Châu Âu bắt đầu ý thức được tham vọng của Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục được các báo Pháp chú ý nhiều, từ khi nước này trở thành cường quốc kinh tế của thế giới cùng những tham vọng trên trường quốc tế. Châu Âu giờ mới bắt đầu ý thức được về những nguy cơ bành trướng của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc-Châu Phi 2018 ở Bắc Kinh, ngày 04/09/2018. Lintao Zhang/PoolReuters
Nhật báo Le Monde hôm nay có bài xã luận mang tiêu đề : "Trung Quốc phô bày tham vọng".
Le Monde ghi nhận, sau bốn thập kỷ mở cửa phát triển kinh tế làm đảo lộn khung cảnh thế giới, gần đây "trên trường quốc tế, Trung Quốc ngày càng thể hiện một bộ mặt đòi hỏi hống hách…". Thái độ đó khiến Hoa Kỳ khó chịu phải ra tay. Bằng chứng là các cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh trên hồ sơ thương mại cũng như các vấn đề khác đang diễn ra.
Còn về phần Châu Âu, xã luận của Le Monde nhận định : "Ở thế trên đe dưới búa, bản thân Châu Âu cũng là mục tiêu của các tham vọng Trung Quốc". Tờ báo phân tích, nếu như đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu trong năm 2018 giảm, đó không phải là vì Bắc Kinh không quan tâm đến lục địa này mà là vì họ muốn ngăn chặn tình trạng chảy vốn ra nước ngoài, bên cạnh đó là còn do nỗ lực của EU nhằm bảo hộ các lĩnh vực kinh tế chiến lược. Cuối cùng thì các nước lớn của Liên Hiệp Châu Âu cũng đã lường được mối nguy hiểm. Ngay cả Đức là nước đến giờ vẫn giữ thái độ nước đôi với Trung Quốc thì hồi tháng Giêng vừa qua cũng một tổ chức giới chủ của nước này đã cho công bố một báo cáo nêu rõ các mục tiêu Trung Quốc nhắm tới ở Châu Âu.
Xã luận Le Monde nhấn mạnh, "Liên Hiệp phải bày tỏ một chính sách chung đối với Trung Quốc, gắn lợi ích công nghiệp với vấn đề an ninh". Trong khi đó để đối phó với Trung Quốc các nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu lại hành động tản mát. Trung Quốc nắm bắt sự chia rẽ đó. Một thí dụ mới nhất : Ý vừa trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 đã sẵn sàng chấp nhận dự án "con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc khiến Bruxelles rất bực bội.
Le Monde kết luận : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 3 tới Châu Âu, đặc biệt ông sẽ qua Roma và Paris. Sẽ là đáng tiếc cho lợi ích của Châu Âu khi mà từ nay đến đó các nước thành viên của Liên Hiệp không thống nhất được với nhau để thể hiện một lập trường chung trước lãnh đạo Trung Quốc".
Pháp thức tỉnh trước ảnh hưởng Trung Quốc ở sân sau Châu Phi
Cũng liên quan đến mối lo về sự bành trướng tham vọng của Trung Quốc, Le Figaro có bài tổng thống Pháp "Macron đến Djibouti để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc".
Le Figaro cho biết, hôm nay (11/03) tổng thống Pháp tới thăm Djibouti, chặng đầu tiên trong chuyến công du Ethiopia và Kenya. Đã 9 năm nay chưa một vị tổng thống Pháp nào tới Djibouti, một đối tác lịch sử của nước Pháp. Bởi thế có lẽ chuyến Djibouti của ông Macron trở thành khá cấp bách.
Dù là một quốc gia nhỏ bé, chỉ rộng 23.000 km2 và 900 nghìn dân, nhưng Djibouti có một vị trí chiến lược quan trọng vì nằm trên trục giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, có các tuyến đường hàng hải trọng yếu như kênh Suez, eo biển Malacca, hay Bab el-Mandeb.
Nhưng điều quan trọng hơn mà Le Figaro nêu ra đó là : "đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Djibouti". Tờ báo cho biết Bắc Kinh đã đầu tư một "trại lính thế giới" với việc đặt tại Djibouti căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài có khả năng đồn trú cho 10 nghìn quân và họ còn dự tính làm thêm căn cứ thứ 2 tại đó. Bắc Kinh đổ tiền đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, nhất là cảng biển tại quốc gia này. Thực tế đó đã khiến Paris không khỏi lo ngại về nhưng hậu quả gây mất ổn định tiềm tàng trong khu vực, Le Figaro nhận định.
Điều nguy hiểm hơn, đó là nguồn lực tài chính của Djibouti rất hạn chế trong khi mà 2/3 khoản nợ của đất nước này do Trung Quốc nắm. Bắc Kinh luôn lấy đó để mặc cả đòi giảm giá thuê căn cứ quân sự. Gần đây Thượng Viện Pháp thậm chí còn cảnh báo nguy cơ bùng nổ xung đột như kiểu ở kênh Suez hồi năm 1956 sau khi tổng thống Ai Cập Nasser quốc hữu hóa con kênh này.
Tháng trước bộ trưởng Bộ Quân Lực Pháp, Florence Parly, cùng tháp tùng tổng thống Macron tới Djibouti lần này, đã tuyên bố : "Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng (Trung Quốc)". Djibouti cũng là nơi có căn cự quân sự chính của Pháp tại Châu Phi. Djibouti cũng là nước duy nhất của Châu Phi có thỏa thuận quốc phòng với Pháp. Chuyên gia Pierre Razoux, Giám đốc Viện nghiên cứu thuộc Trường Quân sự Pháp (Irsem) được Le Figaro trích dẫn, khẳng định : "Điều trọng yếu với Pháp là phải giữ lại sự hiện diện quân sự tại Djibouti để bảo đảm an ninh eo biển Bab el-Mandeb".
Le Figaro nhận định : "Emmanuel Macron, cùng đi có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, dường như quyết tâm không để Djibouti đối mặt tay đôi Trung Quốc".
Tương tự như với Djibouti, Ethiopia đang mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ để không bị lệ thuộc duy nhất vào người Trung Quốc. Tại Addis-Abeba, bộ trưởng Bộ Quân Lực Florence Parly sẽ ký thỏa thuận quốc phòng, tăng cường hợp tác để thành lập binh chủng hải quân cho Ethiopia, dù nước này không có biển, theo Le Figaro.
Algeria : Quân đội lại thành nhân tố quyết định
Chuyển qua với một thời sự nóng khác, vẫn trong khu vực Châu Phi. Nhật báo Libération dành sự quan tâm đặc biệt đến Algeria hàng tựa trên trang quốc tế : "Algeria : Quân đội trước sự lựa chọn lịch sử".
Tờ báo phác họa lại toàn cảnh cuộc khủng hoảng chính trị Algeria : Một tuần sau thông báo ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5, tổng thống Bouteflika hôm qua đã trở về nước từ Genève, nơi ông vừa có 2 tuần nằm viện. Ở trong nước, phong trào biểu tình phản kháng chuyển thành cuộc tổng đình công. Vào thời điểm này liệu quân đội có thể đóng vai trò trọng tài ? Đó là câu hỏi lớn đang đặt ra ở Algeria.
Bài báo trở lại không khí sôi sục của phong trào biểu tình chống nhiệm kỳ thứ 5 của tổng thống Abdelaziz Bouteflika trong những ngày cuối tuần qua và ghi nhận : Sau ba tuần huy động, phong trào tuy nhiên vẫn không thể tìm được lối thoát chính trị nào. Trước sự sôi sục của dân chúng, chính quyền vẫn tiếp tục im lặng. Người duy nhất lên tiếng là tướng Ahmed Gaida Salah, tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria. Người dân Algeria đang rất quan tâm đến nhân vật này cùng với nhiều câu hỏi : Ahmed Gaida Salah có nắm giữu được giải pháp để ra khỏi khủng hoảng ? Nếu có, giải pháp đó có lợi cho ai ?
Theo ông Addi Lahouari, giáo sư thuộc Viện nghiên cứu chính trị Lyon, Pháp : "Quân đội (Algeria) đang đứng trước sự lựa chọn lịch sử. Lợi ích chiến lược của đất nước đòi hỏi họ đứng về phía nhân dân và tìm ra giải pháp. Quân đội phải đóng vai trò tạo điều kiện cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ".
Theo Libération, trong lịch sử quân đội Algeria luôn là nguồn lực chính của quyền lực và người Algeria vẫn cho là quân đội lãnh đạo đất nước từ khi giành độc lập. Khi giới chính trị chia xé hay thể chế suy yếu, người Algeria nhìn nhận thấy chỉ có quân đội là thiết chế có kỷ luật và tổ chức và có đủ tin cậy để đứng ra phân giải.
Tuy nhiên cũng có nhà phân tích cho rằng quân đội, do Bouteflika dựng lên, được hưởng những bổng lộc, đặc quyền đặc lợi trong chia chác nguồn tài nguyên dầu mỏ. Những chỉ huy cao cấp trong quân đội đều ít nhiều "mắc nợ" ông Bouteflika, vì thế quân đội không có được tính chính đáng trong thể chế.
Trong khi đó xã luận nhật báo công giáo La Croix với tựa đề "Sự chín muồi Algeria" khẳng định "Hơn một nửa thế kỷ sau khi giành độc lập, đất nước Algeria đã có được sự chín muồi về chính trị cho phép đất nước này tìm kiếm một con đường dân chủ thực sự để phát triển. Với Abdelaziz Bouteflika, một nhà thương thuyết của "hòa hợp nhân dân" cách đây 20 năm, sẽ là một kết quả đáng nhớ khi ông mở cánh cửa cho khát vọng của thế hệ trẻ mới.
Brexit : Tuần lễ quyết định
Liên qua đến Châu Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn "Brexit : Toan tính cuối cùng của Luân Đôn để tránh hỗn loạn".
Les Echos ghi nhận : "Cơ may thương lượng cuối cùng với Bruxelles, bỏ phiếu ở Quốc hội Anh… Một tuần mới mở ra dự báo sẽ mang tính quyết định với hồ sơ Brexit mà cho đến giờ vần còn chứa đựng đầy bất ổn".
Như vậy là chỉ còn đúng 20 hôm đến cái ngày tiền định nước Anh thoát khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Những ngày sắp tới sẽ quyết định cách thức ra đi của nước Anh sẽ ra sao. Nhật báo kinh tế Pháp nhận thấy, chưa bao giờ hồ sơ Brexit tồn đọng nhiều bất trắc như vậy với 3 kịch bản chia tay : "Không thỏa thuận, không có Brexit hoặc không có thủ tướng. Trong khi đó giới tài chính thì vẫn nín thở chờ đợi". Hai bên bờ biển Manche, các định chế quản lý ngân hàng đang nghiên cứu giảm sốc trong trường hợp "Brexit cứng", nhưng các ngân hàng vẫn trong thế kẹt. Một dấu hiệu hoài nghi rõ rệt, từ đầu năm đến giờ không một công ty nào niêm yết chứng khoán tại thị trường Luân Đôn.
Anh Vũ
Bế tắc thương mại Mỹ : Lỗi ở Donald Trump ?
Mục bình luận về kinh tế của báo Le Monde ngày 12/03/2019 có bài "Bế tắc thương mại Mỹ" của Stéphane Lauer, nêu rõ những sai lầm của tổng thống Mỹ khi tiến hành chiến tranh thương mại với phần còn lại của thế giới, nhưng thâm hụt cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ vẫn gia tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một diễn đàn về thuế ở Hialeah (bang Florida), ngày 16/04/2018. Reuters/Kevin Lamarque
Theo tác giả, kinh tế không phải là một môn khoa học chính xác. Có những điểm được cho là đúng vào ngày hôm nay lại không thể đứng vững sau vài thập niên. Nền kinh tế không hoạt động một cách máy móc. Các học thuyết kinh tế không phải luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh.
Cách nay một năm, tổng thống Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu nhằm làm giảm thâm hụt cán cân thương mại của Hoa Kỳ. Một năm sau, nhập siêu của Mỹ (không kể dịch vụ) lên tới 891 tỷ đô la, tăng 10%, mức kỷ lục. Thực ra, để làm hài lòng thành phần cử tri ủng hộ ông, tổng thống Mỹ đã phát động chiến tranh thương mại nhưng ông lại nhầm mục tiêu.
Báo Le Monde cho rằng, thâm hụt cán cân thương mại không phải do Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh, không phải do Mexico áp dụng chính sách phá giá, không phải do Châu Âu không muốn mua hàng của Mỹ… Việc Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu chủ yếu là do các mất cân đối kinh tế vĩ mô, trước tiên là vì mức tiết kiệm không đủ. Do chính quyền Trump không giải quyết các mất cân đối này, chính sách kinh tế hiện nay chỉ làm cho vấn đề trầm trọng hơn.
Những sai lầm của Donald Trump
Tác giả Stéphane Lauer nêu ra các sai lầm của chính quyền Trump. Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, Washington đã tiến hành giảm thuế ồ ạt, kết hợp với việc tăng chi ngân sách mạnh. Biện pháp này đã kích thích tiêu thụ trong nước một cách giả tạo.
Trong khi đó, để làm tăng nhu cầu, lẽ ra, chính quyền phải kích thích sản xuất bởi vì nền kinh tế Mỹ đạt một mức độ chuyên môn hóa nhất định và đang trong tình trạng gần như toàn dụng nhân lực. Hậu quả là trong 15 năm vừa qua, nhập khẩu chỉ chiếm có 24% trong tổng chi tiêu thụ. Đến năm 2018, tỉ lệ này lên đến 27%.
Một sai lầm khác là Mỹ tiến hành tăng chi ngân sách để kích thích nền kinh tế quốc gia trong lúc kinh tế toàn thế giới đang bị chậm lại. Quyết định này gây tác động ngược lại, làm tăng giá trị đồng đô la, qua đó, làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu và thúc đẩy nhập khẩu.
Các biện pháp tăng thuế, bảo hộ mậu dịch cũng không có sức thuyết phục. Ví dụ, việc tăng mức thuế đối với thép nhập khẩu chỉ làm lợi cho các ngành sản xuất thép, nhưng không giúp tạo thêm việc làm. Ngược lại, việc tăng thuế nhập khẩu đã gây thiệt hại cho nhiều tập đoàn, như Ford 750 triệu đô la, Whirlpool 300 triệu… Nói tóm lại, chính những người tiêu dùng Mỹ phải hứng chịu hậu quả của việc tăng thuế nhập khẩu.
Le Monde kết luận, do không hiểu biết các nguyên tắc kinh tế cơ bản, Donald Trump ngoan cố leo thang căng thẳng thương mại, không giúp giải quyết được những vấn đề của nước Mỹ, làm cho hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu chao đảo. Cách nay một năm, Donald Trump tuyên bố Mỹ dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Một năm sau, nguy cơ tất cả mọi người đều thua thiệt lại càng hiện rõ.
