Rừng Siberia cháy 3 triệu hecta : 2 tháng sau Nga mới phản ứng
Chuyến công cán của tân thủ tướng Anh để thuyết phục các thành viên Vương Quốc Anh về giải pháp "Brexit rắn" gây hoài nghi. Khủng hoảng vùng Vịnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát là một số chủ đề thời sự quốc tế chính trên các báo Pháp ra hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài "Siberia bốc cháy, Moskva cuối cùng cũng phản ứng" trên La Croix.
Cháy rừng tại Siberia từ đầu tháng 6. Ngày 31/07/2019, chính quyền Nga họp khẩn dưới sự chủ tọa của thủ tướng Dmitry Medvedev. Sputnik/Ekaterina Shtukina/Pool via Reuters
Hơn 3,2 triệu hecta rừng ở Siberia – lớn hơn diện tích nước Bỉ - tiếp tục cháy. Ngày 31/07/2019, sau gần hai tháng phát hiện có cháy rừng, Moskva mới quyết định điều quân đội can thiệt để hạn chế tình trạng cháy nghiêm trọng này. Thái độ thụ động của chính quyền bị dân chúng địa phương lên án. Một phi công ẩn danh cho báo Siberian Times biết, kể từ đầu nạn cháy đến nay, đã không có bất cứ máy bay chuyên dụng nào được cử đến khu vực này.
Trên thực tế, một trong các nguyên chính khiến chính quyền không can thiệp là do các tính toán thiệt hơn. Theo chính quyền vùng Krasoiarsk, hôm 17/07, ước tính : thiệt hại do cháy rừng chỉ là là 4 triệu rúp, trong khi can thiệp dập lửa sẽ tổn phí đến 141 triệu rúp (tương đương 2 triệu euro). Những vùng nơi lửa xuất phát của đợt cháy này nằm trong các khu vực, thường được gọi là "vùng nằm trong tầm kiểm soát", theo bộ Tài nguyên và môi trường Liên Bang Nga. Kể từ quy định năm 2015, người ta có quyền để cho rừng tiếp tục cháy, mà không cần can thiệp, chừng nào lửa không đe dọa trực tiếp dân cư.
Tuy nhiên, cuối cùng tình trạng khói mù bóc lên phủ kín nhiều vùng lãnh thổ, trải dài trên 6 múi giờ, đã buộc chính quyền phải phản ứng. Từ nhiều tuần nay, nạn khói mù đã cản trở nghiêm trọng đời sống và hoạt động kinh doanh tại nhiều thành phố lớn của vùng Tomsk và Altai. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại hai vùng Krasnoarsk và Irkoust. Ngày 31/07, tổng thống Nga ra lệnh điều động 10 máy bay quân sự và 10 trực thăng chở nước.
Môi trường : Biểu tình lớn trước khi Liên Xô sụp đổ
Bình luận về phản ứng của chính quyền Nga, một cố vấn của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, ông Anton Beneslavsky, nhận xét : Chính quyền hiện nay đã thừa kế của chế độ Liên Xô trước đây một tập quán, "cố tình làm lơ cho đến khi nào tình hình trở nên tồi tệ hết mức, rồi mới quyết định làm một điều gì đó".
Nữ sử gia Galia Ackerman, chuyên về Nga, cũng ghi nhận một thực tế đáng suy nghĩ. Bà nhắc lại là những cuộc biểu tình lớn đầu tiên trước khi Liên Xô sụp đổ bắt nguồn từ vấn đề sinh thái, môi trường : thảm họa hạt nhân Tchernobyl gây chấn động. Nhà sử học cho rằng, giờ đây các đe dọa nghiêm trọng về môi trường một lần nữa có thể buộc người dân phải phản ứng, bởi chính mạng sống của họ bị đe dọa.
Hôm qua, một bản kiến nghị mang tên "Hãy cứu lấy rừng Siberia", thu thập được hơn 800.000 chữ ký.
Nhiều chuyên gia môi trường đặc biệt lo ngại hai tác hại lớn của nạn cháy rừng hiện nay ở Siberia đối với Khí hậu, bên cạnh các tác động của cháy rừng thông thường. Thứ nhất là làm tan đi tầng băng giá bao phủ mặt đất Siberia (thường gọi là permafrost), và thứ hai là bụi siêu nhỏ lan đến Bắc Cực, khiến mặt băng đen đi (không phản chiếu được ánh sáng mặt trời) sẽ thúc nhanh đà Trái đất bị hâm nóng.
"Phương Tây lưỡng lự" bên bờ eo biển Hormuz
"Phương Tây lưỡng lự bên bờ eo biển Hormuz" là một phân tích đáng chú ý trên nhật báo kinh tế Les Echos. Hôm qua, phó thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối lời mời của Mỹ, đưa ra hôm trước, về việc tổ chức một lực lượng tuần tra phương Tây tại eo biển, nơi căng thẳng giữa Washington và Tehran đang gia tăng. Phó thủ tướng Đức cho biết "rất nghi ngờ" về sáng kiến này. Nếu tham gia, Berlin lo ngại bị hút vào một xung đột với các lực lượng Iran, từng bắt giữ một tầu chở dầu Anh quốc cách nay mươi hôm. Pháp cũng cho biết sẵn sàng cử tàu tham gia, nhưng chỉ với nhiệm vụ quan sát. Ngay cả nước Anh, tuy sẵn sàng tham gia bảo vệ an ninh tại vùng eo biển này, nhưng không tham dự vào chiến lược "gây áp lực tối đa" với Iran của tổng thống Mỹ.
Tối thứ ba, 30/07, tổng thống Pháp điện đàm với đồng nhiệm Iran, ông Macron kêu gọi tạo các điều kiện để căng thẳng xuống thang, và khẳng định Paris cương quyết tiếp tục nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là lần thứ tư trong vòng hai tháng, nguyên thủ Pháp điện đàm với tổng thống Iran.
Vẫn về cuộc khủng hoảng Iran – Hoa Kỳ tại vùng Vịnh, Le Monde có bài tổng thuật công phu về ba tháng khủng hoảng, với tiêu đề "Hạt nhân Iran : Chiến lược gia tăng căng thẳng, nhưng trong vòng kiểm soát". Le Monde dẫn lại nhận định của một nhà cựu ngoại giao Pháp Michel Duclos. Theo ông, trong lúc Hoa Kỳ có khả năng gia tăng các biện pháp siết chặt vòng vây, chính quyền Iran giờ chỉ có chiến thuật duy nhất là "rút chốt lựu đạn", để đe dọa đối phương.
Brexit : Chuyến vận động của tân thủ tướng Anh gây hoài nghi
Báo chí Pháp theo dõi sát nhất cử nhất động của tân thủ tướng Anh Boris Johnson, đang trong giai đoạn vận động cho lập trường cứng rắn với Liên Âu trong hồ sơ Brexit, với đầy hoài nghi. Libération ghi nhận : để quảng bá cho lập trường này, ông Johnson đã đến Scotland, xứ Wales, và Bắc Ireland (ba xứ thuộc Vương quốc Anh) trong những ngày gần đây, ở đâu ông ta cũng được đón tiếp với thái độ nếu không phải là thù nghịch, thì cũng là ngờ vực.
Quyết tâm của tân thủ tướng Anh rời Liên Âu đúng ngày 31/10 làm gia tăng nguy cơ Vương quốc Anh tan rã. Bên cạnh khả năng xứ Scotland trưng cầu dân ý về chủ đề độc lập với Luân Đôn. Lãnh đạo đảng Sinn Fein, một trong hai đảng lớn của Bắc Ireland (thuộc Anh), cho biết, việc Anh rời Liên Âu không thỏa thuận sẽ phải dẫn đến việc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất hai miền (Bắc Ireland và Ireland), bị chia cắt từ năm 1921.
Le Monde, có bài xã luận : "Brexit : Ảo ảnh được giải phóng", nhấn mạnh đến những điểm tương đồng trong chính sách đơn phương của thủ tướng Anh với tổng thống Mỹ, trong lúc nước Anh lại không có được sức mạnh của đồng đô la, cũng không phải là nền kinh tế số một thế giới. Le Monde khuyên nhủ tân lãnh đạo Anh, thay vì tập trung chỉ trích việc Liên Hiệp Châu Âu cản trở Anh, mà tập trung vào các hậu quả của kịch bản "Brexit rắn", tức Luân Đôn rời Liên Âu không thỏa thuận. Cụ thể là thuế nhập khẩu sẽ tăng gấp đôi, hệ thống tài chính Anh suy yếu hay nguy cơ tái lập biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland.
Bài "Các doanh nghiệp Anh phẫn nộ với Brexit" của Le Monde cho biết, theo người đứng đầu một hiệp hội của giới chủ Anh (ông Mike Hugues), thì có đến 40% các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh hiện không có kế hoạch đối phó trong trường hợp Brexit rắn. Bruxelles cuối tuần trước cùng ra một thông điệp cảnh báo Luân Đôn (một tuần sau khi tân thủ tướng Johnson nhậm chức) là kịch bản "Brexit rắn" sẽ khiến các định chế tài chính Anh mất đi nhiều quyền lợi vốn có ở châu Âu.
Cha thủ tướng Anh khẩn nài Liên Âu
Tình hình căng thẳng đến mức mà cha đẻ của thủ tướng Anh cũng lên tiếng. Le Monde trong bài "Cha của B. Johnson khẩn nài Liên Âu nhân nhượng". Ông Stanley Johnson, vốn là một lãnh đạo của nhóm nghị sĩ bảo thủ Anh tại Nghị Viện Châu Âu, là một người ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, chống lại Brexit. Tuy nhiên, giờ đây, ông quyết định đứng về phía người con, bởi quyết định Brexit được 17,4 triệu cử tri Anh bỏ phiếu. Lo ngại lớn đối với ông là lập trường cương quyết của nhóm 27 nước châu Âu hiện nay có thể đẩy nước Anh "đến bờ vực thẳm".
Hồng Kông : "Nồi áp suất nóng lên, nhưng van an toàn bị tắc"
Về điểm nóng Hồng Kông, Libération có bài "Tại Hồng Kông : Chúng tôi mỗi ngày mất thêm tự do", so sánh tình hình tại Hồng Kông từ đầu mùa hè đến nay, như "nồi áp suất đang nóng lên, mà van an toàn đã bị tắc". Những người phản kháng chống chính quyền theo đuôi Bắc Kinh, dân chủ bị bóp nghẹt, liên tục biểu tình. Tối hôm qua, hàng trăm người tập hợp xung quanh một trụ sở cảnh sát để phản đối việc 44 người bị bắt sau cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, bị tư pháp truy tố vì tội "bạo động".
Theo Libération, mọi cặp mắt hiện nay đang đổ dồn về Bắc Đới Hà, nơi giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc tổ chức kỳ họp kín hàng năm, trong tháng 8. Khủng hoảng Hồng Kông chắc chắn là chủ đề gai góc tại kỳ họp này.
Tình hình tại Hồng Kông hiện nay bị coi là trong "ngõ cụt nguy hiểm". Hai bên đều không lùi bước. Chính quyền Hồng Kông không chấp nhận mở "điều tra độc lập" về những người biểu tình bị hành hung, trong lúc cảm nhận chung của giới trẻ biểu tình là "không còn gì để mất". Chỉ cần một trường hợp tử vong xảy ra, ở bên này hoặc bên kia, xung đột có thể bùng phát vượt tầm kiểm soát.
Trang nhất các báo
Về trang nhất các báo Pháp hôm nay, bên cạnh chủ đề Iran đã nói trên, hồ sơ chính của nhật báo La Croix là "Syria, thùng thuốc súng của quân thánh chiến". La Croix có phóng sự điều tra về tình trạng hàng chục ngàn người sống trong các trại tại Syria, ở các khu vực do người Kurdistan kiểm soát. Đa số họ là gia đình quân thánh chiến Daesh trước đây.
Hồ sơ lớn của của tờ Le Figaro thiên hữu là giới chính trị Pháp đang bị đặt trước áp lực ngày càng lớn của người dân, đòi hỏi minh bạch. Trường hợp mới nhất gần đây khiến chính quyền lúng túng là cái chết của người thanh niên Steve Maia Caniço, tại Nantes. Báo Libération có bài phân tích về "những kẽ hở trong cuộc điều tra của lực lượng thanh tra trong ngành cảnh sát (IGPN)".
Chủ đề chính của Les Echos là đường sắt cao tốc (TGV) tăng trưởng mạnh, tổng công ty đường sắt Pháp (SNCF) sẽ đặt mua thêm 12 đoàn tàu mới của tập đoàn Alstom, để bổ sung thêm vào 55 đoàn tàu cùng loại, mua từ 2013 đến 2017, đáp ứng nhu cầu tăng vọt ngoài dự kiến. Sau một năm hoạt động sụt giảm (năm 2018), do bãi công chống cải cách, giao thông đường sắt tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay, với 11% nhiều hơn cùng kỳ năm 2017 (năm ngoái SNCF đã đặt mua 100 đoàn tàu được mệnh danh là TGV của tương lai, với tổng chi phí 2,7 tỉ euro. Chiếc đầu tiên sẽ được cấp vào năm 2023).
Cùng với đường sắt cao tốc, giao thông đường sắt địa phương cũng tăng vọt, với 15% so với cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày có thêm 60.000 hành khách tàu địa phương (TER). Doanh thu của SNCF đạt 17,9 tỉ euro, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Sự phát triển của đường sắt là một tin vui với môi trường, trong bối cảnh di chuyển bằng máy bay ở cự ly gần đang ngày càng bị nhiều người chỉ trích là rất nguy hại cho sinh thái.
Trọng Thành
Hồng Kông : Bắc Kinh vừa dọa, vừa lo
La Croix tiếp tục với biến động Hồng Kông qua bài "Cái bóng Bắc Kinh lơ lửng trên bầu trời Hồng Kông". Tờ báo trở lại sự kiện lần đầu tiên kể từ đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông, các phát ngôn viên của Bắc Kinh tổ chức họp báo hôm 29/07 để lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Thanh niên Hồng Kông, xiềng tay vào nhau, biểu tình trước một trụ sở Trung Quốc ở Hồng Kông, ngày 8/6/2019. ©REUTERS/Tyrone Siu
La Croix ghi nhận phản ứng có thể được coi là ôn hòa đó không che được sức ép ngày càng mạnh của chế độ cộng sản nhằm kiềm chế phong trào phản kháng ở vùng đất bán tự trị. Một ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng, 44 người biểu tình bị truy tố vì tham gia vào các cuộc bạo động. Họ có nguy cơ phải lĩnh án 10 năm tù.
