Chính phủ Mỹ ngưng thương thuyết chuyện thuế quan với Trung Cộng, nêu lý do Bắc Kinh lơ là không giúp Mỹ ép Bắc Hàn giải giới bom nguyên tử.
Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. (Hình : China Photos/Getty Images)
Bom nguyên tử chỉ là một cái cớ. Thật ra lúc này nên ngưng nói chuyện thương mại, vì chỉ mất thời giờ vô ích. Cuộc "chiến tranh mậu dịch" Mỹ-Trung Quốc không thể giải quyết trước ngày bầu Quốc Hội Mỹ, đầu tháng Mười Một.
Vì dân Mỹ sắp đi bỏ phiếu cho nên Tổng Thống Donald Trump phải tỏ ra cứng rắn hơn trong bất kỳ cuộc thương thuyết mậu dịch nào. Ông cần bảo vệ lòng tín nhiệm trong khối cử tri "nền tảng" của mình, bảo đảm họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà ông ủng hộ. Thái độ này tỏ rõ trong cuộc thương thuyết NAFTA với Canada và Mexico, cho tới vụ đánh thuế nhập cảng xe hơi của hai nước đó và Châu Âu. Nhưng đặc biệt nhất là trong cuộc chiến quan thuế với Trung Cộng.
Trong tuần tới, chính phủ Trump có thể liệt kê những món hàng trị giá tổng cộng 200 tỷ USD nhập cảng từ nước Tàu. Trước tin này, Cộng Sản Trung Quốc vẫn găng, đe dọa sẽ đánh thuế tương tự trên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ nước Mỹ. Ăn miếng trả miếng như thế là vô ích. Bởi vì chính phủ Trump không quan tâm.
Đánh thuế trên 200 tỷ USD hàng hóa không chỉ tấn công trên các nhà buôn Trung Quốc mà còn khiến nhiều nhà kinh doanh và người tiêu thụ ở Mỹ chịu ảnh hưởng. Ngày 6 tháng Chín là hạn chót cho các công ty và mọi công dân Mỹ trình bày ý kiến về danh sách các món hàng sẽ bị đánh thuế, có thể lên tới 25%. Nhưng các ý kiến chống đối sẽ không lay chuyển được bộ tham mưu của ông Trump.
Trong chính quyền Trump, ông Robert Lighthizer, phụ trách ngoại thương, và ông Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc, đều thúc đẩy hành động nhanh chóng sau khi cuộc tham khảo ý kiến chấm dứt ; còn Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin và Cố Vấn Kinh Tế Larry Kudlow chủ trương làm từ từ. Ông Trump sẽ quyết định khi nào hạ thủ. Với 200 tỷ USD hàng hóa đợt này, Mỹ có thể giáng búa từng nhát một ; giống như 50 tỷ USD hàng hóa đầu tiên bị đánh thuế đã được tiến hành trong hai đợt, 34 tỷ, rồi 16 tỷ USD.
Nhưng Bắc Kinh không nên chờ đến khi dân Mỹ bỏ phiếu xong mới xin giảng hòa. Vì kết quả thế nào, lập trường chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi.
Các công ty Mỹ đã đoán trước tình thế cuộc chiến mậu dịch sẽ kéo dài. Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor ngày Thứ Sáu đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. Họ tin rằng đến sang năm chính phủ Trump cũng không đổi ý kiến mà bãi bỏ suất thuế 25% đánh trên xe hơi mang từ Trung Quốc về, dù xe do một công ty Mỹ sản xuất.
Ford mới ngưng sản xuất nhãn Focus trong nước Mỹ, và hai năm trước đã định chế tạo xe này ở Mexico cho rẻ. Nhưng làm xe ở bên Tàu sẽ tiết giảm chi phí 500 triệu USD một năm so với Mexico. Bây giờ, đem xe Focus kiểu mới được chế tạo ở Tàu về làm ở Mỹ cũng không đáng, vì số xe ước tính sẽ bán, 50.000 chiếc quá nhỏ !
Công ty General Motors đang xin chính phủ "miễn trừ", tha không đánh thuế những xe Buick Envision SUV họ chế tạo ở bên Tàu được nhập cảng về Mỹ. Nếu lời yêu cầu này không được chấp thuận thì GM sẽ ngưng không bán loại xe này trong thị trường Mỹ nữa.
Các nhà kinh doanh Mỹ rất thực tế, khi biết không thể vận động chính phủ nới tay thì họ chuẩn bị "kế hoạch B" cho tình thế mới. Giới lãnh đạo Bắc Kinh nên theo gương này, đừng hy vọng ông Donald Trump sẽ nới tay. Ngay trong bộ tham mưu và những cộng sự viên trong chính phủ Trump những người chủ trương cứng rắn sẽ còn ngồi đó lâu và khó lòng thuyết phục họ thay đổi ý kiến.
Năm ngoái, khi Tổng Thống Trump sắp đánh thuế 25% trên thép nhập cảng, đã có hơn 20.000 kiến nghị can xin, vì thép mua về để sản xuất các món hàng của họ tăng giá 25% thì họ sẽ phải đóng cửa nhiều nhà máy và giảm bớt số công nhân. Có 6 triệu rưỡi người lao động làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng thép nhập cảng. Nhưng chính phủ Trump vẫn tiến tới, đánh thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập cảng.
Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại trong chính phủ, vốn là một luật sư từng làm việc nhiều năm bênh vực các công ty thép. Bộ trưởng Thương mMại Wilbur Ross từng làm chủ nhiều công ty thép mà ông mua, bán trong khi đầu tư ; ông chỉ rời hội đồng quản trị một công ty thép khi gia nhập chính phủ Trump. Giáo Sư Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc về mậu dịch là tác giả cuốn sách "Chết vì Trung Quốc" (Death by China), quyển sách được dùng làm một cuốn phim tài liệu mang cùng tên Death by China. Mà tiền sản xuất cuốn phim là của Nucor, một công ty sản xuất thép.
Bắc Kinh không thể chờ đợi tới ngày chính phủ Trump quyết định nhẹ tay trong cuộc chiến mậu dịch. Ông Trump không thèm nghe cả ý kiến của đảng Cộng hòa !
Tổng thống Trump đã khoe ông thành công khi chính phủ Mexico chấp nhận một thỏa ước thương mại mới, trong đó Mexico đã nhượng bộ nhiều điều mà ông Trump đòi hỏi. Ông cũng khoe ngoại trưởng Canada đã bỏ ngang một chuyến công du để quay về, bay sang Mỹ nói chuyện tiếp về mậu dịch !
Nhưng nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo của giới doanh nghiệp và ngân hàng, luôn luôn ủng hộ đảng Cộng hòa, đã bày tỏ quan điểm ngược với ông Trump. Họ thấy thỏa ước mới Mexico là một bước lùi với ý định làm vui lòng các công đoàn và đảng Dân Chủ !
Nhiều điều khoản trong NAFTA bảo vệ các công ty Mỹ làm việc ở Mexico đã bị xóa bỏ. Báo Wall Street Journal nghĩ rằng các ông Trump và Lighthizer buộc Mexico phải áp dụng luật lệ lao động giống như ở Mỹ nên sẽ giúp công đoàn AFL-CIO sang Mexico thành lập nghiệp đoàn mở mang thế lực, trong khi "phá bỏ cả dây chuyền tiếp liệu hoàn cầu" (blow up global supply chains).
Tờ báo bảo thủ cũng khuyên hai ông không nên trông chờ các lãnh tụ đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ chính sách mậu dịch của ông, dù nó rất giống đường lối cố hữu của đảng Dân chủ ! Nhưng, Wall Street Journal nhắc lại, chưa một hiệp ước thương mại nào ở Mỹ có thể được thông qua nếu không được đảng Cộng hòa ủng hộ ; còn đảng Dân chủ thì chống tất cả các hiệp ước tự do mậu dịch !
Tình cảnh này cho thấy dù kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay ra sao, chính sách cứng rắn về mậu dịch của chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi. Trong hai đảng chính trị ở Mỹ, Cộng hòa vẫn ủng hộ tự do mậu dịch, giảm bớt hoặc bãi bỏ thuế quan ; đảng Dân chủ thường đi ngược lại. Nếu sau cuộc bầu cử này đảng Dân chủ đạt được đa số ở Hạ Viện, thì họ còn muốn chính phủ Mỹ cứng rắn hơn nữa.
Tốt nhất là ông Tập Cận Bình nên chuẩn bị xin hòa, và nên đưa lời cầu hòa trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Làm như vậy, sẽ giúp ông Trump có dịp khoe với dân Mỹ rằng chính sách mậu dịch của ông đã kết thúc mỹ mãn.
Trong khi ông Donald Trump không muốn đàm phán với Trung Quốc nữa, ông Tập Cận Bình vẫn có thể làm dịu bớt mâu thuẫn bằng những nhượng bộ cụ thể. Mà điều này thực sự không khó ! Vì nhiều điều nước Mỹ đòi hỏi thì chính Trung Quốc cũng đã muốn làm nhưng chưa dám làm mà thôi !
Mỹ muốn Trung Quốc ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước ? Điều đó nằm trong chương trình cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình ! Ông Tập hãy chính thức nhờ ông Trump giúp mình thực hiện mục tiêu đó, từng bước một, sao cho không đảo lộn cả nền kinh tế !
Ông Tập Cận Bình chỉ cần tuyên bố hoặc "tuýt" một câu ca ngợi ông Trump, gọi ông là một lãnh tụ Mỹ vĩ đại, sẽ giúp nước Tàu tiến bộ và nước Tàu không bao giờ có tham vọng qua mặt nước Mỹ ! Nghe như vậy chắc là cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ chấm dứt !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 31/8/2018
Tập Cận Bình trấn an về "Một vành đai, một con đường" (RFI, 28/08/2018)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 27/08/2018 trong hội nghị sơ kết 5 năm "Một vành đai, một con đường" tại Bắc Kinh đã khẳng định sáng kiến này không nhằm tạo ra một "Câu lạc bộ Trung Quốc", đồng thời kêu gọi cân bằng về thương mại với các quốc gia đối tác. Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Malaysia vừa hủy bỏ dự án nhiều tỉ đô la với Trung Quốc vào tuần trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh tại căn cứ quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 30/06/2017. Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Ông Tập Cận Bình cho rằng : "Một vành đai, một con đường là sáng kiến hợp tác kinh tế, chứ không phải là một liên minh địa chính trị hay quân sự. Đó là một tiến trình mở rộng, chứ không phải nhằm lập ra một quỹ đạo riêng hay một Câu lạc bộ Trung Quốc".
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư trên 60 tỉ đô la vào các nước dọc theo "Con đường tơ lụa mới" này. Ông Tập nhấn mạnh trao đổi thương mại với các nước liên quan đã đạt 734 tỉ đô la, tạo ra hơn 200.000 việc làm. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng khái niệm tổng thể đã hoàn tất, nay cần đi vào cụ thể và tập trung cho các dự án chất lượng cao. Ông cũng kêu gọi nỗ lực tạo cân bằng về thương mại với các nước tham gia, và tăng cường dự báo rủi ro.
Cách đây đúng một tuần, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến công du Bắc Kinh đã hủy bỏ ba dự án cơ sở hạ tầng trị giá 22 tỉ đô la do Trung Quốc đầu tư, gồm một tuyến đường sắt, hai đường ống dẫn khí đốt, với lý do sẽ không trả nổi nợ. Ông Mahathir cũng tố cáo "chủ nghĩa thực dân mới", tuy không gọi thẳng tên Trung Quốc.
Chuyên gia Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), trường đại học Hải Dương Trung Quốc cho rằng : "Bắc Kinh đang phải đối phó với những thách thức to lớn, trước các phản ứng của cộng đồng quốc tế". Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và sự do dự của các nước quan trọng như Malaysia và Pakistan về sáng kiến này, khiến Trung Quốc phải chỉnh đốn lại kế hoạch.
Giáo sư Moon Heung Ho, giáo sư trường đại học Hanyang ở Seoul nhận định : "Bắc Kinh đã thất bại trong chính sách ngoại giao với lân bang, do các nước láng giềng đang lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc". Theo ông, Trung Quốc cần cố gắng xây dựng lại lòng tin trong khu vực.
Cuộc hội thảo do phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) chủ trì, với sự tham dự của các nhân vật quan trọng khác như ngoại trưởng Vương Nghị, các ủy viên Bộ Chính trị Lưu Hạc (Liu He), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), bộ trưởng Tài Chính Tiêu Tiệp (Xiao Jie).
Thụy My
*********************
Thêm một vụ nhầm lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam trên địa cầu (VOA, 28/08/2018)
Sau khi Chính phủ Việt Nam nêu quan ngại về những quả địa cầu nhựa in các tỉnh phía bắc của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc ở Ukraine, một công ty bán các sản phẩm này đã phải lên tiếng xin lỗi.
Hình ảnh bản đồ trên quả địa cầu do một công ty của Ukraine bán trên mạng trong đó một phần lãnh thổ Việt Nam được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc. (Photo Facebook Nguyễn Việt Long)
Trên quả địa cầu được công ty Globus Plus của Ukraine rao bán, bản đồ của Việt Nam đã bị phần bản đồ của lãnh thổ Trung Quốc lấn vào hầu như toàn bộ vùng Đông Bắc, gồm các tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Bên cạnh đó, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cũng không xuất hiện trên quả địa cầu này.
Theo Tuổi Trẻ, công ty Ukraine nơi bán những quả địa cầu này cho biết họ mua chúng từ những nhà buôn Trung Quốc ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
VTC News trích dẫn bức thư của đại diện công ty Globus Plus của Ukraine trả lời yêu cầu của họ về nguồn cung cấp các quả địa cầu hôm 24/8, trong đó công ty này nói họ không phải là nhà sản xuất quả địa cầu trên và lất làm tiếc khi không biết bản đồ in trên đó bị sai.
Nhận định về sự sai phạm này, Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban biên giới Chính phủ Việt Nam, cho rằng bản đồ in trên quả địa cầu trên được dựa trên những thông tin không đúng. Ông cho rằng nơi cung cấp thông tin không phải là từ chính phủ Trung Quốc.
"Trên các quả địa cầu và các bản đồ được xuất bản ở một số nơi đã có sự nhầm lẫn. Tôi nghĩ là do nguồn thông tin mà họ dựa vào có thể không được chính thức. Họ dựa vào những thông tin cũ hoặc thông tin do một tổ chức cá nhân nào đó đưa ra, cho nên nó không phản ánh đúng thực chất của vấn đề mà hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc".
Theo Tiến sĩ Trục, trên thực tế không còn sự tranh chấp qua lại về đường biên giới phía bắc sau khi Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất Hiệp định phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước vào năm 2008.
Ngay sau khi truyền thông trong nước và mạng xã hội đưa thông tin về những quả địa cầu in bản đồ sai về lãnh thổ của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Ukraine và công ty Globus Plus để trình bày vụ việc, theo Tuổi Trẻ.
Ngay sau đó công ty này đã ngừng bán các quả cầu trên.
