Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Toàn trị hay dân chủ ? Cơ hội cuối cùng cho cử tri Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một chọn lựa lịch sử. Hoặc bầu cho ông Erdogan, chuyển hẳn sang chế độ toàn trị theo kiểu nước Nga của Vladimir Putin, và một liên minh ngày càng chặt chẽ với Moskva và Bắc Kinh. Hoặc quay lại với chế độ dân chủ, tái lập Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản. Theo Le Figaro, lần đầu tiên kể từ 2009 Erdogan có nguy cơ thất bại trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới.

toantri1

Ứng cử viên tổng thống Kemal Kiliçdaroglu của liên minh đối lập phát biểu trước những người ủng hộ trong cuộc mít-tinh tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/04/2023 via Reuters – Aluật pháp Eren Kaya/CHP

100.000 lính Nga tử trận tại Ukraine từ cuối 2022

Liên quan đến Ukraine, trang web Le Monde cho biết Kiev "gia tăng các hoạt động phá hoại tại những vùng biên giới với Nga và ở Crimea". Cuộc tổng phản công vẫn chưa bắt đầu, nhưng những ngày gần đây đã có những vụ tấn công đáng kể. Hôm qua, chất nổ đã làm một tàu hàng bị trật đường ray ở vùng Briansk của Nga gần biên giới Ukraine, nhưng không có ai thiệt mạng. Một đường điện cao thế ở vùng Leningrad, gần Estonia và Phần Lan bị thiệt hại cũng do chất nổ. Ở làng Suzemka cách biên giới 9 kilomet, bốn người chết tối thứ Bảy 29/04 : cùng ngày, năm làng khác ở Belgorod của Nga bị cúp điện vì Ukraine pháo kích.

Trước đó, một drone làm kho dầu lửa ở Sevastopol (Crimea) bốc cháy, những hình ảnh ấn tượng với những cột khói đen hình nấm bốc cao lan tràn trên mạng xã hội Ukraine. Theo phía Nga, bốn bồn dầu bị hư hại, còn theo Kiev thì vụ tấn công đã phá hủy trên 10 bồn chứa khoảng 40.000 tấn dầu. Một đại diện tình báo quân đội Ukraine khuyến cáo người dân Crimea sắp tới nên tránh "đến gần những cơ sở quân sự hoặc kho bãi của quân xâm lược".

Cũng hôm qua bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố việc chuẩn bị phản công đã gần xong. Cùng ngày, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby tiết lộ ước lượng của tình báo Mỹ về số lính Nga tử trận : 100.000 người kể từ tháng 12/2022, trong đó chỉ riêng ở miền đông, đặc biệt xung quanh Bakhmut là 20.000, phân nửa là lính đánh thuê Wagner. Ông Kirby kết luận, "Nga đã tự hại mình", đồng thời từ chối cho biết con số thiệt hại của Ukraine.

Dầu lửa Nga đi vòng qua Bulgariaa, bán lại cho Ukraine chiến đấu

Cũng về Ukraine, đặc phái viên Libération ở Burgas, Bulgaria nêu ra một nghịch lý : tại nhà máy lọc dầu Lukoil, "dầu lửa Nga được cung ứng cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine". Cảng dầu lửa Rosents bên bờ Hắc Hải là nơi duy nhất tại Liên Hiệp Châu Âu (EU) được tiếp tục nhập dầu thô từ Nga : Bulgaria được đặc miễn ít nhất đến cuối 2024. Lý do, theo một cựu lãnh đạo công ty Nga Lukoil, Bulgaria lệ thuộc quá nhiều vào hãng này.

Lukoil kiểm soát cảng dầu duy nhất của đất nước và nhà máy lọc dầu lớn nhất, nắm được chuỗi cung ứng dầu thô từ Nga. Ngay cả ống dẫn dầu vào thủ đô Sofia cũng thuộc công ty này. Khu đất được nhượng lại ở cảng Rosents từ năm 2011 trở thành lãnh địa, một bức tường bê-tông cao hơn ba mét phía trên rào dây thép gai được dựng lên, hàng rào gắn đầy camera. Những người tuần tra là thành viên một công ty an ninh tư nhân. Đại diện chính quyền không được vào nếu công ty Nga không cho phép. Số lượng dầu thô đưa đến Rosenets cũng không thể biết được chính xác. Nhà nước đã thiết trí các công cụ tại cảng và nhà máy để kiểm tra số lượng dầu thô đưa vào và sản phẩm lọc dầu xuất ra, nhưng năm 2013 mới biết các thiết bị không hoạt động, niêm phong bị phá.

Trong các điều kiện như vậy, làm thế nào EU có thể miễn cho Bulgaria việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga ? Libération cho biết vào thời điểm thương lượng hồi mùa xuân 2022, chính phủ Bulgaria lúc đó viện lẽ nhà máy lọc dầu Burgas chỉ có thể lọc được dầu lửa Nga. Nhưng nhà báo điều tra Assen Yordanov vốn là dân địa phương khẳng định điều này là dối trá, hồi mới xây dựng trong thập niên 60, nhà máy đã hoạt động với dầu lửa Trung Đông. Số dầu diesel được Lukoil bán sang Ukraine từ 2021 đến 2022 tăng gần 1.000 lần, thông qua những công ty trung gian. Kiev cần nhiên liệu cho các xe tải, xe jeep và thiết giáp, chi trả bằng viện trợ của phương Tây. Theo Yordanov, đây là cả một nghịch lý, và chỉ có Putin được lợi nhờ kiếm tiền qua cuộc chiến do chính ông ta gây ra.

Toàn trị hay dân chủ ? Cơ hội cuối cùng cho cử tri Thổ Nhĩ Kỳ

Về cuộc bầu cử ngày 14/5 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Le Figaro cho rằng đây là "cơ hội cuối cùng", đặt đất nước này trước một chọn lựa quyết định.Một trăm năm sau khi nước cộng hòa được Mustafa Kemal Atatürk thành lập, cuộc bầu cử tổng thống lần này mang tính lịch sử.

Không chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý về ông Recep Tayyip Erdogan, mà còn là sự chọn lựa nền văn minh. Hoặc chuyển hẳn sang chế độ toàn trị theo kiểu nước Nga của Vladimir Putin, và một liên minh ngày càng chặt chẽ với các đế quốc Nga và Trung Quốc. Hoặc quay lại với chế độ dân chủ, tái lập Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản, độc lập tư pháp, tự do báo chí, cởi mở với phương Tây. Có thể so sánh Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 với nước Đức năm 1933.

Recep Tayyip Erdogan sẵn sàng làm tất cả để duy trì quyền lực. Ông ta thao túng các định chế, không ngần ngại tống giam đối lập hay buộc họ phải lưu vong, thanh trừng bộ máy nhà nước và quân đội. Erdogan khi mở chiến dịch tranh cử đã vung tiền từ ngân sách đang èo uột, tăng lương công chức 30% và lương tối thiểu 200%, cho phép trên 2 triệu người về hưu trước hạn. Ông đàn áp người Kurdistan và người Armenia để đánh lạc hướng những thất bại trong đối nội.

Lần đầu tiên Erdogan có nguy cơ bị hạ bệ

Tuy vậy, lần đầu tiên kể từ 2014, Recep Tayyip Erdogan có thể bị đánh bại. Chiến dịch của ông bị rối loạn vì tình trạng sức khỏe, trong bối cảnh tôn sùng cá nhân. Đặc biệt trước mặt ông là phe đối lập có tổ chức và quyết tâm, tập hợp xung quanh Kemal Kiliçdaroglu, một "Gandhi Thổ Nhĩ Kỳ" người thiểu số Alevi, là nhà kinh tế tên tuổi và nhân vật được tôn trọng, lãnh đạo đảng CHP. Kemal Kiliçdaroglu hiện đang dẫn đầu trong các thăm dò, nhưng còn phải vượt qua những trở ngại của một đạo luật bầu cử tháng 4/2022 "đo ni đóng giày" cho Erdogan, và những rủi ro gian lận. Đảng AKP của Erdogan có mạng lưới dày đặc trên toàn quốc, sẽ không bỏ lỡ cơ hội thao túng những lá phiếu của 3,5 triệu người sơ tán sau trận động đất.

Mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá của ông Erdogan đã dẫn đến khủng hoảng tiền tệ, tài chánh và xã hội. Lạm phát lên đến 150%, người nghèo tăng nhanh, 23% dân số hoạt động bị thất nghiệp, thu nhập đầu người từ 12.600 đô la xuống còn 7.500 đô la trong 10 năm qua. Đồng livre mất trên 70% giá trị so với năm trước, nợ nước ngoài vượt 460 tỉ đô la. Thổ Nhĩ Kỳ tránh được vỡ nợ là nhờ Nga, Ả Rập Xê Út và Qatar cho vay khẩn cấp. Trận động đất ngày 06/02 làm trên 50.000 người thiệt mạng đã bộc lộ sự bất lực của Nhà nước do AKP nắm, tham nhũng và giáo quyền là nguyên nhân khiến các nạn nhân hầu như bị bỏ rơi.

Với 85 triệu dân, tiềm lực kinh tế và vị trí chiến lược, tương lai Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng cho Châu Âu, NATO và thế giới dân chủ, trong bối cảnh đối đầu với các chế độ độc tài. Theo Le Figaro, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cần tránh những sai lầm như với Moskva bằng một chiến lược rõ ràng. Nếu Recep Tayyip Erdogan thắng, phải thẳng thừng ngăn chn ý đồ bành trướng, còn nếu Kemal Kiliçdaroglu đắc cử, ủng hộ mạnh mẽ việc quay lại với dân chủ và phát triển mối liên hệ với xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Global Gateway, đối thủ của Con đường tơ lụa ở Châu Phi

Nhìn sang Châu Phi, Le Figaro nói về "Global Gateway, đáp trả của Châu Âu trước Con đường tơ lụa Trung Quốc".Tại Cameroun, Liên Hiệp Châu Âu tài trợ xây dựng một cảng trên sông Logone ở biên giới Tchad, nhằm giúp cả hai nước phát triển. Được đưa ra từ năm 2021, sáng kiến Global Gateway có mục đích mở rộng cơ sở hạ tầng trên toàn lục địa Châu Phi, trong các lãnh vực ưu tiên : giao thông, khí hậu và năng lượng, kỹ thuật số, y tế giáo dục và nghiên cứu. Bruxelles dự kiến đầu tư 150 tỉ euro từ nay đến 2027, đồng thời huy động lãnh vực tư nhân.

Tuy không nói hẳn ra, nhưng nhằm đối phó với "Một vành đai, một con đường" được Tập Cận Bình khởi động cách đây 10 năm, nhắm vào lợi ích địa chính trị và bảo đảm nguyên liệu chiến lược cho Trung Quốc.

Những mạng lưới cầu đường, đường xe lửa mà Bắc Kinh dùng lao động Trung Quốc xây dựng ở Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, đổ số tiền lớn cho vay với những hợp đồng bất lợi khiến nhiều nước phải chịu gánh nặng nợ nần. Chẳng hạn nước Lào nhỏ bé với tuyến đường sắt Côn Minh-Vientiane mỗi năm phải trả nợ trên 1 tỉ đô la, trong đó phân nửa cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Sri Lanka mất khả năng chi trả và Trung Quốc siết nợ bằng cách kiểm soát cảng Hambantota cũng khiến Bắc Kinh bắt đầu lo lắng vì ảnh hưởng đến hàng loạt ngân hàng nhà nước.

Hưu trí, nợ công : Vấn đề của nước Pháp

Cuộc biểu dương lực lượng nhân ngày lễ Quốc tế Lao động 1 tháng Năm hôm qua chiếm trang nhất các báo Pháp. Libération đăng ảnh trang nhất đông đảo người biểu tình, chạy tựa "Cơn thịnh nộ và những niềm hy vọng". "Hưu trí : Kết quả về chính trị" là tít chính của La Croix, tờ báo cho rằng cánh tả không được bao nhiêu lợi ích trong cuộc chiến công luận. Les Echos chú trọng đến "Hưu trí : Các sắc lệnh để tiến hành cải cách", nhận xét với 782.000 người xuống đường hôm qua, không có biển người như các nghiệp đoàn chờ đợi. 

Le Figaro nhận định "Chính quyền trông cậy vào đối thoại để ra khỏi khủng hoảng", cải cách sẽ giúp tiết kiệm ngân sách. Đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ không dẫn đến tuần làm việc bốn ngày hay những biện pháp tốn kém khác, nếu không những cơ quan như Fitch sẽ còn tiếp tục đánh sụt điểm. Nói chung các báo đều quan tâm đến sự kiện cơ quan thẩm định tài chánh Fitch hạ điểm tín nhiệm của Pháp từ AA xuống AA- vì tình hình xã hội căng thẳng và tăng trưởng thấp. Theo Les Echos, cần phải lưu ý đến phát súng cảnh cáo này - một tháng nữa sẽ đến lượt hãng Standard & Poor's.

Trong bài xã luận "Điểm xấu", La Croix nhận thấy với hai chữ A, nợ công của Pháp vẫn được coi là "rất tốt". Như vậy Pháp không gặp khó khăn khi vay nợ trên thị trường quốc tế. Do phong trào phản kháng chính sách hưu trí bị coi là "rủi ro cho chương trình cải cách", La Croix cho rằng chính quyền có thể nhân đó chứng minh cần phải tái cân bằng ngân sách, nhưng cũng phải chú ý đến khía cạnh xã hội.

Những nạn nhân đầu tiên của ChatGPT

Về công nghệ, Les Echos cho biết "ChatGPT đã có một nạn nhân đầu tiên trên thị trường chứng khoán". Công ty Chegg chuyên trợ giúp làm bài tập hôm qua cảnh báo do bị ChatGPT cạnh tranh, cổ phiếu của Chegg đã lao dốc gần 50%, dẫn đến cả lãnh vực đều thiệt hại.

Chỉ vừa chập chững góp mặt trên internet được vài tháng, công cụ này đã gây chao đảo cho các công ty trị giá nhiều tỉ đô la trên thị trường chứng khoán. Công ty Pearson trong cùng lãnh vực với Chegg, trị giá trên 5 tỉ bảng Anh, cũng mất trên 12% ở thị trường Luân Đôn, giảm mạnh nhất kể từ một năm qua. Dan Rosensweig, ông chủ của Chegg, khi công bố kết quả quý I khẳng định từ tháng Ba bắt đầu nhận thấy rất nhiều sinh viên sử dụng ChatGPT, ảnh hưởng đến nhịp độ thu hút thêm khách hàng mới. Nhận xét này cùng với dự báo quý II sút giảm đã làm Chegg mất khoảng 1 tỉ đô la chỉ trong vài phút.

Ông David Older của công ty tư vấn đầu tư Carmignac nhận xét "Vào lúc này, trí thông minh nhân tạo dường như đang trên con đường thành công tương tự như iPhone". Dan Rosensweig đang tìm cách khắc phục bằng cách hợp tác với OpenAI, công ty sáng tạo ra ChatGPT để có được "công cụ phụ đạo mạnh mẽ nhất cho học sinh sinh viên toàn thế giới". Vấn đề là liệu sinh viên có tìm thấy đầy đủ giá trị gia tăng nơi Chegg thay vì sử dụng trực tiếp ChatGPT – đây là điều mà các nhà đầu tư nghi ngại.

Thụy My

Published in Quốc tế

Dọa hợp tác quốc phòng với Nga, chiêu bài để Thổ Nhĩ Kỳ mặc cả với NATO và Mỹ

Thanh Hà, RFI, 01/10/2021

Là một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đang tính toán những gì khi tuyên bố ý định hợp tác quân sự với Nga, chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm ? Hay đơn giản là Ankara đánh tiếng với chính quyền Biden trong bối cảnh bang giao với Mỹ đã bị nguội lạnh ?

tho1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, ngày 29/09/2021  via Reuters - Sputnik

Rất khó giải mã chính sách đối ngoại và những tính toán chiến lược của tổng thống Recep Tayyip Erdogan. NATO càng lúc càng lúng túng trước một thành viên "bướng bỉnh" như Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ không phải lúc nào cũng êm thắm nhưng khá "vững chắc" giữa Ankara và Moskva trên nhiều hồ sơ, như Syria, Libya đã khiến phương Tây phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Giáo sư Jean Marcou, trường Khoa học Chính trị Grenoble (Science Po), ghi nhận kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Ankara và Moskva đã tỏ ra rất thực tiễn trong quan hệ song phương : Nga bảo đảm đến 60% khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và đổi lại thì Ankara là "một khách hàng lớn" của Nga. Cũng nước Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, vẫn về kinh tế và thương mại, Moskva cần đến Ankara để giảm bớt áp lực trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ sau vụ thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine.

