Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bệnh viện công Pháp trước nguy cơ tan vỡ

Ngành y tế Pháp tổng bãi công. Bệnh viện quá tải. Nền y tế công Pháp - nổi tiếng thế giới từ hàng chục năm nay về các điều trị, chăm sóc chất lượng cao, mở rộng cho tất cả – đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

benhvien0

Ngành y tế biểu tình tại Paris kêu gọi chính phủ có giải pháp cứu nguy các bệnh viên công, ngày 14/11/2019. Reuters/Johanna Geron

Le Monde chạy tựa trang nhất : "Bệnh viện công sụp đổ". Les Echos : "Bệnh viện : Chính phủ đang tìm lối thoát". Libération chạy tựa : "Bệnh viện : nỗi giận dâng trào !".

Le Monde đăng tải "Lời kêu gọi" của 70 lãnh đạo ngành y tế công vùng Paris, nhấn mạnh : "Bệnh viện công Pháp từ nhiều thập niên qua đã có được một uy tín cao với quốc tế… do các chăm sóc hiện đại nhất cho trẻ em, người lớn, cũng như trong các sứ mạng nghiên cứu, đào tạo. Chúng tôi báo động với quý vị là hệ thống này hiện đang tan vỡ, chúng tôi không còn đủ khả năng đảm nhiệm được các sứ mạng của mình". Nhật báo giải thích "hệ thống bệnh viện công hiện đang suy sụp ở khắp nơi, không chỉ là trong các bộ phận cấp cứu, mà toàn bộ hệ thống đang trong tình trạng nguy ngập".

Le Monde nhấn mạnh là, ngày 14/11/2019 này, "lần đầu tiên kể từ hơn 10 năm nay", toàn bộ giới y tế công, từ tổ chức của giới phụ trách các cơ sở đào tạo y tế, đến các nghiệp đoàn bác sĩ, y tá, hộ lý, dược sĩ, bác sĩ nội trú, sinh viên… được kêu gọi xuống đường để "Cứu nguy ngành ty tế công".

Đầu tư không đủ, không thu hút được người mới

Ông Martin Hirsch, tổng giám đốc hệ thống y tế công Paris, cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ chỗ ngành y tế công không tuyển mộ thêm được thêm nhân viên mới và không đủ khả năng vận hành các cơ sở điều trị. Liên đoàn các bệnh viện Pháp lưu ý đến tình trạng được "đầu tư không đủ", đặc biệt liên quan đến việc đãi ngộ nhân viên ngành y (có đến 97% cơ sở y tế gặp phải vấn đề này).

Libération giải thích : "nguồn gốc của khủng hoảng là rất dễ thấy. Hiện tại, trung bình nhu cầu chăm sóc, điều trị tăng khoảng 4% hàng năm. Đây là cái giá phải trả cho tình trạng dân cư lão hóa, các tiến bộ công nghệ trong ngành y (…) Đối với chính phủ, 4% tăng trưởng này, nếu như họ chấp nhận điều đó, sẽ là một gánh nặng quá lớn cho chi phí công. Mức tăng chi phí kịch trần hiện nay chỉ được phép là 2%. Kết quả (của việc thiếu đầu tư) được biểu hiện hàng ngày : nhân viên mệt mỏi, lương bổng chậm tăng, trang thiết bị thiếu thốn…".

Nguy cơ hệ thống y tế công tan vỡ, nếu chính phủ không có chính sách phù hợp. Le Monde có bài xã luận "Bệnh viện : Hãy lắng nghe này, chúng ta đang chìm đây !". Đòi hỏi trước mắt của những người tranh đấu là chính phủ ngay lập tức tuyển mộ hàng nghìn nhân viên mới, tăng lương 300 euro/tháng cho tất cả các nhân viên ngành y, ngừng cắt giảm số lượng giường bệnh tại các cơ sở điều trị.

Chính phủ bắt đầu lắng nghe

Cách nay 6 tuần, bộ trưởng Y tế Angès Buzyn đã thông báo một "kế hoạch khôi phục" để đối phó với cuộc khủng hoảng của ngành cấp cứu, nhưng lãnh đạo bộ Y tế cho đến gần đây dường như đã không nhận ra mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và mức độ quyết liệt của cuộc phản kháng. Hôm thứ Ba 12/11, bộ trưởng Y tế dường như đã bắt đầu thay đổi thái độ, cho biết đàm phán đang được khởi sự, để tăng mức đầu tư cho các cơ sở y tế. Theo Le Monde, chính phủ Pháp, bằng mọi giá, muốn phong trào ngành y hạ nhiệt, trước cuộc bãi công ngày 05/12 chống dự án cải cách hưu trí.

"Ngành y tế gia tăng áp lực lên chính phủ đến mức tối đa" là hồ sơ chính của Les Echos. Nhật báo Kinh tế có bài xã luận : "Bệnh viện : Chỉ tiền thôi không đủ". Theo Les Echos, phải tăng tốc thực thi dự án cải cách mang tính hệ thống ngành y, được đề ra hồi năm ngoái. Đặc biệt là làm sao cho ngành y tế công trở lại là nơi thu hút nhân lực, trong bối cảnh bị y tế tư nhân cạnh tranh mạnh.

Kinh tế Pháp : Tăng trưởng thấp, nhưng tạo thêm nhiều việc làm

Khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực, nhưng toàn cảnh bức tranh không phải là màu xám. La Croix dành trang nhất cho vấn đề việc làm tại Pháp, với dòng tựa đầy phấn chấn : "Nước Pháp đã tạo thêm được việc làm ! ".

Theo La Croix trong bài "Tăng trưởng ít, nhưng vẫn có thêm việc làm mới". Cụ thể là, kể từ cuối năm 2015, số lượng việc làm mới tạo ra vượt số lượng việc làm bị mất. Xu thế này tiếp tục tăng, hơn 54.000 việc làm nhiều hơn trong quý ba 2019, theo thống kê của INSEE. Riêng trong quý một 2019, xu thế tăng trưởng việc làm trong khối kinh tế tư nhân đã vượt qua con số biểu tượng hơn 100.000 việc làm nhiều hơn. Xu thế tích cực này tiếp tục được duy trì kể từ đầu năm đến nay.

Kinh tế gia Bertrand Martinot, của Siaci Saint-Honoré và là tác giả cuốn "Chômage, inverser la courbe", lưu ý là tạo ra nhiều việc làm mới, trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm là một thành công quan trọng. Ông nhấn mạnh đến vai trò của cựu tổng thống François Hollande nhiệm kỳ trước và chính sách ủng hộ doanh nghiệp của đương kim tổng thống Macron, nay đang bắt đầu gặt hái kết quả. Chính sách tạo thuận lợi cho "hợp đồng hỗ trợ người tìm kiếm việc làm" của tổng thống Macron mang lại nhiều kết quả là một phân tích khác trên Les Echos.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trút giận lên Pháp, để né bất đồng song phương

Về thời sự quốc tế, Les Echos chú ý đến chuyến công du của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ, trong bối cảnh bất đồng song phương Washington – Ankara hiếm thấy, đặc biệt sau chiến dịch can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria.

Bài "Cuộc gặp trong không khí căng thẳng giữa tổng thống Mỹ và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ" cho biết tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chĩa mũi dùi phê phán sang tổng thống Pháp, người đã đưa ra phát biểu gây chấn động : "NATO chết não", hồi tuần trước. Hôm qua, trong cuộc họp báo tại Washington, ông Erdogan khẳng định các phát biểu của tổng thống Macron về NATO là "không thể chấp nhận được". Từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ phụ họa thêm, khi khẳng định đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ "rất thất vọng" về tuyên bố của lãnh đạo Pháp. Không gì dễ dàng hơn là tìm ra một đối thủ chung, để xoa dịu các bất đồng song phương, ít nhất cũng trong một giai đoạn nhất định, Les Echos bình luận.

Bước mới thủ tục phế truất Tổng thống Mỹ : Người dân xem trực tiếp qua truyền hình

Les Echos Le Monde cùng chú ý đến một bước ngoặt mới trong thủ tục luận tội phế truất tổng thống Donald Trump. Kể từ hôm qua, 13/11, người dân Mỹ có thể trực tiếp theo dõi các buổi điều trần trước Hạ Viện. Theo Les Echos, mục tiêu phe Dân chủ nhắm đến là, với việc để người dân trực tiếp chứng kiến các nhân chứng mô tả các phương thức hành động, bị đánh giá bất hợp pháp, của tổng thống Trump tại Ukraine, công luận Mỹ sẽ ngả hẳn sang phía ủng hộ phế truất, và phe Cộng Hòa đang kiểm soát Thượng Viện sẽ phải thay đổi quan điểm, trong bối cảnh này.

Hiện tại, lập trường của phe Cộng hòa tại Thượng Viện không thay đổi. Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa, cho đến nay, vẫn ủng hộ các hành động của tổng thống, mà họ cho là đúng đắn, vì nằm trong chính sách gia tăng cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine. Nước Mỹ hiện đang rất bị chia rẽ về chủ đề này. Theo một thăm dò dư luận mới đây, 47% người Mỹ ủng hộ phế truất, 44% phản đối.

Bắc Kinh đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ, Ngân hàng Thế giới giảm đầu tư

Về Trung Quốc, Les Echos có bài "Bắc Kinh bị tố dùng tiền Ngân hàng Thế giới đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ". Trong một lá thư gửi đến ban lãnh đạo Ngân hàng Thế Giới, hai nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và James McGovern đã có những lời lẽ ngụ ý là số tiền (với tổng trị giá khoảng 50 triệu đô la) thoạt tiên được dành cho việc cải thiện mức sống của giáo viên và chi phí cho giáo dục tại Tân Cương, đã được sử dụng một phần để mua thiết bị để sử dụng tại "các cơ sở cải tạo" tại khu tự trị này, bị giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc là các trại giam trá hình của chính quyền Trung Quốc. Theo Les Echos, Ngân hàng Thế giới vừa quyết định cắt giảm tài trợ cho Trung Quốc trong lĩnh vực này.

"Hồng Kông thành chiến địa"

Vẫn về Trung Quốc, Le Monde chú ý đến xung đột hiện tại đã lan đến các trường Đại học lớn của đặc khu Hồng Kông, trong đêm thứ Ba qua ngày thứ Tư 13/11. Theo bài "Hồng Kông : Đại học, đích ngắm của cảnh sát", người lãnh đạo Văn phòng liên lạc Hoa Lục phụ trách Hồng Kông và Macao kêu gọi chính quyền đặc khu có các biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt các hành động bạo lực. Trong lúc đó, phong trào phản kháng không có dấu hiệu nhân nhượng. Có lời kêu gọi biểu tình tại 35 địa điểm trên khắp thành phố 21 giờ tối hôm qua. La Croix có bài phóng sự "Hồng Kông trở thành chiến địa".

Giao thông vùng thủ đô nước Pháp : Tỉ lệ đi xe hơi giảm mạnh

Trong lĩnh vực môi trường, nhiều báo Pháp chú ý đến việc số lượng các di chuyển hàng ngày bằng xe hơi tại vùng thủ đô nước Pháp sụt giảm. Trang nhất phụ trương Les Echos (Doanh nghiệp và Thị trường) chạy tựa "Bước thụt lùi lịch sử của việc di chuyển bằng xe hơi tại vùng Ile-de-France". Theo cơ quan Nghiên cứu về Giao thông (EGT), số lượng di chuyển bằng ô tô năm 2018 giảm 4,7% so với năm 2010. Cụ thể là, trong năm ngoái có 14,8 triệu lượt di chuyển/ngày, ít hơn 700 nghìn lượt so với hồi 2010. Số lượng sụt giảm này là rất đáng chú ý, vì số lượng lượt di chuyển tiếp tục tăng (5%), từ 41 triệu lên 43 triệu (do dân cư tăng). Một điểm đáng chú ý khác là tỉ lệ người đi xe đạp tăng mạnh (29%), theo Le Monde.

Raymond Poulidor mãi mãi trong trái tim người Pháp

Vận động viên đua xe đạp Raymond Poulidor, vừa qua đời, mãi mãi là hình ảnh đẹp trong trái tim người Pháp là chủ đề trang nhất của nhiều báo. Le Monde đưa tin trên trang nhất với nhận định : Raymond Poulidor biệt danh "Poupou", qua đời hôm 13/11, ở tuổi 83, nổi tiếng là tay đua "luôn xếp ở hạng thứ hai".

Cảm tình của người Pháp đối với "Poupou" một phần lớn là do niềm đam mê vô tận của vận động viên huyền thoại, sau bao nhiêu tai nạn, vẫn không rời đường đua. Và mối quan hệ của ông với nhà vô địch Jaques Aquetile, đối thủ sau này trở thành một người bạn thân thiết. Raymond Poulidor mang lại 189 giải thưởng cho nước Pháp, với các cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp và nhiều cuộc đua quốc tế khác.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

NATO bị chết não : Tổng thống Pháp Macron và chiến lược "nói huỵch toẹt"

Dù dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho các chủ đề rất khác nhau, nhiều tờ báo lớn ra ngày hôm nay 12/11/2019 tại Pháp đã rất chú ý đến Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình lần thứ hai. Đối với nhiều tờ báo, tổng thống Pháp như đã kích thích cuộc thảo luận khi mạnh dạn nói đến tình trạng chết não của khối NATO, một mô hình cụ thể của chủ nghĩa đa phương.

nato1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời báo giới bên lề một thượng đỉnh NATO, Bruxelles, 22/07/2018. ©Ludovic Marin/Pool via REUTERS

Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình lần thứ hai tập hợp khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ trên thế giới để bàn cách bảo vệ tính chất đa phương, mà theo tổng thống Pháp đang bị các xu hướng ích kỷ mang tính dân tộc chủ nghĩa đe dọa.

Trong bài nhận định mang tựa đề "Macron và NATO, chiến lược nói thẳng tuột" nhật báo cánh tả Pháp Libération đã trở lại với nhận xét thẳng thắn, thậm chí thô bạo bất ngờ của tổng thống Pháp trong bài phỏng vấn dành cho tờ báo Anh The Economist vào tuần trước.

Vào khi ấy, ông Macron cho rằng chủ nghĩa đa phương trên thế giới đang bị suy yếu, và tình trạng này cũng tác hại đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, mà tổng thống Pháp cho là đang trong tình trạng "chết não".

Phản ứng trước cách nói hơn là về nội dung

Libération đã nhắc lại rằng lời chẩn đoán không khoan nhượng của tổng thống Pháp đã làm dấy lên những phản ứng bất đồng tình, từ thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, cho đến ngoại trưởng Croatia Grlic Radman.

Tờ báo Pháp đã nêu bật phản ứng của điện Élysée, cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Một người thân cận với tổng thống Macron cho rằng phản ứng của bà Merkel chẳng hạn, đối với tuyên bố của ông Macron liên quan đến "hình thức nhiều hơn là thực chất".

Theo Libération, thủ tướng Merkel đã trở lại chủ đề này nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập quân đội Đức. Bà khẳng định NATO vẫn là "trụ cột chính trong chính sách phòng thủ" của Đức, nhưng cho rằng ngày càng rõ là Châu Âu "sẽ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn trong tương lai" bằng cách củng cố "bộ phận chỉ huy Châu Âu trong khối NATO".

Đối với Libération, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist, Macron cũng nói như thế, nhưng với lời lẽ kém ngoại giao hơn nhiều.

Libération cho rằng khi tuyên bố là NATO đã rơi vào tình trạng "chết não", ông Macron chỉ đề cập thẳng thắn đến một thực tế rất khó chối cãi, chẳng hạn như việc Mỹ, ngay từ thời ông Obama, đã đi "tìm nơi khác", thể hiện qua việc không can thiệp vào vấn đề vũ khí hóa học ở Syria năm 2013, hay là vụ việc mới đây khi chính thành viên Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công vào người Kurdistan, đồng minh của NATO.

