Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới, nhằm bám chặt quyền lực độc tôn, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022. Le Figaro cảnh báo, Tập Cận Bình không dừng lại ở đây, mà tham vọng của ông ta là vượt lên khỏi tầm vóc Mao Trạch Đông : thống trị hoặc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới.
Về thời sự nước Pháp, Les Echos ghi nhận "Đến lượt Paris phải đeo khẩu trang" : do các trường hợp dương tính đã tăng gấp bốn lần, bắt đầu từ hôm nay khẩu trang trở thành bắt buộc khi ra đường ở Paris và ngoại ô gần. Le Monde chạy tựa trang nhất "Chính quyền Pháp trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt". Libération đề cập đến việc chính phủ, cánh hữu và cực hữu đều nhấn mạnh nạn mất an ninh, chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống 2022.
Đúng năm sau khi thủ tướng Angela Merkel mở cửa cho người tị nạn, La Croix tìm gặp những người đã được nước Đức tiếp nhận và một số khuôn mặt đã giúp đỡ người tị nạn. Riêng Le Figaro dành hồ sơ cho chủ đề "Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm lên Trung Quốc".
"Chỉnh phong" để hợp pháp hóa Nhà nước công an trị
Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới, nhằm bám chặt quyền lực độc tôn, không ai được tranh cãi, chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2022. Trong bài viết mang tựa đề "Tập Cận Bình siết lại những chiếc bù-loong cuối cùng của quyền lực tuyệt đối", Le Figaro nhận định ông Tập muốn đứng ngang hàng với nhà độc tài Mao Trạch Đông.
Chiến dịch "chỉnh phong" Diên An do Mao tung ra năm 1942 kéo dài ba năm đã làm cho 10.000 người chết, 10% đảng viên bị khai trừ. Còn hai năm nữa đến Đại hội quan trọng, Tập Cận Bình khởi động đợt thanh trừng nhắm vào bộ máy tư pháp và chính trị, nhằm dập tắt hẳn mọi phản kháng trong nội bộ.
Bắt đầu từ tháng Bảy, chiến dịch chỉnh phong 2.0 này sẽ diễn ra trong hai năm, nhằm "nạo chất độc đến tận xương", "nhổ bật đi những thành phần có hại cho tập thể". Theo Trần Nhất Tân (Chen Yixin), nhân vật thân cận với Tập Cận Bình phụ trách việc thanh trừng, thì "đội ngũ tư pháp và chính quyền phải hoàn toàn trung thành, trong sáng và đáng tin cậy".
Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh giải thích, ngoài mặt là chống tham nhũng, nhưng thực tế là thanh trừng để tống khứ đi những người cạnh tranh, nhằm nắm được quyền lực tuyệt đối trong Đại hội Đảng lần thứ 20. "Chỉnh phong" còn nhằm hợp pháp hóa một Nhà nước công an trị, đặt nền móng cho một "hệ thống SS" tại Trung Quốc.
Thanh trừng trong bối cảnh phức tạp
Tập Cận Bình, được cho là mạnh lên với việc quản lý đại dịch virus corona và sự tấn công liên tục của tổng thống Mỹ Donald Trump, tự tin bắt đầu cuộc thanh trừng với sự ủng hộ của phe dân tộc chủ nghĩa, nhưng trong bối cảnh phức tạp. Ở bên ngoài, Hoa Kỳ chuyển sang thế công khai tiến công, trong khi Trung Quốc vất vả không tìm được đồng minh. Trong nước thì kinh tế chậm lại, không có đủ cơ hội cho tầng lớp trung lưu ngày càng đòi hỏi cao. Bên cạnh đó là nguy cơ một đợt dịch thứ hai, lụt lội kỷ lục, mà theo người Hoa đó là điềm xấu.
Đại hội Đảng năm 2022 là dịp để thay thế một số lớn quan chức, ông Tập đang ở thế mạnh để bố trí người của mình. Từ nay cho đến lúc đó, không một tiếng nói phản biện nào được phép cất lên. Theo truyền thống, thì thời gian chuẩn bị đại hội là dịp cho những đòn đánh dưới thắt lưng, ly khai và đấu đá giành quyền lực, nhiều kịch bản có thể diễn ra. Cũng theo truyền thống, thì lẽ ra Tập Cận Bình phải rời ghế chủ tịch nước năm 2022.
Tuy nhiên đến nay không có dấu hiệu gì cho thấy ông chuẩn bị người kế nhiệm, mà ngược lại, tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hủy bỏ luôn quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ chủ tịch nước. Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz nhận xét, vấn đề là liệu Tập Cận Bình có xóa hết những hạn chế được Đặng Tiểu Bình đặt ra trước đây, và nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã chết hẳn hay không.
Cá nhân hóa quyền lực, Tập Cận Bình muốn làm bá chủ thế giới
Tại thành phố Linh Bảo (Lingbao) tỉnh Hà Nam (Henan), khoảng 30 cán bộ đã bị cách chức. Tuần rồi, giám đốc công an Thượng Hải, chức vụ quan trọng tại thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã bị thanh tra. Những tiếng nói phản biện hiếm hoi trong đảng đã bị bắt giữ, truy lùng, khai trừ.
Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường đảng trung ương là trường hợp mới nhất phải trả giá, tuy không hề là nhà ly khai. Bà phải trốn khỏi Trung Quốc vì đã chỉ trích việc tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình theo kiểu "trùm mafia". Hồi tháng Bảy, giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của trường đại học Thanh Hoa bị công an bắt do phê phán việc xử lý đại dịch.
Chuyên gia Tăng Duệ Sinh (Steve Tsang) của Viện SOAS giải thích : "Tập Cận Bình càng mạnh thì ông ta càng cảm thấy an toàn hơn, càng siết chặt những tiếng nói phản kháng. Từ nay chỉ cần chỉ trích là trở thành nhà ly khai. Việc cá nhân hóa quyền lực khiến Tập phải tiếp tục chứng tỏ ông ta là người mạnh nhất, không ai có lợi gì khi phản đối ông".
Trong một đảng luôn thiếu tính minh bạch, nếu thực sự có những ý kiến chống lại tổng bí thư thì cũng không thể bộc lộ, và những ai nói ra thì không ở trung tâm quyền lực. Điều khiến cho Tập Cận Bình lo sợ nhất là sự xuất hiện một phe phái độc lập, phản công lại thành trì mà ông đã gầy dựng từ 10 năm qua. Tăng Duệ Sinh kết luận : "Giờ đây ai phản đối sẽ phải sẵn sàng đi đến tận cùng, hoặc phải trả giá đắt. Không có một chỗ nào cho đối thoại".
Le Figaro trong bài xã luận đã cảnh báo, Tập Cận Bình không dừng lại ở đây, mà tham vọng của ông ta là vượt lên khỏi tầm vóc Mao Trạch Đông : thống trị hoặc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới.
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro ghi nhận "Người dân Hoa lục được yêu cầu ăn ít hơn, sau nạn lụt và dịch Covid".
Chiến dịch vận động toàn quốc không để lại thức ăn thừa trên chén dĩa được ông Tập Cận Bình tung ra từ ba tuần qua nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Các hashtag #n-1 và #n-2 tràn ngập internet, nhắc nhở các nhà hàng buộc các nhóm thực khách đặt ít hơn 1 hoặc 2 phần ăn cho cả nhóm. Một nhà hàng ở miền trung thậm chí còn yêu cầu khách cân trước và sau bữa ăn để bảo đảm họ không ăn nhiều quá, nhà hàng khác thì phạt tiền nếu khách không ăn hết.
Đây là lần thứ hai Tập Cận Bình đánh vào nạn lãng phí lương thực, ước tính 17 đến 18 triệu tấn một năm tại Trung Quốc, nuôi được 30 đến 50 triệu người. Lần đầu tiên năm 2013 nhằm hạn chế những bữa tiệc linh đình của quan chức và doanh nhân, còn phiên bản 2020 đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đặc biệt khó khăn.
Liên tiếp xảy ra những trận lụt mạnh nhất từ nhiều thập niên, chuỗi cung ứng bị cắt đứt do đại dịch, cúm heo làm đàn heo giảm sút mạnh, Châu chấu phá hoại mùa màng, và xung đột thương mại Mỹ-Trung. Hậu quả là giá thực phẩm tăng 13%, trong đó giá rau quả tăng cao nhất kể từ 5 năm qua, khiến người nghèo sau dịch Covid càng thêm khốn khó. Một số nước như Việt Nam và Thái Lan, do sợ thiếu thực phẩm, đã ngưng xuất khẩu trứng và ngũ cốc sang Trung Quốc.
Phải nói rằng chủ đề thực phẩm đặc biệt nhạy cảm tại Hoa lục, với nhiều trận đói đã xảy ra trong lịch sử, như nạn đói 1959-1961 đã làm 60 triệu người chết.
Trên phương diện y tế, Le Monde mô tả "Vũ Hán, tủ kính trưng bày của Trung Quốc về một thế giới hậu Covid". Bắc Kinh khoe khoang đã ngăn chận được dịch tại nơi xuất phát con virus độc hại, tuy nhiên thực ra vết thương chưa lành.
Hàng ngàn người nhảy múa trong lễ hội techno hôm 15/08 mà không hề mang khẩu trang. Công viên giải trí "Thung lũng hạnh phúc" đại hạ giá các trò chơi, lễ hội bia 21/08 vào cửa tự do, 400 địa điểm du lịch không thu phí… Tài xế taxi không còn mang khẩu trang, các camera đo nhiệt độ được tháo gỡ, khách thoải mái vào các cửa hàng không bị kiểm soát. Tất cả nhằm chứng minh thành phố từng bị phong tỏa như thời Trung Cổ trong 75 ngày đã trở lại bình thường. Thậm chí Viện bảo tàng quốc gia từ ngày 01/08 còn tổ chức triển lãm về cuộc đấu tranh chống virus, nhưng chỉ những ai có thẻ căn cước Trung Quốc mới được vào.
Tuy nhiên, các cơ sở thương mại bị giảm phân nửa doanh thu, khách sạn hoạt động cầm chừng dù đã giảm giá. Nhà văn Phương Phương, tác giả "Nhật ký Vũ Hán" bị cấm tiếp xúc báo chí ngoại quốc, một nhà hoạt động nữ quyền đã nhận trả lời phỏng vấn của Le Monde rốt cuộc từ chối sau khi ủy ban khu phố đến làm việc.
Cũng về Vũ Hán, Le Monde cho biết nghệ sĩ lưu vong Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) từ Châu Âu đã thực hiện được một bộ phim về thành phố này trong thời kỳ phong tỏa, trong đó ông tố cáo phương pháp của chế độ.
Khoảng hơn một chục bạn bè, nhà đấu tranh đã giúp thực hiện cuốn phim, đa số bằng camera quay lén. Bộ phim tài liệu dài 1 giờ 50 phút trình bày hai tháng rưỡi Vũ Hán bị phong tỏa, trên mọi phương diện - từ sự tận tụy của đội ngũ nhân viên y tế cho đến việc từ chối giao tro cốt cho người thân, buộc phải có đảng viên đi kèm…
Ngải Vị Vị muốn cảnh báo phương Tây, rằng không quốc gia nào có thể huy động bằng ấy người lao vào chống dịch với cung cách quân sự như thế, tuy nhiên đây không phải là hình mẫu vì Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh nhân mạng.
Theo ông "chủ nghĩa tư bản nhà nước hiệu quả hơn tư bản dân chủ, và các thành phố hiện đại như Thượng Hải, Bắc Kinh tạo cảm giác giống như phương Tây. Tuy nhiên về văn hóa và ý thức hệ thì vô cùng khác biệt. Trung Quốc từ chối nhân quyền, độc lập tư pháp, tam quyền phân lập, quyền bầu cử. Không phải đảng đang lãnh đạo đất nước mà thực tế quyền hành trong tay chỉ một người. Nhưng Trung Quốc lại rất hùng mạnh". Vậy thì câu hỏi đặt ra là "Chúng ta muốn kiểu xã hội nào ? Châu Âu do dự, còn Hoa Kỳ chiến đấu".
Cuốn phim của Ngải Vị Vị chỉ có thể xem được trên internet, vì các liên hoan điện ảnh chính đều từ chối. Không ai muốn làm mất lòng Bắc Kinh, trong khi đây là bộ phim đầu tiên về Vũ Hán. Nghệ sĩ lấy làm tiếc : "Mọi người đều tự kiểm duyệt. Phương Tây không bảo vệ những giá trị của chính mình".
Thụy My
Sau các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) xung quanh các cáo buộc tham nhũng đã trở nên công khai.
Bức ảnh ghép cho thấy cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (trái) vỗ tay trong bài phát biểu của ông tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 16 tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 8/11/2002, Hồ Cẩm Đào (giữa), Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, vỗ tay ở Bắc Kinh, ngày 15/11/2002, và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vỗ tay ở Bắc Kinh, ngày 15/3/2008. Reuters/Andrew Wong/China Photos/Claro Cortes/Files
Vào thời điểm các cuộc đấu tranh phe phái trong Đảng cộng sản Trung Quốc đang nóng lên tại cuộc họp Beidaihe vào tháng này, tờ New York Times đã đăng một bài báo vạch trần sự giàu có của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình và các đồng minh ở Hồng Kông. Tuy nhiên, có một điều thú vị là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và phe của ông ta không được đề cập tới.
Mỗi mùa hè, các phe phái trong Đảng tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức, thảo luận về các chính sách quốc gia lớn và hoàn thiện các quyết định trong khi họp tại thị trấn nghỉ mát phía bắc Beidaihe, mặc dù các chi tiết được giữ bí mật.
Vào ngày 12 tháng 8, bài điều tra của tờ New York Times, với tiêu đề "Những ngôi nhà sang trọng ràng buộc giới tinh hoa cộng sản Trung Quốc với số phận của Hồng Kông", đã đưa ra tên, ngày tháng và giá chính xác của các biệt thự Hồng Kông thuộc sở hữu của Tập Cận Bình, Li Zhanshu, và Wang Yang, ba thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản, cơ quan ra quyết định hàng đầu của quốc gia. Mặc dù đây là một điều tra mới về một câu chuyện cũ, việc xuất bản vào thời điểm nhạy cảm này đã làm dấy lên một số nghi ngờ.
Bìa báo đã gián tiếp cho thấy sự phân chia phe phái rõ ràng. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại thuộc phe ông Tập đã bị cố tình tiết lộ, trong khi các ủy viên Ủy ban Thường vụ thuộc phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng như Hàn Chính và Triệu Lệ Dĩnh không được đề cập tới.
Tăng Khánh Hồng là một quan chức hàng đầu thuộc phe Giang Trạch Dân đã nghỉ hưu. Ông Tăng nhậm chức trưởng nhóm công tác Hồng Kông và Ma Cao đầu tiên vào năm 2003. Khi đó, Tăng Khánh Hồng là thành viên cấp cao thứ năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản ( nguyên phó chủ tịch nước).
Trước đó, Phó Thủ tướng Hàn Chính, quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc trực tiếp phụ trách các vấn đề Hồng Kông và là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, được cho là đứng đầu danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ trước khi danh sách được công khai. Có nhiều báo cáo trực tuyến nói rằng tài sản giấu kín của Hàn Chính ở nước ngoài có thể lên đến hơn 3,1 tỷ USD. Vợ của ông, Wan Ming, sở hữu 7% cổ phần của Greenland Holding Group. Con gái Han Xue, nhập tịch Úc và là người điều khiển công ty con của Greenland Group ở Úc. Người tình của Hàn Chính được cho là đã sống ở Úc trong đã lâu và sở hữu các khoản đầu tư ở Úc. Tuy nhiên, không có chi tiết nào được xác minh.