Vấn đề đặt ra kể từ khi tổng thống Erdogan chọn giải pháp xích lại gần với nước Nga của ông Putin. Đó không là một mối liên hệ "nhất thời" hay một "giải pháp tình thế" để gạt phương Tây ra khỏi những vùng ảnh hưởng của đế chế Ottoman và của liên bang Xô Viết xưa kia. Với thời gian, trục Nga - Thổ càng lúc càng mang tầm cỡ "chiến lược", như nhà báo Isabelle Lasser trên tờ Le Figaro ghi nhận.

Dường như Ankara và Moskva "liên kết" với nhau đương đầu với phương Tây, Châu Âu, Hoa Kỳ và thách thức liên minh quân sự NATO. Đôi bên đã gạt sang một bên những bất đồng để đẩy bằng được phương Tây ra khỏi Syria, rồi Libya và giờ đây là cả tại vùng Sahel ở Châu Phi. Nhờ phối hợp nhịp nhàng, hai ông Erdogan và Putin đã vô hiệu hóa Nhóm Minsk chuyên giải quyết xung đột do Pháp và Mỹ đồng chủ tọa khỏi tranh chấp tại vùng Thượng Karabakh cách nay đúng một năm.

Nhưng rõ rệt hơn cả có lẽ là hợp đồng hồi năm 2019 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trang bị tên lửa hiện đại của Nga S-400, bất chấp sự phản đối và các biện pháp trừng phạt của Washington và trước sự ngỡ ngàng của NATO.

Tổng thống Erdogan hội kiến đồng cấp Nga tại Sochi cách nay 2 ngày. Trên đường trở về, ông để ngỏ khả năng Ankara cộng tác với Moskva trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, cùng nhau chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm. Liệu đó có là giọt nước làm tràn ly và là bằng chứng cụ thể cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn đứng về phía Nga ?

Theo giáo sư Jean Marcou, câu trả lời là không. Ankara đã không "ngả vào vòng tay của Moskva". Tháng 4/2021, tổng thống Erdogan công du Ukraine. Đó là một "viên thuốc đắng mà tới nay Kremlin vẫn chưa nuốt trôi". Ankara vẫn không công nhận việc Nga thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine và năm 2019 Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp 6 máy bay tự hành cho chính quyền Kiev, hỗ trợ quân đội Ukraine trong vùng Donbass đối phó với lực lượng đòi ky khai thân Nga. Quan hệ Nga - Thổ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Trong quá khứ, đôi bên đã từng lao vào các cuộc xung đột vũ trang đến 14 lần, và "một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của đế chế Ottoman là mối đe dọa của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc", tức là Nga. Erdogan không quên những bài học lịch sử đó. 

Trong mắt nhà báo Pierre Haski, chuyên về mục địa chính trị của đài phát thanh France Inter, nhìn từ Ankara, chơi với Nga có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ ở vào thời điểm mà toàn cảnh địa chính trị đang tái định hình, và mở ra cơ hội để một số quốc gia nói lên những tham vọng mà từ lâu nay bị dồn nén.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thân chinh đến Sochi hội kiến Vladimir Putin và trên đường trở về đã hàm ý sẽ thắt chặt thêm hợp tác quân sự với Moskva : mua thêm tên lửa của Nga, bất chấp những cơn thịnh nộ của Washington, và kể cả khả năng cộng tác với Nga về công nghiệp quốc phòng. Thế nhưng, theo nhà quan sát này, phát biểu về khả năng hợp tác quốc phòng với Nga có thể là hình thức để bắn tiếng với phía Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ bất đầu hết kiên nhẫn. Quan hệ giữa Ankara với chính quyền Trump đã xấu đi từ 2019 do Thổ Nhĩ Kỳ trang bị tên lửa của Nga và đã bị loại khỏi các chương trình hợp tác phát triển chiến đấu cơ đời mới F-35 của Mỹ.

Nhà Trắng đã đổi chủ sau cuộc bầu cử 2020 khiến tổng thống Erdogan hy vọng sẽ "làm lại từ đầu" với Joe Biden. Nhưng Erdogan đã thất vọng khi bị từ chối gặp riêng tổng thống Mỹ bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua. Cũng có thể là Washington đã vụng về khi biết rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn có một kênh đối thoại đặc biệt với phe Taliban tại Kabul sau khi Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi Afghanistan, và nhất là vẫn phải đối thoại với Ankara ngày nào mà căn cứ quân sự của Mỹ còn được duy trì tại Incirlik.

Với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, nội việc Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ý định cộng tác với Nga chế tạo vũ khí cũng đủ để châm thêm củi lửa cho phe đòi "khai tử" NATO. Khối này đã cố gắng giữ thể diện sau vụ Ankara trang bị tên lửa Nga, rồi đã làm ngơ khi ba thành viên cùng một nhà là Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Hy Lạp đọ sức trong vùng Địa Trung Hải trong lúc mà nước Mỹ của tổng thống Biden càng lúc càng lơ là với hồ sơ Đại Tây Dương, dồn nỗ lực "chuyển hướng sang Ấn Độ - Thái Bình Dương" với một nỗi ám ảnh là Trung Quốc ?

Trong hoàn cảnh đó, giới quan sát không phủ nhận những tham vọng của chính quyền Ankara, đồng thời ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng cái bóng của Nga để mặc cả với ngay chính "anh em trong một gia đình NATO".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 01/10/2021

********************

Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng hợp tác quân sự với Nga

Thanh Hà, RFI, 01/10/2021

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Vladimir Putin, trên đường từ Sochi về lại Ankara hôm 30/09/2021, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết về khả năng hợp tác với Moskva chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm. Quan hệ với Mỹ có nguy cơ thêm căng thẳng.

tho2

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, ngày 29/09/2021 via Reuters - Sputnik

Hãng tin AFP lấy lại thông tin từ thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, theo đó tổng thống Erdogan khẳng định lại là Ankara sẽ mua thêm tên lửa của Nga, S-400 và "không có chuyện lùi bước" trên hồ sơ này. Ngoài ra, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ nêu lên khả năng Nga và Thổ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Theo phân tích của thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ có chiều hướng căng thẳng thêm nữa. 

"Hiện tại, đây mới chỉ là những lời tuyên bố. Tuy nhiên, thông điệp ngoại giao khá rõ ràng : Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, sẽ không ngần ngại đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga, được coi như một ‘giải pháp thay thế’ các đối tác phương Tây.

Theo tổng thống Erdogan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến tới việc cùng nhau chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu, đóng tàu và thậm chí là cả tàu ngầm. Những tham vọng đó cho thấy mức độ xấu đi trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Trong những ngày qua, Recep Tayyip Erdogan chẳng những đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ ý định mua tên lửa S-400 của Nga mà còn hàm ý cho biết có thể mua thêm đợt thứ nhì. Hơn nữa, lần đầu tiên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công khai bày tỏ nghi ngờ về khả năng Washington tiếp tục hỗ trợ hậu cần cho các chiến đấu cơ F-16, loại máy bay mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trang bị từ những năm 1980.

Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Ankara mua tên lửa S-400 của Nga. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình chế tạo chiến đấu cơ F-35 để thay thế cho phi đội F-16 đang được Không quân nước này sử dụng".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 01/10/2021

Published in Diễn đàn

Hôm 22/10/2020, Hoa Kỳ đã lên án vụ Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 của Nga, đồng thời cảnh cáo là quan hệ quốc phòng với đồng minh chiến lược này, thành viên của NATO, có nguy cơ bị tổn hại trầm trọng. 

tho1

Washington cho rằng việc Ankara sử dụng tên lửa S-400 có thể giúp Nga tìm ra bí mật công nghệ về loại chiến đấu cơ F-35 của Mỹ mà nhiều linh kiện từng do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.  AFP/File

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Jonathan Hoffman, nhắc lại lập trường của Washington vẫn không thay đổi : Hệ thống S-400 được đưa vào hoạt động là trái với những cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách đồng minh của Hoa Kỳ và thành viên của NATO.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 16/10, Ankara đã tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Hôm qua, lần đầu tiên tổng thống Erdogan đã xác nhận vụ thử này. Ông nói : "Đúng là các vụ thử này đã được thực hiện và sẽ tiếp tục. Chúng tôi không cần hỏi ý kiến Mỹ về việc này". 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 của Nga, trong bối cảnh Ankara và Matxcơva xích lại gần nhau, đã gây bất hòa giữa nước này với các nước phương Tây, vốn xem hệ thống của Nga không tương hợp với các hệ thống vũ khí của NATO.

