Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Một số dự án Vành đai Con đường 'bị ảnh hưởng nghiêm trọng' bởi đại dịch (BBC, 19/06/2020)

Khoảng 20% các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc (BRI) để liên kết Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch virus corona, một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu 19/6.

bri1

Các công nhân dựng bảng về quảng bá Một vành đai, một con đường tại Bắc Kinh. (Photo by GREG BAKER / AFP) 

Theo Reuters, một khảo sát của Bộ này cho biết khoảng 40% các dự án đã bị ảnh hưởng chút ít, và 30-40% dự án đã bị ảnh hưởng phần nào, Wang Xiaolong, Tổng giám đốc Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

Ông Wang Xiaolong nói khoảng 20% các dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng ông Wang không cung cấp bất kỳ chi tiết nào thêm.

"Kết quả từ cuộc khảo sát tốt hơn mong đợi và mặc dù một số dự án đã bị trì hoãn, Trung Quốc được biết không có dự án lớn nào bị hủy bỏ", ông nói thêm.

bri2

Sri Lanka đã phải bàn giao cảng Hambantota cho Trung Quốc để giúp trả nợ nước ngoài - Ảnh minh họa 

Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ đôla được liên kết với sáng kiến này.

Hạn chế về việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa qua biên giới, cũng như các biện pháp ở cấp địa phương để ngăn chặn dịch Covid-19 là những lý do chính tác động tới các dự án, ông Wang nói.

"Khi tình hình được cải thiện, chúng tôi tin tưởng rằng các dự án sẽ được tái khởi động và việc thực hiện chúng sẽ được tăng tốc", ông này nói.

Thách thức của đại dịch đối với các dự án BRI xảy ra sau khi dự án này vấp phải phản đối vào năm 2018, khi các quan chức ở Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và các nước khác chỉ trích các dự án ở đó là tốn kém và không cần thiết.

Trung Quốc đã thu hẹp một số dự án sau khi một số quốc gia tìm cách xem xét lại, hủy bỏ hoặc giảm bớt các cam kết, viện dẫn những lo ngại về chi phí, vấn đề chủ quyền và tình trạng tham nhũng.

Nguồn : BBC, 19/06/2020

*******************

Trung Quốc thừa nhận "Vành đai, con đường" gập ghềnh vì Covid-19 (Dân Trí, 19/06/2020)

Trung Quốc cho biết khoảng 20% các dự án trong sáng kiến "Vành đai, con đường" của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch đại dịch Covid-19.

bri3

Một công trình ở Thượng Hải, Trung Quốc chụp hôm 9/6 (Ảnh minh họa : Reuters)

Reuters dẫn thông báo ngày 19/6 của Tổng cục trưởng Tổng cục Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Xiaolong cho hay, 20% các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, con đường" (BRI) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.

Theo một nghiên cứu do cơ quan trên tiến hành, khoảng 40% trên tổng số các dự án BRI ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi 30-40% bị ảnh hưởng một phần. Ông Wang không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án.

Quan chức này lý giải các lệnh hạn chế đi lại và các dòng hàng hóa chuyển xuyên biên giới bị đình trệ cùng các biện pháp chống dịch của từng địa phương là lý do chính khiến các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Reuters, hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến BRI nhằm xây dựng hệ thống đường sắt, cảng, đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng khác nhằm kết nối Châu Á, Châu Phi và Châu Âu cùng với các khu vực khác.

Theo công ty dữ liệu toàn cầu Refinitiv (Anh), có hơn 2.600 dự án với tổng trị giá 3,7 nghìn tỷ USD có liên quan tới sáng kiến của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Covid-19 lên BRI diễn ra sau một làn sóng từ bỏ và xem xét các dự án hồi năm 2018. Vào thời điểm đó, các quan chức Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và một số nước khác chỉ trích rằng các công trình trong dự án là tốn kém và không cần thiết.

Trung Quốc đã buộc phải thu hẹp lại quy mô của nhiều dự án sau khi các nước tuyên bố sẽ xem xét lại việc hợp tác với Bắc Kinh, viện dẫn mối quan ngại về chi phí, mối đe dọa về xói mòn chủ quyền và tình trạng tham nhũng.

Trong những năm qua, sáng kiến BRI của Trung Quốc đã gây tranh cãi với hàng loạt các mối quan ngại rằng các nước nghèo hơn có thể rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc và Bắc Kinh dùng tiền để gia tăng tầm ảnh hưởng địa chính trị. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này.

Mỹ là một trong những quốc gia có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới. Washington cho rằng thông qua các khoản vay và đầu tư của mình, Bắc Kinh đã đẩy các quốc gia nghèo hơn vào tình trạng nợ nần chồng chất và không có khả năng chi trả.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm này từng khiến Trung Quốc nổi giận khi nói rằng những lời hứa hẹn kinh tế "hào nhoáng" của Bắc Kinh thường chỉ dẫn đến sự phụ thuộc về nợ và làm xói mòn chủ quyền của của các quốc gia vay nợ.

Đức Hoàng

*******************

Dịch Covid-19 sẽ phá hủy những dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc (Dân Trí, 16/04/2020)

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu, các nhà phân tích ước tính, khoản nợ bị "dấu kín" mà các nước đang phát triển vay Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD.

bri4

Các cột xi măng trên sông Moraca như một phần của dự án xây dựng đường cao tốc Bar-Boljare ở Montenegro năm 2018. Ảnh : Reuters

Vào năm 2014, quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu, Montenegro đã nhìn thấy cơ hội có thể phóng lên vũ đài thế giới khi họ vay 750 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc giữa biển Adriatic và Serbia.

Dự án đường cao tốc này mang tên "The 103-mile Bar-Boljare" và được tài trợ như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dự án này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và giúp mở đường cho một quốc gia trẻ như Montenegro có cơ hội hòa nhập vào Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Chính phủ đã mô tả dự án này như sau: Đó là con đường cao tốc 165 km, với những cây cầu hùng vĩ và những đường hầm sâu. Đây là công trình của thế kỷ và là con đường dẫn đến thế giới hiện đại. Con đường được thiết kế để nối cảng Bar trên bờ biển Adriatic của Montenegro với nước láng giềng Serbia. 

Sáu năm sau, đại dịch Covid-19 đã xảy đến và phá hủy cuộc sống cũng như nền kinh tế trên toàn thế giới, với khoản nợ khổng lồ và một con đường cao tốc dẫn tới "hư không". Dự án này tại Montenegro đang đầy những lo ngại và ảnh hưởng tới "điểm số" của các dự án BRI khác trên khắp Châu Á, Châu Phi và Đông Âu.

Dự án này đã tăng nợ công của Montenegro lên 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngành công nghiệp du lịch quan trọng của đất nước đang quay cuồng bởi đại dịch. Và cơ quan xếp hạng Moody từ hồi tháng 3 đã hạ triển vọng tín dụng của Montenegro xuống dưới mức ổn định, với lý do được đưa ra là bởi dự án đường cao tốc mà đất nước này đang thực hiện.

Để bảo vệ dự án "thú cưng" của mình, Thủ tướng Dusko Markovi cho biết hồi tháng trước tại thủ đô Podgorica rằng: "Đường cao tốc Bar-Boljare không chỉ đơn thuần là một con đường thông thường mà nó chính là con đường dẫn đến hệ thống giá trị phương Tây".

Một tuyên bố của chính phủ nước này cho biết thêm: Thủ tướng Markovi nhấn mạnh rằng không có cuộc thảo luận nào về việc phá sản hay lệ thuộc vào nợ, vì những điều đó thường chỉ được suy đoán.

Các quốc gia BRI như Montenegro đã mắc nợ sâu với Bắc Kinh và phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến đại dịch khi giá cả hàng hóa lao dốc, giao dịch chao đảo và tỷ giá hối đoái thay đổi.

Có lẽ một cuộc khủng hoảng nợ mang đặc tính Trung Quốc đang xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới.

Thêm vào thách thức của việc quản lý nợ toàn cầu là đặc điểm thiếu minh bạch của Bắc Kinh.

Giáo sư Brad park, Giám đốc điều hành của AidData, một đơn vị thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, và đồng tác giả của một nghiên cứu nói về các hoạt động cho vay của Trung Quốc được phát hành vào tháng trước bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã nói rằng: "Chính phủ Trung Quốc coi các thông tin của chương trình cho vay ở nước ngoài là một bí mật quốc gia. Không ai thực sự biết các con số đó".

Các chuyên gia ước tính rằng, trước cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra, các khoản nợ được giấu kín mà các quốc gia đang phát triển vay Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD, nhiều hơn cả tổng số nợ của họ đối với Câu lạc bộ Paris, thậm chí tổng số nợ đó còn nhiều hơn cả số số nợ với các ngân hàng quốc tế hoặc Quỹ tiền tệ quốc tế.

Các khoản vay của Trung Quốc đã giúp tài trợ cho các dự án năng lượng, khai thác, thủy điện và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác ở hơn 100 quốc gia đang phát triển theo Sáng kiến Vành đai và Con đường ước tính trị giá 8 nghìn tỷ USD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các hoạt động cho vay đơn lẻ của Trung Quốc sẽ khiến nhiều nước đang phát triển ngày càng dễ bị tổn thương trong môi trường hiện tại.

Trong số các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ, các nhà phân tích cho biết, có các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa như là Angola, Ecuador, Nigeria và Venezuela; các nền kinh tế Châu Á nhỏ hơn như Lào, Campuchia và Cộng hòa Slovak; và các quốc gia ở Châu Phi cận Sahara và Châu Mỹ Latinh.

CGD nhận thấy rằng, 15 trong số 68 quốc gia có dự án "Vành đai và Con đường" phải đối mặt với nguy cơ khó khăn về nợ nần - về cơ bản là không có khả năng trả nợ, trong đó có 8 quốc gia khác có nguy cơ rất cao.

Trong 2.453 khoản vay của Trung Quốc cho 157 quốc gia, có khoảng 23% các khoản vay chủ yếu đến các nước nghèo nhất và họ được nhận những điều khoản ưu đãi từ Trung Quốc, thậm chí với lãi suất bằng 0. Về cơ bản, các quốc gia này sẽ trở thành một phần mở rộng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trung Quốc có trữ lượng tiền tệ rất lớn và nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ vượt qua Mỹ về quy mô tuyệt đối trong những năm tới. Nhưng bất kỳ sự vỡ nợ nào cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc chao đảo. Và với những gì mà Trung Quốc đang phải gánh chịu hiện nay: tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 6,2%, nợ xấu từ các công ty nhà nước zombie, 460.000 công ty Trung Quốc có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn. Ta có thể thấy rằng một mối đe dọa lớn đang bao trùm lên các quốc gia trên Vành đai và Con đường.

Thùy Dung

Theo SCMP

Published in Châu Á

Hôm thứ Hai vừa rồi là sinh nhật lần thứ 67 của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó hóa ra là một ngày quan trọng đối với chính trị Trung Quốc.

xi1

Bức chân dung của Xi Jinping được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Có phải ông là một Marx thời hiện đại ? (Đoạn phim Nikkei / Hình ảnh Getty / Ken Kobayashi)

Tin đồn đã lan truyền từ ngày hôm trước trong một số đảng viên cộng sản Trung Quốc là sẽ có một thông báo quan trọng sắp xảy ra. Hóa ra đó là một món quà sinh nhật bất ngờ khiến các chuyên gia phải bàn tán không ngừng.

Trên trang nhất ngày 15 tháng 6 của tờ Học tập, một ấn phẩm chính thức của Trường Đảng Trung ương, là một bài viết toàn trang với dòng tít lớn kêu gọi đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" – tư tưởng chính trị đặt theo tên của nhà lãnh đạo – trở thành "Chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21".

Bài báo được viết bởi Hà Nghị Đình (He Yiting), phó giám đốc điều hành của Trường Đảng Trung ương. Ông là một trợ lý thân cận của Tập và đóng một vai trò quan trọng trong việc biên soạn lý thuyết chính trị cho Tập, vốn được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội toàn quốc năm 2017.

Ông ta không chỉ đơn thuần là tìm cách lấy lòng Tập hay chơi chữ. Một tham vọng lớn được ẩn giấu đằng sau động thái này.

Về bản chất, đó là một nỗ lực nhằm tôn vinh hệ tư tưởng của Tập như một triết lý trăm năm có một dẫn đường cho tất cả người dân Trung Quốc và qua đó làm cho nó còn quan trọng hơn cả "Tư tưởng Mao Trạch Đông", hệ tư tưởng của người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là một vị anh hùng cách mạng.

xi2

Tập Cận Bình được hiển thị trên màn hình tại Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh năm 2019. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Lời đề nghị này quả thật "hoành tráng" đến nỗi ngay cả Karl Marx chắc cũng sẽ phải ngạc nhiên ở thế giới bên kia. Trong bài viết, Hà Nghị Đình đưa ra lập luận rằng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Hoa ngày nay đã viết nên "chương tuyệt vời nhất của chủ nghĩa xã hội thế giới trong 500 năm qua".

Nói về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, ông viết rằng "hai hệ tư tưởng, hai học thuyết và hai hệ thống của thế giới đang trải qua những biến đổi sâu sắc có lợi cho chủ nghĩa xã hội".

Có nhiều hàm ý trong việc này. Việc bài viết được xuất bản đúng vào sinh nhật lần thứ 67 của Tập cũng có ý nghĩa rất lớn.

Có một quy tắc không chính thức lâu nay của Đảng được gọi là "thất thượng, bát hạ", có nghĩa là "bảy lên, tám xuống". Quy định này cho phép những người ở độ tuổi 67 trở xuống được ở lại nắm các vị trí quan trọng, nhưng yêu cầu những người từ 68 tuổi trở lên phải nghỉ hưu mà không được nắm các vị trí mới.

Tập sẽ 68 tuổi vào năm tới. Nếu tuân theo quy tắc về tuổi nghỉ hưu, ông sẽ không được tái cử vị trí chủ tịch nước tại đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2022.

Dù Tập đã thành công trong việc sửa đổi hiến pháp vào tháng 3 năm 2018 để xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ năm năm đối với chức chủ tịch nước, có khả năng một số lực lượng chính trị sẽ chống lại việc gia hạn nhiệm kỳ của ông Tập, lấy lý do quy định về độ tuổi như trên.

Cuộc đấu tranh quyền lực của Tập sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào mùa hè này. Đối với Tập, hội nghị đảng năm nay tại thị trấn nghỉ mát Bắc Đới Hà vào mùa hè này có khả năng gây nguy hiểm : Luôn có khả năng Tập sẽ không nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo lão thành trong Đảng.

Nhưng nếu hệ tư tưởng của Tập được nâng lên thành "hệ tư tưởng chỉ đạo của thế kỷ 21" và được ghi vào Điều lệ Đảng tại đại hội Đảng toàn quốc năm 2022, thì bối cảnh chính trị sẽ thay đổi.

Nếu được ghi vào như vậy, tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trở thành hệ tư tưởng định hướng toàn năng, được thần thánh hoá. Đối với Tập, người phát triển hệ tư tưởng, điều đó mở đường cho việc ông có thể trở thành chủ tịch nước trọn đời.

Nhưng việc phe của Tập phải dùng đến những biện pháp cực đoan như vậy để đảm bảo sự sinh tồn chính trị của ông cho thấy không phải mọi thứ đã được an bài.

Một sự cố chính trị gần đây ở Trùng Khánh làm tăng thêm sự nghi ngờ.

xi3

Từ trái qua : Đặng Khôi Lâm, Mạnh Kiến Trụ và Tôn Lực Quân © Kyodo

Cứ gọi đó là "lời nguyền Trùng Khánh". Một lần nữa, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố miền Trung Tây Trung Quốc này lại bị thất sủng.

Trong một thông báo vào ngày 14 tháng 6, các cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết ông Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), phó thị trưởng Trùng Khánh và là giám đốc sở công an thành phố, đang bị điều tra vì nghi ngờ "vi phạm nghiêm trọng" kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước.

Lần lượt từng người một, các quan chức công an cấp cao liên tiếp ở Trùng Khánh đã chứng kiến ​​vận may chính trị của mình kết thúc trong ô nhục.

Đây là một số trường hợp trong quá khứ.

Năm 2007, Bạc Hi Lai (Bo Xilai), đối thủ đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình sau này, đã tới Trùng Khánh làm bí thư thành ủy và sớm bắt tay vào chiến dịch tiêu diệt các băng nhóm tội phạm địa phương.

Ông nhắm vào Văn Cường (Wen Qiang), người với tư cách là phó giám đốc sở công an Trùng Khánh và sau đó là giám đốc sở tư pháp, đã kiểm soát lực lượng cảnh sát địa phương. Văn được xác định là kẻ bảo kê tội phạm của thành phố và cuối cùng đã bị xử tử.

Cánh tay phải của Bạc, Vương Lập Quân (Wang Lijun), sau đó trở thành giám đốc công an Trùng Khánh ; nhưng ông ta cũng không an toàn.

xi4

Từ trái qua : Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân (Nguồn : Xinhua/Kyodo)

Sau khi mâu thuẫn với Bạc, Vương đã đến xin tị nạn tại toà tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô. Ông ta được cho là đã mang theo mình một lượng lớn "bí mật nhà nước" khi tới gõ cửa cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ này.

Mấy năm sau, Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) trở thành bí thư Trùng Khánh. Từng được cho là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua kế nhiệm Tập trong vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu trong tương lai của Trung Quốc, Tôn đã bị thanh trừng ngay trước thềm đại hội đảng năm 2017.

Hà Tĩnh (He Ting), người lúc đó đang giữ chức giám đốc công an Trùng Khánh dưới thời Tôn, cũng bị cáo buộc vi phạm kỷ luật và bị khai trừ đảng.

Trong khoảng chục năm qua, các giám đốc công an Trùng Khánh luôn bị cuốn vào các vụ bê bối liên quan đến các quan chức hàng đầu. Ngược lại, bất cứ khi nào giám đốc công an thành phố này bị thanh trừng, một vụ việc lớn liên quan đến bí thư thành ủy chắc chắn đã xảy ra.

Nhưng con đường sự nghiệp của Đặng Khôi Lâm cho thấy lần này sẽ khác.

Trước khi luân chuyển đến Trùng Khánh, Đặng làm việc tại tỉnh Hồ Bắc trong lực lượng công an và sau đó là tại Bắc Kinh tại Ủy ban Chính Pháp Trung ương Đảng.

Ông ta được bổ nhiệm theo kiểu "nhảy dù", từ chính quyền trung ương xuống chính quyền của một địa phương nơi ông không có mối quan hệ nào.

Cho đến khi chuyển đến Trùng Khánh, Đặng không có mối liên hệ trực tiếp nào với Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), bí thư thành ủy hiện tại của thành phố và là phụ tá thân cận của Tập.

xi5

Từ trái qua : Tôn Chính Tài và Hà Tĩnh © Kyodo

Điều này có nghĩa là Đặng có khả năng đã gặp rắc rối theo một bối cảnh hoàn cảnh khác với bộ đôi Bạc – Vương và Tôn – Hà, những cặp đôi có liên quan đến tội phạm và bị buộc tội.

