Kinh tế và Trung Quốc là hai vấn đề hàng đầu đối với Đảng cộng sản Việt Nam trong khi chuẩn bị chọn ra "Tứ trụ", đó là nhận xét của báo Nhật Nikkei Asian Reviews trong bài viết mang tựa đề "Tranh giành quyền lực ở Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt sau khi chiến thắng con virus", đăng trên mạng ngày 28/04/2020.
Biểu đồ những ca nhiễm Covid-19 dương tính ở Việt Nam
Tờ báo mô tả, trong chiếc áo sơ mi trắng, không đeo cà-vạt và không mang khẩu trang, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có vẻ tự tin và nhẹ nhõm khi phát biểu trong cuộc họp chính phủ thứ Tư tuần trước. Ông có lý để tỏ ra thoải mái : đã nhiều ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm một ca nhiễm virus corona nào.
Ông Phúc thông báo, giờ đây "đã đến lúc giảm dần lệnh phong tỏa" được đưa ra để ngăn chặn nạn dịch. Dù nhấn mạnh "tối nay không phải là thời điểm để đổ ra đường ăn mừng", đây gần như là một tuyên bố về chiến thắng mà ông có thể hy vọng, đúng vào dịp 30 tháng Tư - ngày thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Và tháng Giêng tới, Đại hội Đảng cộng sản sẽ đề cử một lớp lãnh đạo mới.
Các chuyến bay nội địa đã được phép nối lại từ thứ Năm, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ tại hầu hết các nơi, trừ vài quận ở Hà Nội. Cho dù Việt Nam đã kiểm soát được con virus với chỉ 270 trường hợp dương tính và không có ca tử vong nào tính đến đầu tuần này, đại dịch đã làm đảo lộn kế hoạch kinh tế và ngoại giao của chính phủ trong năm 2020.
Đất nước đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn, trong đó có việc làm thế nào để vực dậy tăng trưởng, và những ai sẽ chiếm giữ bốn vị trí quyền lực nhất từ năm 2021 đến 2026. Các câu trả lời có thể tác động sâu sắc đến chiến lược kinh tế của Việt Nam, chưa kể mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Cuộc đua vào "Tứ trụ"
Sau khi nhà sáng lập Hồ Chí Minh qua đời, Đảng cộng sản đã tránh việc tập trung quyền lực bằng cách chia quyền lãnh đạo cho "Tứ trụ". Trên thực tế, vị trí quyền lực nhất là tổng bí thư, tiếp theo là thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội. Nhưng vấn đề sức khỏe đã làm đảo lộn sự cân bằng này trong những năm gần đây.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, đã kiêm thêm chức chủ tịch nước vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời ở tuổi 61. Ban đầu được coi là giải pháp tạm thời, nhưng như vậy đã tạo ra tình huống tương tự như ở Trung Quốc, nơi ông Tập Cận Bình giữ một lúc hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng.
Ông Trọng có vấn đề về sức khỏe, các nguồn tin ngoại giao cho biết ông đã bị đột quỵ nhẹ vào tháng 4/2019. Ông không còn tham dự các sự kiện, trong lúc thủ tướng Phúc nổi bật như gương mặt đại diện của Việt Nam trên thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Bây giờ cuộc đua đã bắt đầu để xác định ai sẽ ở lại và ai sẽ ra đi, ai sẽ nổi lên và ai sẽ rơi đài. Một số chuyên gia cho rằng thời của ông Trọng còn lâu mới kết thúc, dù tuổi cao và bệnh tật. Ông có thể duy trì cả hai chức vụ.
Hồi tháng Giêng, ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra các quy định mới về việc thay đổi lãnh đạo, bảo đảm mở cửa cho các vị trí trong Tứ trụ vượt ra ngoài giới hạn tuổi truyền thống là 65. "Quy định mới về lãnh đạo của ông Trọng là mơ hồ, có thể hiểu là cố tình, đặc biệt về hai chức vụ quan trọng nhất là tổng bí thư và thủ tướng" - Dương Quốc Chính, một nhà bình luận chính trị ở Hà Nội nói với Nikkei Asian Review.
Những thông tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng đã tham dự một cuộc họp của Bộ Chính trị và các quan chức cao cấp khác để xem xét tình hình dịch Covid-19, chỉ làm tăng thêm các đồn đoán. Ông Trọng chỉ đưa ra một thông điệp công khai về đại dịch, viết ngày 30/03, rằng Việt Nam cần phải "hợp tác với các nước trên khắp thế giới và giành chiến thắng trong cuộc chiến với con virus corona".
Một số nói rằng sự hiện diện của ông Trọng đóng góp vào sự ổn định chính trị. Nhưng điều này cũng có nghĩa là khiến Tứ trụ trở thành Tam trụ.
Những ứng cử viên tiềm năng
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng về hưu, chỉ có một vài ứng cử viên có thể thay thế ông làm tổng bí thư. Đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc, 65 tuổi, và Trần Quốc Vượng, 67 tuổi, thường trực Ban Bí thư, được cho là cánh tay mặt của ông Trọng. Rồi đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 66 tuổi, chủ tịch đương nhiệm Quốc hội và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan này.
Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore, thì "Việt Nam chưa sẵn sàng có một tổng bí thư là phụ nữ". Thế nên các ứng viên "nhiều tiềm năng nhất" là ông Vượng và ông Phúc.
Một chuyên gia giấu tên nói rằng ông Vượng là chọn lựa khả dĩ nhất. "Hồ sơ của ông Vượng rất sạch sẽ, và ông đã là phụ tá cho ông Trọng" kể từ sau tin đồn đột quỵ. Một người khác không đồng tình, cho rằng "Ông Phúc là ứng cử viên mạnh nhất, vì ông đã đóng vai trò người lãnh đạo đất nước, xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại kể từ tháng Tư năm ngoái".
Cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của địa lý. Sự kình địch như trong thời chiến giữa thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, luôn dai dẳng. Vị trí cao nhất là tổng bí thư luôn thuộc về một nhân vật miền Bắc hoặc miền Trung.
Trong kỳ đại hội năm 2016, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, người miền Nam, được cho là ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư, nhưng ông Dũng buộc phải rút lui sau cuộc đấu đá với ông Trọng. Ông Phúc là người miền Trung, còn bà Ngân miền Nam.
Công chúng chỉ chú ý đến quan điểm về Trung Quốc
Bất kể nguồn gốc từ đâu, công chúng tìm kiếm những dấu hiệu từ quan điểm của tất cả ứng cử viên đối với Trung Quốc. Dù có chung ý thức hệ cộng sản, tâm lý chống Trung Quốc bắt rễ sâu sắc tại Việt Nam, được nuôi dưỡng qua lịch sử đầy những cuộc xung đột qua 1.200 km đường biên giới, và những vụ đụng chạm diễn ra dai dẳng trên Biển Đông.
Nếu mục tiêu của Hà Nội là giữ khoảng cách với Bắc Kinh và xích lại gần Washington, thì theo một số người, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh thích hợp cho chức thủ tướng, hoặc là chủ tịch nước. Ông Minh là người miền Bắc, dường như là thiên về Trung Quốc nhưng thông thạo tiếng Anh, có bằng thạc sĩ luật và ngoại giao của trường đại học Tufts, Hoa Kỳ.
Ông Vương Đình Huệ, bí thư thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Văn Bình, cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng được nêu ra cho chức thủ tướng. Còn chức chủ tịch nước, có khả năng ông Phúc có thể chuyển sang giữ chức này ; hoặc bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Thiện Nhân có thể nổi lên như ứng cử viên của miền Nam. Các chuyên gia nói rằng một phụ nữ khác có thể thay chân ông Phúc hoặc bà Ngân ở Quốc hội.
Cho dù ai được đưa lên ở các vị trí cao nhất vào năm tới, cũng sẽ có rất nhiều việc phải làm để sửa chữa các thiệt hại của năm 2020 do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra.
Cư dân Hà Nội đeo khẩu trang sắp hàng chờ lãnh gạo miễn phí và giữ khoảng cách xã hội ngày 27 tháng Tư. © AFP / Jiji
Chiến thắng con virus, nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại
Về mặt y tế, đất nước 96 triệu dân này gần như vô sự trước dịch bệnh virus corona, nếu những con số có thể tin được. Chính quyền đã nhanh chóng hành động, dừng tất cả những chuyến bay đi và đến Hoa lục kể từ ngày 01/02, và đóng cửa các trường học từ ngày 03/02.
Trong khi các nước láng giềng như Indonesia và Singapore có số người bị lây nhiễm trên dưới 10.000, thì Việt Nam dường như đã ngăn chặn được con virus nhờ theo dõi bằng các biện pháp nghiêm ngặt, mà chỉ có một nhà nước độc đảng cộng sản mới có thể áp đặt được. Chính quyền siết chặt việc đi lại trong nước, ra lệnh tự cách ly tại nhà, đóng cửa các doanh nghiệp và tăng cường tầm soát các tiếp xúc với người bị dương tính.
Tất cả đã mang lại kết quả, giúp Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, cũng như Việt Nam từng là nước đầu tiên tuyên bố ngăn chặn được dịch SARS vào năm 2003.
Tuy nhiên Việt Nam cũng không tránh khỏi sự tàn phá của dịch Covid-19.
Tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 3,82% trong quý đầu, thấp hẳn so với tỉ lệ 6,97% trong ba tháng cuối năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất công bố ngày 14/04 dự đoán kinh tế Việt Nam chỉ tăng 2,7% trong năm nay, sau hai năm liên tiếp đạt tỉ lệ 7%. Tăng trưởng âm cũng không thể loại trừ.
Chính phủ cũng có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội về ngoại giao. Với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, lẽ ra Việt Nam đón tiếp một hội nghị thượng đỉnh ở Đà Nẵng trong tháng này, nhưng đã dời lại ít nhất là đến cuối tháng Sáu. Hà Nội nóng lòng muốn tăng cường hợp tác trong ASEAN, như một lớp đệm chống lại Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế đầy triển vọng trên trường quốc tế, nhưng những mục tiêu này còn phải chờ thời gian.
Nikkei Asian Review kết luận, chắc chắn rằng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chờ đợi lâu trong việc thúc đẩy quan điểm về phục hồi kinh tế, và củng cố vị thế chính trị của mình.
Tomoya Onishi
Nguyên tác : Vietnam power struggle enters critical stretch after virus victory, Nikkei Asian Review, 28/04/2020
Thụy My lược dịch
Nguồn : RFI, 30/04/2020
Năm 1975, tôi trải qua một cơn bệnh thập tử nhứt sinh. Sau ngày Miền Nam rơi vào tay cộng sản, mấy ông bà du kích và bộ đội từ trong bưng và trên núi ùa về các thành phố, mang theo đủ thứ bệnh như lác đồng tiền, ghẻ hòm, hắc lào... và nhứt là sốt rét. Tháng Mười năm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nghiệm được thế nào là sốt và rét : mỗi ngày, đều đặn và đúng giờ, cứ sáng một cữ sốt, tối một cữ rét. Đã rét thì có trùm một chục cái mền cũng vẫn thấy lạnh và run cầm cập. Còn nóng thì cả khối nước đá đắp lên người cũng chẳng ăn thua gì.
Sau ngày Miền Nam rơi vào tay cộng sản, mấy ông bà du kích và bộ đội từ trong bưng và trên núi ùa về các thành phố, mang theo đủ thứ bệnh như lác đồng tiền, ghẻ hòm, hắc lào... và nhứt là sốt rét. Ảnh Getty Images
Đây đích thị là bệnh sốt rét do mấy ông bà việt cộng lây cho tôi chớ chẳng còn ai khác nữa ! Một ông y tá chuyên đi chích thuốc dạo, vốn là người thân của tôi, đã chuẩn đoán như thế. Đến một vài phòng mạch còn sót lại trong thành phố, tôi cũng được cho biết như vậy. May quá, ông y tá người thân của tôi còn trữ được một số thuốc chống sốt rét. Mỗi ngày ông đến chích cho tôi một mũi Quinimax. Ngoài ra, tôi còn được cho uống cả Fansida. Đây là loại thuốc được xem là hữu hiệu nhứt trong việc trị bệnh sốt rét. Nhưng trong 2 tuần lễ, bệnh tình của tôi vẫn không thuyên giảm, các triệu chứng nóng lạnh vẫn còn nguyên. Ngoài ra, tôi còn phải hứng chịu thêm một số biến chứng như bí tiểu, nấc cục và đứng tim. Ai cũng nghĩ "ngày giờ của tôi" đã đến.
Nhưng còn chút nước còn tát, tôi được đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Tại đây, một viên bác sĩ trẻ mà tôi mang ơn suốt đời, đã chuẩn đoán ngay rằng tôi bị thương hàn, chớ không phải sốt rét. Ông kê toa cho người nhà của tôi đi mua thuốc typhomycine về chữa trị. Như một phép lạ : chỉ trong một ngày triệu chứng sốt và rét biến mất. Sau 3 ngày nằm trong một bệnh viện trong đó cứ 3 người nằm chung một giường và nhà vệ sinh còn dơ hơn cả một chuồng súc vật, hoảng quá tôi xin được về nhà đề tiếp tục điều trị bệnh thương hàn.
Mỗi lần nghĩ lại cơn bệnh thập tử nhứt sinh ấy, tôi nghiệm ra một điều : vì thiếu hiểu biết mà kê toa không đúng thuốc, người ta có thể nếu không giết người thì cũng gây nguy hại cho sức khỏe với những hệ lụy có khi kéo dài suốt đời. Đây là điều đã xảy ra sau năm 75. Chợ trời mọc lên như nấm. Ở đâu cũng có các "quầy" thuốc Tây và không cần phải là bác sĩ hay dược sĩ, ai cũng có thể kê toa cho thuốc.
Cho đến nay, cái lối chữa bệnh không cần chuyên viên y tế ấy vẫn còn thịnh hành ở Việt Nam. Cứ có một chút nhức đầu hay sổ mũi, người ta liền đi mua Amoxycillin về uống. Người ta đâu có biết rằng đây là một thứ thuốc trụ sinh. Nó giết vi trùng độc hại mà cũng tiêu diệt luôn cả những vi trùng tốt trong người, gây xáo trộn cho bộ máy tiêu hóa và cũng làm cho hệ thống miễn nhiễm của con người yếu nhược.
Nhìn về cách chữa bệnh mà không cần chuyên viên y tế ở Việt Nam, tôi không thể không nghĩ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù có là thiên tài, thông minh và thông biết mọi sự đi nữa, Tổng thống Trump chưa bao giờ là một chuyên viên y tế. Vậy mà ổng vẫn ngang nhiên "kê toa" cho người ta chữa trị Covid-19 bằng thuốc Chloroquine, tức thuốc trị bệnh sốt rét. Tôi thấy lạnh cả người khi nghĩ lại hai tuần lễ trị bệnh thương hàn bằng thuốc sốt rét ! Rồi mới đây, ông còn khuyên nên thử dùng thuốc sát trùng ngoài da bơm thẳng vào phổi để tiêu diệt Covid-19.
Tổng thống Donald Trump khuyên nên thử dùng thuốc sát trùng ngoài da bơm thẳng vào phổi để tiêu diệt Covid-19.
