Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổn thất bất ngờ của Nga trong cuộc chiến Ukraine : Năm tướng chỉ huy tử trận

Trọng Nghĩa, RFI, 22/03/2022

Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công xâm lược Ukraine ngày 24/02/2022, được chính thức gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", lực lượng Nga đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề, cả về vật chất lẫn nhân mạng, trong số này có đến 5 viên tướng chỉ huy mặt trận và một phó tư lệnh hạm đội.  

tuongnga1

Những cấp chỉ huy quân đội Nga bị tử trận trên chiến trường Ukraine – Ảnh minh họa

Nếu phía Ukraine nói đến 15.000 lính Nga thiệt mạng tính đến ngày 19/03, thì phía Nga chỉ mới chính thức công nhận tổn thất gần 500 người tính đến hôm 02/03, hay 9.861 người theo tiết lộ của tờ báo Nga thân chính quyền Komsomolskaya Pravda ngày 21/03, trích dẫn bộ Quốc Phòng Nga, một thông tin đã bị xóa sau gần 10 tiếng đồng hồ được đăng tải. 

Trong bối cảnh cả Ukraine lẫn Nga đều tung tin với mục đích tuyên truyền, số lượng thương vong thực sự của Nga trước mắt chưa thể biết rõ, nhưng theo báo chí phương Tây, điều đáng lo ngại nhất đối với quân đội Nga vào lúc này không phải là những tổn thất về binh lính, mà là về cấp sĩ quan chỉ huy cao cấp.  

Cho đến nay, phía Điện Kremlin chỉ công nhận hai trường hợp tử trận, liên quan đến thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, phó tư lệnh Tập Đoàn quân số 41, và đại tá Hải Quân Andrei Paliy, phó tư lệnh Hạm Đội Hắc Hải, một người sắp được phong chức đô đốc. Tuy nhiên, Ukraine và các phương tiện truyền thông phương Tây đã nói đến cái chết của không dưới 5 viên tướng Nga, mà người cao cấp nhất mang quân hàm trung tướng, không kể đến một viên tướng người Chechenya. 

Một phần tư số tướng trên chiến trường tử trận

Theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 21/03, các nhà phân tích khác nhau đã ước tính rằng Nga đã huy động khoảng 20 tướng lĩnh vào chiến dịch tấn công Ukraine, vì vậy nếu quả thực là đã có năm viên tướng tử trận, thì Quân đội Nga đã mất đi một phần tư tướng chỉ huy trong không đầy một tháng, một tổn thất cực cao và hết sức bất ngờ. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao mà tỷ lệ tử trận trong giới tướng lĩnh Nga lại cao như vây. Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 20/03, tướng hồi hưu David Petraeus, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq và Afghanistan đã nêu bật là trong 20 năm can thiệp tại Afghanistan, chỉ có một tướng Mỹ bị thiệt mạng. 

Yếu kém trong hệ thống chỉ huy Nga và chiến thuật tìm diệt của Ukraine 

Theo giới phân tích, sự kiện nhiều tướng Nga bị tử trận có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có hai yếu tố chính. 

1. Các viên tướng này bị buộc phải xông lên tuyến đầu trong những cuộc tấn công để có thể trực tiếp chỉ huy vì hệ thống thông tin liên lạc tồi tệ, trong lúc binh sĩ, đa số là lính nghĩa vụ nên thiếu tinh thần chiến đấu và kỷ luật. Sự hiện diện của các cấp chỉ huy này ở tuyến đầu khiến họ dễ bị trúng đạn. 

2. Quân đội Ukraine đã có một chiến thuật cụ thể là tìm diệt các chỉ huy cao cấp của Nga trên chiến trường. Theo ghi nhận của báo Le Figaro, một nhân vật thân cận với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tiết lộ với nhật báo Mỹ Wall Street Journal rằng Ukraine có một đội tình báo quân sự chuyên "truy lùng và tiêu diệt" các sĩ quan Nga trên chiến trường.  

Chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 21/03 đã trích dẫn một nhà ngoại giao Châu Âu thông thạo các đánh giá tình báo phương Tây theo đó thì vụ 5 tướng Nga thiệt mạng chủ yếu xuất phát từ việc thiết bị liên lạc điện tử của họ kém bảo mật khiến cho họ vị trí của họ dễ bị lộ, trong lúc họ lại phải lên tuyến đầu để trực tiếp chỉ đạo một lực lượng lớn với gần 200.000 quân trong đó rất nhiều là lính nghĩa vụ trẻ. 

Ngoài ra, theo trang mạng quân sự Mỹ Military.com ngày 17/03, ông Jeffrey Edmonds, cựu giám đốc chuyên về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Barack Obama cho rằng "sức ép chính trị Moskva dường như đã buộc nhiều sĩ quan cao cấp của Nga phải xông lên tiền tuyến" để thực hiện bằng được mục tiêu chính trị là đánh chiếm các đô thị Ukraine. 

Và trên tuyến đầu họ đã trở thành con mồi cho các lực lượng đặc biệt Ukraine được trang bị máy bay không người lái điều khiển từ xa và vũ khí đặc biệt như súng bắn tỉa công suất lớn do các đồng minh NATO cung cấp. 

Năm tướng Nga tử trận 

Căn cứ vào các thông tin từ phía Nga, Ukraine và báo chí, nhật báo Pháp Le Figaro đã liệt kê các tường đưa tin về những vị tướng được tuyên bố đã chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. 

Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky 

Đây là viên tướng duy nhất mà Điện Kremlin công nhận là đã tử trân. Là tư lệnh Sư Đoàn Dù số 7 và phó tư lệnh Quân Đoàn 41, sĩ quan này được cho là đã bị trúng đạn của lính bắn tỉa Ukraine tại khu vực gần Kiev ngay trong những ngày đầu của chiến dịch tấn công. Tướng Sukhovetsky đã từng đóng một vai trò quan trọng trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014, cũng như tham gia vào các chiến dịch của Nga ở Georgia và Syria. 

Thiếu tướng Vitaly Gerasimov 

Là một sĩ quan từng thâm gia cuộc Chiến tranh Chechenya lần thứ hai, chiến dịch Syria và sáp nhập Crimea, thiếu tướng Vitaly Gerasimov là tham mưu trưởng Quân Đoàn 41. Theo tình báo Ukraine, viên tướng này đã bị hạ sát ngày 07/03 bên ngoài thành phố Kharkov ở miền đông Ukraine, cùng với nhiều sĩ quan cấp cao khác. Hiện chưa rõ hoàn cảnh về cái chết của vị tướng này và Nga cũng không thông báo về cái chết này. 

Thiếu tướng Andrei Kolesnikov 

Tư lệnh Quân Đoàn 29, thiếu tướng Andrei Kolesnikov được cho là đã thiệt mạng vào ngày 11/03 trong những hoàn cảnh chưa được xác định và tại một địa điểm không xác định. Cái chết của ông đã được các quan chức NATO và Anton Gerashchenko, cố vấn bộ Nội vụ Ukraine, xác nhận trên kênh Telegram, nhưng không hề được Điện Kremlin thông báo. 

Thiếu tướng Oleg Mityaev 

Tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh Cơ Giới số 150 của Nga, một đơn vị được thành lập vào năm 2016, thiếu tướng lục quân Oleg Yuryevich Mityaev được cho là đã bị bắn chết vào khoảng ngày 15/03 khi tham gia cuộc bao vây Mariupol. Trên mạng Telegram, Anton Gerashchenko đã đăng một bức ảnh mà theo ông là thi thể của sĩ quan đã qua đời. Thông tin này vẫn chưa được Điện Kremlin xác nhận. 