Trong bức thư gửi VTC News, quản lý công ty Globus Plus xác định rằng họ "đã gỡ các sản phẩm này khỏi trang bán hàng trực tuyến".
Trên trang bán hàng trực tuyến của Globus Plus (1) hiện không còn bán các quả địa cầu này trên nữa.
Trước đây vào tháng 9/2017, Bảo tàng Hoàng gia Greenwich của Anh cũng đã phải dừng bán các quả địa cầu trên đó có in đường lưỡi bò mà Trung Quốc đặt ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Bản đồ trên các quả địa cầu được bày bán trong cửa hàng của bảo tàng Anh cũng ghi Hoàng Sa và Trường Sa – hai quần đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền – bằng tiếng Trung Quốc chứ không phải bằng ngôn ngữ trung tính là tiếng Anh, theo Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
Ông Tĩnh đã viết một bức thư gửi bảo tàng này trong đó chỉ ra sự phi pháp của đường chữ U và là nguyên nhân gây ra ra căng thẳng và tranh chấp trong khu vực. Theo vị Tiến sĩ này, bảo tàng Anh sau đó cho biết họ sẽ không mua các quả địa cầu đó nữa.
----------------------------
Giông bão bủa vây ông Tập tại Bắc Đới Hà (VOA, 15/08/2018)
Vào đầu tháng Tám, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tề tựu ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà trên bờ biển Hoàng Hải để nhóm họp hội nghị không chính thức thường niên, bầu không khí chính trị trong nước đang trải qua nhiều giông bão.
Ông Tập được cho là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông
Tổng bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang bị bủa vây bởi những thách thức kinh tế, đối ngoại và đối nội chỉ vài tháng sau khi ông dọn đường dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để ông có thể cầm quyền lâu đến khi nào ông muốn trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Những chỉ trích ngày càng tăng nhằm vào những chính sách của ông Tập đã cho thấy nguy cơ mà ông phải đối mặt từ việc tập trung quá nhiều quyền lực : ông đã biến mình thành mục tiêu đương nhiên để mọi người đổ lỗi.
"Một khi đã tập trung quyền lực, ông Tập phải là người chịu trách nhiệm cho mọi thất bại hay vấp váp trong chính sách", ông Joseph Cheng, giáo sư về hưu ở Đại học Thành thị Hong Kong và là người quan sát chính trị Trung Quốc lâu năm, nhận định.
Điều đáng lưu ý là ông Tập, vốn từng ngự trị trên trang bìa của những tờ báo của Nhà nước cũng như trên bản tin thời sự của Đài truyền hình trung ương CCTV hàng ngày, trong những tuần gần đây đã thấy ít xuất hiện hơn trước công chúng. "Ông ấy không thể đổ lỗi cho ai hết, cho nên ông ấy đáp trả bằng cách ẩn mình nhiều hơn", Giáo sư Cheng nói.
Cho đến nay, những thách thức này không được xem là mối đe dọa đối với quyền lực của ông Tập, nhưng đối với nhiều người Trung Quốc, uy tín của chính phủ đang bị phủ bóng đen.
Lo lắng lớn nhất của nhiều người là cuộc chiến mậu dịch với Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế cao hơn lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị hàng trăm tỷ đô la. Những người chỉ trích cho rằng cho đến nay họ vẫn chưa thấy một chiến dịch mạch lạc của Chính phủ để làm kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán với Washington và tránh cho nền kinh tế bị tổn thương. Thay vào đó, Bắc Kinh chọn cách thách thức và áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.
Đồng thời, vụ bê bối vaccine giả đã làm bùng phát lo ngại lâu nay về tính liêm chính của ngành y tế Trung Quốc và khả năng của chính phủ giám sát những tập đoàn có tầm bao phủ rộng khắp vốn chi phối nền kinh tế Trung Quốc.
"Tín nhiệm là điều quan trọng nhất và sự đánh mất niềm tin của công chúng vào chính quyền sẽ rất tai hại", ông Trương Minh, giáo sư khoa học chính trị hiện đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh, nhận định.
Hồi tuần trước, giới chức đã huy động một chiến dịch an ninh rộng lớn để trấn áp một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ trước ở Bắc Kinh để bày tỏ sự phẫn nộ trước sự sụp đổ bất thình lình của hàng trăm chương trình cho vay trực tiếp giữa các công ty và tổ chức không thông qua ngân hàng. Sự sụp đổ này thể hiện rõ sự bất lực của chính quyền trong việc cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ.
Trong khi đó, đại dự án mang dấu ấn cá nhân của ông Tập có giá trị cả ngàn tỷ đô la ‘Vành đai-Con đường’ để kết nối cơ sở hạ tầng và đầu tư với 65 quốc gia đã gặp phải sóng gió khi các quốc gia tham gia bị sốc về cái giá phải trả. Một số người dân Trung Quốc cũng đặt dấu hỏi về việc chính phủ có khôn ngoan hay không khi đổ tiền đổ của ra khắp nơi trong khi hàng triệu người dân Trung Quốc vẫn còn sống trong cảnh đói nghèo – một sự so sánh với ông Trump là đặt đất nước mình lên trên hết.
Điều này phần nào đã gây ra quan ngại về việc ông Tập từ bỏ phương châm đối ngoại thận trọng, thực tiễn ‘Giấu mình chờ thời’ được khởi xướng từ thời ông Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc vốn đặt nền móng cho sự thịnh vượng tương đối của Trung Quốc ngày nay.
Các lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng ít nhất là sẽ thảo luận một số những thách thức này tại hội nghị không chính thức ở Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc – một tập quán đã có từ thời Mao. Thường là vào thời điểm mùa hè, ông Tập cũng như các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khác sẽ biến mất khỏi truyền thông trong vòng hai tuần lễ để đến Bắc Đới Hà dự họp.
Giọng điệu tương đối khoa trương của ông Tập về sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế ‘không được nhiều người trong đảng đồng tình’, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu các vấn đề Châu Phi và phương Đông ở London, nhận định.
Một số người thậm chí còn kêu gọi cho nghỉ việc đối với nhà kinh tế Hồ An Cương, giáo sư Đại học Thanh Hoa và là một trong những người nổi bật chủ xướng lý thuyết về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đã có 27 người tốt nghiệp từ ngôi trường danh giá này đã ký vào thư kiến nghị sa thải giáo sư Hồ.
Sự bất bình đối với việc ông Tập củng cố quyền lực, trong đó có việc Quốc hội hồi tháng Ba dỡ bỏ quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước trong Hiến pháp và xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh ông Tập, vẫn còn dai dẳng.
Sự bất bình này được lên tiếng trong bài bình luận đầy than thở có tựa đề ‘Lo sợ hiển hiện, Hy vọng trước mắt’ do giáo sư luật Hứa Chương Nhuận của Đại học Thanh Hoa chấp bút. Ông Hứa cảnh báo rằng : "Một lần nữa người dân trên khắp Trung Quốc… đang có cảm giác bất an, một sự lo lắng ngày càng tăng về hướng đi của đất nước cũng như về an ninh của bản thân".
"Những lo lắng này đã gây ra một tình trạng như là hoảng loạn khắp nước", ông Hứa viết và liệt ra tám mối quan ngại của người dân trong đó có kiểm soát chặt chẽ hơn về tư tưởng, trấn áp giới trí thức, viện trợ nước ngoài quá nhiều và ‘Chấm dứt công cuộc cải cách và quay trở lại nền toàn trị’.
Thậm chí táo bạo hơn, ông Hứa kêu gọi khôi phục lại quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước và đánh giá lại phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Mặc dù ông Hứa được cho là không có ở trong nước và không bị trừng phạt chính thức, một nhà chỉ trích chính phủ lâu năm khác, giáo sư về hưu Tôn Văn Quảng, đã bị công an bắt đưa lên xe kéo đang lúc ông trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ giữa chừng mà khi đó ông đả kích chính sách vung tiền của chính phủ ở nước ngoài.
Một dấu hiệu nữa cho thấy chính quyền ông Tập đang lo lắng là chiến dịch thúc đẩy lòng yêu nước trong giới trí thức – một phương pháp thường thấy khi ý kiến công luận được xem là cần phải được chấn chỉnh.
Phần lớn sự bất mãn đối với ông Tập có thể xuất phát từ sự quản lý được nhìn nhận là kém hiệu quả của chính quyền ông Tập, giáo sư Trương Minh nói.
"Nếu anh muốn làm hoàng đế, anh phải có thành tích vĩ đại", ông Trương nói. "Ông ấy (ông Tập) vẫn chưa có gì cả, do đó khó mà thuyết phục người dân".
********************
Trung Quốc tức giận về luật chính sách quốc phòng mới của Mỹ (VOA, 14/08/2018)
Hôm 14/8, Trung Quốc lên án các biện pháp nhắm vào Bắc Kinh trong Luật Chính sách Quốc phòng mới vừa được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, cho rằng luật này phóng đại quá đáng và Bắc Kinh sẽ xem xét kỹ các khía cạnh đối với việc Hoa kỳ xét duyệt những đề nghị đầu tư từ nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump ký Luật Chính sách Quốc phòng hôm 13/8/2018.
Trung Quốc lên tiếng về luật này giữa lúc hai cường quốc kinh tế thế giới đang đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến thương mại bằng cách đánh thuế cao vào hàng hóa của nhau.
Tổng thống Donald Trump ngày 13/8 đã ký Luật Chính sách Quốc phòng (NDAA) trị giá 716 tỉ đôla cho phép chi tiêu của quân đội, nhưng giảm mức kiểm soát các hợp đồng của chính phủ đối với hai công ty Trung Quốc là ZTE Corp. và Huawei Technologies Co. Ltd.
Luật NDAA cũng củng cố ảnh hưởng của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), là uỷ ban duyệt xét những đề nghị đầu tư để cân nhắc xem các đầu tư đó có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Biện pháp này được xem như là nhắm vào Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã ghi nhận việc đưa điều khoản CFIUS vào luật này, và sẽ "đánh giá toàn diện các nội dung", lưu ý đến tác động ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc.
Bộ Trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố : "Phía Mỹ cần đối xử công bằng và khách quan đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, và tránh để điều khoản CFIUS trở thành một trở ngại cho quan hệ hợp tác đầu tư giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ".
Luật Chính sách Quốc phòng cũng kêu gọi "cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc" là ưu tiên hàng đầu đối với Hoa Kỳ, theo đó sẽ giúp cải thiện khả năng phòng thủ của Đài Loan, nơi là Trung Quốc tuyên bố là một tỉnh của đại lục.
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ đã thông qua bộ Luật Chính sách Quốc phòng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, và rằng Bắc Kinh không hài lòng với các "nội dung tiêu cực liên quan đến Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và xem xét lại mối quan hệ Trung-Mỹ một cách đúng đắn và khách quan, và không thực hiện các điều khoản tiêu cực của bộ luật này nhằm vào Trung Quốc, tránh gây tổn hại cho hợp tác song phương.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối, nói rằng bộ luật không những mang tính "đối đầu Trung-Mỹ", gây tổn hại đến niềm tin giữa hai quân đội, mà còn liên quan đến một vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương, đó là vấn đề Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm : "Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai, bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc".
Tại Đài Bắc, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã cảm ơn Hoa Kỳ về sự hỗ trợ nhất quán của Washington.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết Đài Loan sẽ "tiếp tục chủ động phối hợp với chính phủ Mỹ để tăng cường hợp tác an ninh chặt chẽ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ trên cơ sở cùng có lợi".
Ông Tôn Tử khuyên phải chủ động chọn thời gian thuận lợi nhất hãy tham chiến. Cuộc chiến tranh mậu dịch xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ông Tập Cận Bình.
Cuộc chiến tranh mậu dịch xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ông Tập Cận Bình.
Trong ba năm qua ông Tập Cận Bình bắt các ngân hàng phải giảm bớt những món nợ đã chồng chất trong hàng chục năm, đang có nguy cơ sụp đổ. Trong thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 10% vì ngân hàng thả lỏng việc cho vay, miễn sao các doanh nghiệp nhà nước có tiền dựng nhà máy và chính quyền địa phương kiến thiết hạ tầng cơ sở. Đây là một hình thức "bao cấp" kiểu mới ; cho vay tiền thay vì trợ cấp trực tiếp. Các công ty tư nhân cũng theo cơn sóng "tiền dễ dãi" đó mà phát triển.
Nhưng không một người, một xí nghiệp hay một quốc gia nào có thể cứ vay nợ mãi mãi. Từ dăm năm qua, "quả bom nợ" chỉ chờ ngày nổ bùng. Nếu một số lớn thân chủ không thể trả nợ, ngân hàng cũng vỡ nợ, kéo theo các ngân hàng khác vì họ đều nợ nần lẫn nhau. Khi có một số ngân hàng lâm nguy, lòng tin của người gửi tiền sụp đổ, người ta sẽ rút tiền ra. Cả hệ thống sụp đổ.
Trong một chế độ độc tài đảng trị, chính quyền có thể ngăn chặn cơn hỗn loạn khi mới bắt đầu, bằng cách đem công quỹ ra cứu các ngân hàng ngay khi cơn nguy mới phát hiện. Nhưng khả năng chặn dứt cơn khủng hoảng có giới hạn. Và một căn bệnh hiểm nghèo không thể trị hết nếu chỉ dùng phương pháp xoa dầu nóng và chườm đá mãi.
Cho nên ông Tập Cận Bình biết phải ra tay ngăn chặn khối nợ khổng lồ không cho phồng lên quá đáng. Nếu không, có chuyện gì xảy ra ông Tập sẽ mất cả uy tín lẫn địa vị.
Ông Tập Cận Bình đặt ra kế hoạch cải tổ cơ cấu, ưu tiên số một là giảm bớt số tiền cho vay từ các ngân hàng. Khi các doanh nghiệp nhà nước không thể cứ ngửa tay ra là vay được tiền, họ buộc phải cải tổ. Khi chính quyền các địa phương không còn có thể bắt các ngân hàng đưa tiền cho xây cất thì họ sẽ phải thúc đẩy các xí nghiệp gia tăng hiệu năng để thâu thuế.
Nhưng một hậu quả tất nhiên của kế hoạch này là nền kinh tế phỉa giảm tốc độ. Từ giai đoạn muốn có tiền chỉ cần hỏi vay, đến lúc các ngân hàng dè dặt thắt chặt túi tiền, những việc đầu tư, sản xuất sẽ phải chậm lại.
Cuộc cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình đang gặp chướng ngại, ngay từ trong nội bộ, trước khi ông Donald Trump khai chiến. Dân Mỹ đã bầu một ông tổng thống coi chiến tranh mậu dịch là một việc rất dễ và chắc chắn thắng lợi ! Ông Donald Trump tấn công tới tấp hết đợt thuế này tới đợt khác. Trong khi đó người lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc thì chỉ mong muốn kinh tế của nước mình uống thuốc giảm huyết áp, để chữa trị căn bệnh tim trầm trọng đã kéo dài hàng chục năm.
