Virus corona : Người Vũ Hán bị "truy lùng" như tội phạm tại Trung Quốc (RFI, 03/02/2020)
Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, người dân thành phố Vũ Hán, tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, đang bị truy lùng như thể họ là tội phạm.
Một trạm đo thân nhiệt người dân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 01/02/2020. China Daily via Reuters
Để khuyến khích người dân cung cấp thông tin về người Vũ Hán, chính quyền nhiều địa phương ban hành biện pháp thưởng tiền, các cuộc tra hỏi nhắm vào người Vũ Hán được siết chặt.
Tuần trước, Ủy ban Vệ sinh - Y tế Trung Quốc kêu gọi các địa phương không lơ là việc xác minh người dân trong khu vực đã từng đi đến đâu. Khắp nơi, chính quyền địa phương phải chịu sức ép về việc trục xuất những người đến từ tỉnh Hồ Bắc.
Ở Bắc Kinh, một số quận đã tự rào chắn, buộc du khách hoặc những người quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán cung cấp thông tin về hành trình đi lại của họ thời gian qua.
Một nhân viên an ninh nói với AFP là những ai đến từ Hồ Bắc phải thông báo cho nhà chức trách khu vực, vì có thể những người này làm lây nhiễm bệnh. Những người được xác minh là người Hồ Bắc hoặc Vũ Hán sẽ bị theo dõi chặt chẽ, không thể tự ý ra, vào một khu phố, thậm chí còn không được đi mua thức ăn. Bí thư đảng ủy một khu phố ở Bắc Kinh cho biết nếu cần, khu phố sẽ cử người đi mua thực phẩm giúp.
Nhà chức trách một khu vực ở Thạch Gia Trang, phía tây nam Bắc Kinh, treo thưởng 2.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về những người đã ở Vũ Hán trong 2 tuần qua. Tại một số vùng, người dân trở về từ tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán bị dân làng tẩy chay. Cư dân từ Hồ Bắc cũng nhận được các cuộc gọi điện thoại hàng ngày và phải ghi lại nhiệt độ của họ trong khoảng hai tuần.
Hồng Kông : Nhân viên y tế đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục
Ngày 03/02/2020, hàng ngàn nhân viên các bệnh viện công tại Hồng Kông đã đình công đòi chính quyền đóng toàn bộ biên giới với Hoa lục để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Phong trào đình công của nhân viên y tế đặc khu diễn ra trong bối cảnh chính phủ Hồng Kông, vốn trung thành với Bắc Kinh, không đồng ý đóng cửa toàn bộ biên giới với Hoa lục, trong khi Hồng Kông đã ghi nhận 11 ca nhiễm virus, đa phần tới từ Hoa lục.
Theo AFP, chính quyền đặc khu đánh giá biện pháp đóng cửa biên giới mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử, có hại cho kinh tế Hồng Kông và trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO. Chính quyền cho biết sau khi cho đóng một số cửa khẩu hồi tuần trước, số người đến từ Hoa lục đã giảm 50%.
Thùy Dương
*******************
Virus corona : Trung Quốc cần "khẩn cấp" khẩu trang y tế (RFI, 03/02/2020)
Trung Quốc đang cần "khẩn cấp" nhiều thiết bị bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang y tế, kính bảo hộ và quần áo bảo hộ để đối phó với dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra, hiện số ca tử vong đã lên tới 361 người, cao hơn con số của dịch SARS năm 2002-2003.
Một người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm virus corona ở trung tâm tài chính Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/02/2020. Reuters/Jason Lee
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên trong cuộc họp báo ngày 03/02/2020. Theo hãng tin AFP, việc Bắc Kinh nhìn nhận không đủ khả năng đối phó với một cuộc khủng hoảng trong nước là một điều bất thường. Cho tới nay, chỉ có một lần duy nhất mà Trung Quốc phải nhờ đến sự trợ giúp của quốc tế, đó là vào năm 2008, khi xảy ra trận động đất kinh khủng khiến hơn 80.000 người chết và mất tích.
Dịch bệnh do virus corona mới tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc, với số người chết lên tới 361, cao hơn con số tử vong của dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS năm 2002-2003. Trước tình hình này, ngoài tỉnh Hồ Bắc, nhiều tỉnh và thành phố khác của Trung Quốc đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tổng cộng hơn 300 triệu người buộc phải đeo khẩu trang ở Trung Quốc. Cho dù không bắt buộc, người dân Trung Quốc trong những ngày qua cũng đã đổ xô đi mua khẩu trang vì sợ lây bệnh, gây nên tình trạng khan hiếm.
Bình thường khi chạy hết công suất, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất được 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, nhưng theo một quan chức của Bộ Công nghiệp Trung Quốc, các nhà máy mới hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, và hiện chỉ chạy khoảng từ 60 đến 70% công suất, nên không đáp ứng kịp nhu cầu.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Anh Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gởi các thiết bị bảo hộ y tế cho Trung Quốc.
Thanh Phương
*******************
Virus corona : Malaysia tặng Trung Quốc 18 triệu đôi găng tay y tế (RFI, 03/02/2020)
Ngày 03/02/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này có nhu cầu khẩn cấp về trang thiết bị y tế để đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra, nhất là khẩu trang, kính, găng tay và trang phục phòng hộ y tế.
Một y tá đo thân nhiệt người thăm bệnh nhân tại một bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 03/02/2020. Reuters/Lim Huey Teng
Phát biểu trước báo giới, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nhiều nước như Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc đã gửi tặng Trung Quốc nhiều thiết bị, dụng cụ phòng hộ.
Malaysia cũng không phải một ngoại lệ. Nhà chức trách nước này đã quyết định bày tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc bằng cách gửi tặng các bệnh viện ở Hoa lục 18 triệu đôi găng tay y tế.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux cho biết thêm :
"Chính bộ trưởng Thương mại là người đầu tiên đề cập đến việc này hôm thứ Bảy vừa rồi (01/02) : Malaysia sẽ gửi tặng cho Trung Quốc 18 triệu đôi găng tay y tế bằng cao su latex để hỗ trợ các nhân viên y tế đang phải chống chọi với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Vào Chủ nhật, đến lượt hiệp hội hữu nghị Trung Quốc - Malaysia thông báo gửi 100.000 đôi găng tay y tế cho Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền và các nhà công nghiệp Malaysia có hành động hào phóng như vậy. Vào năm 2014, 20 triệu đôi găng tay y tế đã được nước này gửi tặng Châu Phi để hỗ trợ công cuộc đối phó với virus Ebola. Là một nước chế biến nhiều cao su, Malaysia là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về dụng cụ y tế bằng cao su latex.
Thế nhưng, hành động hào phóng lần này của Malaysia diễn ra trong bối cảnh chưa từng có. Từ khi có thông báo là trên lãnh thổ Malaysia có 8 người bị lây nhiễm virus, nhiều phát ngôn bài Trung Quốc lan tràn trên các mạng xã hội.
Hiện giờ đã có 400.000 người ký tên vào một đơn kiến nghị theo đó hải quan không cho phép bất cứ người nào mang quốc tịch Trung Quốc được nhập cảnh vào Malaysia. Nhưng trước mắt, đòi hỏi này bị chính phủ Malaysia bỏ qua. Chính quyền nước này muốn thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc".
Thùy Dương
*********************
Virus corona : Nga thông báo sẽ trục xuất người nước ngoài nhiễm bệnh (RFI, 03/02/2020)
Ngày 03/02/2020, chính quyền Nga thông báo sẽ trục xuất những người nước ngoài bị nhiễm virus corona mới và triển khai các biện pháp cách ly.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Moskva, ngày 03/02/2020. Reuters/Sputnik
Trong một cuộc họp nội các được phát trên truyền hình, thủ tướng Nga Mikhail Michoustine nhấn mạnh virus corona đã được đưa vào danh sách các bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Hồi tuần trước, Moskva thông báo hàng loạt biện pháp phòng bệnh, trong đó có biện pháp đóng cửa 4.250 km biên giới với Trung Quốc và giảm các chuyến tầu nối hai nước, hạn chế các chuyến bay, khôi phục chế độ visa với khách du lịch Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa nhập cảnh cho người lao động tới từ Trung Quốc.
Trong những ngày sắp tới, các máy bay quân sự của Nga sẽ được điều đến các tỉnh đang có dịch bệnh đang lây lan ở Trung Quốc để đưa dân Nga về nước. AFP cho biết thủ tướng Nga còn đề nghị lùi ngày tổ chức Diễn đàn Kinh tế Nga tại Sotchi dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 14/02.
Pháp : Chuyến bay hồi hương thứ hai đã hạ cánh
Tại Pháp, chuyến bay thứ hai từ Vũ Hán hồi hương người Pháp và kiều dân nhiều nước khác đã hạ cánh vào chiều 02/02. Trong tổng số 254 hành khách trên chuyến bay, 36 người có triệu chứng nhiễm virus, 16 người nước ngoài được chuyển ngay lập tức về nước họ, 20 người khác được xét nghiệm tại Pháp, nhưng các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Tất cả hành khách lưu lại Pháp được đưa về cách ly 14 ngày trong một trường sĩ quan cứu hỏa ở Aix-en-Provence và khu du lịch Carry-le-Rouet, miền nam nước Pháp.
Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền California ngày 02/02 thông báo có thêm 3 người nhiễm corona, nâng số người bị lây nhiễm siêu vi tại Mỹ lên thành 11 người.
Chứng khoán Hoa lục sụt giảm, G7, OPEC họp bàn
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn không ngừng lây lan, thị trường chứng khoán Hoa lục đã mở cửa phiên giao dịch đầu tiên hôm 03/02 sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Theo AFP, chỉ số chứng khoán Hoa lục vào phiên cuối ngày sụt giảm hơn 7%, mức sụt giảm trong ngày cao nhất tính từ năm 2005.
Trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc, sau một cuộc điện đàm hôm 02/02 với đồng nhiệm Mỹ, bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn thông báo các bộ trưởng y tế của khối G7 sẽ tổ chức họp qua mạng viễn thông để tìm cách đối phó với dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc.
Còn tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, cũng trong ngày 02/02, đã thông báo tổ chức một cuộc họp trong hai ngày 04-05/02 tại Vienna, Áo để phân tích về tình trạng sụt giá dầu thô do tác động của virus corona.
Thùy Dương
Virus corona : Các hãng hàng không "né" Trung Quốc
Virus corona vẫn là cụm từ chiếm trang nhất nhật báo Kinh tế Les Echos, với hàng tựa lớn : "Mối lo ngại của một nước Trung Quốc tự cô lập". Tờ báo quan tâm đến việc nhiều hãng hàng không như British Airways và Lufthansa đã tạm ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc do nguy cơ dịch bệnh. Air France thì chưa hủy toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc, nhưng thi hành các biện pháp ngăn ngừa, như tạm ngưng ba chuyến bay hàng tuần đến Vũ Hán và giảm bớt các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo Les Echos, kể từ nay không thể loại trừ hiệu ứng domino đối với các hãng hàng không khác của Châu Âu.
British Airways aircraft are seen at Heathrow Airport in west London, Britain, February 23, 2018. Reuters/Hannah McKay/File Photo
Tại Châu Á, một số hãng hàng không cũng đã đình chỉ hoặc giảm bớt các chuyến bay đến Trung Quốc. Tai Mỹ, chính quyền Donald Trump đang nghiên cứu khả năng này. Trước mắt, họ chỉ khuyên công dân Mỹ nên tránh đến Trung Quốc trong lúc này. Nhưng không cần đợi chỉ thị chính thức, United Airlines đã hủy nhiều chuyến bay đến Trung Quốc.
Hiện giờ, chưa có số liệu nào từ các hãng hàng không, nhưng chỉ riêng việc chính quyền Bắc Kinh cấm các chuyến đi ra nước ngoài và ngược lại, nhiều du khách hoặc nhà doanh nghiệp đã hủy các chuyến đi Trung Quốc chắc chắc có ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy số ghế trên máy bay. Les Echos lưu ý là nếu máy bay chỉ chở phân nữa khách thì mức thiệt hại đối với các hãng hàng không sẽ tăng vọt. Ấy là chưa kể phi công và chiêu đãi viên của các hãng này rất có thể sẽ từ chối làm việc trên các chuyến bay đến Trung Quốc.
Hồi hương công dân ngoại quốc từ Vũ Hán : Bắc Kinh "thọc gậy bánh xe"
Tờ Le Figaro thì chú ý đến thái độ khó chịu của Bắc Kinh khi thấy nhiều nước, trong đó có Pháp, hồi hương các công dân của mình từ Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc là cản trở việc hồi hương những người này.
Tờ báo cho biết việc hồi hương các công dân Pháp ban đầu được thông báo là sẽ được thực hiện giữa tuần này, nhưng đến ngày mai, thứ sáu, mới có chuyến bay đầu tiên đáp xuống nước Pháp, chở theo khoảng 200 người.
Theo Le Figaro, việc dời đi dời lại chuyến bay nói trên là do tính chất phức tạp về mặt hầu cần và y tế của việc này. Nhưng khó khăn này trước hết là về mặt ngoại giao và cho thấy có sự đôi co trong hậu trường. Một nhà ngoại giao của một nước Châu Âu cho biết là đă có sự cản trở từ phía Trung Quốc. Nhưng trước thái độ kiên quyết của các nước có liên quan, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới cuối cùng không chống lại việc di tản công dân nước ngoài. Tuy vậy, trên thực tế họ vẫn "thọc gậy bánh xe". Theo một nguồn tin ngoại giao, Pháp cũng như Đức phải khó nhọc lắm mới được cấp giấy phép đáp xuống Vũ Hán. Bắc Kinh còn gây khó dễ cho những người muốn rời khỏi Vũ Hán bằng những đòi hỏi quan liêu giấy tờ.
Theo Le Figaro, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn cho di tản công dân nước ngoài vì họ sợ mất mặt với quốc tế, sợ bị xem là không có đủ khả năng đối phó với khủng hoảng này.
Virus corona và tự do báo chí
Cũng về virus corona, tờ Libération đề cập đến khía cạnh tự do báo chí, nhân việc một tờ báo Đan Mạch khiến Bắc Kinh giận dữ vì đã đăng một bức biếm họa về dịch bệnh này.
Trong số báo ra ngày 27/01, tờ Jyllands-Posten đăng một bức biếm họa về virus corona tại Trung Quốc với 5 ngôi sao vàng trên nền đỏ của lá quốc kỳ Trung Quốc được thay thế bằng… 5 con virus ! Ngay lập tức, sứ quán Trung Quốc tại Copenhague ra thông cáo cực lực phản đối và yêu cầu ban biên tập tờ báo Đan Mạch, cũng như tác giả bức biếm họa này phải xin lỗi.
Nhưng trả lời tờ Libération, tổng biên tập Jyllands-Posten, Jacob Nybroe nói : "Dứt khoát không có chuyện xin lỗi Trung Quốc. Một mặt, bức vẽ này không có gì đáng chê trách, mà nó chỉ minh họa một cách rất hiệu quả chủ đề mà mọi người đang quan tâm, mà không hề có ý đồ xúc phạm tình cảm của một người nào. Mặt khác, không thể chấp nhận việc Trung Quốc quyết định cái gì được đăng, cái gì không được đăng trên một tờ báo Đan Mạch".
Theo Libération, hôm 28/01, toàn bộ chính giới Đan Mạch, kể cả nữ thủ tướng Mette Frederiksen, đều ủng hộ nhật báo Jyllands-Posten và kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại nước này.
Kế hoạch hòa bình : Trump "khoán trắng" cho Israel
Kế hoạch hòa bình của tổng thống Mỹ Donald Trump cho Israel và Palestine là đề tài chiếm trang nhất nhật báo Le Monde hôm nay, với hàng tựa "Kế hoạch của Trump khoán trắng cho Israel".
Hôm 28/01/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã long trọng công bố một kế hoạch hòa bình đáp ứng toàn bộ các đòi hỏi của Israel và chuẩn y việc sát nhập các lãnh thổ Palestine, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Kế hoạch này xem Jerusalem là thủ đô "không thể chia cắt" của nhà nước Israel. Một nhà nước Palestine sẽ được thành lập, nhưng mất đi 30% lãnh thổ của năm 1967 và thủ đô của họ sẽ được đặt ở ngoại ô phía đông Jerusalem.
Trong bài xã luận, tờ Le Monde ghi nhận, đúng là kế hoạch này phác thảo khả năng hình thành một nhà nước Palestine, nhưng kèm theo nhiều điều kiện gắt gao đến mức viễn cảnh này trở nên mơ hồ, xa vời như đường chân trời. Tờ báo đặt câu hỏi : Washington lấy quyền gì mà trao cho đàn em của mình chủ quyền trên một lãnh thổ không phải của họ ? Quyền gì, nếu không là quyền của cường quốc có cách hành xử như của một nhà nước côn đồ, giống như đã được thể hiện qua việc Nga sát nhập vùng Crimea năm 2014 ?
Nhật báo công giáo La Croix cũng dành tựa lớn trên trang nhất : "Kế hoạch một chiều" để nói về kế hoạch hòa bình của tổng thống Trump.
Trong bài xã luận, tờ báo này viết : "Kế hoạch này chà đạp lên luật pháp quốc tế khi công nhận rằng các lãnh thổ bị chiếm đoạt bằng vũ lực có thể được trao một cách chính đáng cho kẻ xâm lược. Nếu được đưa ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chắc chắn nó sẽ bị bác bỏ, bởi vì quốc gia nào cũng ý thức được rằng chấp nhận một việc làm trái luật như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ mà một ngày nào đó sẽ gây bất lợi cho mình".
Về phần Libération, tờ báo phỏng vấn chuyên gia về Trung Đông Jean-Paul Chagnollaud. Vị chuyên gia này cũng đánh giá rằng kế hoạch của tổng thống Trump bất lợi cho người Palestine. Nhưng trong khi các lãnh đạo Palestine đã bác bỏ kế hoạch này, thì người dân lại không có một thái độ chống đối mạnh mẽ. Ông Jean-Paul Chagnollaud giải thích : "Người dân Palestien đã quá mệt mỏi vì họ đấu tranh từ bao năm nay mà chẳng đạt kết quả nào đáng kể. Giới trẻ không còn tin vào hiệu quả của hành động chính trị và bây giờ chỉ mưu cầu một tương lai cho cá nhân". Nhưng theo vị chuyên gia này, người dân Palestine vẫn gắn bó với mảnh đất của họ, với những biểu tượng của họ và với quyền của họ. Cho nên, tình hình có thể thay đổi ngày mai, vì người dân Palestine vẫn giữ thái độ ngoan cường. Họ sẽ không chịu đầu hàng như mục đích của kế hoạch do Trump đề ra.
Anh Quốc mở cửa cho Hoa Vi
Bất chấp các áp lực của Mỹ, Luân Đôn đã bật đèn xanh cho tập đoàn thiết bị viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc vào thị trường Anh Quốc. Đây là một trong những đề tài thu hút sự chú ý của tờ Le Monde.
Như vậy là Luân Đôn đã không làm theo lệnh của Donald Trump đòi Anh Quốc cấm cửa hoàn toàn đối với Hoa Vi, nhưng cũng không lơ là vấn đề an ninh quốc gia. Trong bài xã luận, Le Monde viết : "Trước bài toán nan giải mà tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi đặt ra, giữa một bên là lòng trung thành với đàn anh Hoa Kỳ và bên kia là lợi ích quốc gia, thủ tướng Boris Johnson đã tìm ra phương thuốc : cho Hoa Vi tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở hạ tầng ít nhạy cảm nhất trong lĩnh vực 5G".
