Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người Hồng Kông : Tự do bằng mọi giá

hongkong1

Đông đảo người dân Hồng Kông lại xuống đường biểu tình đòi dân chủ ngày 31/08/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Tuần báo Courrier International đặc biệt dành trang bìa, hồ sơ chính và bài xã luận cho điều được nêu bật trong tựa lớn : "Hồng Kông : Tự do bằng mọi giá", kèm theo tiểu tựa : "Vì sao mọi đối thoại với Bắc Kinh đều có vẻ bất khả thi. Năm câu hỏi để hiểu về cuộc khủng hoảng".

Theo ghi nhận của Courrier International, sau ba tháng biểu tình đòi tự do và dân chủ ở Hồng Kông, Trung Quốc vẫn tiếp tục tố cáo bàn tay của ngoại bang. Trong khi đó thì cuộc đối đầu (giữa cả triệu người dân với chính quyền thân Bắc Kinh) vẫn chưa thấy lối thoát, và bạo lực ngày càng gia tăng.

Cuộc chiến giữa hai thế giới

Bài xã luận "Cuộc chiến giữa các thế giới" - lấy lại tựa đề tiểu thuyết nổi tiếng The War of the Worlds của nhà văn Anh H. G. Wells, xuất bản năm 1898 – đã nêu rõ lý do thúc đẩy phong trào phản kháng hiện nay tại Hồng Kông : Bảo vệ những quyền tự do mà trên nguyên tắc đặc khu này phải được hưởng, nhưng đang bị Trung Quốc trù dập.

Trước tiên, tuần báo ghi nhận là đã gần 3 tháng qua người dân Hồng Kông xuống đường chống lại dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc. Tuy đã bị đình chỉ ngay từ đầu, nhưng người biểu tình đòi chính quyền phải rút hẳn văn kiện này. Đồng thời, họ ngày càng tỏ rõ ý muốn có được những bảo đảm về dân chủ và quyền tự do ở Hồng Kông. Đa số những người phản kháng bảo vệ nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ" (theo các nội dung đã được cam kết lúc Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc năm 1997), cho dù một số ít mơ tưởng đến độc lập.

Từ nhiều tuần lễ nay, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, lên án người biểu tình có hành vi bạo lực, tố cáo sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc cũng phô trương uy lực, phát đi rộng rãi hình ảnh hàng ngàn cảnh sát triển khai ở Thẩm Quyến, làm nhiều người lo ngại một sự can thiệp thô bạo vào đặc khu hành chính.

Đối với Bắc Kinh, sắp kỷ niệm 70 năm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vấn đề Hồng Kông không tách rời với vấn đề Đài Loan mà ông Tập Cận Bình muốn sáp nhập về Trung Quốc.

Nhưng Hồng Kông không phải là Thiên An Môn, như lời giải thích của một nữ ký giả người Ý, cư ngụ tại Hồng Kông từ hơn 30 năm nay : Thế giới đã thay đổi từ 1989, và "ngày nay Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn trong một cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào thường dân".

Thế thì tình hình sẽ chuyển biến ra sao ? Cái gì sẽ thật sự diễn ra ? Courrier International trình bày hai quan điểm : Một, ủng hộ người biểu tình, được đăng trên Minh Báo, một nhật báo Hồng Kông có uy tín ; và Hai là của một học giả thân Bắc Kinh. Người đầu tiên nhấn mạnh đến đòi hỏi dân chủ của người biểu tình, trong lúc vị học giả kia thì tố cáo trên tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao), một nhật báo Hoa ngữ Singapore, sự can thiệp của nước ngoài, tương đương trong thực tế với "công cuộc thực dân hóa gián tiếp" Hồng Kông.

Đối với tạp chí Pháp, đây là hai quan điểm không thể dung hòa tương tự như quan điểm của Bắc Kinh với người Hồng Kông.

Khủng hoảng Hồng Kông qua năm câu hỏi

Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng này, Courrier International đã nêu lên năm câu hỏi và tìm lời giải đáp qua các bài báo trích dịch từ các tờ New York Times và Washington Post của Mỹ ; The Australian của Úc ; Liên Hợp Tảo Báo ở Singapore, và dĩ nhiên là các tờ báo Hồng Kông như Minh Báo (Ming Pao) và Tín Báo Tài Kinh Nguyệt Khan (Shunpo Monthly).

Thứ nhất, điều gì đang thật sự diễn ra ở Hồng Kông ?

Câu trả lời nằm trong một bài báo của nguyệt san Tín Báo Tài Kinh (Shunpo Monthly), xuất bản ở Hồng Kông, nói đến một thế hệ "Tuổi trẻ yêu chuộng tự do".

Tờ báo ghi nhận là từ ngày được trao trả lại cho Trung Quốc, vùng lãnh thổ này đã xuất hiện nhiều phong trào phản kháng ôn hòa tại Hồng Kông. Thế nhưng lần này người ta chứng kiến sự đoàn kết rõ rệt trong cả một thế hệ đấu tranh cho quyền được tự do.

Thứ hai, bối cảnh chính trị ra sao ?

Về vấn đề này, bài viết trên nhật báo Úc The Australian tại Sydney cho rằng đối với Bắc Kinh, những gì đang diễn ra tại Hồng Kông là một điều bất bình thường của lịch sử.

Để tuân theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã phán rằng quyền bán tự trị của Hồng Kông cũng như tình trạng độc lập trên thực tế của Đài Loan phải biến mất.

Thứ ba, nguy cơ Trung Quốc can thiệp võ trang vào Hồng Kông có hay không ?

Nhật báo Mỹ, The New York Times khẳng định Hồng Kông không phải là Thiên An Môn.

Tờ báo nhắc lại rằng mối lo ngại về một chiến dịch can thiệp thô bạo của Trung Quốc đã gia tăng khi người ta thấy binh lính Trung Quốc tiến vào Hồng Kông vào sáng sớm thứ Năm, 29/08/2019. Nhưng theo Bắc Kinh, đó chỉ là một hoạt động "thay ca" bình thường mỗi năm.

Như một nhà báo đã sinh sống hàng chục năm ở Hồng Kông đã viết, tâm trạng lo lắng thường dẫn đến những so sánh vội vàng, như so sánh Hồng Kông với Thiên An Môn. Vấn đề là Bắc Kinh vẫn không biết đối thoại với tuổi trẻ.

Thứ tư, những người biểu tình có lý hay không ?

Trả lời cho câu hỏi này có hai xu hướng. Trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông, một nhà nghiên cứu đại học cho là những người phản kháng có lý, vì cần phải có một xã hội nhân bản. Đằng sau các yêu sách rất cụ thể, những gì mà phong trào phản kháng mong muốn bao hàm những đòi hỏi dân chủ và nhân văn cơ bản.

Còn trên nhật báo Hoa ngữ Liên Hợp Tảo Báo tại Singapore, một nhà nghiên cứu đại học thân Bắc Kinh nhận định rằng Hồng Kông phải đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ thời thuộc Anh. Dù không đặt lại vấn đề nhà nước pháp quyền, nhân vật này đã giải thích vì sao chế độ lai ghép của Hồng Kông phải hoàn toàn thần phục Trung Quốc.

Thứ năm, trọng lượng của Hồng Kông trong kinh tế Trung Quốc là gì ?

Câu trả lời đến từ nhật báo Mỹ The Washington Post, ghi nhận một thực tế ít ai chú ý : Đó là Hồng Kông là một địa điểm được giới giàu có tại Trung Quốc ưa chuộng, trước hết là vì hệ thống pháp lý và kinh tế của đặc khu này cho phép họ cất giữ tiền bạc tránh được sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Theo Washington Post, các nhà bình luận thường nghĩ rằng đối mặt với Trung Quốc, Hồng Kông như là chàng tí hon David chống lại gã khổng lồ Goliath, và cuối cùng chỉ có thể thua mà thôi. Tuy nhiên giới bình luận đã bỏ qua một yếu tố quan trọng trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Hồng Kông : tiền của tư nhân. Những người giàu có ở Hoa Lục – trong đó có nhiều người gắn rất chặt với đảng cộng sản – có nguy cơ bị mất nhiều tiền của nếu Hồng Kông rơi vào hỗn loạn.

Nhà nước Trung Quốc, tức là đảng cộng sản, không cần đến Hồng Kông để thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc. Điều đó khiến Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh mẽ trước biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng giới giàu có và ưu tú ở Bắc Kinh nằm trong thành phần "Nhà Nước-Đảng", có những quyền lợi phức tạp hơn. Trấn áp Hồng Kông một cách mạnh bạo sẽ không có lợi cho sự giàu có của bản thân họ.

Người Hồng Kông phải đơn độc chiến đấu

Cũng quan tâm đến tình hình Hồng Kông, tuần báo L’Obs đã dành một bài bình luận cho cuộc "nổi dậy rầm rộ" của người Hồng Kông, có lúc tập hợp được một phần ba cư dân vùng lãnh thổ này. Đối với L’Obs, đây là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử, nhưng "Hồng Kông đang đơn độc trên thế giới", tựa bài nhận định.

Theo tuần báo Pháp, ước muốn bảo vệ và củng cố quyền tự trị và tự do của vài triệu người Hồng Kông trước cỗ xe hủ lô gồm 1,4 tỷ đồng hương do đảng cộng sản kiểm soát, phải khiến người ta tôn trọng và ngưỡng mộ. Nhưng người Hồng Kông đang đơn độc trong cuộc chiến trước một đối thủ cứng rắn, xem việc thỏa hiệp hay nhượng bộ là những dấu hiệu yếu đuối, đe dọa quyền lực tuyệt đối của mình.

Donald Trump đã nói lên suy nghĩ của ông vào giữa tháng 8 khi nói đến những vụ "bạo loạn", một từ ngữ mà Bắc Kinh sẽ không phản đối, trước khi nói thêm : "Đó là vấn đề giữa Hồng Kông và Trung Quốc, vì Hồng Kông thuộc về Trung Quốc. Họ phải giải quyết vấn đề với nhau. Họ không cần lời khuyên".

Vài ngày sau, thì ông đã nói cứng hơn với Bắc Kinh sau khi bị chỉ trích ngay trong đảng Cộng hòa, nhưng sự việc đã rồi : Khi tố cáo CIA và phương Tây là "những bàn tay đen tối" giật dây phong trào phản kháng, lãnh đạo Trung Quốc biết rõ là Washington, sẽ không làm gì để bảo vệ người Hồng Kông, cũng như là Châu Âu hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Đối với L’Obs, quả đúng như ông Trump đã nói, Hồng Kông là một vấn đề nội bộ Trung Quốc, nhưng Hồng Kông lại nằm trong một cái khung quốc tế : Thỏa thuận ký kết lúc trao trả lại cho Trung Quốc, giữa lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và thủ tướng Anh Margaret Thatcher, năm 1984, có giá trị một hiệp định quốc tế.

Chính thỏa thuận này cho phép Hồng Kông trở về dưới trướng Trung Quốc ngày 01/07/1997, và bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông trong 50 năm. Do đó, thế giới có quyền đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng điều đã được ký kết. Thế nhưng tại sao vấn đề tự do của người Hồng Kông chỉ được thế giới ủng hộ trên đầu môi chót lưỡi.

Quyền can thiệp nhân đạo nay còn đâu !

Đối với L’Obs, có lẽ quyền can thiệp gọi là nhân đạo hay vì tự do mà Pháp đã có thời cổ vũ, ngày nay đã mất đi hào quang của nó. Cũng có thể là những lãnh đạo như Donald Trump không còn quan tâm đến những vấn đề liên quan đến nhân quyền hay là vì tương quan lực lượng quốc tế đã thay đổi.

Về phần Trung Quốc, nước này biết rất rõ vấn đề, và họ sẽ tránh lập lại một Thiên An Môn thứ hai ở Hồng Kông - tức là đàn áp bằng vũ lực - mà sẽ sử dụng biện pháp hù dọa với việc triển khai lực lượng cảnh sát vũ trang ở Thẩm Quyến được truyền thông đưa tin rầm rộ.

Bắc Kinh cũng đánh cược trên sự sa lầy của phong trào, hay thúc đẩy cho phong trào phạm lỗi, chia rẽ, tuyên truyền làm mất uy tín của họ. Chính quyền Trung Quốc đã thành công trong việc tuyên truyền ở Hoa lục, làm họ tin rằng phong trào ở Hồng Kông là do CIA giựt dây.

Còn những người Hồng Kông, mà vài người biểu tình đã phất cờ Anh hay Mỹ, thì biết là họ đang đấu tranh đơn độc, cho dù là họ gởi đến thế giới một thông điệp tuyệt vời về niềm tin vào dân chủ, trong lúc mà nhiều thế lực đang tìm cách thuyết phục mọi người rằng đó là điều đã lỗi thời.

Bất động sản tại Pháp, ai cũng muốn mua

Ngoài chủ đề Hồng Kông, số ra cuối hè của các tuần báo Pháp vẫn hứng thú với những đề tài tản mạn, nặng tính xã hội, chẳng hạn như L’Express, trên trang bìa, đã thông báo một hồ sơ "Đặc biệt bất động sản" ghi nhận tình trạng "Paris đang bùng lên" về giá cả. Hồ sơ của L’Express phân tích về giá bất động sản tại 80 khu phố trong thủ đô Paris và 670 thành phố ở Pháp

Tạp chí Pháp tỏ ra rất ngạc nhiên, cũng như giới địa ốc, trước sức khỏe hiện nay của thị trường địa ốc, được xem là ngoạn mục. Các vụ mua bán phá kỷ lục, như về số lượng hiện nay gần một triệu.

Tạp chí lược qua giá nhà ở 80 khu phố Paris, cho là khó với đến, hay ở các thành phố lớn Lyon, Nantes, thị trường rất náo nhiệt, nhà cũ, nhà mới đều bán chạy như tôm tươi.