Ông Tập Cận Bình đứng trước một thế lưỡng nan. Nếu cố chống trả cuộc tấn công của ông Donald Trump thì sẽ phải trì hoãn, có thể phải tạm chấm dứt việc cải tổ kinh tế. Nếu muốn tiếp tục chương trình cải tổ, thì không đủ sức đối đầu với Mỹ vì nền kinh tế ngày càng yếu đi.
Nhiều chứng cớ cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu yếu rồi.
Đầu năm 2018, chỉ số CSI của các thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như chỉ số S&P 500 của thị trường nước Mỹ đều tăng, S&P 500 tăng 5% trong tháng Giêng còn CSI tăng gần 10%. Nhưng từ tháng Hai, cả hai đều xuống. Đến tháng Tám, S&P 500 lại lên và bây giờ vẫn còn tăng 5% nhưng CSI đã tụt mất hơn 25%, so với đầu năm. Giới đầu tư Trung Quốc đang mất tin tưởng.
Ông Tập Cận Bình muốn cải tổ để kinh tế Trung Quốc bớt lệ thuộc xuất cảng, cố gắng thúc đẩy số tiêu thụ của dân nội địa. Nhưng ngay giới tiêu thụ cũng bớt tiền xài khi chính quyền giảm bớt số tiền tệ lưu hành. Số bán của 50 công ty bán lẻ lớn nhất nước đã giảm 0,6% trong tháng Tư, 2018 ; lại giảm 3,4% trong tháng Năm, tới tháng Bảy đã giảm bớt 3,9% so với tháng Bảy năm ngoái. Số thu của các cửa hàng bán lẻ chỉ tăng 8.8%, so với tỷ lệ tăng 9% trong tháng Sáu.
Vì các ngân hàng được lệnh giảm bớt tiền cho vay, số công trình xây dựng hạ tầng cơ sở chỉ tăng thêm 5.7% trong sáu tháng đầu năm nay, so với tỷ số tăng 7.3% trong nửa đầu năm 2017.
Khi các ngân hàng theo lệnh trung ương giảm bớt tốc độ đem tiền cho vay, các xí nghiệp quốc doanh gặp khó khăn, nhưng các công ty tư bị đòn nặng nhất. Vì không có thể vay các ngân hàng nhà nước, họ thường vay trong "thị trường đen". Những nhà cho vay "trong bóng mờ" không được kiểm soát đã thúc đẩy số nợ toàn quốc tăng lên. Năm 2008 tổng số nợ trong nước Tàu lớn bằng 140% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Đến năm 2017 tỷ số này lên thành 257%.
Nhưng chính các loại "ngân hàng đen" đang bị chính quyền ngăn chặn. Năm ngoái, trong sáu tháng đầu năm họ vẫn còn hăng hái tăng số tiển cho vay thêm, tăng hai ngàn rưởi tỷ đồng nguyên. Sau khi ông Tập Cận Bình ra tay, từ tháng Tư, 2018, đến tháng Tám, thị trường tín dụng mập mờ đã giảm bớt, số tiền cho vay chỉ còn 1,500 tỷ, tương đương với 218 tỷ USD.
Bây giờ muốn vay nợ mới để trả nợ cũ, các công ty tư nhân phải chịu lãi suất cao hơn. Nhiều xí nghiệp tư đã phá sản. Đầu tháng Sáu năm nay, có 20 công ty không thể trả nợ. Ông Chu Kiến Xán (Zhou Jiancan, 周建灿) một nhà tư bản 55 tuổi đã tự tử trong tháng Bảy. Ông vốn là chủ nhân tập đoàn Kim Thuẫn tại tỉnh Triết Giang (Zhejiang Jindun Holding Group, 浙江金盾控股集团). Trong những ngày cuối đời, ông đã cố thoát cảnh vỡ nợ, đi vay với lãi suất 10% một tháng, tương đương với 120% một năm. Cái chết này là một tiếng báo động của quả bom nợ đang chờ bùng nổ !
Hôm Chủ Nhật, 12 tháng Tám, một công ty quốc doanh lớn đã tuyên bố không có tiền trả nợ sắp đáo hạn. Công Ty Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương (Xinjiang Production & Construction Corps, 新疆生产建设兵团) vốn thuộc quân đội, tuy ở Tân Cương nhưng thuộc quyền chính phủ trung ương ; họ phải xin hoãn trả tiền vốn cho món nợ trị giá 73 triệu USD.
Với tình hình kinh tế xuống dốc do chủ trương giảm tốc của chính mình, ông Tập Cận Bình đang lo phải đối phó ngay trong nội bộ ; không còn kiểm soát được chính guồng máy cai trị nữa.
Trong nội bộ chính quyền, hiện có hai phe, tiêu biểu là Bộ Tài Chính và Nhân Dân Ngân Hàng. Phía chính phủ thì muốn trở lại thời bao cấp bơm thêm tiền vào nền kinh tế ; trong khi ngân hàng trung ương muốn ngăn chặn, theo đúng chính sách của ông Tập Cận Bình, vì lo quả bom nợ phát nổ.
Nếu muốn chống đỡ với các đợt tấn công sắp tới của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình sẽ phải trở về với chính sách bao cấp cũ !
Cuối tháng Bảy, Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố ưu tiên số một là giữ tỷ lệ phát triển trên 6,7% ; mặc dù vẫn nói cần phải ngăn chặn tổng số nợ không cho lớn hơn. Nhưng cùng lúc đó, hội đồng nhà nước đã chấp thuận chi tiêu thêm 1.350 tỷ đồng nguyên (hơn 225 tỷ USD. Số tiền này sẽ được phân phối cho các địa phương để tiếp tục xây dựng ! Đây là một biện pháp "bao cấp" vừa để mua chuộc chính quyền địa phương vừa để bảo vệ nền kinh tế trước khi các đòn đánh thuế của chính phủ Trump khiến hàng xuất cảng sụt giảm.
Tiền lại được đổ ra, lãi suất ở Trung Quốc đang giảm bớt, trở về mức hai năm trước, cho thấy chính sách của ông chủ tịch nước và chủ tịch đảng bị bỏ qua ! Từ khi Tổng thống Donald Trump mở cuộc tấn công thuế quan, đồng nguyên của Trung Quốc đã giảm giá, vì nhiều người tìm cách đổi lấy đô la để đem tiền ra nước ngoài.
Kinh tế thế giới cũng bất lợi cho ông Tập Cận Bình. Cuộc khủng hoảng mới diễn ra vì đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá cho thấy hệ thống tài chính cả thế giới đang mong manh, rất dễ lung lay. Kinh tế Mỹ đã kéo dài giai đoạn phát triển từ năm 2009 đến nay, trong một hai năm sẽ tới lúc lên tột đỉnh rồi bắt đầu xuống.
Một hàn thử biểu đo lường sức khỏe của kinh tế toàn cầu là nền số xuất cảng của nước Đức. Đó là quốc gia có số thặng dư mậu dịch cao gấp đôi Trung Quốc. Nhưng mấy tháng qua, số xuất cảng của Đức đứng nguyên không lên, trong khi năm ngoái đã tăng 13%.
Ông Donald Trump mở cuộc tấn công mậu dịch đúng vào lúc Trung Quốc đang gặp khó khăn kinh tế. Ông Tập Cận Bình đã tính lầm nước cờ chỉ vì "không biết mình, không biết người".
Cuộc chiến mậu dịch bắt đầu khi kinh tế Mỹ vẫn còn lên mạnh, trong khi kinh tế Trung Quốc đang trì trệ. Ông Tập Cận Bình chủ quan khinh địch cho nên không tìm cách nhượng bộ ngay từ đầu, ít nhất cũng như một "kế hoãn binh".
Bây giờ ông Tập Cận Bình đang đuối sức. Những như con cà cuống đến chết vẫn còn cay, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nghênh chiến trong thế yếu. Thà rằng quay về thời bao cấp cũ, bỏ ngang cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế, còn hơn tuyên bố đầu hàng. Dân Trung Hoa lục địa sẽ lãnh hậu quả.
Câu hỏi là : Người dân Trung Quốc sẽ chịu đựng tới bao giờ ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 14/08/2018
Hội nghị Bắc Đới Hà : Thách thức quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình (RFI, 13/08/2018)
Trong tuần qua, truyền thông chính thức tại Trung Quốc đã loan báo nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra. Đó là cuộc họp kín, không chính thức, nhưng lại rất quan trọng, giữa các cựu quan chức cao cấp của đảng và lãnh đạo đương nhiệm của chế độ Bắc Kinh. Các đường lối chính sách, nhân sự lãnh đạo đảng đương nhiệm sẽ được đưa ra để mổ xẻ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi ngày 26/07/2018. Reuters
Theo giới quan sát, trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong điều hành kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm cho nội bộ đảng Cộng sản chia rẽ, hội nghị này sẽ là một thách thức cho chính sách và quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình, cho dù ông vừa dọn đường thành công để làm lãnh đạo Trung Quốc suốt đời.
Ngay từ khi lên lãnh đạo Trung Quốc cho đến khi quyền lực thâu tóm gần như tuyệt đối, ông Tập luôn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về chính trị, kinh tế và tranh giành quyền lực. Các chỉ trích, chống đối trong nội bộ tăng tỷ lệ thuận với phạm vi quyền hành của ông Tập Cận Bình.
Giáo sư Đại học Hồng Kông, Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một nhà quan sát lâu năm tình hình Trung Quốc, được hãng tin AP trích dẫn, nhận định "vì tập trung hết quyền lực nên ông Tập phải chịu trách nhiệm tất các mặt trái cũng như thất bại về chính trị… Ông không thể đổ trách nhiệm được cho ai khác".
Những thách thức đến lúc này chưa thể là mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của ông Tập. Nhưng rõ ràng là với nhiều người Trung Quốc, lòng tin vào chế độ đang có vấn đề. Cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng đẩy kinh tế Trung Quốc vào như thế khó, trước nguy cơ tổn thất hàng trăm tỷ đô la. Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng Bắc Kinh không có chiến lược phù hợp để đối phó với Washington, ít ra là hướng tới các cuộc thương lượng, tránh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Hiện tại phương sách của Bắc Kinh dường như vẫn chỉ là phản ứng đáp trả, nhưng rõ ràng đó là sự đáp trả yếu ớt. Một hội nghị của đảng tháng trước đã thừa nhận những yếu tố từ bên ngoài đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Ở trong nước, vụ bê bối vắc xin giả lại càng làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động của những công ty đang lũng đoạn nền kinh tế. Tuần trước, chính quyền đã phải tìm mọi cách để dẹp một cuộc biểu tình lớn ở Bắc Kinh của hàng ngàn người bị trắng tay do hàng loạt tổ chức tín dụng đổ bể. Người biểu tình lên án chính phủ đã không có khả năng cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đó là bằng chứng cho thấy chế độ độ đang bị mất lòng tin trầm trọng trong dân trên lĩnh vực quản lý kinh tế.
Giáo sư chính trị Đại học Nhân dân Bắc Kinh, ông Trương Minh khẳng định : "Lòng tin là quan trọng nhất, việc dân mất lòng tin với chính phủ sẽ có sức tàn phá rất lớn".
Cuộc họp hàng năm của các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu và lãnh đạo đương nhiệm tại Bắc Đới Hà do Mao Trạch Đông khởi xướng và đã đi vào truyền thống của chế độ Bắc Kinh. Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động sẽ là một chủ đề quan trọng sẽ được các "trưởng lão" trong đảng mang ra bàn thảo và chất vấn.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 8/8 trích dẫn giáo sư Trương Minh, cho biết tình hình đang diễn biến phức tạp, phe đối lập có thể phản pháo ông Tập Cận Bình ngay tại hội nghị Bắc Đới Hà. Trong khi đó, cuộc chiến chống tham nhũng không có hồi kết đã được chính ông Tập thừa nhận là đang gặp thách thức lớn.
Trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", ông Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn trong đảng đó là các thành viên cao cấp của Trung ương, Bộ chính trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu thì phải được miễn trừ xử lý. Điều này càng củng cố các suy đoán cho rằng các nhóm chính trị bị tước đi các đặc quyền đặc lợi trong đảng cộng sản đang cố gắng tập hợp để đối phó với Tập cận Bình.
Trong chính trị Trung Quốc, cuộc họp Bắc Đới Hà từ lâu nay vẫn là dịp để các vị lãnh đạo về hưu xem xét đường lối của người kế nhiệm và cho ý kiến đóng góp thêm cho các quyết sách của đảng. Nhưng trên thực tế đó cũng là nơi để các "trưởng lão" của đảng thể hiện sự ảnh hưởng còn lại của mình trên chính trường. Vì thế hội nghị cũng là cơ hội lý tưởng để các phe cánh trong đảng vận động hậu trường tranh giành quyền lực hay tìm cách bảo vệ mình.
Anh Vũ
**************
Malaysia nhắc lại ý muốn hủy 22 tỷ đô la hợp đồng với Trung Quốc (RFI, 13/08/20148)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ công du Trung Quốc kể từ thứ Sáu 17/08/2018. Một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự sẽ là yêu cầu đàm phán lại một số đề án xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá cả chục tỷ đô la, mà chính quyền Malaysia tiền nhiệm đã ký với Trung Quốc. Trả lời hãng tin Mỹ vào hôm nay ; 13/08, ông Mahathir nói rõ thêm là ông muốn hủy bỏ các hợp đồng "bất công" đó.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed tại Putrajaya ngày 01/08/2018. Reuters
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm nay đã xác nhận rằng chuyến công du của tân thủ tướng Malaysia sẽ kéo dài 5 ngày, và ông Mahathir sẽ hội đàm với cả chủ tịch Tập Cận Bình lẫn thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ngay vào tháng Bảy vừa qua, đương kim thủ tướng Malaysia đã cho biết là tính chất "bất công" của các hợp đồng ký kết với Trung Quốc cho một số hạ tầng cơ sở tại Malaysia là một vấn đề quan trọng mà ông sẽ nêu bật trong chuyến thăm Trung Quốc.
Từ khi bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua, ông Mahathir đã liên tiếp xác định chủ trương xem xét lại các dự án lớn được chính phủ cũ của thủ tướng Najib Razak ký kết, với lý do là nhiều dự án không có ý nghĩa tài chính đối với Malaysia.
Tân lãnh đạo Malaysia đặc biệt đả kích một số dự án của Trung Quốc tại Malaysia, và tuyên bố sẽ đàm phán lại các điều khoản đã ký, ngay cả khi công việc xây dựng tiếp tục.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP vào hôm nay, thủ tướng Mahathir cho biết ông sẽ tìm cách "hủy bỏ" các dự án cơ sở hạ tầng hàng tỷ đô la mà người tiền nhiệm của ông đã ký kết với Trung Quốc, giải thích rằng đó là điều cần thiết khi chính phủ của ông đang phải cố sức thoát khỏi nợ nần.
Thủ tướng Mahathir xác nhận rằng ông rất mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư đến từ Bắc Kinh, miễn là các khoản đầu tư đó có lợi cho Malaysia.