Một nguồn tin ngoại giao đã biện hộ cho ông Macron rằng : "Nguyên thủ Nhà nước Pháp không hề nói ông muốn khai tử NATO mà chỉ cho rằng khối này đang mất phương hướng và không thể duy trì một hiện trạng vốn tồn tại từ năm 1945 đến nay".

Tóm lại, theo Libération, tổng thống Pháp muốn nêu bật nhu cầu phát huy chủ quyền Châu Âu trong NATO, và ông đã chấp nhận nói thẳng tuột ra những vấn đề tế nhị, để thức tỉnh các đồng minh, buộc họ trực tiếp đối mặt với những thực tế chiến lược mới.

Cần phải "Châu Âu hóa" NATO

Nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng cùng một nhận định với Libération trong bài viết mang tựa đề: "Cần phải Châu Âu hóa NATO". Đối với Le Figaro, khi nói đến việc NATO đang trong tình trạng chết não, ông Macron quả là đã dùng đến một hình ảnh quá mạnh bạo. Vì đứng trên bình diện y học, người ta chưa thấy ai bình phục sau khi chết não.

Nhưng trong trường hợp NATO thì khác. Dù hiện trạng không tốt, nhưng một cách khách quan phải công nhận rằng không có gì ngăn cản tổ chức khá hơn ngày mai. Nói một cách sống sượng thì tổng thống Pháp có ưu điểm là đã đánh thức Châu Âu trên một vấn đề quan trọng : Cấu trúc tương lai của an ninh Châu Âu.

Theo Le Figaro, ông Macron đã không được báo trước về quyết định của Mỹ, ngày 06/10, rời khỏi vùng Kurdistan Syria. Lực lượng Pháp bị bỏ rơi giữa chừng, không phương tiện chuyển đi thiết bị nặng của mình. Pháp như đã bị Mỹ xem là một kẻ thế chân hạng 2.

Đối với Le Figaro, cảm giác đó rất khó chịu, nhưng đầu óc cần phải tỉnh táo. Quốc hội và giới chức quân sự Mỹ chưa sẵn sàng phế bỏ NATO. Thế nhưng ông Trump có lý khi trách cứ Châu Âu là không chi tiêu đúng mức cho quốc phòng của mình.

Tóm lại, theo tờ báo Pháp, Châu Âu phải nắm bắt lấy cơ hội để Châu Âu hóa NATO, biến tổ chức thành một công cụ quân sự có khả năng hoạt động trong bất cứ tình huống nào và một cách độc lập, không bị lệ thuộc buộc vào những bất ngờ trong chính sách của tổng thống Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất tù nhân thánh chiến về lại Tây Âu

Theo Le Figaro, quân thánh chiến người Châu Âu, đã hoặc sẽ bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. 11 người Pháp mà phần đông là phụ nữ nằm trong danh sách những chiến binh mà Ankara muốn gởi về nước sau khi thương lượng với chính phủ các quốc gia liên can.

Những chiến binh Pháp có thể về nước trong những ngày sắp tới, trong khuôn khổ "thủ tục Cazeneuve" - theo tên của bộ trưởng nội vụ - tức là cảnh sát Pháp sẽ được cử đến nơi để phụ trách việc đưa hồi hương thành phần bị cho là của Daesh, và đảm bảo xử lý về mặt pháp lý ngay khi họ về đến Pháp.

Đối với Le Figaro, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua, 11/11/2019, chẳng qua là một sức ép trên phương Tây, chủ yếu là Châu Âu, đến giờ không mấy sốt sắng nhận lại công dân của họ đã tham gia thánh chiến ở Syria.

Evo Morales đã điều hành tốt Bolivia, nhưng sai lầm khi tham quyền

Trên bình diện quốc tế, cuộc chính biến tại Bolivia, dẫn đến việc tổng thống Evo Maroles phải rời bỏ quyền hành dĩ nhiên đã rất được quan tâm. Libération chạy tựa : "Evo Morales bị quét đi, nhưng thành quả điều hành của ông vẫn bám rễ".

Theo tờ báo, người thổ dân đầu tiên được bầu làm tổng thống Bolivia đã phải từ chức sau 14 năm cầm quyền, và sau 3 tuần biểu tình phản đối dữ dội, bị quân đội bỏ rơi. Thế nhưng, khi đương chức, ông đã tiến hành được một chính sách đầy cao vọng và hữu hiệu trong việc giảm bất công.

Đối với Libération, ở phương Tây, cánh tả ít nhắc đến kinh nghiệm cải cách xã hội của Bolivia, mà luôn nêu cao các trường hợp như Lula ở Brazil hay Hugo Chavez ở Venezuela, hoặc Rafael Correa ở Ecuador hay José "Pepe" Mujica ở Uruguay. Thế nhưng dù không có mấy sức thu hút quần chúng, Evo Morales lại là người đã thực hiện được công trình to lớn là cải thiện tình trạng Bolivia, giảm bất công có hiệu quả.

Còn báo Le Figaro thì lấy làm tiếc là Evo Morales đã tham quyền. Chính vì cố bám víu vào quyền lực mà ông đã mất đi hậu thuẫn của một phần phong trào thổ dân và nhất của quân đội, điều đã khiến ông phải từ chức tối Chủ nhật vừa qua.

Dân Pháp không muốn tái diễn màn song đấu Macron-Le Pen

Cũng đề cập đến tổng thống Macron, nhưng ngay trên trang nhất, Le Figaro đã dành tựa lớn đầu tiên để nói về khả năng hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen lại đối đầu với nhau nhân vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2022.

Dưới tựa đề "Macron và Le Pen đang đặt cược vào một cuộc đấu tay đôi mới vào năm 2022", Le Figaro cho biết là theo một cuộc thăm dò mà tờ báo đã đặt cho Viện Ifop thực hiện, người Pháp dự đoán vòng hai cuộc bầu cử năm 2022 sẽ giống hệt như vào năm 2017 vừa qua.

Vấn đề tuy nhiên lại là đa số người dân không muốn kịch bản đó tái diễn.

Theo Le Figaro, dù vẫn còn xa, nhưng cuộc bầu tổng thống năm 2022 đã hiển hiện trong tâm trí của mọi người. Trong bối cảnh các cuộc thăm dò đều xác định rằng kịch bản cuộc đấu tay đôi năm 2017 giữa Emmanuel Macron và Marine Le Pen tái diễn, hai chính trị gia này như đều công khai đặt cược vào khả năng nói trên.

Các đảng cả, bên cánh tả lẫn cánh hữu, đều chỉ trích chiến lược của điện Élysée hướng tới kết quả đó. Họ đã phê phán chẳng hạn trọng tâm nhập cư mà ông Macron đã chọn khai thác, một chủ đề sẽ có lợi cho cả ông lẫn đối thủ chính của ông là bà Le Pen.

Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý : Nếu người Pháp dự đoán vào năm 2022, vòng thứ hai giống hệt với năm 2017 (68% cho rằng đây là điều có khả năng xảy ra, theo khảo sát của viện Ifop), thì ngược lại họ hoàn toàn không muốn điều đó xẩy ra (72%).

Phong trào Áo Vàng Pháp muốn tham chính

Nhật báo Pháp Libération cũng dành trang nhất và hồ sơ chính cho thời sự Pháp, nhưng tập trung phân tích về phong trào Áo Vàng Pháp, sau khi đã tròn một tuổi, có khả năng lao vào chính trị nhân cuộc bầu cử hội đồng địa phương sắp tới đây.

Trái với các đồng nghiệp Libération hay Le Figaro đã tập trung cho thời sự Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix đã dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho tiến trình luận tội nhằm truất phế tổng thống Mỹ Donald Trump.

Disney lao vào cuộc chiến giành thị trường video trực tuyến

Nhật báo Les Echos hôm nay đã dành tựa chính cho sự kiện tập đoàn phim ảnh giải trí Mỹ Disney khởi động cuộc tấn công chiếm lĩnh thị trường video trực tuyến.

Hàng tít trang nhất của tờ báo chẳng khác gì tựa đề một bộ phim : "Trận đánh giữa những chàng khổng lồ để giành quyền kiểm soát truyền hình tương lai".

Les Echos ghi nhận sự kiện vào hôm nay, tại Hoa Kỳ, "Đế chế Disney" chính thức mở cuộc tấn công, đúng ra là phản công, trên thị trường xem phim trực tuyến (streaming video), hiện đang nằm dưới quyền thống trị của một chàng khổng lồ khác của Mỹ là Netflix.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ báo kinh tế Pháp, lao vào cuộc cạnh tranh với Netflix không chỉ có Disney, mà còn có ba đại gia khác là Apple, Amazon và Warner.

Bên cạnh tựa chính về kinh tế thế giới, Les Echos cũng giành tựa lớn thứ hai ở trang nhất cho thời sự chính trị Pháp, nêu bật các kế hoạch tới đây của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm tìm giải pháp cho các "hồ sơ cấp bách" về mặt xã hội, đặc biệt trên hai vấn đề : Bệnh viện và hưu bổng.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Hậu chiến tranh lạnh : Thất bại của các nền dân chủ

Vào ngày kỷ niệm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, 11 tháng 11, một số báo Paris không ấn hành, nhưng bài vở vẫn được cập nhật trên mạng. Riêng ba tờ báo lớn là Le Monde, Le Figaro Libération phục vụ độc giả như bình thường.

hau1

Thắp sáng cổng thành Brandenburger, Berlin, Đức mừng 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ. Reuters

Dư âm sự kiện Bức Tường Berlin sụp đổ cách nay 30 năm vẫn là đề tài chiếm nhiều trang báo Paris trong ngày. Trên nhật báo Le Figaro, bài báo mang tựa đề "Các nền dân chủ bại trận trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh", Nicolas Baverez đưa ra những ý kiến như sau : 1989 đã khép lại thế kỷ 20, một thế kỷ mở đầu vào năm 1914 khi Thế Chiến Thứ Nhất khai mào. Sau biến cố đó, khối Liên Xô tan rã. Mô hình dân chủ thăng hoa. Nhưng rồi, trong ba thập niên qua, các nền dân chủ đang bị những mối đe dọa xuất phát "từ bên trong và bên ngoài" thách thức.

Một mặt, từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga và cả những tổ chức khủng bố đều coi mô hình dân chủ là "kẻ thù", mặt khác, ngay bên trong các nền dân chủ phương Tây, các phong trào dân túy đang bùng lên và nền dân chủ tự do đang bị "mô hình dân chủ phi tự do" của thủ tướng Hungary Viktor Orban cạnh tranh.

Trên bàn cờ quốc tế, phương Tây rệu rã : Mỹ phủi tay với trách nhiệm của thế giới, Châu Âu thì vừa bất lực vừa bị chia rẽ. Tác giả bài báo cho rằng tổng thống Nga, Vladimir Putin đã có phần vội vã khi thông báo "mô hình dân chủ và tự do đã cáo chung", nhưng rõ ràng, "các nền dân chủ đã đã thua trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh" bởi vì "sau biến cố 1989, ảnh hưởng của phương Tây trên thế giới đã thu hẹp", bởi vì "chủ nghĩa tự do bị hòa toan trong cuộc sống mà ở đó người ta chủ chú trọng vào vật chất, con người trở nên ích kỷ và xã hội phủ định hoàn toàn mọi cấp bậc về giá trị đạo đức". Nicolas Baverez cho rằng, hạ gục được Liên Xô, các nền dân chủ phương Tây đã say men chiến thắng, nhưng rồi đã để vuột khỏi tầm tay dòng lịch sử của thế giới.

Le Monde trong bài xã luận ít bi quan hơn qua phân tích : Châu Âu đã quá mải miết nhìn về số phận của chính mình và chỉ thấy rằng kinh tế đang dậm chân tại chỗ, các nền dân chủ phải đối mặt với khủng hoảng, điển hình là qua mỗi đợt bầu cử từ tại Tây Ban Nha hay tại Ý và thậm chí là cả tại Pháp, các đảng cực hữu bài ngoại không ngừng lớn mạnh. Những điều đó không sai, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải khách quan nhìn nhận rằng, Cuộc Cách Mạng diễn ra trong hòa bình tại Đông Đức năm 1989 đã mở ra rất nhiều cánh cửa, từ việc thống nhất nước Đức cho đến sự sụp đổ của chế độ độc tài theo kiểu Stalin. Có điều, tây Âu và Mỹ đã ngây thơ lầm tưởng rằng, các nước Đông Âu sẽ nhất loạt rập khuôn theo phương Tây, nhưng sẽ là một sai lầm nếu như chối bỏ tất cả những thành tựu mà làn sóng tự do năm 1989 đã đem lại cho Châu Âu. Hai thành tựu không thể chối cãi đó là đời sống của người dân khối xã hội chủ nghĩa trước kia đã được cải thiện đáng kể, và quý giá hơn nữa là quyền tự do từ tự do đi lại của gần như hầu hết tất cả người dân Châu Âu và quyền tự do của các công dân bầu chọn người lãnh đạo.

Tường Berlin được thay thế bằng muôn vàn những bức tường mới

Cũng về dư âm từ sự kiện tường Berlin sụp đổ, Le Monde dành hẳn một số báo đặc biệt dưới tựa đề "Những bức tường mới tại Châu Âu, một lục địa đã được thống nhất". Libération chơi chữ "Thế giới giam mình sau những bức tường" : Mọi người từng ngỡ rằng, sau biến cố 1989 cả một chân trời tự do đã mở ra, nhưng trên thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu, hàng loạt những rào cản khác đã được dựng lên.

"Bức tường chia cắt Đông–Tây nay được thay thế bằng một bức tường thành ngăn cách Bắc–Nam". Công trình đó "dài hơn, cao hơn bức màn sắt năm nào". Tờ báo thiên tả này giải thích thêm : lý tưởng giữa hai khối Tự Do và Tư Bản từng chia rẽ Châu lục này năm xưa nay đã được thay thế bằng "những nỗi sợ hãi" chính điều đó khiến Châu Âu xây dựng hàng loạt các bức tường để tự vệ. Nỗi lo sợ đó bao trùm lên các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, văn hóa và an ninh.

Cũng Libération ghi nhận : năm 1989 Bức Tường Berlin là một trong số 11 bức tường trên hình tinh. Ngay nay nếu tính luôn cả những hàng rào kẽm gai và những hàng rào sắt, thì trên thế giới có tới 70 bức tường. Chiều dài của những bức tường chia cắt đó tương đương với 40.000 cây số, vừa bằng một vành đai bọc quanh Trái Đất. Nếu như Bức Tường Berlin xưa kia được dựng lên nhằm ngăn cản người dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức chạy ra nước ngoài, thì ngày nay, những bức tường mới được xây dựng lên là nhằm ngăn cản người ở bên ngoài du nhập vào. Điển hình là bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico : những đời tổng thống tiền nhiệm của Donald Trump đã xây một bức tường hơn 1.000 cây số. Từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã quyết định xây thêm 280 km nữa để bảo vệ an ninh Hoa Kỳ.

Tại Trung-Cận Đông, Israel dồn nhiều nỗ lực cho việc xây tường : nào là ở vùng West Bank (Cisjordanie), rồi gần đây hơn là giữa biên giới Israel và Syria, với Jordan. Vương quốc dầu hỏa Saudi Arabia cũng không kém miếng, với 2 bức tường chống nhập cư dài 75 cây số ở đường biên giới với Yemen và hơn 900 km ở biên giới với Iraq. Libération kết luận ở bất cứ nơi nào trên hành tình, "Chống khủng bố và ngăn chặn các làn sóng nhập cư là hai cái cớ để xây tường".

Chính trường Tây Ban Nha sa lầy

Cử tri Tây Ban Nha mệt mỏi vì bốn cuộc bầu cử liên tiếp trong bốn năm nhưng toàn cảnh chính trị vẫn tê liệt. Tất cả các tờ báo đều nói tới thất bại của thủ tướng Pedro Sanchez cho dù đảng Xã Hội của ông về đầu. Đơn giản vì đảng này không giành được đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ. Tai hại hơn nữa, cữ mỗi đợt bầu cử, đảng cực hữu Vox lại càng có sức thu hút cử tri.

