Nguyễn Tín từng phạm lỗi lầm khi còn là một thanh niên, tại thời điểm anh đang phải vật lộn với cuộc sống mới trên đất Mỹ. Người thanh niên đó đã phải thụ án tù 3 năm trước khi có cơ hội làm lại cuộc đời và trở thành người chồng và người cha với một cuộc sống yên ổn sau gần 30 năm rời bỏ Việt Nam tới Mỹ tìm tự do. Nhưng ‘giấc mơ Mỹ’ của anh giờ đây đang có nguy cơ bị tước mất vì một sai lầm mà anh đã phạm phải cách đây gần 2 thập kỷ.
"Tôi đâu nghĩ những việc mình làm sẽ ảnh hưởng tới tương lai", anh Tín, người hiện có gia đình và 2 con gái ở Houston, Texas, nhưng đã nhận lệnh trục xuất khỏi Mỹ sau khi thụ án vì tham gia một băng nhóm tội phạm.
"Những người như anh Tín đã có lệnh trục xuất ở Houston cũng nhiều", Luật sư Khanh Phạm – người có văn phòng luật ở thành phố nơi cư ngụ của cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở Mỹ nói. "Nói chung họ đã có cái rễ của họ ở đây rồi – có gia đình có con cái. Nếu họ bị trục xuất thì những người thân sẽ bị ảnh hưởng".
Anh Tín và nhiều người Việt bị lệnh trục xuất như anh được bảo vệ bởi một hiệp định ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008 nhưng kể từ khi chính phủ của Tổng thống Donald Trump diễn giải lại hiệp định này, họ đã luôn lo sợ về cuộc sống của mình.
Một dân biểu gốc Việt của tiểu bang Washington nơi cũng có nhiều người Việt sinh sống, đã mạnh mẽ phản đối việc diễn giải lại hiệp định để cho phép trục xuất những người di dân Việt đã đến Mỹ trước năm 1995, như anh Tín, trở lại Việt Nam.
"Họ đã trả giá cho những tội mà họ đã gây ra", Mỹ Linh-Thai, nữ dân biểu Washington đầu tiên từng là người tị nạn Việt nói. "Họ đã hoàn lương".
Nhưng sự hoàn lương đó có giúp họ tiếp tục được thực hiện giấc mơ mà nước Mỹ ban tặng cho họ sau khi rời bỏ Việt Nam ?
Lầm lỡ thời trẻ
Nguyễn Tín cùng gia đình tới Mỹ năm 1992, lúc anh 16 tuổi. Giống như nhiều gia đình người Việt, bố anh từng là một sỹ quan trong quân đội miền Nam.
Những năm tháng mới đến Mỹ là những ngày tháng vật lộn với sự hòa nhập vào xã hội của anh Tín.
"Thực sự lúc đó không có tương lai – tiếng Anh không biết như người câm, nghe không hiểu như người điếc, ra đường bị kỳ thị", anh Tín nói. Gia đình là điểm tựa duy nhất lúc đó đối với anh Tín nhưng "khó khăn cơm áo gạo tiền cùng với áp lực trong cuộc sống" nên thay vì tìm hiểu con cái thì cha mẹ lại la mắng anh. "Tôi nghĩ rằng cha mẹ không thương mình nên chán nản, theo bạn bè ăn nhậu, làm bậy, lầm đường lạc lối".
Nguyễn Tín bị bắt vì tội cướp giật và có thời gian bị sở di trú giam giữ trước khi được thả vào năm 1997.
Giống như anh Tín, Phan Thành cũng từng phải thi hành án tù vì một sai lầm lúc còn trẻ. Cùng gia đình qua Mỹ năm 1993 lúc 11 tuổi và hiện là một cư dân ở bang Texas, anh Thành bị án tù 3 năm vì tàng trữ thuốc lắc MDMA và sau đó bị tạm giam ở sở di trú 90 ngày trước khi được thả ra.
Một người tị nạn Việt Nam cũng từng phạm lỗi lầm khi còn là vị thành niên là Nguyễn Triệu. Bố mẹ mất sớm, anh Triệu vướng vào vòng lao lý với 2 lần phạm tội đánh lộn và ăn cắp ô tô. Anh nhận lệnh trục xuất năm 1997 ở tuổi 17.
Dù đều nhận lệnh trục xuất khỏi nước Mỹ nhưng anh Tín, Thành và Triệu vẫn được sống và làm việc trên đất Mỹ, một phần vì chính phủ Việt Nam không nhận họ trở lại. Nhưng hơn thế họ được bảo vệ bởi một biên bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008, trong đó Mỹ cam kết không trục xuất những người tị nạn Việt Nam sang Mỹ trước ngày 12/7/1995.
Ba người đàn ông này đều đã tu chí làm lại cuộc đời. Sau khi được thả, giờ đây họ đều có gia đình cùng vợ con, nhà riêng, và tìm được công việc ổn định thậm chí với một nguồn thu nhập tốt. An Tín, 43 tuổi, có hai người con gái, và anh Thành, 37 tuổi, cũng có hai người con gái sau 10 năm ra khỏi tù.
Còn anh Triệu, 41 tuổi, thì cảm thấy "may mắn" khi có được một gia đình với 5 người con.
‘Số ng trong sợ hãi’
Giống như anh Tín, anh Thành và Triệu đều tới Mỹ trước năm 1995, năm mà Việt Nam và Hoa Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao.
Anh Thành tới Mỹ năm 1993 lúc 11 tuổi sau 3 năm sống trong một trại tị nạn trên đảo Galang của Indonesia trong khi anh Trriệu tới Mỹ vào năm 1980, lúc mới 2 tuổi.
Với họ nước Mỹ đã trở thành quê hương thứ hai, dù họ đã từng phạm tội, bởi vì sau đó đã "hoàn lương" để có được công ăn việc làm và đóng thuế cho nhà nước Mỹ. Họ biết rằng đó là con đường duy nhất để trở thành một người lương thiện.
"Trong thời gian thụ án, tôi cố gắng học tiếng Anh", anh Tín chia sẻ. "Tôi nhận ra sai lầm và cố gắng làm một người bình thường".
Anh Tín đã đi học toàn thời gian trong 2 năm để lấy được bằng cao đẳng chuyên ngành. Gia đình anh Tín từng mở một tiệm làm nail nhỏ trước khi anh chuyển sang làm cho một hãng xưởng ở Houston.
"Mỗi năm tôi đi trình diện một lần ở sở di trú", anh Tín nói. "Tôi được cấp giấy đi làm. Cuộc sống khá yên tâm và thoải mái. Họ không đả động gì về trục xuất cả".
Nhưng đó là trước khi Donald Trump lên làm tổng thống.
"Họ siết chặt vấn đề di trú và không còn tôn trọng MoU (hiệp định ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008)", anh Tín nói về sự thay đổi trong chính sách di trú mà ông Trump áp dụng không lâu sau khi lên nhậm chức vào tháng 1/2017. "Họ không cần biết những người đó đến trước hay sau 1995. Họ bắt đầu trục xuất".
Số lượng người có quốc tịch Việt Nam bị trục xuất khỏi Mỹ tăng vọt trong 3 năm trở lại đây dưới thời chính quyền Trump, với tổng số 284 người, theo số liệu thống kê của cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) cung cấp cho VOA. Đây là một sự tăng "chưa từng có" so với trước đây, theo dân biểu Alan Lowenthal nhận định hồi tháng trước.
Hơn hai năm trở lại đây, anh Tín cho biết anh "lúc nào cũng sống trong sợ hãi" khi nghĩ rằng "sở di trú có thể đến bắt mình đi bất cứ lúc nào".
Sự diễn giải lại hiệp định của chính quyền Tổng thống Trump cũng đã làm cuộc sống của anh Thành "thay đổi rất nhiều".
"Trước đây biết rằng Việt Nam và Mỹ không trục xuất những người qua trước 1995 nên mình sống như một công dân bình thường và cố gắng tạo cuộc sống cho tương lai sáng ngời", anh Thành, người hiện có 1 cửa hàng ăn ở Texas bên cạnh công việc tốt ở một hãng xưởng.
"Còn bây giờ tới tháng hàng năm đi trình diện không biết họ sẽ bắt mình luôn hay không", anh Thành nói và cho biết sự khủng hoảng của anh cũng ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, tới người thân khi anh "không tập trung để làm những việc mà trước đó thường làm" cũng như lo sợ mất việc và không có kế hoạch lâu dài cho tương lai.
Còn anh Triệu đã gây dựng được một công việc dinh doanh mà anh nói là có thu nhập hàng năm lên đến hơn chục triệu USD. Tuy nhiên anh "hiện không dám có kế hoạch lâu dài vì không biết được sống ở đây bao lâu nữa hay phải đi nơi khác".
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thường bắt trước rồi trục xuất sau, theo anh Triệu. Do đó, "kể từ khi Tổng thống Trump diễn giải lại MoU, giờ đây tôi không ngủ được", người đàn ông hiện đang sống ở Florida nói và cho biết anh đã "già hơn 10 tuổi kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống".
Giấc mơ Mỹ sẽ tan ?
Theo diễn giải của chính quyền Tổng thống Trump đối với hiệp định ký kết năm 2008, những người di dân Việt Nam dù sang Mỹ trước ngày 12/7/1995 mà bị lệnh trục xuất do có tiền án tiền sự thì vẫn bị đưa về Việt Nam. Do đó, những người đã từng thụ án tù từ cách đây hàng vài chục năm như anh Tín, Thành và Triệu, đều lo sợ mình sẽ bị trục xuất vì sự thay đổi chính sách này.
ICE đã trục xuất 77 người mang quốc tịch Việt Nam trong năm tài chính 2019, giảm hơn so với con số 122 vào năm 2018, theo thống kê của cơ quan này. Số lượng người Việt Nam bị trục xuất trong 3 năm, kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống vào năm 2017, nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó, tính từ khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra thống kê cách đây 16 năm.
Chính phủ Việt Nam, dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, đã nhận lại một số người. Nhưng theo tài liệu tòa án từ một vụ kiện chống lại ICE hồi tháng 1/2018, Việt Nam sau đó dường như đã ngừng tiếp nhận những người Việt đến Mỹ trước 1995 và bị lệnh trục xuất. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ICE cho biết "cơ quan này sẽ tiếp tục thương thảo với chính quyền Việt Nam" về việc này.
Trục xuất những người mang quốc tịch Việt Nam bị kết án là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền đương nhiệm, theo phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa Katie Waldman. Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Việt Nam và 8 nước khác vào danh sách các nước "ngoan cố" vì không sẵn sàng chấp nhận công dân của mình bị Mỹ trục xuất.
"Nếu chính phủ Việt Nam chấp nhận có nghĩa là những người này phải đi vì nước Mỹ đã ra lệnh trục xuất cuối cùng rồi", Luật sư Khanh Phạm nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về việc liệu họ có nhận lại những người tị nạn Việt đã tới Mỹ trước năm 1995 hay không. Nhà Trắng cũng không trả lời liệu chính quyền Trump có đang thương tảo với phía Việt Nam về việc này hay không.
Người phát ngôn của ICE, Page Hughes, cho biết rằng cơ quan này không còn miễn trừ những người đã nhận lệnh trục xuất khỏi bị trục xuất trong tương lai. "Tất cả các cá nhân vi phạm luật di trú của Mỹ có thể bị bắt giữ, bị giam giữ và, nếu nhận lệnh trục xuất cuối cùng, sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ", bà Hughes nói.
Cơ hội thứ 2
Vì đều đã phạm tội ở tuổi vị thành niên, anh Tín, Thành và Triệu đều không thể trở thành công dân của nước Mỹ và họ đều đã nhận lệnh trục xuất cuối cùng.
Hàng năm họ trình diện với sở di trú về việc tuân thủ luật pháp sau khi được thả và được gia hạn giấy phép làm việc cho mỗi năm. Họ đều đã có cuộc sống yên ổn với những gia đình hạnh phúc và những đứa con của họ là những công dân Mỹ và đang có một tương lai tươi sáng ở phía trước.
"Làm sao mà con minh còn nhỏ có thể trưởng thành nếu một ngày mình bị bắt và bị trục xuất", anh Tính, người có một đứa con gái tuổi 13 và một sắp lên 3, nói và mong rằng các con của anh sẽ không "mắc phải những sai lầm như cha của chúng đã mắc phải cách đây hơn 20 năm".
"Những chuyện mình làm thời trẻ lúc mười mấy tuổi mà hậu quả lại tàn nhẫn đến như vậy", anh Tính nói. "Nạn nhân trước hết lại là chính những đứa trẻ mang dòng máu Việt nhưng có quốc tịch Mỹ và sinh ra ở Mỹ".
"Nước Mỹ là ‘Land of Opportunity’ (Miền đất hứa) và ai cũng có những lỗi lầm", anh Thành nói và "cám ơn" nước Mỹ đã cho gia đình anh làm lại từ đầu sau khi rời khỏi Việt Nam. "Sẽ không công bằng khi cho tôi làm lại từ đầu rồi bây giờ lại tước đi cái mà họ đã ban cho tôi".
"Tôi đã từ bỏ Việt Nam và tìm được quê hương mới", anh Triệu nói với vốn liếng tiếng Việt ít ỏi vì chưa một lần trở về Việt Nam kể từ khi đặt chân tới Mỹ lúc anh còn chưa biết nói. "Nhưng giờ đây tôi có nguy cơ phải bị trục xuất khỏi nơi đã là quê hương mới của mình".
Giống như anh Tín và Thành, anh Triệu lo lắng nếu bị trục xuất thì gia đình anh sẽ bị chia rẽ trong khi anh là người lo thu nhập chính nuôi toàn bộ gia đình.
Theo Luật sư Khanh Phạm, những người như anh Tín, Thành và Triệu đã "xin tị nạn để được nước Mỹ bảo vệ mà bây giờ bị trục xuất thì cái đó không công bằng đối với họ. Những người, cho dù có lệnh trục xuất nhưng vẫn đi làm, đóng thuế và an sinh xã hội thì vẫn góp ích cho nền tảng của nước Mỹ".
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến cho hàng triệu người dân Việt Nam phải rời bỏ đất nước khi quân đội miền Bắc tràn vào "giải phóng" miền Nam đồng thời thiết lập chế độ Cộng sản trên toàn nước Việt Nam từ năm 1975.
Hàng trăm nghìn người trong số đó đã rời bỏ Việt Nam trước khi chiến tranh chính thức kết thúc ngày 30/4/1975 và hàng trăm nghìn người khác tiếp tục tới "miền đất hứa này" để tìm "giấc mơ Mỹ" trong những năm tiếp theo của thập niên 1980, 1990 vì không thể sống dưới chế độ cộng sản.