Tuy vậy, các bài báo của Trung Quốc ở đại lục đã nêu bật nạn tham nhũng trong phe của Giang Trạch Dân.
Vào ngày 10 tháng 8, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời Báo đưa tin rằng Ma Shaowei, "người giàu vô hình" của tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, bị cáo buộc kiếm hơn 10 tỷ nhân dân tệ (hơn 1,4 tỷ USD) từ khai thác than trái phép trong 14 năm qua.
"Trong 14 năm, Tập đoàn Kỹ thuật Công nghiệp & Thương mại Qinghai Xingqing, một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở chính tại Thanh Hải, đã bị tình nghi khai thác trái phép hơn 26 triệu tấn than tại mỏ than Juhugeng ở khu vực khai thác Muli, thu hơn 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,43 tỷ USD), " bài báo cho biết.
Theo bài báo này, hai quan chức cấp sở đã bị sa thải và đang bị điều tra. Cảnh sát đang sử dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với Ma, đồng chủ tịch của công ty Qinghai Xingqing Industry & Trade Engineering Group Corporation.
Rõ ràng, các lãnh đạo tỉnh ủy và chính quyền ở Thanh Hải không thể trốn tránh vai trò của mình trong việc để cho những hành vi bất hợp pháp như vậy tồn tại trong 14 năm qua. Vụ việc được cho là ám chỉ rõ ràng sự tham gia của Triệu Lệ Dĩnh, người thuộc phe Giang và hiện là bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát nội bộ của Đảng. Zhao là người gốc Thanh Hải và bắt đầu sự nghiệp chính trị ở tỉnh này vào năm 1975, và trở thành bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch tỉnh vào năm 2003.
Một báo cáo của tờ South China Morning Post ngày 11/8 cho biết Lai Xiaomin, cựu lãnh đạo của China Huarong Asset Management, đã nhận tội nhận hối lộ 1,79 tỷ nhân dân tệ (257,7 triệu USD) trong thời hạn 10 năm. Đây là số tiền tham nhũng cao nhất của một quan chức tham nhũng được Đảng cộng sản Trung Quốc công bố chính thức.
Sau khi Lai bị buộc tội hối lộ, tham nhũng và có hai vợ vào tháng 2 năm 2019, mọi người đã đặt câu hỏi ai là ô dù của ông ta. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng ông sở hữu "tam bách " – tức 100 biệt thự, 100 tình nhân và 100 mối quan hệ.
Giữ các vị trí chủ chốt tại Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Cục Điều tiết Ngân hàng Bắc Kinh, Lai đã chuyển rất nhiều lợi ích lớncho các gia đình quyền thế, như Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân, thông qua China Huarong. Lai là một nhân vật quan trọng trong giới kinh doanh thuộc phe Giang Trạch Dân ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Điều thú vị là hầu hết các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu trong phe của Giang và Tằng không bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Họ đã làm ăn nhiều năm tại Hồng Kông, Hoa Kỳ, các nước phương Tây khác và sở hữu khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài. Nếu quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi, mối đe dọa lớn nhất sẽ là tài sản của Giang và Tăng ở nước ngoài và ở Hồng Kông. Đây có thể là một trong những trọng tâm chính của cuộc đấu tranh nội bộ hiện tại trong Đảng cộng sản Trung Quốc.
Yang Wei
Nguyên tác : Media Indirectly Reveals Infighting Within Chinese Communist Party Leadership, The Epoch Times, 20/8/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 25/08/2020
Một số đại dịch đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử. Một số khác lại làm thay đổi bánh xe lịch sử. Vào thế kỷ 14, bệnh dịch hạch đã thay đổi lịch sử Châu Âu bằng việc tái sắp xếp trật tự sức mạnh kinh tế, chính trị và tôn giáo lâu đời, ngay cả khi trật tự mới này phải mất hàng thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ, mới lộ rõ. Trong lịch sử gần đây của Trung Quốc, bệnh dịch hạch Mãn Châu vào năm 1910 đã tạo ra một cú hích cuối cùng đối với Nhà Thanh vốn đã suy yếu, khiến Nhà Thanh sụp đổ vào năm sau đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - AFP
Đại dịch Covid-19 sẽ không khiến chế độ Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay sụp đổ ngay lập tức. Ngược lại, trong ngắn hạn, đại dịch cũng có thể giúp thắt chặt sự kìm kẹp độc đoán của chế độ đối với người dân Trung Quốc. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đảo ngược các chính sách "cải cách và mở cửa" vốn đã mang lại cho Trung Quốc 40 năm thịnh vượng nhất trong lịch sử hiện đại. Với việc đảo ngược các chính sách thành công trước đó, Tập Cận Bình đã làm suy yếu chế độ của ông ít nhất trên 4 khía cạnh : Quản trị đất nước, tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội, và uy tín quốc tế. Mặc dù chế độ cai trị độc đoán của Tập Cận Bình dường như an toàn vào lúc này, nhưng đại dịch đã đẩy nhanh tất cả 4 xu hướng. Khi áp lực lên Tập Cận Bình gia tăng, ông và những người thân cận dễ có xu hướng hành động thiếu suy nghĩ để bảo vệ quyền lực của họ.
Từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2012, Tập Cận Bình đã không còn trao quyền ra quyết định cho các cơ quan và tổ chức chính phủ, bắt đầu với Quốc vụ viện. Thủ tướng Lý Khắc Cường, người đứng đầu chính phủ trên danh nghĩa, đã bị gạt sang lề, và thay vào đó Tập Cận Bình trao quyền cho các tổ chức của đảng mà ông kiểm soát và cho cá nhân ông.
Ngay cả khi củng cố quyền lực bằng cách cải tổ các thể chế quản trị của Trung Quốc xung quanh mình, Tập Cận Bình cũng bắt đầu sử dụng một công cụ sắc bén hơn rất nhiều : chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch này dần chuyển trọng tâm từ theo dõi những hành vi tài chính bất thường và sự suy đồi đạo đức sang kiểm soát tính chính thống về tư tưởng và trên hết là lòng trung thành của các cán bộ đối với Tập Cận Bình. Sự thay đổi trọng tâm này cho thấy rõ rằng về bản chất, chiến dịch này là một cuộc thanh trừng chính trị. Nó trừng phạt những ai cản trở sự thăng tiến của Tập Cận Bình lên vị trí đứng đầu của đảng, loại bỏ những đối thủ tiềm năng, và giải tán các phe phái gây tổn hại tới lợi ích của Tập Cận Bình. Các cơ quan chống tham nhũng có vị trí chắc chắn trong bộ máy quan liêu đảng-nhà nước.
Việc Tập Cận Bình định hình lại các thể chế đảng-nhà nước và các chiến dịch chống tham nhũng đã có tác động mạnh mẽ tới các đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như các nhân viên chính phủ. Phong cách cai trị của Tập Cận Bình đã làm chậm quá trình ra quyết định ở mọi cấp trong bộ máy nhà nước và dập tắp những giải pháp chính sách mà các cán bộ gần như thụ động có lẽ từng đề xuất cho các vấn đề chính sách. Trong khi đó, trong bộ máy quan liêu trung ương và các bộ chủ quản, quyền lực ngày càng tập trung vào "ban lãnh đạo cốt lõi" : các quyết định phải đợi Tập Cận Bình và những người thân cận của ông phê chuẩn.
Một phụ nữ đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 đi qua bức họa vẽ Chủ tịch Tập Cận Bình ở Vũ Hán hôm 11/4/2020 AFP
Do vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu tháng 1, các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã trì hoãn 2 tuần trước khi áp đặt các biện pháp cách ly hà khắc đối với Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, sau đó là phần lớn Trung Quốc. Sự chậm trễ đã khiến vô số người Trung Quốc (và người nước ngoài) phải đánh đổi bằng mạng sống và nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc và thế giới, cho thấy nhược điểm của quá trình ra quyết định khi chỉ dựa vào một người duy nhất. Nếu các hệ thống cảnh báo được ca tụng của Trung Quốc - vốn được thiết lập sau dịch SARS năm 2003 - thực sự hoạt động, thì đại dịch năm nay có thể được ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu.
Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc quay ngược về thời điểm Đặng Tiểu Bình bắt đầu nỗ lực khôi phục nền kinh tế Trung Quốc bằng việc mở cửa cho đầu tư và thương mại nước ngoài và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân. Về lý thuyết, những gì lớn hơn phải tốt hơn, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) trong ngành luyện thép, vận tải biển, đóng tàu, và các ngành công nghiệp nặng khác đã được tái kết hợp và sau đó nuốt chửng các công ty nhà nước bé hơn. Khi Chu Dung Cơ rời khỏi vị trí thủ tướng vào năm 2003, ông đã thấy trước con số các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền sở hữu của chính quyền trung trương bị thu hẹp trong 5 năm từ khoảng 180 doanh nghiệp xuống còn khoảng 15 doanh nghiệp, tất cả đều hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia như viễn thông và năng lượng. Hiện nay, còn có khoảng 100 "doanh nghiệp nhà nước trung ương", tổng số đã bị giảm chủ yếu thông qua hoạt động hợp nhất. Dường như có rất ít ý nghĩa kinh tế trong quá trình sụt giảm này : Các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng hàng triệu người, nhưng chiếm không quá 1/4 sản lượng quốc gia và thu hút 80% tín dụng ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản nếu theo kiểm toán của Big Four (4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới). Bằng việc giành được một số lượng lớn các khoản vay ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước lấn át các công ty tư nhân nhanh nhạy và tạo ra việc làm.
Tuy nhiên, các chính sách công nghiệp của Tập Cận Bình có lẽ ít mang ý nghĩa về kinh tế mà mang tính chính trị nhiều hơn - đó là chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ngay cả khi ông ta ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời Tập Cận Bình cũng đã thắt chặt hoạt động kiểm soát đảng ở cả các công ty nhà nước và tư nhân. Trong khu vực nhà nước, trong đó có cả các doanh nghiệp nhà nước ở Hong Kong, các điều lệ thành lập doanh nghiệp đã bị sửa đổi, cho thấy bí thư đảng trong các công ty là người đưa ra quyết định chính. Cấp bậc điều hành của những công ty này đã được cải tổ để những người trung thành với Tập Cận Bình đảm nhận những công việc ở cấp cao nhất. Các giám đốc điều hành cấp cao chính là những đảng viên. Trong khu vực tư nhân, mặc dù ít công khai hơn, nhưng cũng có những thay đổi tương tự, với các đảng bộ hiện được đặt rộng rãi trong cả công ty Trung Quốc lẫn công ty nước ngoài.
Trong số tất cả những mối lo ngại của họ đối với nền kinh tế sau đại dịch, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc lo lắng nhất về việc làm. Đúng như vậy, vì việc duy trì công ăn việc làm và có thu nhập sẽ quyết định cả sự tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Các thống kê chính thức cho thấy GDP trong quý đầu tiên đã sụt giảm 6,8%, một con số thấp đến mức nực cười đối với một nền kinh tế mà trong đó hàng trăm triệu người dân thất nghiệp. Lệnh phong tỏa và cách ly ở địa phương trên thực tế khiến hầu hết mọi hoạt động di chuyển của người dân và hàng hóa trong nền kinh tế tạm dừng. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi đưa ra ước tính có 80 đến 100 triệu người vẫn không có việc làm, có lẽ con số đó còn cao hơn nếu người ta tính đến cả lao động nhập cư, những người báo cáo cho nhà máy chỉ để rồi bị sa thải khi các nhà máy đóng cửa lần nữa vì thiếu đơn đặt hàng.
Triển vọng kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn vì dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp. Thực tế, Trung Quốc trở nên già đi trước khi trở nên giàu có. Tập Cận Bình đã lên kế hoạch kỷ niệm năm 2020 là năm Trung Quốc thực hiện lời hứa của đảng mang lại cho công dân Trung Quốc "một xã hội khá giả toàn diện", nhưng dịch bệnh này chỉ tạo thêm những thách thức mới đối với việc đạt được mục tiêu này.
Đại dịch Covid-19 cũng đã phơi bày những chia rẽ trong xã hội Trung Quốc giữa giàu và nghèo, thành thị và nông thôn, và các tỉnh ven biển và nội địa. Những chia rẽ này không mới nhưng ngày càng lớn hơn trong ít nhất 2 thập kỷ. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng xác định những chia rẽ đó trong các bài phát biểu của ông trước Đại hội đại biểu nhân dân và cho rằng chúng không bền vững. Dù có những lời nói đãi bôi từ Tập Cận Bình, nhưng hầu như không có việc gì được hoàn thành để cải thiện tình trạng mất cân bằng dai dẳng này kể từ khi Ôn Gia Bảo kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013.
Người Tây Tạng, Uighur tập trung bên ngoài Nhà Trắng ở Mỹ hôm 16/9/2015 để phản đối Chủ tịch Tập Cận Bình Reuters
Lệnh phong tỏa và cách ly đã khiến Trung Quốc vỡ vụn thành nhiều mảnh, nhiều lao động nhập cư đã bị mắc kẹt ở xa và không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Những câu chuyện về giai cấp vô sản lưu manh sống ở gầm cầu trên đường cao tốc hoặc trong những bãi đất trống phủ sóng khắp truyền thông xã hội Trung Quốc, nhiều người phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử ở những thành phố mà họ bị mắc kẹt. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, cảnh sát, "các ủy ban khu phố", và lực lượng dân phòng tự phong đã được triển khai để thực hiện hoạt động cách ly, chiến thuật của họ đã gợi lại rất rõ những giai đoạn trước đó của "cuộc đấu tranh". Việc sử dụng các camera giám sát được lắp đặt trên khắp Trung Quốc của Tập Cận Bình đã gia tăng tác động của việc huy động nguồn lực ồ ạt để đối phó với đại dịch. Được thử nghiệm lần đầu tiên để giám sát người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các kỹ thuật - camera CCTV phổ biến, công nghệ nhận diện khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo và mã QR - đã cho phép cảnh sát và các cơ quan chức năng khác theo dõi hành vi và hoạt động của người dân theo cách chưa từng thấy trước đây. Các công nghệ này cho phép chính quyền thu thập được nhiều thông tin về người dân.
Hơn nữa, sự kiểm soát của chế độ về mặt thông tin tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 nhanh chóng lan ra ngoài Vũ Hán, tới các khu vực xung quanh, và chẳng bao lâu sau đã lây lan ra khắp cả nước, mọi nơi mà người dân từ Vũ Hán tới đó vào tháng 1, trước kỷ nghỉ Tết Nguyên đán. Một câu chuyện nổi tiếng về bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, người phát hiện ra "virus corona chủng mới tương tự như SARS" ở các bệnh nhân tại Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020 và đã thông qua truyền thông xã hội cảnh báo cho các đồng nghiệp về virus này. Các nhà kiểm duyệt đã bắt gặp tin nhắn của Lý Văn Lượng, và cảnh sát địa phương đã bắt giữ ông và buộc ông phải thú nhận tội phát tán thông tin trái phép. Nếu người ta chú ý tới lời cảnh báo của Lý Văn Lượng và giới chức Vũ Hán chia sẻ thông tin với công chúng, thì đại dịch rất có thể đã được ngăn chặn ngay trước khi nó khởi phát.
