Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/09/2019, không những khẳng định vùng biển ở Bãi Tư Chính (nằm ở Đông Nam Việt Nam) là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mà còn đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính", là chưa từng có, rất có thể là bước dọn đường dư luận quốc tế và dư luận tại đại lục để nhảy sang hành động tiếp biến khó lường : Chiến tranh !
Việt Nam đã mua sắm tàu ngầm Kilo từ Nga, nhưng tương quan lực lượng quân sự quá nhỏ bé trước Trung Quốc. (Hình : Getty Images)
Hải quân Việt Nam sẽ cầm cự được bao lâu ?
Khác với thái độ đe nẹt có mức độ trong vài lần ra tuyên bố từ lúc cho tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm khu vực Bãi Tư Chính vào đầu Tháng Bảy, 2019, tuyên bố ngày 18/09 thực chất là một tối hậu thư đối với giới "văn dốt, võ dát" ở Ba Đình.
Đây là kết quả tất yếu phải xảy ra sau chuỗi thời gian gần ba tháng dù bị hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác nhưng Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn không dám nổ một phát súng, dù chỉ bắn lên trời để cảnh cáo tàu Trung Quốc.
Sau tuyên bố trên, rất có thể Trung Quốc sẽ chuyển từ "đấu tranh ngoại giao" sang một giai đoạn mới là hành động mới về quân sự.
Kịch bản ngày càng lộ rõ là Việt Nam khó có thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong "đường lưỡi bò" mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.
Bước đầu, Trung Quốc có thể tấn công các tàu hải cảnh của Việt Nam đang bảo vệ Bãi Tư Chính. Sau đó, cuộc chiến sẽ leo thang với sự đụng độ giữa các tàu chiến của hai bên.
Hiện thời, một số thông tin cho biết cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã dàn tàu ở khu vực Bãi Tư Chính và vùng biển lân cận khu vực này, với số lượng mỗi bên gần 30 tàu.
Tuy nhiên xét về năng lực hải quân thì cho dù có điều động toàn bộ số tàu chiến và hải cảnh ra Biển Đông, phía Việt Nam cũng chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng lượng tàu chiến và hải cảnh của Trung Quốc, chưa kể hàng chục ngàn tàu "thương mại dân sự", tức tàu cá được bọc sắt, mà Bắc Kinh tung ra như một đòn chiến thuật biển vào những lúc không cần có mặt tàu chiến.
Trên một phương diện tổng quan hơn, nếu so sánh lượng chi phí quốc phòng từ 4- 5 tỷ USD/năm của Việt Nam với con số 177 tỷ USD /năm của Trung Quốc thì càng quá khập khiễng.
Nếu chỉ căn cứ vào vài so sánh trên, hoàn toàn có thể nhận ra tình thế sẽ khó lòng cầm cự được lâu của Hải Quân Việt Nam nếu nổ ra chiến tranh ở Biển Đông.
Còn nếu xét về ý chí "hải quân bám bờ" trong suốt thời gian nhiều năm qua thì chẳng có hy vọng gì về việc Hải Quân Việt Nam dám can đảm chống cự tàu Trung Quốc khi bị tấn công, thậm chí cảnh "bỏ của chạy lấy người" còn có thể lan tỏa rộng – đúng theo phương cách "chống giặc bằng cờ" mà giới chóp bu Việt Nam đang đốc thúc phát 1 triệu lá cờ đỏ sao vàng cho ngư dân để "bám biển".
Chiến hạm và sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong một lần ở quân cảng Cam Ranh hồi năm 2012. (Hình : Getty Images)
"Chuyện trong nhà"
Khác với quá khứ tạm thời êm ấm, giờ đây nguy cơ xung đột quân sự giữa "hai đảng anh em" đang hiển thị dần sau từng tuần lễ – khoảng cách thời gian đã thu hẹp rất đáng kể so với dự báo trước đây về nguy cơ này theo từng quý và từng tháng.
Hy vọng, hoặc chỗ bám víu còn nước còn tát của giới chóp bu Việt Nam giờ đây chỉ là trông đợi sự can thiệp của quốc tế nếu xung đột quân sự Trung-Việt nổ ra ở Bãi Tư Chính, chứ không còn cảnh "tự sướng" của báo đảng về 6 tàu ngầm lớp Kilo tân trang mà Việt Nam mua lại của Nga, hoặc về "tàu buồm Lê Quý Đôn hiện đại nhất thế giới của hải quân Việt Nam".
Nhưng cộng đồng quốc tế lại là một ẩn số, mà cách nào đó là khá giống với phương trình đi Mỹ và làm gì ở đó của "Tổng tịch" Nguyễn Phú Trọng.
Bi kịch của Việt Nam từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường "vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam", mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.
Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó, rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong "đường lưỡi bò 9 đoạn", tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế "thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc" vào năm 2019.
Cho tới lúc này Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu ban đầu của chiến dịch này, không chỉ khiến nhiều quốc gia trên thế giới và dư luận quốc tế dần bớt mối quan tâm đến một Biển Đông giằng co nhàm chán, mà còn biến Bãi Tư Chính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi "tranh chấp không thể tranh cãi". Để nếu chiến tranh nổ ra, bản chất cuộc chiến này sẽ là giành ăn dầu khí giữa những kẻ tương thông "Mười Sáu Chữ Vàng", hoặc là "chuyện trong nhà" giữa hai nước xã hội chủ nghĩa anh em mà không cần đến sự chia sẻ hay can thiệp của các nước khác.
Còn với Việt Nam, tình thế đã không còn dễ rút lui và dễ "rửa mặt" cho Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị của ông ta, khi Trung Quốc đã dám tung ra tối hậu thư "chủ quyền".
Màu của máu
Đã rất rõ là phía Việt Nam càng lùi, Trung Quốc càng lấn tới – y hệt cái cách mà nhà cầm quyền Việt Nam và chế độ công an trị ở đất nước này đã đối xử với phong trào dân chủ nhân quyền. Ngay cả nếu Nguyễn Phú Trọng chấp nhận nhượng bộ "đi Trung trước, đi Mỹ sau" thì cũng khó làm cho Tập Cận Bình hài lòng để không tiếp tục "tống tiền" Bãi Tư Chính.
Tàu Trung Quốc chỉ có thể rút khỏi Bãi Tư Chính, mà cũng chỉ là tạm rút, trong trường Nguyễn Phú Trọng hủy bỏ chuyến đi Mỹ của ông ta, tương đương với việc từ bỏ ý định nâng tầm "đối tác chiến lược" của Việt Nam với Hoa Kỳ và không đưa Việt Nam nhích vào quỹ đạo của khối liên minh quân sự Đông Bắc Á (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) đối trọng với Trung Quốc.
Thêm một lần nữa trong rất nhiều lần, Nguyễn Phú Trọng đứng giữa ngã ba đường. Nhưng khác nhiều với trước đây khi còn "trẻ khỏe", hiện thời ông ta đang ở bên kia dốc trong ráng hoàng hôn màu đỏ quạch của tử thần.
…và màu của máu
Nhưng nếu Trọng hủy bỏ chuyến đi Washington, sẽ chẳng có những hàng không mẫu hạm nào của hải quân Mỹ đi vào Biển Đông để áp sát những nơi mà Trung Quốc đã gia cố và phát triển thành căn cứ quân sự, răn đe bầy đàn tàu chiến của Trung Quốc. Mà nếu không có Mỹ, tương lai Trung Quốc nuốt gọn Bãi Tư Chính của Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai. Khi đó, chính thể độc tài ở Việt Nam không chỉ mất trắng bể dầu thô nuôi đảng mà dân tộc Việt còn bị kẻ thù san sẻ lãnh thổ.
Nguy vong hơn lúc nào hết, giờ đây giới chóp bu Việt Nam phải tự quyết định số phận tồn vong của nó là thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây, theo đúng cái cách mà chính quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 29/09/2019
Thông tin Bộ Giao thông và vận tải hủy bỏ sơ tuyển đấu thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam và ưu tiên cho các nhà thầu trong nước đã tạo nên một làn sóng phấn khích trong một bộ phận dư luận xã hội. Luồng dư luận này cho rằng ‘đảng và nhà nước ta’ và Bộ Giao thông và vận tải đã tiếp thu và lắng nghe ý kiến phản biện của người dân nên mới có chỉ đạo hủy bỏ như thế.
Bộ Giao thông và vận tải hủy bỏ sơ tuyển đấu thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam và ưu tiên cho các nhà thầu trong nước - Ảnh minh họa
Hai luồng dư luận
Trước đó khi quan chức Thứ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông lộ ra âm mưu 'kết quả trúng thầu sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam là tài liệu mật', dư luận xã hội đã dậy lên làn sóng phản đối. Cùng lúc, một bản kiến nghị được một số tổ chức xã hội dân sự và nhiều trí thức, người dân ký tên đòi công khai vụ việc này và loại các nhà thầu Trung Quốc khỏi dự án cao tốc Bắc Nam vì lo bị Trung Quốc lũng đoạn về quốc phòng và an ninh trong dự án này.
Cũng không ít dư luận yêu cầu Bộ Giao thông và vận tải phải từ bỏ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam vì quá tốn kém - dự toán lên tới 15 tỷ USD, trong khi ngân sách èo uột và luôn phải bù trám bằng cách bóp hầu bóp họng dân chúng.
Trạng thái phấn khích của một số người dân thậm chí còn vượt quá sự mong đợi của chính quyền : Chính phủ và Bộ Giao thông và vận tải được hoan nghênh vì ‘đã sáng suốt’, ‘hành động dũng cảm’ và ‘một quyết định hợp lòng dân’.
Trong khi đó, một luồng dư luận khác có vẻ ‘chính trị’ hơn đã nhìn nhận vụ hủy bỏ trên như một dấu hiệu ‘thoát Trung’, đặc biệt là ‘thoát Trung bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói’ của nội bộ đảng cầm quyền.
