Bầu cử Đài Loan : Thất bại thấy trước của quyền lực mềm Trung Quốc
Trong bài "Đài Loan bỏ phiếu chống lại Tập Cận Bình", tác giả Pierre Haski trên L’Obs nhận xét, lần thứ hai chỉ trong vài tuần lễ, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ bị thua trong cuộc bầu cử dân chủ. Tất nhiên là không phải tại Hoa lục, nơi không thể có bầu cử một cách dân chủ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử ngày 21/12/2019 tại Đài Bắc. Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Nền dân chủ Đài Loan không hề muốn tự sát với "nhất quốc, lưỡng chế"
Tháng trước, những người trẻ đấu tranh cho dân chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, giáng một đòn nặng nề cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn ngỡ rằng "đa số thầm lặng" sẽ xuất hiện sau sáu tháng xung đột ngày càng bạo lực. Ngày 11/01/2020, chính tại Đài Loan mà Bắc Kinh một lần nữa có thể sẽ gánh thêm một thất bại mới.
Đài Loan, hòn đảo chỉ có 23 triệu dân đối đầu với người khổng lồ 1,4 tỉ dân, nền kinh tế thứ nhì thế giới. Vào thời chiến tranh lạnh, cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều độc tài, một bên là Cộng sản, một bên thân Mỹ. Nhưng từ thập niên 90, Đài Loan đã thành công đáng kể trong việc chuyển đổi thành chế độ dân chủ, và nay trở thành một trong những xã hội tự do nhất Châu Á.
Đài Loan, đứng nhất hay nhì châu lục, tùy theo năm, trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF) ; nước Châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều xu hướng dân chủ… Trong khi đó, Trung Quốc đi con đường ngược lại, với chế độ độc tài đảng trị khắc nghiệt.
Nếu hồi năm 1949, Đài Bắc muốn "tái chinh phục" lục địa đã rơi vào tay quân cộng sản, thì ngày nay Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới sẽ là một thử nghiệm về tình cảm người dân đối với Trung Quốc, và mọi thứ đều do Tập Cận Bình mà ra.
Năm 2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, khiến cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trở nên mong manh. Nhưng đến tháng Giêng 2019, Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy hung hăng, chỉ cho người dân Đài Loan chọn một trong hai con đường. Hoặc thống nhất hòa bình theo quy chế "một đất nước, hai chế độ" theo kiểu Hồng Kông, hoặc bằng vũ lực ! Sau bài diễn văn này, tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng trở lại.
Nhưng chính từ khi khởi đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông tháng 06/2019 mà nữ tổng thống mãn nhiệm trở thành khó thể đánh bại, trước đối thủ Quốc Dân đảng thân Bắc Kinh. Tại Đài Bắc, tất cả những người mà tác giả bài viết gặp gỡ đều cho biết đã quyết định bầu cho bà Thái Anh Văn khi liên tưởng đến Hồng Kông, cho dù họ có bất đồng về những chủ đề khác hay về kết quả nhiệm kỳ đầu.
Nền dân chủ Đài Loan vẫn sống động và không hề có ý định tự sát, cũng như thử nghiệm một quy chế mà người Hồng Kông đã tố cáo sự phá sản. Ông Tập Cận Bình với sự không khoan nhượng của mình rốt cuộc có thể giúp kẻ thù tái đắc cử, cho dù ông vẫn có đủ phương tiện để gây áp lực lên đảo quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ củng cố thêm sự gắn bó của người dân với nền dân chủ của mình, và các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% dân Đài Loan muốn thống nhất với "mẫu quốc". Đó là dấu hiệu thất bại của quyền lực mềm Trung Quốc, và là thông điệp của những lá phiếu ngày 11/1 tới tại Đài Loan.
"Nhờ" Trung Quốc hung hăng, bà Thái Anh Văn có thể tái đắc cử
The Economist có cùng nhận định "Tổng thống vốn nghi ngại Trung Quốc, bà Thái Anh Văn có thể thắng cử lần nữa".
Tờ báo điểm lại : từ năm 2000 đến nay, đảng Dân Tiến đã thắng ba lần trong cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Dân đảng hai lần. Còn Quốc hội thường do các phe thân Trung Quốc kiểm soát, cho đến năm 2016, lần đầu tiên Dân Tiến giành được cả ngôi vị tổng thống lẫn phe đa số trong Quốc hội.
Việc bà Thái ủng hộ người biểu tình Hồng Kông có thể làm tăng cơ may thắng cử, bên cạnh đó sự kiện Mỹ nói không với công nghệ Trung Quốc cũng mang lại thế mạnh cho bà. Các tập đoàn công nghệ Đài Loan không muốn gánh lấy rủi ro bị mất thị trường phương Tây nếu đứng về phía Bắc Kinh. Một số còn dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước Đông Nam Á hoặc về Đài Loan. Ít gắn bó với Trung Quốc, họ sẽ quan tâm đến Dân Tiến hơn.
Đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng ; nhưng cơ hội của ông này bị giảm sút từ tháng 11/2019 khi một chính khách thân Trung Quốc khác là Tống Sở Du (James Soong), chủ tịch đảng Thân Dân ra tranh cử, có thể chia bớt phiếu của ông.
Tổng thống Thái Anh Văn thường đả kích Trung Quốc. Trong một cuộc tranh luận truyền hình, bà đọc lá thư của một thanh niên Hồng Kông : "Tôi mong người Đài Loan đừng tin Trung Quốc cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ". Bà cũng tự hào kinh tế Đài Loan dưới thời đảng Dân Tiến đã tăng trưởng, sau khi bị suy thoái lúc Quốc Dân đảng cầm quyền trước đó.
Một số cử tri có thể không cảm thấy thuyết phục, vì tiền lương vẫn đứng nguyên một chỗ từ hai thập niên qua. Những người nghèo, người già có xu hướng ủng hộ ông Hàn Quốc Du. Ông này nhắc lại thời kỳ kinh tế bùng nổ những năm 70 và 80 với chính quyền Quốc Dân đảng, nhưng tránh nói thời đó Đài Loan dưới chế độ độc tài, độc đảng.
The Economist cảnh báo về bầu cử Quốc hội : nếu đảng Dân Tiến mất quyền kiểm soát (hiện nay đảng này chiếm 68/113 ghế), Quốc Dân đảng có thể chận các dự luật mà Bắc Kinh không ưa, như luật hôm 31/12 chống sự can thiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tố cáo luật này nhưng cố kềm chế để tránh làm lợi cho bà Thái.
Sau khi Thái Anh Văn đắc cử năm 2016, Trung Quốc thường xuyên diễu võ dương oai, chẳng hạn cho oanh tạc cơ bay vòng quanh hòn đảo, dụ dỗ bảy đồng minh của Đài Bắc cắt đứt quan hệ. Nhưng từ giữa năm 2019 không thấy chiến đấu cơ bay sang nữa. Là người thực dụng, nếu tái đắc cử, bà Thái vẫn cố tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, như vụ bán 66 phi cơ F-16 mới đây, tuần báo Anh cho rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ mất kiên nhẫn.
Mỹ-Trung : Cuộc chia ly quan trọng nhất thế giới đang diễn ra
Cũng về Trung Quốc nhưng trong quan hệ với Hoa Kỳ, The Economist khuyến cáo "Đừng bị lừa trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung" giai đoạn 1. Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được sự rạn nứt trầm trọng nhất trong quan hệ đôi bên, kể từ khi hai ông Richard Nixon và Mao Trạch Đông bắt tay nhau cách đây nửa thế kỷ.
Mối đe dọa của một Trung Quốc độc tài, công nghệ cao đối với phương Tây là quá rõ, các công ty về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cũng như các gu-lắc Tân Cương là những cảnh báo cho toàn cầu.
Cội rễ có từ 20 năm trước, khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Người ta mong rằng Bắc Kinh sẽ tự do hóa nền kinh tế và có thể cả chính trị, hội nhập dần vào một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Nhưng ảo vọng này đã tan tành. Phương Tây đối mặt với khủng hoảng tài chính và thu mình lại, còn Trung Quốc giàu có lên, muốn áp đặt các quy tắc cho thương mại toàn cầu, xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng 45 triệu người Hoa ở các nước và đe dọa những tiếng nói chỉ trích từ bên ngoài.
Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng chính sách đối đầu được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có được đồng thuận về mục tiêu - làm giảm thâm hụt thương mại hay rộng lớn hơn về địa chính trị, ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ? Về phía Tập Cận Bình, khi thì kêu gọi tự cung tự cấp, lúc khác lại nhấn mạnh toàn cầu hóa ; trong lúc Liên Hiệp Châu Âu không chắc mình là đồng minh của Mỹ, đối tác của Trung Quốc hay siêu cường mới bắt đầu thức tỉnh.
Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên đa số thuế quan, tạm gác những bất đồng sâu sắc nhất để giải quyết sau. Mục đích chiến thuật của ông Trump là hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong năm bầu cử, còn Trung Quốc vui mừng "câu" được thêm giờ. Mỗi bên đều cố gắng hạn chế ảnh hưởng của nhau, nhưng việc này rất phức tạp, vì hai siêu cường đang bị buộc chặt vào nhau.
Đa số các dụng cụ điện tử của Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc, còn các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc các nhà cung cấp phương Tây đến 65% trong điện toán đám mây và 90% về chất bán dẫn. Phải mất 10-15 năm nữa, Bắc Kinh mới có thể tự chủ được về chip máy tính, và ít nhất một thập niên nữa về giao dịch ngoại hối, vì đồng nhân dân tệ chỉ mới chiếm tỉ lệ 2% trong thanh toán quốc tế.
Châu Âu đứng nhìn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tung hoành tại Libya
Nhìn sang Bắc Phi, bài xã luận của Le Point nhận định về "Cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Libya chống lại Châu Âu". Cũng như Syria, Châu Âu đang phải đứng ngoài nhìn một thảm họa đang lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình.
Tám năm sau cái chết của Mouammar Kadhafi, Libya trở thành chiến trường của các cường quốc. Tình hình ngày càng giống với thảm kịch Syria : các thế lực trong nước không tìm được tiếng nói chung, quốc tế hóa cuộc chiến trên cơ sở Mỹ rút lui, có cùng các nhân tố nước ngoài là Moskva và Ankara - nay không ngần ngại can dự trực tiếp vào sân khấu Libya. Châu Âu phải đóng vai khán giả, trong khi Libya có tầm quan trọng hơn hẳn Syria.
Trước hết, Libya là nhà cung cấp dầu lửa, có trữ lượng lớn nhất Châu Phi. Lãnh thổ rộng lớn của nước này là điểm trung chuyển của di dân Phi Châu vào cựu lục địa, và là hậu cứ cho thánh chiến đang làm bất ổn vùng Sahel. Pháp, Anh từng đi đầu trong cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya năm 2011, để cứu người dân vùng nổi dậy khỏi bị Kadhafi thảm sát, nhưng sau đó không có nỗ lực cần thiết để áp đặt một giải pháp chính trị.
Libya từ sau cuộc bầu cử 2014 nằm trong tay hai phe đối địch. Ở miền tây là chính phủ Tripoli được Liên Hiệp Quốc công nhận, được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ. Còn ở miền đông là chính quyền của thống chế Khalifar Haftar, được sự hỗ trợ của Nga, Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất, Saudi Arabia và Ai Cập.
Ông Haftar khởi động cuộc nội chiến tháng 4/2019, tấn công Tripoli với hy vọng giành được Ngân hàng Trung ương đang rủng rỉnh tiền từ dầu lửa, làm hơn 1.000 người chết và 120.000 thường dân phải di tản. Nga làm lợi thế nghiêng về Haftar với việc điều mấy trăm lính đánh thuê của công ty tư nhân Wagner, thân cận với Putin, và mới đây cả quân đội chính quy Nga đến giúp. Thấy phe mình bị đe dọa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng gởi quân sang.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký được với Tripoli hiệp định ranh giới trên biển, dòm ngó các mỏ khí bị Hy Lạp và Chypre đòi hỏi chủ quyền. Còn Nga theo đuổi nhiều mục tiêu : đặt một chân vào phía nam Đại Tây Dương, làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu, kiểm soát dầu lửa Libya để khống chế nguồn năng lượng cho Châu Âu. Bảo vệ quyền lợi của mình, Ankara và Moskva có biết tránh được một cuộc xung đột tại Libya hay không ? Hai ông Erdogan và Putin sẽ gặp nhau trong tháng Giêng. Có một điều đã là chắc chắn : nếu họ thỏa thuận được với nhau, thì đều bất lợi cho Châu Âu.
Đơn giản hóa cuộc sống thực và ảo
Trên lãnh vực xã hội, hồ sơ của L’Obs cho rằng dọn dẹp đồ đạc trong các ngăn tủ, giảm bớt các cuộc hẹn hò, không vào mạng xã hội, dành thời gian cho riêng mình… là giải pháp tốt cho dịp đầu năm. Tự giải thoát khỏi những gì không cần thiết để tập trung vào những vấn đề chính yếu, đã trở thành một nghệ thuật sống.
Nhà xã hội học Razmig Keucheyan điều tra ra rằng một người Đức, và nói rộng ra là người Châu Âu, sở hữu trung bình đến 10.000 đồ vật. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng các buổi "vide-grenier" (bán lại đồ cũ) nở rộ, các kênh buôn bán những món đồ đã qua sử dụng làm ăn phát đạt : mỗi ngày có 800.000 lời rao trên trang Leboncoin của Pháp. Tuy nhiên bán ra bao nhiêu thì người ta mua lại bấy nhiêu ! Còn trong đời sống ảo, nhiều người cũng đã "thấm mệt về cuộc sống trên mạng" với vô số thông tin, tin nhắn… dồn dập hàng ngày.
Tựa chính các tuần báo
Trong tuần lễ đầu năm dương lịch, Courrier International vẫn còn nghỉ lễ. Chủ đề của L’Obs xoay quanh việc "Dọn sạch" những vật dụng không cần thiết, ngắt kết nối mạng xã hội… để đầu óc được nhẹ nhàng, tự bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu. Le Point nói về "Những lãnh địa mà đạo Hồi đã chinh phục được", L’Express chạy tựa "Albert Camus, Thần tượng Pháp", đăng chân dung nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã qua đời cách đây đúng 60 năm, ngày 04/01/1960 vì tai nạn xe hơi. Trang bìa The Economist đăng ảnh một quả địa cầu có hai cực, một bên có nền đỏ với sáu ngôi sao vàng, bên kia là màu cờ Mỹ với những sọc trắng đỏ và những ngôi sao nhỏ trên nền xanh, chơi chữ "Nghịch lý".
Thụy My
Hồng Kông : Cảnh sát bị tố cáo gây tội ác theo lệnh Bắc Kinh
Iran, Libya, Bắc Triều Tiên… những lò lửa quốc tế cũng như vụ đào thoát ngoạn mục của cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan tiếp tục chiếm trang nhất báo chí Pháp ngày thứ ba của năm mới, 03/01/2020.
