernd Rüthers một chuyên gia về luật lao động.
Một thỏa hiệp được hình thành với nhiều bước. Trước nhất thời gian làm việc bình quân trong xí nghiệp sẽ rút ngắn còn 38,5giờ/tuần, từng xí nghiệp có thể uyển chuyển thay đổi giờ làm việc cho người lao động từ 37 đến 40giờ/tuần. Những bước kế tiếp sẽ là 37 giờ rồi 35giờ/tuần.
Cuộc đình công chấm dứt trong thời gian bỏ phiếu thăm dò (Urabstimmung) lần thứ hai từ 29/06 đến 04/07/1984 về bản thỏa hiệp. Khác với Urabstimmung về đình công, Urabstimmung về thỏa hiệp chỉ cần 25% số phiếu đồng ý thì thỏa hiệp được chấp nhận. Cả 2 nơi xẩy ra đình công đều đạt được số phiếu đồng ý trên 52%.
Tuy nhiên mãi đến năm 1995, tuần làm việc 35 giờ mới thực sự được áp dụng trong các xí nghiệp ngành kim loại phía Tây Cộng hòa liên bang Đức (Westdeutschland).
Sau khi nước Đức thống nhất (không hề có chiến tranh, không hi sinh vài triệu thanh niên cả hai miền Nam, Bắc), những thành quả đạt được cùng cấu trúc của các công đoàn, đặc biệt là của IG Metall dần dần được đưa vào áp dụng bên phía Đông.
Sau cuộc đình công kéo dài 7 tuần năm 1984, IG Metall không còn tổ chức cuộc đình công nào gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, giới chủ và công đoàn, như vậy nữa. Theo sự ước tính của các chuyên gia, mỗi bên thiệt hại vào khoảng 4 tỉ DM (thời giá năm 1984).
Để tránh khơi mào lại một cuộc chiến mà đôi bên đều bị thiệt hại nặng nề, IG Metall và giới chủ nhân luôn tìm mọi cách thỏa thuận, biết điều với nhau trước thời hạn chấm dứt hợp đồng.
Sự thành công của IG Metall Đức cho thấy sức mạnh của tập thể người lao động, đặc biệt là giai cấp công nhân. Gia nhập thành đoàn viên công đoàn, hi sinh 1% tiền lương hàng tháng, người lao động đã liên kết với nhau tạo thành sức mạnh để tranh đấu cho những quyền lợi to lớn, lâu dài, vững chắc hơn.
Tình hình ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn khác với Đức vào những năm 1878 hay 1949 sau thế chiến thứ hai.
Ý thức sinh hoạt công đoàn của công nhân Việt
Sự hình thành giai cấp công nhân Việt và giai cấp lao động Việt Nam không giống Đức. Việt Nam là nước nông nghiệp, do đó ý thức tập thể của người lao động Việt cũng không thể so sánh với người lao động Đức.
Tại Đức
Cá nhân người viết nhận thấy, ngay cả người Việt Nam ở ngoại quốc hiện nay là công nhân trong các xí nghiệp, cũng không có ý thức tập thể cao hơn người trong nước, kinh nghiệm này người viết có được qua những lần đi vận động người Việt tham gia trở thành đoàn viên công đoàn.
Khi có kêu gọi đình công, người công nhân Việt trong các xí nghiệp của Đức hầu hết đều dững dưng như chuyện của ai, chẳng dính dáng gì tới mình.
Theo thống kê của IG Metall, tỉ lệ người Việt tham gia công đoàn rất khiêm nhường, chỉ khoảng 1-2% trên tổng số người Việt trong các xí nghiệp, trong khitỷ lệ tham gia của các sắc dân khác (Turkey, Jugoslavia, Spain...) giống như người Đức bản xứ, nghĩa là 15-20%, trong nhiều xí nghiệp có khi lên 35-40%, cao nhất là 85% như ở hãng chế tạo xe Volkswagen (VW) tại Wolfsburg.
Theo người viết, nguyên nhân chính khiến lao động Việt trong các xí nghiệp ở Đức ít tham gia sinh hoạt công đoàn hay muốn trở thành đoàn viên công đoàn là do cảm thấy xót xa, tiếc tiền, khi phải đóng 1% tiền lương cho công đoàn.
Nếu người lao động Việt trong nước tiếc 1% tiền lương, đó là điều có thể hiểu được. Với số lương còm cõi, ít ỏi, họ phải chắt chịu, tính toán từng đồng để có thể sinh tồn trong thời giá lạm phát hiện nay.
Tuy nhiên, ở Đức vài chục Euro không phải là một con số cần suy nghĩ, tính toán với giá sinh hoạt hoặc so với những quyền lợi mà người lao động có được như 6 tuần lễ nghỉ phép, bệnh hoạn không đi làm vẫn tiếp tục được lãnh lương trong 6 tuần, sau đó lãnh 85% tiền lương bình quân 3 tháng cuối cùng do bảo hiểm sức khỏe trả, Giáng sinh có tiền thưởng, đi phép lãnh thêm tiền nghỉ phép...
Ở Việt Nam
Một điểm khác biệt không kém quan trọng nữa là giới chủ nhân. Giới chủ nhân ở Việt Nam trong các xí nghiêp hầu hết là người ngoại quốc như Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Indonesia hay Trung Quốc đội lốt... Họ sẵn sàng cấu kết với chế độ, đảng viên cộng sản... để bòn rút, hà hiếp người lao động Việt đến mức tối đa.
So sánh cuộc đình công của người lao động Việt Nam cuối tháng 3/2015 vừa qua với cuộc đình công của IG Metall năm 1984, thấy có sự khác biệt hẳn về nguyên nhân lẫn mục đích.
Cuộc đình công ở Việt Nam bộc phát từ hãng Pou Yuen, nhanh chóng lan qua các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang... không phải vì xung đột quyền lợi giữa chủ và thợ, không được chuẩn bị, tổ chức, hướng dẫn. Đó chỉ là cuộc đối đầu giữa người lao động với chính quyền ăn cướp.
Khi Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng của chế độ Mafia kiến nghị, yêu cầu trả lại chén cơm (dự trữ cuối cùng) cho người lao động thì cuộc đình công chấm dứt.
Cuộc đình công của IG Metall năm 1984 là cuộc đình công có chuẩn bị, tổ chức, tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, các xí nghiệp đình công được chỉ định rõ ràng trong từng khu vực để tránh Aus-Sperrung (Lock Out)(1). Đình công này nhằm mục đích tranh đấu cho những quyền lợi thiết thực lâu dài.
Phong trào Lao Động Việt hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động - Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương - Ảnh minh họa
Việc thành lập công đoàn độc lập hiện nay ở Việt Nam gặp muôn vàn trở ngại nếu không muốn nói là bất khả thi. Chỉ hi vọng (không nhiều) khi được gia nhập TPP, chế độ cộng sản Việt Nam phải thay đổi chính sách dưới sức ép của quốc tế, phải tuân theo luật chơi của TPP, Việt Nam sẽ có được một công đoàn độc lập đúng nghĩa tranh đấu cho quyền lợi thiết thực của người lao động Việt Nam.
Dùng chữ hi vọng (không nhiều) vì người viết tin rằng dù có phải chấp nhận cho thành lập công đoàn độc lập thì chính quyền cộng sản Việt Nam cũng sẽ tìm mọi cách khống chế, phá hoại, lèo lái... công đoàn này theo ý muốn của mình.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng ý thức tập thể, biết đoàn kết cho người lao động Việt, để họ biết nhìn xa, biết cần phải hi sinh một chút quyền lợi nhỏ để tạo thành sức mạnh đòi hỏi, tranh đấu cho những quyền lợi to lớn, vững chắc, lâu dài.
Có được sự đoàn kết, thống nhất, hoạt động chặt chẽ trong công đoàn độc lập thì mọi âm mưu gian trá, hiểm độc của chế độ cộng sản Việt Nam sẽ bị người lao động phát giác, bẻ gẫy.
Thạch Đạt Lang
(14/11/2018)
(1) Aus-Sperrung là một biện pháp trả đòn đình công của giới chủ nhân. Khi có đình công do công đoàn tổ chức, giới chủ nhân có thể ra lệnh đóng cửa toàn bộ xí nghiệp. Những người không là đoàn viên công đoàn cũng không thể tiếp tục làm việc, do đó không được lãnh lương, đồng thời cũng không được công đoàn trợ giúp tài chánh trong thời gian đình công.