Châu Âu : Châu lục già cỗi, tăng trưởng kiệt quệ
Liên quan đến Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định "Châu Âu, châu lục của sức tăng trưởng kiệt quệ".
Mở đầu bài viết, cây bút xã luận của nhật báo, ông Jean-Marc Vittori buồn bã ví "Châu Âu giờ giống như một chiếc xe ô tô cũ kỹ mà động cơ đã bị hụt hơi ngay khi người ta vừa tăng tốc". Tăng trưởng của Châu Âu trong những gần đây liên tục sụt giảm. Năm 2017 được cho là có mức tăng cao nhất trong 10 năm qua với tỷ lệ 2,5%. Năm nay, OCDE - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo tăng trưởng Châu Âu chỉ ở mức có 1%.
Lỗi ở đâu ? Tại vì Trung Quốc tăng trưởng trì trệ ? Tại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây khó khăn cho nền kinh tế Châu Âu ? Vậy tại sao Trung Quốc khó khăn như thế vẫn có được sức tăng trưởng ở mức 6-6,5% ? Hoa Kỳ vẫn được 3% ? Tác giả cho rằng đó chẳng qua chỉ là những lời biện hộ. Nguyên nhân chính chẳng nằm ở đâu xa hết mà ngay chính trong lòng lục địa với hai vấn đề cơ bản.
Vấn đề thứ nhất là thị trường việc làm. Liên Hiệp Châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng 6,5% và thậm chí là 7,8% trong khối đồng tiền chung Châu Âu. Tốc độ tăng lương ở mức 2,5% là một tín hiệu cho thấy Châu lục này gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động hơn ở bất kỳ nơi khác.
Doanh nghiệp Châu Âu không chỉ vất vả trong việc tìm kiếm các nhân tài mà cả trong việc đào tạo tay nghề và tái cơ cấu việc làm. Điều này còn phản ảnh rõ một thực tế khác : Dân số Châu lục ngày càng già đi. Số người trên 65 tuổi chiếm đến 19% dân số, so với tỷ lệ 15% tại Mỹ và 11% tại Trung Quốc.
Vấn đề thứ hai liên quan đến sản xuất. Sau thời kỳ hoàng kim từ thế kỷ XIX cho đến khoảng những năm 1990-2000, Châu Âu dường như đã lỡ bước trong bước ngoặt công nghệ trong từng lĩnh vực một. Ví dụ điển hình nhất chính là ngành công nghệ viễn thông, với thế hệ điện thoại di động đời thứ 4 và thứ 5. Và trong một chừng mực nào đó là ngành sản xuất xe ô tô điện, dù rằng Renault đã chính thức tham gia thị trường từ năm 2006.
Tác giả chỉ trích thái độ chần chừ không quyết đoán của các lãnh đạo Châu Âu và không có một tầm nhìn dài hạn. Trong khi Trung Quốc với chương trình Made In China 2025 áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và thiết lập các thứ tự ưu tiên. Hoa Kỳ tìm cách thu hút nhân tài trên thế giới với mô hình đầu tư chấp nhận rủi ro, nhưng cũng không ngần ngại thẳng tay trừng phạt và thậm chí cấm cửa các doanh nghiệp nước ngoài nếu thấy cần thiết. Dù vậy, tác giả cũng còn chút hy vọng mùa xuân lại trở về với Châu lục, mong rằng năm 2019 sẽ ít tồi tệ hơn như là dự kiến.
Con đường tơ lụa mới : Ý đánh lẻ, Châu Âu lo lắng
Cũng tại Châu Âu, báo Le Monde trở lại thông báo của thứ trưởng Thương mại Ý quyết định tham gia dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc. Tờ báo nhận thấy "các đồng minh của Ý lo ngại về việc Ý xích lại gần với Trung Quốc".
Dù rằng chính phủ Ý có lên tiếng trấn an các đồng minh Châu Âu là sẽ có những "cẩn trọng cần thiết" nhưng ý định này của Roma vẫn khiến các đồng minh truyền thống, nhất là Hoa Kỳ quan ngại. Đây không chỉ đơn giản là chuyện một đất nước có nền kinh tế suy yếu đang đi tìm cách mời gọi đầu tư từ một cường quốc tiềm tàng.
Theo Le Monde việc có được một thỏa thuận với Ý, một thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, và còn là thành viên khối G7 - khối các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, rõ ràng Bắc Kinh đã có được một thành công ngoại giao quan trọng có tính biểu tượng cao. Bởi vì, "nếu điều này được thực hiện, đây sẽ là một tin xấu cho sự gắn kết của Liên Hiệp Châu Âu", theo như phân tích của chuyên gia về Trung Quốc, ông François Godement.
Trên thực tế, Ý là điểm đến đầu tư thứ ba của Trung Quốc từ nhiều năm qua, sau Anh và Đức. Vẫn theo ông Godement, nước Ý là một trong những quốc gia Châu Âu lớn mà Trung Quốc xâm nhập vào nhiều nhất, "bởi vì tại đây có rất nhiều người nhập cư Trung Quốc, nhưng cũng bởi vì Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều trong các lĩnh vực chủ chốt của Ý, nhất là trong ngành viễn thông".
Hoa Kỳ ngay lập tức đã công khai bày tỏ quan ngại về vụ việc này khi khẳng định rằng một thỏa thuận như thế có nguy cơ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống liên minh giữa Roma và các đồng minh phương Tây. Về phần mình, nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng chỉ trích tính chất mập mờ của dự án "Con đường tơ lụa mới" và cho rằng một cách hiển nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được chọn để thực hiện các dự án đầu tư thường do Trung Quốc cấp vốn.
Algeria : Bouteflika chấp nhận "buông chèo"
Một số báo Pháp hôm nay dành trang nhất cho tình hình thời sự Algeria. Tổng thống Algeria ngày 11/03 thông báo rút khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống. Một quyết định báo hiệu chấm dứt 20 năm trị vì của người hùng Bouteflika.
Le Figaro chạy tít lớn : "Algeria sang trang Bouteflika". Libération có vẻ phấn khởi : "Algeria : Chiến thắng đầu tiên". Les Echos trên mục Quốc tế thông báo : "Algeria : Abdelaziz Bouteflika lùi bước". Xã luận của Le Figaro nói đến "Khát vọng sống" của người dân Algeria. Trước tầm mức của cuộc biểu tình ôn hòa của người dân trong nhiều tuần qua, những người đứng đầu chế độ cũng đã hiểu ra rằng lời kêu gọi thay đổi mạnh hơn bao giờ hết.
Bởi vì, người dân không chỉ muốn chấm dứt triều đại Bouteflika mà cả một hệ thống đang trị vì. Một "hội nghị quốc dân" sẽ được triệu tập để tiến hành cải cách. Một dự thảo Hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng tỏ ra cảnh giác tự hỏi : "Tràng pháo hoa thông báo dân chủ đó liệu có đủ để hạ nhiệt khủng hoảng hay chưa ? Hay đó chỉ là một sự ảo tưởng chợt lóe lên trên bầu trời thủ đô Alger, để rồi sau đó bị nhấn chìm trong đám sương mù chính trị ? Người ta chỉ có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui khi nào con đường chuyển tiếp dân chủ ôn hòa đã được vạch ra. Do vậy, những người biểu tình vẫn tỏ ra cảnh giác nhằm tránh cho việc các lãnh đạo chính phủ có những thủ đoạn gian lận Hiến pháp".
Tai nạn hàng không Ethiopia : Boeing rơi vào khủng hoảng
Một chủ đề khác cũng được một số báo Pháp đưa lên trang nhất là vụ tai nạn hàng không hãng Ethiopia. Les Echos trên nền ảnh chiếc Boeing 737 MAX 8, đề tựa "Khủng hoảng lớn tại Boeing sau tai nạn ở Ethiopia". Trang nhất phụ trang kinh tế Le Figaro nhận định : "Tai nạn 737 của hãng Ethiopia Airlines : Boeing trong tâm bão".
Theo các báo, đây là vụ nổ máy bay thứ hai loại Boeing 737 MAX 8. Tai nạn xảy ra đã làm giá cổ phiếu của Boeing tụt giảm mạnh và làm dấy lên nhiều nghi ngờ về loại máy bay đường dài này, vốn được bán ra nhiều nhất trên thế giới. Các báo Pháp nhắc lại, tai nạn thứ nhất xảy ra hồi tháng 10/2018, một chiếc máy bay loại này của hãng Lion Air đã nổ tung trên vùng biển Java, Indonesia. Sự cố giống nhau giữa hai vụ tai nạn khiến người ta nghi ngờ hệ thống bình ổn của thiết bị.
Hiện tại trên thế giới có 350 chiếc máy bay loại này đang hoạt động. Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc cũng như nhiều nước khác ngay lập tức đã quyết định tạm ngưng các chuyến bay của Boeing 737 MAX 8 mà không cần đợi ý kiến của FAA - Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ.
Minh Anh
Công nghiệp : Châu Âu tự hại mình
L’Express tuần này (06-12/03/2019) là tạp chí hiếm hoi không dành trang bìa cho tình hình Algeria, để nhấn mạnh đến một kịch bản tai họa cho Châu Âu, với hàng tựa lớn "Công nghiệp : Châu Âu tự hại mình", kèm theo hàng tít nhỏ "Trước hai kẻ khổng lồ Trung Quốc và Mỹ".
Trang bìa tuần báo L'Express, số đầu tháng 3/2019.Copy d'ecran
Ảnh minh họa trang bìa của L’Express rất hình tượng : Một người Châu Âu bé nhỏ, rụt rè, kẹp giữa hai người khổng lồ đầu rồng (tức Trung Quốc) và đầu chim ưng (tức Hoa Kỳ), với ánh mắt sắc bén, vẻ dữ tợn.
L'Express đã có một cái nhìn nghiêm khắc về những gì đang diễn ra tại Châu Âu ngày nay. Tạp chí nhắc lại rằng vào năm 2000 "trong không khí hồ hởi của đồng tiền duy nhất trở thành hiện thực, Châu Âu đã mơ tưởng đến một tương lai huy hoàng. Một mục tiêu chiến lược mới cho thập niên sắp tới đã được đề ra : Trở thành nền kinh tế của tri thức năng động nhất hành tinh…".
Trong gần 20 năm qua, từ các thượng đỉnh này qua thượng đỉnh khác, Châu Âu, luôn mơ tưởng đến việc mình sẽ trở thành một nhà vô địch về công nghệ. Thế nhưng, thực tế lại là một sự giả dối kinh khủng như nhận định bi quan của nghị sĩ Châu Âu Alain Lamassoure : Sau mỗi thượng đỉnh Châu Âu thì ai về nhà nấy và quên ngay tất cả các cam kết.
Ngày nay, sự thức tỉnh quả là phũ phàng : Châu Âu chưa hề tạo ra cho mình phương tiện để thực hiện các mục tiêu đề ra, và ngày nay người ta đang gánh chịu hậu quả. Điểm lại hiện chỉ có 6 tập đoàn Châu Âu – tính cả Thụy Sĩ – nằm trong số 25 tập đoàn lớn nhất thế giới - một con số chỉ bằng một nửa so với năm 2005, khi còn có 13 tập đoàn trong diện này, theo tạp chí Fortune của Mỹ.
Châu Âu kẹt giữa American First và Made in China 2025
Đối với L’Express : "Bị kẹt giữa Nước Mỹ Trên Hết của Donald Trump và kế hoạch Trung Quốc 2025 của Tập Cận Bình, Châu Âu và nền công nghệ của mình ngày nay bị đe dọa tuột hạng, tụt hậu. Tệ hại hơn nữa là có nguy cơ một số lãnh vực chiến lược bị triệt tiêu vào thời buổi chuyển đổi năng lượng : Trong lãnh vực pin mặt trời chẳng hạn, các công ty Châu Âu đã bị tan nát trước các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc".
Nguyên do của tình trạng này là gì ? Trong bài phỏng vấn dành cho L’Express, bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã gióng lên hồi chuông báo động : Thiếu can đảm chính trị ; thiếu sự lãnh đạo và tầm nhìn ; nặng tính ích kỷ quốc gia ; công cụ kém cỏi ; thị trường bị phân mảnh với những tiêu chuẩn và quy định không thống nhất, tôn trọng những quy củ lỗi thời…
Nhà kinh tế Élie Cohen thẩm định : "Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội Internet, trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot, bỏ lỡ tất cả những gì sẽ chi phối nền công nghiệp tương lai".
Trong số 5 công ty sản xuất robot lớn nhất thế giới, thì có đến 3 hãng là của Trung Quốc. Trong ngành thông minh nhân tạo, những khoản tiền mà riêng Facebook đặt trên bàn trong năm 2018 đã lên đến 22,6 tỷ đô la, cao hơn con số 20 tỷ euro tiền của cả nhà nước lẫn tư nhân mà Ủy Ban Châu Âu hy vọng thu được trong giai đoạn 2018-2020.
Ở cấp độ quốc gia, theo đánh giá của Air Liquide, vào lúc Pháp và Đức chi ra 350 triệu euro để hỗ trợ cho lãnh vực hydrogène, thì một mình Trung Quốc đã chi ra 10 tỷ. Ngay trong các lãnh vực vốn là thế mạnh của Châu Âu như hạt nhân, tên lửa phóng vệ tinh hay y tế, lợi thế của Châu Âu ngày càng cùn đi.
Một lời tố cáo được L’Express nêu rõ là thái độ mù quáng của Ủy Ban Châu Âu mới đây, đã cấm không cho hai tập đoàn chế tạo xe lửa Alstom (Pháp) và Siemens (Đức) sáp nhập, qua đó mở rộng đường cho tập đoàn Trung Quốc CRRC.
Algeria : Bước ngoặt lịch sử ?
Tình hình Algeria với hàng loạt cuộc biểu tình từ ngày 22/02 đến nay để phản đối chế độ Bouteflika và đòi hỏi một sự đổi mới trên bình diện chính trị là đề tài được hầu hết các tuần báo Pháp quan tâm, với ba trang bìa của Le Point, L’Obs và Courrier International, kèm theo là cả chục trang hồ sơ đặc biệt, phân tích điều được coi là một "bước ngoặt lịch sử" của cựu thuộc địa Pháp.
Tuần báo Le Point dành trang bìa cho hồ sơ : "Đặc biệt Algeria", chú ý đến "Hậu trường của một bước ngoặt lịch sử". Phóng viên của tờ báo đã lần theo "những cuộc họp hội ý" để dàn xếp với nhau cũng như "cuộc chiến" giữa các phe phái đương quyền, vào thời điểm mà "chế độ Bouteflika đang lung lay".
Nhà văn Kamel Daoud, cộng tác viên thường trực của tạp chí Pháp đã tỏ ý lạc quan, hy vọng về cuộc nổi dậy được ông cho là hết sức ôn hòa này.
