Anh và Châu Âu sẽ trả giá đắt cho một Brexit "cứng"
Vào lúc khả năng Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận ngày càng rõ nét, theo Le Figaro (08/04/2019), các tập đoàn cũng như các công ty vừa và nhỏ của Pháp đang thi hành các biện pháp nhằm tránh tình trạng bị tê liệt.
Người dân Anh ủng hộ Brexit cắm quốc kỳ trước Nghị Viện ở Luân Đôn. Reuters/Hannah McKay
Theo tờ Le Figaro, dân Anh, mà người ta đã hứa hẹn một tương lai tươi sáng bên ngoài Châu Âu, sẽ là những người đầu tiên vỡ mộng. Ngân hàng Trung ương Anh Quốc lo ngại một cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Brexit sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, trong một thời gian rất dài : tăng trưởng sụt giảm, vật giá leo thang, thất nghiệp gia tăng, khan hiếm hàng hóa.
Nhưng tờ Le Figaro lưu ý, toàn bộ Châu Âu cũng sẽ trả một cái giá rất đắt cho một Brexit "cứng". Theo tính toán của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế INSEE, tăng trưởng kinh tế của Pháp sẽ mất 1,7%. Mặc dù đang được các cơ quan công quyền trợ giúp, nhiều công ty Pháp, mà trước hết là các công ty nhỏ và vừa, các nông gia, ngư dân sẽ bị tác động lây.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì phân tích thế khó xử của các lãnh đạo Châu Âu trước đề nghị dời ngày Brexit thêm một thời gian dài. Vào ngày 10/04, Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh đặc biệt tại Bruxelles để quyết định một trong hai kịch bản : tiếp tục cho Luân Đôn gia hạn Brexit thêm một thời gian, điều chẳng làm ai hào hứng, hoặc chấp nhận một Brexit không thỏa thuận, điều mà chẳng ai muốn.
Les Echos nhắc lại là hôm thứ Sáu 05/04, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã cho biết ông sẽ đề nghị với các lãnh đạo Châu Âu một sự gia hạn "linh động", với thời hạn có thể lên tới một năm. Thời hạn này có thể được rút ngắn nếu các nghị sĩ Anh Quốc thông qua được một thỏa thuận cho cuộc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.
Pháp : Bước kế tiếp của "thảo luận toàn quốc" ?
Về mặt chính trị nội bộ của nước Pháp, các nhật báo dĩ nhiên dành nhiều trang cho sự kiện thủ tướng Pháp Edouard Philippe, ngày 08/04, công bố bản tổng kết đầu tiên về đợt thảo luận toàn quốc do tổng thống Emmanuel Macron phát động và đã kéo dài gần 3 tháng qua, nhằm thu thập ý kiến của nhân dân về các kế sách cho đất nước, và qua đó xoa dịu những người Áo Vàng, vẫn xuống đường vào mỗi thứ Bảy.
Theo Le Figaro, tổng thống Pháp đang đối diện với một nhiệm vụ "bất khả thi". Ông Macron đã nêu lên tiêu chí của ông "không chối bỏ, không cố chấp". Không chối bỏ, có nghĩa là ông sẽ không rút lại những quyết định đã được đưa ra, trong đó có việc xóa bỏ thuế đánh vào người giàu ISF, cho dù theo kết quả một cuộc thăm dò, có đến 77% dân Pháp đòi tái lập thuế này. Không cố chấp, có nghĩa là ông phải đề ra những biện pháp đủ mạnh để không ai có thể nói rằng chẳng có gì thay đổi sau đợt thảo luận vừa qua.
Còn theo tờ Les Echos, đợt thảo luận toàn quốc đã giúp chính phủ thoát khỏi cuộc đối đầu trực diện với những người Áo Vàng. Phong trào biểu tình đã giảm cường độ, nhưng ngược lại những giải pháp được đề ra sau đợt thảo luận phải tương xúng với sự chờ đợi của dân Pháp, nếu không, bất mãn xã hội sẽ lại bùng nổ. Tờ báo cho rằng, tổng thống Macron đang trong tình thế hết sức tế nhị : phải tỏ dấu hiệu cho thấy đoạn tuyệt với cách thức cầm quyền từ 2 năm nay, nhưng không chối bỏ điều gì về căn bản.
Mối đe dọa cực hữu ở vùng Baltic
Nhìn sang vùng Baltic, tờ Libération lo ngại trước sự lớn mạnh của đảng cực hữu tại Estonia, vì cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 26/05 có thể sẽ khẳng định vị thế vững chắc của đảng dân túy EKRE tại quốc gia này.
Tờ Libération nhắc lại là trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 03/2019, đảng cực hữu này đã giành được 18% số phiếu. Sự lớn mạnh của đảng này có thể gây bất ngờ cho những người ở ngoài quốc gia Baltic nhỏ bé chỉ có 3,1 triệu dân, nổi tiếng là quốc gia khởi nghiệp (startup nation) trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng các nhà quan sát tình hình chính trị Estonia không lấy làm ngạc nhiên. Họ cho biết là rất nhiều người dân không hài lòng về cách vận hành của chính phủ mãn nhiệm.
Tuy tỷ lệ thất nghiệp ở Estonia không cao (chưa tới 5%), nhưng mức lương ở nước này cũng rất thấp. Cách biệt giữa thành thị và nông thôn thì ngày càng tăng. Đảng cực hữu EKRE đã biết khai thác tâm lý bất mãn này, với những tuyên bố chống thiểu số nói tiếng Nga (chiếm 1/4 dân số Estonia), chống người nhập cư, người đồng tính, đồng thời hoạt động rất mạnh trên mạng xã hội.
NATO bước vào thời kỳ thứ tư
Trong mục Địa-Chính trị, tờ Le Monde có một bài báo dài về Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, vừa mừng sinh nhật 70 tuổi hôm 04/04, vào lúc khối này vừa bị tổng thống Mỹ Donald Trump thúc ép, vừa lo ngại về nước Nga, vừa bị chỉ trích về thành quả quân sự của mình.
Lẽ ra đây phải là một buổi lễ long trọng, thể hiện sự đoàn kết của đại gia đình hai bên bờ Đại Tây Dương trước những mối đe dọa mới. Rốt cuộc đó chỉ là một buổi lễ mang tính tượng trưng, quy tụ các ngoại trưởng ở Washington, nơi mà vào năm 1948, 12 quốc gia đã ký hiệp ước thành lập khối NATO để chống Liên Xô.
Theo Le Monde, khối NATO đang bước vào thời kỳ thứ tư, sau thời kỳ chiến tranh lạnh, thời kỳ can thiệp vào các nước Balkan, Afghanistan, Libya, thời kỳ đối phó với việc nước Nga xâm lược Ukraine. Các nước Châu Âu đang chịu áp lực của Mỹ, muốn NATO phải đề ra một chiến lược đối phó với Trung Quốc. Đối với Washington, quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh với Roma và Budapest là những mối đe dọa đến sự gắn kết của khối phương Tây, ấy là chưa kể nguy cơ gián điệp công nghiệp quy mô lớn, như vụ Hoa Vi.
Theo một chuyên gia quân sự của NATO, khối này cũng nên để ý đến sự phát triển của quan hệ quân sự Nga-Trung. Hai nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng Hắc Hải, Địa Trung Hải và vùng Baltic.
Theo Le Monde, các nước Châu Âu hiện đang chịu áp lực từ phía tổng thống Mỹ, đòi các nước này phải đảm nhận thêm các chiến dịch và khối NATO phải mở rộng phạm vi hoạt động. Áp lực này buộc các nước Châu Âu phải tham gia nhiều hơn vào việc phòng thủ, dựa trên tiềm lực quân sự của Pháp và Anh, và trên vai trò lãnh đạo của Đức.
Nhật Bản : Những thách đố trong thời kỳ Lệnh Hòa
Về thời sự Châu Á, tờ Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nhật trong bài viết dưới tựa đề : "Nhật Bản trước những thách đố của thời kỳ Lệnh Hòa".
Một trăm năm mươi mốt năm kể từ khởi đầu thời kỳ Minh Trị đánh dấu sự mở cửa ra thế giới bên ngoài, vào ngày 01/05/2019, Nhật Bản sẽ bước vào thời kỳ Lệnh Hòa, với việc hoàng thái tử Naruhito lên ngôi sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị.
Theo Le Figaro, tuy Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế hàng thứ ba thế giới và dường như vẫn là một ốc đảo bình yên, nhưng trên thực tế quốc gia này đang đối đầu với nhiều thách đố.
Về mặt dân số, dân số Nhật sẽ sụt giảm mạnh từ 126 triệu người xuống còn 90 triệu người năm 2060 và còn 60 triệu người năm 2100. Hiện giờ nước Nhật đã gặp tình trạng lão hóa dân số ngày càng nhanh và khan hiếm nhân công.
Về mặt kinh tế, vẫn tồn tại áp lực giảm phát với mức tăng trưởng rất thấp (chỉ đạt 0,8% năm 2019), trong khi xuất khẩu đang sụt giảm do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Về mặt tài chính, nợ công của Nhật nay đã lên tới 250% GDP. Về mặt kinh tế, đảng Dân chủ Tự do vẫn gần như nắm độc quyền lãnh đạo, khiến chính giới Nhật vẫn chưa thoát khỏi nạn tham nhũng triền miên và sự ù lì.
Theo Le Figaro, Nhật Bản không có sự chọn lựa nào khác là phải tự canh tân. Tuy đã huy động thêm phụ nữ và người già vào lực lượng lao động, nhưng Nhật Bản buộc phải mở cửa đón người lao động nhập cư. Xuất khẩu của Nhật phải chuyển hướng một phần vào thị trường nội địa, nhưng không phải dễ dàng, bởi vì dân số nước này đang sụt giảm và già đi.
Tờ Le Figaro cũng cho rằng, trên bàn cờ quốc tế của thế kỷ 21, Nhật Bản sẽ buộc phải tìm một vị trí mới, vừa giành quyền tự chủ đối với Hoa Kỳ, vừa tìm thêm những đồng minh mới để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe tâm thần
Về y tế, tờ Les Echos nói những tác động của biến đổi khi hậu lên sức khỏe tâm thần, vấn đề mà các nhà nghiên cứu tâm thần học quan tâm ngày càng nhiều.
Mọi chuyện coi như khởi đầu từ cơn cuồng phong Katrina đã tàn phá bang New Orleans và các bờ biển bang Louisiana tháng 08/2005. Theo lời bác sĩ Guillaume Fond, một nhà tâm thần học làm việc cho một bệnh viện ở Marseille, thiên tai này đã thúc đẩy trở lại nghiên cứu tâm lý ở Hoa Kỳ, tương tự như vào thời kỳ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam trở về. Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của các cựu chiến binh Việt Nam vào đầu thập niên 1980 đã góp vào từ điển y khoa một hội chứng mới, có tên là post-traumatic stress disorder (hậu rối loạn tâm thần).
Một năm sau cơn bão Katrina, một bác sĩ Mỹ đã gióng lên tiếng chuông báo động khi thấy tỷ lệ tự tử ở bang New Orleans đã tăng từ 9/100.000 dân lên 26/100.000 dân trong bốn tháng cuối năm 2005. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí nổi tiếng PNAS, vào tháng 10/2018, bác sĩ Nick Obradovich, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết số ca rối loạn tâm thần, đủ các loại, đã tăng 4% tại những vùng bị Katrina tàn phá.
Trang nhất các báo
Các công ty Pháp chuẩn bị cho một Brexit "cứng". Đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Figaro. Tờ Les Echos thì quan tâm đến chính trị nội bộ của nước Pháp với hàng tựa : "Chính phủ mở cuộc tấn công để ra khỏi thảo luận toàn quốc". Le Monde thì dành tựa lớn trên trang nhất cho cuộc tranh luận về tuổi về hưu, một vấn đề đang gây chia rẽ đảng cầm quyền tại Pháp.
Libération đặc biệt chú ý đến tình hình nước Ý, nhất là lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini, phó thủ tướng, nhân dịp ông họp với các lãnh đạo dân túy khác ở Châu Âu tại Milano hôm 08/04.
Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất cho các cặp đã ly dị nay tái hôn và thái độ của Giáo hội Công giáo đối với các cặp này đã thay đổi như thế nào.
Thanh Phương
Hôm 05/04/2019, thủ tướng Theresa May đã yêu cầu Bruxelles cho dời ngày Luân Đôn chia tay Liên Hiệp Châu Âu đến 30/06 để cố vượt qua khủng hoảng chính trị hiện nay tại Anh Quốc. Trong khi đó, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đề nghị cho gia hạn Brexit một cách "linh động", với thời hạn có thể lên tới một năm.
