Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tân Cương : Hãng Mỹ hủy hợp đồng với nhà cung cấp Trung Quốc (RFI, 11/01/2019)

Một tập đoàn Mỹ trong ngành may mặc quần áo thể thao sẽ cắt đứt quan hệ với một nhà cung cấp Trung Quốc, do quan ngại về khả năng đối tác này sử dụng lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương, nơi chế độ Bắc Kinh giam giữ người Hồi Giáo, đại bộ phận là người Duy Ngô Nhĩ.

tq1

Một hãng may tại Tân Cương. Ảnh minh họa. Reuters/Ben Blanchard

Theo AFP, ngày 09/01/2019, tập đoàn Badger Sportswear ở Bắc Carolina cho biết sẽ ngưng mua quần áo từ công ty Trung Quốc Hòa Điền Thái Đạt (Hetian Taida), mà cơ sở sản xuất đặt ở Tân Cương. Hãng Mỹ giải thích : "Trong bối cảnh có nhiều lo ngại và trong mục tiêu loại bỏ mọi nghi kỵ về dây chuyền cung ứng hàng hóa (...) chúng tôi sẽ không nhận bất kỳ sản phẩm nào đến từ Hòa Điền Thái Đạt hay miền tây bắc Trung Quốc".

Vấn đề Tân Cương đang nổi cộm với việc quốc tế lên án các trại cải tạo cầm giữ đến cả triệu người Hồi Giáo trong những điều kiện tồi tệ. Theo gia đình các nạn nhân và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những người bị giam đã bị cưỡng bức lao động.

Bắc Kinh luôn phản bác những cáo buộc trên, khẳng định rằng đấy chỉ là những trung tâm "huấn nghệ", để giúp những người này từ bỏ thái độ cực đoan và hội nhập vào xã hội.

Nhật báo Mỹ The New York Times vào tháng 12/2018 cho biết tập đoàn Badger đã nhận một container T-shirt do Hòa Điền Thái Đạt sản xuất. Vấn đề là chính đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã xác nhận rằng công ty này đã sử dụng "những người lao động" trong các trại "cải huấn" dành cho tù nhân người Hồi Giáo.

Cho dù những nhà điều tra độc lập cũng như của chính tập đoàn Badger đều xác nhận rằng hãng Mỹ không vi phạm "nguyên tắc đạo đức trong sản xuất", nhưng hãng này vẫn hủy hợp đồng với đối tác Trung Quốc, vì "các thông tin mà Hòa Điền Thái Đạt cung cấp về cơ sở sản xuất quá mơ hồ".

Bắc Kinh dĩ nhiên đã có phản ứng gay gắt : Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua đã cảnh cáo rằng, "nếu ngưng hợp tác thương mại với đối tác Trung Quốc vì những lý do trên, thì tập đoàn Mỹ chỉ gây ra thảm kịch cho chính mình mà thôi". Ông Lục Khảng đồng thời tái khẳng định rằng các trại "huấn nghệ" ở Tân Cương không cưỡng bức lao động.

Mai Vân

******************

Doanh nhân Trung Quốc có quan hệ với Hoa Vi bị bắt ở Ba Lan (RFI tiếng Việt, 11/01/2019)

Theo truyền thông Ba Lan, một doanh nhân Trung Quốc có liên hệ với tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) ở Ba Lan vừa bị bắt, vì nghi ngờ làm gián điệp. Cùng bị bắt với doanh nhân Trung Quốc có một công dân Ba Lan.

tq2

Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo

Một số giới chức cao cấp Ba Lan hôm 11/01/2019 cho hay nhân vật này bị bắt hôm thứ Ba 08/01/2019. Một công dân Ba Lan cùng bị bắt với người được cho là có quan hệ với Hoa Vi. Cả hai bị tình nghi "làm gián điệp" cho Trung Quốc chống lại Warsawa.

Vẫn theo báo chí Ba Lan, công dân Piotr D. vừa bị bắt từng là một sĩ quan an ninh, chuyên gia trong lĩnh vực an toàn mạng. Người phát ngôn ngành phản gián của bộ Nội Vụ Ba Lan thì cho biết ông Piotr D. từng làm việc cho nhiều cơ quan nhà nước Ba Lan.

AFP đã liên lạc với tập đoàn Hoa Vi để hỏi có đúng người bị bắt là lãnh đạo một chi nhánh của tập đoàn hay không, nhưng không được xác nhận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi đến AFP một thông báo cho biết Bắc Kinh "rất quan ngại" về vụ việc này, đồng thời yêu cầu quốc gia sở tại xử lý một cách không thiên vị hồ sơ nói trên, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Vụ một nhân vật có liên hệ với Hoa Vi bị bắt tại Ba Lan tuần này xảy ra chưa đầy một tháng rưỡi sau vụ một lãnh đạo Hoa Vi, bà Mạng Vãn Chu (Meng Wanzhou) – con gái của người sáng lập Hoa Vi - bị bắt tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ. Vụ việc khiến quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Kể từ vụ Mạnh Vãn Chu, 13 công dân Canada bị bắt giữ, trong đó có 8 người được trả tự do.

Tập đoàn Hoa Vi, do một cựu kỹ sư quân đội Trung Quốc sáng lập, bị chính quyền nhiều nước như Mỹ, Úc và Úc, nghi ngờ hoạt động gián điệp. Ba quốc gia nói trên cấm Hoa Vi tham gia xây dựng mạng lưới internet tốc độ cao 5G. Ba Lan là một trong các quốc gia Châu Âu đang sẵn sàng để Hoa Vi tham gia vào mạng 5G ở nước mình.

Trọng Thành

******************

Ba Lan bắt một quan chức Huawei người TQ vì 'tình nghi gián điệp' (BBC, 11/01/2019)

An ninh Ba Lan bắt một quan chức đại diện tập đoàn Huawei ở nước này vì 'nghi vấn gián điệp', theo truyền thông Châu Âu sáng hôm 11/01/2019.

tq2

Truyền hình quốc gia Ba Lan chạy tin 'Gián điệp đã trong tay Cục An ninh Quốc gia'

Một cựu nhân viên của chính Cục An ninh Quốc gia (ABW) là người Ba Lan cũng bị bắt trong cùng vụ việc.

Tin này được Phó Giám đốc Cục An ninh ABW, Maciej Wasik xác nhận với báo chí.

Theo Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan (TVP), người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh, giám đốc một bộ phận của tập đoàn Huawei tại Ba Lan.

Người Ba Lan bị bắt là Piotr D. cựu nhân viên an ninh cao cấp và hiện đang làm việc trong ngành viễn thông.

Đài TVP đưa tin "Piotr D" rời ABW sau khi có cáo buộc tham nhũng, nhưng ông ta chưa bao giờ bị truy tố.

Bộ Nội vụ Ba Lan cho hay hai người này bị bắt hôm 8/1 và đã bị tòa ra lệnh tạm giam ba tháng chờ điều tra.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng họ "hết sức lo ngại" về vụ bắt người này.

TVP đưa tin Cục An ninh Quốc gia khám văn phòng Huawei ở Ba Lan, cũng như văn phòng của Orange Polska nơi ông "Piotr D" được cho là đang làm việc.

Có tên là Stanislaw

Đài báo Ba Lan trong ngày 11/01 liên tiếp đăng bài về vụ 'bắt gián điệp'.

Theo các thông tin đã đăng tải đó, ông Vương Vệ Tinh dùng tên Ba Lan là Stanislaw.

Được biết ông học ngành ngôn ngữ Ba Lan ở Bắc Kinh và nói thạo tiếng này, và từng làm việc trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk cho đến 2011.

Còn ông Piotr D. từng làm trong Học viện Kỹ thuật Quân sự Ba Lan ở Warsaw.

Cả hai ông Stanislaw Vương Vệ Tinh và Piotr D. đều không nhận tội khi bị bắt.

Công tố viên Ba Lan nêu cáo buộc họ "cộng tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc" và có hành vi "chống lại nước Cộng hòa Ba Lan".

Nếu bị kết án, họ có thể nhận 10 năm tù giam.

Trong một thông cáo, Huawei nói hãng "tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định ở các quốc gia mà hãng hoạt động, và chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên tuân thủ luật lệ và quy định ở những nước họ làm việc".

Hãng dịch vụ viễn thông Orange nói trong một thông cáo rằng an ninh Ba Lan đã thu thập thông tin có liên quan đến một nhân viên, nhưng hãng không rõ liệu cuộc điều tra có liên quan tới công việc chuyên môn của nhân viên đó hay không.

Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cục An ninh Ba Lan, nói với BBC rằng nhà riêng của cả hai người đàn ông đều đã bị lục soát trong cuộc điều tra.

tq4

Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G cho nhiều nước

Năm ngoái, Orange Polska cộng tác với Huawei để triển khai mạng mobile 5G ở Ba Lan.

New Zealand, Australia và Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào phát triển mạng 5G của họ.

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể dùng Huawei để do thám các quốc gia đối thủ.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc hãng này có liên hệ bí mật với chính phủ Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái vì cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.

Tin mới nhận nói Cộng hòa Czech cũng vừa ra lệnh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei và một số nhà bình luận tại Ba Lan viết trên báo chí nước này về nhu cầu "làm tương tự", sau vụ "bắt gián điệp" tuần này.

*******************

Những vấn đề Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp (BBC, 10/01/2019)

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc với những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên một thỏa thuận cụ thể giữa hai bên dường như là vẫn đang ngoài tầm với.

tq5

Những vấn đề phức tạp chính giữa hai bên bao gồm : sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường

Có rất ít những chi tiết mấu chốt được rút ra từ cuộc đàm phán chỉ ra mức độ khó khăn mà Washington và Bắc Kinh sẽ phải phải đối mặt trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề phức tạp.

Những vấn đề chính giữa hai bên bao gồm : sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường, cùng với đó là tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Nếu không có sự thay đổi căn bản về cấu trúc nền kinh tế từ phía Trung Quốc, cả hai sẽ khó tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề này.

1. Sở hữu trí tuệ

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.

Các công ty Mỹ thì cho rằng chính quyền Trung Quốc luôn thiên vị và đưa ra những quy tắc có lợi cho doanh nghiệp địa phương .

Phía Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.

"Không có điều luật nào ở Trung Quốc nói rằng bạn phải giao tài sản trí tuệ của mình cho các công ty Trung Quốc", Tiến sỹ Trương Huy Đào (Wang Huiyao), Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa, nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc.

"Nhưng chính phủ cũng cảm nhận được mối lo ngại từ phía Mỹ và có ý định sẽ trừng phạt những loại vi phạm này, nếu chúng thực sự xảy ra".

Để giải quyết mối lo ngại này, Bắc Kinh đã thành lập một tòa án về sở hữu trí tuệ và đang soạn thảo điều luật khiến giới chức Trung Quốc khó khăn hơn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của họ cho Trung Quốc.

Tuy nhiên các luật sư phía Mỹ chỉ ra rằng bộ máy tư pháp của Trung Quốc nằm dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản, và như thế các quyết định về pháp lý sẽ được đưa ra theo cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn, đặc biệt là khi có sự tham gia của một doanh nghiệp nhà nước.

tq6

Ông Trump luôn phàn nàn về các hoạt động giao dịch của Trung Quốc kể từ khi ông nắm quyền năm 2016

2. Tiếp cận thị trường

Thành công của nền kinh tế Trung Quốc có được dựa trên cách tiếp cận mục tiêu, trung tâm và được thiết kế nhằm có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước.

Điều này hoàn toàn trái ngược với cách vận hành của các công ty Mỹ.

Mỹ cho rằng Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước một cách không công bằng, cho họ những khoản vay lãi suất thấp và giúp đỡ những doanh nghiệp này cạnh tranh với các công ty nước ngoài một số ngành như hàng không vũ trụ, sản xuất chip điện tử và ô tô điện - đưa họ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ.

Phía Mỹ cho rằng ngay cả các công ty tư nhân Trung Quốc cũng có được những lợi thế, bởi vì các công ty nước ngoài khi cố gắng cạnh tranh ở Trung Quốc không có được những mối quan hệ hay quy mô đủ mạnh trong một thị trường khép kín, nơi mà họ cần những đối tác địa phương để hoạt động.

Trung Quốc đã hứa sẽ mở cửa thêm nhiều lĩnh vực kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài, nhưng điều này là vô nghĩa trừ khi họ cho phép các công ty của mình hoạt động độc lập.

tq7

Một nữ công nhân Trung Quốc

3. Kế hoạch "Made in China 2025"

Lộ trình phát triển công nghiệp của Trung Quốc có lẽ là trở ngại lớn nhất cho hai bên.

"Made in China 2025" mang đến nhiều mối lo cho phía Mỹ và Mỹ coi kế họach này của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với vị thế của Mỹ trong những ngành như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và 5G.

"Những gì phía Mỹ muốn là thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc", Christopher Balding, cựu giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cho hay.

"Họ muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia 'bình thường' theo định hướng thị trường. Tuy nhiên Trung Quốc lại không muốn điều đó".

Cả hai quốc gia đều đang gặp nhiều khó khăn từ chiến tranh thương mại và dự báo về tăng trưởng toàn cầu của hai bên cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, cả hai đang cố gắng tìm ra một thỏa thuận mà họ "có thể hợp tác cùng", như Wilbur Ross đã nói.

Nhưng đừng nhầm lẫn - ngay cả khi họ đi đến một thỏa thuận, cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này vẫn còn đó.

Published in Châu Á

Tháng Mười Hai năm ngoái, 22 phụ nữ đang có bầu ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vượt biên sang Trung Quốc bán đứa con chưa sinh của họ, theo báo chí trong nước thuật lời giám đốc công an tỉnh. Đầu tháng Giêng, 2019, một người Tàu và ba người Việt bị bắt ở Sài Gòn khi đang mưu tính đưa sáu phụ nữ Hà Nội qua Campuchia để cấy giống. Họ sẽ đẻ con thay cho dân Trung Quốc.

dan1

Năm 2018, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù Đảng cộng sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số. Trong hình là một đứa bé mới sinh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. (Hình : China Photos/Getty Images)

Có lẽ ông Tập Cận Bình không đặt ra những kế hoạch "mua bào thai" này. Nhưng cả hai sự kiện trên cho thấy một mối lo lớn của giới lãnh đạo Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang lo sẽ thiếu người ! Trong 80 năm nữa, nước Tàu có thể chỉ còn 500 triệu dân, theo tính toán của các chuyên gia về dân số học người Trung Quốc.

Hôm thứ Ba vừa rồi, ông Hà Á Phúc (亚福), một chuyên gia nhân khẩu (人口专家) Trung Quốc đã báo động trên tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times, 环球时报) rằng số trẻ ra đời mỗi năm đang đi xuống. Trong năm ngoái, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù Đảng cộng sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số.

Sau khi được phép sinh hai con, dân Tàu có hăm hở lo việc truyền giống ! Năm 2016 số trẻ sơ sinh đã lên tới 17,86 triệu, cao hơn con số 16,55 triệu năm 2015. Nhưng họ chỉ hăng hái được một năm, mặc dù nhà nước khuyến khích. Trong năm 2018, số trẻ mới ra đời chưa tới 15 triệu, so với con số 17,23 triệu năm 2017.

Nhà kinh tế Hoa Xương Xuân (华昌春), trong công ty chứng khoán Cử Nam Quốc Thái (莒南国泰证券), đã viết một bài nghiên cứu vấn đề này. Ông lo rằng theo đà số trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm giảm 20% như hai năm qua, dân số nước Tàu sẽ sụt giảm, với những hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Ông lo Trung Quốc đang trên đà sụt giảm dân số !

Hậu quả của tình trạng số sinh giảm bớt sẽ thấy rõ trong vài chục năm tới. Số người làm việc, gọi là lực lượng lao động, thuộc lớp tuổi từ 20 đến 60 ở Trung Quốc sẽ giảm dần. Trong khi đó, số người già trên 60, 65 tuổi ngày càng cao hơn, nhờ các điều kiện vệ sinh, y tế tốt hơn thế hệ trước.

Dân càng trẻ thì kinh tế càng dễ phát triển. Nhìn lại thập niên 1980, tuổi trung vị (median) ở nước Tàu là 20 tuổi, trung vị tức là có một nửa số dân cao hơn, một nửa thấp hơn tuổi 20. Cùng năm 1980, tuổi trung vị ở Mỹ là 30 tuổi. Lúc đó dân Tàu trẻ hơn dân Mỹ. Kinh tế Trung Quốc bộc phát từ năm 1980 phản ảnh chính sách theo gót tư bản của Đặng Tiểu Bình, nhưng một phần cũng nhờ lực lượng lao động trẻ trung được tung vào thị trường nhân dụng. Nước Tàu đã chạy đuổi theo kinh tế nước Mỹ trong 30 năm, càng ngày càng bám sát gần hơn, nhờ nhân lực trẻ trung đó.

Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị ở Mỹ là 38, trong khi ở bên Tàu lại lên tới 40 tuổi. Dân Mỹ bắt đầu trẻ hơn dân lục địa Trung Hoa. Tình trạng này còn tiếp tục, Mỹ đang dần dần chiếm ưu thế trên mặt dân số. Đến năm 2030 và 2050, tuổi trung vị ở Tàu sẽ là 46 và 56 tuổi ; già hơn so vớ ở Mỹ sẽ là 40 và 44 tuổi.

Trong tương lai, đối thủ kinh tế của Mỹ sẽ không phải nước Tàu mà là nước Ấn Độ ; nếu chúng ta nhìn vào dân số trẻ trung của nước Á Châu lớn này. Năm 1980, tuổi trung vị người Ấn là 20, giống như bên Trung Quốc. Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị của Ấn Độ chỉ là 28 tuổi, và sẽ lên tới 32 tuổi năm 2030, 40 tuổi năm 2050. Dân số trẻ thì khả năng kinh doanh còn mạnh, nhiều phát minh, sáng kiến hơn. Ngay bây giờ, nước Mỹ nên lo trước, đối thủ kinh tế trong tương lai sẽ là nước Ấn Độ chứ không phải nước Tàu.

Tình trạng nhân khẩu ở nước Tàu hiện nay giống như Nhật Bản đầu thập niên 1990. Khi đó, dân số Nhật bắt đầu "già" nhanh chóng, cũng vì sanh con ít mà người già sống lâu hơn. Năm 2015, ở nước Tàu có 10% dân trên 65 tuổi, đến năm 2050 sẽ tăng lên thành gần 37%. Có thể so sánh với nước Mỹ ; năm 2015 người trên 65 tuổi chiếm 14.6% dân số ; đến năm 2050 cũng chỉ chiếm 23.2%. Ấn Độ vẫn là nước dân trẻ nhất. Năm 2015 có 5.6 dân số già trên 65 tuổi, đến năm 2050 cũng chỉ có 14.2% già như vậy.

Giáo sư Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian, 易富), một nhà dân số học (hay nhân khẩu học) Trung Quốc, giáo sư Đại Học Trung Nam và University of Wisconsin-Madison, đã viết cuốn "Big Country with an Empty Nest" (Nước lớn không trẻ con) ; ông tính rằng nếu sinh xuất Trung Quốc giữ bình ổn ở tỷ lệ cứ mười phụ nữ sanh 12 đứa con trong đời, bình quân mỗi người sanh 1,2 con, thì cũng khiến dân số nước Tàu giảm bớt. Tới năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 1 tỷ 70 triệu người ; tới năm 2100 sẽ chỉ còn 480 triệu !

Khi tỷ lệ số người làm việc giảm mà số người già tăng, vấn đề phụng dưỡng các người trên 65 tuổi sẽ trở thành một gánh nặng cho cả xã hội. Theo ông Dịch Phú Hiền, năm 2015, ở Trung Quốc, để nuôi một người trên 65 tuổi thì có bảy người trong lớp tuổi lao động, từ 20 đến 64 tuổi, đang làm việc. Vì số người già tăng lên trong khi số người trong tuổi lao động giảm, tới năm 2030 sẽ chỉ có 3,6 người trong tuổi 20-64 làm việc nuôi một người già hơn ; và con số này sẽ giảm chỉ còn 1,7 người vào năm 2050.