Trường hợp này gọi là Heisse-Sperrung (Hot Lock-Out) khác với Kalte-Sperrung (Cold Lock-Out) là một biện pháp khác khi giới chủ nhân ra lệnh đóng cửa các xí nghiệp có liên hệ sản xuất với xí nghiệp đang đình công.
Thí dụ : Khi hãng sản xuất xe hơi đình công thì giới chủ nhân có thể cho đóng cửa các xí nghiệp liên hệ đến sản xuất xe hơi như hãng cung cấp phụ tùng, cơ phận, bánh xe...
Điều này sẽ khiến công đoàn chảy máu, nhanh chóng kiệt quệ tài chánh vì phải trả thêm tiền cho đoàn viên ở những nơi không có đình công, đồng thời có thể gây bất mãn, xung đột giữa những người lao động không là đoàn viên với đoàn viên.
Tài liệu tham khảo :
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump đã trôi qua, kết quả chính thức chưa có vì còn một số tiểu bang chưa đếm phiếu xong. Tuy nhiên kết quả sơ khởi cho thấy, đảng Dân Chủ đã giành lại được đa số ở Hạ Viện với 224 ghế (tổng số ghế ở hạ viện là 435, từ 218 trở đi là đa số), đảng Cộng Hòa hiện chỉ được 198 ghế, do đó có lấy được tất cả 13 ghế còn lại thì cũng chỉ mới có 211 – kém Dân Chủ 13 ghế.
Cho dù hạ viện đã mất vào tay đảng Dân Chủ, tổng thống Trump vẫn coi kết quả bầu cử là một chiến thắng vĩ đại của đảng Cộng Hòa
Ở thượng viện cũng có một số thay đổi, 35 ghế được bầu lại, đảng Dân Chủ mất 2 ghế, còn lại 45, 4 ghế còn đang kiểm phiếu. Cho dù Dân Chủ nhận được cả 4 ghế này thi vẫn còn thua Cộng Hòa 2 ghế. Thượng viện do đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng Hòa. Kết quả mới nhất, Dân Chủ có thêm 1 ghế ở thượng viện là 46, Cộng Hòa đã có đa số là 51.
Cho dù hạ viện đã mất vào tay đảng Dân Chủ, tổng thống Trump vẫn coi kết quả bầu cử là một chiến thắng vĩ đại của đảng Cộng Hòa (tremendous success). Cũng đúng thôi ! Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay.
Cuộc đếm phiếu còn một vài hôm nữa mới kết thúc, nhưng kết quả coi như đã xong. Cường độ vận động bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa của những người Việt ca ngợi, ủng hộ ông Trump, đảng Cộng Hòa với đủ mọi hình thức kích động, kêu gọi từ photoshop gắn chữ vào miệng các nhân vật nổi tiếng đến nguyền rủa, chửi bới ai không bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa là thân cộng, không yêu nước, bỏ lỡ cơ hội giúp Việt Nam thoát khỏi tay Trung Quốc... gần như đã chấm dứt hoàn toàn, chỉ còn rải rác một vài bình luận yếu ớt, chỉ trích, mỉa mai những người đã bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ.
Chiến thắng của đảng Dân Chủ giành lại được quyền kiểm soát hạ viện, đem đến niềm vui cho những người đã bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ, những người tin tưởng vào sự cân bằng quyền lực giữa 3 nhánh Hành Pháp, Tư Pháp, Lập Pháp và quyền tự do truyền thông, tự do báo chí, đồng thời cũng là nỗi buồn, sự tiếc nuối của những người kỳ vọng vào đảng Cộng Hòa và Donald Trump sẽ thâu tóm được quyền lực của cả 3 nhánh, tiêu diệt quyền lực thứ tư, tạo nên một thể chế chính trị không còn truyền thông, báo chí tự do mà họ thường phỉ báng, nhục mạ là truyền thông thiên tả, truyền thông thổ tả, thân cộng, tay sai của China...
Riêng phần ông Trump, với bản tính hung hăng, miệng nhanh hơn não, kèn cựa từng lời ăn, tiếng nói với bất cứ ai, sẽ còn tiếp tục là đề tài cho hai phe Tả-Hữu người Mỹ gốc Việt choảng nhau bằng nước bọt trên mạng xã hội Facebook, Twitter, báo online…
Để giúp các bác đã ủng hộ, vận động hết công suất cho đảng Cộng Hòa và Donald Trump đỡ buồn, xin đưa một tin tức khác lý thú hơn. Đúng vào ngày bầu cử, con gái ông Trump, cô Ivanka nhận được món quà quý giá của Tập Cận Bình. Đó là thêm 16 mặt hàng của Trump Trademarks được cấp giấy phép sản xuất ở China.
Rõ ràng đây là dấu hiệu không thể che giấu, khỏa lấp, Trung Quốc đã thua nặng nề trong cuộc chiến thương mại nên đành phải chấp nhận "xuống nước" với Trump sau cuộc điện đàm vừa qua giữa 2 người vào ngày thứ năm tuần trước 01/11/2018. Cuộc nói chuyện mà ông Trump diễn tả là rất tốt.
Ngoài ra còn một tin phấn khởi nữa là hãng Boeing đã hoàn tất cơ xưởng sản xuất Boeing 737 ở China. Viêc lắp ráp sẽ bắt đầu vào tháng 12/2018. Trong tương lai người dân Mỹ sẽ hân hoan đi du lịch rẻ nhờ giá thành chế tạo phi cơ thấp.
Một chuyện khác cũng cần phải nói là những ngày sắp tới, khi cuộc chiến giữa 2 phe Tả-Hữu của người Việt trên Facebook, Twitter, báo mạng online... đã chấm dứt thì mặt trận bảo vệ nước Mỹ chống lại đoàn quân "xâm lược, bệnh hoạn, cướp bóc, khủng bố..." xuất phát từ Honduras sẽ hiện thực, rõ ràng hơn.
Theo lời kêu gọi của Donald Trump, "nhiều toán quân thành lập từ quần chúng tự phát đã hình thành nhiều nơi ở Texas với đầy đủ vũ khí, đạn dược từ M4 đến M16, shotgun.. đang chờ lệnh xuất quân".
Đó là chuyện mới thật nghiêm trọng, đáng quan tâm. Với những người Mỹ da trắng nặng đầu óc kỳ thị, luôn đề cao chủng tộc White Supremacist thì người Mễ, người Honduras, người Việt Nam, Tầu, Ấn Độ... đều là người thuộc chủng tộc hạ đẳng cần phải loại bỏ, diệt trừ. Những người Việt ở Mỹ từng ủng hộ Trump liệu có can đảm đến gần những người này ?
Tuy nhiên, những nông dân, chủ các nông trại ở các vùng gần, sát biên giới dù lo ngại đoàn di dân có thể gây tác hại, ảnh hưởng đến hoa màu, tài sản của họ nhưng đa số không chấp nhận sự hiện diện của "quần chúng tự phát".
Điều này trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ, phát ngôn của một số người Mỹ gốc Việt trên Facebook, cho rằng những phát ngôn của ông Donald Trump không sai khi ra lệnh cho quân đội được phép nố súng vào đoàn di dân nếu những người này tấn công họ bằng gạch đá.
Một facebooker Việt Nam quen thuộc với cộng đồng mạng, gốc miền Bắc du học ở Ba Lan, khi di dân qua Mỹ, được nhập quốc tịch đã chụp hình khoe trên FB, bênh vực, bào chữa cho tuyên bố của Trump, lý luận rằng : "Ông Trump không sai ! Luật pháp Mỹ cho phép bắn vào người lạ khi xâm nhập tư gia người khác không xin phép". Người này ở Mỹ đã lâu, đã là dân Mỹ nhưng vẫn chưa đủ kiến thức để phân biệt được đâu là tư gia, tài sản cá nhân và biên giới chia cắt lãnh thổ của 2 nước không có chiến tranh.
Ngoài ra, một tin mới nhất cho biết Donald Trump đã yêu cầu bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions từ chức. Khi Hạ viện thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân Chủ, những bê bối, lem nhem về tài chánh cũng như những liên hệ với người Nga của Trump sẽ bị khui ra. Trump đang xoắn về chuyện này nên vội vã yêu cầu Jeff Sessions từ chức để đưa người thân cận của mình vào hầu có thể ngăn cản cuộc điều tra chắc chắn sẽ có của Hạ viện.
