Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine đã bắt đầu phản công quân Nga chiếm đóng lãnh thổ hay chưa ? Câu trả lời: Nó đã bắt đầu từ khoảng hơn một tuần nay. Putin đã phản ứng một cách mất trí và tuyệt vọng bằng cách phá hủy đập thủy điện khổng lồ Nova Kakhovka, thuộc tỉnh Kherson do quân đội Nga kiểm soát. Mục đích của Putin là ngăn cản bước tiến phản công của quân đội Ukraine. Hành động này có thể làm cuộc phản công chậm lại 1-2 tháng nhưng kết quả cuối cùng sẽ không thay đổi.

Nga nhanh chóng đổ lỗi cho Ukraine nhưng ai còn có thể tin Nga? Đập thủy điện này do Nga kiểm soát, Ukraine chỉ có thể phá hoại bằng cách bắn tên lửa từ xa nhưng tên lửa không đủ sức phá hoại con đập. Ukraine chẳng có lý do gì để phá hoại nó. Việc bán đảo Krime của Ukraine đang bị Nga chiếm đóng bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước khi đập vỡ chắc chắn không làm Putin quan tâm. Mạng người trong các chế độ độc tài chỉ là cỏ rác.

uk0

Hành động phá hoại đập thủy điện Nova Kakhovka của Nga là một tội ác nghiêm trọng chống lại người dân Ukraine.

Sau 15 tháng của cuộc chiến, tương quan lực lượng giữa Nga và Ukraine đã thay đổi. Nga từ một ‘cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới’ đã trở thành ‘cường quốc quân sự thứ hai tại Ukraine’. Ukraine bây giờ là cửa trên, Nga là cửa dưới. Quân đội Nga đã chuyển từ thế tấn công sang phòng ngự. Sự thất bại đã quá rõ ràng. Khi một đội quân viễn chinh hùng mạnh đi xâm lược một nước khác thì bắt buộc phải ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Không một đội quân viễn chinh nào có thể phòng thủ lâu dài trên đất nước đối phương.  

Mong muốn của Putin hiện nay là cố phòng thủ để giữ được những khu vực đã bị sát nhập một cách bất hợp pháp vào lãnh thổ Nga và sau đó là đóng băng cuộc chiến như hồi năm 2014. Ai cũng biết phòng thủ luôn có lợi thế hơn tấn công. Bên tấn công phải có lực lượng mạnh hơn bên phòng thủ ít nhất từ 3 đến 4 lần. Suốt nhiều tháng qua quân Nga đã ‘đào hào đắp lũy’ một cách vô cùng kiên cố với nhiều lớp bảo vệ nhằm đối phó với các cuộc phản công của Ukraine. Lực lượng của Nga hiện vào khoảng 300.000 quân, tương đương với Ukraine.

So sánh tương quan lực lượng giữa hai bên dựa trên 3 tiêu chí: Hỏa lực, nhân lực và trang bị vũ khí thì Ukraine đều hơn hẳn Nga. Về hỏa lực, tuy Nga hơn Ukraine về số lượng pháo binh và xe tăng nhưng chất lượng của chúng không bằng các loại vũ khí mà Mỹ và Liên Hiêp Châu Âu (EU) cung cấp cho Ukraine. Pháo binh Nga bắn bừa bãi và thường là không chính xác trong khi pháo Hamars lại có độ chính xác rất cao. Nhân lực của hai nước là tương đương nhưng chất lượng quân đội Ukraine hơn hẳn Nga vì họ có chính nghĩa, họ đang bảo vệ quê hương, bảo vệ đồng bào của họ. Trong khi đó quân Nga vừa không có chính nghĩa (vì là kẻ xâm lược) vừa ô hợp. Đội quân Wagner đánh thuê của ông trùm Prigozhin lấn áp cả quân đội chính qui của Nga và đối lập với các nhóm khác, ví dụ với đội quân Chechnya của Kadyrov. Về trang bị vũ khí thì Ukraine đã được các nước dân chủ ủng hộ rất dồi dào nên cũng vượt trội quân Nga.

tongphancong0

Quân đội Ukraine bây giờ là ‘cửa trên’ so với quân Nga. Thất bại của Nga là chắc chắn 100%.

Ukraine nhiều lần tuyên bố họ sẽ phản công vào đầu mùa xuân nhưng rồi mùa xuân đã đi qua mà vẫn chưa thấy Ukraine động tĩnh gì. Lý do, Ukraine đang cần thêm thời gian để binh sĩ hoàn thành các khóa đào tạo sử dụng các loại vũ mới và hiện đại của NATO. Ukraine cũng muốn đánh vào tâm lý của quân đội Nga khi buộc Nga lui về phòng thủ trong căng thẳng (không biết bị đối phương đánh khi nào, đánh ở đâu và đánh như thế nào…). Trong chiến tranh hiện đại không chỉ mỗi vũ khí mà còn cần đến cả chiến tranh tâm lý, truyền thông và phản gián.

Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao Mỹ và EU viện trợ vũ khí rất nhỏ giọt cho Ukraine thay vì viện trợ ồ ạt với số lượng lớn để Ukraine nhanh chóng đánh đuổi quân xâm lược Nga. Thật sự mọi việc không đơn giản như vậy. Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nên họ chưa có cơ hội tiếp cận và học hỏi cách sử dụng các loại vũ khí mới và hiện đại của NATO. Cần phải có thời gian để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các loại vũ khí đó. Sở dĩ các loại vũ khí mới như máy bay F-16 của Mỹ chưa có mặt tại Ukraine vì nó chưa sẵn sàng. Các phi công Ukraine chưa huấn luyện xong. Ukraine sẽ có tất cả các loại vũ khí cần thiết vào thời gian thích hợp để tổng phản công, đánh đuổi quân xâm lược Nga ra khỏi lãnh thổ. Lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là cuộc chiến truyền thông của hai bên. Nga một bên và Ukraine với các nước dân chủ một bên. Với thời gian, các hành động dã man, điên cuồng và độc ác của Putin và quân đội Nga ngày càng được phơi bày trước dư luận thế giới. Các vụ tấn công của tên lửa Nga vào các khu dân cư, bệnh viện, trường học gây ra cảnh đỗ vỡ và chết chóc cho nhiều người dân vô tội diễn ra thường xuyên tại Ukraine khiến dư luận trên toàn thế giới phẫn nộ.

Việc cho nổ tung con đập Nova Kakhovka mới đây, gây ngập lụt trên diện rộng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái càng khiến dư luận nổi giận. Đã có những ý kiến tại EU rằng NATO cần phải tham chiến trực tiếp chứ không thể để Putin lộng hành như vậy. Trong cuộc chiến này Mỹ và EU muốn cả thế giới thấy được sự tàn bạo và phi nhân tính của Putin. Chính Putin là tội đồ, là kẻ gây ra cuộc chiến hủy diệt lớn nhất trong thế kỷ 21 chứ không phải Ukraine và phương Tây. 

Việc Putin hy vọng quân Nga sẽ thành công trong việc phòng thủ để đóng băng cuộc chiến này và chờ dư luận phương Tây mệt mỏi và Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là hoàn toàn vô vọng. Tất cả các nước phương Tây đều cam kết ủng hộ Ukraine đến cùng. Dù 15 tháng đã trôi qua nhưng dư luận phương Tây không hề phản đối sự ủng hộ của chính quyền họ dành cho Ukraine. Donald Trump có khả năng cao là sẽ vào tù trước khi làm tổng thống (một lần nữa) và cho dù bất cứ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây thì chính sách của Mỹ đối với Nga và Ukraine sẽ không thay đổi. Các gói viện trợ quân sự của chính quyền Biden dành cho Ukraine luôn bị đảng Cộng hòa ‘bác bỏ’ vì…vẫn ít.

luoi0

Vũ khí quyết định sự thắng bại trên chiến trường Ukraine là Drone. Nga đã quá tụt hậu và kém cỏi trong lĩnh vực này.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm thức tỉnh thế giới. Sau khi Liên bang Xô Viết cáo chung năm 1991 thì tất cả các nước dân chủ đều cho rằng thế giới từ nay trở đi sẽ không còn chiến tranh nữa. NATO gần như đã chết ‘lâm sàng’ (theo lời tổng thống Pháp Macron). Trừ Mỹ, tất cả các nước EU đều cắt giảm chi tiêu quân sự, vũ khí họ sản xuất chỉ để xuất khẩu là chính. Sau khi cuộc chiến nổ ra, chính quyền Đức đã chi 100 tỉ Euro cho quốc phòng, đây là một con số rất lớn. Các nước khác cũng vậy. Thụy Điển, Phần Lan nhanh chóng lấy quyết định gia nhập khối NATO. Một cuộc chạy đua vũ trang đã bắt đầu. Tâm lý chuẩn bị cho chiến tranh đã quay lại với thế giới và điều này khó có thể thay đổi sau một thời gian ngắn. Nga sẽ kiệt quệ và gục ngã là đương nhiên. Quốc gia thứ hai tiếp theo Nga sẽ kiệt quệ và gục ngã trong cuộc chạy đua vũ trang này chính là Trung Quốc.

Trung Quốc là đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của Nga nhưng Tập Cận Bình đã bỏ mặc Putin. Ngoài việc lợi dụng sự thất thế của Nga để tranh thủ mua dầu giá rẻ và bán hàng hóa tiêu dùng cho Nga thì Trung Quốc đã không hề cung cấp vũ khí cho Putin như các nước dân chủ đã và đang giúp Ukraine. Ngay cả khi Trung Quốc nhảy vào tham chiến cùng Nga thì kết quả của cuộc chiến cũng không thay đổi. Trung Quốc biết tự lượng sức mình. Sự sụp đổ của nước Nga sẽ khiến Trung Quốc khốn đốn vì bị cô lập. Hai trụ cột của phe độc tài đã bị mất đi một. Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào Nga về năng lượng. Nếu nước Nga tan rã và làn sóng dân chủ thứ Tư tràn đến Nga thì tương lai của Trung Quốc càng trở nên đen tối.

Một nỗi lo lớn của dư luận là khi cùng đường Putin sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại thế giới. Khả năng này, nếu có, cũng chỉ là một phần triệu. Những kẻ độc tài thường ham sống sợ chết. Tay chân thân tín của Putin đều là tỉ phú đô la, họ sẽ không đời nào chịu chết cùng Putin. Hơn nữa để khởi động cuộc chiến hạt nhân không hề đơn giản. Phải bao gồm nhiều mắt xích và nhiều lớp. Suốt thời gian qua chắc chắn Mỹ và EU đã loại trừ được nguy cơ này bằng cách chặt đi một mắt xích trong nhiều mắt xích, một lớp trong nhiều lớp đó để Putin dù có muốn cũng không thể kích hoạt được chiến tranh hạt nhân. Phương pháp đó không có gì mới, nó bao gồm việc mua chuộc, phân hóa và răn đe những người nắm trong tay chìa khóa để kích hoạt kho vũ khí hạt nhân. Mặt khác, các kho vũ khí này luôn được giám sát chặt chẽ và có thể Mỹ đã chuyển cho phía Nga thông điệp là họ sẽ tấn công phủ đầu khi Nga mở cửa hầm chứa các kho vũ khí hạt nhân.

Có ý kiến cho rằng Putin sẽ không bao giờ chịu thua, ông ta sẽ tìm mọi cách để giữ những vùng đất đã chiếm được của Ukraine bởi vì nếu chấp nhận thua trận tại Ukraine thì đồng nghĩa với việc Putin sẽ bị lật đổ và có thể bị mất mạng. Lịch sử nước Nga không có chỗ cho một vị Sa hoàng mềm yếu và thua cuộc. Bạo lực và dối trá là bản chất của nước Nga. Độc giả nên đọc bài phỏng vấn của nhà văn Nga, 62 tuổi, đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Mikhail Shishkin về nước Nga (được Nguyễn Đức Thành chuyển ngữ) ‘Đế quốc Nga sẽ tan rã và thời kỳ hậu Putin sẽ đầy bạo lực’. Tất nhiên là Putin không muốn thua nhưng vấn đề ở đây không phải là muốn hay không muốn, chịu hay không chịu mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả trên chiến trường. Trong cuộc chiến này Putin không có cửa thắng dù chỉ là một phần trăm. Khi thua thì phải chấp nhận những điều kiện do bên thắng cuộc áp đặt. Không ai muốn lên bàn mổ nhưng khi bị mắc bệnh, để cứu lấy tính mạng thì tất cả đều phải chấp nhận nằm lên bàn mổ. 

mikhail1

Độc giả rất nên đọc bài phỏng vấn của nhà văn Nga, 62 tuổi, đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Mikhail Shishkin về nước Nga (được Nguyễn Đức Thành chuyển ngữ) ‘Đế quốc Nga sẽ tan rã và thời kỳ hậu Putin sẽ đầy bạo lực’.

Quay trở lại với cuộc phản công của Ukraine. Mặc dù kẻ phòng thủ luôn lợi thế hơn phe tấn công nhưng ngược lại phe tấn công có những ưu thế đó là họ có quyền chọn địa điểm và thời gian để tấn công. Trên một mặt trận kéo dài hơn 1200 km, Nga không đủ quân để trải đều nên Ukraine sẽ chủ động tấn công Nga ở những điểm yếu, phòng bị kém. Việc Ukraine hỗ trợ ‘quân đoàn tự do Nga’ để kéo dài chiến tuyến tại tỉnh Belgorod là nhằm mục đích đó. Các cuộc phản công gần đây mới chỉ để thăm dò lực lượng Nga, sau đó Ukraine sẽ dốc một lực lượng gấp 5-10 lần để chọc thủng những khu vực mà họ muốn. Ukraine cũng không cần phải đánh chiếm tất cả các khu vực dọc theo chiến tuyến mà chỉ cần đánh thắng vài địa điểm với chiến thắng áp đảo là cũng đủ làm cho quân Nga hoảng loạn, rã hàng và tháo chạy. Xin nhắc lại, một đội quân xâm lược không có lý do hay động cơ để chiến đấu đến cùng như những người đang bảo vệ tổ quốc của họ.

Cuộc phản công của Ukraine sẽ kéo dài bao lâu? Theo chúng tôi đến cuối năm nay cuộc chiến có thể chấm dứt với chiến thắng dành cho Ukraine. Tôi không đi sâu vào chi tiết của cuộc phản công như Ukraine sẽ đánh ở đâu, đánh như thế nào, bao nhiêu người lính sẽ hy sinh…vì đó chỉ là tiểu tiết. Điều quan trọng nhất là kết quả sau cùng, Ukraine chắc chắn sẽ chiến thắng. Một trật tự thế giới mới sẽ được hình thành, thế giới sẽ chia thành hai cực, độc tài và dân chủ. Nước Nga sẽ tan rã và Trung Quốc sẽ rất khốn đốn. Càng ngày các nước dân chủ sẽ nhận ra rằng việc hợp tác làm ăn với các nước độc tài chỉ giúp cho chúng mạnh lên và trở thành mối đe dọa cho hòa bình thế giới.

Một nạn nhân của cuộc chiến này là Việt Nam. Với tinh thần ‘chọn phe chứ không chọn lẽ phải’, Việt Nam đã đứng về phía Nga và Trung Quốc trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc về các vấn đề liên quan đến Nga và Ukraine. Hành động chống dân chủ này khiến Việt Nam đang phải trả giá, các công ty đa quốc gia không những không đến Việt Nam mà ngay cả các công ty đang làm ăn ở Việt Nam cũng tìm cách rút khỏi đây. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ sớm rơi vào bế tắc, chia rẽ và khủng hoảng khi cả ‘bố Nga’ lẫn ‘mẹ Tàu’ lâm vào tình trạng kiệt quệ và gục ngã. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ trở thành đứa con côi cút, lạc lõng trong một trật tự thế giới mới. Sự ù lì và ngoan cố của họ khi quyết đi theo con đường độc tài và chuyên chế của Trung Quốc sẽ bị làn sóng dân chủ cuốn trôi.

Người dân Việt Nam không nên bi quan và bỏ cuộc vì lịch sử thế giới đã bước sang một trang mới với sự cáo chung của các nước độc tài còn sót lại. Cùng nhau chia sẻ một dự án chính trị khả thi của một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn để có được đồng thuận dân tộc là hành động cần thiết nhất trong lúc này. Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước. Phải có một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản đã lỗi thời và bế tắc.

Việt Hoàng

(12/6/2023)

Published in Quan điểm

Về những rủi ro không được đánh giá đúng mực của leo thang chiến tranh

kichban1

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây dường như đã đạt được đồng thuận về cuộc chiến ở Ukraine : xung đột sẽ đi vào bế tắc kéo dài, và cuối cùng, nước Nga suy yếu sẽ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Mỹ và các đồng minh NATO, cũng như Ukraine. Dù các quan chức thừa nhận cả Washington và Moscow đều có thể leo thang để giành lợi thế, hoặc để ngăn thất bại, nhưng họ cho rằng vẫn có thể tránh được leo thang thảm khốc. Hiếm có ai cho rằng lực lượng Mỹ sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc giao tranh, hay Nga sẽ dám sử dụng vũ khí hạt nhân.

Washington và các đồng minh đang quá ung dung. Dù đúng là có thể tránh được thảm họa leo thang, nhưng khả năng quản lý mối nguy này của các bên tham chiến là không chắc chắn. Về cơ bản thì rủi ro lớn hơn đáng kể so với những gì chúng ta nghĩ. Và bởi vì hậu quả của leo thang có thể bao gồm một cuộc chiến lớn ở Châu Âu, thậm chí bao gồm sự hủy diệt hạt nhân, nên lại càng có lý do chính đáng để lo ngại.

Để hiểu được động lực của leo thang ở Ukraine, hãy bắt đầu với mục tiêu của mỗi bên. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, cả Moscow và Washington đều đã nâng tham vọng của mình lên đáng kể ; hiện tại, hai bên đều cam kết sẽ giành chiến thắng sau cùng và đạt được những mục tiêu chính trị lớn. Do đó, mỗi bên đều có động lực mạnh mẽ để tìm cách chiếm ưu thế, và quan trọng hơn, để tránh thua cuộc. Trên thực tế, điều này có nghĩa là người Mỹ có thể tham chiến nếu họ tuyệt vọng muốn giành chiến thắng hoặc muốn ngăn Ukraine thua cuộc, trong khi Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu họ tuyệt vọng muốn giành chiến thắng hoặc phải đối mặt với thất bại gần kề – vốn là điều có thể xảy ra nếu lực lượng của Mỹ thực sự tham chiến.

Hơn nữa, xét đến quyết tâm đạt được mục tiêu của mỗi bên, khả năng xảy ra một thỏa hiệp có ý nghĩa là cực thấp. Tư duy theo kiểu tối đa hóa – hiện đang phổ biến ở cả Washington và Moscow – khiến các bên càng có thêm lý do để giành chiến thắng trên chiến trường, từ đó trở thành người quyết định các điều khoản của hòa ước sau cùng. Trên thực tế, việc thiếu một giải pháp ngoại giao khả thi sẽ tạo thêm động lực để cả hai bên lựa chọn leo thang. Những điều nằm trên các nấc thang cao hơn có thể thực sự thảm khốc : một sự chết chóc và tàn phá vượt xa thời Thế chiến II.

Những mục tiêu cao hơn

Ban đầu, Mỹ và các đồng minh ủng hộ Ukraine nhằm ngăn chặn chiến thắng của người Nga và tạo ra cơ sở đàm phán một kết thúc có lợi sau giao tranh. Nhưng khi quân đội Ukraine bắt đầu thắng thế trước lực lượng Nga, đặc biệt là xung quanh Kyiv, chính quyền Biden đã chuyển hướng và cam kết giúp Ukraine giành chiến thắng cuối cùng. Họ cũng cố gắng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã giải thích về các mục tiêu của Mỹ, "Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những điều mà họ đã làm khi xâm lược Ukraine". Trên thực tế, Mỹ đã tuyên bố ý định loại Nga ra khỏi hàng ngũ các cường quốc.

