Nước gồng mình chống dịch, nước miễn nhiễm : Virus corona "thiên vị" ?
Le Figaro nhận định "nhiều ổ dịch ẩn nấp khắp 5 châu", thế nhưng lại có nhiều nước thông báo không có trường hợp nào hoặc rất ít. Phải chăng virus corona "thiên vị" hay còn có những lý do nào khác ?
Một cách phòng chống virus corona. Ảnh minh họa, chụp tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 05/03/2020. Reuters/Aly Song
Tính đến hiện nay, Bắc Triều Tiên, Miến Điện khẳng định không có trường hợp nào, Indonesia có 2, Lào 1… trong khi những quốc gia Đông Nam Á này "rất dễ bị phơi nhiễm", theo nhận định với Le Figaro của nhà nghiên cứu dịch tễ Marius Gilbert, đại học Tự do Bruxelles, và "không có bất kỳ lý do nào để số người bệnh (tại các nước này) lại chênh lệch đến như vậy với số ca nhiễm như ở Hồng Kông, Hàn Quốc hay Singapore".
Virus corona sợ nóng ?
Tại Châu Phi, Ai Cập chính thức có hai trường hợp, nhưng lại lây cho 11 du khách Pháp khi những người này thăm đất nước của các vị Pharaon. Đối với nhà nghiên cứu Anne-Marie Moulin, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), "không phải ngẫu nhiên mà trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên tại Châu Phi lại được phát hiện ở Sénégal, nơi có hệ thống y tế tốt nhất Châu Phi".
Rất có thể các nước đó cố tình nói dối nhằm mục đích che giấu hệ thống dịch tễ thiếu thốn. Ngoài vấn đề về bộ kít xét nghiệm, ví dụ đầu tiên được Antoine Flahault, Đại học Y Geneve, đưa ra là người dân không có thói quen đi khám do thu nhập thấp, không được bảo hiểm, trong khi virus corona gây ra những triệu chứng khó nhận biết nên họ không đi khám nếu như chỉ bị ho hoặc bị sốt. Cho nên, rất có thể virus corona đã xuất hiện ở nhiều nước Châu Á và Châu Phi.
Trong một bài viết khác, Le Figaro ngạc nhiên trước hiện tượng : "Châu Phi, một Châu lục dường như được virus tránh né một cách kỳ lạ", đặc biệt là vùng Nam Sahara. Một quan chức cao cấp của Bộ y tế Guinea công nhận : "Chúng tôi thiếu trang thiết bị, điều đó đúng, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được phát hiện".
Một số yếu tố được đưa ra giải thích, như khí hậu nóng, không thích hợp cho virus phát triển. Tuy nhiên, lập luận này không đủ thuyết phục vì cúm mùa cũng hoành hành tại Châu Phi.
Lập luận thứ hai, người dân Châu Phi có sức đề kháng tốt hơn người Châu Âu, cũng bị phản đối. Lý do thứ ba, theo một bác sĩ Pháp làm việc tại Conakry (Guinea), có thể là do Châu Phi vẫn nằm ngoài guồng máy toàn cầu hóa, nên không đông khách du lịch nước ngoài như những nơi khác. Tiếp theo, dù nhiều nước Châu Phi có quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc, nhưng "rất nhiều người Hoa hạn chế đến Châu Phi trong giai đoạn này vì sợ bị phát hiện nhiễm virus và phải điều trị ở đây", trong khi hệ thống y tế ở nhiều nước Châu Phi chưa phát triển.
Ngược với những nước đang phát triển, các nước phát triển lại bị virus corona tấn công tơi bời. Xuất phát từ Trung Quốc, virus corona hiện có mặt khắp 5 châu. Mỹ và Ý vẫn chưa tìm được "bệnh nhân số 0". Rất nhiều người bị nhiễm nhưng lại không có triệu chứng. Theo Libération, "Ý trong tình trạng báo động vì virus corona" với nhiều biện pháp nhiêm ngặt : trường học đóng cửa, hoãn các hoạt động tập thể, nhiều trận đấu bóng không khán giả…
Nước Nga rộng lớn có 4 trường hợp nhiễm virus corona
Nga cũng là một trường hợp đặc biệt. Có đến 4.250 km biên giới với Trung Quốc, thành phố Saint-Petersburg miễn thị thực cho du khách Trung Quốc, nhưng đến giờ Nga chỉ thông báo có 4 trường hợp bị nhiễm virus corona, trong đó có một người trở về từ vùng Lombardia của Ý.
Con số quá ít này gây thắc mắc, và khiến không ít người lo lắng. Một số thông tin cho rằng có đến hàng nghìn ca nhiễm virus corona ở Nga. Đối với tổng thống Putin, đây là "những thông tin sai lệch khiêu khích", "chủ yếu do nước ngoài giật dây", theo tường thuật của Le Figaro.
Hàng loạt biện pháp mạnh được Moskva đưa ra để đối phó với nguy cơ dịch lan rộng : cấm xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế cho đến ngày 01/06, lắp máy theo dõi thân nhiệt ở nhiều địa điểm công cộng, kêu gọi tuân thủ quy định về vệ sinh kể cả tại các thánh đường, người nghi nhiễm sẽ được đưa đến một bệnh viện mới ở Kommunarka, ngoại ô Moskva…
Pháp chuẩn bị "giai đoạn 3" của dịch
"Giai đoạn 3" là điều khó tránh khỏi tại Pháp. Thông tin 285 người bị nhiễm virus corona tính đến hết ngày 04/03/2020 đều được các nhật báo Pháp đưa tin. Hiện tại, Pháp có ba ổ dịch chính nằm ở tỉnh Oise (phía bắc Paris), Haute-Savoie (phía đông) và Morbihan (phía tây).
Theo Le Figaro, ở "giai đoạn 3", mức cao nhất, Pháp sẽ buộc phải đóng cửa trường học cho đến giữa tháng Ba, hoạt động đình trệ, nhân viên có thể làm việc từ xa… Chính phủ đưa ra một số biện pháp như trưng dụng toàn bộ khẩu trang y tế FFP2 để ưu tiên cho nhân viên y tế và người bệnh được điều trị, quy định giá bán nước rửa tay có cồn tránh tình trạng lợi dụng dịch để tăng giá, quân đội sẵn sàng hỗ trợ chính phủ khi cần thiết…
Trang nhất của Les Echos là thông tin : "Chính phủ chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn 3 của dịch". Vấn đề chỉ còn tính theo ngày mà thôi. Đây là một thách thức nặng nề đối với chính phủ vì một mặt chính phủ không muốn làm người dân hoảng sợ, nhưng mặt khác lại phải chuẩn bị tư tưởng cho dân về những biện pháp mới, nghiêm ngặt hơn, sắp được ban hành.
Các nhà dưỡng lão Pháp chuẩn bị chống dịch Covid-19
Có tốc độ lây lan nhanh và rộng, virus corona là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người cao tuổi và/hoặc có bệnh nền. Trước thực tế này, các nhà dưỡng lão tại Pháp "Ehpad bước chân vào cuộc chiến chống dịch", theo nhật báo Le Monde.
Người cao tuổi sống phụ thuộc là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, Bộ y tế Pháp lại "thiếu những chỉ định đặc biệt", theo giám đốc của một nhà dưỡng lão. Trước lời chỉ trích "lĩnh vực (chăm sóc người cao tuổi) không phải chủ đề quan tâm của bộ", bộ trưởng y tế Pháp Olivier Véran đã mời một số đại diện của ngành đến họp để trấn an đội ngũ nhân viên, cũng thuộc ngành y tế, nhưng thường "bị bỏ quên" với lời hứa sẽ "gửi một bản hướng dẫn" về những thắc mắc : Phải làm gì khi một người sống trong nhà dưỡng lão bị nhiễm virus corona ? Có phải nhập viện người đó không ? Chăm sóc người bị nhiễm như thế nào ?
Di dân, độ liêm sỉ của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược dồn ép Liên Hiệp Châu Âu về Syria
Ngày 05/03/2020, tổng thống Erdogan đến Moskva họp với đồng nhiệm Nga Putin về thiệt hại bên phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ do bị quân đội Syria, được không quân Nga yểm trợ, tấn công ở Idlib, Syria. Mặt khác, tổng thống Erdogan cũng dùng biện pháp di dân để gây sức ép buộc Bruxelles can thiệp vào vấn đề Syria.
Trong bài xã luận, Le Monde nhận định, việc sử dụng thường dân khốn quẫn làm phương tiện gây sức ép trong tương quan lực lượng quốc tế không phải là điều mới mẻ, nhưng dùng di dân để đổi chác với Liên Hiệp Châu Âu, theo cách mà Ankara đang làm, thì tổng thống Erdogan đã vượt qua giới hạn liêm sỉ.
Thông điệp đưa ra rất rõ : Thổ Nhĩ Kỳ có thể lập lại kịch bản năm 2015, khi có đến một triệu người Syria, trốn nội chiến, băng qua Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới với Liên Hiệp Châu Âu dẫn đến một cuộc khủng hoảng di dân, an ninh và chính trị với làn sóng bài di dân lan rộng và phong trào dân túy trỗi dậy.
Ankara không ngại sử dụng một số tiểu xảo như thổi phồng số lượng di dân, thông báo rộng rãi mở cửa biên giới với Liên Hiệp Châu Âu, thậm chí "tạo điều kiện" bằng cách điều xe ca chở di dân đến biên giới… Mục đích của chính quyền tổng thống Erdogan là gây hỗn loạn như từng xảy ra trước đó, để chia rẽ và gây bất ổn cho 27 nước, công luận lên tiếng chỉ trích, tạo đà cho khuynh hướng dân túy trỗi dậy.
Nhưng mục tiêu sâu xa, theo xã luận của Le Monde, là Thổ Nhĩ Kỳ muốn tái thương lượng thỏa thuận ký với Bruxelles năm 2016 : Khoản tiền tài trợ cho di dân, thay vì chuyển cho các tổ chức phi chính phủ, sẽ phải chuyển cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Dĩ nhiên, Liên Hiệp Châu Âu quan ngại, nhưng vẫn theo xã luận của Le Monde, đây là cơ hội để 27 nước thể thiện bốn điểm : đoàn kết, cứng rắn, thực tế và nhân đạo.
Thứ nhất, phải đoàn kết về tài chính và chính trị đối với Hy Lạp và Bulgaria, hai nước trên tuyến đầu đối phó với hiện tượng này. Thứ hai, phải cứng rắn trước ý đồ đổi chác của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nước này cũng phải giải quyết hậu quả nhân đạo do can thiệp quân sự vào Syria và ngừng chơi trò nước đôi giữa NATO và Nga. Thứ ba là phải thực tế và nhớ rằng quan hệ về địa lý và lịch sử biến Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác bắt buộc của Liên Hiệp Châu Âu. Thứ tư là phải nhân đạo vì Liên Hiệp Châu Âu sẽ không xứng danh tên gọi đó nếu không tham gia vào việc tiếp nhận di dân.
Bài xã luận của Le Monde kết luận chưa bao giờ, vì sự trường tồn của Liên Hiệp Châu Âu, tầm quan trọng trong việc chia sẻ người xin tị nạn và việc cần có một chiến lược chung về vấn đề di dân lại cấp thiết đến như vậy.
Quá tải, Hy Lạp yêu cầu tăng viện
Trong bài phóng sự "Người nhập cư : Athens kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu tương ái", phóng viên của Le Monde cho biết Hy Lạp đã đẩy lùi hơn 24.000 ý đồ vượt biên vào nước này từ thứ Bẩy 29/02 đến thứ Hai 02/03, 183 người bị bắt trong đó có 17 người đã bị kết án từ 3 đến 4 năm tù và phạt 10.000 euro.
Trong khi đó, theo thỏa thuận ký với Bruxelles năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm kiểm soát làn sóng nhập cư đến Hy Lạp. Quốc gia Nam Âu này, từ vài ngày nay, bị quá tải, đã yêu cầu Cơ quan Kiểm soát Biên giới Frontex, tăng viện. Một tầu chiến, hai tầu tuần tra, hai máy bay trực thăng, một máy bay, thêm 100 lính biên phòng Châu Âu đến hỗ trợ cho 530 người đã có mặt tại chỗ, đã được gửi đến thực địa. Như vậy, theo Les Echos : "Di dân : Châu Âu quyết định bảo vệ biên giới Hy Lạp". Đây cũng là nhận định của Le Figaro khi đưa tin : "Khối 27 nước tổ chức cách hỗ trợ Hy Lạp".
Joe Biden hồi sinh
Sự hồi sinh bất ngờ, đầy sức thuyết phục của cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày Thứ Ba Trọng đại (Super Tuesday) của đảng Dân chủ được tất cả các nhật báo Pháp đưa tin.
Với chiến thắng tại 10 trên 14 bang trong ngày Super Tuesday, ông "Joe Biden tái thúc đẩy cuộc tranh cử trước Bernie Sanders", theo nhận định trên trang nhất của Le Monde. Như vậy, theo Le Figaro, "Cặp đôi Biden-Sanders hình thành để chỉ định người đối đầu với Trump". Chính lá phiếu của người Mỹ gốc Phi đã giúp ông Joe Biden lật lại cán cân. Libération đánh giá chiến thắng của "Joe Biden là một sự hồi sinh ngoạn mục", đặc biệt là chiến thắng tại bang Texas.
Thu Hằng
Kinh tế thế giới "ốm yếu" vì virus corona
Tình hình dịch bệnh Covid-19 thu hút sự quan tâm của tất cả các báo Paris, nhất là trong bối cảnh cho đến chiều tối ngày 01/03, Pháp ghi nhận 130 ca nhiễm virus và trở thành ổ dịch lớn thứ hai tại Châu Âu, sau nước láng giềng Ý.
Lối vào đấu trường cổ Coloseo tại Roma không một bóng người vì Virus corona. Ảnh ngày 02/03/2020. Reuters
Ra sớm từ chiều Thứ Bảy, báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Virus corona, các bệnh viện căng thẳng". Các bệnh viện công lo ngại không thểđối phó trong trường hợp số ca tăng đột ngột vì dịch bệnh. Hệ thống bệnh viện Pháp, vốn đã suy yếu do nhiều năm phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm kinh phí, nay đã quá tải do số người đến làm xét nghiệm virus ngày càng tăng. Trong khi hơn 200 nhân viên y tế bệnh viện Creil và Compiègne, tỉnh Oise, ổ dịch chính tại Pháp, bị cách ly, Cơ quan Y tế vùng Ile-de-France thừa nhận nguy cơ lây nhiễm tại các bệnh viện là vấn đề khiến họ lo ngại nhất.
Cùng dề cập đến virus corona, báo Le Figaro chạy tựa "Virus corona : Dịch bệnh đến Pháp, chính phủ hạn chế các hoạt động tụ tập đông người". Còn trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos thể hiện sự lo ngại qua hàng tựa "Virus corona : Báo động kinh tế". Mối lo kinh tế lớn dần, không chỉ ở Châu Âu và còn trên toàn thế giới, với "một kịch bản đen tối" về vận chuyển và hoạt động của các doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi được đặt ra khi các thị trường tài chính đột ngột suy yếu.
Báo công giáo La Croix trong bài viết "Kinh tế thế giới ốm yếu vì virus corona", dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ giảm 1/2 trong quý 1/2020. Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động. Virus corona đang gây ra cú sốc kinh tế mà hiện giờ còn rất khó để thống kê các con số. Khởi phát từ Trung Quốc, dịch bệnh lan rộng tại Châu Á và Châu Âu, khiến nhiều tuyến hàng không ngưng trệ, các chuyến du lịch bị hủy, nhiều nhà máy phải đóng cửa, các sự kiện lớn và các trận thi đấu thể thao cũng bị hủy.
Dù chưa thể thống kê hết, nhưng theo La Croix, cuộc khủng hoảng mang tên virus corona đã cho phép đo lường tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới. Theo công ty phân tích dữ liệu IDC, Trung Quốc là nước sản xuất đến 70% số điện thoại smartphone bán ra trên toàn cầu. Việc nhiều nhà máy ở nước này phải ngưng hoạt động đã khiến ngành sản xuất điện thoại thông minh chỉ đảm bảo được 2/3 sản lượng trong quý 01/2020.
Trung Quốc cũng sản xuất đến 90% penicilline, lần lượt 60% và 50% các hoạt chất giảm đau, hạ sốt paracétamol và ibuprofène. Tất cả các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đều sử dụng nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Còn bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire hồi cuối tháng 02 cho biết Trung Quốc bào chế đến 80% hoạt chất phục vụ ngành dược phẩm. Theo công ty nghiên cứu Dun & Bradstreet, ít nhất 51.000 doanh nghiệp trên thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp trực tiếp tại Vũ Hán, trung tâm ổ dịch virus corona tại Trung Quốc. Việc thiếu nguyên vật liệu đến từ Trung Quốc đã khiến dây chuyền sản xuất trên thế giới bị ảnh hưởng. Nhà máy sản xuất của hãng xe hơi Fiat Chrysler tại Kragujevac, Serbia đã phải ngưng hoạt động.
Trong khi đó, ngay tại Trung Quốc, tiêu dùng nội địa cũng bị đình trệ. Điều này cũng khiến các tập đoàn lớn của Châu Âu bị thiệt hại. Từ đầu năm tới nay, lượng hàng Adidas bán được tại nước này giảm 85%. Trong khi Trung Quốc chiếm 1/4 thị trường xe hơi toàn cầu, lượng xe bán được tại đây trong nửa đầu tháng 2 đã giảm 92%.
50% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là nhờ vào tiêu thụ trong nước, vì thế chính nước này sẽ phải gánh chịu cú sốc kinh tế lớn nhất. Theo nghiên cứu của ngân hàng Nhật Nomura, dịch bệnh sẽ khiến Trung Quốc mất 3 điểm GDP trong quý 1. Các nước láng giềng như Nhật Bản và Singapore đều có thể rơi vào suy thoái.
Pháp thất thu về du lịch
Vẫn liên quan đến tác động của virus corona, nhưng trong lĩnh vực du lịch, báo La Croix nhấn mạnh “Du lịch Pháp trong tình trạng báo động”. Các chuyên gia về du lịch lo ngại là vắng khách Trung Quốc, Pháp sẽ thất thu 2 tỉ euro trong năm 2020, tương đương 0,1% GDP cả nước. Một số người am hiểu về du lịch còn cho rằng lượng khách doanh nhân đến từ mọi nước trên thế giới cũng sẽ giảm, do các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế bị hủy hoặc dời sang các nước khác ngoài Pháp.
Về số du khách Pháp sang Trung Quốc du lịch, thường thì giai đoạn đầu năm là mùa thấp điểm, nhưng theo một nghiêp đoàn du lịch, năm nay sẽ không còn nhiều du khách Pháp sang Trung Quốc, một phần cũng là do các điều kiện cấp visa nhập cảnh vào Trung Quốc đã bị chính quyền Bắc Kinh thắt chặt từ năm ngoái.
Liên quan đến láng giềng Ý, Atout France, cơ quan phụ trách phát triển du lịch Pháp, cho biết Pháp là điểm đến du lịch ngoại quốc đầu tiên của người Ý và Ý là điểm đến du lịch nước ngoài thứ hai của du khách Pháp. Tình hình dịch bệnh tại ổ dịch lớn nhất và nhì Châu Âu như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng khách từ nước này sang nước kia.
Các phong trào biểu tình có chịu lùi bước trước virus corona ?