Cuộc điều tra đối với Đặng có thể liên quan tới Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), cựu ủy viên Bộ Chính trị và từng là Bộ trưởng Công an đã nghỉ hưu.

Đặng trước đây từng là thư ký của Mạnh.

Hồi tháng Tư, một cựu thư ký của Mạnh cũng bị điều tra. Tôn Lực Quân (Sun Lijun) là thứ trưởng Bộ Công an, và ở tuổi 51, được coi là một nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo đầy triển vọng trong lực lượng an ninh và cảnh sát.

Bây giờ khi Tôn và Đặng bị điều tra, tương lai của Mạnh là một vấn đề được quan tâm. Mạnh thuộc về "phe Thượng Hải", một nhóm thân cận với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Đó là đối thủ của nhóm chính trị do Tập dẫn dắt.

Nhưng tại sao Tập cần phải hạ bệ vị giám đốc công an Trùng Khánh ?

"Tập đang ở trong một tình huống khá khó khăn khi ông ta phải đối mặt với một loạt các vấn đề chính trị đối nội, kinh tế và ngoại giao", một nguồn tin trong đảng nói. Giống như Tập bật đèn xanh cho các cuộc điều tra về Tôn Lực Quân và cựu giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cuộc điều tra đối Đặng "là một động thái phủ đầu khác" để đề phòng các phe phái đối thủ "trước khi mọi thứ trở nên quá nguy hiểm", nguồn tin nói.

Chế độ của Tập quả thật không vững chắc và ổn định như vẻ bên ngoài của nó.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "Xi’s jumbo birthday present surprises Marx and pundits alike", Nikkei Asian Review,18/06/2020.

Trần Hùng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 19/06/2020

Additional Info

  • Author Katsuji Nakazawa
Published in Diễn đàn
mercredi, 17 juin 2020 20:04

Hậu Coronavirus & Tập Cận Bình

Cuồng vọng là căn bệnh ung thư về đạo đức đối với tất cả những kẻ độc tài, càng là những kẻ độc tài nhiều quyền lực càng cuồng vọng, không cần nhắc tới nước ngoài, chỉ cần Trung Quốc thôi cũng đã có Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thái Tổ, Khang Hy, Càn Long, Mao Trạch Đông… ví dụ quá đầy đủ ! Những nhân vật chính trị đầy quyền lực này cũng đầy đủ năng lực để cưỡng ép, khuếch tán những tế bào ung thư ra toàn xã hội.

Lưu Hiểu Ba

hau01

Bữa mừng sinh nhật bác Hồ, Cậu Bẩy  nổi hứng đọc mấy câu vè (nghe) không thanh tao lắm :

Nếu ngày ấy, Paris trời trở lạnh

Cục gạch hồng không đủ ấm qua đêm

Bác chết cóng...

Thì ngày nay tổ quốc đã êm đềm

Vì không có khả năng sáng tác những câu thơ huê dạng

(Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

hay :

Bác về… im lặng

Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ)

và cũng chả làm được mấy câu vè bỗ bã nên tôi chỉ giản dị nghĩ rằng : Người đi đâu cũng đặng, về lúc nào cũng xong, miễn là "cái tôi" của Bác nhỏ lại tí xíu - xíu nữa thôi - thì đỡ cho trăm dân muôn họ biết chừng nào !

Hai ông Chế Lan Viên và Tố Hữu đỡ phải mang tiếng là những kẻ xu thời, ton hót. Cậu Bẩy cũng đỡ phải thốt lời cay đắng, mỉa mai. Cây rừng thì đỡ bị đốn chặt, để làm giấy in hằng trăm ngàn cuốn sách mà Bác tự viết về mình nhưng (làm bộ) ghi tên ai khác cho nó đỡ kỳ. Và bá tánh thì khỏi lâm vào cảnh chiến tranh (đến đôi ba bận) vì buộc phải đi theo "con đường mà Đảng và Bác kính yêu đã chọn".

Ở bình diện quốc tế, international level, cũng thế. Phần lớn những cuộc binh đao trong lịch sử đều do những "cái ngã" quá lớn mà ra cả. Pascal tin rằng : "Nếu cái mũi của Cléopâtre ngắn đi một tí, bộ mặt của cả địa cầu đã khác" (1). Tôi sinh sau đẻ muộn, không biết mặt ngang/mũi dọc của bà nữ hoàng Ai Cập ra sao nên không tiện lạm bàn, chỉ có thể đoan chắc nếu "cái moi" của của Hitler nhỏ hơn tí nữa thì nhân loại (dám) đã tránh được một trận tương tàn khốc liệt.

hau02

Si le nez de Cléopâtre eût été plus court, toute la face du monde aurait changé

Thế Chiến Thứ Hai để lại một thế giới tan hoang và vài chục triệu xác người vương vãi khắp nơi. Sau đó, cũng vì cuồng vọng của nhiều Người Cầm Lái Vỹ Đại (Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành … ) nên lại có thêm hằng trăm triệu sinh linh bị giết hại, thủ tiêu, hành hình … bằng muôn vàn phương cách.

Lịch sử không có cái vụ "nếu !" Tuy biết vậy nhưng mấy bữa nhớ bằng hữu quá (rủ rê tụi nó gầy bàn nhậu nhưng thằng nào cũng lắc đầu quyầy quậy vì sợ coronavirus) nên tôi vẫn lẩn thẩn nghĩ rằng nếu cái ngã của Tập Cận Bình nhỏ bớt được tí nữa thì mình đã không mất cả chục ngày đàm đúm vui chơi với bạn bè. Nỗi mất mát này, tất nhiên, không có gì đáng kể, nếu so với con số gần nửa triệu người mất mạng chỉ trong vài tháng vừa qua - theo tường thuật của T.S Nguyễn Tường Bách :

"Nhà thiêu xác quá tải, những hộp tro vung vãi tại Trung Quốc, những nấm mồ tập thể tại Mỹ, cảnh tử thi nằm trên đường phố cả tuần tại Nam Mỹ không ai thu dọn. Tất cả đều là những cảnh tượng của thế kỷ XXI, những điều mà trước đó vài ba tuần không ai có thể hình dung được. .. Rất nhiều cơ sở phá sản, cả trăm triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp và rơi vào bế tắc tài chánh. Rõ ràng nhất là, cấu trúc kinh tế của thế giới trong những năm qua sẽ bị thay đổi một cách triệt để…

Hiện nay, tuyệt đối không ai có thể nói, bộ mặt của thế giới cuối năm 2020 sẽ như thế nào, về trật tự chính trị, về cấu trúc kinh tế, về đời sống xã hội. Tất cả những khía cạnh này hiện đang tác động hỗ tương lên nhau và cuối cùng, ảnh hưởng lên quyết định của lãnh đạo các siêu cường, những người có thẩm quyền sinh sát toàn nhân loại".

hau03

Với ít nhiều lạc quan, và chủ quan, tôi tin rằng dịch Vũ Hán rồi sẽ qua trong tương lai gần. Quả đất vẫn cứ quay đấy thôi. Kinh tế rồi sẽ hồi phục dần dần. Nhân loại lại tiếp tục sinh hoạt y như cũ, với ý thức vệ sinh (và cộng sinh) lành mạnh hơn xưa. Quan hệ toàn cầu sẽ trở lại bình thường, trừ mỗi cái nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc (People’s Republic of China) thì tôi… không hoàn toàn bảo đảm.

Tôi (dám) có chút máu Tầu nên chả hà cớ chi mà lại đi kỳ thị gần một phần năm dân số toàn cầu. Vấn đề là cái tôi của những vỹ lãnh đạo ở xứ sở này quá lớn, nhất là ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương - người đã đẩy cả nước đi trật đường rầy quá xa (tới mấp mé hố thẳm luôn) nên hiện tình Trung Hoa - xem ra - không còn thuốc chữa. Phen này (e) sẽ lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và lôi thôi lắm !

Gordan Chang (The National Interest) bầy tỏ nỗi quan ngại : "Kinh tế Trung Hoa gặp rắc rối to. China's economy is in deep trouble". Mà nào có riêng chi kinh tế. Ngoại giao còn tệ hại hơn nhiều. Cách ứng xử của họ Tập, sau khi cúm Tầu lan tràn khắp chốn, đã giúp cho thiên hạ nhìn ra cái bộ mặt vẫn thường được che giấu của vị Tân Hoàng Đế Trung Hoa : hợm hĩnh, trơ trẽn, tráo trở, ti tiện, tham lam, xảo quyệt và gian ác ! Kỳ vọng của nhân loại về một nước Trung Hoa sẽ "dân chủ" và "dễ thở" hơn khi kinh tế được cải thiện, rõ ràng, đã trở thành ảo vọng.

Le Monde kết luận : "Kể từ thời Mao Trạch Đông rồi Đặng Tiểu Bình đến nay, chưa bao giờ giữa Trung Quốc và phương Tây lại có khoảng cách xa vời vợi đến thế". Nói chi đến phương Tây. Đến nay thì ngay cả mấy tay lãnh đạo thuộc loại đầu trâu mặt ngựa ở Trung Đông và Châu Phi cũng phải "chạy mặt" luôn rồi. Chả còn thằng nào muốn dây dưa với cái đám con Trời này nữa.

Cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của Trung Hoa, sau đại họa Vũ Hán, đều cùng đi trên một chuyến tầu - tầu suốt. Cái gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, Trật tự Trung Hoa, Giấc mơ Trung Quốc, Giấc mộng Siêu Cường, Sáng kiến Vòng Đai & Con Đường, Dự án của Thế Kỷ… - thoáng chốc - đều thành công cốc chỉ vì cuồng vọng và cái "tôi" quá khổ của Tập Cận Bình.

Coi : nếu cứ để từ từ với thời gian thì Hồng Kông làm sao mà "tuột" đi đâu được. Vì háo thắng họ Tập đã biến hòn ngọc này thành một mảnh xương gà, tuy nhỏ tí thôi nhưng cứng ngắc và nhọn hoắt, rất khó nuốt xuôi. Cũng do xuẩn động, đương sự đã khiến cho Chính sách Một Trung Hoa (One-China Policy ) mỗi lúc một thêm xa lắc. Tấm gương Hương Cảng khiến cho người dân Đài Loan đề cao cảnh giác, biến đảo quốc này thành một pháo đài - một cục gân mà hàm răng già nua của Trung Hoa lục địa e không còn đủ sức để nhai.

Tham vọng bá quyền, bất chấp công luận của Trung Quốc ở Tân Cương/Tây Tạng/Biển Đông (cùng với những cái bẫy nợ giăng mắc khắp nơi, và thái độ trơ tráo của Tập Cận Bình sau khi xuất cảng Coronavirus) đã khiến cho vị Tân Hoàng Đế Trung Hoa bị coi như một tên côn đồ vô liêm sỉ, bị khinh bỉ và xa lánh !

Hitler còn có đám quân phiệt Nhật Bản hùng hổ đứng bên, chứ hiện nay thì Tập Cận Bình chỉ có… mình ên. Trước thái độ sẵn sàng nghênh chiến của India, Hoàn Cầu Thời Báo (đọc được vào hôm 7/6/2020) lên tiếng cảnh giác : "Ấn Độ chớ có ảo tưởng về sự hổ trợ vững chắc của Hoa Kỳ và Đồng Minh (2). Nói vậy là Trung Hoa lục địa đã gián tiếp thừa nhận rằng mình đang cô thế, nháo nhác nhìn quanh cũng chỉ thấy hai chú đàn em nhỏ xíu xiu thôi : Bắc Hàn và Cambodia. Dân số cả hai đều chả có bao nhiêu mà lại đói rách thường trực và đói rách kinh niên. Nếu ngưng viện trợ là hai thằng sẽ chết không kịp ngáp.

Hitler tin rằng Đệ tam Quốc Xã sẽ kéo dài cả ngàn năm. Nó tồn tại được hơn chục năm (3). Đế quốc của Tập Cận Bình, xem chừng, cũng không khác mấy !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 17/06/2020 (tuongnangtien's blog)

Chú thích :

(1) Si le nez de Cléopâtre eût été plus court, toute la face du monde aurait changé

(2) The US and its allies have established various contact mechanisms with India, making India falsely believe that it is well - supported.

(3) Hitler believed that the Third Reich would endure a thousand years. It lasted a dozen Sir Alan Bullock.

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Diễn đàn

Chưa đầy bốn tháng trước, Tập Cận Bình đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình khi ông hứng chịu nhiều chỉ trích vì những phản ứng lúng túng ban đầu trong cách xử lý dịch bệnh do coronavirus gây ra.

tcb1

Kể từ lúc đó, ông Tập đã đảo ngược tình thế một cách ngoạn mục khi khống chế được sự lây lan của virus theo như báo cáo của Bắc Kinh trong khi Hoa Kỳ và nhiều nền dân chủ khác vẫn đang vật lộn với nó. Ông Tập đã nắm bắt được thời cơ để thúc đẩy một số khía cạnh quan trọng đối với "giấc mộng Trung Hoa" của ông về một Trung Quốc ở vị trí trung tâm trong tư cách một quốc gia thống nhất và hùng mạnh, sánh ngang hoặc vượt qua Hoa Kỳ, trong khi gạt qua một bên những thiếu sót của chính quyền trong việc đối phó dịch bệnh.

Trong lúc Washington và các đồng minh bị phân tâm bởi đại dịch Covid-19 và sự đi xuống của nền kinh tế, ông Tập đã thực hiện những bước đi đầy táo bạo trong các vấn đề về Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông và tranh chấp biên giới với Ấn Độ, vốn là những vấn đề thường gặp phải phản ứng từ cộng đồng quốc tế.

Ông Shi Yinhong, cố vấn chính phủ và giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết "Giới lãnh đạo cấp cao cho rằng Trung Quốc đang tương đối mạnh so với Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại" và "họ đương nhiên thấy đây là một cơ hội mang tính chiến lược".

Các chuyên gia về chính trị Trung Quốc cho biết : Ông Tập đã đưa việc thiết lập quyền kiểm soát đối với các lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự của mình và hiện ông Tập đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ công chúng cũng như từ những thành phần diều hâu trong giới lãnh đạo chóp bu về việc đạt được những mục tiêu đó khi mà Covid-19 đã ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, cũng là một lời hứa khác của ông Tập.

Họ cũng nói rằng những hành động của ông Tập dường như đã mang lại một số kết quả vào thời điểm hiện tại, nhưng chúng có nguy cơ gây ra ác cảm từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc, thứ vốn đã tăng cao trong đại dịch và có thể chuyển thành hành những động có phối hợp chống lại Trung Quốc khi khủng hoảng lắng xuống.

Động thái quyết liệt nhất của Trung Quốc đã xảy ra vào tuần trước khi nước này tuyên bố sẽ áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông, trao cho Bắc Kinh quyền lực rộng lớn trong việc đàn áp những người chỉ trích Trung Quốc tại cựu thuộc địa của Anh.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Lời cảnh báo này theo sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư rằng Hồng Kông đã không còn có quyền tự trị cao trước Trung Quốc, mở đường cho một loạt các biện pháp đáp trả trong tương lai của Hoa Kỳ, như thu hồi đặc quyền thương mại của thành phố.

Trong buổi khai mạc kỳ họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc vào tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ có những động thái cứng rắn hơn với Đài Loan, một hòn đảo tự trị và dân chủ mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ của mình. Trong bài phát biểu chính sách hàng năm, khi nói về vấn đề thu hồi Đài Loan, ông đã không nhắc đến lời kêu gọi thường lệ của Trung Quốc về một giải pháp hòa bình, thứ đã có tiền lệ gần 30 năm. Các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc cũng nhắc lại những lời lẽ đe dọa đối với nỗ lực tìm kiếm độc lập cho Đài Loan, nói rằng biện pháp sử dụng vũ lực vẫn là một lựa chọn mặc dù ưu tiên các giải pháp hòa bình hơn.

Trung Quốc đã tổ chức một vài cuộc tập trận với tàu và máy bay quân sự gần Đài Loan trong năm nay mà theo Bộ Quốc phòng Đài Loan là nhằm buộc Đài Bắc phải nhượng bộ về vấn đề chủ quyền cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi những sai lầm ban đầu của Trung Quốc khi đối phó với Covid-19.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận của họ là nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như bảo vệ cư dân Đài Loan khỏi những kẻ đòi độc lập cho hòn đảo.

Trong một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc quyết tâm thu hẹp khoảng cách với quân đội Hoa Kỳ, thứ Sáu tuần trước, họ tuyên bố tăng 6,6% chi tiêu quốc phòng. Tuy thấp hơn mức tăng 7,5% của năm 2019 nhưng vẫn là một khoản chi tiêu lớn trong năm nay khi mà tổng chi tiêu của chính phủ dự kiến giảm 0,2%.

Căng thẳng biên giới từ lâu giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong vài tuần qua lại bùng lên một lần nữa sau khi quân đội Trung Quốc di chuyển đến khu vực tranh chấp ở dãy Himalaya gần nơi Ấn Độ đang nâng cấp cơ sở hạ tầng, gây ra những cuộc ẩu đả giữa hai bên.

Bắc Kinh cũng đã làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông trong những tuần gần đây khi lập ra hai đơn vị hành chính mới trong khu vực tranh chấp cũng như công bố "tên gọi tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông, đây là động thái đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1983 cùng với việc cho tàu vào vùng biển của Việt Nam và Malaysia.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu sử dụng ngôn ngữ mang tính công kích hơn đối với phương Tây, ca ngợi hành động viện trợ của Trung Quốc cho các nước và nỗ lực xây dựng hình ảnh ông Tập như là một nhà lãnh đạo mới bảo vệ cho trào lưu toàn cầu hóa và đa phương hóa.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ luôn bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình, cảnh báo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trong trận chiến chống Covid-19, Bắc Kinh luôn đặt yếu tố con người lên trên hết và "không có bất kỳ lợi ích gì, dù là nhỏ nhất trong việc thao túng chính trị".

Trong một cuộc họp báo vào Chủ nhật tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bảo vệ các nhà ngoại giao của mình khi họ quyết liệt đẩy lùi những lời "vu khống ác ý" về Trung Quốc, ông cũng bác bỏ việc Bắc Kinh đang lợi dụng dịch bệnh để thực hiện các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và cáo buộc Đài Loan mới là bên lợi dụng tình hình dịch bệnh nhằm tìm kiếm độc lập.

Tuần trước, ông Tập đã kêu gọi Trung Quốc phải nhìn thấy cơ hội trong nghịch cảnh, cảnh báo rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự lao dốc của nền kinh tế do dịch bệnh cũng như những phản ứng tiêu cực của cộng động quốc tế đối với quá trình toàn cầu hóa.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời ông Tập trong buổi làm việc với các cố vấn chính phủ vào thứ Bảy tuần trước : "Chúng ta phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển đất nước trong một thế giới đang ngày càng bất ổn". "Chúng ta phải nỗ lực làm việc để tạo ra các cơ hội mới trong khủng hoảng".

