Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dội bão lửa để Ukraine kiệt lực, Nga vẫn chưa "giải phóng" được Donbass

Tổng cộng 480 quả rốc-kết chỉ trong vòng hai phút rưỡi, Nga còn thả cả bom phốt-pho xuống Donetsk. Trong điều kiện như thế, chỉ có các chiến hào mới giúp tránh được cái chết. Hỏa lực áp đảo, binh lính đông gấp nhiều lần, nhưng Nga vẫn chưa "giải phóng" được toàn vùng Donbass.

dobass1

Lính Ukraine chạy đến nơi trú ẩn sau khi một hỏa tiễn Nga rơi xuống khu dân cư tại Kramatorsk, Donetsk ngày 07/07/2022.  AP - Nariman El-Mofty

Xì-căng-đan Uber tại Pháp, tranh giành ghế thủ tướng tại Anh, Cuba một năm sau cuộc biểu tình lịch sử, dân số thế giới sắp tăng lên 8 tỉ, là những đề tài được các báo Paris đề cập nhiều hôm nay, bên cạnh cuộc kháng chiến chống quân Nga xâm lược của người dân Ukraine.

La Croixhôm nay chạy tựa trang bìa "Tại Ukraine, quân đội đã kiệt sức". Sau khi lực lượng Ukraine gây ngạc nhiên về sức kháng cự trong thời gian đầu, nay quân Nga đang thắng thế ở Donbass. Ở trang trong, qua bài "Trên tiền tuyến Donbass, sống sót nhờ chiến hào", đặc phái viên tờ báo cho biết quân đội Ukraine đang chuẩn bị một đợt tấn công mới. Những người lính vẫn đầy quyết tâm, nhưng họ than phiền về khoảng cách quá lớn với hỏa lực hùng hậu của Nga, và hy vọng phương Tây sẽ chuyển giao thêm vũ khí.

"480 quả rốc-kết trong 2 phút rưỡi", biết đào hầm mới sống sót 

Từ khi lực lượng Ukraine rút khỏi hai thành trì cuối cùng tại Luhansk là Severodonetsk và Lysychansk, vùng Donetsk trở thành đích nhắm hàng đầu của quân Nga tại miền đông để "giải phóng" toàn vùng Donbass. Dù hiện không có cuộc tấn công lớn nào, nhưng Nga oanh kích dữ dội vào những giới tuyến của Ukraine, biến cuộc sống thành địa ngục. Ở Siversk, lữ đoàn 80 đã tiêu diệt được 13 xe tăng Nga trong cùng một ngày, nhưng họ không ảo tưởng, quân Nga vẫn tiếp tục tiến.

Mikolai, một người lính đến từ Spirne, một ngôi làng nằm sát Luhansk đưa điện thoại cho nhà báo xem một video quay được từ chiến hào, khói đen bao trùm khắp nơi. Hôm 04/07, Nga bắn cùng lúc 12 loạt rốc-kết đa nòng Grad gần vị trí của anh : "Tổng cộng 480 quả rốc-kết chỉ trong vòng hai phút rưỡi ! Tất cả đều bốc cháy, từ những cánh đồng cho đến làng mạc. Họ còn thả bom phốt-pho xuống cây cối để chúng tôi không thể tránh được các drone".

Trong điều kiện như thế, chỉ có các chiến hào mới giúp tránh được cái chết. Nazar, một chiến sĩ khác kể : "Cách đây vài ngày, một đơn vị dân quân được gởi đến. Chúng tôi bảo họ phải đào chiến hào thật sâu. Ở đây, vũ khí tốt nhất là chiếc xẻng". Thế nhưng chỉ có một người chịu khó đào hố cá nhân. Hôm sau khi quay lại, có 6 người chết và 14 bị thương, người duy nhất đã đào hào vẫn sống sót.

Tại Donbass, mỗi chiếc xe chỉ "thọ" được 24 giờ

Chỉ trong một ngày, 6/10 chiếc xe của đơn vị đã bị hư hại. Những xe chạy trên các đường phố Kostiantynivka, cũng như những nơi khác ở Donbass, đều chi chít những vết đạn, kính bị vỡ. Nazar nói : "Tại đây một chiếc xe hơi chỉ thọ được 24 giờ". Nga dùng cả bom chùm đánh vào khu dân cư.

Trong giai đoạn hai này, Nga có hai lợi thế : hỏa lực mạnh hơn và đường tiếp liệu ngắn hơn, chưa kể số lượng lớn chiến xa. Theo báo cáo của Royal United Services Institute (RUSI), "Nga bắn đi 20.000 quả đạn cối 152 ly một ngày, so với Ukraine là 6.000", cách biệt còn lớn hơn nữa đối với các giàn phóng rốc-kết và hỏa tiễn. Hai tác giả Jack Watling và Nick Reynolds giải thích, pháo binh Nga thống trị khiến các đơn vị Ukraine không thể tập hợp lực lượng để tấn công. Về binh lính, ở những vị trí quan trọng, quân Nga đông gấp 7 lần Ukraine, đánh vào thành phố bằng những nhóm 20 lính có xe bọc thép hỗ trợ.

Về phía Ukraine trông cậy vào tin tình báo và pháo tầm xa của phương Tây, nhắm vào các kho đạn, kho xăng. Trong cuộc chiến tiêu hao này, nhân sự, thiết bị và đạn dược hết sức quan trọng, chưa thể biết bên nào sẽ đạt đển ngưỡng chịu đựng.

Nướng mất nhiều quân, Nga sửa luật để nhận lính đến 60 tuổi !

Moskva đã tăng lương cho quân tình nguyện, hủy bỏ giới hạn tuổi để đăng lính là 40 tuổi, từ nay tất cả công dân chưa đến tuổi về hưu (61 tuổi rưỡi) đều có thể gia nhập quân đội. Trên tuyến đầu, ngày càng có nhiều quân từ các vùng Ukraine bị chiếm đóng, lính đánh thuê Wagner, quân Chechenya, quân dự bị theo hợp đồng.

Ukraine thì đã tổng động viên ngay từ khi vừa bị xâm lăng, nhưng trận đánh Severodonetsk-Lysychansk với những đợt pháo tàn bạo của Nga đã chôn vùi những đơn vị thiện chiến nhất. Kiev đang thiếu những chiến binh dày dạn và lính điều khiển xe bọc thép, nên khó thể tấn công quy mô.

Về vũ khí, đạn dược, Nga đang chuẩn bị hợp pháp hóa việc huy động các doanh nghiệp làm việc cho kỹ nghệ quốc phòng, tránh việc thiết quân luật hay tổng động viên chính thức. Quân đội Ukraine, thiếu thốn chiến xa và đạn pháo, đang phải tận dụng đủ loại vũ khí thời Liên Xô lẫn phương Tây. Theo RUSI, các đối tác của Ukraine cần giới hạn số chủng loại vũ khí cung cấp để bớt phức tạp khi sử dụng.

Kháng chiến quân Ukraine ở thành trì cuối tại Kherson

Tại miền nam Ukraine, đặc phái viên Le Monde tả lại "Những ngày sống sót ở vùng xám". Dải đất rộng 2 km, dài 10 km ở Kherson là nơi hai quân đội giành giựt từng bụi cây, từng vị trí một. Ở "vùng xám" này mỗi ngày đều có những người lính ngã xuống nơi chiến hào bùn lầy. Ngôi làng nhỏ bé Novovorontsovka là phần đất cuối cùng còn trong vòng kiểm soát của chính quyền Ukraine ở Kherson, khiến Moskva không thể tuyên bố đã chiếm được toàn vùng và sáp nhập vào Liên bang Nga.

Đại tá Vitaly, chỉ huy thành trì cuối này cho biết trước đây Nga tập trung oanh tạc những địa điểm chiến lược, nhưng nay bắn lung tung kiểu "hên xui" để khủng bố, làm người dân sợ hãi phải ra đi. Ông là một trong những quân nhân chuyên nghiệp hiếm hoi tại đây, vốn chỉ chiếm có 3%, đại đa số là những người dân Ukraine bình thường nay cấm súng.

Lâu nay mỗi lần tiếp xúc với tình nguyện quân là mỗi lần ngạc nhiên cho phóng viên Pháp. Dưới chiếc nón sắt ấy là ai, trẻ hay già, "ma mới" hay đã có kinh nghiệm, giàu hay nghèo ? Tại Novovorontsovka, đó là những thanh niên trí thức, nghệ sĩ… ở lứa tuổi ba mươi từng có nghề nghiệp vững chắc, giờ đây gắn bó với bộ quân phục.

"Uber Files", xì-căng-đan đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Macron

Các báo đều đề cập đến vụ "Uber Files", được cuộc điều tra của tổ hợp các nhà báo điều tra quốc tế tiết lộ. Hồ sơ này tố cáo các thủ thuật của Uber để tránh né quy định luật pháp các nước, và ở Pháp, tập đoàn dường như đã có thỏa thuận bí mật với ông Emmanuel Macron lúc còn là bộ trưởng Kinh tế. Le Monde dành 5 trang báo khổ lớn với nhiều chi tiết cụ thể, Libérationđưa lên trang bìa và bình luận ở 4 trang trong, Les Echos tóm lược vụ này qua sáu câu hỏi.

"Uber Files" là gì ? Đó là các tài liệu nội bộ của tập đoàn Mỹ Uber gồm 124.000 e-mail, văn bản… từ 2013 đến 2017, được nhà vận động hành lang Ireland, Marc MacGann, trao cho nhật báo Anh The Guardian, và tờ báo chia sẻ với 42 cơ quan truyền thông các nước (trong đó có Le MondeRadio France). Ông MacGann từng chỉ đạo các chiến dịch lobby của Uber tại Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông từ 2014 đến 2016, và nay quyết định lên tiếng vì cho rằng Uber vi phạm luật ở vài chục nước và dối gạt về lợi ích của mô hình. Hồ sơ này cáo buộc Uber dùng một số thủ đoạn "phản dân chủ" để có thể phát triển nhanh chóng như tại Anh, Pháp, Nga.

Ông Emmanuel Macron có sai phạm gì trong vụ "Uber Files" ? Theo cuộc điều tra, thì Macron đã tạo điều kiện cho việc Uber hoạt động tại Pháp, ngược với quan điểm của tổng thống và thủ tướng lúc đó là François Hollande và Manuel Valls. Le Monde cho rằng Emmanuel Macron hành động như một "đối tác" chứ không phải "người ủng hộ". Ông đã có 17 cuộc trao đổi với ê-kíp Uber France trong vòng 18 tháng sau khi nhậm chức bộ trưởng Kinh tế Tài chính vào mùa hè 2014. Cũng theo Le Monde, Uber và Emmanuel Macron đã có một thỏa thuận : chấm dứt dịch vụ UberPop tại Pháp, đổi lại sẽ được đơn giản hóa thủ tục để có được giấy phép hành nghề.

Một chiến lược chung dường như đã được đề ra, kể cả việc Uber tự soạn ra các sửa đổi để gởi cho các dân biểu "thân hữu". Tháng Giêng 2015, Uber France đã chuyển các điều khoản "chìa khóa trao tay" cho dân biểu đảng Xã hội Luc Belot. Trả lời Le Monde, ông Belot giải thích do ông hoàn toàn đồng ý với nội dung văn bản, tin rằng Uber sẽ giúp cải thiện được mảng dịch vụ giao thông. Tuy những sửa đổi này bị bác, nhưng vẫn là cơ sở cho một sắc lệnh được bộ trưởng Emmanuel Macron ban hành. Chính phủ vào đầu năm 2016 đã giảm thời gian đào tạo cần thiết để được cấp giấy phép hành nghề : từ 250 giờ chỉ còn 7 giờ.

"Ngạc nhiên là không có gì đáng ngạc nhiên"

Đối lập phản ứng ra sao trước hồ sơ này ? Nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau đòi hỏi tổng thống phải giải thích, đòi lập "ủy ban điều tra", hoặc tố cáo "xì-căng-đan đầu tiên trong nhiệm kỳ của Emmanuel Macron". Về phía điện Élysée cho rằng việc ông Emmanuel Macron trao đổi với các doanh nghiệp tham gia vào sự thay đổi sâu sắc ngành dịch vụ, đơn giản hóa một số thủ tục là điều tự nhiên, nằm trong khuôn khổ trách vụ của ông. Đương kim bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cũng cho rằng thời đó các nền tảng trên mạng đang là "các thị trường đầy hứa hẹn".

Đối với một số người, vụ này chẳng có gì mới vì Uber từng chịu nhiều tai tiếng, bị nhiều nước cáo buộc không chịu cho các tài xế tư cách người làm công ăn lương. Tại Pháp, Uber cũng đã từng bị điều tra vì "lao động không khai báo" từ năm 2015. Tập đoàn công khai từ chối chấm dứt UberPop dù đã bị cảnh cáo, cho đến khi hai nhà lãnh đạo chính của Uber France bị câu lưu thì dịch vụ này mới thực sự ngưng.

Nhật báo thiên tả Libération cáo buộc một "hệ thống mafia", nhưng nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng "điều ngạc nhiên là không có gì đáng ngạc nhiên". Emmanuel Macron chưa bao giờ che giấu ý định mở cửa lãnh vực taxi cho cạnh tranh, và khoảng 40 cuộc trao đổi giữa Uber với Macron và ê-kíp của ông từ 2014 đến 2017 không đáng là xì-căng-đan. Emmanuel Macron cũng không thu về bất kỳ lợi ích cá nhân nào. Ngược lại, nước Pháp được lợi : giá cả hạ xuống, gây áp lực hữu ích, tạo thêm nhiều việc làm, còn việc vận động hành lang của Uber tỏ ra không có hiệu quả đáng kể. Emmanuel Macron thiếu thẳng thắn với Élysée, thủ tướng và vài đồng nhiệm trong chính phủ thời đó, nhưng chính trị là như thế.

Cuộc đua ráo riết vào Dinh thủ tướng Anh

Cũng về chính trị Châu Âu, Le Figaro nói về cuộc tranh đấu kịch liệt sắp tới để kế vị ông Boris Johnson tại Anh. Đến tối thứ Hai, đã có 11 ứng cử viên nhưng danh sách vẫn chưa đóng lại. Khuôn mặt quan trọng cuối cùng tham gia vào cuộc đua là ngoại trưởng Liz Truss, từ lâu vẫn được coi là "người đàn bà thép" theo kiểu Thatcher. Những tên tuổi khác là cựu bộ trưởng Tài chính Richi Sunak hiện đang được giới cá cược cho là có hy vọng nhiều nhất. Tất cả đều hứa hẹn giảm thuế, và về vấn đề nhạy cảm là di dân, những ứng cử viên chính đều cam kết theo đuổi chính sách gởi người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda. Ngay cả những ứng viên tự do nhất vẫn không muốn đặt lại vấn đề Brexit.

Riêng ông Richi Sunak, 42 tuổi, đang tập trung mọi chỉ trích nhất là từ cánh hữu trong đảng. Những đồng minh của Boris Johnson tố cáo "sự phản bội" của Sunak – việc từ chức đầy kịch tính của ông này hôm thứ Ba tuần trước đã khởi đầu cho hồi kết của ông Johnson. Sunak cũng bị coi là "kẻ nói dối" : người ta phát hiện Akshata Murty, người vợ giàu có của ông đã tiết kiệm được nhiều triệu bảng Anh tiền thuế nhờ khai không thường trú ở vương quốc, tuy bà đang sống tại Luân Đôn. Bản thân Richi Sunak có thẻ xanh của Mỹ trong khi đang là bộ trưởng Tài chính. Nếu chiến thắng, ông Sunak sẽ là thủ tướng Anh đầu tiên gốc Ấn Độ.

Nhân loại sắp lên đến 8 tỉ người

Trên lãnh vực xã hội, sự kiện dân số thế giới sẽ đạt 8 tỉ người vào ngày 15/11 tới được các báo chú ý. La Croix nhận thấy ngưỡng 8 tỉ người đạt được trong bối cảnh khá đặc biệt, tỉ lệ gia tăng dân số chỉ tập trung vào một số ít nước. Châu Phi miền hạ Sahara sẽ có dân số tăng gấp đôi từ nay đến 2050, ngược lại, 60 quốc gia bị mất đi 1% dân số, trước hết là Trung Quốc ngay từ 2023, và Châu Âu, Bắc Mỹ.

Một mặt, dân số tăng tại các nước đang phát triển sẽ gây khó khăn cho xóa đói giảm nghèo, gia tăng di dân. Mặt khác, các nước giàu đứng trước nguy cơ về thế hệ tiếp nối. Bản đồ dân số thế giới mới cho thấy cần phải đẩy mạnh tình liên đới ra bên ngoài biên giới, vì cuối cùng, bất bình đẳng trong phát triển sẽ làm tất cả đều thiệt thòi.

Le Monde lưu ý, con người sống trên Trái Đất chưa bao giờ đông đảo như thế : tăng thêm 1 tỉ người so với cách đây không lâu là năm 2010, tăng 2 tỉ nếu so với 1998 và 5,5 tỉ so sánh với năm 1950. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ấn Độ sẽ vượt qua mặt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện nay hai nước đều xấp xỉ 1,4 tỉ dân, nhưng đến năm 2050 dân số Ấn Độ sẽ lên đến 1,668 tỉ, còn Trung Quốc 1,317 tỉ. Đó là một trận động đất không thể đảo ngược. Vào giữa thế kỷ 19, một phần ba nhân loại sống tại Hoa lục, nhưng đến năm 2100 tỉ lệ này chỉ còn 10%.

Trả lời Le Monde, nhà xã hội học và nhân khẩu học người Ấn đang giảng dạy tại Mỹ, Alaka Basu cho rằng đông dân hơn Trung Quốc không làm Ấn Độ thay đổi. Điều quan trọng là sự khác biệt về cơ cấu lứa tuổi. Tuổi trung bình ở Ấn Độ là 28 còn Trung Quốc là 38, có nghĩa là dân số trong lứa tuổi lao động tại Ấn Độ cao hơn nhiều.