Trang bìa Courrier International nổi bật với lá cờ Algeria màu xanh, trắng trên nền đen ngay dưới hàng tựa chẳng khác gì một lời kêu gọi : "Algeria – Hãy nhường chỗ cho giới trẻ". Ở trang trong, tuần báo Pháp trích dẫn báo giới Algeria, cho rằng những cuộc biểu tình rầm rộ chống chế độ Bouteflika trong những ngày qua bộc lộ nỗi khát khao về một sự đổi mới dân chủ.
Tạp chí L’Obs cũng hết sức quan tâm đến tình hình Algeria. Trên trang bìa, trên nền bức ảnh một cô gái trẻ che mặt và người quấn bằng một lá cờ Algeria ở giữa đám đông biểu tình, tuần báo Pháp chạy tựa : "Algeria : Ở tâm điểm của cuộc nổi dậy".
Tờ báo đăng bài phóng sự của đặc phái viên tại Algeria, kể lại cuộc nổi dậy, và trích dẫn ý kiến của nhiều người ủng hộ phong trào đấu tranh chống Bouteflika.
Đáng chú ý là nhận định của Boualem Sansal, một nhà văn, nhà biên khảo, cựu công chức cao cấp người Algeria từng bị chế độ Bouteflika bãi nhiệm. Năm 2015, Boualem Sansal đã được Viện Hàn Lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn cho tác phẩm "2084, năm tận thế". Đối với nhà văn này, "Nếu Bouteflika tái đắc cử, Algeria sẽ bùng nổ".
Sansal giải thích : "Nhiệm kỳ thứ năm này là một hành vi sỉ nhục làm tràn ly. Năm 1999, họ (tức là giới nắm quyền) đã áp đặt cho người Algeria một đầu sỏ thuộc loại tham nhũng nhất thế giới ; vào hai năm 2004 và 2009, đó là một vị tổng thống đã bị quyền lực làm cho điên dại ; vào năm 2014, đó là một người ốm liệt giường với ánh mắt đầy ảo giác. Và năm 2019 này, đó là vật thể vô tri".
Chính vì vậy mà người dân Algeria đã tức giận. Nhà văn phân tích tiếp : "Nền tảng của nỗi tức giận này, là một nỗi sợ hãi vô cùng lớn, đặc biệt ở giới trẻ, lo sợ trước cảnh đất nước chìm vào cảnh cùng khổ, một kịch bản thực tế khi chúng ta biết rằng Algeria chỉ sống bằng tiền bán dầu hỏa, và phải nhập khẩu ngay cả bánh mì để ăn. Trong lúc đó thì dự trữ ngoại hối của đất nước đã bị băng đảng Bouteflika phung phí. Phần còn lại chỉ đảm bảo chi tiêu nhiều nhất là hai năm".
Cuối cùng, ông lo ngại : "Đất nước Algeria giàu có rốt cuộc có nguy cơ bị nạn đói và tình trạng di tản ồ ạt. Phong trào phản kháng hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Vì chính quyền đã giáng xuống đầu người dân biết bao đau khổ, sỉ nhục, bất công…".
Châu Phi một lần nữa trở thành đối tượng tranh giành
Trong khi các tạp chí Pháp chú ý đến Algeria, một quốc gia Bắc Phi, tuần báo Anh The Economist cũng quan tâm đến Châu Phi, nhưng dưới lăng kính địa chính trị, qua hàng tít lớn trên trang bìa : "Cuộc tranh giành mới ở Châu Phi" kèm theo tựa nhỏ "Và người Châu Phi có thể làm thế nào để thắng lợi".
Tuần báo Anh trước hết nhắc lại rằng lần tăng vọt đầu tư nước ngoài vào Châu Phi đầu tiên, được mệnh danh là "scramble - tranh giành", là vào thế kỷ 19, khi với thực dân Châu Âu tiến vào chiếm đất của người Châu Phi. Lần thứ hai là thời Chiến Tranh Lạnh, khi Đông và Tây tranh giành ảnh hưởng trên các quốc gia Châu Phi mới độc lập ; Liên Xô ủng hộ các bạo chúa theo chủ nghĩa Mác, trong khi Mỹ ủng hộ những nhà độc tài tuyên bố đi theo chủ nghĩa tư bản.
Cuộc tranh giành thứ ba hiện đang diễn ra, được ghi nhận là hiền hòa hơn, với việc các nước bên ngoài nhận thức ra rằng lục địa này rất quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng. Một ví dụ là về mặt dân số, đến năm 2025, Liên Hiệp Quốc dự đoán là dân số Châu Phi nói chung sẽ đông hơn dân số Trung Quốc. Chính phủ và doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đang gấp rút tăng cường quan hệ ngoại giao, chiến lược và thương mại với Châu lục, tạo ra những cơ hội rộng lớn.
Theo The Economist, nếu Châu Phi biết xử lý cuộc tranh giành mới này một cách khôn ngoan, người chiến thắng chủ chốt sẽ là chính người dân Châu lục.
Mức độ các nước ngoài vùng quan hệ với Châu Phi hiện lên đến mức chưa từng có. Về quan hệ ngoại giao chẳng hạn, từ năm 2010 đến 2016, hơn 320 đại sứ quán đã được mở tại Châu Phi, một hiện tượng nở rộ đại sứ quán lớn nhất trên thế giới, từ trước đến nay.
Quan hệ quân sự cũng ngày càng sâu sắc. Mỹ và Pháp đang cho Châu Phi mượn nhân lực và công nghệ để đấu tranh chống thánh chiến ở vùng Sahel. Trung Quốc hiện là nhà bán vũ khí lớn nhất cho khu vực hạ Sahara, và có quan hệ công nghệ quốc phòng với 45 quốc gia. Nga đã ký 19 thỏa thuận quân sự với các nước Châu Phi kể từ năm 2014. Các quốc gia Ả Rập giàu dầu mỏ đang xây dựng căn cứ ở vùng Sừng và tuyển mộ lính đánh thuê Châu Phi.
Quan hệ thương mại cũng đang được tăng cường. Vào năm 2006, ba đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Pháp. Năm 2018 thì Trung Quốc đi đầu, theo sau là Ấn Độ, còn Mỹ đứng thứ ba (Pháp bị tụt xuống hạng 7).
Trong cùng thời gian, thương mại của Châu Phi với Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã tăng lên gấp ba lần, và nhiều hơn gấp bốn lần với Nga. Trong khi đó thì thương mại với Liên Hiệp Châu Âu tăng trưởng khiêm tốn với 41%.
Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vẫn đến từ các công ty Mỹ, Anh và Pháp, nhưng các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn, đang đuổi kịp, trong lúc các nhà đầu tư từ Ấn Độ và Singapore cũng rất muốn nhập cuộc.
Báo Hàn Quốc : Thượng đỉnh Hà Nội thất bại vì Trump
Về tình hình Châu Á, Thượng Đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội thất bại tiếp tục được Courrier International chú ý, qua bài viết "Nhìn từ Hàn Quốc, Trump phải chịu trách nhiệm về thất bại của hội nghị thượng đỉnh với Kim".
Trích dẫn trang web Pressian của Hàn Quốc, Courrier International cho rằng khi nâng cao mức đòi hỏi của Mỹ, ông Donald Trump đã đóng băng tiến trình hòa bình với Bắc Triều Tiên, một tiến trình vốn dĩ đang có những bước tích cực. Seoul đã thấy tiêu tan hy vọng tiến dần đến hòa bình trên bán đảo.
Theo trang web Hàn Quốc, mọi sự rốt cuộc đã diễn biến xấu đi, tiến trình hòa bình trên bán đảo, một lần nữa đã va vào một bức tường lớn. Cảm nhận xấu trước hội nghị Hà Nội, do thái độ rất khác biệt nhau của ông Trump và Kim trước thượng đỉnh hai ngày 27 và 28/02, đã trở thành hiện thực.
Tổng thống Trump đã nhắc lại ý tưởng là không có gì phải vội vã ngay trước khi thảo luận với Kim Jong-un. Ông dường như không thật sự muốn đàm phán để đạt kết quả. Lời lẽ của ông không cho thấy một sự tin tưởng thật sự vào kết quả hội nghị.
Thất bại của thượng đỉnh là do phía Mỹ chứ không phải Bắc Triều Tiên. Trước các nhà báo, tổng thống Mỹ đã nêu lên nguyên nhân là đòi hỏi của Bình Nhưỡng, muốn Washington hoàn toàn bãi bỏ trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, chỉ cần tập hợp các yếu tố khác trong phát biểu của ông Trump thì sẽ hiểu đó không phải vấn đề thực thụ. Mỹ đã yêu cầu một cái gì khác nữa chứ không chỉ việc tháo gỡ trung tâm Yongbyon mà Bình Nhưỡng đã hứa, và đó là đòi hỏi Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Việt Nam không chỉ có Vịnh Hạ Long
Kết thúc phần điểm tuần báo hôm nay, không thể không nói đến bài ở trang du lịch tuần báo Le Point, giới thiệu "Vịnh Hạ Long trên cạn" tại Việt Nam.
Đối với Le Point, những ai không thích quang cảnh tấp nập ở Vịnh Hạ Long, hoàn toàn có thể đi du lịch ở Vịnh Lan Hạ, "người em gái" của Vịnh Hạ Long, nằm ở phía đông đảo Cát Bà, một khu vực chưa bị những đạo quân du khách xâm lấn.
Tại khu vực này, người ta cũng có những phong cảnh tương tự, chẳng khác gì thoát ra từ tranh vẽ của danh họa Nhật Bản Hokusai.
Ngoài Vịnh Lan Hạ, du khách cũng có thể đi sâu hơn vào bên trong đất liền, đến thăm đồng ruộng ở Tam Cốc, hay lấy thuyền từ sông Bến Đang đến khám phá vùng được gọi là "Hạ Long trên cạn".
Trọng Nghĩa
Trung Quốc : Quyền lực của Tập Cận Bình bị rạn nứt
Trong khóa họp Quốc hội thường niên cách đây tròn một năm, ông Tập Cận Bình đứng trên đỉnh cao quyền lực. Tại khóa họp năm 2019, "quyền lực của ông bị rạn nứt", theo nhận định của nhật báo Le Figaro. Hai lý do chính là cuộc chiến thương mại dai dẳng Bắc Kinh- Washington và tăng trưởng của Trung Quốc bị chững lại.
Quốc hội Trung Quốc khai mạc phiên họp toàn thể ngày 05/03/2019 tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh. Reuters/Jason Lee
Dù quyền lực của ông Tập không bị đe dọa nhưng ông bị chỉ trích trong nội bộ đảng và trong tầng lớp trí thức. Sự bất bình về chế độ chuyên quyền gia tăng khi ông bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch vào tháng 03/2018. Một số người thì lấy làm tiếc về chính sách đối ngoại hống hách của ông, mà theo họ, đang chịu trách nhiệm về sự xuống cấp trong quan hệ Mỹ-Trung, không chỉ dừng ở vấn đề thương mại. Một số khác thì chỉ trích sự ưu ái dành cho các tập đoàn nhà nước, gây bất lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Theo Le Figaro, những dấu hiệu trên cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng, giữa một bên là bảo thủ và bên kia là cải cách về chính sách kinh tế.
Kỳ họp Quốc hội thường niên diễn ra vào đúng lúc căng thẳng thương mại với Mỹ và các cuộc đàm phán thương mại chưa mang lại những kết quả cụ thể. Chủ tịch Trung Quốc muốn trấn an chính quyền Trump, cũng như phương Tây, với việc bỏ phiếu luật đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, được soạn thảo trong thời gian ngắn kỷ lục và chủ yếu nhắm vào việc bắt buộc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng văn bản trên vẫn quá mù mờ và sẽ không cấm các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu đối tác chuyển giao công nghệ.
Ưu tiên của ông Tập Cận Bình là làm mọi cách để tránh rối loạn xã hội do năm 2019 được cho là khá nhạy cảm với nhiều sự kiện mang tính biểu tượng cao : 50 năm vùng Tây Tạng nổi dậy và Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ trốn sang Ấn Độ (17/03/1959), kỉ niệm 30 năm vụ tàn sát đẫm máu phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn (04/06/1989), 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa…
Ông Tập sẽ có một số nhân nhượng để chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng ông sẽ không bao giờ từ bỏ ảnh hưởng của Nhà nước đối với nền kinh tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, và ông sẽ làm mọi cách để củng cố quyền lực của mình, cũng như quyền lực của đảng.
Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và việc làm
Vậy phải làm như thế nào ? Nhật báo Les Echos cho biết : "Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và việc làm". Phát biểu khai mạc Quốc hội ngày 05/03/2019, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu lên mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 là từ "6% đến 6,5%".
Sau mức 6,6% đạt được vào năm 2018, đây là chỉ tiêu thấp nhất kể từ 30 năm nay, do "cục diện quốc gia cũng như quốc tế đã tác động đến sự phát triển của chúng ta trong một môi trường khắc nghiệt và phức tạp, được đánh dấu bằng hàng loạt nguy cơ và thách thức ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn", theo phát biểu của thủ tướng Trung Quốc trong phiên khai mạc Quốc hội.
Việc làm cũng nằm trong chính sách ưu tiên của chính phủ và "phải được áp dụng trong mọi lĩnh vực". Tuy nhiên, tạo ra 11 triệu việc làm trong năm 2019 không phải là chuyện dễ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị được ấn định ở mức dưới 4,5%, vẫn cao hơn so với mức 3,8% trong năm 2018.
Để duy trì ổn định xã hội, Bắc Kinh cũng thông báo một loạt biện pháp kích thích kinh tế, từ giảm thuế "trên quy mô lớn hơn" đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình đến thúc đẩy các dự án hạ tầng. Ví dụ cụ thể là biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 16% xuống còn 13% có thể sẽ giúp tăng sức mua thêm 80 tỉ euro.
Các doanh nghiệp sẽ được giảm khoảng 263 tỉ euro về các khoản thuế và đóng góp trong năm 2019. Chính phủ khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng nhiều hơn để đem lại "hỗ trợ có mục tiêu và hiệu quả cho nền kinh tế thật".
Tuy nhiên, theo đánh giá với Les Echos của một chuyên gia kinh tế Châu Á, làm việc tại Natixis, những biện pháp trên là "một tin vui cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng sẽ là tin xấu cho Trung Quốc trong trung hạn vì khối nợ sẽ lại tích tụ nhiều hơn". Chuyên gia Pháp cũng khẳng định : "Phục hồi kinh tế mà không thổi phồng khối nợ, là một thách thức phức tạp" cho Trung Quốc.
Mỹ-Bắc Triều Tiên : Ngõ cụt hay ván cờ dang dở ?
Trở lại với thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội, thông tín viên của Le Monde tại Tokyo đặt câu hỏi "Bắc Triều Tiên-Mỹ : ngõ cụt hay chỉ tạm gác lại ?"