Đông đảo người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối chính phủ ngày Tết Dương Lịch 01/01/2020. Reuters/Navesh Chitrakar
Về Châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý vào phương cách mà Paris và Minsk đương đầu với áp lực của Moskva. Trong khi đó, La Croix tìm hiểu vì sao tại Hồng Kông, cảnh sát và người dân biến thành hai kẻ tử thù.
Hồng Kông : Hòa giải bất khả thi
Theo La Croix, tinh thần động viên của người dân rất cao sau 7 tháng tranh đấu chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh. Tình hình sẽ không bao giờ lắng dịu trừ phi chính quyền chấp nhận điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát. Đâu là sóng, đâu là gió ? Nhật báo công giáo tìm hiểu cội nguồn.
Bài phóng sự "Bạo lực cảnh sát gây nên mối căm hờn của dân Hồng Kông" được thực hiện sau cuộc biểu tình huy động hơn một triệu người trưa ngày đầu năm dương lịch, 01/01/2020, nhằm bảo vệ các quyền tự do và đòi bầu cử dân chủ. Một nhân chứng phụ nữ cho biết trong cuộc đàn áp ngày 12/06/2019, bà đã thấy cảnh sát bắn hàng loạt lựu đạn cay vào đoàn biểu tình ôn hòa. Điều "không thể chấp nhận được" này càng ngày càng tệ hại hơn từ khi khi cảnh sát đàn áp bằng đạn thật.
Theo đặc phái viên Dorian Malovic, từ sáu tháng nay, tâm lý căm giận cảnh sát được 7 triệu dân Hồng Kông chia sẻ là chuyện tự nhiên. Nhưng phản ứng này đến từ một nữ cảnh sát từ nhiệm sau 10 năm nghề nghiệp mang ý nghĩa đặc biệt. Cathy Yau, nay là ủy viên hành chánh quận mới đắc cử, cho biết là "trong trường cảnh sát Hồng Kông không có dạy môn đàn áp dân".
Toàn xã hội Hồng Kông bị "chấn thương tâm thần" vì không ngờ cảnh sát Hồng Kông, từ danh tiếng vang lừng Châu Á nghiêm túc với dân biến thành mối nguy hiểm của dân. Súng thật đạn thật thay thế dùi cui ở phía cảnh sát thì phía người biểu tình cũng dùng bom xăng thay vì dùng dù.
Nhà báo, nhân viên thiện nguyện, nhà giáo được La Croix đặt câu hỏi đều lên án thái độ "độc ác" của cảnh sát. Linde Yeung, trợ lý xã hội trong một trường trung học kể lại trường hợp những học sinh bị đánh gẫy tay, mặt mày sưng vù đẫm máu, tinh thần hoảng loạn. Bà nói đến "hàng trăm thi thể bị chôn giấu trên khắp lãnh thổ, hàng trăm vụ tự tử, 6.000 người bị bắt, nhiều vụ cưỡng hiếp trong cơ quan cảnh sát".
Những cáo buộc này rất nghiêm trọng nhưng không thể kiểm chứng. Cảnh sát bị tố cáo "xóa dẹp chứng tích". Các "thông tin" đó, theo La Croix, tràn ngập trên mạng xã hội phản ánh tâm trạng hoài nghi cảnh sát Hồng Kông tuân lệnh Bắc Kinh.
Hệ quả là người biểu tình dù chủ trương bất bạo động, vẫn không thể không thông cảm thái độ bạo lực của giới trẻ ném đá vào cảnh sát và tấn công cơ sở thương mại dính líu với Bắc Kinh. "Họ là những người trẻ tranh đấu vì tương lai của họ như thế hệ chúng tôi tranh đấu cho dân chủ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989", một giáo sư Sử Địa 60 tuổi chia sẻ như thế.
Mỗi buổi trưa trong tuần, mỗi ngày cuối tuần, dân Hồng Kông ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, bác sĩ hay cán bộ ngân hàng đều tận dụng mọi cơ hội để xuống đường. Một sĩ quan cảnh sát thú nhận ông đã hết sức khuyến cáo nhân viên dưới quyền, nhưng "quan hệ giữa dân và chính quyền đã hoàn toàn bị cắt đứt".
Nhà báo Shirley Yam cho rằng "chính quyền Hồng Kông, theo lệnh của Bắc Kinh, sẽ không lùi bước". Linh mục Pháp Paul Vallet, thuộc phái bộ truyền giáo hoạt động từ 44 năm nay tại Hồng Kông, trong bài phỏng vấn riêng, tỏ ra bi quan : trừ phi Bắc Kinh nhượng bộ, phong trào phản kháng sẽ không giảm cường độ trong năm 2020 này.
Donald Trump trong ngõ cụt ?
Quân đội Mỹ bị Iran cầm chân ở Iraq, Bình Nhưỡng hủy bỏ lời hứa ngưng thử nghiệm hạt nhân. Gây căng thẳng với Mỹ, kinh tế Bắc Triều Tiên bị đe dọa. Ngoài các tựa lớn về thời sự quốc tế, Le Monde dành hai bài phân tích về chiến lược của nhà độc tài Belarus và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không hẹn mà nên, cùng đối đầu với tham vọng gây ảnh hưởng của Moskva.
Nhà độc tài Belarus mượn oai NATO để "thoát Nga"
Trước hết, trong bài "Belarus kháng cự áp lực Nga", Le Monde cho biết nhà độc tài Alexander Lukachenko không muốn kết thân chặt chẽ với Moskva. Chính tổng thống Putin nhìn nhận là trong các thỏa thuận giữa hai nước, trừ giao dịch điện thoại, 90% lãnh vực còn lại không được Minsk thi hành. Sau thượng đỉnh song phương ngày 20/12/2019, lãnh đạo hai nước cố gắng che giấu phần nào sự thật : gặp nhau chỉ làm tăng thêm căng thẳng, nguyện vọng của Moskva muốn Belarus "hội nhập" vào Nga đã thất bại.
Lukachenko không muốn bị Nga kềm tỏa, kéo dài thời giờ để chờ cơ hội "thoát Nga". Năm 2024, theo luật bầu cử, tổng thống Putin không thể tái tranh cử. Theo báo chí thân Kremlin, tổng thống Nga có ý nhắm chiếc ghế chủ tịch Liên hiệp kinh tế Á – Âu, gồm năm nước là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kirghistan.
Nhưng theo Le Monde, thái độ lãnh đạm của Lukachenko càng làm cho mưu tính này khó thực hiện. Để hạ hỏa tham vọng của Nga, nhà độc tài Belarus khôn ngoan đánh lá bài Châu Âu và Mỹ từ năm 2015, cải thiện quan hệ với Bruxelles và Washington.
Lần lượt, nhiều nhà ly khai được trả tự do và mới đây, ngày 29/12/2019, chỉ một tuần sau thượng đỉnh Putin-Lukachenko tại Saint Petersburg, một cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk huy động nhiều trăm người mà không bị đàn áp. Khẩu hiệu của họ là "chống sáp nhập". Khác với các chế độ Trung Á, Minsk không bao giờ công nhận hành động Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine là hợp pháp.
Để cảnh báo Moskva, nhân vật bị Washington vào năm 2005 gọi là nhà độc tài cuối cùng tại Châu Âu đã chơi đòn thấu cáy. Trên đài phát thanh Tiếng Vọng Moskva, Lukachenko đem NATO ra làm thần hộ mệnh : "Nếu nước Nga vi phạm chủ quyền của Belarus, phương Tây và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ không tha thứ. Họ xem hành động (xâm lấn) đó đe dọa an ninh phương Tây và họ có lý".
Trong khi đó, tại Paris, tổng thống Pháp bằng phương cách riêng của ông, tìm cách xét lại quan hệ với Nga, xóa bớt xung khắc, để tập trung vào quyền lợi mỗi bên.
Theo Le Monde, trước Macron, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ từ Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama cũng đã tìm cách đối thoại với Nga, nhưng không thành công. Tuy vậy, không nên trách Macron ngây thơ. Nhiều nhà chính trị Pháp khác đổ lỗi cho phương Tây sỉ nhục Moskva, cho NATO bao vây nước Nga, để biện minh cho thái độ khiêu khích của Nga. Họ quên đi vụ Nga sáp nhập Crimea, họ quên đi các vụ ám sát ở Châu Âu. Macron không ngây thơ chút nào khi ưu tiên đối thoại với Putin. Bởi vì, tình hình hiện nay buộc nước Pháp không thể trông cậy ở nước Mỹ của Donald Trump.
Tuy nhiên, Le Monde khuyến cáo : Công nhận quyền lợi của các nước độc tài như Nga hay Trung Quốc không có nghĩa là không lên án chính sách đàn áp phản dân chủ của hai chế độ này. Từ một năm nay, phong trào phản kháng nổi dậy khắp nơi từ Hồng Kông, Chile, Iran, Algeria… Liệu Macron có thể nhẫn tâm bỏ rơi nhân quyền nhân danh chính sách ngoại giao không can thiệp ?
Libya : Xung đột leo thang sát cửa Châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Tripoli chống lực lượng của tướng Haftar, đồng minh của Moskva. Nhưng các quân cờ thù địch này đều là những kẻ chống Châu Âu, theo nhận định của nhật báo Le Figaro.
Đối đầu với lực lượng lính Nga đánh thuê ủng hộ tướng Haftar ở miền đông Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa quân vào Tripoli cùng với các đơn vị chiến binh Syria được Ankara trả lương. Đổi lại, chính phủ hợp pháp của Libya sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ khai thác một vùng tài nguyên rộng lớn ở Địa Trung Hải. Nga cảm thấy quyền lợi trong khu vực bị đe dọa nhưng Châu Âu phải coi chừng. Dự đoán được nguy hiểm, Hy Lạp, Chyprus và Israel, bước tới sẽ có Ý, nhanh chóng ký thỏa thuận lập ống dẫn khí EstMed, khai thác và cung cấp nhiên liệu cho Nam Âu và Israel mà không qua đường ống của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Le Figaro, chỉ cần nhìn vào cung cách của Erdogan uy hiếp Châu Âu qua "cánh cửa di dân" thì đủ hiểu nguy cơ đến mức độ nào nếu lệ thuộc vào nhiên liệu của Thổ.
Hỏa hoạn, lũ lụt, dịch lợn
Về môi trường và thiên tai, thông tín viên của Les Echos tại Sydney mô tả mức độ nguy kịch của nạn cháy rừng tại Úc, tình trạng khẩn cấp được ban hành trong 7 ngày tại bang New South Wells. Trong khi đó Libération dành một trang cho Djakarta : thủ đô Indonesia bị mưa lũ nhiệt đới nhấn chìm. Nhật báo thiên tả còn dành bài phóng sự về đại nạn dịch tả lợn đang gây hoảng loạn ở Trung Quốc.
Vấn đề là, cho dù dịch xảy ra từ năm 2018, nông dân Trung Quốc cố giấu không khai báo để tiếp tục bán lợn bệnh kiếm sống. Dịch lợn đã làm cho mức sản xuất thịt của Trung Quốc giảm đến 9 tỉ tấn trong năm 2019 và sẽ còn tiếp tục giảm. Hậu quả là giá thịt leo thang trên thế giới. Họa người phước ta, dân chăn nuôi ở Pháp xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc xoa tay hưởng lợi.
Interpol truy nã "007" Carlos Goshn
Vụ cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan đào thoát khỏi bàn tay tư pháp Nhật Bản như kịch bản phim gián điệp được Le Monde và Libération phân tích rộng rãi từ diễn tiến cho đến nguyên nhân và hệ quả pháp lý. Khác với các đồng nghiệp, Les Echos dự báo "vòng vây đang siết lại", tương lai Carlos Goshn không sáng sủa. Cho dù không trục xuất công dân của mình, Lebanon buộc phải tuân thủ Interpol, tạm giam nghi can trong khi chờ đợi áp dụng các thủ tục điều tra.
Tú Anh
Carlos Ghosn : Hậu trường của một cuộc đào thoát ngoạn mục
Như thông lệ, ngày đầu năm hôm 01/01/2020 các báo Pháp đều nghỉ lễ, tờ báo mới duy nhất là Le Monde ra trước từ chiều hôm qua, với trang nhất nêu bật vấn đề nóng bỏng tại Pháp là kế hoạch cải tổ hưu bổng của chính phủ đang làm dấy lên một phong trào đình công phản đối. Điểm được tờ báo đề cập đến trong tựa lớn chính là "Những gì mà chính phủ đã nhượng bộ". Tuy nhiên điểm nhấn của tờ báo lại là vụ cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan đã bất ngờ trốn khỏi nơi quản chế tại Nhật Bản để bay qua Lebanon, một trong ba nước mà ông mang quốc tịch.
Cảnh sát Lebanon bảo vệ trước của vào nhà ông Carlos Ghosn, Beyrouth, ngày 31/12/2019. Reuters/Mohamed Azakir
Dưới một tựa đề giật gân "Carlos Ghosn : Hậu trường của chuyến đào thoát", Le Monde không ngần ngại trích lời một người thạo tin xem đấy là một chiến dịch giải cứu chẳng khác gì một điệp vụ trong tiểu thuyết James Bond 007. Dựa trên các thông tin gặt hái được từ nhiều nguồn khác nhau, tờ báo đã kể lại chi tiết bối cảnh và diễn tiến của cuộc đào tẩu ngoạn mục này.
Bị quản chế nhưng kiểm soát lỏng lẻo
Theo Le Monde, tại Nhật Bản, Carlos Ghosn sống trong một ngôi nhà ở khu phố Hiroo sang trọng tại trung tâm thủ đô Tokyo. Ông bị quản chế, nhưng việc giám sát ông có vẻ không nghiêm ngặt lắm, mặc dù do cả cảnh sát, văn phòng công tố và thám tử tư của tập đoàn Nissan thực hiện.
Lợi dụng sự lỏng lẻo này, ông Ghosn đã trốn được đến một sân bay kín đáo ở Nhật Bản, nơi một chiếc phi cơ riêng của ông đã chờ sẵn để đưa ông qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó ông bay về Lebanon. Ông được cho là đã vào Lebanon với một thẻ căn cước đơn giản. Là người có quốc tịch Lebanon, ông không cần hộ chiếu để nhập cảnh.
Câu hỏi đặt ra là Carlos Ghosn đã xuất cảnh Nhật Bản bằng cách nào. Theo một nguồn tin được đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn, thì dữ liệu của cơ quan xuất nhập cảnh Nhật Bản vào thời điểm xẩy ra vụ việc hoàn toàn không có người nào tên Carlos Ghosn xuất cảnh.
Điểm này đã khiến người ta cho rằng ông Ghosn đã rời Nhật Bản dưới một danh tính giả, bằng một hộ chiếu "thật mà giả". Chính quyền Nhật đã liên lạc với đại sứ quán Lebanon về vấn đề này và dường như là cơ quan này đã phủ nhận việc cấp giấy tờ giả.
Vai trò bà vợ ông Ghosn trong chiến dịch giúp chồng đào thoát
Cũng theo thông tin mà Le Monde có được, chiến dịch giải cứu ông Carlos Ghosn do chính vợ ông, bà Carole Ghosn, lên kế hoạch. Bà đã xuất hiện bên cạnh chồng trên chuyến bay đến Beyrouth. Thậm chí, rất có thể là bà đã chờ ông Ghosn ngay từ đầu.
