Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp và Châu Âu mong đợi gì từ chuyến công du Paris của Tập Cận Bình ? (RFI, 25/03/2019)

Đáp lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân chuyến công du Bắc Kinh năm 2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Paris trong vòng ba ngày, bắt đầu từ ngày 24/03/2019. Vậy Bắc Kinh muốn gì từ Paris và Bruxelles ? Và phản ứng của Pháp và Châu Âu ra sao ?

congdu1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi ký kết thỏa thuận với Ý tại Villa Madama, Roma, ngày 23/03/2019. Reuters/Yara Nardi

Theo giới quan sát, chuyến đi của Tập Cận Bình nhằm thực hiện một "chiến dịch ve vãn" nước Pháp và Liên Hiệp Châu Âu. Hoạt động ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thương mại chưa từng có. Nền kinh tế của Trung Quốc bị trì trệ và dự án "Con đường Tơ Lụa Mới" đi từ Á sang Âu, qua cả Châu Phi vẫn gặp phải sự chần chừ, do dự, thậm chí là lo ngại từ phía các nước Châu Âu.

Nhận định về chuyến thăm Pháp, ông Jean-Paul Tchang, chuyên gia về kinh tế và đồng sáng lập viên tờ La Lettre de la Chine – Thư từ Trung Quốc, trên đài truyền hình France Info cho rằng "Trung Quốc hy vọng lôi kéo được Pháp có một cái nhìn tích cực hơn về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc" và đây sẽ là "một thông điệp cho các đối tác Châu Âu khác".

Do vậy, ông Tập Cận Bình, trong mục diễn đàn trên Le Figaro đã ca ngợi hết lời mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Pháp từ 55 năm qua và kêu gọi gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các lĩnh vực mà đôi bên có thể thắt chặt hợp tác nhiều hơn như năng lượng hạt nhân, hàng không, không gian, nông nghiệp và cả trong công nghiệp.

Thế nhưng, những lời mời mọc hợp tác "đôi bên cùng có lợi" của ông Tập Cận Bình cũng không làm xóa tan được mối ngờ vực của giới chuyên gia Pháp về tham vọng bá quyền của Bắc Kinh và nhất là tìm cách thâu tóm các ngành công nghệ mũi nhọn của Châu Âu thông qua các dự án đầu tư.

Theo bà Sophie Boisseau de Rocher, Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp trên làn sóng RFI, điểm yếu của Bắc Kinh hiện nay là chưa đủ tự tin nâng cấp công nghệ của mình trong khi Châu Âu vẫn là một sân chơi hấp dẫn trong lĩnh vực này. Vì vậy, trong trước mắt, Bắc Kinh vẫn còn cần đến Lục Địa Già. Làm thế nào lôi kéo các ngành công nghệ của Châu Âu vào mạng lưới công nghệ Trung Quốc để rồi sau đó áp đặt các chuẩn mực của mình là mục tiêu chính trong dài hạn của Bắc Kinh.

Đây chính là điểm khiến cho tổng thống Pháp và một số đồng nhiệm Châu Âu lo ngại, theo như giải thích của bà Sophie Boisseau de Rocher : "Châu Âu lo ngại đây là một dự án bá quyền. Có nghĩa là nếu dự án được thực hiện và khai thác như phía Trung Quốc trình bày thì người ta thấy là các nguồn tài chính, nhân lực và sản phẩm, tất cả đều là của Trung Quốc. Gần 90% dự án Con đường tơ lụa hoạt động với các sản phẩm, chuẩn mực của Trung Quốc. Đây hoàn toàn không phải là dự án mà các bên cùng có lợi, có đi có lại, như phía Trung Quốc rao giảng. Không thể chấp nhận một dự án được thực hiện trong các điều kiện như vậy tại Châu Âu.

Đối với Châu Âu, điều quan trọng hiện nay là phải thuyết phục Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh xem xét lại dự án của họ, để Châu Âu không cảm thấy bị thiệt thòi, tổn hại lợi ích do việc thực hiện dự án Con đường tơ lụa, làm sao để dự án có thể đóng góp một cách đầy đủ vào sự phát triển của Châu Âu. Và quả thực, Châu Âu đã điều chỉnh được phần nào sự lệch lạc của dự án ban đầu mà tôi vừa nói tới".

Tóm lại, liệu chủ nhân điện Elysée có cưỡng lại được những bẫy mồi do Tập Cận Bình giăng ra hay không ? Làm thế nào thuyết phục và kìm hãm được tham vọng bá quyền của Trung Quốc ? Đây sẽ làm một bài toán khó đối với tổng thống Emmanuel Macron.

Minh Anh

******************

Nghênh tiếp Tập Cận Bình, Macron muốn Bắc Kinh bớt tham vọng bá quyền (RFI, 25/03/2019)

Sau chuyến ghé thăm chớp nhoáng Monaco và buổi gặp riêng rồi ăn tối cùng tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thị trấn Beaulieu-sur-Mer, vùng Côte d’Azur, miền nam nước Pháp vào hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên Paris hôm nay, 25/03/2019, chính thức bắt đầu ba ngày công du cấp Nhà Nước tại Pháp.

congdu2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đội quân danh dự tại Khải Hoàn Môn Paris (Pháp) ngày 25/03/2019. Francois Mori/Pool via Reuters

Theo AFP, khi nghênh đón ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp sẽ cố thuyết phục Trung Quốc chấp nhận hành xử theo các quy tắc trong quan hệ đa phương, trong bối cảnh nội bộ Liên Hiệp Châu Âu đang chia rẽ trước cuộc tấn công ngoại giao - thương mại của Bắc Kinh.

Sau nghi thức đón tiếp long trọng dưới chân Khải Hoàn Môn Paris, là cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp-Trung tại điện Elysées, theo sau là một cuộc tiếp xúc với báo chí, trước buổi đại yến chính thức.

Như thông lệ, chuyến công du là dịp để hai bên ký kết các hợp đồng thương mại hay thỏa thuận hợp tác, nhưng đối với giới quan sát, vế quan trọng hơn cả sẽ là hội nghị thượng đỉnh 3+1 vào ngày mai, 26/03, giữa chủ tịch Trung Quốc một bên, và bên kia là tổng thống Pháp, thủ tướng Đức cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.

Cuộc họp theo sáng kiến của ông Macron phản ánh chủ trương của nước Pháp muốn thúc đẩy một lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu nhằm thúc giục Trung Quốc giảm bớt các tham vọng đang làm thay đổi cục diện của thế giới, và ảnh hưởng đến các lợi ích của Châu Âu.

Một trong những mũi tiến công của Bắc Kinh vào Châu Âu hiện đang khiến Paris, Berlin và Bruxelles quan ngại là Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường của chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh mới đây đã chiêu dụ được Ý, một cường quốc G7 từng là một trong những sáng lập viên Liên Hiệp Châu Âu. Rôma đã đi theo Trung Quốc bất chấp thái độ bất bình của các đồng minh.

Ngay hôm qua, sau buổi ăn tối với chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Pháp đã xác định trong một tin nhắn twitter rằng "chuyến công du này (của ông Tập Cận Bình) sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Trung Quốc và khẳng định vai trò của Pháp, Châu Âu và Trung Quốc trong việc ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương".

Trọng Nghĩa

***********************

Con đường tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc ở Pháp (RFI, 25/03/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chân đến Pháp từ hôm qua, 24/03/2019, sau chuyến thăm nước Ý, nơi mà sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường của ông - tên tắt tiếng Anh là BRI – đã gặt hái nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhân 3 ngày công du Pháp, chính thức khởi sự hôm 25/03, sáng kiến còn được gọi là Con đường tơ lụa mới có rất nhiều khả năng không được đón tiếp thuận lợi do thái độ nghi kỵ của Pháp.

congdu3

Tổng thống Pháp Macron đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh tại Villa Kérylos, Beaulieu-sur-Mer, gần Nice, miền nam Pháp, tối 24/03/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier

Trên danh nghĩa, sáng kiến của Trung Quốc về việc xây dựng cả một hệ thống hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường biển nối liền các quốc gia từ Á sang Âu sẽ thúc đẩy giao thương và hợp tác có lợi cho tất cả các nước. Thế nhưng đối với Pháp cũng như là nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đây là những con đường trên thực tế không phải là hai chiều như Bắc Kinh luôn phô trương, mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Quan điểm rất dè dặt của Paris về Con đường tơ lụa mới

Ngay từ trước lúc chủ tịch Trung Quốc đặt chân xuống Pháp, Paris đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu, nêu rõ quan điểm dè dặt của Pháp đối với sáng kiến của ông Tập Cận Bình.

Nhân chuyến viếng thăm Nairobi, thủ đô xứ Kenya ở Châu Phi hôm 13/03/2019, dù không nêu đích danh, nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron như đã gởi một thông điệp đến Trung Quốc, vốn hiện diện mạnh mẽ ở Châu Phi, khi nhắc đến "những con đường tơ lụa" trong lịch sử vốn không hề là những con đường một chiều.

Tổng thống Pháp đã nói nguyên văn : "Các con đường tơ lụa là những con đường được Marco Polo mở ra và đã hoạt động hai chiều".

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thì nói thẳng hơn một chút. Trên kênh truyền hình Pháp BFMTV hôm thứ Sáu 22/03 vừa qua, ông đã xác định rằng "Nếu cần nói về một Con đường tơ lụa mới, thì đó phải là một con đường đi theo cả hai chiều".

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng trong các cuộc tiếp xúc với ông Tập Cận Bình nhân dịp ông thăm Pháp, tổng thống Macron sẽ nhấn mạnh trên yếu tố "hỗ tương" trong vấn đề tiếp cận thị trường Trung Quốc, cho đến nay vẫn còn khép kín đối với phương Tây.

Theo hãng tin Pháp AFP, một điểm khác cũng sẽ được ông Macron nêu lên là quan ngại của Pháp và Châu Âu trước các đòi hỏi từ phía Bắc Kinh, buộc các công ty xí nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ thiết yếu nếu muốn đầu tư vào Trung Quốc.

Con đường tơ lụa vận hành với hơn 90% sản phẩm Trung Quốc

Đối với giới chuyên gia Pháp, việc Paris cũng như một số nước Châu Âu dè dặt trước dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc không phải là không có cơ sở.

Trả lời RFI, chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, tác giả quyển biên khảo "Trung Quốc l(v)à thế giới - La Chine e(s)t le monde" giải thích :

"Các con đường tơ lụa hoạt động với hơn 90% là sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm tài chính, hạ tầng cơ sở v.v… Và đó hoàn toàn không phải là đề án hai bên cùng có lợi mà Trung Quốc rao bán cho chúng ta. Không thể mở ra các con đường tơ lụa đó ở Châu Âu trong những điều kiện như vậy.

Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải thuyết phục ông Tập Cận Bình và ê kíp của ông ấy rằng họ cần xem xét lại "bài bản"của họ, sao cho Châu Âu không bị thiệt khi thực hiện dự án các con đường tơ lụa, mà ngược lại có thể đóng góp đầy đủ vào sáng kiến đó, tức là làm sao điều chỉnh lại phần nào sự mất cân đối được nêu lên".

Yêu cầu Bắc Kinh "sửa bài", theo nữ chuyên gia Pháp, rất cần thiết vì một trong những mục tiêu của các con đường tơ lụa mới đó là tiếp cận Châu Âu để thụ hưởng công nghệ học tiên tiến của Châu Âu :

"Điều mà Trung Quốc quan tâm là trở thành cường quốc số 1 thế giới, có năng lực áp đặt công nghệ học của họ, những phát minh sáng chế của họ, các tiêu chuẩn của họ trên phần còn lại của thế giới, như Mỹ có lúc đã từng làm.

Châu Âu là một địa bàn có công nghệ học và phát minh sáng chế cao cấp, cho nên Trung Quốc rất quan tâm, không chỉ để thâu tóm công nghệ học mà còn để tạo ra những loại công nghệ mà họ sẽ áp đặt cho chúng ta về sau".

Vai trò của Pháp

Theo chuyên gia Valérie Niquet, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược FRS, trả lời RFI, thì vẫn còn thời gian để Pháp và Châu Âu xoay chuyển tình thế, với một Trung Quốc sẵn sàng thương lượng hơn trước đây :

"Trung Quốc bị tác hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và Donald Trump nhiều hơn là họ thừa nhận. Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, cho nên họ cần đến Châu Âu và Pháp. Paris đóng một vai trò đặc biệt quan trọng từ khi có Brexit, do việc Pháp đã trở thành một động lực của Liên Hiệp Châu Âu.

Trung Quốc hy vọng có được hậu thuẫn của Pháp, hay ít ra đảo ngược tình thế hiện nay vì ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo đã cảm nhận được là hình ảnh một Trung Quốc oai phong, có thể mang lại giải pháp cho mọi cuộc khủng hoảng kinh tế mà thế giới kinh qua, đã bị sứt mẻ nhiều, và chủ đề nóng hiện nay là yêu cầu Bắc Kinh có qua có lại, mở cửa thị trường, điều mà cho đến bây giờ Trung Quốc không muốn đáp ứng cho các tác nhân Pháp".

Tuy nhiên, cuộc đọ sức Mỹ-Trung hiện nay có thể tác động ngược lại đối với Châu Âu. Chuyên gia Emmanuel Dubois de Prisque, thuộc tạp chí Monde Chinois - Nouvelle Asie phân tích :

"Cách đây không lâu Trung Quốc đã thông qua một văn kiện để đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc được dễ dàng hơn, cho nên tôi nghĩ là thỏa thuận về đầu tư có cơ may tiến triển.

Tuy nhiên đối với Trung Quốc, khả năng nhượng bộ, dễ dãi đối với Châu Âu sẽ rất tế nhị, mặc dù họ đã sẵn sàng nhượng bộ nhiều đối với Mỹ.

Đứng về góc độ thương mại quốc tế, Trung Quốc thiên về việc nhượng bộ Mỹ, vì Donald Trump, vì sự lệ thuộc rất quan trọng của Trung Quốc vào công nghệ học Mỹ. Người ta đã thấy chuyện gì đã xẩy ra với ZTE cách đây vài tháng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc tương đương với Hoa Vi này, chút nữa là biến mất do trừng phạt của Mỹ.

Cho nên ngày nay người ta thấy rõ là Trung Quốc rất lo ngại về những gì có thể xẩy ra ở phía Mỹ hơn là từ phíaChâu Âu, và sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn đối với Mỹ hơn là với Châu Âu".

Đây có thể là một lý do khiến tổng thống Pháp kêu gọi đến thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker, mời hai người đến Paris cùng gặp chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba, 26/03.