Tuy không đạt được kết quả như mong muốn, thượng đỉnh Hà Nội đã cho thấy Kim Jong-un tái khẳng định cam kết sẽ không thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Washington và Seoul cũng tỏ ra hòa hoãn hơn khi thông báo ngừng hai cuộc tập trận thường niên có quy mô lớn, thay vào đó là cuộc tập trận "Đồng minh" có quy mô nhỏ hơn.
Theo tác giả bài viết, một trong những nguyên nhân khiến các cuộc thảo luận bị bế tắc là do cách làm ngoại giao mang tính cá nhân của Donald Trump, quá tự tin vào khả năng thuyết phục của mình, thêm vào đó là những dự đoán kết quả trước khi thượng đỉnh diễn ra. Hai bên đưa ra những giải thích khác nhau về việc thượng đỉnh bị rút ngắn và không ra được thông cáo chung. Tác giả bài phân tích đặt câu hỏi : Do đánh giá sai lầm ? Do mỗi bên cố nhấn thêm một chút ? Nếu đúng như vậy, thì có lẽ, nguồn gốc của ngõ cụt, là do cả Kim Jong-un và Donald Trump phán đoán lầm.
Về phía tổng thống Mỹ, có lẽ ông Trump đã cảm thấy rằng thỏa thuận (deal) mà ông đưa ra sẽ có nguy cơ khiến các đồng minh Mỹ và các đối thủ Dân chủ cũng như Cộng hòa chỉ trích. Cuộc điều trần của cựu luật sư riêng Micheal Cohen, vào đúng lúc diễn ra thượng đỉnh Hà Nội, có thể là yếu tố mang tính quyết định. Tạo cảm giác rằng ông chiều lòng lãnh đạo Bắc Triều Tiên có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa.
Liệu lãnh đạo Kim Jong-un có hiểu được rằng ông Donald Trump không có đủ phạm vi hoạt động cần thiết để tiến lên phía trước ? Có thể điều này giải thích thái độ chừng mực của Bình Nhưỡng sau khi thượng đỉnh không đạt được kết quả. Washington nhấn mạnh đến "mối quan hệ nồng ấm" giữa Donald Trump và Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nhắc đến "sự tôn trọng lẫn nhau" giữa hai nhà lãnh đạo.
Tác giả Philippe Pons cho rằng con đường ngoại giao chưa bị cắt nhưng sẽ chông gai và báo hiệu những cuộc đàm phán lâu dài và khó khăn.
Tổng thống Pháp tìm đường phục hưng Châu Âu
Bức thư ngỏ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi tới toàn bộ công dân Châu Âu là chủ đề được nhiều nhật báo quan tâm. Bức thư ngỏ nhấn mạnh đến vấn đề biên giới và các giá trị chung của Châu Âu.
Theo nhật báo Le Figaro, bức thư là "câu trả lời cho ý nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu trở thành con ngựa thành Troy của quá trình toàn cầu hóa", theo nhận định của Emmanuel Rivière, giám đốc Viện thăm dò Kandar Public. Còn trả lời cho hỏi của La Croix : "Emmanuel Macron có thể thuyết phục được về chủ đề Châu Âu hay không ?", vẫn ông Rivière cho rằng "các chủ đề (của tổng thống Pháp) mang tính tập hợp". Đây cũng là ý kiến của bà Lena Morozova-Friha, đại diện cho tổ chức Europa Nova, khi cho rằng đó là "một văn bản thú vị nhưng rủi ro".
Với Libération, "Macron thử một cuộc thảo luận lớn mang mầu sắc Châu Âu". Bị các đồng nhiệm bỏ rơi trong các dự án cải cách, trong bức thư gửi đến công dân 28 nước Liên Âu, tổng thống Pháp hứa có nhiều dân chủ hơn và an ninh hơn. Tuy nhiên, vẫn theo Libération, "với nhiều đề xuất lấy cảm hứng từ đề xuất của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng chia rẽ cánh hữu để thu hút ủng hộ của các chính trị gia ủng hộ Châu Âu ở Nghị Viện Châu Âu". Kết quả, theo La Croix, "cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin (cánh hữu) ủng hộ dự thảo về Châu Âu của nguyên thủ Pháp và kêu gọi tập hợp bên phía cánh hữu và cánh trung".
Nhật báo Le Monde đánh giá : "Khó khăn tìm kiếm thủ lĩnh Châu Âu". Trước hết, theo tác giả bài phân tích, tổng thống Pháp không thật sự nổi bật trên trường quốc tế so với thủ tướng Đức Angela Merkel, đặc biệt trong quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bà Merkel tại Đức không còn được như trước, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo đảng CDU phải chật vật tìm liên minh để duy trì nội các.
Sau khi bị tác động do phong trào Áo Vàng, dần dần điểm tín nhiệm của ông Macron đã tăng lại và ông tìm cách trở lại chính trường Châu Âu. Nhưng lần này, không phải là những bài diễn văn hào hùng, tổng thống Pháp gửi thư trực tiếp đến công dân Châu Âu, sau khi tham khảo các đồng nhiệm và chính phủ các nước - theo khẳng định của điện Elysée - để nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của tình hình hiện nay.
Trong bối cảnh kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang đến gần, tổng thống Pháp muốn thể hiện là người tập hợp, chứ không phải là người kết tội. Điều này có thể được thể hiện qua trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý khi ông Macron không còn là "nhà đối lập chính" của lãnh đạo cực hữu Ý Matteo Salvini.
Pháp đơn phương đánh thuế GAFA
Dự luật đánh thuế 3% doanh thu tại Pháp tính từ ngày 01/01/2019 của các đại tập đoàn internet được trình trước chính phủ ngày hôm nay, 06/03/2019.
Theo nhận định của Libération trong bài : "GAFA : Pháp chuyển sang đánh thuế", đây là bước đầu tiên trong cuộc chiến chống nạn tối ưu hóa thuế khóa của các đại tập đoàn.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết khoản thuế 3% sẽ được đánh vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, sử dụng dữ liệu cá nhân và việc bán hàng trên mạng. Dự luật này giống rất giống với văn bản "thuế GAFA" được dự trù cho toàn Liên Hiệp Châu Âu, nhưng một vài nước thành viên không ủng hộ.
Theo thẩm định của Le Figaro, Nhà nước sẽ thu về được khoảng 500 triệu euro tiền thuế kể từ năm 2020. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp trấn an rằng biện pháp này mang tính chất tạm thời trong khi chờ tìm ra được một thỏa thuận quốc tế trong nội bộ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE.
Tuy nhiên, Les Echos dẫn lại nhận định của văn phòng luật Taj, thì gần như toàn bộ khoản thuế này sẽ do khách hàng của các tập đoàn trên chi trả và những ông khổng lồ chỉ phải bỏ ra khoảng 5% để trả thuế mà thôi.
Carlos Ghosn được tại ngoại
Đây là thông tin được một số nhật báo Pháp đề cập trên trang nhất. Cựu tổng giám đốc liên minh Renault-Nissan-Mitshubishi được tại ngoại hầu tra sau khi nộp gần 8 triệu euro tiền bảo lãnh. Với Le Figaro, đây là sự kiện gây ngạc nhiên vì cuối cùng tư pháp Nhật Bản chấp nhận đơn xin yêu cầu được tại ngoại lần thứ ba của ông Ghosn. Tuy nhiên, ông phải chịu giám sát mọi lúc, mọi nơi.
Một số chủ đề khác là Pháp phản công đánh thuế các nhà khổng lồ Internet ; Kế hoạch phục hưng Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ; Trợ cấp nuôi con "bị quỵt", một hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và Mùa ăn chay của Thiên Chúa Giáo.
Thu Hằng
Tổng thống Pháp trực tiếp vận động cử tri toàn Châu Âu : Quyết định táo bạo
Chủ đề lá thư hiệu triệu cử tri toàn Châu Âu tích cực tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu và đóng góp mạnh mẽ cho dự án Châu Âu của tổng thống Pháp, công bố hôm 04/03/2019, tiếp tục thu hút nhiều bài vở. Trước hết xin giới thiệu nhận định của nhà báo Sylvie Kauffmann, trong chuyên mục "Địa chính trị" của Le Monde.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong phiên bế mạc hội nghị lần đầu tiên của các cơ quan tình báo Châu Âu (Intelligence College in Europe), Paris, 5/3/2019. Ludovic Marin/Pool via Reuters
Trong bài viết mang tựa đề "Sự năng động của chiến lược xóa đi làm lại từ đầu", nhà báo Le Monde tìm cách lý giải điểm then chốt trong chiến lược "Phục hưng Châu Âu" của tổng thống Macron. Cụ thể là trong chiến lược mới mà ông đưa ra, vị trí của cặp bài trùng Pháp-Đức, vốn được coi là "đầu tàu" của Châu Âu đã không còn được nhắc đến. Thay đổi lập trường của tổng thống Pháp trong quan hệ hợp tác với Đức là điểm "gây ấn tượng nhất".
Giã từ các quan niệm cũ
Theo điện Elysée, sai lầm của chính phủ Pháp là đã tự trói mình trong khuôn khổ ưu tiên hợp tác Pháp-Đức. Thực tế hơn một năm qua cho thấy, các chờ đợi của Paris đã không được đáp ứng. Bài diễn văn cổ vũ cho Châu Âu, kêu gọi Đức tham gia tại Đại học Sorbonne, chính phủ Đức phải 8 tháng sau mới hồi đáp. Hiệp ước Aix-la-Chapelle mới đây nhằm củng cố quan hệ Đức-Pháp gây thất vọng…
Châu Âu vốn vận hành theo phương thức hợp tác với nhiều vòng tròn đồng tâm, với vòng trong cùng bao gồm bộ đôi Pháp-Đức, vòng tiếp theo gồm một số ba, bộ tứ tùy theo từng vấn đề, vòng bộ sáu gồm sáu quốc gia sáng lập và cũng là các nước đông dân nhất, rồi đến khu vực đồng euro với 19 nước, là một trong các vòng rộng và quan trọng nhất… Phương thức hợp tác truyền thống này hiện đang lâm vào bế tắc. Với việc Liên Âu mở rộng, nhiều nhóm nước khác hình thành, như bốn nước Đông và Trung Âu Visegrad, hay nhóm các quốc Ba biển (Biển Đen-Biển Baltic-Biển Adriatic)… Các nhóm này tạo nên các lực ly tâm hơn là hướng tâm.
Theo Le Monde, tổng thống Pháp từ chối đi theo các lối mòn này. Trong lá thư gửi các công dân Châu Âu, Emmanuel Macron không hề nhắc đến trục Pháp-Đức, cũng như khu vực đồng euro. Nếu như ông nói đến khu vực tự do đi lại Schengen, chính là để đề xuất thiết kế lại, hay nói đến Ngân hàng Trung ương Châu Âu là để phục vụ cho mục tiêu sinh thái, cùng với Ngân hàng Khí hậu Châu Âu… Tóm lại, ông muốn xóa bỏ toàn bộ các công thức cũ, để cố gắng khuyến khích các động lực mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hướng đến cả các công dân Châu Âu, bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể như nước Anh, cho dù Brexit, đối với tổng thống Pháp, Luân Đôn vẫn có vai trò rất quan trọng với Châu Âu, Anh Quốc vẫn thuộc về Châu Âu, trước hết các hợp tác về quốc phòng và an ninh. Tổng thống Pháp cũng tìm kiếm các đối tác hợp tác, vốn được coi là "phi truyền thống" như Phần Lan, hay thậm chí mở mạnh sang các nước phía đông.
Vì sao hành động đơn độc ?
Riêng về vấn đề : Tại sao tổng thống Pháp lại chọn cách một mình "trực tiếp" hướng đến các công dân Châu Âu, hơn là cùng với một nhóm các lãnh đạo Châu Âu, cùng chia sẻ quan điểm ? Nhà báo Le Monde đặc biệt chú ý đến việc hầu hết các lãnh đạo Châu Âu từng chung chiến tuyến với Macron nay đều sắp rời khỏi chính trường, từ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cho đến thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Macron - người được ví như "kẻ thoát chết" trở về (sau cuộc khủng hoảng Áo Vàng chưa từng thấy) - nay thấy mình là người duy nhất ở vị thế có thể lên tiếng.
Cũng Le Monde có bài xã luận "Châu Âu : Macron và sở thích mạo hiểm" đánh giá cao hành động táo bạo của tổng thống Pháp. Chưa có bất cứ một chính trị gia Châu Âu nào dám làm điều này. Theo Le Monde, hành động của tổng thống Pháp không hề mang tính chất huênh hoang, như một số chỉ trích. Le Monde thậm chí lên án thái độ "im lặng" hay "cam chịu"của nhiều lãnh đạo Châu Âu, trong bối cảnh Châu lục đang phải đối mặt với nhiều đe dọa lớn, từ phía "các đại cường hung hãn", ngầm chỉ Trung Quốc hay Mỹ, hay các thách thức chung của hành tinh, cũng như các rạn nứt trong nội bộ các xã hội Châu Âu.
"Trắc nghiệm một nền dân chủ mới"
Theo Le Monde, tổng thống Pháp chấp nhận đương đầu cùng một lúc với hai thử thách. Thứ nhất là cuộc Thảo luận toàn quốc - một thực hành dân chủ chưa từng có - đang bước vào hồi kết. Và thứ hai là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu 26/05. Nếu thắng lợi, Macron sẽ có một vai trò đáng kể tại Châu Âu, nếu không ông sẽ phải chấp nhận vị trí bên lề trong suốt gian đoạn còn lại của nhiệm kỳ. Le Monde cho rằng, tổng thống Pháp đã có lý, khi mạo hiểm chọn con đường dấn thân cho một dự án mà ông đã lựa chọn, và tìm cách thuyết phục mọi người, thay vì ẩn náu để chờ thời, trong bối cảnh uy tín xuống thấp.
Nhà bình luận chính trị Alain Duhamel, trong một phát biểu trên Libération, cũng ca ngợi "sự táo bạo và trí tưởng tượng" của tổng thống Pháp, người mà cứ sau mỗi lần thất bại, lại tiếp tục phản công, thử nghiệm, tiến về phía trước, vượt qua các rào cản định kiến vô hình. Trong cuộc Thảo luận toàn quốc đang diễn ra, tổng thống Pháp đã thể hiện "một khát vọng và thái độ kiên định chưa từng có của một chính trị gia trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa". Tóm lại, Emmanuel Macron đang "trắc nghiệm các hình thức của một nền dân chủ mới". Chưa bao giờ một nguyên thủ Châu Âu, trước thềm một cuộc bầu cử Nghị Viện, lại hướng đến toàn thể cử tri của Châu lục với một dự án rõ ràng đến như vậy, theo nhà bình luận Alain Duhamel.
