Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguồn : RFI, 07/04/2019

Published in Video

Khủng hoảng Algeria : Bouteflika từ chức để triệt tướng Salah ?

Nhật Bản chào mừng niên đại Lệnh Hòa, Algeria không lối thoát, những con "lạc đà người" ở Venezuela, khủng hoảng tài chính thế giới sắp quay trở lại, hai khuôn mặt nữ giới bất khuất tại Châu Âu… là một số chủ đề thời sự trên các tạp chí cuối tuần.

algeria0

Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika và tướng Ahmed Gaed Salah nhân buổi lễ tại trường võ bị Cherchell. Ảnh 27/06/2012. Reuters/Ramzi Boudina

Algeria : Đấu đá bè phái

Tuần báo Courrier International ghi nhận : Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức không có nghĩa là khủng hoảng chính trị chấm dứt. Trái lại, sự kiện này thể hiện một cuộc leo thang chiến tranh bè phái cực kỳ nguy hiểm từ khi tổng tham mưu trưởng quân đội Salah nhập trận. Nhân vật 79 tuổi này ước mơ làm tổng thống trọn đời như tướng Sissi ở Ai Cập.

Theo phân tích của nhà báo Abdou Semnar từ Alger, những động tác của tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria trong các tuần qua chỉ có một mục tiêu duy nhất : ép tổng thống Bouteflika ra đi để chiếm chính quyền và đánh bóng uy tín với đường phố để yên vị trong chức vụ mới. Tuy nhiên, âm mưu đảo chính của kẻ tự xưng là trung thành với tổng thống, mượn điều 102 Hiến Pháp, chưa thực hiện được vì Hội Đồng Bảo Hiến không bật đèn xanh, thì Bouteflika thông báo sẽ từ chức vào ngày hết nhiệm kỳ, 28/04. Việc tổng thống Algeria cần thêm một tháng và hứa sẽ lấy nhiều quyết định quan trọng mang ý nghĩa gì ? Thông cáo của Phủ tổng thống rất rõ : một trong những quyết định đó là thay thế tướng Salah.

Tác giả bài báo "Bouteflika là người thứ nhất"… đoan chắc người thứ hai ra đi là tướng Salah. Không ngờ tướng Salah cạn tàu ráo máng ép được Bouteflika từ chức ngay. Bouteflika ra đi, tướng Salah, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đất nước, không còn hy vọng đóng một vai trò chính trị nào cả. Vấn đề là phe Salah có thể ương ngạnh cố bám đặc quyền đặc lợi hay không ? Hai đài truyền hình Echourouk và El Bilad của phe Salah khẳng định là trong trường hợp bị cách chức, Salah sẽ không tuân thủ. Thái độ của tổng tham mưu trưởng rất nguy hiểm, bởi vì ông xem thường sự ổn định của quốc gia. Thứ Sáu 06/04/2019, người dân Algeria (sẽ) cho thấy phản ứng bởi vì họ muốn thay đổi triệt để thể chế, chứ không chỉ một mình tổng thống Bouteflika. Không đe dọa nào làm dân lo sợ, tướng Sala đã được cảnh báo.

Thổ Nhĩ Kỳ : Đảng cầm quyền mất nhiều thành phố biểu tượng.

Tổng thống Erdogan thua ngược, nhưng vẫn còn khả năng bám trụ. Courrier International phân tích nguyên nhân :

Lần đầu tiên trong suốt 17 năm cầm quyển, tổng thống Erdogan và đảng AKP thua đậm. Đương nhiên, trong chế độ độc đoán, kẻ phải nhận trách nhiệm không phải là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho dù ông Erdogan trực tiếp thượng đài vận động cử tri. Do vậy, người ta thẩy đảng cầm quyền "phản đối kết quả kiểm phiếu" và trong những ngày tới, sẽ thấy rạn nứt giữa phe ôn hòa và phe cực đoan trong đảng.

Trên thực tế, giới phân tích tại Ankara cho là chính hình thức vận động tranh cử với luận điểm hận thù, cáo buộc đối lập đủ mọi tội ác để hù dọa cử tri, đã làm cho phe chính quyền mất tín nhiệm và bị cử tri tẩy chay. Trong khi đó, như ở Istanbul, đại diện đối lập Ekrem Imamoglu đóng vai ứng cử viên đối đầu với chế độ Erdogan một cách "tuyệt vời" : vui tính, hòa nhã, hòa hợp, đoàn kết, thông hiểu người đối diện, không rơi vào bẫy tranh cãi lôi thôi. Một phóng viên của đài truyền hình T24 nhận định : Ekrem Imamoglu làm thị trưởng có nghĩa là các dự án "điên rồ, hoang tưởng" của đảng cầm quyền sẽ ngưng lại. Và rất có thể, tân thị trưởng sẽ làm cho thành phố cổ kính và xinh đẹp này bảo vệ được nét tự nhiên chống lại "làn sóng xâm lăng" của các đề án bê-tông hóa và xây nhà chọc trời.

Còn đối với tổng thống Erdogan, đặt cược uy tín của mình vào cuộc bầu cử địa phương, thì đúng là thất bại thê thảm. Tuy nhiên, cũng cần phải tương đối hóa vấn đề : Erdogan chưa hết thời đâu, bởi vì đảng AKP vẫn giành được 44,3% phiếu, đồng minh MHP 6,3%. Không có cuộc bầu cử nào từ nay đến 2023.

CaputovaHy vọng hồi sinh tại Slovakia

Đó là bình luận của nhật báo Hospodarske Noviny từ Praha. Trong bối cảnh phong trào dân túy cực hữu lên điểm tại Châu Âu, cử tri Slovakia bầu nữ luật sư Zuzana Caputova vào ghế tổng thống. Chiến thắng rõ nét của nhà hoạt động bảo vệ môi trường và chống tham nhũng tại một nước bị tham ô đục khoét cho phép Slovakia tin tưởng vào tương lai.

Một kết quả bầu cử khác cũng thu hút nhiều lời khen : lần đầu tiên Slovakia có nữ tổng thống, Zuzana Caputova 45 tuổi, trẻ và đẹp. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Zuzana Caputova được xem là chính trị gia cấp tiến, theo nghĩa bà không chống lại nguyện vọng của các cặp đồng tính muốn có con nuôi hay chuyện phá thai, những chủ đề xã hội gây tranh cãi dữ dội trong công luận bảo thủ tại Slovakia cũng như trong giới tự do ở Tiệp. Tuy là tín đồ Công giáo và được nhiều vị linh mục ủng hộ, Zuzana Caputova nhiều lần trấn an : "Tôi muốn là tổng thống của tất cả công dân. Cử tri bảo thủ cũng có thể yên tâm là tôi tôn trọng mọi thang giá trị xã hội".

Xuất thân là luật sư, tổng thống Slovakia mới đắc cử đã sớm chọn con đường tranh đấu bảo vệ môi trường trước khi lao vào chính trị. Chiến trường đầu tiên của bà là ngay thành phố quê hương Pezinok, 22 ngàn dân. Cùng với tổ chức phi chính phủ Via Iuris, bà chống lại một dự án mở rộng bãi rác đe dọa sức khỏe dân chúng. Giải thưởng môi trường Goldman là phần thưởng ghi dấu tột đỉnh quá trình chống ô nhiễm.

Bước kế tiếp là chống tham ô, góp phần hủy bỏ các lệnh ân xá của thủ tướng Vladimir Meciar, tha thứ những kẻ phạm tội giết người hay tham nhũng trong thập niên 1990. Công luận không thể không thấy công lao của Zuzana Caputova trong vụ bãi rác ở Pezinok, một trong những doanh nhân muốn mở rộng bãi rác là Marian Kocner, vừa bị truy tố về tội thuê sát thủ thủ tiêu phóng viên Jan Kuciak và vị hôn thê hồi tháng Hai 2018. Để kết thúc bài báo dài như một bản tuyên dương, nhà báo Tiệp Martin Ehl mượn một câu tuyên bố của Zuzana Caputova : Trong chính giới Tiệp Khắc, vị tổng thống chung của hai nước Czech và Slovakia, (nhà ly khai thời chế độ cộng sản) Vaclav Havel, là người nêu gương sáng mà tôi ngưỡng mộ nhất.

Zineb El Rhazoui : Ác mộng của Hồi giáo cực đoan

Trong khi đó, với tựa "Người phụ nữ làm Hồi giáo cực đoan lo sợ" Le Point, dành gần 8 trang cho nữ phóng viên Zineb El Rhazoui, được mệnh danh là "phụ nữ bất trị". Mang hai dòng máu Pháp và Maroc, 37 tuổi, Zineb El Rhazoui không tôn giáo, hoạt động nữ quyền và ủng hộ các giá trị phổ quát, từng cộng tác với tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, đang là đối tượng hàng chục lệnh truy sát. Từ khi tuần báo bị khủng bố, tác giả quyển sách "Tiêu diệt phát-xít Hồi giáo" được an ninh Pháp bảo vệ chặt chẽ. Gần đây, vì lời tuyên bố "Hồi giáo cũng phải chấp nhận phê bình", cô phóng viên trẻ này nhận thêm một loạt đe dọa tính mạng.

Như để làm rõ thêm mối nguy hiểm của Hồi giáo chính trị, Le Point đăng một bài điều tra về "phương cách Qatar tài trợ cho thành viên Hồi giáo hoạt động tại Pháp".

Venezuela : Chúng tôi biến thành lạc đà

Venezuela chìm sâu vào khủng hoảng, dân chúng kiệt quệ. Courrier International đưa độc giả đến tận những khu phố nghèo để nghe tiếng than thở của người dân giữa thiếu thốn và đàn áp, tổng hợp thông tin từ 5 nhật báo Venezuela.

Trong bối cảnh cúp điện, cúp nước, hàng trăm người đang xếp hàng xách thùng không chờ xe chở nước, một phụ nữ la to : chúng tôi hết còn là con người, chúng tôi là những con lạc đà. Mệt mỏi vì thiếu ăn, thiếu điện, thiếu nước, người dân Venezuela dù ở xóm nghèo hay ở trung tâm thành phố còn là nạn nhân của lực lượng dân phòng, do chế độ Maduro tuyển mộ để đàn áp. Điều đáng lo là lẽ ra các dân phòng không được võ trang, nhưng bắt đầu xuất hiện những kẻ bịt mặt, đi mô tô cầm súng.

Theo nhà xã hội học Alexander Campos, cố tổng thống Hugo Chavez đã lập ra một loạt cơ chế xã hội để hỗ trợ người nghèo, nhưng tất cả hầu như rệu rã . Do khủng hoảng kinh tế, từng chương trình xã hội lần lượt bị người kế nhiệm hủy bỏ hết. Dân chúng Venezuela nếu có ủng hộ chế độ thì cũng vì có cảm tình với Hugo Chavez, chứ không vì lý tưởng chủ nghĩa xã hội.

Nay Chavez đã chết, trợ cấp xã hội không còn, dân càng ngày càng chống chế độ và chính quyền đàn áp lại cũng rất tàn bạo. Đối với dân chúng Venezuela, niềm hy vọng nhỏ nhoi là trong tuần tới, nếu chính quyền không cản trở, chiến dịch cứu trợ do Hồng Thập Tự Quốc tế và Giáo hội Công giáo tổ chức, sẽ được thực hiện với hàng ngàn tấn hàng hóa, thuốc men đang chờ ở biên giới Colombia.

Nhật Bản : Lệnh Hòa

Nhật Bản bước qua triều vua mới với niên hiệu Lệnh Hòa, cơ hội để nhìn lại khái niệm thời gian. Nhật báo cánh tả Asahi Shinbun nhận thấy, vì lý do thực dụng, người Nhật từ từ ít quan tâm đến niên hiệu của Thiên Hoàng.

Có 40% người được hỏi tỏ ý muốn duy trì truyền thống niên đại trong sinh hoạt hàng ngày thí dụ như Bình Thành năm cuối, Lệnh Hòa năm thứ nhất. Trái lại, 50% người Nhật thích dùng dương lịch hơn. Tỉ số người tin rằng tân vương sẽ giúp cho không khí xã hội thay đổi là 37% trong khi 57% có ý kiến trái lại.