Thị trường địa ốc thường được xem như thước đo sức khỏe của nền kinh tế, và theo L’Express, tình hình nói trên có thể được giải thích bằng sức khỏe tốt hiện nay của kinh tế Pháp, thất nghiệp giảm, người Pháp tin tưởng trở lại. Nhưng cụ thể hơn, đó là do lãi suất tiền vay mua nhà, vốn đã thấp, lại giảm thêm, gần như lãi cho không.

Theo giáo sư kinh tế Michel Mouillart, còn có thêm một yếu tố khác có tính chất quyết định : Đó là thời gian trả tiền vay kéo dài ra. Ngày nay, thời hạn trả trung bình là 20 năm, nhưng càng lúc càng có nhiều người vay trong 25 năm: 40% người mua nhà đang sử dụng yếu tố này.

Màn hình thực sự là mối nguy

Cũng khai thác đề tài xã hội, tuần báo Le Point dành một hồ sơ dài 18 trang nói về những tác hại của việc ngồi quá lâu trước màn hình. Trang bìa đề tựa lớn : "Những mối nguy thực sự của màn hình" đối với trí nhớ, sự tập trung tư tưởng, khả năng bị trầm cảm…

Tờ báo khẳng định rằng hậu quả của việc ngồi lâu trước màn hình đã được khoa học chứng minh. Ngay cả các chuyên gia của Silicon Valley cũng báo động. Ngay chỉ khi mới 2 tuổi, trẻ em các nước phương Tây đã ngồi mỗi ngày gần 3 tiếng trước màn hình. Đến độ tuổi 8 – 12, thì thời gian lên đến gần 4 tiếng 45 phút và qua tuổi 13 – 18 thì gần 6 tiếng 45.

Theo tính toán của ông Michel Desmurget, tác giả quyển "Những nguy hiểm của màn hình đối với con em chúng ta" (nhà xuất bản Seuil phát hành), thì trong một năm, trẻ em mẫu giáo sử dụng màn hình khoảng 1.000 giờ, tức là nhiều hơn số giờ của cả một niên học. Đối với một học sinh trung học, thời gian bỏ ra tương đương với 2 năm rưỡi.

Trước tình hình này và sự hoang mang của các bậc cha mẹ, thì hiện có nhiều dịch vụ "cai nghiện" màn hình đang nở rộ, một ngành dịch vụ phát triển mạnh ở Mỹ. Bệnh nhân bị nghiện được điều trị trong vòng 8-12 buổi và phải trả 80 đô la/một giờ. Rất nhiều cha mẹ phải chịu tốn kém vì họ hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lãnh vực này.

Le Point cho biết tại Paris có hai nơi cai nghiện, bệnh viện Marmottan cho người lớn và trung tâm Pierre – Nicole cho trẻ vị thành niên.

Người thầy đã thay đổi đời tôi

Tạp chí L’Obs trên trang bìa chạy một tựa thoạt nhìn khó hiểu : "Người giáo sư đã thay đổi đời tôi". Xem kỹ lại thì đây là một hồ sơ dài cả 15 trang, ghi lại lời kể của nhiều người về người thầy đã có ảnh hưởng lớn lên cuộc đời của họ sau này.

Trong số những hồi ức được L’Obs ghi lại, có kỷ niệm của một số nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn như cầu thủ bóng đá Lilian Thuram, hay giải "nobel toán học" Pháp Cédric Villiani….

Phẫu thuật thẫm mỹ và smartphone

Cũng về đề tài xã hội, L’Express ghi nhận hiện tượng ngày càng có nhiều phụ nữ nay đi sửa sắc đẹp theo hình mẫu họ nhìn thấy trên điện thoại thông minh.

Bác sĩ Christian Marinetti, người sáng lập bệnh viện thẩm mỹ Phénicia, ở Marseille giải thích với tuần báo rằng rất nhiều cô gái trẻ hiện nay lao vào sửa sắc đẹp dưới sức ép của "sự độc tài của các smartphone".

Theo ông, giới trẻ hiện nay không còn nhìn mình qua gương nữa mà là qua các hình ảnh trên các mạng xã hội. Họ đến phòng khám với chiếc điện thoại trên tay và chỉ cho xem hình của họ.

Vấn đề là ống kính của các chiếc iPhone bé tí đã làm méo mó hình thật, và khi được đăng lên, đã làm dấy lên những lời bình luận rất dữ dội, khiến cho chủ nhân của bức hình bị những mặc cảm trước đây không có.

Vẫn theo bác sĩ Marinetti, tình trạng "nghiện mạng xã hội" còn làm gia tăng hiện tượng sửa mũi ở lứa tuổi 16-25 (với sự đồng ý của cha mẹ đối với trẻ vị thành niên).

Cả một đại dương rác đổ bừa bãi ở Pháp

Tạp chí Pháp L’Express cho biết : Trong năm 2018,  lượng rác đổ bừa bãi ở Pháp lên đến 520.000 tấn, bao gồm đủ loại, từ các túi rác do các cá nhân vứt bỏ trong rừng, cho đến những thùng fibro xi măng lén đổ xuống sông của các xí nghiệp. Chi phí thu dọn loại rác đổ bừa bãi này rất tốn kém : Từ 100 đến 500 euro một tấn, tính trung bình là nửa triệu euro cho mỗi tỉnh tại Pháp.

Theo L’Express, các công ty xây dựng vừa và nhỏ là thủ phạm chính của tệ nạn này. Lý do cũng dễ hiểu : Tại Pháp các công ty vừa và nhỏ chỉ có 500 điểm đổ rác, trong lúc mà họ thải ra 10 triệu tấn rác mỗi năm. Cho nên một số phải tìm chỗ vứt lén lút.

Đôi khi sự lén lút này cũng xuất phát từ vấn đề tiền nong. Thải rác một cách đúng luật thì phải trả chi phí, tính ra không rẻ.

Mai Vân

Published in Châu Á

Thương chiến Mỹ-Trung : G20, nạn nhân đầu tiên

Thời sự chính trị Anh, Ý, ngày nhập học tại Pháp vẫn là những chủ đề mà báo Pháp ngày 30/08/2019 lưu tâm. Bên cạnh đó, dựa trên số liệu của OCDE, Les Echos khá bi quan cho tình hình kinh tế thế giới, hệ quả của thương chiến Mỹ-Trung.

g200

 Đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters/Thomas White

Le Figaro đưa độc giả trở lại hiệu ứng Domino ở Đông Âu năm 1989 và bài học Hồng Kông 2019. Libération với một luật sư Trung Quốc tố cáo chế độ khống chế dân chúng hiệu quả hơn các phiên tòa dàn dựng : chính sách bắt cóc, giam giữ, tra tấn nơi bí mật, bị xem là tội ác chống nhân loại.

La Croix với "Mặt trận Cộng hòa" tại Ý chống cực hữu, Le Monde đưa tựa đậm trên trang nhất : "Brexit : Cuộc đảo chính của Boris Johnson", Le Figaro đăng bức ảnh "biểu tình chống mưu toan Brexit không thỏa thuận với Liên Âu".

Về thời sự Pháp, nhật báo thiên hữu lưu ý "sắp đến ngày khai trường mà nhiều giáo chức vẫn chống chương trình cải cách của bộ trưởng Blanquer". Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết "Kinh tế Pháp đứng vững" nhưng điều đáng lo là "Thương mại thế giới hụt hơi" vì thương chiến.

Thương chiến giết thương mại

Với nhận định "cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp diễn sôi động" và với thống kê vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố ngày 29/08 ghi nhận trao đổi thương mại trong nhóm G20 bị sụt giảm trong quý hai 2019 gần 2% tính theo trị giá đôla. Trung Quốc bị trúng đòn nặng nhất trong cuộc chiến quan thuế với Mỹ.

Nhưng không phải chỉ có các nước có nền kinh tế đang phát triển và Trung Quốc bị thiệt hại. Trừ phi Donald Trump đổi ý vào giờ chót, Chủ Nhật 01/09, Washington sẽ tung ra một chiêu tấn công mới, từ 10% lên 15% trên 110 tỷ đô la hàng Trung Quốc nhập sang Mỹ. Lần này, chính người tiêu dùng sẽ là nạn nhân trực tiếp.

Cho đến nay, Trung Quốc đã trả giá nặng : xuất khẩu giảm hơn 5% trong quý hai, mức thấp nhất kể từ 2017. Xuất khẩu của Mỹ cũng bị thụt lùi hơn 1% trong cùng thời kỳ.

Theo OCDE, cho dù giới doanh nghiệp hai bên chạy đua với thời gian, tăng tốc mua bán trước khi các lệnh áp thuế được thi hành nhưng trong hai quý đầu năm 2019, trao đổi thương mại Mỹ-Trung vẫn rất thấp so với kết quả của 2018.

Nhưng không phải chỉ có Mỹ và Trung Quốc là nạn nhân. Xuất khẩu và nhập khẩu của Liên Hiệp Châu Âu cũng bị giảm theo thứ tự 1,7% và 2,3%. Đức bị thiệt hại nặng nhất theo thứ tự 3,7% và 1,7%. Trong hai nước đầu tầu, Pháp đề kháng tương đối tốt hơn Đức : xuất khẩu lùi 0,3%, nhập khẩu lùi 0,7%. Trong các nước Châu Âu, Anh Quốc với viễn ảnh Brexit trả giá nặng nhất : xuất khẩu giảm 7,1%, nhập khẩu giảm 12,6%. Trong G20, chỉ có Úc, Canada và Nhật Bản tiếp tục thấy xuất khẩu gia tăng.

Do vậy, tương lai không có gì khích lệ. Các chỉ số khác, từ ngành vận chuyển hàng không, buôn bán linh kiện điện tử, xe hơi, phụ tùng xe hơi đều bật đèn đỏ.

Trong không khí ảm đạm này, theo Les Echos, ánh sáng le lói duy nhất là sự kiện Trung Quốc vừa gián tiếp cho biết sẽ không trả đũa biện pháp áp thuế 110 tỷ đô la của Donald Trump, để tạo cơ may cho đàm phán.

Chính sách khủng bố người dân tại Hoa lục và nỗi sợ của chế độ

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhân dịp 30/08, ngày được Liên Hiệp Quốc lấy làm ngày "Các nạn nhân bị (chính quyền) bắt mất tích", nhật báo thiên tả Libération, đăng một bài phân tích của giáo sư luật Đằng Bưu về chính sách khủng bố người dân tại Hoa lục và nổi sợ của chế độ.

Bài tố cáo khá dài nhưng chỉ xin trích các điểm chính : luật sư Đằng Bưu, trước khi bị bắt chẹt phải chọn con đường lưu vong đã được nếm mùi mà thuật ngữ của Liên Hiệp Quốc gọi là "bị cưỡng chế mất tích".

Nạn nhân đầu tiên là luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, người tố cáo chính quyền trấn áp Pháp Luân Công bị bắt cóc vào tháng 08/2006. Đang đi ngoài đường, đột nhiên bị đập một gậy vào đầu, bị trùm đầu lẫn mặt kéo lên xe và bị bốn người đàn ông đánh tới tấp không kịp thở. Trong 13 năm tiếp theo, Cao Trí Thịnh không một ngày được tự do kể cả khi được thả : lúc bị theo dõi, lúc lại "mất tích".

Danh sách do luật sư Đằng Bưu thiết lập cuối cùng có cả tên của chính tác giả. Những bài tố giác của ông khiến ông bị trả thù, bị bắt cóc giam giữ nơi bí mật gần ba tháng vào năm 2014. Bắt cóc là một chính sách của nhà nước Trung Quốc, được "luật hóa" qua các điều tu chính trong luật hình sự. Bắc Kinh cũng không ký vào công ước của Liên Hiệp Quốc về "cưỡng chế mất tích" được xếp vào danh sách "tội ác chống nhân loại".

Từ Ban Thiền Lạt Ma mới 6 tuổi, ngôi sao màn bạc Phạm Băng Băng cho đến Mạnh Hoành Vĩ, thứ trưởng công an, đang làm chủ tịch Cảnh sát quốc tế Interpol mà cũng bị bắt cóc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không ngần ngại qua biên giới bắt công dân nước ngoài như vụ nhà văn Quế Dân Hải, chủ hiệu sách Hồng Kông "mất tích" năm 2015.

Theo luật sư Đằng Bưu, chính quyền độc tài Trung Quốc sợ dân đến mức phải dùng biện pháp khủng bố tinh thần này để tồn tại vì theo họ, biện pháp này hiệu quả hơn nhiều so với các phiên tòa dàn dựng.

Nhìn Hồng Kông, nhớ lại bức màn sắt

Ba mươi năm sau ngày bức màn sắt sụp đổ, Le Figaro trở lại năm 1989, tìm hiểu vì sao ván cờ domino khởi đi từ Ba Lan. Tác giả, Thierry Wolton, tác giả của ba bộ sách về chủ nghĩa cộng sản nhìn thấy tia hy vọng cho Hồng Kông và trách thái độ thụ động của Tây phương.

Những chế độ độc tài ở Đông Âu không thể kéo nhau sụp đổ nếu người dân ở các nước này không có "lòng can đảm", đó là ý chính của bài phân tích. Domino đầu tiên là Ba Lan, đất nước của người Công giáo đi tiên phong đề kháng chống Liên Bang Xô Viết từ ngày đầu. Trước khi công đoàn Đoàn Kết được thành lập vào năm 1989, vào năm 1980 đã có một phong trào tranh đấu bằng đình công, bằng bất phục tùng dân sự. Một mặt trận công nhân-trí thức, với điểm tựa tinh thần là Giáo hội Công giáo và Giáo hoàng Gioan John Paul II làm cho chế độ đảng trị phải bị soi mòn.

