Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miến Điện : Người Rohingya tiếp tục bỏ làng đi vượt biên (RFI, 01/10/2017)

Hơn 2000 dân làng Rohingya đang tập hợp dọc theo một vùng duyên hải Miến Điện, tìm cách vượt biển sang Bangladesh. Báo chí chính thức Miến Điện, sau một thời gian im lặng, bắt đầu đưa tin về số phận sắc dân thiểu số bị ngược đãi.

myanmar1

Thuyền nhân Rohingya trong đêm ngày 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh. Reuters

Theo nhật báo Nhà nước Global New Light of Myamar được AFP trích dẫn hôm thứ Bảy 30/09/2017, trong tuần đã có hơn 2000 người Rohingya kéo về bờ biển làng Lay Yin Kwin, chờ cơ hội vượt biển. Các bức ảnh cho thấy từng nhóm phụ nữ, trẻ em ngồi trên bãi cát dưới sự canh chừng của cảnh sát. Cảnh sát Miến Điện cho biết họ đã ngăn chận khoảng 20.000 dân Rohingya vượt qua biên giới sang Bangladesh.

Cũng theo nhật báo này, các viên chức chính phủ thuyết phục dân Rohingya ở lại với lời trấn an là cuộc sống của họ được an ninh và bảo đảm. Tuy nhiên, các dân làng trả lời là họ "dứt khoát đi Bangladesh".

Tình trạng người Rohingya tiếp tục bị truy bức đã gây tổn hại cho uy tín của bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, nay là người nắm thực quyền dân sự tại Miến Điện nhưng bị quân đội chi phối. Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện "thanh lọc sắc tộc".

Theo AFP, đại học Anh Quốc danh tiếng Oxford thông báo quyết định gỡ bức chân dung của người sinh viên cũ "Aung San Suu Kyi" cất đi , thay thế bằng một bức tranh của một danh họa người Nhật, Yoshihiro Takada.

Từ năm 1964 đến 1967, sinh viên Aung San Suu Kyi, theo học các môn chính trị, kinh tế và triết học tại Oxford.

Tú Anh

*************************

Gần 90 NGO lên án quân đội Miến Điện phạm "tội ác chống nhân loại" (RFI, 30/09/2017)

Miến Điện tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng người Rohingya. AFP ngày 29/09/2017 cho biết gần 90 tổ chức phi chính phủ, NGO, lên án các "tội ác chống nhân loại" nhằm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xem xét khả năng cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

myanmar2

Thuyền nhân Rohingya trong đêm 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh.Reuters

Trong một thông cáo chung, 88 tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức bảo vệ nhân quyền uy tín trên thế giới như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế. khẳng định "Những bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy rõ ràng các hành động tàn bạo của lực lượng an ninh Miến Điện là những tội ác chống nhân loại".

Các tổ chức phi chính phủ nói trên đề nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về Miến Điện, đồng thời yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét một cách nghiêm túc việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Miến Điện và có các biện pháp trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm trong các vụ phạm tội ác đối với thường dân.

Thông cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi các nước "ngừng ngay lập tức viện trợ và hợp tác quân sự với Miến Điện".

Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cho biết, ít nhất có 60 người Rohingya, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em từ Miến Điện vượt biên giới qua Bangladesh đã bị chết hoặc mất tích trong vụ đắm phà trong vịnh Bengal.

Hôm 28/09/2017, Hội Đồng Bảo An đã mở phiên họp đầu tiên về tình hình Miến Điện kể từ khi cuộc khủng hoảng người Rohingya nổ ra cuối tháng 8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng yêu cầu Miến Điện ngừng các chiến dịch quân sự, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo người Rohingya và tổ chức hồi hương người tị nạn. Hội Đồng Bảo An tới đây sẽ xem xét hồ sơ Miến Điện theo đề nghị của Pháp, chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 10.

Anh Vũ

******************

LHQ yêu cầu Miến Điện cho tiếp cận nhân đạo giúp người Rohingya (RFI, 29/09/2017)

Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, thảm họa người Rohingya được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 08/2017 đến nay, khoảng nửa triệu người đã phải chạy sang Bangladesh để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc công khai nói đến khả năng trừng phạt các quan chức Miến Điện có liên quan trong hồ sơ này.

myanmar3

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong phiên họp Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Rohingya, New York 28/09/2017. TIMOTHY A. CLARY / AFP

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :

"Đó là một ác mộng nhân đạo và một ác mộng đối với các quyền của con người. Tổng thư ký Antonio Guterres đã tóm tắt tình hình như vậy. Vào lúc Rangoon lấy cớ thời tiết xấu để hủy chuyến thị sát của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại bang Rakhine, được dự kiến vào ngày hôm qua, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa yêu cầu Miến Điện phải cho phép tiếp cận nhân đạo, không được ngăn cản.

Ông nói : Trong những ngày vừa qua, chính quyền Miến Điện đã nhiều lần tuyên bố là chưa đến lúc để có thể cho tiếp cận nhân đạo và không bị cản trở. Thật sự là rất đáng tiếc vì tình hình tại đây có những nhu cầu lớn. Liên Hiệp Quốc cần phải được phép đến ngay lập tức những vùng bị tác động.

Phiên họp công khai này cũng là dịp để gia tăng áp lực đối với Rangoon. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố : "Không nên lo sợ khi gọi đúng tên các hành động của chính quyền Miến Điện. Đó là một chiến dịch quân sự tàn bạo và liên tục ở nước này nhằm thanh lọc một sắc tộc thiểu số. Và chính quyền lãnh đạo cấp cao tại Miến Điện lẽ ra phải hổ thẹn về những hành động này".

Rangoon đã điều cố vấn an ninh quốc gia đến dự phiên họp. Quan chức này bác bỏ danh từ thanh lọc chủng tộc và bảo đảm rằng đó chỉ là một chiến dịch chống khủng bố. Ông ta cũng hứa hẹn sẽ cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận nhân đạo ngay từ thứ Hai tuần tới, đồng thời mời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới đánh giá tình hình tại chỗ".

RFI tiếng Việt

***********************

Hồ sơ Rohingya : Trung Quốc ủng hộ Miến Điện vì lợi ích kinh tế (RFI, 29/09/2017)

Trong khi quốc tế phản đối việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, thậm chí Liên Hiệp Quốc còn coi đó là chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính phủ nước này lại có được sự ủng hộ quý giá của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 09/2017, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu là Bắc Kinh "ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước". Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục "con đường tơ lụa mới".

myanmar4

Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqianging) tại lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/08/2016 Reuters

Hồi tháng 04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho trải thảm đỏ đón tiếp đồng nhiệm Miến Điện Htin Kyaw và nhấn mạnh phải triển khai ngay lập tức các dự án hợp tác then chốt, trong đó có dự án "đặc khu kinh tế Kyaukpya". Kyaukpya là một thành phố thuộc bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nằm cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội nhất khoảng 200km về phía nam.

Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế tại miền tây nước này, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Bang Rakhine có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn dầu và khí ga tự nhiên từ Trung Đông tới tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, để tránh phải đi qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaisia và Indonésia.

Vào tháng 04/2017, sau bảy năm lắp đặt, đường ống dẫn dầu khồng lồ nối từ bang Rakhine - Miến Điện tới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã được hoàn thành. Theo cơ quan chủ quản, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc CNPC, Miến Điện đã đầu tư 1,2 tỉ đô vào công trình trên, còn Bắc Kinh đầu tư 1,24 tỉ đô la.

AFP cho biết, theo số liệu của tập đoàn nhà nước CITIC của Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới", từ nay tới năm 2038, Bắc Kinh phải đầu tư hơn 9 tỉ đô la vào một cảng nước sâu ở Kyaukpya và vào một khu kinh tế 1000ha.

Bà Sophie Boiseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Viện Quan Hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định là các "dự án kinh tế quy mô lớn" nói trên của Bắc Kinh chính là chìa khóa để chính quyền Miến Điện có được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Đối với lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, phát triển kinh tế là vấn đề then chốt tại bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ đói nghèo lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ đói nghèo bình quân của cả nước.

Hồi tháng 01/2016, phó chủ tịch tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã từng nới tới việc "chia lãi dự án cho Miến Điện và người dân địa phương", xây dựng 50 bệnh viện tư và 50 trường học tại vùng này. Tuy nhiên, cho tới nay, các lời hứa của phó chủ tịch tập đoàn CITIC vẫn chưa được thực hiện.

Còn bà Alexandra de Mersan, nhà nghiên cứu của Viện Quốc Gia Về Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO), một chuyên gia về Miến Điện cho AFP biết : "Các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại bang Rakhine khiến người dân địa phương vô cùng bất mãn vì họ không thấy bất cứ một hệ quả tích cực nào". Theo một báo cáo hồi tháng 08/2017 của Ủy ban quốc tế về Miến Điện, do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lãnh đạo, lợi nhuận của các dự án kinh tế thường rơi vào tay chính quyền Naypyidaw và các doanh nghiệp nước ngoài, và hậu quả là chính phủ Miến Điện bị dân chúng coi là lợi dụng, bóc lột người dân.

Cũng như nhiều vùng khác ở Miến Điện, dưới lòng đất tại bang Rakhine rất giàu khoáng sản, nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Đối với nhiều chuyên gia, xung đột hiện nay có liên quan tới các lợi09/2017) ích kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần liên quan tới tôn giáo.

So với các khu vực khác, cho tới khi cuộc xung đột sắc tộc xảy ra, đất đai ở bang Rakhine vẫn không bị những người thân cận với chính quyền dân sự chiếm đoạt nhiều. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì theo nhà xã hội học Saskia Sassen, đất đai ở bang Rakhine đã trở nên quý giá do có các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và chính quyền quân sự Miến Điện rất quan tâm tới mảnh đất mà người Rohingya buộc phải bỏ lại để chạy trốn khỏi cuộc trấn áp của chính quyền.

Thùy Dương

**********************

Rohingya : Miến Điện cho các tổ chức nhân đạo LHQ vào vùng Rakhine (RFI, 28/09/2017)

Vào lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về hồ sơ người Rohingya, ngày 28/09/2017, Miến Điện trên nguyên tắc cho phép một số các tổ chức nhân đạo đến bang Rakhine, nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8/2017, gần một nửa triệu người Rohingya phải di tản sang Bangladesh. Nhưng theo tin giờ chót, họ đã hoãn chuyến đi này do thời tiết xấu.

myanmar5

Cố vấn an ninh quốc gia của Miến Điện Thaung Tun sau cuộc họp về tình hình người Rohingya tại Đại Hội Đồng LHQ ngày 18/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Trong cuộc họp báo ngày 27/09/2017 từ New York, đại diện Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric hy vọng đây là "bước đầu" thể hiện thiện chí của chính quyền Miến Điện, cho dù nhân viên Liên Hiệp Quốc sẽ được "hộ tống" đến bang Rakhine.

Nhiều tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Rangun đã được lệnh rời khỏi bang Rakhine vào tháng 08/2017 khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tấn công phe nổi dậy người Rohingya, với hậu quả là hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi giáo này phải chạy sang biên giới Bangladesh lánh nạn. Trong suốt một tháng qua, các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế liên tục yêu cầu được quay trở lại vùng đang có xung đột.

Có nhiều nguồn tin tố cáo quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc của người Rohingya và gài mìn dọc theo đường biên giới với Bangladesh để ngăn cản gần 500.000 triệu người tị nạn quay trở về.

Phía quân đội từ đầu tuần thông báo tìm thấy nhiều hố chôn tập thể tại những ngôi làng của người Ấn Độ giáo trong khu vực và tố cáo các phần tử nổi dậy người Rohingya là thủ phạm sát hại hơn 50 dân làng. Lực lượng vũ trang ARSA của người Rohinga "cực lực" bác bỏ những cáo buộc trên.

Thể theo yêu cầu của 7 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, chiều nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ người Rohingya dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres.

Thanh Hà

Published in Châu Á

Khủng hoảng Rohingya cản trở đầu tư phương Tây vào Miến Điện (RFI, 22/09/2017)

Cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng thì viễn cảnh đầu từ phương Tây ồ ạt đổ vào Miến Điện càng xa rời, theo ghi nhận của hãng tin Reuters hôm nay, 22/07/2017.

myanmar1

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu về cuộc khủng hoảng tại Rakhine, Naypyitaw, 19/09/2017. Reuters/Soe Zeya Tun

Hiện giờ đầu tư và trao đổi mậu dịch với phương Tây ở Miến Điện còn rất ít. Với việc quốc tế dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự trước đây, chính phủ dân sự Miến Điện hiện nay, dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, đã hy vọng rằng đầu tư của phương Tây sẽ ồ ạt đổ vào nước này. Nguồn đầu tư đó cũng sẽ giúp cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Miến Điện.

Miến Điện quả là một nơi đầu tư hấp dẫn vì nước này có nguồn dầu khí rất dồi dào, chưa kể những tài nguyên khác như gỗ, hồng ngọc và ngọc bích. Dân số của Miến Điện còn trẻ và giá nhân công còn thấp, rất thuận lợi cho đầu tư vào ngành sản xuất và bán lẻ. Tháng Tư vừa qua, Miến Điện cũng vừa thông qua luật đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục và đối xử với công ty ngoại quốc bình đẳng với công ty trong nước. Miến Điện cũng đã dự trù cuối năm nay sẽ thông qua một luật khác cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc mua các cổ phần của công ty trong nước.

Nhưng trước tình hình các cải tổ được thực hiện chậm hơn dự kiến và nay lại thêm khủng hoảng người Rohingya, nhiều công ty ngoại quốc đang tính đến chuyện rút ra khỏi Miến Điện hoặc quyết định đình hoãn các dự án đầu tư vào nước này. Trong những tháng gần đây, áp lực càng gia tăng trên các công ty ngoại quốc, kể cả những công ty đã có mặt ở Miến Điện.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền AFD International đã kêu gọi các công ty ngoại quốc ngưng đầu tư vào Miến Điện. Một nhóm cổ đông trong tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron gần đây đã đưa ra một kiến nghị yêu cầu tập đoàn này rút khỏi liên doanh với một công ty khai thác dầu khí của Nhà nước ở Miến Điện, nhưng kiến nghị này đã không được thông qua. Trong khi đó, tập đoàn Telenor của Na Uy, hiện đang điều hành một mạng điện thoại di động ở Miến Điện, thì đã ra một tuyên bố kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở nước này.

Về phần mình, ông Bernd Lange, chủ tịch Uỷ ban Mậu Dịch Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu, vào tuần trước cho biết phái đoàn của ông đã đình hoãn vô thời hạn một chuyến đi Miến Điện, vì cho rằng tình hình nhân quyền tại nước này "không cho phép thảo luận đạt kết quả" về một hiệp định đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu với Miến Điện.

Bản thân lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi cũng đang bị quốc tế chỉ trích ngày càng nặng nề là không bảo vệ người Hồi Giáo Rohingya. Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia Reviex, được đăng tải hôm qua, Aung San Suu Kyi nhìn nhận các nhà đầu tư ngoại quốc quan ngại là chuyện "bình thường", nhưng bà vẫn cho rằng phát triển kinh tế là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề người Rohingya.

Việc đầu tư phương Tây chậm đổ vào Miến Điện sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc, vào lúc mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thực hiện dự án "Một Vành Đai, Một Con Đường" của họ. Dự án này là nhằm thúc đẩy trao đổi mậu dịch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Châu Á và cả ngoài khu vực này.