Jeff Sessions vốn dĩ là một cái gai trong mắt Trump sau khi tự ý rút lui, không tham gia cuộc điều tra sự liên hệ giữa Trump và người Nga, Trump vốn đã muốn cách chức Sessions từ lâu nhưng không có lý do chính đáng, giờ là dịp để yêu cầu Sessions từ chức. Nếu Sessions ngoan cố không ra đi, chắc chắn Trump sẽ phải cách chức Sessions, điều này sẽ làm căng thẳng thêm nội bộ đảng Cộng Hòa. Nếu Jeff Sessions ra đi thì ủy viên công tố đặc biệt Robert Mueller chắc chắn cũng phải rời khỏi chức vụ.
Trở lại vấn đề. Kết quả bầu cử coi như đã xong, những người Việt Nam ở Mỹ từng kêu gọi, dùng thủ thuật photoshop... để vận động cho đảng Cộng Hòa, ủng hộ Donald Trump có bao giờ suy nghĩ, tìm hiểu về kết quả này ? Họ có nhận ra rằng người Mỹ nhanh chóng thấy được sai lầm của họ hơn người Việt khi bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016, hay lại cho là những người bỏ phiếu cho Dân Chủ lấy lại quyền kiểm soát ở Hạ viện kỳ này bị truyền thông thổ tả lèo lái, định hướng ?
Những người Việt Nam trong nước ủng hộ Trump, đảng Cộng Hòa không đáng trách vì họ không có đầy đủ thông tin, dữ kiện, facts, data... Đáng trách là những người ở hải ngoại, không ít là trí thức, bác sĩ, luật sư, kỹ sư... có đầy đủ phương tiện, báo chí, truyền thông để tìm hiểu sự thật, đâu là tin tức, đâu là fake news, đâu là sự thật định hướng (alternative fact)... nhưng không làm, chỉ thích nghe những điều thuận tai, vừa mắt.
Món quà Ivanka Trump mới nhận từ Tập Cận Bình cộng với hàng trăm mặt hàng mang nhãn hiệu Trump đã sản xuất ở China, dẫy khách sạn, casino mang tên Trump, việc hãng Boeing chuẩn bị lắp ráp Boeing 737 vào đầu tháng 12, có làm cho những người đang kỳ vọng Donald Trump - dùng chiến tranh thương mại đánh sập kinh tế Trung Quốc rồi cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ theo - sáng mắt ra không ?
Thạch Đạt Lang
(09/11/2018)
Kính thưa quý vị nhân sĩ, trí thức, nhà văn... Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam !
Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Chu Hảo và rất đông nhà văn cùng bằng hữu trong ngày mừng thôi nôi trang Văn Việt. Ảnh : FB Kim Cúc.
Ngay sau khi ông giáo sư Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức bị Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật, quý vị – một số trí thức, nhà văn, cựu viên chức chính quyền, cựu sĩ quan quân đội... lên tiếng công khai từ bỏ đảng để phản đối hành động của đảng đối với ông Chu Hảo. Xin được bày tỏ cùng quý vị đôi lời.
Vài ngày sau đó ông Chu Hảo cũng viết đơn, công khai xin ra khỏi đảng. Đây là một hành động tương đối can đảm dưới chế độ cộng sản hiện nay. Sở dĩ tôi dùng hai chữ tương đối vì thấy quý vị đã dám tháo gỡ cái vòng kim cô đặt lên đầu quý vị gần suốt cả cuộc đời, việc tháo gỡ vòng Kim Cô đó đòi hỏi một sức mạnh tổng hợp từ nhận thức, lòng tự trọng, suy nghĩ chọn lựa. Chỉ muốn hỏi thêm, đâu là yếu tố để đến gần cuối đời, quý vị mới quyết định từ bỏ đảng cộng sản ?
Hai chữ tương đối diễn tả sự chậm trễ, trì trệ của quý vị so với hành động can đảm của những người trẻ tuổi, những người học vấn, kiến thức, bằng cấp, sự hiểu biết cũng như tuổi đời của họ chưa đáng là học trò của quý vị, nhiều người trong họ đã trả giá cho sự dấn thân bằng sự hành hung, tra tấn nặng nề của công an, những năm tháng giam giữ, tù đầy khắc nghiệt của chế độ... Quý vị đã cân nhắc, suy nghĩ, so đo quá lâu giữa quyền lợi, chức tước, địa vị và sự ly khai, để đến gần cuối đời mới bày tỏ thái độ.
Là trí thức, nhà văn, sĩ quan quân đội, viên chức, cán bộ chính quyền... tôi tin rằng với kiến văn rộng rãi, sự thông thái, hiểu biết của quý vị, chỉ cần một thời gian ngắn sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam, sinh hoạt đảng vài lần, quý vị dễ dàng nhận ra bản chất của nó.
Cá nhân tôi chỉ sống 6 năm ở Việt Nam sau khi cộng sản thống nhất được đất nước bằng bạo lực, chỉ vài lần đi họp tổ dân phố sau năm 1975, tôi đã nhận ra ngay sách lược nhồi sọ, độc tài, chuyên chế của cộng sản , quý vị chẳng có lý do gì để không nhận ra cách sinh hoạt định hướng, kềm kẹp tư duy con người của Đảng cộng sản Việt Nam.
Hơn nữa, hành đông can đảm của quý vị cũng chỉ mới thực hiện được một nửa, quý vị từ bỏ Đảng cộng sản nhưng lại chỉ dám lên án, chỉ trích, phê bình là Đảng cộng sản ngày nay đã suy thoái, chệch hướng, không còn lý tưởng, không có chính danh, không còn là Đảng cộng sản Việt Nam ngày trước như khi ông Hồ Chí Minh còn sống...
Nếu cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam không có tính chính danh thì ngay từ khi cộng sản cướp được chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có chính danh. Thế sao lâu nay quý vị im lặng, để đến khi sắp từ giả cuộc đời mới dám lên tiếng ? Nhưng cũng chỉ lên tiếng nửa vời bằng cách từ bỏ đảng công khai hay viết thư ngỏ, kiến nghị…
Thế xin hỏi quý vị - Lý tưởng của đảng là gì ? Xây dựng một thế giới đại đồng, một xã hội bình yên, không còn đấu tranh, không có giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người... ? Tôi có thể xác quyết 100% rằng không ai trong quý vị còn tin vào điều hoang tưởng này.
Từng là đảng viên, nhiều người trong quý vị đã ký, từ vài lần đến tất cả những kiến nghị, đề nghị đảng thay đổi điều này, thực hiện điều kia... Chưa thấy có kiến nghị nào được lãnh đạo cộng sản Việt Nam trả lời qua các thời kỳ kể từ khi ông Hồ Chí Minh du nhập đảng cộng sản vào Việt Nam. Một người hiểu biết thì "bất quá tam", có nghĩa là không nên yêu cầu quá 3 lần, lập lại đề nghị một việc không được nhìn tới chứ đừng nói là quan tâm.
Quý vị gửi hàng chục kiến nghị, chẳng có cái nào được ngó tới nhưng vẫn kiên nhẫn tiếp tục gửi kiến nghị. Người viết bái phục lòng kiên nhẫn của quý vị thì ít mà thất vọng về thái độ phản kháng của quý vị thì nhiều.
Là trí thức, nhà văn, cựu viên chức, cán bộ chính quyền... những lời nói, hành động, bày tỏ quan điểm của quý vị ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, sự phản kháng của người dân. Khi người dân thấy quý vị chỉ dám công khai từ bỏ đảng, viết thư ngỏ hay kiến nghị đảng nên thế này, thế nọ... rồi xúm xít ca tụng, hoan hô lẫn nhau thì họ còn dám làm gì khi bị cướp đất, bị đè nén, chà đạp, trấn áp, bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quấy rầy khắp mọi nơi, mọi dịp, thân nhân bị tra tấn chết trong đồn công an… ?
Quý vị ở đâu, bao nhiêu người trong quý vị đã xuống đường cùng người dân phản đối việc xả chất thải ra biển của nhà máy luyện thép Formosa ở Hà Tĩnh ? Quý vị làm gì khi người dân Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang... phản đối việc giàn khoan HD 981 xâm nhập hải phận Việt Nam, ai trong quý vị lên tiếng về những cái chết của người dân trong đồn công an, những tầu thuyền của ngư dân bị tàu "lạ" đâm chìm, cướp mất ngư sản… ?
Quý vị lên tiếng, phản đối đảng nhưng cũng chỉ phản đối giữa chừng khi địa vị, danh dự, chức tước, quyền lợi của quý vị bị đụng chạm trực tiếp, như thế thì có gì đáng để ca tụng, tung hô, mặc áo thụng vái lẫn nhau ? Sự can đảm ly khai, từ bỏ đảng của quý vị còn kém xa những người dân có điều kiện trở thành đảng viên nhưng đã từ chối khi nhận ra bản chất thật sự của đảng.
