Ai cũng nói Bakhmut không phải là một vị trí chiến lược. Nhưng tại sao cứ nhùng nhằng mãi thế ? Vấn đề rắc rối hơn ta tưởng và đúng là quan trọng cho cả hai bên Nga và Ukraine.
Tướng Surovikin được Putin đề bạt phụ trách chiến dịch ở Ukraine.
Tháng 10 năm ngoái, quân Nga đánh nhau thua thảm hại chạy tóe khói. Đúng là chạy như vịt, bỏ lại đằng sau các thành phố đã chiếm được. Thành phố Kherson rất quan trọng cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Putin không biết nên cố thủ Kherson hay bỏ chạy. Bộ trưởng quốc phòng Shoigu bị mất uy tín quá. Lúc đó còn có cả tin đồn rằng Putin muốn hạ bệ Shoigu… Để thay đổi tình thế Putin đề bạt tướng Sergei Surovikin phụ trách chiến dịch ở Ukraine. Surovikin "ký hợp đồng" với Putin đề nghị bỏ Kherson vì khó giữ và thể nào cũng thua, nhưng đổi lại sẽ giành một chiến thắng ở Bakhmut. Kherson thất thủ nhục nhã trước sự ngỡ ngàng của tất cả các chuyên gia quân sự. Ngay cả quân Ukraine cũng thấy bất ngờ, cứ tưởng quân Nga giăng bẫy… Trước đó chỉ thấy quân Nga lo rút quân, chẳng đánh đấm gì hết. Tất nhiên là khi rút quân, lính Nga cũng không quên tháo dỡ mang theo nồi hầm, bàn là, máy giặt, TV và tủ lạnh (không phải Saratov nhé). Nga chắc mẩm rút chỗ này sẽ đánh thắng chỗ kia, việc gì phải lăn tăn. OK.
Surovikin vừa nhậm chức liền gọi Prigozhin thủ lĩnh quân Wagner đến, giao cho nhiệm vụ phải đánh bằng được Bakhmut. Surovikin biết rằng Wagner rất tàn bạo và không ngần ngại nướng quân thì may ra mới có cơ thắng được ở Bakhmut. Tiếp theo đó như các bạn thấy, Prigozhin đã vào tận các nhà tù của Nga để tuyển thêm 10.000 quân, hứa hẹn đánh nhau không chết sẽ được "xá tội vong ân". Bao nhiêu tù tội phạm giết người nguy hiểm, Prigozhin cân tất, đưa cho khẩu súng trường và ném ra chiến tuyến hàng đầu, chơi kiểu cối xay thịt, biển người… Rất không may cho đa số tù nhân là họ đã chết.
Vụ này làm cho Sergei Shoigu (Bộ trưởng quốc phòng) + Valery Gerasimov (Tổng tư lệnh quân đội) rất cay cú. Điên không chịu được. Tự nhiên bây giờ trên chiến trường có hai lực lượng khác nhau của cùng một nước cạnh tranh với nhau, tranh công với nhau nữa chứ, một bên là lính chính quy của Bộ quốc phòng Nga và bên kia là lính đánh thuê tư nhân Wagner của Prigozhin. Nước Nga rệu rã nên nó thể hiện luôn cả ở chi tiết này đấy các bạn ạ. Chỉ có nước Nga mới có tình trạng này. Đương nhiên là có mâu thuẫn nẩy sinh.
Bây giờ trên chiến trường Bakhmut có hai lực lượng khác nhau của cùng một nước cạnh tranh với nhau, tranh công với nhau nữa chứ, một bên là lính chính quy của Bộ quốc phòng Nga (Shoigu và Guersimov) và bên kia là lính đánh thuê tư nhân Wagner của Prigozhin
Vấn đề là quân Wagner húc, húc mãi vẫn không thể nào giành được chiến thắng. Chốc chốc lại loan tin chiến thắng nhưng có thắng thật đâu. Shoigu và Gerasimov (phe chính quy) thấy thế càng sướng, thậm chí còn gây khó dễ cho Wagner. Prigozhin công khai ghi video chửi bới bên quốc phòng…
Hai bên liên tiếp chọc gậy bánh xe nhau nhé. Tháng 1, quân Wagner công khai tuyên bố đã giành được chiến thắng ở Soledar. Ngay sau đó, Dmitri Peskov, phát ngôn viên của chính phủ Nga lại tuyên bố : "Không được vội vã tuyên bố mà phải đợi tuyên bố chính thức". Hôm sau, quân chính quy Nga bắn vài quả lẹt đẹt rồi Bộ quốc phòng Nga ra tuyên bố chính thức : "Chúng ta chiếm được Soledar là nhờ có pháo binh và không quân của quân đội Nga". Sau vụ này, Prigozhin không ngần ngại nói toẹt ra là quân chính quy đã không giúp đỡ gì cho quân Wagner, không cung cấp đạn dược, kiểu như đem con bỏ chợ trong ý định hủy hoại Wagner.
Đến đầu năm nay, chẳng thấy thắng lợi ở Bakhmut đâu, hợp đồng vỡ trận, Putin điên tiết hạ bệ Sergey Surovikin để Valery Gerasimov lên thay.
Hiện nay, tay đầu bếp Prigozhin này đang trở nên quá cồng kềnh, là đối thủ của Bộ quốc phòng Nga, của Putin. Tôi nghĩ sẽ có ngày hắn sẽ bị lên thớt.
Cứ hỏi tại sao Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine không muốn bỏ Bakhmut. Cứ để đấy cho chúng húc nhau chứ !
Hoàng Quốc Dũng
(17/03/2023)
Chiến sự dữ dội ở trung tâm Bakhmut
Trọng Thành, RFI, 14/03/2023
Quân đội Ukraine tiếp tục kháng cự tại thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine. Trong lúc đó, có một số dấu hiệu rút quân của lực lượng Nga tại tỉnh miền nam Kherson, hữu ngạn sông Diepro, theo quân đội Ukraine.
Một con phố hoang tàn, trong khi các trận giao tranh vẫn ác liệt ở thành phố Bakhmut, Ukraine, ngày 27/02/2023. Reuters - Stringer
Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết chiến sự vẫn diễn ra hết sức dữ dội tại Bakhmut. Hôm qua, 13/03/2023, tư lệnh Lục quân Ukraine, thượng tướng Oleksandre Syrky cho biết nhiều đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner của Nga đang tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ của các lực lượng Ukraine để hướng về các khu phố trung tâm thành phố Bakhmut. Về phần mình, thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, nhấn mạnh là "càng tiến gần đến trung tâm thành phố, chiến sự càng dữ dội hơn, nhiều hỏa lực hơn".
Trong phát biểu thường nhật vào tối 13/03, tổng thống Ukraine, Volodymir Zelensky, nói đến "những ngày rất khó khăn, rất đau đớn với Ukraine", và "tương lai của đất nước đang được quyết định tại miền Đông, đặc biệt ở Bakhmut", nơi diễn ra cuộc chiến kéo dài nhất từ khi Nga mở màn cuộc xâm lăng từ tháng 02/2022, với một tổn thất nhân mạng ghê gớm của cả hai bên.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, có trụ sở tại Washington, trong bản tin thường nhật hôm qua, tổng hợp thông tin từ giới blogger Nga, ghi nhận đa số đều cho rằng quân đội Ukraine có thể sẽ mở cuộc phản công tại miền nam, ở tỉnh Zaporizhia, hoặc ở gần khu vực Mariupol-Volnovakha ở tỉnh miền đông Donetsk. Một blogger có liên hệ với công ty lính đánh thuê Wagner thừa nhận đánh giá trước đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, theo đó quân đội Ukraine, với chiến thuật phòng thủ đến cùng tại "pháo đài" Bakhmut, đang nghiền nát "các lực lượng bộ binh tốt nhất" của Nga xung quanh thành phố này, nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc ngăn chặn các đợt phản công sắp tới của quân đội Ukraine.
Trọng Thành
************************
Đà tiến của quân Nga ở Bakhmut ‘đã ngưng lại’, theo ISW
VOA, 13/03/2023
Đà tiến của quân Nga dường như đã bị ngưng lại trong nỗ lực đánh chiếm Bakhmut của Moscow ở miền đông Ukraine, một tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu cho biết trong đánh giá về trận chiến trên bộ dài nhất trong cuộc chiến.
Lính Ukraine bắn lựu pháo về các vị trí quân Nga ở Bakhmut
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho biết quân Nga không có bước tiến nào được xác nhận ở Bakhmut. Quân Nga và các đơn vị của Tập đoàn bán quân sự Wagner do Điện Kremlin kiểm soát tiếp tục tiến hành các đợt tấn công trong thành phố, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã có tiến triển, ISW cho biết.
Ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Tập đoàn Wagner, hôm 12/3 cho biết trên Telegram rằng tình hình ở Bakhmut là ‘khó khăn, rất khó khăn, khi quân thù chiến đấu giữ từng mét đất’.
Báo cáo của ISW được công bố hôm 11/3 đã dẫn lời ông Serhii Cherevaty, phát ngôn nhân của Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói rằng giao tranh ở khu vực Bakhmut trong tuần này khốc liệt hơn tuần trước. Theo Cherevaty, đã có 23 cuộc đụng độ trong thành phố trong 24 giờ trước.