Nước Pháp vốn nổi tiếng về các hoạt động tuần hành, biểu tình. Trong bối cảnh chính phủ đã ra lệnh cấm các buổi tụ tập trên 5.000 người ngoài trời, Le Figaro vẫn dự báo sẽ rất khó ngăn cản người dân tham gia phong trào đấu tranh đường phố. Ngay trong ngày hôm qua, khi chính quyền ra lệnh hủy giải chạy bán việt dã ở Paris với 44.000 người tham gia, nhiều thành viên đã bất chấp lệnh cấm rủ nhau chạy. Còn những người Áo Vàng phát biểu là không ai có thể ngăn cản họ biểu tình đòi quyền lợi.
Từ phía lực lượng an ninh, liệu cảnh sát Pháp đã sẵn sàng trước nỗi lo dịch bệnh hay chưa ? Nghiệp đoàn Liên minh cảnh sát quốc gia (Alliance-police nationale) dọa sẽ dùng quyền tạm ngưng làm việc để cảnh sát, nhân viên lực lượng an ninh phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona. Tuy nhiên, một sĩ quan cảnh sát trấn an Le Figaro : “Chúng tôi sẽ không ngưng làm việc chỉ vì nguy cơ bị nhiễm bệnh, nếu không thì tình hình sẽ trở nên hỗn loạn”.
Chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thất bại tại Syria
Nhìn ra quốc tế, Le Monde nhận định "Chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thất bại tại Syria". Lạnh nhạt với Tây phương, bất đồng với nước Nga… chưa bao giờ Erdogan lại bị cô lập trên trường quốc tế như hiện nay khi quân đội Thổ phải đối phó với các cuộc tấn công từ chế độ Damascus, dưới sự yểm trợ của không quân Nga.
Gần 10.000 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tại Idleb mà không có sự yểm trợ của không quân, trong khi Nga là lực lượng duy nhất làm chủ bầu trời. Theo Le Monde, chỉ riêng điều này cũng cho thấy chính sách đối ngoại và an ninh của tổng thống Erdogan là không hợp lý. Ankara vốn muốn hướng tới quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Moskva.
Chính sách này cũng bộc lộ sự yếu ớt của Ankara khi "chân trong, nhân ngoài" NATO. Khi cuộc khủng hoảng ngoại giao với Mỹ tăng cao, hồi năm 2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gián tiếp dọa rời NATO, khẳng định Ankara đang tìm kiếm những người bạn mới, ý nhắc tới nước Nga.
Thế nhưng, khi phải đối phó với sự tấn công của Nga, lãnh đạo Thổ lại đề nghị sự hỗ trợ quân sự của các đồng minh cũ, đe dọa Châu Âu về một cuộc khủng hoảng di dân mới, kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trợ giúp và đề nghị Mỹ lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa Patriot mà ông Erdogan từng từ chối để chọn hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, do dù S-400 không tương thích với hệ thống phòng vệ của NATO.
Nhờ có thỏa thuận với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhắm mắt làm ngơ khi chế độ Syria, với trợ giúp của không quân Nga, tung chiến dịch tấn công vào miền nam Idleb, hồi cuối tháng 12 năm 2019. Về phía Thổ, chính quyền Ankara nghĩ rằng cuộc phản công của Damascus nhắm vào hang ổ cuối cùng của phe nổi dậy sẽ kéo dài, cho phép Thổ có những nhượng bộ mới từ phía Nga. Erdogan trông chờ vào một chiến dịch dài hơi, mà chưa bao giờ tính đến chuyện binh lính Thổ được triển khai tại tỉnh Idleb nhờ thỏa thuận Sochi mà ông ký với đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin, hồi năm 2018, có thể bị lực lượng của chế độ Syria bao vây. Rõ ràng là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể tính đến điều đó.
Nhìn từ trong nước, đối với những người không ưa Erdogan, việc tổng thống không có khả năng dự báo tình hình là do ông ta quá tự tin vào bản thân sau 18 năm một mình nắm quyền. Theo một nhà ngoại giao được Le Monde trích dẫn, Erdogan đã trở thành nhà hoạch định chính sách duy nhất trong nước. Không nhà cố vấn nào có thể gây ảnh hưởng đến Erdogan. Dường như các quyết định đều do một mình Erdogan đưa ra mà không tham khảo ai hết, nếu có thì cũng chỉ rất qua loa.
Năm 2019, dịch sốt xuất huyết đánh bại mọi kỷ lục
Trong khi toàn thế giới đang tập trung vào dịch viêm đường hô hấp cấp tính do virus corona mới gây ra, báo Le Figaro không quên nhắc nhở độc giả về một mối nguy hiểm đang không ngừng tăng do Trái đất nóng dần lên : "Năm 2019, dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới đã đánh bại mọi kỷ lục".
Trung bình hàng năm có 390 triệu người sốt xuất huyết, chủ yếu ở các vùng cận nhiệt đới như Châu Á - Thái Bình Dương, Nam Mỹ… Con số người bị bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng 30 lần so với cách nay 50 năm. Với hơn 20.000 người thiệt mạng hồi năm ngoái, sốt xuất huyết đã bị Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Các chuyên gia y tế cảnh báo tình hình năm nay cũng sẽ rất đáng lo ngại.
Riêng Châu Á - Thái Bình Dương tập trung 70% ca nhiễm trên toàn thế giới. Dịch bệnh lây lan rất mạnh ở Malaysia, Philippines và Sri Lanka. Còn tại Nam Mỹ, năm ngoái số người chết cũng tăng đến mức chưa từng có : 3 triệu người.
Trang nhất các báo Pháp
Trong khi báo Le Monde, Le Figaro và Les Echos đều chạy tựa trang nhất về virus corana, Libération đăng bức ảnh tổng thống Emmanuel Macron đậm nét, phía sau là hình thủ tướng Edouard Philippe mờ nhạt. Trên nền bức ảnh, Libération chơi chữ qua hàng tít : "Cải cách hưu trí, Manu Militari". Tờ báo cánh tả nhận định khi áp đặt điều 49 - khoản 3 Hiến pháp để rút ngắn thời gian tranh luận về dự án cải cách lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống, vốn đang gây rất nhiều tranh cãi, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron lại trở lại tính độc đoán mà ông từng tìm cách rũ bỏ.
Trong khi đó, báo công giáo La Croix loan báo "Kho tài liệu lưu trữ về Giáo hoàng Pio XII cuối cùng cũng được mở ra". Kể từ hôm nay 02/03/2020, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận các tài liệu của Tòa thành Vatican trong nhiệm kỳ của giáo hoàng Pio XII (1939-1958), nhất là về về vai trò và trách nhiệm của Giáo hội Công giáo trong việc người Do Thái bị Đức quốc xã sát hại trong Đệ nhị Thế chiến.
Thùy Dương
Bất chấp những bài học kinh nghiệm sau đại dịch SARS năm 2002. Chính quyền Trung Quốc vẫn sẵn sàng sử dụng kiểm duyệt và tuyên truyền trong khi dịch virus corona (COVID-19) bùng phát mà nhiều người coi là yếu tố thúc đẩy mức độ lây lan và gây tử vong của virus này.
Chính quyền Trung Quốc vẫn sẵn sàng sử dụng kiểm duyệt và tuyên truyền trong khi dịch virus corona (COVID-19) bùng phát mà nhiều người coi là yếu tố thúc đẩy mức độ lây lan và gây tử vong của virus này.
Để giữ dân bình tĩnh và giảm bớt chỉ trích, các trường hợp lây nhiễm sớm ở Vũ Hán đã bị hạ thấp (sự nguy hiểm) hoặc bỏ qua. Khi dịch bệnh đang lây lan, các bài báo về dịch bệnh bị kiểm soát thông qua các chỉ thị kiểm duyệt. Các thông tin y tế không được công bố bị gọi là "tin đồn", các chuyên gia y tế chia sẻ tin đồn đã bị trừng phạt, và được chiếu rộng rãi trên CCTV nhằm cảnh báo người dân.
Các phương tiện truyền thông chính thức đã cố gắng lên gân tinh thần bằng cách chia sẻ những câu chuyện tích cực về các nhân viên y tế anh hùng và các nghĩa cử từ thiện của công dân. Bất chấp những nỗ lực này, dư luận vẫn đang phẫn nộ.
Hiện nay, virus đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người dân Trung Quốc, giết chết gần 3.000 người và ảnh hưởng đến cuộc sống của gần như mọi người ở Trung Quốc. Việc chính quyền quản lý thông tin chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ của công chúng : sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong tám nhân viên y tế bị buộc tội phát tán tin đồn nhảm nhí ở Vũ Hán, chết vì COVID-19, cư dân mạng đã kêu gọi tự do ngôn luận, đòi hỏi nhiều tiếng nói trong xã hội hơn.
Để đối phó với sự phẫn nộ của công chúng sau cái chết của bác sĩ Lý, chính quyền được khuyên tăng cường kiểm soát thông tin trực tuyến và sử dụng tuyên truyền để chuyển hướng sự quan tâm người dùng web. Các nhà chức trách dường như đã làm theo lời khuyên : kiểm duyệt trong nước, xuất hiện thêm nhiều câu chuyện về các nhân viên y tế chiến đấu chống lại dịch bệnh và VPN (công cụ lách kiểm duyệt) trở nên khó sử dụng hơn.
Trong khi đó, nhà báo công dân Chen Qiushi và Fang Bin được cho là đã bị chính quyền bắt vì đưa tin về tình hình ở Vũ Hán, và nhà hoạt động nhân quyền Xu Zhiyong bị giam giữ sau khi viết một bài tiểu luận chỉ trích chính phủ.
Tuần này, Li Zehua, một cựu phóng viên CCTV hiện đang là một nhà báo công dân tường thuật từ Vũ Hán, cũng bị chính quyền ở đó bắt giữ và hiện vẫn không rõ tình trạng của ông ra sao. Dự án Truyền thông Trung Quốc đã dịch thông điệp cuối cùng mà ông Li ghi lại khi các nhân viên an ninh nhà nước đến trước cửa nhà ông :
"Tôi nghĩ rằng tôi không hổ thẹn với lương tâm mình, với cha mẹ tôi, với gia đình tôi, và với Đại học Truyền thông Trung Quốc , và đối với ngành báo chí mà tôi đã theo học. Tôi không hổ thẹn đối với đất nước tôi, và tôi đã không làm gì hại cho tổ quốc mình.
Tôi sẽ không bẻ cong chính kiến mình, tôi cũng không muốn bịt mắt và che tai lại. Điều đó không có nghĩa là tôi không thể sống hạnh phúc và thoải mái với vợ con. Dĩ nhiên tôi có thể làm điều đó. Nhưng tại sao tôi lại nghỉ việc ở CCTV ? Lý do là vì – tôi hy vọng nhiều người trẻ, nhiều người như tôi có thể đứng lên !".
Tờ New York Times, xem xét thái độ của người dân Trung Quốc trong chiến dịch truyền thông tích cực mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh, lưu ý rằng nhiều người ở Trung Quốc không còn chút kiên nhẫn đối với kiểu tuyên truyền này.
Tạp chí Phố Wall, ghi nhận có nhiều phản ứng dữ dội hơn đối với kiểm duyệt và tuyên truyền của nhà nước. Đặc biệt, một số bài phê bình thậm chí còn xuất hiện trên truyền thông nhà nước.
Tờ The Atlantic, lập luận rằng loại virus này làm lộ rõ lỗ hổng chết người của chủ nghĩa độc đoán của nhà nước cộng sản: đó là ngày càng tăng và phụ thuộc vào giám sát và kiểm duyệt để che giấu sự thật, khiến các nhà lãnh đạo không sẵn sàng đối phó với tình hình đang xảy ra.
Josh Rudolph
Bắc Kinh đang thúc đẩy những câu chuyện về sự kiên trì, nhưng nhiều người trẻ đang công khai đặt câu hỏi về thông điệp của Đảng cộng sản.
Nhân viên y tế kiệt sức với khuôn mặt hằn vết đeo kính bảo hộ và đeo khẩu trang phẫu thuật hàng giờ. Những phụ nữ cạo trọc đầu để cống hiến. Những người về hưu quyên góp tiền tiết kiệm cho chính phủ.
Tranh của họa sĩ Jialun Deng - Ảnh minh họa
Bắc Kinh đang khai thác vở kịch tuyên truyền cũ khi chống lại dịch bệnh corona không ngừng nghỉ, thách thức lớn nhất đối với tính hợp pháp của họ qua nhiều thập kỷ. Truyền thông nhà nước phát đi những hình ảnh và câu chuyện về sự đoàn kết và hy sinh nhằm mục đích đoàn kết nhân dân. Thậm chí còn tạo các linh vật hoạt hình có tên Jiangshan Jiao và Hongqi Man, các nhân vật có ý nghĩa khuấy động lòng yêu nước trong giới trẻ trong cuộc khủng hoảng.
Vấn đề đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là lần này các chiêu thức này không có kết quả.
Trên mạng, mọi người công khai chỉ trích báo chí nhà nước. Người dân lên án gay gắt những câu chuyện về sự hy sinh cá nhân khi nhân viên y tế tuyến đầu vẫn thiếu những vật dụng cơ bản như mặt nạ. Họ nhạo báng Jiang Sơn Jiao và Hongqi Man. Họ đã dè bỉu những hình ảnh của những người phụ nữ với đầu cạo trọc, đặt nghi vấn liệu những người phụ nữ có bị áp lực để cạo đầu không và tại sao đàn ông lại không làm vậy.
Một bài đăng có tiêu đề "Báo chí nên ngưng biến đám ma thành đám cưới".
Daisy Zhao, 23 tuổi, người Bắc Kinh, cho biết cô từng tin tưởng báo chí chính thống. Bây giờ cô căm giận báo chí đã buộc tội tám nhân viên y tế đưa tin đồn khi họ từng cố cảnh báo về mối đe dọa của vi rút Vũ Hán. Hình ảnh và video về khiển trách họ công khai đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
"Các phương tiện truyền thông chính thức đã mất uy tín rất nhiều," Cô nói.
Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc với những hoạt động ngày càng tinh vi đã giúp Đảng Cộng sản nắm quyền trong nhiều thập kỷ, hiện đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất.
Nhà cầm quyền đã chậm trễ trong việc công bố mối đe dọa của vi rút corona và ra tay đàn áp những người cố gắng cảnh báo dư luận. Khi làm như vậy, nhà cầm quyền đã làm suy yếu thỏa thuận ngầm với người dân khi người dân đã đánh đổi các quyền cá nhân để đổi lấy những lời hứa hẹn về an ninh.
Để chế ngự sự phẫn nộ của công chúng, Bắc Kinh quyết tâm tạo dựng một môi trường dư luận màu hồng. Nhà cầm quyền đã cử hàng trăm nhà báo được nhà nước đến Vũ Hán và nhiều nơi khác để dựng nên những câu chuyện thương tâm về các bác sĩ và y tá tuyến đầu cũng như sự ủng hộ của quần chúng.
Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã đối mặt với những thách thức lớn lao trong thực tế. Người dân Trung Quốc nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ trẻ đang khóc than – Mẹ! Mẹ ơi! khi mẹ cô bị bắt đem đi. Họ đã nhìn thấy một người phụ nữ đập một chiếc chiêng tự chế từ ban công của mình để cầu xin được đưa vô nhập viện. Họ đã nhìn thấy một y tá kiệt sức gục xuống và gào thét.
Và tất cả họ đã nhìn thấy khuôn mặt của Lý Văn Lượng, người bác sĩ đã cố cảnh báo về vi rút đã cướp đi sinh mạng của anh.
Cuộc khủng hoảng đã là nhiều người sáng mắt ra, đặc biệt là giới trẻ khi chứng kiến những khía cạnh đáng lo ngại dưới chế độ độc tài. Việc bịt miệng những người như bác sĩ Lý Văn Lượng đã cho người dân thấy sự nguy hiểm của chính sách hạn chế quyền tự do ngôn luận. Từ những yêu cầu đau khổ được các bệnh nhân cũng như bệnh viện phát tán trên mạng hòng mong chính quyền giúp đỡ, người dân đã nhìn thấu mặt nạ của một chính phủ tự xưng vô lượng vô biên.
Bắc Kinh đang làm mọi thứ có thể để lấy lại điểm son của chế độ. Truyền thông quốc doanh liên tục cung cấp thông tin về việc 41 người dân quyên góp tiền giấu mặt, hay nhân viên cấp cứu làm việc ngay sau khi thân mẫu qua đời, một phụ nữ mới sinh cũng tham gia đội quân chữa bệnh. Tất cả các câu chuyện đều na ná nhau.
Có những chuyện không thể tin được như hai đứa con sinh đôi của một y tá vừa mới được sinh ra đã hỏi cha đâu, hay một người chồng sống đời thực vật từ năm 2014 lại có thể mỉm cười mỗi khi tên vợ được nhắc tới vì hi sinh tham gia chống dịch bệnh.
Dù người dân ngưỡng phục các nhân viên y tế nhưng truyền thông quốc doanh đã không đề cập đến chuyện thiếu đồ bảo hộ hay 3.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Có người viết trên mạng Weibo rằng: " Hi sinh của họ là đáng ghi nhớ. Nhưng cần bảo đảm là bi kịch không lặp lại và đừng tung hô cái gọi là ‘hi sinh là vinh quan’".
Người viết bài " Đám ma thành đám cưới", Deng Xueping, cho biết chỉ phát đi hình ảnh một bệnh nhân vui vẻ mà che giấu sự khổ đau của tất cả mọi người khác thì chẳng có gì là thông tin đúng đắn về tình trạng đại dịch.
Người dân cũng phẫn nộ đối với thông tin nhà nước về một nữ nhân viên y tế cạo đầu ở tỉnh Cam Túc khi đang trên đường đến tỉnh Hồ Bắc, có người còn khóc.
Điều đó đặt ra câu hỏi trên mạng xã hội về việc phụ nữ có bị áp lực phải cạo trọc đầu hay không và tại sao đàn ông lại không làm vậy. Bệnh viện tỉnh Cam Túc trả lời rằng những họ tự nguyện làm điều đó.
Thất bại lớn nhất cho bộ máy tuyên truyền của đảng xảy ra vào tuần trước khi Đoàn Thanh niên Cộng sản công bố Jiang Sơn Jiao và Hongqi Man – hai hình tượng hoạt hình trong trang phục truyền thống của Trung Quốc. Tên của họ – "Giang Sơn" mang ý nghĩa là quốc gia Trung Quốc và "Mạnh Hồng" tượng trưng cho lá cờ đỏ của đảng – được lấy từ một bài thơ của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
"Hãy cổ vũ cho các thần tượng của đoàn thanh niên" – Bộ máy tuyên truyền thúc dục quần chúng.
Người dân đã không cỗ vũ! Đoàn Thanh niên cộng sản đã phải xóa các bài đăng sau khi bị phê bình là tổ chức đảng đã tìm cách biến mối quan hệ giữa đất nước và công dân thành mối quan hệ thần tượng giải trí và giới hâm mộ. Một nhận xét trên mạng "Tôi là công dân không phải người hâm mộ" – đã nhận được hơn 50.000 lượt thích.
Phản ứng ngược này có thể đã thể hiện một thái độ mới của thế hệ trẻ đối với nhà cầm quyền.
Stephanie Xia, 26 tuổi, sống ở Thượng Hải cho biết trong tháng vừa qua, nhiều người trẻ đã đọc rất nhiều thông tin trực tiếp và các báo cáo chuyên sâu về dịch bệnh trên internet và cô nói "họ vừa tức giận vừa bối rối vì những gì họ tìm hiểu được".