Vậy có thực sự là Bộ Giao thông và vận tải, và cao hơn cơ quan này là chính phủ và Bộ Chính trị đảng, hủy bỏ sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam và ưu tiên cho các nhà thầu trong nước là do đã tiếp thu và lắng nghe ý kiến phản biện của người dân ?
Những chữ ‘nếu’…
Nếu quả thực đã có thái độ tự giác lắng nghe, hoặc không thể bỏ qua phản ứng của dư luận xã hội, tại sao Bộ Giao thông và vận tải và các cơ quan của ‘đảng và nhà nước ta’ lại chưa bao giờ hồi đáp một kiến nghị nào của các tổ chức xã hội dân sự về chuyện làm đường sá, cầu cống, sân bay ?
Và nếu Bộ Giao thông và vận tải đã biết tiếp thu phản biện xã hội của người dân về mối nguy nhà thầu Trung Quốc trong dự án hạ tầng cơ sở, thì tại sao bộ này vẫn triển khai dự án sân bay Long Thành có giá trị lên tới 18 tỷ USD, trong tình trạng ngân khố không đào đâu ra tiền để xây sân bay, trong khi dậy lên dư luận về việc dự án này phải vay mượn tiền của ngân hàng và các doanh nghiệp Trung Quốc, và việc xây sân bay Long Thành là nhằm ‘thoát hàng’ đất nền với giá cao của các quan chức và đại gia, cùng lúc ‘dìm hàng’ sân bay Tân Sơn Nhất ?
Hoặc nếu Bộ Giao thông và vận tải, cực chẳng đã, phải nhượng bộ trước phản ứng của người dân về dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, thì tại sao bộ này lại không hề chịu nhượng bộ khi vẫn mưu toan lập dự án và triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam - có kinh phí tới gần 60 tỷ USD, tương đương hơn 1/3 GDP quốc gia, bất chấp phản ứng của dư luận xã hội đối với dự án này còn mạnh mẽ hơn so với dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam ?
Không thể phủ nhận nhiệt tình và công sức vận động của một số tổ chức xã hội dân sự trong yêu sách ‘thoát Trung’ ở dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, nhưng thực trạng chính quyền vẫn rất trịch thượng và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào muốn đối thoại với giới này đã đặt ra nghi vấn lớn về việc chính quyền đó có thực tâm ‘lắng nghe và tiếp thu phản biện của người dân’ về dự án này hay không, và nêu lên hoài nghi về lời khen ngợi vội vã về chính quyền đã ‘dũng cảm’ thật ra có xứng đáng hay không.
Ở một góc độ khác, cần xem xét vụ hủy bỏ sơ tuyển đấu thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam trong một bối cảnh đặc biệt : xung đột Việt - Trung. Đó là vụ Trung Quốc điều động tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hải cảnh hộ vệ cho tàu này xâm phạm khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam từ đầu tháng 7 năm 2019 đến tận bây giờ.
‘Thân Trung’ và ‘giãn Trung’
Vụ việc xâm phạm và gây hấn leo thang trên có lẽ đã khiến Nguyễn Phú Trọng và tất cả những quan chức nào còn mơ màng về ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ vỡ mộng ‘nhịn thì nó tha cho’. Sau nhiều năm, lần đầu tiên ‘đảng em’ Việt Nam mới dám phát ra công hàm để phản đối ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Cũng sau nhiều năm, lần đầu tiên yếu tố an ninh quốc phòng được nhấn mạnh trong dự án có vốn đầu tư nước ngoài bởi chính một nghị quyết của Bộ Chính trị đảng vào tháng 8 năm 2019.
Mặc dù chẳng có kênh báo đảng nào hé miệng, nhưng ai cũng hiểu rằng yếu tố nhạy cảm về an ninh quốc phòng trong dự án có yếu tố nước ngoài chính là Trung Quốc - quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống hạ tầng cơ sở của Việt Nam và biến nơi đây thành một bãi rác công nghệ khổng lồ.
Đồng thời, tại một số tỉnh thành trọng yếu của Việt Nam đã diễn ra phong trào ‘bắt Trung Quốc’ : đường dây đánh bạc do người Trung Quốc tổ chức, đường dây sex cũng do người Trung Quốc lập ra, hàng loạt người Trung Quốc ăn trộm ATM và dùng thẻ tín dụng giả… Những vụ tội phạm đó đã tồn tại từ rất lâu, nhưng cho tới nay mới được công an xử lý, cứ như thể mới lần đầu tiên được phát hiện.
Quá trình lập hồ sơ và xây dựng cơ chế sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam lại rơi trúng vào thời điểm gấu ó như thế giữa ‘hai đảng anh em’.
Bộ Giao thông và vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương vốn là bộ ba bị dư luận xã hội Việt Nam lên án dữ dội về thành tích ‘nối giáo cho giặc’, bởi trong suốt nhiều năm các bộ này đã ‘kiến tạo’ cơ chế tổng thầu cho doanh nghiệp Trung Quốc - có thời điểm lên đến 90% trong tổng số dự án gọi thầu, mà dự án đường sắt trên cao Cát linh - Hà Đông do Trung Quốc thầu là một điển hình về đội vốn, kéo dài thời gian và bệ rạc về chất lượng ; đã giúp cho hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam và giết chết nhiều doanh doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước…
Cũng từ nhiều năm qua, các bộ trên cùng nhiều nhân sự cao cấp trong đó bị dư luận xã hội xem là nhóm ‘thân Trung’, đối lập với một ít quan chức được xem là ‘thân Mỹ’.
Thế nhưng bất chấp phản ứng của dư luận xã hội, nhóm ‘thân Trung’ vẫn tác oai tác quái không chỉ suốt triều đại thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà còn kéo sang cả thời kỳ thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong khi đó, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy trong nội bộ đảng đã hình thành phe ‘thân Mỹ’, mà chỉ có những quan chức muốn giảm bớt sự phụ thuộc của kinh tế và chính thể Việt Nam vào Trung Quốc - tạm gọi phe này là ‘giãn Trung’.
Chỉ đến năm 2019, tình hình và tương quan lực lượng trong nội bộ đảng CSVN về quan điểm đối ngoại mới có một chút thay đổi.
Do người Mỹ ‘gợi ý’ ?
Vụ hủy bỏ cơ chế sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam tuy chỉ là một vụ việc nho nhỏ nhưng có thể xứng đáng là một sự kiện lịch sử, là một bằng chứng chưa có tiền lệ về tương quan nhỉnh hơn của phe ‘giãn Trung’ so với phe ‘thân Trung’ sau nhiều năm giằng co, thậm chí phe ‘giãn Trung’ còn phải chịu lép vế trong nhiều thời điểm.
Vô tình hay hữu ý, ngay sau vụ hủy bỏ trên, có đến 3 thứ trưởng của Bộ Giao thông và vận tải đã bị cấp trung ương thi hành kỷ luật, trong đó có Thứ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông - tác giả của âm mưu tống kết quả đấu thầu cao tốc Bắc Nam vào danh mục ‘tài liệu mật’.
Thế nhỉnh hơn của phe ‘giãn Trung’ còn có thể dần biến thành thắng thế đa số nếu sắp tới ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng - quan chức đã ‘trốn’ đi Trung Quốc suốt từ đầu năm 2019 đến nay - thực sự có một chuyến đi Washington gặp tổng thống Hoa Kỳ và hai bên đạt được kết quả nâng tầm quan hệ lên ‘đối tác chiến lược’, cùng với động thái quân cảng Cam Ranh - nơi khống chế đến 2/3 Biển Đông - được Việt Nam thỏa thuận cho Mỹ làm căn cứ hậu cần.
Cũng không loại trừ một giả thiết có tính hy vọng : nếu xu thế từ nhỉnh hơn đến vượt trội trên sẽ dần biến thành hiện thực, phải chăng trong vụ hủy bỏ cơ chế sơ tuyển đấu thầu ‘Trung Quốc’ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đã có tác động từ ‘gợi ý’ của người Mỹ ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/09/2019
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/9/2019 đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính", người ta có thể tự hỏi vì sao Bắc Kinh lại tự tin và ngạo mạn đến thế.
Trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 lấn tới sát vùng biển Phan Thiết, không có một tàu hải quân nào của Việt Nam ra ngăn chặn.
Cái gì đã khiến Trung Quốc quá tự tin và ngạo mạn ?
Nhất là từ cái cái cách hé miệng ấp úng "Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta" của Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 4/9/2019 trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội, nhưng vẫn không hề dám nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Dù đó là lần đầu tiên ông Phúc ’can đảm’ có được một phát ngôn về tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7/2019. Phát ngôn đó xảy ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 thậm chí còn lấn tới sát vùng biển Phan Thiết, trong lúc không có một tàu hải quân nào của Việt Nam ra ngăn chặn, theo đúng là tinh thần câu vè dân gian ‘ngư dân bám biển, hải quân bám bờ’.
Vào cuối tháng 7 năm 2019, chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã "trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam" - một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với "thiên triều", Trung Quốc đã lần đầu tiên phản ứng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam "vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính kể từ tháng Năm," "Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam" và "Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc". Nhưng khi đó Bắc Kinh chưa trịch thượng đến độ dám đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính".
Sang tháng 8 năm 2019, Trung Quốc đã lần thứ hai ra tuyên bố về Bãi Tư Chính, khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng. Ngay trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn mấp máy đọc bài "yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam".
