Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Điều gì có thể "phá đám" lễ hội của Tập Cận Bình ?

Dù không được nêu bật trên trang bìa, nhưng hồ sơ Trung Quốc nhân dịp Bắc Kinh mừng 70 năm ngày thành lập nước Trung Hoa cộng sản trên tạp chí Pháp Courrier International số ra tuần này (26/09 - 02/10/2019) rất đáng chú ý với loạt bài phân tích mang một tựa đề chung : "Những gì có thể làm hỏng ngày hội của Tập Cận Bình".

1heo0

Ảnh minh họa : "Giá thịt heo có thể phá hỏng ngày vui của Tập Cận Bình" (Courrier International). Reuters

Đối với Courrier International, càng gần đến lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 01/10/2019, mây đen càng tích tụ trên đầu chủ tịch Trung Quốc, từ những vấn đề kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cho đến phong trào biểu tình ở Hồng Kông.

Tạp chí Pháp đã trích dịch nhiều bài viết từ báo chí Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Singapore, nêu lên những thách thức khác nhau mà nước Trung Quốc ở tuổi 70 đang phải đối phó.

Bài "Siết chặt hàng ngũ, trong khi chờ đợi ngày diễu hành" đã tóm lược ý kiến từ các tờ Liên Hợp Tảo Báo ở Singapore, Tân Kinh Báo ở Bắc Kinh, Wall Street Journal ở Mỹ và Tân Hoa Xã ở Trung Quốc, nhận định rằng trước các thách thức mới ngày càng to lớn, nhân vật số một tại Bắc Kinh Tập Cận Bình đã liên tiếp tung ra những thông điệp cứng rắn và quyết tâm trong những ngày gần đây.

Bài "Người Đài Loan thông cảm với Hồng Kông" trên tờ Tín Báo ở Hồng Kông thì ghi nhận rằng "Mục tiêu thống nhất Đài Loan với Trung Quốc của Tập Cận Bình đang bị tác hại từ chính sách đàn áp tại Hồng Kông".

Cũng về Hồng Kông, Courrier International đã trích dịch một bài viết của một nhà ly khai Trung Quốc hiện định cư tại Mỹ đăng trên trang tin Đài RFA Hoa Kỳ, nêu rõ "Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh" sau khi Quốc hội Mỹ quyết định xem xét vấn đề Hồng Kông.

Tạp chí Pháp dĩ nhiên đã không quên trích dịch một bài xã luận trên tờ Quang Minh Nhật Báo Bắc Kinh, ngợi ca công lao của Tập Cận Bình đã được toàn bộ báo chí Trung Quốc đăng lại.

Giá thịt heo có thể phá hỏng ngày vui của Tập Cận Bình

Trong các loạt bài về Trung Quốc trên Courrier International, đáng chú ý nhất chính là phân tích về cuộc khủng hoảng giá thịt heo tại Trung Quốc hiện nay của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) mà tạp chí Pháp với dòng tựa : "Tại sao giá thịt heo có thể phá hỏng ngày lễ của Tập Cận Bình".

Theo bài báo, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và một số quyết định sai lầm của Bắc Kinhđã làm cho giá thịt heo bùng nổ, tác hại đến sức mua của người Trung Quốc. Đây là một điềm rất xấu vào lúc gần đến kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Vấn đề thịt heo đang trở thành ưu tiên của Nhà Nước Trung Quốc trên bình diện quốc gia và quốc tế. Người ta nói đến "chính sách thịt heo", "kinh tế thịt heo", thậm chí "ngoại giao thịt heo".

Đối với SCMP, các sai sót về chính sách đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng thịt heo thêm nghiêm trọng. Việc dịch tả heo lan rộng tại Trung Quốc có thể bị quy cho nền "ngoại giao thịt heo" mà Bắc Kinh tiến hành, đã quyết định không nhập loại thịt này từ Hoa Kỳ và Canada (hai nước không bị dịch) mà lại nhập từ Nga, nước bị dịch nặng nề.

Ngày 01/09, Trung Quốc cho tăng 10% thuế quan trên sản phẩm nông nghiệp nhập từ Mỹ, thuế trên thịt heo từ Mỹ như thế đã tăng lên mức 72%. Trong lúc đó, trại nuôi heo Trung Quốc lại gánh chịu hậu quả thuế đánh trên đậu nành nhập từ Mỹ, làm giá thức ăn cho heo ở Trung Quốc tăng cao. Bắc Kinh cũng giảm nhập hàng từ Canada, sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ.

Theo tờ báo Hồng Kông, khi sản xuất trong nước bị giảm sụt, Trung Quốc có thể giải quyết thiếu hụt bằng cách xoay qua một trong hai nước nói trên, vì Mỹ đứng hàng thứ hai trên thế giới về sản xuất thịt heo và nước xuất khẩu hàng đầu, trong lúc Canada đứng hàng thứ sáu.

Nhưng sai lầm của Trung Quốc không chỉ là trên mặt địa chính trị. Năm 2016, một chiến dịch cấp quốc gia đã dành quyền nuôi heo nái cho các nông trại lớn, với mục tiêu cải thiện điều kiện môi trường. Và kết quả là hơn 150.000 trại chăn nuôi trong số nhỏ nhất bị đóng cửa. Tình trạng thiếu thịt như vậy đã bắt đầu từ trước khi xẩy ra nạn dịch.

Nghiêm trọng hơn cả Hồng Kông hay thương chiến với Mỹ

Vấn đề, theo tờ SCMP, giá thịt heo tăng đã kéo theo lạm phát, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Dân chúng có thể trở nên bất mãn vì là nạn nhân chính của lạm phát. Đó là lý do vì sao "chính sách thịt heo" đã trở nên quan trọng hơn các vấn đề thương chiến Mỹ-Trung và tình hình rối loạn ở Hồng Kông.

Trong chế độ Trung Quốc, ông Tập không phải chịu sức ép của bầu cử, nhưng sự tức giận của người dân do khủng hoảng thịt heo đe dọa uy thế của ông và làm người ta ghét bỏ chính quyền của ông, nếu ông không kịp đưa ra biện pháp để giúp đỡ dân chúng gặp khó khăn.

Tập Cận Bình từ lâu nay luôn bảo vệ "giấc mơ Trung Hoa" của ông về một đất nước trẻ trung với "cả một xã hội sung túc" từ đây đến năm 2021, khi Đảng mừng 100 tuổi.

SCMP nhìn thấy mục tiêu cao xa này sẽ trở thành trò cười nếu người Trung Quốc không thể có được một bát thịt heo.

Cuộc đọ sức Saudi Arabia - Iran : Các kịch bản xấu nhất

Như nói ở trên tạp chí Courrier International không dành trang bìa cho hồ sơ Trung Quốc, mà chú ý đến Trung Đông, nêu trong hàng tựa lớn "Những kịch bản tồi tệ nhất giữa Saudi Arabia và Iran" với ghi nhận bên dưới : "Mỹ rút khỏi Trung Đông có thể làm khu vực bùng nổ", bên cạnh ảnh minh họa tổng thống Iran và thái tử Saudi Arabia vẻ giận dữ, mũi thì dí vào nhau, còn tay thì cầm đao.

Theo Courrier International, tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm. Sau vụ tấn công vào cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia, 14/09/2019, Iran bị quy trách nhiệm. Tổng thống Donald Trump đã mấy lần dọa trả đũa, nhưng đến giờ thì không thấy có hành động gì.

Tạp chí trước hết ghi nhận nghịch lý trong thái độ của Mỹ. Hành động của chủ nhân Nhà Trắng rất khó lường. Báo chí Saudi Arabia khá hoang mang đã không còn ngần ngại chỉ trích thẳng thừng đồng minh là "cứng rắn giả tạo". Dĩ nhiên là ông Trump sẽ không liều lĩnh hành động mạnh trước cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Courrier International dí dỏm cho rằng : "Khi Mỹ can thiệp thì không có gì suôn sẻ, nhưng khi không can thiệp nữa thì tất cả đổ sụp". Đối với tập chí Pháp, đây là một nghịch lý khác trong cuộc khủng hoảng này. Sự không can thiệp của Mỹ càng gây mất thăng bằng trong vùng, dẫn đến một cuộc chiến mới. Iran tuy phải chịu hậu quả trừng phạt của Mỹ nhưng cũng cho thấy khả năng gây hại, và trực diện đối đầu với Saudi Arabia.

Tóm lại, tình hình rất nguy hiểm và vùng Trung Đông đang tiến đến "một điểm chuyển hướng lớn".

Tạp chí L’Express trên hồ sơ Trung Đông này đã ghi nhận thế yếu của Saudi Arabia : "Một chàng khổng lồ chân đất sét, ngồi trên một đống vàng, với một bên là giấc mơ trở thành cường quốc và bên kia là nỗi lo sợ Iran, địch thủ không đội trời chung". Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu hỏa ngày 14/09 đã phơi bày những kẽ hở của xứ dầu hỏa này.

Một nhân vật "thiết diện vô tư" ở Bruxelles

Một trong những bài viết đáng chú ý trên tạp chí L’Obs tuần này là bài tán dương việc Liên Hiệp Châu Âu vừa chọn xong người đứng đầu bộ phận công tố đặc trách chống gian lận : Luật gia Romania, bà Laura Codruta Kövesi.

Tác giả bài viết, Pierre Haski, đã hoan nghênh kết cục tốt đẹp của một cuộc đọ sức mà Châu Âu ít thấy diễn ra, một bài trắc nghiệm mà Châu Âu đã làm thành công. Đây là một sự kiện khá hiếm hoi khiến người ta có thể vui mừng.

Bà Laura Codruta Kövesi được đề cử Trưởng Công tố của Viện Công tố tương lai của Liên Âu đặc trách chống các "Hành vi tội phạm xuyên biên giới trên quy mô lớn tác hại đến ngân sách Châu Âu" theo định nghĩa chính thức.

Quá trình đề cử bà Kövesi khá gian nan. Vào năm 2018, bà bị cách chức lãnh đạo Viện Công tố Quốc gia Romania đặc trách chống tham nhũng, sau một cuộc đọ sức ngoạn mục đã khiến cho tổng thống Romania suýt bị mất ghế vì bênh vực bà chống lại nội các của ông.

Đến khi bà được đề cử làm ứng viên chức Trưởng Công tố Châu Âu, thì chính quyền Romania đã dùng mọi thủ đoạn để cản trở : Cho mở điều tra về bà, cấm bà ra khỏi nước. Romania cũng vận động các nước khác chống lại chính công dân của mình.

Từng là ác mộng của giới tham nhũng Romania

Phải nói là khi đứng đầu Viện Công tố Romania, bà đã gây kinh hoàng trong giới chính khách và lãnh đạo cao cấp, vì đã điều tra không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng tràn lan đến mức mà Bruxelles phải lên tiếng.

Năm 2017, năm trước khi bị cách chức, bà Kövesi đã đưa cả ngàn người ra tòa, trong đó có 3 bộ trưởng, 5 dân biểu và một thượng nghị sĩ. Một người trong tầm nhắm của bà lúc đó là ông Liviu Dragnea, cựu chủ tịch Hạ viện, nhân vật đầy quyền lực của đảng Xã hội cầm quyền. Nhân vật này đang bị 3 năm và 6 tháng tù về tội lạm quyền.

Theo bài viết, khi cách chức bà Kövesi, chính quyền Romania cứ nghĩ là đã triệt hạ được bà, nhưng đã không tính đến Châu Âu.

Vào mùa xuân này, sau các buổi điều trần ở Nghị Viện Châu Âu chỉ còn lại hai ứng viên vào chức Trưởng Công tố : bà Kövesi và một thẩm phán Pháp

Trong mùa hè, Pháp đã thấy tầm quan trọng về tính biểu tượng cũng như chính trị của việc đề cử bà Kövesi, nên đã rút ứng viên của mình. Vậy là con đường rộng mở cho bà Kövesi nếu giành được đa số. Và trong cuộc bỏ phiếu của các đại sứ quốc gia thành viên Liên Âu, tuần qua, bà được 17 phiếu trên 22 quốc gia tham dự, đủ để được chỉ định.

Theo Pierre Haski, việc bầu chọn này quan trọng trên hai bình diện. Trước hết, các đại diện xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu rất hài lòng khi thấy hành vi cản trở quá đáng của một quốc gia bị thất bại.

Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu thường bất lực trước thái độ chuyên chế của một số thành viên, vì phải có sự đồng thuận mới trừng phạt được một quốc gia thái quá và đây là một dịp hiếm có để bảo vệ tính pháp lý.

Lý do thứ hai là bà Laura Kövesi sẽ là Trưởng Công tố đầu tiên của một định chế đầu tiên chống gian lận ở cấp Châu Âu. Có được một người không thể bị mua chuộc để khởi đầu là điều rất quan trọng. Tiếng tăm thanh liêm chính trực của bà Laura Kövesi sẽ gây lo ngại ở những nước mà việc lạm dụng tài trợ của Liên Âu vừa hiển nhiên, vừa mang tính chính trị.

Bài viết kết luận : Vì những lý do trên việc đề cử bà Laura Kövesi là một tin vui đối với Châu Âu và cả Romania, nơi mà số đông đang đấu tranh cho một quốc gia "sạch" hơn sẽ cảm thấy được khích lệ.

Sự thật về nhập cư

Tuần báo L’Express đã dành trang bìa và một hồ sơ 13 trang cho vấn đề nhập cư ở Pháp, với tựa đề : "Nhập cư, sự thật và chuyện tầm phào".

Điểm lý thú nhất được tạp chí nêu lên là vấn đề hiện có bao nhiêu người nước ngoài ở Pháp. Trên vấn đề này, L’Express phân biệt hai diện :

Trước hết là diện người nước ngoài không có quốc tịch Pháp nhưng sống ở Pháp. Theo số liệu của cơ quan thống kê Insee, diện này gồm 4,42 triệu người. Diện thứ hai là người nhập cư, mà vẫn theo Insee, số lượng lên đến 6,17 triệu người, tức 9,2% dân chúng ở Pháp.

Tuy nhiên, theo L’Express, người nước ngoài và người nhập cư có phần trùng khớp nhau, vì một phần người nhập cư cũng là người nước ngoài vì hoặc họ không xin quốc tịch Pháp, hoặc có xin nhưng không được. Nhiều người cho rằng hai số liệu này không đủ để hiểu xã hội hiện nay.

Có điều L’Express trích dẫn số liệu : vào năm 2017, hơn 17% thanh niên dưới 24 tuổi ở Pháp có gốc ngoài Châu Âu, trong khi vào năm 1968, tỷ lệ chỉ là 3%. Theo tạp chí này, số liệu đã được những người chủ trương hội nhập nêu bật để cho thấy đây là vấn đề cần thiết và cấp bách, trong lúc đó thì các đảng cực hữu cũng sử dụng để biện minh cho thuyết "thay thế lớn" của họ.

Vấn đề khuyến khích dân nhập cư hồi hương

L’Express nhìn một vòng các vấn đề liên quan đến nhập cư còn quan tâm đến một vấn đề khác : đó là cho những người nhập cư bị buộc hồi hương.

Tạp chí ghi nhận là trong năm 2018 có 30.276 vụ hồi hương, trong đó 15.677 trường hợp cưỡng bức hồi hương. Hai dân biểu Pháp thuộc đảng MoDem và LREM, trong một báo cáo gần đây, đã lưu ý rằng việc cưỡng bức hồi hương tốn kém hơn gấp sáu lần việc giúp đỡ hồi hương.

Về người không giấy tờ không hợp lệ, L’Express nêu bật vấn đề tị nạn, được cho là nguồn gốc bao nhiêu trường hợp định cư không hợp pháp. Trong năm 2018, trong số 123.000 người xin, chỉ có 33.330 người được quy chế tị nạn. Số 90.000 người còn lại như vậy vẫn ở lại Pháp.

Ngoài ra, trong năm 2018, chỉ có 1/3 lệnh trục xuất nhắm vào người Albania và Gruzia, là được thi hành. Đó là lý do khuyến khích dân những xứ này tiếp tục đến Pháp.

Macron đã thay đổi ?