Cô Xia cũng cho biết thêm là có khoảng cách giữa việc giới trẻ ra sao với việc nhà cầm quyền tin rằng giới trẻ là như thế.
Mặc cho sự hoài nghi của quần chúng ngày càng tăng, đảng và nhà nước vẫn nhận được sự hỗ trợ rộng rãi. Trong khi đa số là những người già chỉ dựa vào truyền thông quốc doanh, đảng vẫn dựa vào sự ủng hộ của những người trẻ tuổi như Lu Yingxin.
Cô Lu cho biết cô rất cảm động trước những tường thuật về sự hy sinh của các nhân viên y tế tuyến đầu và những thường dân quyên góp tiền cho Vũ Hán. Cô đau buồn với cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng và không vui với việc công an cáo buộc bác sỹ tung tin đồn.
Tuy nhiên, cô vẫn không thất vọng với chính phủ và cô viện lý do rằng nhà nước có quá nhiều thứ để đối phó. Cô nói – "Ngay cả khi tôi nói rằng tôi không tin vào chính phủ, thì tôi có thể làm gì ? Có lẽ tôi chẳng làm được gì".
Chẳng có cách nào để đánh giá tình cảm của công chúng ở Trung Quốc. Nhưng thái độ của cô Lu có lẽ là một thái độ phổ biến và là thái độ mà đảng và nhà nước Trung Quốc muốn nuôi dưỡng.
Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm duyệt internet trong vài tuần qua. Tài khoản truyền thông xã hội đã bị xóa hoặc bị đình chỉ. Bắt đầu từ thứ bảy, các mạng trực tuyến sẽ phải tuân theo các quy định mới với các giới hạn thậm chí chắc chắn còn chặt chẽ hơn.
Một số người thuộc thế hệ lón tuổi lo ngại rằng dịch bệnh sẽ bị lãng quên giống như nhiều thảm kịch khác ở Trung Quốc.
Nhà văn Yan Lianke đã nói trong một buổi thuyết giảng tại Đại học Khoa học và Kỹ Thuật Hồng Kông nói: "Nếu chúng ta không thể trở thành một người báo tin như Lý Văn Lượng, thì hãy là người biết lắng nghe".
Ông nói: "Nếu chúng ta không thể nói lớn thì hãy nói nhỏ, nếu chúng ta không thể nói nhỏ thì hãy im lặng nhưng phải nhớ và phải giữ gìn ký ức… Hãy trở thành một người có những mộ huyệt trong tim".
Trong nỗ lực xây dựng ký ức tập thể, hàng ngàn thanh niên đang xây dựng kho lưu trữ kỹ thuật số các bài đăng, video và câu chuyện truyền thông trực tuyến về dịch bệnh đã hoặc sẽ có khả năng xóa và họ đã đăng những bài báo, video này lên internet ngoài Trung Quốc.
Một số người trẻ đã có "những ngôi mộ trong tim" và họ muốn những người trẻ khác cũng làm như họ.
Cô Zhao, người Bắc Kinh, cho biết sau khi chứng kiến các cuộc thảo luận trực tuyến trái ngược trong thời gian bệnh dịch bùng phát, cô đã quyết định theo đuổi nghề giáo. "Hãy quan tâm về thế giới và con người trong đó".
Cô Xia, người có tài khoản Weibo đã bị đình chỉ 30 ngày vì các bài đăng liên quan đến dịch bệnh, cho biết cô quyết tâm lên tiếng cho dù kiểm duyệt có chặt chẽ đến đâu để thế hệ tiếp theo có thể nhớ đến những gì đã xảy ra. Và cô viết – "Can đảm tới đâu thì nói hết ra tới đó. Rốt cuộc thì có nói vẫn tốt hơn là không nói gì".
Li Yuan
Nguyên tác : Coronavirus Weakens China’s Powerful Propaganda Machine, The New York Times, 26/02/2020
Diễm My dịch
Nguồn : VNTB, 28/02/2019
Virus Covid-19 : Việt Nam nên mở cửa khẩu với Trung Quốc và cho học sinh đi học trở lại ? (BBC, 23/02/2020)
Việt Nam đang đứng trước nhiều bài toán lớn và hóc búa trong lúc đương đầu và xử lý dịch viêm phổi do virus Covid-19 hay virus corona chủng mới gây ra, trong đó có việc nên chấp nhận việc nối lại tự do đi lại với người Trung Quốc qua các cửa khẩu, biên giới Việt - Trung và có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường hoc hay không.
Việt Nam đang đối phó hàng ngày, hàng giờ với dịch bệnh do Virus corona chủng mới hay Covid-19 gây ra
Về bài toán thứ nhất liên quan quan hệ Việt - Trung, hôm 20/2, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại một diễn đàn khu vực về hợp tác ứng phó dịch bệnh tại Vientiane, Lào, đã hối thúc các nước ở Asean, trong đó có Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc qua các cửa khẩu hay biên giới với Trung Quốc, quốc gia là nơi đã bùng phát Covid-19, Tiến sỹ, Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện độc lập về chính sách xã hội và y tế, sức khỏe, bình luận với Bàn tròn Thứ Năm cùng ngày :
Đứng về phía đề nghị của Trung Quốc, chúng ta thấy xuất phát trên cơ sở để Trung Quốc cố gắng bình thường hóa nỗi lo về tình hình dịch ở Trung Quốc đối với các nước xung quanh, bởi vì nếu như tiếp tục các biện pháp có tính chất ngăn ngừa sự giao thương, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc và có thể gây nên những hệ lụy rất là nặng nề thêm khác. Cho nên vấn đề Trung Quốc đề nghị, tôi nghĩ rằng cũng có lý do phù hợp.
"Thế còn về phía Việt Nam chấp nhận hay không, tôi nghĩ trong trường hợp này đúng là một bài toán đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất là mềm dẻo giữa vấn đề gọi là tính dịch tễ học và khả năng chống dịch của Việt Nam với tình hình thực tế.
"Chúng ta hiện nay còn thiếu thông tin, chưa rõ được số lượng người dân Trung Quốc sang đây là như thế nào. Thứ hai là hệ thống hoạt động hữu hiệu của bộ phận tại các cửa dịch, chúng ta (Việt Nam) làm tốt đến đâu.
"Điểm thứ ba nữa, chúng ta cũng đều biết rằng là dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay chưa kiểm soát xong và tính lây của dịch bệnh này là lây cả trong giai đoạn mà chưa có biểu hiện lâm sàng, tức là trong thời gian ủ bệnh.
"Cho nên việc Việt Nam tổ chức thế nào để giám sát tại các cửa khẩu, đồng thời tiến trình sau đó giám sát được các đối tượng vào ở các vị trí, nếu như cho vào.
"Nếu như không có triệu chứng lâm sàng mà cho vào, thì sau đó tiến trình giám sát mang tính báo cáo với bên y tế về vấn đề tự giám sát các triệu chứng lâm sàng để phát hiện tiếp những trường hợp có nguy có đã nhiễm mà vào Việt Nam, thì tôi cho rằng việc này hoàn toàn trong nội bộ Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc.
"Nếu như hệ thống của anh thực sự tốt và kiểm soát được chặt chẽ tất cả các đối tượng vào, thì lúc đó có thể đặt bài toán ra trong vấn đề gọi là xét mối quan hệ với bên Trung Quốc, một nước láng giềng mà tôi cho rằng vẫn còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác.
Tác nghiệp kiểm soát dịch tại một chốt kiểm dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc, miền Bắc Việt Nam
"Còn nếu như hệ thống phòng chống dịch của chúng ta (Việt Nam) mà không đảm bảo được các yếu tố đó, thì tôi cho rằng lại trở thành các mối nguy. Tại sao ? Bởi vì lúc đó nỗi lo của người dân lại từ trong chính Việt Nam, tức là nỗi lo của xã hội và lại có thể dẫn đến một tình trạng bất lợi khác.
"Đặc biệt chúng ta biết rằng dịch bệnh không chỉ có Covid-19, mà trong điều kiện của đất nước hiện nay, mà lại ở gần Trung Quốc, còn có rất nhiều nguy cơ dịch bệnh khác mà có thể xảy ra. Thế mà để cho nỗi lo trong xã hội cứ dấy lên như thế ảnh hưởng những vấn đề khác, thì chúng ta lại càng khó kiểm soát", từ nơi đang thăm viếng tại Texas, Hoa Kỳ, ông Trần Tuấn nói với BBC.
'Sức ép rất lớn'
Từ Sài Gòn, Luật sư Đinh Hồng Hạnh, một thành viên nhóm quan sát độc lập về quyền con người và chính sách, xã hội, nói với Bàn tròn của BBC :
"Việc chúng ta hay nghe là 'cấm người Trung Quốc qua' thực ra là không chính xác, chúng ta không cấm mà chúng ta quản lí dịch bệnh. Ngoài ra, việc cấm các chuyến bay là một biện pháp thương mại khác.
"Tôi nghĩ giữa việc Trung Quốc tuyên bố đã giảm phần trăm số lượng rất là nhiều lượng người mắc bệnh mới, đồng thời số lượng người khỏi bệnh cũng đã tăng lên, các quy trình khắc phục mà Việt Nam đưa ra khá là khả quan, thì đây là một đề nghị tạm gọi là một đề nghị có lí của Trung Quốc.
"Còn việc Việt Nam có chấp nhận hay không thì tôi nghĩ là phù hợp với chính sách linh hoạt của Việt Nam. Như đã nói thì Việt Nam vẫn áp dụng việc cách ly những người về từ Trung Quốc từ những vùng có dịch, hoặc là Việt Nam cấm cấp giấy phép lao động cho những lao động đến từ Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam vẫn có một sự dè chừng nhất định đối với đề nghị này.
"Ngoài ra, việc thông thương giữa cửa khẩu của hai nước cũng đang dần tốt lên, ví dụ một tuần trước chúng ta (Việt Nam) vẫn còn giải cứu Thanh Long với giá từ 5-10 ngàn đồng (một kg), thì trong vòng ngày hôm qua (19/2) trở lại đây thì giá Thanh Long đã tăng trở lại ở một vài cửa khẩu mà Trung Quốc đã thông thương.
"Thì tôi nghĩ nó sẽ nhỏ giọt ở đâu đó những biện pháp mở cửa trở lại ở Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ vẫn khá là e dè đối với đề nghị này".
Hôm thứ Bảy, 22/02, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và quan sát bang giao Việt - Trung nếu bình luận với BBC :
"Trong bối cảnh 80 quốc gia đang đóng cửa với công dân Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều phải đóng cửa biên giới, Trung Quốc đang lâm vào thế bị cô lập , thập diện mai phục, khó khăn nhiều bề, không lạ khi ngoại trưởng Vương Nghị gây sức ép, đề nghị Bộ trưởng Phạm Bình Minh khôi phục hoặc nới rộng tự do đi lại với công dân Trung Quốc, mở đột phá khẩu cho công dân trong nước để giải toả bớt áp lực trong nước và quốc tế.
Các nữ chiêu đãi viên hàng không tại một sân bay trong mùa dịch
"Tuy nhiên, nguy cơ xét nghiệm âm tính giả, nguy cơ virus có trong nước tiểu hay các chất thải, ô nhiễm qua đường nước thải hay các con đường mà y tế hiện vẫn chưa khám phá hết.
"Việc các bác sĩ Trung Quốc cũng bị lây nhiễm và tỷ lệ tử vong không nhỏ đặt ra những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dịch SARS hay thậm chí cả dịch Ebola, mọi động thái thận trọng trong chính sách đều không thừa, sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả cộng đồng trong nước lẫn quốc tế, các quốc gia liên quan phụ thuộc vào nhau rất nhiều.
"Trung Quốc cũng không thể trách cứ Việt Nam nếu Việt Nam có lựa chọn giống 80 nước còn lại, an toàn của người dân và của nền kinh tế là trên hết sau đó mới tính đến chuyện "đột phá khẩu" hay nghĩa vụ quốc tế.
Mở rộng vấn đề thêm, nhà nghiên cứu này nói : "Đi kèm theo đề nghị này là đề xuất xả nước thuỷ điện để cứu sông Mê Công đang khô hạn nặng ở hạ nguồn, thể hiện hình ảnh " nước lớn có trách nhiệm".
"Tuy nhiên việc xả nước thuỷ điện này theo đánh giá của chuyên gia không hề có tác dụng trong việc cứu đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, trong khi nguy cơ của việc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc không bối cảnh hiện nay mang lại mối nguy hại quá lớn.
"Sức ép của Trung Quốc đối với chính phủ Việt Nam sẽ là rất lớn, tuy nhiên theo tôi chỉ nên nới lỏng về giao thương hàng hoá và vẫn cần áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly và hạn chế đối với công dân Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng về y tế của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thời gian vừa rồi khống chế tốt được dịch chủ yếu do chính sách của chính phủ và nỗ lực của toàn dân, hàng triệu gia đình đã phải cho con nghỉ học ở nhà".
Chọn một trong hai ?
Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua khẩu trang
Về bài toán thứ hai là liệu Việt Nam có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường học hay không, cũng hôm thứ Bảy, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, người cũng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, đưa ra bình luận với BBC từ góc nhìn bên trong ngành giáo dục :
"Theo tôi tháng 3/2020, các trường Đại học và trường phổ thông chỉ có thể mở lại khi vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và cách ly 14 ngày đến 24 ngày với công dân Trung Quốc và công dân Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đến từ các tâm dịch.
"Nếu nhà nước có muốn có các động thái nới lỏng để phục hồi sản xuất, kích cầu các ngành hàng không, du lịch hay có các động thái " hữu nghị" với Trung Quốc thì nên cho các cháu học sinh cấp I (Tiểu học), cấp II (Phổ thông Cơ sở) nghỉ nốt tháng Ba theo đề xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh để giữ an toàn sức khoẻ tính mạng cho các cháu và đảm bảo sự an tâm cho các gia đình.
"Các cháu học sinh lớp 9, học sinh cấp III (Trung học Phổ thông) và đại học có thể cân nhắc nhập học trong tháng Ba để kịp chương trình".
Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng đề cập đến việc có nên chỉ lựa chọn giữa một trong hai vấn đề hay bài toán trên để xử lý vào thời điểm hiện nay ở Việt Nam, bà nói :
"Tôi nghĩ các chính sách ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và chính sách mở cửa trường học trở lại liên quan mật thiết đến nhau.
"Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần một, hai cháu lây nhiễm là sẽ có nguy cơ rất lớn cho việc dịch bệnh bùng phát trở lại, không nên mạo hiểm trong lúc này, chỉ có thể chọn một trong hai, mở cửa trường học hoặc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc.
"Theo tôi, không nên cho tất cả trứng vào cùng một giỏ.
"Nhiều cuộc thăm dò ý kiến dư luận vẫn cho thấy khoảng 65% phụ huynh vẫn do dự chưa muốn cho con đến trường vào đầu tháng Ba.
"Để thể hiện tình hữu nghị của Việt Nam, có thể tiếp tục cung cấp khẩu trang, thuốc men, vật tư y tế , kinh nghiệm và phác đồ chữa bệnh, nhưng sức khoẻ tính mạng của các cháu bé và lòng tin, sự ủng hộ đồng lòng của người dân cần đặt cao hơn lợi ích kinh tế và tình hữu nghị quốc tế", Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng nói với BBC trên góc nhìn từ quan điểm riêng.
*****************
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo phải tiếp nhận 'người từ vùng dịch Hàn Quốc' (BBC, 22/02/2020)
Chính quyền Thành phố Hà Nội có "phiên họp đột xuất" vào chiều hôm Chủ nhật 23/2 trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là tại Hàn Quốc.
Ông Chung cũng nói về nhu cầu "nâng mức cảnh báo đi lại"
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông dẫn lời nói "Hiện chưa có thông tin nào từ Ban Chỉ đạo quốc gia coi Hàn Quốc là vùng dịch, nhưng diễn biến rất phức tạp, vì 15 - 20 ngày qua, người Hàn Quốc vẫn qua lại Việt Nam bình thường và lượng người Hàn Quốc ở Hà Nội là rất lớn.
"Người Việt Nam lao động, học tập ở Hàn Quốc cũng rất nhiều. Nếu Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán …phải đưa người về thì Hà Nội phải tiếp nhận hàng chục ngàn người chứ không ít, nên phải chuẩn bị", ông Chung nói thêm.
Ông Chung cũng nói về nhu cầu "nâng mức cảnh báo đi lại" như Hoa Kỳ đang khuyến cáo công dân nước mình.
Hàn Quốc nâng cảnh báo virus corona lên mức cao nhất trong bối cảnh 5 người tử vong và hơn 600 ca xác nhận nhiễm Covid-19. Hầu hết các ca này liên quan tới một bệnh viện và một nhóm giáo phái gần thành phố phía đông nam Daegu.
Tổng thống Hàn Quốc nói đất nước ông đang đối mặt "bước ngoặt nghiêm trọng" và những ngày tới là vô cùng quan trọng.
Bệnh viện Daenam điều trị cho người mất trí và người cao tuổi tại Cheongdo Hàn Quốc thông báo có 110 ca nhiễm bao gồm 9 nhân viên y tế tại đây.
Tin cho hay Israel từ chối khoảng 200 người không phải là người Israel đến từ Hàn Quốc rời khỏi máy bay, và buộc họ phải trở về Seoul ; 12 người Israel trên chuyến bay thì đã bị cách ly.
Trong khi đó chính quyền Ý đã đưa ra "các biện pháp mạnh mẽ" để giải quyết sự lây lan của một đợt dịch virus corona lớn nhất vừa bùng phát ở Châu Âu.
Thủ tướng Giuseppe Conte đã công bố kế hoạch khẩn cấp vào cuối ngày thứ Bảy khi số trường hợp bị lây nhiễm tăng lên 79 người.
Các biện pháp đã được đưa ra sau khi hai công dân Ý được xác nhận đã tử vong vì virus corona.
Hàng chục thị trấn ở khu vực phía bắc là Bologna và Veneto đang được kiểm dịch một cách hiệu quả theo kế hoạch.
Khoảng 50.000 người từ các thị trấn ở hai khu vực phía bắc đã được chính quyền yêu cầu cách ly tại gia.
Ông Conte cho biết việc ra hoặc vào khu vực bùng phát dịch này giờ sẽ bị cấm trừ khi có được sự cho phép đặc biệt.
Tất cả các hoạt động thể thao và trường học đã bị đình chỉ trong các khu vực này, bao gồm một số trận bóng đá Serie A sẽ diễn ra vào Chủ nhật.
Cảnh sát, và nếu cần thiết các lực lượng vũ trang, sẽ có thẩm quyền để đảm bảo các quy định được thực thi.
Thủ tướng nước Ý Giuseppe Conte (giữa) nói rằng người dân sẽ không được phép ra vào khu vực dịch bệnh
Chính quyền Ý lo ngại virus này đã lan ra bên ngoài các trường hợp bị cô lập ở vùng Bologna và Veneto, khiến nó trở nên khó kiểm soát.
Giulio Gallera, giám đốc y tế của Bologna cho biết : "Sự lây nhiễm của loại virus này rất mạnh và hiểm độc".
Virus coronavirus mới có tên gọi chính thức là Covid-19 bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ năm ngoái, nhưng đã lan sang 26 quốc gia, với hơn 1.400 trường hợp và 11 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc đã được xác nhận.
Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết tỷ lệ tử vong và các trường hợp mới nhiễm virus corona đã giảm vào thứ Bảy. Hiện có khoảng 76.392 trường hợp bị nhiễm bệnh và trong đó có 2.348 trường hợp tử vong tại Trung Quốc.
Tỷ lệ bị lây nhiễm và tử vong của virus corona, Covid-19 so với các đợt dịch trước đây như Sars, Mers
Tuy nhiên bên ngoài Trung Quốc, các ca lây bệnh không có liên kết rõ ràng với quốc gia này vẫn tiếp tục gia tăng, gây lo ngại từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết mối quan tâm lớn nhất hiện nay là các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn, đặc biệt là ở Châu Phi.
Tàu du lịch Diamond Princess ngoài khơi Nhật Bản cũng có hơn 600 trường hợp.
Ba mươi hai hành khách tàu du lịch Anh và Châu Âu trên tàu này đang đi cách ly ở tây bắc nước Anh sau khi trở về từ Nhật Bản.
Iran thì cho biết đã có người thứ năm chết vì virus corona và ra lệnh đóng cửa các trường học, trường đại học và trung tâm văn hóa ở 14 tỉnh.
Vào tháng 1, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sự bùng phát của Covid-19.
Sốt, mệt mỏi và ho khan là những triệu chứng phổ biến nhất của một người bị lây nhiễm virus corona.
Tỷ lệ người chết vì căn bệnh này dường như thấp, hầu hết chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ và sau đó hồi phục hoàn toàn.
***********************
Dịch Covid-19 : Nam Hàn nâng mức báo động, Hà Nội lo đón hàng chục ngàn người từ vùng dịch (RFA, 23/02/2020)
Hà Nội có thể phải đón đến hàng chục ngàn người từ Nam Hàn, nước đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trong những ngày qua và vừa phải nâng mức báo động lên mức cao nhất sau ca tử vong thứ 5 hôm 23/2.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 19/2/2020 ở Daegu, Nam Hàn : các nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng ở một chi nhánh của nhóm đạo Shincheonji nơi có nhiều người bị nhiễm Covid-19 AFP
Tại cuộc họp khẩn cấp vào ngày Chủ nhật, 23/2, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông trong nước trích lời cho biết:
“Hiện chưa có thông tin nào từ Ban Chỉ đạo quốc gia coi Hàn Quốc là vùng dịch, nhưng diễn biến rất phức tạp, vì 15 - 20 ngày qua, người Hàn Quốc vẫn qua lại Việt Nam bình thường và lượng người Hàn Quốc ở Hà Nội là rất lớn. Người Việt Nam lao động, học tập ở Hàn Quốc cũng rất nhiều. Nếu Hàn Quốc diễn biến phức tạp như Vũ Hán (Trung Quốc - phóng viên), phải đưa người về thì Hà Nội phải tiếp nhận hàng chục ngàn người chứ không ít, nên phải chuẩn bị”.
Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh trích thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết hiện ở thành phố Daegu và Gyeongbuk (hai thành phố tâm dịch ở Nam Hàn) có hơn 4.000 lao động Việt Nam. HIện vẫn chưa có lao động Việt Nam nào ở Nam Hàn bị xác nhận nhiễm Covid-19.
Giới chức sở Y tế Hà Nội cho biết hiện có khoảng 26.000 người Việt tại hai tỉnh có dịch của Nam Hàn.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu trước mắt cần nâng mức độ cảnh báo đi lại, bởi Mỹ cũng đã nâng mức cảnh báo đi lại với Nhật, Hàn Quốc.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị cách ly nơi cư trú 14 ngày đối với người đến từ vùng có dịch ở Hàn Quốc, đồng thời khuyến cáo người dân không đi du lịch sang các nước có dịch.
******************
Virus corona : Việt Nam bớt hạn chế trao đổi mậu dịch qua biên giới Trung Quốc (RFI, 21/02/2020)
Hãng tin Reuters hôm 21/02/2020 trích dẫn Bộ Công thương cho biết Việt Nam đã giảm nhẹ các hạn chế về trao đổi mậu dịch qua biên giới Việt – Trung, mặc dù dịch viêm phổi vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc.
Nhân viên y tế mặc bảo hộ làm việc tại cửa khẩu biên giới Hữu Nghị Lạng Sơn, Việt Nam, ngày 20/02/2020 Reuters/Kham
Trong bản thông cáo, Bộ Công thương cho biết là chính quyền tỉnh Lạng Sơn hôm qua đã mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh của tỉnh này. Nhưng theo Bộ Công thương, tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài, phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cho nên "tiến độ xuất khẩu nông sản vẫn chậm hơn rất nhiều" so với thời gian trước khi có dịch.
Ngoài ra, theo các nhân chứng của hãng tin Reuters, gần cửa khẩu Hữu Nghị, hàng trăm xe tải của Việt Nam cũng đang chuẩn bị chở hàng sang Trung Quốc, sau khi bị chặn lại từ ngày 05/02. Toàn bộ các nhân viên hải quan đều đeo khẩu trang khi làm việc và các tài xế xe tải cũng đeo khẩu trang trước khi vượt qua biên giới.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam. Vào đầu tháng này, để ngăn chận sự lây lan của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, Việt Nam đã đóng cửa một phần biên giới, đồng thời đã ngưng cấp visa nhập cảnh cho khách Trung Quốc.
Cũng theo Reuters, một điều tra của Phòng thương mại Hoa Kỳ vào tuần trước cho thấy là các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề về nguồn cung cấp nguyên vật liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Việt Nam hiện nay, trên tổng số 16 người được xác định bị nhiễm virus corona chủng mới, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, người cuối cùng là một Việt kiều Mỹ, được xuất viện chiều nay sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ở Sài Gòn. Như vậy tính đến hôm nay, 21/02, chỉ còn một người bị nhiễm Covid-19 nằm viện, đó là bệnh nhân đang được điều trị ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, theo Thông tấn xã Việt Nam hôm nay, do vẫn lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 lây lan, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định không tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2020, theo dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè. Trước đó, hôm 18/02/2020, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quyết định dời ngày tổ chức Festival Huế 2020, theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì cuộc đua xe Công thức 1 (F1) tại Hà Nội. Tuy vậy, đài truyền hình RTL của Đức hôm qua thông báo sẽ không cử người đến Việt Nam để tường thuật về sự kiện thể thao này.
Thanh Phương
*****************
Bộ Công thương : Samsung sẽ chịu ảnh hưởng do dịch covid-19 (RFA, 21/02/2020)
Bộ Công thương hôm 21/2 cho hãng tin Reuters biết khu vực chế tạo của Việt Nam với ví dụ điển hình là hãng Samsung sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19.
Xe container chở vật liệu từ Trung Quốc tại biên giới cửa khẩu Hữu Nghị giáp với Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam ngày 20/2/2020 - Reuters
"Các nhà chế tạo xe hơi, thiết bị điện tử và điện thoại đang gặp khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu vì gián đoạn do virus (covid-19).
Việt Nam phụ thuộc về nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc, và điều này làm cho Việt Nam dễ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát", thư điện tử của Bộ Công thương gửi Reuters có đoạn viết.
Theo Bộ Công thương, Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam cũng phải chịu ảnh hưởng, cụ thể là dây chuyền sản xuất hai loại điện thoại mới của hãng này vì phần lớn phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 20/2 trang tin Nikkei của Nhật bản trích lời giới chức Công ty điện tử Samsung Electronics cho biết hoạt động tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam vẫn diễn ra ở công suất tối đa.
Ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc Truyền thông Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, cho biết : "Hoạt động của Samsung tại Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn bình thường. Cứ 2 chiếc điện thoại Samsung bán ra trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi đang hoạt động hết công suất".
Samsung đã công bố ra mắt điện thoại Galaxy S20 tại Hoa Kỳ vào ngày 12/2. Điện thoại dự kiến sẽ bán ra thị trường ngày 6/3, điều này cho thấy Samsung có đủ năng lực để sản xuất model cao cấp tại các nhà máy Việt Nam cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Reuters, Việt Nam hôm thứ Năm (20/2) đã giảm bớt một số hạn chế liên quan đến y tế đối với thương mại xuyên biên giới để thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng một số biện pháp nghiêm ngặt vẫn được áp dụng.
Bộ Công thương cho biết Samsung đang xem xét sử dụng vận tải đường biển hoặc đường hàng không để nhập khẩu các linh kiện cần thiết nhưng điều này sẽ làm tăng chi phí và hầu như không đáp ứng được lịch trình sản xuất và nhu cầu.
Nếu dịch bệnh không được kiềm chế trong khoảng 1 tháng tới, chúng tôi sẽ dự trữ hàng. Sản lượng TV và điện thoại trong nước sẽ giảm mạnh", Bộ cho biết, trích dẫn từ một báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.
*****************
Dịch covid-19 : Bộ Y tế lo ngại người trở về từ Trung Quốc trốn cách ly (RFA, 21/02/2020)
Bộ Y tế Việt Nam hôm 20/2 cho biết một số người Việt Nam trở về từ vùng dịch covid-19 đã trốn cách ly theo quy định là 14 ngày. Bộ Y tế yêu cầu công an ở các tỉnh thành lập danh sách những người trở về trong 14 ngày qua để báo giới chức y tế nhằm kịp thời cách ly những người này.
Hình minh họa. Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một tài xế ở cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới với Trung Quốc hôm 20/2/2020 - Reuters
Dịch covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào khoảng tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 76.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.200 ca tử vong, phần đông là tại Trung Quốc.
Việt Nam cho đến lúc này mới ghi nhận 16 ca dương tính với virus mới và đã cho xuất viện 15 ca.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/2 đã cho xuất viện bệnh nhân người Mỹ gốc Việt và thông báo thành phố không còn người nhiễm covid-19.
Thung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho báo chí biết đã có hai hành khách thuộc du thuyền Westerdam đến sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 20/2. Đây là du thuyền đậu ở Campuchia và đã phát hiện có trường hợp nhiễm covid-19. Giới chức y tế thành phố cho biết hai người này đã được kiểm tra y tế và không có dấu hiệu bệnh. Tất cả các hành khách còn lại trên chuyến bay cũng bình thường và đều được khuyến cáo về bệnh dịch.
Trong khi đó, tại Nam Hàn, số người nhiễm covid-19 đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 ngày qua với tổng số ca nhiễm được hãng tin Yonhap của Nam Hàn ghi nhận là 156 trường hợp. Thành phố Deagu của Nam Hàn là nơi có nhiều ca nhiễm nhất với 41 trường hợp. Chính phủ nước này đã tuyên bố thành phố Daegu và Cheongdo là "khu vực quan tâm đặc biệt" sau một loạt trường hợp dương tính với virus mới những ngày qua.
Nguyên nhân khiến Nam Hàn có số ca nhiễm covid-19 tăng vọt được cho là do ca nhiễm số 31 ở nước này đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thời gian ủ bệnh.
*******************
Nữ sinh ở Huế tử vong sau 1 tuần ho sốt, chính quyền nói không do covid-19 (RFA, 22/02/2020)
Nữ sinh lớp 12 ở Thừa Thiên - Huế, Việt Nam vừa tử vong sau 1 tuần có các biểu hiện của viêm đường hô hấp như khó thở, ho, sốt tuy nhiên các báo trong nước lại dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho biết người này tử vong do bệnh lý về não, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm.
Hình minh hoạ. Bác sĩ mặc đồ bảo vệ ở tại khu cách lý cho bệnh nhân covid 19 ở bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/1/2020 - Reuters
Tối 21-2-2020, các báo trong nước dẫn thông tin từ ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, ở địa phương vừa có một ca tử vong có các triệu chứng tương tự covid-19 vào buổi sáng nhưng khám nghiệm pháp y thì do bệnh não chứ không do bệnh dịch đang hoành hoành ở trên thế giới.
"Tuy nhiên để gia đình và mọi người an tâm, chúng tôi vẫn lấy mẫu xét nghiệm để gửi đi kiểm tra covid-19. Tôi cũng mong mọi người đừng xa lánh với người thân của gia đình người đã khuất" - báo Tuổi trẻ online dẫn lời ông Đức nói.
Mẫu bệnh phẩm được gửi đi Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Trung ương Huế để xét nghiệm, đồng thời cơ quan y tế cũng tiến hành phun thuốc khử trùng ngôi nhà và kiểm tra sức khỏe người thân của nạn nhân.
Theo ông Hoàng Văn Đức, qua kiểm tra yếu tố dịch tễ, nữ sinh này và người thân, hàng xóm đều không có ai từng tiếp xúc với người hoặc đi đến vùng có dịch.
Chính quyền Huế cho biết, đến tối 21/2 vẫn chưa có ca bệnh nào hoặc ca nghi nhiễm nào do virus corona chủng mới gây ra.
Mặc dù vậy, du thuyền Diamond Princess đang có 634 người nhiễm nCoV (tên gọi cũ của covid-19) từng cập cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế để du khách tham quan vào hôm 27-1-2020 trước khi đến Nhật ngày 3/2 và phát hiện ca dương tính đầu tiên.
Ngày 7/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát về công tác phòng chống dịch covid-19 ở tại Huế khi thông tin về tàu Diamond Princess có người nhiễm nCoV được loan đi trên các tờ báo nước ngoài.
******************
Virus corona - Covid-19 : Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho nghỉ học đến hết tháng Ba (RFI, 20/02/2020)
Sáng hôm nay 20/02/2020, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký văn bản kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 03/2020.
Làm vệ sinh lớp học để chuẩn bị đón học sinh tại một trường ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/02/2020 Reuters/Kham
Hiện nay, học sinh thành phố Hồ Chí Minh đang được nghỉ học đến hết ngày 29/02. Theo báo chí trong nước, chủ tịch thành phố cũng kiến nghị chính phủ điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, theo đó học kỳ 2 sẽ được tiếp tục từ tháng 04 đến tháng 07 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia sẽ được dời đến cuối tháng 07.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới, vì vậy, điều quan trọng là bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người học, giúp học sinh và gia đình yên tâm.
Vào ngày 14/2, bộ Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2.
Thùy Dương
******************
Dịch covid 19 : Miền Trung tiếp tục đón khách từ các tàu du lịch nước ngoài (RFA, 20/02/2020)
Đà Nẵng và Huế tiếp tục đón các tàu du lịch nước ngoài với hàng trăm khách vào thăm giữa mùa dịch covid 19, sau khi tỉnh Quảng Ninh trước đó đã từ chối hai tàu du lịch nước ngoài khác vì sợ bệnh dịch lây lan.
Quá trình làm thủ tục cùng thuyền viên và hành khách có nhu cầu lên bờ, tham quan tỉnh Thừa Thiên-Huế - Courtesy of Vietnamnet - RFA edited
Truyền thông trong nước cho biết, vào ngày 19/2, Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đã đón hai du thuyền hạng sang cỡ nhỏ Crystal Symphony và Silver Spirit để tham quan cố đô Huế. Tổng số thủy thủ và du khách trên hai tàu này là khoảng hơn 1.000 người.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hấu hết các hành khách trên hai tàu này đến tứ Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, hoàn toàn không có du khách Trung Quốc.
Sau khi hai du thuyền Crystal Symphony và Silver Spirit cùng quốc tịch Bahamas cập cảng Chân Mây, bộ Y tế đã tiến hành kiểm dịch y tế cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có nhu cầu lên bờ và không có trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm covid-19.
Theo lịch trình, du thuyền Crystal Symphony sẽ cập cảng Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 ngày, và ngày 24/2 sẽ rời đến nước khác.
Hôm 19/2, tàu Silver Spirirt cũng đã đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng. Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết dù ngành du lịch tại đây chịu ảnh hưởng nặng do dịch covid-19, nhưng Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn, được du khách châu Âu tin tưởng lựa chọn.
Hai du thuyền này có sức chở hơn 1.000 hành khách, nhưng trong đợt này, tàu Silver Spirit chỉ có 208 hành khách và 405 thủy thủ. Trong khi đó, tàu Crystal Symphony có sức chở 848 hành khách và 545 thủy thủ, nhưng đợt này cũng chỉ chở 147 khách và 536 thủy thủ.
********************
Việt Nam phong tỏa phòng Covid-19 : Thiếu chuẩn bị tâm lý, lợi bất cập hại (RFI, 19/02/2020)
Đầu tháng 2/2020, dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây lo ngại lớn tại Việt Nam. Xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, với nhiều người nhiễm virus trở về từ Vũ Hán, truyền sang người khác, trở thành một "ổ dịch". Ngày 13/02, chính quyền phong tỏa Sơn Lôi để chống dịch. Nhiều người cảnh báo, nếu làm sai cách, việc phong tỏa toàn bộ một khu vực dân cư lớn sẽ lợi bất cập hại.
Công an đeo khẩu trang kiểm soát lối vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/02/2020 Nhac NGUYEN / AFP
Cho đến nay, thông tin về diễn biến của cuộc phòng chống dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, hơn 10.000 dân, gần như hoàn toàn do các kênh truyền thông của Nhà nước loan tải. Nếu như chính quyền thường xuyên đưa ra các thông điệp cho thấy tình hình chống dịch tại Sơn Lôi diễn biến tích cực, một số thông tin tại chỗ cho thấy không hẳn đã như vậy (nhiều người dân Sơn Lôi không dám lên tiếng trên công luận để thông tin về dịch bệnh, do lo ngại bị chính quyền trừng phạt. Tại Việt Nam, dư luận chú ý đến việc hai người dùng Facebook bị chính quyền phạt tiền khi đăng tải thông tin về Covid-19, với cáo buộc xuyên tạc sự thực).
Bên cạnh các thiếu thốn về phương tiện vệ sinh phòng hộ, điểm đáng chú ý là nỗi lo khá phổ biến trong dân chúng, vì thiếu thông tin, đặc biệt về tình trạng các thân nhân, đang sống cách ly xa gia đình, tình trạng một số người "tâm lý yếu" hoảng sợ khi bị cưỡng chế cách ly. Việc thiếu sự chuẩn bị tâm lý và kỹ năng phòng dịch cho người dân, trước một đợt phong tỏa kéo dài, đặt người dân vào thế thụ động, lo lắng, hoang mang, khiến đợt phong tỏa phòng dịch có thể dễ dàng mất đi hiệu quả mong muốn, nhất là trong bối cảnh nỗi ám ảnh do virus đè nặng, không khí kỳ thị dân cư vùng bị dịch khá phổ biến ở nhiều nơi.
Trong việc phòng chống dịch Covid-19, đang trong diễn biến khó lường, chính quyền Việt Nam dường như đã không chú ý đúng mức đến mức độ nguy hiểm của "virus vô hình của nỗi sợ", đang trở thành mối đe dọa không thể coi nhẹ.
Nguồn gốc "ổ dịch"
Trở lại với ổ dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi có nữ công nhân Nguyễn Thị D., từ Vũ Hán (Wuhan), trở về Sơn Lôi, ngày 17/01, tức khoảng một tuần trước khi thành phố bị phong tỏa. Ngày 25/01, chị Nguyễn Thị D. đã tới Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương lấy mẫu. Ngày 30/01, kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm Covid-19. Nữ công nhân Nguyễn Thị D. là một trong ba người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus corona mới, và là người để virus truyền trực tiếp sang 5 người khác. Một bé gái 3 tháng tuổi bị nhiễm virus từ một trong 5 người nói trên.
