Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Ngọc Ánh (VNTB, 08/06/2019)
Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do ngay lập tức nhà hoạt động môi trường này.
Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh đã bị kết án 6 năm tù vì các bài đăng trên Facebook "chống phá nhà nước".
"Phiên tòa công khai nhưng nó rất nhàm chán, áp đặt. Thẩm phán, Viện Kiểm sát chỉ có đọc văn bản và đọc rất lủng củng, giống như bị bắt đọc".
Một "cuộc đàn áp đang diễn ra" đối với giới bất đồng chính kiến !
Nguyễn Ngọc Ánh xuất hiện tại tòa hôm 6/6
Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp nhân quyền.
Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do ngay lập tức nhà hoạt động môi trường này.
Ông Ánh bị kết tội gì ?
Ông Ánh, 39 tuổi, bị kết tội "làm, phổ biến và truyền bá thông tin và tài liệu nhằm phá hoại" đất nước, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Theo cáo trạng, ông Ánh viết bài đăng trên Facebook kêu gọi mọi người tham gia biểu tình vào tháng 6 và tháng 9.
Trong các bài viết trên Facebook, ông Ánh phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan, mà chính phủ Việt Nam đã buộc tội làm chết hàng trăm tấn cá ngoài khơi miền trung Việt Nam năm 2016. Ông Ánh cũng lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị.
Ông Ánh sẽ bị quản thúc tại gia trong năm năm sau khi thụ án tù sáu năm tù giam.
Ông Ánh chỉ là vụ mới nhất trong một số vụ bắt giữ tương tự. Tuần trước, một thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã bị bắt với cùng tội danh, và vào đầu tháng Năm và đã bị kết án tù năm và sáu năm vì các bài đăng trên Facebook phản đối các đặc khu kinh tế mới và luật an ninh mạng.
EU nói gì :
Bộ phận Hoạt động Đối ngoại của EU đã ra tuyên bố rằng :
- Tự do biểu đạt một cách ôn hòa được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết tham gia trong đó bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Việc kết án này vì vậy là sự vi phạm trực tiếp các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế.
- Quyền tự do ý kiến và biểu đạt - trực tuyến và ngoại tuyến - là những quyền của con người, và rất quan trọng để đảm bảo sự minh bạch, công bằng xã hội, thịnh vượng cũng như phát triển toàn diện và bền vững.
- Liên Hiệp Châu Âu mong đợi các cơ quan chức năng Việt Nam ngay lập tức thả ông Nguyễn Ngọc Ánh cũng như tất cả các blogger và những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ vì việc biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa.
- Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như với các đối tác liên quan khác để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
'Tàn nhẫn'
EU cho biết bản án này là một phần của "sự gia tăng đáng lo ngại". Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam hiện có ít nhất 128 tù nhân chính trị, với 10% trong số đó bị tù giam vì các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Đề án 88, theo dõi các hành vi lạm quyền tại Việt Nam, cho biết nước này hiện đang giam giữ hơn 200 tù nhân chính trị.
Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết hôm thứ Tư, phiên tòa là một phần của "cuộc đàn áp những tiếng nói quan trọng" nhằm "răn đe những người khác dám chất vấn chính phủ".
Trên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền , ông Phil tuyên bố : "Việc mở phiên tòa này ngay khi Hội đồng Châu Âu đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU -Việt Nam cho thấy chính quyền Việt Nam có thể tàn nhẫn đến mức nào, và cũng cho thấy vì sao cải thiện nhân quyền cần là một phần trong các thỏa thuận thương mại, thay vì bị gạt sang bên lề nhân danh ngoại giao".
Ân xá quốc tế :
Trước phiên tòa xét xử ông Ánh, Nicholas Bequelin, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế Đông Nam Á , cho biết :
- Phiên tòa dàn dựng kết án Nguyễn Ngọc Ánh cho thấy không còn ai an toàn trên Facebook ở Việt Nam nữa.
- Trường hợp của ông Ánh chỉ là trường hợp cuối cùng trong một danh sách ngày càng nhiều cư dân mạng bị truy tố, bắt giữ hoặc giam giữ chỉ vì thảo luận về các vấn đề công cộng hoặc chỉ trích chính phủ một cách ôn hoà.
- Nhà chức trách ở Hà Nội hiện đang mở rộng đàn áp trực tuyến mà họ đã và đang áp đặt lên các quyền công dân và chính trị ở nước này trong hàng chục năm qua, sử dụng Facebook như một công cụ để tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng.
- Tòa nên bác bỏ các cáo buộc với động cơ chính trị và trả tự do cho ông Ánh ngay lập tức và vô điều kiện.
Vai trò của Facebook
Đảng Cộng sản cầm quyền đã cấm các phương tiện truyền thông độc lập và cấm chỉ trích. Nhiều người dân chuyển sang dùng Facebook để lên tiếng phản đối. Vào tháng 1, Facebook đã bị chính phủ Việt Nam cáo buộc vi phạm pháp luật khi cho phép người dùng đăng các bài viết chống chính phủ. Facebook cho biết họ đã tăng số lượng nội dung bị chặn đối với người dùng tại Việt Nam lên hơn 500% trong nửa cuối năm 2018.
Cùng với động thái đàn áp các tiếng nói bất đồng và kiểm duyệt trong nước, trong một thời gian ngắn vừa qua các bài viết của Việt Nam Thời Báo (VNTB) trên trang Facebook cũng liên tục bị xoá bỏ vì các cáo buộc vi phạm quy định của cộng đồng. Những bài viết liên quan đến Thiên An Môn đã bị xoá thẳng thừng, ngoài ra còn có các bài viết liên quan đến đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, hay chính sách tiếp nhận đầu tư Trung Quốc và khai thác khoáng sản đất hiếm trong nước cũng cùng chịu chung số phận.
Phương Thảo
*****************
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị 6 năm tù giam, nhưng vợ tự hào về anh
BBC, 07/06/2019
Hôm 6/6, kỹ sư nuôi tôm, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, bị kết án 6 năm tù giam 5 năm quản chế vì làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu chống phá Nhà nước theo Điều 117, BLHS, theo báo Thanh Niên.
Nguyễn Ngọc Ánh được biết đến là một doanh nhân, kỹ sư nuôi tôm, hay quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội
Trong khi báo trong nước nói rằng ông Ánh thừa nhận đã bịa đặt, vu khống thông tin chống phá nhà nước và "ăn năn hối cải", gia đình ông Ánh phản bác toàn bộ thông tin này.
'Ăn năn hối cải' ?
Theo Thanh Niên, ông Ánh đã dùng "mạng xã hội Facebook để tuyên truyền những nội dung sai sự thật, chống phá Nhà nước".
Cũng theo báo này, từ tháng 3 đến tháng 8/2018, ông Ánh đã "sử dụng nhiều email, mạng xã hội phát trực tiếp (livestream), trao đổi thông tin, cung cấp hình ảnh, tư liệu kết nối với 14 tài khoản Facebook khác để phát tán, chia sẻ các nội dung tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tổ chức biểu tình, xuyên tạc chính sách pháp luật, vu khống, bịa đặt gây tâm lý hoang mang, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa…".
Và các thông tin nội dung này "đã phát tán đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận".
Tháng 8/2018, ông Ánh bị công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt giữ.
Đáng chú ý, cũng theo báo này, ông Ánh đã thừa nhận những thông tin "chống phá Nhà nước" là "tự bịa đặt, vu khống, vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn hối cải".
Ngẩng cao đầu tại phiên tòa 'công khai'
Chị Nguyễn Thị Châu, vợ ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, phiên tòa sáng 6/6 ngạc nhiên là 'khá công khai'. Có mặt tại phiên tòa ngoài chị, còn có anh trai, chị dâu ông Ánh và năm người vợ của một số tù nhân lương tâm.
Chị Châu cho rằng có sự dàn xếp trong phiên tòa, khi viện kiểm sát mời một người giúp việc trong nhà lên làm chứng.
"Ông xã tôi có làm một cái cây 60 phân và đục lỗ, để làm hàng rào bảo vệ khu nuôi tôm. Anh người làm đó biết rõ vậy mà lại nói theo lời công an dặn là anh Ánh làm cây đó để đi biểu tình. Khi anh Ánh đi biểu tình anh cũng đâu có cầm theo cái cây đó theo".
Tại phiên tòa, ông Ánh thừa nhận có đăng 74 video live stream, nhưng là để nói lên tiếng nói của mình.
Một trong những video livestream mà được làm bằng chứng tại tòa là video, trong đó ông Ánh nói Miền nam Việt nam là của Việt Nam Cộng hòa và kêu gọi người dân trong và ngoài nước liên kết lại nếu muốn lấy lại Việt Nam Cộng Hòa, theo chị Châu.
"Và hình như cứ nói đụng tới Trung Quốc là họ không thích. Họ bảo mình là chia rẽ tình đoàn kết Việt Nam - Trung Quốc. Anh Ánh mới nói [tại tòa] rằng 'Vì sao tàu Việt Nam bị Trung Quốc đâm như vậy mà nói là tàu lạ đâm ? Tại sao biển đảo mình bị mất mà nói là chưa lấy chứ không phải là không lấy lại ? Có phải hèn với giặc ác với dân không ?'", chị Châu kể lại.
"Những gì [tòa] thấy có lợi cho anh Ánh là họ không nhắc tới, nhưng cái gì bất lợi là họ cứ hay nhắc đi nhắc lại", chị Châu nói khi ông Ánh có thừa nhận rằng một số livestream nói về học đường y tế, nhiều cái ông nói "hơi quá, chưa xác thực và xin sửa sai".
Trước thông tin ông Ánh thừa nhận "bịa đặt, vu khống, vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn hối cải", chị Châu bật cười và nói rằng nếu nhìn vào tấm hình thì sẽ thấy chồng đã rất "kiên cường, bất khuất" như thế nào.
Chị Châu nói, trước khi bị bắt ông Ánh khỏe mạnh nhưng sau khi vào tù, thì chân ông bị đau nhưng chưa tiện nói lý do vì sao.
Tại phiên tòa, khi chủ tọa đề nghị đưa ghế cho ngồi thì ông Ánh nhất quyết đứng và xin vịn vào thành bục khai báo.
"Anh ấy ngẩng cao đầu. Anh ấy ráng đứng từ sáng tới 1 giờ trưa. Người ta cho ghế nhưng ảnh nói 'Tôi Cảm ơn. Tôi không ngồi mà tôi đứng được'".
"Tôi mua một bộ đồ Tây cho anh mặc nhưng anh lại mặc một bộ đồ hết sức bình thường. Chắc anh ấy muốn tỏ ra anh ấy xem thường cái phiên tòa này".
Nói về chồng, chị Châu khẳng định : "Chồng tôi dám đứng thẳng làm người. Tôi tự hào về anh ấy. Tôi chẳng có gì phải sợ".
Ông Ánh ban đầu tính mời thuê luật sư nhưng sau đó, gia đình gặp khó khăn về tài chính. Khi một số tổ chức nhân quyền quyết định giúp đỡ ông thuê luật sư, thì ông từ chối, nói nên giữ lời hứa với chính quyền.
Tuy nhiên, gia đình có thể sẽ cân nhắc mời luật sư cho phiên tòa phúc thẩm.
Nguyễn Ngọc Ánh là ai ?
Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, là một doanh nhân và kỹ sư nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Theo chị Châu, ông Ánh bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường từ năm 2014-2015, khi đó anh chỉ nghiên cứu làm sao để làm sách bãi rác thải quanh khu gia đình ở.
Từ lúc xảy ra sự cố Formosa, ông bắt đầu đi biểu tình, tìm hiểu thêm về môi trường, học đường, y tế và về dân oan về bất tuân dân sự.
Một bài đăng của Nguyễn Ngọc Ánh trên Facebook :
"Lúc đầu tôi bị áp lực từ phía gia đình bên chồng, làm gì thì làm đừng có bỏ con cái ở lại. Lúc đó tôi cũng quan tâm đến chính trị rồi. Thì anh Ánh nói 'Hai vợ chồng mình thì một mình anh làm thôi, còn em ở lại, chứ hai đứa nhảy vô thì con cái không ai nuôi, bố mẹ già không ai chăm' nên tôi chỉ theo dõi thôi. Một mình ông xã tôi chiến đấu".
Kể từ khi ông Ánh, trụ cột của gia đình bị bắt, chị Châu và con cũng gặp nhiều khó khăn.
"Vợ chồng tôi trước đây là một doanh nhân thành đạt, cuộc sống mơ ước của nhiều người. Có nhà cửa, xe cộ, có người làm trong nhà. Giờ thì chỉ có hai mẹ con, tôi phải làm đủ nghề. Cái gì cũng làm nhưng tôi mệt mỏi vì tôi tự hào về chồng. Dù có khổ mấy tôi cũng không thấy mệt".
"Ông xã tôi dám xả thân ra đứng thẳng làm người. Anh ở trong tù thì tôi sẽ tiếp tục đứng thẳng làm người và con tôi cũng vậy.
"Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân thôi. Quan trọng mình sống làm sao để người thân của người mình được hưởng phúc lợi xã hội, đất nước được đa nguyên đa đảng".
'Công an bảo con mở điện thoại'
Chị Châu kể, trưa 30/8/2018, ông Ánh đi làm về và hai vợ chồng tính nấu cơm ăn trưa thì nhận được được một cuộc điện thoại nói phải xuống phường làm giấy tờ tạm trú tạm vắng.
Ông Ánh vừa rời khỏi nhà 5 phút thì công an ập vào nhà đọc lệnh bắt và lệnh khám xét. Ông Ánh bị bắt khi đang đi trên đường.
"[Công an] nói lần này [ông Ánh] đi công tác xa nên cho hai bố con gặp nhau. Tôi không thể đưa con đi được vì đang theo sát vụ khám nhà nên nhờ người thân quen đưa con xuống gặp anh Ánh".
"Lúc con về, tôi hỏi con có gặp bố không, có nói bố yên tâm không, thì nó bảo là 'Con có gặp bố đâu. Năm chú công an bắt con mở điện thoại của bố'".
Chị Châu cho biết khi đó bé trai mới có 3 tuổi rưỡi.
