Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Qua vụ AVG ông Trần Quốc Vượng, Thường trực ban bí thư, đột ngột "nổi" lên trên "chính trường" Việt Nam. Ông "hiện diện" trên khắp các mặt báo. Ý kiến của ông thấy được đăng đi đăng lại. Lời nói của ông được "phân tích" từ chữ từng câu. Tình hình 99% là ông sẽ lên thay cụ Tổng để "cầm chịch" trong đảng nhiệm ký 5 năm tới. Câu hỏi đặt ra là ông Vượng lên làm Tổng bí thư có "chính đáng" hay không ? và điều quan trọng là ông Vượng có "kế thừa" công trình "đốt lò" của cụ Tổng hay không ?

vuong1

Ông Trần Quốc Vượng trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 20/01/2019 - Ảnh minh họa

Xét về "lý lịch" trên Wiki tiếng Việt, ông Vượng gia nhập đảng năm 1979. Hoạn lộ của ông Vượng "hanh thông", lên như "diều gặp gió". Năm 2006 được bầu vô trung ương đảng. 10 năm sau, 2016 được vô Bộ chính trị, nắm chức "Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương". Đến năm 2017 thay thế ông Đinh Thế Huynh trong chức Thường trực Ban Bí thư.

Xét về tính "chính đáng", rõ ràng ông Vượng không có. Bởi vì "ba cục gạch nền tảng" tạo nên tính "chính danh" lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản là : 1/ có công đánh Pháp đuổi Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhứt đất nước. 2/ là Đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và 3/ chuyên chính vô sản với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ông Vượng không có công lao, đóng góp gì trong các công cuộc "đánh Pháp, đuổi Mỹ". Ông cũng đứng ngoài công cuộc "giải phóng dân tộc, thống nhứt đất nước". Ông Vượng lại càng không phải là đại diện của "giai cấp lao động". Ông không làm "công nhân" ngày nào. Người ta cũng chưa từng thấy ông Vượng làm chuyện gì để bảo vệ quyền và lợi ích của "giai cấp", hay thành phần mà ông Vượng là "đại biểu".

Người ta không nghĩ với kiến thức cao học luật và "kiểm sát" cùng với bằng "cao cấp" về "lý luận chính trị" ông Vượng có đủ "tư cách" để ngồi vào ghế tổng bí thư.

Nhưng với các "kinh nghiệm" lúc làm viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có thể ông có tư cách để "kế thừa" di sản "đốt lò" của cụ Tổng.

Như vậy nguyên tắc về lựa chọn cán bộ lãnh đạo của đảng đã mâu thuẫn, không chỉ với Hiến pháp, mà còn đối nghịch với Điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nếu xét theo nội dung hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam không còn lý do nào để tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Thành phần "có công", những người tham gia thực hiện các việc "đánh Pháp, đuổi Mỹ", "giải phóng dân tộc và thống nhứt đất nước", không còn ai. Cũng không có người nào xứng đáng là "đội tiên phong" của các giai tầng trong xã hội. Và cũng không có ai thông hiểu lý thuyết Mác Lênin cũng như tư tưởng của ông Hồ là như thế nào.

Đảng do con người tập hợp nên. Nếu Đảng cộng sản Trung Quốc tự hào vì đã đưa hàng trăm triệu người Hoa thoát nghèo. Đã đưa Trung Quốc lên hàng "đại cường", thách thức vị trí độc tôn của Mỹ. Thì Đảng cộng sản Việt Nam, phiên bản cóp-py "mờ nhạt" của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã không làm được gì cả cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Thành quả "tiêu sản" của Đảng cộng sản Việt Nam nặng nề, nhiều hơn "tích sản". Đất nước "nát bét", rừng đã hết và biển đã chết. Tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Dân thì trai làm nô, gái làm tì !

Đảng cộng sản Việt Nam vì vậy đã mất "chính danh" để lãnh đạo đất nước. Từ nay không có đảng viên nào có đủ tư cách để "đảm nhận" những chức vụ của quốc gia. Tất cả đều không chính đáng.

Vì vậy công trình "đốt lò" của ông Vượng, nếu ông này kế thừa công trình của cụ Tổng, sẽ không thể thành công. Ông Vượng như "phù thủy" non tay ấn. Không diệt được ma quỉ thì ma quỉ sẽ vặn cổ chết ông phù thủy.

Vậy thì cụ Tổng, nếu đặt lợi ích của đất nước và dân tộc lên trên hết, như cụ đã từng nói, thì cụ phải sớm có quyết định vì lợi ích cho đất nước, dân tộc. Thay vì giao quyền lại cho một "phù thủy non tay ấn", quyền lực có thẻ bị cướp mất bởi ma quỉ. Cụ nên sớm lên kế hoạch trả lại quyền lực lại cho nhân dân (đồng thời tuyên bố giải tán đảng) và tổ chức bầu cử để "dân chủ hóa đất nước.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : facebook.nhantuan.truong, 29/12/2019

Published in Diễn đàn

Hứa là sẽ viết về những "biến cố" nổi bật trong năm 2019. Rốt cục, nhìn lai những ngày đã qua trong năm 2019, hình như ngày nào tôi cũng viết một bài, về một chủ đề chi đó (mà tôi thấy là quan trọng ở thời điểm đó). Trong khi đó báo chí quốc tế thì luân phiên đăng tải những bài báo, ghi lại nhũng điều gì, theo họ, là quan trọng trong năm 2019.

chuquyen1

Công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận tuyên bố hải phận 12 hải lý và chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo tôi, đối với Việt Nam, điều quan trọng hơn hết vẫn là là vấn đề "chủ quyền lãnh thổ". Nếu trách nhiệm tối thượng của một đảng lãnh đạo là phải "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ". Ta phải chua chát nhìn nhận rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã không làm được những điều này.

Vấn đề Hoàng Sa, dư luận năm 2019 "đổ thừa" việc làm mất Hoàng Sa là trách nhiệm của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đó chỉ là "bề mặt". Bề trong, quan trọng hơn mà ít ai thấy. Đó là nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã hỗ trợ, bằng nhiều cách về pháp lý, để Trung Quốc có cớ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ quả của việc này là gì ?

Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang có những thỏa thuận về việc "khai thác chung" ở các vùng biển "chồng lấn". Ta không biết là vùng "cửa vịnh Bắc Việt" (đang thương thuyết), Việt Nam và Trung Quốc sẽ "hợp tác khai thác" từ đâu đến đâu ? Đây là vùng biển bị "chi phối" bởi hiệu quả của quần đảo Hoàng Sa. Địa điểm giàn khoan HD981 Trung Quốc đặt vào những năm trước, cách giữa bờ biển Việt Nam và đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa). Lập luận của Trung Quốc hiển nhiên là vùng đó thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc.

Theo tôi, việc đổ trách nhiệm cho phía này hay phía kia, bằng những thủ thuật "củi đậu nấu đậu", như mớm lời cho ông Hoàng Duy Hùng lên án Việt Nam Cộng Hòa làm mất Hoàng Sa. Hiển nhiên người ta không sập bẫy để cãi chầy cãi cối với một người vừa thiếu hiểu biết, vừa "bụng dạ không ngay thẳng" như ông Hoàng Duy Hùng. Nhưng chắc chắn điều này sẽ không làm nhẹ "gánh" trách nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nói về những cái khó của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

Hồ sơ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của việt Nam có 5 cái "khó" :

Thứ nhứt vấn đề "Estoppel" - nguyên tắc không được nói ngược. Các học giả Greg Austin và Thomas Bradford cho rằng công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận tuyên bố hải phận 12 hải lý và chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một thời gian dài Việt Nam có những hành vi tuân thủ nội dung tuyên bố của Trung Quốc. Bây giờ Việt Nam không thể "nói ngược".

Thứ hai, vấn đề "Acquiescement". Đặt ra từ học giả Monique Chemillier-Gendreau. Theo học giả này, sự "im lặng" dài lâu cũng như nhiều hành vi của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (như xuất bản sách báo, bản đồ) về Hoàng Sa và Trường Sa khiến cho Việt Nam có thể bị vướng "nguyên tắc Acquiescement", tức nguyên tắc luật học về "đồng thuận". Việt Nam có thể bị mất Hoàng Sa và Trường Sa vì yếu tố này.

Thứ ba, vấn đề hiệu lực các tuyên bố đơn phương - "Déclaration Unilatérale" như Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay các tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, thứ trưởng bộ Ngoại giao, nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Theo các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về hiệu quả các Tuyên bố đơn phương, quốc gia ra tuyên bố và có ý muốn tôn trọng tuyên bố đó, thì tuyên bố này có hiệu lực ràng buộc pháp lý.

Thứ tư là vấn đề kế thừa. Đây là nghi vấn của Giáo sư Joële Nguyen Duy Tan : làm thế nào Việt Nam hôm nay có thể "kế thừa" Việt Nam Cộng Hòa khi vẫn cho rằng thực thể chính trị này là "ngụy, tay sai" ?
Thứ năm, vấn đề "liên tục quốc gia".

Các vấn đề về "estoppel", "acquiescement", "Tuyên bố đơn phương"... tôi đã tuần tự đăng bài viết giải thích và đề nghị phương pháp hóa giải. Nhưng còn vấn đề "kế thừa lãnh thổ". Điều này không "bất biến", không thể giải thích tùy tiện, mà tùy thuộc vào "thiện chí" của phe thắng trận cũng như lòng lương thiện của các học giả Việt Nam trong nước. Người ta có thể "kế thừa" một di sản nhưng cũng có thể khước từ kế thừa di sản đó.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã "kế thừa" Hoàng Sa và Trường Sa hay chưa ? và việc "kế thừa" xảy ra như thế nào ?

Trong tài liệu nghiên cứu có tựa đề "Trung Quốc và Việt Nam : Phân tích các Yêu sách chủ quyền đối lập ở Biển Đông" do CNA xuất bản tháng 8 năm 2014, tác giả Raul Peter Pedrozo, viết :

"Vào ngày 30/4/1975, Việt Cộng và quân đội miền Bắc Việt Nam chiếm được Sài Gòn, kết thúc chiến tranh Việt Nam. Năm sau đó, vào ngày 2/7/1976, Cộng hòa Dân chủ Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (PRG) sáp nhập thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (SRV). Sau khi đất nước thống nhất, SRV thừa kế Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa/PRG (miền Nam Việt Nam) và tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này".

Tác giả chỉ đơn thuần nói rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "kế thừa" Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam Cộng Hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà không giải thích kế thừa bằng thủ tục nào ?

Ngay cả học giả Monique Chemillier-Gendreau trong tập "La Souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys" cũng không giải thích về "thủ tục kế thừa" về lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Câu hỏi của học giả Joële Nguyen Duy Tan vẫn còn "bỏ lửng" : làm thế nào để "kế thừa" khi Việt Nam hôm nay vẫn luôn cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy" là "tay sai" ?

chuquyen2

Chủ quyền biển đảo Việt Nam - Ảnh minh họa

Thật vậy, nếu ta có theo dõi lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, từ giai đoạn Đại hội toàn quốc lần thứ III tháng 9 năm 1960, cũng như các quan điểm "chính thức" được viết trong các tập "chính sử" xuất bản gần đây, ta thấy Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, tức tiền thân của Cộng hòa miền nam Việt Nam, được thành hình từ Nghị quyết của Hội nghị lần III nói trên.

Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam từ đó đến nay vẫn không thay đổi : "giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai" và chế độ Việt Nam Cộng Hòa được xem là "Chế độ thực dân và nửa phong kiến là trở lực ngǎn cản sự nghiệp hòa bình, thống nhất của dân tộc ta, là nguồn gốc của mọi nỗi đau đớn, khổ cực của đồng bào ta ở miền Nam. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là : giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng...".

Tập tài liệu này thú nhận Mặt trận giải phóng miền Nam, hoặc là chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đều do đảng viên đảng Lao động lãnh đạo (bây giờ là đảng cộng sản).

Tức là hai chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam "tuy hai mà một", tất cả nhân sự lãnh đạo đều ở chung một Đảng cộng sản Việt Nam.

Cả hai chế độ này có chung quan điểm : Việt Nam Cộng Hòa là tay sai của Mỹ, là "ngụy". Mục tiêu của họ cũng là một : đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào… (sic !).

Sau khi Sài gòn sụp đổ, đại diện Cộng hòa miền Nam Việt Nam là bà Nguyễn Thị Bình có gởi công hàm thông báo đến các tổ chức quốc tế (thuộc Liên Hiệp Quốc) như O.M.S, UNESCO, UIT… Trước "quốc tế", việc "kế thừa" của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đơn giản là việc "đổi tên nước".

Nhưng vấn đề "kế thừa lãnh thổ" không đơn thuần bằng việc "đổi tên nước".

Thực tế cho thấy Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, quân đội giải tán, các cơ quan nhà nước bỏ trống… không hề có sự "chuyển giao quyền lực", dầu là tượng trưng, giữa phe chiến thắng với bên thua trận.

Sau khi chiến thắng, đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xin gia nhập vào một số tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, cùng lúc với Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Việc này tạo thành "hai quốc gia" Việt Nam hiện hữu song song trên trường quốc tế. Hành vi này cũng khẳng định Việt Nam Cộng Hòa "đã từng là một quốc gia độc lập có chủ quyền".

Nếu vậy, hành vi "giải phóng dân tộc" dưới ánh sáng luật quốc tế, đơn thuần trở thành một cuộc "xâm lăng", quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia bằng vũ lực. Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia bại trận, sáp nhập vào lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Không hề có việc "kế thừa lãnh thổ".

Lại càng thêm "khó", khi phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa luôn quan niệm Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy", là "tay sai".

Ngụy là "giả", là không có thật.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa luôn quan niệm Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy", là "tay sai"

Làm thế nào để kế thừa di sản của cái mà mình cho là "giả", là "không có thật" ? Thực tế đã cho thấy, người ta chỉ có thể "cướp" những thứ của "ngụy" chớ không "kế thừa" những gì từ bọn "ngụy".

Trở lại câu hỏi của học giả Joële Nguyen Duy Tan. Làm thế nào để kế thừa lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa từ bọn "ngụy", tay sai ?

Tay sai làm gì có "chính danh" để mà kế thừa "danh nghĩa chủ quyền" ?

Các học giả Việt Nam hiện nay còn quan niệm rằng vấn đề Hoàng Sa "khó" vì do Việt Nam Cộng Hòa "làm mất".