Khi chính Lý Văn Lượng sau đó bị nhiễm virus và chết vì mắc Covid-19, công chúng Trung Quốc đã phá vỡ tường chắn của các nhà kiểm duyệt thể hiện sự phẫn nộ đối với chế độ đảng-nhà nước, việc họ thao túng thông tin và coi thường sức khỏe người dân. Các nhà kiểm duyệt yêu cầu đúng 10 ngày để đưa những lời bày tỏ công khai này trở lại tầm kiểm soát, và sau đó họ đã bắt đầu quảng bá câu chuyện của chính mình, mà cuối cùng đã biến Lý Văn Lượng thành một kẻ "tử vì đạo" cho Trung Quốc. Sự phẫn nộ của công chúng cho thấy họ mất lòng tin sâu sắc vào chế độ và thể hiện sự tức giận đối với các chiến thuật giải quyết mà chế độ đang áp dụng.
Tập Cận Bình thậm chí đã từ bỏ chính sách đối ngoại "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11/2017, Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu rất dài khai mạc Đại hội Đảng XIX, đặt ra một tầm nhìn thúc đẩy phương thức quản trị của Trung Quốc như một lựa chọn thay thế cho các mô hình dân chủ của phương Tây.
Để thể hiện tầm nhìn này, Bắc Kinh đã sớm đưa ra một loạt tuyên bố mới. Hành động được đi kèm với lời nói để lập nên các thể chế mới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Các hành lang giao thông và các liên kết trao đổi thông tin mới lan tỏa từ Bắc Kinh được phát triển theo sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), được xây dựng do Trung Quốc bỏ vốn và chỉ định nhà thầu của nước này xây dựng. Vào thời điểm Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân biển khơi và tìm cách bảo vệ các tài sản của nhà nước-đảng ở nước ngoài, cơ sở hạ tầng BRI tạo cơ hội cho các căn cứ quân sự và trung tâm logistic, một hình thức khác của hợp nhất dân sự-quân sự mà Tập Cận Bình chủ trương ở trong nước. Là sáng kiến chính sách đối ngoại mang dấu ấn Tập Cận Bình, BRI được đưa vào điều lệ của đảng và hiến pháp quốc gia, đảm bảo sự tôn nghiêm và nguồn tài trợ nhà nước dồi dào.
Để bổ sung cho BRI, Tập Cận Bình nỗ lực thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Một tập đoàn tài chính quốc tế lớn gồm những người đóng góp và thụ hưởng được thành lập xung quanh AIIB, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Ngân hàng mới này trở thành một mảnh ghép khác trong công trình mà Tập Cận Bình đang xây dựng như một lựa chọn thay thế cho trật tự quốc tế tự do vốn đã phát triển sau Chiến tranh thế giới thứ hai dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Tuy nhiên, với tư cách là bên hưởng lợi chính, Trung Quốc của Tập Cận Bình tiếp tục sử dụng trật tự đó - Tổ chức Thương mại thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và hệ thống của Liên hợp quốc - để đem lại lợi thế cho Trung Quốc.
Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các nước khác đã buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, nếu không phải vì sự bùng phát virus, thì chắc chắn là vì sự lây lan nhanh chóng của nó, Tập Cận Bình đã khuyến khích và tập trung thực hiện một phong cách "ngoại giao" thô lỗ, hiếu chiến và mang tính đe dọa. Phong cách ngoại giao này được đặt tên là "ngoại giao chiến lang" theo tên một bộ phim bom tấn của Trung Quốc, và đã được những phát ngôn viên ở Bắc Kinh và các phái viên của Trung Quốc ở nước ngoài sử dụng. Ở nhiều nước như Australia, Pháp và Thụy Điển - chính sự đối nghịch với chính sách ngoại giao truyền thống này đã làm mất lòng các nước chủ nhà và tỏ ra hoàn toàn phản tác dụng. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc "kiểm soát câu chuyện" bằng cách thao túng Tổ chức Y tế thế giới chỉ khiến cộng đồng quốc tế mất lòng tin sâu sắc với nước này.
Trong chế độ chuyên chế được cá nhân hóa cao mà Tập Cận Bình đứng đầu, vị trí của chính ông dường như được đảm bảo vào thời điểm này. Nhờ vào sự tích lũy quyền lực có hệ thống, và các chiến dịch chống tham nhũng không giới hạn đã dọn sạch đường, thông qua những phụ tá đáng tin cậy của ông, Tập Cận Bình kiểm soát quân đội riêng của Đảng, PLA ; lực lượng bán quân sự Cảnh sát vũ trang nhân dân được sử dụng để trấn áp sự nổi loạn trong nước ; và các cơ quan an ninh trong nước. Bộ máy an ninh trong nước không chỉ cung cấp cận vệ cho Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác, mà còn giám sát hoạt động truyền thông và hoạt động của các ủy viên trung ương, các sĩ quan cao cấp, và có tầm quan trọng tối cao với Tập Cận Bình, các lãnh đạo đảng đã về hưu như Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ.
Covid-19 đã buộc Tập Cận Bình phải từ bỏ mục tiêu "xã hội khá giả toàn diện". Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc tốn kém được lên kế hoạch vào năm 2021 - các cuộc diễu hành và các sự kiện văn hóa giống như dịp Quốc khánh mà ông đã tổ chức vào năm 2019 - hiện sẽ bị giảm bớt đi, mặc dù Tập Cận Bình sẽ vẫn là ngôi sao. Tuy nhiên, năm 2022 có thể trở thành "năm định mệnh" khi các đối thủ quanh ông có thể kết hợp lại. Tập Cận Bình đã hứng chịu chỉ trích lớn khi ông lên kế hoạch bãi bỏ giới hạn nhiều kỳ của ông trong Đảng và nhà nước. Những chỉ trích này đã im lặng, nhưng không biến mất. Nếu vào thời điểm trước khi Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra Tập Cận Bình cảm nhận được sự chống đối xuất hiện trong các nhân vật có ảnh hưởng trong đảng, có thể có một vài người trong chính phe của ông, thì ông rất dễ gây ra những chia rẽ hoặc các cuộc khủng hoảng mà chỉ ông mới có thể giải quyết.
Lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy những xích mích giữa các đảng viên nắm giữ chức vụ cao có thể dẫn đến sự nhiễu loạn chính sách, bất ổn trong nước, và đôi khi là hành vi khiêu khích ngoài biên giới Trung Quốc. Mặc dù không thể chứng mình nguyên nhân và kết quả, chúng ta có thể liên tưởng với cuộc khủng hoảng Kim Môn và Mã Tổ vào năm 1954, Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, giao tranh ở biên giới Liên Xô năm 1969, có thể cả việc Trung Quốc xâm chiếm Viêt Nam năm 1979.
Chính sách đối ngoại Trung Quốc theo truyền thống vốn thận trọng, và những ồn ào ngoại giao luôn phải nhường chỗ cho những giải pháp kín tiếng. Nhưng Tập Cận Bình không phải là một nhà lãnh đạo Trung Quốc theo kiểu truyền thống như vậy. Trái lại, ông đã tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc như một trụ cột cho tính hợp pháp của Đảng. Điều đó có thể gây kích động. Tập Cận Bình dường như đang thực hiện các bước đi khiêu khích để tận dụng việc thế giới đang phân tâm vì đại dịch, cũng như có thể củng cố lý lẽ chính đảng ủng hộ khả năng không thể thiếu của ông. Đe dọa Đài Loan, các hành động gây hấn ở biển Đông, Luật an ninh quốc gia Hong Kong, và các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới Ấn Độ - những hành động này nâng chiều hướng của các chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình lên các cấp độ nguy hiểm hơn. Với tất cả những tham vọng đó của ông ta, sẽ khiến Trung Quốc cộng sản sụp đổ trong tương lai.
Nếu Trung Quốc sụp đổ và kết thúc sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc thì điều đó sẽ mở ra một trang sử mới cho thế giới, đặc biệt là với Việt Nam - quốc gia có cùng hệ thống chính trị độc đảng như của Trung Quốc. Mặc dù được coi là có chung ý thức hệ và hệ thống chính trị giống nhau, tuy nhiên, Trung Quốc luôn "cậy lớn hiếp yếu" trong các quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là trên Biển Đông. Năm 1988, Trung Quốc đã cho quân tấn công lính công binh của Việt Nam để chiếm lấy Gạc Ma thuộc Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc dùng sức mạnh để đe dọa Việt Nam khai thác hải sản và các tài nguyên dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Năm 2017 và 2018, trước sức ép của Trung Quốc, Việt Nam đã phải yêu cầu công ty Repsol rút khỏi Lô 136.3 và 07.3, và Việt Nam đã phải bồi thường hàng tỉ USD cho công ty này khi yêu cầu họ rút khỏi các hoạt động khai thác. Mới đây nhất, Việt Nam đã phải ngưng ý định khai thác mới tại Lô 06.1 cho dù phải trả tiền thuê giàn khoan thăm dò từ tập đoàn Noble.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã sao chép chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình để tiêu diệt các đối thủ chính trị của mình, nhằm thâu tóm quyền lực. Chính vì vậy, nếu Trung Quốc suy yếu, thì đây sẽ là cơ hội cho người dân Việt Nam yêu cầu đảng cộng sản phải mở rộng không gian tự do, dân chủ, thoát khỏi ảnh hưởng và đe dọa từ Trung Quốc.
Nguyễn Trường
Nguồn : RFA, 20/08/2020
Trung Quốc, quốc gia đánh cá lậu số 1 thế giới : Quốc tế làm gì để đối phó ?
Trọng Thành, RFI, 19/08/2020
Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông năm 2020 hết hiệu lực hôm thứ Hai, 16/08. Việt Nam, Philippines và một số quốc gia láng giềng khác lo ngại tàu cá Trung Quốc tràn ngập các khu vực khai thác hải sản truyền thống của mình. Tuy nhiên, hạm đội tàu cá của Trung Quốc, với các hoạt động đánh cá lậu được coi là đứng đầu thế giới, cũng đang ngày càng trở thành mối đe dọa đối với nhiều nơi.
Một bãi biển thuộc quần đảo Galapagos (Ecuador), khu bảo tồn được UNESCO xếp hạng "di sản nhân loại", nơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc áp sát, tháng 7/2020. ©
Các hoạt động đánh cá lậu của Trung Quốc có quy mô thế nào ? Quốc tế làm gì để đối phó với Trung Quốc ? Chuyên mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin báo chí về vấn đề này.
***
1. Tại sao nói Trung Quốc là quốc gia đánh cá bất hợp pháp số 1 thế giới ?
Theo tổ chức WWF (Quỹ Thiên Nhiên Hoang Dã Thế Giới), hơn 800 triệu người trên thế giới sống dựa vào nghề khai thác hải sản. Thế nhưng nguồn lợi hải sản hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động "khai thác không bền vững", các hoạt động đánh cá lậu, không được công bố, không được điều chỉnh bằng các quy định (illegal, unreported and unregulated / IUU). Các hoạt động khai thác hải sản lậu chiếm khoảng từ "12 đến 18% sản lượng khai thác toàn cầu, và góp phần vào việc khai thác cạn kiệt các đại dương, phá hủy các hệ sinh thái". Tổng thiệt hại chỉ riêng do đánh cá lậu mang lại ước chừng từ 8 đến 19 tỉ euro.
Trong một bài viết trên trang mạng của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Claude Berube, giảng viên Học viện Hải Quân Mỹ, cũng nêu ra con số 20% sản lượng hải sản khai thác trên thế giới là do các hoạt động đánh bắt lậu (riêng tại Hoa Kỳ, số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp ước tính cũng khoảng 20 đến 30%, và số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp tại nhiều nơi khác còn cao hơn). Giảng viên Học viện Hải quân Mỹ cũng lưu ý đến con số 30% số tàu đánh cá trên thế giới là của Trung Quốc. Hiệp hội ODI, chuyên theo dõi lĩnh vực này, trong một báo cáo chi tiết hồi 2016, đã cho biết lực lượng tàu cá đánh bắt biển xa (DWF) của Trung Quốc có "quy mô lớn nhất thế giới", với khoảng 17.000 tàu cá, cao hơn gấp từ 5 đến 8 lần so với các ước tính trước đó (1). Khoảng 1.000 tàu Trung Quốc đánh bắt biển xa được đăng ký với cờ hiệu của các nước khác. Ít nhất, gần 200 tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động đánh cá lậu. Để so sánh, chúng ta biết lực lượng đánh cá biển xa của Mỹ chỉ có khoảng 300 tàu (theo trang mạng chuyên về môi trường Yale).
Theo bảng xếp hạng Index IUU (illegal, unreported and unregulated / IUU), về đánh bắt cá lậu, khai thác bừa bãi, của cơ quan chống các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative Against Transnational Organized Crime), có trụ sở tại Genève, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng 152 nước.
Một trong các ví dụ tiêu biểu ví dụ tiêu biểu cho các hoạt động đánh cá lậu quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là việc chính quyền Peru bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc Damanzaihao, vì khai thác cá lậu, và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển Peru. Tàu Damanzaihao được coi là "tàu đánh cá - xưởng chế biến hải sản trên biển lớn nhất thế giới", có khả năng xử lý đến 547.000 tấn cá một năm. Năm 2016, tàu bị chính quyền Peru phạt nhiều triệu đô la, vì đánh cá lậu.
Phóng viên điều tra Ian Urbina, trong một bài viết trên mạng Yale Environment 360, cho biết Trung Quốc không chỉ là "nhà xuất khẩu hải sản số một thế giới", mà bản thân Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ đến "hơn một phần ba lượng hải sản toàn cầu" hàng năm. Sau khi đánh bắt hải sản cạn kiệt tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong những năm gần đây, hạm đội tàu cá Trung Quốc đã vươn xa hơn, đặc biệt là tại vùng biển tây Châu Phi và Nam Mỹ, là nơi các quốc gia ven bờ ít có phương tiện kiểm soát vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế quốc gia mình. Tàu cá Trung Quốc đánh bắt xa thường có trọng tải rất lớn, một tuần đánh cá của tàu Trung Quốc tại các vùng biển Senegal hay Mêhicô bằng thuyền bè địa phương đánh bắt trong cả năm. Theo nhà báo Ian Urbina, chỉ riêng lượng mực Trung Quốc khai thác tại các vùng biển quốc tế chiếm từ 50 đến 70% lượng mực thế giới khai thác tại vùng biển này.
Hoạt động đánh bắt lậu hải sản của Trung Quốc ắt hẳn có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã biết. Hồi cuối tháng trước (tháng 7/2020), truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi thông tin về các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Bắc Triều Tiên. Tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận Outlaw Ocean Project, có trụ sở tại Washington, dựa trên các dữ liệu vệ tinh trong hai năm gần đây, đã vén lộ hoạt động của tàu cá công nghiệp Trung Quốc quy mô lớn, tại một khu vực ít ngờ cho đến này. Năm ngoái, có ít nhất gần 800 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng biển này, khu vực vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm, trong khuôn khổ các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Các dữ liệu vệ tinh nói trên cũng được cơ quan theo dõi nghề cá Global Fishing Watch và nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản phân tích, được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
2. Thế giới đối phó ra sao với hiện tượng tàu của Trung Quốc khai thác hải sản bất hợp pháp ?
Trước hết về mặt truyền thông, việc các tổ chức điều tra, quan sát theo dõi sát các hoạt động khai thác hải sản của Trung Quốc cũng buộc Trung Quốc phải dè chừng. Một ví dụ mới nhất : Giữa tháng 7/2020, việc một hạm đội tàu cá hơn 280 chiếc của Trung Quốc áp sát vùng bảo tồn biển thuộc quần đảo Galapagos trên Thái Bình Dương (của Ecuador), một khu bảo tồn biển được UNESCO xếp hạng, cách bờ tây của Ecuador khoảng 1.000 km, đã được các tổ chức quan sát biển theo sát, truyền thông loan tải rộng rãi. Việc đội tàu cá Trung Quốc hiện diện đông đảo tại khu vực bảo tồn biển hết sức quý giá này, bị đông đảo giới bảo vệ môi trường coi là một hành động khiêu khích.
