Trong khi các cuộc biểu tình ‘Áo vàng’ phản đối tăng giá nhiên liệu đang bùng lên ở Pháp, Bỉ và Malaysia thì giới quan chức ‘cá mập’ ở Việt Nam vẫn thản nhiên soạn thảo kế hoạch và các phương án tăng giá điện như một kiểu bù lỗ vào dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 thì sẽ thực hiện theo kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành. Ảnh vne
‘Phương án giá thấp nhất’ và thủ đoạn ban ơn
Tháng Mười Hai năm 2018, Bộ Công thương đưa ra 4 kịch bản về giá điện năm 2019. Quan chức công bố là Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - nhân vật mà từ lâu được dư luận xem là nằm trong nhóm lợi ích điện lực và cổ súy nhiệt tình một cách đầy nghi ngờ cho các chiến dịch EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tăng giá điện bất chấp quẫn bách dân sinh.
Cứ theo cái cách mà Đỗ Thắng Hải nêu, khả năng tăng giá điện vào năm 2019 là hiển nhiên, là ‘không cho chúng nó thoát’. Quyền duy nhất của ‘chúng nó’ - tức dân chúng nói chung và nhất là cái phần thảm thương nhất của xã hội - chỉ còn là lựa chọn một trong 4 phương án mà Bộ Công thương ‘định hướng’. Nhưng đó cũng chỉ là sự lựa chọn mang tính ‘tham khảo’, bởi không phải dân mà chính Bộ Công thương và tập đoàn lợi ích điện lực mới là những kẻ quyết định. Một cách khôn ngoan và lọc lõi, những kẻ này đã làm khá nhuần nhuyễn một thủ đoạn tâm lý : sau khi vống lên nhiều phương án tăng giá điện, nhóm này ban ơn cho dân chúng bằng cách chọn ‘phương án tăng giá thấp nhất’ như cái cách ‘tăng giá phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên’.
Tròn một năm sau cú đánh úp giá điện vào một đêm tối trời cuối năm 2017, một lần nữa EVN và Bộ Công thương sẽ tái hiện hành vi đen tối đó.
Ngày 1/12/2017, chế độ "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" đã bất chấp tiếng kêu oán thán của nhân dân và khuyến nghị của giới trí thức khi giáng thêm một đòn xây xẩm mặt mày người nghèo và doanh nghiệp : giá điện tăng thêm 6,08% thành 1.720,65 đồng/1kw chưa kể thuế VAT.
Khi đó, Chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc và Bộ Công thương - cơ quan kế thừa kẻ tội đồ tham nhũng, ‘cõng rắn cắn gà nhà’ và ‘tăng đủ thứ’ là cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - đã có một "kịch bản hoàn hảo", rất lạnh lùng và tàn nhẫn, khiến dân tình và báo chí không kịp trở tay.
"Giá điện bị ‘đánh úp’ : Người dân than trời !" - một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam còn nặng gánh lo toan về chuyện vừa tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.
Thủ đoạn Bộ Công thương đã hoàn thành phương án tăng giá điện với "kịch bản thấp nhất có thể" là giá điện sẽ tăng 6,08% - trùng với chỉ đạo của quan chức Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - để một tháng rưỡi sau đó đã bất ngờ công bố tăng giá điện đúng tỷ lệ 6,08%, cho thấy đây là một kịch bản đã được giới lãnh đạo ngành công thương, EVN và lãnh đạo chính phủ tính sẵn để đưa xã hội và người tiêu dùng vào thế đã rồi.
Bộ Công thương lại là cơ quan chủ quản của "cá mập" EVN. Đặc biệt dưới thời bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, EVN đã nhập khẩu giá điện từ Trung Quốc cao gấp 3 lần giá thành sản xuất điện trong nước trong một thời gian rất dài. Các nhà máy thủy điện của EVN còn xả lũ lên đầu dân chúng vào năm 2013 và 2016 mà đã giết sống đến 70 - 80 dân nghèo… Nhưng tất cả những tội ác đó đã không bị một cấp nào xử lý.
Bản thành tích ‘chúa chổm’
Ở Việt Nam, EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc chính thể độc đảng đã mượn dĩ vãng kinh tế chỉ huy để trục lợi như thế nào. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên có ý nghĩa hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa : những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết "giá chỉ có tăng chứ không giảm" như EVN đã đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 30.000 tỷ đồng.
Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Nhưng cũng trong suốt nhiều năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra nào được làm tới nơi tới chốn.
Nhưng những cú tăng giá ‘nhân đạo’ vào những năm trước đã không đủ để bù lỗ cho EVN. Đến quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của "đứa con hoang đàng" của mình : Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản !
Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước "nói mãi vẫn không chuyển" và "ăn của dân không chừa thứ gì." Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.
Nếu không tăng giá "bù lỗ vào dân", phá sản là chắc chắn. Bởi vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2018, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN xử lý xong.
Cuối năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.
Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh : Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện thời, EVN nằm trong nhóm quán quân về "chúa chổm" trong số các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Núi lỗ ba chục ngàn tỷ đồng từ 10 năm trước vẫn kéo dài hậu quả cho đến tận ngày hôm nay, nhưng cái di họa tàn bạo và kinh khủng nhất là EVN đã bắt cả dân tộc phải chịu chung núi lỗ mà nó gây ra.
Vẫn ‘cừu’ hay sẽ vùng lên ?
Tán tận lương tâm phải là từ ngữ hiển thị đầy đủ nhất tâm địa của các doanh nghiệp độc quyền trong những năm suy thoái kinh tế qua. Kinh tế càng xuống dốc, đời sống người dân càng túng quẫn, chủ nghĩa thực dụng và lợi nhuận càng lên ngôi, thái độ sống chết mặc bay càng đội mồ sống dậy.
2019 sắp ập đến - lại thêm một năm ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ và ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ - như lời của Nguyễn Ái Quốc trong ‘Bản án chế độ thực dân Pháp’ vào nửa đầu thế kỷ trước.
‘Tăng giá phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên’ - thói lưu manh thuế má đã đạt đến đỉnh tinh vi và táng tận của nó. Giá xăng dầu, giá điện, thuế VAT, thuế đất và vô số sắc thuế khác bùng nổ đang nhấn chìm dân tộc Việt xuống cơn quằn quại của những con cừu không lối thoát nhưng phản ứng cùng lắm cũng chỉ dám ‘be be’.
Không thể rõ ràng hơn, EVN nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất tác động đến dân sinh mà có thể làm dân chúng nổi loạn ở Việt Nam. Còn chính phủ của Thủ tướng Phúc lại đang "tiếp tay" cho tương lai nổi loạn rất cận kề đó.
Phản ứng của người dân, như báo chí trong nước đã phải dùng đến từ "phẫn nộ", sẽ không thể kéo dài tâm thế chịu đựng mãi. Nếu ở những quốc gia như Bulgaria, toàn bộ chính phủ đã phải từ chức vào đầu năm 2013 sau cú tăng giá điện của hai tập đoàn điện lực tư nhân mà đã khiến cho hàng chục ngàn người dân Sofia đổ ra đường biểu tình, xã hội Việt Nam cũng có thể là một hình ảnh tương tự trong không quá lâu nữa.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/12/2018
Rõ ràng là EU (European Union-Liên Hiệp Châu Âu) đã có một bước chuyển mình lớn trong thời gian vài năm qua về quan niệm về nhân quyền và cách thức đối xử với những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng như Campuchia và Việt Nam.
Campuchia !
Vào tháng Mười Một năm 2018, EU đã phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến "Mọi thứ trừ vũ khí" (Everything But Arms-EBA), sau khi Thủ tướng Hun Sen trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Bảy năm 2018, trong đó đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội (nguồn tin từ đài VOA).
"Mọi thứ trừ vũ khí" (EBA) là một sáng kiến của Liên Hiệp Châu Âu, theo đó tất cả hàng nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí, sẽ được miễn thuế và không có hạn ngạch. EBA có hiệu lực từ ngày 5 tháng 3 năm 2001.
Một năm trước - vào tháng Mười Hai năm 2017 - Quốc hội Châu Âu đã bỏ phiếu để cứu xét đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại "Tất cả trừ vũ khí" dành cho Campuchia để tiếp cận thị trường EU. Đây là một động thái để đáp trả việc Campuchia quay trở lại với chế độ độc tài. Quyết định này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Campuchia. Phân nửa lượng hàng hóa mà nước này sản xuất được xuất khẩu sang thị trường EU, chủ yếu là các mặt hàng may mặc và giày dép. Hơn nửa triệu người Campuchia đang làm việc trong hai ngành công nghiệp này.
Cả Hoa Kỳ lẫn EU đều ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử của Campuchia vào năm 2018. Washington đã ghi tên hàng chục quan chức chính phủ nước này vào danh sách hạn chế thị thực như một phản ứng chống chiến dịch đàn áp phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông của chính phủ Campuchia hiện nay. Còn Thụy Điển đã đình tất cả các chương trình viện trợ mới cấp chính phủ cho Campuchia trừ giáo dục hoặc nghiên cứu.