Đại sứ Mỹ ở Hà Nội Ted Osius đã xin thôi việc sớm hơn dự kiến vì phản đối việc trục xuất di dân Việt của chính quyền Trump. Tháng 12 năm ngoái, 26 dân biểu Mỹ đã đồng ký tên vào một bức thư gửi Tổng thống Trump để phản đối việc thỏa thuận lại MoU 2008 vì cho rằng việc trục xuất hàng nghìn di dân Việt sẽ "làm tan nát các gia đình cũng như phá vỡ các cộng đồng di dân và người tị nạn ở Mỹ".
Mỹ-Linh Thai, người đấu tranh cho việc chống trục xuất người tị nạn Việt, cũng cho rằng những người như anh Tín, Thành và Triệu có thể sẽ "bị chấn thương một lần nữa" nếu bị trục xuất khỏi nước Mỹ.
"Họ giờ đây đã có gia đình và con cái", Mỹ-Linh Thai nói. "Và những đứa con của họ là tương lai của nước Mỹ. Những đứa trẻ đó có tiềm năng để trở thành những người đóng góp nhiều nhất cho đất nước này".
Mai Quyền, một người cũng đối mặt với lệnh trục xuất mới được thống đốc bang California ân xá, nói rằng sẽ là "một nỗi đau cho những người này và những đứa trẻ cũng như vợ chồng họ khi thấy họ bị trục xuất". Người đàn ông 36 tuổi, từng được vinh danh "anh hùng cộng đồng" vì những đóng góp cho tiểu bang California, cho rằng "họ xứng đáng có được cơ hội thứ 2". Và anh Quyền đang nỗ lực hết mình để giúp những người đang đối mặt trục xuất sẽ có cơ hội được ân xá như anh.
Ở Houston, anh Tín hy vọng cộng đồng người Việt đồng lòng lên tiếng tới các dân biểu nhằm gây ảnh hưởng để chính quyền Trump tôn trọng MoU đã ký năm 2008 và gia đình anh cũng như những gia đình khác không bị chia lìa.
(Trừ Nguyễn Tín, các tên nhân vật khác đã được thay đổi theo yêu cầu của người được phỏng vấn)
Nguồn : VOA, 07/12/2019
Bỉ kết án tù một người gốc Việt vì tội buôn người (VOA, 19/11/2019)
Một tòa án ở Brugges của Bỉ đã kết án một người đàn ông gốc Việt hơn 3 năm tù vì tội buôn người do đưa những người có quốc tịch Việt Nam vào nước này bất hợp pháp.
Cảnh sát Bỉ phát hiện tám người Việt Nam bên trong một chiếc xe tải gần thị trấn duyên hải Newport. Một người đàn ông gốc Việt đã bị kết án hơn 3 năm tù vì đưa lậu những người này vào Bỉ. (Screenshot of Brussels Times - Credit : © Belga)
Người đàn ông 45 tuổi, không được công bố danh tính và hiện đang sinh sống tại thành phố Brussels, đã bị một tòa án ở Quebeces kết án 37 tháng tù, trong đó có một tháng tù treo, theo Brussels Times.
Bị cáo gốc Việt phải ra hầu tòa sau khi cảnh sát phát hiện tám người Việt Nam, trong đó có ba trẻ vị thành niên, bên trong một chiếc xe tải đậu ở Oostduinkerke, gần thị trấn duyên hải Newport.
Bị cáo này thú nhận đã sắp xếp vận chuyển trái phép người Việt Nam từ Brussels đến West Flanders và tới phía bắc nước Pháp kể từ tháng 1. Tuy nhiên, người đàn ông này nói rằng ông không thực hiện hành vi buôn người mà chỉ muốn giúp đỡ những người đồng hương Việt Nam, theo thông tin mà Brussels Times trích dẫn từ Metro.
Dựa theo các tài liệu điều tra, chính quyền Bỉ tin rằng bị cáo có liên quan tới việc đưa ít nhất 40 người nhập cảnh trái phép. Brussels Times cho biết, dữ liệu trong điện thoại mà các giới chức an ninh thu được cho thấy bị cáo dùng mật danh ám chỉ những người được vận chuyển là "gà", còn phương tiện dùng để vận chuyển người lậu là "ngựa".
Luật sư của bị cáo nói rằng thân chủ của ông "không làm giàu" bằng việc vận chuyển người và bị cáo chỉ được "hứa" sẽ nhận được 220 USD để đưa 8 người từ Brussels tới Oostduinkerke.
Các công tố viên đề nghị mức án 5 năm tù giam và phạt 70.500 USD, nhưng tòa đã tuyên một bản án nhẹ hơn.
Thông tin về bản án cho đối tượng này được đưa ra sau vụ việc 39 thi thể người nhập cư trái phép được tìm thấy trong một xe tải container lạnh di chuyển từ Bỉ sang Anh hồi tháng trước. Cơ quan chức năng Anh đã xác nhận 39 nạn nhân đều mang quốc tịch Việt Nam.
Phát hiện này đã khiến các nhà chức trách tăng cường nỗ lực kiểm soát nạn buôn lậu có tổ chức phát xuất từ Bỉ, với việc chính quyền Anh tuyên bố triển khai lực lượng chuyên trách nhập cư đến cảng Zeebrugge của Bỉ.
*********************
Thống đốc California ân xá di dân Việt bất chấp chính quyền Trump tăng cường trục xuất (VOA, 19/11/2019)
Thống đốc Gavin Newsom vừa ân xá cho hai người tị nạn Việt Nam tới Mỹ lúc còn trẻ, nhằm ngăn lệnh trục xuất họ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường các nỗ lực đưa người gốc Việt có tiền án tiền sự trở về nơi họ đã ra đi.
Dat Vu, trái, một cư dân gốc Việt ở Santa Clara County vừa được thống đốc bang California ân xá để giảm nguy cơ bị trụ xuất khỏi nước Mỹ trong khi chính quyền Tổng thống Trump tăng cường nỗ lực đưa người gốc Việt từng phạm tội về trở lại Việt Nam.
Lệnh ân xá cho hai cư dân California gốc Việt, Quyen Mai và Đat Vu, được Thống đốc Newsome thông báo hôm 15/11, thông báo của Văn phòng Thống đốc Newsom.
Đây là lệnh ân xá mới nhất của ông Newsom, thống đốc thuộc Đảng Dân chủ, dành cho những người nhập cư có tiền án tiền sự, bất chấp chính quyền Tổng thống Trump tăng cường nỗ lực trục xuất họ về nước.
Hai người gốc Việt này đều là cư dân của Quận Santa Clara, đều từng phạm tội năm 19 tuổi và đang đối mặt với lệnh trục xuất về Việt Nam.
Quyen Mai, 36 tuổi, đến Mỹ năm 11 tuổi và từng bị kết án gần 3 năm tù vào năm 2005 vì là tòng phạm trong một vụ nổ súng, theo thông tin của Văn phòng Thống đốc California được AP trích dẫn. Anh hiện là giám đốc điều hành của Quỹ Tình nguyện Việt Nam với nhiều giải thưởng về phục vụ cộng đồng và là người khởi xướng chương trình talkshow trên radio đầu tiên của giới trẻ gốc Việt tại Mỹ.
Vu Dat, 38 tuổi, đến Mỹ năm 9 tuổi và bị kết án năm 2000 vì tấn công 3 người đàn ông trong 2 vụ việc riêng biệt và đe dọa một nhân chứng. Anh hiện đã kết hôn với một công dân Mỹ và có hai con nhỏ.
Ngoài hai người gốc Việt được ân xá hôm 15/11 còn có một người đến từ Campuchia và cũng từng phạm tội cách đây 2 thập kỷ, lúc 19 tuổi.
Văn phòng của Thống đốc Newsom nói rằng hành vi phạm tội của những người này đều xảy ra cách đây ít nhất 16 năm và gọi lệnh trục xuất hiện nay là "một hệ quả bất công gây tổn hại đến gia đình và cộng đồng của họ".
Hồi tháng 8, ông Newsom từng ân xá cho 7 người nhập cư, trong đó có một người gốc Việt tên Quoc Nguyen.
Theo luật pháp Mỹ, lệnh ân xá không tự động giúp người từng phạm tội tránh khỏi bị trục xuất ví nó không tự động xóa bỏ tiền án tiền sự của họ, yếu tố khiến họ bị phát lệnh trục xuất. Tuy nhiên, quyết định ân xá có tác dụng nhấn mạnh sự hoàn lương của người đó sau khi phạm tội, theo AP.
Trục xuất chưa từng có
Số lượng người có quốc tịch Việt Nam bị trục xuất khỏi Mỹ tăng vọt trong 3 năm trở lại đây, với tổng số 284 người, theo số liệu thống kê của cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) cung cấp cho VOA. Đây là một sự tăng "chưa từng có" so với trước đây, theo dân biểu Alan Lowenthal nói hồi tuần trước.
Chính quyền Tổng thống Trump được cho là đang tìm cách diễn giải lại một hiệp định được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 2008, trong đó bảo vệ những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 không bị trục xuất về nước cho dù họ có phạm tội.
Nỗ lực này của chính quyền Trump đã vấp phải phản đối từ cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như nhiều nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ.
Tuần trước, một buổi điều trần với các nhân chứng về sự tăng đột biến số lượng người gốc Đông Nam Á và Thái Bình Dương bị bắt giữ và bị trục xuất khỏi Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã diễn ra tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington.
Đưa ra một ví dụ về sự tăng vọt này, dân biểu Alan Lowenthal, đại diện tiểu bang California nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Mỹ, nói rằng số lượng người gốc Việt bị trục xuất dưới thời Tổng thống Trump tăng gần 180%.
"Chính quyền Trump ít quan tâm đến hậu quả của chính sách trục xuất tàn nhẫn và bừa bãi của họ đối với các gia đình và cộng đồng", dân biểu Lowenthal nói. "Nhiều người trong số những người này không biết về quê hương nào khác ngoài Mỹ".
Theo ông Lowenthal, đây là một vấn đề nhân quyền "đòi hỏi một giải pháp nhân đạo và nhân ái". Một giải pháp mà vị dân biểu này nói "sẽ tiếp tục đấu tranh".
"Chúng ta không thể đơn giản gạt bỏ các thành viên trong cộng đồng của mình và trục xuất họ đến một nơi mà họ không biết", dân biểu đại diện địa hạt 47 của California nói. "Điều này rõ ràng là sai và không phải là những gì chúng ta đại diện cho một quốc gia".
Sao phải ra đi ?
Nguyễn Lân Thắng, RFA, 28/102/2019
Mấy hôm nay chuyến đi tử thần của 39 con người trong chiếc xe container là một chủ đề gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng xã hội Việt Nam. Người thì xót xa và tiếc thương cho những ai xấu số. Người thì lại hả hê vì trong số người chết có một nạn nhân từng chia sẻ status tỏ ý đồng tình với hình ảnh lực lượng cảnh sát cơ động giáp khiên đầy đủ đi đàn áp người dân. Tôi cho rằng đây là một sự kiện rất đáng buồn, nhưng chỉ dừng lại ở việc tiếc thương là không đủ. Tôi cũng đồng ý rằng có nhiều ai đó đã có những hành vi không tốt, nhưng chỉ dừng lại ở việc phê phán người khác mà không rút ra bài học cho mình là không đủ. Vì thế tôi muốn bàn sâu sự việc này theo góc nhìn của tôi, để nghe thêm những ý kiến thảo luận, và để tự rút ra bài học cho chính mình.
Chuyến đi tử thần của 39 con người trong chiếc xe container là một chủ đề gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng xã hội Việt Nam
Đi và đến là một hành vi rất bình thường của con người trong đời sống. Có khi là để đến nơi họ muốn. Có khi là để rời bỏ khỏi nơi mà họ không muốn ở lại. Dẫu cho chủ đích của hành vi này được xác định như thế nào thì đi và đến là một sự kiện có thể cho ta nhiều bài học.
Nếu chỉ bằng sự phán xét đơn thuần thì ai cũng thấy chuyến đi của 39 con người trong xe container đông lạnh đến nước Anh thật là điên rồ. Họ đã đến nơi, nhưng không đến được cái đích thật sự mà họ mong muốn. Và họ không phải là trường hợp duy nhất trên đất nước này. Từ sau 30/4/1975 người Việt chúng ta đã có hàng triệu cuộc ra đi. Có người đến đích. Nhưng cũng có nhiều người phải nằm lại ở đâu đó trên hành trình mà họ đã lao vào.
Những hành trình bi thương mà người Việt chúng ta trải qua sau hơn 40 không hề chấm dứt. Nếu như trước đây đoàn người vượt biển lênh đênh không đích đến cụ thể, miễn là thoát khỏi nơi họ từng sống, thì ngày nay có hàng triệu người vẫn bỏ nước ra đi, miễn là đến nơi nào cho họ cơm áo gạo tiền. Và câu hỏi đầu tiên là tại sao Việt Nam có quá nhiều người ra đi ?
Nếu chỉ lấy lý do kinh tế làm căn cứ tranh luận thì bạn sẽ giải thích thế nào về việc có quá nhiều người giàu có ở Việt Nam cho con đi tỵ nạn giáo dục, và chính bản thân họ cũng tìm cách đi tỵ nạn bằng hình thức đầu tư. Ngay chính gia đình các nạn nhân xấu số vừa rồi cũng thừa nhận phải thế chấp sổ đỏ hoặc bỏ tiền mặt lên đến 1 tỷ để chui vào container. Câu hỏi thứ hai là tại sao họ chấp nhận rủi ro mà không để tiền bạc đó ở nhà làm ăn ?
Việt Nam bây giờ có vô số lớp học dạy làm giàu kiểu như thầy Lê Thẩm Dương. Đảng và nhà nước thì luôn tự hào về ngành giáo dục nước nhà ngày càng đi lên. Câu hỏi thứ ba là tại sao người ta ào ào bỏ đi, trong khi có vẻ đâu có thiếu cơ hội để nâng cao năng lực nhằm tìm kiếm đời sống tốt hơn ?
Ai ở trong đời cũng mong muốn được sống giàu có và hạnh phúc. Có điều hành trình tìm kiếm các giá trị này của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Câu hỏi thứ tư là tại sao có nhiều người tin rằng việc chui vào thùng container dễ dàng đi đến đích hơn con đường khác ?