Bản chất đó là gì ? Đó là bản chất của một đảng cướp, tay sai của một đảng cướp lớn hơn là đảng cộng sản quốc tế, được lãnh đạo bởi Liên Xô, chẳng có lý tưởng nào ngoài lý tưởng đi ăn cướp được ngụy trang dưới chiêu bài giải phóng các dân tộc bị đô hộ, giải phóng nô lệ, áp bức…
Nếu thật sự muốn thực hiện, cống hiến những ý nguyện có giá trị vào lúc hoàng hôn của cuộc đời, khi đã bước qua được ranh giới của sợ hãi, quý vị hãy thẳng thắn từ bỏ đảng, nói lên bản chất thật sự của đảng cộng sản Việt Nam, cùng lúc kêu gọi tất cả các đảng viên khác hãy noi gương mình chứ đừng vừa đánh vừa run, bỏ đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng để quay về với đảng cộng sản của Hồ Chí Minh như ông giáo sư Tương Lai.
Đảng Lao Động của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng chỉ là một, cùng bản chất không có gì khác biệt, chỉ là con tắc kè đổi màu khi phải thích ứng với sự sinh tồn.
Chẳng hiểu quý vị còn nhớ lời của nhạc sĩ Tô Hải, tác giả của "Hồi Ký của một Thằng Hèn" tuyên bố : "Ai đến nhà tôi, muốn tôi tiếp thì vứt cái thẻ đảng đi". Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và nhiều nhân sĩ, trí thức đã đánh giá nhạc sĩ Tô Hải cực đoan. Một trí thức cần phải có hành động dứt khoát, phân biệt rõ ràng trắng đen như vậy để làm gương cho những đảng viên khác đang muốn ly khai, từ bỏ đảng.
Làm được như cụ Tô Hải, quý vị mới xứng đáng là trí thức, nhân sĩ, nhà văn... những con người ưu tú của xã hội, của đất nước, dân tộc.
Kính chào quý vị,
Đức quốc, 02/11/2018
Thạch Đạt Lang
Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ quốc hội Mỹ (Mid-term on 6th November 2018). Người dân Mỹ - Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng, Mỹ đỏ, Mỹ nhuôm nhuôm… Mỹ nào chẳng là Mỹ ? - nhiều người đã bỏ phiếu trước qua hình thức gửi thư, họ đã chọn lựa xong, đã dứt khoát tư tưởng trong quyết định bỏ phiếu cho một trong 2 đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ.
Nền chính trị của Mỹ rất đặc biệt, chỉ có 2 đảng chính thay nhau nắm quyền điều hành đất nước là Dân chủ (Democratic Party) thành lập ngày 09/01/1828, còn được gọi là đảng Con Lừa và đảng Cộng hòa (Republican Party) thành lập ngày 20/03/1854, còn được gọi là đảng Con Voi viết tắt là GOP (Grand Old Party). Khi Cộng hòa nắm quyền thì Dân chủ trở thành đảng đối lập và ngược lại.
Việc xung đột quan điểm trong chuyện điều hành đất nước giữa 2 đảng là chuyện đương nhiên vì chủ trương, chính sách về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, giáo dục, y tế... của 2 đảng hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên đều chung một mục đích : Phục vụ quyền lợi của người dân Mỹ, những người đã bỏ phiếu (cũng như không) cho họ.
Kể từ khi Tu Chính Án thứ nhất – The First Amendment được ghi vào Hiến Pháp Mỹ năm 1791 đến nay, chưa một tổng thống Cộng hòa hay Dân chủ xúc phạm, phỉ báng truyền thông và báo chí tự do cho đến khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống thứ 45 ngày 20/01/2017.
Hai đảng chính thay nhau nắm quyền điều hành đất nước là Dân chủ (Democratic Party), còn được gọi là đảng Con Lừa, và đảng Cộng hòa (Republican Party), còn được gọi là đảng Con Voi
Bước chân vào Tòa Bạch Ốc, Donald Trump luôn miệng gọi truyền thông báo chí tự do là kẻ thù của người dân (Enemy of the People) , gọi những tin tức họ đưa ra là tin giả (Fake News). Noi theo gương ông Trump, một số bài viết, video clip do người Việt thực hiện cũng lên án truyền thông, báo chí tự do, đồng thời vận động, kêu gọi người Việt bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa vào ngày 06/11/2018.
Trong phạm vi bài viết, không phân tích, đánh giá những bài báo, video đó, chỉ bàn đến nhận định mà “dường như” nhiều người Việt mắc phải – Đó là nhận định cho rằng đảng Cộng hòa là đảng chống cộng, tạo ra việc làm , đảng Dân chủ là thiên tả, tạo ra bọn trộm cướp, thành phần bất hảo (Republican create Jobs, Democratic create Mobs). Thiên tả ở đây là có khuynh hướng thân cộng, theo chủ nghĩa xã hội…
Cuộc chiến Quốc-Cộng ở Việt Nam kết thúc đã hơn 45 năm. Nhiều hồ sơ về cuộc chiến, nguyên nhân thất bại của người Mỹ, của miền Nam Việt Nam đã được giải mật, độc giả biết tiếng Anh có thể tìm kiếm dễ dàng bằng Google Search.
Người Mỹ bắt đầu can thiệp vào chính trường Việt Nam từ năm 1954 khi Thuyết Domino được Tổng thống Dwight D. Eisenhower giải thích trong một buổi họp nội các. Lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương (Indochina) trong cuộc chiến tranh lạnh (Cold War).
Khi người Pháp đầu hàng Việt Minh trong trận chiến Điện Biên Phủ, hiệp định Genève được ký kết tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam chia làm 2 miền Nam-Bắc thành 2 quốc gia với 2 thể chế đối chọi nhau, Cộng hòa và Cộng sản. Mỹ chính thức thay thế người Pháp, yểm trợ cho miền Nam thành lập chế độ cộng hòa, chống lại sự bành trướng của chủ thuyết cộng sản.
Trong quá trình 21 năm yểm trợ cho miền Nam chống quân cộng sản Bắc Việt có tất cả 5 đời tổng thống Mỹ chịu trách nhiệm trực tiếp tới những chính sách, kế hoạch can thiệp vào cuộc chiến. Đó là Dwight D. Eisenhower (1953-1961 - Republican), John F. Kennedy (1961-1963 - Democratic), Lyndon B. Johnson (1963-1969 - Democratic), Richard Nixon (1969-1974 - Republican), Gerald R. Ford (1974-1977 - Republican).
Trọng 5 tổng thống này, 3 ông Eisenhower, Nixon, Ford thuộc đảng Cộng hòa, 2 ông Kennedy, Johnson thuộc đảng DC. Tuy nhiên, thời gian Mỹ can thiệp mạnh nhất nằm trong giai đoạn cầm quyền của đảng Dân chủ 1961-1969, quân số Mỹ tham chiến tại Việt Nam lúc đó lên đến 540.000 cùng lúc phong trào phản chiến bắt đầu lên cao . Tổng thống Lyndon Johnson muốn chiến thắng cộng sản bằng giải pháp quân sự nhưng không thành công. Khi hòa đàm Paris khai mạc năm 1968, tổng thống Johnson đồng ý ngưng ném bom miền Bắc.
Sau khi tổng thống Richard Nixon (Cộng hòa) thay thế Lyndon B. Johnson (Dân chủ) tháng 01/1969, tháng 05/1969 Mỹ bắt đầu giảm bớt quân số tham chiến ở Việt Nam. Khởi đầu với những trận bóng bàn giao hữu năm 1971 , Mỹ và Trung Quốc tìm cách xích lại gần nhau, cố vấn an ninh của Nixon là Kissinger và Chu Ân Lai liên tiếp có những cuộc gặp gỡ bí mật.
Bắt tay được với Trung Quốc năm 1972 - thế lực yểm trợ mạnh nhất cho cuộc chiến xâm lăng miền Nam - Nixon chính thức tìm cách chấm dứt chiến tranh bằng đường lối thương thuyết, thúc đẩy và ép buộc chính quyền miền Nam ngồi vào bàn hội nghị, chấp nhận ký kết hiệp định ngưng chiến Paris với những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho miền Nam trong cuộc bảo vệ tự do, dân chủ cho đất nước.
Ngày 30/04/1975, miền Nam thất thủ vì không còn vũ khí, đạn dược, tiếp liệu... Làn sóng người bỏ nước ra đi bắt đầu vào những ngày cuối tháng tư với trên một trăm ngàn người chạy trốn chế độ cộng sản. Những năm sau đó, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi bằng đường biển càng ngày càng tăng cường độ.