Theo Le Monde, Hoa Vi đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Và trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington, tổng thống Trump hãy còn xa mới giành được phần thắng. Hoa Vi đã thuyết phục được Ấn Độ và nhiều nước đang trỗi dậy khác, như Brazil và Nam Phi, mở cửa thị trường của họ. Tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc cũng đang đàm phán thuận lợi với Nga và các đồng minh Trung Á của Moskva.
Le Monde cho biết nước Úc, vốn nằm trong tầm ngắm của gián điệp Trung Quốc, đã theo gương Mỹ và đã gạt bỏ Hoa Vi, trong khi New Zealand và Canada đang do dự. Châu Âu thì đang bị phân hóa. Trong khi Ba Lan cam kết không "chơi" với Hoa Vi vì lý do an ninh, thì thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn rãnh tay thương lượng với tập đoàn Trung Quốc. Để các nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu có thể ra quyết định dễ dàng, hôm 29/01, Bruxelles vừa công bố những khuyến cáo giúp cho các nước này cưỡng lại áp lực của Mỹ, nhưng vẫn không để tác hại đến an ninh quốc gia.
Sinh viên Oxford và nỗi lo Brexit
Ngày 31/01/2020, Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong loạt bài về sự kiện này, tờ Le Monde đề cập đến nỗi lo của các sinh viên đại học danh tiếng Oxford.
Le Monde nhắc lại, cũng như các đại học khác ở Anh Quốc, Oxford được hưởng các khoản tài trợ hào phóng của Liên Hiệp Châu Âu cho các dự án nghiên cứu của trường đại học này. Đến cuối năm 2019, Oxford đã nhận được tổng cộng 56 triệu euro của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu. Sau Brexit, nguồn tài chính dồi dào này dĩ nhiên sẽ không còn nữa. Tờ báo đặt câu hỏi : Sau khi Luân Đôn chia tay với Bruxelles, liệu đại học Oxford có sẽ còn thu hút nhiều sinh viên Châu Âu như hiện nay ? Hiện giờ các sinh viên từ những nước Châu Âu khác trả tiền học phí bằng với mức của sinh viên Anh khoảng 10 ngàn euro/năm). Có nguy cơ là chính phủ Anh sẽ bắt các sinh viên đó trả tiền học phí như sinh viên ngoài Châu Âu, tức là nhiều hơn gấp đôi.
Pháp : Ứng cử viên tranh đua về môi trường
Tờ Le Figaro hôm nay đưa tựa trên trang nhất về bầu cử hội đồng thành phố tại Pháp vào tháng 3 tới, với các ứng cử viên chức thị trưởng tranh nhau đưa ra các đề nghị về bảo vệ môi trường.
Chẳng hạn như tại Paris, ứng cử viên đảng Cộng hòa Tiến bước Benjamin Griveaux đề ra dự án xây một "Central Park" rộng 30 hectares cho thủ đô Pháp, còn ứng cử viên đảng Xã hội Anne Hidalgo thì mơ đến một thành phố mà trong đó xe đạp sẽ ngự trị. Những đề nghị như thế đang gây nhiều phản ứng trái chiều, khiến mọi người không chú ý nhiều đến ứng cử viên đảng Xanh ở Paris David Belliard.
Ở các thành phố khác cũng thế, ví dụ như tại Lyon, ứng cử viên của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa Etienne Blanc đề nghị biến thành phố này này "thành phố-vườn lớn nhất Châu Âu".
Le Figaro cho biết, hiện nay, dựa trên kết quả các thăm dò ý định bỏ phiếu rất thuận lợi cho họ, đảng Xanh hy vọng sẽ giành được nhiều thành phố lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 3.
Thanh Phương
Công an xử phạt Facebookers loan tin virus Corona có đúng luật ? (RFA, 30/01/2020)
Những ngày gần đây, báo trong nước liên tục loan tải thông tin một số Facebookers bị mời làm việc và phải đóng phạt do đăng trên tài khoản mạng xã hội những thông tin về dịch bệnh coronavirus đang lây lan mạnh mẽ.
Hình minh họa. Nhân viên y tế đứng cạnh quầy ở khu vực cách ly tại Viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020 - AFP
Báo trong nước vào ngày 30/1 loan tin dẫn nguồn từ công an thành phố Hải Phòng cho biết đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị Vũ Thị N.T với lý do đã đăng tải thông tin sai sự thật về số người nhiễm virus Corona ở địa phương.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 29/1 đã ra quyết định xử phạt Facebooker Nhàn Lê số tiền 12.500.000 đồng vì đưa tin Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Tại các tỉnh thành phía nam, Công an thành phố Phan Thiết vào ngày 28/1 cũng đã triệu tập một phụ nữ tên Nguyễn Thị Liên Dung, 33 tuổi, cư ngụ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do đăng tin có 6 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện An Phước.
Cùng ngày, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời anh Trần Văn Tùng đến để chất vấn về thông tin mà anh Tùng đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus. Đến ngày 30/1, anh Tùng bị phạt hành chính 15 triệu về cáo buộc tung tin hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona phải điều trị ở Bệnh viên Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng những biện pháp mà phía công an thực hiện đối với những facebooker vừa nêu là không đúng luật :
"Thật ra việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ. Còn về phương diện xã hội thì với bệnh dịch nguy hiểm như Corona có thể gây chết người, ảnh hưởng đến rất nhiều mặt đối với một quốc gia, xã hội thì nếu có việc nói khống, nói quá lên thật ra mang yếu tố rất tích cực, giúp người dân để tâm, để ý sâu sắc hơn đối với bệnh dịch này. Sự để tâm của họ có thể giúp cho số đông người dân sa vào hoàn cảnh mà họ lây nhiễm và vô tình không biết".
Còn Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng lại cho rằng đây là một kịch bản được chính phủ Hà Nội đưa ra đưa ra để cảnh cáo người khác vì hiện nay trên mạng xã hội lan tràn tin có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều nhưng những người đăng tải vẫn không bị chính quyền đụng đến.
Viết trên Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang – cựu phóng viên báo Pháp luật, hiện đang làm Biên tập Luật Khoa tạp chí đưa ra nghi vấn khi gần như tất cả những người bị bắt đều có chung phản ứng theo công thức :
"Quá trình điều tra, biết việc làm của mình là không đúng nên đã lập tức xóa bài trên mạng, đồng thời xin lỗi những người bạn trên mạng vì thông tin thất thiệt do mình đưa ra".
Theo bà Đoan Trang, đây là văn phong của công an khi trả lời phỏng vấn và đã được báo trong nước đưa nguyên nội dung vào bài.
Với kinh nghiệm bản thân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng việc ‘thú tội’ này nằm trong một kịch bản hoàn toàn quen thuộc :
"Đối với những người bất đồng chính kiến hoặc những người làm việc với công an trên đồn công an, cả bản thân tôi cũng đã trải qua, họ dùng những thủ thuật lấy cung, ép cung, có thể không tra tấn nhưng bằng những hình thức khác như không cho nghỉ ngơi, bằng những câu hỏi làm mình không còn sự tỉnh táo và sẵn sàng chấp nhận hết tất cả những điều họ viết như nhận tội, xin lỗi, cải chính thông tin, thậm chí có những người tù lương tâm phải lên tivi nhận tội. Người ta bị ép buộc trong tình trạng tâm lý không bình thường, theo tôi những người tuyên bố trong đồn công an với áp lực như thế đều không có giá trị".
Phát biểu, trao đổi với báo chí trong nước, các lãnh đạo nhà nước Việt Nam thường xuyên kêu gọi người dân nên cẩn thận thông tin từ thế lực thù địch, phản động như trong công điện Bộ Công an gửi Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được báo Vietnamnet trích dẫn :
"Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân ; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự".
Nhiều người bày tỏ thắc mắc, tại sao các vị lãnh đạo không chỉ đơn thuần nhắc nhở người dân cẩn thận trước những thông tin giả về dịch bệnh do virus Corona gây ra mà phải nhắc đến thế lực thù địch, phản động ?
Nhận xét về hành động này của những người đứng đầu bộ máy nhà nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng chính quyền đang đặt lệch chức năng quản lý, xây dựng nhà nước của mình :
"Dường như những quan chức phát biểu như vậy họ chỉ nghĩ đến khía cạnh chính trị hơn sự an toàn cho người dân. Với bệnh dịch nguy hiểm như vậy lẽ ra nên có những khuyến cáo cho người dân về việc phòng tránh hoặc có những chính sách để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân hơn là đi nhăm nhăm nhằm chế tài, hạn chế người dân nói về bệnh dịch".
Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định đây là thái độ không thể chấp nhận được trong lúc này. Ông giải thích :
"Có bài học ngay ở Trung Quốc, một chế độ nổi tiếng về bưng bít thông tin thời gian gần đây cũng phải công bố những thông tin kể cả từ người dân, nhà báo độc lập và cả trên mạng xã hội. Ta thấy rằng chính sự bưng bít thông tin đó mới làm cho virus lan truyền rộng rãi và qua mất ‘thời gian vàng’ để dập tắt dịch bệnh. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải nhìn thấy đó là bài học và có những thông tin kịp thời, thật sự minh bạch về dịch bệnh. Ở Việt Nam cơ sở hạ tầng y tế rất kém, các bệnh viện khi chưa có dịch bệnh bùng phát đã quá tải 2, 3 người bệnh một giường, nếu không có thông tin minh bạch, thậm chí có thể nguy cơ lây lan trong thực tế phải cảnh báo người dân cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa nhưng đây lại ngược lại. Họ chính trị hóa tất cả mọi vấn đề trong xã hội hoặc tất cả những gì họ nghĩ rằng ảnh hưởng tới quyền lực của họ thì họ coi đấy là những thế lực thù địch".
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng đưa ra một nhận xét về mặt tích cực khi truyền thông trong nước vào ngày 30/1 loan tải thông tin cho biết Việt Nam xác nhận có thêm 3 bệnh nhân nhiễm virus Corona.
Trong đó, 1 người Thanh Hóa đang điều trị ở bệnh viện địa phương, 2 người ở khu vực Đông Anh (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Như vậy, cộng với 2 trường hợp người Trung Quốc xác nhận nhiễm virus nCoV trước đó, Việt Nam tính đến nay có tổng cộng 5 trường hợp dương tính với virus Corona. Trong số này 1 trường hợp đã được chữa khỏi.
Hiện dịch nCoV đã xuất hiện ở 18 quốc gia với tổng số người mắc tăng mỗi ngày lên đến 7.819 người. Được biết, dịch nCoV có khả năng lây lan nhanh và chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị. Do đó, theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể sắp tới toàn dân Việt Nam phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.
Nguồn : RFA, 30/01/2020
********************
Phạt một Facebooker 15 triệu đồng với lý do loan tin sai về dịch virus Corona (RFA, 30/01/2020)
Anh Trần Văn Tùng, 22 tuổi, bị Công an Vũng Tàu phạt 15 triệu đồng với cáo buộc tung tin hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona phải điều trị ở Bệnh viên Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.
Anh Trần Văn Tùng tại cơ quan Công an Vũng Tàu. Photo : Thanh niên
Quyết định vừa nêu do thượng tá Võ Tài Quốc, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký ngày 30/1, xử phạt anh Trần Văn Tùng với lý do được nêu là ‘Cung cấp thông tin sai sự thật’ khi anh viết trên facebook rằng "tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu có hai người Trung Quốc nghi nhiễm virus corona" kèm hình ảnh khoa cấp cứu của bệnh viện này.
Anh Tùng tường trình lý do anh đưa tin lên facebook là do tối 27/1, khi đưa bạn vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu, anh được bảo vệ bệnh viện yêu cầu mua khẩu trang vì "có người Trung Quốc nghi dính virus corona đang điều trị ở bệnh viện".
Vào ngày 28/1, Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mời anh Trần Văn Tùng ngụ tại Tp Vũng Tàu đến để chất vấn về thông tin mà người này đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus được điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, Thành phố Vũng Tàu.
Theo tin mà người này đưa là có hai người Trung Quốc bị nghi nhiễm corona virus được điều trị tại Bệnh Viện Lê Lợi. Chỉ sau khi đăng vài phút, post của tài khoản Trần Văn Tùng nhận được hơn 400 bình luận và 600 lượt chia sẻ.
Tin nói lãnh đạo Bệnh Viện Lê Lợi trình báo với Cơ quan An ninh Điều tra Tp Vũng Tàu yêu cầu làm rõ vì theo bệnh viện này thì chưa có trường hợp nào nghi nhiễm nCoV được đưa đến điều trị tại Bệnh Viện Lê Lợi tính đến thời điểm ngày 27/1.
Vào hôm 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật liên quan virus corona tại Việt Nam.
*******************
Corona truyền nhiễm mạnh hơn SRAS /SARS (Từ Thức, 29/01/2020)
Con số người bị nhiễm virus ở Tàu đã vượt số người bị lây bệnh trong gần 2 năm SRAS hoành hành, 2002-2003. Số tử vong : 132 người.
Sáng thứ Tư, 29/1, Bắc kinh cho hay số người bị nhiễm virus, 5974, đã vượt con số 5327 của SRAS ( tiếng Anh SARS ). Chỉ sau một đêm đã có thêm 1400 người bị lây virus
Trên khắp thế giới, với 8096 trường hợp, SRAS đã làm thiệt mạng 774 người.
Tạm kết luận :
- Coronavirus lan truyền mạnh, nhanh hơn SRAS, trái với những quả quyết của các quan chức VN
-Corona tương đối ít nguy hiểm hơn : số tử vong với SRAS gần 10%, với corona 2019 : từ 3 tới 5%.
Cố nhiên phải dè dặt vì đây chỉ là giai đoạn đầu của virus 2019, và những con số đều do Bắc kinh cung cấp.
Theo các y sĩ Trung Hoa, thời gian từ khi nhiễm virus tới khi phát bệnh ( période d’incubation ), với corona 19, cũng lâu hơn : có thể tới 2 tuần lễ. Virus có thể tuyền nhiễm trong thời gian này, mặc dầu chưa có triệu chứng gì nơi người bệnh. Vì vậy, việc đeo khẩu trang rất cần thiết, đặc biệt khi tiếp xúc với những người tới từ nước Tàu.
Đó cũng là điểm khác biệt với SRAS, trong khi SRAS (hay SARS-CoV ) cũng là một loại coranovirus, và về cấu trúc, hai virus giống nhau tới 80%
Virus Úc
Các khoa học gia Úc cho hay đã thành công trong việc tái tạo một coranovirus trong phòng thí nghiệm.
Điều đó không có nghĩa là sẽ có vaccin (thuốc chủng ngừa) trong những ngày tới, vì từ lúc thực hiện được một phiên bản của virus, tới khi sản xấu vaccin hữu hiệu, phải cần nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm.
Trong khi chờ đợi vaccin, đây là một bước tiến cực kỳ quan trọng, nhất là trong việc chẩn bệnh, tìm ra người bi nhiễm virus một cách chính xác, nhanh chóng.
Các y sĩ Úc đã tái tạo virus từ một bệnh nhân, lần đầu ngoài Trung Hoa. Họ cũng sẽ cung cấp virus tái tạo cho các phòng thí nghiệm khác, để việc nghiên cứu tiến nhanh hơn.
Đó là một thái độ khoa học, khác hẳn thái độ của người Tàu
Trung Hoa đã phát triển một phiên bản virus trong phòng thí nghiệm, nhưng không cung cấp virus cho nước ngoài, chỉ công bố kết quả của nghiên cứu, hay chấp nhận các chuyên viên ngoại quốc tới cộng tác với họ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nguy cấp tới đâu, người Tàu vẫn là người Tàu, Cộng sản vẫn hành động kiểu cộng sản.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động Bộ Y tế đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, vào chiều ngày 28/1 cho biết tình hình dịch nCoV tại Việt Nam đang ở cấp độ 1, tức là có ca bệnh xâm nhập và ngành y tế sẵn sàng ứng phó với cấp độ 2, tức có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và cũng đã có phương án cho cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (đeo kính, ở giữa) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh virus corona, ngày 28/01/20. Courtesy : Ảnh chụp màn hình VTV24
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý với Bộ Y tế rằng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn là hàng ngàn người bị nhiễm nCoV.
Cùng trong ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch nCoV, yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc". Theo Chỉ thị số 05 mới ban hành, trước mắt cần phải thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó với dịch bệnh nCoV và Bộ Y tế phải báo cáo hàng ngày.
Trong vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Y tế chuẩn bị thành lập 40 đội cơ động phụ trách các công việc liên quan điều trị bệnh dịch nCoV và kể từ ngày 29/1, Bộ Y tế được yêu cầu phải hoàn thiện, cập nhật các phương án, kịch bản đối với dịch bệnh này trong từng tình huống cụ thể.
Một trong những biện pháp quan trọng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra đề nghị là tạm thời không cấp thị thực (visa) du lịch cho du khách Trung Quốc đến từ vùng dịch bệnh, ngoại trừ có trường hợp khẩn cấp.
Đài RFA ghi nhận mặc dù truyền thông trong nước luôn cập nhật tin tức liên quan diễn biến dịch bệnh nCoV tại Việt Nam cũng như thông tin từ phía Chính phủ Hà Nội trong việc ứng phó với dịch bệnh ; tuy nhiên không ít các chuyên viên trong ngành y tế cho rằng họ nhận thấy những biện pháp mà phía Chính phủ chỉ đạo không chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả cao.
Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do :
"Tôi nghĩ rằng những điều họ nói cũng đúng hết thôi, nhưng vấn đề là trên thực tế họ có làm đúng như thế không ? Ví dụ như nói là không cấp visa cho khách Trung Quốc, mà theo tôi được biết là một số tỉnh biên giới với Trung Quốc đâu có cần visa mà vẫn vào được nước mình, như Quảng Ninh chẳng hạn. Cho nên trên thực tế, kiểm soát cửa khẩu, kiểm soát người đến từ vùng có dịch mà bây giờ Trung Quốc có 30/31tỉnh, tức là tỉnh nào cũng có dịch cả rồi thì trên thực tế nói đúng ra là phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Họ đã không nói điều này và chỉ nói kiểm soát, mà kiểm soát có nhiều cách, có nhiều mức độ khác nhau nên không thể biết được trên thực tế điều gì diễn ra".
Bác sĩ Đinh Đức Long nhấn mạnh rằng những biện pháp về xử lý chống cúm trong ngành y được nêu ra trong phòng, chống dịch bệnh nCoV thì theo ghi nhận của ông đã thành phát đồ và do đó quy trình không có gì mới. Bác sĩ Đinh Đức Long khẳng định quan trọng là phòng, chống dịch bệnh nCoV trong thực tế như thế nào.
Trong khi đó, một bác sĩ không muốn nêu tên bày tỏ sự lo ngại khi Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không phải là người có chuyên môn trong ngành y. Vị bác sĩ này lý giải :
"Nói về ông Đam trong sự kiện dịch này mà do ông Đam phụ trách thì lại càng kém. Bởi vì ông không hiểu về lĩnh vực chuyên môn trong y tế thì làm sao ông biết được mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào mà ông tư vấn cho chính phủ ? Ví dụ như một người bộ trưởng mà người ta có hiểu biết về chuyên môn và người ta quan sát tình hình thông tin về mức độ tử vong và tỷ lệ lây lan diễn biến từng ngày như thế nào rồi đọc tài liệu nước ngoài…thì mới có tư vấn cho chính phủ được. Nhưng ông Đam không có chuyên môn và lại phải nhờ qua các cấp dưới thì đó là một quá trình tam sao thất bản".