Cảnh người lao động Việt Nam sống bất hợp pháp ở nước ngoài là đề tài của rất nhiều bài báo và phóng sự quốc tế. Hộ chiếu Việt Nam được đánh giá có uy tín thấp vào hàng thấp nhất thế giới. Khách du lịch Việt Nam giàu có ra nước ngoài rất dễ bị kỳ thị, từ chuyện nhập cảnh, chuyện vào nhà hàng cho đến khi vào các khu vui chơi giải trí khắp nơi. Câu hỏi thứ năm là người Việt chúng ta muốn là ai ? Là chủ nhân của một đất nước được tôn trọng ? Hay là quyết chui vào những cái thùng mong làm công dân hạng hai ở các nước khác ?
Tôi đã hỏi năm câu hỏi, và tôi biết bạn đang nghĩ gì rồi. Xin hãy gạt qua một bên những quan điểm khác nhau về mặt chính trị, hãy cùng nhau suy nghĩ về một câu hỏi cuối cùng. Câu hỏi thứ sáu là chúng ta có thể mơ ước và làm gì hơn nữa để đất nước này thôi hết khổ đau ?
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 28/10/2019 (nguyenlanthang's blog)
*******************
Nạn buôn người : Một vấn đề chính trị
Phạm Phú Khải, VOA, 28/10/2019
The personal is political – Vấn đề cá nhân là (phạm trù) chính trị
Linh mục Đăng Hữu Nam nói về 39 nạn nhân tại Anh Quốc.
Sự kiện 39 thi thể được tìm thấy trên thùng của chiếc xe vận tải tại gần thủ đô London của Anh, trong đó có thể có nhiều người Việt, làm cho chúng ta lắm suy ngẫm.
Nó cũng gây sốc cho toàn thế giới. Hầu hết các cơ quan truyền thông, chính mạch cũng như các cộng đồng sắc tộc, đều loan tải tin tức này.
Cuộc điều tra này sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra danh tính cũng như về nguyên do đưa đến cái chết của 39 người, và ngọn ngành của đường dây buôn người phức tạp này.
Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nạn buôn người của thế kỷ 21 ngày càng tinh vi hơn, chặt chẽ hơn, và cũng thô bạo/dã man hơn.
Nó là vấn đề nô lệ mới của thời đại này.
Theo bản báo cáo năm 2009 của Văn phòng về Ma túy và Tội phạm thuộc Liên Hiệp Quốc (UNODC) dựa trên dữ liệu thu thập từ 155 quốc gia, nó cho ra một bức tranh tổng thể về vấn đề buôn lậu người, tuy không hoàn chỉnh vì thiếu dữ kiện chính xác.
Antonia Maria Costa, Tổng Giám đốc văn phòng này cho biết vài điểm đáng quan ngại trong buổi ra mắt bản báo cáo này tại New York [1]. Một, rất nhiều chính quyền vẫn trong tâm trạng phủ nhận vấn đề này, vẫn lơ là trong trách nhiệm báo cáo và truy tố các trường hợp buôn người này. Tuy số tiền án buôn người ngày càng gia tăng, hai trong năm quốc gia trong bản báo cáo không ghi vào biên bản bất cứ một tiền án nào. Hai, hình thức buôn người phổ biến nhất là khai thác tình dục, chiếm 79 phần trăm, mà chủ yếu là phụ nữ và thiếu nữ ; sau đó là cưỡng bách lao động, chiếm 19 phần trăm (nhưng theo Costa thì con số này có thể không chính xác vì ít bị phát hiện và báo cáo) ; trên toàn thế giới, có đến 20 phần trăm nạn nhân là trẻ em. Ba, ông lo ngại rằng vấn đề buôn người là thật sự lớn hơn rất nhiều, nhưng không thể chứng minh vì thiếu dữ liệu, trong khi nhiều chính quyền thì cản trở nó. Ông Costa cảnh báo rằng nếu không có đầy đủ kiến thức, dữ liệu thì chúng ta sẽ chiến đấu với vấn đề này như đang bị bịt mắt.
Bản báo cáo này cho biết về nạn nhân người Việt như sau : có 3 nạn nhân tại Thái Lan (năm 2005-2007), 6 tại Tiệp Khắc (năm 2005-2006). Nhưng bản báo cáo không cho biết nạn nhân người Việt tổng cộng trên thế giới là bao nhiêu. Tuy nhiên số người bị bắt liên quan đến buôn lậu người đối với phụ nữ và trẻ em là : 289 thủ phạm năm 2005 ; 454 năm 2006 ; 606 năm 2007. Số người bị điều tra thì nhiều hơn số trên, bị truy tố thì ít hơn, và bị kết án thì ít hơn nữa. Nếu số thủ phạm nhiều như thế thì số nạn nhân có thể ít nhất gấp 100, nếu không phải gấp 1000 lần.
Điều đáng nói là vào năm 2008, chỉ có 30 nhân viên của Bộ Công an làm việc toàn thời để chống lại nạn buôn người. Trong khi đó, lực lượng công an chính thức bao nhiêu người thì là "bí mật quốc gia", nhưng rất nhiều người Việt tin rằng nó có thể lên đến hàng triệu công an. Để làm gì mà nhiều thế ? Cũng là "bí mật quốc gia", mà ai cũng biết là "bảo vệ chế độ".
Bản báo cáo này cách đây 10 năm. Tình trạng ngày hôm nay có lẽ còn bi đát hơn.
Theo bản tin của UNODC vào đầu năm nay 2019 thì các trường hợp buôn người đã vượt đến con số kỷ lục trong vòng 13 năm qua, một phần vì những nước tham gia báo cáo các trường hợp buôn người gia tăng từ 26 lên 65 quốc gia [2]. 30 phần trăm trong số này là trẻ em, mà phần lớn là bé gái [3]. Gia tăng xung đột, tranh chấp giữa các giáo phái, thiếu nền pháp luật vững mạnh để bảo vệ người dân v.v… đã góp phần tạo nên bức tranh này. Bản báo cáo mới nhất cho biết nạn nhân từ Đông Á (bao gồm Việt Nam) và Thái Bình Dương chiếm 10 phần trăm tổng số, và tại địa bàn Tây và Nam Âu châu, số nạn nhân từ vùng này chiếm tỷ lệ 9 phần trăm tại đây [4].
Ở đây cũng cần nhấn mạnh hai định nghĩa khác nhau, theo Liên Hiệp Quốc [5]. Buôn lậu người, tức people trafficking, mang tính cách cưỡng bách, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền hành v.v… để trục lợi ngoài ý muốn của nạn nhân. Nhập lậu người, tức people smuggling, diễn tả sự di chuyển người bất hợp pháp mà nạn nhân trả tiền cho dịch vụ đó. Tất nhiên có rất nhiều trường hợp ban đầu nhập lậu nhưng trở thành buôn lậu về sau.
Theo Tổ chức Lao Động Quốc tế thì ước đoán có 40,3 triệu nạn nhân nhập lậu người trên thế giới, và chỉ nội tuyến đường từ Phi sang Âu và Phi sang Nam Mỹ đã tạo ra 7 tỷ đô la Mỹ hàng năm [6]. Con số nạn nhân buôn người chính thức tại Anh là 7 ngàn, nhưng con số thật sự cao hơn nhiều, ước đoán 20 đến 40 ngàn một năm. Được biết năm 2000, mỗi người Trung Quốc phải trả 20 ngàn bảng Anh (pound) để được vào đây.
Theo tổ chức từ thiện ECPAT, viết tắt cho Every Child Protected Against Trafficking, thì trường hợp trẻ em Việt Nam bị buôn người vào Anh được giới thiệu đến cơ quan này gia tăng đáng kể, từ 135 năm 2012 lên 704 năm 2018 [7]. Cũng theo bài báo của Amelia Gentlemen trong tờ The Guardian này thì cô Phạm Thị Trà Mi đã trả đến 30 ngàn bảng Anh để được nhập lậu vào Anh, nhưng số tiền này đã được hoàn trả cho gia đình cô khi hay tin cô qua đời. ECPAT cho biết từ năm 2009 đến 2018 có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam bị buôn lậu, và trong những năm qua công dân Việt Nam, người lớn lẫn trẻ em, đứng hàng thứ ba nạn nhân bị buôn lậu vào Anh [8].
Tại sao là Anh ? Theo tiến sĩ Tamsin Barber thì Anh có lẽ là địa điểm phổ biến nhất tại Âu Châu vì người ta đến đây có thể tìm được việc làm và gửi tiền về cho gia đình, và tại đây có mạng lưới giúp đỡ những người mới đến, chỗ ở và công việc, và tại đây có nhu cầu cao cho các tay nghề thấp làm việc tại nhà hàng, tiệm móng tay, và kỹ nghệ trồng cần sa lậu [9]. Các cuộc nghiên cứu cho biết họ thường bay sang Nga (50 ngàn visas cung cấp bởi Nga cho người Việt mỗi năm), từ đó đi bằng đất liền sang các nước Belarus, Ukraine, Ba Lan, Tiệp, Đức, Hòa Lan, và Pháp [10]. Có trường hợp để tránh phát hiện, trẻ em phải đi bộ qua các khu rừng, hoặc có khi bởi xe hơi, xe tải và thuyền bè.
Sự kiện 39 thi thể nạn nhân được phát hiện vừa qua phần nào là giọt nước tràn ly. Những báo cáo trước đây tuy đáng quan ngại nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức [11]. Nó phần nào cho thấy bức tranh tổng thể có lẽ bi thảm, tàn bạo và nguy bách thế nào. Những cái chết đau thương và đầy oan ức này hy vọng đánh thức lương tâm nhân loại, để các quốc gia trên thế giới có những chủ trương, chính sách, pháp luật và nỗ lực phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để bảo vệ nạn nhân, và để điều tra và truy tố thủ phạm. Các nước văn minh tiến bộ cần phải nỗ lực hơn nữa, bởi vì họ biết rõ nguyên tắc buôn người cũng dựa trên yếu tố căn bản : cung và cầu. Cầu xuất phát nhiều nhất từ các nước nghèo, các nhà nước thất bại. Cung từ các nước giàu có, các nhà nước dân chủ cấp tiến. Người dân của những nước nghèo muốn có cơ hội tìm công ăn việc làm, để làm ra tiền, và vì túng quẫn cùng cực nên họ chấp nhận mọi thử thách, mọi khó khăn, vì họ xem đó là cơ hội gần như duy nhất và hiệu quả nhất để thay đổi cuộc đời họ. Khi có cầu thì sẽ có cung. Thành phần trục lợi không một chút lương tâm thì ở đâu cũng có.
Sau cùng, điều đáng nói ở đây là phản ứng của các quốc gia mà nạn nhân đến từ đó. Trung Quốc sau khi nghe tin này thì phản ứng đầu tiên của họ là đổ lỗi cho nước Anh [12]. Tờ Global Times nói rằng Anh quốc phải chịu trách nhiệm phần nào về những cái chết này, yêu cầu Anh phải điều tra nguyên do. Những yêu cầu này vừa dư thừa vừa trịch thượng/lố lăng. Dư thừa vì bất cứ một cái chết nào, của công dân hay không công dân mình, tại Anh Úc Mỹ Canada Tân Tây Lan hay các quốc gia dân chủ pháp trị, đều được điều tra kỹ lưỡng và được công bố minh bạch. Lố lăng vì họ không hề bày tỏ một chút quan tâm gì đến nạn nhân. Không một biểu hiện nào cho thấy mạng sống con người có giá trị nào đó, và không hề có những quan tâm đến các tổn thương, mất mát, đau khổ… của cha mẹ, thân nhân, những người còn đang sống.
Tại nhiều nước dân chủ cấp tiến, nhưÚc chẳng hạn, khi một công dân, hoặc không phải công dân của mình, bị chết, nhất là bị chết oan và bi thảm, nó làm rúng động cả quốc gia. Thủ tướng, thủ hiến, dân biểu, thượng nghị sĩ trong vùng v.v… không chỉ gọi gia đình chia buồn mà còn sắp xếp để dự tang lễ.
Mạng sống con người, dù bất cứ ai, đều quan trọng. Buôn người là một phạm trù chính trị mà vai trò đầu tiên là thuộc mọi chính quyền. Mọi chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình một cách tốt nhất có thể.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 28/10/2019
Tài liệu tham khảo :
1. "UNODC report on human trafficking exposes modern form of slavery ", United Nations Office on Drugs and Crime, Accessed on 27 October 2019.
2. "Human trafficking cases hit a 13-year record high, new UN report shows ", UN News, 29 January 2019.
3. "Rising human trafficking takes on ‘horrific dimensions’ : almost a third of victims are children ", United Nations News, 7 January 2019.
4. "Global Report of Human Trafficking in Persons 2018 ", United Nations Office on Drugs and Crime, Accessed on 27 October 2019.
5. Janet Phillips, "People trafficking : an update on Australia's response ", Parliament of Australia, 22 August 2008.
6. Linton Besser, "Bodies found in Essex container just 'tip of the iceberg' for multi-billion-dollar business ", ABC News, Saturday 26 October 2019.
7. Amelia Gentleman, "Trafficked Vietnamese and the lure of UK nail bars and cannabis farms ", The Guardian, 26 October 2019.
8. "Precarious Journeys : Mapping vulnerabilities of victims of trafficking from Vietnam to Europe ", ECPAT, Accessed on 27 October 2019.
9. Quynh Le, "Why do Vietnamese people make hazardous journeys to the UK ? ", BBC News, 27 October 2019.
10. Kate Hodal, "'Police didn't help me' : Europe ignoring abuse of trafficked Vietnamese children ", The Guardian, 7 March 2019.
11. Lucy Williamson, "Essex lorry deaths : The Vietnamese risking it all to get to the UK ", BBC News, 26 October 2019.
12. Reuters, "39 thi thể phát hiện trong thùng xe tải ở Anh có thể có người Việt ", VOA Tiếng Việt, 26 October 2019.
*********************
Bao giờ nước mắt thôi rơi ?
Viết từ Sài Gòn, RFA, 27/10/2019
"Khi đất nước tôi thanh bình… Tôi sẽ đi thăm… Hà Nội vô Nam, Sài Gòn ra Trung… Khi đất nước tôi thành bình… Tôi sẽ đi thăm…".
Trịnh Công Sơn
Thú thực là tôi không yêu con người chính trị cực kì hổ lốn của Trịnh Công Sơn, nhưng tấm lòng của ông, ước mơ của ông và mối cảm hoài về quê hương, đất nước của ông trải ra trên tác phẩm khiến cho không ít người nghe, qua đó mà chiêm nghiệm, trở nên sâu sắc và biết suy tư về thân phận chiến tranh, thân phận dân tộc và thân phận con người. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, trong lúc này, khi mà thông tin cho rằng rất có thể 39 người bị chết cóng trong container đông lạnh ở Anh là người Việt. Tự dưng, tôi lại nhớ đến những câu này, và hoài nghi hai chữ "thanh bình" trong ca khúc của ông. Đất nước đã có ngày nào thanh bình chưa ? Và đến bao giờ nước mắt thôi rơi ?