Tờ báo trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia về sự kiện này. Antoine Bondaz, Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), nhận định : "Bắc Kinh buộc phải có phản ứng. Trước hết để không tạo cảm giác họ không quan tâm đến tình hình, tiếp đó là để khẳng định lại tính chính đáng cho chính quyền Hồng Kông và cuối cùng là để tìm cách làm mất uy tín của phong trào".
Những diễn biến, như đưa xã hội đen tấn công thô bạo người biểu tình, đe dọa đưa quân đội vào trấn áp và nhất là dùng vũ lực cấm biểu tình hôm Chủ Nhật..., đều cho thấy có bàn tay chi phối của đảng Cộng Sản trong công việc nội bộ của vùng đất bán tự trị này.
Một động thái khác được La Croix nêu ra đó là việc Bắc Kinh công bố Sách trắng Quốc Phòng hôm 24/7 nhắm tới cuộc chiến chống ly khai và bảo vệ thống nhất đất nước. Dù trường hợp Hồng Kông không được nêu ra, nhưng thông điệp rõ ràng : ly khai là làn ranh đỏ mà Bắc Kinh đã vạch ra không được vượt qua.
Bắc Kinh dọa, nhưng lo
Theo La Croix, đối với Bắc Kinh, thách thức bây giờ là phải làm sao quản lý được một thế hệ mới ở Hồng Kông có ý thức chính trị hơn, cách thức đấu tranh không còn thụ động nữa.Thế hệ mới quyết tâm hơn bao giờ hết bảo vệ quyền tự trị của mình. Họ không còn sợ hãi nữa, mà thay vào đó là phẫn nộ, Bắc Kinh càng đe dọa thì càng làm nỗi bất bình của họ thêm sâu sắc.
Tập Cận Bình : Tham vọng và quyền lực
Vẫn là chủ đề Trung Quốc. Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục với bài viết thứ 2 trong loạt 6 bài viết về chủ tịch Trung Quốc với tiêu đề : "Tập Cận Bình, một số phận Trung Hoa".
Bài viết của Le Monde phần này dành nói về người cha của Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân (1913-2002), một công thần của chế độ Mao, nhưng cũng là nạn nhân của Cách mạng Văn hóa, bị các đồng chí của mình cho ngồi tù nhiều năm, bị vu tội muốn hạ bệ Mao.
Cùng chủ đề này, xã luận của Le Monde chạy tựa : "Tập Cận Bình : Quyền lực và tham vọng" . Gần đây báo chí phương Tây vẫn gắn cho chủ tịch Trung Quốc những biệt danh như "Hoàng đế đỏ" hay "Người cầm lái mới". Theo Le Monde, đó không chỉ là ngôn từ báo chí, mà nó thể hiện một dạng tham vọng và quyền lực đã vắng bóng ở Trung Quốc thời kỳ hậu Mao, từ nửa thế kỷ nay.
Xã luận báo Le Monde tóm tắt : "Tập Cận Bình là phiên bản Người cộng sản Trung Quốc với hội chứng của người có quyền lực, dân túy và dân tộc chủ nghĩa". Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã xây dựng một hệ thống chính trị Trung Quốc cứng rắn đáng sợ. Chính dưới thời Tập Cận Bình mới xuất hiện phong trào phản kháng rúng động Hồng Kông. Sau phong trào Dù Vàng, giờ đến lượt thế hệ trẻ ở đặc khu này đồng loạt nổi dậy chống lại Bắc Kinh. Le Monde nhận xét : "Trung Quốc của Tập Cận Bình là hiện thân của sự tụt hậu". Bài báo viết : "Con rồng Trung Hoa giờ trông gớm ghiếc đến nỗi mà con chim Hoàng yến Hồng Kông hoảng loạn cố thoát khỏi các song chắn của chiếc lồng".
Xã luận Le Monde nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của cường quốc Trung Hoa càng tạo điều kiện cho các liên kết địa chính trị chống lại Trung Quốc. Bằng chứng là liên minh Ấn Độ -Thái Bình Dương đang hình thành. Ở bên Châu Mỹ, Donald Trump sẵn sàng tìm mọi cách ngăn cản ý đồ vươn lên thành siêu cường của Trung Quốc.
Bên trong nước, không có tự do ngôn luận, đối lập, Tập Cận Bình chỉ phải đối đầu với các hình thức lật đổ âm thầm. Điều này có thể sẽ sinh ra cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt khi vấn đề kế nhiệm ông được đặt ra, Le Monde kết luận.
Brexit : Anh chuẩn bị ra đi không thỏa thuận
Về thời sự Châu Âu, Brexit vẫn nguyên trạng bế tắc, nhưng kể từ khi ông Boris Johnson lên làm thủ tướng Anh, Brexit lại nổi lên viễn cảnh nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu không thỏa thuận (No deal).
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Brexit : Boris Johnson trên đường hướng tới "no deal". Tờ báo ghi nhận, "tân thủ tướng Anh đang đẩy mạnh các chuẩn bị để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu không cần thỏa thuận". Được chỉ định làm thủ tướng Anh cách đây 6 ngày, đến lúc này ông Boris Johnson không hề tính đến chuyện thương lượng với Châu Âu mà còn liên tiếp lên gân.
Nội các của ông đã thành lập một ủy ban chuẩn bị khẩn cấp cho việc rời EU không thỏa thuận. Bộ phận này họp hàng ngày, trong khi đó giới chủ ở Anh đầu tuần này cảnh báo cả EU cũng như Vương quốc Anh đều chưa sẵn sàng cho cuộc chia tay và tác động trước mắt với họ sẽ rất mạnh.
Một loạt các công ty lớn đã ngỏ ý định đóng cửa nhà máy ở Anh Quốc, phòng trường hợp Brexit không thỏa thuận. Còn tân thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Hai đã bắt đầu vòng công du xứ Scotland, Bắc Ireland của Liên hiệp Vương quốc Anh để thăm dò khả năng chia tay. Ngay chặng đầu tiên đến Scotland, ý đồ của ông Johnson đưa nước Anh ra đi không thỏa thuận đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ. Một cuộc chia tay không thỏa thuận có nguy cơ làm tan vỡ khối thống nhất Vương quốc Anh. Scotland có thể sẽ đòi độc lập để được ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
Xã luận nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh : "Boris Johnson có vẻ như đang dẫn Vương quốc Anh tới Brexit không thỏa thuận. Giả thuyết này sẽ phải trả giá rất đắt. Trước tiên là người Anh, rồi sau đó đến tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu".
Đó là lối thoát mà nhiều năm đàm phán và bao đêm thảo luận ở Bruxelles đã cố tránh. Còn ba tháng nữa là đến hạn ra đi ngày 31/10, những người chủ trương Brexit ở Anh vẫn cố tìm cách rút bớt chi phí bằng cách trương ra viễn ảnh ra đi không thỏa thuận.
La Croix kết luận, trong trường hợp ra đi không thỏa thuận, thủ tướng Anh có thể sẽ đoạn tuyệt với Châu Âu. Nhưng những rắc rối chắc chắn sẽ bắt đầu với Vương quốc Anh".
Pháp : Khoa học và quốc phòng viễn tưởng
Vẫn trên La Croix, trang nước Pháp có bài mang tựa đề khá hấp dẫn : "Quân đội Pháp tuyển dụng các tác giả khoa học viễn tưởng"
Nhật báo công giáo cho biết Cơ quan Sáng chế Quốc phòng, thuộc bộ Quân lực Pháp, dự trù sẽ cộng tác với một nhóm tác giả, họa sĩ truyện khoa học giả tưởng và các nhà tương lai học. Mục đích là để ứng phó với các "đe dọa trong tương lai".
Theo La Croix, chuẩn bị cho điều không tưởng và vượt qua giới hạn của trí tưởng tượng, đó là mục tiêu của Bộ Quân lực ấn định cho nhóm mang tên gọi "Red Team", gồm khoảng từ 4 đến 5 người. Họ có nhiệm vụ xây dựng các kịch bản viễn tưởng giúp cho các chuyên gia quân sự, vốn là những người không giàu trí tưởng tượng, chuẩn bị các tình huống quân sự trong tương lai, đưa ra những quyết định về phát triển quốc phòng hoặc gợi mở những hướng phát triển công nghệ tương lai cho quốc phòng.
Đây là một dự án nghiêm túc, bắt nguồn từ ý tưởng của giám đốc Cơ quan Sáng chế Quốc phòng (AID), ông Emmanuel Chiva, một người say mê với khoa học viễn tưởng. AID bắt xét tuyển các ứng viên đầu tháng 9 tới, nhưng từ giờ cơ quan đã nhận được rất nhiều hồ sơ lý lịch của những người muốn dự tuyển.
Ông Chiva cho biết ý tưởng của Pháp, tuy là độc nhất ở Châu Âu, nhưng Mỹ đã có từ lâu rồi. Vẫn ở Mỹ, một ủy ban quốc gia về vụ khủng bố 11/9/2001 đã nhận định trong báo cáo 2004 rằng, các vụ tấn công khủng bố này cho thấy các cơ quan chức năng Mỹ "thiếu trí tưởng tượng". Ủy ban này kêu gọi cần phải "tạo các thiết chế để phát triển trí tưởng tượng".
Anh Vũ
Dân Hồng Kông không khuất phục : Bắc Kinh lên giọng muốn đàn áp
Thời sự Hồng Kông nổi bật trên trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay 30/07/2019, được Le Monde và Les Echos dành cho tựa chính, La Croix một bài xã luận, và Le Figaro một bài viết dài ở trang quốc tế giới thiệu bằng một tựa nhỏ trang đầu. Các báo nhìn chung đều nêu bật phản ứng lúng túng của Bắc Kinh trước phong trào nổi dậy tại Hồng Kông.
Một người biểu tình chống bạo lực cảnh sát tại Hồng Kông ngày 28/07/2019. Reuters/Edgar Su
Trên nền một bức ảnh chụp một cảnh "khói lửa" tại Hồng Kông, nhật báo kinh tế Les Echos đã chạy hàng tựa lớn có thể tóm lược ý kiến của các báo : "Hồng Kông : Bắc Kinh đối mặt với thách thức của một cuộc nổi loạn chưa từng thấy".
Tờ báo ghi nhận : Sau các cuộc biểu tình bạo động vào cuối tuần qua, Trung Quốc ra lệnh cho chính quyền địa phương tái lập lại trật tự. Ổn định tại Hồng Kông là một điều thiết yếu vì theo tờ báo, "vùng thuộc địa cũ của Anh vẫn đóng một vai trò kinh tế lớn (đối với Trung Quốc) cho dù hào quang đã phai nhạt".
Trong một bài viết chính ở trang trong, Les Echos nêu bật thành tựa "Trung Quốc cảnh cáo là tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông phải chấm dứt". Theo tờ báo, sau nhiều tuần lễ bất ổn và vào lúc bạo động nổ ra nhân các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội hơn, chính quyền Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, theo Les Echos, đối mặt với sự giận dữ của đường phố Hồng Kông, Bắc Kinh không có nhiều giải pháp ứng phó.
Bắc Kinh muốn bình định Hồng Kông trước quốc khánh 1/10
Tờ báo Pháp cho rằng, để hiểu rõ tâm trạng hiện nay của chính quyền Bắc Kinh, người ta có thể tham khảo một bài viết trên nhật báo Anh ngữ China Daily, đồng hóa những gì đang diễn ra tại Hồng Kông với những cuộc cách mạng màu trước đây ở Trung Đông và Bắc Phi, trong đó – xin trích – "các phần tử chống chính quyền tại chỗ đã âm mưu với các lực lượng bên ngoài để lật đổ các chính quyền bằng cách sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để truyền bá tin đồn, lòng nghi kỵ và sự sợ hãi".
Theo Les Echos, Bắc Kinh tỏ vẻ nôn nóng muốn bình định tình hình Hồng Kông vì sắp đến hai thời điểm quan trọng. Trước hết là ngày 01/10 tới đây là ngày chế độ Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Đối với Les Echos, khó có thể tưởng tượng ra việc sự kiện này được kỷ niệm ở Bắc Kinh trong khi tại Hồng Kông vẫn vang lên những lời kêu gọi dân chủ.
Vài tháng sau đó, bước qua năm 2020, là sự kiện Đài Loan bầu tổng thống mới. Và ở đây, một lần nữa, theo Les Echos, tốt hơn hết là thuộc địa cũ của Anh Quốc có lại các sinh hoạt bình thường. Lý do là nếu các chủ đề do người biểu tình Hồng Kông phát triển tiếp tục lan truyền, điều đó có thể gợi ý cho anh em họ hàng của họ ở Đài Loan.
Chuyên gia Pháp : Bắc Kinh không thể đi quá xa trong đàn áp
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra vào lúc này là liệu Bắc Kinh có thể tung ra hay không chiến dịch trấn áp nếu lời kêu gọi tái lập trật tự của họ không được lắng nghe ?
Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông Jean-Francois Huchet, chủ tịch Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông INALCO tại Paris cho rằng Trung Quốc có thể dùng võ lực, nhưng "không thể đi quá xa trong cuộc đàn áp".
Theo ông quyết tâm bình định Hồng Kông của Bắc Kinh rất rõ, nhưng cũng rõ không kém là hành động của Trung Quốc đang bị nhiều giới hạn : "Một mặt, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể tỏ ra là mình quá yếu đuối, nhưng mặt khác, ông ta không thể đi quá xa trong sự đàn áp để khỏi làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc hay của Hồng Kông. Mọi người đều ghi nhớ hình ảnh những chiếc xe tăng trên Quảng trường Thiên An Môn mà bốn mươi năm sau vẫn bám chặt vào chế độ Trung Quốc một cách tiêu cực".
Bắc Kinh cảnh cáo những người chống đối tại Hồng Kông
Nhật báo Le Monde cũng dành hồ sơ đặc biệt cho Hồng Kông, với tựa lớn ở trang nhất : "Hồng Kông : Bắc Kinh cảnh cáo những người chống đối".