Đáp lại việc Ankara tiếp nhận dàn tên lửa đầu tiên vào mùa hè vừa qua, Hoa Kỳ đã đình chỉ việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình sản xuất chiến đấu cơ mới nhất của Mỹ F-35, vì cho rằng hệ thống tên lửa S-400 của Nga có thể giúp tìm ra bí mật công nghệ của loại chiến đấu cơ này. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một luật cấm bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara, vốn sản xuất nhiều linh kiện cho loại chiến đấu cơ này, đã mất toàn bộ các hợp đồng sản xuất.

Washington từng hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ không khởi động 4 dàn tên lửa S-400, thậm chí sẽ bán chúng cho một nước thứ ba. Nhưng vụ thử nghiệm ngày 16/10 đã làm thay đổi tình hình. Một đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017 có dự trù các biện pháp trừng phạt tự động đối với những nước nào tiến hành "một giao dịch đáng kể" với ngành công nghiệp vũ khí của Nga.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan ngày 09/3/2020 đến Bruxelles để thảo luận cùng các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề di dân đang gây ra những căng thẳng giữa Athens và Ankara từ hơn 10 ngày qua. Tổng thống Erdogan muốn tìm kiếm điều gì ở Liên Hiệp Châu Âu ? Liệu khối 27 nước thành viên này có thể làm được gì để đối phó trước những áp lực từ Ankara ?

didan1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul hồi tháng 2/2020. Press Office/Handout via Reuters

Mọi việc bắt đầu từ ngày 27/02/2020, khi nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho phép người tị nạn ùa về biên giới ở Hy Lạp, cửa ngõ vào Châu Âu. Cảnh tượng hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua rào chắn ở cửa khẩu hay vượt sông bị cảnh sát Hy Lạp và lực lượng Frontex của Liên Hiệp Châu Âu thô bạo đẩy lùi, khiến nhiều tổ chức nhân đạo không khỏi lo lắng, lên tiếng chỉ trích là vô nhân đạo và bất hợp pháp.

Phía Liên Hiệp Châu Âu, các nước thành viên đồng loạt lên án quyết định trên của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động "bắt chẹt" không thể chấp nhận. Một ngày trước khi đến Bruxelles, tổng thống Erdogan còn có những lời lẽ thách thức Châu Âu khi tuyên bố "Hy Lạp, hãy mở hết các cánh cổng đi ! Những người này chỉ đi nhờ qua đây để đến các nước Châu Âu khác (…) Hãy trút bỏ gánh nặng này đi !". Một thông điệp không chỉ dành riêng cho lãnh đạo Hy Lạp mà cả toàn bộ khối Liên Hiệp Châu Âu.

Tuyên bố này của nguyên thủ Thổ chẳng khác gì như gióng chuông báo tử cho "thỏa thuận 2016" được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Theo đó, Ankara chấp nhận kềm giữ dòng người tị nạn chạy trốn chiến sự tại Syria, để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro.

Giờ đây, ông Erdogan cho rằng khoản trợ giúp đó không đủ để lo cho gần 4 triệu di dân tạm trú trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chỉ trích thái độ "phủi trách nhiệm" của Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi thỏa thuận được ký kết.

Lời chỉ trích này còn nặng nề hơn bao giờ hết trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị "yếu thế" trước Syria và Nga tại Idleb. Lo ngại dòng người tị nạn đổ về biên giới, tổng thống Thổ đề nghị NATO và Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng không phận an toàn nhưng không được đáp ứng. Bởi vì trong hồ sơ Syria, tiếng nói của Châu Âu hầu như không còn có trọng lượng. Và trong thế đường cùng này, Erdogan nghĩ rằng vấn đề di dân là một công cụ hiệu quả nhất để có thể tạo ra một phản ứng nhanh chóng từ phía Châu Âu.

Đây có lẽ là một trong những mục tiêu chính của chuyến đi Bruxelles lần này của ông Erdogan. Nguyên thủ Thổ đã nhiều lần nhắc lại "giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria là Châu Âu phải ủng hộ ông trong việc chống chế độ Bachar al-Assad".

Bên cạnh đó, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn cũng sẽ thương lượng lại thỏa thuận 2016, theo đó, chi phí kiểm soát di dân phải do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý chứ không phải là do các tổ chức phi chính phủ. Ngoài vấn đề di dân, theo nhận định của thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, "Liên minh thuế quan" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu và việc "mở lại các cuộc thương lượng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập mái nhà chung Châu Âu" cũng nằm trong chương trình nghị sự lần này.

Câu hỏi đặt ra : Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được gì trước các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Didier Billion trên đài Franceinfo, Liên Hiệp Châu Âu không có nhiều phương tiện để gây áp lực với Ankara. Hình ảnh cảnh sát biên phòng Hy Lạp và lực lượng biên phòng Frontex tăng viện của Châu Âu thẳng tay trấn áp những người di dân nào tìm cách vượt rào đã cho thấy rõ một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại trong việc tham vấn và thông qua một chính sách phân bổ người xin tị nạn.

Áp lực di dân lần này làm trỗi dậy nỗi ám ảnh của một cuộc khủng hoảng di dân cách nay 5 năm. Từng dòng người lũ lượt đổ về Châu Âu từ khắp mọi ngả, khiến Châu Âu rúng động và bị lúng túng. Những căng thẳng về bản sắc, các cuộc khủng bố đã làm dấy lên trào lưu chủ nghĩa dân túy trên khắp Châu lục.

Xã luận của Le Monde cảnh báo : Thiếu chiến lược chung thì "Không một chính sách đối ngoại, không có rào cản nào có thể đủ để khống chế dòng người tị nạn do các cuộc khủng hoảng từ Cận Đông và Châu Phi" đổ ùa về Châu Âu.

Dường như Châu Âu đang bị Thổ Nhĩ Kỳ dồn vào chân tường.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 09/03/2020

Published in Diễn đàn

NATO ngậm bồ hòn làm ngọt trước thành viên ngỗ nghịch Thổ Nhĩ Kỳ (RFI, 25/10/2019)

Là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào đồng minh của khối trong cuộc chiến chống Daesh là lực lượng người Kurdistan, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của khối, để kiểm soát vùng chiếm đóng. Trước các hành động trên, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh.

trungdong1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (P) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. YASIN BULBUL / TURKISH PRIME MINISTER PRESS OFFICE / AFP

Thế nhưng vào hôm qua, 24/10/2019 nhân cuộc họp đầu tiên của NATO từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua Syria, các lãnh đạo Liên Minh như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận các lập luận của thành viên ngỗ nghịch, để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.

Theo hãng tin Pháp AFP, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng tranh cãi đã bùng lên gay gắt giữa các thành viên NATO, mà theo các nhà quan sát là giữa các nước Phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, ông Jens Stoltenberg từ chối lên án các hành đông của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành "những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia" mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.

Một nhà ngoại giao cấp cao tham gia cuộc họp đã nói thẳng thừng rằng NATO không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do : Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là "NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược".

Về giá trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong hệ thống bố phòng của khối NATO, trả lời câu hỏi của đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, ông Jean Marcou, giáo sư trường Khoa Học Chính trị (Sciences Po) ở Grenoble, đồng thời là chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến thực tế theo đó Ankara là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.

Bên cạnh đó, về mặt địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Hắc Hải lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa Châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông.

Do vậy, theo giáo sư Jean Marcou, cho dù bị Ankara gây căng thẳng, Phương Tây không thể mạo hiểm cắt cầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ như đã hiểu rất rõ điều đó. Ngay từ trước khi nổ ra vụ tấn công vào Syria, Ankara đã phớt lờ các khuyến cáo của NATO để đăt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Thế mà NATO vẫn không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên bình diện pháp lý cũng vậy, NATO khó có thể đụng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài truyền hình France24, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp và Viện Thomas More, cho biết là trường hợp trục xuất không hề được dự trù trong khối NATO. Dĩ nhiên là giới lãnh đạo NATO có quyền đề ra khả năng này, nhưng do vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu hẳn đi.

Vả lại, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurdistan ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.

Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ phòng thủ chung, và đừng gây nên những chuyện quá đáng tại Syria, thì các thành viên còn lại của NATO sẽ chấp nhận sự đã rồi.

Nhìn chung, chính những tính toán chiến lược kể trên đã khiến cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhẹ tay với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù nước này đã tỏ ra ngang bướng.

Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rất rõ điều đó, và trong thời gian sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục đóng vai ngỗ nghịch, nhưng sẽ cẩn thận để không đi quá trớn.