Nghe hãi hùng quá ! Không biết sao cứ mỗi lần nghe Tổng thống Trump làm "thày lang" kê toa cho thuốc, tôi lại nghĩ đến cảnh lên đồng trong làng tôi lúc tôi còn nhỏ. Cứ giữa trưa đứng bóng, nghe ở đâu có lên đồng là lũ trẻ chúng tôi kéo nhau đi xem. Gọi là đi xem, nhưng phải đứng thật xa, vừa theo dõi vừa run. Tuy đứng ở xa nhìn vào bên trong nhà có lên đồng, tôi vẫn thấy được một pháp sư trùm đầu bằng một chiếc khăn đỏ. Sau một hồi đọc thần chú hay tru tréo bằng một thứ ngôn ngữ không phải là tiếng Việt, thày đồng bắt đầu đổi giọng. Ai đó từ "cõi âm" nhập vào ông và truyền cho người nhà phải đi kiếm một thứ rễ cây hay pha một thứ nước gì đó để cho người bệnh uống. Dĩ nhiên, tiền mất tật mang. Chẳng có thần dược nào cả. Chỉ có người ngu dốt bị những kẻ lưu manh lường gạt mà thôi !
Tổng thống Trump có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một cảnh lên đồng như tôi lúc nhỏ đâu. Nhưng rõ ràng ông thường hay "bốc đồng". Hễ cứ "linh cảm" điều gì ông liền phán ngay điều đó. Mà hầu hết những điều ông "linh cảm" đều sai sự thật và phản khoa học. Vậy mà rất nhiều "tín đồ" của ông vẫn tin và làm theo.
Về hậu quả phụ của việc dùng thuốc Chloroquine để trị Covid-19, các chuyên gia y tế vẫn còn bàn cãi. Nhưng việc bơm thuốc sát trùng vào phổi thì có lẽ bất cứ học sinh tiểu học nào ở đâu cũng đều thấy được sự độc hại giết người của nó. Vậy mà khi "thày lang" Trump đề nghị cho thử bơm thuốc sát trùng vào phổi, vẫn có khối người đã làm theo. Thống đốc Tiểu bang Maryland, ông Larry Hogan, cho biết các đường giây nóng trong tiểu bang tràn ngập những cú điện thoại gọi đến để hỏi về việc sử dụng thuốc sát trùng để chữa trị Covid-19. Thống đốc Tiểu bang Michigan, bà Gretchen Whitmer cũng ghi nhận một hiện tượng tương tự. Riêng phòng y tế của thành phố New York cho biết : chỉ trong 18 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Trump nói đến việc thử bom thuốc sát trùng vào phổi để tiêu diệt siêu vi Corona, đã có ít nhứt 30 người gọi đến để hỏi về công hiệu của thuốc sát trùng Lysol và các thứ thuốc tẩy khác (1).
Dĩ nhiên, Tổng thống Trump bảo : "Tôi không thể tưởng tượng lại có chuyện như thế". Nhưng với tôi, chẳng có gì khó hiểu cả. Bất cứ lời nào thốt ra từ miệng ông cũng đều được những người sùng bái ông tin như "kinh Tin kính" của Kitô giáo. Ông bảo rằng ông không có bất cứ trách nhiệm nào trong việc để cho đại dịch Covid-19 lan tràn khắp nước Mỹ, các "tín đồ" của ông tin đó là sự thật. Ông quy trách nhiệm và chửi Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Truyền thông, Đảng Dân chủ, người ta cũng hùa chửi theo... Dù ông có nói dối như cuội, có bóp méo sự thật cỡ nào, có dựng lên bao nhiêu thuyết âm mưu, có nói trước chối sau đến đâu, có tuyên bố những điều ngớ ngẩn và phản khoa học nhứt... lúc nào cũng có người tung hê và phục lụy !
Những nước có tỷ lệ số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 thấp nhứt thế giới đều là những nước được lãnh đạo bởi nhũng người phụ nữ
Thời đại dịch, được "ngồi yên" một chỗ nhiều hơn, tôi cố gắng động não để suy nghĩ bằng cái đầu và để cho lòng lắng dịu xuống hầu lắng nghe những lời minh triết và lẽ khôn ngoan của các bậc cao kiến. Đạt Đai Lạt Ma khuyên tôi : trong thời đại dịch này hãy cố gắng thực thi sự cảm thông đối với mọi người. Không riêng những nhà lãnh đạo tinh thần, mà một số nhà lãnh đạo trên thế giới cũng dạy cho tôi những bài học xử thế đáng mang ra thực hành trong thời đại dịch này.
Tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao những nước có tỷ lệ số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 thấp nhứt thế giới đều là những nước được lãnh đạo bởi nhũng người phụ nữ như Thủ tướng Jacinda Ardern của Tân Tây Lan, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Băng Đảo Katrin Jakobsdottir’s, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và nhứt là Thủ tướng Đức Angela Merkel... Những người phụ nữ lãnh đạo quốc gia này đã thành công trong cuộc chiến chống lại Covid-19 vì họ luôn được dân chúng lắng nghe.
Theo tôi có lẽ mẫu số chung của sự thành công nơi những người phụ nữ lãnh đạo quốc gia này được làm nổi bật qua hình ảnh của bà Angela Merkel. Ngay từ lúc đại dịch bùng phát, bà dám nói lên sự thật khi cảnh cáo rằng sẽ có đến 70 phần trăm người dân Đức có nguy cơ nhiễm Covid-19. Khi ban hành những biện pháp nghiêm nhặt trong đó có việc hạn chế tự do đi lại, bà nhắc đến kinh nghiệm của những năm sống dưới chế độ cộng sản ở Đông Đức. Bà giải thích rằng bà rất trân quý tự do đi lại, nhưng vì sức khỏe và sự sống của mỗi người, mọi người đều có thể tạm thời hy sinh tự do ấy. Với bà, mỗi một cái chết trong thời đại dịch không phải là một con số vô hồn, mà là của "một người cha hay ông nội ngoại, một người mẹ hay bà nội ngoại, một người bạn tình...".
Mutti Angela Merkel chất vấn Donald Trump, Tổng thống Mỹ bên lề Thượng đỉnh G7 tại La Malbaie, Québec, Canada, ngày 15/6/2018
Là tiến sĩ hóa học lượng tử, nhưng Thủ tướng Merlel đã không giành sân lấn đất hay cướp micro của các chuyên viên y tế. Bà lãnh đạo đất nước trong thời khủng hoảng không chỉ bằng cái đầu thông thái của một nhà khoa học, mà còn bằng trái tim của một hiền mẫu. Người dân Đức đã có lý để gọi bà bằng tiếng gọi thân thương nhứt trong ngôn ngữ loài người là "Mutti", nghĩa là "Mẹ". Người Mẹ nào mà chẳng xem sự sống của mỗi đứa con là quan trọng.
Xét cho cùng, xem mỗi người có mặt trên "sân khấu cuộc đời" của trái đất này là quan trọng, tôi cho đó là minh triết thâm sâu nhứt trong thời đại dịch này. Tôi nghe được minh triết ấy từ miệng của một danh hài Mỹ là ông Stephen Colbert. Trong một lần trở về thăm trường cũ nhân ngày lễ mãn khóa hồi năm 2011, ông nói :
"Một trong những điều mà tôi đã được dạy từ lúc còn nhỏ là : bạn không phải là người quan trọng nhứt trên sân khấu. Bất cứ người nào khác mới là người quan trọng. Và nếu họ là những người quan trọng nhứt trên sân khấu, thì dĩ nhiên bạn phải chú ý đến họ và phục vụ họ. Nhưng điều đáng mừng là bạn cũng có mặt trên sân khấu. Vậy thì đối với họ, bạn cũng là người quan trọng nhứt và họ sẽ phục vụ bạn" (2).
Chu Văn
(02/05/2020)
(1) https://www.seniorsnews.com.au/news/hotlines-flooded-with-disinfectant-calls/4004591/
(2)https://www.dw.com/en/opinion-the-coronavirus-wisdom-of-stephen-colbert-and-rousseau/a-53214270
Địa chính trị : Sau đại dịch Covid-19 sẽ là khủng hoảng quân sự ?
Tú Anh, RFI, 01/05/2020
Hệ quả đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe, kinh tế, địa chính trị là những chủ đề chính trên Le Monde, phát hành sớm một ngày. Tất cả các đồng nghiệp khác đều nghỉ lễ Lao động 01/05/2020.
Tầu sân bay Charles de Gaulle đuy nhất của Pháp neo ở cảng Toulon (miền nam) sau khi phát hiện virus corona trên tầu. Ảnh chụp ngày 16/04/2020. Reuters - ERIC GAILLARD
Kinh tế Pháp bị cú "sốc" chưa từng có, GDP sụt 5,8% trong quý I. Kinh tế Đức suy thoái nghiêm trọng, dự báo GDP sẽ giảm 6,3% trong năm 2020, một kỷ lục trong lịch sử Cộng hòa liên bang. Trong khi đó, đại dịch vẫn tiếp diễn với những biến chứng mới được phát hiện : gây viêm cơ tim cho trẻ em.
Trẻ em : Nạn nhân mới của Covid-19
Báo động triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ em. Ngày 27/04, các bệnh viện nhi đồng ở Paris thông báo tin này với Bộ Y tế nghi ngờ có quan hệ nhân quả với siêu vi SARS-CoV-2. Cùng ngày, hệ thống bệnh viện Nhà nước Anh cũng báo động về triệu chứng viêm Kawasaki. Libération nghỉ lễ nhưng kịp bổ sung thông tin mới nhất trên mạng : Bệnh viện công, qua cuộc họp báo chiều nay, xác nhận quan hệ nhân quả giữa Covid-19 và viêm cơ tim.
Từ ngày 15/04 đến nay, sau hai tuần ở Pháp, Bỉ, Anh, Ý, ẩn số đã được giải đáp. Tất cả 21 trẻ em nhập viện ở Paris bị suy tim bất thường đều có dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài suy tim, các bệnh nhân thiếu nhi còn bị viêm mắt, sưng ngón chân, bàn tay, vỡ da... gần giống như triệu chứng mà bác sĩ Nhật Kawasaki mô tả vào năm 1967.
Đại dịch : Lợi dụng thời cơ thực hiện tham vọng bá quyền
Dịch Covid-19 còn là cơ hội để nhiều nước biểu dương lực lượng. Cho dù chương trình tập trận tạm ngưng nhưng quân đội vẫn chứng tỏ đang ứng chiến.
Le Monde điểm qua một loạt hành động phô trương thanh thế trên khắp địa cầu trong tháng Tư vừa kết thúc. Hùng hổ nhất Trung Quốc, sau khi gây sự với tàu Việt Nam và Nhật Bản, một hạm đội Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vào vùng Biển Đông. Để cảnh cáo Trung Quốc, Mỹ đưa 5 pháo đài bay chiến lược đến đảo Guam, nhưng sau đó rút về, làm các nước Châu Á lo âu.
Tại Trung Đông, Iran có một số hành động hù dọa lực lượng Mỹ trong Vịnh Ba Tư trước khi phóng lên không gian một vệ tinh quân sự.
Hải quân Pháp, bị chỉ trích sơ suất để hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tê liệt vì siêu vi, khẳng định là lực lượng nòng cốt bảo vệ quốc gia.
Cũng tại Châu Âu, Liên Minh NATO phải đưa máy bay lên ngăn chận hai chiến đấu cơ Nga hung hăng áp sát hàng không mẫu hạm Mỹ USS Donald Cook ở ngoài khơi Litva. Matxcơva cũng loan báo lần đầu tiên trong lịch sử thả lính dù xuống Bắc Cực từ độ cao 10.000 mét.
Châu Âu coi chừng bị trễ một cuộc chiến
Song song với các hoạt động quân sự, chiến tranh mạng cũng sôi động không kém. Bị tố gây ra đại dịch, Trung Quốc chọn thái độ cứng rắn phản ứng lại mà cụ thể là qua chiến dịch tuyên truyền theo kiểu một chiều, phản dân chủ. Theo Le Monde, Trung Quốc là nước duy nhất lợi dụng đại dịch, biểu dương sức mạnh ở Biển Đông với mưu đồ rõ rệt : tuyên bố thành lập quận huyện trên quần đảo Trường sa và Hoàng sa là một quyết định chính trị, một hành động xâm lược.
Trong khi đó, Châu Âu là nơi bị thiệt hại sinh mạng nặng nhất và với số người lâm bệnh lên đến hàng triệu vì Covid-19. Chuyên gia Bruno Tertrais khuyến cáo coi chừng bị trễ một cuộc chiến : Bởi vì sau khủng hoảng y tế, lần tới sẽ là khủng hoảng quân sự.
Câu hỏi đặt ra là Châu Âu phải làm gì ngay bây giờ ? Trong khi Tây phương lo tìm khẩu trang, thì những cường quốc chiến lược như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ duy trì tầm nhìn xa, thúc đẩy quân bài của họ đi tới phô trương gân bắp. Đã đến lúc các nền dân chủ phải có chiến lược lâu dài, theo khuyến cáo của chuyên gia địa chính trị Bruno Tertrais.
Một thế giới mới hậu đại dịch : Mọi chỉ số đều xấu
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh làm biến đổi môi trường địa chính trị một cách triệt để. Vậy thì, thế giới hậu đại dịch có tốt hơn thế giới hiện nay hay không ? Châu Âu phải làm gì trong thế giới đa cực đang chao đảo vì sự trỗi dậy của Trung Quốc ?
Le Monde nhắc lại là câu hỏi này đã được nêu lên từ hai tháng nay nhưng tìm cách trả lời là chuyện phiêu lưu. Tương lai ai biết ra sao vì ai biết đại dịch kéo dài đến khi nào và làm cách nào để chiến thắng ?
Tuy nhiên, tác giả bài xã luận cho là ngay từ bây giờ đã có thể rút ra một số bài học về tổ chức thế giới. Thứ nhất, trật tự thế giới xây dựng với ảnh hưởng của Mỹ từ sau Thế Chiến thứ hai, không còn thích nghi với tương quan lực lượng trong thế kỷ 21. Trước đại dịch, trật tự này đã lung lay rồi, có người nói nó lung lay từ khi thế giới Cộng sản sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Liên xô tan rã, Trung Quốc vuơn lên làm chao đảo một thế cân bằng dựa trên tương quan lực lượng Mỹ-Liên Xô.
Khủng hoảng y tế cho thấy rõ là sức mạnh của Trung Quốc làm tan vỡ hệ thống trật tự cũ. Thái độ chậm chạp của Tổ chức Y tế Thế giới, trì trệ báo động nguy cơ đại dịch với cộng đồng quốc tế cho thấy bàn tay của Trung Quốc khuynh đảo cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cũng như chính sách can thiệp thường trực vào tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Xung khắc Mỹ-Trung lên đến mức hai bên chỉ lo tố cáo lẫn nhau gieo rắc siêu vi, hơn là tập trung năng lượng để lo sức khỏe cho công dân mình. Bài học khác, là Hoa Kỳ không đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo thế giới của thế kỷ 20. Từ vài năm gần đây, Washington ngày càng do dự.
Còn Châu Âu ? Bị Mỹ bỏ rơi, bị Trung Quốc dòm ngó, bị Nga hục hặc, Châu Âu vẫn tin vào một thế giới đa cực .
Muốn vậy, cần phải xây dựng một thế giới hậu Covid-19. Phải bắt tay vào việc ngay từ bây giờ, tổ chức tái thiết kinh tế chung, trong tinh thần đoàn kết và dứt khoát, Le Monde kết luận.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 01/05/2022
**************
Khủng hoảng lương thực - "quả bom xã hội" thời hậu Covid-19
Thùy Dương, RFI, 01/05/2020
Trong khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có lối thoát và ẩn sau đó là những cuộc chiến địa chính trị, kinh tế, các định chế quốc tế lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói nghiêm trọng trên thế giới, kèm theo đó là những bùng nổ xã hội thời hậu Covid-19.
Ngày 26/04/2020, bộ trưởng Nông Nghiệp Nga - nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì - thông báo sẽ tạm ngưng việc xuất khẩu nhiều loại ngũ cốc. Danil SEMYONOV / AFP
Trong một báo cáo chung với Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình lương thực thế giới (PAM) ước tính số người đói ăn nghiêm trọng trên thế giới từ nay đến cuối năm 2020 có thể lên đến 250 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019 (tăng thêm 130 triệu người). Giám đốc điều hành của PAM, David Beasley, cảnh báo : "Trong khi chúng ta đối đầu với đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đang bên bờ một đại dịch đói".