Hơn nữa, Mỹ đã gắn uy tín của chính mình với kết quả của cuộc xung đột. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi cuộc chiến của Nga ở Ukraine là "tội ác diệt chủng" và cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin là một "tội phạm chiến tranh" cần bị đưa ra "phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh". Những tuyên bố như thế này của Tổng thống khiến người ta khó có thể hình dung chuyện Washington lùi bước ; và nếu Nga thắng Ukraine, vị thế của Mỹ trên thế giới sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Tham vọng của Nga cũng được mở rộng. Trái ngược với lập luận phổ biến ở phương Tây, Moscow đã không xâm lược Ukraine để chinh phục và biến vùng đất này thành một phần của Nước Nga Vĩ đại. Mục tiêu chủ yếu của họ là ngăn chặn Ukraine trở thành "tường thành" của phương Tây ngay tại biên giới Nga. Putin và các cố vấn của ông đặc biệt lo ngại về việc Ukraine sau cùng sẽ gia nhập NATO. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng tóm gọn quan điểm này trong một cuộc họp báo vào giữa tháng 1, "chìa khóa của mọi vấn đề là đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông". Đối với các nhà lãnh đạo Nga, viễn cảnh Ukraine trở thành thành viên NATO, như lời Putin nói trước cuộc xâm lược, là "mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh Nga" – một mối đe dọa chỉ có thể bị loại bỏ bằng cách tham chiến và biến Ukraine thành một quốc gia trung lập hoặc thất bại.

Xét về mục tiêu đó, dường như các mục tiêu lãnh thổ của Nga đã mở rộng rõ rệt kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Cho đến ngay trước khi tiến hành xâm lược, Nga vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk II, giữ Donbas là một phần của Ukraine. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh nổ ra, Nga đã chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraine, và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng Putin hiện có ý định sáp nhập toàn bộ hoặc phần lớn vùng đất đó, điều này sẽ biến phần còn lại của Ukraine thành một quốc gia tàn tồn (rump state) rối loạn.

Lúc này đây, mối đe dọa đối với Nga thậm chí còn lớn hơn giai đoạn trước chiến tranh, chủ yếu là vì chính quyền Biden đang quyết tâm giành lại lãnh thổ từ tay Nga và hủy hoại vĩnh viễn sức mạnh của Nga. Tệ hơn nữa, Phần Lan và Thụy Điển đang xúc tiến gia nhập NATO, còn Ukraine thì được trang bị vũ khí tốt hơn và liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây. Moscow không thể để mất Ukraine, và họ sẽ sử dụng mọi cách có thể để tránh thất bại. Putin tự tin rằng Nga cuối cùng sẽ giành ưu thế trước Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ họ. "Hôm nay, chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường", ông nói vào đầu tháng 7. "Tôi nên nói gì đây ? Cứ để họ thử xem nào. Chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Không có nghi ngờ gì về điều đó".

Về phần mình, Ukraine có cùng mục tiêu với chính quyền Biden. Nước này đang cố gắng chiếm lại phần lãnh thổ đã mất vào tay Nga – bao gồm cả Crimea – và một nước Nga yếu hơn chắc chắn sẽ ít đáng sợ hơn đối với Ukraine. Hơn nữa, họ tự tin rằng mình có thể giành chiến thắng, như Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã nói rõ vào giữa tháng 7, "Người Nga chắc chắn có thể bị đánh bại, và người Ukraine đã chỉ ra cách để làm điều đó". Người đồng cấp Mỹ của ông rõ ràng cũng đồng ý. "Những hỗ trợ của chúng ta đang tạo ra khác biệt thực sự trên chiến trường", Austin nói trong một bài phát biểu vào cuối tháng 7. "Nga nghĩ rằng họ có thể tồn tại lâu hơn Ukraine – và tồn tại lâu hơn chúng ta. Nhưng đó chỉ là sai lầm mới nhất trong chuỗi tính toán sai lầm của Nga".

Về bản chất, Kyiv, Washington, và Moscow đều cam kết sẽ giành chiến thắng và buộc đối thủ của họ phải trả giá. Cách nghĩ này không để lại nhiều cơ hội cho thỏa hiệp. Chẳng hạn, cả Ukraine và Mỹ đều ít có khả năng chấp nhận một Ukraine trung lập. Trên thực tế, Ukraine ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây. Nga cũng ít có khả năng sẽ trả lại toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ mà họ đã lấy từ Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh những thù hận đã thúc đẩy cuộc xung đột ở Donbas giữa phe ly khai thân Nga và chính phủ Ukraine trong 8 năm qua đang căng thẳng hơn bao giờ hết.

Những lợi ích xung đột này giải thích tại sao rất nhiều nhà quan sát tin rằng một thỏa thuận được thương lượng sẽ không sớm xảy ra, và theo đó dự đoán một bế tắc đẫm máu. Họ đúng về điều ấy. Nhưng các nhà quan sát đang đánh giá thấp khả năng leo thang thảm khốc, biến thành một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.

Khi chiến tranh nổ ra, có ba con đường cơ bản sẽ dẫn đến leo thang : một hoặc cả hai bên cố tình leo thang để giành chiến thắng, một hoặc cả hai bên cố tình leo thang để ngăn chặn thất bại, hoặc giao tranh leo thang không phải do lựa chọn có chủ ý mà chỉ là vô tình. Mỗi con đường đều có khả năng đưa Mỹ vào cuộc chiến, hoặc kích động Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc cả hai.

Mỹ tham chiến

Khi chính quyền Biden kết luận rằng Nga có thể bị đánh bại ở Ukraine, họ đã gửi nhiều vũ khí hơn (và gửi vũ khí mạnh hơn) tới Kyiv. Phương Tây bắt đầu tăng cường khả năng tấn công của Ukraine bằng cách gửi các vũ khí như hệ thống pháo phản lực HIMARS, bên cạnh các vũ khí "phòng thủ" như tên lửa chống tăng Javelin. Theo thời gian, cả tính sát thương lẫn số lượng của vũ khí đều tăng lên. Hồi tháng 3, Washington đã phủ quyết kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine, với lý do làm như vậy có thể khiến cuộc chiến leo thang, nhưng sang tháng 7, họ đã không phản đối khi Slovakia thông báo nước này đang xem xét gửi các máy bay tương tự đến Kyiv. Mỹ cũng đang dự tính trao những chiếc F-15 và F-16 của chính họ cho Ukraine.

Mỹ và các đồng minh cũng đang huấn luyện quân đội Ukraine, đồng thời cung cấp cho lực lượng này những thông tin tình báo quan trọng mà họ đang sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của Nga. Hơn nữa, như tờ New York Times đã đưa tin, phương Tây có "một mạng lưới biệt kích và gián điệp bí mật" hoạt động ngay tại chiến trường Ukraine. Washington có thể không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng vẫn can dự sâu sắc vào cuộc chiến. Và chẳng mấy chốc, có thể chính những người lính Mỹ sẽ kéo cò súng, hoặc các phi công Mỹ sẽ nhấn nút phóng tên lửa.

Quân đội Mỹ có thể tham gia vào chiến tranh theo nhiều cách khác nhau. Giả sử cuộc chiến đã kéo dài một năm hoặc hơn, và không có một giải pháp ngoại giao nào trong tầm với, cũng không có một con đường khả thi để Ukraine giành chiến thắng. Đồng thời, Washington đang tuyệt vọng để kết thúc chiến tranh – có thể là vì họ cần tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc, hoặc vì chi phí kinh tế của việc hậu thuẫn Ukraine đang gây ra các vấn đề chính trị ở trong nước và ở Châu Âu. Trong trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ có mọi lý do để cân nhắc thực hiện các bước đi mạo hiểm hơn – chẳng hạn như áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine, hoặc điều động các nhóm nhỏ từ lực lượng mặt đất của Mỹ – đến giúp Ukraine đánh bại Nga.

kichban2

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv, tháng 04/2022 © Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine / Reuters

Một kịch bản mà khả năng Mỹ can thiệp sẽ cao hơn là nếu quân đội Ukraine bắt đầu suy yếu và Nga có thể thắng lớn. Trong trường hợp đó, vì chính quyền Biden đã cam kết ngăn chặn kết quả ấy, Mỹ có thể cố gắng lật ngược tình thế bằng cách tham gia trực tiếp vào giao tranh. Người ta có thể dễ dàng hình dung việc các quan chức Mỹ tin rằng uy tín của đất nước họ đang bị đe dọa, và tự thuyết phục bản thân rằng việc sử dụng vũ lực hạn chế sẽ cứu được Ukraine mà không kích động Putin sử dụng vũ khí hạt nhân. Một kịch bản khác nữa là Ukraine, trong cơn tuyệt vọng, có thể tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các thị trấn và thành phố của Nga, mong đợi rằng hành động leo thang đó sẽ khiến Nga đáp trả mạnh mẽ, cuối cùng buộc Mỹ phải tham gia chiến tranh.

Kịch bản cuối cùng cho sự can dự của Mỹ có liên quan đến leo thang vô tình : dù không mong muốn, Washington vẫn có thể bị kéo vào cuộc chiến bởi một sự kiện leo thang không lường trước. Có thể các máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga – từng tiếp xúc gần trên Biển Baltic – đã vô tình va chạm. Một sự cố như vậy có thể dễ dàng dẫn đến leo thang, nếu xét đến mức độ sợ hãi cao của cả hai bên, sự thiếu vắng liên lạc, và sự "ác quỷ hóa" lẫn nhau.

Cũng có thể Litva sẽ ngăn chặn việc vận chuyển các hàng hóa bị trừng phạt đi qua lãnh thổ của mình khi chúng đi từ Nga đến Kaliningrad, vùng đất thuộc Nga nằm tách biệt với phần còn lại của nước này. Litva từng làm điều đó vào giữa tháng 6, nhưng đã quyết định nhượng bộ vào giữa tháng 7, sau khi Moscow nói rõ rằng mình đang dự tính "các biện pháp mạnh tay hơn" để chấm dứt điều mà họ coi là một cuộc phong tỏa bất hợp pháp. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Litva đã phản đối việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa. Vì Litva là một thành viên NATO, Mỹ gần như chắc chắn sẽ đứng ra bảo vệ nếu Nga tấn công nước này.

Hoặc có thể Nga sẽ phá hủy một tòa nhà ở Kyiv hoặc một căn cứ huấn luyện ở Ukraine và vô tình giết chết một số lượng đáng kể người Mỹ, ví dụ như nhân viên cứu trợ, đặc nhiệm tình báo, hoặc cố vấn quân sự. Chính quyền Biden, đối mặt với làn sóng phẫn nộ của dư luận ở quê nhà, quyết định phải trả đũa và tấn công các mục tiêu ở Nga, dần dần biến thành một trận đánh "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên.

Cuối cùng, có khả năng giao tranh ở miền nam Ukraine sẽ gây thiệt hại cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya hiện do Nga kiểm soát – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu – đến mức nó phát ra bức xạ xung quanh khu vực, khiến Nga phải đáp trả. Vào tháng 8, Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, đã có một phát biểu đáng ngại về khả năng đó, rằng : "Đừng quên rằng cũng có các nhà máy hạt nhân khác ở Liên minh Châu Âu. Và sự cố cũng có thể xảy ra ở những nơi đó". Nếu Nga tấn công một nhà máy điện hạt nhân của Châu Âu, Mỹ gần như chắc chắn sẽ tham chiến.

Tất nhiên, Moscow cũng có thể tự khơi mào leo thang. Không thể loại trừ khả năng Nga, trong lúc cố gắng ngăn chặn dòng viện trợ quân sự của phương Tây vào Ukraine, sẽ tấn công các quốc gia mà phần lớn viện trợ đi qua : Ba Lan hoặc Romania, cả hai đều là thành viên NATO. Cũng có khả năng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn trên mạng, nhắm vào một hoặc nhiều quốc gia Châu Âu đang hỗ trợ Ukraine, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến Mỹ phát động tấn công mạng trả đũa nhắm vào Nga. Nếu người Mỹ thành công, Moscow có thể đáp trả bằng quân sự ; nếu họ thất bại, Washington có thể quyết định rằng cách duy nhất để trừng phạt Nga là tiến đánh trực diện. Những viễn cảnh như vậy nghe có vẻ xa vời, nhưng không phải là không thể. Và chúng chỉ là một vài trong số rất nhiều con đường có thể biến cuộc chiến cục bộ của hiện tại trở thành một cuộc chiến lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều.

Chiến tranh hạt nhân

Dù quân đội Nga đã gây ra những thiệt hại to lớn cho Ukraine, nhưng cho đến nay, Moscow vẫn chần chừ không leo thang để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Putin đã không mở rộng lực lượng của mình bằng việc huy động nghĩa vụ quân sự quy mô lớn. Ông cũng không nhắm mục tiêu vào lưới điện của Ukraine – vốn là điều tương đối dễ thực hiện và sẽ gây ra thiệt hại lớn cho Ukraine. Thật vậy, nhiều người Nga đã chỉ trích Tổng thống vì không tiến hành chiến tranh một cách mạnh mẽ hơn. Putin công nhận những lời chỉ trích này, nhưng đã tiết lộ rằng ông sẽ leo thang nếu cần thiết. "Chúng ta thậm chí vẫn chưa bắt đầu một cách nghiêm túc", ông nói vào tháng 7, gợi ý rằng Nga có thể và sẽ làm nhiều hơn nếu tình hình quân sự xấu đi.

Vậy còn "hình thức leo thang sau cùng" thì sao ? Có ba trường hợp mà Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Đầu tiên là nếu Mỹ và các đồng minh NATO của họ tham chiến. Diễn biến đó không chỉ làm thay đổi rõ rệt cán cân quân sự chống lại Nga, làm gia tăng đáng kể khả năng thất bại, mà còn có nghĩa là Nga sẽ tham gia vào một cuộc chiến giữa các cường quốc mà có thể dễ dàng tràn vào lãnh thổ của chính họ. Các nhà lãnh đạo Nga chắc chắn sẽ nghĩ rằng sự sống còn của họ đang gặp rủi ro, khiến họ có động lực mạnh mẽ để sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm giải cứu chính mình. Ở mức tối thiểu, họ sẽ tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân nhằm thuyết phục phương Tây lùi bước. Liệu một bước đi như vậy sẽ giúp kết thúc chiến tranh, hay dẫn đến leo thang ngoài tầm kiểm soát, là điều không thể biết trước.

Trong bài phát biểu ngày 24/02 thông báo về cuộc xâm lược, Putin ám chỉ một cách mạnh mẽ rằng ông sẽ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và các đồng minh tham chiến. Ông nói với "những kẻ có thể bị cám dỗ để can thiệp", "họ phải biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức, và hậu quả sẽ là chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của họ". Lời cảnh báo của ông đã không bị ngó lơ bởi Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, người đã dự đoán vào tháng 5 rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu NATO "hoặc can thiệp, hoặc chuẩn bị can thiệp", nguyên nhân phần lớn là vì hành động đó "rõ ràng sẽ góp phần vào nhận thức rằng ông ấy sắp thua trong cuộc chiến ở Ukraine".

Trong kịch bản hạt nhân thứ hai, Ukraine sẽ tự mình lật ngược tình thế trên chiến trường mà không có sự tham gia trực tiếp của Mỹ. Nếu các lực lượng Ukraine đang trên đà đánh bại quân đội Nga và giành lại lãnh thổ đã mất của đất nước họ, thì không nghi ngờ gì, Moscow có thể dễ dàng coi kết cục này là một mối đe dọa sống còn, đòi hỏi một phản ứng hạt nhân. Rốt cuộc thì Putin và các cố vấn của ông vì cảnh giác trước sự liên kết ngày càng tăng của Kyiv với phương Tây nên mới cố tình chọn tấn công Ukraine, bất chấp lời cảnh báo rõ ràng từ Mỹ và các đồng minh về những hậu quả nghiêm trọng mà Nga sẽ phải đối mặt. Không giống như kịch bản đầu tiên, Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân không phải trong bối cảnh chiến tranh với Mỹ, mà là chiến tranh với Ukraine. Họ sẽ làm như vậy mà không sợ bị trả đũa hạt nhân, vì Kyiv không có vũ khí hạt nhân, và vì Washington sẽ không có ý định bắt đầu chiến tranh hạt nhân. Việc không có mối đe dọa trả đũa rõ ràng sẽ khiến Putin dễ dàng cân nhắc sử dụng phương án hạt nhân hơn.

Trong kịch bản thứ ba, cuộc chiến đi vào bế tắc kéo dài mà không có giải pháp ngoại giao và trở nên cực kỳ tốn kém đối với Moscow. Tuyệt vọng tìm cách chấm dứt xung đột theo hướng có lợi cho mình, Putin có thể theo đuổi việc leo thang hạt nhân để giành chiến thắng. Như với kịch bản trước đó, khi ông ta quyết định leo thang để tránh thất bại, việc Mỹ trả đũa hạt nhân sẽ rất khó xảy ra. Trong cả hai kịch bản, Nga nhiều khả năng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại một nhóm nhỏ các mục tiêu quân sự, chí ít là trong giai đoạn đầu. Họ có thể tấn công các thị trấn và thành phố trong những đợt tấn công sau đó nếu cần. Giành được lợi thế quân sự là một trong những mục tiêu của chiến lược, nhưng mục tiêu quan trọng hơn là ra một đòn quyết định, làm thay đổi hoàn toàn thế trận – tạo ra nỗi sợ hãi ở phương Tây đến mức Mỹ và các đồng minh nhanh chóng kết thúc xung đột theo những điều kiện có lợi cho Moscow. Chẳng có gì ngạc nhiên khi William Burns, Giám đốc CIA, đã nhận xét vào tháng 4, "Không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu quả thấp".

Chuẩn bị cho thảm họa

Người ta có thể thừa nhận rằng, về mặt lý thuyết, dù một trong những kịch bản thảm khốc này có thể xảy ra, nhưng khả năng chúng xảy ra là rất nhỏ, và do đó chúng ta không nên quan tâm nhiều đến chúng. Sau cùng thì, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều có động lực mạnh mẽ để ngăn người Mỹ tham chiến, và tránh việc sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế, chứ chưa nói đến chiến tranh hạt nhân thực sự.

Giá như chúng ta có thể lạc quan như vậy. Trên thực tế, quan điểm thông thường đã đánh giá quá thấp nguy cơ leo thang ở Ukraine. Đầu tiên, chiến tranh thường có một logic của riêng chúng, điều này khiến cho việc dự đoán diễn biến của chúng trở nên rất khó. Bất cứ ai tự tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ đi theo một con đường nào đó nhất định đều sai lầm. Tương tự, các động lực của leo thang trong thời chiến là điều khó có thể dự đoán hoặc kiểm soát, và đó chính là lời cảnh báo cho những người tin tưởng rằng có thể quản lý các sự kiện ở Ukraine. Hơn nữa, như nhà lý thuyết quân sự người Phổ Carl von Clausewitz đã chỉ ra, chủ nghĩa dân tộc khuyến khích chiến tranh hiện đại leo thang đến mức cực đoan nhất của chúng, đặc biệt là khi lợi ích của cả hai bên đều cao. Điều này không có nghĩa là chiến tranh không thể bị giới hạn, nhưng không dễ để làm được chuyện đó. Cuối cùng, vì cái giá đắt đỏ của chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc, nên dù chỉ có một cơ hội rất nhỏ để điều đó xảy ra, chúng ta cũng phải suy nghĩ thật lâu và thật kỹ xem cuộc xung đột này có thể dẫn đến đâu.

Tình huống nguy cấp này tạo ra một động lực mạnh mẽ để tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Đáng tiếc là không có giải pháp chính trị nào trong tương lai gần, vì cả hai bên đều kiên quyết phải đạt được những mục tiêu chiến tranh vốn khiến cho việc thỏa hiệp gần như không thể xảy ra. Chính quyền Biden lẽ ra nên làm việc với Nga để giải quyết khủng hoảng Ukraine từ trước khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2. Bây giờ đã quá muộn để đạt được một thỏa thuận. Nga, Ukraine, và phương Tây đang mắc kẹt trong một tình huống tồi tệ mà không có lối thoát rõ ràng. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của cả hai bên sẽ quản lý cuộc chiến theo những cách tránh leo thang thảm khốc. Tuy nhiên, đối với hàng chục triệu người đang bị đe dọa mạng sống, điều đó chỉ đơn giản là không đủ.