"Hạ cánh" và "cất cánh"
Cũng về vấn đề này, Le Figaro nhìn dưới góc độ cụ thể : Làm thế nào mà tổng thống Pháp và đảng cầm quyền phối hợp được việc kết thúc cuộc Thảo luận toàn quốc với việc khởi sự chiến dịch tranh cử Châu Âu : Hay nói một cách khác, một cuộc hạ cánh và một cuộc cất cánh. Những tuần sắp tới sẽ "rất cam go" với chính phủ. Hôm thứ Ba 05/03, thủ tướng Pháp cảnh báo đảng cầm quyền thận trọng trước kịch bản, nếu kết thúc Thảo luận toàn quốc gây thất vọng, thì điều này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tranh cử Châu Âu. Theo lãnh đạo đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, thì giữa hai chiến dịch này, thì điểm chung quan trọng nhất là cần phải đặt các công dân vào tâm điểm, để họ nắm lại vận mạng của mình. Cũng có thể là việc "hạ cánh" sẽ diễn ra cùng lúc với "cất cánh", khép lại Thảo luận cùng với khởi động tranh cử Châu Âu.
Châu Âu nguy ngập
"Châu Âu trong tình trạng báo động" là tựa đề một phân tích trên Les Echos cũng về chủ đề này. Mượn lá thư hiệu triệu của tổng thống Pháp gửi đến công dân Châu Âu, Les Echos nhấn mạnh đến tình trạng được coi nguy ngập hiện nay.
Chỉ trong vòng ba tháng, tổ chức OCDE đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro xuống còn một nửa (hơn 1%). Chỉ trong vòng ba tuần nữa, Anh Quốc có thể rời Liên Âu không thỏa thuận, với các hậu quả dự báo là rất lớn. Các thế lực dân túy "đang xoáy dùi vào các vết thương" của Châu Âu sẽ có thể dành thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử tới. Các vũ khí tiền tệ của Châu Âu cho đến nay gần như đã được dùng hết : tỉ giá lãi suất đã được giảm xuống mức zero.
Hiện nay chỉ còn hy vọng đặt vào các vũ khí kinh tế và chính trị : cụ thể là tái khởi động sáng kiến phối hợp ngân sách giữa các nước ít nợ nần nhất, tiếp tục các cải cách về cấu trúc, thiết lập lại các quy tắc cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp Châu Âu vượt lên để đối đầu với các tập đoàn Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Quốc tế : Vị thế của Trung Quốc ngày càng bị thách thức
Chủ đề chính của Le Monde hôm nay là Trung Quốc, với tựa đề trang nhất tham vọng của chính quyền Trung Quốc đang bị chựng lại. Bài "Trung Quốc của Tập Cận Bình lún sâu trong hoài nghi" chú ý đến thái độ ngày càng mất tự tin của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Các chỉ trích của phương Tây đang ngày càng khiến các ông chủ Bắc Kinh mất ăn mất ngủ. Từ dự án "Nhất Đới Nhất Lộ", hay Con đường tơ lụa mới, đến các tấn công nhắm vào tập đoàn viễn thông Hoa Vi, cuộc chiến thuế của Hoa Kỳ, hay các chiến dịch tuần tra tại Biển Đông của Hải quân phương Tây. Vị thế của Trung Quốc bị thách thức chưa từng có.
Thủ tướng Trung Quốc nói đến tình hình đối ngoại và đối nội đang phức tạp và khó khăn hiếm có, chủ tịch Trung Quốc nay đã bắt đầu phải dùng đến những lời lẽ tuyên truyền thô bạo thời Cách Mạng Văn Hóa, để hy vọng huy động giới trẻ nỗ lực hơn vì chế độ.
Sợ phản đối nội bộ, Tập Cận Bình tung tài liệu gây áp lực
Cũng trong hồ sơ Trung Quốc, Le Monde có bài phỏng vấn nhà phân tích Chen Daoyin, với tựa đề "Tập Cận Bình bị phản đối ngay trong nội bộ Đảng".
Nỗ lực kiểm soát toàn bộ của lãnh đạo họ Tập không ngăn được sự trỗi dậy của các căng thẳng mới. Nhà phân tích Chen Daoyin đặc biệt chú ý đến việc Đảng cộng sản không tổ chức họp hội nghị trung ương từ một năm nay, một điều được coi là bất thường, nhưng cuối tháng Giêng vừa qua, Trung ương Đảng cộng sản đã soạn thảo một tài liệu nhằm siết chặt việc xây dựng Đảng.
Tài liệu này được công bố ngay trước dịp Quốc hội Trung Quốc khai mạc cuộc họp thường niên đầu tháng 3/2019, có mục tiêu gia tăng áp lực khiến các đảng viên không dám đưa ra các phát biểu khác với đường lối chính thức. Theo nhà phân tích Chen, nếu ông Tập Cận Bình không sợ bị phản đối, thì ắt hẳn đã không cần công bố một tài liệu nội bộ của đảng như vậy, vì quyền lực tối cao của Tập Cận Bình đã được ghi vào Hiến pháp trong kỳ Quốc hội năm ngoái.
Đầu tư Trung Quốc vào Châu Âu sụt 40% năm 2018
Về quan hệ Châu Âu - Trung Quốc, Le Monde có bài nhận định về "Đầu tư Trung Quốc tại Châu Âu sụt giảm 40% trong năm 2018". Nghiên cứu của Văn phòng Medium và Viện Mercator công bố hôm 4/3. Không khí ngờ vực Trung Quốc gia tăng tại Châu Âu. Trong khi đó, báo Les Echos có bài "Trung Quốc sử dụng con đường tơ lụa để làm suy yếu Châu Âu", nhân việc Ý có ý định tham gia hợp tác với Bắc Kinh trong dự án này, phá vỡ thế đoàn kết của Châu lục.
Cựu tù nhân Carlos Ghosn : Hai đóng góp cho nước Nhật
Cựu lãnh đạo liên minh xe hơi hàng đầu thế giới Carlos Ghosn, sau khi ra khỏi nhà tù ở Nhật, chuẩn bị cuộc phản công pháp lý là đề tài được hầu hết các báo đăng tải. Đây cũng là tựa trang nhất của Le Figaro và Les Echos.
Theo Le Figaro, bản thân việc cựu lãnh đạo Nissan - Renault được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại đã là một chiến thắng. Ông Ghosn được thả sau 108 ngày bị giam, 108 ngày so với thời gian 85 ngày giam giữ trung bình đối với những người được tòa án Nhật cho phép tại ngoại. Nhưng điều đáng nói là chỉ có 9% người bị truy tố là được hưởng quyền tại ngoại hầu tra như Carlos Ghosn, trước khi toà chính thức xét xử.
Đối với giới công tố Nhật, đây là một thất bại đau đớn. Theo Le Figaro, chưa biết vụ án này sẽ đi đến đâu, nhưng Carlos Ghosn có thể đi vào lịch sử nước Nhật, với hai thành tích. Một là cứu được tập đoàn xe hơi Nhật Nissan khỏi phá sản và hai là làm thay đổi hệ thống tư pháp nước này.
Trong hai bài trả lời phỏng vấn 15 phút sau khi ra tù, cựu lãnh đạo liên doanh xe hơi Pháp-Nhật cho biết ông sẽ kiên quyết chống lại các cáo buộc về tội tham nhũng, lạm quyền, mà ông khẳng định hoàn toàn không có cơ sở.
Một số chủ đề trang nhất
Tham vọng của chính quyền Trung Quốc đang bị chựng lại là tựa lớn quốc tế trang nhất Le Monde. Báo động dự báo tăng trưởng Châu Âu chỉ còn 1% trong năm 2019 là chủ đề chính của Les Echos.
Cựu lãnh đạo liên minh xe hơi hàng đầu thế giới Carlos Ghosn, sau khi ra khỏi nhà tù ở Nhật, chuẩn bị cuộc phản công pháp lý là đề tài được hầu hết các báo đăng tải.
Về thời sự trong nước có một số chủ đề trọng tâm như : nhà tù Pháp đối mặt với sự trở về của các cựu binh thánh chiến Trung Đông (Le Figaro), Công Giáo Pháp tìm hơi thở mới (La Croix), chính trị gia cực tả François Ruffin đảng Nước Pháp Bất Khuất gây xáo động chính trường với cuốn sách mới chống tổng thống Macron và một phim tài liệu về phong trào Áo Vàng (Libération).
Trọng Thành
Chiến lược kinh tế của Tập Cận Bình bị chỉ trích
Nhân dịp khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm 05/03/2019, tờ Les Echos đề cập đến chiến lược kinh tế của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện đang bị chỉ trích từ trong nội bộ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 03/03/2019 Reuters/Jason Lee
Theo Les Echos, tình hình nay đã thay đổi hẳn so với cách đây một năm khi các đại biểu Quốc hội đồng thanh nhất trí thông qua việc bãi bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch và ghi vào Hiến Pháp "tư tưởng Tập Cận Bình", dưới cái nhìn mãn nguyện của lãnh đạo chế độ Bắc Kinh. Nhưng từ đó đến nay, kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi và thái độ cương quyết của Donald Trump trong cuộc chiến thương mại đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh bị bất ngờ.
Coi như sẽ làm chủ tịch suốt đời và hiện nắm trong tay nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, thế nhưng, theo nhà Trung Hoa học Willy Lam ở Hồng Kông, Tập Cận Bình nay đang bị các đảng viên chỉ trích về cung cách quản lý kinh tế của ông.
Còn theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học ở Hồng Kông, trong các cuộc họp kín, các đại biểu sẽ nêu lên tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở địa phương của họ, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề về việc làm mà họ đang phải giải quyết. Nhưng không chắc là các giải pháp của chính phủ sẽ trấn an họ. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp ngân sách và tiền tệ để hỗ trợ hoạt động kinh tế, nhưng sẽ không hoàn toàn từ bỏ mục tiêu giảm các nguy cơ tài chính do nợ công tăng cao.
Một dấu hiệu cho thấy đang có căng thẳng trong nội bộ, đó là Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã không nhóm họp từ một năm nay. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan giải mã : "Không có họp trung ương đảng có nghĩa là Tập Cận Bình sợ gặp chống đối, cho nên chỉ họp những cơ quan mà ông kiểm soát dễ hơn. Đảng đang bị chia rẽ trên một số vấn đề : cải tổ kinh tế, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, không gian đang bị thu hẹp của khu vực tư nhân, thái độ đối với tổng thống Trump".
Theo Les Echos, ông Tập Cận Bình gần đây đã có giọng điệu bớt cứng rắn hơn, cố trấn an các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và chuẩn bị một luật mới về đầu tư ngoại quốc để đáp ứng yêu cầu của tổng thống Trump. Nhưng không thật sự thuyết phục những đối tượng đó.
Thái Lan : Chiến dịch tranh cử không ảo tưởng
Về thời sự Châu Á, tờ Le Monde chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội tại Thái Lan cho ngày 24/03 tới, với hàng tựa "Tại Thái Lan, chiến dịch tranh cử không ảo tưởng". Cử tri Thái Lan không tin rằng chính quyền quân sự sẽ trả lại nền dân chủ cho họ trong cuộc bầu cử đó.
Theo Le Monde, nếu như đa số người dân Thái Lan có học thức đang rất mong được hưởng trở lại các quyền tự do đã bị chiếm đoạt từ sau cuộc đảo chính ngày 22/05/2014, suy nghĩ chung của họ là không mấy tin tưởng vào tầm mức thật sự của cuộc bỏ phiếu, cũng như vào quyền hạn của chính phủ tương lai.
Boonyeung Kongphetsak, một nhà hoạt động môi trường được Le Monde trích dẫn, nhận định : "Bản Hiến Pháp mới (được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý 2016) là bản Hiến pháp thiếu dân chủ nhất được ban hành từ đó cho đến nay". Nhà hoạt động này cũng lưu ý rằng 250 nghị sĩ Thượng Viện đã do chính quyền chỉ định. Rõ ràng là tập đoàn quân phiệt vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử.
Về phần thủ tướng mãn nhiệm, tướng Prayuth Chan ocha, ông đã không ngần ngại hứa hẹn đủ điều để bảo đảm khả năng tái đắc cử : chi ra 63 tỷ baht (1,7 tỷ euro) cho những người nghèo nhất và người già. Tương lai sẽ trả lời xem kẻ cầm đầu cuộc đảo chính này có sẽ tiếp tục nắm quyền với tư cách một thủ tướng dân cử hay không.
Theo Le Monde, dân Thái Lan đã quá quen với những thời kỳ gọi là tái lập dân chủ, những thời kỳ ai cũng thất vọng. Hai kinh nghiệm gần đây nhất đều đã kết thúc bằng hai cuộc đảo chính, trong đó có cuộc đảo chính năm 2014. Phe của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị quân đội lật đổ năm 2006, đã trả giá bằng máu, sau khi rầm rộ biểu tình ở Bangkok : Cuộc đàn áp của quân đội đã khiến hơn 100 người chết vào năm 2010.
Dân Algeria hải ngoại cũng chống Bouteflika
Le Monde hôm nay cũng đặc biệt quan tâm đến phong trào biểu tình phản đối tại Algeria, sau khi tổng thống già yếu Bouteflika vừa chính thức nộp đơn tranh cử cho nhiệm kỳ 5 trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/04 tới.
Mặc dù trong một bức thư gởi đến người dân Algeria, ông Bouteflika, năm nay đã 82 tuổi và đã cầm quyền suốt từ năm 1999, hứa là sau đó sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn, phong trào biểu tình phản đối ông tái tranh cử tiếp diễn, không chỉ trong nước, mà còn lan rộng ra cộng đồng người Algeria ở hải ngoại, đặc biệt là ở Pháp.
Theo Le Monde, trong tuần thứ hai liên tiếp, cộng đồng người Algeria tại Pháp đã biểu tình để phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của Bouteflika. Vài giờ trước khi ông chính thức nộp đơn tranh cử, tại Pháp nhiều người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đã giận dữ hô to : "Bouteflika, cút đi, cút đi", hoặc "Đủ rồi ! Chúng tôi muốn một tổng thống mới", những câu mà họ chưa bao giờ dám nói công khai như thế. Ban đầu, dân Algeria hải ngoại chỉ bày tỏ chính kiến trên các mạng xã hội, trước khi xuống đường. Tại Paris cũng như tại Marseille, giới trẻ đều xông lên tuyến đầu, bởi vì họ thấy rằng ở Algeria hiện nay, thanh niên chỉ tìm đường ra nước ngoài, hoặc là đi học lấy được bằng, hoặc là vượt biên bằng đường biển.
Cũng theo Le Monde, nhiều người Algeria biểu tình lo ngại cho tương lai của phong trào phản kháng ôn hòa này. Tờ báo trích lời một bác sĩ mang hai quốc tịch Algeria-Thụy Sĩ nhắc lại rằng Algeria vẫn là một quốc gia quân sự. Hiện giờ, họ để yên cho biểu tình, chính quyền khẳng định là họ lắng nghe người dân, nhưng mối nguy đảo chính thật sự vẫn có. Một nữ bác sĩ Pháp-Algeria thì giận dữ bày tỏ : "Tôi đã chán ngấy cái chính quyền thối nát này, họ chỉ muốn tiếp tục ăn, trong khi giới trẻ rất giỏi, nhưng không kiếm được việc làm, vì không phải là thành phần con ông cháu cha".