Trọng Nghĩa

******************

Syria : Ankara và Damascus đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an (RFI, 25/10/2019)

Washington thông báo sẽ tăng cường quân sự, hợp tác với lực lượng Dân chủ Kurdisatan-Syria FDS để bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria. Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 24/10/2019, đại sứ của Damascus lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược.

trungdong2

Một đoàn quân xa Thổ Nhĩ Kỳ ở Kilis gần biên giới Thổ-Syria, ngày 09/10/2019. Mehmet Ali Dag/ Ihlas News Agency (IHA) via Reuters

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho 300.000 thường dân Kurdistan đi lánh nạn. Tình trạng nạn nhân chiến cuộc được thảo luận tại Hội đồng Bảo an ngày thứ Năm. Đại diện Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm bầu không khí căng thẳng.

Từ NewYork, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật :

Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an, các thành viên dường như đồng thuận với nhau trên hồ sơ Syria : cần phải có một hành lang nhân đạo an toàn ở vùng biên giới bắc Syria. Tất cả thành viên, kể cả nước Nga, tỏ ra hài lòng thấy được bước đầu của một giải pháp chính trị : Hội đồng (soạn thảo) Hiến pháp Syria sẽ họp trong vài ngày nữa đây tại Genève.

Thế rồi, khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an đến những giờ cuối thì bầu không khí trở nên căng thẳng : Đại diện của Syria cực lực lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và kêu gọi mọi lực lượng ngoại nhập bất hợp pháp phải rút khỏi Syria. Đáp lại lời công kích này, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định, đối với Ankara, "mục tiêu đích thực" của chiến dịch quân sự "Nguồn hòa bình" là để "tiêu diệt khủng bố" mà thôi, và không có ý đồ gây hấn với Damascus.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhân cơ hội phát biểu để công kích các nước Tây phương đang lo âu về viễn ảnh thánh chiến Hồi giáo trốn thoát : Ankara cam kết sẽ giam giữ nghiêm ngặt các chiến binh Daesh bị lực lượng Kurdistan-Syria bắt được và canh giữ trong thời gian qua, nhưng giải pháp hay nhất vẫn là đem các chiến binh Hồi giáo này về quê hương gốc.

Mỹ tăng quân tại Syria

Một viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ sẽ tăng cường quân sự cùng với lực lượng Dân chủ Kurdisatan-Syria FDS, bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria, chống khủng bố Daesh. Diễn biến mới này chứng tỏ Hoa Kỳ không có ý định rút khỏi Syria. Trái lại, các đơn vị còn ở lại sẽ được tăng viện "ngăn chận Daesh và những phần tử gây rối" đánh phá trung tâm dầu khí. Theo AFP, hiện nay vẫn còn 200 binh sĩ Mỹ ở Deir Ezzor, miền đông Syria, gần biên giới Irak, nơi có khu mỏ dầu lớn nhất của Syria.

Trên thực địa, Tổ chức Nhân quyền Syria, một cơ quan phi chính phủ có mạng lưới quan sát đáng tin cậy cho biết thêm là lực lượng FDS đã rời một số căn cứ ở miền đông, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, nhiều đơn vị YPG, dân quân bảo vệ dân nhân Kurdistan mà Ankara xem là khủng bố, vẫn tiếp tục bám trụ dọc theo 440 km chiều dài biên giới.

Theo AFP, tuy lên án Mỹ phản bội, nhưng phe Kurdistan ở Syria vẫn giữ quan hệ tốt với Washington và phương Tây. Đại diện của FDS, ông Mazloum Abdi tuyên bố ủng hộ một đề xuất của bộ trưởng Quốc Phòng Đức, thành lập một vùng an toàn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở miền bắc Syria, một sáng kiến rất khó thực hiện vì Nga sẽ dùng quyền phủ quyết. Quân đội Nga hôm nay loan báo đưa thêm 300 biệt kích từ Tchetchenia sang vùng biên giới Syria.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được các phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga, S-400, bất chấp sự phản đối từ phía Hoa Kỳ.

tho1

Minh họa hoạt động của hệ thống tên lửa S-400m

Lô hàng đã tới căn cứ quân sự tại thủ đô Ankara hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Bước đi này sẽ khiến cho Hoa Kỳ giận dữ. Washington đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả hệ thống phòng thủ đối không S-400 lẫn các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là các đồng minh của Nato, nhưng Ankara cũng đang thiết lập những mối liên hệ gần gũi hơn với Nga.

Tranh luận về vấn đề gì ?

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký mua 100 chiếc chiến đấu cơ F-35 và đã đầu tư mạnh vào chương trình F-35. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 937 thiết bị khác nhau dùng trong loại máy bay này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi chính sách quốc phòng ngày càng độc lập, giữa lúc quan hệ với Mỹ và Châu Âu có những căng thẳng.

Nước này đã mua của Nga hệ thống phòng không S-400 tân tiến với hợp đồng 2,5 tỷ đô la, và đã gửi người của quân đội tới Nga dự huấn luyện.

Các quan chức bộ quốc phòng Mỹ nói rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng không của Nato trong khu vực.

Các viên chức nói họ không muốn các chiến đấu cơ F-35 bay gần các hệ thống S-400, bởi họ sợ rằng các kỹ thuật viên của Nga có thể tiếp cận được tới các nhược điểm của F-35.

Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ có thể loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 nếu như Ankara triển khai thỏa thuận S-400, và cảnh báo rằng Mỹ có thể áp các lệnh trừng phạt kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng hai hệ thống này sẽ được nằm ở các vị trí khác nhau, và rằng Mỹ quá chậm trong việc chào mời Ankara một lá chắn phòng thủ tên lửa thay thế.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, ông tin rằng Mỹ sẽ không áp lệnh trừng phạt.

Phân tích của Jonathan Marcus, phóng viên BBC chuyên về quốc phòng

tho2

Việc này dường như sẽ dẫn tới sự rạn nứt nghiêm trọng giữa Washington và một trong các đồng minh then chốt trong Nato của mình.

Chuyện một thành viên trong khối đi mua kiểu thiết bị này từ Nga là điều hầu như chưa từng xảy ra.

Mỹ đã ngưng việc giao máy bay cho Ankara và dừng việc đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ.

Các kế hoạch cũng đang diễn ra nhằm loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này. Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất phụ tùng, thiết bị cho F-35, và đang chuẩn bị trở thành một trung tâm bảo dưỡng máy bay này trong vùng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có vẻ như tin rằng bất kể Ngũ Giác Đài nói gì thì bản thân ông Donald Trump cũng sẽ ít có thái độ thù nghịch hơn đối với việc Thổ mua tên lửa của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng như thế nào ?

Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ nhì trong Nato, một liên minh quân sự gồm 29 thành viên.

Nước này là một trong các đồng minh then chốt của Mỹ, và nằm ở vị trí chiến lược, có chung đường biên giới với Syria, Iraq và Iran.

Nước này cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Syria, cung cấp vũ khí và ủng hộ quân sự cho một số nhóm phiến quân.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số thành viên Nato và EU đã xấu đi. Các nước này cáo buộc ông Erdogan là áp dụng chính sách ngày càng độc tài sau vụ đảo chính bất thành hồi 2016.

Hệ thống S-400 làm việc thế nào ?

tho3

1. Hệ thống theo dõi radar tầm xa (long-range surveillance radar) phát hiện các đối tượng và gửi thông tin tới xe chỉ huy (command vehicle). Xe này sẽ phân tích, đánh giá mục tiêu rơi vào tầm quét

2. Mục tiêu được xác định và xe chỉ huy ra lệnh phóng tên lửa

3. Dữ liệu phóng tên lửa được gửi tới xe chở bệ phóng (launch vehicle) thích hợp nhất, và xe này sẽ phóng đi tên lửa đất đối không

4. Hệ thống radar phối hợp (engagement radar) sẽ dẫn đường để tên lửa nhắm trúng mục tiêu

Published in Quốc tế

Thương mại : Donald Trump lạc quan, Tập Cận Bình kêu gọi sớm ký kết thỏa thuận (RFI, 05/04/2019)

Tại Washington, các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay 05/04/2019 trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 9, nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

quocphong1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), Nhà Trắng, Washington, ngày 04/04/2019 - Reuters/Jonathan Ernst

Trong khi đó, tại thủ đô hai nước, có rất nhiều phát biểu được đưa ra trong những giờ qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông lạc quan và một lần nữa nói rằng nếu hai bên đạt được "thỏa thuận", cuộc họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được tổ chức vào tháng 05/2019. Còn ông Tập kêu gọi "nhanh chóng hoàn tất thương lượng".

