Virus corona : Hoang mang và ngờ vực lan nhanh không kém
Dịch viêm phổi do virus corona mới mang tên Covid-19 vẫn là tựa chính của nhiều tờ báo Pháp ngày 13/02/2020 cùng với nhiều bài viết dưới nhiều góc độ khác nhau.
Đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát của một làng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam, ngày 12/02/2020. Reuters
Trang nhất của Le Monde trích đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về trận dịch này là "rất nghiêm trọng với toàn cầu".
Nhật báo Le Monde nhấn mạnh đợt dịch đang là "mối đe dọa với thế giới". Ra từ chiều hôm trước nên con số thống kê 1.100 người chết ở Trung Quốc mà tờ Le Monde đưa ra đã lạc hậu. Mỗi ngày ở ổ dịch Hồ Bắc nói riêng đã có thêm hàng trăm người chết vì Covid-19 và số người nhiễm đã lên tới trên sáu chục ngàn.
Tình hình không có gì khả quan khi mà đến nay "chúng ta vẫn không biết làm sao loại virus này lây lan mạnh như vậy" như đánh giá của giáo sư Chung Nam Sơn, một chuyên gia virus nổi tiếng của Trung Quốc. Le Monde ghi nhận, mặc dù đã khoanh vùng dịch chính là tỉnh Hồ Bắc cũng như Trung Quốc, nhưng một vài ổ dịch tiềm tàng đang xuất hiện thêm ở bên ngoài Trung Quốc. Nạn dịch lây lan kéo theo một tâm lý hoang mang nghi kỵ ở khắp nơi.
Bắc Kinh : Khắc khoải trong sợ hãi và ngờ vực
Thông tín viên của Le Monde tại Trung Quốc, Frédéric Lemaitre, chứng kiến cuộc sống hàng ngày ở thủ đô Bắc Kinh trong những ngày dịch, gửi về bài phóng sự dài "Bắc Kinh lần hồi qua từng ngày". Tác giả bài báo mô tả lại quang cảnh của thành phố 21 triệu dân, nơi mà thời gian như ngừng lại : "Đường phố hoang vắng, đa số các cửa hàng đóng cửa, một bầu không khí nặng nề ngờ vực…".
Tác giả so sánh "Quảng trường Thiên An Môn, mỗi ngày thường vẫn đón hàng nghìn du khách, giờ còn vắng hơn cả sa mạc Gobi". Thành phố đã trở lại hoạt động từ đầu tuần này, nhưng hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc sống đang bắt đầu bình thường ở đây.
"Trong cả thành phố, xe bus, thường vẫn chật kín người, giờ chạy gần như trống không, thi thoảng có vài hành khách. Họ cố đứng cách xa nhau nhất có thể. Các nhà hàng đã có thể mở cửa, nhưng làm gì có thực khách. Mọi người đều dè chừng nhau. Ở Bắc Kinh, 90% các cửa hàng vẫn đóng cửa, những siêu thị hoạt động thì vội vàng đóng cửa ngay từ 15 giờ".
Ở các hiệu thuốc, người ta có thể thấy các dược sĩ trong bộ đồ bảo hộ như bác sĩ trong phòng mổ, hé cửa đưa thuốc cho khách mua. Trên cửa hiệu thuốc thường có tấm biển thông báo không còn khẩu trang, găng tay hay bất cứ loại sản phẩm nào để phòng dịch. Một người bạn nhắc phóng viên dùng xong khẩu trang thì xé đi, vì có một số người đi nhặt lại khẩu trang trong thùng rác tái chế để bán lại. "Vẫn luôn một không khí nghi kỵ lẫn nhau", tác giả bài báo nhận xét.
Theo phóng viên của Le Monde, khác với một số thành phố khác chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà 2 ngày 1 lần, Bắc Kinh không giới hạn nhưng có kiểm soát chặt việc đi lại của người dân. Ở lối vào các khu chợ, trung tâm thương mại hay khu dân cư, luôn có các bảo vệ đo thân nhiệt nên bạn không thể vào một khu dân cư lạ mà không trình thẻ căn cước ghi tên và nói rõ mục đích đến. Từ đầu tháng Hai, những người giao hàng bị cấm chuyển hàng đến từng nhà. Họ phải để hàng gửi tại sảnh các tòa nhà và thế là các sảnh chung cư biến thành những kho chứa hàng tạm bợ.
"Bắc Kinh, thành phố 21 triệu dân đang mệt mỏi chờ đợi kẻ thù vô hình", tác giả bài phóng sự kết luận.
Trong khi đó báo Le Figaro chú ý đến cuộc sống của những người trên con tàu du lịch sang trọng Diamond Pricess đang bị cách ly trên cảng Yakohama, Nhật Bản, vì nhiễm dịch Covid-19.
Trong số 3.700 người trên con tàu du lịch này, có 175 người được phát hiện dương tính với Covid-19 đã bị đưa xuống tàu để điều trị, số còn lại đang tiếp tục cuộc sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống trên tàu không thiếu thốn, nhưng ngày qua ngày họ phải sống trong tâm lý hoang mang lo sợ, không biết tương lai sẽ ra sao, bao giờ được trở về nhà và liệu có bị nhiễm virus không. Tàu Diamond Princess là con tàu lớn nhất trong lịch sử bị cách ly như thế này. Đến ngày 19/02 tới, thời hạn cách ly 14 ngày sẽ hết và trên nguyên tắc các hành khách có thể xuống tàu về nhà, nhưng vẫn sẽ có một số người tiếp tục bị cách ly do tiếp xúc với những người vừa phát hiện nhiễm virus trên tàu.
Nỗi ám ảnh sợ hãi còn lây lan nhanh sang con tàu Westerdam của Hà Lan. Theo Le Figaro, trên tàu không có trường hợp nhiễm Covid 19 nào trong số 1.455 hành thách và 802 nhân viên và thủy thủ đoàn. Thế nhưng con tàu trong những ngày qua liên tiếp bị từ chối cập các cảng ở Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Guam, Thái Lan. Lý do rất đơn giản : Tàu đã ghé cảng Hồng Kông trong thời gian phát dịch.
Rất may là cuối cùng, ngày hôm qua, 12/02, Cam Bốt đã chấp nhận cho Westerdam vào nghỉ tại cảng Sihanoukville. Một nỗi sợ hãi, dè chừng đôi khi thái quá đang lây lan nhanh không kém gì virus. Le Figaro trích dẫn bình luận của một nhà chuyên môn về vận tải hàng không tại Nhật Bản : "Người ta đang đánh dấu phạm vi cách ly dịch xung quanh các con tàu vì một loại virus mà người ta chưa biết gì nhiều. Loại virus này mới giết chết hơn 1.100 người trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, trong khi mà virus cúm thông thường mỗi năm vẫn làm 61 nghìn người chết ở Mỹ, mà không làm mủi lòng các nhà hoạch định chính sách. Nỗi sợ hãi hoàn toàn mới trước virus corona làm thương mại thế giới ngừng lại và sẽ còn có những hậu quả khác, chắc chắn là thê thảm. Liệu như thế có lý hay không ?"
Châu Âu – Việt Nam : Thương mại đã tự do
Thoát ra ngoài bầu không khí u uất chết chóc mang tên Covid-19, báo kinh tế Les Echos lưu tâm đến sự kiện hôm 12/02/2020, Hiệp định Tự do Thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua. Đây là sự kiện quan trọng đối với kinh tế của Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu.
Les Echos trích dẫn đánh giá của ông Phil Hogan, ủy viên Thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, trong phiên thảo luận hôm trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu, cho rằng đây là hai thỏa thuận "có tham vọng lớn nhất mà Liên Âu chưa từng ký với một đất nước đang phát triển". Theo tờ báo kinh tế, "với 47,6 tỷ euro trao đổi hàng hóa, Việt Nam là đối tác thương mại thứ hai của EU ở Đông Nam Á".
Tờ báo tóm tắt những điểm cơ bản của thỏa thuận tự do thương mại EVFTA, sẽ bắt đầu áp dụng từ mùa hè năm nay : "Hầu hết khối lượng hàng hóa buôn bán giữa hai nước sẽ được giảm thuế dần xuống mức 0% trong tương lai gần. Đối với các mặt hàng như xe hơi trong 10 năm tới sẽ không còn thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó thỏa thuận cũng bao gồm cả các quy định về điều kiện lao động, tôn trọng môi trường, sở hữu trí tuệ và nhân quyền cho Việt Nam".
Với Hiệp định tự do thương mại, Ủy ban Châu Âu dự báo : "Xuất khẩu của Liên Âu sang Việt Nam sẽ tăng 29%, trong khi hàng xuất của Việt Nam sang Châu Âu sẽ tăng 18%" và "Mỗi tỷ euro tăng thêm trong xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tạo thêm 14 nghìn việc làm cho Liên Hiệp Châu Âu".
Tờ báo cũng nhắc lại là đầu tuần này, khoảng 70 tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Nghị Viện Châu Âu không thông qua thỏa thuận trên, do tình hình đáng lo ngại về nhân quyền và các vấn đề về quyền lao động ở Việt Nam. Nhưng Ủy Ban Châu Âu đã giải thích trong các văn kiện đều có các cam kết ràng buộc pháp lý về mặt xã hội và môi trường. Chính thỏa thuận sẽ là cơ sở tốt nhất để Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và các cam kết về các vấn đề trên.
Nếu như chính phủ Việt Nam không tôn trọng các cam kết, Châu Âu vẫn có khả năng bãi bỏ hiệp định. Điều này đang xảy ra với Hàn Quốc, khi hồi tháng Giêng vừa qua Ủy Ban Châu Âu tuyên bố sẵn sàng cho ngừng hiệp định tự do mậu dịch nếu Hàn Quốc không phê chuẩn nhiều công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT).
Bài học nhãn tiền từ Cam Bốt
Cùng ngày thông qua hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam, Châu Âu đã trừng phạt Cam Bốt vì lý do không tôn trọng cam kết về nhân quyền và dân chủ (Liên quan đến việc chính quyền Hun Sen trấn áp đảng đối lập). Nhật báo Libération chạy tựa : "Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa với Cam Bốt của Hun Sen".
Tờ báo cho biết, hôm qua, 12/02, Ủy Ban Châu Âu đã quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan dành cho Cam Bốt trong khuôn khổ chương trình thương mại có tên gọi "Tất cả trừ vũ khí (TSA)". Lý do là Cam Bốt "vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các nguyên tắc nhân quyền". Lệnh trừng phạt này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/08 tới và chỉ có thay đổi nếu Nghị Viện hay Hội Đồng Châu Âu từ nay đến khi đó phản đối. Quyết định này liên quan đến các sản phẩm dệt may, đóng giầy, các sản phẩm phục vụ du lịch và đường. Những mặt hàng này chiếm khoảng 1 tỷ euro trong tổng số 5 tỷ euro xuất khẩu hàng năm của Cam Bốt sang EU. Trong khi đó, Châu Âu trong năm 2018 là đối tác thương mại lớn nhất của Cam Bốt, chiếm tỷ trọng 45% buôn bán của nước này.
Anh Vũ
Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn corona ? (VOA, 10/02/2020)
Hiện có những tranh cãi liệu Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc hay không, sau khi các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga… tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh corona, dẫn tới lời kêu gọi Việt Nam thực hiện hành động tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ý kiến khác nhau về việc Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Đinh Đức Long, cho VOA biết nhận định của ông :
"Nếu được thì nên đóng cửa biên giới một cách kịp thời. Đóng cửa biên giới vì lợi ích dân tộc và lợi ích sức khỏe.
"Đóng cửa vẫn tốt hơn là để cho người ta vào, lại phải kiểm tra người ta xem có lây nhiễm không, nếu có lại phải cách ly 14 ngày.
"Họ vào chẳng giải quyết được cái gì, cách ly họ thì mình lại bị tốn tiền chăm sóc cho họ.
"Nhà nước cũng đã lường hết cả rồi, họ phải cân nhắc thiệt hơn. Nhưng rõ ràng là chưa đóng cửa biên giới có rủi ro cao hơn là đóng cửa".
Việt Nam có đường biên dài 1.449km dọc theo 7 tỉnh phía bắc với Trung Quốc – quốc gia phát tán dịch virus corona ra 27 nước trên thế giới, khiến hơn 40 ngàn người nhiễm bệnh, và hơn 900 người tử vong.
Tính đến này 10/2, Việt Nam đã có 14 ca nhiễm corona, đa phần do lây nhiễm từ trung tâm bùng phát dịch corona ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
"Không có bất kỳ lý do gì để chúng ta chậm chạp hoặc thỏa hiệp trên tính mạng của nhân dân", Steven Nguyễn viết trên trang Viet Star USA.
Từ Sydney, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, một chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng người Việt ở Úc về dịch tễ học, nói với VOA :
"Nhiều người, kể cả cư dân mạng đòi Việt Nam nên đóng cửa biên giới. Nhưng khách quan mà nói, dựa vào các mô hình dịch tễ học sử dụng các giả định với các tham số khác nhau thì nếu đóng cửa biên giới thì giảm được bao nhiêu ca…
"Dựa vào các tính toán này, bất cứ chuyên gia dịch tễ học nào, cũng cho rằng việc đóng cửa biên giới không hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh như chúng ta tưởng".
Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định rằng lý do chính trị trong mối quan hệ mật thiết giữa Bắc Kinh và Hà Nội có thể là nguyên nhân chính khiến biên giới hai bên chưa thể đóng lại trong giai đoạn bùng phát dịch corona :
"Nga, Mông Cổ, và Hoa Kỳ họ đã làm mà sao mình chưa làm… có lẽ là do yếu tố chính trị quyết định.
"Nhiều khi ở Việt Nam, cương lĩnh của Đảng đặt cao hơn Hiến pháp và pháp luật.
"Xét về Luật thì Luật cho phép làm điều đó. Nhưng họ không làm hoặc chưa làm. Điều này không ai biết nhiều hơn những người lãnh đạo quốc gia".
Tuy nhiên, ở góc nhìn khoa học, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết :
"Theo sự tính toán của tôi – tất nhiên, tôi tính toán đơn giản thôi vì tôi không có nhiều dữ liệu – thì tôi nghĩ cũng vậy [không nên đóng cửa biên giới]. Cho dù mình có đóng cửa biên giới đi chăng nữa thì số ca thì số ca giảm được dao động từ 10-25% mà thôi.
"Tất nhiên đối với công chúng thì con số này cũng là tốt rồi. Nhưng đối với dịch bệnh thì con số này không đáng kể.
"Ngoài ra, cũng có những lý do về chính trị ; những người cầm quyền cần phải làm cái gì đó để hài lòng người dân.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói : "Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga… đã đóng cửa biên giới. Các cách họ làm không dựa vào khoa học, mà có lẽ là dựa vào các lý do chính trị thì đúng hơn".
Trong khi đó, các quốc gia không có chung biên giới với Trung Quốc như Đài Loan, Singapore, Philippines, Malaysia,… cũng dừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc.
Hiện tại Việt Nam chỉ áp dụng biện pháp cách ly đối với người quá cảnh hay nhập cảnh từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, ngoài việc tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
An Hải
*********************
Bộ Công thương khuyến cáo hạn chế giao thương qua biên giới trong dịch bệnh coronavirus (RFA, 10/02/2020)
Bộ Công thương Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu và địa phương tránh đưa hàng hóa qua biên giới khi dịch bệnh virus corona đang diễn biến phức tạp.
Hơn 200 xe chở thanh long bị ùn ứ tại tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh chụp ngày 04/02/2020. Courtesy : haiquanonline.com.vn
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 10/2, dẫn thông báo từ Bộ Công thương cho biết đề nghị của Bộ này được đưa ra ngay sau khi Chính quyền tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc thông báo tiếp tục lùi thời gian thông quan hàng hóa tại các chợ biên giới và tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới cho đến cuối tháng 2, thay vì ngày 10/2 như đã thông báo trước đó.
Bộ Công thương dự báo Chính quyền tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cũng có thể sẽ ra quyết định tương tự.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu được báo giới dẫn lời cho biết một trong những biện pháp điều tiết hàng hóa tránh ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc là thực hiện theo đề nghị của Bộ Công thương, qua thông báo tránh đưa hàng lên biên giới trong thời điểm giao thương còn bị hạn chế.