Báo cáo của ISW được đưa ra sau những tuyên bố của Nga vào đầu tuần này là họ đã có tiến triển. Bộ Quốc phòng Anh hôm 11/3 cho biết Tập đoàn Wagner đã chiếm được hầu hết phía đông Bakhmut, với con sông chảy qua thành phố hiện đang làm thành tiền tuyến giao tranh. Đánh giá này nhấn mạnh rằng Nga sẽ khó duy trì cường độ tấn công mà không có mất mát về nhân mạng nhiều hơn.
Quân đội Nga đã mở chiến dịch giành quyền kiểm soát Bakhmut hồi tháng 8 năm trước và cả hai bên đều đã có thương vong vô cùng lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố quân đội của ông sẽ không rút lui.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Quốc phòng Anh hôm 12/3 nói rằng thương vong quân sự nặng nề của Nga ở Ukraine có tác động rất khác nhau trên khắp nước Nga. Bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết Moscow và St. Petersburg vẫn ‘tương đối không hề hấn gì’ nhất là thành viên của giới tinh hoa.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực phía đông của Nga, tỷ lệ tử vong tính theo phần trăm dân số ‘cao gấp 30-40 lần ở Moscow’, cơ quan này cho biết và nói thêm rằng các nhóm thiểu số thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chẳng hạn ở khu vực phía nam Astrakhan, khoảng ‘75% thương vong đến từ người thiểu số Kazakhstan và Tartar’.
Chính quyền Ukraine vào sáng 12/3 đưa tin rằng các cuộc tấn công của Nga ngày hôm qua đã giết chết ít nhất năm người và làm bị thương bảy người khác trên khắp các khu vực ở Donetsk và Kherson, giới chức địa phương cho biết.
Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết hai người đã thiệt mạng, một ở thành phố Kostyantynivka và một ở làng Tonenke. Bốn thường dân bị thương.
Thống đốc vùng Mykolaiv Vitali Kim cho biết thị trấn Ochakiv ở cửa sông Dnieper đã phải hứng chịu hỏa lực pháo binh vào sáng sớm ngày 12/3. Ô tô bị đốt cháy và nhà riêng và các tòa nhà cao tầng bị hư hại. Không có thương vong nào được ghi nhận.
***********************
Chiến sự Bakhmut : Quân Ukraine đẩy bật mọi đợt tấn công của Nga vào trung tâm thành phố
Trọng Thành, RFI, 13/03/2023
Thành phố Bakhmut, miền Đông, tiếp tục là chiến trường dữ dội nhất tại Ukraine ngày 2/03/2023. Các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi tất cả các đợt tấn công của lực lượng đánh thuê Nga Wagner nhắm vào khu vực trung tâm thành phố. Moskva và Kiev đều thông báo số lượng tổn thất lớn của đối phương.
Quân nhân Ukraine nạp đạn vào súng cối trước khi bắn về phía quân đội Nga bên ngoài thị trấn tiền tuyến Bakhmut, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, ở vùng Donetsk (Ukraine) ngày 06/03/2023 via Reuters - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo hôm nay của tư lệnh lục quân Ukraine, thượng tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết tình hình chiến trường tại thành phố Bakhmut vẫn "khó khăn" khi các đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner Nga cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ, cố tiến vào trung tâm thành phố. Theo chỉ huy lục quân Ukraine, "trong các trận chiến dữ dội, lực lượng phòng thủ của chúng ta đã gây tổn thất đáng kể cho kẻ thù. Mọi nỗ lực xâm chiếm thành phố của địch đều bị pháo binh, xe tăng và các hỏa lực khác đẩy lùi".
Ông Syrskyi khẳng định quân đội sẽ bảo vệ "pháo đài", cụm từ thường được chính quyền Ukraine sử dụng để gọi tên Bakhmut, thành phố bị quân Nga vây hãm và tấn công từ 7 tháng nay.
Đối với ông chủ công ty Wagner Yevgeny Prigozhin, tình hình là "khó khăn, rất khó khăn". Trong một phát biểu hôm qua, lãnh đạo công ty Wagner cũng thừa nhận "càng ở gần trung tâm thành phố, giao tranh càng ác liệt... Phía Ukraine tung vào trận các lực lượng dự trữ vô tận. Nhưng chúng ta đang tiến lên và chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên".
Tổng thống Ukraine : Loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 quân địch trong 1 tuần lễ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong thông báo hàng ngày vào tối hôm qua, cho biết, chỉ trong vòng một tuần qua, các lực lượng Ukraine đã tiêu diệt hơn 1.100 quân địch "chỉ riêng tại Bakhmut". Cũng theo ông Zelensky, trong cùng thời gian, hơn 1.500 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến đấu do thương tích. Trước đó cùng ngày, bộ quốc phòng Nga thông báo loại khỏi vòng chiến đấu "hơn 220 binh sĩ Ukraine" trong vòng 24 giờ.
Ukraine tiếp tục kháng cự tại Bakhmut càng lâu càng tốt. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp JDD, đăng tải hôm qua, thứ trưởng bộ quốc phòng Ukraine Olha Stefanishyna khẳng định, cho dù Nga chiếm được Bakhmut, việc này cũng "sẽ không có ảnh hưởng gì đến các hành lang chiến lược" mà Ukraine "đang kiểm soát tại khu vực". Theo thứ trưởng quốc phòng Ukraine, chiến dịch phản công mùa xuân, "đã bắt đầu được lên kế hoạch" ; sẽ chỉ được tiến hành một khi Quân đội Ukraine có "đủ vũ khí và đạn dược".
Trọng Thành
*************************
SIPRI : Năm 2022, Châu Âu tăng gấp đôi vũ khí nhập khẩu để viện trợ cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 13/03/2023
Trong năm 2022, mức nhập khẩu vũ khí tại Châu Âu đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu do các đợt viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine chống quân Nga xâm lược và Ukraine trở thành nước tiếp nhận nhiều vũ khí thứ ba trên thế giới, theo báo cáo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (Sipri), trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, công bố hôm 13/03/2023.
Một quân nhân Ukraine dùng súng phóng lựu tự động để chống lại cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk (Ukraine) ngày 03/03/2023 / Reuters – Stringer
Theo số liệu của Viện Sipri, lượng vũ khí Châu Âu nhập khẩu tăng 93% cũng là do nhiều nước như Ba Lan, Na Uy tăng chi tiêu quân sự. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Pieter Wezeman, từ 30 năm qua là đồng tác giả của báo cáo thường niên của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế, cho AFP biết, cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine là lý do chính khiến nhu cầu vũ khí tại Châu Âu tăng vọt và nhập khẩu của Châu Âu sẽ còn tiếp tục tăng.
Riêng về Ukraine, cộng cả vũ khí do phương Tây viện trợ, số vũ khí Kiev nhập về đã tăng 60 lần trong năm 2022. Ukraine trở thành nước nhập khẩu nhiều vũ khí thứ 3 thế giới (8%), sau Qatar (10%) và Ấn Độ (9%), và trước Saudi Arabia (7%), Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (7%) và Pakistan (5%).
Ngoài việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, Châu Âu cũng đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí khí tài, tăng 35%, trong năm 2022.
Về phía 5 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, đứng đầu là Mỹ (40%), Nga (16%), tiếp theo là Pháp (11%), Trung Quốc (5%) và Đức (4%). Chỉ riêng 5 nước này chiếm ba phần tư tổng lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới. Dù vẫn đứng trong top 5, nhưng mức xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh so với cách nay vài năm, thậm chí Moskva còn được cho là nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc, vốn dĩ là một khách hàng truyền thống của Nga.
Thùy Dương
Ukraine kêu gọi Đức khẩn trương viện trợ vũ khí và đào tạo phi công
Thu Hằng, RFI, 12/03/2023
Thiếu đạn dược là vấn đề "số 1" đối với Ukraine để đẩy lùi cuộc xâm lược Nga vào lúc tình hình chiến sự ở miền đông vẫn cam go, đặc biệt là ở thành phố Bakhmut, nơi quân Ukraine và Nga liên tục tuyên bố đẩy lùi kẻ thù. Trong bài phỏng vấn được báo Đức Bild am Sonntag đăng ngày 12/03/2023, ngoại trưởng Ukraine kêu gọi Đức khẩn trương giao đạn dược và đào tạo cho phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ của phương Tây.
Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, trả lời báo chí tại Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 23/02/2023. AP - John Minchillo
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nhấn mạnh "vấn đề hiện nằm ở chính phủ Đức" vì các nhà sản xuất vũ khí Đức khẳng định tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào tháng 02/2023 là sẵn sàng giao vũ khí cho Kiev nhưng hiện chờ Berlin ký hợp đồng.
Kiev biết rõ là trước mắt, các đồng minh phương Tây không giao chiến đấu cơ nhưng ông Kuleba cho rằng phi công Ukraine vẫn cần được đào tạo để có thể sẵn sàng trong trường hợp quyết định được đưa ra. Theo ông Kuleba, nếu Đức đào tạo cho phi công Ukraine thì đó là "một thông điệp rõ ràng về cam kết chính trị" của chính quyền Berlin.
