Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại thất bại thêm một lần nữa - lần thứ hai trong hai năm liên tiếp kể từ năm 2016 - mà không thể ‘xin tiền’ được của Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh : VGP/Quang Hiếu.
Tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 vào tháng Mười năm 2018, ông Phúc đã có một cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhưng kết quả đáng thất vọng nhất đối với Thủ tướng phúc lẫn giới chóp bu đang khát ODA ở Việt Nam là đã chẳng có một lời hứa hẹn, và càng không có sự cam kết nào về việc ‘Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ ODA cho Việt Nam’ hoặc ‘Nhật Bản sẽ dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ưu đãi’, bất chấp Thủ tướng Phúc đã phải một lần nữa đề nghị "Nhật Bản tăng cường hỗ trợ vốn ODA ưu đãi hơn cho Việt Nam".
Vào tháng Sáu năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đi Nhật để dự Hội Nghị G7 mở rộng. Nhưng kết quả của chuyến đi này là đã không có bất kỳ một hứa hẹn hay cam kết nào từ phía Nhật về viện trợ cho Việt Nam.
Nguyễn Xuân Phúc - nhân vật đang trở nên quá cám cảnh bởi tư thế phải "đổ vỏ" cho thời thủ tướng trước, giờ đây rơi vào một vòng xoáy "cơm áo gạo tiền" cho đảng và chính phủ cầm quyền ở Việt Nam. Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 210 % GDP, tương đương khoảng 431 tỷ USD.
Con số vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 90 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang.
2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ," ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian : một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%.
2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay" - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 15/10/2018
Sau đám tang của Trần Đại Quang và sau khi ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ chính thức ngồi vào cái ghế chủ tịch nước do người vừa chết để lại, điều gì sẽ xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ?
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng vào năm 2015 và đã trở thành thủ tướng vào đầu năm 2016.
Một trong những cơ sở mang tính tham khảo cho khuynh hướng trên có thể đến từ bài ‘Nhất thể hóa’ ngày 30/09/2018 của blogger ‘lề đảng’ Huy Đức.
Bài viết trên, sau khi định hướng "Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam" và "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người" mà được rất nhiều người cho rằng đó là một thủ pháp PR gián tiếp cho Nguyễn Phú Trọng, đã có một đoạn đáng chú ý :
"Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với nội các".
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về "ai sắp bị bắt" hay "ai sắp chết"… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm.
Với bài ‘Nhất thể hóa’, có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Huy Đức công khai ‘dằn mặt’ thủ tướng, tuy không nói rõ ra cái tên Nguyễn Xuân Phúc, cũng như đã không nêu tên Nguyễn Phú Trọng trong bài viết này.
Đó là một dấu hiệu hơi đáng ngạc nhiên và mới mẻ.
Bởi sau đại hội 12, có tin cho biết Huy Đức không chỉ là ‘người của Trọng’ mà còn ‘đầu quân’ cho một phe cánh chính trị và lợi ích mới là Trương Hòa Bình (được cho phía sau là Trương Tấn Sang) và có thể cả Nguyễn Xuân Phúc.
Cho đến nay, điều chắc chắn hơn cả là blogger Huy Đức vẫn kiên trì giữ vai trò thầm lặng ‘người của Trọng’, từ sau bài ‘Bộ Tứ’ ngay trước đại hội 12 năm 2015 để định hướng dư luận ủng hộ Nguyễn Phú Trọng, cho tới bài ‘Nhất thể hóa’ gián tiếp đề cập Trọng và tiếp tục định hướng dư luận ủng hộ Trọng làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư.
Nhưng nếu nội dung đề cập của Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ về thủ tướng (Nguyễn Xuân Phúc) là mang chủ ý rõ rệt, đây là lần đầu tiên ‘cây bút tín hiệu’ này tiết lộ về một khoảng cách đang lớn dần, thậm chí có thể biến thành một cái hố phân cách giữa hai nhân vật trong ‘Tam trụ’ : Trọng và Phúc.
Lối viết răn đe của Huy Đức dành cho thủ tướng (Phúc) trong bài ‘Nhất thể hóa’ là không thể lầm lẫn. Hẳn đã phải xảy ra một số mâu thuẫn đủ trầm trọng nào đó trong thời gian qua, có thể từ giữa năm 2017 đến nay giữa Trọng và Phúc mà sẽ khiến tương lai của mối quan hệ này, sau khi Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành chủ tịch nước, sẽ khó bề êm dịu như giai đoạn từ năm 2015 - khi xuất hiện hiện tượng Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng, cho đến giữa năm 2017 là khoảng thời gian mà vẫn còn những biểu hiện cho thấy ‘cơm tương đối lành tương đối canh ngọt’ giữa hai quan chức này.
Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị ‘bệnh lạ’ mà đã ‘biến mất’ lần đầu tiên trong gần hết tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021. Ngoài thành tích ‘GDP tăng trưởng vượt bậc’, ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là ‘đầu tàu’, cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này ‘tự sướng’ đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 13’ và kể cả tại đại hội 13…
Cùng lúc, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến ‘nhóm sân sau’ của Thủ tướng Phúc - một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm thủ tướng. Tuy chưa đến mức thao túng chính phủ và ‘đớp hốt’ ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ tướng Phúc lại được cho là ‘rất nhiều triển vọng’ để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chính phủ và cả đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.
Vượt trên các ứng cử viên khác, Thủ tướng Phúc là người bộc lộ tham vọng chính trị rõ hơn hết trong vài năm qua.
Trong khi đó, khác hẳn với vẻ xởi lởi có vẻ dễ chịu khi còn làm chủ tịch quốc hội, Nguyễn Phú Trọng ngày càng giống với một lãnh đạo quyền biến và không hề ‘lú’. Tính cách gia trưởng, khe khắt, ‘làm nhân sự’ đến khó tin và đa nghi đang là những đặc tính nổi trội của ông Trọng để khiến ông ta chẳng ưa gì thói tráo trở chính trị và những kẻ mượn danh nghĩa ‘đốt lò’ của ông ta để trục lợi cá nhân.
Vào tháng Tám năm 2018, hiện tượng đơn thư tố cáo nội bộ lại xuất hiện trên mạng xã hội. Một lần nữa sau hai lần nửa cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại được những tác giả vừa khuyết danh vừa nặc danh nhắc tới với vụ việc cũ ‘Sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gây thất thu thuế hàng nghìn tỉ ở dự án Ciputra như thế nào ?’, nhưng tô điểm thêm bằng một vụ việc có vẻ mới hơn : ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp tập đoàn Vinaconex cướp hàng nghìn tỉ đồng như thế nào ?’, với một số đánh giá chưa rõ cơ sở. Có dư luận cho rằng chính thủ tướng Phúc đã ‘ra tay’ trong vụ tố cáo nặc danh này, tuy chưa có cơ sở nào để kiểm chứng về tính đúng sai của nội dung thư tố cáo lẫn đối với luồng dư luận đó.
Ở một động thái trái ngược, cú khai hỏa mới nhất và độc đáo nhất được mạng xã hội đề cập là một bức thư của một người được cho là nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tố cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là chuyện ông Phúc để cho một số cấp dưới, đại gia và người thân trong gia đình ông Phúc thao túng chính trường và trục lợi cá nhân, đồng thời đang tổ chức một chiến dịch vừa chạy đua vừa tranh giành chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, với ‘liên danh’ Nguyễn Xuân Phúc - Trương Hòa Bình - Nguyễn Văn Bình để đối chọi với một ‘trục’ khác là Trần Quốc Vượng - Vương Đình Huệ…
Cho tới nay người ta vẫn chưa thấy ông Nguyễn Cảnh Bình lên tiếng phản bác về bức thư trên hay tố cáo kẻ nào đó đã mạo danh ông. Sự im lặng như thể công nhận ấy càng khiến dư luận tin rằng bức thư trên, tuy chưa biết những nội dung của nó đáng tin cậy đến đâu, nhưng có vẻ xuất phát từ ‘người thực việc thực’.
Sau đó, động thái ‘Quang chết’ - Trọng thế’ thình lình xảy ra vào hai tháng Chín và Mười năm 2018 có thể khiến một số ứng cử viên cho chức tổng bí thư, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc, rơi vào tình trạng ‘đụng trần’, bị triệt tiêu động lực chạy đua làm tổng bí thư tại đại hội 13.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019 : không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Chính vào lúc này, trong dân gian đương đại đang dậy lên một lời sấm được cho là tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm 500 năm về trước "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt ; trọng ngân bạc phúc, sản tất vong", như một cái gì đó đang ứng nghiệm với thời nay, dù có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Vế đầu tiên của lời sấm trên, thật kinh khủng, đã ứng nghiệm vào năm 2018. Còn vế sau thì thế nào ?
‘Trọng bạc Phúc’ chăng ?