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV, diễn ra hôm 28/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hai bệnh nhân cha con người Trung Quốc bị nhiễm nCoV điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì người con đã âm tính với virus corona mới và tình hình sức khỏe của người cha tiến triển tích cực. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn cho biết thêm rằng các trường hợp khác nghi nhiễm nCoV đang được cách ly, xét nghiệm đều có sức khỏe ổn định và tốt lên.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tuyên bố tại cuộc họp chiều ngày 28/1 rằng những kết quả này cho thấy ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV.
Thế nhưng, lướt qua trang fanpage của báo giới nhà nước và mạng xã hội, Đài RFA nhận thấy thông tin lạc quan do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cung cấp không giúp trấn an cho người dân trong nước. Đối nghịch lại, bản tin được đăng tải trên Báo Thanh Niên Online vào ngày 26/1 có tựa đề "Vi rút Vũ Hán làm lộ điểm yếu trong quản trị nhà nước Trung Quốc : cấp dưới sợ phạt, giấu lỗi" thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bản tin của Báo Thanh Niên Online dẫn lời của các chuyên gia quốc tế cho rằng chính quyền địa phương ở Trung Quốc tìm cách che đậy, thiếu thông tin liên lạc với chính quyền trung ương Bắc Kinh là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh nCoV bị nghiêm trọng cho cả Trung Quốc và thế giới những ngày qua.
Để tìm lời giải đáp cho thắc mắc của những người quan tâm liệu rằng Việt Nam có thể bị rơi vào tình trạng tương tự như thế hay không, vị bác sĩ ẩn danh, từng làm việc trong quân y cho RFA biết :
"Từ xưa đến nay là Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế luôn luôn tìm cách cố gắng giấu dịch. Bởi vì người ta cứ lấy lý do là ảnh hưởng đến chuyện giao thương, kinh tế…Theo thể chế của Việt Nam thì Bộ Y tế không được phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng dịch mà phải là thủ tướng. Ở cấp tỉnh là chủ tịch tỉnh, chứ không phải giám đốc sở y tế. Trên cấp bộ, cấp trung ương là phải thủ tướng mà thủ tướng có khi còn phải thông qua Bộ Chính trị".
Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long nêu lên quan điểm của ông :
"Tôi nghĩ nói chung ở các chế độ Cộng sản thì họ hay giấu thông tin bất lợi. Đấy là điều phổ biến. Bệnh thành tích, bệnh che giấu những gì đang xảy ra thì là chuyện bình thường trong các nhà nước Cộng sản. Tuy nhiên trong trường hợp dịch bệnh nCoV thì vẫn chưa có chứng cứ nào để có thể kết luận rằng họ có che giấu hay không.
Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của họ thì phải làm. Nhưng như theo tôi đã nói là làm thế nào để kiểm chứng được ? Chẳng hạn như ở Đà Nẵng, mấy hôm trước có khách sạn không nhận khách Trung Quốc thì Giám đốc Sở Du lịch là bà Trương Thị Hồng Hạnh cùng với công an đến tận nơi để gây áp lực. Điều đấy thứ nhất là sai thẩm quyền. Thứ hai nữa là gián tiếp tiếp tay cho chuyện lan tỏa bệnh dịch nếu như có. Trong khi các nước khác như Triều Tiên hay Mông Cổ đóng cửa biên giới rồi. Còn Việt Nam mình thì một ngày có 260 chuyến bay từ Trung Quốc sang. Sau khi có dịch rồi vẫn thế.
Mới đây ông Thủ tướng nói là hạn chế, không đánh đổi lợi ích kinh tế với sức khỏe người dân. Họ nói thế nhưng các biện pháp như tôi vừa nêu là có đóng cửa biên giới không, hay chỉ là không cấp visa ? Không cấp visa thì nguời Trung Quốc vẫn cứ vào Việt Nam".
Truyền thông quốc nội loan tin tính đến ngày 29/1, Việt Nam có 64 trường hợp nghi nhiễm nCoV với dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng dịch. Trong số này có 39 người được cách ly. Ngoài ra, Việt Nam còn có 56 trường hợp khác không có dấu hiệu sốt, ho nhưng được theo dõi vì có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus nCoV.
Trong số những người dân tại Việt Nam Đài RFA tiếp xúc được, đa số là phụ huynh chia sẻ rằng họ đang rất lo sợ con em mình có nguy cơ bị lây nhiễm virus nCoV khi hàng triệu học sinh trở lại trường sau mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý.
*********************
Gần 650.000 khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1/2020 (RFA, 29/01/2020)
Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1 năm 2020 được ghi nhận là 644.700 lượt người, tăng 72,6% so với tháng tháng trước đó.
Ảnh minh họa : Nhóm du khách quốc tế tới Hội An, Việt Nam. AFP
Truyền thông trong nước, vào ngày 29/1 dẫn nguồn Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết số liệu vừa nêu.
Cụ thể, Việt Nam trong tháng 1/2020 đón số lượng khách quốc tế cao nhất từ trước đến nay, đạt 1.994/100 lượt người, tăng 16,6% so với tháng trước và tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam từ Châu Á đạt 1.543.900 lượt người, chiếm đến 77,4% tổng số khách quốc tế.
Riêng lượng du khách đến từ Trung Quốc là cao nhất, đạt gần 650 ngàn người. Tuy nhiên, theo số liệu từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, thuộc Công an thành phố Hà Nội cho thấy du khách Trung Quốc du lịch đến thủ đô Hà Nội trong tháng 1/2020 giảm đáng kể ở mức 20%.
Số liệu thống kê còn cho thấy đã có 1.663 lượt khách du lịch Việt Nam hủy tour đi Trung Quốc. Đồng thời, một số công ty du lịch tại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ khách nước ngoài hủy tour du lịch ở Việt Nam khoảng 20%, chủ yếu là du khách Trung Quốc. Các tour bị hủy được nói kéo dài đến tháng 4/2020.
Tổng cục Du lịch cho biết các tour bị hủy xuất phát từ lo ngại lây nhiễm virus Corona mới (nCoV).
Truyền thông quốc nội, vào ngày 28/1 loan tin ba tỉnh tại Việt Nam gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lào Cai chính thức thông báo ngưng đón khách Trung Quốc, cũng như tạm dừng đưa khách Việt Nam đến vùng dịch và ngược lại.
*****************
Virus corona : Nhiều điểm du lịch Việt Nam ngưng đón khách Trung Quốc (RFI, 29/01/2020)
Tại Việt Nam hôm nay 29/01/2020 ngoài hai cha con người Trung Quốc được xác nhận bị nhiễm virus corona mới, ở bệnh viện Đà Nẵng hiện còn 28 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đang được theo dõi. Đa số các doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc ở Khánh Hòa đã tạm ngừng hoạt động từ hôm qua.
Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (phải) nói chuyện với một người tại khu vực cách ly của một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hai người Trung Quốc nhiễm virus corona. Ảnh chụp ngày 23/01/2020. Thanh Chung/VNA via Reuters
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt cho biết thêm về tình hình :
Virus corona đang phát triển rất là chóng mặt, có vẻ rất khó kiểm soát. Việt Nam là nước gần gũi không chỉ về địa lý mà còn về chính trị cho nên ngoài Trung Quốc ra, chắc chắn Việt Nam phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bởi vì lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam chiếm đến 30%. Ngoài khách du lịch, còn rất đông những người Trung Quốc làm ăn ở đây nữa, cho nên biến động này sẽ hơi căng.
Các tour du lịch có khách Trung Quốc hiện nay gần như đã hủy hết. Trước đây Tổng cục Du lịch bảo không cấm người Việt đi du lịch, nhưng Trung Quốc cấm người dân của họ sang nước khác, nên đây có thể nói là quả bom tấn về kinh tế.
So với trước đây vào năm 2003, Trung Quốc thiệt hại ước tính 50 tỉ đô la, nhưng tôi nghĩ rằng kỳ này con số sẽ cao hơn vì dịch bộc phát nhanh hơn, và liên quan tới du lịch ngay đầu năm mới luôn.
Hiện nay ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, các trung tâm du lịch lớn đã có chủ trương đóng cửa khẩu. Cửa khẩu Lào Cai đã chính thức đóng cửa, còn các cửa khẩu khác chắc là cũng nay mai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói không thể vì một ít đồng tiền thu được – mà cũng chưa chắc là tiền thu được có thể bù đắp lại những thiệt hại về kinh tế, về sức khỏe sau này.
Hiện nay lượng khách Trung Quốc giảm sút vì một số đường bay không hoạt động nữa, chẳng hạn từ Vũ Hán. Đường bay bị cắt giảm nên khách cũng ít hơn. Việt Nam cũng rất chủ động trong việc đề phòng bệnh lây lan : giám sát thân nhiệt, cách ly những người có biểu hiện…cho nên về mặt này thì vẫn đang trong tầm kiểm soát, không đến nỗi nào.
Thứ hai, trong một đất nước còn khó khăn thì đòi hỏi nghiêm ngặt về phòng chống cũng không thể như các nước Châu Âu được. Người Việt vẫn tương đối lạc quan, họ đeo khẩu trang đi tham quan khắp nơi.
Người Trung Quốc chưa bị phân biệt đối xử hoặc tẩy chay gì cả, các nơi vẫn tiếp nhận khách Trung Quốc bình thường. Chỉ duy nhất một trường hợp ở Đà Nẵng, có một khách sạn cương quyết không nhận khách Trung Quốc, chính quyền thuyết phục cũng không được. Họ trả lời rằng nếu khách Trung Quốc tới đây lỡ lây bệnh, phải đóng cửa luôn thì thiệt hại đó ai chịu, nên họ chấp nhận không nhận đoàn khách đó mặc dù đã đặt cọc tiền từ trước rồi. Việc này là cá biệt thôi.
Cho nên tình hình năm 2020, cái Tết Canh Tý mở đầu bằng quả bom tấn virus, thất thu của ngành du lịch rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng choáng váng. Nhưng đây là khó khăn chung, mình phải chấp nhận đối mặt, và hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ tìm được cách khắc phục.
Thụy My
********************
Virus corona : Trường hợp lây từ người sang người đầu tiên ở Việt Nam ? (RFI, 29/01/2020)
Trong một bức thư ngỏ được đăng trên một tờ báo y khoa của Anh Quốc hôm qua, 28/01/2020, một nhóm bác sĩ Việt Nam thông báo có thể là tại Việt Nam đã có trường hợp đầu tiên lây từ người sang người của virus corona gây bệnh viêm phổi cấp tính.
Nhân viên y tế Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt hành khách trong một chuyến bay từ thành phố Trường Sa (Changsha), Hồ Nam, đến Thượng Hải, ngày 25/01/2020. Reuters/David Stanway
Các tác giả của bức thư gởi cho tờ New England Journal of Medecine, gồm 9 bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn và của Viện Pasteur Sài Gòn, nêu trường hợp của hai cha con người Trung Quốc được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22/01/2020. Người đàn ông 65 tuổi, vốn bị tiểu đường type 2, huyết áp cao, và từng bị ung thư phổi, đã nhập viện do bị mệt và bị sốt từ ngày 17/01, tức là 4 ngày sau khi cùng với vợ từ thành phố Vũ Hán đến Hà Nội, vào lúc mà dịch virus corona mới đã bùng phát. Tình trạng sức khỏe của ông này đã được cải thiện từ ngày 26/01 và người vợ thì không có triệu chứng nào của bệnh viêm phổi cấp tính.
Người con 27 tuổi của họ, sống tại tỉnh Long An, chưa bao giờ đặt chân đến Vũ Hán, và cũng chưa tiếp xúc với người nào từ vùng này. Đến ngày 17/01, anh này gặp cha ở Nha Trang và ngủ chung phòng khách sạn với bố mẹ trong 3 ngày, thì đến ngày 20/01 bị khô cổ họng và bị sốt, và qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona. Khi nhập viện cùng với bố ở bệnh viện Chợ Rẫy, anh cũng đã được cách ly để theo dõi và điều trị. Hôm qua, theo báo chí trong nước, đại diện của bệnh viện Chợ Rẫy thông báo là bệnh nhân này đã "được chữa khỏi", tức là cho kết quả âm tính với virus corona. Người bố thì vẫn bị cách ly.
Rất có thể là người cha đã lây virus corona cho người con. Thế nhưng việc xét nghiệm để xác định việc truyền virus từ cha sang con đã không được thực hiện. Theo nhóm bác sĩ Việt Nam nói trên, trường hợp đầu tiên bên ngoài Trung Quốc có người trong cùng gia đình bị lây nhiễm làm tăng thêm mối quan ngại về khả năng của virus corona lây từ người sang người.
Gia đình bệnh nhân Trung Quốc nói trên đã đi du lịch đến 4 thành phố của Việt Nam, bằng máy bay, xe lửa, taxi. Theo nhóm bác sĩ gởi thư cho New England Journal of Medecine, người ta đã xác định được 28 người có tiếp xúc gần với họ, nhưng chưa có một ai phát triển các triệu chứng bị nhiễm virus corona.
Theo thông báo của bộ Y Tế hôm qua, hiện giờ chưa có ca nhiễm virus corona nào khác, nhưng có 63 ca bị nghi nhiễm bệnh do trước đây có đi đến vùng có dịch ở Trung Quốc. Trong số này, 25 ca đã được loại trừ nhiễm virus corona, 38 ca còn lại vẫn được theo dõi cách ly.
Thanh Phương
*****************
Virus corona : Hơn 4.000 người Trung Quốc từ Vũ Hán vào Việt Nam hiện giờ ở đâu ? (RFI, 29/01/2020)
Trong thời gian từ 30/12/2019 đến 22/01/2020, tức là 2 ngày trước khi Vũ Hán – ổ dịch bệnh virus corona – bị cách ly, gần 100 ngàn du khách, chủ yếu là người Trung Quốc, đã đi máy bay từ thành phố này đến Hoa Kỳ, Châu Âu, và đặc biệt là Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Du khách từ Trung Quốc tới làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 29/01/2020 Yonhap via Reuters
Vào lúc một số nước phương Tây bắt đầu có những biện pháp cần thiết để đưa các công dân của mình từ Vũ Hán về nước, dịch bệnh lan nhanh và đặc biệt là lây nhiễm từ người sang người, thì có một câu hỏi ám ảnh các chuyên gia và giới khoa học : Người dân Vũ Hán đã đi đâu trước khi thành phố này bị cách ly và hiện giờ họ ở đâu ?
Theo lời thị trưởng thành phố này, tính cho đến ngày 26/01, thì có chính xác 4096 cư dân Vũ Hán đi du lịch ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng người từ Vũ Hán đi máy bay ra nước ngoài trong những tuần qua cao hơn rất nhiều.
Báo Pháp Les Echos cho biết, trang thông tin Trung Quốc Đệ Nhất Tài Kinh (Ycai) đã phân tích các dữ liệu chính thức để xác định số du khách đã mua vé và giữ chỗ trên các tuyến bay quốc tế đi từ sân bay Vũ Hán ra nước ngoài, trong giai đoạn từ 30/12/2019 đến 22/01/2020 và nơi đến của những người này.
Theo trang thông tin này, có tất cả 101 520 người đã rời Vũ Hán trong giai đoạn nói trên. Trong danh sách 20 sân bay nước ngoài đón người từ Vũ Hán đến nhiều nhất, đứng đầu là Thái Lan với khoảng 26 700 du khách (Bangkok, Don Mueang và Phuket). Đứng hàng thứ hai là Nhật Bản 18 008 (Tokyo, Osaka, Nagoya). Tiếp theo là Singapore và Incheon Hàn Quốc, lần lượt là 10680 và 6430. Việt Nam đứng hàng thứ 10, với 4130 du khách Vũ Hán đã vào Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý nên thận trọng khi xử lý các số liệu này, vì không rõ số du khách Vũ Hán đã hồi hương trong ba tuần lễ đầu 2020 và không có thông tin chính xác về nơi đến cuối cùng của họ. Ví dụ, đối với những người bay tới San Francisco Hoa Kỳ, thì có nhiều khả năng họ ở lại cùng gia đình vì cộng đồng người Hoa tại đây khá đông. Trong khi đó, Dubai, Istanbul, Luân Đôn, Singapore chưa chắc là đích đến cuối cùng của nhiều người khác.
Điều đáng lo ngại là nếu như cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh của từng nước biết được du khách từ đâu đến (máy bay xuất phát từ đâu hoặc quá cảnh tại những nơi nào…) nhưng khó có thể biết được là những người này đã xuất cảnh chưa. Đây cũng là câu hỏi đối với hơn 4000 du khách Vũ Hán nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh.
Đức Tâm
*********************
Hơn 6 ngàn người nhiễm virus corona mới trên thế giới, 64 ca nghi nhiễm ở Việt Nam (RFA, 29/01/2020)
Trên toàn thế giới tính đến trưa ngày 29/1/2020 theo giờ Việt Nam đã có 6.056 trường hợp được xác nhận nhiễm virus viêm phổi Corona mới trong đó có 132 người chết.
Hình minh họa. Hành khách đeo khẩu trang ở sân ga tàu ở Bắc Kinh hôm 29/1/2020 - AFP
Số người nhiễm được xác nhận tăng từ 4400 trường hợp lên 6056 trường hợp chỉ sau 1 đêm.
Theo CNN, ít nhất 5974 người nhiễm virus Corona được báo cáo ở Trung Quốc, vượt lên hẳn số trường hợp nhiễm bệnh viêm phổi cấp SARS ở nước này hồi năm 2003 (5327 người).
Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc cũng xuất hiện ca nhiễm virus Corona Vũ Hán đầu tiên khiến chính quyền ở đây tuyên bố đóng cửa vô thời hạn mọi địa điểm du lịch.
Ở Việt Nam có hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona Vũ Hán ở bệnh viện Chợ Rẫy - Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên hôm 28-1, bác sĩ ở đây xác nhận một người đã âm tính với nCoV.
Truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 29 tháng 1 loan tin tính đến cùng ngày Việt Nam có 64 trường hợp nghi nhiễm nCoV với dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng dịch. Trong số này có 39 người được cách ly.
Ngoài ra Việt Nam còn có 56 trường hợp khác không có dấu hiệu sốt, ho nhưng được theo dõi vì có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus nCoV.
Tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tăng cường giám sát chặt các bệnh nhân đang cách ly, phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch nếu phát hiện ca mắc mới. Đó là các địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Kiên Giang.
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông báo tính đến ngày 29 tháng 1, có 24 trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây nên trên địa bàn thành phố này đã được xuất viện. Còn 28 trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi.
Cơ quan chức năng y tế tại khu vực Tây Nguyên vào ngày 29 tháng 1 cũng thông báo hai trường hợp nghi nghiễm nCoV tại khu vực này đã có kết quả xét nghiệm, cho thấy cả hai chỉ bị viêm phổi do vi khuẩn gây nên chứ không phải do virus corona nCoV.
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 29 tháng 1 tiếp tục có công điện gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ này về việc tăng cường công tác chống dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây nên.