Cỗ máy cung ứng lương thực thực phẩm của thế giới trục trặc
Hôm 22/04, báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam còn nhận định là so với cuộc khủng hoảng 2008, cuộc khủng hoảng lần này còn khủng khiếp hơn, nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng và bần cùng hóa, với những hậu quả vô cùng đáng ngại về khả năng người dân nhiều nơi phải chịu cảnh khan hiếm lương thực thực phẩm. Khác với năm 2008, lần này thế giới không có vấn đề về năng suất nông nghiệp, chúng ta có đủ lương thực, nhất là ngũ cốc. Rủi ro nằm ở sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Nói cách khác, cỗ máy cung ứng lương thực của thế giới đang bị phá vỡ.
Quả đúng là hiện nay thế giới không gặp vấn đề về trữ lượng lương thực. Đài BFMTV ngày 18/04 cho biết, ông Claude Georgelet, người phụ trách trang mạng Agritechtrade chuyên về nông nghiệp và nguyên liệu nông nghiệp, trích dẫn số liệu của Hội đồng quốc gia Pháp về ngũ cốc, theo đó trữ lượng lúa mì trên toàn thế giới hiện nay là 2,8 tỉ tấn. Thời tiết thuận lợi trong mùa đông này hứa hẹn vụ mùa bội thu, sản lượng lúa mì thu hoạch ước tính lên đến 769 triệu tấn, nhiều hơn 6 triệu tấn so với năm 2019, vốn đã là một năm rất được mùa.
Theo ông Khuất Đông Ngọc, tổng giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, vấn đề trong thời buổi khủng hoảng là làm thế nào để trữ lượng lương thực này đến được bất cứ nơi nào người dân có nhu cầu, nhất là trong bối cảnh nhiều nước hạn chế công tác xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng trước hết nhu cầu trong nước. Nhật báo Pháp La Croix ngày 27/04 lấy làm tiếc là dường như những lời báo động nghiêm túc hồi đầu tháng Tư của hai định chế của Liên Hiệp Quốc về nông nghiệp và thương mại là FAO và WTO, không có mấy tác dụng. Các định chế quốc tế này lưu ý việc các nước ngăn chặn hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm có thể sẽ khiến nạn đói trên hành tinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực tế cho thấy, trong hoàn cảnh bất định như hiện nay, tất cả các nhà sản xuất nông nghiệp lớn đều có kế hoạch để dành một lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa trong năm nay. Thái Lan, Cam Bốt và Indonesia đều tuyên bố cắt giảm xuất khẩu gạo, Ukraina giảm xuất khẩu dầu hướng dương, Kazakhstan giảm xuất khẩu lúa mì. Liên quan đến nước Nga, vốn là một trong những quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới và cũng là nhà xuất khẩu đầu bảng về lúa mì, chính quyền Matxcơva ngày 26/04 thông báo tạm ngưng bán lúa mì ra thị trường thế giới cho đến tháng 07 để ưu tiên thị trường trong nước.
Để giải thích cho quyết định của chính phủ, thủ tướng Nga nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của ngũ cốc đối với thị trường quốc gia Nga. Lập luận của chính quyền Nga đưa ra không phải là không có cơ sở. Vào giữa tháng 3, giá trung bình của lúa mì thành phẩm ở Nga đã tăng lên đến "mức cao nhất trong lịch sử", cao hơn cả giá dầu lửa. Tuy biện pháp này của Matxcơva tạm thời chưa gây mất ổn định cho các thị trường, nhưng có thể để lại những hậu quả nặng nề cho các nước vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập từ Nga.
Lãnh đạo FAO cũng nhấn mạnh việc các chính quyền đóng cửa biên giới và phong tỏa đất nước có thể cản trở hoạt động trồng trọt của nông dân và hoạt động của các nhà sản xuất chế biến thực phẩm. Ngoài ra, cũng phải nói đến việc khủng hoảng y tế đã làm gián đoạn công tác tổ chức hậu cần. Đại dịch và công tác kiểm dịch, cách ly tại các khu cảng làm giảm số lượng phương tiện vận chuyển và nhân viên chuyên chở hàng. Chẳng hạn, theo người phụ trách trang mạng Agritechtrade, ông Claude Georgelet, hiện giờ các tàu chở ngũ cốc phải chờ thêm nửa tháng ở cảng so với bình thường mới có thể được bốc hàng lên tàu, đặc biệt là ở Achentina.
Một mối đe dọa khác, theo lưu ý của đại diện của Agritechtrade : "Giống như các cá nhân mua hàng ở siêu thị để tích trữ, các nước xuất khẩu lớn cũng tích trữ nông phẩm phòng trường hợp đóng cửa biên giới". Trung Quốc, nước sản xuất và nắm giữ một nửa trữ lượng gạo trên hành tinh, mới đây đã nhập khẩu một triệu tấn lúa mì từ Pháp. Theo chuyên gia nông nghiệp và nguyên liệu nông nghiệp của Agritechtrade, điều này là hoàn toàn bất bình thường.
Thái độ nói trên đã được các nhà xuất khẩu lớn áp dụng trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Đối với FAO, những biện pháp này đã được chứng minh là cực kỳ có hại, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và phải nhập khẩu nhiều lương thực.
Châu Phi và Trung Đông trong cơn khốn khó
Theo nhiều chuyên gia, Châu Phi và Trung Đông sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng về lương thực thực phẩm cho dù về mặt y tế, họ không phải là những nạn nhân trực tiếp và nặng nhất của dịch bệnh Covid-19. Ông Gilbert Houngbo, chủ tịch Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp FIDA cho báo Les Echos ngày 23/04 biết : "Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu báo động về một nạn đói ở Châu Phi".
Đương nhiên, những nước có thu nhập thấp, cấu trúc xã hội, y tế và kinh tế mong manh là những nước dễ bị nạn đói tác động nhất. Ngoài ra, còn phải kể đến các nước phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu dầu lửa như Nigeria, Gabon, trong bối cảnh khủng hoảng giá dầu thô ở mức thấp chưa từng có. Giá dầu sụt giảm mạnh đột ngột trong khi giá lúa mì và gạo lại tăng cao. Đối với những quốc gia đang có xung đột hoặc vừa mới thoát khỏi xung đột thì gần như phải gánh "cú đúp" vận rủi trong cuộc khủng hoảng y tế lần này. Đây là trường hợp của nhiều nước Trung Đông. Theo chuyên gia Thierry Pouch của Viện Nông Nghiệp Pháp, được đài BFMTV trích dẫn, các quốc gia ở vùng Sừng Châu Phi vốn đang bị dịch Châu chấu tàn phá, hoặc Yemen đang hứng chịu nội chiến trong nhiều năm qua, đặc biệt bị đe dọa về an ninh lương thực.
Năm 2019, có 10 nước bị nạn đói tác động nghiêm trọng, nhất là Yemen, Venezuela, Congo, Afghanistan hay Nam Soudan, nơi 61% dân số đói ăn. Trang mạng Novethic chuyên về phát triển bền vững trích dẫn kinh tế gia trưởng của PAM, Arif Husai, theo đó cuộc khủng hoảng Covid-19 là một cú đánh vào hàng trăm triệu người khác, những người sẽ không thể mua thức ăn vì không còn thu nhập do tác động của lệnh phong tỏa và suy thoái kinh tế.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 01/05/2020
Kinh tế Mỹ suy giảm mạnh trong quý một (VOA, 29/04/2020)
Kinh tế Hoa Kỳ suy giảm mạnh trong quý một vì virus Corona, chấm dứt thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Thị trường Chứng khoán New York.
Việc suy giảm GDP phản ánh sự sụt giảm hoạt động kinh tế trong hai tuần cuối cùng của tháng Ba, khiến hàng triệu người Mỹ phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Thông tin về GDP trong quý một mà Bộ Thương mại công bố hôm 29/4 củng cố dự đoán của các nhà phân tích rằng nên kinh tế Mỹ đang suy thoái mạnh.
GDP quý một của Mỹ giảm 4,8% vì sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng như mức giảm đầu tư của các doanh nghiệp.
Đây là mức giảm GDP mạnh nhất kể từ quý tư năm 2008.
Các kinh tế gia Mỹ mà Reuters thăm dò ý kiến từng dự báo mức GDP giảm 4,0%.
Bộ Thương mại Mỹ nói rằng cơ quan này không thể định lượng được ảnh hưởng toàn diện của dịch bệnh, nhưng nói rằng virus Corona góp phần nào đó vào việc suy giảm GDP trong quý một.
Theo Reuters
**********************
Covid-19- Mỹ : Số tử vong vượt quá số lính chết trong Chiến tranh Việt Nam (RFI, 29/04/2020)
Theo thống kê của trường Đại Học Mỹ Johns Hopskins, tính đến sáng nay, số người chết vì Covid-19 ở Hoa Kỳ đã vượt mức 58.000 người, chính xác là 58.355 người. Còn số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng ở mức trên một triệu người, cụ thể là 1.012.583 trường hợp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 28/04/2020. MANDEL NGAN / AFP
Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ sau hai tháng dịch bệnh, tính từ ngày 29/02 là ngày ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở bang Washington, đã vượt quá số lính Mỹ bị chết và mất tích trong 20 năm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1955-1975), được ghi nhận là 58.220 người theo số liệu chính thức của Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ.
Các ca nhiễm Covid-19 ở Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi sau 18 ngày và chiếm một phần ba tổng số ca nhiễm bệnh do virus corona chủng mới gây ra trên toàn thế giới, tuy nhiên số trường hợp nhiễm bệnh trên thực tế được cho là cao hơn, do nhiều người mang virus nhưng không được xét nghiệm.
Khoảng 30% các trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ xảy ra ở bang New York, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Hoa Kỳ, tiếp theo là New Jersey, Massachusetts, California và Pennsylvania.
Nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, sau 10 năm tăng trưởng không ngừng, Hoa Kỳ sẽ bị một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử vào năm 2020. Các số liệu về dự báo GDP quý I và các ước tính của Ngân Hàng Trung Ương vào hôm nay cho thấy quy mô của suy thoái.
Giới phân tích dự đoán GDP Mỹ sẽ giảm 4,3% trong quý 1 năm nay, trong lúc cơ quan ngân sách của Quốc hội (CBO) thì ít bi quan hơn, khi cho rằng mức giảm chỉ là 0,9% trong ba tháng đầu năm.
Giá thịt heo tuột dốc, các trại chăn nuôi phải triệt hạ đàn gia súc
Trước mắt, dịch bệnh đã tác hại nặng nề đến ngành chăn nuôi Mỹ, đặc biệt là ngành nuôi heo. Tổng thống Mỹ vào hôm qua 28/04 phải ra lệnh mở lại các xưởng chế biến thị. Ông Donald Trump muốn dựa theo đạo luật về sản xuất quốc phòng Defense Protection Act, để buộc các công nhân làm việc trở lại. Chính quyền sẽ phải cung cấp thiết bị bảo hộ. Nhiều nhà máy bị đóng cửa, sau khi công nhân bị nhiễm virus và các nhà chăn nuôi đã phải chịu lỗ và triệt hạ đàn gia súc của mình.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington cho biết thêm chi tiết :
Thông báo của ông Donald Trump đã thật sự giúp giới chăn nuôi thở phào. Ít ra đã có 22 nhà máy chế biến thịt phải đóng cửa tại hơn một chục tiểu bang, khiến ngành sản xuất thịt heo giảm đi 25%, các chủ nông trại không bán được hàng, một số đã phải giết đàn heo của mình.
Greg Broemer, một thành viên hiệp hội các nhà sản xuất thịt heo ở bang Minnesota, cho biết : "Một người hàng xóm của tôi đã phải giết đi mấy ngàn con heo. Có lẽ ông đã mất trắng 500 ngàn đô la, nhưng theo ông, nỗi đau lớn nhất là trên mặt cảm xúc. Không thể giữ được đàn heo, vì các con vật tiếp tục béo lên và khi nhà máy mở cửa lại thì họ sẽ không nhận các con quá to béo này. Hơn nữa thì heo con lại được sinh ra mỗi ngày trong lúc các con khác thì lớn lên. Nếu không bán đi được thì sẽ thiếu chỗ…".
Sắc lệnh của tổng thống Trump sẽ tránh cho các công ty không bị truy tố trong trường hợp công nhân bị nhiễm virus. Về phần mình, chính quyền có trách nhiệm cung cấp thiết bị bảo hộ.
Các xưởng chế biến thịt đã phải đóng cửa sau một đợt nhiễm virus khá nghiêm trọng. Theo công đoàn ngành thực phẩm, 6.500 công nhân các xưởng này đã nhiễm virus corona và 20 người đã thiệt mạng.
Trọng Nghĩa
Chấm dứt phong tỏa : "Gáo nước lạnh" từ chính phủ Pháp
Báo chí Pháp hôm nay đa phần dành trang nhất và các hồ sơ lớn cho kế hoạch chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 mà thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày trước Hạ Viện chiều hôm qua 28/04/2020. Một nhận định chung là chính phủ Pháp "rất thận trọng" vì sợ dịch bệnh tái phát.
Chiều ngày 28/04/2020, thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày trước Quốc hội về kế hoạch hậu phong tỏa 11/05. Reuters - POOL
Báo La Croix chạy tựa trang nhất : "Nỗi ám ảnh về việc tái phong tỏa". Báo kinh tế Les Echos để lửng câu viết "Ngưng phong tỏa nếu như …", ý nói đến việc các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa đều kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt. Báo Libération vốn thường sử dụng hình ảnh đầy ẩn ý với lối chơi chữ trên trang nhất thì đăng hình hai ô đèn hiệu giao thông xanh và đỏ đặt cạnh nhau. Hình người đứng yên màu đỏ được chú thích bằng từ "Tiu nghỉu" và hình người đang bước đi màu xanh lá cây là dấu hiệu "Đã thoát khỏi lệnh phong tỏa". Theo tờ báo thiên tả, biện pháp chấm dứt phong tỏa chỉ mang tính bán phần và có nguy cơ gây chia rẽ nước Pháp.
Khi thông báo 11/05/2020 là ngày chấm dứt phong tỏa, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạo ra niềm hy vọng cho người dân. Thế nhưng, bài phát biểu của thủ tướng Edouard Philippe trước Hạ Viện cho thấy một thực tế là trong giai đoạn ngưng phong tỏa, các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì. Le Figaro nói một cách hình ảnh là thủ tướng đã dội "một gáo nước lạnh" vào dân Pháp.
Tờ báo thiên hữu ví chiến lược của chính phủ như "trò chơi ghép hình puzzle", theo đó nền kinh tế vắng bóng, đời sống giáo dục, thương mại và xã hội chỉ được khởi động lại từng chút một như từng miếng hình puzzle được ghép lại dần, với những điều kiện nghiêm ngặt. Tùy theo mức độ lây nhiễm, các tỉnh được phân loại theo các màu từ đỏ đến xanh lá cây, trên cơ sở đó chính quyền điều chỉnh quyền tự do, nhất là quyền di chuyển của người dân các nơi. Theo Le Figaro, mọi chuyện sẽ không đơn giản chút nào. Rõ ràng virus corona đã khiến nguyên tắc bình đẳng, vốn rất gắn bó với người Pháp, bị đảo lộn.