Chị D. là một trong 8 công nhân được cử sang Vũ Hán tập huấn. Trong số họ tổng cộng 5 người bị nhiễm virus. Tất cả đều trú quán tại tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc trở thành địa phương có đông người nhiễm virus corona nhất trên cả nước (chiếm 11 trên 16 ca). Ngày 12/02, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi. Cuộc phong tỏa bắt đầu ngay ngày hôm sau, 13/02. Thời gian dự kiến kéo dài 20 ngày.
Diễn biến "chống dịch" theo truyền thông Nhà nước
Theo thông tin từ phía chính quyền, Vĩnh Phúc đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, nơi có nhiều ca mắc nhất trên địa bàn huyện Bình Xuyên, cũng như tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Sơn Lôi thành lập 12 chốt tại các trục đường chính, còn tại các tuyến đường nhỏ, trong các cánh đồng đều có lực lượng tuần tra an ninh 24/24. Đồng thời, "phun khử trùng, tiêu độc, huy động tối đa lực lượng kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân".
Bộ Y Tế đã cử 2 đội công tác đặc biệt trực 24/24 ở Bình Xuyên, hỗ trợ tại chỗ công tác giám sát dịch, cũng như điều trị cho bệnh nhân. Mỗi người dân có bảng theo dõi sức khỏe sát sao. Mỗi ngày cán bộ đến 2 lần, đến theo dõi xem có ốm, sốt ho, gai người... cặp nhiệt độ sáng chiều.
Trong cuộc họp báo chiều 14/2, chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết chính quyền đã dự đoán đợt phong tỏa chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đến đời sống người dân, đồng thời khẳng định "đảm bảo đủ nước rửa tay, khẩu trang, không có việc lên mạng kêu gọi hỗ trợ". Tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết tập trung các nguồn lực để hỗ trợ người dân trong vùng cách ly, về nhu yếu phẩm.
Thiếu phương tiện, thiếu thông tin về thân nhân
Xã Sơn Lôi có khoảng 1.400 người theo Công giáo. linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại, phụ trách giáo xứ Hữu Bằng, từ ít ngày gần đây, được chính quyền cho phép đưa một số trang bị vệ sinh, phòng hộ vào cho những người Công giáo trong vùng dịch. Linh mục Nguyễn Đức Đại cho biết một số nét chính về đời sống giáo dân tại Sơn Lôi. Ngoài vấn đề trang bị vệ sinh, phòng dịch, ông đặc biệt lo ngại về tâm trạng của bà con giáo dân. Trả lời RFI hôm 17/02, Linh mục Nguyễn Đức Đại cho biết :
"Những người Công giáo chưa ai xét nghiệm bị dương tính. Ăn thì người ta vẫn có cái ăn, đời sống thì không ngại lắm. (Điểm đáng lo là) họ không thấy sự nguy hiểm của nó, nhiều lúc họ coi rất bình thường. Mình cũng đề nghị chính quyền cấp cho họ khẩu trang, cũng như thiết bị y tế, như nước rửa, sát trùng. Nhưng đến ngày hôm nay, nhưng cũng chỉ mới phát lẻ tẻ, không đáng kể… Một số người đi làm ở các nơi khác bị đuổi việc, bắt tập trung về thôn của mình. Một số người tâm lý hơi yêu yếu, tâm lý có hơi hoảng loạn.
Những người ở trong đó cũng theo dõi thôi, nhưng có biết những người đang cách ly ở đâu đâu, tình trạng như thế nào đâu. Cứ theo dõi xem có ai không, sợ nhỡ người nhà mình. Chỉ có đọc kinh cầu nguyện thôi".
Vị cha xứ cũng cho biết tình hình đang từng bước được cải thiện, trước hết với việc một linh mục, cha Hoàng Trọng Hữu, được phép vào trong vùng dịch, để hỗ trợ người dân tại chỗ. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch phát triển nặng thêm trong thời kỳ đầu, linh mục Nguyễn Đức Đại nhận xét là những người có nguy cơ bị nhiễm virus đã không được chuẩn bị tâm lý để thực hiện tốt việc tự cách ly, nhằm bảo vệ cộng đồng.
"Nếu ngay từ lúc đầu, nếu mình làm tốt, thì nó không bùng ra như thế, nhưng làm không chặt lắm. Chúng tôi được biết là những người đó (có nguy cơ nhiễm virus) về, nhưng họ vẫn sinh hoạt bình thường. Họ vẫn ăn uống, hát karaoke, rồi đi lại bình thường. Sau khi đã xác định họ dương tính với virus, thì còn mấy người khác trong gia đình, bảo cách ly, chỉ cách ly tại nhà thôi, nhưng họ không chịu. Họ vẫn đi làm, coi sóc con cháu… Mình đã không có biện pháp làm cho tốt hơn, cũng không hỗ trợ họ nên chính vì thế bị ảnh hưởng thêm".
Cần "giám sát độc lập"
Về tình hình phòng chống dịch tại Sơn Lôi, với biện pháp phong tỏa toàn bộ xã, trả lời RFI, Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ y tế cộng đồng, cho biết nhận xét chung của ông :
"Tôi có theo dõi ở Sơn Lôi, thấy rằng dường như quyết tâm của chính quyền là cao, nhưng sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với bên y tế, để bảo đảm triển khai để người thực hiện đúng các nguyên tắc của bên y tế cộng đồng đưa ra, thì tôi cho rằng việc thực thi này, có lẽ là lần đầu tiên họ làm, cho nên chưa có kinh nghiệm. Phần giáo dục cho dân, cung cấp kiến thức cụ thể cho dân, các bước cụ thể cho mỗi cá nhân hiểu và thực thi trách nhiệm cá nhân, thì trong những ngày đầu chưa đảm bảo. Điểm thứ hai nữa là cần phải có bộ phận giám sát đánh giá độc lập, tham gia vào để bảo đảm thực thi, bảo đảm tính thực tế của kế hoạch này. Việc giám sát này chúng tôi nghĩ rằng cần phải có một bộ phận thực sự khoa học, độc lập với bộ phận đang triển khai, của địa phương. Nếu có thể được, thì đấy phải là các tổ chức chuyên đánh giá về y tế cộng đồng, thì đến cuối đợt chúng ta có thể có những số liệu, thông tin để đúc rút kinh nghiệm, để đánh giá hiệu quả thực sự của nó. Để rồi áp dụng ngay cho giai đoạn tiếp theo".
(Theo quy định của chính phủ Việt Nam, Tiểu ban giám sát thuộc Ban chỉ đạo chống dịchcó hai nhiệm vụ, theo dõi diễn biến dịch và tổ chức thực hiện phòng chống dịch. Chức năng "giám sát" ở đây hoàn toàn không liên quan đến hoạt động "giám sát", theo đề nghị của Bác sĩ Trần Tuấn).
Vai trò người dân bị coi thường : Bài học Vũ Hán
Bác sĩ Trần Tuấn đặc biệt lưu ý đến Bài học Vũ Hán, với việc chính quyền Trung Quốc đã không xem người dân như các chủ thể chủ động, tích cực, là "tuyến đầu" trong việc phòng chống dịch. Bài học thất bại của Vũ Hán, nếu không được rút ra đầy đủ có thể lặp lại tại những nơi khác, cụ thể như Việt Nam.
"Phải nói đây là một virus có tính lây nhiễm cao, nhưng độc lực vào loại trung bình, trong các virus gây viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu như tính lây nhiễm cao, độc lập trung bình thôi, thì các biện pháp, các kinh nghiệm trong phòng chống dịch chúng ta đã có. Từ các virus có vắc xin hoặc chưa, thì về nguyên tắc, chúng ta có đủ kinh nghiệm khoa học và kinh nghiệm để kiểm soát tốt vụ dịch này, không để lây lan mạnh được. Nhưng tại Vũ Hán, vì sao tình trạng lại xảy ra nặng nề như vậy, đặc biệt là số người chết, người mắc lại tăng rất nhanh sau khi biện pháp cô lập, cách ly thành phố đã được thực hiện.
Chúng tôi thấy, khi chính quyền Trung Quốc tổ chức phòng chống dịch này, thì dường như họ lại xem dường như người dân như là một đối tượng chỉ có tuân thủ và thi hành những gì mà bên hệ thống Nhà nước đưa ra, chứ không xem người dân là một chủ thể tích cực, có tính chủ động. Chúng tôi xem là bản thân các chủ thể là phòng tuyến đầu, họ có thể tự bảo vệ mình bằng các kiến thức để khỏi bị lây nhiễm, hoặc khỏi gây lây nhiễm cho người khác, nếu đã nhiễm bệnh. Và điều thứ ba cần chú ý, là trong trường hợp dịch bệnh không có thuốc đặc trị, không có vắc xin, thì chính khả năng tự miễn dịch của mỗi cá nhân, nếu được nâng cao, nếu được bảo vệ thì là một yếu tố tích cực nhất. Họ mới là điểm chính trong cuộc chiến đánh bại con virus, khi virus đã xâm nhập cơ thể. Hỗ trợ của y tế chỉ trong trường hợp cấp thiết, ví dụ như các trường hợp nặng. Còn không tất cả các biện pháp ăn uống, sinh hoạt (tập luyện thể chất), đặc biệt về tâm lý là người dân hoàn toàn có thể làm được. Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ tránh được đường lối can thiệp mang tính bất ngờ, đột ngột, xáo trộn cuộc sống của người dân, trong khi chưa chuẩn bị được tinh thần, và kiến thức của người dân, đối phó với dịch".
Để "virus của nỗi sợ" lan tràn : WHO ở đâu ?
Để chống dịch virus Covid-19, có thể dựng các hàng rào hữu hình để phong tỏa cả một xã, một thành phố, nhưng biện pháp quyết liệt này rất có thể sẽ lợi bất cấp hại, nếu tình hình phòng chống bệnh dịch không dựa trên các nghiên cứu cụ thể, và nỗi sợ vô hình tác hại nặng nề đến tâm lý người dân, rất có thể còn nguy hại hơn cả chính con virus (nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng trong một chia sẻ với chúng tôi cho biết hai gánh nặng tâm lý khác là tâm trạng không tin tưởng vào hành xử của chính quyền trong một bộ phận người dân, cùng với nạn tin giả tràn lan).
Trong bài trả lời phỏng vấn RFI, Bác sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh đến việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không thực hiện đúng vai trò của một định chế y tế quốc tế, có khả năng tiến hành nghiên cứu dịch tễ tại các khu vực có nguy cơ cao (cũng như tại Trung Quốc), WHO có xu hướng "đồng nhất" dịch bệnh Covid-19, trên phần còn lại của thế giới, với tình hình dịch bệnh đã trở thành đại dịch tại Trung Quốc, bùng phát do cách quản lý không minh bạch của chính quyền nước này.
"Truyền thông quốc tế gắn nối một cách quá mức diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc với nguy cơ xảy ra ở các nước. Phát biểu gần đây của lãnh đạo WHO, cho rằng khó mà tiên lượng được dịch, đã đánh đồng việc khó tiên lượng được ở Trung Quốc, với dịch bệnh ở các nước. Thực tế diễn biến dịch, hình thái phân bố, số mắc, số chết… cho đến nay, khác biệt rất rõ giữa diễn biến tại Trung Quốc, tại Vũ Hán, với bên ngoài. Việc đồng nhất diễn biến tại Trung Quốc với thế giới làm tăng thêm nỗi lo. Lẽ ra WHO, về thông tin dịch tễ học, trong vai trò của mình, với các văn phòng khu vực, và tại các nước mà dịch lan đến, hoàn toàn có thể tiến hành hoặc hỗ trợ các nghiên cứu dịch tễ học. Tạo ra các bằng chứng khách quan hơn, để đánh giá cho đúng hơn tính lây lan, độc lực của virus, giúp cho việc cân bằng (về đánh giá), để giảm nỗi lo sợ. Chúng tôi thấy rằng WHO gần như không thấy nói đến các kế hoạch nghiên cứu đã được triển khai đến đâu, các văn phòng khu vực đã tiếp xúc với các bệnh nhân đến đâu, hỗ trợ chính phủ các nước như thế nào. WHO vẫn có xu hướng đồng nhất diễn biến dịch tại Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Điều này khiến diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh của thế giới".
Xu hướng đồng nhất này thể hiện rõ ràng qua việc rất nhiều người tin rằng gần 2.000 người chết do virus hiện nay (theo con số chính thức) là rải ra trên toàn thế giới nói chung, chứ không phải là tuyệt đại số trên lãnh thổ Trung Quốc, và chủ yếu tại vùng tâm dịch Vũ Hán – Hồ Bắc. Sự đồng nhất này là một nguyên nhân khiến nỗi ám ảnh, sợ hãi virus (cùng với những thông tin chính thức và không chính thức về thảm họa y tế tại Vũ Hán) rất có thể vượt quá xa mức độ nguy hiểm thực sự, xét về mặt sinh lý học, của chính bản thân virus.
Hệ quả của việc không kiểm soát, hạn chế hay giải tỏa được nỗi sợ hãi bao trùm này là tình trạng kỳ thị trong xã hội, tâm lý lo âu quá mức gia tăng. Trong trường hợp dịch bệnh có thêm các diễn biến bất thường, thêm nhiều khu vực bị phong tỏa, thì không khí hoang mang này ắt hẳn sẽ càng gây khó khăn thêm cho việc phòng chống dịch bệnh.
Trọng Thành
******************
Virus corona - Covid-19 : Cơ hội để Việt Nam giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc ? (RFI, 19/02/2020)
Phải chăng "trong cái rủi có cái may", dịch Covid-19 có lẽ là cơ hội để Việt Nam không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi mậu dịch song phương lên đến 107,6 tỉ đô la.
Ảnh minh họa : Công nhân phân loại và đóng gói trái vải để xuất khẩu tại một cơ sở ở phía bắc thành phố Hải Dương, miền Bắc Việt Nam. i Duong province. HOANG DINH NAM / AFP
Theo Tổng Cục Thống Kê, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt mức 75,3 tỉ đô la trong năm 2019, tăng 14% so với năm 2018. Những mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc là tư liệu sản xuất, trong đó có nguyên, nhiên, vật liệu. Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam (sau Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu), đạt 32,5 tỉ đô la tính đến tháng 10/2019, trong đó có nông sản, thủy hải sản…
Tuy nhiên, dường như thị trường Trung Quốc trở nên "khó tính" hơn đối với nông sản Việt Nam. Điều này được thể hiện qua đề nghị "khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam" của phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) hôm 23/10/2019.
Thực vậy, Trung Quốc không còn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, mà hiện tại là Philippines. Nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ trong nước nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Ngoài ra, do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu nên chính phủ phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu. Hậu quả là gạo của Việt Nam bị ép giá. Cuối cùng, thị trường Trung Quốc cũng có những thay đổi : người tiêu dùng có đời sống cao hơn, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng sản phẩm tiêu thụ.
Dịch virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc gây tác động trực tiếp đến trao đổi thương mại với Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 01/2020 chỉ đạt 8,29 tỉ đô la, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài lý do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của hai nước kéo dài và rơi vào tháng Giêng, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hoạt động kinh tế và sản xuất của Trung Quốc gần như bị tê liệt.
Trang bignewsnetwork ngày 17/02 nhận định "giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc) tồn tại một môi trường và điều kiện sản xuất và việc giảm khả năng hoặc nhu cầu từ một nước sẽ tác động đến nước kia". Một trong những tác động đầu tiên, từng được chính phủ Việt Nam nhắc đến, là thiếu vật liệu để sản xuất khẩu trang ngay đầu mùa dịch Covid-19 khi nhu cầu tăng cao bất thường. Tiếp theo, là trái cây và nông phẩm tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 trong những ngày gần đây, theo trang Petro Times (ngày 19/02).
Dù thủ tướng chính phủ ban hành quyết định 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua hai cửa khẩu phụ này, nhưng thời gian hoàn tất thủ tục thuế, cũng như việc cách ly được cả hai bên áp dụng khiến thời gian giao hàng bị kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng một số sản phẩm tươi như trái cây.
Cũng vì dịch bệnh, thông thương đường sắt và hàng không với Trung Quốc bị giảm khiến Việt Nam không thể nhận được đúng thời hạn nguyên vật liệu, sản phẩm từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng cho bên thứ ba.
Trang The Star (ngày 17/02) của Miến Điện cho rằng dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam tìm ra những nguồn cung cấp vật liệu mới cũng như đầu ra cho nông phẩm. Một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dệt may, đang nghiên cứu nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil để tránh phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.
Trong chuyến công du Ấn Độ vào tuần trước, thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Cao Quốc Hùng đã đề nghị New Delhi tăng khối lượng nhập khẩu trái cây Việt Nam (nhãn, vải, mãng cầu, thanh long), cũng như cá nuôi và vải cho ngành dệt may. Từ 5 năm gần gây, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng thêm gần 48%, đạt 13,7 tỉ đô la trong năm 2019, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là đối tác thương mại thứ 4 trong khối ASEAN của Ấn Độ.
Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu, với hiệp định thương mại EVFTA được Nghị Viện Châu Âu thông qua ngày 12/02, là cơ hội để Việt Nam tăng khối lượng trao đổi mậu dịch, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thu Hằng
******************
Virus corona - Covid-19 : Việt Nam dời Festival Huế vì lo ngại dịch bệnh (RFI, 19/02/2020)
Theo báo chí trong nước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hôm 18/02/2020 đã quyết định dời ngày tổ chức Festival Huế 2020 do lo ngại về tình hình dịch viêm phổi do virus corona mới, Covid-19, gây ra.
Khinh khí cầu bay trên cố đô Huế (Việt Nam) nhân một Festival Khinh Khí Cầu ngày 28/04/2019. Ảnh minh họa Manan VATSYAYANA / AFP
Theo dự kiến Festival Huế 2020 sẽ diễn ra vào đầu tháng 4, với sự tham gia của hơn 20 đoàn nghệ thuật nước ngoài, trong đó có Pháp, bên cạnh các đoàn nghệ thuật của Việt Nam. Thế nhưng, do thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu "hạn chế việc tổ chức lễ hội tập trung đông người", cho nên Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế quyết định hoặc là sẽ dời lại sự kiện văn hóa này đến cuối tháng 8, hoặc sẽ tổ chức vào năm 2021.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, hôm Ban tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) cho biết giải đua tại Việt Nam vẫn sẽ diễn ra như dự kiến, tức là sẽ chính thức khởi tranh vào tháng 4/2020 tại Hà Nội, chứ không bị hoãn giống như Giải Chinese Grand Prix ở Trung Quốc.
Ông Trần Trung Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hôm qua cũng khẳng định là Giải đua F1 sẽ vẫn diễn ra đúng kế hoạch cho dù đang có dịch Covid-19. Theo ông Hiếu, tuy là một sự kiện thể thao, nhưng giải đua quốc tế này "có tác dụng rất lớn trong việc quảng bá cho du lịch Hà Nội".
Về bộ môn bóng đá, hôm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông báo một trận đấu hữu nghị giữa hai đội tuyển Việt Nam và Irak, trên nguyên tắc diễn ra ngày 26/03 ở Bình Dương, tức là một tuần trước giải đua F1, sẽ bị hủy, theo đề nghị của Liên đoàn Bóng đá Irak, do lo ngại về dịch Covid-19.
Mối lo ngại này một phần do việc Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc phải cách ly cả một xã, đó là xã Sơn Lôi, với hơn 10 ngàn dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh.