Về tình hình chiến sự ở Bakhmut, ngoại trưởng Kuleba cho biết Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ thành phố, hiện là ưu tiên của Nga để cố giành được thắng lợi mang tính biểu tượng. Vì "nếu chiếm được Bakhmut, quân Nga sẽ tiếp tục tấn công Chasiv Yar, thành phố ngay sát Bakhmut sẽ chịu chung số phận". Tuy nhiên, theo Reuters, ông Kuleba từ chối trả lời cụ thể khi được hỏi lực lượng Ukraine còn trụ được bao nhiêu lâu ở Bakhmut.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga và Ukraine đều khẳng định triệt hạ vài trăm kẻ thù. Theo Kiev, 221 lính thân Nga bị chết và hơn 300 người bị thương ở Bakhmut. Trong buổi điểm tin sáng 12/03, bộ tham mưu Ukraine cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi 92 cuộc tấn công của Nga ở 5 khu vực. Quân Nga tập trung lực lượng ở Lyman, Bakhmut, Avdiyvka, Marynka và Chakhtarsk và tiêu diệt hơn 200 quân Ukraine ở mặt trận Donetsk.
Trong hơn một năm gây chiến ở Ukraine, Nga đã tiến hành hơn 40.500 vụ oanh kích, phá hủy 152.000 tòa nhà, theo tài khoản Twitter Euromaidan, trích thông tin từ bộ trưởng Nội vụ Ukraine. Chiến tranh đã khiến ít nhất 460 trẻ em thiệt mạng và hơn 16.000 em bị đưa sang Nga.
Thu Hằng
***********************
JDAM : Một "sát thủ" mới được Mỹ cấp cho Ukraine ?
Minh Anh, RFI, 12/03/2023
Ngày 06/03/2023, một tiếng nổ "đinh tai nhức óc" phá trụi một khu phố ở Kurdyumivka, một thành phố nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, phía bắc vùng Donetsk, đông Ukraine. Chỉ với một cú đánh, toàn bộ khối nhà, nơi trú đóng của nhiều binh sĩ Nga, đã bị san bằng và các mảnh vỡ rơi vương vãi trên hàng trăm mét. Trong kho vũ khí của Ukraine, một hỏa lực mạnh như thế là chưa từng thấy kể từ đầu cuộc chiến đến nay.
Bom GBU-31s, một loại JDAM, được không quân Mỹ thả từ chiến đấu F-15E xuống Afghanistan năm 2009. © wikipedia - Ảnh minh họa
Le Monde, ngày 10/03/2023, dẫn lời một số chuyên gia quân sự tin rằng vụ nổ tại khu phố trên ở Kurdyumivka là do Kiev sử dụng một loại đạn pháo cỡ nòng lớn, được trang bị một bộ phận có tên là Đạn tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition, viết tắt là JDAM).
Đây là loại vũ khí mới nhất mà Mỹ vừa cấp cho Ukraine trong khoảng ba tuần trở lại đây, theo như xác nhận của tướng James Hecker, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Châu Âu, bên lề một hội thảo tại bang Colorado (Hoa Kỳ). Bộ JDAM này, do hãng Boeing của Mỹ sản xuất, có thể biến các quả bom "nhẵn", nghĩa là bom không có hệ thống dẫn đường, thành những loại tên lửa chính xác nhờ có thêm hệ thống GPS và một bệ phóng thích ứng.
Lợi ích của chúng là gì ? Loại vũ khí này cho phép kết hợp hỏa lực mạnh và độ chính xác, điều mà quân đội Ukraine không phải lúc nào cũng làm được. Kiev có nhiều bệ pháo đa nòng như Himars, bắn đạn với độ chính xác vài mét, nhưng chúng chỉ mang được 90 kg chất nổ. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, đánh giá : "Thứ vũ khí này biến (các loại đạn dược) có hỏa lực mạnh thành những tên lửa không–địa rất hữu hiệu để phá hủy các mục tiêu có lớp bao bọc cứng rắn như boong-ke hay các chốt chỉ huy nằm sâu trong lòng đất".
Tầm bắn chính xác
Những bộ JDAM này hữu ích nhiều hơn cho quân đội Ukraine khi họ đã có được phiên bản "tầm bắn mở rộng". Những quả bom "trụi" này được gắn thêm hai cánh nhỏ, một khi được thả, chúng có thể bay lơ lửng trong một khoảng cách lên tới 70 hay 80 km, tùy theo cao độ của máy bay ném bom. Chuyên gia Léo Péria-Peigné đánh giá tiếp : "Với bộ vũ khí này, phi công Ukraine có thể khai hỏa từ một khoảng cách an toàn từ chiến tuyến và bảo vệ được số chiến đấu cơ của họ, vốn dĩ ít hơn rất nhiều so với Nga".
Việc cung cấp các vũ khí như vậy là một phần trong chiến lược bắn tầm xa được Kiev lựa chọn kể từ đầu cuộc chiến. Không thể đọ sức với hỏa lực mạnh của Nga, vốn có số lượng đạn pháo lớn, quân đội Ukraine đã ưu tiên chọn cách tập trung hỏa lực chính xác vào các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến như kho đạn dược, trung tâm hậu cần, bộ chỉ huy, trại lính…
Các khẩu Caesar có tầm bắn 40km, và nhất là Himars với bán kính 70 km là những tài sản quý giá trong trận chiến này, nhưng vẫn thiếu uy lực cho đến khi JDAM xuất hiện.
Tuy nhiên, trong cuộc đọ sức tầm xa này, Nga cũng không bị lép vế, nhưng chủ trương sử dụng tên lửa hành trình hay đạn đạo để tấn công sâu vào Ukraine. Thứ Năm 09/3, Nga đã bắn đến 81 tên lửa vào nhiều thành phố khác nhau của Ukraine, phá hủy nhiều cơ sở năng lượng dân sự. Điểm mới là lần đầu tiên, Moskva sử dụng 6 tên lửa siêu thanh Kinjal, loại tên lửa đạn đạo có khả năng bay với vận tốc Mach 5 và được coi là khó thể bắn chặn.
Theo bộ quốc phòng Ukraine, chỉ có 34 tên lửa trong số này đã bị hệ thống phòng không bắn hạ, 8 tên lửa khác đã bị biện pháp đối phó điện tử làm cho chệch hướng.
Nga cũng thích ứng với tình huống
Tỷ lệ bắn chặn chỉ có 50% so với tỷ lệ được Ukraine công bố những tháng trước đây đã gây ngạc nhiên. Tháng 12/2022, tướng Valeri Zaloujny, tham mưu trưởng quân đội Ukraine từng khẳng định hệ thống phòng không Ukraine đã phá hủy trung bình 76% tên lửa kẻ thù.
Như vậy, Nga dường như cũng đã thích ứng với điều đó. Giờ Nga chọn dùng những loại tên lửa khó bắn chặn hơn. Trong thông cáo hôm thứ Năm 10/3, không quân Ukraine thừa nhận : "Quân đội nước này không có cách nào phá hủy các loại tên lửa Kh-22, Kh-47, Kinjal và S-300".
Nhận thức được những điểm yếu này, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tiếp tục đòi các đồng minh phương Tây cấp thêm nhiều loại vũ khí phòng không mới. Theo bộ trưởng quốc phòng Ba Lan, Mariusz Blaszczak, hệ thống phòng không Patriot, một trong những hệ thống tên lửa địa đối không hiệu quả nhất, đã được đưa đến Ukraine nhưng những thiết bị này vẫn chưa thể tác chiến được. Về phần mình, Pháp và Ý, hứa gởi một hệ thống tương tự gọi là SAMP/T Mamba. Nhưng chúng chưa thể được giao vào trước mùa xuân này.
Minh Anh
***********************
Anh nói Nga đạt tiến bộ ở Bakhmut nhưng tổn thất nhân mạng rất lớn
AP, VOA, 12/03/2023
Các lực lượng Nga đã đạt tiến bộ trong chiến dịch đánh chiếm thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, tâm điểm của trận chiến trên bộ lâu nhất trong cuộc chiến, nhưng cuộc tấn công của họ sẽ khó duy trì mà không có thêm tổn thất nhân mạng đáng kể, các quan chức quân đội Anh cho biết ngày thứ Bảy.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa từ một chiếc xe tăng về phía quân đội Nga gần thành phố tiền tuyến Bakhmut, ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 7/3/2023.
Bộ Quốc phòng Anh nói trong thẩm định mới nhất rằng các đơn vị bán quân sự từ Tập đoàn Wagner do Điện Kremlin kiểm soát đã chiếm giữ phần lớn phía đông Bakhmut, với một con sông chảy qua thành phố hiện đánh dấu chiến tuyến giao tranh.
Thành phố khai thác mỏ nằm ở tỉnh Donetsk, một trong bốn vùng của Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm ngoái. Quân đội Nga mở chiến dịch nhằm chiếm quyền kiểm soát Bakhmut vào tháng 8 và cả hai bên đều chịu thương vong to lớn.
Binh sĩ và các tuyến đường tiếp tế của Ukraine vẫn dễ bị đe dọa trước "những nỗ lực liên tục của Nga nhằm áp đảo quân phòng thủ từ phía bắc và phía nam" khi lực lượng của Tập đoàn Wagner cố gắng áp sát họ trong thế gọng kìm, bộ quốc phòng Anh nói.