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh : China Geological Survey)
Rõ ràng thái độ tự tin và ngạo mạn của ‘đảng anh’ Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính đã gia tăng dần qua từng tháng, tỷ lệ nghịch với toàn bộ biểu cảm ‘kịch liệt phản đối’ nhưng không dám có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào của chính thể ‘đảng em’ Việt Nam, không chỉ không dám hé môi cái tên Trung Quốc trên đầu môi chót lưỡi của giới chóp bu Hà Nội mà cho tới lúc này, khi cuộc chiến khoan dầu đã kéo dài gần trọn một quý, các tàu hải cảnh và tàu chiến Việt Nam vẫn chẳng dám nổ một phát súng, dù chỉ bắn lên trời, để cảnh cáo tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Trong khi hệ thống tuyên giáo và báo đảng Việt Nam vẫn ‘tự sướng’ bằng cái cách thầm thì trong nội bộ ‘ta nhất định thắng’ và những bài báo theo kiểu ‘Việt Nam nhận được sự ủng hộ lớn lao của cộng đồng quốc tế về chủ quyền ở Bãi Tư Chính’, thì sự thật đắng chát mà không một quan chức hay tờ báo nào của đảng CSVN dám nói ra là thất bại của Việt Nam tại Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019. Ở hội nghị đó, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách vận động các quốc gia ASEAN để phản đối xâm phạm Bãi Tư Chính nói riêng và rộng hơn là Biển Đông, tuyên bố của Hội nghị đã chỉ đề cập khá chung chung và "quan ngại" về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Thắng lợi ngoại giao và quốc tế vận của Trung Quốc - cần phải thừa nhận như thế - đã khởi sự từ thời điểm trên, ngay vào lúc tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho nó bắt đầu xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như một cách vừa ăn cướp vừa la làng.
Thắng lợi của ‘Mười sáu chữ vàng’
Kết quả phản ứng Trung Quốc quá mờ nhạt, hoặc gần như không có gì, tại Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN hẳn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định có phản ứng hay không của nhiều quốc gia trên thế giới đối với Trung Quốc về căng thẳng ở Biển Đông. Sau gần 3 tháng từ ngày nổ ra vụ Bãi Tư Chính, hoặc đã là năm thứ ba kể từ lúc Trung Quốc xua tàu bao vây, gây hấn và ‘tống tiền’ Bộ Chính trị Việt Nam ở khu vực này, thực tế quá ư trần trụi và cay đắng là phần lớn trong số các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam đã chẳng có ý kiến gì hoặc ngó lơ vụ Bãi Tư Chính, để mặc cho ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - cụm từ mà giới quan chức Việt Nam vẫn hỉ hả tụng ca về người bạn ‘Bốn Tốt’ của mình - hành hạ ‘đảng em’ đến mức ‘đái cả ra quần’.
Một sự ghẻ lạnh lạ lùng xâm phủ bộ mặt chính thể độc tài ở Việt Nam - luôn tự hào có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược. Thậm chí ngay cả những quốc gia có lợi ích trực tiếp về liên doanh khoan dầu ở Bãi Tư Chính là Nga - tập đoàn dầu khí Rosneft ở mỏ Lan Đỏ, và Tây Ban Nha - hãng dầu khí Repsol ở mỏ Cá Rồng Đỏ, cũng không một lời chia sẻ với nỗi đau thất thần của Hà Nội, càng chẳng có cử chỉ tối thiểu nào ‘lên án’ Trung Quốc.
Cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ - từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh… đã dìm xác suất ‘kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’ xuống đáy hy vọng, xứng đáng bổ sung thêm một ‘không’ nữa vào chính sách ‘ba không’ gậy ông đập lưng ông của Hà Nội : không kiện Trung Quốc !
Rốt cuộc, tất cả từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.
Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó, rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong "đường lưỡi bò 9 đoạn," tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế "thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc" vào năm 2019.
Nếu ngày càng nhiều quốc gia thờ ơ với vụ Bãi Tư Chính, đó sẽ là cơ hội để Bắc Kinh khuếch tán chiến dịch vận động các nước trong Liên Hiệp Quốc ủng hộ ‘chủ quyền’ của Trung Quốc ở khu vực này. Và nếu Trung Quốc đạt được một sự ủng hộ của một số nước nào đó, dưới dạng tuyên bố hoặc nghị quyết quốc tế, đó sẽ là cơ sở và tiền đề cực kỳ quan trọng để ‘Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa’ tiến hành một chiến dịch quân sự tốc chiến xâm chiếm Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tốc chiến trước khi Việt Nam khai thác hết dầu để nuôi đảng !
Còn ngay trước mắt, gần ba tháng đã lao qua ở Bãi Tư Chính… Cho tới lúc này Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu ban đầu của chiến dịch này, không chỉ khiến nhiều quốc gia trên thế giới và dư luận quốc tế dần bớt mối quan tâm đến một Biển Đông giằng co nhàm chán, mà còn biến Bãi Tư Chính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi ‘tranh chấp không thể tranh cãi’ giữa hai kẻ vẫn quen ca hát 16 chữ vàng "Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 24/09/2019
Khi Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu đứng lên đặt câu hỏi : ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình ?’ - một vấn đề mà đảng cầm quyền luôn xem là cực kỳ nhạy cảm và liên đới tới ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ - với vẻ bức xúc không đến nỗi bị người dân nghi ngờ là giả tạo, cử tọa đã không thấy sếp của ông ta là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phản ứng gì. Cũng không thấy bà Ngân vội vã cắt ngang lời ông Lưu như cái cách nữ quan chức này đã thô bạo ‘chặn họng’ những đại biểu quốc hội dám tọc mạch hỏi về về ‘luật bán nước’ (một hỗn danh mà dân gian đặt cho dự luật Đặc khu) và vụ phân bón giả Thuận Phong tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019.
Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu đứng lên đặt câu hỏi : ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình ?’. Hình minh họa.
Từ ‘câm như hến’ đến câu hỏi bất ngờ
Câu hỏi của ông Uông Chu Lưu phát ra tại phiên họp thứ 37 sáng ngày 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo báo cáo 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019). Theo ông Uông Chu Lưu, trong báo cáo của Chính phủ có 3 luật đã nằm trong kế hoạch nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về Hội, Luật Biểu tình và Luật Hiến máu. Ông Lưu đề nghị Chính phủ cần xác định lộ trình ban hành chứ không nên để tình trạng này kéo dài.
Trước đó, những đề xuất cần có luật Biểu tình chỉ xuất phát từ một vài đại biểu quốc hội, trong khi toàn bộ giới lãnh đạo cơ quan này đều ‘câm như hến’ - một cách sao y biểu cảm trước vụ các giàn khoan và tàu Trung Quốc lao vào Biển Đông như một cái tát vào mặt Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi thế, sự bức xúc của ông Uông Chu Lưu là hiếm có.
Sự thật ‘phản động’
Về thực chất, câu hỏi trên của ông Uông Chu Lưu là rất có ‘cơ sở thực tiễn’, được bắt đầu bằng một sự thật hết sức bôi bác, thậm chí còn hết sức ‘phản động’ : vào năm 2011, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an - cơ quan bị xem là ‘công an trị’ và chuyên trấn áp, đàn áp những cuộc xuống đường vì môi sinh môi trường của người dân, ‘chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình’.
Kể từ đó đến nay, đã quá nhiều lần Bộ Công an thập thò bộ luật này vào mỗi lúc mà chế độ độc trị phát hiện ra triển vọng một hiệp định thương mại quốc tế - hoặc TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, sau này chuyển thành CPTPP), hoặc Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, hoặc EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam). Nhưng sau khi đã ‘ăn đủ’ hoặc cám cảnh vì ‘mất ăn’, đã quá nhiều lần cơ quan bộ này yêu cầu hoãn Luật Biểu tình khi nại ra lý do : "Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm "biểu tình," "quyền tự do biểu tình," "nơi công cộng," "tụ tập đông người"… ; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức ; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không) ; vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật ; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…".
Thực tế thời gian còn cay đắng hơn nữa : quyền biểu tình đương nhiên của người dân - được quy định rõ ràng trong Hiến pháp năm 1002, đã bị ‘treo cổ’ đến hơn một phần tư thế kỷ qua.
Đã có quá đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do chủ tịch Quốc Hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7 vào tháng Sáu năm 2014.
Vì sao Nguyễn Thị Kim Ngân ‘bức xúc’ ?
Tháng 3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lấp ló : "Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta".
Khi đó, một lần nữa trong quá nhiều lần bộ luật quyền dân này bị chính phủ từ thời ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ của Nguyễn Tấn Dũng đến ‘liêm chính, kiến tạo, hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, cùng ‘cơ quan dân cử tối cao’ là Quốc hội lợi dụng như một thứ mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu - liên quan đến TPP vào những năm 2014 - 2016, và EVFTA đang trong giai đoạn ‘chuẩn bị ký kết’ vào những năm 2018 - 2019.
Cũng vào khoảng thời gian trên, Nguyễn Thị Kim Ngân vừa kết thúc chuyến đi Châu Âu (Pháp và Bỉ) vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA. Ngay sau khi về nước, bà Ngân đã chủ trì một phiên họp quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật, bà Ngân đã tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này. "Chúng ta đã cam kết với Nghị viện Châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện Châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ quốc hội về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không ? !" - bà Ngân bức xúc.
Không chỉ yêu cầu Việt Nam phải sửa Bộ luật Lao động, Nghị viện Châu Âu còn đòi hỏi chính thể Việt Nam phải cải thiện nhân quyền liên quan đến nhiều vấn đề khác như ban hành luật về Hội và Luật biểu tình. Nhưng những nội dung này đương nhiên chưa bao giờ được hệ thống báo đài quốc doanh và giới quan chức Việt Nam thông tin chính thức cho người dân.
Nhưng dù gì, kể từ thời điểm Hội đồng Châu Âu buộc phải hoãn việc ký kết hai hiệp định EVFTA và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) với Việt Nam vào tháng 2 năm 2019, với nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Việt Nam, giới chóp bu Hà Nội đã không còn dám coi thường những đòi hỏi cải thiện nhân quyền của Nghị viện Châu Âu, nằm trong bản nghị quyết chuyên về nhân quyền Việt Nam mà cơ quan nghị viện này đã tung ra vào tháng 11 năm 2018 với rất nhiều nội dung chi tiết. Sau đó và dù EVFTA và EVIPA đã được ký kết vào tháng 6 năm 2019, không có gì chắc chắn là hai hiệp định này sẽ được Nghị viện mới của Châu Âu bỏ phiếu thông qua vào đầu năm 2020, nếu chính thể độc tài ở Việt Nam vẫn trí trá lươn lẹo không chịu cải thiện nhân quyền.