Không ai có thể phủ nhận việc điều hành đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Mọi chuyện thay đổi từng ngày. Vì thế, thủ tướng Edouard Philippe buộc phải "chơi trò thăng bằng" : "Hơi vô lo quá thì dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Còn thận trọng hơi quá một chút là cả nước sẽ bị nhấn chìm". Tuy nhiên, tờ báo thiên hữu vẫn nhấn mạnh nước Pháp đang phải trả giá vì sự chậm trễ, thiếu thống nhất và bất cẩn khi virus mới xuất hiện. Những sai lầm của ngày hôm qua báo hiệu ngày mai sẽ xảy ra thảm họa kinh tế.
Tinh thần phòng ngừa
Đối với báo công giáo La Croix, nét chính khái quát kế hoạch hậu 11/05 của thủ tướng Pháp Edouard Philippe là "Tinh thần phòng ngừa". Những biện pháp mà thủ tướng giới thiệu trước Hạ Viện chiều hôm qua mang tính hạn chế chặt chẽ hơn rất nhiều so với những gì công chúng có thể hình dung, nhất là việc cấm các hoạt động tụ tập trên 10 người.
La Croix nhấn mạnh cho dù một số biện pháp giảm phong tỏa được triển khai, nhưng chỉ là nhằm tránh để "đất nước bị nhấn chìm". Trên thực tế, các trường học và lĩnh vực kinh tế vẫn còn bị phong tỏa : các trường học chỉ được mở cửa trở lại một cách thận trọng, các doanh nghiệp được đề nghị tiếp tục để nhân viên làm việc từ xa và bố trí để những người đến công sở làm việc lệch giờ nhau, tránh tình trạng có quá đông người trong các phương tiện giao thông công cộng. Các cửa hàng phải tôn trọng các quy định chặt chẽ khi đón tiếp khách hàng. Các trung tâm thương mại vẫn phải đóng cửa.
Còn các lĩnh vực khác của đời sống xã hội vẫn bị giới hạn. Người dân không được di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Người cao tuổi được khuyến cáo hạn chế chuyện đi ra ngoài và các chuyến thăm nom. Các quán cà phê, nhà hàng, rạp phim, nhà hát chưa được mở cửa trở lại. Các hoạt động thể thao tập thể vẫn bị cấm. Trong bối cảnh đó, theo báo công giáo La Croix, việc chính phủ chưa muốn các buổi cầu nguyện tôn giáo được khôi phục lại ngay cũng không phải một điều đáng ngạc nhiên.
Một cách khách quan, La Croix kết luận, ưu tiên hàng đầu của chính phủ vẫn là tránh nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát để rồi lại phải phong tỏa đất nước một lần nữa. Nếu điều này xảy ra, thiệt hại từ cuộc khủng hoảng sẽ càng thêm nghiêm trọng và người dân sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn nữa để có thể quay trở lại cuộc sống tự do.
Covid-19 : Hy Lạp - Tấm gương cho các nước Châu Âu
Suốt một thời gian dài bị chỉ trích không quản lý tốt ngân sách, Hy Lạp không còn khiến Liên Âu đau đầu. Trái lại, Hy Lạp còn được coi là tấm gương điển hình cho các nước Liên Âu trong cuộc chiến chống Covid-19, cho dù ở Hy Lạp có nhiều yếu tố có nguy cơ đẩy đất nước vào thảm kịch : Dân số già tương tự như nước Ý và 10 năm khủng hoảng kinh tế 2008-2018 đã khiến nước này mất tới 25% GDP. Việc cắt giảm chi tiêu mà các chủ nợ công như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Liên Hiệp Châu Âu và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu áp đặt cho Athens đã đẩy các bệnh viện công vào tình trạng bấp bênh, thiếu cả trang thiết bị và nhân viên chăm sóc y tế, 2.000 giường bệnh bị cắt giảm và 11 bệnh viện phải đóng cửa.
Thế nhưng, Hy Lạp đã tạo nên một điều bất ngờ : Với dân số 10,5 triệu người, cho đến nay Hy Lạp chỉ có dưới 140 ca tử vong. Le Figaro đặt câu hỏi : Làm thế nào mà Hy Lạp, đất nước vốn bị coi là "cừu đen" (bị Liên Hiệp Châu Âu ghét bỏ) lại trở thành một "học sinh giỏi" trong khối ? Câu trả lời : Tính kỷ luật và ý thức công dân đã được phát huy. Người Hy Lạp, nhận thức được tình trạng y tế, đã tuân thủ các quy định phong tỏa từ rất sớm. Biên giới, trường học, cửa hàng, tất cả đều nhanh chóng đóng cửa.
Theo các cuộc khảo sát gần đây, lần đầu tiên người ta thấy những người được hỏi không tỏ ra lo lắng về tương lai và họ đánh giá là đất nước đã có được hình ảnh đẹp trong mắt quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp vẫn cảnh giác và tin rằng những khó khăn chỉ mới bắt đầu và tất cả những nỗ lực nhằm khống chế dịch bệnh đều có một cái giá. Bộ Tài Chính Hy Lạp dự báo cuộc chiến chống Covid-19 sẽ tiêu tốn 10-15% GDP. Bóng ma của cuộc khủng hoảng vẫn còn lảng vảng đâu đó.
''Những mối liên kết nguy hiểm'' giữa Tổ chức Y Tế Thế Giới và Trung Quốc
Báo Le Monde phát hành từ đầu giờ chiều hôm qua, trước khi thủ tướng Pháp công bố kế hoạch hậu phong tỏa 11/05, nên nội dung của báo Le Monde dàn trải trên nhiều vấn đề dù vẫn xoay quanh đại dịch Covid-19.
Về thời sự nước Pháp, Le Monde quan tâm đến mức tăng kỷ lục của tỉ lệ thất nghiệp, trong khi ứng dụng định vị tracking StopCovid vẫn đang gây nhiều tranh cãi vì liên quan đến các quyền tự do cá nhân, còn hiệu trưởng các trường học đang chịu nhiều áp lực để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và bảo đảm an toàn cho cả học sinh, giáo viên và đội ngũ nhân viên.
Nhìn ra Châu Âu, Le Monde nói tới nhịp độ mở cửa trường học dàn trải ở các nước. Còn về Châu Á, Le Monde cho biết tại Nhật Bản, người dân thủ đô Tokyo và các thành phố lớn từng bước tự nguyện phong tỏa. Liên quan đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, Le Monde có bài nói về "Các ngân hàng trung ương, thành trì cuối cùng của nền kinh tế thế giới" và đặc biệt lưu ý đến vấn đề nợ công : Đối phó với cú sốc dịch bệnh Covid-19, chính quyền các nước buộc phải chi rất nhiều tiền và những khoản chi này sẽ để lại hệ quả đối với chính sách về lâu dài của các quốc gia.
Tuy nhiên, hồ sơ lớn của Le Monde liên quan đến "Tổ chức Y Tế Thế Giới - Trung Quốc : những mối liên kết nguy hiểm". Về các điểm yếu, vết nạn nứt trong nội bộ các định chế quốc tế lớn do đại dịch Covid-19, Le Monde dành số đầu, với hai trang báo, của chuỗi bài điều tra (3 số báo) cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Các phóng viên của Le Monde tập trung vào diễn biến giai đoạn từ ngày 31/12/2019, mốc thời gian Trung Quốc báo tin cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới là có một nhóm người mắc chứng viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán, khi đó WHO vẫn chưa biết họ sắp phải đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được thành lập vào năm 1948. Đây là cuộc khủng hoảng không chỉ về y tế, mà cả về kinh tế, địa chiến lược và vượt quá khả năng quản lý của định chế y tế của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng liệu có đúng Trung Quốc là nước đầu tiên báo động WHO về dịch bệnh hay không ? Le Monde không tin vào khả năng này, bởi vì vào tối 30/12, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan đã biết tình hình ở Vũ Hán và đến trưa thì Đài Loan yêu cầu Trung Quốc giải thích, cùng lúc thông báo tin tức cho WHO. Cho đến nay, Tổ Chức Y Tế thế Giới vẫn không công bố thời điểm nhận được 2 email thông báo, từ cơ quan y tế Đài Loan và Trung Quốc trong cùng ngày 31/12, nên theo Le Monde, nhiều khả năng chính Đài Bắc đã báo động.
Le Monde lần ngược lại dòng thời gian, tường thuật cặn kẽ từng sự kiện, từng quyết định, hành động của WHO có liên quan đến Trung Quốc và tổng kết hàng loạt chứng cớ cho thấy WHO ngả về Bắc Kinh, làm theo những gì Trung Quốc muốn, tuyên truyền cho Trung Quốc, chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định khiến thế giới mất quá nhiều thời gian quý báu để chống dịch lây lan. Chẳng hạn, theo nhiều nguồn tin ngoại giao của Le Monde, Bắc Kinh đã gây nhiều sức ép để Ủy ban khẩn cấp của WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trên toàn cầu vào hồi cuối tháng Giêng.
Về việc đặt tên cho dịch bệnh, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng lấy tên "Covid-19", theo tổng giám đốc WHO, tên gọi này không liên quan đến một địa danh, loài vật hay nhóm dân đặc biệt nào, cho dù Ủy ban quốc tế về phân loại virus, cơ quan chịu trách nhiệm đặt tên các loại virus, đã chọn tên "SARS-CoV-2" để gọi chủng virus corona mới lần này. Tuy nhiên, Trung Quốc không thích tên gọi này vì nó gợi nhớ đến dịch bệnh SARS xuất phát từ Trung Quốc hồi năm 2003.
Tất cả những điều Le Monde nêu lên đều củng cố giả thuyết WHO chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso thậm chí còn gợi ý gọi định chế y tế của Liên Hiệp Quốc là "tổ chức Y Tế của Trung Quốc". Le Monde còn nhận định "WHO đang ở tâm điểm các trò chơi ảnh hưởng". Chính Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tạo cơ hội cho Trung Quốc chơi trò "cứu thế giới". Tuy nhiên, một cách khách quan, Le Monde cũng nhấn mạnh Trung Quốc không phải nước duy nhất gây chơi trò ảnh hưởng với WHO khi xảy ra khủng hoảng y tế. Mỹ cũng từng làm chuyện tương tự với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng do cơn bão Katrina.
Thùy Dương
Mỹ và Trung Quốc đang sử dụng quân đội của họ để phát đi tín hiệu rằng trong đại dịch Covid-19, sẽ không bên nào lơ là cảnh giác ở Đài Loan và Biển Đông.
Hải quân Hoa Kỳ phối hợp vận chuyển các thủy thủ được giao cho tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) đã thử nghiệm âm tính với COVID-19 tại đảo Guam. Ngày 4 tháng 4 năm 2020. (Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ bởi Chuyên gia Truyền thông Đại chúng Matthew R. White).
Ngay sau khi Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức thăm Mỹ vào đầu tháng 2/2020, máy bay quân sự Trung Quốc đã bay qua đường phân giới ở eo biển Đài Loan xâm nhập không phận Đài Loan trong hai ngày liên tiếp. Những cuộc xâm nhập này có sự tham gia của máy bay ném bom H-6, máy bay chiến đấu J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của Trung Quốc. Đài Loan đã phản ứng bằng cách triển khai máy bay chiến đấu F-16 bám sát và đuổi máy bay của Trung Quốc ra khỏi không phận Đài Loan. Ngày 19/3, cả hai tàu khu trục USS Barry (DDG 52) và USS Shiloh (CG 67) cùng phóng tên lửa SM-2 trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Philippines. Một số nhà phân tích quân sự của Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận này là một lời cảnh báo bất thường đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Sau đó, ngày 25/3, tàu khu trục USS McCampbell (DDG 25) đã đi qua eo biển Đài Loan – đây là lần thứ ba một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển này trong năm 2020. Phản ứng trước vụ việc này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về quyền tự do hàng hải".
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, sau khi tàu USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan, hòn đảo này đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm ngăn chặn một cuộc xâm nhập trên không toàn lực của Trung Quốc. Ngày 24/3, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói thêm rằng các lực lượng vũ trang của Đài Loan đang cảnh giác hơn bao giờ hết. Mặc dù từng hành động quân sự đơn lẻ của Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan là không đáng chú ý, nhưng khi cùng diễn ra, chúng phát đi tín hiệu mà một nhà phân tích gọi là "trạng thái chứng tỏ dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến tinh thần sẵn sàng chiến đấu".
Ngoài Đài Loan, các nhà phân tích an ninh cho rằng Trung Quốc có thể đang nắm bắt lợi thế từ Covid-19 ở Biển Đông. Có tin Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển ở cả các cơ sở nghiên cứu mới lẫn hoạt động khai thác tài nguyên tại Biển Đông kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Ngày 20/3, truyền thông Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đã khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới trên các cấu trúc địa hình mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc sẽ điều hành 2 cơ sở này trên đá Chữ Thập và đá Subi để thực hiện các hoạt động nghiên cứu thực địa về "sinh thái vùng biển sâu, địa chất, môi trường, khoa học vật liệu và năng lượng biển".
Tờ International Business Times nhấn mạnh rằng những hoạt động được cho là vì mục đích khoa học dân sự của Trung Quốc diễn ra khi phần còn lại của thế giới đang bị phân tâm bởi Covid-19. Sau đó, ngày 26/3, Bộ Tài nguyên Trung Quốc tuyên bố rằng lượng khí đốt tự nhiên mà họ khai thác và sản xuất được trong một ngày ở Biển Đông đã đạt mức cao kỷ lục. Quá trình sản xuất diễn ra từ ngày 17/2 đến ngày 18/3, khi Covid-19 bắt đầu lan nhanh trên toàn thế giới.
Xung quanh Biển Đông, hai nước Đông Nam Á đối địch cùng tuyên bố chủ quyền là Malaysia và Philippines đang dồn sức vào việc thực thi các biện pháp cách ly bắt buộc. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải tự cách ly để phòng dịch, và gần đây, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines cũng mới bình phục sau khi bị xét nghiệm dương tính với Covid-19. Việt Nam và Indonesia cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế virus này lây lan.
Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông dường như không quá nhộn nhịp. Một số bài viết suy đoán rằng một nền kinh tế đang giảm tốc và quân đội bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể buộc Trung Quốc phải giảm bớt những tham vọng trên biển của họ ở Biển Đông.
Bất chấp những khó khăn này, Bắc Kinh vẫn đang tìm cách phô trương hình ảnh về sức mạnh của quân đội. Truyền thông Trung Quốc đưa tin các tàu nổi, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Hải quân PLA đã thực hiện các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông hồi cuối tháng 3. Ngày 24/3, tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng tàu sân bay CNS Liêu Ninh (CV 16) của Trung Quốc đang tiến hành tập trận với máy bay chiến đấu giữa dịch Covid-19. Tờ báo này cho biết thêm rằng hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu sẽ không dừng lại ngay giữa đợt dịch Covid-19.
Tuy nhiên, có lý do để nghi ngờ cách Bắc Kinh tuyên truyền về tinh thần sẵn sàng của họ. Bài viết của Thời báo Hoàn Cầu đăng kèm một bức ảnh từ tháng 4/2018 và nói rằng các cuộc tập trận này diễn ra hồi đầu mùa Xuân ở eo biển Bột Hải, mà một vài tờ báo đã hiểu nhầm và đưa tin sai rằng nó được tiến hành ở Biển Đông. Tàu sân bay neo đậu ở cảng Thanh Đảo, phía Đông Bắc Trung Quốc, thuộc biển Bột Hải, cách Biển Đông gần 1.500 hải lý. Bài viết hôm 24/3 của Thời báo Hoàn Cầu cũng đưa tin không có ca mắc Covid-19 nào trên tàu sân bay mới CNS Sơn Đông (CV 17) đóng ở Biển Đông trong ngày 17/2. PLA khẳng định không một ai trong lực lượng quân đội quy mô 2 triệu người của họ mắc Covid-19, một điều thật khó tin giống như số lượng người dân thường mắc Covid-19 được công bố thấp hơn thực tế. Do đó, vẫn chưa thể đánh giá tác động thực sự của Covid-19 đối với hai tàu sân bay của Trung Quốc và Hải quân PLA.