Đất nước này đã có ngày nào thanh bình chưa ? Và đến bao giờ nước mắt thôi rơi ? The Guardian - Ảnh minh họa
Đất nước thống nhất hai miền, vĩ tuyến 17 trở thành kỉ niệm của một thời, và người ta có thể ra Bắc, vào Nam mà không cần phải chờ "giờ nhân ái" hay "giờ đình chiến" của bất kì chính thể đối lập nào. Người miền Bắc có thể vào thăm Cà Mau, thăm Cần Thơ, thăm chợ nổi Cái Răng hay xuống Đầm Dơi, Đất Mũi để hiểu rằng rừng ngập mặn Đất Mũi cũng có sú, vẹt, đước giống rừng ngập mặn ở Ninh Bình nhưng ngoài ra, tôm sú và tôm đất ở Cà Mau khác xa Ninh Bình và Cà Mau có nhiều thứ Ninh Bình không có, cũng như Ninh Bình chưa biết rừng dừa nước hay rừng đước giống như cà Mau.
Và có hàng ngàn câu chuyện để biết nhiều hơn, đi nhiều hơn giữa hai đầu đất nước, hàng ngàn người trong Nam ra Bắc tham quan, thăm thú, để biết thế nào là chùa Thầy hay lăng tẩm hoàng cung, cột cờ Hà Nội, hồ Gươm, hồ Tây hay hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc… Và người đồng bào thiểu số miền Nam cũng tìm về thăm đồng bào thiểu số miền Bắc, nơi mà rất lâu gia tộc họ đã li tán vì một điều gì đó. Còn người có thể đi khắp mọi miền đất nước và nhìn ra bao điều mới lạ, nhưng có một điều, qua hai thời kỳ, qua bao đau thương, dường như không hề thay đổi, đó là nước mắt, tiếng khóc quê hương vẫn còn chất nặng niềm đau !
Người Bắc có thể vào Nam đi tham quan, du lịch mà không cần xin phép qua cửa khẩu nào, vĩ tuyến nào. Và người Bắc biết thêm được chợ nổi là gì, Đầm Dơi là gì, Thất sơn là gì… hay dinh Độc Lập ở đâu, sao lại gọi Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông… Nhưng người Bắc cũng không thể không nhìn thấy những cô gái trên bến Ninh Kiều, trên đường Huyền Trân Công Chúa hay đường Bạch Đằng… và hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cô gái miền sông nước đang rải rác khắp đất nước với nghề phục vụ karaoke, massage, gội đầu, tiếp thị bia…
Và, người miền Nam có cơ hội ra miền Bắc để thăm thú, lên tận những bản làng xa xôi như Phiêng Đéng, Bắc Kạn, Hoàng Thu Phố, Simacai, Lào Cai hay Hà Giang với những địa danh gần như chỉ biết trong sách vở như cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng, các bản làng nơi cao nguyên đá Đồng Văn hay cột cờ Phai Vệ, cầu Kỳ Cùng, núi Mẫu Sơn, ải Chi Lăng, Lạng Sơn… Những địa danh ấy, khi đi rồi mới hiểu đất nước dài, rộng và đẹp nhường nào, người Việt làm lụng vất vả, yêu quê hương, yêu con người ra sao. Và cũng chỉ khi đi rồi mới hiểu rằng nếu như các cô gái miền Tây Nam Bộ đổ xô khắp ba miền đất nước để kiếm cơm thì các chàng trai, cô gái xứ Bắc cũng lang thang khắp nơi, thậm chí bôn tẩu xứ người với thân phận chui nhủi, bất hợp pháp để kiếm từng đồng trả nợ cho đường dây đưa người vượt biên và nuôi hi vọng đổi đời.
Câu chuyện gần đây nhất, mới vài hôm trở lại đây, nói về thân phận 39 người bị chết cóng trong thùng đông lạnh trên đường vượt biên vào Anh để làm thuê (theo đồn đoán là họ trồng cần sa thuê) lại nhắc biết bao nhiêu chuyện khác xoay quanh vấn đề vượt biên ở miền Bắc. Có một điều đặc biệt mà ít ai nhắc tới là người miền Bắc vượt biên nhiều hơn người miền Nam. Trừ các thuyền nhân đã vượt biển có dính đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa kể từ mốc 30 tháng 4 năm 1975, thì hầu hết người vượt biên tìm chân trời mới không phải vì nguyên nhân lý lịch ở miền Nam sẽ rất ít so với miền Bắc. Bắt đầu từ Bắc vĩ tuyến 17 ra đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, số lượng người vượt biên có thể lên đến hàng chục triệu. Và hầu hết họ vượt biên sang các nước Châu Âu, trong đó nước Anh là chính. Vì họ vượt biên theo con đường lao động chui, đường làm thuê và không có giấy tờ nên họ tuyệt nhiên không có cơ hội thành Việt Kiều và cũng rất khó để thống kê về họ.
Bức ảnh cô Phạm Thi Trà My, 26 tuổi, trên bàn thờ tại nhà ở Hà Tĩnh hôm 26/10/2019 - Hình minh họa. AFP
Nhưng nhà cầm quyền địa phương biết họ vượt biên, vì chính sách quản lý người của chính quyền Cộng sản từ cấp địa phương đến cấp tỉnh rất gắt gao, con muỗi cũng khó lọt. Nhưng vì cái "chung", cái "vĩ mô" những người vượt biên này mang về quê hương một lượng tiền không hề nhỏ, thậm chí rất lớn, nó giúp cho kinh tế địa phương thay đổi đáng kể và đó cũng là cơ hội để giới chức địa phương gây khó dễ, vòi vĩnh kiếm ăn. Chính vì vậy số lượng người vượt biên sang Anh ở Lệ Thủy, Quảng Bình và ở các huyện ven biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là nhiều vô kể. Đi vào bất kì khu dân cư nào, thấy nhà cửa xây cất bề thế, cửa ngõ khóa cẩn thận và trong làng chỉ có người già thì đích thị đó là khu "vượt biên". Mà số lượng những khu "vượt biên" này thì nhiều vô kể !
Đó là chuyện đã diễn ra gần hai chục năm nay, còn chuyện mới đây, kể từ khi biến cố biển nhiễm độc do Formosa xả thải thì cấp độ vượt biên của người Bắc miền Trung còn kinh khủng và tội nghiệp hơn nữa. Nghĩa là trước đây còn mơ tưởng chuyện sang Anh và các nước Châu Âu, tệ một chút thì sang Trung Quốc, Đài Loan để lao động chui. Còn hiện tại, sau khi biển chết, sau khi rừng bị tàn phá và thiên nhiên đổi màu, lại có thêm hàng ngàn gia đình ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh tìm cách sang Lào, thậm chí nhiều trẻ em bỏ học trốn sang Lào theo các đường dây lao động chui để kiếm sống. Có thể nói rằng số lượng người vượt biên ở miền Bắc vượt rất xa so với miền Nam. Và đáng thương, đáng tội hơn cho họ là họ cũng có chung ước mơ đổi đời, có ước mơ tìm đến xứ sở tự do để sinh sống giống như hàng triệu người miền Nam nhưng họ lại mang lý lịch trái ngược với người miền Nam nên cơ hội làm công dân xứ sở tự do của họ là hoàn toàn không có. Người miền Nam có lý do tị nạn, để qua đó, có thể được các tổ chức nhân đạo cứu giúp, người vượt biên miền Bắc không có lý do nào để được các tồ chức này cứu giúp.
Có chăng, những người được cứu giúp ở miền Bắc là người bị lừa bán sang Trung Quốc (các bạn hãy thử lên các bản làng Tây Bắc, Đông Bắc tìm hiểu, có thể khẳng định rằng Không có bản làng nào là không có người bị lừa bán sang Trung Quốc !) và cơ hội được cứu của nạn nhân là gần như không có. Thế mới hay rằng ước mơ đất nước thanh bình, không còn chiến tranh, để người người được vô Nam hay ra Bắc dường như mãi mãi là một giấc mơ dang dở. Bởi sau chiến tranh mấy mươi năm vẫn chưa thấy thanh bình hay no ấm.
Người Anh tưởng niệm 39 nạn nhân trong container - Hình minh họa.
Bởi mới đó, tưởng như thanh bình, thống nhất thì có hàng vạn người phải vào trại cải tạo, sống chết với rừng thiêng nước độc, hàng triệu con người bỏ mạng trên biển, đau đớn trên đường đi tìm tự do, tìm sự sống. Hàng triệu gia đình bị xua ra khỏi nhà và mất trắng mọi thứ, thời kì của nhòm ngó, theo dõi, đấu tố, trừng phạt, trả thù, tịch thu… Thời kì của ba lát sắn cõng một hạt gạo, nói chuyện với nhau chỉ nghe toàn tiếng ợ và mùi sắn khô, mùi hạt kê, hạt bắp đã di chuyển từ kho làng tới kho xã, kho huyện, kho trung ương rồi phân phối quay ngược trở về các kho. Bụng người, thân phận người, suy nghĩ người cũng vòng vèo như chính đường đi của hạt bắp, lát sắn hay hạt kê… !
Và con đường vòng vèo với hạt gạo, hạt lúa, miếng ăn ấy cứ kéo dài mãi cho đến nay, niềm đau kèm theo cũng vòng vèo và lớn dần theo năm tháng, chưa bao giờ nguôi ! Nước mắt của những gia đình có con bỏ mạng nơi xứ người bây giờ không phải là riêng nước mắt của người mẹ miền Nam khóc con bỏ mình trên biển, không phải là riêng nước mắt của người mẹ miền Nam khóc con bỏ mạng nơi trại giam… mà là nước mắt của cả người mẹ miền Bắc, của nhiều người mẹ miền Bắc khóc con bỏ mình nơi xứ người vì chén cơm manh áo, vì ước mơ vượt thoát cái nghèo hay đổi đời, nhìn thấy thiên đường. Hay nói khác đi là cái ước mơ mà trước đây hơn nửa thế kỉ, những người mẹ miền Bắc cũng đã từng khóc hết nước mắt, thậm chị quị ngã vì nghe tin con mình không trở về, đã bỏ mạng nơi chiến trường miền Nam, cho công cuộc "cách mạng thần thánh". Để rồi sau bao nhiêu năm, sau cuộc cách mạng thần thánh ấy, nước mắt lại chảy thêm lần nữa vì những đứa con bỏ mình cho cuộc cách mạng áo cơm, đổi đời !
Đất nước này chưa bao giờ được thanh bình dù đã im tiếng súng. Nhưng tiếng súng nơi lòng người vẫn cứ nổ hằng đêm, và những viên đạn vô hình ấy đang giết dần sinh mệnh, nhân phẩm, lòng yêu thương, tự do và cả tương lai của một dân tộc có số phận vốn dĩ rất buồn !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 27/10/2019
*****************
Khổ như… người Việt đi nước ngoài
Nhật Anh, VietnamNet, 28/10/2019
Nhiều nước được hưởng chính sách miễn thị thực của Việt Nam. Nhưng công dân Việt lại gặp khó khi xin nhập cảnh vào một số nước trong nhóm này.
Những ai từng đi du lịch nước ngoài, tới những quốc gia phát triển như Mỹ, các nước trong khối Schengen sẽ thấu hiểu : Nếu không có một hồ sơ tài chính sáng sủa, một khoản tiết kiệm, một lịch trình hợp lý và kèm theo vô số những giấy tờ từ nhiều cơ quan, đoàn thể liên quan… hoặc một pháp nhân ở nước ngoài bảo lãnh… thì việc xin thị thực tới những nước này sẽ gặp vô số trở ngại, thậm chí là bất khả thi.
Xu hướng di dân mạnh mẽ do những diễn biến ngày càng khó lường trên toàn thế giới.
Muốn đi du lịch không chỉ cần tiền
Nếu như người dân từ các quốc gia có chiến tranh hay kém phát triển sẽ tìm mọi cách để đến tị nạn tại các quốc gia phát triển hơn thì ngược lại, những nước đang phát triển lại thôi thúc sự tò mò khám phá của những công dân đến từ nhiều quốc gia văn minh hơn…
Bối cảnh đó dẫn đến chính sách thị thực ở những nơi được coi là "điểm đến mơ ước" ngày càng siết chặt hơn. Điều đó lại gây khó cho người đi du lịch chân chính trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo bảng chỉ số Henley, Nhật Bản và Singapore là 2 quốc gia có quyển hộ chiếu "quyền lực" nhất với 190 quốc gia miễn visa cho công dân của họ. Việt Nam đứng thứ 90, với chỉ 51 quốc gia "chào đón" công dân Việt Nam mà không cần thị thực.
Điều nghịch lý là, để thu hút khách nước ngoài đến với Việt Nam, chính sách thị thực (visa) của Việt Nam dành cho công dân nhiều quốc gia đã rất cởi mở, nhiều nước được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương. Song, một số quốc gia trong nhóm này lại là nơi công dân Việt Nam gặp khó khăn nhiều nhất khi xin nhập cảnh.
Có người thân, chưa chắc được thăm
Chị N.T.M.V, có chồng làm việc tại Cộng hòa Séc hơn 10 năm, quyết định xin nghỉ không lương 3 tháng để sang thăm chồng.
Có công việc ổn định ở Việt Nam, cùng lịch sử tài chính minh bạch… chị V. rất tự tin Đại sứ quán Séc không thể nào từ chối cấp thị thực cho chị. Ấy thế mà chị trượt... !
Lý do mà Đại sứ quán Séc đưa ra là chị không chứng minh được việc có chắc chắn rời khỏi Séc sau khi đến thăm chồng hay không.
Chị V. chỉ là một trong vô số trường hợp công dân Việt Nam bị từ chối cấp visa thăm thân nhân tại Séc. Đã có nhiều trường hợp tương tự khi xin thị thực đi Canada, Anh, Pháp, Đức hay Tây Ban Nha…
Một sự bất tín, vạn sự bất tin
Nếu theo dõi tin tức liên quan đến người Việt ở nước ngoài, sẽ gặp khá nhiều chuyện buồn như đi du lịch rồi trốn lại, đi xuất khẩu lao động nhưng bỏ việc để đi làm chui, đi du học nhưng bị đưa về nước vì vi phạm pháp luật sở tại…. Nổi tiếng nhất gần đây, có lẽ là chuyện 152 người bỏ trốn tại Cao Hùng, Đài Loan ngay sau khi đặt chân xuống sân bay tháng 12/2018.