Cũng kể từ thời điểm đầu năm 2019 cho tới nay, đã hình thành một khoảng cách đủ lớn giữa hai cơ quan quốc hội và chính phủ Việt Nam - liên quan đến những yêu sách cải thiện nhân quyền của Nghị viện Châu Âu. Trong lúc Nguyễn Thị Kim Ngân thực sự sốt ruột bởi bà ta có thể sẽ mất mặt vì đã cam kết với Cộng đồng Châu Âu và những nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) về ‘Việt Nam sẽ cải thiện nhân quyền’, thì hàng loạt dự luật về quyền con người do chính phủ và các bộ ngành ‘soạn thảo’ vẫn chưa đâu vào đâu, nếu không muốn nói là vẫn nằm trong ngăn kéo đầy bụi bặm.
Minh họa điển hình cho quá trình soạn thảo đầy giả dối như thế là Bộ luật Lao động sửa đổi. Vào thời điểm Nguyễn Thị Kim Ngân ‘bức xúc’, một ‘bí mật’ đã lộ hẳn ra : suốt từ cuối năm 2018 - thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến khi đó, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA.
Còn thực chất đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019. Mà chưa có gì được xem là ‘thành tâm’.
Nhưng thủ đoạn trí trá, giảo hoạt và lươn lẹo ấy lại luôn là một sai lầm về sách lược của ‘đảng và nhà nước ta’.
Bởi lẽ đơn giản là với một Bộ Công an - còn được biệt danh là ‘bộ đàn áp nhân quyền’, quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân - việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Nội vụ, là quá bất hợp lý, chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.
Sẽ ra luật để đàn áp biểu tình sắc máu hơn ?
Cho dù Luật Biểu tình có được thông qua trong năm 2019 hoặc năm 2020, thì với những nội dung dự thảo luật chỉ siết không mở của Bộ Công an, thậm chí còn có thể hợp thức hóa cho hành vi của các ‘lực lượng công quyền’ đánh đập tra tấn người dân một cách côn đồ và lưu manh, sẽ chẳng có bất kỳ ích lợi nào cho người biểu tình ở Việt Nam, nếu không muốn nói là những cuộc biểu tình dân sinh có thể sẽ bị chế độ công an trị dìm trong biển máu.
Thậm chí chế độ công an trị ở Việt Nam còn tự cho nó quyền trấn áp cả những cuộc tụ tập đông người "không có yếu tố chính trị". Một vụ việc đáng căm phẫn, xảy ra ngay sau ngày quốc khánh Việt Nam, là rất điển hình cho não trạng kiêu binh và đàn áp như thế.
Vào ngày 10/9/2019, một đám đông hâm mộ đi đón nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang-Wook đã bị lực lượng an ninh sử dụng nhiều biện pháp mạnh như hú còi báo động, sử dụng bình chữa cháy, dùi cui chích điện để trấn áp, giải tán. Đó là lần đầu tiên người dân chứng kiến cách hành xử bạo lực của cảnh sát với những trường hợp tụ tập đông người "không có yếu tố chính trị" như thế, trong khi đám đông là các fan trẻ yêu điện ảnh Hàn Quốc, không gây rối, không biểu tình, không bạo động, có chăng là sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ với thần tượng.
Tại sao phải đàn áp ?
Nhiều người dân đều có cùng nhận định là cảnh sát đã quen thói bạo lực, lạm quyền nên cư xử với dân khốn nạn đến thế !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/09/2019
Sau chiến thắng lịch sử mang tên Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017, những người giữ đất đồng Sênh vẫn phải ngày đêm ‘khiêu vũ với bầy sói’.
Các "con tin", bị dân làng Đồng Tâm bắt giữ, được người dân thả ra trong vụ đối đầu hồi tháng Tư, 2017.
Những con sói đói ăn thời chợ chiều chế độ, nước dãi túa đầy hàm răng nanh nhọn hoắt, chỉ chực chờ xồ đến xé họng nạn nhân của chúng.
Một âm mưu vừa thâm hiểm vừa hung dữ đang ập tới.
Dọn đường lần thứ hai
Chiều 27/8/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức buổi họp báo về việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Buổi họp báo có mặt đại diện UBND Thành phố Hà Nội, Thanh tra Thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, nhưng đã không có bất cứ người dân Đồng Tâm nào được tham dự.
"Trước buổi thông tin hôm nay, chúng tôi đã gặp trao đổi với nhiều đại biểu Quốc hội, chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, một cách công khai, minh bạch. Tôi khẳng định rằng có một bộ phận đối tượng có mục tiêu lợi dụng, trục lợi để lấn chiếm đất hoặc để có thể hy vọng được bồi thường. Bản thân ông Lê Đình Kình (82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội ; là 1 trong 4 người bị bắt giữ ngày 15/04/2017) cũng nhằm mục tiêu như vậy, ông Kình đã từng làm nhiều vị trí trong chính quyền ở xã Đồng Tâm nhiều năm trước, ông Kình nắm rõ chi tiết rất nhiều khu đất khác trên địa bàn" - nhiều tờ báo quốc doanh trích dẫn nguyên văn lời của quan chức Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - nói tại buổi họp báo trên.
Cùng toa rập với Nguyễn Đức Chung, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng "ông Lê Đình Kình không có quyền khiếu nại kết luận thanh tra của Thanh tra và cũng không phải là người đại diện cho người dân xã Đồng Tâm".
Cuộc họp báo trên là động tác chuẩn bị dọn đường thứ hai của nhà cầm quyền diễn ra trong vòng bốn tháng.
Cuộc dọn đường lần trước đó xảy ra vào chiều ngày 25/4/2019, khi nhà cầm quyền tổ chức buổi công bố "kết luận rà soát thanh tra đất đai Đồng Tâm" ở Hà Nội. Lúc đó, Nguyễn Mạnh Hà, quan chức Tổ trưởng Tổ rà soát, thuộc Thanh tra Chính phủ đã dọn đường dư luận khi cho rằng Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm của Thanh tra Hà Nội công bố hồi tháng 7 năm 2017 là chính xác ; đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.
Ngay sau đó, quan chức Nguyễn Đức Chung đứng ra cam kết "tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình sử dụng, quản lý đất đai tại sân bay Miếu Môn. Huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm được giao sớm hoàn thiện 14 phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đang ở khu vực này".
Sau hai cuộc dọn đường dư luận, không nghi ngờ gì nữa, nhà cầm quyền Hà Nội đang gấp rút lên kế hoạch cho chiến dịch một lần nữa cướp sạch 59 ha đất đồng Sênh của người dân Đồng Tâm, trên danh nghĩa ‘đất quốc phòng’.
Kế ly gián ti tiện và bất lực
Đã rất rõ là những động tác móc ngoéo trước sau của ‘liên minh ma quỷ’ (cụm từ mà bà con Đồng Tâm trực chỉ giới quan tham và nhóm lợi ích) đã âm thầm chuẩn bị phương án ‘cướp sạch’ trong những tháng qua, để nay chính thức đưa lên truyền thông công bố và dọn đường dư luận.
Cũng đã rất rõ là trên gương mặt viên cựu công an Nguyễn Đức Chung không còn sót lại chút nào tì vết liêm sỉ cuối cùng mà những người dân còn mơ màng về bản chất chính thể, bản chất quan chức, và cả những người dân có quá ít thông tin thực chất về vụ khủng hoảng Đồng Tâm có thể vin vào đó để ‘thắp sáng hy vọng có đảng là có tất cả’.
Trong chiến dịch "rào làng chiến đấu" vào tháng 4/2017, Đồng Tâm đã trở nên mạnh mẽ với tinh thần đồng lòng và được dẫn dắt bởi giới cựu binh vốn đã quá quen với việc xây dựng "thế trận nhân dân", đã bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động và buộc Nguyễn Đức Chung không chỉ ký sống mà còn lăn tay vào bản cam kết trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân Đồng Tâm.
Thế nhưng dối trá lại là bản chất của một chính quyền chỉ phục vụ cho các nhóm lợi ích và đàn áp người dân. Từ năm 2017 đến nay, chính quyền Hà Nội vẫn không một lần thực hiện nội dung cam kết là truy xét những quan chức công an và quân đội đã đánh gãy xương đùi ông Lê Đình Kình. Ngược lại hoàn toàn, nhà cầm quyền Hà Nội lại sắp nhe nanh lao vào cắn xé đất đồng Sênh.
Vụ bôi nhọ ông Lê Đình Kình là kế ly gián của chính quyền Hà Nội, được ‘kiến tạo’ bởi những kẻ bất lực chỉ quen lấy đông hiếp yếu, bởi chính quyền hiểu rõ trong trái tim của nhiều người dân, ông Lê Đình Kình không chỉ là người đại diện cho xã Đồng Tâm mà còn được người dân địa phương xem như một lãnh đạo tinh thần của họ trong quá trình tranh chấp đất đai xây dựng sân bay Miếu Môn giữa chính quyền và người dân.