Tờ báo nhắc lại rằng vào lúc mà những cuộc biểu tình tiếp diễn vào cuối tuần qua ở Hồng Kông, Trung Quốc vào hôm qua, 29/07 đã cứng rắn kêu gọi chấm dứt phong trào phản đối.
Nếu phát ngôn viên chính phủ Bắc Kinh có giọng điệu ôn hòa thì ngược lại, báo chí Trung Quốc có lời lẽ hung hăng hơn và tố cáo bàn tay của ngoại bang.
Cho rằng các cuộc biểu tình ôn hòa không đủ nữa, một bộ phận thanh niên Hồng Kông đang bị xu hướng cực đoan cám dỗ, và sẵn sàng đối đầu với cảnh sát. Chế độ thì được hậu thuẫn của các băng đảng xã hội đen địa phương để đàn áp dữ dội những người biểu tình đối lập.
Dùng xã hội đen đàn áp biểu tình nằm trong chiến lược của Bắc Kinh
Về lời cảnh cáo của Bắc Kinh, Le Monde đã trích lời ông Chu Khải Di (Eddie Chu), nghị sĩ phe đối lập ủng hộ dân chủ, đã tuyên bố "Tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh biết là họ sẽ phải làm gì".
Về cách Bắc Kinh đối phó với phong trào dân chủ Hồng Kông, đặc biệt là dùng bọn côn đồ tấn công người biểu tình, nghị sĩ đối lập này không ngần ngại so sánh những gì đang diễn ra ở Hồng Kông thời nay với thời Mãn Thanh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi các giáo phái được huy động để tấn công người nước ngoài.
Theo nghị sĩ này, "Cuộc tấn công (của bọn côn đồ) ngày 21 tháng 7 là bước thứ hai trong chiến lược của Bắc Kinh nhắm chống lại phong trào dân chủ. Bước đầu tiên là dùng cảnh sát, bước thứ hai là sử dụng bọn xã hội đen, mà không có phản ứng nào từ cảnh sát. Bước thứ ba sẽ là lệnh giới nghiêm do chính phủ Hồng Kông ban bố. Bước cuối cùng sẽ là triển khai Quân đội Trung Quốc"…
Nhật báo công giáo La Croix và Le Figaro cũng phân tích tình hình Hồng Kông, cho dù không đưa lên trang nhất như hai đồng nghiệp Le Monde và Les Echos.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Mối đe dọa Trung Quốc", La Croix ghi nhận việc Bắc Kinh rất bực bội trước phong trào nổi dậy ở Hồng Kông, nhưng giữa chế độ cộng sản với người biểu tình hầu như không một thỏa hiệp nào có thể hình thành.
Le Figaro thì nhận xét trong một bài viết dài ở trang quốc tế là "Bắc Kinh muốn tăng cường hơn chiến dịch đàn áp chống người biểu tình". Đối với tờ báo, đó chính là ý nghĩa của yêu cầu "tái lập trật tự" càng sớm càng tốt mà chính quyền Trung Quốc gởi đến ngành hành pháp Hồng Kông vào hôm qua.
Nạn ăn trộm tại Pháp : 645 vụ mỗi ngày !
Le Figaro đã giới thiệu bài viết về Hồng Kông trên trang nhất, nhưng lại dành hồ sơ chính của mình cho một vấn đề xã hội Pháp, được nêu thành tựa lớn : "Nạn ăn trộm đang gia tăng đáng ngại tại Pháp".
Theo tờ báo Pháp tại Paris, ở miền Bắc, ở vùng Gironde hay Haute-Marne..., tất cả các thành phố, khu vực, đều thấy nạn ăn trộm gia tăng, trong dịp hè đã đành, mà kể cả trong năm.
Một con số chóng mặt được tờ báo cánh hữu Pháp nêu bật : Tính trên cấp độ toàn quốc, có không dưới 645 vụ trộm mỗi ngày.
Hồ sơ của Le Figaro đặc biệt lý thú với những lời khuyên chống trộm, trước hết là những điều không nên làm : Để cửa sổ mở khi ở một phòng khác hay khi ngủ ; không khóa cửa khi ở trong nhà ; để đồ vật ở ngoài cửa khi đi vắng ; để cửa sổ mở ban đêm ; để tất cả những đồ vật quý báu ở cùng một chỗ ; đăng lên mạng ảnh chụp lúc đi nghỉ hè…
Mặt khác, Le Figaro cũng khuyên độc giả là cần phải gạt bỏ những suy nghĩ sai lầm vì theo một cuộc khảo sát của viện thăm dò Opinionway, 70% các vụ trộm xẩy ra ban ngày (chứ không phải là ban đêm), 79% xẩy ra những ngày trong tuần (chứ không phải là cuối tuần) và 1/3 các vụ trộm xẩy ra trong lúc vẫn có người ở nhà.
Sự vươn lên của ngành dự phóng sự sụp đổ collapsologie
Nhật báo Libération thì dành tít lớn trang nhất và hồ sơ chính cho ngành nghiên cứu mang tên tiếng Pháp rất lạ là Collapsologie, một từ mới xuất hiện từ năm 2015 (theo Wikipedia), tức là ngành dự báo ngày sụp đổ của nền văn minh loài người.
Theo tờ báo, trong một thời gian dài bị buộc tội là hô hoán quá đáng, thậm chí điên rồ, các chuyên gia dự phóng sự sụp đổ của nền văn minh của chúng ta chưa bao giờ được lắng nghe nghiêm túc như ngày nay. Trong bài xã luân, Libération phân tích :
"Từ khoảng 40 năm nay với những nghiên cứu về giới hạn của tăng trưởng, lý thuyết về sự sụp đổ của nền văn minh dựa trên những nghiên cứu khoa học, ngày càng được chứng thực. Giữa tình trạng tài nguyên cạn kiệt, khí hậu hâm nóng và các đe dọa đối với sự đa dạng sinh thái, nhân loại đang trong một tam giác nguy hiểm, đặt lại vấn đề sống còn của mình.
Biểu tượng cho thuyết này là cô bé Greta Thunberg và thông điệp của cô gởi thẳng đến "mặt người lớn" của nhân loại : Chúng tôi sẽ làm bài tập của mình (ở trường học) khi các người lớn làm trách nhiệm của mình (cứu vãn hành tinh), nếu không thì học tập có ích gì…".
Tại sao eo biển Hormuz cần được ổn định
Một chủ đề thời sự khác đáng chú ý là hồ sơ "Dầu hỏa và căng thẳng Mỹ-Iran" được nhật báo La Croix đưa lên trang nhất, đề cập đến điểm nóng hiện nay là eo biển Hormuz.
Theo La Croix : Những vụ chặn giữ hay phá hoại tàu dầu, bắn hạ máy bay không người lái, thóa mạ lẫn nhau, hù dọa quân sự : kể từ tháng 5, eo biển Hormuz đã khuấy động dòng thời sự địa chính trị và trở thành một trong những điểm nguy hiểm nhất hành tinh.
Chuyên gia Vincent Eiffling thuộc trung tâm Cecri ghi nhận : "Điều này là do vị trí chiến lược của eo biển này trong các xa lộ hàng hải lớn của dầu hỏa".
Bernard Hourcade, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, nói thêm : "Mỗi ngày có gần 100 tàu dầu đi qua eo biển đặt dưới chủ quyền của Oman và Iran, nhưng quyền tự do hàng hải nơi này, trên nguyên tắc, được công ước của Liên Hiệp Quốc đảm bảo".
Đối với các quốc gia sản xuất dầu hỏa trong khu vực, eo biển Hormuz phải rộng mở và an ninh được đảm bảo : nhờ tuyến đường này mà Saudi Arabia chuyển đi gần 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, Iraq 2,5 triệu, Iran 2 triệu, Qatar 1,5 triệu, và gần đây là Kuwait và Các Tiểu vương quốc ả rập.
Tuyến đường quan trọng không kém đối các nước mà kinh tế cần một nguồn cung ứng dầu đều đặn, như những nước Châu Á , Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà từ 40 đến 80% dầu nhập đến từ vùng này. Ở một mức độ ít hơn, Mỹ và Châu Âu cũng nhập dầu của Trung Đông- khoảng từ 5 đến 10%.
Trọng Nghĩa
Vì sao Nga đàn áp thô bạo biểu tình ở Moskva ?
Vụ đàn áp biểu tình tại Moskva được tất cả các báo Paris chú ý.
Một người biểu tình tại Moskva ngày 27/07/2019 bị cảnh sát bắt. Reuters/Tatyana Makeyeva
Les Echos nhận xét : "Chế độ Nga đang trong thế thủ", Libération dành hai trang báo để nói về "Đàn áp ở Nga : Moskva thô bạo trước đối lập". Trang web của Le Monde cho biết "Trên 1.000 người biểu tình ở Moskva bị bắt : Phản ứng phẫn nộ ở khắp nơi", còn La Croix có bài phóng sự mang tựa đề "Tại Moskva, đối lập là mục tiêu đàn áp tàn bạo".
Người biểu tình ôn hòa bị cảnh sát tấn công thô bạo
Thông tín viên của Libération mô tả, trên quảng trường Tverskaia gần Tòa đô chính Moskva, những người biểu tình cố trụ lại ở khoảng giữa hai bức tượng Lênin và và Yuri Dolgorukiy, người sáng lập thủ đô nước Nga. Lực lượng cảnh sát hùng hậu đẩy lùi họ bằng dùi cui, một thanh niên người đầy máu bị thô bạo bắt đi trong những tiếng la phẫn nộ của đám đông. Vài chiếc chai nhựa được quăng về phía cảnh sát – phương tiện đối phó trông thật tội nghiệp so với lực lượng an ninh vũ trang tận răng, được mệnh danh là "phi hành gia".
Thông tín viên La Croix tại Moskva nhìn thấy một cảnh khác : năm vệ binh quốc gia đeo mặt nạ, lao vào một nhóm 300 người biểu tình đang nghỉ mệt gần nhà hát Bolshoi, gần đó là hàng hàng lớp lớp cảnh sát chống bạo động. Vệ binh bất ngờ phang dùi cui tán loạn, một thanh niên đang ngồi nghỉ bị đánh ngã gục, ba phụ nữ cố gắng bảo vệ anh này cũng bị lôi về xe cảnh sát, đám đông la to "phát-xít". Anh thanh niên trên đây bị gãy xương sườn, chấn thương sọ não, nhưng bộ phận cấp cứu để mặc không chịu nhận…
Trong ngày hôm đó, theo trang web OVD-Info, có 1.373 người bị câu lưu, đây là một kỷ lục ! Có 77 người bị thương, ít nhất 17 nhà báo bị bắt trong đó có 10 người bị tóm đi một cách thô bạo, máy ảnh, máy quay phim và điện thoại bị đập vỡ. Cảnh sát không cho những người bị câu lưu ăn uống gì, trong khi họ phải ở trong xe bít bùng dưới nhiệt độ 40°C. Như thường lệ, người bị bắt không được tiếp xúc với luật sư, và cảnh sát cưỡng bức lấy dấu tay dù luật Nga cấm.
Trắng trợn gạt bỏ các ứng cử viên đối lập
Hầu hết những người xuống đường hôm thứ Bảy 27/7 đều dưới 35 tuổi, họ chống lại việc các ứng cử viên đối lập bị trắng trợn gạt bỏ khỏi cuộc bầu cử địa phương tháng Chín tới.
Nghị viện Moskva chỉ có quyền hành hạn chế, nhưng đối lập có thể nhờ đó kiểm tra việc phân bố thị trường công, đang bị tham nhũng hoành hành. Người dân vô cùng bất bình khi ủy ban bầu cử vô hiệu hóa hàng loạt chữ ký ủng hộ của các ứng viên đối lập, còn toàn bộ các ứng cử viên của chính quyền đều được nhanh chóng chấp nhận.
Trước đó, hôm thứ Tư, thủ lãnh đối lập Alexei Navalny đã bị kết án 30 ngày tù vì kêu gọi biểu tình. Hôm sau, nhà và văn phòng của nhiều khuôn mặt đối lập bị khám xét, tịch thu đồ đạc, đa số nhà đối lập bị câu lưu hôm thứ Sáu, số còn lại bị bắt vào sáng thứ Bảy, trước khi họ có thể đến được địa điểm biểu tình.
Vì sao đàn áp ?
Sau vụ đàn áp chưa từng có hôm thứ Bảy 27/7, nhiều nhà bình luận đặt câu hỏi, vì sao chính quyền lại ra tay thô bạo quá trớn như vậy ? Phải chăng đây là âm mưu ở bộ nội vụ để phá hoại hình ảnh của đô trưởng Moskva Sergey Sobyanin ? Lực lượng an ninh muốn nắm lại quyền lực trước tình hình, hoặc quyết tâm đè bẹp đối lập ? Hay chế độ muốn thẳng tay để làm gương, tránh phong trào phản kháng lây lan ?
Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, trung tâm Carnegie ở Moskva, "Điện Kremlin không biết phải làm gì với đối lập, nay đã có thể huy động đông đảo người dân xuống đường. Vụ đàn áp người biểu tình hôm thứ Bảy và sau đó là khởi tố các nhà hoạt động, cho thấy chính quyền đã chọn lựa biện pháp mạnh".
Tuy nhiên áp bức chỉ càng khiến dân chúng thêm phẫn nộ, đối lập tuyên bố tiếp tục biểu tình thứ Bảy 3/8 tới. Còn các ứng cử viên bị loại kêu gọi những người ủng hộ ở từng quận dồn phiếu cho người khác, để đánh bại ứng viên của đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền.
Les Echos ghi nhận phong trào phản kháng lan rộng trong bối cảnh uy tín của ông Vladimir Putin xuống thấp, chỉ còn 32%, theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, đặc biệt là từ sau khi tăng tuổi về hưu. Không chỉ có tổng thống, mà quan chức lâu nay được lòng dân nhất là Sergey Shoygu, bộ trưởng quốc phòng, tỉ lệ tín nhiệm chỉ còn 15%.
Cuba vận động ngoại giao từ Nga, Trung Quốc đến Việt Nam
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro nhận xét "Cuba đang là trung tâm của một liên minh khu vực mới". Trước thái độ cứng rắn của Washington, vùng vịnh Caribbean xem lại các đối tác, quay sang Bắc Kinh và Moskva.