L’Obs, tuần báo thiên tả Pháp, cũng chia vui cùng dân Nhật với tựa "Trật tự và hài hòa" với tấm ảnh đám đông vỗ tay chào mừng tên niên đại mới vừa được chính phủ loan báo.

Cơn thổn thức của loài heo

Heo là loài súc vật đi vào văn hóa với Trư Bát Giới, với Trại súc vật, với Babe, chú heo con muốn chăn cừu làm xúc động bao thế hệ trẻ thơ. Lợn thông minh hơn chó đến ba lần, thế mà bị người ta giết để ăn thịt. Trước một lò mổ lợn ở Los Angeles, mỗi ngày có hàng chục nhà hoạt động bảo vệ súc vật đến "canh thức".

Những người xúc động và muốn làm một cử chỉ nào đó để giúp cho các con lợn sắp bị đưa vào lò mổ bớt được phần nào bi thảm cho biết "không thể cứu sinh vật thì cố cho nó sống thêm vài phút cuối cùng được cho uống nước, được vuốt ve". Cảnh sát Los Angeles mỗi ngày bảo vệ trật tự trước lò heo cũng xúc động theo và không ít người chọn ăn chay, theo chia sẻ của cảnh sát trưởng.

Sáng kiến hoạt động này do một phụ nữ tên Amy Jean Davis, sáng lập viên hội bảo vệ súc vật Los Angeles L.A Animal Save. Một nhà tâm lý trị liệu tham gia đều đặn "ngày canh thức" giải thích : chúng tôi không cứu được một con lợn nào, nhưng ít ra cho chúng nó vài phút giây an ủi trước khi từ giã cõi đời. Một cô gái trẻ lần đầu tiên theo mẹ tắm nước mát cho heo tuyên bố : hãy nhớ miếng jambon cúa chúng ta ăn nó khủng khiếp như thế nào, theo tường thuật của Los Angeles Times.

Nguy cơ tsunami tài chính

Thời sự Pháp, Gilets Jaunes, chiến lược thảo luận toàn quốc kết thúc, công luận hoài nghi tổng thống Macron có chiếc đũa thần…. được tập trung phân tích tỉ mỉ trên L’Express L’Obs. Tuần báo thiên tả L’Obs còn dành số đặc biệt điều tra về tình trạng người Do Thái thường bị tấn công ở Pháp. L’Obs cũng bi quan cho tương lai Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nếu Donald Trump tiếp tục làm tổng thống và nếu Châu Âu không biết tự cường. Trong khi đó, L’Express cảnh báo thế giới khó tránh một cuộc khủng hoảng tài chính mới :

Bản tống kết tình hình nợ trên thế giới khá bi quan : Nhà nước nợ 62.000 tỉ đô la. Hộ gia đình nợ 45.000 tỉ. Doanh nghiệp 71.000 tỉ. Châu Phi, trong vòng 4 năm, nợ quá tải đe dọa từ 5 nước lên 11 nước. Ở Trung Quốc, hàng chục triệu thanh niên vay nợ trên mạng với tiền lời cắt cổ.

Ngân hàng Mỹ tiếp tục cho vay để guồng máy tài chính tiếp tục vận hành. Ngân hàng Châu Âu cho biết không siết chặt chính sách tiền tệ trong năm 2019 nhưng không đủ tiền mặt để chịu đựng một cú "sốc". Một cơn sóng thần đang chờ ngoài khơi sau khủng hoảng 2008.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Hungary : "Con ngựa thành Troy" cho Nga thâm nhập Châu Âu ?

Sau nước Ý bị chỉ trích làm "ngựa thành Troy" cho Trung Quốc, phải chăng giờ đến lượt Hungary "tiếp tay" cho Nga thâm nhập Liên Hiệp Châu Âu ?

troy1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) chụp ảnh chung với một số lãnh đạo Châu Âu tại Bratislava, Slovakia, 7/2/2019 - Reuters/David W Cerny

Báo Le Monde ngày 05/04/2019 cho biết Bruxelles lo lắng trước việc "Viktor Orban trải thảm đỏ rước một ngân hàng Nga, thân cận với điện Kremlin".

Không phải vô cớ mà Liên Hiệp Châu Âu lo lắng. Bởi vì ngân hàng sắp đến đóng trụ sở tại Hungary chính là Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB-International Investment Bank) của Nga, được thành lập vào năm 1970 nhằm củng cố trao đổi kinh tế giữa các nước cộng sản. Thế nhưng, điều đáng nói là "ngân hàng này hiện nay có 9 quốc gia thành viên, trong đó có 5 nước là thành viên của khối NATO : Bulgaria, Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia và Hungary. Các nước này sở hữu đến hơn 50% số vốn so với 47% từ phía Nga".

Thêm vào đó, các nhân viên của ngân hàng này còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, cho phép họ cũng như là các khách mời được quyền tự do đi lại trong không gian Schengen. Theo Le Monde, còn có ba nước khác đã tham gia vào IIB : Cuba, Mông Cổ và Việt Nam.

Điều làm cho EU lo sợ nhất là Nga có thể sử dụng IIB tại Hungary như là một công cụ để thu thập thông tin về các khoản tín dụng cho phát triển, các định hướng kinh tế của các nước thành viên và nhiều lĩnh vực khác, mà các nước này đang tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài, nhất là có liên quan đến hạ tầng cơ sở.

Lo lắng này của EU không phải là không có cơ sở, bởi vì theo ông Gabor Horvath, tổng biên tập tờ nhật báo Nepszava, người từng có một thời gian học cùng trường với ông Nikolai Kosov chủ tịch ngân hàng IIB, tại Moskva, thì vị chủ tịch này xuất thân từ "gia đình gián điệp nổi tiếng. Ông ngoại từng lãnh đạo một đơn vị quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Mẹ của ông từng tham gia vào nhóm chuyên trách đánh cắp các bí mật hạt nhân ở New York giúp Liên Xô trang bị bom nguyên tử. Cha của ông là đại diện chính thức cho KGB tại Budapest trong những năm 1970".

Tại sao chính quyền Hungary trải thảm đỏ cho IIB mà trụ sở trước đây từng đóng tại Nga ? Cho đến lúc này, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Phải chăng đây là một hành động "trả đũa" gián tiếp EU ? Phát ngôn viên chính phủ Hung chỉ đề cập đến những động cơ thuần túy kinh tế : Khi ký kết một thỏa thuận hợp tác với Nga hôm 05/02/2019, Hungary chỉ tìm cách "củng cố vai trò trung tâm tài chính" và sửa chữa một sự bất công. Le Monde nhắc lại : Năm ngân hàng phát triển quốc tế trong Liên Hiệp Châu Âu tất cả đều đóng trụ sở ở phía Tây. Không một cơ sở nào hiện diện ở Đông và Trung Âu.

Thủ tướng Hung muốn gì khi có những chính sách ngày càng khiến phương Tây khó chịu : Liên tục đả kích Bruxelles, ngày càng tỏ thái độ thân Nga, trong khi mà Moskva bị cáo buộc là đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, tiến hành đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh Quốc và nhiều vụ tấn công tin học khác ?

Về điểm này, ông Peter Felcsuti, cựu chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Hungary có đưa ra đánh giá : "Ông Viktor Orban đương nhiên hy vọng có được vài thứ gì đó từ phía Kremlin trong trao đổi. Nhưng tôi chưa thấy những gì người Nga có thể trao tặng cho ông ấy, ngoại trừ việc bảo đảm cung cấp nguồn khí đốt mà Hungary lệ thuộc rất nhiều. Đó chính là vấn đề rắc rối của chính phủ này : Họ cho quá nhiều, nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu. Họ đã đi quá xa trong hợp tác với Nga. Chúng tôi có nguy cơ đánh mất niềm tin của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Cái giá phải trả theo tôi là quá đắt".

S400 của Nga khuấy đảo NATO

Cũng liên quan đến nước Nga, Le Figaro có bài viết "Tên lửa S400, vũ khí của Moskva để gậm nhấm NATO".

Nến mừng 70 tuổi chưa kịp nguội, NATO đã bị chia rẽ. Washington và Ankara lại xâu xé nhau dưới ánh mắt ngỡ ngàng của các nước thành viên, còn Moskva thì hả hê đứng nhìn. Thủ phạm gây chia rẽ không ai khác chính là "S400", tên lửa hành trình có thể bắn hạ các chiến đấu cơ trong bán kính 400km, vận tốc bay là 17.000km/h do Nga sản xuất và cũng là kẻ thù số một của NATO.

Chính phủ tổng thống Erdogan viện dẫn lý do "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" đã ký hợp đồng mua tên lửa của Nga với tổng trị giá 2,5 tỷ đô la. Hoa Kỳ kịch liệt phản đối cho rằng việc Ankara trang bị dàn tên lửa này có nguy cơ giúp Nga nắm được các thông tin chiến lược của máy bay F-35 của Mỹ, mà Ankara ký mua và được trang bị cho không quân của 6 nước thành viên khác.

Bất chấp các cảnh báo của giới chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết trang bị tên lửa S400. Hoa Kỳ tức giận ngưng bán F-35. Với điện Kremlin, bất kể quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có ra sao, "nước Nga cũng cảm thấy hả hê vì đã thành công làm cho NATO hoảng loạn bằng chính tên lửa của mình. Nhìn từ điểm này, đây thật sự là một chiến thắng", như bình luận của tờ Kommersant.

Israel – Nga : Đồng minh và Đối thủ

Trở lại với báo Les Echos trong lĩnh vực đối ngoại. Tờ báo chú ý đến mối quan hệ "lạ đời" giữa Nga và Israel vừa là "đồng minh", nhưng cũng vừa là "đối thủ" tại vùng Cận Đông.

Nga vừa trao tặng cho Israel một món quà đặc biệt : Thi hài của một chỉ huy đội chiến xa Israel, mất tích cách nay 37 năm cùng với hai binh sĩ khác trong một chiến dịch quân sự của Israel tại Lebanon, không xa với biên giới Syria. Thi hài do chính các binh sĩ Nga tại Syria trao trả. Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Israel đang trong quá trình vận động tranh cử. Một món quà giúp đánh bóng và củng cố thêm vị thế quốc tế của ông Netanyahu.

Việc này cũng giúp cho Nga khẳng định vai trò chủ chốt tại Trung Đông. Là đồng minh của chế độ Damascus, nhưng Moskva cho thấy khả năng độc nhất có thể đàm phán với nhiều tác nhân trong cuộc xung đột tại Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Iran và Saudi Arabia.

Về phía Israel, thủ tướng Netanyahu có thể chứng tỏ rằng "ông là người duy nhất có thể nói chuyện được với cả Putin và Donald Trump".

Mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Israel đã có từ khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1948. Nhưng theo giới quan sát, mối quan hệ này cũng đang trở nên phức tạp hơn từ ba năm nay do các cuộc oanh kích của Israel nhắm vào một số vị trí của Iran tại Syria. Đỉnh điểm căng thẳng là chiến dịch oanh kích của Israel tại Syria dẫn đến việc hệ thống phòng không Syria bắn nhầm chiến đấu cơ của Nga làm thiệt mạng 15 sĩ quan.

Nếu như Nga không lên tiếng chỉ trích các chính sách về Trung Đông của Israel, thì việc Moskva quyết định cho triển khai hệ thống phòng không S-300 cho Syria cho thấy tổng thống Putin không để cho Israel tự do hành động oanh kích các vị trí của Iran tại Syria, hoàn toàn ngược lại với những gì thủ tướng Israel tuyên bố. 

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự trên trang nhất các báo Pháp khá đa dạng. Le Monde quan tâm đến số phận cựu lãnh đạo tập đoàn Renault – Nissan qua hàng tít "Ghosn bị bắt trở lại, Renault dửng dưng chuyển sang trang mới".