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 08/10/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73. Góc nhìn là một thư ký từng soạn diễn văn cho quan chức cấp hàm thứ trưởng, ông N.C.K nói rằng người chấp bút bài phát biểu cho ông thủ tướng tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, dường như đã quá sơ sảy khi quen dùng giọng điệu tuyên giáo để huấn thị…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh : VGP
Tầm nhìn đến đâu ?
Ông N.C.K có trong tay bài diễn văn tiếng Việt của ông Nguyễn Xuân Phúc dùng để cho người phiên dịch chuyển ngữ (1).
Trong bài diễn văn này, cách diễn đạt của ông thủ tướng Việt Nam dễ làm quan khách nước ngoài bật cười, khi ông sử dụng kiểu câu mệnh lệnh : "Tôi đề nghị vấn đề ‘trách nhiệm kép’, mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu". "Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu Vì một thế giới hòa bình, công bằng, và phát triển bền vững".
Bật cười vì những ‘đề nghị’ đó của ông Thủ tướng giống như thành ngữ ví von của người Việt : "Chân mình thì lấm mê mê…".
"Nhiều sáo ngữ mang tính xu nịnh và không tôn trọng lịch sử". Ông N.C.K nhận xét. Đây là điểu tối kỵ của thư ký soạn diễn văn dành cho chính khách đọc trên các diễn đàn quốc tế, vì nó sẽ gây tranh cãi và tạo phản cảm tức thì đối với người nghe.
Trong bài diễn văn có những đoạn không đúng sự thật lịch sử như sau : "Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc trong hơn 70 năm qua" ; "Như phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Phiên khai mạc đã nhắc lại phát biểu của cố Tổng Thư ký Kofi Annan kính mến : "Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lý do tại sao chúng ta có Liên hợp quốc". Đó cũng là lý do vì sao, sau khi tuyên ngôn thành lập nước ngày 2/9/1945, tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc".
Vào ngày 20/9/1977, tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Khi ấy, tham dự kỳ họp của đoàn đại biểu Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, và lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của Liên hợp quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam chỉ ‘đồng hành’ với Liên Hiệp Quốc mới có 41 năm.
Thông tin chi tiết hơn, thì vào năm 1957, Việt Nam Cộng Hòa đứng đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đề cử. Đại hội đồng (General Assembly) bỏ phiếu 40 thuận, 8 chống. Việc này chuyển lên Hội đồng Bảo an quyết định. Liên Xô muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng gia nhập, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối việc này với lý do đất nước Việt Nam là thống nhất, và chỉ có thể có một chính phủ đại diện ở Liên Hiệp quốc. Vì vậy, đề nghị này bị Liên Xô phủ quyết. Cho đến khi chấm dứt tồn tại (năm 1975), Việt Nam Cộng hòa vẫn không phải là thành viên của Liên Hiệp quốc (2).
"Tôi nghĩ rằng ngoài tình tiết số liệu thiếu tôn trọng lịch sử, thì khó phù hợp ngữ cảnh khi chuyển ngữ cụm mỹ từ ‘… kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc’. Phát biểu này khiến người ta được quyền nghi ngờ về tính xác thật của những lời mà ngài thủ tướng Việt Nam đã đọc trước diễn đàn".
Xỏ lá…
"Tôi nghĩ rằng nếu chụp mũ chính trị, thì thư ký soạn diễn văn này cho ngài thủ tướng phải chịu án hình sự về tội tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng". Ông N.C.K nhận xét.
"Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững ; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế ; bảo vệ tốt môi trường ; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Việt Nam cũng đã nỗ lực bảo vệ tốt các di sản văn hóa và thiên nhiên, gìn giữ bản sắc dân tộc" – trích diễn văn của ông Nguyễn Xuân Phúc đọc tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73.
Các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang đầu tư rải khắp Việt Nam, Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee & Man tại Hậu Giang… là những dẫn chứng dễ thấy nhất cho sự thật của phát biểu "hỗ trợ các nhóm yếu thế, bảo vệ tốt môi trường" của ngài thủ tướng Việt Nam.
Theo nghiên cứu công bố hồi cuối quý 1/2018 của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế), đã có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi ; trong đó có 40 nhà hoạt động xã hội và môi trường, 57 tín đồ các tôn giáo. Về độ tuổi, có hai người dưới 25 tuổi, và 18 người trên 65 tuổi, số còn lại từ 25 đến 64 tuổi.
Thế nhưng ngài thủ tướng lại đọc diễn văn rằng Việt Nam "bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người".
"Xỏ lá nữa còn là chuyện thư ký soạn đoạn Việt Nam tham gia vào Liên Hiệp Quốc mà ngài thủ tướng đã tỉnh bơ đọc, mà không biết rằng mình đang bị chơi đòn đau về kiến thức". Ông N.C.K nói thêm.
Số là ngày 30/4/1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị thay thế bởi chính quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn giữ vị thế một nhà nước độc lập đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) tại miền Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua hai lá đơn xin tham gia Liên Hiệp Quốc riêng biệt của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Bắc Việt và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – Nam Việt vào năm 1975. Đến ngày 8/8/1975, Hội đồng Bảo an đã đồng thuận chấp nhận và đề cử với Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cho cả hai quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Bắc Việt lẫn Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – Nam Việt được tham gia vào Liên Hiệp Quốc.
Sau khi hai nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thống nhất và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào ngày 2/7/1976, thì Việt Nam mới trở thành một quốc gia với một chính phủ duy nhất. Sau đó, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 1977 như đã nói ở phần trên của bài viết.
Bản lãnh chính trị của một chính khách còn thể hiện qua những gì họ đăng đàn. Phải chăng ở đây ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Bộ Chính trị cho sắm vai vượt quá tầm ?
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 01/10/2018
Dấu ấn nhận lỗi được cho là gây tiếng vang trong chuyến công tác tại khu vực miền trung, khi ông cùng đoàn tùy tùng thong dong đi vào đường cấm ở phố cổ Hội An cách đây gần hai năm. Có lẽ, đó cũng là dịp để ông sớm nở nụ cười với quê hương đất quảng khi có một người con như ông đã làm thủ tướng và nay con đã về xin được vinh quy bái tổ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh : Getty Images
Gần hai năm đã trôi qua, mang trong mình nụ cười hồ hởi cùng ê kíp của mình, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với trọng trách của mình ông lao vào công việc như một người lao động cần cù của đất quảng.
Trọng trách quan trọng đầu tiên, ông thay mặt chính phủ đứng ra giải quyết là thảm họa Formosa đã thải chất độc giết chết bốn vùng biển trải dài từ Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Thủ tướng, đã tạm làm hài lòng người dân với câu nói : "Nếu Formosa tái phạm kiên quyết sẽ đóng cửa". Kết quả của câu nói đó là sự thất vọng khôn cùng của người dân dành cho ông sau này.
Dù vậy, ông vẫn tiếp tục cần cù lao vào công việc một cách năng nổ, ông đến mỗi tỉnh thành trong nước, tặng và dí cho mỗi tỉnh thành một khẩu danh hết sức bóng bẩy, kèm theo đó là khẩu hiệu như một mệnh lệnh cho mỗi tỉnh thành phải là đầu tàu kinh tế của đất nước, và xem như là động lực để khích lệ, khích tướng mỗi tỉnh thành. Kết quả cũng không khá gì hơn ngoài sự đàm tiếu của dư luận dành cho những khẩu danh mà ông đã đặt.
Tiếp tục sự năng nổ của mình, ông lao vào những cái Bot ăn cắp tiền của dân một cách trắng trợn giữa ban ngày. Ông đã đình chỉ hoạt động của Bot trong vài tháng, ông chiếm được sự vui mừng trong dân chúng một cách tài tình nhanh chóng dù rằng họ vẫn hay thất vọng về ông. Thế nhưng sau đó, họ lại thở dài thườn thượt khi nhũng cái Bot vẫn ngang nhiên gây tổn hại đến người dân.
Giờ đây, sau chuyến công du tìm đường cứu khổ cho đất nước, hình ảnh suy tư khi đứng cạnh thủ tướng Lý Hiển Long, hay hình ảnh tay chân buông xuôi với đầu gục ngửa về phía sau, cho thấy sự mệt mỏi chán chường của thủ tướng gắn liền với nỗi khổ ngày một tăng lên của đất nước.
Lỗi sơ đẳng từ thuở ban đầu khi về thăm phố cổ Hội-An, dù được khắc phục tức thời ngay lúc đó, song có vẻ như cái "dớp" của thuở ấy dường như nó cứ tiếp tục bám đuổi ông cho đến ngày hôm nay.
Ngày 28/03/2018, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn không thể nào thoát nổi cái dớp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lại là đã giao 157,6 ha đất cho quân đội "làm nhiệm vụ" sát cánh cùng sân golf của tập đoàn Himlam.