Tại Hungary, người dân đã nổi dậy chống Liên Xô với cuộc cách mạng 1956 bị đàn áp đẫm máu. Đến thời điểm 1989, một công đoàn độc lập theo mô hình công đoàn Đoàn kết ra đời đẩy đảng cộng sản Hungary vào thế phải lấy hai quyết định "bi đát" cho cả khối xã hội chủ nghĩa : một là hủy bỏ hàng rào điện ở biên giới Hung-Áo và sau đó là mở cửa biên giới Áo-Hung cho dân chúng, kể cả dân Đông Đức, đi lại tự do.

Tại Tiệp Khắc, 20 năm sau Mùa Xuân Praha, 20 năm sau khi bị lực lượng khối Vác-xa-va xâm lược, một chục ngàn người xuống đường tưởng niệm sinh viên Jan Palach, tự thiêu vào năm 1968 chống Moskva can thiệp. Tình hình biến đổi bất ngờ : Ngày 17/11/1989, biểu tình bị cảnh sát đàn áp mạnh, hôm sau, 200.000 người, đông hơn ngày hôm trước 20 lần, tuần hành khắp thủ đô. Chế độ tan rã nhanh chóng : tháng 12, tù nhân chính trị Vaclav Havel lên thay chủ tịch Tiệp Khắc.

Theo nhà sử học Thierry Wolton, bức màn sắt sụp đổ trong bối cảnh tại Moskva, chủ tịch Mikhail Gorbatchev mãi lo cứu nguy kinh tế. Ông muốn mở cửa Đông Âu để thu hút đầu tư Tây phương nhưng không thành công. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng không muốn cứu chế độ Xô viết và với khát khao giải phóng không gì ngăn cản được, Đông Âu, trừ Roumania của Ceaucescu bám trụ và chết thê thảm, tự mình vùng dậy thoát khỏi bàn tay Liên Xô vào cuối năm 1989.

Chiến thắng này theo tác giả, là do nỗ lực chính của người Đông Âu. Các chế độ dân chủ Tây phương im lặng suốt giai đoạn lửa bỏng này một phần vì bị Gorbatchev mê hoặc, một phần vì "chính trị thực dụng", ngại tương lai bất định, không dám hỗ trợ cho phong trào dân chủ Đông Âu.

Kỷ niệm 30 năm bức màn sắt sụp đổ trong bối cảnh tình hình Hồng Kông nóng bỏng cho phép tác giả kết luận : Đến lượt dân Hồng Kông trải nghiệm bài học Đông Âu với chế độ Trung Quốc của Tập Cận Bình mà không ai dám làm phật ý cũng như trước đây với chế độ Xô Viết của Gorbatchev.

River of Time : Ký ức chiến tranh Việt Nam và Cam Bốt

Kết thúc điểm báo với mục điểm sách trên Le MondeRiver of Time của Jon Swain, phóng viên người Anh ở chiến trường Việt Nam, Cam Bốt. Bản dịch tiếng Pháp giữ nguyên tựa gốc tiếng Anh River of TimeDòng sông của thời gian kể lại "một thời tuổi trẻ" trong khói lửa chiến trường đã qua. Jon Swain kể lại những ngày ở chiến trường lúc 22 tuổi, tình yêu ở tuổi vừa mới lớn trong bối cảnh chiến tranh sắp tàn.

Jon Swain không tự cao : "phóng viên là một đặc quyền, lại được màu da trắng bảo vệ" ở Phnom Penh, cho phép ông bình an "đi qua địa ngục Việt Nam". Theo tác giả, cuộc can thiệp quân sự của Mỹ đã gieo bao tang tóc. Nhưng với ngày 30/04/1975 Sài Gòn, và trước đó là Phnom Penh thất thủ, đã mở cánh cửa cho những bi kịch khác. Đau đớn nhất là "mặc cảm phạm tội" trước lòng "can đảm của những người ở lại", trong đó có người yêu mang hai dòng máu Pháp-Việt, mất tích, tìm lại được, để rồi mất tích vĩnh viễn. Cuối cùng chỉ còn trong ký ức là "dòng sông của thời tuổi trẻ" của Jon Swain.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Chính sách "ngoại giao con tin" của Trung Quốc

số đề ngày hôm nay 29/08/2019 ghi nhận "Việc Trung Quốc bắt giữ một nhà văn Úc gây căng thẳng với Canberra". Nhà trí thức đấu tranh cho dân chủ Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) bị bắt hồi đầu năm khi đến Quảng Châu, và đến bây giờ thì mới bị cáo buộc tội "làm gián điệp".

uc1

Nhà văn Úc gốc Hoa Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) chúc mừng năm mới trên Twitter của ông. Ảnh chụp lại từ một video trên mạng xã hội. Twitter @YANGHENGJUN via Reuters

Có nghĩa là đến bảy tháng sau, lý do bắt nhà văn Úc gốc Hoa mới được đưa ra. Ngoại trưởng Úc Marise Payne lớn tiếng phản đối : "Nếu Dương Hằng Quân bị bắt vì lý do chính trị, thì phải trả tự do cho ông ấy. Tôi sẽ tiếp tục biện hộ cho ông Dương cho đến khi có được lời giải thích thỏa đáng về việc bắt giữ, ông phải được đối xử nhân đạo và được cho về nhà". Bà Payne đã chất vấn chính quyền Trung Quốc năm lần, khẳng định cáo buộc gián điệp là "vô căn cứ", trong khi tội danh này có khung hình phạt từ ba năm tù cho đến tử hình.

Càng bất đồng với phương Tây, càng dễ bắt người

Có bằng tiến sĩ của một trường đại học công nghệ ở Sydney, nhập tịch Úc năm 2002, Dương Hằng Quân là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó các một số tiểu thuyết tình báo. Ông đã nhiều lần chỉ trích chế độ cộng sản Bắc Kinh, nhất là trên mạng xã hội. Sống tại New York với tư cách nhà nghiên cứu của trường đại học Columbia, ông bị bắt khi sang Trung Quốc, bị giam ở một nơi bí mật, gia đình và luật sư không được thăm viếng.

Giáo sư Rory Madcalf, trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc ở Canberra nhận xét giọng điệu của ngoại trưởng Payne là "đặc biệt cứng rắn về ngoại giao". Ông cảnh báo trong những năm tới, nhiều chính phủ Châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự, khi các vấn đề bất đồng giữa Trung Quốc với phương Tây ngày càng nhiều.

Cũng như Úc, Canada có hai công dân – một nhà cựu ngoại giao chuyển sang nghiên cứu và một nhà tư vấn – đã bị bắt giữ tùy tiện từ tháng 12/2018, rõ ràng để trả đũa vụ giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt ở Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Một trường hợp khác là Quế Dân Hải (Gui Minhai), chuyên xuất bản những cuốn sách phê phán đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Hồng Kông, bị bắt cóc và sau đó xuất hiện "tự thú" trên truyền hình nhà nước. Ông Quế mang quốc tịch Thụy Điển, nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn làm ngơ trước các vận động của Stockholm.

Người gốc Hoa trên toàn thế giới bị coi là thần dân Bắc Kinh

Giáo sư Medcalf gọi đây là một "nền ngoại giao con tin". Ông cho rằng Trung Quốc không đơn thuần tấn công Úc trong trường hợp nhà văn Dương Hằng Quân, mà vụ này "phản ánh một xu hướng rất tiêu cực trong quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước". Bắc Kinh gởi đi thông điệp rằng họ "coi tất cả những người gốc Hoa trên khắp thế giới là những cá nhân phải tuân lệnh Trung Quốc, và dùng cái cớ an ninh quốc gia để răn đe những người chỉ trích".

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, mua quặng sắt và than đá Úc. Nhưng Canberra ngày càng khó chấp nhận cánh tay nối dài của Bắc Kinh khuấy đảo chính trường Úc, vươn ra tận các đảo Thái Bình Dương.

Năm 2018 Úc thông qua một loạt các luật nhằm chống lại sự lũng đoạn chính trị của nước ngoài, và tuần này đã mở điều tra về món tiền của một đại gia Trung Quốc là Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) tặng cho một thành viên của đảng Lao Động Úc trước cuộc bầu cử năm 2015.

Hôm 28/8, một nhóm đặc nhiệm đã được thành lập với nhiệm vụ nhận dạng ảnh hưởng nước ngoài tại các trường đại học Úc, sau khi xảy ra các vụ sinh viên Hoa lục tấn công sinh viên Hồng Kông.

Đến lượt doanh nghiệp bị đánh giá bằng "điểm tín nhiệm"

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echosđề cập đến tình trạng các công ty ngoại quốc bị "Big Brother" dò xét. Bắc Kinh lập ra một hệ thống tín nhiệm xã hội để đánh giá theo các tiêu chí của Trung Quốc, và các doanh nghiệp Châu Âu tại đây lo ngại đây là một thứ "quyền sinh quyền sát".

Sau hệ thống Skynet chuyên giám sát người dân bằng các camera nhận diện, nay đến lượt "corporate social credit system" đang được thử nghiệm ở một số thành phố Trung Quốc và có thể được phổ biến toàn quốc từ năm tới. Trí tuệ nhân tạo và Big Data, vốn nằm trong số những ưu tiên đầu tư hàng đầu của Bắc Kinh, sẽ đánh giá các công ty ngoại quốc theo 300 tiêu chí và cập nhật thường xuyên để tưởng thưởng hay trừng phạt.

Phòng thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh hôm qua báo động, những doanh nghiệp nào bị cho vào danh sách đen không chỉ bị phạt, mà còn bị thanh tra thường xuyên, bị chậm trễ ở hải quan, thậm chí có thể là mục tiêu của một chiến dịch tố cáo… Tuy nhiên giới doanh nhân Châu Âu lại chưa chuẩn bị để đối phó.

Vụ Magnitski : Nga bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu kết án

Trên lãnh vực nhân quyền,Le Monde chú ý đến việc Nga bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu (CEDH) kết án trong vụ Magnitski : Moskva phải chịu trách nhiệm về cái chết trong tù của vị luật sư chống tham nhũng hồi năm 2009.

Gần 10 năm sau khi qua đời trong một trại giam Moskva, hôm 27/8 ông Serguei Magnitski đã giành được thắng lợi. Thường xuyên bị đánh đập trong 11 tháng tạm giam, ông bị bỏ mặc trong xà lim và cuối cùng bị đánh chết.

Vị luật sư 36 tuổi này bị bắt năm 2008 với cáo buộc gian lận thuế, sau khi tố cáo một hệ thống trốn thuế lên đến 130 triệu euro do cảnh sát và quan chức thuế vụ cầm đầu. Ông bị buộc tội bởi chính những người mà mình tố cáo. Trong nhật ký, Serguei Magnitski kể lại những lần bị hành hạ, nhưng càng khiếu nại thì điều kiện giam giữ lại càng tệ hại hơn. Trước khi chết, chính ông đã kiện lên CEDH, một quá trình dài hơi được mẹ và vợ ông theo đuổi sau đó.

Đảo lộn liên minh trên chính trường Ý

Thời sự Châu Âu chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay với việc thủ tướng Anh Boris Johnson đình chỉ hoạt động của Quốc hội năm tuần, còn tại Ý, hai đảng có quan điểm rất khác nhau bắt tay lập chính phủ. Tít trang nhất của Les Echosnói về "Coup de Trafalgar" (sự kiện gây hậu quả nghiêm trọng) của Boris Johnson,Libérationchạy tựa "Brexit : Ngày càng cứng rắn hơn". Le Figaro nhấn mạnh việc "Đảo ngược liên minh ở Ý để chặn Salvini". Về nội tình nước Pháp, Le Monde giải thích "Vì sao tổng thống Macron tỏ ra linh hoạt hơn về chính sách hưu bổng", còn La Croixquan tâm đến việc "Cảnh sát và công dân tái lập đối thoại".

Trong bài "Cánh tả Ý quay lại nắm quyền với một liên minh chưa từng thấy", Le Figaro dẫn nhận định của tờ báo Ý Corriere della Sera, cho rằng đây là "một chính phủ theo nhu cầu", mà nhiệm vụ trước hết là ngăn chặn phó thủ tướng cực hữu Matteo Salvini, và tránh một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Ông Lorenzo De Sio, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử (CISE) nhận xét : "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Ý mà chính phủ từ cực hữu bỗng chuyển sang cánh tả với cùng một thủ tướng, mà không thông qua lá phiếu". Và chỉ 20 ngày sau khi ông Salvini khởi đầu khủng hoảng hôm 8/8 – cuộc khủng hoảng đã khiến cho hai đảng dù rất ghét nhau phải xích lại gần nhau, vì cả hai đều có nguy cơ thua cuộc nếu tổ chức bầu trước hạn.

Loan báo về liên minh giữa đảng Dân Chủ (cánh tả) và Phong trào 5 Sao tức M5S (chống hệ thống) khiến Bruxelles thở phào nhẹ nhõm, thoát khỏi bóng ma một chính phủ cực hữu Ý vẫn ám ảnh từ đầu tháng Tám. Kết thúc một cuộc "chiến tranh du kích" do Matteo Salvini áp đặt, "làm đầu độc bầu không khí chính trị Châu Âu" - theo Eric Maurice thuộc Fondation Schuman.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Lễ tân hôn kiểu Ý", Le Figaro ví von, chính trường nước Ý cứ như một sân khấu liên tục đổi vở, và thường là hài kịch. Sau khi lãnh đạo một chính phủ phản tự nhiên giữa Liên Đoàn và M5S, có thể so sánh giữa cực hữu và cực tả, ông Giuseppe Conte lại tiếp tục làm thủ tướng với một nội các cánh tả liên minh với cực tả.

Tuy nhiên liệu đây có thể là một chính phủ bền vững, khi được lập ra trong thời gian rất ngắn, dựa trên những căn bản bất định với một chiến lược phòng thủ là chính ? Một nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu chính phủ này thất bại, thì ông Salvini sẽ độc quyền đối lập, có thể thắng cử trong lần tới.