Theo Le Monde, bà Ghosn được cho là đã chuẩn bị "cuộc đào thoát" cùng với những người anh em cùng cha khác mẹ của bà, thuộc một gia đình theo hệ phái Hồi giáo Sunni khiêm tốn ở miền bắc Lebanon, nhưng có những mối quan hệ rất tốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần Carole Ghosn, từ khi kết hôn với cựu lãnh đạo Renault-Nissan, bà đã có một nguồn tài chính cá nhân đáng kể.
Kế hoạch đào thoát có thể đã được thiết kế từ lâu. Vào tháng 10/2019, Carlos Ghosn được cho là đã dò hỏi tên tuổi của các nhà báo Lebanon có thể "làm việc" cho ông. Câu hỏi đặt ra là giữa hai vợ chồng ông Ghosn, vấn đề phối hợp ra sao vì chế độ quản chế cấm hai người gặp nhau hoặc liên lạc với nhau, và các công tố viên Nhật Bản đã liên tục từ chối bất kỳ đơn xin gặp nào của bà Ghosn.
Lệnh cấm này, theo Le Monde, được cho là đã bị phá vỡ bằng cách truyền tin thông qua các cô con gái và em gái của ông Carlos Ghosn, những người thường xuyên được đến thăm ông.
Một nguồn tin đã khẳng định với Le Monde rằng : "Vì ông Ghosn không thể sử dụng điện thoại của mình, cho nên ông có thể là đã dùng điện thoại của những người này".
Chính phủ Pháp đã có những nhượng bộ gì về hưu bổng?
Như nói ở trên, Le Monde đã dành tựa chính trang nhất cho các nhượng bộ mà chính phủ Pháp đã phải chịu trên vấn đề cải tổ hưu bổng.
Ý tưởng chủ đạo của kế hoạch là tính phổ quát của chế độ hưu bổng, thay vì hơn bốn chục chế độ khác nhau như hiện nay. Thế nhưng, trước làn sóng phản đối dữ dội trong những ngày qua, chính quyền đã phải chấp nhận một số đặc miễn.
Báo Le Monde nêu bật ví dụ liên quan đến ngành cảnh sát, giới phi công và các nhân viên phi hành, và cả những diễn viên múa ballet của Nhà Hát Opéra Paris !
Về ngành chuyên chở công cộng, đặc biệt là nhân viên của hai tập đoàn đường sắt SNCF và xe buýt, xe metro RATP, một số biện pháp đặc biệt về tuổi hưu và việc lồng tiền thưởng ngoài lương vào cơ sở tính lương hưu cũng đã được đề nghị.
Trong những ngành nghề khác, các cuộc thảo luận về những quy định riêng biệt cũng đang được tiến hành, như trong giới giáo viên, công nhân điện lực và khí đốt, giới ngư phủ…
Theo Le Monde, ông Michel Borgetto, giáo sư về luật xã hội tại Đại học Paris II đã nhận định : "Mục tiêu đơn giản hóa (chế độ hưu bổng) đã tan biến".
Drone võ trang : Vũ khí thời chiến tranh hiện đại
Chiến đấu cơ điều khiển từ xa : Hồ sơ quốc tế đầu năm của Le Monde được dành do một chủ đề không mấy vui vẻ : Xu hướng lan rộng của một loại vũ khí tấn công mới : Drone tấn công, hay là chiến đấu cơ tự hành.
Trong bài giới thiệu ở trang nhất mang tựa đề "Drone, vũ khí đáng sợ của những cuộc chiến tranh thời hiện đại", nhật báo Pháp đã nhận thấy rằng các "hệ thống phi cơ điều khiển từ xa" ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Ngoài các quân đội chính quy, loại vũ khí này còn được các phong trào nổi dậy hay thành phần khủng bố dùng đến, điều đã làm đảo lộn các chiến lược quân sự.
Ở trang quốc tế bên trong, Le Monde đã dẫn chứng một vài số liệu cụ thể, nêu bật tốc độ lây lan nhanh chóng của việc sử dụng các máy bay tự hành vào mục tiêu quân sự trong thập niên vừa qua : Từ khoảng vài chục lúc đầu, số quốc gia viện đến loại vũ khí này đã tăng vọt với tỷ lệ 58%, đạt mức 95 nước vào năm 2019 này.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Bard College (tiểu bang New York, Hoa Kỳ), tác giả tạp biên khảo "Dữ liệu về Drone" công bố tháng 9 vừa qua, thì hiện nay có đến 171 loại phương tiện bay tự hành khác nhau được sử dụng, mà kiểu mới nhất là loại gọi là "cánh quay", hay trực thăng tự hành.
Trên bình diện thế giới, đã có đến 21.000 phi cơ tự hành đang hoạt động, với số liệu từ hai nước Trung Quốc và Iran không đầy đủ.
Theo chuyên gia Dan Catcher, điều phối viên của nhóm biên soạn tập Dữ Liệu về Drone, thì "Những vũ khí này đã trở thành thiết bị quân sự tiêu chuẩn. Tại các chiến trường Ukraine, Syria và Yemen, cũng như ở các vùng đang có đối đầu địa chính trị, như Vịnh Ba Tư hay Biển Đông, ngày càng có nhiều loại máy bay không người lái có kích cỡ và đặc điểm khác nhau được sử dụng. Cho dù được dùng trong việc thu thập thông tin tình báo, không kích, định vị mục tiêu pháo kích hay chiến tranh điện tử, máy bay không người lái đã trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại."
Trung Quốc cũng đàn áp đạo Tin lành
Cũng trong dòng thời sự quốc tế, Le Monde rất chú ý đến Trung Quốc với một bài viết về chiến dịch đàn áp tôn giáo đang nhắm vào đạo Tin lành đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.
Theo tờ báo Pháp, trong những tháng gần đây, những tiết lộ từ báo chí quốc tế đã thú hút sự chú ý đến quy mô chiến dịch đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương, nơi có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm trong khuôn khổ một chiến dịch "cải tạo".
Tuy nhiên mới đây có một mục sư Tin lành nổi tiếng tên Vương Di bị kết án 9 năm tù về tội xúi giục bạo loạn. Bản án nặng nề này, theo Le Monde đã nhắc nhở mọi người rằng các giáo hội Thiên Chúa giáo cũng đang bị "Trung Quốc hóa", một chính sách được chính ông Tập Cận Bình, xác định từ tháng 5/2015.
Theo người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, cần phải "đảm bảo rằng guồng máy lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo phải nằm trong tay các chức sắc yêu nước tương tự như yêu tôn giáo của họ".
Đối với giáo sư kỳ cựu Lâm Hòa Lập (Willy Lam) tại Hồng Kông, cuộc đấu tranh giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và một số lãnh đạo tôn giáo muốn "Thiên Chúa hóa văn hóa Trung Quốc" sẽ là một "trận chiến thế kỷ".
Thách thức rất lớn vì hiện nay có khoảng 80 triệu người Công giáo và Tin lành ở Trung Quốc, một con số mà theo giới quan sát, đang tăng mạnh, có thể lên đến 160 triệu riêng cho người theo đạo Tin lành, "trong không đầy một thế hệ". Đây là một đà phát triển đáng sợ đối với Đảng cộng sản chỉ có 90 triệu đảng viên.
Anh Vũ
Đài Loan-Hoa Lục : Lá chắn luật pháp ngăn chiến lược xâm nhập
Thị trường tài chính thế giới tăng kỷ lục trong năm 2019 bất chấp thương chiến Mỹ-Trung, Đài Loan đối đầu chiến lược tuyên truyền nội gián của Bắc Kinh, Kim Jong-un nhìn nhận kinh tế suy sụp, Washington xung đột với Tehran trên chiến địa Iraq, Tây phương thất bại tại Lybia là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp trong ngày cuối năm dương lịch.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử, ngày 21/12/2019 tại Đài Bắc. Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Đài Loan khẩn cấp chống Trung Quốc xâm nhập
Từ hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc tìm cách chinh phục người dân Đài Loan bằng mọi thủ đoạn. Mối đe dọa này không phải là mới nhưng vì sao Nghị viện Trung Hoa Dân Quốc phải khẩn cấp thông qua đạo luật "chống xâm nhập" vào ngày cuối năm 2019, trước ngày bầu cử tổng thống 11/01/2020 ? Đâu là thế mạnh, thế yếu của Đài Bắc trước áp lực của Bắc Kinh ?
Theo thông tín viên của nhật báo thiên tả Libération tại Đài Bắc, tổng thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của bà tại Nghị Viện, nhân cơ hội kiểm sóat hành pháp lẫn lập pháp trước khi phải bầu lại vào ngày 11/01 tới, thông qua đạo luật "bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống các thế lực thù địch sẵn sàng dùng vũ lực đe dọa lãnh thổ".
Tuy không gọi đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng chỉ có chế độ Bắc Kinh là đe dọa dùng quân sự "thống nhất" Đài Loan. Theo Libération, khi phải sử dụng đến nền tảng luật pháp bảo vệ chủ quyền, chính quyền Đài Loan nhìn nhận họ bất lực trước chiến lược mới của Trung Quốc được gọi là "nhuệ thực lực" (Sharp Power), hiểm độc hơn "quyền lực mềm" (Soft Power) .
Facebook : chiến trường khốc liệt
Song song với chiến lược gây sức ép bằng quân sự và cô lập ngoại giao, và "quyền lực mềm" tuyên truyền khuynh đảo, vũ khí mới của Bắc Kinh là tung tin giả và mua chuộc giới chính trị Đài Loan hầu gây chia rẽ trên đất nước của họ : nào bà Thái Anh Văn làm tiến sĩ giả , nào là CIA trả tiền cho dân Hồng Kông biểu tình… Các tin giả càng ngày càng nhiều và được các mạng xã hội, các dư luận viên của Bắc Kinh và các cơ quan báo chí do các tư bản đỏ kiểm soát quảng bá lên.
Theo một bản báo cáo của Đại học Goteborg, Thụy Điển, thì Đài Loan là lãnh thổ bị chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tấn công mạnh nhất. Facebook là một trong những chiến trường khốc liệt. Chưa hết, ngoài thủ đoạn tấn công, Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật xâm nhập, tài trợ ứng cử viên có chủ trương thân Bắc Kinh. Trường hợp ông Hàn Quốc Du bị tố cáo nhận 2,8 triệu đôla để tranh cử đang được tư pháp điều tra, kiểm chứng. Mặc khác, hàng trăm tổ chức tôn giáo, bổng dưng nhận được tiền cúng dường hậu hỉ xây chùa nguy nga, được tặng tượng Phật để rồi tham gia vào vận động bầu cử cho các chính khách của Quốc Dân Đảng.
Theo dân biểu Freddy Lim, Đài Loan cần một đạo luật như Úc để có cơ sở pháp lý để ngăn chặn hình thức xâm nhập nội gián này. Ai đứng sau lưng ? Nga hay Trung Quốc ? Một đạo luật chưa đủ nhưng là một bước đầu.
Giới chuyên gia tỏ ra đồng cảm với Đài Loan. Michael Cole, chủ nhiệm nhật báo Taiwan Sentinel, trong cuộc hội thảo về "tuyên truyền đầu độc" do hiệp hội Phóng Viên Không Biên Giới tổ chức tại Đài Bắc hôm thứ Sáu tuần trước cho biết "Đài Loan, cũng như nhiều nước dân chủ khác, phải tổ chức tự vệ. Đảng cộng sản Trung Quốc tìm cách khuynh đảo xã hội Đài Loan là chuyện có thật. Chính quyền Đài Loan đang đề nghị những biện pháp bảo vệ nền dân chủ. Khi đối lập lên án đạo luật này sẽ biến Đài Loan thành Bắc Triều Tiên thì đó là một thí dụ điển hình chứng minh là tình trạng tung tin đầu độc đã tràn ngập hải đảo".
Cũng cùng quan điểm, Les Echos nhấn mạnh đến khẩu hiệu tranh cử của tổng thống mãn nhiệm mà theo thăm dò sẽ tái đắc cử : "Kháng cự Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan".
Tâm lý bài Trung Quốc tăng theo tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn.
Tuy bị các định chế quốc tế theo lệnh Trung Quốc tẩy chay, cho dù ngày càng bị cô lập ngoại giao nhưng Đài Loan có nhiều lợi thế mà Hoa Lục rất thèm thuồng.
Ngoài trữ lượng ngoại tệ, ngoài các trung tâm nghiên cứu khoa học và các đại tập đoàn như Trường SaMC, Hon Hai và các nhãn hiệu điện toán tầm cỡ quốc tế như Acer, Asus, Đài Loan còn có một kho tàng trí tuệ, nhân tài và vốn đầu tư của nhà nước cũng như tư nhân.
Kim Jong-un và chỉ tiêu 2 triệu du khách cứu kinh tế
Chủ đề Châu Á thứ hai là Bắc Triều Tiên. Kim Jong-un nhìn nhận kinh tế đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng ngoài những khẩu hiệu quen thuộc như là "khắc phục phấn đấu làm thay đổi cục diện" lãnh đạo tối cao không đưa ra được một chiến lược cụ thể trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Washington bị bế tắc.
Theo nhận định của Les Echos, Kim Jong-un không đưa ra được một đề nghị gì mới, không nói rõ là sẽ làm gì nếu Hoa Kỳ không nhượng bộ gì cả trong ngày 31/12/2019, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là kỳ hạn của tối hậu thư.
Cũng theo nhật báo kinh tế, trong bối cảnh không được Mỹ, Hàn, Châu Âu trợ giúp, Bắc Triều Tiên chỉ còn kỳ vọng vào ngành du lịch. Nhưng liệu có đạt được chỉ tiêu 2 triệu du khách vào năm 2020 hay không ? Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 2.000 du khách đến Bắc Triều Tiên mà đa số là dân Hoa Lục. Bình Nhưỡng hy vọng thu hút được một phần nhỏ trong số 150 triệu người Trung Quốc mỗi năm đi du lịch nước ngoài là cũng đủ. Thế nhưng Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở đón tiếp và thiếu nhân viên thạo tiếng quan thoại.
Xung khắc Mỹ- Iran có nguy cơ leo thang
Sau vụ Hoa Kỳ oanh kích vị trí của Hezbollah-Iraq để trả đũa một vụ tấn công làm một người Mỹ thiệt mạng, Le Figaro và Libération dự báo Mỹ và Iran sẽ xung đột trên lãnh thổ Iraq.
Với tựa "Đằng sau các vụ oanh kích của Mỹ là chiếc bóng xung đột với Iran", Libération dành một bài dài để phân tích vì sao căng thẳng leo thang. Iran làm mọi cách để "tống 5.200 quân Mỹ" ra khỏi Iraq. Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn triệt tổ chức Hezbollah-Iraq, cánh tay nối dài của lực lượng vệ binh cách mạng Iran, với hơn 100.000 chiến binh Shia tại Iraq, đông hơn Hezbollah-Lebanon ủng hộ Damascus.
