Sống ở nước tư bản già cỗi nơi vắc xin được chính quyền Anh trực tiếp đặt hàng về tiêm miễn phí cho dân, tôi sửng sốt khi thấy một công ty tư nhân ở Việt Nam quảng cáo bán vắc-xin Covid-19.
Trụ sở công ty VNVC. (Hình : Trích xuất từ VNVC.VN)
Anh Quốc cho tới nay đã đặt tổng cộng hơn 400 triệu liều vắc-xin các loại, đủ dùng cho 200 triệu người trong khi dân số chỉ có 66 triệu, tính cả trẻ dưới 16, vốn không thuộc diện được tiêm vắc-xin.
Và tất cả mọi người đều được chích ngừa miễn phí. Tính tới hết tháng Hai, hơn 20 triệu người Anh đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên.
Sau khi có tin lô vắc-xin AstraZeneca của Anh đầu tiên về tới Việt Nam hồi cuối tháng Hai, tôi tìm hiểu thêm và thấy nhiều thông tin lạ lùng quanh việc mua và phân phối vắc-xin ở Việt Nam, ít nhất là theo những thông tin có trên mạng và mạng xã hội.
Thứ nhất, Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, gọi tắt là VNVC, chính là công ty tư nhân nhập hàng chục triệu liều vắc-xin AstraZeneca. Không rõ chính phủ Việt Nam sẽ mua lại vắc-xin của công ty này với giá nào, có chênh lệch không và vì sao VNVC lại được hợp đồng kinh doanh này thay vì chính phủ nhập trực tiếp.
Từ đầu tháng Hai, VNVC đã quảng cáo bán vắc-xin chống Covid-19. Trong một bàiđăng trên Facebook hôm 3/2, VNVC viết : "[T]rong buổi sáng khai trương [trung tâm Long Biên của VNVC], rất nhiều Quý khách hàng đã thành công đăng ký vắc xin phòng COVID-19, trở thành một trong những vị khách đầu tiên sở hữu "tấm vé vàng" chặn đứng nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh".
Trong một bài khácđăng trên Facebook trong cùng ngày, VNVC cũng hướng dẫn khách hàng bốn cách để đặt "vắc-xin cả thế giới mong chờ".
Các thông tin này của VNVC cũng xuất hiện tại nhiều trang Facebook nhắm tới người dân tại một số địa phương và được số lượng tương tác vô cùng lớn.
Tin đăng trên trang Bình Dương 24h có 11.000 phản ứng các loại, 2.900 bình luận và 2.600 chia sẻ. Trang này cũng khuyến khích người dân mua thẻ quà tặng có mệnh giá cao nhất là 25 triệu đồng để mua tặng vắc-xin Covid-19.
Ngay dưới bài đăng này có bình luận của Chung Truong : "[S]ao nhà nước không nhập vacxin tiêm chủng cho dân mình đỡ chi phí ta. Lại cho tư nhân nhập rồi [tiêm] cho dân như vậy chi phí sẽ cao hơn".
Một người khác, Kieu Trinh, liền bào chữa : "Mình nghĩ sau đại dịch này thì nhà nước cũng đã tốn rất nhiều tiền của rùi, giờ mất tiền cũng [được] miễn là có thuốc để [được] chích ngừa".
Trang fanpage Hải Phòng hồi cuối tháng Một cũng quảng cáo bán vắc-xin cho VNVCtrong bài được 1.700 lượt phản ứng và trên 140 bình luận. Trêntrang fanpage Người Đồng Nai, số lượng tương tác trên quảng cáo tương tự hồi đầu tháng Hai đạt tới 9.400 phản ứng, 2.000 bình luận và 1.400 lượt chia sẻ.
Bài trên trang này viết : "Mọi người ở Đồng Nai có thể đăng ký vacxin "Cô vy 19" ngay từ hôm nay tại các trung tâm VNVC cùng toàn dân khống chế đại dịch, khôi phục nền kinh tế và ổn định cuộc sống".
Tuy nhiên vào cuối tháng Hai VNVC đã không còn nhận đăng ký vắc-xin Covid-19 dù trước đó họ ra sức khuyến khích người dân mua thẻ với đủ loại mệnh giá để có vắc-xin, kể cả vắc-xin chống Covid-19.
Trong khi đó báo Việt Nam đưa tin người có vai trò lớn trong việc nhập vắc-xin Covid-19 về tiêm cho người dân chính là doanh nhân Ngô Chí Dũng.
Trang Nhà đầu tư viết : "[Công ty cổ phần] Vacxin Việt Nam (tên viết tắt VNVC) được thành lập vào tháng 11/2016, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực y tế dự phòng với số vốn điều lệ ban đầu ở mức 10 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập bao gồm : Ông Ngô Chí Dũng (40% VĐL), bà Nguyễn Thị Hà (30% VĐL) và bà Nguyễn Thị Xuân (30% VĐL).
"Tại đây, ông Ngô Chí Dũng đảm nhiệm chức Chủ tịch [Hội đồng quản trị] kiêm Tổng Giám đốc và Người đại diện pháp luật. Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (10/7/2020), vốn điều lệ công ty này đạt mức 140 tỷ đồng".
Điều đáng nói là Việt Nam kiên quyết theo đuổi đường lối xã hội chủ nghĩa vì cho rằng nó có lợi cho người dân. Nhưng trong khi tư bản Anh dùng tiền ngân sách nhập vắc-xin về tiêm miễn phí cho dân thì Việt Nam lại để cho công ty tư nhân đứng ra mua vắc-xin nhằm ăn chênh lệch. Quả là không nên nghe ai nói mà hãy nhìn những gì họ làm.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/03/2021
Mặc dù phong tỏa có thể ngăn chặn coronavirus, nhưng tiêm chủng mang lại con đường bền vững hơn để thoát khỏi đại dịch. Hơn 60 loại vắc xin đang được phát triển hoặc đang được sử dụng để chống lại SARS-CoV-2. Tất cả những vắc-xin đang sử dụng đều có cùng một kết quả cuối cùng – đó là nâng cao khả năng của cơ thể trong việc chống lại sự tấn công của virus – nhưng cơ chế mà chúng sử dụng khác nhau đáng kể.
Khi cơ thể bị nhiễm một loại virus mà nó chưa từng gặp trước đây, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu quá trình sản sinh ra các tế bào tấn công có khả năng tiêu diệt kẻ xâm nhập. Quá trình này cần cả thời gian và năng lượng, vì nó liên quan đến việc "thử – sai" đáng kể. Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi trong nhiều ngày sau khi bị nhiễm virus mới. Nếu cơ thể chiến thắng, hệ thống miễn dịch sẽ ghi nhớ chiến lược thành công của nó, để các "trận chiến" trong tương lai mất ít thời gian hơn và các triệu chứng nhẹ hơn, hoặc thậm chí không tồn tại.
Trên thực tế, vắc-xin là chương trình huấn luyện quân sự cho hệ thống miễn dịch. Thay vì buộc hệ thống miễn dịch phải học cách giải quyết vấn đề trong một cuộc tấn công thực sự, vắc-xin thiết lập một cuộc tấn công giả để cơ thể thực hành. Vắc-xin thường sử dụng bốn kiểu tấn công giả, tất cả đều đang được triển khai để chống lại SARS-CoV-2.
Kỹ thuật lâu đời nhất trong số này là đưa vào cơ thể một vi-rút ở dạng đã bị bất hoạt hoặc suy yếu đáng kể để nó không thể gây ra phát bệnh toàn diện. Khi các tế bào miễn dịch phát hiện ra kẻ xâm nhập, chúng vẫn tham gia vào quá trình gian khổ tạo ra các tế bào tấn công. Đây là lý do tại sao mọi người thường cảm thấy mệt mỏi trong một hoặc hai ngày sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch ghi nhớ về sự kiện này, cho phép nó hành động nhanh chóng nếu sau đó bị một loại virus tương tự tấn công. Cả vắc-xin Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc đều sử dụng vi-rút bất hoạt.
Chiến lược thứ hai bao gồm tiêm các đoạn protein có cấu trúc tương tự như SARS-CoV-2. Các protein này được hệ thống miễn dịch phát hiện là ngoại lai và do đó kích hoạt phản ứng miễn dịch, nhưng chúng không có khả năng tự bắt đầu một cuộc "xâm lược". Novavax, một công ty của Mỹ, đang sử dụng kỹ thuật này trong vắc-xin covid-19 của mình.
Chiến lược thứ ba phức tạp hơn bao gồm việc chèn một số DNA được sao chép từ SARS-CoV-2 vào một phiên bản của virus gây cảm lạnh thông thường (được gọi là adenovirus) vốn có thể xâm nhập vào tế bào nhưng đã bị vô hiệu hóa và không thể nhân bản hiệu quả. Khi vào bên trong cơ thể, những vi-rút được chỉnh sửa này sẽ gắn DNA adenovirus có chứa bản sao của DNA SARS-CoV-2 vào tế bào, sau đó khiến các tế bào bị nhiễm virus này sản xuất ra nhiều protein virus SARS-CoV-2 và dính chúng trên bề mặt của tế bào, khiến hệ thống miễn dịch phát hiện có điều gì đó không ổn. Điều quan trọng là vi-rút đã chính sửa cũng kích hoạt hệ thống cảnh báo xâm nhập bên trong các tế bào này, thu hút sự chú ý ngay lập tức từ hệ thống miễn dịch. Điều này kích thích việc sản xuất các tế bào tấn công, tạo ra khả năng miễn dịch. Vắc-xin của AstraZeneca/Oxford và vắc-xin Gamaleya được phát triển ở Nga đều sử dụng chiến lược này.
Phương pháp thứ tư, mới nhất, liên quan đến việc các nhà nghiên cứu tạo ra các hướng dẫn di truyền, dưới dạng RNA hoặc DNA, khiến các tế bào của chính cơ thể tạo ra các protein vô hại trông giống như các protein đặc biệt của SARS-CoV-2. Giống như chiến lược của AstraZeneca và Gamaleya, phương pháp này rất hiệu quả vì RNA/DNA biến các tế bào của con người thành các trung tâm sản xuất protein của virus, từ đó tạo ra đủ protein SARS-CoV-2 để kích hoạt khả năng phát hiện xâm nhập và do đó nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra với các công nghệ vắc-xin cũ. Hạn chế của kỹ thuật này là các sợi DNA/RNA được truyền vào cơ thể trong các cấu trúc dù được tế bào hấp thụ dễ dàng nhưng lại rất mỏng manh và thường phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp. Cả vắc-xin Pfizer/BioNTech và Moderna/NIAID đều sử dụng chiến lược này.
Trên thực tế, tất cả các loại vắc-xin đang được sử dụng mang lại cho cơ thể khả năng tự bảo vệ thành công trước SARS-CoV-2 tốt hơn nhiều so với việc để cơ thể tự chống đỡ. Còn để đối phó với vi-rút biến chủng, các kỹ thuật này đều sẽ cần phải được điều chỉnh ít nhiều. Tuy nhiên, việc điều chỉnh có mức độ khó dễ khác nhau. Mặc dù vắc-xin dựa trên công nghệ RNA/DNA là loại vắc-xin phức tạp nhất trong việc vận chuyển và lưu trữ, những chúng cũng là loại vắc-xin dễ chỉnh chữa nhất và rốt cuộc có thể trở thành loại vắc-xin quan trọng nhất nếu covid-19 tiến hóa đủ nhanh để tránh được cơ chế bảo vệ của các loại vắc-xin hiện nay.
The Economist
Nguyên tác : "How do different vaccines work ?", The Economist, 09/02/2021.
Phan Nguyên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/02/2021
Covid-19 : Vac-xin dùng tại Pháp rất ít tác dụng phụ
"Covid-19" và "tiêm chủng", cùng với "Donald Trump" và "kiểm duyệt" là những từ khóa nổi bật trên trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay, 12/01/2021, với Le Monde và La Croix dành tựa chính cho chủ đề chích ngừa, trong lúc Les Echos lược qua một số vấn đề nổi cộm quanh việc tổng thống Mỹ bị các mạng xã hội chủ chốt ra lệnh cấm.