Từ nhiều tuần qua, cứ sau chương trình tin tức lúc 20 giờ, truyền hình Cuba lại chiếu một video tố cáo chính sách của Mỹ và kết thúc bằng câu "Luật Helms-Burton là một trò chơi dơ bẩn". Luật này cấm công dân Mỹ làm ăn với Cuba.
Giống như thời Liên Xô cũ, một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu với việc tái phối trí địa chính trị khu vực. Nga ngày càng hợp tác nhiều hơn với Cuba, nhất là qua các thỏa thuận quốc phòng. Moskva vừa mới viện trợ quân sự 50 triệu đô la và đang dự tính mở căn cứ quân sự tại Cuba. Công ty Nga Sinara Transportnie Mashini (STM) cải tạo tuyến đường sắt La Havana-Santiago. Trung Quốc, đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu, cung cấp các toa tàu và đầu máy.
Cuba tìm kiếm sự ủng hộ về ngoại giao ở khắp nơi. Ngoại trưởng Bruno Rodriguez thăm Trung Quốc vào cuối tháng Năm, cùng lúc đó tổng bí thư Raul Castro tiếp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tháng Sáu, ông Rodriguez đi thăm một vòng các nước vịnh Caribbean. Hoa Kỳ tăng cường cấm vận Cuba, đe dọa chế độ Maduro - hiện đang cung ứng dầu lửa cho đảo quốc cộng sản – và các cố vấn quân sự Cuba ở Venezuela, khiến La Havana phải cố gắng vận động thêm đồng minh.
La Havana buồn bã khi không còn những du khách Mỹ hào phóng
Le Figaro mô tả "La Havana u buồn sau khi những chuyến tàu du lịch Mỹ cuối cùng đã ra đi".
Những chàng "Yankee" ra khỏi các tàu du lịch được các hướng dẫn viên và tài xế taxi đón tiếp, trên những chiếc xe cổ đủ màu, đi dạo một vòng thành phố trước khi trở về tàu. Chuyến tàu cuối Empress of the Sea nhổ neo hôm 6/6, kết thúc thời kỳ tàu du lịch Mỹ đến thăm Cuba trong ba năm qua. Hòa giải đã trở thành quá khứ, với quyết định của tổng thống Donald Trump cấm các chuyến tàu du lịch tập thể lẫn cá nhân và tàu đánh cá đến Cuba.
Đây là cú đòn nặng nề cho nền kinh tế Cuba, đặc biệt đối với những người kinh doanh nhỏ. Hàng ngàn Cuentapropistas (doanh nghiệp tư nhân) có nguy cơ phá sản, kéo theo sự sút giảm thu nhập của nhiều công nhân viên nhà nước. Khu phố cổ La Havana trở nên buồn rầu, người dân Cuba đã quen với sự hào phóng của khách du lịch Mỹ so với các quốc tịch khác. Pablo, một nhạc sĩ trong khu phố cổ than thở : "Thế là chấm dứt những món pourboire. Chỉ có người Mỹ là cho chúng tôi tiền thôi, những nhóm khách khác ăn uống linh đình mà chẳng cho lấy một xu nhỏ". Theo con số của chính quyền, đã có 142.000 du khách Mỹ đến Cuba bằng tàu biển từ ngày 1/1 đến 30/4. Nay những con tàu du lịch vắng bóng, thành phố trở nên đìu hiu.
29/7 : Nhân loại bắt đầu "nợ nần" Trái Đất
Về sinh thái, Le Figaro báo động "29 tháng Bảy 2019 : Ngày mà nhân loại bắt đầu cuộc sống nợ nần", khi hệ sinh thái Trái Đất không còn có thể "tái sinh".
Điều này có nghĩa là kể từ hôm nay, loài người đã đánh bắt cá, đốn hạ cây và khai thác mặt đất quá mức mà Trái Đất cung cấp được trong cả năm. Cũng từ hôm nay, hệ sinh thái của hành tinh chúng ta (rừng, đất đai, đại dương, sông hồ) không còn có thể hấp thu lượng dioxyde carbone mà con người thải ra. Hồi đầu thập niên 70, thời điểm này trùng vào cuối năm, nhưng nay càng ngày càng sớm hơn.
Một số quốc gia như Hoa Kỳ cần đến 5 Trái Đất (hết "quota" từ ngày 15/3), Pháp ở mức trung bình của Châu Âu (ngày 14/5). Riêng nước Pháp đã có những nỗ lực đáng kể để hạn chế phá rừng, giới hạn việc sử dụng xe cá nhân, gần đây còn đánh thuế vào hàng không, nhưng theo Quỹ bảo vệ thiên nhiên, thì còn phải giảm phân nửa nạn lãng phí thực phẩm, để có thể giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tay đua trẻ Colombia đi vào huyền thoại Vòng đua nước Pháp
Tựa chính nhật báo Le Figaro hôm nay là "Những sở thích mới của người Pháp khi đi nghỉ hè". Nước Pháp là nơi thu hút du khách nhiều nhất thế giới, và chính người dân Pháp cũng chọn lựa các vùng miền đa dạng của nước mình để đi du lịch. Cùng một chủ đề này, Les Echos quan tâm đến việc "Các thành phố Châu Âu phải đối phó với tình trạng du khách tràn ngập", từ Venise cho tới Luân Đôn.
Về chính trị nước Pháp, La Croix ghi nhận "Gương mẫu, một đòi hỏi tập thể". Sau vụ bộ trưởng sinh thái François de Rugy từ chức do dư luận ồn ào về các bữa tiệc tùng, tờ báo công giáo xem xét lại khái niệm "gương mẫu", và nhận ra rằng điều này rất phức tạp. Le Monde nhìn sang Châu Phi, nói về "Morocco : Bí ẩn Mohamed VI". Ngày mai 30/7, quốc vương morocco mừng 20 năm trị vì một đất nước hiện đại hóa nhưng lại bất bình đẳng hơn bao giờ hết.
Trên lãnh vực thể thao, các báo đều nói đến tay đua người Colombia đầu tiên giành được chiếc áo vàng của Vòng đua nước Pháp. Libération đăng chân dung quán quân Tour de France 2019, chạy tựa "Egan Bernal, một thế giới mới". Tay đua Colombia đầu tiên giựt giải Vòng đua nước Pháp, cũng là cua-rơ trẻ nhất kể từ năm 1909 giành được giải thưởng danh giá này.
Libération nhấn mạnh, Colombia là một đất nước mà môn đua xe đạp cũng được hâm mộ như bóng đá. Les Echos cho biết những diễn biến kịch tính của Tour de France năm nay đã khiến lượng khán giả truyền hình tăng vọt, còn La Croix ca ngợi : "Một vòng đua nước Pháp đã đi vào huyền thoại". Theo nhật báo công giáo, thắng lợi của cua-rơ Egan Bernal hôm Chủ nhật 28/7 là một trong những chiến thắng kịch tính nhất trong lịch sử, đặc biệt là tay đua 22 tuổi chỉ mới làm quen với môn đua xe đạp cách đây 4 năm.
Thụy My
Gấu Nga trở thành đàn em của gấu trúc Trung Quốc
Quan hệ giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình được thắt chặt sau vụ Nga chiếm Crimea, nhưng Trung Quốc đang thống trị trên tất cả lãnh vực.
Trang bìa The Economist tuần lễ 27/07-02/08/2019.The Economist
Kinh tế Trung Quốc mạnh gấp sáu lần Nga và vẫn còn tăng trưởng, trong khi Nga đang đi xuống. Thay vì là đối tác ngang hàng, Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc.
Đang trong mùa hè, các tuần báo Pháp giới thiệu những chủ đề nhẹ nhàng. Le Point dành trang nhất và nhiều trang trong cho hồ sơ đặc biệt "Những bí mật cuối cùng của các giáo đường" ở Pháp. L’Obs quan tâm đến "Một Marx khác", không phải Karl Marx mà là Thierry Marx, một đầu bếp kiêm doanh nhân Pháp mở hệ thống trường dạy nghề giúp những người thất cơ lỡ vận có được một cơ hội mới.
Hồ sơ của Courrier International tuần này nói về "Các phương cách mới để di chuyển". Có thể kể : xe trượt (trottinette), taxi bay… người ta có nhiều chọn lựa về phương tiện di chuyển, nhưng chủ yếu cần quan tâm đến môi trường.
Nga lép vế trong quan hệ với Trung Quốc
Về quan hệ Nga-Trung, bài viết của The Economist nhận định "Hợp tác có lợi cho Trung Quốc hơn Nga" đi kèm với hình vẽ một con gấu trúc lớn bệ vệ ngồi trên chiếc ngai màu đỏ có ngôi sao vàng, bế trên tay một chú gấu nhỏ bé cầm lá cờ Nga, với tựa đề có phần mỉa mai "Chiến hữu".
Quan hệ giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình được thắt chặt sau vụ Nga chiếm Crimea, nhưng Trung Quốc đang thống trị trên tất cả lãnh vực. Kinh tế Trung Quốc mạnh gấp sáu lần Nga và vẫn còn tăng trưởng, trong khi Nga đang đi xuống. Thay vì là đối tác ngang hàng, Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc.
Theo The Economist, nhận xét này dường như có vẻ khắt khe. Nga dù sao cũng là cường quốc nguyên tử, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga đang hiện đại hóa quân đội và không ngần ngại sử dụng như ở Syria, tuần này các chiến đấu cơ Nga lần đầu tiên đã tuần tra chung với Trung Quốc. Nhưng tốc độ phụ thuộc của Moskva vào Bắc Kinh đang nhanh chóng tăng lên một cách đáng lo ngại.
Trung Quốc là thị trường quan trọng nhập nguyên liệu của Nga. Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft lệ thuộc nguồn tài chính Trung Quốc và ngày càng bán nhiều dầu cho Bắc Kinh. Nga cũng muốn bớt phụ thuộc vào đồng đô la, nên đồng nhân dân tệ nay chiếm phần quan trọng trong dự trữ ngoại hối. Trung Quốc cung ứng nhiều phụ tùng chủ chốt cho hệ thống vũ khí Nga, và Putin cũng cần đến Bắc Kinh trong việc kiểm soát người dân. Tháng trước Nga đã ký hợp đồng phát triển mạng lưới 5G với Hoa Vi. Trung Quốc rất hài lòng, và Nga còn là tiếng nói ủng hộ quan trọng trước những chỉ trích của phương Tây đối với Bắc Kinh về nhân quyền và dân chủ.
Ông Putin không có nhiều chọn lựa, sau khi bị phương Tây trừng phạt hoặc xa lánh do xâm chiếm Crimea năm 2014, can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal năm 2018. Ông có thể biện luận là tương lai nay tùy thuộc vào Trung Quốc cùng với hệ thống tư bản nhà nước của người khổng lồ Châu Á.
Tuy nhiên theo tờ báo, Putin đã lầm. Phiên bản tư bản nhà nước theo kiểu Nga là nhằm tìm kiếm lợi nhuận thay vì hiệu quả, những người thân cận ông tha hồ thủ lợi từ ngân sách – đó là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc chỉ đầu tư hạn chế vào Nga. Tại Trung Á, quân đội Trung Quốc đóng quân ở Tajikistan và tập trận mà không buồn tham khảo ý kiến Moskva.
Thế giới cần tìm cách tách Nga ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi quá muộn chăng ? Theo The Economist, sớm muộn gì một tổng thống khác, kiểu như Alexei Navalny sẽ quay mặt với Bắc Kinh, khi lại cần đến sự trợ giúp phương Tây. Và khi đó chủ nhân (nam hoặc nữ) Phòng Bầu dục Nhà Trắng sẽ bắt chước ông Nixon : lên đường đi thăm Moskva.
Hồng Kông đang trong thời khắc nguy hiểm nhất từ sau Cách mạng văn hóa
Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist nói về "Phong trào phản kháng ở Hồng Kông chống lại các biểu tượng của Bắc Kinh". Tờ báo nhận định, Hồng Kông đang sống trong những thời khắc bạo lực nhất, nguy hiểm nhất kể từ sau Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông.
Bắc Kinh tức giận tuyên bố việc Văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông bị coi là đích nhắm, là "thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền trung ương". Người ta lo ngại Trung Quốc sẽ đưa quân đội đến đàn áp, và như vậy sẽ là một sự kiện chưa từng thấy kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên theo tờ báo, điều này khó xảy ra vì sẽ gây phẫn nộ trên toàn thế giới, dù phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc đã đe dọa trong cuộc họp báo ngày 24/7.
Nếu trước đây người biểu tình chỉ đòi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức, thì nay yêu sách được mở rộng sang cải cách dân chủ ; nhưng không có đòi hỏi nào được Bắc Kinh lắng nghe. Các nhà đấu tranh tên tuổi ôn hòa, kể cả những khuôn mặt trẻ của Cách mạng Dù, nay không có mấy ảnh hưởng lên phong trào phản kháng không có thủ lãnh này.
Những người biểu tình sử dụng các ứng dụng tin nhắn mã hóa, mang theo quần áo thay đổi để tránh bị nhận dạng sau khi giải tán, sự ẩn danh này khiến khó thể kiểm soát hoặc thương lượng với họ. Dù đôi khi xảy ra bạo động, nhưng những người biểu tình cực đoan vẫn có được sự thông cảm nơi phe ôn hòa. Ngược lại ít có sự đoàn kết ở phía bên kia. Giám đốc một tờ báo thân Trung Quốc hôm 23/7 đã từ chức, và Phòng Thương mại Hồng Kông vốn ủng hộ chế độ, nay lên án bạo động ở quận Nguyên Lãng (Yuen Long) và còn đi xa hơn : kêu gọi chính quyền nhượng bộ.
Lý Bằng : Tên đồ tể Thiên An Môn
Le Monde số cuối tuần vẽ lên chân dung Hà Vận Thi (Denise Ho), ngôi sao nhạc pop Hồng Kông đã dám thách thức Trung Quốc. Là ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Cantopop (C-pop) tên tuổi, cuối tuần rồi cô tiếp tục là một trong những người nổi tiếng hiếm hoi, công khai tham gia cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông. Một chân dung đối nghịch khác trên The Economist là "Tên đồ tể Thiên An Môn" : cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng qua đời ở tuổi 90.