Cú sốc Nghị viện tại Anh

Còn tại nước Anh, Libération khi đề cập đến cú sốc do thủ tướng Boris Johnson gây ra qua việc cho Nghị viện tạm ngưng hoạt động, cho rằng thật ra thủ tục này là hợp pháp. Mục đích rất rõ ràng : hạn chế tối đa thời gian của các nghị sĩ để có thể phản đối lại một "Brexit cứng" mà ông Johnson mong muốn.

Có thể biện minh rằng Boris Johnson chỉ áp dụng một cách thô bạo quyết định của người dân lúc trưng cầu dân ý. Nhưng đó là quyết định nào ? Nhân dân Anh chọn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, điều này không bàn cãi, nhưng có phải họ chọn một "Brexit cứng" hay không ? Dư luận, cũng như Nghị viện, được chia không phải thành hai mà thành ba luống khác nhau.

Những người muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu chiếm 40% số người bỏ phiếu, số còn lại chia làm hai phe Brexit "hard" và "soft". Nói cách khác, số "Brexit hard" như ông Johnson chỉ là thiểu số. Ông không cần biết, mà cố làm lấy được. Libération gọi đây là một sự "lừa đảo" : gọi tên nhân dân khi nghĩ giống mình và mặc kệ họ nếu có suy nghĩ khác. Theo logic dân chủ, lẽ ra phải tổ chức bỏ phiếu rộng rãi, và chỉ khi nào chiến thắng, ông Boris Johnson mới có thể nhân danh ý nguyện người dân. Trong khi chờ đợi, theo tờ báo, chỉ có một nhóm "phiến loạn" đang núp sau luật pháp.

Chuyên gia về Brexit Aurélien Antoine cho rằng ông Boris Johnson đã tính toán kỹ lưỡng, qua động thái này ông muốn đến Bruxelles với thế mạnh, không bị Nghị viện ngáng chân như đã ba lần bác bỏ thỏa thuận do bà Theresa May thương lượng. Theo nhà phân tích này, đây là hành động hết sức khôn ngoan của ông Johnson.

Donald Trump, một người chiến thắng khác ở G7

Nhìn sang nước Mỹ, Libérationnói về "Donald Trump, một người chiến thắng khác ở Biarritz", theo tác giả Laurent Joffrin.

Đa số các nhà phê bình đều hoan nghênh thành công của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và họ có lý. Nhưng không chỉ có Macron, mà còn có một người chiến thắng khác ở G7 đã trở thành G2 : Donald Trump. Ngọt ngào, hòa nhã, nhiệt tình, hay ca ngợi… con cọp sang cả ở Nhà Trắng đã trở thành một chú mèo hiền lành. Thời khắc này đã giúp ông Trump trở thành một nguyên thủ đầy trách nhiệm, và giống như tổng thống Theodore Roosevelt đã nói, có thể "nói năng dịu dàng với một cây gậy to".

Không chỉ được lên điểm trong thời kỳ vận động tranh cử, ông còn ra về với vài món quà trong túi. Trước hết là hồ sơ Iran, giờ đây theo tổng thống Pháp, có thể thương lượng một hiệp ước mới rộng hơn, gạt bỏ nguy cơ phát triển vũ khí nguyên tử, bảo đảm ổn định khu vực. Đây cũng chính là mục tiêu mà Donald Trump đề ra khi hủy ngang thỏa thuận mà Obama đã ký với Tehran. Ông cũng đồng ý với số tiền 20 triệu đô la giúp Brazil chống cháy rừng. Trump chấp nhận hành động "xanh" mang tính biểu tượng này, vừa được tiếng thơm vừa khiến chủ nhà vui lòng, nhưng hai ngày sau lại lên tiếng ủng hộ "người phóng hỏa" Bolsonaro.

Thụy My

Published in Quốc tế

Hồng Kông : G7 kêu gọi bình tĩnh, Bắc Kinh nổi giận

g71

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trưng bản Tuyên bố chung G7 ra trước công chúng, Biarritz, 26/08/2019. Reuters/Philippe Wojazer

Nhật báo Pháp Libération đã nêu bật ở trang quốc tế phản ứng tức tối của Trung Quốc trước việc 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới đã kêu gọi các bên Hồng Kông giữ bình tĩnh.

Trong bài "Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ sau lời kêu gọi giữ bình tĩnh của nhóm G7", Libération nhắc lại rằng trong bản tuyên bố chung Biarritz ngày 26/08, nhóm G7 đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông và "tái khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của bản Tuyên Bố Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông, và kêu gọi tránh để bạo lực bùng lên".

G7 "xen vào nội tình Trung Quốc"

Libération đã nêu bật nội dung chính của bản Tuyên Bố Chung về Hồng Kông, theo đó Trung Quốc cam kết sẽ cho đặc khu này được hưởng trong vòng 50 năm kể từ năm 1997, một quy chế tự trị, theo nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ".

Thế nhưng, chỉ một hôm sau tuyên bố của G7, Bắc Kinh đã gay gắt phản ứng : Cảnh Sảng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết là nước này "cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối" tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7.

Chính quyền Trung Quốc lại lên giọng cảnh cáo phương Tây, khẳng định rằng : "Không một nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào Hồng Kông". Theo ông Cảnh Sảng thì nhóm G7 nên "chấm dứt việc xía mũi vào công việc của người khác và bí mật chuẩn bị các hoạt động bất hợp pháp".

Đối với ông Marc Julienne, chuyên gia Pháp về chính sách an ninh và quốc phòng Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên. Trả lời Libération, nhà phân tích này xác định : "Làm cho mọi người tin rằng bất kỳ hoạt động đối lập chính trị nội bộ nào đều là do các thế lực thù địch nước ngoài thao túng là một lập luận truyền thống của Đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Tố cáo nước ngoài kích động các phần tử “gần như khủng bố”

Luận điệu này đã từng được đưa ra trong các vụ Thiên An Môn, Pháp Luân Công, và gần đây là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đối với ông Julienne, lập luận tuyên truyền đó là một trong hai trụ cột trong chiến lược Bắc Kinh đang dùng để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Mục tiêu là tìm kiểm sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc. Một ví dụ rõ nét là lời tố cáo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo số ra ngày 26/08, khẳng định rằng "Washington coi tình hình hiện tại ở Hồng Kông là cơ hội để phương Tây tái chiếm thành phố".

Theo nhà nghiên cứu Pháp, trụ cột thứ hai là kích động tâm lý sợ hãi khi "cố gắng mô tả những người biểu tình như những kẻ bạo loạn dữ tợn, gần như là quân khủng bố". Theo ông Julienne, khi chụp mũ phong trào biểu tình theo kiểu đó, Trung Quốc có thể biện minh cho một chiến dịch đàn áp mạnh mẽ hơn, do chính quyền Hồng Kông, thậm chí do chính Bắc Kinh thực hiện.

Nhật báo Pháp ghi nhận là trong những tuần lễ gần đây, bóng ma của sự can thiệp của quân đội Trung Quốc vào Hồng Kông đang lơ lửng trên thành phố. Vào ngày 15 tháng 8 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc đã đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" nếu tình hình tiếp tục "xấu đi".

Khủng bố trắng tại Hồng Kông: Giới doanh nghiệp thần phục Bắc Kinh

Nhìn vào diễn biến cuộc khủng hoảng Hồng Kông, Libération ghi nhận thái độ thần phục Bắc Kinh của giới kinh doanh, bắt đầu tiếp tay cho chính quyền trong việc trấn áp phong trào phản kháng.

Xuất phát từ hiện tượng gia tăng của các vụ sa thải, hù dọa, những lời kêu gọi ngừng biểu tình, tờ báo Pháp cho rằng sau một thời gian dài giữ im lặng, giới lãnh đạo rất có uy lực của các công ty lớn ở Hồng Kông có vẻ đã nghiêng hẳn về phía chế độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chủ yếu là vì lo sợ trước nguy cơ kinh tế Hồng Kông bị suy yếu, và nhất là vì sức ép của Bắc Kinh.

Theo Libération, những gì xẩy ra tại Cathay Pacific là một ví dụ: đối với các công ty có nhân viên có biểu hiện chống lại chế độ, người ta liền cắt cánh ngay. Các phi công của hãng hàng không Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ đã bị sa thải, tổng giám đốc Rupert Hogg, bị bãi nhiệm, lãnh đạo công đoàn một chi nhánh công ty cũng bị cách chức…

Tờ báo Pháp tiết lộ : Trong những ngày cuối tuần bắt đầu từ hôm 10/08, các quan chức Trung Quốc tập trung tại Thâm Quyến, giáp giới Hồng Kông, đã yêu cầu hàng trăm doanh nhân và chính khách có ảnh hưởng tại Hồng Kông là phải bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền, vốn không dập tắt nổi phong trào phản kháng.

Thế là cùng với vài trăm người biểu tình mang theo cờ Trung Quốc, một bộ xậu bao gồm các giám đốc doanh nghiệp, các nghị sĩ trung thành với Bắc Kinh và các ông trùm kinh doanh tại Hồng Kông đã xuất hiện để tố cáo bạo lực. Sự kiện đó diễn ra hôm 17 tháng 8.

Trước đó, theo Libération, không thấy ai trong số này thể hiện hậu thuẫn cho bà trưởng đặc khu, hoặc là nếu có thì cũng chỉ là một cách chiếu lệ. Giờ đây, họ đã ra mặt lên tiếng ủng hộ chính quyền, đồng thời gây sức ép trên các nhân viên của họ.

Theo tờ báo Pháp, các thành phần này đã hành động, không phải vì lòng trung thành với Bắc Kinh, mà là vì họ thực dụng, cảm thấy cần phải bảo vệ một trật tự không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh.

Nghiệp đoàn Chủ nhân Pháp Medef sai lầm khi im lặng về Hồng Kông

Cũng về vụ trấn áp tại hãng Cathay Pacific Hồng Kông, nhật báo Le Monde cho rằng số phận của hãng hàng không này có lẽ là dấu hiệu cho thấy những gì mà Bắc Kinh dành cho các công ty nước ngoài thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hồng Kông. Thế mà Nghiệp Đoàn giới chủ Pháp Medef lại không nói gì về cuộc khủng hoảng Hồng Kông nhân cuộc hội thảo chuẩn bị cho năm làm việc mới sau kỳ nghỉ hè.

Theo tờ báo Pháp, vào ngày mai 29/08, nhân cuộc Gặp Gỡ của Doanh Nhân Pháp, tên mới của cuộc hội thảo thường niên của giới chủ Pháp, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), tân đại sứ Trung Quốc sẽ có bài phát biểu. Thể nào ông cũng sẽ nói về cái lợi của chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc tự nhận mình là biểu tượng, và sẽ đả kích chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Le Monde tiếc là đại sứ Trung Quốc không đến dự buổi họp toàn thể hôm nay, có chủ đề "Chủ nghĩa tư bản và tự do. Khi tự do chính trị không còn là điều kiện của tự do kinh tế", bởi vì những gì đang xảy ra ở Hồng Kông minh họa cho hiện tượng ngược lại. Để buộc đặc khu tự trị này khép mình vào khuôn khổ và ngừng đòi áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu, Bắc Kinh đang thực hiện một vụ bắt bí chưa từng có đối với các công ty đang ở Hồng Kông.

Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói

Một đề tài khác nổi bật tại Thượng Đỉnh G7 được báo Pháp tiếp tục chú ý là vụ cháy rừng Amazon ở Brazil và cách hành xử của tổng thống nước này là ông Bolsonaro. Trong bài phân tích mang tựa đề : "Bolsonaro, uy tín tan thành mây khói", nhật báo Libération ghi nhận hiện tượng tụt giảm uy tín nặng nề của vị tổng thống cực hữu.

Nhận xét của tờ báo Pháp rất rõ rang : Vốn đã không được xem trọng trên chính trường quốc tế, uy tín của nguyên thủ Brazil đang mờ nhạt trong nước do cách ông "chữa cháy rừng Amazon". Vị cựu quân nhân này chỉ còn được cánh cử tri cực đoan nhất của ông ủng hộ, và ngày càng làm đồng hương của ông bất bình, kể cả trong một bộ phận của giới xuất khẩu nông sản.

Chỉ trong vài tháng, ông đã biến cho Brazil thành một quốc gia bất hảo của cộng đồng quốc tế. Do thái độ co cụm trên vấn đề nạn cháy rừng đang tàn phá vùng Amazon, tổng thống cực hữu đã làm kéo Brazil vào một tình thế cô lập khác thường, trong khi mà mới đây thôi, nước này là một tác nhân không thể thiếu vắng trong các cuộc thảo luận đa phương trên hồ sơ khí hậu.

Ngay cả thời độc tài, hình ảnh Brazil vẫn không tệ hại như hiện nay

Trả lời báo Anh The Guardian, nhà cựu ngoại giao Brazil Rubens Ricupero cho răng ông Bolsonaro là "nguyên thủ quốc gia bị khinh ghét nhất thế giới. Chưa bao giờ, ngay cả vào thời chế độ độc tài, đất nước Brazil lại bị khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh như thế".

Uy tín của Brazil dựa trên quyết tâm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, mà 60% diện tích nằm ở Brazil. Thế nhưng ông Bolsonaro, thay vì bảo vệ thì lại chơi với lửa, và theo cáo buộc của các nhà sinh thái, ông đã để mặc cho những người làm rẫy đốt phá rừng.

Với chủ trương không cho ai khác đụng đến rừng của Brazil, ông đã vô tình quốc tế hóa cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon, được đem ra bàn thảo ở thượng đỉnh G7…

Theo Le Figaro, ông Bolsonaro đã sai lầm khi cho rằng người dân, vì kiệt quệ trước tình trạng suy thoái kinh tế, sẽ ủng hộ chủ trương tháo gỡ các quy định về giám sát môi trường mà ông đã hứa với các nhóm áp lực, trong đó có giới nông nghiệp, đã đưa ông lên cầm quyền. Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò dư luận gần đây, 96% người được hỏi, kể cả cử tri đã bầu cho ông, đều muốn siết chặt kiểm soát trên việc khai phá bất hợp pháp.