Khi làn sóng thuyền nhân dâng cao vào những năm 1978-1979, tổng thống Jimmy Carter thuộc đảng Dân chủ là người tăng gấp đôi số lượng thuyền nhân được nhập cư vào Mỹ . Rất nhiều người trong số thuyền nhân Việt Nam được nhận vào thời gian này, ngày hôm nay chửi đảng Dân chủ là thiên tả, thổ tả, thân cộng…
Người Việt ở Mỹ đa số sống tập trung, quây quần, chùm đụp với nhau ở những thành phố như San Jose, Santa Ana, Westminster, Garden Grove, San Diego, Los Angeles, San Francisco... đều thuộc California (CA) và một vài thành phố khác là Houston, Arlington thuộc Texas (TX), Seattle, Portland thuộc Washington... rất ít khi va chạm quyền lợi, văn hóa, chủng tộc... với người da trắng nên mang ảo tưởng là ở Mỹ không có kỳ thị.
Nói đến người Việt ở Mỹ là nói đến California vì đây là tiểu bang giầu nhất nước Mỹ với nền kinh tế đứng hàng thứ 5 trên thế giới , an sinh xã hội do đó cũng được chính phủ đài thọ cao nhất nước Mỹ. Người Việt sống ở California đông nhất, hưởng phúc lợi xã hội cao nhất so với các tiểu bang khác. Ở Quốc hội, đảng Dân chủ chiếm đa số ghế ở cả 2 viện từ nhiều năm qua, Thống đốc hầu hết là người đảng DC nên mọi chính sách từ kinh tế, giáo dục đến an sinh xã hội, di trú... gần như đều do đảng DC quyết định.
Tuy nhiên cứ nhìn sinh hoạt chính trị của người Việt ở thủ đô người Việt tị nạn - Little Sài Gòn – hay San José sẽ thấy đa số luôn phê bình, chỉ trích, chửi bới đảng Dân chủ là thiên tả, thân cộng… Vậy đâu là lý do, dữ kiện, facts, data... để cho số người Việt nói trên có kết luận rằng đảng Cộng hòa là đảng chống cộng, còn Dân chủ là thiên tả ?
Tại sao ? Phải chăng họ muốn từ bỏ những phúc lợi mà họ đang hường ? Chắc chắn là không ! Vậy thì lý do nào ? Có trời mới hiểu. Ông Trump và đảng Cộng hòa đang dự trù, tìm cách hủy bỏ Obamacare lần thứ hai nếu đảng Cộng hòa thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào thứ ba tuần tới (06/11/2018).
Hai biến cố có nguyên nhân chính trị tiềm ẩn mới nhất đây, vụ bom thư được gửi tới nhà các lãnh đạo đảng Dân chủ như Hillary Clinton, Barack Obama .., một số nhân vật có danh tiếng như tỉ phú George Soros, tài tử Robert De Niro.., những người từng công khai chỉ trích, phê bình, lên án Donald Trump và vụ xả súng bắn chết 11 người, gây thương tích nặng nề cho nhiều người khác ở môt giáo đường Do Thái tại Pittsburgh đều do những kẻ cuồng Trump (Cesar Sayoc và Robert Bowers) là thủ phạm. Đừng cho rằng những lời nói kích động, khuyến khích bạo lực, kỳ thị chủng tộc của ông Donald Trump không ảnh hưởng, tác động gì đến những người này.
Có điều gì bảo đảm chắc chắn rằng sẽ không bao giờ có một vụ xả súng bắn vào trường học, đám đông, chùa chiền, nhà thờ, trung tâm mua sắm... của người Việt ở San Jose, Santa Ana, Westminster, San Diego, Houston, Arlington, Seattle… ?
Bầu cho đảng phái nào là quyền tự do chọn lựa của mỗi người, thế nhưng trước khi quyết định, cũng nên tim hiểu, soi gương, suy nghĩ, nhìn lại mình để tự hỏi rằng : Ta là ai ? Làm gì trên đất nước này ? Tại sao ta có mặt ở đây ? Ta đứng ở đâu trong xã hội Mỹ ? Ta chạy trốn cái gì, ta mong muốn điều gì khi rời bỏ quê hương, đất nước ra đi ?
Thạch Đạt Lang
(31/10/2018)
Lười quan sát, ngại suy nghĩ, luôn mong an phận, thủ thường vốn là những nhược điểm có tính cố hữu của con người.
Fan cuồng Trump ở Hoa Kỳ - Ảnh youtube minh họa
Các chế độ độc tài cũng như cộng sản đã khai thác tối đa những nhược điểm này vừa bằng tuyên truyền theo kiểu nhồi sọ, vừa bưng bít thông tin, trừng phạt những nỗ lực tìm biết hay phổ biến những khác biệt với hiểu biết cố hữu để duy trì quyền bính và thường thì luôn luôn thành công vì đa số tự nguyện từ bỏ quan sát, so sánh, phân tích để thay đổi nhận thức, cách hành xử.
Đó chính là lý do tại sao Mao Trạch Đông, Kim Jong-Il, Hồ Chí Minh,... được sùng bái như thần thánh, thứ thần thánh mà độ "thiêng" có giới hạn về địa lý, chỉ khu trú ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, còn trong mắt thiên hạ bên ngoài phạm vi tác động của cường quyền thì chỉ là "tội đồ".
Bởi là những nhược điểm cố hữu, sống trong môi trường tự do, cho dù không bị kiểm soát, khống chế bởi bạo quyền nhưng nếu vẫn lười quan sát, ngại suy nghĩ, thấy vừa mắt, nghe vừa tai là lập tức cho rằng có lý, không cần đối chiếu, so sánh, phân tích lợi – hại, thiệt – hơn thì người ta vẫn bị dụ như thường…
***
Theo một khảo sát về sự ủng hộ tổng thống Donald Trump của người Mỹ gốc Á Châu đăng trên VOA thì người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất 64%, kế đó là người Phi với 48%, thấp nhất là người Nhật, chỉ có 14%. Người Tầu (không nói rõ Taiwan hay China) cũng không thích ông Trump cho lắm, chỉ có 24%.
Lý do nào người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất trong số người Mỹ gốc Á Châu ủng hộ ông Donald Trump ?
Đa số người Việt Nam sống ở bên ngoài Việt Nam đều không ưa chế độ cộng sản Việt Nam và đặc biệt là căm ghét Trung Quốc – quan thầy của chế độ cộng sản Việt Nam. Cũng vì vậy, một tổng thống đã cũng như đang có những tuyên bố và hành động "dường như" cứng rắn, nào là trừng phạt kinh tế, rồi tuyên bố ngăn chận tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông của Trung Quốc khiến họ cảm thấy hả hê, vui mừng…
Mỹ là cường quốc đứng đầu thế giới, có đầy đủ sức mạnh, phương tiện, từ kinh tế đến ngoại giao, quốc phòng... để có thể thay mặt người Việt dạy cho Trung Quốc một bài học, thành ra 64% người Việt được hỏi trong cuộc thăm dò ý kiến mà VOA đã kể ủng hộ Donald Trump là lẽ đương nhiên.
Song có thật là ông Trump sẽ dạy cho Trung Quốc một bài học, thậm chí quất sụm Trung Quốc hay không ? Chẳng có gì là chắc, kể cả khi nhiệt độ ở biển Đông nóng hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn và những đòn "trừng phạt kinh tế" mà Donald Trump liên tiếp tung ra trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng tới.
Sở dĩ người viết dùng hai chữ "dường như" và bỏ trong ngoặc kép vì có nhiều lý do để tin rằng, sau cuộc bầu cử vừa kể, chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung sẽ giảm cường độ, hai bên sẽ ký một thỏa thuận hưu chiến, hiện trạng biển Đông vẫn thế. Những lý do gây hưng phấn, mang lại tỉ lệ ủng hộ ông Trump và Đảng Cộng hòa cao bất thường sẽ bốc hơi.
Muốn đặt hy vọng vào ông Trump thì phải xem ông Trump ở nhiều góc độ khác. Ví dụ giảm thuế (Taxcut 2.0) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua. Cho dù thu nhập hàng tháng cao hơn một chút thì cũng nên khoan ghi nhận "ân đức" Tổng thống bởi nó chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi mà các CEO, CFO… các đại tổ hợp của Mỹ được hưởng. Khoan còn vì rõ ràng vật giá đang tăng đều đều, rồi nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo, người già sẽ bị cắt, bỏ thê thảm để bù vào chỗ thiếu hụt ngân sách.