Anh Quốc : Thủ tướng Theresa May họp báo tại phủ thủ tướng ngày 02/04/2019. Jack Taylor/via Reuters
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
"Trong bức thư gởi ông Donald Tusk, thủ tướng Theresa May tuy nhìn nhận là Anh Quốc phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, nhưng bà dứt khoát tránh tham gia vào cuộc bầu cử này, bởi vì thật là vô lý khi bầu các nghị sĩ Anh vào Nghị Viện Châu Âu vào lúc mà Luân Đôn sắp rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, nước Anh hiện đang giữa cơn khủng hoảng chính trị với việc Quốc hội đã ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit của chính phủ và các cuộc thảo luận với Công Đảng đối lập từ 3 ngày qua chưa đạt được kết quả nào.
Công Đảng tuyên bố họ sẵn sàng đi đến một thỏa hiệp với điều kiện phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, yêu cầu mà cho tới nay thủ tướng Anh vẫn không chấp
Trong bối cảnh này, bà Theresa May một lần nữa sử dụng đến chiến thuật cố hữu của bà : cứ nằng nặc đòi. Cũng như đối với thỏa thuận Brexit của bà đã được đệ trình 3 lần, lãnh đạo chính phủ Anh lại yêu cầu Bruxelles cho dời ngày chia tay Liên Hiệp Châu Âu đến 30/06, mặc dù 27 nước thành viên khác đã từ chối ngày này. Liên Hiệp Châu Âu nay muốn dời triển hạn Brexit thêm một năm.
Thật ra, khi nài nỉ như vậy, bà Theresa May muốn nói với các nghị sĩ bảo thủ là cũng giống như họ, bà không muốn bị buộc phải tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu và họ hoàn toàn có thể ngăn chận điều đó nếu chấp nhận bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit của bà".
Về phần chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, ông muốn đề nghị Liên Hiệp Châu Âu cho gia hạn Brexit một cách "linh động", với thời hạn có thể lên tới một năm. Nhưng đề nghị này không được toàn thể các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hưởng ứng, vì nhiều nước lo ngại là sự vận hành của khối này sẽ xáo trộn nếu để Anh Quốc một chân trong Liên Hiệp, còn chân kia thì ở bên ngoài.
Thanh Phương
Brexit : Phản ứng thận trọng của Châu Âu (RFI, 14/03/2019)
Tuy các dân biểu Anh vào hôm qua đã bác bỏ khả năng Brexit không thỏa thuận, nhưng Châu Âu vẫn đề phòng. Các nghị sĩ Châu Âu họp phiên toàn thể tại Strasbourg đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp.
Biểu tình phản đối Brexit truớc trụ sở Nghị Viện Anh, Luân Đôn, ngày 14/03/2019 Reuters/Henry Nicholls
Thông tín viên RFI, Domitille Piron, tường thuật từ Strasbourg :
"Không kể việc tái lập kiểm tra ở biên giới, một Brexit không thỏa thuận đặt ra nhiều vấn đề cụ thể.
Một ví dụ mà nghị sĩ Châu Âu Karima Delli, báo cáo viên về một dự án trong lãnh vực chuyên chở hàng không đã nêu lên : Điều gì xẩy ra khi Anh rút khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận ?
Thông thường mà nói, thì Anh không thể tiếp cận với không phận Châu Âu, với thị trường Châu Âu. Máy bay Anh sẽ không bay được, sẽ dẫn đến tê liệt đường bay, tê liệt lưu thông. Không thể được, đó là lý do mà chúng tôi đã lập một loại lưới an toàn để các hãng máy bay Anh Quốc có thể tiếp tục bay cho đến cuối năm 2019. Như thế vẫn có thời gian để thích nghi. Nhưng đến cuối tháng 12 thì Anh Quốc phải nói rõ là họ muốn gì.
Nhiều biện pháp cụ thể đã được thông qua để đối mặt với tình huống mập mờ vào những tháng tới đây. Ví dụ như vào mùa khai trường sắp tới, một sinh viên Bồ Đào Nha đi học ở Scotland theo chương trình Erasmus sẽ không phải lo lắng gì.
Một người Pháp làm việc 10 năm ở Luân Đôn chẳng hạn và muốn trở về Paris, sẽ không mất quyền lợi xã hội, quyền về hưu...
Và những tàu cá Bỉ hay Hà Lan có thói quen đánh bắt trong vùng biển Anh có thể tiếp tục hoạt động như thế cho đến cuối năm 2019.
Châu Âu đảm bảo dịch vụ tối thiểu trong nhiều lãnh vực với điều kiện là Anh Quốc cũng thông qua những biện pháp tương tự".
Mai Vân
******************
Brexit : Thủ tướng Anh ra tối hậu thư cho các nghị sĩ bảo thủ (RFI, 14/03/2019)
Sau khi đã bác thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với Bruxelles, tối 13/03/2019, Nghị Viện Anh loại luôn khả năng "No Deal", tức là rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận - với tỉ lệ sát sao 312 phiếu chống, 308 phiếu thuận.
Thủ tướng Anh Theresa tại Quốc hội ngày 12 tháng 3 năm 2019. Quốc hội Vương quốc Anh / Mark Duffy -Reuters
Tối 14/03/2019, Nghị Viện Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu lần thứ ba về khả năng dời ngày "ly hôn" đến cuối tháng Sáu, thay vì 29/03.
Tuy nhiên, để trở lại thương lượng với Bruxelles về việc lùi ngày ra khỏi Liên Âu, thủ tướng Theresa May đã đặt điều kiện cho các nghị sĩ Anh : Từ nay đến ngày 20/03/2019, phải thông qua thỏa thuận Brexit mà họ đã bác hai lần.
Thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :
"Bà Theresa May tuyệt nhiên từ chối buông tay và sẽ tìm cách thuyết phục thêm lần thứ ba những nghị sĩ ủng hộ Brexit "nổi loạn" trong đảng Bảo Thủ để họ ủng hộ thỏa thuận Brexit vào tuần tới.
Tối thứ Tư (13/03), thủ tướng Anh bị hạ nhục thêm một lần nữa khi 13 thành viên nội các của bà, trong đó có 4 bộ trưởng, đã phá vỡ kỷ luật của đảng. Bất chấp kiến nghị của chính phủ, họ đã bỏ phiếu ủng hộ một sửa đổi loại trừ mọi khả năng rời khỏi Liên Âu trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà không có thỏa thuận.
Bà Theresa May tức giận và đã đưa ra tối hậu thư cho các nghị sĩ bảo thủ ủng hộ Brexit : Hoặc các vị ủng hộ thỏa thuận của tôi, hoặc các vị có nguy cơ nói "vĩnh biệt" Brexit.
Kiến nghị được chính phủ đưa ra bỏ phiếu hôm nay (14/03) thực ra là thông báo liệu các nghị sĩ có thông qua thỏa thuận Brexit của thủ tướng Anh từ giờ đến thứ Tư 20/03 hay không, để Luân Đôn yêu cầu Bruxelles lùi thời hạn Brexit đến ngày 30/06. Nhưng nếu thỏa thuận này lại bị bác lần thứ ba, Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ yêu cầu phía Anh Quốc ra thời hạn hoãn lâu hơn, có thể đến hai năm.
Bà Theresa May liều mình thêm một lần nữa và lần này có thể đủ thuyết phục những nghị sĩ nổi loạn trong đảng. Nhiều người trong số họ nói rằng từ giờ không có lựa chọn nào khác ngoài bỏ phiếu cho một thỏa thuận mà họ ghét cay ghét đắng vì hiểu rằng Brexit có khả năng bị hoãn lại mãi mãi".
Thu Hằng
*******************
Anh Quốc : Mọi lối thoát đều bị chặn, khả năng không Brexit hiển hiện (RFI, 13/03/2019)
Lần thứ 2 Nghị Viện Anh, hôm 12/03/2019, bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận về các điều kiện nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tương lai nước Anh lại chìm trong sương mù trong khi chỉ còn 16 ngày nữa đến thời điểm ấn định cho Brexit. Các kịch bản "tai họa" cũ lại được khơi dậy, trong đó không loại trừ viễn cảnh "không Brexit".
Nghị Viện Anh Quốc lại bác bỏ lần thứ hai bản thỏa thuận Brexit do thủ tướng Theresa May đệ trình ngày 12/03/2019 Reuters TV via Reuters
Sau hai năm dày công thương lượng với Bruxelles, thỏa thuận để nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách nhẹ nhàng tiếp tục rơi vào điểm chết ở Nghị Viện Anh. Cản trở duy nhất vẫn là xung quanh điều khoản được gọi là "backstop", vừa được thủ tướng Theresa May cố gắng thuyết phục Bruxelles điều chỉnh lại trước khi đưa qua Quốc hội bỏ phiếu lần thứ 2 không thành.
Backstop là điều khoản liên quan đến đường biên giới hữu hình kiểm soát lưu thông và chuẩn mực hàng hóa và giữa Cộng Hòa Ireland, thành viên Liên Hiệp, và Bắc Ireland vùng lãnh thổ của Anh. Theo thỏa thuận thì trong thời gian chuyển tiếp trước khi rời hẳn khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau năm 2020, đường biên giới hữu hình trên không được thiết lập và như vậy nước Anh vẫn được hưởng một phần quyền lợi trong liên minh thuế quan Châu Âu, có thời gian chuẩn bị cho chia tay êm đẹp, không gây sốc cho kinh tế xã hội cũng như chính trị của Vương Quốc.
Tuy nhiên các dân biểu Anh, gồm những người đòi "Brexit cứng", muốn nước Anh dứt khoát ra khỏi Liên Hiệp không có thỏa thuận backstop, kết hợp với phe chống Brexit đã tạo thành đa số ở Nghị Viện bác bỏ thỏa thuận của chính phủ Theresa May mà không cần biết đến hệ quả thế nào.
Được soạn thảo nhằm giúp Anh Quốc chia tay nhẹ nhàng với Liên Hiệp Châu Âu và được đích thân bà thủ tướng Theresa May vất vả đàm phán với Bruxelles nhiều tháng trời, thỏa thuận Brexit đã bị Nghị viện Anh bác bỏ lần đầu hôm 15 tháng Giêng. Tương tự, lần này sau khi thỏa thuận bị bác bỏ, các kịch bản thảm họa lại được giới quan sát nhắc tới : Brexit không thỏa thuận, Lùi thời hạn Brexit mà hạn chót là ngày 29/3 tới và thậm chí không Brexit.
Liên quan đến khả năng đầu tiên, Brexit không thỏa thuận hay "Brexit cứng" được một bộ phận phe bảo thủ chủ trương, hôm nay, các nghị sĩ bỏ phiếu để thông qua hoặc bác bỏ việc nước Anh ra đi khỏi Liên Hiệp không thỏa thuận vào ngày 29/03 tới. Nếu chấp nhận ra đi không thỏa thuận thì như vậy là sau 46 năm chung sống trong Liên Hiệp, Vương Quốc Anh sẽ dứt khỏi mọi ràng buộc với Liên Hiệp ngay trong hơn hai tuần tới, một kịch bản gây hoang mang trong dân chúng và có nguy cơ làm đảo lộn các hoạt động của Anh Quốc, đặc biệt về mặt kinh tế xã hội khi mà thời gian không còn đủ để chuẩn bị ? Thậm chí, đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng Hòa Ireland được tái lập.
Trong trường hợp các nghị sĩ từ chối Brexit không thỏa thuận, ngay trong ngày mai, một cuộc bỏ phiếu nữa được dự trù cho giải pháp lùi thời hạn Brexit. Tuy nhiên thời hạn này cũng không thể lâu, kéo dài quá ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào 26/5. Mặt khác Liên Hiệp Châu Âu đã cảnh báo, muốn lùi thời hạn, nước Anh phải chứng minh được lý do chính đáng và phải được 27 thành viên của Liên Hiệp chấp thuận. Theo một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu được AFP trích dẫn, nếu thời hạn lùi Brexit kéo dài vài tuần thì "cần phải có lý do thực sự chẳng hạn như để tổ chức bầu cử, trưng cầu dân ý hay thay đổi lập trường của Anh Quốc".
Cánh cửa bước vào đàm phán lại với Bruxelles để sửa đổi thỏa thuận đã khép lại. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Jean-Claude Juncker đã quả quyết tối thứ Hai vừa qua : "Không có cơ hội thứ 3" cho thỏa thuận chia tay nữa.
Vậy thì lối thoát nào cho nước Anh những ngày tới ? Tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ? Hay giải tán bầu lại Quốc hội ? Cả hai giải pháp qua thông qua lá phiếu của cử tri Anh đều ẩn chứa những bất trắc mà thủ tướng Theresa May không hề muốn. Tuy vậy, trước khi Nghị Viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận, thủ tướng Anh đã cảnh báo các nghị sĩ : "Các vị cứ bác bỏ thỏa thuận và không một ai biết điều gì sẽ đến. Chúng ta sẽ có thể không rời Liên Hiệp trước nhiều tháng tới, chúng ta sẽ có thể ra đi không có được sự bảo vệ nào của thỏa thuận. Chúng ta sẽ có thể không bao giờ rời khỏi Liên Hiệp". Ba khả năng, nhưng nước Anh đang bị chia rẽ sâu rộng lúc này chỉ có một lựa chọn cho tương lai. Bà Theresa May cho đến lúc này cũng đã nỗ lực hết khả năng để cuộc chia tay của nước Anh với Châu Âu sao cho trong ấm ngoài êm nhưng vẫn không thành.