Khi ông Phúc quyết định trao phần thưởng cho tập đoàn Himlam và quân đội được hưởng quả "penalty" trong tình huống việt vị quá rõ ràng.
Mặc cho những chuyên gia có tâm về ngành hàng không của đất nước góp ý thiệt hơn, mặc cho sức nóng từ người dân đòi quân đội phải trả lại đất công là 157,6 ha, mặc cho Tân Sơn Nhất có phải là lợi ích quốc gia hay không, và Tân Sơn Nhất có phải là biểu tượng của khu vực Đông Nam Á trước đây hay không sẽ không còn quan trọng nữa.
Đội người dân cùng những chuyên gia tâm huyết đã thua cuộc ở phút bù giờ oan nghiệt. Cái "Dớp" và quả "Penalty" sẽ đi vào lịch sử để ghi nhận thủ tướng cùng quân đội, cùng tập đoàn Himlam đã chiến thắng trước một sư thật phũ phàng !
Nguyễn Hoàng Hải
Nguồn : VNTB, 03/04/2018
Vượt tầm nhìn là thiếu khả năng nhìn nhận sự vụ - hiện tượng đang vận động trong quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa
Facebooker Lưu Trọng Văn chia sẻ một câu chuyện thú vị về Ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ. Theo đó, 'Ông Khải đâu ngờ rằng chỉ ngay sau khi ông từ chức thì hai nữ tướng ấy cùng các tên tuổi như Trần Việt Phương, Trần Xuân Giá, Trần Đức Nguyên... bị ông Dũng xua đuổi như thế nào đến nỗi nhiều người, trong đó có tôi, không kịp thu xếp hồ sơ, tài liệu nghiên cứu của mình'. Lý do cho sự giải tán đến từ việc 'Ban nghiên cứu là lực cản ngăn chặn rất nhiều thông tư, nghị định của các bộ và của văn phòng phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng vì thấy bất lợi với đổi mới kinh tế', bà tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Câu chuyện về nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục là câu chuyện 'trà dư tửu hậu' khi mà bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp những khó khăn về vốn và ngân sách, cũng như chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tiến hành những chỉ đạo, quyết định mang tính trái chiều (từ tiếp tục giữ vai trò sân golf trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến xử lý câu chuyện BOT trong cả nước, gần nhất là câu chuyện đất đai Đồng Tâm đang bị quân đội đào hào - dựng rào trở lại). Bởi người ta lo ngại, đội ngũ tư vấn chính sách kinh tế của Việt Nam hiện tại chỉ mang tính biểu trưng như thời ông Dũng, và trên hết cả là cái đầu cứng nhắc của người lãnh đạo trước sự tình (cao hơn là vận mệnh) quốc gia.
Đặc sản lãnh đạo theo quan điểm cá nhân có hai loại : tầm nhìn và vượt tầm nhìn.
Tầm nhìn là Lý Quang Diệu làm nên Singapore và Park Chung-Hee đặt nền tảng cho một Hàn Quốc hiện đại. Cả hai tầm nhìn vượt đám đông và đưa quốc gia đi vào quỹ đạo phát triển đúng nghĩa. Tại Việt Nam, Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú - ông Kim Ngọc đem mầm mống giá trị thị trường (khoán hộ) vào trong không gian bao cấp, hay ông Võ Văn Kiệt với tư duy phá rào, đổi mới trong thời kỳ cấm cản.
Vượt tầm nhìn là thiếu khả năng nhìn nhận sự vụ - hiện tượng đang vận động trong quốc gia. Điều đáng lo của vượt tầm nhìn là không có thói quen lắng nghe nhân sĩ, chỉ khăng khăng đi theo tư duy của mình, biến đường lối lãnh đạo trở thành một hệ bảo thủ. Và Việt Nam hiện nay như một cô gái rách rưới - bị tàn phá bởi chính điều đó.
Câu chuyện của thời ông Dũng không khác gì câu chuyện 'cây đèn đổ ngược' được kể như một lối châm biếm về thói hủ Nho (vẫn một mực giữ thói sách vàng trong thời đại công nghiệp giao mùa) thời vua Tự Đức. Khi đó, sứ đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú thứ sau khi đi Pháp về đã kể những chuyện lạ nước ngoài, trong đó có câu chuyện Cây đèn treo ngược. Sau khi mô tả "đèn thắp sáng ngược, ngọn lửa chiếu xuống đất", chư vị trong triều Huế đã cười phá lên và cho rằng sứ đoàn bị quỷ 'Tây dương' mê hoặc.
Ông Dũng thời kỳ đó có thể đã cười nhạo nhóm tư vấn kinh tế, bởi ông giữ cho mình một lập trường kinh tế rất 'chuyên chính" và đầy tính kiên định quyền lực của mình.
Thực tế, sau 10 năm dưới tài năng lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam trở nên vô cùng mong manh, yếu ớt, khi mà bản thân Nhà nước Việt Nam, thậm chí đảng cầm quyền thể hiện sự kém cỏi ở nhiều khía cạnh. Đáng chú ý nhất là Nhà nước mất dần khả năng cung cấp dịch vụ công cho người dân (bằng chứng lớn nhất là hệ thống tàu điện trên cao ở Hà nội tiếp tục lỗi hẹn lần thứ N, và Metro ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục treo vốn). Nỗi bất an trong dân dưới sự gia tăng và lạm quyền của trộm cướp và lực lượng cồn an trị cũng là sự yếu kém. Ngoài ra, sự liên kết và chỉ đạo lỏng lẻo đến mức xuất hiện tình trạng vô chính phủ ở các địa phương hoặc trong các siêu bộ/ siêu ngành (mà nguồn Chính phủ ông Phúc phải thừa nhận là tình trạng 'trên nóng dưới lạnh'.
Đường sắt trên cao tiếp tục rơi vào tình trạng đói vốn. Ảnh : LAP
Ngoài ra, ông Dũng cũng để lại một Việt Nam với cơ chế phồng to. To nhất là lực lượng công an với sự mở rộng các phòng ban và số lượng nhân viên, để rồi trong những năm gần đây, nhất là năm nay lại phải sáp nhập các đơn vị lại, hạ chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào ngành nhằm thực hiện 'tinh giảm biên chế'.
Dù sao, ý nghĩa của sự lãnh đạo của ông Dũng là cho những bài học lớn cho người kế nhiệm. Và nếu người kế nhiệm không tiếp thu thì cũng là sự thúc đẩy nhanh sự băng hoại xã hội và đổ nát kinh tế ; cũng như gia tăng sự phản kháng và sự nhận thức trở lại của một bộ phận dân chúng.
Hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người liên tục nhắc đi nhắc lại về chính phủ kiến tạo, nhưng đúng như chính bản thân ông đã từng lên tiếng : con đường dài nhất ở Việt Nam là con đường đi từ lời nói đến hành động.
Đến nay, hành động của Thủ tướng vẫn còn mù mờ ngoài những câu khẩu hiệu, và đôi khi nó có chứa đựng nhiều những nghịch lý. Là do hệ quả để lại quá nặng nề, hay là vì ông chưa nhận thức được tính mấu chốt trong con đường đi tới sự kiến tạo, đó là bản thân ông đang vận hành trong một 'hệ thống chứa đựng quá nhiều 'nghịch lý’, nếu chưa muốn nói là cấu thành bởi toàn những 'nghịch lý’. Ví dụ như nói là 'dân chủ’ mà lại thiếu 'dân chủ’ ; nói là duy vật mà lại duy ý chí ; đề cao những giá trị tinh thần, mà lại xuống cấp đạo đức' ?.
Nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Phúc vẫn còn dài, và điều chỉnh lớn nhất mà ông Thủ tướng cần làm là chuyển 'sáng tạo' trong lời nói hay chỉ đạo vào thực tế hành động chính sách. Và muốn vậy điều trước hết cần sử dụng ban Tư vấn kinh tế theo đúng mục đích và tên gọi của nó. Lập ra cho có, hay coi sự can thiệp của ban tư vấn là một trở ngại trong thực thi quyền lực thì suy cho cùng, giá trị của Thủ tướng đương nhiệm cũng sẽ nằm cùng hạng cân với người tiền nhiệm trước đó.
Tạo nên sự khác biệt, sáng tạo trong điều hành, hay kiến tạo một nền kinh tế - xã hội bắt đầu từ sự khác biệt về cách lắng nghe tri thức ! Từ BOT, từ Đồng Tâm, từ phí thuế doanh nghiệp.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 02/04/2018
Đã phát lộ ít nhất hai bất hợp lý - nghi vấn rất lớn liên đới trực tiếp đến quyết định cuối cùng về "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 28/3/2018 :
Nghi vấn lớn nhất là vì sao ông Phúc lại chấp nhận 16 ha đất sân bay ở phía Nam do Bộ Quốc phòng "trả lại" để xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm theo đề xuất của Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) - do Bộ Giao thông và vận tải thuê, trong khi sân golf Tân Sơn Nhất lại một lần nữa được giới chức chính phủ cho lủi thoát khỏi sự phẫn nộ đã gần như đã bùng nổ của dư luận xã hội, không những thế vẫn ung dung ngự trị đến tận năm 2025 ?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
Sân golf Tân Sơn Nhất, nằm ở phía Bắc, từ nhiều năm nay đã chiếm dụng một diện tích 157 ha - gấp 10 lần con số 16 ha được "bồi thường" - nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chính là nguyên nhân chính khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời.