Hệ quả là chỉ sau 8 tháng cầm quyền, điểm được lòng dân đã tuột dốc. Người đánh giá xấu phương thức hành động của ông ngày càng đông, và lần đầu tiên chiếm đa số (54% vào tháng 8 so với tháng 2 chỉ có 28%), trong lúc người hài lòng về ông, thì từ 57,5% tuột xuống 41%.

Renato Janine Ribeiro, cựu bộ trưởng giáo dục, cho là "càng ngày càng có nhiều người Brazil xấu hổ vì tổng thống của họ. Trong những người đã bầu cho ông, nhiều người đã lấy làm tiếc đã bỏ phiếu cho ông", mà trước tiên hết là giới xuất khẩu nông sản đã trong nhiều năm qua, cố xóa bỏ hình ảnh xấu là những người phá hủy vùng Amazon.

Lo ngại của họ giờ đây là hiệp định tự do mậu dịch Châu Âu - Mercosur gặp trở ngại, như tổng thống Pháp đã lên tiếng đe dọa viện lẽ Brazil không làm gì để bảo vệ rừng. Giới này cũng đang gây sức ép lên tổng thống Bolsonaro.

Giới chủ muốn Macron giữ nguyên hướng đi

Nhân dịp hiệp hội các chủ nhân Pháp Medef tập họp đội ngũ trong hai ngày ở Paris để thảo luận về các vấn đề kinh tế lớn, và kêu gọi tổng thống tiếp tục chính sách hỗ trợ xí nghiệp ưu tiên cho chính trị Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đã giành hồ sơ lớn cho sự kiện này, và chạy trên trang nhất hàng tít đập mắt "Giới chủ yêu cầu Macron giữ nguyên hướng đi".

Trong hai ngày của cuộc hội thảo hè truyền thống, được cải tên thành Cuộc Gặp Gỡ của các Doanh Nhân Pháp (LaREF), hiệp hội Medef xem xét lại tương lai của chế độ tư bản với các vấn đề kinh tế nóng bỏng của thời sự.

Nếu giới chủ doanh nghiêp có vẻ hài lòng về giai đoạn đầu nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Macron, thì họ thúc giục ông tiếp tục cải tổ và nhất là không lùi bước, xuôi tay trước sự chống đối hay các khó khăn.

Nhưng họ đã tỏ ra thất vọng trước thái độ thụ động của ông về mặt chi tiêu nhà nước. Ví dụ điển hình theo họ, là trong mùa hè, ông đã bỏ lời hứa trong cuộc vận động tranh cử là giảm đi 120.000 công chức trong 5 năm.

Bất bình đẳng, thách thức to lớn

Cũng khai thác sự kiện cuộc họp của giới chủ nhân Pháp, nhật báo công giáo La Croix đã nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội, với tựa lớn trên trang nhất "Bất bình đẳng, thách thức to lớn"

Nhân cuộc họp tại Paris của khoảng 7 500 chủ doanh nghiệp Pháp, La Croix ghi nhận mối ưu tư của giới chủ nhân là "Giảm bất bình đẳng như thế nào ?", tựa bài báo trang trong.

Đối với La Croix, ngay cả giới chủ nhân Pháp cũng ngày càng quan ngại trước tình trạng các bất công đang ngày càng sâu rộng, tác hại đến nền kinh tế. Trong tình hình đó, theo tờ báo, chắc chắn các giải pháp nhằm giảm bất bình đẳng sẽ được thảo luận sôi nổi trong hai ngày họp hôm nay và ngày mai.

Nhân dịp này, La Croix đã điểm lại tình hình bất bình đẳng ở Pháp hiện nay, và không chỉ bó hẹp ở bất bình đẳng về lương hướng và thu nhập, mà mở rộng sang các lãnh vực như giới tính, xuất thân, lãnh thổ, những vấn đề ngày càng quan trọng trong giới lao động.

Được cơ quan thống kê Drees của bộ Y Tế và Liên Đới Xã Hội, hỏi từ hơn 15 năm qua, để xem chuyển biến tình hình trong 5 năm gần đây, vẫn có rất đông người Pháp, hơn 60% (90% - năm 2011) trả lời là bất bình đẳng đã tăng.

Theo người được hỏi, thấy rõ trước tiên là trên phương diện thu nhập. Kế đến là bất bình đẳng trong công ăn việc làm, thường gắn đến xuất xứ dân tộc, tiếp theo là bất bình đẳng về nhà ở, về vấn đề được chăm sóc sức khỏe, về học vấn và cuối cùng là về di sản, thừa kế trong gia đình.

Thực ra, theo La Croix, bất bình đẳng đã giảm rõ rệt trong giai đoạn 1970-1990, trước khi có một giai đoạn ổn định để rồi tăng lên từ 1998-2011, và sau đó giảm đi đến cho đến 2015, sau khi thuế tăng với thành phần giàu có nhất. Nhìn chung Pháp vẫn là một trong những nước ít bất bình đẳng nhất.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

"Macron-show" tại thượng đỉnh G7

macron1

Hai tổng thống Trump và Macron tại cuộc họp báo chung kết thúc thượng đỉnh G7 ngày 26/08/2019. Reuters

Tờ Le Monde đặc biệt nhấn mạnh cái mà tờ báo này gọi là "chủ nghĩa duy ý chí ngoại giao" của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với nhận định : "Được chủ trì với sự táo bạo và chủ nghĩa duy ý chí, cuộc họp thượng đỉnh nhóm G7 trên nguyên tắc sẽ giúp tổng thống Macron củng cố vị thế của ông trong nước".

Trên bức hình hai tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay nhau, Le Figaro đưa hàng tựa "Macron tấn công tại G7, Trump có lập trường bớt cứng rắn hơn". Theo tờ báo này, những sáng kiến và chủ nghĩa duy ý chí của nguyên thủ quốc gia Pháp đã giúp đạt được những bước tiến trong nhiều hồ sơ nhạy cảm tại thượng đỉnh Biarritz.

Trung thành với truyền thống chơi chữ, tờ Libération ghi đậm tựa "Thành công của G2", trên bức hình hai tổng thống Pháp và Mỹ đang ôm nhau thắm thiết. Đối với Libération, cặp bài trùng Trump-Macron đã làm mờ nhạt các tham dự viên khác của thượng đỉnh Biarritz, một cuộc họp đã đạt được một vài bước tiến nhỏ, nhất là về Iran, và thương mại, và đã tránh tình trạng có người bỏ ngang cuộc họp.

Về phần nhật báo kinh tế Les Echos thì ghi nhận "Macron –Trump : Sự hòa dịu thân thiện", nêu bật ba điểm đáng chú ý của thượng đỉnh Biarritz : Tổng thống Pháp thành công trong đòn ngoại giao về Iran ; Trump vẫn cứng rắn với Trung Quốc, nhưng không có ý định leo thang, Paris và Washington đạt thỏa hiệp về thuế GAFA đánh vào các đại tập đoàn công nghệ số.

"G7, tấm gương phản chiếu một thế giới mới", đó là tựa của tờ nhật báo công giáo La Croix, kèm theo là bức hình chụp tổng thống Trump đang chăm chú lắng nghe tổng thống Macron thì thầm vào tai. Đối với tờ La Croix, tại thượng đỉnh Biarritz, mọi thông lệ ngoại giao cũ kỹ đã bị xáo trộn bởi việc tìm kiếm những tác động của sự bất ngờ.

"Macron-show"

Trong bài xã luận với hàng tựa : "Những nỗ lực", Libération nhìn nhận thành công của cái mà tờ báo này gọi là "Macron-show". Sự năng động của Emmanuel Macron, sự hiện diện bao trùm của ông, cũng như kỹ năng tạo kịch tính và tài hùng biện vô cùng tận của ông đã làm thay đổi tình hình.

Theo quan sát của Libération, tại Biarritz, "tổng thống Mỹ bổng trở thành chú cừu non với bờm sư tử, ban phép lành cho những nỗ lực ráo riết của chủ nhà. Nhờ vậy mà bốn hồ sơ đã đạt tiến bộ : khủng hoảng Iran, rừng Amazon, thuế khóa quốc tế và đàm phán thương mại. Tất cả những điều đó hãy còn mỏng manh, vô định, mọi sự bốc đồng của người này hay người kia đều có thể làm sụp đổ tan tành. Nhưng trên trường quốc tế, nước Pháp vừa ghi được một điểm. Thế thì càng tốt".

Đồng điệu với Libération, trong bài xã luận với tựa đề "Thắng cược", tờ Le Figaro ghi nhận nguyên thủ quốc gia Pháp đã biết vận động khéo léo để bàn cá cược đầy rũi ro của ông về hồ sơ Iran trở thành bàn thắng. Cho dù kết quả đàm phán giữa Tehran với Washington như thế nào thì Macron đã đạt được mục tiêu trở thành tác nhân chính của Châu Âu trên trường quốc tế.

Le Figaro nhắc lại, sau nhiều tuần lễ chuẩn bị cho vai trò trung gian về Iran, nhằm làm giảm áp lực ở Trung Đông, tổng thống Pháp đã tiến một bước quyết định hôm thứ bảy tuần trước, với việc mời tổng thống gặp riêng trong một bữa ăn trưa không dự kiến trước. Macron đã trình bày cho Trump chiến lược của ông để ngăn cản chế độ Hồi giáo Iran sở hữu vũ khí nguyên tử và biện minh cho thuế GAFA. Đây là hai hồ sơ rất "nóng" đối với tổng thống Mỹ. Ông Macron đã biết dùng những lời lẽ khéo léo để thuyết phục ông Trump chấp nhận tham gia cuộc chơi.

Với sự đồng tình của Trump, tổng thống Pháp đã đánh một nước cờ lớn : mời ngoại trưởng Iran đến Biarritz, và như vậy có thể tự hào là đã tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ giữa hai tổng thống Mỹ và Iran và cho một thỏa thuận mới.

Về phần Le Monde, trong bài xã luận, tờ báo nhận định : "Do nước Pháp năm nay giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G7, tổng thống Macron có toàn quyền quyết định về lịch trình của thượng đỉnh và ông đã gặp thuận lợi nhờ thời sự quốc tế. Ngay từ thứ năm tuần trước, tổng thống Pháp đã gióng tiếng chuông báo động về thảm kịch cháy rừng Amazon, cho nên đã dễ dàng áp đặt vấn đề khí hậu thành một trong những hồ sơ ưu tiên của thượng đỉnh G7".

Theo Le Monde, tại Biarritz, tổng thống Macron đã bước lên tuyến đầu trong ba vấn đề đặc biệt quan trọng đối với công luận Pháp : môi trường, thương mại tự do và bất bình đẳng. Ông Macron đã thể hiện như là lãnh đạo của một cường quốc trung bình muốn đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế nhân danh Châu Âu.

Tại Brégançon, ngày 19/08, ông đã đón tiếp tổng thống Vladimir Putin để đặt vấn đề về vị trí của nước Nga trước khi khai mạc thượng đỉnh G7. Tại Biarritz, tổng thống Pháp đã "quản lý" Donald Trump giỏi đến mức từ khi đặt chân đến đây tổng thống Mỹ không ngừng bày tỏ sự hài lòng của ông trên mạng Twitter. Và khi ông Macron mời được ngoại trưởng Iran đến Biarritz, trước sự ngạc nhiên của mọi người, để thảo luận với các nước Châu Âu, phái đoàn Mỹ đã không dám phản đối.

Cũng theo Le Monde, thượng đỉnh G7, mà nhiều người xem là vô dụng, nếu không muốn nói là tệ hại, đã trở thành một cuộc họp mà trong đó các lãnh đạo đã có thể đối thoại với nhau một cách êm thắm, kể cả về những bất đồng. Lãnh đạo các quốc gia đang trỗi dậy đã được mời đến dự thính câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới. Nhất là tổng thống Donald Trump đã buộc phải chấp nhận một chương trình nghị sự do Châu Âu áp đặt, với ba hồ sơ nổi cộm : khí hậu, hạt nhân Iran và thuế khóa quốc tế.

Thuế GAFA : Chỉ là bước đầu

Xã luận của Les Echos thì quan tâm đến kết quả thượng đỉnh Biarritz về thuế GAFA. Theo tờ báo này, thỏa hiệp đạt được giữa Paris và Washington về việc đánh thuế các đại tập đoàn kỹ thuật số là một bước tiến thật sự, có thể thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận ở cấp độ thế giới về hồ sơ cực kỳ nhạy cảm này.

Tuy nhiên, theo Les Echos, hồ sơ này rất phức tạp và không chỉ liên quan đến các đại tập đoàn kỹ thuật số. Thuế GAFA theo kiểu Pháp, như thú nhận của chính tổng thống Macron, chưa hoàn hảo và như vậy đã chỉ đóng vai trò kích thích. Những giải pháp đang được thảo luận trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế sẽ cho phép các nước có thể đánh thuế các công ty cho dù các công ty này không hề có cơ sở trên lãnh thổ của họ. Các công ty trong mọi lãnh vực phải bị đánh thuế nhiều hơn tại những nơi mà hàng hóa của họ được tiêu thụ. Đó là một yêu sách lâu đời của các nước đang trỗi dậy.

Phải lắng nghe những người chống G7

Xã luận của tờ La Croix thì ghi nhận : "Có một khía cạnh của thượng đỉnh Biarritz có thể không ai để ý, nhưng không nên bị xem thường, đó là tính chất hòa bình của các cuộc biểu tình chung quanh cuộc họp này. Nước Pháp trong những tháng gần đây dường như đã quen với những cuộc tuần hành kết thúc trong bạo động, vừa do những người biểu tình chỉ muốn đụng độ, vừa do những sai lầm của cảnh sát trong việc giữ gìn trật tự."