"Charles-de-Gaulle" lên đường đi Singapore
Sau hơn hai năm "án binh bất động" để được tu sửa, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle của Pháp hôm nay sẽ bắt đầu chuyến hải hành đến Singapore, một sự kiện thu hút sự quan tâm của tờ Le Figaro hôm nay.
Tờ báo nhắc lại là từ tháng 01/2017, chiếc tàu nặng 42 ngàn tấn đã được đưa lên cạn để được đại tu ở Toulon trong suốt 15 tháng, sau đó được cho chạy thử nhiều tháng trên biển. Sáng nay, cụm tàu sân bay, gồm chiếc Charles-de-Gaule và các tàu hộ tống, đã khởi hành để đi đến Singapore.
Việc triển khai hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle đến vùng Đông Á lần đầu tiên từ năm 2002 là nằm trong khuôn khổ chiến lược của tổng thống Macron về "trục Ấn Độ-Thái Bình Dương". Trong chuyến hải hành sẽ kéo dài đến tháng 7, tàu sân bay của Pháp sẽ tập trận chung với hải quân của các đối tác như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Nhật. Khi tiến gần đến các vùng biển tranh chấp ở Châu Á, chỉ với sự hiện diện của mình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle chuyển tải thông điệp của nước Pháp đến khu vực, đó là thông điệp về tự do hàng hải.
Nữ tu bị lạm dụng tình dục
"Các nữ tu bị lạm dụng, một tai tiếng khác của Giáo hội", đó là tựa đề một bộ phim tài liệu được chiếu trên kênh truyền hình Pháp-Đức Arte tối nay, nói về những vụ xâm hại tình dục các nữ tu, mà thủ phạm thường là các linh mục. Đây vẫn còn là một trong những chủ đề cấm kỵ của Giáo hội Công giáo. Tờ Libération giới thiệu bộ phim này.
Điều tra của hai nhà báo Marie-Pierre Raimbault và Eric Quintin phơi bày ra ánh sáng thảm kịch vẫn bị che giấu này, như trường hợp của Michèle-France. Trong suốt 25 năm, vị nữ tu này đã là món đồ chơi tình dục của hai nhân vật rất có thế lực trong Giáo hội và rất được nễ trọng trong giới Công giáo bảo thủ : hai anh em Marie-Dominique và Thomas Philippe (đã qua đời vào năm 2006 và 1993). Michèle-France thổ lộ : "Tôi giống như một con chim nhỏ bị rắn độc hớp hồn, tuy vẫn có thể bay thoát đi, nhưng lại không thể bay được". Chỉ đến năm 2007, những vụ lạm dụng tình dục này mới được tiết lộ và theo bộ phim thì rất có thể là Thomas Philippe đã lạm dụng tình dục hàng chục phụ nữ khác.
Một nạn nhân khác là Grace, nữ tu người Congo sống tại Roma, bị một linh mục đồng hương cưỡng hiếp đến mang thai, bị đuổi khỏi dòng tu, buộc phải đến lánh nạn ở Pesaro (Ý) và khi sinh con buộc phải bỏ con. Trong suốt 2 năm, luật sư của Grace đã làm đủ mọi cách để đòi cho cô được quyền nhận lại đứa con gái của mình.
Điều đáng nói, theo Libération, những nữ tu bị lạm dụng đó đã không hề được ai bảo vệ. Như trường hợp của Doris, một nữ tu người Đức, nay đã rời khỏi dòng tu. Doris khẳng định thủ phạm lạm dụng tình dục cô nay vẫn còn tại chức và trong công việc thường tiếp xúc với các cô gái trẻ, trong khi ai cũng biết rõ về hành vi của ông ta. Để mua sự im lặng của vị nữ tu này, dòng tu đã trả cho cô… 3000 euro !
Trong suốt thời gian dài, các nữ tu bị lạm dụng cả về thể xác lẫn tinh thần đã bị buộc phải im tiếng, như giải thích của nữ tu Célia, một nạn nhân khác của Thomas Philippe : "Khi chúng tôi tố cáo một linh mục thì chẳng khác gì chúng tôi lên án Giáo hội".
Trang nhất các báo
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron lên tuyến đầu. Đó là tựa trên trang nhất của tờ Le Monde nói về việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 05/03/2019, cho đăng trên báo chí của toàn bộ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu một bài viết "gởi đến các công dân Châu Âu". Ông Macron xem bài viết này là một lời "kêu gọi khẩn cấp", khi phát động chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 26/05. Tổng thống Pháp hy vọng một thắng lợi trong cuộc bầu cử này sẽ tạo sức bật mới cho nhiệm kỳ của ông, mà từ cuối năm ngoái đã bị khủng hoảng Áo Vàng làm ngưng trệ.
Le Figaro cũng dành trang nhất cho bài viết của tổng thống Macron trên báo chí Châu Âu hôm nay. Làm như thể ông đóng vai trò đầu đàn trong cuộc bầu cử ngày 26/05, tổng thống Pháp kêu gọi một sự "phục hưng Châu Âu". Theo Le Figaro, việc đăng bài viết này là một hành động chưa từng có và chắc chắn sẽ gây nhiều phản ứng ở Pháp và Châu Âu. Tờ báo này cho rằng bài viết của tổng thống Macron trông giống như là một chương trình tranh cử, pha lẫn nhãn quan dài hạn, khẩu hiệu, với một loạt đề nghị.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì tập trung nói về tình hình xã hội ở Pháp, với thông tin trên trang nhất : "Tuổi về hưu trung bình tiến gần đến 63 tuổi". Tờ báo cho biết là trong khu vực tư nhân tại Pháp, trong năm 2018, tuổi về hưu trung bình đã lên tới 62 tuổi 8 tháng và riêng phụ nữ là 63 tuổi, do họ phải kéo dài thời gian làm việc để bù lại tình trạng làm việc không liên tục.
Nhật báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi trên trang nhất "Ai là người giàu ?". Câu hỏi này không phải là dễ trả lời, bởi vì rất khó mà xác định được ranh giới giữa phần trên của tầng lớp trung bình với ngưỡng giàu có.
Về phần Libération, tờ báo này dành tựa trang nhất cho "La Flor", bộ phim dài… 14 tiếng đồng hồ của đạo diễn Argentina Mariano Llinas, được quay trong suốt 10 năm. Vì phim quá dài nên phải được cắt thành 4 phần và với phần đầu tiên sẽ được trình chiếu ngày mai tại Pháp, ba phần còn lại sẽ được chiếu 3 tuần liên tiếp sau đó.
Thanh Phương
Algeria : Phong trào chống tổng thống tham quyền cố vị bùng lên
Tình hình Algeria với những cuộc biểu tình bùng lên mạnh mẽ ngay tại quốc gia Bắc Phi này và… tại Pháp để phản đối đương kim tổng thống Abdelaziz Bouteflika tham quyền cố vị, là chủ đề được hầu hết báo Pháp ra hôm nay 04/03/2019 quan tâm.
Đông đảo cộng đồng người Algeria tập hợp phản đối TT Bouteflika tranh cử nhiệm kỳ 5 tại quảng trường Republique ở Paris ngày 03/03/2019. RFI/Laura Martel
Le Monde trên trang nhất cho rằng chế độ Bouteflika đang chịu áp lực nặng nề. Còn Le Figaro thì nhấn mạnh đến sự đề cao cảnh giác của nước Pháp.
Với hàng tít lớn "Chính quyền Algeria dưới sức ép sau những cuộc biểu tình phản đối", báo Le Monde đã nêu lên những nét chính trong cuộc khủng hoảng đang manh nha tại Algeria, với những cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng thấy đã nổ ra khắp nơi hôm 01/03 vừa qua. Những người xuống đường phản đối đương kim tổng thống Bouteflika tái ứng cử tổng thống, bày tỏ thái độ chán ngán chế độ cũng như ước vọng thay đổi.
Theo nhật báo Pháp, khởi sự từ ngày 22/02, đây là phong trào phản kháng quan trọng nhất tại Algeria trong hai chục năm gần đây, với hàng chục ngàn người dân xuống đường để phản đối việc tổng thống nước này ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ 5 nhân cuộc bầu cử dự trù vào ngày 18/04.
Vấn đề khiến nhiều người dân Algeria phẫn nộ là sự kiện dù tổng thống đương nhiệm của nước này đã lớn tuổi, và bệnh tật, nhưng các thế lực khác nhau đang nắm quyền tại Algeria có vẻ bất lực trong việc nhất trí đề cử một người thay thế. Phe đối lập, bị chia rẽ nặng nề, cũng không đưa ra được người nào khả dĩ lên thay thế.
Tình hình sục sôi tại Algeria đã được các đặc phái viên tờ báo ghi nhận qua phóng sự ở trang trong về hai cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Alger và ở Oran, thành phố lớn thứ hai của Algeria.
Mẫu số chung của hai cuộc xuống đường nói trên là quy mô to lớn của phong trào phản đối. Dưới hàng tựa : "Tại Alger, một đám đông khổng lồ quyết tâm biểu tình ôn hòa", Le Monde khẳng định rằng hôm mồng 1 tháng 3 vừa qua, "hàng trăm ngàn người đã tuần hành tại thủ đô Algeria chống lại nhiệm kỳ thứ 5 của Abdelaziz Bouteflika". Tại Oran, quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng có "hàng ngàn người Algeria xuống đường chống tổng thống Bouteflika", người đã lên lãnh đạo quốc gia này từ năm 1999.
Ngoài Bouteflika, chính quyền không có kế hoạch B
Trong bài phân tích mang tựa đề "Một chính quyền thiếu phương án thay thế, một phong trào đối lập yếu ớt", Le Monde giải thích nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Algeria.
Đối với nhật báo, tình trạng bế tắc chính trị ở Algeria không có gì mới. Sở dĩ chế độ hiện hành tại quốc gia Bắc Phi này vẫn bám víu vào một nhiệm kỳ thứ năm cho tổng thống Bouteflika, mặc dù ông đã 82 tuổi và đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đó là vì các thế lực khác nhau đang cầm quyền, cho đến nay, vẫn không đồng ý được trên danh tánh một người có thể lên thay đương kim tổng thống.
Ngày 26 tháng 2 vừa qua, khi các sinh viên và giới đại học tham gia phong trào biểu tình, cựu thủ tướng Abdelmalek Sellal, nguyên giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Bouteflika vẫn khẳng định rằng sẽ không thể có việc tổng thống rút khỏi cuộc đua vì "không ai có quyền tước bỏ quyền của ông Bouteflika được Hiến Pháp công nhận là trở thành ứng cử viên".
Theo Le Monde, bất chấp phong trào phản đối rộng khắp của người dân, giới cầm quyền tại Algeria không hề công khai nói đến khả năng ông Bouteflika không ra ứng cử. Lý do rất đơn giản : hầu như toàn bộ các tác nhân quan trọng của chế độ, từ các lãnh đạo Diễn đàn giới Lãnh đạo Doanh nghiệp, công đoàn UGTA, cho đến một loạt các đảng phái chính trị trong đó có hai đảng thuộc liên minh cầm quyền là Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) và Tập hợp Dân chủ Quốc gia (RND), đều đồng hội đồng thuyền trên "con tàu Bouteflika".
Các thành phần này đã hưởng nhiều quyền lợi trong suốt 20 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Bouteflika vừa qua, do đó họ sẵn sàng làm mọi việc để duy trì nguyên trạng. Hậu thuẫn mạnh nhất cho cánh Bouteflika chính là tham mưu trưởng Quân Đội, tướng Gaïd Salah. Mới đây, nhân vật này đã không ngần ngại gọi những ai chống nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống đương nhiệm là những kẻ "vô ơn", không biết đến những "thành quả" của triều đại Bouteflika.
Vấn đề đối với đa số cầm quyền tại Algeria hiện nay, theo nhận định của Le Monde, là họ không tìm được ai có khả năng lên thay thế ông Bouteflika. Lý do là vì trong thời gian làm tổng thống, ông Bouteflika đã dẹp bỏ mọi gương mặt có khả năng làm ông bị lu mờ.
Đối với chế độ Bouteflika, hiên nay, chính các phong trào biểu tình mới là mối đe dọa và khiến họ lo ngại, chứ không phải là phong trào đối lập chính trị. Các thành phần này, đi từ cực tả sang Hồi giáo, đã hết sức bất ngờ trước sự bùng lên của phong trào phản kháng.
Tờ báo cho rằng, bị chế độ Bouteflika bóp nghẹt trong 2 thập niên qua, các đảng đối lập Algeria dĩ nhiên rất vui mừng trước quy mô to lớn của những cuộc biểu tình chống ông Bouteflika. Thế nhưng còn lâu họ mới nhất trí được với nhau về một phương thức hành động chung.
Algéri biến động, Pháp lo nhưng tránh can thiệp lộ liễu
Le Figaro cũng dành tít lớn trang nhất cho Algeria, nhưng chú ý đến sự kiện "Pháp cảnh giác trước tình hình chính trị bấp bênh tại Algéria".
Theo ghi nhận của tờ báo cánh hữu, bất chấp phong trào phản kháng càng lúc càng mạnh, tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika vẫn loan báo quyết định ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ năm, nhưng hứa hẹn là sẽ không tại vị cho đến cuối nhiệm kỳ đó.
Sau những ngày cuối tuần sôi động, với những cuộc biểu tình chống chế độ Bouteflika tại Algeria cũng như tại một số thành phố lớn ở Pháp như Paris hay Marseille, chính quyền Pháp đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở nước này, nhưng cố tránh không can thiệp, vì sợ bị buộc tội can thiệp vào một thuộc địa cũ.
Một bằng chứng hiển nhiên cho thấy thái độ quan ngại của Paris trước khả năng tình hình Algeria xấu đi là việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần trước, trong một động thái hiếm hoi đã gặp đại sứ Pháp tại Algeria để tìm hiểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Theo tờ báo Pháp, Paris lo ngại cũng đúng, vì lịch sử Pháp và Algeria gắn chặt với nhau. Mặt khác, cộng đồng người Algeria tại Pháp rất đông đảo, và ngược lại, có rất đông người quốc tịch Pháp sống ở nước Bắc Phi này.
1/10 loại thuốc bán ra trên thế giới là thuốc giả
Vào lúc thời sự Algeria nóng bỏng, Libération dành trang nhất cho một hồ sơ nhức nhối về mặt y tế : Đó là tệ nạn buôn bán thuốc giả đang hoành hành trên thế giới mà nạn nhân trước tiên là cư dân các quốc gia nghèo nhất.
Theo tờ báo, tệ nạn buôn bán thuốc giả lại bùng lên đã gây ra những hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Trước tệ nạn này, Liên Hiệp Châu Âu vừa tăng cường các biện pháp đối phó.