Tuần báo L’Obs đã đưa chân dung của tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên trang bìa, với câu hỏi : "Phải chăng Macron đã thay đổi ?", bên dưới hàng tiểu tựa "Hưu bổng, nhập cư, sinh thái…".

Tạp chí Pháp đã nêu lên câu hỏi này vì đã thấy tổng thống Pháp cứng rắn hơn trên vấn đề nhập cư, "xanh hơn", lắng nghe nhiều hơn và ít khiêu khích hơn trước đây.

Trước ngưỡng hồi 2 của nhiệm kỳ 5 năm, nguyên thủ quốc gia Pháp, theo L’Obs, đã cho thấy là ông không còn hoàn toàn như trước nữa. Thế nhưng L’Obs vẫn không tránh khỏi hoài nghi : Thay đổi thật hay chỉ là sửa đổi hình ảnh trong một chiến dịch giao tiếp rộng lớn ?

Phỏng vấn người sáng lập Facebook

Tạp chí Le Point dành hồ sơ lớn 10 trang và trang bìa cho Zuckerberg, với tựa đề "Tương lai chúng ta theo Zuckerberg" và trong ngoặc đơn : những gì đến sau smartphone, bên dưới chân dung người sáng lập Facebook.

Tạp chí trích câu trả lời phỏng vấn của Mark Zuckerberg về những vụ tai tiếng, công nhận : "Phải còn mất một ít thời gian nữa để công chúng tin tưởng lại chúng tôi. Tôi nghĩ đó cũng đúng thôi. Chúng tôi hiểu là có trách nhiệm rất lớn". Chủ nhân Facebook còn nêu lên những dự án đang thực hiện.

Le Point so sánh một cách dí dỏm : PDG của Facebook quản lý 2,4 tỷ followers (người theo), và như thế Zuckerberg có thể được xem là lãnh đạo của quốc gia lớn nhất thế giới.

Mai Vân

Published in Châu Á
vendredi, 27 septembre 2019 22:05

Điểm báo Pháp - Vĩnh biệt Jacques Chirac

Pháp : Vĩnh biệt mãnh sư Jacques Chirac

Cựu tổng thống Jacques Chirac vừa từ trần, thọ 86 tuổi. Tiễn đưa nhà chính trị, nhà lãnh đạo mà cuộc đời gắn liền với vận nước nổi trôi, báo chí Pháp hôm nay (27/09/2019) dành những lời trân trọng nhất, nhưng cũng không thiếu các phê phán khi nhắc lại công lao và thất bại trong 50 năm sự nghiệp của ông.

jacques1

Cố tổng thống Jacques Chirac trên các trang báo Pháp ngày 27/09/2019

Về hồ sơ quốc tế, tai tiếng "Ukraine" đe dọa tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc khủng hoảng Hồng Kông làm chủ tịch Trung Quốc mất mặt là hai chủ đề chính.

Một trang sử Pháp

Hầu hết các tờ báo Pháp đều đưa chân dung cố tổng thống Jacques Chirac từ trần hôm 26/09/2019 lên trang nhất với tựa báo tang giản dị. Dưới di ảnh trắng đen của cố tổng thống Pháp nét mặt đăm chiêu, Le Figaro ghi hàng chữ nhỏ : "Vĩnh biệt Jacques Chirac". Libération thân mật "Thiếu Chichi ". Les Echos "Một đời chính trị".

Toàn dân xúc động, một sư tử chính trị qua đời, cả một đoạn đời của tôi ra đi, Chirac là hiện thân của một nước Pháp thủy chung với giá trị phổ quát và vai trò lịch sử, Châu Âu chào từ biệt một nhà lãnh đạo đất nước và một người bạn.

Trên đây là những tựa chính của Le Figaro trích lời chia buồn của giới chính trị gia Pháp, của Châu Âu, từ các cựu thủ tướng  François Fillon, Alain Jupé, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến một số cây bút chính luận.

Tổng thống Emmanuel Macron, người mà nhật báo thiên hữu cho là "kế thừa" tổng thống Chirac, trong thông điệp báo tang đêm hôm qua kêu gọi toàn dân "ghi ơn" nhà lãnh đạo đã "đoàn kết" dân tộc lại với nhau.

Trong bài bình luận "người hiện thân của nước Pháp nhiều mặt", tác giả giải thích vì sao mà khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Lao Động năm 1967 cho đến khi hết nhiệm kỳ tổng thống 2017, Jacques Chirac được tất cả dân Pháp, có thế lực hay vô danh, yêu mến.

Bởi vì con người ông cũng đa diện : vừa là chính trị gia địa phương gắn bó với miền quê Corrèze, vừa có hoài bão quốc tế. Ai là người vừa yêu quê hương vừa gắn bó với địa cầu.  Vừa từ chối tham gia chiến tranh Iraq lần thứ hai vì không có đèn xanh của Liên Hiệp Quốc vừa báo động "ngôi nhà chúng ta đang cháy"? Ai từng bị cáo buộc là "phát-xít" nhưng trở thành một nhà chính trị nhân ái ?

Một người Pháp thuần túy

Bên cạnh những lời khen tặng, thương tiếc từ các cựu cộng sự cho đến giới chính trị tả hữu, các bài xã luận của báo chí tỏ ra rất công bình trong phần khen tặng và phê phán.

Nhật báo thiên tả Libération dành gần 20 trang để thuật lại con đường sự nghiệp, những tấm ảnh lúc thăng trầm, những giây phút hạnh phúc gia đình, sảng khoái bên ly bia trong ngày hội chợ nông nghiệp hàng năm, hay khi đến phi trường đón tiếp một đoàn thuyền nhân Việt Nam từ Malaysia mới sang vào năm 1979, trong đó có một cô gái tên Anh Đào mà vợ chồng tổng thống Chirac nhận làm con nuôi.

Libération không quên hình ảnh một Jacques Chirac được dân Ả Rập mến mộ. Từ Palestine cho đến Iraq, Lebanon… Chirac là người hùng chống lại chiến tranh Iraq lần thứ hai. Đối với Châu Á, Chirac là  một "chuyên gia văn hóa lịch sử" Trung Hoa, Nhật Bản, một người đam mê môn đô vật Sumo của xứ Hoa Anh Đào.

Trên Le Figaro, bài xã luận "một định mệnh của nước Pháp" cũng đồng điệu : dứt khoát nói "Không" với cuộc chiến Iraq là "chiến tích" lớn nhất của Jacques Chirac, nhưng ông cũng có một số yếu đuối đó là quá thận trọng không dám thực hiện một số lời hứa. Người dân Pháp không ngừng mến yêu Jacques Chirac, bởi vì dù tài giỏi hay yếu kém,ông luôn là một người Pháp thuần túy.

Yêu nước là yêu dân

Cùng quan điểm, nhật báo công giáo La Croix, trong bài xã luận "Con đường sự nghiệp" phát họa lại những thăng trầm đầy ưu và khuyết điểm của một con người. Jacques Chirac không phải là siêu nhân, nhưng công lao của ông làm hậu thế  phải ghi ơn.

Một cách chi tiết, bài xã luận "sự nghiệp lâu dài" của La Croix mở đầu :  Trong những năm tuổi trẻ, Jacques Chirac gây nhiều lo ngại. Một số người còn xem ông ấy là một tay "phát-xít".

Nhưng hôm nay, ông ra đi, để lại cho chúng ta hình ảnh một người cha của dân tộc. Niềm xúc động chân thành trước một nhân vật từng chia sẻ với chúng ta gần nửa thể kỷ vui buồn của đất nước, mà một nhà bình luận gọi là "hoàng đế si tình thần dân" và thần dân đã đáp lại tương xứng.

Nhưng ông cũng có lắm tiêu cực . Ông phản bội Giscard rồi sau đó ông bị Balladur phản bội. Ông bị tai tiếng là "ông vua lười", một lời cáo buộc oan ức. Trong giây phút chia lìa này, người ta chỉ nhớ đến công lao của ông : đồng minh của Mỹ nhưng không theo Washington đánh Iraq, lãnh đạo phe hữu nhưng luôn luôn là thành trì, cột trụ chống cực hữu.

Chirac còn là một người đánh thức lương tâm con người trong lãnh vực môi trường với lời tuyên bố : "ngôi nhà chúng ta đang cháy mà chúng ta làm ngơ". Ông còn là vị tổng thống thực hiện ba đại công trình "an toàn giao thông, trợ giúp người khuyết tật có chỗ đứng trong xã hội và bài trừ bệnh ung thư". Những thành quả mang lại làm chúng ta phải nhớ ơn ông.

Hồng Kông : Tập Cận Bình mất mặt

Ở trang Thế giới, La Croix tập trung vào tình hình Hồng Kông. Cuộc khủng hoảng tại bán đảo có tên là Hương Cảng đã kéo dài 110 ngày. Những ngày sắp tới, từ nay cho đến 01 tháng 10, là thời gian đầy nguy hiểm.

Theo đặc phái viên của nhật báo công giáo, tình hình khủng hoảng tại Hồng Kông đã làm cho hình ảnh của chủ tịch Trung Quốc trên trường quốc tế xấu đi. Đối phó bằng chiến thuật để cho phong trào phản kháng tự chết dần không hiệu quả càng, làm cho Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ đảng cộng sản.

Các biện pháp trấn áp cũng không làm phong trào tranh đấu giảm đi. Chiến thuật "đối thoại" của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga với 150 người rút thăm đại diện đối lập chiều 26/09 chắc chắn không làm thay đổi tình thế. Ngày 01/10, đánh đấu 70 năm đảng Cộng sản chiến thắng tại Hoa lục, đến gần, mà lòng căm phẫn của Hồng Kông không tan. Tập Cận Bình đang bị mất mặt trong cách xử lý khủng hoảng Hồng Kông.

Guồng máy vận động ngoại giao của Bắc Kinh chạy hết tốc lực và rất căng thẳng, nhưng không còn ai bị Trung Quốc đánh lừa. Chuyên gia Jean - Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Hồng Kông, cho rằng : Bắc Kinh cố chấn chỉnh hình ảnh, nhưng  Trung Quốc đã bị nhơ danh từ nhiều tháng nay. Trước đó là chuyện xây trại cải tạo khổng lồ nhốt 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương. Người ta linh cảm chế độ Trung Quốc bắt đầu biết lo ngại trước áp lực của công luận quốc tế.

Thái độ hoảng hốt của Bắc Kinh thể hiện mối bất đồng trong nội bộ đảng Cộng sản. Khủng hoảng Hồng Kông châm thêm dầu vào ngọn lửa bất bình Tập Cận Bình từ khi ông sửa Hiến pháp để cầm quyền mãn đời.

Tai tiếng "Ukraine" : Donald Trump yếu thế

Le Monde, phát hành sớm nên không kịp đưa tin cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời. Trái lại, tình trạng lúng túng của tổng thống Mỹ Donald Trump là chủ đề số một.

Nhật báo độc lập lưu ý đến hai chi tiết cho phép suy đoán tổng thống Donald Trump mất thế chủ động. Đúng là phe Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện, tiến trình truất phế trong điều kiện này sẽ không thể đi đến nơi đến chốn, nhưng chủ nhân Nhà Trắng tự vệ một cách bối rối.

Thứ hai là, Rudy Giuliani, luật sư của tổng thống, đã nhúng tay vào nhiều vụ tai tiếng quốc sự. Chính vị luật sư này đã nhìn nhận trên đài CNN là ông đã qua Kiev yêu cầu chính quyền Ukraine điều tra về Joe Biden. Sự kiện nội dung cuộc điện đàm với tổng thống Zelensky được công bố làm cho thủ tục truất phế được củng cố thêm.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Khí hậu : Nỗi tức giận của Greta và thông điệp "lạnh gáy" của giới khoa học

Hồi chuông báo động khẩn của chuyên gia Liên Hiệp Quốc về Đại dương, Khí hậu với vận mệnh nhân loại là tựa lớn trang nhất của đa số các nhật báo Pháp ra hôm nay : Khí hậu nóng lên khiến băng tan ồ ạt, nước biển dâng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng vọt, đe dọa hàng tỉ dân cư ven biển và nhiều nơi khác, gây thiệt hại đến hàng trăm nghìn tỉ đô la một năm.

greta0

Gương mặt Greta Thunberg, thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi, biến dạng vì xúc động và giận dữ, khi phát biểu tại Thượng đỉnh Khí hậu Liên Hiệp Quốc (Climate Action Summit), New York, ngày 23/09/2019@ Reuters/Carlo Allegri

Hạ Viện Mỹ mở điều tra luận tội nhằm tiến tới phế truất tổng thống Donald Trump và chính trường Anh chao đảo sau quyết định của Tòa án Tối cao bác quyết định đình chỉ Nghị Viện của thủ tướng là các chủ đề chính khác.

"Gương mặt biến dạng vì giận dữ" và không khí bình lặng trong Bảo tàng Đại dương

Le Figaro có bài xã luận, mang tựa đề "Cô gái nhỏ và các nhà khoa học", kêu gọi công chúng nhìn thẳng vào sự thật, để có cách hành xử thích đáng. "Cô gái nhỏ" ở đây là thiếu nữ Thụy Điển, Greta Thunberg - ngôi sao của phong trào Khí hậu của giới trẻ, đang có mặt tại nước Mỹ để gây áp lực lên chính quyền các nước. Le Figaro ghi nhận sự tương phản cao độ về mặt hình thức, giữa một bên là thông điệp của các nhà khoa học nhóm GIEC, "được công bố trong không khí bình lặng" của một bảo tàng về đại dương học sang trọng ở công quốc Monaco, và bên kia là thiếu nữ Thụy Điển trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, "mặt biến dạng vì giận dữ".

Theo Le Figaro, thái độ đầy bạo lực, "đe dọa", những lời lẽ "sỉ nhục", "công kích dữ dội" của cô gái nhắm vào thế hệ những người trưởng thành có thể gây phản cảm đối với những ai quen với cách ứng xử chừng mực. Và "những lời tiên tri gây kinh sợ" của cô, đồng điệu với những lời cảnh báo văn minh nhân loại đang trên đường sụp đổ, có thể khiến nhiều người lo sợ về việc "một nền độc tài kinh hoàng của chủ thuyết coi sinh thái là trên hết" sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh là bất chấp sự tương phản về hình thức, điểm chung của hai thông điệp là nhân loại đang đối mặt với một tình thế khẩn cấp. Quá trình Trái đất bị hâm nóng đang tiếp tục diễn ra hoàn toàn phù hợp với các ghi nhận của các chuyên gia GIEC cách nay 29 năm, trong bản báo cáo đầu tiên. Cuộc khủng hoảng hiện nay là "nghiêm trọng" và cần "các phản ứng tương thích", cho dù các thảm họa sẽ không đến mức khiến toàn nhân loại diệt vong, và hủy diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất. Nhưng tảng lờ các báo động mới này "sẽ là sai lầm".

"Con người khó chịu, đứa trẻ bị nhồi sọ, cô bé quá xúc cảm…"

Libération chạy tựa trang nhất : "Nước Pháp. Đại dương đe dọa nhấn chìm. Hơn một mét từ đây đến năm 2100 theo báo cáo GIEC. Từ Soulac đến Palavas (hai bãi biển tuyệt đẹp của nước Pháp ở bên bờ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải), từ Dunkerque đến quần đảo Antilles, nước dâng cao đe dọa một phần rộng lớn vùng ven biển nước Pháp và dân cư sở tại".

Xã luận Libération, mang tựa đề "Thiện chí", ví cô gái Thụy Điển với một nhân vật nữ trong bi kịch Hy Lạp cổ đại. Cassandra được thần Apollon ban cho khả năng biết được tương lai, nhưng đã không có ai tin vào những lời tiên tri của cô. Libération nhấn mạnh : Những ai từng cho Greta Thunberg là "một con người khó chịu, đứa trẻ bị nhồi sọ, một cô bé quá xúc cảm…", khi đọc bản báo cáo của GIEC mới, chỉ cần với "một chút thiện chí", cũng sẽ thay đổi thái độ ngay lập tức. "Không cần đến bằng cấp của một nhà khí hậu học", việc Khí hậu bị hâm nóng, do khí thải, dẫn đến băng tan, nước biển dâng cao không thể khác, là bài học của học sinh lớp Một. Mà khí hậu bị hâm nóng không chỉ khiến nước biển dâng cao, mà còn gây nhiều hệ quả kinh hoàng khác, như đại dương bị axit hóa, bão tố nhiều hơn.