Hiện giờ Trung Quốc đã là nhà đầu tư hàng đầu ở Miến Điện, kế đến là Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ. Bắc Kinh hiện đang thương lượng về việc bán điện cho Miến Điện, một quốc gia rất thiếu năng lượng, và cũng đang muốn được sử dụng với điều kiện ưu đãi cảng chiến lược ở vịnh Bengal. Tháng Tư vừa qua, hai nước cũng đạt được thỏa thuận về một đường ống dẫn dầu sẽ được sử dụng để bơm dầu ngang qua Miến Điện đến Trung Quốc.

Nói cách khác, khủng hoảng Rohingya coi như sẽ đẩy bà Aung San Suu Kyi vào thẳng vòng tay của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thanh Phương

*******************

Rohingya : Bangladesh đòi lập "vùng an toàn" do Liên Hiệp Quốc giám sát (RFI, 22/09/2017)

Thủ tướng Bangladesh kêu gọi Liên Hiệp Quốc gởi một phái bộ sang Miến Điện, thành lập và giám sát một "vùng an toàn" để tiếp nhận người tị nạn Rohingya hồi hương.

myanmar2

Phân phối hàng cứu trợ cho người tị nạn Rohingya tại trại Cox's Bazar ở Bangladesh, 20/09/2017. Reuters/Cathal McNaughton

Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 21/09/2017, thủ tướng Sheikh Hasina cho biết Bangladesh đang đón tiếp 800.000 người Rohingya. Một mặt, bà kêu gọi Miến Điện chấm dứt hành động "thanh lọc sắc tộc", lên án quân đội láng giềng "gài mìn" ở biên giới để không cho người chạy loạn hồi hương, mặt khác bà yêu cầu thành lập một vùng an toàn ở Miến Điện để đón nhận lại người Rohingya.

Gián tiếp chỉ trích lực lượng võ trang ARSA mà đợt tấn công hồi cuối tháng 8 đã tạo cơ hội cho quân đội Miến Điện trả đũa đốt phá làng mạc người Hồi Giáo, thủ tướng Bangladesh lên án "những hành động bạo lực cực đoan".

Theo AFP, trong vòng ba tuần lễ, vùng biên giới Bangladesh tiếp giáp với Miến Điện trở thành trại tị nạn lớn nhất thế giới. Bị kẹt giữa một bên là số nạn nhân khổng lồ và bên kia là trấn áp của chính quyền Miến Điện, các cơ quan thiện nguyện quốc tế đang nỗ lực hết sức trong những điều kiện khó khăn.

Trong thông báo ngày thứ sáu 22/09/2017 từ huyện lỵ biên giới Cox’s Bazar, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới báo động tình trạng thiếu vệ sinh, thiếu nước sạch… những điều kiện gây đại dịch "đã hội đủ". Y Sĩ Không Biên Giới lo ngại "khó tránh được các dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả và bệnh sởi".

Tú Anh

*******************

Miến Điện : Phật tử cản đường nhân viên cứu trợ cho người Rohingya (RFI, 21/09/2017

Một ngày đen tối đối với Hội Chữ Thập Đỏ tại Bangladesh : ngày 21/09/2017, 9 nhân viên cứu trợ cho người Hồi giáo Rohingya Miến Điện tử vong. Nhưng mọi chú ý dồn về sự kiện tối qua ở bang Arakan, hàng trăm Phật tử chận hàng viện trợ nhân đạo cho người Rohingya.

myanmar1

Người tị nạn Rohingya đứng chờ phát hàng cứu trợ nhân đạo ti Bangladesh ngày 20/09/2017.Reuters

Theo hãng tin Anh Reuters, một chiếc tàu với 50 tấn lương thực, thuốc men đã rời cảng Sittwe để tiếp viện cho người Rohingya còn kẹt lại ở miền bắc bang Arakan, phía tây Miến Điện. Nhưng khi tàu cập bến tối qua, đã có khoảng hàng trăm Phật tử dùng bom xăng ném vào nhân viên hội Chữ Thập Đỏ, ngăn cản họ đưa hàng cứu trợ vào bờ và phân phát cho người Rohingya.

Trong thông cáo chính thức, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đưa ra con số 300 Phật tử có liên quan tới vụ này. Cảnh sát đã phải can thiệp, bắn chỉ thiên giải tán đám đông, tái lập trật tự,

Trong khi đó tại Bangladesh, một chiếc xe chở hàng cứu trợ cho người Rohingya, cũng của Hội Chữ Thập Đỏ bị tai nạn vào sáng sớm hôm nay. Xe lao xuống vực làm 9 người chết, hơn một chục người bị thương. Tất cả các nạn nhân là người Bangladesh, đang trên đường chở hàng cứu trợ đến khoảng 500 gia đình người Rohingya. Tai nạn xảy ra tại phía đông nam quận Bandarban, gần biên giới Miến Điện - Bangladesh.

Bạo động bùng lên tại bang Arakan từ ngày 25/08/2017 đẩy hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya tràn sang biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh, nhưng phần lớn cộng đồng sắc tộc thiểu số này vẫn ở lại làng quê.

Theo các tổ chức phi chính phủ, số người này đang thiếu đủ mọi thứ, từ lương thực đến thuốc men. Nhà ở của họ phần lớn đều bị phá hủy. Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc "thanh lọc chủng tộc".

Trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, phó tổng thống Miến Điện Henry Van Thion hôm qua cam kết "cứu trợ nhân đạo người Rohingya là ưu tiên hàng đầu" của chính quyền Naypyitaw, và các khoản trợ giúp này sẽ được phân phát cho tất cả mọi người, "không có chuyện phân biệt đối xử".

Thanh Hà

Published in Châu Á
mercredi, 20 septembre 2017 20:34

Nghịch lý của Myanmar

Thay vì tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, lãnh đạo Myanmar là bà Aung San Suu Kyi phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng về sắc tộc và sáng Thứ Ba 18, bà đã lần đầu tiên đọc bài diễn văn chính thức về vụ khủng hoảng, bùng nổ từ ngày 25 tháng trước khiến hơn 40 vạn người Rohingya theo Hồi giáo phải lánh nạn qua xứ khác. Bài diễn văn vẫn không thỏa mãn nhiều người và các tổ chức quốc tế kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….

myanmar1

Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn toàn quốc ở Naypyidaw hôm 19/9/2017. AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ khủng hoảng về sắc tộc tại Myanmar kéo dài gần một tháng và gây xúc động cho dư luận thế giới khi mấy chục vạn dân Rohingya phải lánh nạn sau khi mấy ngàn ngôi làng của họ bị đốt cháy. Một số tổ chức quốc tế khiển trách người lãnh đạo là bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế xứ này. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng sự xúc động khiến nhiều người đặt sai bài toán, trút trách nhiệm lên một vị nữ lưu và càng gây thêm khó khăn cho xứ Mymanmar, mà ngày xưa ta gọi là Miến Điện. Muốn hiểu tại sao thì ta cần trở ngược lên bối cảnh gần xa của vấn đề.

Thứ nhất, dù có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, Myanmar là một quốc gia khó cai trị nhất thế giới. Nằm giữa hai cường quốc có ảnh hưởng văn hóa chính trị của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ, Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc, nation-state. Lãnh thổ xứ này là một thách đố cho lãnh đạo vì bị địa dư chia cắt thành hai vùng rừng núi hiểm trở của nhiều sắc tộc và tôn giáo từ hai ngả Đông Tây nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu của sông Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây, Trung Quốc ở mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía Đông đều tìm cách khai thác tình trạng bất thường ấy qua các sắc tộc thiểu số và góp phần gây thêm xung đột. Vì vậy, sau khi có độc lập từ 70 năm trước, lãnh đạo Miến mới cần quân đội mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương và đối ngoại thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa ảnh hưởng ngoại bang. Thời Chiến tranh lạnh, từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại bang còn là các nhóm dân quân cộng sản do Trung Quốc đào tạo và huấn luyện. Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ là do hoạt động của các tổ chức cộng sản đó.

Nguyên Lam : Ông,vừa nêu một nghịch lý trong bối cảnh địa dư và lịch sử của Myanmar. Nhưng thưa ông, vì sao ông nói là xứ này chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là về kinh tế chính trị, Miến Điện còn lãnh một di sản dã man khác của Đế quốc Anh : trăm năm trước, nước Anh đưa dân Ấn vào phụ trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa số là người Miến một ít quyền hạn chính trị và hành chánh, nhưng lại dùng các sắc dân thiểu số vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quân sự. Chỉ sau khi Anh bị Nhật đánh bại trong Thế chiến II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lĩnh vực quân sự và từ đó mới dần dần xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh lên cầm quyền sau này. Ách độc tài quân phiệt là hiện tượng đáng chê trách, nhưng có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử và dẫn tới hậu quả là càng bị quốc tế cô lập vì nạn độc tài thì xứ này càng lệ thuộc vào một cường quốc có tham vọng bành trướng là Trung Quốc !

Nguyên Lam : Tức là giới tướng lãnh phải chấp nhận dân chủ hóa để khỏi bị quốc tế tẩy chay mà càng trôi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, nhưng phải chăng là họ vẫn không muốn bị mất quyền và vẫn giữ quân đội trong tay ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, từ 1962 đến 2011, Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa chế độ quân phiệt và lực lượng võ trang của các sắc tộc đòi ly khai. Sau đấy, giới tướng lãnh nhượng bộ dần và đề nghị ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính trị cho các sắc tộc thiểu số. Nhưng tiến trình ấy còn nhiều bất trắc và sau khi Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (National League for Democracy) của mình đại thắng vào năm 2015, bà Aung San Suu Kyi phải làm một lúc hai việc : thỏa hiệp với quân đội để từng bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng nền móng chính trị bền vững hơn cho quốc gia qua việc hội nhập sắc tộc.

Lãnh thổ xứ này có hơn hai chục nhóm thiểu số võ trang, với vài trăm tới vài vạn tay súng, đang hùng cứ các vùng biên giới và coi đó là chủ quyền chính đáng của họ. Từ cuối năm 2015, chế độ quân phiệt đề nghị một tạm ước ngưng bắn với tám tổ chức, mà có bảy tổ chức vẫn từ chối tham gia, chưa kể nhiều lực lượng mạnh nhất tại vùng biên giới Hoa-Miến thì không được mời vào vòng đàm phán vì họ đang chiếm đóng các khu vực trọng yếu và rộng lớn nhất.

Đa số các nhóm võ trang này đều có đặc tính sơn cước, giỏi du kích chiến, được trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ còn có ưu thế địa dư là có thể vượt biên giới để bảo toàn lực lượng khi bị tấn công và lợi thế kinh tế là kinh doanh ma túy để tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, một số lực lượng võ trang này chưa thấy sự nhượng bộ của Chính quyền trung ương, từ các tướng lãnh hay từ bà Aung San Suu Kyi, là đủ hấp dẫn. Khi so sánh các tướng lãnh thì đảng đa số hiện nay là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tương đối đáng tin cậy hơn trong đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu số đang suy tính lợi hại. Họ có thể tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng giải pháp bạo động quân sự.

Nguyên Lam : Bây giờ lại bùng nổ vụ khủng hoảng vì dân Rohingya và bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế khiển trách. Thưa ông, đầu đuôi của vụ khủng hoảng này là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Miến Điện có 135 sắc dân, gom thành tám nhóm lớn, theo các tôn giáo khác nhau, như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và cả Thiên Chúa giáo. Đa số dân Miến thì theo Phật giáo Nguyên thủy, bên trong nhiều người cực đoan chủ trương là chỉ Phật giáo mới có tinh thần dân tộc và biết bảo vệ bản sắc quốc gia. Trong các sắc dân, người Rohingya có vài triệu, đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng theo tôn giáo khác, và sống tập trung trong tỉnh Rachine tại vùng Tây-Bắc bên cạnh xứ Bangladesh nhìn ra Vịnh Bengal. Nghịch lý ở đây là họ không được luật pháp coi là công dân Miến Điện như các sắc dân kia.

Từ thành phần này mới có lực lượng xưng danh là "Giải phóng quân Rohingya tại Arakan", viết tắt là ARSA, họ đấu tranh võ trang để được công nhận quy chế công dân. Lực lượng ấy chỉ có chừng 500 tay súng, nhưng cuối Tháng Tám lại tấn công 30 đồn binh của Miến nên gặp sự trả đũa dữ dội của quân đội. Xã hội Miến có nhiều người không ưa và thậm chí kỳ thị dân Rohingya, nhưng họ có quyền bỏ phiếu. Bà Aung San Suu Kyi lâm thế kẹt là nếu đả kích tinh thần cuồng tín này thì họ dồn phiếu cho tổ chức chính trị của giới tướng lãnh là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USDP), gọi là để bảo vệ quyền lợi và bản sắc dân tộc khiến cho tiến trình dân chủ hóa chính trị rồi tư nhân hóa kinh tế theo đuổi từ 25 năm nay sẽ gặp trở ngại.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao ông nghĩ rằng việc trừng phạt kinh tế Miến Điện chưa chắc là đã có lợi. Ông kết luận thế nào về chuyện rắc rối này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ biện pháp trừng phạt kinh tế ít công hiệu khi có quá nhiều kẽ hở và rốt cuộc nạn nhân sau cùng vẫn là người dân thấp cổ bé miệng. Thứ hai, nhiều lãnh đạo Hồi giáo nhảy vào đả kích Miến Điện do nhu cầu chính trị ở nhà chứ cũng chưa có giải pháp cụ thể nào cho dân Rohingya. Trong khi đó, có ba cường quốc lại tỏ vẻ bênh vực Miến Điện là Liên bang Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là do an ninh và quyền lợi của họ. Nga thì sợ nạn Hồi giáo ly khai ngay bên trong lãnh thổ. Trung Quốc thì muốn kéo Miến Điện vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của họ, trong khi Ấn Độ muốn tranh thủ Miến Điện để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Kết luận của tôi là sự bi quan dành cho dân Rohingya trong thời gian tới.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 20/09/2017

Published in Diễn đàn
samedi, 16 septembre 2017 16:29

Câu chuyện Rohingya

Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới, nó phát xuất từ nhiều trăm năm nay khi một đoàn người đến vùng đất lạ, nhưng nó trở thành một tấm thảm kịch chỉ vì bản tính kỳ thị của con người.

rohingya0

Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới

Lịch sử của vùng đất nay được gọi là Miến Điện hay Myanmar bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, nơi ở phía Bắc có một quốc gia của một dân tộc nói một thứ tiếng Miến-Tạng, được gọi là Pyu, và ở phía Nam là một quốc gia của người Mon, thuộc họ Mon-Khmer.

Thủ đô của người Pyu nằm ở phía cực Bắc của vùng Châu thổ sông Irrawaddy trong khi vương quốc của người Mon tập trung ở phía Nam với kinh đô nằm gần Rangoon ngày nay. Cả hai vương quốc này đều theo Phật giáo. Đến khoảng thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên thì một nhóm người nói một thứ tiếng Miến-Tạng mới, người Burman, tìm xuống và thành lập một vương quốc mới ở Pagan (ngày nay là Bagan) trên sông Irrawaddy.