Sự tăng cường các hoạt động gần đây của Trung Quốc khiến nhiều nhà quan sát cho rằng ông Tập đang tìm cách củng cố hình ảnh của mình, tranh thủ đạt được những lợi ích chiến lược cũng như làm chệch hướng sự chú ý của dư luận khỏi những phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với đại dịch.

"Ban đầu, đại dịch đối với ông Tập đúng là một thảm họa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đảo ngược sau đó giữa phương Tây và phương Đông đã củng cố quyền lực của ông" trích lời ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập của tờ Học tập, một tờ báo được xuất bản bởi Trường Đảng Trung ương, nơi chuyên đào tạo giới tinh hoa chính trị Trung Quốc.

Trước khi cuộc đối đầu dài hơi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang hơn nữa, ông Tập muốn "bịt các lỗ hổng và khắc phục mọi thiếu sót, và trong trường hợp của Hồng Kông, những thiếu sót nằm ở vấn đề an ninh quốc gia" ông Deng Yuwen nói.

Những hành động của ông Tập đối với Hồng Kông đã giúp củng cố hình ảnh mà ông đã xây dựng như là một nhà lãnh đạo quyết đoán với tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Báo Đảng đã tô vẽ hình ảnh đó trong tuần này khi ca ngợi ông Tập trên trang nhất với tư cách là một "Tổng tư lệnh", đây là việc làm không mấy thường xuyên của tờ báo.

Không lâu sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã nói về một "giấc mộng Trung Hoa" với lời hứa đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc toàn cầu hùng mạnh, thịnh vượng và hiện đại vào năm 2049, thời điểm đánh dấu 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Các chuyên gia về chính sách nói rằng mục tiêu này không có nghĩa là Trung Quốc tìm cách trở thành một cường quốc thống trị thế giới mà thay vào đó là quốc gia đóng vai trò trung tâm ở khu vực Châu Á, sánh ngang hoặc vượt qua Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực. Điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc phải hoàn toàn kiểm soát được các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, phần lớn Biển Đông, một phần Biển Hoa Đông, các khu vực tranh chấp với Ấn Độ, vùng lãnh thổ phía tây là Tân Cương và Tây Tạng, nơi Trung Quốc vẫn đang phải chống lại các phong trào ly khai.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vạch ra các mục tiêu phát triển kinh tế, bao gồm xóa đói giảm nghèo và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế so với một thập kỷ trước để kịp thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào năm sau.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều mục tiêu kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ thất bại, khiến nước này phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Mặc dù đó là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của ông Tập, nó cũng là cái cớ giúp ông che đậy cho những thất bại trước đó khi giờ đây tất cả mọi thứ đều có thể đổ lỗi là do Covid-19 như tốc độ cải cách kinh tế chậm chạp, các món nợ khổng lồ của chính quyền địa phương hay sự đình trệ của kế hoạch Vành đai và Con đường.

Nó cũng tạo ra động lực để phát triển trong các lĩnh vực khác trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và Đại hội Đảng vào năm 2022, khi ông Tập được dự đoán sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ truyền thống hai nhiệm kỳ do những người tiền nhiệm đặt ra.

Ryan Manuel, giám đốc điều hành của một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông nói rằng "Mọi người thường nhắc đến Tập Cận Bình như là một nhà lãnh đạo trọn đời nhưng điều đó không chắc". Ông cũng lưu ý rằng những động thái gần đây của Trung Quốc xảy ra ở những khu vực mà ông Tập trực tiếp điều hành. "Phong cách của Tập Cận Bình là ông ấy muốn được nhận công cho những hành động như vậy, ông ấy muốn đưa tên tuổi của mình lên đó".

Một ngoại lệ đáng chú ý là phản ứng của Trung Quốc đối với Covid-19 khi ông Tập bổ nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường là người chỉ huy công tác chống dịch vào cuối tháng 1 vừa qua. Nhiều nhà phân tích coi đó là cách để ông Tập bảo vệ bản thân trước sự phẫn nộ từ công chúng. Ông Tập sau đó đã nhận công khi virus được kiểm soát.

Trung Quốc có thể đã thực hiện một số động thái mà nếu như không có đại dịch họ cũng sẽ làm. Các nhà quan sát cho rằng đạo luật mới đối với Hồng Kông dường như đã được lên kế hoạch một thời gian và có khả năng đã được công bố sớm hơn nếu như không bị trì hoãn vì đại dịch.

Bernard Chan, đại biểu Quốc hội Trung Quốc và là thành viên Hội đồng Hành pháp Hồng Kông cho biết : "Đối với Bắc Kinh, những lo ngại về an ninh quốc gia vượt xa mối lo về những tổn hại tiềm tàng đến hình ảnh của Trung Quốc" .

"Trung Quốc khá tự tin" ông Chan nói. "Sẽ có những tổn thất trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, họ không xem đây là một vấn đề nghiêm trọng".

Wu Xinbo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho biết : Đối với các vấn đề về chủ quyền như trường hợp ở Hồng Kông, Trung Quốc quan tâm chủ yếu đến tác động của nó đối với tình hình chính trị trong nước cũng như hình ảnh của ông Tập trước công chúng hơn là xem xét đến mối quan hệ Mỹ – Trung.

Mặc dù vậy, sự xấu đi trong quan hệ Trung – Mỹ có khả năng khiến chính quyền Tập Cận Bình tin rằng họ có thể xem nhẹ những phản ứng dữ dội của phương Tây như là chỉ một yếu tố cân nhắc khi ra quyết định vì tâm lý chống Trung Quốc có khả năng kiểu gì cũng sẽ tiếp tục gia tăng bất chấp Bắc Kinh có làm gì đi nữa, ông Wu nói.

Một yếu tố khác được một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra là chính quyền Trump đã nỗ lực không ngừng để tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc cũng như luôm nhắm vào người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei trong lúc đại dịch đang diễn ra.

Ở Biển Đông, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng khả năng hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên một số con tàu. Một tàu sân bay của Hoa Kỳ đã phải "nằm bờ" ở đảo Guam gần hai tháng qua vì dịch Covid-19.

Hải quân Hoa Kỳ, đã tăng cường hoạt động trở lại ở Biển Đông sau một thời gian tạm lắng vào tháng Hai, cho biết họ duy trì sự hiện diện ở khu vực nhằm bảo vệ tự do hàng hải.

Tình thần dân tộc ở Trung Quốc gần đây đã dâng cao, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, gây lo ngại cho ngay cả một số nhân vật có quan điểm "diều hâu" tại Trung Quốc, như Kiều Lương (Qiao Liang), một tướng không quân đã nghỉ hưu, người đã tham gia viết một cuốn sách vào năm 1999 mô tả cách Trung Quốc có thể đánh bại một đối thủ vượt trội về công nghệ như Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí thân Bắc Kinh có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng này, ông nói rằng tuy Hoa Kỳ đã bị suy yếu do đại dịch nhưng vẫn có thể can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào một cuộc xung đột xảy ra ở Đài Loan thông qua phong tỏa thương mại hoặc trừng phạt kinh tế.

"Người dân Trung Quốc hoàn toàn đúng khi muốn hoàn thành việc thống nhất đất nước, nhưng sẽ là một sai lầm nếu làm điều đúng đắn nhưng không đúng thời điểm". "Chúng ta không nên thực hiện một hành động ngu ngốc có thể khiến chúng ta mất tất cả", trích lời tướng Qiao, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Chúng tôi không thể liên lạc với ông để lấy ý kiến.

Một số học giả Trung Quốc lo ngại Bắc Kinh có thể đã đánh giá thấp tâm lý không mấy thiện với Trung Quốc đang hình thành ở các nước, không chỉ ở Mỹ.

Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cho biết : "Cách nhìn của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc chưa bao giờ tiêu cực như thế này, không chỉ người Mỹ, mà cả người Châu Âu và người dân các quốc gia khác". Nếu Trung Quốc quá cứng rắn chỉ để đạt được những lợi ích ngoại giao ngắn hạn ở thời điểm hiện tại, điều đó có thể sẽ rất "tai hại", ông nói.

Ở Châu Phi, nhiều người đã rất phẫn nộ khi nghe tin người Châu Phi sống ở Trung Quốc trở thành nạn nhân của sự kỳ thị trong thời gian dịch bệnh và các tuyên bố của Bắc Kinh về việc đối xử bình đẳng với tất cả người nước đã không thể xoa dịu dư luận.

Ở Ấn Độ, ngay cả trước khi tình hình biên giới với Trung Quốc rơi vào bế tắc mà mỗi bên đều đổ trách nhiệm cho nhau, thái độ của công chúng đối với Bắc Kinh đã ngày một xấu đi. Một cuộc khảo sát của Viện Takshashila có trụ sở tại Bangalore công bố vào tháng trước cho thấy khoảng 67% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc là nước phải chịu trách nhiệm cho đại dịch Covid-19 và 56% cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để phô trương sức mạnh. 

Căng thẳng ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ thường bùng phát vào thời điểm này trong năm khi thời tiết ấm áp giúp việc tiếp cận khu vực trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy các nhà quan sát cho rằng bế tắc lần này giữa hai nước là một trong những lần nghiêm trọng kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung- Ấn năm 1962, và điều bất thường là Trung Quốc lại phản đối việc Ấn Độ xây dựng đường xá tại khu vực mà các lực lượng Ấn Độ đã hoạt động từ lâu.

Thái độ của Liên minh Châu Âu đối với Trung Quốc cũng ngày một cứng rắn. Josep Borrell, uỷ viên đối ngoại của Liên minh Châu Âu, đã kêu gọi trong tuần này rằng các nước thành viên phải có chiến lược mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nền dân chủ tại Châu Á.

Bilahari Kausikan, một nhà ngoại giao cấp cao của Singapore đã nghỉ hưu cho biết : "Nếu như các nền kinh tế lớn của Châu Âu cảm thấy thất vọng hơn nữa về Trung Quốc, họ có thể làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn".

Nếu các cuộc đụng độ ngoài ý muốn xảy ra với Đài Loan hoặc các nước láng giềng khác thì ông Tập có thể gặp khó khăn trong việc kiềm chế dư luận trong nước, thứ mà ông ấy đã khơi dậy", ông Kausikan cho biết. "Trung Quốc có thể bị đẩy vào con đường mà họ không thực sự muốn đi".

Jeremy Page & Chun Hang Wong

Nguyên tác : "Beyond Hong Kong, an Emboldened Xi Jinping Pushes the Boundaries", The Wall Street Journal, 29/05/2020

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/06/2020

Additional Info

  • Author Jeremy Page, Chun Hang Wong
Published in Diễn đàn

Thái Anh Văn - Tập Cận Bình : Hiệp thứ hai bắt đầu

Sống chung với siêu vi Covid-19, và tình hình eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Thái Anh Văn, vẫn là những chủ đề được bình luận rộng rãi trên báo Pháp ngày 22/05/2020.

thaianhvan0

Tập Cận Bình - Thái Anh Văn : Hiệp thứ hai bắt đầu

Theo Le Monde, trên đỉnh cao uy tín, tổng thống  Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ hai. Tái đắc cử với 57%, năm tháng sau, tỷ lệ ủng hộ đường lối của bà lên đến 73%. Trong thời gian đó, Hải quân và Không quân Trung Quốc xâm phạm hàng chục lần không phận và hải phận Đài Loan như muốn biểu dương sức mạnh sẵn sàng "thống nhất bằng vũ lực".

Trong diễn văn nhậm chức hôm 20/05/2020, tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh đến bốn nguyên tắc trong quan hệ với Hoa lục : hòa bình, có đi có lại, dân chủ và đối thoại.

Bà không một lời nhắc đến nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" của Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình. Bà cũng không nói đến viễn ảnh "tuyên bố độc lập" vì biết rõ Trung Quốc xem đó là lời khiêu chiến nhưng nhấn mạnh là Bắc Kinh phải chấp nhận "nguyên trạng hòa bình và ổn định" trong quan hệ hai bờ eo biển.

Một kết quả thăm dò ý kiến cho thấy 70% dân Đài Loan cảm nhận họ có bản sắc Đài Loan, 2,7% nghĩ họ là người Trung Quốc, 25% còn lại thì "nửa này nửa kia".

Được lòng dân, chính quyền đảng Dân Tiến của tổng thống còn chứng tỏ hiệu năng về y tế cộng đồng, quản lý đại dịch, ngăn chận siêu vi từ Vũ Hán. Nhờ đó, Thái Anh Văn bắt đầu nhiệm kỳ hai trong thế thuận lợi.

Về đối ngoại, bà phải đạt được một thế quân bình giữa một bên là người dân Đài Loan, ngày càng gắn bó với bản sắc dân tộc Đài Loan, hoàn toàn khác với Trung Quốc, và bên kia là thực tế tương quan lực lượng trên trường quốc tế, buộc bà phải kín đáo.

Trong mối tương quan này, Trung Quốc vượt trội về quân sự nhưng Đài Loan cũng có hệ thống phòng thủ vững chắc. Chuyên gia địa chiến lược Mathieu Duchâtel cho rằng dù sao, an ninh của Đài Loan ngày càng dựa lên đồng minh Hoa Kỳ.

Tuy vậy, cho dù Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa, hầu hết chuyên gia Tây phương đều cho rằng xác suất Trung Quốc đánh Đài Loan thật rất thấp. Bởi vì chiến cuộc sẽ lan rộng và làm hại cho hình ảnh của Trung Quốc trong mắt của thế giới. Trong nỗ lực hội nhập trở lại Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết đã được 29 nước hậu thuẫn trong đó có Mỹ, Canada, Nhật, Úc, New Zealand.

Trung Quốc và Đài Loan

Tờ báo kinh tế Pháp Les Echos chú ý đến sự kiện Quốc hội Trung Quốc khai mạc khóa thường niên bị dời lại từ tháng Ba vì đại dịch, và ghi nhận viêc Bắc Kinh đạo diễn màn vực dậy kinh tế vào lúc guồng máy sản xuất được khởi động nhưng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu còn yếu.

Theo nhận định của Les Echos, Trung Quốc bị thế giới lên án nhưng trong nước, uy tín Tập Cận Bình được củng cố. Đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, hai thách thức lớn nhất bây giờ là khủng hoảng kinh tế và xã hội.

Trong bối cảnh này, Bắc Kinh chuẩn bị tấn công vào quy chế tự trị của Hồng Kông. Còn tại Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn "từ khước" nhận lệnh của Bắc Kinh, Les Echos có cùng nhận định với các đồng nghiệp.

Covid-19 tại Pháp : Dân tin người thân hơn Nhà nước ?

Phải chăng do nghe cải chính mãi nên nhàm ? Dân Pháp tin người thân hơn Nhà nước ? Hiệp hội DataCovid và viện thăm dò Ipsos thực hiện đợt khảo sát ý kiến công luận lần thứ năm từ khi đại dịch siêu vi corona chủng mới xuất hiện. Theo Le Monde, kết quả rất bất ngờ. Thành phần bị mất điểm nhiều nhất so với lần trước là chính phủ, truyền thông và đặc biêt là mạng xã hội.

Trên thang điểm uy tín từ 1 đến 10 thì lời nói của chính phủ đuọc chấm có 4 điểm. Điểm tin cậy ở truyền thông cũng không khá hơn, còn mạng xã hội thì rất thấp, chỉ có 2,7 điểm. Đa số dân Pháp tin vào thông tin từ những người mà họ thân thiết với 5,6 điểm, chỉ thấp hơn giới chuyên gia siêu vi học, dịch tể học 0,1 điểm.

Thái độ của dân Pháp đối với mối đe dọa siêu vi cũng thay đổi dần. Tỷ lệ lo âu từ 74% xuống còn 65%. Điều này mang ý nghĩa là đa số người dân, sau hai tháng sống phong tỏa, luôn ở trong tình trạng đề cao cảnh giác, nay như muốn quên đi để tìm lại lối sống bình thường.

Trong xu hướng này, ý muốn đề cao cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu một mét cũng giảm đến 5 điểm, từ 68% xuống 63%.

Một trong những hệ quả lý thú của biện pháp phong tỏa phải làm việc từ nhà, theo phần đông, là thời gian làm việc thật sự ít đi, có ngày chỉ làm có hơn 5 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích. Trên trang nhất, Le Monde giới thiệu một số nghề nghiệp độc lập tiêu biểu bị khủng hoảng siêu vi làm cho thất nghiệp : Chuyên viên thẩm mỹ viện, văn phòng luật sư, tài xế taxi... gần như khánh tận.

Vì làm nghề độc lập, họ không có quyền lãnh tiền thất nghiệp, phải sống bằng tiền tiết kiệm trong ba tháng ngưng trệ. Tuy nhiên, không ít nạn nhân bất đắc dĩ của Covid-19, do yêu nghề, vẫn giữ được tinh thần lạc quan, nhất định vượt qua thách thức và tiếp tục làm chủ.

Bầu cử tổng thống Mỹ và thông số Obama

Bước qua nước Mỹ mùa bầu cử : Thái độ thù nghịch giữa Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đè nặng lên cuộc tranh cử, theo nhận định của Le Monde.

Khi thẳng tay đả kích cựu tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ, tổng thống Donald Trump làm nức lòng thành phần cử tri nòng cốt của ông. Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ trong phe Cộng hòa không ủng hộ những lòi lẽ thái quá của chủ nhân Nhà Trắng. Bởi vì, công kích người tiền nhiệm là bất tài trong lúc kinh tế Mỹ lao dốc, đại dịch không biết bao giờ hết, phong tỏa kéo dài... sẽ làm lung lay tinh thần của thành phần cử tri thuộc xu hướng độc lập và cánh trung.

Đả kích Obama cũng sẽ động viên  thành phần cử tri Mỹ gốc Châu Phi tức giận đi bầu đông đảo cho Joe Biden. Bởi vì thành phần cử tri da đen này rất nhiệt tình ủng hộ vị tổng thống da đen đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc.

Tây Tạng vẫn bị đàn áp

Liên quan đến Tây Tạng, 25 năm sau khi bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật số hai lãnh đạo tinh thần xứ Phật Tây Tạng lúc mới 6 tuổi, Bắc Kinh mới tiết lộ một thông tin dưới sức ép của Washington.

Libération trở lại vụ việc với một bài báo dài về chính sách trấn áp chính trị, không cho Đạt Lai Lạt Ma có người kế vị, bắt cóc Ban Thiền của Tây Tạng và chỉ định một cậu bé khác làm Ban Thiền.

Ban Thiền của Tây Tạng vẫn còn sống, năm nay 31 tuổi, cư ngụ đâu đó tại Bắc Kinh cùng với gia đình và "không muốn bi ai quấy rầy", theo cách trả lời của Trung Quốc.