Cha của ông Ánh qua đời hồi tháng 3/2019, nhưng công an vẫn từ chối cho phép ông về chịu tang cha.
Trước đó Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế (AI) đều đã ra thông cáo báo chí một ngày trước khí diễn ra phiên xét xử kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho ông Ánh ngay lập tức.
"Tội duy nhất của Nguyễn Ngọc Ánh là anh đã dám nói lên quan điểm của mình chống lại sự bất công và đàn áp", Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của HRW nói.
"Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên xem xét lại các thỏa thuận với Việt Nam cho đến khi họ ngừng lạm dụng quyền và trừng phạt những người bất đồng chính kiến".
***************
Nguyễn Ngọc Ánh đối mặt với phiên tòa ‘dàn dựng’ : HRW
Hoài Hương, VOA, 05/06/2019
Lại có thêm một nhà hoạt động bảo vệ môi trường Việt Nam sắp bị mang ra xét xử vì những chia sẻ trên Facebook, trong điều mà Tổ chức Human Rights Watch mô tả là "một chiến dịch kéo dài tấn công vào quyền tự do biểu đạt". Ông Nguyễn Ngọc Ánh, thường được nhắc đến như một ‘kỹ sư nuôi tôm’ ở Bến Tre, tham gia các cuộc biểu tình phản đối công ty Formosa của Đài Loan thải chất độc xuống biển, gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc theo vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, bị buộc tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ vào đêm Thứ Tư 5/6 ở Bangkok, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch Phil Robertson nói chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đặt nặng các lợi ích thương mại và "nước Mỹ trên hết" đã tác động tệ hại tới tình trạng nhân quyền Việt Nam. Human Rights Watch gọi vụ xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh là một vụ án được dàn dựng, và kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do lập tức cho ông.
Nông dân nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh
Facebooker Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một nông dân nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre, bị cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự. Phiên tòa xét xử ông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/6 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch Phil Robertson nói các chính sách phát triển của Việt Nam, không được nghiên cứu thấu đáo và thi hành không đúng đắn dẫn tới hủy hoại môi trường, đã biến ông Nguyễn Ngọc Ánh từ một nông dân chỉ mong được yên ổn làm ăn thành một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường.
"Những hành động của chính quyền Việt Nam đã biến một nông dân chỉ mong được yên ổn làm ăn trở thành một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường bởi vì nhà nước quản lý yếu kém và tham nhũng, dẫn tới hủy hoại môi trường do các chính sách phát triển không được nghiên cứu thấu đáo, thi hành một cách không đúng đắn, người làm sai không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, tàn phá môi trường tác hại đền người dân địa phương, mà không ai nhận trách nhiệm".
Ông Robertson nói truy tố ông Ánh, Việt Nam không những không tôn trọng quyền tự do ngôn luận, mà còn vi phạm quyền tự do hội họp.
"Người dân có quyền tụ tập với nhau và thành lập những nhóm cùng làm việc với nhau để đòi các quyền của mình. Trong trường hợp này, ông ấy bị truy tố vì những hoạt động ôn hòa của mình để đòi công lý và thay đổi chính sách".
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều hãng xưởng đã dời từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi đầu tư trực tiếp đổ vào Việt Nam giúp cho nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục. Trong các điều kiện đó, phải chăng áp lực để buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền đã được nới lỏng ?
Ông Phil Robertson nói Liên hiệp Châu Âu phải tăng cường sức ép trong lúc này khi mà Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đang được xúc tiến, mặc dù có tin cho rằng Hội đồng Châu Âu sẽ phê chuẩn hiệp định này trong nay mai.
"Quan điểm của chúng tôi là hiện nay Việt Nam chưa đạt đủ tiến bộ để có thể biện minh cho mối quan hệ mà Việt Nam và EU đang nói tới. Rõ ràng EU phải đòi hỏi nhiều hơn để buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền trước khi thông qua hiệp định thương mại tự do như vậy".
Ông Robertson nói chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đặt nặng các lợi ích thương mại và "nước Mỹ trên hết" đã tác động tệ hại tới tình trạng nhân quyền Việt Nam.
"Chính sách về nhân quyền của chính phủ Tổng thống Trump là một thảm họa lớn ở Việt Nam. Trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, Hoa Kỳ là một trong những nước chỉ trích Việt Nam mạnh mẽ nhất về vấn đề nhân quyền. Chính phủ Obama đã thương thuyết để ghi thêm một số điều khoản vào Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà nếu áp dụng, sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, như quyền tự do hội họp của các công đoàn chẳng hạn... Ê-kíp của ông Trump đã vất hết những đòi hỏi đó ra khỏi cửa sổ. Từ đó, ông Trump đã mời các lãnh đạo chóp bu của Việt Nam tới Tòa Bạch Ốc và không một lần nào, nhắc tới bất cứ khía cạnh nào về nhân quyền".
Ông nói cách hành xử đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam diễn giải như họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn về nhân quyền, mà không sợ bị trừng phạt vì Tổng thống Trump sẽ không lên tiếng chỉ trích.
Ông nói theo cách nào đó, Tổng thống Trump đã góp phần tạo điều kiện để Việt Nam mạnh tay trấn áp giới hoạt động vì nhân quyền hay môi trường, và cả những người có tiếng nói bất đồng ở trong nước.
Nông dân nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh và con trai đầu lòng (Nguyễn Ngọc Ánh Facebook)
Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị bắt giữ ở Bến Tre vào ngày 30/12/2018 vì "đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ bài viết, video clip, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại".
Ngoài đấu tranh cho môi trường, Nguyễn Ngọc Ánh còn lên tiếng bênh vực các tù chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ văn Hải và nhiều người khác.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói "tội trạng duy nhất của Nguyễn Ngọc Ánh là nói lên những điều mình nghĩ, chống lại bất công và đàn áp".
Thông cáo của Tổ chức Human Rights Watch công bố vào đêm 4/6, viết "Trong cuộc đàn áp các tiếng nói phê phán của chính quyền Việt Nam, Nguyễn Ngọc Ánh đã trở thành mục tiêu bị nhắm tới, ông đang đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và bản án tù dài ngày, nhằm đe dọa những người khác dám lên tiếng chất vấn chính quyền".
Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức cho Nguyễn Ngọc Ánh.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 05/05/2019
********************
Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho facebooker Nguyễn Ngọc Ánh
RFA, 05/06/2019
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 5/6 ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông này.
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa - Courtesy of FB
Thông cáo được đưa ra ngay trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/6 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, bị cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Thông cáo của Human Rights Watch trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức này cho biết : "Với chủ trương tiếp tục đàn áp các tiếng nói phê phán, chính quyền Việt Nam giờ đang đặt Nguyễn Ngọc Ánh vào vòng ngắm, buộc ông phải đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và án tù giam, nhằm đe dọa những người khác có thể dám lên tiếng chất vấn chính quyền".
Human Rights Watch cũng cho rằng việc xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh vì các bài viết của ông đăng trên Facebook về vấn đề môi trường của Việt Nam là một phần của chủ trương tiếp tục tấn công vào quyền tự do ngôn luận của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh là một doanh nhân sở hữu đầm nuôi tôm tại thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông là người đã tham gia biểu tình phản đối Formosa xả thải gây hại cho môi trường biển miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Ông cũng công khai tẩy chay cuộc bầu cử cấp quốc gia không tự do và công bằng hồi tháng 5 năm 2016 và điều này khiến chính quyền giận dữ. Ông cũng là người thường xuyên lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn…
Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 30/8/2018. Theo truyền thông trong nước, ông Ánh đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để viết và chia sẻ các bài, video có nội dung tuyên truyền nói xấu đảng và nhà nước.
****************
Việt Nam : Thêm một nhà hoạt động ra tòa vì các bài trên Facebook
Thanh Phương, RFI, 05/06/2019
Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch hôm 04/06/2019 ra thông cáo phản đối vụ xét xử một nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam vào ngày 06/06, do các bài đăng trên mạng xã hội Facebook.
Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 30/8/2018.
Theo Human Rights Watch, ông Nguyễn Ngọc Ánh sẽ bị đem ra xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre, với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Tổ chức nhân quyền Mỹ yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
Theo Human Rights Watch, ông Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, là một doanh nhân sở hữu đầm nuôi tôm ở thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông đã tham gia biểu tình bảo vệ môi trường phản đối công ty Formosa thải chất độc xuống biển và gây ra nạn sinh vật biển bị chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam vào tháng 04/2016. Ông Nguyễn Ngọc Ánh cũng đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Hải và những người khác.
Công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 30/08/2018. Theo báo chí Nhà nước, ông bị bắt vì "đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ nhiều bài viết, video clip, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại".
Trong thông cáo, ông Phil Robertson, phó ban Châu Á của Human Rights Watch, nói : "Với chủ trương tiếp tục đàn áp các tiếng nói phê phán, chính quyền Việt Nam giờ đang đặt Nguyễn Ngọc Ánh vào vòng ngắm, buộc ông phải đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và án tù giam, nhằm đe dọa những người khác có thể dám lên tiếng chất vấn chính quyền".
Theo ông Robertson, việc mở phiên tòa này ngay vào lúc Hội đồng Châu Âu đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam "cho thấy chính quyền Việt Nam có thể tàn nhẫn đến mức nào, và cũng cho thấy vì sao cải thiện nhân quyền cần phải là một phần trong các thỏa thuận thương mại, thay vì bị gạt sang bên lề nhân danh ngoại giao".
Thanh Phương
Thế giới thờ ơ, Việt Nam mạnh tay đàn áp
Dưới thời Donald Trump, nước Mỹ rõ ràng ít quan tâm đến những vấn đề nhân quyền trên thế giới nói chung và tại các quốc gia độc tài, kém phát triển nói riêng. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn thường xuyên ca ngợi các lãnh đạo nổi tiếng độc tài, tàn bạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, bao che cho chính quyền vương quốc Saudi Arabia trong vụ Thái tử nước này bị nghi có liên quan đến vụ giết hại dã man nhà báo bất đồng chính kiến người Thổ Nhĩ Kỳ Jamal Khashoggi, hoặc tươi cười vẫy cờ của Đảng cộng sản Việt Nam và khen ngợi Việt Nam dưới chế độ cộng sản v.v… Ngay cả khi đang trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Trump cũng không hề lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tươi cười vẫy cờ của Đảng cộng sản Việt Nam và khen ngợi Việt Nam dưới chế độ cộng sản
Các nước Châu Âu thì đang phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của nước họ : cuộc khủng hoảng Brexit ở Anh, phong trào Áo vàng ở Pháp, ở Đức người từng lên tiếng mạnh nhất về nhân quyền trong các nước Châu Âu là Thủ tướng Angela Merkel thì đang chuẩn bị rời khỏi chính trường, trong khi đó chủ nghĩa dân túy, cực hữu, mỵ dân đang trỗi dậy ở một số quốc gia…
Trong bối cảnh ấy, các nước độc tài nói chung và Việt Nam nói riêng tha hồ mạnh tay đàn áp người dân, đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến mà không sợ bị trừng phạt như trước. Việt Nam dưới thời Nguyễn Phú Trọng càng hà khắc hơn. Trong vòng vài năm trở lại đây biết bao nhiêu người tiếp tục bị bắt vì những "tội danh" liên quan đến chính trị, không sao nhớ nổi. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) :
"Chính phủ Việt Nam giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm trong các nhà tù trên cả nước, tăng mạnh so với 97 người được xác định năm ngoái. Các điều kiện giam giữ vẫn còn kinh khủng, với bằng chứng là các tù nhân bị tra tấn và bị đối xử tàn tệ, thường xuyên bị giam giữ và bị biệt giam, giữ trong điều kiện tồi tàn, và từ chối chăm sóc y tế, nước sạch và không khí trong lành" (1).
Con số này chưa chắc đã đủ hết, bởi vì theo báo cáo của NOW ! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam :
"Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự so với 165 trường hợp vào tháng 11 năm 2017, khi sáng kiến này được khởi động với mục tiêu đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.Với con số trên, Việt Nam vẫn là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar" (2).
Người dân dù lên tiếng dù bất kỳ lý do gì và ôn hòa tới đâu cũng bị đàn áp. "Hai phụ nữ Đồng Nai bị kết án tù 11 năm vì phản đối dự luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng" (SBTN). Thậm chí chỉ vì tham gia chặn xe chở cát bị cho là gây ô nhiễm khói bụi đồng thời là mối nguy hiểm giao thông cho dân chúng địa phương, mà bảy phụ nữ ở Tây Ninh vào tuần qua bị tòa án sơ thẩm tuyên từ 24 đến 30 tháng tù treo với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ (3).
Những người bị bắt, thường bị cáo buộc các tội "gây rối trật tự công cộng", "lạm dụng quyền tự do dân chủ", "tuyên truyền chống nhà nước", "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" v.v.
Báo cáo của NOW ! Campaign cho biết "Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự
Cũng theo báo cáo của NOW ! Campaign, nạn bắt cóc đã trở thành một biện pháp khá thường xuyên của nhà cầm quyền "để bắt giữ nhiều nhà hoạt động trước khi công bố cáo buộc chính thức, và trong một số trường hợp, lực lượng công an giữ tù nhân trong nhiều tháng mà không thông báo cho gia đình họ về việc bắt giữ và cáo buộc mà họ phải đối mặt.
…Đầu tháng 9 năm 2018, công an ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt cóc bảy thành viên của nhóm Hiến pháp và hiện vẫn còn giam giữ họ.
...Cuối tháng 2 năm 2019, mật vụ đã bắt giữ nhân viên y tế Huỳnh Thị Tố Nga khi cô đang làm việc tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho tới giờ, công an thành phố vẫn chưa công bố việc giam giữ và buộc tội cô, và do vậy gia đình cô không biết cô đang ở đâu" (4).