Nghi vấn thứ hai là trong nội dung quyết định cuối cùng của Thủ tướng Phúc về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, phương án mở rộng sân bay về phía Nam đã chỉ đề cập đến việc xây nhà ga T3 trên diện tích 16 ha của Bộ Quốc phòng, nhưng lại không, hoặc dường như cố ý mập mờ về việc có giải tỏa các khu dân cư hay không, và nếu giải tỏa thì diện tích giải tỏa là bao nhiêu.
Một thập kỷ chiếm dụng đất
Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3.000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thẳng tay lấn chiếm diện tích bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội đã chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như : xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam ; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép ; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác ; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài chính với số tiền nợ lên tới 34,8 tỷ đồng… Theo một nhà báo có thâm niên trong ngành hàng không, thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm "đầu độc" người dân TP Hồ Chí Minh bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Vào năm 2015, khi sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu rơi vào tình thế bế tắc giao thông, phía quân đội mà cụ thể là viên đại tướng bị coi là "thân Trung Quốc" Phùng Quang Thanh cùng con ruột là đại tá Phùng Quang Hải đã không một lần nhượng bộ đòi hỏi của làn sóng dư luận về thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại tá Phùng Quang Hải lại là "chủ" một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Mọi việc chỉ nhúc nhích chuyển động sau cú rớt đài của tướng Thanh tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, kéo theo cú ngã ngựa của Đại tá Hải vào cuối năm đó.
Sau câu chuyện "xuống chó" của cha con Phùng Quang Thanh, dường như xuất hiện cuộc "nổi dậy" của một nhóm tướng lĩnh trong quân đội - những người mà từ lâu đã bất đồng chính kiến với tướng Thanh về thái độ quỵ lụy với Trung Quốc và phản ứng với vô số lợi ích của gia đình tướng Thanh.
Tuy nhiên ngay cả khi nhóm tướng lĩnh trên có ra mặt ủng hộ chủ trương thu hồi sân golf, mọi chuyện vẫn không hề dễ dàng. Dù không còn Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải, người dân vẫn e rằng "đạn" của những đại gia quân đội như Dương Công Minh vẫn còn quá dồi dào, đủ để bắn phá nhu cầu lưu thông thiết thân của dân chúng và khách quốc tế.
Trong thương trường và chính trường ở Việt Nam, "đạn" đã trở thành một ‘tôn giáo", được dân gian ví như "tiền là tiên là phật".
Không chỉ Dương Công Minh, mối đe dọa đối với dân cư và giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất còn là Bộ Giao thông vận tải - cơ quan chủ quản của sân bay này.
Những ai "bảo kê" sân golf Tân Sơn Nhất ?
Đến năm 2017, đường vào sân bay Tân Sơn Nhất đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào sân bay là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Từ tháng 7/2017 khi bị dư luận phản ứng dữ dội về thực tồn sân golf Tân Sơn Nhất gây ra nạn kẹt cứng ở sân bay dân sự cùng tên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò "bảo kê" cho sân golf Tân Sơn Nhất đã cấp tập được chuyển từ một số quan chức Bộ Quốc phòng sang một số quan chức Bộ Giao thông vận tải.
Bộ trưởng Giao thông vận tải vào thời đó là ông Trương Quang Nghĩa.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, một hiện tượng rất đáng bị điều tra đến nơi đến chốn là Bộ Giao thông vận tải - cơ quan chủ quản của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất và sẽ là chủ thể được hưởng lợi nếu sân golf bị thu hồi để trả diện tích 157 ha về cho sân bay, lại tìm đủ mọi cách để bảo vệ cho phương án "chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành". Khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã thuyết mị : "Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi".
Vì sao "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi" ?
Sau một số phát hiện của mạng xã hội về các công trình sân golf, nhà hàng, khách sạn trong khu vực sân golf Tân Sơn Nhất, vài tờ báo nhà nước cũng đã có những bài điều tra và xác nhận hiện tồn tương tự, trong lúc giới quan chức Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh cho rằng "chỉ có sân golf".
Đến khi ấy, dấu hỏi đặt ra môt cách thách thức là nếu nhà nước thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất, số kinh phí dùng để "bồi thường giải tỏa" cho cụm sân golf - nhà hàng - khách sạn - chung cư… đã được xây dựng quy mô và còn hứa hẹn sẽ phát triển thêm là quá lớn - lên đến ít nhất 3.000 tỷ đồng. Chính một chủ đầu tư của sân golf này - ông Trần Văn Tĩnh - đã nói ra con số đó và cũng toạc ra với báo chí : "sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường !" - như một cách mặc cả với ngân sách quốc gia cùng tiền đóng thuế của dân.
Quan điểm mặc cả trên lại rất nhất quán từ trên xuống dưới, và từ dưới lên trên trong hệ thống "nhóm lợi ích quân đội". Chỉ khoảng 3 tuần trước khi "phải bồi thường" của ông Trần Văn Tĩnh, Thứ trưởng quốc phòng Trần Đơn cũng đã "bắn ý" về "phải bồi thường" trong hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 8/8/2017.
Đó là một thách thức chưa từng có trước pháp luật. Bởi chính Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Rốt cuộc, sân golf Tân Sơn Nhất đã bị biến thành "kẻ tống tiền", còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ "con tin".
ADP-I có "đi đêm" với Bộ Giao thông vận tải ?
Vào đầu năm 2018, trước bầu không khí búa rìu dư luận ngày càng sắc bén và nguy hiểm chính trị, ông Trương Quang Nghĩa có thể đã phải chọn lựa "giải pháp tình thế" là xin trung ương cho chuyển về Đà Nẵng làm bí thư thành ủy như một cách "hạ cánh an toàn".
Nhưng thay thế cho ông Nghĩa lại là một nhân vật mà đã gây tai tiếng đủ lớn về nạn "bảo kê BOT" chỉ vài tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng Giao thông vận tải : ông Nguyễn Văn Thể.
Tân bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã kế thừa nhiệm vụ "thuê tư vấn ngoại" của cựu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tức thuê Công ty tư vấn ADP-I của Pháp.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, ADP-I đã công bố đánh giá "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam". Nhưng ngay lập tức, công bố này bị dư luận xã hội phản ứng và nghi ngờ là tổ chức tư vấn này "đi đêm" với Bộ Giao thông vận tải.
Vậy "phía Nam" đó là gì ?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó ?
Trước phương án của ADP-I đưa ra, Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của Tiến sĩ Dương Như Hùng – ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng kết quả báo cáo không đáng tin cậy. Bởi tư vấn không dự báo nhu cầu mà chỉ dự báo khả năng cung ứng của Tân Sơn Nhất ; dự báo không tham khảo các phương pháp dự báo tăng trưởng hàng không của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nghiên cứu của Boeing.
Tiến sĩ Dương Như Hùng cũng cho rằng dự báo của ADP-I thiếu cơ sở khoa học khi dự báo lưu lượng Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm…
Nhiều chuyên gia phản biện độc lập cũng phản đối ADP-I và tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của công ty tư vấn này.
Thế còn "quan điểm" của Thủ tướng Phúc là sao ?
Gót chân Asin
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam".
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn "đi hàng hai", vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng "xử lý sân golf trong sân bay".
Nhưng 8 tháng sau đó, ông phúc đột ngột "trở cờ".
Tháng Ba năm 2018, không hiểu vì lý do "nể nang", "nhạy cảm" hay còn là "nhiệm vụ chính trị", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam", cho dù rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Quyết định trên như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf Tân Sơn Nhất là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của "con tin sân bay Tân Sơn Nhất".
Nhưng dù vì lý do gì, quyết định trên của Thủ tướng Phúc đang khiến ông ta bị nghi ngờ đã "bắt tay" với nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và cả nhóm lợi ích sân bay Long Thành.
Chưa hết. Quyết định trên cũng vừa "kiến tạo" một gót chân Asin toang hoác trên cung đường chính trị của ông Phúc - một tử huyệt mà rất dễ bị bất cứ đối thủ chính trị nào khoan chọc tung tóe vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai ngắn hạn hay cùng lắm là trung hạn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/03/2018
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần gì ? Người viết cho rằng, đó là một thái độ [run rẩy] như cách mà nhà lãnh đạo Yeltsin khi thăm Mỹ vào năm 1989,...