Đêm 20/05/1989, khuôn mặt Lý Bằng đã ghi đậm dấu ấn lên ký ức Trung Quốc. Ông ta xuất hiện trên truyền hình nhà nước, mặc chiếc áo đại cán kiểu Mao, tóc chải ngược, tuyên bố thiết quân luật tại Bắc Kinh. Trước đó tại Bộ Chính trị, Lý Bằng đã tranh cãi dữ dội với tổng bí thư chủ trương cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), và đã giành chiến thắng nhờ có sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình. Hàng trăm, thậm chí có lẽ hàng ngàn sinh viên đã bị thảm sát, và danh hiệu "Đồ tể Bắc Kinh" thường được dành cho Lý Bằng.
Thế giới hậu Thiên An Môn thuộc về họ Lý, chủ trương tự do của Triệu Tử Dương không bao giờ xuất hiện trở lại. Lý Bằng tiếp tục làm thủ tướng suốt gần một thập niên, và gia đình ông ngự trị trong ngành năng lượng Trung Quốc. Hai con trai và một con gái của Lý Bằng là quan chức của bộ năng lượng, một người con trai khác làm thống đốc tỉnh Sơn Tây giàu có về than đá. Lý Bằng rất hãnh diện về công trình đập khổng lồ Tam Hiệp tốn kém 10 tỉ đô la, làm 1,3 triệu dân phải di dời, bất chấp tố cáo của giới bảo vệ môi trường và các quốc gia ở hạ nguồn.
Vấn đề trại cải tạo Tân Cương được "quốc tế hóa"
Cũng về Trung Quốc, The Economist nhận xét "Hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương đã trở thành chủ đề tranh cãi quốc tế".
Sau khi 22 nước chủ yếu là phương Tây gởi thư lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vài ngày sau lại xuất hiện một lá thư khác của 37 nước ủng hộ Bắc Kinh, gồm những nước thường bị phương Tây chỉ trích.
Không có gì ngạc nhiên trước những chữ ký của Venezuela, Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, hoặc những nước được Trung Quốc đầu tư như Pakistan và Lào, vốn không muốn "cắn vào bàn tay đang mớm cho mình". Nhưng đáng phẫn nộ nhất theo tờ báo, là các nước vùng Vịnh, ủng hộ Trung Quốc vì nhiều lý do từ quốc phòng, kinh tế thậm chí tôn giáo.
Chẳng hạn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất do bị Mỹ từ chối bán máy bay không người lái, đã quay sang mua drone Wing Loong 2 của Trung Quốc. Năm 2018, Bắc Kinh đã ký các hợp đồng xây dựng và đầu tư trị giá 28 tỉ đô la tại Trung Đông, một khu vực khó thu hút được đầu tư nước ngoài. Nhưng thông tin về các trại cải tạo Tân Cương ngày càng được tiêt lộ nhiều hơn, các nhà lãnh đạo Hồi giáo bắt đầu chịu đựng áp lực trong nước đòi bảo vệ các đồng đạo.
"Mùa hè rực rỡ" của nữ tổng thống Đài Loan
Còn tại Đài Loan, The Economist khi nói về "Triển vọng tái đắc cử của bà Thái Anh Văn" đã ví von : Mùa đông đi qua, mùa hè sắp tới đầy tươi sáng đối với nữ tổng thống.
Tờ báo nhắc đến chuyến công du vùng vịnh Caribbean mới đây của bà Thái Anh Văn với bốn ngày lưu lại trên đất Mỹ, dài nhất từ trước đến nay, bất chấp Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Bà đi tàu ngang qua tượng Nữ thần Tự Do, gặp gỡ một số đại biểu quốc hội Hoa Kỳ, phát biểu tại đại học Columbia.
Trong lần quá cảnh trước đó, bà đến thăm NASA, trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan đầu tiên bước chân vào một cơ quan liên bang Mỹ kể từ năm 1979. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã khiến cán cân nghiêng về phía bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, còn phe Quốc dân đảng thân Trung Quốc bị xuống dốc.
Boris Johnson và nguy cơ "no-deal"
Về Châu Âu, trên trang bìa báo in The Economist là hình vẽ tân thủ tướng Boris Johnson đang hào hứng lái chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ quen thuộc ở thủ đô Luân Đôn, mang dòng chữ "Make Britain Great Again" (Làm cho nước Anh vĩ đại trở lại), lao thẳng xuống con dốc đứng của đường trượt tàu lượn siêu tốc. Tờ báo Anh không ngần ngại khẳng định "Để ngăn chặn no-deal, các nghị sĩ bảo thủ phải sẵn sàng hạ bệ Boris Johnson !".
Ông Boris Johnson đã gây bất ngờ khi thành lập một nội các toàn những nhân vật cứng rắn. Priti Patel vốn ủng hộ tái lập án tử hình, làm bộ trưởng nội nụ, Dominic Raab chủ trương Brexit "cứng", làm ngoại trưởng. Tân thủ tướng tin rằng Donald Trump sẽ mang phao cứu sinh đến khi Anh quốc rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu (EU), điều này theo tờ báo là nguy hiểm, vào lúc Luân Đôn phải khẳng định vị trí trong hồ sơ Iran.
Nhưng đáng ngại nhất là kế hoạch Brexit siêu thực của ông. Bà Theresa May đã thất bại với những lời hứa không thể thực hiện được, còn Boris Johnson phạm cùng một sai lầm, ở tầm vóc lớn hơn. Ông hứa bỏ điều kiện "backstop" về một biên giới thực tế với Bắc Ireland, dọa không trả chi phí "ly dị", và nhất định sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không, "do or die" (hành động hay là chết). Nếu bà May có hai năm, thì ông Johnson chỉ có ba tháng để biến những lời hứa được cho là bất khả thi trên đây thành hiện thực.
Ra khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận (no-deal) bằng mọi giá sẽ là thảm họa, và The Economist cho rằng Nghị viện Anh chỉ còn cách bỏ phiếu bất tín nhiệm tân thủ tướng. Hoặc ít nhất chỉ cần lá phiếu của vài nghị sĩ để giải tán chính phủ của đảng mình, sẽ là một sự kiện chưa từng có kể từ năm 1940.
Xu thế thiên tả của Dân Chủ Mỹ
Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Point tuần này nhận định, đành rằng các tweet của tổng thống Mỹ Donald Trump bảo bốn dân biểu nữ da màu "quay về nguyên quán" là tệ hại, nhưng cũng không nên giấu giếm một thực tế bao trùm. Đó là vấn đề bản sắc sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 tại Hoa Kỳ.
Hiệp hội Democratic Socialists of America (Dân chủ xã hội Mỹ), mà Alexandria Ocasio-Cortez và Rashida Tlaib - hai trong số bốn nữ dân biểu trên - là thành viên còn người thứ ba Ilhan Omar là ủng hộ viên, là tổ chức lớn nhất ở Mỹ cổ vũ cho chủ nghĩa xã hội, bất chấp các bài học thê thảm của Venezuela và Cuba.
Theo Pew Research Center, có đến 46% cử tri Dân chủ tự nhận có khuynh hướng "tự do" (trong ngôn ngữ chính trị Mỹ có nghĩa là cánh tả), tăng 18 điểm so với mười năm trước, còn số người "ôn hòa" sụt 7 điểm, chỉ còn 37%. Donald Trump biết điều đó, và các tweet của ông nhằm chia rẽ đối thủ hơn là huy động phe mình. Ông tìm cách làm cho Ocasio-Cortez, một người cực đoan, và Omar, bài Do Thái kịch liệt ; xuất hiện như khuôn mặt thật của Dân chủ, gây bối rối cho phe Dân chủ ôn hòa mà đại diện là bà Nancy Pelosi.
Thách thức phi toàn cầu hóa
Nhìn chung về kinh tế thế giới, Le Point cổ vũ cho "Một Bretton Woods mới chống lại phi toàn cầu hóa". Trong một thế giới đang trở nên bất ổn do chủ nghĩa dân túy và xu hướng co cụm, các nhà lãnh đạo thế kỷ 21 đang phải đối đầu với cùng một thách thức của năm 1944.
Cách đây 75 năm, từ ngày 1 đến 22/07/1944 đã diễn ra hội nghị Bretton Woods tập hợp 44 quốc gia đồng minh, trong khi các trận đánh vẫn đang ác liệt ở Châu Âu và Thái Bình Dương. Mục tiêu là chuẩn bị cho hòa bình và lập ra một trật tự kinh tế, tiền tệ ổn định, tránh những sai lầm hồi năm 1918. Tiếp đến là sự ra đời của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rồi IBRD (BIRD theo tiếng Pháp), tiền thân của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hệ thống tiền tệ của Bretton Woods biến mất cùng với quyết định của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1971, chấm dứt việc quy đổi đô la ra vàng, nhưng tinh thần vẫn được giữ nguyên. Đồng euro được tung ra vào đầu năm 1999 nhằm ổn định thị trường tiền tệ Châu Âu, IMF chuyên tâm vào việc xử lý nợ công… Hệ thống đa phương Bretton Woods cũng đã góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cái giá phải trả là giai cấp trung lưu các nước phát triển chịu thiệt thòi. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ tái xuất hiện, song song đó Trung Quốc triển khai mô hình độc tài đối chọi với dân chủ, và tìm cách xuất khẩu qua "Một vành đai, một con đường".
Thụy My
Nắng nóng kỷ lục : Cây xanh trong đô thị và tiết kiệm nguồn nước
Báo chí Pháp ra hôm nay 26/07/2019 dĩ nhiên không thể bỏ qua ngày nắng nóng kỷ lục mà Pháp và Châu Âu vừa phải trải qua vào hôm qua, rõ nhất là Le Monde, Libération và La Croix đã dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề thời tiết này.
Nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 41°C, dân Paris đổ ra đài phun nước ở quảng trường Trocadéro, trước tháp Eiffel làm mát, ngày 25/07/2019. Reuters/Pascal Rossignol
Trang nhất Le Monde chạy tựa "Trái Đất đang sống một thời kỳ nóng nhất của mình từ 2000 năm nay", nêu bật một công trình nghiên cứu của các nhà cổ sinh vật học, xác nhận tính chất thuần nhất chưa từng thấy của hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện nay.
Trái Đất nóng lên : Nhanh hơn, mạnh hơn và đều khắp
Bản báo cáo công bố ngày 24/07/2019 trên tạp chí Nature và Nature Geoscience, đã được bà Valérie Masson-Delmotte, nhà cổ sinh vật học và điều phối viên của chương về khí hậu trong quá khứ, trong bản báo cáo mới nhất của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi GIEC (hay IPCC), đánh giá là "một công trình hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay".
Theo ghi nhận của Le Monde, trong lãnh vực khí hậu, nghiên cứu quá khứ để hiểu hiện tại có thể là điều rất quan trọng. Nhờ một phân tích cực kỳ có hệ thống, nhóm nghiên cứu quốc tế tác giả công trình vừa công bố đã phác họa lại được 2000 năm biến đổi nhiệt độ trên quy mô hành tinh.
Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng hiện tượng Trái Đất nóng lên hiện nay là điều chưa từng thấy không chỉ về cường độ và tốc độ, mà còn do tính chất phổ quát của nó. Quả đúng là cũng có một số giai đoạn nóng lên hay lạnh đi trong khoảng thời gian từ năm 1 cho đến cuộc thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng chưa bao giờ hiện tượng nóng lên lại ảnh hưởng đồng thời đến tất cả các khu vực trên hành tinh.
Trời nóng, đô thị cần bám vào cây xanh
Libération cũng dành hồ sơ chính cho cơn nắng nóng kỷ lục đổ ập xuống Pháp và Châu Âu, nhưng lại chơi trò tương phản trên trang nhất, chủ yếu dùng màu xanh lá cây và chạy tựa "Đô thị đang bám vào cây xanh".
Tờ báo giải thích : Do việc phải đối phó với những cơn nắng nóng càng lúc càng nhiều đến từ việc Trái Đất bị hâm nóng, nhiều thành phố lớn đã quan tâm đến việc trồng những "khu rừng đô thị" để làm giảm bớt sức nóng. Một trong những ưu điểm của giải pháp trồng thêm cây xanh là giúp giảm bớt việc dùng máy lạnh, rất có hại cho khí quyển.
Phát triển cây xanh trong thành phố : Nhất bản vạn lợi !
Trong bài xã luận, Libération thừa nhận một cách hóm hỉnh rằng "Tất nhiên không ai cho rằng sự hiện diện của cây xanh trong các thành phố, của các khu vườn trên mái của các tòa nhà là giải pháp tối thượng, hoặc là biện pháp tốt để chống biến đổi khí hậu ngay từ gốc".
Tuy nhiên, theo tờ báo Pháp, trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, vai trò của các cấp địa phương cũng quan trọng, và đã đến lúc "các đại biểu dân cử địa phương đặt một ít đất, cành, lá, tóm lại là chất xanh, ở trung tâm các thành phố của chúng ta".
Đối với Libération, vấn đề không chỉ là bảo vệ môi trường, mà còn có lợi ích kinh tế thiết thực.
Khi xây dựng một không gian công cộng mới cho thành phố, dùng bê tông, gạch ngói luôn luôn đắt hơn việc trồng cây. Hãng tư vấn Astérès chẳng hạn đã ước tính rằng việc tăng 10% không gian xanh tại các thành phố sẽ giúp giảm được 94 triệu euro chi phí y tế nhờ giảm được các trường hợp hen suyễn và tăng huyết áp.
Theo Libération, đánh giá của Ngân hàng Canada TD, dựa trên số lượng cây có ở thành phố Toronto còn rõ ràng hơn nữa. Khi đầu tư 1 đô la vào một trong những công việc liên quan đến cây cối trong thành phố (mua, trồng, bảo trì), thì món tiền thu về được ước tính là từ 1,35 đến 3,50 đô la. Đối với Libération, hiệu quả kinh tế đúng là rất tốt, nhất là khi ngân hàng TD, trong quá trình tính toán, đã không tính đến các khoản tiết kiệm được trong phần chi tiêu y tế.
Người Pháp cần thích ứng với tình trạng khan hiếm nước
Trời nóng dĩ nhiên là khát nước. Đợt nắng nóng ập xuống nước Pháp như đã thúc đẩy nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính và trang nhất cho vấn đề được nêu thành tựa lớn : "Liệu chúng ta đã sẵn sàng để sống với ít nước hơn hay chưa ?"