Phần lớn những người cần được phụng dưỡng là phụ nữ vì các bà sống thọ hơn các ông, trung bình 6 đến 7 tuổi. Vì hệ thống an sinh xã hội còn chưa vững chãi như ở các nước tiên tiến, phụ nữ lớn tuổi ở nước Tàu là nạn nhân chính của tình trạng dân số sụt giảm, mà nguyên nhân chính là chủ trương mỗi gia đình chỉ được có một con của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Dân đông thì sẽ tiêu thụ nhiều, sẽ thúc đẩy sản xuất. Hiện nay, vì toàn bộ kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng, dân Trung Quốc đã giảm số tiền tiêu. Người dân lo trước cảnh kinh tế bấp bênh nên dè sẻn hơn. Giá nhà cửa lên cao khiến họ càng bớt các món chi tiêu khác. Năm 2017 số tiêu thụ tăng đã đóng góp ba phần tư vào số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, năm 2018 xuống chỉ còn hai phần ba, theo Bộ Thương Mại ở Bắc Kinh. Nếu dân số tiếp tục giảm, tiêu thụ sẽ giảm theo, một động lực thúc đẩy kinh tế sẽ mất đà.

Trước những dự báo dân số như trên, người Việt Nam sẽ không phải lo lắng quá trước đà đi lên của kinh tế Trung Quốc ; không lo họ sẽ đè bẹp nước mình. Sức bành trướng của nước Tàu tăng mạnh trong 30 năm qua, hiện đang giảm tốc. Nếu có những người Trung Hoa qua Việt Nam hay Campuchia mướn người đẻ giúp thì cũng không khiến cho dân số nước Tàu đứng vững, tránh khỏi cảnh sụt giảm.

Nhưng đó cũng không chắc chắn là một tin mừng cho dân tộc Việt Nam. Dân nước mình trẻ hơn, nhưng không có gì bảo đảm rằng lực lượng lao động của mình được dùng đúng, đưa tới hiệu quả kinh tế.

Các bà bầu gốc Nghệ An qua Tàu bán bào thai của họ với giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (nếu sanh con trai, khoảng 1.700 USD đến 2.100 USD) và 70 triệu đến 80 triệu đồng (con gái, khoảng 3.000 USD đến 3.400 USD). Với số tiền đó, họ sống được mấy tuần, mấy tháng ? Tiêu hết tiền rồi thì sao ? Lại nỗ lực mang bầu tiếp để xuất khẩu bào thai chăng ? Nếu người Việt cũng chỉ đóng vai làm thuê, sinh đẻ thuê cho người phương Bắc, thì đời đời sẽ không ngóc đầu lên nổi !

Chính quyền hiện nay đang bắt, phạt những phụ nữ đáng thương sinh sống bằng cách này. Nhưng muốn chấm dứt cảnh thê thảm đó thì phải làm gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã tính chưa ? 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 04/01/2019

Published in Diễn đàn

Quân đội Trung Quốc "lên gân" nhân dịp đầu năm 2019 RFI, 02/01/2019)

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ chỉ giảm nhẹ, đặc biệt vào cuối năm 2018 với cuộc hưu chiến thương mại, tờ báo chính thức của Quân Đội Trung Quốc vào đúng ngày đầu năm 01/01/2019 hôm qua đã ra một bài xã luận khẳng định ưu tiên hàng đầu của lực lượng võ trang Trung Quốc trong năm mới. Đó là tăng cường rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

tq1

Quân đội Trung Quốc làm lễ thượng cờ trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày đầu năm mới 01/01/2019. Reuters/Stringer

Theo một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) trích dẫn, đây là một động thái khác thường, có mục tiêu phô trương thanh thế để thị uy.

Bài xã luận của tờ báo nêu bật ưu tiên số một : "Chúng ta cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt trong một cuộc chiến và tăng cường năng lực toàn diện của binh lính nhằm ứng phó với các tình trạng khẩn cấp… bảo đảm sao cho có thể chiến thắng trước các thách thức".

Những ưu tiên khác được tờ báo nêu lên là lên kế hoạch thấu đáo, thực hiện nghiêm chỉnh để phát triển, cải tiến và đổi mới quân đội, và xây dựng đảng vững mạnh trong hàng ngũ quân đội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc nâng cao năng lực tác chiến của quân đội từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Đối với giới quan sát, việc tăng cường rèn luyện đồng nghĩa với phô trương sức mạnh, và việc nêu bật ưu tiên này ngay vào đầu năm có thể là dấu hiệu cho thấy đó là một phần quan trọng trong kế hoạch năm 2019.

Một cựu trung tá quân đội Trung Quốc, hiện là chuyên gia phân tích quân sự tại Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đã giải thích với tờ SCMP rằng trong suốt 20 năm trước ngày ông giải ngũ vào năm 2004, việc luyện tập để sẵn sàng tác chiến luôn là một trong những công việc hàng đầu của quân đội. Tuy nhiên, điểm khác thường năm nay là việc luyện tập để chuẩn bị cho chiến tranh được nêu bật ngay đầu năm.

Đối với chuyên gia này, điều đó có nghĩa là ưu tiên đó trở thành kế hoạch toàn năm, cho dù ý định thực sự đằng sau động thái đó trước mắt chưa được rõ.

Theo cựu thứ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Lâm Trung Bân (Lin Chong Pin), mục tiêu của Quân Đội Trung Quốc không ngoài việc phô trương sức mạnh để thị uy : "Đặt ưu tiên cho việc rèn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh chỉ là một động thái thị uy để thúc đẩy sức mạnh ngoại giao mà quân đội Trung Quốc thường làm trong 4 thập niên qua, cho dù chưa hề đánh một nước khác trong thời gian đó".

Quan sát viên này ghi nhận : "Động thái này được đưa ra vào lúc mà Hoa Kỳ tăng sức ép lên Trung Quốc với một loạt chiến dịch quân sự. Nhưng tôi chắc chắn 100% là quân đội Trung Quốc sẽ không tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, dù ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan".

Diều hâu Trung Quốc đòi đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Một trong những đối tượng mà Bắc Kinh nhắm đến trong việc thị uy chính là Mỹ. Theo cựu chuẩn đô đốc La Viện (Lou Yuan), một nhân vật nổi tiếng diều hâu trong giới chuyên gia quân sự Trung Quốc, thì muốn thắng Mỹ, chỉ cần đánh chìm hai tàu sân bay của Hoa Kỳ, với 5.000 người trên mỗi chiếc.

Trang thông tin Úc news.com.au đã trích dẫn hãng tin Đài Loan CAN cho biết trong tham luận ngày 20/12 tại một hội nghị ở Thâm Quyến (Trung Quốc), nhà bình luận quân sự này khẳng định rằng tử huyệt của Mỹ chính là tàu sân bay, và các tên lửa hành trình. Đạn đạo chống hạm mới của Trung Quốc có thể tấn công các hàng không mẫu hạm Mỹ kể cả khi nằm giữa một hệ thống phòng thủ chặt chẽ.

Đối với ông La Viện, "những gì Mỹ lo sợ nhất là thương vong" và khi hai tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm, điều đó có nghĩa là 10.000 người làm việc trên tàu sẽ thiệt mạng, "chúng ta sẽ thấy người Mỹ sợ hãi như thế nào".

Trọng Nghĩa

*****************

Tập Cận Bình dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (RFI, 02/01/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài diễn văn hôm nay, 02/01/2019, tuyên bố việc Đài Loan độc lập sẽ dẫn đến "thảm họa". Ông Tập cổ vũ cho sự "thống nhất" một cách hòa bình, nhưng đồng thời cảnh cáo không loại trừ việc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan.

tq2

Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh cáo Đài Loan trong bài diễn văn ngày 02/01/2019. AFP/POOL/Mark Schiefelbein

Song song đó, tờ Giải Phóng Quân Báo vừa công bố các mục tiêu cho năm 2019, kêu gọi "chuẩn bị chiến tranh". Từ Thượng Hải, thông tín viên Angélique Forget tường trình :

"Tăng cường huấn luyện và chỉnh đốn thái độ binh lính để có thể sẵn sàng trong trường hợp xung đột : quân đội Trung Quốc giương oai diễu võ trong chương trình năm mới đầy tính hiếu chiến. Tờ báo chính thức của Giải phóng quân Trung Quốc viết : "Chuẩn bị chiến tranh trở thành điều căn bản, đây phải là hướng chính".

Trong khi căng thẳng không ngừng tăng lên với láng giềng Đài Loan, kế hoạch này như một lời cảnh báo cho những ý định độc lập của hòn đảo. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục cho máy bay và tàu chiến quần thảo xung quanh Đài Loan. Và cách đây vài ngày, chính quân đội Trung Quốc đã cảnh cáo chính quyền Đài Bắc là sẽ rơi vào ngõ cụt nếu cố gắng ngăn trở việc thống nhất với Hoa lục.

Trong bài diễn văn đọc sáng nay tại Bắc Kinh, vị chủ tịch đầy quyền lực Tập Cận Bình đồng thời là chủ tịch Quân ủy Trung ương đã răn đe : "Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực để chống lại các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan".

Ông Tập Cận Bình cho rằng việc thống nhất theo chính sách "Một đất nước, hai chế độ" sẽ "bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của đồng bào Đài Loan". Chủ tịch Trung Quốc gợi ý cho thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải công nhận nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Hoa".

Phát biểu ngay sau bài diễn văn của ông Tập, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định đảo quốc không thể chấp nhận đề nghị trên, nhấn mạnh việc thương lượng phải trên cơ sở giữa hai chính phủ với nhau. Trong diễn văn đầu năm mới hôm qua, bà cũng đề nghị Bắc Kinh giải quyết bất đồng một cách hòa bình, và tôn trọng những giá trị dân chủ của Đài Loan.

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông bình luận : "Ông Tập tuyên bố :' Chúng tôi sẵn sàng thương lượng, nhưng trước hết quý vị phải đầu hàng đi !' Như thế thì chẳng đối thoại với ai được». Dân biểu Hồng Kông Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nhận định : "Trung Quốc đang nuốt chửng Hồng Kông trong mọi lãnh vực, nhưng lại giải thích rằng Hồng Kông là mẫu mực tuyệt vời cho Đài Loan. Đó là một trò đùa !".

Thụy My

*******************

Tập Cận Bình nói Đài Loan 'phải và sẽ' hợp nhất với Trung Quốc (BBC, 02/01/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân Đài Loan chấp nhận rằng họ 'phải và sẽ' hợp nhất với Trung Quốc.

tq3

Quân đội Đài Loan diễu hành - Hình minh họa

Trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm kể từ khi cải thiện mối quan hệ với Đài Loan, ông Tập nhắc lại lời kêu gọi thống nhất ôn hòa với Bắc Kinh trên cơ sở một quốc gia hai thể chế. Tuy nhiên, ông nói Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực.

Trong khi Đài Loan tự trị và độc lập trên thực tế, Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết cả hai bên là một phần một đại gia đình Trung Quốc và rằng nền độc lập của Đài Loan là "một dòng chảy ngược lịch sử và là ngõ cụt".

Người dân Đài Loan "phải hiểu rằng độc lập sẽ chỉ mang lại khó khăn", ông Tập nói và thêm rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức hành động nào thúc đẩy nền độc lập của Đài Loan.

Ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ với Đài Loan là "một phần chính trị nội bộ của Trung Quốc" và rằng "sự can thiệp của nước ngoài là không thể chấp nhận được".

Bắc Kinh "bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết chống lại các lực lượng bên ngoài can thiệp vào việc thống nhất hòa bình", ông nói.

Một ngày trước bài phát biểu của ông Tập, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng Bắc Kinh nên chấp nhận sự tồn tại của Đài Loan và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn với hòn đảo này.

Trung Quốc nên "tôn trọng sự kiên quyết của 23 triệu người về tự do và dân chủ, và phải sử dụng hòa bình, công bằng để xử lý sự khác biệt của chúng tôi", bà nói thêm.

Vào tháng 11, đảng chính trị của bà Thái Văn Anh đã vấp phải một thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử khu vực được Bắc Kinh coi là một đòn giáng mạnh vào lập trường ly khai của bà.

Vấn đề vì đâu ?

Đài Loan là một nền dân chủ tự trị và trên thực tế đã hoạt động như một quốc gia độc lập kể từ năm 1950, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bị lực lượng cộng sản đánh đuổi ở Đại lục và chạy sang hòn đảo này.

Tuy nhiên, Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai - không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó - một ngày nào đó sẽ được hợp nhất hoàn toàn với đất liền.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán đối với các yêu sách của mình.

Ví dụ, Trung Quốc khẳng định rằng các quốc gia khác chỉ có thể có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc Đài Loan chứ không phải cả hai.

Bắc Kinh đã giành được ngày càng nhiều trong số các đồng minh quốc tế ít ỏi của Đài Bắc, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và thay vào đó thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng buộc các hãng hàng không và khách sạn nước ngoài liệt kê Đài Loan là một phần của Trung Quốc trên trang web của họ.

****************

Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong (VOA, 02/01/2019)

Hàng ngàn người biu tình đã xung đường Hong Kong hôm 1/1 đ đòi dân ch, các quyn cơ bn và thm chí là đc lp khi Trung Quc trong bi cnh h phi đi mt vi s đàn áp gia tăng ca Đng Cng sn Trung Quc đi vi các quyn t do đa phương.

tq4

Cuộc biu tình đu Năm Mi thu hút đông đo người dân Hong Kong

Trong năm qua, Mỹ và Anh đã bày t quan ngi v mt s v vic mà h cho rng đã phá hoi lòng tin v t do và t tr ca Hong Kong dưới s cai tr ca Trung Quc.

Những v vic này bao gm b tù các nhà hot đng, cm các đng phái chính tr c súy đc lp và trục xut trên thc tế mt nhà báo phương Tây và ngăn cn các nhà hot đng dân ch ra ng c.

Cuộc biu tình vào năm mi cũng bao gm li kêu gi khi đng li các cuc ci cách dân ch đã b ngưng tr và đu tranh vi ‘đàn áp chính tr’ ca Bc Kinh.

"Nhìn lại mt năm trôi qua, đó là mt năm rt ti t… Pháp tr Hong Kong đang tht lùi", Jimmy Sham, mt trong nhng người t chc cuc biu tình, cho biết.

Những nhà t chc cho biết cuc tun hành có 5.500 người tham gia – điu chnh li con s ước tính lúc đầu là 5.800 người trong khi cnh sát nói rng có 3.200 xung đường vào lúc cao đim ca cuc tun hành.

Mặc dù chính quyn Hong Kong đã đàn áp quyết lit phong trào đòi đc lp, điu này không h ngăn khong 100 nhà hot đng đòi đc lp tham gia cuc tuần hành. H trương nhng biu ng và hô vang nhng khu hiu đòi Hong Kong tách ra khi Trung Quc.

Trung Quốc xem Hong Kong là phn lãnh th không th tách ri ca h và lên án ‘nhng k ly khai’ là mi đe da đi vi ch quyn quc gia, ngay c khi phong trào đòi độc lp không giành được nhiu s ng h ca người dân.

"Chính quyền s tiếp tc đàn áp phong trào đc lp ca Hong Kong, nhưng phong trào s ngày càng ln mnh", Baggio Leung, mt lãnh đo phong trào đc lp, nói và cho biết mt s thành viên trong nhóm của ông đã b các băng đng ‘tam hoàng’ quy phá trước khi cuc tun hành din ra.

Trong một đng thái chưa tng có tin l vào năm ngoái, chính quyn Hong Kong đã cm Đng Dân tc Hong Kong vi lý do an ninh quc gia vì lp trường đòi đc lp của đng này.

Nhà báo phương Tây Victor Mallet trên thc tế đã b trc xut khi Hong Kong chng lâu sau khi ông có cuc trò chuyn vi lãnh đo Đng Dân tc Hong Kong ti mt câu lc b báo chí.

Việc t chi cp th thc cho Mallet mà cho đến nay chính quyền Hong Kong vn không đưa ra li gii thích, đã b mt s chính ph nước ngoài ch trích.

Một s người biu tình còn đem theo chân dung ca Theresa Cheng, quan chc tư pháp cao nht ca đc khu, vi dòng ch ‘Truy nã’ đ lên án quyết đnh ca bà này ngưng một cuc điu tra tham nhũng đi vi ông Lương Chn Anh, cu đc khu trưởng và là người thân Bc Kinh, mà không đưa ra li gii thích tha đáng.

"Tôi lo ngại rng áp lc s tiếp tc", ông Joseph Cheng, mt nhà vn đng nhân quyn kỳ cu và là mt giáo sư về hưu vn đang gây qu ‘công lý’ cho nhng nhà hot đng phi chu chi phí pháp lý cao ngt cho mt s phiên tòa.

"Chúng tôi sẽ đi mt vi mt vài năm rt khó khăn, nhưng chúng tôi phi kiên đnh… Không ging như trong đi lc, ít nht chúng tôi còn có quyền phn đi", ông Cheng nói.

********************

Dân Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ (RFI, 02/01/2019)

Khoảng vài nghìn người dân Hồng Kông đã xuống đường đúng ngày đầu năm 01/01/2019 để yêu cầu được hưởng một nền dân chủ toàn vẹn, tôn trọng những quyền cơ bản và thậm chí là độc lập với Trung Quốc. Nhiều người biểu tình cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang bóp nghẹt các quyền tự do ở Hồng Kông.

tq5

Cuộc tuần hành đầu năm đòi dân chủ ở Hồng Kông ngày 01/01/2019. Reuters/Tyrone Siu

Theo thống kê của các nhà tổ chức, cuộc tuần hành đầu năm mới đã thu hút khoảng 5.800 người nhằm yêu cầu khôi phục các biện pháp cải cách dân chủ và phản đối "hành động trấn áp chính trị" của Bắc Kinh.

Ông Jimmy Sham, một nhà đồng tổ chức cuộc tuần hành, nhận xét : "Nếu nhìn lại năm vừa qua, đó là một năm rất xấu. Nhà nước pháp quyền bị thụt lùi ở Hồng Kông".

Hãng tin Reuters cho biết hàng trăm nhà đấu tranh vì độc lập cho Hồng Kông đã tham gia đoàn tuần hành bất chấp các biện pháp ngăn chặn của chính quyền. Trong đoàn người biểu tình xuất hiện nhiều băng-rôn, khẩu hiệu ủng hộ ly khai.

Đối với Bắc Kinh, Hồng Kông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và "toàn vẹn lãnh thổ quốc gia" đang bị hoạt động của "các nhà ly khai" Hồng Kông đe dọa, dù phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Hồng Kông không thực sự được ủng hộ rộng rãi trong dân chúng.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Dù có những bất đồng xoay quanh vấn đề chủ quyền, tuy nhiên, Hà Nội vẫn coi Trung Quốc như hình mẫu trong phát triển kinh tế và tập trung xây dựng quyền lực chính trị trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Các đoàn lãnh đạo bộ ngành Việt Nam được cử sang thăm, làm việc và học tập những thành tựu kinh tế - thương mại - đầu tư của Trung Quốc. Thậm chí vào năm 2018, một nhóm nhà báo được Bộ Khoa học & Đầu tư tài trợ sang thăm Thâm Quyến và Thượng Hải, nhằm củng cố truyền thông về sự hiệu quả của đặc khu kinh tế khi áp dụng tại Việt Nam.

hogiay1

Sách "Paper Tiger : Inside the Real China" của Xu Zhiyuan, dịch giả Michelle Deeter và Nicky Harman

Trung Quốc cũng được coi là một nước Cộng sản kiểu mẫu, nơi mà nhiều quốc gia ít ỏi còn theo đuổi thể chế này dõi mắt và đặt niềm tin lẫn hy vọng cho sự vươn lên chủ nghĩa xã hội, sau sự sụp đổ của anh cả Liên Xô.

Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, từ một công xưởng của thế giới trở thành một quốc gia tiệm cận công nghệ thông minh (AI) cũng đảm bảo sự chính danh cho nền chuyên chuyến nước này, đứng đầu là ông Tập Cận Bình 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc có thực sự là siêu cường như cách mà mọi người (đặc biệt là những nước cộng sản) đang nghĩ ?

Ryan Avent – một nhà báo của Washington Post trong một bài viết mổ xẻ về vấn đề này đã cho thấy, bất chấp những nỗ lực trong phát triển kinh tế, cũng như việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải đang căng não, khi hứa hẹn về một sự cải thiện mức sống cho hàng triệu người, 1/5 dân số Trung Quốc vẫn trong tình trạng đói nghèo, thậm chí là nghèo hơn cả nhóm dân ở vùng Hạ Sahara thuộc Châu Phi.

Trung Quốc từng có thời điểm trỗi dậy không dè chừng, nay trở nên mỏng manh hơn sau cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Sự nhượng bộ liên tục và những tổn thương nền kinh tế sau hàng loạt sự sụp đổ của nhóm đầu sỏ công nghệ Bắc Kinh đã cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ giống như… con hổ giấy.