Libération trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết là có đến 1/10 loại thuốc bán ra trên thế giới là thuốc giả. Ở một số quốc gia, con số này thậm chí có thể vọt lên mức 70%, nhất là ở châu Phi, khu vực có đến 100.000 người chết mỗi năm do sử dụng thuốc giả.
Theo ông Bernard Leroy, giám đốc Viện Nghiên cứu biện pháp chống thuốc giả (Iracm), trên thế giới hiện nay, trị giá thuốc thật được sản xuất hợp pháp lên tới 1.000 tỷ đô la, trong lúc các loại thuốc giả được ước tính trị giá từ 70 đến 200 tỷ đô la.
Phần lớn thuốc giả được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia cũng sản xuất ra các nguyên liệu thô và hoạt chất của nhiều loại thuốc bán trên thị trường ở các nước phương Tây.
Nạn trốn thuế ở Pháp có quy mô từ 2 tỷ đến 100 tỷ
Trung thành với tôn chỉ của mình, nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất cho vấn đề tài chánh : Quy mô tệ nạn trốn thuế tại Pháp.
Trong bài viết mang tựa đề "Chênh lệch lớn trong việc ước tính quy mô của việc trốn thuế". Les Echos ghi nhận là chủ đề này đã được nhắc đi nhắc lại trong cuộc tranh luận lớn đang diễn ra, vì việc chống lại tệ nạn này là một trong những đòi hỏi cấp thiết của những người Áo Vàng.
Tuy nhiên, theo nhật báo, các đánh giá tiếp tục khác xa nhau về quy mô của tệ nạn trốn thuế. Cho đến nay, ước tính phổ biến nhất đến từ công đoàn Liên đới Tài chánh công (Solidaires Finances Publiques), theo đó số tiền thuế bị gian lận khoảng từ 80 đến 100 tỷ euros.
Trong bản báo cáo về tình trạng này, dân biểu Benedicte Peyrol thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước tại Pháp cũng nhắc đến mức trần cao trên đây, nhưng lại cho rằng mức thấp của lượng thuế bị trốn chỉ là 2 tỷ mà thôi.
Trọng Nghĩa
Thượng đỉnh Hà Nội đổ vỡ : Giới quan sát bác bỏ cách giải thích của Tổng thống Mỹ
Đổ vỡ bất ngờ của thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội ngày 28/02/2019 tiếp tục được báo chí hôm 01/03 tìm cách lý giải. Việc quy thất bại cho đòi hỏi "dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận" của tổng thống Mỹ bị phê phán. Đa số các nhà phân tích dự đoán thượng đỉnh lẽ ra đã có thể đạt được một thỏa hiệp "tối thiểu". Dân chúng Algeria sôi sục xuống đường chống việc tổng thống Bouteflika, hơn 80 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 là chủ đề lớn khác của báo Pháp.
Nhiều người dân Hà Nội tin tưởng vào thành công của thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. Trong ảnh, một người mang bức tranh sơn dầu vẽ Donald Trump (P) và Kim Jong-un, Hà Nội, 27/02/2019. Reuters/Jorge Silva
Le Monde chạy tựa trang nhất "Donald Trump : Thất bại kép", với nhận định : Tổng thống Mỹ vừa phải hứng chịu sự đổ vỡ của thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, lại vừa bị cựu luật sư trong nước tố cáo là "phân biệt chủng tộc", "gian lận" và "lừa đảo".
Báo kinh tế Les Echos khẳng định : "Trump và Kim : Đà đi tới đã bị bẻ gẫy", hai bên đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm của thất bại. Để giải thích cho kết cục bất ngờ của một thượng đỉnh, mà chính ông Trump dự báo là "có tính quyết định" và "đầy hy vọng", Donald Trump nêu lý do Bắc Triều Tiên đã đòi hỏi "dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận". Ngay sau đó, phía Bắc Triều Tiên đã bác bỏ lập luận của tổng thống Mỹ.
Ngay tối hôm qua, đa số các nhà phân tích đã tỏ ra không tin tưởng vào cách giải thích của ông Trump. Chuyên gia Stephen Nagy, Đại học International Christian University ở Tokyo, cho biết : Đòi hỏi xóa bỏ toàn bộ các trừng phạt rất khó là "chiến lược đàm phán" của Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, ngược với Washington, chế độ Bình Nhưỡng chủ trương "tiến từng bước một", Bắc Triều Tiên hiểu rằng việc dỡ bỏ toàn bộ các trừng phạt về nguyên tắc là không thể thực hiện được trong khuôn khổ đàm phán song phương với Hoa Kỳ, vì đây là chuyện liên quan đến nhiều quốc gia.
Theo Le Figaro, trước thềm thượng đỉnh này, đã hé lộ khả năng Hoa Kỳ sẽ không đòi hỏi "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức" hệ thống vũ khí Bắc Triều Tiên. Và đổi lấy một số nhượng bộ khác của Bình Nhưỡng, như chấp nhận cho thanh tra quốc tế trở lại…, Washington có thể sẽ "tặng" cho Bình Nhưỡng một tuyên bố hòa bình "không chính thức" và giảm nhẹ một số trừng phạt, để giúp Hàn Quốc khởi sự một số hợp tác song phương với miền Bắc.
Đa số dự đoán Trump-Kim đạt "thỏa thuận tối thiểu"
Le Figaro trong bài "Kim-Trump trong ngõ cụt hạt nhân" cũng cho biết đa số các chuyên gia đã dự đoán một "thỏa thuận tối thiểu" sẽ được hai bên đưa ra, để duy trì được đà năng động ngoại giao hiện nay, căn cứ vào "mối quan hệ đặc biệt" Trump-Kim mà tổng thống Mỹ thường quảng bá. Thông báo hủy bỏ Thông cáo chung vào giờ chót đã gây bàng hoàng cho 2.500 phóng viên trên toàn thế giới có mặt tại chỗ.
Theo một số nguồn tin gần gũi với cuộc đàm phán, một lý do chính dẫn đến thất bại là Bình Nhưỡng đã đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ nhiều trừng phạt quan trọng, để đánh đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, đối với Washington, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" của toàn bộ hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Bắc Triều Tiên cũng bác đòi hỏi của Mỹ, cung cấp một danh sách đầy đủ "về các cơ sở quan trọng", được coi là điểm khởi đầu cho một lộ trình phi hạt nhân hóa, cũng như sự trở lại của thanh tra quốc tế.
Phong cách "tài tử" của tỉ phú bất động sản bị phê phán
Tại sao thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội thất bại ? Rõ ràng là có nhiều cách lý giải khác nhau. Đặc biệt đáng đáng chú ý có bài phân tích : "Đối mặt với Kim Jong-un : Phong cách ngoại giao của ông Trump thất bại" của đặc phái viên Le Monde Gilles de Paris và nhà báo Philippe Pons, một chuyên gia kỳ cựu về Bắc Triều Tiên.
Le Monde lưu ý là trước thềm thượng đỉnh này đã có một số "phương án" được chuẩn bị cho một thỏa thuận tối thiểu. Cụ thể là "một tuyên bố hòa bình" về nguyên tắc, mở đường cho một hiệp định hòa bình trong tương lai. Hai bên cũng có thể mở văn phòng liên lạc tại thủ đô của đối tác, trên thực tế sẽ hoạt động như các sứ quán. Bắc Triều Tiên cũng có thể tuyên bố chính thức ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, điều đã được thực thi từ đầu 2018 đến nay. Tuy nhiên, đã không có bất cứ phương án nào được "theo đuổi đến cùng".
Hai nhà báo Le Monde nhấn mạnh là "thất bại đau đớn" trong các đàm phán với lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Hà Nội cho thấy "tài năng" thương lượng, mà tỉ phú bất động sản Donald Trump thường xuyên phô trương, rõ ràng là đã không mấy có ích trong các hoạt động chính trị, ngoại giao tầm quốc gia.
Với nhiều bê bối hiện nay trong nước (về nghi án Nga can thiệp bầu cử đang tiếp tục bị tư pháp phanh phui, về thất bại trong việc đòi Quốc Hội giải ngân cho bức tường biên giới với Mexico…), tổng thống Trump khó gây niềm tin cho Kim Jong-un là ông có thể sẽ tái đắc cử năm 2020. Kim Jong-un như vậy cũng khó lòng mạo hiểm để có được một thỏa thuận không lấy gì làm chắc chắn với một tổng thống có thể sẽ không còn ở đó vào năm 2021.
Le Monde kết luận là, nếu như thượng đỉnh Hà Nội gây nhiều hy vọng, thì đổ vỡ bất ngờ này khiến uy tín của tổng thống Mỹ tụt dốc thê thảm tại khu vực. Nguyên nhân của "thất bại cay đắng nhất"của tổng thống Mỹ về mặt ngoại giao, kể từ khi nhậm chức đến nay, chủ yếu là do ông Trump đã quá ưu tiên một phong cách ngoại giao dựa vào cá nhân tổng thống, nhưng lại không hề được chuẩn bị đúng mức.
Đau nhất là Hàn Quốc
Có lẽ bên cảm thấy thua thiệt nhất trong thất bại của thượng đỉnh Hà Nội là Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in đã coi việc xích gần lại với Bắc Triều Tiên là "cốt lõi" trong chính sách của ông. Tuy nhiên, việc hâm nóng quan hệ với miền Bắc lại phụ thuộc chặt chẽ vào quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Cũng Le Monde có bài cho biết thất bại của thượng đỉnh Hà Nội khiến viễn cảnh dỡ bỏ trừng phạt với Bắc Triều Tiên lùi xa. Nhiều dự án hợp tác hai miền cùng việc phối hợp tổ chức Thế Vận 2032 bị cản trở, do phải được sự cho phép của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Moon Jae-in ngay hôm nay sẽ phải đưa ra các đề xuất mới, cho phép thúc đẩy quan hệ với Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh thượng đỉnh Trump-Kim bất thành.
Không "hoàn toàn đổ vỡ"
Một cuộc thượng đỉnh lần thứ ba giữa Mỹ-Bắc Triều Tiên là điều mà nhiều báo tỏ ra không tin tưởng. Tuy nhiên, La Croix có bài "Hà Nội : Một thất bại giữa những người gọi nhau là bạn tốt" tỏ ra lạc quan hơn. La Croix bày tỏ hy vọng là đối thoại vẫn sẽ tiếp tục, nguy cơ căng thẳng trở lại dường như được gạt qua một bên.
Thất bại này cần được coi là "một tai nạn" trong một tiến trình mong manh và rất phức tạp, chứ không phải là một đổ vỡ hoàn toàn. Cũng theo La Croix, ông Donald Trump có lẽ đã phải đưa ra quyết định không ra Tuyên bố chung do áp lực của nhiều cộng sự thân cận, không muốn tổng thống có các "nhân nhượng quá mức" và "bị Kim Jong-un ru ngủ".
Chiến tranh thuế kìm hãm kinh tế Mỹ-Trung
Về kinh tế quốc tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang kìm hãm kinh tế hai nước là tựa chính của phụ trương Le Figaro. Kinh tế Mỹ trong quý 4/2018 giảm tốc, còn chỉ số mua hàng PMI của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 2/2019, lần đầu tiên kể từ 10 năm nay. Tăng trưởng của Trung Quốc cũng giảm ở mức thấp nhất từ 30 năm nay (6,6%). IMF dự đoán năm 2019, tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại (6,2%) và Hoa Kỳ cũng tương tự (2,5%).
Không chỉ tác động đến hai nước, cuộc chiến thương mại hiện nay tác động đến toàn cầu. Theo CBP (World Trade Monitor), tổng lượng trao đổi hàng hóa trên thế giới trong hai tháng 11 và 12/2018 sụt giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về triển vọng đàm phán Mỹ-Trung nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, hôm thứ Tư, 27/02, trong lúc đàm phán Trump-Kim đang diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo đàm phán Mỹ Lighthizer thông báo là vẫn còn nhiều trở lực phải vượt qua mới đi đến được thỏa thuận, đặc biệt trong nạn "cưỡng bức chuyển giao công nghệ", mà Bắc Kinh bị Hoa Kỳ cáo buộc.
Tuy nhiên, về kinh tế Mỹ, Le Figaro cho biết cho dù bị chững lại trong quý 4, tính về toàn năm, kinh tế nước này tăng trưởng tổng cộng 2,9%, tức mức cao nhất kể từ 2015.
"Mùa xuân Algeria" ?
Biến động tại Algeria là tâm điểm chú ý của Le Figaro, với tựa trang nhất "Algeria : Cuộc phản kháng chống lại chính quyền gia tăng". Hôm nay, Le Figaro dự kiến sẽ có hàng triệu người dân quốc gia Bắc Phi này xuống đường trên khắp cả nước, để chống lại tổng thống hơn 80 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, ứng cử lần thứ 5.
Đây là ngày hành động thứ hai, tiếp theo cuộc xuống đường chưa từng có hôm 22/02, kể từ hai thập niên nay. Theo báo chí Algeria, "bức tường sợ hãi" đã sụp đổ. Tại Algeria, đông đảo dân chúng đặt hy vọng vào một "cuộc cách mạng trong hòa bình".
Trong khi đó, La Croix chạy tựa lớn : "Algeria : Nổi dậy". Nhật báo công giáo có bài "Tuần lễ quan trọng đối với chế độ". Các nhà quan sát dự báo nhiều kịch bản có thể xảy ra : tổng thống mãn nhiệm Bouteflika sẽ tiếp tục ứng cử, nhưng có cũng thể rút lại quyết định này, cũng có thể ông sẽ hủy bỏ hoặc hoãn bầu cử.
Châu Âu trong "vùng không khí nhiễu động"
Thời sự Châu Âu cũng là một chủ đề lớn khác của La Croix. Xã luận La Croix mang tựa đề "Vùng không khí nhiễu động", ghi nhận một số trục trặc giữa nhiều chính phủ Châu Âu trong thời gian gần đây làm xấu đi hình ảnh của Liên Hiệp Châu Âu, đúng vào lúc chỉ còn ba tháng nữa là cử tri Châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu Nghị Viện mới. Theo nhật báo công giáo, đây là thời điểm hệ trọng mà chính quyền các nước cần chú ý nỗ lực để tăng cường các quan hệ tin cậy lẫn nhau, nhằm cổ vũ mạnh mẽ cho dự án xây dựng Châu Âu, hiện đang phải đối mặt với sự công phá quyết liệt của các thế lực dân tộc chủ nghĩa.
Các trục trặc được La Croix chỉ đích danh là sự lưỡng lự của Đức, Ireland, Thụy Điển và Đan Mạch khiến Liên Âu không đạt được thỏa thuận về đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia GAFA, việc một số lãnh đạo Ý ca ngợi phong trào Áo Vàng tại Pháp hay nhục mạ tổng thống Pháp, cũng như các bất đồng Pháp–Hà Lan trong vụ chính quyền Hà Lan đột ngột mua nhiều cổ phần trong tập đoàn hàng không Pháp–Hà Lan Air France-KLM nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Pháp, mà không theo các thể thức thông thường (Paris đã đề nghị Amsterdam giải thích lý do).