Riêng hai tờ báo lớn còn lại là Libération và Le Figaro thì tập trung chú ý đến tình hình xã hội Pháp, với Libération vạch trần những thế lực chống lưng cho một giáo sư tên tuổi bị cáo buộc phạm tội loạn luân, và Le Figaro báo động trở lại về nguy cơ tư tưởng Hồi giáo cực đoan ngự trị trong các trường học Pháp.
Trên vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19, nhật báo công giáo Pháp La Croix đã chú ý đến khía cạnh tương đối chuyên môn với hàng tựa lớn trang nhất : "Vac-xin trong tầm giám sát".
Theo tờ báo, việc truy tìm các tác dụng phụ ngoài ý muốn của vac-xin ngừa Covid đã tập trung nhiều nguồn lực quan trọng và đây là một vấn đề thiết yếu trong chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra.
Trong bài "Tác dụng phụ nào đối với vac-xin chống Covid ?", La Croix đã trấn an ngay : "Các loại thuốc chủng hiện được phép lưu hành tại Pháp, của hai hãng Moderna và Pfizer, chủ yếu gây đau nhức tại chỗ tiêm và đôi khi tạo ra tình trạng sốt cao hay hết sức mệt mỏi" nơi người được chích ngừa.
Riêng đối với những người hay bị dị ứng, nguy cơ có thể là tình trạng sốc phản vệ, tức là phản ứng dị ứng mạnh và đột ngột, có thể phải nhập viện.
Tuy nhiên, tờ báo ghi nhận : Sau hai tuần triển khai chiến dịch chích ngừa, với hơn 80.000 liều được tiêm tại Pháp, Cơ quan An toàn Dược phẩm Quốc gia Pháp ANSM chỉ xác định được một trường hợp phản ứng "không nghiêm trọng" : Đó là sự suy giảm tạm thời tỷ lệ tế bào miễn dịch lympho. Đây là một biểu hiện "thuần túy sinh học" và "thoáng qua", được xem là vô hại và đã được quan sát thấy trong các thử nghiệm lâm sàng do các phòng thí nghiệm Pfizer-BioNTech tiến hành.
Dẫu sao thì theo tờ báo, chính quyền Pháp đã rất quan tâm đến vấn đề phản ứng phụ đối với thuốc chủng ngừa Covid 19. Trong bài "Pháp dự trù là các báo cáo về phản ứng bất lợi trước thuốc chủng sẽ gia tăng", La Croix ghi nhận là Bộ Y tế đã tăng cường số nhân viên tại 31 trung tâm cảnh giác về dược phẩm chuyên trách việc xử lý các báo cáo tình hình do các bác sĩ, bệnh nhân và hiệp hội gởi lên.
Giới trong ngành đã khuyến cáo chỉ nên khai báo những ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bất ngờ, để tránh việc hệ thống cảnh báo bị tràn ngập thông tin.
Tuy nhiên, với việc chiến dịch tiêm chủng tăng tốc tại Pháp, giới chức cảnh giác dược phẩm dự đoán sẽ có sự gia tăng đáng kể của các báo cáo về phản ứng đối với thuốc chủng.
Cũng về Covid-19, dưới hàng tựa lớn chạy trên 5 cột báo ở trang nhất, Le Monde nêu bật : "Tiêm chủng : các lý do chậm trễ tại Pháp". Đối với tờ báo Pháp, vì không có được một chính sách tuyên truyền nhất quán trước một dư luận không mấy mặn mà với việc chích ngừa, lại lo ngại trước phản ứng của giới chống vac-xin và không muốn bị đánh giá là chậm chạp, chính phủ Pháp đã nhiều lần thay đổi chiến lược tiêm chủng.
Theo Le Monde, ngay từ đầu, chính quyền Pháp đã sai lầm khi chọn một nhân vật quá thân cận với ngành công nghiệp dược phẩm để chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng, cho nên đã phải thay người giữa chừng.
Vì muốn o bế dư luận, việc tiêm chủng đã được khởi sự một cách quá thận trọng, để rồi đến khi phải xấu hổ trước bước đi chậm chạp của mình trước tiến độ nhanh chóng của các nước Châu Âu khác, thì đã quyết định tăng tốc.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng lại vấp phải những thách thức hậu cần chưa từng thấy, trong lúc sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm đảo lộn các tính toán.
Khó khăn bất ngờ : Có thuốc chủng nhưng thiếu kim tiêm
Le Monde đã nêu bật một ví dụ cho thấy các khó khăn của việc đảm bảo hậu cần : vấn đề thiếu kim tiêm. Mới ở giai đoạn đầu thôi, mà số lượng kim tiêm được phân phối đôi khi thấp hơn nhiều so với số liều thuốc chủng. Một số bệnh viện mà tờ báo đã tiếp xúc đang thực sự lo ngại trước việc không có kim để chích.
Đó là trường hợp của bệnh viện Montauban chẳng hạn, hôm 05/01 vừa qua, đã được giao 4.875 liều thuốc chủng, một con số dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong tuần. Thế nhưng số lượng kim tiêm lại thấp hơn gần ba lần số liều thuốc chủng. Bệnh viện đã cố tìm mua thêm nhưng không nơi nào có. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở thành phố Lille miền Bắc Pháp, nơi chỉ có 10.000 chiếc kim tiêm được phân phối cho 20.000 liều thuốc chủng.
Nhận định chung của Le Monde rất nghiêm khắc : "Trong sáu tuần qua, việc xác định và thực hiện chiến lược tiêm chủng của chính phủ Pháp như đã trở thành một cơn ác mộng triền miên, trong đó ngay khi một đám cháy này được dập tắt thì một đám cháy khác lại bùng lên".
Chủ đề thời sự thứ hai chi phối các báo Pháp hôm nay là dư âm của việc các đại tập đoàn internet và mạng xã hội chủ chốt từ FaceBook, Twitter, cho đến Google, Apple đều đã quyết định cấm cửa tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump.
Nhật báo kinh tế Les Echos đã cố nhìn nhận vấn đề một cách khách quan qua hàng tựa lớn trang nhất : "Mạng xã hội : Các câu hỏi chung quanh một hành động kiểm duyệt".
Đối với Les Echos, việc ông Donald Trump bị loại ra khỏi các mạng xã hội đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của các mạng này trong việc cho đến gần đây vẫn dung túng cho những hành động mà giờ đây mới bị họ coi là sai trái.
Hành động của các mạng xã hội còn đặt ra vấn đề là họ có quyền kiểm duyệt ông Trump hay không. Theo tờ báo Pháp, nhiều lãnh đạo phương Tây, trong đó có bà Angela Merkel đã phản đối quyết định của các mạng xã hội, và cho rằng cần phải để cho Tư pháp hành động mới đúng.
Dẫu sao thì tờ báo cũng để lộ thái độ tự mãn tương đối khi cho biết là dự án Châu Âu mang tên Luật về Dịch vụ Kỹ thuật Số (Digital Services Act) dự trù ra mắt vào cuối năm nay, sẽ cho phép điều hòa tốt hơn nội dung được phép lưu hành trên mạng.
Như nói ở trên, nhật báo Le Figaro hôm nay chủ trương nhấn mạnh trở lại hồ sơ đã từng được tờ báo cánh hữu này đề cập đến nhiều lần trong quá khứ. Trang nhất Le Figaro chạy hàng tựa lớn : "Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan : Các giáo viên bị buộc phải tự kiểm duyệt".
Theo Le Figaro, gần ba tháng sau vụ tấn công của một phần tử Hồi giáo cự đoan đã cướp đi sinh mạng của nhà giáo Samuel Paty, chất độc của nỗi sợ hãi tiếp tục lan truyền trong hàng ngũ giáo viên, thường phải đơn độc chiến đấu bảo vệ tính chất thế tục của trường học.
Tờ báo Pháp không ngần ngại mô tả cảnh ngộ của các thầy cô giáo, "nay thì ở Lyon, mai thì ở Toulouse... ở chỗ này thì bị buộc phải rời khỏi nhà trường của mình vì đã nói về quyền tự do ngôn luận, ở chỗ kia thì phải chịu áp lực từ các công đoàn buộc tội họ là đã "kỳ thị" và "truy bức" khi họ tố cáo hành vi của một số học sinh". Theo Le Figaro, các giáo viên chỉ còn biết "dựa vào lòng can đảm của chính mình để bảo vệ chủ nghĩa thế tục".
Đối với tờ báo cánh hữu, kể từ vụ ám sát Samuel Paty vào tháng 10 năm ngoái, mọi người đều nhận ra rằng trường học là mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Trên mặt này, bộ trưởng Bộ Giáo dục, Jean-Michel Blanquer, không ngừng nhắc lại rằng ông đã sát cánh cùng đội ngũ của mình. Nhưng vấn đề có lẽ sâu xa hơn. Do đó, một số giáo viên thà chấp nhận "chủ nghĩa tương đối văn hóa" hơn là mạo hiểm để khẳng định các giá trị của nền Cộng hòa.
Trong một bài viết trang trong, Le Figaro đã nêu bật kết quả một cuộc điều tra dư luận mới nhất, do viện Ifop thực hiện từ ngày 10 đến 17 tháng 12 và được công bố vào ngày 6 tháng 1, cho thấy là hành động tự kiểm duyệt nơi các giáo viên đang gia tăng.
Theo cuộc thăm dò này, không dưới 49% giáo viên trung học cho biết họ đã tự kiểm duyệt khi giảng dạy về các vấn đề tôn giáo để không gây ra sự cố nào trong lớp học của họ, tức là tăng 3 điểm so với năm 2018. Con số này lên đến mức 70% ở các vùng ngoại ô nơi các tầng lớp lao động cư ngụ.
Cũng chú ý đến lãnh vực xã hội Pháp, nhật báo cánh tả Libération đã nêu bật trên trang nhất phóng sự điều tra về "Những kẻ ở cấp cao bao che cho Olivier Duhamel", một giáo sư luật học quyền thế, bị cáo buộc về những hành vi loạn luân và nhất là đối với trẻ vị thành niên.
Là một giáo sư nổi tiếng về Luật Hiến Pháp, năm nay 71 tuổi, Olivier Duhamel gần đây từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chính trị Quốc gia FNSP và nhóm Le Siècle, môt câu lạc bộ tập hợp giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông Pháp.
Mới đây ông đã bị buộc phải từ bỏ mọi chức vụ sau khi bị bà Camille Kouchner, con gái của người vợ quá cố tố cáo trong một quyển sách là đã có hành vi cưỡng bức trẻ vị thành niên và loạn luân, mà nạn nhân chính là Antoine Kouchner, em trai song sinh của tác giả.
Libération đã tiết lộ cách thức mà ông Olivier Duhamel, ở đỉnh cao quyền lực, đã xây dựng một mạng lưới gồm những người quen biết và những người mang ơn mình, để những người này, bị bắt buộc, những người, vì tình bạn vì tư lợi, quyết định bảo vệ ông bất chấp các hành vi loạn luân của ông.
Trọng Nghĩa
Những ai đã góp phần sáng chế thuốc ngừa Covid-19 ?
Nhã Duy, 19/12/2020
Một tuần lễ sau khi thuốc ngừa Covid-19 của hãng Pfizer và BioNTech được cơ quan FDA cho phép sử dụng khẩn cấp và đã được phân phối đến các tiểu bang, hôm nay FDA lại tiếp tục chấp thuận thuốc ngừa Covid thứ hai được hãng Moderna phối hợp cùng Viện Y tế Quốc gia (NIH) bào chế. Khoảng bảy triệu liều thuốc ngừa của Moderna sẽ được phân phối ngay trong cuối tuần này.
Vợ chồng khoa học gia người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ugur Sahin và Ozlem Tureci là những nhà sáng lập hãng BioNTech của Đức
Nếu thuốc ngừa của Pfizer được xem là nghiên cứu và sáng chế chính yếu của đôi vợ chồng khoa học gia người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ugur Sahin và Ozlem Tureci, là những nhà sáng lập hãng BioNTech của Đức thì thuốc ngừa của Moderna lại đến từ sự đóng góp rất lớn của nhóm khoa học gia tại Viện Nghiên Cứu Vaccine (Vaccine Research Center - VRC) thuộc NIH. Trong đó hai khoa học gia đồng trưởng nhóm chánh yếu để phối hợp với Moderna là bác sĩ Barney Graham- Phó giám đốc VRC và tiến sĩ Kizzmekia Corbett- Khoa học gia trưởng nhóm nghiên cứu coronavirus của VRC, người mà bác sĩ Anthony Fauci đã trân trọng nhận xét rằng, "là một khoa học gia người Mỹ gốc Phi, người ở ngay hàng đầu trong việc phát triển vaccine Covid-19. Cô là người sẽ đi vào lịch sử trong tư cách là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học có thể chấm dứt đại dịch".