Thế nhưng, ông tỏ thái độ cực kỳ kiên quyết, muốn hủy bỏ hai dự án đã ký với Trung Quốc : Tuyến xe lửa dọc bờ biển miền Đông Malaysia, và dự án thiết lập đường ống dẫn khí đốt, ước tính tổng cộng 22 tỷ đô la.
Ông khẳng định với AP nguyên văn như sau : "Chúng tôi không nghĩ là chúng tôi cần đến hai dự án đó. Chúng tôi không nghĩ là chúng có thể có lợi. Vì vậy, nếu có thể, chúng tôi muốn đơn giản là hủy bỏ hai dự án đó".
Đây là hai dự án đã được cựu thủ tướng Najib Razak ký kết, trong lúc bản thân ông Najib hiện đang đối mặt với nguy cơ phải ra tòa để trả lời cáo buộc biển thủ hàng tỷ đô la từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Trọng Nghĩa
******************
Người dân Trung Quốc nói gì về cuộc chiến thương mại với Mỹ ? (VOA, 13/08/2018)
Theo nhận định của Reuters, các quan chức Trung Quốc hầu hết kiềm chế phản ứng của mình đối với cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh trong những tuần gần đây, thông qua việc công bố một loạt các mức thuế trừng phạt. Họ thường tránh gây thêm căng thẳng và để cho truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản đưa ra những bình luận gay gắt nhất.
Cam nhập khẩu từ Mỹ được bày bán trong siêu thị ở Thượng Hải.
Tuy nhiên, tâm trạng của người dân trên các đường phố Bắc Kinh và Thượng Hải thì không cam chịu như vậy. Reuters vừa trò chuyện với khoảng 50 người, chủ yếu từ hai thành phố trên, về mối quan ngại của họ đối với cuộc chiến thương mại, về nhận định của họ về phản ứng của Bắc Kinh, cũng như về khả năng người Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm của Mỹ để trả đũa.
Trong số 50 người được hỏi liệu họ có lo lắng về cuộc chiến thương mại hay không, chỉ có 11 người (22%) trả lời có và 39 người (78%) nói rằng họ không quan tâm.
Các cuộc phỏng vấn cho thấy chưa có dấu hiệu thực sự về khủng hoảng hay hoảng loạn. Có sự chia rẽ và bối rối về việc Trung Quốc nên phản ứng như thế nào với ông Trump. Một số người cho rằng Bắc Kinh nên đánh trả vào những lợi ích của Mỹ, nhưng những người khác nói họ không biết có thể làm gì được.
Cụ thể, với câu hỏi Bắc Kinh nên làm để phản ứng lại các quyết định áp thuế trừng phạt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, 19 người (38%) nói rằng Trung Quốc nên mạnh mẽ đáp trả. Phần còn lại đưa ra các phản ứng khác nhau, bao gồm việc tái tập trung phát triển kinh tế trong nước, thúc đẩy các thị trường xuất khẩu khác, trong khi 8 người (16%) nói họ không biết chính phủ nên làm gì.
Tuy nhiên, theo Reuters, điều đáng lo ngại nhất cho các doanh nghiệp Mỹ bán hàng ở Trung Quốc là việc 14 người (28%) muốn dừng mua các sản phẩm của Mỹ, và một số nói rằng họ đã tẩy chay bất cứ thứ gì được sản xuất tại Hoa Kỳ. Những người khác nói họ tiếp tục mua hàng Mỹ nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai.
Reuters cho rằng nếu kết quả này đại diện cho toàn bộ người dân Trung Quốc và họ thực hiện như đã nói, thì điều này có thể gây tổn thất lớn cho doanh số bán iPhone của Apple, phim của Disney, cà phê Starbucks, xe ôtô của General Motors và các sản phẩm khác của Mỹ. Đó là hiện chưa có bất kỳ phong trào tẩy chay nào do chính phủ hoặc các nhà hoạt động tổ chức.
Tất nhiên, đây chỉ là một cuộc thăm dò quy mô rất nhỏ và không theo phương pháp khoa học. Ngoài ra, theo Reuters, cùng với việc người dân Trung Quốc thường không tiết lộ suy nghĩ thực sự của họ với truyền thông nước ngoài, thì các kết quả cuộc thăm dò chỉ mang tính tham khảo.
***********************
Campuchia bắt nghi phạm Trung Quốc định tuồn ma túy vào Việt Nam (VOA, 13/08/2018)
Nhà chức trách Campuchia đã thu giữ gần 100kg ma túy, trị giá hàng triệu đôla, được giấu trong các hộp đồ ăn cho vật nuôi nhập khẩu từ Đức, theo trang Channel News Asia.
Ecstacy có tên viết tắt chính thức là MDMA – mà nhiều người Việt hay gọi là "thuốc lắc".
Nghi phạm là Yao Zeye, một người Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến lô hàng trên.
Ông Mok Chito, Phó Tổng thư ký của Cơ quan chống ma túy quốc gia Campuchia (NADA), cho biết, Yao Zeye đã bị bắt giữ ngày 7/8 vừa qua sau khi đến một bưu điện ở trung tâm thủ đô Phnom Penh để nhận lô hàng trên.
NADA cho biết, có tổng cộng 98kg viên ma túy có tên viết tắt chính thức là MDMA – mà nhiều người Việt hay gọi là "thuốc lắc", đã được phát hiện trong lô hàng trên, trong một đường dây được cho là sẽ phân phối ở thị trường Campuchia và Việt Nam.
Ông Chito nói với hãng tin AFP rằng đây là vụ vận chuyển "thuốc lắc" lớn nhất ở Campuchia, và cho biết thêm rằng mỗi viên MDMA được bán với giá từ 20 đôla đến 80 đôla, nên lô hàng trị giá tổng cộng đến "hàng triệu" đôla.
Những năm gần đây, Campuchia đã áp dụng các biện pháp cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy nhằm đối phó với những đối tượng buôn lậu muốn biến đất nước này thành một điểm trung chuyển, nhất là heroin và "ma túy đá".
Nhiều bản án nặng đã được đưa ra đối với tội phạm buôn lậu ma túy. Hàng trăm người đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều quan chức cấp cao và cả người nước ngoài.
***********************
Samsung có thể đóng cửa nhà máy điện thoại ở Trung Quốc (VOA, 13/08/2018)
Công ty Điện tử Samsung đang xem xét đình chỉ hoạt động tại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, do doanh thu sút giảm và chi phí lao động tăng cao, theo hãng tin Reuters.
Công ty Điện tử Samsung đang xem xét đình chỉ hoạt động tại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở thành phố Thiên Tân.
Trong năm nay, Công ty Samsung có thể ngừng sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Thiên Tân Samsung Telecom Technology, Reuters dẫn nguồn tin từ một tờ báo Hàn Quốc cho biết.
Hôm 13/8, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới cho biết rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về số phận của nhà máy Samsung ở thành phố Thiên Tân.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, hãng Samsung nói : "Thị trường điện thoại thông minh nói chung đang gặp khó khăn do mức tăng trưởng chậm lại. Nhà máy Samsung ở Thiên Tân đang đặt ra mục tiêu tập trung vào các hoạt động gia tăng khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả".
Chỉ cách đây 5 năm, Samsung chiếm được 20% thị phần ở Trung Quốc, nhưng trong năm nay thị phần đã giảm xuống dưới 1%, bị Huawei, Xiaomi và các thương hiệu khác của Trung Quốc qua mặt, đặc biệt là do giá rẻ hơn.
Điện thoại Huawei của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Samsung đã tập trung đầu tư với số vốn lớn để sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam và Ấn Độ.
Vào tháng trước, hãng này cũng đã mở nhà máy điện thoại thông minh lớn nhất thế giới bên ngoài thủ đô New Delhi của Ấn Độ, dự kiến sẽ trở thành một trung tâm xuất khẩu tầm cỡ.
Theo Thời báo Electronic Times, nhà máy của Samsung ở Thiên Tân sản xuất 36 triệu điện thoại di động/năm và nhà máy Samsung ở Huệ Châu sản xuất 72 triệu chiếc mỗi năm, trong khi hai nhà máy ở Việt Nam sản xuất 240 triệu chiếc mỗi năm.
Hôm thứ Năm, 28 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump tới khai trương một cơ xưởng của công ty Foxconn tại Wisconsin, khen ngợi công ty này mang công việc làm tới cho người lao động ở Mỹ. Foxconn sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào nhà máy này.
Tập Cận Bình công bố chương trình Made in China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi kịp các quốc gia Tây phương.
Foxconn cũng là một trong những công ty Đài Loan đã mở màn quá trình phát triển của kinh tế Trung Quốc trước đây 30 năm, khi mở một nhà máy ở Thẩm Quyến (Shenzhen), tỉnh Quảng Đông. Từ đó, các công ty Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn bắt đầu đem công việc lắp ráp máy móc sang làm ở nước Tàu, vì lương công nhân rẻ mạt so với xứ họ.
Trong 30 năm qua, những công ty ngoại quốc như Foxconn đã thiết lập một mạng lưới tiếp liệu toàn cầu, đem các bộ phận từ nhiều quốc gia đến Trung Quốc, ráp lại, rồi đem bán ra ngoài. Những thứ hàng hóa đó đề "Made in China" khiến người ta có cảm tưởng China là một xứ tiến bộ, biến xứ này thành một trung tâm xuất cảng khắp thế giới.
Khi điện thoại lưu động iPhone của Apple được đưa từ Trung Quốc qua nước khác bán, số tiền thu nhờ xuất cảng tăng lên, trong khi đó, nhiều người quên rằng nước này đã phải nhập cảng những bộ phận để ráp thành những cái iPhone đó.
Người Trung Quốc chỉ được hưởng khoảng 5% giá bán một chiếc iPhone, từ 500 USD đến 1000 USD mỗi chiếc. Từ thời Foxconn đến thời Apple, vai trò của nước Trung Hoa vẫn không thay đổi bao nhiêu, chỉ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất những hàng hóa kỹ thuật cao.
Ông Tập Cận Bình muốn chấm dứt tình trạng chậm tiến đó. Ông đã công bố chương trình Made in China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi kịp các quốc gia Tây phương.
Tập Cận Bình yêu cầu các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật phải biến Trung Quốc thành một cường quốc kỹ thuật cao, trong khi chính phủ Mỹ đang ra lệnh cấm bán các bộ phận cho ZTE, một công ty sản xuất khí cụ truyền thông lớn hàng thứ hai ở nước Tàu.
ZTE đã vi phạm luật cấm vận của Mỹ, khi bán cho Iran các dụng cụ dùng bộ phận do Mỹ sản xuất. Nếu bị cấm vận, ZTE sẽ phải ngưng hoạt động vì phần lớn công việc tùy thuộc vào những món phụ tùng mua từ Mỹ. Tổng thống Trump muốn cứu ZTE, nhưng quốc hội Mỹ ngăn cản. Công ty này đã phải trả tiền phạt 1,4 tỷ USD để được miễn chấp.
Vụ ZTE cho thấy ngành kỹ thuật cao của Trung Quốc còn khập khiễng không thể đứng trụ một mình. Công ty này đã "bi thảm hóa" tình trạng của họ bằng một thủ thuật có tính chất hài hước. Họ thông báo cho nhân viên ngưng sử dụng một nhà cầu đang bị hư, vì công ty không được phép mua đồ sửa chữa của hãng American Standard, tiểu bang New Jersey, nước Mỹ, trong lúc còn bị chính phủ Mỹ cấm vận !
"Made in China 2025" (Trung Quốc Chế Tạo, 中國製造) là một kế hoạch lớn của Tập Cận Bình. Ông ra lệnh giới kinh doanh Trung Quốc phải gia tăng nghiên cứu, đầu tư vào mười lãnh vực chiến lược. Bảng liệt kê đầy tham vọng nêu tên ngành tin học, với các hệ thống 5G cho thế hệ mới ; các máy móc tự điều khiển, robotics ; xe hơi chạy bằng điện ; ngành hàng không và không gian ; các nông cụ mới ; nghiên cứu sản xuất năng lượng mới ; sáng chế vật liệu mới ; dược phẩm sinh học và dụng cụ y học ; semiconductors dùng trong ngành trí khôn nhân tạo (AI, artificial intelligence) ; vân vân.
Để thực hiện chương trình này, Tập Cận Bình sẽ cho lập năm trung tâm sáng chế công nghiệp trên tòa quốc để tiến tới 40 trung tâm ở 48 tỉnh vào năm 2025. Bắc Kinh sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào chương trình này, và các địa phương sẽ góp 1,6 tỷ USD. Mục tiêu là sản xuất những hàng kỹ thuật cao, không lệ thuộc vào dây chuyền tiếp liệu từ nước khác, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp tự động hóa. Các chi tiết sẽ tính sau !
Chính phủ Mỹ và các nước Châu Âu đều chú ý đến dự án "Made in China 2025", coi như một mối đe dọa kinh tế tương lai. Họ lo lắng người Trung Hoa sẽ ăn cắp những kỹ thuật cao mà dân trong nước họ sáng chế. Trung Quốc cũng có thể tìm cách ngăn cản các công ty Tây phương, không cho cạnh tranh với các xí nghiệp bản xứ khi vào thị trường Trung Quốc.
Và Mỹ đã phản ứng. Trong số những hàng hóa của Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ, chính quyền Trump sẽ đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng nhập, phần lớn nằm trong kế hoạch Made in China 2025, bắt đầu từ ngày 6 tháng Bảy tới.
Trước phản ứng của Mỹ và Châu Âu, Tập Cận Bình đã thấy mình dại ! Ông lại được nghe giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế trong nước lên tiếng cảnh cáo không nên to mồm lớn tiếng nói chuyện xa vời quá. Tập Cận Bình đã ngầm ra lệnh các cơ quan truyền thông bớt to mồm, không nói đến Made in China 2025 nhiều như trước nữa !
Trong 12 tháng qua, Bắc Kinh đã cho đăng 190 bài cổ động cho Made in China 2025. Nhưng trong ba tháng vừa rồi, con số tụt giảm dần, trong 30 ngày gần nhất chỉ còn một bài thôi.
Giáo sư Trọng Vĩ (仲伟, Zhong Wei), trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, là một nhà giáo đã khuyên Trung Quốc không nên nói nhiều về Made in China 2025, trong lúc sức còn quá yếu. Ông nêu trường hợp ZTE như là một tấm gương chứng tỏ mình còn thua xa các nước Tây phương. Phương pháp duy nhất để tiến bộ là hợp tác với các nước tiến bộ trước mình ! Nên coi Made in China 2025 chỉ là một viễn kiến, không phải là một chương trình ! Nó khác những kế hoạch ngũ niên, vì chưa có chi tiết cụ thể nào về ngân sách, nhân sự, và tài nguyên.