Trung tướng Andrei Mordvichev

Tư lệnh Quân Đoàn 8, trung tướng Andrei Mordvichev hiện là sĩ quan cấp cao nhất tử trận ở Ukraine. Theo chính quyền Kiev, viên tướng này bị bắn chết ở vùng Chernobyvka, gần Kherson, một thành phố mà lực lượng Nga đã chiếm đóng. Một lần nữa, Điện Kremlin chưa xác nhận thông tin này. 

Trọng Nghĩa

**************************

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Biden cảnh báo khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học

Minh Anh, RFI, 22/03/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/03/2022 khẳng định Nga đang nhắm đến việc sử dụng vũ khí sinh – hóa học tại Ukraine. Chủ nhân Nhà Trắng cảnh báo phương Tây sẽ "nghiêm khắc" đáp trả nếu điều này xẩy ra.  

tuongnga02

Một thương xá ở Kiev, Ukraine, bị quân Nga pháo kích ngày 21/03/2022. AP - Efrem Lukatsky

Phát biểu tại một cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ ở Washington, tổng thống Joe Biden nhận định, việc Nga khẳng định "Ukraine sở hữu vũ khí hóa học và sinh học tại Ukraine" là một "tín hiệu rõ nét" cho thấy ông Vladimir Putin chuẩn bị sử dụng hai loại vũ khí này.  

Về tình hình chiến sự tại Ukraine, bộ Quốc Phòng Anh hôm nay 22/03 công bố một báo cáo mới của cơ quan tình báo nhận định rằng "các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy lùi ý đồ chiếm đóng phía nam Mariupol của Nga. Tại những nơi khác, đà tiến của quân Nga rất hạn chế, phần lớn các lực lượng này vẫn bị ngăn cản tại chỗ". Tuy nhiên, nước Cộng hòa tự phong Donetsk (RPD) lại tuyên bố là các lực lượng Nga và các đơn vị quân đội của RPD đã "giải phóng" gần một nửa "vùng Mariupol", đồng thời cho biết cả Ukraine lẫn quân Nga cùng đồng minh Donetsk đều bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng.  

Trong khi đó, quân đội Ukraine sáng nay loan báo đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Makariv, cách Kiev 48 km về phía Tây, sau nhiều ngày phải hứng chịu các trận oanh kích dữ dội từ quân Nga làm hơn một chục người chết.  

Liên quan đến số binh sĩ Nga thiệt mạng, AFP cho biết, một tờ báo thân điện Kremlin hôm qua trong một bài đăng dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng dường như cho biết gần 10 ngàn lính Nga đã thiệt mạng và hơn 16.150 người khác bị thương kể từ khi Nga mở cuộc tấn công xâm lược Ukraine ngày 24/02. Theo CNN, bài viết được đăng lúc 00 giờ 09 phút ngày thứ Hai, giờ Moskva, rồi đã được cập nhật và đăng lại lúc 21 giờ 56 phút, nhưng không còn con số lính tử trận.  

AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn TASS hôm nay cho biết Nga và Ukraine đã có cuộc trao đổi tù binh đầu tiên. Chín quân nhân Nga đã được trả tự do để đổi lấy đô trưởng Ivan Fedorov thành phố Melitopol, bị quân Nga bắt cóc ngày 11/03.

Minh Anh

Published in Diễn đàn

Chính thống giáo Ukraine độc lập : Nga lên án một hành vi khiêu khích (RFI, 13/10/2018)

Một ngày sau khi Thượng Hội đồng Chính thống giáo công nhận giáo hội Ukraine độc lập, ngoại trưởng Nga hôm qua 12/10/2018 lên án "hành động khiêu khích", được Washington ủng hộ "công khai và trực tiếp".

ortho1

Người đứng đầu giáo hội Chính thống giáo Ukraine phát biểu trong một buổi lễ tại nhà thờ Volodymysky ở Kiev, Ukraine, ngày 11/10/2018. Reuters/Valentyn Ogirenko

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nhà nước Nga RT và hai báo Pháp, Le FigaroParis Match, ngoại trưởng Serguei Lavrov đã chỉ trích thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew I đã can thiệp vào hoạt động tôn giáo, vi phạm luật pháp Ukraine và Nga. Và ông cho rằng hành động nói trên được Hoa Kỳ ủng hộ.