Tuy nhiên, bộ quốc phòng Anh nói thêm binh lính Wagner sẽ "rất khó" tiến lên phía trước vì Ukraine đã phá hủy những cây cầu quan trọng bắc qua sông, trong khi lực lượng bắn tỉa của Ukraine từ các tòa nhà kiên cố xa hơn về phía tây đã biến dải đất trống hẹp ở trung tâm thành phố thành "vùng sát nhân".
Các lực lượng bộ binh của Ukraine ngày thứ Bảy báo hiệu ý định cầm cự ở Bakhmut, thông báo trên Facebook rằng sĩ quan hàng đầu của họ, Đại tá Oleksandr Syrskyi, đang đích thân giám sát "các khu vực quan trọng nhất của mặt trận" để khước từ một chiến thắng chiến trường được chờ đợi từ lâu của Moscow.
"Quân đội của chúng ta đang đứng vững. Đây là pháo đài của chúng ta. Và những gì họ đang làm bây giờ, chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được nó sẽ hữu ích như thế nào đối với đất nước, đối với quân đội của chúng ta trong tương lai gần", Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksii Danilov nói trên đài truyền hình nhà nước của Ukraine.
Trích lời ông Syrskyi, ông nói các ngõ ngách và khu vực xung quanh Bakhmut "rải rác xác của người Nga và lính Wagner".
(AP)
Nguồn : VOA, 12/03/2023
Trận chiến Bakhmut : Thách thức biểu tượng hay chiến lược ?
Anh Vũ, RFI, 09/03/2023
Tại miền Đông Ukraine, trận chiến để giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut giữa quân đội Ukraine và lực lượng đánh thuê Wagner đang diễn ra khốc liệt. Theo NATO, dường như thành phố này đang rơi dần vào tay Nga. Các chuyên gia nói gì về những thách thức của trận chiến này ?
Xe tăng của quân Ukraine tiến về mặt trận gần Bakhmut, miền đông Ukraine, ngày 08/03/2023. AP - Yevgeny Maloletka
Ngày 08/03/2023, Yevgeny Prigozhin, chủ nhân công ty lính đánh thuê Nga hân hoan tuyên bố : "Các đơn vị của Wagner đã chiếm toàn bộ phần phía đông Bakhmut". Toàn bộ bên phía đông con sông Bakhmuta chảy qua thành phố đã trở thành tâm điểm các trận chiến trong vùng Donbass.
Dù Ukraine phòng thủ kiên cường từ tháng 8 từ đầu trận chiến, thành phố miền Đông này đang bị bao vây sau khi quân đội Ukraine rút lui dần. Hôm 08/03, tổng thư ký khối NATO đã không loại trừ khả năng trong những ngày tới Bakhmut sẽ thất thủ. Ông cũng nhấn mạnh, "việc đó không hẳn phản ánh một bước ngoặt của chiến tranh. Nhưng nó càng cho thấy chúng ta không nên đánh giá thấp Nga. Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine".
Theo Moskva, chiếm được thành phố này sẽ cho phép Nga mở "các chiến dịch tấn công mới sâu hơn".
Những tuần qua, quân đội Ukraine rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn sau khi quân Nga lấn dần đất xung quanh Bakhmut. Soledar đã thất thủ hồi tháng Giêng, đến lượt Berkhivka (Krasna Gora) tháng 2 và đầu tháng 3 này là làng Yahidne (Laguidné) nằm ở cửa ngõ thành phố.
Bakhmut, trận chiến khốc liệt nhất Ukraine
Từ khi Nga mở tấn công Ukraine tháng 2/2022, Bakhmut là trận chiến kéo dài và gây chết chóc nhất. Cả hai bên đều hứng chịu những tổn thất nặng nề. Thành phố hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Lực lượng lính đánh thuê Wagner được đưa lên tuyến đầu tấn công. Cái giá phải trả bằng nhân mạng cũng rất lớn, theo thú nhận của Yevgeny Prigozhin.
Hồi giữa tháng 2, nhân vật này đã tuyên bố : "Không thể chiếm được Bakhmut ngay được vì sức kháng cự mạnh, cỗ máy xay thịt đang hoạt động".
Đầu tháng Ba, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tố cáo Moskva đưa quân vào chỗ chết. Ông nói : "Nga không tính đến mạng người của họ, liên tục đưa quân và tấn công các vị trí của chúng ta".
Một số chuyên gia không ngần ngại so sánh trận chiến tàn khốc này với Verdun, mặt trận gây chết chóc nhiều nhất trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, đã hủy diệt gần hết quân Pháp và Đức trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 12/1916 ở miền đông Pháp.
Scott Lucas, giáo sư chính trị quốc tế thuộc Đại học Dublin, giải thích Bakhmut "là một trận chiến đẫm máu với cả hai phía. Vì không có các đơn vị cơ giới, Wagner dùng chiến thuật biển người cố phá vỡ sự kháng cự của quân Ukraine nên đã gây tổn thất rất nhiều cho cả hai bên".
Một quan chức quân sự của NATO được CNN trích dẫn trong tuần này cho biết phía Nga đã mất ít nhất 5 lính cho mỗi mạng lính Ukraine bảo vệ Bakhmut. Đánh giá này dựa trên những thông tin tình báo của các nước đồng minh.
Một thách thức biểu tượng ?
Theo các chuyên gia, thách thức được mất của trận chiến này chủ yếu mang tính tượng trưng. Thành phố có 7 chục nghìn dân này có lẽ không mang giá trị chiến lược về phương diện quân sự.
Tổng thống Volodymyr Zelensky khi tới Bakhmut tháng 12 năm ngoái đã thề sẽ bảo vệ thành phố pháo đài này "lâu nhất có thể được".
Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, giáo sư Đại học Sorbonne Paris, ông Gullaume Lasconjarias nhận định : "Có khía cạnh tượng trưng cho cả hai phía, chiếm và giữ Bakhmut, thành phố tử vì đạo. Hai bên sẵn sàng hy sinh cho dù vẫn còn thắc mắc về tác dụng chiến lược của thành phố".
Theo chuyên gia Guillaume Lasconjarias, "bên này và bên kia đều thấy cần thiết có được hiệu quả". Chẳng hạn đối với Ukraine, đó là "để duy trì sự ủng hộ liên tục của dư luận trong nước và dư luận phương Tây, để chứng minh vũ khí phương Tây đang giúp cho họ tạo sự khác biệt, nhưng thành phố này chỉ đứng vững nhờ tinh thần quả cảm và sức kháng cự của binh sĩ Ukraine. Đó chính là thông điệp của Volodymyr Zelensky".
Trong tuần qua khi rộ lên tin đồn rút quân, tổng thống Zelensky hôm 06/03 đã ra lệnh cho quân đội Ukraine tăng cường phòng thủ thành phố. Viện nghiên cứu chiến tranh mới đây đã ghi nhận rằng việc phòng thủ Bakhmut thực tế vẫn mang tính chiến lược ở chỗ nó tiếp tục làm hao mòn quân số và trang bị của Nga.
Bakhmut, cuộc chiến của Prigozhin
Với phía Nga đó là cần một chiến thắng, bất kể giá nào, trong khi mà trận chiến đã phơi ra những căng thẳng giữa quân đội Nga và chủ nhân công ty Wagner. Yevgeny Prigozhin đã nhiều lần chỉ trích các cấp chỉ huy quân đội Nga không chịu cung cấp đủ đạn dược cho quân của ông ta. Phải chăng đây là một chiến lược được Kremlin điều khiển nhằm giữ khoảng cách và ngăn cản các kế hoạch của thủ lĩnh một lực lượng dân quân đã phát triển quá rộng ?
"Bakhmut là cuộc chiến của Prigozhin, muốn chứng minh mình làm tốt hơn quân đội Nga, vốn không có được chiến thắng nào từ mùa hè", theo giải thích của tướng Pháp Dominique Trinquand.
Chuyên gia Scott Lucas nhận thấy : "Bên ngoài, đó sẽ là một chiến thắng, nhưng là sau khi đã đầu tư các nguồn tài lực và nhân lực cực lớn vào một thành phố không thực sự mang tính chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột. Chiếm được thành phố sẽ chỉ mang tính biểu tượng với họ, bởi từ tháng 7 năm ngoái, Nga không có được chiến thắng đáng kể nào. Họ thậm chí còn mất cả đất sau các cuộc phản công của Ukraine trong vùng phía nam và đông".
Scott Lucas nhấn mạnh, "quân Nga muốn có một chiến thắng bằng mọi giá dịp kỷ niệm năm cuộc xâm lược hôm 24/02 vừa qua. Chiến thắng đó đáng ra phải là Bakhmut, nhưng điều đó đã không hề xảy ra".
Bakhmut thất thủ sẽ có hậu quả gì ?
Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, Bakhmut thất thủ sẽ mở ra cho quân Nga "con đường tự do" trong vùng miền Đông Ukraine. Sau Bakhmut, quân Nga "có thể đi xa hơn. Họ có thể tiến tới Kramatorsk, Sloviansk, con đường sẽ rộng mở với họ về hướng các thành phố khác của Ukraine". Ông Zelensky đã cảnh báo như vậy khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 08/03. Nhưng đó là một viễn cảnh mà dường như Ukraine đã chuẩn bị.