Chị N.T.T. Thủy, Giám đốc đối ngoại của một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội chia sẻ : "Khai thác được thị trường nước ngoài, tìm được đối tác tin cậy để đưa lao động Việt Nam đi đã khó, làm thế nào để lao động sang chịu khó làm ăn, không nhăm nhe bỏ trốn sang nước khác còn khó bội phần. Khi chúng tôi làm việc với đối tác, họ luôn canh cánh một câu hỏi : Lao động của các bạn không bỏ trốn chứ ?".
Thậm chí, nhiều đối tác còn khoanh vùng không tuyển lao động đến từ một số địa phương của Việt Nam – lý do họ đưa ra là "những người đến từ những vùng này rất hay trốn".
Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã thực hiện nhiều biện pháp vừa bảo vệ, vừa ngăn chặn công dân vi phạm pháp luật nước bạn, thế nhưng, những vụ việc tai tiếng vẫn diễn ra, như con sâu làm rầu thêm nồi canh.
Một sự bất tín, vạn sự bất tin, những điều sai trái, vi phạm pháp luật sở tại của người Việt ở nước ngoài đã góp phần làm cho cơ hội sở hữu visa của những người ở trong nước ngày càng khó khăn.
Để tấm hộ chiếu của người Việt Nam trở nên quyền lực hơn
Ngược lại với khó khăn của người dân Việt Nam đi nước ngoài thì chính sách thị thực của chúng ta đối với công dân nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng cởi mở hơn.
Hiện nay, có một làn sóng người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc chui đang dần hình thành bởi logic : việc nhẹ, lương cao, chi phí cuộc sống rẻ…
Nhiều nước không còn thấy động lực để cũng thực hiện miễn thị thực cho công dân Việt Nam, theo một nguyên tắc sơ đẳng của bang giao quốc tế là nguyên tắc "có đi có lại", bởi công dân của họ đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
Thậm chí, có nước còn chưa đáp ứng đề nghị chính đáng của Chính phủ ta về việc đơn giản hóa thủ tục thị thực để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được đi lại dễ dàng hơn khi ra nước ngoài.
Nhìn trong khu vực, Malaysia đứng thứ 13 trên bảng xếp hạng Henley, đổi lại đã miễn thị thực cho hơn 160 quốc gia và và vùng lãnh thổ. Nguyên tắc "có đi có lại" rõ ràng là rất quan trọng trong câu chuyện "quyền lực" này.
Đã đến lúc cả Nhà nước lẫn người dân phải có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này. Một mặt, người dân cần được trang bị những kiến thức cơ bản khi đi ra nước ngoài để tránh làm phương hại đến lợi ích và thể diện quốc gia.
Mặt khác, vấn đề chủ quyền - thể hiện qua chính sách thị thực của Nhà nước cũng nên được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, để người dân cũng được nước ngoài đối xử công bằng như chính sách của ta dành cho du khách nước ngoài đến với Việt Nam.
Nhật Anh
Nguồn : VietnamNet, 28/10/2019
******************
Hoàng Huy, Soha, 27/10/2019
Minh họa : Evangeline Gallangher / ProPublica
LTS : Trí thức trẻ xin chia sẻ với bạn đọc bài viết của ông Hoàng Huy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TransViet về con đường nhập cư bất hợp pháp đầy gian nan và hiểm nguy mà một số người Việt Nam vẫn lựa chọn với hy vọng được đặt chân tới "miền đất hứa" Anh quốc.
-------------------
Mấy hôm nay, mọi người xôn xao về thông tin 39 người chết ngạt trong một chiếc container ở Anh. Lòng mình trĩu nặng, đã định im lặng tiếc thương cho họ, những con người vắn số, và vẫn thầm nguyện cầu điều tồi tệ mình đang nghĩ sẽ không là sự thật : Có ai trong số đó là người Việt- đồng bào của mình, là con của một bà mẹ nghèo ở một miền quê nào đó...
Là một người lăn lộn với cuộc sống ở Anh đủ lâu, với những điều mắt thấy tai nghe, với những năm tháng làm phiên dịch cho cảnh sát và Bộ Nội vụ (Home Office) Anh, mình rất biết họ là ai, họ đến từ đâu và cuộc hành trình của họ sẽ đi về đâu - những "người rơm" kém may mắn.
Và mình quyết định kể ra những gì mình biết, hi vọng sẽ không có thêm nỗi đau nào tương tự sẽ diễn ra nữa...
"Người rơm" là một từ cay đắng ! Nó chất chứa cả máu - nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi nhục không dễ nói thành lời, mà cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp.
Vì sao lại là "rơm" ?
Vì một khi bước vào con đường này, bạn phải chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm - như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu Việt Nam bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi "đường dây" đưa họ tới một nước Châu Âu nào đó qua con đường du lịch ; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn "sống không ai biết - chết không ai hay".
Bởi lẽ Liên minh Châu Âu (EU) có điều luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về Pháp, về Đức, về Bỉ... hay một nước Châu Âu nào đó, chứ không phải là Việt Nam ; và như thế có nghĩa là còn cơ hội... trốn tiếp.
Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung Quốc chứ họ sẽ không có một dấu hiệu nào, một mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà họ thực sự xuất phát.
Và hầu hết các con đường sẽ đều dẫn họ đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais (Pháp) - đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh với đại lục Châu Âu. Từ đây, đoạn cam go nhất của cuộc hành trình sinh tử bắt đầu.
Người "tị nạn" người nhập cư từ khắp nơi chứ không riêng Việt Nam tập kết ở đây, sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh. Các tổ chức nhân đạo của Pháp ra sức trợ giúp cho cộng đồng tị nạn bằng tất cả những gì họ có : chăn gối, quần áo cũ, thực phẩm...
Minh họa : Nick Hayes/Guardian
Cảnh sát Pháp cũng chẳng buồn bận tâm hay bắt bớ những người này vì họ thừa hiểu, đã có mặt ở đây thì đích đến chỉ có thể là Anh. Cướp bóc lẫn nhau, cưỡng bức, thậm chí những vụ giết người thầm lặng... trong một cộng đồng hỗn tạp, vô chính phủ và không ai bảo vệ là chuyện không quá khó hiểu.
Và khi màn đêm buông xuống, từng tốp người lẻn vào các bãi xe hàng tìm các chuyến xe sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hóa ; hoặc cắt kẹp chì chui vào những container.
Nếu là đường dây VIP, tài xế biết sự có mặt của bạn trên xe của họ, còn đường dây thường, thì thường là lên lén lút. May mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế VIP sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân để cho những vị khách quá giang xuống.
Còn nếu không qua rào cản máy tầm nhiệt hoặc bị chó nghiệp vụ ngửi thấy, thì... đi về, hôm sau ra nhảy xe tiếp, cho đến khi thành công thì thôi. Có những người vạ vật ngày ngủ đêm đi nhảy xe cả năm chưa qua được biên giới.
Container đông lạnh là lựa chọn được ưa thích vì có khả năng cao thoát được máy quét tầm nhiệt nếu như thuộc đường dây VIP. Và 39 người xấu số kia đã không thể đặt chân xuống "xứ sở thiên đường" vì chiếc xe đã vào thẳng một khu công nghiệp, vượt quá thời gian họ có thể chịu đựng.
Minh họa : Nick Hayes/Guardian
Nếu có đủ may mắn để sống sót và lành lặn đặt chân xuống đất Anh, con đường chờ đợi họ cũng sẽ không phải là đã hết chông gai.
Để tự nguyện trở thành "một nạn nhân của đường dây buôn người" - như cách gọi của truyền thông, họ thường phải bỏ ra cả tỷ đồng tiền lộ phí. Là những cuốn sổ đỏ cắm vào ngân hàng, là những món nợ vay lãi cao... họ chỉ có một lựa chọn : kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách để trả nợ và nuôi tiếp ước mơ đổi đời và hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn như lời anh A chị B gì đó là láng giềng, là họ hàng đã đi trước và "chia sẻ kinh nghiệm".
Những nhà hàng, những tiệm nail... cũng không hẳn là rộng cửa chờ họ, vì án phạt của việc sử dụng người lao động bất hợp pháp rất nặng, con đường càng hẹp lại dẫn đến những ngôi nhà tuyết không bám nổi trên nóc : những trại trồng cỏ (cần sa) bất hợp pháp - nơi mà rất nhiều, rất nhiều người ở quê nhà nghĩ rằng sẽ dễ dàng kiếm được số tiền lớn để "hoàn vốn" và đổi đời.
Và thỉnh thoảng, lại có những lời kêu gọi trong cộng đồng để quyên góp tiền đưa ai đó về nước vì "tai nạn lao động" - những vụ tai nạn chết người do điện hay sự cố trong những ngôi nhà bí ẩn. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không thể trở về quê hương, dù là trong những chiếc hòm sắt. Vì là "rơm" - nên họ, những người nằm lại nơi đất khách, cũng không nằm trong bất kỳ một cuộc thống kê chính thức nào.
Nếu họ may mắn vượt qua được những tháng ngày tăm tối đó, những chiếc container sẽ lại tiếp tục vào Anh, chở theo con họ, cháu họ, anh em họ, và cả những người láng giềng ngưỡng mộ những cái nhà to lớn họ gửi tiền về xây ở quê.
Minh họa : Sarah Grillo/Axios
Không oán trách, không phán xét, sâu thẳm trong tim mình chỉ thấy một nỗi buồn sâu sắc trước số phận của những "người rơm" - những người Việt Nam máu đỏ da vàng bị mắc kẹt giữa hai thế giới : thế giới của những khoản nợ xen lẫn những hi vọng đổi đời - những chờ mong khắc khoải của gia đình từ những miền quê nghèo khó ; và thế giới của những hiểm nguy, gian khó nơi xứ người mà phần lớn họ nuốt nước mắt vào trong mà giấu riêng cho mình.
Đính kèm những lệnh chuyển tiền, họ đều chọn gửi về quê nhà qua Facetime, Messenger nụ cười và những tấm hình lung linh nơi đất khách ; và giữ lại vẹn nguyên những dòng nước mắt đắng cay.
Ai cũng có một đời để sống, có quyền được chọn cách sẽ sống thế nào, sống ở đâu... nhưng cũng đâu phải ai cũng may mắn có khả năng để đi du học, hay đi sang xứ người bằng cánh cửa rộng để theo đuổi ước mơ thay đổi cuộc đời.
Chúng ta hãy ngưng phán xét, ngưng trách móc, ngưng nói đến những điều lớn lao, những nguyên nhân vĩ mô...., hãy dành một chút im lặng để cảm thông với những gia đình đang ở tận đáy của sự đau thương.
Dù là người Việt Nam - người Trung Quốc hay người gì chăng nữa, thì cũng là đồng loại của chúng ta, và họ được quyền yên nghỉ sau quá nhiều những đau đớn - hoảng loạn lúc cuối đời.
Mong cho họ được bình yên, ở một thế giới khác, họ sẽ không từ bỏ quê hương để mưu sinh, không phải liều mình trên những chuyến xe sinh tử, không phải lạnh lẽo ra đi giữa những kiện hàng, mong cho họ được làm NGƯỜI cho đúng nghĩa, và không bao giờ có thêm ai nữa phải liều mình làm "người rơm".
Hoàng Huy
Nguồn : Soha, 27/10/2019
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
******************
Thảm nạn Essex : Quyền và Nợ…
Trân Văn, VOA, 28/10/2019
Sự kiện 39 người chết trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 làm dư luận trên phạm vi toàn cầu rúng động và đặt ra nhiều vấn đề đáng ngẫm nghĩ đối với nhận thức về quyền, cũng như Nợ…
Một thân nhân cho xem bức hình chụp ở Berlin của người có tên Anna Bui Thi Nhung (phải), có thể trong số nạn nhân vụ chết người thê thảm tại Anh.
31 người đàn ông và 8 phụ nữ xấu số ấy tử nạn vì muốn nhập cảnh trái phép vào Anh. Không có thảm cảnh bắt nguồn từ nỗ lực phạm pháp của họ, từ giữa tuần trước đến nay, cảnh sát hạt Essex ở Anh – nơi phát giác thảm nạn và vì vậy trở thành cơ quan phải thụ lý vụ án, tổ chức điều tra - không phải làm việc cật lực để truy tìm thủ phạm, xác định sự thật như đang thấy.
Cho dù nỗ lực phạm pháp của 39 người tử nạn khiến cảnh sát hạt Essex bận bịu, căng thẳng hơn nhiều so với bình thường, Pippa Mills – Chỉ huy phó cảnh sát hạt Essex – không lên án 39 người đã chết, bà cũng không chỉ trích gia đình họ. Thậm chí Mills khẳng định, lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật ở hạt Essex nói riêng và của Anh quốc nói chung Nợ họ câu trả lời về nguyên nhân khiến họ mất mạng thê thảm như vậy.
Không chỉ có thế, Mills còn nhắc báo giới và công chúng tôn trọng nhân phẩm của các nạn nhân và thân nhân của họ. Mills thay mặt cảnh sát hạt Essex hứa sẽ điều tra cẩn trọng, không suy đoán vô bằng và dù đang thực thi chức trách trong phạm vi quyền hạn của mình, Mills vẫn xin lỗi các cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra tại Khu công nghiệp Waterglade.
Chẳng phải chỉ có cảnh sát hạt Essex nhận Nợ, tuy không vay, Cơ quan Phòng chống tội phạm Quốc gia, Cục Bảo vệ biên giới, Cục Thực thi Xuất nhập cảnh, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao Anh… cũng nhận Nợ và đang cùng nhau trả Nợ kiểu đó (1).
Trước nay, vì nhiều lý do, Anh quốc đã trở thành đích mà nhiều người thuộc nhiều sắc dân khác nhau nhắm tới như một nơi có thể mưu sinh nuôi thân và nuôi gia đình. Không hội đủ điều kiện nhập cảnh và cư trú, làm việc hợp pháp thì họ tìm những phương thức bất hợp pháp để đạt được mục tiêu. Ở đâu thì di dân bất hợp pháp cũng gây ra nhiều vấn nạn cả về kinh tế lẫn xã hội.
Sau sự kiện 39 ngoại nhân tử nạn trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, dân chúng Anh có quyền yêu cầu chính quyền Anh phải siết chặt hơn nữa việc kiểm soát biên giới và kiểm tra – phòng chống di dân cư trú trái phép trên lãnh thổ Anh. Tuy nhiên nhiều người Anh đã làm ngược lại. Họ không chỉ thắp nến tưởng niệm, họ còn cầu nguyện cho 39 cá nhân đã thảm tử.
Ảnh chụp những sinh hoạt ở Anh sau thảm kịch vừa kể cho thấy dân Anh giương cao những tấm bảng, nhắn những người không phải đồng bào nhưng là đồng loại : Di dân và người tị nạn, chúng tôi chào đón các bạn tại đây (2) ! Hóa ra dân Anh cũng nhận Nợ !