Báo Les Echos trên mạng lo lắng thấy "đảng Vox trở thành lực lượng chính trị thứ ba tại Tây Ban Nha". Năm năm trước, không ai biết đến tiếng tăm đảng này. Trang chủ của báo La Croix cập nhật thông tin với hàng tựa "Pedro Sanchez dẫn dầu, Vox có một bước đại nhảy vọt".

Le Figaro báo trước : thương lượng để thành lập chính phủ liên minh sẽ "gay go". Ở bên trên là hàng tựa "Tây Ban Nha bị đe dọa sa lầy về chính trị". Trong bài xã luận tờ báo nói tới tình hình bị "tê liệt" và nguy cơ bấn ổn chính trị tại quốc gia này. Libération quan tâm đến cử tri Tây Ban Nha đã quá "mệt mỏi" và chán ngán chính giới. Năm đảng lớn không tìm nổi đồng thuận, không biết nhượng bộ lẫn nhau để đổi lấy một chút ổn định về kinh tế và chính trị, đó là điều "không còn chấp nhận được nữa".

Leonardo di Vinci đón nhà điêu khắc Nhật

Sau cùng trong phần tin văn hóa, báo Le Figaro chú ý đến "đối thoại" giữa một nghệ sĩ Nhật Bản đương đại với danh họa người Ý, Leonardo di Vinci :

Nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh Leonardo di Vinci, tòa lâu đài và vườn thượng uyển Chambord mở cuộc triển lãm những tác phẩm của nhà điêu khắc Nhật Bản Susumu Shingu. Mẫu số chung giữa danh họa bậc thầy của thời kỳ Phục Hưng với người nghệ sĩ xứ Phù Tang này là cả hai cùng đưa khoa học vào nghệ thuật.

Leonardo xưa kia từng chắp cho loài người đôi cánh, Susumu Shingu ngày nay sáng tác từ sức gió và trọng lực của trái đất, từ những chất liệu mới như sợi carbon hay chất Teflon. Những tác phẩm của ông từng được triển lãm từ Mông Cổ đến Morocco. Năm nay 82 tuổi đời, nghệ sĩ Nhật tâm sự ông đã có lần may mắn được ngủ qua đêm ở tòa lâu đài Chambord và đã có được trò truyện với họa sĩ bậc thầy di Vinci, chính tác giả của bức tranh La Joconde "là nguồn cảm hứng để Susumu Shingu tiếp tục hành trình nghệ thuật". Triển lãm Susumu Shingu trong khuôn viên lâu đài Chambord mở ra cho đến ngày 15/03/2020.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Bức tường Berlin sụp đổ : Chủ nghĩa cộng sản đã tự sát !

Cách đây đúng 30 năm, ngày 09/11/1989, bức tường Berlin chia cắt Đông Đức và Tây Đức đã sụp đổ - một sự kiện lớn của thế kỷ 20. Tất cả các tuần báo Pháp đều dành những hồ sơ được chuẩn bị công phu cho chủ đề này.

berlin1

Người dân Đông Berlin tràn qua gặp người Tây Berlin ở Potsdamer Platz sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngày 12/11/1989. Reuters/Wolfgang Rattay/File Photo

Hồ sơ 10 trang của Le Point mang tựa đề "Bức tường sụp đổ, Lịch sử bất ngờ". Tờ báo đăng ảnh một thanh niên Tây Đức hôm 10/11/1989 bất chấp lực lượng biên phòng Đông Đức, đã leo lên bức tường giăng lá cờ lớn ba màu đen, đỏ, vàng của Cộng hòa Liên bang Đức. Đó là hồi kết của chiến tranh lạnh và khởi đầu cho việc thống nhất nước Đức.

Courrier International chạy tựa trang nhất "Berlin, thành phố độc đáo", dành 12 trang báo để nói về sự khác biệt của thủ đô nước Đức, 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Tờ báo dịch lại tờ Tagesspiegel, cho rằng Berlin là một thành phố không ngừng chuyển động, Berliner Zeitung đến thăm trụ sở của Neues Deutschland (Nước Đức Mới), tờ báo chính thức của Đảng cộng sản Đức trước đây, nay trở thành trụ sở của nhiều tổ chức. Một ngạc nhiên lớn : một trong những khách sạn giá rẻ dành cho thanh niên nổi tiếng nhất lại nằm trong khuôn viên đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Berlin.

L’Express dành đến 26 trang với tựa lớn trang bìa "Bức tường Berlin, Châu Âu 30 năm sau",trên nền đỏ với những bức hình đen trắng cắt ghép : nụ  hôn, dòng người hân hoan chen chúc trên "bức tường ô nhục" nổi tiếng. Tuần báo Pháp dẫn người đọc "Đi tìm bức tường đã mất", đến một "Berlin không ngừng sáng tạo", "Hungary, ngày mà bức màn sắt rốt cuộc đã bị xé toạc", cùng với các bài phỏng vấn một nhân vật thân cận ông Gorbachev, cựu tổng thống Ba Lan Kwasniewski, chuyên gia, nhà sử học, nhà báo…

Riêng L’Obs ra số đặc biệt với phụ trương 48 trang về bức tường Berlin gồm ba nhóm bài. "Một khối bị rạn vỡ" gồm những bài báo từ năm 1980 đến 1989, kể lại "Những ngày êm ả ở Đông Berlin", "Những đêm trắng tại Warsawa", và bài phỏng vấn nhà biên kịch Vaclav Havel, sau này trở thành tổng thống Cộng hòa Czech. "Bức tường sụp đổ" lần lượt nói về Mùa xuân Leipzig, Cuộc gặp gỡ những người anh em nghèo khó bên Đông, và thuật lại Mười sáu ngày đã làm thay đổi thế giới. Cuối cùng là "Một thế giới cần tái thiết" : "Lời vĩnh biệt một thế kỷ", "Những kẻ thù lâu đời của tự do", "Tính cách cá nhân của các nhà lãnh đạo mang tính quyết định".

Cuộc sống sau bức màn sắt

Trong thời gian Liên Xô thống trị khối Đông Âu, các phóng viên của L’Obs, thời đó còn mang tên Le Nouvel Observateur, đã nhiều lần đến vùng đất "Phương Tây bị bắt cóc" - theo Milan Kundera – để tường thuật cuộc sống hàng ngày của người dân sau bức màn sắt.

Chẳng hạn Ba Lan, với ác mộng ban ngày và những giấc mơ đẹp ban đêm. Trong ngày, người dân xếp hàng trước những cửa hàng quốc doanh. Riêng hệ thống Pewex chỉ nhận ngoại tệ, tại đây có thể mua thuốc lá Mỹ, whisky, những cây bút viết ra mực, dao cạo râu có thể cạo được…

Một triệu rưỡi trên 36 triệu dân Ba Lan có được đô la nhờ người thân ở nước ngoài. Nhưng chủ yếu nhờ làm chui mà họ kiếm được ngoại tệ. "Một nhân viên công ty quốc doanh vắng mặt buổi sáng vì kẹt trong đám xếp hàng, vắng buổi chiều vì bận công việc thứ hai" - một tài xế taxi, mà công việc chính thức là kỹ thuật viên vật lý trị liệu ở bệnh viện, giải thích cho nhà báo Pháp.

Ban đêm, tại những khu nhà tập thể ngoại ô, người ta lén lút trao đổi với nhau những băng cassette của Công đoàn Đoàn kết, bài giảng của Giáo hoàng, trích đoạn tác phẩm "1984" của George Orwell… Cung Văn hóa ở Warsawa, món quà của Stalin bị người dân rất ghét. Cho dù rào dây thép gai, canh giữ cẩn thận nhưng buổi tối thường bị bôi tinh chất cây nữ lang (Valeriana) vì người ta khám phá rằng chất này dẫn dụ loài mèo đến tiểu vào.

Từ cuộc picnic lịch sử đến Mùa Xuân Leipzig

Hungary là nước đã đẩy nhanh sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Theo Le Point, từ đầu năm 1988, công dân Hungary đã được cấp passport ra nước ngoài. Ngày 24/11/1989, Miklos Nemeth được bầu làm tổng bí thư, ngay sau đó ông cắt ngân sách bảo trì phần tường đi qua lãnh thổ nước mình. Nemeth còn đề nghị với Gorbachev rút đi 80.000 quân Liên Xô và vũ khí nguyên tử, để cho Hungary được tự do hóa chính trị và tháo dỡ bức tường biên giới. Gorbachev không phản đối.

Hungary và Áo tổ chức cuộc picnic khổng lồ ngày 19/08/1989 tại Sopron, vùng biên giới hai nước. Có 3.000 tờ giấy mời được phát ra, nhưng báo chí nước ngoài đã thông tin về sự kiện, và 10.000 bản photocopy được một người bí mật phân phát tại Đông Đức. Nhân dịp này có 600 người Đông Đức đã trốn ở lại. Hungary quyết định mở cửa biên giới vào ngày 10/09/1989. Chỉ trong vòng năm ngày, 13.674 người Đông Đức đã chạy qua Hung để sang Tây Đức, và đến ngày 05/11, con số này đã lên đến 50.000.

Về không khí sôi sục tại nước Đức trước sự kiện Bức tường, trong bài "Mùa xuân Leipzig", L’Obs thuật lại hôm 23/10/1989, có đến 200.000 người tràn ngập các đường phố, hàng triệu ngọn nến được thắp sáng ở các khung cửa sổ… Khẩu hiệu của cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Đức cộng sản : "Chúng ta là nhân dân !".

Những thanh thiếu niên mặc đồ jean, phụ nữ với túi xách đi chợ, các công nhân mặc đồng phục… tất cả đều hát "Quốc tế ca", nắm tay đưa cao hoặc giơ hai ngón tay hình chữ V - dấu hiệu chiến thắng. Đoàn người diễu hành suốt ba tiếng đồng hồ, tạo thành một trận bão. Họ không còn sợ gì cả, kể cả Stasi, cơ quan mật vụ. Ngày hôm sau, công nhân một nhà máy nhỏ ở Đông Đức loan báo thành lập nghiệp đoàn độc lập đầu tiên trong 40 năm lịch sử của nước Đức xã hội chủ nghĩa.

Kế hoạch của KGB đưa 400.000 quân đàn áp Đông Đức

Trong bài "Những bí mật cuối cùng của Bức tường" ông Vladimir Fedorovski, nhà cựu ngoại giao Nga nay là nhà văn tiết lộ trên L’Express, vào thời điểm cuối năm 1989, đã có những tranh cãi gay gắt trên thượng tầng quyền lực Liên Xô.

Alexander Nikolaievitch Yakovlev, nhà kiến tạo perestroika đã thu thập được những thông tin về một kế hoạch của KGB nhằm chấm dứt "tình hình đang xấu đi ở Đông Đức", huy động trên 400.000 quân nhân đang đóng ở Đức. Theo dự kiến của tình báo, việc đàn áp biểu tình sẽ tạo ra "1.000 nạn nhân và bị phương Tây phản đối một thời gian ngắn". Đối với chế độc độc đoán đã làm cho 25 triệu người chết trước đây ngay tại nước Nga, con số 1.000 người vô tội thiệt mạng chẳng là bao nhiêu, hơn nữa lại ở trên đất Đức.

Yakolev cùng với đồng minh là ngoại trưởng Edouard Chevardnadze phản đối kế hoạch này của giám đốc KGB Kryuchkov và bộ trưởng quốc phòng Iazov, còn tổng bí thư Mikhail Gorbachev chỉ đóng vai trọng tài. Ông Yakolev nói riêng với người đứng đầu điện Kremlin : "Nếu dùng đến vũ lực, chúng ta sẽ trở thành con tin của KGB và quân đội. Đó sẽ là hồi kết của cải cách ở Liên Xô, và cuối cùng chúng ta sẽ mất chức". Tuy nhiên Gorbachev vẫn chưa đưa ra được quyết định, ông ngưng họp và quay về nhà, lấy cớ là bà vợ không thích ông về ăn cơm tối quá trễ.

Ông Yakolev bèn dùng một "chiêu" khác : gọi điện thoại cho bà Raissa, phu nhân nhiều ảnh hưởng lên Mikhail Gorbachev. Hai vợ chồng Gorbachev tranh luận suốt bữa ăn tối, và hôm sau, kế hoạch đàn áp của KGB bị bác.

Helmut Koln : "Chúng tôi sẵn sàng chi"

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ở Liên Xô, nhân tố tài chính đóng vai trò quan trọng.

Hai tuần sau khi từ chối can thiệp quân sự, trong chuyến thăm Bonn của Mikhail Gortbatchev tháng 6/1989, sau một bữa tối linh đình, thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl thổ lộ với nhà lãnh đạo Liên Xô : "Tôi biết rằng thống nhất nước Đức là rất khó khăn, nhưng cũng như sông Rhin, dòng nước không bao giờ ngưng chảy". Sau một giây ngần ngại, ông Kohl nói thẳng : "Chúng tôi sẵn sàng chi".

Gorbachev im lặng rất lâu, rồi hỏi ngắn gọn : "Bao nhiêu ?"

Từ duy nhất này đã quyết định vận mệnh nước Đức và sự sụp đổ của Bức tường. Tổng số tiền Tây Đức chuyển cho Liên Xô là 60 tỉ mark.

Ngày nay, đa số người Nga không ưa ông Mikhail Gorbachev. Nhưng theo tác giả Vladimir Fedorovski, những ai vẫn hoài nhớ đế quốc Liên Xô cũ đã quên đi một điều chính yếu : Bức tường sụp đổ vì Gorbachev không muốn giết người để tiếp tục nắm quyền. Không dùng đến biện pháp khủng bố, chế độ khó thể tồn tại lâu dài.

Cộng sản đã giết cộng sản

Nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta, thời điểm đó là phóng viên sừng sỏ của Le Monde nhận định, những hình ảnh đầy cảm động đêm 09/11/1989 có thể mang lại cảm giác là đám đông hân hoan đã khiến bảy thập niên xô-viết phải kết thúc. Nhưng trên thực tế, chính chủ nghĩa cộng sản đã tự kết liễu, vì bản thân nó không thể tồn tại lâu dài.

Bắt đầu từ năm 1921, với Chính sách kinh tế mới (NEP) : để tránh phá sản, Lênin cho nới rộng một chút về hướng kinh tế thị trường. Nhưng đến năm 1928, khu vực tư nhân trở nên mạnh mẽ khiến Stalin đột ngột ra lệnh chấm dứt. Đàn áp diễn ra trong suốt một thập niên : ám sát, đày ải…

Nếu không có lời kêu gọi ái quốc, không có Giáo hội, không liên minh với Anh quốc và Hoa Kỳ thì Liên Xô đã cáo chung. Những chiến thắng năm 1944 đã tiếp sức cho Moskva tiếp tục đàn áp trong nước và nuốt chửng Trung Âu. Bên ngoài thì lừng lẫy oai phong, nhưng bên trong là những xâu xé trong Bộ Chính trị, và tổng bí thư cuối cùng là Gorbachev hiểu rằng sẽ khó giữ được chế độ.

Theo L’Obs, Hungary thời đó đang nợ nước ngoài 17 tỉ đô la, Đông Đức 20 tỉ, Ba Lan 38 tỉ. Cuối tháng 10/1989, Đông Đức có nguy cơ vỡ nợ, nên đành bí mật thương lượng với Tây Đức để vay một số tiền lớn, đổi lại sẽ mở cửa một phần biên giới. Ngày 31/10/1989, lần đầu tiên một văn bản của Đông Đức nêu ra khả năng Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng vào năm 2000. Trên thực tế, chỉ 9 ngày sau sự kiện chấn động thế giới này đã diễn ra.