Thấy có lý, nghe có lý là tin không suy xét đến mức mù quáng, kể cả nhét chữ vào miệng những nhân vật cộng đồng có chút tiếng tăm như cựu tướng thiết giáp Trần Quang Khôi của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, hoặc tướng Lương Xuân Việt, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis... để vận động người khác bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa để hỗ trợ ông Trump thì quả là đáng ngại.
Căm thù độc tài tại sao không nhận ra khuynh hướng độc tài của Donald Trump đang tiển triển dẫu chậm nhưng rất chắc. Tại sao cứ có bất kỳ tin tức nào bất lợi cho mình là Donald Trump chụp ngay cho chúng cái mũ Fake News và những người Việt phụ họa ngay rằng, đó là truyền thông thổ tả, tay sai của đảng Dân Chủ, cố tình phá hoại các chính sách của Trump.
Thế còn chuyện Donald Trump công khai ca ngợi những lãnh đạo độc tài trên thế giới thì sao, Trump có quyền độc tài và ủng hộ độc tài nên những lời Trump tán tụng những lãnh đạo độc tài trên thế giới không phải là vấn đề đáng bận tâm :
1. Kim Jong-un = A Smart Cookie (Một người rất khôn ngoan).
2. Putin = Very, Very Strong Man (Một người rất là cứng rắn).
3. Tập Cận Bình (Xi Jinping) = A Very Good Man. Who Loves China - King Of China (Một người tốt. Một người yêu tổ quốc. Một Hoàng đế của Trung Quốc).
4. Abdel-Fattah el-Sissi = Hopefully You Like Me A Lot More (Tổng thống Ai Cập : Hi vọng là ông ta sẽ thích tôi thật nhiều).
5. Recep Tayyip Erdogan = He Earns Very High Marks From Me. We Have A Great Friendship. (Tổng thống độc tài Thổ Nhĩ Kỳ : Ông ta đáng được những lời khen ngợi của tôi. Chúng tôi có một tình bạn tốt).
6. Rodrigo Duterte = A Great Leader (Tổng thống Phi Luật Tân : Ông ta là một nhà lãnh đạo tài ba). Trump từng bày tỏ hi vọng gặp gỡ Duterte nhưng Duterte từ chối thẳng rằng… ông ta bận lắm, không thể hứa hẹn gì được.
Nếu thành ngữ "Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ biết anh là người như thế nàoé đúng thì những lời tán tụng các lãnh tụ độc tài của Trump sẽ giúp hiểu bản chất thực của Trump. Thử tưởng tượng, nếu Trump mà nắm được trong tay toàn bộ quyền lực như Kim Jong-un, Tập Cận Bình, Putin... thì điều gì sẽ xẩy ra ? Điều đầu tiên có thể đoan chắc là sẽ không còn truyền thông, báo chí tự do nữa. Washington Post, New York Times, CNBC, Hufftington Post, CNN... sẽ bị đóng cửa, kế đến là các tờ báo ở địa phương… Vậy thì có khác gì cộng sản Việt Nam ?
Tổ chức văn bút Mỹ PEN America, đầu tuần này đã kiện Donald Trump khi dùng quyền lực tối cao của mình để vi phạm hiến pháp - tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận - cổ võ cho hành động của Greg Giantforte hành hung ký giả Ben Jacobs. Tất nhiên Trump không ngán, trong quá khứ Trump đã bị kiện vài ngàn lần, bao gồm 1.800 vụ dính tới sòng bài và 150 lần khai phá sản.
Viết đến đây chợt nhớ câu chuyện Luộc Con Ếch. Nếu thả con ếch vào một nồi nước đang sôi, tất nhiên nó sẽ nhẩy vọt ra nhưng nếu thả nó vào nước lạnh, đun nóng từ từ, con ếch sẽ chậm rãi chuyển từ đang sống sang từ trần mà không hề hay biết. Lịch sử có giá trị vì có nhiều bài để học. Đầu thập niên 1930, không người Đức, Pháp, Ba Lan... gốc Do Thái nào nghĩ mình có thể bị Hitler tống vào lò hơi ngạt, ngay cả khi quân đội Đức tập trung ở biên giới Áo năm 1934, nhiều người vẫn cho là "fake news" để rồi sau đó ôm hận mà chết.
George Santayana từng chua chát thốt ra như sau : Một chế độ độc tài không bao giờ xuất hiện đột ngột, nó chỉ hình thành từng bước khi các điều kiện đã chín mùi. Những người không chịu học bài học lịch sử sẽ phải sống lại lịch sử. Thế đó !
Thạch Đạt Lang
(27/10/2018)
Ngày 02/10/1018, nhà báo tự do Jamal Khashoggi người Saudi Arabia, 60 tuổi biến mất sau khi đến tòa lãnh sự của Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ xin giấy tờ làm đám cưới với người yêu. Sự mất tích của Khashoggi khiến cho truyền thông thế giới xôn xao, ngoại trưởng của các nước Mỹ, Đức... đều lên tiếng.
Thái tử Mohammad bin Salman
Jamal Khashoggi là ai mà sự mất tích của ông lại khiến cho Mỹ, Đức phải quan tâm, nhiều nước theo giõi cuộc điều tra ? Khashoggi là một nhà báo tự do có uy tín, được nể trọng ở Saudi Arabia, đã có những bài viết phê bình chế độ độc tài của nước mình.
Là người ủng hộ sự cải cách của chế độ ở Saudi Arabi, ông phải rời khỏi nước sau khi thái tử Mohammad bin Salman lên nắm quyền lực. Chạy trốn qua Mỹ nhưng Khashoggi không hề nghĩ rằng mình có thể bị bắt giữ, dẫn độ hay sát hại. Chính vì suy nghĩ ngây thơ như vậy, đầu tháng 10 vừa qua Khashoggi đến tòa lãnh sự của Saudi Arabi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để xin giấy tờ kết hôn, rồi mất tích một cách bí ẩn.
Khashoggi từng du học ở Mỹ lúc còn trẻ, đồng thời cũng là phóng viên theo chân Osama bin Laden trong cuộc chiến du kích chống sự chiếm đóng của người Nga ở Afghanistan. Tôn trọng giá trị của tự do, là người có niềm tin vào đạo Hồi, ông dứt khoát nói không với sự khủng bố bằng bạo lực của Osama bin Laden.
Nhờ vào gốc gác, vị thế của gia đình, xây dựng được những liên hệ với các nhân vật quyền lực trong hoàng gia, Khashoggi trở thành ký giả nổi tiếng của nhiều tờ báo ở Riyadh, cùng lúc là phóng viên ở nhiều nước, ngoài ra thỉnh thoảng còn là cố vấn và phát ngôn viên không chính thức cho hoàng gia trong nhiều vấn đề, dù những bài phê bình của ông cũng làm cho chế độ cai trị ở Riyadh khó chịu, bực bội. Hai lần, năm 2003 và 2010 ông bị cách chức chủ bút của tờ báo Al-Watan, xuất bản ở Riyadh vì những bài phê bình của mình.
Tuy nhiên, từ khi thái tử Mohammad bin Salman trở thành người nắm giữ quyền lực ở Saudi Arabia năm 2015 mọi chuyện đều thay đổi. Mohammad bin Salman tìm cách thâu tóm quyền lực, triệt hạ tất cả các tiếng nói đối kháng, sự cân bằng của thể chế ở Saudi Arabia nghiêng hẳn về khuynh hướng độc tài.
Sợ bị bắt giữ, Khashoggi bỏ trốn qua Mỹ vì ông biết rằng không thể tiếp tục viết phê bình, chỉ trích đường lối chính trị của chế độ nếu còn ở trong nước.
Việc Khashoggi nắm giữ chuyên mục phê bình ở tờ Washington Post với hơn 1,7 triệu người theo dõi trên mạng Twitter là một cái gai trong mắt Mohammad bin Salman. Tuy nhiên Khashoggi vô tình, không nhận ra được sự nguy hiểm này, ngay khi nhiều thân nhân, bạn bè của ông bị bắt giữ. Trong tháng sáu, Khashoggi còn tuyên bố, thái tử Mohammad bin Salman không có gì phải lo ngại, không hề có đối kháng trong nước.
Ngày 02/10/2018, Khashoggi đến tòa lãnh sự Saudi Arabia xin giấy tờ để kết hôn với vị hôn thê Hatice Cengiz rồi mất tích không để lại dấu vết.