Tư pháp Nhật Bản ngày thứ Tư vừa qua đã cho bắt trở lại ông Carlos Ghosn, trong khi đó tại Pháp, hội đồng quản trị Renault quyết định từ chối trả các khoản hưu bổng ưu đãi, và lên án cách điều hành của ông.

Le Figaro chua chát chạy tựa "Carlos Ghosn lại đắm chìm trong cơn ác mộng nhà tù Nhật Bản". Carlos Ghosn lên án "một nền tư pháp con tin" và kêu gọi sự trợ giúp của chính phủ Pháp.

Cũng liên quan đến nước Pháp, tờ nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến chính sách cải cách hưu trí của chính phủ. Tuy nhiên, các kết quả thăm dò cho thấy "8 trong 10 người Pháp được hỏi không muốn chạm đến quy định tuổi về hưu là 62".

Hồi hương công dân tham gia thánh chiến : Bài toán nan giải

Nếu như chỉ có La Croix quan tâm đến thời sự quốc tế "Rwanda, sống mà không lãng quên", nhân 25 năm ngày xảy ra vụ diệt chủng làm 800 ngàn người chết, thì một vấn đề khác cũng đang làm các chính phủ Châu Âu, nhất là Pháp phải vò đầu bứt tóc : "Sự trở về của những người tham gia thánh chiến".

Libération lưu ý thêm là "Mọi thứ đã được sẵn sàng". Chính phủ Pháp đã chuẩn bị mọi thứ đến cả những chi tiết nhỏ nhất, để cho hồi hương khoảng 250 người Pháp đang bị giam giữ tại vùng Kurdistan ở Syria. Thế nhưng, chiến dịch này đã không diễn ra. Libération dành nhiều trang báo để phân tích thái độ do dự của chính phủ Pháp.

Không chỉ có chính phủ Paris, tờ báo thiên tả này còn cho biết thêm việc "hồi hương quân thánh chiến chia rẽ các chính phủ" nói chung. Tờ báo nhắc lại ngày 17/02/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các nước tham gia liên quân quốc tế nên cho hồi hương số công dân tham gia thánh chiến bị binh sĩ Kurdistan tại Syria bắt giữ. Một đề nghị không được các nước hồ hởi đón nhận.

Mỗi nước có đề ra các giải quyết khác nhau, nhất là đối với số con trẻ của quân thánh chiến. Nếu như Pháp tuyên bố xử lý theo từng trường hợp. Đức cho biết chỉ đón về, nếu như người ta có thể bảo đảm số người đó phải được nhốt vào tù ngay lập tức, một đòi hỏi chưa chắc dễ thực hiện. Về phần mình, Bỉ mong muốn mở một phiên tòa ngay tại nơi diễn ra tội ác. Cũng là điều kiện khó thực hiện.

Theo Libération, sở dĩ các chính phủ thiếu nhiệt tình để thực hiện là do không có một thiện chí chính trị cũng như là thiếu các giải pháp quốc tế để xử lý. Trong khi đó, Nga, Kazakhstan và Sudan là những quốc gia hiếm hoi đã cho hồi hương các công dân thánh chiến, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, nhật báo này cũng nhìn nhận là đối với các nam công dân tham gia thánh chiến, quả thật chưa có một nước nào muốn nhận về.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Putin : Bố già của cực hữu Châu Âu

Một bức biếm họa của Plantu trên trang nhất báo Le Monde ngày 04/04/2019 đã tóm gọn hai đề tài thời sự chính được hầu hết các nhật báo Pháp bàn luận. Người ta thấy thủ tướng Anh dưới một mũi tên chỉ BREXIT, co ro trong một cái chăn quấn quanh người, vẻ ngán ngẩm đứng nhìn tổng thống Algeria Bouteflika ngồi trên chiếc xe lăn, người cũng quấn chăn, phía dưới mũi tên ghi BOUTEXIT, hiểu là Bouteflika ra đi.

bogia1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị lễ ký kết sau khi gặp đồng nhiệm Sooronbay Jeenbekov ở Bishkek, Kyrgyzstan ngày 28/03/2019. Reuters/Maxim Shemetov

Ngoài hai chủ đề trên, hồ sơ độc đáo đáng chú ý nhất là phóng sự điều tra được tờ báo nêu bật trong một khung lớn nền màu xanh lơ, ngay giữa trang nhất với hàng tựa : "Putin (tổng thống Nga) đã trở thành bố già của phe cực hữu (Châu Âu) như thế nào". Le Monde đã giới thiệu ngay trang nhất rằng bài viết này là phần đầu tiên của loạt phóng sự điều tra về cách thức mà nước Nga của ông Putin mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài nước.

Về nội dung của phần nói về Putin và các phong trào cực hữu, tờ báo Pháp ghi nhận : "Từ năm 2014 với việc sáp nhập Crimea vào nước Nga, Moskva không còn một chút ngại ngùng nào khi công khai hậu thuẫn cho các thành phần cực hữu Châu Âu". Chủ nhân điện Kremlin, theo Le Monde đã lần lượt xuất hiện bên cạnh bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập Hợp Quốc gia cực hữu Pháp, ông Matteo Salvini, đứng đầu đảng cực hữu Liên Đoàn tại Ý, và một nữ bộ trưởng thuộc đảng cực hữu Áo FPÖ.

Trả thù Phương Tây vì bị cô lập trên vấn đề Crimea

Đối với Le Monde, mọi sự bắt nguồn từ quan hệ trắc trở giữa tổng thống Nga Putin với các nước Phương Tây kể từ năm 2014, sau khi Nga bị trừng phạt vì đã thôn tính vùng Crimea và ủng hộ phong trào ly khai võ trang ở miền Đông Ukraine.

Chính trong bối cảnh bị tẩy chay mà ông chủ điện Kremlin đã công khai chiêu dụ các lực lượng cực hữu Châu Âu. Le Monde ghi nhận rằng việc chiêu mộ các phần tử cực hữu đã có từ trước năm 2014, nhưng từ sau khi bị Phương Tây trừng phạt, tổng thống Nga không còn ngại ngùng che giấu các hoạt động của mình.

Ngay từ tháng 10 năm 2014, nhân chuyến đến Ý tham dự thượng đỉnh Á-Âu, tổng thống Nga đã có một cuộc tiếp xúc với ông Matteo Salvini - lúc đó chỉ là nghị sĩ Châu Âu, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Phương Bắc, một đảng cực hữu, kỳ thị chủng tộc, chứ chưa phải là một nhân vật quyền uy tại Ý như hiện nay.

Hành động gây chấn động nhất là vào tháng Ba năm 2017, khi ông Putin tiếp đón lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, ngay vào thời điểm nước Pháp đang tranh cử tổng thống. Hành động này của ông Putin chẳng khác gì một đòn can thiệp vào tiến trình bầu cử Pháp.

Gần đây hơn, vào tháng 8 năm 2018, tổng thống Nga lại công khai khiêu vũ với nữ ngoại trưởng Áo Karin Kneissl, thuộc đảng cực hữu FPÖ, nhân dịp đám cưới của nhân vật này tại Vienna.

Đối với Le Monde, hình ảnh tổng thống Nga, nụ cười trên môi, khiêu vũ cùng nữ ngoại trưởng Áo, nổi tiếng với những lời đả kích Liên Hiệp Châu Âu, cũng như những luận điệu chống nhập cư, đã cho thấy rõ dụng tâm của Moskva trong việc xen vào công việc của Liên Hiệp Châu Âu.

Bên cạnh đó, các cáo buộc liên quan đến việc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, sau đó là các dấu hiệu cho thấy là các phần tử này đã thâm nhập vào hộp thư điện tử của ứng cử viên Macron và ê-kíp tranh cử của ông vào năm 2017, đang khiến mọi người lo ngại cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng Năm sắp tới, nhất là khi có nhiều đảng cực hữu quan trọng tham gia tranh cử.

Theo Le Monde, nước Nga của Putin đã có quan hệ với hầu như tất cả các đảng cực hữu ở Châu Âu, từ đảng AfD ở Đức, Jobbik ở Hung, cho đến phong trào NMR ở Thụy Điển, UKIP ở Anh…

Về tình trạng này Anton Shekhovtsov, một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp Tác Euro-Atlantic, trụ sở tại Kiev, ghi nhận : "Nước Nga của Putin đã dần dần liên kết với các thành phần cực hữu để chống lại nền dân chủ tự do. Họ củng cố lẫn nhau và liên minh của họ có thể làm suy yếu, gây bất ổn cho phương Tây, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu".

Algeria : Không khí cuối trào

Hồ sơ được khai thác nhiều nhất trong các báo hôm nay dĩ nhiên là tình hình Algeria, nơi mà hầu như tất cả các báo đều cảm nhận được một bầu không khí thời cuối trào.

Le Monde trong bài xã luận nhận thấy : "Thời cuối trào đã rõ. Nhưng tương lai thì còn phải được sáng chế ra, và đó là một trong những vấn đề bí hiểm nhất. Bị đàn áp, phân tán hay mua chuộc, phe đối lập có vẻ như không thể nào đặt nền tảng cho một tiến trình chuyển tiếp dân chủ và minh bạch."

Đối với Le Monde, việc quân đội Algeria thay đổi thái độ và hậu thuẫn cho đòi hỏi của người dân, trước mắt đã không lừa được ai : Họ muốn duy trì một chế độ mà họ là trụ cột chính, bằng cách đảm bảo sự ổn định của tiến trình chuyển tiếp, hoặc bằng cách điều khiển tiến trình này.

Nhật báo Le Figaro, qua ngòi bút của Arnaud de La Grange, cũng ghi nhận : "Các "cơ quan" hùng mạnh khác nhau của chế độ Bouteflika dĩ nhiên là muốn tiếng nói của họ được nghe thấy… Chính vì thế mà những người biểu tình kêu gọi tẩy sạch cả "chế độ". Nhưng vấn đề thay thế chế độ hiện hữu bằng cái gì thì chưa ai biết."

Le Figaro thừa nhận rằng "Hàng thập niên chuyên chế, với cách hành động chẳng khác mafia, không tạo điều kiện cho sự thay đổi. Đối lập Algeria thì yếu kém và chia rẽ".

Trong tình hình đó, tờ báo Pháp cho rằng hy vọng là ở nơi sức mạnh của người dân Algeria, đã biết phản đối một cách kiên trì và có lý. Và họ cương quyết chờ đợi một sự thay đổi cơ bản chứ không phải vá víu.

Algeria: Vai trò trung tâm của quân đội

Cũng phân tích về Algeria, trong một bài "giải mã" dài, nhật báo Pháp Libération đã phân tích vai trò trung tâm của quân đội trong các diễn biến đã qua cũng như sắp tới.

Đối với Libération với sự "sụp đổ của phe tổng thống" quân đội Algeria đã trở lại vị trí trung tâm bàn cờ. Ép buộc tổng thống từ chức, và không để cho phe cánh của ông có thời gian chuẩn bị vấn đề kế nhiệm, quân đội trong thế nhất cử lưỡng tiện : Cho người dân thấy là họ đứng về phía quần chúng mà đòi hỏi đầu tiên là ông Bouteflika phải ra đi. Kế đến, do không có một tác nhân đáng kể nào trong một chế độ đã hết hơi sức, thì quân đội đương nhiên sẽ đứng ra lo liệu việc chuyển tiếp.

Nhưng Libération cũng lưu ý : Quân đội như thế là ở tuyến đầu. Cột thu lôi thu hút sự tức giận của người dân là tổng thống Bouteflika đã biến mất, chỉ trích của dân chúng giờ đây sẽ tập trung vào quân đội. Đối với phần đông thanh niên Algeria, cuộc cách mạng chỉ chấm dứt khi mà quân đội ngưng can thiệp vào chính trị.

Đừng nên kỳ thị những người chuyển giới

Nói nhiều về Algeria, nhưng Libération lại nêu bật trên trang nhất một vấn đề xã hội nhức nhối : Nạn bạo hành nhắm vào những người chuyển giới. Trên ảnh một phụ nữ chuyển giới, tờ báo chạy tựa lớn : "Tôi là người chuyển giới thì sao ?".