Quyết định của Thượng Hội đồng Chính thống giáo thừa nhận một giáo hội Chính thống giáo đôc lập tại Ukraine, chấm dứt 332 năm Ukraine nằm dưới quyền quản lý của giáo hội Nga, đặt ra vấn đề tương lai của hàng triệu tín đồ vốn vẫn sinh hoạt trong giáo hội trung thành với Moskva.

Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, trong một phát biểu hôm qua, cũng khẳng định Moskva sẽ "bảo vệ lợi ích của các tín đồ Chính thống giáo" tại Ukraine, trong trường hợp có các rối loạn trong lĩnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, người phát ngôn Nga cũng cho biết cụ thể là các biện pháp mà Moskva dự kiến tiến hành sẽ "chỉ thuần túy mang tính chính trị và ngoại giao".

Sau tuyên bố của Thượng Hội đồng Constantinople, Tòa thượng phụ Nga lên án một cuộc "ly giáo", và cảnh báo "những hậu quả hết sức nghiêm trọng". Một số chức sắc trung thành với Moskva, lo ngại nhà thờ và tu viện bị trưng thu, kêu gọi tín đồ đứng lên bảo vệ các thánh đường.

Kiev tôn trọng quyết định của các xứ đạo

Về phần mình, chính quyền Ukraine bảo đảm sẽ hoàn toàn tôn trọng quyền quyết định của các xứ đạo nào chọn con đường tiếp tục trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, và không để xảy ra một "cuộc chiến tranh tôn giáo".

Quyết định công nhận giáo hội độc lập Ukraine được hàng trăm người đón mừng tại thủ đô Kiev tối hôm qua. Một số người cho đây là một biến cố lịch sử quan trọng nhất kể từ khi Ukraine độc lập với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine tỏ ra thận trọng.

Trả lời AFP, một quan chức cao cấp ngành an ninh Ukraine, xin ẩn danh, thừa nhận đây là "một sự kiện lịch sử", nhưng rất có thể "khuấy lên nhiều vấn đề lớn".

Theo dòng lịch sử, đạo Thiên chúa chia thành nhiều nhánh khác nhau. Trong đó ba nhánh lớn nhất là Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Chính thống giáo là nhánh lớn thứ ba, ước tính có từ 125 triệu đến 250 triệu tín đồ trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu là tại Nga và khu vực Đông Âu.

Cuộc phân liệt năm 1054 : Nguồn gốc ra đời

Sau nhiều thế kỷ tranh luận về thần học và chính trị, cuộc phân liệt giữa giáo hội Tây Phương và giáo hội Đông Phương đã xảy ra vào năm 1054, với sự kiện thượng phụ thành Constantinople, Michel Cerulaire đệ nhất, bị rút phép thông công, vì không thừa nhận uy quyền của giáo hoàng.

Đến lượt mình, thượng phụ Constantinople cũng quyết định rút phép thông công đối với đại diện của Tòa Thánh, hồng y Humbert de Moyenmoutier, người thực thi lệnh của giáo hoàng.

Các cuộc thập tự chinh, do một số lãnh đạo giáo hội Tây Phương hoặc thủ lĩnh quân sự tổ chức, trong hai thế kỷ tiếp theo tại miền đông nam Châu Âu và khu vực Cận Đông khiến sự phân tách giữa hai giáo hội càng trở nên trầm trọng hơn. Quân thập tự chinh đã lập ra nhiều cơ sở của giáo hội Tây Phương ngay bên cạnh các cơ sở Chính thống giáo ở Hy Lạp.