Anh Vũ
********************
Anh đối mặt với nguy cơ ‘Brexit hỗn loạn’ (VOA, 13/03/2019)
Vương quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Tư 13/3 chuẩn bị tinh thần để đối mặt với khả năng Anh rút ra khỏi EU (Brexit) trong hỗn loạn, một tình huống đầy rủi ro, sau khi các nhà lập pháp Anh bác bỏ "thỏa thuận chia tay" mà hai bên đã đạt được trước đây. Quốc hội Anh sắp biểu quyết để loại trừ hoặc trì hoãn việc nước Anh rút ra khỏi khối mà không đạt được thỏa thuận, để tránh những xáo trộn mà tình huống này gây ra.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại quốc hội Anh, 13/05/2019
Nhưng các quan chức hàng đầu EU cảnh báo rằng viễn cảnh đó không thể bị loại trừ trừ phi quốc hội Anh phê chuẩn một hình thức thỏa thuận nào đó để rút ra khỏi EU.
"Nguy cơ diễn ra một Brexit không có thỏa thuận hiện đang cao hơn bao giờ hết", trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier nói.
"Tôi kêu gọi qúy vị chớ nên đánh giá thấp những rủi ro hay hậu quả của nó", ông nói với các nhà lập pháp Châu Âu ở Strasbourg, Pháp.
Hôm 12/3, các nhà lập pháp Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May thêm một lần thứ nhì, với tỉ lệ 391 phiếu chống, 242 phiếu thuận.
Theo lịch trình đã có, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 29/3, tức là trong 16 ngày nữa. Trong bối cảnh đó, quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào chiều hoặc tối hôm 13/3, xem có loại trừ được tình huống nước Anh rời EU theo ngày ấn định mà không đạt được thỏa thuận, hay không.
Cả Anh và EU đều đã ráo riết lên kế hoạch chuẩn bị cho "Brexit không có thỏa thuận". Nếu tình huống đó xảy ra, các quy định vốn có trong hàng chục năm về vấn đề du hành và thương mại giữa Anh và EU sẽ bị xóa bỏ. Các nhà kinh tế cho rằng tình huống này có thể gây ra biến động lớn, với những ách tắc trong tiến trình kiểm tra hải quan tại các cửa khẩu của Anh quốc, những mức thuế mới làm hàng hóa tăng giá đột ngột, và nạn quan liêu giấy tờ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ tài xế xe tải cho tới khách du lịch.
Nghị viện Châu Âu đã sẵn sàng phê chuẩn các biện pháp nội trong ngày 13/3 hầu đối phó với những khó khăn trước mắt khi Brexit diễn ra mà không đạt thỏa thuận.
Quốc hội Anh cho đến nay đã hai lần bác thỏa thuận rút ra khỏi EU mà Thủ tướng Theresa May đã bỏ phần lớn thời gian trong hai năm qua để đàm phán với EU, trong khi khối EU khẳng định sẽ không đàm phán gì thêm nữa.
Brexit : Thanh thản chia tay với người tình phụ
Boeing trong cơn bão loạn và bầu trời thu hẹp, Brexit trong ngõ cụt, người dân Algeria tiếp tục xuống đường ca múa và tranh đấu đòi dân chủ, địa ngục trần gian tại Venezuela, dân Nga chống dự luật "trại tù mạng" đó là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày 14/03/2019.
Brexit : Anh Quốc trong ngõ cụt.Photo : Tolga Akmen/AFP
Brexit sa lầy, thủ tướng Anh vẫn chưa tìm ra lối thoát sau khi Hạ Viện bác bỏ giải pháp ly thân với Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận. Trong không khí bi quan và tưởng như bất lực này, Le Monde vẫn nhìn ra tia hy vọng. Ở trang quốc tế, nhật báo độc lập nhấn mạnh đến những điều kiện nghiêm ngặt của Bruxelles nếu Luân Đôn muốn xin thêm thời gian chuẩn bị sau hai năm đàm phán khó khăn : cụ thể là phải tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu.
Trong khi đó, bài xã luận mang nội dung triết lý sống : hãy chấp nhận Brexit như chuyện ly hôn. Như mọi cuộc ly dị, Brexit đã làm cho những đứa con, các thành viên của Liên Âu một thời gian gần ba năm sống trong lo âu và đau khổ, kể từ khi 51,9% cử tri Anh, qua trưng cầu dân ý, quyết định chia tay với lục địa.
Brexit là cơn động đất đến từ Luân Đôn gây chấn động Châu Âu khi mới vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính, Brexit đánh vào những giá trị nền tảng của Liên Âu xây dựng từ khát vọng hòa bình, phúc lợi cùng chia sẻ, khó khăn cùng gồng gánh trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng di dân đang làm tăng thêm tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Liên Âu đứng vững nhờ biết đoàn kết đúng lúc
Tuy nhiên, theo Le Monde, ba năm qua, thời thế đã đổi khác. Liên Hiệp Châu Âu cho dù bị rung chuyển vì phong trào mị dân nhưng vẫn đứng vững. Dưới sự dẫn dắt của nhà đàm phán Michel Barnier, Châu Âu đã chứng tỏ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, một đức tính hiếm khi được biểu lộ giữa các nước thành viên. Hơn thế nữa, Liên Hiệp Châu Âu còn làm sáng tỏ một số giá trị đạo lý khác của một tập thể : đó là cùng nhau vượt qua những thử thách bằng tinh thần thỏa hiệp, tinh thần tương thân tương ái trong một thị trường chung tự do thương mại và công ăn việc làm.
Tại sao 27 thành viên đoàn kết một lập trường trong vấn đề Ireland ? Bởi vì không một thủ đô nào muốn Bắc Ireland biến thành trạm trung chuyển hàng hóa nhập lậu vào thị trường Châu Âu.
Nhưng vì sao Anh Quốc không tiên liệu được "cái gân gà biên giới nam-bắc Ireland ? Bởi vì giới chính trị gia Anh vẫn còn vướng tâm lý hậu thực dân và hiểu lầm bản sắc của Liên Hiệp Châu Âu".
Thái độ phi lý của các dân biểu bác bỏ dự thảo thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May đạt được vào giờ chót với Bruxelles thể hiện tâm lý "trẻ con nuông chiều", tức là vẫn chưa trưởng thành về chính trị : nào là không chấp nhận đồng tiền chung Euro, không gia nhập không gian Schengen, đòi hỏi giảm phần đóng góp ngân sách, từ chối định mức đón người tị nạn cho dù Anh Quốc là thành viên của Liên Âu. Giờ đây, họ muốn ra khỏi Liên Hiệp nhưng vẫn đòi được duy trì đặc quyền đặc lợi mà không bị trói buộc gì cả.
Chính vì thế mà thủ tướng Anh kẹt vào ngõ cụt. 27 nước còn lại không phạm lỗi gì về những thương tổn của Anh Quốc. Để tránh làm nhục Anh Quốc, Liên Âu chỉ cần chấp nhận một cách thanh thản những hệ quả của chuyện ly hôn và duy trì quan hệ tốt một cách tối đa với Luân Đôn. Vương vấn làm gì với một người tình cho dù còn yêu nhưng đã quyết chí ra đi, Le Monde kết luận một cách triết lý.
Arkhangelsk, "bãi rác" liên bang Nga
Tại Nga, hai dự án của tổng thống Putin đụng phải hai phong trào phản kháng : biến Arkhangelsk, một địa danh ngoan ngoãn thành bãi rác liên bang và biến liên bang Nga thành một không gian cô lập với internet.
Bài phóng sự của La Croix mượn hình ảnh của hai công dân Nga ở Arkhangelsk, một tỉnh mà dân cư không quan tâm đến chính trị, ở cách Moskva 1.200 km. Một người luôn bỏ phiếu cho Putin, người kia là đối lập. Nhưng từ khi tổng thống Nga chọn địa phương này làm bãi rác thì Dmitri Sekouchkine và Oleg Madrikine kết đoàn trong một phong trào đối kháng mà họ gọi là "gilet jaune" như ở Pháp : huy động mạng lưới xã hội, biểu lộ lòng phẫn nộ của nhiều tầng lớp xã hội.
Phong trào phản kháng biểu tình từ tháng 12/2018 đến nay không làm Moskva chùn bước. Theo kế hoạch, sẽ có bốn nhà máy ép rác chung quanh thủ đô và sẽ đưa tới khu bãi rác Arkhangelsk mỗi năm nửa triệu tấn. Theo La Croix, phong trào chống bãi rác chỉ là phần nổi phản ảnh tâm lý bất mãn chung của người dân Nga. Có lẽ ý thức được nguy hiểm này, chính quyền Nga cam kết sẽ chia sẻ gánh nặng cho toàn quốc : 200 trung tâm tích trữ rác sẽ được thành lập trên khắp nước thay vì chỉ dồn cho địa phương ở miền bắc này.
Lo ngại cho tình trạng sức khỏe, dân chúng khắp nước Nga ùn ùn phản đối. Phong trào chống "cải cách rác" đã lan rộng đến 44 thành phố.
Tổng thống Putin cũng đang đối đầu với một phong trào quần chúng khác từ khi dự luật thành lập mạng internet "bảo vệ chủ quyền" được Quốc hội Nga chuẩn bị biểu quyết. Dự luật này lấy tiếng là để bảo vệ an ninh không gian mạng chống mưu toan tấn công của Mỹ. Nhưng văn bản do một thượng nghị sĩ và một dân biểu gốc KGB bảo trợ gây lo ngại cho chính người dân Nga : tôi không muốn sống trong một nhà tù mã số, Alexander Savin, đảng Tin tặc tuyên bố với Le Monde.
Các biện pháp cô lập không gian mạng của Nga đã được trắc nghiệm bí mật nhiều lần. Cụ thể là hồi đầu tháng 10/2018 khi xảy ra một cuộc biểu tình ở Ingouchine nơi đa số dân theo đạo Hồi chống kế hoạch phân chia lại biên giới với Tchetchenia.
Tuy theo chân Trung Quốc nhưng kế hoạch của Nga sẽ tốn kém rất nhiều mà dự án không đề cập tới. Bắc Kinh đã lập một hệ thống internet riêng trong khi Nga từ lâu nay đã hoàn toàn nối kết và lệ thuộc vào internet toàn cầu. Những người chống dự án của Moskva lo ngại hơn vì trong thời gian qua, chính quyền Nga bổ sung nhiều đạo luật cho phép truy bắt bất kỳ ai bị tố cáo mơ hồ "thiếu tôn trọng xã hội, Hiến pháp và chính quyền đương nhiệm". Ngay Hội Đồng Nhân Quyền Nga, một cơ quan trong điện Kremlin cũng phải lên tiếng kêu gọi các đại biểu quốc hội bác bỏ dự luật internet chủ quyền.
Biểu tình dưới các chế độ độc đoán
Để bảo vệ chế độ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hình sự hóa người biểu tình, tổng thống Venezuela kêu gọi dân quân võ trang "đập tan kẻ thù của cách mạng". Trong khi đó tại Algeria, dân chúng tiếp tục biểu tình đòi sang trang chế độ.
Gần đến ngày bầu chính quyền thành phố 31/03 tới đây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng áp lực để bóp nghẹt tiếng nói đối lập cũng như trục xuất nhà báo nước ngoài. Trả lời một câu hỏi của Le Figaro, một nữ dân biểu đối lập ủng hộ sắc dân Kurdistan lý giải : chế độ Erdogan cảm thấy lúng túng vì tình hình khủng hoảng kinh tế cho nên họ cố gắng ngăn chặn mọi tiếng nói khác biệt và xem những người xuống đường là kẻ phạm pháp phải trừng phạt. Hàng loạt trí thức, giáo sư đại học sắp bị ra tòa với những cáo buộc tham gia biến cố 2013. Đồng điệu, Libération thẩm định : 5 năm sau cuộc nổi dậy ở Gezi, tự do tiếp tục bị thu hẹp ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Không nước không điện đã làm đời sống người dân Venezuela trở thành một địa ngục. Đó là nhận định của Le Figaro và Le Monde về tình hình Venezuela.Trong bài phóng sự dài, Le Monde đưa độc giả đến khu biên giới nơi người dân mỗi ngày đi bộ qua Colombia mua thức ăn. Một người dân ở Rubio than thở : chúng tôi bị kềm kẹp trong một đất nước không có gì để ăn. Đối với tổng thống tự phong Juan Guaido, kẻ gây trách nhiệm là tổng thống Nicolas Maduro. Còn tổng thống Maduro thì quy trách nhiệm cho những người mà ông gọi là "kẻ thù của cách mạng" và kêu gọi dân quân võ trang "colectivos" ra tay bảo vệ cách mạng. Lời kêu gọi này, theo tổ chức nhân quyền Provea làm tăng thêm nguy cơ nhân quyền bị vùi dập.