Việc mất tích của Khashoggi gây ra chấn động về ngoại giao giữa Saudi Arabia với Mỹ, Đức... Người ta nhắc đến những loại vũ khí của Đức, Mỹ bán cho Saudi Arabia đã từ lâu không hề được nghe nói tới, không ai biết những vũ khi này đã đi về đâu, được chuyển giao cho ai, đặc biệt là bom và hỏa tiễn. Liệu Khashoggi có bị Mohammad bin Salman thủ tiêu vì có thể đã có những tiết lộ liên quan đến số vũ khí này ?
Dưới áp lực của quốc tế, tòa tổng lãnh sự Saudi Arabia đã đồng ý cho một toán điều tra đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ vào tòa tổng lãnh sự của họ điều tra về sự mất tích của Khashoggi. Chính phủ Đức cũng đã suy nghĩ, xem xét lại hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia, chỉ những vũ khi không bị chính quyền lên án mới được bán qua Saudi Arabia .
Sau cuộc điều tra, căn cứ vào báo cáo của toán đặc nhiệm, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào ngày Khashoggi mất tích, một toán 15 nhân viên đặc biệt của Saudi Arabia gồm có cận vệ của hoàng gia, sĩ quan tình báo, quân đội và chuyên viên giải phẫu đã đến Istanbu l. Thổ cũng công bố danh sách 15 người này.
Theo tờ Washington Post - nơi Khashoggi thường xuyên viết bình luận – tình báo của Mỹ đã nghe được một cuộc thảo luận về âm mưu bắt cóc Khashoggi và thái tử Mohammad bin Salman là người chịu trách nhiệm trực tiếp đến kế hoạch. Tuy nhiên phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc phủ nhận hoàn toàn tin này.
Nội các của tổng thống Donald Trump đã lần lừa, trì hoãn không nói gì đến sự mất tích bí ẩn của Khashoggi. Một tuần lễ sau, Mỹ mới lên tiếng về vụ mất tích này nhưng Donald Trump cũng không hề lên án hay chỉ trích Saudi Arabia (đương nhiên) – một đồng minh thân cận của Mỹ với những hợp đồng bán vũ khí béo bở, trị giá hàng trăm tỉ đô la và là nguồn cung cấp dầu hỏa lớn nhất cho Mỹ.
Không hài lòng với phản ứng của Trump và nội các, quốc hội quyết định có hành động riêng, sử dụng luật trừng phạt, cấm vận quốc tế năm 2012 để buộc chính quyền Trump phải mở cuộc điều tra về sự mất tích của Khashoggi.
Cuộc điều tra về sự mất tích của Khashoggi sẽ là một thử thách để đánh giá lại mối liên hệ giữa Washington và Riyadh dưới chính quyền Donald Trump. Quốc hội đã chỉ trích thái tử bin Salman và chính quyền của ông ta nặng nề, đồng thời yêu cầu Donald Trump phải có đường lối cứng rắn hơn với Riyadh.
Tuy nhiên nói với đài Fox News, ông Trump cho biết ông không muốn cấm vận vũ khí bán qua Saudi Arabia vì đó là nguồn lợi to lớn cho nước Mỹ - "Cấm bán vũ khí qua Saudi Arabia sẽ gây tổn thương nặng nề cho Mỹ, nước Mỹ sẽ mất việc làm, nhiều chuyện sẽ xẩy ra...đó là một viên thuốc đắng, khó nuốt cho xứ sở chúng ta".
Hơn thế nữa, Trump còn khuyên đừng vội kết tội chính quyền Riyadh khi nội vụ còn đang điều tra, làm như thế giống như đã làm với việc bổ nhiệm thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện.
Ngày chủ nhật vừa qua, bộ ngoại giao của Saudi Arabia gửi tin trên mạng xã hội Twitter rằng : "Chính phủ Saudi Arabia chân thành cám ơn các quốc gia kể cả nước Mỹ đã không vội vã đưa ra kết luận về cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn về sự mất tích của Khashoggi".
Bao giờ sẽ có kết quả điều tra về sự mất tích của Khashoggi ? Sẽ chẳng bao giờ có. Mọi chuyện sẽ chìm xuồng trong vài ngày tới cho dù bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo đã đích thân đến Riyadh để thúc đẩy cuộc điều tra.
Độc tài và tự do báo chí là 2 khái niệm đối kháng nhau. Không một nhà độc tài hay có khuynh hướng độc tài nào trên thế giới chấp nhận chuyện tự do báo chí, ngược lại cũng không có nền tự do báo chí nào đồng ý sự cai trị của một lãnh đạo hay một thể chế độc tài.
Đừng ngạc nhiên khi nội các của Donald Trump trì hoãn, chậm trễ lên tiếng về chuyện mất tích của Khashoggi, đến khi lên tiếng lại tỏ vẻ bênh vực chế độ độc tài ở Saudi Arabia, đồng thời so sánh khập khiểng, lố bịch những trở ngại trong việc bổ nhiệm chánh án Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện với cuộc điều tra sự mất tích của Jamal Khashoggi.
Thạch Đạt Lang
(25/10/2018)
Chiều thứ Tư ngày 05/09/2018, báo New York Times đăng một bài bình luận ngắn (Op-Ed) của một tác giả ẩn danh với tựa đề : "Tôi là một phần của nhóm phản đối trong nội các ông Donald Trump", đã làm cho nội các của Tổng thống Trump chao đảo.
Những nhân vật hàng đầu trong nội các của Trump phủ nhận là tác giả bài báo ẩn danh. Ảnh trên mạng
Bài bình luận nêu ra những điều rất đáng quan tâm về nội các của chính quyền Trump. Tác giả ẩn danh cho biết họ là một giới chức cao cấp trong chính phủ ông Trump. Bài bình luận mô tả tác giả và các đồng nghiệp của mình đang tiến hành một chiến dịch bán công khai, nhằm mục đích ngăn chận và giảm thiểu thiệt hại cho nước Mỹ mà tổng thống đương nhiệm gây ra bởi những việc làm của ông ta.
Bài bình luận là một quả đấm vào mặt ông Trump, khiến ông ta tức giận, rủa xả báo New York Times cũng như tác giả, là không có dũng khí. Và ông Trump yêu cầu báo New York Times phải tiết lộ tên tác giả, giao nộp người đó cho tòa Bạch Ốc. Sau đó Trump bày tỏ ý muốn Bộ trưởng Tư pháp phải điều tra cho ra nguồn gốc bài bình luận.
Một số giới chức cao cấp trong tòa Bạch Ốc đã lên tiếng thanh minh rằng họ không phải là tác giả bài báo gồm : Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp quốc Nikki Haley… và một danh sách dài gồm nhiều quan chức khác. Dĩ nhiên là họ phải lên tiếng phủ nhận, bởi chẳng ai điên khùng đưa đầu ra cho Trump gõ trong lúc này.
Trong lúc mọi người có liên quan, không kể ông Trump (đang xoắn), đều nháo nhác tìm kiếm nhân vật ẩn danh dám vuốt râu hùm, thì một bài báo đăng trên BBC của tác giả Roland Hughes, phân tích ngôn ngữ, đưa ra một kết luận, phỏng đoán rằng nhân vật ẩn danh đó chính là phó tổng thống Mike Pence, mặc dù ngài Phó Tổng thống chối đây đẩy.
Trong lúc đó, trong mục Quan Điểm của báo CNN đã liệt kê một danh sách gồm 13 người có nhiều khả năng nhất, là tác giả bài bình luận. Biên tập viên Chris Cillizza cùng nhóm của ông thực hiện việc phân tích, tổng hợp các dữ kiện phỏng đoán những nhân vật dưới đây, có khả năng là người đã viết bài báo, khiến Trump điên cuồng, giận dữ. Xin được tóm lược nội dung như sau :
Don McGahn : Chúng tôi (Chris Cillizza và nhóm) biết rằng thời gian làm việc của cố vấn Tòa Bạch Ốc không còn nhiều vì ông dự định sẽ rời khỏi vào mùa thu này. Hơn nữa, chúng tôi cũng biết McGahn là người thường xuyên xung đột với ông Trump, đặc biệt là từ chối lệnh của Trump, sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ngoài ra McGahn luôn bày tỏ ông sẵn sàng làm việc vì lợi ích của dân chúng, điển hình là việc ông đã gặp gỡ nhóm điều tra của ông Mueller hơn 30 tiếng đồng hồ để giúp đỡ họ trong công việc điều tra sự can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Dan Coats : Giám đốc Sở Tình Báo Quốc Gia là một thành phần quan trọng trong nền tảng lâu đời của Washington. Từng là thượng nghị sĩ tiểu bang Indiana, ông làm việc ở hai nơi ở thủ đô Washington DC. Coats là người luôn bày tỏ khuynh hướng không đồng ca với những bản nhạc của ông Trump. Khi biết được ý định của Trump mời Putin qua Mỹ, Dan Coats nói : "Cuộc gặp này sẽ đặc biệt đấy". Câu nhận xét khiến Trump giận dữ.