Tờ báo đã tỏ thái độ phẫn nộ trước sự kiện một phụ nữ chuyển giới, hôm Chủ nhật 31/03 đã bị nhục mạ và đánh đập ngay quảng trường Cộng Hòa, trung tâm Paris, giữa đám đông người. Lý do chỉ vì cô là một người chuyển giới.

Theo Libération, thường khi số phận của những cộng đồng thiểu số là thước đo của mực độ văn minh của một cộng đồng. Khi sự khác biệt không dẫn đến bất bình đẳng, thì mới có thể nói đến tiến bộ chung.

Cho nên số phận những người chuyển giới cũng là chỉ số đánh giá số phận chung, đánh giá vị trí dành cho những con người, nói chung, không nằm trong những chuẩn mực còn sót lại của xã hội xưa.

Các hiệp hội đại diện cho những người này đã lập một danh sách rất dài về những điều bất công mà họ phải gánh chịu… Theo Libération những hiệp hội này đấu tranh rất đúng. Và theo sau vài nước tiến bộ hơn trên vấn đề này, thì Pháp nên lắng nghe họ.

La Croix : Cải cách chế độ hưu trí tại Pháp

Nhật báo công giáo Pháp La Croix cũng chú ý đến thời sự nóng bỏng ở Algeria, nhưng đã dành trang nhất cho một vấn đề thiết thân của người Pháp là chế độ hưu bổng. Tờ báo chạy tựa : "Cải tổ hưu bổng, cái bẫy của tuổi về hưu".

Theo La Croix, từ hơn một năm nay, ông Jean-Paul Delevoye, đặc trách cải cách hưu bổng, đã kiên nhẫn chuẩn bị một chế độ về hưu mới mang tính chất phổ quát, để chấm dứt tình trạng hiện nay là có quá nhiều chế độ với quy định khác nhau. Một chế độ áp dụng cho mọi người như vậy có thể dẫn đến cách điều hành công bằng và minh bạch hơn, hai ưu điểm rất quý báu.

Tuy nhiên, vào lúc này, trong chính phủ Pháp vẫn còn tranh cãi về tuổi về hưu. Đối với La Croix, chuyển từ một chế độ này sang một chế độ khác là điều luôn khó khăn, cho nên không nên "gây ô nhiễm" cho tiến trình - chưa hoàn tất - với những tranh cãi về tuổi về hưu. Đấy không phải là những ưu tiên trước mắt.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Thương mại Trung Quốc : Đối sách mạnh của Trump được ủng hộ rộng rãi (RFI, 02/04/2019)

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng sử dụng vũ khí thuế quan nhằm áp đặt quan điểm "Nước Mỹ Trên Hết" của ông trong lãnh vực thương mại đã khiến nhiều người tức giận, từ giới điều hành doanh nghiệp cho đến các chính phủ đồng minh, chưa kể đến các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ.

tradewar1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/04/2019. Reuters/Yuri Gripas

Tuy nhiên, ông Trump đã có một nỗ lực thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ những người vốn phản đối ông trên hầu hết lãnh vực khác : Đó là nỗ lực buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các hành vi bị mọi người xem là trợ cấp doanh nghiêp Trung Quốc một cách bất chính và lũng đoạn thị trường quốc tế.

Trong bài phân tích ngày 25/03/2019, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật thực tế này qua hàng tựa "Việc ông Trump thúc ép Trung Quốc cải cách thương mại được hậu thuẫn rộng rãi trong nước và ngoài nước".

Đối với Reuters, vào lúc đàm phán Mỹ-Trung để chấm dứt chiến tranh thương mại đang đến hồi kết, giới chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp và ngoại giao nhiều nước đang thúc giục tổng thống Mỹ Donald Trump và ê kíp duy trì sức ép để buộc Trung Quốc tiến hành các cải cách cơ cấu có ý nghĩa nhằm giải quyết các vấn đề trầm kha trong quan hệ, đã và đang tác hại đến Mỹ cũng như các doanh nghiệp và công nhân nước ngoài khác.

Theo ông Steven Gardon, phó chủ tịch phụ trách vấn đề thuế gián thu và hải quan tại tập đoàn điện máy Mỹ Lear Corp, cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động đã "mở nút chai giải tỏa những ức chế bị kìm nén từ lâu", làm gia tăng kỳ vọng theo đó cuộc chiến thương mại sẽ buộc Trung Quốc cải cách các chính sách mà các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài coi là không công bằng. Tập đoàn Lear của ông Gardon là doanh nghiệp có nhà máy ở 39 nước, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Phát biểu trên một diễn đàn của Đại học Luật Georgetown tại Mỹ trong tháng Ba này, ông Gardon nhận xét rằng từ khi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc được nêu bật, hậu thuẫn chính trị tại Mỹ đòi khắc phục các vấn đề đó càng lúc càng tăng, đến mức mà ngày nay không ai có thể dửng dưng được. Theo nhà quan sát này : "Hiện đang có áp lực về mặt chính trị đòi phải giải quyết vấn đề một cách lâu dài".

Chuyển biến trong cách đánh giá về Trung Quốc

Nhận xét của ông Gardon, theo Reuters, phản ánh một chuyển biến quan trọng trong cách đánh giá của giới kinh doanh Mỹ và quốc tế, về các chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Đây là một cách nhìn nhận phù hợp với mục tiêu, nếu không phải là chiến thuật, đối phó với Bắc Kinh của ông Trump.

Ê kíp thương mại của tổng thống Mỹ cho biết là họ đang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận liên quan đến kinh tế thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Tám tháng trong cuộc chiến thương mại vừa qua đã làm gián đoạn dòng chảy của hàng tỷ đô la hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thế nhưng cho đến giờ vẫn không rõ là liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận khả dĩ chấp nhận được cho cả hai hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị cho là đã phải miễn cưỡng thực hiện một số cải cách kinh tế dưới áp lực từ Hoa Kỳ, trong lúc tổng thống Mỹ vẫn nói rằng ông có thể duy trì thuế quan trên hàng nhập từ Trung Quốc trong "một thời hạn đáng kể" ngay cả khi thỏa thuận được ký kết.

Vấn đề là ông Tập Cận Bình dễ dàng chấp nhận việc bị Donald Trump áp thuế hơn là thay đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Để chiêu dụ Washington, Bắc Kinh từng đề nghị mua một khối lượng lớn hàng Mỹ để giảm bớt phần thâm thủng mậu dịch kỷ lục. Ê kíp của tổng thống Trump cho biết là Trung Quốc sẵn sàng mua thêm hơn một nghìn tỷ đô la trong khoảng sáu năm.

Có điều là ngoài giao dịch lớn đó có thể hấp dẫn chính quyền của ông Trump, Bắc Kinh sẽ không làm gì khác để giải quyết những gì mà các công ty Mỹ đang cạnh tranh ở Trung Quốc hoặc với các công ty Trung Quốc, nói là các vấn đề cơ cấu của một hệ thống chèn ép họ.

Hoa Kỳ đã phàn nàn về việc Trung Quốc bỏ ra số tiền lớn để trợ cấp cho ngành công nghiệp của mình, can dự vào các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ có hệ thống, buộc các công ty nước ngoài giao nộp bí mật thương mại nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Việc giải quyết những khiếu nại đó đòi hỏi những cải cách chính sách ở cấp cao nhất từ phía Đảng cộng sản của Tập Cận Bình đang cầm quyền ở Trung Quốc.

Một khảo sát công bố vào cuối tháng 2 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc tăng hoặc duy trì thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, và số doanh nghiệp muốn chính phủ Mỹ ép Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng, cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Áp lực bằng thuế quan của Hoa Kỳ thậm chí còn khuyến khích một số quan chức và nhà điều hành doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cải cách ở Trung Quốc vào lúc nước này kỷ niệm 40 năm bước đầu tiến lên chủ nghĩa tư bản.

Cuối tháng Hai vừa qua, đại diện thương mại Lighthizer nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng giới doanh nhân Mỹ gốc Hoa đã thúc giục ông "kiên quyết" trong các cuộc đàm phán và không "bán rẻ mọi sự chỉ vì đậu nành".

Lập pháp đòi tổng thống Mỹ duy trì áp lực

Khi tổng thống Trump dời việc tăng thuế mà ông từng đe dọa nếu Trung Quốc không thỏa thuận trước ngày 01/03, ông đã khiến mọi người lo ngại rằng ông có thể bị đơn đặt hàng khổng lồ của Bắc Kinh lung lạc mà không giải quyết các vấn đề cơ cấu lâu dài.

Thế là từ giới vận động hành lang, giám đốc công ty, cho đến các nhà ngoại giao nước ngoài, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng, tất cả đều thúc giục ông Trump tiếp tục theo đuổi các yêu cầu về cải tổ cơ cấu.

Dân biểu bang Texas Kevin Brady, một trong những người Cộng hòa ủng hộ thương mại nhất và là người chỉ trích mạnh mẽ quyết định đánh thuế của ông Trump, gần đây đã tham gia vào phong trào kêu gọi đó.

Chỉ vài ngày sau khi việc hoãn áp thuế được công bố, tại một phiên điều trần của Ủy Ban Chuẩn Chi Hạ Viện, ông Brady khẳng định : "Mặc dù chúng ta muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ... nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta là buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao về quyền sở hữu trí tuệ, chống nạn trợ cấp, sản xuất quá tải và bãi bỏ những thủ đoạn mà họ sử dụng để lũng đoạn nền kinh tế toàn cầu".

Lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Mỹ Chuck Schumer, vốn dĩ từ lâu nay là một con diều hâu chống thương mại Trung Quốc, đã lên diễn đàn Thượng Viện để kêu gọi ông Trump đừng "lùi bước" và đừng chấp nhận thỏa thuận chủ yếu bao gồm việc mua đậu nành và các hàng hóa khác của Mỹ.

Hôm thứ Năm 21/03, thượng nghị sĩ Schumer đã gởi một tin nhắn twitter với nội dung : "Bây giờ không phải là lúc để bỏ 200 tỷ đô la thuế quan chỉ vì Trung Quốc sắp ký một thỏa thuận".

Liên Hiệp Châu Âu kín đáo ủng hộ Donald Trump

Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh truyền thống của Mỹ, hiện vẫn bực bội về sắc thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ mà ông Trump đã áp đặt từ năm ngoái. Liên Hiệp Châu Âu cũng lo lắng trước việc ông sẽ đánh thuế trên ô tô. Thế nhưng khối này lại chia sẻ với tổng thống Mỹ nhiều nỗi thất vọng trên chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các hạn chế tiếp cận thị trường của Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, một quan chức Châu Âu tiết lộ với Reuters rằng ngày nào họ cũng nhận được khiếu nại từ các công ty Châu Âu. Quan chức này lưu ý rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết giúp cuộc sống của các công ty nước ngoài dễ dàng hơn, nhưng thực tế rất ít thay đổi.

Đánh giá của Ủy viên Thương mại Châu Âu, bà Cecilia Malmstrom về hành vi của Trung Quốc nghe có vẻ giống như văn bản của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc đã lạm dụng các quy tắc thương mại toàn cầu.

Trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng Ba, bà Malmstrom cho rằng Trung Quốc đã "xóa nhòa ranh giới giữa khu vực nhà nước và tư nhân, và Nhà nước đã có một ảnh hưởng lẽ ra không nên có… Tài sản trí tuệ của các công ty bị đánh cắp. Trợ cấp của Nhà nước, trực tiếp hoặc gián tiếp, là điều phổ biến. Và những tác động này được cảm nhận trong và ngoài nước".

Theo bà Malmstrom, trong khi "đồng ý về chẩn đoán", Mỹ và Liên Âu lại khác nhau về chiến thuật đối phó với Trung Quốc. Bà chủ trương cách tiếp cận đa phương, nêu bật ví dụ về việc bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản phối hợp giải quyết các vấn đề, thông qua việc cải cách các quy tắc của Tổ chức Thương Mại Thế giới.