Trong khi đó, tại Algeria, chiến thuật "lừa đảo cuối cùng" của tổng thống Bouteflika, dời ngày bầu tổng thống vô hạn định để tiếp tục bám quyền, không đánh lừa được người dân.
Libération đưa hình ảnh sinh viện học sinh và giáo chức biểu tình hôm 13/03/2019 "múa hát tuần hành và phản kháng". Theo nhật báo cánh tả, những kế hoạch đối phó tình thế của chế độ, kể cả cải tổ nội các và cam kết cải tổ kinh tế xã hội đều không thuyết phục được người dân Algeria. Họ chỉ muốn một chuyện duy nhất : sang trang chế độ thống trị đất nước từ năm 1962 đến nay.
Pháp và môi trường
Về môi trường, trong khi một số tổ chức phi chính phủ kiện Pháp về tội thiếu tích cực trong chính sách chống biến đổi khí hậu thì theo Les Echos, Pháp đi tiên phong tìm kiếm một giải pháp chống hiệu ứng nhà kính tại Châu Phi.
Theo nhật báo kinh tế, thật là một bất công cho Châu Phi : chỉ thải ra 4% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính mà Châu lục này phải lãnh toàn bộ hệ quả của biến đổi khí hậu.
Giúp Châu Phi thoát khỏi vấn nạn này là mục tiêu của đại hội thế giới khí hậu One Planet Summet do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Nairobi được tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đồng chủ tọa. Les Echos dự báo là trong ngày 14/03, hội nghị sẽ thông báo những sáng kiến cụ thể, trong đó có kế hoạch trung tâm nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời "Silicon Savanah" và hàng chục dự án khác với tổng trị giá gần 1 tỷ đôla.
Bầu trời thu hẹp dần đối với Boeing 737 MAX 8. Tựa của La Croix. Hoa Kỳ quyết định cho Boeing 737 MAX nằm im, Les Echos bồi thêm.
Mỹ : bang California ngưng thi hành án tử hình
Cũng La Croix, trong bài "Án tử hình lùi bước", nhật báo công giáo hoan nghênh sáng kiến của thống đốc bang California cứu mạng cho hơn 700 tử tù trong bài xã luận cùng tên.
Sắc lệnh của thống đốc California Gavin Newsom, đình hoãn mọi cuộc hành quyết trong tiểu bang là lời hứa lúc tranh cử của chính trị gia đảng Dân chủ, theo Le Figaro.
Trong bài xã luận, La Croix xem đây là một động tác "tỉnh thức" hiếm thấy và sưởi ấm con tim từ lâu nay đến mức nhiều người kinh ngạc vui mừng. Đương nhiên, quyết định này của thống đốc Cali mang dụng ý chính trị, chứng tỏ khác biệt với tổng thống liên bang và không khỏi làm những người đứng về phía nạn nhân bất bình.
Nhật báo công giáo hài lòng vì thông điệp chống án tử hình đi theo trào lưu hiện tại. Cho dù tại Mỹ, không ít người Công giáo vẫn chủ trương trừng phạt thủ phạm giết người bất chấp quyết định của Giáo hoàng loại hình thức trừng phạt này ra khỏi giáo lý, phải nhìn nhận rằng số tử tù bị hành quyết ở Mỹ ngày càng giảm đi. Thống đốc bang California giải thích "giết người một cách cố ý là điều sai lầm".
Trong chiều hướng chuẩn bị bầu cử tổng thống, giới quan sát cho rằng quyết định này giúp cho đảng Dân chủ khẳng định lập trường khác biệt với tổng thống Donald Trump từ án tử hình cho đến khí hậu.
Thể thao cho phép kéo dài tuổi thọ ?
Tập thể thao để bảo vệ tuổi thọ và sức khỏe sau 40 tuổi có muộn hay không ? Le Figaro công bố kết quả nghiên cứu mới nhất : thể thao là thuốc trị chứ không phải là thuốc ngừa. Nói cách khác có dùng thì có công hiệu.
Trong một chiến dịch nghiên cứu rộng lớn, trên 6 bang tại Hoa Kỳ, 315 ngàn nhân chứng từ 50 đến 71 tuổi từ năm 1995 đến 1996 cho phép các bác sĩ có thời gian theo dõi và kiểm chứng : những người tập thể thao, dù muộn, khoảng 30 phút mỗi ngày và đều đặn sẽ làm giảm bệnh tim mạch đến 50%. Còn nếu tập luyện thể dục từ nhỏ có thể kéo dài tuổi thọ và xuất hiện bệnh hiểm nghèo đến 13 năm.
Tú Anh
Quan hệ Việt Nam-Anh Quốc sau Brexit (RFI, 04/03/2019)
Sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn rất cần đến các hiệp định thương mại đa phương và song phương, đặc biệt là trong kịch bản "Brexit cứng" (Brexit không thỏa thuận), một kịch bản ngày càng có khả năng xảy ra sau khi Quốc Hội Anh bác bỏ thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May đã thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu. Trong chiều hướng đó, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung được xem là những phương án tốt nhất đối với của Anh Quốc trong thời hậu Brexit.
Một người biểu tình ủng hộ Brexit trước toà nhà Quốc Hội Anh ngày 28/01/2019. Reuters
Trong một bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 đến 3/01/2019, ông Mark Field, quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã khẳng định, sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn sẽ thắt chặt quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, công nghệ, thành phố thông minh và an ninh mạng.
Trước đó, trong bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Anh Quốc, được công bố nhân chuyến viếng thăm của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh vào tháng 10/2018, hai nước khẳng định sẽ " tích cực thúc đẩy" việc sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Tuyên bố chung này cũng nhấn mạnh "Việt Nam và Anh mong muốn duy trì quan hệ thương mại suôn sẻ khi Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, bao gồm thông qua việc bảo đảm tính liên tục trong hoạt động kinh doanh, với việc chuyển tiếp EVFTA trong thời kỳ chuyển tiếp Brexit". Hai bên cũng thỏa thuận sẽ "tiếp tục tham vấn nhau về khả năng Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)".
Trong một báo cáo đưa vào tháng 6/2018, Hội đồng Kinh doanh Anh Quốc-ASEAN và Trung tâm Đông Nam Á Saw Swee Hock ( Đại học Kinh tế Luân Đôn ) nhấn mạnh là Anh Quốc vẫn có quan hệ lịch sử lâu năm và sâu rộng với vùng Đông Nam Á. Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Anh Quốc với ASEAN cao hơn toàn bộ kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Anh Quốc. Trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Anh Quốc năm 2017 đã lên tới 6,2 tỷ đôla, con số cao nhất từ trước tới nay, tăng 3,5 lần trong 10 năm.
Trong thời kỳ hậu Brexit, Luân Đôn càng cần đến những hiệp định thương mại có sự tham gia của ASEAN như hiệp định CPTPP, cũng như những hiệp định tự do mậu dịch song phương với một số nước ASEAN như Việt Nam, hay hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-Anh Quốc.
Trong một bài viết đăng trên The Diplomat ngày 17/01/2019, Du Nhật Đăng, một phóng viên làm việc cho báo Tuổi Trẻ và cũng là một thành viên của chương trình Reporting ASEAN ( Tường trình ASEAN ), nhận định, do ASEAN đang bị chia rẽ, khả năng Anh Quốc ký hiệp định tự do mậu dịch với toàn khối Đông Nam Á còn rất xa vời.
Chính vì vậy, trong ngắn hạn, Luân Đôn chỉ có thể ký kết các hiệp định thương mại với một số nước thành viên ASEAN như Việt Nam. Tác giả bài viết trích lời đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam, Gareth Ward, tuyên bố bên lề một buổi tiếp giới doanh nghiệp ở Sài Gòn vào tháng 12/2018 : " Tôi tin tưởng là khi Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi sẽ sẵn sàng thương lượng một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam. Đây sẽ một điều tốt cho cả hai bên."
Trước mắt, một công ty chế biến hải sản của Anh Quốc, Blue Sea Food Company, đang thử nghiệm việc chở tôm cua đông lạnh bằng đường biển đến Việt Nam để chế biến và sau đó đưa sản phẩm chế biến trở lại thị trường châu Âu. Nếu thử nghiệm thành công, họ sẽ chuyển 20% sản xuất sang Việt Nam. Hiện giờ, 60% trong số 150 công nhân của Blue Sea Food Company đến từ các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, phần lớn là người Bulgari. Nhưng công ty này đang lo ngại sẽ khó tuyển dụng nhân công từ LiênHiệp Châu Âu do hậu quả của Brexit, cho nên buộc phải nghĩ đến việc chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam.
Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, Anh Quốc cũng là một đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam về mặt chiến lược, ngoại giao. Năm 2018 đã là năm đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Luân Đôn với Hà Nội. Quan hệ giữa hai nước cũng đã được nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2010.
Trong chiều hướng thắt chặt quan hệ với Việt Nam, Anh Quốc cũng đang đóng vai trò ngày càng lớn tại Biển Đông, vùng biển mang tính chất lợi ích cốt lõi đối với Việt Nam. Ngoài việc cử chiến hạm đến thăm cảng Việt Nam, như chuyến đi của chiếc HMS Albion vào tháng 9 năm ngoái, Luân Đôn cũng đang đẩy mạnh chiến lược " Hướng Đông". Việt Nam có thể nhân cơ hội Brexit để tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Luân Đôn trên vấn đề Biển Đông.
Sau cuộc Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ 6 tại Hà Nội vào ngày 05/01/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và quốc vụ khanh Anh Mark Field đã ra một thông cáo chung, trong đó có phần nói về Biển Đông. Cụ thể, bản thông cáo chung "tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, xử lý mọi tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được toàn thế giới công nhận, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực."
Trả lời phỏng vấn nhật báo The Telegraph vào cuối tháng 12 năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson đã tiết lộ kế hoạch xây một căn cứ quân sự của nước này ở Đông Nam Á, có thể là ở Singapore hay Brunei, trong bối cảnh Luân Đôn sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài sau Brexit. Trung Quốc dĩ nhiên là đã ngay lập tức phản đối kế hoạch này của Luân Đôn.
Như vậy, phải chăng là Anh Quốc đang làm giống như Mỹ, tức là cũng đang xoay trục sang châu Á ? Hiện chưa thể trả lời câu hỏi này, nhưng trong bài trả lời phỏng vấn với The Telegraph, bộ trưởng Williamson cho rằng Brexit là cơ hội tốt nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai để Anh Quốc định hình lại vai trò của nước này trên trường quốc tế, "đúng như mong muốn của thế giới đối với Anh Quốc".
Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 08/01/2019, chuyên gia Prashanth Parameswaran cho rằng 2019 sẽ là năm có nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với mối quan hệ Việt Nam-Anh Quốc. Cả hai bên đều tỏ mong muốn thắt chặt hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, thương mại, đầu tư và phát triển thành phố thông minh. Riêng Việt Nam thì đang vận động quốc tế để được bầu làm thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và chuẩn bị nắm ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020. Nhưng Anh Quốc thì đang phải giải quyết những vấn đề của Brexit, Việt Nam thì vẫn bị chỉ trích về những vi phạm nhân quyền.
Tác giả Prashanth Parameswaran nhắc lại sự kiện Quốc vụ khanh phụ trách về châu Á và Thái Bình Dương của bộ Ngoại Giao Anh, Mark Field, đã đến thăm Việt Nam kể từ ngày 02/01, tức là chỉ một ngày sau khi Luật an ninh mạng ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế đều đã chỉ trích Luật an ninh mạng của Việt Nam, cho rằng luật này được đưa ra chỉ là nhằm đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và ngăn cản tự do ngôn luận trên mạng.
Theo tờ nhật báo Anh The Guradian, ông Mark Field bị chỉ trích là đã không lên án luật này trong chuyến thăm Việt Nam của ông. Thật ra thì vào sáng đầu tiên ở Việt Nam, quốc vụ khanh của Anh Quốc đã viết trên mạng Twitter : " Một nền báo chí tự do và một mạng Internet tự do giúp cho kinh tế tăng trưởng" và "Tự do truyền thông sẽ giúp Việt Nam thực hiện được tiềm năng to lớn của mình." Nhưng đồng thời, ông Field tuyên bố là Anh Quốc sẽ tăng cường hợp tác về an ninh mạng ở Việt Nam. Theo The Guardian, từ năm 2015, tức là kể từ khi đảng Bảo Thủ trở lại nắm quyền, Luân Đôn đã chấp thuận các hợp đồng bán cho Việt Nam gần 5 tỷ bảng Anh thiết bị viễn thông dùng vào việc cản trở thông tin liên lạc qua mạng.
Phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, Phil Robertson đã yêu cầu chính phủ Luân Đôn phải công khai đề nghị Việt Nam hủy bỏ luật an ninh mạng và phải bảo đảm không một chương trình nào của chính phủ Anh hoặc đầu tư ngoại quốc nào góp phần giúp đẩy mạnh đàn án tự do ngôn luận trên mạng.
Như vậy thách thức đối với Anh Quốc nói riêng và các nước khác nói riêng là cân bằng việc tăng cường quan hệ với Hà Nội với việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
*******************
Hai người gốc Việt bị tù do đưa lậu người vào Anh (RFA, 04/03/2019)
Hai người gốc Việt bị tòa án ở Anh phạt tù, một người 8 năm tù, một người 30 tháng tù, với cáo buộc đưa lậu người vào Anh. Dailymail đưa tin ngày 28 tháng 2 vừa qua.
Các băng đảng đã sử dụng chiếc thuyền này để đưa lậu người Việt Nam vào hạt Kent, nước Anh. Courtesy of Dailymail
Theo Dailymail, vào hồi tháng 8/2018, một băng nhóm gồm bảy người đã bị bắt khi lực lượng an ninh thu giữ thuyền phao chở 4 người nhập cư vượt eo biển Anh. Những người này được đưa đến hạt Kent thuộc miền đông nam nước Anh.
Trong băng này có hai người gốc Việt tên là Chi Tan Huynh, 41 tuổi và Hoa Thi Nguyen, 49 tuổi. Hai người này đều sống tại London. Do Hoa là chủ mưu trong vụ việc nên bị 8 năm tù giam, Huynh bị phạt 30 tháng tù giam.
Daillymail dẫn lời Thanh tra Trevor Davidson, người đứng đầu cuộc điều tra cho biết phía ông nhận thông tin tình báo về một nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng thuyền bơm hơi để đưa những người di cư từ Châu Âu vào Anh. Ông đã cho lên kế hoạch theo dõi và bắt quả tang nhóm này khi thuyền của họ đang tiến vào Walmer hồi tháng 8 với 4 người di cư. Ông nói thêm rằng “Không chỉ đưa người tới Anh bất hợp pháp, nhóm này còn gây nguy hiểm tới tính mạng của những người di cư, buộc họ có chuyến đi mạo hiểm mà không hề được cấp áo phao trên một chiếc thuyền nhỏ vào ban đêm”.
Một nạn nhân khai rằng, băng nhóm trên hứa rằng sẽ nuôi ăn, bao ở tại Anh với điều kiện họ sẽ làm việc tại các địa điểm trồng cần sa hoặc tiệm rửa xe.
Brexit : Ly hôn trong sương mù
Vụ ly dị đình đám của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu lâm vào bế tắc sau khi thỏa thuận bị các nghị sĩ Anh bác bỏ đang làm xáo động báo chí Pháp.
Cảnh trước Nghị viện Anh tại Luân Đôn, sau khi thỏa thuận về Brexit bị các nghị sĩ Anh bác bỏ, 16/01/2019. Reuters/Henry Nicholls
Từ Brexit xuất hiện trên trên hầu hết các trang nhất các tờ báo ra tại Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa nhận xét ngắn gọn : "Brexit của Theresa May sụp đổ". Le Figaro thì xoáy vào khía cạnh "Brexit : Vụ ly dị giằng xé người Anh". La Croix dành kín trang nhất cho bức ảnh bà thủ tướng Theresa May trên nền đen, nét mặt ngậm ngùi cùng hàng tựa "Đường hầm Brexit". Tựa lớn của Libération : "Brexit : Ngõ cụt".
Thỏa thuận để nước Anh chia tay với Liên Hiệp Châu Âu bị bác bỏ đã đẩy chính phủ của bà Theresa May vào đường hầm không thấy lối ra. Dư luận báo chí Pháp có chung một cảm nhận là không hiểu điều gì đang diễn ra ở bên kia bờ biển Manche, và Brexit rồi sẽ đi về đâu khi mà chỉ còn hơn 70 ngày nữa là đến hạn chót ra đi.
Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều dành một bài xã luận cho sự kiện. Le Monde nhận xét : "Như một chiếc xe Rolls-Royce mất phanh đang trượt trên con đường dốc hướng tới bờ vực, nước Anh đang lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng Brexit". Với Le Monde, việc các nghị sĩ Anh bác bỏ thỏa thuận chia tay Liên Hiệp Châu Âu đã được bà Theresa May mất bao công sức để ký với Bruxelles không phải là điều bất ngờ nhưng là điều nghiêm trọng.
Như vậy là "hơn hai năm sau khi 51,9% dân Anh bỏ phiếu để nước Anh ra đi và 18 tháng thương lượng căng thẳng giữa Luân Đôn và Bruxelles về cách thức ra đi, giờ đây Brexit trở lại gần như điểm xuất phát, không một viễn ảnh sáng sủa nào", nhất là khi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu chống thỏa thuận nhưng người ta không biết họ muốn gì.
Xã luận Le Monde nhấn mạnh : "câu trả lời cho Brexit giờ thuộc về người Anh và phải sớm nhất có thể". Cùng quan điểm với Le Monde, Le Figaro cũng nhận thấy câu chuyện Brexit đang trở nên rối ren, nước Anh đang trong mớ bòng bong : "Brexit hay không có Brexit, Brexit cứng hay Brexit mềm, kế hoạch B hay không thỏa thuận, trưng cầu dân ý hay bầu cử trước thời hạn ? Không còn ai có thể hiểu gì về vụ việc".
Xã luận tờ báo viết tiếp : "Đúng là Châu Âu vẫn có thể có vài cử chỉ. Nhưng trái bóng giờ đang ở bên sân các nhà chính trị Anh…". Đó là những người mà Le Figaro đánh giá là "hầu hết vô trách nhiệm… những người hàng ngày chống phá bà Theresa May nhưng chẳng đề xuất được gì. Suốt hai năm qua họ phá nhiều hơn là xây trong hồ sơ Brexit".
Trong khi đó, xã luận Libération lấy hình ảnh "Sương mù" đặc trưng của nước Anh để đặt tựa cho bài xã luận. Tờ báo nhận xét : "Một ngõ cụt bị bao phủ lớp sương mù của Anh dày đến mức khó có thể nhìn ra được lối thoát". Libération đặt câu hỏi : Làm sao có thể tin được là bà thủ tướng Anh trong vài ngày, sẽ tìm được một giải pháp mà bà đã phải tìm kiếm từ bao nhiêu tháng qua ?".
Còn nhật báo công giáo La Croix, chạy tựa bài xã luận : "Giải cứu Vương Quốc Anh". Tờ báo nhận thấy sự kiện diễn ra thật sự là khó hiểu đối với nền chính trị nghị trường Anh, từng có truyền thống đoàn kết trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng của đất nước. Giờ đây các nghị sĩ Anh đang "lạc vào trong những tính toán không hiểu nổi" khi bác bỏ thỏa thuận Brexit của chính phủ Theresa May.
La Croix nhận định : "Tất cả những chuyện này vô cùng thất vọng vì không ai sẽ là người chiến thắng trong câu chuyện dài không hồi kết này". Kẻ chiến thắng sẽ "không phải là nước Anh, vốn từ hơn hai năm qua, lội bì bõm trong những hậu quả của cuộc bỏ phiếu cho Brexit, không phải là phần còn lại của Liên Âu, cũng đang phải tốn bao nhiêu năng lượng và thời gian để tìm ra con đường và cách thức chia tay trong danh dự. Đã đến lúc chính khách Anh phải trấn tĩnh lại để đưa ra sự lựa chọn rõ ràng. Thách thức với Vương Quốc Anh giờ đây không phải là cứu Châu Âu mà là tự cứu mình".
Úc sực tỉnh với sự bành trướng của Trung Quốc
Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến vòng công du của thủ tướng Úc trong vùng nam Thái Bình Dương mà mục tiêu chính là để nhắc lại vai trò lịch sử mà nước Úc từng giữ tại đó nhưng giờ đang có nguy cơ bị Trung Quốc lấn át.
Với tựa đề "Trước sự nổi lên của Trung Quốc, Úc muốn nắm lại Châu Đại Dương", Les Echos nhận định chắc như đinh đóng cột : "Chuyến công du (trong vùng nam Thái Bình Dương) vừa bắt đầu của thủ tướng Úc Scott Morrison không có mục đích nào khác là ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Châu Đại Dương".
Les Echos cho biết : Ông Scott Morrison sẽ là vị thủ tướng Úc đầu tiên đến Vanuatu từ nhiều thập kỷ nay. Đây là quần đảo mà Trung Quốc đang muốn đặt căn cứ quân sự, dù dự án này chưa được xác nhận nhưng cũng đã gây lo ngại. Ông Scott Morrison cũng sẽ là vị thủ tướng Úc đầu tiên có chuyến thăm Fidji, nền kinh tế đứng hàng thứ 4 trong vùng".
Tờ báo nhắc lại, Úc là nước lớn trong khu vực nhưng lại không phải là đối tác thương mại chính với những quốc gia trong khu vực Châu Đại Dương. Canberra gần đây đã ý thức được sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực này, sẽ gây tổn thất cho lợi ích kinh tế của Úc. Thực tế là vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ đô la cho các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương vay làm dự án. Sự hào phóng của Bắc Kinh nhằm mục đích "mua" sự ủng hộ Trung Quốc của những quốc đảo nhỏ bé này tại những định chế đa phương như Liên hiệp Quốc chẳng hạn.
Thái Bình Dương là khu vực trắc nghiệm cho ảnh hưởng của Trung Quốc. Les Echos trích dẫn chuyên gia Benoit de Tréglodé, thuộc viện nghiên cứu chiến lược của trường quân sự Pháp (Iserm) giải thích : "Người khổng lồ Châu Á thử nghiệm tại khu vực này chiến lược ngoại giao trước khi đem áp dụng vào những vùng nhạy cảm đang còn nằm trong ảnh hưởng của phương Tây như Trung Đông hay Châu Phi".
Một mục tiêu khác của Bắc Kinh là dựa vào các đảo quốc nhỏ trên Châu Đại Dương, thực thi chính sách ngoại giao cô lập Đài Loan nhưng đồng thời cũng là để tận dụng nguồn tài nguyên, quạng mỏ, hải sản dồi dào ở đó. Đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt cá.
Theo Les Echos, "Trong vùng nam Thái Bình Dương, cũng như ở nhiều nơi khác trên địa cầu, Trung Quốc đã thực thi chính sách đánh bắt thủy sản rất hung hăng. Các đội tàu lớn, hiện đại của họ đánh bắt với cường độ cao có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản, gây mất cân bằng và cả căng thẳng với các ngư dân địa phương. Đó là những chủ đề mà ông Scott Morrison sẽ phải đề cập với các đối tác Châu Đại Dương trong chuyến công du lần này.
Làm sao nuôi sống 10 tỷ dân trái đất năm 2050 ?
Nhật báo Libération đặt vấn đề mang tính sống còn : "Làm thế nào để 3 tỷ người thêm trên trái đất vào năm 2050 có đủ cái ăn mà vẫn bảo đảm giữ gìn được môi trường ? Đó là câu hỏi hóc búa mà 37 nhà khoa học của 16 nước trong vòng 3 năm đã cố gắng tìm câu trả lời. Tin vui là trái đất hoàn toàn có thể nuôi thêm 3 tỷ người mà vẫn không vượt qua giới hạn hệ sinh thái của chúng ta, với điều kiện chúng ta phải chấp nhận một chế độ thực phẩm lành mạnh hơn".
Đó là nội dung nghiên cứu của nhà khoa học nói trên vừa được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế The Lancet hôm nay. Chế độ thực phẩm lành mạnh mà các nhà khoa học khuyên cáo không có gì là cầu kỳ tinh vi. Trên bàn ăn của nhân loại trong tương lai sẽ chỉ gồm gấp đôi số lượng hoa quả, rau, ngũ cốc và các loại cây họ đậu. Bên cạnh đó khẩu phần thịt sữa, khoai, đường… không cần bỏ hẳn mà chỉ giảm đi đáng kể.
Đây là "chế độ thực phẩm tốt cho cả sức khỏe của hành tinh cũng như sức khỏe con người", Libération kết luận. Con người không chỉ sẽ phải làm quen với cách ăn uống mới mà còn phải thay đổi cách sản xuất, đẩy mạnh với một số thực phẩm nhưng lại rút bớt cái khác, như chăn nuôi chẳng hạn.