Chính phủ Kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc đang thực sự nghĩ gì về dân ?
Nhân câu chuyện về ‘thế nước đang lên’ và ‘lòng dân đồng thuận’, những ngôn từ mà lãnh đạo nhà nước và báo chí đang sử dụng trong những ngày này nhân dịp U23 vào trận chung kết Á Châu cúp.
Tôi muốn nói nhiều hơn về sự mở mắt và nhận diện thực tế của các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước.
Mới đây nhất, vào ngày 24/01, trong chương trình Thời sự đề cập đến ‘đảm bảo trật tự tại các trạm BOT’ sau Công điện 82 của Thủ tướng Chính phủ, VTV phản ánh cho biết : Các địa phương có vấn đề nóng về BOT là Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng đều báo cáo, quá trình điều tra xác minh đã phát hiện việc gây rối tại các trạm thu phí có sự kích động của nhóm ‘Bạn hữu đường xa’ do Lê Trung Hiếu làm trưởng nhóm. Nhóm này đã tổ chức phát tiền lẻ, tiền xu, vận động lái xe tổ chức đông người gây ách tắc trên địa bàn nhiều tình.
Căn cứ vào quan điểm này của VTV cho thấy, phía chính quyền đang vừa thực hiện ‘tuyên truyền vận động’, vừa tìm mọi cách để ‘lập lại an ninh trật tự’, và một nhóm tương tác cho cánh tài xế giúp đỡ nhau trên đường là ‘Bạn hữu đường xa’ đã bị biến thành một tổ chức kích động và mang tính thù địch như cách mà VTV phản ánh hay chính ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mở lời cho việc ‘không thể để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch’ làm phức tạp tình hình ở BOT.
Dường như đến nay, mâu thuẫn nội tại trong đường hướng và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa bao giờ được giải quyết về hướng pháp lý mà chủ trương vẫn là sử dụng tính bạo lực cưỡng chế của bộ máy nhà nước để thực thi.
Chính tính lạm dụng này không những không giải quyết tốt sự tích tụ các vấn đề nằm trong mâu thuẫn mà khiến mâu thuẫn bị đẩy xa hơn.
Chính phủ kiến tạo hay cách kiến tạo của Chính phủ hiện thời không khác gì việc áp đặt một bản án đã ký từ trước đối với những ai phản đối BOT, trên cơ sở bảo đảm – giữ chặt bằng được BOT.
Cái này nếu được cho là ‘thế nước đang lên’, ‘lòng dân đồng thuận’ thì mấy ai sẽ chấp nhận ?
Bộ trưởng Bộ Công an - ông Tô Lâm nhấn mạnh yếu tố 'thế lực thù địch, kẻ xấu' trong việc xử lý sự tắc nghẽn BOT ở các tỉnh thành gần đây.
Những lời động viên kịp thời của ông Nguyễn Xuân Phúc cho một trận chung kết ‘bình tĩnh, tự tin, chiến thắng’, hay huân huy chương lao động của ông Chủ tịch nước đối với đội tuyển,… có thể làm đẹp Chính phủ, Nhà nước không ? Có ! Khi mọi cảm xúc đang thăng hoa. Tuy nhiên, niềm vui đó hoàn toàn ngắn hạn, khi bầu không khí ‘háo hức, rạo rực, cuồng nhiệt’ của trận đấu 3 năm trôi qua, thì người dân sẽ đối diện với thực tại khắc nghiệt…
Rằng xăng E95 tăng gía, E5 giữ giá nhưng có thể gây ì xe (thậm chí gia tăng hiện tượng cháy xe), và người dân phải gánh thêm thuế phí qua hàng tá trạm BOT chạy dọc chiều dài đất nước,… Mọi con mắt sẽ hướng về Chính phủ kiến tạo, với hình ảnh của một Chính phủ lợi ích.
Bài viết muốn đề cập rằng, đã đến lúc, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải biết kiệm lời, nhất là lời hoa mỹ và biết nhìn vào thực tiễn để thực sự lắng nghe người dân : muốn gì, cần gì.
Trong một đánh giá nhân dịp Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoài, tay bút Matthew Busch [1] cho hay : Dù đã đạt nhiều thành tựu về thương mại và đầu tư, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những tàn dư tệ hại của quá khứ kinh tế.
‘Tàn dư’ tệ hại đó bao gồm cả tàn dư của những xu thế và tầm nhìn lỗi thời trong cách phát triển kinh tế xã hội. Khi nó đảm bảo ý chí thống nhất và kiên định của nhà cầm quyền, nhưng bỏ quên tiếng nói của người dân và cộng đồng.
Đây không phải là sai lầm riêng của Việt Nam, mà trước đó, Liên Xô cũng đã từng mắc phải [2]. Bộ trưởng Công nghiệp nặng Sergo Ordzhonokidze than phiền vào năm 1930 : Tôi đoán họ nghĩ rằng chúng tôi là một lũ ngốc. Mỗi ngày họ cho chúng tôi từ nghị quyết này đến nghị quyết khác mà không có cơ sở nào cả.
‘Không có cơ sở nào cả’, vì thực tế, ý chí chủ quan của nhà nước đã chiếm lĩnh tất cả, nên chủ trương – đường lối phát triển kinh tế xã hội vì thế rơi vào trạng thái ‘cưỡng chế’ hơn là hòa hợp [đồng thuận] với người dân.
BOT cũng vậy, cho đến nay, Chính phủ không những không cho thấy tính tiến bộ và cầu thị trong giải quyết bài toán mà mình vạch ra, ngược lại Chính phủ tìm mọi cách bảo hộ và hợp pháp hóa các sai phạm do BOT. Do đó, BOT dù sẽ được ‘yên lặng’ khi có lực lượng vũ trang canh giữ, nhưng liệu nó yên lặng bao lâu ? Và mất bao lâu nữa để nó nổi sóng trở lại, trong sự âm ỉ của sự phẫn uất và bất công ?
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần gì ?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng rất 'say xưa' khẳng định tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017 và, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Dân vận Trung ương vào ngày 10/01 rằng : Lấy kết quả phục vụ nhân dân, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo. Giữ kỷ cương phép nước nhưng phải thuyết phục người dân ; chúng ta đang theo định hướng thuyết phục và nêu gương chứ không phải đem quyền lực ra để đè nén [3].
Nhưng kết quả Công điện 82 đã chứng minh ngược lại : đừng nghe, hãy nhìn !
Người viết cho rằng, đó là do Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thiếu một thái độ [run rẩy] như cách mà nhà lãnh đạo Yeltsin khi thăm Mỹ vào năm 1989 đã run rẩy tự hỏi : Họ đã làm gì cho người nghèo ? (What have they done to our poor people) [4]. Và khi trở về, ông đã tiến hành cải cách nhà nước trong đó giải phóng sự kiểm soát...
Và Chính phủ kiến tạo cũng thiếu sự 'run rẩy' và tự chất vấn mình khi nhìn sang nước bạn Campuchia [nơi bỏ trạm thu phí cuối cùng vào ngày 13/01/2016].
Rõ ràng, 'run rẩy' là điều cần học, không chỉ trong lời nói, mà cần biến nó thành một kim chỉ nam cho cương lĩnh hành động, kiến tạo trong nhiệm kỳ của mình. Bởi nếu không giải quyết BOT theo hướng đối thoại và chia sẻ, mà tập trung bảo vệ cho bằng được ‘trạm thu ngân sách’ thì BOT sẽ là một đặc trưng Chính phủ phi dân của nhiệm kỳ, sau những đặc trưng của chính phủ tiền nhiệm (ông Nguyễn Tấn Dũng) là những ‘quả đấm thép’.
Đã bao giờ, ông Nguyễn Xuân Phúc và bộ sậu của mình tự hỏi : vì sao việc huy động vàng/ USD trong dân thất bại ?
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 28/01/2018
Ghi chú :
[1] https://www.hoover.org/research/why-socialism-fails
[2] http://www.viet-studies.com/kinhte/WhySocialismFails_Gregory_Trnas.html
[3] https://www.facebook.com/vanhai.le.3726/videos/211763562724576/
[4] https://www.theguardian.com/commentisfree/2007/apr/25/atoasttoyeltsin
Ngày 11 tháng 1, khi góp ý cho dự luật "Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế)", ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch quốc hội Việt Nam, ví von, Việt Nam là cô gái mà… "chỗ nào cũng đẹp" thành ra phải "lựa chọn bàn tay", không thể để xảy ra tình trạng ai cũng có thể "cho vào" được !
Nguyễn Xuân Phúc : "Phải có gắng biến Việt Nam từ một cô gái đẹp thành con hổ mới của kinh tế châu Á".
Bốn ngày sau, hôm 15 tháng 1, khi tham dự hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tới lượt ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, dõng dạc chỉ đạo, "phải có gắng biến Việt Nam từ một cô gái đẹp thành con hổ mới của kinh tế châu Á".