Thụy My

Published in Quốc tế

Phía sau bức màn sắt tại Nga và các thành phố Ukraine bị chiếm đóng

Hồ sơ của Le Point tuần này tập trung nói về một"Nước Nga bị cấm đoán".Tờ báo có bài phóng sự công phu tại Saint Petersburg, quê quán của Vladimir Putin, nơi chính quyền truy lùng những nhà đối lập cuối cùng.

bucmansat1

Sergey Besov, một nghệ sĩ ở Moskva cầm áp-phích có dòng chữ "Tất cả mọi người đều cần đến hòa bình", cho biết không thể im lặng trước việc Nga đưa quân sang xâm chiếm Ukraine. Ảnh chụp ngày 05/07/2022. AP - Alexander Zemlianichenko

Những công dân Nga phản chiến bị đàn áp

Artiom, một trong số những người chống lại cuộc xâm lăng Ukraine, chỉ chấp nhận gặp nhà báo Pháp với điều kiện theo đúng hướng dẫn. "Khi đổi tàu, tắt điện thoại di động và ra khỏi trạm metro Công viên Tự do. Đi theo ngõ Anh hùng Thế chiến trong công viên, quẹo trái ở ngã tư đầu tiên và đợi trước bức tượng thứ ba". Đó là tượng Raymond Dien, một nhà đấu tranh cộng sản người Pháp chống lại chiến tranh Đông Dương. Artiom chọn nơi này vì không có camera theo dõi. Anh thuật lại những vụ bố ráp, tạm giam vô thời hạn, cho xem vết gãy xương ở tay và trên mặt vì bị ba kẻ lạ mặt hành hung. Artiom cho biết phải đổi địa chỉ mỗi sáu tháng vì lý do an ninh, chỉ khổ cho các con gái phải đổi trường liên tục...

Thoạt nhìn thì thành phố Saint Petersburg có vẻ vẫn bình thường, nhưng du khách ngoại quốc đã biến mất, những toán cảnh sát theo dõi khắp các ngã tư, liên tục kiểm soát, những người lính vội vã… Đa số tiếng nói đối lập đã chạy sang Armenia, Georgia hay các nước vùng Baltic, những người ở lại đang bị truy lùng. Sau khi thông qua một luật hồi tháng Ba cho phép bỏ tù từ 3 đến 15 năm những ai "bóp méo thông tin, nói xấu quân đội", đã có 15.000 vụ bắt giam và hơn 50 vụ khởi tố, chưa kể phạt vạ mỗi lần hàng ngàn euro. Oleg Matveychev, dân biểu vốn là cựu cố vấn điện Kremlin khoe : "Chúng ta đã làm im tiếng 20% dân số chống lại chiến tranh".

Bài báo nêu ra bốn trường hợp cụ thể của các phụ nữ phản chiến bị bắt và có nguy cơ lãnh án 10 năm tù. Người thì do đăng bài "mang tính thù địch" trên mạng, người khác chia sẻ một video của tổng thống Volodymyr Zelensky, hay nói về việc quân Nga thả bom xuống nhà hát Mariupol, dán những khẩu hiệu trên giá hàng hóa một siêu thị nhỏ.

Đấu tranh bí mật trong lòng nước Nga như thời cách mạng vô sản 1917

Trước làn sóng bắt bớ, những người phản chiến thay đổi cách đấu tranh. Hoặc mang giày màu xanh với vớ màu vàng, hoặc giơ những thẻ tín dụng có chữ "Mir", tên một hệ thống thanh toán nhưng cũng có nghĩa là "hòa bình". Một phụ nữ 74 tuổi gặp trong một quán cà phê mặc chiếc áo thun có dòng chữ "Fight this War" (Chống lại cuộc chiến tranh này), bà vui vẻ giải thích "Công an của chúng tôi không đọc được tiếng Anh".

Cũng có những cuộc họp bí mật. Giữa tháng Sáu, khoảng 50 nhà đối lập từ nhiều miền khác nhau về họp tại Saint Petersburg ba ngày. Marina Litvinovich cho biết, một tiếng đồng hồ trước cuộc họp, họ mới nhận được địa chỉ và mã QR. Vào được bên trong, họ bịt hết các cửa sổ và buổi tối ra bằng cửa sau mỗi lần ba người. Cứ như quay lại thời cách mạng vô sản 1917 !

Nhà báo cũng gặp được ông Boris, 67 tuổi, hàng xóm cũ của Putin. Chỉ một tòa nhà năm tầng màu vàng ở số 12 Baskov Pereulok, nơi gia đình cậu bé Vladimir Putin từng sinh sống, ông nói : "Tôi hay chơi đá banh với Putin. Mới 10 tuổi, cậu ta đã là mật vụ, chuyên đi tố cáo với phụ huynh những bạn học nào hút thuốc !".

Tại thành phố có truyền thống văn hóa, không thiếu những nghệ sĩ đầy ý thức. Elena Ossipova, nữ họa sĩ 76 tuổi được mệnh danh là "lương tâm của Saint Petersburg", không nhớ nổi những lần bị bắt. Mỗi lần có biểu tình, bà đều xuất hiện với những biểu ngữ khác nhau. Chẳng hạn "Mắt của những người bị sát hại vẫn mở cho đến khi nào nước Nga xin lỗi", hoặc một tấm khác đã bị công an xé mất, trên đó vẽ những đóa uất kim hương đỏ tàn úa, tượng trưng cho những người lính đã ngã xuống. Bà cho biết vẫn tiếp tục chiến đấu "Rất nhiều họa sĩ đi lưu vong đã cho tôi vật liệu để vẽ".

10.000 người Ukraine mất tích ở những thành phố bị Nga chiếm đóng

Le Point cũng mô tả về một Ukraine"Phía sau bức màn sắt". Im lặng bao trùm lên Severodonetsk và Lysychansk, hai thành phố mà quân Nga mới chiếm được và nhờ đó đã nắm trọn vùng Luhansk. Một chiến thắng của Vladimir Putin, cho dù quá nhỏ bé so với tham vọng ban đầu. Những thông tin liên lạc đều bị cắt.

Nhưng những phong trào kháng chiến bí mật vẫn có thể nảy sinh như ở Kherson, thành phố miền nam bị chiếm đầu tiên. Ban đầu người dân còn được tương đối tự do, nhưng sau đó Nga đã áp đặt hệ thống riêng, kiểm soát chặt chẽ cư dân. Ban đầu chỉ có các viên chức "chế độ cũ" và nhà báo bị bắt, nhưng sau đó những ai bị nghi ngờ trung thành với Kiev đều bị đe dọa. Theo nguồn tin chính phủ Ukraine, có khoảng 600 người mất tích ở Kherson.

Nhìn chung ở những vùng bị chiếm đóng, The Economist cho biết rất nhiều người dân đã bị bắt cóc, chủ yếu là các nhà hoạt động, phóng viên, người trợ giúp nhân đạo. Chẳng hạn hai nhà báo Sergey Tsyhipa và Oleh Baturin bị bắt khi đang tường thuật về các tội ác của quân Nga, rốt cuộc đã xuất hiện trên truyền hình Nga, gầy đi hẳn và lặp lại những tuyên truyền của Moskva. Mykola Panchenko, một người từng tham gia biểu tình chống quân chiếm đóng, bị bắt cóc khi đang đi chợ và một tháng sau được thả với một xương sườn bị gãy. Những nạn nhân kém may mắn hơn thì đã chết.

Hiện tượng này không có gì mới. Từ 2014 đến 2021, trên 2.000 người Ukraine đã mất tích. Sau khi chiếm Crimea, nhiều người Tatar ở bán đảo này và hàng loạt lãnh đạo địa phương bỗng biến mất. Trong hai cuộc chiến với Chechenya trong thập niên 90, những vụ mất tích xảy ra thường xuyên đến nỗi Human Rights Watch gọi là tội ác chống nhân loại. Katya Osadcha, một người dẫn chương trình truyền hình Ukraine đã lập một nhóm Telegram để tìm kiếm người mất tích, ước tính số lượng ít nhất là 10.000 người đến nay không tin tức, chủ yếu ở miền đông Ukraine. Chính quyền khẳng định hàng trăm ngàn công dân Ukraine đã bị cưỡng bức sang Nga.

Kiev đau đầu vì vũ khí "có gì xài nấy"

Trên chiến trường, L’Express nói về khó khăn của quân đội Ukraine trước sự phức tạp của số vũ khí đa dạng được phương Tây cung cấp. Những chiến binh vui mừng khi những chiếc xe tăng Guepard được Đức hứa viện trợ hồi tháng Tư, rốt cuộc đã được đưa sang vào… tháng Bảy. Thời gian không còn nhiều, trước hỏa lực áp đảo từ phía Nga, Kiev cần vũ khí hạng nặng hơn bao giờ hết. Theo phó giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ukraine, tỉ lệ hiện nay là một khẩu pháo của Kiev phải đấu với 10-15 khẩu pháo của Nga. Giữa tháng Sáu, một cố vấn của ông Zelensky đã lên danh sách hy vọng nhận được : "1.000 quả đạn 155 ly, 300 khẩu phóng rốc-kết đa nòng, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép, 1.000 drone".

Không chỉ thiếu thốn khí tài, người lính còn gặp rắc rối với đủ loại vũ khí khác nhau : khoảng 100 đại pháo M777 của Mỹ, 18 khẩu Caesar của Pháp, 10 khẩu PzH-2000 của Đức, 20 đại bác tự hành Dana của Cộng hòa Czech, 18 khẩu Krab của Ba Lan… tổng cộng khoảng 12 loại. Tất cả không dùng cùng một loại đạn, và có cách bảo dưỡng riêng. Khoảng cách tiếp vận từ Ba Lan cách xa Donbass đến 1.200 km cũng là vấn đề lớn, nhất là hệ thống đường bộ, đường sắt bị hư hại nhiều sau bốn tháng chiến tranh.

Trong cuộc chiến dữ dội này, vũ khí phương Tây được sử dụng tối đa công suất khiến dễ bị hư hao. Chưa kể mỗi loại cần phải được huấn luyện cách sử dụng, vừa mất thời gian vừa tốn nhân lực, chẳng hạn Himars của Mỹ phải mất ít nhất ba tuần. Kiev vào cuối tháng Năm đã ký hợp đồng 700 triệu đô la với Vacxava mua 60 khẩu Krab do Ba Lan sản xuất, để không chỉ lệ thuộc vào vũ khí phương Tây.

Ukraine đang phải trả giá cho "Germany First" của bà Merkel

Về sự lệ thuộc của Châu Âu vào dầu khí Nga, L’Express có bài viết "Trump đã từng cảnh báo Merkel…". Trong bốn năm của nhiệm kỳ, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã có rất nhiều phát biểu sai lầm, nhưng ông cũng nói một số sự thật. Chẳng hạn tuyên bố sau đây trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9/2018 : "Sự lệ thuộc năng lượng vào một nhà cung cấp nước ngoài duy nhất có thể làm một quốc gia trở nên dễ tổn thương trước những trò bắt bí, đe dọa". Ông Trump hoan nghênh một số nước Châu Âu như Ba Lan đã xây dựng đường ống để dẫn khí từ Na Uy sang, và nói thêm "Đức sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào Nga về nhu cầu năng lượng".

Vào lúc đó, lời cảnh báo từ tổng thống Mỹ bị các nhà ngoại giao Đức cười nhạo. Nhưng nay họ phải xấu hổ khi phải theo những lời khuyên nên đa dạng hóa nguồn cung của Donald Trump một cách trễ tràng. Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh Mỹ từ 2019 đến 2020 nói với L’Express : "Người ta chỉ trích ‘American First’ của Donald Trump, nhưng chương trình này không thể so sánh với ‘Germany First’ của Angela Merkel (…). Một mặt, người Đức mua dầu khí Nga với giá rẻ, mặt khác, họ bán các sản phẩm cao cấp cho Trung Quốc. Song song đó, Berlin cho các nước trong châu lục vay tiền và thống trị Liên Hiệp Châu Âu. Một chiến lược hiệu quả… cho Đức mà thôi ".

Trong chuyến thăm Paris đầu tháng Sáu để nhận Bắc đẩu Bội tinh của Pháp, nhà ngoại giao thổ lộ tiếp sự thất vọng của Hoa Kỳ về Đức : "Berlin lo làm giàu, nhưng không quan tâm đến quốc phòng và quân đội của mình. Đức chưa bao giờ đóng góp đúng mức vào quốc phòng Châu Âu, và không tôn trọng chỉ tiêu 2 % ngân sách cho NATO". Ông O’Brien cho biết Mỹ đã nhiều lần cảnh báo bà Merkel, một số nước phương Tây khác cũng vậy, nhưng bà vẫn coi thường nên nay mới thành "cá nằm trên thớt" của Moskva. "Giờ đây người Ukraine phải trả giá cho chọn lựa này bằng mạng sống của họ. Bản án của Lịch sử sẽ rất nặng nề cho bà".

Thế giới thương tiếc ông Shinzo Abe, chiến binh kỳ cựu của G7  

Nhìn sang Châu Á, các tuần báo dù đã lên khuôn trước khi xảy ra vụ sát hại cựu thủ tướng Nhật Bản gây chấn động cả thế giới, nhưng đều cập nhật trên mạng. Le Figaro cuối tuần cho rằng vụ ám sát dường như không có dự mưu. Ban đầu ông Shinzo Abe định tổ chức mít-tinh ở Nagano, nhưng những người có trách nhiệm trong đảng lại chuyển sang Nara, thực hiện một "gaito enzetsu" - một diễn văn vận động bầu cử ngay trên đường phố, gần gũi cử tri. Nhà bình luận Takao Toshikawa cho rằng việc thay đổi vào phút chót cho thấy tên sát thủ Tetsuya Yamagami không dự kiến trước.

Shinzo Abe là một chính khách lỗi lạc. Khi từ chức hôm 16/09/2020, ông đã phá kỷ lục giữ chức thủ tướng Nhật lâu nhất từ trước đến nay. Ngược với những người tiền nhiệm, ông duy trì quyền lực không phải nhờ sự trung dung mà nhờ hành động. Cộng đồng quốc tế bị thu hút vì sự trung thành với lý tưởng dân chủ của ông, đối kháng với chủ nghĩa bành trướng của độc tài Trung Quốc. Là người từng xuôi ngược khắp thế giới không biết mệt, Shinzo Abe trở thành cựu chiến binh của G7. Các nhà lãnh đạo quốc tế đủ các khuynh hướng đều tiếc thương ông, từ Đạt Lai Lạt Ma đến tổng thống Senegal, từ Emmanuel Macron đến Joe Biden. Nhưng Abe cũng bị một số người ác cảm vì ông muốn sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Nhật.

Vụ ám sát khó tin tại đất nước chỉ có một người chết vì súng trong năm

Vụ ám sát hầu như không thể tưởng tượng được tại Nhật Bản. Hung khí là một khẩu súng tự chế, trong khi ở Nhật việc sử dụng súng phải chịu những quy định vô cùng nghiêm ngặt, kể cả trong thế giới ngầm. Năm 2021, toàn nước Nhật chỉ có... một người bị bắn chết ! Nhìn chung, chính giới Nhật Bản khá hòa hiếu, những xung đột được giải quyết trong hậu trường thông qua thương thảo thay vì vũ lực.

Cơ quan an ninh Nhật Bản sắp tới sẽ đối mặt với chỉ trích : ông Ronald Reagan năm 1981 cũng bị tấn công trong điều kiện tương tự, nhưng các cận vệ đã che chắn và cứu được tổng thống. The Economist nhắc lại, ông ngoại của ông Shinzo Abe là Kishi Nobusuke, thủ tướng Nhật trong thời kỳ đầy hỗn loạn từ 1957 đến 1960, một tháng sau khi thông qua một hiệp ước an ninh mới với Hoa Kỳ bất chấp các cuộc biểu tình, đã bị một hung thủ đâm sáu nhát vào đùi. Ông Nobusuke sống sót, nhưng bi đát thay, người cháu ngoại lừng lẫy của ông lần này lại không qua khỏi.

Điều nghịch lý là cái chết của ông Abe đã củng cố một trong những thông điệp chính của ông, rằng thế giới này nguy hiểm và Nhật Bản cần phải từ bỏ chính sách chủ hòa sau Đệ nhị Thế chiến. Trả lời phỏng vấn The Economist sau khi Nga xâm lăng Ukraine, Shinzo Abe nói người dân Nhật cần phải đối mặt với thực tế là nếu không đủ quyết tâm, một cuộc tấn công như vậy có thể diễn ra.

Dân mạng Trung Quốc hớn hở khi " diều hâu " Abe qua đời

Tại Hoa lục, không có bao nhiêu nước mắt cá sấu dành cho ông Shinzo Abe trên mạng xã hội Trung Quốc. Rất nhiều người công khai tỏ ra vui mừng khi nghe cựu thủ tướng Nhật, người có chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh, đã bị ám sát. Cựu thủ tướng Shinzo Abe vẫn bị Trung Quốc cáo buộc là muốn cùng với Mỹ ngăn cản Trung Quốc tiến lên vị trí lãnh đạo thế giới. Những ngày gần đây, tin đồn về khả năng ông Abe đi thăm Đài Loan đã gây nhiều lo lắng cho Bắc Kinh, trong lúc Tokyo và Washington liên tục có những động thái ủng hộ Đài Bắc.

Vài phút sau thảm kịch, một người trắng trợn viết trên Vi Bác"Tôi hy vọng tay súng ấy vẫn ổn",và nhận được ngay 13.000 like. Một người khác viết"Shinzo Abe phải quên đi hận thù và tha thứ cho người đã bắn mình",và được 93.000 like. Bi kịch trở thành tin tức hàng đầu tại Hoa lục, khơi dậy lòng thù hận lịch sử. Một người hằn học : "Linh hồn 300.000 người ở Nam Kinh thấy giấc mộng đã thành, 1,4 tỉ người Trung Hoa hoan nghênh". Và nhiều người nhắc rằng ông Abe qua đời một hôm sau sự kiện Lư Câu Kiều năm 1937, mở đầu chiến tranh Trung-Nhật. 