Đối với La Croix, vấn đề đang đặt ra cho nước Pháp là phải nghĩ cách tiết kiệm và chia sẻ nước tốt hơn, đồng thời bảo tồn những vùng đất ngập nước. Một cuộc hội thảo về vấn đề nước vào đầu tháng Bảy đã đặt ra mục tiêu giảm 10% lượng nước lấy từ các nguồn tự nhiên trong vòng 5 năm và 25% trong 15 năm tới đây.
Để đạt được các mục tiêu này, tất cả các tác nhân đều phải xem xét lại mối quan hệ của mình với nước. Một ví dụ điển hình. Tại Pháp, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã sử dụng một nửa lượng nước tiêu dùng.
Theo giải thích của La Croix, câu hỏi đặt ra là làm sao để thích ứng với tình hình một nước Pháp ngày càng khô cằn ? Do tình trạng Trái Đất bị hâm nóng, Cục Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Pháp BRGM dự đoán nguồn cung cấp nước ngầm sẽ giảm từ 10 đến 25% vào thời điểm năm 2045-2065 tại Pháp. Đồng thời, nhiệt độ nóng thêm sẽ làm tăng nhu cầu nước uống và nước tưới.
Vấn đề sử dụng nước tốt hơn do đó sẽ trở thành trung tâm. Tất cả các tác nhân, từ công dân đến nhà công nghiệp, thông qua giới nhà nông, tất cả sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại về cách làm việc và sinh hoạt của mình, sao cho tiết kiệm được nguồn tài nguyên đang khan hiếm đi này và tìm sự cân bằng bền vững trong cách tiêu thụ nước.
Thế Vận Hội Paris 2024 có thoát được lời nguyền lạm chi ?
Trái với ba đồng nghiệp Le Monde, Libération và La Croix đã chú tâm đến vấn đề môi trường khí hậu, nhật báo Le Figaro đã dành trang nhất cho một sự kiện còn lâu mới xẩy ra : Thế Vận Hội mùa hè 2024 sẽ diễn ra tại Paris.
Ngay trang nhất, Le Figaro chạy tựa "Olympic 2024 : Một thách thức kinh tế đối với Pháp". Đối với tờ báo, đây là một sự kiện chưa từng thấy, với một ngân sách 7 tỷ euros, nhưng có thể mang lại 11 tỷ euros về lợi ích kinh tế.
Theo Le Figaro, Thế Vận Hội là một sự kiện toàn cầu, với những con số khủng khiếp : 100.000 giờ phát sóng trên TV, 4 tỷ người xem, hơn 13 triệu vé được bán ra, hơn 3 tỷ euro đầu tư... Đây có thể là cơ may phát triển cho nước Pháp với 11 tỷ euro lợi ích kinh tế thu hoạch được và 150.000 công ăn việc làm được tạo ra.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro, Tony Estanguet, vận động viên chèo thuyền đã giành được ba huy chương Olympic, người hiện là chủ tịch Ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024, đã điểm lại những tiến triển của dự án thế vận, một công trình đặt nặng vấn đề thân thiện với môi trường, nhưng cũng rất tiết kiệm trong vấn đề kinh tế với cam kết không vượt quá ngân sách dự trù.
Trong bài xã luận, Le Figaro đã nêu bật lời cảnh báo về nguy cơ chi phí tổ chức Thế vận hội Paris tăng vọt.
Theo tờ báo Pháp, từ nhiều thập kỷ nay, việc chi phí tăng vọt là một lời nguyền luôn đè nặng trên các thành phố đăng cai thế vận hội, mà không nơi nào thoát được, dù đó là Rio de Janeiro ở Brazil, Luân Đôn ở Anh Quốc, cho đến Athens ở Hy Lạp.
Với một ngân sách xấp xỉ 7 tỷ, ít hơn sáu lần so với sự điên rồ của Thế Vận Hội mùa đông tại Sochi (Nga), Paris hứa hẹn tổ chức sự kiện với mức giá thật chặt chẽ. Để biện minh cho sự đạm bạc này, thành phố Paris bảo vệ một dự án dựa trên 95% cơ sở hạ tầng hiện có hoặc sẽ chỉ được xây dựng tạm thời.
Chủ tịch Ban tổ chức Thế Vận là Tony Estanguet đã cam kết rằng các tài khoản sẽ được cân bằng, khi bị lạm chi. Đối với Le Figaro, nếu thực sự xẩy ra, thì đó sẽ là một phép màu, và lúc đó, có lẽ Nhà nước Pháp phải nghĩ đến việc bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Bộ Kinh tế.
Lý do, theo Le Figaro, rất đơn giản : Từ Élysée tức phủ tổng thống, cho đến Bercy, tức bộ Kinh tế, cho đến nay chưa ai giữ được lời hứa về không tăng chi phí !
Lo ngại dâng lên về tăng trưởng Châu Âu
Cũng chú ý đến kinh tế, nhưng nhìn rộng ra toàn Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos vào hôm nay đã dành tựa lớn cho vấn đề tăng trưởng cho rằng "Nỗi lo ngại đang tăng cao" về tăng trưởng của Châu Âu.
Đối với tờ báo, trước nguy cơ triển vọng tăng trưởng xấu đi trong khu vực sử dụng đồng euro, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã sẵn sàng hành động. Định chế này đang chuẩn bị cho hạ thấp lãi suất và một kế hoạch mới nhằm mua lại tài sản.
Trọng Nghĩa
Trung Quốc có điều chiến xa vào Hồng Kông không ?
Thời sự Châu Á được đề cập vẫn là chủ đề Hồng Kông. Libération đặt câu hỏi : "Liệu Bắc Kinh sẽ điều chiến xa đến Hồng Kông ?" sau khi phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Ngô Khiêm, trong buổi họp báo công bố Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/07/2019, đã đưa ra lời cảnh cáo khi nhắc đến "điều 14 của Luật Đơn vị đồn trú" của quân đội Trung Quốc.
Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông tìm cách giải tán đoàn biểu tình chống luật dẫn độ tại Hồng Kông ngày 21/07/2019. Reuters/Tyrone Siu
Theo nhật báo Libération, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai tính đến việc điều quân đội duy trì trật tự công cộng tại đặc khu hành chính. Từ năm 1997, một đơn vị đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, khoảng 4.000 đến 5.000 lính, đóng tại trung tâm Hồng Kông để bảo đảm vấn đề quốc phòng nhưng họ không có quyền can thiệp vào nội bộ đặc khu, trừ phi được chính quyền Hồng Kông yêu cầu, theo quy định của điều 14 của Luật Đơn vị đồn trú.
Cho đến hôm 24/07, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga chưa có ý định kêu gọi quân đội Trung Quốc hỗ trợ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập (Willy Lam), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, đại học Hồng Kông, "trên thực tế, quyết định chỉ phụ thuộc vào một người duy nhất, đó là chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời là tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc". Trong trường hợp này, những đơn vị thường trực ở Thâm Quyến, gần biên giới với Hồng Kông, cũng có thể được phép vào đặc khu.
Hiện tại, ông Tập Cận Bình không tính đến việc can thiệp bằng vũ lực, vì theo nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập, "điều này có nghĩa là sẽ chấm dứt thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ". Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố như bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc, nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát và quân đội Trung Hoa. Việc này có lẽ sẽ làm mất mặt và uy tín của chính quyền Bắc Kinh, cũng như đối với chính ông Tập Cận Bình".
Hàng nghìn công ty đa quốc gia đang hoạt động ở đặc khu. Việc xe thiết giáp nằm dưới những tòa nhà chọc trời đồng nghĩa với việc chấm dứt tự do doanh nghiệp và người dân Hồng Kông và người nước ngoài, nằm trong vòng kiểm soát của quân đội và tư pháp theo lệnh từ Đảng cộng sản Trung Quốc.
Hậu quả, theo ông Lâm, là "các doanh nghiệp sẽ giảm đầu tư, sa thải nhân viên, người giầu Hồng Kông sẽ di cư sang Úc hoặc Canada, giá bất động sản giảm. Và một cuộc khoảng kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra. Thế nhưng, trong số rất nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng và của quân đội, rất nhiều người có gia đình và có lợi ích ở Hồng Kông".
Theo dự kiến các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra, dù có được phép hay không, và sẽ còn xảy ra những vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Hồng Kông, "nếu tình trạng xáo trộn còn tiếp diễn trong 3 đến 4 tuần nữa, ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ đổi ý. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, tình hình lại nghiêm trọng đến như vậy".
Trung Quốc khẳng định tham vọng cường quốc quân sự
Bắc Kinh đã công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 24/07 và tái khẳng định mục tiêu hiện đại hóa quân đội.
Tuy nhiên, theo bài viết của nhật báo kinh tế Les Echos, khác với Sách Trắng được công bố hùng hồn năm 2015, Bắc Kinh tránh quá thể hiện sức mạnh. Về điểm này, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, nhận định : "Trong bối cảnh Châu Âu, Mỹ, cũng như các nước láng giềng Trung Quốc lo ngại về mối đe dọa Trung Quốc,… Bắc Kinh nhấn mạnh đến tính chất ôn hòa của quân đội, một lực lượng không lay chuyển được vì hòa bình trên thế giới".
Để thể hiện đối lập với chính sách đơn phương của tổng thống Trump, Trung Quốc thể hiện là nước bảo đảm cho cơ chế đa phương và hợp tác bằng cách nhấn mạnh rằng an ninh của các nước ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cố giảm thiểu quy mô ngân sách Quốc Phòng, chiếm 1,3% GDP của Trung Quốc trong 5 năm gần đây qua việc so sánh tỉ lệ này với ngân sách của một số nước như 3,5% của Mỹ, 4,4% của Nga và 2,5% của Ấn Độ.
Cố thể hiện là lực lượng vì hòa bình trên thế giới, nhưng Bắc Kinh tiếp tục không loại trừ khả năng dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan vì, theo Sách trắng, "Trung Quốc phải và sẽ phải thống nhất". Quyết tâm này còn được thể hiện kiên quyết qua lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Ngô Khiêm trong buổi họp báo công bố Sách Trắng : "Nếu bất kỳ ai dám tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không do dự gây chiến" - một thông điệp rõ ràng gửi tới Đài Loan khi hòn đảo này chuẩn bị bầu cử tổng thống năm 2020.
Dân Anh sẽ thất vọng nếu tin lời hứa thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump
Cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson chính thức trở thành thủ tướng Anh. Tất cả các nhật báo Pháp đều đề cập đến lời hứa đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng thời hạn 31/10, dù với bất kỳ giá nào, kể cả Brexit không có thỏa thuận.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định ông Johnson biết đánh đúng tâm lý tự hào dân tộc của những người ủng hộ ông khi hứa rằng "đã đến lúc phải đổi đĩa hát, tìm lại vai trò tự nhiên và lịch sử của chúng ta, vai trò của một nước Anh dám nghĩ dám làm, hướng ngoại và ra khắp thế giới". Và ông quả quyết thúc đẩy tiến trình Brexit khi tuyên bố : "Chúng ta sẽ rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/10, chấm xuống dòng".
Dấu hiệu quyết tâm đầu tiên của ông Boris Johnson là việc bổ nhiệm nhiều người thân cận của ông vào các vị trí cố vấn cho thủ tướng, như Dominic Cummings, David Frost và Edward Lister. Ngoài ra nội các cũng được thay đổi và chỉ gồm những nhân vật ủng hộ "Brexit cứng" : Sajid Javid bộ trưởng tài chính, Dominic Raab thành ngoại trưởng, kiêm quốc vụ khanh thứ nhất - cánh tay phải của thủ tướng, Priti Pattel bộ trưởng nội vụ, Stephen Barclay tiếp tục giữ chức bộ trưởng Brexit…
Tuy nhiên, theo Les Echos, một Brexit không có thỏa thuận là điều mà cả Bruxelles và Hạ viện Anh phản đối, kể cả nhiều dân biểu trong nội bộ đảng bảo thủ.
Sau ngày 31/10, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp với Vương quốc Anh. Liệu có thể hy vọng vào lời trấn an của ông Boris Johnson ? Vì theo xã luận của La Croix, sau những lời hứa về "Brexit, phải trở lại thực tế". Thứ nhất, Liên Hiệp Châu Âu nhắc lại rằng sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit và tiến hành một Brexit theo trật tự. Tuy nhiên, tân chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hé mở một thời hạn mới.
Thứ hai, viễn cảnh hậu Brexit mà tân thủ tướng Boris Johnson vẽ ra dường như thiếu vững chắc. Ông muốn Vương quốc Anh được giải phóng khỏi gông cùm của Liên Hiệp Châu Âu. Ông mơ biến Luân Đôn thành một Singapore mới. Và ông kỳ vọng vào lòng bao dung của tổng thống Mỹ Donald Trump, người vẫn hứa sẽ có một thỏa thuận thương mại "rất tốt" với Anh Quốc sau Brexit.
Giữa Johnson và Trump : Mối quan hệ nồng ấm gây lo ngại
Tuy nhiên, xã luận của La Croix cho rằng ông Boris Johnson đã không biết rõ ông Donald Trump và hiểu sai về chiến lược "America first" của tổng thống Mỹ. Thực vậy, trong bài viết : "Giữa Johnson và Trump là mối quan hệ nồng ấm gây lo ngại", La Croix đặt câu hỏi : Liệu ông Boris Johnson có khả năng chống lại những tham vọng của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại song phương không ?
Tuần trước, ông Johnson từng trấn an người dân Anh rằng "không muốn nhập từ Mỹ bất kỳ hàng hóa nào làm giảm tiêu chí xã hội và chất lượng thực phẩm… Chúng ta sẽ phải thúc đẩy người Mỹ nâng cao tiêu chí của họ để phù hợp với tiêu chí của chúng ta".