Chẳng hiểu tại sao những viên chức lãnh đạo quốc hội và chính phủ lại chọn "cô gái đẹp" như biểu tượng của Việt Nam ?
Khái quát của ông Hiển về việc lựa chọn giới đầu tư ngọai quốc chẳng khác gì đặt định tiêu chuẩn để… xét duyệt ý định "chung đụng". Nó tạo cho người ta cảm giác, chính quyền Việt Nam chẳng khác gì ma cô, đang chăn dắt "cô gái đẹp", ép "cô gái đẹp" trao thân cho những ai mà chính quyền Việt Nam ưng ý ! Việc thi nhau chọn "cô gái đẹp" làm hình tượng để ví von còn có thể dẫn tới một cảm giác khác : Giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam bị ám ảnh thái quá về tình dục, thường xuyên mơ tưởng về "gái đẹp" nên… sảy miệng. Theo các chuyên gia y tế, ai cũng có thể bị tình dục ám ảnh nhưng suy nghĩ chỉ hướng vào, nhắm tới "gái đẹp" đến mức không kiểm soát được suy nghĩ, phát ngôn, không lường được hậu quả thì cần được trị liệu về tâm lý.
Bởi rất thích ví von thiếu suy xét, giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam thường mua vạ miệng, tự biến mình thành bia cho thiên hạ đàm tiếu. Cuối tháng 7 năm ngoái, khi quảng bá cho nỗ lực chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tuyên bố : "Lò nóng rồi, củi tươi cũng phải cháy", ba ngày sau, ông Nguyễn Xuân Phúc, khuyến cáo hệ thống hành pháp : "Chưa có lửa trong lòng thì phải nhóm" !... Những tuyên bố, yêu cầu đó khiến người ta có cảm giác giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam rất mê lửa, thích… đốt ! Phải chăng nỗ lực chống tham nhũng chỉ là biểu diễn khả năng… vận hành lò ?
Ông Trọng, ông Hiển, ông Phúc,… đều đã từng dùi mài khả năng "lý luận chính trị" ở mức "cao cấp" tại Học viện Hồ Chí Minh. Không rõ hệ thống học viện này đào tạo thế nào mà ngoài ông Trọng, ông Hiển, ông Phúc,… rất nhiều ông, bà sau khi tốt nghiệp liên tục đưa ra những tuyên bố, yêu cầu, nhận định làm dư luận dậy lên thành bão ? Hồi đầu tháng này, khi tham dự hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ Công Thương, ông Phúc nhận định : Bộ Công Thương "vấp nhưng chưa ngã". Năm ngoái, chính quyền Việt Nam từng thừa nhận, chỉ mới "rà soát" 12 "đại dự án" do Bộ Công Thương tổ chức thực hiện đã phát giác, sau khi ngốn của quốc gia khoảng 64.000 tỉ, 12 "đại dự án" này không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ. Cần phải lưu ý rằng mức độ thua lỗ chưa ngừng ở đó. Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, con số "đại dự án" mất vốn, thua lỗ hiện không phải là 12 mà "đã hơn 40". Phải chờ một thời gian nữa mới có thể biết tổng số tiền đã bị biến thành rác và tổng số nợ mà "hơn 40 đại dự án" này để lại là bao nhiêu ! Cứ như nhận định của ông Phúc, Bộ Công Thương chỉ "vấp" thì thua lỗ tới mức nào mới bị cả Thủ tướng lẫn hệ thống công quyền của Việt Nam xem là "ngã" ?
***
Cha ông người Việt vẫn răn hậu sinh : "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Quan sát hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam rất dễ thấy, các viên chức lãnh đạo hệ thống này chưa học… nói.
Ngày 15 tháng 1, tại cuộc họp báo công bố hoạt động của ngành công an năm 2017, Trung tướng Trần Đăng Yến, Tổng cục phó Tổng cục An ninh của Bộ Công an Việt Nam, tuyên bố "đang điều tra" về "Giấy chứng nhận An ninh nhân dân" của ông Phan Văn Anh Vũ.
Ảnh chụp "Giấy chứng nhận An ninh nhân dân" của ông Phan Văn Anh Vũ đã được nhiều người sử dụng Internet chuyển cho nhau xem từ… năm 2016. Tháng trước, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư thành ủy Đà Nẵng từng xác định ông Vũ là Thượng tá làm việc tại Tổng cục Tình báo của Bộ Công an Việt Nam. Vậy mà Bộ Công an Việt Nam – nơi có các cơ quan điều tra được ca ngợi là "giỏi nhất thế giới" - vẫn chưa thể minh định "doanh nhân" Phan Văn Anh Vũ có phải là người trong ngành hay không ? Thế mới lạ !
Học nói bao hàm sự tôn trọng yêu cầu thành thật, cũng như suy xét, lượng giá về cảm giác của người nghe mình nói. Dường như do vẫn có thể vận hành theo kiểu cũ nên các viên chức lãnh đạo hệ thống công quyền của Việt Nam không bị thực tế thúc ép để tự thấy nhất thiết phải học… nói. Có thể vì vậy thành ra họ vừa hồn nhiên, vừa thản nhiên nói lấy… được !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/01/2018
***************
"Cô gái đẹp" sẽ thành "con hổ mới" (Lao Động, 13/01/2018)
Năm 2017, Việt Nam mới đạt thu nhập bình quân đầu người là 2.385 USD, trong khi Trung Quốc đã là 8.000 USD. Còn so sánh các nước khác thì sao? Đừng tính các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, mà gần gần trong khu vực thôi để Việt Nam còn có cơ hội không bị bỏ quá xa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh : Báo Đầu Tư.
Đây rồi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ủy ban Thường vụ quốc hội tổ chức ngày 11/1 rằng : "Trong khu vực, chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia. Nếu thu nhập bình quân mỗi năm chỉ tăng có 170 USD như năm 2017, không biết bao giờ Việt Nam mới đuổi kịp các nước".
Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng, thì ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch quốc hội - thì so sánh rất lãng mạn : "Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp hết. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tầm vóc, nhà đầu tư khi bước vào phải đem đến điều gì đó đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ cho đặc khu phát triển".
Ý nghĩa sự so sánh của ông Phùng Quốc Hiển là Việt Nam có tài nguyên, giàu đẹp, như câu nói lâu nay "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu". Nếu biết khai thác, biết chọn lựa nhà đầu tư, biết đưa ra chính sách phù hợp, thì sẽ làm giàu trên gia sản này.
Nhưng cứ nghĩ lại, bao nhiêu năm qua, tài nguyên đó đã cạn kiệt dần, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc bị can thiệp, thậm chí bị tàn phá. Du khách hôm nay đến Phú Quốc sợ hãi vì đây đảo ngọc dần dần trở thành đảo rác. Vậy thì cô gái đẹp có còn đẹp không, chắc nhan sắc cũng bị phai nhạt ít nhiều.
Cũng có những ví von gần như địa danh nào của Việt Nam cũng là "nàng công chúa ngủ quên" chưa được đánh thức. Cho nên, huy động trí tuệ, nguồn lực để "đánh thức tiềm lực", trong đó có mô hình đặc khu kinh tế, những sáng kiến cải cách thể chế và nhiều chính sách khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào mục tiêu cải cách thể chế, bởi vì những chính sách, quy định pháp luật hiện nay chưa phù hợp, chưa tạo tối đa điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đầy kỳ vọng. Thủ tướng nói : "Chúng ta cùng nỗ lực biến khát vọng quốc gia thành việc làm cụ thể, tận dụng cơ hội phát huy tiềm lực để thành con hổ mới của Châu Á".
Đánh thức một "cô gái đẹp" ngủ quên trỗi dậy thành "con hổ mới" có được không?
Lê Thanh Phong
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ việc Phan Văn Anh Vũ xảy ra cùng một thời đểm đã mang lại sự so sánh khá lý thú. Một sự giống nhau ở đây là Trịnh Xuân Thanh chỉ trích đích danh Nguyễn Phú Trọng, còn Phan Văn Anh Vũ chỉ trích đích danh Nguyễn Xuân Phúc, cả hai đều phải bỏ trốn trước kẻ thù hùng mạnh và quyền lực.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ việc Phan Văn Anh Vũ xảy ra cùng một thời đểm đã mang lại sự so sánh khá lý thú.
Để đưa được Trịnh Xuân Thanh trở về Hà Nội ra tòa xét xử, thoả lòng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một chiến dịch bắt cóc đã được thực hiện từ Bộ Công An do tướng Đường Minh Hưng thực hiện, vụ bắt cóc này đã trở thành một vụ khủng hoảng ngoại giao chưa từng có, khiến Việt Nam rất bị mất uy tín trên chính trường quốc tế. Điều khôi hài hơn là khi mang Trịnh Xuân Thanh ra xét xử, vụ việc chỉ liên quan đến vài tỷ đồng mà bằng chứng còn chưa rõ.