Không ai phản biện rằng Trung Quốc dùng vũ lực xâm lăng lãnh thổ Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thời đó (tháng Giêng năm 1974) khá quan trọng với một số chiến hạm do Mỹ để lại từ Thế chiến Thứ hai. Nhưng lực lượng hải quân này chỉ được thổi phồng với những con số "hoành tráng", trong khi "hỏa lực" thì đã bị Mỹ tháo gỡ không còn gì. Ngay cả lực lượng không quân, thời điểm đó nhiên liệu không đủ để tập kích các cơ sở của Việt cộng, thì làm gì có thể ra "dội bom" để lấy lại Hoàng Sa ?

Thật dễ dàng cho các học giả đổ thừa Việt Nam Cộng Hòa "làm mất" Hoàng Sa.

Nhưng theo tôi, cái "khó" của vấn đề chủ quyền biển đảo không hề do Việt Nam Cộng Hòa đem lại. Tập quán quốc tế không nhìn nhận việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực. Mà khó vì công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như khó vì học giả Việt Nam không chịu nhìn thấy đâu là sự thật. Việt Nam Cộng Hòa "làm mất" Hoàng Sa là Trung Quốc nhờ sự tiếp tay "đâm sau lưng" của người anh em miền Bắc !

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : facebook, nhantuan.truong, 28/12/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 27 décembre 2019 22:48

Vấn đề "thoát Trung" và "thân Mỹ".

Những vấn đề đáng "quan tâm" trong năm 2019

Chống Trung Quốc không hề là một "chứng minh thư" về lòng yêu nước. Cũng như việc chống Nho giáo không hề là động lực nhằm thúc đẩy dân chủ. Lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy không phải lúc nào Việt Nam cũng "lệ thuộc" vào Trung Quốc và cũng không phải lúc nào Việt Nam cũng "chống" Trung Quốc. Những khoản thời gian Việt Nam phát triển thường trùng hợp với các giai đoạn Việt Nam "độc lập" với Trung Quốc.

thoat2

"Thoát Trung" là thoát về cái gì ? về ý thức hệ ? văn hóa ? kinh tế ?

Nếu ta hiểu "Trung Quốc" bao gồm dân số 1 tỉ 400 triệu người với tổng sản lượng quốc gia 12.362 tỉ đô la, việc chống Trung Quốc đồng nghĩa với việc lao đầu vào đá. Hiển nhiên đây không phải là công việc của người Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm thế nào để giữ "độc lập" trước môt Trung Quốc giàu mạnh, đang lột xác trở thành một "đế quốc bành trướng" ?

Không chỉ Việt Nam, mà toàn khu vực Châu Á Thái bình dương, nền hòa bình bị sự "trỗi dậy" của Trung Quốc đe dọa.

Một nước Đức giàu có hòa bình hôm nay với một nước Đức quốc xã hùng mạnh ngày trước khác nhau chỗ nào ? Cơ bản khác biệt chế độ dân chủ tự do đối nghịch với chủ nghĩa quốc xã.

Hitler bị hạ bệ, cùng với hiến pháp dân chủ ra đời, nước Đức quốc xã trở thành nước Đức giàu có và nhân ái.

Nếu xóa bỏ "chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc" cùng với việc hạ bệ Tập Cận Bình, nhiều xác suất Trung Quốc sẽ được "dân chủ hóa" và trở thành một Đài Loan ở bình diện lớn.

Vì vậy thay vì hô hào (một cách điên cuồng) "chống Trung Quốc" như để chứng minh lòng yêu nước. Trí thức Việt Nam nên ủng hộ Đài Loan và Hong Kong, ủng hộ việc "dân chủ hóa" lục địa.

***

Như thông lệ, hễ mỗi lần Trung Quốc có những hành vi xâm phạm chủ quyền (hay các quyền phụ thuộc chủ quyền) biển đảo của Việt Nam, Biển Đông trở nên căng thẳng. Thì trong nội bộ Việt Nam, tầng lớp gọi là "trí thức" (trong hay ngoài đảng) hô hào việc "thoát Trung" (song song với việc kết thân với Mỹ). Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến các việc "thoát Trung" và "thân Mỹ" được xem như là một giải phải để Việt Nam thoát ra khỏi sự ràng buộc (và hiếp đáp) của Trung Quốc. Vậy thế nào là "thoát Trung" và thế nào mới gọi là "thân Mỹ" ? Không (hay ít) thấy ai có lời giải thích nội hàm của hai việc này một cách thấu đáo.

Thực tế trong lịch sử Việt Nam có nhiều phen "thoát Trung".

Về "văn hóa", sau khi bị Pháp thuộc, nhà cầm quyền bảo hộ Pháp đã có những nỗ lực buộc Việt Nam "thoát" khỏi ảnh hưởng văn minh Trung Hoa bằng cách dạy chữ "quốc ngữ" cho dân Việt Nam đồng thời mở các trường, từ cấp tiểu học cho tới đại học, để đào tạo nhân sự. Người Pháp gọi đó là "devoir de civilisation - bổn phận khai hóa". Đến năm 1954, Pháp bắt đầu rời Việt Nam thì quá trình "thoát Trung" về văn hóa xem như đã hoàn tất.

Ở miền Bắc, việc "thoát Trung" được tiếp tục thể hiện qua các cố gắng "Việt hóa" các từ ngữ gốc Hán. Nhưng về chính trị (ý thức hệ) thì miền Bắc lại "rập khuôn" mô hình cộng sản (nông dân) của Trung Quốc (khác với mô hình cộng sản công nhân của Liên Xô). Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng cho phát hành tiền tệ trên đó có viết cả chữ Hán.

Ở miền Nam việc "thoát Trung" vẫn tiếp tục. Về ý thức hệ với sự tiếp nhận nền "dân chủ kiểu Mỹ". Về kinh tế chính quyền ông Diệm tìm cách gạt ảnh hưởng của người Hoa lên nền kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Sau 1975, do sự xung đột về đường lối áp dụng "ý thức hệ" giữa hai đàn anh Trung Quốc và Liên Xô. Việt Nam ngả về Liên Xô chống Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục "thoát Trung" cho đến năm 1990, qua các việc "thanh trừng" những "đồng chí" nào thân Trung Quốc. Khúc quanh "hội nghị Thành Đô", Việt Nam "quẹo cua" 180° trở lại rập khuôn ý thức hệ chính trị của Trung Quốc với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", cái tên khác một chút nhưng 100% tư tưởng là sản phẩm của Đặng Tiểu Bình.

Kể từ đó (Hội nghị Thành Đô) Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc vào Trung Quốc, từ ý thức hệ chính trị cho tới văn hóa, kinh tế.

Bây giờ muốn "thoát Trung" và "thân Mỹ". Nhưng "thoát Trung" là thoát về cái gì ? về ý thức hệ ? văn hóa ? kinh tế ?

Còn "thân Mỹ" là thân như thế nào ?

Theo tôi, quan trọng hơn hết trong nội hàm "thoát Trung" là vấn đề "ý thức hệ chính trị". Các quốc gia như Nam Hàn, Nhật… văn hóa ở các xứ này vẫn bàng bạc văn hóa Trung hoa. Về kinh tế, các nước này gắn bó với Trung Quốc đến mức không thể tháo gỡ được nữa. Ta có thể nói là Trung Quốc được phát triển hôm nay là nhờ Nhật, Nam Hàn (và tài phiệt người Hoa ở hải ngoại như Hong Kong và Đài Loan).

thoat1

Còn "thân Mỹ" là thân như thế nào ?

Thử nhìn hai trường hợp Đài Loan và Hong Kong. Dân chúng hai vùng lãnh thổ này không bao giờ chịu nhận họ là "Trung Quốc". Gặp trường hợp bị gọi là "chinese-chinois" họ liền đính chánh : "tôi là người Hong Kong" hay "tôi là người Đài Loan, không phải Trung Quốc". Mặc dầu họ là người Hán 100% và lãnh thổ 100% thuộc về Trung Quốc.

Về Hong Kong và Đài Loan, một số chi tiết quan trọng cần nói rõ một chút.

Trên danh nghĩa pháp lý (de jure), Đài Loan và Hong Kong là hai lãnh thổ thuộc về một quốc gia duy nhứt mang tên Trung Quốc. Trên thực tế (de facto), Hong Kong là mô hình "quốc gia hai chế độ". Lãnh thổ Hong Kong được Anh trả lại cho Trung Quốc, với điều kiện Bắc Kinh nhìn nhận "quyền tự trị" cho lãnh thổ này, trong một khoảng thời gian là 50 năm.

Trường hợp Đài Loan có phần phức tạp hơn. Đài Loan là một lãnh thổ thuộc Nhật (vĩnh viễn) theo Hiệp ước Simonoseki 1894. Đến khi Nhật thua trận Thế chiến thứ II, Nhật buộc phái trả lại Đài Loan cho Trung Hoa. Điều này được khẳng định qua Hội nghị quốc tế San Francisco 1951. Tức là trên danh nghĩa pháp lý (de jure) Đài Loan là một lãnh thổ thuộc về quốc gia mang tên Trung Hoa. Nhưng sau 1949, chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng giới Thạch thua hồng quân của Mao Trạch Đông phải "di tản" ra Đào loan. Từ đó có hai "Trung hoa", một có chính phủ ở Bắc Kinh, một có chính phủ ở Đài bắc. Cả hai đều tự nhận là "chính phủ đại diện chính thức" cho toàn thể lãnh thổ Trung hoa. Tại Liên Hiệp Quốc, phe Quốc dân đảng được ghế đại diện cho tới năm 1971. Từ 1971 đến nay ghế Liên Hiệp Quốc thuộc về Bắc Kinh. Như vậy trường hợp Trung Quốc lục địa và Đài Loan, về "pháp lý" người ta gọi đó là "quốc gia bị phân chia". Điều này khá tương đồng trường hợp Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975. Mỗi bên Việt Nam là những "quốc gia chưa hoàn tất". Nhưng trong trường hợp Đài Loan từ khi có văn bản ký kết giữa hai đại diện ở Singapour đầu thập niên 90, gọi là "đồng thuận Singapour", thì cách gọi giữa hai bên có phần thay đổi : một quốc gia Trung hoa nhưng có nhiều cách lý giải.

Ta thấy Nam hàn, Đài Loan, Hong Kong (trong chừng mực Nhật)... văn hóa ở đây thấm đượm sâu xa văn hóa Trung Hoa. Kinh tế các quốc gia (và vùng lãnh thổ) này "liên thuộc" chặt chẽ với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng về nội trị họ giữ vững độc lập (ngoài trừ Hong Kong), về kinh tế họ thịnh vượng và quốc phòng họ thừa sức chống lại Trung Quốc (dĩ nhiên nhờ những kết ước an ninh hỗ tương với Mỹ). Điểm chung các quốc gia này là có nền "dân chủ pháp trị" vững chắc.

Vì vậy việc điều quan trọng hơn cả trong việc "thoát Trung" là "ý thức hệ chính trị".

Ý thức hệ thuộc về tư tưởng mà tư tưởng mới "chỉ đạo" mọi hành động.

Từ nhiều thập niên nay tôi không hô hào "thoát Trung" mà chỉ kêu gọi "dân chủ hóa chế độ" và xây dựng nền tảng "pháp trị". Ngay cả "hồ sơ Biển Đông" mà tôi bỏ nhiều năm nghiên cứu, kết luận của tôi vẫn là : muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam phải ra luật "hòa giải quốc gia" mà thực chất (hòa giải quốc gia) là "dân chủ hóa chế độ". Việt Nam phải kế thừa di sản Việt Nam Cộng Hòa mới có thể khẳng định danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua một trọng tài quốc tế.

Còn về "thân Mỹ". Tôi có viết nhiều lần là 24 năm vói 3 đời tổng thống Mỹ mà ai cũng có cảm tình với dân chúng Việt Nam là Clinton, Bush (con) và Obama. Việt Nam đã bỏ lỡ không biết bao nhiêu cơ hội để "thân thiết" hơn với Mỹ (so với bây giờ). Lãnh đạo cộng sản Việt Nam vì muốn bảo vệ "đại cục" với Trung Quốc mà bỏ quên đi cái "cục" lớn nhứt là sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và lợi ích của dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam yêu chủ nghĩa hơn yêu nước. Những hành vi, chính sách của họ chỉ nhằm củng cố quyền lãnh đạo của đảng chớ không nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân, theo tôn chí "dân giàu nước mạnh".

Bây giờ, thời Trump, lại hô hào "thân Mỹ". Vấn đề là Mỹ có muốn "thân" với Việt Nam hay không ?

Ngay cả học giả Mỹ (hàng trăm người) vừa viết thư ngỏ lên ông Trump yêu cầu phải làm rõ chính sách của Mỹ. Thực chất căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc là về kinh tế hay cạnh tranh địa chiến lược ?

Với chính sách "đụng đâu đánh đó" của Trump hiện nay, cả thế giới đều bị thiệt hại, không chỉ Trung Quốc. Với những hành vi được cho là "tùy hứng", như đơn phuong rút khỏi hiệp ước về nguyên tử với Iran, nói là để "làm khó" Trung Quốc, nhưng Mỹ đã vi phạm luật quốc tế. (Vì Iran vẫn tôn trọng hiệp ước trong khi Mỹ đơn phương trừng phạt bằng cách cấm vận Iran). Về hồ sơ Bắc Hàn, sự tùy hứng kéo dài của ông Trump khiến uy tín nước Mỹ bị tổn thương mà hiệu quả không có chi. Khả năng nguyên tử của Bắc Hàn bây giờ có thể phủ trùm lãnh thổ Hoa Kỳ.

Làm thế nào để Việt Nam thân Mỹ ? Làm sao có câu trả lời khi mà cả thế giới, ngay cả học giả Mỹ, vẫn không biết đâu là đường lối, chính sách của Mỹ hiện nay.

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ đơn thuần có mục đích thương mại, thì Việt Nam tiếp cận cách nào cũng không tránh khỏi mũi dùi sắp tới của ông Trump.

Còn nếu sự căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là thể hiện bước đầu của mục tiêu địa chiến lược thì Việt Nam mọi cách phải tiếp cận "thân" với Mỹ thế nào để Việt Nam có "vị thế" quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chiến lực này.

Trong quá khứ, Mỹ đạt được mục tiêu chiến lược "thắng cuộc chiến tranh lạnh" trong hơn 4 thập niên. Mục tiêu của Mỹ sắp tới là "dân chủ hóa" Trung Quốc hay là đánh cho Trung Quốc tan nát thành nhiều quốc gia nhỏ ? Câu hỏi (coi bộ hay) là thời gian là bao lâu ?

Vì vậy những lời hô hào khơi khơi "thoát Trung" và "thân Mỹ" hiện nay chỉ nhằm "mị dân", nói cho sướng miệng, không thể hiện cái gì cụ thể.