Đời sống của người dân trong xã này, nhất là của giáo dân Công giáo, hiện nay ra sao, trả lời RFI Việt ngữ, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại, người coi sóc hai họ đạo Công giáo thuộc Giáo Xứ Hữu Bằng, Giáo Phận Bắc Ninh, cho biết :
"Người Công giáo thì chưa ai bị xét nghiệm dương tính. Về đời sống thì có vấn đề thiếu trầm trọng các thiết bị y tế như nước rửa, nước sát trùng, khẩu trang… Một số người đi làm ở các nơi khác, rồi bị đuổi việc, rồi sau đó bị bắt tập trung vào thôn của mình để phong tỏa. Một số người tâm lý hơi yếu thì hơi hoảng loạn. Những người trong đó thì chỉ biết theo dõi thôi, chứ không biết những người bị cách ly đang ở đâu, tình trạng thế nào, cứ theo dõi xem có ai (bị lây nhiễm) không, sợ rằng có (người nhiễm trong) nhà mình. Chỉ biết đọc kinh cầu nguyện thôi".
Thanh Phương
Virus corona đang hoàng hành tại Trung Quốc hơn hai tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Số người chết đã lên đến hơn 2.000 người với gần 75.000 ca nhiễm. Việc phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác tại Trung Quốc gây nên nhiều cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.
Người dân Trung Quốc hoang mang và phẫn nộ trước nhiều cái chết thương tâm như cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông là một trong tám bác sĩ cảnh báo sớm về virus COVID-19 ngay từ cuối tháng 12/2019. Vài ngày sau đó ông bị công an mời lên đồn và bắt phải ký vào bản nhận tội “tuyên truyền sai sự thật, gây hoang mang cho người dân”. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã khiến quần chúng tức giận, trong đó có nhiều người là trí thức và nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm về dịch cúm corona đã qua đời vì lây nhiễm do virut COVID-19
Không chỉ bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vì nhiễm bệnh mà ngay cả bác sĩ, giám đốc bệnh viện Vũ Hán cũng vừa qua đời do virus COVID-19. Đạo diễn Thường Khải ở Vũ Hán cũng đã tử vong cùng cả gia đình gồm bố mẹ và chị gái khi tự cách ly tại nhà. Theo báo chí thì có hơn 3.000 nhân viên y tế tại Vũ Hán đã bị lây nhiễm virus corona trong khi điều trị cho các bệnh nhân. Gần 800 triệu người Trung Quốc nằm trong khu vực giới hạn đi lại trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải. Hiện đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới cấm hoặc hạn chế người Trung Quốc nhập cảnh.
Do dịch cúm Vũ Hán vẫn tiếp diễn nên chưa có con số thống kê về thiệt hại của Trung Quốc do virus corona gây ra tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta cũng có thể hình dung được sự tổn thất to lớn cho nền kinh tế của Trung Quốc, đại công xưởng của thế giới. Nhiều nhà máy phải đóng cửa trong đó có các nhà máy ô tô. Foxconn, nhà máy sản xuất của Apple, cũng tạm dừng sản xuất. Không chỉ tại Trung Quốc mà nhiều công ty ở bên ngoài cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nguyên vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc.
Nhân đây, tôi muốn đề cập một chút đến phong trào toàn cầu hóa, đó là việc các công ty lớn tại các nước phát triển di dời các nhà máy hãng xưởng sang các nước đang phát triển nhằm giảm chi phí sản xuất. Đây là trào lưu không thể đảo ngược vì nó hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc được chọn làm công xưởng của thế giới vì có một tài nguyên khổng lồ, đó là dân số với hơn 1,4 tỉ người. Nếu Trung Quốc là một nước dân chủ thì không có gì để nói, họ sẽ phát triển và thăng tiến trong bền vững. Tuy nhiên Trung Quốc là một nước độc tài, càng hùng mạnh thì họ càng trở thành mối lo ngại cho hòa bình thế giới khi lãnh đạo Trung Quốc ngày càng công khai bày tỏ tham vọng bá chủ thế giới, ví dụ việc gia tăng chi tiêu ngày càng lớn cho quân sự.
Một Trung Quốc lớn mạnh nhưng vẫn từ chối các giá trị về dân chủ và nhân quyền đã trở thành mối đe dọa chung cho tất cả các nước dân chủ chứ không riêng gì Mỹ. Kìm hãm, bao vây và cô lập Trung Quốc là hành động tự vệ bắt buộc của các nước dân chủ. Nước Nga của Putin cũng bị cấm vận và cô lập sau khi dùng vũ lực sát nhập bán đảo Krime của Ukraine vào lãnh thổ Nga. TPP (Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương) ra đời là nhằm mục đích bao vây và cô lập Trung Quốc. Đáng tiếc là hiệp ước đó đã bị Donald Trump xé bỏ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động chỉ gây ồn ào và mang tính mị dân chứ không có hiệu quả là bao.
Trong năm 2018 (một năm sau cuộc chiến thương mại), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lập kỷ lục với 419,2 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm, kể từ năm 2008.
Như chúng ta đều biết thâm thủng thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào khoảng 300-350 tỉ USD mỗi năm và Trump cho rằng đây là sự “bất công” đối với Mỹ vì thế ông ta đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhằm cân bằng thâm thủng thương mại giữa hai nước. Sự thật không giản dị như vậy. Trong năm 2018 (một năm sau cuộc chiến thương mại), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lập kỷ lục với 419,2 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm, kể từ năm 2008. Xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc giảm 9,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 34 tỷ USD. Sau 18 tháng, cuối cùng Trump cũng phải ký “hòa ước” đình chiến chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Tại sao như vậy? Trước chiến tranh thương mại, mỗi năm Trung Quốc mua của Mỹ khoảng 200 tỉ USD các loại hàng hóa thì 100% các loại hàng hóa đó là của Mỹ. Trong khi đó hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, thì có đến hơn 50% là hàng hóa của các công ty Mỹ sản xuất tại Trung Quốc. Apple là một ví dụ. Một chiếc điện thoại iPhone sản xuất ở Trung Quốc với giá khoảng 240 USD, trong đó Trung Quốc chỉ nhận được 8,46 USD, số còn lại chia đều cho các công ty Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan. Mỗi cái điện thoại, Apple đút túi gần 300 USD. 50% hàng hóa còn lại là những mặt hàng gia dụng và tiêu dùng thiết yếu mà người Mỹ bắt buộc phải mua. Kết quả là dù Trump có đánh thuế bao nhiêu trên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu thì thâm thủng mậu dịch cũng không vì thế mà giảm đi. Hơn nữa tiền thuế đó là dân Mỹ trả chứ Trung Quốc không có trả. Dân Mỹ là con nhà giàu nên nhu cầu chi tiêu lớn, họ bỏ tiền ra để nhận được những thứ mình cần, điều đó hoàn toàn hợp lý, thuận mua vừa bán.
Quá trình toàn cầu hóa là không thể thay đổi. Không có công ty nào tại Mỹ có thể làm ra được một cái áo sơ mi hay một đôi giày với giá 10 USD, đơn giản vì tiền lương của người Mỹ quá cao. Không chỉ Mỹ và các nước phát triển mới làm như vậy mà ngay cả các nước như Hàn Quốc, thậm chí là Thái Lan cũng đã không làm gia công may mặc từ nhiều năm qua. Các công việc đó sẽ chuyển sang Trung Quốc hoặc các nước đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Myanmar… Trung Quốc không “ăn cắp” công ăn việc làm của người Mỹ. Mỹ và các nước phát triển sản xuất các mặt hàng có giá trị cao và tinh vi còn các mặt hàng rẻ tiền và cần nhiều sức lao động sẽ chuyển sang cho các nước kém phát triển.
Cái giá mà Trung Quốc phải trả cho việc làm ra hàng hóa giá rẻ để xuất đi khắp thế giới là vô cùng lớn. Dễ thấy nhất là sự hủy hoại môi trường. Trung Quốc đã cố gắng tăng trưởng kinh tế một cách hoang dại bất chấp hậu quả. Chủ nghĩa thực tiễn của Mỹ và các nước dân chủ cũng đã lợi dụng và tiếp tay cho sự phát triển hoang dại đó. Giờ đây thế giới đã nhận ra là không thể tiếp tục như vậy. Dịch cúm Vũ Hán có thể là cơ hội để các nước dân chủ cô lập Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn. Việc các nhà máy rút khỏi Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Hơn nữa việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng nguy hiểm cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mỗi khi có sự cố tại quốc gia này.
Việt Nam sẽ ra sao trong hoàn cảnh mới này?
Có thể nói là Việt Nam đang đứng trước một cơ hội “có một không hai” để phát triển và vươn lên. Nhiều nhà máy sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Một đồng thuận gần như là 100% của các nước dân chủ là kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc, giúp Việt Nam mạnh lên để làm đối trọng với Trung Quốc. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được nghị viện Châu Âu thông qua (hôm 12/2/2020) bất chấp phản đối của nhiều tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế là một minh chứng.
Đảng cộng sản Việt Nam cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “bỏ Tàu theo Mỹ” dù thâm tâm không hề muốn. Kinh tế của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào ngoại thương, chủ yếu là Mỹ và các nước dân chủ. Như vậy quá trình “xoay trục” là không thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ sớm rơi vào khủng hoảng và chúng ta sẽ thấy rõ điều đó trong năm 2020. Dịch cúm Vũ Hán cũng đã bộc lộ nhiều lúng lúng và bất cập của một chính quyền thiếu vắng tự do và dân chủ. Trong một hệ thống chính trị độc đoán, thiếu minh bạch với sự kiểm duyệt gắt gao càng làm cho tình hình hỗn loạn, lòng dân hoang mang. Nếu chính phủ Trung Quốc không bưng bít ngay từ đầu, khi dịch cúm mới xảy ra thì có thể hậu quả đã không nghiêm trọng như bây giờ.
Chúng ta có thể thấy là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc mà chính con virus corona bé nhỏ mới thực sự làm cho đế quốc khổng lồ của tập Cận Bình chao đảo. Đây là một cơ hội trời cho để Mỹ và các nước dân chủ cô lập Trung Quốc. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc tố cáo Mỹ là “gieo rắc sự hoang mang và sợ hãi” cho dư luận thế giới bằng việc rút các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Vũ Hán về nước và sau đó đem máy bay đến Trung Quốc để di tản toàn bộ công dân của Mỹ tại đây. Các nước khác lập tức theo chân Mỹ, trong đó có cả Việt Nam.
Đứng trước cơ hội này, Việt Nam muốn hay không cũng phải thay đổi. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục là một bản sao của Trung Quốc thì không có lý do gì để các tập đoàn đa quốc gia chuyển các nhà máy sang Việt Nam. Họ có rất nhiều sự lựa chọn khác trong khu vực. Như vậy, dù muốn hay không thì chính quyền Việt Nam cũng phải cải cách và thay đổi. Các áp lực từ các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế sẽ gia tăng ngày càng mạnh lên đảng cộng sản Việt Nam. Cơ hội dân chủ hóa đất nước ngày càng đến gần. Những người thật sự quan tâm đến tương lai và vận mệnh đất nước cần tìm đến và kết hợp lại với nhau thành một lực lượng dân chủ hùng mạnh để trở thành một giải pháp cho đất nước.
Việt Hoàng (20/02/2020)
Virus corona đã gây thiệt hại nặng nề cho nạn nhân ở Trung Quốc và các nơi khác. Nhưng dịch bệnh cũng đã bộc lộ những nhược điểm của việc dựa quá nhiều vào Trung Quốc để phát triển của các quốc gia láng giềng.
Số ca mắc corona được xác nhận trên toàn thế giới tiếp tục tăng.
Để hạn chế sự lây lan nhanh chóng của virus, chính quyền Trung Quốc đã phong toả tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh lần đầu tiên được báo cáo và hạn chế hoạt động kinh tế ở các khu vực khác của Trung Quốc. Một số quốc gia khác cũng hạn chế du lịch đến Trung Quốc đại lục, bao gồm Úc, Hoa Kỳ, Philippines và Việt Nam.
Các biện pháp kiểm dịch có thể giúp ngăn chặn virus lây lan nhanh hơn, nhưng chúng cũng cản trở hoạt động kinh tế. Phản ứng dây chuyền của virus đã cản trở nền kinh tế của các nước láng giềng, đặc biệt là ở Đông Nam Á, theo ba hướng chính : giảm số lượng khách du lịch Trung Quốc, làm gián đoạn chuỗi cung ứng tập trung Trung Quốc và kiềm chế nhu cầu kinh tế của Trung Quốc.
1. Ít khách du lịch Trung Quốc
Sự bùng phát dịch bệnh do virus Corona gây ra cho thấy một số quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch của Trung Quốc.
Kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các lệnh cấm và hạn chế du lịch đã hạn chế lượng khách du lịch. Các ngành liên quan đến du lịch, như vận tải và khách sạn, đặc biệt gặp khó khăn.
Thái Lan bị ảnh hưởng nhiều nhất, và nước này đã phải đối mặt với suy thoái kinh tế do dân số già và đầu tư trong nước yếu. Các nước Đông Nam Á khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch từ Trung Quốc, điều đó có nghĩa là dịch bệnh sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế.
2. Phá vỡ chuỗi cung ứng
Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc bây giờ lớn hơn nhiều so với gần hai thập kỷ trước. Theo thống kê của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển, khi SARS bùng phát vào năm 2002 – 2003, Trung Quốc chiếm 8% trong tổng số các sản phẩm được sản xuất xuất khẩu trên toàn cầu. Vào năm 2018, con số này đã tăng lên 19%.
Mặc dù sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thế giới đã giảm, thì thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Nhiều quốc gia hiện nhập khẩu nhiều sản phẩm trung gian do Trung Quốc sản xuất và sử dụng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự gián đoạn nào đối với chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc thường sẽ có hiệu ứng domino lớn trên toàn cầu.
Đồng thời, Trung Quốc có lỗ hổng kinh tế riêng so với các nước khác.
Trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất, Bắc Kinh dần tự túc. Hiện tại, Trung Quốc nhập khẩu ít sản phẩm trung gian từ phần còn lại của thế giới thông qua các chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc, ngoại trừ một số nguyên liệu thô (như dầu) và một số sản phẩm công nghệ cao (như chất bán dẫn).
Sự bùng phát dịch bệnh do virus corona và cô lập các khu vực kinh tế trong nước đã phá vỡ nhiều chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử cho iPhone của Apple, dù tiếp tục sản xuất vào ngày 10 tháng 2 năm 2020, nhưng ở quy mô rất hạn chế.
Sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào vốn và các sản phẩm trung gian của Trung Quốc đã khiến họ phải xem xét các lựa chọn thay thế. Đối với các ngành công nghiệp có thị phần lớn ở Trung Quốc, như điện tử và ô tô, đây sẽ là một thách thức lớn hơn.
Dự đoán thiệt hại mà các nước Đông Nam Á sẽ phải chịu nếu 20% nhà máy Trung Quốc bị đóng cửa trong cả quý. Nếu nhà máy được mở cửa trở lại hoàn toàn trong vòng một tháng, tác động sẽ nhỏ hơn nhiều.
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự phụ thuộc cao vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nhưng tốc độ tăng trưởng chung (hơn 7% vào năm 2019) sẽ tạo một phần động lực. Đồng thời, do nền kinh tế của Hồng Kông và Singapore tăng trưởng chậm do yếu kém về cấu trúc, tác động của chúng đối với nền kinh tế hai khu vực này sẽ còn nghiêm trọng hơn trước khi khủng hoảng nổ ra.
Hơn nữa, mặc dù Nhật Bản dự kiến sẽ trải qua sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất, nhưng sẽ có tác động lớn hơn ở một số khía cạnh vì đây là nền kinh tế lớn nhất ở Châu Á, ngoài Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ngay cả với một tỷ lệ nhỏ gián đoạn kinh tế, giá trị GDP danh nghĩa sẽ vẫn tương đối cao. Trên thực tế, dựa trên các tính toán sử dụng dữ liệu CEIC, dự kiến mức giảm tương đối trong tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ cao thứ hai sau Hàn Quốc. Từ quan điểm này, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Một cách gián tiếp, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro do đầu tư chứng khoán của họ vào Đông Nam Á và tất nhiên là cả Trung Quốc đại lục. Các nền kinh tế Đông Bắc Á đã cố gắng tránh nguy cơ đầu tư quá mức vào Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa đầu tư vào Đông Nam Á. Dữ liệu CEIC và WIND cho thấy đầu tư FDI của Nhật Bản và Hàn Quốc vào Trung Quốc đại lục vẫn còn rất lớn và vượt quá quy mô đầu tư ở các đất nước Đông Nam Á.
Hồ Bắc đã ngừng sản xuất, và hoạt động kinh tế ở các tỉnh khác của Trung Quốc như Quảng Đông đã bị giảm, điều này đã trực tiếp tấn công các dây chuyền sản xuất ở Đông Bắc Á. Một cách gián tiếp, đầu tư thêm của các công ty Đông Bắc Á vào Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nhiều hơn, điều này phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc vào hàng hóa sản xuất. Thứ ba, tất nhiên, là sự gián đoạn của việc sản xuất các bộ phận nhập khẩu như phụ tùng ô tô.
Nói cách khác, Đông Bắc Á xâm nhập vào Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á thông qua đầu tư có nghĩa là các công ty lớn ở Đông Bắc Á như Samsung và Sony đang có tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Các ngành công nghiệp điện tử, ô tô, máy móc và dệt may của Châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc do giá trị kinh tế lớn và sự phụ thuộc lớn vào sản xuất trì trệ của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc đại lục, tin xấu ảnh hưởng đến Đông Nam Á, do đó, đây cũng là tin xấu cho các công ty Đông Bắc Á sản xuất nhiều thiết bị điện tử, máy móc và phụ tùng ô tô.
3. Mức cầu tại Trung Quốc giảm
Trong bối cảnh bùng phát corona, khi ngày càng ít du khách Trung Quốc ra nước ngoài, chuỗi cung ứng của Trung Quốc hỗn loạn và ngày càng ít người tiêu dùng Trung Quốc mua sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này có nghĩa là nếu các trung tâm vận chuyển bị đóng cửa, các cửa hàng bán lẻ và nhà máy hoặc hoạt động bị hạn chế trong hơn một khoảng thời gian ngắn, tác động rất lớn đến tăng trưởng.
Giống như du lịch và sản xuất, kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002 và 2003, Châu Á ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc như là một nguồn tăng trưởng. Các nền kinh tế bị ảnh hưởng xấu nhất bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Malaysia.
Đông Nam Á rất dễ bị ảnh hưởng kinh tế bởi corona trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả du lịch và sản xuất, và do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu.
Các nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, như Thái Lan (do du lịch) và Việt Nam (do liên kết giữa xuất khẩu và chuỗi cung ứng), sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dịch bệnh lần này đã phô bày một số thiếu sót trong mô hình tăng trưởng của Đông Nam Á. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc quá phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài và chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
Trong ngắn hạn, các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á có thể chọn cắt giảm lãi suất và cho phép đồng tiền của họ mất giá để tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Chính phủ cũng có thể khởi động các kế hoạch kích thích kinh tế ở mức vi mô để bù đắp lực cản.
Điều đó nói rằng, ngoài các biện pháp ngắn hạn này, các nền kinh tế Đông Nam Á cũng phải trải qua những cải cách mạnh hơn. Họ nên đầu tư vào khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước. Bằng cách này, họ có thể chiếm một phần lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia này cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các nguồn tăng trưởng trong nước. Sự phụ thuộc quá mức vào sự thịnh vượng bên ngoài có thể làm họ tự suy yếu.