Hay nhà báo, blogger, cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc tại Bangkok Thái Lan vào ngày 26/01/2019 sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại Bangkok để đăng ký tỵ nạn chính trị. Mãi đến cuối tháng 3, gia đình ông mới được cho biết là ông đang bị giam giữ tại Trại giam T16 của Bộ Công an…
Số người bị kết án với những bản án ngày càng nặng nề, dã man. Chẳng hạn, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, người từng lên tiếng về vụ Formosa xả chất thải độc hại gây thảm họa môi trường ở bờ biển miền Trung Việt Nam tháng 4/2016 bị y án 14 năm tù trong phiên phúc thẩm ngày 24/04 tại Nghệ An. Khi ra tòa trong phiên sơ thẩm mọi người thấy những vết thâm tím dưới vùng mắt do bị giam cùng buồng với tử tù, bị tử tù đánh.
Ngày 24/05/2019 vừa qua đánh dấu 10 năm kỹ sư, doanh nhân, nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức bị giam trong ngục tù cộng sản. Và vẫn còn 6 năm nữa... Bản án 16 năm dành cho một trí thức yêu nước, và "kỷ lục" khốn nạn đó sau này đã được nâng lên thành 20 năm, với bản án dành cho nhà hoạt động Lê Đình Lượng, Nghệ An, là những bằng chứng trong vô số bằng chứng không thể kể hết về tội ác, nỗi sợ hãi và sự đê hèn của nhà cầm quyền đối với mọi lời chỉ trích, mọi thái độ, hành động phản kháng cho dù ôn hòa nhất của người dân.
Tù đày dưới chế độ cộng sản : địa ngục trần gian
Đi tù ở Việt Nam đã khốn nạn, tù chính trị càng bị đày ải hơn gấp bội. Mới đây, đài RFA vừa đưa tin :
"Tù nhân lương tâm Hoàng Bình, Nguyễn Bắc Truyển cùng với một số người tù chính trị khác đang tiến hành tuyệt thực trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam để phản đối công an quản giáo đánh đập và biệt giam Nguyễn Văn Hóa, một phóng viên của Đài Á Châu Tự Do đang thụ án 7 năm tù giam vì ghi hình các cuộc phản đối Formosa" (5).
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng. Theo RFA : "Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm nay 24/5 gọi vụ việc tù nhân lương tâm và là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do Nguyễn Văn Hóa bị công an quản giáo trại giam An Điềm đánh đập gây thương tích hôm 12/5 và sau đó bị biệt giam là "vô cùng nghiêm trọng"
Ông Nguyễn Trường Sơn, người tổ chức chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở Việt Nam và Campuchia trả lời qua email khẳng định, sự việc này không những vi phạm luật pháp Việt Nam mà còn vi phạm cả luật pháp quốc tế (6).
Tháng 8.2018 gia đình nữ tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang phải chịu đựng bản án 9 năm tù, lên tiếng tố cáo chị bị đánh đập, ngược trong trại giam Gia Trung - Gia Lai.
Và còn nhiều, nhiều trường hợp khác : "Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu ốm nặng trong tù, không được chữa trị y tế" :
"Ông Thu là người sáng lập nhóm tôn giáo tên là Ân đàn Đại đạo và cùng các tín đồ và thân hữu xây dựng lên khu du lịch sinh thái Bia Sơn ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Nhận thấy đây là một nơi có thể mang lợi nhuận cao nên nhà cầm quyền tỉnh Phú Yên vu cho ban lãnh đạo của nhóm "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.
Phía công an cộng sản bịa ra cái tên Hội đồng Công án Luật Bia Sơn để gán ghép cho nhóm đạo này, biến họ từ một nhóm thuần tôn giáo thành một tổ chức có hoạt động chính trị. Sau đó, công an Phú Yên lần lượt bắt ông Thu cùng 21 người khác trong năm 2012.
Năm 2013, nhà cầm quyền Phú Yên đem họ ra xử sau khi đã cướp hết tài sản và đất đai của khu du lịch Bia Sơn. Ông Thu bị kết án chung thân còn 21 người kia bị mức án từ 10 đến 17 năm tù" (7).
"Minh Mẫn con tôi bị đánh đập đến thương tích trong tù, lại còn bị biệt giam trong xà lim hôi thối 10 ngày". Bà Nguyễn Đặng Ngọc Minh bùi ngùi chia sẻ về tình trạng của tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn khi trao đổi với chúng tôi" (8).
Những người đã từng trải qua ngục tù cộng sản đã lên tiếng tố cáo về tình trạng đánh đập, ngược đãi tù chính trị tại Việt Nam. Từ Portland, Mỹ, cựu tù nhân lương tâm Paulus Lê Sơn viết trong bài : "Nguyễn Văn Hóa, những tù nhân khác và tôi" (SBTN).
"Trong 4 năm bị tù ngục cộng sản, tôi đã bị đánh đập và tra tấn 4 lần trong 4 nhà tù khác nhau bởi công an và những người tù khác làm ăng ten cho công an.
...Thực tế việc đánh đập, ngược đãi tù chính trị cả về thể chất lẫn tinh thần là "truyền thống" của công an cộng sản Việt Nam. Tù nhân lương tâm luôn là đối tượng đàn áp trong tất cả các nhà tù khắp Việt Nam. Khi không khuất phục được những người tù kiên cường với các bản án nặng nề, những tay quản giáo sẽ sử dụng rất nhiều biện pháp ngược đãi, bạo lực để làm nhụt ý chí, giảm thiểu trí tuệ và sức lực đấu tranh của họ.
Chủ trương bạo hành – tra tấn hãm hại giới bảo vệ nhân quyền không chỉ diễn ra một cách có hệ thống trong nhà tù mà ngay ở ngoài xã hội".
Cái giá phải trả vì một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam
Ở Việt Nam, một khi là người bất đồng chính kiến, hoặc nhà hoạt động đấu tranh vì môi trường, vì nhân quyền, vì tự do dân chủ cho người Việt Nam, bạn sẽ bị nhà cầm quyền dùng đủ mọi thủ đoạn thâm độc để biến cuộc sống của bạn trở thành địa ngục và bạn phải trả một giá vô cùng đắt. Nhẹ nhất là hăm dọa, xách nhiễu, gây áp lực đến địa phương, chỗ làm việc, nơi cư trú khiến bạn mất việc làm, gặp khó khăn trong khi đi thuê nhà, trong kinh doanh làm ăn… Tiến tới là bị những kẻ giả danh côn đồ chặn đường đánh đập, hành hung, gây thương tích. Sau đó là tù đày và tiếp tục bị đánh đập, ngược đãi trong tù, gia đình thì bị gây khó dễ đủ chuyện trong việc thăm nuôi.
Sau khi ra tù, những người cựu tù nhân lương tâm, cựu tù chính trị không thể tiếp tục công việc, sự nghiệp của họ như trước, rất nhiều người trong số họ gia đình tan vỡ vì nửa kia không chịu được những áp lực do nhà cầm quyền gây ra và không chia sẻ nổi số phận với chồng hay vợ mình.
Có thể nói nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thua bất cứ một nhà nước độc tài dã man nhất nào trong khoản hành hạ, tiêu diệt ý chí, sức khỏe, cuộc sống của những người bất đồng chính kiến. Có những thủ đoạn thâm độc như bắt nhốt người bất đồng chính kiến vào trại tâm thần như trường hợp blogger, nhà báo Lê Anh Hùng cựu cộng tác viên của VOA đang phải chịu đựng, và đây không phải là lần đầu anh bị như vậy trong suốt 10 năm đấu tranh tố cáo nhà nước Việt Nam cũng như chỉ đích danh một số quan chức cộng sản. Gia đình nhà báo Lê Anh Hùng bị tan vỡ cũng vì việc anh lên tiếng đấu tranh.
Khi bị bắt, nếu gia đình, người thân của người bất đồng chính kiến lên tiếng mạnh thì thế giới có thể chú ý đến và trong một số trường hợp, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước dân chủ phương Tây đã gây sức ép để nhà cầm quyền Việt Nam phải thả người, mới đây nhất là các trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và người cộng sự, cô Lê Thu Hà, được phóng thích sang Đức tháng 6/2018, blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phóng thích đi Mỹ tháng 10/2018… Ngược lại, nếu gia đình không lên tiếng thì số phận tù nhân chẳng ai hay. Dưới sự điên cuồng trả thù những ai dám lên tiếng của nhà cầm quyền nhằm bảo vệ sự sống còn của chế độ, phong trào dân chủ ở Việt Nam đã không thể phát triển mạnh mẽ suốt bao nhiêu năm qua. Những người dám lên tiếng vẫn chỉ là thiểu số, và do đó dễ dàng bị nhà cầm quyền "triệt hạ" cách này cách khác, trong khi đám đông vẫn tiếp tục thờ ơ hoặc gồng mình chịu đựng một chế độ phi nhân.
Song mặt khác, với những căn bệnh trầm kha và sự mục ruỗng, thối nát của bản thân mô hình hệ thống chính trị cho tới sự bất tài của những kẻ cầm quyền, sự sụp đổ của đảng cộng sản là điều không tránh khỏi, như mọi chế độ độc tài khác. Dù có cố hết sức, đảng cộng sản cũng chỉ có thể kéo dài chứ không thể chống lại quy luật của tự nhiên, của lịch sử.
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/05/2019
(1) "Viet Nam : Surge in number of prisoners of conscience, new research shows", www.amnesty.org
(2) "Việt Nam hiện giam giữ 251 tù nhân lương tâm", NOW ! Campaign, www.vietnampocs.com
(3) "Bảy người phản đối ô nhiễm bị kết án tù", RFA
(4) "Việt Nam hiện giam giữ 251 tù nhân lương tâm", NOW! Campaign,www.vietnampocs.com
(5) "Tù chính trị tuyệt thực tập thể trong trại giam phản đối biệt giam Nguyễn Văn Hóa", RFA
(6) "Ân xá Quốc tế : vụ tra tấn Nguyễn Văn Hóa là "vô cùng nghiêm trọng", RFA
(7) www.vietnamhumanrightsdefenders.net
(8) "Ai đã đánh đập tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong tù ?", SBTN
Người đứng đầu nhóm Công án Bia Sơn suy kiệt trong nhà tù (RFA, 24/05/2019)
Tù chính trị Trần Công hay Phan Văn Thu, người đứng đầu giáo phái Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn, đang thụ án chung thân tại Trại giam Gia Trung, Gia Lai, suy kiệt trong tù.
Tù chính trị Trần Công hay Phan Văn Thu trong phiên tòa năm 2013. Nguồn : tinmoi.vn
Tin từ những người quan tâm cho hay ông này hiện đang bị giam chung với tù chính trị khác là mục sư Nguyễn Trung Tôn. Và do bản thân suy kiệt đến mức không thể tự phục vụ được nên người bị giam chung là mục sư Nguyễn Trung Tôn phải giúp đỡ cho ông này.
Bà Võ Thị Thanh Thúy, vợ tù chính trị Trần Công hay Phan Văn Thu, vào ngày 24 tháng 5 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :
"Có hỏi thăm tình hình sức khỏe và ở trong đó thế nào thì ông cũng cho biết sức khỏe ông kém lắm, ông ốm và bị rất nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường, thấp khớp, hở van tim, thêm chứng bệnh dị ứng thời tiết, cứ khi thời tiết thay đổi thì ông bị ho. Gia đình rất lo cho ông".
Bà này cho biết trước đây gia đình có làm đơn cho ông để được khám chữa bệnh nhưng chỉ được một lần rồi thôi.
"Có kêu lên trung ương, trại giam, làm đơn xin cho ông được đi khám bệnh viện tuyến trên để được khám đầy đủ hơn chứ trại giam không đủ điều kiện khám và cho thuốc. Chờ một thười gian họ chuyển ông lên bệnh viện Gia Lai để ông khám, nhưng họ nói ông chưa đủ điều kiện để tạm dừng thi hành án thành ra sau khi trị liệu xong họ lại đưa về trại giam tiếp".
Hiện, một trong những tù nhân thuộc giáo phái Ân Đàn Đại Đạo là ông Đoàn Đình Nam được bà Võ Thị Thanh Thúy báo là cũng đang rất yếu, được dự đoán là khó qua khỏi.
Theo lời bà Thúy, phía trại giam ông Nam cũng đã liên lạc và kêu thân nhân ông Nam làm đơn xin tạm dừng thi hành án đối với ông Đoàn Đình Nam.
Ông Trần Công hay Phan Văn Thu sinh năm 1948. Ông cùng 21 người khác bị tòa tỉnh Phú yên kết án chung thân với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ trong đợt xử kết thúc vào ngày 4 tháng 2 năm 2013.
Nhóm của ông này xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia ở Phú Yên theo hướng ‘tiền sinh thái, hậu tổ đình’ tại khu vực Suối Lớn, Đèo Cả, thuộc địa bàn xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Vào tháng 2 năm 2012, Công an tỉnh Phú Yên đột nhập vào khu này, sau đó tiến hành bắt giữ những người tham gia. Tổng cộng có 25 người bị bắt và bị án tù nặng từ 10 đến 17 năm. Riêng Ông Trần Công bị chung thân.
Vào ngày 15 tháng 6 năm 2015 một số tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam đồng ký tên vào Bản lên tiếng về vụ án ‘Hội đồng Công Luật Công Án Bia Sơn’ cho rằng những người trong cuộc bị oan.
******************
Ân xá Quốc tế : vụ tra tấn Nguyễn Văn Hóa là "vô cùng nghiêm trọng" (RFA, 24/05/2019)
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm nay 24/5 gọi vụ việc tù nhân lương tâm và là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do Nguyễn Văn Hóa bị công an quản giáo trại giam An Điềm đánh đập gây thương tích hôm 12/5 và sau đó bị biệt giam là "vô cùng nghiêm trọng".
Hình minh họa. Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa -Photo : RFA
Ông Nguyễn Trường Sơn, người tổ chức chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở Việt Nam và Campuchia trả lời qua email khẳng định, sự việc này không những vi phạm luật pháp Việt Nam mà còn vi phạm cả luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi khẳng định rằng Nguyễn Văn Hóa là một tù nhân lương tâm, có nghĩa, đáng lý ra anh không phải chịu cảnh tù đày ngay từ đầu, việc bắt bớ và bỏ tù anh chỉ nói lên sự độc đoán của chính quyền.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định rằng ‘Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không bị tra tấn’, ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia thành viên của Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, do vậy, việc trại giam An Điềm tra tấn Nguyễn Văn Hóa là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế.