Bài học đau thương qua đại dịch Covid-19

Cuối cùng, nhật báo công giáo La Croix mời độc giả suy ngẫm "Bài học đau thương qua đại dịch Covid-19". Người già trong các viện dưỡng lão của Pháp có được bảo vệ tốt hay không ? Sau hai tháng phong tỏa, cuộc tái ngộ với thân nhân trong niềm vui không trọn vẹn. Tại Vũ Hán, một tháng sau khi hết phong tỏa, người dân dường như vượt qua được đại dịch. Tuy nhiên, dáng vẻ bình thường bên ngoài che giấu những vết thương sâu thẳm bên trong nhưng không dám nói bởi vì bị chế độ kiểm soát gắt gao.

Đại dịch chậm lại

Để kết thúc, La Croix Les Echos cho biết là trừ Châu Mỹ La Tinh, Nga và Nam Phi, nơi siêu vi còn trong tình trạng lây nhiễm mạnh và chưa đến đỉnh, các vùng khác đều ghi nhận vận tốc đại dịch Covid-19 chậm lại như đã hụt hơi. Theo đà này, một số người dự báo trong một tháng nữa, đại dịch sẽ "ngừng lại". Thận trọng.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Biên tập viên The American Interest (TAI), Gary J. Schmitt gần đây đã có cuộc trao đổi với học giả nổi tiếng của Trung Quốc, Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei – MP), tác giả của "Tư bản thân hữu Trung Quốc". Trong lần trao đổi này, cả hai sẽ đề cập về cách Trung Quốc phản ứng với Covid-19, trao đổi tại sao Tập Cận Bình chậm phản ứng với đại dịch, chính phủ Mỹ nên thiết kế đối sách của mình với Bắc Kinh như thế nào và tại sao Alexis de Tocqueville (tác giả tác phẩm "Nền dân trị Mỹ") tiếp tục ám ảnh giới tinh hoa Trung Quốc. Tập Cận Bình và đảng cộng sản có dễ bị tổn thương hơn chúng ta nghĩ ?

tap1

Tập Cận Bình - Ảnh minh họa

Gary J. Schmitt : Gần đây ông đã viết một bài báo có tựa đề "Sự thay đổi lớn ở Trung Quốc : Cạnh tranh, virus corona và điểm yếu của Tập Cận Bình" tại Foreign Affairs. Quan điểm thường thấy là Tập Cận Bình thực sự quyền lực. Tại sao ông không nghĩ theo chiều hướng này ?

Minxin Pei : Có nhiều khía cạnh của quyền lực, và Tập Cận Bình có quyền lực ở một khía cạnh nào đó. So với các đồng chí của ông ta, Tập Cận Bình có ưu thế quyền lực, điều đó có nghĩa là không ai có thể "đẩy đưa" ông ta đi. Trong quá trình ra quyết định, ông có nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, ngoại trừ Mao Trạch Đông. Nhưng quyền lực có những khía cạnh khác – khả năng hoàn thành công việc, thực thi chính sách và đưa ra chính sách đúng đắn. Ở đây, tôi khác với nhiều đồng nghiệp.

Khi xây dựng chính sách đúng đắn, việc có quá nhiều quyền lực có thể là một trở ngại. Quá trình ra quyết định có thể được thiên vị để đáp ứng mong muốn của người ra quyết định có ảnh hưởng nhất, vì vậy nhiều rủi ro và cạm bẫy tiềm ẩn chưa được giải quyết. Chúng ta có thể thấy nó trong nhiều chiến lược được triển khai. "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường"  là một ví dụ, cho dù ta nhìn vào chính sách theo cách nào, nó sẽ thất bại. Nhưng ta phải tự hỏi tại sao chính sách này được xây dựng và thực hiện một cách phô trương ở Trung Quốc.

Gary J.Schmitt : Ông nghĩ gì về khả năng của Trung Quốc và Tập Cận Bình đối phó với đại dịch ?

Minxin Pei : Chúng ta có rất nhiều điều chưa biết về quá trình ra quyết định (ứng phó) đại dịch corona của Trung Quốc, nhưng chúng ta biết đủ để có thể đưa ra những phỏng đoán có hiểu biết. Với Đảng cộng sản, lòng trung thành chính trị và sự vâng lời là đặc quyền, điều này duy trì sự ổn định chính trị. Điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng minh bạch và trung thực của các quan chức địa phương. Họ có xu hướng bảo thủ vì quan tâm đến sự sống còn chính trị, và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các vấn đề có thể khiến họ không đủ năng lực hoặc không trung thành (chế độ). Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, hệ thống (chính trị Trung Quốc) khó có thể ưu tiên thông tin đầy đủ và chính xác.

Vấn đề thứ hai với quá trình ra quyết định hiện tại là quy tắc lãnh tụ. Tất cả phụ thuộc vào những gì người (lãnh tụ) đó biết và loại quyết định mà lãnh tụ đó đưa ra. Đồng thời, chúng ta phải xem xét rằng các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Tập Cận Bình phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, vì vậy báo cáo từ Vũ Hán có thể nói điều gì đó như : "Chúng tôi có bệnh nhân bị viêm phổi chưa xác định", và điều này chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức.

Ví dụ, chúng ta biết rằng Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã họp vào ngày 7 tháng 1 và Tập Cận Bình đã ban hành một loạt các hướng dẫn về virus corona. Chúng ta không biết những hướng dẫn này là gì, tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 7 tháng 1 đến ngày 20 tháng 1, khi ông đưa ra các hướng dẫn phác thảo đã tạo ra phản hồi tích cực. Vào ngày 22 tháng 1, ông ta đã ra lệnh phong toả Vũ Hán. Do đó, khoảng thời gian hai tuần đặt ra nhiều vấn đề.

Khi kiểm tra lịch trình của Tập, ông ta đã đến Myanmar từ ngày 17 đến 18 tháng 1, và sau đó dừng lại ở Vân Nam trong chuyến kiểm tra (địa phương) hai ngày. Do đó, một giả định hợp lý là ông ta không có đủ thông tin vào thời điểm đó, hoặc nhận thức của Tập Cận Bình đối với vấn đề không đủ nghiêm trọng để hủy bỏ hai chuyến thăm.

Ngay cả sau khi huy động hệ thống, Tập Cận Bình biến mất trong hơn hai tuần. Tập đã để Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp quản công việc. Điều này đặt ra câu hỏi về quyết tâm và trách nhiệm của ông ta trong việc chống lại virus. Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào ngày 7 tháng 2 – tức một tháng sau đó, ông đã kiểm soát lại hoàn toàn tình hình. Kể từ đó, Tập đã bắt đầu sa thải các quan chức (mà Tập coi là vô trách nhiệm).

Kể từ đó, tình hình ở Trung Quốc đã được cải thiện khá đáng kể. Nhưng bây giờ chúng ta hãy nhìn vào một quyết định lãnh đạo đã được thực hiện, những nỗ lực để thay đổi câu chuyện (về virus). Tôi không chắc chắn hiệu quả như thế nào, tôi đoán là ngược lại, bởi điều đó đã không giành được sự công nhận bên ngoài Trung Quốc, nhưng đã nhận được phản ứng tiêu cực rất mạnh – đặc biệt là ở Hoa Kỳ, ở Châu Âu và trên toàn thế giới.

Gary J.Schmitt : Trong bài viết của mình, ông mô tả chế độ Bắc Kinh là "mong manh". Vậy, ngoài Tập Cận Bình, sự kiểm soát và ổn định chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc là gì ? Nó đã hết hơi và nên làm gì đó để tự duy trì ?

Minxin Pei : Chúng tôi vẫn cho rằng Đảng cộng sản duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông, dư luận và những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, vào đầu tháng 2 sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, đảng cộng sản dường như sớm mất kiểm soát. Ta đã thấy rằng các phương tiện truyền thông, phương tiện truyền thông xã hội và thậm chí tin chính thống đi lệch khỏi định hướng của đảng. Họ đã đưa cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng lên trang nhất, ông trùm kinh doanh Trung Quốc đã lên tiếng về cách đảng xử lý khủng hoảng. Rồi đột nhiên, bùng nổ hoạt động dân sự vì bộ máy quan liêu địa phương thực sự bất lực và không thể cung cấp vật tư y tế cơ bản. Các tổ chức dân sự địa phương và công dân Trung Quốc buộc phải can thiệp.

Khoảnh khắc mà cơ chế ấy mở ra, dù chỉ một chút, nhưng nó chỉ ra rằng có một năng lượng tiềm tàng to lớn ẩn chứa bên trong, có thể thoát ra từ đó. Chúng ta nên xem xét chính sách glasnost (chính sách minh bạch hóa, công khai hóa tối đa các cơ quan ngôn luận nhà nước thời kỳ Mikhail Sergeyevich Gorbachyov), bởi vì chính sách này đã cho thấy lỗ hổng của chính hệ thống Liên Xô. Nếu bạn mở nó trong một thời gian dài, bạn có thể giải phóng lực lượng cách mạng.

Đối với hệ thống này, tôi liên tưởng đến lượt đấu bóng chày (có 9 hiệp). Chúng ta có thể ở vòng thứ ba hoặc thứ tư, sự phân rã đã bắt đầu, nhưng đây là hệ thống rất mạnh. Phải mất một thời gian dài để phân rã xâm thực toàn bộ hệ thống, làm suy yếu hệ thống một cách cơ bản và làm cho niềm tin của giới thượng lưu (tinh hoa) Trung Quốc biến mất trong hệ thống này. Phong trào chống tham nhũng, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, suy thoái kinh tế đang phá hủy hệ thống. Và giờ, quan trọng nhất, chúng ta có thêm virus corona.

Gary J.Schmitt : Điều mà ông đề cập gợi cho tôi về quan điểm của Myron Rush (chuyên nghiên cứu không phải về điện Kremlin mà về chính trị nội bộ của Liên Xô) từng nói : sự sụp đổ của Liên Xô là không thể tránh khỏi vào lúc nó xảy ra. Chế độ dột nát có thể tiếp tục (duy trì sự tồn tại của chính nó) trong 20 – 25 năm. Tuy nhiên, khi mở một hệ thống, sẽ có một sự bùng nổ trong đời sống dân sự tại lần mở đó. Vì vậy, như ông đã nói, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy bong bóng này ở Trung Quốc, và dĩ nhiên chính quyền đã cố gắng đóng nó càng sớm càng tốt.

Minxin Pei : Vâng. Tôi muốn nói thêm rằng vào cuối quá trình, tình huống này có thể xảy ra rất nhanh. Điều này đúng với tất cả các chế độ độc tài mà chúng ta nhìn thấy sự suy tàn lâu dài. Tám hiệp đầu tiên tưởng chừng như kéo dài mãi mãi, có thể kéo dài 10 – 20 năm. Nhưng vòng chung kết là trong vòng 1 – 2 năm.

Ở Trung Quốc, có một yếu tố rủi ro khác không tồn tại trước đây : kế vị. Thời điểm yếu nhất đối với các hệ thống Trung Quốc là sự kế vị và bằng cách xóa bỏ nhiệm kỳ, Tập Cận Bình đã gia tăng đáng kể nguy cơ của hệ thống khi không thể xử lý một cuộc khủng hoảng kế vị khác. Đảng cộng sản chỉ xử lý ba lần kế vị một cách hòa bình, nhưng không chính nó không thể xử lý kế vị từ một lãnh tụ sang lãnh đạo tập thể mà không kèm theo biến động chính trị nào đó (có vẻ tác giả đang ám chỉ đến sự kiện Tứ nhân bang gắn liền Cách mạng văn hóa ?-người dịch).

Gary J.Schmitt : Có nhiều sự phản đối nội bộ trong đảng không ?

Minxin Pei : Thật khó để nói, bởi vì trong hệ thống này, khi bạn được xác định là phe đối lập, bạn sẽ biến mất. Theo những gì tôi đọc trên phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc (bạn phải đọc nó bằng sự khuếch đại) và liên lạc với người Trung Quốc, mọi người có rất nhiều sự bất mãn và lo lắng về hiện trạng ở Trung Quốc, và nhiều câu hỏi về lãnh đạo. Thật khó để hình thành bất kỳ hình thức đối lập nào, nhưng chúng ta không được từ chối chúng. Tôi có xu hướng nghĩ rằng đến thời điểm thích hợp, phe đối lập sẽ xuất hiện để tận dụng lợi thế của tình huống. Những người trung thành với bạn ngày hôm nay có thể chống lại bạn vào ngày mai. Hãy nhìn sang Ai Cập, khoảnh khắc những người lính đứng dậy và nói "hạ xuống" với hệ thống, hệ thống đó đã kết thúc.

Gary J.Schmitt : Trong nhiều cuộc thảo luận hiện tại về Trung Quốc, có quan điểm cho rằng nếu Tập Cận Bình bị loại bỏ, nhiều vấn đề chúng ta gặp phải ở Trung Quốc sẽ biến mất. Có một quan điểm khác cho rằng Tập Cận Bình lên nắm quyền khi hệ thống hết hơi, và tất cả những gì ông ta làm là làm trầm trọng thêm những vấn đề đã được giải quyết. Ý kiến ​​của ông về điều này ?

Minxin Pei : Hai quan điểm này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Điều đó có nghĩa là, các chính sách trong bảy năm qua đã đẩy nhanh sự suy vong của chế độ, bởi vì những chính sách này sẽ gây ra những nghi ngờ nghiêm trọng nếu không muốn nói là toàn phản tác dụng. Đồng thời, không thể tưởng tượng được rằng sự đảo ngược của các chính sách này không cần phải thay đổi căn bản bản chất của chế độ. Vì một số lý do, có thể hình dung rằng một thủ tướng tương đối ôn hòa như Lý Khắc Cường đảm nhận chức Chủ tịch nước, chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi chính trị cụ thể. Dưới sự lãnh đạo của Lý Khắc Cường, tôi đơn giản không thể tin rằng những thứ như "Sáng kiến Vành đai và con đường" sẽ tiếp tục, hoặc các hoạt động quân sự ở Biển Đông sẽ tiếp tục với tốc độ hiện tại, hoặc các sáng kiến ​​chính sách đối ngoại sâu rộng sẽ được duy trì.

Hệ thống trước thời kỳ Tập Cận Bình cơ bản là bảo thủ. Ngày nay, nó là một hệ thống đầy rủi ro. Do đó, đối với sự tồn tại của Đảng cộng sản Trung Quốc, một hệ thống bảo thủ có thể làm tốt hơn.

Gary J.Schmitt : Cuốn sách "Tư bản thân hữu Trung Quốc" của ông lập luận rằng do sự tham nhũng của đảng chính trị, hệ thống đảng về cơ bản có thể tự duy trì thông qua tham nhũng. Tuy nhiên, hệ thống này phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế không còn tăng trưởng với cùng tốc độ tương tự. Đảng cộng sản có thể tồn tại nếu "chiến lợi phẩm" này biến mất ?

Minxin Pei : Điều này sẽ khó khăn hơn trước, nó tương tự như cái thau (nước) bị rò rỉ (nước). Cũng giống như tăng trưởng kinh tế, "nước" tiếp tục chảy vào, và giờ "nước" giảm đi, trong khi vẫn còn rất nhiều lỗ rò. Do đó, điều cần làm là chèn kín lại một số lỗ, và nên ưu tiên các lỗ cần được chèn. Đây là lý do tại sao các chính sách bảo thủ cơ bản vẫn bảo thủ trong chính sách đối ngoại. Sự sống còn của đảng không phụ thuộc vào mức độ cao của chính sách đối ngoại hung hăng, mà phụ thuộc vào việc duy trì một hệ thống bảo trợ (tăng trưởng kinh tế) trong khi đảm bảo mức độ cải cách hợp lý nền kinh tế.

Một lĩnh vực mà đảng có thể "vắt thêm nước" từ hệ thống hiện tại là cải cách các doanh nghiệp công (tức doanh nghiệp nhà nước). Tôi nghĩ rằng đảng đánh giá quá cao những rủi ro chính trị đối với cải cách doanh nghiệp công. Đảng cộng sản tin rằng kiểm soát trực tiếp tốt hơn kiểm soát gián tiếp, thế nhưng kiểm soát trực tiếp tốn nhiều chi phí hơn. Do vậy, đồng nghiệp của tôi, ông Nicholas Lardy, ước tính rằng nếu các doanh nghiệp công được cải tổ, thì có thể "vắt" được thêm 2% GDP mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vì thế có thể đạt 8% thay vì 6%. Nếu bạn làm điều này, sẽ có nhiều nước hơn trong thau. Trong khi đó, không cần một giải pháp như "Sáng kiến Vành đai và con đường" để lấp đầy khoảng trống mà vẫn có thể duy trì hệ thống bảo trợ. Tuy nhiên, nếu không tạo ra tăng trưởng kinh tế nhiều hơn và thực hiện cải cách kinh tế trong khi tiếp tục thực hiện chủ nghĩa bành trướng và các chính sách tốn kém trên toàn cầu, thì điều đó lại sẽ đẩy nhanh quá trình "rò rỉ nước".

Gary J.Schmitt : Như ông đã đề cập trước đó, những nỗ lực của Trung Quốc để giành được sự ủng hộ rộng rãi ở Châu Âu và Hoa Kỳ rõ ràng đã thất bại. Đồng thời, quân đội Trung Quốc đã có những hành động khá tích cực ở Đài Loan và Biển Đông. Một số người có thể nghĩ rằng cái sau không giúp cái trước. Ông nghĩ logic của hành động của Tập Cận Bình ở đây là gì ?

Minxin Pei : Tôi nghĩ một trong những ưu tiên chính của Chủ tịch Tập Cận Bình là duy trì hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo quyền lực (cứng rắn). Theo nghĩa này, ông ta giống như Tổng thống Donald Trump. Ông nghĩ : "Tôi có thể không làm tốt, nhưng tất nhiên tôi không muốn tỏ ra sợ hãi." Đây là một sự cân nhắc chính trị. Do đó, khi chúng ta xem tin tức về hoạt động của Tập Cận Bình trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, họ luôn đề cập : "Hôm nay nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang nói chuyện với một nhà lãnh đạo nước ngoài, và ngày mai ông sẽ nói chuyện với một nhà lãnh đạo nước ngoài khác. Nếu bạn tin vào truyền thông chính thức Trung Quốc thì ông Tập Cận Bình đang tiên phong trong nỗ lực chống lại virus corona toàn cầu.

Một vấn đề khác là vai trò quan trọng của quân đội trong việc duy trì chế độ của Tập Cận Bình. Ông ta có thể không thể không thành công trong năng suất của nền kinh tế Trung Quốc hoặc thay đổi môi trường bên ngoài của Trung Quốc, nhưng ông ta chắc chắn cần sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang vì đây là chính sách bảo hộ và là nền tảng quyền lực của ông ta. Quân đội Trung Quốc không quan tâm đến các phản ứng bất lợi tiềm tàng, lực lượng này muốn một lợi thế chiến thuật. Họ cần kinh nghiệm hoạt động. Hơn nữa, họ có thể chỉ ra một cách thuyết phục rằng đây thực sự là một trò chơi răn đe lẫn nhau : Hoa Kỳ đang cố gắng làm điều này, và nếu ta không trả lời, thì ta sẽ tỏ ra yếu đuối. Đó là một động lực ẩn.