Một số người lo ngại rằng Châu Âu có thể thua cuộc nếu Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận mua thêm hàng tỷ đô la sản phẩm để cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

Một quan chức Châu Âu thứ hai, cũng hoạt động tại Bắc Kinh cho biết : "Nếu Trung Quốc mua nhiều hơn từ Mỹ thì chắc chắn họ sẽ mua ít hơn từ Châu Âu", điều có thể ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia lớn ở Châu Âu.

Tuy nhiên, giới ngoại giao và quan chức Châu Âu thừa nhận rằng họ cũng ủng hộ các mục tiêu của Trump đối với Trung Quốc, cho dù họ không thích chiến thuật thẳng thừng của ông. Nhiều người đang ngấm ngầm mong đợi tổng thống Mỹ thành công.

Một nhà ngoại giao Liên Âu tại Bruxelles xin ẩn danh xác định : "Chúng tôi chống lại các biện pháp đơn phương, nhưng chính xác ra là không ai thấy tội nghiệp cho Trung Quốc. Về nội dung, chúng tôi nghĩ rằng ông Trump có lý… Bắc Kinh phải hiểu rằng nếu không có cải cách, hệ thống chỉ có thể là ngừng hoạt động mà thôi".

Các quan chức trong chính quyền Trump nhấn mạnh rằng tổng thống Mỹ đã nghe thấy thông điệp và đang tiến hành những "thay đổi cấu trúc" trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, cùng với việc hình thành một cơ chế thực thi buộc Trung Quốc phải giữ đúng cam kết.

Tại một diễn đàn của Trường Luật Georgetown, Clete Willems, một cố vấn thương mại của Nhà Trắng, nói rằng tổng thống Trump quyết tâm khắc phục các vấn đề trong quan hệ thương mại với Trung Quốc mà ông từng chống lại trong nhiều năm, trước cả khi ông lên làm tổng thống.

Đối với người đã loan báo hôm 22/03 quyết định rời Nhà Trắng vì lý do gia đình thì : "Ý kiến cho rằng tổng thống Mỹ đột nhiên chấp nhận một thỏa thuận xấu hoàn toàn không chính xác. Tổng thống sẽ tránh xa các thỏa thuận tồi".

Mai Vân

******************

Chiến tranh thương mại : Trung Quốc tăng cường kiểm soát ma túy tổng hợp (RFI, 02/04/2019)

Theo yêu cầu của Washington, chính quyền Trung Quốc thông báo tăng cường các biện pháp kiểm soát Fentanyl, một hợp chất ma túy được chế tạo và xuất khẩu tự do.

tradewar2

Ma túy tổng hợp fentanyl tịch thu ở phi trường Chicago, Hoa Kỳ. Ảnh 29/11/2017. Reuters/Joshua Lott/File Photo - Ảnh minh họa

Phân tử chống đau mạnh gấp 50 lần bạch phiến đã tạo ra một vấn nạn nghiêm trọng về y tế công cộng đến mức trở thành một chiếc gai trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Quyết định của Trung Quốc được công bố hôm 01/04/2019, đúng vào ngày trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc lên đường sang Washington.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật :

"Đã giải quyết xong, đã giải quyết xong hết". Trợ lý giám đốc Ủy ban quốc gia chống ma túy của Trung Quốc tuyên bố như trên như là đã gỡ được chiếc gai đâm vào gót chân trong quan hệ căng thẳng với Mỹ. Viên chức cao cấp của bộ Y tế dành gần 40 phút để đi vào chi tiết các loại ma túy được thêm vào danh mục 20 hợp chất Fentanyl khác nhau đã được quy định kiểm soát tại Trung Quốc.

Bắc Kinh đáp ứng, thỏa mãn một yêu cầu do đại diện thương mại Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 03, muốn Trung Quốc phải cam kết làm giảm khối lượng ma túy tổng hợp, trừng phạt những kẻ chế tạo và phân phối như chính tổng thống Donald Trump đã đe dọa.

Tuy đáp ứng yêu cầu của Mỹ nhưng chính quyền Trung Quốc không nhìn nhận trách nhiệm gián tiếp gây ra cái chết của hàng chục ngàn người sử dụng quá liều.

"Trung Quốc cho rằng nước Mỹ có trách nhiệm chính trong thảm họa lạm dụng Fentanyl. Người Mỹ có thói quen dùng thuốc chống đau quá mức cần thiết. Nếu Hoa Kỳ muốn thật sự giải quyết vấn nạn này thì phải tăng cường kiểm soát trên lãnh thổ của họ".

Lạm dụng Fentanyl đã giết chết hơn 30.000 người tại Mỹ trong năm 2017. Được ghi toa như là thuốc chống đau nhức, Fentanyl cũng có thể được đặt mua thẳng với các viện bào chế tại Trung Quốc một cách dễ dàng, qua mạng internet, theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2018. Ma túy sẽ được gửi sang Mỹ qua đường bưu điện.

Quyết định tăng cường kiểm soát tại Trung Quốc sẽ có hiệu lực kể từ đầu tháng 05.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Algeria : Bóng ma Bouteflika đã tan biến

Algeria cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit là đề tài chính của các báo Pháp hôm nay. 

algeria1

Biển người biểu tình tại Alger ngày 15/03/2019 đòi tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải ra đi.REUTERS/Zohra Bensemra

Le Figarochạy tựa "Bouteflika : Hồi kết". Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, tổng thống Algeria hôm qua đã phải từ chức dưới áp lực của đường phố và quân đội.

Trong bài xã luận mang tên "Một chiếc bóng đã biến đi", tờ báo nhận định sự vắng mặt của ông Bouteflika không làm thay đổi về căn bản. Đó không phải là một tổng thống đường hoàng trao lại quyền hành, mà là một bóng ma vừa tan biến.

Tổng thống vô hình

Đã từ lâu, Abdelaziz Bouteflika đã trở thành vô hình trước nhân dân. Đó cũng là một trong những lý do gây nên sự giận dữ nơi họ. Người dân Algeria không còn chịu đựng việc một bóng hình hóa thạch là đại diện cho mình. Việc tổng thống biến mất khỏi chính trường mang tính biểu tượng gấp một ngàn lần. Ông ta là biểu tượng cho một phe phái, một hệ thống, làm bình phong hợp pháp cho những kẻ trong hậu trường.

Sau sáu tuần lễ biểu tình ôn hòa, những thủ đoạn câu giờ của chế độ, vẫn không thể làm người dân dịu đi. Trước hết, ông Bouteflika hứa sẽ từ chức, rồi sau đó loan báo một sự chuyển đổi "dân chủ". Vẫn chưa đủ. Tổng tư lệnh quân đội phải kêu gọi tước quyền tổng thống, nhưng người biểu tình không hạ vũ khí. Cuối cùng là việc cải tổ nội các hôm Chủ nhật 31/3, nhưng vẫn không thuyết phục được ai. Le Figaro cho rằng, chế độ đã đi đến hồi kết, nhưng buổi bình minh sắp tới thì vẫn bất định.

Les Echos đặt câu hỏi, những người dân Algeria đã biểu tình cuối tuần qua với khẩu hiệu "Không chấp nhận điều khoản 102, tất cả phải ra đi !", liệu có bằng lòng với việc ông Bouteflika từ chức, và chấp nhận bầu cử tổng thống dưới sự kiểm soát của phía quân sự (với nguy cơ gian lận) hay không ? Phản ứng của họ trong những ngày tới là điều quan trọng.

Trong khi chờ đợi, quân đội cố gắng tỏ ra trong sạch : ra lệnh cấm tất cả các máy bay tư nhân cất cánh, ngăn chận các doanh nhân có liên can đến pháp luật. Hôm Chủ nhật 31/3, Ali Haddad, cựu chủ tịch Liên đoàn giới chủ đã bị bắt tại biên giới Tunisie.

Cuộc ra đi không chút vinh quang

Ở trang trong, tờ báo nói về "Sự ra đi không hề vinh quang của một tổng thống muốn là biểu tượng cho niềm kiêu hãnh của Algeria".

Tham gia kháng chiến từ lúc mới 19 tuổi, đến năm 1963 Abdelaziz Bouteflika trở thành ngoại trưởng trẻ nhất thế giới ở tuổi 26. Lúc đó Algeria đang là ngọn đèn pha của thế giới thứ ba, thúc đẩy phong trào không liên kết ; còn Bouteflika nhờ tài hùng biện, trở thành niềm tự hào của đất nước.

Còn bây giờ, Algeria giàu tài nguyên dầu khí ngả sang bảo thủ, kinh tế đi xuống do trước đây đã chọn lựa công nghiệp nặng và kế hoạch hóa theo kiểu Liên Xô, thanh niên thất nghiệp phải vượt biển tìm cuộc sống mới. Vị tổng thống bị đột quỵ năm 2005 phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tiếp tục đắc cử thêm nhiệm kỳ thứ ba, thứ tư. Phe của ông ngỡ nhiệm kỳ thứ năm cũng sẽ trôi qua êm ả, nhưng dân chúng đã xô ngã bức tường sợ hãi. Thuộc thế hệ làm nên lịch sử, nhưng Bouteflika đã lỡ cuộc hẹn với lịch sử.

Cú đòn choáng váng cho nhà độc tài Erdogan

Le Mondenhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ với một nhà độc tài khác trong bài xã luận "Một đòn rờ-ve choáng váng cho ông Erdogan".

Cựu thị trưởng Istanbul thường nhắc đi nhắc lại câu "thắng được ở Istanbul là chiếm được cả Thổ Nhĩ Kỳ". Tuy nhiên trong cuộc bầu cử ngày 31/3, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan vốn cầm quyền từ năm 2002, đã thất bại tại đại đô thị này, thủ đô Ankara và nhiều thành phố lớn, dù đã huy động mọi phương tiện và kiểm soát chặt truyền thông. Đối với đảng của tổng thống, đây là một cú đòn nặng nề dù vẫn còn là lực lượng chính trị hàng đầu. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một bước ngoặt chủ chốt.

Tuy làm hài lòng cử tri bảo thủ Sunni, nhưng việc AKP Hồi giáo hóa xã hội khiến giới tinh hoa cộng hòa và giai cấp trung lưu mới bất mãn. Cuộc bầu cử vừa rồi có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý - ủng hộ hay chống đối ông Erdogan.

Xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ kháng cự

Tổng thống lao hẳn vào cuộc vận động, có khi tham dự đến năm cuộc mít-tinh một ngày để cố xoa dịu sự bất bình do kinh tế xuống dốc. Đồng lira mất giá, lạm phát tăng vọt trong khi cho đến nay thành công kinh tế luôn là ưu thế của chính quyền.

Để huy động cử tri, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại nêu ra thuyết âm mưu để dọa nạt ; đồng thời gây chia rẽ giữa người Sunni và các nhánh Hồi giáo khác, giữa người Kurdistan và người Thổ Nhĩ Kỳ, giữa tín đồ và người ngoại giáo. Nhưng cách này không còn hiệu quả. Mặc cho đàn áp đại quy mô (55.000 người bị bắt và 150.000 công chức bị sa thải sau vụ đảo chính quân sự bất thành năm 2016), xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục kháng cự. Kể cả tại các phòng phiếu.

Cho dù tương quan lực lượng bất xứng giữa chế độ và đối lập, nhiều vụ gian lận bầu cử, nhưng kết quả không phải đã được sắp đặt trước như ở nước Nga của ông Putin. Theo Le Monde, giờ đây đối lập phải rút được bài học, mà bắt đầu bằng sự đoàn kết đứng sau một ứng cử viên như ở Istanbul và Ankara.

Bốn kịch bản Brexit

Về một chủ đề lớn nữa là Brexit, Les Echos đưa ra nhiều kịch bản khác nhau đang được Châu Âu chuẩn bị.