Chúng tôi hối thúc chính quyền Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa ngay lập tức và vô điều kiện, ngoài ra, phải ngay lập tức điều tra và đưa những người chịu trách nhiệm ở trại giam An Điềm ra trước pháp luật", ông Sơn cho hay.
Tổ chức quốc tế làm việc với sứ mệnh giải phóng tất cả các tù nhân lương tâm trên thế giới hôm 24/5 cũng kêu gọi quốc tế hành động khẩn cấp cho Nguyễn Văn Hóa bằng cách viết thư cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hóa.
Trong chuyến thăm gặp ngày 23/5 tại trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam, tù nhân lương tâm Hoàng Bình tiết lộ với người thân việc bản thân cùng với ông Nguyễn Bắc Truyển và các tù chính trị khác đã đồng loạt tuyệt thực 11 ngày để phản đối việc trại giam đánh đập và biệt giam Nguyễn Văn Hóa.
"Chúng tôi hiểu rằng tuyệt thực là lựa chọn cuối cùng của tù nhân lương tâm khi đối diện với ngược đãi ở trong tù.
Chúng tôi đồng cảm và sẽ đồng hành với tất cả mọi người trong việc yêu cầu trại giam An Điềm phải ngưng lập tức các hình thức ngược đãi và đối xử vô nhân đạo đối với Nguyễn Văn Hóa", ông Nguyễn Trường Sơn bình luận.
Nguyễn Văn Hóa bị tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 11/2017 kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Phóng viên Nguyễn Văn Hóa là người đã dùng flycam quay phim những cuộc biểu tình của người dân ở miền Trung phản đối công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung năm 2016.
*******************
Đúng 10 năm giam tù doanh nhân yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức (RFA, 24/05/2019)
Tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tính đến hôm nay phải ở trong nhà giam của chính phủ Việt Nam đúng 10 năm kể từ ngày bị bắt 24 tháng 5 năm 2009.
Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/1/2010 - AFP
Trại 6, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là nơi mà tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang thụ án 16 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, vào ngày 24 tháng 5 năm 2019 cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin mới nhất về anh Thức sau chuyến thăm mới nhất :
"Gia đình đi thăm Thức mỗi tháng một lần, lần thăm vừa rồi là ngày 11/5, nói chung, tình sức khỏe của Trần Huỳnh Duy Thức tương đối ổn định. Vừa rồi có những lá thư Thức gởi về nhà, mà chúng tôi không nhận được. Chính tôi là người đã gởi khiếu nại về việc đó lên Thanh tra công an, và kể cả bên Bộ trưởng (công an) về việc này".
Tin từ gia đình cho biết tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần được đề nghị chấp nhập đi sống lưu vong để ra khỏi nhà tù của chính phủ Hà Nội, nhưng ông đều từ chối.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức sinh năm 1966. Ông từng là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vào năm 2005, Ông cùng một số thân hữu lập ra nhóm có tên Nghiên Cứu Chấn chuyên đưa ra những nhận định về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2008, Ông Trần Huỳnh Duy Thức lập ra hai blog có tên Change We Need và Trần Đông Chấn đăng tải những bài viết và bình luận về lãnh đạo và nền chính trị Việt Nam.
Ông bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với cáo buộc ban đầu là ‘trộm cước viễn thông’ ; tuy nhiên sau đó tội danh chuyển thành ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Ba người cùng bị bắt và đưa ra tòa với Ông Trần Huỳnh Duy Thức là luật sư Lê Công Định, doanh nhân Lê Thăng Long, thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung.
Phiên xử vào ngày 20 tháng 1 năm 2010, tuyên án ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù giam.
Sau khi có án, Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã ba lần bị chuyển trại giam. Đầu tiên ông bị giam ở trại Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau đó bị chuyển đến trại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lần thứ ba là tháng 5 năm 2016 ông bị chuyển ra trại 6, Nghệ An.
******************
Sa di Thích Đồng Long phản đối đàn áp (RFA, 24/05/2019)
Sa di Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra khỏi Công an Phường Bến Nghé, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị bắt giữ vì đến biểu tình trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Sư thầy Thích Đồng Long (giữa) tại cuộc biểu tình trước Đại Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 Photo : RFA
Trong khi bị giam giữ vị Sa di này được cho biết tiến hành tuyệt thực.
Mẹ của Sa di Thích Đồng Long vào chiều tối ngày 24 tháng 5 cho Đài Á Châu Tự Do biết :
Những người công an bắt nói thầy lý do là gây rối trật tự phải phạt tiền. Thầy Đồng Long nói lại bây giờ tôi không đóng phạt. Tôi đấu tranh vì dân vì đạo. Tôi ngồi trước Tòa đại sứ là có vấn đề chứ không phải tôi đến đây gây rối với các ông. Nhà cầm quyền đối xử bất công với các thầy tu và gia đình mẹ tôi nên tôi ngồi đây chứ không gây rối.
Việc bắt giữ Sa di Thích Đồng Long xảy ra vào chiều ngày 22 tháng 5 sau khi ông đến trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh để biểu tình phản đối những vi phạm tự do tôn giáo- tín ngưỡng và vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam. Việc phản đối được cho biết do lực lượng chức năng xã Trung Lập Hạ sách nhiễu, tháo bảng Chùa Liên Trì 2 hiện nay của Hòa Thượng Thích Đồng Long.
Ngoài ra, còn một lý do khác mà thầy Thích Đồng Long đấu tranh hiện nay là vì giấy chứng minh nhân dân của ông đã bị công an tịch thu sau lần biểu tình vào ngày 10/6/2018 mà vẫn chưa được làm lại, theo như lời của bà Rươi :
Chính quyền Việt Nam phải làm giấy chứng minh cho thầy Đồng Long chứ không thể được. Thầy Đồng Long là người tu mà bảo thầy làm giấy không để Đạo Phật. Chính quyền Việt Nam bảo nếu theo đạo thống nhất thì không đồng ý. Thầy trả lời : tôi đã đi tu thì chuyện đồng ý hay không là của các ông, nhưng tôi là người dân, người tu thì các ông phải đưa giấy cho tôi.
Sa di Thích Đồng Long trước đây tu tập tại Chùa Liên Trì ở Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa Thượng Thích Không Tánh trụ trì. Tuy nhiên chùa này bị cơ quan chức năng phá hủy vào tháng 9 năm 2016. Sau đó Sa di Thích Đồng Long về nhà tại ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi tiếp tục tu tập và cải gia vi tự xây nên Chùa Liên Trì 2.
Theo NOW ! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự so với 165 trường hợp vào tháng 11 năm 2017, khi sáng kiến này được khởi động với mục tiêu đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.Với con số trên, Việt Nam vẫn là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.
Tù nhân lương tâm ở Việt Nam
Thông cáo báo chí của NOW ! Campaign, ngày 1/4/2019
Theo NOW ! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự so với 165 trường hợp vào tháng 11 năm 2017, khi sáng kiến này được khởi động với mục tiêu đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.Với con số trên, Việt Nam vẫn là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.
Con số trên bao gồm 221 người đã bị kết án, đa số bị kết tội với những tội danh nguỵ tạo như tuyên truyền chống lại nhà nước, lật đổ chế độ và phá hoại việc thực thi các chính sách đoàn kếtdân tộc ; và 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử. Con số này không bao gồm sáu người tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa vào giữa tháng 6 năm 2018 và bị kết án tù treo từ 12 đến 18 tháng.
Nhiều blogger, luật sư, nhà hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính trị và tín đồ của các tôn giáo thiểu số chưa đăng ký đã bị bắt giữ và giam giữ chỉ vì họ thực hành một cách ôn hòa các quyền dân sự và chính trị được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các luật nhân quyền quốc tế, như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo hoặc niềm tin. Danh sách này không bao gồm các cá nhân đã tham gia hoặc ủng hộ bạo lực.
32 trong số 251 tù nhân lương tâm này là nữ và họ đến từ dân tộc Kinh. Có 176 người, hoặc 70% là người dân tộc Kinh. Nhóm dân tộc lớn thứ hai, chiếm 23,2% trong danh sách, là người Thượng, gồm nhiều sắc dân thiểu số sống ở vùng núi của Tây Nguyên. Mười sáu tù nhân lương tâm là người H'Mông và hai người thuộc dân tộc thiểu số Khmer Krom.
Hầu hết các tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án về các cáo buộc theo các điều 109, 116.117, 318 và 331 trong Bộ luật Hình sự 2015 (lần lượt là các điều 79, 87, 88, 245 và 258 của Bộ luật Hình sự 1999) :
- 47 nhà hoạt động bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" (Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 109 trong Bộ luật hình sự 2015) ;
- 31 nhà hoạt động bị kết án hoặc đang bị điều tra về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" (Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015) ;
- 57 người thuộc nhiều dân tộc thiểu số bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" (Điều 87 của Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điều 116 của Bộ luật Hình sự 2015) ;
- 12 nhà hoạt động bị kết án hoặc bị buộc tội "lạm dụng quyền tự do dân chủ" (Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015) ;
- 66 cá nhân bị kết án hoặc bị buộc tội "gây rối trật tự công cộng" (theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015). Năm mươi hai người trong số họ đã bị cầm tù vì tham gia biểu tình ôn hòa hoặc bị nghi ngờ có kế hoạch tham gia vào các cuộc biểu tình vào giữa tháng 6 năm 2018.
- Các cáo buộc chống lại 16 cá nhân chưa được biết hoặc chưa được cơ quan chức năng công bố. Một ví dụ điển hình là trường hợp của cô Huỳnh Thị Tố Nga, ngườibị cảnh sát bắt cóc vào ngày 28/1/2019 khi cô đang làm việc tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành phố Hồ Chí Minh. Không có tin tức gì về việc cô bị giam giữ và gia đình cô không được thông báo về tình hình hiện tại của cô.
Bắt cóc trở nên tràn lan
Kể từ tháng 9 năm 2018, lực lượng an ninh Việt Nam đã thực hiện nhiều vụ bắt cóc để bắt giữ nhiều nhà hoạt động trước khi công bố cáo buộc chính thức, và trong một số trường hợp, lực lượng công an giữ tù nhân trong nhiều tháng mà không thông báo cho gia đình họ về việc bắt giữ và cáo buộc mà họ phải đối mặt.
Đầu tháng 9 năm 2018, công an ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt cóc bảy thành viên của nhóm Hiến pháp và hiện vẫn còn giam giữ họ. Sau khi có yêu cầu từ gia đình, công an thành phố đã thừa nhận rằng họ bị giam giữ để điều tra về nhiều cáo buộc hình sự. Cho tới nay, gia đình và công chúng vẫn chưa được biết về cáo buộc chống lại hai người trong số họ, ông Trần Thanh Phương và ông Đỗ Thế Hoa.
Cuối tháng 2 năm 2019, mật vụ đã bắt giữ nhân viên y tế Huỳnh Thị Tố Nga khi cô đang làm việc tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho tới giờ, công an thành phố vẫn chưa công bố việc giam giữ và buộc tội cô, và do vậy gia đình cô không biết cô đang ở đâu. Cáo trạng chống lại anh trai của cô là Huỳnh Minh Tâm, người đã bị bắt hai ngày trước đó, cũng vẫn chưa được công bố.
Cùng với các nhà hoạt động bắt cóc trong nước, lực lượng an ninh Việt Nam dường như cũng đã thực hiện bắt giữ bất hợp pháp ở nước ngoài. Vào ngày 25/1/2019,cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất đã đến Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại Bangkok và đăng ký tỵ nạn chính trị. Ông đã mất tích vào ngày hôm sau. Sau nhiều lần yêu cầu cung cấp thông tin, gia đình ông cuối cùng đã được thông báo vào ngày 20/3 rằng ông bị giam giữ tại Trại giam T16 của Bộ Công an từ ngày 28/1. Vài ngày sau, Bộ Công an thông báo rằng ông Nhất có liên quan đến một vụ án kinh tế. Tuy nhiên, phía công an không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về tình trạng của ông Nhất mặc dù nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế quan tâm đến trường hợp này vì cho rằng ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc trong khi đang xin tỵ nạn tại Thái Lan.
Các vụ bắt giữ trong Quý 1 năm 2019
Từ đầu năm đến giờ, Việt Nam đã bắt giữ mười nhà hoạt động và buộc tội họ với nhiều cáo buộc khác nhau, phần lớn theo các điều khoản trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự. Hầu hết các vụ bắt giữ đều liên quan đến hoạt động trực tuyến của những người bị giam giữ sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào ngày 01/01/2019.
Các cáo buộc chống lại Huỳnh Minh Tâm và Trần Văn Quyền vẫn chưa được biết. Em gái của ông Tâm, cô Huỳnh Thị Tô Nga, đã bị bắt cóc bởi các nhân viên mặc thường phục vào cuối tháng 2 và phía công an vẫn chưa công bố tình tiết bắt giữ cô hoặc cáo buộc chống lại cô
Nhà chức trách ở tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ nhà hoạt động xã hội Hà Văn Nam vào ngày 5/3và buộc tội anh "gây mất trật tự công cộng" nhằm ngăn cản anh phản kháng việc thu phí tuỳ tiện của nhiều trạm thu phí trên quốc lộ. Công an tỉnh này cũng bắt giữ Nguyễn Bá Mạnh vì các bài đăng trên Facebook của anh về trường mẫu giáo địa phương cho học sinh ăn thức ăn có nhiễm sán dây, buộc tội anh truyền bá tin giả mạo trong khi truyền thông nhà nước sau đó đưa tin hàng trăm trẻ em địa phương đã bị phát hiện dương tính với lây nhiễm sán dây.
Kết án trong Quý 1 năm 2019
Vào tháng 3, hai nhà hoạt động đã bị kết án trong hai phiên tòa riêng biệt. Ông Lê Minh Thể, một thành viên của nhóm Hiến pháp, đã bị kết án hai năm tù vì cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331. Nhà truyền giáo Tin lành Ksor Ruk bị kết án mười năm trong nhà tù về tội danh "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc"theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự 2015.