Bộ Công thương cho biết sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới. Bên cạnh đó, Bộ Công thương kêu gọi các doanh nghiệp hậu cần giảm các chi phí để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và nông dân.
Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu…giúp cho nông dân trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh virus corona.
*******************
Thêm ba trường hợp nhiễm nCoV tại Việt Nam được xuất viện (RFA, 10/02/2020)
Ba bệnh nhân viên đường hô hấp cấp do nCoV điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 của Việt Nam được thông báo khỏi bệnh và cho xuất viện vào chiều ngày 10 tháng 2.
Hình minh họa. Một phụ nữ bế một đứa trẻ xuống sân bay Vân Đồn, sau khi về từ Vũ Hán hôm 10/2/2020 - AFP
Truyền thông trong nước cho biết cả 3 trường hợp đều là những công dân Việt Nam trong nhóm người từ Vũ Hán trở về trong tháng 1 vừa qua. Những bệnh nhân này đều là người tỉnh Vĩnh Phúc gồm hai nữ và một nam.
Các bệnh nhân này được điều trị từ 9 đến 15 ngày tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 (Hà Nội), đến chiều ngày 10 tháng 2 được xuất viện.
Đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 7 trên 14 trường hợp nhiễm virus nCoV. Đây là chủng virus mới gây nên dịch bệnh viêm phổi cấp, xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lây lan mạnh ở Hoa Lục cũng như sang nhiều nước khác trên thế giới như hiện nay.
Tin từ truyền thông trong nước vào ngày 10 tháng 2 nói ba trường hợp khác được điều trị khỏi nCoV tại Việt Nam gồm hai cha con người Trung Quốc tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh, và một nữ bệnh nhân tại Bệnh Viện Đa Khoa Thanh Hóa.
Vào tuần trước, truyền thông trong nước cũng loan tin một nhân viên lễ tân khách sạn tại Thành phố Nha Trang, người có tiếp xúc với hai cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh vừa nêu, mắc nCoV được khỏi bệnh và xuất hiện vào chiều ngày 4 tháng 2.
An Hải
********************
Dịch nCoV : Vĩnh Phúc là tâm điểm vì nhiều người dính bệnh ở Trung Quốc ? (VOA, 10/02/2020)
Tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh thủ đô Hà Nội đang thu hút sự chú ý của công luận khi các con số thống kê chính thức cho thấy tỉnh này có đến 9 ca nhiễm virus corona chủng mới trong tổng số 14 ca ở Việt Nam.
Tỉnh Vĩnh Phúc có số ca nhiễm nCoV nhiều nhất Việt Nam tính đến ngày 10/2/2020
Loại virus nguy hiểm có tên gọi tắt là nCoV đến nay làm chết hơn 910 người và khoảng 40.300 người nhiễm trên thế giới, trong đó đại đa số là ở Trung Quốc, với thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là tâm dịch.
Nhà chức trách Việt Nam cho hay 3 ca nhiễm đầu tiên ở Vĩnh Phúc là những người trong đoàn 8 công nhân đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc, rồi trở về hôm 17/1.
Trong những ngày sau đó kéo dài cho đến gần đây, thêm 2 người trong đoàn công nhân và 3 người thân, 1 người hàng xóm của công nhân có tên viết tắt là N.T.D cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Báo chí Việt Nam dẫn lời các cơ quan y tế tường thuật rằng 2 ca mới nhất được phát hiện có những điều đặc biệt là một người không có biểu hiện bệnh nhưng xét nghiệm vẫn dương tính, còn một người có thời gian gặp gỡ rất ít, không ở cùng nhà với bệnh nhân đã nhiễm bệnh.
Điều này "gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng dịch tại Vĩnh Phúc", theo báo Tuổi Trẻ. Tờ báo lập luận rằng có thể trong cộng đồng "sẽ có thêm bệnh nhân nhiễm bệnh" vì có những người tiếp xúc với các công nhân kể trên ở giai đoạn họ không có dấu hiệu đau ốm, nên đã không phòng tránh.
Một bệnh nhân ra viện ở Thanh Hóa sau khi được điều trị khỏi nCoV
Dẫn ý kiến của giới chuyên môn, Tuổi Trẻ viết rằng "cần cách ly cả một khu vực địa lý là nơi bệnh nhân N.T.D. từng ở, khu vực đó rộng bao nhiêu phụ thuộc vào những nơi D. đã đi lại trong thời gian từ ngày 17/1 đến khi được cách ly".
Tin cho hay Bộ Y tế nói với Tuổi Trẻ vào ngày 9/2 rằng bộ "đang xem xét những biện pháp chống dịch mạnh hơn tại Vĩnh Phúc", nhưng không đề cập đến khả năng phong tỏa một phần hoặc toàn bộ tỉnh.
Do tình hình dịch bệnh ở Vĩnh Phúc "diễn biến phức tạp", tỉnh này "đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống theo phương châm không chủ quan, không bị động, không hoang mang", lãnh đạo tỉnh báo cáo khi họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 10/2, được trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật lại cùng ngày.
Trang Thông tin Chính phủ nói tỉnh "tiến hành thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường" và "trưng dụng Trường Quân sự tỉnh" với sức chứa 500 người để làm khu giám sát tập trung những người tiếp xúc gần với người bệnh.
Ngay lập tức, cơ sở nêu trên đã được Sở Y tế Vĩnh Phúc sử dụng khi họ "giám sát y tế tập trung thêm 103 người" do đã tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính nCoV, nâng tổng số người bị giám sát ở tỉnh lên thành 249 người vào ngày 10/2, vẫn theo Thông tin Chính phủ.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh "theo dõi y tế" hàng nghìn người
Theo quan sát của VOA, tin tức phát đi từ Vĩnh Phúc gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội, nhiều người lo ngại về khả năng virus lây lan sang thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, giới chức y tế Hà Nội được trang tin Zing dẫn lời cho hay hôm 10/2 rằng ở thủ đô của Việt Nam "chưa có ca nghi ngờ mới" và hiện "chỉ còn 896 người phải giám sát y tế" là những người đến từ vùng dịch.
Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất đồng thời là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, 2.106 người đang thuộc diện bị "giám sát và cách ly y tế" do họ nhập cảnh từ hoặc đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày, các báo trong nước đưa tin hôm 10/2. Đến nay, trong số nhữngngười này "chưa có trường hợp nào phát hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh", các báo cho biết.
Trên toàn Việt Nam, về mặt thống kê, tổng số ca dương tính với nCoV hiện là 14, gồm các ca ở Vĩnh Phúc, 2 người Trung Quốc và 1 Việt kiều Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 người ở Khánh Hòa và 1 người ở Thanh Hóa.
Nhưng trên thực tế, 6 người đã khỏi bệnh, bao gồm 3 người ở Vĩnh Phúc, 1 người ở Thanh Hóa, 1 người ở Khánh Hòa và 1 người Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh, trang Thông tin Chính phủ cho biết.
Như vậy, con số thực sự những người còn đang được điều trị chỉ là 8, gồm 6 người ở Vĩnh Phúc, bên cạnh 1 Việt kiều Mỹ và 1 người Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà chức tránh tiếp nhận công dân Việt Nam ở sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, 10/2
Việt Nam sơ tán đợt đầu công dân từ Vũ Hán
Cũng liên quan đến dịch nCoV, trang Thông tin Chính phủ loan báo rằng 30 công dân Việt vừa được nhà chức trách Việt Nam sơ tán khỏi tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, và đưa về nước.
Tin cho hay chuyến bay của hãng Vietnam Airlines chở các công dân kể trên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, vào sáng sớm ngày 10/02. Nhà chức trách "khử trùng và kiểm tra y tế" 30 công dân, sau đó cách ly họ và theo dõi y tế.
"Hiện nay, toàn bộ số công dân nêu trên - đặc biệt là một nữ hành khách đang mang thai 8 tháng - có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt", trang Thông tin Chính phủ nói.
Vẫn còn ít nhất là 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại Trung Quốc, theo lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/2, và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc "giữ liên hệ chặt chẽ" với các công dân này.
Trước khi đưa 30 người Việt hồi hương, máy bay của Vietnam Airlines đã vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế của chính phủ, nhân dân và Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Trung Quốc, ngoài ra, chuyến bay đó cũng giúp đưa 11 người Trung Quốc về Vũ Hán, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật.
Các bài tường thuật của báo trong nước, trong đó có Zing và Tuổi Trẻ cho biết phía Trung Quốc xác nhận họ đã nhận được số hàng viện trợ và cảm ơn Việt Nam qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại một cuộc họp báo hôm 10/2.
*******************
Mỹ ‘tự hào hỗ trợ Việt Nam đối phó’ virus corona (VOA, 10/02/2020)
Mỹ ‘tự hào hỗ trợ Việt Nam đối phó’ virus Corona
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho VOA tiếng Việt biết như vậy hôm 10/2, đồng thời cho hay rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam "đang phối hợp chặt chẽ" với chính phủ Việt Nam để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra.
Cơ quan ngoại giao này cũng nói thêm rằng CDC "đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực xét nghiệm" cũng như "phát triển và triển khai các công cụ thu thập dữ liệu và phân tích các trường hợp nhiễm nCoV".
"CDC ở Việt Nam đang phối hợp với CDC tại Atlanta, Bộ Y tế Việt Nam và các viện y tế công cộng ở Việt Nam để có được 4.000 bộ xét nghiệm nCoV thông qua trung tâm International Reagent Resource của CDC để phân phối cho các phòng thí nghiệm được chọn trên khắp Việt Nam", Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho VOA biết thêm.
Cho đến nay, CDC ở Việt Nam đã hỗ trợ Cục Quản lý Khám chữa bệng (VAMS) thuộc Bộ Y tế Việt Nam "tiến hành đào tạo về lấy mẫu và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm về nCoV đối với 60 người tham gia từ 15 bệnh viện quốc gia và tuyến đầu, bao gồm một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội vào ngày 6/2/2020", vẫn theo Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Nguồn tin này cho hay, vào tuần tới, CDC ở Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo tương tự cho các bệnh viện tỉnh và các trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật tại 11 tỉnh miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, CDC ở Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để có được thông tin kịp thời về các ca nhiễm gần đây tại Việt Nam, bao gồm cả với công dân Mỹ, Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho biết thêm.
"Dữ liệu được thu thập được sẽ giúp tăng sự hiểu biết của chúng tôi về sự bùng phát dịch bệnh hiện tại, bao gồm cả thời gian ủ bệnh và thời gian lây nhiễm", cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ cho biết.
An Hải
********************
Việt Nam muốn cùng các nước Đông Nam Á chống virus Corona (VOA, 09/02/2020)
Việt Nam mới bày tỏ mong muốn phối hợp với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của chủng virus Corona mới (nCoV).
Lực lượng cảnh sát bán vũ trang gần Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam cho biết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn như vậy trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 4/2.
Ông Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời "đánh giá cao chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh chóng, đồng bộ để ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh lan rộng" đồng thời bày tỏ "tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và với năng lực ngành y tế đã được minh chứng, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng ngăn chặn thành công dịch bệnh này".
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang Facebook chính thức của ông Widodo ngày 4/2 không đề cập tới cuộc điện đàm cũng như đề xuất của Thủ tướng Phúc, nhưng có đề cập tới việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu vì virus Corona, cũng như việc Indonesia tổ chức sơ tán hơn 230 công dân nước này khỏi thành phố Vũ Hán.
Cổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Widodo, Thủ tướng Phúc đã "bày tỏ đánh giá cao Indonesia là một trong những nước đã triển khai nhanh các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus nCoV".
Tin cho hay, lãnh đạo Việt Nam và Indonesia cho rằng "các nước thành viên của ASEAN cần chủ động phối hợp, điều phối hành động của mỗi quốc gia theo đúng tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" là chủ đề của ASEAN năm nay, nhằm tìm ra các giải pháp chung, chia sẻ trách nhiệm đối phó với dịch bệnh chung của khu vực".
"Các nước ASEAN đã có kinh nghiệm quý trong phối hợp đối phó với dịch SARS năm 2003, do đó cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực đối phó với dịch nCoV lần này", thông báo của chính phủ Việt Nam có đoạn.
Việt Nam hiện đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng như là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo ông Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh "đã gửi thư đến các nước ASEAN" để nêu đề xuất trên.
Trong thư của ông Minh, tin cho hay, Việt Nam "đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự... và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN".
Philippines, một thành viên của ASEAN, là nơi mới đây ghi nhận một trường hợp tử vong đầu tiên vì virus Corona ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời cho biết "hoàn toàn tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc".
Ông Widodo và ông Phúc được cho là đã nhất trí "tăng cường sự phối hợp không chỉ trong ASEAN mà còn giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân các nước ASEAN bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là đối với những người còn kẹt ở vùng dịch".
Thủ tướng Singapore : Sợ hãi nguy hại hơn virus Corona (VOA, 10/02/2020)
Thủ tướng Singapore hôm 8/2 nói rằng nỗi sợ hãi gây nguy hại hơn là sự lây lan của virus Corona, theo Reuters.
Ông Lý Hiển Long lên tiếng như vậy một ngày sau khi Singapore nâng mức cảnh báo về virus Corona lên mức màu cam giống như lần xảy ra dịch SARS năm 2003, khiến dân chúng đổ xô đi siêu thị mua sạch hàng hóa về để tích trữ.
"Không cần thiết phải hoảng loạn. Chúng tôi không phong tỏa thành phố hoặc nhốt mọi người ở nhà", ông Lý nói, theo Reuters.
"Chúng tôi có nguồn cung ứng dồi dào, vì thế không cần phải tích trữ mỳ tôm, thực phẩm đóng hộp hay giấy vệ sinh như một số người đã làm ngày hôm qua".
Tin cho hay, Singapore đã xác nhận 33 trường hợp nhiễm virus Corona và một số trường hợp không liên quan tới việc đi tới Trung Quốc, nơi hơn 800 người đã tử vong.
Ông Lý nói thêm rằng nếu các trường hợp tiếp tục tăng và tỷ lệ tử vong vẫn thấp, chính phủ có thể khuyến khích những người có các triệu chứng nhẹ nghỉ ngơi ở nhà thay vì tới bệnh viện, để cho các nhân viên y tế tập trung vào những ca bệnh nặng.
Tin cho hay, virus Corona đã lan sang ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây nhiễm cho hơn 330 người, khiến nhiều nước phải tiến hành các biện pháp phòng chống.
*******************
Virus corona : Số người nhiễm tăng, Anh báo động "đe dọa nghiêm trọng" (RFI, 10/02/2020)
Luân Đôn coi virus corona là mối "đe dọa nghiêm trọng cho y tế công cộng". Ngày 10/02/2020, bộ Y Tế Anh thông báo đã ban hành các biện pháp khẩn cấp để "làm chậm lại tiến độ lây lan và ngăn chặn" dịch bệnh đến từ Trung Quốc.
Nga điều máy bay quân sự đưa công dân Nga và công dân các nước Xô Viết cũ khỏi Vũ Hán, ngày 05/02/2020. Yuri Shestak/Vsluh.ru/Handout
Trong khuôn khổ các biện pháp mới, tất cả những người bị lây nhiễm có thể bị cách ly cưỡng chế vì an nguy của chính bản thân họ và của nhân viên y tế.
Các biện pháp trói buộc này nhằm giúp cho các cơ quan y tế cộng đồng tập trung hoạt động chống dịch trên toàn quốc, theo giải thích của bộ Y Tế Anh. Hai bệnh viện lớn, gồm Arrowe Park ở miền bắc và Kent Hills Park ở miền trung, được chọn để cách ly người bị lây nhiễm.
Cũng trong khuôn khổ biện pháp khẩn cấp, Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc được gọi là "vùng nhiễm trùng". Anh Quốc ghi nhận có thêm 5 trường hợp mới, nâng tổng số ca lây nhiễm lên 8. Trong số này, có một người Anh mang siêu vi từ Singapore về Pháp, lây cho 7 người tại Pháp, Tây Ban Nha và Anh lưu trú chung trong một ngôi nhà nghỉ trượt tuyết tại làng Contamines trong dãy núi Mont Blanc.