Mỹ và EU chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Campuchia – trị giá hàng tỷ đô la. EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, đã tiến hành quy trình thẩm định theo định kỵ sáu tháng về quyền miễn thuế của Campuchia, có nghĩa là hàng may mặc, đường và các mặt hàng xuất khẩu khác của Campuchia có thể bị EU áp thuế quan nội trong vòng 12 tháng tới.
Chiến dịch đàn áp kéo dài của Thủ tướng Hun Sen đối với các lãnh đạo đối lập được hậu thuẫn bằng những cáo buộc rằng họ đã âm mưu với Mỹ để lật đổ ông ta trong một cuộc cách mạng màu. Nhưng thủ tướng Campuchia đã không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào để củng cố thuyết âm mưu này và các nhà quan sát nói chế độ của ông đã tiêu diệt đối thủ trước kỳ bầu cửa vì họ hoảng sợ trước các kết quả thăm dò tốt của đảng đối lập CNPR trong 2 cuộc trưng cầu trước đây.
Vào năm 2017, áp lực của Hoa Kỳ và EU đã không khiến Hun Sen quá lo ngại. Viện dẫn chỗ dựa vật chất về viện trợ và đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Hun Sen thậm chí còn lên tiếng thách thức phương Tây.
Nhưng tình hình giờ đây đã đổi khác nhiều. Campuchia rơi vào thế cô lập và có triển vọng phải nhận những cú trừng phạt kinh tế như trường hợp Bắc Triều Tiên.
Kết quả là vào tháng Mười Hai năm 2018, sau khi EU phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến "Mọi thứ trừ vũ khí" (EBA), Quốc hội Campuchia đã phải xét lại lệnh cấm hoạt động 5 năm áp dụng cho hơn 100 thành viên đảng đối lập chính trong nước.
Và lần này, Bộ ngoại giao Campuchia viện lý do : "Để thúc đẩy dân chủ và quyền pháp trị, Quốc hội đang xem xét các quy định pháp lý để cho phép những cá nhân bị cấm được tiếp tục các hoạt động chính trị".
Đó là lệnh cấm hoạt động chính trị do Tòa án tối cao Campuchia ban hành, áp dụng đối với 118 thành viên của đảng đối lập CNRP. Đảng này đã bị giải tán hồi năm ngoái theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen sau khi đảng này bị cáo buộc là âm mưu lên chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Cũng theo Bộ ngoại giao Campuchia, chính phủ "luôn luôn trân trọng và cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận". Bộ này nói thêm rằng RFA và VOA được tự do mở cửa văn phòng trở lại ở Campuchia.
Trong thời gian qua, truyền thông độc lập của Campuchia cũng đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ ông Hun Sen và các đồng minh của ông trước cuộc bầu cử tháng Bảy.
Báo Campuchia Thời báo bằng tiếng Anh đã đóng cửa hồi năm ngoái sau khi chính phủ Hun Sen đòi họ trả hàng triệu đô la tiền thuế, bằng không sẽ bị đóng cửa. Khoảng 30 đài phát thanh cũng đã đóng cửa trong năm ngoái.
Đài phát thanh Á Châu Tự do (RFA) có trụ sở tại Washington đóng cửa văn phòng tại Phnom Penh hồi tháng 9, phàn nàn về một "chiến dịch đàn áp không ngừng chống lại những tiếng nói độc lập".
Nếu phát ngôn trên của Bộ ngoại giao Campuchia được thực hiện, điều này có thể cho phép các chính khách đối lập trở lại chính trường, sau khi Liên Hiệp Châu Âu đe dọa sẽ không cho Campuchia giao dịch miễn thuế.
Còn Việt Nam ?
Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên Minh Châu Âu.
Vào tháng Sáu năm 2016, Nghị viện Châu Âu đã lần đầu tiên phải thể hiện quan điểm và thái độ của mình khi tung ra bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam - mang số hiệu 2016/2755 (RSP), với những lời lẽ cứng rắn chưa từng có, vào lúc chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia "lệ rơi hình chữ S" này.
Trong vòng 4 tháng của năm 2018, Liên Hiệp Châu Âu đã ‘kết án’ nhà cầm quyền Việt Nam bằng cụm từ ‘vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế’ khi chính quyền này bắt bớ và xử án khốc liệt và dã man hàng loạt thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức xã hội dân sự đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.
Sau nhiều năm giữ thái độ nhu hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu).
Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, một số nghị sĩ của EU đã đến Hà Nội làm việc về EVFTA và luôn kèm dẫn những điều kiện về nhân quyền - vấn đề trước đây chỉ là yếu tố phụ thì nay đã trở thành một trọng tâm của EVFTA. Đặc biệt là vai trò của Nhà nước Đức khi đàm phán với Việt Nam không chỉ về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà cả về tù nhân lương tâm và quyền tự do xuất cảnh của những người bất đồng chính kiến đang nằm trong ‘nhà tù lớn’.
Nhưng trong nguyên năm 2017, chủ đề nhân quyền đã hoàn toàn không được Việt Nam quan tâm và phản hồi. Thậm chí ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam còn bắt giam đến gần ba chục người bất đồng chính kiến vào năm đó - một "thành tích" tương đương với thời kỳ "khủng bố trắng" từ năm 2008 đến năm 2012.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.
Vào tháng Mười Một năm 2018, trong lúc chính thể độc đảng ở Việt Nam đang kỳ vọng chưa từng có về triển vọng sắp được ‘ăn’ EVFTA, Nghị viện Châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết nhân quyền với lời lẽ cứng rắn chưa từng có, hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng Châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban Châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện Châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng Châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu bác bỏ hiệp định này.
Không chỉ có thể chấm dứt giấc mơ của chính thể Việt Nam về EVFTA, EU có thể sẽ xem xét lại và chế tài thương mại đối với Việt Nam như với trường hợp Campuchia. Vụ việc ngành thủy sản Việt Nam bị EU phạt ‘thẻ vàng’ vào năm 2017 và kéo dài cho đến nay, thậm chí còn có nguy cơ phải chịu ‘thẻ đỏ’, chỉ là bước đi đầu tiên trong cơ chế cấm vận thương mại mà EU rất có thể sẽ áp dụng đối với Việt Nam nếu chế độ này tiếp tục đàn áp nhân quyền nặng nề mà không có một kế hoạch và hành động kèm theo có thể chứng minh được về cải thiện nhân quyền trong những năm tới.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/12/2018
‘Dấu ấn’ duy nhất
Hoàn toàn chẳng có một dấu ấn nào đọng lại sau chuyến ‘đi chơi’ ở Hoa Kỳ của Ủy viên bộ chính trị kiêm Trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai từ ngày 29/11 đến 1/12 năm 2018.
Trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai tặng quà cho Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ thường trực về giáo dục và văn hóa Jennifer Galt, ngày 30/11/2018, tại Thủ đô Washington D.C. (Nguồn : TTXVN)
Trạng thái trống vắng ấn tượng đối ngoại của bà Trương Thị Mai là khá tương phản với thành tích của một người đồng chức với bà trong Bộ Chính trị : Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Khi năm 2018 đã kéo lê cái hình hài lẩy bẩy do đói ăn dầu khí gần đủ thời gian của nó, hóa ra tướng Lịch lại là ủy viên bộ chính trị có thành tích đối ngoại đỡ gày guộc nhất : không chỉ một, mà có đến hai lần ông ta mời được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis sang Việt Nam - lần đầu tiên kéo theo sự hiện diện chưa có tiền lệ của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba năm 2018, và lần thứ hai vào tháng Mười Một cùng năm mà chẳng rõ nguồn cơn đích thực của ‘tăng cường hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ’ là gì.
Dấu ấn duy nhất, nếu có thể gọi như vậy, của Trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai chỉ là ‘địch vận’ : thuyết phục ‘kẻ thù số một’ (theo cách gọi của chính thể độc đảng ở Việt Nam về người Mỹ) công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Chứ không phải ‘công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Kinh tế thị trường nào ?
Từ năm 2013 - thời điểm mà Việt Nam bắt đầu phát sốt lên vì món lợi quá lớn từ Hiệp định TPP - đến nay, nhiều chuyến đi Mỹ của nhiều quan chức cấp cao như Trương Tấn Sang - khi đó còn là chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng - khi đó còn là thủ tướng mà chưa thể ‘trở về làm người tử tế’, thêm cả thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả người không kịp hoàn thiện giấc mơ làm chủ tịch nước trọn khóa để sau đó trở nên tổng bí thư là Trần Đại Quang, vẫn một mực đề nghị "Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam". Mà không hề có tính từ "xã hội chủ nghĩa" gắn kèm cửa miệng.