Vào ngày 18 tháng 3, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo và giữ nguyên các bản án tù nặng nề đối với năm nhà hoạt động dân chủ Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung. Họ đã bị kết án tổng cộng 57 năm tù và 15 năm quản chế bởi Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/10/2018vì có kế hoạch thành lập Liên minh Dân tộc Việt Nam với mục tiêu nhằm thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị của mọi công dân và chấm dứt độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục kết án và bỏ tù những người tham gia các cuộc biểu tình trong giữa tháng 6 năm ngoái để phản đối hai dự luật về Đặc khu Khu kinh tế và An ninh mạng.
Vào ngày 7/3, một tòa án ở tỉnh Bình Thuận đã kết án 15 người biểu tình từ 24 đến 42 tháng tù. NOW ! Campaign không thể xác minh liệu những người biểu tình bị kết án này đã hành động ôn hòa hay không trong các cuộc biểu tình vào ngày 10-11/6/2018.
Đối xử vô nhân đạo đối với tù nhân lương tâm
Chính quyền Việt Nam đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích vì đối xử vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm, bao gồm chuyển một số người trong số họ đến các nhà tù ở xa gia đình của họ. Điều này đã gây thêm khó khăn cho người thân của họ trong việc thăm nuôi. Các hình thức ngược đãi tù nhân lương tâm khác bao gồm đặt họ trong điều kiện sống khắc nghiệt, cung cấp cho họ thức ăn và nước uống kém phẩm cấp và áp dụng lao động cưỡng bức, trong số những hình thức đàn áp khác.
Nhà hoạt động dân chủ Trần Hoàng Phúc đã từ chối ăn thực phẩm do nhà tù An Phước cung cấp vì anh nghi ngờ rằng thực phẩm không an toàn. Anh chỉ ăn thực phẩm do gia đình cung cấp.
Nhà báo công dân, người đang thụ án tù 7 năm tại nhà tù An Điềm, đã tiến hành tuyệt thực từ ngày 23/2 đến 06/03/2019 trong nỗ lực kêu gọi điều tra và truy tố các sĩ quan cảnh sát và cai ngục đã tra tấn anh.
Nhiều tù nhân lương tâm ở nhà tù Ba Sao đã phàn nàn rằng họ bị buộc phải làm việc trong khi thụ án tù.
Tù nhân lương tâm được trả tự do trong Quý 1 năm 2019
Từ đầu năm đến hết tháng 3, nhà hoạt động nhân quyền Vũ Văn Hùng, nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Võ Như Huỳnh, một trong những người tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa vào tháng 6 năm 2018, đã hoàn thành án tù.
Công an thành phố Hồ Chí Minh đã trả tự do cho cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh sau bảy tháng giam giữ vì liên quan đến một vụ án "lật đổ chính quyền". Ông bị bắt vào ngày 8/7/2018, một ngày sau khi con trai ông là Huỳnh Đức Thanh Bình và hai người bạn, Trần Long Phu và Michael Minh Phương Nguyễn, bị bắt với cáo buộc lật đổ. Ba người sau vẫn đang bị cảnh sát giam giữ.
Rmah Hruth, một phụ nữ dân tộc Jarai, người đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 3 năm 2014, dự kiến sẽ hoàn thành án tù vào tháng 3/2019. Nguyễn Hữu Thành và Nguyễn Thị Như Hoa, hai người tham gia vào cuộc biểu tình vào giữa tháng 6 năm 2018, dự kiến sẽ hoàn thành án tù 8 và 9 tháng trong quý 1. Chúng tôi không thể xác minh liệu họ đã được tự do hay chưa.
Now ! Campaign
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 03/04/2019
========================
Thuật ngữ tù nhân lương tâm (Prisoner of conscience) được Peter Benenson đưa ra vào những năm 1960. Nó đề cập đến bất kỳ cá nhân nào bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc lương tâm, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tình trạng kinh tế, sinh sản, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác mà không sử dụng bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực hoặc thù hận.
NOW ! Campaign là một sáng kiến do Boat People SOS (BPSOS) khởi xướng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện. Chiến dịch được hỗ trợ bởi 15 tổ chức phi chính phủ : Front Line Defenders (FLD), Civil Right Defenders (CRD), Christian Solidarity Worldwide (CSW), Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders-DTD), Stefanus Alliance International, ASEAN Parliamentarians for Human Rights (APHR), The 88 Project, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam- IJAVN), Progressive Voice-Burma, Hội Phụ nữ Nhân quyền (Vietnam Women for Human Rights-VNWHR), Campaign to Abolish Torture in Vietnam (CAT-VN), World Organisation Against Torture (OMCT), Montagnard Human Rights Organization (MHRO), Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam (Vietnam Coalition against Torture- VN-CAT).
Từ trong trại tù khắc nghiệt, những bông hồng tươi rói được gửi ra cho những người bên ngoài nhà tù lớn là một sáng kiến tuyệt vời. Nó được chính tay, chính tâm hồn tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa vun trồng, chăm bón, biểu hiện một sức sống cùng hoa thơm cho đời từ chính con người, chính cuộc đời làm chứng cho sự thật, công lý và lòng yêu nước nồng nàn của chàng trai trẻ này.
Thân nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa cùng nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đến trại tù An Điềm thăm gặp Hóa
Trên Facebook của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho biết về tình trạng của Hóa : "Nguyễn Văn Hóa đang tuyệt thực ngày thứ 12 tại trại giam An Điềm, Quảng Nam. Hóa tuyệt thực phản đối việc trại giam không cho Hóa gửi đơn tố cáo việc bị đánh đập khi tạm giam ở Hà Tĩnh, và tùy tiện vào phòng quay phim chụp hình Hóa tại phòng giam An Điềm".
Thông tin về Hóa tuyệt thực đến ngày thứ 12 mà ít ai biết đến, hoặc thoáng qua đâu đó trong thế giới huyễn hoặc này. Có thể, mà chắc chắn rằng, những người tù nhân lương tâm luôn nghĩ về gia đình, thân nhân, nghĩ về bằng hữu, bè bạn, nghĩ cho tha nhân, xã hội và đất nước. Chả thế có lời nhắn nhủ từ Hóa : "Gửi những bông hồng do mình tự trồng tặng tất cả các cô, dì, chị, em gái nhân ngày 8/3".
Quả thật khó để khẳng định có một mẫu mực nào đó cho mối tương quan mang chiều kích thiện ích giữa người với người trong xã hội ngày nay, nhất là trong xã hội cộng sản. Mặc dù bản chất tự nhiên của con người là sự liên đới mang tính phổ quát.
Qua Facebook của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, chúng ta được biết đến một người có cái tên Trần Văn No, quê tận xứ Đồng Tháp miền Tây xa xôi nhưng hiện tại lại bị cộng sản lưu đày tại trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam thuộc miền Bắc.
Đọc những thông tin về No mà thấy xót xa nhói đau trong lòng : "No chưa có vợ, cha mẹ già lại nghèo, đường thì xa, nên đành bỏ mặc không thể thăm nuôi con". Lòng cộng sản độc, tâm cộng sản ác, trí cộng sản tàn. Vậy nên, cũng chẳng lạ gì khi chúng ra tay đọa đày bá tánh nước Việt một cách điên cuồng và man rợ như vậy.
Khi được kêu tên để được thăm gặp gia đình thì "Trần Văn No đã sững sờ khi nghe gọi tên mình ra gặp người nhà, "chắc có sự nhầm lẫn", No không tin đó là thật". Tôi thấu hiểu được nỗi lòng của No. Đó là tâm trạng vừa hạnh phúc, ấm áp khi được gặp thân nhân sau bao ngày đơn côi trong chốn ngục tù lạnh lẽo, đó cũng là tâm trạng của những người biết rằng mình không có quà nhưng lại được tặng quà.
Trần Văn No không có bông hồng như Nguyễn Văn Hóa gửi tặng cho cha, cho mẹ, cho anh em bằng hữu. Tuy vậy, từ trong ngục tù "No tha thiết nhắn người nhà nói lên công luận rằng mình vô tội, mình bị oan". Đúng thật, dưới chế độ độc tài cộng sản đã biến đất nước Việt Nam ngày nay có đến hàng ngàn tù nhân lương tâm vô tội, bị hàm oan.
Trong một xã hội bị phơi nhiễm sặc mùi vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. Lòng tự kháng dân tộc bị hạ bệ một cách rẻ rúng trước hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc. Thế nhưng, trong sa mạc cằn cỗi đó lại có những trồi non với sức sống mạnh mẽ vươn mình về phía ánh sáng của tự do.
Cần phải minh định thật rõ ràng với những gì chúng ta đang thấy về hành trình tìm kiếm tự do của thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam ngày hôm nay như đang bén rễ sâu vào lòng đất. Lý tưởng về tự do, lòng yêu nước trong tuổi trẻ có sức sống mãnh liệt như loài cỏ cây. Nó như lan tóa khắp mặt đất, dù có bị nhổ bỏ, chà đạp, tiêu diệt nhưng vẫn không chết đi được.
Có biết bao nam thanh nữ tú đã và đang dâng hiến tuổi thanh xuân ngọt ngào cho quê hương đất nước, họ là những đóa hồng thắm đượm một tình yêu của lứa đôi xuân thì phơi phới, của lý tưởng tuổi trẻ dành cho quê hương đất nước đang độ sực ngát hương thơm
Paulus Lê Sơn
Nguồn : VNTB, 08/03/2019
********************
Tù nhân Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực (RFA, 28/02/2019)
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực đến ngày thứ 7 trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.
Hình chụp hôm 27/11/2017 : nhà báo Nguyễn Văn Hóa (giữa) tại phiên tóa ở Hà Tĩnh - AFP
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, cho biết tin này sau chuyến thăm đến trại giam An Điềm hôm 26 tháng 2 vừa qua.
Vào ngày 28 tháng 2, bà phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về tình hình anh Nguyễn Văn Hóa:
"Lúc đó vào thăm gặp thì Hóa cũng nói luôn những vấn đề liên quan, Hóa nói ra chuyện tuyệt thực luôn. Cụ thể chị gái về nhà viết thư cầu cứu gửi đại sứ quán và các nơi để hy vọng mọi người quan tâm và giúp đỡ Hóa trong thời gian này.
Những vấn đề Hóa tuyệt thực đã ghi rõ trong thư cầu cứu.
Hóa vẫn nói em sẽ tuyệt thực cho đến khi trại giam giải quyết mọi vấn đề cho Hóa, lúc đó Hóa mới ngừng. Nếu trại giam không giải quyết thì Hóa vẫn tuyệt thực".
Cũng theo lời bà Nguyễn Thị Huệ, tù nhân Nguyễn Văn Hóa hối thúc gia đình đi thăm mình sớm vào tháng 3 và đi cùng một linh mục để làm bí tích xức dầu.
Đây là một bí tích của Công giáo để ban ơn nâng đỡ sức mạnh tinh thần và thể xác cho những người đang yếu liệt nặng hay sắp chết vì lý do bệnh tật, thương tích hay tuổi già vì vậy gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của anh Hóa.
Theo thư cầu cứu của tù nhân Nguyễn Văn Hóa mà bà Huệ nhắc đến, có nêu ra lý do mà anh Hóa tuyệt thực đó là, "phía trại giam An Điềm không cho Hóa gửi đơn tố cáo. Họ chỉ từ chối miệng và không có văn bản xác nhận.
Trung tá Lê Văn Hiếu có thái độ quát tháo lớn tiếng để đội trại giam An Điềm áp dụng luật pháp tùy tiện và độc đoán lên Hóa, trong khi đó Đại úy Nguyễn Văn Tiến tự ý xông vào buồng giam quay phim khi chưa có quyết định của ban giám thị trại giam".
Đài Á Châu Tự Do gọi cho các số điện thoại của trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam có tiếng chuông reo nhưng không có người bắt máy.
Nguyễn Văn Hóa, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1995 và cư ngụ tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Anh bị bắt vào ngày 11/1/2017, tuy nhiên phải tới ngày 23/1 sau khi gia đình làm đơn báo mất tích gửi đi các cơ quan tỉnh thì mới nhận được thông báo tạm giữ của phía chính quyền với lý do bắt giữ là cáo buộc "ăn cắp xe máy và buôn bán ma túy".
Anh Hóa cũng cáo buộc, mình bị bắt cóc khi đang quay phim ngoài Tòa án nhân dân Hà Tĩnh và bị giam giữ suốt 9 ngày ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Thời gian này, Hóa nói bản thân bị 8 sĩ quan công an đánh đập, tra tấn rất dã man, thậm chí còn bị treo tay lên cửa số và tạt nước vào mặt.
Trong phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng, hai nhân chứng là Nguyễn Văn Hóa cùng với Nguyễn Viết Dũng phản cung tại tóa và sau đó anh Hóa cũng nói mình bị 3 cán bộ tra tấn.
Hồi đầu năm nay, tổ chức Freedom Now đề cử anh Nguyễn Văn Hóa, cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO có tên Guillermo Cano World Press Freedom Prize.
Thông cáo báo chí của Freedom Now hôm 18/1 trích lời Giám đốc điều hành Freedom Now, Maran Turner, nhận định việc chính phủ Việt Nam truy tố anh Nguyễn Văn Hóa là đi ngược lại các giá trị của UNESCO.
Freedom Now cho rằng nhà báo Nguyễn Văn Hóa xứng đáng được khen ngợi vì đã đưa tin về những mối đe dóa của ô nhiễm môi trường và sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi những mối nguy này.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Hoàng Quốc Hùng mãn án tù 9 năm (RFA, 24/02/2019)
Tù nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, người bị Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh tuyên 9 năm tù giam với cáo buộc tội danh "Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo Điều 89 Bộ Luật Hình cũ vừa mãn hạn tù và trở về với gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 24/02/2019.
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (người cầm bánh), Đỗ Thị Minh Hạnh (áo xanh) chụp ngày 24/02/2019 - Facebook Trần Bang
Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bắt vào tháng 2/2010 sau khi cùng với 2 đồng sự là Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương trong Phong trào Lao Động Việt rải truyền đơn kêu gọi công nhân công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công.