Đề phòng siêu vi lây lan, làng Contamines được giám sát chặt chẽ. Xét nghiệm kiểm chứng tiếp tục được thực hiện và nới rộng đến khoảng 100 người có tiếp cận ít nhiều với đương sự. Đợt xét nghiệm hôm thứ Bảy 08/02 phát hiện có 5 công dân Anh bị lây nhiễm.
Số nạn nhân ngoài Hoa lục gia tăng
Bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa lục địa, dịch virus corona tiếp tục lây lan. Thống kê loan báo ngày 10/02/2020 ghi nhận 330 nạn nhân tại 27 nước và vùng lãnh thổ. Châu Á đứng đầu danh sách với Nhật Bản 162 người, Singapore 43, Thái Lan 32, Hàn Quốc 27, Malaysia 18, Việt Nam 14…
Tại cảng Yokohama (Nhật Bản), du thuyền Diamond Princess tiếp tục bị cách ly cùng với 3.700 du khách và nhân viên từ một tuần nay. Xét nghiệm công bố hôm 10/02 cho biết có thêm 45 người bị lây siêu vi corona, nâng tổng số bệnh nhân lên 130 tính từ ngày phát hiện các ca đầu tiên.
Diamond Princess trở thành "trung tâm dịch" ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Du thuyền này, cách nay 10 ngày, quá cảnh thăm viếng một số nơi ở Đài Bắc. Chính quyền Đài Loan công bố danh sách các địa điểm này làm dân chúng lo ngại.
Từ Tây Môn Đình, một trong những khu phố du lịch nổi tiếng của Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre gửi về bài phóng sự :
"Emma, nữ chủ nhân một tiệm bánh ngọt, khăn choàng cổ kéo lên tận cằm, khẩu trang kéo lên tận mắt, không tiếc lời phản đối. Tiệm của bà nằm giữa Tây Môn Đình, một trong những nơi du khách của Diamond Princess đến thăm : Làm việc ở đây nguy hiểm quá. Tất cả những người buôn bán đều sợ không biết mình có bị lây nhiễm hay không. Tôi nghĩ rằng chính phủ nên buộc tất cả du khách đến đây đều phải đeo khẩu trang.
Thứ Sáu tuần trước (07/02), người dân Đài Loan nhận được thông cáo báo động qua điện thoại kèm theo bản đồ và danh sách khoảng 30 địa điểm mà du khách của Diamond Princess đặt chân đến.
Biện pháp báo động đặc biệt này thường chỉ được kích hoạt khi sắp có thiên tai. Do vậy, nó làm cho người dân không khỏi lo âu.
Một thanh niên bán y phục chia sẻ : Gửi lệnh báo động đến tất cả mọi công dân là điều vô nghĩa. Lẽ ra, phải kêu gọi mọi người nhớ đeo khẩu trang thay vì đưa ra danh sách những nơi được gọi là nguy hiểm. Làm như thế khiến ai nấy đều sợ hãi. Hôm nay là Chủ Nhật mà đường phố vắng người.
Các biện pháp cẩn trọng của chính quyền Đài Loan tỏ ra có hiệu nghiệm trong nỗ lực chống dịch corona chủng mới. Chỉ có 18 trường hợp lây nhiễm tại Đài Loan. Nhưng rất có thể số người bị lây sẽ tăng thêm sau chuyến quá cảnh của du thuyền Diamond Princess".
Tại Việt Nam, báo cáo chính thức cho biết có thêm hai ca mới nâng tổng số nạn nhân nhiễm siêu vi corona chủng mới lên 14.
Cũng theo báo chí Việt Nam, một nhóm 30 công dân Việt Nam cư trú tại Vũ Hán đã được di tản về Quảng Ninh bằng máy bay đặc biệt. Tất cả đã được cách ly để theo dõi sức khỏe.
Tú Anh
*******************
Virus corona làm chính sách thân Bắc Kinh của Duterte bị chỉ trích (RFI, 10/02/2020)
Không đến tận Bắc Kinh như thủ tướng Cam Bốt Hun Sen giữa tâm dịch virus corona mới (2019-nCoV), nhưng tổng thống Philippines Rodrigo Duterte luôn luôn ủng hộ đồng nhiệm Tập Cận Bình và tin vào khả năng giải quyết dịch của Trung Quốc.
Người dân Philippines đổ xô đi mua khẩu trang tại một hiệu thuốc ở Manila, sau khi chính phủ thông báo ca tử vong đầu tiên vì virus corona mới, ngày 31/01/2020. Reuters/Eloisa Lopez
Trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona mới bên ngoài Hoa lục là ở Philippines, vào ngày 01/02/2020, càng khiến người dân nước này lo lắng về nguy cơ dịch lan rộng. Trong khi đó, tổng thống Duterte vẫn khẳng định không có lý do gì để cấm du khách Trung Quốc đến Philippines. Nhưng trước những lời chỉ trích, lo lắng của đại đa số dân chúng, ông đã phải đổi ý và ra lệnh tạm thời cấm nhập cảnh vào Philippines đối với đa số khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Macao từ ngày 03/02.
Từ việc yêu cầu đòi ngừng đón khách du lịch Trung Quốc, từ khoảng cuối tháng Giêng, người dân Philippines thậm chí đi xa hơn, đòi chính quyền trục xuất hết người Trung Quốc về nước. Yêu cầu mang tính cực đoan này dĩ nhiên không được tổng thống Duterte chấp nhận, đồng thời đánh giá là "bài Trung Quốc" trong bài diễn văn ngày 03/02.
Tuy nhiên, virus corona mới chỉ là cái cớ để một bộ phận người dân Philippines giải tỏa phẫn nộ, bức xúc về người Trung Quốc nói chung trên các mạng xã hội và qua đó lên án chính sách thân Trung Quốc của tổng thống Duterte, theo nhận định trong bài viết "Chính sách thân Trung Quốc của Duterte đạt đến giới hạn lây lan" (Duterte’s pro-China policy hits a viral limit) đăng trên Asia Times ngày 06/02/2020. Tác giả George Amurao có thể đã chơi chữ khi sử dụng từ "viral", mang hai nghĩa "do virus" và "lây lan".
Chính sách thân Bắc Kinh mở cửa cho người Trung Quốc
Trước tiên, chính sách thân Bắc Kinh của tổng thống Duterte được thể hiện qua số lượng người Trung Quốc đến Philippines trong 3 năm rưỡi trở lại đây, vừa du lịch vừa nhập cư. Chính làn sóng người Hoa xuất hiện đông đảo đã khiến người dân Philippines bất bình vì tình trạng tội phạm gia tăng liên quan đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng người Hoa. Họ có cảm tưởng đất nước bị người Hoa xâm chiếm và điều này giải thích hiện tượng bài Trung Quốc.
Chỉ tính từ tháng Giêng đến tháng 11/2019, Philippines đón khoảng 1,6 triệu du khách từ Hoa lục, chiếm 22% tổng lượng du khách nước ngoài (7,5 triệu người). Ngoài ra, còn phải kể đến số người Trung Quốc đến làm việc bất hợp pháp tại Philippines, không được thống kê, chủ yếu cho các công ty vận hành sòng bạc trực tuyến Philippines (Philippine offshore gaming operators, POGO), phần lớn thuộc sở hữu của các doanh nhân Trung Quốc.
Trang Asia Times, trích thẩm định của ông Franklin Drillon, thượng nghị sĩ đối lập và là cựu bộ trưởng Lao Động, theo đó có hơn 400.000 lao động Trung Quốc ở Philipines năm 2019, trong đó hơn một nửa không có giấy phép lao động hợp lệ. Theo số liệu thẩm định gần đây của nhiều cơ quan truyền thông địa phương, vào tháng 08/2019, có khoảng từ 100.000 đến 150.000 người Trung Quốc làm việc trong các POGO.
Những công ty POGO phát triển mạnh dưới thời tổng thống Duterte và có tác động đến nền kinh tế của thủ đô Manila. Các công ty cờ bạc qua mạng này có nguồn thu lớn cũng là một yếu tố làm tăng giá thuê nhà ở, vượt qua khả năng của tầng lớp trung lưu Philippines.
Những công ty POGO hoạt động theo chuỗi khép kín, trong một thế giới riêng. Nhân công Trung Quốc được chở trong những chiếc xe kín từ nơi ở đến nơi làm việc, chỉ ăn trong những nhà hàng Trung Quốc và không tiếp khách địa phương. Một số cơ quan truyền thông địa phương thường xuyên đưa tin về thái độ bất lịch sự của người Trung Quốc, đặc biệt vụ một ông sếp người Trung Quốc, không có giấy tờ hợp lệ, đã tấn công một nữ bồi bàn Philippines năm 2018 khiến công luận bức xúc.
Tổng thống Duterte cho biết không có ý định bắt giữ và trục xuất lao động Trung Quốc bất hợp pháp vì sợ Bắc Kinh gửi trả vài trăm nghìn lao động Philippines để trả đũa, trong khi nguồn ngoại hối từ người lao động Philippines gửi từ nước ngoài về là một phần đáng kể cho thu nhập của đảo quốc này.
Tỉ lệ hoạt động tội phạm gia tăng từ khi người Hoa lục xuất hiện
Các chính trị gia đối lập đang cố xác định xem liệu làn sóng người Hoa lục có liên quan đến tình trạng hoạt động tội phạm gia tăng, cũng như nạn bắt cóc và gái mại dâm hay không.
Từ năm 2018-2019, số vụ bắt cóc có liên quan đến người Trung Quốc từ Hoa lục đã tăng 71%, chủ yếu liên quan đến chơi bạc trực tuyến. Tháng 01/2020, cảnh sát Philippines đã bắt giữ bốn người Trung Quốc có âm mưu bắt cóc một cô gái Philippines 18 tuổi ở Makati, ngoại ô Manila.
Cùng tháng đó, cảnh sát cũng mở điều tra về các mạng lưới gái mại dâm người Trung Quốc, họ chỉ phục vụ các khách hàng đồng hương, chủ yếu làm việc trong các POGO.
Phản đối Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông
Nhìn rộng hơn, tâm lý bài Trung Quốc còn được thể hiện qua những lần người dân Philippines xuống đường phản đối Bắc Kinh gây hấn ở Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng nhỏ có tranh chấp chủ quyền.
Thêm vào đó, gần đây, tổng thống Duterte đã phê chuẩn cho một tập đoàn Trung Quốc tham gia liên danh với công ty dịch vụ hàng không Macroasia để xây dựng sân bay Sangley Point ở ngoại ô Manila (hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la), trong đó có Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) từng tham gia bồi đắp các đảo nhân tạo do quân đội Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông.
Chính sách đối phó với virus corona mới của tổng thống Duterte có lẽ chỉ là giọt nước làm tràn ly. Tâm lý lo sợ lan rộng. Trong khi các nước trong khu vực, không ồn ào, nhưng công bố số người nhiễm virus và diễn biến dịch bệnh, người dân Philippines cũng lên tiếng yêu cầu được bảo vệ hơn. Ông Duterte ít xuất hiện trên truyền thông trong thời gian này, mà theo phát ngôn viên Panelo, tổng thống ở Davao "để đọc các báo cáo về virus". Tuyến đầu được dành cho bộ trưởng Y Tế Francisco Duque III. Tuy nhiên, ông không thuyết phục được Thượng Viện khi cho rằng cấm toàn bộ du khách Trung Quốc có lẽ sẽ gây khó khăn thêm cho chính quyền Bắc Kinh.
Thị trường khan hiếm, chính phủ xuất hơn 3 triệu khẩu trang sang Trung Quốc
Khẩu trang khan hiếm trên thị trường, trong khi người dân lo sợ, vội vã đi mua khẩu trang dự phòng. Tình trạng khan hiếm được chính phát ngôn viên phủ tổng thống, ông Salvador Panelo, khẳng định : "Làm thế nào chúng tôi có thể phát miễn phí khẩu trang khi không còn nữa ?" khi ông trả lời truyền thông về câu hỏi liệu có phát miễn phí khẩu trang như Singapore đang làm hay không.
Trong khi phủ tổng thống khẳng định không có khẩu trang để phát cho dân, thì thượng nghị sĩ Richard Gordon, một người thân cận của tổng thống Duterte, cho biết đã huy động và xuất khẩu được hơn 3 triệu khẩu trang sang Trung Quốc. Phát biểu trái ngược, thiếu thống nhất giữa hai quan chức khiến người dân phẫn nộ. Họ cho rằng trở chính quyền tổng thống Duterte quan tâm đến Trung Quốc hơn là sức khỏe của người dân đã bầu ông làm tổng thống.
Cùng lúc trên mạng Twitter lan truyền hashtag #OustDuterte với khoảng 45.000 tweet tranh luận về chủ đề này. Hashtag này cũng lan truyền trên mạng Facebook để phản đối cách xử lý khủng hoảng. Đội ngũ dư luận viên của chính phủ thường chỉ trích gay gắt, lăng mạ những ai tấn công tổng thống Duterte, giờ bỗng đổi giọng, kêu gọi người dân Philippines đồng cảm với người Trung Quốc đang phải đối mặt với cảnh bị đối xử phân biệt vì nạn dịch.
Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội đã nhanh chóng phát hiện nguồn gốc của những tin nhắn đó là từ một "trang chuyên cung cấp thông tin" của chính phủ. Phát hiện trên cho thấy ý đồ định hướng của chính phủ để công luận có thiện cảm hơn với người Trung Quốc sống ở Philippines.
Cuối cùng, tổng thống Duterte đành xuất hiện trước công chúng hôm 03/02 với thông báo cấm du khách Trung Quốc. Trong buổi họp báo, ông phát biểu : "Trung Quốc đã rất tử tế với chúng ta, chúng ta chỉ nên chứng tỏ cho họ thấy điều tương tự. Mọi người hãy ngừng ngay việc bài Trung Quốc", đồng thời trấn an người dân : "Mọi chuyện vẫn ổn".
Thu Hằng
Virus corona : Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc sau Thiên An Môn
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra vẫn là chủ đề được báo chí Pháp quan tâm khai thác.
Tập Cận Bình tăng cường kiểm duyệt thông tin về dịch virus corona tại Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 05/02/2020. Reuters
La Croix tập trung đề cập đến sự hợp tác của các nhà khoa học trên thế giới để tìm ra phương pháp điều trị và bào chế vắc-xin.
Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Hệ thống Tập Cận Bình bị virus corona thách thức" và nhận định cách nhà chức trách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng y tế đang bị chỉ trích và đã trở thành một thách thức chính trị lớn cho chính quyền cộng sản.
Cứ mỗi buổi sáng, số liệu thống kê của chính quyền Trung Quốc về số người chết vì virus corona lại khiến công luận lo sợ, nhất là con số tổng kết mà Bắc Kinh công bố ngày 09/02/2020. Với 811 người chết tại Hoa lục, nạn dịch corona đã khiến nhiều người Trung Quốc thiệt mạng hơn cả đại dịch SARS năm 2002-2003. Một nhà ngoại giao cấp cao, hiện có mặt tại Bắc Kinh, nhận định : "Đó là ngưỡng mà Bắc Kinh không hề muốn thấy, vì sợ rằng dân chúng nói là tiến bộ của Trung Quốc cuối cùng cũng chỉ được đến thế sau 17 năm".
Les Echos nhận định chế độ cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức chính trị nghiêm trọng nhất kể từ cách mạng Thiên An Môn cách nay 30 năm. Tập trung nhiều quyền lực trong tay hơn so với bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình phải "đứng mũi chịu sào", cho dù đã sắp xếp để thủ tướng Lý Khắc Cường lãnh đạo Ủy ban phụ trách cuộc chiến chống dịch bệnh.