Nhật : Sa thải nhân viên người máy
Khách sạn Henn-na tại Nagasaki, Nhật Bản lẽ ra sẽ là cơ sở đầu tiên trên thế giới hoàn toàn do các robot quản lý. Thế nhưng mới đây, công ty đã phải cho nghỉ việc một nửa "nhân viên" máy trong tổng số 243 người máy đang làm việc bởi liên tục gặp sự cố cần có sự can thiệp của con người. Dự án khách sạn Hann-na với 100% nhân viên người máy được bắt đầu từ năm 2015. Khách sạn đã giảm tối đa nhân sự chỉ giữ lại khoảng một chục người theo dõi sự vận hành của khách sạn qua màn hình kiểm soát.
Thế nhưng 3 năm hoạt động việc sử dụng người máy đã cho thấy có nhiều bất tiện. Có một chuyện khá hài hước xảy ra với robot phục vụ trực trong phòng, có tên là Churi-chan. Cô nhân viên này cứ liên tục nhắc lại câu "Xin lỗi, tôi không hiểu, Bạn có thể nhắc lại yêu cầu ?". Khách hàng phàn nàn là nửa đêm đang yên tĩnh cô người máy cứ thỉnh thoảng lặp lại câu nói trên làm khách thức giấc. Sau khi bị đánh thức nhiều lần trong đêm vị khách này hiểu ra là chính tiếng ngáy của mình khiến cô người máy hiểu lầm là mệnh lệnh yêu cầu. Cô "nhân viên" này cũng đã bị sa thải trong đợt vừa rồi.
Anh Vũ
Quốc hội bác dự thảo Brexit : "Thất bại lịch sử" của Chính phủ Anh
Dự thảo Brexit của thủ tướng Theresa May bị nghị viện Anh Quốc bác bỏ đẩy quốc gia này vào tình thế vô định, tổng thống Pháp khai mạc cuộc Thảo luận toàn quốc kéo dài hai tháng, trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn, là các tựa lớn của báo Pháp hôm nay 16/01/2019.
Nghị Viện Châu Âu thảo luận về Brexit, Strasbourg, ngày 16/01/2019. Reuters/Vincent Kessler
Về chủ đề dự thảo Brexit bị nghị viện Anh bác bỏ, Les Echos chạy tựa trang nhất : "Cú nhảy vào vô định". Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc dự thảo của thủ tướng May bị bác là điều nằm trong dự kiến, điều bất ngờ là số lượng nghị sĩ bỏ phiếu chống cao hơn nhiều. Với 432 phiếu thuận, 202 phiếu chống, nghị viện Anh đặt thủ tướng May trước một áp lực rất lớn. Les Echos có bài nhận định về "thất bại lịch sử" ở nghị viện Anh.
Theo tờ báo, đây là thất bại nặng nề nhất của một Chính phủ Anh tại nghị viện nước này trong vòng một thế kỷ nay. Chênh lệch 230 phiếu giữa bên chống và bên ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu này đã "phá vỡ kỷ lục" 166 phiếu hồi năm 1924. Đòn trời giáng đối với bà Theresa May này khiến việc tìm ra phương thức để Anh Quốc có thể chia tay "trong trật tự" với Liên Âu đúng thời hạn, ngày 29/03/2019, trở thành điều gần như không thể.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dự báo dù là "bi quan nhất" cũng chỉ là thất bại với 225 phiếu chênh lệch (của Financial Times). Còn theo báo Times, thân Chính phủ, thì khoảng cách sẽ là gần 200 phiếu.
Trước mắt thủ tướng Anh phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do đối lập yêu cầu. Nhiều khả năng bà May sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu một cách an toàn, vì đa số các nghị sĩ liên minh cầm quyền không muốn tổ chức bầu cử nghị viện sớm. Trước mắt, nếu tiếp tục được tín nhiệm, Chính phủ Anh sẽ phải thương thuyết lại với Liên Âu về một dự thảo mới (phương án B) để trình lại nghị viện vào thứ Hai tuần tới. Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh hứa sẽ đàm phán với các đảng phái trong nghị viện tìm một thỏa hiệp để thương lượng lại với Bruxelles. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngay lập tức tỏ ý tiếc về việc nghị viện Anh bác bỏ dự thảo và yêu cầu Luân Đôn "cho biết rõ lập trường càng sớm càng tốt".
Nếu phương án này không được chấp thuận thì sao ? Nhiều viễn cảnh để ngỏ : Anh Quốc sẽ rời khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận, hay chính Luân Đôn sẽ từ bỏ quyết định Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit cũng là một kịch bản khác.
"Trái bóng trong chân" thủ lĩnh đối lập
Le Figaro trong bài "Kế hoạch của Theresa May bị bác bỏ" cho hay, đa số các nước Châu Âu không muốn thương lượng lại dự thảo, vốn là kết quả của 17 tháng đàm phán cam go. Theo Le Figaro, trái bóng hiện giờ bên sân của Công Đảng, đảng đối lập chính tại Quốc hội Anh. Nếu thất bại trong việc lật đổ Chính phủ bảo thủ, lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn có thể đưa ra đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai. Đây chính là đòi hỏi của 86% đảng viên đảng này.
Tuy nhiên, khả năng nghị viện Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý lần nữa không cao, bởi lãnh đạo Công Đảng có lập trường "chống Liên Âu", cũng chủ trương rời bỏ Liên Hiệp. Như vậy, ông Corbyn có thể sẽ thương lượng trực tiếp với thủ tướng May để tìm một thỏa hiệp. Đây là điều mà Le Figaro cho là "rất khó xảy ra", nhưng không phải là không thể xẩy ra. Một số chính trị gia bảo thủ cũng có thể đưa ra một phương án khác với sự phối hợp của đối lập, để xác lập quan hệ đặc biệt giữa Anh với Liên Âu, như kiểu Na Uy hiện nay (tức là vẫn duy trì liên minh thuế quan và thị trường duy nhất với Liên Hiệp Châu Âu). Phủ thủ tướng Anh cho biết sẵn sàng đón nhận mọi đề xuất thiện chí từ các phía.
Cũng như Les Echos và Le Figaro, nhật báo Libération đặc biệt chú ý đến thái độ của những người phản đối việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu. Sau thất bại của Chính phủ Anh, rất nhiều người phản đối Brexit đã ăn mừng trước nhà Quốc hội, với những lá cờ 15 ngôi sao vàng trên nền xanh da trời, cờ của Liên Hiệp Châu Âu. Ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh đã cảnh báo : nếu các nghị sĩ chống lại dự thảo thỏa thuận hiện tại, thì chỉ còn hai khả năng. Thứ nhất là nước Anh rời Châu Âu "no deal", tức không thỏa thuận, cũng có nghĩa là trong hỗn loạn. Và thứ hai là không còn chuyện Brexit nữa.
Châu Âu cũng bị "khủng hoảng niềm tin" chi phối
Nước Anh khủng hoảng với Brexit. Đi cũng khó, ở lại không xong. Nhưng bản thân các nước Châu Âu khác, cụ thể là Pháp cũng bị hội chứng "khủng hoảng niềm tin" chi phối. Le Figaro có bài "Phải chăng Châu Âu cũng bị cuộc khủng hoảng niềm tin tấn công ?" thông báo một số kết quả rút ra từ cuộc thăm dò dư luận của Cevipof-OpinionWay.
Theo đó, người Pháp có xu hướng "xa rời" với Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Figaro, lý do chính là nhiều người lo ngại cho cuộc sống riêng của họ, chứ không phải việc họ bác bỏ nguyên tắc một Châu Âu đoàn kết.
Theo thăm dò dư luận nói trên, 38% người trả lời khẳng định nước Pháp cần phải tự bảo vệ mình nhiều hơn trong tình hình thế giới hiện nay, so với 23% đòi hỏi nước Pháp phải mở cửa hơn. Khoảng cách như vậy là 15 điểm, nhiều hơn 6 điểm so với hồi năm ngoái.
Một trong các ví dụ cụ thể cho thấy Liên Âu có vẻ như đang trở thành một chủ đề nhạy cảm. Trong số 33 câu hỏi mà tổng thống Pháp gửi đến toàn dân trong cuộc Thảo luận quốc gia vừa khai mạc, chỉ có một câu hỏi nhắc đến Châu Âu, nhưng không phải với cách hỏi trực tiếp, mà được gài vào một câu hỏi liên quan đến "cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ở quy mô Châu Âu và quốc tế". Trong khi đó, Châu Âu vốn là phần cốt lõi trong dự án chính trị của tổng thống Pháp.
Khu vực euro phải bảo vệ người dân !
Về các thách thức với Châu Âu hiện nay, Le Monde có cuộc phỏng vấn chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurogroup), bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha Mario Centelo. Bài phỏng vấn mang tựa đề : "Liên Âu phải có biện pháp hóa giải nỗi lo sợ của người dân do toàn cầu hóa".
Trước hết, chủ tịch Eurozone khẳng định : so với cách nay 10 năm khu vực đồng euro vững mạnh hơn nhiều. Châu Âu đã có 22 quý tăng trưởng liên tục, và thêm 9 triệu việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008. Liên Âu cũng củng cố được liên minh ngân hàng, cho phép sẵn sàng đối phó với các nguy cơ khủng hoảng. Tình hình về cơ bản là tương đối đáng lạc quan. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, để tăng cường ổn định nền kinh tế Châu Âu, thị trường lao động và các định chế. Việc các quốc gia Liên Âu tăng cường củng cố khu vực đồng euro hiện nay là theo chiều hướng tích cực.
Khủng hoảng "Áo Vàng" không chỉ riêng nước Pháp
Về nguy cơ cuộc khủng hoảng "Áo Vàng", làm suy yếu nền kinh tế Pháp và Châu Âu, lãnh đạo khu vực đồng euro nhấn mạnh đây không phải là vấn đề của riêng nước Pháp. Nhiều nước Châu Âu cũng gặp các khủng hoảng tương tự, với những hình thức khác.
Một trong những định hướng quan trọng là bảo vệ sức mạnh của đồng euro, đồng tiền vốn đã được dân chúng tin tưởng hơn nhiều so với cách nay hai thập niên. Củng cố đồng euro là một trong các biện pháp để khẳng định vị thế của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc. Chủ tịch khu vực đồng euro cũng nhấn mạnh là không thể dùng biện pháp "bảo hộ mậu dịch", để chống lại "các biện pháp cạnh tranh bất chính" của Trung Quốc, mà phương pháp hiệu quả nhất là thương lượng về mặt chính trị với Bắc Kinh, trong khuôn khổ đa phương.
Pháp khai mạc Thảo luận toàn quốc : Kẻ khen, người chê
Cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng được hầu hết các báo hôm nay quan tâm. Buổi khai mạccuộc Thảo luận, dưới sự chủ trì của tổng thống Macron, tại một làng nhỏ miền tây nước Pháp, gây nhiều phản ứng rất khác nhau. Kẻ khen, người chê.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro trong bài "Thảo luận việt dã giữa tổng thống Pháp với các thị trưởng, xã trưởng" chú ý đến việc ông Macron đã dành 7 giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi của các thị trưởng, xã trưởng, và có nhiều cử chỉ cởi mở. Cụ thể như việc giới hạn tốc độ xe hơi 80km/giờ trên các tuyến đường giao thông phụ, vốn bị người dân ở các vùng hẻo lánh phản đối mạnh. Ngay cả trong vấn đề bỏ thuế ISF (tức thuế đánh vào tài sản của những người giàu), một cải cách mà tổng thống Pháp cho là không thể đảo ngược, ông cũng cho biết sẵn sàng đánh giá lại hiệu quả của biện pháp này.
Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération nhìn buổi khai mạc Thảo luận toàn quốc hôm qua với vẻ rất hoài nghi, với bài "Eure : Đối diện với các thị trưởng, Macron khởi sự cuộc đối thoại bằng một cuộc độc thoại". Libération nhấn mạnh là việc tổng thống Macron không mở cửa cho những người Áo Vàng tham gia vào cuộc gặp này, cũng như việc tổng thống chiếm trọn vị trí trung tâm, khiến cho buổi khai mạc mang dáng dấp của một buổi thuyết trình quan điểm của Chính phủ. Đây là một cách mở đầu "kỳ lạ" cho một cuộc Thảo luận toàn quốc.
Lẽ ra phải tổ chức Thảo luận trước khi "Áo Vàng" nổi dậy
Nhân dịp Thảo luận toàn quốc khai mạc, Le Figaro đăng tải nhiều ý kiến của các chính trị gia đối lập. Đáng chú ý có quan điểm của lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot. Lãnh đạo đảng Xanh, cũng là người đứng đầu các đảng vì môi trường tại Nghị Viện Châu Âu khẳng định một cuộc thảo luận như vậy là "điều tuyệt vời", mà lẽ ra không cần phải đợi đến phong trào Áo Vàng, rồi tổng thống mới quyết định tổ chức.
Lãnh đạo đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa Laurent Wauquiez cho biết đảng này sẽ đóng góp tích cực vào cuộc thảo luận trong những tuần tới.