Theo tôi, không có cách nào khác, muốn "thoát Trung" là phải "dân chủ hóa chế độ". Và cách tốt nhứt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là "hòa giải quốc gia" để kế thừa di sản VNCH. Từ đó lấy làm căn bản để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng một trọng tài quốc tế.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : facebook.nhantuan.truong, 27/12/2019

Published in Diễn đàn

Bãi Tư Chính : Tranh chấp song phương hay đa phương và Việt Nam cần làm gì ?

Trương Nhân Tuấn, BBC, 29/07/2019

Trên BBC có bài phỏng vấn ông Ngô Vĩnh Long, giáo sư đại học Maine ở Mỹ. Giáo sư Long cho rằng "Việt Nam thua ở bãi Tư Chính", mà nguyên nhân là vì Việt Nam không "đa phương hóa Biển Đông". Đây là điều mà Giáo sư Long cho rằng ông đã đã cảnh báo Việt Nam "từ mười mấy năm nay". Dẫn nguyên văn :

tuchinh1

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 hồi năm 2014

"Họ (Trung Quốc) muốn đây là vấn đề song phương, mà vấn đề song phương thì các nước khác không được dính líu vào. Chỉ là giữa Trung Quốc với Việt Nam thôi. Thì vấn đề này Việt Nam phải suy nghĩ, vì trong mười mấy năm qua chúng tôi nói là Việt Nam phải cố gắng đa phương hóa vấn đề Biển Đông".

Điều đáng tiếc là trong bài phỏng vấn, Giáo sư Long đã không cắt nghĩa để độc giả hiểu thế nào là "đa phương hóa tranh chấp ở Biển Đông", đặc biệt ở bãi Tư Chính.

Tranh chấp Tư Chính bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền

Vụ bãi Tư Chính, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao của cả hai bên lên tiếng phản đối nhau, nội dung xét ra không khác chi nhiều.

Phía Trung Quốc ra tuyên bố : "Việt Nam phải nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình".

Phía Việt Nam ra tuyên bố : "Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên".

Tranh chấp ở Bãi Tư Chính vì vậy là có nguồn gốc từ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ (chống lấn hải phận, tranh chấp quyền tài phán v.v…).

Câu hỏi đặt ra cho Giáo sư Long là làm thế nào để "đa phương hóa" một tranh chấp vốn có nguồn gốc lâu đời từ "tranh chấp về chủ quyền" ?

Theo tôi Biển Đông có rất nhiều vấn đề, vừa "đa phương" vừa "song phương".

Việc các quốc gia chung quanh Biển Đông phải tôn trọng quyền tự do hải hành của tàu bè các nước là vấn đề "đa phương". Việc các nước ASEAN cùng Trung Quốc thảo luận bộ "qui tắc ứng xử - COC" ở Biển Đông là một vấn đề "đa phương".

tuchinh1

Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu 'nghiên cứu' Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực

Tôi không nghĩ tranh chấp Tư Chính sẽ được giải quyết trong khuôn khổ "quyền tự do hải hành" hay theo nội dung "tuyên bố ứng xử COC".

Các việc "song phương",chỉ có thể giải quyết bằng thiện chí giữa hai nước, như việc phân định hải phận giữa hai quốc gia kế cận, hay đối diện trên Biển Đông.

Việt Nam phân định biển với Thái Lan, Malaysia... Việt Nam nộp chung hồ sơ "thềm lục địa mở rộng" với Malaysia… là các vấn đề "song phương", không quốc gia nào có thể "xen vào".

Mọi tranh chấp về "chủ quyền" ở một vùng lãnh thổ đều được giải quyết giữa các bên "có yêu sách chủ quyền". Tranh chấp này có thể được "quốc tế hóa", phân xử bằng một trọng tài quốc tế, như Tòa án Công lý Quốc tế.

Việc phân định biển giữa hai quốc gia chỉ có thể được "quốc tế hóa", tiên khởi với sự đồng thuận của hai bên, bằng một tòa án, hay một trọng tài quốc tế, nếu hai bên tranh chấp không tìm được thỏa thuận trong việc phân định. Bất kỳ quốc gia thứ ba can dự vào các việc này đều có thể qui vào việc vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc "không được can dự chuyện nội bộ quốc gia khác".

Tranh chấp Tư Chính : "Đa phương" hay "song phương" ?

Ta hãy xét những hành vi của tàu nghiên cứu địa chất của Trung Quốc đã (và đang) diễn ra ở bãi Tư Chính và lô 6.1.

Bãi Tư Chính Trung Quốc đặt tên là Vạn An Bắc, bao gồm các lô 133, 134, 135, 136, 157, 158, 159 trên "bản đồ dầu khí" của Việt Nam.

Toàn bộ khu vực Tư Chính nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tính từ điểm cơ bản "Hòn Hải" thuộc cụm đảo Phú Quí.

Trung Quốc phản đối hệ thống điểm (và đường) cơ bản của Việt Nam, vì nó cách xa bờ. Giả sử Việt Nam từ bỏ hệ thống điểm cơ bản, điểm tính bề rộng hải phận 200 hải lý lấy từ ngấn nước cận bờ thì Bãi Tư Chính có một phần nằm ngoài khu vực 200 hải lý.

Lô 6.1 nằm ngoài khu vực Vạn An Bắc, thuộc bãi trầm tích Nam Côn Sơn, hoàn toàn nằm trong thềm lục địa tự nhiên (và pháp lý) của Việt Nam. Lô này hiện do công ty dầu khí lớn nhứt nước Nga là Rosneft khai thác (và phát triển) từ năm 2013 với 2 mỏ Lan Tây, Lan Đỏ. Trước đó lô 6.1 do BP khai thác, từ 2003 đến 2010 (BP rút lui do sức ép kinh tế của Trung Quốc).

Ngay cả khi đặt giả thuyết đảo Côn Sơn không đủ tiêu chuẩn "đảo" theo Điều 121 UNCLOS và Hòn Hải (thuộc cụm đảo Phú Quí) không có tiêu chuẩn để lấy làm "điểm cơ bản", thì lô 6.1 vẫn nằm trong vòng 200 hải lý, tính từ bờ biển Việt Nam (Trà Vinh hay Phan Thiết). Ghi lại các chi tiết này để thấy mọi yêu sách của Trung Quốc chống lại Việt Nam tại lô 6.1 là ngang ngược, phi lý.

"Bản chất" của tranh chấp khu vực Tư Chính là gì tại lô 6.1 là gì ?

Thứ nhứt, ở Bãi Tư Chính, nguyên nhân tranh chấp có thể đến từ sự đối nghịch lập trường giữa Việt Nam và Trung Quốc về việc giải thích nội dung của Luật Biển 1982, như việc giải thích hiệu lực các đảo Trường Sa theo điều 121.

Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền các đảo Trường Sa mà các đảo này có hiệu lực "đảo". Khu vực Tư Chính nằm trong vùng "chồng lấn" giữa các đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam.

Việc này vốn "song phương", đã được giải quyết bằng "quốc tế hóa", trong phán quyết của Tòa Trọng tài 11/7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, theo đó không có đảo nào ở Trường Sa có hiệu lực "đảo" để có 200 hải lý hải phận kinh tế độc quyền và thềm lục địa.

Thứ hai, tranh chấp Tư Chính có thể đến từ sự áp đặt về "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc, thể hiện qua bản đồ chữ U 9 đoạn.

Khu vực Tư Chính nằm trong vùng "chồng lấn" giữa "vùng nước lịch sử" (bản đồ chữ U) của Trung Quốc và vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tính từ bờ. Đây là một vấn đề vốn "song phương" nhưng đã giải quyết bằng "quốc tế hóa" qua phán quyết của Tòa Trọng tài 11/7/2016 nêu trên.

Theo phán quyết, Tòa cho rằng "biển lịch sử" hay "chủ quyền lịch sử" thể hiện trong bản đồ chữ U là các khái niệm không phù hợp với Luật Biển 1982.

Thứ ba, nếu Trung Quốc không nhìn nhận hệ thống điểm (và đường) cơ bản thì Bãi Tư Chính vẫn nằm trong thềm lục địa pháp lý của Việt Nam (thềm lục địa mở rộng 200+100 hải lý), còn lô 6.1 hoàn toàn nằm trong thềm lục địa địa lý và pháp lý (200 hải lý) của Việt Nam.

Như vậy, bản chất tranh chấp ở bãi Tư Chính là Trung Quốc "ngồi xổm" lên luật lệ, bất chấp phán quyết ngày 11/7/2016 của Tòa Trọng tài. Nội dung phán quyết có mục đích giải thích việc áp dụng Luật Biển 1982 tại Biển Đông. Bản thân của phán quyết vì vậy cũng là "Luật".

Tòa cũng phán rằng các bãi chìm ở Trường Sa, như Bãi Tư Chính, thuộc về thềm lục địa của quốc gia ven bờ (tức của VN). Chúng không phải là đối tượng lãnh thổ để chiếm hữu hoặc tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc cũng bất chấp thực tế pháp lý và lịch sử là Quần đảo Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc.

Như vậy tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực Tư Chính là tranh chấp vừa "song phương" vừa có tính "quốc tế".

"Song phương" vì Việt Nam là nạn nhân của thái độ bành trướng ngang ngược, bá quyền ngồi trên luật của Trung Quốc. "Quốc tế" là vì mọi vấn đề liên quan đến việc "tuân thủ luật lệ" thuộc thẩm quyền của tất cả các quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc.

Nhưng ở lô 6.1 thì tuyệt đối không có tranh chấp chi cả.

Trung Quốc "đẩy" Việt Nam cái gì ?

Giáo sư Long có đề cập đến việc tự do thông lưu ở Biển Đông và trường hợp Đài loan để "minh họa" cho nội hàm "đa phương hóa" của mình. Dẫn nguyên văn :

"Là bởi vì nhiều nước trên thế giới đi ngang Biển Đông, nhưng Việt Nam lại rụt rè. Thành ra, Trung Quốc bây giờ càng ngày càng đẩy. Trung Quốc đẩy rất là 'hay', không những ở Biển Đông mà cả ở Đài Loan nữa. Họ đẩy từ từ.

"Ví dụ như Đài Loan, ngày xưa, thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nói rằng là người Trung Quốc ở Đài Loan và người gốc Trung Quốc ở Đài Loan và người Trung Quốc ở lục địa đồng ý là chỉ có một nước Trung Quốc, không có nói gì vấn đề là Đài Loan thuộc về Trung Quốc".

"Nhưng Trung Quốc đẩy từ từ, bây giờ nói là Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc…"

Hết dẫn.

Mục đích "đa phương hóa" của Giáo sư Long, (nếu không lầm), là làm giảm sức "đẩy" của Trung Quốc.

Nhận định của cá nhân tôi, vấn đề "tàu bè nhiều nước qua lại trên Biển Đông" là một "vấn đề quốc tế", thuộc về tập quán quốc tế (Thông luật quốc tế - Droit International Coutumier), được cụ thể hóa qua điều 87 của bộ Luật quốc tế về Biển 1982.

Không ai "đa phương hóa" một vấn đề tự nó đã là một "vấn đề của quốc tế".

Về tự do thông lưu, trên không và trên biển, các đại cường như Mỹ, Pháp, Nhật… cho rằng hải đạo xuyên qua Biển Đông là một hải đạo quốc tế, các quốc gia cận biển phải tôn trọng quyền tự do thông lưu của các quốc gia khác.

Trung Quốc chủ trương "tự do thông lưu", tàu bè được tự do qua lại trong lãnh hải cũng như hải phận kinh tế độc quyền EEZ của Trung Quốc, nhưng điều này không áp dụng cho tàu chiến. Các quốc gia như Mỹ không chia sẻ lập trường này của Trung Quốc, như tại eo biển Đài loan, hay những vùng Trung Quốc mở rộng theo bản đồ chữ U ở Biển Đông.

Trên nguyên tắc, quyền tự do thông lưu thuộc về mọi quốc gia và quyền này được "luật quốc tế" bảo đảm. Mọi hành vi cản trở quyền tự do này đều xâm phạm đến lợi ích của tất cả các quốc gia khác.

Quyền tự do thông lưu trên Biển Đông thực tế chưa bao giờ bị cản trở.

Lo ngại chỉ bắt đầu dấy lên từ khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng 7 đảo nhân tạo đồng thời "quân sự hóa" chúng (đầu năm 2018). Tuyên bố "vùng nước lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông qua bản đồ chữ U 9 đoạn có thể đưa vào thực tế. Các quốc gia "nhỏ" chung quanh Biển Đông có nguy cơ bị Trung Quốc sử dụng áp lực kinh tế và quân sự buộc phải nhìn nhận thực tế này.

Để chống lại tham vọng của Trung Quốc, năm 2013 nội các Obama thành lập Chương trình FONOP (Freedom Of Navigation Operation Program) ở Biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.

Các chiến hạm Mỹ đã thực hiện chương trình FONOP, có lần đi qua lãnh hải 12 hải lý các đảo thuộc Hoàng Sa như đảo Phú Lâm và đảo Tri Tôn (USS Wilbur Curtis tháng giêng 2016, USS Stenthem tháng 7/2017) nhằm thách thức yêu sách "lãnh hải" và "vùng nước quần đảo" của Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Các chiến hạm của Mỹ cũng thực hiện FONOP qua các chuyến đi vào khu vực 12 hải lý những đảo nhân tạo thuộc Trường Sa như đá Chữ Thập (USS W.P. Lawrence tháng 5/2016) , đá Gaven (USS Decatur tháng 9/2018)... nhằm thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc về hải phận của một cấu trúc nhân tạo trên biển.

Về hàng không thì phi cơ dọ thám Poseidon đã bay ngang qua đá Chữ thập để thách thức không phận đảo nhân tạo này (tháng 5/2015)...

Các quốc gia lo ngại rằng, với các bộ luật quốc gia của Trung Quốc hạn chế đáng kể các hoạt động của tàu bè trong một vùng "biển quốc tế", Trung Quốc có thể đơn phương ra tuyên bố vùng nước, vùng trời (như tuyên bố vùng Nhận dạng phòng không ADIZ) khu vực Biển Đông. Mọi phương tiện bay qua không phận Biển Đông, hoặc tàu bè qua lại trên Biển Đông đều phải thông báo hoặc xin phép Trung Quốc.

Vì vậy ta có thể hy vọng rằng chương trình FONOP của hải quân Mỹ vẫn được tiếp tục (mà không lo ngại rằng nội các Tổng thống Donald Trump sẽ bãi bỏ vì lý do "kinh tế" hay trao đổi lợi ích với Trung Quốc).

Hiển nhiên chương trình FONOP của Mỹ trong chừng mực là "quốc tế hóa", "đa phương hóa" Biển Đông mà Việt Nam là một bên có lợi.

Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính ?

Theo tôi, sở dĩ có những vấn đề như Tư Chính hiện nay, nguyên nhân là do Trung Quốc không tuân thủ luật chơi quốc tế.

Nhiều người gợi ý Việt Nam copy hồ sơ của Philippines để đi kiện Trung Quốc.

Theo tôi, khó khăn của Việt Nam là làm thế nào để phán quyết của Tòa Trọng tài có hiệu lực chớ không phải đi kiện Trung Quốc với mô hình (hồ sơ) của Philippines.

Đi kiện (theo mô hình của Philippines) Việt Nam chắc phần thắng, nhưng hệ quả vẫn là một phán quyết y như phán quyết của Tòa tháng 7/2016.

Trung Quốc không tham gia, không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và dĩ nhiên không công nhận phán quyết của Tòa.

Việt Nam cần phải có "tư duy mới" và cách tiếp cận mới trong những vấn đề Biển Đông.

Mới đây viên chức Mỹ tố cáo Tập Cận Bình đã "bội ước" trong lời hứa "không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông".

Theo nội dung bài báo trên VOA ngày 30/5/2019, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nhân phát biểu trong một cuộc trao đổi về quốc phòng ở Viện Brookings tại thủ đô Washington nói rằng : "Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa các hòn đảo [ở Biển Đông]. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đó là các đường băng dài 10 nghìn bộ [hơn 3 nghìn mét], các kho chứa đạn dược, việc thường xuyên triển khai thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không, v.v…".

"Vì thế, rõ ràng họ đã từ bỏ cam kết đó".

Hôm 11/7, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, ra tuyên bố lên án Trung Quốc : "việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không tiến hành những hoạt động đó".

Ý kiến của Tập Cận Bình có thể trở thành một "tuyên bố đơn phương" có giá trị pháp lý ràng buộc.

Việt Nam cần đứng đầu trong việc phát động phong trào phản đối, buộc họ Tập tuân thủ lời hứa, Biển Đông phải "phi quân sự" thì các quốc gia chung quanh mới có thể tránh được áp lực gay gắt từ Trung Quốc.

Ngoài ra ta không thể loại trừ giả thuyết ý đồ của Tập Cận Bình khẳng định sự hữu dụng của việc xây dựng 7 đảo nhân tạo. Những chiếc tàu hải cảnh quấy rối Việt Nam đều có ghé qua các đảo Chữ Thập và Subi để lấy nhiên liệu.

Báo South China Morning Post hôm đầu tháng có bài viết nội dung trích dẫn ý kiến của khoa học gia Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã không nghiên cứu kỹ về địa chất và thời tiết khi xây dựng các đảo nhân tạo. Kiến trúc bằng bê tông ở các đảo này bị hư hỏng sau ba năm (do tia tử ngoại) và khí tài bằng kim khí bị rỉ sét (vì nước biển) sau một năm. Riêng năm 2014 Trung Quốc đã phải chi phí 300 tỉ đô la, tương đương 3% GDP cho việc bảo trì gây ra từ việc rỉ sét (tàu bè, súng đạn, máy móc…).

Nếu các con số này là "sự thật" thì chi phí bảo trì cho các đảo nhân tạo cực kỳ lớn. Các đảo thay vì là các "tiền đồn trên biển" của Trung Quốc nhằm mục đích khẳng định chủ quyền thì trở thành những "cục nợ" mà Tập Cận Bình là thủ phạm.

Việt Nam không thể loại trừ viễn cảnh Trung Quốc sẽ cho tàu bè quấy rối Việt Nam lâu dài và thường xuyên. Tập Cận Bình không chỉ muốn chứng minh cho phe chống đối thấy rằng các đảo nhân tạo hỗ trợ đắc lực cho tàu hải cảnh cản trở công tác khai thác ở lô 6.1, hay các tàu thăm dò địa chấn ở bãi trầm tích Tư Chính (như đã thấy). Mà về lâu về dài, các vị trí quân sự đóng ở các đảo này sẽ can thiệp nhanh chóng để bảo vệ (trong tương lai) các giàn khoan của Trung Quốc hoạt động trong khu vực.

Vì vậy công tác hô hào "Tập Cận Bình phải giữ lời hứa không quân sự hóa các đảo Biển Đông" còn có hiệu quả làm giảm nhịp điệu gây hấn của Trung Quốc.

Nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để Trung Quốc tuân thủ luật lệ quốc tế. Phán quyết ngày 11/7/2016 của Tòa Trọng tài thường trực có nội dung diễn giải và hướng dẫn cách thức áp dụng luật Quốc tế về Biển 1982 cho khu vực Biển Đông. Phán quyết vì vậy "cũng là Luật".

Việt Nam thua ở Bãi Tư Chính ?

Giáo sư Long nói "Việt Nam thua ở bãi Tư Chính".

Nói vậy theo tôi là hơi sớm. Thực tế đến nay Trung Quốc chưa "hút" được lít dầu nào ở khu vực này. Điều ta cần tìm hiểu là đàng sau vụ Tư Chính có những chuyện gì xảy ra.

Nếu ta nhớ lại vụ chiếc HD981 năm 2014 hoạt động ngoài khơi đảo Lý Sơn, Trung Quốc cũng không "hút" được lít dầu nào ở khu vực này.

Vấn đề là song song với "biến cố HD981" Trung Quốc cho xây dựng 7 đảo nhân tạo.

Việc Trung Quốc quân sự hóa 7 đảo nhân tạo (vốn chiếm của Việt Nam năm 1988) đã đe dọa an ninh quốc gia Việt Nam cũng như an ninh toàn khu vực.

Nhưng đó vẫn là "nghi vấn". Điều cần thiết, theo tôi Giáo sư Long cần giải thích thêm về nội hàm "quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông", đặc biệt trong trường hợp hiện nay Việt Nam và Trung Quốc ở vùng Tư Chính. Điều này sẽ giúp cho giới học giả Việt Nam về Biển Đông thêm cơ hội nghiên cứu để đóng góp vào công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích của Việt Nam ở hải phận EEZ và thềm lục địa của đất nước mình.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : BBC, 29/07/2019

*********************

Bãi Tư Chính – Việt Nam chưa mất đã thua

Thiên Điểu, VNTB, 29/07/2019

"Sự im lặng của người dân đã lọt vào bẫy đúng kịch bản mà Trung quốc mong muốn nhất, đồng thời chỉ ra nguy cơ "chưa đánh đã thua" của chính quyền Việt Nam ít nhất là trên khía cạnh chính trị".

tuchinh3

Việc Trung quốc đưa tàu Hải Dương địa chất 8 vào thăm dò ở bãi Tư Chính là khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đặt ra nhiều khả năng nguy hiểm. bản chất của vụ việc là hành vi công khai xâm lược của Trung quốc nhưng đến nay diễn biến vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng thế đối đầu cho đến khi một bên phải chấp nhận rút lui hoàn toàn. Hành vi xâm lược của Trung quốc không có gì phải bàn cãi, nhưng hành xử của phía chính quyền Việt Nam và thái độ của người dân cho thấy trong vụ việc này Việt Nam đã thua – ít nhất là trên khía cạnh chính trị.

Quay lại thời điểm 2012, khi Trung quốc đưa tàu tới bãi cạn Scarborough do Philippin chiếm giữ. Chính quyền của Philippin đã ngay lập tức có nhiều động thái phản ứng mạnh mẽ về mặt chính trị. Đỉnh điểm là việc khởi kiện Trung quốc ra Tòa án quốc tế và thằng kiện. đây là một chiến thắng pháp lý có ý nghĩa tuyệt đối về mặt chính trị trong vụ tranh chấp chủ quyền tương tự vụ bãi Tư Chính của Việt Nam hiện nay. Dù thua kiện nhưng Trung quốc vẫn đang duy trì kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough, phía Philippin vẫn đang phải tiếp tục đối mặt những thách thức với Trung quốc về xác lập chủ quyền trên thực tế ở Scarborough. Nói cách khác là Philippin chỉ cầm giữ Trung quốc lấn thêm sau phán quyết của Tòa án quốc tế chứ không giành lại được chủ quyền ở khu vực này. 

Nguyên nhân chính do cả yếu tố chủ quan và khách quan : Về chủ quan, chính thái độ "xoay chiều" liên tục của chính quyền do Tổng thống Durante đã khiến quốc tế dần quay lưng với vấn đề Scarborough của Philippin. Dư luận và các chính phủ từng ủng hộ Philippin khi khởi kiện Trung quốc đã không còn ủng hộ mạnh mẽ sau những phát biểu và hành động bất nhất của Durate trong quan hệ với Trung quốc sau khi thắng kiện. Đồng minh quan trọng nhất của Philippin dưới thời của Tổng thống Obama vốn đã không mấy cứng rắn trong việc đối ngoại cũng đã im lặng vì thất bại trong thỏa thuận mở lại căn cứ quân sự ở Philippin đã bị chính Tổng thống Durante đóng cửa trước đó. Tất nhiên Mỹ không dại dội nhúng tay vào xung đột khi can thiệp cho một đồng minh đang bắt tay với chính kẻ xâm lược và thọc dao vào hông mình.

Trở lại vụ việc của Việt Nam. Trở lại thời điểm năm 2014. Sau khi bao vây, lấn chiếm bãi cạn Scarborough, đầu tháng 2/2014, Trung quốc đã đưa tàu Hải dương 981 vào thăm dò trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Vụ việc cũng được truyền thông mạng xã hội phát hiện từ thông tin từ kênh nước ngoài đăng tải. Sau đó đã thổi bùng lên những cuộc biểu tình của người dân khắp Bắc-Trung-Nam. Do thiếu kinh nghiệm, lại bị cuốn theo đạo diễn của thành phần giấu mặt, cuộc biểu tình đã xuất hiện một số tình huống bạo lực. Tuy vậy, chính thái độ của người dân đã truyền tải cho cả chính quyền Việt Nam lẫn Trung quốc một thông điệp rất rõ ràng : Nếu không rút giàn khoan 981 thì xảy ra chiến tranh là không tránh khỏi ! Kết quả sau hơn 2 tháng Trung quốc đã phải rút về nước.

Lòng dân đã giúp chế độ giành lại thế thắng trong tranh chấp chủ quyền năm 2014 là không thể chối cãi. Nhưng chính quyền Việt Nam sau đó đã bị một điểm lùi nghiêm trọng trong hành xử với người dân đã xuống đường biểu tình. Nếu nói việc xét xử những người biểu tình có hành vi quá khích như đốt, đập phá tài sản là việc "nhạy cảm" nhưng cần làm trên tinh thần pháp luật là có thể chấp nhận thì việc chính quyền Việt Nam bắt giữ, đánh đập nhiều người khác, truyền thông được Tuyên giáo bật đèn để qui chụp tất cả những người tham gia biểu tình chống Trung quốc là "phản động" là "đi biểu tình được 300.000 đồng" … đã khiến người dân nhìn vào chế độ bằng con mắt vừa nghi ngờ, vừa ác cảm. Nó là nguyên nhân chính dẫn đến lần này, Trung quốc đưa tàu Hải Dương địa chất 8 vào sâu hẳn trong vùng thềm lục địa Việt Nam ở bãi Tư Chính với sự tống của tàu quân sự còn nghiêm trọng hơn cả vụ tàu HD 981 năm 2014 rất nhiều nhưng người dân chỉ biểu thị quan điểm trên mạng xã hội. Không có bất cứ lời kêu gọi biểu tình hay động thái nào khác, thậm chí có người bày tỏ rõ quan điểm "để xem nhà nước xử thế nào" (!).

Vụ Trung quốc xâm phạm chủ quyền ở bãi Tư Chính được mạng xã hội cập nhật từ các kênh quốc tế. Truyền thông nhà nước đã im lặng hoàn toàn hơn 10 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra. Mặt khác, ngay chính trong khi Trung quốc đưa tàu xâm phạm chủ quyền Việt Nam thì đương kim Chủ tịch Quốc hội đi thăm, làm việc tại Trung quốc đã không có bất cứ động thái hay phát ngôn nào liên quan ; 15 ngày từ khi Trung quốc xâm phạm bãi Tư Chính, thông tin "tàu Haiyang Dizhi 8 đã rút về " được tung ta tuy không xác định được nguồn nhưng rõ ràng là một âm mưu truyền thông nhằm "rút lửa" những ai quan tâm trong khi thực tế tàu Hải Dương địa chất 8 vẫn đang thăm dò, Trung quốc vẫn đang tăng thêm số lượng tàu quân sự trong khu vực bãi Tư Chính. 

Một phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng – đương kim Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước – cũng được đem ra mổ xẻ khi chỉ đạo "đề phòng sự lợi dụng của các thế lực thù địch" trước khi truyền thông nhà nước được bật đèn để "kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại mưu đồ xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung quốc" ; các chi tiết về diễn biến cũng như hành động của quân đội Việt Nam không hề được đưa ra trong khi thông tin một phái đoàn quân sự cấp cao của Việt Nam lại lên đường sang Trung quốc "thảo luận về hợp tác trên biển Đông".. Tất cả những thông điệp ấy đã dẫn đến sự im lặng lạnh lẽo, đầy rủi ro cho bài toán chính trị liên quan.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một kết quả tốt đẹp cho Việt Nam. Nhưng chính việc im lặng của người dân đang cho thấy sự thất bại rõ ràng về mặt chính trị của chế độ. Hậu quả của nó cũng sẽ dẫn đến chính quyền Việt Nam khó tìm được sự ủng hộ của quốc tế khi muốn đấu tranh với Trung quốc bằng giải pháp ngoại giao và quan hệ quốc tế. trong trường hợp phải sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền thì cũng sẽ không có cơ sở nào để khẳng định người dân sẽ tham gia hay ủng hộ mạnh mẽ trước động thái như vậy. điều này cũng khiến cho chính quyền Việt Nam cũng khó mà "mạnh miệng" khi tìm kiếm giải pháp hòa bình với Trung quốc. điều này cũng đương nhiên tạo ra lợi thế cho Trung quốc khi "yên tâm" gia tăng các áp lực và hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Sự im lặng của người dân đã lọt vào bẫy đúng kịch bản mà Trung quốc mong muốn nhất, đồng thời chỉ ra nguy cơ "chưa đánh đã thua" của chính quyền Việt Nam ít nhất là trên khía cạnh chính trị.

Thiên Điểu

Nguồn : VNTB, 29/07/2019

*******************

Sau Haiyang Dizhi 8, Trung Quốc sẽ làm gì ?