"Thảm họa đã nhãn tiền, nhưng thà thế còn hơn !"

"Thảm họa đã nhãn tiền, nhưng thà thế còn hơn !" là tựa bài xã luận La Croix. Nhật báo công giáo, khi nhắc lại thần thoại Hy Lạp về thiếu nữ Cassandra, thừa nhận "không một ai muốn nghe báo trước về các thảm họa, và thường là người ta thích tin rằng chúng sẽ không xảy ra". Từ 30 năm nay, các cảnh báo mà GIEC liên tục đưa ra "đã không làm thay đổi gì nhiều". Thượng đỉnh Khí hậu mới đây tại Liên Hiệp Quốc (Climate Action Summit) "gần như là một thất bại", ngoại trừ sự xuất hiện của Greta Thunberg.

Tuy nhiên, La Croix nhấn mạnh điểm khác biệt là : Lần này không còn là sự cảnh báo, mà thảm họa đã thực sự xẩy ra. Kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm trung bình 430 tỉ tấn băng hà tan chảy, khiến nước biển dâng nhanh hơn gấp 2,5 lần so với thế kỉ trước.

"Thảm họa đã nhãn tiền. Không ai có thể phủ nhận. Về một mặt nào đó, điều này có lẽ tốt hơn, bởi sẽ giúp cho mỗi người tăng tốc nhận thức về tính chất khẩn cấp của việc thay đổi triệt để lối sống, phương thức vận hành của nền kinh tế. Chính quyền các nước không còn có thể thoái thác, ẩn núp đằng sau lập luận cho là cần phải xem chừng công luận nữa. Vấn đề giờ đây không còn là cứu lấy hành tinh của chúng ta nữa, mà rất cụ thể là, làm thế nào để chăm sóc nó".

"Trật tự sinh thái thế giới mới"

Les Echos hôm nay, tuy không lấy báo cáo GIEC làm tựa trang nhất, nhưng dành nhiều bài bên trong để nói về cuộc chiến bảo vệ khí hậu. Theo Les Echos, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030 của Liên Hiệp Quốc là cơ hội duy nhất cho phép thoát được các thảm họa do khí hậu bị hâm nóng và môi trường suy thoái. Mà để làm được điều này các nước đang phát triển cần phải có thêm đầu tư, ước tính nhiều hơn 12% hàng năm so với hiện nay. Lấy tiền đâu ra ?

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD / CNUCED) khuyến nghị xây dựng dựng một "Trật tự sinh thái thế giới mới". Để có thêm tiền cho môi trường, CNUCED đề nghị tăng cường chống lại việc các đại tập đoàn lậu thuế, ước tính có thể thu về từ 50 đến 200 tỉ đô la/năm. Bên cạnh đó, các khoản thuế mới nhắm vào ngành công nghệ kỹ thuật số đang trỗi dậy cũng có thể là một nguồn thu bổ sung.

Cũng Les Echos cho biết một số đại tập đoàn xa xỉ phẩm Pháp bắt đầu chuyển mạnh sang các cam kết môi trường, vốn không phải là ưu tiên. LVMH hôm qua, công bố lộ trình từ đây đến 2025, thực hiện việc 100% nguyên liệu có nguồn gốc động vật phải ghi rõ nguồn gốc.

Chuyên gia Allan Litchman : Donald Trump sẽ bị phế truất

Vụ tổng thống Mỹ bị Hạ Viện khởi sự điều tra để tiến tới phế truất cũng được nhiều báo Pháp quan tâm. Đây là lần đầu tiên, tại Mỹ khởi sự thủ tục phế truất một đương kim tổng thống, kể từ 20 năm nay. Đe dạo phế truất tổng thống đảo lộn cuộc tranh cử Mỹ là tựa lớn hồ sơ của Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp có cuộc phỏng vấn đáng chú ý với nhà chính trị học Allan Litchman về tác động của tiến trình phế truất tổng thống đối với cuộc tranh cử 2020.

Theo giáo sư Allan Litchman không có gì gây khó khăn hơn cho tổng thống Trump là trở thành đối tượng của thủ tục phế truất. Ông Litchman dự đoán Donald Trump có thể sẽ bị phế truất trước khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc, cuối năm 2020. Allan Litchman là một trong số ít người dự báo Donald Trump đắc cử năm 2016, cũng như dự báo đúng kết quả của 8 cuộc bầu cử tổng thống trước đó.

Vì sao chủ tịch Hạ Viện Mỹ quyết định hành động ?

Lý do chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi mạo hiểm quyết định khởi sự điều tra, nhằm phế truất tổng thống là chủ đề một bài viết khác của Les Echos.

Theo Les Echos, dù xác xuất thành công được coi là rất nhỏ, và hành động này có nguy cơ làm nhiễu loạn cuộc tranh cử tổng thống (tiến trình luận tội bị ông Trump sử dụng làm phương tiện đả kích phe Dân chủ), nhưng đối với chủ tịch Hạ Viện, việc khởi sự thủ tục phế truất lần thứ tư trong lịch sử chính trị Mỹ này vừa là "một nghĩa vụ", và cũng là "một cơ hội chính trị". Les Echos nhấn mạnh đến ba lý do khiến chủ tịch Hạ Viện quyết định hành động.

Thứ nhất, điều quá rõ ràng là ông Donald Trump đã nhờ cậy đến một thế lực nước ngoài can thiệp vào bầu cử Mỹ. Thứ hai là, nếu lời báo động từ một nhân viên tình báo Mỹ là xác thực, thì tổng thống Trump đã đánh đổi một trợ giúp về tài chính, gây áp lực với nguyên thủ Ukraine, để lấy "các thông tin tiêu cực" về con trai ứng cử viên tranh cử tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Như vậy rõ ràng đây là tội "phản bội". Lý do thứ ba là chủ tịch Hạ Viện đứng trước áp lực của cử tri Dân chủ, từ lâu nay, đã hết sức bất mãn trước một tổng thống "bất tài" và "không đủ tư cách", và đây là một cơ hội để ông Trump phải ra đi.

Thủ tướng Anh về nước, Nghị Viện náo động

Quyết định đình chỉ Quốc hội của thủ tướng Johnson bị Tòa án Tối cao nước Anh bác bỏ. Le Figaro ghi nhận, vừa từ New York trở về, thủ tướng Anh đã rơi vào chảo lửa của điện Westminster, nơi Nghị Viện vừa nhóm họp trở lại và đối lập sẵn sàng chống lại ông.

Thủ tướng Anh, vừa phê phán phán quyết của Tòa Án, vừa lên án tình trạng "tê liệt" tại Quốc hội, và mưu toan của các nghị sĩ nhằm phá hỏng các thương thuyết về Brexit với Liên Âu. Thủ tướng Anh thách các nghị sĩ giải tán Quốc hội tổ chức bầu cử sớm, để cử tri bầu lên một Quốc hội mới nhằm thực thi quyết định chia tay với Liên Âu, theo kết quả trưng cầu dân ý 2016.

Theo Les Echos, điều mà các nghị sĩ Anh lo ngại hiện nay là thủ tướng Johnson tìm được phương tiện để lách luật, khiến nước Anh rời khỏi Liên Âu không có thỏa thuận (no-deal Brexit), với các hệ quả dự kiến vô cùng lớn cho đôi bên.

Khách Trung Quốc xuất ngoại tăng vọt

Về Châu Á, Les Echos chú ý đến sự bùng nổ của du lịch Trung Quốc. Hôm qua, Trung Quốc khánh thành sân bay Bắc Kinh – Đại Hưng (Daxing), được coi là sân bay lớn nhất thế giới. Nhân dịp này, nhật báo kinh tế Pháp giới thiệu về tình trạng khách du lịch người Trung Quốc tăng vọt, dẫn đến tình trạng phải xây dựng thêm hàng loạt cơ sở hạ tầng mới. Khách Trung Quốc du lịch nước ngoài năm ngoái là 150 triệu, so với 4,5 triệu cách nay hơn 20 năm. Chủ yếu du khách Hoa lục đến các nước Châu Á, trước hết là hai vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc : Hồng Kông 49 triệu, Macao 20 triệu, tiếp theo là Thái Lan (10,5) và Nhật Bản (8,4).

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Trung Quốc đau đầu vì cuộc khủng hoảng thịt lợn

Vào lúc Trung Quốc đang đau đầu trước cuộc khủng hoảng Hồng Kông, nhật báo Pháp Le Monde ngày 25/09/2019 đã nêu lên một cuộc khủng hoảng khác, thậm chí nghiêm trọng hơn, mà Bắc Kinh đang phải đối phó dù ít được nói đến : Đó là tình trạng giá thịt lợn tăng vọt do việc đàn gia súc Trung Quốc bị dịch tả lợn Châu Phi tàn phá.

VIETNAM-CHINA-ANIMALS-DISEASE-ECONOMY-PORK

Ảnh minh họa : một trại nuôi lợn bị dịch tả lợn ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 09/03/2019. Reuters/Stringer

Dưới tựa đề "Tại Trung Quốc, giá thịt lợn tăng vọt, một cuộc khủng hoảng lớn đối với chính quyền", Le Monde nêu bật tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng qua một con số : Giá một lạng thịt lợn đã tăng 46,7% sau một năm dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, với hệ quả là buộc người dân phải thay đổi chế độ ăn uống.

Đối với nhật báo Pháp, tình huống thật là mỉa mai đối với Trung Quốc. Một năm sau khi phát hiện ra những ca bệnh đầu tiên vào mùa hè năm 2018 ở miền bắc Trung Quốc, bệnh dịch được chính thức gọi là "dịch tả lợn Châu Phi" đã lan rộng ra toàn bộ các tỉnh và địa phương Trung Quốc. Và mỉa mai thay, cuộc khủng hoảng đã đạt quy mô toàn diện vào năm nay là năm Hợi, với con lợn được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng !

Tờ báo Pháp trước hết ghi nhận tầm quan trọng của thịt heo trong nền kinh tế Trung Quốc. Với sản lượng 54 triệu tấn trong năm 2018, Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Thế nhưng, theo ước tính của ngân hàng nông nghiệp Hà Lan Rabobank, trong năm nay, Trung Quốc có thể mất 40% sản lượng. Đối với Le Monde, đó quả là "một thảm họa".

Về vị trí của thịt lợn, Le Monde ghi nhận là loại thịt này chiếm 64% lượng thịt đủ loại được tiêu thụ ở Trung Quốc. Do đó, thịt lợn tăng giá sẽ đẩy mạnh lạm phát. Trong tháng 8 vừa qua, thịt lợn được cho là đã chịu trách nhiệm cho hơn một phần ba mức tăng lạm phát, được ghi nhận là 2,8% so với một năm trước đó.

Dùng đến thịt dự trữ chiến lược

Để đối phó với khủng hoảng, Bắc Kinh đã phải dùng đến kho dự trữ thịt lợn chiến lược của chính phủ vào đầu tháng 9, tung khoảng 10.000 tấn thịt ra thị trường hôm 19/09 vừa qua. Đây là những lô hàng nhập khẩu từ Đan Mạch, Pháp, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Theo Le Monde, Trung Quốc đã thiết lập các kho dự trữ thịt lợn từ năm 2007, cho thấy là mặt hàng này mang tính chất quan trọng như thế nào, nhất là khi số lượng được lưu trữ là bí mật quốc gia.

Đối với Le Monde, việc mở kho dự trữ chiến lược còn xuất phát từ việc Bắc Kinh cố tránh để xẩy ra tình trạng khan hiếm đúng vào lúc chính quyền chuẩn bị mừng Quốc Khánh thứ 70 vào 01/10 tới đây.

Vấn đề, theo tờ báo Pháp là 10.000 tấn vừa được bán ra chỉ chiếm 0,2% lượng tiêu thụ thịt lợn hàng tháng của Trung Quốc, do đó sẽ không đủ sức làm giảm giá thịt.

Theo Bộ nông nghiệp Trung Quốc, từ nay đến cuối năm, tỷ lệ tăng giá thịt lợn tại nước này có thể đạt mức 70%.

Thịt lợn : Một ưu tiên quốc gia

Đối với chính quyền Trung Quốc, mà tính chính đáng dựa trên năng lực cải thiện mức sống của người dân, tình trạng khan hiếm và tăng giá thịt lợn quả là một cuộc khủng hoảng lớn.

Thủ tướng Lý Khắc Cường vào cuối tháng 8, đã kêu gọi "đối phó khẩn cấp", trong khi phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) nói đến một "ưu tiên quốc gia". Chính quyền Trung Quốc, theo Le Monde đã thông qua nhiều biện pháp để khắc phục thảm họa do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, nhưng vẫn vấp phải nhiều khó khăn.

Việc yêu cầu các cấp địa phương phải nhanh chóng bồi thường cho các nhà chăn nuôi bị ảnh hưởng để họ khôi phục lại hoạt động đã bị ảnh hưởng do việc nhiều địa phương không chịu công nhận sự tồn tại của dịch bệnh để khỏi phải trả bồi thường.

Bộ nông nghiệp Trung Quốc đã cấm bán thịt bị nhiễm bệnh và ra lệnh cho nông dân ngừng cung cấp thức ăn thừa cho lợn, vì virut có thể tồn tại trong nhiều ngày trong thịt sống. Nhưng các biện pháp cấm bán thịt nhiễm bệnh, vô hại cho con người, không phải lúc nào cũng được tôn trọng, một số địa phương thích để nông dân bán thịt hơn là đền bù cho họ.

Theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard, trưởng nhóm kinh tế gia phụ trách Trung Quốc tại Capital Economics, thì "sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn đà lây lan của virus và hạn chế tác động của dịch bệnh trên giá cả đang tỏ ra không hiệu quả. Lạm phát sẽ vượt quá chỉ tiêu chính phủ đề ra lần đầu tiên trong một thập kỷ nay".

Theo Le Monde, trong thực tế, trong hầu hết các trường hợp, sau khi virus dịch tả lợn xuất hiện, các trang trại vẫn trống rỗng, vì nguy cơ tái nhiễm rất cao vì không có vắc-xin.

Nhật báo Pháp kết luận hóm hỉnh : Vì không có giải pháp tốt, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục người dân bớt ăn thịt lợn. Một tờ báo đảng hôm 10 tháng 9 vừa qua đã chạy một tựa lớn trên trang nhất : "Ăn ít thịt lợn là điều tốt cho sức khỏe".

Trang nhất các báo

Vấn đề khí hậu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất nhiều tờ báo ra ngày hôm nay.

Le Monde đánh giá nghiêm khắc trong tựa chính trang nhất : "Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc (về khí hậu) kết thúc bằng một thất bại", trong lúc Libération đặt câu hỏi "Ai sợ Greta Thunberg ?", cô gái Thụy Điển đang mạnh bạo phê phán các lãnh đạo thế giới lơ là việc chăm lo cho môi trường Trái Đất. Về phần mình, La Croix ghi nhận : "Nền dân chủ trước thách thức của khí hậu".

Riêng hai tờ Le Figaro và Les Échos dù cũng có nhiều bài phân tích về các diễn biến ở Liên Hiệp Quốc, nhưng đều dành tựa lớn trang nhất cho thời sự Châu Âu. Les Echos chạy tít lớn "Brexit : Boris Johnson trên ghế nóng", còn Le Figaro thì quan tâm đến việc "Chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu gây chia rẽ nội bộ".

Thượng đỉnh Khí hậu Liên Hiệp Quốc thất bại

Như nói ở trên, Le Monde hôm nay đã dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ khí hậu tại Liên Hiệp Quốc. Đối với tờ báo Pháp, hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu đã kết thúc hôm thứ Hai, 23/09 tại New York với một kết quả kém cỏi, thể hiện qua việc các nước lớn từ chối tăng cường nỗ lực.