***
Từ lúc có tin, có thể có một số hoặc tất cả 39 người thảm tử trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 ở Anh là người… Việt, sự kiện này đã tạo ra một cuộc tranh luận chưa dứt giữa người Việt với nhau.
Giống như nhiều thảm cảnh có liên quan đến người Việt, bên cạnh sự xót xa là các phản biện : Tại sao không tự trọng, cố gắng phạm pháp (tìm cách nhập cảnh trái phép vào Anh) để chết uổng như vậy ? Tại sao lại vay mượn khoản tiền lớn đến như thế (30.000 bảng Anh, tương đương 850 triệu đồng), liều mạng một cách dại dột như thế chỉ để được sống tha hương, chui nhủi trên xứ người ?, v.v.
Thậm chí còn có những ý kiến kiểu như những người thảm tử và gia đình họ đáng trách vì… tham giàu, không cố gắng học hành, không bằng cấp lại chẳng có nghề nào độ thân nhưng muốn có tiền nhiều và nhanh nên tìm đường vào Anh tham gia trồng cần sa ! Sau sự kiện rúng động dư luận này, xin visa đến Anh du học, du lịch sẽ khó hơn ! Có cả những tố cáo về việc ra ngoại quốc tìm cơm áo nhưng khai vống là xin tị nạn…
Dù đồng tình hay không với những phản biện hết sức đa dạng như vừa tạm liệt kê thì cũng cần phải xác định, bất kể phán đoán thế nào, nhận định ra sao, thuận tai hay gai mắt thì đó cũng là quyền của một cá nhân !
Tự do suy nghĩ, phát biểu là một quyền và mưu cầu hạnh phúc là một quyền khác. Tất cả đều là những quyền căn bản của mỗi con người – nhân quyền ! Hạnh phúc vốn trừu tượng, không thể định lượng và phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận của từng cá nhân.
Có thể có ai đó cảm thấy phấn khởi với chương trình phát triển "tam nông" (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) nhưng nhiều người tuyệt vọng khi bế tắc, phải ly nông, ly hương. Có thể có ai đó hết sức vừa ý với tiến trình "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" nhưng nhiều người không hài lòng khi công nhân có nghề nghiệp ổn định song "ăn như tu, ở như tù", sức khỏe suy kiệt, làm quần quật mà lương phạn vẫn không đủ nuôi thân.
Tương tự, có thể có ai đó cảm thấy tự hào khi gia đình, gia tộc có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ nhưng nhiều người trăn trở vì cử nhân mà phải… chạy bàn, thạc sĩ phải chạy… xe ôm. Có thể có ai đó cảm thấy may mắn vì xoay sở đủ tiền, "chạy chọt" thành công, tìm được việc làm nhưng nhiều người lại xem học hành tử tế mà phải "chạy chọt" mới được làm việc với mức lương hết sức khiêm tốn là nghịch lý không thể chấp nhận !
Với một số người, hạnh phúc là có đủ cơm ăn, áo mặc nhưng với nhiều người khác, hạnh phúc là được nhìn thấy ông bà, cha mẹ, vợ con, anh chị em, thân bằng quyến thuộc đủ đầy, không phải chui ra, chui vào những nơi mà thiên hạ chỉ xem như "ổ", không coi là nhà, không âu lo vì ngày mai không biết có gì để ăn (?), nếu bệnh tật làm sao có tiền để chữa chạy (?), làm sao có tiền để trẻ con không phải bỏ học nửa chừng (?)…
Trong mắt một số người, hạnh phúc là mua được xe hơi, xây được nhà lầu, sắm được những thứ người khác còn đang mơ, thỉnh thoảng đến được chỗ này, chỗ kia – những nơi mà nhiều người ao ước nhưng ngoài tầm với... Nhiều người khác lại cho rằng, hạnh phúc chỉ là ra đường không bị trộm cướp, tai nạn giao thông, được ăn, sạch, uống sạch, không mắc các chứng nan y, chết dần, chết mòn vì môi trường sống ô nhiễm…
Nhận định thế nào về sự kiện 39 người thảm tử trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 ở Anh là quyền của mỗi cá nhân nhưng rõ ràng, lựa chọn của 39 người đó cho thấy họ đã không cảm thấy hạnh phúc ở nơi họ sinh ra, lớn lên. Họ chấp nhận trả giá đắt, chấp nhận đem sinh mạng của mình ra làm vật đặt cược để đạt đến hạnh phúc theo quan niệm của họ.
Có cả triệu người Việt đã và đang mưu cầu hạnh phúc theo kiểu như vậy (rời Việt Nam, bỏ lại cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh em… để đi làm dâu, làm mướn hợp pháp hoặc bất hợp pháp, kể cả làm điếm, trộm cắp, phạm pháp ở xứ người).
Nhờ vậy, trên khắp Việt Nam, nhiều gia đình, nhiều khu vực mới có cơ hội "thay da, đổi thịt", những vùng nổi tiếng vì nghèo đói mới có những "xã hàng ngàn tỉ phú" (3). Tuy nhiên cũng vì vậy mà hình thành những khu vực không có đàn ông, hoặc không có phụ nữ, trẻ con có mẹ thì không cha hoặc ngược lại (4). Từ khi nào người Việt phải chấp nhận hoán đổi như thế để có sự ổn định cho tương lai của chính mình và thân nhân ?
Trong nhận thức của nhiều người Việt, mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người khác dường như không phải là một trong những quyền tối thượng. Đó là lý do nhiều người miệt thị di dân là… "tị nạn kinh tế". Đó cũng là lý do những sắc dân khác tự nhận Nợ khi chứng kiến đồng loại thảm tử trên con đường đi tìm cơm no, áo ấm song nhiều người Việt thì không, kể cả khi đồng loại chính là đồng bào của mình.
Rất nhiều người Việt không cảm thấy Nợ tổ tiên – những tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai hoang, Nợ ông bà, cha mẹ, Nợ con cháu khi môi trường sống của dân tộc mình, tương lai của xứ sở mình càng ngày càng bất ổn, bất định !
Không nhận Nợ nên nhiều người Việt dễ dàng đổ ra đường bày tỏ sự tự hào vì đội tuyển bóng đá quốc gia thắng một trận đấu song chẳng có bao nhiêu người muốn thay đổi thực tại : Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có ba quốc gia : Brunei (5), Malaysia (6), Singapore (7) mà công dân muốn đến Anh quốc lúc nào cũng được, không những không cần xin visa mà còn có thể cư trú đến sáu tháng !
Tại sao cũng là con người nhưng công dân của nhiều quốc gia, kể cả công dân nhiều lân bang, có thể đi tới, đi lui gần như bất kỳ đâu, bất cứ khi nào họ muốn, còn người Việt thì không, ngay cả mưu cầu hạnh phúc cũng phải chui nhủi, thậm chí đổi mạng lấy cơ hội ?
***
Sự dễ dãi của người Việt, quan niệm của nhiều người Việt về hạnh phúc, sự coi thường quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác nơi người Việt, sự thanh thản vì luôn tự thấy chẳng Nợ ai, từ đồng bào tới đồng loại, có tương quan như thế nào với một Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thường xuyên tự đắc vì đất nước chưa bao giờ "được" như thế này về "tiềm lực, vị thế và uy tín" (8), một Chủ tịch quốc hội chỉ biết hối thúc đồng bào phải tự vấn "đã làm được gì cho đất nước" (9), một Thủ tướng mà từ nhận thức đến khả năng "kinh bang tế thế" chỉ xoay quanh những chỉ đạo, kiểu như phải thuyết phục được mỗi du khách chịu mua một con… "vịt quay, lợn quay" là đủ đạt đến… phú cường (10) ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/10/2019
Chú thích
(4) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/xa-bien-co-ca-tram-dan-ong-cho-vo-bo-de-di-nuoc-ngoai-428661.html
(5) https://www.visahq.com/united-kingdom/requirements/brunei-darussalam/resident-brunei-darussalam/
(6) http://passport.com.my/visa/uk.htm
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Cựu Bộ trưởng Nội vụ đòi kiện Tổng thống Slovakia (VOA, 08/12/2018)
Cựu Bộ trưởng nội vụ Robert Kalinak vừa lên tiếng đe dọa sẽ kiện Tổng thống Slovakia, đồng thời yêu cầu truyền thông phải xin lỗi vì đã cáo buộc sai các nhân viên Bộ Nội vụ là tham gia vào vụ bê bối bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hãng thông tấn chính thức của Slovakia cho biết hôm 7/12.
Cựu Chủ tịch PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải ra tòa án ở Hà Nội vào ngày 8/1/2018.
TASR dẫn phát biểu của ông Kalinak tại một cuộc họp báo hôm 6/12 nói rằng ông sẽ kiện Tổng thống Andrej Kiska ra tòa vì phát biểu đề cập đến "lạm dụng quyền lực" trong vụ bê bối này.
"Ông ấy [Tổng thống Kiska] đồn rằng tôi đã có được cả một khu khách sạn trong vụ này", tờ Spectator dẫn lại lời ông Kalinak nói trên bản tin của hãng thông tấn SITA. "Có những nhân chứng sẵn sàng làm chứng trước tòa".
"Tôi sẽ rất vui được gặp ông ấy tại tòa án. Ông ấy sẽ có cơ hội để giải thích lời nói của mình", TARS dẫn lời ông Kalinak nói trong cuộc họp báo có chủ đề "Đặt dấu chấm hết cho vụ Việt Nam".
Cựu Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia nói thêm rằng vụ bắt cóc doanh nhân-quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Đức, rồi được đưa qua Slovakia và đi trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia, với sự thông qua của nhà chức trách Slovakia là một cáo buộc bịa đặt và là tin giả.
Ông Kalinak lặp lại rằng ông vẫn tin Việt Nam không lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia khi yêu cầu mượn chiếc máy bay của chính phủ nước này cho phái đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sử dụng trong thời gian công tác tại đây.
Ông Kalinak nhấn mạnh : "Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng Slovakia không tham gia vào vụ này, và không có một chính trị gia, cảnh sát hay công chức nào tham gia vào. Câu hỏi đặt ra không phải là liệu có ai đó bị bắt cóc hay không, mà là liệu chúng ta có giúp đỡ họ hay không, và đã có xác nhận rằng chúng tôi đã không giúp họ", vẫn theo TARS.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia cũng chỉ trích truyền thông đã tạo ra một "trò lừa bịp" từ vụ bê bối liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ám chỉ bài báo mô tả việc ông Thanh đã bị bắt cóc như thế nào ở Bratislava mà nhật báo Denik N đăng trước đây, và yêu cầu truyền thông phải xin lỗi những người trong Bộ Nội vụ đã bị cáo buộc sai về việc tham gia vào vụ bắt cóc.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, người phát ngôn của Tổng thống Andrej Kiska, Roman Krpelan, nói rằng "Tổng thống không làm việc với cựu Bộ trưởng Nội vụ, nhưng ông hiểu nỗi sợ hãi của ông ấy".
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra cuộc "khủng hoảng ngoại giao" giữa Việt Nam với Đức và với Slovakia. Tuy nhiên cho tới nay, Việt Nam vẫn khẳng định ông Thanh tự về nước đầu thú, bất chấp những bằng chứng và kết luận điều tra từ Đức.
****************
Việt Nam muốn chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho người Việt nhập cư hội nhập và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố trên hôm 6/12 khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng trục xuất người nhập cư từ Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tháng trước, báo New York Times cho biết chính quyền Trump đã lặng lẽ ngừng việc trục xuất một số người nhập cư Việt Nam – những người đã sống ở Mỹ trong nhiều năm. Chính sách này được coi là đã gây ra tranh cãi giữa Mỹ và Việt Nam cũng như dẫn tới việc một đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ chức vào cuối năm ngoái.
Theo một thỏa thuận được ký vào năm 2008 giữa hai chính quyền cựu thù, những người Việt tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – cũng là ngày hai nước bình thường hóa quan hệ trở lại – không thể bị trục xuất.
Nhận định về việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam từ Mỹ, bà Hằng nói việc này "được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam". Theo người phát ngôn BNG, việc tiếp nhận này "đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".
Mặc dù vậy, chính quyền Trump vào năm ngoái bắt đầu bắt giữ những người nhập cư từ Việt Nam đã sống lâu dài ở Mỹ và chuẩn bị trục xuất họ. Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 trong số khoảng 8.000 di dân Việt thuộc diện chờ bị trục xuất.
Theo diễn giải của chính quyền Trump đối với hiệp định ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà thỏa thuận 2008 đề cập đến. Điều này cũng đã được vị đại sứ đương nghiệm của Mỹ tại Hà Nội, Daniel Kritenbrink, khẳng định với VOA khi ông cho biết "thỏa thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995".
Để phản đối việc phải tiếp nhận hàng nghìn người Việt bị trục xuất, đại sứ tiền nhiệm của ông Kritenbrink, Ted Osius, đã từ chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 10/2017.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú Mỹ.
Trả lời phỏng vấn VOA tiếng Việt, Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, có khoảng 125.000 người tị nạn rời khỏi Việt Nam trong một chương trình di tản do chính phủ Mỹ tài trợ, theo Viện Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC. Con số thống kê của viện này cho thấy lượng người Việt nhập cư vào Mỹ đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1975 và tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tính đến năm 2017, đã có hơn 1,3 triệu người Việt tới an cư ở Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân trên toàn nước Mỹ.
***************
Thêm quan chức, tướng công an và tướng quân đội bị đề nghị kỷ luật (RFA, 07/12/2018)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ 32 kéo dài từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12 vừa qua ngoài đề nghị kỷ luật Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, còn đề nghị kỷ luật đối với một số tướng lĩnh Công an, Quân Đội và quan chức một số tỉnh thành khác.
Kỳ họp 32 Ủy ban Kiểm tra Trung ương 32 tại Hà Nội -Courtesy ubkttw.vn
Cụ thể có 3 ông tướng Công an bị cảnh cáo gồm Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát ; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội, nguyên đảng ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.
Cả ba bị kết luận tại kỳ họp thứ 30 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là có những vi phạm, khuyết điểm trong vụ án liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo Tổng Cục và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công Nghệ Cao- C50 ; tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên Internet.
Một ông tướng bị kỷ luật cảnh cáo nữa tại kỳ họp thứ 32 là Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội. Theo kết luận, trong thời gian giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế từ tháng 4 năm 2005 đến tháng giêng năm 2012, ông này đã có những vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông- A Lưới mà hệ quả là công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng không sử dụng được.