Le Figaro nói đến lý do chính trị : Phong trào công dân chống tham nhũng ở Lebanon và tại Iraq, ngay trong cộng đồng Shia, lên án thế lực ngày càng mạnh của Hezbollah. Phong trào này đòi hỏi cải cách sâu rộng chế độ chính trị tham ô và bất công, vô tình đi đúng và thuận lợi cho chính sách của Washington tại Iraq. Theo một chuyên gia của Atlantic Council, Iran đoán biết Donald Trump không muốn chiến tranh nhưng sai lầm của Iran là không ngờ các nhà quân sự Mỹ biết thích ứng với tình thế.
Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới
Tổng kết tình hình 2019 , bài xã luận cuối năm của La Croix trở lại một thập niên "đen tối ở Trung Đông". Le Figaro và Le Monde tỏ ra nghiêm khắc khi bình luận về trách nhiệm của Tây phương .
Đối với Le Monde, sự kiện tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Lybia là một thất bại lớn của Liên Hiệp Châu Âu. Ankara dựa vào lý do là chính phủ Tripoli, được cộng đồng quốc tế công nhận nhưng cũng bị chính quốc tế bỏ rơi, phải chao đảo trước nguy cơ tấn công của một lực lượng phản loạn, nên Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp để ổn định tình hình.
Trang Ý kiến của Le Figaro bi quan hơn khi khẳng định "Tây Phương đã mất thế thượng phong". Thời kỳ nước Mỹ một mình ngang dọc tung hoành đã qua rồi. Sự kiện hải quân Nga, Trung Quốc và Iran tập trận ngay trong biển Oman chứng tỏ vùng Vịnh không còn là ao nhà của Mỹ. Trong khí đó thì ở Thái Bình Dương, Biển Đông đã biến thành ao nhà của Trung Quốc.
Lỗi này là do ai ?
Từ sau vụ khủng hoảng Ukraine, Nga bỏ Châu Âu sang thuyền khác. Nếu không có Trung Quốc, liệu Moskva có bỏ chính sách kết nối với Châu Âu của tổng thống Yeltsin hay không ? Vì thiển cận, Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới trong khi Bắc Kinh có chiến lược dài hạn, với mục tiêu là trở thành siêu cường số một. Theo tác giả, Tây Phương nên tự xét mình. Cứ chia rẽ mãi, có ngày khối Châu Âu cũng không còn.
Trong bầu không khí căng thẳng này cũng có một thông tin phấn khởi trên các báo Pháp : 2019, năm kỷ lục của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, một sự kiện khác kéo độc giả Pháp trở về thực tại : Giao thông công cộng tiếp tục bị xáo trộn đến ngày thứ 26 . Cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ kéo dài trong khi chờ đợi phản ứng của tổng thống Macron qua thông điệp đầu năm vào chiều 31.
Tú Anh
Chứng khoán tăng vọt : Nhân loại "trên miệng núi lửa"
Vào ngày áp cuối năm 30/12/2019 này, sự khởi sắc bất thường của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm qua - mang lại nhiều hy vọng nhưng cũng chứa đầy lo âu về các hiểm họa - là tựa lớn của trang nhất nhiều nhật báo Pháp.
Thị trường chứng khoán Wall Street, New-York. © RFI/Ariane Gaffuri
Le Figaro chạy tựa : "Chứng khoán Paris kết thúc năm 2019, cao nhất từ 12 năm nay". Trang nhất Les Echos : "Tất cả các thị trường chứng khoán toàn cầu đều ở đỉnh cao. Wall Street phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác trong năm nay". Le Figaro có bài xã luận "Trên miệng núi lửa".
Les Echos cho biết cụ thể : "Một vài ngày trước khi năm cũ khép lại, các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt là 29%, 23% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái". Tình hình tại Trung Quốc và các quốc gia đang trỗi dậy khác cũng được đánh giá là tương tự như Châu Âu và Mỹ.
Les Echos có bài xã luận : "Chứng khoán, sự phối hợp của nhiều nhân tố thuận lợi" nhấn mạnh, tỉ lệ tăng trưởng chứng khoán ở mức 2 con số cho thấy "niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai" của giới đầu tư. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế Pháp cũng thừa nhận mức độ hoài nghi rất cao trong giới quan sát, và không khí lạc quan cao độ này "dường như không thực sự phản ảnh đúng không khí kinh tế chung, và rất gần với một tình trạng trước cơn bão lớn". Les Echos ghi nhận không thiếu hàng loạt yếu tố gây lo ngại, như "căng thẳng địa – chính trị khắp nơi, đe dọa chiến tranh thương mại, hay nguy cơ suy thoái kinh tế"… dẫn đến nhận định đầy ấn tượng, được nhiều người chia sẻ, đó là sự tăng vọt của chứng khoán hiện nay rất giống với "chiếc bong bóng" của con ếch căng mình lên để biến thành con bò, trong chuyện ngụ ngôn, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào.
Phép lạ
Tuy nhiên, theo Les Echos, cần phải đánh giá đúng những gì ẩn đằng sau sự tăng vọt ngoạn mục của chứng khoán toàn cầu trong năm vừa qua. Thứ nhất là vai trò của các ngân hàng trung ương, ít nhất là 15 ngân hàng đã hạ lãi suất chỉ đạo trong năm 2019, "giảm bớt giá tín dụng" để hỗ trợ đầu tư là những gì đã được tiến hành từ một thập niên nay. Nhân tố quan trọng thứ hai, theo Les Echos, là vai trò của tổng thống Mỹ Donald Trump, từ khi lên nắm quyền, đã làm mọi thứ để tiếp nối đà tăng trưởng kinh tế có từ thời Obama. Kết quả là Hoa Kỳ đang ở trong "thời kỳ tăng trưởng liên tục dài nhất trong lịch sử", và các thị trường được hưởng lợi từ xu thế này. "Toàn bộ vấn đề là, liệu trong năm tới, sự kết hợp đầy ma thuật giữa chính sách lãi suất thấp này với những lời lẽ (hô hào đầy lạc quan) của tổng thống Mỹ có đủ để cho chứng khoán toàn cầu tiếp tục đà đi lên hay không". Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 do vậy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Theo Les Echos, khác hẳn bốn năm về trước, lần này đông đảo giới đầu tư tin tưởng ở ông Trump.
Cũng cùng hướng với Les Echos, nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận tính chất ngoạn mục của tăng trưởng chứng khoán bất ngờ trong năm qua. Bài xã luận "Ngồi trên miệng núi lửa" ghi nhận chứng khoán Paris đạt mức tăng trưởng kỉ lục, và đây là điều đặc biệt bất ngờ, bởi cách nay một năm, thế giới đang trong bối cảnh chiến tranh thương mại, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại, các ngân hàng trung ương đứng trước viễn cảnh phải chấm dứt chính sách cho vay dễ dãi. Bí quyết của tăng trưởng chứng khoán được tóm trong ba điểm : xung đột thương mại không bùng phát, tăng trưởng ít tồi hơn dự kiến và các ngân hàng Mỹ và Châu Âu tiếp tục chính sách tín dụng dễ dàng, đặc biệt là Châu Âu, với chính sách cho vay với "lãi suất âm".
"Lãi suất âm" phá hoại nền kinh tế
Tuy nhiên, Le Figaro cảnh báo, chính sách cho vay dễ dãi này là đầu mối của lo ngại lớn. Theo thuật ngữ của giới tài chính, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng được gọi là Tina (There is no alternative), có nghĩa là chỉ có một giải pháp duy nhất : không có giải pháp nào tốt hơn là đầu tư vào Chứng Khoán. Le Figaro cáo buộc chính sách cho vay dễ dãi này "đang phá hoại cơ chế vận hành bình thường của nền kinh tế".
Chính sách lãi suất âm đang khuyến khích chính quyền các nước vay mượn để chi tiêu, thổi bùng lên các bong bóng trên thị trường địa ốc. Le Figaro cảnh báo nạn nhân trước hết của chính sách này là những người chọn gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm, chứ không đầu tư vào chứng khoán. Việc chứng khoán được đẩy lên hết kỉ lục này đến kỉ lục khác một cách nhân tạo đặc biệt gây khó khăn cho các ngân hàng bình thường, và các nhà bảo hiểm nơi đang giữ hàng trăm nghìn tỉ euro tiền gửi của khách hàng.
Trước thềm năm mới, Le Figaro bày tỏ một lời nguyện ước, đó là các lãnh đạo ngân hàng hãy thay đổi chiến lược tiền tệ trong năm tới, cho dù có khiến cho giới đầu cơ tài chính phải thất vọng.
Le Figaro cũng có một bài viết khác phân tích kỹ về tính chất nguy hiểm của chính sách "lãi suất âm" đối với những người gửi tiền tiết kiệm và đầu tư theo những con đường thông thường. Trong tình trạng hiện nay, lãi suất tiền gửi đang tiến tới mức âm, do mức lãi tăng quá thấp, dưới mức lạm phát.
2019 – "Năm kinh hoàng" với nước Trung Hoa của ông Tập
Về Trung Quốc, Le Monde có bài tổng hợp đáng chú ý, mang tựa đề "2019, ‘năm kinh hoàng’ với Trung Hoa của ông Tập Cận Bình".
Từ phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, đến vụ rò rỉ tin mật về chính sách đàn áp của Bắc Kinh tại Tân Cương, đối đầu với Hoa Kỳ về thương mại. Hình ảnh Trung Quốc trở nên tồi tệ đi trong năm 2019. Những bê bối của Trung Quốc lộ rõ trước con mắt toàn thế giới. Đối với lãnh đạo Trung Quốc, giờ đây, mỗi biến động nhỏ ở địa phương cũng có thể gây tiếng vang toàn cầu.
Một ví dụ được Le Monde nêu ra là, vụ một số nhân viên của một thư viện ở tỉnh Cam Túc miền tây bắc xa xôi, thể hiện quá mức lòng trung thành với chế độ, bằng cách đối cháy khoảng 60 cuốn sách bị họ cho là "sai lầm về chính trị". Ngay lập tức làn sóng phẫn nộ quốc tế bùng lên buộc chính quyền địa phương này phải can thiệp, yêu cầu tiến hành điều tra, trước khi trừng phạt một trong những người đốt sách. Vụ đốt sách tại Cam Túc chỉ là "một chuyện hết sức nhỏ nhặt" so với những gì diễn ra tại Hồng Kông và Tân Cương.
Tại Tân Cương, thoạt tiên việc cầm tù khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chỉ khiến những người bảo vệ nhân quyền và báo giới quan tâm. Tuy nhiên, kể từ đó, đặc biệt từ sau khi hơn 400 trang tài liệu nội bộ về chính sách trấn áp của Đảng cộng sản lọt ra bên ngoài, cho thấy nội bộ chế độ cộng sản Trung Quốc phân hóa, Quốc hội Mỹ và Liên Âu đã lên tiếng mạnh mẽ.
Người Hồng Kông biểu tình để tỏ tình đoàn kết với dân Tân Cương là điều mà Le Monde coi là hết sức mới mẻ. Cả hai cuộc khủng hoảng này đều cho cộng đồng quốc tế nhận ra bộ mặt tồi tệ của chế độ Trung Quốc. Ngay cả Hy Lạp, quốc gia đang hưởng nhiều đầu tư của Trung Quốc, chỉ có 51% dân chúng là có thiện cảm với Trung Quốc. Tồi tệ nhất là ở Mỹ, chỉ có 26% người Mỹ ưa Trung Quốc, tụt 12 điểm, trong lúc 60% ghét bỏ. Bất chấp việc Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận đầu tiên cho phép tạm hưu chiến thương mại, năm 2019 trên thực tế không mang lại cải thiện đáng kể nào đối với Trung Quốc trong hồ sơ quan trọng này. Người Trung Quốc có ấn tượng quốc gia này chỉ là "một con tốt" trong cuộc cờ chính trị của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ hai.
Núi nợ công khổng lồ của Trung Quốc được Le Monde đánh giá là một "hố đen khổng lồ". Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại về tình trạng này. Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, trong năm 2019, tổng số tiền vay không hoàn trả được các doanh nghiệp công Trung Quốc là gấp ba so với năm ngoái (tương đương 5 tỉ euro). Tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng cao, chính quyền Trung Quốc năm nay còn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề của dịch tả heo, khiến giá của loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc, tăng vọt, góp phần khiến lạm phát tăng theo. Năm 2019 cũng là năm con heo theo lịch cổ truyền của người Hoa.
Hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm do cuộc chiến về thuế, Trung Quốc gia tăng nỗ lực để mở rộng quan hệ trao đổi thương mại với các láng giềng Châu Á. Tuy nhiên, Ấn Độ lo ngại hàng Trung Quốc xâm lấn, vừa quyết định rút khỏi cơ chế đối tác kinh tế khu vực do Trung Quốc chủ trì, tiếp theo đó Nhật cũng rút.
Nguyên nhân thất bại dồn dập : Độc tôn tư tưởng Tập Cận Bình
Theo Le Monde, nhiều người muốn đi tìm nguyên nhân của các thất bại dồn dập này đối với Trung Quốc. Một nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là "tư tưởng Tập Cận Bình". Việc ông Tập tập trung toàn bộ quyền hành trong tay có thể coi là điều khiến cho chế độ cộng sản Trung Quốc trở nên xơ cứng, không kịp trở tay đối phó với các tình thế bất thường, khiến chính quyền Trung Quốc "càng trở nên dễ phạm phải các sai lầm về chính trị", theo nhận xét của nhà Trung Quốc học nổi tiếng Min Xin Pei (Bùi Mẫn Hân), trong một bài viết công bố trên mạng Project Syndicate.
Theo ông Min Xin Pei, chế độ tập thể lãnh đạo trước đây của Đảng cộng sản Trung Quốc, cho dù thể hiện rõ tính chất kém quyết đoán, nhưng có khả năng giới hạn được các khủng hoảng, do biết phản ứng mềm dẻo, kịp thời. Một ví dụ là, trong cuộc khủng hoảng 2003, tại Hồng Kông, Bắc Kinh đã chấp nhận rút lại ngay lập tức dự luật về an ninh quốc gia, khiến hơn 500.000 người Hồng Kông xuống đường phản đối. Giờ đây, tư tưởng ông Tập Cận Bình được đưa vào Hiến pháp, phê phán ông Tập bị coi là "phạm tội khi quân", thì chính quyền Trung Quốc tự đánh mất khả năng phản ứng linh hoạt. Rốt cục, lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của chính mình.