Ông Tony Long, chủ tịch của Global Fishing Watch, cho đài France 24 biết là "nhiều tàu trong số đội tàu trên đã từng tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá lậu (IUU)". Lần này, các tàu Trung Quốc hoạt động sát vùng ranh giới của vùng bảo tồn biển Galapagos. Mặc dù, không xâm nhập vào khu vực bảo tồn biển, nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng các loài sinh vật biển trong khu bảo tồn, bởi nhiều loài trong đó, bao gồm các loài cá mập quý hiếm, vốn là các loài cá di cư, và chúng thường xuyên rời khỏi khu vực bảo tồn để ra vùng biển khơi, nơi chúng dễ dàng trở thành mồi ngon cho các tàu cá Trung Quốc.
Năm 2017, chính quyền Ecuador từng bắt giữ tàu cá Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999, với 300 tấn hải sản, ngay trong khu vực bảo tồn, trong số hải sản trên tàu bị thu giữ có nhiều cá mập nằm trong danh sách các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Lần này, trên thực tế, tàu Trung Quốc chưa thâm nhập vào khu bảo tồn, có thể là do sự theo dõi sát sao của giới bảo vệ môi trường, thế nhưng chỉ riêng việc các tàu cá Trung Quốc khai thác quy mô lớn trên vùng biển quốc tế đã có thể để lại các thiệt hại khó vãn hồi. Một số ngư dân Ecuador cho biết đã chứng kiến các tàu cá Trung Quốc với dây câu dài đến 100 km (2).
Phát biểu đầu tháng 8/2020, đại sứ Trung Quốc tại Ecuador khẳng định các hoạt động đánh bắt của tàu Trung Quốc trên vùng biển quốc tế, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos, của Ecuador, là "hoàn toàn hợp pháp", và "không đe dọa bất cứ ai". Trước đó, ngày 02/08, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Bắc Kinh về vấn đề này, và khẳng định sẵn sàng trợ giúp Ecuador cũng như tất cả các quốc gia bị đe dọa bởi "các tàu đánh cá Trung Quốc, hoạt động phi pháp và sử dụng các kỹ thuật đánh cá vô trách nhiệm".
3. Phải chăng quốc tế gần như cơ bản là bất lực trước các hoạt động đánh bắt lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi của Trung Quốc ?
Như chúng ta thấy, hoạt động của nhiều tổ chức bảo vệ nghề cá, bảo vệ môi trường phi chính phủ, và truyền thông quốc tế trong thời gian qua, đã có một số tác dụng nhất định. Và nạn đánh bắt cá lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi cũng liên quan đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, cho dù Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, gần đây, đã ra đời một công cụ pháp lý quốc tế quan trọng (Port State Measures Agreement - PSMA), được coi là thoả thuận pháp lý quốc tế mang tính cưỡng chế đầu tiên nhằm chống nạn khai thác cá lậu, khai thác bừa bãi (IUU). Nguyên tắc chính của Thỏa thuận này, là ngăn chặn không để các tàu tham gia vào các hoạt động khai thác cá lậu (IUU) cập cảng các nước, trên toàn thế giới.
Thoả thuận PSMA, ra đời năm 2016 và đã bắt đầu có hiệu lực, có khả năng cưỡng chế rất lớn so với các quy định trước đó. Theo đại diện của Greenpeace ở Bắc Kinh, trước đây các doanh nghiệp vi phạm chỉ phải trả tiền phạt, kể từ giờ thuyền trưởng các tàu đánh bắt lậu sẽ bị tước quyền hoạt động 5 năm, chủ doanh nghiệp bị cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm. Nếu Bắc Kinh gia nhập Thỏa thuận này, ngoài chuyện cấm tàu vi phạm cập cảng, chính quyền Trung Quốc cũng sẽ phải có trách nhiệm điều tra các tàu cá vi phạm, theo luật Trung Quốc, và theo các hiệp ước quốc tế, mà Bắc Kinh tham gia. Hồi năm 2017, Bắc Kinh hứa sẽ tham gia Thỏa thuận quốc tế này (3).
Bên cạnh việc quốc tế gây áp lực để Trung Quốc sớm tham gia Thỏa thuận PSMA, các quốc gia liên quan cũng cần có các biện pháp tự vệ phù hợp. Cụ thể như trong trường hợp Ecuador, theo nhà hoạt động môi trường Inty Grønneberg , chính quyền Ecuador cần "tuyên bố quyền chủ quyền đối với khu vực coil lang trên biển dài 200 hải lý, nối liền vùng đặc quyền kinh tế ven bờ biển Ecuador với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos", với lý do bảo vệ luồng di cư của các loài hải sản quý giữa lục địa và quần đảo được UNESCO xếp hạng, nhằm ngăn chặn hoạt động của các tàu cá nước ngoài trong khu vực. Ecuador cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ này.
Sự phối hợp giữa các cường quốc biển, như Hoa Kỳ, với các quốc gia ven bờ, cũng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy việc đẩy lùi nạn đánh bắt cá trộm. Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2020 (National Defense Authorization Act), việc chống đánh bắt cá trộm, khai thác hải sản bừa bãi (IUU) cũng được coil à một vấn đề an ninh quốc gia .
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 19/08/2020
(1) ODI - Overseas Development Institute, có trụ sở tại Luân Đôn, là một hiệp hội phi chính phủ có uy tín trong lĩnh vực này
(2) "Une flotte géante de navires chinois pêche en bordure des Galapagos, ONG et habitants lancent l’alerte ", France 24, 6/8/2020
(3) "China is key to closing ports to illegally caught fish", Savingseafood.org, 28/10/2019
********************
Một cựu giáo sư Trường Đảng Trung Ương của Trung Quốc vừa đưa ra những tiết lộ hiếm hoi về việc nhân vật số 1 tại Bắc Kinh là Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một sự phản đối rộng rãi ngay nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Anh The Guardian được công bố vào hôm qua, 18/08/2020, người trong cuộc này còn cho rằng "quyền lực độc tôn" của ông Tập đã biến Trung Quốc thành "kẻ thù của thế giới".
Theo nhật báo Anh, người đưa ra những tiết lộ và cáo buộc nặng nề nhắm vào chủ tịch Trung Quốc, là bà Thái Hà (Cai Xia), nguyên là một giáo sư tên tuổi, từng giảng dạy tại trường Đảng Trung Ương, nơi đào tạo các quan chức hàng đầu của Trung Quốc.
Bà Thái Hà đã bị khai trừ Đảng hôm thứ Hai 17/08 vừa qua sau khi một đoạn ghi âm những lời chỉ trích của bà nhắm vào ông Tập Cận Bình bị rò rỉ trên mạng vào tháng Sáu. Trong một thông báo, trường Đảng Trung Ương Trung Quốc giải thích là vị giáo sư giảng dạy tại trường từ năm 1992, đã đưa ra những nhận xét "làm tổn hại thanh danh của đất nước" và đầy rẫy "những vấn đề chính trị nghiêm trọng".
Từ năm ngoái, bà Thái Hà đã sang Mỹ sinh sống. Trong bài phỏng vấn đầu tiên, hôm thứ Ba, ngày 18/08, sau khi bị khai trừ Đảng, bà khẳng định rằng bà rất "vui khi được khai trừ" vì "dưới chế độ của Tập Cận Bình, Đảng cộng sản Trung Quốc không còn lực lượng thúc đẩy đất nước đi lên, mà là một trở ngại đối với sự tiến bộ của Trung Quốc".
Vị cựu giáo sư cho rằng bà "không phải là người duy nhất muốn rời khỏi Đảng mà còn nhiều người khác cũng muốn rút lui hoặc bỏ Đảng này". Về phần mình, bà đã có ý định từ bỏ Đảng nhiều năm trước đây khi thấy rằng không còn chỗ để lên tiếng và tiếng nói của bà bị bóp nghẹt hoàn toàn".
Trong bài phỏng vấn, bà Thái Hà nhắc lại lời cáo buộc ông Tập Cận Bình là đã "giết cả một đất nước". Theo bà, hiện đã có một sự phản đối rộng rãi trong nội bộ Đảng, nhưng ít người dám lên tiếng vì sợ bị trả thù chính trị, bằng hình thức kỷ luật nội bộ và cáo buộc tham nhũng. Trong một môi trường như vậy, bà Thái Hà cho rằng việc ông Tập Cận Bình có "quyền lực không được ai kiểm soát" và nắm trong tay mọi quyền quyết định quan trọng đã dẫn đến những sai lầm không thể tránh khỏi như sự bùng phát của dịch Covid-19.
Theo The Guardian, những nhận xét trên đây, từ một người từng ở thượng tầng của chế độ - một số lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Hồ Cẩm Đào cũng như Tập Cận Bình đều là người đứng đầu Trường Đảng Trung Ương - rất đáng chú ý và có khả năng gây nguy hiểm cho giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Những nhận định của bà Thái Hà, sẽ vang dội trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như trên toàn quốc, vì những lời chỉ trích công khai như vậy từ trong nội bộ Đảng là một điều cực kỳ hiếm.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 19/08/2020
Lebanon họa vô đơn chí, TikTok và các công ty khởi nghiệp Hoa lục lâm vào bế tắc, 75 năm Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, Covid 19 là những chủ đề chung trên báo Pháp hôm nay.
Thứ Ba 04/08 lúc 18 giờ 10, Beyrouth bị tàn phá trong hai vụ nổ kinh hoàng từ kho hàng tồn trữ 2750 tấn nitrate nhôm. Báo Le Monde minh họa trên trang nhất bức ảnh một cao ốc trơ sườn trong khói lửa mịt trời. Hơn 100 người chết và 4000 bị thương theo tổng kết thiệt hại ban đầu. Một thảm họa cho đất nước Lebanon đang trên đà sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, chính trị không lối thoát.
Hỗn loạn : tựa ngắn trên Libération kèm với nhận định, người dân Lebanon đã kiệt lực vì khủng hoảng kinh tế, chính trị, nay bị vụ nổ hóa chất làm cho họ vừa căm giận vừa tuyệt vọng.
Le Figaro, La Croix cùng chia sẻ định mệnh hẩm hiu của người dân Lebanon : phẫn nộ và không hiểu vì sao nên nỗi. Chính quyền Lebanon bị cho là thủ phạm chính vì thiếu trách nhiệm.
Thương cảng Beyrouth còn là động cơ kinh tế của Lebanon. Nhật báo công giáo lưu ý. Nhưng làm sao giúp Lebanon ? La Croix cho biết nhiều nước, trong đó có Pháp, đã nhanh chóng gửi viện trợ cần kíp cho Lebanon, nhưng tái thiết đất nước bị hỗn loạn chính trị và tham ô, không thể không cải cách sâu rộng. Tình hình chính trị chia năm, xẻ bảy tại Lebanon có cho phép thực hiện hay không ?
Vì sao TikTok bị rơi vào thế bí ? Hơn ai hết, các công ty Trung Quốc biết đâu là cội nguồn.
Trong bài phân tích thế kẹt của TikTok trong cảnh trên đe dưới búa giữa Washington và Bắc Kinh, Le Monde lưu ý là khác với tập đoàn công nghiệp viễn thông Hoa Vi, công ty khởi nghiệp TikTok không được Bắc Kinh hậu thuẫn. Công ty mẹ ByteDance bị áp lực của Donald Trump phải bán ứng dụng (cho Mỹ) nếu muốn tiếp tục được phép hoạt động tại Hoa Kỳ.
Từ cuối năm 2019, TikTok đã nỗ lực chứng minh là một công ty khởi nghiệp độc lập với chính quyền Trung Quốc. Trong chiều hướng này, TikTok dung thứ cho các video chỉ trích chế độ Trung Quốc, như tố cáo chính sách đàn áp cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đã thành công thu hút được rất đông đảo người xem và chia sẻ rộng rãi.
Trong thời gian qua, TikTok cũng có nhiều cố gắng khác để tạo hình ảnh cách biệt với công ty mẹ ByteDance như là dời trụ sở sang Mỹ, tuyển dụng cán bộ lãnh đạo có tiếng tăm như Kevin Meyer, cựu chủ tịch Disney.
Thế nhưng, những cố gắng chứng tỏ thiện chí này không có tác dụng. Đầu tháng Sáu, TikTok, cùng với 60 công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc bị Ấn Độ cấm cửa, trước khi bị Donald Trump chiếu cố gây áp lực.
TikTok biến thành nạn nhân của chính sách đối đầu Mỹ-Trung từ khi Covid-19 lan tràn sang Hoa Kỳ.
Ngày 23/07, trong một bài diễn văn với lời lẽ công kích mạnh bạo chưa từng thấy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi "thế giới tự do chiến thắng bạo chúa mới, là chính quyền Trung Quốc vừa gia tăng kềm kẹp trong nước vừa hung hăng với thế giới bên ngoài". TikTok lâm vào ngõ cụt. Thế nhưng, nhiều doanh nhân Trung Quốc có thế lực lên án thái độ của Bắc Kinh, điển hình là James Liang, sáng lập viên trang web hướng dẫn du lịch CTRIP không ngần ngại viết một bài bình luận phê phán Bắc Kinh như sau : " Những người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp ở Trung Quốc không muốn liên hệ gì với chính quyền Trung Quốc. Là doanh nhân, họ muốn làm một cái gì hay ho để kiếm tiền làm giàu. Nhưng vì Đảng cộng sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại Hoa lục cho nên các doanh nghiệp này phải hướng về thị trường quốc tế. Giờ đây, họ không còn đường nào để làm ăn". Le Monde cho biết, bài phê bình này bị kiểm duyệt ngay tức khắc.
Trong bối cảnh gian truân này, công ty khởi nghiệp Trung Quốc còn bị một đối thủ khai thác đúng thời cơ, tung vũ khí mới chinh phục khách hàng. Les Echos cho biết áp lực cạnh tranh của Facebook.
Theo nhật báo kinh tế, tập đoàn của Mark Zuckerberg thông báo kể từ thứ Tư 05/08/2020, tung ra công cụ Reels với chức năng giúp người sử dụng chia sẻ các đoạn video ngắn qua Instagram. Nói là tấn công nhưng kỳ thực Facebook tìm cách chinh phục khách hàng của Tik Tok ngay trên sân chơi của đối thủ vào lúc thời cơ thuận lợi nhất.
Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Monde giới thiệu bài phân tích của một giáo sư chính trị Pháp bác bỏ các lập luận cho rằng Joe Biden sẽ thắng. Theo giáo sư Maxime Chervaux, trong lúc xu thế chống Donald Trump tiên đoán chủ nhân Nhà Trắng sẽ thua cựu phó tổng thống Dân Chủ Joe Biden thì có nhiều lý do cho thấy Joe Biden, vừa không đủ cân sức đối đầu với Donald Trump mà còn sẽ bị đối thủ Cộng hòa hạ đo ván ít nhất trên ba hồ sơ quan trọng trong mắt của cử tri : về an ninh, về di dân nhập cư và trong quan hệ đang căng thẳng với Bắc Kinh.
Đó là chưa kể Donald Trump nắm nhiều lá chủ bài trong tay, có thể huy động ngân sách hàng chục, chục tỷ đô la để đối phó với hậu quả kinh tế do Covid 19 gây ra, có trong tay hàng trăm triệu đô la vận động tranh cử, những lá bài mà Joe Biden không có.