Một cách cụ thể, tờ báo Pháp nhìn thấy là Châu Âu và Trung Quốc chỉ nhắc lại cam kết đưa ra trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015, trong lúc nhiều nước gây ô nhiễm nặng nề nhất còn không thèm đến dự hội nghị. Đại diện nước phát khí thải ô nhiễm nhiều nhất là tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở thượng đỉnh nhưng không phát biểu trên diễn đàn khí hậu.

Chỉ có 66 quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, là đã loan báo những cam kết mới. Tuy nhiên, số nước này chỉ chiếm khoảng 6,8% lượng khí thải ra trên thế giới.

Kết quả tích cực nhất là đã có thêm 500 triệu đô la được tháo khoán cho công cuộc bảo tồn "giếng carbone" của khu rừng Amazon.

Ai là người sợ Greta Thunberg ?

Libération cũng dành trang nhất cho thượng đỉnh khí hậu Liên Hiệp Quốc, nhưng nhấn mạnh đến vai trò của Greta Thunberg, cô gái Thụy Điển đang mạnh bạo phê phán các lãnh đạo thế giới lơ là việc chăm lo cho môi trường Trái Đất.

Theo Libération, khi đứng ra kiện 5 nước trong đó có Pháp, về tội bất động trước cuộc khủng hoảng khí hậu, Greta Thungberg đánh thẳng vào những ai gièm pha cô, nhưng khiến cho những ủng hộ viên cơ hội chủ nghĩa bực bội. Libération đã dành bài xã luận để phân tích thêm về phản ứng của Pháp khi bị kiện.

Đối với tờ báo cánh tả Pháp, cô bé Greta Thunberg quả là có tài làm cho các phản ứng bảo thủ phải bộc lộ, chui ra khỏi hang như các con chuột trước một miếng phó mát. Chỉ lấy hai ví dụ : triết gia Luc Ferry, người từng làm bộ trưởng giáo dục và thanh niên Pháp nhận định : "Chúng ta đang rơi vào một xã hội bị trẻ con hóa một cách điên cuồng", còn triết gia Alain Finkielkraut thì cho rằng "thật là thảm hại khi người lớn ngày nay phải cúi đầu trước một đứa trẻ".

Greta Thunberg còn trẻ, nhưng Jeanne d’Arc hay Gavroche thì sao ?

Theo Libération, lập luận chê bai tuổi tác quá trẻ quả là kỳ lạ, vì văn hào Pháp Corneille từng nói : "Tài năng không đợi tuổi" (La valeur n’attend point le nombre des années). Chỉ nói đến những nhân vật Pháp thôi, thì nữ anh hùng Jeanne d’Arc đâu có lớn hơn Greta Thunberg là bao, trong lúc cậu bé Gavroche, một nhân vật của Victor Hugo còn nhỏ tuổi hơn nữa.

Ngoài ra, theo tờ báo Pháp, cũng phải thấy là giới trẻ sẽ phải ở tuyến đầu nếu việc chống hâm nóng khí hậu, ai có thể trách họ khi họ chỉ bảo vệ tương lai của mình ?

Libération cho là tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những suy nghĩ bảo thủ tương tự. Trả lời báo Le Parisien trên máy bay đi đến New York, ông nói về giới trẻ biểu tình : "Chúng cứ đi biểu tình ở Ba Lan đi", ám chỉ việc chính quyền Ba Lan từ chối những quyết định của Châu Âu về khí hậu.

Libération mỉa mai : Đấy là một ý hay, có thể áp dụng cho những cuộc biểu tình khác : như những người Áo Vàng bất bình trước giá nhiên liệu tăng có thể đi biểu tình ở Saudi Arabia, còn những nông dân bị việc nhập khẩu thịt đe dọa có thể qua New Zealand tuần hành.

Đối với Libération, quả đúng là việc các quốc gia Đông Âu cản trở những hoạt động bảo vệ môi trường của Châu Âu rất đáng bị chỉ trích và ông Macron không sai khi nhắc lại điều này. Cũng phải công nhận là tổng thống đã nỗ lực nhiều trên đấu trường quốc tế để các nước lớn hành động trên vấn đề khí hậu. Pháp đã có những nỗ lực đáng khen.

Vấn đề tuy nhiên lại là, theo Libération, Pháp đã không tôn trọng chỉ tiêu giảm khí thải mà chính mình đã đưa ra. Nếu những biện pháp đưa ra ở nhà mình chưa đủ, thì mình cũng không đủ tư cách lên lớp người khác.

Nền dân chủ và thách thức của biến đổi khí hậu

Cũng dành tựa lớn trang nhất cho hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu, nhưng nhật báo La Croix đã tìm cách trả lời cho câu hỏi : Thể chế dân chủ có đủ vũ khí để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu hay không.

Theo La Croix, Pháp và bốn quốc gia khác đang bị các nhà đấu tranh cho môi trường kiện về tội không thực hiện cam kết. Bối cảnh chính trị và lịch sử văn hóa của Pháp dường như cản trở khả năng đáp ứng các thách thức sinh thái của thời đại.

Tuy nhiên, theo La Croix, đây là điều có thể làm được, nhưng cần đến một thời gian dài để cân nhắc, và cần đến sự tham gia của quảng đại quần chúng.

Ba kịch bản sau khi BoJo bị tư pháp phủ nhận

Về hồ sơ Brexit, nhật báo Les Echos đã nêu bật vố đau mới mà thủ tướng Anh Boris Johnson vừa phải chịu sau khi quyết định của ông đình chỉ hoạt động của Nghị Viện đã bị Tòa Án Tối Cao phán quyết vào hôm qua là bất hợp pháp. Tờ báo Pháp đã đặc biệt chú ý đến các kịch bản khác nhau sau phán quyết của Tòa Án Tối Cao

Kịch bản 1 : Đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ

Lãnh đạo Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn có thể khởi động cuộc tấn công nếu ông thấy sẽ có đa số hậu thuẫn. Nhưng vấn đề là trước khi lật đổ Boris Johnson thì phải tính ai sẽ là người thay thế. Đây là giấc mơ của Jeremy Corbyn, nhưng rất ít nghị sĩ, ngoài Công Đảng, muốn ông lên làm thủ tướng. Hiện tại thì còn nhiều bất đồng về người có thể đưa ra một giải pháp thay thế.

Giới thân cận với Corbyn, tối qua đã tỏ ra rất dè dặt trước cuộc phiêu lưu này vì không muốn thúc đẩy Boris Johnson câu giờ bằng cách bày vẽ thủ tục và áp đặt một "Brexit no deal" vào ngày 31/10.

Kịch bản 2 : Boris Johnson từ chức

Cho dù các đối thủ của ông kêu gọi ông ra đi từ tối thứ Ba, không có gì bắt buộc ông Johnson phải từ chức. Trước mắt thì ông nhất quyết bám trụ, ngoại trừ trường hợp bị đẩy ra ngoài.

Và ông có thể tiếp tục vỗ ngực tự nhận là người hùng của dân chúng, mà đa số đã quyết định rời khỏi Châu Âu vào năm 2016, lên tiếng chỉ trích các định chế về những âm mưu ngăn chặn ông.

Nhưng chiến lược nêu trên cũng có điểm hạn chế : theo một cuộc thăm dò của Yougov cho báo Times, 49% người Anh tán đồng phán quyết của Tòa Án Tối Cao, chỉ có 30% chống đối.

Kịch bản 3 : Lại đình chỉ hoạt động của Nghị Viện

Ông Johnson cho hiểu là kịch bản này có thể được dự kiến. Nhưng nếu có một cuộc đình chỉ mới, thì chỉ sẽ kéo dài vài ngày. Tòa Án Tối Cao đã phê phán thời gian đình chỉ dài bất thường (5 tuần) vừa qua, vốn có tác dụng tước quyền hay giới hạn khả năng Nghị Viện thi hành chức năng kiểm soát đối với chính phủ.

Chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu gây chia rẽ

Theo tờ báo, căng thẳng lại nẩy sinh tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu giữa những người ủng hộ chính sách tiền tệ nghiêm ngặt và phe ủng hộ chủ trương vung tiền để ồ ạt hỗ trợ cho nền kinh tế.

Ông Mario Draghi, người sẽ trao quyền chủ tịch lại cho bà Christine Lagarde vào ngày 01/11, đang bị công khai chỉ trích, trái với thông lệ ở Frankfurt, nơi đặt trụ sở của định chế tài chính.

Các đối thủ trách ông là đã triển khai những biện pháp quá mức và không hiệu quả để kích thích tăng trưởng.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Washington – Delhi : Trục chiến lược mới trước họa bá quyền Trung Quốc

Chủ Nhật, 22/09/2019, Narendra Modi và Donald Trump, tay trong tay đến đồng chủ trì một cuộc mít-tinh tại Houston, bang Texas, quy tụ hơn 50.000 người Mỹ, đa phần gốc Ấn Độ. Một cuộc tụ tập lớn như thế để chào mừng một lãnh đạo nước ngoài là hiện tượng hiếm có trên đất Mỹ.

truc1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia buổi chào mừng thủ tướng Modi tại Houston, Texas, 22/09/2019. Reuters/Jonathan Ernst

Thế nhưng theo nhận xét của nhà báo Renaud Girard, trong mục Ý kiến báo Le Figaro (24/09/2019), sự kiện cho thấy rõ một thực tế địa chính trị mới : Sự trỗi dậy của một trục chiến lược giữa một nền dân chủ lớn nhất và một nền dân chủ lâu đời nhất của thế giới. Vậy "trục chiến lược mới Washington – Dehli" được hình thành để làm gì ? Ông Renaud Girard giải thích.

Trục liên minh mới giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ được hình thành theo hai giai đoạn. Bước đầu được đánh dấu bằng chuyến công du New Dehli của tổng thống Mỹ George W. Bush tháng 3/2006. Nhân chuyến đi này, Hoa Kỳ chấp nhận trao cho Ấn Độ đặc quyền mua công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ. Bước thứ hai là việc ký kết thỏa thuận Comcasa (Communications Compatibility and Security Agreement) tại New Dehli vào tháng 9/2018. Theo thỏa thuận này, Hoa Kỳ không những bán cho Ấn Độ các thiết bị quân sự Mỹ, mà còn trao đổi nhanh chóng và an toàn các dữ liệu quân sự nhậy cảm, như vị trí các chốt lính Trung Quốc dọc theo biên giới với Bhutan và Ấn Độ.

Mùa hè năm 2017, quân đội Ấn Độ gặp khó khăn trong việc theo dõi các hoạt động chuyển quân của các đạo quân Trung Quốc trong cuộc đối đầu giữa hai nước trên cao nguyên Doklam (mà Trung Quốc đang tìm cách xâm lấn, gây thiệt hại cho tiểu vương quốc Bhutan, đồng minh của Ấn Độ). Do vậy, các cuộc tập trận hải quân hàng năm Malabar cho phép hải quân Mỹ và Ấn Độ cùng nhau huấn luyện chống tầu ngầm Trung Quốc thâm nhập Ấn Độ Dương.

Trước mối họa bá quyền của Trung Quốc tại Châu Á, Ấn Độ và Hoa Kỳ quyết định thành lập liên minh. Đôi bên cùng góp sức sao cho mối quan hệ đối tác chiến lược này được vận hành tốt. Cả hai dân tộc đều có cùng một ngôn ngữ chung là tiếng Anh và yêu chuộng dân chủ. Cộng đồng người Ấn tại Mỹ, tuy chỉ chiếm có 1% dân số, nhưng lại rất thành đạt và hội nhập rất tốt. Gương mặt điển hình nhất là cựu thống đốc bang South Carolina, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley (sinh ra tại Nimrata Randhawa). Một nhân vật rất nhiều người xem như là một ứng viên tốt nhất có thể cho đảng Cộng hòa cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Về mặt chiến lược, Ấn Độ lo lắng Afghanistan có thể lại rơi vào tay phe Taliban. Họ thúc đẩy Hoa Kỳ không nên rời nước này quá sớm và liên kết với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngược lại, với Hoa Kỳ, Trung Quốc là một đối thủ, bởi vì nước này đang tìm cách "hất cẳng" Mỹ trong cuộc chiến tranh mạng và cuộc chiến không gian. Trung Quốc có một dự án thống trị công nghệ trên hành tinh, và vì thế mà Hoa Kỳ quyết định chặn lại bằng cách thành lập Bộ Chỉ Huy Không Gian và Mạng, hay tiến hành cuộc chiến chống Hoa Vi… Do vậy, Ấn Độ, vốn chưa bao giờ có hoạt động dọ thám nhắm vào ngành công nghiệp Mỹ, được xem như là một cường quốc bổ trợ và bằng hữu. Tin tưởng, thấu hiểu và hợp tác ngự trị giữa Silicon Valley và Bengalore.

Tuy nhiên, nhà báo Renaud Girard lưu ý thêm là không có chuyện Ấn Độ phục tùng Hoa Kỳ. Từ lâu, New Dehli có một quan điểm độc lập rất rõ ràng (tự phát triển nội lực răn đe). Ấn Độ trở thành đồng minh của Mỹ, nhưng không phải là chư hầu. Một bằng chứng là New Delhi quyết định chọn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp để hiện đại hóa không quân đất nước.

Cuối cùng, tác giả kết luận, Ấn Độ tuy chậm trễ về công nghệ và công nghiệp so với Trung Quốc, nhưng các định chế chính trị của nước này lại trội hơn Trung Quốc. Về mặt dân số, tương lai thuộc về Ấn Độ nhiều hơn là Trung Quốc. Và người Mỹ hiểu rõ rất điều này !

Sinh viên Trung Quốc : Đồng môn Hồng Kông là những đứa trẻ "hư hỏng"

Le Figaro tiếp tục dẫn độc giả đến Trung Quốc. Những cuộc biểu tình của sinh viên – học sinh Hồng Kông không được các đồng môn Bắc Kinh đồng tình, cho đấy là "những đứa trẻ được nuông chiều".

Một đất nước hai chế độ nhưng cũng hai thế hệ trẻ. Bầu không khí tĩnh lặng có chủ định tại trường đại học Bắc Kinh tương phản với tình hình sôi sục, với các cuộc bãi khóa, tẩy chay trường học liên tục tại Hồng Kông.

Giọng điệu của các sinh viên Bắc Kinh đối với đồng môn Hồng Kông thật khắt khe, thể hiện đúng y như đường lối cứng rắn được truyền thông Trung Quốc loan tải. Họ có những phát biểu chẳng khác gì hình ảnh của một tờ Hoàn Cầu Thời Báo, lên án các cuộc biểu tình phản đối ở Hồng Kông là "một cuộc cách mạng mầu" do Washington và Luân Đôn giật dây.

Với nhiều sinh viên Bắc Kinh, biểu tình tại trường đại học là điều "không thể", vì họ được "hưởng nhiều quyền lợi từ hệ thống". Do vậy các bạn ở Hồng Kông là "những đứa trẻ được nuông chiều, hư hỏng". Cách sống của họ khác với sinh viên Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia xã hội chủ nghĩa nên học sinh – sinh viên được hưởng "một nền giáo dục khác".

Vẫn theo những sinh viên mà Sebastien Falletti, thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh có dịp trao đổi, "sự khác biệt lớn chính là cách có được thông tin. Tại Hồng Kông, họ bị nhiễm quá nhiều nguồn tin xấu, do các hãng tin nước ngoài loan truyền và bêu xấu Trung Quốc. Trong khi đó, chúng tôi, chúng tôi đọc các nguồn tin Trung Quốc, cũng như là các nguồn tin nước ngoài. Do vậy chúng tôi được thông tin tốt hơn !"

Những sinh viên này cho rằng "sàng lọc thông tin là tốt nhằm bảo vệ những người không được giáo dục. Hồng Kông là một ví dụ tốt về nguy cơ thao túng những đám đông không được thông tin chính xác".

Cuối cùng, những sinh viên Bắc Kinh này khẳng định nếu Hồng Kông đòi độc lập, chính quyền trung ương sẽ gởi quân đội đến. Nguy cơ ở đây là Hoa Kỳ quá can thiệp. Với họ, cuộc đọ sức này chẳng khác gì như "trứng chọi đá" nên sẽ "sớm chấm dứt vì chính phủ của chúng tôi rất mạnh", một nữ sinh tuyên bố với Le Figaro.