John J. Mearsheimer

Nguyên tác : "Playing With Fire in Ukraine", Foreign Affairs, 17/08/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/09/2022

John J. Mearsheimer là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago.

Published in Diễn đàn

Quân đội Liên bang Nga với vị trí thứ hai trên thế giới đã đi từ thất bại này tới thất bại khác trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Theo thông tin Bộ Quốc phòng Ukraine số lính Nga bị tiêu diệt đã trên 40.000 điều đó tương đương với 150.000 lính không còn khả năng chiến đấu do bị thương và bị chết. Theo thông tin của tình báo Mỹ thì con số này khoảng một nửa dù sao thì đây cũng là một thiệt hại rất lớn. Nhiều dấu hiệu đã chứng tỏ điều này, Nga đã phải dùng cả quân dự bị và thuyên chuyển quân từ miền đông nơi tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản về mặt trận Ukraine.

Vậy tại sao Liên bang Nga không ban hành lệnh tổng động viên ? Có lẽ nguyên nhân một phần do sự gian dối. Chính quyền Nga đã không sử dụng cụm từ ‘chiến tranh’ trong cuộc chiến xâm lược này, đồng thời đàn áp tất cả mọi người nhắc đến hai chữ chiến tranh dù trên mạng xã hội, nói bằng miệng hay viết trên giấy. Hàng ngàn người đã bị bắt, bị đàn áp. Hơn nữa chính quyền Nga đã ra ngay một điều luật để có thể bắt giam tới 15 năm tù với tội danh là ‘thông tin sai về quân đội’. Chính vì lẽ đó chính quyền Nga không thể tuyên bố tổng động viên vì không tuyên bố tình trạng chiến tranh.

tdv1

Chính quyền Nga đàn áp tất cả những người Nga lên tiếng phản đối chiến tranh. Bản án 15 năm tù có thể dành cho những người Nga phản chiến.

Dù vậy thực tế cho thấy nếu có tình tuyên bố tình trạng chiến tranh chính quyền Nga cũng khó có thể tăng cường hơn được lực lượng. Nước Nga đã tiến hành tổng động viên ngầm bằng mọi biện pháp từ lừa lọc, trấn áp cho đến mua bằng tiền. Ngày nay chính quyền Nga đã bước sang giai đoạn tổng động viên mở, không chính thức tổng động viên nhưng tuyên truyền quảng cáo vận động qua truyền hình qua băng rôn và bằng cách trực tiếp theo những chuyên ngành... Hiện nay chính quyền Nga đang trả từ 150.000 đến 300.000 rúp cho người ký hợp đồng quân sự, số tiền khác nhau liên quan đến mức sống của từng vùng miền khác nhau. Đây là số tiền lớn đối với rất nhiều vùng. Nếu người lính hợp đồng bị chết trên chiến trường gia đình thân nhân có thể nhận được 5 hay 7 triệu rúp theo những nguồn tin khác nhau.

Một quảng cáo có thể nhìn nhận là bất nhân khi một người cha đã đi chặng đường đầu tiên trên chiếc xe được mua bằng tiền tử tuất đến mộ con mình. Người bố tự hào vì cái chết của người con đã đem đến cho gia đình một chiếc xe Lada màu trắng mới. Trong một trường hợp khác, một binh sĩ 21 tuổi chết vào ngày 25 tháng 2 đã được đưa về gia đình chôn cất nhưng gia đình không nhận được thêm một xu nào ngoài tiền chôn cất và bia mộ. Gia đình đã thưa kiện và đã thất bại vì họ không phải là bố mẹ ruột, dù trong đơn hợp đồng quân sự người con trai đã ghi tên mẹ nuôi của mình. Ông bà bố mẹ nuôi đã nhận cậu bé từ lúc cậu 3 tuổi và nuôi lớn nó trong gia đình như đứa con của mình chắc chắn không phải vì 5-7 triệu rúp.

Một người lính sắc tộc Chechen đã viết đơn từ chối tham gia cuộc chiến tại Ukraine. Anh nói người Ukraine không làm điều gì tồi tệ đối với tôi, tôi sẽ không cầm súng để giết họ. Quân đội Kadyrov đã đóng dấu lên phiếu quân sự của anh với dòng chữ kẻ phản bội tổ quốc. Sự việc không chỉ dừng ở đó mà gia đình vợ anh đã bị an ninh gọi lên và uy hiếp. Trưởng ban an ninh tuyên bố sẽ hãm hiếp bà bằng chai, người phụ nữ tàn tật đó đã ngất đi.

tdv2

Công ty quân sự tư nhân Wagner đã tiến hành tuyển quân trong nhiều nhà tù khác nhau. Một lực lượng tư nhân mà ngồi trên được cả luật pháp.

Khó có thể có chính quyền nào nhơ bẩn hơn chính quyền Putin. Họ đang động viên tội phạm bằng tiền và bằng tự do. Công ty quân sự tư nhân Wagner đã tiến hành tuyển quân theo kiểu đó trong nhiều nhà tù khác nhau. Một lực lượng tư nhân mà ngồi trên được cả luật pháp.

Putin đã đẩy nước Nga vào con đường tự hủy, hơn 20 năm qua Putin đã hủy hoại mọi khả năng thay đổi. Putin không còn bất kỳ khả năng nào ngoài khả năng làm liều, điều đó không có khả năng làm thay đổi tình thế mà chỉ tăng tốc sự hủy diệt. Tổng động viên hay không tổng động viên, tên lửa siêu thanh hay đầu đạn hạt nhân cũng không cứu được Putin.

Đ Xuân Cang

Praha (12/08/2022)

Published in Quan điểm

Ukraine cáo buộc Ân Xá Quốc Tế tìm cách "xóa tội cho Nhà nước khủng bố Nga"

Trọng Thành, RFI, 05/08/2022

Hôm 04/08/2022, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International - AI) ra một báo cáo, tố cáo chính quyền Ukraine bố trí các lực lượng vũ trang trong các khu vực dân sự, gây nguy hiểm cho dân thường. Kiev ngay lập tức phản đối, tố cáo AI tìm cách "xóa tội" cho chính quyền Nga, thủ phạm cuộc xâm lăng Ukraine.  

nga1

Tổng thư ký Ân Xá Quốc Tế Agnes Callamard họp báo tại Johannesburg, 28/03/2022. AP - Denis Farrell

Theo AFP, trong bản báo cáo vừa được công bố, kết quả của bốn tháng điều tra, Ân Xá Quốc Tế cáo buộc Quân đội Ukraine bố trí nhiều lực lượng, và phương tiện quân sự tại trường học, bệnh viện, và tiến hành nhiều cuộc phản công từ các khu vực dân cư đông đúc, trái với các hiệp ước nhân đạo quốc tế.  

Tổng thống Volodymir Zelensky, trong một video công bố hàng ngày, lên án việc Ân Xá Quốc Tế "đánh đồng nạn nhân với thủ phạm". Ông Mykhailo Pololyak, cố vấn của tổng thống, chỉ trích việc AI "tham gia vào chiến dịch bóp méo thông tin và tuyên truyền của Nhà nước Nga".  

Về ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba, ông đã ngay lập tức bày tỏ thái độ"phẫn nộ" trước các cáo buộc bị xem là "bất công" của AI. Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi AI "ngừng tạo ra một hiện thực giả, nơi tất cả các bên đều là thủ phạm ở một mức độ nhất định ! Và hãy bắt đầu thuật lại một cách hệ thống về những gì mà chính quyền Nga thực sự đang làm hiện nay !".  

Tuy nhiên, hãng tin Pháp AFP cũng lưu ý, ngay trong bản báo cáo kể trên, Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh việc Quân đội Ukraine sử dụng các chiến thuật như trên "hoàn toàn không phải là lý do để biện minh các hành động tấn công bừa bãi của Quân đội Nga" nhắm vào thường dân Ukraine.  

Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine, khởi sự ngày 24/02/2022, bị cộng đồng quốc tế lên án. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã hai lần ra nghị quyết lên án cuộc xâm lăng và yêu cầu Moskva đình chiến. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, chiến tranh tại Ukraine khiến ít nhất hàng nghìn người thiệt mạng, hơn 11 triệu người phải sơ tán, nhiều làng mạc, thành phố, và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đặc biệt ở miền đông và miền nam. 

Trọng Thành

**********************

Chiến tranh Ukraine : Liên Hiệp Quốc mở điều tra vụ nổ nhà tù Olenivka

Minh Anh, RFI, 04/08/2022

Theo đề nghị của Kiev và Moskva, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm 03/08/2022, thông báo sẽ mở điều tra để tìm ra "sự thật" về các vụ nổ trong nhà tù Olenivka tại một vùng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine ngày 29/07. 

nga2

Bên trong nhà tù Olenivka, miền đông Ukraine, bị nổ hôm 29/07/2022.  AP

Trong buổi họp báo, ông Antonio Guterres cho biết "quyết định mở một nhiệm vụ điều tra" sau khi "nhận được yêu cầu từ Liên bang Nga và Ukraine". Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rằng ông không có thẩm quyền tiến hành "các cuộc điều tra tội phạm". 

Cũng theo ông Guterres, "thuật ngữ tham chiếu cho nhiệm vụ điều tra này đang được chuẩn bị". Ông hy vọng có thể tìm được một đồng thuận với Nga và Ukraine, và mong muốn "cả hai nước tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và thu thập các dữ liệu cần thiết để tái lập sự thật về chuyện gì đã xảy ra". Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc khẳng định đang tìm kiếm nhân vật thích hợp, "độc lập và có năng lực" cho nhiệm vụ này. 

Báo Le Monde của Pháp hôm nay cho biết vẫn còn nhiều nghi vấn trong vụ nổ ở nhà tù Olenivka, xảy ra hôm 29/07, giết chết hàng chục tù binh Ukraine. Từ một tuần nay, Nga và Ukraine quy trách nhiệm cho nhau về vụ việc.  

Moskva khẳng định chính các lực lượng của Kiev đã tấn công nhà tù bằng dàn phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Kiev một mực bác bỏ cáo buộc đó và tình báo Ukraine khẳng định nắm giữ nhiều bằng chứng là phe ly khai thân Nga, thông đồng với FSB và nhóm Wagner, đã đánh mìn khu nhà tù, sử dụng "một loại hóa chất gây cháy nổ, khiến ngọn lửa lan nhanh trong gian nhà".

Nhiều chuyên gia quân sự nghi ngờ khẳng định của Nga, vì các hình ảnh của nhà tù do Nga cung cấp dường như không giống với những thiệt hại do rocket HIMARS gây ra, vốn dĩ chỉ gây ra những vụ nổ mạnh hơn là gây hỏa hoạn. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy chỉ có một tòa nhà bị hư hại, còn các khu nhà xung quanh không bị ảnh hưởng. Căn cứ theo những hình ảnh quan sát được, nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (Institut for the Study of War) nhận định việc phá hủy nhà tù này là kết quả của "một cú đánh chính xác, hoặc bằng một loại thiết bị gây cháy hay nổ được đặt bên trong nhà tù".

Minh Anh

************************

Ukraine : Tòa án Tối cao Nga xem trung đoàn Azov là "tổ chức khủng bố"

Chi Phương, RFI, 03/08/2022

Trong phiên xử ngày 02/08/2022, Tòa án Tối cao Nga đã ra phán quyết xem trung đoàn Azov của Ukraine là một "tổ chức khủng bố" và bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Nga. Như vậy là các thành viên của trung đoàn bị bắt giữ sau khi thành phố Mariupol thất thủ có thể sẽ phải lãnh án tù nặng nề tại Nga.

nga4

Cửa Tòa án Tối cao Nga tại Moskva, ngày 02/08/2022, trước phiên xử trung đoàn Azov của Ukraine. Reuters – Maxim Shemetov

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Moskva :

"Phần chủ yếu của phiên tòa được xử kín. Hãng thông tấn TASS của Nga trích dẫn điều mà họ gọi là "lời khai của những nhân chứng trong phòng xét xử về những tội ác mà trung đoàn Azov gây ra ở Ukraine". Tại nước cộng hòa tự xưng Donetsk thân Nga ở vùng Donbass, trung đoàn Azov cũng đã bị coi là tổ chức khủng bố.

Kể từ nay, các binh sĩ của Azov có thể bị xét xử như những kẻ khủng bố trên lãnh thổ Nga. Các lãnh đạo của Azov có thể lãnh án từ 15 đến 20 năm tù, và các thành viên thường từ 5 đến 10 năm tù.

Theo hãng tin Interfax, hôm thứ Ba, 02/08, một công dân Nga đã bị xử vắng mặt vì đã tham gia vào trung đoàn Azov và đã chiến đấu ở vùng Donbass từ năm 2015 đến năm 2019.  Bị cáo lãnh án 9 năm tù tại một nhà tù được gọi là "chuẩn" ở Nga. Theo ủy ban điều tra Nga, người đàn ông này đã quảng bá các tư tưởng quốc xã trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2014.

Trung đoàn Azov là một yếu tố chủ chốt trong chiến lược truyền thông của điện Kremlin. Một trong những mục đích mà Nga nêu lên khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược từ ngày 24/02 chính là phi phát xít hóa Ukraine".

Theo hãng tin Anh Reuters, trung đoàn Azov, do các tình nguyện viên thành lập vào năm 2014, là một tổ chức cực hữu và dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Tổ chức bán quân sự này chiến đấu chống lại phe ly khai tại vùng Donbass và sau đó gia nhập Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine. Vào tháng 05/2022, binh lính của Azov là những người cuối cùng bảo vệ thành phố cảng miền nam Ukraine Mariupol trong nhiều tháng, trước khi bị Nga bao vây và ra đầu hàng.

Chi Phương

************************

Ukraine truy bắt nội gián của Nga vào lúc tăng tốc phản công ở miền nam

Thu Hằng, RFI, 03/08/2022

Ngày 03/08/2022, Nga và Ukraine liên tục thông báo thiệt hại gây ra cho đối phương. Vào lúc Ukraine tăng tốc phản công tại miền nam, chính quyền Kiev cũng tiếp tục thanh lọc bộ máy hành chính để loại trừ nội gián của Nga.

nga5

Lính cứu hỏa đang chữa cháy sau khi Nga oanh kích vào khu dân cư ở Mykolaiv, Ukraine, ngày 18/06/2022. AP - George Ivanchenko

Sáng 03/08, thành phố Mykolaiv lại bị quân Nga oanh kích. Phía Nga cho biết đã phá hủy 4 kho vũ khí và xăng dầu của Ukraine : 1 ở vùng Mykolaiv (miền nam), và 3 ở vùng Donetsk (miền đông). Ngoài ra, "một kho vũ khí nước ngoài được giao từ Ba Lan cho chế độ Kiev" ở vùng Lviv, ở phía tây giáp với Ba Lan, cũng bị trúng tên lửa Nga. Theo bộ tư lệnh Không Quân Ukraine, Nga bắn 8 tên lửa từ biển Caspi vào lãnh thổ Ukraine, trong đó có "một tên lửa bắn trúng một hệ thống phòng không ở vùng Lviv". Bảy tên lửa còn lại đã bị bắn chặn.

Phía Kiev cho biết đã chiếm lại được 53 địa điểm ở vùng Kherson ở miền nam. Ngoài ra, tuyến đường sắt duy nhất nối liền thành phố Kherson với bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập, không còn hoạt động do bị Ukraine oanh kích.

Cùng lúc với chiến lược tăng tốc phản công ở miền nam, Ukraine tiếp tục thanh lọc bộ máy hành chính. Hiện có khoảng 650 người bị tình nghi phản quốc, một con số có vẻ không đáng kể đối với một quốc gia có rất nhiều nhân viên an ninh và tình báo. Chỉ riêng Cơ quan An ninh Nội địa Ukraine SBU đã có đến 35.000 nhân viên.

Trả lời RFI ngày 03/08, ông Oleksiy Melnyk, đồng giám đốc an ninh quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Razumkov ở Kiev, giải thích :

"Tại Ukraine, có nhiều sĩ quan cấp cao, tốt nghiệp các trường quân sự Liên Xô, vẫn làm việc và có bạn đồng khóa đang giữ những chức vụ cao ở Nga. Rồi phải kể thêm ngôn ngữ chung và tôi muốn nói đến văn hóa chung (ở một điểm nào đó cho đến thời điểm hiện tại). Và như mọi người biết, một trong những vũ khí mạnh nhất của Nga đó là tham nhũng. Mối bận tâm lớn nhất hiện nay, đó là những người thân cận với tổng thống của chúng tôi (Ukraine) và những người đang đứng đầu các cơ quan an ninh hoặc giữ các chức vụ chỉ huy".

Chính quyền Ukraine luôn trong tình trạng báo động, vì chỉ cần một gián điệp của Nga cũng đủ gây thiệt hại cho các chiến lược quân sự. Trước đó, Ukraine đã bắt giữ nhiều quan chức tạo điều kiện cho Nga chiếm nhà máy hạt nhân Tchernobyl hay thành phố Kherson. Vào tháng 6, nhân vật số hai của tình báo Ukraine, Andrei Naumov, đã bị bắt ở Serbia với 600.000 euro trên xe.

Nga cáo buộc Mỹ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Ukraine

Ngày 02/08, Nga khẳng định Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Ukraine. Lời cáo buộc của Moskva dựa trên phát biểu trước đó với nhật báo Anh The Telegraph của phó cục trưởng cục tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitsky, theo đó các cơ quan tình báo Mỹ phê chuẩn và điều phối các vụ phóng tên lửa HIMARS do quân Ukraine tiến hành, nhờ vào "hình ảnh vệ tinh chất lượng cao" và "những thông tin cập nhật" mà Mỹ có. Theo AFP, Washington chưa phản ứng về những cáo buộc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Ngược lại, ngày 02/08, Bộ Tài chính Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nhiều doanh nghiệp và tài phiệt Nga, thân cận với tổng thống Putin, trong đó có Andrey Guryev, nhà sáng lập công ty phân bón PhosAgro, công ty luyện thép Magnitogorsk, "một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới" và là "một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho Nga", cũng như hai chi nhánh của công ty và cổ đông chính là nhà tài phiệt Viktor Rashnikov.

Thu Hằng

Published in Diễn đàn

‘Đế chế’ có thể hiểu là một ‘đế quốc chuyên chế’. Đế quốc là một quốc gia rộng lớn bao gồm nhiều nước nhỏ, được lãnh đạo bởi một trung tâm quyền lực. Trung tâm đó nắm giữ hoàn toàn về quân sự và áp đặt một ý thức hệ chung. Chuyên chế đồng nghĩa với độc tài và toàn trị. Liên bang Nga bao gồm 22 nước cộng hòa và 4 khu tự trị. Ý thức hệ cộng sản thời Liên Xô được thay thế bởi đạo Chính thống giáo. Putin dù xuất thân là đảng viên cộng sản, một cựu sĩ quan tình báo KGB, một người sống và hoạt động trong môi trường bạo lực và dối trá nhưng từ lúc lên cầm quyền đã rất ‘chịu khó’ đi nhà thờ và biến đạo Chính thống giáo Nga thành một cơ quan tuyên huấn phục vụ cho điện Kremli.

Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới với hơn 17 triệu km vuông, kéo dài từ Bắc Á sang Châu Âu nhưng dân số chỉ khoảng 145 triệu người. Nga là nước có trữ lượng khoáng sản và năng lượng lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Nga đứng thứ 12 trên thế giới với GDP 1,45 nghìn tỉ USD (trước chiến tranh Ukraine). Dù vậy Nga vẫn đang bị xếp vào danh sách các nước ‘đang phát triển’ với thu nhập bình quân đầu người chưa đến 10.000 USD/năm. Nga là một trong năm nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.977 đầu đạn hạt nhân.