Mai Vân

********************

RSF báo động Trung Quốc áp đặt "Trật tự thế giới mới về truyền thông" (RFI, 25/03/2019)

Trong bản báo cáo mang tên "Trật tự thế giới mới về truyền thông do Trung Quốc lũng đoạn" được công bố hôm nay 25/03/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris lên tiếng báo động về chiến lược của Bắc Kinh nhằm kiểm soát thông tin ở ngoài nước, ngăn chận những chỉ trích. Mưu toan này đang đe dọa tự do báo chí trên thế giới.

congdu4

Micro dày đặc của giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong kỳ họp của Quốc Hội ngày 05/03/2019. Reuters/Thomas Peter

RSF tố cáo, không chỉ dùng "Vạn lý Hỏa thành" để siết chặt người dân Hoa lục, Trung Quốc còn thông qua các đại sứ quán và Viện Khổng Tử trên thế giới để áp đặt quan điểm, giấu đi những chương đen tối trong lịch sử.

Bản báo cáo bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh, Hoa nêu cụ thể chiến lược của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc. Bên cạnh việc hiện đại hóa các công cụ truyền thanh truyền hình ở ngoại quốc, Bắc Kinh còn ồ ạt tung tiền ra mua quảng cáo, thâm nhập vào các cơ quan truyền thông ngoại quốc…Không chỉ có thế, Trung Quốc còn hăm dọa, gây sức ép, sách nhiễu khắp nơi, với quy mô hầu như công nghiệp.

Bắc Kinh thường xuyên mua những trang báo của các tờ báo uy tín quốc tế như Wall Street Journal, Le Figaro hay Daily Telegraph để đăng những bài viết tuyên truyền nhắm vào độc giả các nước, một việc mà RSF gọi là sử dụng "con ngựa thành Troie".

Ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF nhấn mạnh : "Theo cách nghĩ của chế độ Bắc Kinh, các nhà báo không thể là tiếng nói phản biện, mà là công cụ tuyên truyền cho Nhà nước. Nếu các nền dân chủ không phản ứng lại, Trung Quốc sẽ áp đặt mô hình của họ, dần dà tràn ngập các cơ quan truyền thông trên thế giới, cạnh tranh với báo chí chân chính".

Chỉ trong một thập niên qua, Bắc Kinh đã đầu tư quy mô vào truyền thông : tập đoàn CGTN phát thanh, truyền hình ra 140 nước, và đài phát thanh quốc tế Trung Quốc có đến 65 thứ tiếng. Trung Quốc cũng chi tiền mời đến vài chục ngàn nhà báo các nước đang phát triển đến tập huấn tại Bắc Kinh, để đối lấy những bài viết có lợi cho chế độ. Còn báo chí của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, trước đây thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh, thì hầu như đều bị mua lại, nhập vào bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng xuất khẩu các phương tiện kiểm duyệt và giám sát như công cụ tìm kiếm Bách Độ (Baidu), ứng dụng WeChat ; khuyến khích các nhà nước độc tài sao chép các biện pháp trấn áp của mình, đặc biệt tại Đông Nam Á.

Cuối cùng, Trung Quốc sử dụng bạo lực và hăm dọa để dập tắt những tiếng nói ly khai, kể cả tại các nước dân chủ. Từ các nhà báo độc lập cho đến ban biên tập các tòa soạn lớn, từ nhà xuất bản đến các mạng xã hội ; theo RSF, ngày nay không còn mắt xích nào trong chuỗi sản xuất thông tin thoát khỏi "bàn tay vô hình" của Bắc Kinh. Bản thân đại sứ Trung Quốc ở các nước cũng không ngần ngại đả kích một cách kém ngoại giao những bài báo nào đặt lại vấn đề những tuyên bố chính thức của chế độ.

Phóng viên Không biên giới nhận định, trước những tấn công dồn dập của Trung Quốc, các nước dân chủ vẫn chưa có những phản ứng cần thiết.

Thụy My

*****************

Vợ của chủ tịch Interpol mất tích đòi Macron chất vấn Tập Cận Bình (RFI, 25/03/2019)

Người vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu chủ tịch tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế Interpol, bị bắt cóc cách đây sáu tháng, đã yêu cầu tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra vụ này với ông Tập Cận Bình nhân chuyến viếng thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc bắt đầu hôm nay 25/03/2019.

congdu5

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình khi ông đến dự buổi ăn tối ở Villa Kérylos, Beaulieu-sur-Mer, gần Nice, miền nam Pháp. Ảnh tối 24/03/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier/Pool

Trong lá thư gởi đến Phủ tổng thống Pháp, bà Grace Meng muốn được biết chồng bà hiện đang ở đâu và tình trạng của ông như thế nào. Bà đòi hỏi phải cho luật sư vào thăm ông Mạnh Hoành Vĩ cũng như hỗ trợ tư pháp cho ông.

Vợ cựu chủ tịch Interpol viết : "Gia đình tôi cũng như những gia đình khác đang cùng hoàn cảnh, yêu cầu nước Pháp - vốn được toàn thế giới tôn trọng và lắng nghe nhờ các giá trị của Pháp quốc và sự gắn bó với nhân quyền - trao thông điệp này trong dịp tiếp ông Tập Cận Bình".

Ông Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích vào tháng 9/2018 lúc đang là chủ tịch Interpol. Đến ngày 07/10/2018, Interpol nhận được một lá thư từ chức của ông, sau khi Bắc Kinh thông báo Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì "nhận hối lộ".

Nhưng theo bà Mạnh, thì chồng bà "bị bắt cóc, từ nửa năm nay gia đình không hề nhận được tin tức, chưa có quyết định gì của tư pháp và không được trợ giúp của luật sư". Bản thân bà cũng bị đe dọa, phải xin tị nạn tại Pháp. Hôm 26/2, bà Mạnh đã khởi kiện vụ "mưu toan bắt cóc", "tội phạm có tổ chức".

Người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ biểu tình tại Paris chống Tập Cận Bình

Hôm qua 24/3 khoảng một ngàn người đã biểu tình gần tháp Eiffel, đòi tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu yêu sách của người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ trước ông Tập Cận Bình. Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng vừa chẵn 70 năm, còn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị Bắc Kinh đàn áp, cưỡng bức đi cải tạo. Những người biểu tình quấn cờ Tây Tạng nằm trên quảng trường Trocadéro, tượng trưng cho 153 nhà sư đã tự thiêu chống sự đô hộ của Trung Quốc.

Về phía Human Rights Watch (HRW) kêu gọi tổng thống Macron chất vấn ông Tập Cận Bình về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, mà theo tổ chức phi chính phủ này đã đạt đến một tầm cỡ chưa từng thấy trong những năm gần đây.

Thụy My

Published in Quốc tế

"Phương Tây đã từng cố gắng một cách tuyệt vọng để coi Trung Quốc là một thế lực có thể hợp tác được, nhưng Bắc Kinh đã làm cho họ không thể duy trì được ảo vọng này".

ciie1

Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai mạc Triển lãm quốc tế xuất nhập khẩu (CIIE) đầu tiên của Trung Quốc ở Thượng Hải ngày 05/11/2018. Johannes Eisele/Pool via Reuters

Theo nhận định của giáo sư về kinh tế chính trị Stein Ringen (King’s College ở Luân Đôn) trên Los Angeles Times, năm 2018 vừa qua không dễ chịu chút nào đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Sau nhiều năm dài đứng nhìn quyền lực nghiêng dần về phương Đông, nay phương Tây đã đáp trả. Hoa Kỳ đứng lên trên tuyến đầu, gây áp lực mạnh mẽ để Trung Quốc phải thay đổi các chính sách bảo hộ mậu dịch và gián điệp kỹ nghệ lâu nay. Chính quyền Donald Trump cảnh cáo là Bắc Kinh hoặc phải thay đổi cung cách hành xử, hoặc phải trả giá đắt. Các cuộc đàm phán về thương mại đang hướng về phía những quy định mới.

Trung Quốc bị cảnh báo từ Hoa Vi cho đến Viện Khổng Tử

Các cơ quan an ninh từ Hoa Kỳ, Canada cho đến Anh, Úc và các nước khác đều đưa ra những lời cảnh báo chống lại công nghệ 5G của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) vì lý do an ninh quốc gia. Trong "chủ nghĩa tư bản do nhà nước chỉ đạo" ở Trung Quốc, các công ty như Hoa Vi có bổn phận phải hợp tác với chính quyền, kể cả việc chia sẻ dữ liệu. Giám đốc tài chính Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đang bị quản thúc tại gia ở Canada trong khi chờ đợi bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Hồi tháng Giêng, một nhân viên của Hoa Vi đã bị bắt ở Vacxava vì cáo buộc làm gián điệp.

Cũng trong năm ngoái, các tổ chức nghiên cứu uy tín như Mercator Institute ở Berlin, Asia Society ở New York và Royal United Services Institute ở Luân Đôn đã công bố các bản báo cáo, nêu chi tiết về "chính sách gây ảnh hưởng" của Trung Quốc nhắm vào những định chế chính trị và giáo dục, truyền thông cũng như xã hội dân sự tại các quốc gia dân chủ.

Các nhà lập pháp Mỹ đã tiến hành một cuộc đấu tranh chống lại việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh tài chính để xâm hại những nền tảng của tự do về học thuật. Các trường đại học phương Tây ngần ngại không muốn đón tiếp con ngựa thành Troie là các Viện Khổng Tử, và các viện loại này đã được thiết lập thì đang lần lượt bị đóng cửa. Giọng điệu bình luận của các phương tiện truyền thông phương Tây đã thay đổi. Những người ủng hộ Bắc Kinh im tiếng, và xu hướng hiện nay là một lời cảnh báo.

Chủ tịch trọn đời : Tập Cận Bình lộ mặt thật

Một năm trước đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phạm sai lầm nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi trở thành người lãnh đạo tối cao vào năm 2012. Ông ta hủy bỏ quy định trong Hiến pháp, theo đó chức chủ tịch nước được giới hạn trong hai nhiệm kỳ. Hành động này đã giúp cho thế giới thấy rõ được bộ mặt thật của chế độ. Tập Cận Bình ngoài miệng nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp, nhưng có thể thay đổi cả Hiến pháp trong một cái chớp mắt, nếu thấy có lợi cho mình.

Trong nội bộ, việc kiểm soát đảng Cộng Sản Trung Quốc bị siết chặt chưa từng thấy dưới triều đại ông Tập. Cả một tập thể luật sư bênh vực cho nhân quyền bị chôn vùi : khoảng 200 luật sư bị bắt bớ, tống giam. Việc kiểm soát công dân được tối ưu hóa qua "hệ thống tín nhiệm xã hội" dựa trên một kho dữ liệu khổng lồ, với các biện pháp tưởng thưởng hay trừng phạt trong đời sống hàng ngày, người dân được cho điểm "tín nhiệm" từ thấp đến cao.

Khu "tự trị" Tân Cương, nơi đông đảo người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số theo đạo Hồi khác sinh sống, đã trở thành một nhà nước công an toàn trị, với những vụ bắt bớ hàng loạt và mạng lưới các trại tập trung cải tạo.

Bẫy nợ tàn khốc "Một vành đai, Một con đường"

Đối với thế giới bên ngoài, Bắc Kinh theo đuổi chính sách nhằm thống trị toàn cầu. Công cụ chủ yếu là "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường" (Belt and Road Initiative – BRI), trong đó Trung Quốc cho các quốc gia tham gia chương trình này vay tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các món tín dụng của dự án tỏ ra hấp dẫn, nhưng trên thực tế nhằm trói buộc các nước đi vay, trở thành lệ thuộc vào chủ nợ Bắc Kinh.

Phương Tây đã từng cố gắng một cách tuyệt vọng để coi Trung Quốc là một thế lực có thể hợp tác được, nhưng Bắc Kinh đã làm cho họ không thể duy trì được ảo vọng này. Khi Sri Lanka không thể trả nổi các món nợ, Trung Quốc bèn chiếm lấy quyền kiểm soát hải cảng đã cho vay để xây lên, rộng đến 15.000 mẫu Anh (trên 6.000 hecta). Cảng này được nhượng quyền khai thác đến 99 năm, Trung Quốc áp đặt một kiểu như nhượng địa Hồng Kông đối với một nước nhỏ yếu hơn.

Ví dụ khác về các nạn nhân của bẫy nợ Trung Quốc là Zambia, vào cuối năm 2018 đã bị mất quyền kiểm soát phi trường quốc tế lớn nhất nước. Còn Kenya đang có nguy cơ phải giao hải cảng chính ở Mombasa cho Bắc Kinh, vì không thể trả được món nợ đã vay để mở tuyến đường xe lửa từ Mombasa đến Nairobi. Công trình này do Trung Quốc xây dựng, nhưng chẳng mang lại lợi lộc gì.

Giở trò hăm dọa mỗi khi bị phê phán

Để tự làm trầm trọng thêm các vấn đề, khi gặp phải sự phản kháng, Tập Cận Bình và quan chức Bắc Kinh lại giở trò đe dọa. Sau khi New Zealand đứng về phía các nước phương Tây chống lại Hoa Vi, thủ tướng nước này là bà Jacinda Ardern đã không thể tiến hành chuyến viếng thăm Trung Quốc vốn đã được lên kế hoạch từ lâu, và một dự án du lịch đã được xúc tiến rộng rãi bỗng bị hủy bỏ một cách thô bạo.

Cũng tại New Zealand, giáo sư Anne-Marie Brady của trường đại học Canterbury, sau khi cho đăng một bài viết chỉ trích ảnh hưởng của Trung Quốc lên đất nước mình, bản thân bà và gia đình đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch hăm dọa mà bà cho là do chính quyền Bắc Kinh tổ chức. Vụ này đã gây xôn xao không ít trong dư luận.

Khi bộ trưởng Quốc Phòng Anh đưa ra những lời phê phán về việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, chuyến viếng thăm của bộ trưởng Tài Chính nước này bị Bắc Kinh hủy bỏ. Na Uy buộc phải ký kết một hiệp ước hữu nghị, trong đó chính phủ nước này xưa nay vốn là tiếng nói bảo vệ nhân quyền, lại phải im lặng trước những lạm dụng của Bắc Kinh.