Hai cán bộ cao cấp tỉnh Dak Nong bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật tại kỳ họp thứ 32 gồm Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bốn và tỉnh ủy viên Trương Thanh Tùng bị qui phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Dak Nong nhiệm kỳ 2016-2021 về những sai phạm trong quản lý, bảo vệ đất rừng.
Vào ngày 7 tháng 12, Thành ủy Đà Nẵng tiến hành hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành đảng bộ khóa XXI. Tại hội nghị, đại tá Lê Văn Tam, nguyên giám đốc Công an Thành phố bị quyết định kỷ luật khiển trách.
Ông này bị kết luận có vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập không đúng qui định trong suốt thời gian làm giám đốc Công an Đà Nẵng.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, ông đại tá Lê Văn Tam bị Bộ Công an cho nghỉ việc chờ hưu trí.
Một trong những xôn xao của người dân thành phố Đà Nẵng đối với ông Lê Văn Tam là việc sở hữu căn biệt thự giá gần 100 tỉ đồng tại làng biệt thực Châu Âu (Euro Village). Đích thân ông này sau đó xác nhận thông tin đó là chính xác.
******************
Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Tất Thành Cang (VOA, 07/12/2018)
Vào chiều 6/12, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang sau khi ông này vừa bất ngờ được bổ nhiệm thêm chức vụ hồi tháng trước.
Bản đồ khu Đô thị mới Thủ Thiêm, nơi diễn ra nhiều sai phạm gây bức xúc trong dân chúng. Ảnh : NamPhatLand
Thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương được công bố trên báo chí vào cuối kỳ họp thứ 32 của Ủy ban (kéo dài từ ngày 3/12 – 6/12) nói rằng "xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, cơ quan kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang". Tuy nhiên, hình thức kỷ luật cụ thể có thể sẽ áp dụng đối với ông Cang, một trong những lãnh đạo dính dáng trực tiếp đến vụ bê bối đất đai ở Thủ Thiêm, vẫn chưa được hé lộ.
Ông Tất Thành Cang, 47 tuổi, là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong kỳ họp tháng trước, ông Cang đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ", "vi phạm thẩm quyền", "vi phạm các quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố".
Ủy ban của Trung ương nói thêm rằng ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra nhiều vi phạm dân đến thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
Tin cho hay những vi phạm của ông Cang diễn ra trong thời gian ông giữ các cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó bí thư thường trực Thành ủy. Nổi bật là vụ ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường "dát vàng" ở Thủ Thiêm để đổi lấy đất "kim cương" ở vị trí đắc địa trong thành phố và vụ chuyển nhượng khu đất của Thành ủy ở huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Vào đầu tháng 11, trước khi Ủy ban đưa ra kết luận, ông Tất Thành Cang đã bất ngờ được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao thêm chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ban này có nhiệm vụ thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp.
Việc bất ngờ thêm chức cho ông Cang, sau khi cư dân mất đất ở Thủ Thiêm phanh phui công khai các sai phạm và kêu gọi trừng trị các lãnh đạo liên quan trực tiếp, đã khiến dư luận đưa ra so sánh và dự đoán về tương lai của quan chức này với số phận của ông Đinh La Thăng, quan chức cấp cao nhất của Đảng cộng sản đã bị kết án tù lên đến 30 năm tù trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn ngày 27/11, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân được báo Dân Trí dẫn lời nói việc kỷ luật các lãnh đạo cấp cao vi phạm thể hiện "sự quyết liệt của Đảng đối với vấn đề tham nhũng" và "không có vùng cấm" trong việc xử lý tham nhũng, như tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng.
"Đó có phải tin tốt không anh ?"
Đây là phản ứng đầu tiên của Chí, một người Việt nằm trong diện trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ, khi được phóng viên VOA Tiếng Việt hỏi ý kiến về quyết định mới đây của chính quyền Tổng thống Trump, tạm ngưng trục xuất những người Việt tới Mỹ trước năm 1995.
Trước đó, tờ New York Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ Katie Waldman xác nhận việc trục xuất với những người gốc Việt hiện không còn được phía Hoa Kỳ ‘tập trung cao độ’ nữa.
Theo biên bản phán quyết hôm 18/10 của thẩm phán Cormac J. Carney thuộc tòa án liên bang khu vực California, đại diện của chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận đã kí một thỏa thuận mới với Việt Nam hồi tháng 8, mà theo đó, việc trục xuất người Việt tới Mỹ trước năm 1995 "không thể đoán định một cách hợp lý".
Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 cho tới 8.000 người Việt thuộc diện chờ trục xuất. Rất nhiều người trong số này đã bị tước tình trạng thường trú nhân do phạm pháp.
Chí là một trong số đó. Anh bị cảnh sát bắt vì tàng trữ cần sa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhờ vào một thỏa thuận ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước 1995 như anh không phải đối mặt với nguy cơ bị đưa trở lại Việt Nam.
Nhưng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, phía Hoa Kỳ đã diễn giải lại thỏa thuận này, cho rằng những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà bản ghi nhớ năm 2008 đề cập đến. Điều này cũng được Đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink khẳng định với VOA Tiếng Việt :
"Thỏa thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995, nó vạch ra một qui trình để xử lí những người này. Còn với những người đến trước năm 1995, thỏa thuận này không hề đề cập đến".
Kể từ đó tới nay, chỉ trong vòng hai năm, anh Chí đã bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) bắt giam tới ba lần để chờ trục xuất.
"Lần đầu mình vô năm tháng rưỡi, rồi mình ra ba tháng, xong mình lại vô đó ba tháng, sau đó lại được thả, rồi bốn tháng sau lại bị bắt lại, là ba lần như vậy", anh Chí cho biết.
Những lần vào tù ra khám liên tục trong một thời gian ngắn khiến cuộc sống của gia đình anh, gồm vợ và một người con sáu tuổi mắc chứng tự kỉ, bị đảo lộn hoàn toàn.
Theo qui định của chính phủ Hoa Kỳ, những người không có quốc tịch Mỹ phạm các tội đại hình, sẽ bị sở Di trú tạm giam để chờ trục xuất. Việc tạm giam này không mang tính trừng phạt, mà để chờ phía quốc gia tiếp nhận, trong trường hợp này là Việt Nam, đồng ý cấp giấy phép thông hành cho những người bị Mỹ trục xuất.
Chính vì vậy, quyết định dừng trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp cơn ác mộng của anh Chí tạm thời chấm dứt, để anh có thể đi xin giấy phép lao động, tiếp tục làm việc nuôi gia đình. Đây rõ ràng là một tin tốt đối với những người như anh, cũng như với 28 di dân người Việt còn đang bị giam giữ tại các trại tạm gia của sở di trú. Nhưng …
Tất cả chỉ là tạm thời
Động thái tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 của chính phủ Hoa Kỳ diễn ra một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú.
Trong biên bản được viết bởi thẩm phán Cormac J. Carney, phía chính phủ Hoa Kỳ cho biết đã bắt đầu phóng thích số di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 hiện bị tạm giam, bởi không có khả năng trục xuất những người này trở về Việt Nam trong một tương lai "có thể đoán định".
Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây, đó chính là chỉ một vài tháng trước, đại diện phía bị đơn – tức chính phủ Hoa Kỳ, còn khẳng định, Việt Nam sẽ nhận số di dân này, chiếu theo một thỏa thuận vào giữa năm 2017.
Điều này cho thấy tương lai của những người Việt trong diện bị trục xuất, phụ thuộc hoàn toàn vào những thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Thẩm phán Cormac J. Carney cũng cho biết "Chính quyền không thừa nhận rằng họ đã vi phạm các quyền Hiến pháp của các cá nhân này khi giam giữ họ và biết rằng họ không thể và sẽ không được trở về Việt Nam. Chính quyền dứt khoát bảo lưu quyền tái giam giữ tất cả những người đã thả ra gần đây".
Vậy tức là anh Chí có thể sẽ bị Sở Di trú Mỹ bắt giữ … lần thứ 4, nếu Việt Nam nối lại và đẩy nhanh việc tiếp nhận những di dân phạm pháp trở về nước.
Tương lai nào cho những người "vô tổ quốc" ?
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
"Cái này là họ (chính phủ Mỹ) chỉ tạm đổi cái xu hướng của họ thôi và không có gì cố định cả", luật sư Khanh nói thêm.
Còn theo cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ từ California, những di dân người Việt trong diện trục xuất như anh Chí không nên tiếp tục trông đợi vào thỏa thuận kí năm 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo ông, bản ghi nhớ này không thể bảo vệ được những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 khỏi nguy cơ bị trục xuất.
"Cái memorendum (bản ghi nhớ) 2008 nó không có áp dụng, đề cập, nói gì tới cái nhóm người tới trước năm 1995 hết. Nếu mà hiểu là nó bảo vệ những người đó khỏi bị trục xuất là hoàn toàn trật lất. Hiểu như vậy là hiểu sai", ông Phan Quang Tuệ chia sẻ.
Và thực tế cũng cho thấy, khi cần thiết, chính phủ hai phía Việt-Mỹ có thể thay đổi nội dung thỏa thuận, nhằm phù hợp với lợi ích tại từng thời điểm của mỗi bên.
Vị cựu thẩm phán có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực di trú, cả hành pháp lẫn tư pháp này cho biết, gần như không có cách nào để hoàn toàn loại bỏ khả năng những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 bị trục xuất ; nhưng nếu cộng đồng người Việt đoàn kết và có một lãnh đạo đủ mạnh có thể tác động một cách "mềm mỏng" tới các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ, thì cuộc sống của những người thuộc diện bị trục xuất có thể sẽ dễ thở hơn.
Và quan trọng hơn, một thái độ cảm thông và bao dung của cả cộng đồng có thể giúp những người như anh Chí có thể yên tâm làm việc nuôi sống gia đình khi mà "lưỡi gươm" trục xuất vẫn lơ lửng kề ngay cổ.
Mỹ " ngưng" trục xuất người Việt nhập cảnh trước 1995’ (VOA)
Đông Hải
Nguồn : VOA, 06/12/2018
Tòa Bạch Ốc nhắm xóa sổ diện bảo lãnh thân nhân (VOA, 15/12/2017)
Chính quyền : Đề nghị-Chuẩn bị-Hành động
Tòa Bạch Ốc đang tiến hành chiến dịch vận động công luận chống lại chính sách cho phép bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư trước khi tiến hành ‘cú đẩy toàn lực’ vào năm sau hướng tới một thể thức di trú dựa vào năng lực xứng đáng.
Người biểu tình chống lại các đề nghị cải tổ di trú của Tổng thống Trump.
Trước vụ tấn công khủng bố đầu tuần này tại New York do một di dân gốc Bangladesh thực hiện, chính quyền của Tổng thống Trump đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc vận động này bằng cách thu thập dữ liệu để củng cố lập luận rằng hệ thống di trú hiện hành không những có nhiều kẽ hở, mà còn nguy hiểm và gây hại cho người lao động Mỹ.
Tuần này, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho AP biết dữ liệu cho thấy cần phải thay đổi hệ thống di trú ngay lập tức.
Vấn đề di trú dự kiến sẽ được nhấn mạnh trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang của Tổng thống vào ngày 30/1 tới đây.
Tòa Bạch Ốc cũng lên kế hoạch cho các bài diễn văn khác của Tổng thống và thúc đẩy nhấn mạnh vấn đề này trên mạng lưới truyền thông bảo thủ.
Chính quyền Trump bắt đầu chiến dịch này từ thứ năm, đăng lên truyền thông xã hội, nhấn mạnh các số liệu như dữ kiện Bộ An ninh Nội địa cho thấy gần 9,3 triệu trong số gần 13 triệu di dân tới Mỹ từ 2005 tới 2016 là diện bảo lãnh thân nhân. Trong thập niên qua, cứ 15 di dân chỉ có 1 người nhập cư Mỹ nhờ kỹ năng.
Lực lượng thực thi di trú Mỹ bắt một di dân bất hợp pháp ở Los Angeles.
Trong khuôn khổ chiến dịch thu hút đồng thuận từ công chúng, sắp tới, hành pháp Mỹ dự định sẽ công bố báo cáo nêu bật số di dân phạm tội tại Mỹ đang bị giam giữ trong các nhà tù, đánh giá những hồ sơ tòa án tồn đọng về di trú và những trì trệ trong tiến trình xét duyệt các đơn xin tị nạn, cùng phúc trình về điều mà chính quyền Trump gọi là sự liên hệ giữa di dân và khủng bố.
Những người chỉ trích từng chất vấn về việc trước đây chính quyền dựa vào những số liệu đôi khi gây ngộ nhận.
Đề nghị gạt bỏ chương trình di trú diện bảo lãnh thân nhân là một thay đổi quan trọng nhất đối với hệ thống di trú Mỹ trong 30 năm nay.
Đề nghị này có thể xóa bỏ các diện bảo lãnh ‘ăn theo’ như anh chị em, ba mẹ, hay con cái trên 21 tuổi, luật sư Khanh Phạm từ Texas, người có chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú, cho VOA Việt ngữ biết.
Thay vào đó, dân nhập cư Mỹ được đánh giá, tuyển chọn theo một hệ thống thang điểm dựa trên khả năng học vấn và chuyên môn. Bbiện pháp này ngày càng được các nước ứng dụng nhiều hơn, kể cả Anh quốc.
Công luận : Ủng hộ vs Phản đối
Công chúng Mỹ hiện chia rẽ sâu sắc về các kiểu cải cách mà Tổng thống Trump đang cổ súy.
Cuộc thăm dò của đại học Quinnipiac hồi tháng 8 cho thấy 48% cử tri phản đối đề xuất mà Tổng thống Trump ủng hộ : cắt giảm số di dân bất hợp pháp trong tương lai xuống còn phân nửa và ưu tiên cho các di dân có kỹ năng nghề nghiệp hơn là những người có bà con thân nhân ở Mỹ. 44% những người được hỏi ủng hộ ý kiến này.
Tòa Bạch Ốc hy vọng Quốc hội bắt tay vào vấn đề di trú vào đầu năm 2018.
Ông Trump đã đề ra những tiêu chí tổng quát về những gì ông trông đợi trong dự luật cải cách di trú để đổi lấy việc cấp quy chế hợp pháp cho hơn 700 ngàn di dân được cha mẹ mang sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ. Các nội dung ông Trump mong muốn cải cách bao gồm xây tường biên giới chặn di dân lậu, tăng cường thực thi luật nghiêm hơn, và tiến tới hệ thống di trú dựa trên thang điểm xứng đáng.
Người biểu tình chống lại các biện pháp liên bang nhắm vào các thành phố 'chứa chấp' di dân bất hợp pháp.