Nhưng ở trong nước, sự thể tréo ngoe là không những không quan tâm đến "kinh tế thị trường", với Nguyễn Phú Trọng thì chỉ có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thước đo duy nhất về đạo lý kinh tế cộng sản chứ không phải những tiêu chí mà bằng vào đó được ‘ăn ngay’.
"Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" được Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tung ra tại Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu tháng Năm năm 2017 - một văn bản bao gồm nhiều khái niệm bị giới chuyên gia và dư luận xem là hổ lốn, thực sự tréo ngoe với mọi tiêu chí về kinh tế thị trường tự do của cộng đồng quốc tế.
Vào giữa năm 2015, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã trở thành một trong số những người dám nói thẳng ngay trong một cuộc tập huấn chính trị "có thứ đó đâu mà tìm", khi ông được học viên hỏi về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là gì.
Không biết có phải vì lý do mạo phạm đến quy phạm đạo lý cộng sản như thế hay phải chịu trách nhiệm hành chính trong vụ ‘MobiFone mua AVG’, ba năm sau đó - vào tháng Mười Hai năm 2018 - ông Bùi Quang Vinh đã bị đảng của ông Trọng kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Nhưng dù sao Bùi Quang vinh cũng được an ủi phần nào bởi… cộng đồng quốc tế.
Vì sao không thể ‘thu tô tín dụng’ cho đảng ?
Nếu những năm trước các nước phương Tây như Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu còn du di cho tình trạng lập lờ của "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam, thì từ tháng Bảy năm 2017 các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã mặc nhiên yêu cầu Việt Nam phải vay tín dụng với những điều kiện không còn ưu đãi như trước, nghĩa là với mặt bằng lãi suất sẽ tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa. Còn muốn có được một phần vay ưu đãi thì Việt Nam phải dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.
"Đúng nghĩa" có nghĩa là phải minh bạch tài chính và tài khóa, công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng có thể chứng minh được, có những bằng chứng bảo đảm Việt Nam tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ… như những tiêu chí của kinh tế thị trường mà quốc tế quy định. Nhưng về tất cả những mặt này, Việt Nam vẫn luôn là "điển hình tiên tiến" trên thế giới khi nằm trong nhóm hàng đầu về tham nhũng và chót bảng về độ minh bạch.
Hậu quả của cơ chế "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà không có bất kỳ một thay đổi theo hướng cải cách thể chế là trong hai năm 2017 và 2018, Việt Nam chỉ vay mượn được rất ít tín dụng quốc tế so với những năm trước.
Bản nghị quyết "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Nguyễn Phú Trọng đang thực sự ngáng chân giới chức chính phủ đang được giao chỉ tiêu phải ‘thu tô tín dụng’ cho đảng.
Trong những chuyến công du đối ngoại và khi nhắc lại đề nghị ‘công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường’, Thủ tướng Phúc làm thế nào để trả lời câu hỏi "làm thế nào để một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được vay vốn và quan hệ thương mại song phương ?" của các tổ chức tài chính quốc tế ?
Mà không vay được tiền thì lấy cái gì để đảo nợ cho những khoản nợ nước ngoài phải trả lên đến 10 - 15 tỷ USD mỗi năm ? Không vay được tiền thì lấy cái gì để nuôi cái đảng sắp hết sạch tiền này ?
Chứng quả đã lộ diện ngay trong chuyến đi Mỹ cuối tháng Năm năm 2017 của Thủ tướng Phúc : tại cuộc gặp giữa ông với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross, khi hai bên nhắc lại "Khởi động lại cơ chế trao đổi về quy chế thị trường cho Việt Nam". Sau nhiều năm, mọi việc lại trở về điểm xuất phát zero…
Trong khi đó, các nguồn ngoại tệ khác vào Việt Nam lại mang tính ‘cách mạng’ đến kinh khủng. Trong cả năm 2017 và cho đến tận tháng Mười Hai năm 2018, Tổng cục Thống kê và các ban ngành liên quan vẫn không dám công bố bất cứ số liệu nào về kiều hối quốc gia hút được từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay của ‘kiều bào ta’. Hiện tượng này cho thấy lượng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 có thể chỉ bằng phân nửa kỷ lục 13,5 tỷ USD của chính nó vào năm 2015.
Trong cái bối cảnh thê thiết ấy, chuyến công du Hoa Kỳ của Ủy viên bộ chính trị Trương Thị Mai cùng đề nghị ‘công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường’ đã phản ánh tâm thế bế tắc của người vừa trở thành chủ tịch nước nhưng chưa đi Mỹ trên cương vị ‘nguyên thủ quốc gia’ là Nguyễn Phú Trọng.
Sau những chuyến đi Mỹ còn xa mới được coi là thành công của Nguyễn Xuân Phúc vào năm 2017, Vương Đình Huệ vào năm 2018, kể cả Hoàng Bình Quân - Trưởng ban đối ngoại trung ương, việc Nguyễn Phú Trọng phải chọn Trương Thị Mai - một nhân vật ‘bên đảng’ đi làm thuyết khách về kinh tế thị trường cho thấy ông Trọng có thể không còn tin tưởng vào ‘thành tích đối ngoại’ của giới quan chức chính phủ mà phải cử một nhân vật đảng phụ trách dân vận đi vận động kinh tế và vay mượn tiền bạc.
Tiền trạm ?
Cũng không loại trừ một ẩn ý không thể nói trắng ra là chuyến đi của bà Trương Thị Mai nhằm ‘bắn ý’ để Washington mời Nguyễn Phú Trọng đến ‘thăm và làm việc tại Hoa Kỳ’ trong vai trò mới là Chủ tịch nước - một hiện tượng khá tương đồng với lời gợi ý lộ liễu chưa từng có của trang thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam vào tháng Ba năm 2017 về ‘Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ’.
Năm 2015, dù chỉ là ‘đảng trưởng’ nhưng Nguyễn Phú Trọng đã được tổng thống Mỹ Barak Obama đặc cách tiếp tại Phòng Bầu Dục như một nguyên thủ quốc gia.
Trước chuyến đi của bà Trương Thị Mai, phó thủ tướng và cũng là nhân vật được bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 12 sau khi đã thất bại trong ý đồ trở thành ủy viên bộ chính trị vào năm 2013 - Vương Đình Huệ - đã chợt có một chuyến đi đến Hoa Kỳ từ ngày 25-27/6/2018, nhưng không được thông báo trước trên các phương tiện thông tin đại chúng - một chuyến đi mà nhiều khả năng không chỉ liên quan đến chức trách của ông Huệ mà còn có thể mang nhiều hàm ý và ẩn ý về ‘không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế’, tiền trạm cho một ‘đoàn cấp cao’ và cả… xin viện trợ.
Chuyến đi Mỹ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được xác định là ‘tiền trạm cho một đoàn cấp cao’ của giới chóp bu Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian tới. Rất có thể đó chính là Nguyễn Phú Trọng.
Vào năm 2015, dù chỉ là ‘đảng trưởng’ nhưng Nguyễn Phú Trọng đã được tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama đặc cách tiếp tại Phòng Bầu Dục và tiếp như một nguyên thủ quốc gia.
Nguyễn Phú Trọng có vẻ đang muốn tái hiện ‘mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ’ của ông ta ở Mỹ vào năm 2015, đồng thời ‘phát huy thắng lợi’ từ chuyến công du Pháp của ông ta vào tháng Ba năm 2018.
Còn Tô Lâm - Bộ trưởng công an - thì sao ? Hẳn ông ta cũng có ý muốn ‘đi Mỹ’, hay chưa biết làm cách nào để thổ lộ cái mục đích thật khó công khai ấy ? Ai sẽ tiền trạm cho Tô Lâm ?
Chiến dịch bắt Trần Bắc Hà – một quan chức cộng sản bị nhiều dư luận xem là trùm tài phiệt lưu manh và móc đậm dính sâu tới cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – vào cuối tháng Mười Một năm 2018 đã vô tình khiến lộ ra, thêm một lần nữa trong khá nhiều lần chỉ riêng hai năm 2017 và 2018, một bệt màu loang lổ trên bức tranh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" của Bộ Công an Việt Nam.
Trùm tài phiệt Trần Bắc Hà. (Hình : ndh.vn)
Khi tướng Quang "lên tiếng"…
Ngày 29 tháng Mười Một, 2018, sau thông tin ồn ào trên mạng xã hội về việc Trần Bắc Hà bị bắt, phóng viên của báo Người Đưa Tin đã "săn" Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an. Sau đó, tờ báo này giật tín cho bài tường thuật của mình : "Chánh Văn phòng Bộ Công an lên tiếng về thông tin bắt ông Trần Bắc Hà".
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an. (Hình : giaoduc.net.vn)
Nhưng tướng Quang đã "lên tiếng" ra sao ?
"Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, ông chưa nhận được thông tin về sự việc này" – báo Người Đưa Tin thuật lại.