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI cho biết chi tiết :

"Bắc Kinh nóng lòng chấm dứt chiến tranh thương mại và trên điện thoại thông minh, Tân Hoa Xã cũng chạy nhiều tin khẩn vào buổi sáng hôm nay, ngày nghỉ, lễ Thanh Minh tại Trung Quốc.

Những bức ảnh chụp các container hàng tại các cảng đang "rậm rịch" khởi hành, những ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ của Trung Quốc lồng vào những ngôi sao trắng bên nền cờ xanh của Hoa Kỳ… Phó thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được "đồng thuận mới" về tài liệu đang thương lượng. Ông cũng truyền tải thông điệp của nhân vật số một Trung Hoa. Chủ tịch Tập Cận Bình viết : "Tôi hy vọng rằng phái đoàn của hai nước có thể sẽ ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.

Bắc Kinh muốn đẩy nhanh nhịp độ. Hiện giờ, ai cũng nói về sự "trọn vẹn và hoàn hảo", như khi người Trung Quốc nói về con số 10. Sau 9 vòng đàm phán, việc ký kết thỏa thuận trong vòng đàm phán thứ 10 được coi là sự hoàn tất.

Trung Quốc muốn ấn định ngày hẹn sắp tới giữa Tập Cận Bình và Donald Trump tại Hoa Kỳ, để hoàn thành nhanh nhất nội dung văn bản thỏa thuận trong tương lai. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hôm nay cho biết một số điểm quan trọng vẫn đang bế tắc, chẳng hạn về "sở hữu trí tuệ".

Thùy Dương

*****************

Tổng thống Trump nêu ý tưởng về chi tiêu quân sự của Mỹ, Trung Quốc và Nga (VOA, 05/04/2019)

Tổng thng Donald Trump hôm 4/4 lên tiếng v s tin mà các nước như M, Trung Quc và Nga chi cho sn xut vũ khí, nht là vũ khí ht nhân, đng thi gi ý rng s tin đó nên chi vào chuyện khác.

quocphong2

Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lư u H ạc hôm 4/4.

Trong cuộc gp vi Phó Th tướng Trung Quc Lưu Hc Phòng Bu dc, ông Trump nêu lên ý tưởng v vic theo đui mt tha thun tim năng vi Trung Quc, trong đó có phn đ cp ti vn đ chi tiêu quân s và sn xut vũ khí, theo Reuters.

"Trung Quốc đang chi tiêu nhiu tiên vào quân s. Chúng tôi và Nga cũng vy. Tôi nghĩ rng ba nước có th cùng ngng chi tiêu và chi vào nhng th có th có hiu qu hơn đi vi hòa bình lâu dài", ông Trump nói.

"Tôi nghĩ rằng s tt hơn nhiu nếu tt c chúng ta cùng chung sức và chúng ta không sn xut nhng loi vũ khí này na".

Khi được Tng thng Trump hi ý kiến v đ ngh này, theo Reuters, Phó Th tướng Lưu nói rng ông nghĩ đó là ý tưởng tt.

********************

Mua tên lửa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trên đe dưới búa (RFI, 05/04/2019)

Bất chấp áp lực từ phía Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ vẻ kiên quyết xúc tiến việc mua hệ thống tên lửa Nga S.400. Phát biểu vào hôm qua, 04/04/2019 tại Washington, bên lề hội nghị của khối NATO, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng việc mua tên lửa của Nga là một thương vụ "đã chốt", không thể hủy bỏ.

quocphong3

Tên lửa S-400 "Triumph" đất đối không, được triển khai gần thành phố Gvardeysk, sát Kaliningrad, Russia. Ảnh chụp ngày 11/03/2019. Reuters/Vitaly Nevar/File Photo

Trên nguyên tắc, các dàn tên lửa S400 sẽ được giao vào mùa hè năm nay, nhưng từ nay đến đó, tình hình có thể thay đổi : nếu thương vụ S400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, còn nếu hủy bỏ đơn đặt hàng, Ankara lại vấp phải phản ứng bất bình của Nga.

Trong một động thái có thể nói là nhằm tiếp tục duy trì sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua hệ thống phòng không của Nga, Lầu Năm Góc ngày hôm qua đã thẳng thừng bác bỏ một đề nghị của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, muốn cùng thành lập một nhóm làm việc để xác định xem hệ thống S400 có tác hại đến thiết bị của Mỹ và NATO hay không.

Hoa Kỳ lo ngại rằng công nghệ được Nga sử dụng trong hệ thống tên tên lửa S-400 có thể giúp Nga thu thập dữ liệu của các loại chiến đấu cơ của khối NATO, đặc biệt là loại F-35 của Mỹ. Ngoài mối lo ngại gián điệp, còn có vấn đề tương tác giữa hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ với các hệ thống còn lại trong khối NATO.

Trong tình hình đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Charles Summers, gần đây đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những "hậu quả nghiêm trọng", nếu cứ tiếp tục mua hệ thống tên lửa của Nga.

Theo hầu hết các nhà phân tích, đây là một lời đe dọa rất nghiêm túc, căn cứ vào các quan ngại thực thụ như kể trên.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể chịu những hậu quả nào ?

Một hậu quả trước tiên là kế hoạch đặt mua chiến đấu cơ tiên tiến F-35 của Mỹ đã bị ngăn chặn. Ankara muốn mua đến 100 chiến đấu cơ loại này, phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu qua Mỹ tập lái.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư 1 tỷ đô la vào kế hoạch trang bị loại vũ khí này, nếu không thực hiện hợp đồng, Mỹ có thể bị phạt. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, một số nguồn tin đã cho biết là Washington sẵn sàng trả tiền phạt.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào phạm vi áp dụng của luật Caatsa cho phép chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ thực thể hoặc quốc gia nào ký kết thỏa thuận vũ khí với các tập đoàn, công ty Nga.

Nguy cơ về phía Mỹ là như thế. Nhưng nếu theo Mỹ và từ bỏ hợp đồng đã ký, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy quan hệ với Nga vào một tính thế tế nhị.

Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Nga là một đối tác chiến lược rất quan trọng của Ankara tại Syria, một nước giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ mà tình hình bất ổn sẽ có tác hại rất lớn.

Mặt khác, nếu giải thích không tốt với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nguy cơ bị Mátxcơva trừng phạt về mặt kinh tế. Một ví dụ cụ thể là Nga có thể hạn chế lượng du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, mà mỗi năm lên đến hàng triệu lượt người.

Đối với Ankara, những biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington hay của Mátxcơva đều tác hại không nhỏ, vì lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế, bị suy thoái lần đầu tiên từ 10 năm nay.

Published in Quốc tế
mardi, 14 août 2018 17:21

Món nợ của Thổ Nhĩ Kỳ

Dù Thổ Nhĩ Kỳ không có nền kinh tế đủ lớn để gây ảnh hưởng toàn cầu nhưng cuộc khủng hoảng vẫn là điều bất lợi cho các nước đang phát triển vì gánh nợ quá lớn của các xứ này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao…

turk1

Bảng điện tử cập nhật tỉ giá của đồng Lira so với Mỹ kim và đồng Euro tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 13 tháng 8,2018 - AFP

Vì sao có cuộc khủng hoảng ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gây hậu quả bất lợi cho các nền kinh tế Á Châu, kể cả Việt Nam và nhất là Việt Nam, thì vụ khủng hoảng bùng nổ tại Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lại là một biến cố đáng ngại khác. Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế tuần này xin đề nghị ông phân tích cho nguyên nhân và hậu quả của vụ Thổ Nhĩ Kỳ đối với Châu Á.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu chỉ theo dõi sự tình một cách hời hợt thì ta có thể ngạc nhiên vì sao lại có cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng lẽ Chính quyền Hoa Kỳ lại trừng phạt một quốc gia đồng minh, thành viên của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO chỉ vì số phận của một mục sư người Mỹ đã bị Chính quyền Thổ giam giữ từ hai năm nay ? Sự thật nó không đơn giản như vậy vì nhiều biến cố xảy ra từ cuối năm 2002.