Liên đoàn Cải cách Di trú Mỹ, FAIR, tổ chức vận động hạ bớt tỷ lệ dân nhập cư, vừa khởi sự chiến dịch vận động trên truyền thông cảnh báo về điều mà họ gọi là mối nguy của chương trình nhập cư theo diện bảo lãnh thân nhân và chương trình xổ số visa định cư Mỹ. Trong 1 tháng rưỡi qua, tổ chức này đã chi gần 1 triệu đô la cho chiến dịch vận động của mình.
Tuy nhiên, ông Guillermo Cantor, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Di trú Mỹ, cho rằng chính quyền Trump phớt lờ những lợi ích của hệ thống di dân theo diện bảo lãnh thân nhân.
Ông nói nghiên cứu cho thấy các thân nhân được bảo lãnh mang tới Mỹ kỹ năng, sự hỗ trợ cùng các lợi ích khác chẳng hạn như phụ giúp trông trẻ.
"Xã hội này được thành lập trên các giá trị gia đình", ông Cantor lập luận rằng chuyện đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, đối với nhiều người đã trở thành thường trú nhân hay công dân Mỹ, là hết sức hệ trọng.
Luật sư Khanh Phạm nói dù những đề nghị của ông Trump chưa thành luật nhưng các nỗ lực vận động giới lập pháp chớ xóa bỏ chương trình định cư ‘ăn theo’ nên bắt đầu từ bây giờ, từ cách gửi gắm nguyện vọng qua những tiếng nói đại diện cho dân tại Quốc hội, vốn là cách vận hành lâu nay của hệ thống dân chủ Mỹ.
Trà Mi
***********************
Indonesia trục xuất người Việt xin tị nạn (VOA, 15/12/2017)
Binh sĩ Indonesia canh giữ nhóm một nhóm ngư dân Việt đánh cá lậu ở biển Natuna. Nhóm 4 người bị trục xuất ngày 13/12 nói họ đang trên đường đi sang Úc.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Indonesia vừa trục xuất 4 người xin tị nạn Việt Nam hôm 13/12, bất chấp phản kháng của một nhóm bênh vực nhân quyền rằng những người này đang phải đối mặt với nguy cơ bị bức hại tại quê nhà.
Phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận với báo Jakarta Globe rằng 4 người Việt Nam xin tị nạn đã bị trục xuất vào chiều thứ Tư (13/12).
Chính phủ Indonesia đã sắp xếp và chi trả tất cả mọi chi phí để đưa họ về Việt Nam.
Trước đó một ngày, trong thư ngỏ gửi Tổng thống Joko Widodo, Mạng lưới quyền Người tị nạn Châu Á-Thái Bình Dương (APRRN) yêu cầu Tổng thống Indonesia bảo vệ những người xin tị nạn và chặn các cơ quan di trú trục xuất họ về Việt Nam.
Điều phối viên Chương trình của APRRN Evan Jones trích dẫn báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói tình trạng bức hại các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Nhưng ông không giải thích với Jakarta Globe về lý do vì sao những người Việt bị trục xuất lại xin tị nạn ở Indonesia.
Theo lời phát ngôn viên Agung, một đơn vị tuần duyên Indonesia đã cứu được chiếc tàu chở 40 người đàn ông và phụ nữ nước ngoài trong vùng biển ngoài khơi Nusa Tenggara hồi cuối tháng 10. Những người trên thuyền nói họ đang trên đường tới Úc.
Cảnh sát Indonesia đã giao các thành viên trên tàu cho cơ quan nhập cư.
Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã giúp cho 36 người trên tàu trở về nhà bằng tiền của họ.
Phát ngôn viên Agung nói :
"Chúng tôi quyết định trục xuất bốn người này vì dựa trên cuộc điều tra của chúng tôi, họ là những người nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là những người xin tị nạn thực sự".
Indonesia chưa ký kết Công ước năm 1951 của UNHCR liên quan đến tình trạng người tị nạn.
Cư dân Việt Nam được cấp quy chế thường trú nhân Hoa Kỳ, còn gọi là thẻ xanh, đa phần phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Donald Trump, theo đó cấm người tị nạn và di dân từ bảy quốc gia đa phần dân số là người Hồi Giáo.
Sắc lệnh của ông Trump ra lệnh tạm ngưng nhập cảnh người tị nạn vào Hoa Kỳ trong vòng 120 ngày, cấm vĩnh viễn người tị nạn từ Syria, và thực thi lệnh cấm kéo dài 90 ngày đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị Thu Huỳnh, hiện đang sống ở Maryland, băn khoăn với sắc lệnh của ông Trump. Chị nói sẽ rất buồn nếu cá nhân hay người nhà, có thẻ xanh, lại bị cấm nhập cảnh vào Mỹ :
"Tôi cũng hơi suy nghĩ là nếu người ta là người ngay, thì phải làm sao đối với hoàn cảnh gia đình của họ. Hoàn cảnh gia đình của họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ phải tự xoay sở thế nào để thích ứng với hoàn cảnh mới của nước Mỹ".
Tuy nhiên, chị Thu Huỳnh ủng hộ một phần của sắc lệnh này vì "sắc lệnh giúp ngăn chặn kịp thời kẻ khủng bố có ý đồ nhập cảnh vào Hoa Kỳ" từ những quốc gia có liên quan đến khủng bố.
Chị Thu Huỳnh nói về cái lợi của sắc lệnh vừa được ban hành ngày 27 tháng Giêng :
"Vì có người theo khủng bố nên chính sách đó là chính sách tốt. Về một mặt nào đó. Đối với kẻ theo khủng bố thì thật chính đáng".
Một chị ở Virginia, không nêu tên, cho rằng quyết định cấm nhập cư của Tổng thống Trump là "hoàn toàn sai trái". Chị nói :
"Đương nhiên tôi không nghĩ đó là một quyết định đúng. Quyết định này không làm người dân như tôi hài lòng. Một quyết định không tốt chút nào".
Anh Khanh Nguyễn ở Fairfax, Virginia, cho VOA biết anh có người thân là thường trú nhân tại Hoa Kỳ, nếu người thân của anh không được quay lại Mỹ thì anh vô cùng tức giận :
"Dĩ nhiên, phản ứng đầu tiên của mình là tức giận. Tức giận vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất người thân của mình đã được cấp qui chế thường trú nhân, nhưng bây giờ không được nhập cảnh. Điều thứ hai là lòng người. Bao gồm cả người Việt Nam và các người dân trên thế giới".
Ngoài ra, anh Khanh Nguyễn còn nói rằng sắc lệnh này của ông Trump là một sai lầm lớn :
"Đây là một đất nước tự do. Khi là một đất nước tự do thì mọi người phải bình đẳng hết. Không thể nào mà lúc này thì người này được chấp thuận, lúc khác thì lại không được. Theo mình nghĩ, điều đó là sai lầm lớn của Tổng Thống Trump".
Theo Luật Di Trú Hoa Kỳ, thường trú nhân Hoa Kỳ, còn được gọi là người giữ thẻ xanh, được cấp nhiều quyền lợi. Họ có thể sống và làm việc tại bất cứ đâu ở Hoa Kỳ. Vì vậy, thường trú nhân có thể chọn để sống và làm việc ở bất kỳ tiểu bang nào của Hoa Kỳ mà họ mong muốn. Thường trú nhân được bảo vệ hoàn toàn trước luật pháp liên bang, tiểu bang và địa phương của Hoa Kỳ.
của Tổng thống Donald Trump về di dân tiếp tục "gây bão dư luận" công dân Việt ở Hoa Kỳ, dù họ không phải là đối tượng nằm trong lệnh cấm của Nhà Trắng.
Trên blog cá nhân, anh Châu Thanh Vũ, một nghiên cứu sinh người Việt học ở Boston, viết : "… rất nhiều người Việt Nam xem ông Trump đơn thuần là một vị tổng thống nói là làm, đặt lợi ích và an ninh quốc gia lên trên hết. Đối với họ, sắc lệnh cấm nhập cảnh của công dân 7 quốc gia mà đa phần dân số là người Hồi giáo là một việc làm đúng đắn bảo vệ lợi ích của nước Mỹ…".
Tuy nhiên, theo anh Vũ, "về phương diện đạo đức, điều này lại không hợp lý một tí nào. Trong khi châu Âu đang gồng mình lên tiếp nhận làn sóng người tị nạn chiến tranh từ Syria, thì Mỹ – siêu cường quốc của Thế giới – lại đang đóng cửa không giúp đỡ những người phải bỏ quê hương của họ để chạy đua với tử thần".
Sau khi sắc lệnh hành pháp về di dân ký ngày 27/1 gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối khắp nước Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ "sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả các nước sau khi đã đoan chắc, xem xét và thực thi các chính sách an toàn nhất trong vòng 90 ngày tới".
Anh Hùng Trần, người sáng lập đồng thời cũng là giám đốc điều hành của GotIt !, một công ty khởi nghiệp về giáo dục ở Silicon Valley, nói rằng anh "chỉ có nhân viên ở Việt Nam và Mỹ nên hiện tại cũng không có bị ảnh hưởng gì bởi sắc lệnh của ông Trump".
Anh cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng việc cấm di dân của ông Trump đang "nóng" tại "thủ đô công nghệ của thế giới".
Anh nói : "Kể cả ‘co-founder’[người đồng sáng lập] của Google là Sergey Brin cũng đi ra SFO [sân bay quốc tế San Francisco] để tham gia cái ‘demonstration’ [biểu tình] với mọi người. Nói chung, ở Silicon Valley có rất là nhiều các kỹ sư và mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả Google hoặc các công ty lớn, người ta có rất nhiều nhân viên có thể bị ảnh hưởng. Ở đây đang nóng về vấn đề đó".
Như anh Hùng, nhiều công ty công nghệ có người sáng lập sinh ra ở nước ngoài và tuyển dụng nhiều nhân viên khắp thế giới tới làm việc, trong đó cũng có không ít người là công dân của các nước nằm trong lệnh cấm của ông Trump nên buộc các công ty này phải lên tiếng phản đối sắc lệnh hành pháp.
Bạn đọc Len Nguyen, từ Washington, gửi ý kiến cho VOA Việt Ngữ, cho biết, "hoàn toàn ủng hộ quyết định sáng suốt của Tổng Thống Donald Trump".
Thính giả này viết tiếp : "Cần phải có biện pháp nghiêm ngặt, phối kiểm kỹ lưỡng những thành phần ở 7 nước có nguồn gốc người lợi dụng đường lối di dân nhân đạo của Hoa kỳ để len lỏi mà gây nên cái thảm hoạ 9/11. Đây là bài học xương máu của Hoa Kỳ mà những ai có ý phản đối hay dọa Tổng Thống Donald Trump cần phải xem xét lại. Hoan hô Tổng Thống Donald Trump".
Trong khi đó, chị Thảo Lê, một sinh viên Việt Nam đang học tập tại thành phố Philadelphia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng có trao đổi với các bạn bè bản xứ, và theo lời chị, "họ thấy nó rất là kiểu vô lý vì ‘ban’ [cấm] một số nước mà một số nước đấy lại không liên quan tới khủng bố gì hết".
Bảy quốc gia nằm trong "danh sách cấm" của ông Trump gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị nói thêm : "Trường có đưa ra những cái email bảo là, trong những tháng sắp tới mọi người đừng rời nước Mỹ vì đi có khả năng không được vào lại. Trường cũng có báo, trường cũng ‘take action’ [hành động]".
Nhiều trường đại học ở Mỹ cũng đã ra thông báo trấn an các du học sinh từ quốc gia bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh của ông Trump.
Theo thống kê chính thức của các cơ quan giáo dục Mỹ, hiện có hơn 21 nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng thứ sáu trong các quốc gia trên toàn thế giới có du học sinh tới Mỹ học tập.
Anh Thành Đỗ, sinh viên gốc Việt tại New York, cho rằng chính sách của ông Trump "gây chia rẽ". Anh nói : "Các bạn không quá là lo lắng, nhưng cảm thấy nó không đúng. Ở Mỹ, đáng nhẽ phải rất là ‘diverse’ [đa dạng], nên đáng nhẽ phải có các policies [chính sách] giúp mọi người dễ hòa nhập hơn, nhưng đây nó lại tìm cách để chia rẽ".
Về khả năng tân chính quyền Mỹ ban hành các chính sách siết chặt việc các du học sinh nước ngoài ở lại làm việc, anh Thành nói rằng "tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa".
Trong tuyên bố chính thức của Nhà Trắng hôm 29/1, ông Trump nói rằng "nước Mỹ là quốc gia hãnh diện vì người nhập cư và chúng ta sẽ tiếp tục cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế".
****************
Cảnh sát Pháp phá vỡ một đường dây đưa người Việt sang Anh bất hợp pháp (RFI, 31/01/2017)
Người nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp. Ảnh chụp năm 2009. Ảnh : Reuters
Nguồn tin từ giới điều tra, ngày 30/01/2017 cho AFP biết : Một đường dây đưa người nhập cư Việt Nam từ Pháp sang Anh bất hợp pháp đã bị phá vỡ vào cuối tuần qua.
Hàng chục cảnh sát đã được huy động, với sự hỗ trợ của trực thăng và chó nghiệp vụ, đã phong tỏa một khu lán trại của người Việt, ở Angres, vùng Pas-de-Calais, miền tây bắc nước Pháp.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà điều tra thuộc cơ quan trấn áp nhập cư bất hợp pháp (Ocriest), cảnh sát đã câu lưu khoảng 15 người và tạm giữ 5 người trong đó có 4 người Việt và 1 lái xe taxi người Pháp.
Cuộc điều tra bắt đầu từ hồi tháng 3/2016 và cho thấy có một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp bắt nguồn từ vùng Paris. Những người Việt Nam tự đến Pháp và tại Paris, họ được chở bằng taxi đến Lens, sau đó được đưa vào khu lán trại ở Pas-de-Calais, chờ thời cơ đi sang Anh Quốc.
Những người này phải trả 700 euro để được nhập trại. Sau đó, họ phải chi từ 3500 đến 10 000 euro để được sang Anh. Một khoản tiền lớn trong số này được dùng để chi cho tài xế xe tải hạng nặng có giao kèo với mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp. Cũng có nhiều trường hợp người nhập cư được thả xuống các trạm nghỉ dọc đường và phải tự xoay xở.
Cuộc điều tra khá phức tạp bởi vì "cộng đồng người Việt sống rất khép kín". Các nhà điều tra cho biết là từ một năm nay, mạng lưới đưa người này đã thực hiện được nhiều vụ.
RFI tiếng Việt