Tác giả khẳng định là Donald Trump chưa gục ngã cho dù các kết quả thăm dò cho thấy Joe Biden dẫn đầu trong công luận. Cách nay bốn năm, một ứng cử viên Dân Chủ khác là Hillary Clinton cũng từng được kết quả thăm dò ý kiến tốt hơn Donald Trump, chuyên gia địa chiến lược Pháp nhắc lại.
Vụ nổ tàn phá ở Lebanon xảy ra đúng vào lúc Nhật Bản chuẩn bị tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki : ngày 6 và 8 tháng 8 năm 1945.
Trong loạt bài đánh dấu 75 năm hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản, La Croix cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn đe dọa nhân loại. Thảm kịch Hiroshima và Nagasaki (Trường Kỳ và Quảng Đảo) là một thách thức của ký ức vì lịch sử là nạn nhân của thời gian. 75 năm sau, vẫn còn 9 nước không có ý định từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này. Để có thể tưởng niệm hàng trăm ngàn nạn nhân Hiroshima và Nagasaki một cách có ý nghĩa nhất là phải phản đối cuộc chay đua vũ trang hạt nhân. La Croix liệt kê danh sách 9 nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.
Le Monde, trong bài Nhật Bản và ký ức, chú ý đến cuộc chiến của một thế hệ mới tiếp nối công việc của cha ông, kể lại cho hậu thế cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Kể như thế nào ? Bằng ngôn ngữ hoà bình. Chính nhờ có nỗ lực tranh đấu này mà Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cấm vũ khí hạt nhân năm 2014.
Tuy nhiên, Le Monde không dám tin chắc là phong trào này và nguyện vọng này được lắng nghe tại Nhật Bản trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe tìm cách tu chính Hiến Pháp chủ hòa, nhất là điều 9.
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 có dấu hiệu tấn công đợt hai vào mùa thu, đề tài khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp.
Le Figaro và Les Echos cùng một tựa : Người đeo khẩu trang ra đường ngày càng đông. Le Figaro còn dành cho các phe chống và ủng hộ đeo khẩu trang trình bày lập luận y tế cũng như... chính trị.
Khủng hoảng Covid 19 còn gây ra một hiện tượng mới là người ta đổ xô mua vàng tích trữ. Hầu hết các báo đều cho biết giá một lượng vàng tăng kỷ lục, hơn 34% kể từ đầu năm, vượt ngưỡng lịch sử 2000 đôla.
Tú Anh
BBC, 20/07/2020
Lúc Trung Quốc gặp khó khăn, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại rằng Đảng cộng sản lãnh đạo ở 'Đông, Tây, Nam, Bắc và cả Trung tâm'.
Hình ông Tập Cận Bình trên tường ngoài một bệnh viện ở Vũ Hán
Một bài viết quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đăng trên tạp chí của Đảng Cộng sản hôm 15/07/2020 nhắc lại định hướng "Đảng lãnh đạo tổng thị toàn cục" cho đất nước và xã hội Trung Quốc.
Thế nhưng bài trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi – Tìm Sự thật), của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc bị các học giả Phương Tây cho là "nhàm chán, lặp lại" (monotony), và chỉ có mục tiêu khẳng định quyền lực cá nhân của ông Tập.
Tuy thế, giới quan sát cho rằng điều đáng nói chính là sự xuất hiện của bài báo vào lúc Trung Quốc đang gặp khó khăn bên trong : lụt lội lớn, dịch Covid-19 chưa dứt, và bên ngoài : va chạm với Hoa Kỳ, vấn đề Huawei, Hong Kong.
Theo James Palmer viết trên Foreign Policy (17/07) thì bài của ông Tập không có gì mới, chỉ là sự nhắc lại 18 đoạn trích dẫn đã cũ của chính ông.
Phần dẫn nhập thậm chí còn dùng một đoạn trích lời ông Tập từ 2013.
Đây là dấu hiệu mục đích duy nhất của việc đăng bài là nhằm xác tín lại quyền lực của Tập Cận Bình, bài trên Foreign Policy trích chuyên gia về Trung Quốc, ông Carl Minzer cho biết.
Việc kiểm soát này gồm hai phần : Đảng nắm tất cả, và ông Tập Cận Bình là hạt nhân, nắm trọn quyền trong Đảng.
'Đặc sắc Tập Cận Bình'
Bản tiếng Anh của bài có tựa đề nói rõ rằng : "Sự lãnh đạo của Đảng chính là nét đặc sắc trọng yếu nhất của Chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Hoa".
"Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc là sự lựa chọn của toàn thể nhân dân Trung Quốc, gồm các đảng phái dân chủ, tổ chức xã hội, dân tộc, các gia tầng và tất cả mọi người".
Cụm từ quen thuộc "Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung tâm, mọi nơi đều do Đảng lãnh đạo", được nhắc lại năm lần trong bài.
James Palmer viết trên trang Foreign Policy, gọi đây là "Bài báo Đỏ nhỏ xíu", (Xi’s Little Red Article), gợi lại hình ảnh cuốn Mao Tuyển (Mao's Little Red Book), để cho rằng tư duy nhàm chán của ông Tập tuy thế rấ̃t nguy hiểm.
Còn Richard McGregor, cựu phóng viên báo Anh, tờ Financial Times tại Trung Quốc, hiện là học giả ở Viện Lowy Institute ở Sydney, Úc thì cho rằng ông Tập Cận Bình đang tìm cách nhấn mạnh, để lỡ có ai quên, về vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
McGregor cũng viết trên tờ The Sunday Times hôm Chủ nhật 19/7 rằng nhân dịp vụ Anh loại Huawei, truyền thông Trung Quốc, và cả một số nhà ngoại giao Trung Quốc công khai đe dọa Anh.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh ông Lưu Hiểu Minh
Tuy thế, ông McGregor, tác giả cuốn sách hồi 2010 về Đảng Cộng sản Trung Quốc, "The Party : The Secret World of China's Communist Rulers" tin rằng với nước Anh, lời đe dọa của Trung Quốc không hiệu quả với Anh, vì trên thực tế, chỉ có 4% hàng xuất khẩu từ Anh là sang Trung Quốc, năm 2019.
Kinh tế Anh vì thế, không lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc như kinh tế Úc, vì Úc xuất đi 40% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Anh vẫn đang nắm trong tay lá bài quyết định hay không về số phận của công ty Trung Quốc trong hợp đồng xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Bradwell-on-Sea, Essex.
Tuần trước, một tác giả khác, Ambrose Evans-Richard viết trên tờ The Telegraph rằng Anh Quốc không việc gì phải sợ Trung Quốc, vì theo ông, kinh tế Trung Quốc "đã lên tới đỉnh (peaked), và sẽ chỉ đi vào đình trệ". Điều quan trọng nhất, theo Evans-Richard, là chế độ của Tập Cận Bình không có một đồng minh kinh tế nào nữa.
Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng
Gần đây, giới ngoại giao Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ phản đối 'sự bao vây" của Phương Tây và lên án các hoạt động của Mỹ, Anh ở châu Á.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh gần đây nhất xuất hiện trên chương trình phỏng vấn của phóng viên BBC Andrew Marr bác bỏ các cáo buộc về việc Trung Quốc giam giữ người Hồi giáo ở Tân Cương trong các trại cải tạo.
Ông Lưu Hiểu Minh nói với Andrew Marr rằng người Uighurs được đối xử giống như bất kỳ các nhóm sắc tộc nào khác ở Trung Quốc.
Trong một động thái khác thường, tuần trước, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng bài của Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo, ông Hồ Tích Tiến, cảnh báo Việt Nam không đứng về phía Hoa Kỳ.
"Quan hệ quốc tế như trò trẻ con, thích dở mặt thì dở mặt. Mỹ hiện dành muôn vàn cưng chiều cho Việt Nam, mục đích chỉ có một, đó là ly gián quan hệ Trung– Việt, dung túng Việt Nam đối trọng với Trung Quốc trong vấn đề trên biển khiến Việt Nam cũng trở thành con cờ phục vụ cho chiến lược Mỹ chèn ép Trung Quốc".
Ông giải thích về các lý do vì sao quan hệ Trung – Việt quan trọng, gồm cả câu về ý thức hệ chung : xã hội chủ nghĩa", và "thực lực giữa Trung Quốc và Việt Nam là không sao thay đổi".
Điểm quan trọng hơn cả, theo ông Hồ Tích Tiến, là Việt Nam cần trách bị Hoa Kỳ "lợi dụng".
Vài hôm sau, nội dung bài của ông Hồ Tích Tiến bằng tiếng Việt đăng tải nhân dịp Mỹ - Việt kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao đã bị bỏ khỏi trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
***************
Từ ‘vài lời thật lòng’ của Hồ Tích Tiến
Trân Văn, VOA, 19/07/2020
Sau khi ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập Hoàn Cầu Thời Báo – cơ quan truyền thông đảm trách tuyên truyền trong đối ngoại của đảng cộng sản Trung Quốc – có "Vài lời thật lòng" (1) với người Việt, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lập tức chuyển ngữ tâm sự của ông Tiến từ tiếng Hoa sang tiếng Việt để giới thiệu trên trang facebook của cơ quan ngoại giao này. Đó chính là lý do thúc đẩy nhiều người Việttrải lòng với ông Tiến – nhân vật tự nhận là đại diện cho suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc bình thường – về những điều mà đương sự khẳng định là… thật lòng !
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Duan Dang – một trong số rất nhiều người Việt tham gia bày tỏ tấm lòng của họ - minh định suy nghĩ của ông qua "Nói vài lời thật lòng với lão Hồ" (2). Duan nhấn mạnh "Vài lời thật lòng" là mộtâm mưu nhằmkích động, ly gián Việt Nam và Mỹ. Duan xem sự kiện lão Hồ đưa ra "Vài lời thật lòng" vào dịp Việt Nam – Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, khuyên người Việt đừng quênhàng nghìn, hàng vạn tấn bom từng trút xuống miền Bắc Việt Nam chính là một kiểugièm pha và chẳng rõ nguyên nhân là do có đôi điều phẫn uất không cam tâmhay có tật giật mình, sợ bóng sợ gió (?).
Duan lấy làm tiếc khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lại chuyển ngữ nhữnglời hồ đồnhư thế để giới thiệu với người Việt. Cũng vì vậy, Duan thắc mắc, phải chăng hành động nàylà một cách thể hiện quan điểm ? Nếu không, phải chăng là nhiệt liệt ủng hộ và muốn phổ biến những lời hồ đồ ấy đến nhân dân và quan viên nước Việt ? Bởilão Hồluận bàn về lịch sử bang giao, Duan đề nghị nhân vật này tự vấn :Vì sao quan hệ Việt – Mỹ chỉ mới trải qua 25 năm, còn quan hệ Việt – Trung đã kéo dài 70 năm mà đa số người Việt có thiện cảm và niềm tin dành cho Mỹ hơn hẳn đối với quý quốc ?
Duan lý giải, đó là vì trong 25 năm qua lại giữa Việt Nam và Mỹ chất đầy thành tâm, thiện chí, không xóa bỏ quá khứ nhưng xem trọng tương lai, còn trong 70 năm quan hệ với quý quốc, người Việt chủ yếu chỉ nhận lại mưu hèn - kế bẩn, phản trắc và chiến tranh xâm lược. Duan gọi năm yếu tố mà lão Hồ liệt kê, xem nhưchuỗi lợi íchnếu phát triển quan hệ Việt – Trung là năm điều xằng bậy. Vì Lão Hồ liên tục đề cập đếnthể chế, ổn định chính trị, chỗ dựa khi giới thiệuchuỗi lợi ích, Duan khẳng định :Với chúng tôi, đời nào, thể chế cũng chỉ là vỏ, cốt lõi là lợi ích dân tộc. Không bảo vệ được lợi ích dân tộc thì cái vỏ nào cũng vô nghĩa, cũng nhanh chóng tan biến.
Do lão Hồkhông giấu diếm sự ái ngại việc Việt Nam bị Mỹlợi dụng để kiềm chế Trung Quốc, Duan khuyên, chỉ cần quý quốc từ bỏ dã tâm bành trướng, vĩnh viễn chấm dứt can thiệp vào hoạt động dầu khí hợp pháp ở biển Đông, chấm dứt bức hiếp ngư dân Việt, tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ đường lưỡi bò, phi quân sự - hoàn nguyên và triệt thoái khỏi các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa, dựa vào tiền lệ Bạch Long Vỹ mà trao trả Hoàng Sa, thành tâm phân định các vùng biển chồng lấn còn lại theo luật pháp quốc tế thì lẽ nào lại không thể bán anh em xa mua láng giềng gần !
Bên cạnh một số người như Duan Dang – bỏ thời gian, bỏ công hồi đáp "Vài lời thật lòng" của ông Hồ Tích Tiến bằng những thông tin, ý kiến hết sức rạch ròi, còn có nhiều ngàn người Việt trực tiếp trải lòng với "Vài lời thật lòng" trên trang facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Dù đã bỏ công dịch – giới thiệu tâm tình của ông Hồ Tích Tiến với người Việt nhưng dường như chịu không thấu tâm tình thật của người Việt, chỉ chừng một ngày sau khi quảng bá "Vài lời thật lòng", Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tự ý đục bỏ "Vài lời thật lòng" khỏi trang facebook của họ (3).
***
Hàng loạt diễn biến dồn dập, hoặc xảy ra trên biển Đông hoặc liên quan đến biển Đông trong vài tháng gần đây đã tạo ra những phản ứng trái chiều cả bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam. Trong bối cảnh đó, người Việt không chỉ dành sự chú ý, thời gian cho "Vài lời thật lòng" của Tổng Biên tập Hoàn Cầu Thời báo ở Trung Quốc mà còn bàn luận khá nhiều về những ý kiến dường như cũng rất… thật lòng khác của một số cơ quan, viên chức hữu trách hoặc đang tại nhiệm hay đã nghỉ hưu ở Việt Nam, trong đó, nổi bật là tướng Võ Tiến Trung.
Tuần trước, trong một cuộc trò chuyện với tờ Dân Việt, ông Trung (Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thượng tướng, cựu Giám đốc Học viện Quốc phòng, cựu đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) nhận định, đại ý :Các hoạt động liên quan tới biển Đông của Mỹ chỉ nhằm vào lợi ích riêng của Mỹ. Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang gây bất ổn và căng thẳng tại biển Đông. Cho nên cần yêu cầu hai bên hết sức kiềm chế, dừng ngay và không để lặp lại các hoạt động gây bất ổn, vi phạm đến chủ quyền của chúng ta và của ASEAN. ASEAN cần phải đoàn kết, phản đối mạnh mẽ (4)…
Từ những nhận định như vừa kể, Lý Trần phát giác Việt Nam có "những viên tướng giá áo, túi cơm" và cho biết đã hiểu thế nào là Việt gian. Lý Trần tin rằng chẳng người Việt nào ngây thơ tới mức tin rằng hoạt động của Mỹ tại biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở đó nhưng đánh đồng Mỹ với Trung Quốc như tướng Trung thì chỉ có thể khẳng định một điều :Đảng cộng sản Việt Nam bám chặt lấy đảng cộng sản Trung Quốc để tồn tại và Mỹ sẽ luôn được xác định là kẻ thù vì là kẻ thù của chế độ cộng sản. Lẽ nào Mỹ không "gây bất ổn" thì biển Đông sẽ "yên bình" vì được "đồng chí" Trung Quốc bảo vệ (5) ?