Le Figaro cuối tuần ghi nhận những lời bình cay độc trên đây không hề bị đội quân kiểm duyệt hùng hậu chặn lại như thông lệ. Ngoại giao Trung Quốc ban đầu dè dặt đứng ngoài làn sóng hận thù này, và cuối cùng Bắc Kinh cũng gởi lời "phân ưu" cho phải phép.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nga vẫn oanh kích liên tục vào vùng Donetsk ở miền đông

Chi Phương, RFI, 09/07/2022

Sau 4 tháng chiến tranh, Nga và Ukraine vẫn giao tranh ác liệt ở miền đông. Hôm 08/07/2022, lãnh đạo vùng Donetsk cho biết, Nga liên tục pháo kích tại các chiến tuyến ở Bakhmut, Sloviansk và Kramatorsk. 

putin01

Ảnh minh họa: Khói bốc lên từ ngôi chợ trung tâm thành phố Sloviansk, ngày 05/07/2022. Thành phố ở tỉnh Donetsk này là mục tiêu bị quân Nga pháo kích liên tục..  AFP - MIGUEL MEDINA

Tại Donetsk, các cuộc pháo kích của Nga đã làm 6 người thiệt mạng và 21 người bị thương trong vòng 24g, theo thống đốc vùng Donetsk Pavlo Kyrylenko. Ông khẳng định quân đội Nga đang tập trung lực lượng, hoặc tổ chức lại lực lượng để chuẩn bị các cuộc tấn công mới vào các thành phố lớn như Sloviansk, Kramatorsk và Bakhmut.  

Ngoài ra, lãnh đạo vùng Donetsk cũng cáo buộc quân đội Nga phá huỷ mùa màng, bắn phá các thiết bị nông nghiệp, gây ra các vụ cháy lớn trên các cánh đồng đang trong mùa thu hoạch.

Trên trang Twitter của Bộ Quốc phòng Anh, cơ quan tình báo của nước này hôm 09/07/2022 cho biết, lực lượng Nga đang huy động quân dự bị từ khắp đất nước, tập trung ở gần Ukraine để chuẩn bị các cuộc tấn công mới. Các đơn vị bộ binh mới sử dụng một lượng lớn xe bọc thép MT-LB để di chuyển.

Đây là một loại xe tăng được Liên Xô chế tạo từ những năm 1950 và khả năng tấn công cũng như tự vệ không cao, trái ngược với các loại vũ khí tối tân được sử dụng từ đầu cuộc chiến. Cơ quan này cho rằng Nga triển khai các lực lượng tiếp viện với các loại vũ khí lỗi thời và không phù hợp, mặc dù tổng thống Nga Putin hôm 7/7 tuyên bố quân đội Nga vẫn "chưa thật sự ra tay" ở Ukraine. 

Hôm qua, sau nhiều lần tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí, Hoa Kỳ thông báo viện trợ thêm các loại vũ khí trị giá 400 triệu đô la, bao gồm các hệ thống phóng pháo phản lực Himars đã chứng tỏ hiệu quả chống lại lực lượng Nga trên chiến tuyến miền đông.  

Chi Phương

*******************

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Nga Putin thách thức NATO, Donbass bị bắn phá

Phan Minh, RFI, 08/07/2022

Hôm 07/07/2022, tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng thách thức phương Tây khi nói rằng Nga "vẫn chưa bắt đầu những việc nghiêm túc" ở Ukraine.

putin1

Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước những người chiến thắng trong Cuộc thi Lãnh đạo nước Nga, tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 07/07/2022.  AP - Mikhail Klimentyev

Nguyên thủ Nga đã có những lời lẽ thách thức vào lúc quân đội Nga gia tăng các cuộc bắn phá tại các thị trấn ở vùng Donbass, khu vực phía đông Ukraine nơi Kiev cáo buộc Moskva cố ý tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào thường dân.

Các phóng viên AFP có mặt tại chỗ thuật lại rằng một cuộc oanh kích vào trung tâm thành phố Kramatorsk đã gây ra một vết nứt lớn giữa một khách sạn và các tòa nhà chung cư. Họ nhìn thấy thi thể của một người cùng với nhiều người khác bị thương, cũng như hai chiếc xe hơi bốc cháy.

Trên Facebook, thị trưởng thành phố, Oleksandr Goncharenko, kêu gọi người dân ở lại các hầm trú ẩn và cho biết : "Cuộc không kích khu vực trung tâm của Kramatorsk đã khiến nhiều người thiệt mạng". Trong bối cảnh đó, hôm qua, trong một bài phát biểu trước các nghị sĩ Nga, tổng thống Putin đã lên tiếng "dằn mặt" phương Tây :

"Hôm nay chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Tôi có thể nói gì bây giờ ? Thì họ cứ thử đi. Chúng ta thường nghe rằng phương Tây muốn chiến đấu với chúng ta cho đến người Ukraine cuối cùng. Đây là một thảm họa đối với người dân Ukraine. Thế nhưng, dường như mọi chuyện đều đang đi theo hướng đó.

Mọi người nên biết rằng chúng ta chưa bắt đầu những việc nghiêm túc. Đồng thời, chúng ta không từ chối các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng những người từ chối đàm phán nên biết rằng mọi chuyện càng kéo dài thì sẽ càng khó thương lượng với chúng ta".

Phan Minh

**********************

Thành phố Sloviansk miền Donbass tiếp tục sơ tán trước đà tiến của lực lượng Nga

Trọng Nghĩa, RFI, 07/07/2022

Sau khi tuyên bố đã kiểm soát được tỉnh Lugansk, lực lượng Nga tại Ukraine đang tìm cách đánh chiếm Donetsk, tỉnh thứ hai của vùng Donbass, và hôm 07/07/2022 tiếp tục công phá Sloviansk và Kramatorsk, hai thành phố lớn nhất còn trong tay Ukraine. Tại Sloviansk, lực lượng Ukraine vẫn cố kháng cự, nhưng chính quyền đã phải cho dân chúng sơ tán. 

putin3

Khói bốc lên từ một khu chợ bị Nga oanh kích, tại Sloviansk, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 05/07/2022.  Reuters - MARKO DJURICA

Trong một đoạn video, ông Vadym Liakh, thị trưởng thành phố Sloviansk xác nhận là "công việc sơ tán đang được tiến hành", và hiện vẫn còn 23.000 cư dân kẹt lại trong thành phố.

Trước ngày chiến tranh bùng lên, thành phố Sloviansk ở tỉnh Donetsk này, có khoảng 110.000 dân. Nhưng trong nhiều tuần lễ nay, thành phố đã bị bắn phá hàng ngày, mạng lưới cấp nước đã bị phá hủy từ một tháng nay, và một phần ba thành phố thường xuyên không có điện. Quân đội Nga hiện chỉ cách trung tâm thành phố khoảng bốn mươi km.

Trong tình hình đó, Quân Đội Nga hôm qua 06/07 đã công bố những hình ảnh mà họ cho là về vụ phá hủy hai hệ thống pháo phản lực hàng loạt Himars tối tân mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Theo hãng tin Ria Novosty, những vũ khí này đã bị tên lửa chính xác cao của lực lượng vũ trang Nga phá hủy ở khu vực tỉnh Donetsk, vùng Donbass, cùng với hai kho đạn dược có liên quan.

Phía Ukraine đã lên tiếng bác bỏ các thông tin mà Nga đưa ra. 

Theo hãng tin Pháp AFP, được Washington bàn giao cho Ukraine vào ngày 23/6, các bệ phóng pháo phản lực Himars đã khiến Nga rất lo sợ vì phương tiện này rất cơ động và có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 80 km.

Hôm 23/06 vừa qua, Nga cũng loan báo tịch thu được 2 hệ thống đại bác Caesar của Pháp viện trợ cho Ukraine, nhưng các tuyên bố này đã nhanh chóng bị quân đội Pháp phủ nhận.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Ukraine : Nga dùng vũ khí cấm đối phó với pháo phương Tây

Bực tức khi thấy pháo binh Ukraine đang dần có được những khẩu pháo tân tiến hơn, quân Nga ngày càng dùng nhiều loại đạn gây cháy, tạo ra nhiệt độ có khi lên đến 2.000°C bao trùm nhiều ngàn mét vuông, hủy diệt mọi thiết bị quân sự.

phao1

Các chiến sĩ Ukraine sử dụng một khẩu đại pháo M777 ở gần tiền tuyến, trong khi Nga tiếp tục tấn công tại vùng Donetsk ngày 06/06/2022. REUTERS - STRINGER

Đề cập đến nhiều đề tài khác nhau trên trang nhất, nhưng tình hình Ukraine vẫn không thể thiếu trên báo chí Pháp hôm nay, với nhiều bài phóng sự tại chỗ.

Pháo thủ đôi bên và trò mèo vờn chuột

Đặc phái viên Le Monde mô tả tình trạng mặt đối mặt của các pháo thủ ở Kryvy Rih ở miền nam Ukraine, đôi bên như chơi trò mèo bắt chuột.

Hai nhóm binh sĩ Ukraine mỗi nhóm có 9 người, phụ trách hai khẩu đại pháo M777 của Mỹ vừa được hai xe tải KrAZ kéo đến, bố trí bên bìa rừng để tránh sự quan sát của drone địch. Loại vũ khí mà Ukraine hết sức cần luôn là mục tiêu ưu tiên của đại bác tầm xa từ phía quân Nga.

Sĩ quan chỉ huy cho biết những khẩu đại pháo này đã được chờ đợi từ lâu. Đây là hai khẩu M777 đã phục vụ ở chiến trường Afghanistan, họ đang thiếu loại dầu đặc biệt để bảo trì nhưng vẫn cố gắng xoay sở. Các quân nhân đã được học cách sử dụng trong năm ngày tại Litva. Họ đã dùng để đẩy lui quân Nga tại Izium và nay được điều đến đây. Phía Nga đã cảm thấy sự khác biệt một khi đối mặt với M777 : các quả pháo của Ukraine bỗng tấn công xa hơn và chính xác hơn so với những khẩu đại bác thời Liên Xô cũ.

Tại vùng đất nằm giữa Dnipropetrovsk và Kherson, tiền tuyến dài khoảng 220 km, pháo binh đóng vai trò chủ chốt và thường xuyên đổi vai cho nhau. Khi pháo của Ukraine bắn đi, vị trí của họ lập tức bị radar Nga dò được, trở thành "chuột", cho đến khi pháo Nga đáp trả và đến lượt Nga đóng vai "chuột" bị "mèo" săn đuổi. Một trung sĩ cho biết họ có 5 đến 10 phút trước khi hỏa lực địch ập xuống. Bắn xong 5 phát đạn là phải rút đi vì quân Nga sẽ đáp trả với Giatsint (đại bác có tầm bắn 30-40 km) hay rốc-kết (30-90 km).

Tức tối vì pháo phương Tây của Ukraine, Nga dùng đến vũ khí cấm

Trên mặt trận Kherson, đôi bên ngang sức nhưng Ukraine thiếu vũ khí nặng để phản công. Vì phải lắp đặt và gắn với xe tải có rờ-moọc, các khẩu M777 ít cơ động hơn so với các khẩu pháo tự hành Caesar của Pháp. Caesar có thể đến gần vị trí địch 5 km thay vì 25 km như M777, để nhắm vào các mục tiêu cụ thể như sở chỉ huy, kho đạn, vị trí pháo thủ.

Tại một địa điểm khác cách nơi đóng quân của Nga chưa đầy 5 km, các chiến binh Ukraine chỉ có những vũ khí thô sơ hơn, như đại bác chống tăng MT-12 Rapira thời xô-viết. Người hạ sĩ quan giải thích, khi bắn đi, thấy khói đen bốc lên và lan rộng, là đạn rơi xuống một vùng cỏ khô. Nếu cột khói đậm đen là trúng xe quân sự, khói tạo thành hình nấm là đã đánh trúng kho đạn...

Bực tức khi thấy pháo binh Ukraine đang dần có được những khẩu pháo tân tiến hơn, quân Nga ngày càng dùng nhiều loại đạn gây cháy, tạo ra nhiệt độ có khi lên đến 2.000°C, bao trùm nhiều ngàn mét vuông, hủy diệt tất cả các thiết bị quân sự. Sau khi Nga oanh kích đêm 21 rạng 22/06 tại làng Novovoronsovka (vùng Kherson), phóng viên Le Monde nhận thấy một phần của ngôi làng bị cháy vì những quả đạn nhiệt 9M22S hãy còn bốc khói, và đã lấy mẫu mang về tòa soạn. Trong vùng này không hề có dấu vết của vũ khí Ukraine, trong khi việc sử dụng đạn gây cháy tại khu vực dân sự đã bị cấm ở chương III của Công ước về một số vũ khí cổ điển, có hiệu lực từ 1983 và đã được Nga phê chuẩn.

Kỹ nghệ quốc phòng Pháp thích ứng với kinh tế thời chiến

Trả lời Les Echos, bộ trưởng bộ Quân Lực Sébastien Lecornu nói rằng sẽ đòi hỏi các công ty vũ khí sản xuất nhanh hơn để Pháp có được số thiết bị cần thiết. Ông nhắc nhở trong thời chiến, cần xem lại phương thức hoạt động : sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và tiêu chuẩn hóa sản phẩm tốt hơn. Bộ sẽ đưa ra danh sách nhu cầu ưu tiên, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine.

Ông Lecornu nhấn mạnh, bình thường thì khí tài sản xuất ra phải bền, chỉ hư hao theo các cuộc huấn luyện, tập trận. Nhưng thời chiến tranh phải tính đến tỉ lệ bị phá hủy nhiều hơn, tiêu hao vũ khí rất mạnh. Theo ông, phải có dự trữ chiến lược như về đạn dược.

Tái thiết hậu chiến : Ukraine muốn được bồi thường bằng tài sản tịch thu của Nga

Về thiệt hại kinh tế, Les Echos cho biết đã có những hướng đầu tiên về việc tái thiết Ukraine được nghiên cứu. Trong vòng hai ngày, ở Lugano (Thụy Sĩ), gần 40 nước cùng với các tổ chức quốc tế cố gắng xác định những phương hướng chính để xây dựng lại đất nước một khi chiến tranh kết thúc.

Thủ tướng Ukraine Denys Schmygal dẫn đầu một phái đoàn quan trọng trong đó có sáu bộ trưởng, nhiều dân biểu và đại diện chính quyền các địa phương. Đây là phái đoàn hùng hậu nhất rời khỏi Ukraine từ khi Nga khởi đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02. Về phía quốc tế, bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, thủ tướng Cộng hòa Sec, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và đồng nhiệm Ba Lan, nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất, tổng cộng tám thủ tướng, 15 bộ trưởng của 38 quốc gia tham dự. Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, nên sẽ không có một loan báo cụ thể nào, chủ yếu nhằm xác định những ưu tiên trong tiến trình tái thiết.

Trả lời Les Echos, thứ trưởng Tư pháp Ukraine cho rằng cần thiết lập một quỹ quốc tế phụ trách việc bồi thường cho Kiev, chủ yếu lấy từ những tài sản của Nga bị tịch thu, theo kiểu Ủy ban được thành lập năm 1991 sau khi Irak xâm lăng Koweit, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay chỉ riêng thiệt hại vật chất (cầu đường, bệnh viện, trường học, cơ xưởng, nhà cửa…) tối thiểu đã là 60 tỉ đô la, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới hồi tháng Tư ; chưa kể những mất mát khác – nếu chiến tranh kết thúc ngay bây giờ, mà khả năng này còn rất xa.

Trí thức Nga và lương tâm khi đất nước quay lại thời Stalin

Liên quan đến giới trí thức Nga, trong "Lá thư gởi một người bạn Nga" đăng trên Les Echos, tác giả Dominique Moïsi muốn nhắn nhủ đến Dimitri Trenin, cựu giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moskva. Người bạn cũ mà ông quen từ 30 năm, cách đây vài ngày đã viết bài trên "New York Times" để bênh vực Nga.

Họ gặp nhau lần đầu ở Trường Quốc phòng NATO ở Roma. Dimitri Trenin là một trong những người Nga đầu tiên tham gia chương trình này với tư cách khách mời. Liên Xô lúc đó vừa sụp đổ, một trang giấy mới vừa mở ra, kể cả khả năng lập đối tác chiến lược giữa Nga và NATO. Mới cách đây một năm, Trenin còn là một tiếng nói ôn hòa. Nhưng giờ đây trên tờ báo Mỹ ông tố cáo "những người Nga chống lại đất nước và nhân dân mình trong thời chiến tranh". 

Dominique Moïsi nhắc lại câu nói của Richard von Weizsäcker, cựu tổng thống Liên bang Đức nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến : "Ngày 08/05/1945 không phải là ngày chiến bại, mà là ngày giải phóng nước Đức". Đó là hồi kết của dấu ấn quốc xã trên quê hương của Kant, Goethe và Beethoven. Ông viết tiếp : "Nhưng anh không hề bị lừa, anh có được thông tin" và khẳng định "Là cháu của một người sinh tại Odessa vào cuối thế kỷ 19, tôi yêu nước Nga sâu sắc, đất nước của Puskin, Tolstoi, Chostakovitch. Một nước Nga không có gì chung với nước Nga hiện nay, mà thái độ côn đồ, tội phạm của các nhà lãnh đạo đã tỏ rất rõ kể từ ngày 24/02".

Khi cố tình nhắm vào một trung tâm thương mại với các hỏa tiễn có độ chính xác cao để tạo ra số lượng tối đa nạn nhân là dân thường, Moskva chứng tỏ quyết tâm xâm lược lâu dài, khủng bố để gây sợ hãi. Ông chủ điện Kremlin cũng nghĩ rằng phương Tây sẽ chia rẽ khi cái lạnh của mùa đông bắt đầu thấm. Theo tác giả, nếu không thể hoặc không muốn tố cáo một nước Nga cay độc, thì cần biết giữ im lặng.

Ông viết tiếp : "Nga đang lại trở thành đất nước của Stalin. Anh không sợ rằng một ngày nào đó các nhà sử học hay con cháu anh tự hỏi anh đã làm gì khi bạo lực và dối trá áp đặt lên đất nước ? Tôi không muốn làm anh tổn thương, nhưng nhân danh tình bạn lâu dài, tôi phải nói với anh những gì chất chứa trong lòng".