Thảo luận toàn quốc : Cơ hội để học cách nghe nhau
Cuộc Thảo luận toàn quốc, dự kiến kéo dài hai tháng, có ý nghĩa hệ trọng đối với đời sống chính trị nước Pháp. Nhật báo Les Echos trong mục "Mỗi ngày một sự kiện" có bài nhận định thú vị về cuộc Thảo luận chưa từng có này, với tựa đề "Cuộc trị liệu tập thể".
Theo Les Echos, điều cơ bản không chỉ là việc các cử tri Pháp lên tiếng, mà vấn đề chính là người Pháp cần học lại cách nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau. Cuộc khủng hoảng Áo Vàng cho thấy một vấn đề chính của nước Pháp hiện nay là mức độ phân hóa xã hội vô cùng lớn. Nhiều người thuộc các nhóm xã hội khác nhau, có thể sống ngay sát cạnh nhau, nhưng không hề có quan hệ với nhau, không biết và không hiểu nhau nghĩ gì.
"Tìm lại được một ngôn ngữ chung", mà mọi người có thể chia sẻ được, hay ít nhất là "một số quan niệm chung tối thiểu" là mục tiêu chủ yếu của cuộc thảo luận này. Một người bạn của tổng thống Macron thì gợi ý nên thay đổi về phương pháp, phải biết cách đối thoại mềm mại hơn, nếu muốn nước Pháp qua cuộc thảo luận này đi đến được một số đồng thuận, thay vì tiếp tục bị chia rẽ do thái độ đối đầu không khoan nhượng giữa các bên.
Trọng Thành
Anh : Thủ tướng May bị đe dọa thêm, 51% dân chúng giờ đây chống Brexit (RFI, 17/12/2018)
Vào ngày 17/12/2018, thủ tướng Anh Quốc sẽ trở lại trước Hạ Viện Anh để bảo vệ thỏa thuận Brexit mà chính quyền của bà đã đàm phán được với Liên Hiệp Châu Âu. Theo một số trích đoạn diễn văn được tiết lộ tối qua, bà Theresa May sẽ dứt khoát bác bỏ khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Lý do rất đơn giản : một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số dân Anh giờ đây sẽ phản đối việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Biểu tình chống Brexit trước Nghị Viện Luân Đôn ngày 17/12/2018. Reuters/Toby Melville
Cách nay hơn 2 năm, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 6 năm 2016 về việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, phe "Đi–Leave" đã chiến thắng với 51,9% số phiếu, so với 48,1% của phe "Ở lại–Remain".
Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%.
Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng là thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đối phó với những ngày cực kỳ khó khăn, đặc biệt là làm sao để thuyết phục các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà bà đã thương thuyết được với Bruxelles.
Trước ngày bà trở lại để giải trình vào hôm nay, Hạ Viện Anh đã tràn ngập những ý kiến khác nhau để tránh khủng hoảng.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
"Làm gì bây giờ ? Không chỉ có các nghị sĩ, và đây là điểm mới, mà cả một số bộ trưởng của bà Theresa May cũng bắt đầu tự hỏi là làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc của Brexit, vào lúc mà theo nhận định chung, thỏa thuận của thủ tướng không thể được phê chuẩn nếu vẫn giữ nguyên.
Một ý tưởng thường xuyên được nêu lên trong những ngày gần đây là tổ chức một loạt những cuộc "bỏ phiếu lấy ý kiến" trong Hạ Viện, cho phép các dân biểu đề cập một cách tự do đến các phương án khác nhau. Chẳng hạn như Brexit theo mô hình Na Uy hay mô hình Canada, hoặc một Brexit không có thỏa thuận, thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai…
Nói tóm lại, đó sẽ là các cuộc tham vấn với hy vọng tạo ra được một đa số ủng hộ một Kế hoạch B, trong bối cảnh chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày định mệnh 29 tháng 3, là ngày nước Anh thực sự ra khỏi khối Châu Âu.
Lội ngược dòng nước đó, bà Theresa May hôm nay trở lại trước các nghị sĩ để cảnh cáo rằng bà sẽ không từ bỏ kế hoạch của mình, và các cuộc đàm phán với Châu Âu sẽ tiếp tục ở Luân Đôn và Bruxelles trong tuần lễ Giáng Sinh.
Qua đến thứ Ba, bà May cũng sẽ họp nội các như mọi tuần, để chấn chỉnh tinh thần đội ngũ.
Thế nhưng thái độ cứng rắn của bà, kèm theo với việc bà suýt nữa thì bị chính đảng của mình bỏ phiếu bất tín nhiệm, cả hai yếu tố này khi uy thế của bà May bị suy yếu thêm".
Trọng Nghĩa
*****************
Trung Quốc, Nga thí nghiệm 'chỉnh sửa khí quyển' (BBC, 17/12/2018)
Trung Quốc và Nga vừa chỉnh sửa một tầng quan trọng của bầu khí quyển bên trên Châu Âu để thử nghiệm một công nghệ có thể áp dụng vào mục đích quân sự, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Ảnh minh họa
Theo các nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án, tổng cộng có năm thí nghiệm đã được thực hiện vào tháng Sáu.
Trong đó, một cuộc thí nghiệm vào 7/6 diễn ra ở độ cao 500 km đã gây ra nhiễu loạn vật lý trên một diện tích khoảng 126.000 km2, tương đương khoảng một nửa diện tích nước Anh.
Nơi diễn ra cuộc thử nghiệm là căn cứ Sura tại thị trấn nhỏ Vasilsursk của Nga, nằm ở Đông Âu.
Trong một thí nghiệm khác hôm 12/6, nhiệt độ của lớp khí mỏng ion-hóa đã tăng thêm hơn 100 độ C do sự chuyển động của các hạt điện tử (electron) được phóng ra từ căn cứ Sura.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc phát hiện các rối loạn vật chất đã cung cấp bằng chứng cho khả năng thành công của các thí nghiệm liên quan trong tương lai.
Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông, theo một bài báo trước đó của SCMP.
Hợp tác với Nga ?
Giáo sư Guo Lixin, Trưởng Khoa Vật lý và Kỹ thuật Quang Điện tử tại Đại học Xidian ở Tây An, cho biết thí nghiệm chung giữa hai quốc gia là vô cùng bất thường.
Tầng điện ly và ảnh hưởng của nó trên không gian trái đất - Ảnh minh họa
"Sự hợp tác quốc tế như vậy là rất hiếm đối với Trung Quốc", ông Guo nói, vốn là người không tham gia thí nghiệm. "Các công nghệ được sử dụng quá nhạy cảm".
Tầng điện ly cho phép tín hiệu vô tuyến di chuyển trong khoảng cách địa lý lớn để phục vụ liên lạc, bài báo trên SCMP viết.
Quân đội các nước đã chạy đua trong việc giành quyền kiểm soát tầng điện ly trong nhiều thập kỷ qua.
Căn cứ Sura ở Vasilsursk được cho là cơ sở quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng cho mục đích này.
Thay đổi tầng điện ly trên lãnh thổ của kẻ thù cũng có thể phá vỡ hoặc cắt đứt liên lạc của họ với các vệ tinh.
Quân đội Hoa Kỳ đã học được từ thí nghiệm của Nga và xây dựng một cơ sở lớn hơn nhiều để tiến hành các thử nghiệm tương tự.
Chương trình nghiên cứu High Frequency Active Auroral, hay HAVD, được thiết lập tại Gakona, Alaska, vào những năm 1990 với sự tài trợ của quân đội Hoa Kỳ và Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến.
Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông, theo một bài báo trước đó của SCMP.
Đã có những lo ngại rằng các cơ sở như vậy có thể được sử dụng để thay đổi thời tiết và thậm chí tạo ra các thảm họa tự nhiên, bao gồm bão, lốc xoáy và động đất.
Nhưng Tiến sĩ Wang Yalu, một nhà nghiên cứu liên kết với Cơ quan Động đất Trung Quốc, người tham gia vào thử nghiệm hồi tháng Sáu, đã bác bỏ những giả thuyết như vậy.
"Chúng tôi chỉ đang làm nghiên cứu khoa học thuần túy. Nếu có bất cứ điều gì khác liên quan, tôi không được thông báo về điều này", bà nói trong một cuộc phỏng vấn.
Quốc hội Anh nổi giận vì bị Thủ tướng May 'lừa dối' (BBC, 05/12/2018)
Thủ tướng Anh Theresa May bị cáo buộc là đã "lừa dối Quốc hội, tuy là không chủ tâm" sau khi toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý đối với chính phủ của bà về thỏa thuận Brexit được công bố.
Thủ tướng Anh, bà Theresa May - Bản quyền hình ảnh HOC
Nội dung trên được công bố lúc 11 :30 trưa ngày 5/12.
Đảng SNP nói bà đã "che giấu các sự kiện" sau khi lời tư vấn với nội dung cảnh báo về thỏa thuận thiết lập chốt chặn 'backstop' với EU được đưa ra.
Các thành viên chính phủ hôm thứ Ba bị cho là đã coi khinh Quốc hội khi chỉ cung cấp bình luận pháp lý khái quát về thỏa thuận.
Tuy nhiên, bà May nói hai tài liệu trên có nội dung phù hợp với nhau và quan điểm pháp lý trong đề xuất thiết lập hệ thống hải quan 'tạm thời' với EU được nêu ra trong đó là rất rõ ràng.
Tuy Anh không có quyền đơn phương rút khỏi 'backstop' - là biện pháp nhằm tránh việc phải thiết lập trở lại các chốt kiểm tra thực sự trên đường biên giới với Ireland - nhưng bà thủ tướng nói rằng cả Anh lẫn EU lúc ban đầu đều không muốn có 'backstop' - các chốt chặn thực tế.
Quốc hội Anh nhóm họp - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, đảng Democratic Unionists nói rằng họ không thể chấp nhận việc Bắc Ireland phải chịu áp dụng các quy định khác so với phần còn lại của Anh quốc, mà trên thực tế sẽ biến khu vực này trở thành 'nước thứ ba' trong khối Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Chính phủ nói rằng nội dung phân tích của Tổng chưởng lý Geoffrey Cox đối với thỏa thuận Brexit là đủ, và việc tiết lộ toàn bộ nội dung đó sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia.
Đảng Lao động và các đảng đối lập khác nói rằng các thành viên chính phủ đã "cố ý" khước từ việc tuân theo kết quả biểu quyết có tính ràng buộc mà Hạ viện đưa ra hồi tháng trước, theo đó đòi nội dung trên phải được tiết lộ đầy đủ, và việc biểu quyết của các dân biểu hôm thứ Ba, 4/12, cũng đưa ra yêu cầu đó.
Cuộc chiến quá khó khăn
Trong hôm thứ Tư 5/12, các thành viên chính phủ tiếp tục cuộc chiến nhằm giành sự ủng hộ của giới dân biểu đối với thỏa thuận Brexit của bà Theresa May, một ngày sau khi chính phủ chịu liên tiếp ba thất bại trong các đợt biểu quyết then chốt.
An ninh là nội dung trọng tâm trong ngày thứ hai của năm ngày tranh luận tại Hạ viện Anh.
Điểm mấu chốt vào lúc này là các dân biểu đã hậu thuẫn cho yêu cầu cần làm rõ điều gì sẽ xảy ra nếu như thỏa thuận của bà May bị bác bỏ vào tuần tới.
Các thành viên chính phủ đồng ý công bố toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận sau khi các dân biểu hôm thứ Ba bỏ phiếu thuận rằng chính phủ đã coi thường Quốc hội khi phớt lờ việc Hạ viện đã biểu quyết đòi phải công bố nội dung đó.
Thủ tướng Theresa May đang phải chống đỡ vất vả trước sự phản đối của các đảng phái khác trong Quốc hội và cả từ một số dân biểu thuộc Đảng Bảo thủ của chính bà
Thỏa thuận mà bà thủ tướng đưa ra đã được các lãnh đạo EU chấp thuận, nhưng cần phải được Quốc hội Anh thông qua mới có hiệu lực.
Các dân biểu sẽ quyết định việc thông qua hay bác bỏ vào thứ Ba tới, 11/12.
Anh sẽ rời Liên hiệp Châu Âu vào ngày 29/3/2019. Các thành viên chính phủ nói nếu các dân biểu bác bỏ thỏa thuận này thì cũng có nghĩa là họ đang đẩy mạnh khả năng hoặc là Anh rời khỏi EU mà không dạt được thỏa thuận gì, hoặc Anh sẽ không rời EU nữa.
Các thành viên chính phủ sẽ nỗ lực giành sự ủng hộ của các dân biểu trong hôm thứ Tư, là ngày sẽ có tám giờ đồng hồ tranh luận về các vấn đề an ninh và nhập cư nêu trong thỏa thuận rút khỏi EU.
Bà May được trông đợi là sẽ tiếp tục thuyết phục các nhóm nhỏ dân biểu qua các cuộc họp riêng.