Gary J.Schmitt : Vậy, đây là một chế độ vừa mong manh lại vừa cứng rắn. Nếu ta ngồi trong Nhà Trắng, ta sẽ thấy lỗ hổng này và nghĩ rằng "đây là cơ hội để thúc đẩy", hoặc, với sự cứng rắn, ta có nghĩ rằng "chúng ta sẽ gặp quá nhiều rủi ro" ?

Minxin Pei : Trước hết, phải có mục tiêu chiến lược rõ ràng. Gần đây tôi đã viết một cái gì đó cho Bloomberg theo các ý tưởng sau : Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì ? Ma trận đo lường sự thành công của chúng ta là gì ? Có phải chúng ta đang cố gắng kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc để ngăn chặn quốc gia này có được khả năng đe dọa Hoa Kỳ ? Chúng ta đang cố gắng thay thế chế độ ? Hay chúng ta đang phản ứng với các chính sách cụ thể của Trung Quốc ?

Đây là ba cấp độ mục tiêu. Theo một cách nào đó, tất cả chúng đều được kết nối. Chính sách được hỗ trợ bởi các quan điểm ý thức hệ nhất định, sau đó được thực hiện bởi các khả năng. Tuy nhiên, nếu bạn tuân theo logic rằng chúng ta phải tấn công sức mạnh của Trung Quốc, đây sẽ là một quá trình lâu dài và vô tận. Câu hỏi là, làm thế nào để bạn đo lường tiến độ ?

Chúng ta phải có một chính sách ngắn hạn và dài hạn.

Về lâu dài, chúng ta phải rất tin rằng đây là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống – không chỉ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà còn giữa Trung Quốc và thế giới dân chủ và tự do. Do đó, nếu ta nâng lên mức đó, chính sách của Mỹ sẽ phải trải qua những thay đổi lớn. Chúng ta cần tuyển thêm đồng minh, và về lâu dài, chúng tôi cần kiên nhẫn hơn. Sau đó, trong trung hạn, ta phải phân tích cẩn thận những gì Trung Quốc quan tâm nhất, và sau đó phân tích phản ứng của chúng ta.

Trong ngắn hạn, chúng ta phải tập trung vào phản ứng chính sách cụ thể, nhắm vào các mục tiêu nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Về lâu dài, đây là một cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm duy trì sự thống nhất của Liên minh Dân chủ phương Tây và duy trì sự phát triển năng động và lợi thế chiến lược cơ cấu của Hoa Kỳ. Hiện tại, chính sách này dựa trên những điểm yếu của Trung Quốc và bỏ qua việc, ta không chỉ phải cố gắng làm cho bên kia yếu đi mà còn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh lâu dài này bằng cách củng cố bản thân.

Gary J.Schmitt : Ở Châu Âu, dường như có một số bất đồng về việc đạt được sự đồng thuận về triển vọng tham gia tích cực với Trung Quốc. Đầu tiên, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thay đổi này để xây dựng một chính sách khôn ngoan của Châu Âu đối với Trung Quốc ? Thứ hai, nếu Washington và các đồng minh hợp tác để đạt được sự thay đổi này, liệu sự thay đổi này có xảy ra ?

Minxin Pei : Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai là Hoa Kỳ sẽ phải dẫn đầu. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy Hoa Kỳ muốn đối mặt với Trung Quốc. Tất nhiên, Hoa Kỳ là một con khỉ đột nặng hơn 300kg. Điều này sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã trả rất nhiều chi phí, và khả năng thành công ngắn hạn là thấp. Nếu hợp tác với các đồng minh, Hoa Kỳ sẽ thu được hiệu quả lớn hơn.

Xét vị trí của Châu Âu tại Trung Quốc, Bắc Kinh đang nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh sự mặc khải này. Ở Châu Âu, Bắc Kinh gây ra nhiều tổn hại cho lục địa già. Hoa Kỳ nên tận dụng điều này và đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng họ đang ở cùng nhau. Vì lý do này, Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi chính sách đối với Châu Âu. Không bắt nạt Châu Âu, không khuyến khích sự sụp đổ của Liên Hiệp Châu Âu, không làm tổn thương đồng minh với thuế quan. Trong cuộc khủng hoảng virus corona này, các hành động của Washington đối với các đồng minh đã thực sự gây thất vọng. Ở đây cần (ve vuốt) lục địa già.

Gary J.Schmitt : Ông đã đề cập đến Alexis de Tocqueville trong Foreign Affairsi. Tất nhiên, người Mỹ chúng tôi tin rằng Tocqueville là tác giả của "Nền dân trị Mỹ." Nhưng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đọc Tocqueville, họ đã đọc L’Ancien Régime (thuật ngữ ám chỉ trật tự xã hội và chính trị phong kiến tương tự của thời gian ở những nơi khác ở Châu Âu). Tại sao ông nghĩ Tocqueville có điều gì đó để nói về hiện trạng ở Trung Quốc ?

Minxin Pei Khi tôi đang viết luận án, tôi đã đặt ra thuật ngữ "Nghịch lý Tocqueville" bởi vì tôi đang tìm kiếm nguyên nhân của sự tan rã của Liên Xô, không phải vì trì trệ trong một thời gian dài, mà do cố gắng sửa chữa hệ thống. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, bắt đầu quan tâm đến Tocqueville vì ông đã đọc L’Ancien Régime và cảnh báo các giới quan chức rằng cải cách có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của chính hệ thống. Thậm chí, đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Vương đã đọc Tocqueville : họ nhận thức được những rủi ro do cải cách một hệ thống rất cứng rắn và mong manh (của nền chính trị Trung Quốc).

Trong lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc đã học được kinh nghiệm của Gorbachev. Họ cáo buộc Gorbachev về sự tan rã của Liên Xô, nhưng không nghiên cứu lý do cơ bản nhất cho sự tan rã của Liên Xô. Do đó, hiện tượng được xác định bởi Tocqueville khiến họ nhận thức theo nhiều cách, rằng một hệ thống tồi tệ đang ở thời điểm nguy hiểm nhất khi hệ thống đó đang cố gắng trở nên tốt hơn.

Gary J.Schmitt : Cuốn sách đầu tiên của ông "Từ cải cách đến cách mạng : Sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc và Liên Xô" (From Reform to Revolution : The Demise of Communism in China and the Soviet Union) dựa trên luận án của ông. Nếu tôi nhớ chính xác, Liên Xô đã đi quá nhanh vào cải cách chính trị mà không tính đến tất cả các yếu tố kinh tế và xã hội cần phải có. Lý do tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc có thể duy trì vị thế của mình là vì trước tiên Bắc Kinh đã tiến hành cải cách kinh tế và nó không đổi mới hệ thống chính trị. Ông có thể đưa ra lập luận rằng hệ thống của Trung Quốc đã đạt đến điểm : nếu cải cách chính trị không được thực hiện, nó sẽ phải đối mặt với số phận tương tự như Liên Xô ?

Minxin Pei : Luận án của tôi được hoàn thành vào năm 1991. Cuốn sách được phát hành vào năm 1994. Lúc đó, tôi khá lạc quan về con đường của Trung Quốc. Tôi đã cố gắng nghiên cứu các cải cách kinh tế của Trung Quốc và các cải cách chính trị của Liên Xô, và nghĩ rằng nếu mở loại hệ thống này, ta sẽ giải phóng các lực lượng cách mạng làm thay đổi cán cân quyền lực. Trường hợp Trung Quốc, các cải cách kinh tế ban đầu của Trung Quốc rất vừa phải, nhưng nó đã được xã hội Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc đã kích hoạt cuộc cách mạng tư bản nước này. Trường hợp lạc quan hơn so với gợi ý là sự thay đổi kinh tế có thể buộc thay đổi trong hệ thống chính trị.

Cuốn sách thứ hai của tôi, "Trung Quốc trong bẫy chuyển tiếp" (The Trapping Transform in China, 2006) rất khác biệt. Kết luận của tôi là ta phải giải quyết cốt lõi chính trị của hệ thống, cụ thể là hệ thống độc đảng. Nếu ta không đối phó với bản chất của chế độ (về cơ bản là một hệ thống loại trừ), thì không có sự phát triển kinh tế nào có thể thay đổi hệ thống. Thậm chí tệ hơn, phát triển kinh tế cuối cùng là không bền vững.

Gary J.Schmitt : Một trong những lập luận chính được đưa ra bởi các đảng Cộng hòa và Dân chủ để giao thương với Trung Quốc trong quá khứ là tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc sẽ thúc đẩy quyền sở hữu, sau đó là quyền dân sự và chính trị. Làm thế nào ông mô tả tình trạng của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày nay và triển vọng của tầng lớp này trong mở ra cải cách ?

Minxin Pei : Tình trạng của tầng lớp trung lưu rất mơ hồ. Rõ ràng, số lượng tầng lớp trung lưu đã tăng lên rất nhiều. Bất kể là dựa theo trình độ giáo dục hay thu nhập, Trung Quốc có thể có một tầng lớp trung lưu 300 triệu người, nhưng điều này chỉ chiếm 20% dân số. Do đó, về mặt tuyệt đối, Trung Quốc có một tầng lớp trung lưu lớn, nhưng tỷ lệ của nó trong dân số vẫn còn tương đối nhỏ. Một vấn đề khác là tầng lớp trung lưu không chỉ hoạt động chính trị vì tài nguyên vật chất. Tầng lớp này cần một số hình thái giác ngộ trí tuệ hoặc chính trị. Tầng lớp này phải tiếp xúc với những tư tưởng, theo đó về cơ bản sẽ nhận ra bản thân không phù hợp với hệ thống chính trị hiện tại, hoặc phải được tiếp xúc với những thoái trào trọng yếu mà qua đó tự đặt câu hỏi về tương lai của chính tầng lớp này dưới hệ thống (chính trị Trung Quốc).

Do sự kiểm duyệt và đàn áp của chế độ, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chưa thực sự trải nghiệm cái gọi là giác ngộ tri thức. Trái lại, họ bị truyền bá bởi nhiều chủ nghĩa dân tộc. Vì thế, ta có thể loại trừ đó là một nguồn thay đổi chính trị. Bây giờ chúng ta chỉ có thể dựa vào thành phần thứ hai. Họ thuộc tầng lớp trung lưu và chưa bao giờ trải qua sự suy giảm liên tục về mức sống. Bây giờ họ sẽ phải chọn lấy một bản. Giữa việc thiếu cải cách, suy thoái môi trường bên ngoài, tác động của virus corona và suy thoái các nguyên tắc kinh tế của Trung Quốc, tương lai thực sự khá khó khăn.

Gary J.Schmitt : Đó là một luận án Tocqueville khác, phải không ?

Minxin Pei : Vâng, một cuộc cách mạng trong kỳ vọng.

Gary J.Schmitt : Điều cuối cùng trước khi kết thúc. Ông đang viết một cuốn sách mới ?

Minxin Pei : Vâng. Tôi đang viết một cuốn sách về tình trạng giám sát ở Trung Quốc. Đây sẽ là một cuốn sách quan trọng, bởi vì tương lai của nhà nước-đảng (Trung Quốc) phụ thuộc vào hiệu quả của khả năng cưỡng chế của chính nó.

Gary J.Schmitt : Tôi mong chờ cuốn sách đó. Cảm ơn ông rất nhiều.

Minxin Pei

Gary J.Schmitt thực hiện

Nguyên tác : Is Xi Jinping Weaker Than We Think ?, The American Interest, 06/05/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB : 11/05/2020

Minxin Pei là Giáo sư chủ giảng Đại học Tom & Margot Pritzker '72 và George R. Roberts Fellow tại Claremont McKenna College và là tác giả, gần đây nhất, của Chủ nghĩa tư bản Crony của Trung Quốc : Động lực của chế độ phân rã (Harvard, 2016).

Gary J. Schmitt là một học giả thường trú trong các nghiên cứu chiến lược tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là biên tập viên của The American Interest.

Additional Info

  • Author Minxin Pei & Gary J.Schmitt, Khánh An
Published in Diễn đàn

Đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra, đã làm bộc lộ khuôn mặt thật của Trung Quốc : một chế độ dân tộc chủ nghĩa và toàn trị, kiểm soát toàn bộ hệ thống quyền lực và từng động thái nhỏ của người dân.

virus1

Ảnh chế Tập Cận Bình và virus corona trên một bức tường ở Hồng Kông, ngày 26/04/2020. © Reuters/Tyrone Siu

Vào tiết thanh minh, Zhang Hai thắp nhang trước bức ảnh thờ của người cha. "Ba ơi, con hối tiếc biết bao nhiêu vì đã đưa ba đến Vũ Hán, chuyến đi này đã làm ba ra đi vĩnh viễn". Người đàn ông tuổi ngũ tuần đau đớn thầm khấn.

Trong ngày lễ thanh minh hàng năm, người Trung Quốc đến lau dọn mộ phần của tổ tiên, theo truyền thống từ nhiều thế kỷ. Nhưng Zhang Hai chỉ còn có thể khóc với một tấm ảnh.

Người cựu nhân viên ngành địa ốc đã nhận được tro thiêu của người cha Lifa, qua đời vì dịch Covid-19 hôm 01/02 tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Khi ông muốn nhận bình tro quý báu của người cha tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, một nhóm cán bộ đã đợi sẵn. Chính quyền buộc mỗi thân nhân người chết phải có hai thành viên đảng ủy địa phương hoặc cơ quan đi kèm đến nhà tang lễ. Ngay cả khóc thương cũng bị giám sát.

Zhang Hai từ chối bị xâm phạm thô bạo vào chuyện riêng tư. "Tôi không muốn có sự hiện diện của họ. Tôi chỉ muốn một mình đi nhận tro của ba tôi thôi, có rất nhiều điều để thổ lộ với ba. Tang lễ là dành riêng cho thân nhân".

Chế độ đang trong thế thủ

"Điện thoại của tôi bị nghe lén" - người đàn ông giải thích. Ông đã hai lần bị công an đến nhà hăm dọa, ra lệnh không được nói chuyện với báo chí ngoại quốc. Điều này chứng tỏ sự bối rối của chế độ, vào dịp tết thanh minh đầu tiên sau đại dịch. Trên ứng dụng WeChat, ông chia sẻ nỗi lòng với các gia đình khác ở Vũ Hán cũng có người thân qua đời. Nhưng hôm 31/3, công an đã câu lưu người lập ra nhóm chat tưởng niệm người thân này.

Theo Le Figaro, đây là phản xạ truyền kiếp của một chế độ đang ở thế thủ, lặp đi lặp lại như một lời nguyền về bi kịch đã làm nạn dịch lan rộng : việc đàn áp các bác sĩ Vũ Hán đã sớm đưa ra lời cảnh báo hồi đầu tháng Giêng như Lý Văn Lượng (Li Wenliang) hay Ngải Phân (Ai Fen), khi họ sững sờ nhận ra các bệnh nhân viêm phổi tăng vọt từ cuối 2019. Trong suốt ba tuần sau đó, chính quyền cộng sản bóp nghẹt thông tin, để cho dịch bệnh lan tràn mà không một người dân nào hay biết.

Sự chậm trễ này đã cướp đi sinh mạng người cha của Zhang. Ông cụ đã trên 70 tuổi, tàn tật sau khi bị té ở Thâm Quyến (Shenzhen) ở miền nam, nơi ông cư ngụ cùng với con trai, và Zhang quyết định đưa ông về nguyên quán ở thành phố Vũ Hán cách đó 1.000 km. Tại đây, người cựu binh từng tham gia chương trình nguyên tử có thể được chữa trị miễn phí ở bệnh viện quân đội. Giờ đây Zhang cay đắng hối hận về quyết định này.

Vài ngày sau khi phẫu thuật thành công, ông cụ bỗng bị sốt, và cuối cùng được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Chỉ hai ngày sau ông qua đời. "Ba tôi đã bị nhiễm virus ở bệnh viện ! Tôi phẫn nộ vì điều đó. Nếu họ công bố sự thật, chẳng bao giờ tôi đưa ông về Vũ Hán" - Zhang tố cáo, đòi hỏi chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Đại dịch là thảm kịch tàn phá "giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình, người đã tái thúc đẩy tinh thần dân tộc chủ nghĩa kể từ khi lên nắm quyền năm 2013. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng hôm 07/02 đã làm nổ ra một trận sóng thần phẫn nộ trên mạng, khiến đội quân kiểm duyệt bị quá tải trong một thời gian ngắn. Đã quen giám sát từ ly từng tí, lần đầu tiên đội ngũ này phải luôn tay xóa cờ Mỹ và những bài hát đấu tranh của người biểu tình Hồng Kông trên mạng xã hội Hoa lục.

Nhà sử học độc lập Dương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận định : "Cuộc khủng hoảng là một thử nghiệm chưa từng có đối với Tập Cận Bình". Kể từ khi nhà nước cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1949, nhiều người đã biết cách đọc những gì ẩn chứa phía sau các thông tin tuyên truyền, luôn ngờ vực những thông báo chính thức. Nhưng lần này kiểm duyệt đã gây ra cái chết của hàng ngàn người vô tội, thường là những người "ái quốc" tử tế như ông Zhang Lifa, cựu chiến binh Giải phóng quân.

"Hoàng đế đỏ" đánh hơi được sự nguy hiểm, đã nhanh chóng siết chặt việc xử lý khủng hoảng, đóng vai thủ lãnh chiến tranh bảo vệ tổ quốc trước "con ác quỷ virus" qua việc tăng cường ồ ạt tuyên truyền. Nhà lãnh đạo tập trung mọi quyền lực trong tay, với "tư tưởng" được ghi vào điều lệ đảng, sau đó khẳng định đã có những chỉ thị từ ngày 07/01. Ông ta "tuốt gươm" trảm những quan chức ở Hồ Bắc - những con dê tế thần của ông.

Richard McGregor, Viện Lowy ở Sydney nhận xét : "Ông Tập đã tái vận dụng thành công phương thức của các hoàng đế Trung Hoa thời xưa, luôn đổ tội cho các quan địa phương". Ngay cả Zhang Hai đang đau khổ vì cái tang, cũng nghĩ rằng "nạn dịch đã được chính quyền trung ương quản lý tốt", sai sót là do quan chức tỉnh.