Chiến tranh Ukraine khiến chư hầu Belarus ngày càng lệ thuộc Nga

Le Monde nhận thấy cuộc chiến Ukraine làm tăng tốc quá trình Nga biến Belarus thành chư hầu. Nước này trở thành hậu cứ của Moskva trong khi đa số cư dân phản đối cuộc xâm lăng Ukraine. Ngày 24/02, chính là với đội quân xuất phát từ Belarus mà Nga đã tiến đánh Kiev. Bốn tháng sau, chế độ Lukashenko chưa bao giờ lệ thuộc Moskva đến thế, do Vladimir Putin từng ra tay cứu vớt ông ta sau cuộc bầu cử bị tố cáo gian lận.

Mới đây, vài giờ trước cuộc gặp Putin ở Saint- Petersbourg hôm 25/06, khoảng hai chục quả rốc-kết Nga bắn đi từ Belarus đã rơi xuống căn cứ quân sự của Ukraine ở Desna. Cùng ngày, Vladimir Putin còn loan báo sẽ chuyển giao cho nước láng giềng các hỏa tiễn Islander-M có thể mang theo đầu đạn nguyên tử, nhờ Belarus đã sửa đổi Hiến Pháp qua cuộc "trưng cầu dân ý" ngày 27/02.

Nhưng dù quy phục Moskva, Minsk vẫn không gởi quân sang Ukraine chiến đấu bên cạnh quân Nga. Theo Franak Viacorka, cố vấn của phe đối lập lưu vong, quân đội Belarus không kinh nghiệm và thiếu nhiệt tình. Chỉ có 6 % người Belarus muốn quân đội nước mình tham chiến. Cung cấp cơ sở hạ tầng và hậu cần cho chiến tranh vẫn hiệu quả hơn là gởi vài ngàn lính đi vào chỗ chết. Điều quan trọng là lòng trung thành của Lukashenko. Đối với Vladimir Putin, cái giá phải trả vẫn còn thấp : cuộc xâm lăng Ukraine tiêu tốn 1 tỉ đô la mỗi ngày, số tiền này đủ để nuôi chế độ Belarus cả tháng.

Nước Mỹ chia rẽ, uy tín tổng thống Joe Biden giảm mạnh

Nhìn sang nước Mỹ nhân ngày Quốc khánh 04/07, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa "Bão táp đến với nền dân chủ". Hoa Kỳ chia rẽ hơn bao giờ hết vào lúc quyền phá thai được đặt lại, trong khi uy tín của tổng thống Joe Biden đang đi xuống.

Từng mơ đóng vai trò nhà hòa giải và người cải cách, nhưng một năm rưỡi sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã thất bại trong việc thực hiện cả hai lời hứa trên, gây thất vọng lớn cho những người đã bỏ phiếu cho ông. Còn bốn tháng nữa đến cuộc bầu cử giữa kỳ, dấu hiệu gây chú ý là tỉ lệ ủng hộ Biden nơi lớp trẻ 18-35 tuổi từ 47 % nay chỉ còn có 25 %, thấp nhất so với các lứa tuổi khác. Chủ yếu là do sự bất lực trong các vấn đề được lớp trẻ ủng hộ đảng Dân Chủ - ngày càng thiên tả - coi trọng : chống biến đổi khí hậu, miễn phí đại học công, xóa một phần nợ sinh viên, lập nhiều nhà trẻ và trường tiểu học công, chế độ nghỉ phép có lương…

Những lời hứa nhằm huy động mạnh mẽ giới trẻ trong cuộc bầu cử tổng thống nay vẫn chỉ là lời hứa. Đó là do đa số mong manh ở Thượng Viện, và sự thụ động của ông Biden trước những vấn đề xã hội khẩn cấp. Trong đảng Dân Chủ đã có những tiếng nói đòi hỏi tổng thống phải tấn công mạnh hơn, như lập ra các dưỡng đường chuyên phá thai ở khu vực thuộc liên bang tại các bang cấm phá thai, tài trợ cho những phụ nữ đi sang bang khác để phá thai (luật liên bang cấm), tăng số thẩm phán Tối cao Pháp viện…Bên cạnh đó, là những lời kêu gọi vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ không nên tái tranh cử.

Venezuela : Vàng và máu

Tại Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro tố cáo việc chế độ Nicolas Maduro cho khai thác tài nguyên quý này chỉ làm giàu cho giới tài phiệt, tàn phá môi trường. Khi Hugo Chavez quốc hữu hóa năm 2011, những mỏ vàng vùng Amazon đang được các tập đoàn quốc tế khai thác chưa nhiều, sự ra đi của họ thu hút những nhóm tội phạm. Những năm gần đây, chính quyền Maduro ký hợp đồng với phe du kích Colombia để lập lại trật tự. Lợi nhuận từ những thỏi vàng đẫm máu người đi về đâu ? Caracas giữ kín, chủ yếu do trừng phạt của quốc tế.

Maduro phân bố các vùng khai thác cho những thống đốc trung thành, không hề có sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Nhiều tướng lãnh cũng được giao cho những mỏ vàng. Americo de Grazia, cựu dân biểu trong vùng cho biết : "Có nhiều tướng lãnh ở Venezuela hơn cả toàn bộ các nước NATO cộng lại. Để mua chuộc họ, Nicolas Maduro giao phó các mỏ, nhà máy cyanure (để xử lý nguyên liệu), cho phép nhập các nguyên liệu cần thiết cho việc khai thác mỏ".

Cây vợt tennis gốc Việt hạ gục huyền thoại Serena Williams

Bước sang lãnh vực thể thao, Le Figaro chơi chữ "Wimbledon : Tan hoàn toàn hài hòa" (harmoni), nói về cây vợt Pháp có mẹ người Việt và cha người Hoa sống ở Cam Bốt mang tên Harmony Tan, hôm nay tranh một chỗ vào tứ kết của giải quần vợt danh giá này.

Bước vào mùa giải Wimbledon năm nay, tay vợt nữ 24 tuổi đã đánh bại huyền thoại Serena Williams, cựu vô địch thế giới, người nắm giữ 23 giải Grand Slam. Chiến thắng vang dội này khiến tên tuổi Harmony Tan được chú ý và các phóng viên quốc tế từ nay tham dự các cuộc họp báo của cô.

Tờ báo cho biết cô có được sự ủng hộ của gia đình. Người mẹ đã bán đi một căn nhà và vài căn hộ để tài trợ cho việc học, người cha và anh cũng hỗ trợ tài chánh. Tan từng được đặc cách theo học Science Po, chơi dương cầm rất giỏi vì đã học tám năm ở Nhạc viện, thích môn thể thao lướt sóng. Có tính cách dễ gần, nhưng không giống như nhiều người trẻ cùng lứa tuổi, Tan không mất nhiều thời giờ cho mạng xã hội. Sau chiến thắng lẫy lừng trước Williams, cô đã tắt bình luận để không bị ảnh hưởng.

Thụy My

Published in Quốc tế

Chiến tranh kéo dài : Nga hay Ukraine sẽ thắng ?

The Economist  chạy tựa trang nhất "Làm thế nào thắng được cuộc chiến kéo dài ở Ukraine". Sau khi chiến đấu rất tốt trong giai đoạn đầu, Kiev nay bị chiếm mất một số vùng đất. Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới ?

ukraine1

Hỏa tiễn Nga phát nổ phía trên trung tâm thương mại ở Kremenchuk, Ukraine ngày 28/06/2022. Ảnh cắt từ video  via Reuters - CCTV via Instagram @zelenskiy_of

Trong cuộc chiến hủy diệt tàn khốc, bên nào nhụt chí sẽ thua

Ukraine đã chiến thắng trong một cuộc chiến ngắn. Cơ động và đầy nhiệt huyết, quân đội Ukraine đã gây cho quân Nga những thiệt hại khủng khiếp và làm thất bại kế hoạch chiếm thủ đô Kiev. Giờ đây trước mặt là một cuộc chiến dài lâu, sẽ tiêu hủy nhiều loại vũ khí, nhiều mạng người và tiền bạc, cho đến khi một bên không còn ý chí chiến đấu. Cho đến lúc này, đó là một cuộc chiến mà Nga đang thắng.

Những ngày gần đây, quân Nga đã chiếm được thành phố Severodonetsk ở miền đông, có bước tiến ở Lysychansk và sắp tới có thể kiểm soát được toàn bộ tỉnh Luhansk. Nga cũng đe dọa Sloviansk, ở phía bắc tỉnh Donetsk láng giềng. Các nhà lãnh đạo Ukraine cho biết họ thiếu vũ khí, đạn dược, mỗi ngày có đến khoảng 200 quân nhân tử trận.

May cho Ukraine, quân Nga tiến rất chậm và bị thiệt hại nhiều. Nếu có khí giới NATO và viện trợ tài chánh đầy đủ, Ukraine hoàn toàn có thể đẩy lui quân Nga. Cho dù những phần đất đã mất khó thể lấy lại, Kiev chứng tỏ được chiến dịch của Vladimir Putin là vô ích, và nổi lên như một Nhà nước dân chủ hướng về phương Tây. Nhưng để làm được điều đó, Ukraine cần được ủng hộ lâu dài, mà điều này thì không chắc chắn.

Putin tìm kiếm chiến thắng, bất chấp máu xương

Thoạt nhìn thì một cuộc chiến dài hơi có lợi cho Moskva. Đôi bên sử dụng một lượng đạn dược khổng lồ, nhưng Nga có dự trữ đạn dồi dào hơn, và kinh tế Nga mạnh hơn Ukraine nhiều. Để tìm chiến thắng, Nga sẵn sàng khủng bố, gây mất tinh thần cho người Ukraine bằng các tội ác chiến tranh, như vụ tấn công vào trung tâm thương mại ở Kremenchuk tuần này. Và Putin sẵn sàng gây đau thương cho chính người Nga, nếu cần.

Tuy vậy chiến tranh kéo dài chưa hẳn diễn ra theo điều kiện của Putin. Ukraine có một lượng lớn quân nhân quyết tâm bảo vệ tổ quốc, và có thể được kỹ nghệ quốc phòng phương Tây hỗ trợ. Với vũ khí tầm xa và chính xác hơn, với các chiến thuật của NATO, Ukraine có khả năng tiêu diệt các sở chỉ huy và kho hậu cần của Nga. Hôm 30/06, Ukraine đã sử dụng vũ khí NATO để đuổi sạch quân Nga khỏi đảo Rắn, vị trí chiến lược ở Hắc Hải. Nếu Kiev giành lại được những lãnh thổ quan trọng như Kherson chẳng hạn, Nga sẽ phải trả giá đắt.

Nếu Nga bắt đầu mất đất trên chiến trường, nội bộ ở Kremlin sẽ lục đục. Tình báo phương Tây cho rằng cấp dưới không báo cáo sự thật cho Putin, và ông chủ điện Kremlin có thói quen thay người chỉ huy, như tướng Alexander Dvornikov. Phương Tây cũng có thể gia tăng trừng phạt, gây thiệt hại lâu dài cho kinh tế Nga ; tách rời giới tinh hoa khỏi Vladimir Putin bằng cách đón nhận những người ly khai.

Trong hội nghị thượng đỉnh hôm 23/06, Liên Hiệp Châu Âu đã chấp nhận tư cách ứng cử viên của Ukraine. Tuần này G7 đã khẳng định sẽ tăng cường trừng phạt, NATO nhìn nhận Nga là mối đe dọa lớn nhất, gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu.

Để ngăn cuộc chiến sắp tới của Putin, cần thắng được cuộc chiến ở Ukraine

Tuy vậy, Ukraine là một gánh nặng lớn lao. Kỹ nghệ quốc phòng phương Tây rất đáng gờm, nhưng khó sản xuất ngay số lượng vũ khí lớn, nhất là đạn dược. Chính phủ Kiev thâm thủng 5 tỉ đô la mỗi tháng và còn phải nghĩ đến tái thiết sau chiến tranh. Nạn lạm phát và các cuộc bầu cử ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của công chúng phương Tây.

Cái giá mà thế giới phải trả cho một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ tăng lên. Putin phong tỏa các cảng khiến Ukraine không xuất khẩu được ngũ cốc, dầu hướng dương, gây rối loạn và nạn đói tại những nước nghèo phải nhập khẩu. Ông ta còn tạo ra nạn thiếu khí đốt ở Châu Âu trong mùa đông sắp tới. Nếu sự đoàn kết tan vỡ do vấn đề năng lượng, nạn nhân chính là Ukraine. Phức tạp hơn, các thành viên NATO còn lo sợ nếu Ukraine chiếm thế thượng phong, Putin sẽ hành xử tệ hại, lôi kéo các nước vào một cuộc chiến thảm họa với Nga.

The Economist dự báo Vladimir Putin sẽ cố chiếm đất của Ukraine càng nhiều càng tốt, tuyên bố chiến thắng và kêu gọi phương Tây áp đặt điều kiện lên Ukraine. Đổi lại, ông ta sẽ "giúp" thế giới tránh được đổ nát, đói rét và mối đe dọa hạt nhân. Nhưng theo tuần báo Anh, nếu chấp nhận thỏa thuận này sẽ là một tính toán vô cùng sai lầm. Ukraine sẽ bị Nga tấn công thường xuyên. Putin càng thành công ở Ukraine, ông ta sẽ càng hiếu chiến, sẽ tiến đánh với tất cả các loại vũ khí đang hiệu quả. Có nghĩa là gây tội ác chiến tranh, dùng nguyên tử để dọa nạt, bỏ đói thế giới và làm Châu Âu run rẩy vì lạnh.

Cách tốt nhất để ngăn chặn cuộc chiến sắp tới là chiến thắng được cuộc chiến này. Các nhà lãnh đạo cần phải giải thích cho người dân, là chúng ta không chỉ bảo vệ một nguyên tắc trừu tượng ở Ukraine, mà chính an ninh của mình. Liên Hiệp Châu Âu cần củng cố lãnh vực năng lượng, Ukraine cần phải có thêm nhiều vũ khí. Nếu áp đặt cho Ukraine một nền hòa bình tồi tệ, mối đe dọa nguyên tử của Putin không dừng lại. Ông ta sẽ càng nguy hiểm hơn, nhất là nếu lực lượng quy ước thất thế. Ukraine và những người ủng hộ có được nhân lực, tiền bạc và phương tiện cần thiết để chiến thắng Putin. Nhưng phải chăng tất cả đều có được quyết tâm ?

Phương Tây mỏi mệt vì chiến tranh Ukraine : Hy vọng của Kremlin

Trong sổ tay hàng tuần trên Le Point, nhà văn Bernard-Henri Lévy cảnh báo tâm lý mệt mỏi trước cuộc chiến tranh Ukraine. Ông nhắc lại câu nói của tổng thống Pháp Poincaré hồi năm 1917, khi được hỏi quân đội Pháp liệu có chống chọi được hay không, "Quân đội sẽ trụ vững nếu hậu phương vững vàng". Tương tự, quân đội Ukraine bây giờ cũng vậy.

Trên chiến địa, những chiến sĩ Ukraine tỏ ra anh dũng một cách đáng kinh ngạc, đẩy lùi được quân Nga ở Kiev, Borodyanka, Mykolaiv và chuẩn bị phản công ở Donbass. Lính Nga thì mất tinh thần, xe tăng thiếu phụ tùng, tử trận rất nhiều khiến Putin phải trả giá đắt cho các chiến thắng. Ngược lại, vấn đề nằm ở hậu phương. Chính xác hơn, là "hậu phương của hậu phương", tức khối các nước đồng minh cung cấp vũ khí, vì người dân trong xã hội Ukraine có tinh thần kháng chiến không thua các chiến binh.

Dư luận phương Tây có tiếp tục ủng hộ lâu dài, chấp nhận để các nhà lãnh đạo viện trợ vũ khí cho Ukraine chiến đấu ? Sự phẫn nộ trước cuộc xâm lăng của Nga lẽ nào chỉ là ngọn lửa rơm, tên của những vùng đất Ukraine bị phá hủy tiếp tục là một điệu valse buồn. Đó chính là hy vọng của Putin. Trong ngôi nhà nghỉ, ông ta lạnh lùng chờ đợi công luận quen dần với những đau thương của các chiến binh, người già, trẻ em trong cuộc chiến.

Cũng như những "pitbull" của mình là Lavrov và Medvedev, Putin nghĩ rằng sẽ đến một ngày những tiếng kêu phẫn nộ ở Paris, Roma, Washington và cả Luân Đôn sẽ chìm vào im lặng. Ngày đó những cái nhìn sẽ lảng đi khi ông ta vung gươm vào Zelensky. Đó sẽ là dấu hiệu cho hồi kết của những giá trị Châu Âu, từ Tehran đến Bắc Kinh đều thích thú đứng nhìn. Tác giả cho rằng hơn bao giờ hết, cần phải ủng hộ nhân dân Ukraine cho đến cùng.

Hồng Kông tự do trở thành công an trị

Tại Châu Á, L’Obsnói về "Hồng Kông, những lời hứa không thực hiện" : "Một đất nước, hai chế độ" nay đã trở thành "Một đất nước, một chế độ".

Ngày 01/07/1997, lá cờ Anh được hạ xuống, xếp lại và trao cho thái tử Charles dưới cơn mưa tầm tã. Vào lúc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, tất cả những dấu hiệu đều tốt đẹp : Đặng Tiểu Bình cam kết tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông trong vòng 50 năm với khẩu hiệu "nhất quốc lưỡng chế". Bắc Kinh đang cải cách kinh tế và người ta cho rằng chính trị sẽ trở nên tự do hơn. Cho đến nỗi Financial Times tự hỏi liệu đến một ngày nào đó Hồng Kông sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc.

Ngày 01/07/2022, kỷ niệm 25 năm trao trả, Tập Cận Bình đến Hồng Kông, có vẻ như một cuộc thanh tra sau chiến thắng. Ai có thể tin được mới cách đây gần ba năm, một phần tư trong số bảy triệu dân Hồng Kông đã xuống đường để bảo vệ các quyền của mình ? Đã từng có một nền báo chí tự do, một xã hội dân sự tích cực, năng động, một đời sống chính trị đa nguyên ? Thay vào đó là một hệ thống do Trung Quốc thống trị, mà điển hình là Lý Gia Siêu (John Lee), một cựu công an nay trở thành trưởng đặc khu được Bắc Kinh chọn lựa.