Trong tuần qua, chủ bút tờ Khoa Kỹ Nhật Báo đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng rằng mình có thể sớm đuổi kịp các nước Tây phương. Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong, 刘亚东), đọc bài diễn văn ở Bắc Kinh hôm thứ Năm tuần trước, sau khi tờ báo của ông đăng một loạt bài nêu rõ còn 29 lãnh vực kỹ thuật mà người Trung Quốc còn thua kém các nước tiên tiến. Một trong các bài đó nêu câu chuyện ZTE bị cấm không được mua các bộ phận làm ở Mỹ.
Lưu Á Đông nói rằng mặc dù Trung Quốc đã phát triển kỹ thuật đáng kể, song vẫn còn nhiều chướng ngại khiến cho họ chưa đủ sức cạnh tranh với các nước Âu Mỹ.
Trung Quốc còn chậm tiến trên nhiều mặt. Thí dụ, ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chưa phát triển ; trong khi ai cũng biết tất cả các tiến bộ kỹ thuật đều bắt nguồn từ những khám phá mới trong khoa học thuần túy. Trung Quốc cũng còn thiếu "tay nghề" trong nhiều ngành kỹ thuật vì thiếu kinh nghiệm. Một trở ngại khác Lưu Á Đông nêu ra là tinh thần làm việc của người Trung Quốc còn thấp kém, họ không kiên trì thực hiện các công trình dài hạn.
Lưu Á Đông nêu thí dụ một bài của Tân Hoa Xã, trong đó họ đề cao bốn "sáng chế lớn" của dân lục địa. Bài này đăng từ mùa Thu năm ngoái, rồi được truyền bá rộng rãi trên các mạng xã hội. Bốn "sáng chế" được nêu danh là xe lửa cao tốc, mua bán trên mạng, thanh toán tiền tiền trên mạng, và xe đạp sử dụng chung (bike sharing) ở các thành phố.
Nhưng, Lưu Á Đông vạch ra, tất cả các "sáng chế" này đều đã được tìm ra và sử dụng ở nước khác ! Người Trung Hoa không hề "sáng chế" mà chỉ áp dụng các kỹ thuật được tìm ra ở các nước phương Tây hoặc Nhật Bản ! Với dân số hơn một tỷ, cái gì làm ở Trung Quốc cũng rất lớn, rất rộng. Đường xe lửa cao tốc dài nhất thế giới, Alibaba bán hàng trên mạng nhiều nhất thế giới, Alipay chuyển nhiều tiền trên mạng nhiều nhất. Nhưng rốt cục vẫn chỉ là bắt chước các sáng kiến của người ta !
Lưu Á Đông đã buộc tội những quan chức chính quyền, các cơ quan truyền thông (Tân Hoa Xã trong đó) đã thổi phồng những "thành tựu" không có thật, lừa gạt giới lãnh đạo đảng, khiến họ "tưởng bở !" Đó là thói quen "báo cáo hay" trong tất cả các nước cộng sản ! tháng Tư năm nay, một cuốn phim đề cao nước Tàu được rất nhiều người coi mang tên "Kinh Thán Trung Quốc" (惊叹中国), chỉ để ca ngợi các thành công dưới thời Tập Cận Bình !
Chính phủ Donald Trump đã nhắm vào Made in China 2025 khi ra lệnh ngưng hoặc hạn chế không xuất cảng sản phẩm kỹ thuật cao sang Trung Quốc, vì sợ bị ăn cắp. Ông bộ trưởng tài chánh khéo léo chữa lại, nói lệnh này áp dụng cho tất cả các nước, không riêng gì nước Tàu. Sau đó, ông Trump chữa lại lần nữa, cho biết ông sẽ chuyển tất cả vấn đề xuất cảng kỹ thuật cao cho quốc hội Mỹ quyết định.
Nhưng Tập Cận Bình đã tỉnh giấc kịp thời. Giấc mộng của ông, Trung Quốc Mộng, đã va chạm thực tế : Trung Quốc vẫn còn chạy theo sau các nước Âu Mỹ về khoa học kỹ thuật ; còn rất lâu mới bắt kịp.
Bài diễn văn của Lưu Á Đông được truyền đi trên mạng để cảnh tỉnh người dân trong lục địa. Nhưng điều đáng kể nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tiếng nói chính thức của cộng sản Trung Quốc, đã lên tiếng ca ngợi các ý kiến của ông !
cộng sản Trung Quốc đã xuống thang tuyên truyền. Chính quyền đã ngầm ra lệnh bớt nói đến kế hoạch Trung Quốc Chế Tạo, Made in China 2025 !
Trong một cuộc họp báo ngày 26 tháng Sáu vừa qua ở Bắc Kinh của nhân viên Bộ Khoa Học Kỹ Thuật và Bộ Công Nghiệp và Tin Học, họ không nói đến những chữ đó một lần nào, mặc dầu mục đích của họ là để thông báo cuộc Triển lãm "Công nghiệp Thông minh" đang khai mạc ở Trùng Khánh !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 30/06/2018
Cả thế giới ngộ nhận về Tập Cận Bình
Brexit hai năm sau, tiết lộ mới về Panama Papers, Cúp bóng đá thế giới 2018, ván bài đầy rủi ro của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khi cho bầu cử trước thời hạn, nghi vấn quan hệ giữa tổng thống Pháp Macron với một doanh nhân ở Lyon ; đó là quan tâm chính của các báo Paris hôm nay.
Tổng bí thư Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thông báo thành phần Ban Thường vụ Bộ Chính trị ngày 25/10/2017. RFI
Riêng nhật báo Les Echos đăng ảnh Tập Cận Bình với tựa lớn "Điều tra tại trung tâm quyền lực Trung Quốc", dành hẳn phụ trang cuối tuần mang tên "Mạnh hơn cả Mao Trạch Đông" cho chủ đề này.
Cả thế giới đều lầm lẫn về Tập Cận Bình
Trị vì không đối thủ, chiếm lĩnh trung tâm trật tự thế giới mới : từ một nhân vật ít được biết đến, Tập Cận Bình nay đã leo lên tột đỉnh vinh quang. Les Echos nhận định thế giới đã nhầm lẫn vô cùng lớn. Khi ông Tập lên làm tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012, hầu hết các nhà bình luận phương Tây đều tỏ ra lạc quan. Người đàn ông phốp pháp luôn tươi cười có vẻ phúc hậu hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, hứa hẹn sẽ "tiếp tục tự do hóa tư tưởng". Tập Cận Bình còn hướng về Hoa Kỳ, được coi như một dấu hiệu cởi mở.
Hơn nữa, từng lãnh đạo một tỉnh năng động về kinh tế, ông Tập có lẽ sẽ lắng nghe giới kinh doanh hơn. Tập Cận Bình được bầu lên với sự thỏa thuận của các phe phái trong đảng, và một nhà nghiên cứu ở Hồng Kông dự báo ông ta sẽ là "một nhà lãnh đạo rất yếu". Và như vậy Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xu hướng mở cửa ra thế giới, với một tổng bí thư ít có tiếng nói.
Một nửa thập niên sau, nhân vật số một Bắc Kinh đưa tên mình vào Điều lệ Đảng, một việc mà trước đó chỉ có Mao Trạch Đông mới dám làm. Rồi ông ta sửa đối Hiến Pháp để hóa giải điều khoản chủ tịch nước chỉ được làm tối đa hai nhiệm kỳ. Ở tuổi 65, Tập Cận Bình nay có thể ngự trị đến mãn đời. Kịch bản này cũng dễ hiểu vì suốt năm năm của nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình tập trung vào việc tiêu diệt tất cả các đối thủ.
Đánh tan tác các đối thủ, đàn áp nhân quyền
Phe ông Giang Trạch Dân (chủ tịch nước 1993-2003) vốn cực mạnh, vô hiệu hóa được cả người kế nhiệm là Hồ Cẩm Đào, nay đã bị đánh cho tan tác với một chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu. Tương tự với các đại diện phe Đoàn thanh niên của ông Hồ Cẩm Đào.
Alex Payette, chuyên gia về Trung Quốc của trường đại học Toronto kết luận : "Lần này thì chẳng còn một mống nào đối kháng". Ngay cả Quân ủy Trung ương cũng bị vùi dập. Một nhà phân tích khác nhận định : "Ngược với những lãnh đạo tiền nhiệm, Tập Cận Bình tấn công tứ phía, không chừa một ai. Việc gây ân oán với số lượng kẻ thù không đếm xuể như thế, có thể là lý do khiến ông ta muốn cầm quyền đến trọn đời".
Hy vọng về một Trung Quốc mở cửa và tự do hóa chính trị tắt ngấm. Báo chí và các tổ chức phi chính phủ bị đàn áp, các chiến dịch thô bạo chống lại các nhà đấu tranh nhân quyền, áp lực ngày càng tăng đối với các luật sư và giới nghệ sĩ, khóa chặt internet, ám ảnh trước các "thế lực thù địch bên ngoài"… "Mỗi năm, Bạch thư của các Phòng thương mại nước ngoài tại Trung Quốc càng dày thêm" - một nhà kỹ nghệ ghi nhận "một không khí nghi ngại tăng lên thấy rõ". Nhất là theo dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2024.
Trung Quốc, trung tâm của trật tự thế giới mới ?
Sau giấc mơ hoa, các nước phương Tây dần thức tỉnh. Khi thượng đỉnh G7 cách đây hai tuần thất bại, thì Tập Cận Bình tươi cười với vai trò người cầm trịch hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, bên cạnh tổng thống Nga Putin, tổng thống Iran Rohani, thủ tướng Ấn Độ Modi, Châu Âu mới muộn màng nhận ra thế giới đang hướng về phía Bắc Kinh. Mọi người cũng thống nhất với ý kiến chính Trung Quốc mới là kẻ thắng lớn trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un.
Thế nên người ta mới đặt lại câu hỏi : rốt cuộc Tập Cận Bình là người như thế nào, mà qua mặt được tất cả mọi người lúc ban đầu ? Ông ta định làm những gì cho Trung Quốc ? Và nhất là, ông Tập còn đi đến đâu trong việc nắm chặt trong tay nền kinh tế thứ nhì thế giới ?
Một điều chắc chắn : Tập Cận Bình thuộc "thái tử đảng". Người cha là Tập Trọng Huân, ủy viên trung ương bị tống vào tù thời Cách mạng văn hóa lúc Tập Cận Bình mới 9 tuổi. Bản thân ông bị đưa về nông thôn lao động chân tay năm 15 tuổi. Một trong những nghịch lý là thay vì căm ghét đảng cộng sản, thời kỳ gian khổ này lại củng cố quyết tâm của Tập Cận Bình phải ngoi lên nắm cho được đỉnh cao quyền lực. Ông chịu đựng chín lần thất bại, trước khi lại trở thành quan chức lớn trong bộ máy đảng.
Tác giả François Bourgon cho rằng : "Sai lầm thứ nhất của phương Tây là nghĩ rằng thời kỳ khủng hoảng này khiến Tập Cận Bình trở thành người chỉ trích bộ máy cầm quyền".
"Make China great again", nhưng Trung Quốc sẽ đi về đâu ?
"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình vẫn còn mơ hồ, nhưng ý tưởng trung tâm là sự hồi sinh tinh thần dân tộc. Chuyên gia Bruno Gensburger bình luận : "Đó là một loại ‘Make China great again’". Alex Payette phân tích : "Thế hệ trẻ biết rằng những cơ hội của thời kỳ cải cách kinh tế quy mô đã qua rồi". Để thúc đẩy sự phục hưng, ông Tập khai thác lịch sử đất nước, biến chế độ mới được khai sinh từ năm 1949 trở thành người kế thừa xứng đáng của một câu chuyện nghìn năm tuổi.
Pha trộn những câu của Mao với các ngạn ngữ truyền thống, Tập huy động các tác giả tên tuổi cho sự nghiệp này, và mỗi lần phát biểu trước công chúng đều trích các "điển tích". Lão Tử, Khổng Tử bỗng trở thành đồng minh của một chế độ từng phỉ báng mình. Khi nói lời chúc mừng năm mới âm lịch, Tập Cận Bình cho dàn dựng phía sau là một tủ sách gồm cả kinh thư cổ lẫn sách mác-xít. François Bourgon ghi nhận : "Đối với ông Tập, tương lai chính là quá khứ".
Một cơ sở khác mà các nhà quan sát phương Tây ít chú ý, là khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đảng cộng sản Trung Quốc đang trong cơn khủng hoảng. "Vào cuối nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào, từ ‘tham nhũng’ hãy còn quá nhẹ để mô tả việc quan chức từ thấp đến cao cướp bóc từ nền kinh tế để làm giàu". Tài sản của gia tộc thủ tướng Ôn Gia Bảo được ước tính khoảng gần 3 tỉ đô la !
Cuộc chiến chống tham nhũng thô bạo của Tập Cận Bình là "nhất tiễn hạ song điêu" : vừa được lòng dân vừa mang lại tính chính đáng cho việc tập trung quyền lực. Tuy nhiên nó cũng tạo ra tâm lý sợ hãi. Một người dân Bắc Kinh cho biết : "Trong các bữa ăn tối, chẳng còn ai dám đề cập đến chính trị".
Vấn đề còn lại, là một Trung Quốc toàn trị sẽ đi về đâu, có hội nhập được với thế giới ? Những người ngây thơ nhất nay cũng đã mở mắt : hai năm gần đây thái độ của Châu Âu đối với Bắc Kinh đã dần dà thay đổi, khi Tập Cận Bình ngày càng rời xa những tiêu chuẩn chính trị của Châu Âu, lái đất nước khổng lồ đi về hướng vô định.
Brexit, hai năm sau
Le Monde nhìn sang Luân Đôn, hai năm sau khi người dân Anh chọn lựa ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu với 51,9% phiếu thuận, vào ngày 23/06/2016. Những người ủng hộ Brexit vui mừng khi được "tự do", thoát khỏi "ách thống trị" của Bruxelles !
Hai năm sau, người Anh lại phát hiện sự gắn bó của họ với thị trường chung và liên minh hải quan. Nay thì thủ tướng Theresa May đề nghị được ở lại thêm hai năm nữa trong "địa ngục" Châu Âu, đến năm 2023 mới kết thúc thời kỳ chuyển tiếp. Tuần báo The Economist số ra tuần này cho biết theo một trong những cơ quan thăm dò uy tín nhất là Peter Kellner, thì có đến 13/14 cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, đa số người dân Anh nhìn nhận việc ra khỏi Châu Âu là sai lầm, và 28% cử tri Công đảng đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nay nói rằng họ sẽ không làm như thế nữa.
Le Figarođưa vấn đề này lên trang nhất, chạy tựa "Hai năm sau, Brexit vẫn trong màn sương mù" và trong bài xã luận đã than phiền "Thật là bát nháo !" - nhại theo tựa của tờ báo rất nghiêm túc là Times "Merde, what a mess !". Tuy ly dị, nhưng muốn mọi việc vẫn như cũ, ít nhất là về thương mại : hai năm sau khi muốn giong buồm ra khơi xa, Anh quốc vẫn còn loanh quanh trên biển.