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nửa Âu nửa Á và nói về địa dư thì Á nhiều hơn Âu. Trăm năm trước, khi Đế quốc Hồi giáo Ottoman sụp đổ, bậc quốc phụ của nước Thổ là Mustapha Kemal đã muốn canh tân xứ sở theo mô hình Âu Châu với một chế độ mang tính chất thế quyền hơn thần quyền và loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo trong sinh hoạt chính trị. Sau đó do vị trí địa dư có tính chất chiến lược trên đại lục địa Âu-Á nhìn xuống vùng biển miền Nam, trong thời Chiến tranh lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một nước Tây Phương và là thành viên của Minh ước NATO để chặn đà bành trướng của Liên bang Xô viết. Nhưng khi Liên Xô tan rã rồi sụp đổ thì tình hình đã đổi khác kể từ năm 1992….

Nguyên Lam : Như vậy thì mọi sự có thể đã manh nha từ mấy chục năm trước rồi sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là sau năm 2001, một trào lưu khác đã thành hình tại Thổ với một tập hợp chính trị mới là đảng Công lý và Phát triển, gọi tắt theo tiếng Thổ là AKP. Đảng này thắng cử nhiều lần kể từ năm 2002, theo xu hướng khôi phục ảnh hưởng của Hồi giáo và chủ nghĩa quốc gia dân tộc của người Thổ. Một lãnh tụ của đảng AKP là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên lãnh đạo và dần dần thâu tóm quyền lực theo Tổng thống chế và muốn xứ sở phải là cường quốc trong khu vực tiếp cận với Âu Châu, Á Châu và Trung Đông.

Không may cho xứ Thổ, Chính quyền của ông Erdogan lại có nhiều sai lầm về chính sách kinh tế, quan trọng nhất là việc vay mượn quá khả năng thanh toán. Tai họa của Thổ là đi vay để bành trướng và nay không thể trả nợ.

Yếu tố ngoại giao là việc tách xa Tây phương mà lại vay ngoại tệ của ngân hàng Âu Châu rồi tiến tới chế độ toàn trị sau cuộc phản đảo chính vào Tháng Bảy năm 2016. Việc chế độ Erdogan bắt giam một mục sư người Mỹ theo đạo Tin Lành đã sống tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 23 năm qua chỉ là giọt nước tràn ly chứ không là lý do vì xứ Thổ vừa đòi mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, lại muốn mua hỏa tiễn địa-không S-400 của Nga mà ra tay chà đạp nhân quyền ở bên trong nên chế độ mất hết đồng minh trong chính trường Hoa Kỳ và làm các nước Âu Châu hoài nghi.

Nhân duyên

Nguyên Lam : Trên diễn đàn này, ông hay nói đến chuyện "nhân duyên". Cái "nhân" là nguyên nhân khiến điều gì đó có thể sẽ xảy ra. Cái "duyên" là biến cố làm chuyện đó xảy ra vào thời điểm này. Như vậy, phải chăng là cái nhân của vụ khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ trước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sai lầm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ hay cái nhân là họ đi vay quá sức trả khiến đồng bạc mất giá từ lâu, rồi biện pháp trừng phạt của Mỹ mới gây khủng hoảng cho hệ thống ngân hàng của Thổ, sẽ lan ra các ngân hàng chủ nợ của quốc tế. Không có vụ mục sư Mỹ thì xứ này cũng bị khủng hoảng. Bài học kinh tế ở đây là chuyện đi vay, trường hợp khá phổ biến trong các nước đang phát triển trên thế giới.

Nguyên Lam : Thưa ông, thế rồi tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài việc đả kích Hoa Kỳ để huy động quần chúng bên trong, Chính quyền Thổ chẳng có nhiều giải pháp kinh tế tài chính. Gánh nợ của Thổ hiện lên tới gần 500 tỷ đô la, đa số tới gần 80% là nợ bằng tiền Mỹ dù chưa hẳn là nợ các ngân hàng Mỹ, phần còn lại là nợ bằng đồng Euro của Âu Châu. Hơn 100 tỷ của khoản nợ quá lớn này sẽ đáo hạn trong năm nay. Họ không dám tăng lãi suất để đồng Lira khỏi mất giá vì sợ gây ra nạn suy trầm sản xuất và thất nghiệp. Nếu ra lệnh kiểm soát tư bản để tránh thất thoát ngoại tệ thì vẫn khó tránh vỡ nợ và chẳng được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tung tiền chuộc nợ để cấp cứu nếu không chấn chỉnh lại hệ thống công chi thu.

Với ông Erdogan, việc cải cách theo điều kiện của IMF là một xâm phạm chủ quyền quốc gia. Giải pháp kia là xin Bắc Kinh trợ cấp tài chính thì chế độ lại càng lệ thuộc hơn vào một xứ ở xa, đang có quá nhiều vấn đề trong nội bộ.

Bài học từ Thổ Nhĩ Kỳ

Nguyên Lam : Từ chuyện Thổ Nhĩ Kỳ qua các nước khác, chúng ta có thể rút tỉa được những bài học gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta không quên rằng sau vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009, khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đã ào ạt hạ lãi suất tới gần số không nhằm kích thích kinh tế nhưng cũng gây ra hiện tượng tiền nhiều và rẻ. Vì vậy, giới đầu tư của các nền kinh tế đó, tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, mới đem tiền vào kiếm lời cao hơn trong các nước đang phát triển, như Cộng hòa Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này thấy đó là cơ hội đi vay rất rẻ mà chẳng nghĩ tới ngày trả nợ.

Thế rồi khi kinh tế Hoa Kỳ phục hồi và Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất thì tiền Mỹ lên giá và thị trường Hoa Kỳ là cơ hội kiếm lời cao hơn. Các nước đang phát triển mà vay quá nhiều bằng ngoại tệ sẽ chết kẹt vì nội tệ của họ mất giá và việc trả nợ lại đắt hơn. Thổ Nhĩ Kỳ bị khủng hoảng vì ngoại giao nhưng mầm khủng hoảng đã có sẵn bên trong, nhiều xứ khác, như Pakistan hay Nam Phi, Argentina hay cả Indonesia cũng có thể bị như vậy và khủng hoảng dễ lây lan toàn cầu. Có lẽ ta cần nhớ lại một chuyện tương tự xảy ra 20 năm trước tại Đông Á.

Nguyên Lam : Xin đề nghị ông nhắc lại chuyện này vì quả thật là đã quá xa xôi cho đa số thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng ngày hai Tháng Bảy năm 1997, Thái Lan bị khủng hoảng vì đồng Baht của họ mất giá. Khi đó, thế giới còn ngợi ca phép lạ kinh tế Đông Á nên không ngờ là từ Thái nạn khủng hoảng đã tràn khắp Đông Á, từ Đông Nam Á như Malaysia, Philippines lên Đông Bắc Á, vào tới Nam Hàn, Đài Loan, rồi lan qua Liên bang Nga và dội ngược về thị trường Hoa Kỳ làm một tập đoàn đầu tư đối xung hay "hedge fund" của Mỹ bị phá sản. Bộ phận chuyển lực làm tai họa lây lan mấy ngàn cây số chính là các ngân hàng vì họ bị mất nợ.

Khi biến cố bùng nổ tại Thái Lan, ít ai nghĩ đến một vụ vỡ nợ dây chuyền. Ngày nay, chuyện Thổ phải làm ta nghĩ đến xứ Thái. Lần đó, Việt Nam chưa hội nhập vào luồng giao dịch tài chính quốc tế nên chỉ bị hậu quả gián tiếp, lần này thì khác vì Việt Nam cũng đi vay quá nhiều.

Nguyên Lam : Vì thời lượng của chúng ta có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một kết luận sơ khởi về hậu quả.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đi vay chỉ là tiêu sớm mà thôi. Khi vay thì phải nghĩ đến ngày trả. Vay ngắn hạn mà tiêu vào việc dài hạn không là giải pháp, và vay rẻ mà trả đắt là điều đang xảy ra. Việt Nam nên theo dõi chuyện này vì đã mắc nợ và rất dễ bị vạ lây.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/08/2018

Published in Diễn đàn

Đây là nước đi tiền trạm, chuẩn bị cho những nước đi chiến lược mới, mà việc vô hiệu hoá các nước đi của Moscow mới là mục đích cuối cùng...

CNN ngày 3/1/2017 có bài viết nhận định rằng các vụ tấn công hôm Chủ nhật – ngày 1/1/2017 - là một phần cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu.

Những kẻ khủng bố đã liên kết các cuộc tấn công từ Istanbul đến Berlin, Paris, Nice, Baghdad, Tel Aviv, Jakarta và nhiều nơi khác, với tư tưởng cực đoan – nền tảng tinh thần cho chủ thuyết của chúng.