Kết quả là khoảng 10 ngàn công nhân ở 2 chi nhánh của công ty ở Trà Vinh đình công trong nhiều ngày với lý do được báo trong nước cho là "Việc xét khen thưởng không công bằng trong tính toán tiền lương, tiền thưởng, nhiều công nhân khi ký hợp đồng lao động không biết được nội dung bản hợp đồng".
Tối ngày 24/2, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng qua điện thoại cho Đài Á Châu Tự Do biết, khi ra tù sức khỏe tốt nhưng nói thêm là ông phải cập nhật tình hình và tin tức ở bên ngoài trước khi trả lời phỏng vấn.
Còn cô Đỗ Thị Minh Hạnh, người bị tuyên 7 năm tù giam trong cùng vụ án, nhưng ra tù sớm hơn thời hạn vào năm 2014 cho hay, bà rất hạnh phúc khi thấy anh Hùng trở về lành lặn.
"Cảm xúc của mình rất là hạnh phúc vì một người cộng sự trở về sau 9 năm và cảm xúc của những người từng đồng cam cộng khổ chiến đấu với mình. Ngày hôm nay được xuất hiện trước mặt mình bằng da thịt, bằng một sức mạnh tinh thần kiên vững bền chí thì không có gì tuyệt vời hơn", bà Đỗ Thị Minh Hạnh xúc động cho biết.
Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, sinh năm 1981 tại Tiền Giang và sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh làm nghề sửa chữa máy vi tính.
Báo Công an Nhân dân hồi năm 2010 khi tường thuật về phiên tòa xử 3 nhà hoạt động công đoàn đã cho rằng, ông Hùng từng bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản cảnh cáo về hành vi cấu kết với một số đối tượng chống đối chính trị, khiếu kiện cực đoan, gây rối trật tự công cộng.
Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an quy kết ông Trần Ngọc Thành, người đứng đầu "Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam" đưa Hùng, Hạnh sang Malaysia đào tạo, huấn luyện, rồi đưa về nước "thực hiện các vụ kích động biểu tình, rải truyền đơn ở Trà Vinh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo đó, nội dung truyền đơn được miêu tả là kêu gọi người dân chống lại Đảng cộng sản, Nhà nước, kêu gọi "đấu tranh để đòi dân chủ", lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân ở một số khu công nghiệp để tổ chức tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp.
Hồi tháng 11/2018, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) cùng các văn kiện liên quan trong đó có quy định chính quyền phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, điều mà Việt Nam không cho phép hàng chục năm qua.
***************
Giám đốc công ty xây dựng bị bắt vì "phát tán tài liệu chống nhà nước" (RFA, 24/02/2019)
Ông Huỳnh Đắc Túy, Giám đốc công ty xây dựng Túy Nguyệt vừa bị Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ trong ngày 22/2 với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình Sự năm 2015.
Ông Huỳnh Đắc Túy, Giám đốc công ty xây dựng Túy Nguyệt vừa bị Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ trong ngày 22/2 với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình Sự năm 2015. Courtesy ANTV
Việc bắt giữ diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên tại Hà Nội từ ngày 27-28/02/2019.
Trang tin của đài truyền hình An ninh TV dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng, quy kết ông Túy "thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động nhân dân, nhằm chống phá Nhà nước".
Ông Huỳnh Đắc Túy là người thứ 5 trong năm 2019 bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vì các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Ngoài ra còn có một blogger của Đài Á Châu Tự Do là ông Trương Duy Nhất bị mất tích từ ngày 26/1 tại Bangkok khi đang tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị.
Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015 là điều 88 sửa đổi của Bộ luật hình sự cũ, quy định : người nào làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ; hoặc có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ; cũng như gây chiến tranh tâm lý sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và nếu bị bắt khi chuẩn bị phạm tội thì phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Hồi tháng 11/2016, tổ chức Phóng viên không biên giới RSF đưa ra danh sách 35 nhân vật bị cho là kẻ thù của báo chí trong đó có Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Báo cáo Tự do trên thế giới 2019 của tổ chức Freedom House cũng đánh giá Việt Nam 20/100 điểm là nước không có tự do.
2019 rất có thể là năm tái hiện 2014.
Vì EVFTA.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị tuyên án 14 năm tù, ngày 6/2/2018 (Báo Nghệ An)
Tái hiện qua 5 năm ?
2014 là năm đầu tiên chứng kiến một sự nhượng bộ đáng kể của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam trong cuộc mặc cả trả tự do trước thời hạn cho tù nhân lương tâm (còn gọi là tù nhân chính trị) để đánh đổi lấy TPP (Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình ương). Tổng cộng 12 người bất đồng chính kiến đã được phóng thích khỏi nhà lao trong năm đó - một con số kỷ lục, dù nhiều người đã bị chính quyền tống xuất ra nước ngoài.
Nhưng đến 2019, TPP đã trở thành dĩ vãng, mà chỉ còn lại CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) - thỏa thuận thương mại đã thành hình, đi vào triển khai mà chính quyền Việt Nam đã phải đánh đổi nó bằng việc chấp nhận định chế công đoàn độc lập khi trước đó chính quyền này lo sợ ‘diễn biến hòa bình’ của hoạt động này hơn bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào.
Song CPTPP vẫn chưa đủ. Chưa đủ cho cái miệng tham ăn tục uống của ngân sách và chưa thể thỏa mãn tham vọng trở thành ‘nước hưởng lợi lớn nhất’ của Việt Nam, mà tính thực dụng và thực chất đang trở nên một đòi hỏi cấp bách đối với chân đứng kinh tế đang rệu mục cùng núi nợ nước ngoài ít nhất 105 tỷ USD của chính thể còn đang cầm quyền này. Không chỉ làm mọi cách để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ hàng năm, Bộ Chính trị Hà Nội còn phải giành được EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu) nhằm bỏ túi số xuất siêu mỗi năm đến ba chục tỷ USD, củng cố được nguồn máu cực kỳ quý giá để ngân sách có tiền trả nợ nước ngoài lên đến 10 - 12 tỷ USD/năm và dung dưỡng cái cơ thể gần 3 triệu công chức viên chức cùng hàng triệu nhân sự trong lực lượng vũ trang.
Đó chính là lúc mà hàng loạt điều kiện nhân quyền trong EVFTA sẽ phát huy tác dụng.
Cơ hội nhân quyền từ EU
Khác hẳn với TPP hay CPTPP, trong EVFTA là tiêu chí ‘nhân quyền trên hết’. Quyền làm người và những yêu sách đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải gấp rút cải thiện. Nhân quyền đã không còn là một loại điều kiện phụ được chăng hay chớ, mà đang trở nên điều kiện cần đầu tiên và bắt buộc mà chính quyền Việt Nam, không còn cách nào khác, phải thỏa mãn để có được hiệp định này.
Cú ra đòn hoãn phê chuẩn EVFTA của Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng Giêng năm 2019, bất chấp một chiến dịch vận động ráo riết của chính quyền Việt Nam và sự thôi thúc của một số doanh nghiệp và nghị sĩ Châu Âu trên quan điểm thuần túy lợi ích thương mại mà không có nhân quyền hoặc chỉ ‘nhân quyền cho có’, đã trở thành một bằng chứng hùng hồn nhất về hiện thực và cả tương lai mà trong đó Nghị viện Châu Âu sẽ thẳng tay bác bỏ việc thông qua EVFTA bởi chính thể Việt Nam đã chỉ thể hiện như một kẻ chỉ biết ăn không chịu làm, không có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào có thể chứng minh hay nhìn thấy được.
Càng về sau này, EU càng trở nên cứng rắn với thái độ bị xem là ‘lươn lẹo’ của nhà cầm quyền Việt Nam. Khi những cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam hầu hết đã đi vào bế tắc, những lời hứa hẹn ngon ngọt hay cam kết nửa vời của những quan chức thật ra chẳng có thẩm quyền gì của Việt Nam đã chẳng còn ma mị được các quan chức EU. Ngay cả việc đoàn Việt Nam đã tưởng như vượt qua được cuộc điều trần EVFTA- nhân quyền vào tháng 10 năm 2018 tại Brusells, Bỉ, Nghị viện Châu Âu đã chặn EVFTA lại bằng một bản nghị quyết nhân quyền lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng và đưa ra một ‘tối hậu thư’ về nhân quyền trên hết, để nếu không cải thiện nhân quyền thì Việt Nam sẽ không thể nào có được EVFTA.
Cơ hội được tự do khỏi nhà tù tối tăm tàn ác của một số tù nhân lương tâm cũng vì thế bắt đầu le lói.
Chỉ ít ngày sau cú ra đòn hoãn EVFTA khiến giới chóp bu Việt Nam bị sốc nặng, 9 dân biểu Nghị viện Châu Âu đã gửi một bức thư vào ngày 1/2/2019 tới Nguyễn Phú Trọng - quan chức vừa là Chủ tịch nước vừa kiêm tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, kêu gọi việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hoàng Đức Bình.
Các nghị sĩ Châu Âu xác quyết rằng việc Việt Nam bắt giam và xử án tù nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã đi ngược lại các quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.
Ngoài việc kêu gọi trả tự do cho Hoàng Đức Bình, các nghị sĩ còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải đảm bảo chắc chắn và trả bồi thường đầy đủ theo luật quốc tế, điều tra những quan chức công an, toà án, và nhà tù chịu trách nhiệm về những đối xử tàn tệ đối với ông Hoàng Đức Bình. Và đặc biệt, các nghị sĩ cũng yêu cầu phải để ông Hoàng Đức Bình được ở trong nước, không trục xuất ông ra nước ngoài như điều kiện để được trả tự do.
Hoàng Đức Bình bị bắt giữ vào tháng 5/2017 và bị kết án tù 14 năm vào tháng 2/2018 theo các điều 330 và 331 của Bộ luật Hình sự về cái gọi là "chống người thi hành công vụ, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước".
Bất chấp việc công an Việt Nam gia tăng đợt bắt bớ giới bất đồng chính kiến ngay vào những ngày sát tết nguyên đán 2019, nhà hoạt động về môi trường và quyền của người lao động Hoàng Đức Bình và một số tù nhân lương tâm khác vẫn có thể tự do trong năm 2019.
Càng về sau này, mức án tù giam đối với các nhà hoạt động nhân quyền càng chỉ tồn tại như một con số chẳng có ý nghĩa gì. Trước và ngay sau cuộc điều trần nhân quyền - EVFTA vào tháng 10 năm 2018 tại Bỉ, hai nhà hoạt động nhân quyền nổi bật là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được quốc tế gây áp lực đã được tự do khỏi nhà tù Việt Nam, bất chấp mức án tù giam của hai người này lên đến hàng chục năm và hơn thế.
Nhưng nếu cả Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay một số tù nhân lương tâm trước đó như Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần… bị tống xuất ra nước ngoài chứ không được ở lại Việt Nam, hy vọng với những tù nhân lương tâm sau này còn lớn hơn : chính quyền Việt Nam, trước áp lực và đòi hỏi như một điều kiện cần của EU, sẽ buộc phải để họ ở lại quê hương để tiếp tục đấu tranh.
Lối thoát duy nhất
Về thực chất, nhà cầm quyền Việt Nam không còn lối thoát khả dĩ nào với EVFTA ngoài việc phải bắt buộc thực hiện những hành động cải thiện nhân quyền như trả tự do cho một số tù nhân lương tâm, ký kết 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đặc biệt là phải triển khai công ước về quyền tự do lập hội của công nhân, cùng những điều kiện nhân quyền khác mà bản nghị quyết nhân quyền của EU đòi hỏi một cách không thể né tránh.
Một nguồn tin cho biết sau khi EVFTA bị EU hoãn vô thời hạn, ‘đảng và nhà nước ta’ đã buộc phải cử một số đặc sứ đi thương thuyết trở lại với EU, với chủ đề đàm phán chuyên về cải thiện nhân quyền. Nhưng vào lần này, yêu sách của EU không còn là một khung hoạt động nhân quyền chung chung trong EVFTA, mà EVFTA phải được chi tiết hóa về một lộ trình theo thời gian và cụ thể hóa những việc mà Việt Nam phải thực hiện để cải thiện nhân quyền.
Kỳ bầu cử mới vào tháng 5 năm 2019 đang đến rất gần. Nếu không chứng minh được ‘năng lực cải thiện nhân quyền’ với một số lượng hành động đủ nhiều và đủ thực chất, chính quyền Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội EVFTA được phê chuẩn trước kỳ bầu cử này. Thậm chí cơ hội đó sẽ có thể chìm nghỉm trong vũng nước tù nếu một nghị viện Châu Âu mới được hình thành và do quá bận rộn với nhiều vấn đề nhức đầu của Lục Địa Già, sẽ chẳng còn mấy thời gian và tâm trí để lưu tâm đến một EVFTA nhỏ nhoi nhưng lại chẳng mang chút hương sắc nhân quyền nào.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/02/2019
Tin tổng hợp và tin do cộng tác viên cung cấp
Ngày 20/1/2019, chị Nguyễn Thị Quý, vợ tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng (15 năm tù), đã đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle (Pháp) để vận động cho UPR (cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) tại Genève, Thụy Sĩ sẽ diễn ra vào ngày mai 22/1/2019.
Chị Nguyễn Thị Quý, vợ tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, đã đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle ngày 20/01/2019
Trước đó, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức (12 năm tù), anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa con trai tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù) cũng đã có mặt tại Pháp để đi Genève vận động cho nhân quyền tại Việt Nam.
Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hay Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (viết tắt từ tiếng Anh là UPR), là cơ chế kiểm điểm tình hình nhân quyền của mỗi nước thành viên của Liên Hợp Quốc, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra 4 năm 1 lần. Mỗi nước thành viên đều phải lần lượt thực hiện việc rà soát tình hình nhân quyền của nước mình.