Trong số đó có hai kịch bản tương đối đơn giản. Thứ nhất, nếu Nghị Viện Anh bất ngờ thông qua thỏa thuận, thì cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu ngày 10/4 sẽ xác nhận ngày 22/5 nước Anh chính thức ra khỏi EU. Một kịch bản khác khó có khả năng thành hiện thực, đó là người Anh hủy bỏ Brexit. Kịch bản thứ ba là Brexit không có thỏa thuận. Rất nhiều cuộc họp báo được dự trù trong những ngày tới để chuẩn bị đối phó với "no deal". Cuối cùng, là kịch bản Luân Đôn xin gia hạn lâu dài, như thế phải tham gia bầu cử Châu Âu. Các nước EU không hoàn toàn đồng ý với nhau về việc chấp nhận yêu cầu này, trong đó Pháp tỏ ra cứng rắn.

Châu Âu hậu Brexit ra sao ?

"Châu Âu như thế nào sau Brexit ?", đó là tựa đề một bài viết trên trang Ý kiến của Les Echos. Những người ủng hộ Brexit đang mơ làm Liên Hiệp Châu Âu tan thành từng mảnh vụn. Thực tế chứng tỏ họ đã sai, nhưng theo tác giả, đó không phải là lý do để giảng đạo đức hay hạ nhục người Anh. Ngược lại, chính việc hợp tác với Anh quốc là cần thiết cho Châu Âu của tương lai.

Nước Đức của thời hậu Merkel muốn chia sẻ chiếc ghế ở Hội Đồng Bảo An của Pháp nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ quốc phòng chung, bác bỏ mọi ý tưởng về hài hòa chế độ thuế khóa và xã hội trong Liên Hiệp Châu Âu. Thậm chí còn đòi bỏ các phiên họp ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg. Thế nên Paris cần phải dành ưu tiên cho quan hệ với Luân Đôn. Trước những cuộc xung đột đang chờ đợi trong thế kỷ 21, lợi ích chiến lược của Pháp phù hợp với Anh hơn bất kỳ nước Châu Âu nào khác

Thương chiến Mỹ-Trung ảnh hưởng lên thương mại thế giới

Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận định "Không khí căng thẳng đè nặng lên thương mại thế giới".

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định, cuộc song đấu giữa Donald Trump và Tập Cận Bình từ một năm qua đã mang lại hiệu ứng tiêu cực : tăng trưởng thương mại thế giới chỉ còn 3% trong năm 2018 thay vì 3,9% như dự báo. Con số ước tính cho năm 2019 còn tệ hơn nữa : 2,6% thay vì 3,7%.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức chiếm đến hơn một phần tư doanh số trao đối hàng hóa và dịch vụ trên thế giới, thế nên các cuộc đàm phán ở Washington, Bắc Kinh và Bruxelles rất quan trọng. Liên Hiệp Châu Âu trong hội nghị G20 tài chính tuần tới muốn cảnh báo những nguy hiểm của chủ trương bảo hộ và tính cấp thiết của việc cải cách WTO.

Pháp xem xét dự luật chống Hoa Vi

Cũng về kinh tế, Les Echos quan tâm đến "Hoa Vi (Huawei) : Pháp đi thẳng vào chủ đề". Có nên loại tập đoàn Trung Quốc, dù chỉ một phần, ra khỏi mạng lưới 5G tương lai của nước Pháp ?

Câu hỏi gai góc này sẽ được đặt ra tại Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Pháp hôm 03/04/2019, khi xem xét một dự luật nhằm bảo đảm an ninh cho mạng lưới điện thoại di động. Tuy "Luật Hoa Vi" không nêu tên tập đoàn viễn thông Trung Quốc cũng như một quốc gia nào, nhưng chỉ với ba điều khoản, văn bản này đặt ra khung pháp luật mới cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Dự luật được đưa ra trong bối cảnh Ủy Ban Châu Âu yêu cầu mỗi quốc gia thành viên từ nay cho đến tháng Sáu cần đánh giá các nguy cơ an ninh do 5G gây ra. Về mặt chính thức, thì dự luật của Pháp nhằm thích ứng với tình thế mới, khi 5G giúp kết nối không hạn chế, từ xe hơi cho đến nhà máy, có thể tạo thành vô số lối vào cho những kẻ bất lương.

Venezuela : Toàn dân làm việc bán thời gian vì cúp điện

Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, La Croix nói về tình trạng làm việc bán thời gian do cúp điện ở Venezuela. Để đối phó với nạn cúp điện xảy ra liên tục, ông Nicolas Maduro thông báo kế hoạch tiết kiệm điện trong một tháng. Kể từ ngày 1/4, ngày làm việc đối với người Venezuela kết thúc vào lúc 14 giờ.

Nếu từ nhiều năm qua việc phải sử dụng đèn cầy không còn xa lạ ở đất nước dầu lửa này, nhưng từ hôm 7/3 đã vượt qua một ngưỡng mới : thời gian người dân phải sống trong bóng tối nhiều hơn so với lúc có điện. Theo ông Maduro, đó là âm mưu "đảo chính bằng điện", với những cuộc tấn công đủ kiểu : súng, sóng điện từ, phóng hỏa… nhắm vào nhà máy thủy điện Guri, nơi cung cấp 80% điện năng cho cả nước.

Tuy vậy chế độ Caracas chẳng cung cấp được một hình ảnh nào để chứng minh. Tổng thống chỉ cảm thấy cần phải cách chức tướng về hưu Luis Motta Dominguez, bộ trưởng Năng Lượng. Đối lập tố cáo chính cách quản lý tồi tệ mới là nguyên nhân. Chính quyền luôn đặt các nhân vật thân tín lên những chiếc ghế cao nhất, bất chấp việc họ không có kinh nghiệm gì về lãnh vực phụ trách. Angel Navas, chủ tịch Liên đoàn lao động ngành điện thì phàn nàn ngành điện vừa thiếu đầu tư vừa thiếu nhân lực vì công nhân bỏ xứ ra đi hàng loạt.

Thụy My

Published in Quốc tế

Khi Mỹ - Trung lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao

Báo Les Echos (02/04/2019) trên mục Ý Kiến có bài nhận định sâu sắc đề tựa "Khi Washington và Bắc Kinh lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao" để nói về cuộc cạnh tranh chiến lược và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay.

starwar1

Hoa Vi nằm giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ và Trung Quốc.© Reuters/Dado Ruvic

Về bản chất giống như cuộc chiến giữa các vì sao mà tổng thống Mỹ Donald Reagan tiến hành chống lại Liên Xô vào đầu những năm 1980. Đương nhiên, chiến tranh giữa các vì sao thời Reagan tập trung vào vấn đề quân sự, còn giờ đây, Donald Trump chú trọng đến các hồ sơ kinh tế.

Theo báo Les Echos, cần nhìn nhận dưới góc độ này để phân tích về sự thay đổi cơ bản trong học thuyết của Washington khi tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện, kinh tế, tiền tệ, thương mại, công nghệ và quân sự.

Một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được mở ra, với đặc trưng là sự đối đầu giữa hai siêu cường để giành giật quyền lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21.

Thực ra, mục đích chủ chốt của chính quyền Trump là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến. Do vậy, chính sách này đôi khi được gọi là "cuộc chiến giữa các vì sao", có được sự đồng thuận rộng rãi tại Hoa Kỳ.

Và chính quyền Washington sử dụng mọi phương tiện để tiến hành "cuộc chiến" này, như không cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tham gia các dự án quan trọng sử dụng tài chính công tại Mỹ, vận động ngoại giao mạnh mẽ, thuyết phục các đồng minh gạt bỏ Hoa Vi ra khỏi các thị trường Tây Âu, yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính, con gái nhà sáng lập Hoa Vi để cho dẫn độ sang Mỹ, tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để cố gắng tạo thế cân bằng về quân sự tại Biển Đông, nâng mức thuế hải quan đối với nhiều hàng nhập khẩu, vượt ra ngoài các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)…

Rõ ràng, cuộc chiến thực sự của Donald Trump không phải là thương mại, mà là công nghệ. Theo xếp hạng gần đây của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới, năm 2018, nhìn trong tổng thể, Hoa Kỳ và Trung Quốc có số lượng bằng phát minh, sáng chế được đăng ký ngang nhau.

Thế nhưng, Hoa Vi của Trung Quốc là doanh nghiệp có số lượng bằng phát minh đăng ký đứng đầu thế giới, trước cả Mitsubishi, Intel, Qualcomm và ZTE. Điều này giải thích vì sao việc ngăn chặn Hoa Vi trở thành mối ám ảnh của chính quyền Trump.

Có thể nói, Hoa Kỳ đã chậm phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn và quyết tâm cao đến mức khác thường, trong cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo này. Do vậy, cho dù Donald Trump và Tập Cận Bình có ký được một thỏa thuận thương mại, cho phép làm giảm căng thẳng giữa hai nước nhưng không giải quyết được thực chất của vấn đề : đó là cuộc chạy đua công nghệ dài hơi giữa hai nước.

Trong phiên bản mới của "cuộc chiến tranh giữa các vì sao" này, Châu Âu đóng vai trò quyết định, bởi vì chính sách và các lựa chọn công nghệ của Châu Âu sẽ làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng, nghiêng về Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.

Con đường khúc khủy của Tập Cận Bình tại Châu Âu

Báo Le Monde trở lại với chuyến công Châu Âu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua ngòi bút của nhà bình luận Jean-Michel Bezat cho rằng "Con đường khúc khủy của Tập Cận Bình tại Châu Âu".

Theo nhà bình luận, trong chuyến công du Ý và Pháp vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm được hai việc thành công : Thứ nhất là dự án mua 300 máy bay Airbus, trị giá 30 tỷ, làm cho Châu Âu phấn khởi, và thứ hai là ký với Ý một thỏa thuận, tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập vào Châu Âu, thông qua dự án "Con đường tơ lụa".

Trước mặt tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nguyên thủ Trung Quốc đã có những phát biểu ca ngợi, đề cao vai trò của Châu Âu, như "một Châu Âu đoàn kết và thịnh vượng tương thích với tầm nhìn của chúng ta về một thế giới đa cực", và "Trung Quốc sẽ luôn luôn ủng hộ Châu Âu nhất thể hóa"… Đáp lại, bộ ba Pháp-Đức-Châu Âu kêu gọi Trung Quốc "tôn trọng sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu", thể hiện rõ sự e ngại, dè chừng đối với Bắc Kinh.

Theo tác giả, Mỹ và phương Tây đã phải trả giá về sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), năm 2001. Vào lúc đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton khẳng định việc kết nạp Trung Quốc sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tôn trọng các quy định thế giới.

Còn ông Pascal Lamy, lúc đó là ủy viên Châu Âu phụ trách thương mại (và sau này là tổng giám đốc WTO) thì hồ hởi trấn an : Trung Quốc chỉ sản xuất các mặt hàng tầm thường, còn chúng ta sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Và vừa qua, trước mặt tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập hãnh diện nêu ra một thực tế : Trong bốn mươi năm, chúng tôi đã làm được những việc mà quý vị phải mất đến 3 trăm năm.

Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, Châu Âu đề ra các tiêu chuẩn lựa chọn đầu tư ngoại quốc trong các lĩnh vực chiến lược. Trong lúc đó, Trung Quốc không cho báo chí chính thống nói đến dự án đầy tham vọng "Made in China 2025" nữa, để không làm cho các đối tác Châu Âu lo sợ, nhưng không hề từ bỏ tham vọng sẽ cường quốc lãnh đạo thế giới trong một thập niên tới, và vẫn tiếp tục dự án "Con đường tơ lụa" hướng vào Châu Âu và Châu Phi.

Đương nhiên, con đường thâm nhập Châu Âu của Trung Quốc gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng Bắc Kinh không lùi bước. Đầu tháng Tư này, nhân hội nghị thượng đỉnh với Châu Âu, Trung Quốc sẽ lại ra sức trấn an. Cũng trong tháng Tư này, sẽ có hội nghị thượng đỉnh 16+1 thường niên tại Dubrovnik, Croatia.

Đó là 16 nước trước kia thuộc khối Cộng sản và trong đó có 11 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Tất cả các nước này đều ngóng trông vào túi tiền khổng lồ của Bắc Kinh trong lúc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cắm rễ ở phía đông và đông nam Châu Âu.