Dữ liệu y tế - Nỗi đau đầu của chính phủ Pháp
La Croix đặc biệt chú ý đến việc các bệnh viện đang trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của giới tin tặc, theo một tổng kết từ đầu năm đến nay. Một trong các đối tượng của tin tặc là hồ sơ bệnh án. Một hồ sơ bệnh nhân có thể bán được trên mạng Web Đen, với giá 350 euro. Theo một thăm dò về an ninh mạng, có đến 72% người làm ngành y không có phương tiện bảo vệ máy tính, có chứa hồ sơ của bệnh nhân. Bệnh viện là mục tiêu của tin tặc, nhưng các dữ liệu về bệnh nhân được đưa lên các đám mây điện toán cũng đang là mối đau đầu với chính phủ Pháp. Xã luận của La Croix cho biết chính phủ Pháp vừa khởi sự từ đầu tháng 12 một plate – forme mang tên "Health Data Hub", nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp cơ hội sử dụng dễ dàng các dữ liệu y tế của hàng triệu người Pháp. Với phương tiện này, chính quyền Pháp muốn thúc đẩy việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nghiên cứu y tế. Tuy nhiên, quyết định chọn hãng Microsoft làm nơi lưu trữ dữ liệu y tế gây nhiều lo ngại, đặc biệt do luật Cloud Act của Mỹ cho phép tư pháp Hoa Kỳ truy cập các dữ liệu trong các máy chủ nằm ngoài lãnh thổ Mỹ.
Trọng Thành
Mưu đồ sâu xa của Saudi Arabia ở Yemen
L’Express là tuần san duy nhất phát hành trong tuần này. Tạp chí Pháp dành 38 trang cho nhân vật chính là nhà văn Pháp Albert Camus nổi tiếng. Trong phần thời sự quốc tế, L’Express đăng phóng sự "Hiểm họa chia rẽ" tại Yemen của đặc phái viên Quentin Müller.
Bản đồ các quốc gia Trung Đông
Công luận thế giới chỉ quan tâm đến chiến sự ở Syria mà quên rằng Yemen, nằm trên bán đảo Ả Rập, trên lối vào Biển Đỏ, đã tan hoang vì nội chiến từ năm 2015 và trở thành mặt trận ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran. Cộng hòa nhân dân Yemen từng được Liên Hiệp Quốc công nhận ngay năm 1979 là quốc gia đứng hàng đầu Trung Đông về mặt giáo dục. Phụ nữ từng được quyền phá thai và tham gia vào đời sống kinh tế nhiều hơn so với những quốc gia Ả Rập khác.
Hiện tại Yemen bị lực lượng nổi dậy Houthi kiểm soát. Lực lượng Houthi theo Zaidism, một nhánh của hệ phái Shia, và được Iran hậu thuẫn. Saudi Arabia, theo hệ phái Sunni - đối thủ của hệ phái Shia - đứng đầu liên quân Ả Rập, can thiệp quân sự để hỗ trợ chính phủ Sanaa.
Từ năm 2017, vùng Mahra, nằm sát biên giới với Oman và nằm bên bờ biển Ả Rập, bị lực lượng Saudi Arabia ngấm ngầm chiếm đóng và can thiệp vào đời sống chính trị của tỉnh có 650.000 dân này. Về mặt chính thức, chính quyền Riyadh can thiệp để tái lập chính quyền địa phương, truy đuổi phiến quân Houthi. Nhưng theo sultan Abdullah bin Essa al-Afar của vùng Mahra, hiện sống lưu vong ở Oman mà phóng viên của L’Express được tiếp xúc, Saudi Arabia còn có nhiều mưu đồ khác ở vùng Mahra.
Lập căn cứ quân sự, điều di dân theo phái Salafi để mở rộng ảnh hưởng
Ưu tiên chính của Riyadh là giám sát, bảo vệ đường ống dẫn dầu, một dự án sẽ được xây dựng và đi qua khu vực này. Để thực hiện được ý đồ này, lực lượng Saudi Arabia chiếm cảng Nishtun, bên bờ biển Ả Rập và các đồn biên phòng ở Shahin và Serfait, đóng vai trò quan trọng giữa Oman và Yemen, sân bay Al Ghaydah cũng bị trưng dụng. Vì phản đối sự hiện diện của Saudi Arabia, người đứng đầu vùng Mahra, Mohammed Bin Kudda, bị Riyadh gây áp lực để thay thế bằng một nhân vật được cho là bù nhìn trong tay Saudi Arabia.
Theo thẩm định của Sana’a Center For Strategic Studies, một cơ quan nghiên cứu và phân tích độc lập của Yemen, lực lượng Saudi Arabia có lẽ đã lập 5 căn cứ quân sự chính thức ở Mahra. Một số nguồn tin địa phương cho rằng con số này còn nhiều hơn.
Cùng lúc, vài trăm người nhập cư Hồi giáo theo phái Salafi (thuộc hệ phái Sunni) từ miền tây Yemen đến thủ phủ Qishn của vùng, ngoài ra còn có rất nhiều người Nigeria, Bắc Phi và một số người Pháp. Người dân địa phương nhận ra ý đồ mở rộng ảnh hưởng của Riyadh khi cấp đất đai cho những cư dân mới và một tổ chức nhân đạo của Riyadh đứng ra hỗ trợ họ. Do người dân địa phương phản đối mạnh mẽ, nên Saudi Arabia đành hủy dự án xây một trung tâm Hồi giáo theo phái Salafi.
Gây bất ổn ở Yemen để… xây đường ống dẫn dầu
Theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, "Saudi Arabia hiện diện ở Mahra để xây một đường ống dẫn dầu ở đây. Điều này giúp Riyadh tránh được việc trung chuyển dầu qua eo biển Ormuz (một phần do đối thủ Iran kiểm soát), một vùng xảy ra nhiều căng thẳng quốc tế".
Còn sultan Abdullah bin Essa al-Afar cáo buộc : "Saudi Arabia muốn cướp đất để mở lối ra biển Ả Rập". Vào tháng 09/2018, lực lượng các bộ tộc ở vùng Mahra đã đẩy lùi được một nhóm kĩ sư Saudi Arabia đang bắt đầu xây một con đường (chuẩn bị cho dự án xây đường ống dẫn dầu) trong vùng hoang mạc Kharkhir, biên giới giữa Saudi Arabia và Yemen.
François Frison-Roche, chuyên gia về Yemen, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nhận định : "Đối với Saudi Arabia, giấc mơ có từ lâu, không thể thực hiện được, chừng nào Yemen vẫn là một nước Cộng hòa có chủ quyền, có lẽ sẽ thành hiện thực. Tình hình hiện nay đã thay đổi. Chính quyền Riyadh sẽ tìm được nguồn tài chính hoặc quân sự để đồn trú ở trong vùng và bảo đảm an toàn cho việc chuyên chở vàng đen".
Lực lượng Yemen được Riyadh yểm trợ không ngần ngại trấn áp những cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Saudi Arabia. Nhiều nhà báo điều tra bị bắt giam, trong đó có Yahya al-Sewari. Ông miêu tả "vùng Mahra phải chịu làn sóng trấn áp mù quáng của Saudi Arabia", họ "lộng hành mà không bị trừng phạt".
Nhà báo Quentin Müller của L’Express cho rằng về lý thuyết, chính quyền Riyadh không có lợi gì khi đánh thức những ý đồ độc lập của các vùng vì điều này còn khiến Yemen bị chia rẽ hơn nữa. Nhưng Saudi Arabia cũng có thể quyết định ủng hộ dự án tự trị của vùng Mahra. Một khi được độc lập, làm sao Mahra có thể cưỡng lại được ý đồ bá quyền của Saudi Arabia ?
Vụ Hoa Vi : Trudeau sập bẫy của Trump ?
"Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết", thủ tướng Canada Justin Trudeau đang nằm trong tình cảnh này. "Vụ Hoa Vi : Liệu Trudeau sập bẫy của Trump ?", Courrier International đặt câu hỏi trong một bài đăng trên website (do đã ra số đúp vào tuần trước), dựa trên nhận định của cựu thủ tướng Canada Jean Chrétien. Theo đó, khi chấp nhận yêu cầu của Mỹ tiến hành bắt nữ giám đốc tài chính của Hoa Vi, ông Trudeau là nạn nhân thủ đoạn của tổng thống Mỹ và ông Trudeau đang phải trả giá.
Kể từ khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở sân bay Vancouver cách đây một năm, quan hệ Trung Quốc-Canada trở nên xấu đi. Bắc Kinh trả đũa bằng thương mại và bắt giữ hai công dân Canada, Michael Spavor và Michael Kovrig, bị cáo buộc vi phạm bí mật nhà nước.
Cựu thủ tướng Canada Jean Chrétien khẳng định trên đài CTV News : những căng thẳng hiện nay giữa Bắc Kinh và Ottawa là do Washington gây ra : "Đó là một cái bẫy mà Donald Trump giăng ra. Thật bất công vì chúng ta đã phải trả giá cho điều mà Trump muốn chúng ta làm". Và theo ông, vụ việc còn kéo dài vài năm vì "quý bà đó (Mạnh Vãn Châu) sẽ không sang Mỹ ngay được. Và trong thời gian đó, chúng ta có hai công dân Canada ngủ trong xà lim".
Trong khi Trung Quốc và Canada khẩu chiến, Hoa Kỳ dần đạt được một thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Bắc Kinh. Theo trang Le Devoir ngày 20/12/2019, thủ tướng Trudeau "đã yêu cầu Mỹ không đúc kết thỏa thuận tự do trao đổi thương mại với Mỹ chừng nào hai người Canada vẫn còn bị chính quyền Trung Quốc cầm tù".
Một yêu cầu "đã bị thất bại", theo phát biểu của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trang South China Morning Post trích lại "lời khuyên" của vị quan chức Trung Quốc với Canada : "Đừng mất thời gian và công sức liên minh chống Trung Quốc hoặc gây sức ép với Trung Quốc về những vấn đề không liên quan, vì các vị sẽ chẳng thu được lợi gì".
Trong một bức thư được nhật báo Vancouver Sun đăng tải, chủ tịch Quỹ Châu Á-Thái Bình Dương của Canada, Stewart Beck và Pitman B. Potter, một giáo sư luật tại đại học Colombie-Britanique, khẳng định rằng "trong mọi trường hợp tốt hay xấu, Trung Quốc ‘đã đến’ và chúng ta phải ở tuyến đầu thay vì chỉ phản ứng về những quyết định được Bắc Kinh và Washington đưa ra".
Pháp : Vấn đề thế tục và chợ Noel Strasbourg
Tuần san The Economist của Anh có một góc nhìn khác về chợ Noel truyền thống, trong bài viết "Mối quan hệ phức tạp của Pháp với Giáng Sinh" và được Courrier International trích dịch trong bài : "Phi tôn giáo và chợ Giáng Sinh : trường hợp ngoại lệ Strabourg nhìn từ Anh Quốc".
Pháp là một nước theo thể chế thế tục. Điều này được ghi rõ trong luật năm 1905. Chính những nguyên tắc này đã dẫn đến nhiều quyết định cấm khác nhau : cấm khăn trùm trong trường học, cấm mang, đeo thánh giá hoặc những dấu hiệu tôn giáo một cách lộ liễu. Nhưng ở Strasbourg vào dịp Giáng Sinh, không khí Công giáo xuất hiện ở mọi góc chợ, từ hang đá nơi Chúa Hài Đồng được sinh ra bên máng lừa, đến những chú cừu thật... trong khi tất cả các tòa thị chính đều chúc chung chung "Joyeux Fêtes" (Chúc những ngày lễ an lành).
Tuy nhiên, Strasbourg lại được hưởng ngoại lệ, theo một điều khoản trong Điều ước Napoleon năm 1801 và hiện vẫn có hiệu lực.
Bốn tôn giáo được công nhận tại Strasbourg cũng như ở vùng Alsace và Moselle : Công giáo, Tin lành Luther, Tin lành cải cách và Do Thái giáo. Tại hai vùng này, các trường công lập có cả lớp dạy về tôn giáo. Tổng thống Pháp là người bổ nhiệm chính thức tổng giám mục Strasbourg. Đối với người dân Pháp quen với tư tưởng thế tục, việc thành phố Strasbourg trực tiếp tham gia vào các hoạt động tổ chức Giáng Sinh, chắc hẳn phải khiến họ bất ngờ.
Vấn đề thể chế thế tục luôn là nguồn gốc của các cuộc tranh luận và mâu thuẫn. Strasbourg không phải là trường hợp ngoại lệ của những căng thẳng này. Người ta vẫn nhớ vụ khủng bố năm 2018 mà thủ phạm Chérif Chekatt, sinh ra ở Strasbourg. Ngoài ra, còn có một mạng lưới tuyển người cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo sang chiến đấu ở Syria. Vùng này còn có nhiều nhóm cực hữu và tân phát xít, thường xuyên phun sơn hình chữ thập phát xít lên bia mộ người Do Thái.
Nhà nghiên cứu Hakim El Karoui, thuộc Viện Montaigne, khẳng định "có rất nhiều căng thẳng ngầm ở Strasbourg", bởi vì "một phần vấn đề nằm ở chỗ Hồi giáo không được hưởng cùng cương vị như những tôn giáo khác".
Albert Camus, một biểu tượng của Pháp
Cách đây 60 năm, Albert Camus, tác giả của Kẻ xa lạ (L’étranger) chết trong một vụ tai nạn ô tô ngày 04/01/1960. Tuần báo L’Express dành gần 40 trang để tưởng nhớ "Albert Camus, một biểu tượng của Pháp", một người sinh ra ở Algéria, từng đạt giải thưởng Nobel Văn học và là cây bút xã luận của L’Express.
Camus nhà văn, nhà báo, một người nổi loạn, đối với giáo sư Jeanyves Guérin, đại học Paris III - Sorbonne nouvelle, khi trả lời L’Express, "Camus là người truyền tải dân chủ", trong khi nhà văn Jean-Paul Sartre từng coi Camus là đại diện cho "cánh tả yếu đuối". Sáu mươi năm sau khi ông qua đời, lịch sử đã cho thấy rõ rằng Camus có lý. Lần lượt qua từng câu hỏi, giáo sư Pháp phân tích về những điểm còn khúc mắc về nhà văn với chủ nghĩa cộng sản, với phe xã hội, sự ủng hộ nhiệt thành với Mendès France, cũng như quan điểm của Camus về Algéria, về cuộc chiến Algérie…
Vụ tai nạn xe hơi khiến Albert Camus thiệt mạng cũng được L’Express đề cập qua bài viết : "Những đồn thổi và sự thật quanh cái chết bi kịch". Giovanni Catelli, tác giả người Ý một cuốn sách về Camus, đưa ra giả thuyết nhà văn Pháp bị tình báo Nga KGB ám sát. Một chiếc lốp xe đã bị phá từ trước để nổ trên con đường bằng phẳng, dưới tán lá cây tiêu huyền. Vẫn theo tác giả người Ý này, Camus đã tự "kí" vào án tử hình ngày 15/03/1957 ở Paris, khi ông tham gia buổi mit-tinh ủng hộ người dân Hungary, nạn nhân của loạt trấn áp thời Xô Viết. Nhiệm vụ được KGB giao cho tình báo Tiệp Khắc, thậm chí được chính quyền Pháp lúc đó bật đèn xanh.