Những gì thế giới thấy ở Trung Quốc ngày hôm nay, không đi từ nguồn lực chất xám hay một thể chế tạo nguồn cho chất xám phát triển, mà ngược lại, nó chỉ đơn thuần là sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp nội địa lớn trong nước ; ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ ; trợ cấp công nghiệp. Trung Quốc trở thành hiện thân của một đất nước tham gia nhiều Công ước quốc tế về thương mại và đầu tư, nhưng cũng là quốc gia phá vỡ các niềm tin vào quy tắc của các công ước thương mại quốc tế nhiều nhất, tinh vi nhất.

Trung Quốc, tiệm cận nền công nghiệp ảo (AI), đơn giản vì thể chế này bảo hộ một nền công nghiệp copy (nhái).

Nền kinh tế của Trung Quốc chưa bao giờ thực sự bền vững, nó là một bức họa đầy khoa trương nhưng lố bịch. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm hơn ½ kể từ năm 2007 và ngày càng phụ thuộc vào nguồn nợ không bền vững. Biểu đồ nhân khẩu học theo xu hướng lao động đang giảm, và dự kiến giảm 25 triệu người vào năm 2030. Năng suất lao động của quốc gia này cũng không được đánh giá cao.

Kể cả trong giai đoạn mà nền kinh tế bùng nổ, nhiều người nhầm tưởng Trung Quốc hóa rồng, tuy nhiên, sự bùng nổ này lại dựa vào nguồn đầu tư vốn, chứ không phải dựa trên sự hiệu quả trong sử dụng nguồn lực tại chỗ. Trung Quốc nhái công nghệ và kỹ thuật hơn là tự lực tạo ra nó. Và nền kinh tế hoàn toàn phi thị trường khi mà cánh tay của nhà nước liên tục can thiệp vào và điều tiết một nền kinh tế bất kham dựa trên các tập đoàn nhà nước lớn.

Vậy Trung Quốc có giống Liên Xô không ? Có vẻ giống, khi mà các nhóm công ty tư nhân chưa bao giờ được ưu đãi, và ngay cả trong thời đại Tập Cận Bình, cũng chưa thể khiến cho nguồn đầu tư mới vào các công ty nhà nước giảm đi. Nhưng có vẻ, Tập Cận Bình, người từng hứa cải cách thị trường, lại rất giỏi trong lĩnh vực rao giảng kinh viện về quyền lực tuyệt đối, cũng như bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng chính kiến.

Tất cả những điều trên gợi nhớ một nhà nước Liên Xô trong giai đoạn cuối, thời điểm mà mệnh lệnh chính trị được coi là số 1 trong điều hành kinh tế, nợ chồng chất, vốn đầu tư thấp, năng suất kém….

Và một sự bùng nổ chính trị đã kết thúc tất cả.

Trung Quốc có thể bị loại bỏ cuộc cạnh tranh quyền lực mềm hoặc hoặc một vị thế cường quốc mà nước này đang theo đuổi với nền kinh tế đầy bất ổn nêu trên. Và như vậy, bản chất của Trung Quốc nào có phải là một cường quốc, nói theo khẩu ngữ của NXB Sự thật (Việt Nam), thì Trung Quốc là "con hổ giấy" và nó đang "giãy chết".

Vậy hà cớ gì phải theo đuổi một "cường quốc tự phong" như vậy, trong khi có thể tự cường thay đổi và cải cách (thể chế kinh tế, chính trị, xã hội) trên cơ sở tự do hóa ?

Việt Nam thực sự muốn vậy không ? Điều này phụ thuộc rất nhiều về "quyền lợi quốc gia" được các lãnh đạo Hà Nội đặt ở đâu trong lựa chọn tồn tại và phát triển.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 02/01/2018

Published in Diễn đàn

2018 : Năm Trung Quốc tăng tốc triển khai lực lượng ở Biển Đông (RFI, 27/12/2018)

Tổng kết tình hình Biển Đông trong năm, ông Greg Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington mới đây đã nhấn mạnh : 2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một 'giai đoạn' mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.

china1

Không quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc. (Capture d'image www.japantimes.co.jp)

Trang mạng Rappler của Philippines ngày 26/12/2018 trích dẫn các ý kiến được giám đốc AMTI nêu bật trong bài thuyết trình ngày 07/12 tại một diễn đàn do hai trung tâm nghiên cứu Philippines Stratbase và Viện Albert del Rosario tổ chức.

Theo chuyên gia hàng đầu về Biển Đông này, lo ngại về những hoạt động trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ trước đây, nhưng năm 2018 quả là năm Bắc Kinh tiến hành giai đoạn ba của tiến trình quân sự hóa, có thể mệnh danh là giai đoạn ‘triển khai’.

Đối với ông Poling, trong 6 tháng đầu năm, đà tăng cường lực lượng của quân đội Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đã diễn ra đều đặn, khá nhanh chóng, đặc biệt là tại ba thực thể : Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, chuyên gia Poling cũng nêu lên những hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, một quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ từ năm 1974 từ tay Việt Nam.

Công việc triển khai lực lượng Trung Quốc xuống Biển Đông được thấy trước tiên qua việc chuyển thiết bị quân sự đến các tiền đồn mà họ đã xây dựng.

Chuyên gia Poling đã liệt kê một số sự kiện như vụ máy bay vận tải quân sự lần đầu tiên hạ cánh trên Đá Vành Khăn, thiết bị gây nhiễu tiên tiến được lắp đặt trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Đáng ngại hơn cả là việc bố trí các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình chống hạm trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Còn tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng một cấu trúc được trang bị pin mặt trời và một vòm radar ở đảo Bông Bay.

Ngoài các cơ sở cố định, trong năm 2018, tàu hải quân Trung Quốc liên tục đến cặp bến các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trong lúc lực lượng dân quân biển Trung Quốc được tăng cường trong khu vực.

Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8 chẳng hạn, cho thấy khoảng 200 tàu bán quân sự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh Đá Xu Bi. Với chiều dài năm mươi mốt mét, các tàu này lớn hơn hầu hết tàu của các cơ quan chấp pháp biển của các nước Đông Nam Á khác.

Đối với ông Poling, sẽ là một sai lầm khi cho rằng các chiếc tàu đó chỉ có vai trò thứ yếu trong kho vũ khí của Trung Quốc, vì cho đến nay, nhiệm vụ gần như là duy nhất của lực lượng dân quân biển là hù dọa các láng giềng, ngoài ra không thấy có công việc nào khác.

Theo ông Poling, việc có đông đảo tàu dân quân biển Trung Quốc tại khu vực Đá Xu Bi có thể được giải thích bằng vị trí của tiền đồn này, gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát. Tàu Trung Quốc từ Xu Bi thường xuyên đến gần vùng biển quanh đảo Thị Tứ, chủ yếu là để đe dọa các tàu của Philippines đến tiếp tế cho dân cư và binh lính trên đảo Thị Tứ.

Hiện nay, Trung Quốc chưa thấy đưa chiến đấu cơ xuống đóng căn cứ thường trực ở Biển Đông, nhưng theo ông Poling, với các nhà chứa máy bay đã hoàn thành trên ba thực thể Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, việc triển khai chắc chắn sẽ diễn ra trong nay mai.

Giám đốc AMTI ghi nhận là Trung Quốc đã xây tổng cộng 72 nhà chứa phi cơ trên các đảo họ chiếm giữ tại Trường Sa, và "các nhà chứa này được xây đâu phải là với mục đích để trống".

Trọng Nghĩa

*******************

Trung Quốc công bố dự luật chống cưỡng bức chuyển giao công nghệ (RFI, 27/12/2018)

Hôm 27/12/2018, Trung Quốc công bố dự thảo về việc cấm cưỡng bức doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những đòi hỏi chủ yếu mà Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải đáp ứng, để chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương.

china2

Ảnh minh họa : Mô-típ mê cung do máy tính thiết kế. Siegfried Forster / RFI

Theo Reuters, toàn bộ dư luật gồm 39 điều khoản đã được Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức cơ quan cao cấp nhất của Quốc hội Trung Quốc, công bố. Trong văn bản dự thảo có đoạn nói rõ : "Các cơ quan chính quyền và nhân viên chính quyền không được phép sử dụng các biện pháp hành chính để cưỡng bức chuyển giao công nghệ".Hãng tin Reuters nhận định văn bản này có lập trường cứng rắn hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hơn hẳn so với một tuyên bố tương tự về chủ đề này, hồi năm 2015.

Cho dù Bắc Kinh liên tục phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, dự luật nói trên cho thấy chính quyền Trung Quốc dường như sẵn sàng mạnh tay hơn với các hoạt động bất chính này, để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ. Một khi được thông qua, luật này sẽ thay thế ba luật đã có, điều chỉnh lĩnh vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Dự luật được đưa ra lấy ý kiến công luận từ nay đến 24/02. Theo một số đại biểu Quốc hội Trung Quốc, được Tân Hoa xã trích dẫn, dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu "sớm nhất có thể". Một ủy viên Ủy Ban Thường Vụ của Quốc hội Trung Quốc thậm chí cho rằng dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu ngay tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc đầu tháng Ba.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật và nhà tư vấn thương mại tỏ ý nghi ngờ về các biện pháp mà dư luật được đưa ra nhằm bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, do sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Theo ông Dan Harris, phó giám đốc văn phòng luật Harris Bricken, ở Seattle, luật pháp Trung Quốc chỉ là trên giấy tờ, thực tế có thể hoàn toàn khác. Vị chuyên gia này cho rằng lịch sử 10 năm qua là bằng chứng rõ nhất cho thấy những gì sẽ diễn ra trong tương lai : "10 năm trước, Trung Quốc tuyên bố muốn mở cửa, nhưng sau đó quá trình này đã chấm dứt cách nay 5 năm".

Trọng Thành

*********************

Trung Quốc : Lãnh tụ sinh viên mác-xít bị bắt trong ngày sinh nhật Mao (RFI, 26/12/2018)

Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), lãnh tụ sinh viên mác-xít nổi tiếng hôm nay 26/12/2018 bị công an Trung Quốc bắt giữ trước cổng trường, ngay trong ngày kỷ niệm 125 năm sinh nhật Mao Trạch Đông.

china3

Một lối vào cửa Đại học Bắc Kinh. Wikimedia commons

Một sinh viên chứng kiến cho AFP biết, Khưu Chiêm Huyên, chủ tịch hội sinh viên mác-xít của trường đại học Bắc Kinh đã bị bảy, tám người đẩy vào một chiếc xe hơi màu đen. Anh phản đối kịch liệt, nói rằng không hề phạm luật. Nhóm người bắt sinh viên này đã chìa cho xem giấy tờ của công an khi bị những người xung quanh chất vấn.

Sinh viên Khưu Chiêm Huyên bị bắt lúc đang chuẩn bị tham dự buổi lễ tưởng niệm Mao Trạch Đông do anh tổ chức, tuy hôm qua đã được một người có trách nhiệm trong trường cảnh cáo. Nhân chứng nói rằng không thể hiểu được vì sao kỷ niệm 125 ngày sinh Mao chủ tịch mà lại bị cấm. Các thông tin của hội sinh viên mác-xít bị xóa, tài khoản WeChat bị phong tỏa.

Trường đại học Bắc Kinh và bộ Công An Trung Quốc từ chối trả lời các hãng tin Reuters, AFP về vụ này.

Báo chí không nói đến sinh nhật Mao

Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm gần đây cố giữ khoảng cách với di sản của Mao Trạch Đông, qua đời năm 1976. Ngày sinh nhật Mao không được nhắc đến trên tất cả các báo in tại Hoa lục hôm nay.

Là ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, đại học Bắc Kinh có lịch sử hoạt động lâu dài, với các cựu sinh viên đã đóng vai trò chủ chốt trong phong trào biểu tình đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên dưới thời Tập Cận Bình, các hoạt động sinh viên đã bị dẹp bỏ.

Hồi tháng Tám, công an đã bố ráp nhiều trường đại học, một số sinh viên bị đánh đập và tịch thu điện thoại vì đã ủng hộ phong trào công nhân đấu tranh. Nhóm Jasic Workers Solidarity xuất hiện vào mùa hè này, gồm các sinh viên cố giúp thành lập công đoàn độc lập tại Jasic Technology, một công ty ở Quảng Đông.

Trước đó vào tháng Tư, đại học Bắc Kinh cố bịt miệng một sinh viên khác là Yue Xin, đồng tác giả một bản kiến nghị đòi vạch rõ các vụ lạm dụng tình dục trong nhà trường.

Thụy My

***************

Trump muốn đẩy 2 tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi khỏi thị trường Mỹ (RFI, 27/12/2018)

Theo hãng tin Reuters hôm nay, 27/12/2018, chính quyền Mỹ dự định kể từ đầu năm 2019 sẽ cấm các doanh nghiệp nước này mua thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất. Mặc dù không bị chỉ đích danh, nhưng chắc chắn hai tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và ZTE sẽ là đối tượng của lệnh cấm này.

china4

Ảnh minh họa : Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo

Reuters cho biết tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh ngay từ đầu tháng tới, cấm các doanh nghiệp nước này sử dụng thiết bị viễn thông do các tập đoàn nước ngoài sản xuất, vì đe dọa an ninh quốc gia.

Sắc lệnh sắp được thông qua đã được chuẩn bị từ 8 tháng nay. Báo The Wall Street Journal là cơ quan truyền thông đầu tiên thông báo về sắc lệnh này, ngay từ tháng 5/2018. Cho dù tên của Hoa Vi và ZTE rất ít có khả năng được trực tiếp nêu ra trong sắc lệnh, nhưng các giới chức của bộ Thương Mại Mỹ cho biết hai tập đoàn Trung Quốc chính là đích ngắm của sắc lệnh này.

Sắc lệnh nói trên – hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất – viện ra luật International Emergency Economic Powers Act của Mỹ, ra đời năm 1977, cho phép tổng thống ban hành các biện pháp đặc biệt về thương mại, trong tình trạng "khẩn cấp quốc gia", để đối phó với các đe dọa đặc biệt từ nước ngoài.

Mua sắm thiết bị viễn thông thế hệ mới là một vấn đề mang tính thời sự tại Mỹ vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp điện thoại di động Hoa Kỳ đã tìm kiếm các đối tác để tham gia xây dựng các mạng internet không dây 5G.

Riêng về phía Nhà nước, hồi tháng 8/2018, Washington đã ra một luật về quốc phòng, cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Hoa Vi và ZTE, do nghi ngờ có thể bị Trung Quốc sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Hai tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi nằm trong tầm ngắm của tư pháp Mỹ từ lâu. Kể mùa hè vừa qua, công ty ZTE đã bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp Mỹ trong 10 năm, để bảo đảm công ty tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ trong lĩnh vực xuất khẩu. Lãnh đạo tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị Canada bắt giữ, theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12/2018, để điều tra về vụ công ty này lách lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Hiện bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đang được tại ngoại, chờ tư pháp Canada xem xét yêu cầu dẫn độ của Washington.

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Anh, Đức hay Pháp cũng bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.

Trọng Thành

******************

Bộ trưởng Quốc phòng Anh quan ngại về việc sử dụng mạng 5G của Huawei (BBC, 27/12/2018)

Bộ trưởng Quốc phòng Anh "quan ngại rất sâu sắc" về việc công ty Huawei của Trung Quốc đang liên quan đến việc nâng cấp mạng di động ở Anh.

china5

Một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật. Reuters

Những bình luận của ông Gavin Williamson được đưa ra sau khi một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật.

Người đứng đầu Lực lượng tình báo Anh (MI6) cũng cho biết Anh phải đối mặt với các quyết định về quyền sở hữu công nghệ của Trung Quốc.

Anh Quốc cho biết Trung Quốc đứng sau các tin tặc nhắm vào các bí mật thương mại. Trong khi đó, Huawei phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền Trung Quốc.

Hôm thứ Tư, ông Williamson được tờ Times dẫn lời nói rằng : "Tôi có những quan ngại rất sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh. Đây là điều chúng ta phải xem xét rất kỹ".

Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đã hạn chế sử dụng công nghệ mạng di động 5G của Huawei và ông Williamson cho biết Vương quốc Anh sẽ học hỏi ví dụ từ các nước trên.

"Chúng ta phải nhận ra sự thật như đã được tiết lộ gần đây, rằng nhà nước Trung Quốc đôi khi hành động với ý đồ xấu", ông nói thêm.

Huawei được thành lập bởi một cựu sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân nhưng công ty này phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính phủ Trung Quốc, ngoài việc tuân thủ luật thuế.

Công ty đã mạnh mẽ phủ nhận bất kỳ thông tin nào cho rằng họ đang gây ra một mối đe dọa an ninh.

Đầu tháng này, giám đốc MI6 Alex Younger cho biết Vương quốc Anh cần "quyết định chúng ta sẽ thoải mái với quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các công nghệ này tới mức độ nào".

Công ty truyền thông BT của Anh cho biết họ đã loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 3G và 4G và cam kết không sử dụng các sản phẩm của Huawei trong các phần chính của mạng di động 5G.

'Các cuộc xâm nhập mạng'

Tuần này, tin xác nhận cho hay thiết bị của Huawei đã bị gỡ bở khỏi một hệ thống liên lạc đang được phát triển cho dịch vụ khẩn cấp của Vương quốc Anh, nhưng không rõ lý do vì sao.

Hôm 20/12, Hoa Kỳ đã truy tố hai người đàn ông Trung Quốc bị buộc tội hack mạng máy tính của các công ty phương Tây và các cơ quan chính phủ, và cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp trên mạng.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt mô tả hành vi của những người này như "một trong những cuộc xâm nhập mạng nghiêm trọng và lan rộng nhất nhắm vào Vương quốc Anh và các đồng minh được phát hiện từ trước cho đến nay".

Bộ Ngoại giao cho biết tin tặc thay mặt Bộ Công an Trung Quốc đang đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty ở Châu Âu, Châu Á và Mỹ.

Giới chức cho biết các hoạt động của mạng lưới tin tặc này rất sâu rộng và "đe dọa" tăng trưởng kinh tế ở Anh Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Published in Châu Á

Trung Quốc sau 40 năm cải cách : bài học nào cho Việt Nam ? (BBC, 24/12/2018)

Người dân Trung Quốc rất tự hào về những thành tựu kinh tế nước này đạt được sau 40 năm cải cách kinh tế, nhưng cũng phải gánh chịu hậu quả về môi trường bị hủy hoại và cơ cấu văn hóa bị phá vỡ, theo các khách mời của Bàn tròn Thứ năm hôm 20/12 của BBC Tiếng Việt.

tq1

Tranh cổ động về công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung nhấn mạnh vào tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường và xã hội Trung Quốc như một bài học lớn.

Trong khi đó, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng từ miền Nam Việt Nam nhận xét Việt Nam dường như đang học cái hay nhưng cũng học cả cái dở của Trung Quốc.

tq2

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung

Người dân Trung Quốc nghĩ gì về thành tựu phát triển sau 40 năm

"Bắt đầu từ tháng 12/1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định bắt đầu những thay đổi về chính sách mang tính chiến lược, khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại quyền lực", nhà báo Tô Bình bình luận trong chương trình hội luận trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt.

"Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã có sự bùng nổ về tăng trưởng kinh tế, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Mức sống của người dân được cải thiện. Người dân Trung Quốc tất nhiên rất tự hào về những thành tựu này nhưng chúng ta phải đặt chúng vào bối cảnh rộng hơn.

"Trước giai đoạn cải cách, người dân Trung Quốc phải trải qua hàng thập kỷ hỗn loạn về chính trị, thiếu tăng trưởng kinh tế, và thậm chí có nạn đói. Người dân thường phải sống cuộc sống khổ sở trong nhiều năm.

"Và cuối cùng, khi họ thoát khỏi 10 năm cách mạng văn hóa vào 1978, thì họ rất mừng khi được có một giai đoạn ổn định và phát triển".

tq3

Thủ đô Bắc Kinh trong một đợt có cảnh báo ô nhiễm khói bụi đầu tháng 12/2018

Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải trả giá cho mức độ tăng trưởng kinh tế rất cao, theo nhà báo Tô Bình.

Chính sách quốc hữu hóa trong giai đoạn đầu của "cải cách khai phóng" đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn phải đóng cửa, làm một số lớn người lao động ở các nhà máy mất việc.

"Hệ sinh thái và môi trường bị hủy hoại trầm trọng. Đó là sự thật mà chúng ta không thể chối cãi", bà nói.