Trái lại, Covid-19 đã có tác động đáng kể và công khai đến ít nhất một trong các tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ngày 31/3, tờ San Francisco Chronicle đã đăng bức thư của thuyền trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) Brett Crozier gửi cho giới lãnh đạo quân đội đề nghị tăng thêm hỗ trợ để kiểm soát sự bùng phát của Covid-19 trong đoàn thủy thủ hơn 4.800 người của tàu này. Ông Crozier đã so sánh tình hình trên tàu của mình với tình trạng bùng phát Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess và viết : "Chúng ta không tham chiến, các thủy thủ không cần phải hy sinh. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ không thể bảo vệ tài sản đáng tin cậy nhất của mình đó là các thủy thủ". Trước khi dịch bệnh bùng phát, nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đang thực hiện các hoạt động chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 1/4, Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly phát biểu : "Thực tế rằng việc thuyền trưởng Crozier gửi bức thư đó cho cấp trên để bày tỏ những quan ngại của ông chắc chắn sẽ không dẫn đến bất kỳ kiểu trả đũa nào". Tuy nhiên, ngày 2/4, Quyền Bộ trưởng Modly đã sa thải Crozier vì thái độ hoảng loạn khi phải chịu sức ép và chặn trước không để Tổng thống Trump "can thiệp với lý do Hải quân không quyết đoán". Sau đó, trong một bài phát biểu trước các thủy thủ của tàu sân bay này vào ngày 6/4, mà cũng nhanh chóng xuất hiện trên truyền thông, Quyền Bộ trưởng phát biểu rằng thuyền trưởng Crozier quá ngây thơ hoặc quá ngu ngốc đến mức không thể giữ vị trí chỉ huy nếu ông ấy tin rằng bức thư của mình sẽ không bị rò rỉ. Hiện vẫn chưa rõ ai tiết lộ bức thư của Thuyền trưởng Crozier, Tổng thống Donald Trump nói ông ủng hộ quyết định sa thải thuyền trưởng Crozier, tuyên bố rằng : "Tôi đoán thuyền trưởng đã cho tàu dừng ở Việt Nam và các thủy thủ đã xuống tàu ở Việt Nam. Có lẽ ông ấy không nên làm vậy khi đang có dịch bệnh hoặc điều gì trông có vẻ như vậy". Sau đó, ngày 7/4, Modly đã từ chức vì những phát biểu của ông với đoàn thủy thủ tàu Theodore Roosevelt và cách xử lý kém cỏi khi ứng phó với dịch Covid-19.
Ngày 5/3, tàu Theodore Roosevelt đã thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam trong 5 ngày. Đây là một chuyến thăm cảng có ý nghĩa quan trọng về ngoại giao, trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Nó cũng phục vụ cho một mục đích chiến lược, nhấn mạnh sự hiện diện liên tục của Hải quân Mỹ ở Biển Đông vào thời điểm quan hệ của họ với quân đội Philippines có xung đột. Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Michael Gilday nói rằng ở Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính Covid-19 khi tàu Theodore Roosevelt cập cảng, và Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Đô đốc Philip Davidson đã đưa ra một quyết định dù biết rõ là có rủi ro là cho phép chuyến thăm cảng này. Vào thời điểm đó, tất cả các ca mắc Covid-19 của Việt Nam đều ở Hà Nội, không có ca nào được báo cáo ở Đà Nẵng. Ngày 9/3, khi tàu Theodore Roosevelt hoàn thành chuyến thăm cảng Việt Nam, thì Tổng thống Trump vẫn đổ lỗi cho truyền thông tin giả và đảng Dân chủ về việc tìm cách kích động tình hình Covid-19.
15 ngày sau khi rời khỏi Đà Nẵng, 3 thủy thủ trên tàu Theodore Roosevelt đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong các hoạt động thường xuyên, các thủy thủ được điều đến điều đi tàu sân bay, do vậy không rõ virus đã lan lên tàu từ Việt Nam, trong quá trình tiếp tế hay quá trình vận chuyển quân bằng máy bay - một khả năng mà cựu quyền Bộ trưởng Modly đã nêu ra.
Tính đến ngày 7/4, đã có 230 thủy thủ tàu Theodore Roosevelt có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong số đó chưa có thủy thủ nào cần nhập viện. Thuyền trưởng Crozier cũng có kết quả dương tính, nhưng không phải từ trước khi hàng nghìn thủy thủ tàu Theodore Roosevelt reo hò tên ông khi ông rời tàu lần cuối cùng. Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) neo đậu ở cảng Yokosuka, Nhật Bản, cũng đã có ít nhất 2 thủy thủ dương tính với SARS-CoV-2.
Việc cách chức Thuyền trưởng Crozier đã làm dấy lên một vài quan ngại đối với các hoạt động của Hải quân Mỹ. Một trong số đó là việc các sĩ quan chỉ huy sẽ dè dặt hơn khi nêu ra các vấn đề mang tính hệ thống trong tương lai do văn hóa "bắn người đưa tin" - điều đã góp phần vào những thiếu sót về đào tạo và chuẩn bị, vốn là nguyên nhân gây ra vụ va chạm đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu USS Fitzgerald (DDG 62) và USS John S. McCain (DDG 56) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2017. Phó đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu William Douglas Crowder, từng là Tư lệnh Hạm đội số 7 kiêm Phó Tham mưu trưởng hải quân, cho biết ông lo ngại về tín hiệu mà tàu sân bay gặp nạn đã gửi tới Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Chia sẻ với tờ New York Times, ông nói : "Họ đã tính toán sai về khả năng phản ứng của chúng ta". Quan ngại này dường như hoàn toàn có cơ sở, khi vào ngày 3/4, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng "sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm suy giảm đáng kể khả năng triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã bày tỏ phản đối việc cách chức Thuyền trưởng Crozier thông qua tờ Thời báo Hoàn cầu. Trong bài viết ngày 3/4, Tổng biên tập tờ báo này Hồ Tích Tiến đã viết : "Theo quan điểm của chúng tôi, Crozier còn sáng suốt hơn các quan chức Lầu Năm Góc". Đảng cộng sản Trung Quốc rõ ràng muốn Hải quân Mỹ tuân thủ khuyến cáo "ở nhà chống dịch". Ông Hồ Tích Tiến cũng so sánh Thuyền trưởng Crozier với "liệt sĩ" bác sĩ Lý Văn Lượng - người đã cảnh báo về sự lan truyền của virus corona chủng mới ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, sau đó đã qua đời vì Covid-19 ; Đảng cộng sản Trung Quốc đã trao tặng danh hiệu liệt sĩ cao quý nhất cho bác sĩ Lý Văn Lượng. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã và đang tiến hành chiến dịch tuyên truyền phối hợp nhằm định hình lại câu chuyện về Covid-19 và nguồn gốc Vũ Hán của đại dịch này, cùng với đó là hành vi cố tình bỏ sót số lượng lớn các ca bệnh và tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc khi khai báo số liệu.
Trong thời kỳ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và ở nhà chống dịch, các đội tàu hải quân trên toàn thế giới đang bị giới hạn trong không gian hẹp và phải xa nhà. Các nhà hoạch định chính sách và chỉ huy quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ phải quyết định xem liệu những lợi ích chiến lược của các hoạt động hải quân có xứng đáng với nguy cơ Covid-19 lây lan nhanh chóng giữa các thuyền viên hay không. Như người ta thường nói, "con tàu neo đậu ở cảng thì an toàn, nhưng đó không phải là nhiệm vụ của một con tàu".
Thông tin về các vụ va chạm trên biển khác
Ngày 30/3, một tàu khu trục của Nhật Bản đã va chạm với một tàu cá Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Vụ va chạm đã để lại một lỗ hổng dài hơn 90 cm, rộng 15 cm ở mạn trái tàu JS Shimakaze (DDG 172). Tàu này vẫn tiếp tục hoạt động và không có thương tích xảy ra trên tàu. Một trong số 13 thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc cho biết đã bị đau lưng nhẹ sau vụ việc. Vụ va chạm xảy ra trong khu vực giữa Thượng Hải và đảo Yakushima của Nhật Bản - nằm rất xa về phía Bắc so với các đảo bị tranh chấp (mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.
Ngày 2/4, có tin một tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã bắt giữ và sau đó đã trả tự do cho 8 ngư dân Việt Nam trên con tàu bị chìm. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong vụ việc, Cảnh sát biển Trung Quốc bị cáo buộc đã bắt giữ và kéo ít nhất 2 tàu cá khác của Việt Nam tới đảo Phú Lâm hiện do Trung Quốc kiểm soát. Chính phủ Việt Nam đã chính thức trao công hàm phản đối với Chính phủ Trung Quốc sau vụ việc, nhưng Cảnh sát biển Trung Quốc trả lời rằng các tàu của Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, một tàu Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc, kêu gọi Trung Quốc ủng hộ "các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch toàn cầu, và ngừng lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình ở Biển Đông". Tờ New York Times cho biết lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang tăng cường bảo vệ các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Tin tức về Hải quân Mỹ
Bốn năm kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, tàu USS Zumwalt (DDG 1000) đang được tiếp nhận hệ thống tác chiến nhằm đưa tàu này tiến một bước gần hơn tới mục tiêu trở thành tàu khu trục tàng hình có đủ khả năng hoạt động đầu tiên của Hải quân Mỹ. Các khoản chi vượt mức và việc cải biến tàu đã gây khó khăn cho chương trình DDG-1000 của Hải quân Mỹ trong vài năm trở lại đây. Vốn dự kiến được trang bị súng điện từ tối tân để tăng cường hỏa lực của hải quân, Zumwalt giờ đây được thiết kế là tàu chống hạm, với hệ thống tác chiến được tích hợp tên lửa Tomahawk tấn công trên biển và SM-6. Việc mua sắm và triển khai tên lửa chống hạm là ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo Hải quân Mỹ nhằm đối phó và ngăn chặn hạm đội tàu chiến của Hải quân PLA Trung Quốc đang ngày càng phát triển.
Phân tích
Trong bài viết trên trang mạng War on the Rocks, Giáo sư James Kraska thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng về mặt pháp lý, Chính phủ Trung Quốc có thể phải bồi thường hàng nghìn tỷ USD thiệt hại trong dịch Covid-19. Kraska viện dẫn việc truyền thông nhà nước Trung Quốc che giấu thông tin về virus SARS-CoV-2, việc chính quyền Vũ Hán bác bỏ khả năng virus lây từ người sang người và việc Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu và khả năng tiếp cận Tổ chức Y tế thế giới là những bằng chứng tạo thành "sự vi phạm nghĩa vụ pháp lý của Trung Quốc đối với các nước khác theo luật pháp quốc tế, và vì lẽ đó các nước chịu thiệt hại - hiện vào khoảng 150 quốc gia - có thể tìm kiếm biện pháp pháp lý". Các biện pháp đối phó của các quốc gia khác có thể bao gồm việc phổ biến thông tin bên trong Trung Quốc về các chủ đề như ý kiến của truyền thông Đài Loan hoặc các tin tức về sự hiếu chiến của Trung Quốc đối với các quốc gia khu vực ở biển Hoa Đông và Biển Đông - những hành động thường cấu thành sự vi phạm chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế.
Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian và Brandon Schwartz biện luận trên tạp chí Proceedings rằng Mỹ cần cấp giấy phép chặn bắt cho các tàu tư nhân nhằm tạo ra "lợi thế lớn trong thời chiến và tăng cường sự răn đe trong thời bình" chống lại Trung Quốc. Họ chỉ ra rằng các giấy phép chặn bắt này là hợp pháp theo Điều I, Mục 8 của Hiến pháp Mỹ cũng như theo luật pháp quốc tế thông thường. Do giới hạn về ngân sách quốc phòng của Mỹ và đội tàu buôn rất lớn của Trung Quốc, giấy phép chặn bắt có thể cho phép Hải quân Mỹ tập trung vào Hải quân PLA trong khi các tàu tư nhân tập trung vào đội tàu gồm hơn 4.600 tàu buôn và tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Các tác giả đề xuất rằng các tàu tư nhân sẽ phục vụ trong phạm vi tương tự như các tàu tư nhân Mỹ nhằm vào quân Anh trong chiến tranh năm 1812 và 20.000 nhà thầu quân sự tư nhân được trang bị vũ khí từng hoạt động trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Iraq.
Sean Quirk
Sean Quirk, cử nhân Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia, từng là sĩ quan tác chiến mặt biển trong Hải quân Hoa Kỳ. Bài viết được đăng trên Lawfare
Pháp - Covid-19 : Dỡ bỏ phong tỏa, chuyện không đơn giản
Ngày 28/04/2020, trước Quốc hội thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch chi tiết dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở nước Pháp. Nội dung của kế hoạch được dư luận Pháp mong đợi không kém gì thời điểm ngày 11/05. Vì thế các báo trong ngày đều tập trung vào sự kiện này cũng như về cuộc khủng hoảng y tế của Pháp.
Thủ tướng Pháp, Edouard Philippe phải trình bày cụ thể về kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống Covid-19. Reuters- POOL
Nếu như người dân Pháp đang mong chờ từng ngày được ra khỏi phong tỏa, lệnh do tổng thống Emmanuel Macron ban bố từ ngày 17/03 thì chính phủ Pháp đang đau đầu và bị sức ép rất lớn làm sao giải tỏa được cuộc sống cho người dân khi nguy cơ bệnh dịch vẫn còn đó. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Dỡ bỏ phong tỏa, một kế hoạch dưới sức ép lớn", tương tự Le Figaro nhận định : "Philippe, dưới sức ép tối đa để dỡ bỏ phong tỏa".
Chính phủ cho biết kế hoạch sẽ được chia thành 6 mảng chính : y tế (gồm các vấn đề khẩu trang, xét nghiệm, cách ly…), trường học, việc làm, thương mại, giao thông và các cuộc tụ tập. Với mỗi chủ đề như vậy, thủ tướng Pháp phải trình bày cụ thể đâu là cơ sở để hành pháp cho phép trở lại các hoạt động mà vẫn tránh được dịch bệnh tái phát.
Mục đích nội dung như vậy, nhưng chính phủ đã phải làm việc rất nhiều để có được kế hoạch thực hiện. Theo Le Figaro, chính phủ đã phải thảo luận với nhau rất căng thẳng. Cho đến tận sáng ngày hôm qua (27/04), tại phủ thủ tướng, các cuộc họp vẫn liên tục diễn ra để bàn về vô số các vấn đề đặt ra khi dỡ bỏ phong tỏa trước làn sóng Covid-19 thứ 2 vẫn luôn rình rập đâu đó và trong khi tiếng kêu cứu của các ngành nghề kinh tế, xã hội ngày thêm nhiều. Bên cạnh đó, đến lúc này các đường hướng quyết định chính trị dường như chưa thuyết phục được giới khoa học cũng như của phe đối lập, mà trong đó không ít người luôn muốn đóng vai trò của thủ tướng nhiều hơn là phản biện .
Khẩu trang, không còn là chuyện nhỏ của chính phủ
Liên quan đến dỡ bỏ phong tỏa, chủ đề chính của báo Libération dành nói về chiếc khẩu trang, một vật dụng bảo hộ y tế đơn giản nhưng đang chiếm một vị trí không nhỏ trong kế hoạch giải tỏa của chính phủ.