Tự do ở Hồng Kông đã sụp đổ như tòa lâu đài trên cát, vào ngày mà Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định chẳng cần đóng kịch nữa. Thế giới im lặng, cho dù thỏa thuận Anh-Trung là một văn bản có giá trị quốc tế. Phương Tây cho rằng giờ đây Hồng Kông nằm trong tay Trung Quốc, chẳng thể làm được gì.

Bước lùi vĩ đại của dân chủ ở Hồng Kông

L’Express nhận định "Hồng Kông : Bước lùi vĩ đại của dân chủ". Còn 25 năm nữa mới đến kỳ hạn 2047, nhưng Hồng Kông đã trở nên một thành phố như bao nhiêu thành phố khác ở Hoa lục. Một đô thị không biểu tình, không tranh luận, với một Nghị Viện bù nhìn, học sinh được "giáo dục ái quốc", sách giáo khoa khẳng định chưa bao giờ bị Anh quốc đô hộ !

Nhưng ai sẽ đứng lên chống lại người khổng lồ Châu Á ? La Quán Thông (Nathan Law), từng là dân biểu trẻ nhất Hồng Kông nay tị nạn ở Anh, thất vọng cho biết đã gặp các nhà ngoại giao Pháp, nhưng họ tỏ ra rất thận trọng. "Một đất nước bảo vệ dân chủ, nhân quyền như Pháp lẽ ra phải hành động nhiều hơn cho Hồng Kông và cả Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan".

Le Mondesố cuối tuần nhận thấy "Chỉ cần hai năm để biến Hồng Kông thành hệ thống hậu toàn trị". Báo chí bị bịt miệng, các nghiệp đoàn độc lập bị giải thể, liên minh các hiệp hội trong suốt 30 năm qua tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn nay đã bị đánh phá, các chính khách ôn hòa đều vào tù và có nguy cơ lãnh những bản án nặng nề. Dù Hồng Kông là một trong những trung tâm tài chánh thế giới, việc Bắc Kinh bóp nghẹt đặc khu không gây ra nhiều phản ứng nơi cộng đồng quốc tế.

Phá thai : Nước Mỹ thêm chia rẽ

Nhìn sang nước Mỹ, L’Obschạy tựa trang nhất "Quyền phá thai : Cuộc tranh đấu tiếp diễn". Đối với Courrier International, quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho phép các bang cấm phá thai là "Cuộc chiến chống lại phụ nữ".

Theo L’Obs, đây là một đòn sấm sét của Tòa án Tối cao - mà sự thăng bằng chính trị đã bị tổng thống Donald Trump thay đổi, là sự chối từ quyền lợi của hàng triệu phụ nữ Mỹ. Tấm gương của nền dân chủ phương Tây lớn nhất thế giới sẽ làm mong manh thêm một quyền vẫn luôn bị đe dọa. Với tình trạng phân cực tại Hoa Kỳ hiện nay, quyết định của tòa tạo ra một cuộc chiến tranh ly khai mới, giữa các bang cấm phá thai và các bang cho tiếp tục. Trong một đất nước mà nhân viên y tế làm dịch vụ phá thai thường bị đe dọa, và không có dịch vụ y tế nào miễn phí, các phụ nữ nghèo, thiểu số sẽ không còn cơ hội.

Courrier International dịch một số bài báo cho thấy phản ứng đa dạng về sự kiện này. USA Today thuật lại tâm trạng thất vọng tại khoa phụ sản của bệnh nhân lẫn y bác sĩ tại một dưỡng đường ở Oklahoma khi phải đột ngột hủy các cuộc hẹn phá thai. The Guardian cho rằng đó là do cựu tổng thống Trump đã bổ nhiệm "ba trong số chín thẩm phán Tối cao Pháp viện, khiến cơ quan tư pháp cao nhất ngả sang bảo thủ trong vòng 25 năm tới". The Washington Post cáo buộc "sự độc tài của một thiểu số".

Ngược lạiThe Wall Street Journalđặt câu hỏi "Liệu nước Mỹ có còn khả năng giải quyết bất đồng chính trị một cách dân chủ, ôn hòa hay không ?". Một loạt vụ kiện được chuẩn bị ở nhiều bang, California muốn sửa đổi Hiến pháp, một số công ty tài trợ cho những nữ nhân viên phải sang bang khác phá thai… Cùng lúc đó, phe bảo thủ tại phân nửa trong số các bang của Mỹ tăng tốc hạn chế các vụ phá thai. Thay vì đối thoại, nước Mỹ dường như đang bên bờ vực bùng nổ. Tại Pháp, La Croix số cuối tuần phê phán đề nghị của các dân biểu đảng cầm quyền về một dự luật nhằm đưa việc "tôn trọng quyền phá thai vào Hiến pháp", cho đây là chính trị hóa vấn đề vì đã có luật Veil từ năm 1975.

Pháp : Nỗi lo về trình độ toán và tâm lý thụ động

Hồ sơ của L’Express được dành cho câu hỏi làm thế nào nâng cao trình độ toán của học sinh, một khi vẫn còn kịp. Chương trình quốc tế PISA chuyên so sánh trình độ các thiếu niên 15 tuổi của 85 nước ghi nhận từ 2000 đến 2010, Pháp bị sụt hẳn về môn toán, nay chỉ được xếp ở mức trung bình. Một điều tra khác mang tên Xu hướng về toán và nghiên cứu khoa học (TIMSS) tiến hành tại 60 nước cho thấy học sinh Pháp bị xếp trong những hạng chót tại Liên Hiệp Châu Âu, tương đương với Romania. Tuần báo lo ngại, một đất nước kém cỏi về toán học sẽ mất đi sự hòa hợp và sức mạnh, hơn nữa lại là quê hương của Descartes, Pascal…

Le Point nêu ra một vấn đề khác : lớp trẻ thiếu kiên định và thiếu động lực. Nhiều lãnh vực như khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, xây dựng không tuyển được người, chủ yếu do cần nhiều sức lao động. Tăng lương vẫn không thu hút được ứng viên, người lao động từ chối làm việc buổi tối và cuối tuần. Về học hành, kỳ thi tú tài thường bị than phiền là "quá khó". "Họ muốn có bằng cấp mà không cần cố gắng, họ sẽ trở nên những người trưởng thành như thế nào ?" - Sylvie Germain kinh ngạc. Là tác giả cuốn tiểu thuyết "Những ngày phẫn nộ", được trích khoảng 20 dòng làm đề tài bình luận trong kỳ thi tú tài năm nay, nhà văn nữ nhận được vô số chỉ trích, lăng mạ trên mạng xã hội, thậm chí dọa giết. Một hiện tượng mà từ 2019 tổng thống Emmanuel Macron đã gọi là sự quên lãng "ý nghĩa của nỗ lực".

Thụy My

Published in Quốc tế

Giàn khoan, chiến hạm, Đảo Rắn : Ukraine phản công Nga trên Biển Đen

Trọng Nghĩa, RFI, 27/06/2022

Trong tuần qua, vùng Biển Đen nằm sát Ukraine đột nhiên dậy sóng với liên tiếp nhiều vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu Nga được chính phía Ukraine loan báo, từ các cơ sở quân sự trên Đảo Rắn ngày 21/06/2022, cho đến một số giàn khoan ngoài khơi bán đảo Crimea trước đó một hôm. Theo giới quan sát, các diễn biến vừa kể nêu bật mong muốn của Kiev trong việc nới lỏng gọng kìm của Moskva trên các cảng Ukraine. 

uk1

Tổ hợp tên lửa di động của Hải quân Đan Mạch có khả năng bắn tên lửa Harpoon để phòng thủ bờ biển. © Marinens Biblioteks Arkiv via Wikipedia

Trong một bài phân tích về giá trị chiến lược, quân sự và kinh tế của Biển Đen hôm 23/06/2022, nhật báo Pháp Le Monde ghi nhận một thực tế là kể từ khi bắt đầu cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng vào hạ tuần tháng Hai, quyền tiếp cận vùng biển phía nam Ukraine đã trở thành một vấn đề chiến lược đối với cả Kiev lẫn Moskva.

Chính bằng đường biển mà Nga đã cố gắng nhưng hoài công tìm cách xâm lược vùng tây nam Ukraine trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, và không ngần ngại cho Hạm đội Hắc Hải của họ phong tỏa Biển Đen. Trong lúc đó thì cũng bằng đường biển, Ukraine hy vọng xuất khẩu được hàng triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các kho chứa, điều cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Các chiến dịch quân sự của Ukraine

Trong những ngày gần đây, Ukraine đã gia tăng tấn công vào các mục tiêu Nga trên Biển Đen, cho thấy quyết tâm của Kiev trong ý định phá vỡ vòng phong tỏa mà Moskva đang áp đặt trong khu vực.

Đáng chú ý nhất trong tình hình chiến sự ở Biển Đen được giới quan sát ghi nhận là những cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Ukraine vào ba giàn khoan khí đốt của Nga nằm ngoài khơi Crimea hôm 20/06, làm một giàn khoan bốc cháy và khiến cho nhiều người mất tích hay bị thương. 

Chính quyền Nga đã lập tức tố cáo Ukraine tấn công vào các cơ sở dân sự, điều đã bị phía Ukraine bác bỏ, nhấn mạnh đến việc Moskva đã biến các giàn khoan đó thành cơ sở quân sự khi lắp đặt trên đó các hệ thống tác chiến điện tử để cản trở hoạt động của các máy bay không người lái Ukraine trên vùng Vịnh Odessa. 

Vào ngày 20/06, Ukraine cũng đã bắn vào Đảo Rắn bị quân đội Nga chiếm đóng kể từ ngày 24/02. Theo Moskva, 15 máy bay không người lái của Ukraine, cũng như các hệ thống pháo binh và pháo phản lực, đã tham gia cuộc tấn công này và Nga đã đẩy lùi nhờ giàn phòng không của họ trên đảo, điều không thể kiểm chứng.

Radar do Moskva lắp đặt cũng đã phát hiện trong cùng khu vực một máy bay không người lái quan sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy Washington có thể đã can dự vào cuộc tấn công. 

Trước đó, hôm 17/06, lực lượng Kiev đã vô hiệu hóa một tàu Nga bị tình nghi cung cấp nhân sự và vật liệu cho Đảo Rắn, nơi mà hai bên tham chiến đang tranh giành. Bị Nga chiếm đóng ngay khi bắt đầu cuộc chiến, hòn đảo chỉ rộng khoảng 20 ha này nằm cách bờ biển Ukraine khoảng 30 km và kiểm soát đường ra vào các cửa của sông Danube và Odessa, một chốt mang tính chiến lược đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa. 

Theo những hình ảnh do một máy bay không người lái quay được và phát trên mạng xã hội, tàu kéo của Nga Vasyl-Bekh (1.600 tấn), mà lực lượng Ukraine nghi là mang theo hệ thống phòng không TOR, đã bị trúng hai tên lửa phóng đi từ bờ biển. Đây là cuộc tấn công thứ hai do Kiev thực hiện từ một khẩu đội ven biển, sau cuộc tấn công vào tuần dương hạm Moskva (12.500 tấn), soái hạm của hạm đội Nga ở Biển Đen, bị tên lửa Ukraine đánh chìm hôm 13/04.

Nêu bật sự cần thiết của vũ khí phương Tây

Chiến sự gia tăng trên Biển Đen, sau vài tuần tương đối bình lặng, phản ánh mong muốn của Ukraine là nới lỏng gọng kìm của Nga xung quanh các cảng của họ, chủ yếu là cảng Odessa, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đã bắt đầu với Nga về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine có dấu hiệu không tiến triển. 

Trong những ngày gần đây, Ukraine được cho là đã triển khai một số khẩu đội pháo ven biển ở Vịnh Odessa, được trang bị tên lửa Harpoon của Mỹ do Đan Mạch cung cấp, hiệu quả hơn loại tên lửa Neptune sản xuất trong nước. Tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 300 km và rất khó đối phó, nhờ được gắn ra đa kèm theo. 

Joseph Henrotin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Dự báo Rủi ro Quốc tế, cho rằng : "Với những hệ thống này, Ukraine có thể thực hiện ngăn chặn trên biển – interdiction navale, tức là ngăn chặn tàu Nga tiếp cận bờ biển của mình, ngay cả khi nước này không còn lực lượng hải quân".

Trong một thông cáo ngày 21/06, Bộ Quốc phòng Anh cũng ghi nhận : "Khả năng phòng thủ bờ biển của Ukraine đã vô hiệu hóa phần lớn khả năng Nga nắm quyền kiểm soát hàng hải và điều lực lượng của họ vào vùng biển tây bắc Biển Đen". 

Theo đài truyền hình Pháp France24, chuyên gia Mỹ Jeff Hawn phụ trách các vấn đề quân sự của Nga và là cộng tác viên của Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, đã cho rằng các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine vào những mục tiêu Nga ngoài khơi Biển Đen còn nhằm chứng minh cho các nước phương Tây thấy rằng vũ khí giao cho họ đã được sử dụng tốt.

Sim Tack, một chuyên gia phân tích khác làm việc cho hãng theo dõi các cuộc xung đột Force Analysis, cũng lập luận : "Các kết quả mà phía Ukraine muốn khoe trong cuộc tấn công mới nhất của họ (vào Đảo Rắn) không phải là thiệt hại gây ra cho các mục tiêu bị bắn trúng, mà là tính chất quá dễ dàng của chiến dịch". 

Và điều đó có lẽ sẽ không thể xảy ra nếu không có thiết bị của phương Tây, vì Ukraine trong chiến dịch đó lần đầu tiên đã sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ vừa được chuyển giao cho nước này.

Khó nới lỏng được gọng kìm của Nga

Liệu Ukraine có thể nới lỏng gọng kìm của Nga xung quanh các cảng của họ, chủ yếu là cảng Odessa ? Đối với giới quan sát, trước mắt khó có thể tưởng tượng ra việc các tàu thương mại ra vào cảng Odessa mà không được Nga cho phép.

Trên báo Le Monde, một nguồn tin quân sự phương Tây xác nhận "không chủ tàu nào dám mạo hiểm như vậy", nếu không được Moskva bật đèn xanh. Vào thời điểm hiện nay, quốc tế không thể lên kế hoạch thành lập một đoàn tàu chở ngũ cốc Ukraine, nếu không có thỏa thuận ngoại giao trước. 

Theo nguồn tin nói trên : "Nếu Nga quyết định không cho tàu đi qua thì nguy cơ xảy ra xung đột rất cao. Một thực tế nghiêm trọng trong bối cảnh không có tàu chiến phương Tây ở Biển Đen, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles khi chiến tranh Ukraine vừa nổ ra".

Trọng Nghĩa

*******************

Pháp gởi đại pháo và xe bọc thép cho Ukraine

Thụy My, RFI, 28/06/2022

Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu tối 27/06/2022 xác nhận việc gởi thêm sáu khẩu đại pháo Caesar hiện đại nhất của Pháp, và sắp tới sẽ viện trợ "một số lượng lớn" xe bọc thép cho Ukraine.

uk2

Một khẩu pháo Caesar của Pháp tại triển lãm vũ khí Eurosatory ở Villepinte, phía bắc Paris, ngày 14/06/2022. AP - Michel Euler

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng trên trang web nhật báo Parisien-Aujourd'hui en France tối qua, bộ trưởng Sébastien Lecornu nhấn mạnh : "Để di chuyển nhanh chóng tại các khu vực dưới hỏa lực địch, các đơn vị vũ trang cần có được xe bọc thép". Pháp sẽ "gởi sang một số lượng lớn các xe quân sự loại này, là những xe bọc thép vũ trang".

Bộ trưởng Quân lực cũng xác nhận việc giao cho Ukraine thêm sáu đại pháo Caesar, hiện là loại pháo có tầm bắn xa nhất của Pháp, thêm vào 12 khẩu đã được triển khai để đối phó với quân Nga, như tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo trong chuyến thăm Kiev hôm 16/06. Tuy nhiên, ông không cho biết cụ thể thời điểm chuyển giao.

Về các hỏa tiễn chống hạm được Kiev đòi hỏi nhằm "có được sự đột phá để thoát khỏi tình trạng Nga phong tỏa biển vì không thể giao ngũ cốc và nguyên vật liệu cho nhiều nước", theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, yêu cầu này hiện "nằm trong số các hồ sơ đang được xem xét".

Kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine của Nga ngày 24/02/2022, Paris đã chuyển cho Kiev nhiều loại vũ khí. Ngoài các đại pháo Caesar, còn có những hỏa tiễn chống tăng Milan, hỏa tiễn phòng không Mistral. Giữa tháng Tư, bộ trưởng Quân Lực lúc đó là Florence Parly ước tính Pháp đã viện trợ cho Ukraine trên 100 triệu euro thiết bị quân sự.

Thụy My

***********************

Những lính Ukraine cuối cùng chèo thuyền rút khỏi Severodonnetsk

Ngày 24/06, Kiev xác nhận Severodonetsk hoàn toàn rơi vào tay Nga và thông báo rút quân sau nhiều trận giao tranh ác liệt. Một số lính Ukraine cuối cùng rời khỏi thành phố vào hôm Chủ Nhật, đi thuyền vượt sông Sibverskyi Donets để đến Sloviansk, cách Severodonetsk 60 km. 

uk3

Lính Ukraine chèo thuyền băng qua sông ở Severodonetsk, 19/06/2022. Reuters - Stringer

"Dĩ nhiên, đó là một nỗi nhục khi phải rời đi vì chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để bảo vệ Severodonetsk, sau hàng tháng trời. Nhưng quyết định đã được đưa ra và chúng tôi cũng không quá lo lắng vì chúng tôi cũng muốn sống", một lính Ukraine cho biết.

Binh lính chèo thuyền vào buổi tối rời khỏi Severodonetsk để đảm bảo an toàn. Vị trí của thuyền thay đổi liên tục vì Nga vẫn tiếp tục pháo kích.

"Chúng tôi đã phải chịu rất nhiều tổn nhất và không còn cách nào có thể giữ được thành phố. Tình hình ở Severodonetsk giống như Mariupol.  Và chúng tôi không muốn sự việc lặp lại tại nhà máy hóa chất Azot, giống như ở nhà máy luyện kim Azovstal (binh lính phải ra đầu hàng trước quân Nga). Ở đó vẫn còn nhiều thường dân, binh lính và chúng tôi hoàn toàn bị bao vây", Anton một lính Ukraine đã rời đến Sloviansk thuật lại.