Nhầm lẫn lịch sử khiến Bức tường nhanh chóng sụp đổ

Moskva bật đèn xanh cho mở một cửa ở phía nam Berlin, nhưng không hiểu sao bộ nội vụ và bộ ngoại giao lại nhận được lệnh khác nhau. Tại bộ nội vụ, các sĩ quan Stasi và trưởng phòng hộ chiếu soạn ra văn bản cho phép công dân Đông Đức ra nước ngoài vô điều kiện, tại tất cả các cửa khẩu, bắt đầu từ ngày 10/11/1989.

Phát ngôn viên Günter Schabowski của đảng dù là ủy viên Bộ Chính trị nhưng cũng không biết trước quyết định này. Trong cuộc họp báo, ông đã lầm lẫn khi loan báo là văn bản có hiệu lực ngay lập tức hôm đó, 09/11. Hai trăm nhà báo dự cuộc họp nhảy nhổm. Đã quá muộn để ngăn chặn quả bom : đến 22 giờ 30 tối, trên 20.000 người đã đặc kín cửa khẩu Bornholmerstrasse. Không chịu nổi áp lực, Harald Jager, trưởng nhóm Stasi tại đây đã cho mở cổng. Bức tường Berlin đã sụp đổ !

Tuy là tình cờ lịch sử, nhưng theo Bernard Guetta, sự cáo chung của bức màn sắt là tất yếu.

Chính chủ nghĩa cộng sản đã giết chủ nghĩa cộng sản, nhưng cơn hấp hối của nó lẽ ra đã kéo dài hơn, nếu không có khuynh hướng dân chủ xã hội và ly khai. Nhà nước phúc lợi khiến kinh tế thị trường chiếm ưu thế so với chủ nghĩa cộng sản, và sự can đảm của các nhà ly khai – thường cũng chính là người cộng sản và cánh tả Thiên Chúa giáo – đã thách thức chế độ độc đảng. Nhân quyền và phúc lợi, kỷ nguyên Ánh sáng và dân chủ xã hội đã kết hợp với nhau để chế độ cộng sản phải chết sớm, và vào một ngày 9 tháng 11, Bức tường không còn tồn tại.

Đi tìm Bức tường đã mất

Nhưng L’Express trong bài "Đi tìm Bức tường đã mất" cho rằng bên cạnh việc lính biên phòng sát hại 140 người Berlin đi tìm tự do, còn có một "tội ác" nữa, nhưng đối với lịch sử : đó là việc phá hủy Bức tường Berlin, chỉ vài tháng sau sự kiện ngày 09/11/1989. Khi vội vã phá sập 156 kilomet bê-tông cốt thép được dựng lên từ năm 1961 bao quanh Tây Berlin, chính quyền Đức đã không chuyển giao ký ức này cho những thế hệ sinh sau. Mục sư Thomas Jeutner nói : "Bạn sẽ nhìn mọi việc theo một cách khác nếu đã từng sống sau bóng tối của Bức tường ở bên Đông".

Ngày nay Bức tường Berlin chỉ còn lại ba đoạn. Được biết đến nhiều nhất là đoạn dài 1,3 km : East Side Gallery với nhiều graffiti đẹp đẽ, nhưng lại không khớp với sự thật lịch sử, vì "street art" ở bên Đông Đức bị cấm. Một đoạn khác khoảng 100 mét ở gần Checkpoint Charlie, nhưng không có mấy thông tin, lại dễ nhầm với bảo tàng tội ác Đức quốc xã gần đó. Chỉ có Đài tưởng niệm Bức tường ở Bernauer Strasse cách Checkpoint Charlie 3 kilomet là chân thật nhất.

Đây là nơi duy nhất còn giữ lại đoạn tường như xưa, với đầy đủ tường bê-tông, rào sắt, kẽm gai, hào, hệ thống báo động, khu vực cho cảnh khuyển… Đó là nhờ công lao của mục sư Manfred Fischer, mà giáo đường của ông đã bị Bức tường cắt làm đôi năm 1961. Sau ngày Bức tường sụp đổ, khi những người cầm búa, xà-beng đổ đến Bernauer Strasse, vị mục sư đã chặn không cho họ phá đoạn tường, có những đêm ông phải ngủ lại để canh. Mãi đến 17 năm sau, mới có một đạo luật bảo vệ di sản, cấm phá hủy những đoạn tường hiếm hoi còn đứng vững.

Còn về tàng thư của tình báo Đức, Le Point trong bài "Puzzle bí mật của Stasi" cho biết từ 1989 đến nay, những người làm tư liệu vẫn kiên nhẫn nối lại những mảnh vụn của số lượng phiếu theo dõi khổng lồ chưa kịp tiêu hủy, đựng trong 16.000 chiếc bao lớn. Trong 30 năm qua, đã khôi phục được nội dung của 540 bao, còn lại 15.500 bao tài liệu, tức 45 triệu tờ giấy cần lắp ráp lại !

Thụy My

Published in Quốc tế

Đánh giá 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc : Nước Nga tiếp tục bị chia rẽ

Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài vở để nói về dịp 30 năm Bức tường Berlin chia rẽ Đông – Tây sụp đổ, ngày 09/11/1989, mở đầu cho sự chấm dứt của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Sự kiện thì chỉ có một, nhưng có rất nhiều đánh giá khác nhau.

lanh1

East Side Gallery, mảng lớn nhất còn lại của bức tường Berlin, 21/10/2014. Reuters/Fabrizio Bensch

Les Echos ghi nhận : Berlin kỉ niệm 30 năm trong không khí trầm lắng, trong bối cảnh cách biệt giữa hai miền nước Đức còn rất lớn. Libération nhấn mạnh : Chiến tranh Lạnh chấm dứt không hề đồng nghĩa với việc Lịch sử cáo chung, như một số tiên đoán, mà là sự lên ngôi của "các hình thức thống trị mới" trên phạm vi toàn cầu.

Trước hết xin giới thiệu bài phân tích trên Le Monde, mang tựa đề "Giữa Nga và phương Tây, bất đồng tiếp tục về giai đoạn chấm dứt Chiến tranh Lạnh", do phóng viên Benoit Vitkine gửi về từ Moskva. Nói về những khác biệt giữa Nga và Phương Tây, trên thực tế, Le Monde nhấn mạnh nhiều hơn đến những chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ nước Nga, về giai đoạn chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Đối với phương Tây, vấn đề Chiến tranh Lạnh kết thúc, thắng lợi thuộc về ai là điều ít còn gây tranh cãi. Sự kiện Bức tường Berlin - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh - sụp đổ lâu nay vẫn được kỷ niệm như chiến thắng của nền dân chủ tự do và sự phá sản của chế độ cộng sản Xô Viết.

Thế nhưng tại Nga, giai đoạn 1989-1991 (tức từ khi Bức tường Berlin sụp đổ đến khi Liên Xô giải tán) vẫn được nhìn nhận một cách hết sức khác nhau. Theo một thăm dò dư luận gần nhất về chủ đề này, hồi 2009 (do viện VTsIOM thực hiện), có đến 44% người được hỏi đã không thể trả lời câu hỏi "Ai là bên chiến thắng", 27% trả lời : Không có bên nào. Chỉ có 8% cho rằng Hoa Kỳ thắng, 6% khẳng định bên thắng là Liên Xô.

Le Monde ghi nhận việc đa số người Nga không khẳng định chỉ có một bên chiến thắng trong sự cáo chung của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh đã phản ánh đúng quan điểm của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Chiến tranh Lạnh chấm dứt là "chiến thắng chung"

Ngược lại với quan điểm phổ biến ở phương Tây, Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống, hai ý thức hệ (sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc khối cộng sản thất thủ), giới lãnh đạo Nga thời đó, đứng đầu là ông Gorbachev, nhìn nhận Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân không xảy ra đồng nghĩa với việc "trận đấu không có tỉ số".

Theo cách nhìn nhận này, tiến trình kết liễu Chiến tranh Lạnh đã khởi đầu với một loạt thỏa thuận nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, giải Nobel Hòa bình 1990, lưu ý : "Chiến tranh Lạnh chấm dứt là một chiến thắng chung, đạt được thông qua đối thoại và thương lượng, về những vấn đề rất khó khăn, liên quan đến an ninh và giải trừ vũ khí".

Riêng về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, đối kháng trong nội bộ xã hội Nga thể hiện rõ : có đến 22% người được hỏi coi đây là một biến cố tích cực với nước Nga (cơ hội để giải phóng Nga khỏi chế độ toàn trị), ngược lại 18% cho đây là "biến cố tiêu cực".

Thái độ hai mặt của chính quyền Putin

Theo nhà phân tích Tatiana Stanovaia, giám đốc Viện tư vấn R. Politik, chính quyền Putin có một thái độ hai mặt với giai đoạn lịch sử này. Một mặt ông Putin và các đồng sự không công khai phủ nhận "thất bại của cuộc Chiến tranh Lạnh", mặt khác đặc biệt kể từ năm 2014, điện Kremlin muốn lờ đi giai đoạn lịch sử này, để phổ biến trong công luận một quan điểm có lợi hơn cho chính quyền.

Hai luận điểm chính mà chính quyền Putin muốn dân chúng tin tưởng là : Phương Tây đã bội ước trong cam kết không mở rộng NATO về phía đông, và đặc biệt điều thứ hai, tổng thống Gorbachev đã "quỳ gối trước các đối thủ". Trên các kênh truyền thông chính thức của Nhà nước Nga, ông Gorbachev bị lên án là kẻ hèn hạ, và bị coi là tội đồ làm Liên Xô tan rã, thậm chí bị coi là có trách nhiệm còn hơn cả Hitler trong việc làm đế chế Đức sụp đổ.

Trên thực tế, trong nội bộ giới thân cận với tổng thống Putin, cũng có nhiều giải thích trái ngược về ý nghĩa của việc Liên Xô tan rã. Dân biểu Viatcheslav Nikonov, cháu của một bộ trưởng thời Stalin và một "đệ tử" của Putin, coi việc chấm dứt chiến tranh Lạnh là một quyết định của nước Nga, "cho phép Nhà nước Nga được hồi sinh".

Nhà nghiên cứu Nga Andrei Zoubov, một lãnh đạo đảng Dân chủ Parnas (Nga), nhấn mạnh việc quy tội cho ông Gorbachev trong việc làm cho Liên Xô bị giải thể có nhiều nét giống với tư tưởng của phong trào phục thù của một số thế lực chính trị tại Đức, sau Thế chiến thứ nhất (phong trào tiền thân của chủ nghĩa phát xít sau này). Cựu giáo sư Viện Nhà nước về Quan hệ quốc tế, ở Nga, nhấn mạnh cổ vũ cho tư tưởng phục thù này chính là "các cựu nhân viên KGB".

"Ảo ảnh" Cách mạng tháng 10

Về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, tờ L’Humanité đưa trên trang nhất hàng loạt hình ảnh lưu trữ cho thấy người dân Berlin phấn chấn trong cái ngày lịch sử, chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh trong hòa bình. Nhật báo của Đảng cộng sản Pháp khẳng định với nhiều hoài niệm : "Chấm dứt một ảo ảnh của thế kỷ XX", khi người ta từng tin là mặt trời mọc lên từ nước Nga, với cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917. Ảo ảnh từng được nuôi dưỡng với vai trò của Liên Xô với chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Trên toàn thế giới, rất nhiều người đã từng tin theo lý tưởng của nước Nga, sẵn sàng hy sinh cuộc sống và tự do của chính mình.

Về sự kiện 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, báo Libération có bài phỏng vấn nhà chính trị học kỳ cựu Bertrand Badie, nhấn mạnh đến việc các nước phía Nam trở thành trung tâm của một đấu trường mới, với sự lên ngôi của chủ nghĩa tân tự do và những phản kháng chống lại "những hình thức thống trị mới".

Nước Đức trầm lắng

Berlin đón mừng dịp 30 năm Bức tường sụp đổ trong "không khí không hân hoan" là tựa đề một bài viết trên Les Echos. Tổng cộng khoảng 200 sự kiện được tổ chức trong đợt kỷ niệm này. Ngày mai, một nghi thức trọng thể sẽ diễn ra tại Berlin, với các khách mời là lãnh đạo Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary. Chính quyền Đức muốn tôn vinh đóng góp của các quốc gia Trung Âu cho "cuộc cách mạng hòa bình" năm 1989.

Tuy nhiên, không khí được đánh giá trầm lắng, đặc biệt do tâm trạng của người dân Đông Đức cũ, nơi đảng cực hữu được đến 12% cử tri ủng hộ. Les Echos chỉ ra nhiều lý do khiến cho người dân miền đông nước Đức cảm thấy thất vọng, trong đó có việc 80% các vị trí lãnh đạo do người miền tây phụ trách, và miền đông vẫn tụt hậu trong các lĩnh vực công nghiệp truyền thống, cho dù "thách thức về khí hậu" có thể mở ra các triển vọng mới cho các bang miền đông, với sự hình thành các ngành nghề mới.

Một nhân chứng khác, nhà báo Alain Auffray thuật lại với Libération về những kỉ niệm sống động về ngày Bức tường sụp đổ, mà ông vẫn coi là "cái ngày dài nhất, vui sướng nhất" trong đời mình. Ông đưa ra cái nhìn lạc quan hơn khi thừa nhận, chỉ một thế hệ không thể nào thống nhất được hai miền nước Đức, như mong muốn.

La Croix cũng nhắc đến khoảng cách lớn giữa hai miền nước Đức, khoảng cách mà theo nhiều chuyên gia sẽ khó lòng lấp được. Theo một thăm dò dư luận của Viện kinh tế IFO, 69% chuyên gia Đức không tin là miền đông sẽ không bao giờ có thể bắt kịp miền tây do "các bất lợi mang tính cấu trúc", như về mạng lưới công nghiệp, hay tình trạng dân cư thưa thớt, đặc biệt bên ngoài các thành phố lớn.

Tăng trưởng 1,1% : Gáo nước lạnh với Châu Âu

Trở lại thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến viễn cảnh tăng trưởng của Liên Âu dự kiến trong năm nay chỉ là 1,1% GDP, so với 1,9% hồi năm ngoái. Số liệu được công bố hôm qua được coi là một gáo nước lạnh đối với các lãnh đạo Châu Âu

Trở về nước sau chuyến công Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức khẳng định Liên Âu phải điều chỉnh tận gốc rễ chính sách phát triển, tăng cường đầu tư cho các công nghệ mũi nhọn, như đám mây điện toán, mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo… Chỉ có như vậy Liên Âu mới thoát khỏi nguy cơ bị Trung Quốc và Mỹ đè bẹp. Theo nguyên thủ Pháp, đầu tư quá thấp cho lĩnh vực công nghệ là thách thức kinh tế lớn nhất của châu lục.

Tổng thống Pháp dường như đang thúc đẩy những thay đổi lớn trong chính sách của Châu lục. Les Echos cũng chú ý đến một phát biểu khác của tổng thống Macron, khi ông khẳng định khối NATO trong "tình trạng chết não" gây sốc, nhằm thúc đẩy Liên Âu nỗ lực phát triển năng lực phòng thủ riêng, điều hoàn toàn trái ngược với quan điểm của thủ tướng Đức. Đối với bà Angela Merkel, NATO tiếp tục là một trụ cột của nền an ninh Châu Âu, trụ cột này "cần được tiếp tục cải thiện".

Hiểm họa Trung Quốc đánh thức khát vọng Liên Âu

Việc Liên Âu đứng trước thách thức sống còn phải thay đổi chính sách công nghệ để không bị Trung Quốc và Mỹ bỏ rơi là chủ đề một phân tích đáng chú ý khác trên Les Echos. Bình luận gia Eric Le Boucher, trong bài viết mang tựa đề "Khi Trung Quốc buộc chúng ta tỉnh dậy… chúng ta sẽ có những việc làm thực sự".