Lẽ ra sau chuyến nghỉ ở miền nam, Camus về Paris bằng tầu hỏa nhưng thay đổi kế hoạch vào phút chót. Theo Giovanni Catelli, có lẽ tình báo Tiệp Khắc đã tranh thủ thời gian chuyến xe của Camus nghỉ đêm tại Thoissey để làm thủng lốp chiếc xe Facel Vega. Ngày hôm sau, khi đi đến khu vực Fontainebleau, chiếc xe bị nổ lốp, trật đường, đâm lần lượt vào hai cây tiêu huyền bên lề đường, bị gẫy làm đôi, các mảnh vỡ văng tứ tung trên vài chục mét. Camus ngồi ở băng ghế sau, không cài dây an toàn, đã qua đời, ở tuổi 46.
Phác họa chân dung "tổ tiên người Anh" nhờ gien
Vẫn tuần báo L’Express đề cập đến một tiến bộ mới trong lĩnh vực công nghệ. Nhờ khai thác chuỗi ADN trong xương sọ của Cheddar Man, người đàn ông chết cách đây khoảng 10.000 năm, các nhà nghiên cứu đã có thể phác họa được tổ tiên của người Anh, mắt xanh, da ngăm đen, thay vì dạng người phổ biến ở Anh hiện nay (da trắng, tóc đỏ).
Thành tích này có được nhờ các nhóm nghiên cứu thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Luân Đôn. Theo các nhà nghiên cứu, trong một số trường hợp, trừ điều kiện quá ẩm hoặc quá nóng, ADN được bảo quản rất tốt và chứa lượng thông tin rất lớn. Giới tính, mầu mắt, mầu tóc, mầu da và đặc tính hình thể có thể xác định được chỉ nhờ vào gien.
Ngành sinh học phân tử ứng dụng trong lĩnh vực nhân chủng học hiện mở ra hướng nghiên cứu mới trong ngành cảnh sát khoa học. Về nguyên tắc, khá là dễ để phân tích các dấu vết gien và biết được liệu một mẫu ADN thuộc về một người đàn ông hay một phụ nữ, liệu người đó có mắt xanh hay nâu, tóc vàng hay đen...
Thu Hằng
Hồng Kông, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ : Những thùng thuốc nổ năm 2019 (RFI, 26/12/2019)
Năm 2019 là năm giầu biến cố, năm của mọi sự phẫn nộ. Từ Châu Á sang Châu Âu, từ Châu Phi đến Châu Mỹ, đất bằng như dậy sóng. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông gần như tăng lên đến đỉnh điểm. Tại Hoa Kỳ, chính trường cũng sôi sục vì thủ tục luận tội phế truất Donald Trump.
Người Hồng Kông xuống đường ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, ngày 22/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson
Hồng Kông : Mảnh đất tự do còn "sót lại" của Trung Quốc
Tại Châu Á, mọi tâm điểm thời sự tập trung vào Hồng Kông, cựu thuộc địa của Anh Quốc, được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Từ sáu tháng qua, người dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, những sinh viên – học sinh đã rầm rộ xuống đường, ban đầu chống đối ôn hòa dự luật dẫn độ của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau chuyển thành các phong trào đòi dân chủ, phản đối Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do với mức độ bạo lực tăng dần.
Đỉnh điểm của những cuộc biểu tình là cuộc đọ sức giữa sinh viên với cảnh sát tại khuôn viên đại học Bách Khoa PolyU, tưởng chừng sắp có nội chiến. Nỗi bực tức của người dân Hồng Kông còn được thể hiện qua lá phiếu trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2019, với thắng lợi lớn của phe ủng hộ dân chủ.
Hình ảnh của chính quyền Bắc Kinh còn bị nhòe thêm cùng với tai tiếng Xinjianggate, khi tờ New York Times công bố những tiết lộ được cho là do một quan chức cao cấp Trung Quốc cung cấp về các trại tù bí mật giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.
Từ những sự việc này, ông François Bougon, cựu thông tín viên hãng thông tấn Pháp AFP, phụ trách mảng Quốc tế cho báo mạng độc lập Mediapart, trên đài France Culture có một nhận xét khá thú vị như sau :
"Hồng Kông cho thấy rõ ngay lập tức tính chất thời sự, đó là Trung Quốc, nhất là Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, khó thích ứng với sự đa dạng đến chừng nào. Điều thật sự khác biệt và thú vị là một số người Hồng Kông mà tôi có dịp tiếp xúc nói với tôi rằng, không giống như ở Tân Cương, nơi ngự trị của sự im lặng, ít ra ở Hồng Kông người ta có thể bày tỏ chính kiến.
Chính nhờ vào vai trò của trung tâm tài chính này, vào quy chế đặc biệt mà Hồng Kông ngày nay đang thụ hưởng ʺMột đất nước, hai chế độʺ, mà người dân ở đây còn có khả năng bày tỏ chính kiến, thái độ. Trong khi mà nhiều cộng đồng thiểu số bị trấn áp khác như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ lại cực kỳ khó khăn để có tiếng nói trên trường quốc tế, ở nước ngoài.
Do vậy, điều gây ấn tượng ngay lập tức đối với tôi, đó là khả năng tiếng nói của người dân ở Hồng Kông còn được lắng nghe. Các phương tiện truyền thông nước ngoài vẫn có thể tới Hồng Kông, chứ còn tại Tân Cương hay Tây Tạng là điều bất khả".
Chile, Lebanon, Algeria, Iran, Iraq : Nổi dậy đòi nhân phẩm !
Cùng lúc này tại những nước khác như Iran, Iraq, Lebanon, Algeria, đi qua cả Pháp, rồi đến Ecuador, Chile của Châu Mỹ, người dân cũng ồ ạt xuống đường phản đối đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang, đòi công bằng, tự do, nhân phẩm và chống đối một tầng lớp kỹ trị già nua.
Làn sóng phản kháng 2019 có gì khác biệt so với mùa xuân 1968 ở Pháp và mùa xuân Bắc Kinh năm 1989 ? Nhà chính trị học Dominique Moisi, trên đài RFI phân tích :
"Lý do cốt lõi là những người cầm quyền cảm nhận quá trễ nỗi tuyệt vọng của dân chúng, nỗi tuyệt vọng thúc đẩy giới trẻ phản kháng. Cũng vì thế mà cách nay 30 năm, vào năm 1989 tại Trung Quốc, xảy ra cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, hay ở Pháp, mùa xuân 1968, rồi ở các nước Bắc Phi, Trung Đông với phong trào Mùa Xuân Ả Rập 2010, 2011.
Nhưng giữa 1989 và 2019, tâm trạng phẫn nộ không giống nhau. Năm 1989, tuổi trẻ Trung Quốc đấu tranh vì cảm thấy có "niềm hy vọng" làm thay đổi cuộc đời. Nhưng không riêng gì tuổi trẻ mà các thành phần khác cũng đấu tranh vì thấy có hy vọng. Năm 2019, trái lại, thanh niên xuống đường vì tuyệt vọng, vì mất niềm tin. Đó là tâm trạng không thể tiếp tục chịu đựng mãi, không thể sống im lặng mãi trong điều kiện bị tước đoạt nhân phẩm.
Xuống đường phản kháng là sự "bùng nổ" của tình trạng bất công xã hội tích tụ. Trong một thế giới toàn cầu hóa, không có chuyện gì có thể che đậy mãi. Giới lãnh đạo ở mỗi nước đều nhận ra họ là "cá mè một lứa", bị dân ghét bỏ thì sớm muộn gì cũng chìm tàu. Họ có làm gì cũng muộn".
Syria và chủ trương "phi phương Tây hóa" của Mỹ
Tình hình vịnh Ba Tư năm 2019 cũng không mấy gì khá hơn. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đột biến tưởng chừng sắp có chiến sự xảy ra. Chính quyền Teheran trong năm 2019 này vẫn tiếp tục gồng mình chịu thêm đòn phạt của Mỹ, vốn dĩ bắt đầu có những tác động lên đời sống của người dân.
Nhưng đáng chú ý nhất là tình hình chiến sự tại Syria đã có những diễn biến ngoạn mục. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/10/2019 bất ngờ thông báo rút quân khỏi vùng đông bắc Syria, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tấn công người Kurdistan, một đồng minh chống khủng bố Daesh của Mỹ từ bốn năm qua. Quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng đã làm dấy lên nhiều chỉ trích từ nhiều nước trong liên minh quốc tế chống khủng bố.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Alexandra de Hoop Scheffer, nhà chính trị học, chuyên gia về Hoa Kỳ và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giám đốc hội cố vấn German Marshall Fund of the United States, trên đài France Culture, những sự kiện gần đây tại Syria và nền ngoại giao bất ổn của Donald Trump thể hiện một sự "phi phương Tây hóa" (désoccidentalisation) trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, và sự thoái lui của Hoa Kỳ với những cam kết và các đồng minh truyền thống của họ.
"Khi nói chuyện với các giới chức quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ, thì đối với họ, lý tưởng nhất là việc chia sẻ gánh nặng chi phí, chia sẻ trách nhiệm có lẽ nên được dựa theo các tiêu chí địa lý. Thế nhưng, điều chúng ta thấy rất rõ hiện nay là trên phương diện đối ngoại, nỗi ám ảnh trước hết của Mỹ chính là Trung Quốc, tiếp đến là Nga.
Mối lo chống khủng bố ngày càng ít đi. Đúng là kể từ sau vụ khủng bố 11/9 chính quyền Washington đã lao vào cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở Iraq, tại Afghanistan, gần đây nhất là ở Syria. Nhưng giờ đây Mỹ muốn thoái lui ra khỏi cuộc chiến này.
Trong khuôn khổ này, quyết tâm của Mỹ đã thấy rõ trong cách tiếp cận vấn đề từ dưới thời Obama, và cách tiếp cận này đã được thực hiện nhanh chóng dưới thời Trump đẩy nhanh : Đó là tìm cách ủy nhiệm, giao phó ngày càng nhiều trách nhiệm xử lý các cuộc khủng hoảng tại Châu Phi và Trung Đông như Iraq, Syria … cho các đồng minh. Đó là những đồng minh trong khu vực của Mỹ và cho cả chúng ta, nước Pháp và Châu Âu nữa và điều này dẫn đến những hệ quả rất cụ thể đối với chúng ta".
Donald Trump : Ngôi sao không thể dập tắt !
Chính trường Mỹ năm 2019 sôi động với thủ tục phế truất tổng thống Donald Trump vì vụ tai tiếng Ukrainegate. Sau một tháng lấy các lời khai nhân chứng, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp công khai, Hạ Viện Mỹ ngày 18/12/2019 đã thông qua bản luận tội tổng thống Mỹ Donald Trump.
Như vậy, Donald Trump là vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị đưa ra luận tội và bị đưa ra xét xử để phế truất. Tuy nhiên, cũng như hai vị tổng thống trước là Andrew Johnson và Bill Clinton, ông Donald Trump khó có thể bị phế truất, vì Thượng Viện là do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Vậy phải chăng đây là một chiến lược sai lầm của phe Dân chủ ?
Nhà báo Phạm Trần từ Washington phân tích :
"Khi cho rằng có sai lầm về chiến lược, vì họ nghĩ và thấy là việc luận tội ở tại Hạ Viện, dù đã quyết định luận tội ông Trump rồi, cuối cùng lên đến Thượng Viện ông Trump vẫn không bị truất phế và ông Trump vẫn làm tổng thống. Họ cho rằng là tình hình kinh tế thời Donald Trump là rất khá, tình hình kinh tế vẫn đi lên, thì như vậy việc luận tội này sẽ có hại cho đảng Dân chủ, và uy tín của ông Trump sẽ còn tăng lên nhiều hơn so với trước khi chưa bị luận tội.
Các quan sát viên, các nhà bình luận cũng như các chuyên gia về vấn đề luật pháp của Hoa Kỳ cho rằng kế hoạch của đảng Dân chủ muốn hạ bệ ông Trump chẳng những không thành công, mà còn làm cho uy tín của đảng Cộng hòa đi lên. Nhưng đó là vì người dân Mỹ chỉ nhìn vào thực tế là khi họ có công ăn việc làm, họ có đời sống khá giả, thì họ không có quan tâm đến chuyện chính trị.
Người dân Mỹ nghĩ rằng ở Washington, cả Nhà Trắng, bên hành pháp lẫn lập pháp đã có những chuyện giằng co với nhau, những chuyện tranh cãi với nhau không làm việc gì lợi ích. Hiện bây giờ, ông Trump đã làm cho tình hình kinh tế đi lên, thất nghiệp giảm, đó mới chính là điều người dân Mỹ quan tâm.
Đấy chính là lý do tại sao các nhà quan sát cho rằng, đảng Dân chủ đã có những chiến lược sai lầm trong vấn đề luận tội ông Trump".
Minh Anh
****************
2019 : Giới trẻ toàn cầu đòi các chính phủ hành động vì khí hậu (RFI, 26/12/2019)
Trong năm 2019, năm nóng nhất được ghi nhận cho tới nay, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc tuần hành rầm rộ của công dân toàn cầu, đặc biệt là giới trẻ, đòi các chính phủ phải có hành động khẩn cấp vì khí hậu.
Xuống đường vì khí hậu tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 20/09/2019. Ben STANSALL / AFP
Thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi Greta Thunberg, mà cách đây một năm không ai biết đến, đã trở thành biểu tượng của thế hệ trẻ phẫn nộ vì thấy chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới không có hành động gì để chống biến đổi khí hậu, hiện đang gây tác hại ngày càng nặng nề lên hành tinh của chúng ta, gây ra những thiên tai ngày càng dữ dội. Là người phát động phong trào "bãi khóa vì khí hậu" vào mỗi thứ sáu, Greta đã là động lực thúc đẩy hàng trăm ngàn bạn trẻ xuống đường. Ảnh hưởng của Greta Thunberg lên đến mức mà cô đã được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là nhân vật của năm 2019. Thiếu nữ Thụy Điển này cũng đã được đề cử cho giải Noel Hòa bình 2019.
Extinction Rebellion, phong trào bất phục tùng dân sự bất bạo động, xuất phát từ Anh Quốc, cũng đã nhanh chóng lan ra nhiều nước khác. Những người tham gia phong trào đã ngăn chận các trục lộ ở Luân Đôn và đã có nhiều hành động khác trên khắp thế giới, không sợ bị câu lưu hàng loạt.
Một trong trào khác cũng ra đời trong năm 2019, đó là Youth4Climate ( Giới trẻ vì khí hậu ).
Phong trào tuần hành vì khí hậu đã gia tăng cường độ kể từ khi vào cuối năm ngoái, nhóm chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc ( GIEC ) công bố bản báo cáo đặc biệt báo động về những nguy cơ trầm trọng đối với Trái đất, nếu mức tăng nhiệt độ của hành tinh chúng ta không được kềm chế trong khoảng từ 1,5 đến 2°C.
Công dân toàn cầu lại càng thức tỉnh khi được biết 2019 là một trong những năm thuộc loại nóng nhất kể từ nhân loại bắt đầu đo nhiệt độ Trái Đất, sau các năm 2015, 2016, 2017 và 2018.
Nhưng cho dù phong trào công dân đấu tranh vì khí hậu ngày càng lớn mạnh, hội nghị thứ 25 của Liên Hiệp Quốc vì khí hậu COP25 tại Madrid vào đầu tháng 12 vừa qua đã chỉ đạt được một thỏa thuận ở mức tối thiểu.