Theo La Croix, có hai yếu tố giải thích điều đó. Một mặt, nhà chức trách đã triển khai một lực lượng an ninh đặc biệt hùng hậu, nên đã có tác dụng răn đe. Tuy vậy, những người đặc trách giữ gìn trật tự đã tỏ ra thực dụng, khi để cho những người chống G7 tập hợp tại những nơi theo lẽ bị cấm. Mặt khác, những người tổ chức các cuộc biểu tình chống G7 đã dứt khoát không muốn có bạo động, nên đã từ bỏ một số hành động, hơn là đi đến xung đột với cảnh sát.

Tuy nhiên, theo tờ nhật báo công giáo, không phải vì những người biểu tình từ chối bạo lực mà chúng ta không màng đến những lý do khiến họ chống G7. La Croix viết : "Nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo được bảo vệ trong vùng đỏ phải lắng nghe và tiếp thu sự dấn thân của họ vì khí hậu, thái độ của họ bác bỏ những bất bình đẳng trên thế giới, cũng như khát vọng của họ về một nền dân chủ thực chất hơn".

Ý: Salvini lạm dụng các biểu tượng Công giáo

Về thời sự Châu Âu, Le Monde đề cập đến tình hình chính trị nước Ý với việc Giáo hội nước này rất bực tức khi thấy lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn Matteo Salvini lạm dụng các biểu tượng của Công Giáo để vận động tranh cử.

Theo Le Monde, trong cuộc chạy đua liên tục nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị, cựu phó thủ tướng Ý, "một năm đi lễ có 3 lần", theo chính lời thú nhận của ông, đã liên tục dùng các biểu tượng của Công giáo, như xâu chuỗi, để lôi kéo cử tri. Đất nước càng lâm vào khủng hoảng chính trị thì ông Salvini lại càng sử dụng nhiều các biểu tượng tôn giáo đó.

Hành động này khiến Giáo hội Ý và Tòa Thánh Vatican rất bực bội. Ngay chính đức giáo hoàng đã buộc phải lên tiếng, tuy là một cách gián tiếp. Trả lời tờ nhật báo La Stampa ngày 19/08, giáo hoàng Francis không nêu lên vấn đề dùng các biểu tượng tôn giáo vào mục đích tranh cử, nhưng ngài bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan và dân túy, thậm chí còn so sánh nước Ý hiện nay với thời kỳ Hitler năm 1934.

Tờ Le Monde nhân dịp này nhắc lại rằng trong những tuần qua, các giám mục Ý đã phát biểu với tư cách cá nhân để lên án chính sách về an ninh của Matteo Salvini, đóng cửa, không tiếp nhận thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải.

Indonesia dời đô: Nguy cơ đối với đa dạng sinh thái

Chuyển sang khu vực Châu Á, tờ Libération quan tâm đến dự án của chính phủ Indonesia quyết định dời thủ đô từ Jakarta đến đảo Borneo, trong bài báo với hàng tựa "Dời đô : Indonesia đùa với lửa".

Hôm qua, tổng thống Indonesia vừa chính thức thông báo địa điểm mới sẽ thay thế trung tâm hành chính hiện nay, hiện có hơn 10 triệu dân trong nội đô và tính luôn các vùng phụ cận là 30 triệu dân. Thủ đô mới sẽ nằm trên đảo Borneo, trong tỉnh Kalimantan, giữa một khu rừng nhiệt đới. Địa điểm này được chọn làm thủ đô chính là vì theo chính phủ Indonesia, đây là nơi có rất ít nguy cơ gặp thiên tai, khác với Jakarta, thường xuyên bị mưa lũ, động đất, sóng thần, núi lửa.

Với đà nước biển dâng cao và đà sụt lún của thành phố, một số chuyên gia dự báo là đến năm 2050, một phần ba thủ đô Jakarta sẽ biến mất. Bên cạnh đó, sự đô thị hóa quá mức và dân số quá đông đã gây tình trạng ô nhiễm và kẹt xe không thể chịu đựng nỗi.

Đối với tổng thống Joko Widodo, việc dời đô sang đảo Borneo có thể giúp cân đối lại sự phát triển của Indonesia. Trên đảo Java, mà Jakarta nằm trên đó, có đến 140 triệu người sinh sống, tức là hơn phân nữa tổng dân số 260 triệu người của quốc gia đông dân hàng thứ tư thế giới.

Nhưng theo Libération, việc dời trung tâm chính trị đến Borneo để giải tỏa áp lực lên Jakarta chứa đựng nhiều nguy cơ đối với tính đa dạng sinh thái của một đảo có hệ động thực vật rất phong phú. Xây thủ đô mới có nghĩa là phải xây một sân bay và nhiều tuyến đường giao thông, tức là phải phá rừng, trong khi Indonesia đã là một trong những quốc gia phá rừng nhiều nhất thế giới.

Chống buôn bán động vật hoang dã

Hội nghị lần thứ tám của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Genève sẽ bế mạc ngày mai. Sự kiện này đặc biệt thu hút sự chú ý của nhật báo La Croix.

Theo tờ báo này, việc chống buôn bán trái phép các loài bị đe dọa bắt đầu từ những khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh thái rất cao. Tại Châu Phi, voi, tê giác và tê tê là mục tiêu của những tay săn bắn ở địa phương và quốc tế để đáp ứng nhu cầu thế giới ngày càng tăng. Đối với La Croix, hợp tác quốc tế chính là trọng tâm của công cuộc chống các mạng lưới này. Những mặt hàng đó được chuyển đi khắp nơi trên thế giới, khi thì bằng máy bay, nếu đó là vật còn sống, khi thì bằng tàu, nếu đó là ngà voi, sừng tê giác, vẫy tê tê…

Trái phiếu để cứu tê giác

Riêng về tê giác, theo một số chuyên gia, loài này có thể biến mất từ đây đến 10 năm nữa, đặc biệt loài tê giác đen đang sắp đến ngưỡng tuyệt chủng hoàn toàn. Theo tờ Le Monde, để đảo ngược xu thế này, Conservation Capital, một công ty ở Luân Đôn, dự tính vào năm tới sẽ phát hành một trái phiếu. Nhà đầu tư vào trái phiếu này sẽ được chia lợi tức nếu số tê giác gia tăng theo một chỉ tiêu cụ thể. Nhưng nhà đầu tư phải chấp nhận mất trắng, nếu số tê giác không tăng thêm hoặc giảm đi.

Rừng ở Bắc cực cũng đang cháy

Không chỉ có Amazon, mà rừng ở Bắc cực cũng đang cháy trong mùa hè này, theo tờ Le Figaro. Cơ quan giám sát môi trường Copernicus của Châu Âu từ tháng 6 đã quan sát hàng trăm vụ cháy rừng day dẳng đã thiêu rụi hàng triệu hectare rừng ở Siberia, Alaska, và Canada. Đây là mùa cháy rừng kéo dài nhất và dữ dội nhất được ghi nhận từ trước đến nay tại vùng này. Le Figaro trích lời một chuyên gia tính toán rằng, tính đến hôm nay, các vụ cháy rừng đó đã thải ra bầu khí quyển hơn 150 triệu tấn khí CO2, một kỷ lục có thể khiến biến đối khí hậu thêm trầm trọng trong những thập niên tới.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Chung tay bảo vệ rừng Amazon : Bài học của Pháp cho Donald Trump

Việc Paris lên tuyến đầu cuộc chiến bảo vệ rừng Amazon, đang bị thần lửa đe dọa, khiến quan hệ Pháp - Brazil chưa bao giờ tồi tệ như vậy. Nguyên thủ Pháp nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trên nhiều mặt trận tại thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp, trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, nguy cơ bùng phát xung đột tại Trung Đông. Trên đây là một số chủ đề chính của báo Pháp hôm nay.

amazone00

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại G7 (2019)@ Ludovic Marin/Pool via Reuters

Năm ngày sau kêu gọi cứu nguy Amazon của tổng thống Pháp, đề tài khu rừng – được mệnh danh là "lá phổi xanh của thế giới" - tiếp tục là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp. Le Monde chạy tựa trang nhất : "Cơn giận toàn cầu chống lại tổng thống Brazil". Tựa của La Croix : "Amazon : Mệnh lệnh bảo vệ khẩn cấp".

Từ đầu năm đến nay, số lượng vụ cháy rừng tại Amazon tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai ngày trước khai mạc thượng đỉnh G7, thứ Năm 22/08, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phẫn nộ đưa lên một thông điệp trên Twitter : "Ngôi nhà của chúng ta đang cháy", đồng thời quyết định đưa vấn đề này thành trung tâm nghị trình G7.

"Bài học kinh điển" cho kẻ rao giảng chủ thuyết ích kỷ

Bài xã luận nhật báo công Giáo, với tựa đề "Một bài học kinh điển", hoan nghênh can thiệp bất ngờ của tổng thống Pháp, bất chấp cái giá là sự giận dữ của lãnh đạo Brazil, Jair Bolsonaro, và những hệ quả khó lường trong quan hệ song phương. Theo La Croix, ông Macron đã "nắm bắt đúng cơ hội" để nêu vấn đề. Với can thiệp này, tổng thống Pháp đã buộc lãnh đạo Hoa Kỳ "ý thức được nguy cơ (của nạn cháy rừng) với khí hậu và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế".

La Croix nhấn mạnh là, trước tuyên bố ngày 22/08 của Pháp, nguyên thủ Brazil – cầm quyền từ gần một năm nay – vốn được coi là người cùng hội, cùng thuyền với tổng thống Mỹ về nhiều mặt. Chẳng hạn như phản bác việc các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu, dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt, cổ vũ cho sự phát triển của nền công nghiệp chế biến thực phẩm bất chấp các hậu quả sinh thái, môi trường. Giống nhau đến mức mà nhiều người gọi ông Bolsonaro là "Trump nhiệt đới".

Đỉnh điểm của mâu thuẫn xuất hiện khi rừng Amazon cháy. Tổng thống Brazil Bolsonaro là hiện thân triệt để nhất cho lập trường mỗi quốc gia đặt mình lên trên hết, mà nhiều lãnh đạo quốc tế, trước hết là tổng thống Mỹ, thường rao giảng. Trong lúc đó, khu rừng nguyên thủy lớn nhất hành tinh chính là "một biểu tượng hoàn toàn trái ngược". "Lá phổi xanh" của Trái đất chỉ có thể tồn tại nhờ sự chung tay của cộng đồng quốc tế, và như vậy cũng được coi là tài sản chung của nhân loại.

"Tài sản chung của nhân loại"

Tuy nhiên, La Croix cũng ghi nhận là, cho dù thông điệp mạnh mẽ của tổng thống Pháp được sự hưởng ứng của G7, nhưng để cứu được rừng Amazon, phải có các nỗ lực lâu dài, nhằm bảo đảm được các nguồn tài chính, cho phép khuyến khích các quốc gia trong vùng bảo tồn và khai thác rừng hợp lý. Amazon phải là một chủ đề trọng tâm trong hội nghị về Khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 23/09 tới. Từng quốc gia riêng lẻ, dù mạnh như Mỹ, không thể hóa giải được các thách thức tầm cỡ hành tinh như vậy.

Xã luận của Le Monde, mang tựa đề "Amazon, tài sản của nhân loại", nhấn mạnh là Brazil quốc gia "sở hữu đến 60% diện tích rừng Amazon", cung cấp 20% lượng oxy của Trái đất (chưa kể đến độ đa dạng sinh học và lượng nước ngọt được bảo tồn tại đây), rõ ràng phải chấp nhận đảm đương một "trách nhiệm quốc tế".

Le Monde cũng ghi nhận là can thiệp của tổng thống Pháp và áp lực quốc tế đã buộc chính quyền Brazil bước đầu điều chỉnh thái độ, bằng cách tuyên bố cử quân đội dập cháy khẩn cấp. Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng đặt câu hỏi : Liệu giải pháp bác bỏ thỏa thuận mậu dịch tự do Liên Âu – khối Mercosur (gồm 4 nước Nam Mỹ, trong đó có Brazil) có tốt không ? Khi mà thỏa thuận này lại chính là một phương tiện Châu Âu có thể dùng để gây áp lực với Brazil, thông qua các tiêu chuẩn môi trường.

Paris - Brasilia : Quan hệ băng giá và hành động hạ nhục

Le Monde cũng có bài tổng thuật "Macron và Bolsonaro : Trận chiến Amazon" nhắc lại những chống trả dữ dội trên truyền thông của giới thân cận tổng thống Brazil nhắm vào nguyên thủ Pháp. Ông Macron bị lên án là "ngớ ngẩn", "hoang tưởng", "kẻ mang đầu óc thực dân", kẻ dám xâm lược Amazon… Thông điệp được tung lên mạng Twitter với hashtag #MacronLies (Macron dối trá), trên nền hình ảnh Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, những người "Áo Vàng" biểu tình, hay rừng cháy tại miền nam nước Pháp. Các thông điệp nói trên được truyền đi bởi ba con trai của tổng thống Brazil, mà một trong số họ sắp được bổ nhiệm đại sứ tại Mỹ.

Le Monde cũng tìm cách lý giải một số nguyên nhân khác khiến tổng thống Pháp quyết định lên tuyến đầu, bất chấp quan hệ ngoại giao với Brazil trở nên "tồi tệ nhất" kể từ 30 năm nay (tức từ khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ). Trên thực tế, hai tổng thống Pháp và Brazil đối nghịch nhau về mọi phương diện. Trước can thiệp của Macron, quan hệ Paris - Brasilia đã xấu hết mức. Tại thượng đỉnh khối G20 tại Osaka hồi tháng 6, trong lần đầu tiên hội kiến, hai ông Macron và Bolsonaro không tìm thấy một thiện cảm nào ở đối tác.