Đảng Xanh muốn "chôn vùi" cánh tả
Vẫn về Châu Âu, La Croix bài phỏng vấn lãnh đạo đảng Xanh (EE-LV) của Pháp, ông Yannick Jadot, với tựa đề "Cần cứu Châu Âu để cứu khí hậu". Đảng Xanh Pháp quyết định ra tranh cử Nghị Viện Châu Âu với tư cách độc lập với đảng Xã Hội là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả chạy tựa : "Liệu đảng Xanh có chôn vùi cánh tả ?". Trong bối cảnh, hai đảng lớn dự kiến về đầu trong cuộc bầu cử tới là đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống và đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia, và cánh tả đang tan tác, đảng Xanh từ chối mọi liên minh với các đảng phái cánh tả khác, để khẳng định như một lực lượng chính trị độc lập tiên phong.
Tuy nhiên, xã luận Libération lưu ý là đảng chính trị này đang phải đối mặt với một thách thức lớn. Đó là làm rõ đường lối : Chọn "tăng trưởng xanh" hay chọn "giảm phát triển". Theo Libération, cuộc chiến quyết định giữa cánh tả và đảng Xanh sẽ xoay xung quanh vấn đề này.
Trọng Thành
Phát hành đúng vào thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un lần thứ hai tại Hà Nội đổ vỡ hôm 28/02/2019, trái với nhiều đồng nghiệp khác, tuần báo Anh The Economist đã xem sự kiện hai bên bỏ ngang cuộc họp, không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, không phải là một kết quả tồi tệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Thượng đỉnh Hà Nội, ngày 28/02/2019. Saul LOEB / AFP
Trong bài phân tích mang tựa đề "Thượng đỉnh Hà Nội : Trump và Kim bỏ đi", The Economist ghi nhận là "cuộc đàm phán bị gián đoạn mà không có thỏa thuận", nhưng cho rằng "cục diện lẽ ra còn có thể tệ hại hơn nhiều".
Đối với tờ báo Anh, sau những tuyên bố khoa trương sau Thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 năm ngoái, rằng ông đã ngăn chặn được chiến tranh tại Châu Á và Bắc Triều Tiên "không còn là một hiểm họa hạt nhân", tại hội nghị thứ II ở Hà Nội lần này, ông Trump cần phải đạt được những nhượng bộ cụ thể từ phía ông Kim.
Thế nhưng, tổng thống Mỹ đã bỏ ngang hội nghị, ra về với hai bàn tay trắng, giải thích rằng ông "thà làm tốt hơn là làm nhanh". Tuyên bố này có thể khiến người ta hơi thất vọng. Nhưng nếu mục tiêu là giúp cho thế giới an toàn hơn, thì cách tiếp cận phi truyền thống và ào ạt của ông Trump trong lãnh vực kiểm soát vũ khí gai góc không hẳn là đã thất bại.
Bỏ ngang hội nghị tốt hơn là thỏa thuận không đúng
Theo The Economist, ít ra thì việc bỏ ngang tốt hơn là mở đường cho những khả năng xấu. Ông Trump nói rằng ông Kim đã đòi dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy việc vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon. Đấy quả là một giao dịch tồi tệ vì Bắc Triều Tiên còn nhiều cơ sở khác làm ra chất uranium có thể dùng để làm bom nguyên tử, đó là chưa kể đến các kho đầu đạn và tên lửa.
Quan trọng nhất, theo tuần báo Anh, hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vẫn duy trì được những thành quả có được tại Singapore : Bắc Triều Tiên không còn thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, góp phần làm giảm căng thẳng và nguy cơ vô tình leo thang. Ông Kim đã nói với ông Trump rằng điều đó sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, nếu phi hạt nhân hóa thực sự là mục tiêu, thì hố sâu phân cách hai bên không thể lấp đầy. Ngoài ra, thay vì giải trừ, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí của mình. Bên cạnh đó, ông Kim đã không thực hiện các bước thậm chí là thô sơ trong việc thiết lập một tiến trình đàm phán có thể dẫn đến việc giải trừ vũ khí trên quy mô lớn …
Dẫu sao thì theo The Economist, quan điểm cứng rắn không thể tạo thành một nền tảng tốt cho việc giải trừ vũ khí lâu dài và trên bình diện rộng. Tuy nhiên, ít ra là điều đó đã dẫn đến một hình thức kềm chế nào đó.
Đối với tuần báo Anh, vào lúc này, Bắc Triều Tiên như đang mặc nhiên chấp hành một lệnh cấm thử nghiệm, tạm dừng việc hoàn thiện vũ khí, hoặc sử dụng vũ khí để đe dọa hàng xóm. Nếu so sánh với những gì mà những người tiền nhiệm của ông Trump đạt được, thì kết quả đó không quá tệ.
Tình huynh đệ thắm thiết Trump-Kim chưa mang đến thỏa thuận
Cũng về Thượng đỉnh Hà Nội, The Economist có một bài viết thứ hai mang tựa đề "Tình huynh đệ thắm thiết bị tạm gác", ghi nhận việc hai ông Trump và Kim đã thể hiện rất nhiều dấu hiệu thân tình tại cuộc họp Hà Nội, nhưng sau cùng thì đã rời Việt Nam mà không đạt được thỏa thuận nào. Thế nhưng, hai bên vẫn hứa là sẽ tiếp tục thương thuyết.
Đối với tuần báo Anh, việc hai bên không ra được một thỏa thuận nào tại Hà Nội quả là một điều đáng ngạc nhiên. Nhiều nhà quan sát đã dự đoán khả năng hai bên đồng ý được trên một thỏa thuận giới hạn, trong đó Bắc Triều Tiên đồng ý cho dỡ bỏ và kiểm tra cơ sở hạt nhân chính của họ tại Yongbyon để đổi lấy những cử chỉ thiện chí của Mỹ, như thành lập văn phòng liên lạc ở cả hai nước và tiến tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã không thành vì bất đồng giữa hai bên quá lớn. Thế nhưng, theo The Economist, cả tổng thống Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo, đều nhấn mạnh rằng đàm phán Mỹ-Triều đã có được "tiến bộ thực sự" tại hội nghị thượng đỉnh, quan hệ với Bắc Triều Tiên tiếp tục có hiệu quả, ông Kim đã hứa sẽ tuân thủ lệnh cấm do chính ông ban hành về thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Cả hai ông Trump và Pompeo đều hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian sắp tới.
Đối với tuần báo Anh, ông Trump và các trợ lý của ông dường như đã kết luận rằng việc bỏ ngang hội nghị sẽ ít gây hại về mặt an ninh cho Mỹ hơn là chấp nhận cho Bắc Triều Tiên những nhượng bộ mà không thu lại được nhiều lợi nhuận. Họ cũng ngầm thừa nhận rằng phi hạt nhân hóa là một quá trình lâu dài chứ không phải là điều có thể đạt được trong một sớm một chiều như ông Trump đã hàm ý trước đó.
Theo The Economist, các nhà phân tích về an ninh và các cơ quan tình báo tuy nhiên đều đã cho rằng mặc dù không còn tiến hành thử nghiệm, ông Kim vẫn đang mở rộng chương trình hạt nhân của mình. Cho dù vậy, đối với tờ báo Anh, khi nhấn mạnh rằng ông không cần phải vội vã để giải giáp Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ cho thấy là ông chủ trương một thỏa thuận ít tham vọng hơn nhiều so với việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong tay ông Kim. Thỏa thuận đó là "bảo đảm việc không sử dụng" các loại vũ khí đó.
Làm sao xử lý các công dân Châu Âu đã tham gia thánh chiến ?
Trang bìa Courrier International tuần này được dành cho một vấn đề đang gây chia rẽ trong nội bộ các nước Châu Âu. Đó là giải quyết như thế nào trường hợp các công dân của mình đã qua Syria và Iraq chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nay đã bị lực lượng chống Daesh bắt làm tù binh.
Dưới tựa đề "Làm gì với những kẻ thánh chiến của chúng ta ?", tuần báo Pháp cho biết : "Họ gồm vài trăm người đang bị giữ tại các trại ở miền đông Syria, dưới sự kiểm soát của người Kurdistan. Nên xét xử họ tại chỗ hay cho họ hồi hương về Châu Âu ? Với việc Mỹ rút quân ra khỏi khu vực đã được loan báo, chủ đề này đã trở nên quan trọng. Người Châu Âu đang chia rẽ với nhau trên vấn đề này"
Trong bài xã luận mang tựa đề : "Vợ của những phần tử thánh chiến, tình thế khó xử của Châu Âu", Courrier International cho rằng quả là các nước Châu Âu đang bị lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo Courrier International vấn đề đặt ra là "Những người phụ nữ đó không chỉ là "vợ của các chiến binh thánh chiến", một cách gọi hàm nghĩa rằng họ chỉ tình cờ có mặt ở trên chiến trường, trong một chừng mực nào đó là các nạn nhân bị buộc phải theo chồng", mà là những người đã chủ động qua Syria hay Iraq.
Tuần báo Pháp giải thích : "Họ đã rời bỏ cuộc sống thoải mái ở phương Tây để qua sống ở một đất nước có chiến tranh. Họ đã ở bên cạnh những phụ nữ sắc dân Yazidi Kurdistan bị biến thành nô lệ tình dục cho phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Họ đã cho phép con cái của họ, đôi khi còn rất nhỏ, tham gia vào các vụ bạo hành và thấm nhuần ý thức hệ thánh chiến. Họ đã và đôi khi vẫn còn là thành viên tích cực của tổ chức khủng bố".
Trong tình hình đó, Courrier International cho là rất nhiều người chủ trương bỏ mặc những phụ nữ đó ở lại Syria hay Iraq, chứ mang về nước làm gì những kẻ có nguy cơ dụ dỗ người khác đi theo xu hướng Hồi giáo cực đoan ? Lo lắng cho số phận của họ làm gì ?
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là các đồng minh người Kurdistan của chúng ta, sắp tới đây sẽ bị người Mỹ bỏ rơi, sẽ có thể cầm giữ những tù nhân đó trong bao lâu nữa. Đối với Courrier International, trách nhiệm của phương Tây là không được cho rằng những gì đang diễn ra ở Syria sẽ vĩnh viễn ở lại Syria.
Một liên minh Salvini-Le Pen ?
Riêng L’Obs thì đã mở rộng tầm nhìn sang nước Ý, dưới một khía cạnh đặc thù : khả năng liên minh giữa hai phe cực hữu Ý và Pháp.
Tạp chí Pháp đã dành trang bìa và 10 trang trong nói về Matteo Salvini, lãnh đạo cực hữu đang là bộ trưởng nội vụ Ý, và bên cạnh ảnh của ông ở trang bìa, L'Obs ghi chú : "Chất độc dân túy thôi miên dân Ý và đe dọa Châu Âu".
Theo tạp chí Pháp, Matteo Salvini và lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen thường gặp nhau, giúp đỡ nhau. Câu hỏi của L’Obs là liệu họ có thể, sau cuộc bầu cử Châu Âu, tạo nên một nhóm nghị sĩ dân túy mà họ mơ ước ở Nghị Viện Châu Âu hay không ?
Xã hội Pháp chuyển biến mạnh
Về các đề tài quan trọng được các tuần báo nêu bật, trước hết phải kể đến hồ sơ chính 14 trang của tờ Le Point mang tựa đề "Những xáo trộn lớn tại Pháp" về mặt xã hội.
Về hàng tựa này, phải chăng Le Point có phần nhại lại khái niệm "sự thay thế lớn" mà Renaud Camus đã nói đến vào năm 2010, bị xem là một thuyết âm mưu, tố cáo "dự án chính trị nhằm thay thế một nền văn minh này bằng một nền văn minh khác mà giới ưu tú chính trị, trí thức, truyền thông cố tình tiến hành" thông qua chính sách nhập cư.
Le Point dựa trên quyển sách "Quần đảo Pháp" của Jérôme Fourquet, đã nêu bật những thay đổi tại Pháp dựa trên thống kê. Trong các số liệu mà tạp chí nêu lên, người ta thấy là số lượng trẻ sơ sinh con trai mang tên Ả rập Hồi giáo tăng từ 2,5% năm 1990 lên thành 18,5% vào năm 2015, tức 1/5 trẻ em theo số liệu của cơ quan thống kê Insee.
Le Point cũng nhấn mạnh trên sự gắn bó của rất nhiều thanh niên Pháp xuất thân từ nhập cư với mô hình cộng hòa và tinh thần yêu nước. Trên chiếc hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, có gần 300 người Hồi giáo, tức 10% nhân lực trên tàu.
Jérôme Fourquet cũng nhấn mạnh trên hiện tượng bỏ đạo Thiên Chúa ở Pháp khi cho thấy số lượng cha xứ ở Pháp, từ 25.203 vào năm 1990 xuống chỉ còn 11.908 vào năm 2015.
Nước Pháp của người "Da Trắng thấp bé"
Cũng chú ý đến vấn đề xã hội Pháp, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 15 trang bên trong để nói về "Nước Pháp của những người "Da Trắng thấp bé"".
Tạp chí ghi nhận : "Khi vẽ bức tranh xã hội học tương phản với ‘Nước Pháp của ngày mai’, tức là những người không bằng cấp, không sống tại các thành phố lớn và cũng không ở những ‘khu biệt lập’, không phải là những người di dân mới, thì người ta có một định nghĩa của những người mà hiện được gọi là ‘những người Da Trắng thấp bé’".
Theo giải thích của L’Express, từ ngữ này có hai ý nghĩa : một thời được sử dụng để chỉ những người thuộc vùng quê, kiểu như ‘white trash’ của Mỹ, nhưng hiện giờ được một số người sử dụng như một khẩu hiệu tập hợp.
Tạp chí bảo vệ việc đưa chủ đề này lên trang bìa : "Phải nói là việc sử dụng từ ‘Da Trắng thấp bé’ trên trang bìa không phải là vô tư. Tính phổ quát đặc thù của Pháp bắt buộc là trong nền Cộng Hòa, không có người Da Trắng, cũng không có người Ả Rập, Da Đen hay Do Thái. Tuy nhiên thuyết phổ quát của chúng ta đã ‘bị thương’, và ngày có nhiều người Pháp đòi hỏi có nhãn hiệu của riêng mình (nguồn gốc xã hội, chủng tộc)…".
Theo L'Express : "Phủ nhận, không chịu thấy hiện tượng này ở Pháp là bỏ đi một chẩn đoán có trọng lượng cho những năm tới đây, cho phép hiểu một phần vì sao đảng cực hữu được phiếu và sự tồn tại của phong trào Áo Vàng". Tạp chí đặc biệt chú ý đến hai thành phố Caen và Bordeaux.
Mai Vân