Nhà báo Tô Bình lấy ví dụ về hiện tượng sương mù smog ở các thành phố phía Bắc Trung Quốc trong những tháng mùa đông là điều phổ biến. "Ký ức của tôi về Bắc Kinh là bầu trời trong xanh vào mùa đông. Điều đó giờ đây là chuyện rất hiếm gặp", bà chia sẻ.

Câu hỏi nên lựa chọn phát triển hay môi trường cũng được nhiều người Trung Quốc tranh luận.

"Đối với những ai đã trải qua đói nghèo cùng cực hàng thập kỷ, liệu có công bằng khi họ lại phải tiếp tục chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường ?

"Còn một số người lại theo quan điểm, ô nhiễm môi trường là cái giá phải trả, chúng ta sẽ xử lý hậu quả về môi trường sau. Họ tin rằng muốn phát triển kinh tế với tốc độ nhanh như vậy thì tất nhiên phải trả giá về môi trường.

"Ô nhiễm môi trường là một cái giá rất lớn mà người Trung Quốc phải gánh chịu", nhà báo Tô Bình nhận xét.

tq4

Nhiều công nhân nhà máy bị mất việc khi các doanh nghiệp nhà nước lớn đóng cửa. (Hình minh họa).

Bài học nào cho Việt Nam từ kinh nghiệm đổi mới của Trung Quốc ?

Nhà báo Tô Bình cho biết cá nhân bà quan tâm đến tác động của phát triển kinh tế lên xã hội Trung Quốc.

Bà nhận xét rằng cơ cấu xã hội cũ đã bị phá vỡ, nhưng một cơ cấu mới chưa được thiết lập để bắt kịp với tăng trưởng kinh tế trong nhiều mặt.

"Chẳng hạn, trong bốn thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa đã khiến rất nhiều nông dân mất đất canh tác. Họ có cơ hội lên thành phố tìm việc, để lại đằng sau con cái, cha mẹ già. Ở châu Á, con cái thường chăm sóc cha mẹ già, và ở Trung Quốc chưa có chế độ an sinh. Ở các vùng nông thôn, ai sẽ là người chăm sóc người già ? Cả cộng đồng đều bị ảnh hưởng. "

Bà Tô Bình cũng quan sát thấy sự bất bình đẳng trong xã hội ngày một lớn ở Trung Quốc.

"Đúng là nhìn chung Trung Quốc đã chuyển mình từ xe đạp lên xe hơi, nhưng có những người chuyển lên xe Ferrari trong khi nhiều người vẫn chỉ đi xe đạp".

tq5

Người dân Trung Quốc chỉ đi xe đạp hồi 1978.

Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng thì cho rằng Việt Nam cần tránh 'cái dở' của Trung Quốc khi phát triển kinh tế không đi kịp với sự dân chủ hóa về mặt chính trị, đô thị hóa, văn minh kỹ thuật, điều mà theo ông đã phá vỡ cơ cấu văn hóa của Trung Quốc.

Ông dẫn lời một viên chức chính phủ Trung Quốc từng nói với ông :

"Với vị trí địa lý thuận lợi và một dân tộc thông minh như các bạn, nếu mở cửa thì các bạn sẽ phát triển rất nhanh, thậm chí còn nhanh hơn chúng tôi, nếu đi theo mô hình Trung Quốc thì chúng tôi có một lời khuyên : hãy học những cái hay và tránh xa những cái dở của chúng tôi".

"Trong thập niên 90, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, các nhà phân tích đã bình luận Trung Quốc sẽ tránh được khủng hoảng này và đi theo con đường mà họ đặt ra là Chủ nghĩa Cộng sản Thương mại. Các tập đoàn lớn được sự bảo hộ của nhà nước và theo kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Trung Quốc đã theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, và làm nảy sinh các vấn đề về môi trường, quan chức lũng đoạn hay tham nhũng".

Tuy mỗi nước có bài học riêng và hướng phát triển riêng, ông Ngô Nhật Đăng cho rằng về tầm vĩ mô, Việt Nam đang đi theo hướng phát triển của Trung Quốc.

"Dường như Việt Nam đang học cái hay nhưng cũng học cái dở của họ và đây là điều chúng ta cần suy nghĩ", ông bình luận.

******************

Trung Quốc sẽ cấm ép buộc chuyển giao công nghệ (RFI, 24/12/2018)

Phải chăng sức ép của Mỹ về thương mại bắt đầu có kết quả cụ thể ? Hôm nay, 24/12/2018, Bắc Kinh loan báo quyết định điều chỉnh một số thuế xuất nhập khẩu kể từ tháng Giêng 2019. Hôm 23/12, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo "đạt được tiến bộ mới" trong đàm phán thương mại với Mỹ, vào lúc báo chí cho biết Quốc Hội Trung Quốc đang thảo luận một dự luật về đầu tư, trong đó có việc cấm ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, một trong những đòi hỏi của Washington.

tq6

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Vân ( Wang Shouwen ) họp báo tại Bắc Kinh ngày 25/09/2018. Greg Baker / AFP

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc đã quyết định điều chỉnh mức thuế quan kể từ ngày 01/01/2019 trên nhiều mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là hủy bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thay thế cho đậu nành dùng làm thức ăn gia súc, hay một số thành phần dùng để chế tạo dược phẩm. Bắc Kinh cũng sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu tương đối thấp đối với động cơ phản lực.

Về xuất khẩu, Trung Quốc sẽ không áp thuế đối với 94 sản phẩm, từ phân bón, quặng sắt, cho đến than đá, bột gỗ... Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục giảm thuế cho các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin…

Đối với Reuters, mục tiêu của việc điều chỉnh thuế quan là nhằm thúc đẩy ngoại thương, vào lúc nền kinh tế Trung Quốc gặp thêm khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chỉ còn là 6,5% trong quý 3, một tỷ lệ chậm nhất kể từ năm 2008 đến nay, và được cho là ​​sẽ còn chậm hơn vào năm tới 2019 do tranh chấp thương mại với Mỹ.

Luật mới sẽ cấm ép buộc chuyển giao công nghệ

Về cuộc chiến thương mại với Mỹ, bộ Thương Mại Trung Quốc hôm qua 23/12 cho biết là hai thứ trưởng Thương Mại Mỹ và Trung Quốc hôm 21/12 vừa qua đã có trao đổi quan điểm "sâu sắc" qua điện thoại về tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hai vấn đề mà Washington buộc Bắc Kinh phải sửa đổi.

Theo nguồn tin trên, hai bên "đã đạt được tiến bộ mới" trên các vấn đề đó, nhưng không cho biết chi tiết. Tuy nhiên, theo báo chí Trung Quốc hôm qua, Bắc Kinh dường như đang trên đường đáp ứng các đòi hỏi của phía Mỹ, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kể từ ngày 23/12, đã bắt đầu xem xét một dự luật mới về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài.

Theo hãng tin Pháp AFP, đáng chú ý nhất là hai yếu tố trong dự luật đầu tư này, ngăn chặn việc ép buộc chuyển giao công nghệ, đồng thời cho các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những quyền lợi như các doanh nghiệp Trung Quốc, trong hầu hết các lãnh vực, ngoại trừ một số lãnh vực then chốt nằm trong một danh sách cấm nước ngoài.

Theo AFP, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu lâu nay vẫn tố cáo Trung Quốc là không cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường một cách công bằng như các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ, "đánh cắp" tài sản sở hữu trí tuệ còn rất phổ biến.

Trọng Nghĩa

********************

Chuyên gia pin Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại Mỹ (BBC, 22/12/2018)

Một nhà khoa học Trung Quốc vừa bị bắt và bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại từ công ty dầu khí Mỹ nơi ông ta làm việc, theo Reuters.

tq7

Hongjin Tan người Trung Quốc bị cáo buộc ăn ắp bí mật thương mại từ công ty dầu khí Mỹ nơi ông ta làm việc

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm thứ Sáu 21/12 rằng vụ trộm cắp bí mật thương mại của Hongjin Tan, công dân Trung Quốc, liên quan đến một sản phẩm trị giá hơn một tỷ đô la.

Hongjin Tan bị cáo buộc đã tải xuống hàng trăm tập tin liên quan đến việc sản xuất một sản phẩm nghiên cứu và phát triển thị trường năng lượng hạ nguồn.

Ông ta bị cáo buộc dự định sử dụng bí mật này để mang về làm lợi cho một công ty ở Trung Quốc đã mời ông ta làm việc.

Hongjin Tan bị bắt vào thứ Năm 20/12 tại Oklahoma và sẽ ra tòa vào thứ Tư tuần tới, bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Trang LinkedIn của Hongjin Tan cho biết ông đã làm việc với tư cách là nhà khoa học cho công ty dầu khí của Mỹ Phillips 66 tại Bartlesville, Oklahoma, kể từ tháng 5/2017.

Công ty Phillips 66 cho biết trong một thông cáo rằng họ đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang trong một cuộc điều tra liên quan đến một nhân viên cũ tại "trụ ở của chúng tôi ở Bartlesville", nhưng từ chối bình luận thêm.

Một báo cáo của FBI cho biết công ty Phillips 66 đã gọi cho FBT này vào tuần trước để báo cáo về hành vi trộm cắp bí mật thương mại và Tan nói với một đồng nghiệp cũ rằng ông ta nghỉ việc để trở về Trung Quốc.

FBI tìm thấy trên máy tính xách tay Tan một thỏa thuận tuyển dụng từ một công ty Trung Quốc chuyên phát triển dây chuyền sản xuất vật liệu pin lithium ion.

Tan truy cập các tập tin về bí mật thương mại trên các hệ thống pin điện thoại di động và pin lithium, FBI cho biết.

Công ty Phillips 66 cho biết họ có một trong hai nhà máy lọc dầu trên thế giới sản xuất các sản phẩm không xác định.

Tan chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển cho chương trình pin và công nghệ pin cho công ty Hoa Kỳ bằng các quy trình độc quyền.

Công ty Phillips 66 nói với FBI rằng họ đã kiếm được khoảng 1,4 tỷ đến 1,8 tỷ đô la từ công nghệ không xác định này.

********************

Trung Quốc phóng vệ tinh băng thông rộng Internet cạnh trạnh với Google (RFI, 22/12/2018)

Ngày 22/12/2018, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh-11 chở một vệ tinh lên quỹ đạo từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Jiuquan, đông bắc Trung Quốc). Đây là vệ tinh băng thông rộng đầu tiên của Trung Quốc được phóng vào không gian nhằm cạnh tranh với nhiều tập đoàn công nghệ thế giới.

tq8

Logo wifi

Theo trang News 18 của Ấn Độ, vệ tinh này là sản phẩm đầu tiên của dự án Hòanh Vận (Hongyun) của Công ty Khoa học và Công nghiệp Không gian Trung Quốc (CASIC). Được triển khai từ tháng 09/2016, dự án nhằm mục đích lập một mạng truyền thông không gian nhằm cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cho mọi người sử dụng trên thế giới, kể cả ở những vùng hẻo lánh nhất.

Theo một quan chức của CASIC, vệ tinh nặng 247 kg sử dụng năng lượng mặt trời và bay cách trái đất khoảng 1.100 km. Được thiết kế để hoạt động một năm, nhưng vệ tinh có thể hoạt động lâu hơn.

Từ giờ đến trước năm 2020, Công ty CASIC dự kiến phóng thêm bốn vệ tinh khác trong dự án Hòanh Vận. Tuy nhiên, tham vọng của công ty là đến năm 2023 sẽ hình thành một mạng lưới hơn 150 vệ tinh trên quỹ đạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cung cấp mạng internet miễn phí cũng là mục tiêu của nhiều công ty công nghệ trên thế giới, trong đó có Google, SpaceX, OneWeb và Télésat. Công ty SpaceX của Mỹ đã phóng hai vệ tinh thử nghiệm vào tháng 11 trong dự án Starlink. Tham vọng của công ty là đưa gần 12.000 vệ tinh vào quỹ đạo từ nay đến giữa năm 2020.

Tháng 11/2018, một doanh nghiệp công nghệ internet Trung Quốc đã công bố vệ tinh đầu tiên nằm trong hệ thống gồm 272 vệ tinh để cung cấp mạng Wifi miễn phí trên khắp thế giới.

Thu Hằng

Published in Châu Á
samedi, 22 décembre 2018 18:41

Quyền lực bất chính

Phần 1

Trong bài phát biểu ti hi ngh APEC, ông Tp Cn Bình nhấn mnh nhu cầu hp tác toàn cu và thương mi quc tế, xác đnh rng không có vn đ gì là không th gii quyết bng cách tham kho nhau. Ông Tp nhn xét : "Lch s cho thy s đi đu, qua hình thc chiến tranh lnh, nóng hay chiến tranh thương mi, s không to ra người thng cuc". Ông Tp dy đi rng thế gii cn "khai dng sc mnh ca nhau và theo đui s đng tn (pursue coexistence)", hơn là phê bình s chn la ni b ca các quc gia khác. Ông Tp lên lp : "Chúng ta phi bác bỏ s kiêu ngo và thành kiến, tôn trng và hòa nhp vi nhau, và ôm p s đa nguyên ca thế gii chúng ta".

quyen1

Tập Cn Bình ti l k nim 40 năm ngày Trung Quc bt đu ci cách.

Nghe thì hay ! Ôn hòa và hữu lý ! Đo đc na ! Nhưng chính nhng li nói trên có v đi ngược li các chính sách đi ni ln đi ngoi ca ông Tp.

Trước khi lên lp khuyên nh thiên h, thiết tưởng ông Tp nên nhìn li chính mình và cái đng và nhà nước ca ông.

Tham vọng tt cùng

Một quc gia gn 1,4 t người, nhưng hu như mi quyết đnh quan trng v quân s, chính tr, ngoi giao, kinh tế, công ngh, văn hóa v.v… đu phi thông qua ông Tp. Ba thp niên trước, h thng chính tr Trung Quc có tính cách lãnh đo tp th, y ban Thường v Trung ương Đng là cơ quan quyết đnh ti cao. Gi đây không còn lãnh đạo tp th, chỉ còn lãnh đo ti cao vi mt cá nhân mnh. Ông Tp có chân trong mọi y ban quan trng nht giám sát chính sách, từ các vn đ mng, ci t kinh tế, đến an ninh quc gia. S sp xếp như thế th hin mt h thng và văn hóa chính trị có truyn thng tôn sùng ch nghĩa cá nhân (quân ch, như ngàn xưa), nhưng nó được núp dưới chiêu bài tp th, dân tc. Trong trường hp ca ông Tp ti Trung Quc, chiêu bài đó có tên "Tư tưởng Tp Cn Bình v ch nghĩa xã hi vi đc tính Trung Hoa trong thời đi mi".

Chỉ trong vòng chưa đy 6 năm cm quyn, ông Tp đã tp trung quyn lc vào tay mình trong mt thi gian ngn. Ông bây gi tr thành Ch tch mi th và vô hn đnh, và tư tưởng còn được khc ghi trong Đng quy và Hiến pháp ca Trung Quốc. Nhưng cái gi là "tư tưởng Tp Cn Bình" tht ra không có gì mi hay có th gi là "tư tưởng" theo kiu hiu Tây phương hay hc thut. Nó ch yếu là khung sườn đ dung hp các chính sách và ch trương ca Đảng Cộng sản Trung Quốc vi ý thc h chính tr và cá nhân của ông Tp. Nó bao g14 nguyên tắc, hay có thể gi là 14 đim chính sách căn bn, ca h Tp.

Trong 10 mệnh đ về chương trình điu hành quc gia, gm 131 ch, thì có 5 điu v quân s, bn điu v xã hi và mt v ngoi giao, trong đó nhn mnh vai trò ca đng là trên hết, sau đó đến vai trò ca Quân đi (Gii phóng Nhân dân, PLA). Nhưng đng có quyền lãnh đo tuyt đi trên PLA và các lc lượng vũ trang khác. Ngoài ra, "tư tưởng" ca h Tp là quên đi các tư duy đa nguyên, dân ch hay vai trò ti cao ca chính quyn, và phi nh rng Đng luôn nm quyn tuyt đi và toàn din đ kim soát được sự phát trin ca xã hi trong trt t.

Ngoài Vành đai Con đường, mt d án có nhiu tham vng v đi ni ln đi ngoi, "tư tưởng" này nhn mnh đến cng đng dân tc Trung Quc. Nhưng dân tc đây không còn như trước là gm người Hán, Mãn Châu, Mông C, Hi và Tibet, mà ch còn Hán tc dước triu đi ca h Tp. Các sc tc khác hu như b b rơi. Thêm vào đó, h Tp li mun tiếng Quan Thoại được tiêu chun hóa bắt buc cho tt c 1,4 t người, k c người Tàu Hng Kông hay người Uighur ti Tân Cương. Tt c đu phi hc mt cách đng nht. Nói cách khác, ch trương ca h Tp là đ đng hóa văn hóa trước hết phi đng hóa ngôn ngĐa nguyên, dù trong ngôn ngữ hay văn hoá, đu là s thách thc đi vi s kim soát ca Trung Quc.

Thêm vào đó, tuy đã bị Mao Trch Đông chê trách c h thế k trước, Khng giáo được đ cao trở li, và phiên bn Khng giáo ca thế k 21 nay được ông Tp chính thc công nhn. Ít nht cũng là phương tin đ m rng tm nh hưởng. Ông Tp cho thành lp và phát trin các vin Khng T khp nơi như là trung tâm ngôn ng và văn hóa, hin nay được 500 trường đi hc trên toàn thế gii ging dy. Hc tiếng Hán qua các Vin Khng T này là theo đúng đường li và ch trương ca ông Tp. Nó cng c phiên bn tiếng Hán mà Bc Kinh đưa ra, qua đó mt phn phi hc các chương trình mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã son sn, phn khác không được đng đến các đ tài nhy cm mà Đng đã xóa b hay kim soát, như biến c Thiên An Môn, Đc Đt Lai Lt Ma/Tibet, và bây gi có th là vn đ đàn áp người Uighur ti Tân Cương. Tiếng Hán ging dy qua các Vin Khng T, tuy tn kém rt nhiều, nhưng Trung Quc sn sàng chi tin mua đ đi lquyền lc mm mà Trung Quốc rt cn trong thi gian qua và sp ti.

Với nhng d án và tham vng khng l cho gic mng bá quyn, như Vành đai Con đường, hay "Made in China 2025", sự tiến bước ca Trung Quc dưới s lãnh đo ca h Tp tưởng như không có gì ngăn cn được. Nhưng 2018 chng minh là năm mà nhng thách thc đi vi Trung Quc nói chung và chính Tp Cn Bình nói riêng bt đu ln dn. Nhng th thách này sẽ không đi đâu c và s tiếp tc nh hưởng lên Trung Quc và lên tư thế cm quyn ca ông Tp vào năm 2019 và các năm sau đó.

Tôi xin tập trung nói v ba th thách lâu dài : nhân quyn và áp lc quc tế ; kinh tế và áp lc quc ni ; tín nhim và áp lc ngoi giao. Các vn đ đa chính tr, bao gm các n lc liên minh ti Á châu Thái Bình Dương như Nht, n, Úc, M v.v… đ cân bng hay kim chế quyn lc ca Trung Quc, hay chính tr ni đa, không nm trong phm vi ca bài này.

Nhân quyền : vn đ quc tế

Về vn đ nhân quyn, trước hết cn nói v s đi x ca đng và nhà nước ca ông Tp đi vi người Uighur ti Tân Cương.

Sau bao nhiêu tiếng kêu gào ca cng đng người Uighur ti Tân Cương và lưu vong trên khp thế gii trong hai năm qua, gi đây các chính sách tập trung và đng hóa ca Trung Quc ti Tân Cương đã b phơi bày và phn đi khp nơi. Khong mt triu người b tp trung trong hàng trăm tri ci to trong vùng này b ép buc phi t b ngôn ng, nim tin tôn giáo và các hot đng văn hóa ca họ. Họ phi hc tp cái gi là tư tưởng Tp Cn Bình, như đ cp trên. Bên ngoài các tri này thì hơn 10 triu người sc tc thiu s gc Th (Turkic) b theo dõi, kim soát và gii hn mi quyn t do cá nhân. Tt nhiên Trung Quc dưới s lãnh đo ca ông Tp sphủ nhn mọi vi phm nhân quyn ca h. Chế đ đ li cho các thành phn Hi giáo mun ly khai và gán cho thành phn này cái mũ khng bố. Tuy chế đ có th bưng bít và tuyên truyn vi người dân Trung Hoa các chính sách đi x ti t vi người Uighur, h không d gì la bp được thế gii này. Thân nhân ca người Uighur hin đang sng khp nơi trên thế gii, và là tai mt và nhân chng cho các chính sách đồng hóa khc nghit này. Chng hn như ti Úc, các cộng đng Uighur tại các thành ph Adelaide, Melbourne và Sydney hu như ai cũng có thể k câu chuyn v s mt liên lc vi thân nhân ca mình ti Tân Cương trong thi gian qua.