Tình hình ngày càng nghiêm trọng sau cái chết của vị bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng, 1 trong 8 bác sĩ đầu tiên đã báo động về dịch bệnh, rồi bị bắt vì tội "phát tán thông tin sai lệch". Làn sóng phẫn nộ bùng lên rộng khắp trên các mạng xã hội. Cái chết thương tâm của bác sĩ Lý cũng cho công chúng thấy chế độ Trung Quốc hoạt động không tốt, ngày càng chuyên quyền, độc đoán và quản lý đất nước bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi. Trong bối cảnh đó, một số nhà trí thức Trung Quốc đã viết nhiều bức thư ngỏ, kêu gọi tự do ngôn luận. Rất có thể họ sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt.
Les Echos nhấn mạnh ý đồ giấu giếm thông tin của chính quyền địa phương không phải là một hiện tượng mới xuất hiện của chế độ cộng sản. Tập Cận Bình đã củng cố luật im lặng (omerta), buộc các công chức phải tuyệt đối trung thành, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm trị. Vì thế, không một quan chức nào dám ho he, vì sợ bị ủy ban thanh tra, cơ quan chống tham nhũng chính tại Trung Quốc, trừng phạt.
Trung Quốc hiện đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa virus, nhưng theo Les Echos, những ngày tới đây sẽ mang tính quyết định đối với công tác quản lý dịch bệnh, bởi vì đây là thời điểm hơn 8 triệu người dân Bắc Kinh trở lại làm việc. Trên nguyên tắc, hôm nay thứ Hai (10/02), các nhà máy sẽ mở cửa trở lại sau hai tuần ngưng sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, để đề phòng dịch bệnh, một số hãng dự kiến đến tuần sau mới mở cửa trở lại.
Điều mà công luận chờ đợi là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm xói mòn vị thế chính trị của Tập Cận Bình ở mức độ nào. Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Baptiste Hồng Kông lưu ý tại Trung Quốc, dân chúng thường quy trách nhiệm cho nhà chức trách địa phương hơn là cho chính quyền trung ương. Thêm vào đó, người dân Trung Quốc, trong hoàn cảnh bị cách ly và sợ hãi virus như hiện nay, sẽ rất khó để cùng phối hợp để phản kháng.
Trên các mạng xã hội hiện nay, nhiều người liên hệ khủng hoảng virus corona với khủng hoảng hạt nhân Tchernobyl, dự báo chủ tịch Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức nào. Tuy nhiên, giáo sư Cabestan nhận định Tập Cập Bình giống lãnh đạo Léonid Brejnev hơn là Mikhail Gorbatchev, ông ta sẽ ngả về các biện pháp tăng cường kiểm duyệt, trấn áp hơn là tiến hành cải cách chính trị.
Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ?
"Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ?" là một câu hỏi được đặt ra trong mục Ý tưởng và Thảo luận của báo Les Echos. Tác giả Charles-Edouard Bouée điểm lại những phát minh công nghệ đã được Trung Quốc huy động để phòng ngừa và chiến đấu với virus corona mới : một thiết bị bay không người lái được trang bị caméra cảm ứng bay đến đậu bên ngoài từng nhà để đo thân nhiệt của người dân, những máy bay tự hành phun xịt chất khử trùng tại nơi công cộng hoặc giải tán đám đông.
Meituan, một công ty bán hàng trực tuyến đã điều chỉnh công nghệ, sử dụng dịch vụ giao hàng "không tiếp xúc trực tiếp", nhất là thực phẩm, để khách và nhân viên giao hàng không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau, tránh nguy cơ lây lan virus.
Những người còn nhớ đại dịch SARS hoành hành tại Trung Quốc hồi năm 2002-2003, thấy đã có những sự thay đổi đáng kể trong công tác quản lý dịch bệnh hiện nay. Các hãng công nghệ lớn và chính phủ Trung Quốc hiện nay đã có khả năng triển khai những sức mạnh công nghệ đến mức khó tin.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh ngày càng gây nhiều chết chóc. Tác giả cho rằng nhiều thiết bị công nghệ hứa hẹn sẽ phát huy tác dụng. Kết hợp thiết bị thu tín hiệu hồng ngoại và trí thông minh nhân tạo, tập đoàn Baidu Trung Quốc đã cho ra đời thiết bị đo thân nhiệt của khách đang di chuyển trong sân bay, với mức độ sai lệch chỉ là 0,05 độ C. Mạng xã hội Wechat thì phát triển phương thức khám bệnh với bác sĩ "ảo", cho phép chẩn đoán gần như chắc chắn những người nhiễm virus corona. Robot được sử dụng để lau chùi, vệ sinh, khử trùng và phân phát bữa ăn tại những khoa có bệnh nhân đang bị cách ly cho nhiễm virus.
Robin Li, nhà sáng lập tập đoàn Baidu, đã tuyên bố với các cộng sự là Big Data và trí thông minh nhân tạo không chỉ cho phép tăng hiệu quả của công tác quản lý đô thị và các sáng chế y khoa trong các giai đoạn có dịch bệnh mà còn mang lại lợi ích cho tất cả các ngành công nghiệp và thúc đẩy những ngành này phát triển. Tác giả lưu ý là nếu vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến thêm một bước trong việc làm chủ công nghệ, khiến các nước khó đuổi kịp chính quyền cộng sản hơn.
Thế nhưng, sức mạnh và mục đích sử dụng của các công nghệ này cũng khiến nhiều người lo sợ là sẽ có sự chệch hướng. Những hình ảnh được Hoàn cầu Thời báo phát đi, theo đó, một phụ nữ lớn tuổi ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang, bị thiết bị bay tự hành phát đi những câu bất nhã, buộc bà phải quay về nhà đeo khẩu trang và rửa tay. Video lan truyền nhanh chóng trên mạng internet và bị chỉ trích rất dữ dội, bởi vì nếu những thiết bị kiểu này có thể kiểm soát dịch bệnh thì cũng có thể kiểm soát dân chúng trong những hoàn cảnh bình thường không có nạn dịch. Tác giả kết luận những tiến bộ kỹ thuật đều đi kèm với nỗi sợ hãi về việc quyền tự do cá nhân bị xâm phạm.
Bồ Đào Nha hạn chế "thị thực vàng" và giảm ưu đãi thuế với người nước ngoài
Nhìn sang Châu Âu, trong bài viết "Bồ Đào Nha xem xét lại các ưu đãi dành cho người nước ngoài", Le Monde cho biết chính phủ Lisboa đã từ bỏ một phần chương trình "thị thực vàng" được áp dụng từ năm 2012 và ngưng chương trình miễn thuế cho người nước ngoài không định cư thường xuyên ở Bồ Đào Nha, vì cho rằng đất nước không còn trong bối cảnh kinh tế khẩn cấp để tiếp tục duy trì hai chương trình thu hút đầu tư nói trên.
Đất nước Bồ Đào Nha lâu nay là một thiên đường thuế với người nước ngoài. Trước đây, do khủng hoảng kinh tế, có nhu cầu gấp về tiền tệ, chính phủ Lisboa thu hút cư dân nước ngoài giàu có thông qua chương trình RNH (kể từ năm 2009), theo đó người ngoại quốc đến sống tại Bồ Đào Nha được miễn thuế trong vòng 10 năm. Từ năm 2009, đã có tổng cộng 30.000 người được hưởng ưu đãi từ chương trình RNH, 1/3 số đó là người Pháp, sau đó là người Anh và Ý.
Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, ưu đãi mà những người này được hưởng đã gây nhiều tranh cãi, vì nhờ thỏa thuận mà chính phủ Bồ Đào Nha ký được với các nước, những người theo chương trình RNH không phải nộp thuế ở cả trong nước họ lẫn tại Bồ Đào Nha.
Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha còn có chương trình thị thực vàng, theo đó chỉ cần đầu tư 500.000 euro vào bất động sản ở nước này là công dân ngoài Châu Âu được cấp giấy phép cư trú. Tới đây, thị thực vàng sẽ không còn được cấp cho những người đầu tư mới vào bất động sản ở các thành phố lớn như Porto, Lisboa, các thành phố ven biển, nơi thị trường bất động sản không đủ khả năng đáp ứng và giá cả đã tăng quá cao.
Chương trình thị thực vàng cũng bị chỉ trích rất nhiều. Liên Hiệp Châu Âu thì cho rằng chương trình ẩn chứa nguy cơ rửa tiền, còn người dân Bồ Đào Nha lại cho rằng cư dân nước ngoài đến định cư nhiều phần nào đã khiến giá bất động sản bị đẩy lên quá cao.
Trên thực tế, trong số 4,9 tỉ euro thu được từ chương trình thị thực vàng, có tới 4,5 tỉ euro là tiền đầu tư vào bất động sản ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, số vốn đầu tư theo kiểu này đã giảm 11,4% vào năm 2019. Đối tượng thị thực vàng thu hút được nhiều nhất là người Trung Quốc, 4.500 người, tiếp theo là người Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và người Nga.
Giờ đây, chính quyền Lisboa muốn điều chỉnh lại các quy định để buộc người nước ngoài hạn chế dồn về các đô thị lớn, thay vào đó, hướng họ đầu tư vào những vùng cư dân thưa thớt hơn để góp phần phát triển những vùng này. Những người đầu tư vào sản xuất, với số tiền trên 1 triệu euro và tạo hay duy trì việc tuyển dụng 10 nhân công sẽ được hưởng những ưu đãi như trong các chương trình trước đây.
2020 - năm nhiều nguy cơ cho các nhà xuất khẩu Pháp
Trở lại với nước Pháp, báo Les Echos trong bài viết "Một năm nguy cơ cao cho các nhà xuất khẩu Pháp" nhận định virus corona, Brexit và thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể gây những tác động tiêu cực nghiêm trọng tới ngoại thương Pháp.
Năm 2019, Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông 27 tỉ euro hàng hóa, chiếm 1,4% GDP cả nước. Doanh thu bán những mặt hàng cao cấp sản phẩm hàng không, không gian cho Trung Quốc lần lượt đạt 4 và 8,5 tỉ euro. Các hãng phụ tùng xe hơi của Pháp là nhà cung cấp lớn nhất của ngành chế tạo xe hơi của Đức.
Đức xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm 90 tỉ euro hàng hóa, trong khi đó Pháp lại xuất sang Đức mỗi năm 70 tỉ euro hàng. Toàn cầu hóa khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau, nếu Đức bị tác động, Pháp cũng bị ảnh hưởng theo. Du khách Trung Quốc mang lại 7% cho thu nhập của ngành du lịch Pháp. Vào năm 2019, 2,5 triệu người Trung Quốc đến thăm Pháp và đã chi 4,7 tỉ euro để mua sắm.
Virus corona chắc chắn gây tác hại cho nền kinh tế Trung Quốc, gián tiếp mang lại hệ quả tiêu cực cho nền ngoại thương Pháp. Brexit cũng là một mối đe dọa cho ngoại thương Pháp. Yếu tố thứ ba là thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 ký hồi giữa tháng 01/2020, theo đó Trung Quốc cam kết nhập 200 tỉ đô la hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai năm tới. Điều này dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ giảm mua hàng của Châu Âu, trong đó có Pháp.
Trong khi đó, sau khi đạt hưu chiến với Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện giờ đang gia tăng sức ép đối với Châu Âu, và nhất là Pháp. Chỉ một tháng sau khi Washington ngày 01/11/2019 tăng thuế nhập khẩu rượu Pháp, lượng rượu Pháp bán tại Mỹ đã giảm 44%. Washington muốn sẽ ký được với Liên Hiệp Châu Âu một thỏa thuận thương mại phổ quát hơn trong những tuần tới.
Les Echos dự báo nếu việc ký kết thất bại, Châu Âu, trong đó có Pháp, sẽ có nguy cơ gánh những đòn trừng phạt mới của Donald Trump.
Thùy Dương
Dịch bệnh do virus corona dĩ nhiên có tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc, mà lại là quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc.
Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 31/01/2020. Reuters
Trong phiên họp thường kỳ của chính phủ ngày 05/02/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết là do tác động của dịch viêm phổi do virus corona, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 năm 2020 có thể giảm 1%. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng dự báo là nếu kinh tế Trung Quốc giảm mạnh do dịch bệnh kéo dài, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong cuộc họp báo cùng ngày hôm đó, ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, cho biết : "Các kịch bản tính toán cho thấy tác động của dịch bệnh này tới tăng trưởng kinh tế năm nay là rất nghiêm trọng". Hiện giờ chính phủ Hà Nội không điều chỉnh hoặc hạ chỉ tiêu tăng trưởng, tuy nhiên, bộ Kế Hoạch & Đầu Tư đã dự trù hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1 là, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 6,27%. Trong kịch bản 2, nếu đến quý 2, dịch bệnh mới được kiểm soát, tỷ lệ này dự báo chỉ đạt 6,09% .
Vấn đề là hiện nay chưa ai có thể đoán trước là dịch viêm phổi do corona virus sẽ diễn tiến ra sao, khi nào lên đến đỉnh điểm và khi nào mới chấm dứt.
Trước mắt, những ngành sẽ bị sụt giảm mạnh nhất vì dịch bệnh là nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là hàng không, du lịch.
Du lịch sẽ bị thất thu nặng
Để ngăn chận sự lây lan của virus corona từ Vũ Hán, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 01/02/2020 đã ký quyết định công bố dịch ở Việt Nam. Chính phủ đồng thời đã cho ngưng toàn bộ các chuyến bay đến và từ Trung Quốc, ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc, cũng như những du khách ngoại quốc nào đã ở Trung Quốc trong hai tuần trước đó. Toàn bộ xe lửa chở khách đến và từ Trung Quốc cũng tạm ngưng hoạt động. Bản thân chính phủ Bắc Kinh kể từ ngày 27/01 cũng đã cấm dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài theo đoàn. Cho dù không bị cấm thì chắc là ít có người nào ở Trung Quốc nghĩ đến chuyện đi du lịch ở nước ngoài trong lúc này.
Tất cả các biện pháp kể trên gây ảnh hưởng nặng nề đối với trước hết là du lịch, vì số du khách Trung Quốc chiếm tới khoảng 30% tổng số du khách ngoại quốc đến Việt Nam. Theo các số liệu chính thức, du khách Trung Quốc thậm chí chiếm đến một phần ba tổng số 18 triệu du khách đến Việt Nam năm 2019.
Theo báo chí trong nước, trước khi các biện pháp hạn chế du lịch được ban hành, trong tháng 1/2020, mà năm nay trùng với Tết Nguyên Đán, đã có đến hơn 640 ngàn du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong tháng 2 này, chắc chắc là số du khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ giảm mạnh và số du khách ngoại quốc nói chung cũng sẽ giảm theo, bởi vì nhiều người sẽ ngại đến Việt Nam, quốc gia nằm sát cạnh ổ dịch Trung Quốc.
Báo chí trong nước ngày 07/02 dự báo là dịch virus corona có thể khiến ngành du lịch Việt Nam thất thu từ 5,9 tỷ đến 7,7 tỷ đôla trong ba tháng tới.
Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm
Một lĩnh vực khác bị tác động mạnh, đó là xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm hơn 20%. Ngoài lý do tháng Giêng năm nay rơi vào dịp Tết, một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh như vậy đó là ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus corona tại Trung Quốc.
Trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ, bộ Công Thương Việt Nam dự báo là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm từ 5 đến 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dự báo này dựa trên kịch bản là dịch viêm phổi do virus corona được kiểm soát trong vòng chưa tới 3 tháng, tức là kịch bản lạc quan nhất.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, bị nặng nhất là nông sản. Theo báo cáo của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ngày 03/02, ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện nay quả thanh long và dưa hấu đang gặp nhiều khó khăn. Đây là hai mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong số các nông sản xuất Trung Quốc trong dịp Tết và đang bị ứ đọng tại biên giới Việt - Trung do hai bên đều hạn chế giao dịch. Hai mặt hàng khác cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là sữa và thủy sản, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn.
Riêng về thủy sản, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là họ tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020, hoặc cho đến khi chính phủ Trung Quốc thông báo các hoạt động giao thương bình thường trở lại.
Theo trang SeafoodSource ngày 05/02, Navico, một trong những nhà sản xuất cá tra hàng đầu ở Việt Nam, cũng dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 1 năm nay. Trong thông cáo đưa ra ngày 03/02, Navico nhận định là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của công ty này, chắc là sẽ giảm trong đầu năm 2020 do tác động của dịch virus corona.