Nỗ lực hòa giải giữa hai nhánh Thiên chúa Giáo nói trên chỉ thực sự có kết quả vào năm 1965, khi hai bên từ bỏ các lệnh rút phép thông, hơn 9 thế kỷ trước.

Đức tin Chính thống giáo

"Chính thống giáo" bắt nguồn từ hai từ gốc Hy Lạp, "ortho" có nghĩa là chính thống và "doxa" là học thuyết. Giáo hội Chính thống giáo tự cho là chỉ có mình mới sở hữu "đức tin thực sự" và tất cả các giáo hội khác, bao gồm cả giáo hội Công giáo, đều phải trở lại với đạo gốc.

Bất đồng chính giữa hai nhánh Công giáo và Chính thống giáo xoay quanh cách lý giải về thuyết Tam vị nhất thể, hay Chúa Ba Ngôi, giáo lý cốt lõi của đạo Thiên chúa. Ngược lại với bên Công giáo, đạo Chính thống chấp nhận thụ phong các chức sắc đã lập gia đình, hoặc chấp nhận việc ly dị, nếu có chuyện ngoại tình.

Nghi thức của Chính thống giáo gần như không thay đổi từ một thiên niên kỷ nay, trong lúc đạo Công giáo biến chuyển nhiều theo thời gian.

Hệ thống tổ chức phức tạp

Chính thống giáo, với Constantinople (thuộc thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay) là trung tâm, bao gồm 10 giáo quyền hay các giáo hội độc lập (autocephaly), trong đó có giáo hội Ukraine, vừa được Thượng Hội đồng Chính thống giáo ở Constantinople công nhận.

Cùng với trung tâm Constantinople được coi là có uy tín nhất hiện nay, đạo Chính thống còn có ba trung tâm khác từng có vai trò rất quan trọng, tại Alexandria (Ai Cập), Antioche (Syria) và Jerusalem. Ba trung tâm này vẫn tồn tại, nhưng tầm ảnh hưởng bị thu hẹp.

Trong số các giáo hội độc lập thừa nhận uy quyền của thượng phụ đại kết thành Constantinople có các giáo hội Moskva, Serbia, Romania, Bulgaria, Gruzia, Hy Lạp, Chyprus, Albania, Ba Lan, giáo hội Czech và Slovakia, và giáo hội Ukraine vừa được công nhận.

Một số giáo hội Chính thống giáo có quyền tự trị, nhưng không độc lập, ví dụ như giáo hội Phần Lan, trực thuộc Tòa thượng phụ đại kết Constantinople (Patriarcat œcuménique de Constantinople), hay giáo hội Nhật Bản trực thuộc Tòa thượng phụ Moskva.

Riêng về Chính thống giáo ở Ukraine, với khoảng 30 triệu tín đồ, chiếm 70% dân cư Ukraine, có hai nhóm chính. Một giáo hội trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, với nhiều xứ đạo nhất (khoảng 12.000). Thứ hai là giáo hội Kiev - tự thành lập năm 1992 (sau khi Liên Xô sụp đổ) và vừa được Thượng Hội đồng thành Constantinople công nhận - có khoảng 5.000 xứ đạo. Tuy nhiên, ngày càng có đông người Ukraine theo giáo hội này (40% hiện nay, so với 15% dân cư cách nay 10 năm).

Uy quyền của Tòa thượng phụ đại kết Constantinople

Người đứng đầu Thượng Hội đồng ở Constantinople là thượng phụ đại kết thành Constantinople, giáo chức cao cấp nhất của Chính thống giáo, thường do tổng giám mục Chính thống giáo thành Constantinople đảm nhiệm. Thượng phụ thành Constantinople hiện nay là Bartholomew I, được coi là người đứng đầu, về mặt tâm linh và nghi thức, của tất cả các giáo quyền trong thế giới Chính thống giáo Phương Đông, nhưng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các giáo hội khác.