Căng thẳng Trung Đông : Liên Hiệp Quốc bất lực

Cuộc họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu hôm nay, 24/09/2019, tại New York. Khủng hoảng nghiêm trọng giữa Iran, Mỹ và Saudi Arabia chiếm lĩnh các cuộc tranh luận. Báo Les Echos ghi nhận : "Liên Hiệp Quốc bất lực trước cuộc leo thang căng thẳng ở Trung Đông".

Một lần nữa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ mong muốn rằng những ngày sắp tới có thể "xúc tiến một cuộc đối thoại và mở ra một hướng đi cho các giải pháp chính trị". Chỉ có điều các nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khi được thông qua thường chỉ mang tính biểu tượng. Bởi vì, việc cho phép dùng vũ lực trong một cuộc xung đột lại thuộc đặc quyền của Hội Đồng Bảo An nhóm họp 15 quốc gia nhưng chỉ có 5 nước thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh) là có quyền phủ quyết. Và trong những cuộc khủng hoảng lớn, Hội đồng hầu như bị tê liệt do có sự cạnh tranh lẫn nhau.

Sự sống của Liên Hiệp Quốc không chỉ diễn ra ở cuộc họp Đại Hội Đồng thường niên. Các cuộc họp và các cuộc gặp diễn ra bên lề cũng không kém phần quan trọng.

Yemen : Xung đột vẫn sẽ dai dẳng ?

Về cuộc xung đột tại Yemen, Libération có bài phỏng vấn ông Farea al – Muslimi, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sana’a về đề nghị hưu chiến và đối thoại của phe nổi dậy người Houthi với Saudi Arabia.

Đầu tiên hết, nhận định về đề nghị bất ngờ của người Houthi, ông Farea al – Muslimi lưu ý đây không phải là lần đầu tiên phe nổi dậy này tìm cách thu hút sự chú ý của Saudi Arabia, lúc thì bằng đề nghị hòa bình, lúc thì bằng các cuộc tấn công. Đề nghị mới đây của phe Houthi cũng không có gì khác mấy bởi vì vấn đề chính với phe Houthi chính là ưu tiên chiến tranh, điều dẫn đến quyết định can thiệp của Saudi Arabia, được tiến hành để chống lại người Yemen.

Họ sẵn sàng đi đến Riyadh và thậm chí xa hơn nữa để nói chuyện với người Saudi Arabia nhưng họ không chấp nhận ngưng hành động gây hấn chống lại người dân. Do vậy, theo vị chuyên gia này, "cho dù có một sự đồng thuận giữa người Houthi và Saudi Arabia, vấn đề chính vẫn sẽ còn đó".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Khí hậu, tâm điểm của thế giới

Liên Hiệp Quốc gióng tiếng chuông báo động"cần khẩn cấp hành động" cứu hành tinh. Các số báo của Libération trong tuần này đều dành rất nhiều hồ sơ vì một hành tinh "Xanh".

climat1

Khu băng đá Pasterze, lớn nhất ở Áo, nhìn từ núi Hohe Tauern, tỉnh Carinthia, ngày 14/08/2011. Reuters/Lisi Niesner

Một tuần lễ "quyết định" đối với môi trường, La Croix đề xuất ba biện pháp để giữ nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá ngưỡng 2°C. Ba giải pháp đó khá đơn giản : dùng ít năng lượng hơn, thay đổi thói quen về ăn uống và tính lại về các phương tiện giao thông của hơn 7 tỷ con người trên hành tinh.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres kêu gọi quốc tế hãy "bắt tay hành động" và ông đã mất một năm để chuẩn bị cho hội nghị khai mạc hôm nay ở New York. Libération lo ngại thành công sẽ không bao nhiêu. Bởi lãnh đạo các nước gây ô nhiễm nhất, như Trung Quốc hay Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ đều vắng mặt. Ngay cả Nhật hay Canada vốn đã cam kết rất nhiều về quyết tâm phát triển năng lượng sạch cũng không tham dự hội nghị về môi trường mở ra chiều nay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Pháp không có chiếc đũa thần

Về phần nước Pháp, tờ báo thiên tả Libération nhắc lại : năm ngoái Chương trình vì Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã tặng cho nguyên thủ Pháp danh hiệu "nhà vô địch của Trái Đất", vinh danh những nỗ lực của Paris trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Lần này, trong buổi làm việc đầu tiên tại New York sáng nay, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp nhằm huy động vốn trồng lại rừng Amazon thường được mệnh danh là lá phổi của hành tinh. Cũng tại New York, nguyên thủ Pháp sẽ "khẳng định lại những mục tiêu đầy tham vọng của Pháp về môi trường"... Có điều Libération dự báo, ngoài những tuyên bố chung chung, tổng thống Macron sẽ không đưa ra thêm những cam kết cụ thể nào. "Pháp phô trương các mục tiêu về môi trường nhưng lại không làm gương cho những quốc gia khác".

Công nghệ cao và khí hậu

Bức ảnh người máy robot tay cầm một hai chiếc lá xanh tươi minh họa cho hồ sơ trên Le Figaro mang tựa đề "Công nghệ cao trong thế tiến thoái lưỡng nan trước những thách thức về môi trường". Công nghệ tin học vừa tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên, vừa là giải pháp cho phép tiết kiệm năng lượng. Thí dụ cụ thể là mỗi lần dùng Google tìm kiếm thông tin, chúng ta thải ra 0,2 gr CO2. Khối lượng đó không nhiều so người dùng xe hơi để di chuyển. Hiềm nỗi mỗi tháng, trung bình trên thế giới có tới 13 tỷ lượt truy cập vào Google, lượng khí carbon thải ra như vậy tương đương với mức tiêu thụ điện của 4.300 hộ gia đình Mỹ trong một tháng. Đó là chưa kể ở đầu bên kia máy điện toán của chúng ta, Google phải tích trữ không biết bao nhiêu dữ liệu để cung cấp cho người sử dụng. Việc tích trữ dữ liệu đó cũng rất tốn năng lượng. Nhưng bù lại, cũng nhờ có các phương tiện tìm kiếm như Google hay những ứng dụng mà chúng ta tiết kiệm được không biết bao nhiêu điện, xăng... Thí dụ như tại Pháp, người ta thường dùng ứng dụng của Blablacar để đi quá giang xe, chia sẻ tiền xăng với tài xế... nhờ vậy, tiết kiệm được đến 1,6 triệu tấn CO2 thải ra một năm

Ngòi thuốc nổ Iran

Bên cạnh rất nhiều bài vở nói về khí hậu, Iran cũng chiếm nhiều trang báo không kém. Le Monde ngay trang hai khẳng định "căng thẳng Iran là trọng tâm khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc". Le Figaro nhấn mạnh đến những nỗ lực của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hạ nhiệt tình hình, nhưng "hy vọng Tehran và Washington nối lại đối thoại ngày càng thêm xa vời", nhất là sau loạt tấn công nhắm vào các cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia.

Báo La Croix mời hai chuyên gia trả lời câu hỏi "Chiến lược của Iran có dẫn tới chiến tranh hay không ?". Clément Therme, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế CERI nhận định : về mặt chiến lược, căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ việc Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, trừng phạt kinh tế nước này, và qua đó Washington chấp nhận rủi ro đối đầu với Tehran về mặt quân sự. Trên phương diện kinh tế, Iran không thể đọ lại với Hoa Kỳ nên tìm cách phá bĩnh, đủ để cho Mỹ hiểu rằng, chủ trương "gây áp lực tối đa" của Nhà Trắng lôi kéo nhiều quốc gia dầu hỏa khác ở Trung Đông vào vòng lao đao. Đứng đầu trong số đó là Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ.

Thierry Coville, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược của Pháp lạc quan hơn một chút, khi cho rằng Tehran phô trương sức mạnh để thị uy nhưng biết dừng lại đúng mức. Mục tiêu sau cùng của Iran là được xóa bỏ cấm vận. Kể cả giáo chủ Khamenei cũng để ngỏ khả năng trở lại với thỏa thuận đã được ký kết hồi tháng 7/2015 nếu quốc tế ngừng trừng phạt kinh tế Iran. Trong khi đó ở Washington, tổng thống Trump liên tục hô hào "tăng cường các biện pháp trừng phạt", nhưng Nhà Trắng có thể làm được gì hơn nữa ? Chiến thuật "gây sức ép tối đa" của ông Trump vô hiệu. Đến một lúc nào đó, Mỹ chỉ có hai lựa chọn : hoặc là lao vào một cuộc chiến, hoặc phải nhìn nhận thất bại trong chính sách về Iran và thất bại đó buộc Washington phải thay đổi.

Thierry Coville kết luận : đã đến lúc phải ngừng xem Iran là một mối đe dọa thường trực và phải đàm phán. Ở đây không có bên "thiện", bên "ác" mà chỉ có những người tôn trọng đối phương. Xét cho cùng thì Mỹ cũng đã bắt đầu đàm phán với phe Hồi giáo cực đoan Taliban ở Afghanistan !

Pháp : còn nước còn tát

Trong tiến trình đàm phán Mỹ-Iran sắp tới, tất cả các tờ báo Pháp đều cho rằng Paris là một nhịp cầu quan trọng. "Macron nỗ lực làm hạ nhiệt tình hình", tựa một bài báo trên Le Figaro. Sáng kiến của Pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổng thống Mỹ và Iran gặp nhau bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này đang bị nhận chìm sau loạt tấn công 14/09/2019 nhắm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia. Nếu như tổng thống Trump vẫn có thể thay đổi ý kiến vào phút chót để có thể tiếp xúc với đồng nhiệm Iran, thì ngược lại phía ông Hassan Rohani không được tự do bằng. Chỉ cần bắt tay với nguyên thủ Mỹ cũng phải có sự chuẩn bị từ trước. Paris ý thức được tất cả những khó khăn này.

Tại New York trong hai ngày hôm nay và ngày mai, nguyên thủ Pháp sẽ gặp riêng tổng thống Mỹ và Iran, đồng thời thuyết phục cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản ủng hộ Paris lôi kéo Tehran và Washington trở lại kế hoạch giải trừ hạt nhân Iran. Có điều như báo Le Figaro ghi nhận, Tehran không vội vàng thu về thành tích như tại các nền dân chủ phương Tây.

Chính sách ngoại giao của Donald Trump : nói nhiều, thành quả chẳng bao nhiêu

Vài giờ trước khi khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, đồng minh, đối tác và cả các đối thủ của Washington đều hồi hộp. Đó là nội dung bài viết của nhà báo Adrien Jaulmes trên Le Figaro.

Từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, các nhà cố vấn, các định chế mà từ trước đến nay có trách nhiệm hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đều bị "vô hiệu hóa". Donald Trump không nghe bất kỳ một ai và có thói quen phản ứng theo cảm tính. Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Trump bị gạt ra bên lề. Thí dụ điển hình nhất là cuối năm ngoái, khi Nhà Trắng thông báo rút quân khỏi Syria, cả bộ quốc phòng lẫn ngoại giao đều bị bất ngờ.

Có điều như ghi nhận của Robert Malley, người từng phục vụ dưới chính quyền Clinton và Obama, mâu thuẫn của Donald Trump nằm ở chỗ ông muốn đưa ra hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán, thế nhưng về cơ bản Trump không chủ trương dùng sức mạnh quân sự cho dù là "những tuyên bố và hành động của ông có thể dẫn tới chiến tranh". Đáng buồn hơn, theo cựu cố vấn của tổng thống Barack Obama là về ngoại giao, chính quyền Trump hô hào rất nhiều, nhưng về thực chất thành công trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong ba năm qua lại "chẳng bao nhiêu".

Năm 2016 Donald Trump mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Obama can thiệp quân sự tại Afghanistan, Syria... Nhưng ba năm sau, lính Mỹ vẫn hiện diện tại Afghanistan, tiến trình đàm phán với quân Taliban thất bại. Với Iran, tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Vienna, làm dấy lên căng thẳng trong vùng Vịnh, nhưng Nhà Trắng không đạt được một thỏa thuận "tốt hơn" với Tehran như Donald Trump từng hứa hẹn.

Nhìn đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Donald Trump- Kim Jong-un sau ba lần bắt tay nhau, Bình Nhưỡng vẫn chưa đình chỉ chương trình nguyên tử. Tại Venezuela, Washington yểm trợ phe đối lập, nhưng bất chấp áp lực dồn dập của Hoa Kỳ, chế độ Maduro vẫn tồn tại.

Tác giả bài báo không đề cập đến tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc hay với Nga mà chỉ lưu ý độc giả rằng, ông Trump cho dù hay tuyên bố hùng hồn với các nước trong tầm ngắm của mình, nhưng lại là một người rất "thận trọng". Thành tích lớn nhất về ngoại giao của ông có lẽ là đã tránh mở thêm những mặt trận quân sự mới, tránh mạo hiểm trên phương diện này.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Tin tặc, vận động hành lang : Trung Quốc lũng đoạn chính trường Úc

Thông tín viên của Le Monde ở Sydney cho biết "Trung Quốc tấn công vào Quốc hội Úc bằng tin tặc và vận động hành lang".

hacker1

Tin tặc - Ảnh minh họa.REUTERS/Kacper Pempel/Illustration/File Photo

Theo tiết lộ của hãng tin Reuters hôm 16/9, dẫn ra năm nguồn thạo tin, thì cơ quan tình báo Úc nhận định Trung Quốc là thủ phạm các vụ tấn công tin học vào Quốc hội và ba đảng chính của Úc. Hồi tháng Hai Canberra đã nhìn nhận hệ thống vi tính của Quốc hội Úc có bị xâm nhập, có lẽ là từ một chính phủ nước ngoài, nhưng không nêu tên. Báo cáo của tình báo Úc khuyến cáo nên giữ bí mật để không ảnh hưởng đến quan hệ với Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của Úc.

Hoạt động gián điệp hay nhằm gây ảnh hưởng ? Hervé Lemahieu, giám đốc chương trình Quyền lực và ngoại giao Châu Á của Lowy Institute ở Sydney cho rằng các biện pháp tương tự của gián điệp có thể được khai thác để lũng đoạn chính trị.

Trong những năm gần đây, chính phủ Úc gia tăng nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây. Ông Lemahieu cho biết : "Ngay từ năm 2017, Canberra đã cấm các đảng phái nhận tiền từ nước ngoài và đòi hỏi các nhà vận động hành lang phải khai báo tất cả mọi quan hệ với chính quyền nước khác. Một năm sau, chính phủ Úc cấm Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G". Ông kết luận : "Úc nói ít, làm nhiều".

Từ tuần trước, dân biểu đảng Tự Do Liệu Thiền Nga (Gladys Liu), người gốc Hoa đầu tiên vào được Hạ Viện đã "biết đá biết vàng" với không khí nghi kỵ về trọng lượng của Bắc Kinh trong nội tình nước Úc. Báo chí Úc tiết lộ bà Liệu Thiền Nga, sinh tại Hồng Kông và định cư ở Úc năm 1985, từng là thành viên của hai hiệp hội Trung Quốc trong khu vực có liên quan đến Mặt trận Tổ quốc ở Hoa lục, từ 2003 đến 2015. Tổ chức đầy quyền lực này có nhiệm vụ thu phục các đồng minh không cộng sản tại các nước, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa.

Bà Liệu phải giải thích trong các cuộc tranh luận kịch liệt ở Quốc hội, theo yêu cầu của đảng Lao Động đối lập, là bà không biết ai đã ghi tên bà vào hội, và khẳng định đã ra khỏi các tổ chức này. Thủ tướng Scott Morrison, mà đảng Tự Do của ông đã hưởng được các món quyên góp lớn – khoảng 1 triệu đô la Úc (620.000 euro) – nhờ bà Liệu Thiền Nga và mạng lưới của bà, tố cáo đây là chiến dịch "vu khống".