Lịch sử ghi nhận là vào khoảng thế kỷ thứ 8 và thứ 9 sau Công nguyên, vương quốc Nam Chiếu trở thành chế ngự vùng tây-nam Trung Hoa. Họ là một vương quốc cũng của một sắc người nói một thứ tiếng Miến-Tạng khác. Nam Chiếu nhiều lần đột nhập các thành phố lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa, kể cả tấn công vào Việt Nam. Vương quốc Mon-Khmer giữ vững được nhưng vương quốc Pyu bị thất thủ. Người Burman chiếm khoảng trống chính trị đó thành lập vương quốc Pagan (Bagan). Vương quốc Pagan trở thành vương quốc mạnh nhất, thống nhất Miến Điện và thành lập một quốc gia trong đó người Burma chế ngự kéo dài cho đến ngày nay.

Pagan trở thành vương quốc tồn tại lâu nhất, bành trướng lãnh thổ trong khi liên minh với người Shan, một vương quốc của người Thái, và phân chia lục địa Đông Nam Á với vương quốc Mon-Khmer. Vương quốc này tồn tại cho đến khi bị Mông Cổ xâm lăng.

Khi cực thịnh, Pagan lừng danh thời thế kỷ 13 đến 14, đến nỗi nhà thám hiểm Marco Polo cũng đã được nghe kể lại một thủ đô của nhiều ngàn ngôi chùa, vàng son tráng lệ. Sau Pagan, Miến Điện chia thành nhiều mảnh và nhiều vương triều lên nắm quyền. Trong khi đó, một phần người Shan đi theo sông Chao Phraya thành lập vương quốc Thái đầu tiên ở Đông Nam Á ở Ayutthaya. Đây cũng là giai đoạn vùng Arakan mà nay gọi là Rakhine cũng có một vương quốc nổi lên, có lúc là đồng minh với người Miến.

Nằm dọc theo vịnh Bengal, vùng này được rặng Arakan tách rời ra khỏi miền Trung Miến Điện. Dân tộc cư ngụ ở đây đến từ vùng Nam Ấn thuộc sắc tộc Ấn-Aryan. Họ có một giai đoạn độc lập dài từ năm 327 sau Công nguyên đến năm 1784 khi vương quốc Rakhine cuối cùng, Mrauk U, bị Miến Điện chinh phục. Sự chinh phục vùng này đưa vương quốc Miến trực tiếp sát biên giới với Đế Quốc Anh ở Ấn Độ. Năm 1826, cuộc chiến Anh-Miến đầu tiên xảy ra, Miến Điện thua, phải nhượng bang Rakhine cho Anh. Rakhine từ đó trở thành một phần của tỉnh Miến Điện thuộc Ấn Độ của Đế Quốc Anh. Năm 1948, khi Anh trả độc lập cho Miến Điện thì Rakhine trở thành một phần của nước cộng hòa liên bang mới.

Trong giai đoạn độc lập kéo dài từ thế kỷ thứ 4 các vương quốc Arakan được cả các vị vua theo Hồi giáo lẫn Phật giáo cai trị. Pho tượng khổng lồ Muhamuni nay đặt ở Mandalay được người Arakan theo Phật giáo nói là của họ, bị mất vào tay người Miến khi vương quốc của họ bị xâm lăng. Trong số người Arakan, những người theo Hồi giáo được gọi là Rohingya, dựa trên cái tên lịch sử của vùng đất họ ở là vùng Rohang.

Theo Encyclopaedia Britanica, vào cuối thế kỷ thứ 20, dân số Arakan lên đến khoảng hai triệu người, khoảng 90% sống ở Miến Điện, phần còn lại sống ở Bangladesh và Ấn Độ. Đa số người Arakan hay Rakhine theo Phật giáo, nhưng khoảng 15% theo Hồi giáo và được gọi là Rohingya. Khi Miến Điện độc lập, người Rohingya được công nhận và một số được bầu vào quốc hội và chính phủ đầu tiên của Miến Điện.

Đụng độ đầu tiên giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya là vào năm 1942, giữa một đạo quân Rohingya ủng hộ quân đội Anh và người Rakhine ủng hộ quân đội Nhật. Nhưng sau độc lập, tình hình lắng dịu với một trong hai nữ dân biểu đầu tiên của quốc hội năm 1951 là người Rohingya.

Kể từ cuộc đảo chánh của quân đội năm 1962, kỳ thị đối với các sắc tộc thiểu số gia tăng. Năm 1982, Tướng Ne Win cho ra Luật Dân Tộc trong đó người Rohingya không được công nhận là một trong tám dân tộc và 135 sắc tộc dựng lên Liên bang Myanmar. Nói cách khác khoảng hơn một triệu người Rohingya đã bị tước quốc tịch, trở thành một dân tộc vô tổ quốc.

Theo sau cuộc nổi dậy năm 1988, khi nhà cầm quyền quân phiệt từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, thiết quân luật được áp dụng trên toàn quốc. Trong các cuộc đàn áp, các ông tướng cũng đàn áp người Rohingya hồi năm 1991-1992. Lần đó, đã có 250.000 người bỏ chạy sang Bangladesh khiến hai quốc gia láng giềng suýt lâm chiến.

Người Rohingya bảo là họ là cư dân lâu đời của vùng miền Tây Miến Điện, và cộng đồng của họ bao gồm một sự pha trộn người đã ở vùng đất này từ thời tiền Đế Quốc Anh cộng với những người sang trong giai đoạn Đế Quốc Anh cai trị cả Miến Điện lẫn Ấn Độ.

Lập trường chính thức của chính phủ Miến Điện thì bảo họ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Chính quyền Miến không công nhận cả cái tên Rohingya, nói đến cộng đồng của họ là người Bengal. Những nhóm tranh đấu Rohingya như Tổ Chức Arakan Rohingya National Organization, đòi quyền "tự trị bên trong liên bang Myanmar".

Tình trạng pháp lý của người Rohingya đã được so sánh với tình trạng người da đen ở Nam Phi trong giai đoạn Apartheid. Trước cuộc khủng hoảng Rohingya năm 2015 và các cuộc đàn áp của quân đội năm 2016 và năm nay, dân số của họ ở Miến Điện khoảng từ 1 đến 1,3 triệu người. Không ai có con số chính xác vì kiểm kê dân số của Miến Điện không thèm đếm họ. Khu vực sinh sống chính của họ là miền Bắc Rakhine, nơi họ chiếm đến từ 80% đến 98% dân số. Sau các vụ bạo động, nhiều người Rohingya đã bỏ trốn ra khỏi Miến Điện với khoảng 900.000 người tị nạn ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia và Pakistan. Hơn 100.000 người Rohingya ở ngay Miến Điện sống cực khổ trong những trại di tản nội địa, nơi nhà chức trách không cho rời khỏi những khu này.

Các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy bằng cớ ngày càng có những gia tăng xách động hận thù và thiếu bao dung tôn giáo từ những người được gọi là "Phật giáo quốc gia quá khích" chống lại người Rohingya, trong khi quân đội và công an Miến Điện đã có những "vụ xử tử không xét xử, thủ tiêu, bắt bớ không có giấy tờ, giam giữ, tra tấn, hành hạ và cưỡng bách lao động".

Sự việc chính quyền Miến Điện không công nhận người Rohingya biến họ thành khối người vô tổ quốc lớn nhất thế giới. Đạo luật công dân năm 1982 của chính quyền quân phiệt đã bỏ, không cho họ vào trong số 135 nhóm sắc tộc thiểu số được nhà cầm quyền công nhận. Việc này giới hạn khả năng người Rohingya được đi học, chữa bệnh cũng như đi lại trong và ra ngoại quốc. Có những giai đoạn nhà cầm quyền ở Rakhine áp đặt một chính sách chỉ cho họ có được hai con và giới hạn hôn nhân đa tôn.

Căng thẳng trong vùng Rakhine thường bùng lên thành bạo động khiến nhiều hàng trăm ngàn người bỏ trốn sang Bangladesh và Pakistan xin tị nạn qua nhiều đợt trong nhiều thập niên nay. Trong những năm gần đây, tin đồn về vụ hiếp dâm và sát hại một người Phật giáo dẫn đến một loạt những cuộc tấn công vào các ngôi làng Rohingya. Bạo động gia tăng là cái cớ để quân đội can thiệp và đàn áp.

Tháng Mười, 2013, hàng ngàn người đàn ông Phật giáo tổ chức tấn công có phối hợp vào các ngôi làng Hồi giáo trên toàn tỉnh Rakhine. Các tổ chức nhân quyền nói bạo động bùng lên năm 2012 và tiếp tục vào năm 2013 là những hình thức thanh lọc sắc tộc và tội ác đối với nhân loại. Một bản phúc trình năm 2013 của Human Rights Watch nói bạo động ở Rakhine là "một chiến dịch phối hợp để cưỡng bách di chuyển hoặc đuổi người Hồi giáo ra khỏi bang".

Tháng Mười năm ngoái, một cuộc nổi dậy vũ trang của người Rohingya lộ diện khi các tay quá khích của đạo quân Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), lúc đó còn có tên là Harakah al-Yaqin, tấn công ba đồn biên giới. Trong bốn tháng sau đó, quân đội Miến, được gọi là Tatmadaw và cảnh sát giết hàng trăm người, hiếp dâm tập thể phụ nữ và đuổi đến 90.000 người Rohingya ra khỏi làng của mình.

Đến hôm 25 tháng Tám vừa qua, đạo quân ARSA này tấn công lần nữa, vào 30 đồn cảnh sát và một căn cứ bộ binh. Phản ứng của Tatmadaw lần này còn kinh khủng hơn. Các tổ chức nhân quyền nói họ đã giết hại, thiêu hủy làng mạc, dùng trực thăng bắn thường dân. Cuộc chạy trốn sang Bangladesh lại bắt đầu, cho đến nay lên đến 400.00 người. Human Rights Watch bảo khoảng 12.000 người hầu hết dân Rakhine theo Phật giáo và những người Rohingya theo Ấn giáo cũng bị vạ lây. Nhà cầm quyền đã cấm cứu trợ nhân đạo đến bang Rakhine, khiến những ai còn lại thiếu thức ăn và nước uống.

Chính phủ của các quốc gia đa số là Hồi giáo, kể cả Indonesia, Malaysia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại và phản đối. Hai khôi nguyên Nobel Hòa Bình, cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu và cô Malala Yousafzai đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ trên thực tế của Miến Điện, phải có hành động.

Bà Suu Kyi, tuy cầm đầu chính phủ dân sự, không kiểm soát quân đội, cho đến nay tránh không lên tiếng. Các nhà phân tích nói là bà đang ở trong một vị thế khó xử để lên án sự đàn áp, một phần vì quyền hành chính trị lớn của quân đội, vốn có quyền hiến định giải tán chính phủ của bà và quốc hội, một phần khác đại đa số dân chúng theo Phật giáo không thích người Rohingya.

Bà Suu Kyi, nay là một chính trị gia, có thể cảm thấy là số phận của một thiểu số cần được hy sinh để bảo vệ cho sự hình thành của chế độ dân chủ mà bà mong muốn đem lại cho nhân dân Miến Điện. Nhưng một chế độ dân chủ nào cũng cần một nền tản đạo đức, khi quyền sống của người Rohingya đang bị tước đi thì cái căn bản đạo đức nền dân chủ non trẻ và Miến Điện sẽ dễ trở thành độc tài của đa số.

Ấy là chưa kể Miến Điện tự hào là một quốc gia Phật giáo, nhưng hành động của người Phật giáo Miến Điện đối với những người thiểu số thuộc một tôn giáo khác đã phản bội lại tinh thần bao dung của Phật giáo.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 16/09/2017

Published in Diễn đàn

Miến Điện : Cội rễ của thảm kịch Rohingya

Dự án cải cách Liên Hiệp Châu Âu, vừa được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công bố hôm qua, 13/09/2017, là chủ đề được hầu hết các báo Pháp bàn luận. La Croix chạy tựa trang nhất : "Sự trở lại của Châu Âu". Trước hết xin giới thiệu một phân tích của Le Monde về những cội rễ của thảm kịch Rohingya, Miến Điện, vừa buộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải vào cuộc.

myanmar1

Người Rohingya vượt biên sang Bangladesh qua vịnh Bengal. Ảnh chụp ngày 11/09/2017. Reuters/Danish Siddiqui

Bài "Một lịch sử căng thẳng lâu dài và bạo lực" nhấn mạnh "cuộc thanh lọc sắc tộc" mà chính quyền Miến Điện đang tiến hành là đợt xung đột mới nhất của hơn một thế kỷ căng thẳng giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại vùng đất biên giới Miến Điện. Le Monde đưa độc giả trở lại trước hết với "nguyên nhân đầu tiên", đó là vào năm 1826, khi chính quyền Anh (kiểm soát Ấn Độ), sau khi xâm chiếm vùng Arakan (tức bang Rakhine hiện nay), đã khuyến khích dân Hồi giáo miền đông Bangladesh định cư tại khu vực này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến 1911, số lượng dân cư Bangladesh theo đạo Hồi sang định cư tại các địa điểm như Maungdaw, Buthidaung và Rathedaung – các trung tâm của những biến loạn hiện nay – tăng vọt tới 77%.

Cuộc chiến Anh-Nhật

Theo nhà nghiên cứu Moshe Yegar, trong Thế Chiến Hai, sau khi Nhật chiếm Miến Điện năm 1942, căng thẳng giữa hai cộng đồng lại có cơ hội bùng phát. Nhiều phần tử Phật giáo không chấp nhận trở thành thiểu số tại một số địa điểm nơi người "Rohingya" sống quần tụ, đã xảy ra nhiều cuộc tấn công nhắm vào các "làng Hồi giáo", và người "Rohingya" trả đũa, chống lại tín đồ Phật giáo ở Maungdaw và Buthidaung.

Xung đột giữa hai cộng đồng đặc biệt quyết liệt, khi các tín đồ Phật giáo bị lực lượng chiếm đóng Nhật Bản sử dụng để đẩy lùi quân Anh, trong khi đó, bên thực dân Anh – rút về Ấn Độ - tổ chức nhiều nhóm dân quân chống Nhật, bao gồm người Hồi giáo Rohingya hay Bangladesh. Các chiến binh tình nguyện theo đạo Hồi nhiều khi, thay vì tấn công quân Nhật, lại nhắm vào các làng Phật giáo.

Kể từ khi Miến Điện độc lập năm 1948, căng thẳng tiếp tục gia tăng. Năm 1951, một "tổ chức của người theo đạo Hồi ở Arakan (Rakhine)" kêu gọi thành lập một "Nhà nước Hồi giáo tự do, bình đẳng với các quốc gia khác của Liên Hiệp Miến Điện".

Chính vào thời điểm này mà từ "Rohingya" được lực lượng ly khai và các thành phần Hồi giáo sử dụng để nói về cộng đồng này. Trong khi đó, chính quyền Miến Điện và đông đảo cư dân nước này không thừa nhận sự tồn tại của người "Rohingya", mà coi họ chỉ là những người Bangladesh tha hương. Trong khi đó, những người tranh đấu cho cộng đồng Rohingya coi đây là một sắc tộc riêng, một phần có nguồn gốc Bangladesh, nhưng có cả các gốc gác khác, như Ả Rập, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ…

Kể từ những năm 1960, nhiều nhóm nổi dậy Rohingya được thành lập. Một số nhóm tuyên bố chiến đấu để bảo vệ quyền tôn giáo, một số nhóm khác nghiêng về Hồi giáo chính trị. Nhìn chung, xung đột với chính quyền tại vùng biên giới diễn ra "với cường độ thấp". Bản thân giữa các nhóm cũng có những cạnh tranh, và số lượng mỗi nhóm thường không vượt quá 100 người. Hiệp hội Đoàn Kết Rohingya, có cơ sở tại Bangladesh, từng là một trong những nhóm tích cực nhất.