Tâm Don, VNTB, 29/07/2019

Đó là một tương lai có thể diễn ra nếu Việt Nam rụt rè và nhút nhát. Nếu tương lai đó diễn ra, Việt Nam sẽ mất 67 lô dầu khí nằm trọn trong đường lưỡi bò- đường chín đoạn do Trung Quốc ngang ngược vẽ ra. Đó sẽ là môt mất mát quá lớn, quá đau đớn và chua xót.

Việt Nam nên tiên liệu tương lai gần của bãi Tư Chính, lô 06.01 và hai lô 136-03, lô 07.03 để có các kịch bản ứng phó có hiệu quả đối với kẻ cướp biển Trung Quốc !

haiyang0

Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ làm gì ở bãi Tư Chính, lô 06.01, lô 136.03 và lô 07.03 ? Đó là một câu hỏi cần được đặt ra.

Vào năm 2017 và năm 2018, Việt Nam đã yêu cầu Repsol ngưng triển khai dự án dầu ở hai lô 136.03 và lô 07.03, chấp nhận mất mát về kinh tế và mất mát về chủ quyền.

Trong tháng 6 và tháng 7/2019, Trung Quốc cho tàu Haiyang Dizhi 8 vào hoạt động địa chấn tại bãi Tư Chính ( Vanguard Bank) và tàu hải cảnh quấy rối tại lô 06.01 thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã có động thái phản ứng. Phản ứng này yếu ớt hay khá mạnh mẽ, vẫn là câu hỏi mà cộng đồng mạng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và đây có phải là phản ứng của một kẻ không thể chịu đựng thêm được nữa, không muốn mất mát thêm được nữa ? Rất khó có câu trả lời khi mà chính quyền Việt Nam luôn không công khai và minh bạch về tất cả các vấn đề nóng bỏng, kể cả vấn đề chủ quyền. Mọi diễn giải, mọi phân tích, mọi bình luận đều chỉ là võ đoán, suy đoán, suy diễn và thuyết âm mưu.

Trung Quốc luôn trung thành với chiến lược độc chiếm biển Đông theo cách tằm ăn dâu, theo cách mềm nắn rắn buông. Chắc chắn một điều rằng, phía Trung Quốc sẽ nghiên cứu cẩn thận các hình thức phản đối của Việt Nam trong vụ bãi Tư Chính và lô 06.01 nhằm xác định sự phản đối này nằm ở cấp độ nào : nhẹ nhàng, chiếu lệ hay mạnh mẽ, kiên quyết. Nếu Trung Quốc xác định sự phản đối của Việt Nam là mạnh mẽ và kiên quyết, Trung Quốc sẽ tạm thời để yên cho bãi Tư Chính và các lô nói trên. Nếu Trung Quốc xác định sự phản đối này nhẹ nhàng- chiếu lệ, Trung Quốc chắc chắn sẽ có những bước đi ngang ngược hơn ở lô 136.03, 07.03, bãi Tư Chính và lô 06.01 như hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò dầu khí ở các lô này và bãi Tư Chính, và sau đó là tiến hành triển khai các dự án khai thác dầu và khí. "Với Trung Quốc, khi yếu tố chính trị được đặt cao hơn yếu tố hiệu quả kinh tế, chỉ mất khoảng hai năm thăm dò địa chấn và minh giải tài liệu 3D hoặc 4C, Trung Quốc có thể triển khai ngay các giàn khoan khai thác dầu khí ở các lô này và bãi Tư Chính", một chuyên gia dầu khí ở Vũng Tàu nói với VNTB.

Sáng ngày 28/7, một tiến sĩ chuyên ngành địa chất dầu khí biển có 30 năm làm việc trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí Việt Nam đề nghị dấu tên trao đổi với VNTB rằng, căn cứ vào sơ đồ đường đi của tàu Haiyang Dizhi 8 được truyền thông công bố, có thể xác định chắc chắn rằng, tàu Haiyang Dizhi đang sử dụng công nghệ 3D để thăm dò địa chấn. Vị tiến sĩ này cho biết, tàu Haiyang Dhizhi 8 phải mất ít nhất hai tháng cho việc thăm dò địa chấn ở bãi Tư Chính. Sau khi kết thúc thăm dò địa chấn, các chuyên gia của Trung Quốc phải mất từ 11 đến 12 tháng để minh giải tài liệu địa chấn thu được dù được trợ giúp từ những phần mềm chuyên dụng. Minh giải tài liệu địa chấn nhằm xác định các cấu trúc có khả năng chứa dầu, không có khả năng xác định trữ lượng dầu và khí. Sau khi xác định được các cấu trúc có khả năng chứa dầu mới triển khai khoan thăm dò nhằm xác định chính xác trữ lượng dầu và khí để đưa ra quyết định có khai thác thương mại hay không.

Vị tiến sĩ này cũng cho biết, rất khó để khẳng định dữ liệu địa chấn thu được của tàu Haiyang Dizhi 8 có chính xác hay không, vì rằng hoạt động của tàu này có thể bị nhiễu hoặc bị gây nhiễu. Nếu bị nhiễu hoặc bị gây nhiễu, dữ liệu mà Haiyang Dizhi 8 thu được hoàn toàn không khả tín, và sự minh giải sẽ đi vào bế tắc.

Vị tiến sĩ này nhận định rằng, trong vụ tàu Haiyang Dizhi 8, ý chí chính trị của Trung Quốc bao trùm lên tất cả, bất chấp việc không có kết quả chính xác. Ông cho biết : Chúng tôi là những người hiểu sâu về địa chất dầu khí biển, chúng tôi biết đâu là thực, đâu là hư. Vụ giàn khoan Haiyang 981 hạ đặt trong vùng biển Việt Nam vào năm 2014 không phải để khoan thăm dò mà chỉ đơn thuần là thực hiện một ý chí chính trị. Này nhé, Haiyang 981 hạ đặt tại vùng biển Việt Nam vào ngày 01/05/2014 và được kéo đi vào ngày 16/07/2014. Khoảng thời gian hạ đặt chỉ 75 ngày cho biết Haiyang 981 không khoan gì cả. Vì sao ? Vì việc mở một giếng khoan và gia cố giếng khoan đã mất 30 ngày. Để khoan một mũi khoan dầu khí biển, với công nghệ khoan tiên tiến nhất hiện nay cũng mất 70 ngày. Sau khi hoàn thành khoan phải mất thêm 15 ngày cho việc trám giếng khoan. Tổng cộng là 115 ngày. Haiyang 981 chỉ có 75 ngày hạ đặt, đó không phải khoan thăm dò, đó là một hành động biểu hiện ý chí chính trị.

Vị tiến sĩ địa chất dầu khí biển nhận định rằng, từ việc hạ đặt giàn khoan Haiyang 981 vào năm 2014 và vụ tàu Haiyang Dizhi 8 vào thời điểm này, có thể khẳng định rằng, hoạt động dầu khí của Trung Quốc chỉ đơn thuần là một hoạt động chính trị nhằm mục đích chủ quyền. Rất có thể, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính, hoạt động địa chấn tại các lô 136.03, lô 07.03 và lô 06.01. Tiếp theo, Trung Quốc sẽ hạ đặt giàn khoan khai thác cố định tại bãi Tư Chính, và tiến hành khoan thăm dò tại các lô 136.03, lô 07.03 và lô 06.01. Nếu Việt Nam không mạnh mẽ và quyết liệt, Việt Nam sẽ mất mát quá nhiều.

Đó là một tương lai có thể diễn ra nếu Việt Nam rụt rè và nhút nhát. Nếu tương lai đó diễn ra, Việt Nam sẽ mất 67 lô dầu khí nằm trọn trong đường lưỡi bò - đường chín đoạn do Trung Quốc ngang ngược vẽ ra. Đó sẽ là môt mất mát quá lớn, quá đau đớn và chua xót.

Việt Nam nên tiên liệu tương lai gần của bãi Tư Chính, lô 06.01 và hai lô 136-03, lô 07.03 để có các kịch bản ứng phó có hiệu quả đối với kẻ cướp biển Trung Quốc ! 

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 29/07/2019

 

Published in Diễn đàn
mardi, 29 mai 2018 12:49

Té ghế ba bốn lần !

Đọc BBC thấy có bài giật tin "Đảng Cộng sản Việt Nam ‘thông minh, tinh tế’ hơn Đảng Cộng sản Pháp", thiệt tình té ghế ba bốn lần !

pcf1

Một cuộc biểu dương lực lượng của đảng cộng sản Pháp thời còn vinh quang - Ảnh minh họa

Bà con thử đọc đoạn sau đây :

"Đảng Cộng sản Việt Nam rất thông minh và tinh tế hơn là Đảng Cộng sản Pháp, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tự chuyển mình, tự điều chỉnh, tự thay đổi, để đáp ứng với tình thế, với những gì tác động ở bên ngoài, để mà tồn tại. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay.

"Ngược lại Đảng Cộng sản Pháp vẫn còn bị ‘nhốt’ ở trong ý thức hệ của mình, cứng nhắc cho tới ngày hôm nay, họ không biết thay đổi, vẫn dùng những tranh đấu như cách đây vài chục năm, những năm 1940, 1950, 1960, vì vậy Đảng Cộng sản Pháp ngày nay không còn một cán cân nào, không còn một trọng lượng gì ở trong chính trường của Pháp và ngay cả ở châu Âu".

Tôi cho rằng người trả lời phỏng vấn không hiểu lịch sử cũng như bản chất "cách mạng" của hai đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Pháp.

Đảng cộng sản Pháp chưa bao giờ là "đảng cầm quyền" và đảng này hoạt động công khai, đúng theo hiến pháp và pháp luật. Đảng cộng sản Pháp không phải là "đảng cách mạng", theo ý nghĩa "chuyên chính vô sản". Đảng này cũng không chủ trương "đấu tranh giai cấp" và sử dụng "bạo lực cách mạng" để cướp chính quyền.

Đảng cộng sản Pháp, cũng như tất cả các chính đảng ở Pháp, chinh phục quyền lực, một cách bình đẳng trên nền tảng "dân chủ tự do", mỗi người dân là một lá phiếu bình, tất cả có quyền lợi và trách nhiệm như nhau trước hiến pháp và pháp luật.

Ta không biết là nếu đảng cộng sản Pháp nắm được quyền hành bằng lá phiếu, sau đó sửa đổi hiến pháp, thêm vào đó một điều tương đương với điều 4 của Hiến pháp Việt Nam để "độc quyền lãnh đạo". Nhưng điều ta biết chắc, nếu sự việc xảy ra như vậy, dân chúng Pháp sẽ không ngồi yên để đảng này muốn làm gì thì làm.

Trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam từ trước đến nay là một "đảng cách mạng", họ chủ trương "chuyên chính vô sản", sử dụng "đấu tranh giai cấp" và "bạo lực cách mạng" để cướp chính quyền. Quyền hành họ có hôm nay là do "cướp được chính quyền bằng vũ lực".

Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới, ngoại trừ ở 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và Bắc Hàn, đều có số phận như nhau là sự "tàn phai". Thực tế đã chứng minh, chủ nghĩa cộng sản không thể áp dụng thành công. Sau khi hy sinh trên 100 triệu nhân mạng, mục tiêu "làm theo năng suất hưởng theo như cầu" chỉ là giấc mơ phía trước.

Các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu sụp đổ, mặc dầu tất cả đều chủ trương "chuyên chính vô sản" và "bạo lực cách mạng", nhưng không trụ được vì khủng hoảng địa chính trị, khối liên minh Varsovie tan rã.

Đảng cộng sản Pháp đã có những cố gắng để thích hợp với thời đại "kinh tế toàn cầu", ngay cả đảng Xã Hội, nhưng cả hai đều không thể đưa ra được một chương trình "kinh bang tế thế" để thu hút cử tri. Cả hai đảng "cánh tả" của Pháp hầu như không còn hiện hữu trên chính trường Pháp nữa.

Sự tồn tại của các đảng cộng sản ở 4 nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn, mỗi trường hợp có một cách giải thích khác nhau.

Cuba và Bắc Hàn cố gắng giữ "nguyên trạng", dùng hệ thống công an với chính sách "khủng bố" để bảo vệ quyền lực. Về kinh tế họ không thể "mở cửa", hay "dò đá qua sông", vì bị Mỹ cấm vận. Việt Nam thì rập khuôn Trung Quốc. Từ đầu thập niên 90, lãnh đạo Việt Nam đã có quyết định dựa vào Trung Quốc để "bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa". Trung Quốc "dò đá qua sông", mở cửa buôn bán với các nước để phát triển. Việt Nam bắt chước y chang, với chủ trương "đổi mới".

Đảng cộng sản Việt Nam không có một sáng kiến gì để gọi là "thông minh và tinh tế". Tất cả những thay đổi Việt Nam đều bắt chước 100% mô hình Trung Quốc. Nếu khen "thông minh" và "tinh tế" thì nên khen Trung Quốc (mà thực sự nên khen Đặng Tiểu Bình) !

Đến nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn là một "đảng cách mạng", vẫn chủ trương "chuyên chính" (tức độc tài) và "đấu tranh giai cấp".

Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng "nhà nước pháp quyền", theo đó "nhà nước" được xây dựng trên mô hình nhà nước Xô Viết cũ cùng với một hệ thống pháp luật mà mọi bộ luật đều thể hiện "ý chí của đảng".

Người ta nói chỉ có thể so sánh những gì có thể so sánh được.

Đảng cộng sản Pháp và đảng cộng sản Việt Nam, môi trường sinh hoạt chính trị khác nhau, như cá nước ngọt với cá nước mặn. Một bên chủ trương bạo lực để cướp chính quyền, một bên sử dụng lá phiếu để giành quyền lực. Một bên chú trương "chuyên chính", bên kia chủ trương "đa nguyên". Hai đảng khác nhau một trời một vực, như nước với lửa, như trắng với đen.

So sánh như vậy không ổn chút nào.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 29/05/2018

Published in Diễn đàn

Lập luận của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay cuộc chiến Mậu thân 1968 là cuộc "tổng tấn công và nổi dậy". Theo lập luận này chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh "giải phóng", đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào. Mỹ là lực lượng xâm lược "thực dân kiểu mới". "Ngụy" là lực lượng "tay sai" của Mỹ. Tổng tấn công là vì lực lượng quân đội tổng hợp đến từ miền Bắc (quân chính qui) và quân "nằm vùng", gọi là quân "giải phóng" (thuộc Mặt Trận Quốc gia Giải Phóng Miền Nam Việt Nam). "Nổi dậy" là vì có yếu tố "nhân dân nổi dậy cướp chính quyền", điển hình ở Huế.

mauthan2

Thành tích của cuộc "tổng tấn công và nổi dậy" Tết Mậu Thân Huế của phe cộng sản chỉ là tang tóc và giết chóc, là tội ác chống loài người

Nhưng nếu ta xét dưới một lăng kính khác, như dưới cái nhìn của phía người Mỹ, hay của phía Việt Nam Cộng Hòa, trận Mậu Thân còn có tên gọi khác, không đơn thuần là "tổng tấn công và nổi dậy".