Bác sĩ Barney Graham, Phó giám đốc Viện Vaccine Research Center (VCR), và tiến sĩ Kizzmekia Corbett của VCR
Thêm vào cụm "khoa học gia người Mỹ gốc Phi", lời phát biểu của bác sĩ Fauci cho thấy tính chất đa dạng của xã hội Hoa Kỳ, trong đó có thể ghi nhận sự góp phần to lớn ở nhiều lãnh vực của riêng cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Sinh năm 1986 tại một vùng nông thôn North Carolina, tiến sĩ Corbett đã đam mê theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học từ khá sớm, ngay thời trung học. Tập sự và làm việc trong các phòng thí nghiệm của Viện Y tế Quốc gia khi còn đang theo học đại học, Corbett tốt nghiệp tiến sĩ về Vi sinh và miễn dịch học năm 2014 tại Đại học North Carolina rồi tiếp tục chương trình hậu tiến sĩ trong khi tiếp tục nghiên cứu sáng chế các loại vaccine về các virus SARS và MERS đã theo đuổi từ khi đang còn là sinh viên ban Tiến sĩ. Đó là lý do khi đại dịch Covid bùng phát, tiến sĩ Corbett đã được chọn để lãnh đạo nhóm khoa học gia nghiên cứu vaccine Covid-19 của NIH để hợp tác cùng hãng Moderna.
Giáo sư tiến sĩ Melissa J. Moore, Chánh Khoa học gia, tiến sĩ Tal Zaks, một khoa học gia Do Thái, và Tổng quản trị Stéphane Bancel của Moderna
Cũng vậy, về phía hãng Moderna thì hai khoa học gia đứng đầu trong việc sáng chế vaccine Covid-19 là tiến sĩ Tal Zaks, một khoa học gia Do Thái, và Chánh Khoa học gia là giáo sư tiến sĩ Melissa J. Moore người Mỹ, cũng như CEO Tổng quản trị Stéphane Bancel là một người Pháp. Và nếu nhân tiện nhắc lại điều nhiều người đã biết là, bác sĩ Fauci - khoa học gia đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chống trả Covid tại Mỹ hiện nay, là một người gốc Ý.
Điểm qua nhóm khoa học gia đàng sau việc phát minh ra vaccine Covid-19 không ngoài việc cho thấy tính chất đa sắc tộc, đa quốc gia của phát kiến quan trọng và được xem như cứu tinh của nhân loại trong việc chống trả đại dịch hiện nay. Không chỉ thuốc ngừa Covid-19, mà vô số thành tựu, phát kiến của nước Mỹ và cho nhân loại cũng đến từ sự hợp tác đa dạng như vậy.
Điều này chỉ một lần nữa cho thấy rằng chính sách "America First" là một khẩu hiệu dân túy, thiếu vắng tầm nhìn, có thể thỏa mãn cho những cá nhân và dăm nhóm ủng hộ mang cùng cái nhìn giới hạn và ích kỷ trong chiến lược hợp tác toàn cầu, trong một xã hội đa sắc tộc. Bởi thiếu vắng sự hợp tác và đóng góp này thì nước Mỹ đã khó lòng có thể tạo ra những sự phát triển thần kỳ và mang lại những thành tựu lớn lao cho nước Mỹ cùng nhân loại.
Còn bạn, nếu một mai có được chích ngừa Covid-19, hãy nhớ rằng nó đã có phần đóng góp quan trọng của một khoa học gia da đen là Tiến sĩ Kizzmekia Corbett.
Nhã Duy
(19/12/2020)
********************
Anh Vũ, RFI, 18/12/2020
Trong vài tuần lễ, Katalin Kariko đã trở thành cái tên gắn liền với vật liệu di truyền ARN thông tin, công nghệ giúp Pfizer và BioNTech phát triển thành công vac-xin phòng Covid-19 đang được đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Chạy khỏi Hungary trong những năm 1980, nhà nghiên cứu sinh hóa đến định cư tại Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà đã phải đấu tranh để các nghiên cứu của bà được thừa nhận. Vài nét chân dung về nhà khoa học ở phía sau vac-xin của Pfizer/ BioNTech
"Cứu thế ! Tôi hít một hơi thở thật mạnh, tôi phấn khích đến mức sợ mình chết mất ". Katalin Kariko đã kể lại với nhật báo The Telegraph về những phản ứng của mình khi thông báo kết quả công hiệu của loại vac-xin do Pfizer và BioNTech triển khai bào chế.
Sau gần bốn mươi năm nỗ lực, các nghiên cứu của bà về vật liệu di truyền ARN thông tin, được dùng để bào chế vac-xin phòng Covid-19, cuối cùng đã được công nhận và sẽ giúp thế giới chống đại dịch virus corona. "Tôi không tưởng tượng được công nghệ này lại được quan tâm như vậy. Tôi không chuẩn bị để xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu", bà nói thêm.
Trong vòng vài tuần, nhà khoa học người Hungary, đang sống ở Pennsylvania, từ một người còn xa lạ với công chúng đã trở thành một ngôi sao mới trong thế giới khoa học.
Tuy nhiên Katalin Kariko là một người từ rất xa đến. Sinh ra cách nay 65 năm tại Szolnok, miền trung Hungary, giữa chế độ cộng sản. Bà lớn lên tại Kisújszállás, có cha làm nghề bán thịt. Là người say mê khoa học, bà bắt đầu sự nghiệp từ tuổi 23 tại Trung tâm nghiên cứu sinh học của đại học Szeged, nơi bà đã bảo vệ luận án Tiến sĩ. Chính tại đó bà bắt đầu quan tâm đến vật liệu di truyền ARN thông tin, những phân tử dưới hình thức mã di truyền tạo cho tế bào khả năng sản sinh ra các protein có lợi cho cơ thể người.
Nhưng trong các phòng thí nghiệm Hungary, các phương tiện thiếu thốn. Hơn thế, ở tuổi 30, nhà khoa học bị sa thải khỏi trung tâm nghiên cứu. Và thế là bà chọn nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Năm 1985 bà được nhận làm việc tại Temple University, Philadelphia. Khi đó tại Hungary cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác, chuyển ngoại tệ ra khỏi nước bị cấm. Mặc dù vậy, Katalin Kariko đã bán chiếc xe hơi của gia đình và giấu tiền vào trong con gấu nhồi bông của đứa con gái Susan Francia, khi đó mới 2 tuổi. "Đó là chuyến đi một chiều. Chúng tôi không hề quen biết ai", bà đã kể lại với Business Insider.
Thế nhưng không phải mọi chuyện đều diễn ra như dự định. Cuối những năm 1980, cộng đồng khoa học chỉ tập trung nghiên cứu ADN mà họ cho rằng có khả năng chuyển hóa các tế bào và việc đó có thể chữa trị các loại bệnh như ung thư hay bệnh tràn dịch nhầy phổi(mucoviscidos).
Nhà nghiên cứu Hungary vẫn tiếp tục chú tâm đến ARN thông tin, với hy vọng vật liệu di truyền này sẽ cung cấp cho tế bào những chỉ dẫn để có thể tự sản sinh ra các loại protein trị liệu. Giải pháp này cho phép tránh phải thay đổi gien đơn bội của các tế bào. Nhưng công nghệ này lại làm dấy lên các chỉ trích vì nó kéo theo các phản ứng viêm nhiễm mạnh, ARN thông tin được hệ miễn dịch coi như thành phần xâm nhập lạ.
Năm 1990, đơn xin học bổng đầu tiên của bà bị từ chối. Trong những năm tiếp theo, các đơn xin học bổng của bà vẫn liên tiếp không được xét. Năm 1995, đại học Pennsylvania, nơi bà sắp được công nhận hàm giáo sư, đã làm tham vọng của bà bị dừng lại khi hạ bà xuống hàng các nhà nghiên cứu thông thường. Trả lời trang y học Stat bà nói : "Bình thường đến giai đoạn đó, mọi người nói tạm biệt và ra đi. Tôi đã nghĩ đi nơi khác hay làm một việc gì đó khác. Tôi tự hỏi có phải mình chưa đủ giỏi hay chưa đủ thông minh chăng ? Giới khoa học cũng phải đối mặt với tình trạng phân biệt giới".
Mặc dù khó khăn, Katalin Kariko vẫn bám trụ và cống hiến quên mình cho đam mê khoa học. "Nhìn từ ngoài vào có vẻ như chuyện điên rồ khó hiểu, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi ở trong phòng thí nghiệm", bà thổ lộ với Business Insider. "Chồng tôi luôn nói đó là cách giải khuây với tôi. Tôi không nói là tôi đi làm. Với tôi, công việc như là trò chơi".
Trong cùng lúc, bà phải vật lộn để có tiền trang trải học hành của cô con gái. Bà là người đã truyền cho con gái quyết tâm vượt qua mọi thử thách. Cô bé cầm con gấu nhồi bông giấu ngoại tệ của mẹ năm nào đã tốt nghiệp đại học Pennsylvania và sau đó đã giành huy chương vàng Olympic 2008 và 2012 trong đội đua thuyền của Hoa Kỳ.
Năm 1997, một cuộc gặp gỡ đơn thuần bên chiếc máy sao chụp (photo-copie) cuối cùng đã thay đổi số phận Katalin Kariko.
Bà quen biết nhà miễn dịch học Drew Weissman, khi đó đang nghiên cứu một loại vac-xin ngừa HIV. Họ đồng ý hợp tác và triển khai nghiên cứu cách để giúp cho ARN tổng hợp không bị hệ miễn dịch nhận biết.
Phát hiện của họ được công bố năm 2005 và được cộng đồng khoa học khen ngợi. Cặp đôi tiếp tục các nghiên cứu và họ đã thành công đặt được phân tử ARN quý giá vào trong những hạt nano lipide, một dạng vỏ bọc tránh cho phân tử ARN bị suy thoái quá nhanh và dễ dàng xâm nhập vào tế bào.
Từ những kỹ thuật đó mà các phòng thí nghiệm Moderna và BioNTech/Pfizer đã có thể triển khai các cách thức phản ứng với Covid-19. Cả hai loại vac-xin đều dựa trên một chiến lược nhằm đưa những mệnh lệnh di truyền vào trong tế bào để kích hoạt phản ứng sản sinh ra một loại protein tương tự như protein của virus corona và để gây ra phản ứng miễn dịch.
Nhờ công trình nghiên cứu và ứng dụng đó của họ, Dew Weissma, và Katalin Kariko giờ đây được cho là có thể nhận giải Nobel. Sau bao nhiêu năm ở bên lề, nhà khoa học Hungary giờ đây nắm giữ một vị trí cao trong phòng thí nghiệm Đức BioNTech.
Sau khi biết tin vac-xin của Pfizer và BioNTech được chấp nhận, Katalin Kariko có thể tận hưởng thành công của mình, nhưng giờ chưa phải lúc mở sâm banh ăn mừng như bà bày tỏ với CNN : "Chúng ta sẽ ăn mừng mọi việc khi những nỗi đau khổ của nhân loại đã lùi lại sau chúng ta, khi những thử thách và thời kỳ kinh hoàng này kết thúc. Ngày đó sẽ tới, tôi hy vọng vào mùa hè tới, khi chúng ta quên đi virus và vac-xin. Khi đó, tôi sẽ ăn mừng thực sự".
(Theo AFP và France 24.com)
Anh Vũ
Nguồn : RFI 17/12/2020
Việt Nam tuyên bố vaccine Covid-19 tự sản xuất có hiệu quả trên 90%
VOA, 11/12/2020
Việt Nam vừa chính thức khởi động chương trình thử nghiệm vaccine phòng ngừa Covid-19 trên người và tuyên bố loại vaccine "made in Vietnam" này dự kiến sẽ có hiệu quả trên 90% trong vòng 6 tháng.
Các nhà chuyên môn nghiên cứu để chế tạo vaccine Covid-19 tại công ty NANOGEN ở Việt Nam.