Tuy nhiên, bài viết được hãng tin đăng tải còn cho rằng một yếu tố quan trọng mà dư luận xem thường, thậm chí bỏ qua, không quan tâm.

Đó là khi bọn khủng bố thực hiện các vụ tấn công ở các nước đang chìm trong chiến tranh hay bất ổn chính trị thì những sự hỗn loạn do chúng tạo ra đã được các chính quyền khai thác phục vụ cho lợi ích chiến lược của mình.

nga1

Sự thân thiện của cặp đôi Putin - Erdogan luôn là mầm hoạ với phương Tây

Và chính quyền Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Assad tại Syria bị cho là đang khai thác các hành động khủng bố cho mục đích chính trị của mình, vì vậy những hành động của Ankara cũng như Damascus chẳng khác gì nuôi dưỡng những kẻ khủng bố để có thể hưởng lợi từ những hành động vô luân của chúng.

Tại sao phương Tây lại có nhìn nhận như vậy ?

Gán ghép tấn công khủng bố với mưu đồ chính trị để nhổ "gai Erdogan" ?

Có thể thấy rằng, việc Tổng thống Erdogan hằn học với giới lãnh đạo các thành viên NATO trong việc chậm trễ thể hiện quan điểm với cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông chứng tỏ giũa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO đã "cơm không lành canh không ngọt".

Song khi Erdogan nghi ngờ phương Tây, mà trực tiếp là Washington – đứng sau lực lượng đảo chính thì sóng gió đã nổi lên.

Như người viết đã phân tích, dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên gánh nhiều trách nhiệm trong NATO nhưng vị thế và quyền lợi không hề tương xứng. Sự bất công này đã gây nên ức chế đối với Ankara.

Trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" không thể bỏ rơi liên minh mà cũng không có cách nào có thể "nhắc nhở" các đồng minh lớn về việc này, Erdogan đã phải gây ra "sự kiện 17 giây" với Mosocw, khi bắn rơi máy bay Nga, để đo lường trọng lượng với những người anh em.

Nhưng hơn 8 tháng diễn ra cuộc khủng hoảng Nga – Thổ, một mình Ankara phải ngậm đắng nuốt cay chịu thiệt hại bởi lệnh cấm vận của Moscow, đã chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đáng phận "làm em ăn thàm vác nặng mà thôi". Ankara dường như chỉ là quân cờ được các ông lớn trong NATO sử dụng vào mục đích riêng của họ.

Trước bối cảnh những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ thì đồng minh không quan tâm, những vấn đề liên quan tới vị thế và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ thì bị đồng minh phớt lờ, Erdogan đã quyết định hướng về Nga để tìm kiếm lợi ích cho Ankara. Và thư xin lỗi Putin đã nhanh chóng được Erdogan gửi tới Kremlin.

Khi cặp đôi Putin – Erdogan thúc đẩy quan hệ Moscow – Ankara thân thiện vượt thời gian thì Brussels đã nhận ra Erdogan chính thức trở thành cái gai trong mắt họ. Dù có thể không đứng sau cuộc đảo chính quân sự, song việc chậm trễ thể hiện quan điểm về cuộc đảo chính đã cho thấy các đồng minh không sẵn sàng bên cạnh nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lúc nguy hiểm nhất.

Điều đó chẳng khác gì sự cảnh báo với quyền lực của Erdogan, vì vậy giới phân tích cho rằng việc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng trên diện rộng sau đảo chính được xem là nhằm tránh hậu hoạ có thể đến từ chính các đồng minh. Ngày 20/12/2016 khi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga gặp nhau tại Moscow để giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, gạt hẳn Washington sang một bên, đã tạo ra "ngày ô nhục" thứ hai trong lịch sử với nước Mỹ.

Đây là mầm hoạ với Mỹ và phương Tây, song cũng đồng thời là cảnh báo tai hoạ với Erdogan. Khi Tổng thống Obama quyết định trừng phạt ngoại giao Nga vào những giờ phút cuối cùng của năm 2016 thì đó cũng được xem là lời nhắc nhở nghiêm khắc với Erdogan khi quan hệ Moscow – Ankara ngày càng gắn kết. Có thể nhận diện lúc này nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã là cái gai khó nhổ của Mỹ và phương Tây.

Như vậy, việc nhổ "gai Erdogan" có thể được xem là yêu cầu với các đồng minh, để tránh mầm hoạ biến thành hậu hoạ với NATO. Có lẽ gán ghép hành động tấn công của những kẻ khủng bố với mưu đồ chính trị của chính quyền Erdogan là cách nhổ gai tốt nhất.

Bởi khi đó Erdogan có thể bị quy tội, bị buộc tội ở cả trong và ngoài nước. Nếu nước đi đó thành công thì quyền lực của ông Erdogan sẽ chính thức bị tước bỏ.

Cột Assad với khủng bố để hợp pháp hoá việc tấn công Syria, xóa bàn cờ Nga đang tạo ra tại Trung Đông

Việc Mỹ không thể xuất hiện một cách hợp pháp tại Syria khiến cho Washington để mất vai trò đạo diễn ván cờ này vào tay Moscow.

Thực tế đó khiến cho Washington phải chịu nhiều bất lợi trong nước các đi của mình. Đặc biệt là việc dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông có thêm rất nhiều trở ngại.

Dù IS dường như được dung túng từ mặt trận Mosul tại chiến trường Iraq chạy về biên giới Iraq – Syria củng cố lại lực lượng, thực hiện tấn công tái chiếm Palmyra từ tay Nga và quân đội Syria. Dù IS có làm chủ Palmyra thì việc tạo ra thế chủ động từ nước đi này là rất khó vì IS không thể có điểm chung với bất cứ lực lượng chính trị nào.

Do vậy, việc sử dụng IS cho các nước cờ chính trị là rất nguy hại, như cầm dao hai lưỡi và có thể dính đòn hồi mã thương của chính lực lượng này. Do vậy, tìm cách đẩy những "virus" giết người này vào tay đối thủ rồi từ đó hợp thức hoá việc tấn công cả hai là một nước đi có thể mang hiệu quả kép. Có thể nhận diện Moscow và chính quyền Assad đang đối mặt với nguy cơ ấy.

nga2

Sự ủng hộ của Tổng thống Putin dành cho chính quyền Assad luôn là điều khó chấp nhận với phương Tây

"Sự tăng cường của IS và các tổ chức thánh chiến cho phép Assad tự giới thiệu mình không phải là nhà hoạt động hòa bình, yêu chuộng tự do và trí thức dân chủ... Cuộc tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan toàn cầu đã được thúc đẩy bởi chiến cuộc tại Syria. Nó khiến Châu Âu bất ổn, còn người dân ở Trung Đông thì bị mắc kẹt giữa các tổ chức khủng bố và các chính quyền sử dụng việc tấn công của chúng phục vụ cho lợi ích riêng và duy trì quyền lực của họ", theo CNN.

Như vậy, chiến cuộc tại Syria bị cho là nguyên nhân quan trọng khiến cho các cuộc tấn công khủng bố gia tăng trên toàn thế giới, còn chính quyền Assad thì bị xem là sử dụng hành động tấn công khủng bố cho những mục đích chính trị của mình.

Tác giả kịch bản đã tính toán chi tiết việc khơi dậy tinh thần của người dân Trung Đông đối với chính quyền bị xem khai thác hành động khủng bố này.

Trong khi đó, Moscow đứng về phía chính quyền Assad, đạo diễn ván cờ Syria xoay quanh chính quyền Assad. Điều này khiến cho việc Moscow, Ankara và Teheran cùng giải quyến ván cờ chính trị tại Trung Đông mà thiếu vắng Washington là hoàn toàn có thể bị vô hiệu.

Ván cờ mà Moscow sắp xếp tại Syria hoàn toàn có thể bị xoá bỏ khi chính quyền Assad bị cột với việc khai thác hành động khủng bố cho các mưu tính của mình.

Tóm lại, việc phương Tây gán ghép tấn công khủng bố với mưu đồ chính trị của Erdogan hay cột chính quyền Assad với nguyên nhân làm gia tăng khủng bố, làm lợi từ hành động tấn công khủng bố là nước đi tiền trạm, chuẩn bị cho những nước đi chiến lược mới, mà việc vô hiệu hoá các nước đi của Moscow tại khu vực Trung Đông mới là mục đích cuối cùng của các nước đi chiến lược đó.

Ngọc Việt

Nguồn : Đất Việt, 05/01/2017

Published in Quốc tế