Ngoài 3 gia đình đến Genève từ trong nước, còn có các tù nhân lương tâm đã "ém sẵn": Luật sư Nguyễn Văn Đài và Đặng Xuân Diệu (tị nạn chính trị), Giáo sư Phạm Minh Hoàng (bị nhà cầm quyền trục xuất). Đại diện của Phóng Viên Không Biên Giới, đại diện của tổ chức chống tra tấn cũng tham gia vận động nhân quyền cho Việt nam tại UPR.
Hội thảo về UPR
Bên lề UPR có một cuộc hội thảo vào ngày 21/1. Ban tổ chức của hội thảo gồm :
- Christians for the Abolition of Torture (ACAT)
- Hội Bầu Bí Tương Thân
- COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam)
- Destination Justice
- Hội Anh Em Dân Chủ
- Lawyers’ Rights Watch Canada
- Media Legal Defence Initiative (MLDI)
- Phong Trào Lao Động Việt
- Reporters Without Borders (RSF)
- Việt Nam Canh tân Cách mạng đảng (Việt Tân)
Diễn giả của hội thảo có :
- 3 gia đình tù nhân lương tâm đến từ trong nước (vừa nêu trên) ;
- Luật sư Nguyễn Văn Đài, chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, cựu tù nhân lương tâm ;
- Ông Đặng Xuân Diệu, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm ;
- Giáo sư Phạm Minh Hoàng, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm ;
- Bà Libby Liu, Tổng giám đốc Đài Á Châu Tự Do ;
- Bà Anne-Marie Von Arx, Dân biểu quốc Hội tiểu bang Geneva. Qua nhiều năm nay, bà lên tiếng cho tù nhân lương tâm Việt Nam, đã từng đến Việt Nam trực tiếp tìm hiểu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam ;
- Luật sư nhân quyền Doreen Chen, Destination Justice. Cô hoạt động khắp thế giới và đã từng hợp tác với Giáo sư luật trường đại học Stanford, Allen Weiner, thực hiện và đề nạp đơn lên Liên Hiệp Quốc về 14 thanh niên Công giáo bị bắt năm 2011 ;
- Cô Jade Dussart, Quản lý chương trình Á Châu của tổ chức ACAT, một tổ chức thường xuyên lên tiếng chống tra tấn trong nhà tù Việt Nam đối với tù nhân chính trị ;
- Ông Hoàng Tứ Duy, Phát ngôn nhân đảng Việt Tân ;
- Daniel Bastard, Trưởng văn phòng Asia, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) ;
- Luật sư Saba Ashraf, đại diện tổ chức Media Legal Defence Initiative (MLDI) ;
- Ông Rolin Wavre, Chủ tịch Ủy Ban Việt Thụy Sỹ, COSUNAM và Phó chủ tịch Đảng Cấp Tiến Thụy Sĩ.
Lễ trao giải nhân quyền cho Trần Thị Nga và Lê Đình Lượng
Tại hội thảo sẽ có lễ trao giải thưởng nhân quyền 2018 cho ông Lê Đình Lượng và bà Trần Thị Nga.
Những hoạt động xung quanh UPR 2019
Ngoài buổi hội thảo còn có các hoạt động khác như gặp gỡ một số đoàn đại diện thường trực của Liên Hiệp Quốc và các nước Czech, Đức, Hoa Kỳ, Na Uy và Thụy Sĩ và biểu tình.
Nhiều tổ chức Việt Nam trong và ngoài nước và các NGOs quốc tế khác cũng đã có những cuộc vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, đã nạp hồ sơ trước đó.
Cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR 2019 diễn ra trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam siết chặt kiểm soát, đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến như hoạt động dân chủ, biểu tình chống chính sách của chính phủ. Sự đàn áp này trong năm 2018 là chưa từng thấy. Kết quả của Kiểm định định kỳ phổ quát 2019 và những hoạt động xung quanh UPR có ảnh hưởng rất quan trọng đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
LTS : Chiến Dịch NOW !, do BPSOS khởi xướng tháng 11 năm 2017 với sự tham gia của 14 tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế, thường xuyên theo dõi tình trạng bắt bớ, giam giữ và xử tù các người đấu tranh cho và bảo vệ nhân quyền. Mỗi 3 tháng, chúng tôi có bản báo cáo cập nhật gửi các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các cơ quan chính quyền của các quốc gia dân chủ, và các tổ chức nhân quyền khu vực và quốc tế.
Dưới đây là bản báo cáo cập nhật về tình trạng tù nhân lương tâm ở Việt Nam trong năm 2018. Thông tin của Chiến Dịch NOW ! còn được sử dụng cho các nỗ lực liên quan, như xin trợ cấp khẩn cấp cho các tù nhân lương tâm, đóng góp cho các cuộc kiểm điểm Việt Nam gởi Liên Hiệp Quốc về thực thi các cam kết về nhân quyền, và quốc tế vận ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác.
Chúng tôi kêu gọi những tổ chức và cá nhân người Việt ở trong và ngoài nước giúp phổ biến thật rộng rãi bản báo cáo năm 2018 bản tiếng Anh (BPSOS-Report-on-Red-Flag-Associations-03-27-18.pdf) và tiếng Việt ở dưới đây.
*****
Thống kê của Now! Campaign : Việt Nam đang giam giữ 244 tù nhân lương tâm
Thông cáo báo chí, ngày 3 tháng 1 năm 2019
Logo của chiến dịch NOW ! nhằm vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam
Theo Now! Campaign, một chiến dịch nhằm vận động trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam của 14 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, chính phủ Việt Nam đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm so với 165 tù nhân lương tâm vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được phát động. Điều này biến Việt Nam trở thành nơi giam giữ người bất đồng chính kiến lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.
Con số trên bao gồm 224 người đã bị kết án, với các cáo buộc điển hình như "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", "tuyên truyền chống nhà nước", "phá hoại chính sách đoàn kết", và 20 người bị giam giữ trong giai đoạn điều tra hay chờ ngày xét xử. Ngoài ra, tám người tham gia biểu tình ôn hòa vào giữa tháng 6 năm 2018 đã bị kết án với bản án tù treo từ năm tháng đến hai năm.
Nhiều blogger, luật sư, công đoàn, người hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính trị và tín đồ của các tôn giáo thiểu số không đăng ký đã bị bắt giữ và giam giữ chỉ vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp Việt Nam và nhiều công ước quốc tế như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo hoặc niềm tin. Danh sách này không bao gồm các cá nhân đã tham gia hoặc ủng hộ bạo lực.
Năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 27 nhà hoạt động nhân quyền và kết án 40 nhà hoạt động với tổng số án tù là 300 năm và 69 năm bị quản thúc tại gia. Ngoài ra, 64 người biểu tình ôn hòa đã bị kết án liên quan đến các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu vào giữa tháng 6, nơi hàng chục ngàn người biểu tình phản đối hai dự luật về Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Những người biểu tình này đã bị kết án tổng cộng 121 năm và năm tháng tù giam và chín năm tù treo.
Ba mươi hai trong số 244 tù nhân lương tâm là nữ. Với một ngoại lệ, tất cả những người phụ nữ này đến từ dân tộc Kinh. Một ngoại lệ, Rmah Hruth, là một phụ nữ dân tộc Jarai, đã bị kết án năm năm tù vào tháng 3 năm 2014. Tổng cộng, 186 người, hoặc 76,6% trong danh sách, là người dân tộc Kinh. Nhóm dân tộc lớn thứ hai trong danh sách là người Thượng, bao gồm nhiều sắc tộc thiểu số và nhóm tôn giáo sống ở vùng núi của Tây Nguyên. Họ chiếm 24,2% những người trong danh sách. Mười bảy trong số những người trong danh sách là người H'Mông và hai người thuộc dân tộc thiểu số Khmer Krom.
Hầu hết các tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án về các cáo buộc theo các Điều 109, 116.117, 318 và 331 trong Bộ luật Hình sự (Bộ luật hình sự) 2015 (Điều 79, 87, 88, 245 và 258 của Bộ luật hình sự 1999) :
- 45 nhà hoạt động bị kết án về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 109 trong Bộ luật hình sự 2015 ;
- 23 nhà hoạt động bị kết án và năm người bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015 ;
- 53 người dân tộc thiểu số bị kết án vì cáo buộc "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" theo Điều 87 của Bộ luật hình sự 1999 ;
- 13 nhà hoạt động bị kết án hoặc bị buộc tội "lạm dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 258 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015 ;
- 78 cá nhân bị kết án hoặc bị buộc tội "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015). Năm mươi hai người trong số họ đã bị cầm tù vì tham gia biểu tình ôn hòa hoặc bị nghi ngờ có kế hoạch tham gia vào các cuộc biểu tình giữa tháng Sáu.
- 16 cá nhân bị bắt giữ hoặc giam giữ nhưng cơ quan chức năng không/chưa công bố cáo buộc hay tội danh chống lại họ.
Lưu ý rằng 25 cá nhân trong báo cáo quý của Now !Campaign vào ngày 01/10/2018 đã bị đưa ra khỏi danh sách tù nhân lương tâm vì thông tin về họ quá sơ sài cho dù họ được đưa vào danh sách tù nhân lương tâm của tổ chức nhân quyền khác (Human Rights Watch).
Bối cảnh xã hội năm 2018
Để duy trì chế độ độc đảng, chính phủ cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp mạnh mẽ chống lại giới bất đồng chính kiến bằng cách bắt giữ và kết án nhiều người chỉ trích chính phủ, blogger, người dùng Facebook, người tham gia biểu tình ôn hoà, người bảo vệ môi trường và nhà hoạt động xã hội.
Để ngăn chặn sự bất mãn xã hội ngày càng tăng, làm câm lặng các nhà hoạt động và người phản biện, chính phủ Việt Nam đã sử dụng các điều luật mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự để bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân quyền và kết án họ bằng những bản án nặng nề. Nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ môi trường Lê Đình Lương đã bị kết án 20 năm tù và 5 năm quản chế, bản án tù nặng nhất dành cho một nhà hoạt động trong 5 năm qua.
Chế độ cộng sản đã sử dụng các biện pháp khắc nghiệt để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố và sử dụng cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015 để giam cầm hàng chục người biểu tình ôn hòa.
Làn sóng bắt giữ lớn nhất trong hai thập kỷ
Năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 27 nhà hoạt động và blogger. Hai mươi trong số họ đã bị buộc tội theo quy định của Bộ luật hình sự trong khi các cáo buộc chống lại năm người còn lại chưa được công bố.
- Sinh viên đại học Huỳnh Đức Thanh Bình bị buộc tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015.
- Năm nhà hoạt động Hoàng Thị Thu Vang và 4 thành viên của nhóm Hiến Pháp Ngô Văn Dũng,Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đoàn Thị Hồng và Hồ Đình Cường đã bị bắt vào đầu tháng 9 và buộc tội "phá rối an ninh" theo Điều 118 của Bộ luật hình sự 2015. Lực lượng an ninh đã bắt cóc 5 người này vào các ngày 1-4/9 mà không thông báo cho gia đình họ về các vụ bắt giữ và nơi giam giữ họ. Họ đang phải đối mặt với án tù cao nhất lên tới 15 năm nếu bị kết án.
- 5 nhà hoạt động đã bị bắt và bị buộc tội làm, lưu trữ hoặc truyền bá thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm với mục đích chống lại nhà nước theo Điều 117 : Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Đình Thành, Huỳnh Trường Ca, Nguyễn Trung Linh và Nguyễn Văn Quang.
- Chín nhà hoạt động đã bị bắt và bị buộc tội lạm dụng quyền tự do dân chủ, theo Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015 : Đỗ Công Dương, Lê Anh Hùng, Nguyễn Văn Trường, Đoàn Khánh Khánh Quang, Bùi Mạnh Đồng, Nguyễn Hồng Nguyên, Trương Đình Khang, và Lê Minh Thể. Năm người trong số họ đã bị kết án và bị kết án từ 1 đến 5 năm tù trong khi bốn người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử.
- Các cáo buộc chống lại Huỳnh Đức Thịnh, Trần Long Phi, Đỗ Thế Hoá và Trần Thanh Phương chưa được công bố. Công an vẫn chưa giao lệnh bắt giữ cho gia đình họ.
Tất cả những người bất đồng chính kiến này đã bị giam giữ trong thời gian điều tra mà không được phép gặp luật sư của họ, và gia đình họ không được phép đến thăm họ và chỉ được cung cấp thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cá nhân khác dành cho người bị giam giữ.
Ngoài ra, Việt Nam đã bắt hàng trăm người tham gia biểu tình ôn hòa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương và các địa phương khác vào ngày 10-11/6. Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố để biểu tình nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Dự luật đầu tiên được cho là không đếm xỉa đến chủ quyền của đất nước mà đưa ra các điều kiện có lợi cho nhà đầu tư Trung Quốc trong khi dự luật thứ hai được coi là một công cụ hà khắc để làm im lặng các nhà phê bình trực tuyến. Trong bản báo cáo chung gửi Liên Hợp quốc nhân dịp Việt Nam báo cáo việc thực thi Công ước Chống Tra tấn vào giữa tháng 11 năm 2018, BPSOS và một số tổ chức nhân quyền và dân sự đã tố cáo việc Việt Nam sử dụng bạo lực để giải tán biểu tình ôn hoà trong tháng 6 năm 2018.
Lực lượng an ninh Việt Nam Việt Nam đã sử dụng các đặc vụ mặc thường phục để bắt cóc những người bất đồng chính kiến và giữ họ trong nhiều tháng mà không công bố cáo buộc chống lại họ hoặc thông báo cho gia đình họ về việc họ bị bắt và các cáo buộc chống lại họ. Ít nhất mười nhà hoạt động đã bị cảnh sát giam giữ vào đầu tháng 9, và họ vẫn bị giam giữ để điều tra về các cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm "phá rối an ninh" trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự. Trong số đó có các blogger Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Trần Thanh Phương, Hưng Hùng, Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng và Đỗ Thế Hoá của nhóm Hiến Pháp, một nhóm chưa đăng ký hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân quyền thông qua việc phổ biến Hiến pháp 2013.