Lực lượng nổi dậy Quân Đội Giải Phóng Rohingya hiện nay chắc chắn là một hóa thân của các nhóm chiến đấu trước đây, vốn hoạt động trong tình trạng phân tán. Một số người cho rằng lực lượng này do các thế lực lưu vong ở Saudi Arabia và Pakistan giật dây, nhưng theo những người phát ngôn của tổ chức này, thì cuộc chiến của họ không liên quan gì đến Thánh chiến Hồi giáo.

Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên tiếng

Về tình hình tại chỗ, báo Le Figaro cho biết đã có hơn 379.000 người Rohingya tị nạn sang Bangladesh. Dòng sông biên giới Naf đầy tử thi. Hôm qua, phát hiện thêm bảy người bị bắn chết, sau khi thi thể của họ được vớt lên. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Miến Điện chấm dứt mọi hoạt động chống lại người Rohingya.

Người được coi là đứng đầu chính phủ Miến Điện trên thực tế, bà Aung San Suu Kyi, trở thành đối tượng bị chỉ trích mãnh liệt, vì thái độ "thụ động, trước số phận bi thảm của cộng đồng thiểu số Hồi giáo này". Đối với Le Figaro, sự im lặng của ngoại trưởng Miến Điện cho thấy rõ "những giới hạn" của bà trước giới quân sự đầy quyền lực. Quan điểm coi người Rohingya là người nước ngoài của lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, được rất nhiều người trong số 90% cư dân Phật giáo của Miến Điện hưởng ứng. Quan điểm này lại càng có cớ để truyền bá, khi tổ chức al-Qaeda đe dọa tấn công chính quyền Miến Điện để báo thù. Cuộc khủng hoảng bang Rakhine (Arakan) đang ngày càng trở nên một vấn đề quốc tế.

Theo Les Echos, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ có phát biểu chính thức về vấn đề này vào ngày 19/09. Theo một người phát ngôn chính phủ, một trong các nội dung phát biểu của bà liên quan đến "hòa giải dân tộc và hòa bình".

Liên Hiệp Châu Âu tìm những chân trời mới

Phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, về tương lai của khối 27 nước, tại Strasbourg hôm qua, được báo chí Pháp đặc biệt chú ý. Xã luận của La Croix "Sự trở lại của Châu Âu" nhận xét đây là một dự án "đầy tham vọng".

La Croix đặt dự án Châu Âu của chủ tịch Juncker bên cạnh dự án "tái lập" Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được thủ tướng Đức chia sẻ, với nhận định trong bối cảnh bao thách thức hiện nay, Liên Âu rất cần đến những "sáng tạo táo bạo". "Thuyền trưởng Juncker dẫn dắt Liên Âu đến những chân trời mới" là tựa một bài khác của La Croix.

"Đừng bỏ lỡ cơ hội của Châu Âu" là tựa xã luận Les Echos. Tờ báo kinh tế bình luận, "nhiều vận động lớn" rõ ràng đang được khởi sự cho tương lai của Liên Hiệp. Thời điểm hiện nay là hết sức thuận lợi cho những thay đổi, khác hẳn với cách nay một năm, khi tình hình đen tối thể hiện ngay trong diễn văn "u ám và không có sức sống" của chủ tịch Juncker vào thời điểm đó.

Còn hiện nay, bối cảnh kinh tế thuận lợi, tình hình chính trị ổn định (nhất là sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 24/09), chủ nghĩa dân túy bị đẩy lùi, cộng đồng Châu Âu đã tìm lại được ý chí tập thể sau khi kế hoạch Brexit được xác định rõ. Theo Les Echos, dự án của chủ tịch Juncker giống với kế hoạch của tổng thống Pháp ở một điểm chính là xây dựng một Châu Âu "bảo vệ" người dân nhiều hơn nữa, đồng thời vẫn mở rộng cánh cửa với thế giới.

Dự án Juncker và dự án Pháp : Tương đồng và khác biệt

Về mặt thương mại, cụ thể là kiểm soát đầu tư nước ngoài tại Châu Âu và tiếp tục thương lượng các hiệp định mới nhiều tham vọng. Ông Juncker cũng dự kiến đưa vào các định chế Châu Âu quy chế quyết định theo đa số, chứ không cần đồng thuận 100%, trong nhiều lĩnh vực. Một điểm khá tương đồng với dự án của tổng thống Pháp, đó là thành lập ra một chức bộ trưởng kinh tế của Châu Âu, cũng như một chủ tịch Châu Âu, hợp nhất hai chức vụ hiện nay là chủ tịch Ủy Ban và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.

Dự án cải cách Châu Âu của chủ tịch Juncker dự kiến sẽ khởi sự đúng vào ngày 30/03/2019, ngày Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp, một thời điểm mang tính biểu tượng cao. Vấn đề khó nhất, theo Les Echos, hiện nay là tìm được sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên và tăng cường "các lĩnh vực yếu nhất", như củng cố nền dân chủ trong khối. Vấn đề thuế đánh vào các tập đoàn tin học được coi sẽ là một dấu hiệu thử thách quyết tâm của khối.

Về dự án cải cách của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh đến sự khác biệt rõ rệt với dự án của tổng thống Pháp. Cụ thể là, ông Juncker không muốn tách biệt khối sử dụng đồng euro thành một nhóm hạt nhân, với nghị viện riêng, ngân sách riêng. Chống lại Châu Âu co cụm vào khối euro và một Châu Âu phân hóa theo nhiều nhóm nước là quan điểm của chủ tịch Juncker.

Ngày 28/09 tới, một hội nghị của Liên Âu sẽ được tổ chức tại Talinn, Estonia, để cụ thể hóa lộ trình của dự án nói trên.

Về dự án cải cách Châu Âu, báo Libération lưu ý là sắp tới khối 27 nước sẽ trở thành khối 32 nước, với sự gia nhập của năm nước vùng Balkan.

Paris đăng cai Olympic : Một "thách thức kinh tế"

Le Figaro hôm nay chào mừng việc Pháp chính thức được đăng cai Thế Vận Hội, với hàng tựa : "JO 2024 tại Paris : Một thách thức thể thao và kinh tế". Điều đáng mừng là một thế kỷ sau Thế Vận Hội Paris 1924, nước Pháp lại có cơ hội giương cao ngọn đuốc thể thao thế giới. Tuy nhiên, xã luận Le Figaro "Món cược khác của Thế Vận Hội" chú ý đến những tấm gương thâm hụt tài chính nặng nề của các lần Thế Vận Hội mới đây, cụ thể như Thế Vận Hội Luân Đôn, đội chi đến 76% (với tổng chi 15 tỉ).

Nước Pháp – theo ban tổ chức - có lợi thế là 95% cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, và đầu tư cho Olympic lần này chỉ là 6,6 tỉ euro, trong đó chính quyền trung ương và địa phương chỉ đóng góp 1,5 tỉ. Le Figaro nhắc nhở là tổng chi phí của Thế Vận Hội thường vượt xa dự kiến ban đầu. Paris và nước Pháp có thể ăn mừng thành công nói trên, nhưng chỉ nên thực sự coi đây là chiến thắng, khi nào toàn bộ chi phí được kết toán.

Mỹ : Thượng viện chống dự án ngân sách của tổng thống

Libération chú ý đến cuộc phản kháng của Thượng Viện Mỹ hồi tuần trước, chống lại dự án ngân sách của tổng thống Donald Trump. Một ủy ban của Thượng Viện, bao gồm cả hai phe, Cộng Hòa và Dân Chủ, đã đồng thuận tuyệt đối với dự án ngân sách, dành hơn 51 tỉ đô la cho ngành ngoại giao, nhiều hơn 11 tỉ so với khoản chi cho ngoại giao theo dự án của tổng thống Trump. Dự luật ngân sách sẽ còn phải được toàn thể Thượng Viện thông qua, và sau đó phải hợp nhất với dự luật của Hạ Viện, trước khi trình lên tổng thống.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược : Bài học cho nước Mỹ từ siêu bão

Vẫn về thời sự nước Mỹ, Les Echos chú ý đến bài học mà nước Mỹ cần rút ra từ các siêu bão nhiệt đới. Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz tố cáo "học thuyết chống Nhà nước" đang ngự trị tại Washington, hay nói cách khác, quan điểm giảm thiểu vai trò của Nhà nước trong việc dự báo thiên tai và khắc phục thảm họa. Một điều trớ trêu là bang Texas, nơi vừa chịu siêu bão Harvey, với thiệt hại ít nhất 150 tỉ đô la, lại chính là một căn cứ địa của những người hoài nghi Biến đổi khí hậu.

Theo Joseph Stiglitz, nếu không đóng góp được gì nhiều cho cuộc chiến chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì chính quyền tiểu bang này cũng cần phải chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thiên tai, với mức độ nghiêm trọng gia tăng, do Biến đổi khí hậu. Giải Nobel kinh tế lưu là "chỉ có thị trường không thôi sẽ không thể mang lại những bảo trợ cần thiết cho xã hội".

Điều mà chính giới Mỹ cần làm ngay là có một chính sách nhất quán. Không thể vừa một mặt chống lại việc xây dựng các quy định pháp lý, chống lại các đầu tư cho việc phòng ngừa hạn chế thiệt hại do thiên tai, mặt khác, khi thiệt hại xảy ra lại đòi được bồi hoàn lớn, nhiều khoản thiệt hại hàng tỉ đô la "nhẽ ra có thể dễ dàng tránh được".

Châu Âu hỗ trợ Nga xử lý "nghĩa địa hạt nhân" trên biển

Về nước Nga, La Croix có phóng sự giới thiệu về chương trình xử lý "nhà máy Tchernobyl nổi", một trong các "nghĩa địa hạt nhân" tồi tệ nhất hành tinh, căn cứ hải quân cũ của Liên Xô ở Mourmansk, vùng Bắc Cực, cách biên giới Na Uy khoảng 50 km.

Khoảng 22.000 cấu kiện, tương đương với 100 lò phản ứng hạt nhân, phải được chuyển đến một nhà máy xử lý, nằm trong dãy núi Ural, cách địa điểm nói trên 3.000 cây số. Chi phí của chương trình ước tính 260 triệu euro, hơn một nửa là do quốc tế đài thọ. Quốc tế cụ thể ở đây là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu (BERD), đóng góp 165 triệu euro, trong đó Pháp 40 triệu. Châu Âu hỗ trợ Nga không chỉ về hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, mà cả việc "nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn".

Bỏ xe hơi chạy xăng, Trung Quốc muốn đứng đầu xe điện

Trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, tiếp theo Pháp và Anh – tuyên bố từ giã xe hơi xăng kể từ năm 2040 – đến lượt Trung Quốc cũng ngỏ ý muốn chia tay với các động cơ xăng và diesel. Tuyên bố bất ngờ được đưa ra vào kỳ nghỉ cuối tuần trước, không kèm theo chi tiết cụ thể.

Hiện tại Trung Quốc là thị trường xe hơi đứng đầu thế giới, với 28 triệu xe sản xuất một năm, chiếm 30% tổng sản lượng toàn cầu. Xe chạy điện hay động cơ kết hợp điện xăng chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, với khoảng 320.000 chiếc trong 8 tháng đầu năm.

Thông tin gây bất ngờ nói trên từ phía chính phủ Trung Quốc đặt các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài trước một cuộc chơi hoàn toàn mới. Cổ phiếu của công ty BYD chuyên về xe điện, tại thị trường Hồng Kông, tăng 7,2% chỉ hai ngày sau đó. Trong cuộc chơi mới này, Bắc Kinh hy vọng đưa các nhà sản xuất Trung Quốc lên tốp đầu thế giới, cạnh tranh lại với các hãng phương Tây như Tesla. Hiện tại, công ty khởi nghiệp NIO của Trung Quốc, chuyên về xe điện, mới ra đời ba năm nay tại Thượng Hải, tuyên bố sở hữu "chiếc xe chạy điện nhanh nhất thế giới", với tốc độ tối đa 420 km/giờ.

Cuộc đua chuyển sang nền kinh tế không năng lượng hóa thạch dường như đang bước sang một khúc quanh mới.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Theo số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 13/9/2017, có đến 370.000 người Rohingya đã chạy qua lánh nạn ở Bangladesh từ cuối tháng 8. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nói đến "một cuộc thanh lọc chủng tộc quy mô".

Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc bắt đầu họp về tình trạng người Rohingya kể từ ngày 13/9/2017. Ông Charbonneau nói tổ chức Human Rights Watch của ông muốn Hội đồng bảo an đe dọa trừng phạt, phong tỏa tài sản, cấm đi lại, cấm vận vũ khí... Nhưng Hội đồng đã quyết định họp kín, gây bất bình không ít đối với các tổ chức phi chính phủ. Theo ông Charbonneau, các nhà ngoại giao như vậy đã gởi đi một thông điệp không khác gì một "giấy phép sát nhân".

lg1

Bang Rakhine trong bản đồ Miến Điện

Bà Yanghee Lee, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, đã phát biểu trong một cuộc điều tra chung của BBC NewsnightBBC Our World : "Tôi cho rằng đây là tội ác chống nhân loại. Chắc chắn là tội ác chống nhân loại... do người Miến điện, quân đội Myanmar, lính biên phòng hay cảnh sát và các lực lượng an ninh gây ra".

Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền và báo chí quốc tế nói đến rất nhiều kể từ 2012 đến nay. Tại sao có biến cố này ? Các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ luôn to tiếng về nhân quyền, sẽ làm gì để giải thoát cho các nạn nhân ? Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin nói qua về người Rohingya.

Tình trạng người Rohingya

Người Rohingya là những người dân tộc Ấn-Arya theo Hồi giáo, đã sinh sống lâu đời ở bang Rakhine, một bang của Myanmar, người Việt thường gọi là Miến Điện. 

Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok, một người rất thông thạo về tình hình Myanmar, cho biết như sau : Bang Rakhine trước đây có tên là Nhà nước Arakan, và chỉ mới được sáp nhập vào Miến Điện vào năm 1785. Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, Arakan là một vương quốc Hồi giáo, được các vị vua mang tước hiệu Hồi giáo Shah cai trị. Đa số người Rohingya đã sống trong Nhà nước Arakan từ trước khi lãnh thổ này được sáp nhập vào Miến Điện. Chỉ có một thiểu số đến từ Bangladesh trong hai mươi năm gần đây. Cư dân vương quốc này gồm cả người theo đạo Hồi lẫn đạo Phật và họ chung sống với nhau một cách tương đối hài hòa.

Vào thời Đệ nhị Thế chiến, nhiều người Hồi giáo gốc ở vùng Arakan - hiện nay được gọi là Rohingya - theo người Anh, trong khi những người Miến Điện theo đạo Phật, do Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, lại liên minh với Nhật Bản. Tính đến năm 2013, có khoảng 1,23 triệu người Rohingya sống ở Myanmar. Họ cư trú chủ yếu ở các thị trấn phía Bắc bang Rakhine, nơi họ chiếm 80-98% dân số.