Bộ Công an Việt Nam cho rằng một số đối tượng bị gán là phản động, chống đối ở cả trong và ngoài Việt Nam sẽ lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nCov gây nên để đăng tải, phát tán lên mạng xã hội thông tin mà Bộ Công an Việt Nam nói là không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan dịch bệnh tại Việt Nam.
Trung Quốc đóng cửa sống trong nỗi sợ virus corona
Virus corona từ Vũ Hán tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và đe dọa cả thế giới. Vụ xử phế truất tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên nóng khi cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton lộ diện. Tổng thống Trump bắt tay Israel đưa ra kế hoạch hòa bình mới với người Palestinee. Trên đây là những chủ đề nổi bật được các báo Pháp chú ý đặc biệt.
Một người dân ở Điền Gia Doanh (Tianjiayingcun), ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc, kiểm tra xe hơi vào làng đề phòng dịch virus corona, ngày 29/01/2020 Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Virus corona Vũ Hán tiếp tục lây lan, số người thiệt mạng tăng thêm mỗi ngày mặc dù tỉnh Hồ Bắc, nơi phát dịch, đã bị gần như cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Mỗi nơi, mỗi nước đang nỗ lực theo cách riêng của mình cố gắng kiểm soát dịch và bảo vệ người dân.
Nhật báo Le Monde có bài phóng sự mang tiêu đề "Bắc Kinh, thành phố chết, khép kín trong nỗi sợ" cho thấy, không chỉ Vũ Hán, nơi ổ dịch, mà giờ đây người dân thủ đô Trung Quốc đang cố gắng tránh bị phơi nhiễm virus corona 2019-nCoV. Thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh mô tả : "Các cửa hàng đóng cửa, phố xá vắng tanh, hiếm hoi có vài chiếc xe bus gần như trống không chạy trên đường, Bắc Kinh thành phố 21 triệu dân giống như một thành phố ma. Ngay cả những người giao hàng, thường ngày có mặt ở khắp nơi, giờ cũng biến mất".
Tác giả bài phóng sự nhận thấy người Trung Quốc giờ đây cảnh giác với chính đồng bào mình. Người Trung Quốc nhìn người nước mình như là mối đe dọa. Ở ngoại ô Bắc Kinh, có nhiều làng hay các khu phố, người dân tự dựng rào chắn không cho người lạ vào. Các khách sạn từ chối khách người Hồ Bắc. Bảo vệ giờ đây kiểm tra chất vấn những người lạ đến tòa nhà chung cư để biết có tiếp xúc hay liên quan gì đến Vũ Hán hay không. Điều mà người dân bắc Kinh sợ lúc này là phải đến bệnh viện, ngay cả khi mắc các bệnh thông thường. Họ đóng kín cửa, tích trữ lương thực thực phẩm, sống trong nhà chờ dịch đi qua, nhưng không khí sợ hãi bao trùm khắp thành phố.
Hồng Kông cắt đứt với đại lục
Báo Les Echos nhìn sang Hồng Kông với bài : "Bị ám ảnh ký ức dịch SARS, Hồng Kông cắt đứt với Trung Quốc". Đặc khu hành chính đang có những phản ứng nhanh chóng và dứt khoát trước dịch viêm phổi cấp đến từ Hoa Lục.
Trận dịch virus corona lần này gợi lại cho Hồng Kông những ký ức đau thương của trận dịch SARS 2002-2003, từng làm 300 người chết tại thành phố. Lần này, chính quyền đặc khu đã quyết định đóng cửa gần như hoàn toàn với Trung Quốc hy vọng ngăn chặn dịch virus corona. Tất cả các tuyến giao thông, đường sắt và đường thủy nối với Hoa Lục đều đã bị ngừng lại từ hôm 25/01. Các chuyến bay đến từ đại lục cũng bị cắt giảm còn một nửa. Gần một nửa số trạm kiểm soát biên giới bị đóng cửa chờ có lệnh mới. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh ngừng cấp giấy thông hành cho du khách cá nhân đến Hồng Kông, các công ty du lịch cũng nhận được lệnh hủy tour đến đặc khu.
Les Echos nhận xét : "Từ trước đến nay, chưa bao giờ Hồng Kông có các biện pháp mau lẹ và triệt để như vậy. Ngay cả thời điểm xảy ra dịch SARS hồi 2002-2003, Hồng Kông cũng không không đến nỗi cô lập với Hoa lục như lúc này". Hiện tại mới có 8 người bị phát hiện nhiễm virus corona tại Hồng Kông. Họ đều đến từ Hoa lục bằng tàu hỏa.
Đặt trong tình trạng báo động y tế cao nhất từ thứ Bảy tuần qua, Hồng Kông quyết định đóng cửa nhiều địa điểm công cộng, như công viên giải trí, bảo tàng, trường học. Hàng loạt các hoạt động thương mại, du lịch, khách sạn, nhà hàng bị đình trệ. Các chuyên gia kinh tế nhận định những biện pháp khẩn cấp như vậy sẽ làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của đặc khu hành chính, vốn đã phải chịu nhiều hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và phong trào biểu tình phản kháng trong nhiều tháng qua.
Dịch có thể lên đến đỉnh điểm những ngày tới
Nhật báo Le Figaro có bài "Trung Quốc đối mặt với "con qủy" virus corona" với cảnh báo, dịch có thể lên tới đỉnh điểm trong chục ngày tới. Ở Trung Quốc hiện tại, hầu như ai cũng là những bệnh nhân tiềm ẩn. Họ được đề nghị đóng cửa ở trong nhà, người dân trong vùng bị cách ly tiếp tục cuộc sống khép kín trong thành phố chết, những người dân khác được khuyến cáo hủy tất cả các chuyến đi ra nước ngoài nếu không phải là cần kíp.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc cố gắng minh bạch tình hình, nỗ lực huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn dịch nhưng tình hình có vẻ vẫn không làm cho yên tâm. Trong nước số người chết và lây nhiễm tiếp tục tăng. Ở ngoài nước, virus corona bắt đầu xuất hiện thêm ở nhiều nước.
Theo Le Figaro, các nước có kiều dân ở Trung Quốc đang khẩn trương đề nghị đưa người của mình hồi hương. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp đều đã lên kế hoạch đưa máy bay đến Vũ Hán đón các công dân về nước. Trong khi đó Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) có vẻ như vẫn mập mờ, không khuyến cáo di tản người nước ngoài khỏi Trung Quốc, theo như phát biểu của tổng giám đốc WHO trong chuyến thăm Bắc kinh hôm qua, được một thông cáo của chính quyền Trung Quốc trích dẫn. WHO thông báo Bắc Kinh đã chấp nhận để các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc nghiên cứu virus và điều hành hoạt động phòng chống dịch của quốc tế. Mọi người đang hy vọng sau khi lên đến đỉnh điểm, dịch sẽ lắng xuống tuy còn kéo dài vài tháng, như vẫn thường thấy trong các đợt dịch khác.
Mỹ -Israel ban phát hòa bình cho Palestine ?
Một thời sự khác thu hút sự chú ý của dư luận diễn ra tại Washington hôm qua : Tổng thống Mỹ Donal Trump và thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou hoan hỉ công bố bản kế hoạch hòa bình cho vùng đất tranh chấp triền miên bao thập kỷ nay giữa người Israel và người Palestine.
Tựa lớn trang nhất của nhật báo Le Figaro : "Trump đề xuất một kế hoạch hòa bình dành riêng cho Israel" đã cho dư luận thấy có điều gì không ổn. Kế hoạch hòa bình Israel-Palestine nhưng lại chỉ được chuẩn bị soạn thảo với một trong hai bên tranh chấp, với lợi thế chủ yếu dành cho Israel, nước từ trước đến nay vẫn ỷ vào sức mạnh để lấn át người Palestine. Xã luận Le Figaro gọi đó là "nền hòa bình đơn phương". Nội dung của kế hoạch khập khễnh không tính đến các yếu tố lịch sử, thực tế. Để đổi lại được công nhận là Nhà nước độc lập, Palestine sẽ phải chịu thiệt thòi về lãnh thổ, đất đai đã bị Israel chiếm đóng từ trước, đặc biệt là thành phố thánh Jerusalem sẽ là thủ đô chính thức của Israel.
Kế hoạch ngay lập tức đã bị người Palestine bác bỏ vì nó chỉ xác nhận lập trường thân Israel của chính quyền Trump. Xung đột Israel – Palestine không thể chấm dứt được bằng một kế hoạch gọi là hòa bình áp đặt từ một phía.
Mỹ : Tình tiết mới trong vụ xử phế truất tổng thống
Nhiều tờ báo quan tâm đến tình tiết mới phát hiện liên quan đến phiên xử phế truất tổng thống đang diễn ra tại Thượng Viện Mỹ.
Trong lúc phiên xử phế truất tổng thống đang dành cho phần bào chữa thì trong một cuốn sách, được nhật báo Mỹ New York Times số ra hôm 26/01 tiết lộ một phần, cựu cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, bị ông Trump sa thải hồi tháng 9/2019, đã có những cáo giác tổng thống trong vụ Ukraine. Trong cuốn sách ông Bolton khẳng định có việc ông Donald Trump dùng khoản viện trợ quân sự cho Ukraina để mặc cả với việc đề nghị Kiev mở điều tra các vụ việc liên quan đến đối thủ Joe Biden. Cựu cố vấn An ninh của Nhà Trắng khẳng định đã từng cùng các quan chức như ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng quốc phòng Mark Esper phản đối quyết định này của tổng thống Trump.
Đây sẽ là nhân chứng quan trọng mà đảng Dân chủ đang rất cần đưa ra trước phiên tòa nhưng Thượng Viện từ chối ngay từ đầu. Các báo đều có chung phân tích là sự xuất hiện tình tiết mới này không chắc làm thay đổi cục diện phiên xử nhưng sẽ làm khó cho các luật sư biện hộ cho tổng thống trong những ngày tới và ít nhiều làm lung lay sự đồng lòng ủng hộ của các thượng nghị sĩ Cộng hòa với tổng thống Trump.
Nghiện màn hình nguy hại cho trí tuệ trẻ
Cuối cùng xin được đến với mục sự kiện của nhật báo Libération với thói quen gây không ít nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đó là chứng nghiện màn hình.
Libération dành 5 trang báo đề đề cập đến hiện tượng xã hội đang trở thành vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ nhỏ. Tờ báo cho biết : "Một nghiên cứu mới được công bố hôm 29/01 này đã chỉ rõ những nguy hiểm của hiện tượng phổ biến hiện nay là để trẻ em cứ dán mắt vào màn ảnh của máy thu hình, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Điều này cho thất các bậc phụ huynh không được thông tin đầy đủ".
Các chuyên gia đều nhất trí cần phải tránh xa trẻ nhỏ khỏi các loại màn hình. Các nhà tâm lý học khẳng định một đứa trẻ ra đời bắt buộc cần phải có những giao tiếp tương tác con người, trước tiên là với cha mẹ. Thay thế mối quan hệ đó bằng các màn hình sẽ làm phát triển về tinh thần, trí tuệ của trẻ bị chậm lại.
Anh Vũ
Sự bùng phát dịch viêm phổi do virus corona mới bắt đầu từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã khiến hơn 4.000 người bị lây nhiễm – chủ yếu ở Trung Quốc. Nhưng cũng đã có những nạn nhân ở một số quốc gia khác, từ Thái Lan đến Pháp và Hoa Kỳ. Dịch bệnh cũng đã khiến hơn 100 người thiệt mạng. Nếu xét lịch sử đối phó với các dịch bệnh của Trung Quốc – từ Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) tới dịch tả lợn Châu Phi – cũng như nhận thức rõ ràng của các quan chức về sự cần thiết phải tăng cường năng lực giải quyết những "rủi ro lớn", tại sao dịch bệnh vẫn xảy ra ?
Một cảnh sát viên lấy nhiệt độ của một người lái xe tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô Vũ Hán vào thứ Hai. Ảnh minh họa
Không có gì ngạc nhiên khi lịch sử đang lặp lại ở Trung Quốc. Để duy trì quyền lực của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải giữ cho công chúng tin rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều đó có nghĩa là phải thực hiện việc che đậy có hệ thống các vụ bê bối và những thiếu sót có thể làm bộc lộ sự yếu kém của lãnh đạo đảng, thay vì làm những điều cần thiết để đối phó với tình hình.
Sự bí mật này làm cản trở khả năng phản ứng nhanh của các nhà chức trách trước dịch bệnh. Dịch SARS năm 2002-2003 có thể được ngăn chặn sớm hơn nhiều nếu các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả bộ trưởng y tế, không cố tình che giấu thông tin trước công chúng. Sau khi các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh phù hợp được thực hiện, bệnh SARS đã được kiểm soát chỉ trong vòng vài tháng.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như chưa học được bài học của mình. Mặc dù có sự khác biệt quan trọng giữa dịch virus corona hiện nay và dịch SARS – bao gồm năng lực công nghệ lớn hơn nhiều để theo dõi bệnh – cả hai trường hợp đều cho thấy thói quen che đậy thông tin của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Chắc chắn là nếu thoạt nhìn chính phủ Trung Quốc đã công khai, thẳng thắn hơn về trường hợp bùng phát virus corona. Nhưng, mặc dù trường hợp đầu tiên được báo cáo vào ngày 8 tháng 12, ủy ban y tế thành phố Vũ Hán đã không đưa ra thông báo chính thức nào cho đến vài tuần sau. Và sau đó, các quan chức Vũ Hán lại hạ thấp mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, đồng thời cố tình tìm cách ngăn cản việc đưa tin về dịch bệnh.
Thông báo đó lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy căn bệnh mới có thể lây từ người sang người và tuyên bố rằng không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Ủy ban đã lặp lại những tuyên bố này vào ngày 5 tháng 1 mặc dù lúc đó đã có 59 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Ngay cả sau khi bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng ngày 11 tháng 1, ủy ban vẫn tiếp tục khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy bệnh có thể lây từ người này sang người khác và chưa có nhân viên y tế nào bị ảnh hưởng.
Trong suốt giai đoạn quan trọng này, có rất ít tin tức về tình hình bùng phát dịch bệnh. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã làm việc tích cực để loại bỏ các thông tin thảo luận về sự bùng phát dịch bệnh khỏi các không gian công cộng, điều ngày nay đã dễ dàng hơn so với thời kỳ dịch SARS nhờ chính quyền hiện có thể kiểm soát Internet, phương tiện truyền thông và xã hội dân sự chặt chẽ hơn. Cảnh sát đã quấy rối những người dân nào "tung tin đồn" về dịch bệnh này.
Theo một nghiên cứu , các bài nói về sự bùng phát dịch bệnh trên WeChat – một ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và cổng thanh toán di động nổi tiếng của Trung Quốc – đã tăng vọt trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 12 đến ngày 4 tháng 1, khoảng thời gian mà ủy ban y tế thành phố Vũ Hán lần đầu tiên thừa nhận dịch bệnh. Nhưng các bài đề cập đến căn bệnh sau đó giảm mạnh.
Các bài đăng về virus corona mới tăng nhẹ vào ngày 11 tháng 1, khi trường hợp bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng được báo cáo, nhưng sau đó nhanh chóng biến mất một lần nữa. Chỉ sau ngày 20 tháng 1 – khi đã có 136 trường hợp mới ở Vũ Hán được báo cáo, cũng như các trường hợp ở Bắc Kinh và Quảng Đông – chính phủ mới ngừng các nỗ lực kiểm duyệt thông tin của mình. Các bài đề cập đến virus corona tăng vọt.
Tuy nhiên, một lần nữa, việc chính phủ Trung Quốc cố gắng bảo vệ hình ảnh của mình đã phải trả giá đắt vì chúng làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lúc ban đầu. Chính quyền sau đó đã thay đổi cách tiếp cận, và chiến lược của họ giờ đây dường như là nhằm chứng minh chính phủ đang tích cực chống lại bệnh dịch như thế nào bằng cách áp dụng các biện pháp quyết liệt : lệnh cấm đi lại đối với Vũ Hán và các thành phố lân cận ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có 35 triệu người sinh sống.
Tại thời điểm này, không rõ liệu các bước đi này cần thiết hay hiệu quả tới mức nào. Chỉ có một điều rõ ràng là việc Trung Quốc xử lý yếu kém dịch virus corona gian đoạn đầu đã khiến hàng ngàn người bị nhiễm bệnh, hàng trăm người có thể chết, và khiến nền kinh tế, vốn đã bị suy yếu do tình trạng nợ dâng cao và chiến tranh thương mại, sẽ bị giáng thêm một đòn nữa.
Nhưng có lẽ phần bi thảm nhất của câu chuyện này là có rất ít lý do để hy vọng rằng lần sau mọi thứ sẽ khác. Sự sống còn của nhà nước độc đảng phụ thuộc vào tính bí mật, đàn áp truyền thông và kiềm chế các quyền tự do dân sự. Vì vậy, ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu chính phủ tăng cường khả năng xử lý các "rủi ro lớn", thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm suy yếu sự an toàn của chính mình và toàn thế giới, nhằm củng cố sự cầm quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng tuyên bố chiến thắng dịch bệnh, chắc chắn họ sẽ nhận công lao về tay lãnh đạo Đảng. Nhưng sự thật thì ngược lại : chính Đảng phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này.
Minxin Pei
Nguyên tác : "The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy", Project Syndicate, 28/01/2020.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/01/2020
Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism
Châu Á bước nào năm Canh Tý 2020 với nỗi lo sợ lan ra về con virus Vũ Hán.
Cho đến hôm 27/01/2020, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có vẻ đã bình tâm lại, và lên tiếng chứng tỏ với dư luận quốc tế là họ vẫn sống, không vì nghỉ Tết mà quên đi đồng bào và nhân loại.
Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Vũ Hán hôm 27/01 giám sát việc xây bệnh viện để đối phó với hàng nghìn ca nhiễm bệnh coronavirus
Hôm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cảnh cáo tình hình ở Vũ Hán, Hồ Bắc là "nghiêm trọng".
Cuối tuần qua, thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì họp Ban chỉ đạo thuộc Trung ương Đảng (chú ý : ông Lý thường chỉ lo việc Quốc vụ viện, tức chính phủ, nay chỉ đạo cả bên Đảng), để ra lệnh kéo dài kỳ nghỉ Tết tới 02/02, và hạn chế giao thông nội địa ngăn virus lây lan.
Ngay hôm nay, ông Lý Khắc Cường tới Vũ Hán giám sát việc xây bệnh viện để đối phó với hàng nghìn ca nhiễm bệnh.
Chậm phản ứng gây cáo buộc "che đậy"
Tuy thế, lãnh đạo Trung Quốc đã mất điểm nghiêm trọng qua việc xử lý, thông báo cho quốc tế rất chậm về dịch coronavirus.
Trong thế giới phẳng về thông tin, và sự hiện diện của hàng vạn người nước ngoài ở chính Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã phạm sai lầm là cứ làm theo cách riêng khi bất ngờ cách ly đô thị 11 triệu dân này mà không thông báo minh bạch các bước xử lý là gì.
Chỉ vào các mạng xã hội tiếng Anh ở Anh tôi đã thấy đủ các loại "phóng sự nhân dân" : nào là live streaming của một cô người Thổ Nhĩ Kỳ đi khắp các phố, các chợ ghi lại cảnh hoang vắng, lo ngại, nào là video đăng trên báo Hong Kong từ trong một bệnh viện ở Vũ Hán với hàng nghìn người lo âu, chầu chực để được khám nghiệm.