Nhưng khi phương Tây buộc lòng phản phản ứng, quá trình lập lại thăng bằng về quyền lực rốt cuộc đã bắt đầu khiến cho không gian hành động của Trung Quốc bị thu hẹp lại. Đài Loan là nước được hưởng lợi ngay lập tức trước tình trạng đối địch giữa chủ nghĩa toàn trị và dân chủ. Mối nguy hiểm là ở chỗ Trung Quốc sẽ chà đạp lên tự do, hiện nay vốn đã bị thu hẹp so với một năm trước đó.

Tác giả Stein Ringen nhắc lại, thủ tướng Anh Winston Churchill trong những năm đầu sau Đệ nhị Thế chiến đã nói rằng ông không tin tổng bí thư Liên Xô Josef Stalin muốn chiến tranh, nhưng Stalin chỉ muốn thu được chiến lợi phẩm từ chiến tranh. Có thể phát biểu tương tự về Tập Cận Bình ngày nay. Nhưng giờ đây phương Tây đã tìm được tiếng nói để chống lại sự lạm dụng quyền lực của Trung Quốc, và không ngần ngại lớn giọng trước những hành vi lũng đoạn của Bắc Kinh.

Thụy My

Nguồn : RFI, 18/03/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc : Quyền lực của Tập Cận Bình bị rạn nứt

Trong khóa họp Quốc hội thường niên cách đây tròn một năm, ông Tập Cận Bình đứng trên đỉnh cao quyền lực. Tại khóa họp năm 2019, "quyền lực của ông bị rạn nứt", theo nhận định của nhật báo Le Figaro. Hai lý do chính là cuộc chiến thương mại dai dẳng Bắc Kinh- Washington và tăng trưởng của Trung Quốc bị chững lại.

tcb1

Quốc hội Trung Quốc khai mạc phiên họp toàn thể ngày 05/03/2019 tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh. Reuters/Jason Lee

Dù quyền lực của ông Tập không bị đe dọa nhưng ông bị chỉ trích trong nội bộ đảng và trong tầng lớp trí thức. Sự bất bình về chế độ chuyên quyền gia tăng khi ông bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch vào tháng 03/2018. Một số người thì lấy làm tiếc về chính sách đối ngoại hống hách của ông, mà theo họ, đang chịu trách nhiệm về sự xuống cấp trong quan hệ Mỹ-Trung, không chỉ dừng ở vấn đề thương mại. Một số khác thì chỉ trích sự ưu ái dành cho các tập đoàn nhà nước, gây bất lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Theo Le Figaro, những dấu hiệu trên cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng, giữa một bên là bảo thủ và bên kia là cải cách về chính sách kinh tế.

Kỳ họp Quốc hội thường niên diễn ra vào đúng lúc căng thẳng thương mại với Mỹ và các cuộc đàm phán thương mại chưa mang lại những kết quả cụ thể. Chủ tịch Trung Quốc muốn trấn an chính quyền Trump, cũng như phương Tây, với việc bỏ phiếu luật đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, được soạn thảo trong thời gian ngắn kỷ lục và chủ yếu nhắm vào việc bắt buộc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng văn bản trên vẫn quá mù mờ và sẽ không cấm các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu đối tác chuyển giao công nghệ.

Ưu tiên của ông Tập Cận Bình là làm mọi cách để tránh rối loạn xã hội do năm 2019 được cho là khá nhạy cảm với nhiều sự kiện mang tính biểu tượng cao : 50 năm vùng Tây Tạng nổi dậy và Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ trốn sang Ấn Độ (17/03/1959), kỉ niệm 30 năm vụ tàn sát đẫm máu phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn (04/06/1989), 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa…

Ông Tập sẽ có một số nhân nhượng để chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng ông sẽ không bao giờ từ bỏ ảnh hưởng của Nhà nước đối với nền kinh tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, và ông sẽ làm mọi cách để củng cố quyền lực của mình, cũng như quyền lực của đảng.

Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và việc làm

Vậy phải làm như thế nào ? Nhật báo Les Echos cho biết : "Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và việc làm". Phát biểu khai mạc Quốc hội ngày 05/03/2019, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu lên mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 là từ "6% đến 6,5%".

Sau mức 6,6% đạt được vào năm 2018, đây là chỉ tiêu thấp nhất kể từ 30 năm nay, do "cục diện quốc gia cũng như quốc tế đã tác động đến sự phát triển của chúng ta trong một môi trường khắc nghiệt và phức tạp, được đánh dấu bằng hàng loạt nguy cơ và thách thức ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn", theo phát biểu của thủ tướng Trung Quốc trong phiên khai mạc Quốc hội.

Việc làm cũng nằm trong chính sách ưu tiên của chính phủ và "phải được áp dụng trong mọi lĩnh vực". Tuy nhiên, tạo ra 11 triệu việc làm trong năm 2019 không phải là chuyện dễ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị được ấn định ở mức dưới 4,5%, vẫn cao hơn so với mức 3,8% trong năm 2018.

Để duy trì ổn định xã hội, Bắc Kinh cũng thông báo một loạt biện pháp kích thích kinh tế, từ giảm thuế "trên quy mô lớn hơn" đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình đến thúc đẩy các dự án hạ tầng. Ví dụ cụ thể là biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 16% xuống còn 13% có thể sẽ giúp tăng sức mua thêm 80 tỉ euro.

Các doanh nghiệp sẽ được giảm khoảng 263 tỉ euro về các khoản thuế và đóng góp trong năm 2019. Chính phủ khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng nhiều hơn để đem lại "hỗ trợ có mục tiêu và hiệu quả cho nền kinh tế thật".

Tuy nhiên, theo đánh giá với Les Echos của một chuyên gia kinh tế Châu Á, làm việc tại Natixis, những biện pháp trên là "một tin vui cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng sẽ là tin xấu cho Trung Quốc trong trung hạn vì khối nợ sẽ lại tích tụ nhiều hơn". Chuyên gia Pháp cũng khẳng định : "Phục hồi kinh tế mà không thổi phồng khối nợ, là một thách thức phức tạp" cho Trung Quốc.

Mỹ-Bắc Triều Tiên : Ngõ cụt hay ván cờ dang dở ?

Trở lại với thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội, thông tín viên của Le Monde tại Tokyo đặt câu hỏi "Bắc Triều Tiên-Mỹ : ngõ cụt hay chỉ tạm gác lại ?"

Tuy không đạt được kết quả như mong muốn, thượng đỉnh Hà Nội đã cho thấy Kim Jong-un tái khẳng định cam kết sẽ không thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Washington và Seoul cũng tỏ ra hòa hoãn hơn khi thông báo ngừng hai cuộc tập trận thường niên có quy mô lớn, thay vào đó là cuộc tập trận "Đồng minh" có quy mô nhỏ hơn.

Theo tác giả bài viết, một trong những nguyên nhân khiến các cuộc thảo luận bị bế tắc là do cách làm ngoại giao mang tính cá nhân của Donald Trump, quá tự tin vào khả năng thuyết phục của mình, thêm vào đó là những dự đoán kết quả trước khi thượng đỉnh diễn ra. Hai bên đưa ra những giải thích khác nhau về việc thượng đỉnh bị rút ngắn và không ra được thông cáo chung. Tác giả bài phân tích đặt câu hỏi : Do đánh giá sai lầm ? Do mỗi bên cố nhấn thêm một chút ? Nếu đúng như vậy, thì có lẽ, nguồn gốc của ngõ cụt, là do cả Kim Jong-un và Donald Trump phán đoán lầm.

Về phía tổng thống Mỹ, có lẽ ông Trump đã cảm thấy rằng thỏa thuận (deal) mà ông đưa ra sẽ có nguy cơ khiến các đồng minh Mỹ và các đối thủ Dân chủ cũng như Cộng hòa chỉ trích. Cuộc điều trần của cựu luật sư riêng Micheal Cohen, vào đúng lúc diễn ra thượng đỉnh Hà Nội, có thể là yếu tố mang tính quyết định. Tạo cảm giác rằng ông chiều lòng lãnh đạo Bắc Triều Tiên có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa.

Liệu lãnh đạo Kim Jong-un có hiểu được rằng ông Donald Trump không có đủ phạm vi hoạt động cần thiết để tiến lên phía trước ? Có thể điều này giải thích thái độ chừng mực của Bình Nhưỡng sau khi thượng đỉnh không đạt được kết quả. Washington nhấn mạnh đến "mối quan hệ nồng ấm" giữa Donald Trump và Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nhắc đến "sự tôn trọng lẫn nhau" giữa hai nhà lãnh đạo.

Tác giả Philippe Pons cho rằng con đường ngoại giao chưa bị cắt nhưng sẽ chông gai và báo hiệu những cuộc đàm phán lâu dài và khó khăn.

Tổng thống Pháp tìm đường phục hưng Châu Âu

Bức thư ngỏ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi tới toàn bộ công dân Châu Âu là chủ đề được nhiều nhật báo quan tâm. Bức thư ngỏ nhấn mạnh đến vấn đề biên giới và các giá trị chung của Châu Âu.

Theo nhật báo Le Figaro, bức thư là "câu trả lời cho ý nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu trở thành con ngựa thành Troy của quá trình toàn cầu hóa", theo nhận định của Emmanuel Rivière, giám đốc Viện thăm dò Kandar Public. Còn trả lời cho hỏi của La Croix : "Emmanuel Macron có thể thuyết phục được về chủ đề Châu Âu hay không ?", vẫn ông Rivière cho rằng "các chủ đề (của tổng thống Pháp) mang tính tập hợp". Đây cũng là ý kiến của bà Lena Morozova-Friha, đại diện cho tổ chức Europa Nova, khi cho rằng đó là "một văn bản thú vị nhưng rủi ro".

Với Libération, "Macron thử một cuộc thảo luận lớn mang mầu sắc Châu Âu". Bị các đồng nhiệm bỏ rơi trong các dự án cải cách, trong bức thư gửi đến công dân 28 nước Liên Âu, tổng thống Pháp hứa có nhiều dân chủ hơn và an ninh hơn. Tuy nhiên, vẫn theo Libération, "với nhiều đề xuất lấy cảm hứng từ đề xuất của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng chia rẽ cánh hữu để thu hút ủng hộ của các chính trị gia ủng hộ Châu Âu ở Nghị Viện Châu Âu". Kết quả, theo La Croix, "cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin (cánh hữu) ủng hộ dự thảo về Châu Âu của nguyên thủ Pháp và kêu gọi tập hợp bên phía cánh hữu và cánh trung".

Nhật báo Le Monde đánh giá : "Khó khăn tìm kiếm thủ lĩnh Châu Âu". Trước hết, theo tác giả bài phân tích, tổng thống Pháp không thật sự nổi bật trên trường quốc tế so với thủ tướng Đức Angela Merkel, đặc biệt trong quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bà Merkel tại Đức không còn được như trước, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo đảng CDU phải chật vật tìm liên minh để duy trì nội các.

Sau khi bị tác động do phong trào Áo Vàng, dần dần điểm tín nhiệm của ông Macron đã tăng lại và ông tìm cách trở lại chính trường Châu Âu. Nhưng lần này, không phải là những bài diễn văn hào hùng, tổng thống Pháp gửi thư trực tiếp đến công dân Châu Âu, sau khi tham khảo các đồng nhiệm và chính phủ các nước - theo khẳng định của điện Elysée - để nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của tình hình hiện nay.

Trong bối cảnh kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang đến gần, tổng thống Pháp muốn thể hiện là người tập hợp, chứ không phải là người kết tội. Điều này có thể được thể hiện qua trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý khi ông Macron không còn là "nhà đối lập chính" của lãnh đạo cực hữu Ý Matteo Salvini.

Pháp đơn phương đánh thuế GAFA

Dự luật đánh thuế 3% doanh thu tại Pháp tính từ ngày 01/01/2019 của các đại tập đoàn internet được trình trước chính phủ ngày hôm nay, 06/03/2019.

Theo nhận định của Libération trong bài : "GAFA : Pháp chuyển sang đánh thuế", đây là bước đầu tiên trong cuộc chiến chống nạn tối ưu hóa thuế khóa của các đại tập đoàn.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết khoản thuế 3% sẽ được đánh vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, sử dụng dữ liệu cá nhân và việc bán hàng trên mạng. Dự luật này giống rất giống với văn bản "thuế GAFA" được dự trù cho toàn Liên Hiệp Châu Âu, nhưng một vài nước thành viên không ủng hộ.

Theo thẩm định của Le Figaro, Nhà nước sẽ thu về được khoảng 500 triệu euro tiền thuế kể từ năm 2020. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp trấn an rằng biện pháp này mang tính chất tạm thời trong khi chờ tìm ra được một thỏa thuận quốc tế trong nội bộ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE.

Tuy nhiên, Les Echos dẫn lại nhận định của văn phòng luật Taj, thì gần như toàn bộ khoản thuế này sẽ do khách hàng của các tập đoàn trên chi trả và những ông khổng lồ chỉ phải bỏ ra khoảng 5% để trả thuế mà thôi.

Carlos Ghosn được tại ngoại

Đây là thông tin được một số nhật báo Pháp đề cập trên trang nhất. Cựu tổng giám đốc liên minh Renault-Nissan-Mitshubishi được tại ngoại hầu tra sau khi nộp gần 8 triệu euro tiền bảo lãnh. Với Le Figaro, đây là sự kiện gây ngạc nhiên vì cuối cùng tư pháp Nhật Bản chấp nhận đơn xin yêu cầu được tại ngoại lần thứ ba của ông Ghosn. Tuy nhiên, ông phải chịu giám sát mọi lúc, mọi nơi.

Một số chủ đề khác là Pháp phản công đánh thuế các nhà khổng lồ Internet ; Kế hoạch phục hưng Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ; Trợ cấp nuôi con "bị quỵt", một hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và Mùa ăn chay của Thiên Chúa Giáo.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Chiến lược kinh tế của Tập Cận Bình bị chỉ trích

Nhân dịp khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm 05/03/2019, tờ Les Echos đề cập đến chiến lược kinh tế của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện đang bị chỉ trích từ trong nội bộ.

strategy1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 03/03/2019 Reuters/Jason Lee

Theo Les Echos, tình hình nay đã thay đổi hẳn so với cách đây một năm khi các đại biểu Quốc hội đồng thanh nhất trí thông qua việc bãi bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch và ghi vào Hiến Pháp "tư tưởng Tập Cận Bình", dưới cái nhìn mãn nguyện của lãnh đạo chế độ Bắc Kinh. Nhưng từ đó đến nay, kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi và thái độ cương quyết của Donald Trump trong cuộc chiến thương mại đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh bị bất ngờ.