Độc tài và đàn áp

Trong cảnh khốn đốn, Tập Cận Bình – người chủ trương một Trung Quốc "đỏ máu", từ ngữ của nhà Trung Quốc học Alice Ekman – tăng gấp đôi sự độc đoán và thổi bùng dân tộc chủ nghĩa, khai thác tối đa bài thuốc ý thức hệ mà ông ta đã áp đặt cho quốc gia đông dân nhất thế giới từ bảy năm qua. Tại Hoa lục, đàn áp gia tăng, điển hình là vụ bắt giữ ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), đại gia bất động sản và là đại biểu Quốc hội, người đảng viên bị nghi ngờ dám so sánh Tập Cận Bình là một "thằng hề cởi truồng" trong một bài viết gây bão mạng.Đăng ký

Bộ máy trấn áp đang sẵn sàng ra tay. Nhà chính trị học độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận định : "Cuộc khủng hoảng đã khiến ông Tập tăng cường quyền hành trong đảng, không còn ai dám lên tiếng chống đối ngoài một ít nhà trí thức tự do".

Bên cạnh việc kiểm duyệt internet, còn có các chiến dịch tuyên truyền nhằm phản công, nêu ra sự hỗn loạn ở phương Tây trước đại dịch đồng thời nhấn mạnh tính "ưu việt" của mô hình "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa". Nhà sử học Dương Lập Phàm cảnh báo : "Tập Cận Bình cố gắng chuyển bại thành thắng, muốn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên đại dịch virus corona có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong nước, về lâu về dài có thể làm lung lay sự thống trị của đảng".

Trong quý I năm nay, tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc bị sụt mất 6,8%, một sự kiện chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay. Bóng ma thất nghiệp đang đe dọa.

Một năm trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập - năm 2021, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn còn một lá bài tai hại nhằm đánh lạc hướng : lòng tự hào dân tộc được hàng trăm triệu người dân chia sẻ, do bị tuyên truyền nhồi nhét ngày đêm từ nhiều năm qua và thiếu vắng nguồn thông tin tự do, như Zhang Hai chẳng hạn. Trong tầm ngắm, là nước Mỹ của ông Donald Trump.

Dưới áp lực, Bắc Kinh giương oai diễu võ qua việc liên tục cho tập trận ngoài khơi Đài Loan, đe dọa các láng giềng trên Biển Đông, bắt giữ hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông. Cứ như đại dịch xuất phát từ Vũ Hán là hồi chiêng cuối cùng báo trước một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Thụy My

Nguồn : RFI, 01/05/2020

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Diễn đàn

 

 

Đại dịch Covid-19 : Trung Quốc và hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông"

Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp. Trong lúc L’Obs tập trung làm sáng tỏ hậu trường của chiến dịch chuẩn bị gỡ bỏ phong tỏa sắp tới, Le Point chỉ ra những thói tật của bộ máy quan liêu khiến nước Pháp trả giá đắt trong đại dịch. L’Express bàn về những bài học thành công của nước Đức. Courrier International chú ý đến thay đổi lớn trong giao tiếp xã hội thời kỳ hậu phong tỏa.

gay1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện Vũ Hán, gần 2 tháng sau khi chính thức công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán. Ảnh chụp ngày 10/03/2020. Xie Huanchi/Xinhua via Reuters

Le Point tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề : "Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông". Bài viết so sánh đại dịch Covid-19, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008.

Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu "làn sóng dân túy bùng lên" sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc "có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới".

Bắc Kinh hiện rõ chân tướng

Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã "xử lý một cách mẫu mực", cho thấy rõ "bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực". Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng "dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng". Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo. 

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại : Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Covid-19 tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Covid-19, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Covid -19.

Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc. Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các "hộ chiếu y tế" cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý.

Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương.

Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt).

Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng "phương Tây hóa", các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bật tính chất tương phản sâu xa, đằng sau "thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc", một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử "rất cổ hủ". Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc. 

"Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê"

"Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê" là tựa đề một bài phân tích khác của Le Point, ghi nhận cuộc đại khủng hoảng 2020 đang làm tăng tốc tiến trình tan rã của cơ chế hợp tác quốc tế, được đặt nền móng từ sau Thế chiến Hai.

Le Point trở lại với cội nguồn của trật tự thế giới hiện nay, với nhận định của cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy Điển Dag Hammarskjöld : Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc "không phải là để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi xuống địa ngục". Rốt cục, sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã thất bại : Đại dịch này cho thấy rõ. 

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, định chế phụ trách y tế của Liên Hiệp Quốc đã không đảm nhiệm được vai trò : WHO bênh vực Bắc Kinh, gạt Đài Loan ra ngoài, trong khi nền dân chủ này đã có chính sách đúng trong cuộc chiến chống dịch, WHO cũng không tiến hành điều tra một cách không thiên vị nguồn gốc virus… Về phần mình, Hội đồng Bảo an cũng tồi tệ không kém. Ngày 10/04, định chế có vai trò lớn đối với nền an ninh thế giới này mới họp lần đầu tiên về Covid-19, nhưng không ra đuợc nghị quyết.

Dù sao, Le Point cũng kết thúc bài phân tích với một sắc thái lạc quan, khi nhấn mạnh là, thời đại chúng ta cho thấy, thường là sau mỗi lần trải qua chiến tranh hay khủng hoảng, nền dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế lại được thiết lập. Sau mỗi lần rơi vào đại thảm họa, nhân loại lại trở về tìm kiếm thống nhất và tinh thần đoàn kết. "Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho việc tái xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế".

"2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch" 

Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho một hệ thống quan hệ quốc tế mới. Le Point có bài phỏng vấn nhà bình luận chính trị Thụy Điển Johan Norberg cho thấy triển vọng này, với tiêu đề "2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch". Nhà bình luận Thụy Điển - theo quan điểm tự do, ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, cho dù cần phải điều chỉnh - tỏ ra tin tưởng là nền khoa học với trình độ và mức độ toàn cầu hóa như hiện nay hoàn toàn có thể cho phép nhân loại đối phó tốt với đại dịch, với điều kiện "phải đoàn kết". Theo ông, về mặt nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ quốc tế lại phản ứng mau lẹ như vậy với một bệnh dịch mới xuất hiện : Khoảng một tuần sau khi virus được xác nhận, các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập được bản đồ gen, vào giữa tháng 2, các nhà khoa học Đức đã chế được xét nghiệm nhanh… 

Ra khỏi phong tỏa : Vẻ đẹp của "vũ điệu’' không tiếp xúc 

Quan điểm lạc quan của nhà bình luận Thụy Điển có thể mang lại một không khí hưng phấn về dài hạn, nhưng trước mắt rất nhiều xã hội hiện nay đang lúng túng trước viễn cảnh còn lâu mới có vắc-xin, trong lúc thời kỳ phong tỏa không thể kéo dài. Sống sao đây trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa, khi nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát bất cứ lúc nào, là chủ đề chính của tuần san Courrier International ?

Thời kỳ hậu phong tỏa sẽ chứng kiến một thay đổi lớn trong cách thức giao tiếp xã hội, xưa nay dựa trên tiếp xúc cơ thể, từ cái bắt tay, ôm hôn, hay hôn má, tùy theo mỗi nền văn hóa. Tiếp xúc cơ thể thuộc về nền tảng của quan hệ con người. Tuy nhiên, giờ đây, giãn cách xã hội, tránh né tiếp xúc lại là đòi hỏi bắt buộc của thời kỳ chung sống với Covid-19. Liệu một xã hội có thể tồn tại bình thường không, khi mọi người không còn có những tiếp xúc về cơ thể ? 

Theo một bài viết trên nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, một kỷ nguyên "không tiếp xúc" là "không thể tránh khỏi". Một bài viết khác trên Washington Post thì nhấn mạnh, đối diện với thảm họa kinh hoàng, với bao người thiệt mạng do virus, thì "lối sống chắc chắn sẽ bị đảo lộn hoàn toàn". Cây viết Gia Kourlas, một chuyên gia về vũ đạo, trên New York Times, hình dung lối sống mới với nhiều chất thơ, khi quan sát những cảnh tượng hoàn toàn mới mẻ trên đường phố New York, khi giãn cách xã hội là điều bắt buộc, mỗi người như trở thành một diễn viên múa, với những chuyển động lạ kỳ, tránh mọi tiếp xúc với người khác. Những cảnh tượng, theo tác giả, mang lại một vẻ đẹp lạ thường. 

Nạn quan liêu khiến Pháp điêu đứng

Trong lúc Courrier International chú ý nhiều đến khía cạnh thi vị trong sự thay đổi lối giao tiếp trong xã hội thời ra khỏi phong tỏa, thì Le Point tuần này tập trung làm sáng tỏ những tệ hại của nền quan liêu khiến nước Pháp sa lầy trong đại dịch Covid - 19, không những trong giai đoạn phản ứng đầu tiên, mà đặc biệt trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa và phục hồi kinh tế.

Điều tra của Le Point đánh giá là chính phủ đã không xác lập được một chính sách rõ ràng, giống như các nền dân chủ Châu Á, hay láng giềng Đức. Một nghị sĩ cánh trung ở vùng Haut-Rhin cáo buộc chính phủ bỏ lỡ cơ hội hành động sớm ba tuần, khiến phong tỏa phải kéo dài, gây thiệt hại ước tính 100 tỉ euro. 

Ngoài vấn đề thiếu máy trợ thở, thiếu khẩu trang nghiêm trọng, Le Point cũng nêu bật việc nước Pháp thiếu chiến lược xét nghiệm, do thể chế quan liêu nặng nề. Từ năm 2013, các phòng thực nghiệm y sinh về thú y không có quyền sử dụng các sinh phẩm có nguồn gốc người, và ngược lại. Cho dù Viện Hàn lâm Y học Pháp lên tiếng phản đối từ sớm, nhưng chỉ đến ngày 05/04 (tức hơn hai tuần sau khi phong tỏa hãm dịch), chính phủ mới dỡ bỏ hạn chế này. Cũng trong thời gian đó, tại Ý hay Đức, đã hoàn toàn không có sự đối lập như vậy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Pháp bị chậm chân trong sản xuất xét nghiệm đại trà.

Một ví dụ khác là việc Cơ quan y tế cấp vùng (ARS) trong một thời gian dài đã không cho phép xét nghiệm nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão (Ehpad). Việc chậm xét nghiệm bị cáo buộc là đã dẫn đến số người nhiễm virus và tử vong cao tại các Ehpad. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), có đến 20% chi phí y tế tại Pháp là "không cần thiết, gây lãng phí khổng lồ cho công quỹ’'. Theo chủ tịch Liên minh các bệnh viện Pháp (FHF), ông Frédéric Valletoux, nước Pháp cần nhiều đầu tư hơn cho y tế, nhưng cần đầu tư một cách thông minh hơn. 

"Hậu trường" chiến dịch gỡ phong tỏa : Sứ mạng gần như bất khả

L’Obs tuần này chú ý đến "những vấn đề trong hậu trường" của chiến dịch ra khỏi phong tỏa tại Pháp. Ý tưởng chính của phóng sự điều tra của L’Obs là "phong tỏa dễ hơn rất nhiều so với việc ra khỏi phong tỏa. Chính quyền hiện nay ý thức rõ đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng hóc búa. Phương pháp điều hành xã hội từ trên xuống, bằng uy quyền, sẽ là không đủ, nhưng làm thế nào có thể chinh phục được dư luận, trong lúc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu, và các khiếu kiện nhắm vào chính quyền đang xuất hiện ngày một nhiều ?". Một nhân vật thân cận với tổng thống giải thích : "Hiện tại, một kẻ thù chung (dịch bệnh) giúp chúng ta đoàn kết… nhưng đến khi giai đoạn này chấm dứt, điều kinh khủng sẽ xảy ra, các rạn nứt xã hội sẽ bùng lên…".

Nhiều nhân vật thân cận với tổng thống Emmanuel Macron coi mục tiêu ra khỏi phong tỏa một cách an toàn, tức không xẩy ra làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai, là "nhiệm vụ bất khả". Một trong những nguyên nhân chính là giới khoa học dần dần phát hiện ra rằng một người có thể nhiều lần bị nhiễm virus, trong lúc ''trước đó toàn bộ chiến lược dựa vào khả năng miễn dịch". Nhiều người trong giới thân cận với tổng thống Macron đặt niềm tin vào sức mạnh phi thường của vị nguyên thủ, luôn sẵn sàng đối đầu với thách thức. 

L’Obs trở lại bài phát biểu lần thứ 4 của tổng thống Emmanuel Macron, ngày 13/04, thu hút gần 37 triệu khán thính giả, điều chưa từng có trong lịch sử truyền hình Pháp. Mười lăm phút trước đó, toàn bộ các bộ trưởng, các nhân vật trọng yếu trong đảng cầm quyền đều không hay biết gì về những đường nét lớn của chiến lược phong tỏa, về ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa (11/05).

Theo L’Obs, sau một thời gian dựa hẳn vào hội đồng khoa học, giờ đây vào giai đoạn đặc biệt bất trắc này, tổng thống Macron nhận lãnh trở lại vai trò người ra quyết định cuối cùng. Ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa mà ông đưa ra được coi là sớm hơn nhiều so với dự tính của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, theo L’Obs, cũng chính tổng thống Pháp đã lắng nghe tối đa tư vấn từ các phía, giới chuyên gia, triết gia, trí thức, giới chính trị, lãnh đạo tôn giáo, giới chủ, các nghiệp đoàn… trước khi ra quyết định sau cùng. 

Thủ tướng Pháp có hai tuần lễ để thảo ra kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa, với 17 chương trình hành động khác nhau do các bộ phụ trách. Những vấn đề thực tế hàng đầu đặt ra là : Mở lại trường học, tổ chức giao thông, tổ chức các không gian làm việc tại doanh nghiệp như thế nào ?

"Dân Pháp không bạc ác với thế hệ cao niên !"

Riêng về chủ đề tỉ lệ tử vong cao tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi sống phụ thuộc (Etablissement d'Hébergement pour Personnes Agées Dépendantes, gọi tắt là Ehpad), cũng thường gọi là nhà dưỡng lão, Le Point có bài phỏng vấn cựu nghị sĩ đảng Xã hội Jérôme Guedj. Cuộc đối thoại được Le Point đánh giá là không có "vùng cấm". Tỉ lệ người chết vì Covid-19 tại các Ehpad rất cao gây bàng hoàng công luận (theo thống kê của Bộ Y tế ngày 23/04, trong số 21.856 người qua đời vì Covid-19, có 8.309 người chết tại các cơ sở y tế-xã hội, trong đó chủ yếu là tại các Ehpad). 

Cựu dân biểu đảng Xã hội nhấn mạnh là cần đặt vấn đề này trong xu hướng lão hóa chung của các quốc gia phát triển. Đến năm 2040, nước Pháp ước tính sẽ có khoảng 4 triệu người trên 85 tuổi. Đây là điều mà nhà bác học Lévi-Strauss từng ví như một trong những biến đổi nhân chủng học lớn lao, để lại những hệ quả ghê gớm, có thể so sánh với thời điểm nhân loại chọn lối sống định cư vào thời kỳ đồ đá mới. Làm thế nào chăm sóc tốt cho sức khỏe những người già cả nhất trong những năm tháng cuối đời là một vấn đề rất lớn của xã hội. 

Về số lượng người cao tuổi tử vong tại các nhà dưỡng lão, cựu nghị sĩ Jérôme Guedj cho biết, hàng năm có 150.000 người trên tổng số khoảng 600.000 cụ ông, cụ bà sống trong các Ehpad, ra đi. Trung bình các cụ đến Ehpad với nhiều căn bệnh nặng, và chỉ sống trung bình khoảng hai năm tại đây. Ehpad thường được coi là nơi ở cuối đời của rất nhiều người già tại Pháp. Cựu nghị sĩ Guedij cũng hy vọng là, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội cho thấy cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.

Người Đức giành thắng lợi như thế nào ?

Hồ sơ chính của L’Express là về các bài học từ nước Đức. Bài "Virus corona : Người Đức đã giành thắng lợi như thế nào" nhận xét : Trừ phi có một làn sóng dịch thứ hai, có thể nói Đức là quốc gia thành công nhất trong số các nước Châu Âu đông dân. Số lượng người chết vì Covid-19 tại Đức chỉ chưa bằng một phần tư tại Pháp (tính đến ngày 21/04) (dưới 5.000 người so với trên 20.000 người tại Pháp), trong lúc cả hai quốc gia gần như đối diện với dịch Covid-19 vào cùng thời điểm. 

Về ưu thế của Đức, bác sĩ Gernot Marx, trưởng khoa hồi sức, bệnh viện Aix-la-Chapelle, nhận xét : Trên thực tế, ngành y tế Pháp và Đức có thể nói có chất lượng gần giống như nhau, vấn đề tạo sự khác biệt là quyết định chính trị của chính phủ Đức. Berlin đã mau chóng nhận ra vai trò quyết định của xét nghiệm nhanh. Ngay từ giữa tháng Giêng, tức chỉ ít ngày sau khi có những thông tin đầu tiên về dịch tại Trung Quốc, một ê-kíp của Bệnh viện Đại học nổi tiếng Charité (Berlin) đã bắt tay chế tạo loại xét nghiệm này. 

L’Express cũng thừa nhận nước Đức cũng có nhiều điểm yếu tương tự như Pháp, ví dụ như trong vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc về khẩu trang, cũng như đang trong quá trình cải tổ hệ thống bệnh viện, với khả năng sẽ giảm mạnh số lượng bệnh viện trên toàn quốc, để giảm chi phí. Tuy nhiên, người Đức đã tỏ ra có hiệu quả hơn trong đại dịch này, và chính đại dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để người Đức trở lại nhìn nhận lại các giá trị của một hệ thống y tế, đã được đặt nền móng từ cuối thế kỷ XIX, dưới thời thủ tướng Bismarck, để xem xem những gì nên giữ, những gì nên bỏ. 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Virus Vũ Hán : Hàng nghìn đơn kiện Trung Quốc – Tập Cận Bình "tránh mặt"

Hải Yến, Thoibao.de, 19/04/2020

Người Mỹ gốc Việt đang cùng "hàng nghìn nguyên đơn" tham gia kiện chính phủ Trung Quốc vì để virus Cúm Vũ Hán lây lan và "đòi bồi thường hàng tỷ đôla" cho các thiệt hại về thể xác cũng như tài chính.

kien1

Ảnh : Văn phòng Công ty Berman Law Group ở bang Florida

Theo hồ sơ do Công ty Luật Berman đệ trình lên tòa án ở tiểu bang Florida, vụ kiện đầu tiên nhắm vào Trung Quốc và nhiều cơ quan chính quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới này vì "vai trò trong thất bại ngăn chặn Cúm Vũ Hán".

Đơn kiện này cho rằng "thay vì cung cấp thông tin chính xác cho các nước khác trên thế giới, Trung Quốc tích cực che giấu mối nguy hiểm, bóp méo thông tin quan trọng và bịt miệng các y bác sĩ lên tiếng về sự nghiêm trọng của virus này" và "vì thế, virus đã gây ra sự tàn phá ở phần còn lại của thế giới".

Công ty Luật Berman còn nộp đơn kiện thứ hai "thay mặt cho tất cả các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu chống đại dịch Cúm Vũ Hán".