Lịch sử nước Nga bắt đầu từ nhà nước Rus - Kiev, Ukraine sau đó di chuyển dần về phía bắc. Từ thế kỷ 13, Moskva trở thành thủ đô nước Nga và tới thế kỷ 17 nước Nga đã trở thành một đế quốc rộng lớn như bây giờ. Lịch sử nước Nga được xây dựng và hình thành trên nền tảng của bạo lực. Các vua chúa cai trị nước Nga đều nổi tiếng bởi sự tàn bạo như Ivan Bạo chúa (1547-1575), Piôtr Đại đế (1721-1725), Nữ hoàng Ekaterina II (1762-1796) và sau này là Lê-nin, Stalin…Những người này đã từng giết hàng triệu người Nga nhưng không bao giờ bị lên án vì nước Nga gần như là một dân tộc nô lệ. Các bạo chúa chỉ bị lên án khi thất bại trong các cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ. Người Nga sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong một lãnh thổ mênh mông và lạnh lẽo, cho đến tận bây giờ họ vẫn xa lạ với các giá trị tự do dân chủ như ở các nước Châu Âu. Họ dễ dàng chấp nhận một lãnh đạo với bàn tay sắt hơn là một người có tư tưởng dân chủ và cởi mở.

putin2

Nước Nga luôn bị cai trị bởi những bạo chúa. (Ảnh: Sa hoàng Ivan Bạo chúa, người đã giết toàn bộ người dân và xóa sổ một thành phố lớn của Nga là Novgorod năm 1570. Ông giết vô số quần thần, kể cả con trai cả là hoàng tử Ivan Ivanovich vì tội dám…bênh vợ).

Bất hạnh lớn nhất với người Nga là trong suốt dòng lịch sử đã không có bất cứ một nhà tư tưởng chính trị nào cho dù có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn. Việc thiếu vắng các nhà tư tưởng chính trị dẫn đến hậu quả là nước Nga không có một tầng lớp trí thức chính trị thực sự và đúng nghĩa. Sau thất bại trong cuộc chiến Nga - Nhật năm 1905 thì triều đại của Sa hoàng Nikolai II đã đến hồi cáo chung. Cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 do giai cấp tư sản Nga khởi xướng và lãnh đạo đã đặt dấu chấm hết cho triều đại phong kiến cuối cùng Romanov. Tuy nhiên cuộc cách mạng này không được dẫn dắt bởi một cuộc cách mạng về tư tưởng nên đã bị đảng cộng sản do Lê-nin lãnh đạo cướp đoạt tám tháng sau đó.

Lê-nin, một tay trùm khủng bố thượng thặng đã nhanh chóng biến nước Nga thành một trại tù khổng lồ. Mọi quyền con người đều bị tước đoạt thẳng tay. Stalin, tay chân của Lê-nin lên cầm quyền sau đó đã tàn sát hàng chục triệu người Nga trong đó có đến 2/3 ủy viên trung ương đảng cộng sản. Trostky, một lãnh đạo cộng sản bất đồng với Stalin đã bỏ trốn sang tận Mexico nhưng vẫn bị Stalin truy sát. Stalin cũng là người gây ra nạn đói nhân tạo tại Ukraine khiến 3-5 triệu người dân chết đói. Trong chiến tranh thế giới lần Hai, Stalin đã giết hại hơn 22.000 tù binh Ba Lan tại khu rừng Katyn và nỗi đau đó đã hằn sâu vào ký ức người Ba Lan.

Năm 1991, Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Yeltsin, một cựu đảng viên cộng sản cấp tiến, tổng thống Liên bang Nga đã có ý muốn đưa nước Nga hội nhập vào nền văn minh Châu Âu. Tuy nhiên người dân Nga nói chung và nhất là giới trí thức Nga nói riêng đã không chuẩn bị để đón nhận điều đó. Giai đoạn cầm quyền ngắn ngủi của Yeltsin đã chứng kiến cảnh hỗn loạn, mạnh ai nấy cướp và cuối cùng nước Nga đã quay lại với quĩ đạo cũ của nó. Putin, một sĩ quan tình báo chuyên hành xử bằng bạo lực và dối trá đã được chọn làm người lãnh đạo mới của nước Nga.

Trong thời gian đầu Putin đã ‘có công’ dẹp loạn các nhà tài phiệt cấu kết với quan chức chính quyền thâu tóm gần như toàn bộ tài sản của nước Nga. Nhờ giá dầu lên cao nên Putin đã thu được nhiều ngoại tệ và ổn định được tình hình nước Nga. Nhưng rồi niềm vui qua mau. Putin đã nhanh chóng trượt vào quĩ đạo độc tài và chuyên chế của các vua chúa Nga ngày xưa. Sự giàu có của nước Nga đã được tái tập trung vào tay những nhà tài phiệt mới thân cận với Putin. Tài sản của Putin theo ước tính vào khoảng 200 tỉ USD. Người dân Nga, nhất là ở các vùng thôn quê không được hưởng lợi bất cứ điều gì từ sự giàu có của nước Nga. Các tỉ phú Nga ăn chơi xa hoa nổi tiếng thế giới, có người sẵn sàng bỏ ra cả tỉ đô la để mua một chiếc du thuyền sang trọng trong khi đa số người Nga sống dưới mức trung bình của thế giới. Một ví dụ cho thấy sự phân chia của cải từ nguồn tài nguyên phong phú của nước Nga là không đồng đều khi so sánh Nga với các nước Ả Rập. Sự thành công và thịnh vượng của tiểu vương quốc Dubai hoàn toàn trái ngược với nước Nga dù cả hai đều giàu lên nhờ dầu mỏ.

putin3

Tiểu vương quốc Dubai cũng như nước Nga, ban đầu họ giàu lên nhờ dầu mỏ nhưng sau đó họ đã dùng tiền thu được từ dầu mỏ để xây dựng Dubai thành một trong những nơi giàu có và đáng sống nhất trên thế giới.

Cuộc chiến xâm lược Ukraine vừa tròn 5 tháng với sự thất bại ngày càng rõ của Nga. Nga đã bị cô lập hoàn toàn trên thế giới. Có hai kịch bản cho cuộc chiến này. Một là người dân Nga và quân đội Nga đảo chính Putin vì sự thất bại đã quá rõ ràng. Hai là Nga kiệt sức trên chiến trường nên bắt buộc phải rút khỏi Ukraine. Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì cuộc chiến này chỉ có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm nữa là phải kết thúc vì Nga sẽ kiệt quệ hoàn toàn. Vũ khí hiện đại của Phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều và người lính Ukraine đã được tập huấn để có thể sử dụng hiệu quả các loại vũ khí đó.

Nhiều ý kiến cho rằng Putin sẽ chiến thắng nếu tiếp tục kéo dài cuộc chiến vì EU và các nước dân chủ sẽ mệt mỏi do lạm phát và suy thoái kinh tế. Điều đó sẽ không xảy ra. Càng ngày giới chính trị gia sẽ càng cố gắng thuyết phục người dân về mối nguy của Nga và người dân các nước dân chủ sẽ hiểu ra điều đó. Cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất của Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg về cái giá phải trả cho cuộc chiến Ukraine mới đây là rất rõ ràng và dứt khoát.

Việc Boris Johnson từ chức thủ tướng Anh là một tin tốt cho Ukraine chứ không phải tin xấu. Johnson là một chính trị gia dân túy chủ trương đưa nước Anh ra khỏi EU với một thái độ không mấy thân thiện vì thế sự ra đi của ông sẽ làm cho mối liên kết giữa nước Anh và EU càng thêm bền chặt. Hơn nữa, cho dù bất cứ ai lên làm thủ tướng thì nước Anh vẫn không thay đổi chính sách đối với nước Nga. Đừng quên một điều là quân đội Anh thuộc loại tinh nhuệ nhất thế giới và vương quốc Anh là nước có truyền thống chống độc tài. Nước Anh từng đánh bại Napoleon trong thế kỷ 19 và trong thế chiến Hai, Anh là nước đứng đầu khối liên minh chống phát xít Đức.

Việc tổng thống đắc cử của Pháp, Macron bị mất đa số tại quốc hội cũng là một tin mừng cho Ukraine. Macron là người thiếu nhiệt tình và quyết tâm nhất trong các nhà lãnh đạo EU trong việc lên án Nga và ủng hộ cho Ukraine. Đảng Cộng hòa liên minh với đảng của Macron có lập trường rất cứng rắn với Nga và vì thế sự hỗ trợ của Pháp cho Ukraine chỉ có thể tăng lên trong thời gian tới.

Về nước Mỹ như lần trước chúng tôi đã phân tích, mặc dù chính trường Mỹ đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, có thể đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện trong kỳ bầu cử tháng 11 tới đây nhưng sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine sẽ không thay đổi. Yếu tố nằm ngoài dự tính đó là các tổ hợp sản xuất vũ khí của Mỹ. Họ cần nhiều đơn đặt hàng sản xuất vũ khí mới và họ có quyền lực ngầm rất lớn. Cứ nhìn dự luật kiểm soát súng của Mỹ không thể thông qua tại quốc hội là thấy được ‘sức mạnh’ của các tổ hợp quốc phòng Mỹ. Sai lầm của Putin đã biến quân đội và binh lính Nga thành ‘chuột bạch’ để các nước thử nghiệm vũ khí mới.

putin4

Vũ khí của phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều và chúng sẽ giúp thay đổi cục diện trên chiến trường. (Ảnh: Trọng pháo HIMARS của Mỹ đang là nổi ám ảnh của quân đội Nga)

Một yếu tố quan trọng khiến Putin trả giá đắt là tinh thần yêu nước của người Ukraine. Những ai tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Ukraine đều thấy rõ quyết tâm chống lại đế chế Nga của người dân Ukraine. Đây là lần thứ ba người Ukraine đứng dậy cầm vũ khí chống lại Nga. Không may cho họ, hai lần trước họ đều thất bại và bị nước Nga đàn áp thẳng tay. Lần này người Ukraine sẽ chiến thắng vì họ được cả thế giới ủng hộ. Sự tàn bạo và vô nhân tính của quân đội Nga khi bắn tên lửa bừa bãi vào các khu dân cư đông đúc, gây ra cái chết cho hàng chục nghìn người dân Ukraine vô tội càng khiến cho họ quyết tâm chiến đấu chống Nga đến cùng. Không phải tự nhiên mà ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nếu Phương Tây không viện trợ vũ khí cho Ukraine thì người Ukraine sẽ dùng cuốc xẻng để chiến đấu với quân xâm lược Nga cho đến người cuối cùng. Suốt chiều dài lịch sử của mình, người Ukraine luôn tìm mọi cách để thoát khỏi quĩ đạo Nga nhưng không thành. Đây là cơ hội cuối cùng để người Ukraine đoạn tuyệt với đế chế Nga và họ sẽ làm được vì đó là khát vọng ngàn năm của họ.

Nước Nga đang dần dần cạn kiệt các nguồn lực khi phải điều quân từ biên giới Kazakhstan và vùng Kuril xa xôi, giáp với Nhật Bản để tung vào chiến trường Ukraine. Thậm chí họ phải dùng cả tù nhân để sung lính. Theo nhận định của cơ quan tình báo Anh thì Nga sắp cạn kiệt về vũ khí, họ phải dùng tên lửa đối không S-400 để tấn công mặt đất. Thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng không giúp được gì cho Putin. Thổ là thành viên của NATO, tổng thống Erdogan là một chính trị gia dân túy, ông ta chỉ muốn Nga và Iran (hai quốc gia đang bảo trợ cho Syria) bật đèn xanh để ông ta tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại người Kurd ở vùng đông Bắc Syria mà Thổ luôn xem là lực lượng khủng bố. Tuy nhiên cả Nga và Iran đều phản đối đề nghị đó. Iran, quốc gia đang bị Mỹ cấm vận không có nhiều tiềm lực để giúp Nga ngoài tinh thần và sự động viên.

Trung Quốc, một đồng minh chiến lược của Nga đã tỏ ra dè dặt, không ai biết Trung Quốc có giúp gì cho Nga sau hậu trường không chứ công khai thì hầu như không có gì. Thậm chí tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) còn thông báo rút khỏi thị trường Nga để tránh bị phương Tây trừng phạt. Nga rất khó liên minh với Trung Quốc vì Trung Quốc luôn nhòm ngó và đang âm thầm xâm chiếm vùng viễn đông rộng lớn và giàu tài nguyên của Nga. Mặt khác Trung Quốc dù cùng ý thức hệ độc tài với Nga nhưng lại có quan hệ làm ăn kinh tế rất lớn đối với Mỹ và các nước dân chủ. Thị trường Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với các thị trường này nên Trung Quốc không dám hy sinh vì Putin.

putin5

Vũ khí dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ sớm hết hiệu lực khi EU tìm được các nguồn cung khác. (Ảnh: Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và tổng thống Azerbaijan ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên 20 tỷ m3 một năm)

Vũ khí của Nga để chống lại Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) là dầu mỏ và khí đốt nhưng phần bất lợi sẽ thuộc về Nga chứ không phải EU. Nếu Nga cắt ngay lập tức nguồn khí đốt cho EU thì EU sẽ chao đảo trong một thời gian ngắn nhưng EU sẽ có giải pháp. Các cuộc đàm phán của EU với các quốc gia như Algeria, Azerbaijan, Kazakhstan, Irsael, Qatar, Ả Rập Xê Út…để tăng nguồn cung cấp khí đốt thay thế Nga diễn ra rất suôn sẻ và thuận lợi. Nga dọa đóng van đường dẫn khí đốt Nord Stream 1 sang EU nhưng đã không làm điều đó vào phút cuối.

Putin tiến thoái đều lưỡng nan. Sự ngông cuồng và hoang tưởng của Putin đang khiến nước Nga trả giá đắt. Cuộc chiến rồi sẽ kết thúc với khả năng là nước Nga sẽ tan rã thành nhiều quốc gia độc lập. Như đã trình bày, Putin xây dựng đế chế Nga bằng bạo lực và một ý thức hệ đặt trên nền tảng của đạo Chính thống giáo nhưng điều đó là vô lý vì rất nhiều người Nga theo các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật giáo…Các nước cộng hòa Hồi giáo Nga sẽ nhân cơ hội nước Nga suy yếu để tuyên bố độc lập và điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần. Một nước Nga hoặc là suy yếu hoặc là dân chủ sẽ đảm bảo cho hòa bình Châu Âu và thế giới. Putin sẽ đi vào lịch sử như là người đã đặt dấu chấm hết cho đế chế Nga.

Sự thất bại của nước Nga tại Ukraine sẽ làm tăng tốc làn sóng dân chủ thứ Tư. Phong trào toàn cầu hóa duy lợi và xô bồ sẽ chấm dứt để nhường chỗ cho sự hợp tác giữa các nước cùng chia sẻ các giá trị dân chủ và tự do. Thế giới đã rút ra một bài học đắt giá là không thể hợp tác và làm ăn với các nước độc tài. Mọi cố gắng giao thương chỉ làm cho các chế độ toàn trị mạnh lên và đe dọa hòa bình thế giới. Sau Nga sẽ đến lượt Trung Quốc. Sẽ không có chiến tranh mà chỉ là sự chấm dứt hoặc hạn chế hợp tác kinh tế ở mức thấp nhất. Chỉ cần vậy là Trung Quốc không còn che dấu được sự khủng hoảng của nền kinh tế đang lâm nguy.

Chúng ta đang sống và chứng kiến những thay đổi lớn của thế giới từ sau thế chiến Hai. Việt Nam sẽ không là ngoại lệ nằm ngoài ảnh hưởng của những biến động thế kỷ đó. Chưa bao giờ cơ hội dân chủ hóa đất nước lại lớn như vậy. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị làn sóng dân chủ cuốn trôi trong một tương lai rất gần. Người dân Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đón nhận một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra trong nay mai. Một tương lai tốt đẹp và tươi sáng đang chờ chúng ta ở phía trước.

Việt Hoàng

(24/7/2022)

 

Published in Quan điểm
jeudi, 07 juillet 2022 10:49

Tin nhanh chiến sự Ukraine

Cục diện cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã hoàn toàn thay đổi, mục tiêu "phi quân sự hóa, trung lập hóa Ukraine" theo những tuyên bố ban đầu của Putin có thể coi như hoàn toàn phá sản. Mục tiêu chiếm toàn bộ phía Nam của Ukraine, bao gồm cả Biển Đen để nối liền Ukraine với vùng đất Transnistria (là phần lãnh thổ của Moldova đã bị quân ly khai, dưới sự ủng hộ của chính quyền Nga bảo kê chiếm đóng) cũng có thể coi là vô vọng.

Putin đang cố gắng giành giật một chút uy thế bằng việc xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ hành chính của hai tỉnh Lugansk và Donetsk (gọi chung là vùng Donbass). Có thể nói hiện tại Putin và bè lũ đang dùng dao giết voi để mổ chim sẻ. Nhưng dường như trong việc này Putin cũng bất lực. Theo như nhà lãnh đạo chiến trường quân đội Ukraine tại Lugansk,  Sergey Gaidai họ đang chiến đấu trong mối tương quan "một chọi hai mươi" kể cả về quân số và hỏa lực.

Khác biệt giữa hai lực lượng quân đội là quân của Putin chỉ lo mỗi việc tàn phá không thương tiếc và tấn công bừa bãi vào khu dân cư trong các đô thị của Ukraine. Quân đội Nga tại Ukraine đang đánh mất tính chính thống của quân đội một đại cường và đang trở thành một đội phiến quân hèn nhát chỉ dám tấn công vào thường dân. Trong khi đó lực lượng mỏng manh của quân đội Ukraine vừa lo chiến đấu vừa phải sơ tán cư dân đến nơi an toàn vừa cố gắng không để cho quân Nga tàn phá nhà của của dân mình.

lugan1

Quân đội Ukraine có thể thua Nga trong vài trận đánh nhưng họ sẽ thắng trong cuộc chiến tự vệ chính nghĩa này. (Ảnh: Quân đội Ukraine đang rút khỏi Lugansk)

Tính từ cuối tháng tư đến nay điểm tiến xa nhất của quân xâm lược cũng chỉ khoảng 35 km. Quân Ukraine đã phải rút khỏi Donetsk và Lugansk nhưng đây không phải là một cuộc tháo chạy mà chỉ là cuộc rút lui chiến thuật, có trật tự để tới phòng tuyến kế tiếp đã được chuẩn bị song song với việc sơ tán tất cả những gì có thể. 

Tính từ đầu cuộc chiến đến nay quân đội Ukraine đã tiêu diệt 36.650 lính Nga, tiêu hủy 1.602 chiếc tăng và 3.797 xe thiết giáp. Riêng ngày hôm qua là 8 xe thiết giáp và 2 xe tăng. Một trong những vấn đề khó khăn lớn của quân dân Ukraine là Putin và bè lũ đã không còn tôn trọng bất cứ giá trị con người nào ngoài cá nhân Putin. Putin đã biến cuộc chiến tranh này thành cuộc chiến tranh hủy diệt chỉ vì cá nhân Putin.

lugan3

Quân Nga bị thiệt hại nặng nề tại Ukraine.

Trong quá khứ những cuộc chiến tranh thời mông muội người ta vẫn phải né tránh đền đài miếu mạo. Đối với Putin không có gì là vùng cấm, không công trình hàng trăm năm, không xe cứu thương, không bệnh viện và không cả trẻ em. Liên tục trong mấy ngày qua Putin vẫn tiếp tục ném bom và phóng tên lửa vào sân chơi trẻ em, vào trường học, vào khu dân cư, những nhà cao tầng và cơ sở hạ tầng phúc lợi.

Thảm kịch lớn nhất cho đất nước và người dân Ukraine hiện giờ là số lượng bom đạn, tên lửa khổng lồ từ thời Liên Bang Xô Viết đang nằm trong tay một tên khủng bố điên rồ nhất mọi thời đại Putin. Nhân loại hiện nay chưa có bất kỳ một khả năng nào để ngăn chặn những tên điên như vậy. Gần 3.000 quả tên lửa đã bắn vào Ukraine cho đến nay và chỉ có 150 quả được ngăn chặn. Nhiều thành phố của Ukraine đã bị hủy hoại và hàng nghìn người dân vô tội đã thiệt mạng.