Coi như sẽ làm chủ tịch suốt đời và hiện nắm trong tay nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, thế nhưng, theo nhà Trung Hoa học Willy Lam ở Hồng Kông, Tập Cận Bình nay đang bị các đảng viên chỉ trích về cung cách quản lý kinh tế của ông.

Còn theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học ở Hồng Kông, trong các cuộc họp kín, các đại biểu sẽ nêu lên tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở địa phương của họ, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề về việc làm mà họ đang phải giải quyết. Nhưng không chắc là các giải pháp của chính phủ sẽ trấn an họ. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp ngân sách và tiền tệ để hỗ trợ hoạt động kinh tế, nhưng sẽ không hoàn toàn từ bỏ mục tiêu giảm các nguy cơ tài chính do nợ công tăng cao.

Một dấu hiệu cho thấy đang có căng thẳng trong nội bộ, đó là Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã không nhóm họp từ một năm nay. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan giải mã : "Không có họp trung ương đảng có nghĩa là Tập Cận Bình sợ gặp chống đối, cho nên chỉ họp những cơ quan mà ông kiểm soát dễ hơn. Đảng đang bị chia rẽ trên một số vấn đề : cải tổ kinh tế, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, không gian đang bị thu hẹp của khu vực tư nhân, thái độ đối với tổng thống Trump".

Theo Les Echos, ông Tập Cận Bình gần đây đã có giọng điệu bớt cứng rắn hơn, cố trấn an các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và chuẩn bị một luật mới về đầu tư ngoại quốc để đáp ứng yêu cầu của tổng thống Trump. Nhưng không thật sự thuyết phục những đối tượng đó.

Thái Lan : Chiến dịch tranh cử không ảo tưởng

Về thời sự Châu Á, tờ Le Monde chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội tại Thái Lan cho ngày 24/03 tới, với hàng tựa "Tại Thái Lan, chiến dịch tranh cử không ảo tưởng". Cử tri Thái Lan không tin rằng chính quyền quân sự sẽ trả lại nền dân chủ cho họ trong cuộc bầu cử đó.

Theo Le Monde, nếu như đa số người dân Thái Lan có học thức đang rất mong được hưởng trở lại các quyền tự do đã bị chiếm đoạt từ sau cuộc đảo chính ngày 22/05/2014, suy nghĩ chung của họ là không mấy tin tưởng vào tầm mức thật sự của cuộc bỏ phiếu, cũng như vào quyền hạn của chính phủ tương lai.

Boonyeung Kongphetsak, một nhà hoạt động môi trường được Le Monde trích dẫn, nhận định : "Bản Hiến Pháp mới (được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý 2016) là bản Hiến pháp thiếu dân chủ nhất được ban hành từ đó cho đến nay". Nhà hoạt động này cũng lưu ý rằng 250 nghị sĩ Thượng Viện đã do chính quyền chỉ định. Rõ ràng là tập đoàn quân phiệt vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử.

Về phần thủ tướng mãn nhiệm, tướng Prayuth Chan ocha, ông đã không ngần ngại hứa hẹn đủ điều để bảo đảm khả năng tái đắc cử : chi ra 63 tỷ baht (1,7 tỷ euro) cho những người nghèo nhất và người già. Tương lai sẽ trả lời xem kẻ cầm đầu cuộc đảo chính này có sẽ tiếp tục nắm quyền với tư cách một thủ tướng dân cử hay không.

Theo Le Monde, dân Thái Lan đã quá quen với những thời kỳ gọi là tái lập dân chủ, những thời kỳ ai cũng thất vọng. Hai kinh nghiệm gần đây nhất đều đã kết thúc bằng hai cuộc đảo chính, trong đó có cuộc đảo chính năm 2014. Phe của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị quân đội lật đổ năm 2006, đã trả giá bằng máu, sau khi rầm rộ biểu tình ở Bangkok : Cuộc đàn áp của quân đội đã khiến hơn 100 người chết vào năm 2010.

Dân Algeria hải ngoại cũng chống Bouteflika

Le Monde hôm nay cũng đặc biệt quan tâm đến phong trào biểu tình phản đối tại Algeria, sau khi tổng thống già yếu Bouteflika vừa chính thức nộp đơn tranh cử cho nhiệm kỳ 5 trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/04 tới.

Mặc dù trong một bức thư gởi đến người dân Algeria, ông Bouteflika, năm nay đã 82 tuổi và đã cầm quyền suốt từ năm 1999, hứa là sau đó sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn, phong trào biểu tình phản đối ông tái tranh cử tiếp diễn, không chỉ trong nước, mà còn lan rộng ra cộng đồng người Algeria ở hải ngoại, đặc biệt là ở Pháp.

Theo Le Monde, trong tuần thứ hai liên tiếp, cộng đồng người Algeria tại Pháp đã biểu tình để phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của Bouteflika. Vài giờ trước khi ông chính thức nộp đơn tranh cử, tại Pháp nhiều người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đã giận dữ hô to : "Bouteflika, cút đi, cút đi", hoặc "Đủ rồi ! Chúng tôi muốn một tổng thống mới", những câu mà họ chưa bao giờ dám nói công khai như thế. Ban đầu, dân Algeria hải ngoại chỉ bày tỏ chính kiến trên các mạng xã hội, trước khi xuống đường. Tại Paris cũng như tại Marseille, giới trẻ đều xông lên tuyến đầu, bởi vì họ thấy rằng ở Algeria hiện nay, thanh niên chỉ tìm đường ra nước ngoài, hoặc là đi học lấy được bằng, hoặc là vượt biên bằng đường biển.

Cũng theo Le Monde, nhiều người Algeria biểu tình lo ngại cho tương lai của phong trào phản kháng ôn hòa này. Tờ báo trích lời một bác sĩ mang hai quốc tịch Algeria-Thụy Sĩ nhắc lại rằng Algeria vẫn là một quốc gia quân sự. Hiện giờ, họ để yên cho biểu tình, chính quyền khẳng định là họ lắng nghe người dân, nhưng mối nguy đảo chính thật sự vẫn có. Một nữ bác sĩ Pháp-Algeria thì giận dữ bày tỏ : "Tôi đã chán ngấy cái chính quyền thối nát này, họ chỉ muốn tiếp tục ăn, trong khi giới trẻ rất giỏi, nhưng không kiếm được việc làm, vì không phải là thành phần con ông cháu cha".

"Charles-de-Gaulle" lên đường đi Singapore

Sau hơn hai năm "án binh bất động" để được tu sửa, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle của Pháp hôm nay sẽ bắt đầu chuyến hải hành đến Singapore, một sự kiện thu hút sự quan tâm của tờ Le Figaro hôm nay.

Tờ báo nhắc lại là từ tháng 01/2017, chiếc tàu nặng 42 ngàn tấn đã được đưa lên cạn để được đại tu ở Toulon trong suốt 15 tháng, sau đó được cho chạy thử nhiều tháng trên biển. Sáng nay, cụm tàu sân bay, gồm chiếc Charles-de-Gaule và các tàu hộ tống, đã khởi hành để đi đến Singapore.

Việc triển khai hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle đến vùng Đông Á lần đầu tiên từ năm 2002 là nằm trong khuôn khổ chiến lược của tổng thống Macron về "trục Ấn Độ-Thái Bình Dương". Trong chuyến hải hành sẽ kéo dài đến tháng 7, tàu sân bay của Pháp sẽ tập trận chung với hải quân của các đối tác như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Nhật. Khi tiến gần đến các vùng biển tranh chấp ở Châu Á, chỉ với sự hiện diện của mình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle chuyển tải thông điệp của nước Pháp đến khu vực, đó là thông điệp về tự do hàng hải.

Nữ tu bị lạm dụng tình dục

"Các nữ tu bị lạm dụng, một tai tiếng khác của Giáo hội", đó là tựa đề một bộ phim tài liệu được chiếu trên kênh truyền hình Pháp-Đức Arte tối nay, nói về những vụ xâm hại tình dục các nữ tu, mà thủ phạm thường là các linh mục. Đây vẫn còn là một trong những chủ đề cấm kỵ của Giáo hội Công giáo. Tờ Libération giới thiệu bộ phim này.

Điều tra của hai nhà báo Marie-Pierre Raimbault và Eric Quintin phơi bày ra ánh sáng thảm kịch vẫn bị che giấu này, như trường hợp của Michèle-France. Trong suốt 25 năm, vị nữ tu này đã là món đồ chơi tình dục của hai nhân vật rất có thế lực trong Giáo hội và rất được nễ trọng trong giới Công giáo bảo thủ : hai anh em Marie-Dominique và Thomas Philippe (đã qua đời vào năm 2006 và 1993). Michèle-France thổ lộ : "Tôi giống như một con chim nhỏ bị rắn độc hớp hồn, tuy vẫn có thể bay thoát đi, nhưng lại không thể bay được". Chỉ đến năm 2007, những vụ lạm dụng tình dục này mới được tiết lộ và theo bộ phim thì rất có thể là Thomas Philippe đã lạm dụng tình dục hàng chục phụ nữ khác.

Một nạn nhân khác là Grace, nữ tu người Congo sống tại Roma, bị một linh mục đồng hương cưỡng hiếp đến mang thai, bị đuổi khỏi dòng tu, buộc phải đến lánh nạn ở Pesaro (Ý) và khi sinh con buộc phải bỏ con. Trong suốt 2 năm, luật sư của Grace đã làm đủ mọi cách để đòi cho cô được quyền nhận lại đứa con gái của mình.

Điều đáng nói, theo Libération, những nữ tu bị lạm dụng đó đã không hề được ai bảo vệ. Như trường hợp của Doris, một nữ tu người Đức, nay đã rời khỏi dòng tu. Doris khẳng định thủ phạm lạm dụng tình dục cô nay vẫn còn tại chức và trong công việc thường tiếp xúc với các cô gái trẻ, trong khi ai cũng biết rõ về hành vi của ông ta. Để mua sự im lặng của vị nữ tu này, dòng tu đã trả cho cô… 3000 euro !

Trong suốt thời gian dài, các nữ tu bị lạm dụng cả về thể xác lẫn tinh thần đã bị buộc phải im tiếng, như giải thích của nữ tu Célia, một nạn nhân khác của Thomas Philippe : "Khi chúng tôi tố cáo một linh mục thì chẳng khác gì chúng tôi lên án Giáo hội".

Trang nhất các báo

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron lên tuyến đầu. Đó là tựa trên trang nhất của tờ Le Monde nói về việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 05/03/2019, cho đăng trên báo chí của toàn bộ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu một bài viết "gởi đến các công dân Châu Âu". Ông Macron xem bài viết này là một lời "kêu gọi khẩn cấp", khi phát động chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 26/05. Tổng thống Pháp hy vọng một thắng lợi trong cuộc bầu cử này sẽ tạo sức bật mới cho nhiệm kỳ của ông, mà từ cuối năm ngoái đã bị khủng hoảng Áo Vàng làm ngưng trệ.

Le Figaro cũng dành trang nhất cho bài viết của tổng thống Macron trên báo chí Châu Âu hôm nay. Làm như thể ông đóng vai trò đầu đàn trong cuộc bầu cử ngày 26/05, tổng thống Pháp kêu gọi một sự "phục hưng Châu Âu". Theo Le Figaro, việc đăng bài viết này là một hành động chưa từng có và chắc chắn sẽ gây nhiều phản ứng ở Pháp và Châu Âu. Tờ báo này cho rằng bài viết của tổng thống Macron trông giống như là một chương trình tranh cử, pha lẫn nhãn quan dài hạn, khẩu hiệu, với một loạt đề nghị.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì tập trung nói về tình hình xã hội ở Pháp, với thông tin trên trang nhất : "Tuổi về hưu trung bình tiến gần đến 63 tuổi". Tờ báo cho biết là trong khu vực tư nhân tại Pháp, trong năm 2018, tuổi về hưu trung bình đã lên tới 62 tuổi 8 tháng và riêng phụ nữ là 63 tuổi, do họ phải kéo dài thời gian làm việc để bù lại tình trạng làm việc không liên tục.

Nhật báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi trên trang nhất "Ai là người giàu ?". Câu hỏi này không phải là dễ trả lời, bởi vì rất khó mà xác định được ranh giới giữa phần trên của tầng lớp trung bình với ngưỡng giàu có.

Về phần Libération, tờ báo này dành tựa trang nhất cho "La Flor", bộ phim dài… 14 tiếng đồng hồ của đạo diễn Argentina Mariano Llinas, được quay trong suốt 10 năm. Vì phim quá dài nên phải được cắt thành 4 phần và với phần đầu tiên sẽ được trình chiếu ngày mai tại Pháp, ba phần còn lại sẽ được chiếu 3 tuần liên tiếp sau đó.

Thanh Phương

Published in Quốc tế
vendredi, 01 mars 2019 21:13

Sau Kim sắp đến Tập Cận Bình

Khi chấm dứt cuộc gặp gỡ vô ích với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump nói rằng thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận bất lợi.

AFP_1DI0R7

Ông Trump luôn luôn theo dõi chỉ số thị trường lên xuống. Ông Tập biết yếu huyệt này. Sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Bằng mọi cách, ông Trump không để cho thị trường chứng khoán và kinh tế đi xuống. Trong hình, nhân viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York-NYSE. (Hình : Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Ông Tập Cận Bình nghĩ thế nào khi nghe câu nói đó ? Chủ tịch Trung Quốc có thể thấy đây là một lời cảnh báo : Khi cò kè mặc cả với Donald Trump, không nên găng quá. Già néo đứt dây ! Trump có thể đứng dậy bất cứ lúc nào.

Khi gặp Donald Trump trong một vài tháng tới, Tập Cận Bình ở một vị thế yếu hơn Kim Jong-un.

Đối với Kim, ký một thỏa hiệp với Trump hay không ký cũng chẳng sao cả. Dân Bắc Hàn vẫn chỉ được nghe, đọc và coi những tuyên truyền của đảng Cộng Sản. Họ vẫn tung hô lãnh tụ kính yêu muôn năm. Nếu phải nhịn ăn họ sẽ cắn răng chịu đựng.

Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình không còn mạnh như vậy. Dù bây giờ có thể đứng đầu đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Quốc vĩnh viễn, cái ghế của họ Tập vẫn chưa hoàn toàn bảo đảm 100%. Nếu kinh tế Trung Quốc sa sút quá, thì Tập cũng có thể bị lật đổ. Trong nội bộ không thiếu gì những tay đầy mưu mô và tham vọng, như trong bất cứ đám lãnh tụ Cộng Sản nào.