Tương tự, Nguyễn Ngọc Chu liệt kê hàng loạt hàng động từ trước tới nay của Trung Quốc tại Biển Đông để chứng minh ông Trung "nhầm lẫn" và thắc mắc,tại sao một ông tướng như ông Trung lại không phân biệt được thế nào là xâm lược biển, đảo của Việt Nam và thế nào là chế ngự sự lăng loàn ? Nguyễn Ngọc Chu cho rằng :Trong bối cảnh như hiện nay, quân đội Việt Nam phải dũng mãnh hơn lúc nào hếtvà bày tỏ hy vọng : Phát biểu của ông Võ Tiến Trung không đại diện cho trí tuệ và dũng khí của các tướng lĩnh và quân đội Việt Nam(6).
Là một trong những người tham gia bàn luận về nhận định của ông Trung, Chau Doan cho rằng, những phát biểu của những người như ông Trung "rất khó nghe" vì : Các anh đã không đủ năng lực và dũng khí để bảo vệ biển đảo của tổ quốc, đã vậy còn bị Tàu Cộng ngăn đuổi, không cho khai thác dầu ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình khiến chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho thiên hạ vì huỷ hợp đồng. Khi thế lực khác có thể góp phần bảo vệ luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền của Việt Nam, nếu không mở miệng nói được lời hay, các anh nên im miệng là tốt hơn cả(7)...
Giữa lúc nhiều người thi nhau bình luận và góp ý cho những cá nhân suy nghĩ và nhận định kiểu như ông Trung, Hoàng Nguyên Vũ phát giác :VTV đang "đánh Mỹ". Ngày nào cũng "đánh Mỹ". Theo Vũ, "đánh Mỹ" hiện là "món khoái khẩu" của VTV,cứ hết chương trình thời sự là "đánh Mỹ". Xong phim này sang phim nọ, phim nào cũng "đánh Mỹ", đánh từ miền Nam đánh ra miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, đánh từ núi cao cho đến tận biển khơi, từ thành thị đến nông thôn.
Vũ bỡn cợt :Vầng, biết rồi. Đánh rồi, thắng rồi. Lịch sử đáng tự hào nhưng chúng ta cũng cần sống cho hiện tại nữa chứ. Chuyện "khép lại quá khứ hướng tới tương lai" do các ông nhà mình nêu ra khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Khép lại kiểu gì không biết nhưng những ngày này, hôm nào cũng lôi quá khứ ra nói, ai mà chơi nổi hả giời ? Tàu Khựa vẽ ra đủ thứ, vu khống đủ kiểu, bắt nạt đủ đường nhằm bành trướng lãnh thổ. Là "anh em, đồng chí" mà nã pháo vào lãnh thổ gây đau thương một thời. Hoàng Sa, Gạc Ma còn đau hồn chiến sĩ, sao VTV1 không chiếu dùm những thước phim đó ?
Vũ đặt vấn đề :Phải biết được kẻ thù thực sự của dân tộc này là ai, đang ở đâu chứ. Loại bạn miệng thì hữu nghị nhưng cậy thế nước lớn, lấn đất, cướp biển, đặt điều, dựng chuyện nên từ mặt, càng chơi càng đau khổ dài dài. Còn với Mỹ, quá khứ chiến tranh là ký ức không quên nhưng đã nói "khép lại" thì phải hướng tới những điều tốt đẹp phía trước. "Khép lại" mà truyền thông ngày nào cũng đùng đoàng thì bó tay rồi đấy. Đã chơi thì phải chân thành. Miệng thì bảo "tao với mày làm bạn" mà tay chân lòng dồi suốt ngày lôi chuyện xưa ra than oán thì bạn cái gì hả giời ? Bạn dế à (8) ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/07/2020
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/duan.dang.9/posts/3341988092480970
(3) https://www.facebook.com/ChineseEmbassyinHanoi/posts/331667508229877
(5) https://baotiengdan.com/2020/07/14/nhung-vien-tuong-gia-ao-tui-com/
(6) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2045280078938745
(7) https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/10158353983433965
(8) https://www.facebook.com/story.php? Story_fbid = 10207299738128008 & id = 1721755473
Ai mà không biết Khổng Tử ? Từ nhỏ chúng ta đã được nghe cha mẹ và thầy cô dậy những lời "Khổng Tử nói", như "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", "dục tốc bất đạt", hoặc "hòa nhi bất đồng". Tám năm trước, một người bạn rủ tôi đến dự buổi tiếp tân ra mắt của Viện Khổng Tử tại Đại học Wisconsin ở Platteville, tôi tò mò đến để xem họ làm gì với ông Khổng Tử. Bữa đó cô viện trưởng giới thiệu mươi giáo sư trẻ mới sang Mỹ ; họ sẽ dậy tiếng Phổ thông và văn hóa Trung Hoa cho sinh viên.
Người Ấn Độ đốt hình nộm Tập Cận Bình trong một cuộc biểu tình tại Kolkata, Ấn Độ, 19 tháng Sáu, 2020.
Viện Khổng Tử đầu tiên lập tại Seoul, Nam Hàn, năm 2004. Năm 2018 đã có mặt tại 154 nước trên thế giới, mở 548 cơ sở và 2,000 lớp học, phần lớn trong các đại học.
Tuần này, nghe tin Viện Khổng Tử sẽ không còn nữa. Trung Quốc loan tin bỏ cái nhãn hiệu này, đổi thành Trung tâm Ngôn ngữ Giáo dục và Cộng tác ! Mấy năm gần đây các Viện Khổng Tử đã bị mang tiếng vì không nghiên cứu và trao đổi văn hóa mà được Bắc Kinh dùng như một khí cụ tuyên truyền chiến tranh. Thụy Điển là nước Châu Âu mở Viện Khổng Tử đầu tiên, đã đóng cửa cuối cùng từ Tháng Giêng năm 2020. Các đại học ở Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ, Pháp đã đóng cửa từ lâu.
Việc đóng cửa các Viện Khổng Tử chỉ là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Trong cuộc nói chuyện với 4.000 giáo sư dậy tiếng Tàu ở Mỹ (trên mạng), ông Mã Kiến Phi (Ma Jianfei), phó viện trưởng Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh, đã hứa sau khi đổi tên việc cộng tác giữa hai nước vẫn tiếp tục ; đặt trên căn bản "tương kính và tín nhiệm".
"Kính trọng" và "tín nhiệm", đó là hai thứ vốn liếng ông Tập Cận Bình đang làm mất dần dần vì người nước ngoài đã bớt kính trọng, mất thiện cảm và không dám tin vào chính quyền cộng sản Trung Quốc. Bệnh dịch Covid 19 đã chứng tỏ điều này.
Việc kiểm duyệt tin tức trao đổi về bệnh dịch Covid 19 từ Vũ Hán đã làm hại cả thế giới. Lâu nay ai cũng biết Trung Quốc vẫn dùng hàng ngàn cán bộ theo dõi 854 triệu người dùng internet, với những "an gô rít" (algorithm) tự động cắt xén từng chữ "húy kị" và trừng phạt những người vi phạm. Nhiều công dân mạng đã biết cách dùng những VPN (virtual private network) để giữ kín tung tích, nhà nước cộng sản trị tội nặng hơn. Năm ngoái, một công dân mạng ở Thượng Hải bị tù 3 năm vì cung cấp các VPN.
Thế giới thấy tai họa do bưng bít thông tin gây ra, kết luận : Đừng tin những gì Trung Quốc nói !
Và hãy nhìn kỹ những gì Trung Quốc làm ! Nổi bật trong các hành động đó là dự án "Một vòng đai, một con đường" mà ông Tập Cận Bình tung ra năm 2013 sau khi chấp chánh. Nhất đới Nhất lộ" hứa hẹn cung cấp hàng tỷ đô la xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nước ở Đông Nam Á, Trung Á, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh và Châu Âu.
Năm 2017, Tập Cận Bình đã cho ghi tên dự án này vào bản cương lĩnh đảng ! Đó cũng là lúc nhiều quốc gia thất vọng vì các xí nghiệp Trung Quốc không dùng nguyên liệu và công nhân bản xứ, họ lại nhìn thấy trong tương lai các công trình đang xây dựng sẽ không kiếm ra đủ tiền trả nợ Bắc Kinh.
Tháng Hai năm nay, Ai Cập đã ngưng dự án lập nhà máy điện ở Hamrawein, lớn thứ nhì thế giới, sẽ chạy bằng than đá nhập cảng từ Trung Quốc. Tháng sau, Bangladesh bãi bỏ dự án hải cảng ở Bagamoyo mà chính phủ trước đã ký với Trung Quốc, nói rằng chỉ "người say rượu mới ký như vậy !" Vì họ sẽ phải trao hải cảng cho Trung Quốc thuê trong 99 năm ! Tháng Năm, quốc hội Nigeria biểu quyết xét lại các dự án vay tiền của Trung Quốc để thực hiện Nhất đới, nhất lộ. Tại Việt Nam, dự án làm hệ thống xe điện ngầm (metro) tốn 800 triệu đô la Mỹ ở Hà Nội bị ngưng, vì đã trễ hạn bốn năm và 100 chuyên gia Trung Quốc về Tàu ăn Tết không được trở lại vì bệnh dịch Covid 19.
Nhất đới, nhất lộ đang đặt ông Tập Cận Bình vào một thế lưỡng nan. Khi các nước vay tiền không trả được nợ thì các ngân hàng chủ nợ phải sai áp, tức là chiếm quyền làm chủ. Nhiều công trình có vị trí chiến lược như các hải cảng bị chiếm đoạt sẽ gây bất mãn và khiến mọi người nghi ngờ, như đã xẩy ra tại Sri Lanka. Nhưng nếu không sai áp, thì các ngân hàng Trung Quốc sẽ thua lỗ.
Tất cả chỉ vì Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn hoàn toàn dựa vào các xí nghiệp và ngân hàng quốc doanh, theo thói quen áp đặt mục tiêu chính trị trên các dự án kinh tế.
Tiếp đến là chuyện Huawei ! Hôm 14 tháng Bay, thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh ngưng mua các thiết bị của công ty này cho hệ thống viễn thông G5. Ông Johnson vẫn tự coi mình là "thân Trung Quốc" và từ lâu vẫn phủ nhận mối lo về gián điệp đội lốt Huawei. Nhưng ông đã chịu áp lực của các nước khác trong nhóm hợp tác tin tình báo "Năm Mắt", trong đó Mỹ, Australia và New Zealand là những nước đã chặn hàng Huawei từ trước. Ông Johnson đang muốn ký với các nước này những thỏa ước thương mại tự do sau khi Anh rút ra khỏi Châu Âu.
Anh Quốc cũng bắt chước Mỹ và Ấn Độ đặt điều khiện khó khăn hơn khi các công ty Trung Quốc muốn mua các xí nghiệp ở nước Anh, và hứa làm luật di trú dễ dàng để cho gần 3 triệu dân Hồng Kông được qua Anh sống và nhập tịch.
Tất cả các nước Châu Mỹ và Châu Âu đều lên án Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương. Ngày 15/7, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ hạn chế việc cấp visa cho nhân viên Huawei vào Mỹ, nêu lý do công ty này là một cánh tay của đảng cộng sản, hỗ trợ đảng này vi phạm nhân quyền, trong việc theo dõi, đàn áp, cầm tù người Uyghur.
Trung Quốc đang thất bại về ngoại giao trên khắp thế giới, một phần cũng vì chính sách "lấy thịt đè người" và "cả vú lấp miệng em" mà Bắc Kinh đã áp dụng. Ông Tập Cận Bình nghĩ rằng kinh tế nước Tàu đã tiến lên hàng thứ nhì trên thế giới thì ông có thể dùng sức mạnh đó để bắt các quốc gia khác phải nể nang, nếu không sẽ trừng phạt !
Bắc Kinh đã cấm nhập cảng cá hồi của Na Uy khi nhà vận động nhân quyền Lưu Hiểu Ba được tặng Giải Nobel Hòa Bình trong lúc đang bị Trung Quốc bắt giam ! Chỉ vì hội đồng giám khảo giải này đặt tại xứ Na Uy ! Năm nay, khi chính phủ Australia yêu cầu lập một ủy an quốc tế điều tra bệnh dịch Covid 19 xuất phát thế nào, Trung Quốc cũng lập tức trừng phạt, ngưng nhập cảng thịt bò từ nước Úc.
Nhưng các hành động trên chỉ là dấu hiệu bên ngoài cho thấy tâm lý kiêu căng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tâm trạng này biểu lộ qua những hành động xâm lấn các nước láng giềng ở vùng Đông Nam Á và Biển Đông nước ta ; nhưng cũng xuất hiện ngay trong thái độ của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
"Chàng Sói" (Chiến Lang) tập 2 là một bộ phim Trung Quốc được đem chiếu ba năm nay và gần đây được khán giả nhiệt liệt khen tặng, vì để cao nước Tàu. Câu chuyện kể nhân vật Lãnh Phong (Leng Feng) đã qua Châu Phi làm việc cho một công ty Mỹ. Anh ta đã cứu sống bao nhiêu người thoát cảnh bệnh dịch và nội chiến, trong đó có các công nhân Tàu, dân địa phương, và cả người Mỹ - nhờ được một chiến hạm Trung Quốc giúp. Lãnh Phong, con chó sói lạnh lùng, đã giết ông chủ của mình, một người kỳ thị chủng tộc, ông ta nói trước khi bị giết, "Những người như cậu lúc nào cũng thua kém những người như tôi !".
Nhiều khán giả coi Chiến Lang xong, sôi quá, đứng dậy hát bài quốc ca !
Người trong lục địa Trung Hoa đặt ra chữ "Chiến lang ngoại giao". Họ bầy tỏ thái độ rất hung hăng trước bất cứ hành động hay lời nói nào đụng chạm tới Trung Quốc. Trong cuộc họp quốc hội ở Bắc Kinh vừa rồi, có đại biểu hỏi ông Vương Nghị (Wang Yi) về chữ Chiến lang ngoại giao. Ông tránh nhắc lại danh từ đó nhưng nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao của họ sẽ "chống lại bất cứ hành động nào sỉ nhục Trung Quốc để bảo vệ thể diện quốc gia !".
Nhưng "Chiến lang ngoại giao" của Tập Cận Bình đã gây phản ứng ngược. Từ khi Tập Cận Bình mở cửa kinh tế Trung Quốc, ông vẫn chủ trương "giấu kín cái sáng, nuôi cái tối" (thao quang dưỡng hối) đối với nước ngoài. Các nước phương Tây cũng hy vọng rằng khi kinh tế nước Tàu thịnh vượng thì dân chúng giầu lên sẽ đòi hỏi chế độ tự do dân chủ. Khi đó Trung Quốc sẽ theo các quy luật quốc tế, sống hòa bình với các nước chung quanh.
Nhưng sự thật khác hẳn. Thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc, mua hàng hóa họ xuất cảng, giúp kinh tế nước Tàu vươn lên, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc bên trong vẫn đàn áp người dân, bên ngoài vẫn nuôi giấc mộng bành trướng mong chiếm lại địa vị giống như đời Hán, đời Đường !
Ông Tập Cận Bình không che giấu mà còn khuyến khích thái độ kiêu căng đó. Chính ông ta đã gây ra các phản ứng bất lợi cho Trung Quốc, trước các vụ Covid 19, vụ Huawei và chương trình Nhất Đới Nhất Lộ.
Ngô Nhân Dụng
Cả thế giới đang phản đối Cộng sản Trung Quốc về đạo luật mới gọi là "Quốc gia An toàn pháp", người Việt gọi là Luật An Ninh Quốc Gia. Đạo luật, áp dụng riêng cho Hồng Kông, có nhiều điều cấm đoán, đe dọa khắc nghiệt hơn mọi người dự đoán.
Xé panô có hình Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Ahmedabad, Ấn Độ, 24 tháng Sáu.