Phân tích tập trung nhấn mạnh đến mặt trận cách tân công nghệ mũi nhọn gần như bị bỏ trống của Liên Âu. Theo tác giả, sau Anh, Đức, đã đến lúc nước Pháp và cả Châu Âu xác định rõ vai trò trọng yếu của Nhà nước, trong việc hỗ trợ hoặc trực tiếp phối hợp với các tập đoàn kinh tế. Trọng trách hoạch định chính sách chung của Châu Âu, trong lĩnh vực cách tân sống còn này, sẽ đặt lên vai tân ủy viên về công nghệ và kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu. Một người Pháp, ông Thierry Breton (cựu lãnh đạo tập đoàn công nghệ số Atos, đứng tốp 10 thế giới), có khả năng được bổ nhiệm vào chức vụ này.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Đức đã hoàn toàn thống nhất ?

Trong những ngày này, nước Đức kỷ niệm dịp 30 năm bức tường Berlin sụp đổ. Nhiều người quan tâm đặt câu hỏi "Đông Đức có gì mới ?".

berlin1

Hình ảnh cựu tổng bí thứ Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev hôn cựu lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, trên một mảng tường Berlin còn lại, Berlin, Đức, ngày 23/08/2019. Reuters/Fabrizio Bensch

Báo Les Echos nhận định Đông Đức không có gì mới ! 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chỉ có 38% người dân Đức cho rằng công cuộc thống nhất đất nước đã thành công.

Từ năm 1989 đến năm 2015, 2 triệu người phía đông vẫn tiếp tục di cư sang phía tây. Khoảng cách thu nhập giữa Đông và Tây Đức vẫn cao. Trong khi lương tháng trung bình trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội ở Tây Đức đã tăng gấp đôi, đạt 2.790 euro vào năm 2018, thì mức lương ở Đông Đức chỉ tăng 48%. Vào năm 2017, mức lương trung bình ở Đông Đức mới bằng mức lương ở Tây Đức hồi năm 2005.

Trụ sở chính của đa phần các doanh nghiệp lớn vẫn đặt tại Tây Đức. Không một đơn vị nào trong số 30 doanh nghiệp có vốn lớn nhất Đức đặt tại Đông Đức. Ở các vùng nông thôn, mặc dù có thêm 3.000 doanh nghiệp cỡ vừa được thành lập ở phía đông, nhưng các tập đoàn lớn thì vẫn tập trung tại miền tây. Quy mô nhỏ và vừa cũng khiến các doanh nghiệp ở Đông Đức khó trang bị công nghệ mới và ít có cơ hội mở rộng thị trường.

Mặc dù đã giảm mạnh từ 18,7% vào năm 2005 xuống còn 6,4% vào năm 2018, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở Đông Đức cũ vẫn cao hơn Tây Đức (4,3%). Do ít chịu sự tác động quốc tế, nên các doanh nghiệp Đông Đức lại đạt mức tăng trưởng 1,6%, cao hơn một chút so với các công ty Tây Đức (1,4%).

Sử dụng hiệu quả năng lượng trên thế giới tiến triển quá chậm

Trong lĩnh vực năng lượng, đáng chú ý là bài viết trên báo Le Monde "Sử dụng hiệu quả năng lượng tiến triển quá chậm". Theo báo cáo ngày 04/11/2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các ngành công nghiệp vẫn tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, người tiêu dùng lại có những thói quen mới vô cùng tốn kém về năng lượng. Trong khi đó, mức đầu tư của thế giới để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, cho dù tăng 1,6% do với năm 2017, nhưng vẫn là quá ít, không đủ để giảm hiệu ứng nhà kính.

Cường độ sử dụng năng lượng, (năng lượng để tạo ra một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội), chỉ được cải thiện 1,2%, mức thấp nhất kể từ đầu thập niên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tỉ lệ trên là quá thấp : mức cải thiện cường độ sử dụng năng lượng trên toàn thế giới phải đạt 3% thì mới đủ để đạt các mục tiêu đã đề ra về khí hậu, năng lượng và chất lượng không khí.

Lý do chủ yếu là nhu cầu năng lượng của các ngành công nghiệp ở Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh. Trong cuộc sống hàng ngày, phương thức tiêu dùng của con người cũng làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng, chẳng hạn về giao thông, mặc dù xe hơi ngày càng được cải thiện để tiêu tốn bớt năng lượng, song người tiêu dùng lại muốn mua xe hơi to rộng hơn, và số người đi trên xe lại giảm. Nhà ở cũng vậy, người dân chuộng những ngôi nhà, căn hộ lớn, với rất nhiều thiết bị điện. Các điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng khiến mọi người dùng nhiều máy điều hòa nhiệt độ hơn. Và kết quả là lượng năng lượng thế giới sử dụng trong năm 2018 đã tăng 2,3%, mức cao nhất kể từ năm 2010.

Nghịch lý Đông Âu : Các nước tuyển lao động Châu Á vì dân di cư ồ ạt sang Tây Âu

Chuyển sang lĩnh vực xã hội, tỉ lệ sinh nở thấp và nạn di cư ồ ạt sang Tây Âu đã khiến nhiều nước Đông Âu thiếu nhân công nghiêm trọng. Báo Le Figaro gọi đó là một "nghịch lý".

4/5 doanh nghiệp Romania gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân công. Các doanh nghiệp Romania đã tuyển một triệu lao động Châu Á, từ lái xe, công nhân xây dựng, cho đến kỹ sư, bác sĩ. Hungary cũng thiếu hàng chục ngàn lao động trong lĩnh vực công nghiệp.

Mặc dù các nước đều muốn tuyển lao động từ những nước láng giềng để thuận lợi về mặt ngôn ngữ, chẳng hạn Ba Lan rất chuộng lao động Ukraine, Romania thì muốn tuyển người Moldavia, nhưng "cung vẫn không đủ cầu". Năm nay, Hungary cấp khoảng 75.000 giấy phép lao động cho người ngoài Châu Âu, và ngày càng nhiều người đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Mông Cổ.

Ngoại trừ nhân công Ukraine, giấy phép lao động được các nước Liên Hiệp Châu Âu nói chung cấp nhiều nhất cho người Ấn Độ. Năm ngoái, có hơn 70.000 người Ấn Độ tới làm việc tại Anh, Đức, Ý và Đông Âu.

Còn theo Le Figaro, Việt Nam xuất khẩu nhiều lao động sang Cộng hòa Czech, Romania và các nước lân cận. Ông Daniel Bauta, người đứng đầu một quận tại Bucarest, Romania, cho biết có hơn 500 lao động Việt Nam trên một công trường xây dựng trong địa bàn quận. Họ nhận lương khoảng 900 euro/tháng sau khi trừ các khoản đóng góp xã hội, trong khi cũng với công việc đó, người bản địa chỉ được trả 532 euro. Chính khoảng cách thu nhập này đã khiến người bản địa bất mãn.

Một nhà hoạt động nghiệp đoàn của Hungary nói với báo Le Figaro là nếu không có lao động nước ngoài này, nhiều doanh nghiệp Hungary sẽ phải đóng cửa, nhưng nếu người lao động Hung được trả lương cao hơn, họ sẽ không phải rời bỏ đất nước.

Chile     : Khủng hoảng xã hội và vi phạm nhân quyền

Nhìn sang Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Chile vẫn thu hút sự chú ý của báo Libération. Kể từ khi phong trào phản kháng, chống bất bình đẳng xã hội bùng nổ, có ít nhất 23 người thiệt mạng, trong đó 5 người chết vì bạo lực của cảnh sát và binh lính. Đây là con số do Viện Công tố Chile công bố.

Còn theo Viện Nhân quyền Quốc gia Chile, một tổ chức công độc lập, có hơn 145 người đệ đơn lên tòa án về việc bị lực lượng an ninh tra tấn, đối xử vô nhân tính và làm mất phẩm giá con người. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi tổ chức này được thành lập cách nay 9 năm. Trong khi đó, giám đốc tổ chức Chữ Thập Đỏ chi nhánh Chile cho biết có hơn 2.000 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.

Bà Nancy Yanez, giám đốc trung tâm nhân quyền của đại học Chile, tại thủ đô Santiago, nhận định các vụ vi phạm nhân quyền ồ ạt cho thấy mức độ nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi đất nước Nam Mỹ này chuyển sang chế độ dân chủ hồi năm 1990, sau khi nhà độc tài Pinochet bị lật đổ.

Việc tổng thống Sebatian Pinera ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Santiago, rồi ở nhiều thành phố lớn khác và trao quyền cho quân đội đối phó với phong trào phản kháng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ vi phạm nhân quyền, nhất là sau khi ông tuyên bố đất nước đang "trong tình trạng chiến tranh chống kẻ thù nội bang".

Một bệnh viện nhà nước ngày nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị cảnh sát bắn đạn chì hoặc đạn cao su vào mắt. Ít nhất 130 người bị thương nặng ở mắt, khoảng 30 người mất hẳn thị lực một bên mắt. Báo cáo trước Thượng viện, chủ tịch một hiệp hội nhãn khoa cho biết đây là con số cao kỷ lục trên thế giới tính trong một thời gian ngắn như vậy. Và điều này là đặc biệt nghiêm trọng và chứng tỏ lực lượng an ninh nhắm bắn vào mặt người biểu tình.

Các quan sát viên của Viện Nhân quyền Quốc gia Chile cũng ghi nhận là trên đường phố, trong nhiều trường hợp, kể cả khi người biểu tình không tấn công cảnh sát, thì lực lượng này cũng không tuân thủ quy định và nhắm bắn đạn cao su hoặc đạn chì vào phần thân trên người biểu tình.

Một trong những người trong ban lãnh đạo của Viện Nhân quyền Quốc gia Chile nhận định mặc dù đa phần thành viên lực lượng an ninh gia nhập hàng ngũ sau khi đất nước đã quay lại chế độ dân chủ, nhưng họ lại có nhiều hành động lạm quyền, biện pháp trấn át như ở thời độc tài quân sự Pinochet.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn đến Chile để điều tra về các cáo cuộc vi phạm nhân quyền. Các nhà điều tra cũng tìm hiểu về các biện pháp mà chính phủ cho áp dụng để đối phó với các cuộc biểu tình và các yêu sách xã hội của người dân.

Ấn Độ mất 9 triệu việc làm trong 6 năm

Trên lĩnh vực kinh tế, nhìn sang Châu Á, trong bài viết "Trong 6 năm, Ấn Độ mất 9 triệu việc làm", báo Le Monde cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đã tăng từ 2,2% vào năm 2012 lên thành 6,1% vào năm 2018. Đây là tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có tại đất nước này kể từ năm 1970. Đáng lo ngại hơn nữa là hơn 50% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi. Mỗi tháng, trung bình có 1 triệu thanh niên đến tuổi gia nhập thị trường lao động.

Theo các nhà nghiên cứu của hai trường đại học Jawaharlal Nehru và Azim Premji, nguyên nhân chính khiến nạn thất nghiệp bùng nổ là việc chính phủ bất ngờ thu hồi lại 86% tiền đang lưu thông để đổi tiền mới hồi tháng 11/2016. Dù mục tiêu là chống tham nhũng, nhưng biện pháp này đã làm tê liệt nền kinh tế của đất nước : lĩnh vực phi chính thức, nông nghiệp và cả công nghiệp đều vận hành thông qua tiền mặt. Ngoài ra, công nghiệp hóa và hạ tầng cơ sở yếu kém, bộ máy quản lý hành chính nặng nề, trung ương tập quyền, khiến Ấn Độ không thu hút được các nhà đầu tư quốc tế.

New Delhi bị "cầm tù" trong bầu không khí ô nhiễm

Vẫn liên quan đến Ấn Độ, nhưng về môi trường, khí hậu, báo La Croix hướng tới thủ đô New Delhi, nơi đang hứng bụi mịn ở mức 810 microgram/m3 không khí, cao gấp 32 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (25 microgram/m3). Không khí tại New Delhi là thuốc độc. Sống tại New Delhi là tự sát.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, không chỉ có New Delhi bị ô nhiễm không khí. Theo một báo cáo của Greenpeace và tổ chức đo lường chất lượng không khí Air Visual, trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có 22 thành phố của Ấn Độ. Ô nhiễm không khí khiến 1,2 triệu người chết sớm tại Ấn Độ hồi năm 2017.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Hồng Kông : Tổ chức phản kháng theo khả năng để tồn tại

Trong bối cảnh tổng thống Emmanuel Macron thăm Trung Quốc, quan hệ Paris-Bắc Kinh, khủng hoảng Hồng Kông và các hồ sơ Châu Á chiếm những trang quan trọng trên báo Pháp hôm nay.

hongkong1

Cảnh xuống đường ở Hồng Kông, tối 05/11/2019. Reuters/Tyrone Siu

Sau gần năm tháng xuống đường kể cả gây bạo động, phong trào dân chủ Hồng Kông vẫn được công luận ủng hộ nhiệt tình. Đối phó với sức mạnh của Bắc Kinh, thế hệ trẻ cực đoan có một phương châm hành động trường kỳ, theo tường thuật của Le Monde.

Giới trẻ Hồng Kông tranh đấu như thế nào ? Le Monde cũng như truyền thông quốc tế đã nhiều lần đề cập đến chiến thuật "thị thủy" của Lý Tiểu Long. Lần này của đặc phái viên Brice Pedriletti tìm hiểu do đâu mà phong trào tranh đấu ngày càng cực đoan, thậm chí bạo động, mà vẫn được đa số công luận ủng hộ ? 70% lên án bạo lực cảnh sát, 40% cho là phe biểu tình quá bạo lực.

Trước hết, khi đi biểu tình, giới trẻ Hồng Kông phân công rõ ràng nhiệm vụ của từng nhóm, điều động nhau qua máy bộ đàm talkie-walkie hay điện thoại di động. Rút tỉa bài học Dù Vàng 2014, những người can đảm trang bị áo giáp lên tuyến đầu xung đột với cảnh sát, chụp lựu đạn cay ném lại. Nhóm hậu cần hướng dẫn di tản đồng đội bị ngạt thở và dựng rào cản đường cảnh sát. Rồi nhóm "ảo thuật gia phun lửa" cản hậu bằng bom xăng để đồng đội thoát hiểm.

Họ nhìn nhận có vi phạm pháp luật nhưng biện giải là không có cách nào khác để đương đầu với một chính quyền nhận lệnh của Bắc Kinh và để cho côn đồ xã hội đen tấn công người biểu tình. Cảnh sát Hồng Kông cũng thô bạo ở mức độ không cần thiết như là đánh đập người bị câu lưu. Một chi tiết nữa là cảnh sát Hồng Kông chống biểu tình không đeo tên và mã số.

Bất chấp hơi cay, bất chấp lệnh cấm biểu tình đeo mặt nạ và cấm biểu tình không xin phép, dân Hồng Kông khai thác mọi cơ hội để biểu dương tinh thần "kháng chiến" : đó là ý nghĩa các biểu ngữ hôm lễ Hallowen 31/10.

Một nhóm nữa, chia nhau ra nước ngoài vận động công luận và các chính quyền quốc tế.

Cùng lúc đó, nhóm nghị viên lập pháp thân dân chủ "không đi biểu tình, không ném bom xăng", nhưng công khai ủng hộ yêu sách 5 điểm của phong trào xuống đường. Nhượng bộ thứ nhất của chính quyền, về luật dẫn độ, đến quá trể. Từ nay, chế độ thấy rõ là cả một thế hệ đã đứng lên, theo nhận định của một nghị viên của đảng Công Dân.

Hai đối tượng bị tấn công hiện nay là cảnh sát và các công ty hay cửa hiệu của người Hoa Lục hay của nhà nước Trung Quốc.

Cũng theo Le Monde, để phong trào không bị chia rẽ, công tác "điều chỉnh" chiến thuật được tổ chức ngay sau mỗi ngày hành động qua diễn đàn LIHKG. Kết quả là những người ôn hòa ở phía sau thông hiểu cho những người trên tuyến đầu, những người trên tuyến đầu thì tránh lập lại những hành động thái quá như sau vụ chiếm đóng phi trường. Nhờ vào phương châm này, phong trào vẫn mạnh và được thông cảm cho dù cực đoan hóa.