Cuối tháng 7, ngoại trưởng Pháp trong chuyến công du Brasil đã bị tổng thống Brazil bất ngờ hủy cuộc hẹn, đồng thời ông Bolsonaro còn phô trương hình ảnh đi cắt tóc, được truyền trực tiếp trên mạng. Lý do là ngoại trưởng Pháp tiếp xúc với một số tổ chức bảo vệ môi trường. Bộ Ngoại giao Pháp và tổng thống Macron chắc chắn đã "không tiêu hóa nổi hành động hạ nhục này" - Le Monde mường tượng.

G7 : Những đòn gây ấn tượng của Macron

Những đột phá ngoại giao khác của tổng thống Pháp tại G7 thu hút sự chú ý của hầu hết các báo. Le Figaro chạy tựa trang nhất "G7 : Macron nỗ lực tìm đột phá ngoại giao trong hồ sơ Iran", Les Echos : "Iran, thương mại : Macron chơi lá bài hạ nhiệt với Trump". Libération đặt câu hỏi : "G7 : Những đòn gây ấn tượng của Macron có kết quả ?".

Xã luận Libération có tựa đề "Trao đổi ngoại giao có văn hóa" ghi nhận : cho đến giờ, tổng thống Macron, nhờ ở sự năng động hiếm có, các tuyên bố ào ạt đưa ra, những trao đổi tay đôi tay ba không chính thức với các đối tác G7, đã hạn chế được các tổn hại khó tránh khỏi. Những thảo luận không chính thức đã cho phép đạt được một số bước tiến cụ thể, trong vấn đề rừng Amazon, khởi đầu cho cuộc "đình chiến thương mại" với Mỹ bất chấp các đe dọa của Trump, hay phác thảo một thỏa hiệp cho vấn đề hạt nhân Iran. Nhật báo Libération khẳng định đây là một thành tựu, cho dù đã có rất ít điều đạt được và những căng thẳng vẫn còn đó.

Một cái nhìn khác

Xã luận Le Figaro "Đằng sau vẻ bên ngoài" thì đưa ra một cái nhìn khác về diễn biến G7. Le Figaro thừa nhận nỗ lực của tổng thống Pháp tìm cách gạt sang một bên những bất đồng về hàng loạt chủ đề, để tìm ra một đột phá mới trong hồ sơ Iran, với mục tiêu tìm mọi cách tránh tái diễn thất bại thảm hại của thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Canada, khi tổng thống Mỹ rút chữ ký khỏi tuyên bố chung. Tuy nhiên, Le Figaro cũng chú ý đến sự thay đổi chiến thuật của tổng thống Mỹ, ngay từ khi hạ cánh xuống Pháp, ông Trump đã phủ nhận tình trạng căng thẳng, gọi những bất đồng giữa các nước G7 mà báo chí mô tả là "fake news".

Tuy nhiên, ngược lại, trong hậu trường G7, phía Mỹ không bỏ lỡ dịp để lên án tổng thống Pháp và thượng đỉnh G7 "của ông ta" đã quá xa rời các vấn đề thực sự của thế giới. Tổng thống Trump muốn đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trở thành trọng tâm thượng đỉnh, tỏ rõ thái độ đồng minh với Anh quốc trong cuộc đàm phán Brexit với Liên Âu… Riêng về hồ sơ Iran, Le Figaro cũng hoài nghi là sáng kiến của Emmanuel Macron, nới lỏng cấm vận dầu lửa đổi lại Tehran trở lại tuân thủ các cam kết quốc tế, có thể nhận được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ, khi mà ông Trump lại "không phải là người đầu tiên đề xuất".

Mô hình ưu việt Hồng Kông sắp chấm dứt ?

Về Trung Quốc, Le Monde có hồ sơ "Phải chăng chế độ đặc biệt mà Bắc Kinh dành cho Hồng Kông sắp chấm dứt ?". Le Monde tập trung mô tả "tính ưu việt" của mô hình một quốc gia, hai chế độ, giúp cho chế độ cộng sản Trung Quốc được hưởng lợi từ các đầu tư quốc tế trong vòng hơn hai thập niên. Bắc Kinh đã lợi dụng được con gà đẻ trứng vàng, cựu thuộc địa của Anh quốc.

Hồng Kông trong hiện tại vẫn tiếp tục là một cây cầu giữa kinh tế Hoa lục với thế giới, nhưng không còn là cây cầu duy nhất. Tỉ trọng của kinh tế Hồng Kông so với kinh tế Trung Quốc, sụt giảm còn 3% GDP so với 17% khi mới được trao lại cho Bắc Kinh. Cảng contener Hồng Kông, từ chỗ đứng số một thế giới, nay chỉ còn đứng hàng thứ 5, sau ba cảng biển Trung Quốc và Singapore. Đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của vùng Thâm Quyến, sát Hồng Kông, với các công trình hạ tầng cơ sở khồng lồ, đường xá, cầu cống, tàu cao tốc, với nhiều ngành công nghệ mũi nhọn, đang biến đặc khu Hồng Kông, trung tâm kinh tế xưa kia, thành một vùng ngoại vi.

Khác hẳn với thời kỳ trước, nhiều người Hồng Kông từng rất tự hào, tin là nhờ vào Hồng Kông mà Trung Quốc cất cánh, thì ngày nay cảm giác liên đới với Hoa lục tại Hồng Kông sụt giảm mạnh. 71% người dân Hồng Kông tuyên bố không hề tự hào là công dân Trung Quốc, tỉ lệ này lên đến 90% ở lứa tuổi 18 đến 29.

Hồng Kông : Bắc Kinh ngăn chặn những tiếng nói khác tại Hoa lục

Le Monde cũng chú ý đến tình trạng im lặng trở lại xung quanh khủng hoảng Hồng Kông, tại Hoa lục trong những ngày gần đây. Bài phân tích của Le Monde, với tựa đề "Tại Trung Quốc không thể thảo luận về Hồng Kông" khẳng định : các phản ứng của người Trung Quốc tại Hoa lục, kể từ khi khủng hoảng bùng phát hơn hai tháng nay, đều chỉ mang tính đơn phương. Chính quyền chỉ chấp nhận những lời lẽ sục sôi lên án người biểu tình Hồng Kông, nhân danh lòng yêu nước, ngược lại, những tiếng nói khác bị ngăn chặn. Tiêu biểu là trường hợp một võ sĩ nổi tiếng bị công an thẩm vấn, sau khi phát biểu trên mạng phản đối các tuyên truyền một chiều rầm rộ chống những người đòi dân chủ tại Hồng Kông. Đương sự đã thuật lại sự việc trên mạng YouTube ngày 20/08.

Thư viện Chirac : 50.000 cuốn sách thời Trung đại

Trong lĩnh vực văn hóa, La Croix giới thiệu với bạn đọc thư viện sách thời trung đại tại tỉnh Aube, miền bắc nước Pháp, mang tên Chirac, được đánh giá là thư viện thời trung cổ lớn thứ hai nước Pháp. Gian chính của thư viện có đến 48.000 cuốn sách xuất bản trong ba thế kỷ, 16, 17 và 18. Cùng với khoảng 4.000 bản thảo viết tay, từ sưu tập của tu viện Clairvaux, thành lập từ năm 1115. Đây là bộ sưu tập bản thảo thời Trung cổ lớn thứ hai sau Thư viện Quốc gia Mitterrand (BnF). Thư viện đang nỗ lực số hóa để đưa bảo vệ kho báu này, và bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Phong trào phản kháng Hồng Kông vẫn biểu tình bất chấp bạo lực tái phát

hongkong1

Một người biểu tình đối mặt với cảnh sát chống bạo động tại Hồng Kông ngày 25/08/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, có ít nhất hai cuộc biểu tình. Trước hết là tại sân vận động Kwai Chung và thứ hai là cuộc tuần hành trên đường phố với sự tham gia của nhiều người có thân nhân trong ngành cảnh sát.

Bị Trung Quốc "khủng bố trắng" phối hợp tuyên truyền cáo buộc "tiếp tay cho biểu tình gây rối trị an" và đe dọa trừng phạt kinh tế, công ty xe điện ngầm MTR của Hồng Kông phải đóng cửa một trạm ga gần sân vận động. Biện pháp này không ngăn được dân chúng kéo nhau đến điểm hẹn và sau đó tuần hành về khu phố Tsuen Wan.

Cũng theo AFP, một cuộc tuần hành thứ hai huy động được vài trăm người, trong đó có thân nhân của cảnh sát, lực lượng đang bị công luận lên án làm công cụ cho Trung Quốc.

Một phụ nữ, tự giới thiệu là vợ một sĩ quan cảnh sát, cho biết là hai vợ chồng bà rất khổ tâm : "Hai tháng qua, cảnh sát Hồng Kông bị rất nhiều nhục nhã".

Bà kêu gọi cảnh sát : "Tôi muốn các ông biết tại sao bị cả thế giới khạc nhổ. Là thân nhân, tôi không làm như thế, nhưng người cảnh sát phải biết rằng nhiệm vụ của mình là bảo vệ dân Hồng Kông chứ không phải làm kẻ thù của Hồng Kông".

Bạo lực dữ dội sau một tuần tạm lắng

Bạo lực lại nổ ra trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ngày hôm qua 24/08 tại Hồng Kông sau một tuần tạm lắng. Người biểu tình cực đoan đã ném gạch đá và bom xăng vào nhân viên công lực, còn cảnh sát thì sử dụng hơi cay và đạn cao su.

Đụng độ ban đầu xảy ra tại khu Kwun Tong, phía đông Hồng Kông, rồi sau đó lan ra nhiều điểm khác trong thành phố. Khoảng 30 người đã bị câu lưu.

Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Aabla Jounaïdi gửi về bài phóng sự :

Mọi việc bắt nguồn từ một cuộc tuần hành được nhà chức trách cho phép diễn ra tại quận bình dân Kwun Tong. Ít nhất 1.000 người tiến về phía bắc, những người đi đầu dựng lên các chướng ngại vật với cọc tre và các rào chắn bằng kim loại.

Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, trong khi đám đông giải tán, những thanh niên đội mũ, đeo kính và trang bị mặt nạ chống hơi cay đẩy những chướng ngại vật mà họ đã dựng lên về phía cảnh sát, đồng thời ném đá và chai lọ về phía lực lượng an ninh.

Cảnh sát chống bạo động cảnh cáo người biểu tình, giương pano xanh, đỏ, rồi đen. Và cảnh sát bắt đầu phản công!

Nhiều lần bị cảnh sát xịt hơi cay và bắn đạn cao su, một số người biểu tình tháo chạy vào một trung tâm thương mại bên cạnh để ẩn náu. Tại đó, khi bị truy đuổi, họ đáp trả với 2 bom xăng. Larry là một trong số những người nói trên. Anh nói : "Cảnh sát vào tận bên trong trung tâm thương mại để cố bắt giữ người biểu tình. Nhiều người đã chạy khỏi đó. Phần đông cảnh sát không biết tự kềm chế".

Sau đó, một mặt trận khác lại được mở ra nhắm vào một đồn cảnh sát không xa đó, và trong 2 khu phố khác. Kết quả là nhiều người bị thương, một người bị trúng đạn cao su vào mắt.

Tú Anh, Thùy Dương

Published in Châu Á

Nguồn : RFI, 25/08/2019

Published in Video

Tương lai nào cho những chiến binh tự do ở Hồng Kông ?

hong1

Biểu tình trước trụ sở chính quyền Hồng Kông đòi hỏi cải cách chính trị, ngày 22/08/2019. Reuters/Kai Pfaffenbach

Chủ đề Hồng Kông tiếp tục chiếm những vị trí đáng kể trên các tuần báo. Le Point dành nhiều trang cho bài phóng sự "Cùng với các chiến binh đấu tranh cho tự do".

Cuộc nổi dậy văn minh nhất từ trước đến nay

Đặc phái viên của tuần báo Pháp mô tả, trạm métro đông nghẹt, dòng người mặc áo thun đen, mang khẩu trang cuồn cuộn theo nhau không dứt. Trên bến tàu, họ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt lên cầu thang, trên thang cuốn, họ lịch sự né qua cho những người cần đi xuống. Tại Đồng La Loan (Causeway Bay), người biểu tình không chỉ thu nhặt rác mà còn phân loại rác để tái chế. Khi trời mưa lớn hoặc quá mệt, một số đi vào một trung tâm thương mại để tạm nghỉ, họ xếp ngay dù bỏ vào bao, tránh làm ướt sàn nhà.

Nếu đây là một cuộc nổi dậy, thì đó là cuộc nổi dậy văn minh nhất chưa bao giờ thấy.

Người biểu tình gào khản cổ : "Hãy trả lại Hồng Kông ! Cuộc cách mạng của thời đại chúng ta !". Câu khẩu hiệu trên không thể nào tưởng tượng được cách đây vài năm. Lương Thiên Kỳ (Edward Leung Tinkei), phát ngôn viên của phong trào ly khai Hong Kong Indigenous (Bản thổ Dân chủ Tiền tuyến), người sáng tạo ra khẩu hiệu này trong chiến dịch bầu cử Nghị viện năm 2016, hiện đang ở tù.

Phong trào đa dạng nhưng rất có tổ chức – thông qua ứng dụng Telegram, tuy nhiên không ai dùng tên thật. Tại trường đại học Hồng Kông, trong một "cuộc họp báo công dân", ba thanh niên che mặt đọc thông cáo bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Anh. Mỗi cuộc họp báo, những người chủ trì lại thay đổi.

Bắc Kinh ngỡ rằng đó chỉ là những "đứa trẻ", nhưng giới trẻ biểu tình đa số đầy bằng cấp, họ là luật sư, nhân viên ngân hàng… và có cách sống gần với phương Tây. Ở phòng nghiệp đoàn trường đại học Thụ Nhân (Shue Yan), chất đầy những thùng mặt nạ, dung dịch nước muối, nón bảo hộ và dụng cụ sạc điện thoại, tất cả đều là quà tặng dành cho người biểu tình.