Vaccine được đặt tên Nanocovax, do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y, thuộc Bộ Quốc Phòng, nghiên cứu và sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế Việt Nam từ tháng 5.
Nanocovax được bào chế theo công nghệ protein tái tổ hợp, là công nghệ truyền thống đã được Nanogen sử dụng trong nhiều sản phẩm khác trước đây, theo lời ông Hồ Nhân – Tổng giám đốc Nanogen – nói với báo chí.
"Cách đây 2 ngày, Hội đồng đạo đức quốc gia cũng hỏi chúng tôi tại sao các anh lại làm nhanh như vậy. Chúng tôi thành thật trả lời là có sử dụng trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của các robot hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ sinh học giúp tạo ra các gai giả (giống như gai của chủng virus corona mới) nhanh hơn", Vietnamnet dẫn lời ông Nhân cho biết.
Vaccine Covid-19 của Việt Nam "dự kiến hiệu quả 90%", theo tuyên bố của các giới chức Y tế Việt Nam trong buổi lễ khởi động chương trình thử nghiệm và tuyển tình nguyện viên hôm 10/12.
Điểm mạnh của vaccine Việt Nam là có thể được bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường, trong khi vaccine của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản ở nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển, Tổng giám đốc Nanogen nói thêm với báo chí.
Hiện loại vaccine Covid-19 đầy tiềm năng của hãng dược Pfizer, Mỹ, được cho là có giá thành cao vì công nghệ bào chế mRNA và yêu cầu phải được bảo quản ở nhiệt độ đến -75 độ C, là nhiệt độ của mùa đông Nam cực.
Tại buổi lễ khởi động chương trình thử nghiệm, các giới chức y tế Việt Nam cam kết "không đánh đổi an toàn của người Việt Nam, của cộng đồng với bất cứ lý do nào", người tình nguyện có quyền dừng tham gia nghiên cứu bất cứ thời điểm nào mà không chịu ràng buộc nào, và sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe 24/24 trong 72 giờ đầu.
Trong ngày đầu tiên, chương trình thử nghiệm vaccine Nanocovax của Việt Nam tuyển mộ được 70 tình nguyện viên đăng ký. Con số khá thấp so với một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu của Anh, YouGov, công bố vào tháng trước về mức độ sẵn sàng tiêm thử nghiệm vaccine Spunik V chống virus corora của Nga tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 94% số người Việt tham gia khảo sát bày tỏ thái độ sẵn sàng tiêm loại vaccine này, đứng đầu trong số các nước được khảo sát và vượt xa tỉ lệ chung là 73%.
Theo lời các giới chức y tế, giá thành cho mỗi liều vaccine Nanocovax khoảng 120.000 đồng (5,2 USD), và có tổng cộng 2 liều tiêm.
Tương tự như vaccine ngừa cúm mùa, vaccine Nanocovax chỉ có hiệu quả bảo vệ trên 6 tháng và phải nên tiêm lại hàng năm.
Dự kiến, chương trình thử nghiệm lâm sàng sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn, với giai đoạn 3 cần từ 1.500 – 3.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm, sau đó sẽ mở rộng ra trên 10.000 người. Nếu thử nghiệm thành công, vaccine sẽ được Việt Nam đưa vào sử dụng vào năm 2022.
Nguồn : VOA, 11/12/2020
**********************
Covid-19 : Vaccine của Việt Nam được tiêm thử trên người
BBC, 07/12/2020
Ngày 10/12 vaccine ngừa Covid-19 do Công ty Nanogen sản xuất sẽ được tiêm thử trên 20 tình nguyện viên khỏe mạnh.
Vaccine của Việt Nam đến giai đoạn tiêm thử trên người (ảnh minh họa)
Theo Bộ Y tế, vaccine Covid-19 của Nanogen đã hoàn thành các đánh giá, thử nghiệm trên động vật và đạt các tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người, sau khi được đánh giá tại hai cơ quan chuyên môn - một ở trong nước và một ở nước ngoài.
Với việc tiêm thử trên người, dự kiến sẽ có một nhóm nhỏ trong 20 người đầu tiên được tiêm trước và trong 24-48 giờ kế tiếp sẽ tiêm tiếp số còn lại trong số này. Như thường lệ, Học viện Quân y là đơn vị tổ chức đợt tiêm thử này.
Theo đó, ba tháng sau khi tiêm thử nghiệm trên nhóm nhỏ người tình nguyện, vaccine này sẽ được triển khai tiêm trên nhóm tình nguyện lớn hơn là 400 người, theo hình thức "triển khai gối đầu".
Hôm 6/12, trang Facebook Thông tin Chính phủ đăng thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn thử nghiệm này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu: "Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Cùng với đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt".
Bên cạnh đó, ông Long nêu quan điểm Bộ Y tế sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất vaccine trong nước đẩy nhanh tiến độ để sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Giới chức y tế cho hay vaccine Covid-19 "made in Việt Nam" ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virus corona khác trong tương lai. Các chủ trương của Bộ Y tế trong việc xúc tiến phát triển vaccine cũng cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu vaccine Covid-19 ở Việt Nam.
Hiện tại, ngoài Công ty Nanogen, Việt Nam còn có 3 đơn vị sản xuất nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac).
Sau khi thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Công ty Nanogen, dự kiến tháng 2/2021, tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine của IVAC và đến tháng 3/2021 là vaccine của Vabiotech. Vaccine của các đơn vị này cũng được đánh giá đạt tính an toàn, tính miễn dịch trên động vật.
Với đơn vị sản xuất Polyvac, Bộ Y tế cho biết đang yêu cầu đơn vị này tiếp tục hợp tác với Nga và "chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vắc xin của quốc gia này".
Việt Nam sẽ mua vaccine của nước nào ?
Bên cạnh việc tự nghiên cứu vaccine trong nước, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, trao đổi, đàm phán với các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận được nguồn vaccine.
Cũng trong hôm 5/12, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu đơn vị Polivac tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vaccine của các quốc gia này.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 15/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng xác nhận Việt Nam đã đặt mua vaccine Sputnik V từ Nga và vaccine của Anh.
Tuy nhiên, bà Hằng không cung cấp chi tiết khi nào vaccine Sputnik V của Nga sẽ được giao và dự kiến có bao nhiêu liều.
Trước đó, một bác sĩ giấu tên tại Hà Nội nói rằng bệnh viện của ông chưa nhận được chỉ đạo hay nghe tin có kế hoạch mua vaccine của Trung Quốc. Nhưng chắc chắn nếu được lựa chọn, các bệnh viện ở Việt Nam sẽ không mua vaccine Trung Quốc vì tâm lý bài Trung Quốc :
"Tâm lý người Việt từ xưa tới nay là không tin tưởng Trung Quốc, đặc biệt khi liên quan tới sức khỏe. Điều lạ là dù người Việt vẫn dùng thuốc Đông Y Trung Quốc thì trong các bệnh viện, tuyệt nhiên không có bất kỳ một loại thuốc tây y nào của Trung Quốc nằm trong danh mục thuốc khám chữa bệnh".
Ông nói thêm: "Nếu chính phủ vì lý do nào đó mua vaccine của Trung Quốc và phân bổ cho các bệnh viện, thì có lẽ bệnh viện sẽ tiêm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Những người có thể tự mua được vaccine chắc hẳn sẽ chỉ chọn của Anh, Mỹ".
Vaccine khác trên thế giới ra sao ?
Theo The Washington Post, hiện có khoảng 200 loại vaccine Covid đang được thử nghiệm trên toàn thế giới.
Hôm thứ Tư 2/12, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer. Anh đã đặt hàng 40 triệu liều - đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người. Trong tuần này, Anh sẽ tiến hành tiêm chủng hàng loạt, miễn phí cho những đối tượng được ưu tiên.
Hiện có các loại vaccine đầy triển vọng như :
- Vaccine Pfizer/BioNTechcho thấy có khả năng phòng ngừa hơn 90%
- Vaccine của Moderna (Mỹ) cũng sử dụng phương pháp tiếp cận như vaccine của Pfizer, có hiệu quả phòng ngừa 94,5%
- Vaccine Oxford/AstraZeneca cho thấy có thể giúp ngăn đến 70% số người phát triển các triệu chứng Covid
Những gì vẫn cần phải được thực hiện
Người ta cho rằng cần 60-70% dân số toàn cầu phải được miễn dịch để ngăn virus lây lan dễ dàng (miễn dịch cộng đồng) - hàng tỷ người, ngay cả khi vaccine hoạt động hoàn hảo.
Tú Anh, RFI, 06/12/2020
Từ thứ Bảy 05/12/2020, nước Nga tiến hành tiêm ngừa chống Covid-19 với vac-xin nội địa cho dù chưa xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tại Moskva, 70 bệnh viện được phân phối 2 triệu liều Sputnik-5. Đầu tiên là giới nhân viên trong ngành nghề xã hội, y tế, giáo chức. Chiến dịch sẽ mở rộng khắp nước trong những tuần lễ tới. Phản ứng của người dân Nga ra sao ?
Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường thuật :
"Để bảo đảm cho phóng viên phỏng vấn những người tình nguyện tiêm vac-xin Nga, chính quyền tập hợp tất cả lại trong bệnh viện đa khoa số 121, ngoại ô Moskva .
Chính trong khung cảnh này, giữa các ống kính truyền hình, Nikolay, một giáo sư dạy vũ cho trẻ em, giải thích vì sao ông tiêm ngừa : "Bất hạnh thay,nhiều trẻ em lâm bệnh. Do vậy, để không lây bệnh cho cha mẹ tôi, cũng như đẻ bản thân tôi không bị lây nhiễm, tôi quyết định tốt hơn là nên đi tiêm ngừa, nhất là không tốn tiền"
Có điều là thủ tục buộc phải chờ đợi khá lâu. Trước hết, vac-xin phải được bảo quản ở nhiệt độ âm -18°C trong tủ lạnh đặc biệt trước khi tiêm. Andrei Tijelnikov, bác sĩ giám đốc giải thích :"Thủ tục tiêm ngừa mất từ 10 đến 15 phút. Khi dung dịch vac-xin trong suốt, lúc đó mới hút vào ống tiêm và sau khi tiêm xong, phải chờ thêm từ 20 đến 30 phút nữa để xem có phản ứng gì không".
Đúng là phải kiểm chứng xem người được tiêm ngừa Covid-19 có bị phản ứng phụ hay không. Một người tình nguyện khác là Anna, trợ lý giám đốc một trường tiểu học, không hề nghĩ đến tình huống rủi ro này : "Tôi không sợ phản ứng phụ, bởi vì tôi tin tưởng vào Nhà nước, vào chính phủ, vào bác sĩ của chúng tôi. Những điều họ làm là vì lợi ích cho nhân dân".
Đó là một ý kiến dứt khoát. Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò ý kiến công bố hôm thứ Sáu (04/12/2020), chỉ có 9% dân Nga cho biết sẵn sàng đi tiêm chủng ngay tức khắc".
Tú Anh
***********************
RFI tiếng Việt, 05/12/2020
Nga chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 trên diện rộng bằng vac-xin tự chế. Từ hôm nay, 05/12/2020, vac-xin Sputnik-V được triển khai tiêm chủng tại 70 bệnh viện trong vùng Moskva. Đợt đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng mở rộng chỉ dành cho một số đối tượng ưu tiên. Trong khi đó không ít người dân Nga vẫn e ngại với loại vac-xin bào chế trong nước này.
Thông tín viên RFI tại Moskva, Daniel Vallot tường trình :
Để được tiêm chủng ngừa Covid-19, trước tiên cần phải đăng ký tên trên một trang internet dành riêng và phải đáp ứng được các tiêu chí của tòa đô chính Moskva. Người được tiêm chủng phải ở độ tuổi từ 18 đến 60, từ một tháng qua không tiêm vac-xin nào và nhất là phải nằm trong diện nghề nghiệp được lựa chọn cho chiến dịch tiêm chủng đầu tiên gồm : bác sĩ, giáo viên hoặc người làm công tác xã hội.
Theo tòa đô chính Moskva, Ngay từ từ thứ Bảy này, sẽ có 70 điểm tiêm chủng hoạt động. Thao tác tiêm chủng kéo dài khoảng 1 giờ bao gồm các công việc chuẩn bị vac-xin. Vac-xin Sputnik V phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C, sau khi tiêm chủng còn phải mất nửa giờ để theo dõi y tế người được chủng.