Kellyanne Conway : Là cố vấn tòa Bạch Ốc, bà đã sống sót trong một thời gian dài giữa cơn xoáy của các trò chơi chính trị. Conway không phải là người ngu hay không hiểu gió sẽ xoay chiều nào. Ngoài ra, còn có thêm một yếu tố nữa, X-Factor nữa là George – chồng của Kellyanne – thường viết tweet để chọc phá, khiêu khích Trump.
John Kelly : Chánh Văn phòng tòa Bạch Ốc tiếp tục đụng độ với tổng thống Trump và dường như ông không còn nhiều thời gian. Kelly xem thời gian làm việc là con đường duy nhất để phục vụ đất nước. Đó là phải trình bày tất cả sự thật về Trump như một phương thức cuối cùng để cống hiến.
Kirstjen Nielsen : Bộ trưởng Bộ Nội an là một đồng minh thân cận với Kelly, bà Neilsen cũng có mối liên hệ rắc rối với Donald Trump. Trong một buổi họp nội các, Trump đã mắng bà về số người nhập cư không có hồ sơ vào Mỹ. Được biết, bà đã viết đơn từ chức nhưng sau đó đã rút lại.
Jeff Sessions : Bộ trưởng Tư pháp Mỹ người có khả năng là tác giả của bài viết kia vì một lý do đơn giản : Ông ta có động cơ để làm điều đó, bởi chưa có người nào bị Donald Trump sỉ nhục công khai nhiều như Sessions. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần thúc giục Sessions sử dụng Bộ Tư pháp cho các mục tiêu chính trị riêng của Trump.
Đặc biệt trong tuần này, qua cuốn sách sắp xuất bản "Nỗi sợ : Trump trong Tòa Bạch Ốc" (Fear – Trump in the White House) của Bod Woodward, Bộ trưởng Sessions khám phá ra rằng, Trump đã nhục mạ ông khi gọi ông là "kẻ thiểu năng trí tuệ", đồng thời chế nhạo giọng nói miền Nam của ông. Sessions là thượng nghị sĩ suốt 20 năm trước khi được Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp sau cuộc bầu cử năm 2016.
James Mattis : Trong nội các hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis là người mà Trump thích nhất. Tuy nhiên trong cuốn sách của Woodward, những lời nói của Mattis được trích dẫn, cho rằng Mattis rất thô bạo, cộc cằn với Trump, mặc dù Mattis đã lên tiếng phủ nhận không hề nói như vậy. Nếu có chuyện xẩy ra, Mattis chắc chắn là người ít bị thiệt hại hơn. Ông là một tướng lãnh tài giỏi, trở lại phục vụ đất nước sau khi về hưu. Hơn nữa, Mattis cũng là đồng minh với John Kelly và Rex Tillerson, cựu ngoại trưởng Mỹ, là người bất ngờ bị Trump sa thải.
Fiona Hill : Bà Hill là một chuyên gia về người Nga, gia nhập nội các Trump sau khi từ chức ở viện Brookings, một viện nghiên cứu ở Washington DC. Bà Hill có thể có lý do để công khai xung đột với ông Trump vì bà nghi ngờ động cơ của người Nga nhúng tay vào cuộc tranh cử của Trump.
Một điều đáng chú ý là bà Hill không được phía Nga cho tham gia cuộc họp khi Trump và Putin gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Đức năm 2017. Bà Hill là cố vấn thân cận của H. R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump. Ông McMaster là người đã bị Trump sa thải hồi tháng 3/2018. Bà Hill giữ chức vụ quan trọng trong Hội đồng An ninh Quốc gia nhưng trong cuộc họp sớm nhất với Trump về vấn đề Nga, Trump đã không nhận ra bà, tưởng lầm bà là nhân viên văn thư.
Mike Pence. Tất cả những gì dân chúng Mỹ được nhìn thấy ở phó tổng thống Mike Pence là những nụ cười thân thiện, những cái gật đầu và im lặng, biểu lộ lòng trung thành với Trump trước công chúng. Tất nhiên những điều đó tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo để Pence viết ra những điều trong bài bình luận đăng trên báo New York Times. Pence cũng là người đầy tham vọng, rõ ràng là ông ta muốn làm tổng thống. Nhưng có nên mạo hiểm khi viết ra những điều "chết người" này là con đường tốt hơn để trở thành tổng thống, thay vì phải ngồi chờ tới ngày Trump ra đi ? Jarrod Agen, Phó Văn phòng Nhà Trắng và là Giám đốc Truyền thông của Pence, đã phủ nhận hôm thứ Năm rằng, Pence hay bất kỳ người nào trong văn phòng của họ là tác giả bài bình luận đó.
Nikky Haley : Là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cũng giống như Pence, bà Haley là một trong những người được ông Trump ưa thích. Tuy nhiên, bà cũng là người dấn sâu vào sân khấu chính trị thế giới. Bà thường có tiếng nói quan ngại về quan điểm của Trump đối với Putin và Nga. Hơn nữa, Haley cũng giống như Pence, là người phụ nữ có tham vọng, luôn để mắt đến vấn đề quốc gia. Bài bình luận đó phải chăng để Haley đạt được mục đích ?
Javanka : Sự kết hợp giữa Ivanka Trump, con gái tổng thống, và người chồng Jared Kushner để viết bài bình luận này có thể hiểu như là một vở diễn theo kiểu soap opera, nhưng theo một phương thức hoàn hảo mô tả chính quyền Trump ? Ivanka nói rằng, cô làm việc với mong muốn cha cô sẽ lắng nghe những tiếng nói của cô. Tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy Trump chịu khó lắng nghe tiếng nói của Ivanka và con rể. Phải chăng bài bình luận cũng là một cách trả đũa nhẹ nhàng ?
Melania Trump : Nói rõ là, tôi (Chris Cillizza) không tin Đệ Nhất Phu Nhân làm chuyện này, nhưng rõ ràng là bà sẵn sàng gửi đi những thông điệp khi bà không hài lòng với ông chồng hoặc nội các của ông ta, như chuyện bà mặc áo khoác có dòng chữ "Tôi thật sự không quan tâm, còn bạn ? " khi đi thăm trẻ em nhập cư bị tách khỏi cha mẹ ở Texas. Nếu bạn tin rằng, ông Trump và nội các của ông ta cai trị theo nguyên tắc show diễn thực tế, thì chuyện Melania viết bài bình luận đó là một show truyền hình thực tế nhất trong lịch sử.
***
Để kết luận, vẫn còn tồn tại một câu hỏi : Với tư cách tổng thống đương nhiệm, liệu ông Trump có đủ quyền hạn để bắt buộc báo New York Times cung cấp tên tác giả bài bình luận hay cho FBI, Bộ Tư pháp, điều tra, tìm kiếm "người thiếu dũng khí" đó không ?
Tôi tin là không. Tu chính án số 1 Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do ngôn luận – trừ trường hợp nguy hại đến an ninh quốc gia với chứng cớ rõ ràng – cho phép ban biên tập báo New York Times bảo vệ người cung cấp tin tức hay viết bình luận dưới bất cứ áp lực nào, kể cả của chính quyền. Người ta sẽ không thể biết ai đã viết bài bình luận này, giống như nhân vật Deep Throat, một nhân vật bí ẩn đã cung cấp thông tin cho báo chí Mỹ, phanh phui vụ bê bối chính trị lớn nhất nước Mỹ, khiến Tổng thống Nixon phải từ chức năm 1974.
Phải chờ hơn 30 năm sau, người ta mới biết nhân vật bí ẩn Deep Throat chính là Mark Felt, phó giám đốc FBI, là người cung cấp tin tức, dữ kiện, tài liệu cho Bob Woodward để điều tra, phanh phui vụ bê bối Watergate.
Cũng có thể phải chờ thêm một thời gian dài sau khi ông Trump bị truất phế hoặc không còn là tổng thống nữa, mọi người mới có thể biết ai là nhân vật bí ẩn đã viết bài bình luận trên báo New York Times hôm 5/9 vừa qua.
Thạch Đạt Lang
(08/09/2018)