Trường hợp Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) gây ồn ào nhất trong các vụ Bắc Kinh can thiệp vào chính trường Úc, và vẫn chưa kết thúc. Hôm thứ Ba 17/9, chính quyền Úc đã phong tỏa bốn tòa nhà sang trọng của đại gia địa ốc Trung Quốc. Ông này không những bị từ chối cho nhập tịch mà tư cách thường trú nhân cũng bị chấm dứt, do là trung tâm cuộc điều tra về các món tiền đóng góp bất hợp lệ cho đảng Lao Động, qua vụ này một thượng nghị sĩ là Sam Dastyari đã phải ra đi.

Trung Quốc-Vatican, năm thứ nhất

Cũng liên quan đến người khổng lồ Châu Á, nhật báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề "Trung Quốc – Vatican, năm thứ nhất".

Ngày 22/09/2018, Tòa Thánh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc phong chức cho các giám mục tại Trung Quốc. Một năm sau, thỏa thuận này đã được dần dà áp dụng, cho dù chính sách tôn giáo của Trung Quốc vẫn nặng nề.

Nhà báo Gianni Valente của hãng tin Vatican, chuyên về Trung Quốc nhận xét : "Việc Đức giáo hoàng là người quyết định cuối cùng trong việc chọn lựa giám mục đã làm thay đổi rất nhiều". Ông nhìn nhận rằng thỏa thuận này "không hoàn hảo và không giải quyết được mọi vấn đề", tuy nhiên "từ nay tất cả các giám mục Trung Quốc được Roma công nhận - một cuộc cách mạng vì đây là vướng mắc trong suốt 70 năm qua".

Không có các ứng dụng Google, smartphone Hoa Vi như "cục gạch" đắt tiền

Về kinh tế, Les Echos đề cập đến việc Hoa Vi hôm qua tại Munchën (Munich), Đức đã giới thiệu hai mẫu điện thoại mới là Mate 30 và Mate 30 Pro, nhưng không có các ứng dụng của Google.

Mười bốn ăng-ten 5G, 4 cảm biến chụp ảnh, có thể cài đặt siêu chậm để quay lại một con chim ruồi nhỏ bé đang vỗ cánh… hai sản phẩm công nghệ tuyệt vời này lại không có được Google Mobile Services do bị Mỹ trừng phạt.

Bị Washington cho vào danh sách đen hồi tháng Năm, Hoa Vi không còn được sử dụng Android, hệ điều hành dùng cho tất cả các smartphone của hãng này từ năm 2009, cũng như Play Store, nơi tập trung mọi ứng dụng. Hoa Vi thay thế bằng Huawei Mobile Services, có khoảng 45.000 ứng dụng, và đang làm phong phú thêm : dành đến 1,5 tỉ đô la để kích thích các lập trình viên lập ra những ứng dụng mới cho mình.

Tuy nhiên rất khó bán cho người tiêu dùng Châu Âu các điện thoại không cài sẵn những ứng dụng quen thuộc. Hiện nay Hoa Vi có 570 triệu người sử dụng hàng tháng, nhưng hầu hết ở Trung Quốc, nơi mà các ứng dụng Facebook, Google không thể vào được vì Bắc Kinh kiểm duyệt. Nhà phân tích Neil Mawston kết luận : "Tại Châu Âu, smartphone nếu không có Gmail hay Google Maps, chỉ là một cục gạch quá đắt tiền. Nội dung chính là vua !"

OCDE : Tăng trưởng toàn cầu thấp nhất từ 10 năm qua

La Croixhôm nay 20/09/2019 nói về những làng quê đã thu hút thêm được cư dân, nhân dịp thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch để hỗ trợ cho các hoạt động tại miền quê nước Pháp vốn thường bị bỏ rơi. Tương tự, Le Figaro chạy tít "Kế hoạch của chính phủ để xoa dịu thị trưởng các vùng quê". Libération quan tâm đến việc Netflix, dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu, sau năm năm đặt chân lên đất Pháp đã thỏa thuận với kênh Canal+ để hình thành một gói thuê bao chung với giá rẻ.

Nhìn chung kinh tế toàn cầu, Le Monde chạy tựa "Tăng trưởng thế giới : Chẩn đoán gây sốc của OCDE". Les Echos giải thích "Tăng trưởng : Vì sao thế giới lo ngại". Mức tăng trưởng của thế giới năm nay chỉ ở mức 2,9%, thấp nhất kể từ 10 năm qua, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố tại Paris hôm qua.

Kinh tế gia trưởng Laurence Boone cổ vũ cho việc nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là lãi suất đang rất thấp. Về trung hạn, thế giới còn thiếu 6.000 tỉ đô la mỗi năm cho giao thông, giáo dục, y tế, điện, viễn thông… Đầu tư ít, nhưng doanh nghiệp tư nhân lại đang nợ nần rất nhiều – một câu hỏi mà OCDE đang tìm lời giải đáp.

Tuy vậy kịch bản của OCDE vẫn còn nhiều bất định. Tổ chức này chưa tính đến tác động từ giá dầu sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu lửa của Ả Rập Xê Út tuần trước. Và Brexit vẫn còn mơ hồ, một "no deal" sẽ khiến tất cả phải trả giá đắt.

Thế giới bên bờ vực khủng hoảng nguyên tử

Một lời cảnh báo khác : "Thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng hạt nhân". Theo Les Echos, việc từ bỏ các hiệp ước quan trọng về giải trừ vũ khí nguyên tử giữa Nga và Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn lao cho thế giới.

Washington với sự ủng hộ của 28 đồng minh NATO tố cáo Moskva vi phạm hiệp ước INF khi cho thử nghiệm, chế tạo và triển khai một loại hỏa tiễn hành trình địa-địa cơ động (SSC-8). Và lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, đến lượt Mỹ cho thử một hỏa tiễn tầm trung.

Một hiệp ước khác là New Start Strategic Arms Reduction Treaty, năm 2010 được tổng thống Barack Obama và đồng nhiệm Nga thời đó là Dimitri Medvedev ký kết, sẽ hết giá trị vào năm 2021 và có thể sẽ không được gia hạn. Mục tiêu là giới hạn số bom mang đầu đạn nguyên tử của mỗi nước là 1.550. Cho đến nay cả tổng thống Donald Trump lẫn Vladimir Putin đều chưa thấy đả động đến việc đàm phán.

Còn một nỗi lo nữa : hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), năm tới sẽ đúng 50 "tuổi". Một hiệp ước hầu như toàn cầu, vì chỉ có Israel, Ấn Độ và Pakistan không phê chuẩn, còn Bắc Triều Tiên thì rút lui. Trong khi đó tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran ký kết hồi tháng 7/2015.

Ngày nay, trên thế giới không còn là sự đối đầu lưỡng cực Mỹ-Liên Xô, mà mối đe dọa đã trải rộng với việc Trung Quốc bước vào sân chơi, chế tạo ra các loại vũ khí nguyên tử chiến thuật. Một tình thế đảo lộn, mà Châu Âu đang phải đứng ngoài cuộc chơi.

"Bây giờ là 12 giờ đêm kém 2 phút trước Ngày phán xử cuối cùng", tựa một bài báo hồi đầu tháng Giêng của "Bulletin of the Atomic Scientists". Chuyên gia François Heisbourg, Quỹ nghiên cứu Chiến lược (FRS) khẳng định, nếu tổng thể các hiệp ước trên đây đã giúp tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử, thì hãy còn rất ít thì giờ để ngồi lại vào bàn đàm phán.

Ben Ali, ông vua mất ngôi của Mùa Xuân Ả Rập qua đời

Tại Bắc Phi, sự kiện cựu tổng thống Tunisia qua đời ở tuổi 83 ở quốc gia ông tị nạn là Ả Rập Xê Út, được nhiều tờ báo chú ý. Ông Ben Ali chạy trốn sang đây từ đầu năm 2011, sau 23 năm trị vì bằng bàn tay sắt, do người dân nổi dậy trong cuộc Cách mạng hoa lài. Libération có bài viết "Tunisie : Ben Ali, sự sụp đổ cuối cùng", còn Le Figaro mô tả "Ben Ali, vị vua mất ngôi của Tunisie".

Les Echos cho biết, tư pháp Tunisia năm 2018 đã kết án khiếm diện nhà cựu độc tài 200 năm tù vì nhiều tội danh trong đó có sát nhân, tham nhũng, tra tấn. Cùng với sự sụp đổ của chế độ độc tài Ben Ali, là cả một hệ thống mafia đã giúp cho ông cướp bóc rất nhiều của cải đất nước.

Sau năm nhiệm kỳ liên tiếp – nhờ sửa đổi Hiến pháp để dỡ bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ và tuổi tác – Zine El Abidine Ben Ali bị đám đông phẫn nộ truy lùng. Ông phải nhanh chóng đào tẩu cùng với bà vợ hai Leila Trabelsi, phu nhân xuất thân là thợ uốn tóc nối tiếng xài sang, tham lam, vơ vét cho cả dòng họ…bị cả nước Tunisie căm ghét. Người dân sẽ không nhỏ một giọt nước mắt nào cho ông.

Françoise Sagan : Buồn ơi chào mi !

Trên lãnh vực văn chương, các báo đều chú ý đến một tiểu thuyết của Françoise Sagan, ra mắt đúng 15 năm sau khi nhà văn nữ hiện sinh của Pháp qua đời, do con trai độc nhất của bà cho xuất bản.

Bản thảo chưa hoàn chỉnh được con trai nhà văn, Denis Westhoff tìm được trong một ngăn kéo, với rất nhiều khoảng trống được chừa do có những từ người đánh máy không hiểu rõ lời bà Sagan. Cuốn tiểu thuyết mang tên "Les Quatre Coins du Cœur" (tạm dịch "Bốn góc trái tim", được in 80.000 bản, là tác phẩm cuối cùng của nhà văn từng gây sóng gió trên văn đàn lúc mới 18 tuổi, với cuốn tiểu thuyết đầu tay "Bonjour Tristesse" ("Buồn ơi chào mi").

Thụy My

Published in Quốc tế

Bầu cử Đài Loan 2020 : Một trắc nghiệm mang tính "toàn cầu"

Chính trường Israel lâm vào ngõ cụt sau cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai trong vòng bốn tháng. Di dân, hưu trí… nhiều dự định cải cách của tổng thống Pháp gây phản ứng mạnh. Phiên tòa xử lãnh đạo đối lập đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất vì tội "nổi loạn". Trên đây là một số tựa lớn của các báo hôm nay. Về Châu Á, đặc biệt đáng chú ý có hai bài phân tích về chính trị Đài Loan và Hồng Kông.

baucu1

Ứng cử viên Hàn Quốc Hùng (Han Kuo Yu) (giữa) của Quốc Dân Đảng, trong một cuộc mít-tinh tại Đài Bắc, ngày 01/06/2019. @AFP

Ngày 17/09/2019, danh sách ứng cử viên tổng thống Đài Loan được chính thức công bố. Bầu cử tổng thống và Nghị Viện Đài Loan sẽ diễn ra tháng Giêng năm tới. Le Monde đăng bài phân tích mang tựa đề : "Các cuộc bầu cử năm 2020 tại Đài Loan sẽ là một trắc nghiệm có giá trị toàn cầu" của nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, Đại học Công giáo Đài Loan Fu-Jen, một chuyên gia về thế giới Trung Hoa.

Tâm điểm của cuộc đối đầu giữa hai khối

Tại sao cuộc bầu cử Đài Loan lại mang giá trị của một cuộc trắc nghiệm mang tính toàn cầu ? Ý nghĩa của bầu cử ở Đài Loan không giới hạn ở trọng lượng của một hòn đảo với 23 triệu dân, một hòn đảo - tuy độc lập trên thực tế - nhưng chỉ được hơn 10 quốc gia công nhận. Có lẽ hơn bất cứ vùng lãnh thổ nào trên thế giới, Đài Loan nằm ở tâm điểm của cuộc đối đầu giữa hai khối nước, một bên là trục "chống tự do" (gồm Trung Quốc, Pakistan, Iran) và bên kia là các quốc gia "tân tự do" (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ).

Theo nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, tổng thống Đài Loan tương lai sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể bảo vệ được nền độc lập trên thực tế, và "duy trì được thành công kinh tế của nền dân chủ tự do duy nhất của thế giới Trung Hoa".

Phong trào Hồng Kông : Hậu thuẫn bất ngờ cho Thái Anh Văn

Cuộc chạy đua vào chức tổng thống Đài Loan, trước khi danh sách ứng viên chính thức được công bố, diễn ra với đầy những biến chuyển bất ngờ. Ông chủ tập đoàn Foxconn, một trong ba ứng cử viên nặng ký, bỗng bỏ cuộc ít ngày trước đó. Đô trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen Je), rất được lòng dân, thành lập đảng mới, khiến nhiều người tưởng ông sẽ ra tranh cử. Cuộc tranh cử tổng thống Đài Loan rút cục chỉ còn là nơi đọ sức giữa hai đối thủ chủ chốt, đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn và Quốc Dân Đảng, với chính trị gia "thân Bắc Kinh", thị trưởng Cao Hùng, ông Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu).

Cán cân nghiêng hẳn về phía chính trị gia "thân Bắc Kinh" cho đến đầu mùa hè năm nay. Tuy nhiên, tình hình đột ngột đảo ngược từ tháng 6/2019, đúng vào lúc phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc bùng nổ tại Hồng Kông. Việc tổng thống Thái Anh Văn công khai ủng hộ phong trào biểu tình khiến bà giành được thêm nhiều ủng hộ trong dân chúng (65% cử tri Đài Loan ủng hộ người đòi dân chủ Hồng Kông và 90% bác bỏ mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" cho Đài Loan, mà Trung Quốc chủ trương). Trong khi đó, uy tín của thị trưởng Hàn Quốc Du lại đang xuống dốc, do các cáo buộc nghiện rượu, ngoại tình, kinh doanh bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính trị gia thân Bắc Kinh này lại có được cả một cộng đồng dân mạng tích cực hậu thuẫn.

Những lắt léo, trớ trêu

Nhà phân tích Jean-Yves Heurtebise nhấn mạnh đến tính chất đầy lắt léo và trớ trêu trong chính trị Đài Loan hiện nay. Nhiều người thường nhìn nhận một cách đơn giản là, tổng thống Thái Anh Văn – lãnh đạo đảng Dân Tiến - là ứng cử viên thân Mỹ, chủ trương duy trì tự trị cho Đài Loan, trong lúc ứng cử viên Hàn Quốc Du, thì rõ ràng là thân Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời hứa hẹn nhiều cơ hội kinh tế cho Đài Loan.

Trên thực tế, quan hệ giữa Washington và cựu tổng thống đảng Dân Tiến Trần Thủy Biển, có xu hướng đòi độc lập - là rất phức tạp trong hai nhiệm kỳ 8 năm của lãnh đạo họ Trần (2000 -2008), do Hoa Kỳ muốn quan hệ êm đẹp với Trung Quốc. Điều trớ trêu khác là Quốc Dân Đảng, vốn là kẻ thù không đội trời chung với đảng Cộng Sản Trung Quốc, dường như giờ đây lại trở thành đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh tại Đài Loan.

Đe dọa lớn: Giới truyền thông thân Hoa lục lung lạc cử tri

Chuyên gia Jean-Yves Heurtebise muốn làm sáng tỏ một điều ngộ nhận thường có về chính trị Đài Loan. Đó là ngược lại với một quan niệm phổ biến, kinh tế vùng lãnh thổ này, trên thực tế, đã tăng trưởng mạnh trong thời gian đảng Dân Tiến (nhiệm kỳ Trần Thủy Biển) - có xu hướng độc lập nắm quyền, hơn hẳn so với thời kỳ Quốc Dân Đảng (nhiệm kỳ Mã Anh Cửu). Năm 2019 này, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Thái Anh Văn, Đài Loan tăng trưởng mạnh nhất, vượt qua ba "con rồng Châu Á" khác (gồm Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan). Thất nghiệp hiện nay ở mức rất thấp và lương trung bình tăng liên tục từ năm 2016.