Dưới cái nhìn của người Mỹ, chiến tranh Việt Nam là chiến tranh "quốc tế", theo đó "quốc gia South Vietnam" là một "quốc gia độc lập có chủ quyền". Quốc gia này bị quân miền Bắc "xâm lược". Đạo quân miền Bắc được sự yểm trợ vũ khí đạn dược, cũng như ý thức hệ chính trị, của khối cộng sản, gồm Liên Xô, Trung Cộng và khối xã hội chủ nghĩa gồm các nước Đông Âu. Còn quân "giải phóng", thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, là một "cánh tay nối dài" của cộng sản miền Bắc. Bởi vì lực lượng này do miền Bắc vũ trang đồng thời nhân sự lãnh đạo tất cả đều là đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam. Tức là, quân "chính qui" miền Bắc hay quân "giải phóng" trong Nam, thực tế chỉ là một, do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Sự có mặt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tương tự như sự có mặt của quân đội này ở Nam Hàn (từ năm 1952), ở Tây Đức (từ sau Thế chiến thứ II cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước), hay ở một số nước Á Châu hay Châu Âu. Mục đích sự hiện diện quân đội Mỹ ở các nơi đây không nhằm "chiếm hữu lãnh thổ" mà nhằm bảo vệ "thế giới tự do", chống lại thế lực cộng sản bành trướng, như làn sóng đe dọa nhuộm đỏ thế giới.

So sánh với thực tế hiện nay, khối cộng sản đã sụp đổ. Ai thắng ai thua đã rõ. Khẩu hiệu "chống Mỹ xâm lược" của cộng sản miền Bắc là không có căn cứ. Mỹ không hề "xâm lược" miền Nam.

Cũng như việc gọi chính quyền miền Nam là "Ngụy". Hà Nội đã từng gọi chính quyền Nam Hàn, chính quyền Tây Đức… là "ngụy", là "tay sai thực dân Mỹ", như đã từng gọi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đến nay ta thấy lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa không hề phụ thuộc Mỹ, ở các quyết định "kinh bang tế thế".

Mục tiêu "giải phóng dân tộc" của cộng sản miền Bắc vì vậy cũng không đúng. Người Mỹ không hề có tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Tây Đức, ở Nam Hàn, hay ở miền Nam Việt Nam. Dân tộc miền Nam cũng không hề bị "kềm kẹp" bởi bất kỳ thế lực nào. Nếu so sánh mức độ "tự do và dân chủ", chế độ miền Nam thời đó hơn xa các nước Châu Á bây giờ như Thái lan, Mã Lai, Phi v.v… Các bộ luật của miền Nam không hề hạn chế người dân ở các quyền tự do cơ bản (như luật của Việt Nam bây giờ). Người dân miền Nam không cần ai "giải phóng" hết cả.

Chiến tranh Việt Nam, miền Bắc từ cây súng viên đạn cho tới cục lương khô, đều đến từ Trung Quốc, Liên Xô hay từ khối xã hội chủ nghĩa "anh em".

Tài liệu từ phía Trung Quốc được bạch hóa, quân Trung Quốc thường xuyên có mặt ở Việt Nam, có lúc đến 200.000 quân, trong những thời điểm gay cấn nhứt. Trận Điện Biên Phủ, tài liệu Trung Quốc bạch hóa, rõ ràng chiến thắng là chiến thắng của quân Tàu. Từ cấp chỉ huy chiến lược, cho tới mọi thứ vũ khí, đều do Tàu cung cấp. Hiệp định Genève 1954, ký kết do hai sĩ quan cộng sản Việt Nam và Pháp, là ý nguyện của Tàu và Pháp, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ (kiểu Đại Hàn).

Lê Duẩn từng tuyên bố câu để đời "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc".

mauthan1

Hậu quả của "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc" là nhân dân miền Nam lãnh chịu tang tóc và nước mắt

Dĩ nhiên, nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc thì phải đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc mà thôi.

Lập trường Việt Nam Cộng Hòa là "một quốc gia độc lập có chủ quyền" đã được nhìn nhận, không chỉ ở các nước đồng minh tham gia chiến tranh Việt Nam (Úc, Canada, Tân Tây Lan, Phi, Thái lan, Nam Hàn…). Các nước này trong thời điểm Mậu Thân đều có mặt ở Việt Nam. Việt Nam Cộng Hòa là một "quốc gia" còn được đông đảo học giả Việt Nam hiện nay công nhận.

Phần lớn các học giả "nghiên cứu Biển Đông" của Việt Nam hiện nay đều khẳng định "Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền".

Nếu thật sự như vậy, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến "xâm lăng", quốc gia này đem quân chiếm một quốc gia khác, như Đức đánh chiếm nước Pháp năm 1940.

Vì vậy làm gì có chuyện "tổng tấn công và nổi dậy" !

Quân cộng sản miền Bắc, cùng với tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, là quân "xâm lược". Những "trí thức Phật tử" nằm vùng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… là quân "cộng hòa gian", ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

Nếu chiếu theo luật Hình sự của Việt Nam hiện nay, đám đồ tể "phật tử mài dao" Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… đều bị kết vào tội "phản bội tổ quốc", lý ra phải tử hình.

Nhưng luật của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa không có các điều 79, 88, 258 v.v… Vì vậy bọn "cộng hòa gian" mới lớn mạnh, trở thành một "lực lượng". Họ muốn làm gì thì làm, muốn bán nước thì bán.

Nhưng lực lượng "cộng hòa gian", ngoại trừ ở Huế, không đủ "mạnh" để "nổi dậy". Dân chúng không ai theo cộng sản hết cả. Bọn này nhanh chóng bị dân chúng cô lập, tố cáo. Hầu hết lớp cộng sản "nằm vùng" sau 1968 đều ra "hồi chánh".

Tức là yếu tố "nổi dậy" cũng không đúng. Ở Huế là phản loạn nổi dậy, giết chóc dân lành. Không hề có dân chúng nào "nổi dậy" hết cả. Cuộc thảm sát ở Huế thuộc về "tội ác diệt chủng".

*****

Nếu đứng trên một lập trường khác, nhìn chiến tranh Việt Nam qua một lăng kính khác. Hai bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai thực thể chính trị cùng thuộc về một "quốc gia duy nhứt" gọi là Việt Nam. Hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia chưa hoàn tất - Etat partiel", mỗi bên đều có nguyện vọng "thống nhứt đất nước".

Cái nhìn này thuộc "thiểu số", do chính tôi đề xướng, nhằm mục đích khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc về Việt Nam hôm nay.

Dưới quan điểm này thì chiến tranh Việt Nam là một cuộc "nội chiến" nồi da xáo thịt. Hai bên là "nạn nhân" của các thế lực quốc tế. Cuộc chiến Việt Nam là thí điểm "nóng" của "chiến tranh lạnh", của hai thế lực toàn cầu là cộng sản và tư bản.

Trận Mậu Thân, cũng như thảm sát Mậu Thân ở Huế, là "hệ quả tất yếu" của "chiến tranh cách mạng" ở hình thức "nóng".

Các phong trào cách mạng như "cải cách ruộng đất", "cách mạng văn hóa", "cải tạo công thương nghiệp" ở Việt Nam hay ở Trung Quốc, hay các vụ "kinh tế mới" ở Liên Xô… nạn nhân của cộng sản trên 100 triệu người (Việt Nam khoảng 4 triệu người). Đó là nạn nhân ở hình thức "lạnh".

Thảm sát ở Huế, cũng như 100 triệu người là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, là "tội ác của cộng sản" mà những thành phần "đồ tể" như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân là những kẻ phạm "tội ác diệt chủng", "tội ác chống nhân loại".

Từ hai cái nhìn, của Mỹ "Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập có chủ quyền", hay cái nhìn (của tôi) "Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là các quốc gia chưa hoàn tất. Cả hai đều thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhứt". Thì chiến thắng của đảng cộng sản Việt Nam là chiến thắng của một "lực lượng nội xâm". Một chế độ "thực dân mới" đã xuất hiện ở Việt Nam. Chúng ăn của dân không từ một thứ gì. Chúng buôn dân, bán nước. Các chủ trương "xuất khẩu lao động" là một hình thức buôn dân. Các chủ trương "cho mướn đất 70 năm, 100 năm" như Formosa, Bô xít… là bán nước trá hình. Chúng ký kết các hiệp định đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc (với Trung Quốc)...

Nếu cộng sản Việt Nam là một "lực lượng dân tộc" thì họ đã không đi ngược lại quyền lợi của dân tộc.

Thảm sát Huế đã qua 50 năm. Các "bí mật" về cuộc thảm sát lý ra phải được bạch hóa. Vấn đề khó khăn là Hoàng Phủ Ngọc Tường có trách nhiệm (ít nhứt) về 3 cái chết : hai người Mỹ và một người Pháp.

Vì vậy các bí mật này khó được bạch hóa. Các văn khố nước ngoài không nói chi tiết về các vụ này. Chỉ khi mà văn khố chiến tranh của Việt Nam được mở ra cho mọi người tham khảo. Ta mới có thể đọc được những "bản án" của các "tòa án nhân dân" tại Huế.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 19/02/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 17 février 2018 23:09

Cuộc chiến Biên giới 17/02/1979

Những tính toán sai lầm của lãnh đạo cộng sản Việt Nam

Lãnh đạo cộng sản Việt Nam, trong một thời gian (tương đối ngắn so với thời gian lập quốc của Việt Nam), đã liên tục mở ra bốn cuộc chiến tranh : đánh Pháp (1945-1954), đánh Mỹ (1954-1975), đánh Campuchia (1977-1988) và cuối cùng là đánh Trung Quốc (tháng 2/1979, trên lý thuyết là quân Trung Quốc rút về vào tháng 3/1979 nhưng trên vùng biên giới chiến cuộc vẫn tiếp tục cho đến cuối thập niên 1980).

biengioi2

Quân Trung Quốc tràn vào Việt Nam với xe tăng và xe cơ giới trong khu vực biên giới Trà Lĩnh

Phía cộng sản Việt Nam hãnh diện đã chiến thắng ở 4 cuộc chiến đó. Kết quả được gì ?

Đảng cộng sản Việt Nam leo lên ngôi cao "ăn của dân không từ một thứ gì".

Mỗi năm đảng cộng sản Việt Nam làm lễ linh đình mừng chiến thắng đánh Pháp, đánh Mỹ, tán dương tài lãnh đạo của đảng.

Nhưng những người đã đổ máu, cũng cho chiến thắng, là các cuộc chiến biên giới phía bắc Việt-Trung, biên giới tây-nam Campuchia thì bị lãng quên.

Từ lâu những người lính chết trận 1979 hay chết ở chiến trường Campuchia không hề được lãnh đạo cộng sản Việt Nam nhắc đến. Mặc dầu xương máu của họ đã chồng chất dưới bệ ghế ngồi của những người từ tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng... cho tới tỉnh ủy, huyện ủy, công an các cấp...

Lịch sử hiện đại của Việt Nam đã bỏ quên hai cuộc chiến này.

Một góc tư thế kỷ dứt tiếng súng, hệ quả chiến tranh đã làm cho đất nước bị tàn phá, con người Việt Nam bị tật nguyền, từ thể xác đến tinh thần. Đất nước tụt hậu, bây giờ còn thua cả Campuchia. Người dân, trai gái đi làm nô tứ xứ.

Ngoài ra còn di sản của lịch sử : Những người lính chết trận bị lãng quên.

Nguyên nhân nào đã đưa đến cuộc chiến 1979 ?

Tổng hợp một số dữ kiện về cuộc chiến, không phải để trả lời, mà để đặt một câu hỏi cho lịch sử.

1. Nguyên nhân cuộc chiến biên giới tháng hai năm 1979

Cuộc chiến biên giới hai nước Việt-Trung bắt đầu từ 17 tháng 2 năm 1979. Cuộc chiến được giới hạn ở không gian và thời gian, do Đặng Tiểu Bình làm "kiến trúc sư". Đặng Tiểu Bình tuyên bố trước quốc tế, vài ngày trước khi đem quân vượt biên giới, nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học". Họ Đặng tự đặt giới hạn không quá một tháng và chiến trường là các tỉnh của Việt Nam trên vùng biên giới. (Cuộc chiến vì vậy còn gọi là cuộc chiến biên giới 1979).

Nếu hiểu đơn thuần như vậy thì nguyên nhân cuộc chiến là Đặng Tiểu Bình.

Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Nếu xét lại cho kỹ, chính những sai lầm chồng chất của lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ mà thế giới quay lưng với Việt Nam và Đặng Tiểu Bình có lý do để đánh Việt Nam.

Để có một cái nhìn khách quan, thử đặt Obama (hay một lãnh đạo của nước Tây phương nào đó) vào vị trí Đặng Tiểu Bình. Đặt các vấn đề như sau :

Việt Nam ra chính sách tập trung người Hoa, từ Nam ra Bắc, tịch thu toàn bộ gia sản của những người này, sau đó bắt họ "hồi tịch" (trong đó nhiều người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam từ nhiều đời, không biết nói tiếng Hoa), buộc họ rời khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Trên cương vị lãnh đạo, Obama sẽ làm gì ?

Theo các tài liệu của CIA vừa bạch hóa gần đây, Việt Nam đã có hành vi lấn đất của Trung Quốc (chứ không phải ngược lại), diện tích khoảng 60 km². Nếu dữ kiện này là thật, Obama sẽ phải làm gì để bảo toàn lãnh thổ của Trung Quốc ?

Lãnh đạo Việt Nam từ năm 1958 đã nhìn nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, trước là để đền ơn các viện trợ của Trung Quốc cho cuộc chiến chống Pháp, sau là trả nợ các viện trợ cho cuộc chiến chống Mỹ. Bây giờ Việt Nam dựa vào Liên Xô, một thế lực thù nghịch khác của Trung Quốc, để chống lại Trung Quốc rồi tuyên bố ngược lại Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Thái độ của Obama sẽ ra sao ?

Chắc chắn Obama (hay ai đó) sẽ làm không khác Đặng Tiểu Bình.

Vấn đề "nạn kiều" là lý do quan trọng để họ Đặng hạ quyết tâm "dạy Việt Nam một bài học".