Tập Cận Bình phải thấy chuyện kinh tế đáng lo. Sức phát triển của Trung Quốc đang giảm tốc, tức là không tăng nhanh như trước. Đang tăng trưởng 10% tụt xuống 7% đã thấy đáng lo, nếu lại xuống chỉ còn 6% hay 5% thì phải méo mặt, vì hàng chục triệu công nhân sẽ thất nghiệp. Bao nhiêu năm phất lên nhờ hàng xuất cảng, nay số xuất cảng đang giảm. Từ năm năm nay Tập Cận Bình đã thúc đẩy "cải tổ cơ cấu" để thoát khỏi con đường đi xuống ; nhưng việc cải tổ phải đi từng bước chậm, khi tiến, khi lui, vì thay đổi nhanh quá sẽ gây xáo trộn.

Trong tình trạng kinh tế bấp bênh như thế, nếu Donald Trump quyết liệt dùng đòn thuế quan "đánh tới bến" thì kinh tế sẽ lao đao. Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc.

Cho nên, Tập Cận Bình sẽ phải tính toán coi khi mặc cả với Donald Trump thì sẽ đòi hỏi gay go đến mức nào, mềm mỏng nhượng bộ đến mức nào, cho nó tối hảo, nhưng không nên để ra về tay không, sôi hỏng, bỏng không !

Còn Donald Trump thì sao ?

Không ai biết trước ông Trump sẽ làm gì. Nhưng chúng ta có thể nhìn coi thế cờ của ông như thế nào, để phỏng đoán.

Vũ khí chính của Trump là thuế quan đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Tăng thuế thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng giá, không thể cạnh tranh với các nước khác trong thị trường Mỹ. Đánh thuế quan cao hơn làm cho hàng Trung Quốc khó xuất cảng. Trump sẽ dùng miếng võ này để bắt Tập thỏa mãn một số đòi hỏi.

Những yêu cầu của Mỹ rất giản dị. Trung Quốc hãy xóa bỏ những hạn chế trên số đầu tư của ngoại quốc, trong đó có Mỹ. Không bắt buộc các công ty Mỹ phải hợp doanh và bắt các công ty Mỹ phải chia sẻ kỹ thuật với công ty Trung Quốc. Các công ty ngoại quốc được đối xử bình đẳng trong các cuộc đấu thầu. Các vụ kiện về quyền sở hữu tri thức phải được xử tại các tòa án trọng tài quốc tế, theo phương thức của WTO, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.

Các đòi hỏi của Mỹ đã được đưa ra từ mấy đời tổng thống trước, và bao giờ Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ làm. Nhưng khi Trung Quốc kiếm cớ này cớ khác không làm theo lời hứa thì chẳng ai thúc đẩy họ phải thực hiện bằng được.

Năm 2010, Luật Sư Robert Lighthizer ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ, nói rằng các ông tổng thống Mỹ không bắt Trung Quốc phải đáp ứng những đòi hỏi trên, lấy cớ rằng nước Mỹ đang cần Trung Quốc hỗ trợ trong các vụ khủng hoảng khác trên thế giới. Ông Lighthizer than : Thế giới lúc nào cũng có những cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc có thể giúp một tay giải quyết ! Cứ như thế này thì Mỹ sẽ chẳng bao giờ đòi được Trung Quốc làm ăn thẳng thắn, công bằng !

Hiện nay ông Robert Lighthizer đang là cánh tay mặt của Tổng thống Trump trong vấn đề ngoại thương. Và ông là một "diều hâu" trong trận chiến mậu dịch Mỹ-Trung Quốc.

Nếu ông Trump nghe lời khuyên của ông Lighthizer, thì Tập Cận Bình sẽ nhức đầu. Chính quyền Mỹ sẽ không chấp nhận những lời hứa hẹn nữa. Phải có những biện pháp cụ thể mở rộng thêm nền kinh tế Trung Quốc cho các xí nghiệp và ngân hàng Mỹ tham dự. Không trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bất chính. Phải đặt ra một lịch trình rõ rệt, ngày nào sẽ làm gì.

Ngưng nâng đỡ doanh nghiệp nhà nước và bắt các xí nghiệp nội địa phải cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, đó là hai cải tổ cơ cấu kinh mà chính Tập Cận Bình cũng muốn làm. Nhưng không thể làm nhanh được. Nhanh quá, có thể hư hết cả. Cả một khối người đang được hưởng lợi nhờ đảng Cộng Sản ưu đãi, họ sẽ chống đến cùng. Đòi hỏi kinh tế Trung Quốc thay đổi cơ cấu cũng khó như đòi Kim Jong-un phải vứt bom hạch tâm đi vậy.

Cho nên, Tập Cận Bình sẽ chỉ có thể nhượng bộ những điều nho nhỏ nhưng ngoạn mục, để ông Trump có thể tuyên bố là thắng lợi. Trung Quốc nhập cảng từ Mỹ nhiều hơn. Sẽ mua thêm đậu nành, mua thêm hơi đốt, máy bay và nhiều nông phẩm Mỹ khác. Việc này dễ làm, vì đằng nào Trung Quốc cũng phải đi mua ở nước ngoài.

Liệu ông Trump có chấp nhận những nhượng bộ nho nhỏ của Tập Cận Bình hay không ? Nếu chấp nhận thì ông được lợi gì ?

Trước khi bay đi Hà Nội gặp Kim Jong-un, ông Trump đã đấu dịu : Bỏ lệnh tăng thuế nhập cảng trên $200 tỷ hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25%, vào ngày 1 tháng Ba, 2019. Ông nêu lý do là cuộc đàm phán đã tiến triển tốt đẹp. Không ai biết chi tiết nào để thấy nó tốt đẹp thế nào. Một phái đoàn cao cấp Trung Quốc bay qua Washington. Rồi lại bay về. Hứa hẹn sẽ tiếp tục thảo luận. Nhưng không hẹn ngày nào vụ họp hành kết thúc.

Có một lý do khiến có lúc Tổng thống Donald Trump muốn đấu dịu : Thị trường chứng khoán. Ông Trump luôn luôn theo dõi chỉ số thị trường lên xuống. Ông vẫn nêu tin thị trường lên cao như một thành tích kinh tế của mình. Trong hai năm qua ông đã "tuýt" về tin thị trường lên cao hơn 30 lần !

Như ông Trump đã thấy, thị trường lên xuống tùy theo triển vọng kinh tế thế giới, mà trong đó kinh tế Mỹ và Trung Quốc đóng vai chính. Nếu cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước không ngừng, kinh tế toàn cầu sẽ xuống. Từ hơn một năm qua, thị trường lên xuống theo những thông điệp "tuýt" của ông Trump về ông Tập. Khi Trump khen Tập dễ thương, chỉ số Dow Jones lên. Khi ông tố cáo dân Trung Hoa cướp công việc làm của người Mỹ, thị trường xuống.

Ngày 3 tháng Mười Hai, 2018, khi Trump gặp Tập ở Buenos Aires, Argentina, trong hội nghị G-20, Trump đã "tuýt" về rằng hai bên rất vui vẻ ; thị trường New York tăng vọt ngay. Ngày 4 tháng Mười Hai, sau khi nghe các cố vấn diều hâu như Lighthizer, Trump "tuýt" một câu nhắc lại lập trường : "Tôi là tay đánh thuế quan (I am a Tariff Man)". Và khoe, "Chúng ta đang thu vào hàng tỷ đô la quan thuế !" Chỉ số Dow Jones tụt ngay 300 điểm.

Ông Trump đứng giữa hai lựa chọn : Tấn công mậu dịch Trung Quốc, hay là, giữ vững chỉ số Dow Jones ! Nếu trong tháng tới ông có vẻ hòa dịu hơn với Tập Cận Bình, thì lý do chính là ông muốn bảo vệ thị trường chứng khoán.

Tập Cận Bình chắc phải biết điều đó. Cho nên, trong trận đấu Trump-Tập sắp tới, hai bên sẽ thử thách nhau : Xem bên nào chớp mắt trước !

Tập Cận Bình có thể găng, không nhượng bộ dễ dàng. Nếu Mỹ không hài lòng, thì cứ việc cắt cầu, không nhập cảng hàng Tàu, không buôn bán làm ăn bên Tàu nữa ! Nếu Mỹ bỏ đi thì sẽ có các nước khác nhẩy vào. Hãy coi thí dụ gần đây nhất, chính phủ Mỹ yêu cầu các đồng minh tẩy chay hàng của Huawei cho hệ thống thông tin mới G-5, nhưng nhiều nước thân Mỹ nhất cũng không nghe ! Huawei vẫn tiếp tục mở rộng thị trường khắp thế giới.

Tổng thống Mỹ còn một mối lo khác ngoài thị trường chứng khoán : Sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Bằng mọi cách, không để cho thị trường chứng khoán và kinh tế đi xuống. Tập Cận Bình biết yếu huyệt này. Cho nên Tập có thể hứa hẹn sẽ giúp Trump giữ vững thành trì cử tri ở các tiểu bang nông nghiệp.

Sau khi ở Hà Nội về, ông Trump đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hãy nhập cảng thêm nông sản Mỹ. Điều đó thì Tập Cận Bình sẵn sàng đáp ứng. Mua đậu nành ở Brazil thì giá cả không khác gì đậu nành Mỹ ! Ăn thịt heo của Mỹ thì dân Trung Quốc vẫn thấy ngon chẳng kém thịt heo của Nga !

Cho nên, cuộc gặp gỡ Trump-Tập sắp tới sẽ không chấm dứt không kèn không trống như khi Trump và Kim gặp nhau ở Hà Nội. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 01/03/2019

Published in Diễn đàn

Kinh tế bị hụt hơi là vết rạn nứt đe dọa "Giấc mơ Trung Hoa" mà ông Tập Cận Bình đề xuất với tham vọng áp đặt những chuẩn mực của Bắc Kinh với thế giới. Trên đây là nhận định của bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đồng tác giả cuốn La Chine e(s)t Le Monde, Nhà xuất bản Odile Jacob.

reve1

Bìa sách "Trung Quốc là (và) Thế Giới"- Nhà xuất bản Odile Jacob. Tháng 1/2019.Thanh Hà/RFI

RFI tiếng Việt đã nhờ bà Boisseau du Rocher phân tích về hậu quả của hiện tượng tăng trưởng Trung Quốc tệ nhất từ 30 năm nay, Bắc Kinh sẽ phải điều chỉnh chính sách kinh tế theo hướng nào để cứu vãn tình thế ? Bước kế tiếp trong cuộc đọ sức kinh tế Mỹ-Trung sẽ ra sao ?

Trung Quốc hiện nay tạo ra đến gần 30% tổng sản lượng toàn cầu, trở thành một trong bốn cột trụ kinh tế thế giới.Cho nên bây giờ báo chí bây giờ dùng hình ảnh "kinh tế Trung Quốc hắt hơi, thế giới cảm lạnh", vốn chỉ được chỉ để nói về vị thế của Hoa Kỳ xưa kia. Tin GDP của Trung Quốc cho cả năm 2018 chỉ tăng 6,6%, tỷ lệ thấp nhất từ năm 1990, là một xin xấu mà giới chuyên gia đã báo trước từ lâu.

Lộ dần vết nứt kinh tế

Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp trông thấy các nguồn vốn đầu tư cạn dần. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Anh, Preqin – trụ sở tại Luân Đôn, đầu tư vào Trung Quốc trong quý tư 2018 đã giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm sụt, một phần do tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại với Mỹ, khiến nhiều hãng xưởng phải đóng cửa, một số khác khuyến khích nhân viên nghỉ phép dài ngày trước mùa Tết Nguyên Đán.

Thống kê của nhà nước vẫn thông báo tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4,9%, dù vậy theo Đại Học Nhân Dân và trang mạng tìm kiếm việc làm Zhaopin.com, chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm 51% trong quý ba năm ngoái và đã giảm tiếp thêm 20% trong quý tư 2018.

Hai dấu hiệu khác cho phép kết luận kinh tế Trung Quốc bị chựng lại : chỉ số tiêu thụ về điện lực tại công xưởng của thế giới này giảm sụt, và khối dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc trong năm 2018 cũng đã bị mất hơn 67 tỷ đô la.

Trả lời RFI Việt ngữ nhân dịp cho ra mắt tác phẩm La Chine e(s)t Le Monde, - Trung Quốc là (và) Thế Giới, Sophie Boisseau du Rocher cho biết bà không ngạc nhiên về những chỉ số kém tươi sáng này và nhấn mạnh đó chỉ là phần nổi của tảng băng :

Sophie Boisseau du Rocher : "Có thể nói là hiện tượng kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại đã được báo trước, bởi vì ngay từ cuộc họp hồi tháng 10/2018, Bộ Chính Trị đã nói đến khuynh hướng sụt giảm qua một số những dấu hiệu báo động. Thế rồi trong những tuần lễ gần đây, những dấu hiệu báo động đó càng thêm rõ nét. Một số kinh tế gia thậm chí còn cho rằng thời kỳ tăng trưởng vàng son của Trung Quốc trải dài trong 30 năm đã đi qua. Những tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bị khựng lại gồm có : đà sụt giảm trên các sàn chứng khoán, số doanh nghiệp bị phá sản tăng nhanh, nhiều công ty và cả các hộ gia đình mất khả năng thanh toán, chỉ số tiêu thụ giảm mạnh. Rõ rệt nhất là thị trường xe hơi Trung Quốc : lần đầu tiên từ 20 năm qua, số người mua xe giảm so với 2017.

Tuy nhiên, đó chỉ là những dấu hiệu nhất thời, và bên cạnh những tín hiệu đó thì, như đã biết, về cơ bản, kinh tế của Trung Quốc đang đương đầu với hai vấn đề : thứ nhất là nợ chồng chất, tương đương với 250 % với tổng sản phẩm nội địa, và tỷ lệ này đã tăng rất nhanh trong ba năm trở lại đây. Vấn đề thứ hai là thặng dư thương mại của Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp lại. Trung Quốc vẫn trong thế xuất siêu, nhưng năm ngoái, thặng dư thương mại giảm 31 % so với năm 2017".

Dùng kinh tế để mưu cầu ổn định xã hội

Câu hỏi đặt ra là đà chựng lại của cỗ xe kinh tế đồ sộ này có nguy cơ kéo dài hay không và Bắc Kinh phải làm gì để tránh hiện tượng đổ dàn ? Trong cuốn sách Trung Quốc là (và) Thế Giới mà Sophie Boisseau du Rocher đã biên soạn cùng với nhà nghiên cứu Emmanuel Dubois de Prisque, thuộc Viện Thomas More – Paris, hai đồng tác giả cùng cho rằng, Đặng Tiểu Bình xưa kia và nhiều đời lãnh đạo Trung Quốc kế tiếp cho đến Tập Cận Bình ngày nay đều chạy theo tăng trưởng để đổi lấy ổn định xã hội và củng cố vai trò của Đảng. Bắc Kinh đã liên tục cố giữ để đầu máy tăng trưởng đó luôn hoạt động tốt.