Cũng trong bài viết này, tác giả tố cáo tình trạng các tập đoàn truyền thông lớn của Đài Loan, do phụ thuộc vào Hoa lục về mặt tài chính, đã để cho các nhóm thân Bắc Kinh mặc sức tung ra các tuyên truyền bóp méo sự thật trên mạng, nhằm lung lạc cử tri. Mới đây, hãng truyền hình CtiTV, thuộc tập đoàn Want Want (có lãnh đạo tập đoàn từng phủ nhận tính chất nghiêm trọng của vụ thảm sát Thiên An Môn ) bị tư pháp phạt tiền vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, khi thiên vị ứng cử viên Hàn Quốc Du. Một biểu hiện khác : theo nhà nghiên cứu Đài Loan Ying Yu Lu, nhóm đầu tiên của những người ủng hộ cuồng nhiệt ông Hàn Quốc Du trên Facebook có thể có quan hệ chặt chẽ với lực lượng chiến tranh mạng của Quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh cổ vũ chủ nghĩa dân tộc để chống "vi rút" Hồng Kông

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Libération có bài phân tích "Hồng Kông hay nỗi sợ phong trào đòi độc lập tràn sang Hoa lục". Hai nhà nghiên cứu Pháp, Florent Villard (Đại học Rennes) và Gregory Ly (Đại học Lyon 3), lý giải nguyên nhân : Vì sao chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn phong trào đòi dân chủ cho Hồng Kông, kéo dài từ hơn ba tháng qua. Các tác giả đặc biệt chú ý đến những động thái mới đây cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang ngày càng lo sợ mất đi tính chính đáng.

Đầu tháng 9/2019, phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đến Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quảng Châu (sát Hồng Kông) để đọc một bài diễn văn về sự gắn bó giữa chế độ cộng sản hiện nay với truyền thống Trung Hoa nghìn năm. Ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa không còn là chỗ dựa cho tính chính thống của một chế độ mang danh cộng sản.

Theo các tác giả, việc nhào nặn ra một "chủ nghĩa dân tộc" mới, dựa vào truyền thống lâu đời, có thể chinh phục được đông đảo dân chúng Hoa lục, vốn đã trở nên "các thần dân ngoan ngoãn" sau hàng chục năm sống dưới sự cai trị của chế độ cộng sản, tuy nhiên, một lối tuyên truyền như vậy chắc chắn sẽ không thể nào lôi cuốn được đông đảo dân chúng Hồng Kông, sống trong một xã hội mở. Các tác giả dự báo là mức độ tuyên truyền tại Hoa lục sẽ gia tăng gấp bội để kháng cự lại "vi rút" đòi tự trị của những người phản kháng Hồng Kông.

"Ngõ cụt Israel" và vấn đề Nhà nước Palestine

Tình trạng bế tắc sau bầu cử Quốc hội tại Israel là hồ sơ lớn của Le Monde. Nhật báo chạy tựa trang nhất "Bầu cử Israel, thủ tướng Netanyahu thất bại trước thách thức". Theo kết quả bầu cử sáng hôm qua, hai đảng lớn, của thủ tướng Netanyahu và của cựu tổng tham mưu trưởng Quân đội Benny Gantz, không bên nào giành đủ tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội mới, tức đa số để cho phép lập chính phủ mới.

Xã luận La Croix mang tựa đề "Ngõ cụt Israel" : Đây là cuộc bầu cử thứ hai trong vòng ít tháng, thủ tướng Netanyahu không giành được đa số như đã định. La Croix nhấn mạnh là, theo một số nhà quan sát, không cần thiết phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu lần thứ ba, vì rõ ràng đất nước Israel đang trong ngõ cụt về chính trị. Cả hai đảng dẫn đầu cuộc bỏ phiếu sẽ buộc phải tìm liên minh với một số đảng nhỏ để lập chính phủ. Vấn đề là, các đảng phái có lập trường cực đoan rất khó lòng chấp nhận tham gia tân chính phủ, từ đảng Do Thái Giáo, đến các nhóm nghị sĩ Israel người Ả Rập hay đảng Dân tộc Thế tục chủ nghĩa.

Chính ở điểm này, La Croix lưu ý đến điểm yếu căn bản của Israel. Bên cạnh thế mạnh rất lớn của nước này (xã hội đoàn kết, có sức mạnh quân sự và được Hoa Kỳ ủng hộ), điểm yếu căn bản khiến Israel lâm vào thế bế tắc hiện nay, theo La Croix, đó là cử tri Israel đã không quyết định đứng hẳn về bên nào : Đứng về phía thủ tướng Netanyahu, chủ trương đối đầu với thế giới Hồi giáo, hay và phía bên kia, cựu tổng tham mưu trưởng Quân đội, người để ngỏ khả năng công nhận một Nhà nước Palestine độc lập.

Di dân : Macron gây rối loạn trong đảng cầm quyền

Trở lại thời sự nước Pháp, nhiều dự định cải cách của tổng thống Macron tiếp tục gây tranh luận. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Di dân : Tổng thống Macron gây hoang mang trong đảng cầm quyền".

Le Figaro chú ý đến sự kiện, trong cuộc họp với các dân biểu tối thứ Hai này, tổng thống Macron khiến một bộ phận nghị sĩ đảng Cộng Hòa Tiến Bước lâm vào thế khó xử, khi yêu cầu đảng cầm quyền "đối mặt với vấn đề di cư". Cuộc họp diễn ra chỉ mươi hôm trước cuộc thảo luận tại Quốc hội. Hôm qua, trong cuộc họp Hội đồng bộ trưởng, tổng thống Macron một lần nữa lên án "thói đỏng đảnh của những ai không muốn nói đến vấn đề di cư". Cho đến nay, chống nhập cư vẫn thường được coi là chủ đề thu hút cử tri của các đảng phái cực hữu, trong lúc đối với nhiều chính trị gia cánh tả, kiểm soát nhập cư lại là một chủ đề nhạy cảm.

Theo Le Figaro, với cách hành xử này, tổng thống Macron đang từng bước một tiến đến cuộc song đấu với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia của bà Marine Le Pen. Nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận tình thế khó khăn của đảng cánh hữu LR (Những Người Cộng Hòa), bị kẹt giữa một bên là đảng cầm quyền của Macron, với chính sách chủ động trong vấn đề di cư, và bên kia là đảng cực hữu, coi chống nhập cư là lá bài chủ.

Le Monde tỏ ra thận trọng với bài xã luận : "Di dân, cuộc tranh luận bị gài bẫy", lưu ý đến muôn vàn khó khăn đang chờ đón chính phủ, trong hồ sơ ngày càng khiến người Pháp lo ngại. Le Monde nhấn mạnh đây là một hồ sơ đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ, suy xét thấu đáo dựa trên các bằng chứng.

"Về hưu trễ hơn. Đồng ý, nhưng làm thế nào…"

Cũng về các dự án cải cách của chính phủ Pháp, La Croix chú ý đến hồ sơ hưu trí, với tựa trang nhất : "Về hưu trễ hơn. Đồng ý, nhưng làm thế nào…". Hồ sơ chính của La Croix nêu bật lên thực tế là, trong lúc người dân thọ hơn và tuổi về hưu phải kéo dài hơn, người cao tuổi lại rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, và họ cũng thường là "nạn nhân" của các kế hoạch cắt giảm nhân viên.

"Anh hề" muốn là "người tử đạo"

Chủ đề lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất ra tòa về tội "nổi loạn", "chống lại các lực lượng chấp pháp", trong vụ khám xét tại trụ sở của phong trào chính trị nói trên, là hồ sơ chính của Libération hôm nay. Libération nhấn mạnh đến việc ông Jean-Luc Mélenchon muốn biến phiên tòa này thành một cơ hội để khẳng định bản thân như "một người tử vì đạo", một lãnh tụ chính trị tầm cỡ Lula (cựu tổng thống Brazil 2003 - 2011) bị truy bức.

Libération có bài phỏng vấn một cựu bộ trưởng Tư Pháp chính phủ cánh tả những năm 1990. Bà Marylise Lebranchu bày tỏ lo ngại cho việc tư pháp bị tấn công, chà đạp với các tuyên truyền kích động chính trị. Theo cựu bộ trưởng, "nền tư pháp" – cho dù với những hạn chế và khuyết tật cần được sửa chữa, cải tổ - vẫn là "thành trì cuối cùng của các định chế, của xã hội (dân chủ)".

Xã luận của nhật báo thiên tả, với tựa đề "Một con rối" chế giễu hành xử của Jean-Luc Mélenchon, một anh hề ra vẻ làm người tử đạo, với giả định : Nếu tòa xử trắng án, thì đây sẽ là một đòn trời giáng đối với con người hùng hổ, kẻ ra vẻ mình là "một Socrate" (triết gia sẵn sàng chết vì chân lý) và "toàn bộ cái lâu đài uy nghi bằng giấy mà ông dựng lên sẽ sụp đổ trong phút chốc".

Trọng Thành

Published in Châu Á

Hồng Kông : Giới thân Bắc Kinh đòi tẩy chay ngân hàng Pháp BNP Paribas

Các động thái của Bắc Kinh nhằm trấn áp phong trào phản kháng tại Hồng Kông tiếp tục thu hút báo giới Pháp.

bnp1

Trung tâm IFC Hồng Kông ngày 13/02/2018 Andrew CABALLERO-REYNOLDS / AFP

Hai tờ báo lớn ở Pháp là Le FigaroLe Monde số ra hôm nay, 18/09/2019, đã đặc biệt chú ý đến vụ ngân hàng Pháp BNP Paribas bị "đánh" vì một cán bộ người Hồng Kông ở chi nhánh BNP tại đặc khu này ủng hộ phong trào dân chủ.

Trong bài viết mang tựa "BNP Paribas bị vướng vào các rối loạn tại Hồng Kông", thông tín viên Le Figaro đã tóm lược rắc rối mà ngân hàng lớn nhất của Pháp vừa gặp phải.

"Đuổi cổ kẻ ly khai ! Nếu không thì cút khỏi Trung Quốc". Lời cảnh báo sỗ sàng này là nhắm vào ngân hàng Pháp BNP Paribas của một cư dân mạng bảo vệ danh dự của Trung Quốc ở Hồng Kông. Đám đông hàng trăm "hồng vệ binh trên mạng", danh tánh bất minh, đã tố cáo một nhân viên của ngân hàng Pháp tại Hồng Kông là đã thóa mạ người biểu tình ủng hộ Trung Quốc trong một bài đăng trên Facebook.

Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc là Hoàn Cầu Thời Báo đã tố cáo rằng một người tên Jason Y. Ng nào đó đã gọi một nhóm hát quốc ca Trung Quốc, hôm thứ Năm tuần trước, trong một trung tâm thương mại Hồng Kông, là một bầy "khỉ".

Ngân hàng BNP Paribas đã phải "xin lỗi sâu sắc" trong một thông cáo đưa lên trang web vào hôm thứ Sáu. Và nói thêm là "quan điểm của nhân viên đó không phải là quan điểm của ngân hàng và cũng đã yêu cầu người nhân viên rút bỏ bài đăng. Ngân hàng cũng đã có biện pháp ngay".

Kẹt giữa nhân viên chuộng dân chủ và lợi ích tại Hoa Lục

BNP Paribas, theo Le Figaro, đã hiện diện ở Trung Quốc từ năm 1980, đã phải khom lưng, với hy vọng là chuyện sẽ "xẹp xuống" dù rằng một số người trên mạng vẫn cho là những lời xin lỗi đó chưa đủ, và kêu gọi tẩy chay.

Ayesha De Kretser, đặc trách giao tiếp của ngân hàng BNP ở Hồng Kông, giải thích với Le Figaro là ở thời điểm này, ngân hàng không muốn thông báo gì thêm.

Đối với Le Figaro, trường hợp của BNP Paribas minh họa cho tình thế khó xử của các công ty (nước ngoài) ở Hồng Kông, bị kẹt giữa một bên là tinh thần chuộng dân chủ của số không ít nhân viên của họ, và một bên kia là quyền lợi thương mại gắn chặt với Hoa Lục.

Bình luận gây sốc : "Monkey see, Monkey do"

Dưới hàng tựa : "Tại Hồng Kông, cư dân mạng thân Trung Quốc kêu gọi tẩy chay BNP Paribas", tờ Le Monde cũng nhắc lại nguyên do khiến ngân hàng Pháp bị kêu gọi tẩy chay : "Trên trang Facebook của mình, một cán bộ của ngân hàng đã sử dụng một từ ngữ bị cư dân mạng Trung Quốc cho là mang tính chất nhục mạ". Thông tín viên của Le Monde tại Hồng Kông đã kể lại chi tiết vụ việc.

Sự cố diễn ra vào ngày 12/09 trong một cảnh mặt đối mặt siêu thực vào giờ nghỉ ăn trưa trong khu vực buôn bán của IFC, một trong những trung tâm thương mại nổi tiếng của Hồng Kông, nơi mà hàng ngàn nhân viên ngân hàng và ở các cao ốc chung quanh đến mua thức ăn trưa. BNP Paribas, một trong những ngân hàng quốc tế hiện diện lâu đời nhất ở Hồng Kông, đã thuê nhiều tầng ở trung tâm này, vốn là một trong những cao ốc biểu tượng của thị trường tài chính Hồng Kông.

Đột nhiên, hàng trăm, có lẽ hơn một ngàn người, cả đàn ông lẫn phụ nữ ủng hộ Trung Quốc, phất cờ Trung Quốc từ những ban công bên trên một trong những "sân trong" (atrium) của trung tâm. Rồi họ hát quốc ca Trung Quốc, hô to những khẩu hiệu như "Hồng Kông là Trung Quốc" và "Hãy ủng hộ cảnh sát Hồng Kông !" trong một cử chỉ thách thức người biểu tình chống chính quyền.

Nhưng không lâu thì những người phản kháng đã huy động thành phần ủng hộ mình, với số lượng nhanh chóng vượt qua số người ủng hộ Trung Quốc và họ cũng ca hát và hô khẩu hiệu to hơn. Sau khoảng một tiếng đồng hồ náo nhiệt đua nhau la hét khẩu hiệu, rồi đến sự can thiệp của cảnh sát, hai bên rã đám, nhưng không quên vài cú đấm, vài cú đánh bằng dù, bằng xách tay, túm tóc nhau…

Sau sự cố hài hước này và được bình luận rộng rãi ở Hồng Kông, Jason Ng. lãnh đạo một bang pháp lý của BNP Paribas, đã sử dụng thành ngữ Mỹ "Monkey see, monkey do" - nói cách khác "khỉ nhìn, khỉ bắt chước", để mỉa mai việc cánh ủng hộ Trung Quốc không tìm được cái gì khác hơn là bắt chước hành động của cánh đòi dân chủ.

Và như thế là các người tuyên truyền cho Trung Quốc trên mạng phẫn nộ, tố cáo Jason Ng. là xem người Trung Quốc là "khỉé.

Phải nói là ngoài công việc ở ngân hàng, Jason Ng là một nhà hoạt động rất được biết đến và tôn trọng về những bài nhận định và sự dấn thân của ông cho dân chủ. Cho dù bị xóa đi, nhưng bài đăng của ông đã được sao chép lại trên nhiều tài khoản Vi Bác.

Trung Quốc phải coi chừng bị "già néo đứt dây"

Đối với Le Monde, cho dù hiện nay các tập đoàn quốc tế có vẻ đã nhún nhường trước các động thái đe dọa từ phía Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc phải cẩn thận kẻo "già néo đứt dây" :

"Nếu sức ép đối với quyền tự do ngôn luận gia tăng, một số công ty sẽ đặt vấn đề dời một phần người tài giỏi của họ, và Hồng Kông sẽ bị thua thiệt", theo nhận định của Alicia Garcia-Ferrero, kinh tế trưởng phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis.

Lo ngại không kém các ngân hàng là các đại tập đoàn hàng sang trọng, bị ám ảnh trước nguy cơ trở thành mục tiêu các cư dân mạng và blogger Trung Quốc mà ai cũng sợ "sức phá hoại không thể kiểm soát được".