Trong số 3.000 người bị bắt, đa số đóng tiền thế chân trong khi chờ ra tòa, thì ít nhất một phần ba là học sinh dưới 18 tuổi. Xu hướng tranh đấu cực đoan của họ thường xuất phát từ gia đình. Le Monde đương cử trường hợp một học sinh tên Alex. Alex than phiền tâm lý mâu thuẫn của cha mẹ. Họ bỏ Hoa Lục sang Hồng Kông để tìm cuộc sống tốt đẹp nhưng lại tiếp tục tin vào đảng cộng sản và ngưng cho con tiền ăn sáng khi biết thằng con xuống đường vì dân chủ.

Macron đến Trung Quốc với thông điệp "muốn có qua phải có lại"

Mục tiêu là khuyến khích Châu Âu đoàn kết trước trước một đối tác chỉ biết dùng luật của kẻ mạnh. Nhận định chung của Le Figaro Le Monde.

Theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Pháp có bốn cuộc đàm đạo riêng với lãnh đạo Trung Quốc trong ba ngày thăm viếng. Cả hai đều không thích "ngoại giao loa phóng thanh" cho nên đối thoại riêng là cơ hội để trình bày các vấn đề bất đồng, nhất là hồ sơ Hồng Kông.

Còn theo Le Monde, thông điệp của tổng thống Pháp rất rõ ràng : lập trường của nước Pháp là lập trường của Châu Âu. Trung Quốc bị xem là "đối thủ toàn diện" là lập trường chung của Bruxelles. Bắc Kinh, chỉ biết có sức mạnh, nay đã hiểu. Cho dù không nên xem trọng quá đáng quyết định bổ nhiệm một quan chức đặc trách quan hệ với Châu Âu kể từ 01/11 trong bộ ngoại giao Trung Quốc, nhưng rõ ràng là Bắc Kinh bắt đầu không còn xem nhẹ Châu Âu.

Les Echos chờ đợi thị trường Trung Quốc mở rộng cửa nhập khẩu thêm nông sản Pháp. Tuy nhiên nhật báo kinh tế cảnh báo : Trung Quốc là một khách hàng chiến lược nhưng nhiều rủi ro.

Giới xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh của Pháp biết rõ hơn ai hết là buôn bán với Trung Quốc không phải là một dòng sông bình yên. Họ phải thường xuyên ngậm đắng nuốt cay vì những thay đổi bất ngờ của phía đối tác.

Doanh nghiệp bán thịt heo tạm thời may mắn hơn vì Trung Quốc, do bị dịch lợn, nên cần nhập khẩu từ Châu Âu.

Bức tường sụp đổ đúng quy trình. Gorbachev làm gì trong đêm lịch sử ?

Sắp đến kỷ niệm 30 năm bức tường Bá Linh sụp đổ. Đây là dịp để Libération trở lại sự kiện lịch sử cho phép kết thúc chiến tranh lạnh với một số giai thoại và bình luận.

Trong đêm 9 rạng sáng ngày 10 năm 1989, chủ tịch Liên Xô kiêm tổng bí thư đảng cộng sản đang làm gì ? Sau này khi được hỏi, Mikhail Gorbachev cho biết lúc đó ông đang ngủ và không hay biết gì về lịch sử đang sang trang, theo tường thuật của nhật báo thiên tả.

Thật ra, cha đẻ chủ thuyết Perestroika và Glasnost, đã dự đoán bức tường ngăn chia Bá Linh sẽ sụp đổ "đúng theo quy trình" nhưng cả Tây phương và Moskva đều để yên cho nó sụp. Có điều, sự kiện ngày 09/11/1989 xảy ra trước dự báo của Mikhail Gorbachev đến 30 năm. Trong một cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh Nga, ông dự kiến "nước Đức sẽ thống nhất vào năm 2009" sau khi chứng kiến tận mắt, vào tháng 6/1989, hàng chục ngàn dân Đông Đức biểu tình với khí thế "Đông-Tây cùng một dân tộc".

Quan tài đông lạnh

Liên quan đến Việt Nam, La Croix dành một bài dài cho vụ 39 nạn nhân chết thảm trong xe tải đông lạnh trên đường vượt biên sang Anh, tìm miền đất hứa.

Nhật báo công giáo nhìn thấy đằng sau tệ nạn đường dây buôn người khai thác sự cùng khổ của người dân Việt là nỗi bất hạnh và sự hy sinh của các gia đình. Hầu hết nạn nhân là người Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo một nhân chứng họ Nguyễn, xin giấu tên, ngoài nỗi đau mất con, còn thêm gánh nợ 50.000 đôla phải trả cho đường dây di dân lậu. "Chuyện này đã được truyền thông thế giới loan tải. Với một chính quyền tham nhũng, không làm gì cho dân, nhưng vì sợ mất mặt, cho nên rất có thể gia đình mỗi nạn nhân sẽ được một ít tiền, thế thôi".

Le Figaro có vẻ thích thú với đoàn xiệc Làng Tôi, một lần nữa trở lại Pháp với những màn trình diễn mới. Tuy ít thơ mộng nhưng rất hài hước cùng với nhịp điệu, ánh sáng toàn hảo.

Xứ Chùa Tháp : Lãnh đạo đối lập kêu gọi tổng nổi dậy

Lưu vong tại Pháp, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy tuyên bố trở lại Cam Bốt vào ngày 09/11. Tin này đã gây cơn sốt tại Phnom Penh trong mấy tuần qua. Chính quyền Hun Sen cho cảnh sát tập huấn chống biểu tình, cấm trại binh sĩ, đưa thêm quân lên biên giới Thái, yêu cầu các nước láng giềng trục xuất những nhà đối lập lưu vong tìm cách hồi hương. Một nguồn tin thân cận với chính phủ nhìn nhận là chế độ lo sợ xảy ra biểu tình bạo động.

Thật ra, theo Le Monde, Sam Rainsy rất khó thực hiện ý định về nước như vào năm 2013, khi đó ông được đón tiếp như một cứu tinh. Hun Sen không để diễn ra kịch bản này. Nhà bình luận thân chế độ Soy Sopheap cho rằng "Sam Rainsy" thấu cáy. Dân Cam Bốt tín nhiệm thủ tướng Hun Sen, mang lại thành quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đặc phái viên Le Monde cũng đồng ý nhưng khi hỏi vì sao "ông Hun Sen bị tố cáo bán nước cho Trung Quốc" thì nhà báo thân chính quyền biện giải là do nhu cầu "địa chính trị": Cam Bốt cần Trung Quốc để đối đầu với Châu Âu và Mỹ.

Tú Anh

Published in Châu Á

Mềm mỏng với Bắc Kinh, Pháp có nguy cơ bị Trung Quốc lấn lướt

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron dĩ nhiên được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 05/11/2019 tiếp tục đưa tin rộng rãi, với Le Figaro Les Echos đưa sự kiện lên trang nhất, kèm theo nhiều bài vở bên trong.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức rượu vang Pháp tại hội chợ Thượng Hải, ngày 05/11/2019.Ludovic Marin / AFP

Nhìn chung, các báo đều nhấn mạnh đến chủ trương mềm mỏng của Pháp trong đối sách với Trung Quốc, với hy vọng giành được những lợi ích thương mại. Tuy nhiên với một Tập Cận Bình đang ngày càng áp đặt ý muốn của Trung Quốc đối với toàn thế giới, phương pháp nhẹ nhàng của tổng thống Macron có nguy cơ không thành công.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro đã nêu bật thái độ e ngại trong hàng tít trang nhất về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp : "Thương mại : Sự đánh cuộc đầy rủi ro của Emmanuel Macron với Trung Quốc". Kèm theo là một bài xã luận khá bi quan, tự hỏi là phải chăng quan hệ Pháp-Trung Quốc chỉ là một bên có lợi.

Theo Le Figaro, trong chuyến công du thứ hai đến Trung Quốc, tổng thống Pháp Macron khéo léo tìm cách kéo Châu Âu vào cuộc, để hợp lực đối phó với người khổng lồ Châu Á.

Mục tiêu đề ra được gói trong ba điểm chính : Trước hết là yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh cấm vận trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Kế đến là thảo luận về việc triển khai công nghệ 5G với các mối đe dọa là Bắc Kinh có thể lợi dụng để thu thập dữ liệu có lợi cho họ. Sau cùng là nêu lên vấn đề nhân quyền với phong trào biểu tình dân chủ đang diễn ra ở Hồng Kông.

Theo Le Figaro, đó là ba chủ đề mà Emmanuel Macron muốn đề cập tay đôi với Tập Cận Bình nhân cuộc hội đàm vào ngày mai ở Bắc Kinh, trên tinh thần hòa hoãn và tin tưởng lẫn nhau.

Nhật báo Pháp cho rằng việc giữ hòa khí rất quan trọng đối với một "quốc gia nhỏ" như Pháp đang muốn đứng lên chống lại ông "kẹ" Trung Quốc.

Cái khéo của tổng thống Pháp, theo Le Figaro, là ông Macron đã không đến Trung Quốc một mình. Để có thêm trọng lượng trong các cuộc thảo luận và nâng cao cấp độ của chuyến thăm, ông Macron đã cùng đến Bắc Kinh với bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức Anja Karliczek và Ủy viên Nông nghiệp Châu Âu Phil Hogan.

Phát biểu tại Thượng Hải vào hôm qua, tổng thống Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho thấy "khuôn mặt thống nhất" của Châu Âu. Le Figaro nhắc lại rằng tháng Ba vừa qua, khi tiếp ông Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Pháp, ông Macron đã mời thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tham gia.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, vấn đề đặt ra là Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng vào Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung, vì Bắc Kinh đang tập trung giải quyết vấn đề cạnh tranh với đối thủ nặng ký là Washington. Các chiến lược gia Trung Quốc đánh giá là Châu Âu quá rụt rè để có thể đóng vai một đối trọng cấp toàn cầu.

Quan hệ Pháp-Trung Quốc : Chỉ có một bên có lợi là Trung Quốc ?

Trong bài xã luận của mình, Le Figaro đã không ngần ngại so sánh hai cách đối phó với Trung Quốc hiện nay, của Mỹ và của Châu Âu.

Theo tờ báo, Donald Trump đã chọn phương pháp mạnh, áp thuế hải quan để đánh bại một đối thủ cạnh tranh không công bằng. Bruxelles cũng có thể làm theo, vì Bắc Kinh cũng gây ra những vấn đề tương tự cho Châu Âu như đóng cửa thị trường, buộc chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ.

Thế nhưng Châu Âu đã không làm như Mỹ. Một phần là vì Trump không muốn liên kết với Châu Âu, thậm chí còn mở ra một mặt trận thứ hai chống Châu Âu. Nhưng một phần là vì Liên Hiệp Châu Âu không đủ dũng khí lao vào một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Do đó, Châu Âu đã chọn phương pháp ôn hòa, và tổng thống Macron đến Bắc Kinh với thông điệp "đối thoại xây dựng", nhắc lại công thức "đôi bên cùng có lợi" mà Trung Quốc luôn dùng để khoác lên chủ nghĩa bành trướng của họ.

Le Figaro ghi nhận một cách đầy châm biếm : "Tổng thống Pháp dự định đo lường thành công của chuyến đi với mức xuất khẩu thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm sang Trung Quốc…".

Thế nhưng tờ báo tự hỏi rằng "liệu có thể bán được gia cầm cho Trung Quốc mà không bán luôn cả linh hồn mình hay không". Đối với Le Figaro, tổng thống Pháp như đã giả vờ tin vào điều đó, nêu bật "mối quan hệ xuyên suốt" của ông với Tập Cận Bình.

Có điều, theo Le Figaro, tổng thống Pháp như đã quên rằng vị "Hoàng đế đỏ" Tập Cận Bình đang trên đà ngày càng độc đoán và thách thức phương Tây một cách toàn diện để áp đặt một mô hình Trung Quốc, khai thác các điểm yếu và tình trạng chia rẽ trong phương Tây để thúc đẩy các chương trình của Trung Quốc, từ "Con đường tơ lụa" cho đến Internet.

Le Figaro kết luận : "Đối với ông Tập, vốn đang tập trung vào cuộc đấu với ông Trump, phương pháp tiếp cận ngọt ngào có thể mang lại kết quả trong ngắn hạn. Nhưng về lâu về dài, cách làm này sẽ đẩy Châu Âu vào một tương quan lực lượng bất lợi".

Macron muốn Châu Âu hợp lực để đối phó với Bắc Kinh

Nhật báo Les Echos cũng dành tựa lớn trang nhất cho chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp, cũng nhắc đến khái niệm "đánh cuộc", nhưng dưới góc độ "Macron đánh cược lá bài Châu Âu tại Trung Quốc".

Theo tờ báo kinh tế Pháp, tại Thượng Hải trong chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước thứ hai của ông, tổng thống Macron đã kêu gọi Châu Âu hình thành một chiến lược thương mại chung, mạnh mẽ, với những yêu cầu khắt khe đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Les Echos ghi nhận là do cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Quốc tìm cách xích lại gần Châu Âu trong một thông điệp chung bảo vệ tính đa phương. Bắc Kinh vừa đề cử đại diện đặc biệt đầu tiên phụ trách Châu Âu. Ông Macron thì thông báo là Liên Âu và Trung Quốc sẽ ký vào ngày mai, tại Bắc Kinh một thỏa thuận về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (IGP), một thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và Châu Âu.

Ngoài ra, Châu Âu hy vọng đi đến một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc vào năm tới, sau 7 năm đàm phán. Nhưng chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu ở Bắc Kinh, Joerg Wuttke, đã cảnh báo không nên chạy theo một thỏa thuận "giá hạ".

Theo Les Echos, trong một bối cảnh quốc tế căng thẳng, vấn đề đối với Pháp là chuyến công du của tổng thống Macron diễn ra trong lúc Paris tỏ thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh, muốn rằng những "Con đường tơ lụa" không chỉ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc, lên tiếng bảo vệ một trục Ấn Độ-Thái Bình Dương, khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sau một sự cố giữa hải quân Trung Quốc và Pháp ở eo biển Đài Loan vào tháng Tư.

Cuộc khủng hoảng Hồng Kông, với việc Châu Âu kêu gọi "xuống thang", được Bộ Ngoại giao Pháp sau đó phụ họa, đã khiến đại sứ quán Trung Quốc ở Paris phản ứng gay gắt đầu tháng 10. Trước khi ông Macron đến Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng : "Hồng Kông và Tân Cương là những vấn đề nội bộ Trung Quốc, không nên là một chủ đề bàn thảo ngoại giao".

Giải pháp quân sự không hiệu quả tại vùng Sahel (Châu Phi)

Trang nhất báo Le Monde được dành cho tình hình căng thẳng ở vùng Sahel Châu Phi, nơi các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo vùng đại sa mạc Sahara hôm 01/11/2019 đã tấn công một căn cứ quân sự ở Mali, hạ sát 49 người lính Mali. Ngoài ra, một quân nhân Pháp thuộc chiến dịch Barkhane đã tử thương một hôm sau, vì trúng mìn phục kích. Đây là người lính Pháp thứ 28 tử trận từ tháng Giêng năm 2013 đến nay.

Dưới hàng tựa lớn "Sahel : Các chiến dịch quân sự bị thất bại", Le Monde cho rằng bất chấp các cố gắng của binh lính Mali và Pháp, cũng như của lực lượng Liên Hiệp Quốc, tình hình khu vực không ngừng xấu đi do những cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến và tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng.