Với sự giúp đỡ của các nước Phương Tây tình hình có đôi chút thay đổi, có ngày lực lượng quân đội Ukraine đã đánh chặn được 9 quả tên lửa ngay trên không. Theo một số đánh giá tổng quan thì phía Nga đang kiệt quệ về trang thiết bị quân sự cũng như các tên lửa thông minh và lực lượng quân đội. Cho đến nay phía Nga vẫn chưa tuyên bố tình trạng tổng động viên.

Theo đánh giá của một số nhà phân tích thì nước Nga đã âm thầm tổng động viên theo một cách khác và nhận thấy việc công bố tình trạng tổng động viên cũng không có khả năng thay đổi được gì mà chỉ đem đến sự xáo động trong xã hội. Dù vậy Hạ viện Nga cũng đang chuẩn bị đưa ra một điều luật đặt nước Nga trong tình trạng chiến tranh. Dự luật này yêu cầu các doanh nghiệp Nga phải cung cấp mọi thứ cần thiết cho quân đội Nga. Điều này chứng tỏ Nga càng ngày càng kiệt quệ về mọi mặt, họ hoàn toàn không có khả năng sản xuất vũ khí tinh vi vì phụ thuộc vào chất bán dẫn nhập ngoại. Trong khi dù chậm nhưng vũ khí khí tài của Ukraine sẽ vẫn tiếp tục được cung cấp và càng ngày càng hiện đại.

Trong tuần qua, từ ngày 28 đến nay quân và dân Ukraine đã phá hủy được 11 địa điểm quan trọng của Nga nằm sâu trong những vùng chiếm đóng, trong đó bốn kho đạn dược và phần còn lại là cơ sở hạ tầng như các kho nhiên liệu. Hệ thống tên lửa HIMARS đã phát huy tác dụng. Hai địa điểm xa nhất là kho đạn ở Melitopol và Snezhnoye cách xa tới 75-85 km đã bị quân đội Ukraine tấn công và phá hủy. Chắc chắn việc này sẽ góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường.

lugan2

Pháo tầm xa của Phương Tây viện trợ đã giúp Ukraine tấn công vào các mục tiêu của Nga nằm sâu trong khu vực chiếm đóng. 

Cuộc chiến này vẫn còn tiếp tục kéo dài trong những ngày sắp tới vì Putin không thể dừng lại. Tự ái của Putin cao hơn mạng người dân và binh lính Nga lẫn Ukraine. Dù vậy thất bại của Putin là điều chắc chắn. Sau lưng Ukraine là cả EU và thế giới văn minh. Putin không được phép chiến thắng trong cuộc chiến này.

Đỗ Xuân Cang

(7/7/2022)

Published in Quan điểm

Tổng thống Mỹ Biden thông báo cấp thêm 1 tỷ đô la vũ khí cho Ukraine

Thùy Dương, RFI, 16/06/2022

Ngày 15/06/2022, tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ cấp thêm cho Ukraine vũ khí với tổng giá trị 1 tỉ đô la, đặc biệt là các hệ thống rocket chống hạm, tên lửa địa đối địa và đạn pháo.

seve1

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ cấp thêm cho Ukraine vũ khí với tổng giá trị 1 tỉ đô la

Tổng thống Mỹ Biden đã thông báo thông tin trên cho đồng nhiệm Ukraine trong cuộc điện đàm dài 41 phút. Trong thông cáo sau cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ tuyên bố số vũ khí lần này gồm các loại vũ khí phòng thủ bờ biển, đạn đại bác và hệ thống phóng rocket đa nòng.

Ngoài vũ khí, theo Reuters, Mỹ còn cấp bổ sung cho Ukraine 225 triệu đô la viện trợ nhân đạo, chủ yếu liên quan đến hệ thống cấp nước sạch, trang bị y tế, thực phẩm và nhằm hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình khó khăn mua nhu yếu phẩm. 

Cũng trong ngày hôm qua 15/6, hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/06/2022, bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương họp tại Bruxelles, Bỉ, với chương trình nghị sự về cuộc xung đột Ukraine. Việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine cũng đã được nhắc tới. Trong cuộc họp của "nhóm tiếp xúc", do Mỹ lập ra để trợ giúp Ukraine, cũng tại Bruxelles, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã kêu gọi các nước đồng minh đẩy mạnh việc giao vũ khí cho Ukraine.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :

"Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định Ukraine cần nhận được thêm và sẽ nhận được thêm vũ khí hạng nặng và vũ khí tầm xa từ các nước đồng minh. Bộ trưởng quốc phòng Ukraine, Oleksei Reznikov, cũng được mời tham dự cuộc họp, trong khi đó chính quyền Kiev đánh giá mới chỉ nhận được 10% số vũ khí mà họ đề xuất. Theo tổng thư ký NATO, việc giao vũ khí cho Ukraine đang được tiến hành, nhưng việc huấn luyện quân đội Ukraine, hỗ trợ và bảo trì các hệ thống vũ khí thì cần có thời gian.

Jens Stoltenberg phát biểu : "Chúng tôi hiện đang cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến hơn và có tầm bắn xa hơn, hệ thống pháo tiên tiến hơn, các loại vũ khí hạng nặng hơn, cũng như vũ khí hiện đại hơn, như tiêu chuẩn của NATO. Chúng tôi thực sự đang bắt đầu chuyển đổi từ thế hệ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí của NATO, vốn hiện đại hơn. Cũng sẽ mất một thời gian để quân đội Ukraine có thể sẵn sàng sử dụng và vận hành các hệ thống này".

Tại trụ sở NATO, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp của 50 nước trong "nhóm tiếp xúc" về Ukraine để tổng kết các đợt vũ khí này. Theo ông Lloyd Austin, NATO và các đồng minh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương phải tăng cường các hành động chung để hỗ trợ Ukraine phòng vệ.

Thùy Dương

**********************

Severodonetsk : Nga ra tối hậu thư, Ukraine quyết kháng cự đến cùng

Chi Phương, RFI, 15/06/2022

Sau nhiều tuần tấn công Severodonetsk, Nga đã kêu gọi lính Ukraine hạ vũ khí, ngừng bắn và đề xuất mở hành lang nhân đạo để sơ tán thường dân. Ukraine bác bỏ đề xuất này.

seve2

Lính Ukraine thuộc một đơn vị đặc nhiệm sau một trận giao tranh với quân Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 14/06/2022.  AP - Efrem Lukatsky

Bộ quốc phòng Nga hôm 14/06 đã đưa ra tối hậu thư, yêu cầu Ukraine hạ vũ khí và ngừng kháng cự "vô lý". Moskva đề xuất thiết lập hành lang nhân đạo ngày 15/06/202, từ 5 giờ đến 17 giờ GMT để đảm bảo thường dân có thể được sơ tán an toàn khỏi vùng chiến.

Theo AFP, dưới hầm nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk, hơn 500 thường dân, cả người lớn và trẻ nhỏ, đang bị mắc kẹt từ nhiều tuần qua do các cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên.

Trước lời kêu gọi của Moskva, tổng thống Ukraine Zelensky tối hôm qua, trong một bài phát biểu đăng trên mạng Telegram, khích lệ lực lượng Ukraine cố gắng cầm cự đến cùng ở vùng Donbass. Tổng thống Ukraine tuyên bố: "Kẻ thù chịu càng nhiều tổn thất thì càng khó tiếp tục cuộc xâm lược". Ông khẳng định rằng cần phải bảo vệ Donbass, vì điều này có thể cho biết bên nào sẽ chiếm ưu thế trong những tuần sắp tới. Tình hình này khiến chúng ta liên tưởng đến thành trì kháng cự cuối cùng của Ukraine ở nhà máy luyện kim Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, hiện đã rơi vào tay Nga.

Thị trưởng Severodonetsk, ông Oleksandr Stryuk, cho rằng tình hình chiến sự rất gay go, tuy nhiên lực lượng Ukraine vẫn đảm bảo liên lạc với bên ngoài dù Nga đã phá hủy cây cầu bắc qua sông Siverskyi Donetsk nhằm cô lập thành phố. Lực lượng Ukraine cũng đang thực hiện các cuộc sơ tán thường dân bí mật.

Nga và Ukraine giao tranh tại Severodonetsk và Lyssytchansk từ nhiều tuần qua. Nếu chiếm được hai thành phố này, Nga có thể tiến đến Slovianks và giành được toàn bộ vùng Donbass, khu vực mà phe ly khai thân Nga kiểm soát một phần từ năm 2014.

Các cuộc giao tranh ác liệt cũng xảy ra tại các vùng khác, như ở Kherson, miền nam Ukraine. Quân đội Ukraine cho biết đang tiếp tục tấn công để giành lại thành phố, bị rơi vào tay Nga kể từ đầu cuộc chiến.

Vùng Donbass : Thị xã Bakhmut trong gọng kìm của quân Nga  

Ngoài khu vực hai thành phố Severodonetsk và Lyssytchansk, Bakhmut là một điểm nóng khác. Gọng kìm quân Nga đang dần siết lại với thị xã, với khoảng 70 nghìn dân trước chiến tranh, cách Severodonetsk khoảng 40 km về phía tây nam. Bakhmut cũng có khả năng rơi vào tay quân Nga.  

Nhiều hoạt động sơ tán dân cư đang diễn ra, nhưng nhiều người dân vẫn quyết ở lại đến cùng với thành phố. Phóng sự của hai thông tín viên Clea Broadhurst và Julien Boileau tại Bakhmut : 

"Ở giữa Bakhmut, trong lúc oanh kích diễn ra liên tục, một cuộc di tản đang được chuẩn bị. Katia, 12 tuổi, sẽ sơ tán đến đến thành phố miền trung Dnipro cùng mẹ, nhưng người cha vẫn ở lại. Katia nói : ‘Mọi người đều rất thất vọng khi phải ra đi, tất nhiên là như vậy. Bom đạn rơi xuống khu vườn nhà, rất dữ dội. Em rất sợ cho thành phố. Đó là quê hương của em, thành phố yêu thương nhất của em’. 

Một số người không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại. Viktor là một thợ mộc trong Hội đồng thành phố. Anh đến đây để sửa chữa và bảo vệ tòa nhà nơi anh làm việc. Hai ngày trước đó, một quả tên lửa đã bắn trúng ngôi nhà đối diện.

Viktor nói : "Đôi khi chúng tôi được an toàn, đôi khi không. Số phận của chúng tôi phụ thuộc vào Chúa. Phải có một số người coi chăm sóc thành phố này chứ, chúng tôi phải chăm lo cho thành phố của chúng tôi, tại sao lại bỏ đi ? Tất cả chúng tôi đều sợ cho mạng sống của mình, nhưng vì có những người ở lại, chúng ta phải đến giúp họ". 

Thị xã Bakhmut nhận được rất nhiều viện trợ nhân đạo từ khắp mọi miền đất nước. Vasyl Povoroznyuk là cha tuyên úy quân đội. Ông đến từ Zhytomyr, cách đây 900 km. Ông đến để cung cấp quân phục, đạn dược và lương thực, cho binh sĩ và dân thường.  

Cha Vasyl Povoroznyuk nói : 'Không có nhiều người đến đây vì khu vực này nguy hiểm, liên tục bị pháo kích. Sở dĩ chúng tôi phải đến nơi nguy hiểm này, bởi vì đó là nơi mọi người cần chúng tôi. Chúng tôi cung cấp 5 tấn lương thực cho hàng trăm thường dân ở đây'. 

Người dân ở thị xã này đang cố gắng hết sức để tồn tại, bất chấp chiến tuyến đang ngày một gần".

Chi Phương

**************************

Chiến tranh Ukraine : Severodonetsk bị cô lập hoàn toàn

Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2022

Cuộc chiến Ukraine hôm 14/06/2022 bước sang ngày thứ 111 với sự kiện nổi bật là thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine, đã hoàn toàn bị cô lập sau khi cây cầu cuối cùng nối liền thành phố với phần còn lại của đất nước đã bị phá hủy vào hôm qua, 13/06. Trước tình hình đó, tổng thống Ukraine một lần nữa kêu gọi phương Tây cấp tốc chi viện vũ khí "hiện đại" để giúp Kiev tránh được thiệt hại "khủng khiếp" về nhân mạng do quân đội Nga gây ra. 

seve3

Một góc thành phố Severodonetsk của Ukraine hoang tàn đổ nát dưới bom đạn quân Nga, ngày 07/06/2022.  AFP – Aris Messinis

Theo ông Sergui Gaidai, thống đốc vùng Lugansk, lực lượng Nga đã phá hủy cây cầu cuối cùng ở Severodonestsk bắc qua sông Donets và nối với thành phố Lysytchansk lân cận. Việc cây cầu bị đánh sập sẽ cản trở việc sơ tán những thường dân vẫn còn bị kẹt lại trong thành phố, và khiến cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo không thể thực hiện được.

Trong bài phát biểu hàng ngày, hôm qua tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về "cái giá nhân mạng" của trận đánh Severodonetsk được ông cho là "khủng khiếp". Đối với ông Zelensky, "trận đánh Donbass chắc chắn sẽ đi vào lịch sử quân sự như là một trong những trận đánh ác liệt nhất ở Châu Âu", và tổn thất nhân mạng mà quân đội Ukraine phải gánh chịu "thật khủng khiếp". Theo các số liệu của chính quyền Kiev, mỗi ngày, có từ 100 đến 300 binh sĩ Ukraine tử trận.

Zelensky : Ukraine rất cần vũ khí "hiện đại"

Trước tình hình đó, theo ông Zelensky, Ukraine đang rất cần vũ khí "hiện đại" từ phương Tây. Ông xác định : "Chỉ có pháo binh hiện đại mới có thể giúp Ukraine giành ưu thế", và quân đội nước ông "chỉ cần có đủ vũ khí" là có thể "giải phóng lãnh thổ… kể cả Mariupol và Crimée". 

Lời kêu gọi mới của tổng thống Ukraine được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh đã cung cấp cho Kiev đạn dược, phụ tùng thay thế, vũ khí hạng nhẹ, cùng một số ít vũ khí hạng nặng, và Nhóm Liên Lạc về Ukraine, do bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thành lập, sẽ họp vào ngày mai, 14/06, tại Bruxelles, Bỉ. 

Trọng Nghĩa

**********************

Nga tấn công một kho vũ khí NATO viện trợ tại miền tây Ukraine

Trọng Thành, RFI, 15/06/2022

Quân đội Nga hôm 15/06/2022, thông báo phá hủy một kho vũ khí do NATO cung cấp cho Ukraine tại miền tây quốc gia này. Ngược lại với hai miền đông và nam Ukraine, khu vực miền tây Ukraine rất ít bị quân Nga đánh phá. Cuộc tấn công xảy ra đúng vào lúc các nước NATO họp tại Bruxelles để bàn việc gia tăng cung cấp vũ khí cho Kiev chống xâm lăng Nga.  

seve4

Ảnh minh họa : Vũ khí Mỹ chuẩn bị giao cho Ukraine nằm trong kho tại một căn cứ không quân Mỹ ở bang Delaware (Hoa Kỳ). Ảnh chụp ngày 21/01/2022.  AFP - Handout

AFP dẫn thông báo của bộ quốc phòng Nga cho hay "nhiều tên lửa hành trình Kalibr có độ chính xác cao đã phá hủy một kho vũ khí nước ngoài do các nước NATO cung cấp cho Ukraine, gần thị trấn Zolochiv, trong số đó có các lựu pháo M777 155 ly".

Về phần mình, thống đốc vùng Lviv, nơi có thị trấn Zolotchiv, cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ một tên lửa Nga tại địa phương này.  

Ukraine mới chỉ nhận được "10% vũ khí viện trợ cần thiết" 

Hôm nay, các đồng minh phương Tây của Ukraine họp tại Bruxelles, dưới sự chủ tọa của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Gia tăng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev là nội dung chính của hội nghị. Theo thứ trưởng quốc phòng Ukraine Anna Maliar, quân đội Ukraine mới chỉ nhận được 10% số vũ khí cần có để giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Nga.

Trước cuộc họp này, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc họp không chính thức với lãnh đạo bảy nước (Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, Romania, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Latvia). Lãnh đạo NATO tuyên bố "các đồng minh và đối tác NATO đã cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng (cho Ukraine) và tiếp tục gia tăng nỗ lực".

Trả lời báo giới tại La Haye, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh "Tất cả chúng tôi thống nhất ở một điểm, chủ yếu là Nga phải thất bại trong cuộc chiến tranh này", và Ukraine "phải có được mọi vũ khí cần thiết". 

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Quan h Vit-Nga là mt nn nhân khác ca cuc chiến Ukraine ? 

VOA, 16/06/2022

Cuc chiến ca Nga Ukraine đã làm lung lay gi đnh cơ bn v thế trn quc phòng ca Vit Nam rng người bn truyn thng Nga s vn là nhà cung cp đáng tin cy các h thng vũ khí quan trng giúp ngăn chn s xâm lược ca Trung Quc, theo nhn đnh ca mt cu quan chc B Ngoi giao Vit Nam.

vn1

Ch tch nước Vit Nam Nguyn Xuân Phúc đt vòng hoa trước M các Chiến sĩ Vô danh Moscow, Nga, trong chuyến công du chính thc ti nước ngày hôm 1/12/2021.

Trong bài viết đượViện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đăng ti, tác gi Nguyn Quang Dy cho rng vic Nga xâm lược Ukraine khiến Vit Nam rơi vào tình thế khó x v mt chính tr và ngoi giao khi quc gia Đông Nam Á b kt gia vic c gng tránh lên án Nga vi vic xoa du s ng h ca người dân Vit Nam đi vi Ukraine.

Vit Nam hai ln b phiếu trng đ t chi ch trích các hành đng ca Nga ti Ukraine trong các cuc b phiếu ca Liên Hiệp Quốc, trước khi b phiếu chng li mt ngh quyết ca t chc liên chính ph ln nht thế gii hi đu tháng 4 nhm đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốc. Nga tiếp tc là nhà cung cp vũ khí và mt đi tác chiến lược trong các n lc ca Hà Ni nhm chng li mi đe da t Trung Quc trong khu vc.

Theo ông Dy, người tng làm vic ti B Ngoi giao Vit Nam và có nhiu bài viết cho ASPI và Nghiên cu Quc tế, có mt s yếu t ràng buc Vit Nam vi Nga khiến Hà Ni b tiến thoái lưỡng nan trong vic x lý cuc xâm lược ca Nga Ukraine. Ngoài vic Nga trong lch s là nước ng h chiến lược ca Vit Nam, nước này còn chiếm t trng ln trong vic kho vũ khí nhp khu ca quc gia Đông Nam Á. Bên cnh đó, Nga là đi tác quan trng trong các d án du khí ca Vit Nam Bin Đông.

S liu ca Vin nghiên cu Hòa bình Stockhom (SIPRI) cho thy lượng vũ khí mua t Nga chiếm hơn 81% tng lượng nhp khu vũ khí ca Vit Nam và Hà Ni là nhà nhp khu vũ khí ln th 5 toàn cu ca Moscow. Còn s liu t B Kế hoch và Đu tư đượVnEconomy trích dn cho thy Nga có 151 d án đu tư vào các lĩnh vc Vit Nam, ch yếu là du khí trong đó Vietsopetro là công ty sn xut ra 1/3 lượng du cho c nước.

Trước mt, Hà Ni được cho là s duy trì chính sách quc phòng "bn không", theo đó tránh tham gia các liên minh quân s và không đng v phía nước này chng li nước khác, không cho nước ngoài đt các căn c quân s trên đt Vit Nam cũng như không s dng vũ lc hoc đe da s dng vũ lc trong quan h quc tế. Theo ông Dy, chính sách này m rng ra Bin Đông và tình hình vn chưa đến mc nghiêm trng đ phi đon tuyt vi công thc chiến lược lch s này.

Tuy nhiên theo các chuyên gia và các nhà quan sát, cuc khng hong Ukraine là cơ hi tt đ Vit Nam đánh giá li mi quan h vi Nga cũng như tìm cách đa dng hóa ngun cung vũ khí đ gim s ph thuc quá mc vào Nga. Áp lc đi vi vic đa dng hóa ngun cung vũ khí đã có trong mt thi gian dài đi vi Vit Nam, trong bi cnh Trung Quc bành trướng sc mnh khu vc, nhưng theo ông Dy, áp lc này được thúc đy mnh m bi cuc chiến ca Nga Ukraine.