Thanh Phương
Cá Biển Hồ giảm mạnh, hồi kết được báo trước của làng nổi Cam Bốt
Libération hôm nay 26/12/2019 trên trang Môi trường báo động "Cam Bốt đang có dấu hiệu sút giảm dần lượng cá". Trên Biển Hồ (Tonlé Sap) mênh mông, biến đổi khí hậu và nạn khai thác quá mức đã làm đảo lộn lãnh vực ngư nghiệp, khiến hai triệu người sống về nghề này lâm vào cảnh khó khăn.
Ngư dân ở Biển Hồ (Tonlé Sap), Cam Bốt, đối mặt với mực nước thấp nhất từ trước đến nay trong năm 2019. RFI/Juliette Buchez
Nước cạn, cá không vào Biển Hồ
Một người buôn cá từ 20 năm qua nói với đặc phái viên của Libération tại Phat Sanday, là trước đây mỗi ngày bà mua được một đến hai tấn cá từ sáu ngư dân quen, nhưng nay chỉ còn 200 ký. Trưởng xóm chài có 400 gia đình, ông Ly Kimsring cho biết thường thì nước dâng vào tháng Năm, tháng Sáu, đó là lúc các loài cá từ sông Mêkông đến sinh sản. Nhưng năm nay đến tháng Bảy, tháng Tám nước mới ngập, và ngư dân biết rằng thu hoạch sẽ thất bát vì nước cạn, cá sẽ không vào Biển Hồ.
Những người đánh cá hy vọng nước sẽ dâng lên từ tháng 12 đến tháng Hai, nhưng mọi người đều bi quan. Biển Hồ cung cấp đến phân nửa lượng tôm cá cho cả nước Cam Bốt, gồm cá nước ngọt, nước mặn và cá nuôi. Hệ sinh thái ở đây dựa vào một sự thăng bằng mong manh, và là hiện tượng độc nhất trên thế giới. Vừa là hồ vừa là sông, nước Biển Hồ đổ vào sông Mêkông trong mùa khô và vào mùa mưa, nước từ Mêkông lại tràn vào Biển Hồ. Đây là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 7% diện tích Cam Bốt.
Nhưng năm nay, mực nước sông Mêkông thấp đến mức lịch sử, thấp hơn trung bình 2,5 mét. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo năm nay là năm khô hạn nhất thế kỷ đối với khu vực hạ lưu sông Mêkông. Bình thường thì những khu rừng ngập nước của Biển Hồ là nơi sinh sản ưa thích của các loài cá từ Mêkông sang, nhưng khi nước cạn, sẽ ảnh hưởng đến một số loài.
Theo tổ chức phi chính phủ Fact, số lượng ngư dân đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Có đến 2/15 triệu dân Cam Bốt sống nhờ vào nghề cá ở Biển Hồ. Hiện tượng trái đất nóng lên, lạm sát thủy sản, các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nạn nghèo đói đang đe dọa người dân sống quanh Biển Hồ. Ông Ly Kimsring cho biết, đa số gia đình ở Phat Sanday phải vay mượn, và đôi khi chủ nợ đến tịch thu ghe chài và nhà cửa của họ.
Đập thủy điện thượng nguồn đe dọa an ninh lương thực
Một hiện tượng gây chú ý cho Ủy ban Sông Mêkông (MRC) và tạp chí Nature : kích thước của cá ngày càng nhỏ đi. Rất nhiều ao hồ bị cạn nước khiến cá không thể di cư, và đến khi chúng đi được thì đầu to hơn thân, do không tìm được đầy đủ thức ăn khi mực nước quá thấp. Đối với nhiều chuyên gia và tổ chức phi chính phủ, việc số lượng và kích thước cá giảm còn do vô số các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông.
Trên dòng chính của con sông quan trọng này, có đến 11 đập thủy điện lớn do Trung Quốc xây. Từ cuối tháng 10, thêm hai đập quy mô đi vào hoạt động tại Lào, bất chấp cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế ; và 9 đập khác đang được xây dựng tại Lào, Thái Lan, Cam Bốt. Một nghiên cứu của MRC cho thấy những đập thủy điện này đang đe dọa nặng nề an ninh lương thực của khu vực, làm giảm 40% đến 80% nguồn lợi thủy sản từ nay cho đến năm 2040.
Một số người dân xóm chài, nhất là những người trẻ, đã chuyển đi sống trên đất liền để tìm tương lai. Người vào làm việc ở các nhà máy dệt may, người khác đến Phnom Penh hoặc sang Thái Lan làm thuê, người lại chuyển sang trồng trọt. Hồi kết của những ngôi làng nổi, những căn nhà sàn trên sông đã được báo trước.
Bắc Kinh đóng vai người hòa giải Nhật-Hàn
Cũng liên quan đến Châu Á nhưng về ngoại giao, Les Echos chú ý đến việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mà tờ báo cho là "một mũi tên bắn ba con chim", trong lúc hình ảnh Bắc Kinh ngày càng trở nên xấu xí qua phong trào phản kháng của sinh viên Hồng Kông.
Tokyo và Seoul xung đột từ hơn một năm qua, hậu quả là số du khách Hàn Quốc thăm Nhật giảm mất 2/3, có đến 72% người dân Hàn tẩy chay hàng Nhật, cho đến nỗi bia Nhật xuất sang Hàn hầu như còn bằng 0. Đối thoại giữa đôi bên có thể dần dần được tái lập sau cuộc gặp ở Thành Đô (Tứ Xuyên). Cả ba nước Trung-Nhật-Hàn đều có mối quan tâm chung là sự đe dọa từ chế độ Bình Nhưỡng, và thông cáo chung ủng hộ việc "phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và một nền hòa bình bền vững tại Đông Á".
20 năm trận bão thế kỷ tại Pháp
Tại Pháp, nhân dịp Noël, Le Figaro quan tâm đến việc "Thiên Chúa giáo ở Pháp tìm cách đổi mới", còn La Croix nhìn sang một đất nước Phi Châu bị quân Hồi giáo tấn công đúng ngày Noël làm 35 người chết, với dòng tựa "Burkina Faso sống trong sợ hãi". Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo "Tín dụng địa ốc, mối nguy mới cho các ngân hàng". Hôm nay, đúng 20 năm kể từ trận bão thế kỷ năm 1999, Libération chạy tựa "20 năm sau bão, cây rừng lại mọc rễ", và dành đến bốn trang báo để kỷ niệm sự kiện.
Các trận bão Lothar và Martin ập vào Pháp và các nước Châu Âu khác trong những ngày 26, 27 và 28/12/1999 được các chuyên gia đánh giá là lịch sử. Chỉ trong ba ngày, đã có đến 88 người chết, những vạt lớn của các khu rừng Pháp bị hủy hoại toàn bộ, nhất là ở Lorraine, Aquitaine, Alsace… với gần một triệu hecta rừng bị thiệt hại, tạo ra "đứt gãy trong kim tự tháp tuổi" của rừng, như đã từng xảy ra trong hai trận đại chiến thế giới. Bão năm 1999 cũng là thiên tai lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Pháp với 7 tỉ euro đền bù cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Bài xã luận của Libération nhận định, với trên 80 người thiệt mạng, 1/10 diện tích rừng cả nước bị tàn phá, thảm họa này không chỉ đánh vào lòng hoài nhớ đất đai và cây rừng đã bị mất vì kỹ nghệ hóa, mà còn đánh thức lương tâm. Thiên nhiên đã tự làm lành một phần lớn vết thương, và Nhà nước sau đó đã ra sức trồng lại cây rừng. Bao phủ một phần ba diện tích nước Pháp, rừng hấp thụ khí một phần lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra. Nhưng cần phải chạy đua với thời gian : tình trạng trái đất nóng lên khiến côn trùng sinh sôi nảy nở, đe dọa cây rừng.
Công viên Versailles hồi sinh sau bão
Trong bài "Công viên Versailles sẵn sàng thách thức thể kỷ", Le Figaro cho biết sáng nay, 440 cây sồi đã được trồng tại đường Saint-Cyr trong công viên lớn của lâu đài Versailles, mà đúng vào ngày này 20 năm trước, cơn bão Lothar đã tàn phá.
Ngày 26/12/1999, trong suốt hai tiếng đồng hồ, các trận cuồng phong có tốc độ lên đến 210 km/h đã làm bật gốc 18.500 cây cổ thụ, phá hủy 80% các loại thảo mộc hiếm. Có những cây quý hiếm đã vĩnh viễn biến mất, như hai cây tulipier Virginie do hoàng hậu Marie-Antoinette trồng năm 1783, hay cây thông đảo Corse của hoàng đế Napoléon I. Trong những tuần lễ sau đó, còn phải đốn hạ thêm 30.000 cây cổ thụ có nguy cơ bị ngã.
Mặc dù trận bão thế kỷ hoành hành trên khắp nước Pháp, nhưng những thiệt hại ở điện Versailles gây xúc động lớn, vượt qua khỏi biên giới, tạo ra một làn sóng liên đới mạnh mẽ. Đợt quyên góp với nhiều nhân vật nổi tiếng cổ vũ như cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, nữ diễn viên Ý Claudia Cardinale… đã thu được 2,5 triệu euro ủng hộ từ hàng ngàn mạnh thường quân. Ngay cả thủ lãnh da đỏ Raoni cũng tham gia vào việc trồng lại rừng Versailles.
Theo ông Alain Baraton, người phụ trách khu vườn Trianon và công viên lớn của cung điện Versailles, thì trong cái rủi có cái may. Rừng Versailles năm 1999 vô cùng xinh đẹp nhưng già cỗi vì không được chăm sóc đúng mức, trận bão năm ấy đã thức tỉnh mọi người về di sản này ; nhiều người nhận bảo trợ những cây cổ thụ tại đây. Có những câu chuyện cảm động, như một người Mỹ đề nghị tặng một cây tulipier mới, nhóm của ông sang nhận và mang về Pháp đến 2.000 cây do người dân địa phương tặng.
Ngày nay cây cối được trồng với khoảng cách lớn hơn để cây có thể chống chọi với gió mạnh, đa dạng hóa các loài để tồn tại được nhiều thế kỷ nữa, và đặc biệt không dùng đến thuốc trừ sâu, 100% là bio (sinh thái).
Cuba hợp nhất hai loại đồng peso
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Les Echos nói về việc Cuba đang chuẩn bị hợp nhất hai đồng tiền : peso Cuba và peso chuyển đổi. Hệ thống này không còn phù hợp với việc mở cửa kinh tế của đất nước.
Đồng peso Cuba sẽ được duy trì, có tỉ giá 24 đồng đổi 1 đô la, được sử dụng trong các cửa hàng nhà nước và trả lương cho công chức, người về hưu, công nhân viên quốc doanh (chiếm 85% dân số). Còn đồng peso chuyển đổi có trị giá tương đương 1 đô la, sẽ biến mất. Đồng tiền này lâu nay được dùng để mua hàng nhập khẩu, người lao động khi muốn đổi được đồng tiền này phải xếp hàng dài dằng dặc. Các công ty quốc doanh được hưởng tỉ lệ ưu đãi là 1 peso Cuba đổi ngang 1 peso chuyển đổi, sự bất bình đẳng này tạo ra nạn buôn lậu.
Hệ thống hai đồng tiền như thể buộc phải kiểm tra rất chặt việc đổi tiền, trong khi nền kinh tế Cuba đang mở cửa một cách tương đối, nhất là qua du lịch. Từ hai tháng qua, người dân Cuba đã được phép mở tài khoản bằng đô la, và lệnh cấm sử dụng đô la có từ năm 2004 nay bị bãi bỏ. Lương công nhân viên từ 667 peso Cuba đã được tăng lên 1.067 peso. Theo nhà kinh tế Everleny Perez, việc hủy bỏ hệ thống hai đồng peso cần đi kèm với việc giảm hối suất, cải cách sản xuất để tránh lạm phát do tăng giá và thiếu hụt một số mặt hàng.
Năm sự kiện khoa học nổi bật trong năm 2019
Trên lãnh vực khoa học, Le Figaro điểm qua năm sự kiện đáng chú ý trong năm 2019.
Trước hết là chân dung của "lỗ đen" mà lần đầu tiên loài người có thể chứng kiến vào tháng Tư, đây là thành tựu khoa học quan trọng nhất trong năm. Để có được bức ảnh này, tất cả kính viễn vọng lớn nhất thế giới phải phối hợp với nhau, cùng lúc chiếu vào trung tâm lỗ đen ẩn trong siêu thiên hà M87. Tiếp theo là việc một tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh vào mặt tối của Mặt Trăng, chạy được 350 mét, vượt qua kỷ lục của chiếc Lunokhod (Liên Xô) năm 1971.
Sự kiện các nhà khảo cổ tìm thấy xương của những con khỉ đột đi bằng hai chân tại một hang động hóa thạch ở Bayern (Đức), đã đẩy lùi lại bốn triệu năm trước, khiến giả thiết sự tiến hóa của loài người hoàn toàn diễn ra ở Châu Phi, khó thể đứng vững. Năm 2019 còn được đánh dấu bởi hội nghị khí hậu COP25 đáng thất vọng, mọi hồ sơ đều phải dời sang năm 2020. Cuối cùng là việc các loại thuốc vi lượng đồng căn (homéopathie), chủ đề tranh cãi lâu nay, sẽ không còn được bảo hiểm y tế Pháp thanh toán, vì không đủ bằng chứng cho thấy sự hiệu quả.
Tờ báo dự đoán năm 2020 sẽ là năm chạy đua lên Hỏa tinh, với bốn tàu thăm dò của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc, Châu Âu và NASA.
Thụy My
2019 : Thế giới thiệt hại hàng trăm tỉ đô la vì thảm họa tự nhiên (RFI, 27/12/2019)
Trong năm 2019, có ít nhất 15 thảm họa tự nhiên trên thế giới liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại trên 1 tỉ đô la/vụ, 7 vụ thiên tai gây thiệt hại ít nhất 10 tỉ đô la/vụ. Trên đây là số liệu do tổ chức phi chính phủ Christian Aid của Anh Quốc công bố vào hôm nay 27/12/2019.
Mang thức ăn phân phát cho những người dân bị kẹt trong lũ do trận bão Hagibis ở Shibata, Miyagi (Nhật) ngày 13/10/2019. CHARLY TRIBALLEAU / AFP
Dựa vào các nguồn dữ liệu mở trong các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan nhà nước, các công trình nghiên cứu khoa học…, tổ chức phi chính phủ Christian Aid đã liệt kê 15 thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất : bão, ngập lụt, cháy rừng… Đợt cháy rừng ở California hồi tháng 11-12 làm Mỹ mất tới 25 tỉ đô la, cơn bão Hagibis ở Nhật (15 tỉ), đợt lũ lụt ở Midwest và miền nam nước Mỹ (12,5 tỉ), trận lũ hồi tháng 08 ở Trung Quốc (12 tỉ), cơn bão Dorian ở Nam Mỹ (11,4 tỉ).