Điều trớ trêu cho Châu Âu là tại Dubrovnik, có dự án xây một cây cầu dài 2,4 km, với tổng đầu tư là 420 triệu euro, trong đó Châu Âu tài trợ tới 85%. Thế nhưng, một doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc đã được lựa chọn, trong khi đó, công ty Strabag của Áo, nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thì bị gạt ra bên lề và ngậm ngùi tố cáo tình trạng dumping thương mại.

Algeria : "Người rơm" Bouteflika chịu "về vườn"

Thời sự Algeria tiếp tục chiếm lĩnh các trang báo Pháp ngày hôm nay. Le Figaro Les Echos lần lượt loan báo : "Bouteflika sẽ ra đi từ đây đến cuối nhiệm kỳ" và "Bouteflika sẽ từ nhiệm". Trang nhất Libération trên nền ảnh một Bouteflika yếu ớt, chạy tít lớn "Trời quang".

"Người rơm" Bouteflika cuối cùng cũng phải nhượng bộ làn sóng nổi dậy của người dân sau sáu tuần biểu tình rầm rộ chưa từng có. Abdelaziz Bouteflika thông báo sẽ rời quyền lực trước ngày 28/04/2019. Nhân dịp này tờ báo tóm lược chân dung gương mặt quan trọng trong cuộc chiến đấu tranh đòi độc lập và trở thành tổng thống Algeria từ năm 1999. Từ một nhà ngoại giao "mê hoặc" đến một nhà lãnh đạo bị phản đối. Sáu mươi năm cầm quyền của ông sẽ là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Algeria.

Như để trấn làn sóng phản đối, ngày Chủ Nhật 31/03 chính quyền Alger thông báo thành lập chính phủ mới. Nhật báo công giáo La Croix cho rằng "Tân chính phủ Algeria chạy đua với thời gian". Thế nhưng, việc thông báo tân nội các không xóa tan được nỗi ngờ vực của người dân.

Còn theo Le Monde, chính phủ mới được thành lập nhưng không che giấu được một cuộc đọ sức đang diễn ra giữa quân đội và phe thân cận tổng thống Bouteflika. Nhật báo đưa ra bằng chứng là lãnh đạo quân đội, tướng Admeh Gaid Salah đã lên tiếng cảnh cáo "một số đảng chính trị có mưu đồ xấu" là "chuẩn bị một kế hoạch nhằm làm giảm uy tín của Lực lượng Vũ trang Nhân dân – ALP và tìm cách tránh né những đòi hỏi chính đáng của người dân".

Trong khi đó, ngoài đường phố rộ lên thuyết âm mưu phe thân tổng thống đã cho triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu với sự "trợ giúp của Pháp". Mục đích là nhằm kích động "căng thẳng các vùng tại Kabylie và miền nam đất nước".

NATO : 70 tuổi nhưng vẫn chưa lớn

Ngày 04/04/2019 tới đây khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ thổi ngọn nến thứ 70. La Croix có bài nhận định "NATO trước thử thách Donald Trump".

Bảy mươi năm tồn tại, NATO đã nếm biết bao mùi khủng hoảng từ vụ kênh đào Suez năm 1956 cho đến sự rạn nứt về cuộc chiến Iraq 2003, rồi việc Pháp rút ra khỏi tổ chức quân sự năm 1966, để rồi sau đó, khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, NATO lần lượt dấn thân vào các chiến dịch tại Bosnia, Kosovo, Afghanistan và Libya.

Cú sốc bán đảo Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014 như chất xúc tác đoàn kết cả khối trước mối họa Nga. NATO lần lượt tăng cường nhiều mặt trận và phải thích hợp với xu hướng thời đại đối phó với một cuộc chiến mới : Cuộc chiến tin học.

Giờ đây trong bối cảnh Hoa Kỳ không ngừng đe dọa rút ra khỏi Liên minh, khối quân sự này phải có những bước chuẩn bị cho tương lai, theo như phân tích của bà Claudia Major, chuyên gia Quỹ Khoa học và Chính trị :

"NATO phải đồng lòng chuẩn bị cho một tương lai mà Hoa Kỳ sẽ có một vai trò chính trị và quân sự khác đi. Sự chia rẽ tại Châu Âu và xu hướng hợp tác song phương phát triển mạnh sẽ là rủi ro lớn nhất cho khối. Phương cách tốt nhất cho Châu Âu là phải duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tức phải trở thành những đồng minh có hấp lực và đáng tin cậy hơn, cũng như là tự chủ hơn".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Ngày 31/03/2019 khoảng 100 người biểu tình tại thủ đô Bangkok tố cáo Ủy ban Bầu cử "thao túng" thông tin về kết quả bầu cử Quốc hội Thái Lan.

thailan1

Kiểm phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Bangkok hôm 24/03/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Phải đợi đến ngày 09/05/2019 Bangkok mới chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc hội đã diễn ra hôm 24/03/2019. Nhưng theo thông báo của Ủy ban Bầu cử, đảng Palang Parachat ủng hộ tập đoàn quân sự Thái về đầu. Còn tính về số đại biểu Quốc hội trong khóa sắp tới, đảng này lại thua phe đối lập là đảng Pheu Thái, thân với gia đình thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Trả lời RFI Tiếng Việt, Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về tình hình Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI phân tích về kết quả cuộc tuyển cử Thái Lan đầu tiên kể từ cuộc đảo chính 2014 do quân đội tiến hành, lật đổ chính phủ của nữ thủ tướng Yingluck, em gái nhà tài phiệt và cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Sophie Boisseau du Rocher : Kết quả bầu cử lần này theo tôi là bất ngờ mặc dù đã được biết trước. Tập đoàn quân sự Thái Lan làm tất cả để nắm giữ quyền lực và đúng như dự báo, về số phiếu, đảng Palang Parachat thân giới tướng lĩnh cầm quyền đã về đầu. Thế nhưng yếu tố bất ngờ ở đây là đảng đối lập thân thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra là đảng Pheu Thai tuy ít phiếu hơn so với đảng cầm quyền, nhưng lại có nhiều ghế hơn trên tổng số 350 đại biểu được dân trực tiếp bầu lên. Điều này không như bên quân đội mong muốn vì chúng ta biết là tập đoàn quân sự đã dùng nhiều thủ đoạn để nắm quyền, đặc biệt là qua việc ban hành bộ luật bầu cử hồi tháng 09/2018. Bộ luật này được soạn thảo ra nhằm vô hiệu hóa đảng Pheu Thai trên chính trường Thái Lan. Nhưng mục tiêu đó đã không thành. Tình trạng giờ đây lâm vào bế tắc : đảng Palang Parachat không có đủ đa số ở Quốc hội và sẽ phải tìm kiếm liên minh để điều hành đất nước. Tôi nghĩ, có thể nói bế tắc này là một tai họa đối với bên quân đội.

RFI : Làm sao giải thích đảng được nhiều phiếu nhất lại không có đông đại biểu nhất ở Quốc hội ? Xin bà giải thích một chút về luật bầu cử của Thái Lan. 

Sophie Boisseau du Rocher : Đây thực là một vấn đề hóc búa và rất phức tạp. Bởi cuộc tuyển cử vừa qua là lần đầu tiên luật bầu cử mới của Thái Lan được áp dụng và như vừa nói thì tập đoàn quân sự Thái Lan đã soạn thảo ra một bộ luật theo kiểu "đo ni đóng giầy" cho chính mình. Ngoài ra, Quốc hội bao gồm 500 đại biểu, 350 người được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, số còn lại sẽ được phân chia theo một mô hình khá phức tạp. Thú thực là tôi đã đọc đi đọc lại luật bầu cử mới của Thái Lan còn thấy khó hiểu và văn bản này rắc rối đến nỗi ngay chính nhiều người dân Thái cũng không hiểu gì luôn (...)

Tuy nhiên luật này cũng đã có một số kẽ hở. Đảng Pheu Thai thân với gia đình Thaksin đã khai thác những nhược điểm đó để các ứng viên của đảng này có nhiều cơ hội đắc cử nhất. Nhân đây tôi cũng xin nói luôn, trong cuộc tuyển cử lần này, về nhất – theo số ghế, là đảng thân Thaksin, thứ nhì là phe quân đội, nhưng đứng thứ ba là đảng lấy tên  Tương Lai Mới do một doanh nhân trẻ lập ra và đảng này đã bất ngờ được hơn 5 triệu cử tri ủng hộ. Đảng do Thanathorn Jungrungreangkit thành lập mới chỉ cách nay một năm, và đã có sức thu hút lớn đối với giới trẻ, đặc biệt là nhờ qua ngả các mạng xã hội. Đảng Tương Lai Mới tự đặt mình vào thế đối lập với tập đoàn quân sự Thái Lan, chẳng hạn như đòi hủy bản Hiến Pháp mà chính quyền quân sự của thủ tướng Prayouth Chan Ô Cha đã soạn thảo ra để phục vụ quyền lợi của bên quân đội

RFI : Bà đánh giá thế nào về liên minh cầm quyền tại Thái Lan sắp tới đây ?

Sophie Boisseau du Rocher : Có nhiều khả năng liên minh cầm quyền sắp tới sẽ không mấy ổn định, cho dù là bên nào lên lãnh đạo đi chăng nữa. Đảng Pheu Thái muốn thành lập chính phủ sẽ phải liên kết với 6 đảng nhỏ khác. Trong điều kiện đó, khó hy vọng tìm ra một tiếng nói chung. Điều này sẽ có lợi cho bên quân đội. Nhưng với kết quả bầu cử tuy chưa được chính thức công nhận, nhưng đảng Palang Pacharat cũng không có đủ đa số tuyệt đối 136 ghế, nên sẽ phải lập ra một chính phủ liên minh. Tôi cho rằng, trong mọi trường hợp, liên minh cầm quyền tại Thái Lan sẽ không ổn định.

RFI : Sự yếu kém về kinh tế Thái Lan trong 5 năm vừa qua có thể giải thích phần nào thất bại của bên quân đội trong cuộc bầu cử lần này hay không ?

Sophie Boisseau du Rocher : Chắc chắn là như vậy. Trước hết do người dân Thái lo âu cho chính mình, lo rằng đất bị thua kém các quốc gia chung quanh, trong bối cảnh kinh tế trong khu vực Đông Nam Á hiện nay rất năng động. Đặc biệt là Việt Nam ngày càng trở thành một đối thủ cạnh tranh, có thể đe dọa đến cả tương lai kinh tế của Thái Lan. Thứ nữa, những rối loạn trên chính trường Thái trong những năm gần đây làm nản lòng các nhà đầu tư. Đầu tư ngoại quốc vào Thái Lan ngày càng khan hiếm. Thêm vào đó, công luận Thái bất bình vì đời sống trở nên đắt đỏ hơn, thất nghiệp gia tăng. Những uẩn ức đó thể hiện qua lá phiếu của cử tri.

RFI : Đâu là những thách thức chờ đợi chính quyền Thái Lan sắp tới ?

Sophie Boisseau du Rocher : Một cách ngắn gọn có thể nói thách thức về chính trị là phải hàn gắn những người dân Thái với nhau. Về xã hội thì ưu tiên là thu hẹp những bất công và khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta biết Thái Lan là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. 65 % tổng sản phẩm nội địa do 1 % dân số kiểm soát. Đây cũng chính là yếu tố gây công phẫn trong xã hội. Sau cùng về mặt kinh tế, thì thực sự đã đến lúc Bangkok cần mạnh dạn tiến hành cải tổ, tái tạo lòng tin của người dân, của giới thương gia, hiện đại hóa cỗ máy công nghiệp, nâng cấp và phát triển thêm cơ sở hạ tầng. Đây hiện là một trở lực cho đà phát triển của Thái Lan.