Trước tình hình xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc có nguy cơ sụt giảm mạnh, bộ Nông Nghiệp Việt Nam cho biết sẽ làm việc với bộ Công Thương và các sứ quán Việt Nam ở các nước để giới thiệu nông sản Việt Nam và thăm dò các thị trường mới để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu.
Vậy, chính phủ Việt Nam nên có những biện pháp nào để hạn chế tác động của dịch virus corona, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn.
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn
Huỳnh Bửu Sơn : Trong thời điểm hiện nay thì ưu tiên vẫn là làm sao ngăn chận được sự lây lan của dịch virus corona này. Chúng ta cũng thấy ảnh hưởng của dịch bệnh, trước mắt là đối với du lịch và ngay cả trong nước, những ngành về dịch vụ về ăn uống, về giải trí cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Rõ ràng là việc đi lại từ nông thôn đến thành thị, rồi việc tránh tập trung nơi đông người, nói chung việc phải bảo hộ, tránh lây lan cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.
Điều quan trọng là nếu chúng ta thành công trong việc ngăn chận dịch bệnh, thì điều này sẽ tạo ra một ảnh hưởng tâm lý đối với người dân cũng như đối với sản xuất. Đó phải là ưu tiên, bởi vì trong cái tâm lý lo sợ như vậy, việc sản xuất hay kinh doanh đều bị ảnh hưởng hết.
RFI : Trong bối cảnh hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có nguy bị ứ đọng, Việt Nam có thể thi hành những biện pháp gì để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?
Huỳnh Bửu Sơn : Việc chuyển hướng sang những nước khác, như là riêng đối với các mặt hàng nông sản hay các ngành công nghiệp thực phẩm, thì trong thời gian một, hai quý trước mắt, không dễ gì mà chúng ta có thể tìm những đối tác ở các nước khác để tiêu thụ lượng hàng mà Trung Quốc tạm thời ngưng nhập khẩu từ Việt Nam.
Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam từ lâu đã theo hướng đa dạng hóa, như là phát triển thị trường EU hay thị trường Bắc Mỹ, thậm chí đi tìm thị trường Nam Mỹ hay Phi Châu. Ngoài việc tham gia hiệp định thương mại với EU, Việt Nam còn đang triển khai hiệp định CPTPP, cho nên việc đa dạng hóa các nguồn xuất khẩu của Việt Nam đã được thực hiện trong nhiều năm nay và cũng đã thấy một số kết quả, chẳng hạn như đối với thị trường Mỹ, có thể nói là xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng và xuất siêu từ Mỹ cũng khá là lớn.
Cho nên tôi nghĩ là sắp tới, ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam, nhất là về xuất khẩu sang Trung Quốc hay nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ ngày càng giảm đi, để nó không chiếm một tỷ trọng quá lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam. Nhưng để thay thế cho sự sụt giảm của (lượng hàng xuất khẩu sang) Trung Quốc thì có lẻ là chúng ta cần nhiều thời gian.
Ảnh hưởng đến các công ty ngoại quốc
Dịch viêm phổi do virus corona cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty ngoại quốc tại Việt Nam.
Theo tờ Nikkei Asian Review ngày 06/02/2020, tập đoàn HOYA của Nhật Bản, công ty hàng đầu thế giới về đĩa thủy tinh dùng để sản xuất ổ cứng, đang xem xét khả năng "tạm thời tổ chức lại nhân sự" tại các cơ sở sản xuất của công ty này ở Việt Nam và Thái Lan. Một trong những phương án dự trù là tạm thời cho công nhân nghỉ việc. Tập đoàn Hoya dự báo là nhu cầu về ổ cứng ở Trung Quốc sẽ giảm mạnh do tác động của virus corona đối với sản xuất máy tính cá nhân và thiết bị trung tâm dữ liệu. Mà Hoya thì chuyên cung cấp đĩa thủy tinh cho các nhà sản xuất ổ cứng chuyên cung cấp cho các công ty Trung Quốc. Hiện nay, Hoya có hai nhà máy ở Việt Nam, một ở Hà Nội và một ở tỉnh Hưng Yên.
Nhưng dịch virus có thể lại có một tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đó là một số công ty ngoại quốc, như của Nhật Bản, sẽ dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác ở Châu Á như Việt Nam.
Theo hãng tin Kyodo ngày 07/02/2020, các nhà sản xuất Nhật Bản đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì sợ các nhà máy tại nước này sẽ phải đóng cửa lâu dài do hậu quả của dịch virus corona. Các nhà phân tích được Kyodo trích dẫn nói rằng dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một quyết định dễ dàng và tạm thời sẽ khiến chi phí tăng thêm, nhưng một số công ty Nhật không thể chờ cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Toru Nishihama, kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi dự báo là khác với dịch SARS những năm 2002-2003, rất có thể là Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để khống chế dịch virus corona.
Thanh Phương thực hiện
Nguồn : RFI, 10/02/2020
Virus corona : Việt Nam thông báo nuôi cấy phân lập thành công virus (RFI, 07/02/2020)
Việt Nam cũng đang lao vào cuộc chạy đua với thời gian để nghiên cứu chủng virus corona mới. Ngày 07/02/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo nuôi cấy và phân lập chủng virus corona mới thành công. Trong khi đó, chính quyền thông báo có thêm 2 ca dương tính tại Vĩnh Phúc.
Coronavirus. Creative commons
Theo viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam, ông Đặng Đức Anh, đây là một bước quan trọng cho phép xét nghiệm nhanh các trường hợp bị hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm. Bộ Y tế Việt Nam hy vọng có thể nghiên cứu và phát triển vac-xin chống viêm phổi do siêu vi chủng mới gây nên. Trước mắt, chính quyền Việt Nam cho biết vừa phát hiện thêm hai ca dương tính mới tại tỉnh Vĩnh Phúc, nâng tổng số người bị lây nhiễm lên thành 12.
Trong nỗ lực phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, trang mạng của VietnamInsider ngày 06/02/2020 đưa tin ban lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, cách nay hai ngày, đã không cho phép 286 hành khách trên 16 chuyến bay quốc tế vào Việt Nam với lý do những người này đã "quá cảnh hoặc ở đã cư ngụ tại các vùng có dịch bệnh".
Dịch viêm phổi xuất phát từ thành phố Vũ Hán bắt đầu tác động đến ngành du lịch Việt Nam. Truyền thông trong nước ngày 07/02/2020 cho biết thiệt hại trong ba tháng sắp tới ước tính lên tới từ 5,9 đến 7,7 tỷ đô la. Năm 2019, trong số 18 triệu du khách đến Việt Nam, một phần ba trong số đó là người Trung Quốc.
Về mặt ngoại giao, trong cuộc họp báo chiều ngày 06/02/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã nhận được đơn xin về nước của 29 công dân Việt Nam đang kẹt tại ổ dịch tỉnh Hồ Bắc. Chính quyền đang "nỗ lực giải quyết" vấn đề này. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói rõ về thời điểm và thủ tục hồi hương các công dân đó. Hiện có khoảng 400 người Việt đang sống tại Trung Quốc.
Cũng trong cuộc họp báo này, bà Lê Thị Thu Hằng thông báo thêm, trong cương vụ chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đề nghị với các đối tác Đông Nam Á tăng cường nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Thanh Hà
**********************
Sao Việt Nam vẫn chưa di tản công dân, chưa đóng cửa biên giới dù dịch lan rộng ? (RFA, 07/02/2020)
Chưa di tản công dân Việt tại Vũ Hán về !
Các quan chức Việt Nam trong những ngày qua nhiều lần nhắc đến việc sẽ di tản công dân Việt còn ở Vũ Hán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ ngày 4/2 cho biết, máy bay chở hàng hóa đến Vũ Hán giúp người dân Trung Quốc chống nCoV, sau đó sẽ đưa công dân Việt Nam về nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho báo chí biết, hiện ở Vũ Hán, có 24 công dân Việt Nam, trong đó 19 người muốn trở về Việt Nam.
Ảnh minh họa chụp ở Vũ Hán hôm 5/2/2020. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 cho báo chí biết, tính đến ngày 6/2 đã có 29 công dân Việt Nam tại tỉnh Hồ Bắc bày tỏ nguyện vọng về nước. Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, sẵn sàng đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước khi cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và nước sở tại, trên cơ sở nguyện vọng công dân.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có chuyến bay nào được chính phủ Việt Nam tổ chức để đưa công dân Việt Nam kẹt ở Trung Quốc về nước. Trong khi đó hàng loạt quốc gia muốn nhanh chóng đưa kiều dân thoát khỏi vùng tâm dịch, Mỹ và Nhật là hai nước đầu tiên đưa công dân rời tâm dịch Vũ Hán từ ngày 29/01/2020. Sau đó Hàn Quốc, Úc và một số nước Châu Âu cũng đã tổ chức đưa công dân của mình hồi hương. Đến nay đã có rất nhiều quốc gia hành động tương tự.
Trả lời RFA hôm 7/2 liên quan vấn đề này, Nhà báo Ngô Nhật Đăng, nhận định :
"Khi có các thảm họa xảy ra ngoài lãnh thổ của mình thì chúng ta đều thấy các chính phủ có trách nhiệm với công dân thì việc đầu tiên là lo cho sự an toàn của công dân mình. Việt Nam thì có du học sinh, công nhân ở Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt là Vũ Hán, tôi cũng quen một số bạn là sinh viên du học ở Vũ Hán. Ngay từ ban đầu, các nước như Mỹ, Canada… đều có kế hoạch sơ tán công dân… trong khi Việt Nam thì thuận lợi hơn, biên giới thì gần, nhiều phương tiện giao thông, nếu mà làm thì rất đơn giản. Nhưng đến nay thì chỉ là tuyên bố mà chưa có một động thái nào ?
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, chúng ta phải đặt câu hỏi, chính phủ Việt Nam có trách nhiệm như thế nào với công dân ? Nhất là đối với thân nhân của những người Việt đang ở Vũ Hán.
Ảnh minh họa chụp ở Vũ Hán hôm 7/2/2020. AFP
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã liên lạc được với hơn 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch ở Trung Quốc tình hình sức khoẻ của các công dân này đang ổn định. Tuy theo một số nguồn thông tin khác, số người Việt Nam ở Trung Quốc hiện nhiều hơn con số 400 người rất nhiều.
Facebooker ‘Gà Đồi Văn Duy’, một sinh viên Việt Nam hiện vẫn đang ở tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, anh cũng là người đưa nhiều video ở Vũ Hán sau khi bị phong tỏa vì đại dịch lên mạng xã hội, hôm 7/2/2020 có trao đổi với RFA qua tin nhắn cho biết anh vẫn khỏe mạnh và bình an. Khi được hỏi về nguyện vọng được sơ tán về Việt Nam của anh và những người Việt khác ở Vũ Hán, anh trả lời như sau :
"Vâng cảm ơn phóng viên ạ, mình ở Vũ Hán… Cái này không được ạ. Vì là vấn đề của mỗi cá nhân. Mình cũng không nắm được… Cảm ơn Bác đã quan tâm. Em xin phép không trả lời được không ạ. Mong anh thông cảm".
Biên giới vẫn mở khi dịch tiếp tục lây lan !
Không chỉ vấn đề sơ tán công dân Việt Nam ở Trung Quốc bị cho là chậm trễ, việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng được nêu lên vì Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, nơi phát tán dịch virus corona. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương (!?)
Nhà báo Ngô Nhật Đăng nói thêm :
"Chưa nói về mặt sơ tán, việc đóng biên giới cửa khẩu cũng chậm trễ, nhiều người đưa lý do về mặt kinh tế. Không sơ tán vì lý do kinh tế thì tôi thấy so với tiềm lực không có gì đáng kể để tổ chức các chuyến máy bay các thứ, thậm chí người nhà cũng có thể bỏ tiền mua vé. Tôi nghĩ, vấn đề không phải là kinh tế hay tổ chức. Vấn đề thứ hai là khi có thông tin Vietjet có 4 chuyến bay chở người TQ về Vũ Hán rồi bay về không… vậy tại sao không chở người Việt về. Vì vậy tôi nghĩ đây hoàn toàn là về mặt chính trị".
Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến khuya ngày 7/2, Việt Nam đã có 13 bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán do virus corona, 8 người trong đó ở Vĩnh Phúc, 1 ở Khánh Hòa (đã ra viện), 1 ở Thanh Hóa (đã ra viện), 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh (1 đã ra viện).
Ca nhiễm bệnh mới nhất là bệnh nhân N.T.N., 29 tuổi, sống tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là 1 trong 8 công nhân đi tập huấn tại Vũ Hán và về nước ngày 17-1.
RFA hôm 7/2/2020 liên lạc ông Đoàn Thanh Bình, Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc, để tìm hiểu về việc này và được ông cho biết như sau :
"Quy mô chống dịch thì tùy thuộc vào số lượng bệnh nhân, mình xây dựng kịch bản theo quy định của Bộ y tế, quy mô đến mức nào thì mình kích hoạt đến mức đấy, công tác thì mình đã chuẩn bị sẵn sàng, có khoảng 700 đến 1.000 giường bệnh. Số ca nhiễm virus corona trên cả nước thì có 12 ca, riêng tại Vĩnh Phúc thì có 8 ca nhiễm bệnh. Trong 8 ca này thì có 5 ca quản lý tại Trung ương, còn 3 ca thì đang quản lý điều trị ở Vĩnh Phúc, cơ bản những ca này cũng ổn định. Về nghi nhiễm thì đang quản lý diện ‘tiếp xúc gần’ thì có hơn 100 ca quản lý ở nhà và hơn 30 ca quản lý ở bệnh viện".
Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc cho biết thêm thông tin về các trường hợp nhiễm virus corona tại tỉnh Vĩnh Phúc :
"Những người này thuộc đoàn người Việt ở Vũ Hán, đoàn đi công tác, học tập ở Vũ Hán của một công ty ở Vĩnh Phúc, họ đi công tác ở Vũ Hán 2 tháng. Đoàn này có 8 người thôi, đã về hết Việt Nam, không còn kẹt ở Vũ Hán, đó là đoàn thuộc tỉnh này, còn những người đi cùng chuyến bay với 8 người này thì mình không nắm được. Bởi vì anh em chủ yếu tập trung phòng chống dịch, rà soát người thôi, còn những người ra vào thì tỉnh cũng đang cố gắn quản lý thật chặt số lượng này".
Dịch bệnh do virus corona nCoV là một trong những quan tâm của nhiều người dân trong nước. Dân chúng nghe thông tin từ truyền thông, lo áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và gia đình. Và họ trông chờ cơ quan chức năng, chính phủ có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu đến mức thấp nhất mọi lây lan trong cộng đồng.
*******************
Virus corona - H5N1 : Việt Nam cùng lúc đối mặt với hai cơn khủng hoảng (RFI, 06/02/2020)
Vào lúc dịch viêm phổi chủng mới lan rộng, số người chết ngày càng nhiều thì tại tỉnh Hồ Nam (Hunan), không xa tâm dịch siêu vi corona ở Hồ Bắc (Hubei), dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát. Đề phòng bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam khẩn cấp ban hành các biện pháp đối phó.
Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (phải) nói chuyện với một người tại khu vực cách ly của một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 23/01/2020. Thanh Chung/VNA via Reuters
Theo báo Pháp ngữ Le Courrier du Vietnam (thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam), ngày 06/02/2020 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị cho các bộ, cơ quan và các tỉnh thành Việt Nam "hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế" phát hiện và ngăn chận siêu vi H5N1 lây lan trong các loại gia cầm và cho con người trong bối cảnh siêu vi corona từ Trung Quốc truyền đi khắp nơi.
Các biện pháp cụ thể là kiểm soát thị trường, ngăn chận tệ nạn nhập khẩu, buôn bán gia cầm không rõ xuất xứ. Phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men và thuốc sát trùng cũng như đánh động công luận về khả năng dịch H5N1 tái phát tại Việt Nam.