Bà sẽ đương đầu với lãnh đạo đảng Lao động, ông Jeremy Corbyn, trong phần chất vấn thủ tướng sẽ diễn ra vào giữa ngày, trước khi cuộc tranh luận về Brexit diễn ra.
Tổng chưởng lý Geoffrey Cox nói toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý mà ông nói với chính phủ cần phải được giữ bí mật
Lời cảnh báo bị phớt lờ ?
Thành viên nội các, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, người chủ trương theo đuổi việc Anh ra khỏi EU, cảnh báo các dân biểu rằng nếu họ không bỏ phiếu ủng hộ thì có nguy cơ "sẽ không có Brexit".
Tuy nhiên, Mark Harper, cựu lãnh đạo nắm quyền kiểm soát kỷ luật đối với các dân biểu thuộc đảng Bảo thủ trong Hạ viện và là người muốn Anh ở lại EU, nói rằng ông thấy bà thủ tướng sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ.
Ông Harper nói với báo Daily Telegraph rằng ông sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận của bà May, và dự đoán thỏa thuận này sẽ bị khoảng 80 dân biểu trong đảng của ông bác bỏ.
Ông thúc giục bà thủ tướng hãy tái đàm phán thỏa thuận và nói kế hoạch rời khỏi EU như hiện nay sẽ khiến nước Anh thiệt thòi.
Vì sao các thất bại mới đây có ý nghĩa quan trọng ?
Trước tiên, chính phủ đã thua trong việc muốn nội dung tư vấn pháp lý được xem xét riêng biệt bởi Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện.
Trong lần biểu quyết thứ nhì, các thành viên chính phủ bị kết luận là đã coi khinh quốc hội và bị buộc phải chấp nhận rằng họ lẽ ra phải công bố đầy đủ nội dung tư vấn đó, trong lúc trước đó chính phủ nói rằng việc công bố như vậy là vi phạm quy ước làm việc và không phục vụ lợi ích quốc gia.
Quan trọng nhất là lần thất bại thứ ba, có nội dung quanh các thay đổi về thủ tục cần tiến hành trong Quốc hội nếu xảy ra trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận của bà May.
Thay vì được giới hạn trong phạm vi "ghi biên bản" về những gì chính phủ trình bày trước Hạ viện, thì các dân biểu cũng có thể gây thêm ảnh hưởng với việc biểu quyết về những gì họ muốn chính phủ sẽ làm tiếp.
Anh Quốc vẫn chia rẽ bởi hai phái ủng hộ và chống lại Brexit
Điều này có thể sẽ dẫn tới việc Quốc hội tước quyền kiểm soát tiến trình Brexit từ tay chính phủ, nếu như các dân biểu thúc đẩy cho "Phương án B" - điều mà hiện nay đang được cho là sẽ xảy ra - thay cho thỏa thuận của bà May, và tìm cách chặn cơ hội Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
*******************
'Anh có quyền đơn phương hủy quyết định rời EU' (BBC, 04/12/2018)
Anh có thể đơn phương hủy bỏ quyết định rút khỏi EU, theo một cố vấn pháp lý hàng đầu Châu Âu.
Tòa án công lý Châu Âu
Quan điểm này được đưa ra từ một cố vấn pháp lý của Tòa án Công lý Châu Âu ECJ (European Court of Justice), không lâu trước ngày Hạ viện Anh bỏ phiếu về Brexit, dự kiến vào 11 tháng 12.
Một nhóm các chính trị gia Scotland cũng đã yêu cầu tòa án này xem xét liệu Anh quốc có thể hoãn Brexit mà không cần sự đồng ý của các nước thành viên khác hay không.
Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào một ngày nào đó tới đây.
Lời khuyên được cố vấn pháp lý Manuel Campos Sanchez-Bordona đưa ra sau khi Hạ viện Anh bắt đầu quá trình năm ngày tranh luận về thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Anh Theresa May, trước khi có cuộc bỏ phiếu vào thứ Ba tới (11/12).
Trong một tuyên bố bằng văn bản, ECJ cho biết quan điểm của ông Campos Sanchez-Bordona là nếu như một quốc gia quyết định rời khỏi EU, quốc gia đó cũng có quyền thay đổi quyết định đó trong tiến trình hai năm đàm phán theo Điều khoản 50 của hiệp ước EU.
Quốc gia đó có thể làm như vậy mà không cần đến sự đồng ý của 27 quốc gia thành viên khác.
Tòa Công lý Châu Âu lắng nghe nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện lời khuyên của các nhóm cố vấn
Các chính trị gia và các nhà vận động phản đối Brexit hy vọng Điều 50 sẽ mang đến cho các dân biểu Hạ viện Anh một sự lựa chọn bổ sung trong việc cân nhắc liệu có nên phê chuẩn thỏa thuận Brexit mới đây của bà May hay không, bởi vì nó có thể làm sống lại viễn cảnh ngừng Brexit - có khả năng là thông qua một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Theo tuyên bố của ECJ, các cố vấn pháp lý đề xuất rằng : "Điều 50 cho phép đơn phương hủy bỏ việc thông báo ý định rút khỏi EU".
"Khả năng đó tiếp tục tồn tại cho đến khi thỏa thuận rút khỏi EU được chính thức ký kết", tuyên bố này cho biết thêm.
Hôm 25/11, các lãnh đạo EU đã thông qua thỏa thuận về việc Anh quốc rút khỏi Liên minh EU.
Kết quả có được sau hơn 18 tháng đàm phán, và Anh quốc sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.
Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào 11/12 nhưng chưa chắc đã thông qua vì có những phản đối trong các dân biểu thuộc nhiều đảng phái khác nhau.
Pháp : Bạo động trong cuộc biểu tình "Áo vàng", hàng trăm người bị bắt (RFI, 25/11/2018)
Sáng Chủ Nhật hôm nay, 25/11/2018, đại lộ Champs-Elysées của thủ đô Paris vẫn còn đầy dấu hoang tàn. Cuộc biểu dương chống tăng thuế xăng dầu của phe "Áo vàng" hôm thứ Bảy 24/11/2018 diễn ra trong bạo lực : ném đá, đập phá cửa hàng, trạm xe buýt, đốt rào cản… khói đen pha lẫn với khói trắng của lựu đạn cay bao trùm đại lộ đẹp nhất thế giới.
Bạo động bùng phát trong cuộc tuần hành của những người "Áo vàng" phản đối chính sách tăng giá xăng, trên đại lộ Champs-Elysees, Paris, ngày 24/11/2018. Reuters/Gonzalo Fuentes
Theo bộ Nội Vụ Pháp, ngày hôm qua, được gọi là "màn hai" của phong trào chống tăng thuế xăng dầu, huy động 106.000 người trên khắp nước, nhưng chỉ có 8.000 kéo về Paris.
Tại thủ đô, đoàn biểu tình không tập trung dưới chân tháp Eiffel theo đề nghị của cảnh sát mà kéo về khu thương mại và du lịch Champs-Elysées.
Trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, một số người biểu tình xung đột với nhân viên công lực, ném đá, lập rào cản, đốt phá … Cảnh sát và lính cứu hỏa phải can thiệp chữa cháy. Chính phủ Pháp, qua tuyên bố của bộ trưởng bộ Nội Vụ Christopher Castaner, lên án lãnh đạo phe cực hữu khuyến khích bạo động. Trong đoàn biểu tình có hàng trăm kẻ bịt mặt, mặc y phục đen trà trộn, xung đột với cảnh sát và đập phá.
Đêm hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố lấy làm "xấu hổ" vì những hành động bạo lực trên. Tại Paris, cảnh sát câu lưu 69 người trong số 103 người bị bắt trên khắp nước.
Theo nhận định của AFP, "màn hai" của phe Áo vàng không huy động đông đảo như trong ngày thứ Bảy đầu tiên : từ 300.000 xuống chừng 100.000. Tuy nhiên, họ vẫn được đại đa số công luận, 72%, ủng hộ.
Thứ Ba tới, tổng thống Pháp sẽ công bố chi tiết phương hướng và các phương pháp chuyển đổi sang Kinh tế Xanh, theo hướng "giảm nhẹ phần nào gánh nặng" cho xã hội.
Tú Anh
*****************
Brexit : 27 lãnh đạo Liên Âu và thủ tướng Anh phê chuẩn thỏa thuận "ly dị" (RFI, 25/11/2018)
Lãnh đạo 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles sáng chủ nhật 25/11/2018 đã phê chuẩn hiệp ước "Brexit" và đồng thời kêu gọi Quốc Hội Anh - đang bị chia rẽ trầm trọng - tán đồng.
Thủ tướng Anh Theresa May họp cùng các lãnh đạo Liên Âu để thông qua thỏa thuận Brexit, Bruxelles, 25/11/2018. Olivier Hoslet/Pool via Reuters
Trong thông điệp gián tiếp gửi lập pháp Anh Quốc, trưởng đoàn đàm phán Liên Âu nhấn mạnh : chúng tôi đã thương thuyết với Vương Quốc Anh, nhưng không bao giờ chống Vương Quốc Anh, đã đến lúc "tất cả mọi người, tất cả mọi người" nhận lấy trách nhiệm của mình.
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson tường trình :
Cuộc họp cấp thượng đỉnh của 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 sáng, kết thúc ngay trong buổi sáng, không tranh luận, không biểu quyết.
Lãnh đạo các nước còn lại trong Liên Âu có trong tay hai văn kiện : thỏa thuận ly dị dài 585 trang quy định các điều kiện chia tay và một văn bản tuyên bố chính trị bổ sung, 26 trang, ấn định các nét chính trong quan hệ tương lai thời hậu Brexit giữa Liên Âu và Vương Quốc Anh. Văn kiện thứ hai này sẽ được hai bên đàm phán trong suốt giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng, tính từ ngày 30 tháng 03 năm 2019.
Để đánh tan mọi nghi ngại có thể cản trở thỏa thuận, một số cam kết đã được thêm vào giờ chót : bảo vệ giá trị dân chủ nền tảng, hợp tác đánh cá và quy chế của Gibraltar, một khu vực thuộc lãnh thổ hải ngoại của Luân Đôn nằm ở cực nam bán đảo Tây Ban Nha, mà Madrid cũng giành chủ quyền.
Phải chờ thêm 15 ngày nữa xem Quốc Hội Anh có chấp thuận hay không. Tuy nhiên, đối với Liên Hiệp Châu Âu thì ngày Chủ Nhật hôm nay là màn kết của 17 tháng nỗ lực đàm phán không ngừng để đạt một khế ước ly dị khả dĩ nhất.
Brexit và các bước tiếp theo
Sau thượng đỉnh thông qua thỏa thuận Brexit, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, mỗi bên, sẽ bắt đầu chuẩn bị thảo luận về quan hệ song phương hậu Brexit. Đàm phán về một thỏa thuận thương mại có thể được tiến hành ngay sau khi Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Về phía Anh, thỏa thuận Brexit được thông qua ngày 25/11/2018 sẽ được đưa ra phê chuẩn ở Nghị Viện Anh. Thủ tướng Theresa May hy vọng đạt được kết quả trước kỳ nghỉ của nghị sĩ, bắt đầu từ ngày 21/12.
Nếu được Nghị Viện Anh thông qua, đến lượt các nghị sĩ Châu Âu tiến hành phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" theo đa số phiếu tại phiên họp toàn thể, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019 và về lý thuyết có thể kéo dài đến ngày 28/03, một ngày trước khi Brexit có hiệu lực.
Sau khi được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, thỏa thuận Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ được Hội Đồng Châu Âu phê chuẩn.
Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh khác trước khi Anh Quốc chính thức chia tay Liên Hiệp Châu Âu ngày 29/03/2019.
Tú Anh
********************
Lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm 25/11 đã thông qua thỏa thuận Brexit lịch sử với Thủ tướng Anh Theresa May.
Theo AFP, họ cũng đồng thời cảnh báo các nghị sĩ vẫn còn phản đối ở London rằng đây là thỏa thuận tốt nhất và là lựa chọn duy nhất còn lại.
Các lãnh đạo EU họp bàn tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Brussels cũng bày tỏ sự đau buồn về cái kết "thảm", sau bốn thập kỷ Anh là thành viên của EU.
Họ cũng nhấn mạnh rằng các điều khoản rút khỏi Liên hiệp Châu Âu của Anh giờ đã được ấn định.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker được AFP trích lời nói rằng "đây là thỏa thuận duy nhất còn lại".
Ông cũng cảnh báo rằng "những ai nghĩ rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận tốt hơn bằng cách bác bỏ thỏa thuận này, họ sẽ thất vọng".
Thỏa thuận trên giúp Anh chuẩn bị cho quá trình rút khỏi EU vào ngày 29/3/2019, và mở ra tầm nhìn cho "mối quan hệ đối tác gần gũi nhất có thể" sau đó.
Nhưng Thủ tướng May hiện đối mặt với thách thức lớn ở Hạ viện Anh, nơi dự kiến tháng tới sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận này.