Tất cả các cây cầu bắc qua sông Siverskyi Donets đều bị phá hủy. Thành phố bị cô lập, việc tiếp tế cũng như điều thêm quân đến rất khó khăn. Quan chức Ukraine cho biết quyết định rút quân là vì số thương vong quá lớn. Tại vùng Lugansk, thành phố Lyssychansk hiện là nơi cuối cùng quân đội Ukraine vẫn đang chiến đấu để giành kiểm soát.  

Theo CNN, việc chiếm được Severodonetsk tại Donbass mang lại cho Nga một chiến thắng trong chiến dịch tuyên truyền của mình kể từ khi mở ra chiến dịch quân sự đặc biệt. Giới chuyên gia cho rằng, trước đó, quân đội Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga ở khu vực gần thủ đô Kiev vì hầu hết các cuộc chiến đấu diễn ra trong thành phố và binh lính quen với địa hình, trong khi đó, tại vùng Donbass, địa hình chủ yếu là đồng bằng và không gian mở, thuận tiện cho sử dụng vũ khí tầm xa mà Nga chiếm nhiều ưu thế hơn. 

Chi Phương

**********************

Chiến tranh Ukraine : Nổ lớn ở Kiev, Severodonetsk thất thủ

Thu Hằng, RFI, 26/06/2022

Sáng Chủ nhật 26/06/2022, quân Nga đã oanh kích một khu dân cư gần trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine. Vụ tấn công chỉ diễn ra vài giờ trước khi nhóm G7 họp thượng đỉnh để bàn về tình hình chiến tranh ở Ukraine. Trước đó, Nga đã chiếm được hoàn toàn thành phố Severodonetsk ở vùng Lugank, miền đông Ukraine.

uk4

Sau nhiều ngày chìm trong bom đạn, thành phố Severodonetsk của Ukraine đến hôm 25/06/2022 đã hoàn toàn rơi vào tay quân Nga. Ảnh chụp ngày 07/06/2022. AFP – Aris Messinis

Theo AFP, có bốn vụ nổ vào khoảng 6 giờ 30 sáng (giờ địa phương) gây hỏa hoạn tại một chung cư 9 tầng. Một tên lửa đã bị hệ thống phòng không Ukraine bắn chặn ở vùng Kiev và mảnh vỡ rơi xuống một ngôi làng. Còn theo nghị sĩ Oleksiy Goncharenko, quân Nga bắn tổng cộng 14 tên lửa về phía Kiev và vùng phụ cận trong buổi sáng hôm nay 26/06.

Trên mạng Telegram, đô trưởng Kiev Vitaly Klitschko cho biết có ít nhất hai người bị thương đã được nhập viện, rất nhiều người vẫn bị kẹt dưới đống đổ nát nên hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn. Trong buổi họp báo tại hiện trường, đô trưởng Kiev tố cáo Nga "hăm dọa người dân Ukraine trước thềm thượng đỉnh NATO", diễn ra từ ngày 28 đến 30/06 ở Madrid, Tây Ban Nha.

Ngày 25/06, thành phố Severodonetsk đã bị quân Nga chiếm đóng hoàn toàn. Hơn 800 thường dân Ukraine trú ẩn từ nhiều tuần qua trong nhà máy hóa chất Azot đã được quân đội Nga và phe ly khai thân Nga sơ tán. Tối cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã "giải phóng hoàn toàn" thành phố có vị trí chiến lược và ba địa phương lân cận : Borivske, Voronove et Syrotyne. Như vậy, "toàn bộ lãnh thổ nằm bên tả ngạn sông Donets, đường ranh giới của vùng Lugansk, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát" của quân Nga và lực lượng ly khai Ukraine thân Nga.

Ngay sau chiến thắng ở Severodonetsk, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu đã đến Ukraine thị sát tình hình, "nghe báo cáo của bộ chỉ huy về chiến sự và các chiến dịch đang được quân đội Nga tiến hành trong các khu vực chính". Tuy nhiên, địa điểm và thời gian cụ thể không được nêu trong thông báo ngày 26/06 của Bộ Quốc phòng Nga.

Trước thất bại ở Severodonetsk, dù Kiev khẳng định "rút lui chiến lược" để bảo vệ Lysychansk, và loạt oanh kích sáng 26/06, chính quyền Ukraine một lần nữa yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí, gia tăng trừng phạt Moskva để "đánh bại chủ nghĩa đế quốc bệnh hoạn" Nga.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

EU cấm vận dầu Nga và cuộc khủng hoảng trong tương lai gần

Hôm 31 tháng 5, 2022, EU cho biết sẽ công bố chính sách mới, cấm vận dầu Nga ở mức độ khắc nghiệt hơn mức tưởng tượng của những người ghét tinh thần đế quốc của Nga nhất. Chúng ta thử xem xét một vài hậu quả mà chính sách này của EU có thể tác động lên kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.

thegioi1

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày, các nước EU vẫn phải nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm từ dầu mỗi ngày từ Nga.

Chính sách phong tỏa mới của EU đối với Nga

Với chính sách cấm vận mới, tổng lượng dầu Nga xuất khẩu vào EU sẽ giảm 90%.

1. Cho đến nay, kể cả khi cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày, các nước EU vẫn phải nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm từ dầu mỗi ngày từ Nga. Nga thu về khoảng 800 ngàn Euro (hơn 1 triệu USD) mỗi ngày từ việc bán dầu cho EU [1]. EU dự kiến sẽ cắt giảm chỉ còn 10% số đó vào cuối năm 2022. Để được Hungary chấp nhận, EU miễn trừ việc nhập khẩu dầu từ Nga qua đường ống [2].

2. EU cũng sẽ không cho phép các công ty bảo hiểm Châu Âu bán dịch vụ bảo hiểm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển [3]. Lệnh cấm này rõ ràng nhắm đến khả năng vô hiệu hóa nỗ lực của Nga bán dầu cho Châu Á bằng đường biển, bởi lẽ bảo hiểm vận tải dầu mỏ hiện do các công ty Châu Âu nắm giữ. Khi không còn bảo hiểm vận tải, các công ty vận tải dầu mỏ đường biển sẽ ngại ngần trong việc vận chuyển dầu thô Nga.

Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu dầu từ Nga từ hồi tháng 2 năm 2022, sau khi cuộc xâm lăng của Nga nổ ra. Đối với Châu Âu, khi quyết định ngừng nhập khẩu 90% dầu mỏ từ Nga như vậy, chắc chắn họ đã tính toán khả năng bù đắp nguồn cung dầu mỏ ở Châu Âu.

Hậu quả của chính sách cấm vận mới của EU đối với Nga

Cùng với các hậu quả do cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine gây ra từ hơn 3 tháng qua, chính sách mới này của EU có khả năng sẽ dẫn đến một số hệ quả vĩ mô sau :

1. Giá dầu tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát, vốn đang khá dữ dội ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu.

2. Chuỗi cung ứng toàn cầu càng dễ bị tổn thương hơn.

3. An ninh lương thực trở thành một vấn đề toàn cầu, làm cho lạm phát thêm trầm trọng.

4. Các điều kiện tài chính sẽ càng bị thắt chặt hơn.

5. Các chính sách vĩ mô của các định chế toàn cầu càng trở nên khó đoán trước.

6. Cuối năm 2022, khi lệnh cấm của EU đi vào hiện thực, nếu Châu Âu rơi vào cảnh thiếu hụt dầu, khu vực kinh tế khổng lồ này sẽ tranh giành nguồn dầu của các nước Châu Á. Tất nhiên, việc tranh giành nhập khẩu dầu sẽ diễn ra sớm hơn, ngay từ mùa hè 2022, vì các nước sẽ chạy đua để chuẩn bị cho cuối năm. Kinh tế thế giới sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng kép, vừa do đại dịch gây ra vừa do cuộc chiến của Putin gây ra.  Tuy vậy, lệnh cấm của EU tiếp bước Hoa Kỳ cũng phản ánh sự thay đổi của xu hướng ảnh hưởng của dầu mỏ lên kinh tế thế giới.

Giá dầu thô tăng vọt là yếu tố góp phần lớn vào lạm phát trong thập niên 1970s ở Âu Mỹ. Hồi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ tiêu thụ hơn một thùng dầu thô trên 1.000 USD tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, đến năm 2015, Hoa Kỳ chỉ còn tiêu thụ khoảng 0,4 thùng trên 1.000 USD của GDP [4]. Như vậy, yếu tố dầu thô đã giảm vai trò trong nền kinh tế Mỹ.

1. Theo World Bank, tỷ lệ sử dụng năng lượng (số kg dầu tương đương) trên 1.000 USD của GDP (PPP không đổi năm 2017), ở quy mô toàn cầu, đã giảm từ 164,5 kg dầu năm 1990 xuống còn 120 kg dầu năm 2014 [5]. Năm 2015, Đức chỉ còn tiêu thụ 74,6 kg dầu cho mỗi 1000 USD của GDP, còn Pháp là 85,2 kg và Anh là 61,4 kg.

2. Việc phương Tây giảm sự phụ thuộc vào dầu thô sẽ giúp giảm tỷ lệ lạm phát do dầu thô gây ra. Tuy nhiên, không ai dám coi thường tác động của việc giá năng lượng tăng đến nền kinh tế nói chung và đến cuộc sống của mỗi người. Giám đốc điều hành của JPMorgan, Jamie Dimon cho rằng giá dầu có thể tăng lên 175 USD/thùng vào cuối năm nay [6]. Còn Goldman Sachs dự đoán rằng giá dầu sẽ tăng lên 140 USD/thùng trong quý 3 năm nay [7]. Các dự đoán khác nhau về giá dầu vào cuối năm khá chênh lệch nhau (140/175) nhưng cảm nhận chung là giá dầu sẽ tăng vọt. Financial Times dự đoán thế giới sẽ phải gồng mình trước sự tăng giá xăng dầu [8].

Tình cảnh thiếu hụt năng lượng từ sau mùa đông năm 2022 được giải quyết đến mức độ nào thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

1. Trước hết, người ta sẽ quan sát xem một trong những chủ soái của OPEC, Saudi Arabia, có đồng ý tăng sản lượng dầu hay không. Khi kế hoạch cấm dầu của Châu Âu được đưa ra, Tổng thống Biden cũng lên kế hoạch đi thăm Thái tử Salman của Saudi Arabia [9]. Các yêu cầu chính trị trong bang giao quốc tế của Saudi Arabia ở Trung Đông có thể sẽ được thỏa mãn. Những kẻ thù của Saudi Arabia như Iran, vốn được dễ thở hơn sau khi Tổng thống Biden cầm quyền, có thể sẽ "gặp nạn".

2. Các nhà vận động chính sách sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Biden chấp nhận thúc đẩy khai thác dầu mỏ trong nước (dầu đá phiến) và tiếp tục dự án đường ống dẫn dầu từ Canada. Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các nguồn cung dầu khác, kể cả những xứ xung đột với phương Tây về giá trị như Venezuela

3. Châu Âu sẽ càng tăng cường phát triển các nguồn năng lượng phi hóa thạch, nhưng năng lượng sạch phụ thuộc vào nguồn không ổn định như năng lượng mặt trời, nguồn gió, và khả năng thay thế không đến một sớm một chiều.

Dầu thô và khí đốt là hai câu chuyện có liên quan nhưng khác nhau. Trong tổng lượng khí đốt mà Châu Âu nhập khẩu hằng năm, khí đốt của Nga chiếm đến 42%, chỉ tính riêng nhập bằng đường ống [10]. Sau hơn 3 tháng tính toán kể từ khi cuộc xâm lăng của Putin nổ ra, Châu Âu tất nhiên không quyết định cấm vận Nga khi mà chưa tìm ra nguồn cung thay thế.

Đức tỏ ra lo lắng không phải vì không tìm ra khí đốt thay thế mà vì... thành công quá nhanh trong việc thay thế khí đốt Nga. Họ nhập khẩu khí LNG của Hoa Kỳ bằng những con tàu vận tải khổng lồ. Việc nhập khẩu này đòi hỏi xây dựng những trạm tiếp nhận đắt tiền. Họ "lo lắng" vì những thiết bị đắt tiền này có thể trở nên lãng phí nếu họ chuyển sang năng lượng xanh thành công vào năm 2035 theo kế hoạch [11]. Nói chung, các nhà nghiên cứu chính sách đều nhận thấy kế hoạch loại bỏ dầu khí Nga của Châu Âu đã được định hình rõ nét [12].

Có thể nói các cường quốc Âu Mỹ Nhật sẽ chuẩn bị đủ sức để thoát khủng hoảng đồng thời thoát Nga về mặt năng lượng. Nga với GDP chỉ bằng một nửa bang California của Mỹ, không đủ khả năng áp đặt ý muốn của mình, trừ khi chấp nhận từ bỏ tư duy bá quyền lỗi thời.

Nhưng Việt Nam thì không có nhiều lựa chọn.

Ái Châu

Nguồn : RFA, 14/06/2022

Tham khảo :

[1] What sanctions are being imposed on Russia over Ukraine invasion ? (BBC)  

[2] EU Sets Harshest Russian Sanctions, Targeting Oil and Insurance, The Wall Street Journal, 31-5-2022 

[3] EU Sets Harshest Russian Sanctions, Targeting Oil and Insurance, The Wall Street Journal, 31/5/2022 

[4] Columbia Center on Global Energy Policy, "Oil Intensity : The Curiously Steady Decline of Oil in GDP"

[5] Energy use (kg of oil equivalent) per $1,000 GDP (constant 2017 PPP)

[6] Jamie Dimon says ‘brace yourself’ for an economic hurricane caused by the Fed and Ukraine war, Jun 1, 2022

[7] Goldman Sachs predicts $140 oil as gas prices spike near $5 a gallon, June 7, 2022

[8] The world must brace itself for a further surge in oil prices

[9] Saudi dissidents call Biden’s planned visit to kingdom a betrayal, June 3, 2022

[10] Can Europe survive painlessly without Russian gas ? (Bruegel)

[11] Germany doesn't want to be 'too successful' at replacing Russian natural gas because it wants to move away from the fuel in the long run, economy minister said, Jun 7, 2022  

[12] LNG revolution : Germany’s plan to wean itself off Russian gas takes shape, Financial Times, 5/6/2022

*********************

Cuộc khủng hoảng trong tương lai gần và khả năng thích ứng của Việt Nam, Trung Quốc

Phần trước xem xét khả năng tác động của chính sách dầu khí của Châu Âu đối với Nga lên nền kinh tế. Phần này xem xét khả năng đối phó của Trung Quốc và Việt Nam.

http://www.dreamstime.com/stock-photos-china-vietnam-flag-war-torn-fire-international-conflict-d-digital-art-image44453433

Xung đột Việt-Trung thể hiện qua lá cờ

Trung Quốc

Tình huống xấu nhất của cuộc khủng hoảng vẫn chưa đến nhưng Trung Quốc đã lựa chọn rồi. Họ không có nhiều không gian cho những lựa chọn khác. Chúng ta hãy bắt đầu với việc Trung Quốc từ tháng 5/2022 quay trở lại chính sách mở cửa kinh tế, có vẻ muốn đảo ngược chính sách Zero Covid và đặc biệt là nới lỏng tín dụng cho bất động sản.

Đây không phải là biểu hiện của việc Lý Khắc Cường chống lại Tập Cận Bình như tưởng tượng của Katsuji Nakazawa trên tờ Nikkei mà nhiều nhà quan sát ở Việt Nam tin theo [1]. Trong chính trị Trung Quốc, không có phát biểu mang bản sắc cá nhân, ông Lý Khắc Cường chỉ phát biểu thay cho tập thể Bộ Chính trị Trung Quốc. Ngoài ra, ông Lý thậm chí còn không có mặt trong Quân ủy Trung ương, nơi Tập Cận Bình làm chủ tịch, thống lĩnh toàn bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc, từ quân đội đến công an lẫn cảnh sát biển. Khả năng Lý có ý nghĩ thách thức quyền lực của Tập là bằng không.

Trung Quốc quay trở lại với chính sách mở cửa cho bất động sản vì từ lâu vướng vào một cái bẫy kinh tế do chính thể chế chính trị của mình tạo ra.

1. Nước này tích lũy một lượng ngoại tệ khổng lồ, vượt xa nhu cầu an ninh tiền tệ và thanh toán quốc tế. Năm 2006 mới tích lũy 1000 tỷ, thì đến 2014 tích luỹ đến 3,8 ngàn tỷ, năm 2022 (tính đến tháng 4) còn khoảng 3,3 ngàn tỷ USD [2].

2. Trung Quốc có 2 cách sử dụng nguồn dự trữ nói trên. Cách thứ nhất là tự do hóa hệ thống tài chính, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, hướng dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ. Cách thứ hai là rót nguồn vốn nói trên vào những nhóm lợi ích có quan hệ chặt chẽ với hệ thống chính trị, tức có khả năng tác động tới chính sách, và như thế cách, này sẽ bảo vệ nguyên trạng cơ cấu thể chế.

3. Cách thứ nhất thì đúng với nguyên lý phát triển nhưng chỉ thực hiện được khi cải cách thể chế, đặc biệt là tự do hóa hệ thống tài chính. Cách này không ăn khớp với quyền lợi của các nhóm lợi ích hùng mạnh có khả năng tác động đến chính sách vĩ mô của Trung Quốc : tài chính, bất động sản, xuất khẩu và doanh nghiệp nhà nước.

4. Trung Quốc chủ yếu chọn cách thứ hai, một mặt đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ và giáo dục, mặt khác, bằng cách xây dựng ​​nhng đại d án để đem ngun vn tích lũy khng l ca Trung Quc đổ vào các công ty bt động sn (và các doanh nghip ăn theo ca ngành xây dng), xut khu, tài chính, và doanh nghiệp nhà nước của nước này, nhưng khả năng sinh lợi nhuận thấp. Để thực hiện điều này, họ xuất khẩu nguồn vốn của mình bằng cách đại dự án, trong đó đình đám nhất là Vành đai - Con đường.