Liệu nếu đưa ra trưng cầu dân ý lại, kết quả có tương tự ? Tờ báo ghi nhận, từ đó đến nay có 1,2 triệu cử tri đã qua đời, trong khi có thêm 1,4 triệu cử tri trẻ đến tuổi đi bầu, mà giới trẻ hầu hết ủng hộ việc ở lại với Châu Âu.
World Cup : Nhiều khán giả đến "Vì đôi mắt xanh của Ronaldo"
Trên lãnh vực thể thao, Cúp bóng đá thế giới 2018 tại Nga cho đến nay diễn ra một cách suông sẻ. Bên cạnh những ghi nhận về đội tuyển Pháp và một số đội mạnh khác, còn có những bài viết về một cầu thủ nổi bật là Cristiano Ronaldo, mà theo Le Figaro là "đầu tàu" của World Cup kỳ này.
Le Monde quan tâm đến một khía cạnh khác : đó là người hâm mộ. Trong bài "Vì đôi mắt xanh của Ronaldo", tờ báo ghi nhận rất nhiều fan Châu Á chỉ chú ý đến cầu thủ mang áo số 7 của đội tuyển Bồ Đào Nha. Tác giả của bốn bàn thắng trong hai trận, cây làm bàn 33 tuổi mang biệt danh CR7 thu hút mọi người.
Khán giả người Hoa hiện diện đông đảo tại sân vận động Loujiniki, nhưng còn có các fan người Việt, người Ấn. Chẳng hạn Mai Quỳnh và Khoa Nguyễn từ Hà Nội, đã sáng bừng mắt khi nghe nhà báo hỏi về cầu thủ này : "Chúng tôi đến đây vì Ronaldo mà thôi".
Thụy My
Trong phần thuyết trình với Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) tại thủ đô Canberra vào thứ Hai 7/05/2018 vừa qua, tướng Robert B. Brown thuộc Quân lực Hoa Kỳ nhận định rằng mặc dầu giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc vẫn còn tôn trọng chúng tôi (Hoa Kỳ), họ không còn sợ chúng tôi nữa [1].
Tập Cận Bình đang lãnh đạo nước Trung Hoa lục địa như một Hoàng đế của một thời xa xưa
Tướng Brown cho biết ông đã đi Trung Quốc nhiều lần năm ngoái, và trong một lần gặp các lãnh đạo quân sự hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, ông thấy cách cư xử của họ có gì khác mà phải một chặp lâu ông mới nhận ra. Đó là trước đây họ nể và sợ Hoa Kỳ, bây giờ họ chỉ còn nể chứ không sợ.
Tướng Brown cho rằng có một chút sợ là điều tốt. "Bạn cần có một chút sợ để biện pháp ngăn cản có thể hiệu quả".
Làm sao để Trung Quốc sợ Hoa Kỳ, hay có chút sợ nào đó đối với các quốc gia khác ?
Sự trổi dậy của Trung Quốc trong thời gian qua có lẽ là đề tài chính trị thế giới được bàn cãi và quan tâm nhiều nhất trên toàn cầu. Có người vẫn tin Trung Quốc sẽ trổi dậy trong hòa bình, sẽ chấp nhận trật tự thế giới tự do do Hoa Kỳ hình thành và lãnh đạo sau Thế Chiến Hai, và dù có lớn mạnh mấy đi nữa, họ sẽ không thể qua mặt Hoa Kỳ về kinh tế, quân sự và văn hóa (quyền lực mềm).
Có thật như vậy không ?
Về mặt văn hóa/văn minh thì Trung Quốc có lẽ sẽ không bao giờ qua mặt Hoa Kỳ bởi tiến trình lịch sử của họ, và các giá trị tự do và nhân phẩm, sẽ khó chinh phục được mấy ai trên thế giới hiện nay.
Về mặt kinh tế thì theo đà tăng trưởng hiện nay, Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ trong vòng một thập niên rưỡi nữa, khoảng năm 2032 [2].
Về mặt quân sự thì sao ? Có lẽ còn lâu mới bắt kịp Hoa Kỳ. Nhưng khoảng cách đang rút ngắn dần. Khi tổng sản lượng của Trung Quốc càng tăng trưởng thì họ có nhiều khả năng hơn cho cuộc chạy đua siêu cường quốc. Chính sách quốc phòng Úc năm 2016 (The 2016 Australian Defence White Paper) nhận định rằng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ngang ngửa vào năm 2035 [3].
Hoa Kỳ nhận thức rất rõ khả năng và sức mạnh của mình, và biết rõ tư thế lãnh đạo của mình đang bị thách thức, do đó để tiếp tục lãnh đạo thế giới tự do thì chính Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi. Tướng Brown cho biết các thế lực thù nghịch của Hoa Kỳ đã quan sát kỹ triết lý quân sự của Hoa Kỳ hơn 15 năm qua, nắm rõ quan niệm chiến đấu trên không gian và lãnh thổ một cách tuyến tính và dễ đoán (linear and predictable), cho nên họ có thể xây dựng khả năng để chuẩn bị phòng ngừa và ngăn cản sức mạnh Hoa Kỳ. Do đó mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ trong thời gian qua là chuyển đổi sang một hệ thống hoạt động đa miền (multi-domain), cho phép họ có thể vận dụng mọi lực lượng đang sẵn có cùng một lúc để đạt được ưu thế đa miền trên không, đất, biển, mạng và khoảng cách, trong đó yếu tố ảnh hưởng chiến lược là miền con người (human domain). Tướng Brown cho rằng đạt được mục tiêu hoạt động đa miền sẽ giúp cho Hoa Kỳ giữ thế lãnh đạo lâu dài, làm cho đối thủ của Hoa Kỳ phải sợ, vì chỉ khi biết sợ thì họ mới không ngu xuẩn để gây hấn, để dẫn đến chiến tranh. Điểm cốt lõi là làm cho đối thủ nhìn thấy nhiều rắc rối nan giải, và tính khó tiên đoán của Hoa Kỳ, để họ phải lo ngại.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Lowy Institute, các chuyên gia phân tích nhận định rằng trong thế trận hiện nay Trung Quốc thật sự không có đồng minh quân sự, trong khi Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Nhật, Singapore, Tân Tây Lan và Mã Lai đều có đồng minh. Tiềm lực của Trung Quốc chỉ đứng thứ 8, sau các quốc gia này, trên Mạng Phòng Thủ (Defence Networks), được định nghĩa là "quan hệ đối tác đóng vai trò gia tăng tiềm lực về khả năng quân sự" [4].
Sức mạnh nguyên tử của Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số khó tiên lường trong cuộc chạy đua ngôi vị lãnh đạo thế giới
Trong khi tướng Brown đến Úc để trình bày kế hoạch và chiến lược của Hoa Kỳ đối với các hiểm họa có thể có trong tương lai, thì cựu thủ tướng Úc, từng là ngoại trưởng, nói tiếng Hoa rành rõi, ông Kevin Rudd, được mời đến Hoa Kỳ vào tháng Ba vừa qua để trình bày nhận định của ông về Trung Quốc trước các lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ. Bài phát biểu của ông Rudd tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point tháng 3 năm 2018 được tóm tắc và phổ biến trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 10 tháng Năm. Trong bài "Tập Cận Bình nhìn thế giới như thế nào" (How Xi Jinping Views the World) ông Rudd đã phân tích quyền lợi/quan tâm cốt lõi nào đã hình thành cung cách hành xử của Trung Quốc trong thời gian qua và trong tương lai [5].
Ông Rudd cho rằng một phương cách mới để hiểu Tập Cận Bình và Trung Quốc hiện nay là một tập hợp bảy vòng tròn quan tâm/quyền lợi có cùng trung tâm điểm (concentric). Vòng một là trung tâm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vòng hai là sự thống nhất của đất nước/dân tộc. Vòng ba là tầm quan trọng của việc duy trì phát triển kinh tế vững ổn nhưng quân bình với vấn đề môi trường. Vòng bốn là kiểm soát tinh tế quan hệ với 14 quốc gia mà Trung Quốc có cùng biên giới. Vòng năm là phô trương sức mạnh hàng hãi khu vực (thủy lực). Vòng sáu là vận dụng sức mạnh kinh tế trên khắp các ngoại vi lục địa. Vòng bảy là từ từ cải tổ một phần, không phải tất cả, trật tự thế giới (dựa trên pháp luật) thời hậu chiến để qua thời gian phục vụ quyền lợi của mình tốt hơn.
Thành công hay không nằm trong các chiến lược cốt lõi ưu tiên này.
Lãnh đạo Trung Quốc, theo ông Rudd, đã quyết định vào thập niên 1990 và tái xác định trong thập niên đầu của thế kỷ 21 là không có sự thay đổi hệ thống nào cả, và Trung Quốc vẫn tiếp tục một nhà nước độc đảng. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận định rằng Trung Quốc sẽ không thể trở thành một cường quốc toàn cầu nếu thiếu đi một đảng có khả năng tập trung quyền lực để lãnh đạo. Tuy ngày càng lớn mạnh trong vài thập niên qua, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn một mực áp dụng chủ trương chính thống của Đặng Tiểu Bình "che giấu sức mạnh, chờ cơ hội tốt, không bao giờ dẫn đầu".
Tập trung quyền lực vào tay một người và sửa đổi lại Điều lệ Đảng để trở thành một cấp lãnh đạo suốt đời, theo Francis Fukuyama, Tập Cận Bình là một lãnh tụ đáng sợ
Nhưng ông Tập đã tách rời khỏi chủ trương đó. Từ khi nắm quyền, ông là người đẩy mạnh ý thức hệ chính trị trên các chính sách thực tiễn, mở rộng các chiến dịch tuyên truyền, đặc biệt làm lu mờ hình ảnh giữa Đảng và dân tộc. Theo ông Rudd, ông Tập nghĩ ông có thể đánh bại quan điểm lịch sử của Francis Fukuyama, trong đó biện luận rằng nền dân chủ cấp tiến kiểu Tây phương sẽ là hình thức chính phủ tồn tại sau cùng (tác phẩm nổi tiếng The End of History của Fukuyama). Với mục tiêu chính trị này, lại được tăng cường bởi khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp cho nhà nước Trung Quốc có khả năng kiểm soát chặt chẽ (kể cả điểm tín dụng xã hội, kỹ thuật nhận diện mặt, lại được yểm trợ bởi nguyên cả bộ máy an ninh nội vụ lớn hơn cả Quân đội Nhân dân Trung Hoa), nhiều người Trung Quốc nghĩ là ông Tập có thể thành công.
Lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố trật tự thế giới hiện nay được hình thành bởi các thế lực Tây phương, mà chủ yếu là thực dân, sau Thế Chiến Hai, vì thế họ tất nhiên mong muốn một trật tự khác có lợi hơn cho họ. Ông Tập không có ý định giữ nguyên trạng nữa. Theo ông Rudd thì làm sao để tiếp cận với một Trung Hoa quả quyết là câu hỏi cho tất cả thế giới còn lại.
Từ khi lên thay thế Hồ Cẩm Đào trong vai trò Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012 đến nay, Tập Cận Bình ngày càng thâu tóm quyền lực trong tay và loại trừ thành công hầu như tất cả đối thủ chính trị của mình. Được mệnh danh là "Chủ tịch của mọi thứ" (Đảng, Nhà nước và Quân đội), và nhiệm kỳ chủ tịch nước không còn bị giới hạn nữa vào ngày 17 tháng Ba năm 2018, ông Tập hiện nay không những là lãnh đạo quyền lực nhất sau thời Mao Trạch Đông mà còn có thể là chủ tịch muôn năm và muôn mặt.
Những nhận định của ông Rudd về Trung Quốc trên bình diện chính trị quốc tế, đặc biệt về vòng năm, sáu và bảy (sức mạnh hàng hãi, sức mạnh kinh tế và trật tự thế giới), có thể được kiểm chứng phần nào qua nhiều tài liệu và bằng chứng dồi dào hiện nay. Trường hợp cụ thể là nền chính trị và xã hội tại Úc, và Tân Tây Lan.
Úc và Tân Tây Lan là hai quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp từ Trung Quốc về mặt kinh tế và nhiều lãnh vực khác. Gần một năm trước, các phóng viên truyền hình của đài ABC cộng tác với một cơ quan truyền thông uy tín Fairfax tại Úc để thực hiện cuộc điều tra mang tên "Quyền lực và ảnh hưởng" của Trung Quốc [6]. Cuộc điều tra này làm chấn động dư luận Úc vì trước đó không mấy ai nắm rõ tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Úc, đặc biệt về mặt chính trị và xã hội, như thế nào. Từ chuyện thượng nghị sĩ Sam Dastyari chỉ vì bị "mua chuộc" vài ngàn đô la mà đã phát biểu ngược lại quan điểm của Đảng Lao Động Úc, mà ông là đảng viên, về vấn đề Biển Đông. Cho đến những cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua giới đại thương gia của họ ở Úc, đã tìm cách ủng hộ tài chánh các chính đảng để được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo chính trị hàng đầu, kể cả thủ tướng hay các bộ trưởng và cả phía đối lập. Các hoạt động này trãi dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, xâm nhập sâu vào cộng đồng người Hoa tự do ở đây, mua chuộc hâm dọa hay mua đứt các cơ quan truyền thông Hoa ngữ nào không chịu ủng hộ đường lối chính thống của Đảng và Nhà nước Trung Quốc v.v…
Vài tháng sau, giáo sư Clive Hamilton, một giáo sư chuyên về chính trị và chính sách trong lãnh vực Đạo đức công cộng (Public Ethics), dự tính cho ra mắt cuốn sách mới nhất của ông nghiên cứu chi tiết hơn về sự ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Úc. Trong cuốn sách "Xâm lược âm thầm : Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước Úc" (Silent invasion : China’s influence in Australia), ông cáo buộc rằng một chiến dịch có hệ thống về gián điệp và buôn bán ảnh hưởng của Trung Quốc đang dẫn đến "sự xói mòn chủ quyền của Úc" [7]. Tuy đã ký hợp đồng với nhà xuất bản Allen & Unwin để phát hành cuốn này, nhà xuất bản này, và sau đó hai nhà xuất bản khác, đã rút lại hợp đồng vì lo ngại sự trả đũa của Bắc Kinh và những người tại Úc đang ủng hộ cho chủ trương của Bắc Kinh. Dù gặp bao khó khăn, cuối cùng cuốn sách này cũng được phát hành vào tháng Hai năm nay bởi nhà xuất bản Hardie Grant. Cuốn sách này đã và đang gây rất nhiều tranh cãi vì đụng chạm đến bao nhiêu thế lực chính trị tại Úc, và đã gặp nhiều ủng hộ cũng như phê bình của giới nghiên cứu học thuật.