Theo AFP, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tất cả các vụ thiên tai nói trên đều có liên quan đến biến đổi khí hậu và cho rằng mặc dù các con số thiệt hại vật chất là rất cao, nhưng chưa thể hiện hết những hậu quả mà người dân phải chịu đựng.
Tổ chức phi chính phủ Christian Aid cũng lưu ý là mặc dù ba thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất về vật chất liên quan đến hai nước giàu là Nhật và Mỹ, nhưng người dân của các nước nghèo nhất mới phải trả giá đắt nhất cho nạn biến đổi khí hậu. Hai thảm họa khiến nhiều người chết nhất là đợt lũ lụt ở miền bắc Ấn Độ lấy đi sinh mạng của 1.900 người và trận lũ Idai ở Mozambique khiến 1.300 người chết.
Hồi giữa tháng 12/2019, hãng bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re đánh giá nền kinh tế thế giới thiệt hại 140 tỉ đô la vì thiên tai và các thảm họa do con người gây ra trong năm 2019, so với con số 176 tỉ đô la hồi năm 2018.
Thùy Dương
*******************
Philippines cấm cửa 2 nghị sĩ Mỹ, dọa siết chặt visa đối với người Mỹ (RFI, 27/12/2019)
Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines vào hôm nay, 27/12/2019, cho biết là hai thượng nghị sĩ Mỹ đã không được phép vào Philippine. Sắp tới đây Manila sẽ ra quy định nhập cảnh khắt khe hơn đối với công dân Hoa Kỳ, nếu Washington tăng cường trừng phạt về việc một nhà đối lập chỉ trích chính quyền bị bắt giữ.
Tổng thống Philippines Duterte trong một cuộc họp báo tại Manila, ngày 26/03/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Trong một cuộc họp báo tại Manila, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống Philippines đã đọc một bản thông cáo xác nhận rằng hai thượng nghị sĩ Mỹ Richard Durbin và Patrick Leahy đã bị ông Duterte ra lệnh cấm cấp visa nhập cảnh.
Hai nhà lập pháp này đã vận động Quốc Hội Hoa Kỳ cấm nhập cảnh đối với mọi quan chức Philippines có liên can đến vụ bắt giam thượng nghị sĩ đối lập Philippines, bà Leila De Lima.
Ngoài ra, theo ông Panelo, tổng thống Philippines còn dự trù việc siết chặt chế độ visa đối với mọi công dân Mỹ nếu Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt Manila trong vụ giam giữ bà Leila De Lima.
Philippines cho đến nay vẫn cho phép người Mỹ nhập cảnh và lưu trú 30 ngày mà không cần visa nhập cảnh. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có 792.000 người Mỹ đến thăm Philippines, chiếm 13% khách nước ngoài đến đây, theo số liệu của chính phủ.
Quốc Hội Mỹ mới đây đã thông qua ngân sách 2020 trong đó có một điều khoản được hai thượng nghị sĩ Durbin và Leahy đưa vào, đề nghị trừng phạt những người dính líu đến việc cầm giữ bà De Lima, bị chính quyền Duterte cáo buộc vị phạm luật về ma túy sau khi bà tiến hành một cuộc điều tra về những vụ giết người hàng loạt trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte.
Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của tổng thống Philippines đã cho rằng đề nghị giới hạn việc đi lại của các quan chức Philippines vì vụ bà De Lima bị cầm tù là một điều phi lý, vì bà De Lima không hề bị giam giữ trái phép mà chỉ bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Đây không phải là một trường hợp truy bức.
Hoa Kỳ và Philippines là đồng minh có hiệp ước phòng thủ, nhưng đương kim tổng thống Duterte không mặn mà chút nào với người đồng minh kết ước này.
Mai Vân
*****************
Bắc Kinh lại dùng chiêu thị uy trước lúc Đài Loan bầu tổng thống (RFI, 27/12/2019)
Vào hôm qua 26/12/2019, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là chiếc Sơn Đông lại đi từ phía Nam ngược lên miền Bắc, băng qua eo biển Đài Loan. Theo các nhà phân tích, đây lại là một động thái thị uy của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh quân sự, trước thời điểm Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 11/01 tới đây.
Các máy bay chiến đấu J15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh chụp ngày 24/04/2018. AFP
Đây không phải là lần đầu tiên chiếc Sơn Đông di chuyển qua eo biển Đài Loan. Hôm 17/11 vừa qua, con tàu này, lúc đó chưa có tên, đã từng đi qua eo biển Đài Loan để xuống vùng Biển Đông với lý do được công bố là "hoạt động thử nghiệm khoa học và huấn luyện thường kỳ" tại vùng Biển Đông.
Theo một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông, được nhật báo South China Morning Post hôm qua trích dẫn, thì mục tiêu của Trung Quốc khi cho chiếc tàu sân bay mới áp sát Đài Loan là nhằm gửi đi một thông điệp cảnh cáo chính quyền Đài Bắc, trong bối cảnh tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhiều triển vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng tới.
Theo nhà bình luận này thì : "Chiếc hàng không mẫu hạm Sơn Đông cùng với chiếc Liêu Ninh có thể tạo thành một bộ đôi tác chiến. Hoạt động di chuyển qua eo biển Đài Loan có thể giúp hải đội tác chiến kèm theo tàu sân bay Trung Quốc thu thập thêm thông tin tình báo và kinh nghiệm địa hình phục vụ tình huống thực chiến".
Đối với chuyên gia này, động thái di chuyển qua eo biển Đài Loan còn nhằm cho thấy là vùng eo biển cũng như toàn bộ đảo Đài Loan nằm trong phạm vi của cả hai chiếc tàu sân bay Trung Quốc. Qua đó răn đe chính quyền Đài Loan rằng, nếu họ cố tìm kiếm con đường độc lập hoặc khiêu khích quân sự, họ chỉ có đi vào ngõ cụt.
Giới chuyên gia phân tích tại Hồng Kông gần đây đã cho rằng chiến thuật của Trung Quốc là dùng đến hai chiếc tàu sân bay và nhóm tác chiến kèm theo hai chiếc, để chặn đường không cho các lực lượng bên ngoài đến hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức Đài Loan cấp cao thông thạo các vấn đề an ninh cũng nhận định rằng, chuyến băng qua eo biển Đài Loan hôm qua là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh để xen vào cuộc bầu cử Đài Loan.
Theo quan chức này, khi phô trương sức mạnh quân sự, Bắc Kinh đang muốn hù dọa thành phần cử tri Đài Loan chưa dứt khoát chọn bầu cho ứng cử viên Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến, theo xu hướng độc lập, hay cho ứng viên Hàn Quốc Du thuộc Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đối với quan chức Đài Loan kể trên, thì Bắc Kinh chắc cũng nhận thức được rằng hành vi đe dọa có thể là con dao hai lưỡi, nhưng điều khiến Trung Quốc lo lắng hơn cả là khả năng thảm bại của các lực lượng thân Trung Quốc trong cuộc bầu cử. Trung Quốc muốn thấy ứng cử viên của đảng đối lập Quốc Dân Đảng giành chiến thắng.
Chính quyền Đài Loan chưa có phản ứng gì về động thái mới nhất của Trung Quốc. Nhưng cách nay một tháng, sau khi chiếc hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc vượt eo biển Đài Loan lần đầu tiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Đài Loan đã khẳng định rằng "Dân Đài Loan sẽ không bị hù dọa".
Trọng Nghĩa
****************
Ấn Độ : Chính quyền cắt internet đề phòng dân chúng biểu tình (RFI, 27/12/2019)
Phong trào phản kháng xã hội ở Ấn Độ liên quan đến luật mới về quyền công dân hôm qua vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố. Hôm nay 27/12/2019, chính quyền Ấn Độ lại tiếp tục ngắt đường truyền internet ở nhiều nơi trong cả nước để ngăn ngừa làn sóng biểu tình lan rộng, tiêu biểu nhất là ở bang Uttar Pradesh.
Cảnh sát dùng gậy đánh những người biểu tình chống luật công dân mới tại Lucknow, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 19/12/2019. STR / AFP
Có 20% dân bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, theo Hồi Giáo. Thứ Sáu hàng tuần là ngày có lễ cầu nguyện quan trọng của người Hồi Giáo. Lo sợ biểu tình bùng phát mạnh trong ngày hôm nay, tại bang Uttar Pradesh, vài ngàn cảnh sát được vũ trang sáng nay đi tuần ở những quận đa số dân chúng là người Hồi Giáo và bắt giữ 5.000 người để đề phòng họ đi biểu tình. Hơn 1.000 người khác cũng bị bắt vì có liên quan đến phong trào phản kháng.
Chính quyền bang cũng ra lệnh cắt đường truyền internet trên điện thoại di động và dịch vụ tin nhắn tại 21/75 quận, kể cả ở thủ phủ Lucknow. Tại nhiều khu vực của bang này, internet đã bị cắt gần một tuần và mới được khôi phục lại hôm thứ Ba 24/12.
Phong tỏa internet là biện pháp thường xuyên được nhà chức trách Ấn Độ sử dụng để hạn chế dân chúng biểu tình. Theo AFP, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số vụ cắt đường truyền internet. Trang mạng internetshutdown.in thống kê trong năm 2019, chính quyền Ấn Độ đã cắt internet khoảng 100 lần.
Du khách nước ngoài bị trục xuất vì biểu tình
Một nữ du khách Na Uy tên là Janne-Mette Johansson, 71 tuổi, hôm nay cho AFP biết là bà bị nhà chức trách Ấn Độ trục xuất vì đã tham gia biểu tình phản đối luật mới quyền công dân của nước này. Bà Johansson phải rời Ấn Độ vào tối hôm nay. Đây là công dân Châu Âu thứ hai bị New Delhi trục xuất trong tuần này vì tham gia biểu tình.
Thùy Dương
*****************
Nhật Bản phái chiến hạm và phi cơ qua tuần tra ở vùng biển Trung Đông (RFI, 27/12/2019)
Lần đầu tiên từ khi thông qua các đạo luật mới về quốc phòng vào năm 2016 cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, Tokyo vào hôm nay, 27/12/2019 loan báo quyết định phái một khu trục hạm cùng hai phi cơ qua vùng Trung Cận Đông để góp phần bảo vệ các tuyến hàng hải trong khu vực.
Một phi cơ tuần tra hàng hải P3-C Orion của Nhật bay phía trên một tàu dầu trong hoạt động chống hải tặc ở vịnh Aden, Somalia. Ảnh chụp ngày 01/08/2015. Mandatory credit Kyodo/via Reuters
Theo phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, hai chiếc phi cơ tuần tra hàng hải P-3C cùng một khu trục hạm tình báo sẽ được phái qua vùng Trung Đông vừa để "đảm bảo hòa bình và ổn định" trong khu vực, vừa nhằm "đảm bảo an toàn của các tàu vận tải phục vụ cho Nhật Bản".
Ông Suga nêu bật ví dụ là 90 % dầu thô mà Nhật Bản nhập khẩu đến từ vùng Trung Đông.
Theo hãng tin Pháp AFP, quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh một số tàu chở dầu, trong số đó có một tàu Nhật Bản, bị tấn công ở vùng Vịnh, trong lúc một vài tàu khác đi qua vùng eo biển Ormuz bị Iran chận giữ.
Để đối phó với Iran, Hoa Kỳ đã lập ra một liên minh, triển khai chiến hạm trong vùng nhằm hộ tống tàu thuyền đi qua eo biển Ormuz.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã khẳng định với AFP rằng lực lượng Nhật Bản sẽ không tham gia liên minh của Mỹ cũng như không hoạt động tại vùng eo biển Ormuz, mà chỉ tuần tra ngoài khơi trên Vịnh Oman, ở vùng phía bắc Biển Ả Rập và trên Vịnh Aden.
Nhiệm vụ của lực lượng Nhật Bản ở vùng Trung Đông sẽ kéo dài một năm, và có thể được triển hạn.
Quyết định của Nhật Bản cử phi cơ và chiến hạm đến tuần tra ở vùng biển Trung Đông được đưa ra đúng ngày Iran khởi động một cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương và Vịnh Oman.
Theo đài truyền hình quốc gia Iran, nội dung tập trận bao gồm các hoạt động cấp cứu tàu thuyền bị hỏa hoạn hay bị cướp biển, cũng như các bài tập bắn đạn thật.
Vào hôm qua, Bắc Kinh cho biết là đã phái một khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường tới tham gia cuộc tập trận kéo dài bốn ngày. Theo một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, cuộc tập trận chỉ là một hoạt động "giao lưu quân sự bình thường" giữa ba lực lượng vũ trang, chứ "không nhất thiết gắn liền với tình hình khu vực".
Trọng Nghĩa
*****************
Hồng Kông : Ngày thứ ba xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát (RFI, 27/12/2019)
Phong trào phản kháng xã hội vẫn tiếp diễn trong những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh ở Hồng Kông. Hôm qua thứ Năm 26/12/2019 là ngày thứ ba liên tiếp xảy ra xô xát giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát bên trong các trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người trong dịp lễ tết cuối năm.
Người biểu tình tại trung tâm thương mại ở khu Sa Điền (Sha Tin), Hồng Kông ngày 25/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson
Chiều hôm qua, đông đảo người biểu tình tập trung ở các trung tâm thương mại và giương biểu ngữ chống chính phủ và cảnh sát. Để nhận diện những người biểu tình mặc trang phục đen, nhiều cảnh sát chống bạo động đã xịt hơi cay và phun sơn xanh vào những người này. Nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra.
Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :
"Có hơn 300 người bị bắt giữ, trong khi đó chính phủ ra nhiều thông cáo, 3 thông cáo trong vòng 24 giờ, để bác bỏ lời tố cáo của những người tham gia phong trào phản kháng về nạn bạo lực của cảnh sát.
Trong mấy ngày lễ này, lực lượng chống bạo động can thiệp bên trong các trung tâm thương mại, nơi những người biểu tình tập trung. Các hình ảnh một lần nữa lại được truyền đi khắp thế giới, đó là hình ảnh về các gia đình đi mua sắm với khuôn mặt che kín để tránh hơi cay.
Đối với lãnh đạo đặc khu, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), chỉ có một thủ phạm duy nhất : những người tham gia phong trào phản kháng đã phá tan ngày lễ, làm hỏng Giáng Sinh. Đó là những từ đã được lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông sử dụng.
Các chuỗi cà phê, nhà hàng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc lục địa bị phá hoại … Ủy ban công nghiệp du lịch Hồng Kông cho biết ba ngày phản kháng vừa qua đã làm doanh thu trong lĩnh vực này sụt giảm. Ông chủ tịch sáng hôm nay, thứ Sáu, nói cũng giống như "điệu nhảy tango nào cũng cần có hai người", về tình trạng hiện nay, mỗi người trong xã hội đều có một phần trách nhiệm.
Còn báo South China Morning Post thì khẳng định trách nhiệm này cũng thuộc về chính quyền đặc khu. Cây bút xã luận của báo này viết, đối với người dân Hồng Kông, kỳ nghỉ Giáng Sinh không vui vẻ mà cũng không yên bình. Chính phủ cần tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng".
Thùy Dương