Sau khi Myanmar được độc lập và đặc biệt là sau khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962, người Rohingya đã bị kỳ thị. Nhiều đạo luật đã được ban hành buộc người Rohingya phải chứng minh được rằng họ đã sống trên đất Miến Điện từ trước 1824 nếu muốn có quốc tịch Miến Điện. Lẽ dĩ nhiên, rất ít người có thể trình ra các loại bằng chứng này, và như vậy họ không được coi là công dân Miến Điện. Vì thế, họ không có quyền tự do đi lại, và phải chịu nhiều phân biệt đối xử trong quan hệ với các viên chức Miến Điện về các vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai v.v...

Miến Ðiện có 135 sắc dân thiểu số được chính thức được thừa nhận theo đạo luật về quyền công dân năm 1982, nhưng sắc tộc Rohingya không có tên. Chính vì thế, người Rohingya lâm vào tình huống của những người vô tổ quốc mà chính phủ Miến Điện muốn áp đặt cho họ. Điểm mấu chốt của cuộc xung đột hiện nay là việc từ chối cấp cho người Rohingya quyền công dân Miến Điện, bất kể thời gian họ sống trên đất Miến Điện là bao lâu. Lý do họ bị từ chối quốc tịch là sự khác biệt về tôn giáo.

Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc

Tài liệu thống kê cho biết Miến Điện có dân số khoảng 50 triệu, theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó Phật giáo chiếm 89,3% dân số, Thiên Chúa giáo 5,6%, Hồi giáo 3,8%, đạo Hindu 0,5% và các tôn giáo khác khoảng 0,8%.

Phật giáo được phát triển ở Miến Điện từ thế kỷ thứ 5 và đến thế kỷ thứ 7, cả hai hệ phái Tiểu thừa và Đại thừa cùng có mặt. Nhưng đến thế kỷ 11, vua Anwrahta tuyên bố chỉ chấp nhận Tiểu thừa nên hệ phái Đại thừa biến mất.

Trong bài "Why are Buddhist monks attacking Muslims ?" (Tại sao các nhà sư Phật giáo tấn công người Hồi giáo ?) đăng trên BBC ngày 2/5/2013, Giáo sư Alan Strathern của Oxford University đã đặt câu hỏi :

"Trong tất cả những giáo huấn đạo đức đạo Phật được thấm nhuần trong các nhà sư, việc tránh sát sinh được nhắc tới đầu tiên, và nguyên tắc bất bạo động được cho là nằm ở vị trí trung tâm, quan trọng hơn nhiều đối với đạo Phật so với bất kỳ tôn giáo lớn nào khác. Vậy tại sao các vị sư lại có những bài diễn thuyết đầy thù hận chống lại người Hồi giáo và cùng hòa vào những đám đông giận dữ vốn đã khiến hàng chục người thiệt mạng ?".

Thông tín viên Arnaud Dubus của RFI tại Bangkok đã nhận định :

"Ở Miến Điện cũng như ở Cam Bốt và ở Thái Lan, có một sự đồng hóa chặt chẽ giữa Phật giáo với khối dân tộc đại đa số của đất nước như người Miến, người Khmer hay người Thái. Nếu sinh ra là người Miến Điện thì phải là người theo đạo Phật. Một người Miến Điện Hồi giáo hay Thiên chúa giáo bị coi là một điều quái đản".

MYANMAR-PROTEST/

Hàng ngàn nhà sư giận dữ biểu tình đòi trục xuất người Rohingya

Trên tạp chí Tricycle, trong bài "Buddhist Nationalism in Burma" (Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc ở Miến Điện), Tiến sĩ Maung Zarni, người sáng lập tổ chức Liên minh Tự do Miến Điện, đã nhận định rằng "hệ thống hóa sự kỳ thị chủng tộc chống người Hồi giáo Rohingya đã dẫn Miến Điện tới con đường diệt chủng". Ông viết :

"Những điều hung ác ấy được nhân danh Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc Miến Điện, vốn không thể nào kết nối được với lý tưởng của tâm-từ-bi (tiếng Pali : metta). Người Phật tử Rakhine đã ném những đứa bé Rohingya vào trong những đám lửa cháy ngay chính căn nhà của chúng trước mắt những người thân trong gia đình. Vào ngày 3 tháng Sáu, 10 người Hồi giáo ở ngoài địa phận tới hành hương, đã bị kéo lôi ra khỏi xe bus ở phố Rakhine, Taunggoke, chừng 200 dặm về phía tây Rangoon (thủ đô cũ), và họ bị đánh đập cho tới chết bởi một nhóm hơn 100 thanh niên Phật tử. Tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của công chúng và nhân viên cảnh sát địa phương…

"Tinh thần Đông phương về Phật giáo đã được tô-hồng quá đậm đối với người phương Tây, làm cho họ vô cùng kinh ngạc khi nghe nói sự tàn ác xuất phát từ một quần chúng Phật giáo võ trang, hay một chế độ chính trị nào đó hỗ trợ hay xui khiển Phật giáo như là công cụ ý thức hệ…".

Trong thực tế, những điều hung ác ấy cũng đã từng xảy ra ở miền Nam Việt Nam từ 1963 đến 1968 khi một số nhà sư cực đoan muốn cướp chính quyền để thành lập môt chính phủ Phật giáo tại miền Nam. Trong Tết Mậu Thân, hai người cộng sản quá khích, Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh thuộc Đoàn sinh viên Phật tử Huế từ chiến khu trở về, đã đi ngay đến khu nhà thờ Phú Cam, lùng bắt các thanh niên công giáo, công chức và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ra bắn ngay tại chỗ. "Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc" (Buddhist Nationalism) sau này được Lê Mạnh Thát hệ thống hóa và được Giáo hội Ấn Quang đưa vào Thông điệp hướng về thế Kỷ XXI ngày 21/2/2001. Cả Hoa Kỳ lẫn Đảng cộng sản Việt Nam nhận ra điều đó nên đã tìm cách dẹp tan để trừ hậu họa (1).

Thực hiện cuộc diệt chủng

Cả nước Miến Điện có hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp nơi. Riêng ở thành phố Bagan đã có hơn 4000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên một diện tích chỉ khoảng 40km2. Tu sĩ Miến Điện có khoảng 500.000 người, theo truyền thống Nguyên thủy (Theravadin), được gọi là bhikkhu, nghĩa là tăng sĩ hành khất. Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc do những tăng sĩ này đẻ ra.

Sau đây là các diễn biến đau thương đang xảy ra do chủ nghĩa này :

1. Không cho phép Hồi giáo…

Trong bài "No Muslims allowed" … (Không cho phép Hồi giáo…) đăng trên tờ The Guardian ngày 22/5/2016, phóng viên Poppy McPherson ghi lại :

Trước cổng làng Thaungtan, một tấm bảng đã được dựng lên. Bảng này có nội dung "Cấm người Hồi giáo ở lại qua đêm. Cấm người Hồi giáo thuê nhà. Cấm không được kết hôn với người Hồi giáo". Tấm bảng được người dân tại đây, vốn là những người theo đạo Phật, đề xuất. Họ đều đã ký tên đồng ý thực hiện theo những điều ghi trên tấm bảng này.

Về sau, nhiều làng khác trên khắp lãnh thổ Myanmar đã bắt chước theo làng Thaungtan, dựng lên những tấm bảng với nội dung tương tự và tạo thành những "ngôi làng chỉ của người theo đạo Phật". Không chỉ ác ý, những tấm bảng này còn đang thể hiện một sự căng thẳng tôn giáo có thể đe dọa đến vai trò của nhà nước dân chủ non trẻ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Ông Matthew Walton, giáo sư chính trị học của Đại học George Washington, cho biết trong khối người Phật giáo chiếm đa số ở Miến Điện không mấy ai lên tiếng phản đối những quan điểm cực đoan của một số các nhà lãnh đạo tôn giáo.

2. Phong trào 969 và vọng ngữ

Tuần báo L’Express của Pháp đã dành bốn trang để viết về nhà sư cực đoan bài Hồi giáo là Ashin Wirathu, với tựa đề "Người ta gọi ông là Hitler của Miến Điện".

lg3

Nhà sư Wirathu luôn tố cáo người Hồi giáo là "đạo quân thứ năm" cần phải diệt trừ

Trong những năm qua, Wirathu luôn tố cáo người Hồi giáo là "đạo quân thứ năm" cần phải diệt trừ. Năm 2015, phóng viên L’Express đã có dịp nghe ông giảng đạo tại Meiktila. Trước hàng trăm tín đồ, nhà sư hỏi : "Nên lấy một kẻ bụi đời hay một người Hồi giáo ?". Thính giả đồng thanh : "Bụi đời". "Lấy chó hay lấy người Hồi giáo ?"… Theo nhà sư, "chó không bao giờ buộc người khác phải cải đạo như Hồi giáo". Tại ngôi làng này, khoảng năm chục người đạo Hồi đã bị thảm sát hai năm trước đó.

Phong trào 969 đã được hình thành từ năm 2001, sau khi phiến quân Taliban tàn phá những pho tượng Phật cổ tại Bamiyan ở Afghanistan. Lãnh đạo phong trào là là Wirath, 44 tuổi, có trụ sở tại Mandalay. Wirathu cũng đã dùng vọng ngữ để kích động long hận thù tôn giáo và bạo loan, giống các nhà sư cực đoan Việt Nam trước 1975.

Wirathu giải thích rằng ba con số 969 là Tam Bảo (Tiratana) trong Phật giáo gồm 24 thuộc, con số 9 đầu là Phật, con số 6 ở giữa là Pháp, con số 9 ở sau là Tăng (9 Buddha, 6 Dhamma, 9 Sangha), tổng cộng là 24. Còn ba con số 786 được dùng trong truyền thống của Hồi giáo Nam Á, được mô tả là biểu hiệu cho con số 21 (7+8+6=21), có nghĩa là Hồi giáo sẽ thống trị thế giới trong thế kỷ 21.

Nhưng các nhà bình luận Tây phương lật tẩy ngay, họ nói đó là vọng ngữ đã được dùng để kích động lòng hận thù tôn giáo. Con số 786 chỉ là con số câu thứ 786 trong Kinh Koran, thường được người Hồi giáo ghi trước cửa nhà của họ. Lời kinh đó là : "Nhân danh đấng Allah, rất nhân từ, hằng thương xót" (In the name of Allah, the Most Gracious, the Ever Merciful).

Nhưng hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Myanmar dòng chữ số 969 trên lá cờ màu vàng của Phật giáo. Con số này được coi là biểu tượng đoàn kết của các tín đồ Phật giáo để đối kháng lại với con số 786 trên biểu tượng của cộng đồng tín đồ Islam thiểu số ở nước này !

Ngày 1/7/2013, trên trang bìa của tuần báo Mỹ Time Magazine đã cho đăng ảnh của nhà sư Ashin Wirathu, với dòng tít : "Bộ mặt của khủng bố Phật giáo" (The Face of Buddhist Terror). Đây cũng là nhan đề của một bài báo đăng trên tuần báo này. Chính quyền Myanmar đã ra lệnh cấm phổ biến số báo đó tại Miến Điện.

Số phận của người Rohingya

Bản tin VOA ngày 9/9/2017 cho biết các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho hay trong hai tuần qua, khoảng 270.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh để tìm nơi nương thân, trốn bạo lực và đàn áp ở Myanmar. Các bản tin chưa được kiểm chứng nói hơn 1.000 người đã bị quân đội Miến Điện giết chết từ ngày 25/8 khi xảy ra bạo lực ở bang Rakhine, miền bắc Myanmar.

lg00

Ông Duniya Aslam Khan, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, nói rằng các trại tị nạn đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người nào khác. Ông nói : "Họ đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, một tình huống nhân đạo hoàn toàn tuyệt vọng, không có đủ lương thực mà ăn... Họ nói họ đang sống ngoài trời, không có nơi trú ẩn để tránh cái nóng của mặt trời ở vùng nhiệt đới, không có nơi để trú mưa, trong khi con cái của họ không gì để ăn…".

lg4

Người Rohingya ra đi trong tuyệt vọng

Vấn đề được đặt ra là Liên Hiệp Quốc và các cường quốc, nhất là Mỹ, sẽ giải quyết vấn đề người Rohingya đang bị đàn áp như thế nào ?

Chúng ta nhớ lại, tối 8/4/1963, sau khi một trái lựu đạn phát nổ trước Đài phát thanh Huế khiến 8 người bị tử thương, CIA liền ra lệnh cho Trần Quang Thuận và Thích Đức Nghiệp tổ chức thiêu sống Thích Quảng Đức tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng Sài Gòn vào ngày 11/6/1963 để kích động dư luận, sau đó ban hành lệnh đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Ngày nay, biến cố Rohingya ở Miến Điện lớn gấp 100.000 lần vụ trước Đài phát thanh Huế năm 1963 và tội ác của chính quyền Miến Điện bị coi là "tội ác chống nhân loại", tội diệt chủng, phải bị truy tố trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Báo chí quốc tế gọi người Rohingya là "Những kẻ bị ngược đã nhất trên hành tinh" (The most persecuted people on the Earth). Hiện nay có 9 tổ chức Hồi giáo đang kiện Miến Điện tại Mỹ. Tại sao Hoa Kỳ lại im lặng ?

Để lôi kéo Miến Điện xa dần ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, khi đến thăm Miến Điện ngày 19/11/2012, Tổng thống Obama đã đọc một bài diễn văn tại Đại học Yangon khá dài, rất xuất sắc và được nhiệt liệt hoan nghênh. Ở phần kết luận, ông có nói : "Hôm nay, tôi nói với các bạn, và tôi nói với tất cả mọi người có thể nghe thấy tiếng nói của tôi – rằng Hoa Kỳ ở cùng với các bạn, kể cả những người đã bị lãng quên, những người bị tước đoạt, những người đang bị tẩy chay, những người nghèo khổ...".

Đó là lời hứa của nước Mỹ, nhưng Donald Trump chẳng quan tâm gì. Ông chỉ lo phục vụ quyền lợi của gia đình và giới đại tư bản Mỹ. Hiện nay ông đang thổi phồng vụ Bắc Hàn lên để gạ Nhật Bản và Nam Hàn mua hỏa tiễn THAAD của Mỹ. Điều ông quan tâm nhất là làm sao giảm cấm vận với Nga để Trump Organization có thể quay trở lại Nga xây dựng các Trump Tower. Chuyện số phận của người Rohingya và chuyện nhân quyền ở Việt Nam, Trump không bao giờ nghĩ tới.

Vả lại, lúc này Hoa Kỳ cũng không muốn đụng đến Việt Nam hay Miến Điện vì sợ hai nước này sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc như Thái Lan và Philippines. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng như nhà cầm quyền Miến Điện hiểu rõ như thế nên đang mạnh tay đàn áp. Những người đang bị tra tấn, áp bức, tù đày, đói rách hay bị giết chết một cách bất công... đừng trông chờ gì ở Donald Trump cả.

Ngày 30/8/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã triệu tập một cuộc họp kín nhằm thảo luận về tình trạng bạo lực ở bang Rakhine, nhưng không có tuyên bố chính thức nào được công bố !