Thanh Hà thực hiện

Published in Châu Á

Thái Lan bầu cử : "Đếm phiếu quan trọng hơn bỏ phiếu"

Nước Anh vì sao nên nỗi ? Venezuela, đụng độ giữa hai "thế giới" ? Đường phố Algeria ngày càng mất kiên nhẫn. Quyền đón người nhập cư và quyền dân tộc. Giới trẻ Châu Âu muốn có hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu. Trên đây là một số chủ đề quốc tế của làng báo Pháp ngày 01/04/2019.

baucu1

Bầu cử Quốc hội Thái Lan ngày 24/03/2016. Reuters/Soe Zeya Tun

Le Monde số đặc biệt về Brexit, không quên giã từ nữ đạo diễn Pháp Agnès Varda, vừa qua đời ở tuổi 90 , với hàng tựa trên trang nhất : Agnès Varda tiên phong của nền điện ảnh "làn sóng mới" và "bất trị". Ở trang quốc tế, nhật báo độc lập dành một bài dài phỏng vấn thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra, đang lưu vong tại Dubai : Tôi buồn cho số phận Thái Lan.

Thaksin buồn cho vận nước Thái Lan

Một tuần sau khi kết thúc bầu cử Quốc hội tại Thái Lan (24/03) nhưng phải chờ thêm đến ngày 09/05/2019 mới có kết quả chính thức. Cựu thủ tướng Thaksin tiếp phóng viên Le Monde tại thành phố thương mại thời trang của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập trong một quán cà phê, không cận vệ. Người từng nắm vận mệnh vương quốc Thái trong 5 năm đầu thập niên 2000 phủ nhận giá trị cuộc bầu cử mà ông cho là "đầy những bất thường" : nhiều tỉnh không đủ lá phiếu, tại nhiều đơn vị, đảng Nhà nước của Nhân dân (phe chính quyền) về nhì đột nhiên lên hạng nhất. Nói đến đây, cựu thủ tướng Thái rút trong túi áo một tờ giấy trên đó có chân dung Joseph Staline và câu nói bất hủ được cho là của nhà độc tài Liên Xô : "Điều quan trọng không phải là bỏ phiếu mà là chuyện đếm phiếu".

Theo Le Monde, lập luận của Thaksin không phải là thiếu trọng lượng. Từ Chủ nhật 24 tháng 03, ngày loan báo kết quả bầu cử bị đình hoãn nhiều lần cũng như ngày bầu cử trước đây. Vào đêm bầu phiếu, Ủy ban Bầu cử tuyên bố không thể tiếp tục kiểm phiếu trong đêm. Lý do : không có máy tính.

Hiến pháp của Thái Lan, soạn thảo theo chỉ đạo của quân đội, là một văn kiện "bất bình đẳng". Thượng viện, với 200 nghị sĩ do một ủy ban do quân đội bổ nhiệm, bầu thủ tướng. Thế thì khỏi chờ kết quả. Thaksin, với kinh nghiệm của một doanh nhân từng là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Manchester City phân tích với nhà báo Pháp : bầu cử ở Thái lan vừa rồi giống như người ta tổ chức một trận bóng đá. Một đội banh được mang giày, đội kia đi chân đất. Là khán giả các bạn nghĩ sao ? Có quyền nói mình bị lừa hay không ? Thaksin than thở : Tôi buồn cho đất nước chúng tôi. Với mức độ phát triển cao, người dân Thái Lan lẽ ra phải có số phận xứng đáng hơn.

Brexit vì sao nên nỗi ?

Với tựa này, số đặc biệt về Brexit của Le Monde trở lại cội nguồn cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu làm rung chuyển Liên Hiệp Anh và Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi đó, Les Echos nhìn về những ngày sắp tới : Mười ngày để tránh được hỗn loạn, nguy cơ ly dị không thỏa thuận hiện rõ, Liên Hiệp Châu Âu sợ mất ngân phiếu đền bù.

Nhật báo kinh tế tỏ ra công bình, xem xét công lao của vị nữ thủ tướng có sức khỏe mong manh nhưng có nguồn nội lực bất tận và nhiệt tâm không gì lay chuyển thừa hưởng từ người cha giám mục Anh Giáo : "Tôi được bổ nhiệm thủ tướng để làm bổn phận phục vụ quyền lợi dân tộc. Tôi sẽ làm trọn bổn phận này".

Bổn phận được Les Echos tường thuật tỉ mỉ trong bài điều tra : Theresa May và nhiệm vụ bất khả, mượn tựa loạt phim điệp vụ lừng danh Mission Impossible. Tuy nhiên, người phụ nữ "trách nhiệm" này thiếu một đức tính cần thiết và thừa một khuyết điểm không nên có ở một nhà chính trị. Cụ thể là lúc còn là bộ trưởng nội vụ, Theresa May đã cho xe buýt mang biểu ngữ "quý vị về nước đi hay chờ bị bắt" chạy vòng vòng ở các khu phố của dân nhập cư trái phép. Cương quyết chống di dân lậu bằng biện pháp mị dân không phải là phương thức đấu tranh hiệu quả. Còn điểm yếu của bà là cương nghị không đúng lúc, không quyền biến nên trở thành ngoan cố. Cố gắng đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nói là theo ý dân, thủ tướng Anh bị chỉ trích là không quan tâm đến gần 50% dân chúng còn lại, những người chống Brexit, mà chỉ tập trung làm sao cho phe của mình là đảng Bảo Thủ hài lòng, cố thủ trong lập luận như một người máy được lập trình. Cuối cùng bà không được ai ủng hộ và còn mang tiếng là "Maybot", bà May rô-bô.

Algeria, Venezuela cùng tranh đấu

Alger thông báo thành phần chính phủ mới nhưng dân chúng đòi một chế độ mới, đệ nhị cộng hòa. Tại Venezuela, cuộc xung đột chưa vượt qua giới hạn đấu trường chính trị và pháp lý. Nhưng nguy cơ xung đột bạo lực ngày càng rõ nét.

Le Monde thuật lại hôm thứ Sáu 29/03/2019, phong trào tranh đấu ở Algeria một lần nữa biểu tình khắp nước đòi phải thay đổi chế độ, tất cả những cá nhân dính líu với 20 năm chính quyền Bouteflika phải nhường chỗ cho một thế hệ mới. Les Echos kịp đưa tin Algeria có nội các mới nhưng giải pháp tình thế, câu giờ không lừa được dân chúng : "Chúng tôi muốn chế độ này sụp đổ" là biểu ngữ thường thấy trong các cuộc xuống đường. Một luật gia trẻ nhận định : Tình hình tiếp tục bế tắc, xem như chế độ thua rồi.

Le Figaro, tập trung vào điểm nóng bên Nam Mỹ : Giữa Maduro và Guaido là một cuộc xung đột giữa hai thế giới, hai phe không thể hòa giải. Làm sao hòa giải với chế độ cánh tả đã làm cho đất nước một thời giàu có nhất Châu Mỹ Latinh, bây giờ gần như phá sản.

Chính quyền Maduro gần như mất hết hậu thuẫn của dân chúng, 6 năm sau khi lên thay Hugo Chavez. Maduro cai trị theo lề thói cũ, như một kẻ ngủ mê, mải lo kiểm soát giá cả thay vì cải tổ sâu rộng guồng máy kinh tế chỉ biết dùng tiền bán dầu. Bên kia, Juan Guaido, 35 tuổi, đại diện cho thế hệ trẻ, được hơn 50 quốc gia ủng hộ và theo một kết quả thăm dò của viện Datanalisis, tổng thống tự xưng được 60% dân chúng tin cậy, ủng hộ nhiệt thành.

Theo phân tích của viện Datanalisis, cuộc xung khắc này ngày càng có nhiều nguy cơ biến thành bạo động đổ máu, do Maduro cố bám trụ. Chuyên gia Vincente Luis Leon đưa ra bốn kịch bản : Kinh tế sụp đổ hoàn toàn, Maduro không từ chức, đối lập đấu tranh vũ trang đó là nội chiến. Kịch bản thứ hai, quân đội đảo chính, lật Maduro nhưng nắm luôn chính quyền. Thứ ba, một cuộc can thiệp từ bên ngoài, lật đổ Maduro. Kịch bản này khó có thể xảy ra vào lúc này nhưng không thể loại trừ… trong bối cảnh khi gần bầu cử Mỹ. Kịch bản thứ tư, là hai bên đàm phán. Guaido phải hiểu là ông sẽ làm thất vọng một số ủng hộ viên nhưng đối lập bắt buộc phải thương lượng với những kẻ (Maduro) không hề tỏ ra quan tâm đến đối thoại.

Quyền được nhập cư và ngôi nhà rạn nứt

Về thời sự Pháp, tất cả các báo đều đưa tin cải tổ nội các, bổ nhiệm ba nhân vật trẻ thay thế ba vị từ chức, người tranh cử Nghị Viện Châu Âu, người nhắm chiếc ghế đô trưởng Paris.

Libération cho là tổng thống Macron lại bổ nhiệm những người thân cận. Tuy nhiên, đòn mạnh nhất của nhật báo thiên tả là đánh vào phe tả tại Pháp với nhận định chính xác : Họ chia rẽ cho dù đồng thuận trên nhiều điểm. Giới chính trị gia mày râu, từ xã hội, cộng sản cho đến cực tả, thậm chí cùng xu hướng lại gia tăng tấn công lẫn nhau. Hệ quả là cử tri bỏ hết.

Chuyến tông du của đức giáo hoàng ở Maroc được La CroixLe Figaro dành cho nhiều trang tường thuật. Tuy nhiên, bên dưới tựa đức giáo hoàng kêu gọi Châu Âu đón tiếp di dân, nhật báo thiên hữu cảnh giác độc giả qua bài xã luận "quyền nhập cư tị nạn và quyền dân tộc». Những lời kêu gọi của giáo hoàng lấy ra từ kinh thánh đoạn của Thánh Ma-thêu, rộng lượng, nhân ái cứu người lâm nạn là nền tảng của văn minh Tây phương. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng tình hình Châu Âu hiện nay không cho phép mở rộng cánh cửa. Vật chất không phải là tài sản duy nhất của một quốc gia. Bên cạnh đó còn có tài sản tinh thần như là văn hóa,nghệ thuật sống, tín ngưỡng , ngôn ngữ… Châu Âu hiện nay là một Châu lục nứt rạn. Ngày xưa , Châu Âu rộng mở mời gọi di dân không nhà. Ngày nay, bản thân ngôi nhà Châu Âu đang đứng trước nguy cơ tường sập cửa bung.

Đầu tuần cũng là dịp để tổng kết một số thời sự diễn ra trong những ngày cuối tuần : Học sinh Châu Âu tiếp bỏ lớp ngày thứ Sáu xuống đường tranh đấu cho môi trường. Bầu cử tổng thống mới tại Slovakia và Ukraine.

Libération đưa hai tựa : Danh hài Volodymyr Zelensky về nhất ở vòng một, bầu tổng thống Ukraine. Một nữ tổng thống ở Slovakia. Zuzana Caputova, nữ luật sư 45 tuổi, chống tham nhũng, nữ tổng thống đầu tiên của Slovakia, La Croix đồng điệu.

Trong khi đó, Les Echos tường thuật cuộc biểu tình thứ Sáu hàng tuần của học sinh Đức, trong phong trào học sinh toàn thế giới chống biến đổi khí hậu, theo lời kêu gọi của cô bé Thụy Điển Greta Thunberg : Trong thời khủng hoảng, con người thay đổi thái độ. Chúng tôi muốn một tương lai. Có phải đòi hỏi qua đáng chăng, thưa quý vị chính phủ ?

Giảm cân

Cuối cùng, những độc giả muốn thử phương pháp mới để giảm cân, bớt ăn ngọt nhưng tăng khẩu phần mỡ, cần phải xem kết quả kiểm chứng này trên chuột.

Nguyên tắc giảm béo đơn giản : ăn ít đường để cơ thể đốt mỡ lấy năng lượng hoạt động. Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu của đại học Mỹ Iowa, thí nghiệm trên chuột được Le Figaro đăng tải thì chuột đực giảm cân, đường trong máu cũng giảm. Trong khi đó mấy nàng chuột cái lại lên cân, sau 15 tuần lễ thử nghiệm, bớt đường, thêm mỡ trong khẩu phần. Kích thích tố nữ Œstrogène bị nghi là thủ phạm.

Tú Anh

Published in Châu Á

Nguồn : RFI, 31/03/2019

Published in Video