Giáo sư Hamilton đã công phu nghiên cứu và tập hợp rất nhiều dữ kiện khả tín để chứng minh các hoạt động tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Úc qua cơ cấu của các mạng lưới Hoa kiều của họ tại Úc và khắp nơi trên thế giới, phương thức và kỹ thuật họ áp dụng, cách họ vận động để mua ảnh hưởng lên chính trị gia Úc, cách họ giới hạn tự do học thuật, uy hiếp những ai phê bình họ, thâu thập thông tin tình báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, và ngay cả vận động sinh viên du học và người Trung Quốc đang sống tại Úc biểu tình chống lại chính quyền Úc về vấn đề Biển Đông. Hamilton đã trình bày chi tiết trong chương Hai bằng cách nào Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vực dậy được sau biến cố Thiên An Môn và sau khi gần như toàn bộ các nước cộng Sản và xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1991. Họ đã tập trung xây dựng một thế hệ mới qua Chiến dịch Giáo dục Yêu nước, biện minh cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa. Họ đã viết lại lịch sử, nhấn mạnh nỗi nhục của Trung Quốc trong thế kỷ qua bởi thực dân và thế lực ngoại bang, thể hiện khác vọng của người Trung Hoa để vượt lên nhưng không quên cay đắng và tủi nhục mà đất nước này đã từng trãi qua. Giờ đây họ không còn là nạn nhân nữa, họ là kẻ thắng cuộc. Chiến dịch giáo dục này chứng minh hiệu quả, vì trước đây nếu sinh viên học sinh tỏ vẻ chán nản học triết học Mác thì giờ đây dễ chấp nhận chính sách giáo dục yêu nước hơn.
Ông Hamilton phân tích rằng qua chương trình giáo dục và chính sách tuyên truyền tẫy não một cách hệ thống lên toàn xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được phần nào kết quả họ mong muốn vì họ biết rõ rằng kiểm soát được suy nghĩ của người dân là không cần đến nhu cầu kiểm soát hành động của người dân. Từ kết quả này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vạch ra những kế hoạch lớn cho người Trung Hoa ở nước ngoài. Họ tập trung tuyên truyền rằng tính cách riêng biệt của người Trung Hoa là một dân tộc đặc biệt, là biết yêu nước, không may trãi qua một thế kỷ đầy sỉ nhục, nhưng nhờ có Đảng nên mới có được quốc gia như vậy ngày nay, cho nên yêu Đảng là đồng nghĩa với yêu nước. Đảng chính là quốc gia. Tương tự kiểu tuyên truyền "Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa". Giang Trạch Dân cũng từng xem những ai không thể hiện tinh thần yêu nước là kẻ phản bội, là "cặn bã của thế gian". Tinh thần dân tộc Trung Hoa đã lên gần như tột đỉnh qua biến cố Thế Vận Hội năm 2008 khi họ biểu dương được sức mạnh Trung Hoa không chỉ nằm ở kinh tế thôi, họ có thể biểu diễn sức mạnh bằng huy chương vàng, bạc v.v…
Giáo sư Hamilton có lối hành văn mạch lạc, sử dụng từ ngữ dễ hiểu, bằng chứng dữ liệu dồi dào, và cách viết khá lôi cuốn làm cho người đọc dán mắt vào từng trang sách. Trong chương Ba, ông Hamilton nói về "Qiaowu and the Chinese diaspora". Theo giáo sư chính trị học James Jiann Hua To, người nghiên cứu chi tiết và có thẩm quyền về chủ đề này, thì mục tiêu của Qiaowu là "vận động sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh với những người mang bản sắc Trung Hoa nhưng không còn ở trong nước, bằng nhiều kỹ thuật tuyên truyền và quản lý tư tưởng khác nhau" [8]. Một điều đáng kể trong chương này là về câu chuyện của một số thành viên của cộng đồng người Hoa yêu chuộng tự do tại Úc. Câu Lạc bộ Chuyên gia Trung Quốc do họ thành lập đã bị các thành viên có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh gia nhập, xong rồi áp dụng số đông để bầu lên một ban điều hành có quan hệ với Toà Đại sứ Trung Quốc tại Bắc Kinh. Jingping Cheng kết luận : "Họ đã sử dụng dân chủ để giết chết dân chủ".
Cộng đồng người Hoa yêu chuộng tự do ngày càng cô đơn và bị cô lập bởi các chính sách xâm nhập hiểm độc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua các văn phòng đại sứ khắp Úc và tay chân nối dài. Họ không hiểu nỗi tại sao những người Trung Quốc mà vẫn còn thờ Bắc Kinh, vẫn còn coi Trung Hoa là mẫu quốc, đến Úc làm gì, và vào quốc tịch Úc làm gì. Họ cho rằng những ai có quan niệm như thế nên về Trung Quốc mà sống với chế độ với nhà nước đó đi.
Tại Tân Tây Lan, giáo sư chính trị học chuyên về Trung Quốc bà Anne-Marie Brady đã cho phổ biến một nghiên cứu giá trị mang tên "Vũ khí ma thuật" (Magic Weapons) vào năm ngoái, trình bày chi tiết lịch sử các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến những năm gần đây, những chủ trương và chính sách đối nội, đối ngoại và đối với người Hoa Kiều, và những ảnh hưởng có thể có lên nền chính trị Tân Tây Lan [9]. Vào ngày 14 tháng Hai năm nay, nhà của bà và cả văn phòng ở đại học Canterburry đã bị đột nhập. Ba máy tính, kể cả máy bà sử dụng để viết bài nghiên cứu này, hai điện thoại cầm tay và một bộ nhớ đã mã hóa có chứa đựng các dữ kiện của chuyến đi Trung Quốc lần trước của bà, đã bị ăn cắp. Không những thế, họ còn để lại một lá thư răn đe bà Brady có thể bị tấn công [10].
Nếu họ dám công khai tấn công một học giả như bà Brady, và uy hiếp bao nhiêu người khác tại Úc và Tân Tây Lan nếu dám lên tiếng phê bình chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay tại hai quốc gia này, thì chúng ta có thể hình dung được những người như Lưu Hiển Ba (Liu Xiaobo) hay các nhà dân chủ, các luật sư nhân quyền v.v… bị đối xử tệ hại đến mức nào ngay trên quê hương của họ !
Những nghiên cứu và nhận định của ông Hamilton đã thu hút sự quan tâm của quốc hội Hoa Kỳ. Vào ngày 26 tháng Tư, ông Hamilton và hai diễn giả khác đã được mời để trình bày về âm mưu của Trung Quốc tấn công vào nền dân chủ, trước quốc hội Hoa Kỳ - Ủy ban Điều hợp Quốc hội về Trung Hoa. Chủ đề ông thuyết trình là Chủ nghĩa Độc tài Điện tử và Mối Đe dọa Toàn cầu Đối với Tự do Ngôn luận (Digital Authoritarianism & The Global Threat to Free Speech) [11]. Ủy ban này xác nhận rằng trong thời gian qua sự tấn công bằng vũ lực đối với các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Trung Quốc và sự tấn công trên mạng đối với các nhóm hoạt động nhân quyền ở hải ngoại ngày càng gia tăng. Trong phần tường trình của mình, ông Hamilton nói ông đã được giới phản tình báo cho biết ông bị theo dõi bởi một số người lạ mặt trong thời gian qua, mà máy tính của ông có đầy các phần mềm độc hại. Ông Hamilton kết luận : "Tôi không đi tìm sự cảm thông. Nhưng tôi là một công dân của một nước dân chủ đề cao quyền tự do ngôn luận. Vì thể hiện quyền tự do ngôn luận của tôi để viết cuốn sách này mà bây giờ tôi phải dùng các bước cần thiết để tự bảo vệ mình đối với một quyền lực độc tài ngoài nước, và điều có đã xúc phạm đến tôi."
Nếu chiến lược và hành động của Trung Quốc như thế đối với các quốc gia có nền tảng chính trị và văn hóa vững chắc như Úc và Tân Tây Lan, thì chắc chắn đối với Việt Nam, một quốc gia chiếm vị thế địa chính trị vô cùng quan trọng, tham vọng này chắc chắn sâu xa hơn, thâm độc hơn. Như họ đã có với dân tộc chúng ta hàng ngàn năm qua. Nhưng họ đã và đang làm gì với Việt Nam, làm tới đâu, kết quả ra sao v.v… thì vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu chi tiết với bằng chứng dữ liệu cụ thể nào. Làm sao có thể đối phó với hiểm họa quá lớn lao này khi lãnh đạo quốc gia và người dân không cùng chung một mối !? Người dân có biết, có hiểu, có quan tâm đến những gì đang xảy ra mà ảnh hưởng của nó không chỉ là hiện nay mà còn kéo dài cho bao nhiêu thế hệ mai sau !!!
Càng đọc các nghiên cứu chuyên sâu của các học giả Tây phương, kể cả những chuyên gia về
Trung Quốc như Perry Link, Andrew J. Nathan, Elizabeth Economy vân vân, tôi càng cảm thấy lo lắng cho hiểm họa lớn lao mà dân tộc Việt Nam đang đối diện. Không phải người Trung Quốc nào cũng có mộng bành trướng bá quyền như Tập Cận Bình. Những thành phần chống lại chủ trương của họ Tập, nhất là xu hướng dân chủ, đã bị trù dập và kiểm soát ngoặt nghèo. Nhưng xu hướng coi Trung Hoa là trung tâm của vũ trụ, và tất cả dưới thế gian này, ít hay nhiều, đều thuộc Trung Hoa, đang thắng thế, và đang tìm cách điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của một tỷ bốn trăm triệu dân hiện nay, và 50 triệu Hoa Kiều ở khắp nơi. Với quan niệm chủ trương như thế, với tài nguyên nhân lực ngày càng dồi dào, với kế hoạch xâm nhập lũng đoạn và ảnh hưởng tối đa lên nền chính trị trên khắp thế giới, đặc biệt các nền dân chủ vững ổn, vận dụng khối Hoa Kiều khổng lồ để làm tai mắt và tay nối dài của họ, rõ ràng cuộc chiến tranh phi quy ước đã và đang âm thầm diễn ra. Cuộc chiến âm thầm này sẽ diễn tiến, bùng nổ và kết thúc như thế nào thì không ai hiện nay tiên đoán được.
Họ bây giờ không còn biết sợ ai ngay cả đối với Hoa Kỳ. Họ sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt cho được mục tiêu bá chủ. Thế giới tự do, và giá trị độc lập và tự do, đang phải đối diện với một mối đe dọa khủng khiếp trong những thập niên tới.
Chỉ có sức mạnh của trí tuệ, tình thương và lòng dũng cảm cao độ của cả một dân tộc, và của nhiều dân tộc liên minh với nhau trên thế giới, và liên minh với người Hoa yêu chuộng tự do trong và ngoài Trung Quốc, thì mới có thể cứu nguy được tình thế này. Nhưng điều quan trọng trước tiên là phải nhận thức ra được mối đe dọa này càng sớm càng tốt, trước khi quá muộn.
Bao nhiêu người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, đã nhận thức được rõ ràng mối hiểm họa vô cùng to lớn này ?
Úc Châu, 14/05/2018
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 14/05/2018
Tài liệu tham khảo :
1. Brendan Nicholson, "A little bit of fear is a strong deterrent ", The Strategist, 8 May 2018.
2. Xem Fergal O'Brien, "China to Overtake U.S. Economy by 2032 as Asian Might Builds ", Bloomberg, 26 December 2017.
3. Department of Defence, Australian Government, "2016 Australian Defence White Paper ", 2016, trang 49.
4. Sam Roggeveen, "China is catching up to the US, except on this key measure ", Lowy Institute, 9 May 2018.
5. Kevin Rudd, "How Xi Jinping Views the World ", The Core Interests That Shape China's Behavior, Foreign Affairs, 10 May 2018.
6. ABC, "Power and influence ", 5 June 2017.
7. Clive Hamilton, "Silent invasion : China’s influence in Australia ", Hardie Grant, February 2018.
8. China Real Time Report, "Writing China : James Jiann Hua To, ‘Qiaowu : Extra-Territorial Policies for the Overseas Chinese ", 16 August 2014.
9. Anne-Marie Brady, "Magic Weapons : China's political influence activities under Xi Jinping ", Kissinger Institute on China and the United States, 18 September 2017.
10. Oliver Lewis, "Christchurch academic links break-ins to work on China's influence campaigns ", Stuff, 16 February 2018.
11. Congressional-Executive Commission on China, "Digital Authoritarianism & The Global Threat to Free Speech ", 26 April 2018. Muốn đọc bài tường trình của ông Hamilton thì bấm vào Clive Hamilton .
Cuộc cờ của ngài chủ tịch Trung Quốc có thể dừng trong sự cải tổ hay một cuộc đảo chính ?
Biếm họa của họa sĩ Rebel Pepper về Chủ Tịch Tập Cận Bình sau khi quốc hội Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức Chủ tịch nước
Đối với người thích chuyện tâm linh ở Trung Quốc, đã có rất nhiều dấu hiệu để nói về mùa đông năm nay.
Một câu châm ngôn quen thuộc của Trung Quốc vẫn nói rằng tuyết rơi dầy cho thấy những vụ mùa bội thu. Nhưng mùa đông năm nay Bắc Kinh lại nhiều ngày không có tuyết, mặc dù trãi qua nhiều ngày có nhiệt độ dưới 0 độ.
Các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc rất hứng thú với chuyện tuyết rơi vào ngày thứ Bảy, trùng vào ngày Tập Cận Bình và cánh tay mặt Vương Kỳ Sơn được bầu làm chủ tịch và phó chủ tịch, nhưng đó không phải là một hành động của Thượng đế. Chỉ có máy tạo tuyết đã được huy động để gây ẩm, và làm tuyết.
Một cơn động đất bất thường ở thủ đô không lâu trước Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Lễ hội mùa xuân, cũng là một điềm chỉ.
Với những người thích tán chuyện ở Bắc Kinh, thì quả là nhiều điềm đáng lo ngại rồi.
Lịch hoàng đạo Trung Quốc mà phần còn lại của thế giới là quen thuộc chạy trên một chu kỳ 12 năm. Nhưng cũng có một chu kỳ 60 năm. Đây không chỉ là Năm của Chó mà là năm của Vô Tích, con Chó đất (Wuxu). Lịch sử vẫn kể rằng năm của Chó đất thường mang theo một chấn động.
Năm 1898, triều đại nhà Thanh, triều đại cuối cùng của Trung Quốc, đã gần kết thúc. Có lẽ Hoàng đế Quang Tự, một người tiến bộ và trẻ, cảm thấy điều này. Một vài năm trước, ông đã bị sốc bởi sự thất bại lớn của Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật đầu tiên (1894-1895).
Vì vậy, ông đã khởi xướng trào lưu Cải cách Wuxu, chọn lựa các quan chức trẻ tuổi, hướng về một phong trào tương lai mà ông đã lấy mẫu từ việc đổi mới và cải cách thời Minh Trị (Meiji) năm 1868 của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Cải cách Wuxu chỉ kéo dài khoảng 100 ngày. Tù Hi Thái Hậu, đã hủy bỏ trong cái gọi là Cuộc đảo chính Wuxu. Theo một nghiên cứu gần đây, Hoàng hậu Hoàng hậu Tây là người chủ mưu đứng sau vụ ngộ độc của cháu trai cô.