Nga muốn đi nhanh, thậm chí là quá nhanh theo một số chuyên gia. Thực tế thì giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 phải đến tháng Giêng mới kết thúc và các kết quả cuối cùng chỉ có thể được công bố vào tháng 7 năm 2021. Nhưng chính quyền Nga không thấy đó là trở ngại lớn và họ hài lòng với kết quả của hai công đoạn đầu. Theo giới chức Nga, hai giai đoạn thử nghiệm đầu đã chứng minh được hiệu quả và độ an toàn của vac-xin này.
Nhưng theo một thăm dò dư luận do viện nghiên cứu độc lập Levada thực hiện hồi tháng 10 vừa qua thì 59% người Nga cho biết còn ngần ngại tiêm chủng. Con số này hồi tháng 8 là 54%.
Nỗi lo lắng với loại vac-xin này không bớt đi mà trái lại còn tăng thêm tại Nga mặc dù chính quyền đưa ra những tuyên bố đầy lạc quan, hân hoan chiến thắng về vac-xin Sputnik V.
RFI tiếng Việt
*********************
RFA, 02/12/2020
Các công ty dược phẩm Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chứng minh rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 mà họ đang thử nghiệm là có tác dụng, sau khi dữ liệu sơ bộ về 3 loại vaccine do phương Tây bào chế cho thấy kết quả hứa hẹn.
Đầu tuần này, AstraZeneca và trường Đại học Oxford cho biết vaccine tiềm năng của họ có hiệu quả từ 62-90%, gia nhập hàng ngũ cùng 2 loại vaccine khác của phương Tây cũng đã cung cấp dữ liệu. Kết quả có thể cho phép Mỹ và các quốc gia khác cấp phép quản lý và lên kế hoạch phân phối tiêm chủng rộng rãi.
Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 và đã khởi động các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 7/2020, gần như cùng lúc với các hãng bào chế vaccine của phương Tây là Pfizer và Moderna. Thế nhưng, dường như nỗ lực này của Bắc Kinh đang gặp phải trở ngại khi những câu hỏi về tính hiệu nghiệm và an toàn được đặt ra. Theo Nikkei Asia, 11 vaccine tiềm năng trên toàn thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, 4 trong số đó là của Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu ráo riết phát triển vắc-xin vào tháng 1/2020, chủ yếu thông qua Sinovac và tập đoàn Sinopharm khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước. Ngày 17/11, chuyên san y khoa The Lancet của Anh đăng một nghiên cứu về tính hiệu nghiệm của vaccine tiềm năng của Sinovac dựa trên các thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Nghiên cứu nhận thấy vaccine của công ty này tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn so với lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục. Tính hiệu quả được xác định là vừa phải. Ngược lại, các vaccine tiềm năng từ các công ty Pfizer và Moderna đặt trụ sở tại Mỹ được xác định có hiệu quả hơn 90%, trong khi vắc-xin của công ty AstraZeneca ở Anh có mức độ hiệu quả tổng thể là 70%.
Giám đốc cao cấp Meng Weining của Sinovac phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 20/11 rằng các thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac đang diễn ra suôn sẻ. Ông nói : "Có thể tháng sau chúng tôi sẽ có sẵn dữ liệu". Nhật báo Phố Wall dẫn lời các chuyên gia y tế công cho biết lý do khiến Trung Quốc phải chờ đợi kết quả lâu hơn là vì các quốc gia, nơi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm kiếm tình nguyện viên như Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Brazil - không chứng kiến Covid-19 lây lan nhanh như ở Mỹ, nơi thử nghiệm chủ chốt của các nhà sản xuất vaccine hàng đầu phương Tây. Các hãng phát triển vaccine của Trung Quốc phải ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vì Covid-19 hầu như đã được kiểm soát ở Trung Quốc từ hàng tháng qua. Các đối thủ phương Tây cũng đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, dù họ đã tuyển mộ hàng chục nghìn tình nguyện viên ở Mỹ và Vương quốc Anh, nơi Covid-19 tác động nặng nề. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không được tiếp cận những nơi như vậy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Pierre A. Morgon - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của CanSino Biologics, công ty đang hợp tác với quân đội Trung Quốc phát triển vaccine - cho biết các công ty như AstraZeneca và Pfizer có lợi thế hơn các công ty phát triển vaccine Trung Quốc trong việc thiết lập các thử nghiệm lâm sàng quốc tế, bởi vì họ có nhiều nhân viên giỏi chuyên môn hơn để tiến hành thử nghiệm cũng như các mối quan hệ với các cơ quan quản lý nước ngoài. Ông Morgon nói với Nhật báo Phố Wall rằng CanSino dự kiến sẽ cho kết quả tạm thời vào đầu năm sau và từ chối bình luận thêm.
Ba công ty của Trung Quốc là Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở ít nhất 13 quốc gia. Những quốc gia đó sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu vaccine thành công. Tháng 9/2020, UAE đã tiến hành tiêm vaccine Trung Quốc cho các nhân viên y tế. Nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ kết quả lâm sàng ở giai đoạn cuối để bắt đầu tiêm chủng ngoài các cuộc thử nghiệm. Họ tiêm vaccine của Sinopharm cho gần một triệu người Trung Quốc mà không có bằng chứng vững chắc về tính hiệu nghiệm của này vaccine, khiến các chuyên gia y tế công quốc tế lo ngại.
Vaccine phòng chống Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ)
Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sinovac cũng đang được tiến hành ở Brazil. Các nhà nghiên cứu giúp tiến hành các thử nghiệm đó cho biết họ hiện có 74 trường hợp Covid-19 được xác nhận trong số những người tham gia, đủ để thực hiện một phân tích tạm thời, và rằng họ sẽ công bố kết quả sớm vào tháng 12 tới. Một phát ngôn viên của Sinovac cho biết thời gian để công bố thông tin phụ thuộc vào đội ngũ ở Brazil và "quy trình khoa học" chứ không phải "sự tự nguyện của con người". Tuy nhiên, ít nhất một chính phủ nước ngoài đang hoãn việc phê chuẩn vaccine của Trung Quốc vì thiếu bằng chứng lâm sàng. Penny Lukito, người đứng đầu cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia, nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp tuần trước rằng cơ quan của bà sẽ trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine của Sinovac cho đến cuối tháng 1/2021, thời điểm họ hi vọng sẽ có kết quả tạm thời từ các thử nghiệm đang diễn ra. Bà Lukito cho biết cơ quan của bà đã không thể lấy được dữ liệu lâm sàng từ Brazil. Các thử nghiệm lâm sàng của Sinovac ở Indonesia đã bắt đầu hồi tháng 8/2020, muộn hơn so với các thử nghiệm ở Brazil và kết quả tạm thời từ thử nghiệm ở Indonesia dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 1/2021.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã quyết định đặt mua trước hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của 6 hãng dược, nhưng trong số này không có tên một loại vaccine nào của Trung Quốc và Nga. Theo giải thích của Ủy ban Châu Âu, Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra là phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ Châu Âu. Stephan De Keersmaecker - phát ngôn viên về y tế công cộng, an toàn thực phẩm và giao thông của Ủy ban Châu Âu - nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, Châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông, "nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ Châu Âu, việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn". Hơn nữa, bào chế vaccine chưa bao giờ là một thế mạnh của Trung Quốc, dù rằng có rất nhiều loại thuốc dành cho Châu Âu được sản xuất từ nước này.
Vaccine Sputnik-V của Nga
Còn về phía Nga thì sao ? Sputnik-V do hãng dược Gamaleya của Nga bào chế sẽ có đợt giao hàng đầu tiên ngay từ tháng 1/2021 cho các nước Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vaccine của Nga có ưu điểm là có thể được sản xuất tại 4 nước khác và cất trữ ở nhiệt độ +2 và +8°C. Cùng với các đối tác, Nga có thể cung cấp cho thế giới trong giai đoạn đầu đến 500 triệu liều. Thế nhưng, theo báo Le Monde (Pháp), mặc dù đã có những tuyên bố trấn an của lãnh đạo các hãng dược Nga, Châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi. Các bước bào chế không minh bạch, quy trình thử nghiệm không rõ ràng, kể cả trong khâu tuyển người tình nguyện, "nhập nhằng" tiêm ngừa cho những người có rủi ro với thử nghiệm giai đoạn 3… là những gì mà giới nghiên cứu Châu Âu phê phán về vaccine Sputnik-V của Nga.
Đặc biệt, cũng giống như Trung Quốc, việc Nga chọn nuôi cấy virus Ad5 (Adeno 5) để gia tăng khả năng miễn dịch khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Phương pháp này đã từng gặp thất bại trong việc nghiên cứu vaccine ngừa SIDA năm 2007. Thay vì ngăn chặn HIV, vaccine được bào chế từ Ad5 còn tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể.
Trung Quốc đã rất hy vọng trong việc trao đổi vaccine để tạo lấy những ảnh hưởng chính trị của họ, đặc biệt là với các nước ASEAN. Tuy nhiên, chúng ta có thể cùng xem xét chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc này có thể tác động tới quốc gia nào ?
Thái Lan và Philippines là hai quốc gia mới nhất trong ASEAN tuần qua đã ký hợp động đặt mua vaccine do hãng dược AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford University nghiên cứu sản xuất.
Các quốc gia ASEAN khác cũng có những bước đi tương tự, bên cạnh việc hợp tác nghiên cứu để tự sản xuất vaccine.
Việt Nam đã bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 từ nhiều tháng qua. Thông tin mới nhất do báo Tuổi Trẻ dẫn lại cho hay chậm nhất là đầu tháng 12/2020, vaccine do Công ty Nanogen phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.
Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên người tình nguyện.
Giới chức y tế cho hay vaccine Covid-19 "made in Việt Nam" ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virus corona khác trong tương lai.
Tuy nhiên, khả năng vaccine của Việt Nam được sản xuất sớm cũng như đủ liều để tiêm phòng trên diện rộng là rất thấp. Do đó, nguồn cung từ bên ngoài vẫn là chính yếu.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 15/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng xác nhận Việt Nam đã đặt mua vaccine Sputnik V từ Nga và vaccine của Anh.
Thái Lan
Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, ngày 27/11, Thái Lan đã ký một thỏa thuận trị giá 200 triệu USD để mua 26 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca. Theo báo Bangkok Post, dự kiến, số vaccine này sẽ được giao vào giữa năm 2021. Giới chức y tế Thái Lan cho hay 26 triệu liều sẽ được tiêm cho 13 triệu người trong số 69 triệu dân.
Hồi tháng 10, Bộ Y tế Thái Lan, Công ty Siam Bioscience và tập đoàn kinh doanh SCG cũng đã ký một ý định thư với AstraZeneca. Thỏa thuận cho phép Siam Bioscience sản xuất vaccine (AZD1222) tại nhà máy của mình, dự kiến vào giữa năm sau.
Siam Bioscience cho biết nếu các kế hoạch thuận lợi, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất vaccine này.
Philippines
Tại Philippines, ngày 27/11, hơn 30 công ty tư nhân đã ký một thỏa thuận mua ít nhất 2,6 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Các chủ doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch hiến tặng phần lớn số vaccine cho chính phủ và sử dụng phần còn lại để tiêm cho nhân viên của họ.
Theo các quan chức Philippines, bên cạnh 2,6 triệu liều nói trên, nước này cũng đang đàm phán mua thêm 1 triệu liều nữa.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Joey Concepcion, cố vấn về doanh nghiệp của tổng thống Philippines, cho hay số vaccine trên dự kiến được giao vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021 và có thể được tiêm cho 1,5 triệu người.
Hiện nay, Philippines cũng đang tìm kiếm đặt mua 20-50 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc và công ty Pfizer của Mỹ cùng các nguồn khác.
Chính phủ Philippines cho biết họ đang nhắm mục tiêu khoảng 60 triệu người Philippines được tiêm vaccine Covid-19 trong khoảng hai năm kể từ năm 2021. Kế hoạch này, với chi phí hơn 73 tỷ peso (1,4 tỷ USD), nhằm phát triển khả năng miễn dịch ở phần lớn dân số.