Nhưng một lãnh đạo ngân hàng khác nhắc lại "Trung Quốc cũng phải sử dụng biện pháp khủng bố trắng một cách có chừng mực, vì quyền lợi của Trung Quốc không phải là khiến cho tất cả các ngân hàng quốc tế lớn bỏ chạy khỏi Hồng Kông".

Vụ Solomon về với Trung Quốc : Mỹ, Úc và New Zealand phải cẩn thận

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trong vấn đề Đài Loan, các báo đều đã nêu bật vụ Bắc Kinh vừa thành công trong việc tung tiền mua chuộc được đảo quốc Solomon ở miền Nam Thái Bình Dương, bỏ Đài Loan để quay sang bang giao với Bắc Kinh.

Trong bài viết "Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Solomon từ tay Đài Loan", Le Monde cho rằng có lẽ vụ thu phục được quốc gia mới này sẽ được Bắc Kinh phô trương như một thành tích ngoại giao nhân lễ mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào đầu tháng 10 sắp tới.

Đối với Le Monde, việc này tuy nhiên không đơn thuần là đối sách chống Đài Loan, mà còn nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương.

Tờ báo Pháp đã trích dẫn ông Jun Teufel Dreyer, giáo sư tại Đại học Miami (bang Florida Hoa Kỳ) nhận định : "Không chỉ nước Mỹ là mục tiêu của Trung Quốc, mà cả Úc và New Zealand, vốn xem các đảo Thái Bình Dương nằm trong vùng ảnh hưởng của mình… Canberra, Wellington và Đài Bắc phải tự hỏi là đảo quốc nào sẽ là quân cờ domino tiếp theo bị sụp đổ".

Tổng thống Pháp nêu rõ quan điểm về nhập cư

Nhập cư quả là một vấn đề rất được người Pháp quan tâm, nhất là khi chính tổng thống nước Pháp cho biết quan điểm. Ba tờ báo lớn tại Pháp hôm nay, 18/09/2019 đều dành tựa lớn cho hồ sơ nhập cư và quyền tị nạn, vừa được ông Emmanuel Macron gợi lên cách nay hai hôm.

Le Monde chạy tựa "Macron giành lấy hồ sơ nhập cư trước mặt Le Pen", trong lúc Le Figaro khẳng định : "Macron muốn đoạn tuyệt với thái độ phủ nhận thực tế". Báo La Croix thì mở rộng vấn đề qua lãnh vực quyền tị nạn, tự hỏi là "Phải chăng nước Pháp quá rộng lượng ?".

Về phần Les Echos, nhật báo kinh tế này cũng đề cập đến vấn đề nhập cư, nhưng trong hai bài ở trang nước Pháp, còn tựa chính trang nhất thì được dành cho sự kiện "Điện Elysée huy động 5 tỷ euros từ các định chế tài chính để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp start-up".

Riêng Libération thì bỏ qua hoàn toàn hồ sơ nhập cư (vì đã nói đến trong số báo hôm qua), mà dành trang nhất và hồ sơ chính cho một quyết định của Tư Pháp nước Pháp có liên quan đến môi trường qua hàng tựa lớn "Khi khí hậu là luật pháp". Tờ báo đã phân tích phán quyết của tòa tiểu hình Lyon hôm thứ Hai 16/09 vừa qua, tha bổng hai nhà đấu tranh cho môi trường bị đưa ra tòa về tội gỡ ảnh của tổng thống Macron treo tại các tòa thị chính rồi đem đi bêu xấu trong cuộc biểu tình chống thượng đỉnh G7 mới đây.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Saudi Arabia bị đánh trúng tim, vùng Vịnh ngồi trên thùng thuốc nổ

Ai tấn công vào hai trung tâm lọc dầu chiến lược của Saudi Arabia ? Gây thêm căng thẳng Mỹ- Iran để làm gì và hậu quả ra sao cho khu vực và kinh tế thế giới ? Tất cả báo Pháp đều bi quan, lo ngại viễn cảnh bốc lửa khắp Trung Đông.

gulf1

Nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia bị bốc cháy đêm 14/9/2019 sau vụ tấn công bất ngờ. Reuters

"Saudi Arabia bị đánh trúng tim", "Mỹ-Iran ngồi trên thùng thuốc nổ", "Iran khiêu khích làm căng thẳng leo thang", "Viễn cảnh khủng hoảng dầu hỏa" : đó là những tựa lớn của Le Monde, Libération, Le FigaroLes Echos phản ảnh mức độ bất trắc của tình hình khu vực.

Ai đánh Saudi Arabia ?

Trong lúc nhật báo công giáo La Croix kêu gọi thận trọng không nên vội vã quy kết cho Iran thì Libération trong bài "Tiểu Trân Châu Cảng" thu thập một số chi tiết về vũ khí sử dụng : Bị mất mặt vì vụ tấn công này, Riyadh nghi ngờ phe Houthi nổi dậy ở Yemen sử dụng cả tên lửa hành trình do Iran cung cấp.

Theo Liên Hiệp Quốc, Houthi có cả máy bay tự hành ném bom có thể mang 20 kg chất bổ, bay xa 1000 km, có tên lửa "Al Qods" các loại vũ khí do Trung Quốc bán cho Iran và Iran cung cấp cho đồng minh theo hệ phái Shia tại Yemen. Trái lại, nhật báo Le Monde cho biết có nhiều thông tin "phù hợp" xác định thủ phạm là các dân quân võ trang Shia thân Iran ở Iraq.

Theo các nguồn tin này, Hoa Kỳ đã biết dân quân Iraq thân Iran là thủ phạm vụ oanh tạc bằng "drone" vào một mỏ dầu Saudi Arabia hồi tháng 5. Đến cuối tháng 7, lần đầu tiên không quân Israel bay sang Iraq oanh kích một kho vũ khí, đạn dược của một liên minh Shia kẻ thù của Israel.

Phải chăng vì thế mà tập đoàn dầu hỏa Aramco, con gà đẻ trứng vàng của vương triều Riyadh đồng minh của Mỹ, bị chọn làm mục tiêu trả đũa ? Đó là câu hỏi được đặt ra ở Trung Đông. Nhiều nhân chứng tại Kuwait cũng nói là thấy nhiều "drone" bay ngang lãnh thổ.

Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào ?

Theo Le Monde, mọi dấu hiệu đều nghiêng về khả năng xung đột võ trang. Ngày Chủ nhật, Nhà Trắng vẫn để ngõ "đối thoại", thế nhưng, chính quyền Iran, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao, dứt khoát bác bỏ khả năng tổng thống Mỹ và Iran gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Song song với lời từ chối này này, tư lệnh không quân Iran Amirali Hajizedeh tuyên bố tất cả các căn cứ quân sự Mỹ và hàng không mẫu hạm trong đường kính 2000 cây số "nằm trong tầm hỏa lực" của Iran và quân đội Iran đã "sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện".

Trong phần xã luận, Le Monde cho rằng "kẻ thù của Saudi Arabia và của đồng minh Hoa Kỳ đã tìm thấy điểm yếu trong bức tường thép phòng thủ".

Trái lại, Le Figaro, cảnh báo Iran coi chừng "tính lầm" :

Theo thẩm định của bài xã luận "Nguy hiểm mới tại vùng Vịnh", tác giả kế hoạch tấn công vào trung tâm đầu não của công nghiệp dầu hỏa Saudi Arabia là một kẻ mưu thâm kế độc. Saddam Hussein và Bin Laden không thể sánh bằng. Từ nhiều năm nay, Saudi Arabia đã trang bị đủ loại vũ khí chống khủng bố bằng xe bọc thép gài chất nổ, bố trí những dàn tên lửa phòng không tối tân Patriot. Tất cả các loại vũ khí này hoàn toàn vô hiệu trước loại máy bay tự hành giá rẻ. Kẻ thù của Riyadh và Washington dường như đã khám phá nhược điểm của đối phương. Nếu giá dầu trên thị trường tăng vọt trong những tuần lễ tới thì xem như họ thắng lớn : căng thẳng tại Trung Đông sẽ tác động đến túi tiền của hàng trăm triệu người có xe hơi trên khắp địa cầu.

Le Monde có một chút hy vọng : Thay vì cường điệu lời qua tiếng lại với nguy cơ xung đột trực diện, vụ tấn công hôm 14 tháng 9 tuy làm cho khủng hoảng nghiêm trọng bất ngờ, sẽ phải kích động đôi bên mở ra đối thoại. Bởi vì, nếu cứ tiếp tục đùa với lửa, cả khu vực Trung Đông sẽ bị hỏa thiêu.

Cũng cùng phân tích này, Le Figaro lưu ý, theo hình ảnh vệ tinh do Mỹ công bố, đợt tấn công đánh trúng 19 điểm ở hai mục tiêu, chỉ có thể xuất phát từ Iran hay Iraq. Vùng lãnh thổ do phe Houthi kiểm soát ở Yemen nằm rất xa ở tận bán đảo Ả rập. Trong bài "Tính lầm", nhật báo thiên hữu khuyến cáo : Iran đã tiến thêm một bước trong chiến lược trả thù phá vòng vây cấm vận. Từ thế đứng sau lưng phe Houthi và dân quân Iraq, lực lượng vệ binh cách mạng Iran tấn công vào hạ tầng cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia. Hôm nay sử dụng máy bay tự hành còn ném đá dấu tay được, ngày mai bấm nút tên lửa hành trình thì làm sao chối cãi ?

Cánh tay vũ trang của chế độ giáo quyền dường như đã tính rằng tổng thống thứ 45 của Mỹ là phiên bản âm của cố tổng thống Theodore Roosevelt, tức là "nói to mà dùng gậy nhỏ". Do vậy, Iran liên tục khiêu khích tổng thống Donald Trump mà họ chế nhạo là "to mồm nhưng cầm gậy nhỏ".

Donald Trump đã tính lầm khi xé hiệp định 2015. Nhưng nếu Iran cũng suy đóan lầm về đối thủ thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đúng là chủ nhân Nhà Trắng không có nhiều giải pháp nên ông mới đồng ý đề nghị của tổng thống Pháp đối thoại với Iran. Cố vấn an ninh John Bolton mất chức càng tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi. Thế mà Tehran đã đóng lại cánh cửa đàm phán. Đừng quên là Donald Trump đang mùa tranh cử. Làm ông ấy mất mặt là có chuyện lớn.

Trong khi đó, trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo thiên tả Libération, chuyên gia Vincent Eiffling giải thích thái độ khiêu khích của Iran như sau : Tehran đánh cược Donald Trump sẽ thất cử nên chạy đua với thời gian, ghi bàn thắng trên thực địa trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.

Kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản

Số liệu thống kê của Bắc Kinh cho thấy kinh tế Trung Quốc hụt hơi trong suốt mùa hè. Sản xuất công nghiệp tăng nhưng ở mức thấp nhất từ 17 năm nay. Tiêu dùng nội địa không đủ sức thay thế cỗ máy xuất khẩu giảm tốc lực. Các biện pháp vực dậy kinh tế không mang lại kết quả. Tin xấu thứ hai là hàng bán lẻ, chỉ số tình trạng tiêu dùng của các hộ gia đình không tăng đều như mong muốn.

Theo các chuyên gia tại Hoa lục, khó khăn thứ nhất của Trung Quốc là hệ quả của chiến tranh thương mại. Nhưng cùng lúc, dân chúng và giới doanh nghiệp cũng mất niềm tin : "thị trường nội địa lẽ ra phải là rường cột chống lại chiến tranh thương mại nhưng chưa đủ sức trở thành động cơ số một vực dậy nền kinh tế".

Tình hình xấu trong tháng 8, tiếp theo tháng 7 èo uột, càng làm giới phân tích thất vọng. Tuy cố gắng trấn an nhưng thủ tướng Lý Khắc Cường phải nhìn nhận "không thể duy trì tỷ số tăng trưởng 6%". Để yểm trợ sinh hoạt kinh tế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc, ngày 16/09/2019 bơm thêm và thị trường 800 tỷ yuan (110 tỷ đôla) tiền mặt. Về phần doanh nhân, lần đầu tiên các xí nghiệp Hoa lục bán ra khoản 40 tỷ đôla cổ phần ở nước ngoài trong khi mua lại 35 tỷ. Xu hướng này hoàn toàn đảo ngược so với ba năm trước : bán 15 tỷ, mua vào 200 tỷ.

Xu hướng đảo ngược này là do tình hình suy sụp của doanh nghiệp. Tăng trưởng xuống thấp nhất từ 30 năm nay khiến xí nghiệp Trung Quốc không chịu đựng nổi gánh nặng tài chính và nợ nần.

Les Echos cũng dành một bài phân tích dài nói về ưu khuyết điểm của nước Nhật : nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, ngoại giao nhưng vị thủ tướng có "tuổi thọ chính trị" lâu dài nhất vẫn chưa thực hiện được các dự án cải cách cấu trúc kinh tế để cường quốc thứ ba thế giới duy trì thế mạnh trong thế kỷ 21. Les Echos hy vọng trong hai năm tới đây ông Abe sẽ thực hiện được mục tiêu này. Hiện giờ, thủ tướng Shinzo Abe tập trung tu chính hiến pháp để Nhật Bản chính thức thành lập quân đội đúng nghĩa đối đầu với Trung Quốc.

Trang Châu Á của La Croix ưu tư về số phận dân Bắc Triều Tiên chạy sang Trung Quốc tị nạn. Chính sách nhận diện kiểm soát dân chúng của Bắc Kinh khiến người Bắc Triều Tiên không thể tránh được cảnh sát Hoa lục. Các tổ chức thiện nguyện than phiền bị Trung Quốc đàn áp. Hệ quả là nhiều người Bắc Triều Tiên rơi vào hoàn cảnh khốn cùng biến thành mồi ngon cho các đường dây mãi dâm.

Pháp có nên cho cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tị nạn ?

La Croix nhắc lại quy định Công ước tị nạn Liên Hiệp Quốc 1951 thì Edward Snowden không nằm trong diện này : ông không bị kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo hay bị đàn áp vì chính kiến. Ông cũng không phải là nạn nhân của tình trạng chiến tranh hay bị đối xử một cách phi nhân, cũng không bị đe dọa bởi một bản án tử hình. Đáp lại nguyện vọng của đương sự muốn xin tị nạn tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron khuyên nên xin thẳng cơ quan lo về tị nạn Ofpra. Nhưng muốn được Ofpra nhận đơn thì phải qua Pháp.

Khả năng duy nhất là tổng thống Pháp cấp cho ông giấy cư trú như tổng thống François Mitterrand trước đây cho phép một thành viên tổ chức khủng bố Lữ đoàn Đỏ hết đất dung thân, cư trú. Nhưng liệu Paris có chịu nổi cơn thịnh nộ của Washington ?

Le Figaro nhắc lại cuộc khủng hoảng ngoại giao 2013. Hoa Kỳ căm giận nhân viên tình báo cũ đến mức chỉ có Nga, Trung Quốc hay những quốc gia công khai chống Mỹ như Venezuela hay Bolivia dám hứa tiếp Edward Snowden. Tháng 9/2013, một tin đồn Edward Snowden có mặt trên một chuyến bay mà đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Nghi ngờ tổng thống Evo Morales cho Edward Snowden quá giang máy bay từ Moskva về La Paz, bốn nước Châu Âu Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đóng cửa không phận. Chuyên cơ của tổng thống Bolivia bị chận ở Vienna 15 tiếng đồng hồ để cảnh sát lục soát. Tổng thống Evo Morales đưa vụ này ra Liên Hiệp Quốc. Tại La Paz, cờ Pháp bị đốt. Nhưng quan hệ Mỹ-Pháp được bảo toàn.

Nhật báo thiên hữu kết luận : cho dù bộ trưởng tư pháp Nicole Belloubet có thể tuyên bố "thuận" cho Edward Snowden "tị nạn", dù một dân biểu tầm cỡ của đảng cầm quyền khen ngợi "người hùng phục vụ lợi ích nhân loại", nhưng tổng thống Emmanuel Macron đã quyết : cựu nhân viên tình báo Mỹ đào thoát phải tôn trọng thủ tục xin tị nạn như mọi người khác và phải qua cơ quan Ofpra, ở ngoại ô Paris.

Tú Anh

Published in Quốc tế