Từ ba ngày nay, báo chí Hồng Kông và truyền thông Tây phương cho biết dịch cúm gia cầm H5N1 bộc phát ở Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, nằm cạnh tỉnh Hồ Bắc, nơi phát xuất dịch viêm phổi chủng mới corona. Hơn 4500 con gà đã chết trong một trang trại. Gần 18.000 con khác trong các trại chăn nuôi chung quanh bị tiêu hủy để chận dịch, theo thông báo của bộ Nông Nghiệp Trung Quốc.
Cho đến hôm nay, chưa có trường hợp lây nhiễm sang người nào được ghi nhận tại Thiệu Dương, nhưng từ khi dịch xuất hiện lần đầu vào năm 2003 tại Châu Á, ít nhất 455 người tử vong vì H5N1.
Về mặt kinh tế, không kể siêu vi Corona làm đình trệ mọi sinh hoạt, nạn dịch thứ ba này, tức cúm gia cầm xảy ra song song với dịch lợn Châu Phi có nguy cơ làm thực phẩm khan hiếm hơn. Giá cả sẽ leo thang tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam.
Tú Anh
**************
Tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm (RFA, 06/02/2020)
Cục Cảnh sát môi trường ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để nắm tình hình, phát hiện các hoạt động nhập khẩu trái phép các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc.
Mua bán gà sống ở Trung Quốc - AFP
Báo trong nước hôm 6/2/2020 trích văn bản nêu rõ "Dịch cúm H5N1 đã phát hiện ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước ta rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc do giáp biên giới với Trung Quốc".
Văn bản được gửi tới công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng virus cúm gia cầm khác từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cục Cảnh sát môi trường cũng yêu cầu bắt giữ những ai có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới làm lây lan dịch bệnh.
Ngoài việc tăng cường kiểm soát việc nhập lậu, công an các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu thực hiện việc tuyên truyền cho người dân về nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm nguy hiểm, đồng thời vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch.
Hôm 4/2/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam gửi công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh thành đối mặt với dịch cúm gia cầm A/H5N1 có nguy cơ lây lan từ Trung Quốc sau khi nước này công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát ở tỉnh Hồ Nam gần biên giới Việt Nam.
Cúm gia cầm A/H5N1 là căn bệnh về hô hấp ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm cho người, loại virus này được phát hiện lần đầu vào năm 1996 tại Trung Quốc.
Virus corona : Quá phẫn nộ, người dân Trung Quốc không còn sợ hãi
Ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV. Sau khi Tập Cận Bình kêu gọi "tăng cường kiểm soát truyền thông và internet", một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất vẫn đăng bài "Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa", tố cáo độc tài, sự thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Một trung tâm hội nghị triển lãm được chuyển thành bệnh viện ở Vũ Hán ngày 05/02/2020. STR / AFP
Dịch bệnh virus corona, đặc biệt là cái chết của vị bác sĩ trẻ đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo ở Vũ Hán ; nước Mỹ tiếp tục chia rẽ sau vụ truất phế Donald Trump bất thành ; Kirk Douglas, huyền thoại cuối cùng của Hollywood qua đời ở tuổi 103. Đó là những chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay.
Xã hội dân sự Trung Quốc dậy sóng
Trong bài "Sự phẫn nộ của xã hội dân sự Trung Quốc", Le Monde nhận xét việc quản lý khủng hoảng dịch corona hiện nay bị chỉ trích mạnh mẽ không chỉ trên mạng xã hội, mà cả từ truyền thông. Người ta không còn tự kềm chế việc phê phán chính quyền trung ương Trung Quốc.
Bác sĩ, trí thức, nhà báo hoặc chỉ là những người dân bình thường… ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ hoặc thất vọng trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV, mà đến hôm nay đã làm 636 người chết và 31.161 người nhiễm bệnh, theo số liệu chính thức.
Trước hết là 8 bác sĩ ở Vũ Hán, bị công an bắt hôm 01/01/2020 vì đã báo động "quá sớm" về sự nguy hiểm của virus corona mới. Dù Tòa án Tối cao đã phục hồi danh dự, nhưng cư dân mạng vẫn tiếp tục phê phán. Trên Vi Bác và WeChat, người ta viết "Thay vì xử lý vấn đề, họ lại bắt người cảnh báo", "Chính quyền Vũ Hán là những kẻ quan liêu, đây là nạn dịch của đất nước". Nhiều người chia sẻ hình ảnh những người dẫn chương trình truyền hình trên CCTV hồi đầu tháng Giêng loan báo vụ bắt bớ này với dòng chữ "Tám người loan tin thất thiệt bị bắt và điều tra".
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng gây phẫn nộ tột đỉnh
Phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong tám bác sĩ nói trên đã qua đời, chính thức là vào ba giờ sáng hôm nay. Tất cả các báo Pháp không kịp đưa tin trên báo giấy, đều cập nhật trên mạng. Le Figaro nhận xét thảm kịch này gây phẫn uất trước một chế độ sẵn sàng thí mạng người dân với danh nghĩa "ổn định xã hội".
Tin người bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi qua đời vào tối hôm qua đã gây xúc động lớn, khiến chính quyền sau đó nói rằng bác sĩ Lý đang được hồi sức tích cực, mãi đến bốn giờ sáng thì bệnh viện mới xác nhận. Le Monde nhận định, hiếm khi nào thấy những lời bình lại thống nhất như thế trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều cư dân mạng cho biết chờ đợi lời xin lỗi của chính quyền.
Le Figaro ghi nhận trong suốt mấy tiếng đồng hồ, hashtag "tự do ngôn luận" và bài hát "Do you hear the people sing ?" của người biểu tình Hồng Kông nở rộ trên mạng Vi Bác, thách thức kiểm duyệt. Một người viết "Tôi hy vọng có thể lập ra một đạo luật mang tên Lý Văn Lượng để xúc tiến tự do ngôn luận", câu này nay đã bị xóa trên Vi Bác.
La Croix cho biết thêm, người bác sĩ "tử đạo" có một con trai còn nhỏ, vợ đang mang bầu nhưng chị cũng bị nhiễm virus corona như cha mẹ. Theo tờ báo, trong trái tim người dân, bác sĩ Lý Văn Lượng không chỉ là hình mẫu của sự chính trực, nhưng còn là nạn nhân bi thảm của một hệ thống chính trị độc đoán, tham tàn. Hai ngày trước khi mất, từ giường bệnh ông đã thổ lộ với CNN : "Nếu chính quyền công bố sớm nạn dịch, tôi tin rằng tình hình đã tốt hơn. Họ cần phải cởi mở và minh bạch" - một di chúc thực sự.
Trước khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, đã có những bác sĩ Vũ Hán thẳng thắn tố cáo tình hình khác hẳn với trên tivi. Bác sĩ Peng Zhiyong nói với tạp chí Tài Kinh : "Tôi thường phải rơi nước mắt vì vô số bệnh nhân không được nhập viện, họ gào khóc trước bệnh viện. Một số còn quỳ gối xin tôi cho vào viện, nhưng tôi không thể làm gì cho họ vì các giường bệnh đều chật kín người". Ông còn kể lại câu chuyện một phụ nữ mang thai từ nông thôn lên, đã chi ra số tiền tương đương 26.000 euro, rồi sau đó không còn khả năng đóng tiền tiếp và nay đã chết, trước khi nhà nước quyết định gánh chi phí. Cư dân mạng còn xúc động trước cái chết của Yan Cheng, một cậu bé bị liệt đã qua đời do cha và anh bị cách ly, không ai chăm sóc cậu.
Các "nhà báo công dân" dũng cảm đưa tin
Để nói lên sự thật, một số người đã quyết định vào cuộc. Luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi), người từng tường thuật các sự kiện ở Hồng Kông và bị công an cảnh cáo, đã lên chuyến tàu cuối cùng đến Vũ Hán trước khi thành phố này bị cô lập hôm 23/1. Từ đó đến nay, ông liên tục thông tin về tình hình tại chỗ, trong các video ông luôn xuất hiện với khẩu trang, kính bảo vệ.
Vị luật sư "chuyển nghề" thành nhà báo đi khắp các bệnh viện, hỏi chuyện những y tá hiếm hoi còn chịu phát biểu, và cùng với những người tình nguyện kiểm tra hư thực của các thông tin. Khi một cư dân mạng đăng video về ba xác người bị bỏ mặc trong hành lang một bệnh viện của Hồng thập tự, ông Trần xác nhận được tin này nhờ một y tá. Ông cũng báo động về vụ bắt giữ Fang Bin, một nhà báo công dân khác, người đã đếm các xác chết trong một xe tang đậu trước bệnh viện.
Sau khi Tập Cận Bình hôm 4/2 kêu gọi Đảng cộng sản Trung Quốc "tăng cường kiểm soát truyền thông và internet", một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất là giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) vẫn đăng trên mạng xã hội ở nước ngoài một bài viết có tiêu đề "Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa". Theo ông, "sự hỗn loạn ở Hồ Bắc chỉ là phần nổi của tảng băng, tất cả các tỉnh khác đều như thế". Bài viết tố cáo các quan chức tham nhũng, chủ nghĩa toàn trị trong việc giám sát toàn dân, thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Bây giờ phải chăng đến lượt chính quyền phải sợ ? Đó là ý kiến của Hồ Giai (Hu Jia), nhà đấu tranh nhân quyền từng được giải Sakharov của Nghị Viện Châu Âu. Ông cho biết bộ trưởng công an mới đây đã tổ chức ba cuộc hội nghị về vấn đề "an ninh".
Virus corona đe dọa Thượng Hải, nhiều địa phương âm thầm phong tỏa
La Croix lưu ý "Tại Trung Quốc, virus corona lan tràn và đang đe dọa Thượng Hải". Con virus từ từ lan về phía đông, cách Vũ Hán 800 kilomet, tiến vào nhiều thành phố lớn vùng duyên hải, chiếc nôi của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Thậm chí Thượng Hải với 20 triệu dân, tủ kính trưng bày sự hiện đại của Trung Quốc trước thế giới, đang lâm vào vòng nguy hiểm. Việc cô lập thành phố khổng lồ này, sẽ có tác động như một trận động đất.
Nhưng trước mắt đã có trên 800 ca ở Chiết Giang, thành phố hơn 60 triệu dân (lớn hơn Hồ Bắc), còn Ôn Châu thì đã bị cách ly toàn bộ. Trên thực tế, rất nhiều thành phố nhỏ và trung bình đã lặng lẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát, cấm người từ địa phương khác đến, nhất là Hồ Bắc. Tại tỉnh Hà Nam (110 triệu dân, nằm ở phía bắc Hồ Bắc), thị trấn Trú Mã Điếm (Zhumadian) chỉ cho phép mỗi gia đình có một người được ra khỏi nhà năm ngày một lần, và hứa thưởng tiền cho những ai "chỉ điểm" người từ Hồ Bắc sang.
Tổng cộng số người đang bị cô lập ở Trung Quốc được ước tính lên đến khoảng 80 triệu, tuy chính quyền không chính thức công bố như ở Vũ Hán hôm 23/1. Vào lúc đó dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh muốn chứng tỏ có những biện pháp cứng rắn để chống dịch, tại thành phố ít được biết đến này. Vài phút sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoãn lại việc công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế. Mãi đến ngày 30/1 rốt cuộc quyết định cũng được đưa ra, nhưng theo La Croix, lần lựa đến một tuần lễ, tình hình đã khác biệt một trời một vực.
Tàu Diamond Princess : Chuyến du lịch trong mơ thành ác mộng
Le Figaro quan tâm đến sự kiện 3.700 hành khách trên chiếc tàu Diamond Princess bị cách ly ở Nhật vì virus corona. Chuyến du lịch bằng tàu biển tưởng như trong mơ bỗng biến thành ác mộng, sau khi một hành khách đã xuống tàu tại Hồng Kông bị phát hiện nhiễm bệnh. Khủng hoảng càng tăng thêm khi đến hôm nay, theo AFP, đã có 61 người trên tàu bị lây nhiễm !
Những người chính thức xác nhận bị nhiễm corona đã được đưa xuống tàu và nhập viện ở Nhật. Những khách còn lại trên tàu bị buộc phải ở trong ca-bin ít nhất 14 ngày, bữa ăn kiểu bệnh viện được các nhân viên y tế bịt mặt và đeo găng mang đến. Khách nào ở ca-bin không cửa sổ được lên boong tàu hóng gió tối đa 90 phút mỗi ngày, người này đứng đứng cách người kia một mét, bị nhân viên phụ trách cách ly theo dõi chặt chẽ. Le Monde cho biết thêm, chính quyền Nhật hôm 6/2 đã tiếp tế thực phẩm và vật liệu y tế, nhất là 7.200 khẩu trang và 4.000 nhiệt kế.
Một cặp vợ chồng người Mỹ qua CNN đã kêu gọi tổng thống Donald Trump gởi máy bay tới giải cứu. Lo âu tràn ngập đối với những ai đã từng tiếp cận những người nhiễm bệnh, trên tàu và cả ở những cảng mà chiếc tàu từng ghé qua sau khi xuất phát hôm 20/1 ở Yokohama : Hồng Kông, Việt Nam, Đài Loan, Okinawa… Riêng Nhật Bản hiện có đến 86 bệnh nhân nhiễm virus corona, nhiều nhất sau Trung Quốc. Chính quyền đang hoang mang khi sự kiện lớn được chuẩn bị từ nhiều năm qua là Olympic Tokyo ngày 24/7 sẽ khai mạc.
Dịch bệnh, Hồng Kông : Do Tập Cận Bình độc tài
"Virus corona, Hồng Kông, những sai trái thấy trước của ông Tập". Les Echos khẳng định việc đảng cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình ngày càng siết chặt xã hội Trung Quốc một cách độc đoán đã làm chậm trễ việc đối phó với virus corona.
Theo tác giả, con virus này đã phong tỏa kinh tế Trung Quốc, làm hơn 600 người chết và trên 30.000 người bị nhiễm bệnh, nhưng bên cạnh đó còn có một nạn nhân khác : sự khả tín của bộ máy cầm quyền. Đảng cộng sản Trung Quốc thiếu minh bạch, nhưng người dân tuân lệnh vì hoạt động hiệu quả, nhất là về kinh tế - chỉ sau một thế hệ dân Trung Quốc đã giàu lên.
Việc giấu thông tin về con virus mới làm mất đi ít nhất 7 tuần lễ quý giá, khiến dịch bệnh lan tràn trên toàn quốc và vượt ra ngoài Hoa lục. Les Echos cho rằng trách nhiệm phần lớn là Tập Cận Bình. Nắm trọn quyền hành trong tay, đưa cả "tư tưởng Tập Cận Bình" vào Hiến pháp, tự giành cho mình quyền lãnh đạo trọn đời, ông ta đã thay đổi hẳn cách chọn người vào bộ máy từ thời Đặng Tiểu Bình.
Để thăng tiến, còn có những tiêu chí khác như lý lịch, nhưng tiêu chuẩn chọn người theo năng lực đã giúp cho bộ máy chính quyền các cấp có được những người tài. Ngày nay, vâng lời mới là tiêu chuẩn chính, và cuộc khủng hoảng virus corona ở Vũ Hán cho thấy quan chức đợi lệnh trên thay vì xử lý một cách hiệu quả. Đảng, tức là Tập Cận Bình, hôm 3/2 nhìn nhận dịch bệnh corona là "thử nghiệm quan trọng" cho năng lực điều hành đất nước. Tuy nhiên sai sót này đã được báo trước, con virus corona là sự cố đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng.
Một "sự cố" khác là Hồng Kông. Việc giới trẻ ở đặc khu nổi dậy sẽ không khi nào đạt được tầm vóc đại quy mô, nếu Tập Cận Bình không độc tài như thế.
Thụy My
Đúng mồng một Tết, đại gia đình chúng tôi quay quần ăn Tết nói chuyện người Á Châu ăn thịt chuột, thịt dơi, và cả thịt chó.
Chỉ mới nói đến chuyện bố tôi, ông nội ông ngoại các cháu, ăn thịt chó hằng tuần là các cháu đã nhao nhao lên ghê quá không được kể nữa.