Cố vấn thân cận nhất của tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, hôm 06/03 đã tuyên bố rằng "quân đội đã nhất trí cần thiết tiếp tục bảo vệ thành phố và làm tiêu hao quân địch, đồng thời xây dựng tuyến phòng thủ mới phòng khi tình hình thay đổi".
Mykhailo Podolyak thậm chí còn khẳng định đã "đạt mục tiêu phòng thủ Bakhmut", tức là làm tiêu hao sinh lực quân Nga, đồng thời tạo điều kiện để quân đội Ukraine có thời gian huấn luyện "hàng chục nghìn binh sĩ chuẩn bị cho phản công". Đây cũng là cách nói để giảm nhẹ cho khả năng quân Ukraine có thể sẽ rút lui chiến thuật có giới hạn trong những ngày tới.
(Theo France24.com)
Anh Vũ
**************************
Chiến tranh Ukraine : Lực lượng đánh thuê Nga Wagner thông báo chiếm được toàn bộ phía đông Bakhmut
Phan Minh, RFI, 08/03/2023
Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin hôm 08/03/2023 tuyên bố rằng lực lượng lính đánh thuê của ông đã chiếm "toàn bộ khu vực phía đông" của thành phố Bakhmut, tâm điểm của cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine.
Một quân nhân Ukraine đứng gần một khẩu súng cối ở khu vực tuyến đầu mặt trận, gần thành phố Bakhmut (Ukraine) ngày 06/03/2023. Reuters - Stringer
Trong những ngày gần đây, áp lực đã gia tăng đáng kể đối với quân đội Ukraine trấn giữ ở Bakhmut, khi họ phải chống chọi với đà tiến của quân đội Nga và đối mặt với mối đe dọa bị bao vây.
Theo báo cáo mới nhất được công bố vào hôm qua 07/03 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Hoa Kỳ, quân đội của điện Kremlin "dường như" đã chiếm được khu vực phía đông của thành phố sau khi quân đội Ukraine "rút quân an toàn" khỏi khu vực này.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CNN, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định rằng quân đội Ukraine quyết tâm giữ vững Bakhmut.
Ông Zelensky phát biểu : "Sau Bakhmut, quân đội Nga có thể sẽ tiến xa hơn. Họ có thể tới Kramatorsk, hay Sloviansk và con đường sẽ rộng mở để họ tiến tới các thành phố khác của Ukraine".
Mặc dù giá trị về mặt chiến lược của Bakhmut bị tranh cãi, thế nhưng thành phố này đã trở thành biểu tượng, vì cả hai bên đều gánh chịu tổn thất nặng nề ở khu vực này.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng cho biết Bakhmut "là nút thắt quan trọng của các tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine ở vùng Donbass".
AFP cũng nhắc lại rằng trận chiến ở Bakhmut là trận chiến dài nhất và chết chóc nhất kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022.
Phan Minh
****************************
Kyiv cam kết đưa thêm binh sĩ tới Bakhmut, nhận thấy có cơ hội phá vỡ lực lượng Nga
Reuters, VOA, 07/03/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy công khai cam kết điều thêm binh sĩ cho nỗ lực cố thủ ở Bakhmut sau nhiều ngày có dấu hiệu là dường như họ có thể rút lui. Diễn biến mới cho thấy Ukraine có vẻ sẽ kéo dài trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh, nhằm phá vỡ lực lượng tấn công của Moscow.
Chiến sĩ Ukraine bắn pháo tự hành về phía quân Nga ở thành phố Bakhmut.
Phát biểu của Tổng thống Zelenskyy đưa ra vào tối 6/3 cho thấy Kyiv không chỉ quyết định sẽ ở lại và chiến đấu mà cũng sẽ củng cố thêm cho thành phố Bakhmut, dường như tin rằng khi phía Nga cố gắng tấn công sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều so với thiệt hại của bên phòng thủ.
"Bộ chỉ huy nhất trí ủng hộ" quyết định không rút quân, ông Zelenskyy nói, "không có quan điểm nào khác. Tôi đã nói với vị tổng tư lệnh là hãy lo cho có đủ lực lượng thích hợp để giúp cho binh sĩ của chúng ta ở Bakhmut".
Nga cho rằng chiếm được Bakhmut sẽ là một bước tiến tới chiếm giữ vùng công nghiệp xung quanh Donbas, một mục tiêu lớn trong cuộc chiến tranh.
Trong khi đó, các chiến lược gia phương Tây lại cho rằng thành phố đổ nát này có ít giá trị và có lẽ động cơ đằng sau cuộc tấn công của Nga là họ cần có một chiến thắng mang tính biểu tượng.
Bộ chỉ huy quân đội Ukraine hôm 7/3 cho hay lính Nga thiệt mạng đạt mức con số kỷ lục là 1.600 trong 24 giờ trước đó. Những con số về phía quân địch tử trận như vậy không thể kiểm chứng được.
Về phía Nga, trận chiến Bakhmut đã làm lộ ra sự rạn nứt giữa quân đội chính quy và hãng lính đánh thuê Wagner. Chủ nhân của hãng này, Yevgeny Prigozhin, trong những ngày gần đây đã tung ra các video cáo buộc rằng các quan chức Nga không chịu cấp đạn dược cho binh lính của ông ta.
Mark Hertling, cựu chỉ huy lực lượng bộ binh Mỹ ở Châu Âu đã nghỉ hưu, cho rằng những cãi cọ bên phía Nga lại có lợi cho Kyiv. "Bên đối phương - trong trường hợp này là Ukraine - vui mừng vì khi ban chỉ huy quân địch mất đoàn kết sẽ gây ra sự rối loạn và tạo ra vô số cơ hội tấn công", ông viết trên Twitter.
Mặc dù Nga đã giành được những thắng lợi trong những tuần gần đây xung quanh Bakhmut, nhưng chiến dịch tấn công trong mùa đông của họ đã thất bại, không mang lại chiến thắng đáng kể nào trong các cuộc tấn công lớn ở miền bắc và miền nam Ukraine.
Kyiv đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ trong nửa cuối năm 2022 và dành ba tháng qua để tập trung vào phòng thủ, cố gắng làm suy kiệt sức tấn công của quân Nga trước khi Ukraine dự kiến sẽ phản công trong những tháng tới đây của năm nay.
(Reuters)
************************
Tổng thống Ukraine Zelensky yêu cầu tăng viện bảo vệ Bakhmut
Thùy Dương, RFI, 07/03/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thứ Hai 06/03/2023 khẳng định đã yêu cầu các chỉ huy quân sự "tìm cho ra lực lượng" phù hợp, hỗ trợ cho các đơn vị đang bảo vệ Bakhmut, tâm điểm các trận giao tranh ở miền đông vào lúc quân Nga đang ngày càng xiết chặt vọng kiềm.
Lính Ukraine nã pháo vào các vị trí của quân đội Nga gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 05/03/2023. © Libkos / AP
Trong video thường nhật, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định "không một phần nào của Ukraine có thể bị bỏ mặc và rơi vào tay quân Nga". Phát biểu của tổng thống Ukraine được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều đồn đoán rằng, sau vài tháng cố thủ, các lực lượng Ukraine phải rút quân khỏi Bakhmut trước đà siết chặt vòng vây của đối phương. AFP trích dẫn một binh sĩ Ukraine xin ẩn danh : "Bakhmut sẽ thất thủ. Chúng tôi gần như đã bị bao vây. Các đơn vị đang rút dần theo từng nhóm nhỏ".
Về phía Kiev, nhiều quan chức tuyên bố rằng việc phòng thủ Bakhmut đã tạo nên một "thành công chiến lược", vì đã buộc Nga phải dồn quân về quanh Bakhmut, làm suy yếu khả năng tấn công của quân đội Nga ở những nơi khác.
Mykhaïlo Podoliak, một cố vấn của phủ tổng thống Ukraine, tối hôm qua, cho AFP biết là có một "sự đồng thuận trong quân đội về việc cần tiếp tục bảo vệ thành phố và làm tiêu hao lực lượng quân địch, đồng thời xây dựng các tuyến phòng thủ mới để chuẩn bị cho trường hợp tình hình thay đổi". Ông Podoliak cũng nhấn mạnh, "việc phòng thủ ở Bakhmut đã đạt mục tiêu" là làm suy kiệt lực lượng Nga, giúp quân đội Ukraine có thời gian huấn luyện "hàng chục ngàn binh sĩ để chuẩn bị phản công". Theo hướng này, bất kể điều gì xảy ra, việc phòng thủ ở Bakhmut vẫn sẽ mang lại "một thành công chiến lược lớn".
Thành phố Bakhmut có khoảng 70.000 dân trước chiến tranh và trong những tháng qua, là nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine để giành quyền kiểm soát vùng công nghiệp Donbass, miền đông Ukraine.