Nỗ lực đày tính lịch sử để thay đổi Trung Quốc đã bị phá vỡ. Nhiều nhà cải cách đã bị bỏ tù. Những người tài trẻ tuổi đã bị giết và những người khác chạy trốn ở nước ngoài. Đó là những gì được bắt đầu nhằm để đưa đất nước lên một con đường mới thay vì biến thành một cuộc chiến chính trị.
Lịch sử quay vòng theo những cách kỳ lạ. Lời nguyền của wuxu quay trở lại 60 năm sau đó, năm 1958, khi Mao Trạch Đông đã đưa ra chương trình Đại nhảy vọt, một nỗ lực liều lĩnh nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của Trung Quốc. Kết quả là nạn đói kéo dài và ước tính khoảng 20-30 triệu người chết.
Khoảng thời gian này, vô số trí thức đã bị trục xuất đến những vùng xa xôi trong phong trào chống tư tưởng hữu vi. Cuộc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến cũng khiến lấy đi vô số sinh mạng.
Bây giờ Trung Quốc đã thực hiện một vòng 60 năm nữa ; năm mới nhất của điềm Vô Tích đã xảy ra vào tháng trước. Và đúng với truyền thống của đại chấn wuxu, cả Trung Quốc đã bị sốc bởi một thông báo tiếng Anh ngắn trong Tân Hoa Xã : Trung Quốc sắp sửa bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của vị chủ tịch, và rõ là, cho phép Tập Cận Bình được quyền cai trị đời sống.
Người dân Trung Quốc không thể diễn đạt tự do trên internet do chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo. Các bài đăng trên các mạng xã hội như Weibo và WeChat có ý phản đối lưu nhiệm vô hạn của ngài chủ tịch đều bị xóa, và các chủ tài khoản đều nhận được thông báo về hoạt động không được phép của họ.
Trong số các thuật ngữ được kiểm duyệt trên mạng của Trung Quốc, là chữ Xidi, nghĩa đen là 'Hoàng đế Tập'. Thuật ngữ thông dụng được sử dụng bởi nhiều cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích Tập và cách tập trung quyền lực của ông ta.
Nhưng người dân Bắc Kinh thì thích nói chuyện chính trị, do đó, họ vẫn xì xầm với nhau. Rồi họ đang bàn tán về lý do tại sao ông chủ tịch của họ phải có một biện pháp cực đoan như vậy.
Tập cũng là Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương, cơ quan quân sự hàng đầu giám sát Quân Đội Giải phóng Nhân dân, và là tổng thư ký của Đảng cộng sản Trung Quốc, nơi cầm nắm quyền lực thực sự trong nước.
Lời giải thích chính thức của Tập để đòi hỏi được cầm quyền lâu dài, theo ông ta là sự cần thiết phải hài hòa với vị trí của tổng thư ký đảng và người đứng đầu ủy ban quân sự, nên không hạn chế về mặt niên hạn.
Những người của Tập đã đi xa đến mức dùng Ý nghĩa Công giáo và Chúa ba ngôi để giải thích cho bước đi mới này. Trong Kitô giáo, Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba ngôi vị nhưng vẫn chỉ là một.
Điều này quả là không thuyết phục, và người dân Bắc Kinh không nuốt nổi. Họ vẫn nghi ngờ rằng có một lý do khác, và đó là Tập không thể chịu nổi chuyện rời chức.
Một Nhà quan sát thời sự nói rằng : "Tập có lẽ sợ những gì có thể xảy ra trong vòng ba đến bốn năm tới. Nếu giới hạn nhiệm kỳ của chức chủ tịch vẫn giữ nguyên, ông có thể đã trở thành một con vịt què trước kỳ đại hội đảng kết tiếp vào năm 2022".
Nói cách khác, là "Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy giảm đáng kể, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bình thường, thì Tập rồi cũng sẽ trở thành con vịt què".
Kể từ khi lên nắm quyền, Xi đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của mình để chế ngự các phe phái đối nghịch. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng đã trở thành nạn nhân của cuộc thập tự chinh. Trên con đường đó, Tập đã tạo nên nhiều thù hận. Dĩ nhiên Tập sẽ phải đối mặt với sự trả đũa khắc nghiệt của những kẻ thù chính trị nếu ông ta mất quyền lực.
Năm năm qua là một ví dụ điển hình cho những gì xảy ra với những nhà lãnh đạo hàng đầu hạ cánh thiếu tính toán. Người trợ lý gần nhất của Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch đang ở tù chung thân. Lý Nguyên Triều, từng là ngôi sao đang lên của Đoàn Thanh niên Cộng sản, một phe do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo, đã không được tái nhiệm làm Ủy viên Trung ương và bị buộc phải từ chức chức phó chủ tịch.
Trong một hiệu sách nhà nước ở Vương Phủ Tỉnh (Wangfujing), một khu mua sắm bận rộn ở trung tâm Bắc Kinh, các cuốn tiểu sử về họ Tập, với hình bìa là bức ảnh đen trắng cũ của chàng trai Tập trẻ tuổi, chiếm các kệ trên. Còn cuốn sách về Chủ tịch Mao thì ngồi trên giá thấp hơn.
Cạnh tranh với một kệ thấp hơn là một cuốn sách về Đặng Tiểu Bình, người đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao sau cái chết của Mao và là người đã bắt đầu chính sách 'cải cách và mở cửa' của Trung Quốc vào những năm 1970.
Không có cuốn sách nào về Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, những người tiền nhiệm của tập, có thể được tìm thấy, ít nhất là không có trong không gian chính của cửa hàng. Các thời đại của Giang và Hồ đang bị chìm xuống quên lãng, ít nhất theo dòng sách nói về lịch sử Trung Quốc.
Nhưng người mua sách ở Bắc Kinh có vẻ không chia sẻ sự phấn khích mà cận thần của Tập muốn thể hiện. Tiêu đề sách về Mao vẫn đang bán chạy hơn cuốn sách nằm trên.
Vào đêm trước cuộc bỏ phiếu thay đổi hiến pháp, chính quyền Bắc Kinh nhấp nhổm, thận trọng với những phản đối về việc hủy bỏ hạn định là chủ tịch.
Ngày 11 tháng 3, Quốc hội bãi bỏ điều khoản này, với 2.958 đại biểu bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết và hai cuộc bỏ phiếu chống lại nó. Ba đại biểu bỏ phiếu trắng.
Tập xuất hiện với vẻ nhẹ nhõm. Ngài chủ tịch đã chốt một số lượng cảnh sát chưa từng có trong suốt ngày hôm đó, nhằm đối phó bất kỳ trường hợp phản ứng nào, và phải dập tắt ngay.
Những người đi đến Vương Phủ Tỉnh bằng tàu điện ngầm, hoặc đi bộ phải bước qua những quan sát an ninh nặng nề khác thường bao gồm cảnh sát vũ trang, cảnh sát đặc biệt, cảnh sát và quân lính ; họ cũng phải được soi chiếu trước khi vào khu mua sắm.
Tại Quốc hội, cuộc bỏ phiếu được tiến hành theo hình thức kín, nhưng các đại biểu phải bỏ phiếu cho chính bản thân họ. Việc bị chống lại sự thay đổi hiến pháp sẽ là nguy cơ cho sự nghiệp chính trị của họ.
Một quan chức phụ trách phiên họp nghị viện hiện tại đã phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 11 tháng 3, ngay sau cuộc bỏ phiếu lớn. Viên chức giải thích rằng không có sự phản đối nào trong việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ của ngài chủ tịch và bác bỏ những mối quan ngại rằng một cái gì đó giống như Cách mạng Văn hóa có thể xảy ra lần nữa.
Đây đúng là tình trạng đó phải không ? Chúng ta sẽ chỉ biết trong 5 năm, 10 năm, hoặc có thể là 20 năm với những gì sẽ diễn ra trên đường phố.
Katsuji Nakazawwa
Nguyên tác : Xi Jinping and the 60-year curse, Nikkei Asian Review, 19/03/2018
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 26/03/2018 (tuankhanh's blog)
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây là giành được lòng tin của người dân Trung Quốc, theo một nhà báo của BBC Thế giới vụ.
Áp phích hình Chủ tịch Tập Cận Bình trên một đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trả lời Bàn tròn Thứ Năm hôm 22/3/2018, nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu) nói ông Tập muốn nhấn mạnh với người dân Trung Quốc họ phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng nếu họ muốn Trung Quốc tiến lên.
Bà cũng mô tả về những thay đổi lớn trong cơ cấu các bộ ngành và hai mục tiêu lớn mà ông Tập và lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra vào năm 2021 và 2049.
"Ngoài việc sửa đổi hiến pháp để xóa giới hạn hai nhiệm kỳ cho chức chủ tịch nước, rất nhiều bộ ngành và các cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc được tái cấu trúc," nhà báo Ngô Ngọc Văn bình luận.
"Giờ đây khi ông Tập đã đảm bảo có được quyền lãnh đạo thêm nhiều năm nữa, mối quan tâm lớn của ông là làm cho Đảng và người dân Trung Quốc tin tưởng rằng Đảng cộng sản là lực lượng phù hợp để dẫn dắt đất nước vào giai đoạn tiếp theo của công cuộc xã hội chủ nghĩa và hiện đại hóa.
"Ưu tiên của ông Tập sẽ là muốn hàng ngũ lãnh đạo cao cấp và đảng viên nhấn mạnh với người dân rằng nếu các bạn muốn Trung Quốc tiến lên, các bạn phải tin tưởng chúng tôi, tin tưởng sự lãnh đạo và Đảng của chúng tôi".
Lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm 20/3
Bà Ngô Ngọc Văn cũng mô tả hai mục tiêu quan trọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo đảng CS Trung Quốc đề ra.
Thứ nhất, vào năm 2021, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sảnTrung Quốc, Trung Quốc sẽ là quốc gia thịnh vượng với hầu hết người dân có được một mức sống cao.
Thứ hai, vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm ra đời Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa - tự tin, hòa hợp và có người dân hạnh phúc.
"Đây là hai mục tiêu đầy tham vọng và nhiều thách thức. Những mục tiêu này phản ánh những gì mà ông Tập Cận Bình đã nói - giấc mơ Trung hoa và sự hồi sinh của dân tộc Trung Quốc.
Ông muốn người dân Trung Quốc phấn đấu theo các mục tiêu này và muốn họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông mới có thể đi tiếp theo hướng đó".
Nhà báo Ngô Ngọc Văn cho rằng ông Tập tự tin ông đã thu hút được sự hậu thuẫn đồng thuận bên trong Đảng và quốc hội, và ông tự tin thực hành quyền lực của mình và dẫn dắt Đảng Cộng sản để đạt được hai mục tiêu nói trên.
Đài truyền hình trung ương CCTV sẽ sáp nhập thành cơ quan mới
Bình luận về ý nghĩa và của quyết địnhthành lập siêu ủy ban chống tham nhũng và siêu cơ quan tuyên truyền của ông Tập Cận Bình, bà Ngô Ngọc Văn cho rằng những thay đổi này là phương tiện giúp ông Tập đạt được mục tiêu chiến lược.
"Những thay đổi về cơ cấu và trách nhiệm ở các bộ ngành là ngoài sức tưởng tượng. Nhiều bộ sáp nhập thành những bộ lớn hơn," bà nói.
"Có một số bộ mới được ra đời. Chẳng hạn, có thể là học tập từ phương Tây, Trung Quốc sẽ có một bộ phụ trách về phát triển và viện trợ quốc tế. "
"Hôm qua chúng tôi được tin họ sẽ sáp nhập CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc và Phát thanh quốc gia Trung Quốc thành một siêu cơ quan truyền thông mới, Voice of China (Tiếng nói Trung Quốc). "
"Từ nay người dân ở trong nước và nước ngoài sẽ nghe thông tin tuyên truyền chính thức của Trung Quốc qua Tiếng nói Trung Quốc. Điều này gửi ra một dấu hiệu rất mạnh. Tất cả các cơ quan truyền thông giờ đây sẽ phục vụ một mục đích là cho người dân Trung Quốc và cả thế giới biết về tham vọng của ông Tập Cận Bình, về giấc mơ Trung Hoa".
Tất cả những thay đổi như vậy sẽ giúp ông Tập thực hiện chiến lược to lớn của mình, nếu không sẽ chỉ có mục tiêu mà không có phương tiện".
Nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu, trái) của BBC World Service trao đổi tại chương trình Bàn tròn thứ Năm hôm 22/3/2018
Kinh nghiệm cho Việt Nam ?
Khi được hỏi liệu Đảng cộng sản Việt Nam học hỏi được gì từ kinh nghiệm lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, nhà báo Bà Ngô Ngọc Văn nói điều này tùy thuộc lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam muốn đạt được điều gì.
"Nếu họ muốn nắm quyền trong một thời gian dài, hiển nhiên họ cần một lãnh đạo rất mạnh. Nhìn vào ông Tập Cận Bình, ta có thể thấy từ khi ông lên lãnh đạo, ông là người tự tin, có chiến lược và đưa những người ông tin cậy và làm được việc ở quanh ông.
Bà Ngô Ngọc Văn nói chiến dịch chống tham nhũng là một phần rất quan trọng trong chiến lược của ông Tập, bỏ đi những nhân tố xấu trong Đảng để người dân có thêm niềm tin vào đảng cầm quyền.
"Ông Tập Cận Bình đã ra quyết định cứng rắn. Nhiều người Trung Quốc nói "nếu không chống tham nhũng thì đảng sẽ chết". Ông Tập không muốn đảng cộng sản chết, ông muốn đảng là tổ chức cầm quyền chính danh ở Trung Quốc," bà Ngô Ngọc Văn bình luận.
"Trong vòng 4 đến 5 năm qua, ông Tập đã mạnh tay chống tham nhũng. Quan chức có cao cấp đến đâu ông cũng hạ được họ. Ông còn hạ bệ những quan chức hàng đầu trong quân đội mà trước đây không ai dám đụng tới.
Ông Tập Cận Bình và các tướng quân đội, công an Trung Quốc hôm 12/03 ở Bắc Kinh
"Về một góc độ nhất định, ông đã khôi phục được một phần uy tín của đảng. Nếu không có đau đớn thì không có thành quả".
"Ông Tập đã quyết tâm chống tham nhũng và trong quá trình đó cũng loại bỏ được một số đối thủ của mình. Giờ đây ông có thể nói với người dân : "Tôi biết các bạn không hài lòng về tình trạnh tham nhũng, chúng tôi đã ra tay, hãy tin chúng tôi". Đó là thông điệp của ông Tập. "
"Ở Việt Nam, tôi biết có chiến dịch nhắm vào các quan chức cao cấp. Vậy có lẽ họ đã học được điều gì từ Trung Quốc ?
"Có thể họ nghĩ rằng nếu muốn tăng tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ thực sự phải giải quyết vấn đề mà người dân đã quá chán nản," nhà báo Yuwen Wu, người có hàng chục năm làm việc tại BBC Hoa ngữ và Thế giới vụ BBC nói với Bàn tròn thứ Năm.