Trong bản Nhận xét Kết luận của Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc sau khi Việt Nam báo cáo việc thực thi Công ước Chống Tra tấn và các hình phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác ở Geneva vào giữa tháng 11, Ủy ban Chống Tra tấn kêu gọi Việt Nam cho phép người bị bắt giữ và giam giữ được tiếp cận với luật sư và quyền được thông báo ngay lập tức về cáo buộc chống lại họ, được thông báo cho người thân, được kiểm tra y tế từ bác sỹ độc lập, và việc bắt giữ, giam giữ phải được lưu vào hệ thống chung của công an.
Giam giữ kéo dài trước khi xét xử
Trong nhiều trường hợp, một số nhà hoạt động đã bị giam giữ tới 28 tháng trước khi xét xử. Chẳng hạn, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà đã bị giam giữ trước phiên tòa từ ngày 16/12/2015 cho đến phiên tòa của họ vào ngày 5/4/2018. Trong thời gian bị giam giữ trước phiên tòa, họ không được phép gặp luật sư hoặc người thân của họ. Trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ được gặp luật sư để chuẩn bị cho việc bào chữa của họ một vài ngày trước khi bị xét xử.
Trường hợp của blogger Nguyễn Danh Dũng cần được quan tâm đặc biệt. Vào ngày 16/12/2016, chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ anh với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước"theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999. Không có thông tin về anh ta kể từ đó. Không rõ liệu anh ta đã bị xét xử hay được trả tự do hay vẫn đang bị giam giữ trước khi xét xử.
Trong Nhận xét Kết luận của mình, Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về việc giam giữ kéo dài trước khi xét xử mà các nhà bảo vệ nhân quyền phải đối mặt và khuyên Việt Nam nên bảo đảm rằng những người bị giam giữ cần được hưởng các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản như tiếp cận luật sư hoặc trợ giúp pháp lý, quyền thông báo cho gia đình họ về việc họ bị giam giữ ; và rằng các điều kiện giam giữ và đối xử đối với họ không thua kém những người khác cũng bị tước quyền tự do.
Những bản án nặng nề
Năm 2018, Việt Nam đã kết án 40 nhà hoạt động, 32 người trong số họ bị bắt năm 2015-2017 và tám người trong năm 2018.
- Có đến 16 nhà hoạt động đã bị kết án về tội danh lật đổ. Họ gồm tám thành viên của Hội Anh em Dân chủ : Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc, và Lê Thu Hà ; nhà bảo vệ môi trường và hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng, thầy giáo đã nghỉ hưu Đào Quang Thực và năm cá nhân được cho là có liên quan đến Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết : Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung. Họ đã bị kết án với những bản án nặng nề từ 7 đến 20 năm tù và quản chế từ 1năm đến 5 năm.
- Bảy nhà hoạt động đã bị kết án về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước"theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc "làm, lưu trữ hoặc truyền bá thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm cho mục đích chống lại chính phủ"theo Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015 : Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Bùi Hiếu Võ, Nguyễn Việt Dũng, Huỳnh Trường Ca và Nguyễn Đình Thành. Họ bị kết án từ 4,5 năm đến 8 năm tù. Ông Thuận bị bản án cao nhất (8 năm) và Bùi Hiếu Võ, một blogger trực tuyến tại thành phố Hồ Chí Minh, bị án nhẹ nhất.
- Bốn nhà hoạt động đã bị kết án vì cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ"theo Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015 : Trương Đình Khang, Nguyễn Hồng Nguyên, Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng. Họ đã bị kết án lần lượt là 1 năm, 2 năm, 27 tháng và 30 tháng tù.
- Đỗ Công Dương, một nhà hoạt động chống tham nhũng và nhà báo độc lập ở tỉnh Bắc Ninh, đã bị bắt khi đang quay phim cưỡng chế đất vào tháng 2 năm 2018. Sau đó, ông bị kết án với cáo buộc "lạm dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 và "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015. Ông bị kết án trong 2 phiên tòa riêng biệt với 5 năm tù cho tội danh đầu tiên và 4 năm tù cho tội danh thứ hai.
- Chín nhà hoạt động và 64 người biểu tình ôn hòa vào giữa tháng 6 đã bị kết án với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và bị kết án từ 8 tháng đến 6 năm tù giam.
Bị đàn áp, ngược đãi trong tù
Vào tháng 7 - 8, các nhà hoạt động nhân quyền bị giam cầm Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là blogger Mẹ Nấm) được cho là đã bị ngược đãi trong tù. Cô Nga bị một tù nhân đánh đập và đưa ra lời đe dọa đánh cho đến chết. Vào ngày 29 tháng 9, Nga đã bị từ chối không cho gặp gỡ với gia đình cô. Lần cuối cùng cô gặp gia đình là ngày 26 tháng 7. Gia đình cô lo lắng đến sự an toàn của cô. Cô Quỳnh cũng bị một tù nhân đe dọa và bị cung cấp thức ăn kém phẩm cấp.Cô đã tiến hành một cuộc tuyệt thực 17 ngày kéo dài từ ngày 7 tháng 7 đến ngày 23 tháng 7 để phản đối sự đối xử vô nhân đạo của nhà tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù tại Trại tù số 6 ở tỉnh Nghệ An, đã tiến hành một cuộc tuyệt thực từ ngày 14 tháng 8 để phản đối sự đối xử tồi tệ của chính quyền nhà tù, nhằm mục đích ép buộc ông đưa ra lời thú tội sai. Cuộc tuyệt thực kéo dài đến ngày 16 tháng 9.
Vào ngày 16/8/2018, xuất hiện với tư cách nhân chứng tại phiên tòa của Lê Đình Lương, Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Viết Dũng đã tố cáo rằng họ bị buộc đưa ra những lời khai bất lợi cho ông Lượng vì đã bị tra tấn. Ngay sau đó, cả hai được đưa đến một phòng khác, nơi Hoá lại bị đánh bởi phó giám thị trại tạm giam của Sở Công an tỉnh Nghệ An.
Bộ Công an thường chuyển tù nhân lương tâm đến các trại giam xa gia đình của họ như là hình phạt bổ sung cho những người từ chối thừa nhận tội. Ví dụ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga đã đưa đến các nhà tù nằm cách 1.000 km đến 2.000 km. Các trường hợp được ghi nhận khác được liệt kê trong bảng dưới đây.
Mãn hạn tù, phóng thích
Mười nhà hoạt động đã được trả tự do năm 2018. Nguyễn Hữu Quốc Duy, Đinh Nguyên Kha, Trần Thị Thuý, Giàng A Vàng và Vàng A Long đã thi hành xong bản án của họ. Ba người đầu tiên vẫn bị quản chế - họ chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương trong thời gian này. Sau nhiều năm trong tù, sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn ; được chẩn đoán mắc một số bệnh nặng, họ cần điều trị y tế khẩn cấp để phục hồi một phần sức khỏe.
Ba người khác, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thu Hà và Nguyễn Văn Đài được phóng thích nhưng buộc phải rời khỏi Việt Nam để sống lưu vong. Vào ngày 7 tháng 6, ông Đài, cùng vợ và cô Hà rời Việt Nam đi Đứctrong khi cô Quỳnh cùng mẹ và hai con đi sang Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 10.
Phản ứng quốc tế về đàn áp của Việt Nam
Cuộc đàn áp của Việt Nam chống lại giới bất đồng chính kiến đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đức và Vương quốc Anh cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế như các tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists).
Cùng với việc kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Việt Nam tôn trọng các hiệp ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi Luật An ninh mạng, tmột công cụ nhằm hạn chế hơn nữa quyền tự do ngôn luận.
Trong bản Nhận xét Kết luận ngày 28/12/2018 đã nhắc ở trên, Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi tra tấn và các hình thức đối xử tệ bạc với những người bị tước đoạt tự do, đặc biệt là tù nhân lương tâm.
(Bản dịch Việt ngữ của Vũ Quốc Ngữ)
=============
Thuật ngữ tù nhân lương tâm (Prisoner of conscience-POC) được Peter Benenson đưa ra vào những năm 1960. Nó đề cập đến bất kỳ cá nhân nào bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc lương tâm, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tình trạng kinh tế, sinh sản, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác mà không sử dụng bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực hoặc thù hận.
Now! Campaign là một chiến dịch chung do Boat People SOS (BPSOS) khởi xướng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện. Chiến dịch được hỗ trợ bởi 14 tổ chức phi chính phủ :
- Boat People SOS (BPSOS)
- Front Line Defenders (FLD)
- Civil Right Defenders (CRD)
- Christian Solidarity Worldwide (CSW)
- Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders-DTD)
- Stefanus Alliance International
- Asian Parliamentarians for Human Rights (APHR)
- The 88 Project
- Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam -IJAVN)
- Progressive Voice-Burma
- Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Women for Human Rights - VNWHR)
- Campaign to Abolish Torture in Vietnam (VN-CAT)
- World Organisation Against Torture (OMCT)
- Montagnard Human Rights Organization (MHRO)
Để biết thêm thông tin về Now! Campaign, quý vị có thể đọc tại www.vietnampocs.com .
Tù nhân lương tâm Vũ Hùng mãn án vào ngày 4/1 (RFA, 03/01/2019)
Cựu tù nhân lương tâm - nhà đấu tranh dân chủ - thầy giáo Vũ Văn Hùng sẽ mãn hạn tù vào ngày mai 4/1/2019 sau đúng một năm bị bắt với cáo buộc ‘gây rối trật tự nơi công cộng’ theo điều 348 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Hình thầy giáo Vũ Hùng - Courtesy of FB Tụ Tinh Thần
Chúng tôi liên hệ bà Lý Thị Tuyết Mai vào tối 3/1/2019 và được bà cho biết đang trên đường đi đến Trại giam số 3, Tân Kỳ, Nghệ An cùng con và một người bạn để đón chồng mình ra tù vào ngày mai.
Trả lời câu hỏi về tình hình sức khỏe hiện nay của thầy Hùng, bà Mai nói lần gần nhất bà được gặp chồng là hôm 25/12/2018 thì thấy sức khỏe thầy Hùng vẫn bình thường. Bà Mai cho biết :
Sức khỏe cũng bình thường. Nói chung gầy và đen hơn một chút vì anh ấy phải đi lao động. Cũng nói là ở chung với các anh em trong ấy cũng đông lắm. Một phòng khoảng 60, 70 người ở cùng nhau. Đi lao động thì đi làm ruộng, làm đồng, làm nông nghiệp.
Bà Mai cho biết về tinh thần của thầy Hùng trong lần gặp gần nhất như sau :
Anh ấy vẫn bình thường, không có gì thay đổi. Tinh thần thì vẫn rất thoải mái. Nói chung vẫn như thế thôi, không có gì băn khoăn.
Thầy giáo Vũ Văn Hùng, sinh năm 1966, nguyên là một giáo viên dạy Vật Lý cấp 3 tại Thanh Oai, Hà Nội. Ông được nói đã bị giáng xuống làm lao công rồi buộc thôi việc ở trường học vì đã chia sẻ các thông tin, tài liệu kêu gọi dân chủ hóa đất nước, và chống tham nhũng với các đồng nghiệp.
Thầy Vũ Văn Hùng từng tham gia dán băng rôn chống tham nhũng, lạm phát, đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, và yêu cầu đảng cộng sản thực hiện dân chủ hóa đất nước hồi năm 2008. Cùng năm, ông cũng tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh.
Tháng 9/2008, ông bị bắt và bị tuyên án 3 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Sau khi mãn hạn tù, thầy giáo Vũ Văn Hùng tiếp tục sinh hoạt cùng các nhà bất đồng chính kiến và xã hội dân sự độc lập.
Tháng 1/2018, ông bị bắt sau khi đến dự lễ kỷ niệm ngày Giáo Chức Chu Văn An và bị an ninh thường phục gây sự để bắt với tội danh được dựng sẵn, theo lời kể của vợ ông, bà Lý Thị Tuyết Mai.
Tại phiên tòa ngày 12/4/2018, Tòa Án Nhân Dân Quận Thanh Xuân, Hà Nội tuyên ông một năm tù.
Thầy giáo Vũ Văn Hùng cũng là một thành viên Hội Anh Em dân chủ. Hội Em dân chủ và Hội Giáo Chức Chu Văn An mà thầy giáo Vũ Hùng tham gia là hai tổ chức xã hội dân sự độc lập, không chịu sự sai khiến của chính quyền Việt Nam.
****************
Tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng bị chuyển trại (RFA, 03/01/2019)
Tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng bị chuyển từ trại giam Nghi Kim tỉnh Nghệ An ra trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam.
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8/2018 - AFP
Thông tin này được cô Nguyễn Xoan, con dâu ông Lê Đình Lượng thông báo trên trang Facebook cá nhân vào ngày 3 tháng 1, và cho biết thêm, sau khi vợ ông Lượng đến thăm chồng vào sáng cùng ngày thì mới được trại giam thông báo.
Theo cô Xoan, trường hợp bị chuyển trại của ông Lượng cũng giống như các tù nhân lương tâm khác trên khắp cả nước khi phía trại giam không thông báo gì cho gia đình mà chỉ lén lút chuyển đến trại xa nhà. Điều này được gia đình các tù nhân cho là gây nhiều bất lợi cho những tù nhân lương tâm và gia đình khi đi thăm.
Ông Lê Đình Lượng, 53 tuổi, là nhà hoạt động nhân quyền và môi trường, ông từng giúp đỡ những nạn nhân chịu ảnh hưởng của việc Nhà máy Formosa xải thải trực tiếp ra biển gây nên thảm họa môi trường cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016.
Ông bị bắt vào ngày 24 tháng 7 năm 2017 với cáo buộc Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, sau đó bị biệt giam gần 1 năm.
Đến ngày 16 tháng 8 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Liên minh EU và phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đều lên tiếng phản đối mức án nặng nề mà tòa tuyên ông Lê Đình Lượng.
Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm ngày 18 tháng 10 năm 2018, Tòa án nhân dân Nghệ An vẫn tuyên y án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Lê Đình Lượng.
Cũng trong phiên phúc thẩm, ông Lượng đã nói lời sau cùng : "Việc tôi làm lịch sử sẽ phán xét ! Tôi rất vui lòng ở trong lao tù nếu như đất nước tôi lớn lên, có tự do, dân chủ".