Hãy thử làm tương tự với một người Mỹ, xem thái độ của lãnh đạo và dân nước này ra sao ? Thế giới văn minh không ai làm theo lối "man rợ" như lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã làm. Theo công pháp quốc tế, một quốc gia có quyền can thiệp vào nội bộ quốc gia khác để bảo vệ kiều dân của mình (nếu những người này bị bức hại).

Về vấn đề lãnh thổ, Bị Vong Lục của Việt Nam công bố năm 1979 tố cáo Trung Quốc chiếm đất của Việt Nam. Các chi tiết trong đó một số không thể kiểm chứng, một vài điểm thì đúng nhưng cũng có vài điểm sai. Nhiều tài liệu (như của CIA) cho thấy phía Việt Nam chiếm đất của Trung Quốc. Nguyên nhân phía Việt Nam không chấp nhận công ước Pháp-Thanh về biên giới 1885-1897. Nếu việc Việt Nam lấn đất có thật, thì chính Việt Nam đã tạo ra lý do để Trung Quốc đánh Việt Nam. Thử suy nghĩ, nếu nhà nước Mể không tôn trọng hiệp ước nhượng đất đã ký với Hoa Kỳ trước đây, cho quân qua chiếm đất của California hay Dallas, Obama có "phản công tự vệ" không ?

Trung Quốc gọi việc đánh Việt Nam là cuộc chiến tự vệ (phản công tự vệ chiến).

Về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, phía Việt Nam có phản bác thế nào thì cũng không thể phủ nhận hiệu quả của nó trước dư luận quốc tế (nhứt là hiệu quả ràng buộc trước luật quốc tế).

Đặng Tiểu Bình là nhân vật chính trong cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Trung Quốc đánh với danh nghĩa "giải phóng lãnh thổ bị kẻ địch chiếm đóng". Trung Quốc có thể nhân danh tương tự để đánh Trường Sa bất kỳ lúc nào mà họ thấy nắm chắc phần thắng.

Trong khi đó, cuộc chiến Việt-Campuchia 1978 đáng lẽ cũng đã không xảy ra. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã ra tuyên bố "tôn trọng đường biên giới hiện trạng của Campuchia" với Sihanouk để ông này cho mở đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Miên. Mà "đường biên giới hiện trạng" theo Sihanouk (có đệ trình lên Liên Hiệp Quốc) bao gồm các đảo trong vịnh Thái Lan và biên giới theo bộ bản đồ Indochine 1/100.000 trước 1958.

Theo tài liệu khác (của Nayan Chanda trong Brother Enemy), một lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng hứa hẹn trả đảo Phú Quốc và Thổ Chu lại cho Campuchia để được Sihanouk cho đặt bản doanh Mặt Trận trên đất Miên. Sihanouk bị Lon Nol lật đổ, nhưng sau đó Campuchia về tay Khmer đỏ. Dầu vậy lời hứa của lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn còn. Việt Nam không giữ lời, do đó Khmer đỏ mới đánh phá và giết chóc, tạo ra cuộc chiến Việt-Miên 1978.

Nguyên nhân cuộc chiến Việt-Campuchia 1978 là do Khmer đỏ hay do lãnh đạo cộng sản Việt Nam ?

Việt Nam can thiệp sâu vào nội bộ Campuchia cũng là một lý do để Trung Quốc đánh Việt Nam. Việt Nam can thiệp vào Campuchia, dưới mắt của quan sát viên thế giới, là hành vi "xâm lăng". Điều này đi ngược lại các nguyên tắc của thế giới là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác.

Là người Việt Nam, dĩ nhiên ai cũng phẫn nộ trước sự bạo tàn của quân lính Trung Quốc. Để chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc, vài hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam đã đổ máu, chưa tính tới vài chục ngàn nạn nhân vô tội khác, là người dân sinh sống ở các tỉnh trên biên giới.

Nhưng suy nghĩ sâu xa, cuộc chiến này có thể tránh được, nếu lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã không có những hành động và tính toán sai lầm. Chính lãnh đạo cộng sản Việt Nam sai lầm đã tạo lý do chính đáng để họ Đặng đánh Việt Nam.

Điều tệ nhứt, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay đã thấy sai lầm này. Thay vì tìm ra những chính sách hòa giải để hàn gắn các vết thuơng quá khứ, thì họ chọn phương cách quay lưng lại với lịch sử. Họ đã lãng quên vong linh của hàng chục vạn người đã chết vì những sai lầm của họ.

2. Việt Nam có bị bất ngờ trước cuộc chiến 1979 ?

Một số ý kiến cho rằng "Việt Nam hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc chiến", "Việt Nam không chuẩn bị trước", là hoàn toàn không đúng.

biengioi1

Phía Việt Nam đã được chuẩn bị chu đáo, gài quân sẵn để "tiếp đón" đoàn quân của Trung Quốc.

Trên thực tế chứng minh, ở mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã đào sẵn hơn 60 cây số chiến hào phòng thủ cùng với khoảng 2.000 cứ điểm chiến đấu.

Nếu không "chuẩn bị trước" việc Trung Quốc xâm lăng thì làm sao có các cơ sở phòng thủ này ?

Vài tuần trước khi chiến sự xảy ra, phía Việt Nam đã tố cáo trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phía Trung Quốc tập trung quân tại biên giới.

Nếu không "biết trước" thì làm sao có việc tố cáo ?

Diễn biến cuộc chiến, tài liệu từ hai phía, cho thấy khi quân Trung Quốc vượt qua biên giới là tức khắc bị sa lầy, mặc dầu với quân số đông hơn gấp 8 lần, với hàng ngàn xe tăng yểm trợ. Các cứ điểm phòng thủ biên giới của Việt Nam cho thấy rất hữu hiệu.

Việc này chỉ có thể giải thích là phía Việt Nam đã được chuẩn bị chu đáo, gài quân sẵn để "tiếp đón" đoàn quân của Trung Quốc.

Trong cuộc chiến, vũ khí phía Việt Nam vượt trội, quân đội huấn luyện tinh thục, tinh thần chiến đấu của dân quân không kém gì quân đội chính qui.

Theo các tài liệu đã công bố, trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình có thông báo trước cho Hoa Kỳ. Thái độ của Hoa Kỳ là không ủng hộ nhưng lại cung cấp tin tức tình báo cho Trung Quốc. Theo các không ảnh của tình báo Hoa Kỳ, phía Liên Xô không tăng thêm quân đóng ở vùng biên giới, ngoài 50 sư đoàn (thiếu trang bị) đã đóng trước.

Đặng Tiểu Bình quả quyết đánh Việt Nam là do thái độ mập mờ, nếu không là ưng thuận ngầm của Hoa Kỳ.

Về phía Liên Xô, có thể Kremlin không chuẩn bị cho cuộc chiến Việt Nam, hoặc đánh giá thấp lực lượng của quân Trung Quốc. Nhưng cũng có thể đây là âm mưu của Liên Xô và Việt Nam, gài Trung Quốc để cho đế quốc này một bài học. Khi chiến sự bắt đầu, thái độ của Liên Xô cho thấy nước này có thể làm nhiều việc ngoài dự liệu của Trung Quốc để cứu Việt Nam, nếu thấy Việt Nam thất thế.

Về thời điểm mở cuộc chiến, tháng hai, trên vùng biên giới là mùa khô.

Việt Nam cũng đã chuẩn bị cho tình huống tệ nhứt, là mất Hà Nội. Bộ đầu não của Việt Nam đã bí mật chuyển về Nha Trang trước đó khá lâu. Tại sao Nha Trang ? là ở kề Cam Ranh, quân cảng dành cho hải quân Liên Xô sử dụng. Nha Trang, lúc đó là nơi được phòng thủ chu đáo nhứt về cả ba mặt : trên không, trên bộ và mặt biển.
Như vậy, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến biên giới 1979.

3. Kết luận : Sai lầm của cộng sản Việt Nam là đi với nước này chống lại nước kia

Việt Nam không chỉ đi với Liên Xô chống Trung Quốc mà còn chống cả thế giới. Việt Nam bị cô lập cho đến đầu thập niên 1990. Tình thế bắt buộc, Việt Nam phải sang qui phục Trung Quốc.

Sau khi thắng quân Thanh năm Kỷ dậu 1789, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hòa. Thái độ của vua Quang Trung được người đời sau cho là khôn ngoan. Cầu hòa với kẻ địch với tư thế kẻ chiến thắng. Việc này đã đem lại cho Việt Nam hòa bình lâu dài với đế quốc láng giềng.

Sau 1975, với sự huênh hoang háo thắng, cộng sản Việt Nam từ chối thiết lập bang giao với Mỹ. Hệ quả Mỹ cấm vận Việt Nam cho đến đầu thập niên 1990. Lúc Việt Nam làm hòa với Hoa Kỳ thì Việt Nam ở thế yếu.

Sau 1979, Việt Nam không tìm cách hòa hoãn với Trung Quốc, chờ cho đến lúc thế giới xã hội chủ nghĩa sụp đổ khắp nơi mới bắt đầu làm hòa. Làm hòa với Trung Quốc ở thế yếu. Hội nghị Thành Đô, nói theo Nguyễn Cơ Thạch, đã đưa Việt Nam vào làm chư hầu cho Trung Quốc.

Lãnh đạo Việt Nam đã không học các bài học lịch sử. Lúc cần có một đồng minh để hợp sức bảo vệ mình thì chủ trương "không đi với nước này để chống nước kia". Điều này có thể đúng ở thời kỳ 1979, mà cộng sản Việt Nam không thực hiện, để xảy ra chiến tranh, gây thù hận cho đến bây giờ.

Khi cần thì lại áp dụng nó một cách máy móc.

Những động thái của Trung Quốc, như cho giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa của Việt Nam, cho xây dựng đảo nhân tạo các bãi đá (chiếm được của Việt Nam), mở phi trường, củng cố công sự chiến đấu ở các nơi đây, các việc quân sự hóa các đảo thuộc Hoàng Sa... cho thấy sắp tới Trung Quốc sẽ mở vùng "ADIZ - nhận diện phòng không" ở Biển Đông. Đến lúc đó Việt Nam không chỉ an ninh bị đe dọa, mà lãnh thổ bị mất mà hải phận cũng không được bảo toàn.

Việt Nam không đi với nước này chống nước kia, nhưng đâu ai có thể cấm Việt Nam liên minh với một cường quốc để bảo vệ an ninh và quyền lợi của mình ?

(Tháng hai 2016)

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 17/02/2018

Published in Diễn đàn

Ông tổng Trọng chiều hôm qua 29/3 được nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng, được trao từ tay ông Trần Quốc Vượng. Tin này được BBC giật tít "Giáo sư Nguyễn Phú Trọng Tấm gương sáng của đảng". Trang Vietnamnet thì giật tít "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng". Ngoài các trang báo này thì trong nước ít thấy báo nào đăng tin. Nhưng cái tít của BBC đặt quả nhiên là "hoành tráng" hơn các bạn đồng nghiệp trong nước.

cutong1

Ông Trần Quốc Vượng trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

BBC dẫn ý kiến của "cụ" Tổng, biểu lộ qua hai câu thơ của Tố Hữu : "Đã vay dòng máu thơm thiên cổ, Phải trả ta cho mạch giống nòi !". Ý kiến của ông Trọng qua hai câu thơ, được BBC diễn giải, là "để nói rằng ông chưa làm được gì nhiều".

Tra Google, ta thấy hai câu thơ này trích trong bài "Đi" của Tố Hữu, viết năm 1944. Bài thơ này ra đời vào thời kỳ "tiền khởi nghĩa", từ 1941 đến 1945. Hai đoạn liên quan dẫn lại như sau :

Đi, bạn ơi, đi ! Cả cuộc đời 
Của ta nào chỉ của ta thôi ! 
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ 
Phải trả ta cho mạch giống nòi !

Trả hết, không quyền tiếc mảy may 
Trả ngay không hề khất rày mai 
Nước non rên xiết trong xiềng xích 
Đã giục ta ra giữa chiến đài !

Ý tứ bài thơ như vậy vừa hay vừa hợp thời cuộc. Mục đích thúc giục tuổi trẻ lên đường, bởi vì "Nước non rên xiết trong xiềng xích Đã giục ta ra giữa chiến đài !".

Nhưng có lẽ ông Tổng Trọng diễn giải chỉ đúng ở chỗ ông chưa làm được gì nhiều. Bởi vì ý tứ của bài thơ là giục giã tuổi trẻ lên đường.

Mà bản thân của ông Trọng thì không có lên đường đi đâu hết cả !

Theo BBC thì ông Trọng sinh năm 1944, được kết nạp đảng cộng sản Việt Nam ngày 19/12/1967.

Thế hệ lãnh đạo Việt Nam trước ông Trọng, không ngoại lệ, đều là những người "vào sinh ra tử", những người lập công trạng "trên đầu ngọn súng". Những thanh niên sinh ra cùng năm, cùng thời kỳ với ông Trọng, hầu hết đều "lên đường", "sinh bắc tử nam", đúng như "nghĩa vụ" thanh niên được xác lập trong các bản hiến pháp. Dĩ nhiên đúng theo nội dung kêu gọi của bài thơ Tố Hữu.

Thời kỳ "dầu sôi lửa bỏng" ông Trọng ở đâu ? Nhiều người đặt nghi vấn này, đến nay không thấy câu trả lời nào thuyết phục.

"Công lao" không có. Vậy ông Trọng dựa vào cái gì để "ngoi lên" chức tổng bí thư, "lãnh đạo đảng", đồng nghĩa với việc "lãnh dạo nhà nước và xã hội" ?

Tài năng ? Đọc bài tường thuật trên Vietnamnet, qua ý kiến của Trần Quốc Vượng nói về Nguyễn Phú Trọng :

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân ; giữ vững bản lĩnh người cộng sản, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn nêu cao tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện".

Những "tài năng" của ông Trọng có thể giúp gì cho việc phát triển đất nước ?

Không có gì hết cả ! Mà ngược lại.

Việc "kiên định chủ nghĩa Mác Lênin" của ông Trọng sẽ giúp gì cho Việt Nam hội nhập vào quốc tế ? hay chỉ khiến cho Việt Nam bị cô lập trước trường quốc tế ?.

Cái gọi là "phẩm chất đạo đức cách mạng" của ông Trọng là cái "phẩm chất" gì ?

Nói tới "cách mạng" là nói tới việc "đập phá" và "xây dựng". Đập bỏ cái cũ xấu xa và xây dựng cái mới tốt đẹp hơn.

VN hôm nay đang trong thời kỳ "đập phá" hay trong thời kỳ "xây dựng" ? Tính từ 1975, đã bao nhiêu lần "đập phá", bao nhiêu lần "xây dựng" ?