Một chính quyền bị xem tráo trở và lưu manh có hệ thống vẫn luôn sở hữu lòng tham vô đáy và nạn thù vặt ti tiện. Nhưng cái bề ngoài hung dữ của bầy sói đó sẽ biến mất ngay khi chúng bị những nạn nhân phản kháng dữ dội. Một sĩ quan quân đội giấu tên nói đầy bức bối : đừng có lấy lợi ích quân đội ra để nguỵ biện, phải tách biệt rõ ràng giữa những nhóm nhiều tiền lắm của, lợi dụng chính sách để trục lợi trong quân đội, với một tỷ lệ lớn hơn hẳn là những sĩ quan, chiến sĩ không liên quan gì đến các dự án kiếm tiền, càng không liên đới gì nạn tham nhũng trong quân đội. Chính khối sĩ quan và chiến sĩ ấy sẽ không cam tâm nghe lệnh cấp trên để quán triệt dân như lực lượng thù địch và tấn công dân…
Đã thành một quy luật, tính chính nghĩa đương nhiên của người dân Đồng Tâm và đông đảo người dân Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng run rẩy bấy nhiêu.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 18/09/2019
Ngay sau khi xuất hiện tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc là Lam Kình ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 3/9/2019, chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam chưa tới 11 hải lý và cách đảo Lý Sơn chỉ khoảng 30 hải lý về phía nam, đã nổi lên dư luận "ta đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" đầy lo lắng và lo sợ trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc là Lam Kình ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 3/9/2019.
‘Tình huống xấu nhất’ là gì ?
Đó là một thuật ngữ của giới quân sự Việt Nam nhằm mô tả tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở cấp cao nhất. Nghĩa là có thể nổ ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc - cái tương lai rất gần mà vào thời hữu hảo ‘Bốn Tốt’ và Mười Sáu Chữ Vàng’ chỉ nghĩ đến cũng thấy hoang tưởng.
Nỗi lo sợ và khiếp nhược đến mức ‘đái ra quần’ của giới quan chức Việt là rất có cơ sở, bởi khác hẳn với tàu Hải Dương 8 chỉ làm nhiệm vụ thăm dò địa chất, Lam Kình làm cho người ta lập tức nhớ lại giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc cho tấn công vào vùng biển Việt Nam trong năm 2014 và suýt gây ra xung đột quân sự. Khi đó về mặt công khai, chính quyền Việt Nam đã chẳng có nổi một tuyên bố ra hồn phản đối Trung Quốc, trong lúc rậm rịch thông tin ngoài lề về những cuộc chuyển quân lên biên giới phía Bắc và ở Biển Đông với cấp độ báo động ‘sẵn sàng chiến đấu cao’ - tức đã đạt đến trạng thái thứ ba trong 4 cấp sẵn sàng chiến đấu của quân đội (sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu tăng cường, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu toàn bộ).
Còn vào lần này, khả năng Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển của Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng mục tiêu lần này không chỉ ‘thăm dò dầu khí’ như năm 2014 mà có thể là… khoan luôn.
Đó có thể là giàn khoan Hải Dương 981, hoặc giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc là Đông Phương.
Đánh hay không dám ?
Trong phương trình khoan dầu nhiều ẩn số của Trung Quốc, Đông Phương có thể là đáp án đầu tiên. Bởi vào tháng 4 năm 2019, giàn khoan này đã hờm sẵn tại lưu vực Yinggehai ở Biển Đông, sẵn sàn gây áp lực với Việt Nam trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ (nhưng cũng vào tháng 4 đó, ông Trọng bất thần bị một cơn bạo bệnh tại Kiên Giang nên chuyến đi Mỹ của ông ta phải dời lại).
Nếu sắp tới Trung Quốc liều lĩnh điều cả một giàn khoan vào Bãi Tư Chính để ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’ - như cái cách mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trịch thượng yêu sách với giới chóp bu Hà Nội khi đến Việt Nam vào đầu năm 2018, với tỷ lệ ăn chia có thể lên đến 60% cho Trung Quốc và chỉ còn lại 40% cho chủ nhà Việt Nam - được hiểu thực chất là phải mời một tên cướp vào nhà mình để cùng chia bôi tài sản…, đó sẽ là một thảm họa với Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng của ông ta vẫn mơ màng về ‘Mười Sáu Chữ Vàng’.
Kịch bản ngày càng áp sát là Việt Nam khó có thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong "đường lưỡi bò" mới được Trung Quốc vẽ bổ sung. Điểm nổ chiến tranh lộ diện nhất là Bãi Tư Chính.
Còn Bộ Chính trị và cấp dưới của nó là Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ làm gì ?
Đánh thì sợ, mà không đánh thì bị cướp trắng và mặt mũi chẳng còn ra thể thống gì.
Trong thời gian qua, đã có những thông tin ngoài lề về việc quân đội Việt Nam điều quân để củng cố vùng biên giới phía Bắc và cả biên giới tây nam giáp Campuchia. Tuy nhiên, đó chỉ là cách phòng thủ hết sức thụ động, một kiểu che chắn theo cách ‘kịch liệt phản đối’ nhưng cứ ngồi đờ ra, giương mắt thao láo nhìn kẻ cướp xông vào nhà mình và lần lượt bỏ túi từng món đồ.
Trong khi đó các tàu chiến và tàu hải cảnh Việt Nam vẫn chỉ lọ mọ theo đuôi tàu Hải Dương 8 mà không có được bất cứ hành động mạnh mẽ nào, dù chỉ là… bắn lên trời.
Trong lúc 6 tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được cho là còn phải đi chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn, còn các tàu chiến khác, kể cả ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ mang tên Lê Quý Đôn tuyệt đối mất dạng, toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam vẫn phủ phục trong tư thế bất lực và kiên định… bám bờ, các tàu Trung Quốc đã thả giàn tung hoành ở Biển Đông và ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam.
Việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển Việt Nam vào đầu tháng 9 năm 2019, chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km, đã gián tiếp tiết lộ một sự thật bi thảm : trong suốt thời gian từ đầu tháng 6 năm 2019 khi tàu Trung Quốc bắt đầu xâm nhập bãi Tư Chính, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam đã đối phó tệ hại đến mức Trung Quốc hoàn toàn coi thường những hành động đối phó này.
Đã không có một tàu hải quân nào của Việt Nam ra ngăn chặn Hải Dương 8 đến gần Phan Thiết. Thật đúng là ‘ngư dân bám biển, hải quân bám bờ’ !
Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật nuốt từng hải lý biển Việt Nam. Có thể vào một ngày đẹp trời không lâu nữa, các lực lượng quân đội lẫn cảnh sát ở Phan Thiết hoặc ở một thành phố duyên hải nào đó của Việt Nam sẽ trố mắt trước những chiếc tàu giương cờ Trung Quốc lừng lững ngự ngay trước mắt họ ở vùng biển sát bờ.
Trong khi đó, chiến thuật Việt Nam dùng một số tàu chiến và tàu hải cảnh bao vây tàu Trung Quốc, hoặc bám chặt tàu Trung Quốc đã tỏ ra vô ích và vô tích sự, bởi về số lượng thì tàu Trung Quốc luôn vượt gấp ít ra vài ba lần số tàu Việt Nam, còn việc bị bám đuôi thì Trung Quốc chẳng coi ra gì.
Kiện hay không dám ?
Cũng trong khi đó, toàn bộ công tác ‘vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam’ đã chỉ nhận được nhưng lời lẽ chia sẻ chung chung và xã giao, còn lại đã chẳng có bất kỳ hành động quân sự đáng chú ý nào từ các nước ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam.
"Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta" - Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc hé miệng lần đầu tiên về tình hình ở Biển Đông vào ngày 4/9/2019 trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội, nhưng vẫn không hề dám nhắc đến cái tên Trung Quốc.
‘Bản lĩnh Nguyễn Xuân Phúc’, cộng thêm trạng thái bị coi là câm nín của Nguyễn Phú Trọng trước vụ Hải Dương 8, thậm chí còn tệ hơn cả cấp dưới là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Bởi trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam, dù rốt cuộc cơ quan này cũng chỉ đánh võ miệng.
Khi ngay cả những quan chức chóp bu như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc mà còn không dám nêu tên Trung Quốc thì làm sao chính thể Việt Nam dám kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế ?
Chỗ dựa dẫm duy nhất
Nếu nổ ra ‘tình huống xấu nhất’ với Trung Quốc, hải quân Việt Nam sẽ đánh chác ra sao ?
Sẽ tiếp tục phát cờ cho ngư dân để "thuyền ra biển lớn" và lại khiến rộ lên câu vè dân gian "Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động" ?
Nếu ai đó cho rằng hải quân Việt Nam còn đang ‘giấu mình’, vẫn nêu cao tinh thần yêu nước và sẽ ra đòn quyết định vào một thời điểm thuận lợi, làm thế nào để giải thích việc mới đây một thứ trưởng bộ quốc phòng kiêm đô đốc của quân chủng này - Nguyễn Văn Hiến, cùng một số tướng tá hải quân khác đã bị tống vào ‘lò’ của ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vì tội ‘ăn đất’ ?
Nguy cơ Việt Nam bị tấn công đang hiển thị dần sau một tháng và mỗi quý. Đến giờ phút này, giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó : thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây - theo đúng cái cách mà chính quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công.
Chỗ dựa dẫm duy nhất giờ đây của Hà Nội chỉ còn là Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/09/2019
Tháng Chín năm 2019, kết luận điều tra của Bộ Công an sau khi hoàn tất đã "phát hiện" viên cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn "cầm" 200.000 USD của Phạm Nhật Vũ trong vụ AVG – con số quá nhỏ so với rất nhiều dư luận trước đó về việc bị can Tuấn đã "ăn" nhiều hơn hẳn.
Trương Minh Tuấn khi còn là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. (Ảnh minh họa)
Chỉ trước đó không lâu, Trương Minh Tuấn từng được xem là "thái tử đỏ" của triều đình cộng sản…
Vậy thực chất con người Trương Minh Tuấn ra sao ? Ông ta có phải là một điển hình cho chế độ cộng sản đương thời đang lao vào hội chứng chợ chiều "hốt cú chót" ?
Câu chuyện một "công thần"
Một buổi tối ẩm ướt năm 2018, Trương Minh Tuấn, khi đó vẫn còn là bộ trưởng Thông tin và truyền thông chứ chưa bị đảng điều động khẩn cấp sang ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, từ Hà Nội bay vào Sài Gòn và đến nhà riêng một cựu lãnh đạo cao cấp của đảng.