Thùy Dương
Chiến tranh Ukraine và sự phi lý mang tên Bakhmut : Ít ý nghĩa chiến lược, nhiều thiệt hại nhân mạng
Hôm nay là Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, bên cạnh các bài viết về cuộc đấu giữa chính phủ và giới nghiệp đoàn Pháp về cải tổ chế độ hưu trí, đa phần các báo Pháp đều dành nhiều chỗ để nói về tình trạng bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chiến tranh Ukraine vẫn là chủ đề không thể thiếu. Nếu như Libération nói về "Tù nhân chiến tranh : Một người hùng mới của Ukraine", La Croix có bài xã luận "Chiến tranh đến mức phi lý" để nói về Bakhmut.
Binh sĩ Ukraine gần thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, ngày 07/03/2023. AP - Libkos
La Croix nhận định, từ một thành phố với 70.000 dân, ở trung tâm vùng Donbass, miền đông Ukraine, Bakhmut nay chỉ còn là khu đổ nát, bị phá hủy tới hơn 80%. Chính quyền Ukraine không công khai thừa nhận thất bại ở Bakhmut, tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn yêu cầu quân đội tăng viện để bảo vệ Bakhmut. Nhưng những lời chứng mà La Croix thu thập được gần khu vực này cho thấy Bakhmut gần như đã bị bao vây hoàn toàn.
La Croix gọi đây là một trận chiến phi lý. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng chiến thắng ở Bakhmut không thể mang lại những biến chuyển lớn trong cuộc chiến Ukraine. Tác động lớn nhất là về tâm lý. Moskva trông chờ vào chiến thắng ở Bakhmut để xóa tan nỗi nhục mang tên Kherson, địa phương mà Ukraine đã giải phóng hồi mùa thu năm ngoái. Đối với Moskva, chiến thắng ở Bakhmut cũng chứng tỏ các lực lượng Nga vẫn làm chủ được tình hình.
Theo La Croix, một nguyên nhân khác đẩy Bakhmut thành "thảm kịch", mà tổn thất của cả hai bên dường như đều rất nghiêm trọng, là các cuộc đấu đá giữa các phe nhóm quanh Vladimir Putin, một bên là Yevgeny Prigozhin, ông chủ đội lính đánh thuê Wagner hiện đang ở tiền tuyến Bakhmut, và bên kia là tổng tham mưu trưởng quân đội và bộ trưởng quốc phòng Nga.
La Croix hết luận chính vì những lý do kể trên mà Bakhmut nay có tên trong danh sách dài các trận chiến có thiệt hại nhân mạng vô cùng thê thảm, trong khi không có nhiều lợi ích chiến lược.
Cải cách sách giáo khoa lịch sử Ukraine : Trận đánh xa chiến trường
Báo Le Monde số hôm nay phát hành từ trưa thứ Ba, quan tâm dàn trải đến vô cùng nhiều chủ đề, cả về quốc tế và thời sự trong nước : Tổng thống Macron trước thách thức đổi mới dân chủ ; lợi thế của giới nghiệp đoàn Pháp trong cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí, thông điệp báo động của chính phủ Pháp về hạn hán, nạn bất bình đẳng với nữ giới trong lĩnh vực nông nghiệp tại Pháp, xu hướng cực đoan của cánh hữu tôn giáo Israel, sự đoàn kết của liên đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với ứng viên Erdogan trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới, Ngân hàng thế giới trước thách thức như biến đổi khí hậu…
Nhìn sang Ukraine, Le Monde tạm gạt sang một bên tình hình chiến sự để hướng tới một mặt trận khác trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược, đó là những bài giảng lịch sử trên lớp cho học sinh. Vốn ít được nhắc tới nhưng nay Kiev đó xem như một thử thách có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia của Ukraine, chống Nga và cũng là để dựng xây một đất nước Ukraine trong tương lai, thoát khỏi di sản Liên Xô để lại và hướng hoàn toàn sang Liên Âu.
Le Monde cho biết Kiev đã lập một nhóm công tác để khẩn trương đổi mới chương trình giảng dạy và đấu tranh chống hoạt động tuyên truyền của Nga. Chương trình phải sẵn sàng ngay cho niên khóa 2023-2024. Các cụm từ như "cuộc xâm lược diện rộng", "chiến tranh", "tư tưởng Putin", "đế chế Xô Viết"… sẽ được đưa vào sách giáo khoa ở Ukraine. Le Monde trích dẫn Hannah Baikenich, Viện tưởng niệm quốc gia Ukraine, theo đó "các học sinh xứng đáng được biết sự thật". Dạy lịch sử thế nào để học sinh hiểu được về lịch sử "đích thực của Ukraine chứ không phải là lịch sử đã bị bộ máy tuyên truyền của Nga bóp méo" ? Le Monde gọi đó là "trận đánh xa chiến trường", tại các lớp học.
Le Monde nhắc lại từ nhiều năm nay, Vladimir Putin đã thao túng lịch sử. Hồi năm 2022, chủ nhân điện Kremlin cũng đã tìm cách viết lại lịch sử bằng cách biện minh cho cuộc xâm lăng là để "phi phát xít hóa" Ukraine. Ngay từ những ngày đầu xâm lược Ukraine, ở vùng quân Nga chiếm đóng, họ đã đẩy mạnh công cuộc Nga hóa : đốt sách sử Ukraine và thay bằng sách giáo khoa mới của Nga. Các tư liệu lưu trữ về hành vi trấn áp thời Liên Xô cũng bị tiêu hủy. Chính vì thế, một giáo viên, thành viên tổ công tác cải cách sách sử, cho Le Monde biết mặc dù một nửa số học sinh Ukraine đã phải di tản ra nước ngoài hay tới miền tây đất nước, nhưng nhà chức trách Ukraine vẫn thấy cần khẩn trương thay đổi giáo trình, gọi đúng tên sự thật.
Thụy Sĩ trung lập hay đồng lõa với Nga ?
Nhìn sang Thụy Sĩ, Le Monde giới thiệu bài phân tích "Chiến tranh Ukraine : Thụy Sĩ rời xa vận mệnh chung của Châu Âu" của thông tín viên Serge Enderlin từ Genève.
Biện minh rằng Thụy Sỹ là một quốc gia trung lập, Bern không muốn đứng về phe phương Tây để đối phó với đế quốc Nga. Yêu cầu cấm Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha gửi vũ khí của Thụy Sĩ cho quân đội Ukraine đã khiến nhiều người choáng váng. Nhưng nhà chức trách viện dẫn đặc thù trong hệ thống dân chủ Thụy Sĩ, tầm quan trọng của công luận thông qua trưng cầu dân ý. Bern cũng cho rằng số ít vũ khí của Thụy Sĩ sẽ không thể làm thay đổi cuộc xung đột.
Chủ tịch Liên bang Bỉ, nhiệm kỳ 2023 (vị trí luân phiên giữa 7 thành viên của Hội đồng Liên bang) Alain Berset, giải thích ông "rất lo ngại về bầu không khí hiếu chiến hiện đang ngự trị ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, kể cả ở Thụy Sĩ (...) thậm chí cả những người có tư tưởng ôn hòa trước đây, cũng bị cuốn theo cơn say chiến tranh (…). Không phải vì những ảo tưởng về sự ổn định, rồi những ảo tưởng về sự thay đổi đột ngột, mà đất nước chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách vận hành".
Tác giả bài viết đặt câu hỏi Thụy Sĩ đang ngạo nghễ hay ngây thơ ? Thụy Sĩ đang bị tố cáo vô cảm, thậm chí trục lợi từ chiến tranh khi chỉ nhẹ tay trừng phạt các nhà tài phiệt Nga. Không có đối tác Châu Âu nào của Thụy Sĩ phản đối tính trung lập của Bern, mà chỉ mong đợi Bern nhanh chóng thể hiện tính linh hoạt để thích ứng tính trung lập với thời đại mới. Ngoại trưởng Đức từng ám chỉ láng giềng Thụy Sĩ : "Không viện trợ Ukraine tức là chúng ta đang hùa theo trò chơi của Nga, nước muốn phá hủy trật tự thế giới. Khi đó, trung lập không còn là một lựa chọn mà là đứng về phía kẻ xâm lược".
Thông tín viên Le Monde kết luận Bern ngày càng tự loại mình ra khỏi vận mệnh chung của Châu Âu. Một ngày nào đó, sự thụ động của Bern có thể khiến Thụy Sĩ bị xem là đồng lõa với Nga.
Phương Tây và khả năng trấn áp kinh tế Trung Quốc
Về quan hệ kinh tế giữa Tây phương và Trung Quốc, Les Echos trong bài viết "Phương Tây nắm giữ đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc", ghi nhận 53% nhập khẩu của Trung Quốc là từ phương Tây theo nghĩa rộng, tức là Mỹ, Châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Tỉ lệ này trong lĩnh vực bán dẫn lên tới 68%, nếu tính cả hàng Trung Quốc nhập của Đài Loan. Chính vì thế, theo một nghiên cứu của viện Kinh tế Đức, Phương Tây là "mối đe dọa tiềm tàng và đáng kể" đối với Trung Quốc.
La Croix nhắc lại là mọi người từ trước tới nay vẫn nghĩ hiển nhiên là Tây phương rất lệ thuộc vào Trung Quốc, "công xưởng thế giới", nhưng nay cần phải nói đến chiều ngược lại. Trung Quốc cũng thực sự lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Tây phương và đó có thể là một phương tiện trấn áp của phương Tây.