Với phát biểu trên, hoặc ông Johnson mị dân, hoặc ông "ngây thơ" tin vào quan hệ với tổng thống Mỹ. La Croix trích phân tích của kinh tế gia Ilona Serwicka : "Những người tin vào việc Hoa Kỳ có cách đối đãi riêng với Anh Quốc sẽ thất vọng. (…) Ngôn ngữ trong văn bản (mục tiêu thương mại của Mỹ với Anh Quốc, được công bố tháng 10/2018) rất khiêu khích : văn bản yêu cầu những nhượng bộ và đổi lại rất ít. Văn bản cũng không nêu những ưu đãi đặc biệt dành cho Vương quốc Anh. Văn bản nêu khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Các quan chức Mỹ nêu rõ trong văn bản là các cuộc thương lượng phải nhằm mục đích giảm hàng rào thuế quan và hành chính "đang hạn chế hàng xuất khẩu của Mỹ", đặc biệt là những tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Kinh tế gia Ilona Serwicka nhận định : "Nếu Liên Hiệp Châu Âu có khả năng chống lại áp lực của Mỹ, thì Anh Quốc sẽ khó làm được điều này sau khi rời khỏi khối vì ít có trọng lượng trên bàn đàm phán : nền kinh tế Anh chỉ bằng 1/7 nền kinh tế Mỹ và hiện tại Luân Đôn tỏ ra vội vã".
Các nhật báo La Croix, Le Monde và Les Echos trích lại lời chúc mừng trên Twitter, nhưng cũng là lời tự khen bản thân, của tổng thống Mỹ khi ông Johnson được bầu làm chủ tịch đảng Bảo Thủ : "Họ gọi ông ấy (Johnson) là Trump của nước Anh. Và những người đó nói rằng đó là một tin vui. Ở đó, họ yêu tôi".
Tình trạng nắng nóng buộc phải xem lại cách tư duy văn minh toàn cầu
Ngày 25/07/2019 là một trong những ngày nắng nóng kỉ lục tại Pháp. Chính phủ Pháp không ngừng đưa ra những khuyến cáo để tránh các hậu quả do nắng nóng gây ra.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Libération, ông Patrick Pellou, chủ tịch Hội Bác sĩ cấp cứu Pháp, hoan nghênh kế hoạch phòng ngừa của chính phủ. Theo dõi hiện tượng nắng nóng từ 15 năm nay, ông cho rằng giải pháp đối phó không nằm ở việc lắp máy điều hòa khắp nơi vì rất ngốn năng lượng và càng làm bầu khí quyển nóng lên ; phải trồng nhiều cây xanh hơn, nhà ở phải được cách nhiệt tốt hơn, và đặc biệt là phải thiết kế lại kiến trúc đô thị để các thành phố phải là những chiếc lò thiêu thực sự.
Pháp có đến 12 triệu người nghèo và nắng nóng tác động trước tiên đến những người không được trang bị thiết bị làm mát.
Cuộc đua xe Tour de France vào giai đoạn chót
Libération và Le Figaro đưa lên trang nhất sự kiện Tour de France 2019, đang bước vào chặng cuối cùng.
"Nước Pháp khám phá lại phép mầu của Vòng đua" là hàng tựa trên trang nhất của Le Figaro vì Julian Alaphilippe và Thibaut Pinot, hai tay đua người Pháp đang giữ ưu thế trong vòng đua, mang lại hy vọng chiến thắng chung cuộc cho người Pháp. Với ba trang báo nói về Tour de France, Libération cho biết đoàn đua sẽ đến đại lộ Champs-Elysée vào Chủ Nhật 28/07.
Thu Hằng
Hồng Kông : Khi xã hội đen được huy động trấn áp biểu tình
Thời sự được các báo Pháp nhất loạt quan tâm chú ý là Hồng Kông với vụ tấn công bạo lực vào người biểu tình đòi dân chủ tối Chủ Nhật 21/07. Lần này tác giả vụ tấn công người biểu tình không phải cảnh sát mà là những kẻ côn đồ, xã hội đen.
Một số người mặc áo trắng, đeo khẩu trang tấn công người biểu tình ở một nhà ga Hồng Kồng, ngày 21/07/2019.Courtesy of Stand News/Social Media via Reuters
Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều có bài viết về sự kiện này. Le Monde khẳng định "những kẻ phá phách của hội Tam Hoàng tấn công người biểu tình". Le Figaro nói cụ thể hơn : "các nhà hoạt động dân chủ tố cáo cảnh sát thông đồng với mafia được Bắc Kinh hậu thuẫn". Libération chạy tựa bài viết : "Tại Hồng Kông, bóng hội Tam hoàng bao phủ trên các cuộc trấn áp". Ngay cả nhật báo kinh tế Les Echos cũng không thờ ơ, đồng thanh lên tiếng với bài viết : "Tại Hồng Kông, cảnh sát để cho các băng đảng vũ trang đánh người biểu tình".
Sự kiện diễn ra trong cuộc biểu tình của người Hồng Kông tối Chủ Nhật (21/07), theo ghi nhận của Libération, "nhiều người đàn ông mặc áo trắng đã tấn công dã man người biểu tình trong một trạm tàu điện ngầm. Những người này thuộc các tổ chức tội phạm ở Hồng Kông".
Phóng viên của tờ báo đã thu thập nhiều nhân chứng đều cho biết hàng trăm kẻ côn đồ trang bị gậy gỗ và sắt, bịt mặt, bất ngờ tràn vào nhà ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng, vô cớ tấn công dã man những người biểu tình. Cảnh sát có mặt tại chỗ đã làm ngơ, để mặc cho nhóm gangster hành động. Nhiều hình ảnh được tung lên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng bạo lực hỗn loạn, người biểu tình tay không chỉ biết la hét, hoảng loạn bỏ chạy trước những kẻ tấn công : 45 người đã phải nhập viện, trong đó 5 người bị thương nặng.
Những kẻ côn đồ còn ngăn chặn xe cứu thương tới. Thế nhưng, chính quyền không hề thông báo có vụ bắt giữ hay điều tra nào về những thủ phạm tấn công người. Tuy nhiên, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng "lên án gay gắt" và cảm thấy "sốc" với vụ tấn công bạo lực này.
Theo Libération, 24 dân biểu ủng hộ dân chủ vùng đất bán tự trị của Trung Quốc đã ra thông cáo lên án "cảnh sát Hồng Kông đồng phạm với hội Tam Hoàng".
Tờ báo nhắc lại : Các tổ chức bí mật đã được lập ra ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 17, ban đầu nhằm lật đổ triều nhà Thanh, nhưng không thành. Cơ cấu của các tổ chức đó có thể phục vụ nhiều mục tiêu : Có những tổ chức hỗ trợ hoặc nghiên cứu triết học, hoặc hoạt động tội phạm. Các tổ chức đó dần dần tạo được ảnh hưởng lớn trong xã hội. Khi chính quyền cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, nhiều tổ chức bí mật như vậy co về Hồng Kông, Macao và Đài Loan... Đảng cộng sản Trung Quốc đã hiểu được lợi ích sử dụng các tổ chức bí mật như vậy. Năm 1994, tức là 3 năm trước khi thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung Quốc, một lãnh đạo Văn phòng Liên lạc với Bắc Kinh tại Hồng Kông khẳng định "chừng nào những người đó yêu nước thì ta phải quy tụ họ".
Trong phong trào đòi dân chủ Dù Vàng năm 2014, những người biểu tình ôn hòa cũng đã bị những kẻ côn đồ không xác định được là ai tấn công.
Lần này cũng vậy. Libération cho biết : nhiều hình ảnh cho thấy những kẻ côn đồ đã trao đổi với cảnh sát hay những nghị sĩ thân Bắc Kinh. Tuy nhiên, không thể biết ai đứng đằng sau vụ tấn công.
Một luật sư tại Hồng Kông nhận định : "Có thể họ hành động theo lệnh thượng cấp của họ để chứng tỏ lòng trung thành với Bắc Kinh, hoặc họ đã được một cơ chế nào đó của Đảng cộng sản Trung Quốc huy động để "dạy cho người biểu tình một bài học"... Với cơ cấu tổ chức của hội Tam Hoàng, rất khó, thậm chí không thể tìm được đầu não chỉ huy vụ việc".
Rõ ràng là hành động theo kiểu xã hội đen này là nhằm răn đe dân chúng xuống đường biểu tình. Nhưng theo nhiều nhà quan sát ở Hồng Kông, làm như vậy chỉ phản tác dụng, càng làm phong trào chống chính quyền thêm mạnh mẽ.
Hoa Vi giúp Bắc Triều Tiên làm mạng 3G ?
Vẫn liên quan đến Châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết với hàng tựa thu hút sự tò mò của độc giả : "Những dự án tối mật của Hoa Vi ở Bắc Triều Tiên".
Theo Les Echos, đó chính là các tài liệu mà nhật báo Mỹ Washington Post vừa mới thu thập được. Theo báo Mỹ, tập đoàn viễn thông Hoa Vi trong suốt 8 năm, từ 2008 đã giúp Bắc Triều Tiên xây dựng hạ tầng cơ sở cho mạng 3G. Vụ việc này bị bung ra không đúng thời điểm cho tập đoàn Trung Quốc, khi mà cuối tháng 6/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump vừa hứa giảm nhẹ trừng phạt với Hoa Vi.
Hoa Vi mang các sản phẩm mà họ sản xuất từ linh kiện của Mỹ nhập sang một trong những đất nước bị cấm vận của Mỹ và quốc tế bao vây tứ phía. Vụ việc này có thể khiến tập đoàn Trung Quốc sẽ phải hứng đòn trả đũa mới.
Tuy nhiên, theo nhật báo Mỹ, rất khó có thế xác định chính xác sự can dự của tập đoàn Trung Quốc. Hoa Vi không hành động riêng lẻ, mà có sự trợ giúp của Panda Information Technology. Công ty nhà nước Trung Quốc này đưa thiết bị của Hoa Vi đến thành phố biên giới Đan Đông. Sau khi qua đất Bắc Triều Tiên, thiết bị được vận chuyển bằng đường sắt đến Bình Nhưỡng. Tại chỗ, Hoa Vi và Panda hướng dẫn thực hiện phần còn lại công việc từ một khách sạn rẻ tiền nằm giữa thủ đô Bắc Triều Tiên.
Theo bài báo, hai đối tác Trung Quốc này đã rời khỏi Bắc Triều Tiên năm 2016, khi cộng đồng quốc tế siết chặt vòng vây với Bắc Triều Tiên. Từ đó đến nay, mạng viễn thông Koryolink của Bắc Triều Tiên vẫn luôn hoạt động với thiết bị Hoa Vi. Khi được hỏi, Hoa Vi đã giải thích trong một thông cáo họ "chưa từng có hiện diện thương mại nào" ở Bắc Triều Tiên.
Anh : Boris Johnson, thêm một lãnh đạo ngông nghênh ?
Chuyển sang một thời sự khác chiếm trang nhất của các báo : Ai sẽ là tân thủ tướng Anh ? Mọi sự chú ý đang dồn vào ông Boris Johnson chuẩn bị tiếp quản chính phủ của Theresa May, người đã phải ra đi vì sau gần 2 năm không đưa nổi con tàu Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Đây là sự kiện chính của Libération. Trang nhất của tờ báo đăng toàn bộ bức ảnh ông Boris Johnson, dáng vẻ tự tin, tay đút túi quần, tóc bay trong gió, miệng mở rộng. Người ta không biết ông đang nói hay hét. Một bức ảnh khắc họa phần nào của chính trị gia ăn nói bỗ bã, không biết kiêng nể ai.
Nhật báo thiên tả của Pháp dành những lời nhận xét không mấy thiện cảm cho vị thủ tướng tương lai của Anh trong bài viết mang tựa đề : "Boris Johnson, anh hề tương lai của nữ Hoàng Anh". Libération gọi ông là "kẻ nói dối, dương dương tự đắc, ám ảnh vì tiền... nhưng lại được khen vì tính lập dị". Tờ báo bình luận, Boris Johnson sẽ là "nhân vật điên khùng thứ 3 trên trường quốc tế sau Donald Trump và Jair Bolsonaro (tổng thống Brazil)".
Libération nhắc lại, mới đây khi người ta hỏi ông đã phải hy sinh những gì để vào được ngôi nhà số 10 phố Downing (phủ thủ tướng Anh). Tỏ ra bất ngờ trước câu hỏi, tay đưa lên gãi mái tóc rối bù, ông nói : "Đó là chuyện tế nhị, lẽ ra tôi có thể kiếm được rất, rất nhiều tiền hơn nữa, nếu tôi không làm chính trị". Câu nói này được Libération nhận xét là đã "khái quát khá rõ một nhân vật quan tâm đến thu nhập của mình nhiều hơn là những phẩm chất mà người ta có thể hy vọng vào một lãnh đạo đất nước như Vương Quốc Anh".
Tỏ ra độ lượng hơn Libération, Les Echos nhận xét : "Boris Johnson có thể sẽ lãnh đạo đất nước theo cách như đã làm từ 2008-2016 khi ông còn là đô trưởng Luân Đôn, tức là thả nổi tự do hóa về kinh tế, xã hội". Theo Les Echos, sự khác biệt giữa Boris Johnson và Theresa May là rõ rệt : "Ông ta có tất cả những gì bà May không có... Theresa May tâm huyết với việc xử lý hồ sơ Brexit theo cách tốt nhất, có phương pháp và thực tế... trong khi ông Johnson thì không bao giờ cạn nguồn lạc quan nhưng không có cơ sở nào".
Mùa hè nóng bỏng, nước Pháp hạn hán nghiêm trọng
Thời sự trang nhất của Le Figaro là nước Pháp đang lo đối phó với một đợt hạn hán cực kỳ khắc nghiệt. Mối lo của người Pháp giữa mùa hè nóng bỏng này chiếm 3 trang của Le Figaro.
Theo dự báo của nhà khí tượng, nước Pháp đang bước vào tuần nắng nóng kỷ lục thứ 2 trong mùa hè này. "Nước Pháp nóng, còn đất thì khát", Le Figaro ghi nhận. Theo tờ báo, đến lúc này đã có 73 tỉnh ở trong tình trạng báo động thiếu nước, phải hạn chế sử dụng trong lúc một đợt nắng nóng mới bắt đầu ở Pháp và nhiều nước láng giềng. Nạn hạn hán đang đe dọa nông nghiệp Pháp.
Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hạn hán mà Pháp phải đối mặt. Ngay cả các nhà máy điện hạt nhân cũng phải giảm tốc độ hoạt động. Các nhà máy phát điện hạt nhân vẫn cần rất nhiều nước để làm nguội các lò phản ứng. Với các nhà máy gần kề các con sông đang cạn dần vì nắng hạn thì đây quả là vấn đề lớn. Đừng nghĩ điện hạt nhân không liên quan gì đến nguồn nước.