Một chuyên viên tin học 47 tuổi cho biết, ông chỉ bắt đầu xuống đường sau khi thấy cảnh "xã hội đen" đánh đập tàn bạo người biểu tình ở Nguyên Lãng (Yuen Long). Một người khác 63 có mặt ở tất cả các cuộc biểu tình, nhấn mạnh : "Trung Quốc cần phải biết rằng họ không thể muốn làm gì thì làm. Nếu họ muốn gởi quân đến, tốt quá, Hồng Kông là trung tâm tài chính duy nhất của họ". Một thanh niên 19 tuổi tỏ rõ quyết tâm : "Người Trung Quốc cứ đến, chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu câu trả lời duy nhất của họ là súng đạn, chúng tôi chấp nhận. Họ sẽ không giết được tất cả mọi người, và phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng thế giới về việc sát hại người vô tội".

Tập Cận Bình đành phải kiên nhẫn chờ đợi

Trong bối cảnh đó "Tập Cận Bình đành phải kiên nhẫn", theo bài viết của Hong Kong Free Press đượcCourrier International dịch lại.

Ông Tập đang trong thế lưỡng nan. Nếu nhượng bộ, rút lại dự luật dẫn độ, động thái này sẽ bị coi là thất bại cay đắng đầu tiên của ông, và những nhóm phản kháng ở Hoa lục có thể sẽ theo gương Hồng Kông.

Một khả năng khác là đưa quân sang lập lại trật tự. Nhưng như thế sẽ gây xáo trộn thị trường tài chính, các ngân hàng quốc tế có thể rút vốn sang nơi khác ổn định hơn như Singapore. Tập Cận Bình còn phải cân nhắc đến tai tiếng cho Trung Quốc – Bắc Kinh vẫn đang trong tầm ngắm của báo chí quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn làm ít nhất 1.000 người chết. Hơn nữa, Trung Quốc lại đang trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Một sự can thiệp dù nhẹ nhàng nhất, chẳng hạn áp đặt lệnh giới nghiêm, chắc chắn sẽ gây căng thẳng giữa hai cường quốc và làm cuộc đàm phán thương mại bị dời lại chẳng biết đến bao giờ.

Chiến lược tốt nhất của Tập có lẽ là kiên nhẫn chờ đợi kinh tế Hồng Kông ngày càng u ám hơn, công luận bắt đầu thôi ủng hộ biểu tình, nhất là nếu thất nghiệp gia tăng và thị trường tài chính suy sụp.

Tương lai phong trào phản kháng Hồng Kông ?

"Cuộc nổi dậy ở Hồng Kông liệu có được tương lai ?", nhà văn kiêm bình luận gia Guy Sorman trên Le Point băn khoăn. Ông không mấy lạc quan, cho rằng 30 năm sau vụ đàn áp Thiên An Môn, rất ít cơ hội cho tuổi trẻ Hồng Kông.

Nhà văn kể lại, tháng 4/1989, ông có mặt ở Bắc Kinh, đi cùng với các giáo sư và sinh viên khoa Triết. Cho dù quen thuộc với Trung Quốc, ông không nhận ra điều gì lạ. Từ khi phe mao-ít bị tống giam năm 1976 và sự quay lại nắm quyền của Đặng Tiểu Bình, mà phương Tây cho là ôn hòa, không khí chính trị và kinh tế được cải thiện.

Trung Quốc dường như gia nhập vào các xã hội cởi mở, từ bỏ chủ nghĩa hoang tưởng toàn trị. Nhưng những người khác đã mở mắt cho ông : đảng cộng sản vẫn luôn đàn áp, siết chặt tự do, sự phồn vinh dành riêng cho các lãnh đạo đảng.

Vào thời kỳ Liên Xô đang tan rã không cần bạo lực, các sinh viên Bắc Kinh mơ một perestroika Trung Quốc, nhưng các thầy cô của họ từng sống qua thời kỳ cách mạng văn hóa không hề lạc quan. Họ biết rõ bản chất tàn bạo của chính quyền cộng sản, và vài tuần lễ sau đó, họ biết rằng mình có lý. Phong trào sinh viên Thiên An Môn bị quân đội tàn sát theo lệnh của Đặng, "nhà cải cách". Đảng không bao giờ chịu chia sẻ quyền lực, các ưu đãi và của cải của mình.

Phong trào phản kháng ở Hồng Kông mang tính toàn cầu

Giới trẻ Hồng Kông đang sống trong một xã hội cởi mở bỗng bị khép chặt lại, họ không có cách nào khác là phản kháng. Nhưng chính quyền Bắc Kinh về bản chất không thể cho phép bất kỳ một dạng ly khai nào trong thế giới người Hoa. Đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, dân chủ, tự do ngôn luận không phải là các giá trị Trung Quốc mà là một sự lây nhiễm từ phương Tây cần phải diệt trừ.

Không thể đưa quân đội nhanh chóng đàn áp như năm 1989 vì đến 2047 Hồng Kông mới thuộc về Trung Quốc. Đài Loan càng phức tạp hơn vì có thể chống chọi bằng vũ lực, thế nên Bắc Kinh phải chờ thời. Ở Hồng Kông còn có rủi ro về tài chính : thị trường chứng khoán và địa ốc có thể suy sụp.

Tác giả lo ngại rằng phong trào phản kháng Hồng Kông không thể dựa được vào ai. Tại Hoa lục, người biểu tình Hồng Kông bị cho là "những đứa con được nuông chiều nhưng cứng đầu". Ở Đài Loan, chính quyền ủng hộ phong trào, nhưng lại có sự hiện diện của một đảng thân Bắc Kinh và các cơ quan truyền thông nhận tiền của Đảng cộng sản Trung Quốc. Còn phương Tây ?

Hồi Thiên An Môn, những hình ảnh như "Tank Man", người thanh niên vô danh đứng chận đoàn xe tăng đã gây rất nhiều xúc động, phương Tây cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh. Trung Quốc năm 1989 là một cường quốc còn yếu, và phương Tây đối phó cũng chừng mực. Còn bây giờ, Trung Quốc hùng mạnh hơn và phương Tây lại yếu đi. Từ 1989 đến nay, Trung Quốc đã thay đổi, phương Tây lại còn thay đổi nhiều hơn.

Sau perestroika và sự sụp đổ của bức tường Berlin, sau sự lạc quan về nhân quyền là sự quay lại của chủ nghĩa dân tộc, đèn nhà ai nấy rạng. Đấu tranh cho nhân quyền vẫn đang diễn ra tại Hồng Kông, Alger (Algérie), Khartoum (Sudan), Skopje (Bắc Macedonia), nhưng song song đó là chủ nghĩa dân tộc, dân túy ở Washington, Roma, Luân Đôn, Bắc Kinh. Như vậy những gì đang diễn ra ở Hồng Kông, theo tác giả, mang tính toàn cầu và thuộc về mọi thời đại, trong cuộc xung đột miên viễn giữa một xã hội rộng mở và xã hội khép kín.

"Tất cả chúng ta đều là người Hồng Kông"

Trong bài xã luận mang tựa đề "Tất cả chúng ta đều là người Hồng Kông", tác giả Etienne Gernelle trênLe Point ví von, một hạt confetti nhỏ bé dám chống lại cả một đế quốc.

Trong lúc Châu Âu ngày càng bỏ phiếu cho những tay kinh doanh hào quang quá khứ có xu hướng độc tài, thì chính tại hòn đảo nhỏ ở tận Viễn Đông, lại xuất hiện những người kế thừa của kỷ nguyên Ánh Sáng. Đáng ngạc nhiên là cuộc chiến đấu của "Những người bất khuất" thực thụ này không gây ra nhiều tác động nơi xứ sở của Montesquieu.

Nhà văn, nhà triết học nổi tiếng Bernard-Henri Lévy cho rằng việc sống chung dưới cùng một lá cờ, giữa một thể chế độc tài sẳt máu và một Nhà nước pháp quyền kiểu Anh, là phản tự nhiên. Phải chăng cuộc nổi dậy Hồng Kông đã trở thành gót chân Achille của ý đồ bá chủ thế giới mà Tập Cận Bình nuôi dưỡng ? Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng đấu tranh xã hội tại đất nước rộng lớn này, ít được biết đến do bị kiểm soát thông tin.

Triết gia đặt câu hỏi, ba thập niên sau Thiên An Môn, liệu chúng ta có thể nhắm mắt làm ngơ ? Có thể coi những người Hồng Kông, hầu hết là hậu duệ của những người Hoa đã chạy trốn khỏi Hoa lục năm 1949, là chưa "chín chắn", chưa phù hợp với dân chủ ? Có ai nghĩ về số lượng những xác người bị xe tăng cán nát, bị phân thây, quẳng vào ống cống hay thiêu cháy khi quân đội Trung Quốc tấn công vào một Thiên An Môn mới bên bờ biển này, nơi không chỉ vài chục, vài trăm ngàn người mà cả một, hai triệu người xuống đường ngày Chủ nhật ? Không, không có ai kể cả Bắc Kinh đánh giá được lối thoát cho phiên bản mới của cuộc chiến David chống lại người khổng lồ Goliath.

Thịnh vượng và bình đẳng xã hội

Dưới góc độ xã hội, The Economist nhận định, cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông có một phần là do giá nhà ở vượt quá tầm tay với của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Về chính trị, Bắc Kinh không hề giữ lời hứa để cho người dân đặc khu tự chọn lựa người lãnh đạo, nhưng về kinh tế thì ngược lại. Khi để nguyên hệ thống, Trung Quốc đã giúp sức tạo ra tình trạng bất bình đẳng cực kỳ lớn, do giá địa ốc quá cao. Nhiều người biểu tình trẻ tuổi cho biết họ đã mất tất cả hy vọng về tương lai, ngay cả việc sở hữu một căn hộ siêu nhỏ có kích thước chỉ bằng một chiếc xe hơi cũng chỉ là ảo vọng.

Là trung tâm tài chính, Hồng Kông thu hút nhiều người nước ngoài có thu nhập cao, bên cạnh đó là các nhà giàu từ Hoa lục đầu tư vào, đẩy giá nhà đất lên cao ngất ngưởng. Một năm lương trung bình chỉ mua được có 1,1 mét vuông nhà tại Hồng Kông ! Các đại gia địa ốc chỉ đầu tư vào những dự án đắt tiền mang lại nhiều lợi nhuận, chính quyền không có chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp.

Macao sẽ không là Hồng Kông

Một câu hỏi khác được đặt ra : Vì sao Macao không bị xáo trộn như Hồng Kông ?

Theo The Economist, tại cựu thuộc địa Bồ Đào Nha có 600.000 dân, khó thể có được phong trào chống Trung Quốc, vì nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào Hoa lục, giới lãnh đạo trung thành với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, một phần thu nhập khổng lồ từ các sòng bạc được chính quyền tái phân phối cho người dân, năm nay mỗi người Macao trưởng thành được nhận 10.000 patada, tương đương 1.250 đô la.

Tình yêu tuổi già, Macron, tình trạng thiếu nước : Tựa chính các tuần báo

Trang nhất của L’Obs đăng ảnh một cặp cao niên đang hôn nhau bên cạnh một bụi hoa rực rỡ, chạy tựa "Tuổi 60,70, 80…Tình yêu không có tuổi". Thậm chí ở tuổi 80, ngày càng nhiều người muốn có đời sống tình cảm mới. Nay đã về hưu, con cái đã ra riêng, họ nối lại mối liên lạc với người xưa, với những bạn bè cũ, hay nhờ vào internet để tìm ra người yêu lý tưởng.

Trên trang bìa củaL’Express là chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tươi cười, với tựa đề "Người tài năng nhất của thế giới cũ". Tuần báo nhận định, Macron đã làm đảng Xã Hội trở nên trống rỗng và làm cánh tả bùng vỡ, nay ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương. L’Express cũng không quên phân tích các tham vọng của tổng thống Pháp trong hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.

Courrier Internationalđặt câu hỏi "Sắp tới sẽ là một thế giới không có nước ?", với tấm ảnh một con thuyền trơ trọi trên mặt đất, bên cạnh một con người trơ trọi, và lời cảnh báo : một phần tư dân số thế giới có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt từ này cho đến năm 2030. Từ Saudi Arabia cho tới Honduras, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, nạn thiếu nước khiến người dân phải di cư, tạo ra các cuộc xung đột.

Le Pointcó hồ sơ xếp hạng các bệnh viện và dưỡng đường năm 2019, đặc biệt có danh sách các khoa cấp cứu thiếu bác sĩ.

Thụy My

Published in Châu Á

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, ngày 22/08/2019, xác nhận Việt Nam, thành viên ASEAN, sẽ tham gia cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và khối các nước Đông Nam Á, được tổ chức vào đầu tháng 09/2019.

dien1

Quân đội Mỹ tham gia tập trận Cobra Gold 2018 (CG18) với Thái Lan tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Chonburi, Thái Lan, ngày 16/02/2018. Ảnh minh họa. Reuters/Athit Perawongmetha

Cuộc diễn tập kéo dài trong năm ngày, từ 02-06/09/2019, đã được các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN và Mỹ quyết định từ năm 2018.

Theo nhật báo Bangkok Post, cuộc diễn tập do Hải Quân Hoa Kỳ và Thái Lan đồng tổ chức, huy động ít nhất 8 tàu chiến cùng nhiều máy bay. Phạm vi tập trận kéo dài từ căn cứ hải quân Thái Lan Sattahip tại tỉnh Chonburi cho tới tỉnh Cà Mau, Việt Nam.

Tháng 10/2018, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chung.

Báo Bangkok Post nhận định rằng cuộc diễn tập năm nay nhằm cân bằng ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.

Tại buổi họp báo xác nhận thông tin này, khi được hỏi về việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc quay trở lại đặc khu kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án nhóm tàu Trung Quốc "tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982".

Bà Lê Thị Thu Hằng yêu cầu nhóm tàu Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không gây căng thẳng và đe dọa hòa bình tại Biển Đông cũng như ở khu vực.

Gia Hưng

Published in Việt Nam