Vụ đưa Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về, theo ý định của Nguyễn Xuân Phúc, đã được Phúc thực hiện một cách êm đẹp. Phúc đã ký hợp đồng có lợi cho nhà đầu tư Singapore ở Huế, đổi lại việc Singapore đưa Vũ trở lại Việt Nam. Những trợ thủ giúp Phúc đạt được mưu đồ này là những tướng lãnh trong công an, quân đội đều làm gọn ghẽ và kín đáo, không để lại dấu vết gì sự can thiệp của Việt Nam. Qua vụ sắp đặt với Singapore đưa Vũ về, người ta có thể thấy Phúc đã quy tụ được rất nhiều sự ủng hộ trong bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam.
Tuy Đức và Singapore là hai nước hoàn toàn khác nhau, Đức là nước không thể mặc cả nếu hành động đó là trái pháp luật, còn với Singapore thì điều gì cũng có thể nếu như trả giá tốt. Nhưng dù sao thì người ta vẫn khen Nguyễn Xuân Phúc xử lý êm ái, hiệu quả hơn Nguyễn Phú Trọng rất nhiều.
Đúng như nhận định ở bài trước, nếu Phúc sắp đặt với Singapore đưa Vũ về như vậy, Nguyễn Phú Trọng sẽ bị mất mặt vì cách đưa Trịnh Xuân Thanh về, và Nguyễn Xuân Phúc sẽ được sự tín nhiệm rất cao trong nội bộ đảng. Quả đúng sự thực diễn ra như vậy, sau khi Singapore ép buộc Vũ về, người ta thấy Nguyễn Phú Trọng mất tích trên báo chí. Thay vào đó người ta thấy trên báo chí Nguyễn Xuân Phúc mặt mũi ngông ngênh, đắc chí và đầy vẻ ngạo mạn. Phúc gặp Mặt trận tổ quốc nêu đích danh tên Vũ Nhôm và đòi trừng trị, ai cũng hiểu rằng Vũ Nhôm là kẻ đã chỉ trích Phúc và Phúc đã trừng phạt để răn đe các đối tượng khác không tuân phục Phúc.
Ngày 12 tháng 1 năm 2018, Quân ủy trung ương tổ chức gặp cán bộ lão thành, mọi khi việc gặp cán bộ lão thành đều do Trọng đảm nhận, Trọng là chủ tịch quân ủy trung ương. Nhưng buổi gặp có ý nghĩa quan trọng thể hiện vai trò người đứng đầu quân ủy này lại không có mặt Trọng, người đứng ra thay mặt quân ủy là bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Trước đó Nguyễn Xuân Phúc đứng chủ trì buổi ra mắt của Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, tất cả lãnh đạo Bộ quốc phòng đều có mặt buổi ra mắt này và thể hiện sự phục tòng tuyệt đối với Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng các lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đại diện Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng tại buổi lễ - Ảnh SGGP
Việc nắm được Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng có nghĩa Nguyễn Xuân Phúc đang dần tới nắm tuyệt đối quyền lực thứ tư là truyền thông. Tuy không phải là nhà lý luận như Nguyễn Phú Trọng, nhưng việc sử dụng báo chí và truyền thông là điểm mạnh của Nguyễn Xuân Phúc từ trước đây rất lâu. Phúc đã biết mua chuộc báo chí để tấn công đối thủ từ khi còn là phó thanh tra chính phủ cho đến nay làm thủ tướng. Đích thân Phúc chỉ đạo bộ trưởng Trương Minh Tuấn và an ninh văn hóa, an ninh điều tra xử lý các nhà báo có tư tưởng không thuần phục Phúc.
Ngày 10 tháng 1 năm 2018, Phúc tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Campuchia và đưa ra những đề nghị hợp tác như chính Phúc là người có quyền quyết định tất thảy mọi việc ở Việt Nam hiện nay. Tiếp đó, hôm sau Phúc gặp gỡ với cựu ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ và ngạo mạn "sẽ trả lời những đề nghị hợp tác của John Kerry sau khi xem xét".
Nghệ thuật thâu tóm đàn em và bắt mối với các phe phái của Phúc đã đạt được đến đỉnh cao. Nhờ kỹ năng này, một người xoàng xoàng như Phúc đã nhanh chóng leo đến chức thủ tướng như ngày nay, trong khi nhiều nhân vật có khả năng điều hành kinh tế hơn Phúc, làm phó thủ tướng trước Phúc đã phải ngậm ngùi nhìn Phúc ngoi lên làm thủ tướng. Tất cả những người như Vương Đình Huệ, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải đều xuất sắc hơn Phúc về mặt am hiểu kinh tế, nhưng họ đều thua Phúc ở chỗ quan hệ bắt mối để leo lên. Phúc là hiện thân của loại lãnh đạo "tài năng có hạn, thủ đoạn có thừa".
Tận dụng sự ô nhục của Nguyễn Phú Trọng trong vụ bắt cóc và xét xử Trịnh Xuân Thanh, và thành công của mình trong vụ đưa Phan Văn Anh Vũ về, Nguyễn Xuân Phúc hoạt động dồn dập để phát huy ưu thế đang có để đẩy lùi ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng. Một sự đáng chú ý là Phúc đã thiết lập được mối quan hệ với những người trước kia không thuộc phe phái Phúc, đó là Nguyễn Chí Vịnh, Nguyễn Văn Bình (Bình ruồi) và Vũ Đức Đam.
Dường như Phúc đã chuẩn bị xong lực lượng để hạ bệ Nguyễn Phú Trọng. Điều này không có gì ngạc nhiên, vì đó là việc trước sau gì Phúc cũng sẽ làm.
Sau ngày 29 tháng 12 năm 2017 cho đến nay, trái với cường độ tung hoành trên chính trường ở mọi nơi, mọi chỗ của Nguyễn Xuân Phúc, người ta thấy tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu của ông biệt tăm, như Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính... cũng như tin tức về đoàn thanh tra của Ban bí thư do Nguyễn Văn Nên cầm đầu đi thanh tra các hoạt đông của chính phủ cũng biệt tăm hơi.
Có lẽ giờ đây, Nguyễn Phú Trọng đang âm thầm ngồi trong căn nhà số 5 Thiền Quang, Hà Nội, để đọc tờ đề nghị của các ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương, cách mạng lão thành về việc giới thiệu người kế nhiệm tên là Nguyễn Xuân Phúc.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb.nguoibuongio1972, 12/01/2018
Nguyễn Phú Trọng và Trịnh Xuân Thanh là hai kẻ sát làng nhau, Thanh có chơi và qua lại với Trường con trai Trọng, thì Nguyễn Xuân Phúc và Phan Văn Anh Vũ cũng là người quen cũ. Cái ngày Phúc còn làm giám đốc một sở tại Đà Nẵng, Phúc và Vũ đã có qua lại làm ăn chung chia với nhau.
Định mệnh chớ trêu ở chỗ, những kẻ biết nhau từ lâu, hàng xóm của nhau khi ra đến quan trường, leo lên chức vị khối người mơ ước, chúng lại quay ra tàn sát nhau đến tận cùng.
Nguyễn Phú Trọng ra lệnh bắt Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá, dẫn đến cuộc bắt cóc người giữa thủ đô Berlin của Đức, gây một tiếng vang chấn động nước Đức không khác gì một hành động của một tổ chức khủng bố.
Nguyễn Xuân Phúc có vẻ tỉnh táo và khôn ngoan hơn Nguyễn Phú Trọng rất nhiều khi xử lý vấn đề Vũ Nhôm. Phúc không hề ra mặt lớn tiếng như Trọng, Phúc hiểu việc đưa Vũ Nhôm trở lại Việt Nam về mục đích cũng tư thù cá nhân như Nguyễn Phú Trọng thù Trịnh Xuân Thanh. Nhưng Phúc còn nhân ra đây là một cơ hội quý hiếm để chứng minh tài năng xử trí vấn đề Phúc hơn hẳn Nguyễn Phú Trọng.
Nếu Vũ Nhôm về êm đẹp do người Singapore trao trả theo đề nghị của Phúc, hẳn nhiên uy tín của Phúc sẽ vượt trội hơn Nguyễn Phú Trọng rất nhiều. Thiên hạ sẽ nhìn lại hành vi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đầy tai tiếng của Trọng và so sánh cách đòi người về êm đẹp của Nguyễn Xuân Phúc, vì thế Phúc nắn nót từng bước đi tính toán cẩn thận.
Nếu thành công trọng vụ đưa người về này, thì thủ lãnh trong tương lai tới đây của đảng cộng sản Việt Nam chỉ có một người hội tụ được bản lĩnh và uy tín, người đó không ai khác chính là Nguyễn Xuân Phúc.