Gần đây nhất là lời kêu gọi của một thanh niên Trung Quốc ở Vũ Hán mô tả cặn kẽ tình hình bị cách ly gây lo sợ ra sao.
Dư luận quốc tế rất công bằng, nhân chứng là người Anh, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Hán, đều được hoan nghênh, miễn là bạn đưa tin trung thực từ Vũ Hán ra cho thế giới bên ngoài.
Các báo Anh cũng ngay lập tức đặt câu hỏi, "Vì sao ca mắc coronavirus đầu tiên được báo vào ngày 01/12/2019, mà qua cả kỳ nghỉ cuối năm, sang Tết Trung Hoa, chính quyền chẳng làm gì, thậm chí còn để cho 5 triệu dân Vũ Hán kịp túa đi khắp nơi ?"
Đây không phải là bát canh dơi 'đặc sản' được nhà hàng nào đó giới thiệu mà là hình từ Bảo tàng 'Các món ăn kinh tởm' (Disgusting Food Museum) khai trương tại Los Angeles cuối năm 2018. Một phần rất đông công chúng Âu Mỹ coi thói quen ăn thú hoang là xấu xa, tàn ác và kinh dị
Nghi ngờ về chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc "che đậy" thông tin lan ra nhanh ngang virus.
Zeng Yan, anh bạn Trung Quốc ở London giải thích với tôi : "Không phải chính quyền cố ý che giấu, mà cơ chế chính trị Trung Quốc là như thế".
"Lãnh đạo tối cao đã đề ra hình ảnh rất đẹp của chế độ rồi thì quan chức Vũ Hán không ai dám báo cáo lên trung ương về thảm họa đến gần", anh giải thích.
Đúng là kịch bản 'Tránh tin xấu để nhận tin cực xấu'.
Zeng Yan cho hay :
"Trung Quốc cấm cả Facebook, Twitter, và lãnh đạo coi mạng xã hội là nguy hiểm, chỉ quen đưa tin qua phương thức cổ điển : truyền hình, họp báo.
Trong khi nhà nước lo các khâu đó, mạng Weibo, WeChat đã đầy tin thật, tin đồn, và nhiều nhất là các tư vấn phòng ngừa virus lây lan".
Tóm lại là bộ máy Trung Quốc bị động, và còn tiếp tục bị động.
Tin đồn thổi rằng con virus này là 'vũ khí sinh học' lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chưa được quân đội Trung Quốc bác bỏ.
Kiểu xử lý khủng hoảng này không chỉ quá trễ, quá lạc hậu, đem lại "điểm xấu" cho Trung Quốc - tin mới nhất là trên mạng Weibo đang có yêu sách đòi thị trưởng Vũ Hán từ chức vì nắm sai con số khẩu trang cần thiết - mà còn gây hại cho hình ảnh nước này và những nước có lối sống tương tự.
Các báo lá cải ở Anh tuần qua không đưa tin hân hoan về 'Lunar New Year' mà toàn đăng bài về "thiếu nữ Trung Hoa nhai thịt dơi".
Mới hôm qua 26/01, một số báo tiếng Anh có thêm bài "Video kinh tởm cảnh một người đàn ông Châu Á ăn tươi nuốt sống chuột bé" (Disgusting video : An Asian man can be seen eating an alive baby mice).
Không biết có phải vì làn sóng toàn cầu phê phán thói ăn thịt động vật hoang dã hay không mà chính phủ TQ vừa ra lệnh cấm buôn bán các loài này.
Trong khi đó, báo Việt Nam dịp Tết vẫn khen thú vui "săn chuột đồng" ở miền Tây, kèm ảnh trẻ em bóp chết chuột, treo thành chuỗi.
Xin nhắc, câu chuyện động vật luôn nhạy cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh các nước và người Châu Á, cho dù bạn có thể nóng mặt, nói là 'unfair', là "cá nhân tôi không phải như vậy".
Nhắc lại hồi 2018, dư luận Châu Âu choáng váng về video trên mạng xã hội "sáu thanh niên nam ở Việt Nam giết và ăn dã man một con khỉ thuộc loài động vật quý hiếm".
Những người này đã bị xử tù, nhưng dư âm xấu vẫn còn.
Từ lâu rồi, giới khoa học chỉ ra việc xâm lấn vào môi trường tự nhiên, đào bới đồi núi, săn bắt động vật, rắn rết, sâu bọ không chỉ tàn phá thiên nhiên, mà còn khiến con người tiếp xúc với nhiều sinh vật hoang, tăng cao nguy cơ nhiễm virus lạ.
Trong khi giới trẻ khắp nơi biểu tình vì môi trường, vì quyền của động vật và nếp ăn chay ngày càng phổ biến, hình ảnh ăn sống nuốt tươi thú rừng gây phản cảm kinh khủng.
Thời nay, vì vấn đề văn hóa tế nhị, Phương Tây không gọi thẳng đó là thói man rợ, mà chỉ dùng các từ như 'disgusting' (kinh tởm, buồn nôn), 'gruesome' (ghê rợn) khi nói về chuyện làm thịt, ăn các món "đặc sản", diễn ra khá nhiều ở Châu Á.
Dư luận tiến bộ cũng hỏi "Vì sao chính quyền các nước đó vẫn luôn cam kết bảo vệ môi trường, đề cao lối sống văn minh mà cứ để việc như thế xảy ra ?"
Va chạm hai cách nhìn, hai lối sống
Thế giới ngày nay như đang phân biệt ra khá rõ : Lối sống vì môi trường (đôi khi cực đoan) và Lối sống vì phát triển, tiêu dùng, xả thải.
Nghị sĩ EU, Ellie Chowns (trái) và Saskia Brichmont cùng là thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA). Cả hai đều phản đối EU ký hiệp định tự do thương mại với chính phủ Việt Nam. Bà Chowns còn tự nhận là một nhà vận động xã hội (activist).
Xét cho cùng, việc ăn thú rừng, săn bắt cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng là một triết lý sống, không chỉ ở Châu Á.
Nó cho rằng đời là chuỗi trải nghiệm và sống có một lần, cần phải bắn giết, ăn của lạ mới oách.
Ăn được con vật sắp tuyệt chủng cũng giống như khoe khoang các "chiến tích" kiểu bắn hổ, sư tử ở Châu Phi mà thủ phạm đã bị lên án là một số du lịch thợ săn người Mỹ, người Hoa.
Nhưng tư duy ích kỷ này đang ngày càng va chạm với suy nghĩ về Trái Đất, về môi trường sống, về tính chính danh của các đảng phái cầm quyền dựa trên uy tín bảo vệ môi trường, chống Biến đổi Khí hậu, chứ không phải nhờ vào các đường lối trừu tượng nào đó.
Bạn là nhà chính trị tốt thì hãy tốt ngay với những người xung quanh, với động thực vật đi đã.
Cũng nhân đây tôi thấy cũng cần nhìn lại vụ dân biểu Nghị viện EU, bà Ellie Chowns, trả lại món quà là chai champagne mà Sứ quán Việt Nam ở Brussels tặng.
Vụ việc này xét cho cùng cũng là biểu hiện của sự va chạm hai lối nghĩ.
Bà dân biểu Chowns cho rằng một số quan chức ngoại giao Việt Nam muốn "mua chuộc" bà trước vụ bỏ phiếu EVFTA.
Phía phản bác lại, chủ yếu trên mạng xã hội, coi bà này quá đáng, trái thông lệ cư xử, nhận được quà rồi làm toáng lên, chính trị hóa vấn đề.
Cá nhân tôi nghĩ Brussels là điểm tụ họp của lobby quốc tế, chẳng ai đi "mua chuộc" lá phiếu chỉ bằng một chai rượu.
Có khi chỉ đơn giản là chuyện gửi quà hàng loạt theo một danh sách có sẵn.
Thế nhưng đây là một bài học cho ngoại giao Việt Nam ở thủ đô Châu Âu : tặng quà nên tìm hiểu trước xem người nhận là ai.
Vào trang cá nhân của Ellie Chowns thì thấy bà dùng mạng xã hội rất nhiều, đi đâu, làm gì cũng chạy live streaming trên Twitter luôn.
Ngay đầu trang của mình, Ellie Chowns nhận là 'Người mẹ, nhà vận động, người lạc quan' : "Green Party MEP for the West Midlands, & Herefordshire Councillor. Mum, activist, optimist !"
Đây không phải là điều lạ.
Ranh giới giữa chính trị gia và giới vận động (activist) ngày nay không còn rõ rệt như xưa.
Rất nhiều dân biểu, bộ trưởng ở Phương Tây "ăn ngủ trên Twitter" và dùng kênh này để đối thoại với công chúng, để đả phá đối thủ...
Nếu đã biết bà Ellie Chowns 'active' trên Twitter như vậy mà vẫn tiếp xúc với bà ấy bằng kiểu giao thiệp ngoại giao truyền thống thì khó tránh khỏi sự cố 'champagnegate'.
Sau vụ việc này cũng không chưa thấy ai ở Việt Nam lên Twitter "đáp lời" bà dân biểu EU.
Twitter chưa phổ biến ở Việt Nam - vì hạn chế số từ nên không hợp với người nói lắm ? - nhưng không vì thế mà coi nhẹ nó.
Lãnh đạo Trung Quốc né tránh Twitter nên liên tục bị động trước một ông Trump cao niên, mất ngủ về sáng, bắn tweet liên tiếp.
Ngay cả vụ coronavirus ông ta cũng ghi điểm thay cho Tập Cận Bình qua câu khen ông Tập "hạn chế virus lây lan", trên Twitter.
Dư luận chỉ đọc được lời Trump mà chẳng thấy Tập Cận Bình ở đâu, ông ta có suy nghĩ gì, cảm xúc gì không khi cả thế giới loạn vì virus ?
Bà Ellie Chowns 'đột nhiên nổi tiếng ở Việt Nam' chỉ còn làm dân biểu EU của Anh vài ngày nữa là hết.
Anh rút khỏi mọi cơ chế chính trị EU sau tiếng chuông Brexit điểm lặng lẽ nửa đêm thứ Sáu này, giờ Brussels, khi mới 23 :00 giờ London.
Nhưng bài học từ vụ Việt Nam tặng 'chai rượu' Tết ở Brussels không hẳn đã mất tính thời sự.
Cần tư duy mới về môi trường, và cần rất nhanh
Đó là vì vai trò của Đảng Xanh đang ngày một mạnh, dù một bà Chowns có rời Nghị viện EU.
Tại Đức, nước hùng mạnh nhất EU, Đảng Xanh giành 27% phiếu cử tri năm qua, trên cả đảng cầm quyền CDU của Angela Merkel, bỏ xa đảng cánh tả SPD và gấp đôi số phiếu của đảng cực hữu AfD.
Ở Châu Âu nay người ta coi cách mạng cộng sản là chuyện đã quá xa từ cả 100 năm trước (1917/19), cách mạng XHCN cũng đã thôi ba thập niên rồi (1989), nhưng như Emma Graham-Harrison viết trên The Guardian, cuộc Cách mạng Xanh đang diễn ra, như sóng ngầm.
Biểu tình chống khai thác dầu khí trước trụ sở ENI ở Rome, Ý đầu 2019. Giới trẻ Châu Âu nay đang bước vào một phong trào vì môi trường rất mạnh.
Trong Nghị viện EU, sức mạnh của Đảng Xanh đến từ chỗ họ là đảng duy nhất có tiếng nói thống nhất 100% ở mọi quốc gia thành viên.
Có thể nói Đảng Xanh là một trên toàn Châu Âu, và các Đảng Xanh ở Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Điển, Hà Lan...chỉ là phân bộ của họ.
Nhiều ý tưởng của 'Greens' bị cho là không tưởng, là phi thực tế, hoặc chưa đến lúc, nhưng chắc chắn là họ hiện đóng vai trò "chìa khóa quyền lực" trong EU (Greens are kingmakers in the decision process - theo Centre for European Reform).
Với dư luận, đảng Xanh lướt trên làn sóng chống Biến đổi Khí hậu, chống rác thải, chống năng lượng bẩn - toàn những điều thiết thân với mọi con người thời này.
Bởi vậy, nhận được món quà EVFTA, chính phủ Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua ý kiến của các dân biểu Đảng Xanh trong quá trình áp dụng, thực thi hiệp định thương mại.
Ngoài chuyện các tiêu chuẩn EU về thực phẩm, năng lượng, môi trường đất, biển...đều cao, chúng còn được sự ủng hộ của rất đông dư luận Việt Nam đang ngày càng ý thức về môi trường sống đáng có của họ.
Thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam quả là ngoạn mục, nhưng nước này đã đến lúc cần một tầm cao mới.
Liên hHiệp Châu Âu nhiệm kỳ này tự hào về viễn kiến rằng kinh tế tốt là kinh tế phục vụ dân tốt, thân thiện với môi trường .
EU đặt ra chức 'Cao ủy vì một nền kinh tế tốt cho nhân dân' (An Economy that Works for People), hiện do Valdis Dombrovskis (Latvia) nắm giữ.
'Cao ủy vì một thỏa thuận Xanh cho Châu Âu' (European Green Deal) được trao cho phó chủ tịch Ủy ban EU, Frans Timmermans (Hà Lan).
Cao ủy 'Môi trường và Các Đại dương' (Environment and Oceans), hiện về tay Virginijus Sinkevicius (Lithuania).
Cuộc chơi với EU này rất mới, trải dài nhiều năm, trải rộng trên không gian từ Brussels tới Hà Nội, và trên cả mạng xã hội.
Tình hình lây lan của coronavirus từ Vũ Hán
Cùng bài học ở trên, nhân Năm mới Canh Tý, tôi rất hy vọng các nhà ngoại giao, các nhóm hoạch định chính sách, và cả cấp lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam thực sự đổi mới tư duy, nhất là tư duy môi trường.
Ví dụ hiểu EU nghĩ gì thì vận động cho Biển Đông sẽ dễ, bởi họ không dính vào tranh chấp lãnh thổ nhưng tin rằng xây đảo nhân tạo là tàn phá môi trường biển.
Song hành với tư duy mới đó, quan chức Việt Nam cần hiện đại hóa nhanh chóng ứng xử truyền thông, đi trước Trung Quốc thì càng hay.
Lên mạng Facebook đã là nỗ lực tốt, lên Twitter, để theo (follow) các nhân vật hàng đầu ở Phương Tây, xem họ nói gì, viết gì rồi chia sẻ nhanh chóng ý kiến cá nhân, kể cả phản bác lại, sẽ tốt hơn là im.
Ít ai đòi lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của hàng triệu dân và hàng trăm nghìn quan chức dưới quyền.
Nhưng phản ứng kịp thời của họ trước dư luận, sự can đảm dám nêu ý kiến cá nhân (personal), bớt quan cách, trịnh trọng sẽ chỉ tăng tính thuyết phục của thông điệp trong thời đại Xanh và Nhanh.
Và nếu thân, tâm, ý đều vì cuộc sống của mọi người, vì môi trường thiên nhiên sạch đẹp thì điều tốt chung sẽ đến với tất cả mà chẳng cần nói quá nhiều.
Nguyễn Giang
Nguồn : BBC, 27/01/2020
Virus corona lây nhiễm sang kinh tế Trung Quốc
Antoine Bondaz, RFI, 28/01/2020
Bắc Kinh phải đối mặt với một loại virus có nguy cơ lây lan nhanh trên một đất nước rộng lớn. Kèm theo đó là mối đe dọa siêu vi corona tấn công vào cả lĩnh vực tiêu thụ lẫn khu vực sản xuất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Với cộng đồng quốc tế, dịch viêm phổi 2020 đang chứng minh : "Trung Quốc mới ho cũng đủ để cả thế giới phải xanh mặt".
Một chiếc ô tô chạy trên một con phố vắng bóng người ở tỉnh Hồ Nam, gần biên giới với tỉnh Hồ Bắc, vốn đang bị cách ly vì virus corona mới, ngày 28/01/2020. Reuters/Thomas Peter
Kinh tế Trung Quốc chưa hết vận hạn từ năm Tân Hợi cho dù đã bước vào năm Canh Tý. Tưởng chừng tạm yên tâm về mặt thương mại sau khi đã ký kết một hiệp đình "ngừng bắn" với Washington, nhưng lại phải đối mặt với một đối thủ đáng sợ không kém là siêu vi gây viêm phổi corona.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po. trước hết nhắc lại, khi dịch viêm phổi cấp tính SARS bùng phát hồi năm 2002-2003, phải mất nhiều tháng Bắc Kinh mới lên tiếng, lần này từ đầu tuần trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng minh đang làm chủ tình hình và nhìn nhận "tình hình nghiêm trọng" :
"Bắc Kinh rút kinh nghiệm từ dịch SARS. Khi đó Trung Quốc đã không cung cấp thông tin kịp thời, chính quyền Trung Quốc bị cả công luận trong nước lẫn quốc tế cáo buộc che giấu thông tin. Lần này thì ngược lại, ngay từ Thứ Hai tuần trước, chính ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các cán bộ Nhà nước ở mọi cấp minh bạch thông tin và xử lý các ca lây nhiễm. Cũng có thể nói là Bắc Kinh phô trương nỗ lực đang làm tất cả để ngăn chận dịch bệnh lây lan. Dù vậy, một bộ phận trong công luận ở Trung Quốc vẫn hoài nghi về thực tâm của chính quyền. Số nạn nhân có thể còn lên cao hơn nhiều trong những ngày tới".
Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để trấn an công luận trong nước và quốc tế. Ngoài vấn đề y tế thì kinh tế mới là mối quan tâm của ban lãnh đạo trong tay ông Tập Cận Bình. Từ một tuần qua, Vũ Hán một lá phổi công nghiệp của Trung Quốc, trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường phố vắng bóng người. Các nhà máy đóng cửa chưa biết đến khi nào, nhân viên bất đắc dĩ phải nghỉ phép "vô hạn định".
Gần một tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, giới quan sát lo ngại, virus corona cướp đi từ 1 đến 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh GDP của nước này chỉ còn 6 % thay vì 11/12 % như vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích thêm :
"Về mặt kinh tế, sẽ có nhiều tác động cả về ngắn lẫn trung hạn đối với Vũ Hán và ngay cả với kinh tế của Trung Quốc nói chung. Vũ Hán có 11 triệu dân, là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Tỉnh này tương đối giàu có. Phải đợi thêm vài ngày nữa mới có thể biết thêm về tác động kinh tế do virus gây nên, nhưng chắc chắn một điều là các sinh hoạt đang bị chựng lại. Trung Quốc là nơi các hoạt động mua bán trực tiếp rất quan trọng.
Với dịch viêm phổi lần này, người ta hạn chế ra đường, hay đi xem phim, đi mua sắm... Chỉ số tiêu thụ sẽ giảm mạnh. Nhiều chương trình du lịch vào dịp Tết tại Hoa Lục hay các kế hoạch đi ra nước ngoài đã bị hủy.
Nhìn đến khu vực sản xuất, tất cả đã bị ngưng lại từ nhiều ngày qua. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bị ảnh hưởng đã đành, mà hơn thế nữa cả cỗ máy sản xuất của Trung Quốc cũng bị tác động dây chuyền, bởi vì Hồ Bắc vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho cả nước, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà máy sản xuất. Trước mắt, Vũ Hán bị nặng nhất và những tác động về kinh tế được nhận thấy rõ nhất tại thành phố này".