Vai trò tôn giáo quan trọng của thành Constantinople bắt nguồn từ thời kỳ hoàng đế Constantin đệ nhất (272-337), cũng là hoàng đế La Mã đầu tiên theo Thiên chúa Giáo. Constantin đệ nhất coi đạo Thiên chúa là tôn giáo chính thức của Đế quốc Đông La Mã, với Constantinople là thủ đô (Constantinople là tên gọi mới mà hoàng đế La Mã đặt cho thành Byzantium của người Hy Lạp cổ).

Tuy nhiên, trong thời kỳ sau này, Tòa thượng phụ Moskva được xem là có ảnh hưởng còn lớn hơn cả Tòa thượng phụ đại kết thành Constantinople, do có được số lượng tín đồ đông đảo hơn. Thượng phụ giáo hội Chính thống giáo Nga Kirill cũng được coi như một đồng minh của tổng thống Nga Putin.

(Theo AFP và La Croix)

Trọng Thành

****************

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Nga sau 332 năm (BBC, 13/10/2018)

Quyền lực của Giáo hội Chính thống Nga với Giáo hội Ukraine chấm dứt sau 332 năm bằng quyết định tại Constantinople, Istanbul tuần này.

ortho2

Lãnh đạo Ukraine trong ngày lễ đánh dấu 1030 năm Rus Kiev gia nhập Thiên chúa giáo' hồi tháng 7/2018 ở Kiev

Quyết định hôm 11/10/2018 của Đại Giáo chủ Bartholomew, Tổng giám mục Constantinople - Tân La Mã và cũng là người đứng đầu Giáo hội Chính thống toàn cầu gây choáng cho nước Nga, theo các báo quốc tế.

Thượng phụ Bartholomew chính thức thừa nhận quyền độc lập (autocephaly), cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine bằng việc huỷ một văn kiện từ năm 1686.

Văn bản đó cho Giáo chủ Moscow quyền bổ nhiệm và kiểm soát các chức vụ của Giáo hội ở Kiev.

Nhưng nay, quyết định mới của Công đồng Thần thánh của Chính thống giáo Đông Phương cho phép phục hồi một loại chức vụ trong Giáo hội Ukraine, gồm cả Thượng phụ Filaret, 89 tuổi.

Ngài Filaret đã bị Moscow rút phép thông công vì lý do chính trị, như ngài Bartholomew nói.

Tuy thế, vấn đề này cũng trở thành một phần của tranh chấp chính trị Kiev-Moscow.

'Chúc mừng quyết định'

ortho3

Ông Putin dự lễ của Giáo hội Chính thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã nhanh chóng chúc mừng quyết định cho Giáo hội Chính thống Ukraine quyền độc lập.

Với nước Nga, sự kiện Giáo hội Ukraine tách hẳn khỏi Moscow gây ra choáng váng cho chính quyền Vladimir Putin và cả người dân.

Kiev nay là thủ đô Ukraine nhưng từng là đất phát tích của Giáo hội Nga và một phần của truyền thuyết dựng nước của dân tộc Nga.

Mới tháng Bảy năm nay, Nga và Ukraine kỷ niệm lễ 1030 năm đạo Ki Tô đến Kiev.

Sự kiện mang tên 'Thiên chúa giáo vùng Kiev Nga' (Kievan Rus Christianization) được cho là bước khởi đầu cho kỷ nguyên Thiên chúa giáo và văn minh Châu Âu ở cả Nga và Ukraine.

Nhưng nay, như một số báo Châu Âu bình luận, chính quyền Vladimir Putin có thể chiếm giữ được Crimea và kiểm soát một phần miền Đông Ukraine, nhưng không thể nào nắm được "linh hồn" của Ukraine nữa.

Published in Văn hóa
Trang 49 đến 49