Người Úc yêu quý cầm thú, tháng trước những đoạn phim quay cảnh cháy rừng các thiện nguyện viên và dân Úc cứu chữa từng con chim, con thú được nhiều người quan tâm chia sẻ.
Cảnh một phụ nữ Úc liều mạng nhảy vào lửa rừng để cứu một con koala (gấu bông hay gấu túi)
Tết Cộng đồng
Bước sang mồng hai lại xôn xao chuyện hội chợ Tết vùng Sunshine vắng hoe vì tin đồn một người bán hàng du lịch Vũ Hán trở về nhiễm virus corona phải đưa vào bệnh viện.
Rồi giới chức y tế ra thông báo một người đàn ông cũng mới từ Vũ Hán trở về nhiễm virus corona đến ăn ở một nhà hàng tại vùng Glen Waverley, khuyến cáo các thực khách khác thấy triệu chứng cúm phải khám nghiệm ngay.
Thành phố Melbourne, ăn Tết ngay từ giữa tháng chạp Ta, đầu tháng giêng Tây, mỗi Chủ nhật đều có chợ Tết. Bắt đầu từ khu St Albans, đến khu Footscray, rồi khu Richmond, khu Springvale, khu Sunshine và chợ Tết do Cộng Đồng Người Việt tự do tổ chức tại trường đua Sandown.
Lẽ ra vào cuối tuần này, chủ nhật 9/2/2020, còn 1 chợ Tết nữa tại khu Box Hill, khu này đa số là người Hoa, nhiều người vừa từ Trung Quốc trở về, nên ban tổ chức quyết định hủy bỏ.
Chợ Tết Cộng Đồng, kỷ niệm 45 năm người Việt tự do định cư tại Melbourne, lễ khai mạc khá đông chính trị gia Úc tham dự, các màn trình diễn của Hội Sinh Viên, của nhóm trẻ Hai Nguồn Gốc và đặc biệt là lễ phát phần thưởng cho 14 học sinh vừa tốt nghiệp trung học với điểm số cao nhất, nổi bật nét trẻ trung của thế hệ tiếp nối người Việt tại Melbourne.
Chợ Tết năm nay vắng người tham dự, mấy người bạn lớn tuổi cho tôi biết họ sợ đến chỗ đông người rồi lỡ mang bệnh, nên trước bảo vệ mình, sau bảo vệ gia đình và xã hội, có người đã mua vé định về Việt Nam ăn tết nhưng lại thôi không đi bỏ vé.
Từ Trung Quốc mà ra
Ở Trung Quốc tỉnh nào cũng có người nhiễm virus corona. Siêu vi khuẩn nhanh chóng lan tỏa khắp nơi, đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban hành tình trạng khẩn cấp toàn cầu và cảnh cáo có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng toàn cầu.
Siêu vi khuẩn Coronavirus lan tỏa nhanh chóng khắp Trung Quốc và các quốc gia liên quan đến cư dân Vũ Hán
Nhiều nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc, giới hạn người dân 2 nước qua lại. Có nước còn từ chối cho nhập cảnh người nước ngoài đã tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cô lập hơn 55 triệu dân từ các vùng nhiễm virus corona.
Ngoài Vũ Hán, các thành phố Hàng Châu và Nhạc Thanh tỉnh Chiết Giang, thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, thành phố Cáp Nhĩ Tân tỉnh Hắc Long Giang và vừa rồi thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô đã tuyên bố tự phong tỏa việc ra vào.
Tính luôn tỉnh Hồ Bắc, đã có 24 thành phố thực thi hạn chế người dân ra khỏi nhà và hạn chế giao thông.
Người dân trong các vùng bị phong tỏa lại xa lánh những người bị nghi là nhiễm virus corona và rồi người dân lại tự cô lập chính họ. Một tình trạng chưa bao giờ xảy ra.
Bắc Kinh lẽ ra phải ra lệnh tự cô lập sớm hơn vì đã có tới 5 triệu người Vũ Hán tản mác khắp nơi, nhiều người mang mầm bệnh lan tỏa toàn cầu, người Vũ Hán đến nơi khác đều bị cách ly.
Hai cách nhìn khác nhau
Ở Trung Quốc bị cô lập, người Úc gốc Hoa sẵn sàng chấp nhận. Nhưng khi được Úc cho di tản khỏi Vũ Hán sang đảo Christmas, có người trong số họ lại phản đối cho rằng vì họ không phải là "người da trắng" nên bị kỳ thị đối xử.
Nhiều người chỉ ghé sân bay Vũ Hán vài tiếng đồng hồ đã nhiễm virus corona, nên việc cách ly những người di tản từ Vũ Hán là một điều hết sức cần thiết và bắt buộc phải làm.
Đảo Christmas là một địa điểm tốt, vì đảo cách ly với các khu dân cư, nếu chính phủ Úc đưa người di tản virus corona đến gần nhà tôi, tôi sẽ phản ứng đến cùng để bảo vệ gia đình.
Tuần trước ghé thăm linh mục Bùi Đức Tiến để tìm hiểu về nhóm những người Việt tị nạn đầu tiên đến Melbourne. Cha Tiến nhắc chuyện khi vừa đặt chân đến Melbourne mọi người đều được "xịt thuốc" và khám sức khỏe nếu có bệnh sẽ được chữa trị. Với chúng tôi là kỷ niệm đáng nhớ nhưng chẳng bao giờ nghĩ là mình bị kỳ thị đối xử.
"Made in China"
Tiệm ăn Cucina 105 ở khu Liverpool, tiểu bang New South Wales bị báo chí và dư luận Úc phản đối, vì diễu cợt không đúng lúc, khi viết trên quầy hàng dòng chữ "Siêu vi khuẩn corona sẽ không tồn tại lâu vì nó được sản xuất tại Trung Quốc !".
Virus corona phát xuất từ con dơi hay từ phòng thí nghiệm vi trùng "made in China" vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh giấu giếm nhiều thông tin và cho mãi đến ngày 4/2/2020, mới đồng ý để các chuyên gia Mỹ vào giúp họ chống lại sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Số người bị nhiễm bệnh và bị chết được Bắc Kinh thông báo tăng nhanh theo cấp số nhân.
Số thực sự nhiễm bệnh và chết phải cao hơn nhiều lần mới buộc Bắc Kinh phải ra lệnh cô lập một khu vực lên đến 55 triệu người sinh sống và nhiều thành phố đang bị phong tỏa.
Các khoa học gia Úc ở Melbourne ngay khi tái tạo thành công mẫu virus corona là công bố ngay cho thế giới biết để học hỏi và rút ngắn thời gian bào chế thuốc.
Các khoa học gia cho biết chỉ hơn tháng qua virus corona biến dạng đến đời thứ tư hay thứ năm nên công việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn.
Siêu vi khuẩn này có thể truyền nhiễm qua phân, qua không khí, qua tiếp xúc với người bị nhiễm virus ngay cả khi bệnh chưa có triệu chứng bộc phá.
Tối ngày 4/2/2020, cậu bé 8 tuổi là người thứ 13 ở Úc bị nhiễm virus corona. Cậu bé này thuộc một đoàn du lịch từ Trung Quốc đến Melbourne ngày 22/1/2020, họ ở chơi tại đây 5 ngày xong đi Gold Coast, Queensland. Ngày 27/1/2020 hai người trong đoàn bị phát hiện nhiễm virus corona. Trường hợp của cậu bé siêu vi khuẩn tiềm ẩn cả 2 tuần.
Vậy trong 5 ngày đoàn khách du lịch tại Melbourne ở đâu ? làm gì ? đã lây nhiễm cho ai ? và hằng trăm hành khách trên chuyến bay đi Queensland có ai bị lây nhiễm không ? Quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.
Chiều 5/2/2020, nhóm người Úc di tản từ Vũ Hán đầu tiên đã đến đảo Christmas, bỏ lại sau lưng thần chết gõ cửa từng nhà.
Tin giờ chót, chiều nay 5/2/2020, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản xác nhận kết quả có 10 hành khách, trong đó có 2 người Úc, trên du thuyền Diamond Princess nhiễm virus corona.
Đầu năm con chuột khai bút chẳng lạc quan chút nào. Chưa kể tới đứa con trai của chúng tôi mấy tuần nay đi Nhật du lịch chưa rõ bao giờ mới về lại nhà. Thật đáng lo.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 6/2/2020
Nguyễn Quang Duy
Virus corona : OPEC đối phó với giá dầu giảm (RFI, 05/02/2020)
Dịch bệnh do virus corona từ Trung Quốc đã khiến giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh trong những ngày qua, đến mức mà các nước xuất khẩu dầu hỏa phải tìm cách đối phó.
Bộ trưởng Năng Lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, tới dự cuộc họp của OPEC, Vienna, Áo, ngày 05/12/2019 Reuters/Leonhard Foeger/File Photo
Hôm qua, 04/02/2020, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và đồng minh Nga đã họp tại Vienna trong hai ngày để thảo luận về khả năng cắt giảm hơn nữa mức sản xuất. Do thị trường Trung Quốc quá quan trọng cho nên cuộc họp của OPEC tại Vienna lần này đặc biệt có mời một đại biểu từ Trung Quốc đến dự.
Trong vòng chưa tới một tháng, giá "vàng đen" đã sụt 20%, và ngày 03/02 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01/2019. Lý do là vì các nhà đầu tư lo ngại tác động của dịch viêm phổi cấp tính do virus corona Vũ Hán gây ra. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hỏa hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ đứng hàng thứ hai. Cho nên mức tiêu thụ của cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới có tác động rất lớn đối với giá dầu của thị trường toàn cầu. Khi kinh tế bị chựng lại thì nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt giảm ngay.
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, nếu tiếp tục lan rộng, dịch virus corona mới sẽ chặn đứng đà tăng của mức cầu, khiến cho mức cung bị dư thừa, trong bối cảnh các nước Brazil, Hoa Kỳ và Na Uy đang tăng mức sản xuất dầu hỏa.
Trước mắt, việc Trung Quốc cắt giảm số chuyến bay nội địa cũng như chuyến bay quốc tế đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu cho máy bay, góp phần khiến giá dầu sụt giảm mạnh trong những tuần qua.
Theo nhà phân tích Olivier Jakob, thuộc viện Petromatrix, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, dịch bệnh do virus corona có thể gây một cú sốc dài hạn đối với nhu cầu về dầu hỏa, nhưng vấn đề đối với OPEC đó là họ chưa biết tầm mức của sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Craig Erlam, cũng được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, cuộc họp hôm nay của tổ chức OPEC có thể sẽ đưa ra khuyến cáo cắt giảm thêm sản lượng dầu từ 500 ngàn đến 1 triệu thùng mỗi ngày, để đẩy giá dầu lên trở lại.
Thật ra thì theo phát ngôn viên của bộ Dầu Hỏa Iraq, các đại biểu dự cuộc họp ở Vienna xem xét các kịch bản khác nhau và mọi quyết định cắt giảm sản lượng sẽ chỉ được thông báo trong một cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức OPEC. Cuộc họp cấp bộ trưởng kỳ tới trên nguyên tắc sẽ diễn ra trong 2 ngày 05 và 06/03, nhưng có thể được triệu tập sớm hơn, có thể là ngay trong tháng 2 này, tùy theo nhu cầu của thị trường và diễn tiến tình hình dịch bệnh.
Hiện giờ Nga là quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng hàng thứ hai thế giới, còn Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới. Hai nước này đóng vai trò hàng đầu trong liên minh giữa OPEC (gồm 13 thành viên) với 10 cường quốc dầu hỏa khác. Từ cuối năm 2016, Nga và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận về việc hạn chế sản lượng nhằm giữ cho giá dầu không bị giảm trong trường hợp mức cung vượt quá mức cầu.
Nhưng không chắc hai quốc gia nặng ký nhất sẽ thuyết phục được các nước khác chấp nhận cắt giảm sản lượng khi mà, như phân tích ở trên, OPEC vẫn chưa nắm rõ tầm mức sự sụt giảm tiêu thụ dầu hỏa của Trung Quốc.
Thanh Phương
****************
Virus corona : Anh, Pháp khuyến cáo công dân rời Trung Quốc (RFI, 05/02/2020)
Trước dịch virus corona đang lan rộng, Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo tất cả các công dân nước này nên rời Trung Quốc, và hôm nay 04/02/2020 thông báo cuối tuần này sẽ có "chuyến bay thứ hai và cuối cùng" di tản công dân Anh khỏi Hồ Bắc. Về phía Pháp cũng khuyến cáo công dân tạm thời rời Hoa lục, trừ trường hợp có lý do quan trọng phải ở lại.
Công dân Pháp hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đến căn cứ không quân Istres, gần Marseille, Pháp, ngày 31/01/2020. Adj Olivier Favre/Etat Major des Armees/ Handout via Reuters
Một phi cơ dân sự Anh có nhân viên y tế và ngoại giao hỗ trợ sẽ rời Vũ Hán Chủ Nhật 09/2, đưa công dân đến một căn cứ không quân ở miền nam nước Anh, tại đây họ sẽ bị cách ly trong 14 ngày.
Bộ Ngoại giao Pháp một lần nữa ra thông cáo khuyên công dân, đặc biệt là các gia đình nên trở về Pháp, khuyến cáo không đến Hồ Bắc và ngưng những chuyến giao lưu với các trường đại học Hồ Nam, Hà Nam, Quảng Đông, Chiết Giang. Riêng 6 người bị nhiễm hiện nay dù tình trạng có ổn định nhưng vẫn phải bị cách ly tại bệnh viện, một khi trong cơ thể còn virus corona.
Tại Bỉ đã phát hiện trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên trong số 9 công dân di tản khỏi Vũ Hán cuối tuần qua. Tổng cộng tại Châu Âu đã có 28 người bị nhiễm virus corona ở Đức (12 người), Pháp (6), Nga, Ý, Anh, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ.
Hôm nay một chiếc máy bay New Zealand chở 190 công dân của nước này và Úc cùng với các đảo quốc Thái Bình Dương sơ tán khỏi Vũ Hán, đã hạ cánh xuống Auckland, nơi họ bị cách ly hai tuần. Cũng trong hôm nay, Moskva hồi hương nhóm đầu tiên 78 người trong số 144 công dân Nga từ Hồ Bắc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tối qua thông báo sẽ có thêm hai chuyến bay đưa 305 người Mỹ rời Vũ Hán, nâng tổng số công dân Mỹ di tản khỏi thành phố trung tâm dịch bệnh lên trên 500 người. Chính phủ Brazil hôm nay gởi hai máy bay đến Vũ Hán để di tản công dân.
Trên biển, hiện có hai chiếc tàu du lịch đang bị phong tỏa do virus corona. Khoảng 3.700 hành khách mang 56 quốc tịch khác nhau trên chiếc Diamond Princess đang ở gần cảng Yokohama (Nhật) bị buộc phải cách ly trong ca-bin tàu 14 ngày, do phát hiện ít nhất 10 trường hợp dương tính với virus, sau khi quá cảnh Hồng Kông.
Trong khi đó tại Hồng Kông, 1.800 hành khách của tàu World Dream hôm nay 05/2 cũng bị buộc ở lại trên tàu, sau khi 3 hành khách vừa đi trên chiếc tàu này bị phát hiện nhiễm virus. Chính quyền đặc khu hôm nay 05/2 tuyên bố, tất cả khách từ Hoa lục đến Hồng Kông kể từ thứ Bảy 08/2 sẽ bị cách ly hai tuần.
Cũng tại Châu Á, hai mẹ con người Malaysia vừa được đưa từ Vũ Hán về hôm nay 05/2 xét nghiệm dương tính với corona. Tại Nhật Bản, các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 "vô cùng lo lắng" cho Olympic năm nay, sẽ diễn ra từ 24/7 đến 09/8, tiếp theo đó là Thế vận hội cho người tàn tật từ 25/8 đến 06/9.
Thụy My
*******************
Hàng ngàn khách trên 2 du thuyền Châu Á bị cách ly vì virus corona (VOA, 05/02/2020)
Hôm 5/2, hàng ngàn hành khách và thuyền viên trên hai tàu du lịch ở vùng biển Châu Á, trong đó có một tàu đến Việt Nam, đã được kiểm dịch khi con số thiệt mạng vì chủng mới của virus corona lên gần 500, theo Reuters.