Thế gii đã mnh m lên án hành đng vi phm nhân quyn tm mc khng l và trm trng này ca Trung Quc. Đin hình là quc hi Hoa Kỳ, c hai vin và lưỡng đng, mà đứng đu n lc này là Thượng Ngh sĩ Marco Rubio ; 278 nhà khoa bảng trong mọi lĩnh vc trên toàn thế gii ; các chuyên gia nhân quyềLiên Hiệp Quc15 đại s của các quc gia Tây phương đng đu là Canada ; và các cuc biu tình rm r ca người dân khp nơi đng hành vi người Uighur. Ông Tp và gii lãnh đo Bc Kinh không muốn thế gii phê bình h v chính sách đi x vi người Uighur, do đó trong mi din đàn mà có th, ông Tp đu kêu gi các nước khác nên tôn trng hơn là "phê bình s chn la ni b ca các quc gia khác". Ông Tp có v t hào vhệ thng kim soát được được thiết kế và th nghim ti Trung Quc, k c Tân Cương, và còn cho rng kiu mu "n đnh xã hi" được áp dng ti đây nên được xut khu qua Trung Đông. Nhưng ông Tp quên rng quc gia mà ông đang lãnh đo có th đt được các bước tiến công ngh ca thế k 21 nhưng vn mang tư duy và văn hóa c h và đc đoán ca hàng ngàn năm trước. Ông Tp không nhìn ra được rng vn có nhiu cách điu hành qun lý quc gia văn minh và hiu qu hơn, không nht thiết phi đi x tàn t và áp bc đ người dân và các sắc tc thiu s.

Ngoài sự đi x vi hàng triu người Uighur hay người Th như thế, người ta s không quên cái chết ca Lưu Hiu Ba vào ngày 13 tháng 7 năm ngoái, lúc mà ông Tp đang đng trên đnh cao nht ca quyn lc. Vi bao nhiêu quyn lc trong tay như thế, nm trn các chc v ch tch chính yếu, k c y ban Quân s Trung Ương hay y ban An ninh Quc gia, vy mà ông Tp vn lo ngi mt ông Lưu m yếu bnh tt him nghèo đ không cho ông xut ngoi cha bnh.

Từ khi ông Tp lên đnh cao quyn lực đu năm 2013 đến nay, các giá tr ph quát hay các nn dân ch hiến đnh Tây phương được xem là động lc rình rp được thiết kế đ làm suy yếu, gây bt n và phá nát Trung Quốc. Ni trong năm 2015, Trung Quc đã giam cm 300 lut sư, các nhà hot đng và h tr pháp lý. Ngày hôm nay nó vn tiếp din, và các đi tượng ca h Tp là phóng viên, lãnh đo tôn giáo, gii khoa bng, các nhà hot đng xã hi và các lut sư nhân quyền. Mt trong các chuyên gia hàng đu v Trung Quc, Orville Schell, nhn đnh rng Trung Quc đã tht lùi mt cách không th tránh khi vào không khí chính tr có tính cách ging Mao Trch Đông thi 1970 hơn là Đng Tiu Bình thi 1980.

Một vài phát họa nêu trên cho thy được nhng li hoa m ca ông Tp, chng hn như nên tham kho nhau, không nên đi đu, nên theo đui đng tn, và nht là "phi bác b s kiêu ngo và thành kiến, tôn trng và hòa nhp vi nhau, và ôm p s đa nguyên ca thế gii chúng ta" v.v… cho thấy ông Tp đy mâu thun. Nói mt đàng làm mt no. Đi ngoi thì ông Tp yêu cu tham kho nhau và ôm p s đa dng. Đi ni thì ông Tp và B Chính tr hay y ban Thường v ca ông chng cn tham kho ai và tiêu dit s đa dng. Chế độ ca ông tp có coi ý kiến ca dân ra gì, có bao gi tham kho h hay có ý đnh hi h tht s mun gì. Còn mi hình thc đa nguyên đu b loi tr hay triu tiêu đ tr thành nht nguyên, trong đó Hán tc, tiếng Quan Thoi được tiêu chun hóa, hay các vùng tự tr trước đây, t Tân Cương đến Tibet hay Hng Kông v.v…, cũng s nm trong ch trương hi nhp vi Bc Kinh đ tr thành khi đng nht. Đ Trung Quc tr thành mt quc gia trung tâm ca thiên h vào thế k 21.

Thời đi ca tư tưởng Tp Cn Bình là như thế đó !

Ông Tập quên rằng cho du Trung Quc có quyn lc và giàu có bao nhiêu, có là bá ch thiên h đi na, nhưng nếu nó vn vi phm nhân quyn, vn tiếp tc đi đàn áp người dân ca mình hay các sc tc thiu s khác, thì s không bao gi được nhng người t do và t trọng trên thế gii tôn trng mình c.

*******************

Phần 2

Kinh tế Trung Quốc không ngừng phát triển trong bốn thập niên qua, giúp trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, thu hoạch số lượng người trở thành tỷ phú nhiều nhất thế giới trong một thời gian ngắn kỷ lục. 104 tỷ phú này đang nắm giữ các vai trò lãnh đạo hàng đầu tại Trung Quốc, trong đó 45 tỷ phú đang là thành viên quốc hội. Theo đà phát triển này thì kinh tế Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ trở thành số một thế giới vào đầu thập niên 2030. Phát triển kinh tế là điều kiện sống còn của chế độ, biện minh cho chính nghĩa cầm quyền tuyệt đối và toàn diện. Mặc dầu Trung Quốc hiện vẫn đang là một nhà nước độc đảng, nó chỉ có thể tiếp tục như thế nếu kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng một cách ngoạn mục như trước. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề không suôn sẻ như ông Tập Cận Bình mong đợi.

quyen2

Ông Tập và phái đoàn Trung Quốc trong buổi gặp gỡ phái đoàn Mỹ tại Buenos Aires, Argentina, 1 tháng 12.

Kinh tế : vấn đề quốc nội

Nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, GDP chỉ còn khoảng 6,5% của khóa ba năm 2018. Mặc dầu vẫn còn cao so với tiêu chuẩn quốc tế, theo the New York Times thì tốc độ này là chậm nhất kể từ đầu năm 2009 ngay trong thời điểm khủng hoảng tài chánh toàn cầu GFC. Charles Lyons Jones thuộc Viện Lowy cho rằng đối với đối tượng độc giả ngoại quốc, tờ China Daily trình bày con số GDP vào khoảng 6,58 đến 6,64%, tức vẫn cao hơn 6,5 một chút. Trong khi đó tờ People’s Daily nhắm vào độc giả trong nước nên nếu khi đưa tin tỷ lệ phát triển chậm thì sẽ gây vấn đề, do đó nó nêu con số GDP là 6,70%.

Theo chuyên gia Fraser Howie thì đối với Trung Quốc, con số GDP phải hiểu là mục tiêu chính trị chứ không phải là sự đo lường của thành quả kinh tế. Howie nhận định rằng những ai đã từng làm việc với nơi này đều biết Trung Quốc có vô số dữ liệu và con số (full of data and numbers), và trong khi có một số đúng, nó không có nghĩa các tập dữ liệu này hoàn chỉnh. Theo nhận định của Howie thì gần như mọi mục tiêu số liệu đưa ra bởi lãnh đạo chính trị Trung Quốc sẽ được đáp ứng, và nếu không được thì dữ liệu đó sẽ biến mất trong khoảng trống lịch sử Trung Quốc, không bao giờ được nhắc lại lần nữa.

Chủ trương của ông Tập là muốn người dân trong nước tiếp tục nghe và tin nền kinh tế Trung Quốc vẫn trên đà phát triển, dù giá phải trả là gì đi nữa. Vì thế nên nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục muốn kích thích sự phát triển chứ không muốn nó chậm lại, nhất là khi đang phải đối phó với cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động. Theo Bloomberg thì nợ vay Trung Quốc gia tăng 14% vào năm 2017, phồng lên đến 266% của GDP, trong khi vào năm 2008 chỉ có 162%.

Là người có tiếng nói sau cùng về chính sách kinh tế, ông Tập đối diện với hai lựa chọn : một, nếu ông Tập muốn kinh tế tiếp tục tăng trưởng thì phải tiếp tục mượn tiền để bơm nó vào kích thích tăng trưởng, trong khi đống nợ này như quả bom có thể làm tung cả hệ thống tài chánh ; hai, chấp nhận sự tăng trưởng chậm lại và giảm bớt nợ quốc gia. Cả hai đều không là giải pháp tối hảo cho ông Tập. Thêm vào đó, với nền kinh tế chậm lại, thị trường chứng khoán lao dốc năm nay (làm mất 1,1 ngàn tỷ đô la Mỹ), làm cho 32 công ty tư nhân phải quyết định bán lại cho nhà nước. Ông Tập từng hứa sẽ bảo vệ các công ty tư nhân gặp khó khăn nên không thể nào làm ngơ, mặc dầu làm như thế thì càng có nghĩa là càng kiểm soát thị trường thay vì kinh tế thị trường.

Cuộc chiến thương mại, bắt đầu với việc áp thuế của Tổng thống Donald Trump vào giữa năm nay, tuy chưa có ảnh hưởng đáng kể vào tài chánh năm nay nhưng sẽ có vào năm tới và sau đó. Ông Tập đang gặp bao nhiêu thử thách, nên việc đối phó thêm với áp lực của chính quyền Trump là điều muốn tránh. Do đó nên đã có nhượng bộ, ít nhất là về mặt thái độ, để làm vừa lòng chính phủ Trump. Sự kiện hai bên đồng ý đình chỉ áp đặt thêm thuế quan trong vòng 90 ngày kể từ ngày 1 tháng 12 để tìm cách giải quyết những tranh chấp thương mại thật ra sẽ không giải quyết được điều gì, bởi tự bản chất cuộc chiến này không thuần túy thương mại. Nó là về an ninh và chính trị quyền lực. Với quá khứ của Trung Quốc, lãnh đạo của Hoa Kỳ dù là Cộng hòa hay Dân chủ đều thấy có nhu cầu thay đổi lớn lao trong cách tiếp cận để kiềm chế. Ngay cả khi quan thuế bị hoãn lại, Hoa Kỳ sẽ cải cách quan hệ kinh tế Mỹ-Trung qua biện pháp giới hạn đầu tư, kiểm soát xuất cảng và các hành động thi hành pháp luật bền vững để chống lại gián điệp công nghiệp và mạng.

Ông Trump đang ở thế tay trên, trong khi ông Tập đang chịu nhiều áp lực mà lại cố gắng duy trì tỷ lệ phát triển kinh tế. Hiện nay chưa ai biết rõ mục tiêu sau cùng của ông Trump là gì trong cuộc chiến thương mại này, trong khi lập trường của ông Pence và đại đa số thành phần lãnh đạo trong nội các ông Trump rõ ràng muốn nhiều hơn thế. Họ sẽ không chấp nhận thỏa hiệp về thương mại, dù Trung Quốc có nhượng bộ đến mấy, là xong hết.

Những công ty hàng đầu của Trung Quốc như Huawei đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và sức mạnh chính trị của Trung Quốc. Vì thế cho nên sự kiện bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chánh của công ty Huawei, bị bắt tại Canada và có thể bị dẫn độ qua Hoa Kỳ, đã làm cho ông Tập với tư thế chủ tịch mọi thứ và lãnh đạo toàn diện lung lây.

Tín nhiệm : vấn đề ngoại giao

Sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, thế giới một lần nữa có cơ hội nhìn thấy rõ cung cách hành xử thiếu lễ độ và thiếu hiểu biết về mặt ngoại giao của Trung Quốc.

Cũng cần nhắc lại là rất nhiều lần trong quá khứ, các nhà ngoại giao Trung Quốc, kể cả các đại sứ của họ từng làm việc lâu năm ở nước ngoài, đã công khai lẫn ngấm ngầm yêu cầu lãnh đạo chính trị của các nước Tây phương can thiệp vào các quyết định của tư pháp hay các cơ quan truyền thông độc lập. Họ sống và làm việc tại đó mà cũng không nhìn nhận và chấp nhận được rằng không giống như tại Trung Quốc, các ngành tư pháp, lập pháp hay truyền thông đều độc lập với hành pháp. Ngay cả các cơ quan truyền thông được chính phủ tài trợ, như ABC và SBS tại Úc, hơn một tỷ đô la cho tài trợ nền chỉ riêng cho ABC một năm, mà chính phủ không có tiếng nói nào cả trong nội dung của các chương trình này. Đúng ra thì không có cơ quan truyền thông nào mà phê bình và vạch trần các sai trái của chính phủ Úc một cách sâu sắc và chuyên nghiệp như thế.

Nhưng giới ngoại giao nói riêng lãnh đạo Trung Quốc nói chung vẫn chưa hiểu hay chưa chấp nhận điều này, nên cứ nổi đùng lên khi có biến sự. Elliott Zaagman gọi cung cách hành xử này là ngoại giao giận dữ. Chữ (throw a) tantrum cũng thường được dùng cho con nít hai đến bốn tuổi hay nằm vạ, giận hờn. Zaagman kể lại vài sự kiện sau đây :

- Vào tháng 9 năm nay, một người quốc tịch Trung Quốc bị bắt và buộc tội hành hung tại Anh vì đã bạo động tấn công vào những người đang thảo luận về nhân quyền và pháp quyền tại Hồng Kông. Nhưng hành động này lại được ca ngợi trên mạng điện tử Trung Quốc, và được biện hộ bởi tòa Đại sứ Trung Quốc tại London. Chưa hết, tòa đại sứ còn yêu cầu phải xin lỗi.

- Trước đó vài tuần tại Thụy Điển, một nhóm người du lịch gốc Trung Quốc bị cảnh sát giải tán khỏi hành lang một khách sạn vì họ từ chối rời nơi đó, mặc dầu cảnh sát thực hiện rất chuyên môn. Trung Quốc phản ứng bằng cách yêu cầu chính phủ Thụy Điển phải xin lỗi.

- Vào tháng Sáu năm nay, một đài truyền hình Úc số 9 có đi một bài tường trình phê phán chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Ông Saixian Cao, người đứng đầu truyền thông vụ của tòa đại sứ tại thủ đô Canberra, đã gọi cho đài này và lớn tiếng quát mắng bà Kristy Thompson, nhà điều hành sản xuất : "Lấy nó xuống và đưa nó cho lãnh đạo bà… Bà không được dùng phim ảnh đó… Bà lắng nghe nè… Sẽ không còn những hành vi tệ hại như thế trong tương lai".

Trong trường hợp bà Mạnh Vãn Châu cũng vậy. Bộ ngoại giao Trung Quốc và các cơ quan truyền thông của nhà nước lên tiếng phê phán Canada và phản ứng bằng cách đòi hỏi quá đáng. Nó cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ đối với chức năng tư pháp độc lập của một nền dân chủ. Cũng nên nhớ rằng trong một nền dân chủ pháp trị như Canada, việc chính quyền Trump yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Hoa Kỳ là một chuyện, chuyện còn lại là hoàn toàn do tòa án Canada xét thấy có hợp pháp hay không trong vấn đề này. Thủ tướng, tổng thống, chính phủ hay quốc hội v.v… đều phụ thuộc vào các diễn giải và quyết định quan trọng, nhất là tối cao pháp viện. Trung Quốc sẽ không bao giờ hiểu được điều này, nhất là những người lãnh đạo của họ đang ở Bắc Kinh, khi họ nắm mọi quyền trong tay.

Những người như ông Cao chẳng lẽ không hiểu được những điều căn bản về dân chủ như thế ? Hay vì ông Cao không có sự chọn lựa mà phải nghe theo lệnh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hay chính từ lãnh đạo tối cao, ở Bắc Kinh ?

Dù là ai đi nữa, cách hành xử như thế chỉ làm tồi tệ vấn đề và làm xấu đi bộ mặt ngoại giao của các tập đoàn và nhà nước Trung Quốc.

Nhà lý thuyết vật lý đoạt giải Nobel năm 1965 Richard Feynman từng nói : "Nguyên tắc đầu tiên là bạn không thể lừa gạt chính mình – và bạn là người dễ lừa gạt nhất".

Trung Quốc luôn đưa ra bao nhiêu dự án lớn và con số lớn làm hoang mang những người đầu tư, thương gia cũng như người dân của họ. Nhưng các con số họ đưa ra thường là không khả tín vì không đầy đủ. Bí mật quốc gia mà!

Ông Tập là người đứng đầu của tất cả các quyết định này. Cần nhắc lại là vào năm 2015, ngay tại Vườn hoa Hồng ở Nhà Trắng ông Tập đã nổi tiếng nói dối rằng Trung Quốc "không có ý định quân sự hóa" Biển Đông, nhưng trong thực tế ông Tập đang lên kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo với căn cứ quân sự có bề lớn như Pearl Harbour.

Lãnh đạo Trung Quốc, đứng đầu là ông Tập, đã đang và vẫn tiếp tục lừa gạt người khác và lừa gạt chính mình. Họ xóa bỏ nhiều sự thật lịch sử và soạn các chương trình giáo dục yêu nước với mục tiêu thế hệ hôm nay và mai sau chỉ biết phiên bản lịch sử duy nhất và phải chấp nhận nó. Họ tuyên truyền riết rồi trở thành nạn nhân của chính những lời tuyên truyền của mình.

Tất cả những ai trong hoặc ngoài Trung Quốc có dính líu đến nước này đều cảm thấy ngờ ngợ và bất an bởi họ không thể tin được những con số thống kê, những dữ kiện nhà nước cung cấp, hay luật pháp ban hành tại đây. Khi không có một nền truyền thông tự do và không có một nền tư pháp độc lập, thì mọi quyết định lớn nhỏ dễ trở thành tùy tiện. Những kẻ nắm quyền trong tay sẽ có tiếng nói sau cùng, bất chấp đúng sai, bất chấp pháp luật và sự thật ra sao. Cơ chế và thể chế đó chỉ tạo bất an và ngờ vực hơn là lòng tin và tín nhiệm.

Do đó tin tưởng và tín nhiệm vẫn là con số thâm hụt lớn nhất tại Trung Quốc hiện nay.

Vài lời kết

Theo giáo sư David Shambaugh, một chuyên gia về Trung Quốc, mỗi năm ngân sách cho mục tiêu tuyên truyền của chế độ là khoảng 10 tỷ đô la.

Khi lãnh đạo của một quốc gia mà đối nội thì triệt tiêu mọi tiếng nói đối lập, còn đối ngoại thì các thuộc hạ của ông Tập cũng tiếp tục thể hiện cung cách hành xử quen thuộc của họ trong nước, vừa thô lổ cộc cằn vừa hiếu chiến, thì 10 tỷ đô la để tuyên truyền hay bao nhiêu nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của họ cũng trở thành lãng phí.

Ông Tập và lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục bưng bít, tuyên truyền và sử dụng bạo lực để trấn áp mọi tiếng nói khác biệt. Tuy có hiệu quả thật đối với bên trong lãnh thổ Trung Quốc, với thế giới bên ngoài thì mọi nỗ lực của họ không thể lừa gạt giới tình báo chuyên nghiệp, giới truyền thông tự do cũng như những người quan tâm và yêu chuộng tự do.

Chẳng hạn như tại Úc, các phóng viên chuyên về Trung Quốc, có người làm việc tại Trung Quốc và cũng có người tại Úc, đã góp phần đáng kể trong việc tường trình sự xâm nhập và lũng đoạn của Bắc Kinh tại các đại học, các cộng đồng người Hoa khắp Úc, cũng như với các đảng chính trị và chính giới của Úc. Tính cách chuyên nghiệp của các tường trình này đã giúp cho dân Úc hiểu rõ hơn vấn đề, qua đó cũng giúp cho thế giới hiểu rõ các âm mưu đằng sau các Viện Khổng Tử hay hành động đội lốt "quyền lực mềm" khác của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tóm lại, truyền thông là một vũ khí lợi hại để đối đầu với độc tài.

Lúc viết xong bài này thì nhận được thêm các tin về các cơ quan tình báo của Trung Quốc tiếp tục chiến dịch đánh cấp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, Úc, Anh, Tân Tây Lan và chắc chắn nhiều quốc gia có nền kinh tế hay kỹ nghệ cao. FBI và Bộ Công lý của Hoa Kỳ qua ông Christopher Wray và ông Rod Rosenstein đã chỉ mặt thủ phạm Trung Quốc.