Vit Nam có th b áp chế tài theo Đo lut Chng li K thù ca nước M thông qua trng pht (CAATSA) nếu tiếp tc là khách hàng mua vũ khí ca Nga. Nhưng bên cnh đó, theo phân tích ca ông Dy, cuc chiến Ukraine đã kéo Nga xích gn hơn vi Trung Quc trong khi nhiu ph tùng thay thế trong các thiết b vũ khí ca Nga, như đng cơ ca các tàu h v tên la lp Gepard tr trêu thay là được sn xut Ukraine không còn có sn.

Nói vi VOA hi tháng 4, Tiến sĩ Lê Hng Hip ca Vin Nghiên cu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, cho rng nếu Vit Nam tiếp tc mua vũ khí t Nga thì s có ri ro v nh hưởng trong quan h vi M và rng vi biến c Ukraine, Vit Nam s quyết tâm hơn trong n lc đa dng hóa ngun cung vũ khí ca mình ra khi s ph thuc vào Nga.

‘Đi tác kém hp dn

Trước thông tin v cuc din tp quân s gia Nga và Vit Nam hi cui tháng 4, ông Derek Chollet, c vn chính sách cp cao ca Ngoi trưởng M Anthony Blinken, nói rằng Nga "ngày nay là mt đi tác kém hp dn hơn nhiu so vi thi đim cách đây 4 tháng". Ông Chollet kêu gi Vit Nam đánh giá li mi quan h vi Nga và cho biết rng M "sn sàng tr thành mt đi tác ca h khi h xem xét v vn đ an ninh trong tương lai".

Tuy nhiên, có nhng gii hn đi vi vic Vit Nam có th xa dn trong quan h vi Nga mà không b nh hưởng đến an ninh ca chính mình, theo ông Dy. Kế hoch hin đi hóa các lc lượng vũ trang ca Vit Nam đã chm li k t năm 2016 và dù quc gia Đông Nam Á này đã tìm cách đa dng hóa ngun cung vũ khí đ gim thiu ri ro, thì vic thay thế các thiết b ca Nga là không d dàng chút nào. So vi các nhà cung cp khác, vũ khí ca Nga có giá r hơn. Quân đi Vit Nam cũng s đi mt vi nhng thách thc trong vic tích hp các nn tng mi có th thay thế các h thng ca Nga được s dng trong nhiu thp k qua, theo phân tích ca ông Dy.

Trong giai đon t 1995 đến 2021, Vit Nam nhp khu vũ khí t Nga tr giá gn 7,4 t USD, theo d liu ca SIPRI. Trong vòng 20 năm qua, hơn 61% lượng xut khu quc phòng ca Nga sang Đông Nam Á được đưa ti Vit Nam. Khi nhng căng thng ca Vit Nam và Trung Quc tăng cao Bin Đông vào gia thp niên 1990, Nga tr thành trng tâm trong quá trình hin đi hóa các lc lượng vũ trang ca Vit Nam. Theo nhà nghiên cu Ian Storey ca ISEAS-Yusof Ishak, Vit Nam s b ph thuc vào Nga v vũ khí, ph tùng, bo dưỡng và nâng cp trong ít nht hai thp k ti.

S ph nhiu vào vũ khí ca Nga, theo ông Dy, đt ra nhng thế yếu v chiến lược cho Vit Nam, đc bit trong bi cnh có s liên kết ngày càng cht ch hơn gia Nga và Trung Quc cũng như s gia tăng cnh tranh chiến lược n Đ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà phân tích quc phòng cp cao ca RAND Corporation, Derek Grossman, cho rằng kh năng Trung Quc gây chiến vi Vit Nam cao hơn vi Đài Loan. Theo chuyên gia thường có các phân tích v Vit Nam, vic quc gia Đông Nam Á không có bt c mt liên minh an ninh nào vi bt c mt cường quc ln hay mng lưới liên minh nào đt Vit Nam vào thế ging vi Ukraine. Ông Grossman cho rng, có nguy cơ đáng k v kh năng mt "s c" Bin Đông tràn lên biên gii trên b gia Vit Nam và Trung Quc. Kch bn đó, theo ông nhà phân tích ca RAND, được cho là có nhiu kh năng hơn là mt cuc xâm lượng Đài Loan ca Trung Quc.

Đi vi Vit Nam, mt quc gia trung lp trong khu vc, vic xoay trc mt cách tế nh mang tính ngoi giao khi người bn truyn thng lâu năm đng thi là nhà cung cp vũ khí, là Nga, theo ông Dy, s có li cho li ích ca mình trong vic xây dng mt quân đi hin đi hơn được đm bo bng các chui cung ng an toàn.

Nguồn : VOA News, 16/06/2022

**********************

Phiếu ng h ca Vit Nam cho Nga và cnh báo h ly mi quan h vi M

VOA, 18/04/2022

Vic Vit Nam b phiếu chng li n lc do M dn đu nhm đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốc được cnh báo là có th khiến mi quan h ca Hà Ni vi phn còn li ca thế gii rơi vào lâm nguy.

vn2

Tng bí thư Nguyn Phú Trng được Tng thng Nga Vladimir Putin tiếp đón ti Khu ngh dưỡng Bin Đen Sochi ca Nga ngày 16/9/2018. Sau hai ln b phiếu trng, Vit Nam quyết đnh chng li vic đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốc trong cuc b phiếu hôm 7/4 New York.

Ngay trước khi cuc b phiếu nhm đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốc vì nhng cáo buc rng binh lính Nga giết hàng trăm thường dân Bucha ca Ukraine, Moscowcnh báo các nước rng mt lá phiếu ng ý" hoc "trng" đi vi s thúc đy ca M đ loi b Nga s được coi là mt "c ch không thân thin" và s gây hu qu cho quan h song phương.

Vit Nam, sau hai ln b phiếu trng vào tháng trước khi Hi đng Bo an Liên Hiệp Quốc tìm s đng thun đ lên án Nga vì cuc xâm lược Ukraine, đã b phiếu chng trong cuc biu quyết ln th 3, mà Đi s M ti Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield gi là "khonh khc lch s". Dù có 24 nước không ng h ngh quyết được M thúc đy hôm 7/4, trong đó có Vit Nam, nhưng có đến 93 quc gia b phiếu tán thành, vượt quá mc ti thiu cn thiết 2/3 trong s 193 thành viên ca Đi hi đng Liên Hiệp Quốc New York trong đó 58 phiếu trng không được tính đ đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn ca t chc liên chính ph ln nht thế gii. Nga tr thành quc gia th hai trong lch s, sau Libya, b loi khi hi đng này.

"Tôi không ngc nhiên bi vì Vit Nam có mt mi quan h lâu dài vi Nga k t thi chiến tranh (chng M)", Giáo sư Zachary Abuza ca Đi hc Chiến tranh Quc gia Hoa K chuyên v chính tr và an ninh Đông Nam Á, nói : "(Vit Nam) có quan h ngoi giao vi Nga mc cao nht (tc đi tác chiến lược toàn din) và rõ ràng Nga đóng vai trò quan trng đi vi (Vit Nam) trong vic hin đi hóa quân s".

Ngoài Nga, ch có Trung Quc và n Đ là hai đi tác chiến lược toàn din còn li ca Vit Nam, và Moscow cung cp phn ln vũ khí cho Hà Ni trong nhiu thp k qua.

Gii thích v quan đim ca Hà Ni ngay trước cuc b phiếu hôm 7/4, Đi s Vit Nam ti Liên Hiệp Quốc Đng Hoàng Giang nói rng các quyết đnh ca các cơ quan t chc quc tế cn tuân th đúng quy trình, th tc hot đng và mi quyết đnh ca Đi hi đng Liên Hiệp Quốc "cn da trên thông tin được kim chng".

Tng thng Nga Vladimir Putin gi v thm sát Bucha là gi to trong khi chính ph Đc nói có bng chng cho thy quân Nga gây ra v thm sát này. Tng thng M Joe Biden gi ông Putin là "ti phm chiến tranh" và kêu gi xét x người đng đu nước Nga.

Dù khng đnh rng Vit Nam phn đi mi hành vi tn công dân thường, vi phm lut nhân đo và nhân quyn quc tế, nhưng ông Giang, người đng đu Phái đoàn thường trc Vit Nam ti Liên Hiệp Quốc, cho rng "cn xác minh, kim chng các thông tin gn đây mt cách công khai, minh bch, khách quan, vi s hp tác ca các bên liên quan".

Quyết đnh ca Vit Nam b phiếu chng li vic đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốc được cnh báo là có th khiến mi quan h ca Hà Ni vi phn còn li ca thế gii rơi vào thế lâm nguy.

"Vit Nam, bng cách không ch b phiếu trng mà là b phiếu cho quan đim ca Nga, s gây tn hi ti các mi quan h vi Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Nht Bn và M", Giáo sư Abuza, nhà phân tích hàng đu v chính tr và an ninh Đông Nam Á, nói. "Và điu này có th khiến cho Vit Nam mt đi mt trong nhng cuc gp mt bên l vi Tng thng Biden trong cuc hp thượng đnh Hoa K-ASEAN đã được lên kế hoch và nó s không giúp ích gì cho mi quan h song phương gia hai nước".

Thượng đnh Hoa K-ASEAN, ban đu được d kiến din ra vào cui tháng 3 nhưng sau đó b hoãn li vì thi đim không phù hp cho lãnh đo ca khi 10 nước Đông Nam Á cùng ti Washington tham d, đã được lên kế hoch li vào 12-13 tháng sau. B Ngoi giao Vit Nam hi đu tháng 3 cho biết Th tướng Phm Minh Chính s d s kin theo li mi ca Tng thng Biden và "s có các hot đng song phương" ti đây. Các lãnh đo ca khi s gp mt trc tiếp Tng thng Joe Biden và Phó Tng thng Kamala Harris ti thượng đnh mà gii quan sát xem là nhm tăng cường mi quan h vi khi ASEAN đ chng li s thng tr ca Trung Quc trong khu vc.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Khang, ng viên tiến sĩ ti Khoa Chính tr hc ca Trường Đi hc Boston, vic Vit Nam b phiếu chng li vic đình ch Nga khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốcdường như s không làm tn hi đến mi quan h gia M và Vit Nam mt cách công khai. Theo ông Khang, M h thp tác đng ca quyết đnh b phiếu "chng" ca Vit Nam vi s thu hiu rng Vit Nam đang trong mt tình thế khó khăn.

Ông Khang đưa ra nhn đnh này sau khi c vn Ngoi trưởng M Derek Chollet, người va có chuyến thăm ti Vit Nam và Philippines trong chuyến công du Đông Nam Á, cho biết rng M s không đánh đng các nước như nhau, nếu có quc gia b phiếu trng, vì cui cùng thì Nga đã b loi khi Hi đng Nhân quyn.

"Rõ ràng Vit Nam là mt nước có mt mi quan h lâu dài vi Liên bang Xô viết và Nga. Quân đi ca h rt khăng khít vi quân đi Nga", ông Chollet nói trong mt cuc phng vn viThe Diplomat : "Đng thi, (Vit Nam) đang phi vt ln vi điu này. H có th liên h nhiu mt vi hoàn cnh ca người dân Ukraine cũng như s kiên cường dũng cm ca người dân Ukraine trước s tn công d di ca mt nước láng ging ln hơn rt nhiu ln".

Theo Giáo sư Abuza, M hiu được rng Vit Nam có mi quan h lch s vi Nga nhưng Hoa K có th tht vng nếu Vit Nam tiếp tc ng h Nga khi M đang tr thành đi tác thương mi và an ninh hàng đu ca Vit Nam.

"M hiu rng (Vit Nam) là mt nước đc tài và s b phiếu theo nhng quc gia đc tài khác", Giáo sư Abuza, tác gi cun sách i mi Chính tr Vit Nam Đương đi (Renovating Politics in Contemporary Vietnam)", nói.

Ba ln b phiếu ca Vit Nam ti Đi hi đng Liên Hiệp Quốc k t khi Nga phát đng cuc chiến tranh Ukraine cách đây gn 2 tháng, đu trùng khp vi quyết đnh ca Trung Quc. Sau hai ln b phiếu trng, Trung Quc, nước phn đi các chế tài ca M và phương Tây áp lên Moscow vì cuc khng hong Ukraine, hôm 7/4 cũng b phiếu chng li vic loi Nga ra khi Hi đng Nhân quyn Liên Hiệp Quốc.

"Chúng tôi không phi là không biết điu đó nhưng chúng tôi mun nhc nh Vit Nam rng tương lai và s thnh vượng kinh tế ca (Vit Nam) gn lin hơn vi M, Liên Hiệp Châu Âu và Nht Bn", Giáo sư Abazu nhn đnh và cho rng ngoài vũ khí ra, Nga "không có ý nghĩa gì vi Vit Nam v mt kinh tế" trong khi M đóng vai trò quan trng cho s phát trin và thnh vượng ca Vit Nam.

Trong khi thương mi hai chiu gia M và Vit Nam đt hơn 110 t USD vào năm ngoái thì con s này gia Vit Nam và Nga là 7,1 t USD. Mi quan h gia Hà Ni và Washington tr nên gn bó hơn trong nhng năm gn đây khi có nhng mi quan ngi song trùng trước sc nh hưởng ngày càng tăng ca Trung Quc. Vit Nam cũng tr thành mt trong nhng đi tác chiến lược quan trng nht ca M trong khu vc đ kim ta sc mnh ca Bc Kinh trên Bin Đông.

Vì tm quan trng chiến lược ca Hà Ni trong chính sách ca M n Đ Dương-Thái Bình Dương nên mc dù Vit Nam vn đang tiếp tc mua vũ khí ca Nga, nhưng chính quyn Tng thng Trump và Biden đã không đưa Hà Ni vào danh sách b trng pht theo Đo lut Chng li k thù ca nước M thông qua trng pht (CAATSA).

Chính quyn Biden kêu gi các quc gia ng v phía l phi ca lch s" khi chn cách ng h hay chng đi cuc xâm lược ca Nga Ukraine, và theo Giáo sư Abuza, M có nhiu đòn by đ trng pht Vit Nam nếu mun trong khi Nga không th làm được điu này.

Nguồn : VOA tiếng Việt, 18/04/2022

************************

Chiến tranh Ukraine, chế tài và vũ khí Nga : Vit Nam trong thế kt ?

VOA, 11/04/2022

Các chế tài ca phương Tây đi vi Moscow vì cuc xâm lược Ukraine có thúc đy Vit Nam nhanh chóng thoát khi s ph thuc vào Vũ khí Nga ?

vn3

Ch tch nước Vit Nam duyt đi danh d trong l đt vòng hoa ti Lăng m Nhng người lính Vô danh ti Moscow hôm 1/12/2021. Nga là nhà cung cp vũ khí ln nht cho Vit Nam nhưng đang b các chế tài ca phương Tây vì cuc xâm lược Ukraine.

Vit Nam có mt mi quan h quc phòng kéo dài hàng thp k vi Nga k t cuc Chiến tranh ca M Vit Nam. T năm 1995, sau mt thi gian gián đon vì Chiến tranh Lnh, Nga tr li thành nhà cung cp vũ khí quan trng nht ca Vit Nam.

Trong giai đon t 1995 và 2021, Vit Nam nhp khu vũ khí tr giá gn 7,4 t USD t Nga, theothng kê v chuyn giao vũ khí ca Vin nghiên cu Hòa bình Quc tế Stockholm (SIPRI). Lượng vũ khí mua t Nga chiếm hơn 81% tng lượng nhp khu vũ khí ca Vit Nam.

Vit Nam cũng là quc gia Đông Nam Á mua nhiu vũ khí nht t Nga. Theo d liu ca SIPRI, trong vòng 20 năm qua, hơn 61% lượng xut khu quc phòng ca Nga sang Đông Nam Á được đưa ti Vit Nam và Hà Ni là nhà nhp khu vũ khí ln th 5 toàn cu ca Moscow.

Khi nhng căng thng ca Vit Nam và Trung Quc tăng cao Bin Đông vào gia thp niên 1990, Nga tr thành trng tâm trong quá trình hin đi hóa các lc lượng vũ trang ca Vit Nam, theo nhn đnh ca Ian Storey, nhà nghiên cu cao cp ca Vin nghiên cu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak Singapore. Trong mtbài bình lun đăng trên trang web ca vin, ông Storey cho rng nhng tr giúp v quân s ca Nga đã giúp biến quc phòng ca Vit Nam thành mt trong nhng lc lượng vũ trang hin đi và có năng lc nht Đông Nam Á, giúp cho Hà Ni có mt s răn đe, dù còn hn chế, nhưng đ mnh đ chng li Trung Quc Bin Đông.

Vi vic tiến hành mt cuc xâm lược b coi là "vô c" trên lãnh th Ukraine, Nga đang b phương Tây, dn đu là M, và mt s quc gia châu Á áp đt các chế tài nhm trng pht Moscow. Các ngân hàng ln ca Nga b loi khi h thng thanh toán toàn cu SWIFT và điu này được xem là s gây khó khăn cho Vit Nam trong vic mua vũ khí ca Nga.

"H thng SWIFT là cơ chế chính đ chuyn tin t Vit Nam sang Nga", Giáo sư Carl Thayer ca Hc vin Quc phòng Úc thuc Đi hc New South Wales cho biết. "Vic Nga b loi khi SWIFT s gây khó khăn cho Vit Nam trong ngn hn đ đáp ng các khon thanh toán đến hn".

Giáo sư Thayer, chuyên gia phân tích v các vn đ quc phòng ca Vit Nam và khu vc Đông Nam Á, cho rng Vit Nam s rt khó thc hin bt k hot đng mua vũ khí ln nào t Nga cho đến khi cuc chiến Ukraine kết thúc.

Vit Nam và Nga đã có kinh nghim này t năm 2014-2015 khi Nga sáp nhp Crimea và phi chu các lnh trng pht ca phương Tây nhm ngăn chn vic chuyn tin ca Nga, theo Giáo sư Thayer. Các chế tài ca phương Tây lúc đó, cũng do M dn đu, cm cung cp thăm dò công ngh du khí và tín dng cho các công ty cùng ngân hàng nhà nước ca Nga.

Theo Giáo sư Thayer, Vit Nam và Nga có th tìm ra các tha thun tm thi đ tm ngng hoc trì hoãn các khon thanh toán trong lúc đưa ra các phương thc thanh toán thay thế cho các ch n Nga thông qua vic thiết lp tài khon ca nga ti các ngân hàng Vit Nam hoc thông qua các t chc tài chính ca Trung Quc. Ngoài ra, cũng theo chuyên gia phân tích quc phòng này, Vit Nam và Nga có th có các tha thun linh hot liên quan đến thương mi ngược chiu, như trao đi hàng hóa hoc dch v thay cho tin t.

Tiến sĩ Lê Hng Hip ca ISEAS cũng có nhn đnh tương t v cách thc thay thế mà Vit Nam và Nga có th làm đ tiếp tc mua bán vũ khí trong khi Moscow b các chế tài ca phương Tây.

"Trước đây Vit Nam và Nga cũng đã tng có vic buôn bán theo kiu hàng đi hàng, tc là bây gi không thanh toán được bng đng rúp hay đng đô la thì h vn có th thanh toán qua các (phương thc) như Nga xut khu vũ khí cho Vit Nam và Vit Nam thanh toán cho Nga bng các mt hàng khác", Tiến sĩ Hip nói.

Còn theo Giáo sư Thayer, các cơ quan quc phòng Nga có th m tài khon ngân hàng bng đng rúp Vit Nam và thiết lp cơ chế chuyn tin, có th là song phương hoc có s tham gia ca các bên th ba chng hn như các t chc tài chính ca Trung Quc, nước đang ng h Nga và phn đi các chế tài ca phương Tây trong cuc khng hong Ukraine.

n Đ, nước mua nhiu vũ khí nht ca Nga, hin đang nhp khu du ca Nga bng đng rúp.