Vào thời điểm đó, vụ AVG với số thất thóat khổng lồ hơn 8.000 tỷ đồng đã trở thành án lớn, thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương và đang tràn đầy hứa hẹn sẽ rờ đến Tuấn. Ngay cả những cán bộ lão thành cao cấp cũng phải kiến nghị với Nguyễn Phú Trọng cho bắt Trương Minh Tuấn. Vấn đề chỉ còn là thời gian…
Không còn vẻ tự tin trên bộ mặt căng tròn cùng ngấn cổ bắt đầu lầy lẫy mỡ, Trương Minh Tuấn nhợt nhạt cố sức thanh minh với cựu lãnh đạo kia rằng "em không làm gì sai", và nhắc lại việc ông ta là chủ biên của cuốn sách có cái tên rất đỏ : "Phòng, chống ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay".
Cuốn sách "Tự diễn biến" "Tự chuyển hóa" của Trương Minh Tuấn. (Hình : Facebook)
Trong cuốn sách đó, Trương Minh Tuấn đã cho ra đời một khái niệm mới : "Xu hướng hư vô về chính trị" và nêu quan điểm "Ở Việt Nam, không hề có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước đối với báo chí" để yêu cầu "kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí"…
Trương Minh Tuấn cũng chỉ trích "xuất hiện xu hướng tách rời định hướng của đảng với quyền tự do báo chí", và không quên lên án về "tùy tiện khai thác tin tức từ báo chí phương Tây, coi báo chí phương Tây là chuẩn mực của tự do báo chí" : "Một số tin tức, bình luận từ VOA, RFI, RFA… thậm chí tin tức, bình luận của một số báo, trang tin của người Việt ở nước ngoài vốn không thiện chí với Việt Nam đã được sửa sang công bố trên báo chí trong nước".
"Chống diễn biến hòa bình" là một đặc trưng riêng có của Trương Minh Tuấn – điều đã làm nên sự khác biệt cơ bản giữa ông ta với rất nhiều quan chức "ăn tạp" khác. Phần lớn số quan chức này chỉ biết "ăn" mà không thể làm nên một tác phẩm kinh viện nào cho đảng như Trương Minh Tuấn đã làm. Hẳn đó là nguồn cơn không thể nói ra khiến Nguyễn Phú Trọng (được xem là giáo sư Mác-Lê và là điển hình về quan điểm chuyên chính "chống thế lực thù địch" và bảo vệ chế độ cộng sản ở Việt Nam) phải nâng lên đặt xuống trường hợp Trương Minh Tuấn trước khi chính thức ra lệnh cho bắt Tuấn vào đầu năm 2019. Bởi một cách nào đó nhân vật họ Trương này đã trở thành "công thần" của đảng.
"Goebbels" mới
Từ giữa năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn đã hiện ra như một "sát thủ báo chí". Trương Minh Tuấn được xem là một thủ hạ đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và được ông Trọng nâng đỡ.
Khi đó, báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch "đánh" báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là "tay kiếm" chủ công và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn.
Vào tháng Bảy năm 2016, và sau khi nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang, Tổng bí thư Trọng đã khởi động chiến dịch "nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước" bằng việc cho Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Từ lúc đó trở đi, vai trò của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng là hoàn toàn mờ nhạt. Thay vào đó, người ta nhìn thấy một "trưởng ban tuyên giáo" khác đi nhiều nơi, nói nhiều chuyện và không thiếu chỉ đạo nhân danh "Ban Tuyên giáo".
Tháng Mười năm 2016, Trương Minh Tuấn đã tung ra loạt 2 bài trên báo đảng Nhân Dân với tựa đề rất "tư tưởng Nguyễn Phú Trọng" : "Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục". Trong đó, Trương Minh Tuấn lên án và cũng đồng thời thừa nhận về "Thái độ hai mặt về chính trị" của một số tờ báo nhà nước.
Loạt bài trên có vẻ đã gây được tiếng vang trong đảng, đặc biệt làm cho "sư phụ" Nguyễn Phú Trọng hài lòng. Sau loạt bài này, người ta nhìn thấy một Goebbels mới, tỏ ra rất "phát xít", hiện ra trong diễn đàn chính trị Việt Nam.
Hẳn cung mệnh Trương Minh Tuấn sẽ lên như diều gặp gió, và chắc chắn sẽ giành được một cái ghế trong Bộ Chính trị khóa 13, nếu không nổ ra vụ AVG.
Một điển hình cho bản chất chế độ cộng sản
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia "Mobifone mua AVG" khiến ngân sách thất thoát ít nhất 8.000 tỷ đồng, trong khi Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là "ăn đậm", với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10-15% trong số 8.000 tỷ, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về "âm mưu chia chác" bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng "Mobifone mua AVG" khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của công ty Mobifone ký hợp đồng mua công ty AVG.
Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị dư luận nghi ngờ về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu đô la của Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG.
Chẳng ai tiên liệu được tương lai. Dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền "MobiFone mua AVG" còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vẫn bị định đoạt bởi một kịch bản mà trước đó tưởng như rất khó xảy ra.
Đó là do sức ép gia tăng mạnh mẽ của dư luận xã hội và từ ngay trong nội bộ đảng, bao gồm không ít quan chức thuộc phe cánh chính trị "không thích Tuấn", giới cách mạng lão thành và cả những cựu thần mà Tổng bí thư Trọng thường xuyên tham khảo ý kiến.
Giờ đây, đã quá rõ là cái thế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương của Trương Minh Tuấn chỉ là "tạm" như Đinh La Thăng đã từng "tạm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương", để tương lai "theo chân Đinh La Thăng" sẽ tràn ngập cung mệnh Trương Minh Tuấn,…
Khi đó, người đời càng có cơ hội để hiểu rõ hơn hẳn về một Trương Minh Tuấn "ăn tạp" đô la và nhà đất như thế nào sau tấm bình phong bửu bối – cuốn sách "chống diễn biến hòa bình" của ông ta.
Và cũng hiểu rõ hơn về bản chất chế độ cộng sản, nơi vẫn còn nhung nhúc "các đồng chí chưa bị lộ" ngày ngày ca tụng đảng cùng thuyết giảng "chống thế lực thù địch", nhưng vẫn "ăn" ngập mặt trong bóng đêm chế độ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 13/09/2019
Sau rất nhiều lần bị dư luận nghi ngờ về tính dối trá của số liệu kiều hối về Việt Nam trong những năm gần đây, lại vừa nảy nòi một mâu thuẫn lớn giữa số kiều hối về Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới và số kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh được công bố bởi Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 cũng chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến gần 18 tỷ USD.
Gần 18 tỷ USD hay chỉ dưới 8,5 tỷ USD ?
Đó là bối cảnh khi năm 2019 đã lặng trôi được hai phần ba quãng thời gian, hệ thống tuyên giáo đảng và một số tờ báo quốc doanh một lần nữa dựa vào tổng kết và dự báo của Ngân hàng Thế giới để ghi điểm cho một chế độ chuyên nghề lợi dụng ‘khúc ruột ngàn dặm’ nhằm hút đô la.
Bởi theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối Việt Nam đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2017, và lên đến 15,9 tỷ USD trong năm 2018, có mức độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.
Từ đó có thể ước tính số kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 sẽ vọt đến gần 18 tỷ USD !
Nhưng theo quan chức Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, người chuyên theo dõi và thông tin cho báo giới về kết quả kiều hối ở thành phố này, lại cho biết ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến cả năm 2019, nguồn kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt con số trên 5 tỷ USD.
Nếu mức 5 tỷ hoặc nhỉnh hơn một chút là số liệu cuối cùng về kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2019, kết quả này là không có gì vượt hơn so với 5 tỷ USD kiều hối về thành phố này trong năm 2018, thậm chí còn thua cả số 5,2 tỷ USD kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017.
So sánh trên phản ánh một diễn biến quan trọng của đồ thị kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh : sau khi tạo đỉnh vào những năm 2016 và 2017, kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm dần, bất chấp Sài Gòn là nơi tập trung hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài và là địa chỉ ‘giàu có’ nhất’ về nhận kiều hối, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam.
Kết quả kiều hối về Sài Gòn lại là phác thảo cho bức tranh kiều hối về Việt Nam, bởi đã hình thành một quy luật : Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam - theo thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối trong nhiều năm qua.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2017 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng Thế giới công bố.
Tương tự, nếu căn cứ vào con số khoảng 5 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2019 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 cũng chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến gần 18 tỷ USD.
Nhưng con số 8,5 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn, trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, trong đó cần phải tính đến yếu tố sụt giảm kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam do ngày càng nhiều quốc gia hạn chế hoặc đóng cửa với lao động Việt. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8,5 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới có tiếp tay cho chính thể độc tài Việt Nam ?
Kết quả kiều hối về Việt Nam liên tiếp thấp hơn mức 8,5 tỷ USD là tồi tệ nếu so với đỉnh kiều hối về Việt Nam trong năm 2015 là 13,5 tỷ USD.
Kết quả tồi tệ đó cũng phá vỡ đường cong tăng tiến trong 23 năm liên tiếp của kiều hối về Việt Nam, và hẳn là đó nguồn cơn bỉ bôi sâu xa khiến các cơ quan Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê… cố giấu diếm công bố về kiều hối của ‘kiều bào ta’ vào các năm 2017 và 2018, và rất có thể sẽ lại giấu biến số kiều hối về Việt Nam vào năm 2019.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đã trở thành một hiện tượng chính trị rất đáng được mổ xẻ và truy xét nguồn cơn, khi tổ chức được xem là rất có uy tín quốc tế này đã làm thay phần việc của các cơ quan ở Việt Nam trong việc công bố kết quả kiều hối về Việt Nam mỗi năm.
Vậy là những năm gần đây, năm nào các tờ báo đảng và ‘thân đảng’ ở Việt Nam cũng dẫn tin từ Ngân hàng Thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.