Ông Rosenstein đã phê phán Trung Quốc vi phạm cam kết 2015 là không được đánh cắp các bí mật về thương mại hay các thông tin mật khác. Chính phủ Úc cũng đã công khai yêu cầu Trung Quốc ngưng các hành động ăn cắp tài sản trí tuệ, bí mật thương mại và thông tin doanh nghiệp mật khác để sử dụng nó cho ưu thế cạnh tranh của mình. Ông Tập là người có tiếng nói sau cùng về các vấn đề mạng và an ninh quốc gia, trong khi đó ông Chu Hoa và ông Trương Kiến Quốc bị giới chức Hoa Kỳ buộc tội tấn công mạng nói trên. Như thường lệ, Trung Quốc vẫn một mực chối bỏ các cáo buộc này. Nhưng ai sẽ tin họ khi chữ tín đối với Trung Quốc khó thể nào xuống thấp hơn được.

Quyền lực bất chính là nguyên nhân, và cũng là hậu quả, tất yếu. Muốn được sự tin tưởng và tín nhiệm thì lãnh đạo Trung Quốc, nhất là ông Tập Cận Bình, cần phải chứng minh sự liêm chính, minh bạch và tính nhất quán trong hành động của mình. Đây là các giá trị mà họ thiếu vắng hoàn toàn mặc dầu họ đã có được 500 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Phạm Phú Khải

Nguồn : VOA, 22/12/2018

Tài liệu tham kho :

Ben Westcott, "Xi Jinping says no one wins in 'cold war', but Pence won't back down ", CNN, November 17, 2018.

Elizabeth C. Economy, "China's Imperial President ", Foreign Affairs, November/December 2014 Issue.

Elizabeth C. Economy, "China's New Revolution ", Foreign Affairs, May/June 2018 Issue.

BBC Monitoring, "His own words : The 14 principles of 'Xi Jinping Thought' ", BBC, October 24, 2017.

Salvatore Babones, "The Meaning of Xi Jinping Thought ", Foreign Affairs, November 2, 2017.

R.K.G., "China’s tyranny of characters ", The Economist, July 5, 2016.

Vivienne Chow, "How China changed its language on speech ", The Interpreter, Lowy Institute, November 5, 2018.

Geoff Wade, "Confucius Institutes and Chinese soft power in Australia ", Parliamentary Library, Flagpost, November 24, 2014.

Chengxin Pan, "Made in China 2025 and US–China power competition ", The Interpreter, Lowy Institute, August 10, 2018.

Tin của VOA, "Trung Quốc bác cáo buộc giam 1 triu người Uighur Tân Cương ", VOA, August 13, 2018.

Nury Turkel and Michael Clarke, "Uighur : Australia needs to end "business as usual" with China ", The Interpreter, Lowy Institute, December 20, 2018.

VOA, "Lưỡng đng M đòi Trump trng pht Trung Quốc vì đàn áp người Hi giáo ở Tân Cương ", VOA, August 31, 2018.

Marco Rubio, "Rubio, Menendez, Colleagues Introduce Legislation In Response To China's Human Rights Abuses Of Uyghurs ", Press Release, November 14, 2018.

Michael Martina, "Scholars condemn China for mass detention of Muslim Uighurs ", Reuters, November 27, 2018.

VOA, "Liên Hiệp Quốc kêu gọi Trung Quốc th người Uighur khi nhng nơi b cho là tri ci hun ", VOA, September 1, 2018.

Philip Wen, Michael Martina, Ben Blanchard, "Exclusive : In rare coordinated move, Western envoys seek meeting on Xinjiang concerns ", Reuters, November 15, 2018.

Charles Rollet, "Ecuador’s All-Seeing Eye Is Made in China ", Foreign Policy, August 9, 2018.

Kurt M. Campbell and Ely Ratner, "The China Reckoning ", Foreign Affairs, March/April 2018 Issue.

Kelly Hammond, Rian Thum, and Jeffrey Wasserstrom, "China’s Bad Old Days Are Back ", Foreign Affairs, October 30, 2018.

Tara Francis Chan, "Communist China has 104 billionaires leading the country while Xi Jinping promises to lift millions out of poverty", Business Insider Australia, March 4, 2018.

Alexandra Stevenson, "China’s Growth Hits Slowest Pace in a Decade", The New York Times, October 18, 2018.

Charlie Lyons Jones, "Deng’s ghost haunts Xi, as Maoism makes a return", The Interpreter, Lowy Institute, November 2, 2018.

Fraser Howie, "Lies, damn lies, and Chinese statistics", The Interpreter, Lowy Institute, September 5, 2018.

Enda Curran, "China’s Debt Bomb", Bloomberg, September 17, 2018.

Laura He and Zhang Shidong, "Is Chinese capitalism in crisis, as stock market rout drives private companies into the state’s arms ?", South China Morning Post, October 20, 2018.

Stephen Letts, "China's economy slows to levels not seen since the GFC", ABC News, October 19, 2018.

VOA, "Trump để ngỏ khả năng triển hạn hưu chiến thương mại", VOA, December 5, 2018.

Ely Ratner, "There Is No Grand Bargain With China", Foreign Affairs, November 27, 2018.

Sam Roggeveen, "What I missed this year: America pushes back", The Interpreter, Lowy Institute, December 19, 2018.

Elliott Zaagman, "Meng Wanzhou: China’s "tantrum diplomacy" and Huawei", The Interpreter, Lowy Institute, December 12, 2018.

Tara Francis Chan, "How China tried to shut down Australian media coverage of its debt-trap diplomacy in the Pacific", Business Inside Australia, June 21, 2018.

Wikipedia, "Richard Feynman", Accessed on December 20, 2018.

Beijing, "China is spending billions to make the world love it", The Economist, March 23, 2017.

Kelsey Munro, "A free press is a magic weapon against China's influence peddling", The Interpreter, Lowy Institute, December 18, 2017.

Reuters, "US charges Chinese citizens for espionage in major hacking campaign targeting navy, NASA, others", ABC News, December 21, 2018.

Media Release, "Joint media release with Senator the Hon Marise Payne - Attribution of Chinese cyber-enabled commercial intellectual property theft", Peter Dutton, December 21, 2018.

VOA, "Mỹ và đồng minh tố cáo Trung Quốc dọ thám bí mật kinh tế", VOA, December 21, 2018.

Reporting team from Reuters, "China denies 'slanderous' economic espionage charges from U.S., allies", Reuters, December 21, 2018.

Published in Diễn đàn

Chính quyền tnh Sơn Đông, min đông Trung Quc, đã bt 10 người liên quan ti cuc biu tình ca các cu chiến binh hi đu tháng Mười năm nay.

tq1

Một cuộc biểu tình của cựu chiến binh Trung Quốc.

Reuters dẫn li tin ca truyn thông nhà nước đưa tin như vy hôm 9/12.

Hãng tin Anh nói rằng nhng bt bình v lương hưu và các chế đ đãi ng khác lâu nay là các vn đ dn ti nhiu cuc biu tình có t chc trong nhng năm gn đây.

Hồi đu năm ngoái, hàng trăm cu chiến binh đã biu tình trung tâm th đô Bc Kinh trong vòng hai ngày, yêu cầu nhà nước chi tr các khon đãi ng hưu bng chưa nhn được.

Truyền hình nhà nước đưa tin rng t ngày 4 ti 7/10, các cuc biu tình đã din ra thành ph Bình Đ thuc tnh Sơn Đông vi s tham d ca khong 300 người t nhiu vùng khác nhau của Trung Quc.

Reuters dẫn li thông tin ca truyn thông Trung Quc nói rng người biu tình mang theo biu ng cho biết rng h là "cu chiến binh" trong cuc xung đường mà truyn hình nói là trái pháp lut.

Báo chí nhà nước cũng trích tin từ B Công an nói rng người biu tình đã đng đ vi cnh sát và phá hoi xe c.

Chính phủ Trung Quc đã nhiu ln cam kết đi x tt hơn vi các cu chiến binh, và năm nay đã lp B Các vn đ Cu chiến binh trong mt phn n lc ci t các cơ quan cấp b.

Chủ tch Trung Quc Tp Cn Bình thông báo hi năm 2015 rng Quân đi Gii phóng Nhân dân ca nước này s ct gim 300 nghìn binh sĩ vào cui năm 2017 và chính ph sau đó cho biết đã phn ln đt được điu đó.

Published in Châu Á

Tập Cận Bình thừa kế một Trung Quốc tương tự như Liên Xô của Gorbachev cuối thập niên 1980. Gorbachev đã thất bại khi cố làm những thay đổi cần thiết, Tập Cận Bình trái lại từ chối làm một việc phải làm. Hậu quả chắc chắn sẽ bi đát hơn.

 

Khi nhận định về Trung Quốc các chuyên gia thường quên hai điều rất cơ bản. Một là Trung Quốc là một thế giới hay một đế quốc – hay một thiên hạ theo cách nói của người Trung Quốc- chứ không phải là một nước, do đó không thể lý luận và dự đoán về nó như người ta thường làm với một quốc gia. Hai là Trung Quốc vốn sẵn có một văn hóa nghi lễ lấy hình thức để tạo ấn tượng về nội dung, có khi để che giấu nội dung. Văn hóa này đã được tăng lên nhiều lần dưới chủ nghĩa cộng sản mà một đặc tính nền tảng là che đậy sự thực.

Cho đến nay thực trạng Trung Quốc đã được che đậy dưới lớp vải điều hào nhoáng của một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục khiến nhiều người quên rằng kinh tế không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung Quốc.

supdo1

Kinh tế không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc hết thuốc chữa

Hãy nói ngay về lớp vải điều đó. Trong gần ba thập niên Trung Quốc đã gây kinh ngạc cho thế giới vì tỷ lệ tăng trưởng liên tục trên 10%. Tỷ lệ này được hạ xuống 8%, rồi 7% trong những năm gần đây. Các con số chính thức của Trung Quốc dĩ nhiên là không chính xác nhưng điều có thể thấy được là hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường thế giới, các công trình xây dựng hoành tráng và các cao ốc đồ sộ mọc lên khắp nơi, tư bản Trung Quốc đầu tư vào mọi quốc gia, từ Châu Phi đến Châu Âu, Châu Mỹ qua Việt Nam, Lào và Campuchia. Ảnh hưởng Trung Quốc tỏa rộng. Có những dự đoán theo đó Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trong một tương lai gần. Nhưng rồi bắt đầu có những ngờ vực.

supdo2

Con rồng kinh tế Trung Quốc còn phun châu khạc lửa được bao lâu khi những chỉ số thực sự về kinh tế và tài chính được phơi bày ?

Năm 2001 có cuốn sách The Coming Collapse of China (sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) gây được tiếng vang lớn. Bạn bè đã tóm lược cho tôi cuốn sách này ; nó sai vì phạm một trong hai sai lầm cơ bản đã được nói ở đầu bài này nghĩa là lý luận về Trung Quốc như một quốc gia. Dần dần quan điểm của các quan sát viên về Trung Quốc thay đổi hẳn. Mới đầu người ta tự hỏi liệu Trung Quốc có thể lâm vào khủng hoảng không ? Rồi Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng lúc nào ? Và bây giờ câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ còn che đậy được tình trạng suy thoái bao lâu nữa và lúc đó tương lai Trung Quốc sẽ ra sao ?

Tất cả những đèn báo động đều đã đỏ rực. Nợ công của Trung Quốc được ước lượng bởi mọi định chế thẩm định (rating agencies) là ở mức 300% GDP, nghĩa là cao một cách nghiêm trọng. Nhưng con số này có thể chỉ là một phần của sự thực bởi vì không bao gồm những khoản nợ không chính thức hoặc không hợp pháp đầy rẫy trong xã hội Trung Quốc. Thí dụ như tình trạng tuyệt đại đa số các công ty nhà nước lớn mượn tiền của ngân hàng trung ương với lãi xuất ưu đãi rồi cho các công ty nhỏ hoặc tư nhân vay lại với lãi xuất cao, hay phần lớn các chính quyền địa phương không khai đúng số nợ.

Kinh tế Trung Quốc dựa trên xuất khẩu nhưng xuất khẩu đã giảm hẳn từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Trong năm 2014 vừa qua ngoại thương Trung Quốc đã sụt 11% (xuất khẩu giảm 3,3%, nhập khẩu giảm 22%), dầu vậy tỷ lệ tăng trưởng chính thức vẫn là 7,3%. Nhưng làm sao một nền kinh tế đặt nền tảng trên xuất khẩu lại có thể tăng trưởng 7,3 % trong khi ngoại thương suy sụp ? Công ty tham vấn Lombard Street Research của Anh vẫn sử dụng những dữ kiện của chính quyền Trung Quốc nhưng tính lại một cách nghiêm chỉnh hơn cho biết tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2014 chỉ là 1,7%. Tuy vậy ngay cả tỷ lệ tăng trưởng khiêm tốn này cũng không thể có vì dựa trên những số liệu sai, thí dụ như các công ty sản xuất rồi bỏ vào kho vì không bán được hàng nhưng vẫn kể vào sản xuất, và khi sản phẩm đã hư hỏng cũng không khai v.v.

Một chỉ số đo lường lòng tin vào một nền kinh tế là chỉ số chứng khoán. Cuối năm 2007 chỉ số chứng khoán SSE của Trung Quốc lên tới cao điểm 6.000. Sau đó là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 làm tất cả các thị trường chứng khoán trên thế giới đều suy sụp. Ngày nay hầu như tất cả các chỉ số chứng khoán đều đã phục hồi được mức độ của năm 2007, các chỉ số của Mỹ, Đức và Nhật còn vượt xa mức 2007, nhưng chỉ số SSE của Trung Quốc vẫn chỉ quanh quẩn ở con số 4.000. Lòng tin vào tương lai của kinh tế Trung Quốc còn thể hiện qua một con số khác. Kết quả của một cuộc thăm dò của Hurun Research Institute (Thượng Hải) và vừa được học giả David Shambaugh nhắc lại trên Wall Street Journal cho thấy 64% các đại gia Trung Quốc đã hoặc đang chuẩn bị di chuyển ra nước ngoài. Tư bản Trung Quốc đang tháo chạy. Một hiện tượng khác mà Shambaugh cho biết là chính quyền Mỹ đang theo dõi sự kiện rất nhiều phụ nữ Trung Quốc giầu có sang Mỹ sinh đẻ để con có quốc tịch Mỹ. Nếu tương lại Trung Quốc tươi sáng tại sao những người được ưu đãi nhất lại bỏ đi ? Trong mọi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài các doanh nhân Trung Quốc không còn giấu giếm nữa. Họ nói thẳng là họ đang sản xuất với mức lời rất thấp hoặc lỗ nhưng vẫn phải sản xuất theo kế hoạch.

Nhưng kế hoạch nào ? Từ năm 2008 trong khi mọi quốc gia cố gắng vùng vẫy để ra khỏi cuộc khủng hoảng thì Trung Quốc đã có một chọn lựa khác hẳn. Đó là coi như không có khủng hoảng và bơm tiền ồ ạt vào sinh hoạt kinh tế, đẩy mạnh chi phí công cộng và ngành xây dựng để giữ nguyên mức độ tăng trưởng, với hậu quả là số nợ công tăng gấp bốn lần, các kho hàng của các công ty đầy ứ và rất nhiều thành phố ma xuất hiện tại rất nhiều nơi. Khủng hoảng càng che giấu lâu bao nhiêu thì càng trầm trọng thêm bấy nhiêu và bây giờ nó không còn giải pháp. Năm 2013 khi mới lên cầm quyền Tập Cận Bình ra lệnh giới hạn khối lượng tiền tệ bằng cách tăng lãi xuất và kiểm soát tín dụng. Ông đã phải nhanh chóng từ bỏ biện pháp -đúng trên nguyên tắc- này trước nguy cơ sụp đổ tức khắc ; không những thế chính quyền Bắc Kinh còn phải bơm tiền nhiều hơn nữa cho các ngân hàng và công ty. Sự kiện này chứng tỏ kinh tế Trung Quốc không có thuốc chữa, sự sụp đổ chỉ còn là một vấn đề thời gian. Thời gian đó có thể rất gần vì ngay cả biện pháp bơm tiền cũng không còn hiệu quả nhất thời của nó nữa. Năm 2013 nhiều công ty muốn vay tiền mà không được, hiện nay đại đa số các công ty từ chối vay vì không biết dùng tiền để làm gì.

Một sự kiện khác cũng chứng tỏ kinh tế Trung Quốc không cứu vãn được. Giải pháp tự nhiên khi mô hình hướng ngoại không còn theo đuổi được nữa là tăng cường thị trường nội địa. Đó là điều Trung Quốc đã làm nhưng đã chỉ khiến kinh tế Trung Quốc nguy ngập hơn. Từ năm 2010 Trung Quốc đã liên tục tăng lương công nhân 10% mỗi năm với hy vọng là họ sẽ mua sắm nhiều hơn, nhưng mức tiêu thụ nội địa không hề gia tăng vì người công nhân Trung Quốc chỉ dùng khoản lợi tức mới có để tiết kiệm, phòng hờ khi đau ốm. Tuy vậy biện pháp tăng lương công nhân này đã có tác dụng làm tăng giá thành và khiến hàng hóa Trung Quốc khó bán trên các thị trường thế giới. Sự sút giảm của xuất khẩu cũng do nguyên nhân này. Trung Quốc hiện đã mất gần hết các thị trường tại Châu Âu.

Chừng nào kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự sụp đổ ? Câu trả lời là : khi chính quyền Bắc Kinh thú nhận. Nhưng họ có sẽ thú nhận không ? Hiện nay niềm tin rằng kinh tế Trung Quốc "có sụp cũng còn lâu" chủ yếu là ở chỗ Trung Quốc vẫn còn khoảng 2.000 tỷ USD công khố phiếu của Mỹ và 1.000 tỷ EUR công khố phiếu Châu Âu. Mặc dù số tiền này chẳng là bao so với số nợ công của Trung Quốc –ít nhất 30.000 tỷ USD- nhưng nó đem lại ảo tưởng là Trung Quốc vẫn còn giầu có vì vẫn còn tiền cho Mỹ và Châu Âu vay. Bắc Kinh sẽ không đụng tới những số tiền này. Có nhiều triển vọng là họ sẽ tiếp tục như hiện nay cho đến khi thực trạng suy sụp trở thành hiển nhiên đối với mọi người.

Đất nước Trung Quốc đang bị hủy diệt

Nhưng kinh tế suy thoái không phải mối nguy lớn nhất của Trung Quốc. Mối nguy lớn nhất là môi trường. Không khí tại các tỉnh phía Bắc ô nhiễm tới mức không còn thở được nữa ; nước vừa rất thiếu vừa nhiễm độc.

supdo3

80% nguồn nước ở Trung Quốc bị ô nhiễm - Ảnh Daxue Conseil

Một nghiên cứu phối hợp của bốn trường đại học MIT (Mỹ), Avraham Ebeinstein (Do Thái), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Thanh Hoa (Trung Quốc) công bố tháng 7-2013 tiết lộ một sự kiện kinh khủng : tuổi thọ trung bình của khối 500 triệu người dân các tỉnh phía Bắc đã giảm 5 năm rưỡi trong thập niên 1990 chủ yếu vì môi trường ô nhiễm. Mùa hè 2007 trên chuyến bay từ Tây An tới Côn Minh tôi đọc trên báo China Daily, tờ báo tiếng Anh của chính quyền Trung Quốc, một nghiên cứu theo đó gần một nửa số sông của Trung Quốc đã hết nước.

Tháng 3-2013 một nghiên cứu công phu -từ năm 2010 đến năm 2012- của Bộ Thủy Nguồn và Viện Quốc Gia Thống Kê của chính quyền Bắc Kinh đưa ra những con số chính xác một cách đáng sợ : Trung Quốc chỉ còn 22.909 con sông, trên 28.000 con sông đã biến mất. Mỗi con sông còn lại phải đem nước cho một diện tích khoảng 100 km vuông. Như vậy có nghĩa là từ 2007 đến 2012 tình trạng thiếu nước đã xấu đi nhiều thay vì được cải thiện. Nghiên cứu này cũng cho thấy có 400 thành phố hiện chỉ dùng nước bơm từ lòng đất lên. Kết luận của nghiên cứu này là thay vì gia tăng cung cấp nước từ nay chính sách quốc gia phải chuyển sang khuyến khích dân chúng tiết kiệm nước. Tình trạng xuống cấp nguy ngập của môi trường chỉ một phần rất nhỏ do thiên nhiên, phần rất lớn là do chính sách tăng trưởng kinh tế hoang dại bất chấp môi trường.