Lần này, không chậm trễ, chính quyền trung ương đã thông báo một loạt các biện pháp tiếp sức cho tiêu thụ và đầu tư, từ quyết định hạ thuế trị giá gia tăng đến việc mở van tín dụng cho các doanh nghiệp và tư nhân. Cùng lúc, Bắc Kinh đã khuyến khích các chính quyền địa phương mạnh dạn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Hậu quả kèm theo là nợ của Trung Quốc lại càng tăng. Sophie Boisseau du Rocher nêu lên một số rủi ro từ hiện tượng tăng trưởng của Trung Quốc đang mất đà :

Sophie Boisseau du Rocher : "Đối với bản thân Trung Quốc, thống kê gần đây bắt buộc nước này phải có cái nhìn thực tế hơn là bức tranh do ông Tập Cận Bình phác họa ra. Bắc Kinh nói đến một tỷ lệ tăng trưởng trên 6,5%, trong lúc nhiều người cho rằng tăng trưởng thực sự của nền kinh tế thứ hai toàn cầu này dao động từ 1,6% đến 4%. Tới nay, chính quyền trung ương luôn xem thịnh vượng kinh tế là một công cụ để duy trì ổn định chính trị và xã hội, để bảo vệ sự tồn tại của Đảng Cộng Sản. Một nền kinh tế bị hụt hơi có thể là cơ hội để một số người lên tiếng chỉ trích những quyết định của trung ương. Cũng có thể rằng những tiếng nói chống đối sẽ mạnh mẽ hơn. Hiện nay ở Bắc Kinh, nhiều người gián tiếp chỉ trích Tập Cận Bình bằng cách đề cao và ca tụng chính sách của ông Đặng Tiểu Bình xưa kia.

Thế còn đối với phần còn lại của thế giới, tác động đầu tiên là đối với các nền kinh tế Đông Nam Á, vốn lệ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Ở một mức độ nhẹ hơn một chút là Nhật Bản và Hàn Quốc và chỉ ở bước kế tiếp các nền kinh tế phương Tây mới cảm nhận thấy sóng ngầm từ Trung Quốc phát đi. Bởi cho tới nay, kinh tế Trung Quốc bị chựng lại do những khó khăn nội bộ của nước này. Cuộc đọ sức thương mại với Mỹ dù đã kéo dài từ cả năm nay, nhưng theo tôi chưa thực sự tác động tới đà tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu như từ này đếu cuối tháng 2, Bắc Kinh và Washington không giải quyết được tranh chấp trên hồ sơ này, kinh tế của Trung Quốc sẽ thực sự thấm đòn".

Hồi kế tiếp trong cuộc đọ sức với Mỹ

Nhưng ai cũng biết, cuộc đọ sức Mỹ - Trung khai mào từ mùa xuân năm ngoái không chỉ giới hạn trên vế thương mại hay quanh quẩn ở mức vài trăm tỷ đô la nhập siêu của Bắc Kinh với bạn hàng Washington. Hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này đang lao vào một cuộc chạy đua để áp đặt luật chơi với phần còn lại của thế giới. Ở Hoa Kỳ, Donald Trump được bầu lên với khẩu hiểu "Make America Great Again", còn ở bên trời Á, thì ông Tập Cận Bình muốn làm mê hoặc thiên hạn với "Giấc Mơ Trung Hoa".

Trong phần mở đầu cuốn La Chine e(s)t Le Monde, Sophie Boisseau du Rocher và Emmanuel Dubois de Prisque viết : từ một quốc gia nắm bắt lấy tiến trình toàn cầu hóa để phát triển, Trung Quốc đã lặng lẽ và từng bước hội nhập với thế giới để giờ đây trở thành tâm điểm của sân khấu quốc tế, từng bước áp đặt những chuẩn mực cho một nền kinh tế toàn cầu hóa theo kiểu của Bắc Kinh.

Vậy liệu rằng, những khó khăn kinh tế hiện nay có là trở ngại đầu tiên thách thức tham vọng đưa Trung Quốc trở lại vị trí trung tâm của thế giới hay không ? Sophie Boisseau du Rocher phân tích về bài toán nan giải đặt ra cho ông Tập Cận Bình

Sophie Boisseau du Rocher : "Chúng ta đang trông thấy những giới hạn của phương pháp Tập Cận Bình. Ông này đặt quyền lợi của Đảng lên trên hết, đồng thời vừa khai thác, vừa đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa để biện minh cho những quyết định của mình, đặc biệt là vào năm 2021, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản ; 2049 đến lượt lễ kỷ niệm 100 năm cách mạng thành công.

Theo quan điểm của chúng tôi, Tập Cận Bình có tham vọng xuất khẩu "Giấc mơ Trung Hoa", đem lại hào quang cho đất nước rộng lớn này với toàn thế giới. Nhưng giấc mộng đó có thể bị sụp đổ từ bên trong, một khi kinh tế bị suy yếu. Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có nhượng bộ với phía "bên ngoài", chủ yếu là với Mỹ, để bảo vệ ổn định về kinh tế và xã hội trong nội tình đất nước hay không ? Tập Cận Bình đang nắm giữ tất cả các lá bài trong tay. Vấn đề thứ hai đặt ra là liệu phương Tây có hưởng lợi được hay không vào thời điểm mà Bắc Kinh đang bị lấn cấn vì kinh tế, vì lo ngại bất ổn trong xã hội… Nhưng nói đi thì phải nói lại, công luận Trung Quốc từ quá lâu nay đã bị nhiễm chính sách tuyên truyền và thường đi theo đường lối của Đảng. Những khó khăn kinh tế hiện tại, liệu có là mầm mống cho một cuộc nổi dậy hay không ? Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào báo trước điều đó. Không chắc là dân Trung Quốc nhân cơ hội này nói lên tiếng nói của mình. Dù vậy, lịch sử cho thấy, mọi chuyện đều có thể đổi thay !"

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 29/01/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc : Tập Cận Bình và bốn "phản hiện đại hóa"

Báo chí Pháp hôm 14/01/2019 dĩ nhiên tập trung bàn tán và phân tích bức "Thư gởi người Pháp" của tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố tối hôm qua, phác họa nền tảng cho cuộc "Thảo luận toàn quốc" nhằm đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 02/01/2019. Reuters/Mark Schiefelbein/Pool

Về thời sự quốc tế, rất đáng chú ý là bài phân tích trên tờ Le Figaro về Trung Quốc, nói về điều được tờ báo mệnh danh là bốn chủ trương "phản hiện đại hóa - contre-modernisations" của ông Tập Cận Bình, đã góp phần kết thúc chu kỳ "40 năm vàng son" của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trong bài viết mang tựa đề ngắn gọn : "Trung Quốc : 4 phản hiện đại hóa", nhà báo Nicolas Baverez của tờ Le Figaro đã nêu bật bối cảnh năm 2019 này là năm chế độ Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cũng như vào thời điểm cách nay 4 thập niên, cụ thể là vào năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình tung ra chính sách "bốn hiện đại hóa", cho phép Trung Quốc cất cánh về kinh tế, vào lúc này, Bắc Kinh đang phải điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển của mình.

Vấn đề tuy nhiên là, với bước lùi thể hiện qua sự trở lại của thể chế chủ tịch suốt đời, tệ sùng bái lãnh tụ và sự tái lập quyền kiểm soát của Nhà nước trên nền kinh tế, tiến trình cải cách cần thiết của Trung Quốc có khả năng bị chặn đứng.

Tập Cận Bình xóa nhòa 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình

Le Figaro đã không ngần ngại đối lập 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình với 4 phản hiện đại hóa của Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Pháp, sau cái chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã tổ chức sự phát triển của Trung Quốc theo bốn nguyên tắc.

Thứ nhất là duy trì độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc - điều đã được tái khẳng định một cách đẫm máu ở Thiên An Môn vào năm 1989 - nhưng tạo ra thế đối trọng với quyền lực độc tôn bằng hai nguyên tắc : quyền lãnh đạo tập thể và nhiệm kỳ 10 năm. Nguyên tắc thứ hai là cởi trói dần dần nền kinh tế để du nhập các cơ chế thị trường và mở cửa ra quốc tế ; nguyên tắc thứ ba là nới lỏng sự kiểm soát ý thức hệ trên nền kinh tế và xã hội, và sau cùng là vươn lên trên trường quốc tế một cách hòa bình.

Thế nhưng, theo Le Figaro, một cách có hệ thống, Tập Cận Bình đã đi ngược lại tất cả các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình.

Về chính trị, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Đại hội lần thứ 19 của Đảng cộng sản chấp nhận một chế độ chủ tịch độc tôn kiểu các hoàng đế thời xưa. Về kinh tế là việc củng cố khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời hạn chế việc mở vốn của Trung Quốc cho thế giới bên ngoài. Về mặt ý thức hệ, Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự thống trị của giáo điều mácxít trong các công ty và trường đại học.

Cuối cùng, trong lãnh vực đối ngoại, nhân vật số một của Trung Quốc đã công khai cho thấy tham vọng giành quyền lãnh đạo thế giới vào năm 2049.

Vô số cản lực

Tuy nhiên, đối với tác giả bài báo trên Le Figaro, định hướng chiến lược mới của ông Tập Cận Bình hiện đang vấp phải nhiều trở ngại nghiêm trọng.

Thứ nhất, là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, tỷ lệ chính thức là khoảng 6%, nhưng trong thực tế chỉ chừng 2% mà thôi, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng 20%, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm 25% trong năm ngoái, trong lúc vốn liếng ngày càng "tháo chạy" khỏi Trung Quốc.

Điểm đặc biệt, theo Le Figaro, là mô hình phát triển của Trung Quốc dựa trên công nghiệp, xuất khẩu và vay nợ đang đi vào ngõ cụt. Việc sản xuất hàng hóa siêu tốc đã tàn phá môi trường, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã chận đứng sự bành trướng thương mại của Trung Quốc và gửi đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đã được thấy qua lệnh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ở nhiều quốc gia.

Sự phình to của các khoản nợ công và tư nhân, chiếm hơn 260% GDP, đang tạo ra bong bóng đầu cơ nguy hiểm. Sự gia tăng của các dự án theo "con đường tơ lụa mới" đang gây ra tình trạng thiếu kinh phí.

Sau hết, thái độ khẳng định quyền lãnh đạo của Trung Quốc đã khiến nước ngoài lo sợ, và ngày càng có nhiều sự phản ứng kháng cự xuất hiện, kể cả ở Châu Á, chống lại một mô hình chính quyền độc đoán và một nền kinh tế xâm lược do Nhà nước Trung Quốc chỉ huy nhằm khuất phục và chiếm đoạt các tài sản chiến lược của các nước được Bắc Kinh trợ giúp.

Ba Lan : Chân dung gián điệp làm việc cho Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trên trang quốc tế, Le Monde nêu bật vụ một người Trung Quốc và một người Ba Lan có liên hệ với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, vừa bị chính quyền Warsawa bắt giữ vì bị tình nghi "hoạt động có hại cho Ba Lan". Tờ báo Pháp đã lồng vụ bắt giữ này vào "chiến dịch" được Mỹ tung ra nhằm cảnh giác các đồng minh về nguy cơ giao công việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông của mình cho tập đoàn Trung Quốc.

Chân dung hai nghi phạm tại Ba Lan rất được Le Monde chú ý : Người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh (Wang Weijing), nguyên là tùy viên tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk, sau đó qua làm việc cho chi nhánh Hoa Vi tại Ba Lan, làm giám đốc giao tế, rồi giám đốc đặc trách khâu bán hàng cho các cơ quan nhà nước.

Phát ngôn viên của bộ trưởng đặc trách các cơ quan đặc biệt - tức là các cơ quan tình báo - của Ba Lan nói rõ là nghi can đã bị bắt vì đã hoạt động "cho tình báo Trung Quốc, gây hại cho Ba Lan", nhưng cũng nói rõ rằng đó là những hoạt động mang tính chất cá nhân chứ "không liên quan gì đến tập đoàn nơi nghi can làm việc".

Về nghi can gián điệp người Ba Lan, Le Monde trích dẫn đài truyền hình nhà nước Ba Lan cho biết người này từng là một cựu sĩ quan cao cấp trong ngành phản gián Ba Lan, phụ trách việc phát triển một hệ thống điện thoại di động an toàn cho các lãnh đạo chính trị nước này, trước khi qua làm cố vấn cho chi nhánh tập đoàn viễn thông Pháp Orange tại Ba Lan, vốn được giao trách nhiệm triển khai màng lưới 5G tại nước này cùng với Hoa Vi.

Theo Le Monde, vụ bắt giữ nghi can gián điệp Trung Quốc tại Ba Lan diễn ra trong bối cảnh Washington đã tung ra một chiến dịch cảnh giác các đồng minh, đặc biệt là các nước có căn cứ Mỹ, là không nên giao việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, vào lúc mà các nơi đang chuẩn bị triển khai màng lưới di động 5G.

Liệu Hoa Vi có dám kháng lệnh của Nhà nước Trung Quốc ?

Lý do mà Mỹ nhấn mạnh là các nước có nguy cơ bị Bắc Kinh do thám và khống chế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngoại giao.

Theo ghi nhận của Le Monde, lời cảnh báo của Mỹ đang phát huy tác dụng cho dù không đồng đều. Mạnh tay nhất là Mỹ, sau đó là Úc và Nhật, đã loại Hoa Vi ra khỏi danh sách nhà cung cấp cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Nhưng tại Pháp hay Đức, phản ứng không rõ ràng. Ở Pháp, nếu tập đoàn Orange đã tẩy chay Hoa Vi, thì tập đoàn SFR vẫn đang thử nghiệm hệ thống 5G của mình với công nghệ 5G của Hoa Vi. Tại Đức, nêu hãng viễn thông hàng đầu là Deutsche Telekom đã cấm Hoa Vi, thì chủ tịch cơ quan liên bang về an ninh thông tin lại cho rằng "cần phải có bằng chứng" thực thụ về hành vị gián điệp, trước khi ban hành một quyết định "nghiêm trọng như là một lệnh cấm".