Một lần nữa trong nhiều lần, quan chức Chánh Văn phòng – người nắm giữ các kế hoạch làm việc chủ yếu của dàn lãnh đạo bộ này cùng hoạt động của các cục vụ cấp dưới – đã "chưa có thông tin gì" về một vụ việc đầy tràn trên mạng xã hội.
Nhưng đến buổi chiều cùng ngày 29 tháng Mười Một, trang tin điện tử của Bộ Công an đã phải thông tin chính thức về vụ bắt Trần Bắc Hà.
Dù vẫn chẳng có bằng chứng nào cho thấy Thiếu tướng Lương Tam Quang có biết hay không về vụ bắt Trần Bắc Hà, nhưng cái cách ông Quang "lên tiếng" đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong cơ chế phối hợp được tự đánh giá là "đồng bộ, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn" của Bộ Công an.
Một lần nữa, người phát ngôn Bộ Công an lại khiến bộ "đàn áp nhân quyền" này rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, Thiếu tướng Lương Tam Quang đã bị "hố" nặng hai vụ Phan Văn Anh Vũ và Phan Văn Vĩnh.
Cố tình bưng bít thông tin hay chẳng biết gì ?
Vào ngày 31 tháng Mười Hai, 2017, mạng xã hội bất chợt dậy sóng bởi thông tin Phan Văn Anh Vũ bị cơ quan cửa khẩu Singapore tạm giữ tại cửa khẩu Singapore – Malaysia. Sau đó, báo Straits Times của Singapore cũng đăng tin một nhân vật có tên "Phan Van Anh Vu" bị chặn lại tại cửa khẩu Tuas của Singapore ngày 28 tháng Mười Hai.
Đến ngày 2 tháng Giêng, 2018, website của Cơ quan Xuất nhập cảnh (Immigration Checkpoint Authority - ICA) Singapore có tên miền www.ica.gov.sg đã đăng tải thông tin. ICA xác nhận đã tạm giữ người có tên "Phan Van Anh Vu" từ ngày 28 tháng Mười Hai vì "vi phạm quy định Luật Xuất Nhập Cảnh". Khi đó, câu chuyện về Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore đã rất rõ và tràn ngập trên mạng xã hội.
Nhưng vào buổi sáng 3 tháng Giêng, 2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn Phòng Bộ Công an lại cho báo chí nhà nước hay là vẫn chưa nhận được thông tin ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") đang bị tạm giữ tại Singapore.
Chỉ một ngày sau – ngày 4 tháng Giêng, 2018, chính các nhân viên công an của Bộ Công an đã "dẫn độ" Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về sân bay Nội Bài của Việt Nam.
Đến ngày 12 tháng Giêng, 2018, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà – được cho là khá thạo tin tức nội bộ – đã phát tin : "Gần tháng trước, Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club".
Nhưng cùng ngày 12 tháng Giêng, 2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang lại "phản ứng nhanh" khi thông tin cho báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh : "Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì".
Sau Tết Nguyên Đán 2018 ít ngày, cả hai viên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa và Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã phải tra tay vào còng.
Vẫn chưa hết.
"Thứ trưởng Bùi Văn Thành còn rất nhiều việc khác phải làm, tham gia vào rất nhiều công việc khác của Bộ Công an. Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật nhà nước chúng tôi không thể nói được" – Thiếu tướng Lương Tam Quang trả lời báo Giao Thông, liên quan đến việc giải thích với báo chí về tại sao bộ này vừa phải đột ngột "điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng" vào ngày 9 tháng Bảy, 2018.
Trong thực tế, thật khó hình dung "đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành" còn việc gì để làm sau khi toàn bộ chức trách nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ; hậu cần – kỹ thuật của viên thứ trưởng này đã được chuyển giao cho hai viên thứ trưởng khác là Thượng tướng Lê Quý Vương và Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.
Chỉ 4 ngày sau khi "điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng", Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tại phía Nam", mà có thể hiểu là hoạt động "nhận bàn giao công tác".
Thế còn "Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật nhà nước chúng tôi không thể nói được" ?
Từ tháng Tư năm 2017, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu "MẬT" và kể cả "TUYỆT MẬT", mang danh nghĩa Bộ Công an liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu công ty Nova 79 của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") là "công ty bình phong". Dựa vào những văn bản này, Vũ "Nhôm" đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến bất động sản ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ "Nhôm" đã được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50.000 tỷ đồng Việt (khoảng 2,3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.
Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công an ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ "Nhôm" đi "quan hệ" là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành.
Sau đó, cả Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đều bị kỷ luật, tuy chưa bị bắt…
Chưa kể một "hố" khác của Bộ Công an là vụ Trịnh Xuân Thanh : vào cuối tháng Bảy, 2017, ít giờ đồng hồ sau khi nhà báo Huy Đức bất thần đưa tin trên facebook của ông "Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ !". Bộ trưởng công an Tô Lâm lại nói như phân bua với báo chí nhà nước : "Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì" trước câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi của phóng viên Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Để chỉ một ngày sau – ngày 31 tháng Bảy năm 2017 – Trịnh Xuân Thanh dường như đã được đặc cách cho "đầu thú tại trực ban Bộ Công an".
Hoặc Bộ Công an luôn xem dư luận xã hội là ngu ngốc để muốn nói thế nào cũng được, hoặc chính Bộ này thường rơi vào tâm thế "không nói ra thì người ta còn tưởng mình khôn…".
Có mấy Bộ Công an ?
Từ khá lâu nay đã xuất hiện dư luận về "có hai Bộ Công an". Dư luận này càng nổi lên kể từ sự kiện Tổng bí thư Trọng "tự cơ cấu" vào Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương vào cuối năm 2016. Thậm chí còn có dư luận "không phải hai mà có đến ba bộ công an".
Gần hai năm sau đó, thế cục trong Bộ Công an đã chuyển biến lớn với một chiến dịch "thay máu" bộ này, đặc biệt là việc xóa bỏ toàn bộ 6 tổng cục. Cho đến lúc này, vẫn còn tồn tại dư luận về "có ba bộ công an".
Tháng Tám năm 2018, một chiến dịch "thay máu" lần hai ở Bộ Công an đã diễn ra : lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng "nắm" được cả hai Cơ quan An ninh Điều tra và Cơ quan Cảnh sát Điều tra thông qua việc hai viên tướng được xem là "thân Trọng" – Thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an ; và Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an – được bổ nhiệm làm thủ trưởng hai cơ quan này.
Chỉ một tháng sau đó, Trần Đại Quang chết.
Bỗng nhiên sau cái chết của cựu cố bộ trưởng công an Trần Đại Quang, dư luận "ba bộ công an" đã xẹp hẳn. Không biết đã có bao nhiêu và sẽ có bao nhiêu tướng tá thuộc "cánh Quang" đang bị đảng "hồi tố"…
Vào lúc này, chỉ còn dư luận "hai bộ công an".
Không biết hay không được biết thông tin về những vụ mà cả thiên hạ đều biết, những quan chức như Thiếu tướng Lương Tam Quang thuộc về "bộ công an" nào ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 09/12/2018
Vì sao vụ ‘thanh trừng lãnh đạo không đảng’ vào tháng Mười Một năm 2018 lại xảy ra ở Thanh Niên - một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam và thậm chí còn được một luồng dư luận đánh giá là có hơi hướng phản biện, dù chỉ là ‘phản biện trung thành’ với chế độ cầm quyền, chứ không xảy ra ở tờ báo nào khác ?
Tiếp theo vụ ‘đảng hóa’ này sẽ là gì ?
Hai đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xem điện thoại trong lúc đang chịu trách nhiệm phát phiếu bầu cử cho cử tri vào ngày 22/05/2016 tại Hà Nội. AFP
Tân binh của đảng và bản chỉ thị ‘sàng lọc’
Ngày 23/11/2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau một vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ : cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của Đảng cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Không chỉ thanh trừng nhân sự những bộ phận có liên quan trực trực tiếp chính trị, chiến dịch tảo thanh tư tưởng này còn nhắm tới cả nhân sự phụ trách những bộ phận không liên quan trực tiếp chính trị như văn nghệ, thể thao, quảng cáo…
Động thái thanh trừng rất đột ngột trên lại xảy ra trong bối cảnh ‘mác đảng viên’ không còn là tiêu chuẩn đầu tiên để được đề bạt giữ cương vị phụ trách phòng ban tại khá nhiều tờ báo, và trong thực tế một số tờ báo đã bố trí người không đảng vào vị trí cán bộ lãnh đạo của báo.
Chỉ ít ngày sau vụ thanh trừng lạ lùng và có vẻ giống như một thứ ‘điềm báo’ chính trị trên, lời giải đáp có vẻ đã hiện hình : ngày 4/12/2018, Ban Tổ chức trung ương tổ chức hội nghị góp ý dự thảo quy định "Về Đảng lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị" và dự thảo chỉ thị "Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng".