Lá phổi công nghiệp Trung Quốc
Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc và từng được mệnh danh là một "Detroit" của ông khổng lồ Châu Á này. Một trong bốn tứ trụ của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc là Đông Phong (Dongfeng) đặt trụ sở tại Vũ Hán từ thời Mao Trạch Đông. Thành phố với 11 triệu dân cũng là nơi có khoảng một chục nhà máy lắp ráp xe hơi, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu chiếc ô tô để phục vụ thị trường nội địa, là địa bàn mà hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault chọn làm cổng vào để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Vũ Hán không chỉ là tủ kính trưng bày của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc mà còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66 % đường ray xe lửa cho toàn quốc. Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán.
Hơn 300 tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn đầu tư vào thành phố này. Trong số đó, phải kể đến Microsoft của Mỹ, công ty sản xuất phần mềm của Đức SAP, hơn 160 hãng lớn nhỏ của Nhật Bản. Theo báo South China Morning Post, năm ngoái, vào lúc tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc là 6,5 % thì tại riêng thành phố này, tăng trưởng đạt 7,8 %. Báo The Guardian của Anh lưu ý GDP của riêng thành phố Vũ Hán lên tới 224 tỷ đô la năm 2018, tương tương với tổng sản phẩm nội địa của một quốc gia như Việt Nam hay Bồ Đào Nha.
Không chỉ là một thành phố năng động, một cơ sở sản xuất của Trung Quốc, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, là một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại : với một cảng lớn trên sông Dương Tử, với phi trường và các sân ga cỡ "XXL", Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với Châu Âu, với Trung Đông và cả Hoa Kỳ. Từ ba năm nay, một chuyến đường sắt đã nối liền thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc với thành phố Lyon, miền trung nước Pháp.
Về mặt ngoại giao và văn hóa, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ mở tòa lãnh sự tại Vũ Hán. Thành phố này cũng là một điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế ưa chuộng.
Tất cả những lợi thế vừa nêu đủ cho thấy quyết định "cách ly" Vũ Hán trong những ngày qua sẽ đem lại những hậu quả tai hại tới mức độ nào. Nhà báo Pierre Haski, từng là thông tín viên thường trực của báo Pháp Libération khi dịch SARS hoành hành hồi năm 2002-2003, trả lời trên đài France Inter và cho biết Trung Quốc đang bị một đòn đau và kèm theo đó là nguy cơ công phẫn trong xã hội gia tăng :
"Chắc chắn là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong vụ SARS, dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi từ 1 cho tới 1,5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng là hơn 10 %. Ngày nay, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc dự trù cho năm 2020 chỉ bằng một nửa so với gần 20 năm trước và vào khoảng hơn 6 % một chút. Với tình trạng các hoạt động mua bán và sản xuất bị đình trệ kéo dài, xóa đi từ 1 đến 1,5 % tăng trưởng nữa, tức là dự báo GDP của nước này còn có 5 %, những điều này lại càng đẩy Trung Quốc vào "vùng nguy hiểm". Nguy cơ bất ổn trong xã hội và những nỗi phẫn nộ chồng chất trong xã hội lại càng dễ dâng trào".
Trung Quốc ho, thế giới cảm lạnh
Trước mắt, lãnh đạo nhiều công ty đang hoạt động tại Vũ Hán đều muốn tin rằng, dây chuyền sản xuất không bị gián đoạn, nhưng đó là trước khi có lệnh "kéo dài thời gian nghỉ phép" vào dịp Tết Canh Tý đề phòng dịch bệnh lây lan. Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, thế giới đang lo cỗ máy tiêu thụ của nước đông dân nhất địa cầu bị đóng băng vì siêu vi corona.
Ngành du lịch của Châu Á nói riêng và của thế giới nói chung lo ngại dịch bệnh kéo dài, du khách Trung Quốc hủy các chương trình tham quan ra hải ngoại. Thế giới điện ảnh Hollywood đang lo khi thấy số vé vào cửa tại Trung Quốc trong những ngày Tết vừa qua giảm mạnh. Vào ngày 30 Tết năm nay, các rạp chiếu phim trên toàn quốc thu vào được 1,8 triệu nhân dân tệ (tương đương với 260 ngàn đô la). Con số này giảm gần 1.000 lần so với đúng một năm trước.
17 năm trước, khi dịch SARS khi được phát hiện và đã kéo dài trong hơn 5 tháng (từ 15/03/2003 đến 05/07/2003) gây thiệt hại cho kinh tế thế giới chừng 40 tỷ đôla, gần 0,1 % GDP toàn cầu.
Vấn đề đặt ra là khi đó GDP Trung Quốc tương đương với 8,3 % của thế giới ngày nay, còn nay tỷ lệ này được nâng lên tới hơn 20 %. Virus corona do vậy sẽ "ảnh hưởng" tới kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Hồi năm 2003, sức mua của 1,4 tỷ dân Trung Quốc không sánh được với bây giờ. Một số nhà quan sát lo rằng, thuần túy về kinh tế mà nói, có nguy cơ virus corona "độc hại" hơn SARS xưa kia.
***********************
Virus corona : Trung Quốc chỉ thuộc một nửa bài học SARS
Minh Anh, RFI, 28/01/2020
Mười bảy năm sau dịch viêm phổi cấp SARS, bùng phát giữa năm 2002-2003, làm gần 800 người chết trong số 8.000 người bị lây nhiễm, dịch virus corona lần này lại đặt chính quyền Bắc Kinh trước một thử thách mới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đeo mặt nạ và bộ đồ bảo hộ nói chuyện với các nhân viên y tế tại một bệnh viện có bệnh nhân nhiễm virus ở Vũ Hán, ngày 27/01/2020. cnsphoto via Reuters
Cùng chủng loại với virus SARS nhưng ít gây chết người hơn, lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông Ma Xiaowei, cảnh báo coronavirus 2019-nCov "dễ lây truyền", đồng thời ông thừa nhận "những khó khăn kiểm soát dịch bệnh ngày càng lớn" và "nguy cơ biến hóa" của chủng virus. Trước đó, lãnh đạo thành phố Vũ Hán xác nhận, hơn 5 triệu người đã ra khỏi thành phố trước khi khu vực này bị cách ly.
Những tuyên bố thẳng thắn này được đưa ra sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hùng hồn thông báo một loạt các biện pháp : Ban hành tình trạng khẩn cấp ngày 25/01/2020, ngày đầu năm Tết Nguyên Đán ; mời ông Chung Nam San (Zhong Nanshan) - một giáo sư 83 tuổi và cũng là gương mặt tiêu biểu trong cuộc chiến chống dịch SARS đứng ra chỉ đạo việc nghiên cứu coronavirus ; loan báo xác định được bộ gien của chủng virus corona hay như thông báo ca nhiễm đầu tiên cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)….
Những động thái cho thấy phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh trước dịch bệnh. Phải chăng Trung Quốc đã thật sự rút kinh nghiệm từ bài học SARS 2002-2003 ? Xã luận của báo Le Monde tin rằng Trung Quốc mới chỉ làm được "một nửa". Bắc Kinh vẫn lặp lại những sai lầm của năm xưa : Chính quyền địa phương chậm chạp đề ra các biện pháp, thiếu minh bạch, và những bệnh viện quá tải gặp khó khăn trong việc xin hỗ trợ từ cấp trên. Bởi một lẽ đơn giản, tất cả bộ máy chính quyền được huy động chỉ để kiểm duyệt thông tin nhằm bảo vệ hai chữ "bình ổn" thiêng liêng thay vì là để hành động.
Nhật báo Pháp nhắc lại, trong quá khứ, Bắc Kinh phải mất đến 5 tháng để xác định con virus corona gây dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng sau ca nhiễm đầu tiên. Và chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật trong vòng ba tháng.
Cuộc khủng hoảng y tế tại Vũ Hán cũng giống dịch hội chứng hô hấp cấp tính SARS, một lần nữa làm dấy lên một câu hỏi cơ bản tại Trung Quốc : Liệu người dân có nên tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của mình hay không ? Cuộc khủng hoảng dịch SARS năm 2003, từng là cơ hội để giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thúc đẩy những tiến bộ chưa từng có trong lĩnh vực luật, xã hội dân sự và cố gắng nâng cao năng lực khoa học.
Ngược lại, cuộc khủng hoảng y tế ở Vũ Hán lần này đã ảnh hưởng trực tiếp đến một vị lãnh đạo duy nhất đang cầm quyền từ bảy năm qua. Chỉ vì muốn củng cố quyền lực, Tập Cận Bình đã làm tê liệt cả hệ thống điều hành và bóp nghẹt mọi không gian chỉ trích và phản đối, vốn dĩ là những nơi phản biện hữu ích giúp quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn.
Le Monde kết luận : Cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế lần này chính là một thách thức chính trị lớn đối với Tập Cận Bình.
Minh Anh
*******************
Virus corona Vũ Hán : Nở rộ các đồn đoán và thuyết âm mưu trên internet
Đức Tâm, RFI, 28/01/2020
Virus corona do CIA tung ra để gây bất ổn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh chủ ý cho virus lan truyền để làm xẹp phong trào phản kháng tại Hồng Kông, "xóa sổ" người Duy Ngô Nhĩ, các tập đoàn dược phẩm cho phát tán virus để bán được vac-xin… Mỗi khi có một sự kiện lớn trên thế giới, thì lại có nhiều đồn đoán vô căn cứ, thậm chí cả thuyết âm mưu nở rộ trên mạng xã hội, trái ngược với những thông tin chính thống. Và virus corona Vũ Hán Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Sau đây là một số tin đồn.
Một nhân viên mặc bảo hộ phòng chống lây nhiễm virus tại một bến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/01/2020 Reuters/Carlos Garcia Rawlins
1. Các phòng thí nghiệm dường như muốn bán vac-xin
Một cư dân mạng viết cho nhật báo Pháp Le Parisien nói rằng có những tài liệu bí hiểm đang được "lưu hành" đề cập đến "một loại virus do Hoa Kỳ tạo ra". Đồng thời, người này khẳng định – mà không cần chứng minh – đang có một loại vac-xin kháng được virus nói trên, thậm chí, vac-xin này "hết hạn sử dụng vào ngày 23/01/2020".
Một người khác trên mạng xã hội Twitter tin chắc rằng các tập đoàn dược phẩm lớn sẽ hái ra tiền với loại virus corona. Thế rồi, một người thứ ba đặt câu hỏi : Tập đoàn dược phẩm nào tung ra virus này ? Thông tin và tranh luận giữa các cư dân mạng này đều hướng tới việc dường như có một phòng thí nghiệm chủ ý tung ra và cho lây truyền virus nhằm kiếm tiền qua việc bán vac-xin.
Thực ra, theo giới chuyên gia, cho đến lúc này, chưa có một loại vac-xin nào chống được virus corona. Các nhà khoa học và chuyên gia cần có thời gian để bào chế được loại vac-xin hiệu quả. Khó mà có thể tưởng tượng được là vào lúc này, một tập đoàn dược phẩm nào đó lại có thể đưa ra thị trường vac-xin chống virus corona.
Theo giáo sư Yazdan Yazdapanah, trưởng khoa nhiễm khuẩn, bệnh viện Bichat, Paris, được báo Le Parisien trích dẫn, "thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng sẽ có một vac-xin chống được dịch bệnh này, nhưng dịch bệnh hiện nay có thể là cơ hội để tạo ra được những bước tiến quan trọng".
2. Virus có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm
Tuần trước, một cư dân mạng tự giới thiệu là một nhà phân tich "không chuyên" về các loại bệnh lây nhiễm, cho rằng súc vật bán ở chợ Vũ Hán bị nghi gây ra dịch bệnh này. Vậy phải chăng là do phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán chủ ý gây "sự cố" vào tháng trước, phát tán các tác nhân gây bệnh ?
Tin đồn này xuất phát từ một thực tế : Tạp chí khoa học Nature năm2017 thông báo là Vũ Hán – hiện là trung tâm ổ dịch "2019-nCoV" lập một trung tâm nghiên cứu virus. Vì thế, nhiều cư dân mạng cứ "khơi khơi" khẳng định là virus corona thoát ra cơ sở nghiên cứu này, chứ không phải từ khu chợ buôn bán súc vật của Vũ Hán. Mặt khác, người ta không rõ là phòng thí nghiệm Vũ Hán có nghiên cứu về virus SARS, chủng loại gần gũi với virus "2019-nCoV" hay không.
3. Chính quyền Trung Quốc có thể dùng virus corona để xử lý hồ sơ Hồng Kông hoặc giết hại người Duy Ngô Nhĩ
Trên Twitter, có người viết : "Hồng Kông sẽ sớm trở thành Vũ Hán" với lập luận : cảnh sát Hồng Kông "khuyến khích những người mắc bệnh cho lây truyền virus tại Hồng Kông", nơi xẩy ra phong trào phản kháng chống Bắc Kinh từ nhiều tháng qua. Một người khác thì tỏ lo ngại là "phải chăng Trung Quốc cố tình để cho virus lây lan ở Hồng Kông với ý đồ làm xẹp tinh thần những người đấu tranh ?".
Cho đến hôm nay, ở Hồng Kông mới có 6 trường hợp bị nhiễm bệnh. Theo báo Le Parisien, người ta nghi ngờ là một bộ phận những người đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông và có tinh thần chống Trung Quốc, dùng virus như một luận điểm chính trị.
Cũng theo hướng này, trên mạng internet lưu truyền thuyết âm mưu : phải chăng chính phủ Trung Quốc đưa virus corona vào thủ phủ Urumqi, vùng tự trị Tân Cương, để giết hại cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, hiện đang bị Bắc Kinh giam giữ trong các trại tập trung, dưới danh nghĩa "trung tâm huấn nghệ". Cơ sở của thuyết này là các chuyến bay tới Urumqi vẫn hoạt động bình thường. Thực ra, các tuyến đường hàng không tại Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, trừ các chuyến bay tới và đi từ Vũ Hán.
Một biến thể của thuyết âm mưu này là Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA có kế hoạch gây mất ổn định chế độ Trung Quốc. Qua việc virus lây lan, các cơ quan tình báo Mỹ có thể hy vọng là các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ và điều này làm cho chế độ Bắc Kinh bị cô lập.
4. Số liệu bệnh nhân nhiễm virus corona
Ngày 26/01/2020, chính quyền Trung Quốc thừa nhận là virus corona lây nhiễm nhanh và mạnh hơn SARS. Ngay lập tức, trên Facebook lan truyền một đoạn băng ghi âm, không ghi nguồn, của một người phụ nữ tự giới thiệu là đang sống tại Trung Quốc. Người này nói đến con số có "200 ngàn bệnh nhân". Tuy nhiên, thông tin này có nhiều sai lệnh và nhầm lẫn, ví dụ khi người này nói rằng có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh tại Lyon, miền nam nước Pháp.
Trên Twitter, một người khác tỏ ra thông thạo hơn khi nói rằng dựa theo một số nguồn tin – nhưng không nêu ra rõ ràng là những nguồn nào – thì tại Trung Quốc, có 200 ngàn người nhiễm bệnh. Sau khi đưa ra một số phép tính, người này thẩm định, mỗi ngày có 14.285 người bị nhiễm virus, tức là cao gấp 7 lần tổng số bệnh nhân được tính cho đến nay.
Bản tổng kết số bệnh nhân mà chính quyền Trung Quốc đưa ra hàng ngày chắc chắn sẽ tăng do virus lây lan nhanh và không ai rõ còn có bao nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng ở nhà, không đến bệnh viện. Theo các nhà nghiên cứu tại Hồng Kông, dựa trên các mô hình toán học, tính cho đến nay, có thể số bệnh nhân tại Trung Quốc lên tới hơn 40 000. Nhưng không một nghiên cứu nghiêm túc nào nêu ra con số 200 ngàn.
Đức Tâm
Nguồn : RFI, 28/01/2020
*********************
Virus corona : 106 người chết, Trung Quốc trấn an "kiểm soát được tình hình"
Thu Hằng, RFI, 28/01/2020
Đã có thêm ít nhất 26 người chết vì virus corona mới tại Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Tính đến ngày 28/01/2020, tổng cộng có 106 người chết, hơn 4.500 người bị nhiễm virus corona tại Trung Quốc, theo số liệu chính thức. Trong số những ca tử vong mới, Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên tại Bắc Kinh, buộc chính quyền đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa.
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vắng vẻ trong đại dịch corona, ngày 27/01/2020. Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Thông tín viên Liu Zhifan tường trình từ Bắc Kinh :
"Nạn nhân đầu tiên của virus corona mới ở Bắc Kinh là một người đàn ông 50 tuổi, từng đến Vũ Hán trong tháng này, trong khi Vũ Hán là ổ dịch của loại virus mới.
Cho đến nay, tại thủ đô có đến 20 triệu dân, đã có 80 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Và để hạn chế virus lây lan, chính quyền đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ đến ngày 02/02, các trường học tạm thời sẽ đóng cửa vô thời hạn. Việc đeo khẩu trang sẽ bị bắt buộc trong các trường học ở thành phố, từ trường mẫu giáo đến đại học. Và các trạm kiểm tra thân nhiệt sẽ được lắp đặt trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Chính quyền cũng khuyến cáo người dân hoãn đi du lịch nước ngoài. Các trạm tầu điện ngầm ở Bắc Kinh, một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách.
Thách thức hiện nay của Trung Quốc là quản lý làn sóng đông đảo người dân muốn trở lại các thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán với gia đình".
Bắc Kinh trấn an Liên Hiệp Quốc là "kiểm soát" tình hình
Theo giới chuyên gia, số trường hợp có nguy cơ nhiễm virus corona mới cao hơn nhiều so với thực tế, có thể là hơn 40.000 người trên toàn thế giới. Dịch virus corona mới có thể kéo dài nhiều tháng trong trường hợp khả quan nhất. Cụ thể, trả lời AFP, giáo sư David Fisman, trường đại học Toronto, nhận định : "Kịch bản được cho là khả quan nhất là dịch virus corona tiếp tục vào mùa xuân, mùa hè và sau đó sẽ lắng xuống".
Trong khi đó, trong buổi họp ngày 27/01 tại trụ sở ở New York, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định với tổng thư ký Antonio Guterres rằng Trung Quốc "hoàn toàn có khả năng và niềm tin để chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch" viêm phổi cấp tính. Theo AFP, ngoài việc công nhận rằng Trung Quốc đang trải qua "một giai đoạn khó khăn", ông Trương Quân nêu những biện pháp được Bắc Kinh triển khai nhằm khống chế dịch, đồng thời khẳng định "Trung Quốc làm việc với cộng đồng quốc tế trong tinh thần cởi mở, minh bạch và phối hợp khoa học".
Theo thông cáo của phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres trả lời rằng Liên Hiệp Quốc "hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịnh bệnh và sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết cho Trung Quốc". Bộ phận truyền thông của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không bình luận thêm khi được AFP đặt câu hỏi.
Thu Hằng
******************
Virus corona: Ăn thịt thú rừng, coi chừng rước dịch bệnh
Thụy My, RFI, 28/01/2020
Cách đây 17 năm, virus SARS do thú hoang truyền đi đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc ăn thịt các loại động vật hoang dã. Việc xuất hiện loại virus corona mới tại Trung Quốc chứng tỏ thói quen ăn thịt rừng vẫn phổ biến, và là nguy cơ ngày càng tăng đe dọa sức khỏe con người.