Le Monde nhắc lại rằng từ nhiều năm nay, Hoa Vi luôn khẳng định rằng họ là doanh nghiệp tư nhân, và chưa ai chứng minh được rằng họ đã có những hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ là trong tình hình hiện nay, khó có công ty Trung Quốc nào dám chống lại yêu cầu từ phía chính quyền, nhất là khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngừng tăng cường quyền kiểm soát của Nhà nước, và đã ban hành vào năm 2017 một đạo luật về tình báo trong đó ghi rõ : "Các tổ chức và công dân, trong tinh thần tôn trọng luật pháp, phải ủng hộ, hợp tác và tham gia vào công việc tình báo quốc gia".

"Thư gửi người Pháp" chiếm lĩnh trang nhất

Như nói ở trên, toàn bộ tựa lớn trang nhất các báo Pháp đều được dành cho việc phân tích tình hình chính trị nội bộ Pháp với bức "Thư gửi người Pháp" của tổng thống Emmanuel Macron được điện Élysée công bố tối hôm qua.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro, trên nền một bức ảnh của tổng thống Macron vẻ thoải mái, đã trích nguyên văn một đề nghị của ông thành tựa lớn : "Hãy biến nỗi tức giận thành giải pháp", trong lúc nhật báo thiên tả Libération thì phê phán hơn đối với ông Macron và chạy tựa "Bài viết để vớt vát", bên trên một tấm ảnh cho thấy tổng thống Pháp, vẻ mặt đăm chiêu.

Nhật báo công giáo La Croix khách quan hơn, chỉ chạy tựa "Hãy nhường chỗ cho tranh luận", nhắc đến bức thư của Emmanuel Macron và những mục tiêu và thách thức của cuộc Thảo luận toàn quốc sẽ mở ra ngày mai.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng gợi đến của thảo luận sắp tới và thấy là tổng thống "Macron mời dân Pháp tranh luận không cấm kỵ".

Macron và cơ hội cứu vãn nhiệm kỳ

Đối với tất cả các tờ báo Pháp, tổng thống Pháp đã cố sức soạn thảo bức thư của ông trong một động thái nhằm cứu vãn ba năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông, vốn đã bị hai tháng phản kháng Áo Vàng vừa qua làm lung lay.

Báo Libération, qua ngòi bút của Paul Quinio không ngần ngại cho rằng với lời nhắn gửi người Pháp, nguyên thủ quốc gia đã biến mình thành một ứng cử viên đang nhắm tới việc "cứu vãn ba năm còn lại trong phủ tổng thống".

Tuy nhiên, theo Libération, bức thư của tổng thống Pháp ông chỉ là một bài viết nhằm vớt vát. Đối với tác giả bài xã luận, ông Macron, một con người cao ngạo, như muốn hạ mình xuống ngang hàng với những người Áo Vàng trấn giữ các bùng binh, nhưng đây là một động thái không phải là không hàm chứa hiểm nguy đối với ông.

Le Figaro thì tự hỏi rằng cuộc Thảo luận toàn quốc sắp mở ra phải chăng là một cơ may cho người Pháp ? Dẫu sao thì đó là một "cơ hội cuối cùng cho tổng thống Emmanuel Macron, nếu ông muốn giải quyết khủng hoảng bằng một cách khác hơn là các kịch bản chính trị thảm họa đối với ông".

Về phần mình, La Croix cho rằng tổng thống Pháp hiện đã mất đi "uy tín cần thiết để thuyết phục mọi người rằng ông sẽ thực sự đấu tranh chống lại các rạn nứt xã hội và địa dư ở Pháp". Tuy nhiên, nhật báo công giáo thừa nhận rằng tổng thống Macron "vẫn có thể xoay sở để thoát khỏi sự kìm kẹp của phong trào phản đối mạnh mẽ và những hạn chế ngân sách nặng nề".

Nhật báo kinh tế Les Échos thì tỏ ý hoài nghi về sự sẵn sàng lắng nghe của Emmanuel Macron. Tờ báo giải thích : Tổng thống Pháp lao vào cuộc Thảo Luận như thể đấy là một giai đoạn nhất thiết phải vượt qua, chứ không thực sự tin tưởng rằng điều đó sẽ thành công".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Bị phản đối vì thương chiến với Mỹ, Tập Cận Bình trấn áp vì sợ nổi dậy

La Croixhôm nay 31/12/2018ghi nhậndưới áp lực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, "Tập Cận Bình buộc các lãnh đạo cao cấp Đảng cộng sản Trung Quốc phải tự kiểm thảo", cho thấy một số dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ đảng.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 18/12/2018. Reuters/Jason Lee

Tờ báo công giáo cho rằng "chủ tịch Tập Cận Bình là Mao Trạch Đông mới của thế kỷ 21". Và cũng như Mao, ông Tập không tránh được việc bị chỉ trích cho dù không phát biểu công khai. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, một số rạn nứt đã xuất hiện trong một chế độ luôn muốn chứng tỏ là hoàn toàn đồng tâm nhất trí.

Khi triệu tập 25 ủy viên Bộ Chính trị họp lại trong hai ngày 25 và 26/12 (vào đúng ngày Noel và sinh nhật của Mao 26/12/1893), Tập Cận Bình bắt buộc họ phải tự kiểm điểm, như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Theo Tân Hoa Xã, ông Tập "đã yêu cầu Bộ Chính trị phê bình và tự kiểm thảo về công việc của mình cũng như việc thực hiện các chỉ thị của Tập chủ tịch, chính sách và chủ trương của đảng".

Vai trò của Bộ Chính trị đã bị giảm hẳn từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Ông tập trung mọi quyền lực vào tay mình, như thời Mao. Nhưng theo nhiều nhà phân tích Trung Quốc cũng như nước ngoài, uy quyền của ông Tập trong những tháng gần đây có phần bị lung lay do kinh tế bị chững lại, từ cuộc chiến tranh thương mại với nước Mỹ của ông Donald Trump.

Báo cáo chính thức của cuộc họp Bộ Chính trị lần này không nói rõ các ủy viên Bộ Chính trị phải tự kiểm về vấn đề gì, nhưng đây là dịp để Tập Cận Bình chỉnh đốn lại đội ngũ, kêu gọi họ "nhanh chóng nghiên cứu các bài diễn văn" của ông, "tự khép mình vào kỷ luật, và chấn chỉnh gia đình cùng các cán bộ thuộc quyền". Công thức này nhắc nhở lại nguyên tắc "tập trung dân chủ" lê-nin-nít trong đảng, đánh vào những ai không hoàn toàn trung thành với ông Tập.

Đối với chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, Tập Cận Bình bị phản đối trong nội bộ đảng, do đã đánh giá thấp quyết tâm của tổng thống Donald Trump và không dự đoán được việc hàng trăm mặt hàng bị áp thuế, làm thiệt hại cho khu vực chuyên xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như lãnh vực công nghiệp mũi nhọn.

Một số nhà kinh tế còn khẳng định nền kinh tế Trung Quốc không tốt đẹp như trong thống kê chính thức, tỉ lệ tăng trưởng 6,5% là thổi phồng quá đáng, và nạn thất nghiệp gia tăng.

Ông Lâm Hòa Lập nhận định, Tập Cận Bình "đang chịu đựng một áp lực khủng khiếp phải thỏa thuận cho được với Donald Trump" trước thời hạn chót là đầu tháng Ba. Thời điểm này trùng hợp với kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, khi đó ông Tập có nguy cơ bị đại diện các vùng miền và những lãnh vực bị thiệt hại nhiều nhất do thương chiến, chỉ trích.

Cho dù Tập Cận Bình là một Mao Trạch Đông mới, nhưng ông Tập không có được cái uy tương tự về lịch sử. Nhà chính trị học độc lập Hoa Pha (Hua Po) ở Bắc Kinh, khi trả lời AFP lưu ý, Tập Cận Bình "không cảm thấy an toàn, và nói trắng ra thì ông ta thiếu tự tin. Ông Tập luôn lo sợ có ai đó nổi dậy". Một loại hoang tưởng mà Mao cũng đã từng bị. Đối với ông Hoa Pha, "Tập Cận Bình không đáp ứng được sự chờ đợi của người dân, và nỗi thất vọng của họ có thể biến thành tuyệt vọng".

Ai Cập khó vực dậy sau vụ khủng bố du khách Việt

Về vụ khủng bố ở Gizeh (Giza) khiến ba du khách người Việt thiệt mạng cùng với hướng dẫn viên tối thứ Sáu 28/12, Le Figaro nhận định vụ này "làm tổn hại nặng nề đến sự vực dậy ngành du lịch Ai Cập".

Thông tín viên của tờ báo ghi lại lời kể của Mostafa, người gác dan của một tòa nhà gần nơi xảy ra thảm kịch : "Chúng tôi đang cầu nguyện thì nghe một tiếng nổ lớn. Gian phòng chuyển động rất mạnh, chúng tôi quá sợ nhưng không đủ can đảm chạy ra bên ngoài xem chuyện gì xảy ra".

Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhanh chóng nói đến "một sự cố đáng tiếc", đồng thời khẳng định "không có quốc gia nào trên thế giới có thể bảo đảm an ninh được 100%".

Tuy việc kiểm soát đã được tăng cường tại các địa điểm du lịch của Ai Cập từ ba năm qua, nhưng các chuyên gia thường xuyên chỉ trích những thiếu sót của chính quyền tại một số di tích, nhất là những kim tự tháp nằm tại khu phố bình dân của thủ đô.

Có thật là 40 kẻ "khủng bố" ?

Muốn chứng minh là tình hình an ninh đang nằm trong vòng kiểm soát, đêm sau vụ khủng bố, chính quyền Ai Cập đã cho bố ráp gần nơi xảy ra vụ nổ và cả Al Arish ở Bắc Sinai. Cảnh sát đã triệt hạ "40 kẻ khủng bố đang có một loạt kế hoạch tấn công vào du lịch, địa điểm thờ phượng của Công Giáo và lực lượng an ninh" - theo bộ Nội Vụ. Nhưng các chuyên gia thường xuyên tố cáo các vụ dàn cảnh với cớ chống khủng bố.

Theo bà Alisson McManus, giám đốc nghiên cứu của Tahrir Institute for Middle East Policy, "năm nay có 187 người đã bị giết chết trong các cuộc bố ráp trên toàn quốc". Oded Berkowitz, nhà phân tích của cơ quan tư vấn rủi ro địa chính trị Max Security cũng ghi nhận các chi tiết đáng ngờ trên những tấm ảnh được công bố. Trong 31 tấm hình này, không thấy các đầu đạn trên mặt đất, những vết thương ở đầu và trên lưng, nhưng vật dụng xung quanh cho thấy có một bàn tay đã can thiệp, không giống như mô tả là "những cuộc chạm súng dữ dội".

Vẫn chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm, vụ khủng bố xe chở du khách người Việt là một cú đòn mới nặng nề cho đất nước của các Pharaon. Lãnh vực du lịch vốn ảnh hưởng đến 30% dân số vừa mới hồi phục, lại trở thành đích nhắm của các nhóm cực đoan. Những nhóm này chừng như muốn ngăn trở chế độ của ông Al Sissi tìm lại được thời huy hoàng cũ, khi cứ mỗi lần lãnh vực này được cải thiện thì lại tấn công vào khách du lịch nước ngoài. Một số nhà tổ chức tour lớn như Thomas Cook hay TUI đã hủy các chuyến đi Ai Cập trong những ngày tới.

Tin giả, Brazil, đồng euro, Macron : Tựa chính báo Pháp

Bìa số báo tất niên của Libération là một dấu hỏi lớn trên nền cờ Pháp, với tựa đề "Những câu hỏi đặc sắc và kỳ lạ nhất của độc giả và câu trả lời". Từ một năm rưỡi qua, tờ báo truy quét các tin giả với một công cụ hỗ trợ. Nhân dịp cuối năm, Libération giới thiệu với độc giả những chuyện hậu trường.

La Croixnhìn sang "Brazil, tất cả đều hữu khuynh". Tân tổng thống Jair Bolsonaro sẽ nhậm chức ngày mai, 1 tháng Giêng năm 2019 tại Brasilia. Từ khi đắc cử vào tháng 10, ông Bolsonaro liên tục đưa ra những tuyên bố cực đoan.

Le Mondecũng lo lắng chạy tựa "Brazil, cực hữu lên nắm quyền". Việc ông Jair Bolsonaro, 63 tuổi, được bầu làm tổng thống đánh dấu chiến thắng của phe quân sự, gợi lại thời kỳ độc tài, và vấn đề môi trường bị bỏ xó. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thắng lợi của Bolsonaro, và tân tổng thống Brazil cũng cho biết quan điểm gần gũi với hai thủ tướng cánh hữu Matteo Salvini của Ý, Viktor Orban của Hungary.

Về kinh tế, "Đồng euro hai mươi tuổi, một ước vọng chưa thành" là tựa trang nhất của nhật báo Les Echos. Đồng tiền Châu Âu đã cố gắng thích nghi được với cuộc khủng hoảng nợ công sau năm 2010, được hai phần ba dân Châu Âu ủng hộ và quốc tế hóa, nhưng còn lâu mới đuổi kịp đồng đô la Mỹ.

Về tình hình nước Pháp và cụ thể là tổng thống Emmanuel Macron, Le Figaro chạy tựa "Macron muốn lật sang trang mới một năm khủng khiếp". Biểu tình, bộ trưởng từ chức, kiến nghị bất tín nhiệm… Vị nguyên thủ nước Pháp trong những tháng gần đây phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị cao độ, đọc lời chúc mừng năm mới tối nay trong bối cảnh căng thẳng.

Macron và cách nhìn nhân văn về toàn cầu hóa

Xã luận của Le Monde nhận định "Ngoại giao của Macron, bài diễn văn đẹp đẽ".

Không chỉ tuổi trẻ và tài năng của tổng thống Pháp đã gợi hứng cho các đối tác cũng như đối thủ của nước Pháp, nhưng Emmanuel Macron còn mang lại niềm tin vào các giá trị và quyết tâm cải cách, trong một thế giới ngày càng hỗn loạn. Trong những bài diễn văn - tại Liên Hiệp Quốc và trước Quốc hội Mỹ về chủ nghĩa đa phương, tại Athens và đại học Sorbonne về Châu Âu - tổng thống Pháp đã đặt ra các mục tiêu cho tầm nhìn thế giới và chứng tỏ tham vọng.

Có thể tóm tắt lời hứa của ông Macron là "Một cách nhìn nhân bản về toàn cầu hóa". Trước sự co cụm lại của nước Mỹ, sức mạnh được phô trương của Trung Quốc và sự quay lại trường quốc tế của Nga, tổng thống Pháp muốn một Châu Âu bảo vệ "dân chủ và các giá trị cấp tiến", khẳng định là "lãnh tụ thế giới tự do", là "tiếng nói của những người bị quên lãng".