Malaysia
Cũng vào ngày 27/11, Malaysia đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết thỏa thuận đặt mua 12,8 triệu liều vaccine có thể cung cấp cho 6,4 triệu người.
Malaysia dự kiến sẽ nhận được 1 triệu liều đầu tiên từ Pfizer vào quý 1/2021. Các đợt giao hàng tiếp theo sẽ được thực hiện trong các quý còn lại của năm tới.
Tuy nhiên, thời gian giao hàng hiện phụ thuộc vào việc vaccine của Pfizer có được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm Malaysia phê duyệt hay không.
Bên cạnh đó, Malaysia sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19 đầu tiên vào tháng 12, là một phần trong thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Trung Quốc. Đây sẽ là thử nghiệm giai đoạn III của một loại vaccine được phát triển bởi Viện Y sinh thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc.
Indonesia
Indonesia đã đặt hàng với ít nhất 4 nhà cung cấp vaccine, trong đó có Sinovac Biotech của Trung Quốc và AstraZeneca. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy khả năng tiếp cận này giúp Indonesia trở thành nước đứng thứ hai ở Châu Á, sau Trung Quốc, và ngang bằng với Nhật Bản và Ấn Độ, về đảm bảo việc tiêm ngừa.
Theo The Strait Times, Indonesia đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine Pfizer-BioNTech Covid-19 trước khi triển khai đợt tiêm chủng lớn vào năm tới ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Nước này cho đến nay đã ký các cam kết mua 189 triệu liều vaccine từ Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Covax, một hệ thống phân phối vaccine Covid-19 do Tổ chức y tế thế giới đồng dẫn đầu.
Từ tháng 4/2020, công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma của Indonesia - nơi được coi là xưởng vaccine lớn nhất ở Đông Nam Á với công suất 2 tỷ liều mỗi năm - đã hợp tác với công ty Sinovac để phát triển vaccine Covid-19. Một khi thành công, chương trình này có thể sản xuất tới 250 triệu liều mỗi năm.
Trong ngày 27/11, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với gần 6.000 ca, số người chết trong 24 giờ cũng đáng lo ngại với 169 trường hợp.
Tính tới nay, Indonesia có tổng cộng 527.999 ca nhiễm và 16.646 ca tử vong, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Singapore
Các nhà khoa học tại Trường Y Duke-NUS của Singapore đang phối hợp với công ty Arcturus Therapeutics phát triển một loại vaccine (ARCT-021). Thông tin từ Arcturus Therapeutics cho biết các thử nghiệm ban đầu trên người cho thấy nhiều hứa hẹn và vaccine này có thể sẽ sẵn sàng cho việc tiêm ngừa vào năm tới.
Theo đài truyền hình CNBC, Cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) đã cam kết chi 220 triệu USD cho vaccine Arcturus, trong đó, cơ quan này đã đầu tư 45 triệu USD vào chương trình nghiên cứu phát triển vaccine. Một khi vaccine được phát triển thành công và được phê duyệt, EDB sẽ chi bổ sung thêm 175 triệu USD để mua.
Báo Strait Times cũng dẫn lời giáo sư Ooi Eng Eong từ Trường Y Duke-NUS nói rằng với nhiều chương trình nghiên cứu vaccine quốc tế đang cho thấy kết quả khả quan, Singapore không vội vã trong việc chọn mua một loại nào. Thay vào đó, chính phủ sẽ cân nhắc để chọn loại có hiệu quả cao nhất.
Như vậy, chúng ta thấy, chỉ có 3 quốc gia ASEAN đặt mua vaccine của Trung Quốc bên cạnh các nguồn cung cấp từ Nga và Phương Tây. Điều đó cho thấy, Trung Quốc mặc dù muốn nỗ lực sử dụng "chính sách ngoại giao vaccine" tuy nhiên, với năng lực của mình, Trung Quốc đang thất bại trong cuộc đua chế tạo vaccine này. Đồng nghĩa với việc chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang thất bại.
Theo Reuters
Nguồn : RFA, 02/12/2020
Luật an ninh Pháp, Macron lùi bước trước áp lực đường phố, vac-xin ngừa Covid trong tầm với, an ninh Iran bất lực, Tập Cận Bình khống chế giới đại gia công nghệ cao của Trung Quốc, làn gió phấn chấn của Joe Biden… Đây là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay 01/12/2020.
Les Echos đưa hai tựa lớn : Thị trường chứng khoán Paris phấp phới, Tiền ảo (Bitcoin) lại đạt đỉnh điểm trên thị trường quốc tế. Le Monde cảnh báo : "Tiền ảo (Bitcoin) lừa thật : Đại bịp toàn cầu", tường thuật nỗ lực điều tra của nhật báo độc lập và mạng lưới ký giả quốc tế.
Đảng cộng sản Trung Quốc bắn tín hiệu khống chế các đại tập đoàn internet của Hoa lục là chủ đề thứ hai trên trang nhất của Le Monde, bên cạnh bức hí họa mô tả diễn tiến chính trị Mỹ : Joe Biden tươi cười tuyên thệ, Donald Trump khoanh tay cúi đầu buồn hiu nhìn sang hướng khác.
Le Figaro thiên về thời sự Pháp với tình trạng một bước tiến một bước lùi : Tổng thống Pháp yêu cầu thủ tướng và bộ trưởng Nội vụ xoa dịu công luận, phe đa số tại Quốc hội hứa viết lại dự luật an ninh bị tố cáo vi phạm quyền tự do báo chí. Trong bài xã luận "Xáo trộn vô ích", nhật báo thiên hữu phê phán cả hai bên : Phe tả và truyền thông thiên tả sẽ tiếp tục tranh đấu, nhưng điều đáng trách là cuộc chiến này là cái cớ để gây ra bạo loạn. Tự do thông tin là giá trị cơ bản của một nền dân chủ, nhưng an ninh cũng là điều kiện bảo đảm cho tự do của nước Pháp. An ninh cũng là ưu tư số một của dân Pháp.
Tình trạng rối ren này lẽ ra đã không xảy ra, nếu chính phủ, hoặc người soạn dự luật, không non tay. Cần gì phải có điều 24 gây tranh cãi, bởi vì luật lệ hiện hành đủ để bảo vệ cảnh sát khi họ làm nhiệm vụ. Tung luật này ra vào lúc công luận nổi nóng vì một số hành động bạo lực của cảnh sát thật là vụng về.
Đề tài đồng điệu trên các báo là thuốc ngừa Covid-19 : nước Pháp hoàn tất chiến lược tiêm ngừa.
Libération chơi chữ "Tháng giêng tiêm đau nhé". La Croix giải thích chi tiết kế hoạch 5 giai đoạn theo yêu cầu của Thượng Hội đồng Y tế : người già ở viện dưỡng lão, người mắc bệnh kinh niên và nhân viên trong ngành y tế, rồi sau đó mới đến các thành phần khỏe mạnh. Le Figaro lo xa : Bảo quản thuốc ngừa Covid-19 là vấn đề nát óc về hậu cần.
Tin phấn khởi trên Les Echos : thuốc chủng của công ty bào chế Mỹ Moderna hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 hiệu quả 94,1%. Việc tập đoàn Mỹ xin cơ quan an toàn y tế FDA cho phép sử dụng khẩn cấp vac-xin có thể không gây xáo trộn gì cho phương trình phân phối liệu pháp cuối cùng chống đại dịch trên toàn cầu.
Trang khoa học của Le Figaro tìm hiểu bài toán được mô tả là "nát óc". Trước hết là nhiệt độ bảo quản : -70°C đối với thuốc chủng của Pfizer-BioNtech và nhẹ hơn một chút cũng phải -20°C đối với sản phẩm của Moderna. AstraZeneca-Oxford của Anh chỉ cần bảo quản với nhiệt độ mát trong tủ lạnh là đủ, nhưng còn phải chờ nghiên cứu thêm. Liệu vào tháng Giêng 2021 cả ba có đến điểm hẹn hay không ? Và phân phối như thế nào để bảo toàn hiệu năng ?
Theo Le Figaro, thuốc chủng của Moderna sẽ "có mặt" tại Pháp trong tháng 12. Một nhà phân phối cam đoan như vậy và đã nộp đơn xin Ủy Ban Châu Âu. Để chạy đua với thời gian, họ đã nhận lô hàng đầu tiên dự trữ ở một nơi giữ bí mật.
Pfizer-BioNtech cũng nhanh tay nhanh chân không kém : 50 triệu liều sẽ được sản xuất trong tháng 12 và một lô hàng đã được tích trữ trong công xưởng ở Bỉ.
Vấn đề thứ hai là làm sao đưa đến các trung tâm chủng ngừa ? Pfizer-BioNtech giải quyết như sau : Sau hai tuần bảo quản ở độ lạnh -70 độ thì thuốc chủng còn hiệu nghiệm thêm 5 ngày trong tủ lạnh. Bộ Y tế Pháp đang tìm 130 địa điểm cho thuốc chủng Mỹ-Đức.
Moderna phải luôn được bảo quản ở nhiệt độ -20°C sẽ được phân phối theo một đường khác : Đưa cho các đại lý, từ đó, với xe đông lạnh, 4.000 tài xế giao hàng ngày hai lần cho 21.000 tiệm thuốc của Pháp. Trong vòng 24 giờ, thuốc chủng trong đông lạnh sẽ đến tận cùng mọi làng quê miễn là có hiệu thuốc. Một yếu tố giúp rút ngắn thời gian là dược sĩ của Pháp được quyền tiêm thuốc chủng để giúp các phòng mạch bác sĩ tư không bị quá tải.
Vì sao và bằng cách nào chủ tịch Trung Quốc đặt nhóm đại gia doanh nghiệp mạng vào vòng kềm tỏa, đứng đầu là Jack Ma (Mã Vân), chủ nhân tập đoàn Alibaba ? Câu hỏi này được Le Monde phân tích chi tiết trong bài "Bắc Kinh nắm lại quyền kiểm soát các đại gia công nghệ cao".
Tại Trung Quốc, gió đã đổi chiều. Được gọi là những đứa con cưng của chế độ, hình ảnh biểu tượng của vĩ đại và thành công, Alibaba, Tencent, Meituan… trở thành nạn nhân của sự thành đạt này. Đảng cộng sản Trung Quốc gây kinh ngạc khi ban hành một loạt biện pháp hù dọa và đưa vào khuôn khổ.
Đúng theo bài bản, nạn nhân đầu tiên là kẻ sừng sỏ nhất : Jack Ma. Không đầy 48 giờ trước khi chi nhánh tài chính của Alibaba niêm yết trên thị trường chứng khoán, cơ quan chủ quản ANT, theo lệnh Tập Cận Bình, chặn lại, làm tỷ phú chủ nhân Alibaba thất thu 37 tỷ đôla. Jack Ma bị sỉ nhục, nhưng cùng với con chim đầu đàn này là cả loạt đại gia truyền thông Trung Quốc.
Theo Le Monde, sấm sét đã xuất hiện từ nhiều tuần trước. Ngày 24/10, trong cuộc hội thảo tài chính tại Thượng Hải, sau bài phát biểu của phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, cảnh báo nguy cơ "khủng hoảng tài chính có hệ thống". Vương Kỳ Sơn là người giám sát việc xử lý khủng hoảng 2008.
Đến phiên chủ nhân Alibaba phát biểu, Jack Ma tuyên bố "không có nguy cơ khủng hoảng hệ thống" bởi vì tài chính không phải là hệ thống. "Người canh tân không sợ hệ thống, mà chỉ sợ lối giám sát lỗi thời". Làm mất mặt Vương Kỳ Sơn, một người thân cận của Tập Cận Bình, vào lúc Nhà nước đang trị chuẩn bị một loạt dự án kềm tỏa doanh nghiệp trên mạng là không đúng lúc chút nào.
Ngân hàng nhà nước tung ra "tiền ảo", mở tranh luận về "bảo vệ dữ liệu cá nhân", công bố dự án điều tiết fintech (ứng dụng kỹ thuật số vào dịch vụ tài chính) và dự luật chống độc quyền thương mại.
Câu hỏi đặt ra là các đại tập đoàn Trung Quốc, tham vọng bị hạn chế tại Hoa lục, nhưng với tiền tỷ trong tay, lẽ nào họ không có cách vươn ra bên ngoài ? Có chứ, nhưng với điều kiện được đảng cộng sản cho phép, Le Monde trả lời.