Ban hành luật nhằm trấn áp phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông vào ngày 1/7, Trung Quốc đã chọn đúng thời điểm thuận tiện nhất.
Các quốc gia khác đang phải đối phó với trận đại dịch Covid-19 và lo kinh tế thế giới suy thoái. Hai nước phương Tây quan tâm đến Hồng Kông nhất là Anh Quốc và Mỹ, đều bị bệnh nặng nhất. Tổng thống Mỹ đang lo vấn đề tranh cử cuối năm nay. Bang giao giữa các nước Châu Âu và Mỹ đang căng thẳng. Trung Quốc đã nhân cơ hội này thi hành kế "Sát Kê Hách Hầu", giết gà để dọa khỉ !
Dân Hương Cảng phải đóng vai trò con gà cho Tập Cận Bình đè cổ, vặt lông. Nhưng "khỉ" là ai ? Là những nước nào ? Họ Tập có thể nhắm hăm dọa Đài Loan, các nước từ Nhật Bản tới Nam Hàn, và tất cả các nước Đông Nam Á.
Tập Cận Bình "đánh" Hồng Kông làm gương. Ai cũng biết rằng phong trào dân chủ tại Hồng Kông được cả thế giới hoan hô và hỗ trợ. Các thủ lãnh của phong trào được mời điều trần trước quốc hội Mỹ và các nước khác. Ai cũng nghĩ Bắc Kinh cần đất Hồng Kông vì đó là cửa ngõ thông thương với thế giới tư bản ; sẽ phải nương tay với dân Hồng Kông vì đã ký kết khi được Anh Quốc trao trả năm 1997.
Năm đó, kinh tế Trung Quốc còn đang trên đường thay đổi. Đặng Tiểu Bình đã phải nhịn, không đòi chiếm lại, nhập Hồng Kông vào, thành một đô thị tự trị như Thượng Hải, như Trùng Khánh. Trung Quốc đã chấp nhận cho Hồng Kông vẫn thuộc nước Tàu nhưng được giữ nguyên hệ thống hành chánh, tư pháp, kinh tế, tài chánh, gọi là "nhất quốc lưỡng chế". Đặc biệt, dân Hương Cảng vẫn giữ các quyền tự do dân sự mà họ đã được hưởng dưới chế độ thuộc địa với hệ thống tư pháp độc lập và một guồng máy hành chánh thanh liêm. Đổi lại, dân Hồng Kông và đô la tiếp tục bỏ tiền vào lục địa làm ăn. Các ngân hàng và công ty Trung Quốc có thể dùng thị trường Hồng Kông làm kho hàng trước khi xuống tàu xuất cảng ; làm nơi thu đô la, đi vay tiền, trao đổi hoặc đầu tư, và là nơi học hỏi các kỹ thuật, khoa học, phương pháp quản lý của phương Tây.
Nhờ chiến thuật của Đặng Tiểu Bình cho nên Thẩm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và Quảng Châu thu hút được tiền đầu tư và các cơ sở ngoại quốc vào làm ăn. Các thành phố lớn trong lục địa phát triển mạnh thì vị thế tương đối của Hồng Kông đi xuống.
Trong thập niên 1990 kinh tế Hương Cảng lớn bằng 27% sản lượng của cả Trung Quốc. Năm nay, còn chỉ còn bằng dưới 3% và tiếp tục xuống thấp hơn sau những cuộc biểu tình năm ngoái. Năm 2019 Hồng Kông đứng hàng thứ ba trong danh sách các "trung tâm tài chánh quốc tế", sau New York và London. Năm nay đã tụt xuống hàng thứ sáu, sau Tokyo, Thượng Hải và Singapore ; Bắc Kinh xếp hạng bảy.
Dù bị dân Hồng Kông phản đối bằng thái độ lạnh lẽo tẩy chay, ngay ngày hôm sau, 2/7, Trung Quốc đã bổ nhiệm hai chức vụ mới để thi hành "Quốc gia An toàn pháp".
Bắc Kinh phong Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) làm "thự trưởng" đứng đầu "Bảo Vệ Quốc gia An toàn Công thự", là một tín hiệu không lành. Trịnh Nhạn Hùng đã nổi tiếng hung dữ từ năm 2011 khi chỉ huy cuộc đàn áp xã Ô Khảm khi dân chúng nổi lên đòi lại đất ruộng bị cưỡng chiếm, giống như dân Đồng Tâm ở Việt Nam. Nhờ hành động tàn bạo ở Ô Khảm, Trịnh Nhạn Hùng đã thăng quan tiến chức, lên làm bí thư tỉnh Quảng Đông.
Người thứ nhì là Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), trước đây phụ trách "văn phòng liên lạc" với Hồng Kông, sẽ đóng vai "Quốc gia an toàn sự vụ cố vấn" cho bà Lâm Quách Nguyệt Nga, Carrie Lam, trong Ủy ban Bảo vệ Quốc gia An toàn mới lập. Lạc Huệ Ninh nói gì chắc bà "hành chánh trưởng quan" cũng gật đầu !
Dùng kế Sát Kê Hách Hầu, Tập Cận Bình không ngần ngại bóp cổ con "Gà" Hồng Kông. Ông ta nhắm hăm dọa những con "Khỉ" nào ?
Các nước miền Đông và Đông Nam Á không phản đối mạnh mẽ như các nước Âu, Mỹ. Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đã từ chối không ký chung một thông điệp, cùng Mỹ, Anh, Úc và Canada cảnh cáo Trung Quốc, trước khi Luật An Toàn Quốc gia ra đời. Chuyến đi thăm Nhật Bản của Tập Cận Bình vào tháng Tư bị hoãn vì bệnh dịch, nhưng chiến thuyền Trung Quốc vẫn diễu võ khiêu khích hàng ngày ở quần đảo Senkaku.
Không riêng gì thủ tướng Nhật, Thủ tướng Anh Boris Johnson sau khi than phiền về đạo luật mới của nước Tàu cũng chỉ hứa sẽ cho dân Hồng Kông được tị nạn dễ dàng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chỉ nói bà "lo lắng" về tính chất tự trị của Hồng Kông. Nói chung, người ta công nhận Hồng Kông trước sau vẫn thuộc Trung Quốc, đạo luật an ninh quốc gia là chuyện nội bộ của họ với nhau !
Dư luận Mỹ phản ứng mạnh nhất. Quốc hội Mỹ đã thông qua hai đạo luật mới trước khi đạo luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh ra đời. Mỹ sẽ "trừng phạt" bằng cách đối xử với các công ty và ngân hàng Hồng Kông không khác gì các công ty Trung Quốc, vì xứ này không còn tự trị nữa. Theo Phòng Thương mại Mỹ ở Hồng Kông thì một phần tư trong số 1,300 công ty Mỹ hoạt động ở đó đang tính sẽ di chuyển đi nơi khác. Nhật Bản có 1,400 công ty đặt cơ sở tại Hồng Kông, với 26,000 dân Nhật thường trú không phản ứng như vậy.
Phản ứng của giới kinh doanh và đầu tư địa phương cho thấy họ không lo ngại kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 23 tháng Sáu, Công ty S&P ở Mỹ xác định không hạ thấp điểm tín dụng (credit rating) của Hồng Kông ; nói rõ rằng việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới sẽ không ảnh hưởng tới giao dịch thương mại giữa Hồng Kông và Mỹ, sẽ không gây tai hại cho sự phát triển kinh tế tài chánh của lãnh thổ này !
Có lẽ vì thế nên ngày 2 tháng Bẩy, Thị trường Chứng khoán Hồng Kông mở cửa sau khi Đạo luật An toàn Quốc gia ra đời giữa những tiếng phản đối ồn ào khắp thế giới, Chỉ số Hang Seng (Hằng Thịnh) đã tăng lên gần 3 phần trăm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc chỉ nhắm ngăn chặn phong trào đòi tự trị, còn mọi việc kinh doanh sẽ không có gì thay đổi. Phó thủ tướng Lưu Hạc đã trấn an họ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ vai trò một "trung tâm tài chánh quốc tế" của Hồng Kông.
Những thương gia địa phương vẫn giữ quan hệ mật thiết với Bắc Kinh tỏ ra tin lời ông Lưu Hạc, người thường được Tập Cận Bình cử đi Mỹ thương thuyết. Nhà tỷ phú giầu nhất xứ, ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), nói rằng mọi người không nên diễn giải quá đáng về các hậu quả xấu trên nền kinh tế.
Trung Quốc có thể chỉ bóp cổ con gà Hồng Kông mà không giết ! Bóp cổ, tức là ngăn chặn phong trào đòi độc lập của giới thanh niên Hương Cảng ! Và họ đã thành công. Những nhóm thanh niên tổ chức biểu tình từ năm ngoái đã tuyên bố tự giải tán, để tránh không vi phạm đạo luật cấm những hành động "phản loạn" chống chính quyền, đòi độc lập, và thông đồng với nước ngoài ; mặc dù sẽ không "hỏi tội" các hành động trước khi luật mới được ban hành.
Nhưng đạo luật An toàn Quốc gia còn rất mơ hồ khi nói đến những tội "phản loạn !"
Ngày 2/7, phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông nói rằng khẩu hiện "Quang phục Hương Cảng - Thời đại Cách Mạng" mà sinh viên thanh niên vẫn hô hào từ năm qua sẽ bị cấm vì có tính chất "phản loạn", đòi độc lập.
Nhưng nhiều luật gia, từ ông chủ tịch Luật sư đoàn Hồng Kông cho tới một số nghị viên thân Bắc Kinh tỏ ra nghi ngờ lối giải thích đó. Hô hào "Quang phục Hương Cảng" có phải là đòi tách thành phố ra khỏi Trung Quốc hay không ?
Hai chữ "quang phục" có thể hiểu là "giải phóng", nhưng không nhất thiết có nghĩa là đòi ly khai và độc lập ! Hai chữ này chỉ nặng nề vì từ năm 1950 Thống chế Tưởng Giới Thạch mỗi năm vẫn hô hào "Quang phục Lục địa" ! Và năm 2016, một ứng cử viên, với chủ trương đòi tự trị, đã dùng khẩu hiệu "Quang phục Hương Cảng" khi tranh cử vào hội đồng thành phố.
Cuối cùng, dân Hồng Kông được tự do hô khẩu hiệu "Quang phục Hương Cảng - Thời đại Cách Mạng" hay không sẽ do tòa án quyết định ! Cho nên cả thế giới sẽ theo dõi xem Bắc Kinh vẫn còn tôn trọng truyền thống tư pháp độc lập của Hồng Kông hay không !
Nếu ông Lưu Hạc nói đúng ý của Bắc Kinh, là muốn tiếp tục duy trì Hồng Kông như một "trung tâm tài chánh quốc tế" thì họ sẽ không can thiệp trắng trợn vào ngành tư pháp. Không phải vì họ sợ sệt gì ai, nhưng bởi vì họ không cần can thiệp nhiều hơn nữa ! Nếu nền tư pháp ở đó bị nghi ngờ là không còn độc lập, thì cả thế giới tài chánh, ngân hàng quốc tế sẽ lánh xa vì không cảm thấy đồng tiền của họ được an toàn nữa.
Mặc dù vị thế tương đối của Hồng Kông đã xuống thấp nhưng Bắc Kinh vẫn cần "trung tâm tài chánh quốc tế" này. Các xí nghiệp trong lục địa vẫn cần cánh cửa mở này để gây vốn và bán hàng. Hồng Kông vẫn là nơi thu hút nhiều tiền đầu tư vào lục địa nhất, vì người ta tin tưởng vào nền tư pháp ở đó, không dám tin vào các tòa án ở Thượng Hải hay Thẩm Quyến. Một nửa số vốn đầu tư của nước Tàu đổ ra nước ngoài hiện vẫn đi qua cửa Hồng Kông. Bắc Kinh sẽ không có lợi gì khi phá địa vị độc đáo của Hồng Kông.
Thực ra thì Tập Cận Bình không quan tâm đến dư luận thế giới bao nhiêu. Trước đây đã nhiều lần Bắc Kinh bị cả thế giới lên án, về chính sách của họ đối với dân Tây Tạng, Tân Cương, nhất là sau cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, cuối cùng công việc làm ăn vẫn tiếp tục.
Vậy tại sao Tập Cận Bình lại phải lăm le bóp cổ con gà Hồng Kông với đạo luật an ninh mới ? Tập muốn dọa những con khỉ nào ?
Có lẽ Tập Cận Bình muốn nhắm vào những con khỉ ngay trong sở thú của mình, là người dân lục địa Trung Hoa !
Dân Trung Quốc đang bất mãn. Nền kinh tế đã bắt đầu chậm lụt trước khi cơn đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan ra khắp thế giới. Khi kinh tế cả thế giới ngưng trệ vì con virus Vũ Hán thì các công ty Trung Quốc sẽ khó bán hàng, nhiều người sẽ thất nghiệp. Năm nay, lần đầu tiên Đảng cộng sản Trung Quốc đã không dám loan báo chỉ tiêu phát triển kinh tế.
Chính vì phải lo trấn áp người dân trong lục địa mà Tập Cận Bình đã gây ra những xung đột mới tại biên giới Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Narendra D. Modi đã bắt thóp được chỗ nhược của Tập Cận Bình là mối lo kinh tế nước Tàu lung lay, cho nên ông đã trả đũa bằng những đòn kinh tế : Cấm dân Ấn Độ sử dụng gần 60 ứng dụng (app) trên mạng phát xuất từ Trung Quốc !
Tập Cận Bình dùng đạo luật an ninh tại Hồng Kông cũng để đe dọa và ngăn chặn dân trong nước không được bắt chước thanh niên, sinh viên Hương Cảng.
Người dân trong lục địa suốt năm qua theo dõi các phong trào xuống đường ở Hồng Kông cũng đang tự hỏi tại sao họ không được hưởng những quyền tự do biểu tình, tự do phát biểu, hô khẩu hiệu như dân Hồng Kông ?
Đó chính là những con khỉ dần "hách", khi Tập Cận Bình ra tay chẹt cổ người dân Hương Cảng theo kế Sát Kê Hách Hầu !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 07/07/2020
Bầu cử Tổng thống Mỹ : Tập Cận Bình "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump
Quan hệ Mỹ - Trung vẫn luôn thu hút sự quan tâm của báo Pháp. Đáng chú ý là bài viết của cây bút thời luận nổi tiếng Alain Frachon trên Le Monde : "Tập Cận Bình bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump". Ủng hộ phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã trở thành truyền thống của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc, ngày 09/11/2017. AP - Andrew Harnik
Theo cây bút thời luận Alain Frachon, đó không chỉ là nhằm tôn vinh việc tổng thống Richard Nixon (1913-1994) bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung với Mao Trạch Đông, không chỉ là vì đảng Cộng hòa thường ít "lên lớp" Trung Quốc về nhân quyền hơn so với phe Dân chủ Mỹ, mà chủ yếu vì đảng Cộng hòa nói chung thực tế hơn trong chính sách đối ngoại, nhất là về việc làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận.
Đối với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 cũng vậy. Theo Alain Frachon, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump. Mặc dù ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc… nhưng điều đáng nói là cách hành động của Trump không mang lại gì đáng kể cho Mỹ. Bắc Kinh vẫn có thể "ăn miếng trả miếng". Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hồi tháng Giêng 2020, hai bên đã "tạm đình chiến".
Mặc dù phe của tổng thống Trump sau đó lại tiến hành "chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc", coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh : thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, tổng thống Trump có hai "phẩm chất" quan trọng : không nhất quán và thiếu năng lực.