Ngày 14/9/2017

Lữ Giang

(1) "Mục tiêu và chiến thuật đã bị bại lộ", Lữ Giang, ngày 23/2/2010.

Published in Diễn đàn

Miến Điện : Quân nổi dậy Rohingya tuyên bố ngừng bắn (RFI, 10/09/2017)

Theo AFP, hôm nay 10/09/2017, lực lượng nổi dậy người Rohingya đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn trong 1 tháng. Lực lượng vũ trang Hồi Giáo này đã tiến hành các cuộc tấn công đồn cảnh sát Miến Điện, dẫn đến chiến dịch trấn áp của quân đội Miến Điện dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn đang có cơ lan rộng trong cộng đồng người thiểu số Rohingya.

rohingya1

Người Rohingya trên đường vượt biên qua Bangladesh lánh nạn tại điểm biên giới Cox Bazar bên Bangladesh ngày 08/09/2017. Reuters/Danish Siddiqui

Trong một thông cáo đăng trên Twitter, nhóm nổi dậy mang tên Quân Đội cứu nguy người Rohingya của Arakan (ARSA) , "tuyên bố tạm ngừng các chiến dịch tấn công quân sự" trong vòng 1 tháng.

Các cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya từ cuối tháng 8 đã dẫn đến những vụ trấn áp bạo lực của quân đội Miến Điện nhằm vào cả thường dân trong sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo.Tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Các nước trong khu vực liên tục kêu gọi chính phủ Miến Điện chấm dứt các vụ bạo lực nhằm vào thường dân khiến những người Rohingya đang ồ ạt chạy lánh nạn sang Bangladesh trong những điều kiện hết sức khó khăn. Các tổ chức quốc tế lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng biên giới Miến Điện –Bangladesh.

Thảm cảnh tị nạn

Ít nhất đã có 290 nghìn người tị nạn Rohingya từ hai tuần nay đã bỏ chạy sang Bangladesh. Tại đó họ sống chen chúc trong những chiếc lều tạm. Cộng thêm với số người tị nạn đã tới vào năm trước, hiện đã có gần nửa triệu người Rohingya đang sống trong các trại tị nạn ở vùng biên giới.

Một vài tổ chức nhân đạo có mặt tại chỗ không thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực,nước sạch và y tế cho họ. Những người tị nạn Rohingya đang phải sống trong những điều kiện vệ sinh cực kỳ tồi tệ. Người ta đang lo ngại bệnh dịch bùng phát.

Ghi nhận của đặc phái viên RFI, Sébastien Farcis, tại trại tị nạn Balou Khali :

Trong căn lều tạm của trại tị nạn Balou Khali, em bé mới một tuổi rưỡi chân cuốn kín băng y tế. Chân của em bé bị bỏng độ 2. Mẹ em, đầu choàng khăn đang chăm chú theo dõi. Bà cho biết : "Binh lính Miến Điện đã đổ nước sôi vào cháu khi chúng tôi đang bỏ trốn".

Bác sĩ Karmaker làm việc cho hiệp hội Bangladesh Gonoshashtrya Kenda cho biết đã đón nhận rất nhiều trường hợp bị thương tương tự. Ông nói : "Tôi thường xuyên gặp nhưng trường hợp bị bỏng như em bé này hoặc bị thương vì đạn bắn".

Trên 700 bệnh nhân mà bệnh viện dã chiến này tiếp nhận hôm trước, đa số đều bị rối loạn tiêu hóa. Điều đó cho thấy có vấn đề vệ sinh nghiêm trọng trong thành phố ngoại ô tồi tàn hơn 20 nghìn dân.

"Rất nhiều người đến đây bị mắc chứng tiêu chảy, kiết lỵ. Trong một trại khác, tình trạng còn tồi tệ hơn. Có một con sông chảy qua, mọi người phóng uế và dùng nước ngay cùng một nơi. Nếu vấn đề vệ sinh không được cải thiện và nước sạch không được cung cấp, họ sẽ bị mắc hết bệnh tả".

Một vài chiếc xe tải chạy dọc tuyến đường để phân phát nước sạch, nhưng quá ít. Trợ giúp nhân đạo vẫn thiếu trầm trọng để có thể cung cấp thực phẩm cho gần một nửa triệu người tị nạn Rohingya ở đây.

RFI tiếng Việt

**********************

Myanmar : Quân nổi dậy tuyên bố tạm ngừng bắn (BBC, 10/09/2017)

Nhóm Hồi giáo nổi dậy Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong vòng một tháng nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân quyền tại khu vực Rakhine.

rohingya2

Người Rohingya cáo buộc quân đội đã đốt bỏ những ngôi làng của họ - nhưng Myanmar cho rằng họ đang chiến đấu chống "khủng bố"

Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa) cho biết sẽ ngừng bắn từ Chủ nhật 10/9/2017, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar buông vũ khí.

Việc Arsa tấn công cảnh sát hôm 25/8 đã dẫn tới phản ứng mạnh tay 'tàn bạo' của quân đội.

Từ đó tới nay, khoảng 290 ngàn người Rohingya được cho là đã bỏ trốn khỏi Rakhine và trú ẩn tại vùng biên giới với Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi cứu trợ khẩn cấp với trị giá khoảng 77 triệu USD bao gồm lương lực, nước và dịch vụ y tế cho những người Rohingya đã rời Myanmar.

Người dân Rohingya, nhóm thiểu số Hồi giáo tại một đất nước đa số theo đạo Phật, cho biết quân đội và những người theo đạo Phật tại Rakhine đã có những chiến dịch chống lại họ một cách tàn nhẫn, thậm chí đốt bỏ những ngôi làng họ sinh sống.

Myanmar phản bác ý kiến này, cho rằng quân đội đang chống lại "quân khủng bố" Rohingya.

Các tổ chức cứu trợ cho biết số người bỏ trốn khỏi Myanmar quá lớn.

Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Bangladesh, Robert Watkins, cho biết :

"Hiện tại chúng tôi cần khẩn cấp 60.000 chỗ trú ẩn cùng lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế, cùng các chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm lý để hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực tình dục".

'Làng mạc bị đốt cháy'

Những người dân bỏ trốn khỏi Rakhine miêu tả những ngôi làng đã bị đốt cháy, nhiều người bị đánh đập và bị giết bởi những lực lượng an ninh và thanh niên Phật giáo.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thực hư của sự việc này.

Cũng trong thứ bảy vừa rồi, quân đội Myanmar đã bị cáo buộc cài mìn tại vùng biên giới với Bangladesh.

Các quan chức Bangladesh cho rằng chính phủ Myanmar đã thực hiện hành động này nhằm ngăn chặn người Rohingya quay trở về.

Nguồn tin từ quân đội Myanmar đã phủ nhận cáo buộc này nhưng một đại diện từ chính phủ lại nói rằng thông tin vẫn chưa được làm rõ.

Cuộc khủng hoảng Rohingya đã gây lo ngại tại nhiều quốc gia.

Và người lãnh đạo thực quyền của Myanmar, bà Suu Kyi, khôi nguyên Nobel Hòa Bình, bị chỉ trích là đã không thể bảo vệ và giúp người Rohingya nói lên tiếng nói của mình.

********************

Malaysia quyết định cho người tỵ nạn Hồi giáo Rohingya tạm trú (RFA, 08/09/2017)

Quyết định được đưa ra trong bản thông cáo của lực lượng tuần duyên Malaysia, ghi rõ sẽ đón nhận những thuyền nhân Rohingya từ Miến Điện chạy sang xin tỵ nạn.

rohingya1

Những người Hồi giáo Pakistan đốt cờ Myanmar với hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc phản kháng chống lại chính phủ Myanmar ở Quetta vào ngày 8 tháng 9 năm 2017. AFP

Trước đó, Thủ Tướng Najib Razak của Malaysia còn cho hay sẽ gửi toán cứu trợ nhân đạo sang Bangladesh, để giúp những người Hồi giáo chạy từ Miến sang xin tá túc. Vẫn theo Thủ Tướng Malaysia, chính phủ nước ông sẵn sàng giúp Bangladesh xây một bệnh viện để chữa trị cho người tỵ nạn Rohingya.

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng thông báo đang sửa soạn để đón người tỵ nạn từ Miến Điện vượt biên giới vào đất Thái.

Quyết định cho người Rohingya vượt biển tạm trú được chính phủ Malaysia đưa ra chỉ một ngày sau khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Miến Điện nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ tất cả những người cư ngụ trong bang Rakhine, nơi chính phủ Miến nói là đang xảy ra giao tranh giữa khủng bố Hồi giáo và quân đội quốc gia.

Hai ngày trước đó, bà Suu Kyi có nói rằng khủng bố gây nên căng thẳng cho tình hình an ninh của bang Rakhine, đồng thời chỉ trích những lời đồn đãi vô căn cứ khiến mọi người nghĩ rằng chính phủ Miến làm ngơ, không giúp đỡ hay bảo vệ cho người Hồi giáo Rohingya.

Khi đưa ra tuyên bố này, bà Suu Kyi cũng không nói gì đến việc đã có 164.000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần đông sang Bangladesh xin tạm trú.

Các phát biểu bà Suu Kyi đưa ra vào thời điểm những quốc gia trong khối Hồi giáo cùng gây áp lực đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp bảo vệ tập thể thiểu số Hồi giáo đang bị đàn áp bởi quân đội và lực lượng an ninh của Miến, là quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo.

Đầu tuần này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là ông Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo rằng bất ổn ở Miến Điện có thể sẽ gây ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt nếu chính phủ Miến không ngăn chận, tiếp tục để chuyện người theo đạo Hồi bị đàn áp hay chuyện diệt chủng xảy ra.

Có tin nói rằng các nước Hồi giáo muốn đưa vấn đề người Hồi giáo Rohingya bị đàn áp ra bàn thảo trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và chính phủ Miến đang vận động tìm sự ủng hộ Trung Quốc và Nga để Hội Đồng Bảo An không nhóm cuộc họp đặc biệt lên án Miến Điện.

Trong quá khứ, bà Aung San Suu Kyi nhiều lần lên tiếng nói rằng Rakhine là chuyện nan giải kéo dài đã nhiều thập niên, do đó cần phải có thời gian để giải quyết. Phía quân đội Miến cũng thường lên tiếng nói phải mở những cuộc hành quân truy lùng bọn khủng bố Hồi giáo quá khích, bác bỏ tất cả những cáo buộc nói rằng binh sĩ hay an ninh Miến cố tình đàn áp, đe dọa tính mạng của người Rohingya.

*******************

Myanmar đang cố gắng bảo vệ tất cả người cư ngụ trong bang Rakhine (RFA, 07/09/2017)

Lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ tất cả những người cư ngụ trong bang Rakhine, nơi chính phủ Miến nói là đang xảy ra giao tranh giữa khủng bố Hồi giáo và quân đội quốc gia.

rohingya2

Những người Hồi giáo Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar, ngày 5 tháng 9 năm 2017. AFP

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài Truyền Hinh Asian News International của Ấn hôm thứ Năm, mùng 7 tháng Chín 2017, bà Suu Kyi không nhắc đến tập thể hơn 1 triệu người Hồi giáo Rohingya cư ngụ ở Rakhine, nhưng nói rằng trách nhiệm của chính phủ là phải bảo vệ mọi người, bất kể họ là công dân Miến hay không. Bà cũng xác nhận không có đủ điều kiện để làm thật tốt điều này, nhưng nhấn mạnh đang có gắng bằng mọi cách để bảo vệ mọi người, theo đúng với những gì luật pháp Miến Điện quy định.

Hai ngày trước đó, bà Suu Kyi có nói rằng khủng bố gây nên căng thẳng cho tình hình an ninh của bang Rakhine, đồng thời chỉ trích những lời đồn đãi vô căn cứ khiến mọi người nghĩ rằng chính phủ Miến làm ngơ, không giúp đỡ hay bảo vệ cho người Hồi giáo Rohingya. Khi đưa ra tuyên bố này, bà cũng không nói gì đến việc đã có 164,000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần đông sang Bangladesh xin tạm trú.

Các phát biểu bà Suu Kyi đưa ra vào thời điểm những quốc gia trong khối Hồi giáo cùng gây áp lực đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp bảo vệ tập thể thiểu số Hồi giáo đang bị đàn áp bởi quân đội và lực lượng an ninh của Miến, là quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo. Đầu tuần này, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo rằng bất ổn ở Miến Điện có thể sẽ gây ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt nếu chính phủ Miến không ngăn chận, tiếp tục để chuyện người theo đạo Hồi bị đàn áp hay chuyện diệt chủng xảy ra.

Có tin nói rằng các nước Hồi giáo muốn đưa vấn đề người Hồi giáo Rohingya bị đàn áp ra bàn thảo trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tin cũng nói rằng chính phủ Miến đang vận động tìm sự ủng hộ Trung Quốc và Nga để Hội Đồng Bảo An không nhóm cuộc họp đặc biệt để lên án Miến Điện.

Trong quá khứ, bà Aung San Suu Kyi nhiều lần lên tiếng nói rằng Rakhine là chuyện nan giải kéo dài đã nhiều thập niên, do đó cần phải có thời gian để giải quyết. Phía quân đội Miến cũng thường lên tiếng nói phải mở những cuộc hành quân truy lùng bọn khủng bố Hồi giáo quá khích, bác bỏ tất cả những cáo buộc nói rằng binh sĩ hay an ninh Miến cố tình đàn áp, đe dọa tính mạng của người Rohingya.

*****************

Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì ? (BBC, 06/09/2017)

Hiện đang có các cuộc vận động ở Châu Á và trên thế giới phê phán chính quyền Myanmar vì cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine.

rohingya3

Thế giới đang chú ý nhiều đến cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya

Ngay tại một nước Asean là Indonesia, các nhóm biểu tình liên tiếp tới trước Đại sứ quán Myanmar ở Jakarta lên án bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi trừng phạt Myanmar.

Tuy nhiên, chính quyền Myanmar nói vụ việc "chỉ là một phần của tảng băng chìm" về "nhiễu loạn thông tin" và đổ cho các nhóm vũ trang của người Rohingya gây ra bạo động.

rohingya5

Những hình ảnh và lời kêu gọi cứu người Rohingya từ Myanmar đang lan tỏa trên các trang mạng xã hội

Vậy nhóm vũ trang của người Rohingya là gì ?

Lực lượng mang tên Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa-Arakan Rohingya Salvation Army) hoạt động trong bang Rakhine ở vùng Bắc Myanmar, nơi người Rohingya, đa số theo Hồi giáo, đang bị trấn áp.

rohingya4

Lực lượng Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (ARSA) được ccbqg Hồi giáo hỗ trợ

Chính quyền Myanmar không công nhận quyền công dân của họ và coi họ chỉ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh.

Đôi lúc xung đột giữa các nhóm sắc tộc đã bùng lên nhưng từ năm 2016, một nhóm nổi dậy vũ trang người Rohinya hình thành và lớn mạnh.

Trước đó, tổ chức viết tắt là Arsa này từng có tên khác, như Harakah al-Yaqin, và họ đã giết 20 nhân viên cảnh sát và an ninh Myanmar.

Hôm 25/08, Arsa tấn công một số đồn công an tại Rakhine, giết 12 người trong vụ việc nghiêm trọng nhất cho tới thời điểm đó.

Vụ này cũng ngay lập tức khiến an ninh Myanmar tăng cường trấn áp bằng các biện pháp chống nổi dậy.