Nội dung đơn kiện cho rằng "khi các người hùng này gấp rút tới tuyến đầu để cứu người thì Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc trực tiếp làm tổn hại tới sức khỏe và sự an toàn của họ bằng cách tích trữ và cố tình chèn ép thị trường đồ bảo hộ" và "trực tiếp cấm các nhà máy ở Trung Quốc, kể cả các nhà máy do các tập đoàn Mỹ sở hữu, xuất khẩu đồ bảo hộ sang Hoa Kỳ".

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, tới ngày 16/4, Trung Quốc chưa có bất kỳ phản ứng nào đối với hai vụ kiện được Công ty Luật Berman công bố lần lượt vào ngày 12/3 và 8/4.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hôm 15/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng "với thái độ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã cập nhật cho Tổ chức Y tế Thế giới, các nước và khu vực liên quan về sự bùng phát dịch bệnh".

"Những ai cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch là không công bằng và là sự sỉ nhục đối với những hy sinh to lớn của nhân dân Trung Quốc", ông Triệu nói thêm, theo nội dung buổi họp báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Vinh Vương, phát ngôn viên về hai vụ kiện của Công ty Luật Berman, "xác nhận" với VOA Việt Ngữ rằng cũng có người Mỹ gốc Việt tham gia vào bước đi pháp lý chống Trung Quốc này, nói thêm rằng "vụ kiện đầu tiên đã có hơn 5 nghìn nguyên đơn, trong khi vụ thứ hai đã có hàng trăm y tá và bác sĩ tham gia".

Phóng viên VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập con số "hơn 5 nghìn nguyên đơn" mà ông Vinh nêu lên.

Ông Vinh nói rằng hai vụ kiện trên nhắm mục tiêu buộc chính quyền cộng sản Trung Quốc phải "công bố hơn 20 tài liệu và dữ liệu quan trọng họ đang giữ lại, mà chính phủ các nước và lãnh đạo y tế đang cần để hiểu rõ hơn về virus Cúm Vũ Hán" cũng như phải "bồi thường cho các hành động sai trái của họ cho các nạn nhân ở Mỹ".

kien2

Ảnh : Các Luật sư của Công ty Berman Law Group ở bang Florida

Theo hồ sơ vụ kiện, Công ty Luật Berman sử dụng Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài (FSIA), vốn cho phép các tòa án Hoa Kỳ thụ lý và xét xử ở Mỹ các vụ kiện chính phủ nước ngoài, làm căn cứ pháp lý để đâm đơn kiện chính quyền Trung Quốc.

Trả lời VOA tiếng Anh, Giáo sư Chimene Keitner từ Trường Luật Hastings thuộc Đại học California ở San Francisco nói rằng từ các vụ đã xử liên quan tới thương tật cá nhân theo FSIA, "hành xử của một quan chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ" thì mới "áp dụng" được đạo luật này. Bà nói thêm rằng "ta không thể kiện các nước khác vì các quyết sách của họ".

Một nhóm ở Mỹ mới đây đã đệ đơn kiện chính quyền Trung Quốc số tiền lên tới 20 nghìn tỷ USD liên quan đến sự bùng phát của virus Cúm Vũ Hán. Họ cáo buộc đây là một loại vũ khí sinh học.

Cụ thể, luật sư người Mỹ Larry Klayman và nhóm các luật sư biện hộ có tên Freedom Watch cùng với công ty Buzz Photos (ở Texas, Mỹ) đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, Viện Virus học Vũ Hán, Viện trưởng Thạch Chính Lệ và Thiếu tướng Trần Vi thuộc quân đội Trung Quốc.

Các nguyên đơn đã yêu cầu bồi thường khoản tiền 20 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố virus corona là kết quả của một loại vũ khí sinh học được chuẩn bị bởi chính quyền Trung Quốc.

Nhóm đã cáo buộc Trung Quốc giúp đỡ và tiếp tay dẫn đến sự chết chóc, cung cấp vật chất hỗ trợ cho những kẻ khủng bố, âm mưu gây thương tích và tử vong cho công dân Mỹ, thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, gây tử vong bất đáng, tấn công và bạo hành.

Nhóm cho rằng virus đã được phát tán từ Viện Virus học Vũ Hán. Các nguyên đơn tuyên bố virus Cúm Vũ Hán được Trung Quốc "tạo ra" nhằm hủy diệt con người trên diện rộng. Vũ khí sinh học đã bị cấm vào năm 1925 và do đó đây là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến khủng bố, theo nội dung đơn kiện.

Nhóm người Mỹ đã trích dẫn nhiều báo cáo phương tiện truyền thông cho biết rằng chỉ có một phòng thí nghiệm vi sinh ở Trung Quốc xử lý các loại siêu virus kiểu như virus Cúm Vũ Hán ở Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc đã viện cớ vấn đề an ninh quốc gia để che đậy sự thật trong các tuyên bố về virus Cúm Vũ Hán.

Klayman và các nguyên đơn cũng cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã "bịt miệng" các bác sĩ và nhà nghiên cứu của quốc gia này – những người đã lên tiếng về virus Cúm Vũ Hán và "gióng lên hồi chuông cảnh báo ra thế giới bên ngoài". Nhóm còn nói thêm rằng trong sự tuyệt vọng để cứu lấy mình, Thiếu tướng Trần Vi đã tự tiêm và đồng thời tiêm cho 6 thành viên trong nhóm của mình bằng một loại vắc-xin tiềm năng chưa được thử nghiệm.

Họ cũng cáo buộc rằng tất cả các bị cáo đang làm việc cùng nhau để duy trì hoạt động "khủng bố quốc tế".

Theo đơn kiện, trong khi virus Cúm Vũ Hán hoạt động và lây lan chậm, khó có thể sử dụng chống lại quân đội của một quốc gia, nhưng "nó được tạo ra nhắm vào người dân của một hoặc nhiều quốc gia mà Trung Quốc coi là kẻ thù, ví dụ như Mỹ".

Các nguyên đơn người Mỹ cũng yêu cầu việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn đối với các bị cáo Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Tom Cotton khẳng định giới lãnh đạo Trung Quốc "phải trả giá" nếu thế giới xác minh được virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói rằng các quan chức Mỹ ngày càng tin rằng virus Cúm Vũ Hán đến từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Mặc dù nó không phải vũ khí sinh học nhưng là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ.

"Từ tháng 1, tôi đã nói rằng có sự trùng hợp đáng ngạc nhiên khi địa điểm bùng phát dịch corona chỉ cách phòng thí nghiệm Vũ Hán vài km, nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nghiên cứu về virus corona," ông Cotton nói.

Ông Tom Cotton đang là thành viên của Ủy ban Quân sự và Tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ. Ngay từ tháng 1/2020, ông Cotton đã nhận định rằng, Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) có thể là nguồn xuất phát của loại virus nguy hiểm này.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 15/4, ông Tom Cotton tiếp tục bình luận : "Bài báo trên Fox News hôm nay cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho từng người tử vong, cho từng việc làm bị mất vì dịch Cúm Vũ Hán. Tập Cận Bình và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc phải trả giá, nếu virus đó đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán".

Fox News đưa tin hôm 15/6 rằng, virus Cúm Vũ Hán có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán và "bệnh nhân số 0" là một nhân viên phòng thí nghiệm đã bị nhiễm bệnh trước khi lan truyền virus trong cộng đồng.

Theo Fox News, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nghiên cứu về virus corona "không phải như một vũ khí sinh học, mà là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để chứng minh rằng năng lực của họ trong việc xác định và chiến đấu với virus là ngang bằng hoặc tốt hơn khả năng của Hoa Kỳ". Vì vậy, việc lây lan virus ra bên ngoài là một tai nạn đến từ phòng thí nghiệm.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói ông muốn mở các phiên tòa cho các công dân Mỹ kiện giới lãnh đạo Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ cũng dự đoán rằng các công ty Mỹ sẽ "ồ ạt rút" các nhà máy của họ khỏi Trung Quốc, và điều đó sẽ là "thảm họa đối với kinh tế Trung Quốc".

"Hãy tưởng tượng, không chỉ Mỹ mà cả thế giới sẽ cùng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập phải chịu trách nhiệm về hậu quả của dịch bệnh nếu đại dịch này xảy ra do sự bất cẩn và sự che đậy của họ".

Bài báo của Fox News cũng cho rằng Trung Quốc "100%" đã đàn áp và thay đổi dữ liệu về virus thông qua việc tiêu phá các mẫu bệnh phẩm, cọ rửa các khu vực bị ô nhiễm và siết chặt kiểm duyệt các bài báo học thuật liên quan đến nguồn gốc virus Cúm Vũ Hán. Có những bác sĩ và nhà báo, những người cảnh báo về khả năng lây truyền virus từ người sang người – đã "biến mất".

Viện Virus học Vũ Hán nằm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là nơi chuyên nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất, đây là nơi lưu giữ hơn 1.500 chủng virus chết người.

Hôm đầu tháng 4, một tổ chức nghiên cứu thuộc phái hữu ở Anh, The Henry Jackson Society, tung ra sáng kiến kiện Trung Quốc "vi phạm các nguyên tắc y tế quốc tế" trong cách xử lý dịch Cúm Vũ Hán.

Chiến dịch của tổ chức này được một số báo Anh và báo thiên hữu trên thế giới giới thiệu, nói về chuyện kiện Trung Quốc để đòi bồi thường 4 nghìn tỷ USD (3,2 nghìn tỷ bảng Anh).

Chỉ trong số tiền này thì Anh Quốc "phải được bồi thường thiệt hại" 449 tỷ USD, theo trang henryjacksonsociety.org.

Tuy thế, một số ý kiến trong giới luật gia Phương Tây cho rằng việc kiện chính phủ Trung Quốc là bất khả thi vì các chính quyền hợp pháp được quyền miễn tố theo luật quốc tế.

Trước khi ở Anh có "chiến dịch vận động kiện Trung Quốc" nói trên, đã có không ít tiếng nói khác nhau ở Phương Tây đòi kiện hoặc trừng phạt Trung Quốc bằng cách nào đó.

Stephen Carter viết trong mục Ý kiến trên trang Bloomberg ở Hoa Kỳ hôm 24/03/2020 rằng không thể nào kiện đích danh chính phủ Trung Quốc được, nhưng nếu các công ty Trung Quốc bị chứng minh là "không phải bộ phận của chính phủ, để hưởng chủ quyền miễn tố" thì họ có thể là đối tượng của các vụ kiện tập thể theo luật Hoa Kỳ.

Trong bài "Có thể kiện Trung quốc vì virus Cúm Vũ Hán hay không ?" tác giả này viết :

"Chính quyền Trung Quốc trên thực tế đang đặt cược rằng họ sẽ không chịu nhận trừng phạt gì hết, vì chính trị sẽ là lá chắn bảo vệ họ. Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi điều đó sẽ còn đúng hay không. Cả thế giới đang thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la vì chế độ Trung Quốc liều ẩu. Va chạm kinh tế với Trung Quốc sẽ còn kéo dài, rất dài. Có thể các lãnh đạo quốc tế sẽ phải có hành động nào đó".

Đầu tháng 4, các báo ở Trung Đông đưa tin luật sư Mohamed Talaat ở Cairo nói ông kiện chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đòi bồi thường 10 tỷ USD cho Ai Cập vì Trung Quốc "chế tạo và phát tán virus Cúm Vũ Hán".

Tuần này, một nhà vận động nhân quyền và tự do tôn giáo ở Ý, ông Massimo Introvigne, có bài "Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy dè chừng, các luật sư sắp gọi".

Ông Introvigne, cựu chủ tịch Observatory of Religious Liberty, Cơ quan giám sát tự do tôn giáo thế giới do Bộ Ngoại giao Ý bảo trợ, nói cần phải kiện Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc vì "vi phạm nhân quyền" và vi phạm "quy định dịch tễ quốc tế" qua dịch Cúm Vũ Hán.

Trong một bài viết cuối tháng 3, ông Massimo Introvigne đưa tin đã có luật sư Mỹ kiện chính phủ trung ương Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hồ Bắc ra tòa án ở Nam Florida, Hoa Kỳ.

Đứng trước tình hình các vụ kiện trên thế giới ngày càng tăng cao nhằm vào Trung Quốc – nơi khởi nguồn viêm phổi Vũ Hán, đã giết chết gần 150.000 người và làm trên 2 triệu người mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này, thì Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng nên xem xét khả năng khiếu kiện lên tòa án quốc tế, yêu cầu bồi thường các thiệt hại mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gây ra cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây, qua các hành động đơn phương đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đã cho thấy Trung Quốc ngày càng hung bạo, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, quyền lợi về kinh tế, xã hội, con người tại đất nước với trên 90 triệu dân càng cần phải vận dụng luật pháp quốc tế.

Nhưng điều quan trọng, là nhà cầm quyền tại Hà Nội có đủ bản lĩnh để đối diện với Bắc Kinh hay ? chúng ta sẽ tiếp tục quan sát và đón xem phản ứng của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Hải Yến (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 18/04/2020

****************

Tập Cận Bình gây nguy hiểm cho thế giới

Julian Reichelt, VNTB, 18/04/2020

Ông muốn tăng cường sức mạnh Trung Quốc bằng dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc. Tôi không tin rằng ông thành công. Tôi tin rằng chẳng chóng thị chầy virus corona sẽ làm ông thân bại danh liệt.

kien3

Hôm thứ Năm ngày 16/4/2020 Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã công bố một bức thư ngỏ bác bỏ một bài báo trên tờ nhật báo BILD cho rằng Trung Quốc nợ "nợ" nước Đức vì đại dịch Covid-19.

Bức thư ngỏ của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết bài báo của nhật báo BILD đã "bỏ qua" một số sự thật quan trọng là Trung Quốc "chưa bao giờ đàn áp thông tin quan trọng về Covid-19" và "Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ đưa thông tin đến cho Tổ chức Y tế Thế giới".

Trong thư nêu rõ : "Nhiều quốc gia hiện đang chiến đấu với Covid-19 đã có thời gian chuẩn bị cho sự lây lan của virut sang nước khác sau khi Trung Quốc báo cáo dịch bệnh theo hướng dẫn về Quy định sức khỏe quốc tế".

"Một số nhà khoa học quốc tế nổi tiếng cũng xác nhận rằng hành động nhanh chóng và quyết đoán của Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch này và đã giúp thế giới có được ít nhất một tháng [để chuẩn bị phản ứng]. Thật không may, chúng tôi không tìm thấy những thông tin như vậy trong bài báo".

"Một vài chính trị gia, chuyên gia hoặc đại diện truyền thông muốn đổ lỗi lẫn nhau để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại và điểm yếu của chính họ (trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan)".

Bức thư nói rằng tờ báo "lá cải" này cổ súy "chủ nghĩa dân tộc, định kiến và bài ngoại" và "không có lợi cho tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Đức và Trung Quốc" (2).

Đáp lại lá thư trên tổng biên tập Julian Reichelt đã gởi một lá thư tới Tập Cận Bình ngày 16/4 (1).

-----------------------

Kính gửi Chủ tịch Tập Cận Bình,

Đại sứ quán của ông ở Berlin đã gởi tôi một bức thư ngỏ vì tờ báo BILD của chúng tôi đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại kinh tế khủng khiếp trên toàn thế giới do virus Corona gây ra hay không ?.

Đại sứ quán Trung Quốc cho điều này là "bỉ ổi" và công kích tôi khi bảo rằng, đã "xách động chủ nghĩa dân tộc" !

Tôi xin phép được trả lời như sau :

1. Ông lãnh đạo Trung Quốc bằng việc theo dõi. Nếu không có theo dõi vậy thì ông đã không thể làm chủ tịch nước. Ông có thể theo dõi mọi thứ, mọi công dân trong nước ; nhưng ông lại lơ là kiểm soát chợ thịt rừng có thể gây nguy cơ dịch bệnh rất lớn.

Ông cho đóng cửa tất cả báo hay trang mạng nào phê phán chỉ trích, nhưng ông không dẹp những hàng quán bán canh dơi. Ông không chỉ theo dõi dân chúng mà còn khiến cho họ gặp nguy hiểm và rồi gây nguy hiểm cho toàn thế giới.

Theo dõi kiểm soát khiến cho con người mất tự do. Những người mất tự do thì không thể sáng tạo. Người không có sáng tạo thì không thể phát minh ra bất cứ cái gì. Đó là lý do tại sao ông đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia vô địch thế giới về trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc tự làm giàu bằng những phát minh của người khác thay vì tự phát minh. Nguyên do của việc này là vì ông không cho phép những người Trung Quốc trẻ tuổi được tự do suy nghĩ. Món hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là virus corona, thứ không ai muốn nhưng đã lan ra khắp thế giới.

3. Khi ông, chính phủ và các nhà khoa học của ông đã biết từ lâu rằng virus corona có thể truyền từ người sang người, nhưng ông bưng bít thông tin này. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời điện thoại, không trả lời e-mail khi các nhà nghiên cứu phương Tây muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Vũ Hán. Vì lòng tự tôn dân tộc quá lớn mà ông không dám nói ra sự thật, vì cảm thấy rằng sự thật đó là nỗi nhục quốc gia.

4. Báo Washington Post tường trình rằng các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã nghiên cứu virus corona ở dơi mà không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất. Tại sao phòng thí nghiệm độc hại lại không bảo đảm được an toàn như trại tù chính trị ? Ông có thể giải thích điều đó với những thân nhân đau khổ của các nạn nhân Corona trên khắp thế giới ?

5. Người ta đang bàn tán về ông ở Trung Quốc. Quyền lực của ông đang dần sụp đổ. Ông đã tạo ra một Trung Quốc không minh bạch. Một Trung Quốc từng là một nhà nước theo dõi và kiểm soát vô nhân đạo và giờ lại là nhà nước làm lây lan dịch bệnh chết người. Đấy di sản chính trị của ông đấy.

Đại sứ của ông viết rằng có lẽ tôi không xứng đáng với "tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc". Tôi cho rằng ông nghĩ viêc gởi khẩu trang đi khắp thế giới là "tình hữu nghị" vĩ đại. Tôi không cho đó là tình hữu nghị, mà là chủ nghĩa đế quốc trá hình – là con ngựa thành Troy.

Ông muốn tăng cường sưc mạnh Trung Quốc bằng dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc. Tôi không tin rằng ông sẽ thành công. Tôi tin rằng chẳng chóng thị chầy virus corona sẽ làm ông thân bại danh liệt.