Tuy từ ngữ của đảng là ‘rà soát, sàng lọc’, nhưng nội hàm lẫn âm hưởng của những từ này là khá giống với từ điển từ ngữ đấu tố thời Nhân Văn Giai Phẩm những năm 60 của thế kỷ XX cùng cuộc ‘chỉnh đảng’ của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc cũng vào thời gian đó. Lịch sử tiếp theo của những từ ngữ như thế rất thường là sự biến mất của nhiều gương mặt và cả sinh mạng - theo nghĩa đen - trong đảng.
Vụ Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng đã trở nên một biểu hiện thuộc loại rõ nhất về ‘tính đảng’ của tờ báo này được tăng cường không ngừng và đang trong giai đoạn đạt tới đỉnh cao của cái mà trước đây chưa từng là thuộc tính của báo Thanh Niên.
Vào năm 2016, Thanh Niên đã bị phát hiện nằm trong số vài chục tờ báo lớn nhỏ tiến hành một chiến dịch truyền thông bẩn thỉu : những tờ báo này bị nghi ngờ sâu sắc về việc đã nhận tiền của một hãng nước mắm lớn để tung ra loạt bài tấn công, hạ bệ uy tín nước mắm truyền thống khiến người dân sản xuất nước mắn truyền thống rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, mức xử phạt của Bộ Thông tin và truyền thông dành cho báo Thanh Niên là khá nhẹ nhàng, còn tổng biên tập tờ báo này - Nguyễn Quang Thông - không hề bị mất chức. Khi đó, đã có tin ngoài lề về việc giữa các cơ quan đảng và những nhân sự chủ chốt trong báo Thanh Niên có một ‘thỏa thuận bí mật’ về việc Thanh Niên sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn nhiều đường lối của đảng so với trước đó.
Cũng kể từ lúc đó, đã có những dấu hiệu Thanh Niên được từng bước biến thành báo đảng.
Nỗi lo sợ mất ngủ của đảng
Vụ Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’.
Vụ việc trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’ - một cú đánh vớt vát cho uy tín rất không đáng được cứu vớt của đảng.
Khó mà hoài nghi về việc vụ Nguyên Ngọc, Chu Hảo mà một số trí thức đồng loạt tuyên bố từ bỏ đảng vào đầu tháng Mười Một năm 2018 đã khiến đảng lo sợ và hoảng hốt đến mức phải lập tức tống ra một hành động chỉnh đảng, trong đó đặc biệt ‘làm trong sạch đội ngũ đảng viên’ trong khối báo chí mà Thanh Niên được chọn, và cũng rất có thể tổng biên tập tờ báo này đã tình nguyện đề nghị để Thanh Niên được đảng chọn như một hình mẫu về thanh trừng cán bộ lãnh đạo không đảng và qua đó răn đe những kẻ không chịu nghe lời đảng.
Nỗi lo sợ trên là có cơ sở, bởi hơn ai hết, ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng và những người theo luận thuyết tháp ngà cách ly dân của ông ta cảm thấy lâu đài cát của họ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Vụ việc tờ Thanh Niên được chọn làm ‘thí điểm’ cho chiến dịch thanh trừng 13 nhân sự ngoài đảng đã phát đi một tín hiệu : trong những ngày tới, nhiều tờ báo nhà nước có thể sẽ phải nối gót theo ‘tấm gương’ Thanh Niên để thanh lọc nhân sự ngoài đảng và không chịu vào đảng. Thậm chí chiến dịch này còn có thể trở thành một phong trào mang tính mao-ít đến mức đảng có thể áp đặt một chủ trương mới đối với báo chí nhà nước là sẽ cho nghỉ việc tất cả những ai không chỉ không muốn trở thành đảng viên cộng sản mà còn mang khuynh hướng không ủng hộ Đảng cộng sản.
Dự thảo chỉ thị "Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng" mà Ban Tổ chức trung ương sắp trình ra Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng Mười Hai năm 2018 có thể chính là một hiện tượng mao ít như thế - hiện tượng mà thường xảy ra trong bối cảnh tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan.
Cùng lúc, một cuộc vận động rộng lớn được đảng tổ chức ở nhiều địa phương : hô hào các tổ trưởng dân phố và trưởng thôn phải tham gia vào ‘đội ngũ vinh quang của đảng’ (nếu muốn giữ được chức). Nếu tất cả đều được vận động thành công, đảng sẽ thêm nhân số hàng chục ngàn đảng viên mới để nhanh chóng đạt chỉ tiêu 5 triệu đảng viên.
Số phận của báo chí nhà nước cũng không thoát. Không chỉ báo loại 1, loại 2, mà cả nhiều tờ báo loại dưới cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ chính trị ‘có vào đảng hay không thì bảo !’. Để cũng như lý do muôn thuở là cơm áo gạo tiền, nhiều tổng biên tập sẽ phải cắm mặt làm theo đảng cho dù trong bụng sôi sục căm tức.
Những biện pháp cực đoan giai đoạn cuối
Chiến dịch ‘thanh trừng người ngoài đảng’ trong làng báo nhà nước có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới sẽ khiến người ta phải nhớ lại chiến dịch "trảm báo chí" gần nhất là vào tháng Mười năm 2016. Khi đó, nhiều cái tên đã bị "trảm" như Nguyễn Như Phong của tờ báo chuyên chính Petrotimes, Lê Bình của VTV24, Võ Khối của báo Thanh Niên, Nguyễn Thanh Phong của báo Lao Động và Xã Hội. Cũng trong tháng Mười, đã có hai tờ báo điện tử là Petrotimes và Tầm Nhìn bị đình bản – quá nhiều so với mật độ xử lý báo chí thưa thớt trước đây.
Cũng khi đó, báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch "đánh" báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là "sát thủ" và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn trên nền tảng đạo đức giả.
Nhưng ngay cả sau vụ Trương Minh Tuấn buộc phải rời ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông để về ‘nằm’ tại Ban Tuyên giáo trung ương vì bị dính đậm và sâu vụ ‘MobiFone mua AVG’, báo giới nhà nước vẫn nằm nguyên trong tâm thế ‘tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’.
Vào lần này, họ phải đối mặt với không phải chỉ là cấp bộ trưởng báo chí mà với cả Bộ Chính trị của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Có chịu vào đảng hay không thì bảo !
Nhưng bài học của quá khứ không bao giờ là muộn. Trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, Đảng cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử : đào thải chính trị.
Đến hẹn lại lên. Sau khi nộp Báo cáo quốc gia về nhân quyền chu kỳ 3 lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 22/10/2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại Liên hợp quốc vào ngày 22/1/2019.
Báo Thanh Niên vừa cho thôi chức 13 nhân viên không phải là đảng viên của đảng Cộng sản.
Nhưng khác với vài lần báo cáo xuê xoa và thông qua cũng xuê xoa từ lúc Việt Nam được Liên hiệp quốc dành cho một cái ghế trong hội đồng nhân quyền của cơ quan này vào tháng Mười Một năm 2013, tháng Giêng năm 2019 chắc chắn sẽ là đợt sát hạch căng thẳng nhất, thậm chí còn được ‘khuyến mãi’ vài động tác chế tài thương mại từ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, sau khi xuất hiện một nghị quyết của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 lên án mạnh mẽ chưa từng có về quá nhiều vụ Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng ngay cả sau khi chế độ này chính thức trở thành ‘người bảo vệ quyền con người’.
Hiện tượng ‘báo đảng’ Thanh Niên
Bắt đầu từ tháng Mười năm 2018, một đợt truyền thông PR cho ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ lại được đảng chỉ đạo cho khối báo chí quốc doanh cắm đầu cúc cung phục vụ.
Nhưng hiện tượng đặc biệt xảy ra vào lần này và khác với những chiến dịch PR nhân quyền trước đây là không phải báo đảng, mà chính là tờ Thanh Niên đi tiên phong với tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’.
Tờ báo này dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga - Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam "được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người"… Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...
Vào tháng Mười Một năm 2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ khi cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’ cùng những nội dung tràn đầy ‘tính đảng’ trong bài viết này của báo Thanh Niên càng chứng tỏ tờ báo này đã có một cú chạy phi mã và bốc hỏa tham vọng chính trị trên cung đường biến thành công cụ tuyên truyền đắc lực cho đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền trên dải đất chữ S sôi sục và tàn bạo nạn cường hào ác bá từ cấp trung ương xuống các địa phương.
Vậy trong thực tế chính thể độc trị ở Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ theo các khuyến nghị của các nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc như thế nào ?
Nuốt lời và làm ngược lại !
Đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc : nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ - một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Lời chứng từ châu Âu
Nhưng đến lúc này - năm 2018, những hành vi lừa mị và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế.