Chính quyền Myanmar gọi Arsa là tổ chức khủng bố, và nói các nhân vật lãnh đạo của nhóm này được huấn luyện ở nước ngoài.

rohingya6

Vì sao người Rohingya tràn qua biên giới Bangladesh ?

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (The International Crisis Group - ICG) cũng xác nhận nhóm vũ trang này có được huấn luyện ở bên ngoài và công bố một phúc trình năm 2016 nói nhóm này được lãnh đạo bởi người Rohingya sống ở Ả Rập Saudi.

ICG cũng nói lãnh đạo của Arsa là Ata Ullah, sinh ở Pakistan và trưởng thành tại Ả Rập Saudi.

Published in Châu Á

Khủng hoảng Rohingya : Lò lửa Đông Nam Á

Thảm họa, Tai biến, Hủy diệt : những tựa lớn trên báo Pháp ngày 08/09/2017 mô tả thiệt hại khủng khiếp do cơn cuồng phong Irma để lại ở vùng biển Caribe. Nhưng tại Đông Nam Á, một cơn bão khác, bão lửa, đang manh nha nổi dậy và có nguy cơ tàn phá khu vực nếu cộng đồng quốc tế không dứt khoát giải quyết : khủng hoảng sắc tộc tại Miến Điện mà nạn nhân là người Hồi giáo Rohingya.

rohingya1

Người tị nạn Rohingya mới đến tại trại Kutupalang, Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh 30/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Với hàng tựa gây lo ngại : Nguy cơ Đông Nam Á bị đốt cháy, nhật báo kinh tế Les Echos tóm lược nhận định của báo Mỹ Wall Street Journal : Trong vòng hai tuần, hơn 164.000 người Rohingya theo đạo Hồi phải bỏ Miến Điện chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Bị tước quốc tịch vào năm 1982, bị đàn áp, bị phân biệt đối xử, thảm trạng của cộng đồng 1,3 triệu người này "có thể gây bất ổn định toàn vùng Đông Nam Á và sẽ bị các phong trào thánh chiến Hồi giáo kích động thêm". Bạo lực tạo thêm bạo lực, đồn bót cảnh sát bị tấn công, quân đội trả đũa với một chiến dịch thanh lọc sắc tộc, đốt làng mạc, giết chết ít nhất 400 dân làng Rohingya trong muà hè vừa qua.

Đông Nam Á dọn đường cho thánh chiến

Sau nhiều năm thảm sát người Hồi giáo và để cho phong trào Phật tử cực đoan tấn công đàn áp vào năm 2012, những lập luận biện minh của chính quyền quân sự cũng như của chính phủ Aung San Suu Kyi ngày nay tố cáo một chiến dịch "tuyên truyền thất thiệt" bị Les Echos coi là "không đứng vững".

Vấn đề gai góc cho khu vực là nếu sắc tộc Rohingya tiếp tục bị đàn áp và truy đuổi thì hậu quả sẽ ra sao ? Lực lượng "Quân Đội Cứu Nguy Rohingya" tấn công hồi tháng 8 tuy chỉ có 150 tay súng. Nhưng trong vùng Đông Nam Á, với hơn 240 triệu tín đồ và nhiều phong trào Hồi giáo chính trị cực đoan được các nước Trung Đông tài trợ, nguy cơ một cuộc đấu tranh toàn diện càng lớn nếu trấn áp vẫn tiếp diễn.

Giải pháp cứu nguy là Đông Nam Á phải dấn thân hành động và những quốc gia tài trợ cho chính phủ Aung San Suu Kyi phải gây sức ép.

"Nổi đau" của Aung San Suu Kyi

Cũng cùng nhận định này, Le Monde chia sẻ "lựa chọn đớn đau" của bà Aung San Suu Kyi : có thể nào một khôi nguyên Nobel Hòa Bình, hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình để tranh đấu cho dân chủ và lên đài danh vọng thần tượng của thế giới, lại có thể im lặng trước thảm nạn của một cộng đồng thiểu số trong nước của mình ?

Theo nhật báo độc lập, từ hai tuần nay, câu hỏi đớn đau trở nên cấp bách hơn với hàng trăm ngàn dân Rohingya sang Bangladesh tị nạn. Bị quốc tế và các tổ chức nhân quyền thúc giục, cuối cùng bà Aung San Suu Kyi, phải lên tiếng nhưng gây thất vọng não nề cho những người từng ngưỡng mộ bà. Lãnh đạo chính phủ Miến Điện công kích tảng "băng sơn thông tin thất thiệt" lên án quân đội chỉ làm tăng thêm khủng hoảng hơn là giảm bớt hành động thô bạo của quân đội.

Theo Le Monde, bà Aung San Suu Kyi không bao giờ nhận mình là "thần tượng" mà bà chỉ là một nhà chính trị. Tình hình khủng hoảng nhân đạo ở bang Rakhine phản ảnh "giới hạn" trong mối thỏa hiệp với phe quân đội. Bà chỉ kiểm soát "một phần quyền lực" phần còn lại nằm trong tay các tướng lãnh. Bà cũng không có ảnh hưởng gì đối với Phật Giáo cực đoan, đồng minh của quân đội.

Theo Le Monde, trong bối cảnh người Rohingya bị hầu hết các quốc gia láng giềng hất hủi, điểm đáng khen của bà Aung San Suu Kyi là đã trao cho cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan sứ mệnh điều tra và đề nghị một giải pháp khả thi. Bản báo cáo, với nhận định không khoan nhượng và đề nghị tái lập quyền công dân cho người Rohingya, đã được trình cho chính phủ Miến Điện ngày 24/08, một ngày trước khi xảy ra vụ tấn công các đồn biên phòng. Theo Le Monde, đã đến lúc quân đội Miến Điện, cộng đồng quốc tế, nhất là các chính quyền Hồi giáo phải tỏ ra lưu tâm đến số phận sắc tộc Rohingya, phải nỗ lực phối hợp hành động.

Bắc Triều Tiên, Syria cùng mẫu số ?

Trái đất không bình yên, hai lò lửa khác đang đe dọa Đông Á và Trung Đông trong bối cảnh cộng đồng quốc tế… chia rẽ. Tổng thống Nga che giấu bất đồng với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trong phương án đối phó với Bắc Triều Tiên trong khi ở Trung Đông, Israel bày tỏ thái độ dứt khoát, để sinh tồn, sẵn sàng ra tay trước như vừa oanh kích nhà máy vũ khí của Syria đêm thứ tư 06/09/2017.

Trở lại cuộc hội kiến tại Vladivostok giữa tổng thống Nga với hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ tư, theo Les Echos, cho dù luôn tươi cười mời gọi đầu tư, chủ nhân điện Kremlin không che giấu được bất đồng sâu rộng với hai đối tác Châu Á Shinzo Abe và Moon Jae-in. Một tuần sau khi Bình Nhưỡng thử quả bom H, "thượng đỉnh Davos Châu Á" là biểu tượng "hướng đông" của Moskva, trong bối cảnh căng thẳng với Tây Phương trên nhiều hồ sơ quốc tế từ Ukraine cho đến Syria.

Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đang làm xáo trộn mọi toan tính chính trị-kinh tế của chính quyền Nga đối với hai đối tác Châu Á.

Trước thái độ cứng rắn của thủ tướng Nhật và tổng thống Hàn Quốc trong buổi họp với các doanh nhân , tổng thống Nga không thể lẫn tránh câu hỏi buộc phải nói rõ quan điểm : "Rất khó hù dọa Bình Nhưỡng. Họ khiêu khích nhưng không ngu. Tại sao ta phải rơi vào bẩy của họ" ? Một doanh nhân Nga tỏ ra chấp nhận "số phận" : Chiến tranh hạt nhân xảy ra thì viễn đông nước Nga lãnh đủ. Thôi đành sống chung với mối đe dọa hạt nhân".

Cũng nghiêm trọng không kém là tin một cơ sở chiến lược của Syria bị không quân Israel oanh kích hôm thứ tư. Le Monde xem sự kiện này là thái độ dứt khoát của Tel Aviv tiêu diệt vũ khí của phe Hồi giáo Shia tận gốc. Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Hama thật ra là nhà máy chế tạo vũ khí hóa học của Syria. Một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố đầu tháng 9 lần đầu tiên xác nhận quân đội Syria đã dùng bom hóa học thảm sát 28 trẻ em và 23 phụ nữ ở Khan Chaikhoun ngày 04/04 năm nay. Hệ quả của vụ ném bom này là Donald Trump trả đũa bằng một loạt tên lửa vào một phi trường quân sự của Syria. Khi quyết định tấn công nhà máy vũ khí này, theo Le Monde, Israel xác định là từ nay công khai tấn công lực lượng Hezbollah-Lebanon, đồng minh của Damascus, mà nguồn vũ khí là do Iran và Syria cung cấp.

Còn theo Libération, chính quyền Benjamin Netanyahu hoàn toàn im lặng. Nhưng theo phát ngôn viên quân đội Syria, bốn chiến đấu oanh tạc cơ mang hiệu "ngôi sao 6 cánh" đã tấn công các cơ sở quân sự "nhạy cảm" của Syria để "nâng cao tinh thần của phe nổi dậy" . Nếu đúng là Israel, vì không quân nước nào có khả năng làm "mù mắt" ra-đa của Syria, thì cuộc oanh kích này là thông điệp nhắn gửi tổng thống Syria Bachar al-Assad : Israel hành động độc lập với lãnh đạo Nga và Mỹ, hầu bảo vệ quyền sống còn. Hezbollah-Lebanon trang bị tên lửa đầu đạn hóa học sẽ là cơn ác mộng của Israel. Sau những phi vụ oanh kích các đoàn xe chở tên lửa và vũ khí do Iran cung cấp, Israel đánh vào nhà máy chế tạo "vũ khí phi quy ước"của quân đội Syria và Hezbollah-Lebanon.

Colombia : từ linh mục "đỏ" đến nỗ lực hòa giải của Tòa Thánh

Trong khi đó, để giúp Colombia củng cố hòa bình sau hơn nửa thế kỷ nội chiến, Giáo hoàng Francis công du quốc gia Nam Mỹ này trong 5 ngày, hậu thuẫn cho Giáo hội địa phương và chính phủ Bogota. Le MondeLa Croix phân tích căn nguyên nguồn cội.

Theo Le Monde, Giáo hội và người dân Colombia kỳ vọng vào chuyến tông du của giáo chủ tòa thánh La Mã, thúc đẩy tổ chức nổi dậy Quân Đội Giải Phóng Dân Tộc, thân Cuba, và do một linh mục đỏ thành lập cách nay 42 năm, chấp nhận hòa bình với chính quyền trung ương Bogota như lực lượng mác-xít FARC cách nay vài tháng.

Nhật báo công giáo La Croix cho biết thêm, Giáo hoàng có sứ mệnh "chỉ ra con đường hòa bình" cho Colombia và còn giúp các phe tranh chấp chữa trị căn bệnh chia rẽ trầm kha để hòa giải, lật qua trang sử nội chiến triền miên.

Angela Merkel : nhận lỗi để đi tới

La CroixLes Echos, trong trang thời sự Châu Âu, tập trung vào nữ thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Angela Merkel phải đối đầu với phe cực hữu bài ngoại, khai thác làn sóng tị nạn, và một số vụ án hình sự mà thủ phạm là dân nhập cư để chiêu dụ cử tri trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 9 này. Tuy nhiên, theo nhật báo công giáo, nhà chính trị có bản lĩnh này không hề nao núng, nhìn nhận khiếm khuyết và kêu gọi cử tri thấy rõ những thành tựu phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm của chính phủ do bà lãnh đạo từ 12 năm qua. Chính thái độ này đã làm cho không ít cử tri ngưỡng mộ : Bà ấy rất tuyệt. Rất thực tế và biết nhận lỗi lầm.

Một số giai thoại về nữ thủ tướng Đức được nhật báo kinh tế Les Echos điểm qua như sau : Năm 1990, thủ tướng cuối cùng của Đông Đức, Lothar de Maizière nói với trợ lý Sylvia : "Cô có thể nói với bà Merkel may y phục khác được không ? Ăn mặc kiểu bà ấy, điện Kremlin sẽ không cho chúng ta vào". Từ đó, Angela Merkel tìm được một nhà may ở Hambourg, đặt may hàng chục áo veste đủ màu, không có cổ, mặc tới mặc lui cho đến bây giờ. Ngay cựu thủ tướng Đông Đức Lothar de Maizière cũng khen ngợi : Merkel là một người làm việc siêng năng, thông minh và có phương pháp. Bà thừa hưởng đặc tính này từ thân phụ mục sư Tin Lành.

Alexei Navalny : trường kỳ tranh đấu với giới trẻ Nga

Tại Nga, thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny phủ bóng bầu cử địa phương. Theo Les Echos, cho dù bị chính quyền Putin ngăn chặn bằng mọi cách, viện hàng loạt lý do "phi lý" để cấm đối lập tranh cử, đối lập Nga, với thủ lĩnh luật sư Alexei Navalny tìm cách "can thiệp" trên hiện trường nhân bầu cử 10/09.

Hơn 70 trụ sở của đối lập được thành lập khắp miền đông nước Nga, từ Vladivostok đến Kaliningrad, nguồn tài trợ đến từ quyên góp trên mạng internet. Thành viên của tổ chức ? Đó là thanh thiếu niên, sinh viên học sinh, muốn "sống trong một nước Nga tự do", như lời tâm sự của Katia, một cô gái 17 tuổi, bất chấp áp lực và đe dọa của nhà trường.

Malaysia : thiên đường bóc lột

Về thời sự Châu Á, bài phóng sự của Libération "Thiên đường Malaysia, địa ngục của công nhân nước ngoài" thuật lại đời sống của người lao động trẻ từ các quốc gia Châu Á khác, do tỷ lệ tăng trưởng cao của Malaysia thu hút. Thực tế, quốc gia Đông Nam Á này là "thiên đường" của tệ nạn bóc lột sức lao động, của điều kiện làm việc khắc nghiệt và chổ ở tồi tệ : mỗi người 5 mét vuông trong độ nóng cháy da của vùng nhiệt đới.

Các công nhân Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Philippines khốn khổ này chắc không biết ở Tây Phương có hai vấn đề đang được nêu lên : thương yêu thực vật và tương lai của nhân loại. Trang "ý kiến" của Les Echos giới thiệu ba quyển sách tìm hiểu "lắng nghe tâm sự của cỏ cây" và ba quyển nghiên cứu "thăm dò" thế giới thông minh nhân tạo : Robot sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao ?

Tú Anh

Published in Châu Á

Miến Điện : Aung San Suu Kyi tố cáo "tin thất thiệt" về người Rohingya (RFI, 06/09/2017)

Lần đầu tiên từ khi cuộc khủng hoảng về người Rohingya nổi cộm trở lại vào hạ tuần tháng 8, lãnh đạo chính quyền Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, ngày 06/09/2017 đã tố cáo điều được gọi là " tảng băng sơn của thông tin thất thiệt", đã bóp méo sự thật về cuộc khủng hoảng liên quan đến người Hồi giáo Rohingya, khiến cho Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động.

myanmar1

Cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi họp báo với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 06/09/2017. Reuters/Soe Zeya Tun

Trong một cuộc điện thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, lãnh đạo chính quyền Miến Điện cho rằng niềm thương xót mà quốc tế dành cho người Hồi giáo Rohingya xuất phát từ một "tảng băng sơn khổng lồ của thông tin sai lệch, được tạo ra để kích động hiềm khích giữa các cộng đồng khác nhau và để thúc đẩy lợi ích của những kẻ khủng bố".