Giải phẫu dơi tại Trung tâm nghiên cứu y khoa Franceville (Gabon). Động vật hoang dã này là vật chủ của nhiều loại virus, nhưng là món ăn ưa thích tại Trung Quốc. IRD
Cũng giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), virus corona mới - cho đến ngày 27/01/2020 đã làm 81 người chết và 2.835 người bị nhiễm bệnh - có nguyên nhân từ các loại thú hoang được bán làm thức ăn cho người.
1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện trong thú hoang
Cho dù xuất xứ dịch bệnh chưa được kết luận, nhưng cơ quan y tế Trung Quốc khẳng định đó là từ các động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán. Chợ này bán đủ loại thú rừng còn sống, từ chuột, chó sói cho đến kỳ nhông khổng lồ. Mãi đến Chủ Nhật 26/01/2020, Bắc Kinh mới loan báo tạm cấm bán mọi loại thú hoang.
Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta – theo giải thích của Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm.
Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.
Ông Daszak khẳng định với AFP : "Các loại dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn, chúng ta ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các loại thú là vật chủ của virus". May thay, không phải kịch bản thảm họa lúc nào cũng diễn ra, tuy nhiên số lượng virus từ thú vật lây sang người khiến người ta phải cân nhắc.
Thú rừng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh truyền nhiễm được ghi nhận từ những năm 80. Cầy hương đã truyền đi đại dịch SARS làm 916 người tử vong trên thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2002-2003, loài dơi gây ra dịch Ebola và loài khỉ là tác nhân của SIDA.
Ngay cả gà, vịt và trâu bò cũng có thể là nguyên nhân của các loại bệnh như cúm gà và bệnh bò dại (Creutzfeldt-Jacob).
Ăn thịt rừng : Thói quen từ 5.000 năm tại Trung Quốc
Diana Bell, chuyên gia sinh học dịch tễ và bảo tồn thực vật, động vật hoang dã thuộc trường đại học Eat Anglia (Anh) kêu gọi : "Vì tương lai các loài thú hoang và vì sức khỏe loài người, chúng ta cần giảm tiêu thụ thịt rừng".
Thật ra bản thân việc ăn thịt thú rừng không thực sự nguy hiểm, vì đa số virus cũng chết một khi con thú bị giết. Nhưng các nhân tố gây bệnh có thể truyền sang con người khi bắt giữ, vận chuyển hay giết thịt thú hoang, đặc biệt nếu trong điều kiện vệ sinh tồi tệ, hoặc không có trang thiết bị bảo hộ.
Chính quyền Trung Quốc cố gắng giải quyết vấn đề khi khuyến khích nuôi các loại thú hoang này. Kể cả các loài đang bị nguy hiểm như cọp, vốn được ưa thích tại Trung Quốc và Châu Á vì được cho là giúp cường dương.
Theo các nhóm bảo vệ môi trường, nhu cầu ở Trung Quốc tăng lên cùng với sức mua của người tiêu thụ, là động cơ chính của việc buôn bán cọp trên thế giới. Dương Chiêm Thu (Yang Zhanqiu), chuyên gia sinh học thuộc đại học Vũ Hán cho rằng đó còn do kỹ nghệ thực phẩm Trung Quốc, vốn gây ra nhiều bê bối.
Chuyên gia Daszak nhìn nhận : "Rất khó ngăn chặn, chấm dứt một hoạt động đã thành truyền thống từ 5.000 năm". Ông hy vọng thế hệ mới sẽ quay lưng với thói quen ăn thịt động vật hoang dã, đặc biệt nhờ các chiến dịch được các nhân vật nổi tiếng Trung Quốc ủng hộ. "Tôi nghĩ rằng chừng 50 năm nữa, việc ăn thịt rừng sẽ trở thành quá khứ".
Thụy My
Việt Nam phòng chống virus corona như thế nào ?
Trương Hữu Khanh, RFI, 28/01/2020
Nằm sát Trung Quốc, trung tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca nhiễm virus và khoảng 40 ca bị nghi lây nhiễm. Nhiều chuyên gia dự báo rất có thể Việt Nam sẽ là quốc gia bị dịch lây lan mạnh nhất ở Châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Virus corona gây ra các triệu chứng cúm ở người nhiễm bệnh, có thể với hội chứng hô hấp nghiêm trọng. AFP
Hôm 27/01/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp và tuyên bố phải "chống dịch như chống giặc" để bảo vệ sức khỏe người dân.
Trên thực tế, công tác phòng chống dịch corona tại Việt Nam đang được thực hiện như thế nào ?
RFI tiếng Việt hôm nay 28/01 phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn :
RFI : Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, trước hết, xin bác sĩ cho biết là nguy cơ virus corona lây lan sang Việt Nam có lớn hay không ?
Trương Hữu Khanh : Tính ra hiện nay Việt Nam đang đóng dần các cửa khẩu và cả phía Trung Quốc cũng đóng dần cửa khẩu để hạn chế lưu thông từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu ngừng lại ở đó và kiểm soát tốt, thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm. Tuy nhiên, biện pháp đó không đủ, mà cái chính là trong nước, mình phải cẩn thận hơn, bởi vì đã có một số người Việt Nam du lịch từ Trung Quốc, từ thành phố Vũ Hán trở về. Mình bắt buộc phải có những biện pháp thôi.
RFI : Việt Nam có những biện pháp gì để phòng ngừa lây lan ?
Trương Hữu Khanh : Thực ra ở Việt Nam cũng đã nhiều lần có những biện pháp phòng ngừa, như đã từng chuẩn bị đối phó với dịch SARS hay MERS, rồi Ebola. Hiện nay, tại các cửa khẩu Việt Nam, tất cả những người từ Trung Quốc qua đều phải làm một tờ khai y tế. Sau đó, họ được dặn là nếu bị bệnh thì phải tự cách ly ở nhà. Những ai bị sốt thì đến ngay sở y tế để xác định lại một lần nữa và dặn họ theo dõi trong vòng 14 ngày, đó là thời gian ủ bệnh tối đa của virus. Qua khỏi được 14 ngày thì thôi.
Còn đối với những người có khả năng tiếp xúc với các bệnh nhân Trung Quốc thì cũng đã phải trải qua quy trình như vậy ngay từ những hôm trước rồi. Ở Việt Nam, khối Y tế Dự phòng đảm nhiệm công tác đó. Họ phải nắm những thông tin đó và dặn dò những người có khả năng đã tiếp cận với virus. Khối Điều Trị thì chỉ đặc trách về khâu cách ly và làm xét nghiệm thôi.
RFI : Thông tin về tình hình dịch bệnh kỳ này có được thông báo rộng rãi không ?
Trương Hữu Khanh : Thực ra, việc này cũng đã được khởi động cả hơn một tuần nay rồi. Có nghĩa là ngay từ khi ở bên Trung Quốc có tin (về dịch viêm phổi cấp tính) thì cá nhân tôi cũng đã đi họp mấy buổi, cũng phải vào bệnh viện, nói chuyện với nhân viên y tế của bệnh viện, và cũng phải lên trên mạng cộng đồng chia sẻ chi tiết thông tin, để người dân cùng hiểu được bệnh này, để mọi người không lơ là, mà cũng không quá sức căng thẳng về dịch viêm phổi mới.
Mới đây, Bộ Y tế cũng gửi thông tin để mọi người cùng biết và trên hai trang web của Y tế Dự phòng Việt Nam và của Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ở trong ban phòng chống, thường xuyên liên lạc với đơn vị phòng chống. Tôi có ông bác sĩ quen ở bên Cấp Cứu 115, tức đơn vị chuyển bệnh nhân từ sân bay vào bệnh viện trong trường hợp cần thiết. Tôi thường xuyên liên lạc với ông này để có thông tin. Đồng thời, tôi cũng có một người quen bên Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh và thường xuyên liên lạc với người này để nắm rõ tình hình. Khi lên mạng, tôi xem có thông tin nào bị nhiễu, thì sẽ điều chỉnh lại tránh để công luận hoang mang. Hiện tại mức độ tuyên truyền ở Việt Nam đang rất là tốt.
RFI : Việt Nam có nhiều du khách Trung Quốc. Có nên hay không đóng cửa biên giới Trung Quốc để hạn chế nguy cơ lây lan ?
Trương Hữu Khanh : Hiện nay, có một số cửa khẩu tuyên bố đã giảm lượng du khách Trung Quốc vào Việt Nam. Chắc có lẽ là dần dần sẽ tới cái mức đó thôi. Mình cũng phải nghe ngóng xem tình hình diễn biến thế nào, theo dõi đánh giá của thế giới ra sao. Nhưng mà theo thông tin báo chí, có nhiều cửa khẩu đã tạm ngừng tiếp xúc với nguồn du khách từ Trung Quốc vào. Từ ngày 27/01, chính phủ Trung Quốc thông báo ngưng tổ chức các chuyến du lịch ra ngoại quốc. Bắc Kinh không cho công dân đi ra nước ngoài. Còn nhóm những người Việt Nam đi sang Trung Quốc bây giờ quay về nước, thì mình phải để cho họ vào chứ. Nhóm đó có thể mang theo virus thì mình phải xử lý. Tôi có một người quen đi Trung Quốc chơi và khoảng mồng 3 hay mồng 4 Tết mới trở về, rồi cũng có một đoàn đi Vũ Hán cũng phải quay về. Chắc chắn chúng ta phải theo dõi những ca này.
RFI : Những người này sẽ bị cách ly 14 ngày, tức là thời gian ủ bệnh ?
Trương Hữu Khanh : Cũng không hẳn là bắt buộc đâu, nhưng mình khuyên họ tự cách ly tại nhà, chứ không thể nhốt người ta được, người ta phải sinh hoạt. Rồi mình phải dặn người ta rất kỹ là nên khai báo nếu có triệu chứng, để có thể điều trị kịp thời. Cho tới hiện nay thì chúng tôi chưa thấy gì.
RFI : Bác sĩ có những lời khuyên nào để mọi người tự phòng ngừa ?
Trương Hữu Khanh : Theo tôi, về mặt khoa học, virus corona mới lan nhanh như vậy, thì thật ra, về nguyên tắc, một virus mới đối với tất cả những ai chưa từng tiếp xúc với loại siêu vi đó đều không được miễn dịch, có nghĩa là có khả năng sẽ bị lây. Một khi lây rồi, thì dần dần tất cả mọi người có miễn dịch với nó, khi đó mới không bị bệnh nữa. Giống như với H1N1 hồi 2009 thôi. Thành ra, cái chính là làm sao để virus đừng tấn công mình. Tốt nhất là mang khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc với đám đông. Nếu biết chắc những người chung quanh có bệnh về đường hô hấp, thì lại càng phải cẩn thận hơn.
Còn người đã bị bệnh, hay những người từ ổ dịch trở về, thì phải có trách nhiệm với cộng đồng, có nghĩa là phải ở nhà 14 ngày, khi nào biết chắc mình không bị nữa thì mới đi ra ngoài. Điều đó tất cả mọi người cùng phải làm thì mới có thể giảm được tốc độ lây lan. Chứ còn nếu mình đặt ra những vấn đề như là nguy hiểm quá, dịch lan nhanh quá... thì cũng không giải quyết được gì cả. Đó là điều tất yếu. Nếu không tự và cùng phòng chống, thì mức độ lây lan nó là như vậy. Bản chất của một con virus mới là như vậy.
Nguồn : RFI, 28/01/2020
******************
Virus corona : Việt Nam sẽ bị nặng nhất, sau Trung Quốc ?
Thanh Phương, RFI, 28/01/2020
Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có hai ca nhiễm virus corona viêm phổi cấp tính được xác nhận, nhưng theo các số liệu mới nhất, gần 40 ca nghi nhiễm bệnh đang được cách ly theo dõi. Theo các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, sau Trung Quốc.
Ảnh chụp tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trung tâm ổ dịch corona, ngày 25/01/2020. Hector RETAMAL/ AFP
Hôm 27/01/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp về dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố phải "chống dịch như chống giặc", yêu cầu các ngành chức năng và 63 tỉnh thành trên toàn quốc đều phải tham gia. Thủ tướng Việt Nam còn khẳng định : "Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân".
Hiện giờ, theo báo chí trong nước hôm nay, tại Việt Nam, trong số 63 ca nghi nhiễm bệnh do trước đây có đi đến vùng có dịch ở Trung Quốc, 25 ca đã được loại trừ nhiễm virus corona, 38 ca vẫn được theo dõi cách ly, trong đó có 2 người Trung Quốc được xác nhận nhiễm virus, hiện đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, " trong tình trạng ổn định", theo lời các bác sĩ tại đây.
Tuy nhiên, vào lúc mà nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, mới đây nhất là Mông Cổ, đã đóng cửa biên giới, hoặc như Philippines đã ngưng cấp visa nhập cảnh cho khách Trung Quốc, để ngăn chận dịch bệnh, thì Việt Nam hiện chưa thi hành những biện pháp tương tự và vẫn đón tiếp rất nhiều du khách Trung Quốc.
Theo một hiệp định đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, công dân Trung Quốc đến Việt Nam không cần xin visa. Vào mỗi dịp Tết, rất đông người Trung Quốc đi du lịch sang Việt Nam. Năm nay, số khách này ít hơn mọi năm, vì hàng chục ngàn người quyết định ở nhà do lo sợ lây bệnh. Tuy vậy, ở một số địa phương, như Đà Nẵng, lượng du khách Trung Quốc vẫn rất đông, cho nên rất khó kiểm soát được tình hình. Ngày 22/01 vừa qua, một chuyến bay từ Vũ Hán chở theo 218 du khách Trung Quốc đã đáp xuống Đà Nẵng. Theo cơ quan y tế địa phương, do những du khách này "không có những triệu chứng nhiễm bệnh", cho nên họ đã có thể tiếp tục đi du lịch đến tỉnh Khánh Hòa.
Trong những ngày qua, nhà chức trách Việt Nam đã gia tăng nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Kể từ ngày 25/01, hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu phải điền một tờ khai y tế. Ở cấp độ địa phương, theo báo chí trong nước hôm nay, Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản yêu cầu tạm ngừng xuất, nhập cảnh du khách tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Tuy nhiên, theo hãng tin AsiaNews của Ý, trong bản tin đề ngày 27/01, nhiều chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc cảnh báo rằng, nếu chính quyền không thi hành kịp lúc các chính sách bảo vệ sức khỏe, không gia tăng kiểm soát biên giới với Trung Quốc, thì Việt Nam rất có thể sẽ là quốc gia có nhiều ca lây nhiễm virus corona nhất Châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 28/01/2020
Trung Quốc : Corona, siêu vi tự do ngôn luận ?
Chủ đề chính của báo Pháp hôm nay vẫn là dịch viêm phổi mới hoành hành tại Trung Quốc và các hệ quả : Số người chết và bị lây nhiễm tăng vọt từng ngày, các cấp chính quyền nói nhiều nhưng bất lực, dân chúng nổi giận, thị trường chứng khoán dao động, quốc tế chuẩn bị di tản kiều dân và lần đầu tiên chế độ chuyên chế bị phê phán.
Đường phố Vũ Hán vắng vẻ sau khi chính quyền tuyên bố cấm các phương tiện giao thông không thiết yếu lưu thông trong khu vực trung tâm, ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Trung Quốc. cnsphoto via REUTERS.
Siêu vi Corona lan nhanh tại Trung Quốc. Chính quyền "tác chiến" trong thế hỗn độn. Lo sợ biến thành hoảng loạn tinh thần. Đây là cú "sốc" cho kinh tế Trung Quốc. Sàn giao dịch thế giới chao đảo. Doanh nhân Pháp tại Vũ Hán sợ tác động cho công việc làm ăn. Đó là một loạt tựa lớn trên trang nhất của Le Monde, Libération, Les Echos.
Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo chống kiểm duyệt thông tin
Vào lúc chính quyền trung ương chỉ đạo kiểm soát tình hình thì ở địa phương, chính quyền các thành phố lập hàng rào chống dịch trong hỗn loạn. Điển hình là ở Vũ Hán, trong số 11 triệu dân thì đã có 5 triệu người đi về quê. Chỉ trong vòng 2 ngày cuối tuần, số trường hợp lây nhiễm tăng gấp 4 lần, số tử vong tăng lên 5 lần. Nhưng thế nào là biện pháp "của trung ương" ? Le Monde mô tả : Truyền hình nhà nước cho thấy Tập Cận Bình triệu tập Bộ chính trị, chỉ đạo, còn 6 ủy viên ngồi ghi chép "tăng cường tập trung lãnh đạo và đoàn kết trung ương đảng".
Trong khi đó, chính quyền Vũ Hán bị tố cáo "che giấu, làm nhẹ khủng hoảng" vì nhiều lý do : vì sợ Tập Cận Bình, vì sợ gây hoảng loạn phải dẹp đại tiệc tân niên được chuẩn bị để phá kỷ lục về số món ăn thịnh soạn. Do vậy, chính quyền Vũ Hán cấm cơ quan y tế báo động công luận cũng như cấm báo chí loan tin.
Ngay nhà báo Ngải Hiểu Minh, một nữ phóng viên làm phim tài liệu, dân Vũ Hán, có mặt tại địa phương từ tháng 12/2019 cũng chỉ nghe tin phong phanh. Đến khi Ngải Hiểu Minh được một người bạn cho biết trong bệnh viện nhân viên y tế "ngã bệnh hàng loạt" thì trên báo chí cũng chẳng có một dòng.
Nhà phân tích Alex Payet, chuyên gia về quyền lực tại Hoa lục cho rằng căn nguyên nguồn cội cũng từ bản chất chế độ độc tài. Cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc ở trong thế tế nhị : làm phiền Bắc Kinh vì một vấn đề nhỏ có thể bị trừng phạt, nói thật với dân thì sợ gây hoang mang trong mùa Tết. Làm gì cũng kẹt.
Không dám chỉ trích trung ương thì công kích chính quyền địa phương không tôn trọng quyền thông tin đa chiều. Đó là thái độ của Hồ Tích Tấn (Hu Xi Jin), chủ nhiệm tờ báo đảng Hoàn Cầu Thời Báo. Ông phê phán như sau : "Dịch truyền nhiễm này rất giống dịch SARS năm 2003. Họa này lẽ ra không thể xảy ra ở một nước như Trung Quốc, nơi mà y học phát triển rất tốt và có tổ chức xã hội vững chắc. Theo tôi, cơ quan hành chánh quản lý y tế có trách nhiệm. Nhưng còn nguyên nhân sâu xa hơn nữa là khả năng đối trọng của truyền thông đã bị suy giảm". Hồi Tích Tấn không ngần ngại tuyên truyền, trên blog, chống Bộ Công an, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, kềm kẹp giới phóng viên nhà báo Trung Quốc. Ông được 87 ngàn người chia sẻ, ưa thích.
Bắc Kinh đang đánh cược uy tín
Các bài xã luận cũng cùng một chiều hướng phê phán. Le Monde nhận định "Trung Quốc chưa thuộc bài học dịch viêm phổi cấp tính 2003". Les Echos thì cho là Bắc Kinh đang đánh cược uy tín trên trường quốc tế.