'Ri ro vi M'

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rng tác đng ca chế tài phương Tây áp lên Moscow đi vi Vit Nam trong vic mua vũ khí ca Nga không nên b phóng đi quá mc bi Vit Nam trong nhng năm gn đây đã tìm cách đa dng hóa ngun cung vũ khí ca mình, mt phn trước áp lc t kh năng b chế tài t Hoa K theo Đo lut Chng li k thù ca nước M thông qua trng pht (CAATSA).

Theo d liu ca SIPRI, vũ khí ca Nga chiếm 90% tng lượng nhp khu ca Vit Nam trong giai đon 1995-2014, nhưng con s này gim xung 68,4% trong giai đon t 2015-2021. Nhng nhà cung cp vũ khí cho Vit Nam trong giai đon sau này gm có Isreal, Belarus, Hàn Quc, M và Hà Lan.

"Các khon mua sm vũ khí t Nga ca Vit Nam đã gim đáng k t năm 2015, khi Vit Nam chi 735 triu USD, xung 9 triu USD vào năm 2020 và 72 triu vào năm 2021", Giáo sư Thayer nói và cho rng vic st gim này không hn là do các vn đ v ngân sách, như nhiu người gi đnh, mà là vì Vit Nam không mun phô trương tránh s tc gin t phía Đng Cng hòa dưới thi Tng thng Trump, nên không thc hin bt k giao dch mua bán (vũ khí) ln nào".

Tng thng Donald Trump vào năm 2017 ký ban hành CAATSA, đo lut liên bang ca Hoa K nhm áp lnh trng pht vào Iran, Bc Triu Tiên và Nga. Theo đó nhng nước mua vũ khí ca Nga s b M áp chế tài.

Tuy nhiên c chính quyn Trump và Biden đu min tr Vit Nam, và c n Đ, khi các chế tài ca M mc dù quc gia Đông Nam Á tiếp tc nhp khu thiết b quc phòng t Nga. Thay vào đó, M đ cho Vit Nam gim dn vic mua vũ khí và thiết b quân s ca Nga đ tránh b trng pht theo Đo lut CAATSA trong lúc tăng cường quan h an ninh và quc phòng vi Hà Ni đ kim chế s nh hưởng ca Bc Kinh trong khu vc.

Nhưng theo Tiến sĩ Hip, trong bi cnh hin nay, Vit Nam nên cân nhc li v vic tiếp tc mua vũ khí t Nga.

"Nếu Vit Nam tiếp tc mua vũ khí t Nga thì Vit Nam s có ri ro là quan h vi M s b nh hưởng, và Vit Nam nên chn cái gì tt hơn cho mình", Tiến sĩ Hip nói. "Trong tương lai, tôi cho rng, Vit Nam s đy mnh hơn n lc đa dng hóa ngun cung vũ khí ca mình ra khi Nga. Vi biến c Ukraine ln này, tôi nghĩ Vit Nam s quyết tâm hơn vi n lc này".

Dù Vit Nam đã tìm cách đa dng hóa ngun cung vũ khí trong nhng năm qua nhưng theo nhà nghiên cu Storey, Vit Nam s b ph thuc vào Nga v vũ khí, ph tùng, bo dưỡng và nâng cp trong ít nht hai thp k ti.

Vi mi quan h và s ph thuc như vy vào Nga, Vit Nam đã hai ln b phiếu trng không lên án Moscow vì cuc xâm lược Ukraine ti các cuc biu quyết ca Hi đng Bo an Liên Hiệp Quốc trong tháng trước . Hôm 7/4, Vit Nam đã b phiếu chng li vic đình ch Nga, mt trong ba đi tác chiến lược toàn din ca Hà Ni, khi Hi đng Nhân quyn ca Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hip cnh báo rng, mi quan h ngày càng thân thiết gia Moscow và Bc Kinh là mt ngun ri ro khác khiến Hà Ni phi lưu tâm trong khi tranh chp Bin Đông ngày càng gia tăng và vic đưa ra các kế hoch nhm loi b vũ khí Nga khi h thng quc phòng ngày càng tr nên quan trng đi vi Vit Nam.

Nguồn : VOA, 11/04/2022

Published in Diễn đàn

Đng minh ca Ukraine chia r v hi kết cuc chiến

VOA, 14/06/2022

Tt hơn là nên giao tiếp vi Tng thng Nga Vladimir Putin v cuc xâm lược Ukraine hay cô lp ông ta ? Liu Kyiv có nên nhượng b đ kết thúc chiến tranh, hay điu đó s khiến Đin Kremlin thêm bo dn hơn ? Các bin pháp trng pht gia tăng đi vi Nga có đáng đ b thit hi hay không ?

war1

B trưởng Quc phòng Hoa K Lloyd Austin.

Đó là mt s câu hi thách thc liên minh quc tế vn đã nhanh chóng tp hp xung quanh Ukraine trong nhng ngày sau cuc xâm lược ca Nga, nhưng ba tháng sau cuc chiến, các câu hi này đang tr nên căng thng, theo các quan chc và các nhà ngoi giao.

Khi các chính ph phương Tây đi mt vi lm phát và chi phí năng lượng ngày càng gia tăng, các quc gia bao gm Ý và Hungary đã kêu gi ngng bn nhanh chóng. Điu đó có th m đường cho vic gim bt các chế tài và chm dt vic phong ta các cng ca Ukraine vn đã làm trm trng thêm cuc khng hong an ninh lương thc đi vi nhng nước nghèo nht thế gii.

Tuy nhiên, Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic cnh báo rng Nga không đáng tin cy và nói rng mt lnh ngng bn s cho phép nước này cng c các chiến thng trên lãnh th, tp hp li và m thêm nhiu cuc tn công hơn na.

Mt quan chc cp cao ca Ukraine nói vi Reuters rng người Nga đã "truyn ming rng đây s là mt cuc chiến mt mi, chúng ta nên ngi xung và tìm kiếm s đng thun".

B trưởng Quc phòng Hoa K Lloyd Austin nói ông mun Nga "suy yếu" và Tng thng Joe Biden kêu gi truy t ông Putin vì ti ác chiến tranh. Th tướng Anh Boris Johnson nói Kyiv ch nên chp nhn mt tha thun hòa bình ti t và Ukraine "phi giành chiến thng".

Đc và Pháp vn còn mơ h, th s ngăn cn ông Putin chiến thng hơn là đánh bi ông, đng thi ng h các chế tài mi mnh m.

"Câu hi được đt ra là liu chúng ta có quay tr li Chiến tranh Lnh hay không. Đó là s khác bit gia ông Biden, ông Johnson và chúng ta", mt đng minh ca Tng thng Pháp Emmanuel Macron nói vi Reuters.

Nga đã phát đng cái h gi là "chiến dch quân s đc bit" Ukraine vào tháng Hai, nói rng h cn phi loi b nhng người theo ch nghĩa dân tc nguy him và làm suy gim kh năng quân s ca Ukraine - mc đích mà phương Tây cáo buc là mt cái c vô căn c.

Moscow t đó lp lun rng s h tr quân s t Washington và các đng minh đang kéo dài chiến tranh và ngăn cn Ukraine tiến hành các cuc hòa đàm. Vào tháng 3, Đin Kremlin yêu cu Ukraine ngng hành đng quân s, thay đi hiến pháp đ tôn trng trung lp, công nhn Crimea là ca Nga và công nhn các khu vc do phe ly khai min đông là các quc gia đc lp như mt điu kin cho hòa bình.

Các ngun tin Ukraine và Pháp, cùng các quan chc các quc gia khác được Reuters tham kho ý kiến v câu chuyn này, đã yêu cu giu tên đ t do nói v các chính sách ngoi giao và an ninh nhy cm.

S chia r có th tr nên rõ rt hơn khi các chế tài và chiến tranh đã gây thit hi cho nn kinh tế toàn cu, gây nguy cơ phn ng ni đa và có li cho ông Putin.

"Rõ ràng ngay t đu là mi chuyn s ngày càng khó khăn hơn theo thi gian - s mt mi vì chiến tranh đang đến", Th tướng Estonia Kaja Kallas nói trong mt cuc phng vn vi CNN.

Đi phó vi ông Putin

Ông Macron đã cnh báo đ đt hòa bình ch nên làm b mt Nga như đã làm vi Đc vào năm 1918.

Ông, ging như Th tướng Đc Olaf Scholz, đã gi cho các kênh liên lc vi Đin Kremlin luôn m, gây ra s phn đi các quc gia diu hâu hơn. Tng thng Ba Lan đã so sánh các cuc đin đàm đó vi vic nói chuyn vi Adolf Hitler trong Thế chiến Th hai.

"Chúng tôi s phi tha thun vi ông Putin vào mt thi đim nào đó, tr khi có mt cuc đo chính trong cung đin. Và hơn thế na vì cuc chiến này cn càng ngn càng tt", đng minh ca ông Macron nói.

Ông Scholz nói các cuc gi ca ông và ông Macron vi ông Putin được s dng đ truyn ti thông đip chc chn và rõ ràng, và nhn mnh các chế tài đi vi Nga s không chm dt tr khi ông Putin rút quân và đng ý vi mt tha thun hòa bình mà Kyiv có th chp nhn được.

Tuy nhiên, mt trong nhng người trong nhóm ca ông Scholz cho Reuters biết cách din đt ca ông Macron là "đáng tiếc". Mt s nhà ngoi giao Pháp cũng bày t s dè dt v lp trường ca ông Macron, cho rng lp trường này có nguy cơ khiến Ukraine và các đng minh Đông Âu xa cách.

Trong khi biết ơn s h tr ca phương Tây, Ukraine đã gin gi đi vi nhng đ ngh rng h nên nhượng b lãnh th như mt phn ca tha thun ngng bn và đôi khi đt câu hi liu các đng minh ca h có đoàn kết đúng mc đ chng li Nga hay không.

Li cnh báo ca ông Macron v vic không làm b mt Nga đã khiến B trưởng Ngoi giao Ukraine Dmytro Kuleba cnh báo rng Pháp ch đang t làm nhc mình, và mi quan h ca Kyiv vi ông Scholz đã tr nên băng giá.

"Chúng tôi không có mt Churchill trên khp Liên hip Châu Âu. Chúng tôi không có bt k o tưởng nào v điu đó", quan chc cp cao ca Ukraine nói, đ cp đến Th tướng Anh thi chiến Winston Churchill.

Mt quan chc văn phòng Tng thng Pháp nói "không có tinh thn nhượng b đi vi ông Putin hoc Nga trong nhng gì Tng thng nói". Quan chc này cho biết, Pháp mun Ukraine chiến thng và các lãnh th Ukraine được khôi phc và cuc đi thoi vi ông Putin là "không phi đ tha hip mà là đ nói nhng điu như chúng ta thy".

Mt quan chc chính quyn M cho biết Washington t ra nghi ng hơn v vic Nga hành đng thin chí, nhưng ph nhn có "s khác bit chiến lược" gia các đng minh.

Phát ngôn viên B Ngoi giao nói vi Reuters rng Hoa K làm vic cùng vi các đng minh đã "giúp" Ukraine - vi các chế tài, chuyn giao vũ khí và các bin pháp khác - bt chp nhng người phn đi k t trước cuc xâm lược to hoài nghi v s thng nht ca liên minh. Phát ngôn viên cho biết, mc tiêu là đưa Ukraine vào mt v trí vng chc đ đàm phán.

Làm Nga suy yếu ?

Đ cp đến bình lun ca ông Austin, quan chc đu tiên nói Washington không có ý đnh thay đi lãnh đo ca Nga mà mun thy nước này suy yếu đến mc không th thc hin mt cuc tn công như vy vào Ukraine mt ln na.

"Mi người tp trung vào phn đu tiên nhng gì ông Austin nói ch không phi phn th hai. Chúng tôi mun thy nước Nga suy yếu đến mc không th làm chuyn như thế này mt ln na", quan chc này nói.

Mt ngun tin chính ph Đc nói mc đích ca ông Austin nhm làm suy yếu nước Nga là có vn đ. Ngun tin cho biết, tht không may là Ngoi trưởng Đc Annalena Baerbock, t đi tác liên minh ca ông Scholz, đng Greens, đã tán thành mc tiêu đó, vì nó làm phc tp câu hi bao gi các chế tài có th được d b, bt k Ukraine có đng ý vi mt tha thun hòa bình hay không.

Các ngun tin chính ph Đc cũng cho biết h lo ngi rng mt s nước phương Tây có th thúc đy Ukraine đ thc hin các mc tiêu quân s phi thc tế, bao gm c vic tái chiếm bán đo Crimea do Nga sáp nhp vào năm 2014, có th kéo dài xung đt.

Bà Baerbock đã công khai nói các chế tài s phi được duy trì cho đến khi quân đi Nga rút khi Crimea.

Trong khi đó, Đi s Ukraine ti Đc đã nhiu ln ch trích Đc vì trì hoãn trong vic gi vũ khí hng nng ti Ukraine, mc dù Berlin đã kiên quyết bo v thành tích ng h ca mình.

C vn cp cao ca Tng thng Volodymyr Zelenskyy Mykhailo Podolyak đã báo hiu s tht vng ca Ukraine :

"Không th đ Nga thng, nhưng chúng tôi s không cung cp vũ khí hng nng vì có th xúc phm Nga. Ông Putin phi thua nhưng chúng ta đng áp đt các lnh trng pht mi. Hàng triu người s chết đói, nhưng chúng tôi chưa sn sàng vi các đoàn xe quân s ch ngũ cc", ông viết trên Twitter ngày 31/5.

Ông nói : "Giá c tăng chưa phi là điu ti t nht đang ch đi mt thế gii dân ch vi mt chính sách như vy".

Theo Reuters

**********************

Donbass : Áp lực của Nga đẩy Ukraine vào thế hạ phong : Tử vong cao, đạn dược thiếu

Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2022

Liên tiếp trong những ngày qua, chính quyền Ukraine báo động về tình trạng tử vong cao và lực lượng thiếu thốn đạn dược, vũ khí nghiêm trọng trước các đợt tấn công dữ dội của Nga tại vùng Donbass.

war2

Binh sĩ Ukraine đang chuẩn bị đạn pháo Howitzer M777 gần chiến tuyến, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 06/06/2022. Reuters – Stringer

Vào hôm nay, 14/06/2022, thành phố trọng yếu Severodonetsk kể như đã lọt vào tay Nga, cho dù Kiev vẫn tuyên bố còn bám trụ được ở một số nơi. Đối với giới quan sát, có nhiều dấu hiệu cho thấy là cuộc chiến Ukraine đang chuyển biến bất lợi cho Kiev hơn 100 ngày sau khi Moskva khởi động chiến tranh.

Dấu hiệu đầu tiên về tính chất nguy cấp của tình hình là các con số về tổn thất nhân mạng rất cao về phía Ukraine liên tiếp được chính quyền Kiev đưa ra, cho dù trước đó, các dữ liệu này luôn luôn được giữ bí mật để không làm mất tinh thần chiến đấu của người dân.

Hôm 01/06/2022, chính tổng thống Ukraine đã nói đến con số 10.000 lính Ukraine tử trận từ ngày Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược hôm 24/02. Thậm chí ông Zelensky còn thừa nhận một nhịp độ tử vong dồn dập : Mỗi ngày có từ 60 đến 100 binh sĩ Ukraine tử trận, và khoảng 500 người khác bị thương.

Các con số kể trên phải nói là cao, nhưng vẫn không bằng số liệu do một cố vấn cao cấp của ông Zelensky đưa ra gần 10 ngày sau, vào hôm 09/06. Trả lời truyền thông phương Tây, cố vấn của chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraine Mykhaïlo Podoliak đã nêu mức tổn thất cao gấp đôi : khoảng từ 100 đến 200 binh sĩ tử trận mỗi ngày. Đối với ông Podoliak, tổn thất nhân mạng phía Ukraine cao như vậy là do tình trạng "bất đối xứng giữa năng lực quân sự của Ukraine và Nga". Nói cách khác, phương tiện vũ khí mà Kiev hiện có ít hơn Nga rất nhiều.

Dấu hiệu thứ hai cho thấy là Ukraine đang lâm vào thế hạ phong là tình hình thiếu hụt nghiêm trọng về đạn dược và súng ống, trong khi phía Nga tăng mạnh sức ép, tập trung hỏa lực hùng hậu để thâu tóm vùng Donbass. Theo tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, Nga đã đặt ưu tiên cho việc dùng pháo binh trên quy mô rộng, và lợi thế hiện nay là 10 chọi 1 nghiêng về phía Nga.

Theo nhật báo Pháp Le Monde, trả lời kênh truyền hình tiếng Nga Currenttime.tv hôm 10/06, phó giám đốc tình báo Ukraine, Vadim Skibitsky, cho biết Nga hiện triển khai trên lãnh thổ Ukraine khoảng 1.110 chiến xa, 2.800 xe bọc thép chở quân và chiến đấu trên bộ, 1.130 hệ thống pháo trên 100 mm và 78 hệ thống phóng tên lửa đạn đạo. Trên không, Nga huy động đến 400 máy bay và 360 trực thăng chiến đấu.

Đối mặt với một lực lượng hùng hậu như trên, kho vũ khí mà Ukraine nắm trong tay vốn đã không bằng đối thủ, nay lại bị tiêu hao đáng kể trong những chiến dịch đối phó với những cuộc tấn công của đối phương. Hôm 10/06, ông Skibitsky đã giải thích với nhật báo Anh The Guardian rằng lực lượng Ukraine đã phải bắn từ 5.000 đến 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Theo Pierre Grasser, chuyên gia về quốc phòng Nga, thuộc viện nghiên cứu Sirice, tình hình đó khiến các kho đạn của Ukraine bị cạn kiệt.

Kiev có thể dựa vào nguồn chi viện đến từ nhiều nước Đông Âu, vốn cũng dùng vũ khí kế thừa từ Liên Xô. Thế nhưng, nguồn cung này cũng có hạn. Theo ước tính của chuyên gia Grasser, với tốc độ dùng pháo hiện tại của Ukraine, dự trữ đạn dược thời Liên Xô cũ ở Liên Âu chỉ cho phép Ukraine chịu đựng thêm 3 tháng nữa, và với điều kiện là các nước Châu Âu đồng ý cung cấp, điều không hề chắc chắn.

Theo giới quan sát, những lời công nhận chính thức của Ukraine về tính chất nguy cấp của tình hình có một mục tiêu rõ rệt là nhằm thúc đẩy phương Tây tăng tốc viện trợ quân sự cho Kiev, một điều cho đến nay vẫn còn được tiến hành một cách dè dặt.

Trọng Nghĩa

*********************

Chiến tranh Ukraine : Severodonetsk bị cô lập hoàn toàn

Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2022

Cuộc chiến Ukraine hôm 14/06/2022 bước sang ngày thứ 111 với sự kiện nổi bật là thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine, đã hoàn toàn bị cô lập sau khi cây cầu cuối cùng nối liền thành phố với phần còn lại của đất nước đã bị phá hủy vào hôm 13/06. Trước tình hình đó, tổng thống Ukraine một lần nữa kêu gọi phương Tây cấp tốc chi viện vũ khí "hiện đại" để giúp Kiev tránh được thiệt hại "khủng khiếp" về nhân mạng do quân đội Nga gây ra. 

war3

   Một góc thành phố Severodonetsk của Ukraine hoang tàn đổ nát dưới bom đạn quân Nga, ngày 07/06/2022.  AFP – Aris Messins

Theo ông Serguiï Gaïdaï, thống đốc vùng Lugansk, lực lượng Nga đã phá hủy cây cầu cuối cùng ở Severodonestsk bắc qua sông Donets và nối với thành phố Lysychansk lân cận. Việc cây cầu bị đánh sập sẽ cản trở việc sơ tán những thường dân vẫn còn bị kẹt lại trong thành phố, và khiến cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo không thể thực hiện được.