5. Cách thứ 2 giúp bảo vệ nguyên trạng chính trị trong ngắn hạn, nhưng gây ra rủi ro lớn vì nguồn lực quốc gia được rót vào những dự án sinh lợi thấp, đồng thời độ an toàn của kho dự trữ ngoại hối lại do nước ngoài quyết định. Sự gắn kết giữa khối bất động sản, tài chính, xuất khẩu và hệ thống chính trị khiến Trung Quốc biết có rủi ro nhưng không làm khác được.

6. Từ năm ngoái, trước hình ảnh sụp đổ của tập đoàn bất động sản Evergrande, Trung Quốc bắt đầu siết chặt khối bất động sản, cùng với chính sách "Zero Covid" phong tỏa các thành phố và trung tâm kinh tế đầu não, khiến kinh tế Trung Quốc suy trầm. Cuối năm nay, Tập Cận Bình sẽ tổ chức đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi giá xăng dầu sẽ còn tăng hơn nữa. Chính trị là thống soái. Trung Quốc lại thay đổi chính sách nêu trên, tung các gói hỗ trợ để chống khả năng suy trầm và lạm phát xảy ra cùng lúc. Mọi đổ vỡ sẽ được dọn dẹp cho êm đẹp để từ từ tính sau, vào năm 2023, sau Đại hội 20.

7. Đó là lý do vào cuối tháng 5 năm 2022, ông Tập đã buộc phải cho phép nới lỏng tín dụng bất động sản, cho phép cả việc bán trái phiếu bất động sản [3]. Tất nhiên, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư tài chính sẽ chưa dám mua ngay mà phải theo dõi tình hình thêm. Cho nên hiện tại Trung Quốc vướng vào nghịch lý vì cả hai mục tiêu đều không đạt được : vừa khó có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trở lại một cách thực chất, vừa không giải quyết được vấn nạn do khối nợ bất động sản ngày càng phình to.

Phong tỏa mạnh hơn nữa dầu thô Nga, Phương Tây vô tình hoặc cố ý đã nhắm vào đối thủ khác trên bàn cờ : Trung Quốc. Bằng cách kiềm chế bất động sản từ năm ngoái, Trung Quốc đã cố gắng ra khỏi các loại bẫy do chính mình tạo ra, nhưng phương Tây làm cho nó quay trở lại bẫy. Cuộc đổ vỡ có khả năng cao sẽ xảy ra sau Đại hội Đảng 20 của Tập có thể sẽ gây "shock" cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam

Sắp tới, trong năm nay và 2023, kinh tế Việt Nam sẽ lâm vào khó khăn trầm trọng.

1. Việt Nam, cũng như nhiều nước Châu Á khác, sẽ phải cạnh tranh với Châu Âu để mua dầu. Giá xăng bây giờ là hơn 30 ngàn/lít ở Việt Nam. Nó sẽ không dừng lại ở mức giá đó.

2. Giá xăng dầu tăng sẽ làm kinh tế suy trầm và lạm phát xuất hiện cùng lúc. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa sẽ tăng cao. "Người có tiền" sẽ lại tìm nơi trú ẩn tài sản, và đó tất nhiên không phải là "sản xuất" hay "nghiên cứu và phát triển".

Giống như các cuộc khủng hoảng trước, chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng vượt qua khủng hoảng bằng cách tung ra các gói kích thích và hỗ trợ kinh tế, nhưng sẽ có hai con đường để thực hiện điều này.

Cách 1 : Tiền sẽ chảy vào những nơi có khả năng ảnh hưởng tới chính sách : doanh nghiệp nhà nước, công ty "sân sau" (chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, bất động sản…). Nó sẽ chảy ngược trở lại vào bất động sản, chứng khoán.

Cách 2 : Đầu tư vào những lĩnh vực và con người tạo ra các giá trị chiến lược lâu dài và có tính nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Tiền sẽ chảy xuống tới những người dễ bị tổn thương về kinh tế, những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cách thứ nhất sẽ tạo ra những con số đẹp trong các bản báo cáo ngắn hạn, duy trì hiện trạng thể chế, nhưng sẽ lại tạo cơ hội cho ra các "sai phạm" xảy ra, tạo tiền đề cho các cuộc xung đột chính trị. Quan trọng hơn, cách này tiếp tục giữ nguồn tài chính có hạn của Việt Nam vào khối bất động sản, ngân hàng, xuất nhập khẩu, ngăn cản dòng tiền của Việt Nam chảy vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việt Nam sẽ suy yếu sau đó, và phụ thuộc vào đồng chí phương Bắc ở mức độ khó gỡ.

Cách thứ hai đòi hỏi :

1. Cải cách mạnh mẽ trong doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính và cơ cấu nền kinh tế lấy bất động sản làm "đầu tàu",

2. Xây dựng và thực hiện chiến lược đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu, xây dựng lực lượng chuyên gia nắm bắt công nghệ nền tảng và kỹ thuật tiên tiến,

3. Xây dựng và tạo điều kiện phát triển cho lực lượng chuyên gia có khả năng kết nối quốc tế sâu rộng trong cả hệ thống nhà nước và dân sự.

4. Giảm biên chế công chức hành chính, tăng lương cơ bản cho giáo viên, bác sĩ.

5. Nó cũng đòi hỏi phải cải cách tổ chức đại học và mạng lưới nghiên cứu.

Con đường thứ hai đem lại nhiều lợi ích chiến lược.

1. Về lâu dài, các chính sách này nếu thực thi sẽ tái cơ cấu nền kinh tế, đảo ngược thiệt hại do cú sốc kép do đại dịch và cuộc xâm lược của Nga gây ra, giúp hàn gắn mạng lưới thương mại quốc tế bị phân rã.

2. Nâng tầm đẳng cấp quốc gia

- Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có một bộ phận nắm được công nghệ phụ trợ, các công nghệ nền tảng cho các sản phẩm kỹ thuật cao, nhưng các bộ phận này rất nhỏ và không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung. Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào sản xuất ở hình thức lắp ráp, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Về mặt quy mô, Việt Nam vượt xa Lào và Campuchia, nhưng về mặt đẳng cấp quốc gia thì chưa vượt ở mức độ có thể đứng cao hơn một cấp.

- Ở tầm nhìn chiến lược, xét từ lợi ích quốc gia, sự lựa chọn thứ hai sẽ giúp Việt Nam nâng năng lực của mình lên cấp độ mới, nắm bắt được công nghệ nền tảng, kỹ thuật cốt lõi và năng lực quản trị hiện đại, có thể sản xuất sản phẩm có chất lượng tương đối cao. Đây là đẳng cấp của Thái Lan và Malaysia, Indonesia hiện nay.

- Đây là "điều kiện cần" để có thể trong tương lai xa, sau nhiều thế hệ nữa, có thể trở thành một quốc gia có khả năng sáng tạo sản phẩm mới, tức chạm vào thế giới của Đài Loan, Hàn Quốc hiện nay.

3. Về mặt an ninh quốc gia, nó có thể kết hợp với một chiến lược cải cách quân sự nhằm nâng cấp quân đội lên đẳng cấp quân đội công nghệ cao, tránh nguy cơ tụt hậu toàn diện trước cải cách quân sự có tính cách mạng của Trung Quốc từ 2016. Một lần nữa, điều này chỉ thực hiện được khi Việt Nam có sự hỗ trợ chiến lược của Mỹ.

Tuy vậy, khả năng Việt Nam chọn hướng thứ hai còn để ngỏ. Để làm được những điều này, Việt Nam cần xây những điều kiện nền tảng hết sức khó khăn :

Xây dựng mối liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, những nơi nắm giữ công nghệ nguồn.

1. Phải từng bước cải cách thể chế và kinh tế chính trị, nhằm tăng cường tính dân chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống.

2. Ở Việt Nam, tất cả những lực lượng (và là định hướng đầu tư) nói trên, bao gồm giáo dục, y tế, khoa học công nghệ…, đều không có khả năng và tiếng nói tác động đến chính sách. Động lực nào để chính quyền quyết định rót nguồn lực vào những nhóm xã hội mà tiếng nói không đến được với mình, một khi chưa cải cách thể chế ?

3. Trong nhiều năm qua, nhánh ngân hàng và nhánh bất động sản đã liên kết với nhau ở mức khó gỡ ra, biểu hiện ở hiện tượng nhiều ngân hàng sở hữu công ty bất động sản. Tương tự như Trung Quốc, khối doanh nghiệp quốc doanh và cả hai nhánh kinh tế nói trên đều gắn chặt với hệ thống chính trị, trở thành những lực lượng có khả năng tác động đến chính sách mạnh nhất ở Việt Nam.

Cũng giống Trung Quốc, Việt Nam chứng kiến sự nguy hiểm của tình thế gắn kết chặt chẽ giữa bất động sản và tài chính. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 4/2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng là gần 2,3 triệu tỷ đồng, khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn, từ 10 đến 25 năm, trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn [4]. Tổng cộng có 33 doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có số phát hành trái phiếu lên đến hơn 276.000 tỷ đồng (12 tỷ USD) trong năm 2021 [5]. Hiện nay đang tìm cách gỡ mối liên kết này [6].

Nhưng cũng giống như Trung Quốc, do cái bẫy thể chế, Việt Nam có khả năng sẽ lại mở cửa cho bất động sản để giải quyết khó khăn ngắn hạn.

Việt Nam vẫn "khác" Trung Quốc ở một điểm, là nếu như Trung Quốc có dư tiền bạc để mặc dù tiêu một lượng lớn tiền dự trữ cho bất động sản và xuất khẩu bất động sản, họ vẫn dành một nguồn lực không nhỏ cho giáo dục đại học và khoa học công nghệ, trong đó đầu tư lớn cho trí tuệ nhân tạo. Còn Việt Nam thì không thế. Các đầu tư gần đây cho khoa học của nhà nước được tổ chức theo cách để đếm bài báo xuất bản được trên các tập san quốc tế, nhằm tăng vị trí trong các bảng "xếp hạng". Cách này không tạo ra được bất kỳ sự thay đổi thực chất nào của đẳng cấp quốc gia.

Ái Châu

Nguồn : RFA, 14/06/2022

Tham khảo :

[1] Katsuji Nakazawa, "Premier Li’s economic rebuild has a dangerous precedent", Nikkei Asia, 02/06/2022

[2]官方储备资产 Chinese official reserve assets 

[3] China Boosts Support for Private Companies’ Bond Sales as Economy Falters, May 20, 2022

[4] Dư nợ bất động sản lớn, Thống đốc Ngân hàng nhà nước lo ngại rủi ro lớn, 06/06/2022

[5] Lộ diện 33 doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng "ôm nợ" 12 tỷ USD phát hành trái phiếu, 03/06/2022

[6] Thị trường tăng trưởng nóng, bất động sản vào vòng kiểm soát vốn, 16/05/2022

Published in Diễn đàn

Ukraine nói s thng thế trong trn chiến khc lit vi Nga min đông

VOA, 12/06/2022

Tng thng Volodymyr Zelenskyy ngày th By nói rng Ukraine s thng thế trong cuc chiến vi Nga, hin tp trung vào mt trn đu pháo khc lit mt thành ph min đông Ukraine.

giangco1

Khói bc lên sau mt cuc tn công quân s vào mt khu phc hp Nhà máy Hóa cht Azot ca thành ph Sievierodonetsk, ti thành ph Lysychansk, vùng Luhansk, Ukraine, ngày 10 tháng 6 năm 2022.

Các lc lượng Nga vn đang c gng chiếm Sievierodonetsk trong cuc tiến công ca h min đông, biến nơi đây thành mt trong nhng trn chiến đm máu nht tính đến nay trong cuc xung đt kéo dài bn tháng, theo Reuters.

Không bên nào tung được đòn h gc đi th trong nhiu tun giao tranh đã băm nát thành ph.

Ukraine đã kêu gi phương Tây chuyn giao vũ khí hng nng nhanh chóng hơn đ lt ngược tình thế vi các lc lượng Nga - mà h cho rng có s lượng pháo nhiu hơn ít nht 10 ln so vi lc lượng Ukraine. Dù b lép vế, quân đi Ukraine đã t ra kiên cường hơn kì vng trong nhng giai đon đu chiến s.

"Chúng tôi chc chn s giành ưu thế trong cuc chiến mà Nga đã bt đu này", ông Zelenskyy phát biu ti mt hi ngh Singapore qua đường truyn video. "Các lut l ca thế gii trong tương lai đang được quyết đnh trên chính các chiến trường ca Ukraine, cùng vi ranh gii ca nhng điu có th".

Sau khi Nga buc phi thu hp quy mô các mc tiêu chiến dch sâu rng hơn khi tiến hành cuc xâm lược vào ngày 24 tháng 2, Moscow đã chuyn sang m rng quyn kim soát min đông, nơi phe ly khai thân Nga đã nm gi mt vùng lãnh th k t năm 2014.

Khu vc phía đông được gi là Donbas bao gm các tnh Luhansk, nơi Sievierodonetsk ta lc, và Donetsk.

Thng đc Luhansk ca Ukraine Serhiy Gaidai cho biết lc lượng Nga đã kim soát phn ln Sievierodonetsk nhưng Ukraine kim soát nhà máy hóa cht Azot, nơi hàng trăm thường dân đang trú n.

"Lc lượng ca chúng tôi đang nm gi mt khu công nghip ca Sievierodonetsk và đang tiêu dit quân Nga trong thành ph", ông Gaidai cho biết trên ng dng Telegram.

Trn chiến giành Sievierodonetsk và s tàn phá thành ph gi nh nhng tun bn phá thành ph cng phía nam Mariupol. Thành ph này đã tr nên tan hoang trước khi các lc lượng Nga giành quyn kim soát vào tháng trước, vi vic nhng chiến binh bo v Ukraine cui cùng đu hàng sau khi c th trong nhà máy thép Azovstal.

Moscow đã ph nhn vic nhm mc tiêu vào thường dân, nhưng c hai bên đu nói rng h đã gây thương vong hàng lot cho lc lượng ca nhau.

Reuters cho biết không th xác minh mt cách đc lp các báo cáo t chiến trường trong cuc xung đt.

B Quc phòng Anh cho biết các lc lượng Nga xung quanh Sievierodonetsk đã không tiến được xung phía nam thành ph k t ngày th Sáu.

"Giao tranh d di trên tng đường ph đang din ra và c hai bên có phn chc chu s lượng thương vong cao", b cho biết trong mt bn cp nht tình báo đăng trên Twitter ngày th By.

***************************

Chiến tranh Ukraine : Paris đề nghị giúp giải tỏa cảng Odessa

Minh Anh, RFI, 11/06/2022

Chính phủ Pháp ngày 10/06/2022 cho biết sẵn sàng trợ giúp để giải phong tỏa cảng Odessa, nhằm cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine trước mối nguy xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

giangco2

Một con tàu bị đắm tại vịnh Odessa, gần cảng Biển Đen Odessa, Ukraine, 22/11/2019.  AP - Ruslan Belkin

AFP dẫn lời một cố vấn cho tổng thống Emmanuel Macron, tuyên bố, "về cơ bản, Paris sẵn sàng theo ý các bên để thực thi một chiến dịch cho phép tiếp cận cảng Odessa một cách an toàn, nghĩa là có thể đưa tầu đi qua bất chấp việc mặt biển đang bị cài mìn". 

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp giữa nguyên thủ Pháp với đồng nhiệm Senegal Macky Sall, và cũng là chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi. Hôm thứ Năm, 09/6, tổng thống Senegal kêu gọi gỡ mìn ở cảng Odessa, và nói rằng đã nhận được các bảo đảm từ tổng thống Vladimir Putin cam kết Nga không lợi dụng điều đó để tấn công như Ukraine ngờ vực.

Trong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy, 11/6, chỉ huy tác chiến Ukraine vùng phía Nam giải thích "lưu thông hàng hải đã bị ngăn chặn trên Biển Đen và tầu chiến của kẻ thù đặt toàn bộ vùng lãnh thổ Ukraine dưới mối đe dọa tấn công bằng tên lửa". Viên chỉ huy này còn lưu ý "thất bại tiến quân trên bộ, kẻ thù trắc nghiệm sức bền các vị trí (trên tiền tuyến) của Ukraine bằng cách cho không kích từ trực thăng". 

Trong bối cảnh này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến công du Romania và Moldavia trong hai ngày thứ Ba 14 và thứ tư 15/6, trước khi đến Ukraine mà ngày giờ vẫn chưa được ấn định. Về phần mình, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua khẳng định đồng nhiệm Volodymyr Zelensky "đã không muốn lắng nghe" những lời cảnh báo từ Mỹ trước cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành

Minh Anh

**********************

Ukraine : Tên lửa Harpoon của Mỹ để giải vây cảng Odessa ?

Minh Anh, RFI, 11/06/2022

Hôm 10/06/2022, chiến sự tại Ukraine vẫn diễn ra ác liệt tại miền đông và nam Ukraine. Các lực lượng Ukraine cho biết đã pháo kích những vị trí của Nga tại Kherson (miền nam), thành phố bị Nga chiếm đóng hầu như ngay từ những ngày đầu cuộc xung đột. Ukraine cũng khẳng định đã nhận được tên lửa chống tầu chiến Harpoon từ Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ và nới lỏng vòng vây ở cảng Odessa. 

giangco3

Tên lửa Harpoon phóng từ đất liền. Ảnh : Navalnews

Theo bộ chỉ huy tác chiến Ukraine được AFP trích dẫn thì các binh sĩ Ukraine đã xâm nhập được vào vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng và đã đánh bại nhiều đội quân Nga, "chiếm lấy nhiều vũ khí và phương tiện liên lạc".

Tại Donbass, chiến sự xung quanh thành phố trọng điểm Severodonetsk và Lysychansk vẫn diễn ra ác liệt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một thông điệp chiều tối hàng ngày, cho biết "chiến sự diễn ra rất dữ dội", tố cáo quân đội Nga "muốn tàn phá mỗi thành phố tại Donbass", đồng thời nhấn mạnh "quân đội Ukraine làm mọi cách để ngăn chặn càng nhiều càng tốt các cuộc tấn công từ quân xâm lược bằng vũ khí hạng nặng và đại pháo hiện đại". 