Ngay cả khối Liên minh châu Âu - những nhà chính trị mang thói quen vận động ôn hòa cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và thường bị giới lãnh đạo láu cá hứa trước quên sau ở Hà Nội ăn hiếp qua các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai bên, từ giữa năm 2016 đến nay đã buộc phải thể hiện thái độ phẫn nộ, nhưng phản ứng sắc nét hơn cả là bắt đầu thay đổi quan điểm từ thuyết phục sang sẵn sàng chế tài thương mại.
Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ làm gì ?
Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.
Ngay trước mắt là đợt sát hạch của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào tháng Giêng năm 2019. Nếu Việt Nam không ‘bảo vệ thành công’ (cách dùng từ của báo Công An Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an - sau khi đoàn công tác của Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ này, kết thúc hai ngày giải trình trước Ủy ban Chống tra tấn quốc tế mà không chịu thừa nhận bất cứ hành vi nào về rất nhiều vụ tra tấn dã man của công an Việt Nam đối với người dân), một kết luận tiêu cực hoặc rất tiêu cực của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ bổ túc một cơ sở quan trọng, hoặc như một điều kiện cần, để Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác thẳng thừng EVFTA trong cuộc họp vào tháng Ba năm 2019.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/12/2018
Đến hẹn lại lên. Sau khi nộp Báo cáo quốc gia về nhân quyền chu kỳ 3 lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 22/10/2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại Liên hợp quốc vào ngày 22/1/2019.
111111111111111111
Báo Thanh Niên vừa cho thôi chức 13 nhân viên không phải là đảng viên của đảng Cộng sản.
Nhưng khác với vài lần báo cáo xuê xoa và thông qua cũng xuê xoa từ lúc Việt Nam được Liên hiệp quốc dành cho một cái ghế trong hội đồng nhân quyền của cơ quan này vào tháng Mười Một năm 2013, tháng Giêng năm 2019 chắc chắn sẽ là đợt sát hạch căng thẳng nhất, thậm chí còn được ‘khuyến mãi’ vài động tác chế tài thương mại từ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, sau khi xuất hiện một nghị quyết của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 lên án mạnh mẽ chưa từng có về quá nhiều vụ Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng ngay cả sau khi chế độ này chính thức trở thành ‘người bảo vệ quyền con người’.
Hiện tượng ‘báo đảng’ Thanh Niên
Bắt đầu từ tháng Mười năm 2018, một đợt truyền thông PR cho ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ lại được đảng chỉ đạo cho khối báo chí quốc doanh cắm đầu cúc cung phục vụ.
Nhưng hiện tượng đặc biệt xảy ra vào lần này và khác với những chiến dịch PR nhân quyền trước đây là không phải báo đảng, mà chính là tờ Thanh Niên đi tiên phong với tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’.
Tờ báo này dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga - Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam "được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người"… Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...
Vào tháng Mười Một năm 2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ khi cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Tựa đề ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’ cùng những nội dung tràn đầy ‘tính đảng’ trong bài viết này của báo Thanh Niên càng chứng tỏ tờ báo này đã có một cú chạy phi mã và bốc hỏa tham vọng chính trị trên cung đường biến thành công cụ tuyên truyền đắc lực cho đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền trên dải đất chữ S sôi sục và tàn bạo nạn cường hào ác bá từ cấp trung ương xuống các địa phương.
Vậy trong thực tế chính thể độc trị ở Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ theo các khuyến nghị của các nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc như thế nào ?
Nuốt lời và làm ngược lại !
Đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc : nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh Em Dân Chủ - một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Lời chứng từ châu Âu
Nhưng đến lúc này - năm 2018, những hành vi lừa mị và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế.
Ngay cả khối Liên minh châu Âu - những nhà chính trị mang thói quen vận động ôn hòa cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và thường bị giới lãnh đạo láu cá hứa trước quên sau ở Hà Nội ăn hiếp qua các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai bên, từ giữa năm 2016 đến nay đã buộc phải thể hiện thái độ phẫn nộ, nhưng phản ứng sắc nét hơn cả là bắt đầu thay đổi quan điểm từ thuyết phục sang sẵn sàng chế tài thương mại.
Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ làm gì ?
Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử.
Ngay trước mắt là đợt sát hạch của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đối với Việt Nam trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào tháng Giêng năm 2019. Nếu Việt Nam không ‘bảo vệ thành công’ (cách dùng từ của báo Công An Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an - sau khi đoàn công tác của Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ này, kết thúc hai ngày giải trình trước Ủy ban Chống tra tấn quốc tế mà không chịu thừa nhận bất cứ hành vi nào về rất nhiều vụ tra tấn dã man của công an Việt Nam đối với người dân), một kết luận tiêu cực hoặc rất tiêu cực của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ bổ túc một cơ sở quan trọng, hoặc như một điều kiện cần, để Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác thẳng thừng EVFTA trong cuộc họp vào tháng Ba năm 2019.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/12/2018
Khoảng thời gian cuối tháng Mười Một năm 2018 đã chứng kiến một hiện tượng lạ : một trong những lần thật hiếm hoi, vài tờ báo nhà nước ở Việt Nam công khai hoạt động "Trung đoàn 921 về Yên Bái : Su-22 đoàn Không quân Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc" - theo Soha.vn.
Máy bay huấn luyện Su-22 của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018 thuộc Trung đoàn anh cả Sao Đỏ tinh nhuệ bậc nhất của Không quân Việt Nam
Chủ ý ‘làm lộ bí mật nhà nước’ ?
Theo bản tin còn hơn cả đặc biệt trên, toàn bộ lực lượng máy bay Su-22, phi công, thợ máy và vũ khí, trang bị của Trung đoàn 921 đã chuyển sân từ Nội Bài về Yên Bái làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của Tổ quốc. Sân bay Yên Bái trước đây là căn cứ của Trung đoàn không quân 931 (nay đã giải thể) sử dụng tiêm kích MiG-21. Để đón các máy bay Su-22 của Trung đoàn không quân 921, sân bay Yên Bái đã được đầu tư lớn để nâng cấp, kéo dài đường băng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ đơn vị đóng quân lâu dài…
Vì sao báo chí nhà nước lại dám công bố sự kiện trên khi việc bố trí lực lượng quân sự và các kế hoạch chuyển quân, dù vào thời bình, vẫn thuộc loại bí mật quân sự và được xếp trong danh mục bảo vệ bí mật của Bộ Quốc phòng ? Vì sao những tờ báo này lại không sợ bị truy tố vì ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ ?
Máy bay Su-22UM3 của Trung đoàn 921. Ảnh: Báo PK-KQ
Việc công bố trên càng trở nên lạ lùng khi từ trước tới nay trên mặt báo chí nhà nước cực kỳ hiếm thông tin chuyển quân loại này, dù đôi khi mạng xã hội đã phát hiện vài dấu hiệu và biểu hiện cho thấy có những cuộc vận chuyển khí tài quân sự từ Bắc và Nam hoặc theo chiều ngược lại.
Khách quan mà xét, có thể cho rằng cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao Đỏ là hết sức bình thường và bản tin của Soha.vn cũng là chẳng có gì đặc biệt, nếu không vướng vào yếu tố… Trung Quốc.
Hiện tượng trên lại có nét khá tương đồng với một sự kiện khác xảy ra vào năm 2016, chỉ có điều mãi cho đến nay vẫn chưa hề được Bộ Quốc phòng Việt Nam hay bất kỳ tờ báo nhà nước nào công bố.
Tên lửa và dầu khí
Để đối chọi với những quả tên lửa mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, quân đội Việt Nam đã âm thầm đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa vào năm 2016. Nhưng điều lạ lùng là tin tức về chuyện Việt Nam "can đảm" mang tên lửa ra Trường Sa không phải được công bố bởi Bộ Quốc Phòng của viên tướng được một số người xem là "quan văn" - ông Ngô Xuân Lịch, mà lại được tiết lộ vào tháng Tám năm 2016 bởi hãng tin Anh Reuters, dẫn nguồn từ một "thông tin tình báo," cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa.
Bản tin của Reuters dẫn rằng Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đã nói với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu năm 2016 rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường Sa, nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào.
Nguyên văn lời nói của tướng Vịnh là : "Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi". Đây là một khẩu khí "lạ" của tướng Vịnh. Trước đây chưa từng xuất hiện những ngôn từ này nơi viên tướng bị coi là rất thiếu minh bạch về quan điểm đối ngoại.
Việc Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa nằm trong bầu không khí quan hệ Việt - Trung có phần căng thẳng, Trung Quốc liên tiếp xua tàu hải giám và tàu cá vào Biển Đông để gây hấn và bắn giết ngư dân Việt. Cũng khi đó, những mỏ dầu khí mà Việt Nam dự kiến khai thác như Cá Rồng Đỏ (liên doanh với Công ty Repsol của Tây Ban Nha) và Lan Đỏ (liên doanh với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga) đều bị Trung Quốc đặt vào tầm ngắm và chuẩn bị đe dọa. Sang năm 2017, Repsol đã chính thức thất thủ và phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ bởi có đến vài trăm tàu Trung Quốc bao vây mỏ dầu khí này. Thậm chí hải quân Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam khai thác Cá Rồng Đỏ.