Paris, theo tờ báo, đã phải công nhận rằng việc tái lập an ninh trên một vùng lãnh thổ rộng bằng cả Châu Âu đòi hỏi nhiều năm dài, vào lúc mà tâm lý bài Pháp ngày càng gia tăng ở Bamako, thủ đô Mali. Le Monde trích dẫn tướng Pháp Clément Bollée, cho rằng nước Pháp phải khẩn cấp điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược của mình ở vùng Sahel.

Tình hình chiến sự tại Mali cũng được nhật báo Libération chú ý. Sau khi phân tích về vụ 49 binh sĩ Mali bị lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo vùng Sahara tấn công và hạ sát, tờ báo Pháp không ngần ngại cho là chiến lược can thiệp Sabarkhane của Pháp đã bị suy yếu.

Hồng Kông : Cảnh sát đàn áp cả những người không biểu tình

Về tình hình Hồng Kông, Le Monde đã vạch trần một chiến thuật đàn áp mới của cảnh sát Hông Kông, thẳng tay đánh đập không phân biệt đối tượng là người biểu tình hay không. Mục tiêu là hù dọa dân chúng để họ tránh tham gia xuống đường.

Theo ghi nhận của Le Monde, sau các ngày cuối tuần biểu tình bạo động, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bị gọi đến Bắc Kinh vào hôm nay 05/11. Trong những ngày qua, lực lượng an ninh Hồng Kông có dấu hiệu hành động hung bạo hơn, quyết đoán hơn, để làm nản lòng dân chúng, để họ không tham gia, cho dù thụ động, vào cuộc rối loạn hiện nay.

Từ vài ngày qua, cảnh sát đã tỏ ra triệt để hơn đối với người biểu tình mà từ đầu đã hành động theo phương châm "lưu thủy" : Đóng cửa ga tàu điện, ngăn chặn những nơi tập hợp, kiểm soát từ trên không động thái của các nhóm, gây rắc rối thêm khá nhiều cho việc tháo chạy của người biểu tình. Lực lượng an ninh cũng gia tăng các vụ bắt người, kể cả người đi đường hay chỉ đứng xem biểu tình, để làm nản lòng người dân, ngăn họ tham gia phong trào.

Marseille : Vấn nạn nhà ở bị xuống cấp gây tai nạn chết người

Về thời sự Pháp, cả hai tờ báo LibérationLa Croix đều dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính để đánh dấu một năm thảm kịch hai tòa nhà cũ kỹ ngay trung tâm thành phố Marseille đã đột nhiên sụp đổ, khiến 8 người ở bên trong thiệt mạng, hàng ngàn người ở các khu nhà lân cận phải sơ tán.

Dưới tựa đề "Marseille, kiệt sức nhưng vẫn đứng vững", nhật báo cánh tả Libération đã lấy làm tiếc rằng bất chấp cả một phong trào rầm rộ đòi chính quyền cải thiện vấn đề nhà ở, tình hình vẫn không thấy thay đổi.

Trong bài xã luận, nhà báo Laurent Joffrin cho rằng "Vết thương vẫn chưa khép. Một năm sau thảm họa sập nhà tại phố Aubagne, Marseille vẫn là một thành phố bị thương".

Tờ báo giải thích : Đống đổ nát của các tòa nhà bị sụp đổ, vô số ngôi nhà bỏ trống vì người ở đã phải sơ tán, những khó khăn mà các gia đình bị di dời phải đối mặt, hàng ngày vẫn gợi lại thảm kịch đã qua. Nhà nước đã can thiệp, thành phố rốt cuộc đã động viên lực lượng để cải thiện tình hình, nhưng tiến độ thay đổi rất chậm chạp.

Đối với Libération, sự chậm chạp của việc phục hồi không hoàn toàn do lỗi của chính quyền, nhưng việc bỏ bê để cho những khu ổ chuột tồn tại đã nêu bật nhiều thập kỷ thờ ơ của chính quyền.

Báo La Croix cũng chạy tựa lớn ở trang nhất: "Bên trong Marseille, thành phố bị thương". Theo tờ báo, một năm sau vụ các tòa nhà tồi tàn ở phố Aubagne bị sụp, Marseille vẫn bị chấn thương nặng nề.

Riêng Le Figaro thì khái quát hóa vấn đề tại Marseille, cho rằng việc cải thiện các khu nhà ở tồi tàn tại Pháp là một bài toán hóc búa cho cả nước.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Macron đi Bắc Kinh, dân Duy Ngô Nhĩ bị truy bức ở Pháp

Chuyến công du Trung Quốc "nhạy cảm" của tổng thống Pháp là chủ đề chính của hầu hết các báo số đầu tuần này.

congdu1

Cộng đồng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ biểu tình tại Paris phản đối chế độ Bắc Kinh, 24/03/2019. Trong ảnh, một người mang hình nộm lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh KENZO TRIBOUILLARD / AFP

Trong khi Le Figaro nhấn mạnh việc tổng thống Macron tìm kiếm cơ hội "hợp tác" tại Trung Quốc, La Croix cảnh báo Trung Quốc vừa là "cơ hội", cũng vừa là "đe dọa". Bắc Kinh không phải là mối đe dọa xa xôi : Libération nêu bật trên trang nhất tình trạng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) tị nạn bị chính quyền Trung Quốc truy bức ngay trên đất Pháp.

Le Monde đặt câu hỏi : "Vì sao chuyến công du Trung Quốc của Macron lại nhạy cảm". Trong chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai, tổng thống Pháp muốn Bắc Kinh thực thi một quan hệ có đi, có lại với đối tác, "tương tự như điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc đòi hỏi". Đây là thông điệp chính của bài nhận định của Le Monde.

"Quan hệ có đi có lại"

Quan hệ song phương Pháp – Trung dường như đang đi theo chiều hướng này. Tại Paris và Bắc Kinh, giới ngoại giao hai bên nhấn mạnh đến quan hệ "đối tác toàn diện", "đối thoại chiến lược"… Trong chuyến công du này, tổng thống Pháp nhận lời mời làm khách danh dự của Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải, một biểu tượng của chính sách mở cửa thương mại của Trung Quốc. Tổng thống Pháp là nguyên thủ duy nhất tham dự Hội chợ (ngoài ra, chỉ có ba nước khác cử thủ tướng).

Về phần mình, Bắc Kinh cũng rất cần đến đối tác mới, đặc biệt với Liên Âu, trong bối cảnh đối đầu với Mỹ. Hôm 01/11, Trung Quốc lần đầu tiên bổ nhiệm một quan chức cao cấp phụ trách quan hệ với Liên Âu. Ông Tập Cận Bình và phu nhân sẽ có buổi ăn tối riêng, với cặp vợ chồng nguyên thủ Pháp, để đáp lễ. Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, dự kiến sẽ không có hợp đồng lớn nào được ký kết. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải phóng xạ, trị giá 11 tỉ đô la, vẫn chỉ đang trong giai đoạn đàm phán.

Căng thẳng lộ rõ. Trong lúc Paris nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa của chuyến công du (với việc tổng thống Pháp khai trương một chi nhánh của bảo tàng nghệ thuật đương đại Pompidou tại Thượng Hải – chi nhánh đầu tiên ngoài Châu Âu, và nhiều hoạt động tăng cường trao đổi văn hóa song phương), thì trước chuyến đi của ông Macron, một quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo : việc Pháp gia tăng hiện diện tại Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương không được gây ra bất ổn cho khu vực. Vấn đề khủng hoảng Hồng Kông và Tân Cương ắt hẳn sẽ không được đề cập tới, do được coi là "công việc nội bộ" của Trung Quốc.

Chuyến đi gặt hái

Le Figaro có cái nhìn lạc quan hơn về chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của tổng thống Macron. Theo nhật báo Pháp, chuyến đi lần này cho phép ông Macron thu hoạch các kết quả đầu tiên, trước hết là về mặt thương mại, vốn đã được đặt nền móng từ trước. Phủ tổng thống Pháp thừa nhận thương mại, cụ thể là lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, là ưu tiên. Nhân dịp này, khoảng 40 hợp đồng sẽ được ký kết. Ngoài công nghiệp thực phẩm, là công nghệ vũ trụ, năng lượng, du lịch và y tế là những thế mạnh của Pháp.

Gia tăng hợp thương mại dường như là chuyện không thể đi song hành với các đòi hỏi về nhân quyền. Tuy nhiên, Libération đưa ra một góc nhìn khác. Bài xã luận "Những người bị truy bức" nhấn mạnh : tổng thống Macron hoàn toàn có lý do để nêu vấn đề nhân quyền với Trung Quốc, mà không ngại bị Bắc Kinh cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ.

"Mạng lưới tai mắt khổng lồ"

Trong số báo ra ngày hôm nay, Libération giới thiệu cuộc điều tra về tình trạng chính quyền Trung Quốc đe dọa những người Duy Ngô Nhĩ đang tị nạn tại Pháp. Nhiều người trong số họ, đang ẩn náu bí mật, nhận được các bưu kiện từ nước ngoài với thông điệp đe dọa, hay bị liên lạc qua điện thoại, ngay khi họ vừa có số mới. Nhiều người nhận được yêu cầu phải đến trình diện tại sứ quán Trung Quốc…

Libération nhấn mạnh, ngoài vấn đề xâm phạm nhân quyền, các hành động truy bức này đặt ra một thách thức nghiêm trọng về an ninh với Pháp, với Châu Âu. Bởi "nếu như Trung Quốc có thể có được dễ dàng số điện thoại hay địa chỉ của một người tị nạn, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã triển khai một cách bất hợp pháp một mạng lưới tai mắt khổng lồ trên toàn lãnh thổ Châu Âu, và nhiều nơi khác".

Châu Âu đoàn kết trước đế chế Trung Hoa

Cũng về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix, mang tựa đề "Trung Hoa" (hay Đế chế ở trung tâm thế giới) nhấn mạnh đến "thái độ lập lờ ngày càng khó chấp nhận được" của chính quyền Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định đang trong giai đoạn nỗ lực tham gia vào nhóm "các cường quốc phát triển nhất", nhưng mặt khác lại không chấp nhận điều chỉnh luật pháp trong nước để bảo hộ đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, giống như các đối tác.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh khẳng định không có tham vọng đế quốc, nhưng trên thực tế, Đảng cộng sản Trung Quốc thao túng toàn bộ xã hội Trung Quốc, và tăng tốc xây dựng các tập đoàn khổng lồ có tham vọng đứng đầu thế giới, và bành trướng sức mạnh quân sự.

Tìm được quan hệ cân bằng với Trung Quốc là rất khó khăn. La Croix chốt lại : đối mặt với siêu cường này, Châu Âu phải đoàn kết. Đây là đường hướng mà các lãnh đạo Châu Âu đang nỗ lực xây dựng trong những tháng gần đây. Việc bộ trưởng Nghiên cứu khoa học của Đức và ủy viên phụ trách Thương mại của Liên Âu có mặt trong phái đoàn của tổng thống Macron là một tín hiệu rõ ràng.

Tập Cận Bình củng cố quyền lực nội bộ

Tổng thống Pháp đến Trung Quốc đúng vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc vừa khép lại một hội nghị trung ương đặc biệt. Lần đầu tiên, sau 20 tháng, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhóm họp, từ ngày 28 đến 31/10. Khoảng cách thời gian giữa hai hội nghị dài chưa từng thấy kể từ thời kỳ rối loạn tại Trung Quốc đầu những năm 1970 đến nay.

Uy quyền của Tập Cận Bình dường như gia tăng sau hội nghị này, theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, được báo Le Monde dẫn lời. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số đồn đoán về vị thế của tổng bí thư họ Tập bị lung lay. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị dài một giờ 40 phút, chủ tịch Trung Quốc đòi hỏi toàn Đảng nỗ lực "không ngừng".

Theo Le Monde, điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài diễn văn nói trên là sự tương phản, giữa một bên là thái độ "tự thỏa mãn" của ban lãnh đạo Trung Quốc về năng lực điều hành của chính quyền và bên kia là "những lo ngại về các thách thức to lớn đang chờ đợi".

Bài diễn văn của ông Tập cho thấy chính quyền Bắc Kinh muốn tiếp tục duy trì vị trí thống lãnh của khu vực kinh tế nhà nước. Ông Tập Cận Bình không hề nhắc đến cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ, kéo dài hơn một năm nay.

Hồng Kông : Chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị trung ương

Về năng lực điều hành "ưu việt" của chính quyền, mà ban lãnh đạo Bắc Kinh tỏ ra thỏa mãn, nhật báo Pháp chỉ ra giới hạn nghiêm trọng, qua cuộc khủng hoảng Hồng Kông hiện nay. Cuối tuần trước, trả lời báo giới, ông Trần Xuân Diệu (Shen Chunyao), quan chức phụ trách vấn đề Hồng Kông của Đảng, thừa nhận khủng hoảng Hồng Kông là một chủ đề trung tâm trong các thảo luận nội bộ trong Hội nghị trung ương vừa qua. Hiện tại, Bắc Kinh chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào nhằm cải thiện khả năng điều hành của chính quyền trung ương đối với đặc khu Hồng Kông (thông qua việc cách chức hay bổ nhiệm các lãnh đạo đặc khu), như điều mà quan chức nói trên quảng bá.

2020 - Năm thay đổi diện mạo nước Mỹ

Chính trường Mỹ, một năm trước bầu cử tổng thống, là một chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Les Echos có chùm bài mang tựa đề : "2020 là năm có thể làm thay đổi diện mạo nước Mỹ". Nhật báo Pháp tóm lược tình hình : Không khí bất định đang ngự trị, giữa một bên là tổng thống Donald Trump đang bị thủ tục phế truất đe dọa, và bên kia là nội bộ phe Dân chủ, không thống nhất được về đường lối.

Đáng chú ý có bài phân tích về hệ thống cân bằng quyền lực của nước Mỹ (thông qua việc bầu lại nghị viện hai năm một lần) thường hậu thuẫn cho việc lưỡng đảng chia sẻ quyền lực, trong bối cảnh số lượng cử tri ủng hộ các ứng cử viên có quan điểm cực đoan gia tăng.

Hồi hai nhiệm kỳ Macron : Dân chúng lo ngại

Les Echos số ra hôm nay cũng tập trung chỉ ra những thách thức với tổng thống Macron trong phần hai nhiệm kỳ tổng thống, đúng hai năm rưỡi cầm quyền của ông Macron. Theo nhật báo kinh tế Pháp, bất chấp việc các chỉ số kinh tế đang theo chiều hướng tốt (như thất nghiệp sụt giảm), đông đảo cử tri Pháp lo ngại về các cải cách sắp tới. Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Bruno Jeanbart, giám đốc nghiên cứu của OpinionWay, giải thích : nghi ngờ của dân chúng tập trung vào khả năng của tổng thống dẫn dắt các cải cách - đề xuất trong thời gian tranh cử, do uy tín của tổng thống bị suy yếu trong thời gian khủng hoảng Áo Vàng.

Theo Les Echos, trong hai năm rưỡi tới, chưa thể dự báo được gì về các ứng cử viên có mặt trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống tới. Một trong các kịch bản có thể là đương kim tổng thống Macron sẽ phải một lần nữa phải đối đầu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, cho dù đông đảo cử tri đã hoàn toàn mất thiện cảm với nhân vật này, sau lần năng lực yếu kém của bà Le Pen thể hiện rõ trong cuộc tranh luận trực tiếp với ông Macron.