Cần lưu ý là bảo vệ thiên nhiên không phải là ưu tư của văn hóa Trung Hoa và Việt Nam truyền thống, trái lại người ta ca tụng những anh hùng có chí lớn "sẻ núi lấp sông". Nó cũng hoàn toàn vắng mặt trong chủ nghĩa cộng sản.

supdo4

Một xe đổ rác của sở rác thị xã thản nhiên đổ rác xuống sông Nộ Giang - Ảnh Nguyễn Gia Kiểng

Vài năm trước tôi đọc một bài phóng sự trên báo Le Monde nói về một con sông có cái tên ngộ nghĩnh là Nộ Giang, nghĩa là dòng sông giận dữ, chảy từ Trung Quốc sang Myanmar. Lý do khiến người ta đặt tên như vậy là vì nước sông chảy rất mạnh. Nhưng ngày nay con sông này còn có một lý do chính đáng khác để nổi giận : nó trở thành nơi đổ rác chính thức của các thị xã chung quanh. Chính quyền địa phương xây rất nhiều bệ bê tông để các xe rác của các thị xã có thể đổ rác xuống sông một cách an toàn. Mỗi ngày hàng trăm tấn rác đủ loại được dòng nước cuốn sang Myanmar và trở thành một vấn đề của Myanmar.

Năm 2007 tại Bắc Kinh tôi không nhìn thấy mặt trời dù biết nó ở ngay trên đầu mình vì đang giữa trưa và trời rất nóng. Không khí đục ngầu vì khói từ các nhà máy không xử lý khí thải. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên từ bao lâu rồi anh không còn nhìn thấy mặt trời nữa. Anh ta không nhớ. Năm 2000 lượng nước trung bình của mỗi người Trung Quốc chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới. Bây giờ tình trạng còn bi đát hơn nhiều. Tại các tỉnh phía Tây trước đây phải đào sâu xuống 30m mới tìm được nguồn nước, bây giờ phải đào xuống 100m, mặt đất cứng như bê tông. Đó là hậu quả của việc trồng bông để xuất khẩu quần jean. Một đất nước trước hết là đất và nước, khi đất đã cằn cỗi, không khí và nước đã ô nhiễm đến nỗi không thở được và uống được thì cũng chẳng còn gì để nói. Đất nước Trung Quốc đang bị hủy diệt. Đó là lý do chính khiến rất nhiều người muốn rời Trung Quốc bằng mọi giá. Họ sợ chết.

Một chế độ tuyệt vọng

Mối nguy nghiêm trọng thứ hai, cũng nghiêm trọng hơn hẳn sự suy thoái của kinh tế, là bế tắc chính trị. Các quan sát viên theo dõi tình hình Trung Quốc đều đồng ý rằng đàng sau chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là cố gắng tập trung quyền hành về trung ương và về tay ông. Tham nhũng chỉ là lý cớ. Chính Tập Cận Bình cũng tham nhũng, nếu không làm sao ông có thể có một tài sản trị giá trên 200 triệu USD ? Không khác gì thủ tướng Ôn Gia Bảo trước đây tỏ ra rất quan tâm đến dân nghèo để rồi người ta phát giác ra rằng ông có hơn 2 tỷ USD. Các phe đảng của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang chắc chắn không khoanh tay chờ bị thanh toán.

Chủ nghĩa Mác-Lenin đã bị lố bịch hóa và không thể là xi măng gắn bó 85 triệu đảng viên cộng sản với nhau nữa, chỉ còn lại sự tranh giành quyền lực và quyền lợi. Các tỉnh cũng không thể chịu đựng mãi ách thống trị của trục Bắc Kinh - Thượng Hải và sự chênh lệch giữa các vùng. Chưa kể là với sự sút giảm bi thảm của nguồn nước một cuộc chiến tranh giành nước tương tự như ở Trung Đông có thể diễn ra ; trên thực tế đã có xung đột giữa các tỉnh, thậm chí giữa các huyện trong cùng một tỉnh, để tranh giành những con sông vừa cạn vừa ô nhiễm.

supdo5

Nông dân Quảng Đông biểu tình chống chính sách cưỡng chiếm đất canh tác của họ bởi các tập đoàn bất động sản Trung Quốc (21/12/2011)

Cần nhắc lại để nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một thiên hạ chứ không phải là một nước, lòng yêu nước đối với một người Trung Quốc chủ yếu là một tình cảm địa phương. Không cứ gì các sắc dân thiểu số, tuy cùng được gọi là người Hán nhưng một người Hán ở Côn Minh hoàn toàn không nhìn những người Hán ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải như những đồng bào. Quan hệ giữa các tỉnh Trung Quốc còn lỏng lẻo hơn nhiều so với quan hệ giữa các nước Châu Âu, đôi khi còn mang những thù hận chưa được hóa giải của quá khứ. Trong suốt dòng lịch sử dài của nó, sự thống nhất của Trung Quốc đã chỉ được duy trì bằng bạo lực và tàn sát. Thí dụ như giữa thế kỷ 19 để dẹp cuộc khởi nghĩa ly khai của Hồng Tú Toàn nhà Thanh đã tàn sát 70% dân chúng các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và 90% dân chúng tỉnh Quý Châu. Tinh thần dân tộc của người Trung Quốc hầu như không có. Chính vì thế mà các nước rất nhỏ bé và chậm tiến như Mông Cổ và Mãn Châu đã có thể thiết lập những ách thống trị lâu dài. Các triều đại Nguyên, Thanh sau cùng đã cáo chung vì tham nhũng và lỗi thời chứ không phải vì là những ách thống trị ngoại bang.

Bế tắc chính trị của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng đã chứng tỏ không có lối thoát. Khi mới lên cầm quyền Hồ Cẩm Đào đã muốn nới lỏng dần dần những quyền con người cơ bản với hy vọng chuyển hóa dần dần về dân chủ trong trật tự nhưng trong những năm cuối, nhất là từ năm 2011 trở đi, ông đã phải đảo ngược chính sách và gia tăng đàn áp. Năm 2013 Tập Cận Bình lên cầm quyền với một chủ trương rõ rệt : từ chối cải tổ chính trị, tăng cường độc quyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và thanh trừng mọi khuynh hướng ly tâm trong đảng. Tập Cận Bình thừa kế một Trung Quốc tương tự như Liên Xô của Gorbachev cuối thập niên 1980. Gorbachev đã thất bại khi cố làm những thay đổi cần thiết nhưng ít ra cũng đã tránh cho Liên Xô một sự sụp đổ trong hỗn loạn. Tập Cận Bình trái lại từ chối làm một việc phải làm. Hậu quả chắc chắn sẽ bi đát hơn.

supdo6

Tập Cận Bình lên cầm quyền với một chủ trương rõ rệt : từ chối cải tổ chính trị, tăng cường độc quyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và thanh trừng mọi khuynh hướng ly tâm trong đảng.

Nhưng việc phải làm đó là gì ? Đó chính là sự chuyển hóa bắt buộc về dân chủ. Các tiến bộ về giao thông và truyền thông đã thay đổi hẳn thế giới, kể cả Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế trong ba thập niên qua cũng đã cho người Trung Quốc thêm sức mạnh. Họ đã hiểu rằng con người phải có những quyền căn bản, họ muốn và ngày càng có thêm khả năng để đòi hỏi những quyền đó. Nhưng vấn đề là Trung Quốc không thể tồn tại với lãnh thổ và dân số hiện nay dưới một chế độ dân chủ vì các vùng của Trung Quốc quá khác nhau và cũng không muốn chia sẻ một tương lai chung. Vấn đề cũng là chủ nghĩa cộng sản, chất keo gắn bó các vùng với nhau, đã trở thành ghê tởm. Trên trang Web www.ninecommentaries.com do phong trào Thoái Đảng thiết lập từ tháng 11-2014 hàng ngày trên 50.000 người tuyên bố ly khai với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Số người ly khai hiện đã lên quá 200 triệu.

Lịch sử Trung Quốc nói chung là sự lặp lại của cùng một kịch bản, một kịch bản chưa thay đổi vì thể chế chính trị vẫn còn là một thể chế tập trung chuyên chính. Kịch bản đó như sau : một chính quyền được dựng lên trong hoàn cảnh xã hội tan hoang và kiệt quệ ; chính quyền thành công trong những năm đầu và xã hội dần dần hồi sinh ; xã hội càng hồi sinh thì nhu cầu kiểm soát càng lớn và chính quyền càng cần tăng cường bộ máy cai trị ; bộ máy quan liêu vì thế tiếp tục phình ra và sau cùng trở thành mạnh hơn quyền lực chính trị ; kết quả là quyền lực chính trị suy yếu dần và tích lũy mâu thuẫn, cuối cùng bị một lực lượng khác đánh đổ sau một cuộc xung đột làm xã hội suy kiệt ; và kịch bản bắt đầu lại từ số không. Kịch bản này hiện đã tới màn cuối dưới chế độ cộng sản. Tập Cận Bình đang cố xiết lại để ngăn ngừa sự xuất hiện của một lực lượng mới. Khi Nguyễn Tấn Dũng lặp đi lặp lại là "nhất quyết không để nhem nhúm những tổ chức đối lâp" ông ta chỉ nhắc lại một ám ảnh của quan thày Bắc Kinh.

Phải lo ngại cái gì ?

Chế độ cộng sản Trung Quốc còn trụ được bao lâu nữa ?

Như đã nói ở đầu bài này, đừng nên quên rằng Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một thế giới, một thiên hạ hay một đế quốc tùy cách nhìn, do đó sự thay đổi chế độ sẽ không nhanh chóng như trong một quốc gia mà sẽ diễn ra một cách tương tự như sự tàn lụi của một đế quốc. Các giai đoạn cuối trào của các đế quốc nói chung và của Trung Quốc nói riêng thường kéo dài khá lâu. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi dồn dập. Các diễn biến có thể nhanh hơn rất nhiều.

Càng nhanh hơn vì một lý do khác. Chế độ cộng sản Trung Quốc tồn tại từ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn dựa trên hai hợp đồng bất thành văn miễn cưỡng.

Hợp đồng thứ nhất là nhân dân chịu đựng chế độ toàn trị, và cả sự tàn phá của môi trường, với điều kiện là Đảng Cộng Sản duy trì được một mức tăng trưởng kinh tế cao. Ôn Gia Bảo tỏ ra đã hiểu thỏa hiệp này khi ông nói rằng nếu mức tăng trưởng xuống dưới 8% thì sẽ có bạo loạn. Hợp đồng này ngày nay đã chấm dứt vì kinh tế suy thoái. Hợp đồng thứ hai là quần chúng Trung Quốc chịu đựng bất công xã hội để cho một thiểu số làm giầu với thỏa hiệp ngầm là như thế họ sẽ có thêm vốn để gia tăng đầu tư thúc đẩy kinh tế. Hợp đồng này đã bị phản bội khi những người giầu có bỏ ra nước ngoài mang theo tài sản. Sự phẫn nộ có thể bùng nổ rất dữ dội.

Có cần lo sợ sự sụp đổ của chế độ cộng sản và sự tan vỡ gần như chắc chắn của Trung Quốc không ? Mối nguy thường được nói tới là chính quyền Bắc Kinh có thể gây hấn với bên ngoài để kêu gọi đoàn kết dân tộc và làm dịu những mâu thuẫn bên trong. Nhiều người đang lo âu trước việc Trung Quốc xây những phi trường trên những đảo nhân tạo tại Biển Đông. Nhưng sự lo ngại này không cần có. Nó là do cách nhìn Trung Quốc như một quốc gia thay vì một đế quốc. Thực tế cho thấy các đế quốc chỉ gây hấn trong những giai đoạn cường thịnh, trái lại rất nhu nhược đối với bên ngoài trong những giai đoạn cuối trào, để dồn sức đương đầu với những khó khăn bên trong. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Trong những lúc suy vi các hoàng đế Trung Quốc không những không xâm chiếm các biên quốc mà còn phải cống hiến những quý phi, có khi cả những công chúa, cho các vua các nước nhỏ chung quanh để cầu an. Chuyện Chiêu Quân cống Hồ chỉ là một trong rất nhiều thí dụ. Việt Nam và thế giới sẽ không phải lo ngại một sự gây hấn nào.

Cũng không cần lo ngại cho người Trung Quốc. Trung Quốc có phân chia thành bốn hay năm nước thì đó cũng vẫn là những nước lớn bậc nhất thế giới, nhưng đồng điệu hơn và hợp lý hơn Trung Quốc hiện nay. Điều mà chúng ta có thể chúc cho người Trung Quốc là những thay đổi cần thiết sẽ diễn ra trong hòa bình.

Thiên triều sụp đổ

Câu hỏi bao giờ chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ không đặt ra, hoặc đặt ra một cách rất khác, đối với chế độ cộng sản Việt Nam. Đối với một chư hầu, một đế quốc coi như đã sụp đổ khi không còn là một chỗ dựa nữa. Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam chế độ cộng sản Trung Quốc coi như đã sụp đổ. Nó đang quá bối rối với những khó khăn nội bộ để có thể hỗ trợ cho chế độ cộng sản Việt Nam. Bắc Kinh lo cho mình cũng chưa xong còn mong gì giúp được ai. Họ sẽ phải buông Việt Nam và Triều Tiên dù không muốn như Liên Xô đã từng phải buông Đông Âu trước đây. Nhưng chế độ cộng sản Việt Nam lại rất cần bám lấy Trung Quốc.

Trong cuộc tiếp xúc ngày 26/6/2014 tại Sài Gòn, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã không cải chính lời phát biểu của chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm theo đó Trung Quốc thỏa thuận viện trợ cho Việt Nam 20 tỷ USD và cho vay 100 tỷ USD. Chế độ cộng sản Việt Nam rất cần yểm trợ tài chính này bởi vì do hậu quả của bất tài và tham nhũng kinh tế Việt Nam thực ra đang ở trong tình trạng phá sản. Theo phát biểu của chính ông Trương Tấn Sang tháng 11-2014 tại quốc hội thì tình trạng kinh tế Việt Nam "rất không thoải mái". Ba phần tư số thu ngân sách (khoảng 30 tỷ USD năm 2014, giảm nhiều so với năm 2013) được dùng để trả lương, phần còn lại không đủ để trả nợ. Nói gì tới những chi tiêu tối cần thiết khác.

Một điều cần được nhìn thật rõ là Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ là một đảng tự lập. Nó luôn luôn dựa vào một thế lực bên ngoài nào đó. Ra đời như một phân bộ của Đệ Tam Quốc Tế, nó đã tranh đấu, rồi cầm quyền, với sự bảo trợ của Liên Xô hoặc Trung Quốc hoặc cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Giữa thập niên 1980 khi Liên Xô suy yếu và không còn bảo trợ được nữa nó đã vội vã bỏ ngay lập trường thù địch để xin được phục tùng Trung Quốc. Trái với một nhận định hời hợt không phải Bắc Kinh cố thu phục Hà Nội mà chính Hà Nội đã cầu khẩn và làm tất cả để được lệ thuộc Trung Quốc. Trong mấy năm gần đây khi Liên Bang Nga có vẻ mạnh lên ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng đã cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ từ Nga. Văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam là một văn hóa chư hầu.

Tất cả những tính toán và kỳ vọng của họ đều đã hoặc đang sụp đổ. Nước Nga của Putin đã bại sụi sau cuộc phiêu lưu Ukraine. Đến lượt Trung Quốc cũng chao đảo và sắp sụp đổ. Rất có thể là chính Bắc Kinh đã nói với Hà Nội là hãy tìm những nguồn hỗ trợ khác vì họ không còn khả năng giúp đỡ ai cả. Điều đó có thể giải thích những chuyến công du Hoa Kỳ dồn dập của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam gần đây, kể cả chuyến đi sắp tới của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những chuyến thăm viếng này đều do sáng kiến của Hà Nội.

Lịch sử không phải chỉ sắp sang trang mà đang sang trang. Mọi người Việt Nam đều phải sáng suốt để tránh những ngộ nhận tai hại. Những thành viên bộ chính trị và ban bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể thù ghét nhau vì tranh giành quyền lực và quyền lợi nhưng họ đều hoàn toàn đồng ý với nhau là phải dựa vào Trung Quốc để duy trì chế độ độc tài toàn trị. Tất cả đều chống dân chủ. Tất cả đều đồng ý rằng "đi với Tầu thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng" và tất cả đều đồng ý chẳng thà mất nước chứ không mất đảng. Không có một ngoại lệ nào cả. Nhưng bây giờ họ không còn chọn lựa nào khác là đi với Mỹ ("Mỹ" phải được hiểu là các nước dân chủ) vì họ không dựa vào Trung Quốc được nữa. Chiến lược của họ trong lúc này chỉ là cố kéo dài thời gian hấp hối của chế độ và làm mất thêm thời giờ của nước ta trong cuộc chạy đua về tương lai, dù chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ và đã quá chậm trễ. Chúng ta không được quyền có một ngộ nhận nào cả.

Mọi ưu tư của chúng ta phải dồn vào cố gắng để đất nước bước vào kỷ nguyên dân chủ một cách nhanh chóng nhất trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để chúng ta có thể lập tức cùng nắm tay nhau chinh phục tương lai.

Nguyễn Gia Kiểng

(04/2015)

Published in Quan điểm
jeudi, 13 décembre 2018 06:17

Thử nhận diện bài toán Trung Quốc

Có những trường hợp phải lùi xa để nhìn rõ và một vấn đề chỉ có giải đáp nếu được nhìn như là thành phần của một vấn đề lớn hơn. Bài toán Trung Quốc đối với Việt Nam là một trong những trường hợp này.

Ngày nay nghĩ đến Trung Quốc chúng ta nghĩ ngay đến Hoàng Sa và Trường Sa với một tâm sự đau nhức và bất lực. Chúng ta không hy vọng gì lấy lại hai quần đảo này mà còn có nguy cơ mất thêm. Nhưng vấn đề không giản đơn như thế và rất có thể là cũng may mà nó không giản đơn như thế.

baitoan1

Hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt - Trung chứng kiến tuần tra liên hợp tại mốc 1117 (Ảnh Biên Phòng, 30/03/2016)

Chúng ta chưa biết rõ đã thực sự mất những gì. Chính quyền cộng sản Việt Nam không công bố bản đồ biên giới theo thỏa ước phân định biên giới trên đất liền tháng 12-1999 để chúng ta có thể so sánh với bản đồ của hiệp ước 1887, văn kiện qui định biên giới giữa hai nước trước đó. Chắc chắn là chúng ta mất nhiều hơn những gì chính quyền nhìn nhận. Ông Lê Công Phụng, người đặc trách vấn đề biên giới nói rằng trong những vùng tranh chấp (khoàng 272 km2) hai bên đã thỏa thuận chia đôi. Điều này có thể đúng, vấn đề là có những vùng đã mất hẳn và không còn được coi là "vùng có tranh chấp". Cuốn Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc (Nhà xuất bản Sự Thật) và nhiều tài liệu tình cờ được công bố cho thấy những vùng này nhiều lắm. Có những vùng các sắc tộc biên giới trước đây thuộc Việt Nam bị Trung Quốc mua chuộc và tự nhận là người Trung Quốc và cũng có những vùng Trung Quốc đã đánh chiếm và sáp nhập.

Một câu hỏi lớn cần được đặt ra : tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam lại phải ký hiệp ước biên giới 1999 trên đất và vô lý hơn nữa là hiệp ước 2000 về Vịnh Bắc Bộ trong đó chúng ta thiệt hại nặng ? Tại sao nếu không đòi lại được những gì đã mất lại không giữ nguyên tình trạng pháp lý cũ ? Tại sao phải chính thức hóa những mất mát ?

Nói rằng ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bán nước, dâng đất, dâng biển cho quan thầy Trung Quốc là nói một cách giận dữ, và những gì nói trong cơn giận thường quá đáng và sai. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chắc chắn là có trách nhiệm nặng, rất nặng. Cũng có khả năng họ bị đã mua chuộc, nhưng đây không thể là lý do chính. Không một chính quyền nào, dù tồi tệ đến đâu, lại muốn mất đất cả. Lời tuyên bố của ông Lê Công Phụng theo đó "càng để lâu càng khó khăn hơn" cần được lưu ý.