Năm 2018, Việt Nam lại âm thầm định cùng Repsol khai thác Cá Rồng Đỏ. Nhưng một lần nữa, kế hoạch này lại thất bại thê thảm bởi ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc.
Cho tới nay, toàn bộ các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và kể cả mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đang bị đình hoãn khai thác.
Những biểu hiện về ‘chiến tranh dầu khí’ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là ngày càng rõ ràng. Nhưng liệu còn những dấu hiệu và tín hiệu nào khác về một cuộc xung đột quân sự trên đất liền trong tương lai không xa ?
Một chỉ dấu tiền chiến tranh ?
Cho tới hôm nay, bản tin "Trung đoàn 921 về Yên Bái : Su-22 đoàn Không quân Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc" của trang Soha.vn đã tồn tại được nhiều ngày, trong khi rất nhiều trường hợp báo nhà nước phải gỡ những bài ‘nhạy cảm’ chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải trên mạng do lệnh miệng của Ban Tuyên giáo trung ương - một thứ vòng kim cô tư tưởng như một đặc thù không thể thiếu của ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam.
Do vậy, chỉ có thể cho rằng bản tin trên của Soha.vn được bật đèn xanh của không chỉ ban Tuyên giáo trung ương mà còn cả từ cấp cao hơn - Bộ Quốc phòng, Thường trực ban bí thư và thậm chí cả bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng.
Rất có thể, mối quan hệ ‘mười sáu chữ vàng’ Việt - Trung và cả vài cuộc giao lưu quốc phòng vừa diễn ra giữa quân đội ‘hai nước anh em xã hội chủ nghĩa’ đã chỉ có ý nghĩa như một bức tranh che đậy cái vùng phía sau của nó đang đen dần, như một cơn giông tố đang hình thành và lừ lừ trùm lên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, nhất là vùng Tây Bắc - nơi mà "đoàn không quân Sao Đỏ anh hùng" vừa được chuyển đến để ‘làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của Tổ quốc’.
Cũng rất có thể, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng quân ủy trung ương của ông Nguyễn Phú Trọng - bằng chỉ đạo cho công khai cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao Đỏ lên vùng Tây Bắc - đang muốn lặp lại chiến thuật ‘răn đe Trung Quốc’ khi Việt Nam mời cả một hàng không mẫu hạm của quân đội Hoa Kỳ - USS Carl Vinson - đến ‘giao lưu quân sự’ tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba năm 2018.
"Nói về Không quân Việt Nam, không thể không nhắc tới Trung đoàn 921 - Đoàn không quân Sao Đỏ, anh cả của lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam với những chiến công lẫy lừng, khiến những phi công sừng sỏ của Không quân và Không quân hải quân Mỹ phải khiếp sợ và nể phục" - Soha.vn kết thúc bản tin.
Chỉ có điều cho tới nay Bộ Quốc phòng và báo chí nhà nước Việt vẫn tuyệt đối câm lặng về vụ có đến hai chiếc Su-22 và một máy bay CASA của không quân Việt Nam bị ‘rơi’ vào giữa năm 2016. Quá nhiều bí ẩn của vụ việc này vẫn được cố thủ trong ngăn kéo. Nhưng nhiều thông tin ngoài lề cho biết thủ phạm bắn rơi Su-22 của Việt Nam, không phải ai khác, chính là "bạn vàng" Trung Quốc.
Chưa kể một chiếc Su khác - có được từ tiền đóng thuế của hàng triệu dân Việt - bị rơi thật - tức tự rơi mà chẳng bị kẻ nào bắn phá - vào tháng Bảy năm 2018 tại Nghệ An, mà chỉ có thể kết luận rằng trình độ lái máy bay, điều hành bay và có thể cả khả năng tác chiến trên không của không quân Việt Nam là ‘trên cả tuyệt vời’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/12/2018
Dù Luật Công đoàn năm 2012 có khá nhiều mối liên hệ hữu cơ qua lại với Bộ luật Lao động, và một cách đương nhiên theo đòi hỏi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia - khi sửa luật này thì đồng thời phải sửa luật kia và ngược lại, vẫn đang tồn tại âm mưu ‘không sửa Luật Công đoàn’.
Các đại diện thành viên thuộc TPP chụp hình tại Santiago, Chile, ngày 8 tháng Ba.
Kẻ nào là thủ phạm của âm mưu trên ?
Và nếu âm mưu trên được thi hành, kẻ nào sẽ được hưởng lợi lớn nhất ?
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và 3% ‘ăn cướp’ !
Cùng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nằm trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách - tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.
Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).
"Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở" - Điều 4, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP do ‘Anh Ba X’ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã quy định như thế.
Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ : ‘không ăn cướp thì là cái gì !’.
Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Vì sao ‘hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp’ ?
Chỉ đến tháng Mười Một năm 2018, trùng với thời điểm đích thân ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo’ Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP, một quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu mới nêu ra, như một cách lên án, đối với ‘công đoàn vàng’
"Nếu không cẩn thận, sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là 'công đoàn vàng', hoặc một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp" - Quan chức Ngọ Duy Hiểu ‘lo ngại’.
Trong lý luận về lao động quan hệ lao động của chính quyền Việt Nam, ‘công đoàn vàng’ là một khái niệm nhằm ám chỉ công đoàn của giới chủ, lập ra bởi giới chủ và phục vụ cho quyền lợi của giới chủ, trong khi đối lập với quyền lợi của người lao động.
Nhưng vì sao đến lúc này giới quan chức công đoàn quốc doanh lại lo sợ "hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp" ? Với thâm ý gì ?
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân đã trở nên quá bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt hàng chục qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của "chủ nghĩa tư bản dã man" tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và như thể đang chen lấn lao xuống địa ngục trong cơn khủng hoảng về ý thức hệ này…
Sự thật trần trụi là một khi người công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập, họ sẽ tự bảo vệ quyền lợi của mình, phản đối các chính sách bất công của chính quyền và giới chủ và cũng đương nhiên phản ứng với não trạng, thái độ và cách hành xử bảo thủ, quan liêu và ngập ngụa tư chất lợi ích nhóm của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ phải chịu nguy cơ lớn, hoặc rất lớn về mất mát quyền lực, hoặc chắc chắn sẽ mất hẳn vai trò "tổ chức chính trị - xã hội’ của nó, không những không còn ngân sách đảng phóng tay cấp tiền ăn xài mà còn sẽ mất hẳn 3% ‘ăn cướp’ được từ giới doanh nghiệp và công nhân.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa mà đã khiến giới quan chức của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam trở nên biến báo, ngụy biện và quy chụp chính trị bất cần liêm sỉ về ‘công đoàn vàng’ và "một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp", khi đề cập đến công đoàn độc lập - ‘kẻ thù’ của họ và cũng là của chế độ một đảng.
Một bằng chứng từ Phạm Bình Minh
Nguy cơ mất ăn 3% cũng chính là nguồn cơn sâu xa khiến tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018, mặc dù đã phải thừa nhận sẽ cạnh tranh với công đoàn độc lập được lập ra bởi công nhân trong tương lai, nhưng giới quan chức nhà nước vẫn âm mưu đối phó với CPTPP hiện thời và cả EVFTA sau này bằng cách ‘chỉ sửa Luật Lao động nhưng không cần thiết phải sửa Luật Công đoàn’. Một trong những bằng chứng rõ nhất âm mưu này chính là thông tin mà quan chức Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói trước quốc hội : ‘cho đến hiện nay thì Chính phủ không đề xuất sửa Luật Công đoàn’.
Đó là chính phủ của Thủ tướng Phúc. Liệu chính phủ này có toa rập với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam để trong suốt một thời gian dài, cơ quan công đoàn quốc doanh này đã không hề trình một dự thảo nào về sửa Luật Công đoàn ?
Lý do thật ‘đơn giản’ : nếu sửa Luật Công đoàn thì rất có thể sẽ phải bỏ quy định ‘ăn cướp 3%’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đối với thu nhập của các doanh nghiệp và của người lao động - một quy định ăn trên ngồi trốc, bị xem là ‘ăn trên xương máu người lao động’ mà đã gây phẫn nộ lớn trong nhiều năm qua trong cả giới công nhân lẫn giới chủ.