Tín đồ Công giáo muốn khôi phục Giáo hội

Khủng hoảng của Giáo hội Công giáo, đặc biệt với các vụ bê bối ấu dâm, khiến Giáo hội muốn lắng nghe các tín đồ nhiều hơn là chủ đề trang nhất của La Croix. Nhật báo công giáo dành 11 trang đầu để tổng hợp ý kiến của các tín đồ Công giáo, trong cuộc điều tra mang tên : "Réparons l‘Eglise" (Hãy cùng nhau khôi phục Giáo hội), với hơn 5.000 ý kiến trả lời. Nhiều người đề xuất chấm dứt chế độ tu sĩ độc thân, đào tạo tốt hơn các nhà tu hành, và dành nhiều vị trí hơn cho phụ nữ. Ít giáo điều hơn, gần gũi với người nghèo hơn là các đòi hỏi khác.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nga và Châu Phi : Ước mơ và ảo vọng

Trang bìa và hồ sơ chính các tạp chí Pháp của tuần lễ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019 này đều dành cho các chủ đề liên quan đến nước Pháp, đẩy lùi các đề tài quốc tế cũng rất lý thú vào những trang trong. Một trong những phân tích đáng chú ý là bài nhận định trên L’Express về tham vọng mới của tổng thống Nga Vladimir Putin tại Châu Phi, muốn Moskva khôi phục hào quang của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên đối với tạp chí Pháp, thời thế đã thay đổi, và tham vọng của Nga chỉ là ảo vọng mà thôi.

nga1

Tổng thống Nga Putin và tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, nhân hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi, ngày 23/10/2019 tại Sochi. Reuters

Trong bài "Ước mơ và ảo vọng của Nga tại Châu Phi", nhà bình luận Christian Makarian của L’Express đã ghi nhận thái độ nôn nóng của Vladimir Putin, vừa mới ký kết xong thỏa thuận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về Syria, đã vội tiếp đón ngay khoảng 40 nguyên thủ quốc gia Châu Phi ở Sochi.

Nga muốn chi phối trở lại Châu Phi

Theo L’Express, mong muốn của giới lãnh đạo Nga là tái lập quyền chi phối Châu Phi về mặt ý thức hệ như vào thời Liên Xô trước đây ngay khi lục địa này bắt đầu tiến trình phi thực dân hóa.

Nhưng từ khi Liên Xô phân rã, vai trò toàn cầu của Nga bắt đầu suy giảm, điều mà ông Putin đã biết ngăn chặn bằng cách đích thân công du các nước Châu Phi.

Một bước tiến quan trọng đã được thực hiện ở Ai Cập, nơi mà ngành ngoại giao Nga đã khéo léo tận dụng những sai lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, đã dấn thân quá sâu vào việc bảo vệ cựu tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi xuất thân từ hàng ngũ của Huynh đệ Hồi giáo.

Ngay khi quân đội Ai Cập dưới quyền thống chế Al-Sissi trở lại nắm quyền tại Cairo vào tháng 7 năm 2013, Putin đã lao ngay vào kẽ hở và ký kết nhiều hợp đồng với Ai Cập. Trước đó, tổng thống Nga đã làm điều tương tự với Algeria, với hy vọng khôi phục được quan hệ hữu nghị xưa cũ.

Tranh thủ cơ hội phương Tây có vẻ như muốn buông lơi Châu Phi (Mỹ từ chối dấn thân sâu hơn vào lục địa Châu Phi, trong lúc tổng thống Pháp tái khẳng định quyết tâm từ bỏ cách hành xử đáng chê trách của kiểu quan hệ truyền thống mẫu quốc-thuộc địa "Françafrique"), chủ nhân điện Kremlin tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí Pháp, nước Nga của Putin hoàn toàn không phải là Liên Xô ; không còn ảnh hưởng ý thức hệ, không có chỗ dựa chính trị địa phương và thậm chí không đủ sức đầu tư cho các dự án lớn.

Việc bám rễ trở lại vào vùng Trung Đông nhờ cuộc xung đột rất đẫm máu tại Syria không có khả năng dẫn đến một động lực mới.

Moskva hiện không thu hoạch được bất kỳ lợi ích thực sự nào từ các xung đột nội bộ khác nhau đang khuấy động lục địa đen – như ở Sudan, ở Cộng hòa Trung Phi, cũng như ở Nigeria, ở Nam Phi (quốc gia mà Putin rất thích), thậm chí ở Algeria cũng không.

Putin được một số nhà lãnh đạo Châu Phi đánh giá tốt, nhưng ông còn lâu mới là bạn của Châu Phi.

Chuyến xe hãi hùng đến xứ Anh

Một bài đáng chú ý khác được đăng trên tờ Courrier International liên quan đến vụ phát hiện 39 thi thể trong một chiếc xe tải đông lạnh vùng Essex. Trích dịch tạp chí kinh tế Anh The Economist ngày 24/10/2019, Courrier International cho rằng vụ việc đó làm nổi bật những hậu quả của chính sách nhập cư của Luân Đôn.

Trong bài mang tựa đề "Anh Quốc : Thị thực đến xứ kinh hoàng", tuần báo Anh đã ghi nhận tính chất đáng sợ của vụ việc về số lượng người nhập cư thiệt mạng khi tìm cách vào Anh, mà những thông tin sau cùng xác định đó là người Việt. Tờ báo nhắc lại vụ Essex là thảm kich ghê gớm thứ hai sau vụ 58 người nhập cư Trung Quốc bị chết năm 2000 trong một chiếc xe tải được tìm thấy ở Dover. Riêng năm 2014, người ta đã cứu được 35 người Sikh Afghanistan trong một container ở Tilbury, và hầu hết đã sống sót.

Theo The Economist, khó mà biết chính xác số người nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc mỗi năm là bao nhiêu, nhưng giới chuyên gia đều cho rằng một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh là thành phần đã đến Anh với thị thực du lịch hợp pháp rồi sau đó trốn ở lại. Nhiều người khác thì dùng giấy tờ giả.

Riêng những người vượt biển bằng tàu thuyền hoặc trốn bên trong các chiếc xe tải thường là những người đã không xin được thị thực.

Theo bà Madeleine Sumption, thuộc Đại học Oxford : "Do chính sách cố ý gây khó khăn của chính phủ, thật khó mà đặt chân được lên Vương quốc Anh để xin tị nạn. Do đó, những người đến từ các nước có số người xin tị nạn đông đảo sẽ gặp khó khăn trong việc xin thị thực du lịch để vào Anh".

Những sự cố bi thảm liên quan đến người nhập cư lậu không chỉ diễn ra riêng tại Anh, mà ở nhiều nước khác. Năm 2008, tại Thái Lan, hệ thống điều hòa không khí trong một chiếc xe tải chở hải sản đã bị hỏng làm cho 54 người nhập cư Miến Điện trong số 121 người trong xe thiệt mạng. Vài năm sau, có 43 trong số 113 người nhập cư trốn vào Nam Phi trong một chiếc xe tải đã chết ngạt. Gần đây hơn, năm 2015, cảnh sát Áo đã phát hiện một chiếc xe kéo đông lạnh bỏ lại bên đường với 71 người tị nạn chết bên trong. Tất cả đều đến từ Iraq, Iran, Syria và Afghanistan.

Những thảm kịch chết người kể trên đều xảy ra trong những chiếc xe chở hàng đông lạnh. Theo ông David Wood, cựu trưởng phòng nhập cư tại bộ Nội vụ Anh, sở dĩ giới buôn người chuộng loại xe này, đó là vì việc phát hiện người trong những chiếc xe khó khăn hơn so với những loại xe bình thường có thành mỏng hơn.

Giới lãnh đạo chính trị hứa hẹn sẽ triệt hạ các băng đảng buôn người. Các nhóm nhân quyền thì kêu gọi thay đổi các quy định nhập cư. Nhưng không ai đề cập nghiêm túc đến khả năng sửa đổi thiết kế của loại xe tải được giới buôn người ưa chuộng.

The Economist nhắc lại : Vào giữa thế kỷ 20, các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu các nhà sản xuất tủ lạnh là phải sử dụng phương thức đóng cửa bằng từ tính thay vì dùng khóa chốt sau nhiều vụ trẻ em bị ngạt thở sau khi tự nhốt mình trong những chiếc tủ lạnh bị bỏ phế.

Tuần báo Anh kết luận một cách châm biếm : Việc ra lệnh sửa cửa để cho việc thoát ra khỏi những chiếc xe tải đó được dễ dàng hơn, sẽ đơn giản về mặt chính trị hơn là giảm nhẹ các quy tắc nhập cảnh vào một quốc gia cụ thể. Và điều đó còn giúp cứu sống mạng người nữa.

Điều tra về lối sống của các "đầy tớ nhân dân"

Chính trường Pháp là hồ sơ lớn của tạp chí L’Obs tuần này. Dưới tựa lớn trang bìa "Điều tra về lối sống của nền cộng hòa", tạp chí dành cả 12 trang để xem xét các khoản chi tiêu của các tầng lớp phục vụ nhân dân, từ phủ tổng thống, các bộ, cho đến Quốc hội.

Tạp chí đã gởi câu hỏi đến 577 dân biểu Pháp để biết chi phí giao tế và chiêu đãi của mỗi người. Kết quả chỉ có vỏn vẹn 47 người đồng ý trả lời, trong đó có 39 người chịu nêu chi tiết. Nhìn chung, chênh lệch giữa các khoản chi tiêu khá lớn, có người có thể xài đến 18.053 euro/năm, nhưng có người chỉ dùng 1.428 euro mà thôi. L’Obs ghi nhận là người ta có thể chi gấp đôi cho tiền hoa kỷ niệm hơn là cho một bữa ăn trưa làm việc !

L’Obs cũng nêu lên một chi tiết khá lý thú như tính toán của một dân biểu đối lập thích cả ngày mặc áo T-shirt, nhưng lại cho rằng việc Quốc hội phải chi trả tiền "đồng phục dân biểu", tức là toàn bộ quần áo của ông là điều chính đáng.

Tạp chí còn chú ý đến đội xe hơi của phủ tổng thống trong chiều hưởng ngày càng tăng. Thời tổng thống Giscard d’Estaing, đội này gồm 35 chiếc, đến thời Mitterrand lên tới 49 chiếc, qua thời Chirac là 61, rồi lên đến 96 chiếc thời ông Sarkozy.

Với đương kim tổng thống Macron, đội xe của tổng thống sụt xuống 82 chiếc và điện Élysée giải thích là đã cố gắng tiệt kiệm, mua xe đẳng cấp thấp hơn, tức là mua Peugeot 308 thay vì 508.

Dân Pháp mất lòng tin nơi Tư Pháp ?

L’Express cũng chú ý đến tình hình Pháp, nhưng trong quan hệ của người dân với ngành Tư Pháp. Tựa lớn trang bìa cố tìm hiểu "Tại sao người Pháp không còn tin tưởng nữa", một câu hỏi đã được giải đáp trong một hồ sơ chiếm cả 11 trang trong.

Theo điều tra vào hạ tuần tháng 9 vừa qua của viện thăm dò Ifop theo đơn đặt hang của L’Express, chỉ còn 53% người được hỏi cho biết là còn tin tưởng vào định chế Tư pháp, trong lúc có đến 62% nghĩ là Tư pháp hoạt động không tốt, 56% cho là nếu phải ra trước Tư pháp thì họ rất e ngại.

Qua những câu trả lời, tạp chí ghi nhận là cái nhìn về ngành Tư pháp đã xấu đi, người Pháp không còn hâm mộ giới thẩm phán như xưa.

Vẫn còn đến 63% nghĩ là giới thẩm phán thanh liêm, chính trực, nhưng con số này lên đến 83% năm 2008). Cũng như vậy, chỉ còn 71% nghĩ là thẩm phán tôn trọng luật lệ (giảm 14 điểm), 70% cho là họ có khả năng, thạo việc (mất 17 điểm). Những vụ tai tiếng tài chính-chính trị trong thập niên qua đã khiến hơn một nửa người được hỏi không tin là thẩm phán có thể giữ tư thế độc lập trước giới cầm quyền.

Về phía các thẩm phán, L’Express nhận thấy là dù họ rất dầy dạn, thái độ nghi ngờ của người dân cũng đã có tác động trên con số 8.400 thẩm phán Pháp. Bà Gwenola Joly-Croz, chủ tịch tòa án Pontoise (ngoại ô Paris) công nhận bà khó có thể hiểu được thái độ mâu thuẫn của người dân : "Họ nói là không tin tưởng chúng tôi, nhưng mà họ lại quay sang chúng tôi vì những vụ việc rất nhỏ. Ví dụ như một vụ cãi cọ giữa láng giềng, thay vì nói chuyện với nhau để giải quyết, thì thường khi họ lại đưa nhau ra trước tòa án và yêu cầu chúng tôi giải quyết".

Điệp viên Pháp sống như thế nào ?

Le Point ngay trang bìa đưa độc giả vào bên trong cơ quan phản gián Pháp DGSE với dòng tựa đầy sức thu hút "Cuộc sống thật của gián điệp Pháp", và giới thiệu quyển sách của Jean Guisnel, một phóng viên của Le Point, tựa đề "Chuyện bí mật của DGSE".

Trong một hồ sơ dài 10 trang, Le Point giúp độc giả khám phá những thói quen (tật xấu) của giới hoạt động trong bóng tối, nhưng đã bắt đầu xuất hiện trên truyền hình Pháp, qua bộ phim nhiều tập, như của đạo diễn Eric Rochant và được chiếu trên Canal+.

Đạo diễn đã làm việc với một người trong cơ quan phản gián DGSE. Người này đã hiểu là nếu cơ quan tình báo Mỹ CIA hầu như chỉ làm công việc giao tế qua phim ảnh, công nghiệp giải trí, thì đó không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chủ trương từ rất lâu.

Tập biên khảo kể lại với hàng ngàn chi tiết cụ thể về sự biến đổi của cơ quan DGSE trong một thập kỷ để đối phó với sự gia tăng của nạn khủng bố hoặc sự phổ biến của các loại công nghệ ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết.

Quyển sách cũng đồng thời nói về những vũ khí mới để chống lại sự hung hăng của các cơ quan tình báo Nga hoặc Trung Quốc, mà mục tiêu ưu tiên hiện nay là tập trung gây bất ổn nơi các nền dân chủ song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia tương ứng của họ.

Đây là một tình huống mới thúc đẩy cơ quan DGSE phải bảo vệ chính mình chống lại cả những đồng minh "tốt nhất" của mình, bao gồm cả Hoa Kỳ thông qua cơ quan NSA nổi tiếng, quốc gia không còn ngần ngại theo dõi nhân sự chính trị Pháp ở cấp cao nhất.

Dân chủ lâm nguy vì tin vịt ?

Hồ sơ chính của Courrier International tuần này được gói trong tựa chính trang bìa : "Những lời nói dối chi phối chúng ta", bên trên một hàng tiểu tựa giải thích : "Giới chính khách, mạng xã hội, phương tiện truyền thông… Cách thức tin vịt phá hoại các nền dân chủ".

Đối với Courrier International, ngày nay nhan nhản tin thất thiệt, nhưng vấn đề là không ai còn quan tâm nữa. Tạp chí đã nêu lên một loạt ví dụ như các lời khẳng định của cựu thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu theo đó nạn diệt chủng Do Thái Holocaust là một sáng tạo của giáo sĩ Hồi giáo Jerusalem còn tướng Benny Gantz là mối đe dọa cho nền an ninh Israel, hay là tuyên bố theo đó một đám đông khổng lồ đã tham dự lễ nhậm chức của Donald Trump tại Washington, hoặc là lời đoan chắc của nhà tổng thống tỷ phú nước Mỹ là ông Barack Obama không phải là được sinh ra ở Hoa Kỳ.

Courrier International đã trích lời nhà xã hội học Eva Illouz, tác giả của bài báo rất dài trong hồ sơ, viết rằng : "Thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng sự thoái hóa chưa từng thấy của một trong những di sản chính của thời đại Ánh Sáng : Sự thật trong tư cách là một trụ cột đạo đức và chính trị".

Một câu hỏi đáng giá được đặt ra trong bối cảnh này : Làm thế nào để chống lại thông tin sai lệch ? Đây là điều cần phải trả lời. Một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, đã ra luật chống lại việc thao túng thông tin hoặc kích động hận thù trên mạng. Với kết quả ra sao ? Đó là điều còn khó biết…

Trận chiến còn lâu mới kết thúc.

Mai Vân

Published in Quốc tế