Biết đánh vào "cái tôi" rất lớn của nguyên thủ Mỹ, khi đón tiếp tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, chủ tịch Trung Quốc đã hết lời tâng bốc ông Trump và giành được sự biết ơn của tổng thống Mỹ. Donald Trump gọi Tập Cận Bình là "chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc" và "nể nang", không đả động đến hồ sơ nhân quyền.
Nhưng Trump còn mang lại một lợi thế khác cho Bắc Kinh : ông Trump một mình tiến hành chính sách chống Trung Quốc, đối xử trịch thượng, coi thường hoặc chê bai các đồng minh Châu Âu và Châu Á. Nếu Joe Biden làm tổng thống, ông ấy sẽ làm điều ngược lại. Khi xác định và áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân chủ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ. Một cựu thành viên của phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc gần đây nói với Bloomberg là việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Donald Trump thì phá hủy các liên minh.
Còn đối với công luận Trung Quốc, những phát biểu của ông Trump trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chiến lược hung hăng bài Trung Quốc càng cho thấy Bắc Kinh có lý khi nói là phương Tây thù hằn Trung Quốc. Trump còn phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng cách làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Trong cuộc chiến của Trung Quốc nhằm hạ thấp nền dân chủ tự do và hợp pháp hóa chế độ chính trị chuyên chế, nước Mỹ dưới thời Donald Trump với hệ thống y tế suy yếu, xã hội tổn thương do phân biệt chủng tộc… như vậy đã mang lại một lợi thế lớn cho Bắc Kinh.
Hồng Kông : Lòng quyết tâm và nỗi sợ hãi
Được phát hành từ chiều hôm qua, Le Monde đặc biệt quan tâm đến hồ sơ Hồng Kông. Tờ báo chạy tựa "Hồng Kông : Những người biểu tình thách thức, bất chấp lệnh cấm". Ở các trang trong, Le Monde giới thiệu 2 bài viết xoay quanh sự kiện Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông.
Trong bài viết "Lòng quyết tâm và nỗi sợ ở Hồng Kông", thông tín viên của báo Le Monde cho biết những người tham gia phong trào đấu tranh ở đặc khu hành chính vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến chống chính quyền Bắc Kinh, nhưng tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết, từ danh sách người liên lạc trên điện thoại di động, lịch sử tìm kiếm, ảnh lưu trữ, đến vứt bỏ những bộ trang phục đã mặc khi đi biểu tình… để tránh bị lực lượng an ninh truy tìm.
Một nhà tranh đấu, hiện giờ đang ở nước ngoài, nhấn mạnh luật mới thật đáng sợ, nhưng người dân Hồng Kông phải trung thành với các giá trị của mình và phải tìm ra các phương tiện mới để chống lại luật an ninh mới. Nhiều người trong ngày 01/07 vẫn đi làm bình thường, coi như không có gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm họ tìm cách ủng hộ phong trào tranh đấu. Đối với người dân Hồng Kông, giờ quan trọng nhất là tránh bị tống giam vào tù, tránh được càng lâu thì càng tốt và phải đặc biệt thận trọng. Còn về phản ứng của quốc tế, Le Monde nhận định, Anh và Mỹ là những nước có phản ứng gay gắt nhất.
Quyền năng tối thượng của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông
"Không hẹn mà gặp", trên trang nhất Libération cũng đăng bức hình giống như báo Le Monde : Bị lực lượng an ninh vây quanh khống chế, một người biểu tình Hồng Kông nằm bẹp dưới đất, ngước đôi mắt với ánh nhìn lo lắng nhưng cũng đầy vẻ kiên cường. Trên nền bức ảnh khổ lớn chiếm trọng trang nhất là hàng tựa trang nhất súc tích : "Hồng Kông – Nỗi sợ".
Libération cũng dành 4 trang báo bên trong cho các bài viết xoay quanh hồ sơ Hồng Kông, với nhận định của nhiều chuyên gia. Libération lo ngại về tình cảnh "Hồng Kông bị kìm kẹp", có nguy cơ bị chế độ độc tài nhận chìm. Bắc Kinh đang tận dụng nỗi sợ hãi để quản lý Hồng Kông. Thông qua luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Tập Cận Bình áp đặt đối với đặc khu hành chính, Đảng cộng sản Trung Quốc giờ có "quyền năng tối thượng" ở Hồng Kông. Về vị thế kinh tế, tài chính của Hồng Kông, theo Sebastian Veg, giáo sư danh dự của đại học Hồng Kông, sự lựa chọn lần này của Bắc Kinh cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ vai trò kinh tế tài chính của Hồng Kông sẽ bị suy giảm đáng kể. Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo ra tình huống nếu không theo Bắc Kinh thì sẽ bị coi là chống chế độ. Và từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, xâm chiếm Đài Loan sẽ là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới.
Trong bài viết "Chống Bắc Kinh, Luân Đôn tự đưa mình thành miền đất hứa", Libération lưu ý mặc dù chính phủ Anh muốn mở rộng quyền cư trú cho dân Hồng Kông, nhưng chính ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thừa nhận Luân Đôn có thể sẽ không thể làm được gì đáng kể cho người dân đặc khu nếu Bắc Kinh cản trở những người có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc rời Hồng Kông.
Hậu phong tỏa Covid-19 : Cuộc chiến chống gian lận trợ cấp thất nghiệp bán phần
Khác với Le Monde và Libération chú ý đến thời sự quốc tế, nhất là hồ sơ Hồng Kông, Le Figaro quan tâm đặc biệt đến tình hình thời sự nước Pháp, nhất là về kế hoạch cải tổ nội các, quan hệ giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kế hoạch tái khởi động đất nước trong bối cảnh tổng thống Macron chỉ còn khoảng 500 ngày là hết nhiệm kỳ. Le Figaro cũng dành hai trang bài để nói về chính trị địa phương sau kỳ bầu cử thị trưởng, xã trưởng… hôm Chủ Nhật 28/06.
Đáng chú ý còn có bài viết về cuộc chiến chống gian lận của Bộ Lao động Pháp thời hậu Covid-19 nhắm vào các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần hào phóng của chính phủ để trục lợi. Trong giai đoạn phong tỏa, có 13,6 triệu lao động của hơn 1 triệu doanh nghiệp Pháp xin trợ cấp thất nghiệp bán phần. Số tiền Nhà nước ban đầu dự kiến dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần là 8,5 tỉ euro, nay con số này đã tăng vọt lên thành 31 tỉ euro.
Trong bối cảnh này, Bộ Lao động đã huy động thêm 300 công chức tham gia vào công tác kiểm tra các doanh nghiệp có nhân viên được hưởng trợ cấp bán phần. Bộ trưởng Lao động Pénicaud thông báo từ nay đến cuối mùa hè sẽ cho tiến hành 50.000 vụ kiểm tra, đặc biệt nhắm vào các lĩnh vực dễ có gian lận hoặc phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Nếu tỉ lệ gian lận cao thì công tác kiểm tra sẽ còn được duy trì. Từ ngày 22/05 đến nay, Bộ Lao động đã khởi động 12.000 cuộc kiểm tra, 400 vụ xuất phát từ đơn tố cáo từ chính các nghiệp đoàn lao động hoặc người làm công ăn lương.
Trong số 3.000 cuộc kiểm tra đã hoàn tất, có tới 600 hồ sơ trong đó các doanh nghiệp phải điều chỉnh khai báo, 850 hồ sơ bị nghi là có gian lận và sẽ được thanh tra kỹ hơn. 25% có thể bị xử phạt tài chính. Về nguyên tắc, ngoài việc bồi hoàn tiền ăn gian của Nhà nước, chủ doanh doanh nghiệp gian lận có thể bị phạt 30.000 euro, chịu 2 năm tù giam và không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong vòng 5 năm. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị kết tội lừa đảo, chủ doanh nghiệp phải lãnh án tù 7 năm, nộp phạt 750.000 euro, thậm chí bị truy tố về hình sự.
Bị 400 tập đoàn lớn tẩy chay, Facebook có lo ngại ?
Liên quan đến phong trào đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc Black Lives Matter xuất phát từ Mỹ sau cái chết của người da màu Georges Floyd rồi lan rộng ra thế giới, Les Echos nói đến việc Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, từ một tuần nay bị nhắm đến do không có biện pháp đấu tranh chống các nội dung thù hận. Hơn 400 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm rút quảng cáo khỏi Facebook : Verizon, Unilever, Coca-Cola, Starbucks, Daimler, Volkswagen, Lego, The Body Shop…
Tuy nhiên, ông chủ Facebook, Marc Zuckerberg, vẫn có vẻ "bình chân như vại" và cho rằng các hãng lớn sẽ sớm trở lại trên mục quảng cáo của Facebook. Theo Les Echos, đúng là gần như toàn bộ thu nhập của Facebook là nhờ quảng cáo, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm số ít trong số 8 triệu nhà quảng cáo trên trang Facebook. Hoạt động quảng cáo của hơn 100 hãng lớn nhất chỉ mang lại 6% trong tổng số 70 tỉ đô la thu nhập năm 2019 của Facebook. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là khách hàng chính của Facebook, mà những công ty này thì ít có khả năng dám tẩy chay Facebook vì sự thành công của họ phụ thuộc vào sự hiện diện trên các mạng xã hội, mà Facebook lại là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.
Thùy Dương
China's plan to replace the U.S.dollar.
President of WorldMoneyWatch
Tôi không thông rành tiếng nước ngoài nên chả mấy khi mon men vào những trang mạng ngoại ngữ. Chỉ cắm cúi vào những tờ báo tiếng Việt thôi, dù vừa coi vừa run :
- Tuổi Trẻ (19/05/2020) : Giá USD Bất Ngờ Giảm Mạnh.
- Thời Báo (16/06/2020) : Đồng USD Có Thể Sẽ Sụp Đổ Vào Năm 2021.
Thiệt đọc mà muốn ứa nước mắt luôn. Sao mà xui xẻo dữ vậy Trời ? Tôi sống theo kiểu check by check, có đồng nào xào đồng đó, chưa bao giờ dư ra được một xu. Hai tháng trước, vì (hay nhờ) dịch Vũ Hán, nhà nước Hoa Kỳ thương tình gửi phụ thêm cho 1.200,00 USD. Trộm nghĩ mình cũng đã đến lúc gần đất xa trời rồi nên lật đật bỏ số tiền này vô ngân hàng, dành vào việc hoả táng. Vụ này tui đã dọ giá rồi, tốn đâu cỡ gần ngàn. Vài trăm còn lại để con cháu mua chút đỉnh hương hoa, cho nó giống với người ta, ngó cũng phần nào đỡ tủi.
Ai dè "giá USD bất ngờ giảm mạnh !". Thiệt rầu muốn chết luôn. Chưa hết, nếu chỉ vài tháng nữa, qua "năm 2021, mà "USD có thể sụp đổ" thì chết mẹ. Đã vậy, ông nhà báo Hà Nhân Văn còn cho biết một chuyện kinh thiên động địa (khác) nữa : "Tham vọng lớn của Tập Cận Bình là vượt Mỹ… đưa đồng Nguyên tức Nhân dân tệ thay thế Mỹ kim và đồng Euro".
Tham vọng dữ vậy sao ? Nghe qua là đủ sợ thấy bà luôn. Coi : deposit cả đống U.S.A dollar vô nhà băng rồi khi withdraw thì nhận lại một mớ tiền Yuan thì dám tui sẽ khóc bằng tiếng Tầu luôn quá. Thôi, em không dại đâu.
Tui quyết định cái rột : chạy ra Bank of America rút hết tiền ra (cái rẹt) xong rủ bạn bè đi nhậu một bữa thiệt là hoành tráng, rồi khi tàn tiệc thì mình ên chạy lên San Francisco nhẩy cầu Golden Gate ("nghe cái ùm") là hết chuyện. Coi như là… thủy táng, xác cho cá mập ăn, hoàn toàn và tuyệt đối không ô nhiễm môi sinh/môi trường gì ráo trọi. Cũng chả phiền ai "phải đưa tui ra biển" mất công !
Quyết định vậy thì dễ nhưng thực hiện thì mới thấy khó à nha. Chưa nói tới cái "công đoạn nhẩy cầu" chỉ mới kêu điện thoại rủ rê ("gặp nhau để uống sương sương vài chai trước khi từ giã cõi trần") thôi mà thân hữu gần xa, vì sợ con Corona, đều đã lắc đầu quầy quậy. Mà tui thì có cái tật lớn là bỏ tiền trong túi thấy nó lóc xóc không chịu được, chỉ nghĩ đến lúc bạn bè đàn đúm (nhậu nhẹt linh đình, đờn ca hát xướng tùm lum) là đủ nóng như hơ rồi.
Đang loay hoay/nhấp nhổm chưa biết cách sao để xài cho hết tiền thì báo Công An Nhân Dân , số ra ngày 11/06/2020, có một bài viết ("Bé 8 tuổi dùng tiền ‘âm phủ’ Trung Quốc mua đồ chơi") nội dung hơi là lạ :
"Sự việc xảy ra vào cuối tháng 4, khi một cậu bé 8 tuổi người Thụy Sĩ cùng anh trai và bé gái hàng xóm đã đến một cửa hàng đồ chơi tại Dietgen thuộc vùng phía Bắc Basel Landschaft, và xòe ra một đống tờ giấy in hình đồng tiền Euro và hỏi rằng liệu cậu có thể sử dụng chúng hay không. Mặc dù trên tờ tiền đã có ghi chú xác nhận đó là tiền giả, nhưng nhân viên cửa hàng cảm thấy có nghĩa vụ phải gọi cảnh sát. ‘Đây là chính sách của chúng tôi’, Tanja Baumann, quản lý cửa hàng cho biết.
Phát ngôn viên cảnh sát vùng Basel Landschaft sau đó xác nhận họ đã nhận được thông báo về việc có một đứa trẻ dùng đồng Euro giả mua hàng. Ngày 28/5, cảnh sát đã liên lạc với cha mẹ của cậu bé và tới thăm nhà của họ để điều tra vụ việc. Cảnh sát mang theo những bức ảnh chụp từ camera giám sát của cửa hàng để xác nhận với gia đình. Họ đã thu giữ thêm vài tờ tiền tương tự có mệnh giá 5, 10 và 20 Euro. Tờ báo Basler Zeitung (BaZ) sau đó tiết lộ các tờ tiền giả trong vụ việc là… ‘tiền âm phủ’ có nguồn gốc Trung Quốc, vốn được dùng để thiêu tượng trưng trong đám tang với mong muốn người chết có một cuộc sống sung túc ở thế giới bên kia…".
Té ra ngay cả khi xuống tới âm phủ rồi mà dân Trung Hoa lục địa vẫn cứ chê đồng Nhân Dân Tệ. Đốt vàng mã cũng phải bằng tiền (giả) Âu Kim hoặc Mỹ Kim thì họ mới chịu xài. Rứa thì biết khi mô đồng Yuan của chủ tịch Tập Cận Bình mới thay thế được US dollar hè ?
Tiền âm phủ Trung Quốc. Nguồn : lazerhorse.org
Dù không thông minh lắm tôi vẫn nhìn ra ngay được vấn đề. Thế là chạy vội ra Bank of America bỏ tiền vô máy ATM trở lại. Dù chả ưa gì Mỹ, và suốt ngày cứ ỉ ôi chê bai cái chế độ lưỡng đảng (Cộng hòa versus Dân chủ) của xứ sở này nhưng tôi chưa bao giờ mất cảm tình (hay niềm tin) vào mấy tờ 100 dollars cả. Ha ha… !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 23/06/2020 (tuongnangtien's blog)