Những mặt hàng Trung Quốc nhập nhiều nhất từ phương Tây là dược phẩm, nước hoa, mỹ phẩm, xe hơi, hóa chất, các loại hạt, thiết bị đo lường, y khoa và phẫu thuật… Theo Les Echos, Bắc Kinh đã ý thức được về điểm yếu của Trung Quốc và muốn phấn đấu vượt qua Tây phương. Hồi năm 2017, Tập Cận Bình đã công bố danh sách các lĩnh vực mà đến năm 2030 Trung Quốc cần đạt được khả năng độc lập, trong đó có công nghệ robot, công nghệ sinh học, bán dẫn, không gian vũ trụ và xe hơi chạy điện.
Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, Viện Chính sách Xã hội Châu Á, đến nay Trung Quốc đã mở rộng vòng tay với mọi tập đoàn nước ngoài trong các lĩnh vực kể trên nếu thấy các tập đoàn này có thể giúp cho Trung Quốc đạt các bước tiến trong lĩnh vực có liên quan.
Về phía Châu Âu, La Croix nhận định dù đã kiểm soát tốt hơn các đầu tư của Trung Quốc, nhưng các nước Châu Âu vẫn phản ứng khá chậm chạp.
Pháp và kế hoạch bình đẳng giới : 4 trục hành động - 100 biện pháp
Trở lại với Ngày Quốc tế Phụ nữ, báo kinh tế Les Echos cho biết trong lĩnh vực ngân hàng ở Châu Âu, tỉ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo các nhà băng đã tăng dần, nhưng vẫn chậm. Tính trung bình trên toàn Châu lục, chỉ có 11% ngân hàng có lãnh đạo là nữ giới. Xét về tỉ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo các định chế tài chính tại từng nước giai đoạn 2019-2021, đứng đầu bảng là Bulgari với 42,9% giới lãnh đạo ngân hàng là nữ. Tiếp theo là Phần Lan, Estonia, Pháp. Xếp cuối bảng là Đức, Ý, Bỉ. Riêng tại Pháp, Les Echos cho biết nữ giới chiếm 57% nhân lực ngành ngân hàng, nhưng đa phần các ngân hàng lớn vẫn do nam giới điều hành và khoảng cách thu nhập giữa hai phái vẫn cao.
Về biện pháp của chính phủ để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, Les Echos cho biết hôm nay chính phủ Pháp công bố một kế hoạch hành động 4 năm theo 4 trục chính : đấu tranh chống bạo lực nhắm với nữ giới ; cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ ; tăng cường bình đẳng giới về kinh tế và nghề nghiệp ; phát triển văn hóa bình đẳng. Ngân sách năm 2023 cho kế hoạch bình đẳng giới, với khoảng 100 biện pháp cụ thể, là 2,3 tỉ euro.
Quyền phá thai và nền móng của phong trào nữ quyền
Cũng về bảo vệ quyền của phụ nữ, nhưng khác với Les Echos, La Croix tập trung vào cuộc đấu tranh bảo vệ quyền phá thai tại Pháp, quyền mà trên trang nhất, La Croix gọi là "nền tảng của phong trào nữ quyền". La Croix nhận định nếu như các chủ đề như chuyển giới, gái mại dâm, các biện pháp hỗ trợ sinh sản … còn gây chia rẽ giới đấu tranh bảo vệ nữ quyền, thì quyền phá thai luôn có sự đồng thuận của các tổ chức đấu tranh cho phụ nữ, và được xem là "quyền phổ quát".
Báo Công giáo cho biết có thể hôm nay tổng thống Pháp Macron sẽ công bố ý tưởng nhằm đưa quyền phá thai vào Hiến pháp.
Khủng hoảng : Phụ nữ là nạn nhân đầu tiên
Nhìn sang Libération, tờ báo thiên tả nhận định đối mặt với khủng hoảng kinh tế, phụ nữ là các nạn nhân đầu tiên và mang tính hệ thống, khiến tình trạng bất bình đẳng giới càng thêm nghiêm trọng.
Tại Pháp, tỉ lệ phụ nữ là quan chức và làm việc trong các ngành tri thức cao cấp chỉ chiếm 43% trong khi xét về trình độ học vấn, phụ nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới. Tỉ lệ phụ nữ làm việc bán thời gian cao gấp 3 lần so với nam giới. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn 25% so với đồng nghiệp nam.
Một điều đáng buồn được Libération nhắc đến là mặc dù từ nhiều thập kỷ nay, tình hình đã có những cải thiện, nhưng bất bình đẳng kinh tế, tài sản vẫn dai dẳng và ngày càng gia tăng. Ở mọi thời điểm quan trọng trong cuộc đời, như về công việc, hôn nhân, về hưu … phụ nữ đều gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới, đặc biệt khi ly dị, hưởng thừa kế.
Libération đặc biệt chỉ trích là chính chính sách gia đình của Pháp có từ thời hậu chiến, cả về thuế khóa, trợ cấp xã hội, trợ cấp đặc biệt cho các bậc phụ huynh đơn thân nuôi con… đã góp phần khiến những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn càng thêm vất vả, trong khi bất bình đẳng về lương chưa được giải quyết, khoảng cách về thu nhập và tài sản giữa hai phái vẫn cao.
Du lịch cho phái nữ
Nhẹ nhàng hơn, Le Figaro nói về sự phát triển của loại hình du lịch mới dành riêng cho phái nữ. Trước đây, khi đi du lịch, nữ giới thường đi với gia đình, nhưng nay ngày càng có nhiều phụ nữ đi du lịch một mình hoặc cùng với nhóm bạn đồng hành cũng là nữ. Theo Tổ chức du lịch thế giới, số phụ nữ đi du lịch một mình tăng từ 59 triệu vào năm 2014 lên thành 139 triệu vào năm 2017. Nhiều phụ nữ người thích đi du lịch với các bạn đồng hành cùng phái bởi với họ, điều đó mang lại cảm giác thoải mái, họ có thể chia sẻ mọi chuyện, giúp đỡ lẫn nhau, động viên khích lệ nhau.
Trước nhu cầu mới này, nhiều khách sạn đã nắm bắt cơ hội. Chẳng hạn, SHE Travel Club đã phát triển hệ thống phục vụ khách hàng toàn là phụ nữ, với 70 tiêu chí, đáp ứng các nhu cầu đặc thù của phái nữ, từ vệ sinh, an toàn, đến ăn uống…
Thùy Dương
Bakhmut vẫn đứng vững !
Hoàng Quốc Dũng, 07/03/2023
Chiến sự Bakhmut là chủ đề lớn nhất hiện nay. Chưa biết nó sẽ là cái nồi hầm của bên nào. Từ đầu cuộc chiến đến giờ phía Nga liên tục đưa ra khái niệm nồi hầm để chỉ các thành phố sẽ làm cho Ukraine tổn thất nặng. Nhưng trên thực tế thì đó lại chính là các nồi áp xuất để hầm quân Nga, khiến quân Nga bỏ chạy toán loạn.
Bakhmut là một điểm đen trong cuộc chiến tại Ukraine, số người chết của hai bên rất cao
Tuy nhiên sau những cuộc tháo chạy, quân Nga hiện nay đã tổ chức phản công rất mạnh chủ yếu bằng các chiến thuật biển người như Trung Quốc đã làm với Việt Nam. Nga thực sự ít quan tâm đến số mạng quân lính. Thống kê, tôi lại nói về số liệu thống kê vì cũng đã từng phục vụ 10 năm trong ngành. Các nhà thống kê rất giỏi. Mới đây thôi, họ đã tính được tuổi thọ bình quân của lính Nga trên chiến trường Ukraine là 60 ngày và đặc biệt là tuổi thọ bình quân của lính Nga tại Bakhmut là 4 tiếng. Phương pháp tính và cách tính quá phức tạp xin được miễn bàn ở đây. Chỉ biết rằng quân Nga tập trung rất lớn quân ở đây quyết giành một chiến thắng có tính chất chính trị. Đại đế Putin rất cần và đã ra lệnh, ở dưới cứ thế mà làm. Thiệt hại nhân mạng là chuyện nhỏ.
Từ một tháng nay, ngày nào cũng nghe tin Bakhmut sắp thất thủ mà mãi nó không thất thủ. Lạ thật. Cứ theo thông tin của đám bò phò Nga thì Bakhmut đã thất thủ từ lâu và quân Nga đã tiến đến gần Kiev.
Xin khẳng định với quý vị là bây giờ đây sắp sang ngày 7/03/2023, Bakhmut vẫn đứng vững.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là quân Ukraine cũng có nhiều tổn thất tại đây. Lựa chọn giữ hay bỏ là rất khó khăn. Nga thực sự mong muốn viện binh của Ukraine đến đây cùng với các khí tài mới nhận của Phương tây để đánh một trận sống mái, để quay phim chụp hình đưa lên TV, chứng minh cho thiên tài Putin. Ukraine nếu muốn giữ thì bằng mọi cách phải tránh cái bẫy này.