Với tựa lớn chiếm cả trang nhất : "Khẩu trang, dối trá và chểnh mảng", Libération có bài phóng sự điều tra lật lại vấn đề vì sao nước Pháp rơi vào trình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trầm trọng khi Covid-19 lan tràn. Dựa trên các nguồn tin chính thức cũng như ý kiến của các nhà khoa học, Libération đã cho thấy, khi cuộc khủng hoảng virus corona bùng lên, vấn đề sử dụng khẩu trang để phòng dịch đã được đặt ra. Nhưng do lơ là để kho hàng chiến lược phòng dịch này bị cạn từ 10 năm qua, chính phủ lấy lý do là khẩu trang chỉ cần thiết và có tác dụng cho nhân viên y tế và người bị bệnh, phải dành dụm không đem sử dụng đại trà. Giờ đây khi thấy khẩu trang là vật dụng thiết yếu phòng dịch lây lan thì chính phủ lại nói rằng cách tiếp cận vấn đề đã thay đổi…
Libération khẳng định, không hề có sự thay đổi nào trong cơ sở lý luận hết mà chính phủ đã cố ý nói dối dân để che lấp sự sai lầm về quản lý kho dự trữ khẩu trang hơn 1 tỷ chiếc trong suốt hai nhiệm tổng thống từ François Hollande đến Emmanuel Macron.
Theo tờ báo ngay từ tháng Hai, khi virus corona bắt đầu lây lan ở Pháp thì khi dự trữ khẩu trang của Nhà nước đã cạn kiệt. Thế nhưng các giới chức y tế của chính phủ vẫn khẳng định không sợ khan hiếm khẩu trang. Đến giữa tháng 3, khi tình trạng đã bắt đầu nguy ngập, lúc đó các cơ quan y tế mới thông báo trong kho chiến lược chỉ còn 117 triệu chiếc khẩu trang y tế loại FFP2, trong khi mà 10 năm trước đó con số này là 1 tỷ 600 triệu.
Điều tra của Libération cho thấy trong 10 năm, các chính phủ đã không để ý quan tâm đến tích trữ kho hàng chiến lược phòng dịch này, do cắt giảm ngân sách đầu tư cho y tế, mặc dù các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo cần phải bổ sung liên tục nguồn dự trữ vật tư chiến lược phòng dịch bệnh. Hậu quả là khi bị dịch Covid 19 tấn công các cơ sở, nhân viên y tế bị rơi vào tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.
Tờ báo đưa ví dụ, như tại bệnh viện Mulhouse, tâm dịch đầu tiên của Pháp, vào lúc cao điểm dịch Covid-19, bệnh viện này cần khoảng hơn 100 nghìn khẩu trang chuyên dụng các loại mỗi tuần, trong khi Nhà nước chỉ có thể cung cấp khoảng 25 nghìn chiếc mỗi tuần. Đến cuối tháng 3, cao điểm của dịch trong cả nước, Pháp cần ít nhất 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, trong khi đó 8 tuần lễ, chính phủ mới tích góp được 69 triệu khẩu trang, theo một tài liệu chính thức của Bộ Y tế. Chính phủ không đủ khả năng cung cấp khẩu trang cho cả người bệnh cũng như các nhân viên chăm sóc họ. Các đơn đặt hàng gấp được ký nhưng đã quá muộn.
Libération khẳng định trong bài xã luận tình trạng khủng hoảng khẩu trang mà bài điều tra cho thấy trách nhiệm, sự yếu kém và thất bại của chính phủ trong chính sách y tế. "Những sai lầm đó làm suy yếu thủ tướng Edouard Philippe, khi mà hôm nay ông trình bày kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa từng phần cho dân chúng từ ngày 11/05. Một kế hoạch để thành công và tránh được làn sóng dịch thứ 2 thì nhất thiết phải dự trù đủ số lượng khẩu trang, xét nghiệm, đây lại là điều chưa có được. Nếu muốn thuyết phục được mọi người, thủ tướng phải cụ thể và chắc chắn và còn phải biết thừa nhận những sai lầm của chính phủ", Libération kết luận.
Châu Âu rục rịch dỡ bỏ phong tỏa
Chuyển qua với nhật báo Le Figaro, chủ đề dỡ bỏ phong tỏa vẫn bao trùm khắp mặt báo. Nhìn qua khắp Châu Âu, tờ báo ghi nhận việc dỡ bỏ phong tỏa đang bắt đầu diễn ra nhưng ở mỗi nơi mỗi kiểu theo các bước khác nhau.
Theo ghi nhận của Le Figaro, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn lâu mới bị đẩy lùi, các nước bị dịch nặng nề nhất của Châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức đều đã bắt đầu rục rịch các bước khởi động thoát ra khỏi vòng phong tỏa, một giai đoạn được đánh giá là "cốt yếu và rất khó xử".
Theo Le Figaro, đây là giai đoạn mà các chính phủ phải đối mặt với bài toán : Làm sao vừa phải giữ được các chuẩn mực vệ sinh y tế để đề phòng làn sóng dịch thứ 2, vừa phải khởi động lại cỗ máy kinh tế trước nỗi lo về đời sống của dân chúng ngày càng lớn. Tuy nhiên, mỗi nước đều dỡ bỏ các hạn chế một cách thận trọng với ưu tiên của mỗi nơi cũng khác nhau. Ý chọn chiến lược làm dần từng mảng, Đức thì mỗi vùng làm theo cách riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Nhìn chung, nhiều nước đã cho mở lại dần dần trường học, như ở Đức, bắt đầu từ ngày 4/5 hay Đan Mạch thì sớm hơn từ ngày 14/4. Nhưng cũng có nước thận trọng đề nghị đến tháng 9 mới mở trường học trở lại như Ý hay Romania, Pháp, Tây Ban Nha, hay Anh việc mở lại trường học trên nguyên tắc từ ngày cho dỡ lệnh phong tỏa, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa có chủ trương dứt khoát.
Có vẻ như khởi động lại cỗ máy kinh tế đang là ưu tiên của các nước. Trước tiên là mở lại các cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở sản xuất quan trọng nhưng vẫn phải dưới sự giám sát chặt chẽ của các quy định phòng dịch. Quán ăn, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí vẫn còn chờ tiến triển tình hình dịch.
Một vấn đề khác được Le Figaro nêu lên là việc lưu thông qua biên giới. Đây là điểm mấu chốt trong việc dỡ lệnh phong tỏa. Thế nhưng hầu hết các nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng như trong khối Schengen đều rất thận trọng chưa muốn đưa ra quyết định cụ thể. Ưu tiên của các nước lúc này vẫn là lo tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng trong mỗi nước đã và sẽ còn bị đảo lộn lâu dài vì trận dịch này.
Covid-19 : Vì sao Trung Quốc sợ minh bạch ?
Trên trang "Dư luận" của báo Le Figaro có bài viết với tựa đề khá hấp dẫn liên quan đến Trung Quốc của nhà báo, nhà văn Renaud Girard : "Vũ Hán : Cần có một cuộc điều tra quốc tế".
Tác giả viết : Để trả lời một thảm họa quốc tế thì phải có một cuộc điều tra quốc tế. Thế nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc có vẻ không muốn chấp nhận điều đó. Trước đề nghị của Úc mở một cuộc điều tra quốc tế dưới sự chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới về dịch Covid-19, đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã trả lời là "không" và còn đe dọa sẽ tẩy chay, trả đũa nếu chính phủ Úc tiếp túc theo đuổi ý tưởng này.
Tác giả nhắc lại, đến nay người ta còn chưa biết gì nhiều về hoàn cảnh ra đời tại Vũ Hán hồi tháng 11/2019 một căn bệnh sau này bùng phát khắp thế giới giết chết hàng trăm nghìn người. Còn rất nhiều câu hỏi xung quanh bệnh dịch này dưới nhiều góc độ khác nhau để thế giới tìm hiểu, ngăn chặn dịch.
Vậy có chính đáng khi các nước lớn trên thế giới muốn hiểu rõ điều gì đã xảy ra ở Trung Quốc hay không ? Hiển nhiên là chính đáng, như vậy chỉ để ngăn chặn các đại dịch không tái xảy ra từ nước lớn này mà thôi, theo tác giả.
Trong khi đó các tin đồn, thuyết âm mưu rộ lên liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc với virus corona chủng mới. Tại sao Trung Quốc lại từ chối sự minh bạch, bác bỏ một cuộc điều tra quốc tế ? Phải chăng họ có điều gì phải giấu ?
Tác giả bài báo nhắc lại khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima 2011, chính phủ Nhật ngay lập tức kêu gọi các chuyên gia của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế tới trợ giúp. Vậy tại sao Trung Quốc không làm như Nhật ?
Tác giả kết luận : "Trên bình diện công nghệ, Trung Quốc đã hưởng lợi quá nhiều trong việc mở cửa với thế giới phương Tây. Những thập kỷ gần đây, con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh cũng không ngừng đòi phương Tây mở cửa rộng hơn. Vậy mà giờ đây Trung Quốc chủ trương đóng cửa, sau khi đã xuất khẩu một thảm họa sức khỏe chưa từng có từ một thế kỷ nay".
Anh Vũ
Nghiên cứu mới cho thấy nCoV có thể lây truyền trong không khí trong 16 giờ
Nguyễn Trang Nhung, RFA, 27/04/2020
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 18/4 trên medRxiv.org (nơi lưu trữ trực tuyến các nghiên cứu y khoa), cho thấy nCoV, hay SARS-CoV-2, có thể lây truyền trong không khí trong 16 giờ [1].
nCoV, hay SARS-CoV-2, có thể lây truyền trong không khí trong 16 giờ - Ảnh minh họa
Nghiên cứu - chưa được bình duyệt - được thực hiện tại 4 phòng thí nghiệm của Mỹ, tại Đại học Tulane, Cơ sở Nghiên cứu Tổng hợp Viện Y tế Quốc gia, Viện Y học Quân đội Hoa Kỳ và Đại học Pittsburgh.
Theo nghiên cứu, nCoV có khả năng phục hồi đáng kể ở dạng sol khí (các hạt có kích thước dưới 5 μm lơ lửng trong không khí), khi vẫn giữ được hình thù, kích cỡ, và khả năng lây nhiễm trên đĩa thí nghiệm trong thời gian lên đến 16 giờ.
Chad Roy, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết nhóm của ông tin tưởng vào phát hiện này vì chúng được dẫn đến từ 4 phòng thí nghiệm khác nhau [2].
Roy lưu ý rằng cần có thêm nghiên cứu về nCoV, và nghiên cứu của ông và cộng sự chưa xem xét độ nhạy cảm cá nhân, song trong khoa học thì các phát hiện như vậy là cảnh báo cần được chú ý [3].
nCoV được biết là lây nhiễm qua 2 con đường, bao gồm tiếp xúc với các giọt hô hấp có chứa virus và tiếp xúc với bề mặt có chứa virus, trong đó con đường thứ nhất là con đường chủ yếu.
Nếu nCoV lây truyền qua không khí, điều này có thể giải thích cho sự bùng phát của Covid-19 trên các tàu du lịch bị phong tỏa, hay hiện tượng siêu lây nhiễm của bệnh nhân phát tán virus nhiều hơn bình hường [4].
Roy cho biết các cơ quan y tế cho rằng chỉ có các giọt hô hấp kích cỡ lớn mới có thể mang bất kỳ virus sống nào. Nghiên cứu này đã bổ sung bằng chứng cho thấy điều ngược lại : nCov có thể là mầm bệnh trong không khí [5].
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chưa có đủ bằng chứng về việc nCoV có thể lây truyền qua không khí ngoài điều kiện phòng thí nghiệm hoặc ngoài bệnh viện, nơi thực hiện các kỹ thuật y khoa như đặt nội khí quản và sol khí hóa [6].
Phát hiện này củng cố các kết luận trong một số nghiên cứu trước đó về sol khí, chẳng hạn, một nghiên cứu vào tháng 3 vừa qua của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật, Đại học UCLA và Đại học Princeton cho thấy nCoV có thể tồn tại trong không khí đến 3 giờ [7].
Không phải nghiên cứu nào về sol khí cũng cho kết quả thuận chiều với nghiên cứu của Roy. Các kết quả nhìn chung là hỗn hợp : có nghiên cứu phát hiện virus tại bệnh viện nơi điều trị cho bệnh nhân, và có nghiên cứu thì không.
Dù vậy thì ngày càng nhiều các nghiên cứu củng cố cho giải thuyết nCoV lây truyền trong không khí là dấu hiệu cho thấy việc phòng chống Covid-19 nên có thêm các biện pháp tăng cường và phòng xa.
Giữ khoảng cách thường xuyên với người khác, và nếu có thể thì xa hơn so với khoảng cách được khuyến nghị phổ biến (1,5 - 2m), và đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nhất là khi khó giữ khoảng cách với người khác, là ví dụ về các biện pháp như vậy.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 27/04/2020
Chú thích :
[2]…[5] Coronavirus is not behaving in the air the way scientists expect
[6] Modes of transmission of virus causing Covid-19 : implications for IPC precaution recommendations
[7] Coronavirus lives for hours in air particles and days on surfaces, new US study shows
*********************
Việt Nam triển khai ứng dụng theo dõi người nhiễm Covid-19
Thu Hằng, RFI, 26/04/2020
Bluezone, "khẩu trang điện tử", là ứng dụng do công ty Bkav chủ trì phát triển, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam, đã được ra mắt ngày 18/04/2020. Trang báo Nhân Dân điện tử ngày 25/04, kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng này để có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch Covid-19.
Khẩu hiệu phòng chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 25/04/2020. Reuters - YEN DUONG
Về nguyên tắc, ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp. Các điện thoại thông minh smartphone được cài Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2 mét, ghi nhận tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Chính phủ Việt Nam hy vọng mạng lưới người dùng Bluezone càng lớn, thì chỉ sau nửa tháng, tất cả người dùng smartpone ở Việt Nam sẽ được bảo vệ.
Ứng dụng theo dõi người nhiễm Covid-19 được một số nước Châu Á, trong đó có Hàn Quốc, áp dụng rộng rãi. Một số nước phương Tây do dự vì sợ vi phạm đến quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam khẳng định ứng dụng Bluezone bảo mật về dữ liệu, ẩn danh, không thu thập dữ liệu về vị trí của người dùng và đảm bảo minh bạch. Hiện Việt Nam có 270 ca nhiễm virus corona và nhiều tỉnh thành đã dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Bắc Kinh nghiêm trị các hành vi "thiếu văn minh"
Trong khi đó, ngày 24/04, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đã bổ sung thêm một loạt lệnh cấm mới, có hiệu lực từ ngày 01/06, nhằm cải thiện vệ sinh nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19 : hắt hơi hoặc ho mà không che mũi hoặc miệng, không đeo khẩu trang khi bị bệnh tại nơi công cộng, phải "ăn mặc sạch sẽ", cấm cởi trần hoặc phạch bụng (chủ yếu là nam giới) ở ngoài đường. Người vi phạm sẽ bị mất "điểm tín dụng xã hội".
Trước đó, Bắc Kinh đã áp dụng việc đánh dấu giữ khoảng cách trong khuôn khổ giãn cách xã hội tại các điểm công cộng. Khạc nhổ, vất rác bữa bãi, hút thuốc, dắt chó ở nơi công cộng… cũng bị cấm, người vi phạm bị phạt nhưng nhiều người vẫn chưa thay đổi thói quen.
Thu Hằng
*********************
Ô nhiễm không khí liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều ở những người nhiễm Covid-19
Nguyễn Trang Nhung, RFA, 25/04/2020
Những người nhiễm Covid-19 ở các vùng có không khí ô nhiễm có khả năng tử vong cao hơn nhiều so với những người nhiễm Covid-19 ở các vùng có không khí trong lành.
Sương mù tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 14/8/2019 (Nguồn : EPA, Shutterstock)
Đó là phát hiện từ nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng TH Chan, Đại học Harvard được công bố vào đầu/4 và được cập nhật vào ngày 24/4 vừa qua [1].