Phúc có tay chân là Phạm Ngọc Hùng, tức Hùng tút, tổng cục trưởng tổng cục tình báo quân đội, Hùng tút họ hàng bên vợ với Thân Đức Nam. Mà Nam cả Phúc là chỗ anh em như một. Phúc lại có điều kiện chỉ đạo trực tiếp được an ninh điều tra bộ công an mà không cần thông qua bộ trưởng công an.
Phúc chỉ đạo cơ quan an ninh điều tra do Lý Thái Dũng cầm đầu, phát lệnh truy nã Vũ Nhôm, sau đó chỉ đạo cơ quan này dùng nghiệp vụ vô hiệu hoá số hộ chiếu của Vũ Nhôm sử dụng. Đây là điều rất mới, hầu như chưa lần nào cơ quan công an hủy hộ chiếu của một người mà người ta không báo mất hoặc có đơn xin thay cái mới. Tiếp đến Phúc có cuộc mặc cả ngầm với Singapore để đưa Phan Văn Anh Vũ về.
Chính vì vậy Singapore đã không cho Phan Văn Anh Vũ không tiếp xúc được người thân, rất may là người bạn đi cùng với Vũ đã nhanh chóng thuê luật sư người Singapore để theo dõi vụ việc này. Phía Singapore ban đầu còn không xác nhận việc giữ Phan Văn Anh Vũ, đó là họ làm theo đề nghị của Phúc, chứ một vụ vi phạm luật di trú đã có gì ghê gớm đến mức cô lập không cho tiếp xúc luật sư, không trả lời luật sư, không trả lời người thân là đang giam giữ. Nếu như không có gì, hẳn Phan Văn Anh Vũ đã về Việt Nam êm đềm như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, để rồi dư luận chỉ còn nước trầm trồ khen an ninh Việt Nam tài giỏi.
Phúc dường như đã nắm chắc được thỏa thuận đưa Vũ về lại Việt Nam. Phía Singapore chỉ chờ đợi cái giá mà Phúc trả, đó là cuộc viếng thăm Huế và làm việc với tập đoàn Banynan Tree của Singapore đang có dự án tại Huế, đồng ý cho tập đoàn này mở rộng kinh doanh lên hơn gấp 2 lần, từ hơn 800 triệu USD thành 2 tỷ USD.
Phái đoàn Phúc dẫn vào Huế toàn những tay chân của Phúc như Mai Tiến Dũng, Phạm Hồng Hà, Nguyễn Xuân Cường... đặc biệt là phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một kẻ không hẳn là người của Phúc. Khi Vũ Đức Đam đi cùng Phúc để thỏa thuận với tập đoàn Singapore, điều đó còn có nghĩa, một phe phái khác cũng đã đồng tình hợp tác với Phúc để đưa Phan Văn Anh Vũ trở về.
Thời gian đều có lợi cho những toan tính của Nguyễn Xuân Phúc, vào thời điểm những ngày nghỉ lễ đầu năm, khi các cơ quan quốc tế trở lại làm việc vào ngày mùng 2 thì sự việc đã xong rồi. Mọi tìm kiếm để tác động cho Phan Văn Anh Vũ đều bế tắc bởi tất cả những cơ quan quốc tế đều đóng cửa. Thậm chí để làm nản lòng những người đang vận động gõ cửa từng nơi cho Vũ, Phúc cho tay chân tung tin trên mạng là Vũ đã về rồi, Vũ về giờ này, giờ kia...phần lớn những kẻ tung tin như chắc chắn này đều là những kẻ làm trong làng báo.
Sáng ngày 2 tháng 1, như dự định là ngày đưa Vũ về, đến trăm đặc vụ Việt Nam và chục tướng lãnh quân đội, công an và ngoại giao đã bỏ đón Tết tây để chờ đưa Vũ về, đẹp lòng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong khi đó ngài thủ tướng như cam kết đi Huế để làm việc với tập đoàn Singapore.
Nhưng không hiểu vì sao, bất thình lình một tờ báo lớn của Singapore đột ngột đăng bản tin về Singapore đang bắt giữ Phan Văn Anh Vũ bằng tiếng Anh, và phản ứng dây chuyền đã xảy ra, hàng loạt các tờ báo lớn quốc tế đã đăng tin này bằng tiếng Anh, mặc dù trước đó các phóng viên của những hãng thông tấn lớn đã nhận được thông tin, nhưng họ chần chừ vì không có kiểm chứng, luật sư Singapore và cảnh sát Singapore đều từ chối trả lời truyền thông quốc tế.
Kế hoạch trao trả Vũ vào ngày 2 như dự định phải chậm lại.
Cảnh sát Singapore buộc phải thông báo, họ có giữ một người tên Phan Văn Anh Vũ.
Đợt tin thứ hai của làng báo quốc tế mới đáng ngại, khi họ nhấn mạnh rằng Vũ là một thượng tá tình báo, phó trưởng phòng B61 của tổng cục 5 Bộ Công an. Vũ đào thoát và muốn mang thông tin về vụ an ninh Việt Nam tổ chức vụ khủng bố bắt người tại Berlin.
Cơn sóng thông tin thứ hai này tác động trực tiếp đến nước Đức, hàng loạt báo Đức đưa tin và đài truyền hình Berlin cũng đưa bản tin về việc này.
Phúc bỗng nhiên ê chề, nhìn gương mặt Phúc ở Huế đầy bực tức và căng thẳng, không còn nụ cười xảo trá và ánh mắt đĩ thoã liếc tình như mọi khi y vẫn thể hiện. Có lẽ người ta nói, mọi cái có chân mệnh, y có thể khôn ranh, láu cá hơn Nguyễn Phú Trọng. Nhưng y không có chân mệnh như Trọng. Các toan tính của y đưa Vũ về bất thành, một quả bom thông tin đã nổ vang động trên khắp các hãng truyền thông lớn đã phá tan những toan tính của ngài thủ tướng nghẹo đầu muốn vượt mặt lão già tổng bí thư tóc bạc.
Nhưng Phúc cũng không dễ nản lòng bỏ cuộc, y quyết theo đuổi cuộc săn lùng Phan Văn Anh Vũ đến cùng. Phúc chỉ đạo bộ công an bằng mọi giá phải ra lệnh khởi tố và truy tố Phan Văn Anh Vũ thêm một tội danh nào đó để thuyết phục Singapore, một tội như "trốn thuế". Đồng thời y gia tăng hứa hẹn với Singapore sẽ đem những hợp đồng giá trị cho các tập đoàn Singapore, cũng như nhiều ưu đãi khác.
Vừa sẵn hàng tỷ USD bán Sabeco, núi tiền mà nhiều bộ ngành ngóng cổ trông chờ Phúc phân phối cho ngân sách ngành, Phúc thừa sức ép được các cơ quan, bộ ngành phải nghe theo Phúc ra những quyết định khởi tố Phan Văn Anh Vũ những tội danh mà Phúc cần để đưa cho Singapore.
Là thủ tướng, quản lý tài nguyên, chính sách... Phúc có đầy ăm ắp những thứ có thể thỏa mãn cho người Singapore.
Ở hiệp thứ nhất, vì chủ quan và yếu tố quá bất ngờ từ tờ báo Singapore đã khiến đàm phán đưa Phan Văn Anh Vũ về ngày 2 tháng 1 thất bại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc '' bằng mọi giá để đưa Vũ về '' ở hiệp thứ hai, với tiềm lực kinh tế và quyền lực quyết định tài nguyên, chính sách quốc gia. Nguyễn Xuân Phúc như một đội bóng hùng hậu, còn phía Phan Văn Anh Vũ hoàn toàn yếu thế, họ chỉ có những cổ động viên là truyền thông quốc tế mà thôi.
Liệu Nguyễn Xuân Phúc có tài năng hơn Nguyễn Phú Trọng trong việc xử lý một kẻ trốn chạy hay không ? Đó là một câu hỏi mà các quan chức Việt Nam đang nín thở theo dõi, xem Phúc điều binh, khiển tướng, đối sách bên ngoài, xử thế bên trong ra sao để đưa được Vũ về. Chỉ có đây là cơ hội duy nhất mà Phúc có được để thể hiện bản lĩnh của mình hơn Nguyễn Phú Trọng, điều này không những thuyết phục mà còn là khuất phục thiên hạ phải tâm phục, khẩu phục bản lĩnh của Phúc.
Những gì mà Phúc đi lên đến chức vụ ngày hôm nay, đều là do nịnh bợ rồi phản bội.
Ở nấc thang cuối cùng của quyền lực này, y phải thể hiện bằng bản lĩnh xử lý tình huống.
Nếu y thành công trong việc đưa Vũ về, chúng ta có thể nói luôn từ bây giờ rằng - đại hội đảng cộng sản Việt Nam khoá 13 đã bế mạc thành công tốt đẹp.