Một nhóm cựu ngoại giao Châu Âu kêu gọi hành động và lo ngại Donald Trump trước khi mãn nhiệm sẽ gây chuyện bất ngờ (Le Monde).
Vụ ám sát cha đẻ chương trình hạt nhân Iran cho thấy bộ máy an ninh của giáo quyền đàn áp đối lập thì hay, mà bảo vệ yếu nhân của chế độ thì kém (Le Figaro).
Trong số các tác giả thư ngỏ được Le Monde trích đoạn, có cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng nhiều quốc gia Châu Âu. Một mặt, họ lo ngại sức ép của Washington và phản ứng của Tehran làm căng thẳng leo thang. Vấn đề là các điều kiện để làm giảm căng thẳng xem ra khó được bên nào chấp thuận : Iran phải tỏ thiện chí tôn trọng quyền lợi của Mỹ tại Irak, bình thường quan hệ với Ả Rập Xê Út và Israel.
Về phía Mỹ, với tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng, Châu Âu cũng phải vận động Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ hiệp định hạt nhân quốc tế. Tehran kêu gọi Joe Biden tỏ cử chỉ thiện chí trở lại hiệp định. Vấn đề, theo Le Monde, là chính Iran đã vi phạm hiệp định này từ 18 tháng nay, tích lũy uranium vượt ngưỡng.
Le Figaro lạc quan hơn. Bài phân tích "Iran không rơi vào bẫy Israel" thẩm định tổng thống Rohani không sơ suất tạo cơ hội cho Donald Trump ra lệnh oanh kích ồ ạt, sẽ có đủ khôn ngoan chờ đến sau ngày 21/01/2021 để thương lượng với Joe Biden. Tổng thống Iran có bốn tháng để tạo niềm tin, tức là cơ may cho một ứng cử viên ôn hòa lên nối nghiệp, thay vì một nhân vật chủ chiến của Vệ binh Hồi giáo.
Trang quốc tế của nhật báo thiên hữu phân tích vụ ám sát Mohsen Farkhirizadeh, cha đẻ chương trình hạt nhân Iran. Vụ ám sát được tổ chức tinh vi như kịch bản phim gián điệp của Hollywood. Tehran tố cáo Israel, đe dọa trả thù, nhưng từ những năm gần đây, hàng loạt chuyên gia hạt nhân và tướng lãnh Iran đã bị giết, cho thấy an ninh Iran bất lực.
Mỹ : Với Joe Biden, "phụ nữ lên ngôi"
Trong khi chờ đợi Joe Biden nhậm chức, Libération giới thiệu đệ nhất phu nhân tương lai của Mỹ, còn đồng nghiệp Les Echos cho biết Châu Âu kỳ vọng sưởi ấm quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Với bài "Nhà Trắng, giờ của tiếng nói phụ nữ" và chân dung tân "đệ nhất phu nhân", nhật báo thiên tả phân tích đội ngũ đặc trách truyền thông và quan hệ với báo chí vừa được Joe Biden bổ nhiệm.
Phu nhân của tổng thống sắp nhậm chức, Jill Biden, 69 tuổi, kín đáo, nhưng có ảnh hưởng mạnh, sẽ tiếp tục đi dạy học ở đại học Virginia. Bà sẽ đóng vai trò then chốt trong hồ sơ giáo dục.
Les Echos với bức ảnh "Angela Merkel - Joe Biden năm 2015" cho biết Châu Âu sẽ không để mất cơ hội lịch sử. Đối đầu với sức mạnh độc tài đang lên, mà đứng đầu là Trung Quốc, Châu Âu sẽ thiết lập mối quan hệ với Hoa Kỳ trên một cơ sở mới, cùng nhau ghi dấu ấn của các nền dân chủ trong quan hệ quốc tế.
Ở trang Châu Á, Libération dành một bài phóng sự về quốc vương Thái Lan, dù "ăn chơi trụy lạc" nhưng có bản lĩnh ứng đáp khi bị phóng viên, tiếp cận bất ngờ, đặt câu hỏi nhạy cảm.
La Croix chú ý đến tình trạng giảm dân số, thiếu nhân công tại Nhật. Quần đảo Phù tang đứng trước vấn nạn : hoặc là mở rộng cửa đón di dân nhập cư, hoặc là chế tạo robot phục vụ. Tokyo chọn giải pháp thứ hai.
Tú Anh
Một số người gốc Việt ở Mỹ sẵn sàng tiêm ngay khi vaccine ngừa Covid-19 được tung ra trong khi cũng có người bày tỏ nghi ngại việc vaccine bỏ qua những bước an toàn bắt buộc nên ‘muốn đợi một thời gian’ rồi mới tiêm, theo tìm hiểu của VOA.
Vaccine ngừa Covid-19 đang được nghiên cứu một cách tốc hành so với nhiều vaccine khác trước đây
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ có vaccine hiệu quả và an toàn trong năm nay và thậm chí ‘có thể sớm hơn’. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu giới chức y tế các tiểu bang và các địa phương ‘sẵn sàng để phân phối vaccine đến những nhóm có nguy cơ cao kể từ 1/11, ngay trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11.
Nỗ lực có được vaccine ngừa Covid-19 được xem là lá bài quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, nhưng cộng đồng khoa học e rằng Toà Bạch Ốc sẽ gây áp lực với các cơ quan quản lý để cắt ngắn những bước cần thiết đảm bảo độ an toàn cho vaccine.
‘Trách nhiệm cao’
"Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ đang có nhu cầu đối với vaccine vô cùng lớn để họ an tâm sinh sống, an tâm làm việc, an tâm phát triển kinh tế", y tá Lê Văn Đạo ở bệnh viện St Elizabeth, thành phố Boston, bang Massachusetts, người chăm sóc cho bệnh nhân Covid và bản thân từng bị nhiễm Covid, nói với VOA.
Y tá gốc Việt này cho biết ông sẵn sàng tiêm một trong những mũi vaccine đầu tiên cũng như sẵn sàng tiêm cho những người chung quanh.
Ông Đạo nhìn nhận rằng nếu thúc đẩy việc chế tạo và vaccine quá nhanh ‘thì cẩu thả luôn có thể có’ nhưng do ở Mỹ và phương Tây ‘có sự ràng buộc trách nhiệm rất cao,’ mà nếu để xảy ra sơ suất thì sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề, nên ông ‘tin vào vaccine của Mỹ và Châu Âu hơn là của Nga hay Trung Quốc’.
"Đối với những nước như Mỹ có luật pháp phân minh và luật y tế rất rõ ràng thì hậu quả người ta thưa kiện sẽ rất khủng khiếp. Đó là sự răn đe rất hiệu quả đối với những người nghiên cứu chế ra thuốc chủng ngừa", (4 :47) ông lập luận và lưu ý ở Mỹ người dân có thể dễ dàng truy cập được những dữ liệu về kết quả thử nghiệm vaccine trong khi ở Nga và Trung Quốc ‘những thông tin này bị bưng bít’.
‘Quan ngại’
Anh Quinton Tăng, 25 tuổi, hiện đang làm kế toán tại thủ đô Washington D.C., nói anh ‘nhất định không tiêm vaccine ngay khi nó ra’ mà chẳng thà đợi một hai tháng xem người khác tiêm trước coi có hiệu quả như thế nào.
"Vaccine này có được quá sớm, họ làm xong nhanh quá nên tôi lo sợ sẽ có nhiều tác dụng phụ", anh giải thích và dẫn ra việc nhiều vaccine phải mất đến 10-15 năm mới được chính phủ cho phép lưu hành.
"Tiến sỹ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm) đã nói sớm nhất phải đến tháng Tư năm 2021 mới có vaccine mà bây giờ chính phủ nói sẽ có vaccine trong tháng 11", anh Quinton chỉ ra. "Có điều gì đó đáng ngờ ở đây. Mốc thời gian đó rất gần với ngày bầu cử".
Anh đồng ý rằng trước một vấn đề khẩn cấp như dịch bệnh virus corona thì việc nghiên cứu và bào chế vaccine cần phải được đẩy nhanh bằng cách ‘dồn sức người, sức của, cắt giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà’ nhưng đẩy nhanh ‘không có nghĩa là cắt bớt quy trình’.
"Trước đó, chính phủ đã dự tính sẽ đẩy nhanh quá trình tìm vaccine nhưng giờ đây cái mốc họ đưa ra thậm chí còn nhanh hơn cái mà họ dự tính trước đó. Điều này khiến tôi lo ngại", Quinton nói.
‘Chấp nhận rủi ro’
Ông Nguyễn Văn Tánh, 77 tuổi hiện đang sống ở bang New York và thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ được ưu tiên tiêm chủng một khi Mỹ có vaccine, nói ông ‘sẽ làm theo mọi người’.
"Tôi đồng ý là có thể có những biến chứng nhưng tôi chấp nhận rủi ro", ông nói thêm và giải thích rằng đó là cách ông ‘góp phần nhỏ cho nước Mỹ’ mà ông xem như là quê hương thứ hai.
Ông Tánh nói ông ủng hộ việc gấp rút tìm ra vaccine vì dịch bệnh ‘đã gây ảnh hưởng rất tệ hại cho kinh tế Mỹ’ và ông không cho rằng việc chính quyền muốn có vaccine sớm là ‘vì mục đích chính trị.’ Ông tin rằng ‘chính phủ xử lý vấn đề sức khỏe của người dân không thể làm cẩu thả’.
"Nếu vì chuyện bầu cử mà ông Tổng thống làm tác hại đến dân chúng, đến sinh mạng của đồng bào thì dù ông ấy có làm thêm một nhiệm kỳ nữa cũng sẽ bị người dân nguyền rủa, lên án", ông Tánh giải thích lý do vì sao ông tin chính phủ làm cẩn thận.
Tranh cãi về việc cấp phép khẩn cấp
Trong lúc này, ở Mỹ hiện đang có tranh cãi về việc liệu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có nên dùng quyền cho phép khẩn cấp để cho lưu hành sớm vaccine ngừa Covid-19 hay không.
Những người phản đối cho rằng động thái này sẽ gây ra mối nguy về an toàn và thổi bùng tâm lý bài vaccine trong người dân Mỹ. Những người ủng hộ lập luận rằng việc sớm cho phép vaccine sẽ giúp ‘cứu sinh mạng hàng ngàn người’.
Quyền cho phép lưu hành khẩn cấp là sự phê chuẩn tạm thời của FDA để đẩy nhanh việc cho lưu hành những sản phẩm y tế cần thiết trong một tình huống khẩn cấp về y tế. FDA đã từng sử dụng quyền này một lần trong lịch sử hồi năm 2005 để cho phép tung ra vaccine ngừa bệnh than.
Để cấp phép sử dụng khẩn cấp, FDA phải xác định được rằng vaccine ‘có thể có hiệu quả’ và ‘những lợi ích đã biết hay có thể có vượt quá rủi ro’, trong khi để được phê chuẩn đúng quy trình thì vaccine cần phải chứng tỏ là hiệu quả và an toàn một cách chắc chắn.
Ông Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, được Washington Post dẫn lời nói rằng ‘rất có khả năng’ những vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ được FDA dùng quyền cho phép khẩn cấp thông qua cho một nhóm đối tượng có chọn lọc, chẳng hạn như các nhân viên y tế, miễn là ‘dữ liệu cho thấy vaccine đó an toàn và có hiệu quả’.
Ông Peter Marks, giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, được Washington Post dẫn lời khẳng định rằng ‘những tính toán chính trị sẽ không can dự vào quá trình phê chuẩn vaccine’.
"Ý định của chúng tôi là đem đến cho người dân Mỹ không gì ít hơn tiêu chuẩn vàng", ông nói nhưng cũng nhấn mạnh rằng ‘sẽ là phi đạo đức nếu yêu cầu phải hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ cần phải có… nếu dữ liệu cho thấy vaccine hiệu quả và an toàn trong khi người ta vẫn chết vì Covid-19’.
"Chúng tôi có nghĩa vụ phải tính toán giữa lợi và hại", ông Marks nói.