Nghiên cứu phân tích ô nhiễm không khí và các ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 4/4 ở 3080 hạt (county) của Hoa Kỳ, chiếm 98% dân số.
Nghiên cứu cho thấy ngay cả sự gia tăng 1 đơn vị của mức ô nhiễm không khí nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra có liên quan đến sự gia tăng 15% của tỷ lệ tử vong.
"Chúng tôi thấy rằng sự gia tăng chỉ 1 μg/m3 [mật độ] PM2.5 có liên quan đến sự gia tăng 15% tỷ lệ tử vong do Covid-19", nghiên cứu viết.
Các nhà khoa học cho biết không khí bẩn làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính, vốn là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến Covid-19 cũng như các vấn đề khác về hô hấp và tim [2].
Một sự gia tăng nhỏ trong phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong 15-20 năm đã được biết là làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, song nghiên cứu này cho thấy mức tăng này cao gấp 20 lần đối với tử vong do Covid-19 [3].
Nghiên cứu đã tính đến một loạt các yếu tố, bao gồm mức nghèo đói, hút thuốc, béo phì, số lượng xét nghiệm Covid-19 và giường bệnh có sẵn.
Rachel Nethery, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy phơi nhiễm ô nhiễm không khí làm tăng đột ngột nguy cơ tử vong do SARS trong suốt đợt bùng phát vào năm 2003, và nhóm nghĩ rằng kết quả của nghiên cứu này này phù hợp với các phát hiện đó [4].
Kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với phát hiện của một báo cáo từ các nhà khoa học ở Ý rằng tỷ lệ tử vong cao được nhận thấy ở phía bắc của đất nước tương quan với mức ô nhiễm không khí cao nhất.[5] Báo cáo lưu ý rằng miền bắc của Ý là một trong những khu vực ô nhiễm nhất Châu Âu và tỷ lệ tử vong được báo cáo đến ngày 21/3 ở khu vực phía bắc vùng Lombardy và Emilia-Romagna là khoảng 12%, so với 4,5% ở phần còn lại của Ý.
Giáo sư Jonathan Grigg, từ Đại học Queen Mary London, cho biết nghiên cứu này có phương pháp và hợp lý, nhưng có một số hạn chế, ví dụ, các yếu tố quan trọng như hút thuốc không được đo ở cấp độ cá nhân [6].
Phát hiện từ nghiên cứu, theo các tác giả, gợi ý rằng các vùng có mức ô nhiễm không khí cao cần có thêm các biện pháp phòng ngừa và nguồn lực bổ sung để làm chậm sự lây lan của virus và đối phó với dịch bệnh.
Các tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi các quy định ô nhiễm không khí hiện có để bảo vệ sức khỏe con người cả trong và sau khủng hoảng Covid-19.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 25/04/2020
Chú thích :
[1] A national study on long-term exposure to air pollution and Covid-19 mortality in the United States
[2][3][4] Air pollution linked to far higher Covid-19 death rates, study finds
Đại dịch Covid-19 khiến người tị nạn thêm khốn khổ, như trường hợp ở Malaysia và Hy Lạp. Tại Mỹ, nhân viên trong các cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đình công đòi được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm virus corona. Một công ty ở Ireland bị chỉ trích vì tuyển dụng người lao động từ Bulgaria ngay giữa mùa dịch. Đức bắt đầu cho mở các cửa hàng. Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc. Đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Người tị nạn chờ được phát nước sát khuẩn, trước một khách sạn được dùng làm nơi tạm trú để tránh dịch Covid-19, tại Kranidi, Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 21/04/2020. Reuters - COSTAS BALTAS
Malaysia : Người tị nạn Miến Điện bị bỏ rơi
Đây là một trong những hậu quả đáng báo động của dịch Covid-19 : Malaysia, vốn vẫn hỗ trợ hết mình cho người anh em Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện, đã đẩy trở ra rất nhiều tàu vượt biên, có những tàu đã trôi dạt trên biển từ hơn hai tháng nay. Hành động này là nhằm ngăn chặn dịch bệnh đến từ các thuyền nhân. Nhưng ngay cả đối với cộng đồng người tị nạn đến từ Miến Điện, tình hình cũng đang rất khó khăn, theo giải thích của thông tín viên Gabrielle Maréchaux trong bài tường trình ngày 21/04/2020 :
"Đây là ca tử vong số 88 : một người nhập cư Miến Điện 36 tuổi được nhập viện quá trễ. Theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 154.000 người tị nạn Miến Điện, trong đó có nhiều người sắc tộc Rohingya, đang sống ở Malaysia, tuyệt đại đa số là những người làm công nhật.
Do Malaysia đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh, hoàn cảnh của họ khó khăn hơn bao giờ hết. Thường thì họ làm những công việc được mô tả bằng 3 tính từ bắt đầu bằng chữ D theo tiếng Anh "dirty, dangerous, difficult" (dơ bẩn, nguy hiểm, khó khăn), mà lương thì rất thấp.
Cũng bị mất các nguồn thu nhập, Malaysia yêu cầu đại sứ quán Miến Điện kể từ nay phải cung ứng cho công dân của họ tại những vùng bị phong tỏa gắt gao nhất, trong khi những diễn biến gần đây bên nước láng giềng Singapore lẽ ra phải buộc chính quyền Kuala Lumpur quan tâm đến nguy cơ bệnh lan truyền từ người nhập cư. Thật vậy, đợt dịch thứ hai bùng phát ở Singapore chính là từ cộng đồng những người bị bỏ mặc như vậy.
Hôm thứ Hai Bộ Y tế Malaysia cho biết họ khuyến khích người nhập cư đi xét nghiệm Covid-19, nhưng theo các hiệp hội, trong số hơn 3 triệu người lao động bất hợp pháp, rất nhiều người ngại đi xét nghiệm".
Hy Lạp : Nguy cơ dịch bệnh tại các trại tị nạn
Tại Hy Lạp, hàng chục ngàn người xin tị nạn, đa số đến từ các nước Châu Phi, ngày 22/04/2020 đã tổ chức một cuộc biểu tình trước trại Moria, đảo Lesbos. Lý do của cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong trại tị nạn lớn nhất Châu Âu, vừa chật kín người, vừa bẩn thỉu, những người tị nạn, bị cách ly từ giữa tháng Tư và cảm thấy bị bỏ rơi, không thể giữ vệ sinh đàng hoàng, cũng không thể tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
Từ Athènes, thông tín viên Joel Bronner gởi về bài tường trình ngày 22/04/2020 :
"Chúng tôi không được an toàn trước đại dịch Covid-19" là dòng chữ trên biểu ngữ mà những người biểu tình giương lên trước trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Trước nguy cơ y tế này, những người xin tị nạn mong được "giải phóng", như họ ghi trên biểu ngữ, và được chuyển về phần lãnh thổ lục địa của Hy Lạp.
Trước khi có cuộc biểu tình này, chính phủ Hy Lạp đã thông báo sẽ chuyển dần dần khoảng 2.300 người về lục địa trong hai tuần tới. Tại Moria, giữa các cánh đồng ôliu, gần 19 ngàn người sống chen chúc trong và chung quanh một không gian vốn chỉ được dự trù để đón tiếp khoảng 3.000 người.
Trong một thông cáo vừa được thông qua, tổ chức Human Rights Watch lo ngại "một cuộc khủng hoảng y tế công cộng" do những điều kiện sống "không thể tưởng tượng nổi" trong các trại bị quá tải trên các đảo ở vùng biển Eagean. Ở đó, rửa tay thường xuyên là chuyện hoàn toàn không thể có.
Có bằng chứng cho thấy virus đang lây lan giữa những người thường sống chung với trong các lều trại chật hẹp : Khoảng 150 người xin tị nạn được xét nghiệm dương tính trong tuần qua, tại một khách sạn ở miền nam nước này".
Đình công tại các nhà hàng McDonald’s ở Mỹ
Tại nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ, đã xảy ra các vụ đình công ở các nhà hàng McDonald’s từ một tuần qua. Các nhân viên bất mãn vì họ không được bảo vệ đầy đủ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Họ đòi được phát khẩu trang và được nghỉ bệnh có ăn lương. Tại Chicago, một số người thậm chí còn kiện McDonald’s về việc ban giám đốc, để có thể tiếp tục mở các nhà hàng, đã che giấu những ca nhiễm Covid-19 trong số các nhân viên. Thông tín viên Eric de Salve gởi về bài phóng sự trong một nhà hàng McDonald’s ở Oakland, bang California :
"Tiếng còi xe inh ỏi và tiếng hô khẩu hiệu vang lên trước một nhà hàng McDonald’s ở Okland. Khoảng 20 người biểu tình bằng xe hơi hô lớn : "Mạng sống của chúng tôi quý hơn bánh burger". Trong số này có Kyla, một nhà hoạt động của đảng Dân Chủ Xã Hội. Cô nói : "Hôm nay, chúng tôi chặn ngõ vào drive-in của nhà hàng McDonald’s để ủng hộ 5 nhân viên đang đình công vì ban quản lý không quan tâm bảo vệ cho họ".
Kể từ khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong nhà hàng này, Imelda, 43 tuổi, một trong những người tham gia đình công, vốn không có bảo hiểm y tế, rất sợ đi làm. Bà mẹ gốc Nam Mỹ có ba đứa con đã yêu cầu ban quản lý cho nghỉ bệnh, được cách ly có ăn lương và được phát khẩu trang.
Bà nói : "Đình công như vậy là rất khó khăn, vì chúng tôi bị cắt lương, nhưng chúng tôi phải đình công để bảo vệ cho chính bản thân chúng tôi và gia đình, cũng như cho các đồng nghiệp và thực khách".
Hàng chục cửa hàng McDonlad’s hiện đang đình công tại Hoa Kỳ, vì các nhân viên tố cáo ban quản lý lơ là việc phòng chống Covid-19. McDonald’s đúng là có cho nhân viên được quyền nghỉ ăn lương 14 ngày, nhưng chỉ trong các cửa hàng của tập đoàn này. Trong khi đó có đến 95% các nhà hàng là nhượng quyền thương mại, tức là hoạt động độc lập và ban quản lý áp dụng các quy định riêng".
Ireland : Tranh cãi về lao động nước ngoài
Lệnh phong tỏa cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho thị trường lao động tại Châu Âu. Ví dụ như tại Ireland, công ty canh tác rau quả Keelings, một trong những công ty chủ chốt trong lĩnh vực này, vì không thể tuyển dụng người trong nước, đã phải mướn 200 lao động thời vụ người Bulgaria, trong lúc đang có lệnh hạn chế tối đa việc đi lại để ngăn chặn dịch Covid-19.
Từ Dublin, thông tín viên Emeline Vin gởi về bài tường trình ngày 22/04/2020 :
"Lập trường chính thức là chính phủ sẽ nêu vấn đề thủ tục ở biên giới với chính phủ Bắc Ireland, nói rõ hơn là họ chưa đưa ra quyết định nào. Theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, những lao động nông nghiệp rất cần thiết và họ phải được quyền tự do đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu.
Chỉ có điều ở Ireland, một số người dân không hiểu vì sao công ty Keelings lại đưa 200 người Bulgaria đến trong khi cả nước đang bị tê liệt vì lệnh phong tỏa và một phần sáu dân Ireland đang thất nghiệp. Keelings khẳng định là họ đã cố tìm lao động thời vụ trong nước nhưng không tìm đủ người.
Công ty này bảo đảm là các lao động nước ngoài mà họ tuyển dụng sẽ bị cách ly hai tuần, như tất cả những người nhập cảnh vào Ireland trong lúc này. Nhưng việc cách ly sẽ do họ tự quản lý, chứ không có sự giám sát của nhà chức trách. Trong thời gia cách ly, các lao động này được trả lương và có chỗ ở.
Giám đốc Tổng cục Y tế và chính phủ không đồng tình với quyết định của công ty Keelings. Thủ tướng Leo Varadkar kêu gọi các công ty cố gắng tuyển dụng tối đa lao động trong nước, để hạn chế nguy cơ bệnh lây lan".
Đức cho mở lại các cửa hàng
Vào đầu tuần nay, nước Đức bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông có thể mở cửa kể từ ngày 20/04/2020. Các hiệu sách, đại lý xe hơi và cửa hàng bán xe đạp, bất kể diện tích, cũng được mở cửa. Nhưng các biện pháp ngăn ngừa khác thì vẫn được giữ nguyên. Riêng các trường học sẽ mở cửa trở lại kể từ ngày 04/05.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gởi về bài tường trình ngày 20/04 :
"Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ, chất đầy lại các quầy hàng, thi hành các biện pháp phòng ngừa, các cửa hàng ở Đức sẵn sàng đón các khách hàng mới. Các khoản trợ cấp và các hỗ trợ khác mà một số cửa hàng được hưởng dĩ nhiên không đủ để tình hình trở lại bình thường và để bù lại doanh thu bị mất trong những tuần qua trong khi họ vẫn phải trả các chi phí cố định.
Chủ một cửa hàng bán giầy tại bang Saarland vui mừng vì cửa hàng được mở lại sáng nay : "Chúng tôi không được phép để quá 5 người vào cùng một lúc. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 mét. Máy thu tiền thì được bọc lớp nhựa trong. Từ sáng nay, có vài khách đến mua, nhất là các trẻ em đang cần giầy dép mới. Quý hai, trước mùa hè, là giai đoạn quan trọng đối với doanh số của cửa hàng chúng tôi. Bình thường khách mua rất nhiều giầy dép. Chúng tôi đã phải đóng cửa bốn tuần và rất cần mở cửa lại, cho dù chúng tôi không thiệt hại nhiều như những cửa hàng khác".
Việc giảm nhẹ các hạn chế chỉ được áp dụng cho các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông. Một số vùng chỉ cho các cửa hàng mở cửa vài ngày, những vùng khác thì thoải mái hơn. Giai đoạn mới này đang gây tranh luận về việc có nên dỡ bỏ hơn nữa biện pháp phong tỏa hay không. Thủ tướng Angela Merkel sợ rằng những tranh luận này khiến dân Đức lơ là việc tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh. Theo báo chí Đức, trong một cuộc họp của đảng, thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi người đừng bàn tán quá nhiều về khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa".
Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc
Ấn Độ đã quyết định tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 có kết quả không chính xác. Với 650.000 bộ xét nghiệm vừa nhập từ Trung Quốc, nước này sẽ tăng đáng kể số người được xét nghiệm, nhưng các thử nghiệm đầu tiên cho thấy các bộ xét nghiệm này có thể đã bị hỏng.
Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình ngày 22/04 :
"Từ nhiều tuần nay, Ấn Độ ngóng chờ chúng, nhưng bây giờ giống như họ vừa bị một gáo nước lạnh : Các bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc có tỷ lệ sai lệch từ 6 đến 71% khi so sánh với các kết quả trong các phòng xét nghiệm vốn chính xác hơn. Cho nên, New Delhi phải tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm đó, trong khi chờ thẩm định.
Cơ quan y tế Ấn Độ quyết định sẽ không sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc trong việc chẩn đoán bệnh vì công nghệ này không đáng tin cậy lắm. Nhưng nhờ các bộ xét nghiệm này mà Ấn Độ sẽ tăng số xét nghiệm cho những bệnh nhân không có triệu chứng, chiếm đến 69% số bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. Điều này sẽ giúp thẩm định sự lây lan thầm lặng của dịch bệnh, trong khi chưa đầy hai tuần nữa là đến lúc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm Trung Quốc gây thất vọng lớn như thế trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay : Các thiết bị bảo hộ của Trung Quốc đã từng bị vứt bỏ khi vừa nhập về. Đại sứ quán Trung Quốc lúc đó đã khuyến cáo chỉ mua hàng của các công ty được chính phủ Bắc Kinh chứng nhận. Trong trường hợp này, Ấn Độ đã làm đúng theo khuyến cáo, thế mà chất lượng hàng hóa vẫn không được bảo đảm".