Ukraine cũng khẳng định đã nhận được tên lửa Harpoon do Mỹ cung cấp. Đây là phiên bản tên lửa chống hạm tốt nhất có thể làm nổ tung một tầu chiến trong vòng bán kính 300km. Tuy nhiên, theo nhận định của Elie Tenenbaum, nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) với đài RFI, tên lửa Harpoon có thể chặn hải quân Nga ở ngoài khơi, nhưng chưa thể giúp giải vây cảng Odessa. 

"Điều này mang lại khả năng ngăn chặn từ đất liền, trên bờ biển, vốn dĩ đã quan trọng. Tên lửa Harpoon đẩy lùi viễn cảnh về một cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa. Chúng giúp củng cố hơn nữa khả năng phòng thủ vùng chóp lãnh thổ phía nam bờ biển Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine khó thể đánh bật được vị thế phản công của đảo Rắn (Snake Island), một vấn đề thật sự trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Liệu Đảo Rắn có trở thành một chốt chặn thực sự, không chỉ sẽ chặn lưu thông hàng hải đến và đi từ cảng Odessa, mà còn cả cửa sông Danube ?" 

Minh Anh

**********************

Quân Ukraine tiếp tục kháng cự ở Donbass

Chi Phương, RFI, 10/06/2022

Trước các cuộc tấn công của Nga ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng Ukraine vẫn kháng cự ở Severodonetsk. Thành phố bên cạnh là Lysychansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine. 

giangco4

Khói và bụi bốc lên từ thành phố Severodonetsk trong các trận giao tranh giữa quân Ukraine và quân Nga ngày 07/06/2022. AFP - ARIS MESSINIS

Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu tối thứ Năm, 09/06/2022, ông Zelensky khẳng định : "Severodonetsk, Lysychansk và các thành phố khác ở Donbass mà Nga nhắm tới hiện vẫn kháng cự tốt". 

Các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra ngay trên các con đường của thành phố chiến lược Severodonetsk, nơi mà Nga đã tuyên bố kiểm soát được phần lớn. Việc chiếm được Severodonetsk mở đường cho Nga tiến công vào một thành phố lớn khác, chẳng hạn như Kramatorsk. Đây là một bước quan trọng để giành được toàn bộ vùng Donbass, nơi mà Nga đã hậu thuẫn phe ly khai từ năm 2014. 

Thành phố công nghiệp Lysychansk, kế bên Severodonetsk, một trong những nơi cuối cùng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, hiện đang là mục tiêu của các cuộc pháo kích của Nga. Theo báo cáo của quân đội Ukraine, lực lượng Nga đã pháo kích vào 20 cơ sở trong vùng Donetsk và Luhansk : "Một nhà ga bị trúng bom, nhiều thường dân đã thiệt mạng trong khu vực". Ukraine cũng khẳng định đã đẩy lùi 7 cuộc tấn công của Nga hôm qua. 

Cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã hội đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron. Trên mạng Twitter, ông Zelensky cho biết hai bên đã thảo luận về việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine và hồ sơ xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của nước này. Điện Elysée sau đó xác nhận sẵn sàng "đáp ứng các nhu cầu của Ukraine, bao gồm cả vũ khí hạng nặng". 

Anh và Mỹ trước đó đã thông báo chuyển giao cho Ukraine vũ khí hạng nặng như hệ thống pháo phản lực nhiều nòng, với tầm bắn lên đến 80km. Tuy nhiên vẫn chưa rõ khi nào thì vũ khí này đến tay quân đội Ukraine. Hôm 09/05, thống đốc vùng Luhansk khẳng định có thể giành lại Severodonetsk "trong vòng 2 đến 3 ngày", nếu phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. 

Chi Phương

Published in Quốc tế

Đến nay đã 106 ngày cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại của nhân dân Ukraina chống lại quân xâm lược Putin. Dù lực lượng ít, vũ khí đạn dược có giới hạn nhưng nhân dân Ukraina vẫn chiến đấu kiên cường và thành công chống lại một cường quốc được nhìn nhận là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về quân sự.

Theo trang tin của Bộ quốc phòng Ukraina cho đến ngày hôm nay quân đội Ukraina đã tiêu diệt và loại ra khỏi vòng chiến đấu :

Lính: 31.900 (+200) người

Xe tăng: 1.409 (+11) chiếc

Xe bọc thép: 3.450 (+12) chiếc

Hệ thống pháo tự động Artileri: 712 (+1)

Dàn tên lửa kiểu Kachiusa: 222 (+9)

Dàn tên lửa đất đối không: 97 (+1)

Máy bay trực thăng: 178 (+0)

Máy bay không người lái: 572 (+10)

Tên lửa có cánh: 125 (+0)

Tàu chiến: 13 (+0)

Xe chở dầu và xe chở phương tiện kỹ thuật: 2.438 (+17)

Máy chuyên dụng: 54 (+1).

Phía Nga hoàn toàn không phản bác thông tin này.
Putin đã đi vào lịch sử của sự bạo tàn khi đem cái chết đến cho hàng trăm nghìn người, phá hủy cuộc sống bình yên của hơn 40 triệu người, tàn phá nhiều thành phố của Ukraina và đẩy hàng chục triệu người vào cảnh tha hương, ném quân đội Nga vào cối xay thịt với tổn thất nhân mạng hơn cả 10 năm cuộc chiến Afganistan.

vequoc1

Quân đội Nga đã thiệt hại nặng nề tại Ukraina.

Vì bí mật quân sự nên phía Ukraina cho đến nay không đưa ra thông số tin thiệt hại của quân đội. Trong một chia sẻ giới hạn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết mỗi ngày Ukraina mất từ 100 cho đến 200 lính. Đây là một thiệt hại và mất mát rất lớn.

Cho đến nay rất nhiều người Việt Nam vẫn chưa xác định được nguyên nhân cuộc chiến từ đâu. Một phần do chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra một quan điểm rõ ràng về cuộc chiến Nga-Ukraine hoặc đưa tin một cách thiếu trung thực. Nhưng chính sự cấm cản hoạt động từ thiện giúp người dân Ukraina trong cuộc chiến cũng như việc sách nhiễu những người Việt Nam công khai bộc lộ chính kiến ủng hộ Ukraina đã nói lên thái độ của chính quyền Việt Nam.

Tất cả các bài báo chính thống đều chỉ đưa thông tin bênh vực Nga và đặc biệt là hai lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống đã bộc lộ rõ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ủng hộ Nga. Đây là quyết định sai về mặt đạo lý và cũng sai về mặt lợi ích, nó cho thấy sự yếu kém của chính quyền Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng rộng rãi đến nhận thức chung của rất nhiều người Việt Nam khi khả năng tiếp cận thông tin chủ yếu qua báo đài tiếng Việt kể cả Việt kiều ở hải ngoại.

Đâu là nguyên nhân cuộc chiến ?

Giải thích dễ dàng nhất cho nguyên nhân của cuộc chiến là sử dụng thuyết âm mưu. Mọi vấn đề có thể đổ cho giới tài phiệt, thế lực ngầm hay liên minh Mỹ và NATO theo cách giải thích từ phía Nga mà không cần phải đào đến tận gốc để hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề

Dù sao cũng phải khẳng định người chủ động và có mọi quyền năng quyết định cuộc chiến này là Putin. Mọi phản ứng của Zelensky, Biden hay Boris Jonson...đều là bị động. Phản ứng của Mỹ và NATO trong hai, ba ngày sau cuộc chiến cho thấy khối quân sự mạnh như NATO và Mỹ dường như đã chấp nhận sự xâm lược của Nga lên Ukraina. Họ chỉ có thể làm được một điều là cấp quy chế tị nạn cho Zelensky. điều đó đủ khẳng định Mỹ và NATO không phải là nguyên nhân cuộc chiến.

Tạm xem luận điểm Putin đưa ra là mục đích của cuộc chiến: phi quân sự hóa và trung lập hóa cũng như tiêu diệt chế độ tân phát xít Ukraina. Và giải thích ý của Putin một cách thực tiễn hơn đó là Putin muốn tiêu diệt chính quyền hiện tại của Ukraina để dựng lên một chính quyền khác thân Nga và không cho Ukraina có thể trở thành một thành viên của NATO hay không cho NATO tiến gần lại Nga. Nếu chấp nhận đó là mục đích của Putin thì đến hôm nay chúng ta đã có thể khẳng định là Putin đã hoàn toàn thất bại. Chính quyền Zelensky đã không thất bại sau 24 giờ, hay 72 giờ (theo phỏng đoán của một số cơ quan tình báo, dựa theo số lương thực khí tài đạn dược mà đội quân của Putin mang theo).

Giờ đây tại Kyiv các đại sứ quán đã trở lại làm việc. Nhiều người dân di tản đã trở về, Kyiv trong con mắt họ như chưa từng có một cuộc chiến tranh. Putin đã đánh thức NATO tỉnh dậy.

Khá nhiều người bênh vực Putin có tính mau quên khi tỏ ra cao siêu giải thích thực tại bằng cách cho rằng đây chính là sự khôn ngoan của con cáo già Putin. Họ cho rằng mục đích chính của Putin không phải là cướp chính quyền Ukraina mà chiếm giữ vùng đất Đông Nam Ukraina phía đông của sông Donnet cũng như độc chiếm Biển đen và biển Azov chặn cửa mở Ukraina ra biển.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng mục đích thực sự của cuộc chiến chỉ có một mình Putin hiểu rõ vì tất cả những lời phát biểu hay tuyên bố của Putin từ trước cuộc chiến và cho đến nay luôn luôn mâu thuẫn và phủ nhận nhau. Muốn hiểu nguyên nhân cuộc chiến là gì cần phải có sự mổ xẻ về tâm lý của Putin. Tôi hi vọng sẽ mổ xẻ tâm lý này vào một video clip trong thời gian tới.

vequoc

Tâm điểm của cuộc chiến từ đầu đến giờ là khu vực Donbass, Ukraina

Quay trở lại với diễn tiến cuộc chiến, với tất cả những gì đã diễn ra chúng ta thấy rằng Putin đã đi liên tục từ thất bại này cho đến thất bại khác. Quân đội Ukraina ngày 10/6 đã một lần nữa loại thêm 2 tướng Nga tại vùng Kherson. Một nhóm lính nhảy dù cùng 11 phương tiện kỹ thuật, xe tăng, xe bọc thép...đã bị tiêu diệt. Trái với sự huênh hoang của truyền thông Nga, lực lượng không quân Ukraina không hề bị tiêu diệt và khống chế mà máy bay Mi-8 chiến đấu của Ukraine đã tấn công chính xác vào nơi tập trung của đối phương ở khu vực Kherson. Máy bay phản lực Su-27 của Ukraina đã tấn công và phá hủy khu vực tập trung đạn dược và tích lũy thiết bị của đối phương ở khu vực Nikolaev.

Ngày mùng 10 tháng 6 là ngày kỷ niệm thành quả thứ 500 của lực lượng phòng không Ukraina tính cho đến nay. Từ đầu cuộc chiến lực lượng phòng không của Ukraina đã tiến hành hơn 1.100 lượt tấn công với thành công là 500 lần, tỷ lệ gần 50%. Theo tôi đây là thành quả mỹ mãn.

Nói về cuộc chiến ngày hôm nay không thể bỏ qua vùng Donbass, hiện nay đây là tâm điểm của cuộc chiến nhưng không phải chỉ ngày hôm nay mà có thể nói ngay từ đầu cuộc chiến vùng Donbass đã là một chảo lửa. Đây là nơi mà cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt, một số thành phố của vùng Đông Bắc bị tàn phá thành bình địa tương tự vùng Mariupol.

Nói đến cuộc chiến tại Donbass không thể không nói đến một nhân vật anh hùng huyền thoại Sergây Gaidai, người lãnh đạo quân sự của vùng này. Khác biệt với các cuộc chiến ở các vùng khác có những lúc là cao điểm khốc liệt trong một vài ngày và là tâm điểm chú ý của truyền thông như Kyiv, Kharkiv hay Mariupol đặc biệt nhà máy thép Azov Stell. Tại vùng Donbass, cuộc chiến hơn 100 ngày qua không ngưng nghỉ, lúc nào cũng căng thẳng nhưng ít được dư luận biết đến. Những người lính ở đây đang chiến đấu với tương quan lực lượng một chọi 20. Sau hơn ba tháng với những mất mát thiệt hại không nhỏ. Với sự lãnh đạo của Sergây Gaidai họ vẫn kiên cường chống trả bất chấp Putin dồn tổng lực để cố gắng giành một chiến thắng nhỏ. Tôi thực sự kính phục ông Sergây Gaidai cùng tất cả những người lính đang chiến đấu tại vùng Lugansk, họ thực sự là những người mình đồng da thép. Theo lời của Sergây Gaidai ngày hôm qua lực lượng quân đội của ông đã tập kích và tiêu diệt lực lượng chiếm đóng trong một cuộc họp tại câu lạc bộ của nhà máy hóa chất. Dù bất cân bằng lực lượng nhưng hàng ngày họ vẫn kháng cự thành công hàng chục cuộc tấn công và tiến hành thành công nhiều cuộc tập kích nhỏ.

vequoc3

Secgay Gaidai, lãnh đạo quân sự vùng Lugansk, Donbass.

Nhân dân Ukraina đang chiến đấu để bảo vệ mạng sống, bảo vệ quyền tự do, bảo vệ nhân phẩm của mình. Đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, chính nghĩa hoàn toàn thuộc về nhân dân Ukraina…nhân loại và mọi lực lượng chính trị bên ngoài hoàn toàn có quyền ủng hộ hay không ủng hộ cho cuộc chiến của người dân Ukraina nhưng chính thái độ ủng hộ hay không ủng hộ đã tự nói lên anh ta là ai.

Nhân loại đã đạt được những thành tựu quan trọng thông qua Hiến Chương Liên Hiệp Quốc trong đó có việc nghiêm cấm các quốc gia đem quân xâm lược một quốc gia khác. Mọi bất đồng phải được giải quyết thông qua các cơ quan và định chế của Liên Hợp Quốc. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập của Liên Hợp Quốc cũng đã long trọng xác quyết những quyền tự do căn bản của mọi người dân trên toàn thế giới cũng như chủ quyền của mỗi quốc gia.

Thái độ của mỗi người trong chúng ta trong cuộc chiến này nói lên suy nghĩ, tư duy, tầm nhìn và đạo đức của từng người. Không cần phải lý luận quá nhiều mà chỉ cần đánh giá cuộc chiến này trên khía cạnh đạo đức là cũng quá đủ.

Vinh quang cho Ukraina.

Ukraina sẽ chiến thắng.


Đỗ Xuân Cang

(11/06/2022)

Published in Quan điểm

Ukraine ngày th By ch trích Tng thng Pháp Emmanuel Macron vì nói rng điu quan trng là không được "s nhc" Nga, mt quan đim mà ngoi trưởng Ukraine Dmitro Kuleba nói "ch có th s nhc Pháp".

macron1

"Nhng li kêu gi tránh s nhc Nga ch có th s nhc Pháp và mi quc gia khác kêu gi điu này", Ngoi trưởng Ukraine Dmitro Kuleba phn hi phát biu ca Tng thng Pháp Emmanuel Macron.

Ông Macron đã tìm cách duy trì đi thoi vi Tng thng Nga Vladimir Putin k t khi Moscow xâm lược Ukraine vào tháng 2. Lp trường ca ông đã nhiu ln b mt s đi tác Đông Âu và vùng Baltic ch trích, vì h coi hành đng này làm suy yếu các n lc gây áp lc buc ông Putin phi ngi vào bàn đàm phán.

"Chúng ta không được làm b mt Nga đ ri đến ngày chiến s kế thúc, chúng ta có th kiến to mt li thoát thông qua các bin pháp ngoi giao", ông Macron nói trong mt cuc phng vn vi các t báo đa phương đăng ngày th By. "Tôi tin rng Pháp đóng vai trò là mt cường quc trung gian điu gii".

Ông Kuleba phn hi trên twitter: "Nhng li kêu gi tránh s nhc Nga ch có th s nhc Pháp và mi quc gia khác kêu gi điu này.

"Vì chính nước Nga đã t s nhc mình. Tt c chúng ta tt hơn hết nên tp trung vào vic làm cho Nga b mt. Điu này s mang li hòa bình và cu sng nhiu người".

Ông Macron đã nói chuyn thường xuyên vi ông Putin k t cuc xâm lược như mt phn ca nhng n lc nhm đt được mt tha thun ngng bn và bt đu mt cuc đàm phán kh tín gia Kyiv và Moscow, dù ông không đt được thành công rõ ràng nào.

"Tôi nghĩ, và tôi đã nói vi ông y, rng ông y đang mc mt sai lm lch s và căn bn đi vi người dân ca mình, đi vi bn thân ông y và lch s", ông Macron nói.

Khi được hi v li đ ngh điu gii trên kênh truyn hình quc gia, c vn tng thng Ukraine Mykhailo Podolyak nói "không có ích gì khi t chc đàm phán" vi Nga cho đến khi Ukraine nhn được vũ khí mi t phương Tây và đy lùi lc lượng Nga "xa nht có th đến biên gii Ukraine".

Hin Nga đang chiếm c khong mt phn năm lãnh th Ukraine. Kyiv đang nhn được nhiu vũ khí mnh hơn t phương Tây.

"Lc lượng vũ trang ca chúng tôi đã sn sàng s dng (vũ khí mi)... và sau đó tôi nghĩ rng chúng tôi có th bt đu mt vòng đàm phán mi t mt v thế được cng c", David Arakhamia, nhà lp pháp Ukraine và thành viên đoàn đàm phán, cho biết hôm th Sáu.

Mt trong nhng loi vũ khí mà M s cung cp cho Ukraine là h thng tên la HIMARS chính xác cho phép nước này tn công các v trí ca Nga t mt c li xa hơn.

Pháp cũng đã cung cp vũ khí tn công bao gm lu pháo Caesar ly t kho d tr ca quân đi Pháp. Ông Macron cho biết ông đã yêu cu các nhà sn xut vũ khí đy nhanh tiến đ sn xut.

Theo Reuters

Published in Quốc tế