Tour de France : Le lói giấc mơ người Pháp chiến thắng
Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp bước vào tuần thi đấu cuối cùng. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, người Pháp mới dám mơ đến một chiến thắng chung cuộc cho tay đua nước chủ nhà của vòng đua danh giá nhất thế giới này.
Tờ báo thể thao L’Equipe chạy tựa lớn trang nhất : "Hy vọng điên rồ" trên bức hình 2 tay đua Pháp : Julian Alphilippe, đang giữ Áo Vàng và Thibault Pinot đang xếp thứ 4 bảng xếp hạng tổng thể. Hai tay đua này đang ở vị trí thuận lợi nhất từ trước tới nay để giành chiến thắng chung cuộc. Từ năm 1985 đến nay, người Pháp mới có được một kịch bản khả thi chiến thắng ở cuộc đua của nước Pháp.
Thế nhưng có điều, theo Le Monde, trên vòng đua dài hơi này, các nghi ngờ không mấy khi tách rời chiến thắng, đó là nghi ngờ dùng doping. Các tay đua càng thi đấu với hiệu suất cao, càng gây bất ngờ bao nhiêu thì càng bị soi kỹ và đã không ít lần các tay đua bị tước bỏ vinh quang.
Anh Vũ
Iran : Cuộc chiến tàu dầu sẽ đi về đâu ?
Căng thẳng tại eo biển Ormuz, cải cách các định chế quốc tế, hạn hán tại Pháp, đó là các chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay.
Một tàu của Vệ binh Cách mạng Iran áp sát tàu dầu Stena Impero của Anh đang bị giữ tại cảng Bandar Abbar, ngày 21/07/2019. Mizan News Agency/WANA Handout via Reuters
Các bài viết có tựa đề gần giống nhau : Nếu Le Figaro cho biết "Áp lực tăng lên giữa Luân Đôn và Tehran tại eo biển Ormuz" thì Libération cũng dành hai trang báo cho chủ đề "Eo biển Ormuz, Tehran bắt tàu, Luân Đôn sôi sục". La Croix than thở "Lại căng thẳng tại eo biển Ormuz", còn Les Echos nhận định "Luân Đôn sẵn sàng đáp trả Tehran sau vụ bắt tàu dầu".
Bắt tàu Anh trong tiếng hô "Allah Akbar !"
Le Figaro cho rằng vẫn chưa phải là "cuộc chiến tàu dầu" đẫm máu như trong cuộc xung đột Iran-Iraq thập niên 80, khi Saddam Hussein tấn công 280 tàu dầu Iran tại vùng vịnh Ba Tư, còn Tehran đánh vào 170 tàu của Iraq. Nhưng những sự cố liên tục xảy ra tại khu vực chiến lược này khiến tình hình trở nên nguy hiểm.
Thứ Bảy 20/7, tờ báo bảo thủ Keyan của Iran chạy tựa lớn "Một tàu dầu đổi một tàu dầu !". Hôm trước đó, một biệt đội Vệ binh Cộng hòa được trực thăng vận, hô vang "Allah Akbar",chiếm lấy tàu dầu Anh Stena Impero tại vịnh Oman, không xa eo biển Ormuz – tâm chấn từ hai tháng qua. Trước khi bắt tàu Anh, Vệ binh Cách mạng cũng đã bắt tàu dầu Mesdar mang cờ Liberia, nhưng thả ra sau khi biết chủ tàu này là một công ty Algeria.
Việc "tịch biên" chiếc Stena Impero xảy ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Gibraltar (lãnh thổ thuộc Anh ở nam Tây Ban Nha) quyết định giữ thêm 30 ngày chiếc tàu dầu Grace 1 của Iran – bị Anh bắt hôm 4/7 khi chở dầu sang Syria, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu. Và 24 giờ sau khi Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái Iran ở vịnh Ba Tư, tuy Iran bác bỏ. Tóm lại, các bên đều lập tức ăn miếng trả miếng.
Rồi sẽ đi đến đâu ? Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh cáo nếu có người Mỹ nào chết, Hoa Kỳ sẽ trả đũa bằng biện pháp quân sự.
Chiến lược ba giai đoạn của Iran tại eo biển Ormuz
Tin rằng Mỹ không muốn thương lượng và Châu Âu bất lực không thể thuyết phục Donald Trump, phe diều hâu Iran gia tăng áp lực. Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận chế độ Tehran cho biết Vệ binh Cách mạng đã có chiến lược gồm ba giai đoạn. Hiện nay họ kiểm soát sở hữu chủ các tàu đi vào eo biển Ormuz, giai đoạn tiếp theo là đóng cửa eo biển với các địch thủ, chỉ cho các tàu nước bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản vào. Cuối cùng nếu bị tấn công Iran sẽ đóng hẳn Ormuz, và phản công từ vùng duyên hải.
Tính sổ các tàu dầu bị bắt : Iran giữ hai (một chiếc khác là Riah đã được thả hôm thứ Năm 18/7), Anh giữ một. Nhưng Tehran còn bốn chiếc khác bị tịch thu ở Brazil. Ngược lại, kẻ thù bất cộng đáy thiên của Iran là Saudi Arabia hôm qua đã thả tàu dầu Happyness 1 của Iran, bị bắt tại Hồng Hải từ hai tháng qua. Iran sẽ phải chi 20 triệu đô la để sửa chữa, nhưng Saudi Arabia đòi trả "chi phí giữ tàu" 200.000 đô la một ngày, mà phía Tehran gọi là trấn lột.
Một chuyên gia nhận định : "Iran tìm cách duy trì không khí bất ổn, nhưng không vượt qua ngưỡng có thể làm cộng đồng quốc tế phải hành động". Nhưng điều tệ hại nhất có thể tránh được đến bao giờ ?
Những que diêm Iran đang nhóm lửa
Trong bài xã luận mang tựa đề "Những que diêm Iran", La Croix nhận định, có vẻ như không ai muốn chiến tranh. Nhưng tại eo biển Ormuz, Mỹ và Iran đang đùa với lửa.
Thời sự mùa hè này toàn về những sự kiện trên biển. Tháng nào cũng xảy ra vụ bắt tàu, tuần nào cũng có những đe dọa qua lại giữa Mỹ và Iran, và không ngày nào mà không có tranh cãi về máy bay không người lái bị bắn rơi. Chưa kể từ thứ Bảy 20/7, và lần này thì trên đất liền, quốc vương Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng cho quân Mỹ đồn trú, lần đầu tiên kể từ 16 năm qua. Với những vụ tấn công và phá hoại liên tục, eo biển Ormuz, nơi một phần ba lượng dầu lửa thế giới đi qua, rất dễ "bốc cháy".
Libération chú ý đến khía cạnh "chiến tranh hình ảnh". Video dài hai phút về vụ bắt tàu dầu Anh với các hình ảnh những chiến binh bịt mặt chiếm lĩnh chiếc tàu dầu, trên nền những tiếng hô "Thượng Đế vĩ đại", được quay từ trực thăng lẫn trên tàu, nhằm chứng tỏ sức mạnh của Nhà nước để trấn an nhân dân Iran, đã có phần nào tác dụng.
Về phía Anh, tờ báo cho rằng đang trong vị thế rất nhạy cảm. Vừa cố gắng cứu vãn hiệp ước nguyên tử Iran, mặt khác lại phải tỏ ra cứng rắn trước Tehran, vào lúc Mỹ và Iran đều đang căng thẳng. Bên cạnh đó, giới quân sự chỉ trích phản ứng yếu ớt của chính quyền, do đang bận rộn với Brexit và thay đổi thủ tướng.
Bà Theresa May chỉ còn tại vị đến thứ Tư tuần này, không tham dự hai cuộc họp khẩn tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy. Với một thủ tướng sắp ra đi, ít tập trung cho hồ sơ Iran, và thiếu sự phối hợp với các đồng minh Châu Âu, Luân Đôn có vẻ lẻ loi. Tân thủ tướng sẽ phải nhanh chóng tái khẳng định vị thế.
Quân đội Miến Điện không dễ buông quyền lực
Liên quan đến Châu Á, Le Monde nói về quyền lực của quân đội Miến Điện đang bị tranh cãi. Đảng của bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi Hiến pháp để giảm bớt quyền hành của giới quân nhân, nhưng khó thể thành công.
Quân đội đang ở thế thủ : thứ Ba 16/7, Hoa Kỳ loan báo trừng phạt tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing cùng với ba quan chức khác do tội ác đối với người Rohingya. Hôm sau, hàng chục ngàn người biểu tình tại Rangoon và nhiều thành phố khác, giương biểu ngữ "Sửa đổi Hiến pháp 2008".
Đảng Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi muốn giảm từ ngưỡng 75% số phiếu để tu chính Hiến pháp xuống còn 66%, và hủy bỏ điều khoản khiến bà không thể giữ chức tổng thống hoặc phó tổng thống. Nhưng quân đội đang chiếm 1/4 số ghế trong Quốc hội, không dễ chịu thua, và tổng tư lệnh quân đội có toàn quyền đưa ra những biện pháp đặc biệt "vì lý do an ninh".
Nhật-Hàn đấu nhau, ngư ông Trung Quốc đắc lợi ?
Tại Bắc Á, "Căng thẳng lại nổi lên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về thương mại và ngoại giao". Vụ một người Hàn Quốc tự thiêu trước đại sứ quán Nhật tại Seoul hôm thứ Sáu tuần trước, theo Le Monde là cái mốc đáng buồn cho xung đột giữa hai nền dân chủ lớn nhất Châu Á, đều là đồng minh của Mỹ. Tổng thống Donald Trump, đang trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đã phải cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải.
Những hiềm khích lịch sử được khơi lại, những nhân vật nổi tiếng của Hàn Quốc hủy các chuyến đi sang Nhật Bản, và các nhà buôn tẩy chay những sản phẩm Nhật bị cho là "made by war criminals" (do các tội phạm chiến tranh sản xuất).
Đang bị sa sút trong các cuộc thăm dò, uy tín của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bỗng tăng lên từ khi đối đầu với Tokyo, còn thủ tướng Nhật Shinzo Abe, với sự ủng hộ của cánh hữu, không có ý định nhượng bộ.
Les Echos nhận định "Ông Shinzo Abe sắp phá kỷ lục người lãnh đạo nước Nhật lâu nhất". Liên minh cầm quyền của ông hôm qua đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng Viện.
Những biện pháp để thu phục cử tri, nhất là giới trẻ, của ông Abe đã đạt kết quả : cho đến tối thứ Bảy, thủ tướng vẫn rất tích cực hoạt động trên Instagram, với những hình ảnh gần gũi như cùng ăn trưa với sinh viên, nấu nướng thức ăn… Với chiến thắng lần này ông Shinzo Abe qua mặt Taro Katsura, người đã lãnh đạo nước Nhật suốt ba nhiệm kỳ vào đầu thế kỷ 20.
Thủ tướng Nhật tin rằng phải cải tổ sâu sắc quân đội để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò dư luận hôm qua, có 54% người Nhật ủng hộ ông Shinzo Abe tiếp tục nắm quyền, nhưng chỉ có 36% muốn ông sửa đổi Hiến pháp chủ hòa.
Hạn hán, nỗi lo của nước Pháp mùa hè này
Về khí hậu, trang nhất của Libération đăng ảnh một vùng đất khô cằn, nứt nẻ, chạy tựa "Hạn hán, người người đổ xô tìm nước". Những đợt nóng liên tục xảy ra dẫn đến việc khan hiếm nước, khiến chính quyền Pháp phải hạn chế dùng nước tại 73 khu vực. Nông nghiệp, kỹ nghệ, năng lượng, du lịch và các thành thị đều chật vật để có được lượng nước cần dùng.
Les Echos mô tả những hậu quả đầu tiên : Những cây thông héo úa, những cánh đồng bắp xác xơ vì thiếu nước, những ngôi nhà bị lún nứt vì xây trên nền đất sét… Bài xã luận của Libération nhấn mạnh nước là "Tài sản chung", mỗi người cần có ý thức tiết kiệm nước, phủ xanh mặt đất…và cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn.
Không phải chỉ có nước Pháp bị hạn hán, mà đây là hiện tượng toàn cầu. Tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ, nhiều vòi nước bị khóa để tránh việc các hộ dân xài lố định lượng, người ta phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để lấy nước. Người nghèo mua nước với giá cắt cổ, người giàu mua máy bơm khai thác lượng nước ngầm hiếm hoi. Những bữa ăn được dọn ra trên lá chuối để khỏi rửa chén, và đã có những vụ xe bồn chở nước bị tấn công.
Cuba : "Chủ nghĩa xã hội hay là chết" ?
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Le Monde có bài phóng sự thú vị mang tựa đề "Cuba, những tiếng nói tự do". Đối với người dân đảo quốc, "botella" tức vẫy xe đi nhờ là cách hầu như duy nhất để đối phó với sự thiếu thốn phương tiện giao thông công cộng, và trong hoàn cảnh ấy họ thoải mái thổ lộ về những bất cập của chế độ.
Tại Cuba, một tài xế taxi ở La Havana chạy nửa ngày có thể kiếm được thu nhập bằng cả tháng lương của một bác sĩ hay giáo sư đại học. Trong cuốn sách có cái tựa đơn giản "Cuba", tác giả Sara Roumette nhận xét : "Đó là một chế độ bảo vệ rất nhiều và cũng áp đặt rất nhiều. Một đất nước mà tất cả mọi người đều biết đọc biết viết, với ưu tiên dành cho giáo dục, nhưng nếu đòi hỏi tự do ngôn luận bạn sẽ biết được địa ngục là như thế nào. Cuba là nơi mà người ta có thể đến bệnh viện không cần có đồng nào trong túi, nhưng sống cho ra sống với đồng lương nhà nước đã trở nên bất khả".
Le Monde ghi nhận trong khi những khẩu hiệu có từ sau khi nhà độc tài Batista sụp đổ năm 1959, vẫn khoe "Cuba, đất nước tự do đầu tiên tại Châu Mỹ la-tinh", thì từ đó đến nay, cứ 10 người dân đã có 1 người bỏ nước ra đi. Trên những bức tường, dòng chữ "Chủ nghĩa xã hội hay là chết !" đã phai nhạt đi với thời gian, phía dưới ai đó đã viết thêm câu "Có gì khác nhau đâu ?".
Thụy My