Các chuyên gia về vaccine lo rằng bất cứ dấu hiệu nào về sự can thiệp chính trị vào quá trình tìm kiếm vaccine sẽ ‘làm tổn thương niềm tin công chúng’ và điều này ‘sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với sự sẵn lòng tiêm ngừa của người dân’.
"Nếu công chúng không tin tưởng vào quá trình cấp phép và nghĩ rằng nó đã bị chính trị ảnh hưởng, thì việc tiếp nhận vaccine sẽ như thế nào", ông John Moore, một nhà vi trùng học tại Trường Y thuộc Đại học Cornell, nói với Washington Post.
Trong một lá thư đề ngày 26/8, các bác sĩ bệnh truyền nhiễm của Mỹ yêu cầu dữ liệu về tính hiệu quả và an toàn của vaccine phải được ‘các chuyên gia nội bộ và chuyên gia độc lập xem xét’ nếu FDA sử dụng quyền cấp phép khẩn cấp.
Bà Patricia Zettler, từng là nhà tư vấn của FDA và hiện là giáo sư luật tại Đại học Bang Ohio, nói trên tờ Washington Post rằng ‘việc có những bằng chứng khắt khe về tính hiệu quả và an toàn của vaccine là cực kỳ quan trọng’.
Bà cho rằng do vaccine thử nghiệm được tiêm cho những người khỏe mạnh chưa có bệnh nên ‘cần phải tuân theo tiêu chuẩn cao và phải được thông qua quá trình phê chuẩn đầy đủ,’ mà quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 09/09/2020
Trọng Nghĩa, RFI, 12/08/2020
Tổng thống Donald Trump ngày 11/08/2020 thông báo một hợp đồng 1,5 tỷ đô la để mua 100 triệu liều vac-xin do hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna thử nghiệm. Đây là hợp đồng thứ sáu mua trước vac-xin kể từ tháng Năm vừa qua.
Vac-xin ngừa Covd-19 của hãng Moderna, đối tác của Các Viện Y Tế Quốc Gia Mỹ (NIH), là một trong ba dự án chế tạo vac-xin của phương Tây, đã bắt đầu giai đoạn cuối với các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 30.000 người tình nguyện vào tháng 7 vừa qua. Hai dự án còn lại là của liên minh giữa Đại Học Oxford của Anh với hãng dược AstraZeneca và liên minh giữa Pfizer và BioNTech.
Kết quả sơ khởi của giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, trên một số ít người, cho thấy vac-xin của Moderna đã tạo được phản ứng miễn dịch.
Thỏa thuận đặt mua của chính quyền Mỹ đã nâng số vốn đầu tư công vào hãng dược này lên thành 2,48 tỷ đô la, một khoản đầu tư lớn đối với một công ty chỉ mới được thành lập cách đây không đầy 10 năm và chưa từng chế tạo vac-xin.
Theo ghi nhận của AFP, chưa có một viện bào chế hay tập đoàn dược phẩm nào khác nhận được nhiều tiền như thế từ chính quyền Mỹ trong cuộc chạy đua chế tạo vac-xin.
Mỹ hiện là nước có số ca tử vong và ca nhiễm cao nhất thế giới. Ngày 11/08, Hoa Kỳ đã bị thêm 1.100 ca tử vong và 53.000 ca nhiễm trong 24 tiếng đồng hồ. Theo thống kê của đại học Johns Hopkins, tổng cộng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 164.480.
Tại Châu Mỹ Latinh, tình hình vẫn tiếp tục đen tối : Brazil có thêm 1.274 trường hợp tử vong, đưa tổng số người chết lên thành 103.026. Đứng thứ hai vùng Châu Mỹ Latinh, Mêhicô cũng ghi nhận thêm 6.686 ca nhiễm mới và 926 người chết, đẩy số tử vong chạm mốc 54.000 ca, theo sau là Achentina, với số tử vong vượt ngưỡng 5.000 người. Colombia cũng vượt mức 400.000 ca nhiễm, với hơn 13.500 người thiệt mạng.
Trọng Nghĩa
************************
Hôm 11/08/2020, với thông báo chế tạo thành công vac-xin "đầu tiên" ngừa Covid-19, Nga muốn chứng tỏ đã về đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu chế tạo liều thuốc tiêm chủng quý giá mà cả thế giới đang mong chờ. Thế nhưng, thông báo của tổng thống Vladimir Putin ngay lập tức được đón nhận bằng những phản ứng của giới khoa học hoài nghi nhiều hơn là hy vọng.
Giữa lúc cuộc chạy đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu đang bước vào giai đoạn nước rút, Matxcơva đã lên tiếng nhận chiến thắng. Ngày hôm qua, đích thân tổng thống Vladimir Putin khẳng định, trong một cuộc họp qua video được phát trên truyền hình, Nga đã về đầu trong cuộc đua này. Ông trịnh trọng tuyên bố, trong khi vẫn còn đang phải giãn cách xã hội tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva : "Lần đầu tiên trên thế giới, một loại vac-xin ngừa virus corona đã được đăng ký (…) Tôi được biết vac-xin khá công hiệu và tạo được miễn dịch lâu dài".
Tổng thống Nga còn cho biết con gái ông đã được tiêm loại vac-xin này.
Sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm lâm sàng trên người, như vậy chính quyền Nga đang từng bước chính thức phê duyệt cho phép sử dụng vac-xin trong dân Nga. Sản phẩm do phòng thí nghiệm Gamelaya nghiên cứu bào chế, được đặt tên Sputnik V, sẽ được lưu hành chính thức ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021. Ngay lúc này Nga cũng thông báo đã có 20 quốc gia đặt mua với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, Nga chưa hề công bố một kết quả nào liên quan đến quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vac-xin. Sputnik V còn phải qua công đoạn cuối cùng thử nghiệm trên diện rộng, bắt đầu từ ngày hôm nay, trước khi được chính thức phê chuẩn lưu hành trên thị trường.
Loại vac-xin với cái tên Sputnik V đầy biểu tượng đang gặp phải những phản ứng nghi ngờ từ giới khoa học quốc tế, do các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất, cũng như do thiếu các số liệu liên quan đến kết quả các công đoạn thử nghiệm.
Ít giờ sau khi Matxcơva công bố chế tạo thành công Sputnik V, đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết sẽ chỉ xác nhận cho loại vac-xin Nga này sau khi vac-xin trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả. AFP dẫn lời phát ngôn viên của WHO : "Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận đang tiếp tục. Khâu tiền thẩm định và chính thức công nhận vac-xin phải diễn ra theo đúng quy trình nghiêm ngặt".
Tuần trước, khi có thông tin loại vac-xin Nga đã sẵn sàng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo mọi loại vac-xin trước khi cho lưu hành rộng rãi phải tuân thủ các quy trình thử nghiệm theo quy định và hướng dẫn của tổ chức này.
Các nhà khoa học tại nhiều nước và ngay cả ở Nga cũng đã bày tỏ lo lắng trước việc Moskva vội vàng phê duyệt cấp phép cho loại vac-xin chưa hoàn thành đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Libération hôm nay, giám đốc Viện di truyền học thuộc Đại học College London, nhà nghiên cứu Thụy Sĩ François Bolloux tỏ ra phẫn nộ trước thông báo của chính quyền Nga. Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh đến mối nguy hiểm đối với dân chúng, khi một loại vac-xin được vội vàng tung ra thị trường.
Ông François Bolloux cho rằng : "Đây là một quyết định phi lý và hơn nữa là nguy hiểm. Một quyết định chính trị đưa ra trong một cuộc chạy đua điên rồ để trang bị vac-xin ngừa Covid 19. Điều này hoàn toàn vô trách nhiệm, dù sự việc có thế nào".
Trong khi đó giáo sư Odile Launay, thuộc bệnh viện Cochin Paris, trên báo La Croix thì khẳng định thông báo của chính quyền Nga hoàn toàn mang tính tuyên truyền, không hề có tính khoa học. Theo chuyên gia Pháp, không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Putin đưa ra thông báo : " Trong trận dịch này, có chuyện lẫn lộn giữa chính trị và khoa học. Ta đã thấy nhiều tổng thống, như Vladimir Putin hay Donald Trump của Hoa Kỳ, đã đưa ra các thông báo thay cho các nhà khoa học và theo cách sớm quá".
Chính điều này có thể làm gia tăng sự ngờ vực đối với các nghiên cứu vac-xin đang tiến hành rất tốt.
Thế nhưng, với tổng thống Putin, việc Nga là nước đầu tiên công bố một loại vac-xin có khả năng ngăn chặn đại dịch virus corona là niềm tự hào dân tộc và để khẳng định sự vượt trội với các cường quốc phương Tây, trong bối cảnh nước Nga đang ngày càng bị cô lập.
"Sputnik" là tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô sản xuất và phóng vào quỹ đạo năm 1957, mở ra kỷ nguyên chạy đua vào vũ trụ trên toàn thế giới. Cái tên vac-xin Sputnik V do viện Gameilaya phát triển đã phần nào nói lên tham vọng của Nga trong cuộc chạy đua mới này.
Nhưng điều chắc chắn là vội vàng phê duyệt các quy trình sản xuất vac-xin sẽ không giúp Nga trở thành người dẫn đầu cuộc đua, mà đó chỉ là trò đánh cược chính trị trên sức khỏe của con người.
Anh Vũ
Lý do chính khiến xung đột ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng bùng nổ, leo thang đột ngột là vaccin (vaccine), thuốc chủng ngừa Covid.
Chuyện gián điệp núp bóng ngoại giao, văn hóa để ăn cắp tài liệu quốc phòng hay kinh tế xưa như trái đất, nhưng ít khi đưa tới những biện pháp ngoạn mục như chuyện đóng cửa toà Tổng lãnh sự trong 72 giờ, chuyện đốt tài liệu trước mắt thiên hạ, hay chuyện công khai lùng bắt những người bị nghi làm tình báo.
Vaccin trở thành một ưu tiên hàng đầu của các cường quốc.
Ai kiếm ra vaccin đầu tiên còn quan trọng hơn đặt chân đầu tiên lên mặt trăng.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu đầu tư những ngân khoản khổng lồ, chưa từng thấy trong lịch sừ cho việc tìm vaccins
Vaccin quan trọng :
- Thứ nhất, vì lý do sức khỏe.
Các cường quốc khám phá ra dù hùng mạnh tới đâu cũng bất lực trước virus. Người chết như rạ, nhiều hơn cả chiến tranh, nhất là trong thời đại các cường quốc chỉ gây chiến, tham chiến từ xa, ít thiệt hại nhân mạng. Những cuộc bầu cử sẽ quyết đinh trên việc quản lý đại dịch.
- Thứ hai, vì lý do kinh tế.
Guồng máy kinh tế đột nhiên tê liệt, khủng hoảng không lối thoát. Kiếm được vaccin là điều kiện để xây dựng lại kinh tế, hàn gắn lại xã hội bị trọng thương. Có vaccin trước thiên hạ, sẽ hồi phục trước thiên hạ, chiếm thị trường trước thiên hạ, thắng lợi trong cuộc cạnh tranh đã dữ dội, càng dữ dội hơn với Covid. Chưa kể độc quyền về vaccin là một nguồn tài chánh vô hạn
- Thứ ba, vì lý do chính trị.
Có vaccin trước, dùng vaccin như một võ khí để thế giới ngả về phía mình.
Đó là ván bài của Trung Quốc, đang bị bối rối trên đường chinh phục, xâm lăng.
Đó là ván bài của Hoa Kỳ, chợt hiểu "America First" không có nghĩa là bỏ rơi trái đất trong tay Tàu.
Đó là ván bài của Liên Hiệp Châu Âu, muốn độc lập hơn bao giờ hết, từ khi thấy bộ mặt thực của Tập Cận Bình, ý thức được hiểm hoạ Tàu, nhưng không dám hoàn toàn tin tưởng vào đồng minh Hoa Kỳ nữa, sau thái độ bất thân thiện của Mỹ những năm gần đây.
Đó là lý do tại sao Trung Quốc dồn hết nỗ lực vào việc tìm, ăn cắp gấp rút những công trình nghiên cứu y khoa của Mỹ, và Hoa Kỳ ra tay cấp kỳ, bất chấp hậu quả ngoại giao, để trừ hậu hoạn. Trước khi quá trễ !
Từ Thức
Nguồn : https://www.facebook.com/tu.thuc.39, 27/07/2020