Và nếu phải sửa Luật Công đoàn, chẳng có gì chắc chắn là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ giữ được vai trò ‘quản lý lao động’ như Luật Công đoàn cũ. Hoặc nếu được sửa, rất có khả năng Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ vẫn bao hàm một nội dung - dù được thể hiện kín đáo hơn chứ không dám lộ liễu như trước - về việc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ ‘quản lý’ cả các công đoàn độc lập, một quy định hoàn toàn trái khoáy với các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam sẽ phải ký kết bởi trong các công ước quốc tế này, bởi trong CPTPP vai trò và tư cách của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và các tổ chức công đoàn độc lập là bình đẳng, không ai được ‘quản lý’ ai…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 04/12/2018
Từ sau Đại Hội 12, khi phát động chiến dịch "chống tham nhũng" với khẩu lệnh "việc cần làm ngay" vào tháng Sáu, năm 2016 và đặc biệt từ sau vụ chỉ đạo bắt Ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai, năm 2017, dù đằng sau cái tên Nguyễn Phú Trọng đã dần mất đi biệt danh "lú" nhưng cách nói năng của ông ta vẫn hầu như giữ nguyên phong cách chân phương dân dã. Nó bao gồm cả lối nói vo, mà đã tạo nên một vệt logic nếu muốn phân tích và dự báo về chuỗi hành động chính trị tiếp nối của nhân vật này.
Võ Kim Cự (phải), nhân vật bị coi là mang Formosa vào Việt Nam, và là tay chân của Nguyễn Phú Trọng đã "hạ cánh an toàn". (Hình : Getty Images)
Từ quá khứ đến hiện tại
Đã có một sự thay đổi đáng chú ý, nếu không muốn nói là thay đổi lớn, trong phát ngôn về "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian cuối năm 2018, đặc biệt sau cái chết bất ngờ và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào tháng Chín, năm 2018, có thể được xem là mốc khởi xướng "giai đoạn 3 đốt lò" của "Tổng chủ" Nguyễn Phú Trọng.
"Thực tế những vụ vừa qua ai cãi được không và tại sao được dân đồng tình như thế. Đây là bài học rút ra để làm tiếp. Các cử tri cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi. Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm" – đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng "báo bài" trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại hai quận Tây Hồ và Ba Đình thành phố Hà Nội vào ngày 24 tháng Mười Một, 2018.
Một lần nữa trong khá nhiều lần, ông Trọng "lên gân" về tương lai công cuộc "đốt lò" của ông ta.
Nhưng đã hoàn toàn biến mất hai khái niệm "chống tham nhũng cần phải nhân văn" và "mở đường cho người ta tiến" trong phát ngôn trên của Nguyễn Phú Trọng, nếu so sánh với những phát ngôn về cùng chủ đề của chính ông ta trước đó.
"Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa" và "mở đường cho người ta tiến" là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị Trung ương 7 vào tháng Năm, 2018, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ "lò đã nóng rực".
Tại Hội nghị Trung ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười, năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban chấp hành trung ương, nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.
"Mở đường cho người ta tiến" là một cách nói của ông Trọng vào năm 2017, trước thời điểm khởi tố bắt giam Đinh La Thăng. Khi đó, ông Trọng còn đang vướng vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và không biết do chủ ý hay bởi lực bất tòng tâm, ông ta đã không xử lý cựu ủy viên trung ương, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – tác giả của 2/3 trong số 12 dự án đầu tư ngàn tỷ đồng bị đắp chiếu gây lãng phí tại Bộ Công Thương, mà chỉ có thể thốt lên "bị kỷ luật như thế đã đủ đau chưa !" – như một cách nói đượm tâm thế bất lực của "bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo".
"Nhân văn" cũng là một từ được "Người đốt lò vĩ đại" – một tụng danh mà Đài Tiếng Nói Việt Nam của Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ đặc cách dành để tôn cao Nguyễn Phú Trọng – lặp lại một cách đầy chủ ý kể từ lúc được phát ra lần đầu tiên vào trước Tết Nguyên Đán năm 2018. Đó là lần đầu tiên ông Trọng dùng đến khái niệm "chống tham nhũng cần nhân văn" – một biểu hiện cho thấy ông ta thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của mình, trong khi tương lai trở thành "bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" và "lưu danh sử xanh" của ông ta còn xa mới đạt tới.
Sau khi xuất hiện "chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng", đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng "sĩ phu Bắc Hà" hay "minh quân" cho cá nhân mình.
Những bằng chứng rõ nhất cho dư luận trên là cho tới nay và bất chấp quá nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội, vụ biệt phủ của Phạm Sỹ Quý – em ruột bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà và vào năm 2017 còn là giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Yên Bái – vẫn chưa hề được xử lý rốt ráo. Không những không bị "thu hồi tài sản tham nhũng" như một chủ trương lớn của chính ông Trọng, Phạm Sỹ Quý còn được điều chuyển công tác trong cùng tỉnh về một chỗ đảm bảo "an toàn" và quả thực đã an toàn từ đó đến giờ mà không còn bị báo chí nắm tóc dựng dậy.
Từ sau Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười, năm 2017 và cho đến tận bây giờ, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một "thỏa thuận ngầm" nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị và nhóm lợi ích nào đó, để những vụ tày trời như Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ Y Tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý… được cho "chìm xuồng"…
Thậm chí Võ Kim Cự còn đang ung dung sang Canada xin định cư như một cách tránh thoát số phận tội đồ của y và đòn trả thù của nhân dân.
Rất tương đồng với những kẻ trên, Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông tin và truyền thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG – đã được ông Trọng "ẵm" từ chỗ chắc chắn phải tra tay vào còng như Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà… sang cái ghế phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương để ông Tuấn có điều kiện tiếp tục lên lớp báo giới về "đạo đức cách mạng sáng ngời"…
Đến giờ, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý "theo đảng, tin đảng" một lần nữa vỡ tim vì thất vọng : ông ta chỉ thích đốt "củi rừng" mà không hề muốn chạm đến "củi nhà".
Cuộc chiến được xem là "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đậm chất thiên vị và một chiều chứ không thể khách quan và công bằng.
Lối trấn an "phòng chống tham nhũng không bao giờ chùn lại" của ông Trọng cũng bởi thế chỉ mang sắc màu "chống tham nhũng một bên".
Sài Gòn sẽ không còn "nhân văn" và "mở đường cho người ta tiến" ?
Logic "chống tham nhũng một bên" và "chỉ đốt củi rừng" đang tiếp tục cái mạch xuyên suốt của nó và phát tiển vào thời "Hậu Quang".
Ngay sau Đại Hội 12, đã xuất hiện một giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang và người đang có ý đồ "nhất thể hóa" là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2017, đà "chống tham nhũng", mà chủ yếu là thế tiến công vào "cánh Ba X", của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính giả thiết là "lực cản Trần Đại Quang". Khi đó, đã xuất hiện những thông tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ "Nhôm" – kẻ được đồn đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công An cải chính, những giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường.
Còn giờ đây, "lực cản" – nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng.
Sau hai chiến dịch "thay máu" Đà Nẵng và Bộ Công An, từ quý hai năm 2018 đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng chọn Sài Gòn như một mục tiêu tiến công tiếp theo – mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà "người Bắc có lý luận" như ông Trọng muốn "trấn Nam".
Bàn cờ giai đoạn 3 của "đốt lò" cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung vào Sài Gòn và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắt máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch "đốt lò". Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào "lò" và làm "bạn chăn kiến" với Đinh La Thăng.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau khi Trần Đại Quang chết, cựu Phó Chủ tịch Sài Gòn Nguyễn Hữu Tín mới chính thức bị bắt giam, dù ông ta đã bị khởi tố bị can vào tháng Chín, năm 2018.
Nguyễn Hữu Tín không chỉ liên đới mật thiết đến các phi vụ cấp "đất vàng" cho Vũ "Nhôm ở Sài Gòn, mà Tín còn được xem là một "đệ ruột" của "bố già" Lê Thanh Hải – cựu ủy viên Bộ Chính Trị – cựu bí thư Thành Ủy với triều đại của ông Hải đã thống trị Sài Gòn suốt 15 năm.
Cùng lúc, một "đệ ruột" khác của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành Ủy và là con bài đắt giá nhất mà Lê Thanh Hải đã "cài" lại sau khi phải rời bỏ chức vụ vào đầu năm 2016, đang phải chịu nguy cơ không chỉ mất chức vì những sai phạm trong vụ "ăn đất" Nhà Bè và Thủ Thiêm, mà còn có thể vào nhà đá.
Chiến dịch "Bình Nam" của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức bắt đầu ở Sài Gòn. Lê Thanh Hải – được xem là nằm trong "phe cánh chính trị Ba X" – đương nhiên là tiêu điểm. Hàng loạt người nhà của Lê Thanh Hải – vợ, con, em trai – đã bị mang ra "đấu tố"…
Vào lần này, hình như sẽ không có "nhân văn" và "mở đường cho người ta tiến". Có lẽ Nguyễn Phú Trọng, với đà này, sẽ xử gọn, nhanh và mạnh nhóm quan chức Nam Bộ tham nhũng ngập mặt.
Trong khi đó, những Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Sỹ Quý, Trương Minh Tuấn và cả bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo đương nhiệm là Phùng Ngọc Nhạ ở miền Bắc vẫn "ung dung tự tại".
Phạm Chí Dũng
Người Việt, 02/12/2018