Thị trường chứng khoán Châu Âu mất điểm 2%, giá dầu hỏa xuống dưới ngưỡng 60 đô la mỗi thùng, nhiều lĩnh vực kinh tế Trung Quốc bị tác hại mạnh vì siêu vi Corona : giao thông bị đình đốn, du lịch tê liệt, hoạt động thương mại, văn hóa, giải trí bị gián đoạn, Les Echos đưa một danh sách khá dài. Bài xã luận của nhật báo kinh tế nêu lên những thách thức của Đảng cộng sản Trung Quốc không phải chỉ về mặt y tế mà còn liên quan đến uy tín của nước Trung Hoa. Là lãnh đạo đầy quyền uy, Tập Cận Bình phải chứng tỏ đủ sức ngăn chận dịch bệnh đe dọa hàng chục triệu người, một cuộc chạy đua với thời gian vô cùng khó khăn vì cán bộ địa phương phản ứng chậm.
Thế mà Tập Cận Bình đang đứng trước một loạt thách đố lớn cùng một lúc từ cuộc nổi dậy tại Hồng Kông, tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại và thương chiến với Donald Trump. Trong "cuộc chiến chống siêu vi", chủ tịch Trung Quốc còn phải chứng tỏ là một người công khai, minh bạch, một thói quen mà ông không có. Đã vậy, Trung Quốc không phải một mình lãnh đòn siêu vi. Trong thời đại toàn cầu hóa, cả thế giới cũng bị thách đố. Pháp, Mỹ, Anh đã quyết định di tản kiều dân.
Bi kịch chống dịch : Quan chức đeo ngược khẩu trang
Phản ứng lúng túng, minh bạch nửa mùa của ban lãnh đạo Trung Quốc bị phê phán là "cội nguồn" của bi kịch cười ra nước mắt. Libération tường thuật qua bốn trang báo.
Được chỉ định làm "tư lệnh" lực lượng đặc nhiệm chống dịch, thủ tướng Lý Khắc Cường, trong bộ áo, mũ, khẩu trang chống trùng, chọn một bệnh viện ở Vũ Hán để chuyển "lệnh quyết chiến" của lãnh đạo số một. Thế nhưng, trong cuộc họp báo, tỉnh ủy Hồ Bắc ấp úng không biết tỉnh nhà làm được bao nhiêu khẩu trang, 18 tỷ, 1,8 tỷ hay 18 triệu. Trong khi đó, thị trưởng Vũ Hán lại đeo ngược khẩu trang. Những hình ảnh này biến thành đề tài chế giễu của dân Hoa lục.
Trong bài xã luận "sư phạm", Libération bi quan : Khi xảy ra đại dịch, giới chuyên gia sợ nhất hai nguy cơ : chính quyền không nhìn nhận sự thật và sau đó phản ứng quá trớn.
Theo nhật báo thiên tả, cái khó của chính quyền Trung Quốc là nói thật liệu có ai tin hay không ? Làm sao bây giờ, vì đó là chế độ độc tài chuyên chế. Tại Hoa lục, có hai đối tượng làm người dân luôn đề cao cảnh giác, để có thể sống còn : chính quyền và người láng giềng sát vách. Cho đến hôm nay, một số tín hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc có ít nhiều minh bạch nhưng nguy cơ dân chúng hoảng loạn chưa thể loại trừ. Các biện pháp đối phó làm hoảng loạn tinh thần chính là yếu tố thuận lợi cho dịch lan rộng.
Trung Đông : còn chỗ nào cho Palestine lập quốc ?
Chủ đề chính trị quốc tế được chú ý nhất là kế hoạch hòa bình Trung Đông của tổng thống Mỹ Donald Trump và chuyến đi vận động công luận Châu Âu của lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido.
Liệu kế hoạch hoà bình của Mỹ có thể áp dụng tại Trung Đông ? La Croix mời hai giáo sư chính trị học Paris góp ý. Đối với giáo sư Xavier Guignard, vì Israel và Palestine ngưng đối thoại từ 12 năm nay, vì Châu Âu ủng hộ một nước Palestine nhưng nói mà không làm, cho nên tổng thống Mỹ phải nhảy vào khoảng trống chính trị này. Kế hoạch của Donald Trump xuất phát từ nhận xét thực tế : Israel đã đóng đô ở Jerusalem, đã kiểm soát tất cả các thành phố lớn nhỏ khác… còn chỗ nào để lập quốc Palestine ? Câu hỏi duy nhất hiện nay là tương lai người Palestine ra sao ? Nhưng có ai quan tâm đến họ đâu.
Giáo sư Bertrand Badie cũng nhìn nhận kế hoạch này đã được Washington chuẩn bị từ 12 năm nay. Donald Trump đưa ra vào lúc này rất có thể là một công đôi ba việc : chứng tỏ ông can đảm hơn những người tiền nhiệm, tranh phiếu cộng đồng Do Thái và phục vụ nhu cầu địa chính trị thành lập một trục "thân Israel, chống Iran" trong khu vực.
Tuy nhiên, chính ở điểm này, kế hoạch của Washington có thể gặp khó khăn : hai đồng minh Saudi Arabia và Jordan không ủng hộ.
Venezuela : Maduro "liên kết với mafia"
Liên quan đến tình hình bế tắc ở Venezuela, Le Monde dành cho lãnh đạo đối lập một bài phỏng vấn dài nhân dịp ông đến Paris. Theo Juan Guaido, phương trình duy nhất để giải quyết khủng hoảng hiện nay là bầu cử tổng thống một cách dân chủ và minh bạch. Vấn đề là ông không ngờ Nicolas Maduro bằng mọi giá bám lấy quyền lực, kể cả nhượng quyền lợi kinh tế cho xã hội đen để có tiền chi trả cho dân quân đánh thuê bảo vệ chế độ. Cụ thể là giết thổ dân, chiếm đoạt đất đai khai thác mỏ vàng, kim cương, coltan …
Kết thúc điểm báo hôm nay với hai tin liên quan đến Pháp : Nạn thất nghiệp giảm mạnh trong năm 2019. Tin vui thứ hai là có thêm ba nhà hàng tại Pháp được cẩm nang ẩm thực Michelin chấm điểm "ba sao", trong đó có đầu bếp Nhật nổi tiếng Kei Kobayashi.
Tú Anh
Virus siêu nhỏ làm điêu đứng Trung Quốc 1,4 tỉ người của Tập Cận Bình
Dịch bệnh từ virus corona là đề tài bao trùm trên các báo Pháp hôm nay.
Toàn bộ phi hành đoàn đều mang khẩu trang tại sân bay quốc tế Phố Đông (Pudong), Thượng Hải ngày 27/01/2020. Reuters/Aly Song
"Coronavirus, thế giới tổ chức đối phó" - tựa trang nhất của La Croix. "Coronavirus, Trung Quốc chống chọi như thế nào" - tít lớn của Les Echos. Le Figaro chạy tựa "Coronavirus bùng nổ tại Trung Quốc, cả hành tinh báo động". Bên cạnh đó là bầu cử đô trưởng Paris, và hồ sơ Venezuela, nhân chuyến thăm thủ đô nước Pháp của thủ lãnh đối lập Juan Guaido.
Hoảng loạn trong các thành phố ma ngày Tết
Les Echos trong bài "Trung Quốc huy động tổng lực trước nạn dịch đang tăng vọt" mô tả một Trung Quốc tự giam hãm khi bước vào năm Canh Tý, không tiếng pháo cũng như múa lân, múa rồng.
Vũ Hán và nhiều vùng lân cận đã bị cách ly với thế giới. Ở phía nam, Hồng Kông nâng mức cảnh báo tối đa, trường học đóng cửa đến giữa tháng Hai ; ở phía bắc, Thiên Tân, Tây An cho xe đò ngưng chạy. Còn tại thủ đô, đường phố hoang vắng, các lễ hội đều hủy bỏ, rạp xi-nê, công viên giải trí, các địa điểm du lịch như Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành đóng cửa. Sáng hôm qua, cư dân Bắc Kinh nhận được tin nhắn yêu cầu không bắt tay nhau.
Trên mạng xã hội lan truyền các video cho thấy dân làng các nơi dựng rào cản để chận người từ Vũ Hán chạy sang, những người bệnh nằm bất tỉnh trên đường phố, đội ngũ y tế quá tải… làm hàng triệu người khiếp vía. Tại các thành phố lớn mọi người ra đường đều tự động mang khẩu trang, còn đối với 110 triệu dân tỉnh Quảng Đông thì đã là bắt buộc. Le Figaro cho biết người từ Vũ Hán bị các khách sạn và nhà hàng từ chối đón tiếp.
Cái chết của bác sĩ nổi tiếng Lương Vũ Đông (Liang Wudong), người chữa trị các bệnh nhân bị virus corona lại càng khiến những lời đồn trở nên đáng tin. Những lời chứng từ các bệnh viện mô tả khung cảnh hỗn loạn, nhân viên y tế thiếu thốn mọi thứ, kể cả khẩu trang và găng tay. Một nhà báo trên Twitter cho biết bác sĩ Hu Yi, trưởng khoa Hô hấp của bệnh viện trung tâm Vũ Hán "phải dùng túi nhựa màu vàng bao giày lại, còn bác sĩ đứng cạnh thậm chí không có kính bảo vệ lẫn khẩu trang N95".
Cuộc chiến còn dài đối với Tập Cận Bình
Le Figaro kể thêm "Tại Bắc Kinh, dân chúng ẩn nấp trong nhà với hy vọng ngày mai trời lại sáng". Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, đường sá và trung tâm thương mại trở nên vắng teo, nhà hàng, chợ thực phẩm đóng cửa, trông như một thành phố bị vây hãm. Ngay cả hàng ngàn chiếc taxi hai màu xanh vàng thường ngang dọc thành phố cũng biến đâu mất, còn gọi xe Didi (xe công nghệ như Uber) phải chờ hơn 20 phút mới có.
Hôm Chủ nhật 26/1, công an ở các khu vực xung quanh Bắc Kinh đi từng nhà để kiểm tra xem có giấu người bệnh không. Loa phóng thanh kêu gọi dân cư đến ngay bệnh viện nếu cảm thấy không ổn, đô trưởng Bắc Kinh hôm qua cho biết có thể thêm cả ngàn người nữa bị nhiễm, dựa trên con số bệnh nhân nhập viện nhưng chưa có kết quả xét nghiệm.
Trước tình hình nguy ngập, Tập Cận Bình phải "xuất tướng" để dập tắt những chỉ trích, tuyên bố "tình hình là trầm trọng" - một lời thú nhận đáng chú ý đối với chế độ Bắc Kinh có thói quen giữ bí mật những tin xấu. Ông Tập nhấn mạnh, Trung Quốc phải "chiến thắng" nạn dịch. Theo Le Figaro, cuộc chiến còn dài đối với tổng tư lệnh của 1,4 tỉ người.
Virus corona làm kinh tế Trung Quốc thêm khốn đốn
Tờ báo cánh hữu dẫn nhật báo Barrons ước tính virus corona có thể làm kỹ nghệ điện ảnh thiệt mất 10 tỉ đô la, còn báo chí Hoa lục cho biết tỉ lệ đặt phòng khách sạn chỉ còn 20%. Bộ Thương Mại Trung Quốc dự báo vận chuyển hàng không giảm 41,1%, đường sắt giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Le Monde, tuy hãy còn quá sớm để ước lượng hậu quả, tuy nhiên dịch SARS năm 2002-2003 đã làm tăng trưởng Trung Quốc mất đi 2 điểm. Nhưng hồi đó tiêu thụ của các hộ gia đình chỉ khoảng 40% GDP, còn nay lên đến 60%. Việc cô lập Vũ Hán (11 triệu dân), Hoàng Cương (7,5 triệu dân) và nhiều thành phố xung quanh sẽ tác động trực tiếp đến công nghệ. Vũ Hán vốn là trung tâm sản xuất xe hơi với các hãng Đông Phong, PSA, Renault, Nissan ; và có nhiều trường đại học danh tiếng với 1 triệu sinh viên.
Les Echos dẫn lời Shaun Roache, nhà phân tích của Standard & Poor’s nhấn mạnh : "Nạn dịch diễn ra đúng vào Tết âm lịch tại Trung Quốc, thời kỳ mà các gia đình mạnh tay chi cho du lịch, giải trí và quà cáp". Chỉ riêng phim ảnh, số thu đến hôm thứ Bảy 25/1 chưa đến 1,8 triệu nhân dân tệ (260.000 đô la) trong khi năm 2019 là 1,5 tỉ nhân dân tệ (216 triệu đô la), có nghĩa là doanh thu sụt giảm đến 84 lần !
Kiều dân Pháp tại Vũ Hán nóng lòng chờ đợi di tản
Les Echos nói về tình cảnh của các công dân Pháp bị kẹt ở Vũ Hán. Một chủ nhà hàng Pháp qua điện thoại cho biết thành phố như hoang mạc, chỉ có vài siêu thị, bệnh viện và đồn công an là mở cửa. Các gia đình có con nhỏ hoảng loạn, yêu cầu chính phủ giúp đưa về nước càng sớm càng tốt. Hiện có 500 công dân Pháp trong danh sách của lãnh sự quán, nhưng còn những người không đăng ký hay doanh nhân bị kẹt lại ở khách sạn.
Chính phủ dự định hồi hương những người Pháp ở Vũ Hán bằng đường hàng không vào giữa tuần này, sau đó họ sẽ bị cách ly trong 14 ngày. Trước đó Paris loan báo sẽ đưa xe buýt chở công dân Pháp đến Trường Sa cách Vũ Hán 300 km, tuy nhiên ý kiến này bị phản đối. Một giám đốc trong ngành xe hơi nói : "Người Vũ Hán bị coi như dịch hạch, sẽ không khách sạn nào chịu chứa chúng tôi. Và để rồi bị cách ly ở Trường Sa chăng ?".
Le Figaro cho biết nhiều người đã tỏ ra mất kiên nhẫn, cảm thấy bị bỏ rơi, nhất là sau khi Hoa Kỳ đã thương lượng được với Bắc Kinh : một chiếc Boeing 767 với các bác sĩ đi kèm sẽ cất cánh ngày mai để giải cứu các công dân Mỹ kẹt tại Vũ Hán. Điều khó chịu nhất là không biết tình hình sẽ kéo dài đến bao giờ.
Con virus nhỏ bé đe dọa 1,4 tỉ người do thiếu minh bạch
Trong bài xã luận mang tựa đề "Con virus của sự nghi ngờ", Le Figaro nhận xét, Trung Quốc đã trưng ra một màn diễn đầy ấn tượng với việc huy động lực lượng theo kiểu nhà binh để chống lại virus 2019-nCoV. Có chính thể nào khác ngoài chế độ độc tài này cách ly được gần 60 triệu người, làm vắng hẳn bóng người trên những con đường của thành phố 11 triệu dân như Vũ Hán ? Giao thông công cộng bị ngưng lại, trường học đóng cửa, và một bệnh viện 1.000 giường được xây dựng chỉ trong vòng một tuần.
Chính sách tập quyền và bàn tay sắt của Tập Cận Bình dường như cho đến nay trấn an được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khiến tổ chức này chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thế giới. Tuy vậy đã có 13 nước phát hiện những trường hợp bị nhiễm bệnh. Một sự bùng nổ là không thể tránh khỏi, như các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu nhìn nhận. Có thể lây ngay trong thời gian ủ bệnh, virus corona mới tuy không gây chết người nhiều bằng SARS năm 2003 nhưng có thể biến đổi.
Cũng chế độ độc tài Bắc Kinh hiện nay phải chịu trách nhiệm về phản ứng chậm chạp khiến không ngăn được nạn dịch ngay từ đầu. Không chỉ các quan chức địa phương không muốn làm mất lòng "hoàng đế đỏ" khi chuyển lên những tin xấu, nhưng chính quyền lực trung ương cũng đã che giấu tầm cỡ của vấn đề : cách đây mới một tuần Bắc Kinh còn tuyên bố dịch corona "có thể kiểm soát được". Những ai biết về Trung Quốc cộng sản hiểu rằng đó là dối trá, khi thấy báo chí nhà nước không đưa tin những trường hợp đầu tiên.
Thế nên một con virus độc hại siêu nhỏ có thể đe dọa an ninh của quốc gia khổng lồ Trung Quốc với 1,4 tỉ dân. Bài học này cũng dành cho những xã hội tự do như Pháp : sự minh bạch chính là vũ khí tốt nhất để đối phó với tin đồn và hỗn loạn. Một khi thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng y tế Agnès Buzyn tuân thủ nguyên tắc này, thì người dân Pháp không có lý do gì để lo sợ.
Trump, kinh tế sụt giảm, virus… Trung Quốc "họa vô đơn chí"
Nhìn chung, tác giả Nicolas Baverez trong bài "Khi Trung Quốc đóng cửa, thế giới chia rẽ" trên Le Figaro nhận xét, tình hình kinh tế xã hội Trung Quốc đang căng thẳng.
Tăng trưởng theo con số chính thức là 6,1% trong năm 2019, thấp nhất từ 30 năm qua, và sẽ không vượt quá 5,7% năm 2020. Nợ công và tư gần 270% GDP, các công ty mất khả năng chi trả tăng 5%, và dòng vốn không ngừng chảy khỏi Hoa lục. Tín dụng được mở van nhưng không che giấu được khủng hoảng cấu trúc của mô hình phát triển ồ ạt dựa vào kỹ nghệ và xuất khẩu, xâm hại môi trường, nợ công.
Cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ do ông Donald Trump khởi động đã khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc bị ngưng. Thỏa thuận giai đoạn 1 vừa ký vẫn chưa giải quyết được nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và trợ giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đã kết thúc ảo tưởng Mỹ-Trung cùng song hành để đi lên.
Giấc mộng Trung Hoa bị khựng lại với số sinh giảm mạnh nhất kể từ nạn đói khủng khiếp năm 1961. Dân số hoạt động giảm dẫn đến thị trường lao động thiếu người, tiền lương tăng. Trung Quốc sẽ già đi trước khi thực sự giàu, và nạn dịch do virus corona đã đưa ra ánh sáng tình hình vệ sinh dịch tễ của đất nước khổng lồ này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh tiếp tục giam hãm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, phố biến việc giám sát bằng công nghệ nhận diện.
Giấc mộng Trung Hoa thành ác mộng Trung Hoa
Những dấu hiệu phản kháng đầu tiên đối với chủ nghĩa toàn trị dựa trên công nghệ đã xuất hiện, như tại Hồng Kông. Thất bại nặng nề nhất là tại Đài Loan, nơi bà Thái Anh Văn thắng giòn giã trước các ứng viên thần phục Bắc Kinh, nhờ tái khẳng định chủ quyền trước các đe dọa cũng như dẫn dụ của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông, kiểm soát những cơ sở chiến lược thậm chí cả những đất nước bằng bẫy nợ liên quan đến "Con đường tơ lụa mới" gây ra những chống đối ngày càng mạnh mẽ. Trung Quốc gây lo sợ từ Việt Nam, Malaysia đến Nhật, Úc, New Zealand.
Trước bàn cờ đã thay đổi này, Tập Cận Bình đi con đường ngược với Đặng Tiểu Bình năm 1978. Về kinh tế, Trung Quốc khép kín cửa, tập trung vào thị trường nội địa mênh mông của mình. Ưu tiên được dành cho việc giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ, Trung Quốc công khai đối đầu với Hoa Kỳ trên toàn cầu.
Ba chọn lựa : đóng cửa, cứng rắn về ý thức hệ và quyền lực tuyệt đối, sẽ biến giấc mộng Trung Hoa thành ác mộng. Câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ dẫn đưa Trung Quốc làm bá chủ thế giới, hay, giống như hồi cuối thế kỷ 15 dưới thời nhà Minh, cắt đứt Hoa lục khỏi thời kỳ hiện đại.
Thụy My