Việc "kiến thiết quốc gia", như các nước Nhật, Đức… hay các nước Đông Nam Á sau Thế chiến thứ II, là một nỗ lực dài hơi "xây dựng" liên tục, với sự đóng góp công của của toàn thể quốc dân, cùng với mọi của cải, tài nguyên của xứ sở. Lớp sau tiếp nhận và phát huy di sản của lớp trước, mục tiêu hoàn thiện những gì của lớp trước để lại.

Đất nước người ta ngày một phát triển, ngày một giàu mạnh hơn.

Trong đầu óc ông Trọng, một người lãnh đạo quốc gia tối cao, mà chỉ thấy đập phá và đập phá. "Cách mạng" bản chất là đập phá. Xây dựng lên rồi đập phá là đập phá chớ không phải xây dựng.

Vậy thì bao giờ đất nước mới khá được ?

Còn việc "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Nếu "độc lập dân tộc" được "kiên định" thì không có các vụ chia rẽ "địch ta". Những người Việt chống cộng sản thì họ cũng thuộc về khối dân tộc. Nếu kiên định độc lập (chủ quyền) thì không có vụ (hai ông Trọng, Lịch) bỏ phiếu rút lui ở giàn khoan Repsol ở lô 136-02. Nếu kiên định độc lập thì không có ký Tuyên bố chung với Trung Quốc cam kết "Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ tương lai".

Nếu kiên định chủ nghĩa xã hội thì nhà nước Việt Nam tại sao phải lạy lục với các nước để được nhìn nhận "kinh tế thị trường" ?

Ông Trọng đã bước qua một nhiệm kỳ lãnh đạo, nay đã bước gần qua ngưỡng 1/2 nhiệm kỳ.

Thành quả gì của ông Trọng, cho đất nước, cho dân tộc, trong quảng thời gian này ?

Đọc báo sáng nay thấy là Việt Nam đã bị Lào qua mặt.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 30/01/2018

Published in Diễn đàn

Không phải chỉ ở Việt Nam "thế nước đang lên". Paris, thủ đô nước Pháp, nước sông Seine cũng "đang lên" mạnh. Không biết ở Việt Nam "nước" đã "lên" tới đâu ? Ở Paris thì mực nước đã chạm mức báo động.

laodong1

Không biết chừng nào dân tộc này mới thoát cảnh trai thì làm nô, gái thì làm con ở

Nhớ lại thời mới "đánh thắng giặc Mỹ", câu nói "lòng dân thế nước", "Việt Nam đặt cả Châu Á dưới gót chân" không phải là nói chuyện chơi. Việt Nam được mệnh danh là "mũi nhọn xung kích vô sản". Các nước như Thái lan, Singapore... sợ Việt Nam hô hào "vô sản các nước đoàn kết lại", đem quân qua "giải phóng" nước mình. Khối ASEAN được thành lập là vì vậy.

Ai cũng biết mục đích của Liên Xô thời đó, sau khi củng cố Đông Âu, là "nhuộm đỏ Châu Á". Quân Liên Xô đổ vô Afghanistan 1978, cùng với Việt Nam, tạo thành hai mũi nhọn "thọc vào sườn Trung Quốc". Để tự vệ, Trung Quốc "bắt tay" với Mỹ, khơi mào cuộc chiến Tây Nam làm "chảy máu Việt Nam cho tới chết". Trong khi ở Afghanistan thì Mỹ gài độ cho Liên Xô "sa lầy" với nhóm du kích Moujahidine của Massoud.

Vì vậy khi nghe báo chí Việt Nam nói tới các câu "thế nước đang lên" hay "Việt Nam đặt Châu Á dưới chân" tự nhiên nhớ lại chuyện cũ trong lòng lo ngại.

Thành quả của đội U23 Việt Nam như vậy là "khá", nhưng không thể vì vậy mà tự sướng "thế nước đang lên" hay "đặt Châu Á dưới gót chân". Giải U23 của Liên đoàn túc cầu Châu Á (AFC) chỉ là một giải "nhỏ", mới thành lập năm 2013. Vào được chung kết U23 thì nền túc cầu Việt Nam cũng chưa khẳng định được cái gì. Quan trọng hơn hết là các giải quốc gia (AFC Asian Cup, AFC Champions League...) mà đội tuyển quốc gia Việt Nam chưa làm ăn được cái gì.

Ai cũng hy vọng sau thành công của U23, ngành thể thao nói chung, túc cầu nói riêng, của Việt Nam được khởi sắc. Đến nay các thành tích của Việt Nam ở Á Vân hội, Thế vận hội, Túc cầu thế giới... vẫn còn hết sức khiêm nhường.

Hôm 27/01/2018 tôi có viết về "tự hào" và "cải thiện". Đại khái viết rằng dân Nhật có triết lý sống là "cải thiện". Cái gì, thành công nào đối với họ cũng chưa đủ tốt đẹp. Nó cần phải xem xét lại, làm lại cho tốt hơn nữa. Vì vậy dân Nhật không có "tự hào" về cái gì hết cả.

Chỉ mới có vào chung kết một giải Châu Á ở "tầm trung" mà dân Việt Nam ai cũng "tự hào".

Tự hào là gì ? "Tự" thì ai cũng biết rồi. "Tự sướng" là chuyện hàng ngày của lãnh đạo Việt Nam. Còn "hào" có nghĩa là "xuất chúng, thủ lĩnh, ông trùm, người đứng đầu...".

Chữ "hào" không ai tự gắn cho mình hết cả.

Việt Nam ngoại lệ đủ thứ. Ngay cả cái "tự hào". Chỉ có Việt Nam mới tự cho mình là "vô địch", tự cho mình là "anh hùng", là "lương tâm của nhân loại"...

Tôi có viết dân Nhật họ không tự hào cái gì hết cả. Nhờ vậy món hàng nào của Nhật cũng bền, tốt, đẹp... hơn các món hàng tương tự do nước khác sản xuất. Nam Hàn, Đài Loan... phát triển được như hôm nay là ta không thể loại trừ yếu tố văn hóa Nhật. Các nước này đều là thuộc địa cũ của Nhật.

Tâm lý "tự hào" là tâm lý tự cho mình là "hoàn thiện", không cần "cải thiện" gì cả. Ngày trước lãnh đạo cộng sản Việt Nam tự cho rằng họ là "đỉnh cao trí tuệ". Đã là "trí tuệ đỉnh cao" thì đâu cần học hỏi ai cái gì ? Đất nước thụt lùi, cho tới bây giờ vẫn chua hết đà thoái bộ.

Văn hóa "tự hào" là thể hiện phách lối của tâm lý "đỉnh cao trí tuệ".

Không biết chừng nào dân tộc này mới thoát cảnh trai thì làm nô, gái thì làm con ở, làm đĩ, nếu không ở ngay đất nước này, thì cũng ở các nước "đang ở dưới chân Việt Nam".

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 28/01/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 27 janvier 2018 14:48

Tự hào và Cải thiện

Châm ngôn dựng nước của người Nhật là "Kaizen", tiếng Hán là "cải thiện". "Cải" có nghĩa là "thay đổi". "Thiện" là tốt đẹp. "Cải thiện" có ý nghĩa "thay đổi sao cho ngày càng tốt đẹp hơn". "Cải thiện" có tính thường trực và liên tục. Đó là cả một quá trình phân tích - tổng hợp, sao cho mọi sự việc thuộc về cộng đồng xã hội được điều chỉnh trong chiều hướng ngày càng tối tân (hiện đại), tốt đẹp, tiện lợi… hơn.

tuhao1

Sự "cải thiện" thường trực khiến cho nước Nhật chỉ có thể ngày càng giàu hơn, tiến bộ hơn.

Với phương châm "cải thiện" làm triết lý sống, rõ ràng ta ít khi thấy người Nhật "tự hào" về một thành quả nào đó. Theo họ thành quả đạt được hôm nay vẫn còn phải "cải thiện" để kết quả đó được tốt hơn. Chỉ nhìn những cái cụ thể trong xã hội Nhật. Về "lễ độ", không thể phản bác dân Nhật đứng đầu thế giới. Vụ ông chủ trạm xăng người Nhật, ngày khai trương trạm xăng ông này đã đứng cả ngày để cúi đầu cám ơn từng khách hàng đi vào đổ xăng. Ta cũng phải nhìn nhận dân Nhật kỷ luật, ngăn nắp, sạch sẽ… Ở chốn công cộng, đường xá, ga métro… sạch bóng như chùi, không một cọng rác. Người qua đường nhẫn nại chờ đèn xanh. Khi qua đường họ cố gắng đi trong đường vạch sẵn dành cho người đi bộ. Về vật dụng xe cộ, máy móc điện tử….ta cũng thấy những gì do Nhật chế tạo (hay sản xuất) đều bền, tốt, thẩm mỹ… hơn những món hàng tương đương do nơi khác sản xuất.

Sự "cải thiện" thường trực khiến cho nước Nhật chỉ có thể ngày càng giàu hơn, tiến bộ hơn.

Ngược với dân Nhật, dân ta thì rất đỗi "tự hào". Tôi viết những giòng này trước khi đội U23 Việt Nam đá chung kết với Ubezkistan. Ngay cả khi đội Việt Nam thắng, thì thành tích này vẫn còn rất khiêm nhường so với thứ hạng quốc tế. Những người rành về túc cầu chứng minh điều này. Các đội banh U19, U21, U23… không phải là các đội banh "chuyên nghiệp". Đây chỉ là nơi chốn "mầm non", đào tạo các cầu thủ chuyên nghiệp đi đá các đội tỉnh hay các đội quốc gia. Nhìn đội banh quốc gia VN, ta thấy Việt Nam cần phải "cải thiện" nhiều hơn nữa để một ngày nào đó đội quốc gia đặt chân vào "sân chơi" quốc tế.

Mới vào chung kết mà đã "tự hào", "thế nước đang lên", làm như Việt Nam vừa chinh phục được cả vũ trụ. Mà ngay khi cả lúc Việt Nam chinh phục được vũ trụ thì cũng không thể tự hào theo kiểu "cả nước lên đồng" như vậy. Vì ta còn phải "cải thiện" thường trực để Việt Nam vẫn luôn luôn là quốc gia đứng đầu chinh phục vũ trụ.

Trở lại chuyện hôm qua anh cu Daniel Hauer lấy biểu tượng "anh hùng dân tộc" là ông Giáp ra làm "khôi hài đen". Cả xã hội "lên đồng", giảy nảy như gái ngồi phải cọc. Báo chí xăng tay nhập cuộc. Bộ thông tin cũng gởi giấy triệu tập anh cu Dan. Đọc tin không biết thực hư là bộ ngoại giao ra lịnh "trục xuất" anh cu. Tôi thấy "cơn bão trong ly nước" đang có nguy cơ trở thành "sự cố ngoại giao", mà điều này Việt Nam không hề muốn trong lúc này. Với nước Đức, trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, khiến Việt Nam trở thành một "đối tác đáng nghi ngại" cho cả khối Châu u. Bây giờ thêm "sự cố ngoại giao" với Mỹ rõ ràng là điều không mong đợi. 
Nhưng khi đọc báo, hầu hết các báo lớn, đều có đăng bài dùng lời lẽ dao to búa lớn đối với anh cu Dan. Việc này như "chế dầu vào lửa", khiến cho toàn Hà Nội sôi sục căm thù. Có người còn hăm dọa đánh cu Dan, đánh cả vợ con anh cu.

Tôi thấy là không được. Ngay khi cả Việt Nam là "lương tâm của vũ trụ", "không cần Mỹ", thì báo chí cũng không thể mở "tòa án nhân dân" xử anh cu Dan này được. Mọi người cứ nói "nhập gia tùy tục" mà không ai chịu để ý là cái "tập tục" của Việt Nam tương tự như cái "hủ mắm thúi" ngàn năm, lấy từ ông Khổng tử bên Tàu. Mọi người muốn dùng "luật Việt Nam" để xử cu Dan. Vậy thì luật nào để "trị" cái tập tục "không cho dân mở miệng" của Việt Nam ?

Trong khi anh Mattis, bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ thì đi thắp nhang chùa Trấn Quốc.

Không biết có "ẩm ý" gì mà ông xếp xòng quân đội Mỹ lại đi thăm chùa Trấn Quốc ? Chỉ nội cái tên cũng đủ cho ta hình dung đủ thứ.

Theo lịch trình, nếu không có gì trục trặc giờ chót, thì một chiếc hàng không mẫu hạm thuộc Đệ thất hạm đội Mỹ sẽ cập bến Việt Nam vào tháng ba. Thì các thứ Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ… hạm đội của Mỹ cùng với những chiếc hàng không mẫu hạm, lại là những món đồ "trấn quốc" của nước Mỹ.

Nghĩ cũng tức cười ! Đánh cho Mỹ chạy mất dép. Phụ nữ Hà Nội thời đó thề đánh Mỹ "còn cái lai quần cũng đánh". Bây giờ lại mời Mỹ về giữ nước (trấn quốc).

Theo tôi, Việt Nam nên "cải thiện" kho vũ khí của mình, cải thiện khả năng chế tạo vũ khí để Việt Nam sản xuất ra được một "món" đồ quốc phòng dành vào việc "trấn quốc".

Qua vụ anh cu Dan, vụ U23… ta thấy lòng "tự hào" của Việt Nam lên cao bất tận. Bây giờ không cần bốc thăm sẽ có khối người sẵn sàng "hồi thiên".

"Hồi thiên - Kaiten" (về trời), cùng với đội "Thần phong - Kamikaze" một dưới biển, một trên không, là hai đội cảm tử của quân Nhật hồi Thế chiến II. Dưới biển, Kaiten, chiếc "thủy lôi" có người cầm lái, đã gieo kinh hoàng cho hải quân Mỹ. Trên không, chiến đấu cơ của quân Nhật chỉ đủ xăng cho "chuyến đi", không chuyền về. Vì vậy phi công, máy bay trở thành vũ khí. Hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng ghê răng với mấy ông liều mạng này.

Theo tôi, Việt Nam nên lập đội "Hồi thiên" để bảo vệ biển đảo. Chiếc tàu ngầm Hoàng Sa không biết đã chế tạo tới đâu ? có thể "cải biên" thành "hồi thiên" để "trấn quốc" được chưa ?

Đây là thời điểm lý tưởng. "Thế nước đang lên cao", người người "tự hào", con gái cái "ngàn vàng" còn dám đem triển lãm lộ thiên, thì con trai chuyện gì không dám làm ?

"Trấn quốc" là chuyện của Việt Nam. Mà khi có Mỹ chống lưng dĩ nhiên là phải hiệu nghiệm hơn rồi.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 27/01/2018

Published in Diễn đàn