Trinh Nguyen
Nguyên tác : The Economic Fallout of the Coronavirus in Southeast Asia, Carnegie Endowment for International Peace, 13/02/2020
Ngân Bình dich
Nguồn : VNTB, 19/02/2020
Covid-19 : Mỹ và nhiều nước sơ tán công dân kẹt trên du thuyền ở Nhật (RFI, 17/02/2020)
Hoa Kỳ vào hôm nay, 17/02/2020 đã hồi hương khoảng 300 người Mỹ bị kẹt trên du thuyền Diamond Princess bị nhiễm virus corona và bị cô lập ở cảng Yokohama ở Nhật Bản. Mỹ là nước đầu tiên đưa công dân của mình trên tàu bị cách ly về nước. Sắp tới, nhiều nước khác cũng sẽ làm như vậy.
Công dân Mỹ trên du thuyền Diamond Princess được sơ tán. Ảnh chụp tại cảng Haneda, Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/02/2020 Reuters/Athit Perawongmetha
Hai chiếc máy bay các công dân Mỹ và gia đình đã rời Nhật Bản tối hôm qua và chiếc đầu tiên đã hạ cánh ở California vào khuya Chủ Nhật, rạng sáng Thứ Hai theo giờ địa phương. Chiếc thứ hai dự trù hạ cánh tại Texas. Những người được sơ tán sẽ phải tuân thủ biện pháp cách ly 14 ngày.
Trong số những người được sơ tán, đặc biệt có 14 trường hợp đã bị nhiễm virus Covid-19. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, những người này được cách ly cẩn thận với các hành khách khác trên máy bay. Tuy nhiên, vẫn còn 40 người Mỹ khác được để lại Nhật Bản để chữa trị.
Du thuyền Diamond Princess cho đến nay là một trong những ổ dịch chính ở bên ngoài Trung Quốc. Con tàu với 3.711 người du khách đã bị cách ly từ đầu tháng 2 tại cảng Yokohama, gần Tokyo.
Kết quả xét nghiệm mới vào hôm nay cho thấy có thêm 99 trường hợp bị nhiễm virus Corona, nâng tổng số người bị nhiễm lên thành 454 người. Do thiếu phương tiện, mới chỉ có 1.723 hành khách đã được xét nghiệm dò tìm virus.
Tình hình đã khiến chính quyền các nước có công dân trên du thuyền lo lắng. Sau Hoa Kỳ, các nước khác như Úc và Ý, đã thông báo kế hoạch sơ tán công dân. Hồng Kông cho biết cũng muốn hồi hương 330 cư dân "càng sớm càng tốt". Chính quyền Ottawa loan báo ý định sơ tán đối với khoảng 250 người Canada.
Trọng Nghĩa
*******************
Mỹ sơ tán công dân khỏi du thuyền bị cách ly vì Corona ở Nhật (VOA, 17/02/2020)
Các quan chức Hoa Kỳ mặc đồ bảo hộ hôm 16/2 đã lên du thuyền bị cách ly vì chủng virus Corona mới (Covid-19) ngoài khơi Nhật Bản để giúp việc sơ tán công dân Mỹ về nước, theo Reuters.
Sau khi bị giữ trên Diamond Princess kể từ ngày 3/2, tin cho hay, các hành khách người Mỹ đã được yêu cầu sẵn sàng để chuẩn bị lên chuyến bay thuê bao về Hoa Kỳ tối 16/2.
Số ca nhiễm Covid-19 trên du thuyền này chiếm khoảng một nửa toàn bộ các ca lây nhiễm trên toàn thế giới ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Reuters, chính quyền Canada, Italy, Hàn Quốc và Hong Kong dự kiến cũng sẽ sơ tán công dân sau động thái của Mỹ.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền nước này ghi nhận 2.009 ca nhiễm Covid-19 mới hôm 16/2, giảm so với hơn 2.600 ca một ngày trước đó.
Trung Quốc nói rằng đây là bằng chứng cho thấy nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Corona dường như đang có tác dụng.
Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tin cho hay, có khoảng 500 ca nhiễm tại khoảng hơn 20 nước và vùng lãnh thổ. Có năm ca tử vong ở Nhật, Hong Kong, Philippines, Pháp và Đài Loan.
*******************
Covid-19 : Du thuyền Diamond Princess thành ổ dịch nổi với 355 ca nhiễm virus (RFI, 16/02/2020)
Số người nhiễm virus corona mới (Covid-19) trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly từ ngày 03/02/2020 ở cảng Yokohama (Nhật Bản) mỗi ngày một tăng. Trong vòng 24 tiếng, tính đến ngày 16/02, đã có thêm 70 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm Covid-19 lên thành 355 người trên tổng số 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn.
Du thuyền Diamond Princess bị cách ly tại cảng Yokohama (nam Tokyo) ngày 16/02/2020. Reuters/Issei Kato
Phát biểu trên đài truyền hình NHK ngày 16/02, bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết đã có 1.219 người trên tầu Diamond Princess được xét nghiệm Covid-19. Điều đáng lo ngại về sự là biến đổi của virus corona mới này là "73 người trên tổng số 355 người bị nhiễm virus hiện không hề có triệu chứng bệnh".
Sau thông báo của Hoa Kỳ, Canada và Hồng Kông cũng có ý định hồi hương công dân. Washington điều hai máy bay chở khoảng 350 công dân về nước. Hồng Kông sẽ đưa 330 người dân ra khỏi tầu Diamond Princess "trong thời hạn sớm nhất có thể". Canada cũng có ý định tương tự để "giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống y tế Nhật Bản". Các chuyến bay được dự kiến diễn ra đêm Chủ Nhật 16/02 rạng sáng thứ Hai 17/02.
Phát hiện hành khách đầu tiên nhiễm Covid-19 trên du thuyền Westerdam
Liên quan đến du thuyền MS Westerdam, một nữ hành khách Mỹ, 83 tuổi, bị phát hiện dương tính với Covid-19 khi được xét nghiệm ở Malaysia. Bà là một trong nhưng hành khách rời tầu Westerdam, sau khi tầu được phép cập cảng Sihanoukville (Cam Bốt) ngày 13/02. Số hành khách này đã đến Kuala Lumpur, để từ đó về nước. Theo Bloomberg ngày 15/02, sau phát hiện trên, nhóm hành khách này bị cách ly, không được phép rời khỏi Malaysia, trong đó có một số du khách Hà Lan.
Đến ngày 16/02, một số hành khách khác của tầu Westerdam được phép lên bờ. Thông tín viên RFI Juliette Buchez tại Phnom Penh đã gặp hai công dân Pháp trong số trên :
"Trong khu vực phòng khách của đại sứ quán Pháp ở Phnom Penh, Martine và Jean-Pierre Fuchs nghỉ ngơi một chút trước khi trở về Pháp tối nay (16/02). Cặp vợ chồng nghỉ hưu thở phào nhẹ nhõm vì họ nằm trong đợt hành khách đầu tiên được phép rời tầu MS Westerdam sáng nay.
Ông Jean-Pierre nói : "Tin vui đến cứ như ngày hội, tiếng vỗ tay, tiếng la hét vui mừng, mọi người tháo khăn quàng vẫy khắp nơi và thế là đợt đầu tiên được rời tầu… Thật tuyệt vời !"
Sau khi cặp vợ chồng rời Singapore vào giữa tháng Giêng, dịch virus corona mới đã khiến nhiều nước Châu Á đóng cửa biên giới đối với những người từng lưu lại Trung Quốc. Vì vậy, hành trình ở Châu Á của tầu đã phải thay đổi vì trước đó, tầu đã dừng lại ở Hồng Kông và Đài Loan vào đầu tháng Hai.
Ông Jean-Pierre cho biết tiếp : "Lúc đầu, chúng tôi mỉm cười. Nhưng dần dần mọi người bắt đầu nhìn nhau và nói là trò đùa bắt đầu kéo dài. Lúc đầu là 2 ngày, 3 ngày… rồi tận 11 ngày ! Thật là lâu ! Và chúng tôi hiểu rằng tình hình trở nên nghiêm trọng và không nước nào chấp nhận con tầu".
Ông Jean-Pierre giải thích là không lo lắng cho sức khỏe dù ông hiểu những quan ngại của chính quyền. Tuy nhiên, ông vẫn bực về thái độ của các nước đã từ chối đón tầu Westerdam :
"Có khoảng 2.500 người trên con tầu lênh đênh ngoài khơi suốt 11 ngày. Chẳng nhẽ không một quốc gia văn minh nào có khả năng nhận chúng tôi ? Chúng tôi bắt đầu thắc mắc thực sự. Khi biết Cam Bốt chấp nhận, thế là chưa bao giờ chúng tôi lại yêu Cam Bốt đến như vậy ! Hãy thử ở vào hoàn cảnh của chúng tôi mà xem".
Chỉ một phần trong tổng số 2.257 người trên tầu MS Westerdam được phép lên bờ ngày hôm nay (16/02). Những nhóm khác sẽ rời tầu và về nước vào ngày mai (17/02)".
Thêm một ca mới nhiễm Covid-19 tại Pháp
Ca thứ 12 nhiễm Covid-19 tại Pháp là một người Anh từng tiếp xúc với đồng hương từ Singapore trở về và sống trong cùng ngôi nhà nghỉ làng ở làng Contamines-Montjoie, trên dãy núi Alpes ở Pháp. Trong thông cáo ngày 15/02, bộ Y tế Pháp cho biết "bệnh nhân được cách ly ở một bệnh viện tại Lyon từ thứ Bẩy (15/02)".
Thu Hằng
Covid-19 : Tập Cận Bình muốn dập tắt mọi chỉ trích nội bộ (RFI, 17/02/2020)
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, với số người chết và nhiễm virus tăng hàng ngày, nhiều thành phố lớn tự phong tỏa, để chặn dịch. Đặc biệt đáng chú ý có thông tin ngày 15/02/2020, về việc chủ tịch Trung Quốc khẳng định ông đã chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu năm. Trái với quan điểm cho rằng, với thừa nhận này, uy tín của Tập Cận Bình bị tổn thương do để xảy ra khủng hoảng dịch, một số nhà quan sát nhận định là ông Tập muốn giành lại thế thượng phong, dập tắt mọi chỉ trích trong nội bộ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020. Tân Hoa Xã/ Reuters
Sau hai tuần trong hậu trường theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, ngày 10/02, chủ tịch Trung Quốc đột ngột xuất hiện trên "tuyến đầu". Ông đến thăm một khu phố ở Bắc Kinh, chỉ đạo hoạt động chống dịch tại Hồ Bắc qua truyền hình… Ngày 13/02, Bắc Kinh cách chức bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán. Cùng lúc, tỉnh Hồ Bắc cũng thay đổi cách tính người nhiễm virus. Chỉ trong một ngày, thêm 15.000 người bị coi là nhiễm Covid-19, so với hơn 40.000 người được tính là đã nhiễm từ đầu dịch. Số ca nhiễm bệnh tăng vọt cho thấy chính quyền thừa nhận quy mô dịch lớn hơn nhiều so với cách tính trước đó.
Vạch áo cho người xem lưng
Nhiều người cho rằng cách tính mới phản bác lại quan điểm lạc quan của ông Tập Cận Bình, về triển vọng tích cực, dịch bệnh đang từng bước được khống chế. Uy tín của chủ tịch Trung Quốc dường như đang bị thách thức, trước quy mô dịch có vẻ sẽ kéo dài, trở nên khó lường. Ngày 15/02, báo Cầu Thị (Qiushi), một tạp chí chính của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đăng tải một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, trong một cuộc họp ban lãnh đạo Đảng ngày 03/02, thừa nhận đã trực tiếp chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu, trong cuộc họp của Thường Vụ Bộ Chính Trị, ngày 07/01/2020.
Thông tin về vai trò số một của ông Tập trong việc chỉ đạo chống dịch có nhiều khả năng sẽ hướng mũi nhọn chỉ trích về trách nhiệm để xảy ra khủng hoảng - vốn lâu nay vẫn hướng về chính quyền địa phương - sang trực tiếp nhắm vào ban lãnh đạo tối cao. Chính quyền trung ương Trung Quốc phải đối mặt với trách nhiệm đã nhắm mắt trước nguy cơ xảy ra đại dịch, cũng như về các biện pháp cực đoan sau này (như bất thần phong tỏa thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và toàn bộ tỉnh hơn 50 triệu dân cư này), với danh nghĩa là để chống dịch, nhưng rất có thể đã góp phần làm cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn, thiệt hại nhân mạng lớn hơn, do hệ thống y tế tại chỗ đã hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với quy mô dịch bệnh lớn hơn rất nhiều so với các dự đoán từ phía chính quyền. Nhiều người thậm chí nói đến tội ác của chính quyền Trung Quốc, khi phong tỏa toàn bộ một tỉnh hàng chục triệu dân cư, các bệnh viện dã chiến được cấp tốc xây dựng bị tố cáo là nơi giam giữ những người bị nghi nhiễm virus, khiến nguy cơ lây lan dễ dàng, cái chết của những người dân thường thấp cổ bé họng được dễ dàng xóa sạch dấu vết.
Việc ông Tập đứng ra nhận trách nhiệm đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến phòng dịch ngày 07/01 chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng, đặt lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào tình thế bị động, như ghi nhận của tiến sĩ Bùi Mẫn Hân (California), được coi là một chuyên gia về chế độ cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu như điều này có thể là đúng đối với nhiều người dân Trung Quốc, đối với công luận bên ngoài, đối với quốc tế, thì tình hình có thể là hoàn toàn khác đối với nội bộ chính quyền Trung Quốc.
Đòi hỏi trung thành tuyệt đối với Trung ương
Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít Hồng Kông, trong những ngày gần đây ban lãnh đạo Đảng cộng sản dường như đang nắm lại thế chủ động, trên mặt trận an ninh, cũng như truyền thông. Ông Tập Cận Bình đã cử một người thân tín nắm bộ máy công an tại Vũ Hán, siết chặt kiểm duyệt thông tin, để tránh các chỉ trích đi quá xa, biến thành một phong trào chính trị chống lại chế độ.
Việc báo chí Trung Quốc công bố một diễn văn của Tập Cận Bình, khẳng định lãnh đạo tối cao chỉ đạo chống dịch ngay từ ngày 07/01/2020, cần được đặt vào bối cảnh chung này, đặt trong chiến lược nắm lại thế chủ động của ban lãnh đạo Đảng, trước hết là nắm lại thế chủ động trong nội bộ Đảng, vốn dường như đang bị phân hóa mạnh mẽ, khi chính quyền các cấp tỏ ra lúng túng trước khủng hoảng dịch Covid-19. Hôm qua, 16/02, báo Cầu Thị đăng tải một diễn văn khác của Tập Cận Bình, nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, do Tập chủ tịch đứng đầu, trong cuộc chiến chống dịch, đòi hỏi các cấp chính quyền, các cơ sở đảng phải "trung thành tuyệt đối" với Trung ương.
Khi khẳng định chỉ đạo ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch, ông Tập Cận Bình đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục tuân theo chỉ đạo của ông trong những ngày tới, và cuộc chiến chống dịch chỉ có thể thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh đạo tối cao. Chỉ có một con đường chống dịch đó là tuân theo sự chỉ đạo của Trung ương. Mọi quan điểm khác biệt trong nội bộ đều không được phép tồn tại.
Ông Tập chỉ đạo chống dịch từ 07/01 : Thực hư ra sao ?
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về khả năng đích thân ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu. Nhà báo Amy Qin, trong bài viết trên New York Times, nhận xét : trong thông báo chính thức về nội dung cuộc họp ngày 07/01 của Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc, được Tân Hoa Xã đăng tải, đã không hề có dòng chữ nào nhắc đến dịch bệnh.
Phải chăng chống dịch là một thông tin xếp vào hàng bí mật nội bộ của Đảng ? Liệu có thực sự là ông Tập Cận Bình đã nói đến việc chống dịch ngay trong cuộc họp này ? Nội dung được đề cập đến như thế nào ?... Có lẽ rất khó mà biết rõ thực hư của câu chuyện này, trong bối cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc coi bí mật nội bộ là nguyên tắc tối cao. Chỉ có điều, cho đến nay, chưa có ai trong hàng ngũ ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc lên tiếng nói khác. Tuyên bố của Tập chủ tịch ắt hẳn phải đồng nghĩa với sự thực, với chân lý. Với bài diễn văn nói trên, dường như Tập Cận Bình đã có thêm một thành công trong việc bóp nghẹt mọi tiếng nói khác biệt trong nội bộ.
Trọng Thành
**********************
Virus corona - Covid-19 : Trung Quốc gia tăng phong tỏa Hồ Bắc, cấm cư dân rời nơi ở (RFI, 17/02/2020)
Số nạn nhân của virus corona tại Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu mới nhất ngày hôm nay 17/02/2020 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số ca tử vong đã lên đến 1.765 người, trong lúc số bệnh nhân đã vượt mức 70.000, chính xác là 70.548 trường hợp.
Một trong những con đường bị chặn tại Vũ Hán, Hồ Bắc, sau khi dịch virus corona lan tràn. Ảnh chụp ngày 07/02/2020. Reuters/Stringer
96% các ca tử vong và đa số các vụ lây nhiễm đều ở tỉnh Hồ Bắc, với Vũ Hán bị coi là tâm điểm của dịch bệnh. Để đối phó, chính quyền Trung Quốc vừa tăng cường thêm các biện pháp phong tỏa áp dụng trên toàn tỉnh Hồ Bắc, trong đó có quyết định cấm mọi hoạt động di chuyển của toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Liu Zhifan giải thích :
Các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo tiếp tục được tăng cường ở Hồ Bắc, nơi hàng chục triệu cư dân đã bị buộc phải tự cô lập từ gần một tháng nay, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán, cái nôi của dịch bệnh.
Kể từ nay, chỉ có xe cảnh sát và xe cứu thương mới được phép lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh, cũng như những phương tiện vận chuyển hàng hóa được coi là thiết yếu.
Đồng thời, các biện pháp cách ly nhắm vào 200.000 thị xã vùng nông thôn Hồ Bắc sẽ được củng cố thêm : 24 triệu dân ở các nơi này sẽ không được quyền rời khỏi nhà, trừ trường hợp thực sự cần thiết, và không được đi gần người khác ở ngoài đường, phải giữ một khoảng cách tối thiểu là 1,50 m.
Để thực thi các biện pháp nghiêm khắc đó, chính quyền đã sử dụng phương thức "cây gậy và củ cà rốt".
Tại thị trấn Hiếu Cảm (Xiaogan), các hoạt động công cộng như đánh mạt chược và cờ bạc rất phổ biến tại Trung Quốc đều bị cấm, với mức phạt nặng có thể lên đến 10 ngày tù giam.
Còn tại Hoàng Cương (Huanggang), một thị trấn giáp Vũ Hán, cư dân được yêu cầu khai báo việc họ có triệu chứng bệnh do virus corona hay không. Nếu khai báo, họ sẽ được thưởng 500 nhân dân tệ (khoảng 60 euro), và sẽ được điều trị ngay lập tức.
Mọi cách thức như đã được tung ra để ngăn chặn một dịch bệnh đã cướp đi gần 1.700 sinh mạng ở tỉnh Hồ Bắc.