Julian Reichelt

Nguyên tác : "You are endangering the world", Bild, 17/04/2020

Ngân Bình dịch

Nguồn : VNTB, 18/04/2020

Chú thích :

(1) https://www.bild.de/politik/international/bild-international/bild-chief-editor-responds-to-the-chinese-president-70098436.bild.html

(2) http://www.chinatoday.com.cn/ctenglish/2018/zdtj/202004/t20200417_800201239.html

************************

Vòng vây xiết chặt Tập Cận Bình

Từ Thức, 17/04/2020

Vòng vây nghi kỵ về đại dịch càng ngày càng xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình. Sau Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới, từ Anh Quốc tới Liên Hiệp Châu Âu, đã công khai hoài nghi về những con số thống kê của Bắc Kinh, trong khi người ta có bằng chứng là Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm trong 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khiến virus đã lây lan khắp thế giới. Mặt khác, Hoa Kỳ chính thức điều tra về nghi vấn virus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.

ktvn5

Covid-19 : Vòng vây xiết chặt Tập Cận Bình

Câu hỏi hóc búa

Donald Trump đã nhiều lần tố cáo Bắc kinh che giấu mức độ nghiêm trọng từ những ngày đầu, khiến Covid-19 trở thành đại họa cho cả thế giới.

Boris Johnson nói "Trung Quốc phải trả lời những câu hỏi hóc búa về nguồn gốc virus, và lý do tại sao không ngăn chặn từ khi khởi dịch". Thủ tướng Anh không ngần ngại tố cáo Trung Quốc, mờ ám, mặc dù sau Brexit, một trong những mục tiêu của Anh là thắt chặt giao thương với Tàu để thay thế thị trường Châu Âu
Emmanuel Macron, vốn dè dặt, cũng vừa công khai lên tiếng. Tổng thống Pháp nói, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Financial Times : "có những vùng bóng tối trong việc xử lý đại dịch. Đừng ngây thơ nghĩ (nước Tàu) giỏi nhất trong việc quản trị virus. Chắc chắn đã có nhiều chuyện mà chúng ta không biết".

Đây là lần đầu tiên người ta thấy trong ngôn ngữ ngoại giao, nhất là đối với một cường quốc, những lời đả kích gay gắt, không úp mở như vậy.

Các đảng viên, nhất là những người đã đưa hoàng đế lên ngôi, một cách nhiệt thành hay miễn cưỡng, khám phá ra Tập không còn được thế giới kính nể nữa.

6 ngày sinh tử

Trong khi đó, một cuộc điều tra của AP, chạy trang nhất các media thế giới, cho thấy Bắc Kinh đã giấu nhẹm chuyện virus 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khi đã có hàng ngàn người lây nhiễm, khi hàng trăm triệu người di chuyển nhân dịp Tết, mang virus đi khắp nước Tàu, khắp thế giới.

AP đã tìm được một tài liệu, trong đó giới chức có thâm quyền, ngày 14/01 ra lệnh cho các địa phương chuẩn bị đương đầu với đại dịch. Nghĩa là họ đã biết, đã chuẩn bị từ ngày 14, nhưng không nói gì với dân Tàu cũng như viớ thế giới, cho tới ngày thông báo chính thức 20/1.

Marie Holman, chuyên viên về Trung Hoa nói với đài truyền hình Pháp France 5 : hai ngày trước khi Tập Cận Bình thông báo chính thức về đại dịch, Đảng Cộng Sản Tàu đã tổ chức một đại tiệc hàng năm tại Vũ Hán cho 40.000 gia đình đảng viên, với trên dưới 100.000 người tham dự.

AP nhấn mạnh tới 6 ngày nguy kịch nhất, nhưng ký giả Pháp Nicolas Clemanceau cho hay việc giấu giếm đã kéo dài 3 tuần lễ, từ ngày một bác sĩ Vũ Hán báo cáo về một trường hợp lây nhiểm, ngày 30/12/2019 tới 20 tháng 1/2020.

Mặt khác, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho hay Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra về nguồn tin coronavirus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Pompeo nói Washington coi giả thuyết này có tính cách nghiêm chỉnh, cần một cuộc điều tra để biết nguồn gốc của đại dịch đã khiến gần 140.000 người chết.

Cách đây hai năm, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã báo cáo Washington về tình trạng thiếu an toàn của các phòng nghiên cứu về virus, gốc từ loài dơi, ở Vũ Hán.

Hầu như để trấn an dư luận về chuyện bưng bít thông tin, Bắc Kinh hôm qua đã chính thức nâng số tử vong ở Vũ Hán thêm… 50% (!), từ 2.579 tới 3.832 nạn nhân (với tổng số 4.632 trên toàn quốc).

Bắc Kinh giải thích sở dĩ có sai lầm, vì nhiều báo cáo địa phương chưa về tới trung ương, và nhiều nhà thương chưa quen xử dụng phương tiện thống kê qua Internet (ở một xứ kỹ thuật hiện đại đã được tận dụng khại thác để kiểm soát mỗi người dân !).

Việc thanh đổi, thêm bớt nhưng con số thống kê, thay vì nâng cao uy tín, càng chứng tỏ sự lúng túng của Bắc Kinh, khiến người ta nghi ngờ hơn nữa.

Kinh tế suy sụp

Trong khi Tập bị chỉ trích từ bốn phía, kinh tế Tàu đang chìm vào khủng hoảng. Bắc Kinh nhìn nhận PIB Trung Quốc suy giảm nặng, - 6,8 %, con số xấu nhất kể từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa cách đây 40 năm đã làm nước Tàu kiệt quệ.

Sau dịch SARS (SRAS) những năm 2002-04, nước Tàu đã phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng, nhưng lần này, kịch bản khác hẳn.

Thứ nhất : Covid-19 trầm trọng hơn, đe dọa kinh tế toàn cầu.

Thứ 2 : Trước đây, kinh tế Tàu phát triển nhanh chóng nhờ xuất cảng, ngày nay các quốc gia lâm nạn đã rút tỉa bài học, sẽ tự sản xuất những sản phẩm nhu yếu.

Thứ 3 : ngày nay, Trung Hoa bị các nước đang phát triển cạnh tranh, vì lương bổng Tàu đã lên cao.

Thứ 4, quan trọng nhất : từ 3 năm nay, Trung Quốc, để đối phó với những khó khăn trong việc xuất cảng, đã đặt trọng tâm vào phát triển khả năng tiêu thụ nội địa, nhưng với virus vẫn còn đe doạ, ít người Tàu nghĩ dến việc tiêu thụ, ở một xứ không có an sinh xã hội, tương lai bấp bênh.

PIB suy giảm - 6,8% là một gánh nặng đối với những nước phương Tây, nhưng là một đại họa với một quốc gia muốn ổn định, nhất là muốn dóng vai leader thế giới, phải có mức tăng trưởng ít nhất 6%.

Từ Thức

Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 17/04/2020

- AP : 6 ngày sinh tử

- Tuyên bố của Macron

Additional Info

  • Author Hải Yến, Julian Reichelt, Từ Thức
Published in Diễn đàn
mercredi, 15 avril 2020 20:09

Một cuộc diễn tập

Kích động tinh thần dân tộc Đức : Chủng tộc thượng đẳng Aryan phải thống trị loài người, làm chủ thế giới, Aldolf Hitler phát động chiến tranh thế giới thứ hai, xâm lược Châu Âu chỉ để chia lại thị phần thế giới, rửa nỗi nhục bại trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất.

tap1

Hoàng đế Tập Cận Bình càng thấy ngày Tập có cả thế giới, ngày số phận bảy tỉ con người trên trái đất nằm trong bàn tay Tập đã cận kề.

Các hoàng đế Trung Hoa thì khác. Từ trong tiềm thức, từ trong xa thẳm lịch sử, các hoàng đế Trung Hoa tự coi mình là con Trời, Thiên tử, có trọng trách đứng đầu thế giới, thống trị loài người. Đặt tên nước là Trung Quốc, các Thiên tử nhắc nhở loài người phàm tục nhớ rằng mảnh đất nơi Thiên Tử ra đời là trung tâm của thế giới. Lịch sử Trung Hoa là lịch sử những cuộc chiến tranh liên miên theo mệnh Trời để các Thiên tử thâu tóm thiên hạ. Nước lớn thôn tính nước nhỏ. Nước mạnh nuốt chửng nước yếu. Lịch sử bành trướng, mở rộng lãnh thổ Trung Hoa tới vô cùng.

Đến cách mạng vô sản, bốn phương vô sản đều là anh em nhưng với các hoàng đế đỏ Đại Hán là : bốn phương nhân loại đều là chư hầu Trung Hoa. Cuối năm 1949, Mao Trạch Đông có nhà nước Trung Hoa cộng sản trong tay thì ngay đầu năm sau, 1950, Mao xua đội quân công nông Bát Nhất còn tả tơi sau nội chiến Quốc – Cộng, súng đạn còn thô sơ vẫn hành quân gần năm ngàn cây số đánh chiếm vùng đất mênh mông, núi cao chót vót Tây Tạng. Những năm sau trang bị đội quân công nông Bát Nhất khá hơn, lập tức những cuộc chiến bành trướng lãnh thổ của nhà nước Trung Hoa cộng sản cũng rộng lớn hơn, cướp đất của những láng giềng sừng sỏ hơn. Lấn đất Ấn Độ. Cướp đất Liên bang Xô Viết.

Đến thế kỉ 21, nước Trung Hoa cộng sản có một ngàn năm trăm triệu dân, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, người Trung Quốc đã bay lên vũ trụ và lính Trung Quốc đã có trong tay tên lửa hạt nhân vượt đại dương. Hoàng đế Tập Cận Bình càng thấy ngày Tập có cả thế giới, ngày số phận bảy tỉ con người trên trái đất nằm trong bàn tay Tập đã cận kề. Nhưng Tập cũng hiểu rằng trở ngại cho giấc mộng bá chủ thế giới của Tập là sức mạnh Mỹ. Sức mạnh Mỹ là sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, sức mạnh dân chủ. Những sức mạnh đó làm sao Tập có thể vượt Mỹ được.

Không thể chạy đua, không thể vượt những sức mạnh của Mỹ thì phải tìm sức mạnh khác, vũ khí khác mà Mỹ không có để loại bỏ sức mạnh Mỹ. Tên tướng sôi sục máu Đại Hán cực đoan Trì Hạo Điền đã nói toạc ra rằng vũ khí mà Trung Quốc phải sử dụng để loại bỏ sức mạnh Mỹ, đưa Trung Quốc lên thống trị thế giới là vũ khí sinh học, vũ khí virus luôn biến đổi gien, gây bệnh không có thuốc chữa trị, giết người hàng loạt.

Thành phố Vũ Hán, một trung tâm công nghiệp lớn nằm sâu trong nội địa, cách thủ đô Bắc Kinh hơn ngàn cây số, vừa có viện sinh học nuôi cấy, lai tạo trong phòng thí nghiệm những chủng virus gây bệnh giết người, vừa có chợ động vật hoang dã mang những chủng virus của tự nhiên và những chủng virus tự nhiên này cũng đã từng gây ra dịch bệnh lan tràn trên thế giới giết người hàng loạt như dịch bệnh SARS năm 2003.

Cơn đaị dịch viêm phổi do virus Corona khởi phát ở Vũ Hán từ cuối năm 2019 đang gieo rắc chết chóc trên khắp thế giới, đã giết chết hơn trăm ngàn người, làm cho đời sống kinh tế thế giới và sinh hoạt của cả loài người bị tê liệt. Cho đến nay các nhà khoa học vi sinh cũng như các cơ quan tình báo hàng đầu trên thế giới đều chưa xác định được đại dịch virus Vũ Hán là do sự cố vô tình từ tự nhiên hay do con người cố ý gây ra từ phòng thí nghiệm. Nhưng nhiều người có thể nhận ra rằng sự xuất hiện chủng virus Corona giết người hàng loạt vừa bùng phát ở Vũ Hán đã được Trung Quốc nhạy bén biến thành cuộc diễn tập thực hành vũ khí sinh học đưa chủng virus Vũ Hán sang tấn công nước Mỹ.

Trước những sự kiện lịch sử lớn thường có những sự kiện báo hiệu được coi là cuộc diễn tập của sự kiện lịch sử lớn. Cuộc cách mạng tháng hai năm 1917 ở Saint Petersburg được coi là cuộc diễn tập của cách mạng tháng mười 1917. Cuộc bạo loạn nông dân cướp chính quyền ở Nghệ Tĩnh tháng chín năm 1930 là cuộc diễn tập của cuộc cách mạng cướp chính quyền tháng tám năm 1945 ở Việt Nam.

Trước một nguy cơ đe dọa phải hô hoán lên để mọi người biết và cùng góp sức ngăn chặn. Ém nhẹm nguy cơ là không muốn ngăn chặn nguy cơ. Mua chuộc Tổng giám đốc tổ chức y tế thế giới để tổ chức này cùng Trung Quốc ém nhẹm trận dịch bệnh virus khủng khiếp vừa xuất hiện ở Vũ Hán. Dùng bạo lực nhà nước bóp chết tiếng kêu cứu của người dân Vũ Hán. Phong tỏa, nhốt chặt 11 triệu dân Vũ Hán trong địa ngục dịch bệnh virus Corona để giữ kín dịch bệnh.

tap2

Binh sĩ Đài Loan ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 tại quận Tân Điếm của Đài Bắc - Ảnh : Sam Yeh / AFP

Vũ Hán cách thủ đô chính trị Bắc Kinh 1.152 cây số và cách thủ đô kinh tế Thượng Hải 893 cây số. Khóa chặt Vũ Hán để con virus Vũ Hán không lây lan đến 21 triệu dân ở thủ đô chính trị Bắc Kinh và không lây lan đến 27 triệu dân ở thủ đô kinh tế Thượng Hải. Phải giấu kín ổ dịch virus và không để dịch bệnh từ những chủng virus phá vỡ sự ổn định chính trị và ổn định kinh tế, Trung Quốc mới có thể sử dụng sức mạnh của những con virus răn đe thế giới.

Dù bị phong tỏa nhưng đã có nửa số dân Vũ Hán, hơn năm triệu người rời bỏ nhà cửa, trốn chạy khỏi ổ dịch. Khi Trung Quốc phải thú nhận với thế giới bệnh dịch do con virus từ Vũ Hán gây ra thì đã có gần nửa triệu người Trung Quốc, con số chính thức được công bố là 430 ngàn người, trong đó có nhiều dân Vũ Hán rời Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Từ tâm dịch bệnh virus của thế giới, gần nửa triệu người như gần nửa triệu trái bom virus Vũ Hán bay qua Thái Bình Dương đến nước Mỹ và những trái bom virus đó đã bùng nổ khắp nước Mỹ. Đến sáng ngày 14/4/2020 virus Vũ Hán đã đột nhập vào phổi 586.784 người dân Mỹ, giết chết 23.618 người.

Virus Vũ Hán không phải chỉ đột nhập vào nước Mỹ, đánh phá kinh tế Mỹ, giết người Mỹ từ trong lòng nước Mỹ. Đầu tháng ba, 2020, tàu sân bay hạt nhân Mỹ Theodore Roosevelt ghé thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam bốn ngày, từ ngày 5 đến ngày 9 tháng ba. Sau đó tàu tự cách li giữa sóng gió Thái Bình Dương rồi tiếp tục tự cách li khi về neo ở căn cứ Guam. Nhưng đến đầu tháng tư, trong số 4.800 thủy thủ trên tàu đã có 585 người nhiễm virus Vũ Hán và đến sáng 13/4/2020 đã có một thủy thủ tàu Theodore Roosevelt bị virus Vũ Hán giết chết.

Khi tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng thì dân Đà Nẵng chỉ có hai người từ nước ngoài về nhiễm virus Vũ Hán và đã được đưa đi cách li ngay khi đặt chân xuống sân bay. Như vậy người dân Đà Nẵng không thể là nguồn lây nhiễm virus Vũ Hán cho thủy thủ tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt. Xin hãy nhớ lại clip một ông tướng công an đăng đàn lớn tiếng nói rằng tình báo Hoa Nam của Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam dày đặc như thế nào để biết vì sao những thủy thủ Mỹ ăn sóng nói gió trên tàu sân bay hạt nhân hiện đại chỉ thoáng ghé qua Đà Nẵng liền bị con virus Vũ Hán theo chân thủy thủ xuống tàu, làm con tàu tê liệt.

Tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt có nhiệm vụ thường trực phía Tây Thái Bình Dương nhằm nhắc nhở và ngăn cản sự lộng hành ngày càng gia tăng của tàu chiến Trung Quốc. Con virus Vũ Hán vô hình đã loại tàu sân bay hạt nhân Theodore Roosevelt khỏi biển Tây Thái Bình Dương. Hiện nay sức mạnh quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương chỉ còn đơn độc con tàu USS Barry hoạt động.

Trong thế trận trống trải của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, tàu sân bay Liêu Ninh cùng cả dàn tàu khu trục tên lửa, tàu Hải Dương 8 kéo theo cả một thê đội tàu chiến của Trung Quốc liền lấp ngay vào khoảng trống đó. Sự ngang ngược không biết đến chủ quyền nước khác của những con tàu Trung Quốc là nỗi đe dọa lớn với chủ quyền lãnh thổ và an ninh biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam.

Giết hơn hai mươi ngàn dân Mỹ. Làm tê liệt nền kinh tế Mỹ. Đánh sập sức chiến đấu của con tàu sân bay hạt nhân hiện đại nhất của sức mạnh quân sự Mỹ, buộc nó phải bỏ trống trận địa biển Tây Thái Bình Dương. Tập Cận Bình hả hê về chiến thắng trong cuộc diễn tập của con virus Vũ Hán. Hợm hĩnh, ngạo mạn, Tập không thấy rằng con virus Vũ Hán đã làm cho cả thế giới nhận ra môt nguy cơ hiển hiện, sừng sững của cuồng vọng phát xít mới, phát xít Trung Hoa cộng sản.

Chỉ là sự xuất hiện bất ngờ của con virus Vũ Hán và chỉ là trận diễn tập đã làm cả thế giới chìm trong chết chóc, cuộc sống ngưng đọng, hàng trăm ngàn cái chết trong âm thầm, cô đơn thì trận chiến thực sự với con virus China sẽ khủng khiếp như thế nào !

tap3

Tập Cận Bình có lẽ đã rất hả hê trước các tướng lãnh về chiến thắng trong cuộc diễn tập của con virus Vũ Hán làm cả thế giới chìm trong chết chóc, cuộc sống ngưng đọng…

Từ con virus Vũ Hán đến con virus China chỉ là một bước ngắn. Loài người không thể khoanh tay ngồi chờ con virus China quyết định số phận nền văn minh nhân loại. Con virus Vũ Hán nhắc nhở con người nhớ rằng con người có chung một giá trị là nền văn minh nhân loại. Con người dù là người Việt, người Mỹ, người Pháp hay người Đức đều có chung trách nhiệm giữ gìn nền văn minh đó.

Không có nước Mỹ trên hết. Không có chủng tộc thượng đẳng Aryan trên hết. Chỉ có giá trị làm người là trên hết. Chỉ có nền văn minh loài người là trên hết. Phải hành động để giữ gìn những giá trị đó.

Phạm Đình Trọng

(15/04/2020)

Additional Info

  • Author Phạm Đình Trọng
Published in Diễn đàn