Những thông tin mới nhất cho biến, ngay trong hàng ngũ lãnh đạo của Ukraine cũng có bất đồng quan điểm về Bakhmut, thậm chí bất đồng quan điểm có thể còn dẫn đến rạn nứt tình đoàn kết trong nội bộ Ukraine. Đây là thông tin để chúng ta tham khảo thôi. Tôi không có khẳng định gì về sự đoàn kết trong nội bộ Ukraine. Có vẻ như tướng Valeri Jalujny, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine đã gây áp lực với tổng thống Zelensky để yêu cầu rút quân khỏi Bakhmut. Có vẻ như có căng thẳng giữa ông tướng rất nổi tiếng này với Tổng thống Zelensky, người vừa mới ra một sắc lệnh đề bạt ông tướng Oleksander Oleksivovich Pavluk lên làm tổng tư lệnh tối cao, một chức vụ mới được tạo ra. Zelensky có vẻ quyết tâm cố thủ Bakhmut. Thực sự đây không phải tin vui đối với Ukraine đang lúc dầu sôi lửa bỏng. Tuy nhiên chúng ta không thể biết rõ được những thao tác này của Zelensky thực sự là để làm gì. Trong binh pháp người ta có thể dương đông kích tây bằng nhiều cách khác nhau.
Kiểu gì thì kiểu, Bakhmut mất hay còn thì sau mùa đông này Ukraine sẽ tổng tiến công và đến mùa hè này sẽ ngã ngũ cán cân nghiêng về bên nào.
Vivat Ukraine !
Hoàng Quốc Dũng
(07/03/2023)
***************************
Nếu mất Bakhmut, Ukraine cần "triệt thoái trong trật tự" để bảo toàn lực lượng
Trọng Nghĩa, RFI, 06/03/2023
Đối với giới chuyên gia phân tích quân sự, cục diện trận đánh Bakhmut gần như đã ngã ngũ, và lực lượng Kiev không thể giữ được thành phố miền Đông này trước việc Nga dồn sức tấn công từ nhiều tháng nay, bất chấp tổn thất nặng nề. Vấn đề đặt ra đối với Ukraine là làm sao tổ chức tốt được chiến dịch triệt thoái, để cuộc rút lui không biến thành một cuộc tháo chạy, qua đó bảo toàn lực lượng cho những cuộc phản công tương lai.
Binh sĩ Ukraine hoạt động ở gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine ngày 03/03/2023. Reuters - Stringer
Theo các chiến lược gia quân sự được nhật báo Pháp Ouest-France ngày 04/03/2023 trích dẫn, thì trong chiến tranh, một chiến dịch triệt thoái trong trật tự và có kiểm soát là một công việc đặc biệt khó thực hiện và tế nhị, nhất là trong bối cảnh ranh giới giữa rút lui và tháo chạy rất mong manh. Đây sẽ là điều mà quân đội Ukraine phải thực hiện đối với lực lượng của họ, đang bị Nga bao vây trong thành phố Bakhmut sắp thất thủ, một chiến dịch mà lực lượng Kiev phải hoàn thành tốt đẹp nếu không muốn rơi vào thế thất bại khi bị quân Nga bám sát theo sau.
Đối với các chuyên gia, lịch sử đầy rẫy những ví dụ về thành công hay thất bại của một chiến dịch rút lui trong trật tự hay một cuộc tháo chạy tán loạn. Cuộc triệt thoái của Hồng Quân Liên Xô trước bước tiến của lực lượng Đức Quốc Xã trong những năm 1942-1944 là một thành công, vì trên đường lui, lực lượng Liên Xô đã biết tổ chức những trận đột kích làm chậm đà truy đuổi của quân Đức.
Ngược lại, đạo quân vĩ đại của Napoléon vào năm 1812 hay lực lượng Wehrmacht của Đức chống lại Hồng Quân trong những năm 1944-1945 đã bị rệu rã hoàn toàn khi rút lui tán loạn trước sự phản công của đối phương.
Theo chiến lược gia người Úc Mick Ryan, giám đốc Học viện Quốc phòng Úc, trong trường hợp Bakhmut, lực lượng Ukraine rất có thể là sẽ phải rút đi trước sức ép ghê gớm của Nga, nhưng cần bảo toàn các lực lượng triệt thoái, bảo toàn tiềm lực quân sự cho các hoạt động trong tương lai. Điều này đòi hỏi "việc lên kế hoạch và tổ chức một cách hoàn hảo" và tuân thủ một số nguyên tắc.
Nguyên tắc đầu tiên : chuẩn bị tuyến đường lui và sắp xếp xen kẽ việc sơ tán người và thiết bị. Đấy là điều mà Nga đã không làm được khi tháo chạy trước cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Kharkiv vào tháng 9, nhưng đã đạt được kết quả tốt hơn nhiều trong cuộc rút quân khỏi Kherson vào đầu tháng 11.
Đối với chuyên gia Mick Ryan, trong trường hợp Bakhmut, Ukraine phải "che giấu ý định triệt thoái bằng cách gây nhiễu tối đa". Và đến thời điểm triệt thoái, họ vừa phải rút quân, vừa phải chống lại áp lực của Nga để ngăn chặn truy binh.
Theo chuyên gia này, vào lúc đó, quận đội Ukraine phải khiến lực lượng Nga bị rối loạn bằng những chiến dịch không kích, pháo kích và gây nhiễu. Sau đó, các đơn vị mặt đất sẽ phải rời vị trí "một cách có trật tự và đúng thời gian đã định".
Sau nhiều tháng tấn công, quân đội Nga và các nhóm bán quân sự gần như đã bao vây được Bakhmut, và hiện lực lượng Ukraine chỉ còn kiểm soát được một con đường duy nhất ở phía tây thành phố. Đó sẽ là đường triệt thoái, và Ukraine cần điều động một đơn vị cơ giới hùng hậu để bảo vệ đường lui của mình, làm nản chí những đơn vị Nga muốn truy đuổi.
Theo Mick Ryan, nếu triệt thoái thành công khỏi Bakhmut, lực lượng Ukraine có thể dồn về Kramatorsk, bảo vệ một "hệ thống phòng thủ mà họ đã mất 8 năm để chuẩn bị".
Trọng Nghĩa
*************************
Chiến tranh Ukraine : Chính quyền tỉnh biên giới Nga thông báo bắn hạ 3 tên lửa
Trọng Thành, RFI, 06/03/223
Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 3 tên lửa, theo thông báo ngày hôm 06/03/2023, của thống đốc tỉnh Belgorod, miền tây nam Nga, giáp giới với Ukraine, nhưng quan chức này không cho biết các tên lửa bị bắn hạ có phải của Ukraine hay không.
Một hố đạn pháo ở ngoại ô Belgorod, Nga, ngày 16/10/2022. Ảnh do Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod công bố. AP
Reuters dẫn lại thông báo của thống đốc Nga Vyacheslav Gladkov, đăng tải trên mạng Telegram, cho biết : "Một người đàn ông bị thương ở tay do mảnh đạn". Theo viên thống đốc tỉnh, các mảnh vỡ rơi làm đứt đường dây điện gần thị trấn Novy Oskol, nhưng hiện tại mức độ thiệt hại chưa được xác định.
Hãng tin Anh ghi nhận, thống đốc Nga lần này đã không nói rõ lực lượng nào đứng sau các vụ tấn công, ngược với việc trước đây lãnh đạo địa phương này đã từng nhiều lần cáo buộc lực lượng Ukraine ở phía bên kia biên giới thực hiện các cuộc tấn công tương tự. Hồi tuần trước, theo thị trưởng thành phố Belgorod, thành phố này đã bị 3 drone tấn công, nhưng không có ai thương tích trong sự cố này. Thành phố Belgorod, cách biên giới khoảng 40 km, đối diện với tỉnh miền đông bắc Kharkiv của Ukraine, và cách thành phố Kharkiv của Ukraine khoảng 70 km.
Nhiều kho đạn, kho xăng dầu, sử dụng trong chiến tranh tại Ukraine, được đặt tại tỉnh biên giới Belgorod. Belgorod đã nhiều lần bị tấn công kể từ khi Moskva mở cuộc xâm lăng Ukraine. Đây là vùng lãnh thổ Nga bị tấn công đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng tại Ukraine. Hồi giữa tháng 10/2022, một kho xăng, đạn dược của Nga tại Belgorod bị oanh kích.
Thông báo về cuộc oanh kích bằng tên lửa nhắm vào Belgorod đặt ra nhiều câu hỏi. Trong lúc nhiều chuyên gia dự báo là Nga sẽ tiếp tục can thiệp quân sự lâu dài tại Ukraine, có một số quan điểm trái ngược. Trên báo Odessa của Ukraine ngày 28/02, chuyên gia quân sự, đại tá Quân đội Ukraine Roman Svitan cho rằng nhà cầm quyền Nga đang "chuẩn bị tâm lý cho người dân Nga" với kịch bản rút quân đội khỏi nhiều vùng chiếm đóng tại Ukraine. Theo viên đại tá Ukraine, việc từ nhiều tháng nay hàng loạt hệ thống phòng thủ được xây dựng tại ba tỉnh biên giới Belgorod, Kursk và Bryansk có thể coi là một dấu hiệu để Moskva khẳng định với dân chúng là chính quyền chuyển sang phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ biên cương chống lại các đe dọa "khủng khiếp" từ phương Tây.
Trọng Thành