Càng đáng được lưu ý vì hiện nay chính Việt Nam muốn cắm mốc biên giới cho thật nhanh trong khi Trung Quốc viện đủ lý cớ để trì hoãn. Như vậy việc nhanh chóng ổn định biên giới theo hiệp ước 1999 cần thiết cho Việt Nam chứ không phải cho Trung Quốc. Điều này phải được hiểu là vùng đất của ta giáp biên giới phía Bắc đang bị đe dọa nặng và sẽ ngày càng mất thêm nếu biên giới không được cụ thể hóa ngay tức khắc. Không ý thức được điều này thì chúng ta sẽ không thể hiểu nổi sự vô lý cùng cực của hiệp ước phân định lãnh hải Vịnh Bắc Bộ năm 2000 trong đó Việt Nam không những đã từ bỏ hết những ưu đãi của hiệp ước 1887 mà còn phải chấp nhận những bất công mới. Hơn 10.000 Km2 bị mất trắng cho Trung Quốc một cách vô lý. Nếu không ký kết gì hết thì hiệp ước 1887 vẫn còn là văn kiện pháp lý duy nhất. Mặt biển không thể bị chiếm đóng và sáp nhập như đất liền, Trung Quốc chỉ có thể vi phạm nhưng hải phận vẫn là của ta trên pháp lý, và Trung Quốc cũng không có khả năng bất chấp công pháp quốc tế và sự lên án của thế giới. Như vậy phải hiểu rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đã chỉ ký hiệp ước phân định lãnh hải Vịnh Bắc Bộ như là cái giá phải trả để Trung Quốc chấp nhận ký hiệp ước phân định biên giới trên đất liền, và Hà Nội muốn ký cho bằng được hiệp ước biên giới trên đất liền để giới hạn những mất mát. Mối nguy mất thêm đất phải rất lớn mới có thể khiến chính quyền cộng sản Việt Nam chấp nhận một hy sinh to lớn như vậy. Điểm này nhiều người chống chế độ cộng sản hoặc không hiểu hoặc không muốn hiểu.

Núi phải có chân. Núi thuộc về kẻ ở chân núi. Biên giới Việt Trung dài 1.350 km và là một vách núi dầy gần 100 km nằm bên phía nước ta. Chính vách núi này đã giúp chúng ta tồn tại được như một dân tộc độc lập trong khi các dân tộc Bách Việt ở phía Bắc bị sáp nhập và Hán hóa. Nếu mất những vùng sát chân núi, và trên thực tế chúng ta đã mất nhiều vùng sát chân núi, thì trên thực tế chúng ta cũng mất luôn những ngọn núi gần kề, nghĩa là mất nhiều, rất nhiều. Phải hiểu sự hốt hoảng của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Nếu chỉ giới hạn trong quan tâm bảo toàn lãnh thổ thì trong quan hệ Việt Trung chúng ta cũng có hai loại vấn đề khác nhau, trước mắt và dài hạn. Trước mắt là làm thế nào để đừng mất thêm nữa, về lâu về dài là tìm ra một phương thức để triệt tiêu những mất mát đã phải chịu đựng, để những vùng đã mất nếu không chính thức được tái hội nhập vào lãnh thổ Việt Nam thì cũng không còn thực sự là những mất mát.

baitoan2

Biên giới Việt Trung dài 1.350 km và là một vách núi dầy gần 100 km nằm bên phía nước ta - Ảnh vùng đồi núi Lạng Sơn

Muốn không mất thêm đất thì phải hiểu tại sao chúng ta đã mất đất.

Không nên chối cãi một sự thực là chúng ta chậm tiến hơn người Trung Quốc. Gần một thế kỷ Pháp thuộc tuy có rút ngắn khoảng cách nhưng chưa khiến ta bắt kịp người Trung Quốc, bằng cớ là những người Trung Quốc nghèo khổ phải rời quê hương sang Việt Nam lập nghiệp đã nắm gần hết kinh tế Việt Nam dù họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Từ sau thế chiến II khoảng cách giữa Trung Quốc và chúng ta, nhất là miền Bắc nước ta, lại còn dài ra một cách bi thảm. Trung Quốc có hòa bình từ 1949 trong khi chúng ta bị chiến tranh tàn phá cho dến năm 1975, tiếp theo đó là hơn mười năm đập phá thẳng tay để xây dựng mô hình Liên Xô, năm 1988 còn có nạn đói làm nhiều người chết.

Miền Bắc, ngoại trừ là một trại lính, bị kiệt quệ hoàn toàn. Giữa hai nước quá cách biệt về mức độ phát triển như thế áp lực bành trướng là tự nhiên, chưa kể là chính quyền miền Bắc lại theo đuổi một chủ nghĩa quốc tế, coi Trung Quốc là nước anh ruột, bỏ ngỏ biên giới phía Bắc và dồn tất cả mọi ưu tư để chinh phục miền Nam và tiêu diệt những mầm mống chống đối trong nước. Cũng ông Lê Công Phụng trong một bài phỏng vấn dành cho báo chí trong nước đã nói rằng có những mốc biên giới biết chắc là đã bị dời sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không biết từ bao giờ, khi hỏi dân địa phương thì họ nói rằng cột mốc đã ở đó từ lâu rồi ! Cẩu thả đến thế là cùng !

Giữa lúc đó thì Trung Quốc lại ở vào cao điểm của một cuộc chuyển hóa lớn với trọng lượng kinh tế và chính trị chuyển dần về phía Nam, làm gia tăng áp lực Nam tiến. Trong lịch sử chúng ta đã giữ được độc lập nhờ vách núi và cũng nhờ ở xa trung tâm quyền lực của Trung Quốc, Tây An hoặc Bắc Kinh. Từ thế kỷ 20 sự dời đổi trung tâm quyền lực của Trung Quốc đã rất rõ rệt. Trước thế kỷ 20 mọi dòng vua Trung Quốc đều xuất phát từ phía Bắc và đóng đô ở phía Bắc. Từ cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 tất cả các lãnh tụ Trung Quốc dù là Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân đều là những người phía Nam sông Dương Tử. Hồ Cẩm Đào là một ngoại lệ nhưng cũng không phải là người phương Bắc mà thuộc miền Tây, tỉnh Tứ Xuyên. Còn trọng lượng kinh tế thì đã dời hẳn về phía Nam. Trọng lượng của vùng Hoa Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng bởi vì miền Bắc đang cằn cỗi dần và bị sa mạc hóa. Áp lực Nam tiến gia tăng là tự nhiên, nhất là văn hóa Trung Quốc vẫn còn là văn hóa nông dân thèm đất.

Cũng không phải chỉ có thế. Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế từ thập niên 1970 với cuộc thăm viếng của Nixon và tuyên ngôn Thương Hải, Việt Nam chỉ đổi mới từ 1987 và chỉ ra khỏi vũng lầy Campuchia từ 1991. Đã tụt hậu mà lại khởi hành sau và còn chạy chậm hơn cho nên sự thua kém ngày càng bi đát. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ tại Bắc Kinh một nhóm chuyên gia Việt Nam đã nói với tôi người ta mười mình chưa được một. Đó mới chỉ là so sánh về trình độ, về phẩm. Nếu kể cả lượng thì so sánh lực lượng có thể chỉ là 1 chọi 30, nghĩa là trứng chọi đá. Sức mạnh áp đảo đó khiến Trung Quốc có khả năng thu hút hơn hẳn Việt Nam đối với các dân tộc vùng biên giới và họ đã tận dụng thế thượng phong này.

baitoan3

Đời sống trẻ em sắc tộc thiểu số Vân Nam còn rất thấp so với trẻ em thành thị - Ảnh minh họa

Với một so sánh lực lượng quá chênh lệch như vậy và với một ý đồ bành trướng đã quá rõ rệt của Trung Quốc chúng ta không có hy vọng nào giữ vững được biên giới phía Bắc nếu chúng ta cũng theo mô hình Trung Quốc và chỉ là một ấn bản mờ nhạt của Trung Quốc. Chúng ta chỉ có hy vọng thoát hiểm nếu song song với nỗ lực phát triển miền núi phía Bắc chúng ta đem lại cho các dân tộc vùng biên giới điều mà Trung Quốc không có : một cách tổ chức xã hội khác trong đó tự do, dân chủ, đa nguyên, liên đới, phẩm giá con người được lấy làm những giá trị nền tảng.

Đồng thời chúng ta cũng phải đem vấn đề ra trước thế giới, vận dụng tối đa công pháp quốc tế và hậu thuẫn của các nước dân chủ. Chắc chắn chúng ta sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi vì Trung Quốc đang là mối lo âu của cả thế giới. Trung Quốc đang mạnh lên về cả kinh tế lẫn quân sự trong khi không dân chủ hóa, hơn nữa còn nâng đỡ các chế độ độc tài bạo ngược và xuất hiện như là nước lãnh đạo của cả một liên minh chống dân chủ trên thế giới trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. Hậu thuẫn này sẽ có hiệu lực quyết định bởi vì Trung Quốc vẫn còn rất yếu so với các nước dân chủ và cũng lệ thuộc nặng nề vào thị trường của các nước này. Nhưng muốn được các nước dân chủ tận tình yểm trợ thì Việt Nam cũng phải là một nước dân chủ.

Quan trọng hơn hết là chúng ta phải có đoàn kết dân tộc để giữ nước, nhưng chúng ta chỉ có đoàn kết dân tộc nếu cùng với một cố gắng dân chủ hóa thành thực và quả quyết chúng ta thực hiện được hòa giải dân tộc để xóa bỏ những hận thù do chiến tranh, tham nhũng và các chính sách phân biệt đối xử, độc quyền độc tôn để lại.

Tuy những bài học lịch sử chỉ có giá trị tương đối nhưng chúng ta cũng vẫn phải rút ra và suy ngẫm. Ngoài những xâm thực ở biên giới đã có ba lần Trung Quốc trắng trợn dùng quân đội xâm chiếm nước ta, năm 1974 đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1979 tấn công vào các tỉnh phía Bắc và năm 1988 đánh chiếm Trường Sa. Cả ba lần xâm chiếm đều có chung một đặc điểm : chúng ta chia rẽ, kiệt quệ và cô lâp. Bài học lịch sử mà chúng ta có thể rút ra là muốn giữ được vẹn toàn bờ cõi trước áp lực của Trung Quốc thì phải tranh thủ được cảm tình của thế giới và phải có đoàn kết dân tộc.

Muốn như thế chỉ có một con đường : dân chủ hóa và thực hiện hòa giải dân tộc.

Và vì đe dọa đang đặt ra một cách cấp bách, hiện tượng xâm thực dưới nhiều hình thức đang tiếp diễn hàng ngày, chúng ta cũng phải khẩn cấp thực hiện dân chủ và hòa giải dân tộc.

baitoan4

Chúng ta chỉ có đoàn kết dân tộc nếu thực hiện được hòa giải dân tộc để xóa bỏ những hận thù do chiến tranh, tham nhũng và các chính sách phân biệt đối xử, độc quyền độc tôn để lại.

Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra ngay trong lúc này -khi chế độ độc tài cộng sản vẫn còn đó, dân chủ chưa tới và hòa giải dân tộc chưa được thực hiện- thì chúng ta có thể và phải làm gì ?

Ngay trong lúc này điều phải làm, và cần làm ngay, là tách rời hai vấn đề chống chính sách bành trướng của Trung Quốc và chống chế độ độc tài cộng sản. Phải nói rõ : không phải chúng ta tạm ngưng chống độc tài để tập trung đương đầu với chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Chúng ta vẫn đẩy mạnh tối đa cả hai cuộc đấu tranh nhưng không lẫn lộn hai mặt trận. Trên mặt trận giữ nước mọi người Việt Nam phải cùng một phe. Lẫn lộn hai cuộc đấu tranh này không những tai hại cho đất nước mà còn là một sự dại dột đối với chính những người dân chủ.

Các cuộc biểu tình chống việc Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa đã do Đảng cộng sản, hay ít nhất là một bộ phận của Đảng cộng sản, khởi động, nhưng đã bị cấm ngay sau đó vì, ngoài lý do Hà Nội sợ Bắc Kinh, chúng đã nhanh chóng trở thành cơ hội để tố giác Đảng cộng sản và cũng có khả năng trở thành những cuộc biểu tình chống cộng. Thật là đáng tiếc bởi vì chúng ta đã bỏ lỡ một dịp để đưa vấn đề ra trước dư luận thế gìới.

Tại nước ngoài, trong một cuộc mít tinh vào thời điểm đó, tôi đã chứng kiến một diễn giả tuyên bố một cách hùng hồn rằng mục tiêu duy nhất của cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa là để lật đổ chế độ cộng sản và được một tràng pháo tay hoan hô. Không phải người chống cộng nào cũng là người dân chủ nhưng nếu diễn giả này là một người dân chủ thì ông ta là một người dân chủ vô trách nhiệm và rất khờ khạo. Tội của Đảng Cộng Sản Việt Nam không phải là đã dụng tâm bán đất hay dâng đất cho Trung Quốc mà là đã làm mất đất và đã để xẩy ra nông nỗi này. Trách nhiệm của Đảng cộng sản là rất lớn, rất nghiêm trọng và không thể tha thứ nhưng nói quá đáng chỉ phản tác dụng. Nếu ngăn chặn Trung Quốc xâm lấn trở thành một đồng thuận dân tộc thì số phận của đảng và chế độ cộng sản kể như đả giải quyết xong. Đưa vấn đề biên giới ra trước công pháp quốc tế và dư luận thế giới, thay vì thương thuyết song phương dấm dúi trong thế yếu như hiện nay, là điều cần cho quyền lợi đất nước nhưng cũng là điều rất nhức nhối cho Đảng cộng sản, phải khuyến khích nó trong chiều hương này, ít nhất bằng cách không lợi dụng cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ cho mục đích chính trị quốc nội.

Trong một tương lai xa hơn tình hình có thể rất thuận lợi nếu chúng ta có được những người cầm quyền biết nhìn xa và biết thích nghi với tình thế. Thế giới đang trải qua một cuộc chuyển hóa lớn và vùng Đông Á còn chuyển hóa một cách trọng đại hơn bởi vì tại đây còn có nhiều điều chưa hợp lý và không thể tiếp tục tồn tại lâu dài. Nhiều biên giới quốc gia có thể sẽ mờ nhạt đi. Nhiều khối hợp tác sẽ hình thành giữa các quốc gia hoặc giữa một số vùng của các quốc gia trên cơ sở gần gũi nhau về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa và bổ túc cho nhau về kinh tế. Với thời gian các khối hợp tác này sẽ trở thành những liên bang trên thực tế. Cũng có những quốc gia không thuộc hẳn vào một khối nào trong một thời gian dài và sẽ là gạch nối giữa các khối. Và cũng có những nước và vùng mà chúng ta chưa thể dự đoán tương lai vào lúc này. Điều chắc chắn là Trung Quốc không thể tồn tại dưới hình thức hiện nay. Nó vốn đã có quá nhiều xung đột lịch sử và mâu thuẫn văn hóa. Cho tới nay ly khai là khuynh hướng thường trực, sự thống nhất đã chỉ được duy trì bằng một vũ khí duy nhất mà ngày nay chính quyền Bắc Kinh không còn sử dụng được nữa : tàn sát.

Trong hơn ba thập niên qua Trung Quốc lại đã lao vào một mô thức kinh tế nguy hiểm, có hiệu quả cao nhất thời nhưng rất tệ hại cho tương lai, đó là mô thức tăng trưởng bất chấp con người, môi trường và liên đới xã hội. Mối liên hệ vốn đã không mạnh giữa một số tỉnh thực ra không còn gì trên thực tế. Trong một thời gian có thể dài, Trung Quốc có thể vẫn tồn tại trong biên giới chính trị hiện nay nhưng biên giới chính trị này sẽ mất dần ý nghĩa và tầm quan trọng. Ngược lại, những quan hệ kinh tế và văn hóa sẽ dần dần tạo ra những liên minh mới. Ngay trong lúc này tỉnh Quảng Đông đã có nhiều quan hệ với Đài Loan hơn là với Bắc Kinh, quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trên thực tế chỉ là những quan hệ với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Hồng Kông.

Trong cái nhìn này một số khối hợp tác sẽ hình thành trong và chung quanh Trung Quốc :

Khối 1 gồm hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong một tương lai xa hơn khối này có thể gồm cả tỉnh Quý Châu.

Khối 2 gồm Đài Loan, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồng Kông, Hải Nam.

Khối 3 gồm một số lớn các tỉnh phía Bắc Trung Quốc chung quanh Bắc Kinh.

Trong khối 1 Việt Nam có vai trò trung tâm gần như tự nhiên với vị trí thuận lợi và dân số đông đảo nhất, gần một nửa dân số toàn khối. Việt Nam cũng có những ưu thế khác : bờ biển dài và tốt, kinh nghiêm tiếp xúc với các nước phương Tây, thông thạo ngoai ngữ. Tiếng Việt, dù còn cần được cải thiện, cũng là một lợi khí lớn vì dễ học. Chúng ta cũng là một nước ít ảnh hưởng tôn giáo, đó cũng là một điểm mạnh. Một khi khối này đã thành hình, đã có sự lưu thông tự do của người và hàng hóa trong nội bộ khối, thì vấn đề biên giới phía Bắc không còn đặt ra nữa.

Khối 2 trong suốt thế kỷ 21 chắc chắn sẽ là khối mạnh nhất cả về kinh tế lẫn văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhưng sẽ không là một đe dọa cho ai bởi vì sẽ là một khối văn minh, không còn văn hóa giành dân lấn đất. Những căng thẳng trên biển Đông sẽ tan biến dần và cũng có thể đạt tới một thỏa hiệp hợp tình hợp lý cho Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều ngược đời là nếu chỉ muốn lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa thôi thì chúng ta hoàn toàn tuyệt vọng nhưng nếu chúng ta dám nhìn xa hơn thì vấn đề lại dễ hơn nhiều. Sự hình thành của khối 1 gần như là một diễn biến tự nhiên. Hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây có nhiều quan hệ văn hóa và lịch sử với Việt Nam và chưa hẳn hội nhập vào Trung Quốc, mới cách đây hơn một thế kỷ họ đã chiến đấu rất dữ dội để giành độc lập và đã chỉ bị khuất phục bằng bạo lực sau khi không còn chiến binh và quá phân nửa dân chúng bị tàn sát ; (theo một số tài liệu 90% dân số tỉnh Quý Châu đã bị tàn sát trong cuộc chiến này). Khát vọng độc lập, hay ít ra được thực sự tự trị còn rất lớn. Cũng phải nhấn mạnh rằng sự hình thành khối này, cũng như các khối khác, không phải là một sự xâm lược đối với Trung Quốc mà chỉ là một tiến trình tự nhiên do hợp tác văn hóa và kinh tế. Vả lại hiện nay Vân Nam đã có nhiều khu tự trị, Quảng Tây đã là một tỉnh tự trị trên nguyên tắc.

Cũng không nên quá lo sợ Trung Quốc mà đi đến thái độ thù địch. Người Trung Quốc, và người Hán nói riêng, về bản chất là một dân tộc hiền hòa dễ mến. Dưới những thái độ và ngôn ngữ có thể gây hiểu lầm họ thực ra không kỳ thị chủng tộc, không có tinh thần quốc gia mạnh và cũng không nhiều tự hào dân tộc. Các dân tộc nhỏ như Mông Cổ và Mãn Thanh đã có thể cai trị Trung Quốc mà hầu như không bị chống đối. Các triều đại Nguyên và Thanh đã sụp đổ vì thối nát và bất lực chứ không phải vì là kẻ thống trị nước ngoài. Trong văn hóa và tâm lý của chính nó, Trung Quốc không được nhìn như một nước mà như thiên hạ, nghĩa là thế giới, hay không là gì cả.

Tóm lại, dù là nhu cầu trước mắt –ngăn chặn sự xâm thực- hay là đòi hỏi trong tương lai dài hạn –vượt qua những mất mát và vươn tới một không gian thăng tiến lớn rộng- thì lời giải của bài toán Trung Quốc vẫn là phải hòa giải dân tộc, phải dân chủ hóa, phải là một chế độ dân chủ đúng nghĩa và phải có những người cầm quyền lương thiện và sáng suốt.

Không thể khác vì phong trào toàn cầu hóa đang đặt ra cho mọi quốc gia và cho chính khái niêm quốc gia những thử thách rất lớn. Sẽ chỉ còn lại sau cuộc chuyển hóa vĩ đại này những quốc gia được quan niệm như là một không gian liên đới và như sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Nói cách khác những quốc gia thực sự dân chủ và đa nguyên, được cai trị một cách lương thiện, khiêm tốn và thông minh.

Nguyễn Gia Kiểng

(08/2008)

Published in Quan điểm