Thanh Phương
Đại dịch Covid-19 : Trung Quốc và hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông"
Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp. Trong lúc L’Obs tập trung làm sáng tỏ hậu trường của chiến dịch chuẩn bị gỡ bỏ phong tỏa sắp tới, Le Point chỉ ra những thói tật của bộ máy quan liêu khiến nước Pháp trả giá đắt trong đại dịch. L’Express bàn về những bài học thành công của nước Đức. Courrier International chú ý đến thay đổi lớn trong giao tiếp xã hội thời kỳ hậu phong tỏa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện Vũ Hán, gần 2 tháng sau khi chính thức công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán. Ảnh chụp ngày 10/03/2020. Xie Huanchi/Xinhua via Reuters
Le Point tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề : "Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông". Bài viết so sánh đại dịch Covid-19, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008.
Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu "làn sóng dân túy bùng lên" sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc "có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới".
Bắc Kinh hiện rõ chân tướng
Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã "xử lý một cách mẫu mực", cho thấy rõ "bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực". Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng "dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng". Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại : Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Covid-19 tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Covid-19, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Covid -19.
Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc. Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các "hộ chiếu y tế" cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý.
Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương.
Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt).
Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng "phương Tây hóa", các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bật tính chất tương phản sâu xa, đằng sau "thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc", một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử "rất cổ hủ". Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.
"Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê"
"Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê" là tựa đề một bài phân tích khác của Le Point, ghi nhận cuộc đại khủng hoảng 2020 đang làm tăng tốc tiến trình tan rã của cơ chế hợp tác quốc tế, được đặt nền móng từ sau Thế chiến Hai.
Le Point trở lại với cội nguồn của trật tự thế giới hiện nay, với nhận định của cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy Điển Dag Hammarskjöld : Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc "không phải là để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi xuống địa ngục". Rốt cục, sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã thất bại : Đại dịch này cho thấy rõ.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, định chế phụ trách y tế của Liên Hiệp Quốc đã không đảm nhiệm được vai trò : WHO bênh vực Bắc Kinh, gạt Đài Loan ra ngoài, trong khi nền dân chủ này đã có chính sách đúng trong cuộc chiến chống dịch, WHO cũng không tiến hành điều tra một cách không thiên vị nguồn gốc virus… Về phần mình, Hội đồng Bảo an cũng tồi tệ không kém. Ngày 10/04, định chế có vai trò lớn đối với nền an ninh thế giới này mới họp lần đầu tiên về Covid-19, nhưng không ra đuợc nghị quyết.
Dù sao, Le Point cũng kết thúc bài phân tích với một sắc thái lạc quan, khi nhấn mạnh là, thời đại chúng ta cho thấy, thường là sau mỗi lần trải qua chiến tranh hay khủng hoảng, nền dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế lại được thiết lập. Sau mỗi lần rơi vào đại thảm họa, nhân loại lại trở về tìm kiếm thống nhất và tinh thần đoàn kết. "Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho việc tái xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế".
"2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch"
Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho một hệ thống quan hệ quốc tế mới. Le Point có bài phỏng vấn nhà bình luận chính trị Thụy Điển Johan Norberg cho thấy triển vọng này, với tiêu đề "2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch". Nhà bình luận Thụy Điển - theo quan điểm tự do, ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, cho dù cần phải điều chỉnh - tỏ ra tin tưởng là nền khoa học với trình độ và mức độ toàn cầu hóa như hiện nay hoàn toàn có thể cho phép nhân loại đối phó tốt với đại dịch, với điều kiện "phải đoàn kết". Theo ông, về mặt nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ quốc tế lại phản ứng mau lẹ như vậy với một bệnh dịch mới xuất hiện : Khoảng một tuần sau khi virus được xác nhận, các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập được bản đồ gen, vào giữa tháng 2, các nhà khoa học Đức đã chế được xét nghiệm nhanh…
Ra khỏi phong tỏa : Vẻ đẹp của "vũ điệu’' không tiếp xúc
Quan điểm lạc quan của nhà bình luận Thụy Điển có thể mang lại một không khí hưng phấn về dài hạn, nhưng trước mắt rất nhiều xã hội hiện nay đang lúng túng trước viễn cảnh còn lâu mới có vắc-xin, trong lúc thời kỳ phong tỏa không thể kéo dài. Sống sao đây trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa, khi nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát bất cứ lúc nào, là chủ đề chính của tuần san Courrier International ?
Thời kỳ hậu phong tỏa sẽ chứng kiến một thay đổi lớn trong cách thức giao tiếp xã hội, xưa nay dựa trên tiếp xúc cơ thể, từ cái bắt tay, ôm hôn, hay hôn má, tùy theo mỗi nền văn hóa. Tiếp xúc cơ thể thuộc về nền tảng của quan hệ con người. Tuy nhiên, giờ đây, giãn cách xã hội, tránh né tiếp xúc lại là đòi hỏi bắt buộc của thời kỳ chung sống với Covid-19. Liệu một xã hội có thể tồn tại bình thường không, khi mọi người không còn có những tiếp xúc về cơ thể ?
Theo một bài viết trên nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, một kỷ nguyên "không tiếp xúc" là "không thể tránh khỏi". Một bài viết khác trên Washington Post thì nhấn mạnh, đối diện với thảm họa kinh hoàng, với bao người thiệt mạng do virus, thì "lối sống chắc chắn sẽ bị đảo lộn hoàn toàn". Cây viết Gia Kourlas, một chuyên gia về vũ đạo, trên New York Times, hình dung lối sống mới với nhiều chất thơ, khi quan sát những cảnh tượng hoàn toàn mới mẻ trên đường phố New York, khi giãn cách xã hội là điều bắt buộc, mỗi người như trở thành một diễn viên múa, với những chuyển động lạ kỳ, tránh mọi tiếp xúc với người khác. Những cảnh tượng, theo tác giả, mang lại một vẻ đẹp lạ thường.
Nạn quan liêu khiến Pháp điêu đứng
Trong lúc Courrier International chú ý nhiều đến khía cạnh thi vị trong sự thay đổi lối giao tiếp trong xã hội thời ra khỏi phong tỏa, thì Le Point tuần này tập trung làm sáng tỏ những tệ hại của nền quan liêu khiến nước Pháp sa lầy trong đại dịch Covid - 19, không những trong giai đoạn phản ứng đầu tiên, mà đặc biệt trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa và phục hồi kinh tế.
Điều tra của Le Point đánh giá là chính phủ đã không xác lập được một chính sách rõ ràng, giống như các nền dân chủ Châu Á, hay láng giềng Đức. Một nghị sĩ cánh trung ở vùng Haut-Rhin cáo buộc chính phủ bỏ lỡ cơ hội hành động sớm ba tuần, khiến phong tỏa phải kéo dài, gây thiệt hại ước tính 100 tỉ euro.
Ngoài vấn đề thiếu máy trợ thở, thiếu khẩu trang nghiêm trọng, Le Point cũng nêu bật việc nước Pháp thiếu chiến lược xét nghiệm, do thể chế quan liêu nặng nề. Từ năm 2013, các phòng thực nghiệm y sinh về thú y không có quyền sử dụng các sinh phẩm có nguồn gốc người, và ngược lại. Cho dù Viện Hàn lâm Y học Pháp lên tiếng phản đối từ sớm, nhưng chỉ đến ngày 05/04 (tức hơn hai tuần sau khi phong tỏa hãm dịch), chính phủ mới dỡ bỏ hạn chế này. Cũng trong thời gian đó, tại Ý hay Đức, đã hoàn toàn không có sự đối lập như vậy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Pháp bị chậm chân trong sản xuất xét nghiệm đại trà.
Một ví dụ khác là việc Cơ quan y tế cấp vùng (ARS) trong một thời gian dài đã không cho phép xét nghiệm nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão (Ehpad). Việc chậm xét nghiệm bị cáo buộc là đã dẫn đến số người nhiễm virus và tử vong cao tại các Ehpad.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), có đến 20% chi phí y tế tại Pháp là "không cần thiết, gây lãng phí khổng lồ cho công quỹ’'. Theo chủ tịch Liên minh các bệnh viện Pháp (FHF), ông Frédéric Valletoux, nước Pháp cần nhiều đầu tư hơn cho y tế, nhưng cần đầu tư một cách thông minh hơn.
"Hậu trường" chiến dịch gỡ phong tỏa : Sứ mạng gần như bất khả
L’Obs tuần này chú ý đến "những vấn đề trong hậu trường" của chiến dịch ra khỏi phong tỏa tại Pháp. Ý tưởng chính của phóng sự điều tra của L’Obs là "phong tỏa dễ hơn rất nhiều so với việc ra khỏi phong tỏa. Chính quyền hiện nay ý thức rõ đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng hóc búa. Phương pháp điều hành xã hội từ trên xuống, bằng uy quyền, sẽ là không đủ, nhưng làm thế nào có thể chinh phục được dư luận, trong lúc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu, và các khiếu kiện nhắm vào chính quyền đang xuất hiện ngày một nhiều ?". Một nhân vật thân cận với tổng thống giải thích : "Hiện tại, một kẻ thù chung (dịch bệnh) giúp chúng ta đoàn kết… nhưng đến khi giai đoạn này chấm dứt, điều kinh khủng sẽ xảy ra, các rạn nứt xã hội sẽ bùng lên…".
Nhiều nhân vật thân cận với tổng thống Emmanuel Macron coi mục tiêu ra khỏi phong tỏa một cách an toàn, tức không xẩy ra làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai, là "nhiệm vụ bất khả". Một trong những nguyên nhân chính là giới khoa học dần dần phát hiện ra rằng một người có thể nhiều lần bị nhiễm virus, trong lúc ''trước đó toàn bộ chiến lược dựa vào khả năng miễn dịch". Nhiều người trong giới thân cận với tổng thống Macron đặt niềm tin vào sức mạnh phi thường của vị nguyên thủ, luôn sẵn sàng đối đầu với thách thức.
L’Obs trở lại bài phát biểu lần thứ 4 của tổng thống Emmanuel Macron, ngày 13/04, thu hút gần 37 triệu khán thính giả, điều chưa từng có trong lịch sử truyền hình Pháp. Mười lăm phút trước đó, toàn bộ các bộ trưởng, các nhân vật trọng yếu trong đảng cầm quyền đều không hay biết gì về những đường nét lớn của chiến lược phong tỏa, về ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa (11/05).
Theo L’Obs, sau một thời gian dựa hẳn vào hội đồng khoa học, giờ đây vào giai đoạn đặc biệt bất trắc này, tổng thống Macron nhận lãnh trở lại vai trò người ra quyết định cuối cùng. Ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa mà ông đưa ra được coi là sớm hơn nhiều so với dự tính của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, theo L’Obs, cũng chính tổng thống Pháp đã lắng nghe tối đa tư vấn từ các phía, giới chuyên gia, triết gia, trí thức, giới chính trị, lãnh đạo tôn giáo, giới chủ, các nghiệp đoàn… trước khi ra quyết định sau cùng.
Thủ tướng Pháp có hai tuần lễ để thảo ra kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa, với 17 chương trình hành động khác nhau do các bộ phụ trách. Những vấn đề thực tế hàng đầu đặt ra là : Mở lại trường học, tổ chức giao thông, tổ chức các không gian làm việc tại doanh nghiệp như thế nào ?
"Dân Pháp không bạc ác với thế hệ cao niên !"
Riêng về chủ đề tỉ lệ tử vong cao tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi sống phụ thuộc (Etablissement d'Hébergement pour Personnes Agées Dépendantes, gọi tắt là Ehpad), cũng thường gọi là nhà dưỡng lão, Le Point có bài phỏng vấn cựu nghị sĩ đảng Xã hội Jérôme Guedj. Cuộc đối thoại được Le Point đánh giá là không có "vùng cấm". Tỉ lệ người chết vì Covid-19 tại các Ehpad rất cao gây bàng hoàng công luận (theo thống kê của Bộ Y tế ngày 23/04, trong số 21.856 người qua đời vì Covid-19, có 8.309 người chết tại các cơ sở y tế-xã hội, trong đó chủ yếu là tại các Ehpad).
Cựu dân biểu đảng Xã hội nhấn mạnh là cần đặt vấn đề này trong xu hướng lão hóa chung của các quốc gia phát triển. Đến năm 2040, nước Pháp ước tính sẽ có khoảng 4 triệu người trên 85 tuổi. Đây là điều mà nhà bác học Lévi-Strauss từng ví như một trong những biến đổi nhân chủng học lớn lao, để lại những hệ quả ghê gớm, có thể so sánh với thời điểm nhân loại chọn lối sống định cư vào thời kỳ đồ đá mới. Làm thế nào chăm sóc tốt cho sức khỏe những người già cả nhất trong những năm tháng cuối đời là một vấn đề rất lớn của xã hội.
Về số lượng người cao tuổi tử vong tại các nhà dưỡng lão, cựu nghị sĩ Jérôme Guedj cho biết, hàng năm có 150.000 người trên tổng số khoảng 600.000 cụ ông, cụ bà sống trong các Ehpad, ra đi. Trung bình các cụ đến Ehpad với nhiều căn bệnh nặng, và chỉ sống trung bình khoảng hai năm tại đây. Ehpad thường được coi là nơi ở cuối đời của rất nhiều người già tại Pháp. Cựu nghị sĩ Guedij cũng hy vọng là, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội cho thấy cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.
Người Đức giành thắng lợi như thế nào ?
Hồ sơ chính của L’Express là về các bài học từ nước Đức. Bài "Virus corona : Người Đức đã giành thắng lợi như thế nào" nhận xét : Trừ phi có một làn sóng dịch thứ hai, có thể nói Đức là quốc gia thành công nhất trong số các nước Châu Âu đông dân. Số lượng người chết vì Covid-19 tại Đức chỉ chưa bằng một phần tư tại Pháp (tính đến ngày 21/04) (dưới 5.000 người so với trên 20.000 người tại Pháp), trong lúc cả hai quốc gia gần như đối diện với dịch Covid-19 vào cùng thời điểm.
Về ưu thế của Đức, bác sĩ Gernot Marx, trưởng khoa hồi sức, bệnh viện Aix-la-Chapelle, nhận xét : Trên thực tế, ngành y tế Pháp và Đức có thể nói có chất lượng gần giống như nhau, vấn đề tạo sự khác biệt là quyết định chính trị của chính phủ Đức. Berlin đã mau chóng nhận ra vai trò quyết định của xét nghiệm nhanh. Ngay từ giữa tháng Giêng, tức chỉ ít ngày sau khi có những thông tin đầu tiên về dịch tại Trung Quốc, một ê-kíp của Bệnh viện Đại học nổi tiếng Charité (Berlin) đã bắt tay chế tạo loại xét nghiệm này.
L’Express cũng thừa nhận nước Đức cũng có nhiều điểm yếu tương tự như Pháp, ví dụ như trong vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc về khẩu trang, cũng như đang trong quá trình cải tổ hệ thống bệnh viện, với khả năng sẽ giảm mạnh số lượng bệnh viện trên toàn quốc, để giảm chi phí. Tuy nhiên, người Đức đã tỏ ra có hiệu quả hơn trong đại dịch này, và chính đại dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để người Đức trở lại nhìn nhận lại các giá trị của một hệ thống y tế, đã được đặt nền móng từ cuối thế kỷ XIX, dưới thời thủ tướng Bismarck, để xem xem những gì nên giữ, những gì nên bỏ.
Trọng Thành