Khoảng 3.700 người đang phải đối mặt với ít nhất hai tuần bị cách ly trên một tàu du lịch neo đậu ngoài khơi Nhật Bản sau khi các quan chức y tế xác nhận hôm 5/2 rằng 10 người trên tàu đã cho kết quả dương tính với virus này.
Tại Hong Kong, hơn 1.800 hành khách và thuyền viên đã bị giam lỏng trong du thuyền cập cảng tại thành phố này khi diễn ra quá trình kiểm tra virus, sau khi ba người trên tàu đã có kết quả xét nghiệm dương tính.
Hành khách trên du thuyền Diamond Princess xuất phát từ Nhật Bản, cho biết tình trạng của họ trên mạng xã hội, đăng tải hình ảnh các quan chức đeo khẩu trang và áo bảo hộ kiểm tra sức khỏe, cung cấp thức ăn, phục vụ phòng, trong khi bên ngoài boong tàu thì vắng vẻ, đìu hiu.
"Đây không phải là một tình huống tốt", ông David Abel, hành khách người Anh, cho biết nói trong một video quay trong cabin tàu và đăng lên trang Facebook cá nhân.
Ông cho biết tất cả các hành khách bị buộc phải ở lại trong cabin của họ vào sáng ngày 5/2, và thức ăn được nhân viên giao đến tận phòng.
Tại Hong Kong, nhà chức trách cho biết họ không rõ du khách trên tàu World Dream sẽ bị giam lỏng trong bao lâu. Con tàu này, do tập đoàn Dream Cruise khai thác, đã phải cập cảng Hong Kong sau khi cảng Cao Hùng của Đài Loan từ chối đón khách hôm 4/2.
Truyền thông Việt Nam trích lời Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết chuyến cuối cùng gần đây nhất, du thuyền World Dream có đến Hạ Long vào ngày 14/1/2020 và dời đi vào ngày 15/1/2020.
Sau đó khoảng 1 tuần, tàu này lại trở lại Việt Nam nhưng đi Nha Trang, Đà Nẵng, và không đến Quảng Ninh.
*****************
Virus corona : Số tử vong tiếp tục tăng, Trung Quốc mở rộng phạm vi cách ly (RFI, 05/02/2020)
Số người chết không ngừng tăng mỗi ngày ở Trung Quốc vì virus corona mới. Theo số liệu ngày 05/02/2020, có thêm 65 người chết, nâng tổng số tử vong lên đến 490 người và có 4.300 người bị lây nhiễm. Nhiều thành phố lớn triệt để hạn chế đi lại. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao biện pháp cách ly của Trung Quốc.
Lấy mẫu xét nghiệm tìm virus corona trong vùng Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 04/02/2020. STR / AFP
Nạn dịch lan sang các tỉnh - thành phía đông Trung Quốc buộc nhiều đô thị ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) phải áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển từ ngày 04/02, đối với 18 triệu người ở ba thành phố Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou), Ninh Ba (Ningbo). Trước đó thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) đã hạn chế đi lại đối với 3 triệu dân ở ba quận, nơi có trụ sở của tập đoàn Alibaba.
Bệnh viện dã chiến đầu tiên có 1.000 giường ở thành phố Vũ Hán đã đi vào hoạt động từ ngày 03/02 và do quân đội quản lý. Ngoài ra, một trung tâm văn hóa, một trung tâm triển lãm và một nhà thi đấu thể thao cũng được thành phố trưng dụng để lập thêm 3.400 giường bệnh. Theo báo chí Nhà nước, trong trường hợp khẩn cấp, 8 tòa nhà cao tầng cũng sẽ được biến thành bệnh viện dã chiến.
Theo AFP, các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại khắt khe của Trung Quốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) đánh giá hôm 04/02 là "một lối thoát" và "chúng ta không được bỏ qua lối thoát này". Về số người chết và số bệnh nhân được xác định nhiễm virus corona mới tăng mỗi ngày, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, trấn an "điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ trầm trọng thêm". Ngoài ra, ông cũng lên án một số nước giầu có "chậm trễ" trong việc chia sẻ thông tin về nạn dịch, đồng thời ông kêu gọi quốc tế thể hiện thêm tình liên đới.
Một công dân Cameroun, sống ở tỉnh Hồ Bắc, được xác định nhiễm virus corona và nhập viện ở thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou). Theo Sputnik ngày 04/02, Pavel Daryl Kem Senou, 21 tuổi là sinh viên trường Đại học Dương Tử, từng đến thành phố Vũ Hán, trở thành công dân Cameroun đầu tiên bị nhiễm virus này. Hiện có khoảng 300 người Cameroun sống ở Vũ Hán, họ kêu gọi chính quyền Yaoundé hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Thu Hằng
Trung Quốc : Virus corona lan sang mặt trận ngoại giao và địa chính trị
Virus corona vẫn là một chủ đề được các báo Pháp ra ngày hôm nay 04/02/2020 quan tâm. Le Monde chạy tít trang nhất : "Trung Quốc : Những hậu quả của dịch bệnh". Corona đã lây lan từ lĩnh vực y tế sang ngoại giao và địa chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Tedros Adhanom, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Bắc Kinh, ngày 28/01/2020. Naohiko Hatta/Pool via Reuters
Hai tuần sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổng động viên nhân dân chống siêu vi corona, cuộc chiến chống virus vẫn chưa thắng lợi. Giờ đây, không chỉ Vũ Hán mà cả thành phố Ôn Châu, nằm cách Vũ Hán 800 km, cũng bị cách ly. Chín triệu dân Ôn Châu không được phép rời khỏi nhà, trừ đi mua thực phẩm : cứ hai ngày, mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người đi chợ mua thức ăn.
Việc Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu hôm 30/01/2020 đã khiến chính quyền Trung Quốc phải mở rộng mặt trận chống virus sang cả lĩnh vực đối ngoại và địa chính trị.
Trong nước, truyền thông Trung Quốc âm thầm, không nói nhiều tới dịch bệnh, nhưng lại nhiệt tình loan báo về tình đoàn kết mà quốc tế dành cho Hoa lục, những lời cổ vũ, khen ngợi của các nước Lào, Pakistan, Nam Phi, Liban, Iran, Argentina, Mexico và Costa Rica … Tuy nhiên, những phát biểu của giới ngoại giao Trung Quốc và báo chí Nhà nước bằng tiếng Anh lại cho thấy nước này đang bị thế giới cách ly.
Trên mạng xã hội Twitter, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo chỉ trích việc Washington cấm người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó nhập cảnh vào Mỹ là thái độ cực đoan nhất của các nước nhắm vào Trung Quốc. Đại diện Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị Mỹ tỏ thái độ tôn trọng trước những hy sinh lớn lao của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus. Bắc Kinh đã dựa vào những phát biểu ủng hộ của tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới hôm 30/01 để cho thế giới thấy không thể trách móc được gì Trung Quốc trong cuộc chiến chống corona.
Theo Bắc Kinh, không những Trung Quốc là một siêu cường khoa học đi đầu cuộc chiến chống các dịch bệnh, mà virus corona còn không nguy hiểm bằng "chứng hoảng loạn (hystéria) của truyền thông Tây phương". China Daily nêu lên một ví dụ : Mặc dù một số phương tiện truyền thông phương Tây dành trang nhất cho virus corona, nhưng lại rất ít nói đến kết quả báo cáo của trung tâm dự phòng và giám sát bệnh ngày 31/01, theo đó hiện đã có 10.000 người chết và 180.000 nhập viện tại Mỹ vì bệnh cúm.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã có những phản ứng thái quá đến chệch hướng. Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo, đại sứ Trung Quốc tại Israel đã so sánh việc cấm người Trung Quốc nhập cảnh với nạn thảm sát người Do Thái : "Hàng triệu người Do Thái đã bị sát hại và nhiều người Do Thái bị cấm đến một số quốc gia. Nhiều nước đã mở cửa đón nhận họ, trong đó có Trung Quốc". Quan chức ngoại giao này sau đó đã có lời xin lỗi vì phát ngôn trên.
Nhưng theo Le Monde, điều này cũng cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đang căng thẳng. Còn đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì nhận định một con "virus chính trị dường như đang cản trở Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt tay hợp tác để đối phó với các thách thức chung". Đối với Bắc Kinh, Washington đang lợi dụng virus corona để làm suy yếu Trung Quốc. Hôm qua 03/02, trong một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Mỹ không hề có sự trợ giúp cụ thể nào cho Trung Quốc, mà chỉ khiến mọi người lo ngại.
Hoàn Cầu Thời Báo thì tổng hợp 4 điều liên quan đến thái độ của phương Tây, nhất là Mỹ : Mỹ vô đạo đức khi tấn công cuộc chiến của Trung Quốc chống virus, siêu vi kích động thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội phương Tây, corona sẽ không thể giúp chính quyền Mỹ trong giai đoạn đàm phán thương mại thứ hai, những lời tố cáo và lăng nhục không khiến Trung Quốc chệch hướng trong cuộc chiến chống virus corona. Đối với Bắc Kinh, virus corona hiện giờ liên quan đến lĩnh vực địa chính trị nhiều không kém so với y tế.
Tập Cận Bình bị virus corona thách thức
Cũng như Le Monde, báo công giáo La Croix - trong bài viết "Tập Cận Bình bị virus corona thách thức" - nhấn mạnh "thách thức về y tế vẫn còn nguyên, nhưng hiện nay ưu tiên của nhà chức trách Trung Quốc là về mặt chính trị". Chế độ cộng sản Trung Quốc đang làm mọi việc để Đảng và nhà lãnh đạo được nhìn nhận như người cứu thế. Trong khi người dân thể hiện nỗi giận dữ trên các mạng xã hội về các biện pháp y tế, thì chính quyền lại lo ngại về hậu quả của dịch bệnh đối với hình ảnh của đất nước trong mắt quốc tế.
Ở trong nước, mục tiêu tối cao của chính quyền Trung Quốc vẫn là cho dân chúng thấy "người cha của dân tộc" đang kiểm soát được mọi chuyện. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei, thuộc trường Claremont McKenna tại California, Mỹ, phân tích : "Khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố thắng virus, họ sẽ cảm ơn Đảng cộng sản và chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi ngược lại, sự thật là chính Đảng cộng sản mới phải chịu trách nhiệm đầu tiên về thảm họa này".
Bộ máy tuyên truyền của Nhà nước nhấn mạnh là khoa học chứ không phải dân chủ sẽ cứu được đất nước. Nhưng nhiều người tự hỏi tại sao từ 20 năm nay, ở Trung Quốc lại xảy ra nhiều dịch bệnh đến như vậy : Sida năm 1990, SARS năm 2003, cúm gà H5N1 năm 2006 và dịch tả heo Châu Phi trong những tháng gần đây. Một nhà báo ở tỉnh Tứ Xuyên nhận định với La Croix : "Hệ thống chính trị của Trung Quốc đã thối nát từ trên xuống dưới, đó là chế độ chỉ chấp nhận duy nhất một tư tưởng, tư tưởng của Tập Cận Bình". Còn nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei khẳng định "virus corona là một căn bệnh của chế độ độc tài Trung Quốc". Chính chế độ độc đảng, dựa trên thái độ che giấu sự thật, không minh bạch, sự kiểm duyệt và kiểm soát dân chúng về đời sống xã hội, đã gây ra mọi thảm họa đã kể trên.
Nhiều đảng viên cấp cao nghĩ rằng Tập Cận Bình đã điều hành đất nước không tốt từ nhiều năm nay. Virus corona càng khiến ông ta bị chỉ trích, nhưng ít ai dám lên tiếng công khai, vì họ đều sợ bị đàn áp. Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Minxin Pei, cho dù nỗi giận dữ đang dâng lên trên các mạng xã hội, nhưng chắc chắn thảm họa corona sẽ không thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, La Croix cũng khẳng định, nếu như trong nước, bộ máy tuyên truyền có thể giúp giữ gìn hình ảnh của Tập Cận Bình và đảm bảo tính chính đáng cho Đảng cộng sản, nhưng trên trường quốc tế, thách thức đặt ra cho Tập Cận Bình sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trung Quốc đang bị tấn công từ mọi phía : bị chỉ trích mạnh mẽ việc trấn áp hai triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, bị tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nêu tên trong tổng kết thường niên về vi phạm nhân quyền, bị người Hồng Kông phản kháng từ suốt 8 tháng nay, lại đang trong tâm cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Thế giới coi người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về tình trạng nói trên không ai khác chính là Tập Cận Bình. Ông ta ngày càng bị so sánh với Mao Trạch Đông, mà chính sách từ năm 1949 đến năm 1976 đã gây ra cái chết của ít nhất 60 triệu người Trung Quốc. Theo La Croix, sự so sánh này không phải là vô cớ.
Một loại virus chống toàn cầu hóa
Trong bài xã luận mang tựa đề "Một loại virus chống toàn cầu hóa", La Croix nhận định dịch bệnh do virus corona gây ra khiến chúng ta phải có ý thức hơn về việc nền sản xuất công nghiệp thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn được gọi là công xưởng của thế giới.
Lâu nay người ta vẫn tự hỏi điều gì có thể hãm bớt các hoạt động trao đổi kinh tế từ những khoảng cách địa lý xa xôi - hiện tượng thường được gọi là "toàn cầu hóa". Cho đến nay, dường như chưa có gì có thể hãm phanh xu hướng toàn cầu hóa, vốn dựa trên lợi nhuận, tư tưởng tự do mậu dịch và các cuộc cách mạng công nghệ (tin học và vận chuyển bằng container). Thực ra trong thập kỷ qua, tư tưởng bảo hộ cũng đã được nhiều người có thế lực ủng hộ, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chưa đủ để làm thay đổi mọi chuyện.
Nhưng việc nhìn thấy dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona lây lan nhanh khiến nhiều người có suy nghĩ rút lui, thu mình lại. Nhiều nước đã đề xuất đưa công dân hồi hương. Cho đến nay, vẫn chưa có nhân vật quốc tế quan trọng nào đến thăm Trung Quốc để bày tỏ tình đoàn kết với người dân nước này trong cuộc chiến chống virus, như thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã làm khi xảy ra dịch SARS hồi năm 2003.
Công chúng có thể nghĩ rằng mọi chuyện sẽ sớm thay đổi. Khi dịch bệnh lắng xuống, các hoạt động giao thương lại ít nhiều hồi phục như trước đây, nhưng La Croix nhấn mạnh, trong suy nghĩ của mọi người đã có sự thay đổi nhất định. Virus corona chỉ là một hạt cát so với guồng máy kinh tế đã được toàn cầu hóa nhưng virus này đã cho thấy có sự bấp bênh của toàn cầu hóa. Trong tương lai, có thể các nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ thêm một chút trước khi đặt cược vào Trung Quốc.
Hệ quả của virus corona đối với kinh tế thế giới
Vẫn liên quan đến virus corona, báo Les Echos nhận định dịch corona sẽ có tác động đối với kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh quy mô kinh tế Trung Quốc đã tăng mạnh trong suốt 20 năm qua. Theo Michala Marcussen, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Pháp Société Générale, so với năm 2003, khi xảy ra đại dịch SARS, quy mô nền kinh tế Trung Quốc nay đã tăng gấp 4 lần. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc chiếm 16% GDP toàn cầu và 30% sản xuất công nghiệp thế giới.
Mức độ ảnh hưởng đương nhiên sẽ phụ thuộc nhiều vào chiều hướng diễn biến của dịch bệnh. Tác động của dịch corona đối với kinh tế thế giới thể hiện ở hai khía cạnh. Nhu cầu mua hàng của Trung Quốc sẽ giảm trong những tuần tới. Kinh tế gia trưởng của Société Générale dự báo trong quý 1 năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ mất 0,3% vì virus corona.
Nền kinh tế toàn cầu cũng bị tác động do việc tổ chức các dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng. Dệt may, tin học, điện tử là những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, và nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Hungary và Indonesia sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Thùy Dương