Thậm chí đích thân ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng còn xuất đầu lộ diện trong một bài phát biểu tại sự kiện có tên "Xuân quê hương 2019" ở Hà Nội để nói theo… Ngân hàng Thế giới.
Khi đó, ông Trọng thông báo rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam gần 16 tỷ đôla trong năm 2018 và không quên nhấn mạnh rằng con số đó "tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993".
Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng Thế giới về lượng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 lại chỉ thuần túy là con số tổng nhưng đã không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng Thế giới…
Trong thực tế, số liệu của Ngân hàng Thế giới về kết quả kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 là rất đáng nghi ngờ về tính chính xác, nếu không muốn nói là đáng nghi ngờ về tính trung thực.
Có lẽ nhiều quan chức quản lý tiền tệ ở Việt Nam đã phải ngơ ngác khi nhìn vào bảng kết quả kiều hối về Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thống kê : với số thống kê của Ngân hàng Thế giới vượt gấp nhiều lần số liệu được công bố bởi Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, dấu hỏi rất lớn đọng lại là Ngân hàng Thế giới đã làm cách nào để ‘vẽ’ thêm từ 7 - 8 tỷ USD kiều hối về Việt Nam mỗi năm ?
Liệu giữa Ngân hàng Thế giới và chính quyền Việt Nam liệu có tồn tại âm thầm một thỏa hiệp chính trị nào để tô hồng cho chế độ độc đảng này ? Liệu Ngân hàng Thế giới có tiếp tay, hoặc đã có một hành động hoàn toàn không khách quan và trung thực, cho chính thể độc trị ở Việt Nam khi ‘vẽ’ con số thống kê lượng kiều hối về Việt Nam năm 2017 là 13,8 tỷ USD, lên đến 15,9 tỷ USD cho năm 2018 và có thể vọt đến gần 18 tỷ USD của năm 2019 ?
Thành tích chính trị Nguyễn Xuân Phúc
Kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì "máu" để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về "đà tăng trưởng kinh tế không ngừng", đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để "gom" USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình được thân nhân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 11 năm suy thoái liên tiếp tính từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.
Sau chuỗi năm tăng trưởng liên tục, năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt Nam : lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh - đến 30% - so với lượng kiều hối của năm 2015. Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối vào năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam khi đó đã bị giảm khoảng 1,5% trong năm đó và cũng giảm theo tỷ lệ đó trong những năm sau.
Còn vào hai năm 2017 và 2018, với mức giảm từ 6 - 7 tỷ USD so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD của năm 2015, GDP danh nghĩa của Việt Nam còn có thể sụt giảm nặng nề hơn.
Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
Hẳn những con số chẳng hề đẹp đẽ ấy là nguồn cơn khiến Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc không thể an tâm với bảng thành tích điều hành kinh tế trên cung đường chinh phục cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 - diễn ra vào đầu năm 2021. Và rất có thể chính vì nỗi thất vọng khó nói ra ấy nên chính Thủ tướng Phúc đã phải chỉ đạo cho Tổng cục Thống kê đưa cả ‘kinh tế ngầm’ - hay còn gọi là nền kinh tế không chính thức - vào GDP, để vào tháng 8 năm 2019, mỗi đầu dân Việt bỗng dưng giàu thêm 400 USD, còn Tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam bỗng phình thêm 40 tỷ USD !
Trong khi đó, đời sống dân tình ngày càng khó khăn, gánh nặng thuế chồng thuế còn tệ hơn cả thời Pháp thuộc ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/09/2019
Gần một năm rưỡi sau lần chính thể ‘đảng em’ ở Việt Nam lần đầu tiên gián tiếp thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Repsol - một hãng dầu khí Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam - dừng khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính, mà nguồn cơn thực chất là do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc gây sức ép và phá bĩnh, đã xuất hiện thông tin không chính thức, nhưng có cơ sở, về việc chính quyền Việt Nam đã phải phủ phục nhượng bộ trước Bắc Kinh tại mỏ này.
Một số chuyên gia về Biển Đông cho rằng với việc xuống thang ‘trước áp lực của Trung Quốc’ trong dự án Cá Rồng Đỏ khiến Việt Nam ở vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ và việc ký COC là ‘sai lầm lớn’.
Repsol phải dừng hẳn khai thác dầu ?
Nhà báo Chu Vĩnh Hải, một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, viết trên trang web Tiếng Dân, rằng một nguồn tin cực kỳ khả tín và có trách nhiệm ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói với ông : Vào sáng ngày 06/09/2019, PVN và hãng dầu khí Repsol đã đi đến thỏa thuận cuối cùng là, Repsol sẽ dừng hẳn việc triển khai dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03 và lô 07.03.
Theo nguồn tin trên, PVN và Repsol sẽ không đưa nhau ra tòa trọng tài quốc tế mà sẽ tự thỏa thuận đền bù cho Repsol. Thỏa thuận đền bù dân sự này cao hơn tổng mức đầu tư mà Repsol đã đầu tư vào Cá Rồng Đỏ là 300 triệu USD nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.
Tuy chưa được xác nhận chính thức bởi một hãng thông tấn hay tờ báo nào của nước ngoài, nhưng thông tin trên của nhà báo Chu Vĩnh Hải là khá phù hợp với bầu không khí trĩu nặng và trống rỗng tại liên doanh Cá Rồng Đỏ trong hơn hai năm qua, kể từ ngày Trung Quốc mở màn chiến dịch gây hấn tại mỏ dầu khí này từ tháng 7 năm 2017 khiến Repsol phải ‘tháo chạy’ lần đầu tiên. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ này đã bị đình trệ.
"Bản lĩnh Việt Nam" và những lần tháo chạy
Cá Rồng Đỏ, còn gọi là Red Emperor, là một phần Lô 07/03 tại bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km.
Ước tính trữ lượng của mỏ là khoảng 45 triệu thùng dầu thô, gần 4,9 tỷ m3 khí tự nhiên và 2,3 triệu thùng condensate - một dạng dầu thô siêu nhẹ, chủ yếu là một phụ phẩm của việc khai thác khí đốt.
Nhưng lô này nằm gần đường 9 đoạn, còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, mà Trung Quốc đã vạch ra để tuyên bố chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Vào năm 2017, Trung Quốc đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã quét qua đến 67 lô dầu khí - chiếm phần lớn trong số các mỏ dầu khí của Việt Nam. Khu vực bị ‘liếm’ nhiều nhất là Bãi Tư Chính.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam - Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
9 tháng sau "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Tháng Ba năm 2018, một lần nữa, Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Vẫn bởi sức ép của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - như cái cách tụng ca một thời của giới chóp bu Việt Nam, bất chấp giới hạn dưới của phạm trù liêm sỉ.
Ngay sau vụ Cá Rồng Đỏ lần hai, Tập Cận Bình đã cử Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - đến Việt Nam với một "tối hậu thư" : Việt Nam phải "cùng hợp tác khai thác" mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, "bản lĩnh Việt Nam" sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Cho tới lúc đó, "bản lĩnh Việt Nam" chỉ còn cách "tự xử" : nếu ở "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD - kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba năm 2018, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.
Còn bây giờ là từ trên 300 triệu USD đến 1 tỷ USD. Đó là cái giá phải trả vì PetroVietnam, mà đứng đằng sau nó là Bộ Chính trị Việt Nam, đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng với Repsol.
Cũng có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí về việc PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.
Thông tin ngoài lề về việc PetroVietnam chấm dứt liên doanh với Repsol trong khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ cũng khá logic với phản ứng ‘kịch liệt phản đối’ đến mức nổ súng cảnh cáo còn không dám của lực lượng tuần duyên Việt Nam, khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay như vào chốn vô chủ quyền.
‘Khấu đầu’ hay tiếp tục vật lộn ?
Vấn nạn hiện thời tại mỏ Cá Rồng Đỏ là chính thể Việt Nam không những rơi vào tình trạng rất có thể phải chấm dứt liên doanh và bồi thường cho Repsol, mà còn có thể đã nhúng thêm một chân xuống miệng vực thẳm nếu quả thật đã phải nhượng bộ cho Trung Quốc ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’. Nếu đúng vậy, sắp tới tàu Hải Dương 8, tàu cẩu Lam Kình và các tàu hải cảnh của Trung Quốc sẽ biến mất khỏi khu vực Bãi Tư Chính, mà thay vào đó sẽ là sự hiện diện của một công ty khai thác dầu khí Trung Quốc, để mọi chuyện lại trở về vạch xuất phát ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ cực kỳ đãi bôi và giả dối. Khi đó, một phần đáng kể dầu thô từ Cá Rồng Đỏ đáng lý chạy vào ngân sách để nuôi bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ chui thẳng vào túi ‘đảng anh’.
Nhưng cũng còn một kịch bản khác - đỡ tệ hại hơn. Đó là chính thể Việt Nam chỉ cúi mình chấm dứt hoạt động liên doanh với Repsol, chịu bồi thường cho Repsol để tạm thời thỏa mãn yêu sách của Bắc Kinh và chấp nhận để PetroVietNam tự khai thác dầu mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật tối tân của các quốc gia Châu Âu, nhưng mặt khác cũng không để Trung Quốc can dự vào mỏ Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên, phần tiếp theo của câu chuyện này sẽ gay cấn không kém gì cái cách mà Bắc Kinh đã làm để đẩy đuổi Repsol trở về Tây Ban Nha. Cuộc chiến giành ăn dầu khí chỉ tạm lắng một thời gian, rồi sau đó sẽ vẫn tái diễn. Và với nỗi sợ mất mật đã trở thành bản năng, Bộ Chính trị Việt Nam sẽ khó mà khoan được thùng dầu nào từ mỏ Cá Rồng Đỏ để có tiền nuôi đảng và trả nợ nước ngoài…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 10/10/2019
Đã bắt đầu manh nha vài tin tức vụn vặt về chuyến đi Mỹ của "Tổng Tịch" Nguyễn Phú Trọng, có thể diễn ra vào tháng Mười 2019, tức trễ khoảng 4 – 5 tháng so với lịch dự định ban đầu cho chuyến đi này vào đầu năm 2019, một chủ đề chẳng có gì đặc biệt trong con mắt của giới quan sát chính trị và báo chí phương Tây.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia theo dõi chặt chẽ về những biến động chính trị ở Việt Nam và mối quan hệ của Việt Nam với các nước, cho biết đã có một đợt vận động hành lang của Bộ Ngoại giao Việt Nam để Nguyễn Phú Trọng được Donald Trump tiếp.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan được Mỹ điều đến Biển Đông để tuần tra hồi đầu tháng Tám vừa qua. (Hình : Getty Images)
Tin tức này là có cơ sở bởi vào tháng Năm, 2019, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã có một chuyến đi Mỹ khá đặc biệt, không chỉ gặp gỡ giới ngoại giao mà còn cả với giới quốc phòng của Hoa Kỳ. Đó là một chuyến đi được giới quan sát cho là tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng và cũng khiến Phạm Bình Minh như được "hồi sinh", kể từ lần bị thất sủng thấy rõ tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười, 2017.