Một khi Brexit được thực hiện, thì Pháp sẽ là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu giữ ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong bối cảnh thời kỳ ngự trị của thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến hồi kết.

Khoảng cách giữa nói và làm

Tuy nhiên một năm rưỡi sau khi lên nắm quyền, tổng thống Macron vẫn chưa biến lời nói thành hành động, thậm chí còn tỏ ra nhập nhằng trong một số hồ sơ nóng bỏng như Syria. Thật ra còn phải chờ đợi đến cuối nhiệm kỳ mới có thể đánh giá, nhưng người ta có thể đặt câu hỏi Emmanuel Macron có giữ được những lời hứa trên hay không.

Nhìn dưới một góc cạnh khác biệt, xã luận của Le Figaro đòi hỏi "Một cuộc cải cách khác". Khi Emmanuel Macron đắc cử, nhiều người Pháp nghĩ rằng sẽ ra khỏi những năm dài bất động, nhưng nay khi những người Áo Vàng xuất hiện trên đường phố, thì tình hình đã khác. Tất nhiên vị tổng thống trẻ tuổi không phải là người chịu trách nhiệm về tất cả những vấn nạn của nước Pháp, nhưng thử thách lớn nhất của ông là phải tự chỉnh đốn lại về ngôn từ và thái độ. Nếu không tự cải cách chính mình, thì cơ hội cải cách được đất nước của Macron sẽ rất nhỏ nhoi.

Thụy My

Published in Châu Á

Dù thời gian đã trôi nhanh qua già nửa nhiệm kỳ, "người em" Nguyễn Phú Trọng tuy có năm sinh trước "ông anh" Tập gần một chục năm và thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn "ông anh" Tập cả năm, lại vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính thực chất và khiến người ta có thể tin kết quả đó là bền vững...

tcb1

Bức ảnh này, nhất là phần chân, hẳn cho thấy ai 'cao' hơn...

Nhiều nhà bình luận chính trị độc lập ở Việt Nam đều có chung nhận xét và rất tương hợp với tình hình thực tế là cho dù có ‘diệt’ được những quan chức bị xem là ‘trùm tham nhũng’ như Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải, ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đối mặt với rất đông đảo quan chức tham nhũng từ cấp trung ương xuống các địa phương - những nhân sự đầu bộ ngành và đầu tỉnh thành không chỉ rơi rớt lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng mà còn chính là nhân sự được ông Trọng và Ban Bí thư điều chuyển, chỉ định sau khi Dũng đã ‘trở về làm người tử tế’ và từ sau năm 2016 đến nay, và nói chung lớp nhân sự đó chính là con đẻ của một chế độ chính trị độc tài sinh ra đặc quyền và đặc lợi.

Việt Nam thời ‘hậu Trần Đại Quang’. Đang hiện ra những dấu hiệu cho thấy khả năng xuất hiện một số đông quan chức trực tiếp tham nhũng cấu kết với nhau và còn có thể lôi kéo được một số đông khác quan chức gián tiếp tham nhũng, biến thành một lực lượng đủ đông và đủ tinh vi để chống lại chủ trương của một nhà nước trung ương tập quyền, đặc biệt là chủ trương ‘chống tham nhũng’.

Hiện tượng hơn 2/3 đại biểu quốc hội bỏ phiếu không tán đồng với một dự luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh của quan chức tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2018, và có đến 36% ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý cách chức quan chức Tất Thành Cang tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018 đã phản ánh khả năng trên.

Cho đến nay, khả năng trên không chỉ còn là một giả thiết mơ hồ mà đang lờ mờ hiện hình trong chính giới Việt Nam - hiện tượng mà Tập Cận Bình đã phải vất vả đối phó ở Trung Quốc sau khi đã diệt những quan chức cấp Bộ Chính trị như Bạc Hy Lai - bí thư Trùng Khánh, Chu Vĩnh Khang - bộ trưởng công an, Từ Tài Hậu - phó bí thư quân ủy trung ương, …

Nhưng ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thành công lớn trong không chỉ ‘đả hổ’ mà còn ‘diệt ruồi’.

Không phải là nhân vật có nhiều phát ngôn nổi bật và ưa trích dẫn kinh viện Mác-Lê như Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình đã tỏ ra là người thích hành động, hành động thâm trầm và bất ngờ hơn là nói và khoa trương thành tích.

Từ năm 2012 đến nay, có đến 1,3 triệu quan chức cấp cấp bị kỷ luật và xử lý hình sự - một con số cho thấy Tập đã tiến hành một cách không chỉ mang tính ‘ví dụ’ mà còn khá thực chất trong cuộc chiến chống chống tham nhũng, cho dù cuộc chiến này không chỉ làm trong sạch môi trường chính trị mà còn nhắm tới mục tiêu tôn tạo hình ảnh ‘hoàng đế Tập Cận bình’ với uy quyền gần như tuyệt đối kể từ thời Mao Trạch Đông những năm 60 của thế kỷ XX.

Để đạt được thắng lợi đáng kể trên, Tập Cận Bình đã biết vận dụng một phương châm cộng sản ‘muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa’. Cạnh Tập và trên thực tế là cánh tay phải của Tập là Vương Kỳ Sơn - vào thời đó còn là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm ra Kỷ luật trung ương, một quan chức được xem là sạch sẽ, thâm trầm, lạnh lùng, tàn nhẫn và không nương tay đối với các đối thủ chính trị và quan tham. Tập Cận Bình chỉ trong một thời gian khá ngắn cũng xây dựng được một đội ngũ thừa hành ý đồ của mình, từ cấp trung ương xuống nhiều tỉnh và thành phố. Đặc biệt, Tập nắm chắc lực lượng quân đội để vừa khống chế công an, vừa không sợ bị đảo chính, đồng thời nắm chắc lực lượng công an - ‘thanh bảo kiếm’ chém đông chặt tây và tống rất nhiều quan tham vào vòng lao lý.

Người ta đã ngạc nhiên vì cái cách mà Tập Cận Bình đã loại trừ một cách êm thắm ‘phái Giang Trạh Dân’ mà không gây ra đổ máu. Người ta cũng ngạc nhiên vì dù có hay không có tác động lãnh đạo hoặc kích động của những đối thủ chính trị và quan tham còn lại từ thời Giang Trạch Dân, đã không hề xảy ra một sự cấu kết trên diện rộng và theo chiều sâu của giới quan tham cấp tỉnh thành ở nhiều khu vực với nhau để chống lại Tập Cận Bình. Bằng chứng rõ rệt là tại đại hội 19 của đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, họ Tập thậm chí còn được quốc hội nước này gật đầu hủy bỏ cơ chế giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, mà thực chất là làm ‘hoàng đế suốt đời’. Không những thế, Tập Cận Bình còn thu được kết quả cái gật đầu của tuyệt đại đa số quốc hội và ban chấp hành trung ương về ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ được đưa vào hiến pháp Trung Hoa - điều mà trước đó chỉ Mao Trạch Đông mới giành được.

Còn ở Việt Nam, dù thời gian đã trôi nhanh qua già nửa nhiệm kỳ, "người em" Nguyễn Phú Trọng tuy có năm sinh trước "ông anh" Tập gần một chục năm và thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn "ông anh" Tập cả năm, lại vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính thực chất và khiến người ta có thể tin kết quả đó là bền vững, cho dù ông Trọng đã nắm được vai trò bí thư quân ủy trung ương từ trước và sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thậm chí còn "tự cơ cấu" vào Đảng Ủy Công An Trung Ương vào cuối năm đó.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 30/12/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 26 décembre 2018 09:48

Cảnh báo của Tập Cận Bình

Chủ tịch Tập Cận Bình mở màn lễ kỉ niệm 40 năm Cải cách ở Trung Quốc bằng lời cảnh báo rằng nguy hiểm "không thể tưởng tượng nổi" mà chỉ có ông ta lãnh đạo Đảng Cộng sản thì mới kiểm soát được mà thôi.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh minh họa

Ngày 18 tháng 12 năm 1978, khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ có những bước đi nhằm mở cửa cho sự tham gia và chào đón chủ nghĩa tư bản, thì ông ta cũng nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc : "Ẩn mình, chờ thời gian của bạn, đừng bao giờ cố gắng đi hàng đầu".

Nhưng đứng trước những nỗ lực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô và địa chính trị của Tổng thống Donald Trump trong việc sử dụng thương mại, ngoại giao và quân sự nhằm chống lại tham vọng "Made Made in China 2025" với mục tiêu giành thế thượng phong trên thế giới về công nghệ và chuỗi cung ứng, Tập [Cận Bình] tìm cách chia đôi thế giới thành những khu vực chịu ảnh hưởng của Mĩ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau.

Phát biếu trước 10.000 quan chức nhà nước tại Đại lễ đường Nhân dân, kỉ niệm giai đoạn cải cách mở cửa kinh tế 1978-2018, Tập [Cận Bình] đã dành một giờ rưỡi để nhấn mạnh : "Thực tiễn của cải cách và mở cửa trong 40 năm qua chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc… đông, tây, nam, bắc và ở giữa, đảng lãnh đạo toàn diện".

Kể từ khi giành được quyền lực, năm 2012, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kỉ luật 18 ủy viên chính thức và 17 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, 1,34 triệu quan chức từ cấp cao đến cấp thấp khác - được gọi là "hổ và ruồi" - đã bị thanh trừng vì bị cáo buộc vô kỉ luật và tham nhũng.

Nhằm ghi nhận những đóng góp của Tập [Cận Bình] vì sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội trong nhiệm kì kéo dài 6 năm, tháng 3 vừa qua người ta đã sửa đổi hiến pháp Trung Quốc nhằm loại bỏ giới hạn nhiệm kì cầm quyền của ông này. Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua bản hiến pháp mới với 2.958 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

Tập [Cận Bình] bắt đầu bài phát biểu kỷ niệm của mình bằng những lời phê phán cuộc Cách mạng Văn hóa, giai đoạn 1966 – 1976, dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã đưa 20 triệu người dân thành phố về nông thôn để cải tạo, khiến 200 triệu nông dân thường xuyên thiếu đói, và hơn 1,5 triệu vụ hành quyết và tự tử.

Giai đoạn này được người ta cho là có ý nghĩa trực tiếp đối với Tập [Cận Bình], vì cha của ông ta, Xi Zhongxun [Tập Trọng Huân] bị Hồng vệ binh kéo lê trước mặt đám đông và bị cách chức vì trong chuyến viếng thăm Đông Đức đã dùng ống nhòm để nhìn chằm chằm sang Tây Berlin.

Nhiều người nghĩ rằng rằng bài phát biểu của Tập [Cận Bình] sẽ vinh danh những thành tựu kinh tế, nhưng Tập [Cận Bình] cũng chẳng khác gì Mao Chủ tịch khi cảnh báo : "Mỗi bước đi trong cải cách và mở cửa đều không dễ dàng, và trong tương lai, chúng ta sẽ gặp tất cả các loại rủi ro và thách thức, thậm chí có thể gặp phải những đợt sóng triều đáng sợ và những trận bão kinh hoàng không ai có thể tưởng tượng được".

Sau đó, Chủ tịch Tập [Cận Bình] khẳng định vai trò tiên phong của sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách phê phán thuật ngữ của "khu vực tư nhân", khi ông tuyên bố : "Chúng ta nhất định phải củng cố sự phát triển của nền kinh tế nhà nước, trong khi nhất định phải khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn quá trình phát triển của nền kinh tế ngoài quốc doanh". Bloom Bloomberg báo cáo rằng chỉ số chứng khoán tổng hợp ở Châu Á đã giảm ngay trong khi Tập [Cận Bình] đọc diễn văn.

Diana Choyleva trên trang mạng Enodo Econom (chuyên phân tích về Trung Quốc – ND), lớn lên ở nước Bulgaria cộng sản và được nhiều người ở Wall Street công nhận là nhà kinh tế học chuyên phân tích về Trung Quốc giỏi nhất hiện nay, tin rằng thế giới đa cực mới đang xuất hiện trong "khuôn khổ của quá trình phi toàn cầu hóa".

Choyleva công nhận rằng "Chiến tranh thương mại" giữa Mĩ và Trung Quốc có thể sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới, nhưng bà dự đoán sẽ xảy ra "Chiến tranh công" nghệ Mĩ/Trung và sẽ dẫn đến việc phá vỡ và định tuyến lại chuỗi cung ứng hiện nay". Hành động này sẽ làm cho lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation - lạm phát chi phí-đẩy là một loại lạm phát gây ra bởi sự gia tăng đáng kể trong chi phí của hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng mà không có thay thế phù hợp có sẵn. Nó tương phản với lạm phát kéo theo nhu cầu – ND) quay trở lại, mà bà cho là "tin xấu" đối với chứng khoán và trái phiếu toàn cầu.

Bà nhấn mạnh rằng khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập [Cận Bình] thưởng thức "bữa tối tuyệt vời" ở Buenos Aries trong Hội nghị G-20, dẫn đến tạm ngưng cuộc Chiến tranh Thương mại trong vòng 90 ngày, thì Giám đốc tài chính Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) của Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị bắt ở Vancouver theo lệnh của Mĩ vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Ngay sáng hôm sau, các hãng thông tấn nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi bữa ăn tối Tạm ngưng Chiến tranh Thương mại, coi đấy là thành tích đàm phán vô cùng to lớn. Nhưng, ngày hôm sau, tờ Nhân dân Nhật báo đã gọi việc bắt giữ Mạnh Vãn Chu là hành động vi phạm nhân quyền và nói rằng việc giam giữ và đe dọa dẫn độ bà này sang Mĩ là những động thái chính trị, sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng.

Choyleva tin rằng rằng ngay cả khi Chiến tranh thương mại hạ nhiệt, Washington có thể sẽ tăng cường những nỗ lực nhằm kiềm chế các công ty công nghệ Trung Quốc bằng cách lôi kéo các đối tác ở Châu Á và Châu Âu cùng có những mối lo tương tự như thế. Bà này cho rằng, năm 2019, khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu đi, Trung Quốc sẽ liên kết với Nga để tiến qua đồng bằng Á-Âu và tìm cách chia rẽ Châu Âu.

Chriss Street

Nguyên tác : A Warning from Xi Jinping, American Thinker, 20/12/2018

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 26/12/2018

Published in Diễn đàn