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của người từng đoạt Giải Nobel Hòa Bình, trong thời gian qua đã bị phê bình gắt gao ở nước ngoài vì đã im lặng trước thảm cảnh mà cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Rohingya đang phải chịu, khiến hàng chục ngàn người đã phải bỏ chạy qua nước Bangladesh láng giềng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người đã nhiều lần lên án các phản ứng của chính quyền Miến Điện trong cuộc khủng hoảng, tố cáo điều được gọi là "nạn diệt chủng" ở khu vực bang Rakhine, miền đông bắc Miến Điện, nơi cụ ngụ chủ yếu của người Rohingya.

Bạo lực tại bang Rakhine bùng lên trở lại ngày 25/08 với cuộc tấn công của phiến quân Rohingya thuộc lực lượng Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), nhắm vào hàng chục đồn cảnh sát. Quân đội Miến Điện đã phản công bằng một chiến dịch truy quét rộng lớn, đẩy hàng chục ngàn người vào con đường chạy loạn.

Theo các tổ chức nhân đạo, ngoài 125.000 người tị nạn ở Bangladesh kể từ ngày 25/08, hàng ngàn người được đang trên đường và một số vẫn còn bị chặn lại tại biên giới.

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/09 trích nguồn tin chính phủ Bangladesh tố cáo Miến Điện cho gài mìn dọc theo biên giới giữa hai nước từ ba ngày nay nhằm ngăn chặn không cho người Hồi giáo Rohingya quay về sau khi chạy loạn qua nước láng giềng.

Một thảm cảnh khác được ghi nhận : Ngày 06/09, thi thể 5 đứa trẻ bị chết đuối vì thuyền bị mắc kẹt ở phía bên Bangladesh và bị chìm. Theo chính quyền địa phương, có ba hoặc bốn chiếc thuyền bị chìm ở cửa sông Naf, đánh dấu biên giới tự nhiên giữa Miến Điện và mũi phía đông nam của Bangladesh.

Indonesia : Biểu tình chống áp bức người Rohingya

Ngày 06/09, hàng người đã biểu tình tại Jakarta, đòi hỏi ngưng bạo lực, áp bức đối với người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện.

Đáp ứng lời kêu gọi của các tổ chức đạo Hồi ở Indonesia, khoảng 4.000 người theo cảnh sát, đã tập hợp trước sứ quán Miến Điện tại Jakarta, mang biểu ngữ đòi " chấm dứt việc giết người Hồi giáo Rohingya". Theo hãng tin Pháp AFP, 6.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ sứ quán Miến Điện.

Vào ngày 05/09, ngoại trưởng Indonesia Reino Marsudi, kết thúc chuyến thăm Miến Điện, đã gặp bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi tìm phương cách giải quyết khủng hoảng.

Mai Vân

***************************

Hàng ngàn người Hồi giáo Indonesia biểu tình tại đại sứ quán Myanmar (RFA, 06/09/2017)

Hàng ngàn người Hồi giáo Indonesia biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Myanmar, ở Jakarta vào hôm thứ Tư, ngày 6 tháng 9, yêu cầu Chính phủ Miến Điện chấm dứt bạo lực đối với người thiểu số người Hồi giáo Rohingya.

myanmar2

Hàng ngàn người Hồi giáo Indonesia biểu tình chống lại Myanmar, hôm ngày 5 tháng 9 năm 2017.  AFP

Những người biểu tình trong bộ y phục màu trắng của người Hồi giáo đi qua các con phố của thủ đô và tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Myanmar, ở trung tâm Jakarta để lên án tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở bang Rakhine, Miến Điện. Đoàn biểu tình cầm biểu ngữ với khẩu hiệu "Hãy ngưng giết những người Hồi giáo Rohingya" và hô to "Thượng đế cao cả nhất".

Phát ngôn viên của Cảnh sát Jakarta cho AFP biết có khoảng 6000 nhân viên cảnh sát và quân đội được điều động đến để bảo vệ Đại sứ quán Myanmar.

Một ngày trước khi cuộc biểu tình diễn ra, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi lên đường cho chuyến thăm hai ngày Myanmar để kêu gọi lãnh đạo Aung San Suu Kyi và Tổng tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlaing giúp giải quyết khủng hoảng trong vấn đề người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Published in Châu Á

87.000 người tị nạn Rohingya tràn qua Bangladesh (RFI, 04/09/2017)

Sau 10 ngày bạo động tại miền tây Miến Điện, số lượng người Hồi Giáo Rohingya sang Bangladesh tiếp tục tăng nhanh. Theo văn phòng điều phối của Liên Hiệp Quốc tại Cox's Bazar cho đến sáng ngày 04/09/2017 gần 90.000 người vượt biên sang Bangladesh lánh nạn. Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền Naypyidaw và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyu.

miendien1

Hàng chục ngàn người Rohingya chạy sang Bangladesh, để tránh bị tàn sát, ngày 03/09/2017. Ảnh : Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, bạo động bùng lên tại bang Rakhin, miền tây Miến Điện từ hôm 25/08/2017, khoảng 30 đồn cảnh sát bị lực lượng nổi dậy ARSA tấn công nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng thiểu số người Rohingya.

Lực lượng quân đội Miến Điện trả đũa : 400 người thiệt mạng, hầu hết là người Rohingya ; hàng chục ngàn người phải sơ tán. Theo thẩm định Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng 20.000 người kẹt tại biên giới giữa Miến Điện – Bangladesh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại bạo động nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện dẫn tới một "cuộc khủng hoảng nhân đạo".

Vào hôm nay, người trên thực tế đang nắm quyền tại Miến Điện là bà Aung San Suu Kyu, cùng với tướng Mun Aung Hlang, lãnh đạo quân đội Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi để tìm một ngõ thoát trên hồ sơ nhậy cảm này.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 người Pakistan, Malala Yousafzai, qua mạng Twitter chỉ trích khôi nguyên Hòa Bình Miến Điện năm 1991, Aung San Suu Kyu, làm ngơ trước thảm cảnh của người Rohingya trên xứ bà.

Thanh Hà

********************

Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine, nhà cửa bị đốt (VOA, 02/09/2017)

Khoảng 400 người đã chết vì bo lc bang Rakhine ca Myanmar trong tun qua, các quan chức quân đi cho biết, nói rng phn ln đu là người Hi giáo ni dy.

myanmar1

Một nhóm người t nn Rohingya chy khi Myanmar sang Bangladesh Teknaf, Bangladesh, ngày 1 tháng 9, 2017.

Một trang Facebook ca quân đi báo cáo con s này, nói rng 370 người là nhng phn t ni dy, và 29 người thit mng là cnh sát hoc dân thường.

Tuy nhiên những người thuc cộng đng người Hi giáo Rohingya thiu s đã báo cáo nhng v tn công vào làng mc ca h làm mt s người chết và buc hàng ngàn người tháo chy.

Tổ chc Theo dõi Nhân quyn (HRW) hôm th By cho biết hình nh v tinh chp hôm th Năm làng Chein Khar Li thuộc th xã Rathedaung cho thy 700 căn nhà b phá hy. T chc nhân quyn này nói 99 phn trăm ngôi làng b phá hy và nhng du hiu thit hi trông ging như là ha hon, chng hn như nhng vt cháy ln. "Thế nhưng đây ch là mt trong 17 đa đim mà chúng tôi xác định có nhng v cháy", Phil Robertson, phó giám đc ca HRW, nói.

Liên Hiệp Quc cho biết ít nht 38.000 người đã tháo chy khi Myanmar sang Bangladesh, phn ln là người Rohingya. Các nhà lãnh đo cng đng Bangladesh nói vi VOA rng một s người Hindu, cũng là sc dân thiu s Myanmar, đã vượt qua biên gii.

Ông Robertson cho biết Phái b Tìm hiu Thc tế ca Liên Hip Quc cn phi có "s hp tác đy đ" ca chính ph Myanmar đ hoàn thành nhim v ca mình là đánh giá các vi phạm nhân quyền Bang Rakhine và tìm cách chm dt các cuc tn công cũng như đm bo s gii trình trách nhim.

HRW cho biết nhng người Rohingya t nn gn đây tháo chy khi Myanmar sang Bangladesh nói vi t chc này rng quân đi và cnh sát Myanmar đã đốt nhà ca h và thc hin nhng v tn công vũ trang nhm vào dân làng. T chc này nói nhiu người t nn Rohingya có "nhng vết thương do đn và mnh bom".

Các nguồn tin Bangladesh nói vi Ban Tiếng Bangla ca VOA rng ti 60.000 người đã vượt qua biên giới trong nhng ngày gn đây.

Myanmar xem người Rohingya là di dân t Bangladesh, và không phi là mt trong nhiu nhóm sc dân thiu s ca đt nước. Người Rohingya b t chi quc tch, ngay c khi h có th chng minh rng gia đình h đã sinh sng ở Myanmar từ nhiu thế h.

Bạo lc giáo phái gia người Pht giáo và Hi giáo thường xuyên bùng lên sut hơn mt thp k qua. Cho ti nhng v tn công vào tháng trước, tình trng bo lc nghiêm trng nht din ra vào tháng 10 năm ngoái, khi nhng phn t ni dy tn công mt s đn cnh sát, đưa ti mt cuc đàn áp quân s, khiến hàng ngàn người b chy sang Bangladesh.

Chính phủ Myanmar bác b cáo buc ngược đãi người Rohingya và hn chế cho nhà báo và nhng người nước ngoài khác tiếp cn Rakhine ; nhưng đại sứ ca nước này ti Liên Hip Quc nói rng chính ph d đnh thc thi các khuyến ngh ca y ban Liên Hip Quc đ ci thin tình hình và chm dt bo lc.

************************

Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới (BBC, 02/09/2017)

Cảnh sát Bangladesh phớt lờ lệnh của chính phủ nước này bắt họ phải ngăn không cho người tỵ nạn từ nước láng giềng Myanmar vượt qua biên giới.

myanmar2

Người tỵ nạn Rohingya tại biên giới Bangladesh-Myanmar

Phóng viên BBC tại Bangladesh nói các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya đang tràn qua các cửa khẩu mà không bị ai ngăn cản.

Liên Hiệp Quốc ước tính hiện có 58.000 người tỵ nạn đã vượt qua biên giới Myanmar-Bangladesh.

Các vụ bạo lực nổ ra tại tỉnh Rakhine của Myanmar cách đây hơn một tuần.

Người tỵ nạn Rohingya cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar và những đám đông người Phật giáo đã đốt làng của họ.

Chính phủ Myanmar nói các lực lượng an ninh đang đáp trả cuộc tấn công của phiến quân người Rohingya vào 20 đồn biên phòng của cảnh sát hồi tháng trước.

Những vụ đụng độ tiếp theo đó khiến người dân từ nhiều cộng đồng phải ra đi.

Hơn 20.000 người Rohingya khác được cho là đang bị kẹt dọc bờ sông Naf, con sông phân ranh giới giữa Bangladesh và Myanmar.

Các tổ chức cứu trợ nói những người này đang phải đối mặt với nguy cơ chết đuối, bệnh tật và bị rắn độc cắn.

myanmar3

Rakhine, tỉnh nghèo nhất của Myanmar, là quê hương của hơn một triệu người Rohingya. Họ bị ngược đãi hàng chục năm nay ở đất nước mà phần lớn dân chúng theo Phật giáo, nơi họ không được coi là công dân.

Trong những năm gần đây, đã xảy ra nhiều đợt bạo lực gây chết người. Các vụ bạo lực hiện nay là lớn nhất kể từ tháng 10/2016, khi mà chín cảnh sát thiệt mạng trong những đợt người Rohingya tấn công vào đồn biên phòng.

Cho đến thời điểm đó, không có chỉ dấu nào rằng đã có phe nổi dậy có vũ trang của người Rohingya, mặc dù căng thẳng sắc tộc vẫn luôn hiện hữu.

myanmar4

Người Hồi giáo Rohingya tập trung cầu nguyện dịp lễ Eid tại một trại tỵ nạn gần biên giới Myanmar - Bangladesh

Cả hai vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái và hôm 25/8 mới đây đều do một nhóm có tên gọi Quân giải phóng Arakan Rohingya thực hiện.

Nhóm này nói mục tiêu của họ là bảo vệ người Hồi giáo Rohingya khỏi sự đàn áp của nhà nước Myanmar. Chính phủ Myanmar thì nói họ là một nhóm khủng bố.

Quân đội Myanmar cũng đã tiến hành một đợt đàn áp sau vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái. Sau đó, có rât nhiều cáo buộc về tình trạng hãm hiếp, giết người và tra tấn do quân đội gây ra. Hàng chục ngàn người Rohingya khi đó đã chạy sang Bangladesh.

Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra chính thức. Tuy nhiên quân đội Myanmar phủ nhận đã có hành động sai trái.

**********************

Miến Điện : Tổng thư ký LHQ kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo (RFI, 02/09/2017)

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 01/09/2017 kêu gọi chính quyền Miến Điện và nhóm nổi dậy người Hồi giáo Rohingya ở miền tây bắc nước này kiềm chế xung đột, tránh gây ra một thảm họa nhân đạo. Bạo lực tuần qua đã khiến gần 400 người thiệt mạng và vài chục ngàn người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

myanmar5

Người Rohingya Miến Điện tìm đường sang Bangladesh. Ảnh ngày 01/09/2017. Reuters

Theo lời một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Guterres hiện rất lo ngại về sự thái quá trong chiến dịch trấn áp người Rohingya mà các lực lượng an ninh Miến Điện tiến hành. Ông kêu gọi chính quyền Miến Điện bình tĩnh và kềm chế trong cuộc chiến chống người Rohingya, trước nguy cơ xảy ra thảm kịch nhân đạo.

Trong khi đó, Pierre Peron, phát ngôn viên văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc giải thích với AFP là các hoạt động cứu trợ lương thực trong khuôn khổ Chương trình lương thực thế giới (PAM) đã phải tạm ngưng ở miền tây bắc Miến Điện kể từ khi bạo lực bùng phát cách đây 1 tuần. Ít nhất 250.000 người bị ảnh hưởng

Cũng trong ngày hôm nay, chính phủ Miến Điện thông báo hơn 2.600 ngôi nhà đã bị phóng hỏa ở nhiều nơi tại miền tây bắc nước này, nơi đa phần dân số là người Rohingya. Nhà chức trách Miến Điện quy trách nhiệm cho lực lượng nổi dậy người Rohingya ARSA. Nhưng những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh kể lại rằng chính quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc, buộc họ phải trốn chạy.

Tổ chức nhân đạo Human Rights Watch, căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh và lời kể của nhiều nhân chứng, cũng tố cáo chính lực lượng an ninh Miến Điện chủ động đốt phá các ngôi nhà.

Tại Istanbul, trong bài phát biểu chào mừng lễ Hiến Sinh Aid al-Adha của người Hồi giáo 01/09/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan coi bạo lực nhắm vào người Hồi giáo Rohingya tại Miến Điện là một vụ "diệt chủng".

Thùy Dương

Published in Châu Á