Trong khi đó cũng lác đác một ít thông tin của giới "chuyên gia thân đảng" về lịch đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng : lúc đầu là tháng Sáu, rồi "dời lại" vào tháng Bảy, tháng Tám hoặc những tháng còn lại của năm 2019…
Lẽ ra, ông Trọng đã đặt chân lên Washington D.C. vào giữa năm 2019, nếu không xảy ra cú bạo bệnh thình lình trong đợt ông ta bất ngờ đi công tác tại Kiên Giang "nhà Ba Dũng" vào tháng Tư, 2019. Cú bạo bệnh này (mà diễn tiến của nó được cho là phức tạp về hệ thần kinh) đã khiến Trọng phải nằm điều trị trong một thời gian khá dài mà không thể tiếp khách hay ra nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến khi Nguyễn Phú Trọng có vẻ thực sự thoát khỏi mối nguy hiểm chấn thương sọ não và bắt đầu phục hồi cử động tứ chi vào tháng Bảy, 2019, lịch tiếp khách của Tổng thống Trump lại dường như không còn trống chỗ để đón Trọng. Vào khoảng thời gian đó, Trump còn bận rộn với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tăng tốc cùng kế hoạch sơ thảo cho chiến dịch tái tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.
Vấn đề còn lại là phải do một nguyên cớ thật sự đặc biệt được nêu ra từ phía Việt Nam, chứ không phải là nguyên do vụn vặt, thì Trump mới có thể xếp lịch tiếp Trọng theo đúng nghi thức đón tiếp một nguyên thủ quốc gia, và với điều kiện cuộc làm việc Mỹ – Việt phải đi vào thực chất chứ không chỉ qua loa xã giao theo não trạng "mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ".
Nhưng dù sao, tín hiệu đầu tiên cho cuộc tiếp đón Nguyễn Phú Trọng đã được phát ra bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.
Ai cần ai hơn ?
Điểm khác biệt lớn nhất giữa lần dự kiến đi Mỹ vào giữa năm 2019 của Nguyễn Phú Trọng và lần dự kiến thứ hai vào tháng Mười cùng năm là hội chứng tàu Trung Quốc.
Trước tháng Năm, 2019 và trong lúc Nguyễn Phú Trọng còn phải nằm giường điều trị, đã chưa có vụ tàu Trung Quốc gây hấn ở khu vực Bãi Tư Chính. Vấn đề quan hệ Việt – Mỹ có cần thiết được đẩy lên tầm "đối tác chiến lược" hay không cũng bởi thế không quá khẩn thiết đối với Trọng và giới chóp bu trong Bộ Chính trị đảng, dù trước đó đã liên tiếp xảy ra hai vụ Trung Quốc gây hấn đều ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy, 2017 và tháng Ba, 2018.
Trong lần dự kiến đầu tiên đi Mỹ, nhiều khả năng Nguyễn Phú Trọng muốn tập trung đàm phán với Mỹ về việc làm thế nào để Mỹ chấp nhận cho Việt Nam có được quy chế "kinh tế thị trường tự do" mà do đó Việt Nam có thể nhận được những ưu đãi hơn về vốn vay ODA cùng thúc đẩy đà gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa và thị trường Mỹ, đồng thời thuyết phục Trump về việc kinh tế Việt Nam không đến nỗi quá nguy hiểm cho nước Mỹ để Mỹ không cần phải dựng đứng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Việt xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Đã rõ là trong nửa đầu năm 2019, giới chóp bu Việt Nam vẫn đu dây Trung Quốc và tái diễn thói ưỡn ẹo với người Mỹ.
Nhưng kể từ đầu tháng Sáu, 2019, thế cục đã biến hẳn. Trung Quốc bắt đầu điều tàu phá rối ở mỏ Lan Đỏ, nơi được liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga. Sang đầu tháng Bảy thì vụ gây hấn này đã lan sang Bãi Tư Chính, đặc biệt xoáy vào mỏ Cá Rồng Đỏ, liên doanh giữa PViệt Nam với hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha.
Đến lúc đó, tương quan lực lượng cùng cán cân đàm phán Việt – Mỹ đã nghiêng hẳn về phía Mỹ, xét trên phương diện "ai cần ai hơn".
Từ cuối tháng Bảy, 2019, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng ủng hộ Việt Nam, dù chỉ là gián tiếp, chống lại thói bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông, và cho tới nay Mỹ vẫn là quốc gia gần như duy nhất dám nhắc đến cái tên Trung Quốc với cảm xúc lên án chứ không phải bằng những từ ngữ xã giao né tránh như cái cách mà Liên Hiệp Châu Âu (EU) và các nước Anh, Pháp, Đức, Úc bày tỏ.
Không chỉ Bộ Ngoại giao, mà cả Bộ Quốc phòng và Cố vấn An ninh của Hoa Kỳ đã cùng lên tiếng về chủ đề này không chỉ một lần. Cùng lúc, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan được Mỹ điều đến Biển Đông để tuần tra, mà về thực chất là án ngữ ở cửa ngõ vùng biển mà rất có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang bắt nguồn từ "đồng chí tốt" của Việt Nam.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 27 tháng Hai, 2019, tại Hà Nội. (Hình : Getty Images)
Bài toán đặt ra với Nguyễn Phú Trọng hiện thời là trong khi ông ta vẫn tuyệt đối "cấm khẩu" về vụ tàu Hải Dương và giới quan chức cấp dưới của ông ta cũng "sao y bản chánh", Trọng làm sao phải gấp rút thời gian để lôi kéo được người Mỹ tham gia bảo vệ không chỉ vùng biển mà cả vùng trời của Việt Nam ở Biển Đông, hệt theo cái cách vung tay đầy "dũng khí" của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Việt Nam không chỉ "tôn trọng tự do hàng hải" mà còn "tôn trọng tự do hàng không".
Nếu hành động đó được triển khai có hiệu quả thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ yên tâm khai thác dầu khí cùng với các đối tác liên doanh mà không còn quá sợ hãi bị Trung Quốc bắt nạt, còn Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng có thể tỏ ra can đảm hơn đôi chút chứ không đến nỗi bị dân chửi "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ" và "chưa đánh chác gì đã đái cả ra quần".
Và làm sao đạt được quan hệ "đối tác chiến lược" với Mỹ càng sớm càng tốt, hoặc ít ra cũng thủ được một bản ghi nhớ với Mỹ về chủ đề này, để bảo đảm rằng quốc gia đối trọng duy nhất với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ hỗ trợ chế độ cộng sản Việt Nam khai thác dầu khí.
Làm cách nào để khoan dầu nuôi đảng ?
Từ tháng Tư năm 2019, đã bắt đầu khởi động vài tín hiệu cho triển vọng đối tác chiến lược Việt – Mỹ. Đó là lúc một số quan chức cấp thứ trưởng của Mỹ và Việt Nam đã tổ chức hội thảo mang tên "Việt- Mỹ : Hướng đến hợp tác chiến lược" tại Trung tâm Chiến lược & Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
Có thể xem hội thảo trên là một trong số hiếm hoi hoặc là lần đầu tiên hai bên bàn về chủ đề không còn là chuyện giỡn chơi hay trả treo mặc cả này.
Đối với chính thể Việt Nam, bây giờ không còn là lúc ngả ngớn õng ẹo đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc nữa, mà Hà Nội đang bị "đồng chí tốt" ép bật khỏi những giếng dầu ở Biển Đông khiến ngân sách – vốn đang tồi tệ – càng nguy khốn hơn.
Kể từ năm 1975, chưa bao giờ Mỹ và Việt Nam lại sát gần với quan hệ đối tác chiến lược như vào lúc này, đặc biệt từ thời điểm mùa xuân năm 2019, lúc mà giới chóp bu Việt Nam đã chuyển từ sáo ngữ cửa miệng "lợi ích tương đồng" với Bắc Kinh sang một chiến dịch "tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979", và tiến đến những gì cần có để một liên minh quân sự Việt – Mỹ trong tương lai gần có thể đánh bật Trung Quốc khỏi Biển Đông.
Nếu chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào tháng Mười, 2019 và nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, sau cuộc cuộc gặp Trump – Trọng tại Washington sẽ hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu "Hiệp ước tương trợ quốc phòng" mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó trên nền tảng chuẩn bị cho "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt".
Khi đó, Bộ Chính trị đảng Việt Nam sẽ hoàn hồn để vừa tiến vừa run vào các mỏ dầu Lan Đỏ, Cá Rồng Đỏ… ở Bãi Tư Chính, và cả mỏ Cá Voi Xanh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi – nơi có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang về đến 60 tỷ USD, bằng số thu nguyên một năm của nền ngân sách bóp họng dân chúng chỉ để nuôi đội ngũ "còn đảng còn tiền" và "còn đảng còn mình".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 09/09/2019