Trong bài phát biểu hàng ngày, hôm qua tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về "cái giá nhân mạng" của trận đánh Severodonetsk được ông cho là "khủng khiếp". Đối với ông Zelensky, "trận đánh Donbass chắc chắn sẽ đi vào lịch sử quân sự như là một trong những trận đánh ác liệt nhất ở Châu Âu", và tổn thất nhân mạng mà quân đội Ukraine phải gánh chịu "thật khủng khiếp". Theo các số liệu của chính quyền Kiev, mỗi ngày, có từ 100 đến 300 binh sĩ Ukraine tử trận.

Zelensky : Ukraine rất cần vũ khí "hiện đại"

Trước tình hình đó, theo ông Zelensky, Ukraine đang rất cần vũ khí "hiện đại" từ phương Tây. Ông xác định : "Chỉ có pháo binh hiện đại mới có thể giúp Ukraine giành ưu thế", và quân đội nước ông "chỉ cần có đủ vũ khí" là có thể "giải phóng lãnh thổ… kể cả Mariupol và Crimea". 

Lời kêu gọi mới của tổng thống Ukraine được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh đã cung cấp cho Kiev đạn dược, phụ tùng thay thế, vũ khí hạng nhẹ, cùng một số ít vũ khí hạng nặng, và Nhóm Liên Lạc về Ukraine, do bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thành lập, sẽ họp vào ngày mai, 14/06, tại Bruxelles, Bỉ. 

Trọng Nghĩa

*********************

Ukraine thừa nhận phải rút quân khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk

Trọng Thành, RFI, 13/06/2022

Chiến sự tiếp diễn dữ dội tại Severodonetsk, thành phố chiến lược vùng Donbass, miền đông Ukraine. Sáng 13/06/2022, Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraine thừa nhận các đơn vị của họ đã phải rút khỏi khu vực trung tâm thành phố, nhưng đồng thời khẳng định tiếp tục kháng cự bảo vệ Severodonetsk.

war4

Lính Ukraine theo dõi trên màn hình vị trí drone của Nga tại địa điểm có giao tranh ở Severodonetsk, Ukraine. Ảnh chụp ngày 08/06/2022.  AP - Oleksandr Ratushniak

Trên mạng Facebook, Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraine nhận định : "Với sự hỗ trợ của pháo binh, quân địch đã tổ chức một đợt tấn công nhắm vào Severodonetsk, thu được kết quả nhất định, đánh bật quân ta ra khỏi trung tâm thành phố. Giao tranh vẫn tiếp diễn". Thống đốc tỉnh Luhansk, Serguiï Gaïdaï, cũng xác nhận các đơn vị Ukraine đã phải rút khỏi trung tâm Severodonetsk.

Như vậy, sau hơn một tuần lễ chống trả quân Nga, phía Ukraine phải thừa nhận khó lòng bám trụ tại trung tâm Severodonetsk. Hôm 12/06, thống đốc tỉnh Luhansk cho biết tình hình "hết sức khó khăn" đối với lực lượng bảo vệ thành phố, "kẻ thù đang muốn cô lập hoàn toàn Severodonetsk, ngăn chặn toàn bộ người qua lại, cũng như đạn dược". Theo ông, quân Nga có thể sẽ "huy động toàn lực để chiếm thành phố" trong vòng 48 giờ.

Hiện tại, các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát khu công nghiệp và nhà máy hóa chất Azot của Severodonetsk. Theo thống đốc Gaida, "còn khoảng 500 dân thường đang trú ẩn trong nhà máy hóa chất, trong đó có 40 trẻ em". Quân đội Ukraine không dễ dàng bỏ lại thành phố cho quân Nga. Theo tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valeri Zaloujny, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ bảo vệ đến cùng những vị trí ở phía bắc tỉnh Luhansk, "mỗi thước đất sẽ thấm máu quân thù".

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời nhiều giới chức địa phương cho biết quân Nga đã phá hủy thêm một cây cầu nối Severodonetsk với vùng hậu phương của Ukraine. Theo thống đốc tỉnh Luhansk, hiện Severodonetsk chỉ còn nối với bên ngoài qua một cây cầu duy nhất, nếu cầu này bị phá hủy, thành phố sẽ hoàn toàn bị cô lập "bằng đường bộ", với bên ngoài.

 Chính quyền Ukraine nhấn mạnh là quân Nga chiếm ưu thế nhờ hỏa lực pháo binh vượt trội. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine cho biết hỏa lực của quân Nga hiện mạnh gấp 10 lần so với Ukraine. Trên Twitter hôm nay, ông Mikhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraine, thông báo nhu cầu vũ khí của quân đội Ukraine : "1.000 pháo 155 ly, 300 hệ thống pháo phản lực đa nòng, 500 xe tăng, 2.000 xe thiết giáp và 1.000 drone". Cố vấn của tổng thống Ukraine hy vọng hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước hỗ trợ Ukraine, họp ngày 15/06 tới tại Bruxelles, với sự chủ trì của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, sẽ đưa ra "một quyết định".

Trọng Thành

Published in Quốc tế
dimanche, 05 juin 2022 15:30

Cuộc chiến Ukraine đi về đâu ?

Hôm 3/6 đánh dấu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã qua được 100 ngày. Cuộc chiến rồi sẽ đi về đâu dường như xoay quanh vấn đề lãnh thổ : Hãy để Nga giữ những vùng đất mà họ đã chiếm được cho đến nay ; đẩy nó trở lại vạch xuất phát vào ngày 24/2, hay cố gắng đẩy nó ra xa hơn nữa, tới biên giới quốc tế, để khôi phục các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014 ?

Cuộc tranh luận còn xoay quanh nhiều điều khác, ví dụ như, về cái giá phải trả, rủi ro và những phần thưởng của việc kéo dài chiến tranh và vị trí của Nga trong một trật tự Châu Âu tương lai.

divedau0

Một trật tự thế giới mới, sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine kết thúc, sẽ như thế nào ?

"Putin sai lầm, nhưng đừng làm nhục Nga"

Hôm 4/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm một "sai lầm lịch sử và cơ bản" khi xâm lược Ukraine. "Tôi nghĩ ông ấy đã tự cô lập mình", Macron nói với truyền thông Pháp. Nhưng Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng Nga không nên bị "làm nhục... để đến ngày giao tranh ngừng lại, chúng ta có thể mở đường thông qua các biện pháp ngoại giao". Macron đã tìm cách duy trì đối thoại với Tổng thống Nga Putin kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào tháng Hai. Lập trường của ông Macron đã nhiều lần bị một số đối tác Đông Âu và khu vực Baltic chỉ trích, vì họ coi đó là hành động phá hoại nỗ lực gây áp lực với Putin.

Ông Macron khuyến cáo trong một cuộc phỏng vấn vừa được công bố : "Chúng ta không được làm nhục Nga để khi ngày giao tranh dừng lại, chúng ta có thể xây dựng một lối thoát thông qua các biện pháp ngoại giao. Tôi tin rằng Pháp có vai trò là nhà trung gian". Macron đã nói chuyện thường xuyên với Putin kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 như một phần của nỗ lực tìm kiếm ngừng bắn. Macron nói : "Tôi đã nói với ông ấy rằng, ông ấy đang mắc một sai lầm lịch sử và cơ bản đối với người dân của mình, đối với bản thân và lịch sử… Chúng tôi đã đối thoại với nhau được ít nhất một trăm giờ". Pháp đã hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và tài chính, nhưng đến nay Macron vẫn chưa thăm Kyiv như một cử chỉ biểu tượng tình đoàn kết (1).

Không chỉ một mình Macron

Nhưng đâu chỉ một mình Tổng thống Pháp cảnh báo, không nên dồn Putin vào chân tường, mà cả Tiến sĩ Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng/Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, hôm 16/5 cũng tuyên bố trên Financial Times : "Thật không khôn ngoan khi có thái độ thù địch cùng lúc với cả hai đối thủ và thúc đẩy họ xích lại gần nhau. Trước mắt, chúng ta không nên gộp cả Nga và Trung Quốc lại với nhau như một yếu tố không thể tách rời. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Putin đã tính toán sai về tình hình mà ông ấy phải đối mặt trên trường quốc tế và tính sai khả năng của Nga. Nhưng liệu Putin có leo thang chiến tranh bằng cách chuyển sang một loại vũ khí chưa bao giờ được sử dụng ?" (2).

Kissinger còn cảnh báo trên Telegraph hôm 23/5 : "Phương Tây đừng bao giờ quên tầm quan trọng của Nga đối với Châu Âu. Các cuộc đàm phán phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi cục diện tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây. Theo đuổi cuộc chiến quá thời điểm đó sẽ không còn liên quan đến quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại Nga" (3).

Nhưng Ukraine bác bỏ

Một chính khách đã 98 tuổi mà vẫn suy nghĩ được như trên quả là "xưa nay hiếm". Rõ ràng đầu óc của Kissinger còn sáng suốt hơn đầu óc của Putin, tuy tuổi của họ cách nhau hơn hai giáp. Gần đây, Putin đã trả đũa Mỹ bằng cách cấm các lãnh đạo Mỹ nhập cảnh vào Nga, trong đó có cố Thượng nghị sỹ John McCain (đã quá cố). Chắc Putin không đùa. Nhưng điều đó không có nghĩa Kissinger không ngộ nhận và sai lầm. Dư luận nói chung và người Ukraine nói riêng không chấp nhận lời khuyên của Kissinger, không phải vì ông quá già mà vì ông ngạo mạn khi coi thường người Ukraine. Hẳn nhiên, lời khuyên của Kissinger đã bị người Ukraine bác bỏ. Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Kyiv công bố gần đây cho thấy 82% người Ukraine nói rằng họ không muốn nhượng lãnh thổ cho Nga. Kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov và là nhà hoạt động chính trị, đã viết trên Twitter rằng lập trường mới nhất của ông Kissinger về Ukraine không chỉ vô đạo đức mà còn "được chứng minh là sai lầm lặp đi lặp lại nhiều lần".

divedau1

Bản đồ vùng Donbass 100 ngày sau khi quân Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine

Mykhailo Podolyak (Cố vấn của Tổng thống Zelensky) nói rằng "bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga không phải là con đường dẫn đến hòa bình, mà chỉ có thể trì hoãn chiến tranh trong vài năm". Zelensky từng nhiều lần nhấn mạnh rằng một trong những điều kiện để ông tham gia các cuộc đàm phán hòa bình là Nga phải đồng ý để Ukraine khôi phục những khu vực vốn thuộc kiểm soát Ukraine vào trước ngày Nga xâm lược (24/2/2022).

Theo Richard Haass (CFR President) đề xuất của Kissinger có thể bị Ukraine từ chối "vì yêu cầu Ukraine từ bỏ quá nhiều" và dễ bị Putin bác bỏ "vì cho Nga quá ít". Ý tưởng dùng cộng đồng quốc tế để cô lập Trung Quốc và cố hội nhập nó vào một trật tự thế giới phù hợp với lợi ích của chúng ta (Mỹ và phương Tây) lúc này là không khả thi". Theo bà Ursula von der Leyen (EC President), một ngày nào đó Nga có thể khôi phục vị trí của họ ở Châu Âu nếu nước này "tìm đường trở lại với dân chủ, pháp quyền và tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế…" Nhưng ở thời điểm này thì cuộc chiến bảo vệ đất nước của Ukraine không chỉ là "vấn đề sống còn của Ukraine" hay "vấn đề an ninh Châu Âu" mà còn là "nhiệm vụ của toàn cầu" (4).

Lập trường của phương Tây và Mỹ

Các nước phương Tây đang bắt đầu bất đồng về những điều kiện để đi đến hòa bình ở Ukraine. Phương Tây nói rằng đó là quyền quyết định của Ukraine. Tuy nhiên, ba tháng sau cuộc chiến bắt đầu, các nước phương Tây đang chọn vị trí vào kết cuộc. Ivan Krastev, thuộc Trung tâm Chiến lược Tự do, một tổ chức tư vấn ở Sofia, giải thích rằng họ đang chia thành hai phe lớn. Một là "phe hòa bình", muốn ngừng giao tranh và bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt. Còn lại là "phe công lý", cho rằng Nga phải trả giá đắt cho hành động gây hấn của họ. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2/6 đã nói rằng một phần năm lãnh thổ nước này đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, và vùng Donbas "gần như bị phá hủy hoàn toàn". "Tính đến ngày hôm nay, khoảng 20% lãnh thổ của chúng tôi nằm dưới sự kiểm soát của những người chiếm đóng, gần 125 nghìn km vuông", ông Zelensky nói với Hạ viện Luxembourg qua liên kết video hôm thứ Năm. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, cuộc chiến ở Ukraine, sẽ thắng trên chiến trường nhưng chỉ có thể kết thúc bằng những cuộc đàm phán…

Mỹ là nước ủng hộ quan trọng nhất của Ukraine vẫn chưa đặt ra mục tiêu rõ ràng, ngoài việc củng cố Ukraine để giúp nước này có một vị thế đàm phán mạnh hơn. Cho đến nay, Mỹ đã chi gần 14 tỷ đô la cho cuộc chiến đó và Quốc hội vừa phân bổ thêm 40 tỷ đô la. Mỹ đã tập hợp các khoản viện trợ quân sự từ hơn 40 quốc gia khác. Nhưng sự giúp đỡ này không phải là không có giới hạn. Nó đã chuyển giao đại pháo, nhưng không phải những hệ thống hỏa tiễn tầm xa hơn mà Ukraine đang yêu cầu. Nhận xét của Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, làm tăng thêm sự mơ hồ. Sau khi đến thăm Kyiv vào tháng trước, ông đã ủng hộ "phe công lý", nói rằng phương Tây nên giúp Ukraine "chiến thắng" và "làm suy yếu" Nga. Ba tuần sau, ông dường như trở lại "phe chủ hòa", kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" sau cuộc điện thoại với người đồng cấp Nga, Sergei Shoigu. Tuy nhiên, Lầu Năm góc vẫn khẳng định không có sự thay đổi chính sách (5).

Lập luận sau 100 ngày của cuộc chiến xoay quanh vấn đề lãnh thổ : hãy để Nga giữ những vùng đất mà họ đã chiếm được cho đến nay ; đẩy nó trở lại vạch xuất phát vào ngày 24 tháng 2 ; hay cố gắng đẩy nó ra xa hơn nữa, tới biên giới quốc tế, để khôi phục các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014 ? Cuộc tranh luận còn xoay quanh nhiều điều khác, bên cạnh đó, về cái giá phải trả, rủi ro và những phần thưởng của việc kéo dài chiến tranh ; và vị trí của Nga trong thứ tự Châu Âu. Phe chủ hòa đang vận động. Đức kêu gọi ngừng bắn ; Ý đang lưu hành một kế hoạch bốn đường đi đến một dàn xếp chính trị ; Pháp nói về một thỏa thuận hòa bình trong tương lai mà không "sỉ nhục" Nga. Chống lại họ đứng đầu là Anh quốc, sau đó là Ba Lan và các nước Baltic.

Khi được hỏi liệu Ukraine có cần nhượng một phần lãnh thổ để đạt được hòa bình hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói : "Tôi sẽ không nói cho họ biết họ nên làm gì và không nên làm gì". Ông Biden hôm 3/6 nói thêm rằng : "Có vẻ như tại một thời điểm nào đó sẽ cần phải có một "dàn xếp" giữa hai quốc gia, nhưng "điều đó đòi hỏi gì, tôi không biết". "Đó là lãnh thổ của họ. Tôi sẽ không nói cho họ biết họ nên làm gì và không nên làm gì… Nhưng có vẻ sẽ phải có một thỏa thuận thương lượng ở đây. Tôi không nghĩ rằng, có ai đó lúc này lại có thể biết là thời điểm nào… Nhưng trong khi chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp Ukraine để có thể tự vệ" (6).

Sức chịu đựng của Nga ?

Gần 100 ngày đổ quân vào Ukraine, quân đội Nga không phải hoàn toàn thất bại nhưng một chiến thắng toàn diện và dễ như trở bàn tay vẫn chưa đạt được. Mỗi giờ trôi qua, ngân sách chiến tranh của Putin bị "mẻ" trung bình một tỉ rúp (ruble-RUB) – khoảng 15,5 triệu USD.

Cuộc chiến giải giáp chế độ "phát xít" Volodymyr Zelensky hóa ra rơi vào thế giằng co. Chẳng có lãnh đạo cấp cao nào của Kyiv bị bắt hoặc bị giết. Trong khi đó, chiến cuộc dây dưa trưng ra trước bàn dân thiên hạ những xác máy bay cháy đen và những thi thể lính Nga co quắp. The Moscow Times mới đây cho biết, ngân sách liên bang của Nga vào tháng 4/2022 cho thấy 628 tỉ rúp đã được xài cho "ngân sách quốc phòng", có nghĩa Nga "đốt" chừng 21 tỉ rúp mỗi ngày, tương đương với ngân sách hàng năm của vài vùng lãnh thổ Nga.

The Moscow Times cho biết thêm, ngân sách quốc phòng Nga đã tăng gấp đôi kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu (ngày 24/2/2022). Tháng Một, chính phủ Nga xài 233,7 tỉ rúp cho quân đội nói chung nhưng đến tháng Hai thì tăng lên 369 tỉ rúp khi Nga bắt đầu đưa quân áp sát biên giới Ukraine. Đến tháng Tư thì ngân sách vọt lên khoảng 628 tỉ rúp. Trước đó một năm, tháng 4/2021, chi xài quốc phòng của Nga là 275 tỉ rúp. Từ tháng Một đến tháng Tư, Moscow xài tổng cộng 1.681 ngàn tỉ rúp cho chi tiêu quân sự. Số tiền này gấp ba ngân sách cho giáo dục (517 tỉ rúp) và y tế (615 tỉ rúp). Cuối tháng Tư, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, ngân sách quốc gia từ "dư xài" đã bắt đầu đối mặt nguy cơ thâm hụt 1,6 ngàn tỉ rúp và Moscow buộc phải dùng Quỹ Dự trữ Quốc gia để bù đắp. Con số 15,5 triệu USD/giờ – tức 372 triệu USD/ngày – mà Putin ném vào chiến trường Ukraine mà The Moscow Times tính dường như chưa chính xác.

Thật ra, theo Sean Spoonts – Tổng biên tập chuyên san quân sự SOFREP – tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn Newsweek (vào đầu tháng Năm), số tiền mà Nga chi cho chiến sự Ukraine có thể lên đến 900 triệu USD mỗi ngày. SOFREP tính tiền lương, đạn dược, vũ khí… được dùng cho chiến trường. Một số loại hỏa tiễn hành trình trị giá đến 1,5 triệu USD/chiếc. Chỉ riêng chiến hạm Moskva bị bắn cháy đã làm mất $750 triệu USD. Đó là chưa kể những thiệt hại kinh tế từ loạt đòn phong tỏa cấm vận của phương Tây phủ rộng toàn nước Nga. Trong khi đó, phương Tây đang phong tỏa hơn $300 tỉ của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngày 10 Tháng Năm 2022, Hội đồng Bộ trưởng Ukraine đã thông qua luật tịch thu tất cả tài sản Nga tại nước mình để dùng làm nguồn quỹ tái thiết đất nước (7).

Hoàng Trường

Nguồn : 05/06/2022

Chú thích :

(1) "Macron: Putin 'sai lầm nặng, nhưng đừng làm nhục Nga'", BBC, 04/06/2022

(2) Edward Luce, "‘We are now living in a totally new era’ - Henry Kissinger", Financial Times, 09/05/2022

(3) Ambrose Evans-Pritchard, "Henry Kissinger: Ukraine must give Russia territory", The Telegraph, 23/05/2022

(4) Dan Bilefsky, "Kissinger suggests that Ukraine give up territory to Russia", The New York Times, 24/05/2022

(5) Nguyễn Quang Dy, "Nên hiểu thế nào hiện tượng Kissinger", Viet-studies, 2/6/2022

(6) "Macron : Putin sai lầm nặng, nhưng đừng làm nhục Nga", BBC, 04/06/2022 

(7) Mỹ Anh, "Putin "đốt" mỗi giờ một tỉ rúp – $15.5 triệu – cho cuộc chiến Ukraine", SaigonnhoNews, 31/05/2022

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2