Ở cấp độ Nhà nước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào hôm nay đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn để tìm cách giảm bớt tác hại của dịch virus Covid-19 đối với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, cũng vì dịch bệnh, Quốc hội Trung Quốc sẽ tính đến khả năng hoãn khóa họp thường niên, trên nguyên tắc sẽ mở ra vào tháng 03/2020
Chuyên gia WHO đến Bắc Kinh
Hôm 17/02/2020, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cử đến Bắc Kinh để thảo luận với các đồng nhiệm Trung Quốc, về diễn biến dịch bệnh Covid-19. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đang trong chuyến công tác tại Pakistan, đã bày tỏ tin tưởng vào "nỗ lực khổng lồ" của chính quyền Trung Quốc, cho phép dần dần đẩy lùi nạn dịch.
Tuy nhiên, WHO tối qua một lần nữa tuyên bố tình hình lây lan virus là "không thể dự báo trước". Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm qua thì tỏ ra nghi ngờ về tốc độ chính quyền Trung Quốc ngăn chặn dịch bệnh, cũng như bản chất thực sự của virus. Ghi nhận trước hết của lãnh đạo IMF là khủng hoảng dịch đã tác động đến các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Trọng Nghĩa
********************
Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ thông tin về virus corona (VOA, 15/02/2020)
Sáu tuần sau khi loan báo việc xuất hiện của virus mới, lây nhiễm cao và đôi khi gây chết người, các chuyên gia nói Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ dữ liệu có thể giúp chế ngự được dịch bệnh.
Hoa và khẩu trang trong Ngày Tình nhân (Valentine’s Day) tại Hong Kong (ảnh chụp ngày 14/2/2020)
"Trong lúc nỗ lực phát triển chiến lược kiểm soát của riêng mình, các nước đang tìm các bằng chứng xem tình hình tại Trung Quốc đang khá hơn hay tệ đi", bà Jennifer Nuzzo, một học giả kỳ cựu tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, nói. Tuy nhiên bằng chứng này chưa có.
"Chúng tôi vẫn chưa có tin tức cơ bản", ông Tom Friedman, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nói. Ông Friedman hiện đứng đầu tổ chức bất vụ lợi về y tế công cộng có tên là Resolve to Save Life.
Trong lúc một toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đến Trung Quốc để giúp đối phó với virus Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, ông Friedman nói "Chúng tôi hy vọng thông tin sẽ được phơi bày".
Ông nói thêm "Trong vài ngày tới sẽ là mấu chốt".
Bắc Kinh chưa chấp thuận đề nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ muốn gởi chuyên viên hàng đầu đến Trung Quốc.
Ông Mike Ryan, người đứng dầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, không nêu rõ quốc tịch của các thành viên trong đoàn chuyên gia WHO tại một cuộc họp báo ngày 13/2. "Tuy nhiên, tôi có thể đảm bảo cùng quý vị là đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới và tất cả các nước liên hệ đều có thể đóng góp để hoàn tất việc này", ông nói.
"Chúng tôi hơi thất vọng vì chúng tôi không được mời và chúng tôi cũng hơi thất vọng vì thiếu minh bạch về phía Trung Quốc", ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên ngày 13/2.
Đằng sau khúc quanh
Trung Quốc công bố hàng ngày con số ca nhiễm mới được xác nhận, nhưng không cho biết ngày các bệnh nhân này lâm bệnh. Điều này quan trọng vì nếu không có ngày triệu chứng bắt đầu, các nhà dịch tễ học không thể nói là dịch bệnh gia tăng hay giảm dần. Việc đếm các ca hàng ngày cho thấy là các phòng thí nghiệm đang xét nghiệm các mẫu nhưng không tiết lộ nhiều về tiến trình dịch bệnh bùng phát, các chuyên gia nói.
Khi các giới chức Trung Quốc thay đổi cách chẩn bệnh hôm 13/2, không thể nào nói rằng con số 13.000 ca mới Bắc Kinh báo cáo thực sự biểu hiện có gia tăng lây nhiễm vì Bắc Kinh không báo cáo ngày bắt đầu. Ông Ryan nói một số ca này xuất hiện từ lúc bắt đầu dịch bệnh nhưng WHO không biết chính xác là ca nào.
Trung Quốc không thường xuyên công bố dữ liệu về tuổi tác của bệnh nhân và ai là người bệnh nặng nhất. Hiện không rõ có bao nhiêu người thử nghiệm dương tính. Hiện cũng không rõ có bao nhiêu người bị lây nhiễm nhưng không được thử nghiệm.
Ông Frieden thuộc tổ chức Resolve to Save Lives nói "Chúng tôi biết có một số người bị bỏ qua, chắc chắn là như vậy".
Ông nêu câu hỏi "Cao hơn gấp 5 hay 10 lần ? Chúng ta không biết được".
Bỏ sót đáng nghi ngờ
Các nhân viên y tế có rất nhiều nguy cơ bị lây nhiễm trong bất cứ vụ bùng phát nào. WHO thường liệt kê lây nhiễm trong nhóm quan trọng này trong những báo cáo tình hình. Tuy nhiên, Bắc Kinh báo cáo rất ít về tình trạng của các nhân viên y tế.
Các nhà nghiên cứu tại Vũ Hán đã công bố một cuộc nghiên cứu nói rằng 40 trong số 138 bệnh nhân nhập viện là nhân viên y tế bị lây nhiễm tại bệnh viện.
"Việc này thực sự là công bố đầu tiên cho thấy các nhân viên y tế bị lây nhiễm", bà Nuzzo thuộc trường đại học Johns Hopkins, nói.
Ông Frieden đổ lỗi một phần do việc thiếu báo cáo về dữ liệu vì "không nhận thức được tình hình trong một vụ bùng phát quá mức". Lượng bệnh nhân vượt xa khả năng của hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Tuy nhiên câu hỏi không được trả lời "là liệu họ có che giấu một số thông tin hay không", ông nói thêm.
Đỡ hơn SARS
Lúc đầu khi vụ bùng phát xảy ra, nhà cầm quyền Trung Quốc làm áp lực lên các bác sĩ đã công khai lên tiếng về chứng bệnh mới.
Bắc Kinh đã khiến cho toàn thế giới lên án về việc che giấu thông tin trong vụ bùng phát dịch bệnh SARS trong 2 năm 2002-2003.
Lần này, các giới chức đã ca ngợi Bắc Kinh vì đã báo cáo vụ bùng phát Covid-19 nhanh chóng hơn và cũng nhanh chóng công bố mã số gene của virus.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt các cuộc nghiên cứu "đẹp đẽ" trong các tạp chí y học hàng đầu, phác họa một số chi tiết quan trọng của căn bệnh, bà Nuzzo nói.
Tuy nhiên thông tin quan trọng vẫn còn thiếu, và trong vụ bùng phát nghiêm trọng chứng bệnh mới, bà nói thêm, dữ liệu phải được chia sẻ càng rộng càng tốt.
"Quan niệm căn bản là nói cho mọi người biết khi bạn biết", ông Frieden nói thêm. "Và nếu bạn không biết chuyện gì đó, hãy nói rõ là bạn sẽ tìm ra thông tin đó như thế nào".
Virus corona : Mối nguy từ tiêu thụ tê tê ? (BBC, 15/02/2020)
Kết quả sơ bộ một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc có thể khiến những ai thích ăn thịt tê tê, hay dùng thuốc đông y làm từ vảy tê tê, giật mình.
Vảy tê tê được dùng làm thuốc đông y ở nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam
Các nhà khoa học ở Quảng Đông vừa cho hay các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tê tê có thể là vật chủ gây ra đại dịch virus corona hiện nay.
Theo tạp chí khoa học Nature, chuỗi gen tiến hóa của virus phân lập từ tê tê giống 99% với virus corona Vũ Hán - nhưng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố chính thức.
'Cần đóng cửa chợ động vật hoang dã ở Việt Nam'
Vảy tê tê được dùng làm thuốc đông y ở nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam
Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 14/2, nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng, Giám đốc tổ chức CHANGE, một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn năm 2019, nhận định :
"Sau đại dịch SARS 2003, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã từng cảnh báo sẽ có thể có thêm những dịch bệnh đáng sợ, nếu con người không ngừng tiêu thụ các loài động vật hoang dã".
"Ban đầu, từng có phỏng đoán rằng chủng mới của virus corona lần này lây truyền từ vật chủ là loài dơi. Như vậy, không loại trừ khả năng nó cũng có thể bị lây truyền từ một loài động vật hoang dã khác, sau đó lây qua người tiếp xúc với chúng từ các hoạt động buôn bán, tiêu thụ các động vật hoang dã, trong đó có loài tê tê".
"Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc có lẽ cần thời gian để có xác nhận chính thức. Dù vậy, ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã để đối phó với nạn dịch".
"Người Việt có thói quen sử dụng thuốc đông y từ vảy tê tê, hoặc ăn thịt tê tê, dù đã có cảnh báo rằng có thể lây nhiễm ký sinh trùng và virus từ các sản phẩm này. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh".
Về vấn nạn Việt Nam là một trong những nước đứng đầu bảng về tiêu thụ, vận chuyển trái phép tê tê trên thế giới, và hiện cũng đang đối mặt với dịch virus corona, bà Minh Hồng nói :
"Tôi tin rằng, đây chính là thời điểm để chính phủ Việt Nam cần đưa ra một quyết định tương tự. Cần phải đóng tất cả các nhà hàng, các chợ buôn bán động vật hoang dã trên khắp cả nước".
"Trong đại dịch lần này, người dân đang rất lo lắng về dịch bệnh. Và mọi người đều có ý thức rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe của gia đình mình. Do đó, nếu chính phủ đưa ra lệnh cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, cũng như có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát vấn nạn này, như một biện pháp cần thiết để chống dịch bệnh, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng và ý kiến ủng hộ của đông đảo người dân".
Bà Minh Hồng cũng nhắc đến việc cách đây vài năm, Tổ chức Môi trường WildAid đã từng cảnh báo về mối nguy hiểm và việc tiêu thụ thịt tê tê có thể mang lại, trong một phóng sự truyền hình có sự tham gia của ngôi sao Đài Loan Jay Chou.
Virus corona Vũ Hán có thể lây từ loài tê tê
Trong đó, ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng gióng lên quan ngại về quan niệm sai lầm ở Châu Á là có thể sử dụng vẩy tê tê như thuốc chữa bệnh, trong khi trên thực tế có thể bị lây nhiễm ký sinh trùng và virus từ chúng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc nói gì ?
Mới đây, Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu nói rằng hai nhà khoa học của trường là Shen Yongyi và Xiao Lihua, đã xác định tê tê là nguồn lây nhiễm nCoV-2019 trên cơ sở so sánh chuỗi tiến hóa của virus corona từ động vật và từ người bị nhiễm trong ổ dịch, và những phát hiện khác. Các chuỗi tiến hóa này giống nhau 99%, các nhà nghiên cứu báo cáo tại cuộc họp báo vào ngày 7/2, theo tạp chí Nature.
Kết quả nghiên cứu ban đầu này được đưa ra trong bối cảnh giới khoa học đang chạy đua để trả lời cho câu hỏi về danh tính của loài động vật là nguồn gốc làm lây lan virus corona, được đặt tên là nCoV-2019.
Một vụ buôn lậu tê tê bị bắt giữ ở Hà Tĩnh năm 2012
Các loại virus corona được biết là lưu hành ở động vật có vú và chim, và các nhà khoa học đã cho rằng nCoV-2019 ban đầu đến từ dơi, một đề xuất dựa trên sự giống nhau của trình tự di truyền của nó với các virus corona khác đã được biết đến. Nhưng virus có thể đã được truyền sang người bởi một động vật khác. Chủng virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, hay còn gọi là SARS, lây lan từ dơi sang mèo cầy rồi sang người.
Trước đó, các nhà khoa học đã lưu ý rằng virus corona có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của tê tê, và rằng nCoV-2019 và virus corona từ tê tê sử dụng các thụ thể có cấu trúc phân tử tương tự để làm các tế bào bị lây nhiễm.
Ngay cả trước khi công bố của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố, thì tê tê là một ứng cử viên tốt để trở thành một loài trung gian cho virus, vì vậy, rất thú vị khi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một trình tự gần gũi như vậy, David Robertson, một nhà nghiên cứu virus tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh cho biết.
Các nhà khoa học nói rằng đề xuất này, dựa trên một phân tích di truyền, có vẻ hợp lý - nhưng lưu ý rằng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố đầy đủ.
"Đây là một quan sát cực kỳ thú vị. Mặc dù chúng ta cần nghiên cứu thêm các chi tiết, nhưng điều này có lý khi hiện nay có một số dữ liệu khác cũng cho thấy tê tê mang virus có liên quan mật thiết đến virus corona 2019 (nCoV-2019)", ông Edward, nhà nghiên cứu virus tiến hóa tại Đại học Sydney, Úc, được trích lời trên tạp chí Nature.
'Sẽ sớm công bố kết quả nghiên cứu'
Hải quan bắt giữ 5 tấn vảy tê tê ở Vũng Tàu năm 2019
Liu Yahong, hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu cho hay kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố rộng rãi nhằm hỗ trợ nỗ lực chống lại loại virus này.
Nhiều chi tiết quan trọng của nghiên cứu được chờ đợi, như việc các nhà khoa học tìm thấy virus ở đâu trên cơ thể tê tê, ở mẫu máu hay gạc trực tràng ? Việc này sẽ giúp xác định việc virus này truyền nhiễm sang người như thế nào và làm thế nào đê ngăn chặn.
"Tôi có thể tin tưởng mạnh mẽ rằng kết quả nghiên cứu này là chính xác", Kristian Andersen, nhà miễn dịch học tại Scripps Research ở La Jolla, California, nói. Andersen cho biết ông đã công khai so sánh các chuỗi tiến hóa của các virus trong tê tê và thấy chúng giống như của nCoV-2019. "Tôi mong chờ báo cáo và dữ liệu được công bố", ông cho hay.
Loài tê tê ở Việt Nam và Trung Quốc
Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh
Tê tê là động vật có vú, có lớp vảy cứng, thường bị săn lùng để lấy vẩy làm thuốc đông y ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Tê tê là loài động vật được bảo vệ. Nhiều loài tê tê đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp do bị săn bắn và buôn bán trái phép cả thịt và vảy để điều trị các bệnh ngoài da, rối loạn kinh nguyệt và viêm khớp trong y học cổ truyền.
Virus corona ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, và được cho rằng lây sang người từ các động vật bị nhiễm bệnh ở chợ hải sản và động vật hoang dã tại đây - nơi những người nhiễm đầu tiên được phát hiện chính là những người làm tại chợ.
Tê tê được cho là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm tới 20% tổng số buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế, đã đưa ra những hạn chế đối với thị trường tê tê từ năm 1975, và năm 2016, CITES đã bổ sung tất cả tám loài tê tê vào phụ lục I, Động vật bị đe dọa tuyệt chủng. Chúng cũng được liệt kê trong sách đỏ IUCN, tất cả đều có số lượng giảm và các tên gọi khác nhau, từ loài dễ tổn thương tới loài nguy cấp.
Việt Nam được coi là một trong những nước tiêu thụ và trung chuyển tê tê đứng đầu bảng trên thế giới.
Dự kiến hơn 85 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho công tác bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam theo "Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" chuẩn bị được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Trong khi chờ đợi, đã có khoảng hơn 15 tấn vảy tê tê buôn lậu bị thu giữ ở các cảng ở Việt Nam năm 2019. Và nhiều nhà hàng vẫn bán thịt tê tê cho khách.
Mỹ Hằng
***************
Các tổ chức thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã (RFA, 16/02/2020)
Hôm 16/2, 10 tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các chợ và địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp Covid 19 bùng phát mạnh hơn.
Hình minh họa. Dơi được xác định là con vật trung gian của virus gây dịch bệnh SARS hồi năm 2003 - AFP
Các tổ chức trong và ngoài nước trong thư này xác định việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ góp phần làm lây truyền không chỉ Covid 19 mà còn nhiều chủng virus mới từ động vật hoang dã sang người.
"Bài học từ dịch SARS và nay là Covid 19 rất rõ ràng : Các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam và một số nước khác đã chứng minh virus corona tồn tại trong quần thể động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã tạo cơ hội cho những virus này lây từ động vật hoang dã sang người", bức thư có đoạn viết.
Bức thư nhắc lại dịch bệnh SARS hồi cuối năm 2002 đầu 2003 khiến 8.000 người ở 37 quốc gia nhiễm bệnh và khiến 774 người tử vong. Dịch bệnh phát xuất từ một loại virus có nguồn gốc từ dơi.
Chủng virus corona mới đang gây dịch viêm phổi cấp toàn cầu cũng phát sinh từ động vật hoang dã từ một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Các tổ chức đưa ra bảy đề xuất với Chính phủ Việt Nam bao gồm :
Hiện Việt Nam đã xác định 16 ca dương tính với virus Covid 19. Theo đánh đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn 0,53% dự kiến nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý I năm nay.
******************
Xuất khẩu gạo : Covid-19 có cản đường Việt Nam qua mặt Thái Lan ? (RFI, 15/02/2020)
Sản lượng thóc giảm và giá thành cao, trong năm 2020, Thái Lan có nguy cơ bị Việt Nam soán ngôi quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ hai thế giới.
Nông dân Thái Lan trồng lúa. Ảnh minh họa. Getty Images/Patrick Foto
Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan nhìn nhận : Vương quốc sẽ khó có thể đạt chỉ tiêu 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020. Việt Nam, với hy vọng bán ra 7 triệu tấn, rất có thể soán ngôi nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới từ Thái Lan, hiện đứng sau Ấn Độ.
Việt Nam từng qua mặt Thái Lan một lần vào năm 2012. Vào thời điểm đó, Bangkok đã không thể nào bán số gạo tồn kho mà chính phủ mua với giá cao từ nông dân Thái.
Năm 2020 thì ngược lại, Thái Lan thiếu hụt gạo, thu hoạch mùa phụ chịu hạn hán. Gạo Thái khó khăn cạnh tranh do đồng bath lên giá so với đô la. Một điểm bất lợi khác : Thái Lan không biết đa dạng hóa mặt hàng gạo để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường thế giới, vốn dĩ ngày càng hướng đến các loại gạo thơm hay mềm dẻo.
Covid-19 : Con dao hai lưỡi
Thế nhưng, theo quan điểm của chuyên gia Patricio Mendez del Villar, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nông học vì Phát triển (Cirad), được RFI trích dẫn, kết cục của cuộc đọ sức giữa Thái Lan và Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ vài năm gần đây, Trung Quốc điều chỉnh thị trường bằng cách nhập khẩu gạo. Nhưng với dịch virus corona chủng mới (Covid-19) lan sang nước Việt Nam láng giềng, cùng với việc đóng cửa biên giới giữa hai nước, rất có thể các giao dịch gạo Việt Nam bị xáo trộn.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo (ba triệu tấn vào năm 2019). Nước này đang bán bớt khối lượng gạo dự trữ lớn, chủ yếu sang Châu Phi, khu vực mà Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Thái Lan và Ấn Độ trong năm 2019.
Sau một năm, các hoạt động kinh doanh gạo trên thế giới bị thụt lùi do nhu cầu gạo của Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc giảm, thị trường gạo thế giới hy vọng sẽ lại khởi sắc trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra sẽ là con dao hai lưỡi : Hoặc kìm hãm hoạt động kinh doanh gạo, hoặc khuyến khích Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore tích trữ gạo nhiều hơn.
Một điều chắc chắn duy nhất, Ấn Độ vẫn sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và giá gạo vẫn sẽ dao động nhiều hơn so với năm 2019.
Minh Anh